vnmilitaryhistory
Moderator

Bài viết: 1427
|
 |
« Trả lời #41 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2023, 08:11:53 am » |
|
2. Sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh - nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình
Địa bàn chiến dịch diễn ra trên khu vực từ Xuân Mai đến thị xã Hòa Bình dài 50km và từ Trung Hà đến thị xã Hòa Bình dài khoảng 60km. Đây là khu vực có địa hình rừng núi sát với đồng bằng, có hai dãy núi cao, dãy Ba Vì 1.287m và dãy Viên Nam cao 1029m. Phía Đông Ba Vì có nhiều đồi núi trống trải, phía Tây Ba Vì là rừng núi kín đáo. Có 3 trục đường lớn, cơ giới hoạt động được là Đường số 89, Đường số 87 và Đường số 6 là đường giao thông chính, ven đường có nhiều núi rừng xen kẽ đồi gianh. Sông Đà rộng và sâu, nước chảy mạnh, các tàu nhỏ đi lại được, nhưng dễ bị ta phục kích1 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 367 - 368).
Chiến dịch Hòa Bình có nhiệm vụ đánh địch trên cả 2 mặt trận chính diện và sau lưng địch, có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ 2 mặt trận với nhau. Tại Mặt trận Hòa Bình, lực lượng của địch lúc nhiều nhất là 29 tiểu đoàn, lúc ít nhất là 21 tiểu đoàn. Chúng đóng thành 3 phân khu: Phân khu Chợ Bến, Phân khu sông Đà và Phân khu Hòa Bình (bao gồm cả Đường số 6). Ở thị xã Hòa Bình, địch xây dựng một cụm cứ điểm lớn với binh lực gần 8 tiểu đoàn. Hình thức phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm đã xuất hiện.
Để đảm bảo công tác hậu cần cho chiến dịch, Tổng Quân ủy quyết định thành lập 2 ban cung cấp tiền phương ở Bắc và Nam Hòa Bình. Ban Cung cấp Tiền phương Mặt trận Bắc Hòa Bình có nhiệm vụ bảo đảm cho Đai đoàn 308, Đại đoàn 312 và Đại đoàn Công pháo 351 cùng các lực lượng vũ trang địa phương. Ban Cung cấp Tiền phương Mặt trận Nam Hòa Bình có nhiệm vụ bảo đảm cho Đại đoàn 304 và Đại đoàn 320.
Ngày 20 tháng 11 năm 1951, Bộ Tổng Tư lệnh ra "Mệnh lệnh" tác chiến số 1 cho Đại đoàn 312: Đánh địch từ thị xã Hòa Bình lên Trung Hà, dọc 2 bên tả ngạn và hữu ngạn sông Đà, tiêu diệt những cứ điểm địch mới chiếm đóng, lực lượng cơ động đường bộ và đường thủy, quân địch đi càn quét sục sạo xung quanh các vị trí... Yêu cầu Đại đoàn khẩn trương ra quân, trận đầu phải đánh thắng, chủ động tìm địch mà đánh; khi có điều kiện thuận lợi thì tổ chức đánh địch, không phải chờ lệnh; thực hiện nhiệm vụ tác chiến phải nhanh chóng, bí mật, nắm vững tình huống, không bỏ lỡ thời cơ. Đồng thời, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Đại đoàn 316 được tăng cường Trung đoàn 246 tranh thủ thời gian, hoạt động mạnh ở Bắc Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc), cho một bộ phận táo bạo vào sâu địch hậu phát triển chiến tranh du kích, mở rộng vùng du kích, căn cứ du kích, tiêu diệt sinh lực địch; có kế hoạch phối hợp, giúp đỡ bộ đội địa phương chống càn quét... Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho Đại đoàn 308 dự bị chiến lược và các phân đội pháo binh phối thuộc, bố trí Trung đoàn 88 ở phía Nam Phong Vực, Trung đoàn 102 và Trung đoàn 36 ở Bắc tỉnh Phú Thọ, từ Đào Giã đến Chí Chủ giáp tới sông Lô, chuẩn bị sẵn sàng tác chiến và khi có điều kiện tập trung tiêu diệt địch nếu chúng chiếm đóng Hưng Hóa hoặc đánh lên Phong Vực, Phú Thọ.
Ngày 10 tháng 12 năm 1951, đợt 1 Chiến dịch Hòa Bình bắt đầu và kết thúc vào ngày 26 tháng 12 năm 1951. Tại Hội nghị đợt 1 chiến dịch, Tổng Quân ủy nhận định: "Địch bị thất bại lớn về quân sự và chính trị. Trong một thời gian ngắn địch bị tiêu diệt 23 đại đội. Với chiến thắng Tu Vũ, Nam Ba Vì, Đường số 6 trực tiếp uy hiếp kế hoạch chiếm đóng của địch. Trận đánh vào Phát Diệm và những trận thắng lợi ở trung du đã góp phần vào việc phát triển du kích chiến tranh và làm rối loạn hậu phương của chúng, hiện nay địch vẫn còn sơ hở... Những trận thắng vừa qua đã giải quyết được nhiều vấn đề chiến thuật... Bộ đội ta có thể đi sâu vào địch hậu. Nhưng, vừa qua chưa có trận nào tiêu diệt gọn ghẽ. Ta bỏ nhiều cơ hội tiêu diệt địch trong vận động". Chủ trương của Tổng Quân ủy là "tranh thủ tiêu diệt thêm sinh lực địch trong khu Cơ động Ba Vì, Đường số 6, Bắc thị xã Hòa Bình, chuẩn bị có thể đánh điểm diệt viện trong khu vực Đá Chông, Chẹ và tiếp tục kiềm chế lực lượng của chúng để các hướng và địch hậu có thể phát triển thuận lợi. Ở chiến trường phối hợp, "trung du mạnh dạn đưa thêm chủ lực vào địch hậu để mở rộng thêm các khu Căn cứ... Liên khu 3 cần có kế hoạch giúp đỡ tả ngạn phát triển du kích chiến tranh". Ở các chiến trường xa, "lệnh cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Liên khu 5, Nam Bộ ra sức hoạt động kiềm chế địch, tích cực phối hợp với chiến trường chính". Phương châm tác chiến ở chiến trường chính là "đánh điểm diệt viện, tranh thủ đánh một trận tương đối lớn. Phải tổ chức đánh giao thông thường xuyên trên Đường số 6"1 (Bộ Tổng Tham mưu, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954), Sđd, tr. 539). Đợt 2 chiến dịch bắt đầu vào ngày 27 tháng 12 năm 1951 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 1951. Tính chung qua 2 đợt chiến dịch, ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch trên mặt trận chính diện, đồng thời mở rộng hoạt động vũ trang vào vùng sau lưng địch.
Nắm vững tình hình sau 2 đợt tiến công, tại Hội nghị chuẩn bị đợt 3 chiến dịch họp ngày 1 tháng 1 năm 1952, Tổng Quân ủy nhận định: Địch bị thất bại nặng nề, kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình gặp nhiều khó khăn, nhất là do tuyến vận tải trên sông Đã hoàn toàn tê liệt và Đường số 6 luôn bị cắt đứt. Vì vậy, chúng có thể cố gắng chiếm giữ Hòa Bình, nhưng hoàn cảnh khách quan cũng có thể buộc địch phải nghĩ đến việc rút quân2 (Báo cáo kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Tập 2, Sđd, tr. 53). Tổng Quân ủy chủ trương: Chuyển mặt trận xuống phía Nam, lấy vùng Hòa Bình, Đường số 6 là hướng chính, vùng Chẹ, Đá Chông, Bắc Ba Vì là hướng phụ; tiêu diệt sinh lực địch, cắt Đường số 6 và mở rộng vùng sau lưng địch ở hướng chính, tiêu hao kiềm chế, cắt đường tiếp tế trên sông Đà, mở rộng mặt trận sau lưng địch ở Đá Chông, Chẹ, Bắc Ba Vì nhằm tiếp tục tiêu diệt sinh lực địch, thu hút và kiềm chế đối phương ở Hòa Bình để các mặt trận phối hợp và địch hậu có điều kiện phát triển mạnh; chuẩn bị sẵn sàng để đánh tiêu diệt khi địch rút quân. Phương châm vẫn là đánh điểm, diệt viện nhưng tuỳ tình hình cụ thể mà vận dụng và phối hợp tác chiến chặt chẽ với mặt trận vùng sau lưng địch. Hướng vùng sau lưng địch là đưa chủ lực sang tả ngạn sông Đà củng cố cơ sở, đẩy mạnh chống càn, phối hợp tích cực với Mặt trận Hòa Bình, Đường số 61 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Tập II, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 168). Đợt 3 chiến dịch bắt đầu vào ngày 7 tháng 1 năm 1952 với sự kiện Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) tiến công cứ điểm Pheo.
Khi đợt 3 chiến dịch đang diễn ra, ngày 30 tháng 1 năm 1952, Bộ Tổng Tư lệnh họp, nhận định tình hình địch - ta sau 2 tháng hoạt động trong Chiến dịch Hòa Bình, về tình hình địch, Bộ Tổng Tư lệnh nêu rõ: Trong đợt 3, địch bị ta tiếp tục đánh mạnh và thiệt hại nặng trên mặt trận chính diện và trong địch hậu. Trên Mặt trận Hòa Bình - Đường số 6, phòng tuyến sông Đà bị bức rút, thị xã Hòa Bình bị đánh mạnh và bao vây, Đường số 6 bị tấn công và cắt đứt. Địch hậu cũng bị đánh mạnh, nhất là ở Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Địch đang ở trong tình trạng lúng túng, mâu thuẫn giữa sự đòi hỏi của mặt trận chính diện và địch hậu, giữa yêu cầu quân sự và chính trị. Theo thế chung, dù muốn hay không muốn, địch cũng phải rút Hòa Bình2 (Những tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (từ năm 1945 đến năm 1954), Tập 3, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản năm 1963, tr. 188- 195).
Căn cứ nhận định của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch đánh địch rút chạy. Đúng như dự đoán của ta, ngày 23 tháng 2 năm 1952, quân địch bắt đầu rút chạy khỏi Hòa Bình. Trên cơ sở kế hoạch đánh địch rút chạy, quân ta tiêu diệt thêm một bộ phận quân địch. Ngày 25 tháng 2 năm 1952, Chiến dịch Hòa Bình kết thúc.
Có thể khẳng định, mở chiến dịch Hòa Bình là quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh. Quyết định được đưa ra trên cơ sở cân nhắc, phân tích, tính toán kỹ tình hình mọi mặt địch - ta. Do vậy, ngay từ khâu chuẩn bị chiến dịch, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời đối với các lực lượng tham gia chiến dịch, với các chiến trường phối hợp nhằm đảm bảo chiến dịch diễn ra được thuận lợi và giành thắng lợi. Khi chiến dịch diễn ra, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh luôn có sự chỉ đạo, điều hành sát thực tế chiến trường. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình là thành công của Tổng Quân ủy và Bộ Tư lệnh trong việc chỉ đạo tiến công địch trên cả hai hướng chiến lược chủ yếu, kết hợp hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, kết hợp vận động chiến và du kích chiến, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng. Trong Chiến dịch này, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, lực lượng vũ trang ta có bước tiến bộ mới về trình độ kỹ, chiến thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày cũng như về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân, để lại nhiều kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
|