Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:43:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 6  (Đọc 6457 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:49:58 am »

ANH HÙNG NGÔ KHẮC QUYỀN
(Liệt sĩ)


Ngô Khắc Quyền sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã Thọ Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 5 năm 1975. Khi hy sinh đồng chí là trung sĩ, trung đội trưởng bộ binh, đại đội 2, tiểu đoàn 1, trung đoàn 273, sư đoàn 341, Quân đoàn 4, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Từ tháng 9 năm 1977 đến ngày 18 tháng 7 năm 1978, Ngô Khắc Quyền chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Đồng chí có quyết tâm cao, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, đã tham gia chiến đấu trên 80 trận, tự tay diệt 35 tên địch, thu 40 khẩu súng các loại.


Trận ngày 24 tháng 10 năm 1977 ở Lục Sơn, địch lợi dụng ban đêm cho 1 tổ vào trinh sát trận địa ta, Ngô Khắc Quyền chỉ huy tiểu đội kịp thời nổ súng, bắt 2 tên. Sáng hôm sau, địch tổ chức phản kích, đồng chí kiên cường bám trận địa chỉ huy đơn vị đánh lui 9 đợt tấn công của địch. Riêng đồng chí diệt 7 tên, thu 5 súng, góp phần giữ vững trận địa.


Trận ngày 18 tháng 7 năm 1978 ở Búa Lớn (tỉnh Tây Ninh) địch tập trung lực lượng đông đánh vào trận địa đơn vị. Ngô Khắc Quyền chỉ huy đơn vị ngoan cường chiến đấu, bản thân sử dụng 4 loại vũ khí để đánh địch. Trận đánh kéo dài từ sáng đến chiều, Ngô Khắc Quyền bị thương nặng nhưng vẫn không rời vị trí, tiếp tục động viên đơn vị giữ vững quyết tâm và đã anh dũng hy sinh.


Khi còn sống, Ngô Khắc Quyền luôn gương mẫu, đoàn kết, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, kỷ luật chiến trường, được đồng đội tin yêu.


Ngô Khắc Quyền đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 28 tháng 8 năm 1981, Ngô Khắc Quyền được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:50:34 am »

ANH HÙNG RƠ O CHEO


Rơ O Cheo sinh năm 1952, dân tộc Gia Rai, quê ở xã EaRSai, huyện A Dun Pa, tỉnh Gia Lai, nhập ngũ tháng 8 năm 1967. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung úy, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 303 bộ binh bộ đội địa phương tỉnh Đắc Lắc, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Rơ O Cheo tham gia chiến đấu nhiều trận đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, đồng chí chỉ huy trung đội chặn đứng đoàn xe địch rút chạy trên đường số 7, bắn cháy 1 xe tăng, diệt trên 200 tên địch, góp phần tạo thuận lợi cho đơn vị bạn tiêu diệt quân địch rút chạy từ Tây Nguyên về đồng bằng.


Từ sau miền Nam giải phóng, trong nhiệm vụ truy quét Phun rô, đồng chí luôn thể hiện nhiệt tình trách nhiệm cao, ý chí chiến đấu tốt, mưu trí, dũng cảm, chỉ huy đơn vị diệt 67 tên địch, bắt 150 tên, phát động quần chúng gọi hàng trên 500 tên, thu trên 3.000 khẩu súng các loại.


Tháng 6 năm 1975, Rơ O Cheo chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch ở khu vực Cheo Reo, đồng chí đã kết hợp lùng sục trong rừng với công tác phát động quần chúng ở các buôn. Kết quả trong một thời gian ngắn đã cùng với nhân dân bắt và gọi ra trình diện trên 500 tên địch, thu trên 100 súng các loại, góp phần phá âm mưa của địch định cướp chính quyền ở huyện lỵ Cheo Reo.


Ngày 30 tháng 6 năm 1978, Rơ O Cheo chỉ huy tập kích Phun rô ở khu rừng thuộc huyện EaSúp, Rơ O Cheo chỉ huy 1 tiểu đội. Khi phát hiện được mục tiêu, đồng chí dũng cảm bò vào từng chiếc võng của địch rồi mới tổ chức đơn vị vây chặt. Rơ O Cheo dẫn đầu mũi tấn công, ngay loạt đạn đầu, đồng chí đã diệt 3 tên địch. Bị thương đồng chí vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu cho đến khi trận đánh kết thúc. Kết quả đơn vị diệt gọn toán địch (diệt 6 tên, bắt 8 tên) thu 16 súng các loại. Trận đánh có tác động lớn, sau đó có hàng chục tên mang súng ra hàng.


Rơ O Cheo là một cán bộ gương mẫu, có đạo đức phẩm chất tốt, có tinh thần đoàn kết và năng lực vận động quần chúng. Đồng chí đã góp phần xây dựng đại đội 303 trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua của bộ đội địa phương Quân khu 5.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba.


Ngày 28 tháng 8 năm 1981, Rơ O Cheo được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:51:14 am »

ANH HÙNG LƯƠNG VĂN XUÂN


Lương Văn Xuân sinh năm 1959, dân tộc Thái, quê ở xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 4 năm 1978. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là thượng sĩ, trung đội phó bộ binh đại đội 7, tiểu đoàn 8, trung đoàn 209, sư đoàn 7 bộ binh, Quân đoàn 4, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Từ tháng 8 năm 1978 đến tháng 8 năm 1980, Lương Văn Xuân chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, đã đánh 30 trận. Trong chiến đấu đồng chí nêu cao tinh thần tích cực tấn công địch, dũng cảm, ngoan cường, có tính quyết đoán trong những tình huống khó khăn. Bản thân đồng chí diệt 27 tên địch, bắt 3 tên, thu 14 súng các loại, đặc biệt: Trận ngày 20 tháng 11 năm 1978, đơn vị Lương Văn Xuân bị địch bắn mạnh không phát triển tấn công được, một số bị thương vong. Trước tình huống khó khăn, đồng chí chủ động đề xuất ý kiến vượt qua cánh đồng trống chiếm địa hình có lợi để kiềm chế và thu hút hỏa lực địch, tạo thuận lợi cho đơn vị xung phong diệt gọn địch. Riêng đồng chí diệt 3 tên, thu 2 súng.


Trận ngày 20 tháng 2 năm 1979 đánh địch ở khu vực đông - nam thị xã Kông Pông Xpư đơn vị bị thương vong một số; Lương Văn Xuân đã bình tĩnh dìu thương binh xuống chiến hào rồi xông ra chặn địch. Đồng chí linh hoạt luôn di chuyển vị trí, sử dụng nhiều lọại vũ khí diệt địch. Hành động dũng cảm của Lương Văn Xuân đã cổ vũ mọi người hăng hái chiến đấu. Kết quả trận này ta đã bẻ gãy 5 đợt tấn công của địch giữ vững trận địa, bảo vệ an toàn thương binh. Riêng đồng chí đã diệt 14 tên, thu 4 súng.


Lương Văn Xuân luôn khiêm tốn, gương mẫu chấp hành chính sách, kỷ luật chiến trường tốt, được đồng đội tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 6 bằng và giấy khen, 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ giữ nước.


Ngày 28 tháng 8 năm 1981, Lương Văn Xuân được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:51:49 am »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN THUYỀN
(Liệt sĩ)


Nguyễn Văn Thuyền tức Dũng sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã Thành Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, nhập ngũ tháng 3 năm 1972. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úv, đại đội trưởng đại đội 3 bộ binh, tiểu đoàn 179, đoàn 9904, mặt trận 979, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tháng 1 năm 1979 Nguyễn Văn Thuyền được bổ nhiệm đại đội trưởng, đồng chí chỉ huy đơn vị chiến đấu ở khu vực Tà Keo, tỉnh Căng Đan (Cam-pu-chia). Trong chiến đấu khó khăn ác liệt, Nguyễn Văn Thuyền vẫn nêu cao tinh thần dũng cảm, chỉ huy mưu trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Riêng đồng chí diệt 11 tên địch, bắt 4 tên, thu 19 khẩu súng, điển hình:


Ngày 7 tháng 8 năm 1979, Nguyễn Văn Thuyền chỉ huy đơn vị đánh chiếm trận địa ở núi Tà Ri. Địch ở thế cao, ném lựu đạn và thủ pháo xuống chặn đội hình tấn công của ta. Đồng chí chỉ huy mưu trí đánh vào sườn và phía sau lưng địch, làm chúng phải bỏ chạy, đơn vị làm chủ trận địa. Đêm đó, địch dùng lực lượng tập kích vào đơn vị, đồng chí chỉ huy anh em đánh lui nhiều lần tập kích của địch, giữ vững trận địa.


Ngày 11 tháng 3 năm 1979, đồng chí làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch ở tây - nam núi Tương Lăng. Địch lợi dụng địa thế cao, chống trả quyết liệt. Nguyễn Văn Thuyền chỉ huy đơn vị vừa đánh địch phía trước, vừa gỡ mìn và cho một bộ phận bí mật, bất ngờ đánh vào sườn địch, làm cho chúng hoảng sợ bỏ chạy. Đơn vị làm chủ trận địa, thu nhiều vũ khí và 5 tấn đạn, giải phóng hơn 1.000 dân.


Ngày 31 tháng 3 năm 1979, Nguyễn Văn Thuyền chỉ huy đơn vị chiến đấu liên tục cả ngày ở khu vực ngã tư chữ K, đánh lui 10 đợt tấn công của tiểu đoàn địch có xe tăng yểm trợ. Khi bị thương nặng, Nguyễn Văn Thuyền vẫn động viên anh em quyết tâm giữ vững trận địa. Do vết thương quá nặng đồng chí đã anh dũng hy sinh.


Khi còn sống, Nguyễn Văn Thuyền gương mẫu về mọi mặt, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 3 bằng khen.


Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Nguyễn Văn Thuyền được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #74 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:52:39 am »

ANH HÙNG BÙI XUÂN TIẾP
(Liệt sĩ)


Bùi Xuân Tiếp sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nhập ngũ tháng 10 năm 1974. Khi hy sinh đồng chỉ là thiếu úy, phó đại đội trưởng đại đội 21 trinh sát, trung đoàn 1, sư đoàn 9, Quân đoàn 4, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Bùi Xuân Tiếp đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, diệt được 3 tên địch, thu 2 súng.


Từ tháng 9 năm 1977 đến ngày 19 tháng 11 năm 1981, Bùi Xuân Tiếp đã 95 lần làm nhiệm vụ trinh sát ở biên giới Tây Nam, đã nêu cao tinh thần dũng cảm, đi sâu vào vùng địch kiểm soát để nắm tình hình. Nhiều lần Bùi Xuân Tiếp phải ngụy trang hoặc bí mật vượt qua 3 tuyến phòng ngự dày đặc của địch, vào giữa căn cứ để nắm tình hình được chính xác, bảo đảm cho các trận đánh giành thắng lợi. Quá trình làm nhiệm vụ, đồng chí còn diệt được 13 tên địch, thu 5 súng, chỉ huy tổ trinh sát diệt nhiều tên địch khác, điển hình:


Ngày 10 tháng 4 năm 1978, địch tấn công sang đất ta ở biên giới Tây Ninh. Bùi Xuân Tiếp chỉ huy tổ vượt qua 3 tuyến phòng ngự của địch, và qua nhiều bãi mìn để vào khu vực địch chiếm đóng. Quá trình làm nhiệm vụ, 3 đồng chí bị thương, 1 đồng chí hy sinh, đồng chí cũng bị thương vào chân. Bùi Xuân Tiếp chỉ huy tổ viên quyết đánh địch, diệt 7 tên. Riêng đồng chí diệt 4 tên. Đồng chí cất giấu tử sĩ, dìu 2 thương binh và mang 4 khẩu súng về phía sau an toàn, rồi lại dẫn bộ đội vào đánh địch.


Ngày 14 tháng 6 năm 1978, Bùi Xuân Tiếp chỉ huy một tổ 7 người đi nghiên cứu nắm địch ở Phum Thanh. Bị địch bao vây, đồng chí đã bình tĩnh chỉ huy phân đội chiến đấu dũng cảm, nghi binh lừa địch, cất giấu tài liệu. Trận này tổ đồng chí diệt 11 tên. Riêng đồng chí diệt 3 tên.


Ngày 7 tháng 7 năm 1978, Bùi Xuân Tiếp chỉ huy một tổ nắm địch ở cầu Tà Yên một căn cứ cách biên giới hơn 30 ki-lô-mét, có nhiều tuyến phòng thủ kiên cố, bãi mìn dày đặc. Đồng chí đã cùng tổ bí mật vào hẳn căn cứ địch nghiên cứu vẽ sơ đồ khu vực bố trí chặn đường rút của quân ta và bố trí lực lượng bao vây. Đồng chí bình tĩnh cất giấu tài liệu và kiên quyết đánh địch, cả tổ diệt 16 tên. Riêng đồng chí diệt 5 tên, thu 1 khẩu súng B41.


Ngày 19 tháng 11 năm 1981, Bùi Xuân Tiếp chỉ huy đơn vị đi trinh sát nắm địch ở khu vực được phân công cho trung đoàn tổ chức chiến đấu thì bị trúng đạn địch hy sinh.


Khi còn sống, Bùi Xuân Tiếp luôn gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công, 18 bằng và giấy khen, 3 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.


Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Bùi Xuân Tiếp được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #75 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:54:47 am »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TẤN
(Liệt sĩ)


Nguyễn Văn Tấn sinh năm 1954, dân tộc Kinh, quê ở xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 6 năm 1972. Khi hy sinh đồng chí là chuẩn úy, phó đại đội trưởng đại đội 2 bộ binh, tiểu đoàn 44, trung đoàn 176, Binh đoàn 678, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nguyễn Văn Tấn đã nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, công tác gương mẫu, tận tụy, hết lòng thương yêu đồng đội.


Tháng 9 năm 1972, Nguyễn Văn Tấn tham gia chiến dịch 972, chiến đấu ở đường 8a, 8b, đường 12 và đường 13, đã chiến đấu hàng chục trận. Trận đánh ở cầu Xê Băng Phai ngày 25 tháng 12 năm 1972, khi đơn vị đang vượt sông thì bị đại liên của địch bắn chặn. Nếu không diệt thì bị thương vong lớn và đơn vị sẽ không thực hiện được ý định của trận đánh. Nguyễn Văn Tấn đã xung phong lên diệt hỏa lực đó, tạo thuận lợi cho trận đánh.


Trận ngày 8 tháng 9 năm 1977, ở Phu Bia, được cơ sở báo tin có 1 toán địch đã xuống núi, Nguyễn Văn Tấn cùng 1 chiến sĩ bám sát bờ sông thì phát hiện 4 tên địch trên bè chuối. Đồng chí mượn thuyền của dân đuổi bắt sống chúng. Khi thuyền của Tấn lao ra sông địch bắn mạnh cản đường. Nguyễn Văn Tấn đã bình tĩnh cùng chiến sĩ trên thuyền bắn chết 2 tên và kêu gọi 2 tên còn lại đầu hàng.


Đơn vị đóng quân trên một địa bàn rất phức tạp. Trong dân bản địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc. Đây là khu vực lần đầu tiên có bộ đội Việt Nam đến hoạt động, nên hầu hết nhân dân đều lo sợ. Nguyễn Văn Tấn đã cùng đội công tác của bạn bám dân, bám bản, tuyên truyền vận động nhân dân, xây dựng dân quân du kích, hiệp đồng và hỗ trợ cho bạn truy quét bao vây bắt gọn những tên địch nằm vùng.


Hồi 15 giờ ngày 6 tháng 4 năm 1979, được cơ sở báo tin có 1 toán địch khá đông đang triển khai phục kích trên đường 13, đánh vào đoàn xe chở hàng của bạn. Nếu để chậm thì cả đoàn xe của bạn bị địch cướp. Mặc dầu vẫn đang sốt rét nhưng Nguyễn Văn Tấn đã động viên được 12 anh em khác cũng đang sốt, ốm của đơn vị còn lại tổ chức đánh địch. Trong 20 phút chiến đấu, địch chết và bị thương một số trong đó có tên chỉ huy bị diệt tại trận. Đồng chí động viên anh em truy kích diệt thêm một số và Nguyễn Văn Tấn anh dũng hy sinh.


Khi còn sống, đồng chí luôn khiêm tốn, giản dị, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, nhiệt tình. Trong chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Trong sinh hoạt sâu sát, hòa nhã với anh em, được mọi người mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 2 năm là Chiến sĩ quyết thắng, 2 năm là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Nguyễn Văn Tấn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #76 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:55:33 am »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN SỨ
(Liệt sĩ)


Nguyễn Văn Sứ sinh năm 1956, dân tộc Kinh, quê ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nhập ngũ tháng 4 năm 1975. Khi hy sinh đồng chí là thượng sĩ, phó đại đội trưởng đại đội 1 bộ binh, tiểu đoàn 263, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, mặt trận 979, Quân khu 9, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tháng 12 năm 1978, Nguyễn Văn Sứ được bổ nhiệm chức vụ phó đại đội trưởng.


Đồng chí đã góp phần chỉ huy đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và Cam-pu-chia. Trong chiến đấu gay go, quyết liệt, Nguyễn Văn Sứ nêu cao tinh thần dũng cảm mưu trí. Đơn vị đồng chí đã diệt 135 tên địch, bắn cháy 2 xe tăng, thu một số vũ khí đạn dược. Riêng đồng chí diệt 30 tên địch, phá hủy 2 khẩu súng (12,8 ly và đại liên), bắn cháy 2 xe tăng.


Ngày 22 tháng 1 năm 1979, tại ngã ba Rô Ninh thuộc tỉnh Tà Keo (Cam-pu-chia), địch dùng lực lượng bộ binh đông có 9 xe tăng và 1 đại đội pháo binh yểm trợ bao vây và tấn công đội hình của ta. Nguyễn Văn Sứ chỉ huy một mũi đánh bật 6 đợt tấn công của địch, buộc chúng phải rút chạy. Riêng đồng chí dùng B40 bắn cháy 1 xe tăng.


Ngày 31 tháng 3 năm 1979, Nguyễn Văn Sứ chỉ huy đơn vị giữ chốt tại ngã ba chữ K. Một tiểu đoàn bộ binh địch có 6 xe tăng yểm trợ mở nhiều đợt tấn công lên trận địa chốt của đơn vị. Đồng chí đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị liên tục chiến đấu 18 giờ liền, đánh lui 7 đợt tấn công của địch. Đến 18 giờ, địch lại cho 4 xe tăng và bộ binh tập trung mở đợt tấn công ồ ạt đánh vào trận địa của đơn vị. Một số chiến sĩ bị thương vong, công sự tuyến trước bị sập. Nguyễn Văn Sứ vẫn bình tĩnh tổ chức lại đội hình chiến đấu. Đồng chí vừa chỉ huy vừa dùng súng B40 và AK diệt 2 hỏa điểm súng máy và bắn cháy 1 xe tăng của địch. Sau đó đồng chí bị trúng đạn hy sinh.


Khi còn sống, Nguyễn Văn Sứ gương mẫu về mọi mặt, giản dị, khiêm tốn, hết lòng thương yêu đồng chí, được đồng đội tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công.


Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Nguyễn Văn Sứ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #77 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:56:27 am »

ANH HÙNG QUÁCH VĂN THẮM
(Liệt sĩ)


Quách Văn Thắm sinh năm 1959, dân tộc Mường, quê ở xã Mạn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nhập ngũ tháng 4 năm 1978. Khi hy sinh đồng chí là trung sĩ, trung đội phó trinh sát. đại đội 21, trung đoàn 429, sư đoàn 302, Bộ tư lệnh 479, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Quách Văn Thắm vào bộ đội tháng 4 năm 1978. Đồng chí tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và giúp bạn Cam-pu-chia. Trưởng thành từ chiến sĩ lên trung đội phó, ở cương vị nào Quách Văn Thắm cũng có quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quách Văn Thắm đã 33 lần làm nhiệm vụ luồn sâu vào hậu cứ của địch, lần nào đồng chí cũng mưu trí, dũng cảm vượt qua tuyến phòng thủ và các bãi mìn của địch, nắm chắc được tình hình, báo cáo kịp thời chính xác, giúp trên tổ chức chiến đấu. Đồng chí 2 lần trực tiếp chỉ huy phân đội phục kích, diệt được 21 tên địch, thu 4 súng. Riêng đồng chí diệt được 10 tên địch, thu 2 súng. Đặc biệt:


Ngày 22 tháng 11 năm 1980, Quách Văn Thắm cùng tổ đi trinh sát, phát hiện hành lang của địch, đã chỉ huy tổ phục kích, diệt 8 tên, thu 5 súng.


Ngày 27 tháng 11 năm 1981, địch phát hiện được trận địa phục kích của ta, chúng dùng lực lượng đông, đánh vào phân đội 8 người của ta. Quách Văn Thắm chỉ huy phân đội chiến đấu dũng cảm, đánh lui các đợt tấn công của chúng. Khi bị thương nặng, biết mình không sống nổi, Quách Văn Thắm động viên anh em đưa thương binh về tuyến sau, còn mình ở lại tiếp tục chiến đấu, thu hút hỏa lực địch về mình, tạo điều kiện cho đồng đội đưa thương binh về tuyến sau an toàn. Quách Văn Thắm đã anh dũng hy sinh.


Khi còn sống, Quách Văn Thắm là một cán bộ gương mẫu về mọi mặt, có tinh thần trách nhiệm cao, được đồng đội tin yêu, quý mến.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng nhất.


Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Quách Văn Thắm được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #78 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:57:12 am »

ANH HÙNG TỐNG DUY TỤNG
(Liệt sĩ)


Tống Duy Tụng sinh năm 1950, dân tộc Kinh, quê ở xã Đông Phong, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ tháng 10 năm 1974. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội trưởng, đại đội 2, tiểu đoàn 572, lữ đoàn 101, vùng 5, Quân chủng Hải quân, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Trong chiến đấu, Tống Duy Tụng đã nêu cao tinh thần dũng cảm, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, dù khó khăn ác liệt thế nào, dù địch đông gấp nhiều lần cũng quyết đánh. Đặc biệt trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Cô Ma Nô (tây - bắc cảng Công Pông Xom) ngày 21 tháng 2 năm 1979, 1 đại đội địch bí mật dùng xuồng nhỏ và phao bơi bất ngờ lên đảo nổ súng dữ dội vào tiểu đội của đồng chí. Tống Duy Tụng đã bình tĩnh chỉ huy tiểu đội dũng cảm đánh trả địch quyết liệt. Biết địch đông gấp nhiều lần, Tống Duy Tụng động viên mọi người tiết kiệm đạn, chờ địch đến gần mới nổ súng. Đồng chí linh hoạt vượt ra khỏi công sự tiến sát địch tiêu diệt chúng. Cuộc chiến đấu càng trở nên quyết liệt, tiểu đội Tống Duy Tụng chỉ còn 2 người, Tống Đuy Tụng bị thương nặng vẫn kiên quyết chiến đấu diệt nhiều tên. Thấy ta hết đạn, địch xông lên định bắt sống, Tống Duy Tụng dùng quả lựu đạn cuối cùng ném về phía địch diệt nhiều tên. Địch bị thương vong nhiều, chúng hoảng sợ bỏ chạy. Tống Duy Tụng vì vết thương quá nặng, đã anh dũng hy sinh. Hành động dũng cảm của đồng chí đã được toàn đơn vị phát động học tập noi theo.


Khi còn sống, Tống Duy Tụng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về mọi mặt, được đồng đội tin yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 bằng khen, 2 năm là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Tống Duy Tụng được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #79 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2023, 07:58:04 am »

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN NGỘ
(Liệt sĩ)


Nguyễn Văn Ngộ sinh năm 1959, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ An Phú, huyện Bến Thủ, tỉnh Long An, nhập ngũ tháng 8 năm 1978. Khi hy sinh đồng chí là binh nhất, trung đội phó, đại đội 2 bộ binh, tiểu đoàn 502, Bộ tư lệnh 779, Quân khu 7, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.


Nguyễn Văn Ngộ đã tham gia chiến đấu 13 trận trên đất Cam-pu-chia. Trong chiến đấu đồng chí nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng tìm cách đánh địch. Nguyễn Văn Ngộ chỉ huy tiểu đội diệt 33 tên địch, thu 30 súng, góp phần tích cực cùng đại đội giữ vững trật tự trị an ở khu vực được giao.


Đặc biệt ngày 1 tháng 9 năm 1979, Nguyễn Văn Ngộ được tin báo có 2 người dân bị chết trong bãi mìn của địch đã 2 ngày chưa đưa ra được. Trước tình hình đó, đồng chí xung phong vào bãi mìn của địch để đưa 2 người dân ra. Khi đến nơi lại thấy thêm một người bị mìn nổ chết và một em bé bị thương đang kêu khóc. Nguyễn Văn Ngộ không quản ngại hy sinh đã nhanh chóng tổ chức phá gỡ mìn để cứu nhân dân. Tháo gỡ được hơn một chục quả mìn, thì một quả mìn nổ đồng chí bị thương nặng. Nguyễn Văn Ngộ bình tĩnh động viên nhắc nhở đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ tìm cách đưa dân ra khỏi bãi mìn, sau đó đồng chí đã hy sinh.


Hành động hy sinh dũng cảm của Nguyễn Văn Ngộ được chính quyền, nhân dân Cam-pu-chia nơi đơn vị đóng quân và đồng đội rất khâm phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì.


Ngày 25 tháng 1 năm 1983, Nguyễn Văn Ngộ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM