vnmilitaryhistory
Moderator

Bài viết: 1427
|
 |
« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2023, 07:53:37 am » |
|
3. Đối phó với cuộc tiến công chiến lược của Quân giải phóng
Trên cơ sở cho rằng hoạt động của lực lượng kháng chiến trong năm 1972 cũng chỉ tương tự như năm 1971, Nhà Trắng chủ trương cố giữ cục diện chiến trường ở Đông Dương như những năm trước, tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần quân Mỹ tại chiến trường Nam Việt Nam, tạo lợi thế trong đàm phán tại Hội nghị Pari và cuộc vận động tái cử tổng thống của Níchxơn. Trước tình hình trên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương: “Nhiệm vụ cần kíp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đánh bại học thuyết Níchxơn trên toàn chiến trường Đông Dương, tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam và cả trên bán đảo Đông Dương giành thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh trên thế thua bằng một giải pháp chính trị có lợi cho ta mà chúng có thể chấp nhận được”1 (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Tập II (1966 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ,Hà Nội, 2012, tr. 651-652). Từ chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xác định quyết tâm chiến lược năm 1972 là: Tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh tiến công quân sự và chính trị trên cả ba vùng, mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trong đó, Trị - Thiên là chiến trường chính, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là chiến trường phối hợp.
Vừa củng cố quyền lực và hộ thống chính trị sau cuộc độc diễn tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, tìm cách phá hoại tiến trình đàm phán tại Hội nghị Pari, chính quyền Sài Gòn vừa phải tập trung đối phó với cuộc tiến công chiến lược của Quân giải phóng trên toàn chiến trường miền Nam. Mặc dù buộc phải điều quân thay thể những vị trí bị bỏ trống do quân Mỹ và đồng minh của Mỹ tiếp tục rút quân về nước (đến trước 1.5.1972, trên chiến trường Nam Việt Nam, Mỹ chỉ còn 69.000 tên, các nước đồng minh còn 38.000 tên), Nguyễn Văn Thiệu vẫn chủ trương tập trung lực lượng đánh phủ đầu Quân giải phóng trên khu vực dọc biên giới. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 1972, “liên quân Mỹ - Sài Gòn thực hiện 793 cuộc hành quân cấp tiểu đoàn trở lên, 148.166 phi xuất chiến thuật (trực thăng vận và oanh kích yểm trợ hành quân của các loại chiến đấu cơ, ngoại trừ máy bay B-52), 497 phi xuất oanh tạc của B-52 (không kể chiến trường Lào và Campuchia), 47.682 hải xuất (tuần duyên và yểm trợ hành quân) và 62 vụ hải pháo tác xạ hỗ trợ hành quân dọc các vùng ven biển miền Nam Việt Nam”1 (Bộ Tổng Tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa, Báo cáo tình hình chiến sự hàng tuần từ ngày 2.1 đến ngày 26.2.1972, Hồ sơ 17441, Phông Phủ Thủ tướng Việt Nam cộng hòa (1954 - 1975), Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh). Dù vậy, chúng vẫn gặp bất ngờ và bị động đối phó với Quân giải phóng trên các chiến trường.
Tại chiến trường Trị - Thiên, hướng tiến công chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo mở chiến dịch tiến công nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng quân sự của đối phương, giải phóng phần lớn địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ngay từ đầu năm 1972, để thay thế các đơn vị quân Mỹ rút đi, quân đội Sài Gòn buộc phải điều động cả lực lượng dự bị chiến lược (Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến) đảm nhiệm phòng giữ khu vực Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Khi Chiến dịch Trị - Thiên nổ ra (30.3 - 27.6.1972, trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên), trước tình hình nhiều căn cứ quân sự ở Nam, Bắc Đường số 9 và tuyến phòng thủ vòng ngoài bị uy hiếp nghiêm trọng, ngày 3 tháng 4 năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu phải bay ra Huế trực tiếp thị sát tình hình, triệu tập cuộc họp với chỉ huy các lực lượng, tìm cách ngăn chặn các cuộc tiến công của Quân giải phóng và chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn khẩn cấp tăng viện cho mặt trận Quảng Trị. Tiếp đó, Nguyễn Văn Thiệu liên tiếp xử lý hàng loạt tình huống: Ra lệnh rút liên đoàn biệt động “dày dạn chiến đấu nhất” ở Bình Long (vốn đang phải đương đầu với các cuộc tiến công của Quân giải phóng) ra tăng cường cho lực lượng bảo vệ Quảng Trị- cách chức tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Quân khu 1 - Quân đoàn 1 điều thêm 5 lữ đoàn, trung đoàn từ Sài Gòn, Đà Nằng ra Huế lập tuyến phòng thủ ngăn chặn mới; huy động lực lượng dự bị chiến lược với sự yểm trợ tối đa của không quân và pháo binh nhằm tái chiếm Quảng Trị. Dù vậy, kết quả thu được từ các nỗ lực trên không mấy khả quan. Ngày 6 tháng 6 năm 1972, tướng Alểchxăngđơ Hai (Alexander Haig) - Phụ tá Quân sự cho Henri Kítxinhgiơ (Henry Kissinger) - phàn nàn với Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn: “Chúng tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa nên làm mọi cách để thanh toán, giải tỏa An Lộc trong thời gian ngắn nhất để có thể di chuyển lực lượng dù ra Quân khu 1 và hành quân tái chiếm vùng Quảng Trị và phần đất ở Bình Định, càng sớm càng tốt”1 (Phiếu trình số 015/PQL ngày 6.6.1972 của Tòa Đại sử Việt Nam Cộng hòa tại Washington - Hoa Kỳ, Hồ sơ 402, Phông Phủ Tổng thống đệ nhị Cộng hòa (1967 - 1975), Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại chiến trường Đông Nam Bộ, Trung ương Cục và Quân ủy Miên chỉ đạo mở chiến dịch tiến công (mang mật danh Nguyễn Huệ, trên địa bàn các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Bình Dương) nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng quân sự và phá vỡ tuyến phòng thủ biên giới của quân đội Sài Gòn, giải phóng một số khu vực có ý nghĩa chiến lược ở miền Đông Nam Bộ, phối hợp với hướng chủ yếu ở Trị - Thiên trong cuộc tiến công chiến lược 1972. Từ đầu năm, quân đội Sài Gòn tranh thủ mở các cuộc hành quân “Toàn thắng 72A”, “Toàn thắng 72B” dọc biên giới Việt Nam - Campuchia nhằm bịt hành lang vận tải, đánh phá các cơ sở hậu cần của Quân giải phóng, hỗ trợ cho hoạt động “bình định” trong nội địa. Khi Bộ Tư lệnh Miền mở Chiến dịch Nguyễn Huệ, chính quyền Sài Gòn chỉ đạo triệt thoái hết lực lượng đang hoạt động trên biên giới về tập trung chống đỡ trên hướng Đường số 13 - Bình Long và Đường số 22 - Tây Ninh; đồng thời, điều động lực lượng từ các nơi khác mở các cuộc hành quân “Toàn thắng 72C”, “Toàn thắng 72D”, “Toàn thắng 72E” nhằm giải tỏa An Lộc, khai thông Quốc lộ 13, đối phó với Quân giải phóng ở Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Long An1 (Phòng Tổng kết địch - Ban Tổng kết chiến tranh B2, Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt động của Mỹ - ngụy trên chiến trường B2, Ban Tổng kết chiến tranh B2, Thành phố Hồ Chí Minh, 1984, tr. 216). Cũng tướng Alếchxăngđơ Hai bày tỏ: “Chúng tôi rất lo ngại vì vài sự kiện đã xảy ra trên chiến trường Việt Nam: Như cuộc hành quân của Sư đoàn 21 đến nay đã 2 tháng qua mà vẫn chưa giải tỏa được An Lộc mặc dù chỉ còn một đoạn đường ngắn... Với một lực lượng tương đối hùng hậu mà không thể tiến thêm vài cây số lại giẫm chân một nơi để gánh nhiều thiệt hại thì thật khó giải thích với dư luận cũng như Quốc hội tại đây”2 (Phiếu trình số 015/PQL ngày 6.6.1972 của Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Washington - Hoa Kỳ, Tlđd).
Tại chiến trường Tây Nguyên, hướng tiến công phối hợp trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo mở chiến dịch tiến công các căn cứ quân sự của địch ở Đắk Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (30.3 - 5.6.1972), hình thành vùng căn cứ hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ. Trong bối cảnh quân Mỹ và đồng minh rút dần lực lượng về nước, quân đội Sài Gòn buộc phải dàn mỏng lực lượng của Quân khu 2 - Quân đoàn 2 để bảo vệ cả địa bàn Tây Nguyên và khu vực các tỉnh duyên hải Trung Bộ. Ngay từ đầu năm 1972 Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho Quân khu 2 vừa đưa lực lượng thám báo, biệt kích thăm dò, vừa huy động không quân bắn phá dọc tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn. Khi cụm cứ điểm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh bị tiêu diệt, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Quân đoàn 2 rút các trung đoàn đang phòng thủ ở vòng ngoài về lập tuyến phòng ngự mới nhằm bảo vệ thị xã Kon Tum mở cuộc hành quân giải tỏa mang mật danh Bắc Bình Vương 712. Sau khi nhận tin binh lính quân đội Sài Gòn tháo chạy tán loạn khỏi các căn cứ quân sự ở Quân khu 1, Quân khu 2, nhất là tại Đăk Tô - Tân Cảnh, ngày 29 tháng 4 năm 1972, Nguyễn Văn Thiệu ban bố tình trạng “Tổ quốc lâm nguy”, triệu tập nội các và Hội đồng An ninh quốc gia, ra lệnh cho các cấp quân sự và hành chính bằng mọi giá phải cố thủ, chờ tăng viện để phản công giành lại những vùng đã bị Quân giải phóng đánh chiếm. Tuy nhiên kết quả không như mong đợi. Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu buộc phải thừa nhận sự thất bại và thiếu hiệu quả của quân đội Sài Gòn trong việc chống lại những cuộc tiến công của Quân giải phóng trong năm 1972: “Chưa kể là từ các nơi đã chiếm đóng, cộng sản vẫn tiếp tục loang ra, còn phía chúng ta (Mỹ - Sài Gòn) thì cũng khó phản công chiếm lại được”1 (Công điện số 027- TT/CĐTM ngày 29.4.1972 của Nguyễn Văn Thiệu, Hồ sơ 395, Phông Phù Tổng thống đệ nhị Cộng hòa (1967 - 1975), Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh).
Như vậy, những động thái nêu trên của chính quyền Sài Gòn mặc nhiên không tách rời diễn biến cuộc đấu tranh của quân và dân ba nước Đông Dương. Nó tác động sâu sắc đến những nỗ lực của quân đội đánh thuê Thái Lan và quân đội phái hữu Lào trong cuộc tiến công lấn chiếm vùng giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng do liên quân Việt - Lào tổ chức phòng ngự mùa mưa năm 1972. Phối hợp với cuộc tiến công chiến lược của Quân giải phóng trên các mặt trận Trị - Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, liên quân Việt - Lào đã bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm, loại khỏi chiến đấu một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giữ vững vùng giải phóng và thế liên hoàn giữa ba vùng căn cứ địa cách mạng của Lào, thể hiện sự liên minh chiến đấu, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và quân đội đồng minh của Mỹ. Cùng với mũi đấu tranh chính trị, binh vận, hoạt động quân sự trên chiến trường miền Nam và Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 đã góp phần đẩy chính quyền Sài Gòn vào thế bị động chiến lược, lúng túng đối phó trên tất cả các mặt trận, tạo tình trạng bất ổn liên tục trên chính trường, làm đảo lộn mọi sinh hoạt chính trị - kinh tế - xã hội ở miền Nam Việt Nam vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Đồng thời, sau thất bại nặng nề trong chiến dịch 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari, hiệp định mà trước đó, Nguyễn Văn Thiệu phải thốt ra những lời cay đắng trong bức thư gửi Tổng thống Níchxơn ngày 11 tháng 11 tháng 1972: “Những công lao tranh đấu và bao nhiêu hy sinh chúng ta đã gánh chịu trong nhiều năm đều trở thành vô nghĩa”1 (Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng thống Thiệu, Sđd, tr. 344-345, 315); và tình hình miền Nam sẽ chuyển sang “một tình huống mới, một thực tế mới” như nhận xét dự đoán của cố vấn Kítxinhgiơ2 (Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng thống Thiệu, Sđd, tr. 344-345, 315).
|