Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 30 Tháng Mười Một, 2023, 07:57:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến thắng Hòa Bình thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng  (Đọc 1894 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1787



« Trả lời #100 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2023, 12:14:41 pm »

HUYỆN THANH THỦY TRONG CHIẾN DỊCH HÒA BÌNH

TS NGUYỄN MINH TƯỜNG
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ


Thanh Thủy là một huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ - một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ nhân dân Thanh Thủy kế tiếp nhau chung sức đồng lòng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên trung, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Thủy vừa là hậu phương tích cực đóng góp sức người sức của, vừa là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu chống địch càn quét, chiếm đóng, lập nhiều chiến công xuất sắc, tạc vào trang sử vàng truyền thống của tỉnh Phú Thọ nói chung, huyện Thanh Thủy nói riêng những mốc son sáng ngời. Trong Chiến dịch Hòa Bình, quân và dân Thanh Thủy đã lập nhiều thành tích góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch, tiêu biểu là Chiến thắng Tu Vũ trên địa bàn huyện.


Sau thất bại ở biên giới Thu - Đông năm 1950, tiếp đó lại bị ta đánh mạnh ở trung du, Đường số 18, Hà Nam Ninh, quân Pháp đã lâm vào thế phòng ngự bị động. Chi phí cho chiến tranh Đông Dương càng ngày càng cao, đã lên tới 308 tỷ phơrăng vào năm 1951, gấp 2,5 lần chi phí cho tái thiết đất nước sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Pháp. Để giành lại quyền chủ động, mùa Đông năm 1951, Pháp mở cuộc tiến công ra Hòa Bình, lập phòng tuyến Sông Đà nối liền với tuyến phòng thủ trung tâm nhằm nối lại "Hành lang Đông - Tây", thực hiện tăng cường khả năng phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ, cắt đứt đường liên lạc giữa Chiến khu Việt Bắc với các liên khu 3 và 4. Ở Hòa Bình, Pháp cho thành lập các "Xứ Mường tự trị" để thực hiện "dùng người Việt đánh người Việt", "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".


Thực hiện mưu đồ trên, ngày 9 tháng 11 năm 1951, Pháp sử dụng 3 binh đoàn cơ động (GM1, GM2, GM3), 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội biệt kích mở cuộc hành quân Tuylíp (Tulipe) đánh chiếm khu vực Chợ Bến. Tiếp đó, ngày 14 tháng 11, 300 quân địch từ Sơn Tây mở cuộc tấn công đánh phá vị trí Đá Chông, Núi Chẹ và chiếm lại vị trí Tu Vũ, La Phù (thuộc huyện Thanh Thủy) nhằm hỗ trợ cho Mặt trận Hòa Bình và bảo vệ tuyến phòng thủ. Sau khi chiếm lại 2 vị trí ở huyện Thanh Thủy, thực dân Pháp giao cho tiểu đoàn lính Âu - Phi chiếm giữ. Hằng ngày, chúng chuyên chở vật liệu xây dựng hệ thống công sự rất kiên cố, đồng thời cho quân càn quét, cướp phá ở những vùng xung quanh để lập vành đai trắng. Ngày 28 tháng 11 năm 1951, địch huy động lực lượng mạnh mở đợt càn quét quy mô lớn trên diện rộng vào địa bàn huyện. Ở phía hạ huyện, địch tập trung 1.000 quân ồ ạt tấn công vào 3 xã: Thành Công, Vinh Quang và Xuân Lộc càn quét và cướp mất 45 con trâu bò, 600 con gà vịt của nhân dân; cũng trong ngày 28 tháng 11 năm 1951, 500 tên địch tấn công càn quét ác liệt xã Văn Minh, xã Đoàn Kết và thôn Hoàng Xá.


Trước đó, ngay từ giữa tháng 9 năm 1951, Liên khu ủy Việt Bắc đã ra chỉ thị cho Tỉnh ủy Phú Thọ phải tích cực chuẩn bị mọi mặt để phá kế hoạch củng cố vùng trung du của địch. Đến cuối tháng 9, Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị gồm đại diện của Tỉnh đội, Tiểu đoàn 72, Đại đoàn 308 và các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Lâm Thao và Hạc Trì để bàn và phổ biến kế hoạch chống địch càn quét, chiếm đóng. Vì vậy, khi địch mở các cuộc càn quét vào địa bàn huyện, chúng đã vấp phải sự chiến đấu kiên cường của quân và dân địa phương, nhất là các xã: Thành Công, Xuân Lộc và Đề Thám, diệt nhiều sinh lực địch, khiến chúng phải co cụm vào các vị trí cố thủ, không dám lùng sục mạnh như trước. Nhiều trận đạt hiệu suất cao như trận phục kích ở Dốc Đà thuộc xã Yến Mao, trận phục kích Gò Đình ở Đồng Xe, khe cạn ở xóm Xui, Đồng Sạnh ờ Hương Cần (Thanh Sơn)... tiêu diệt được 47 tên, thu 32 súng các loại và một số quân trang, quân dụng, bào toàn lực lượng và tính mạng, tài sản của nhân dân.


Trên cơ sở phân tích tình hình ta và địch, ngày 18 tháng 11 năm 1951, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy nhận định, việc địch đánh ra Hoà Bình khiến chúng phải phân tán lực lượng cơ động ra một địa hình rừng núi hiểm trở binh lực ở đồng bằng Bắc Bộ bị dàn mòng và tương đối sơ hở đây là một cơ hội hiếm có để ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch.


Từ nhận định này, ngày 24 tháng 11 năm 1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 22 "về nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hòa Bình của địch", mở cuộc tiến công lớn trên hai mặt trận: Tập trung chủ lực trên mặt trận chính Hoà Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Bộ Chính trị quyết định tổ chức Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hoà Bình do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch; đồng chí Nguyền Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Chiến dịch; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trướng Chiến dịch. Lực lượng tham gia chiến dịch trên mặt trận chính gồm 3 đại đoàn bộ binh (308 312 304) và Đại đoàn công pháo 351; trên mặt trận phối hợp, 2 đại đoàn bộ binh 316, 320 tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở trung du và đồng bằng sông Hồng cùng các lực lượng tại chỗ tiến công địch, diệt tề trừ gian, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp chặt chẽ trong Chiến dịch Hòa Bình. Trong thư, Người nêu rõ: "Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta. Muốn thắng, thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 242).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1787



« Trả lời #101 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2023, 12:15:23 pm »

Sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị chiến trường, đồng thời để đảm bảo trận mở màn chắc thắng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch phát triển và mở rộng hành lang vận chuyển hậu cần, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung binh lực, hỏa lực đột phá phòng tuyến Sông Đà, bắt đầu bằng trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, núi Chẹ. Để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, Sở Chỉ huy tiền phương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt vị trí gần Đồn Vàng (Thanh Sơn), cách cứ điểm Tu Vũ khoảng 20km. Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ. Trong chỉ thị giao nhiệm vụ cho cán bo Trung đoàn 88, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh ghi rõ: Bộ Tổng Tư lệnh đã cân nhắc và quyết tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ mở màn cho Chiến dịch Hòa Bình; trận đánh phải thắng, chỉ được phép thắng; có nhiều khó khăn đấy, có thể phải trả giá rất đắt có thể 1 trung đoàn không xong thì phải dùng tới 2 trung đoàn; dù phải hy sinh bộ phận cho toàn bộ thì vẫn cứ phải làm... Điều đó cho thay tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của trận Tu Vũ, trận then chốt cho Chiến dịch Hòa Bình.


Tu Vũ là một cứ điểm có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng nằm trên tả ngạn sông Đà. Quân Pháp chiếm lại vị trí này nhằm làm điểm án ngữ sông Đà và làm bàn đạp để đánh thọc sâu vào vùng hậu phương của Phú Thọ. Vì vậy, thực dân Pháp đã bố trí chiếm đóng ở cứ điểm Tu Vũ Tiểu đoàn 1 Trung đoàn bộ binh Marốc số 2, tăng cường 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn người Mường số 6, 1 xe tăng và 2 xe thiết giáp chiếm giữ. Chúng tổ chức phòng ngự thành 3 khu (khu A, khu B ở Đông Bắc ngòi Lát, khu C ở Tây Nam ngòi Lát). Theo đó, khu A gồm 1 đại đội bộ binh, 1 xe thiết giáp; công sự phòng ngự có 6 ụ chiến đấu bao quanh 1 lô cốt lớn được trang bị hỏa lực mạnh (1 xe tăng, 1 trọng liên 12,7mm, súng cối 81mm); khu B là trung tâm phòng ngự, có Sở Chỉ huy tiểu đoàn 1, 2 đại đội bộ binh, 1 xe tăng, 1 ĐKZ 57mm, 1 pháo 37mm, công sự phòng ngự có 1 lô cốt lớn bao quanh bởi 4 ụ chiến đấu; khu C có 1 đại đội bộ binh địch chiếm giữ, gồm 7 ụ chiến đấu bao quanh 1 lô cốt lớn được trang bị đại liên và nhiều súng trường. Ngoài ra, cứ điểm Tu Vũ còn được yểm trợ hỏa lực từ các vị trí núi Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp và có thể được tăng viện từ canô, tàu chiến dọc theo đường sông Đà. Hằng ngày, canô địch từ các vị trí Tu Vũ, La Phù, Đá Chông thay nhau tuần tiễu quét đèn pha trên sông Đà và bắn phá vào hai bên bờ, lập vành đai trắng từ Trung Hà đi Hoà Bình, khiến nhân dân một số làng ven sông phải sơ tán đi nơi khác. Trên mỗi kilômét vành đai, địch bố trí 45 lính canh và 8 khẩu súng liên thanh.


Phối hợp với bộ đội chủ lực, quân và dân huyện Thanh Thủy có nhiệm vụ: Một là, chuyên chở bộ đội thuộc Đại đoàn 312 bí mật vượt sông sang đánh phía núi Chẹ, Đá Chông; hai là, phối hợp cùng Đại đoàn 308 tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ. Để có thể bí mật vượt sông nhanh chóng, quân dân huyện Thanh Thủy, nhất là những xã ven sông Đà, phải canh phòng và chuyên chở bộ đội vượt sông một cách an toàn. Trong các đêm từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 12 năm 1951, Đại đoàn 312 vượt sông từ làng Đoan Hạ (Thanh Thủy) sang phía núi Chẹ, Đá Chông. Nhân dân các làng ven sông đã huy động hàng trăm thuyền nan và hơn 200 người lái đò để đưa bộ đội qua sông. Mặc cho pháo sáng và đạn địch bắn phá, đèn pha từ canô của địch tuần tiễu nhằm uy hiếp và ngăn bước tiến của quân ta, song với quyết tâm và lòng căm thù giặc, quân dân địa phương nhanh chóng đưa bộ đội ta qua sông an toàn để kịp thời phối hợp tác chiến tiêu diệt địch ở núi Chẹ.


Ở phía thượng huyện Thanh Thủy, Trung đoàn 88 phối hợp với bộ đội và nhân dân địa phương đã chuẩn bị xong trận địa, chờ mệnh lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ. Đe phục vụ bộ đội chủ lực trong trận này, huyện Thanh Thủy đã huy động trên 500 dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ tiếp tải đạn, xay lúa giã gạo và tiếp tế lương thực. Đúng 20 giờ tối mùng 10 tháng 12 năm 1951, ba mũi tiến công của bộ đội ta mở màn trận đánh. Phát hiện thấy lực lượng của ta, pháo của địch từ các vị trí xung quanh cứ điểm (núi Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp) bắn dồn dập hàng nghìn quả vào khu vực quân ta đang triển khai lực lượng, tạo thành một vành đai lửa bao quanh cứ điểm. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 yêu cầu các đơn vị bạn ở hữu ngạn sông Đà bắn kiềm chế pháo địch, đồng thời, lệnh cho tiểu đoàn pháo của ta nhanh chóng tập trung hoả lực công phá lô cốt địch và yểm trợ cho bộ binh ta tiến công.


Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Khi quân ta bắt đầu tiến công, địch tập trung hoả lực mạnh hòng ngăn cản bước tiến của quân ta. Dưới làn mưa đạn, cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, anh dũng xông lên tiêu diệt địch. Đến 1 giờ sáng ngày 11, Tiểu đoàn 322 Trung đoàn 36 đã chiếm xong khu C, sau đó dùng hoả lực mạnh kiềm chế địch ở khu B. Cuộc chiến đấu ở 2 khu A, B diễn ra rất quyết liệt, ta và địch giằng co từng ụ súng. Đến 2 giờ 50 phút sáng 11 tháng 12 năm 1951, quân ta hoàn toàn làm chủ được 2 khu này. Sau hơn 5 giờ chiến đấu ác liệt, cứ điểm Tu Vũ của địch bị tiêu diệt. Kết quả, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Marốc số 2, tiêu diệt 159 tên địch, bắt 12 tên (trong đó có tên quan ba Leveux), phá hủy 3 xe tăng và 1 xe bọc thép, đồng thời giải phóng cho hơn 100 thanh niên bị địch giam giữ tại đây.


Tu Vũ - cứ điểm kiên cố của thực dân Pháp bị tiêu diệt, làm rung chuyển toàn bộ tuyến phòng thủ Sông Đà, tạo điều kiện cho bộ đội ta tiến đánh Hoà Bình thắng lợi. Ngày 14 tháng 12 năm 1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận đồn Tu Vũ để nghiên cứu và viết thư khen ngợi Trung đoàn 88, trong đó có đoạn viết: Chiến thắng Tu Vũ là một trận công kiên lớn nhất, mở màn chiến dịch. Chiến thắng Tu Vũ biểu hiện tinh thần quả cảm hy sinh, tích cực, chủ động tiêu diệt địch, linh hoạt trong chiến đấu, chứng tỏ bước tiến bộ mới của Trung đoàn 88 nói riêng và của Quân đội nói chung. Tiến bộ không chỉ đơn thuần về kỹ thuật, chiến thuật mà còn cả về mặt tư tưởng của Quân đội cách mạng chỉ biết tiến công, không biết lùi bước. Tôi gửi lời khen ngợi các đồng chí Trung đoàn 88 đã nêu cao gương anh dũng tuyệt vời của Quân đội...". Trung đoàn 88 đã vinh dụ được mang tên "Trung đoàn Tu Vũ" từ đó.


Cứ điểm Tu Vũ bị tiêu diệt, địch ở La Phù hết sức hoang mang lo sợ phải cầu viện quân từ Sơn Tây sang chiếm đóng thêm vị trí Phương Viên. Không đế cho địch củng cố lực lượng, bộ đội chủ lực cùng với bộ đội địa phương huyện Thanh Thũy tổ chức phục kích đoàn tàu địch từ Hoà Bình định rút về Trung Hà. Ngày 22 tháng 12 năm 1951, đoàn tàu địch gồm 1 tàu chiến Mênitô và 4 canô chở 1 tiểu đoàn quân lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Trận đánh diễn ra nhanh, gọn. Chiếc tàu chiến và 2 canô bị bắn chìm, 2 chiếc còn lại bị thương bốc cháy, 1 chiếc dạt vào bở phía huyện Thanh Thủy. Bộ đội địa phương phối hợp với dân quân du kích một số xã tả ngạn sông Đà bắt 80 tên lính Pháp và bắn bị thương 1 máy bay đến cứu đồng bọn của chúng. Đây là trận thắng thể hiện đậm nét sự phối hợp tác chiến đánh địch có hiệu quả của ba thứ quân trên địa bàn huyện.


Chiến thắng Tu Vũ là một minh chứng hùng hồn về chiến công oanh liệt và sự hy sinh anh dũng của bộ đội Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong, chiến thắng đó có sự đóng góp của quân và dân xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy nói riêng và của quân và dân tỉnh Phú Thọ nói chung. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quỷ cho các chiến dịch tiếp sau, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: "Không có trận Tu Vũ thì không có trận Him Lam, Độc Lập, Điện Biên Phủ".
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1787



« Trả lời #102 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2023, 12:21:58 pm »

QUÂN VÀ DÂN HUYỆN BA VÌ TRONG CHIẾN DỊCH HÒA BÌNH

ThS PHÙNG TÂN NHỊ
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội


Ba Vì ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng gần 60km. Tiền thân của huyện Ba Vì gồm 3 huyện Quảng Oai, Bất Bạt, Tùng Thiện. Với diện tích 424km2, toàn huyện có 30 xã và 1 thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi (là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 47% diện tích toàn huyện), 1 xã nằm ở bãi giữa sông Hồng. Phía Đông giáp thị xã Sơn Tây; phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình; phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ; phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc.


Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Ba Vì với truyền thống cách mạng ý chí tự lực, tự cường đã tích cực đóng góp sức người, sức của và tập trung chuẳn bị mọi mặt phối hợp với các lực lượng, tổ chức đánh địch, góp phần làm nên Chiến thắng Hòa Bình. Khi ta mở chiến dịch, quán triệt sự chỉ đạo của Huyện ủy Bất Bạt, Chi bộ xã Tân Dân1 (Xã Tân Dân: Năm 1976 đổi tên thành xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì)) (xã Khánh Thượng ngày nay) đã lãnh đạo nhân dân và các đoàn thể trong xã gấp rút chuẩn bị chiến trường, làm công tác phục vụ và phối hợp với bộ đội chủ lực trong chiến dịch; cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ lực; chuẩn bị phương tiện, thuyền mảng phục vụ bộ đội vượt sông vào đánh địch ở một số vị trí trên phòng tuyến sông Đà, làm nhiệm vụ vận tải thương binh, bảo vệ bộ đội. Chỉ trong vòng một tuần lễ, với sự tham gia của hàng trăm người dưới trời mưa giá rét mùa Đông, con đường mở mới phục vụ nhiệm vụ tác chiến của bộ đội chủ lực từ Thủ Pháp vào dốc Bóp1 (Dốc Bóp: Thuộc thôn Giáp Thượng, nay thuộc thôn Hương Canh, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) dài hơn 2.000m được hoàn thành. Trung đội du kích tập trung và lực lượng tự vệ xã được tập hợp lại chuẩn bị chiến đấu và phục vụ chiến đấu.


Trong đợt 1 của chiến dịch, Đại đoàn 312 vượt sông Đà tiên sâu vào vùng sau lưng địch, đánh địch từ dốc Pheo2 (Dốc Pheo: Thuộc thôn Pheo, xã Minh Quang, huyện Ba Vì) đến Điểm cao Ba Vì, trong đó diệt địch ở 2 vị trí Chẹ và Ba Vành3 (Chẹ: Thuộc thôn Sơn Hà, xã Khánh Thượng; Ba Vành: Thuộc thôn Việt Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì) là chủ yếu. Ngoài ra còn chặn địch trên Đường số 87 nhằm cắt giao thông, chia cắt và cô lập từng cụm quân địch, không cho chúng cơ động và ứng cứu nhau khi ta tiến công. Trong khi Đại đoàn 308 đánh Tu Vũ4 (Tu Vũ: Thuộc xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) và một số vị trí đối diện với Chẹ qua sông Đà thì trên Đường số 87, quân ta nổ súng đánh sập các cầu, cắt đứt giao thông quan trọng từ Sơn Tây đi Chẹ, góp phần cùng quân dân ta bao vây chia cắt địch ở Hòa Bình. Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cán bộ, đảng viên xã Tân Dân khắc phục mọi khó khăn giúp đỡ quân chủ lực trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.


Nhân dân xã Khánh Thượng đã khẩn trương huy động hàng trăm chiếc thuyền đưa bộ đội vượt sông Đà đánh địch; quyên góp hơn 17 tấn sắn tươi, hơn 9 tấn lúa, trên 2 tấn thịt gia súc, gia cầm cùng một số nồi đồng lớn phục vụ nuôi quân. Đội du kích tập trung xã Tân Dân được giao nhiệm vụ phối hợp chiến đấu. Đồng chí Đinh Văn Tỵ1 (Đồng chí Đinh Văn Tỵ: Ở xóm Gò Đá Chẹ, xã Khánh Thượng; nguyên Chỉ huy trưởng xã Tân Dân (giai đoạn 1959 - 1969), mất ngày 26 tháng 2 năm 2014) và đồng đội được giao nhiệm vụ dẫn đường cho mũi hỏa lực công phá đỉnh núi đá Chẹ. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dẫn đường, các đồng chí trong tổ du kích cùng bộ đội triển khai đánh và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Sau trận đánh này, đồng chí Đinh Văn Tỵ được tặng thường Huân chương Chiến công.


Bị ta đánh bất ngờ, sáng ngày 10 tháng 12 năm 1951, địch cho tiểu đoàn lính dù thiện chiến cùng một lực lượng cơ động mạnh mở cuộc tiến công vào khu Căn cứ của tỉnh đóng ở các xóm Ninh, Mít, Giáp Thượng2 (Thôn Ninh, thôn Mít: Nay là thôn Mít Đồng sống; thôn Giáp Thượng: Nay là thôn Hương Canh, xà Khánh Thượng, huyện Ba Vì). Cùng ngày, 2 trung đoàn bộ binh địch xuyên rừng từ phía Đông núi Ba Vì qua dốc Mát xuống dốc Bóp. Mục đích của hai cánh quân này là khi gặp nhau sẽ hợp quân tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến tỉnh Sơn Tây, làm chủ khu vực Chẹ, kiểm soát đường thủy từ Chẹ về Trung Hà, Sơn Tây và Đường số 89. Tại 2 xóm Sui3 và Mít, từ 10 giờ sáng các đơn vị của Đại đoàn 312 phối hợp với du kích địa phương tổ chức đánh địch. Ngoài lực lượng mạnh, địch còn dùng phi cơ, phi pháo, xe bọc thép liên tục bắn đại bác yểm trợ. Trận đánh diễn ra vô cùng quyết liệt, la đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, không cho chúng tràn lên núi. Ta và địch giành nhau từng gốc cây, mòm đá, chia cắt từng toán địch để đánh và tiêu diệt chúng. Trong hơn 5 giờ chiến đấu, đoạn đường dài gần 1km từ xóm Ninh đến xóm Sui3 (Thôn Sui: Nay thuộc thôn Sui Quán, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) - Mít xác địch ngổn ngang. Ta đã tiêu diệt được 300 tên địch, bắt gần 2 đại đội, bắn hỏng 1 xe tăng, thu 13 súng trung liên, 41 tiểu liên, nhiều súng trường, đạn dược và phương tiện chiến đấu của địch.


Trong trận đánh ngày 10 tháng 12 năm 1951, Trung đội du kích Giáp Thượng do đồng chí Đinh Văn Thức1 (Ông Đinh Văn Thức: Tên đúng là Đinh Văn Thực, thôn Gò Đá Chẹ, xã Khánh Thượng, nguyên Xã đội trưởng xã Tân Dân (giai đoạn 1949 - 1950), mât năm 2000) (Xã đội trưởng xã Tân Dân) chỉ huy được phân công phối hợp với Tổ trung liên của Trung đội 209 (trong đó có Tiểu đội phó Phan Đình Giót, sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), Đại đội 58, Trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 chặn đánh một mũi tiến công của địch trên đường từ khu vực núi Chẹ đánh vào khu Căn cứ của tỉnh. Địch hò hét nhau liều chết xông lên, đồng chí Thức vừa bình tĩnh chỉ huy Trung đội đánh địch, vừa dẫn đường cho bộ đội phục kích. Khi một xạ thủ trung liên bị thương, đồng chí Thức không ngần ngại thay thế, nhả đạn vào đội hình địch, bẻ gãy nhiều đợt tiến công ào ạt của địch, bắt 3 tên lính Pháp. Với thành tích đặc biệt xuất sắc và tinh thần mưu trí dũng cảm, đồng chí Đinh Văn Thức đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin (Liên Xô) tặng Huy chương Vàng trong dịp tham gia Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới tổ chức ở Liên Xô cuối năm 1952.


Một yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi ở Ninh Mít là ngay từ chiều hôm trước, nhờ có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nên khi một cánh quân địch từ Tu Vũ sang, tiến thẳng vào khu vực Trạc Tượng2 (Trạc Tượng: Dốc Trạc Tượng, giáp ranh giữa thôn Ninh và thôn Sui Quán, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì), một tổ du kích của địa phương tổ chức đánh mìn trên đường địch hành quân tại khu vực Trán Voi3 (Trán Voi: Thuộc thôn Ninh, xã Khánh Thượng (nối liền dốc Trạc Tượng), huyện Ba Vì). Bị vấp mìn ngang đường, toán quân tiên trạm của địch phải dừng lại đê thăm dò lực lượng ta. Khi toán địch buộc phải dừng lại, ta có thông tin kịp thời để bổ sung và bố trí lực lượng đánh địch cho lực lượng quân chủ lực và du kích địa phương ở hướng này.


Chỉ trong một thời gian ngắn bị thất bại liên tiếp, để lên dây cót tinh thần cho binh sĩ và lừa phỉnh nhân dân ta, thực dân Pháp dùng máy bay thả hàng vạn truyền đơn xuống khu Căn cứ Ba Vì. Ngày 17 tháng 12 năm 1951, quân Pháp mở cuộc càn lớn vào các xã Tản Hồng và Phú Phương nhằm làm sạch địa bàn. Trận càn này kẻo dài trong 5 ngày liên tục. Nhiều nhà cửa bị đốt phá, trâu, bò, lợn, gà, thóc, gạo bị cướp, gần 200 người bị bắt, trong đó chủ yếu là cán bộ, đảng viên và du kích.


Trong đợt 2 của Chiến dịch Hòa Bình, các vị trí ở các điểm cao 400 và 600 trên núi Ba Vì có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Đây là một trong các vị trí then chốt nhất trên phòng tuyến Sông Đà, bảo vệ chắc chắn bên sườn và phía sau đội hình bố trí của địch ở Hòa Bình, là vị trí quan trọng trong việc bảo vệ Sơn Tây và Hà Nội. Chính vì vậy, ngoài sự chi viện và bảo vệ của không quân, vị trí Ba Vì còn được trực tiếp bảo vệ của trận địa pháo binh ở Ao Trạch, Trung Hà, Tông - Xuân Mai. Để đánh các vị trí này, Đại đội 243, Đại đội 241 và Đại đội 58 thuộc Đại đoàn 312 bí mật tiếp cận sát vị trí. Trong trận đánh này, Xã đội Tân Dân chọn 7 chiến sĩ du kích thông thạo đường lên núi, có sức khỏe, nhanh nhẹn có nhiệm vụ dẫn đường và phối hợp tác chiến, vận chuyển thương binh, làm công tác mai táng liệt sĩ... Đêm 29 tháng 12 năm 1951, đúng giờ quy định, bộ đội chủ lực và du kích đồng loạt nổ súng, địch chưa kịp đối phó, ta đã chiếm Sở Chỉ huy của tên Moócgăng. Hơn 20 phút sau, quân ta hoàn toàn làm chủ vị trí. Từ Điểm cao 400 sang Điểm cao 600 chỉ có một đường độc đạo, khi ta đánh sang, địch phản kích lại quyết liệt. Trận đánh tại Điểm cao 600 diễn ra vô cùng quyết liệt. Ta quyết đánh, địch quyết giữ. Ta và địch giành nhau lừng thước đất. Sau đó, ta phải chia thành nhiều mũi, cùng du kích chuẩn bị thang, ván để vượt qua hàng rào thép gai, vách núi đá, xung phong vào cứ điểm từ nhiều hướng, giành thắng lợi trước khi trời sáng. Địch chống trả điên cuồng, tuyệt vọng, nhiều tên lính Âu - Phi cuống cuồng chạy theo tên chỉ huy quan ba Pháp nhảy xuống vách đá tìm đường thoát thân... Đến 4 giờ 30 phút ngày 20 tháng 12 năm 1951, ta hoàn toàn làm chủ Điểm cao 600 và cụm cứ điểm trên núi Ba Vì.


Chiến thắng liên tiếp của quân ta ở Tu Vũ, Sui - Mít, các điểm cao 400, 600 làm cho thực dân Pháp ở khu vực sông Đà, Hòa Bình hoảng sợ. Một số chốt điểm của địch trên khu vực xã Tân Dân phải co cụm lại khu vực Chẹ. Những hành động càn phá cướp boc không còn xảy ra. Bọn tề ngụy, bảo an, chỉ điểm run sợ nằm im không dám hoạt động. Vòng kiểm soát của địch đã được nới lỏng. Thời gian này, Chiến dịch Hòa Bình trên sông Đà đang đi vào thời điểm quyết liệt.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1787



« Trả lời #103 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2023, 12:23:58 pm »

Để tiếp tục phục vụ Chiến dịch Hòa Bình, Chi bộ xã Tân Dân lãnh đạo tuyển lựa gần 200 dân công mở đường bí mật tránh vòng vây của địch dài hơn 10km từ căn cứ Ba Vì tới Lương Sơn - Hòa Bình và khu vực Xuân Mai - Đường số 6 phục vụ bộ đội hành quân tiếp cận căn cứ địch. Hàng trăm người vừa làm nhiệm vụ dẫn đường, tiếp tế hậu cần, truy kích địch, dẫn giải tù binh, thu chiến lợi phẩm, giúp bộ đội thu dọn chiến trường.


Trong tháng 12 năm 1951, giặc Pháp bắt được một số cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Châu đưa về giam ở đồn Phú Xuyên. Chúng dùng cực hình tra khảo nên một nữ giao thông viên đầu hàng dẫn giặc tới khám và lùng bắt cán bộ cách mạng tại một cơ sở kháng chiến ở thôn Phong Châu. Để bảo vệ cán bộ, cụ Tẻo và cô Hồng (chủ nhà)1 (Cụ Tẻo: Là bố đẻ của cô Hồng, đã mất; cô Hồng: Sinh năm 1932, hiện ở thôn Phong Châu, xã Phú Châu, huyện Ba Vì) kiên quyết không khai và bị giặc đánh đập dã man. Sau một hồi lùng sục, đào bới không thấy, chúng lôi cụ Tẻo tới giam ở đồn Phú Xuyên. Tấm gương dũng cảm, bất khuất của gia đình cụ Tẻo làm dân làng vô cùng cảm phục, Chi bộ lấy đó làm điển hình để giáo dục đảng viên và quần chúng.


Năm 1951, địa bàn tỉnh Sơn Tày nói chung, huyện Tùng Thiện, Quảng Oai, Bất Bạt nói riêng, chiến sự diễn ra hết sức khốc liệt. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính, lực lượng vũ trang các huyện Tùng Thiện, Quảng Oai, Bất Bạt phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ, đơn vị bộ đội địa phương tỉnh Sơn Tây chiến đấu ngoan cường, mưu trí, dũng cảm, góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình, gây cho thực dân Pháp tổn thất nặng nề. Đồng thời kiên cường bám trụ, bám đất, bám dân, làm nòng cốt cho nhân dân trong đấu tranh toàn diện với quân thù, giữ vững cơ sở cách mạng, phát triển phong trào kháng chiến ở các địa phương, tạo tiền đề cho bước phát triển tiếp theo của cuộc kháng chiến ở địa phương.


Do bị ta tiến công mạnh mẽ và liên tục ở mặt trận chính diện cùng thất bại nặng nề trên khắp những vùng sau lưng, giặc Pháp rơi vào thế bị động mất tinh thần chiến đấu. Để tránh bị tiêu diệt, ngày 8 và ngày 9 tháng 1 năm 1952, chúng buộc phải rút khỏi phòng tuyến Sông Đà, chỉ còn lại 3 điểm địch chốt lại ở Đan Thê, La Phù, Thái Bạt. Ngày 13 tháng 1 năm 1952, toán lính và sĩ quan Pháp cuối cùng chạy khỏi khu vực Phố Chẹ, xóm Gò. Xã Tân Dân sau gần 2 tháng địch chiếm đóng o ép, càn quét gắt gao được giải phóng.


Sau những thất bại nặng nề trong Chiến dịch Hòa Bình, đầu năm 1952, thực dân Pháp phải cho quân lui về phòng thủ các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Tại địa bàn tỉnh Sơn Tây, thực dân Pháp đặt các huyện Tùng Thiện, Quảng Oai, Bất Bạt nằm trong 3 vòng tuyến phòng thú chính: Vòng tuyến 1, phòng thủ trung tâm từ Sơn Tây đi Trung Hà, chúng cho quân viễn chinh đóng chốt ở các vị trí quan trọng như: Trung Hà, Đồng Bảng, Chùa Cao, Mông Phụ... Vòng tuyến 2, phòng thủ dọc sông Đà, sông Hồng từ Bất Bạt đi Trung Hà và từ Trung Hà đi Sơn Tây. Chúng thường xuyên cho quân tuần tra, càn quét nhằm chia cắt trung du với đồng bằng. Vòng tuyến 3, phòng thủ dọc các tuyến đường số 88 từ Vị Thủy đi Bất Bạt với các đồn bốt: Vị Thủy, Xuân Sơn, Yên Khoái, Gò Ong, Ao Khoang.


Cách bố trí hệ thống phòng thủ đó của thực dân Pháp là nhằm trấn giữ cửa ngõ đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, vừa chống lại sự tiến công, thâm nhập của ta từ căn cứ Ba Vì xuống, vừa thực hiện bao vây, uy hiếp căn cứ kháng chiến Ba Vì. Cùng với xây dựng hệ thống tuyến phòng thủ, trong vùng tạm chiếm, thực dân Pháp cho quân lính từ đồn Tổng Dũng tăng cường kiểm soát hương thôn, kìm kẹp nhân dân.


Trước mưu đồ của thực dân Pháp, tháng 2 năm 1952, thực hiện sự chỉ đạo của Liên khu 3, Tỉnh ủy Sơn Tây tổ chức Hội nghị cán bộ mở rộng xác định nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sơn Tây là: Phát động quần chúng đấu tranh rộng rãi. Thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là nắm dân và củng cố tổ chức đảng. Phương hướng hoạt động trong thời kỳ mới là đấu tranh kinh tế, chính trị là chính. Lợi dụng tề, lợi dụng mọi tổ chức của địch lợi dụng mọi khả năng hợp pháp để giác ngộ, tập hợp quân chúng đấu tranh với địch. Kết hợp lợi dụng các tổ chức của địch và các hình thức hợp pháp với việc củng cố tổ chức trung kiên và bí mật của ta.


Trước hành động càn quét của địch, Xã đội Cẩm Lĩnh chỉ đạo du kích làng Vô Khuy bố trí mìn ờ rừng lim khu Cống Chuốc1 (Cống Chuốc: Giáp ranh giữa thôn Vu Khuy và thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì). Ngày 6 tháng 2 năm 1952, khi chiếc xe Jeép của địch lọt vào trận địa, ta giật mìn nổ tiêu diệt gọn 2 vợ chồng tên chủ thầu người Pháp.


Cuối tháng 1 năm 1952, địch bao vây nhà anh Phụ, thôn Liễu Đông2 (Thôn Liễu Đông: Nay là thôn Áng Đông, xã Thụy An, huyện Ba Vì) (xã Thụy An) tìm hầm bí mật. Chúng sục tìm hầm bí mật và bắt được đồng chí Nhung và đồng chí Trọng - cán bộ huyện. Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng đồng chí Nhung và đồng chí Trọng vẫn giữ vững khí tiết, không khai báo cơ sở. Sau một thời gian bị giam giữ, đồng chí Trọng trốn thoát. Đồng chí tiếp tục được Huyện ủy Tùng Thiện điều về Thụy An gây dựng cơ sở và phong trào kháng chiến.


Ngày 15 tháng 2 năm 1952, quân Pháp huy động 5 xe camnhông chở lính từ Sơn Tây đi càn dọc Đường số 88. Trung đội du kích Cẩm Đái1 (Cẩm Đái: Nay thuộc thôn Cẩm An, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) cử tổ du kích gồm các đồng chí Triện, Trình, Bình, Loan, Núi và Miên, do đồng chí Triện chỉ huy, mang mìn ra phục kích tại gò Lát đầu làng Cẩm Đái để đánh địch. Khi chiếc xe đi đầu lọt vào trận địa, đồng chí Phùng Thị Núi giật dây cho mìn nổ tiêu diệt chiếc xe và toàn bộ binh lính địch trên xe.


21 giờ 30 phút ngày 20 tháng 2 năm 1952, lực lượng du kích xã Vạn Thắng phối hợp với Đại đội 350 của tỉnh Sơn Tây bao vây, diệt đồn Tổng Dũng ở thôn Mai Trai. Quân ta bao vây bốn mặt, dùng loa kêu gọi giặc đầu hàng. Tên chỉ huy cùng đồng bọn ngoan cố chống lại, hòng chờ viện binh đến cứu. Sau 1 ngày chờ đợi không có viện binh cứu trợ, đứng trước tình thế bị tiêu diệt 14 giờ ngày 21 tháng 2 năm 1952, chúng phải xin nộp vũ khí đầu hàng. Ngay sau đó, Chi bộ Vạn Thắng tổ chức cuộc mít tinh liên hoan mừng chiến thắng, tuyên bố giải thích chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ, tha cho bọn binh lính về với gia đình làm ăn sinh sống.


Ngày 25 tháng 2 năm 1952, Chiến dịch Hòa Bình kết thúc thắng lợi. Sau hơn 2 tháng chiến đấu, Quân đội ta đã tiêu diệt khoảng 22.000 tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, đạn dược quân trang quân dụng của địch. Hiện nay, tại Nhà Truyền thống huyện Ba Vì đang trưng bày 1 chiếc xe tăng là chiến lợi phẩm trong trận đánh Tu Vũ của Chiến dịch Hòa Bình.


Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình là thành công của Đảng ta trong việc chỉ đạo chiến dịch và đưa Quân đội ta có bước tiến mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày trên hai mặt trận rộng lớn và phức tạp. Ta giành được thế chủ động trên chiến trường; bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc; lực lượng của ta trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt; căn cứ du kích của ta được mở rộng và nối liền nhau thành thế liên hoàn vững chắc. Đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: Không có Chiến dịch Hòa Bình thì sẽ không có chiến thắng ở Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập...!


Trong 78 ngày đêm chiến dịch, quân và dân huyện Ba Vì đã một lòng theo Đảng, theo Bác, với lòng tin vững chắc vào chiến thắng, đã vượt qua mọi khó khăn, không sợ hy sinh, gian khổ đã phục vụ đắc lực bộ đội chủ lực về sức người, sức của; phối hợp với bộ đội trực tiếp chiến đấu với quân thù, góp phần làm nên chiến thắng của Chiến dịch Hòa Bình.


Với truyền thống đó, Đảng bộ, quân và dân huyện Ba Vì sẽ thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của Đảng; phấn đấu xây dựng quê hương Ba Vì ngày càng giàu mạnh. 
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM