Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:27:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bạn chiến đấu - Tập 2  (Đọc 6671 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #120 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2023, 06:30:23 am »

Phấn khởi khi nhận thấy cử chỉ này, viên đại úy ệch người ra đằng sau, lấy tay gõ gõ một lúc xuống bàn không nói gì, và nghĩ một hồi lâu — Pê-tơ-ra-sếch có thể cam đoan rằng viên đại úy đếm đến hai mươi — rồi hắn mới nói:

— Trong lúc nước Pháp, trung thành với các bạn đồng minh đổ máu trên chiến trường thì Mạc-tư-khoa, đất thánh cộng sản của các anh ký một hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau với nước Đức. Trong những điều kiện ấy, chúng tôi không thể tin vào bọn cộng sản người nước ngoài thuộc loại anh được, vì các anh cho rằng bao giờ nước Nga cũng đúng. Đúng ngay cả khi ký một hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau với Đức. Với Đức! — viên đại úy kêu lên một cách hùng hồn và xua tay phẫn nộ. Nhưng, tên đại úy thõng tay xuống và tiếp tục bài đít-cua với vẻ thung dung của một người không khôn khéo lắm định nói chỉ như phớt qua những điều chủ yếu — Nhưng nếu anh và những người như anh cuối cùng có can đảm nhận rằng ít nhất trong việc này Mạc-tư-khoa đã sai lầm, và đã phản bội lại lý tưởng cộng sản; nếu các anh tuyên bố công khai điều đó thì...

— Thỉ sao... Pê-tơ-ra-sếch hỏi.

— Thì, nước Pháp đã đổ máu trong cuộc đấu tranh chống nước Đức, có thể coi các anh như những người trung thành và có thể xét đến việc thả các anh ra.

Lần thứ hai nghe thấy nói đến việc nước Pháp đổ máu, Pê-tơ-ra-sếch phải cố kiềm chế nét mặt mình. Đúng hôm nay, một tờ báo vương vãi trong trại, công bố con số những tổn thất trong hai tuần đầu của cuộc chiến tranh Pháp — Đức mà người ta đã gọi là cuộc chiến tranh kỳ cục: vài chục người bị chết và bị thương suốt dọc mặt trận.

Giọng cảm động của viên đại úy rõ ràng là khôi hài, nhưng điều hắn nói làm hận thù rộ lên trong Pê-tơ-ra-sếch, khiến đầu anh, từ nãy đến giờ nóng bừng vì xúc động và mệt nhọc, bỗng trở nên sáng suốt và lạnh lùng: một tên khiêu khích đang ngồi trước mặt anh có trách nhiệm hãm hại dù chỉ là một vài người, lúc chuyển họ từ một căng này sang một căng khác, bằng cách buộc họ ký vào một bức thư lên án bản hiệp ước Xô —Đức. Pê-tơ-ra-sếch hình dung bức thư đó, in trên báo «Bình dân», dưới đầu đề «Những chiến sĩ trong binh đoàn quốc tế phản đối hiệp ước Xô — Đức», và anh quyết định một cách lạnh lùng sẽ bắt tên đại úy này phải tự lột mặt nạ. Và báo trước việc này cho tất cả những người sắp bị gọi lên lấy khẩu cung được biết.

— Nhưng tại sao? — Pê-tơ-ra-sếch nói chậm chạp và như ngập ngừng, vẫn giữ vẻ chăm chú của mình — nhưng tại sao nếu muốn hòa bình, nước Nga lại cứ buộc lòng phải chiến đấu bên cạnh Anh, Pháp? Cách đây một năm nước Nga sẵn sàng bảo vệ Tiệp-khắc, nhưng các ông lúc đó, các ông lại không muốn. Lúc này, nước Nga không tin các ông nữa.

— Phải! — Viên đại úy la to, lại bị đà hùng biện bốc lên. —   Phải! Tôi biết anh là người Tiệp và trái tim Tiệp của anh bị tổn thương. Nhưng tim tôi, trái tim sĩ quan Pháp, nó cũng bị tổn thương. Phải! Anh có muốn tôi nói cho anh biết không, đấy, đấy là sự sai lầm bi thảm của chúng tôi. Nhưng lúc này, bằng việc bào vệ Ba-lan, nước Pháp đã lấy máu mình rửa lỗi đó.

Lần thứ ba nói đến máu đổ mắt hắn trợn lên đến độ chỉ còn nhìn thấy lòng trắng.

— Và trong thời gian đó, nước Nga, nước Nga của anh muốn hòa bình, như anh nói, lại tuyên bố chiến tranh với nước Ba-lan đã bị dìm trong máu!

Hắn kéo ngăn kéo trái mạnh đến nỗi đánh rơi nó xuống đất — việc này cũng làm giảm tác dụng hắn mong muốn một phần nào — và rút ra một tờ báo, ấn dưới mũi Pê-tơ- ra-sếch.

— Anh hãy đọc đi.

Tên đại úy lại chễm chệ ngồi trong chiếc phô-tơi, khoanh tay trước ngực với một vẻ bi kịch, và rình nét mặt của Pê-tơ-ra-sếch.

Đây là một tờ báo của đảng Xã hội địa phương in buổi chiều, trang đầu in tít to «Người Nga tuyên bố chiến tranh với Ba-lan và đang vượt biên giới Ba-lan». «Người bôn-sê-vích tuyên bố hủy bỏ việc nhượng lại cho Ba-lan những tỉnh của U-cơ-ren và Bi-ê-lô-ruýt-xi gồm mười ba triệu người». Ở dưới có một thông điệp của chính phủ Xô-viết gửi đại sứ Ba-lan ở Mạc-tư-khoa. Pê-tơ-ra-sếch đọc đi đọc lại trang báo một cách vội vàng, nét mặt thản nhiên, vì anh cảm thấy mắt tên đại úy nhìn anh chằm chằm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #121 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2023, 06:32:40 am »

Cuối cùng, thưởng thức vẻ sốt ruột rõ ràng của hắn, anh đọc lại bức thông điệp một lần thứ tư, lần này không vội vàng, rồi anh gấp cẩn thận tờ báo lại làm hai và đưa nó qua mặt bàn.

— Cảm ơn. Ở trại báo chí thường đến chậm mất một ngày.

— Đấy có phải là một sự thay đổi kỳ quặc đối với một nước xã hội chủ nghĩa không? Anh nghĩ thế nào? — tên đại úy nói, giọng đắc thắng, không chú ý đến vẻ châm biếm của Pê-tơ-ra-sếch. Hắn tưởng anh choáng váng. Hắn kết luận vội vàng như vậy khi nhìn thấy nét mặt lạnh cứng và thản nhiên của anh trong lúc anh đọc báo.

Pê-tơ-ra-sếch im lặng. Anh lắng nghe những gì xảy ra phía sau cánh cửa. Bọn sen đầm nói chuyện khẽ với nhau và thỉnh thoảng một tiếng lách cách vang lên: chắc là chúng đang chơi súc sắc, nghe thấy tiếng quân súc sắc rơi trên bàn.

Vừa nghe, Pê-tơ-ra-sếch vừa do dự giữa thái độ im lặng đến cùng một cách khôn ngoan và lòng thèm muốn nói một vài lời suy nghĩ hết sức chín chắn với tên phát xít còm nhòm này.

Thật ra làm viên đại úy thất vọng, có thể là anh sẽ bị đánh: nhưng căm thù hình như thắng lý trí và sợ hãi.

— Thế nào anh nghĩ về tất cả những cái đó thế nào? — viên đại úy nhắc lại câu hỏi, giọng nhấn mạnh có vẻ đắc thắng.

— Tôi nghĩ gì về tất cả những cái đó à?

Pê-tơ-ra-sếch tụt xuống ghế, bước một bước về phía bàn, và tỳ hai tay vào bàn, anh nghiêng người sát gần viên đại úy đến nỗi hắn bất giác lùi lại.

— Thứ nhất, tôi thấy sung sướng vì Liên-xô không làm cỗ sẵn cho các anh sơi và không có ý đánh nhau với nước Đức chỉ vì các anh muốn thế. Thứ hai, nếu người Nga vượt biên giới Ba-lan và nếu thêm mười ba triệu người nữa sẽ sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tôi đây không phải là Lê-ông Blum để vò đầu bứt tai về chuyện đó. Thứ ba, nếu dù sao một ngày kia người Nga cũng đánh nhau với Hít-le, đó là vì họ, vì tôi, và vì những người như tôi chứ không phải vì anh và những người như anh.

Nói đến đây, Pê-tơ-ra-sếch suýt ấn ngón tay vào ngực viên đại úy khiến’hắn giật mình nhảy lùi lại đằng sau cùng chiếc ghế phô-tơi.

— Sau cùng, thứ tư — Pê-tơ-ra-sếch bắt đầu nói mày tao với tên đại uy  với một thái độ hỗn xược lạnh lùng — mày không những là một con lợn phát xít, một tên khiêu khích bẩn thỉu, mày còn là một thằng ngu!

Nghe tiếng đại úy thét, bọn sen đầm miễn cưỡng bỏ dở canh súc sắc, chạy đổ xô vào. Chúng trói hai tay Pê-tơ-ra-sếch và được tên đại úy khuyến khích chúng đánh anh hồi lâu; trong khi đó tên đại úy lại vào ngồi trước bàn làm việc và, vừa có làm ra vé thản nhiên, vừa viết biên bản cuộc hỏi cung. Thỉnh thoảng hắn lại ngẩng đầu với một tiếng cộc lốc: «Nữa». Nhưng những ngón tay dài và khẳng khiu của tên đại úy mắc bệnh thần kinh này không chịu tuân theo hắn cứ run lên bần bật. Pê-tơ-ra-sếch kịp nhìn thấy điều đó bằng con mắt trái của anh còn chưa việc gì. Thường thường bọn sen đầm Pháp hay đánh tù bằng khăn mặt ướt, để không lưu lại vết tích gì trên người, nhưng lần này, được tên đại úy tán thành, chúng đánh Pê-tơ-ra-sếch như đòn hội chợ, chẳng giữ gìn gì nữa. Sau cùng viên đại úy nói:

— Thôi ngừng lại! Đem hắn đến đây ký biên bản — Hắn giở đến trang cuối cùng, đứng dậy và khoanh tay trên ngực, hắn ra đứng dựa vào tường. Hắn sợ đứng gần bên Pê-tơ-ra-sếch và không chế ngự được cảm giác đó. Vả lại, hắn không chịu được khi nhìn thấy máu.

Ba tên sen đầm xúm vào lôi Pê-tơ-ra-sếch đến trước bàn: hai tên vặn tay anh, tên thứ ba đi sau đỡ lấy cổ, khi chúng đến sát bên hắn, tên sen đầm vặn tay phải bỏ ra, nhúng một chiếc bút vào mực và nhét vào giữa những ngón tay Pê-tơ-ra-sếch. Hắn đứng ra bên, sẵn sàng lại nắm lấy tay anh.

Mắt bên phải Pê-tơ-ra-sếch không nhìn thấy gì; qua mắt bên trái sưng húp chỉ hơi he hé một tí, anh nhận thấy mơ hồ những cột trên trang giấy và chữ viết hình như ngả về một phía.

Pê-tơ-ra-sếch khó nhọc nuốt một cục máu lớn, anh nắm lấy chiếc bút chiếu lệ, và biết trước điều mình sẽ làm, anh nghiêng người về phía trước, sung sướng cảm thấy bàn tay nắm cổ mình gần như cũng buông ra.

Lúc đưa bút tiến gần tờ giấy, anh ném nó lên không, vùng ra để chiếc cổ áo va-rơ rách lại trong tay tên sen đầm, và ngã áp khuôn mặt đẫm máu vào tờ biên bản, rồi ngẩng lên ngay và anh lại áp mặt một lần nữa, như một con dấu lên mặt giấy. Lúc ngất đi, anh cảm thấy chúng vặn tay anh đến gẫy nát.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #122 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2023, 06:35:16 am »

*
*   *

Khi tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trên sàn một chiếc xe ca của cảnh sát đóng kín mít đương lăn trên một con đường gồ ghề.

Hòm xe tối om. Cựa quậy đầu, Pê-tơ-ra-sếch cảm thấy một vật gì dưới gáy mình như một chiếc áo vét hay một chiếc măng-tô. Phía trên, ở bên trái và bèn phải, anh nghe tiếng những người ngồi trên ghế thở và ho.

Lấy tay phải sờ sờ, anh chạm vào một chiếc giày có cổ, rồi một chiếc thứ hai, một chiếc thứ ba.

Một người nói tiếng Tây-ban-nha.

— Hình như anh ta cựa quậy thì phải.

— Đồng chí tỉnh chưa? — Một giọng nói thứ hai hỏi Pê-tơ-ra-sếch nghe quen thuộc.

Pê-tơ-ra-sếch không trả lời. Anh không biết có những ai ở trong xe và nhỡ bọn sen đầm lẫn vào đấy thì sao. Và anh cũng không chắc là mình có thể nói được, vì môi và lợi sưng vù lên lúc này như không phải của anh nữa.

Đáng lẽ trả lời, anh đưa lưỡi liếm hàm răng. Hình như anh mất ba chiếc ở hàm dưới và bốn chiếc ở hàm trên, gần như về phía bên trái tất cả.

Để nhẹ bàn tay phải trên ngực, anh sờ bàn tay trái; nó sưng vù và tê cứng. Chắc không phải gẫy mà là trẹo xương ở khuỷu tay thôi.

— Đồ súc vật! — Giọng thứ nhất lại nói bằng tiếng Tây-ban-nha — Chúng đánh người ta đến chết ngất thế kia.

— Khẽ chứ! — Tiếng người thứ hai nói, lúc này Pê-tơ-ra-sếch đã nhận ra. Đó là tiếng Mác-ti-ne, một trong những ủy viên của ban chấp hành bí mật.

«Thế ra cả anh ta cũng bị bắt», Pê-tơ-ra-sếch nghĩ, ân hận.

— Khẽ chứ — giọng Mác-ti-ne nhắc lại — bọn sen đầm có thể biết tiếng Tây-ban-nha.

— Mặc xác chúng — người thứ nhất nói — tôi cóc sợ.

— Tôi cũng vậy, nhưng có thể là chúng biết tiếng Tây-ban-nha, cho nên nói gì phải cẩn thận.

— Cả cái bình nước của mình chúng cũng tước mất — mới thoạt nghe những chữ đầu của giọng thứ ba nói bằng một thứ tiếng Tây-ban-nha rất khó nghe, Pê-tơ-ra-sếch nhận được ngay. Đó là anh chàng Ba-lan I-át-xin-xki, thợ luyện kim ở Vác-xô-vi, quân tình nguyện thuộc binh đoàn quốc tế, Pê-tơ-ra-sếch biết anh này từ hồi còn ở bên Tây-ban-nha. Anh ta thuộc đảng Xã hội Ba-lan, nhưng chắc bọn sen đầm cho anh là cộng sản, vì anh là một người hay gây gổ và luôn luôn gây sự trong các phòng giấy của căng Ác-giơ-lét.

Quay đầu lại và cọ má vào mặt len sù sì, Pê-tơ-ra-sếch hàm ơn nghĩ đến chiếc áo cũ, chắc là của I-át-xin-xki, kê dưới đầu anh

— Này, có phải áo của cậu không? — anh hỏi chậm chậm giọng yếu ớt và rít lên như thổi còi, chính anh cùng không nhận được ra tiếng nói của mình nữa.

— Phải — I-át-xin-xki trả lời — Chắc là cậu muốn uống nước lắm, nhưng không có.

— Người ta bảo là sắp đến nơi rồi — Mác-ti-ne nói — Đến đó anh em sẽ kiếm nước cho cậu.

— Cảm ơn.

Pê-tơ-ra-sếch nằm im mấy phút không nói gì.

— Này — anh quay đầu về phía I-át-xin-xki lúc ấy ở gần kề anh nhất ngay bên trái phía trên đầu, và nói khẽ — Cậu biết tin Hồng quân đã vượt biên giới Ba-lan rồi chứ?

— Rồi — I-át-xin-xki trả lời — đó là điều đầu tiên viên đại úy nói với mình.

— Thế cậu trả lời hắn thế nào?

— Rằng việc đó chẳng dính gì đến mình cả.

— Nhưng thật ra cậu nghĩ thế nào?

— Mình nghĩ rằng đó là một việc tốt, nếu cùng với việc giải phóng những người dân U-cơ-ren và Bi-ê-lô-ruýt-xi, Hồng quân cứu luôn cả người Ba-lan thoát khỏi ách Hít-le.

— Cậu nghĩ rằng có thể làm ngay được chuyện đó không?

— Mình không biết — I-át-xin-xki nín lặng. Còn Pê-tơ-ra-sếch anh nghĩ rằng ở đó, bên Liên-xô, người ta đang làm đúng điều cần phải làm lúc này trước tình hình thế giới tư bản chủ nghĩa điên rồ bị chiến tranh xé ra làm hai mảnh. Kể trong tình trạng gần như bất tỉnh nhân sự của Pê-tơ-ra-sếch, suy nghĩ được như thế phải nói là đặc biệt sáng suốt.

— Cậu thấy trong người thế nào? — I-át-xin-xki hỏi.

— Khá.

— Cậu nghĩ đến ai thế.

— Đến Xta-lin.

— Người ta chuyển chúng ta đi cũng đã khá lâu rồi đấy nhỉ. — giọng nói đầu tiên, Pê-tơ-ra-sếch không quen, nói bằng tiếng Tây-ban-nha.

— Người ta dẫn chúng ta đến biên giới nước Đức để đưa chúng ta vào mõm Hít-le — Mác-ti-ne nói, và Pê-tơ-ra-sếch đoán thấy nụ cười mỉa mai rất quen thuộc của anh ta trong tối.

— Lúc này thì ít có triển vọng xảy ra điều đó — giọng thứ nhất trả lời, nghe không vững lắm.

— Thế thì cứ cho là mình đưa cũng được — Mác-ti-ne nói và sau một lát im lặng, anh nói thêm giọng giễu cợt chua chát — Dù sao, ngay từ bây giờ nước Pháp của Đa-la-đi-ê, lấy cớ đánh nhau với nước Đức của Hít-le, qua con người bọn chúng ta, cũng đang dẫn châu Âu chống phát xít — từ một trại giam một hàng dây thép gai đến một trại giam ba hàng dây thép gai và dẫn đi giữa một đêm đen ngòm, trong một chiếc xe ca cảnh sát. Chẳng phải có một cái gì tượng trưng trong đó hay sao?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #123 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2023, 07:39:33 am »

CHƯƠNG XXXI

Trước ngày các đơn vị Xô-viết tiến quân vào U-cơ-ren và phía tây Bi-ê-lô-ruýt-xi một hôm, thông tấn xã Liên-xô truyền đi một bản thông cáo bản tin cuộc thương lượng giữa Mô-lô-tốp và Tô-gô đại sứ Nhật-bản ở Mạc-tư-khoa đã chấm dứt.

Sau khi bại trận, người Nhật nhượng bộ về tất cả những điểm mà cách đây không lâu, báo chí Nhật-bản còn ngoan cố khăng khăng không chịu.

Họ công nhận ngừng bắn với việc quân đội hai bên đóng hai bên tuyến đã chiếm lĩnh lúc bấy giờ, cụ thể là dọc biên giới Mông—Mãn, điều kiện mà cho đến nay quân Nhật vẫn một mực không chấp thuận. Điều thứ bốn của hòa ước quy định, sau khi thương lượng xong, sẽ tổ chức trao đổi tại chỗ tù binh và xác những người bị chết.

Tinh mơ ngày 17 tháng chín, quân Nhật báo qua ra-đi-ô là chúng sẽ cử đại biểu đến khu vực trung lập, phía nam Nô-mun Khan Buốc O-bô.

Sáu giờ sáng, Khu-đi-a-cốp, phụ trách đơn vị chiếm lĩnh Nô-mun Khan O-bô nhận được điện thoại của ban tham mưu tập đoàn.

Anh được lệnh chuẩn bị đón các đại biểu đối phương trong khu vực trung đoàn anh. Khu-đi-a-cốp bố trí một lối đi qua hàng rào dây thép gai và chuẩn bị sẵn sàng, với hai chiến sĩ nữa đi cùng với anh.

Khu-đi-a-cốp gọi điện thoại cho ban chỉ huy tiểu đoàn phụ trách tuyến một, ra lệnh bóc hai thước dây thép gai và thay vào đó một hàng rào hai thước có thể tháo rời ra được. Rồi trái với thói quen cứ hai ngày mới cạo mặt một lần và tự cạo lấy, hôm ấy anh cho gọi người cắt tóc đến. Sau khi cạo mặt xong, anh mặc một chiếc áo bơ-lu-dông mới, thắt một xanh-tuy-rông cũng mới, màu vàng nhạt, lấy ở trong va-li ra.

Chuẩn bị xong, anh đánh thức Xa-en-cô đêm trước mãi khuya mới đi ngủ, trình bày cho anh ta rõ và hỏi ý kiến về việc lựa chọn các chiến sĩ đi theo mình. Cuối cùng hai người đồng ý chọn Con-xốp và chuẩn úy thuộc trung đội trung đoàn bộ. Chuẩn úy lúc nào cũng ở ban tham mưu, không có dịp nổi bật trong chiến đấu. nhưng là một cựu binh tháo vát và linh hoạt, một chiến sĩ dũng cảm đáng quý đến độ Khu-đi-a-cốp nghĩ ngay đến anh ta. Xa-en-cô đề nghị Con-xốp.

Thoạt đầu Khu-đi-a-cốp còn do dự chút ít khi nghĩ đến hình dáng khá xấu trai của Con-xốp, nhưng cuối cùng anh chặc lưỡi và tuyên bố «Đồng ý».

Thật ra khi gọi điện thoại từ ban tham mưu đến, Sơ-mê-lép nói hai chiến sĩ chứ không phải hai cán bộ. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ, Khu-đi-a-cốp và Xa-en-cô cho rằng không ai sẽ kêu ca về chuyện cô dâu quá đẹp.

Khu-đi-a-cốp cho gọi Con-xốp và chuẩn úy lên, ra lệnh cho họ chuẩn bị và một lần nữa lại ngồi một mình trong hầm cùng với Xa-en-cô. Trong lúc chờ đợi Sơ-mê-lép, hẹn sẽ đến ngay, anh rút ra bốn lần chiếc gương nhỏ vẫn để trong túi và cuối cùng tuyên bố một cách bực mình là quân Nhật cố tình chọn khu vực anh phụ trách hoàn toàn vì ác ý. Như là chúng không thể dẫn xác và cờ trắng của chúng đến trung đoàn bên! Ở đó đại tá Xi-rô-tin sẽ tiếp chúng. Anh chàng Xi-rô-tin này thì đúng là có thớ người!

— Cứ để chúng nhìn cậu thì đã sao? — Xa-en-cô trả lời gay gắt một cách trìu mến.

— Thì mình có cái gì là ưa đâu? — Khu-đi-a-cốp nói vừa liếc nhìn hình thù xấu xí của mình khinh bỉ một cách thành thật và quên bẵng ngay nhận xét của chính anh về Con-xốp. — Khi chúng nhìn thấy tôi, chúng sẽ nghĩ là tất cả đều như tôi.

— Thì đúng như thế! — Xa-en-cô nói gay gắt — Cậu chỉ huy 117. Trung đoàn cậu đã làm chúng đo đất khoảng ba nghìn người. Chúng cứ việc lấy cậu để đánh giá!

— Phải đấy — Khu-đi-a-cốp bỗng xúc cảm nói — Dù sao chúng ta cũng đã bảo vệ lãnh thổ Mông-cổ!

Anh nhớ đến cuộc đi thăm trung đoàn vừa qua của đồng chí Soi-ban-san, và tự nhiên anh bỗng ưỡn thẳng vai lên, tự hào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #124 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2023, 07:41:09 am »

Hôm đó ủy viên hội đồng quân sự đã giới thiệu Khu-đi-a-cốp như chỉ huy trưởng một trong những trung đoàn xuất sắc nhất tham dự đánh chiếm cao điểm Pét-san. Đồng chí Soi- ban-san đã nồng nhiệt xiết chặt tay anh và chỉ nói có mấy lời «Xin thay mặt nhân dân cảm ơn các đồng chí».

Nhưng đồng chí đã để biết bao nhiêu tình cảm trong mấy lời nói đơn giản ấy và trong cái bắt tay của mình khiến Khu-đi-a-cốp lúc đó cảm thấy như là cả nhân dân Mông-cổ bắt tay người chỉ huy trung đoàn bộ binh 117.

— Chúng ta đã lấy ngực và máu chúng ta bảo vệ họ — Khu-đi-a-cốp nhắc lại, trong óc nghĩ đến tất cả những chiến sĩ của trung đoàn đã ngã xuống để đổi lấy chiến thắng hôm nay. Sau hết anh nghĩ đến Ba-ta-lốp, và anh lấy bút chì vạch trên bản đồ địa điểm các đại biểu Nhật-bản sẽ phải qua.

— Cứ cho rằng từ giờ chúng sẽ không đến quấy rầy nhân dân Mông-cổ nữa. Nhưng sau đó?

— Cái gì, sau đó à? — Xa-en-cô lặp lại, không hiểu.

Khu-đi-a-cốp trải tấm bản đồ gấp nếp ra. Tấm bản đồ ngừng lại hai mươi cây số sau biên giới Mãn-châu. Bằng điệu bộ, anh kéo dài nó về phía Mãn-châu và về phía Trung-quốc.

— Cậu hãy nói cho mình biết ở đó người ta còn đau khổ lâu nữa không?

Xa-en-cô nhún vai.

— Không, cậu hãy trả lời mình đi! — Mắt Khu-đi-a-cốp thường thường là rất bình tĩnh, lúc đó cháy lên dữ dội như là anh sắp sửa tập hợp các chiến sĩ của anh đi chiến đấu và cùng họ vượt biên giới Mãn-châu ngay lúc bấy giờ.

Câu chuyện bị gián đoạn vì Sơ-mê-lép và Ác-tê-mi-ép đến để ấn định trước những thể thức tiến hành cuộc thương thuyết.

Sau khi đã thảo luận xong mọi điểm, Sơ-mê-lép ở lại trong hầm uống trà với Khu-đi-a-cốp và Xa-en-cô: còn nửa giờ nữa bọn Nhật mới đến. Ác-tê-mi-ép từ chối không uống trà và đi ra ngoài hít chút không khí mát lạnh của buổi sớm.

Đi đi lại lại trong hào, anh nghe rõ những mẩu chuyện mỗi lần đi qua trước hầm. Khu-đi-a-cốp không ngừng hỏi Sơ-mê-lép:

«Anh có thể nói rõ hơn cho tôi về điểm này không?» Chỉ ngại đến lúc thương thuyết bị nhầm lẫn, anh luôn luôn đưa ra những câu hỏi mới. Sơ-mê-lép kiên nhẫn trả lời, nhưng cũng tỏ ra hơi bực.

Ác-tê-mi-ép cũng có mặt ở đấy khi Sơ-mê-lép đề nghị với tổng chỉ huy cho phép anh ta được dự cuộc hội đàm với quân Nhật. Đại tướng từ chối phắt, và chỉ càu nhàu nói: «Thế thì vinh dự cho chúng quá...» Sau đó ông giải thích nếu bên phía quân Nhật người ta có một thiếu tá, mà bên ta lại cử một đại tá, chúng có cảm giác là chúng ta tha thiết với việc này hơn chúng, trong khi thực tế hoàn toàn trái lại.

— Để trung đoàn trưởng 117 gặp là đủ. Vì quân Nhật vác cờ trắng đến khu vực của anh ta, thì anh ta thảo luận với chúng. Đó là quyền tuyệt đối của anh ta. Gọi điện thoại báo cho trung đoàn trưởng 117 biết — Và ông hất đầu về phía Ác-tê-mi-ép — Còn về phiên dịch thì anh chọn người khác ở cấp bậc thấp hơn,

Sơ-mê-lép đáp:

— Chỉ có hai người cấp bậc thấp hơn anh ta, nhưng lại biết tiếng Nhật ít hơn.

Thật là bất ngờ, vì chỉ có trong những trường hợp đặc biệt Sơ-mê-lép mới không đồng ý với cấp trên. Ác-tê-mi-ép nhìn anh ngạc nhiên vẻ cảm ơn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #125 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2023, 07:42:26 am »

— Trong trường hợp này — tổng chỉ huy nói, sau một lát suy nghĩ, và ông lại hất đầu về phía Ác-tê-mi-ép — Ít nhất anh ta cũng phải bóc bớt sao đi.

Như thế là Ác-tê-mi-ép, tạm thời bị hạ cấp, trở thành một thiếu úy. Mới đầu anh thấy việc đó khôi hài, nhưng anh cảm thấy ngay rất nhiều những khó chịu nhỏ nhặt, vì mặc dù ở cấp bậc mới, anh vẫn tự cảm thấy mình là đại úy.

Thoạt đầu, lúc gần đến chỉ huy sở 117, muốn biết rẽ về phía nào, anh xuống xe và gọi một trung úy. Thật ra, trung úy cũng chỉ đường đi cho anh, nhưng trố mắt nhìn anh hết sức ngạc nhiên. Lên đến xe rồi, nghĩ đến thái độ của anh ta; Ác-tê-mi-ép mới sực nhớ là mình đeo cấp hiệu thiếu úy, và người trung úy anh vừa ngoắt tay gọi như một cấp dưới chắc hẳn sẽ cho anh là một tên sĩ quan tùy tòng ở ban tham mưu, hỗn xược vào loại hiếm có. Rồi, khi đến gần chỉ huy sở, nhiều chiến sĩ nhìn anh chăm chú quá mức và bỏ đi vừa sôi nổi nói thầm với nhau một cách thú vị. Chắc là cái thân hình đồ sộ của anh, theo ý kiến họ, như có hơi quá khổ đối  với một thiếu úy.

Cuối cùng, vừa rồi, giữa lúc anh đi bách bộ trong chiến hào, một đại úy khẳng kheo, mặt nghiêm nghị chắc là một tay «hắc» trong bộ đội chiến đấu, hai lần đi qua đi lại bên anh. Lần thứ nhất, anh ta chỉ nhìn anh bằng một con mắt ác cảm, vì anh đứng nghiêm không «rắp» lắm. Lần thứ hai, không chịu được nữa, anh ta nghiêm khắc đề nghị thiếu úy tìm một chỗ khác để đi chơi. Trong đường hào này, trước hầm trung đoàn trưởng, không phải là chỗ thích hợp để làm việc đó. Xong, đại úy quay gót và đi với vẻ «sĩ quan chiến đấu» đến độ ngay cả lưng anh ta cũng nói lên tất cả sự khinh bỉ đối với Ác-tê-mi-ép: lại một anh chàng sĩ quan dự bị nào vừa chân ướt chân ráo đến đây chẳng biết phép tắc là mô tê gì cả.

Xa-en-cô, Khu-đi-a-cốp và Sơ-mê-lép vội vã ở trong lều bước ra.

— Xong rồi! — Sơ-mê-lép nói với Ác-tê-mi-ép — Người ta gọi điện là chúng đã tới.

Cả bốn người đi độ hai trăm bước trong hào phía cuối có một chỗ loe ra để bố trí súng máy; người ta đặt một khẩu mắc-xim ở đó.

Vào khoảng sáu trăm thước trước mặt, có năm tên Nhật: ba ở giữa, hai tên khác lùi xuống một chút, ở hai bên. Chúng phất hai lá cờ trắng lớn. Tất cả những cái đó nổi bật lên qua ba hàng dây thép gai căng trước vị trí của ta.

Ở trong hào chật quá. Ngoài chỉ huy và chính trị viên trung đoàn, Sơ-mê-lép, Ác-tê-mi-ép, Con-xốp và chuẩn úy — hai người sau này chân tê đi vì phải chờ lâu quá — còn có một chục sĩ quan lấy đủ các thứ lý do đến đấy để nhìn, dù chỉ là ở xa, xem hai bên gặp nhau ra sao.

— Được! — Sơ-mê-lép nói vừa nhìn bọn Nhật vẫn đang phất cờ trắng — Cho cờ trắng ra. Các anh có một lá chứ!

— Có, đã chuẩn bị sẵn rồi — Khu-đi-a-cốp nói

— Cắm nó xuống và tiến.

— Có cần mang mấy chiếc đi theo không ? — Khu-đi-a-cốp hỏi — Chúng tôi đã chuẩn bị trước những lá cờ nhỏ mang theo.

— Cắm ở đây một lá cờ lớn. Với bọn chúng thế cũng là quá đủ rồi. — So-mê-lép nói nghiêm khắc.

Anh kiên quyết theo lời tổng chỉ huy, nói rằng quân Nhật cần thương lượng hơn bên ta, và anh nhất định xử sự theo tinh thần ấy.

— Anh hãy thử tưởng tượng một chút, nếu các anh mang cờ đi theo mà chúng không mang theo thì các anh làm thế nào? Chẳng lẽ vứt dọc đường à?

— Thế nếu chúng mang cờ theo?

— Thì cứ để chúng mang, mặc kệ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #126 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2023, 07:43:13 am »

— Một lần nữa, đề nghị anh nói rõ — Khư-đi-a-cốp hỏi Sơ-mê-lép — Nếu chúng chào, ta có phải chào lại không? Và nếu chúng đưa tay ra bắt?

— Thì anh cứ việc xiết thật chặt vào — Sơ-mê-lép nói mất cả vẻ nghiêm nghị và giơ tay lên trời tỏ hiệu bất lực trước câu hỏi đó.

— Có lẽ nên để lại vũ khí ở đây? — Khu-đi-a-cốp lại hỏi.

— Tại sao?

— Dù thế nào thì cũng là các đại biểu đến điều đình…

— Rồi sao nữa? Cứ giữ lấy khẩu na-gan. Đó không phải là một khẩu súng máy mà là một vũ khí cá nhân.

— Và các chiến sĩ ? — Khu-đi-a-cốp lại hỏi — Tôi có cảm giác — anh chỉ về phía bọn Nhật — là chúng không mang súng.

Sơ-mê-lép suy nghĩ và cuối cùng anh nói:

— Cứ để họ vác súng theo, nhưng khi anh đến gần, để họ ở cách hai mươi bước phía sau.

Một lần nữa Ác-tê-mi-ép lại nhìn về phía bọn Nhật. Chúng vẫn đứng ở chỗ cũ và phất cờ.

Xa-en-cô lấy một lá cờ trắng buộc vào một chiếc cọc lớn ở một chiếc cáng Nhật rút ra, và cắm mạnh trên đống đất đắp bên cạnh hào.

Khu-đi-a-cốp đi ra trước tiên. Ác-tê-mi-ép, Con-xốp và chuẩn úy đi theo. Đến hàng rào dây thép gai cách đấy năm mươi thước, Con-xốp và chuẩn úy đi lên trước, nhấc hai đầu cửa chắn lên, kéo sang một bên, để hở lối đi.

Vượt qua hàng rào dây thép gai, Ác-tê-mi-ép ngừng lại một lát. Anh vừa nom thấy phía sau mình, bên phải, trong các bụi cây nhiều xe tăng đỗ lồ lộ và chẳng ngụy trang gì hết. Gần ngay đấy, bên trái, sát hàng rào dây thép gai, cũng trí rất lộ liễu, những khẩu pháo, quay về phía những vị trí để trống trong tư thế bắn thẳng.
 
Tất cả những cái đó chỉ có thể làm theo lệnh của tổng chỉ huy, rõ ràng là muốn nói lên công khai thái độ nghi ngờ của ông đối với quân Nhật và ý chí kiên quyết trừng phạt ngay lập tức mọi mưu toan phản trắc.

Ác-tê-mi-ép đuổi kịp Khu-đi-a-cốp và đi bên anh ta. Anh nhận thấy rõ vẻ khác thường của tình hình: nếu có chuyện gì xảy ra, dù sao đi nữa cũng không có một khẩu đại bác nào trên đời có thể cứu vãn được bọn anh đang đi không phòng thủ gì cả đến trước mặt quân Nhật. Đại bác sẽ chỉ làm việc trả thù cho người đã chết. Nhưng anh vẫn cảm thấy mình nhanh nhẹn và phấn khởi. Anh chỉ có một khẩu na-gan, mỗi bước anh đi lại đập vào hông; nhưng phía sau anh, có lực lượng của cả tập đoàn quân, có những khẩu pháo sẵn sàng nổ súng trên một mặt trận bảy mươi cây số nếu người ta đụng vào chỉ một sợi tóc trên đầu anh.

Từ đây đến tận chỗ những chiến hào Nhật-bản, địa hình phẳng, thỉnh thoảng mới nổi lên dăm ba gò đất lởm chởm từng đám cỏ mọc cao. Thảo nguyên chưa sạch hẳn: những đui đạn ngổn ngang mặt đất, những khẩu súng Nhật bỏ lại vương vãi giữa những gò đống, nhích hơn về phía bên phải, những xác người sóng sượt nằm lên nhau. Còn phía bên trái một mẩu cánh đuy-ra nhô lên như là máy bay bị vùi nghiêng dưới đất. Đây đó, như bị cầm tù trong các búi cỏ và bất lực không thể rời bỏ chốn hoang vu này, những mảnh giấy bản phủ đầy chữ tượng hình vàng ố vì mưa, nắng, run rẩy trước gió.

Ác-tê-mi-ép đi vòng qua một đống đạn bên một khẩu moóc-chi-ê dập nát và gỉ, và thôi không nhìn xuống chân nữa, anh ngước mắt lên. Bọn Nhật đang đi về phía các anh chỉ còn cách một trăm thước. Từ xa người ta nhìn thấy hình thù bé nhỏ của những tên lính Nhật ở các chiến hào đi ra và xa hơn, sau rèm đồi, khói từ doanh trại địch bốc lên: chắc là bếp nấu ăn, hay những đống củi bọn Nhật dùng để hỏa táng các xác chết.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #127 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2023, 07:44:18 am »

Ác-tê-mi-ép và Khu-đi-a-cốp cũng như Con-xốp và chuẩn úy đi theo, lúc đó họ cũng có một mối xúc động như nhau. Dưới một bầu trời quang, giữa một khu vực trắng ngổn ngang tất cả những vết tích của chiến trận, họ đi đến trước những người mặc quân phục nước ngoài đang phát cờ trảng, những người mà cho đến nay, ở khoảng cách này, họ thường chỉ nhìn thấy hoặc đã chết hoặc sắp chết.

— Anh có đeo găng tay không? — Khu-đi-a-cốp hỏi, giọng không bình tĩnh lắm.

— Có — Ác-tê-mi-ép nói. Và anh nhìn đôi găng da màu vàng của Sơ-mê-lép mà anh chật vật lắm mới xỏ tay vào được, có cả một chỗ bị bật chỉ.

— Đừng đến gần quá — Khu-đi-a-cốp nói — Ở lại sau cách ba bước — Khu-đi-a-cốp làm thế chắc không phải vì những lý do an toàn — đề phòng như thế là vụng về — và Ác-tê-mi-ép hiểu rằng anh ta vừa giải quyết vấn đề rắc rối. Có nên bắt tay các sĩ quan Nhật-bản hay không.

Lúc này bọn Nhật đã đến gần lắm. Khu-đi-a-cốp ngẩng đầu. Nét mặt hơi khô bắt đầu có những dấu vết của tuổi tác trở nên bình tĩnh. Người ta có thể nói là mỗi đường gân đều được cạo, rửa riêng biệt. Chiếc cổ áo trắng bằng xen-luy-lô-ít bó chặt lấy những nếp cổ rám nắng: với tất cả vẻ nhẹ nhàng, hình dáng khô khan, nhỏ bé, căng thẳng của thiếu tá, nom có tư thế — một tư thế kiểu Xu-vô-rốp(1).

Hai tên lính Nhật vừa tiền lại gần vừa phất cờ trắng, đều đều một điệu. Ba sĩ quan, trong số đó có hai tên rất trẻ, đi giữa bọn lính, chúng đeo những thanh kiếm dài, vỏ sơn đen, đốc dài gấp đôi một cán gươm. Bọn lính mặc áo vét ngắn. không đeo súng. Sĩ quan đội mũ cát-két xanh lá cây; áo ca-pốt mùa đông cổ lông chó, lưng thít chặt ở giữa: quân phục của đạo quân Quan-đông.

— Đứng lại! — Khu-đi-a-cốp nói vừa quay lại phía đồng đội.

Ác-tê-mi-ép cũng ngừng bước một lát — Con-xốp và chuẩn úy cứng người lại. Cả hai đều còn trẻ, cảm động, bốt đánh bóng nhoáng, áo không một nếp nhàu, nom rất bảnh.

«Sớm nay người ta diện mới tinh cả» Ác-tê-mi-ép nghĩ bụng.

Khu-đi-a-cốp nói:

— Các anh đợi ở đây — Rồi cùng Ác-tê-mi-ép anh đi đến trước quân Nhật. Tên Nhật béo lùn đi giữa ngừng lại, ưỡn ngực lên một cách kỳ cục, tuốt kiếm soạch một cái và vung trên lưỡi kiếm chào đúng quy cách, rồi cũng chẳng nhìn xuống nữa,  với một cử chỉ chính xác rất đẹp mắt hắn nhét kiếm vào vỏ. Hai sĩ quan kia cũng làm như thế, nhưng kiếm của một tên hơi mắc không chịu vào và hắn phải quay lại, tọng thanh kiếm vào vỏ, mặt nhăn như bị. Bọn lính ngừng lại phía sau các sĩ quan, đồng thời đứng nghiêm và vẫn giữ lá cờ trắng trong tay phải.

Khu-đi-a-cốp và Ác-tê-mi-ép đưa tay lên mũ cát-két. Tên lùn phệ chào trước tiên đeo cầu vai đại tá, còn hai tên kia, trung úy và thiếu úy.

— «Đại tá Ca-nơ-ma-ru, đại diện bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản, lấy làm vinh dự được kính chào vị đại diện của bộ chỉ huy tối cao Xô-viết» — Viên thiếu úy trẻ tuổi kính bóng nhoáng, đầu ngẩng cao, nói câu đó một mạch, đúng mẹo luật nhưng phát âm sai hẳn.

Ác-tê-mi-ép nói bằng tiếng Nhật:

— Thiếu tá Khu-đi-a-cốp được ban chỉ huy Xô — Mông trao cho toàn quyền để ấn định trong những thỏa thuận sơ bộ, địa điểm và thời gian cuộc thương lượng.

— Ý kiến của ban chỉ huy xô-viết về địa điểm và thời gian như thế nào?

Ác-tê-mi-ép dịch câu hỏi đó cho Khu-đi-a-cốp nghe.

— Anh trả lời chúng — Khu-di-a-cốp nói nhanh và khẽ vào tai Ác-tê-mi-ép, rằng chúng ta chọn địa điểm ở chỗ này. Còn về giờ giấc thì tự chúng đề nghị. Chúng ta chẳng vội gì.


(1) Một tướng giỏi thời Nga hoàng.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Giêng, 2023, 07:55:24 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #128 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2023, 07:45:51 am »

Qua lời dịch nguyên văn của Ác-tê-mi-ép, câu đó chuyển sang tiếng Nhật lại còn ít lễ phép hơn và nó chạm vào lòng tự ái của viên đại tá Nhật-bản. Hắn lặng yên một lúc lâu, nửa bực tức, nửa thấy cần phải tuân theo những chỉ thị đã nhận được. Sau hết hắn tuyên bố:

— Bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản đồng ý tiến hành cuộc thương thuyết tại đây. Bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản sẵn sàng bắt đầu cuộc thương lượng vào hôm nay hồi sáu giờ, theo giờ Tô-ki-ô. Bộ chỉ huy xô-viết có đề nghị gì khác không?

— Không — Ác-tê-mi-ép dịch một cách thích thú — Bộ chỉ huy Xô — Mông không có đề nghị gì khác. Bộ chỉ huy Xô — Mông lấy làm hài lòng chấp thuận yêu cầu của bộ chỉ huy Nhật-bản. Ai sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Nhật-bản?

Anh đột nhiên tự mình thêm câu hỏi cuối cùng vào đó, làm đúng theo lệnh của Sơ-mê-lép: Tìm cách biết trước.

— Đại diện chính của bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản sẽ là tướng Y-ô-si-đa. Nhưng bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản cũng muốn biết ai sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Xô-viết.

— Bộ chỉ huy Xô — Mông không cho chúng tôi thẩm quyền được truyền đạt điều đó.

Viên đại tá bụng phệ bực mình, cảm thấy bị hớ. Hắn im lặng suy nghĩ một lúc, rồi quay về phía viên thiếu úy và thầm thì điều gì Ác-tê-mi-ép nghe không rõ.

— Bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản đề nghị — viên thiếu úy nói bằng tiếng Nga rất nhanh như là đã học thuộc lòng — dựng ba căn lều ở địa điểm thương lượng: một cho những đại biểu Xô-viết, một cho những đại biểu Nhật-bản và một chiếc thứ ba, lớn hơn, ở giữa hai chiếc kia để họp thảo luận, Bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản cáng đáng việc dựng căn lều thứ ba này.

— Được — Khu-đi-a-cốp nói — nhưng với điều kiện là nó không được cách trận tuyến Xô — Mông dưới ba trăm thước.

Điều này cũng tuân theo những chỉ thị đã nhận được; phải tuyệt đối tiến hành cuộc thương lượng trên một khu trung lập.

— Bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản — viên thiếu úy lại tiếp tục, cũng vẫn một giọng như cũ — một giờ nữa sẽ cho một toán công binh đến khu vực trung lập. Bộ chỉ huy tối cao Nhật-bản hy vọng những người lính đó sẽ được bảo đảm an toàn.

— Hừ. chúng bạo phổi thật — Khu-đi-a-cốp lầu bầu sau khi chào lại mấy viên sĩ quan Nhật và quay về. — Bảo đảm an toàn! Chúng tôi đã bảo đảm cho chúng nó mười lăm hôm nay rồi! Chúng tôi không nổ một phút súng. Và chúng nó, mới tối qua đây thôi chúng cho thả một khí cầu do thám trên vị trí của chúng. Mà một khí cầu như thế, phạm vi quan sát được hai mươi cây số. Và các pháo binh của tôi cứ trố mắt ra mà nhìn... như là mèo thấy mỡ ấy. Thế mà tôi đã không hạ lệnh bắn!

— À! Thế ra hôm qua chính anh đã gọi điện thoại đến ban tham mưu xin phép bắn hạ khí cầu đó? — Ác-tê-mi-ép hỏi.

— Phải — Khu-đi-a-cốp trả lời bực bội — Và tôi tiếc đã không được phép.

Con-xốp và chuẩn úy đi sau Khu-đi-a-cốp và Ác-tê-mi-ép cũng vừa đi vừa trao đổi cảm tưởng.

Vì lúc hội đàm, họ ở cách xa hai mươi bước, nên họ không nghe được hết, nhưng họ cũng hoàn toàn thấy rõ bên ta không rời bỏ tư thế hiên ngang một lúc nào, trong khi quân Nhật mỗi lúc một cảm thấy lúng túng.

Chuẩn úy nói:

— Khi mình thấy bọn chúng đến gần, nhăn mặt lại và tuốt ngay kiếm ra, mình đã chuẩn bị sẵn sàng nổ súng, trường hợp chúng xả kiếm xuống đại biểu của ta.

— À, đó là kiểu chào của chúng nó — Con-xốp trả lời khinh khinh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #129 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2023, 07:47:18 am »

— Và đốc kiếm của chúng sao mà dài thế!

— Để chém đầu đấy — Con-xốp giải thích trang nghiêm — Như thế chúng có thể cầm cả hai tay được. Ngay sau khi chúng được biết một người trong số binh lính của chúng là đảng viên cộng sản, hay nói chung có một chuyện gì không ổn là chúng nó bắt người đó quỳ xuống và vung kiếm chém đầu ngay, chúng mình bắt được một cần vụ hắn kể cho mình nghe nhiều chuyện như thế về tên đại tá của hắn.

— Sao hắn lại có thể kể cho cậu nghe được? — chuẩn úy hỏi giọng hoài nghi.

— Rất đơn giản — Con-xốp trả lời, vẻ phật ý và không nói thêm gì nữa.

Quả thật, anh cũng đã nói chuyện một giờ đồng hồ liền với một tên Nhật bị bắt làm tù binh ngày cuối cùng của những cuộc chiến đấu trên Pét-san ở trạm y tế lưu động. Vốn liếng vài trăm chữ Nhật của anh thật ra cũng không đủ để nói chuyện, nhưng tên cần vụ đã sống lâu năm ở Mãn-châu, và cũng bập bõm chút ít tiếng Nga. Con-xốp bắt đầu câu chuyện bằng cách đưa cho hắn xem những cấp hiệu của viên đại tá đã chết và muốn cho hắn biết việc đó xảy ra làm sao, anh chỉ một ngón tay vào thái dương. Tên cần vụ trả lời đột ngột với một thứ tiếng Nga giả cầy, mấy chữ thô lỗ nhưng có suy nghĩ, nó bộc lộ rõ tình cảm của hắn đối với viên đại tá đã qua đời như thế nào.

— Cậu biết tiếng Nhật à? — sau khi đi được năm mươi bước, chuẩn úy hỏi Con-xốp, từ nãy vẫn im lặng.

— Cũng võ vẽ — Con-xốp trả lời vui vẻ, anh vốn không biết giận ai lâu — Vốn liếng của mình thì cũng không nặng cân lắm, nhưng cậu có nghe thiếu úy nói vừa rồi không? Anh ta nói mới nghề chứ! — Con-xốp la lên vui vẻ. Anh có cảm giác là mình đã gặp đồng chí thiếu úy này ở đâu rồi, nhưng anh không nhớ rõ là ở đâu. Và như thế là vì đồng chí sĩ quan đi áp giải tên tù binh Nhật cùng anh hồi tháng bảy là một đại úy.

— Thế là, tha hồ cho chúng vung gươm và nghiến răng, cuối cùng, chúng vừa phải đề nghị hòa hình với chúng ta như thường! — Con-xốp nói sau khi đi được mấy bước nữa.

— Ừ' — chuẩn úy cũng đồng ý.

— Điều mình ngại là trong lúc ở đây chúng cúp đuôi nhưng ở đó, chúng sẽ trút giận xuống đầu dân chúng — Con-xốp tiếp tục, giọng đăm chiêu. Anh cũng có cùng một ý nghĩ, đã làm Khu-đi-a-cốp và Xa-en-cô bận tâm trong hầm cách đây một giờ.

— Ở đó là ở đâu? — chuẩn úy không hiểu ngay hỏi lại.

— À, ở đó... Và Con-xốp không quay lại, huơ tay qua trên vai chỉ về hướng Mãn-châu.

— Rất có thể — chuẩn úy nói — Thời kỳ mình còn ở trên sông A-mua, chúng biểu diễn tất cả mọi thứ ở bờ sông bên kia cho quân ta xem. Chúng đánh đập người Trung-quốc, đóng gông lên cổ và bắt kéo xe như ngựa. Đồn mình đứng gác, bọn mình không chịu được. Chỉ muốn tọng một viên chì vào đầu chúng... Nhưng... không có quyền, nếu không, ra tòa án quân sư ngay

Con-xốp hăm hăm nói:

— Mình mà gặp những chuyện như thế, tòa án quân sự thì với tòa án mình cũng làm luôn.

Chuẩn úy thở dài:

— Không có quyền. Làm thế sinh rắc rối ra.

— Có thể cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải đóng lại ở biên giới chắc? — Con-xốp nói vừa lấy đầu bốt giận dữ đá vào bộ phận an toàn đã cùn gỉ của một quả mìn Nhật.

— Ai biết được! — chuẩn úy nhún vai.

— Người ta bảo mùa đông ở đây khủng khiếp lắm. Ngày nào cũng gió, và không bao giờ có tuyết cả. Cậu có nghe thấy nói không?

Không đợi trả lời, anh bỗng nghĩ đến Mạc-tư-khoa, lòng nhớ quê hương rực lên như lửa đốt. Nếu cách đây hai năm, anh không từ chối việc hoãn nhập ngũ vì lý do đặc biệt, anh đã lấy vợ từ lâu rồi và anh đã không ở đây, mà ở Mạc-tư-khoa trong một khung cảnh đủ tiện nghi ấm cúng của một gian phòng nhà máy cấp cao, và cũng có thể trong một căn nhà có nhiều phòng nữa là khác.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM