Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 09 Tháng Mười Hai, 2023, 02:29:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 50 năm chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng  (Đọc 2034 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2023, 07:55:16 am »

Hai là, luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, góp phần củng cố, vun đắp tình đoàn kết gắn bó keo sơn

Trong mọi hoạt động của bộ đội Đặc công, việc giữ vững nguyên tắc tác chiến và chấp hành kỷ luật giữ vai trò hết sức quan trọng. Do đặc điểm của cách đánh đặc công, với lực lượng ít, sâu trong lòng địch, nên việc xây dựng chi bộ, tổ đảng mạnh phải được quan tâm hàng đầu, phải là điều kiện tiên quyết. Đây là cơ sở nền tảng để giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ Đặc công trở thành đảng viên, quần chúng ưu tú, làm cho việc chấp hành kỷ luật của mỗi chiến sĩ, mỗi tổ đội chiến đấu đặc công trở thành ý thức thường trực. Do vậy, nói đến bộ đội Đặc công là nói đến hình mẫu của việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, của người chỉ huy; luôn có ý thức đoàn kết, dân chủ và kỷ luật rất cao.


Phẩm chất, trình độ tác chiến, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội Đặc công trở thành “thương hiệu” đặc biệt, riêng có. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vừa qua đã khẳng định: Bộ đội Đặc công không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nước mà còn làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, cán bộ, chiến sĩ Đặc công đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kề vai sát cánh cùng quân và dân nước bạn chiến đấu lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với đó, bộ đội Đặc công luôn nêu cao tinh thần, ý thức “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”. Trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, 2 tiểu đoàn đặc công (27 và 41) và các đại đội đặc công của các trung đoàn bộ binh đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, tiến công liên tục vào các mục tiêu quan trọng năm sâu trong hậu phương địch, gây cho chúng những tổn thất hết sức nặng nề về cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật và phương tiện chiến tranh.


Trong chiến đấu trước đây cũng như hòa bình hiện nay, bộ đội Đặc công cần phát huy bản chất truyền thống Quân đội, nêu cao tinh thần chiến đấu hiệp đồng, giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn đoàn kết nội bộ, góp phần củng cố, vun đắp tình đoàn kết quân - dân và đoàn kết quốc tế.


Ba là, phát huy lối đánh hiểm, tiến công mục tiêu quan trọng, tạo hiệu quả chiến đấu cao

Trong chiến tranh giải phóng, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung, bộ đội Đặc công nói riêng luôn phải chiến đấu chống lại kẻ thù có quân số đông, trang bị vũ khí hiện đại. Muốn thắng chúng chẳng những phải có quyết tâm cao mà cách đánh cần phải sáng tạo, độc đáo, đánh vào các mục tiêu quan trọng, cơ quan đầu não, căn cứ hậu cần chiến lược nằm sâu trong hậu phương địch. Đánh được các mục tiêu này sẽ làm rối loạn chỉ huy, chia cắt đội hình, hạn chế hỏa lực địch, tạo điều kiện, thời cơ để các lực lượng tiến công tiêu diệt địch, hoàn thành các mục tiêu mà mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh đề ra.


Trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, trên chiến trường nước bạn, các đơn vị đặc công được giao nhiệm vụ luồn sâu vào phía sau đội hình địch tập kích vào vị trí trọng yếu của địch trên các hướng phòng ngự của ta bị địch uy hiếp, dù chúng canh phòng bảo vệ rất nghiêm ngặt, nhưng bằng sự mưu trí, dùng cảm tiến công, đặc công đã phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh quan trọng và sinh lực cấp cao của đối phương, điển hình là đánh vào khu Sở Chỉ huy của Vàng Pao, sân bay Loong Chẹng, phá hủy các kho tàng, trận địa hỏa lực, trận địa pháo Khang Kho... làm rối loạn chỉ huy của địch, tạo thời cơ cho các lực lượng chiến dịch giữ vững địa bàn chiến lược...


Có thể khẳng định, bộ đội Đặc công đã phát huy lối đánh hiểm, tiến công vào những mục tiêu quan trọng, tạo được hiệu suất chiến đấu cao, tạo được thế mới, lực mới, gây thiệt hại nặng cho địch về sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm cho đội hình phía sau của chúng bị rối loạn tạo thuận lợi cho các lực lượng của chiến dịch đánh bại tiến công của địch, giữ vững địa bàn. Đây chính là hiệu quả, hiệu suất “đặc biệt” của lối đánh đặc công.


Bốn là, sử dụng đặc công đánh đúng đối tượng, mục tiêu, đúng thời cơ là yêu cầu cơ bản, quyết định nâng cao hiệu suất chiến đấu

Để phát huy tác dụng của đặc công, các cấp chỉ đạo, chỉ huy đặc công phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, sở trường chiến đấu của đặc công để sử dụng đặc công đánh đúng vào các mục tiêu hiểm yếu, quan trọng, đánh đúng thời cơ theo yêu cầu của cấp trên đó là yêu cầu cơ bản, thường xuyên quyết định nâng cao hiệu quả tác chiến đặc công. Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa năm 1972 là chiến dịch phòng ngự hiệp đồng binh chủng quy mô lớn hoàn chỉnh đầu tiên của liên quân Việt Nam - Lào trên chiến trường nước bạn, mà chiến đấu phòng ngự không phải là sở trường của bộ đội Đặc công. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn thế bố trí lực lượng ta và bạn trên các hướng, mũi trong toàn bộ trận địa phòng ngự chiến dịch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch và cơ quan tham mưu chiến dịch đã sử đụng lực lượng đặc công hợp lý, phát huy được sở trường luồn sâu, đánh hiểm của bộ đội Đặc công; giao cho đặc công đánh vào các mục tiêu quan trọng phía sau đội hình địch. Vì vậy, nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội Đặc công, làm cho đội hình của địch bị rối loạn, phối hợp có hiệu quả với các lực lượng của chiến dịch đánh bại các đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa phòng ngự.


Như vậy, trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trên chiến trường nước bạn, lực lượng đặc công được sư dụng hiệu quả trong một chiến dịch phòng ngự với thời gian kéo dài. Quá trình tham gia chiến dịch, lực lượng đặc công mặc dù còn một số hạn chế nhưng cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; góp phần tô thắm thêm mối tình đoàn kết quốc tế trong sáng thủy chung, “chia ngọt sẻ bùi”, “chung lưng đấu cật” giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu đầy thử thách, hy sinh, Binh chủng Đặc công từng bước phát triển không ngừng, trở thành Binh chủng "đặc biệt" trong Quân đội nhân dân Việt Nam, luôn xứng đáng với 16 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn".
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #61 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2023, 07:56:25 am »

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HÀ TĨNH PHỐI HỢP CHIẾN ĐẤU VỚI CHIẾN TRƯỜNG THƯỢNG LÀO NĂM 1972


Đại tá LÊ HỒNG NHÂN
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh


Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, Hà Tĩnh là một trong những tỉnh hậu phương trực tiếp của cách mạng Lào; là nơi đứng chân xây dựng, dự trữ tiềm lực cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội; chỗ dựa tinh thần cổ vũ động viên niềm tin chiến thắng cho cách mạng bạn. Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Hà Tĩnh là luôn sẵn sàng cử lực lượng vũ trang phối hợp cùng bạn chiến đấu... Thực hiện nhiệm vụ tác chiến của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, phối hợp với các chiến dịch ở miền Nam và chiến trường nước bạn Lào mà Quân ủy Trung ương, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 4 giao, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã cùng Quân giải phóng nhân dân Lào ở Trung Lào tiến công địch, “phối hợp với các chiến trường khác ở Lào tạo chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh ở Lào”, trong đó nổi bật nhất là “chia lửa” cùng Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng ở Thượng Lào - chiến dịch lớn nhất khiến quân ngụy Lào chịu thất bại lớn và phải quay về bám giữ Đường số 13, đẩy quân địch trên toàn bộ chiến trường Lào vào thất bại gần như không gượng nổi.


Trong thế liên hoàn chiến trường ba nước Đông Dương, nhằm bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược quan trọng của chiến trường Lào, đồng thời bảo vệ sườn phải, hỗ trợ cho các chiến dịch trong cuộc tiến công chiến lược 1972 trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đầu tháng 4 năm 1972, ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi (18.12.1971 - 6.4.1972) Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Lào quyết định mở Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đây là chiến dịch phòng ngự nhằm phá thế giành giật quyền kiểm soát địa bàn chiến lược này nhiều năm giữa liên quân Lào - Việt Nam và đối phương theo quy luật mùa khô ta đánh địch giành quyền kiểm soát; mùa mưa, địch nống ra đánh chiếm lại. Trải qua 4 đợt, chiến dịch diễn ra trong hơn 170 ngày (21.5 - 15.11.1972) với 244 trận đánh, liên quân Lào-Việt Nam đã đánh bại 76 tiểu đoàn bộ binh địch (trong đó có 18 tiểu đoàn quân Thái Lan), 3 tiểu đoàn pháo binh, được không quân Mỹ chi viện. Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng giành thắng lợi, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn, có tính chất chiến lược của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch,  góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường.


Ở chiến trường Bắc và Nam Lào, trong mùa khô 1971 - 1972, quân và dân Lào đã giành được những thắng lợi to lớn trong các chiến dịch phản công, chiếm lại các khu vực chiến lược quan trọng. Để tiếp tục giúp bạn củng cố và mở rộng vùng giải phóng, từ tháng 12 năm 1971, Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức lại lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có nhiệm vụ lãnh đạo và chỉ huy các hoạt động giúp bạn về mặt quân sự ở khu vực Nam Đường số 7 đến Đường số 12, bao gồm tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng (Mường - tiếng Lào có nghĩa là huyện). Lúc này, chuyên gia quân sự và quân tình nguyện ở khu vực này đều trực thuộc Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 4.


Để thực hiện tốt nhiệm vụ giúp bạn trong năm 1972, theo chỉ đạo của trên, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã có bước điều chỉnh tổ chức lại lực lượng tại chiến trường Lào. Theo đó, tỉnh tập trung củng cố Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương tỉnh và Đoàn 128 chuyên gia quân sự giúp bạn tại tỉnh Bô Ly Khăm Xay. Sau khi được củng cố, cuối mùa khô 1971 - 1972, các lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã giúp bạn thực hiện kế hoạch xây dựng và củng cố vùng giải phóng, đồng thời giúp bạn phát triển và nâng cao chất lượng, trình độ lực lượng vũ trang địa phương, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Ở các vùng giải phóng tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Mường Mộc, phong trào cách mạng của bạn đã có bước phát triển mới. Lực lượng vũ trang tỉnh Bô Ly Khăm Xay có Tiểu đoàn 17 và 4 đại đội độc lập. Ở các huyện đều có trung đội bộ đội địa phương huyện. Toàn tỉnh Bô Ly Khăm Xay có 1.766 cán bộ, đội viên dân quân ở các bản, xã, trong đó có gần 600 du kích vũ trang. Ở Mường Mộc, bạn đã tích cực củng cố Đại đội 125 bộ đội địa phương huyện, phát triển và củng cố được 150 cán bộ, đội viên dân quân ở các bản, xã; thành lập được 3 tiểu đội du kích vũ trang. Ngoài lực lượng vũ trang, bạn còn chú trọng việc xây dựng, củng cố và tăng cường chỉ đạo hoạt động của các đội công tác cơ sở.


Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình chiến trường Lào, theo yêu cầu của bạn, tháng 2 năm 1972, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết về nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, nhấn mạnh “Theo tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương, cân phải giúp đỡ và phối hợp với bạn thật tốt trong nhiệm vụ tác chiến, xây dựng lực lượng và củng cố vùng giải phóng, cùng nhau tạo nên những đợt hoạt động nhịp nhàng, tiến công địch đồng đều, đón thời cơ giành thắng lợi to lớn”1 (Bộ Quốc phòng - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lịch sử Quân khu 4 (1945 - 2015), Tập II - Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975 (tái bản, bổ sung lần 1) Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 416). Cuối mùa mưa năm 1972, Quân ủy Trung ương giao Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo lực lượng quân tình nguyện phối hợp với bạn mở đợt hoạt động tác chiến ở Trung Lào mua khô 1972 - 1973, lấy tỉnh Khăm Muộn (Đường số 12) làm hướng tiến công chủ yếu. Mục đích của đợt hoạt động này là nhằm “mở rộng thêm vùng giải phóng mới, đông dân, dọc sông Mê Kông thuộc tỉnh Khăm Muộn, uy hiếp Đường số 13 bảo vệ hành lang chiến lược của ta, phối hợp với các chiến trường khác ở Lào tạo chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh ở Lào”2 (Chỉ thị của Quân ủy Trung ương gửi Quân khu 4, dẫn theo: Bộ Quốc phòng - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lịch sử Quan khu 4 (1945 - 2015), Tập II - Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ¡954 -1975, Sđd, tr. 416).


Tỉnh Khăm Muộn tiếp giáp vùng Hạ Lào, giáp tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình, đồng thời là cửa ngõ hành lang của ta ở phía Tây Trường Sơn, từ cửa khẩu Ba Na Phào đi xuống phía Nam. Phía Đông tỉnh Khăm Muộn, dọc Đường số 12 và Đường số 15 gồm thị xã Thà Khẹt và vùng đồng bằng đông dân cư còn do ngụy quyền Viêng Chăn kiểm soát, khống chế đoạn hiểm yếu nhất của Đường số 13 xuyên Lào. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh tổ chức tiến công vào địa bàn này nhằm thực hiện đòn chia cắt chiến lược giữa Bắc Lào và Nam Lào, từ đó tạo ra bước đột phá mới để phối hợp với các hướng khác trên chiến trường Lào.


Trong 2 ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1972, Thường vụ Quân khu ủy 4 họp phiên đặc biệt quán triệt nhiệm vụ giúp bạn, giao Bộ Chỉ huy quân sự 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An với lực lượng của địa phương, cùng với lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang của bạn mở đợt hoạt động phối hợp trực tiếp với “Chiến dịch 972” do lực lượng chủ lực của Quân khu phối hợp với lực lượng chính trị của bạn tiến công trên hướng Đường số 12. Trong chiến dịch này, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ hoạt động trên Đường số 8, phiên hiệu là 872. Lãnh đạo, chỉ huy hướng do Đảng ủy - Bộ Chỉ huy quân sự tinh chi định.


Triển khai thực hiện nhiệm vụ, ngay trong tháng 9 năm 1972, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ huy Mặt trận 872 để chỉ huy các hoạt động trên Đường số 8. Đồng chí Đỗ Kế Thoa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trực tiếp làm Chỉ huy trưởng, các đồng chí: Dương Diên, Chính trị viên; Nguyễn Hảo, Chính trị viên phó cùng số cán bộ của các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh tham gia chiến đấu trên hướng 872 gồm: Tiểu đoàn 48 và Tiểu đoàn 50 - hai đơn vị là lực lượng nòng cốt, ngoài ra còn được tăng cường 2 đại đội đặc công (19 và 20); 2 đại đội súng máy phòng không 12,7mm, 1 đại đội pháo mặt đất 85mm, 1 đại đội ĐKZ, 1 trung đội súng máy phòng không 12,7mm dân quân huyện Hương Khê. Phối hợp cùng lực lượng của Hà Tĩnh phía bạn có 2 đại đội bộ đội địa phương. Đồng chí Tỉnh đội phó tỉnh Bô Ly Khăm Xay tham gia Ban Chỉ huy Mặt trận 872. Ngoài ra, tỉnh còn điều động tăng cường 500 dân công phục vụ chiến dịch. Quân khu bổ sung cho Hà Tĩnh Tiểu đoàn Đặc công 31 phối hợp cùng chiến đấu.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #62 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2023, 07:57:12 am »

Ngày 4 tháng 10 năm 1972, qua theo dõi kết quả chuẩn bị ở các hướng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 phê chuẩn quyết tâm chiến đấu và ra lời động viên các lực lượng ta tham gia phối hợp với bạn: “Ra sức giúp đỡ bạn, cùng bạn đẩy mạnh cuộc tiến công giành thắng lợi to lớn hơn nữa, tạo cho bạn thế có lợi vững chắc để đưa cách mạng bạn tiến lên mạnh mẽ trong giai đoạn đấu tranh sắp tới, nhất là khi có thời cơ thuận lợi”1 (Dẫn theo: Bộ Quốc phòng - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lịch sử Quân khu 4 (1945 - 2015), Tập II - Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Sđd, tr. 419).


Mặc dù tác chiến trên chiến trường nước bạn, thời gian gấp lực lượng hỗn hợp từ nhiều đơn vị khác nhau, có cả chủ lực, bộ đội địa phương, cả bộ binh và cả các binh chủng, khả năng tác chiến không đồng đều, Ban Chỉ huy Mặt trận 872 đã tích cực chủ động chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, trinh sát nắm chắc địch và xây dựng phương án kế hoạch tác chiến cụ thể tỷ mỷ, tạo thuận lợi cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Bộ Chỉ huy Chiến dịch 972 quyết định mở màn chiến dịch bằng trận tập kích tiêu diệt cứ điểm Nậm Thơn, nơi đặt sở chỉ huy tiểu đoàn quân địa phương ngụy (BV43) nằm trên Đường số 13, cách thị xã Thà Khẹt về phía Bắc 12km. Rạng sáng ngày 28 tháng 10, các chiến sĩ thuộc Đại đội 1 Tiểu đoàn Đặc công 31 hỗ trợ cùng lực lượng bạn tập kích diệt gọn cứ điểm Nậm Thơn. Trận mở màn chiến dịch thắng lợi đã thu hút sự đối phó của địch về phía Bắc thị xã Thà Khẹt. Ngày 12 tháng 11 năm 1972, trên hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 4 đồng loạt nổ súng đánh chiếm các cứ điểm tiền tiêu Pa Nom, Pha Lai trên Đường số 12, cửa ngõ vào thị xã Thà Khẹt từ phía Tây. Cùng lúc đó, một mũi đặc công và bộ binh luồn sâu áp sát thị xã, ngay trong đêm 13 tháng 11, tập kích số mục tiêu trong nội thị gây cho địch nhiều tổn thất. Trên hướng 872, các lực lượng của tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp cùng bạn nhanh chóng đánh chiếm một số đồn, bốt lẻ của địch ở vùng giáp ranh rồi phát triển ra Đường số 13, đánh chiếm cầu Phacađin, vây ép cứ điểm Pắc San, giải phóng 11 xã thuộc Bô Ly Khăm Xay và Hin Bun, làm chủ Đường số 13 từ Phacađin tới Pắc San.


Giữa lúc chiến sự đang được đẩy dần về phía trước thì ở vùng giải phóng phía sau của bạn lại xảy ra vụ phản loạn chính trị do Khăm Xổm, Bí thư Tỉnh ủy Bô Ly Khăm Xay cầm đầu. Do bất mãn cá nhân, y đã lôi kéo một số tay chân, mua chuộc một bộ phận nhân dân và du kích, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng tỉnh, chiếm căn cứ để đón quân phái hữu về chiếm lại vùng giải phóng. Đêm 16 tháng 11 năm 1972, bọn phản loạn tập kích vào cơ quan Tỉnh ủy, trong đó có nơi ở làm việc của đoàn chuyên gia Việt Nam, bắt và giết nhiều cán bộ, đảng viên trung kiên, chiếm khu vực Noọng Leng - Noọng Bạc. Để kịp thời trấn áp bọn phản cách mạng, theo yêu cầu của bạn, Ban Chỉ huy Mặt trận 872 nhanh chóng nắm bắt tình hình, điều một bộ phận lực lượng từ Đường số 13 quay lại cùng lực lượng bạn dập tắt cuộc bạo loạn. Đêm 29 tháng 11, các lực lượng vũ trang Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng của bạn tiến công sào huyệt của Khăm Xổm, bắt và tiêu diệt một bộ phận quân phản loạn. Tuy vậy, Khăm Xổm vẫn chạy thoát được sang khu vực núi đá Pha Hom ẩn náu. Sau đó, hắn thu thập tàn quân, bắt liên lạc với chính phủ Viêng Chăn và được tăng cường 1 tiểu đoàn quân phái hữu Lào, thiết lập một sân bay dã chiến âm mưu biến nơi đây thành một căn cứ đối phó với cách mạng Lào, chờ thời cơ.


Với tư tưởng kiên quyết tiến công tiêu diệt quân phản loạn, sau một thời gian kiên trì thuyết phục, gọi hàng không có kết quả, ngày 16 tháng 12 năm 1972, các lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng bạn tổ chức tiến công Pha Hom. Quân phản loạn ngoan cố đánh trả, nhiều trận chiến đấu diễn ra ác liệt. Đến cuối tháng 12 năm 1972, vụ phản loạn do Khăm Xổm cầm đầu bị dập tắt hoàn toàn, vùng giải phóng của bạn được ổn định.


Sau những thắng lợi trên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch 972 quyết định tập trung lực lượng hỗ trợ để bạn tiến công tiêu diệt cứ điểm địch ở Sê Băng Phai, một vị trí xung yếu trên Đường số 13, vừa bảo vệ cầu sắt Sê Băng Phai, vừa là điểm nối giữa 2 căn cứ Thà Khẹt ở phía Bắc và Xê Nô ở phía Nam. Cứ điểm quan trọng này được quân địch tổ chức phòng thủ khá kiên cố và vững chắc do 1 tiểu đoàn tăng cường đóng giữ. Các lực lượng vũ trang Hà Tĩnh và Nghệ An cùng lực lượng chủ lực Quân khu phối hợp với lực lượng của bạn tổ chức tiến công địch. Trận đánh diễn ra từ đêm 19 đến cuối ngày 20 tháng 12 năm 1972, ta và bạn chiếm được Sê Băng Phai và làm chủ vùng này trong nhiều ngày. Đây là trận đánh then chốt, kết thúc đạt hoạt động của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh giúp bạn trên hướng Đường số 12 tỉnh Khăm Muộn. Đầu tháng 1 năm 1973 các lực lượng chiến đấu của tỉnh Hà Tĩnh rời chiến trường nước bạn trở về nước. Các lực lượng vũ trang của bạn được bổ sung thêm để đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ và củng cố vùng mới giải phóng.


Hoạt động của lực lượng quân tình nguyện tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An cùng các đơn vị vũ trang Quân khu 4 trong Chiến dịch 972 giành được nhiều thắng lợi, là sự thể hiện nỗ lực rất lớn của quân - dân Quân khu 4 nói chung, quân - dân Hà Tĩnh nói riêng trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trên chiến trường Trung Lào năm 1972. Trong Chiến dịch 972, lực lượng vũ trang Quân khu 4 hoạt động ở cả 3 hướng (Đường số 7, Đường số 8 và Đường số 12) đã đánh 280 trận lớn nhỏ, trong đó các lực lượng vũ trang Hà Tĩnh phối hợp bạn đánh 23 trận, diệt và bắt 300 tên địch, gọi hàng 350 tên. Với chiến dịch này, liên quân Việt - Lào trên chiến trường này đã thu hút và giam chân một lực lượng quan trọng quân ngụy Lào, vừa buộc chúng phải điều về Thà Khẹt và vùng lân cận một lực lượng quân sự thường xuyên từ 8 đến 12 tiểu đoàn quân phái hữu, tạo điều kiện cho các chiến trường khác trên địa bàn nước Lào giành thắng lợi, đặc biệt là chiến trường Thượng Lào trong năm 1972.


Vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, quân và dân Hà Tĩnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào trong năm 1972, đập tan âm mưu gây bạo loạn của địch, góp phần tạo thế mạnh cho cách mạng Lào trên bàn đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào vào ngày 21 tháng 2 năm 1973.


Không chỉ riêng năm 1972 mà trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), cũng như trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh luôn giữ trọn tình cảm quốc tế trong sáng, thủy chung với bạn Lào. Liên minh chiến đấu, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào mãi mãi là tài sản vô giá đang được Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy, vun đẳp. góp phần đưa quan hệ hữu nghị đặc biệt vĩ đại, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước, hai Quân đội và nhân dân hai nước cũng như nhân dân Hà Tĩnh và nhân dân tỉnh Khăm Muộn phát triển lên một tầm cao mới.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #63 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2023, 04:39:20 pm »

BẢO ĐẢM THÔNG TIN LIÊN LẠC TRONG CHIẾN DỊCH PHÒNG NGỰ CÁNH ĐỒNG CHUM - XIÊNG KHOẢNG


Thiếu tướng KHÚC ĐĂNG TUẤN
Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc


Mùa khô năm 1971 - 1972, sau chiến dịch tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum - Mường Sủi và tiến sâu vào Sảm Thông - Loong Chẹng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương hai nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Chỉ huy Tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào, bộ đội tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Lào chủ động tổ chức chiến dịch phòng ngự trên địa bàn Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, nhằm đánh bại cuộc tiến công lấn chiếm của địch mùa mưa năm 1972, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, giữ thế chiến lược của ta ở Bắc Lào và bảo vệ sườn phải cho 2 chiến dịch tiến công Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên.


Về địch, sau khi rút khỏi Cánh Đồng Chum, từ giữa tháng 4 năm 1972, địch gấp rút tăng cường lực lượng ở Quân khu 2 nhằm thay phiên các binh đoàn của lực lượng đặc biệt Vàng Pao rút đi củng cố. Đến ngày 20 tháng 5 năm 1972, địch ở Quân khu 2 có 8 binh đoàn cơ động (GM) từ GM 21 đến GM 28, 9 tiểu đoàn đặc biệt (BS), 4 tiểu đoàn phái hữu, 1 tiểu đoàn pháo binh; 18 tiểu đoàn bộ binh và 2 tiểu đoàn pháo binh quân Thái Lan. Lực lượng ở nơi khác điều đến Quân khu 2 có: GM 10B của Quân khu 1, GM 30 của Quân khu 3,2 lữ đoàn bộ binh (11, 13) thuộc Sư đoàn 1, 3 tiểu đoàn pháo binh, 2 phi đội máy bay T-28. Các lực lượng trên hình thành 4 khu vực xung quanh Cánh Đồng Chum: Sảm Thông - Loong Chẹng, Buôm Loọng, Tôm Tiêng - Pha Đông và Xa La Phu Khun1 (Dẫn theo: Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 593).


Đầu thảng 4 năm 1972, Quân ủy Trung ương chính thức xác định nhiệm vụ tổ chức phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Lực lượng quân tình nguyện tham gia chiến dịch có 2 trung đoàn 174 và 148 thuộc Sư đoàn 316; 2 trung đoàn bộ binh độc lập 866, 335 và Trung đoàn 88 Sư đoàn 308C (từ tháng 10 năm 1972); 2 tiểu đoàn đặc công 41 và 27; Tiểu đoàn Pháo binh 42; 2 tiểu đoàn phòng không 37mm, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 14,5mm, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm; 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh (15, 25), có trang bị một số máy húc; Tiểu đoàn Trinh sát 31 và Tiểu đoàn Thông tin 26. Lực lượng của bạn Lào có 7 tiểu đoàn chủ lực; 1 đại đội xe tăng; 1 đại đội pháo xe kéo; 1 đại đội pháo mang vác; 2 đại đội súng máy phòng không; 1 đại đội công binh, 4 đại đội bộ đội địa phương và dân quân, du kích.


Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng diễn ra theo 4 đợt từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 15 tháng 11 năm 1972, ta đã giành thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 6.000 tên địch, đánh thiệt hại nặng 3 GM (21, 23, 26), 3 tiểu đoàn quân Thái Lan, đánh thiệt hại 5 GM khác, bắn rơi 38 máy bay, thu 859 súng các loại, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum, giữ được thế liên hoàn vững chắc giữa các vùng căn cứ địa cách mạng của bạn và phối hợp hiệu quả với các hoạt động khác trên chiến trường ba nước Đông Dương.


Đối với thông tin liên lạc, đây là lần đầu tiên bộ đội Thông tin liên lạc tiến hành tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu phòng ngự ở quy mô chiến dịch, trong điều kiện địa hình rừng núi phức tạp, xen kẽ rừng rậm núi cao với những lòng chảo rộng, bằng phẳng; mạng đường sá kém phát triển, mùa mưa ngập lụt, cơ động khỏ khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thông tin liên lạc. Tuy nhiên, bằng tinh thần chủ động, mưu trí, dũng cảm, đoàn kết, bộ đội Thông tin liên lạc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ thành công của công tác thông tin liên lạc trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu về nghệ thuật bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến dịch phòng ngự sau đây:

Thứ nhất, chủ động nắm vững tình hình, đặc biệt là kế hoạch tác chiến chiến dịch; khẩn trương chuẩn bị mọi mặt; tổ chức triển khai bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời, vững chắc

Mục tiêu của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là phải giữ vững các khu vực, các mục tiêu quan trọng thuộc vùng giải phóng của bạn. Vì vậy tư tưởng chỉ đạo của thông tin chiến dịch là tích cực chủ động nắm vững tình hình, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, triển khai thông tin liên lạc kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ huy liên tục, vững chắc. Trước đó, vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1972, khi chiến dịch tiến công mùa khô còn đang tiếp diễn ở giai đoạn cuối, Chủ nhiệm và Cơ quan Thông tin chiến dịch chủ động tìm hiểu nắm được ý định của trên sẽ tổ chức Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng vào đầu mùa mưa năm 1972. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị, Cơ quan Thông tin chiến dịch dự kiến ý định tổ chức thông tin liên lạc và tập trung chỉ đạo các lực lượng thông tin tham gia chiến dịch tiến hành triển khai một số việc cần làm ngay. Trước mắt điều chỉnh kế hoạch, chuyển hệ thống thông tin đang bảo đảm cho chiến dịch tiến công sang bảo đảm cho chiến dịch phòng ngự; xác định lại nhiệm vụ cho các đơn vị vai trò các phương tiện thông tin. Tiếp đến, điều chỉnh lại tổ chức biên chế, sáp nhập Tiểu đoàn Thông tin 16 (Sư đoàn 316) vào cơ quan và Tiểu đoàn Thông tin 26 thuộc mặt trận này, hình thành tổ chức biên chế mới của lực lượng thông tin chiến dịch, bao gồm: Cơ quan Thông tin chiến dịch, quân số 45 đồng chí. Tiểu đoàn Thông tin chiến dịch gồm lực lượng, phương tiện của Tiểu đoàn Thông tin 26 và lực lượng, phương tiện của Tiểu đoàn Thông tin 16 sáp nhập lại. Lấy Tiểu đoàn Thông tin 26 của mặt trận làm nòng cốt để tổ chức thành Tiểu đoàn thông tin chiến dịch phòng ngự, bao gồm 5 đại đội và 1 trung đội. Cuối tháng 4 năm 1972, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc cấp bổ sung cho Cơ quan Thông tin chiến dịch một số khí tài: 10 đầu máy tải ba TCT1-2, 1 tổng đài 40 số, 8 tổng đài 10 số, 50 máy điện thoại, 20km dây cáp, 100km dây bọc và một số khí tài khác để triển khai hệ thống thông tin hữu tuyến điện, bảo đảm cho chiến dịch phòng ngự. Tổng cộng biên chế, trang bị của Tiểu đoàn Thông tin chiến dịch gồm 601 đồng chí; trang bị 22 máy vô tuyến điện sóng ngắn (102E), 20 máy vô tuyến điện sóng ngắn (71 silic), 8 máy thu vô tuyến điện sóng ngắn (P-311), 4 máy vô tuyến điện sóng cực ngắn (702), 3 tổng đài 40 số, 4 tổng đài 20 số, 25 tổng đài 10 số, 34 bộ máy tải ba TCT1-2; 204km dây cáp, 344km dây bọc, 8 súng pháo hiệu, 2 xe ô tô quân bưu, 12 xe đạp, 2 con ngựa. Trong mỗi trung đoàn bộ binh (binh chủng) biên chế 1 đại đội thông tin; mỗi tiểu đoàn bộ binh (binh chủng) biên chế 1 trung đội thông tin; trang bị có thông tin hữu tuyến điện, thông tin vô tuyến điện, thông tin vận động để liên lạc với trên và chỉ huy các đơn vị cấp dưới. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc còn điều động 1 đại đội thuộc Trung đoàn 132 xây dựng một tuyến trục bằng cáp bọc cao su trong địa bàn chiến dịch và giao cho lực lượng thông tin Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng.


Giai đoạn chuẩn bị, thông tin liên lạc vừa bảo đảm cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy các đơn vị tác chiến ngăn chặn địch điều động Trung đoàn 174 vào làm nhiệm vụ phòng ngự ở khu trung gian thay phiên cho Trung đoàn 335 rút về làm lực lượng dự bị cơ động của chiến dịch, Trung đoàn 866 tổ chức củng cố trận địa phòng ngự ở khu trung tâm Cánh Đồng Chum và khu vực Noọng Pẹt; đồng thời phải hoàn thành khối lượng công việc chuẩn bị va triển khai hệ thống thông tin phục vụ chiến dịch.


Để chủ động xây dựng kế hoạch thông tin liên lạc chiến dịch phòng ngự, ngày 16 tháng 4 năm 1972, Chủ nhiệm Thông tin chiến dịch cử Trợ lý Thông tin hữu tuyến điện đi cùng đoàn cán bộ binh chủng hợp thành, do đồng chí Tham mưu trường Chiến dịch chỉ huy, đê nghiên cứu thực địa khu vực phòng ngự. Đầu tháng 5 năm 1972, kế hoạch thông tin liên lạc được xây dựng với nhiều phương án, dự kiến được nhiều tình huống phù hợp với quyết tâm tác chiến chiến dịch. Các văn kiện, tài liệu, quy ước tên sóng, mật ngữ, tín hiệu liên lạc vô tuyến điện và các quy định liên lạc được chuẩn bị chu đáo. Cơ quan Thông tin chiến dịch chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh xong hệ thống thông tin từ chiến dịch tiến công sang hệ thống thông tin chiến dịch phòng ngự. Tiểu đoàn Thông tin chiến dịch điều chỉnh đặt thêm 5 trạm cơ vụ, triển khai 65km dây cáp, 170km dây bọc, sửa chữa 85 máy thông tin các loại; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho 175 lượt cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội, trợ lý tiểu đoàn và đài trưởng vô tuyến điện. Các lực lượng thông tin tham gia chiến dịch được quán triệt nhiệm vụ, quyết tâm bảo đảm thông tin liên lạc, huấn luyện bổ sung về kỹ thuật đấu nối dây cáp, rải dây, chôn dây qua đường, mắc dây qua sông và kỹ thuật triển khai anten giữ vững liên lạc vô tuyến điện khi đặt máy liên lạc trong hầm bê tông kiên cố; đồng thời tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đi nghiên cứu thực địa, nắm vững các tuyến triển khai mắc đường dây mới. Cơ quan Thông tin chiến địch tổ chức thêm 2 kho trung chuyển kết hợp với trạm sửa chữa thông tin chiến dịch ở khu vực ngã ba Noọng Pẹt và Khang Khay, kịp thời cấp phát bổ sung vật chất khí tài, sửa chữa phương tiện thông tin cho các đơn vị trên từng khu vực chiến đấu.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #64 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2023, 04:41:05 pm »

Thứ hai, tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện thông tin liên lạc hợp lý; phát huy hiệu quả vai trò tác dụng của các phương tiện thông tin, nhất là thông tin hữu tuyến điện, thông tin vô tuyến điện để đáp ứng yêu cầu chỉ huy trong tác chiến phòng ngự


Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trên đất bạn, trong điều kiện chiến tranh nhân dân của Lào chưa phát triển. Lực lượng chủ yếu gồm bộ đội chủ lực của ta và lực lượng vũ trang của bạn. Lực lượng thông tin trên địa bàn chiến dịch gồm: Lực lượng thông tin vô tuyến điện tiếp sức, thông tin hữu tuyến điện đường dài của Bộ, lực lượng thông tin của bạn và lực lượng thông tin chiến dịch. Tiểu đoàn Thông tin 26 của chiến dịch được tổ chức thành 2 bộ phận, một bộ phận bảo đảm cho tác chiến phòng ngự tại chỗ, một bộ phận bảo đảm cho tác chiến cơ động tiến công đánh các trận phản kích và phản đột kích chiến dịch.


Cơ quan Thông tin chiến dịch sử dụng 1 đại đội thông tin vô tuyến điện, 2 đại đội thông tin hữu tuyến điện, 2 trung đội thông tin vận động bảo đảm thông tin liên lạc cho các đơn vị làm nhiệm vụ phòng ngự (chiếm tỷ lệ 52%). Sử dụng 1 đại đội thông tin vô tuyến điện, 1 đại đội thông tin hữu tuyến điện tăng cường, 1 tiêu đội thông tin vận động bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ tác chiến cơ động (chiếm tỷ lệ 48%).


Trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, thông tin hữu tuyến điện là phương tiện thông tin cơ bản, giữ vai trò chủ yếu bảo đảm chỉ huy trong suốt chiến dịch. Ngay từ khi tổ chức triển khai, thông tin hữu tuyến điện được hình thành các tuyến đường trục và đường nhánh. Đường trục dọc chính xuất phát từ Sở Chỉ huy cơ bản chiến dịch ở Phu Nhu đến các vị trí dự kiến đặt Sở Chỉ huy phía trước để chỉ huy các trận phản đột kích, đến khu vực phòng ngự chủ yếu ở trung tâm Cánh Đồng Chum, đến khu vực phòng ngự phía trước ở khu trung gian và nối liền với hệ thống đường trục thông tin hữu tuyến điện của Bộ. Ngoài ra còn tổ chức đường trục ngang, đường liên lạc nhánh đốn khu vực phòng ngự thứ yếu Noọng Pẹt và khu vực tác chiến phối hợp ở Mường Sủi, thị xã Xiêng Khoảng, tạo thành hệ thống thông tin liên hoàn, vu hồi vững chắc trên toàn địa bàn chiến dịch.


Trên đường trục và đường nhánh đi các hướng, ta tổ chức 9 trạm cơ vụ, 25 trạm bảo vệ dây, lắp đặt 22 bộ máy tải ba TCT1-2 và 12 tổng đài điện thoại từ 10 - 20 số để tiếp chuyển liên lạc, sẵn sàng triển khai đường dây bảo đảm cho các đơn vị cơ động tác chiến trên 5 khu vực phòng ngự. Các đường dây cáp, dây bọc rải qua các đường quốc lộ đường mòn, các khu vực trọng điểm địch thường xuyên đánh phá, các bãi cỏ tranh và nơi địa hình trống trải đều được tổ chức ghim sát mặt đất hoặc chôn sâu từ 20 - 30cm và ngụy trang kín đáo nên giữ được bí mật, hạn chế được địch phá hoại, bảo đảm liên lạc thông suốt vững chắc. Đường dây cáp chôn dài nhất là từ Trạm cơ vụ A500 qua Phu Tâng, Phu Tôn đến A600 và từ Sở Chỉ huy cơ bản chiến dịch đến A500B, A400 vượt Quốc lộ 7 đến Trạm U1 bảo đảm cho bạn Lào dài 18,5km.


Trong các giai đoạn tổ chức chuẩn bị, giai đoạn đánh địch tiến công vào trận địa và phản kích, phản đột kích tiêu diệt quân địch khôi phục trận địa, thông tin hữu tuyến điện thực sự phát huy được vai trò là phương tiện bảo đảm cho Bộ Tư lệnh và cơ quan chiến dịch thường xuyên nắm vững tình hình, chỉ huy trực tiếp đến các lực lượng phòng ngự, lực lượng cơ động tiến công, các đơn vị hỏa lực, các đơn vị bảo đảm chiến đấu và chỉ huy vượt cấp đến các tiểu đoàn, các điểm chốt quan trọng trên địa bàn chiến dịch. Điển hình là bảo đảm thông tin liên lạc cho các trận đánh: Trận phản kích ngày 13 tháng 7 của Trung đoàn 174, đánh bại các đợt tiến còng quy mô lớn của địch vào khu vực phòng ngự trung gian; trận phản đột kích ngày 30 đến ngày 31 tháng 8 của Trung đoàn 335 phối hợp với Trung đoàn 866 và 2 tiểu đoàn của bạn Lào tiêu diệt GM 21, GM 26 của địch tại Điểm cao 1098; trận phản đột kích ngày 12 và ngày 26 tháng 10 của các trung đoàn 148, 335, 866 tiêu diệt quân địch ở cánh đồng Căng Xẻng, khu vực Cha Ho và Bản Phồn phía Nam Cánh Đồng Chum. Các trận đánh trên, thông tin hữu tuyến điện tổ chức liên lạc chặt chẽ, giữ được bí mật, khắc phục khó khăn do bom đạn địch gây ra, bảo đảm cho chỉ huy các trận đánh giành thắng lợi.


Khi chiến dịch diễn ra, tổng đài ở Sở Chỉ huy cơ bản đã tiếp chuyển 201.600 cuộc đàm thoại; lực lượng thông tin hữu tuyến điện khôi phục và sửa chữa 1.235 lần đường dây bị máy bay, pháo binh địch bắn phá; thời gian khôi phục nhanh nhất là 12 phút, thời gian khôi phục chậm nhất là 4 giờ 25 phút. Hỗ trợ thông tin vô tuyến điện chuyển nhận 895 bức điện tối khẩn và thượng khẩn.


Thông tin vô tuyến điện trong chiến dịch được xác định sử dụng để bảo đảm chỉ huy chủ yếu khi có lệnh nổ súng đánh địch tién công vào trận địa phòng ngự, khi các lực lượng cơ động của chiến dịch thực hành các trận phản kích, phản đột kích và các tình huống khi mất liên lạc hữu tuyến điện, những đơn vị không có điều kiện tổ chức thông tin hữu tuyến điện, những đơn vị truy kích địch rút chạy. Vì vậy, ngay từ khi xây dựng kế hoạch thông tin liên lạc, phương án tổ chức thông tin vô tuyến điện của chiến dịch được nghiên cửu bố trí đối tượng theo mạng, hướng liên lạc phù hợp với quyết tâm sử dụng lực lượng của Tư lệnh Chiến dịch trong từng giai đoạn. Do đó đáp ứng được yêu cầu ổn định, cơ động cao, ít bị xáo trộn, bảo đảm liên lạc vững chắc, giữ được bí mật. Để bảo đảm sự thống nhất về chỉ đạo, chỉ huy và kịp thời giải quyết các tình huống chiến đấu, thông tin vô tuyến điện được điều chỉnh lại các liên lạc mạng và liên lạc hướng từ chiến dịch tiến công chuyển sang bảo đảm cho chiến dịch phòng ngự. Tổ chức liên lạc vượt cấp đến tất cả các tiểu đoàn bộ binh trên các hướng các khu vực phòng ngự. Tổ chức đài canh 24/24 giờ, đài phát điện chung vào các đầu giờ, tổ chức đài kiểm soát vô tuyến điện kiểm tra việc chấp hành kỳ luật thông tin vô tuyến điện. Tài liệu quy ước chuẩn bị cho mỗi đài vô tuyến điện có chính thức và dự bị. Đặc biệt, chiến dịch coi trọng sử dụng các tín hiệu liên lạc ngắn gọn, vừa bảo đảm được liên lạc nhanh, hạn chế được địch theo dõi phá hoại, nên giữ được bí mật, kịp thời xử trí tình huống khẩn cấp. Trận đánh đêm 26 tháng 10, có 200 tên địch tràn vào Sở Chỉ huy phía trước chiến dịch ở Đông Bản Phồn, chiến sĩ thông tin vô tuyến điện chủ động gọi canh về Sở Chỉ huy cơ bản chiến dịch, nối thông liên lạc và sử dụng tín hiệu liên lạc báo cáo. Tư lệnh Chiến dịch kịp thời điều động lực lượng phối hợp với lực lượng ở Sở Chỉ huy phía trước tiêu diệt gần 200 tên địch.


Những thời điểm quan trọng, thông tin vô tuyến điện bảo đảm cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy kịp thời đến các trung đoàn phòng ngự, các trung đoàn cơ động tiến công, chỉ huy vượt cấp đến Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 148) phối hợp với Trung đoàn 174 phản kích đánh địch ở Phu Phaxay, Hin Đăm, Thẩm Lửng, đánh tan 13 điểm đứng chân của GM 30, GM 31 và 2 tiểu đoàn quân Thái Lan mở đầu thắng lợi đợt 1 chiến dịch; chỉ huy Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 335 phối hợp với Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 866 cùng với bạn Lào tổ chức 2 lần phản kích diệt 600 tên địch của GM 24 và GM 27 ngày 15 tháng 8 ở hướng Đông Bắc Cánh Đồng Chum; chỉ huy Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 335), Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 148) phối hợp chiến đấu tạo thế cho trận phản đột kích ngày 30 tháng 8 ở hướng Tây Bắc Cánh Đồng Chum giành thắng lợi to lớn.


Khi tình huống chiến đấu đang diễn ra khẩn trương, quyết liệt, đường dây hữu tuyến điện bị gián đoạn, thông tin vô tuyến điện kịp thời thay thế bảo đảm giữ vững liên lạc cho Tư lệnh và cơ quan chiến dịch chỉ huy chiến đấu. Trận phản kích đánh địch ở Phu Luông ngày 21 tháng 8 của Trung đoàn 148 ở hướng Đông Nam Cánh Đồng Chum trong đợt 2 chiến dịch; trận phản đột kích ngày 26 tháng 10 ở hướng Nam Cánh Đồng Chum, máy bay B-52 của địch ném bom rải thảm vào trận địa phòng ngự của ta, đường dây của chiến dịch đi Trung đoàn 148 bị đứt, mất liên lạc 1 giờ 25 phút, thông tin vô tuyến điện kịp thời sử dụng máy 15W đi với bộ phận cán bộ đốc chiến ở Trung đoàn 148 gọi về đài canh ở Sở Chỉ huy cơ bản chiến dịch đề nghị lên máy làm việc và chuyển nhận điện kịp thời; hoặc ngày 26 tháng 10, địch tiến công vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 335 và Sở Chỉ huy phía trước chiến dịch, chúng phát hiện và cắt phá toàn bộ đường dây hữu tuyến điện. Đài 15W và 2W ở Sở Chỉ huy phía trước chủ động gọi đài canh ờ Sở Chỉ huy cơ bản lên máy làm việc để chuyển nhận điện; tình huống được xử lý kịp thời, ta tiêu diệt được 200 tên địch. Trận phản đột kích ngày 30 tháng 8, qua mạng vô tuyến điện của đài quan sát pháo binh kịp thời báo cáo tình hình để Tư lệnh Chiến dịch quyết định lùi thời gian chuẩn bị hỏa lực, ra lệnh đồng loạt nổ súng tiến công đúng thời cơ tiêu diệt địch, giành thắng lợi. Trận đánh ngày 31 tháng 8, mạng thông tin vô tuyến điện của Chủ nhiệm Trinh sát báo cáo về Sở Chỉ huy cơ bản chiến dịch, phát hiện địch tổ chức vượt sông Nậm Ngừm, Tư lệnh Chiến dịch kịp thời điều động lực lượng đến bao vây, truy kích, diệt 120 tên địch, bắt 35 tên. Đạt 3 chiến dịch, ở hướng Đông Cánh Đồng Chum, qua máy vô tuyến điện, đài quan sát chiến dịch báo cáo về Sở Chỉ huy có tiểu đoàn biệt kích địch đổ bộ xuống Ta Li Nọi, Tư lệnh Chiến dịch nhanh chóng lệnh cho lực lượng công binh và vệ binh Sở Chỉ huy cơ bản đến bao vây, diệt một bộ phận, buộc địch phải rút chạy.


Thông tin vô tuyến điện thực sự phát huy vai trò, tác dụng trong tác chiến, đáp ứng được yêu cầu chỉ huy xử trí tình huống ở những thời điểm quan trọng của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Thông tin vô tuyến điện chuyển nhận hàng trăm nghìn bức điện, riêng cụm thông tin vô tuyến điện ở Sở Chỉ huy cơ bản nhận, chuyển 76.970 bức điện, có 26.215 bức điện tối khẩn, 28.141 bức điện thượng khẩn 22.614 bức điện khẩn và thường, 137 tín hiệu vô tuyến điện bảo đảm tỷ lệ liên lạc đạt 88,2%, tỷ lệ chính xác đạt 99,2%.


Bảo đảm thông tin trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống thông tin, vừa bảo đảm thông tin liên lạc chỉ huy vững chắc trong tác chiến phòng ngự tại chỗ, vừa bảo đảm thông tin liên lạc chỉ huy tác chiến cơ động phản kích và phản đột kích.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #65 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2023, 04:41:31 pm »

Thứ ba, quán triệt sâu sắc quan điêm liên minh chiến đấu Việt - Lào trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc chiến dịch

Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là thành công của sự phối hợp chiến đấu giữa Quân tình nguyện Việt Nam và bạn Lào, không những có ý nghĩa về quân sự mà còn có ý nghĩa về chính trị, góp phần củng cố thêm tình đoàn kết liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung. Chiến đấu trên đất bạn, điều kiện bảo đảm gặp nhiều khó khăn, Chủ nhiệm và Cơ quan Thông tin chiến dịch chủ động tìm hiểu tình hình, từ chủ trương, nhiệm vụ, khả năng, sở trường, khó khăn, thuận lợi của lực lượng thông tin bạn để có biện pháp hiệp đồng, phối hợp và giúp đỡ chi viện cho bạn với tinh thần phát huy sự nỗ lực chủ quan của bạn. Tư tưởng chỉ đạo của ta là “nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình”. Từ quan điểm đó, Cơ quan Thông tin chiến dịch cử cán bộ đặc trách đến giúp đỡ tại cơ quan thông tin của bạn. Hai bên thông báo tình hình cho nhau, họp bàn công tác chuẩn bị chiến trường, xây dựng kế hoạch thông tin liên lạc chiến dịch trong kế hoạch phòng thủ chung của bạn.


Quá trình chiến đấu, ta và bạn luôn hiệp đồng thống nhất kế hoạch, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhau. Các lực lượng thông tin của ta và lực lượng thông tin của bạn phối hợp chặt chẽ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ nhiều trận đánh giành thắng lợi. Trận phản kích ngày 15 tháng 8 của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 866, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 335) phối hợp với bạn chặn đứng cuộc tiến công của GM 24 và GM 27 ở khu vực Bản Lao, Phu Học ở Đông Bắc Cánh Đồng Chum. Trận phản kích ngày 7 và ngày 10 tháng 11 của Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 88), Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 866) đã cùng các lực lượng vũ trang của bạn đánh lui cuộc tiến công của GM 28, GM 24, GM 27 tiến công đánh chiếm Bản Ban, Quốc lộ 6, Bản Chò, Bản Buột, Phu Học ở Đông Bắc Cánh Đồng Chum. Đặc biệt, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng thông tin của bạn và ta bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy Trung đoàn 335 hiệp đồng với các tiểu đoàn 701, 702 của bạn đánh trận phản đột kích ngày 30 và ngày 31 tháng 8, tiêu diệt địch đổ bộ đường không bằng trực thăng xuống Điểm cao 1098 trên hướng Tây Bắc Cánh Đồng Chum, bẻ gãy hoàn toàn cánh quân chủ yếu, phá tan ý đồ đánh nhanh, đánh hiểm vào khu vực phòng ngự của ta, diệt 679 tên địch.


Trong quá trình tác chiến, khi thông tin bạn gặp khó khăn, Cơ quan Thông tin chiến dịch tạo mọi điều kiện giúp đỡ bạn khắc phục vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Trận phản đột kích ngày 30 và ngày 31 tháng 8, ta chi viện cho bạn 20km dây bọc, 8 máy điện thoại, 1 tổng đài 10 số và các linh kiện sửa chữa. Các trạm sửa chữa thông tin chiến dịch khôi phục giúp bạn 153 đầu máy thông tin, trong đó có 75 máy vô tuyến điện, 78 máy điện thoại. Ta cử 5 đoàn cán bộ và nhân viên kỹ thuật đến cơ quan và đơn vị thông tin của bạn giúp đỡ tổ chức xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ và khai thác các phương tiện thông tin. Bên cạnh nhiệm vụ giúp bạn tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chiến dịch, lực lượng thông tin của ta phục vụ chiến đấu trên đất bạn quán triệt và thực hiện tốt chính sách quốc tế, xây dựng được tinh thần đoàn kết liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, hai quân đội chấp hành nghiêm chính sách dân vận, kỷ luật quân đội và kỷ luật chiến trường; giữ vững được bản chất người quân nhân cách mạng “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.


Trải qua 179 ngày đêm tham gia chiến đấu liên tục và quyết liệt, lực lượng thông tin liên lạc dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và chủ động phối hợp, hiệp đồng với lực lượng thông tin liên lạc của bạn tổ chức bảo đảm thông tin cho chỉ huy đánh 244 trận lớn, nhỏ; trong đó có 1 trận quy mô tương đương cấp sư đoàn, 9 trận quy mô cấp trung đoàn và trung đoàn tăng cường. Đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của địch, giữ vững địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum, về thông tin liên lạc, ta thu được 125 máy thông tin các loại và nhiều phương tiện chiến tranh của địch.


Tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là thực tiễn quý báu, góp phần làm phong phú nghệ thuật tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc trong các loại hình chiến dịch ở Việt Nam; là cơ sở xây dựng, bổ sung lý luận về tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc trong tác chiến phòng ngự của Quân đội ta. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bộ đội Thông tin liên lạc ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống chiến đấu của thế hệ cha anh đi trước, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm bảo đảm thông tin liên lạc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào giáo dục, huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ, quyết tâm xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #66 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2023, 04:48:05 pm »

LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG TRONG CHIẾN DỊCH PHÒNG NGỰ CÁNH ĐỒNG CHUM - XIÊNG KHOẢNG


Trung tướng VŨ VĂN KHA
Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân


Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 2 năm 1972 đã xác định: Phải giành thắng lợi lớn, tạo nên so sánh lực lượng và cục diện mới có lợi cho ta, buộc địch phải chấm dứt chiến tranh năm 1972 theo điều kiện của ta, đồng thời có sự chuẩn bị mọi mặt để tiếp tục đánh mạnh hơn nữa vào mùa khô năm 1972 - 1973 nếu địch còn ngoan cố kéo dài chiến tranh. Quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Quân ủy Trung ương của ta và bạn thống nhất mở chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng ngay sau khi kết thúc Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Mường Sủi mùa khô 1971 - 1972 nhằm đánh bại kế hoạch lấn chiếm mùa mưa của quân phái hữu Lào và quân đội Thái Lan, bảo vệ vùng mới giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc Lào, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở chiến trường Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên.


Theo đó Bộ Tư lệnh Chiến dịch1 (Đại lá Vũ Lập làm Tư lệnh, Đại tá Lê Linh làm Chính ủy. Phía bạn Lào, đồng chí Xiphon Phalikhăn - Tư lệnh Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng làm Phó Tư lệnh Chiến dịch) nhanh chóng tổ chức lại thế trận từ tiến công sang phòng ngự hoàn chỉnh, vững chắc, có lực lượng ngăn chặn địch từ xa ở tuyến trung gian, có lực lượng phòng giữ các chốt, cụm chốt, hình thành thế trận phòng ngự liên hoàn vững chắc; đồng thời vận dụng cách đánh linh hoạt, phát huy tác chiến hiệp đồng binh chủng đánh bại hoàn toàn các cuộc tiến công quy mô lớn của địch.


Tham gia Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, lực lượng phòng không có trong biên chế của sư đoàn bộ binh tăng cường và 2 tiểu đoàn pháo phòng không của Trung đoàn Pháo phòng không 226 của mặt trận, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 14,5mm; 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm độc lập và 2 đại đội pháo phòng không 37mm của bạn, có nhiệm vụ kết hợp với các loại hỏa khí bộ binh hình thành mạng lưới phòng không đánh các loại máy bay tầm trung trở xuống, bảo vệ các chốt, các trận địa pháo binh, xe tăng và đường vận chuyển chính của chiến dịch từ Noọng Pẹt đến Bản Phồn; tập trung đánh các loại máy bay địch đổ quân trong khu vực đơn vị phụ trách; sẵn sàng sử dụng hỏa lực 12,7 và 14,5mm đánh vào đội hình tiến công của địch.


Ngoài lực lượng phòng không tăng cường trong đội hình của bộ binh, lực lượng cao xạ cơ động của chiến dịch sử dụng Tiểu đoàn Cao xạ 24 của Quân khu Tây Bắc cơ động vào tác chiến bảo vệ tuyến Đường số 7A từ cửa khẩu Việt - Lào đến Khang Khay. Lực lượng phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân có 2 tiểu đoàn cao xạ của Trung đoàn 216 bảo vệ hoạt động tác chiến chiến dịch ở khu trung tâm và khu trung gian. Tiểu đoàn 125 được trang bị 12 khẩu súng máy 14,5mm, triển khai bảo vệ Trung đoàn 866 ở khu vực trung tâm. Trung đoàn Pháo phòng không 128, được trang bị 8 khẩu pháo cao xạ 37mm và 4 khẩu súng máy 14,5mm, triển khai bảo vệ Trung đoàn Bộ binh 174 đánh địch ở khu trung gian. Trong quá trình tác chiến, lực lượng phòng không hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng của chiến dịch, chủ động đánh địch, tiêu diệt máy bay bảo vệ trận địa phòng ngự và các lực lượng của binh chủng hợp thành đánh địch hiệu quả trong các đợt chiến dịch, nhất là trong các trận then chốt chiến dịch.


Đợt 1 chiến dịch (21.5- 10.8.1972), địch sử dụng không quân đánh phá ác liệt các điểm cao trọng yếu và trục đường giao thông, sau đỏ tiến công vào khu trung gian, chiếm một số điểm tựa phía Tây các điểm cao 1800, 2063, Thẩm Lửng. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Chiến địch sử dụng Trung đoàn Pháo phòng không 128 hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 174 đánh trả quyết liệt các cuộc tiến công của địch, giữ vững trận địa. Trước sức tiến công mạnh mẽ của địch, một số vị trí phòng ngự của ta đã bị địch chiếm giữ. Để chi viện cho bộ binh đánh chiếm lại mục tiêu, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng Tiểu đoàn Súng máy phòng không 12,7mm của Trung đoàn 148 bí mật cơ động vào phối hợp với Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 174 phản kích trên hướng Phu Phaxay, đánh chiếm lại các điểm cao đã mất. Ta phản kích thắng lợi ở Phu Phaxay, đẩy lui cánh quân địch ở hướng Đông Nam về Tôm Tiêng, khôi phục lại trận địa ở Điểm cao 1800, đánh tan 6 tiểu đoàn (có 2 tiểu đoàn quân Thái Lan) ở Hin Đăm, Thẩm Lửng, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch ở Mường Sủi, đồng thời sử dụng đặc công, pháo binh tập kích địch ở Loong Chẹng. Thắng lợi này đã làm đảo lộn kế hoạch tiến công của địch, tạo điều kiện để ta tổ chức phòng ngự hoàn chỉnh ở khu vực trung tâm Cánh Đồng Chum và tiếp tục huấn luyện bổ sung, sẵn sàng đánh địch tiến công lớn.


Sau khi đánh lui địch ở hướng Phu Phaxay, ta và địch giành giật quyết liệt ở các khu vực Phu Phaxay, Hin Tặng, Thẩm Lửng. Địch sử dụng máy bay L-19 và OV-10 trinh sát phát hiện, chỉ điểm cho các máy bay T-28, AD-6, F-14 đánh phá vào đội hình của quân ta. Với sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, lực lượng phòng không đã phát huy hỏa lực đách địch trên không, chi viện kịp thời cho bộ binh trong quá trình tiến công tiêu diệt địch, bắn rơi 5 máy bay và bắt giặc lái bảo vệ cho Trung đoàn 148 và Trung đoàn 174 bẻ gãy các đợt tiến công của địch, bảo vệ cụm pháo binh chế áp vào khu vực Loong Chẹng - căn cứ của Vàng Pao gây thiệt hại lớn, buộc địch phải lui quân.


Đợt 2 chiến dịch (11.8 - 10.9.1972), thất bại khi đánh chiếm khu trung gian nhằm tạo bàn đạp tiến công vào trung tâm Cánh Đồng Chum, địch tiếp tục giành giật với ta ở khu trung gian đồng thời sử dụng 4-6 binh đoàn cơ động, có sự hỗ trợ của máy bay trực thăng tiến công Cánh Đồng Chum từ 3 hướng nhằm phân tán sự đối phó của ta. Nắm chắc và phân tích chính xác tình hình địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã sử dụng hợp lý các đơn vị binh chủng chi viện cho bộ binh. Trên hướng Tây, Tiểu đoàn Súng máy phòng không 125 Trung đoàn 216 kết hợp chặt chẽ giữa bộ binh, pháo binh đánh địch bảo vệ Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 866 giữ vững trận địa phòng ngự, buộc địch phải rút về Bản Khổng. Trên hướng Đông Nam, Bộ Tư lệnh Chiến dịch triển khai Tiểu đoàn 125 Súng máy phòng không 12,7mm và Trung đoàn Pháo phòng không 128 chốt giữ khu vực trung tâm, hiệp đồng chặt chẽ với các trung đoàn bộ binh 174, 148 bắn rơi 5 máy bay địch bắt giặc lái, bẻ gãy các đợt tiến công của địch, bảo vệ cụm pháo binh chế áp vào khu vực Loong Chẹng, buộc địch phải rút lui. Trên hướng Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương tiếp tục sử dụng lực lượng phòng không có trong biên chế của các đơn vị bộ binh, chủ động làm tốt công tác củng cố xây dựng trận địa, ngụy trang giữ vững bí mật, sẵn sàng cơ động lực lượng, phối hợp với Trung đoàn 866 tiến hành phản kích trên hướng Tây Bắc, tiêu diệt 2 binh đoàn cơ động mạnh nhất của địch (GM 21 và GM 26).


Ngày 30 tháng 8 năm 1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng lực lượng phòng không của Sư đoàn Bộ binh 316 và cụm pháo binh chiến dịch tiến công dồn dập vào khu vực địch chiếm đóng, sau đó phối hợp với Trung đoàn Bộ binh 335 tiến công trên hướng chủ yếu, đánh chiếm khu vực Khang Mường. Địch hoảng loại rút chạy qua cầu sắt Nậm Ngừm và co cụm ở Bản Xăng. Lực lượng pháo binh chiến dịch cùng với Tiểu đoàn Súng máy phòng không 125 đánh địch quyết liệt, khống chế không cho địch bốc quân rút chạy, tạo điều kiện cho 2 trung đội xe tăng cơ động tăng cường bao vây tiêu diệt địch. Đến ngày 10 tháng 9, đợt 2 của chiến dịch kết thúc thắng lợi, ta đã đánh bại 2 binh đoàn cơ động mạnh nhất của địch trên hướng tiến công chủ yếu.


Đợt 3 chiến dịch (11 - 30.9.1972), địch sử dụng không quân đánh chặn các mũi tiến công của ta. Theo kế hoạch hiệp đồng, Tiểu đoàn Súng máy phòng không 125 phối hợp với các đơn vị bộ binh tiêu diệt 3 máy bay địch bảo vệ cho lực lượng của ta tiến công trên các hướng. Trước sức tiến công của ta, địch buộc phải co cụm ở Nậm Pít. Trên các hướng phối hợp, thực hiện kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, Tiểu đoàn Cao xạ 24 của Quân khu Tây Bắc bí mật cơ động hiệp đồng chiến đấu cùng với các trung đoàn 148 và 866 đánh địch ở Phu Luông, buộc địch phải co cụm, một số bỏ chạy về Noọng Pẹt. Các lực lượng của ta chuyển sang hướng truy kích địch rút chạy.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #67 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2023, 04:48:46 pm »

Đợt 4 chiến dịch (1.10 - 15.11.1972), sau khi tiến công trực tiếp vào Cánh Đồng Chum không đạt kết quả, lại bị thiệt hại nặng nề, thời gian mùa mưa sắp kết thúc nên địch dồn sức tiến công nhằm chiếm một phần địa bàn phía Nam Cánh Đồng Chum, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán giữa 2 bên ở Lào vào ngày 15 tháng 10 năm 1972 như đã thỏa thuận.


Phát huy thế chủ động, Bộ Tư lệnh Chiến dịch tập trung lực lượng đánh trận then chốt chiến dịch, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của địch ra Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Để đánh bại đợt tiến công thứ 4 của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 335 và Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 148 cơ động, phối hợp với Trung đoàn 174 phòng ngự giữ vững khu vực đánh chặn, tạo thế cho trận then chốt quyết định. Trung đoàn Pháo phòng không 128 trang bị 8 khẩu pháo cao xạ 37mm và 4 khẩu súng máy 14,5mm, bố trí các trận địa khu vực trung tâm hiệp đồng tác chiến với các đơn vị binh chủng hơp thành chủ động linh hoạt đánh địch, bắn rơi 3 máy bay, chi viện có hiệu quả cho các đơn vị bộ binh đánh địch.


Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận định, căn cứ Buôm Loọng là mục tiêu quan trọng của địch nằm ở độ cao 1.800m, cách Xiêng Khoảng 30km về phía Đông Bắc. Địa hình hiểm trở, địch tổ chức phòng thủ chặt chẽ, bộ binh ta rất khó tiến công. Ngày 9 tháng 10 nam 1972, theo chỉ thị của Bộ và yêu cầu của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, Binh chủng Không quân đã sử dụng 2 máy bay IL-28 thuộc Trang đoàn Không quân 929, đúng 17 giờ 17 phút ngày 9 tháng 10 năm 1972 xuất phát từ Nội Bài, bí mật tập kích vào căn cứ Buôm Loọng. Cuộc tập kích này đã tiêu diệt và làm bị thương 300 tên đánh trúng Sở Chỉ huy địch, phá hủy 79 căn nhà, 1 kho xăng, dầu 1 kho đạn. Trận đánh thắng lợi giòn giã. Không quân ta đã chọn đúng mục tiêu, thời cơ và cách đánh. Hai tổ bay đã thực hiện xuất săc các yêu cầu của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, ném bom chính xác gây thiệt hại nặng cho địch, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.


Sau hơn 5 tháng tiến công lớn ra Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, địch đã hoàn toàn thất bại. Ta và bạn đã đánh với 244 trận đánh, loại khỏi chiến đấu 5.759 tên địch, đánh thiệt hại nặng 3 GM, 3 tiểu đoàn quân Thái Lan và đánh thiệt hại 5 GM khác, bắn rơi 38 máy bay địch, thu 869 súng các loại. Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum Xiêng - Khoảng trước hết do chủ trương chiến lược đúng đắn, kịp thời táo bạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào; sự chỉ đạo chủ động, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, cùng với sự cô gắng của liên quân Việt Nam - Lào trong suốt quá trình chiến dịch. Trong đó, lực lượng phòng không của chiến dịch và phòng không, không quân của Quân chủng Phòng không - Không quân đã góp phần quan trọng vào sự thắng lợi chung của chiến dịch.


Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao. Lần đầu tiên, bộ đội ta tiến hành phòng ngự quy mô cấp chiến dịch giành thắng lợi, có sự hiệp đồng tác chiến của lực lượng phòng không, không quân trong binh chủng hợp thành, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng của bạn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực, phương tiện địch. Thặng lợi của chiến dịch đánh dấu bước phát triển nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào, góp phần làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn dài ngày của địch.


Từ thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, có thể rút ra những kinh nghiệm trong tác chiến chiến dịch là:

Thứ nhất, bố trí sử dụng lực lượng phòng không chiến dịch hợp lý, trên cơ sở căn cứ vào cách đánh, nhiệm vụ và yêu cầu của từng loại hình chiến dịch

Nhờ sử dụng lực lượng hợp lý, bố trí đội hình thích hợp nên ta đã liên tiếp giành nhiều thắng lợi, vừa tiêu diệt máy bay địch, vừa tích cực yểm hộ, chi viện cho bộ binh đánh địch. Điển hình là trận đánh ngày 27 tháng 5, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng lực lượng súng máy phòng không 12,7mm của Sư đoàn 316 và Trung đoàn Pháo phòng không 128, được trang bị 8 khẩu pháo cao xạ 37mm và 1 tiểu đoàn súng máy 14,5mm bố trí ở chốt Phu Phaxay, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ binh tiêu diệt nhiều địch, bắn rơi 1 máy bay T-28 và tiếp đó bắn rơi 2 trực thăng đến cứu giặc lái. Đây chính là bài học thành công về nghệ thuật tổ chức lực lượng phòng không. Các phân đội phòng không của ta đã khống chế được hỏa lực đường không của địch, góp phần hãm địch vào tỉnh thể nguy khốn.


Thứ hai, tạo lập thế trận phòng không, chuyển hóa linh hoạt đội hình chiến đấu, cơ động lực lượng bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành trên các hướng, nhất là các lực lượng khi tổ chức đánh trận then chốt trên hướng chủ yếu của chiến dịch

Cùng với chiến thắng chung của các đơn vị bộ binh trong trận then chốt, lực lượng phòng không cùng với các lực lượng tham gia chiến dịch đã vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuạt, liên tục cơ động bám sát bảo vệ đội hình của binh chủng hợp thành trên các hướng, bảo vệ cụm chốt, trận địa pháo binh. Ngày 30 tháng 8, ta thực hiện trận đánh then chốt chiến dịch trên hướng chủ yếu. Lực lượng phòng không Tiểu đoàn Súng máy phòng không 125 đã phối hợp chặt chẽ với pháo binh chiến dịch đánh địch quyết liệt khống chế không cho địch bốc quân rút chạy, tạo điều kiện cho 2 trung đội xe tăng của ta bao vây tiêu diệt địch.


Thứ ba, phát huy khả năng của vũ khí trang bị hiện có của lực lượng phòng không trong chiến dịch, nhất là trung đoàn cao xạ hỗn hợp để vừa đánh địch trên không, vừa đánh địch mặt đất hiệu quả

Lực lượng phòng không trong đội hình chiến đấu của bộ binh là một thành phần hỏa lực phòng không quan trọng, vừa trực tiếp đánh máy bay trên không bảo vệ trận địa, vừa tham gia đánh địch mặt đất có hiệu quả. Ngày 26 tháng 9, ta tổ chức trận đánh then chốt, phản kích quy mô lớn trên nhiều hướng; lực lượng phòng không phối hợp với hỏa khí bộ binh tạo thành mạng lưới phòng không đánh trả địch quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay, bảo vệ cho lực lượng của ta tiến công trên các hướng.


Thứ tư, phối hợp hiệp đồng tác chiến với lực lượng phòng không, không quân của Quân chủng Phòng không - Không quân trên địa bàn chiến dịch, khu vực tác chiến để bảo vệ đội hình của binh chúng hợp thành, tạo sức mạnh tổng hợp đánh địch trên không rộng khắp, dài ngày

Trong trận đánh ngày 9 tháng 10 năm 1972, khi địch co cụm tại căn cứ Buôm Loọng, Quân chủng Phòng không - Không quân đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bộ Tổng Tham mưu giao: Sử dụng biên đội máy bay ném bom IL-28 thuộc Trung đoàn Không quân 929 bí mật tập kịch Buôm Loọng giành thắng lợi lớn, tiêu diệt và làm bị thương nhiều quân địch, phá hủy Sở Chỉ huy, kho xăng, dầu của địch.


Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra) sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao, mức độ ác liệt cao hơn nhiều so với những cuộc chiến tranh trước đây. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, lực lượng phòng không nói riêng và Quân chủng Phòng không - Không quân nói chung, phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình mọi mặt thật khách quan, khoa học, qua đó thấy rõ những yếu tố tác động chi phối, xác định yêu càu, giải pháp và những yêu cầu phát triển của tác chiến phòng không nói chung, tác chiến phòng không bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành nói riêng trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung chủ yếu trong xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân, thống nhất trong thế trận quốc phòng nói chung từ thời bình, thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch rộng khắp. Cùng với đó, từng bước nghiên cứu cải tiến và mua sắm trang bị, nâng cao khả năng chiến đấu cho lực lượng phòng không, nhất là khả năng trinh sát ban đêm, khả năng cơ động, thông tin bảo đảm cho chỉ huy, thông báo, báo động cũng như trang bị vũ khí phương tiện "giả" bảo đảm cho ngụy trang, nghi binh hiệu quả. Thường xuyên tổ chức thực hiện tốt công tác huấn luyện, khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị, tăng cường huấn luyện diễn tập, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với các lực lượng trong các loại hình tác chiến, khu vực phòng thủ; huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, phòng tránh, bảo toàn lực lượng trước sự chế áp của các loại vũ khí công nghệ cao; huấn luyện nâng cạo khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm quý báu trong chiến tranh giải phóng trước đây, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung nghệ thuật tác chiến phòng không nói riêng, vận dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc bầu trời, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong điều kiện mới.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #68 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2023, 04:50:46 pm »

QUÂN VÀ DÂN QUÂN KHU 5 "CHIA LỬA" VỚI CHIẾN TRƯỜNG LÀO TRONG MÙA MƯA 1972


Thiếu tướng CAO PHI HÙNG
Phó Tư lệnh Quân khu 5


Quân khu 5 có Tây Nguyên hùng vĩ và đồng bằng ven biển, có đường biên giới chung với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Đặc biệt, từ Tây Nguyên có thể khống chế hầu như toàn bộ các khu vực xung quanh, cơ động vào Nam ra Bắc, sang phía Tây và xuống các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung ở phía Đông đều thuận lợi. Tây Nguyên có thế đứng vô cùng lợi hại cả trong phòng thủ và tiến công. Xuất phát từ vị trí địa chiến lược, tình hình chiến trường Quân khu 5 có tác động mạnh mẽ đến chiến trường miền Nam nói riêng và chiến trường ba nước Đông Dương nói chung. Khi địch lợi dụng mùa mưa để đẩy mạnh các cuộc hành quân đánh phá tuyến hành lang chiến lược 559 của ta, đẩy mạnh chiến lược "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" ở Lào trong mùa mưa 1972, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Quân khu Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mở chiến dịch phòng ngự tại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (21.5 -11.11.1972), thì quân và dân Quân khu 5, Mặt trận Tây Nguyên (B3) đẩy mạnh tiến công "chia lửa", tập trung mở rộng vùng giải phóng ở Tây Kon Tum, Tây Gia Lai bảo vệ tuyến hành lang ở khu vực ngã ba biên giới, đồng thời đánh mạnh trên khắp đồng bằng ven biển Khu 5.


Đến đầu năm 1972, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch - ta trên chiến trường Đông Dương, Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ: "Đánh bại học thuyết Níchxơn trên toàn Đông Dương tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện ở chiến trường miền Nam và trên cả bán đảo Đông Dương..."1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 33 (1972), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 36). Quán triệt và triển khai nhiệm vụ chiến lược đề ra, trên chiến trường miền Nam Việt Nam, ta quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, với 3 hướng tiến công: Đông Nam Bộ, Trị - Thiên và Tây Nguyên. Đặc biệt, để phối hợp tác chiến, bảo vệ "sườn phải" cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và Chiến dịch Trị - Thiên đầu tháng 4 năm 1972, trên chiến trường Lào, Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào thống nhất mở Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng2 (Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng có vị trí địa chiến lược quan trọng, trở thành nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch, theo quy luật: Mùa khô ta tiến công và giành quyền kiểm soát; mùa mưa địch nống lấn và giành quyền kiểm soát) mùa mưa 1972 nhằm giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng của bạn.


Sau khi ta và bạn nhất trí mở chiến dịch phòng ngự, các đơn vị Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam trên chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng tích cực phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân bạn tổ chức tốt công tác chuẩn bị, tổ chức thế trận phòng ngự theo kế hoạch. Địa bàn phòng ngự được tổ chức tại khu tứ giác Mường Sủi - Noọng Pẹt - thị xã Xiêng Khoảng - Thẩm Lửng (dài 60km, rộng 50km), chia thành 5 khu vực: Khu trung tâm (Cánh Đồng Chum), khu trung gian (Hin Tặng), khu thứ yếu (Noọng Pẹt) và 2 khu tác chiến phối hợp (Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng); mỗi khu vực có một số cụm chốt. Lực lượng tham gia chiến dịch: về phía Việt Nam, gồm có 5 trung đoàn bộ binh (174, 148, 866, 335 và 883 (Được Bộ tăng cường cho chiến dịch từ tháng 10 năm 1972)), 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo và súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh; phía Lào, gồm có 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội địa phương. Lực lượng địch lúc cao điểm nhất bao gồm 76 tiểu đoàn bộ binh (trong đó có 18 tiểu đoàn bộ binh Thái Lan), 3 tiểu đoàn pháo binh, nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, được không quân Mỹ chi viện, hình thành 4 khu vực xung quanh Cánh Đồng Chum là Sảm Thông - Loong Chẹng, Buôm Loọng, Tôm Tiêng - Pha Đông và Sa La Phu Khun.


Ngày 21 tháng 5 năm 1972, địch dùng không quân đánh phá dữ dội các điểm cao trọng yếu ở khu trung gian. Nhờ thế trận phòng ngự được chuẩn bị chu đáo, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, liên quân Việt Nam - Lào đã anh dũng chiến đấu, đánh bại nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa, đồng thời tổ chức lực lượng tiến hành nhiều trận phản đột kích hiệu quả, tiêu hao, tiêu diệt nhiều quân địch. Đến ngày 15 tháng 11 năm 1972, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Ta và bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 tên địch, đánh thiệt hại nặng 3 GM (21, 23 và 26), 3 tiểu đoàn quân đánh thuê Thái Lan và đánh thiệt hại 5 GM khác, bắn rơi 38 máy bay, thu 859 súng các loại...1 (Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 250). Thắng lợi của chiến dịch góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công có tính chất chiến lược của địch, giữ vững địa bàn chiến lược của bạn, đồng thời phối hợp có hiệu quả với cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ta và bạn Lào đánh thắng địch trong mùa mưa, giành thắng lợi trong chiến dịch phòng ngự, tích lũy nhiều kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch.


"Chia lửa" với chiến trường Lào trong mùa mưa 1972, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đẩy mạnh tiến công địch, thể hiện ở nét tiêu biểu sau đây:

1. Tiến công vào thị xã Kon Tum, cắt Đường số 14, tiến công các căn cứ địch ở Tây Kon Tum, Tây Gia Lai, bảo vệ tuyến hành lang ngã ba biên giới

Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 năm 1972, ở khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là thời gian liên quân Lào - Việt Nam thực hiện chuyển tiếp từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phòng ngự. Trong khoảng thời gian này, cuộc tiến công chiến lược ở Tây Nguyên và Quân khu 5 giành được những thắng lợi lớn. Sau khi bị ta chọc thủng tuyến phòng ngự ở Đắk Tô - Tân Cảnh (24.4.1972) trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, địch buộc phải điều chỉnh lực lượng co về giữ thị xã Kon Tum đang bị uy hiếp. Ngày 14 tháng 5 năm 1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch mở đợt tiến công vào thị xã Kon Tum. Chấp hành mệnh lệnh của trên ngày 25 tháng 5 năm 1972, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng 2 sư đoàn (2 và 320A), các trung đoàn 66 và 22... chia làm 4 hướng (Đông Bắc, Nam, Tây Bắc và Tây Nam) tiến công vào thị xã và vùng ven. Cùng lúc đó, các trung đoàn 24 và 95 đánh cắt Đường số 14 ở Nam Kon Tum; Tiểu đoàn Đặc công 20 tập kích vào các căn cứ 41, 42 của địch... Bằng hai đợt tiến công, ta đã đánh chiếm được nhiều mục tiêu trong thị xã, như: Khu vực Đông Nam, Nam thị xã, Sở Chỉ huy Trung đoàn 44, Khu kho 40 - 41, Biệt khu 24... nhưng vẫn có mũi tiến công không vào được thị xã.


Chiến sự diễn ra rất quyết liệt, địch trong thị xã Kon Tum chống trả điên cuồng. Ta không đủ sức giải phóng thị xã Kon Tum, địch cũng không đủ sức đẩy lùi quân ta ra khỏi thị xã. Bộ đội bám trụ chiến đấu trong thị xã thương vong cao. Trên thực tế từ ngày 28 tháng 5 năm 1972, các đợt tiến công của ta bắt đầu chậm lại và kém hiệu quả do hiệp đồng chiến đấu không chặt chẽ, lại gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tế do trời mưa. Địch tranh thủ tăng cường lực lượng, củng cố phòng thủ và đẩy mạnh phản kích. Xét thấy điều kiện giải phóng thị xã Kon Tum không còn, đêm mùng 5, rạng ngày 6 tháng 6 năm 1972, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định cho rút quân khỏi thị xã, kết thúc Chiến dịch tiến cống Bắc Tây Nguyên. Bộ đội Tây Nguyên rút về phía sau củng cố lực lượng, chuyển sang giai đoạn đánh phá bình định, tranh thủ giành dân...


Tháng 7 năm 1972, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây. Dưới sự lãnh đạo chỉ huy trực tiếp của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 19 Tây, đầu tháng 8 năm 1972, Sư đoàn 320A, Tiểu đoàn 5 Đoàn 671, Tiểu đoàn 2 Đoàn 470 cùng quân và dân Gia Lai mở đầu chiến dịch tiến công tổng hợp bằng đòn tiến công liên tục, rộng khắp. Trong 1 tuần, ta đã diệt đồn Tầm, bức rút đồn Chư Phổ, làm chủ ấp Chư Bồ, cắt đứt Đường số 19 Tây, giải phóng hơn 2.000 dân ở Thanh Giáo, Làng Dịt, mở ra một vùng giải phóng kéo dài 30km từ Thanh An đến Đông Đức Cơ. Trước nguy cơ thị xã Pleiku bị uy hiếp từ hướng Tây Nam, Quân đoàn 2 quân đội ngụy Sài Gòn đã phải huy động Sư đoàn 23 và 3 liên đoàn biệt động quân thay nhau phản kích giải tỏa, làm cho chiến sự ở Tây Nam Gia Lai ngày càng lan rộng và quyết liệt.


Trong khi đó, các trung đoàn 66 và 28 của Mặt trận B3 tiếp tục đánh cắt giao thông Đường số 14, đánh bại các cuộc hành quân phản kích của Sư đoàn 23 ngụy ở vùng ven thị xã Kon Tum. Ngày 20 tháng 9 năm 1972, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Sư đoàn 10 (gồm các trung đoàn 28, 66 và 95). Ngày 12 tháng 10 năm 1972, Sư đoàn 10 tiêu diệt căn cứ Plei Kần; ngày 29 tháng 10 năm 1972, diệt căn cứ Đắk Xiêng (Ngọc Hồi, Kon Tum). Hai cụm cứ điểm lớn địch cố chốt lại trong vùng giải phóng dọc theo Đường số 18 bị tiêu diệt. Trong khi đó, được lực lượng vũ trang địa phương và đồng bào các dân tộc giúp đỡ, Sư đoàn 320A đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn địch lên giải vây Đức Cơ; đến ngày 21 tháng 11 năm 1972, ta đánh chiếm căn cứ Đức Cơ1 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập II, Quyển Hai, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 115). Những hoạt động của Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A, cùng lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai đã giữ vững thế chiến trường tiêu hao lực lượng địch, bảo vệ các tuyến hành lang của ta ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1796



« Trả lời #69 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2023, 04:52:14 pm »

2. Đẩy mạnh tiến công, căng kéo, tiêu hao, kiềm giữ lực lượng địch, mở rộng vùng giải phóng ở các tỉnh đồng bằng ven bien Quân khu 5, tạo thế, tạo thời cơ cho chiến trường Lào giành thắng lợi

Phối hợp nhịp nhàng với tiếng súng của bộ đội chủ lực trên Mặt trận Bắc Tây Nguyên, chia lửa với chiến trường Lào, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch tiến công tổng hợp trên địa bàn Bắc Bình Định. Từ ngày 9 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 19722 (Có tài liệu viết: Ngày 2 tháng 6 năm 1972 kết thúc Chiến dịch tiến công tổng hợp Bắc Bình Định (Dẫn theo: Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ Tổng Tham mưu, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập 4 (1969 - 1972), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 387)), chiến dịch diễn ra và giành thắng lợi lớn. Trong khi đó, tại Quảng Nam, ngày 29 tháng 4 năm 1972, Sư đoàn 711 tiến công giải phóng quận lỵ Hiệp Đức. Các đòn tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương ở Bắc Tây Nguyên, Bắc Bình Định và sự nổi dậy của quần chúng đã đánh vỡ hệ thống phòng thủ Bắc Quân khu 2 quân đội ngụy Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi quân ta rút khỏi thị xã Kon Tum (5.6.1972), Quân đoàn 2 địch tập trung khôi phục Sư đoàn 22, Liên đoàn 2 Biệt động quân và các tiểu đoàn của Sư đoàn 23. Lúc này, Tây Nguyên bước vào mùa mưa, Quân giải phóng hoạt động nhỏ, tập trung giải quyết vấn đề lương thực. Quân đoàn 2 quân đội ngụy Sài Gòn mở cuộc hành quân "Bắc Bình Vương 22/8", đánh chiếm lại vùng giải phóng mới mở ra ở Bắc Bình Định. Sư đoàn 3 cùng lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bình Định kiên cường đánh địch phản kích, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Hoài Ân. Tại Quảng Đà, lực lượng vũ trang tinh diệt và bức rút nhiều đồn, bốt, phá nhiều ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng ở Bắc sông Thu Bồn...


Từ mùa Thu 1972, đế quốc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" ở Lào, trọng điểm là đẩy mạnh các cuộc tiến công vào Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, liên quân Việt Nam - Lào liên tục chặn đánh, đồng thời tổ chức lực lượng tiến hành những trận phản đột kích, tiêu diệt quân địch, giữ vững địa bàn phòng ngự chiến lược. Trong khi đó, ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ thực hiện "Mỹ hóa" lại cuộc chiến tranh nên cường độ tiến công của quân ta trên các chiến trường khác giảm vì vậy quân ngụy Sài Gòn có khả năng tập trung đối phó với những đòn tiến công mới của ta. Trong điều kiện tính bí mật, bất ngờ không còn, quân số cũ của ta có kinh nghiệm chiến đấu giảm, quân số mới bổ sung chưa được huấn luyện đầy đủ, song ta vẫn còn giữ vững thế chủ động tiến công.


Để phá vỡ hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở Quế Sơn, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở Chiến dịch Cấm Dơi - Quế Sơn. Từ ngày 23 tháng 7 đến ngày 30 tháng 9 năm 1972, Sư đoàn 711 (thiếu) được tăng cường pháo 130mm và tên lửa chống tăng B-721 (Đây là 2 loại vũ khí lần đầu tiên xuất hiện ở chiến trường đồng bằng Khu 5) tiến công giải phóng Cấm Dơi - Quế Sơn. Căn cứ Cấm Dơi bị tiêu diệt là tổn thất gây chấn động lớn về lực lượng, thế trận và tinh thần đối với Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn. Ta đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 2 của địch kiềm chân sư đoàn này không cho tăng cường phản kích ra Quảng Trị. Chiến thắng Cấm Dơi đánh dấu bước trưởng thành của Sư đoàn 711 Quân khu 5 mới thành lập. Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 31 tháng 10 năm 1972 Sư đoàn 2 tiến công giải phóng Hiệp Đức (Quảng Nam), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Hoài Ân (Bình Định), là 3 địa bàn được giải phóng trong năm 1972, trở thành 3 bàn đạp chiến lược để ta triển khai thế trận tiến công xuống đồng bằng ven biển, thành thị trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Tính chung trong mùa Thu 1972, Quân khu 5 (B1) đã đánh 3.075 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 46.052 quân địch (có 180 quân Mỹ); bắn rơi và phá hủy 255 máy bay, 1.533 xe các loại, 148 khẩu pháo; thu 4.056 súng. Tây Nguyên (B3) đánh 480 trận, loại 6.650 quân địch; bắn rơi và phá hủy 35 máy bay, 818 xe các loại, 17 khẩu pháo; thu 1.050 súng1 (Tài liệu "Đề cương Tổng kết sự chỉ đạo của Quân khu trong cuộc tấn công chiến lược năm 1972", lưu tại Kho Lưu trữ Quân khu 5 tr. 45-46). Quân và dân Quân khu 5, Tây Nguyên khắc phục khó khăn, liên tục chiến đấu, tiếp tục tiêu diệt thêm một bộ phận lực lượng quân sự của địch, đánh vỡ một số tuyến phòng ngự cơ bản và kìm kẹp của chúng, mở ra một số khu vực quan trọng như: Quế Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam), Ba Tơ (Quảng Ngãi) giữ vững các vùng giải phóng cũ. Ta có thêm kinh nghiệm đánh hiệp đồng binh chủng, đánh lấn dũi diệt căn cứ địch, dùng chủ lực giải phóng vùng nông thôn rộng lớn, cơ động kết hợp chốt đánh phản kích giữ vùng giải phóng, đánh địch trong công sự vững chắc. Bước vào mùa Đông 1972, các đơn vị chủ yếu hoạt động nhỏ, tập trung đánh địch phản kích, giữ vững thế chiến trường: Sư đoàn 711 giữ Hiệp Đức, Sư đoàn 2 giữ Ba Tơ, Sư đoàn 3 giữ Hoài Ân.


Như vậy, thấu triệt quan điểm "Đông Dương là một chiến trường", trong khi quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam năm 1972, trên chiến trường Lào, phối hợp với cuộc chiến đấu của quân và dân Lào trên cả nước, ngay sau khi kết thúc Chiến dịch tiến công Cánh Đồng Chum - Mường Sủi mùa khô 1971 - 1972, liên quân Việt Nam - Lào tiến hành Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, bảo vệ địa bàn có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Lào và ba nước Đông Dương, tạo thế phối hợp, bảo vệ "sườn phải" cho hai chiến dịch Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên. Sự phối hợp chặt chẽ, "chia lửa" hiệu quả của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam Việt Nam nói chung, của quân và dân Quân khu 5 nói riêng trong mùa mưa 1972 đã tạo ra thế trận liên hoàn, giành thắng lợi trong cả chiến dịch tiến công và chiến dịch phòng ngự, quân địch bị căng kéo, tiêu hao và tiêu diệt nặng, góp phần đẩy chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" ở Việt Nam và "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" ở Lào đến bên bờ vực phá sản. Thực tiễn hoạt động phối hợp chiến đấu, chia lửa của quân và dân Quân khu 5 đối với chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung nói chung, trong mùa mưa 1972 nói riêng để lại nhiều bài học sâu sắc, cần tiếp tục phát huy, phát triển trong giai đoạn hiện nay; qua đó, tiếp tục tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM