Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:57:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 6467 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #90 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:18:31 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN HỒNG CAO
(Liệt sĩ)


Nguyễn Hồng Cao sinh năm 1962, dân tộc Tày, quê ở xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên, nhập ngũ tháng 2 năm 1982. Khi hy sinh đồng chí là trung sĩ, trung đội phó đại đội 1 bộ binh, tiểu đoàn 3, bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên, Quân khu 2, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Nguyền Hồng Cao rất chịu khó đi sâu học tập kỹ thuật, chiến thuật quân sự, phấn đấu rèn luyện về mọi mặt, trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ trung đội phó. Trong chiến đấu đồng chí luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng tĩch cực đánh địch. Gần 1 năm chỉ huy trung đội chốt giữ trận địa ở hướng chủ yếu của đại đội trên điểm cao 1250 (huyện Yên Minh, Hà Tuyên), mặc dù hàng ngày pháo địch bắn phá vào khu vực đơn vị, bộ binh địch luôn luôn áp sát, Nguyễn Hồng Cao đi sát từng chiến sĩ, kiểm tra, hướng dẫn mọi người trong trung đội, tổ chức tuần tra canh gác chặt chẽ, nắm chắc mọi tình hình hoạt động của địch, báo cáo kịp thời giúp cho trên chỉ huy, chỉ đạo được chính xác, hạn chế được nhiều thiệt hại cho đơn vị.


Từ ngày 2 đến ngày 30 tháng 4 năm 1984, địch bắn hàng vạn đạn pháo cối vào khu vực điểm cao 1250. Có ngày chúng bắn hơn 1.000 quả và dùng bộ binh tấn công lên trận địa của ta. Nguyễn Hồng Cao bình tĩnh chờ địch đến gần mới nổ súng, đẩy lùi các đợt tấn công của chúng. Đơn vị Nguyễn Hồng Cao diệt nhiều tên, giữ vững trận địa.


Ngày 30 tháng 4 năm 1984, địch lợi dụng sương mù, dùng nhiều loại pháo bắn dữ dội vào trận địa và cho lực lượng bộ binh đông hơn ta nhiều lần, mở nhiều đợt tấn công ác liệt vào trận địa ta. Đồng chí bình tĩnh chỉ huy linh hoạt, có bộ phận bắn thẳng vào đội hình tấn công của địch, có bộ phận xuất kích đánh vào sườn, vào phía sau địch, diệt nhiều tên, đẩy lùi 6 đợt tấn công của chúng, giữ vững trận địa. Riêng Nguyễn Hồng Cao diệt hơn 40 tên. Đồng chí đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gương chiến đấu của Nguyễn Hồng Cao có tác dụng động viên cổ vũ mọi người noi theo.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Hồng Cao được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #91 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:19:09 pm »

ANH HÙNG BÙI VĂN BÌNH
(Liệt sĩ)


Bùi Văn Bình sinh năm 1955, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé, nhập ngũ tháng 10 năm 1978. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy, trợ lý tham mưu tiểu đoàn 14 bộ binh, đoàn 7701, mặt trận 779, Quân khu 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Từ năm 1979 đến ngày 25 tháng 1 năm 1984 (lúc hy sinh), Bùi Văn Bình làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Cam-pu-chia. Đồng chí đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng kiên quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bùi Văn Bình đã trực tiếp tham gia 5 chiến dịch, trận đánh nào đồng chí cũng đi trước điều tra nắm tình hình địch, đề xuất phương án tác chiến tốt, giúp cho tiểu đoàn hạ quyết tâm chính xác, giành thắng lợi.


Trận ngày 25 tháng 1 năm 1984 tại Phum Bông Sang Khao (giáp ranh huyện Ba Rài và San Túc), Bùi Văn Bình nhận nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận 12 người bám sát địch, đánh nhanh, đánh mạnh, ngay phút đầu đã diệt 3 tên, bọn địch hoảng sợ bỏ chạy. Đồng chí chỉ huy đơn vị truy kích diệt thêm 3 tên khác, lúc này đơn vị có một số hy sinh và bị thương, bản thân Bùi Văn Bình cũng bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu. Thấy lực lượng ta ít, địch lại huy động thêm lực lượng phản kích. Bùi Văn Bình bình tĩnh, sử dụng 3 loại súng (B40, AK, RPD) và ném lựu đạn vào đội hình địch diệt thêm 1 số. Đồng chí đã anh dũng hy sinh trong lúc đang chiến đấu.


Gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí có tác dụng động viên cổ vũ mọi người hăng hái noi theo.


Nhân dân 18 xã của huyện Ba Rài (nơi đồng chí Bình công tác), vô cùng thương tiếc, đã làm lễ cầu phước (theo phong tục tập quán địa phương) để tưởng nhớ đến người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Bùi Văn Bình được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #92 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:20:08 pm »

ANH HÙNG HUỲNH THỊ HƯỞNG
(Liệt sĩ)


Huỳnh Thị Hưởng (tức Sáu Hồng) sinh năm 1941, dân tộc Kinh, quê ở xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, tham gia cách mạng năm 1961. Khi hy sinh đồng chí là du kích xã Hội An, huyện đội Chợ Mới, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên trong phong trào của một địa phương có truyền thống cách mạng, đồng chí luôn coi việc giải phóng dân tộc là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình.


Trong những năm 1962 - 1965 xã Hội An bị địch lấn chiếm. Chấp hành nghị quyết của huyện ủy, tất cả cán bộ Hội An phải bám dân để phát động quần chúng đấu tranh chống địch. Là đảng viên, là cán bộ nữ, việc ăn ở và hoạt động bí mật trong vùng địch tạm chiếm rất gian khổ. Bọn địch tung mật thám khắp vùng để bắt cán bộ, nhưng Huỳnh Thị Hưởng không chùn bước, vẫn ra sức vận động bà con theo cách mạng.


Đồng chí làm công tác quần chúng rất giỏi, với tác phong cần cù, tháo vát, tình cảm gần gũi quần chúng, đồng chí được chi bộ và quần chúng rất thương mến tín nhiệm. Lời nói và hành động gương mẫu của đồng chí có sức thuyết phục cao đối với mọi người. Với cương vị là phó bí thư chi bộ xã, Huỳnh Thị Hưởng cùng với các đồng chí trong chi bộ xây dựng phong trào của xã như thuế nông nghiệp, vận động tòng quân, xây đựng cơ sở, đào hầm, nuôi giấu cán bộ, xây dựng du kích mật, diệt ác phá kìm... phát triển tốt, làm cho bọn ngụy quân, ngụy quyền vùng Hội An luôn sống trong kinh hoàng lo sợ, bọn lính ngụy ở địa phương không dám ra khỏi đồn lấy nước uống. Cơ sở cách mạng được tổ chức, vùng giải phòng ngày càng mở rộng, quần chúng rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.


Huỳnh Thị Hưởng, một người con gái dịu hiền, với đồng chí, đồng đội hết lòng thương yêu chăm sóc, cho anh em từng ngọn rau, viên thuốc, nhưng với kẻ thù đồng chí lại tỏ ra là một chiến sĩ kiên cường bất khuất.


Theo chỉ thị của huyện ủy ngày 16 tháng 6 năm 1965, trong khi đi làm nhiệm vụ trừng trị tên xã trưởng ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, đồng chí bị chỉ điểm sa vào tay giặc. Đòn tra tấn dã man của 4 tên cố vấn Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai cũng không hề khuất phục được khí phách hiên ngang của người nữ đảng viên cộng sản trẻ tuổi. Trước luận điệu chiêu hồi của địch, Huỳnh Thị Hưởng đã xé túi áo nhét vào lỗ tai để khỏi phải nghe chúng phản tuyên truyền.


Địch giở trò đánh vào tinh thần quần chúng, đưa đồng chí ra chợ để lừa gạt nhân dân rằng: "Sáu Hưởng đã hồi chánh với quốc gia". Biết tin đồng chí bị địch tra tấn dã man mà không hề khai báo, quần chúng càng thương yêu chị, người kéo về chợ càng đông. Gắng gượng trước những đau đớn do địch tra tấn, Huỳnh Thị Hưởng nói với đồng bào: "Bà con cứ an tâm, tôi không khai báo gì cả, tôi có chết đi, nhưng nhiều đồng chí đồng bào thay tôi để làm cách mạng, có Đảng lãnh đạo sáng suốt, cách mạng nhất định thắng lợi, bọn Mỹ - ngụy dã man nhất định bị tiêu diệt". Và đồng chí thét vào mặt kẻ thù: "Tao làm cách mạng không phải là để khai báo cho tụi bay". Tức giận vì không khuất phục được Huỳnh Thị Hưởng, bọn địch đào hố chôn chỉ để ló đầu lên để tra tấn nhưng Huỳnh Thị Hưởng vẫn không hề khai. Bọn chúng lại lôi đồng chí lên, Huỳnh Thị Hưởng lại tiếp tục vạch mặt kẻ thù. Biết mình không thể sống nổi, đồng chí dồn hết sức hô to:

   "Hồ Chí Minh muôn năm!"
   "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!".


Tên cố vấn Mỹ đã dùng lưỡi lê rọc miệng, cắt lưỡi, cắt tai và từng bộ phận trên thân thể đồng chí cho đến khi chết hẳn.


Huỳnh Thị Hưởng hy sinh nhưng hình ảnh của đồng chí vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân xã Hội An, huyện Chợ Mới. Sau đó nhiều quần chúng cách mạng bị địch bắt tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng giữ vững khí tiết.


Lực lượng vũ trang huyện Chợ Mới nêu khẩu hiệu: "Tất cả chiến đấu diệt địch trả thù cho đồng chí Huỳnh Thị Hưởng". Khí thế phong trào cách mạng đi lên rõ rệt, thanh niên hăng hái tòng quân, thành lập thêm nhiều đội du kích sẵn sàng chiến đấu chống đàn áp khủng bố trả thù cho đồng chí. Hiện nay có 1 đường phố của huyện Chợ Mới và nhà trẻ lớn nhất của tỉnh An Giang được mang tên Huỳnh Thị Hưởng - người con gái trung kiên bất khuất của quê hương.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985. Huỳnh Thị Hưởng đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #93 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:20:46 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN VIẾT NINH
(Liệt sĩ)


Nguyễn Viết Ninh sinh năm 1962, dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 9 năm 1980. Khi hy sinh đồng chí là trung đội trưởng bộ binh, đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, Quân khu 2, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nguyễn Viết Ninh trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu chịu khó rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, qua các lần kiểm tra, đồng chí đều đạt loại giỏi, trong hội thao kỹ thuật do Quân khu 2 tổ chức, Nguyễn Viết Ninh đạt loại xuất sắc, được tặng bằng khen.


Tháng 4 năm 1983, Nguyễn Viết Ninh được bổ sung đi chiến đấu ở biên giới Hà Tuyên, đồng chí động viên cả tiểu đội hăng hái lên đường, tới đích đúng thời gian quy định.


Trận ngày 12 tháng 7 năm 1984, Nguyễn Viết Ninh chỉ huy tiểu đội diệt hàng chục tên xâm lược, giữ vững trận địa.


Trong đợt chiến đấu từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 1 năm 1985, Nguyễn Viết Ninh chỉ huy trung đội chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Dù khó khăn ác liệt thế nào, địch đông gấp nhiều lần, có hỏa lực mạnh... đồng chí vẫn bình tĩnh dũng cảm, xông xáo đi đầu đơn vị trong các lần phản kích bám sát địch để diệt địch.


Ngày 16 tháng 1 năm 1985, Nguyễn Viết Ninh bị thương lần thứ nhất vào tay trái, vẫn chiến đấu diệt nhiều tên; lần thứ hai vào bụng, vẫn không rời trận địa tiếp tục chiến đấu, và đi lại trên trận địa thu nhặt súng, lựu đan của đồng đội bị thương vong, đi sát động viên cổ vũ mọi người kiên quyết đánh địch, giữ vững trận địa.


5 giờ sáng ngày 18 tháng 1 năm 1985, địch dùng nhiều loại pháo bắn ác liệt và cho bộ binh đông gấp nhiều lần mở nhiều đợt tiến công vào trận địa trung đội đồng chí. Mặc dù vết thương trước còn rất đau, ngay phút đầu của trận đánh, Nguyễn Viết Ninh bị 3 viên đạn vào ngực, bụng và 2 chân, anh em định đưa về phía sau. Thấy trước tình huống ác liệt đồng chí kiên quyết ở lại tiếp tục chỉ huy trung đội chiến đấu đến gần trưa, đánh lui 6 lần phản kích của địch, diệt hàng trăm tên. Bọn địch bị thiệt hại nặng phải rút, đơn vị Nguyễn Viết Ninh giữ vững trận địa. Vì vết thương quá nặng, đồng chí Nguyễn Viết Ninh đã hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí có tác dụng động viên cổ vũ đơn vị noi theo.


Đồng chí đã được tặng thưởng, Huân chương Quân công hạng ba.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Viết Ninh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #94 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:22:03 pm »

ANH HÙNG LÊ TRẦN MẪN
(Liệt sĩ)


Lê Trần Mẫn sinh năm 1961, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngữ tháng 3 năm 1979. Khi hy sinh đồng chí là thượng sĩ, y tá, đại đội 7 bộ binh, tiểu đoàn 5, trung đoàn 153, sư đoàn 356, Quân khu 2, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Lê Trần Mẫn luôn nêu cao tinh thần tích cực tận tụy công tác, có nhiều biện pháp tích cực tổ chức phòng tránh bệnh cho đơn vị. Mỗi khi đơn vị có người ốm đau, đồng chí rất tận tình chăm sóc, được anh em yêu mến.


Trong đợt chiến đấu ở Vị Xuyên từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 1 năm 1985, sau khi bắn hàng nghìn đạn pháo, địch liên tiếp tổ chức tấn công vào điểm cao 685. Sau mỗi lần thất bại, địch lại tăng quân và bắn phá dữ dội hơn. Đơn vị bị thương vong nhiều, Lê Trần Mẫn kịp thời lên thay thế chỉ huy đơn vị chiến đấu giành giật với địch từng đoạn giao thông hào. Có ngày đánh lui 7 đợt tấn công của chúng.


Ngày 24 tháng 12 năm 1985, thấy đơn vị đồng chí còn ít người, chúng càng tập trung hỏa lực và quân đông mở 8 đợt tấn công lên chốt. Sau khi cùng 3 người khác diệt hơn 100 tên địch, thì đạn gần hết. Thấy địch cắm cờ lên điểm chốt, Lê Trần Mẫn chỉ huy 3 chiến sĩ tập trung hỏa lực diệt địch tại đây và nhổ được cờ của chúng. Đồng chí bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh tại điểm cao 685.


Gương chiến đấu của Lê Trần Mẫn được anh em trong đơn vị phát động học tập.


Lê Trần Mẫn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Lê Trần Mẫn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #95 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:22:39 pm »

ANH HÙNG NGÔ ĐÌNH QUỲ
(Liệt sĩ)

 
Ngô Đình Quỳ sinh năm 1930, dân tộc Kinh, quê ở xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà, nhập ngũ tháng 3 năm 1946. Khi hy sinh đồng chí là trung tá, chủ nhiệm khoa sốt rét, Viện vệ sinh phòng dịch Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Xuất thân từ gia đình nông dân yêu nước, có 4 anh em trai thì 3 người đi bộ đội, có 2 người là liệt sĩ. Ngô Đình Quỳ đã tham gia quân đội từ năm 16 tuổi. Trải qua các cương vị: chiến sĩ liên lạc, y tá, y sĩ, bác sĩ, chuyên khoa cấp 2, đồng chí luôn luôn đi sát cơ sở để phục vụ chiến sĩ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


Năm 1983, Cục Quân y cử Ngô Đình Quỳ phụ trách tổ đi nghiên cứu phòng chống sốt rét ở biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan. Ngô Đình Quỳ đến trung đoàn 14, sư đoàn 339, mặt trận 979, Quân khu 9 nơi có trọng điểm sốt rét của chiến trường Cam-pu-chia. Đồng chí cùng quân y đơn vị lập kế hoạch phòng chống sốt rét rất có hiệu quả góp phần nhanh chóng ổn định sức khỏe bộ đội đáp ứng yêu cầu chiến đấu trước mắt và lâu dài. Ngô Đình Quỳ đã trực tiếp lên tận các điểm chốt tiền tiêu, tìm hiểu nghiên cứu và đề ra những biện pháp phòng chống sốt rét có hiệu quả cho bộ đội. Cùng các y sĩ trong đoàn khám cho hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ ốm và sốt rét. Huấn luyện bồi dưỡng kinh nghiệm phòng chống sốt rét cho quân y trung đoàn (2 bác sĩ, 5 y sĩ và trên 70 y tá). Đào tạo được 29 y tá từ chiến sĩ đảm bảo cho mỗi đại đội có 3 y tá chăm sóc sức khỏe bộ đội.


Ngô Đình Quỳ đã đề xuất với chỉ huy viết chỉ thị phòng chống sốt rét, mở hội nghị nuôi quân phòng bệnh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất cải thiện đời sống nâng cao sức khỏe bộ đội.


Đồng chí còn hướng dẫn sản xuất và sử dụng thuốc nam góp phần tăng cường thuốc cho công tác điều trị, bồi dưỡng sức khỏe. Do vậy, đơn vị đã lấy được hàng tạ thuốc gồm cao hoàng đằng chữa bệnh đường ruột; cao tắc kè; ngũ gia bì bồi dưỡng cơ thể; rễ cỏ tranh điều trị gan trong sốt rét...


Đồng chí đã tổng kết được 5 vấn đề đặc trưng về sốt rét khu vực giúp trên chỉ đạo phòng chống sốt rét được tốt hơn.


Ngoài nhiệm vụ chính, Ngô Đình Quỳ còn tham gia phục vụ phòng chống sốt rét giúp đơn vị bạn như đoàn A583, Binh đoàn 2 của bộ đội bạn, khám và phân loại cho hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, bồi dưỡng kinh nghiệm cho cán bộ chuyên môn, phòng chống sốt rét cho bộ đội ta và bạn Cam-pu-chia và trực tiếp cứu chữa thương bệnh binh.


Trong thời gian công tác ở trung đoàn 14 Ngô Đình Quỳ đã góp phần tăng cường sức khỏe cho đơn vị, tỷ lệ quân số khỏe năm 1983 là 75%; năm 1984 là 80%. Tỷ lệ sốt rét tử vong năm 1983 là 689/54; năm 1984 là 312/14. Đặc biệt giảm tử vong do sốt rét ác tính chỉ còn 25% so với năm 1983.


Ngô Đình Quỳ là gương sáng về phẩm chất người thầy thuốc cách mạng. Đồng chí bị bệnh sốt rét ác tính đã hy sinh ngày 20 tháng 5 năm 1985.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng ba, 4 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng, 4 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua.


Ngày 25 tháng 1 năm 1985 Ngô Đình Quỳ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #96 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:23:10 pm »

ANH HÙNG BÙI VĂN TÌNH
(Liệt sĩ)


Bùi Văn Tình sinh năm 1960, dân tộc Kinh, quê ở xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nhập ngũ tháng 3 năm 1979. Khi hy sinh đồng chí là hạ sĩ tiểu đội phó, đại đội 9, trung đoàn 179, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, đang làm nhiệm vụ ở Cam-pu-chia.


Ngày 10 tháng 7 năm 1980, Bùi Văn Tình cùng 19 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được lệnh đi cứu vớt gạo ở chiếc tàu Ninh Giang 3 thuộc công ty Sô Cô Vi vận tải đường sông chở 80 tấn gạo từ Trà Nóc lên Công Pông Chàm giao cho bạn, nhưng bị đắm cách bờ 15 mét. 70 tấn gạo bị chìm sâu trong khoang kín, cách mặt nước chừng 5 mét. Khoang tầu chỉ có 1 cửa lên xuống rộng 1 mét, dài 1,2 mét.


Trong lúc nhân dân Cam-pu-chia thiếu gạo gay gắt, đơn vị đã hạ quyết tâm và bàn cách vớt gạo.


Người lặn có nhiệm vụ dùng 2 móc có buộc dây lặn xuống móc vào 2 bao gạo rồi dùng sức đẩy lên khỏi cửa khoang để người trên xà lan kéo lên. Bùi Văn Tình được phân công ở tổ chuyển gạo ướt lên bờ phơi.


Sau 4 lần lặn của 2 người trước đó chưa đạt kết quả, thấy vậy Bùi Văn Tình xung phong lặn xuống vớt gạo.


Ngay từ lần lặn đầu tiên đồng chí đã móc được 2 bao gạo đẩy lên cửa boong tầu. Trong 2 giờ đồng hồ Bùi Văn Tình đã lặn 45 lần móc được 90 bao gạo lên (khoảng trên 7.000kg). Do đống gạo đã bị lấy rỗng ở giữa nên gạo 3 bên thành tầu đổ xuống đè lên người Bùi Văn Tình lúc 6 giờ 30 phút ngày 10 tháng 7 năm 1980, Bùi Văn Tình đã hy sinh.


Hành động hy sinh dũng cảm của Bùi Văn Tình là một gương sáng cho đơn vị học tập, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả.


Bùi Văn Tình đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Bùi Văn Tình được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #97 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:24:08 pm »

ANH HÙNG ĐỖ XUÂN HỢP


Đỗ Xuân Hợp sinh năm 1906, dân tộc Kinh, quê ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, nhập ngũ tháng 11 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thiếu tướng, giáo sư, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Quân y.


Trước Cách mạng tháng Tám, Đỗ Xuân Hợp là giáo sư trường Đại học Y Đông Dương, đồng chí tham gia các hội cứu tế, hội chữ thập đỏ, khám bệnh cho người nghèo.


Từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 6 năm 1946, đồng chí là Chủ tịch ủy ban khu phố Chợ Hôm, Hội trưởng Hội cứu đói toàn quốc.


Tháng 7 năm 1946, Đỗ Xuân Hợp là một trong một số sáng lập viên Đảng Xã hội Việt Nam, sáng lập viên Hội chữ thập đỏ Việt Nam.


Từ tháng 11 năm 1946 đến nay Đỗ Xuân Hợp liên tục phục vụ quân đội. Đồng chí đã giữ các cương vị:

Viện trưởng Viện Quân y 10, Hiệu trưởng trường Quân y sĩ, trường Sĩ quan Quân y, trường Đại học Quân y, chuyên viên Viện Nghiên cứu y học quân sự. Ở cương vị nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy công tác, có nhiều cống hiến xuất sắc cho ngành quân y.


Đỗ Xuân Hợp rất say mê nghiên cứu khoa học. Đồng chí đã có hơn 100 công trình; viết 15 cuốn sách giáo khoa dùng cho cán bộ từ trình độ y tá đến bác sĩ, có nhiều công trình có giá trị cao như:

Công trình nghiên cứu về đặc điểm, giải phẫu và nhân học người Việt Nam.

Công trình bàn về kết hợp 2 nền y học trong y học nói chung và hình thái học nói riêng.

Tài liệu "Một số thuyết cơ bản y học cổ truyền của các dân tộc qua các thời đại" in năm 1978, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đọc và viết thư khen ngợi.

Đỗ Xuân Hợp còn trực tiếp chỉ đạo đề tài nghiên cứu nhân trắc học người Việt Nam, làm cơ sở ứng dụng trong các binh chủng, quân chủng.

Đỗ Xuân Hợp là người chỉ đạo biên soạn cuốn Từ điển thuật ngữ giải phẫu bằng 4 thứ tiếng (La-tinh, Pháp, Anh, Việt). Đồng chí là người đầu tiên trong ngành y của ta xây dựng nên hệ thống ngôn ngữ nói chung và ngành giải phẫu Việt Nam nói riêng. Đồng chí đã đề xuất và thực hành giảng dạy kiến thức chuyên môn y học hoàn toàn bằng tiếng Việt ở trường Đại học y từ trong kháng chiến chống Pháp.

Ngay từ năm 1946, Đỗ Xuân Hợp đã viết sách bằng tiếng Việt "Cuốn sổ tay thực hành bệnh viện" và năm 1952, đồng chí viết cuốn "Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa", được Bác Hồ khen ngợi và tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba cho cuốn sách thứ 2.

Đỗ Xuân Hợp rất quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ. Đồng chí đã trực tiếp hướng dẫn cho ngành giải phẫu Việt Nam được 3 phó giáo sư, 10 tiến sĩ y khoa, và nhiều đồng chí nay trở thành chuyên viên đầu ngành của Nhà nước và quân đội.


Đỗ Xuân Hợp không những hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân đội mà còn hoàn thành xuất sắc các trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như: Đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 6 (Ủy viên Thường vụ Quốc hội khóa 4); Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 3 và 4; Chủ tịch hội Thái - Việt Nam; giáo sư trường Đại học y khoa Hà Nội.


Đỗ Xuân Hợp là một trí thức cách mạng, sống giản dị, khiêm tốn, liêm khiết, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp chung của ngành quân y. Đồng chí được các tầng lớp trí thức trong ngành y mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, hạng nhì, hạng ba.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Đỗ Xuân Hợp được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #98 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:24:58 pm »

ANH HÙNG NGUYỄN NGỌC DOÃN


Nguyễn Ngọc Doãn sinh năm 1914, dân tộc Kinh, quê ở phường Thịnh Hào, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, nhập ngũ tháng 11 năm 1946. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại tá, chuyên viên 7, giáo sư. Viện phó Viện Quân y 108.


Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1939, Nguyễn Ngọc Doãn làm nghề tự do đến tháng 10 năm 1946, đồng chí nhập ngũ. Từ tháng 11 năm 1946, Nguyễn Ngọc Doãn liên tục phục vụ trong quân đội đến nay. Đồng chí đã qua các cương vị: Trưởng ban Quân y trung đoàn 115 kiêm Viện trưởng bệnh viện Yên Bái; Viện phó Viện Quân y 108, chuyên viên y học - Bộ Quốc phòng. Ở cương vị nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần tận tụy, tích cực công tác, không quản gian khổ, vất vả hy sinh. Trong kháng chiến nhiều lần đồng chí đi sát mặt trận cứu chữa thương binh, giải quyết thành công nhiều trường hợp hiểm nghèo.


Nguyễn Ngọc Doãn rất say mê nghiên cứu khoa học, đã có trên 70 đề tài, công trình có giá trị được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong toàn quân.


Đề tài về những cây thuốc Việt Nam, xác định đặc tính của nhựa cây duối, cây thủy xương bồ chữa loạn nhịp tim mạch; cây dừa cạn chữa bệnh cao huyết áp, tua rễ đa chữa chứng tràn dịch màng bụng trong các bệnh về gan... Những đề tài này có tác dụng trong điều trị, được Bộ Y tế khen thưởng.


Công trình nghiên cứu về gan đang được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị viêm gan siêu vi khuẩn về bệnh xơ gan.


Công trình nghiên cứu về thận, trong đó có 2 đề tài được nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam như: Thẩm phân phúc mạc giải quyết những trường hợp urê huyết cao. Đề tài cặn ĐĐY nước tiểu lấy để trong 3 giờ nhằm để chẩn đoán các tổn thương ở thận.


Hầu hết các đề tài, công trình khoa học của Nguyễn Ngọc Doãn đều được đăng ở Tạp chí Y học, các báo Dược học, Nội khoa, Y học thực hành, Thông tin, Y học Việt Nam. Có nhiều đề tài đã được xuất bản bằng tiếng Pháp để trao đổi với nước ngoài.


Đồng chí đã có 7 cuốn sách nói về dược lý, dược Việt Nam, tim mạch, bệnh gan, mệt, tăng huyết áp.


Nguyễn Ngọc Doãn đã hướng dẫn 2 luận văn bảo vệ thành công phó tiến sĩ trong nước, gợi ý đề tài, dịch đề cương luận văn cho nhiều cán bộ quân y, dân y đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Đồng chí đã duyệt luận văn của nhiều cán bộ quân y, dân y về chuyên khoa cấp 2 theo đào tạo chính quy, bổ túc nâng cao trình độ chuyên khoa cấp 1, 2 về bộ môn dược lý cho nhiều cán bộ quân y, dân y.


Ngoài ra, đồng chí còn được giao và đã làm tốt nhiệm vụ như: Chủ nhiệm bộ môn dược lý trường Đại hoc y Hà Nội từ năm 1955; Phó Chủ tịch Hội đồng nội khoa; Tổng hội Y học Việt Nam; Ủy viên Hội đồng giám định y khoa - Bộ Quốc phòng.


Suốt 38 năm phục vụ trong quân đội, nay tuy đã 72 tuổi Nguyễn Ngọc Doãn luôn luôn nêu cao tinh thần tận tụy, đi sâu nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình có giá trị và đang được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh có hiệu quả. Đồng chí còn quan tâm hướng dẫn, truyền đạt kiến thức về y học và dược cho những lớp trẻ. Nguyễn Ngọc Doãn sinh hoạt giản dị, trong sạch, lành mạnh, có tín nhiệm trong hàng ngũ cán bộ quân y.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhất, 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Ngọc Doãn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #99 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 02:25:34 pm »

ANH HÙNG ĐẶNG TRUNG THÀNH


Đặng Trung Thành sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Sơn Lai, huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình, nhập ngũ tháng 2 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 31 đặc công, Quân khu 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Đặng Trung Thành tham gia chiến đấu 25 trận, 2 lần bị thương. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ tiểu đoàn, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ huy đơn vị diệt hàng trăm tên địch. Riêng đồng chí diệt nhiều tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.


Trận ngày 28 thảng 11 năm 1980, Đặng Trung Thành chỉ huy trung đội đánh vào một căn cứ địch ở đường 8 (Trung Lào). Địch chống cự quyết liệt và tổ chức nhiều đợt phản kích, đồng chí bình tĩnh chỉ huy đơn vị diệt 134 tên địch.


Trận ngày 24 tháng 4 năm 1971, Đặng Trung Thành chỉ huy trung đội đánh vào căn cứ do 1 tiểu đoàn địch đóng trong công sự vững chắc, đã diệt 100 tên, đơn vị chỉ hy sinh 1 người.


Trận ngày 2 tháng 4 năm 1972, Đặng Trung Thành đánh điểm cao 1803. Địch ở đây đông, có công sự vững chắc. Khi phát hiện thấy ta, chúng tập trung hỏa lực bắn dữ dội vào đội hình của đơn vị. Quá trình chiến đấu đồng chí 2 lần bị thương vẫn tiếp tục chỉ huy đại đội kiên quyết tấn công, tiêu diệt gần 1 đại đội địch, chiếm được điểm cao này.


Trận ngày 24 tháng 12 năm 1981, Đặng Trung Thành dẫn một tổ luồn sâu vào vùng địch kiểm soát qua nhiều chặng có địch tuần tra canh gác, diệt 40 tên, phá hủy hơn 100 tấn hàng quân sự, ta an toàn. Bọn địch hoang mang, hoảng loạn bắn lẫn nhau chết hơn 100 tên.


Đặng Trung Thành đã góp nhiều công sức xây dựng tiểu đoàn 31 trở thành đơn vị vững mạnh, lập công xuất sắc.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 4 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 lần được Chính phủ nước bạn Lào và Cam-pu-chia tặng thưởng Huân chương cao quý, 5 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng, 8 lần Chiến sĩ thi đua.


Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Đặng Trung Thành được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM