Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:28:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bạn chiến đấu - Tập 2  (Đọc 7035 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #110 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2023, 06:45:19 am »

*
*   *

Bốn mươi tám giờ sau, khuya tối chủ nhật, Pô-li-nin đã ở Mạc-tư-khoa phố Út-xát-sép-ca, tại nhà Ác-tê-mi-ép.

Anh uống trà với bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na và Ma-sa từ Vi-a-dơ-ma đến hồi sớm. Chị đến hỏi ý kiến mẹ mặc dù cũng chẳng cần hỏi ý kiến làm gì nữa; cách đây chín ngày, ngay sau khi được lệnh triệu tập, Xin-xốp cùng với một đoàn đi Xmô-len-xcơ; và hôm nay được tin quân ta đã vượt biên giới Ba-lan, Ma-sa khăng khăng tin rằng, chắc anh đã ở đâu phía bên đó rồi và cũng có thể đang chiến đấu dưới bom đạn cũng nên.

Chị nhớ lại hồi mùa xuân Ác-tê-mi-ép đi Mông-cổ cũng đột ngột như thế; và giờ đây, người phi công này từ bên đó trở về đem theo một bức thư của anh. Rõ ràng là đã đến thời kỳ cần làm quen với những đột ngột. Ma-sa không nói điều này với mẹ, nhưng chị hoàn toàn thấy rõ chị không phải đến đây để hói ý kiến thêm, mà chỉ vì chị không thể chịu được cuộc tiến công đầu tiên của cảnh đơn độc.

Lẽ dĩ nhiên chủ nhật đó chị cũng có thể về quê, thăm bố Xin-xốp: nhưng ông cụ, lúc tiễn con ra ga, đã tỏ ra can đảm đến độ Ma-sa nghĩ sau một tuần rồi mà lại còn đến trước mặt ông than phiền về cảnh đơn độc thì thật là yếu đuối quá. Chị không muốn tỏ ra là mình thiếu can đảm trước mặt bố chồng.

Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na biết tâm trạng của chị, tối đó bà không đến câu lạc bộ xưởng máy như đã định từ trước, mà ở lại nhà làm những công việc lặt vặt, vừa làm vừa trò chuyện được.

Bà đã là xong mấy chiếc quần áo lặt vặt trên chiếc bàn ở phòng ăn, đã cuộn hai cuốn len, và dăm đôi bít tất cũ của Ma-sa; rồi bà buộc con gái phải máy hai chiếc áo gối con mới chỉ khâu lược qua để về Vi-a-dơ-ma.

Pô-li-nin đến lúc nửa đêm, khi hai người đã làm xong những công việc vặt trong nhà và đang thảo luận xem «đứa bé sau này là con trai hay con gái». Và cuộc thảo luận làm cả hai mẹ con vui vẻ.

Cứ tính tất cả những việc Pô-li-nin phải làm — lúc anh đến Mạc-tư-khoa đã sáu giờ chiều và sáng hôm sau lại phải đi Min-xcơ — bất cứ ai ngoài anh ra, chắc sẽ ném mấy chữ Ác-tê-mi-ép viết cho gia đình vào một hộp thư nào đó. Nhưng khi đã thuộc về tình bạn, Pô-li-nin rất chú ý làm tròn bổn phận của mình.

Đó là lý do khiến đã nửa đêm anh còn đến bấm chuông ở trước cửa nhà Ác-tê-mi-ép. Một chiếc tắc-xi đợi anh ở dưới còn phải dẫn anh về nhà, ở Mô-ni-nô gặp mẹ. Anh cũng muốn tắm một cái thay quần áo và mang theo một bộ quân phục sạch sẽ cũng như một con dao cạo mới loại «thanh gươm» — thay cho chiếc cũ, vẫn còn tốt, anh để cho Ghi-xa-tu-in người thợ máy của anh ở Mông-cổ. Chiếc tắc-xi đó còn phải chờ anh về Mạc-tư-khoa để anh có thể có mặt tại sân bay trung ương vào sớm tinh mơ hôm sau.

Anh đứng đó, người mỏi mệt và đầm đìa mồ hôi, kiên nhẫn ấn vào một nút chuông không thấy kêu nữa; anh có cảm giác mơ hồ đã đến nhà này một lần nào rồi.

Cuối cùng, để khỏi thắc mắc, anh gõ của trước khi nhét bức thư vào hộp. Ở nhà Ác-tê-mi-ép người ta không quen nghe thấy gõ cửa vào lúc khuya khoắt thế này. Chẳng theo một lô-gích nào, Ma-sa nghĩ đấy là Xin-xốp trở về. Chị lao ra mở cửa.

Trước mặt chị là một thiếu tá không quân; vẻ mặt ngạc nhiên, rõ ràng là anh ta không hy vọng gì có người ra mở cửa.

— Tôi có thể gặp bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na không? — Pô-li-nin hỏi, ngập ngừng; nhìn thấy Ma-sa như tự hỏi không biết có lẫn nhà không.

— Mời anh vào — chị vừa nói vừa tránh ra cho anh đi, và anh có cảm giác chị ngắm mình từ đầu đến chân với một vẻ ác cảm nào đó. Thật ra, khi mở cửa, Ma-sa chỉ chờ đợi thấy Xin-xốp về.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #111 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2023, 06:46:29 am »

Năm phút sau, Pô-li-nin đã ngồi đàng hoàng vào bàn và uống trà. Bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na, ngồi đối diện với anh. Bà hết sức cảm động vì mấy chữ con trai gửi về. Còn Ma-sa mặt cực kỳ nghiêm khắc ngồi bên anh. Chị tin chắc rằng Xin-xốp đã ở ngoài mặt trận, và chị quyết định có một thái độ mới đối với những người khách lạ — một thái độ vẫn còn chưa định rõ là thế nào, nhưng từ nay sẽ không giống như trước.

Biết Ma-sa là em Ác-tê-mi-ép, và thấy trên khuôn mặt dễ thương của chị một vẻ dè dặt bẽn lẽn, mà anh vẫn «ưa thích» ở giới phụ nữ, như anh nói, Pô-li-nin nhìn chị với một lòng ngưỡng mộ thành thật. Lúc này anh cũng chẳng tính đến chuyện làm chị phục mình và có quyền hò hẹn một lần gặp gỡ nữa. Anh từ chiến tranh trở về để lại đi đến chiến tranh và những dự định của anh cho tương lai đều hướng vào chiến đấu. Và cũng chính điều đó cho phép anh ngưỡng mộ Ma-sa, chẳng với một ý định gì rõ rệt cả. Anh tính nhẩm trong óc, khi đến những đại lộ bên ngoài, anh sẽ lên tự lái tắc-xi và có thể «mở hết ga» lao về phía Mô-ni-nô, như thế là anh còn được ít nhất nửa giờ để hưởng cái thú ở trước mặt Ma-sa.

— Mà hình như anh đã có đến đây rồi — Bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na bảo Pô-li-nin. Bà lại đọc một lần nữa bức thư của con, và lau cặp mắt, bà chăm chú quan sát Pô-li-nin với hai chiếc huân chương của anh, cũng hệt như chiếc huân chương mà từ nay, Pa-sa của bà sẽ đeo trên ngực.

Nhìn thấy bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na, Pô-li-nin sực nhớ là mình đã nom thấy cái cổng nhà và cái cửa phòng này một lần rồi: hồi ở Tây-ban-nha về, anh đã đến đây vào một ngày mùa đông, đem một bức thư không tên họ người nhận. Địa chỉ ghi có hai con số ở một góc phong bì: số khu nhà và số phòng.

— Anh còn nhớ không?—Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na tiếp tục nói — Pa-sa không có nhà, và anh nói với tôi ngoài ngưỡng cửa — «Bà có một bức thư». Và rồi «quay phải quay»! như Pa-sa thường nói. Anh có nhớ không?

Pô-li-nin có nhớ. Chuyện đó xảy ra, ngày thứ hai sau khi anh trở về Mạc-tư-khoa, lúc đó đã muộn, tai ù lên vì những câu hỏi không ngớt, lòng xúc động và cũng khá say, đột nhiên anh tuyên bố là anh có một bức thư cần phải mang đi. Đem theo tất cả số bọn bè có mặt ở đấy trong hai chiếc xe, Pô-li-nin đi đến địa chỉ đã ghi trong thư. Và để tất cả đám bạn bè ầm ĩ ở dưới, anh leo lên, bàn tay bướng bỉnh cứ bíu vào cầu thang, và không rời bức thư.

Mỉm cười nhớ lại chuyện cũ, Pô-li-nin ngượng ngùng nói rằng tối đó anh có uống chút ít với bạn bè và vì thế anh muốn hết sức hạn chế những lời giải thích dài dòng.

— Với Pa-sa, cũng thế — bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na nói, giọng hiền hậu — Khi nào em nó quá chén một chút và không muốn để lộ ra, là bỗng nhiên nó trở nên cách biệt và làm vẻ quan trọng như một con ngỗng.

Ma-sa không thể giữ được vẻ nghiêm trang, phá lên cười:

— Thế anh gặp Pôn bao giờ? và Pôn viết thư vào lúc nào?

— Tối hôm kia.

— Điều đó thật gần như không thể tưởng tượng được.

— Vì sao?

— Thế hôm kia, Pôn còn ở đó, ngồi bên anh như tôi bây giờ sao?

— Đúng thế, anh ta ngồi đúng như bà lúc này — và Pô-li-nin thoáng cười nhớ đến chiếc bàn của ban tình báo, ngổn ngang giấy tờ, và Ác-tê-mi-ép đang nguệch ngoạc viết bức thư để trên một bó lớn tài liệu, chi chít những chữ tượng hình.

— Vẻ mặt anh tôi lúc đó thế nào ? — Ma-sa hỏi.

— Một vẻ mặt bình thường — Pô-li-nin trả lời thành.thật tin chắc rằng chỉ riêng hình dung từ này tự nó cũng có thể nói lên được tất cả những điều có thể và phải nói về Ác-tê-mi-ép, và khiến cho tất cả những nhận xét khác trở nên vô ích.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #112 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2023, 06:47:34 am »

Ma-sa mỉm cười. Với bản chất sôi nổi của chị, chị đã thay đổi ý kiến về anh chàng phi công trầm lặng này, vừa rụt rè vừa tự tin thoạt đầu chị không ưa vì bộ mặt đẹp trai quá chăm chút ở đó chị tưởng như đọc thấy sự ngông nghênh vì vạch đường ngôi xinh xinh thẳng tắp và vầng trán đã bắt đầu hói.

— Thế còn vết thương của Pôn thế nào? Pôn đã bình phục hẳn chưa? Anh nghĩ thế nào? — Bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na hỏi lần này là lần thứ ba, lại lau mắt và hoàn toàn đặt lòng tin của mình vào ý kiến của Pô-li-nin. Chỉ vừa rồi bà mới biết là Pôn bị thương hồi tháng Năm, khi Pô-li-nin nhắc lại lần gặp gỡ đầu tiên với anh ta ở bệnh viện. Pô-li-nin ít khi được người ta ưa ngay, nhưng thoạt nhìn bà đã mến anh và hoàn toàn đặt lòng tin của mình vào mỗi lời của anh.

— Đó là luật lệ ở chỗ chúng tôi — Pô-li-nin nói giọng trịnh trọng, vừa nhớ đến A-púc-tin — Chừng nào bệnh nhân chưa khỏi, chưa được ra viện.

— Thế có sợ người ta cho Pôn ra viện sớm quá không anh?

Pô-li-nin nhún vai, chẳng biết trả lời thế nào. Ma-sa nhìn mẹ ngạc nhiên; đây là lần đầu tiên chị thấy bà buông thả mình theo tình cảm và hỏi một người gần như xa lạ những câu chẳng ăn khớp gì với nhau và vô ích. Hỏi những câu đó tự bà Ta-ti-a-na cũng thấy là vô ích, nhưng đột nhiên biết tin con bị thương, bà không thể không để lộ bà thương nhớ con và xúc động bởi mấy dòng viết từ bàn tay bây giờ đã khỏi của con đến chừng nào.

Cũng như mọi người chung quanh, bà Ta-ti-a-na không thể đoán biết — chỉ với những tin của hãng thông tân Liên-xô — rằng những tháng vừa qua ở bên Viễn-đông lại xảy ra những cuộc chiến đấu quân sự như thế.

Như thường lệ, các cửa hàng vẫn đầy những mặt hàng, như thường lệ các chuyến tàu vẫn đến Mạc-tư-khoa và lại đi, không có gì thay đổi trong chương trình các buổi truyền thanh, hay trong các bài báo — Đất nước vẫn sống cuộc đời bình thường, nó còn chưa biết một sự căng thẳng nào và như thế cũng chẳng cần phải báo động số đông các công dân về những sự kiện xảy ra bên Mông-cổ làm gì, mặc dù hàng trăm nghìn người trực tiếp hoặc gián tiếp tham dự vào đó. Tình huống này nói lên sức mạnh của xứ sở đất đai mông mênh đồng thời thái độ bình tĩnh của những người lãnh đạo.

Suốt những tháng đó, bà Ta-ti-a-na tắm trong không khí bình yên chung của mọi người. Đời sống của bà theo nhịp thường ngày, tin tưởng và rất người; tin con bà cách đây chưa đầy hai tháng rưỡi chiến đấu và bị thương đến bất ngờ càng gây cho bà một ấn tượng mạnh hơn.

— Hôm qua chúng tôi có đọc báo, hình như mọi việc đã xong xuôi bên Mông-cổ rồi phải không anh? — Ma-sa hỏi cho mẹ hơn là cho mình — Một hiệp ước đã được ký ở Mạc-tư-khoa. Anh nghĩ thế nào, có thật lúc này ở bên đó đã xong hẳn rồi phải không, anh?

— Hôm kia tôi còn chưa nghĩ đến điều đó — Pô-li-nin nói, nhớ đến ngày vừa qua khá gay go của mình trên sông Khan-khin Gon — Nhưng khi người ta đã ký như thế là xong rồi! Lúc này, vấn đề chính là ở phía Tây.

— Mai anh đi Ba-lan phải không ? — Ma-sa hỏi.

— Về hướng ấy...

— Anh làm ơn trả lời tôi — Ma-sa nói, giọng tin tưởng, tay chạm vào tay Pô-li-nin — tôi ở Vi-a-dơ-ma, chồng tôi vừa nhận được lệnh động viên hôm mồng tám và đi Xmô-len-xcơ ngay. Anh nghĩ thế nào, có thể chồng tôi đã có mặt trong những đơn vị hôm nay đã vượt biên giới không?

Nghe đến chữ «chồng tôi» Pô-li-nin tức khắc mất ngay vẻ phấn khởi từ nãy vẫn chói sáng trong cặp mắt. Ma-sa không nhận thấy, nhưng bà Ta-ti-a-na nhìn rõ, bà ái ngại cho anh chàng đã đem giúp một bức thư cho con trai bà từ một nơi xa xôi và lúc này đang nhìn con gái bà với những con mắt đầy ngưỡng mộ như thế. Dù sao, mười phút nữa, anh ta sẽ cầm mũ và ra đi để gặp lại chiến tranh, nhưng mấy câu nói đó về chồng Ma-sa đã lấy mất của anh cô Ma-sa mười phút quá sớm!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #113 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2023, 06:48:49 am »

— Cũng rất có thể — Pô-li-nin hấp tấp trả lời, anh vội vã nói bất cứ cái gì để Ma-sa không có thời giờ nhận thấy vẻ thất vọng của mình. Chỉ một lát sau anh mới nhận thấy để trả lời một câu hỏi như thế đáng lẽ nên nói một cái gì ngược hẳn, một cái gì như «không chắc» hay «điều đó ít có hy vọng xảy ra» mới đúng. Nhưng muộn quá rồi, và làm như thế mâu thuẫn với tính anh vốn quen nói thẳng những điều mình nghĩ trong bất cứ trường hợp nào.

— Rất có thể — Pô-li-nin nhắc lại, với vẻ đơn giản tự nhiên của một người quen với chiến trận và không thể cho việc một người khác cũng ra mặt trận là một điều kỳ lạ. Nhưng cái đó chẳng sao, anh nói thêm sau một lát im lặng, anh hiểu rằng đây không phải là một người nói chung mà là chồng Ma-sa — Chúng ta chủ trương bảo vệ miền Tây Bi-ê-lô-ruýt-xki và U-cơ-ren thế thôi. Quân đội của bọn phong kiến Ba-lan đã tan rã, nhân dân ủng hộ chúng ta, cho nên có thể chưa đến một tháng tất cả đã xong xuôi và chị lại gặp anh ấy.

— Thế còn quân Đức? — Ma-sa nói, giọng sôi nổi, chị không nghĩ đến Xin-xốp và đến cả bản thân mình nữa, mà nghĩ đến tất cả những cái gì mà danh từ này từ sáu năm nay vẫn gợi đến nỗi ghê tởm và ác cảm trong lòng mọi người.

— Quân Đức à? — Pô-li-nin nói, giọng thản nhiên — Sẽ gặp nhau và sẽ tính sau!

— Không, anh hãy gượm đã — Ma-sa vẫn sôi nổi — tôi đang nói chuyện nghiêm túc với anh. Thông cáo của quân Đức hôm nay báo tin chúng đã đến gần Brét Li-tốp, và Brét Li-tốp có phải là miền tây Bi-ê-lô-ruýt-xki không? Nếu như thế sẽ có chuyện gì xảy ra?

— Một khi chính phủ đã tuyên bố về miền Tây U-cơ-ren và Bi-ê-lô-ruýt-xki nghĩa là chúng ta sẽ làm việc đó — Pô-li-nin trả lời tin tưởng.

— Và nếu quân Đức vào trước? — Ma-sa nhấn mạnh. Chị hết sức muốn Pô-li-nin trả lời mình một cách thành thật.

— Thì chúng ta đề nghị họ quay trở lại. Và nếu họ không chịu, thì ta sẽ tống họ ra ngoài — Giọng Pô-li-nin vang vang lên.

— Nhưng như thế là chúng ta sẽ đánh nhau với chúng nó?

— Phải — Pô-li-nin nói, và anh hồi tưởng rõ ràng đến kỳ lạ chiếc «Mét-xê-sơ-mít» cuối cùng trên sông E-brơ anh đã cho ăn một tràng đạn từ biệt trước hôm anh rời khỏi Tây-ban-nha. Chiếc máy bay phát xít chìm nghỉm trong nước, và Pô-li-nin lượn một vòng rộng, nhìn một lần cuối cùng con sông E-brơ dưới vòm trời mùa đông, giống như một dòng chì, những núi đá đỏ, tuyết đọng trong các hốc khe, lấm tấm điểm màu trắng.

— Dĩ nhiên, chúng ta là những người chống phát xít — anh nói đột nhiên, và mặc dù câu nói thình lình đó kết luận cho những ý nghĩ không nói ra, Ma-sa và bà Ta-ti-a-na cũng hoàn toàn hiểu ý anh.

Pô-li-nin đứng dậy và muốn nói lời từ biệt. Bao giờ anh cũng làm việc đó một cách ngắn gọn, nghĩ rằng một người đứng dậy để đi chứ không phải để bắt đầu bằng việc giải thích dông dài rằng mình sắp sửa ra đi.

Lúc sắp đi, anh còn nói điều gì với Ma-sa. Chuyển đến cho chị một vài lời nữa của Ác-tê-mi-ép mặc dù tất cả đã chuyển rồi, nhận đem một bức thư cho chồng chị, mặc dù Xin-xốp và anh ít có hy vọng gặp nhau. Nhưng anh dẹp ngay ý muốn này, xiết chặt bàn tay to lớn và mềm mềm của bà Ta-ti-a-na Xê-pa-nốp-na, bắt tay Ma-sa, đi về phía hành lang, mở cửa và biến mất. Anh làm việc đó hết sức vội vã đến độ khi anh đã ở cầu thang rồi hai mẹ con bà Ta-ti-a-na mới thật sự nhận ra là anh đã đi rồi.

— Anh ta dễ thương đấy chứ — Bà Ta-ti-a-na Xtê-pa-nốp-na nói với vẻ trìu mến bà đã có ngay từ khi Pô-li-nin đến — Thế là cũng có những người trở về nhà! — bà nói thêm, lúc này hoàn toàn chỉ nghĩ đến con trai bà ở Mông-cổ và quên bẵng đi một cách ích kỷ là không thể nói như thế được về Pô-li-nin.

Ma-sa ngồi gần bàn không nói gì. Chị nhìn mẹ và lần đầu tiên chị hiểu sức mạnh tình yêu của chị đối với Xin-xốp làm chị đơn độc đến chừng nào: trước kia có một người mà cả hai mẹ con chị yêu hơn hết tất cả và đã gắn bó hai người lại là Pôn. Lúc này một sự thông cảm như thế không bao giờ còn có được nữa. Không ai có thể bao giờ yêu Xin-xốp mạnh như chị, không ai có bổn phận phải yêu như thế, kể cả mẹ chị. Chị biết việc đó là dĩ nhiên và tất nó phải như thế; nhưng ý nghĩ này vẫn làm chị buồn, chắc hẳn vì chị có ý thức rõ về nó và vì trong rất ít ngày nữa chị đã phải ngồi trong chuyến xe điện đêm, trống rỗng và kêu ken két, để ra ga lấy vé đi tới một thành phố ở đó Xin-xốp đã ra đi được chín ngày rồi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #114 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2023, 06:52:14 am »

*
*   *

Khi Pô-li-nin đã đi quá đại lộ ngoại ô, anh để người lái xe ngồi sang bên và bắt chiếc xe già cũ phóng tám mươi cây số một giờ, đến Mô-ni-nô mất chưa đến sáu mươi phút.

Anh leo lên ba tầng gác của một ngôi nhà đẹp mới xây dựng năm ngoái cho gia đình những cán bộ cao cấp, ấn chuông và ngay liền đó nghe thấy phía sau cánh cửa có tiếng chân bước tíu tít của mẹ.

Chẳng hỏi ban gì, bà mở cửa, như bà linh cảm thấy trước là anh về.

— Mẹ.

Mặc dù Pô-li-nin thân hình tầm thước, anh cũng phải cúi xuống để hôn mẹ.

— Cô-li-a — bà vừa nói vừa hôn những cái hôn nhỏ và mau trên má anh, chẳng lộ vẻ ngạc nhiên một chút nào trước việc anh về — Đưa va-li đây mẹ mang cho.

— Thôi mẹ để mặc con ! — Pô-li-nin trả lời với thái độ trìu mến tôn kính thường xuyên khi anh nói với bà, anh đi về phía phòng mình, một tay xách va-li một tay nắm chặt lấy vai mẹ gần như nhấc bổng bà lên khỏi mặt đất.

— Sao con cứ nhấc bổng mẹ lên thế này! Mẹ có biết bay đâu! Con phấn khởi như thế vì con đã thành một thanh niên khỏe mạnh rồi phải không?

Pô-li-nin đặt va-li xuống đất, để mẹ ngồi trước bàn; rồi ngồi đối diện với bà anh hỏi:

— Thế nào, mẹ nom con khỏe thật phải không?

— Nhìn mắt, con, người ta sẽ nói là không — bà cụ nói vừa nhìn kỹ mặt con trai — Con mệt hay sao đấy?

— Cũng hơi mệt mẹ ạ — Pô-li-nin nói, và đến lượt anh chăm chú nhìn mặt mẹ.

Anh nhận thấy rõ mẹ anh đã quá năm mươi tuổi từ lâu rồi và nét mặt bà đã thay đổi nhiều từ một phần tư thế kỷ nay. Nhưng anh vẫn có cảm giác rằng thật ra khuôn mặt ấy bao giờ cũng như lúc này, không trẻ, không già, mà chỉ đơn giản, khuôn mặt của một bà mẹ; nó vẫn chưa mất những nét ngày xưa với cặp mắt thấu hiểu tất cả đến độ hình như tràn ngập cả khuôn mặt, và tất cả khuôn mặt chỉ thu lại có hai con mắt.

Ngắm nhìn mẹ như thế rồi, Pô-li-nin quyết định nói ngay rằng tinh mơ hôm sau anh lại đi để bà không kịp chuẩn bị cho một vấn đề khác.

— Xa không? — bà hỏi, nét mặt không thay đổi mặc dù những lời Pô-li-nin nói, làm bà ngạc nhiên và buồn phiền.

— Đến Min-xcơ đã, rồi sau mới biết, mẹ ạ.

— Làm gì? — Bà không bao giờ nói với ai về những công việc và chức vụ của con, nhưng bà thích biết chi tiết anh sẽ công tác ở đâu và làm gì.

— Hiện giờ con thuộc quyền điều động của ban tham mưu quân khu Bi-ê-lô-ruýt-xi.

— À, mẹ chưa nói chuyện với con! — bà vỗ tay — Li-đe Gri-gô-rốp-na hôm nay có đến đây uống trà với mẹ (Li-đi là vợ chính trị viên đơn vị của Pô-li-nin trước khi anh chuyển sang Mông-cổ). Chị ta chúc mừng mẹ, bảo rằng con đã được đề bạt làm đại tá hôm qua! Con biết chưa?

— Con biết rồi, mẹ ạ — Pô-li-nin trả lời, quả anh có được khen ngợi ở bộ Quốc phòng thật khi anh đến trình diện sau khi từ trên máy bay xuống.

— Thế làm thế nào để chuẩn bị trang phục cho con bây giờ? — bà cụ tỏ vẻ lo lắng — Con chỉ có bộ quân phục thiếu tá cũ...

— Có gì khác đâu ? — Pô-li-nin nói — Người ta sẽ sửa bộ quân phục trung tá cũ thành bộ quân phục đại tá... Mẹ còn giữ một vài chiếc cầu vai dự trữ cho trường hợp này chứ?

Anh biết rằng bà cụ có một chiếc hộp kẹo cũ trong đó bà để dành những chiếc dải bằng xen-luy-lô-ít hay bằng vải, những thứ trang sức, những huy hiệu gài trên bìa cứng, cả những «khối vuông» nhỏ, thời kỳ anh còn là trung úy. Bà gật đầu, im lặng rồi nói:

— Thế con được phong đại tá mà lại chưa nhận công tác gì sao?

Câu hỏi đó giấu một câu hỏi khác, quan trọng hơn, canh cánh bên lòng bà hơn nhưng bà không đặt ra: liệu con bà có đi Ba-lan nơi hôm nay bộ đội ta đã tiến quân vào hay ở lại Min-xcơ, trong ban tham mưu?
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #115 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2023, 06:54:08 am »

— Chắc là người ta sẽ không giữ con ở Min-xcơ lâu — Pô-li-nin trả lời đoán biết câu hỏi của mẹ — con sẽ nhận công tác. Nhưng tất cả những cái đó sẽ không lâu đâu, tạm thời thôi mẹ ạ.

— Mẹ thích con đến đâu công tác một thời gian dài, — bà cụ nói đột nhiên — con sẽ được cấp một nhà ở hẳn hoi và mẹ sẽ đến vơi con. Con chưa kịp đến và con đã lại đi rồi và mẹ, mẹ ở đây như một con chim cu trong tổ lạ.
 
— Sao lại lạ, hở mẹ ?

— Đúng thế. Nói rằng có nhà cửa hẳn hoi chỉ là một cách nói: con có ở đây bao giờ đâu. Cả đến đồ đạc lúc bày biện cũng không có con.

— Ồ, thế càng tốt. Chiếc tủ bát đĩa này mới sắm phải không mẹ?

— Phải, mẹ mua đấy. Mẹ lấy tiền ở quỹ tiết kiệm.

— Mẹ làm thế là đúng. Mẹ cũng biết rằng mẹ là một đại thủ quỹ của con chứ gì.

— Con thấy nó thế nào? Có vừa ý không?

— Thì con đã nói với mẹ là khá rồi cơ mà. Nó có bao nhiêu chân? Bốn phải không?

— Bốn — bà cụ trả lời, lúng túng.

— Ồ thế thì tuyệt quá ! Giữ nó lại mẹ ạ — Pô-li-nin phá lên cười.

— Hôm qua mẹ như linh cảm thấy là con sẽ về. Đêm đã khuya, mà mẹ vẫn chưa muốn đi ngủ. Con thấy không, mẹ chưa mặc quần áo ngủ. Và sớm nay, mẹ lại làm món pi-rô-ghi. Vì buồn phải không? Phải, không có con ở đây, mẹ buồn lắm Cô-li-a ạ. Đằng đẵng hết ngày này sang ngày khác lủi thủi đi một mình trong nhà. Tháng vừa rồi, thằng bé Đi-mi-tri ốm, nó mắc một thứ sởi nhẹ. Li-đi không đem nó đi bệnh viện, nên mẹ đem con Vê-ra về đây để tránh bị lây. Có khi sự không may của người khác lại đâm hay. Lúc trả con Vê-ra về, mẹ thấy buồn lạ.

— Nhưng mẹ làm bánh để cho ai ăn?

— Mẹ cũng chẳng biết nữa. Mẹ dọn cho con ăn nhé! Nhưng có lẽ con đã ăn với bạn hè rồi ?

Bà nói câu đó không chút ngụ ý trách móc. Bà biết con bà thích dùng thời giờ rỗi rãi để bù khú với bạn bè; bà nhớ tất cả những bạn anh quen trong những doanh trại khác nhau anh đã qua; bà còn thấy buồn khi phải xa một vài người bà mến một cách đặc biệt, bà hỏi thăm họ và tỏ ra khổ sở nếu Pô-li-nin trả lời không biết gì về họ.

— Mẹ cứ dọn ra, hai mẹ con ta cùng ăn với nhau, con chỉ mới uống trà thôi.

— Có phải hấp nóng lại món pi-rô-ghi không?

— Nếu mẹ muốn.

Nhìn mẹ đi vào bếp, Pô-li-nin nghĩ bụng: «Ở đây bà cụ cũng buồn thật, mình phải lấy vợ mới được».

Và một lần nữa, anh lại thấy buồn khi nghĩ đến Ma-sa đã lấy chồng. Khi nghĩ đến việc lấy vợ, không hiểu sao bao giờ anh cũng nghĩ, anh sẽ lấy chị hay em của một. người bạn tốt nào đó của anh.

Sau khi đã cho bánh vào lò, bà cụ trở lại dọn bàn ăn.

— Ở nhà đã uống mừng sức khỏe của con — bà cụ nói vừa lấy trong chiếc tủ buýp-phê mới một chai vốt-ca đã vơi nhiều

— Cả mẹ cũng nhấp nhấp một tí chút.

— Nhưng không có con ở nhà, mẹ uống với ai mới được chứ?

— Có Pê-ti-a Cô-xi-ri-ốp đến chơi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #116 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2023, 06:56:30 am »

— Đến hồi nào, hở mẹ?

— Ngay sau khi anh từ biệt con, trở về đây. Hai vợ chồng anh ấy về chơi với các bạn cũng ở Mô-ni-nô, anh ấy đến thăm mẹ trước. Đi với cả Na-đi-ét-đa A-lếch-dê-ép-na. Chị ấy đẹp lắm. Một người đàn bà ai trông thấy cũng phải để ý! Nhưng đi bên vợ, nom anh cũng bảnh chẳng kém gì. Anh ta nói chuyện về con, về cuộc đời của con.

— Anh ta không kể chuyện con với anh ta cãi nhau chứ?

— Không. Anh ấy nói là chắc con cũng sắp trở về. Rồi anh ấy bảo mẹ «Bà đem vốt-ca ra đây, bà Hê-len Ăng-đrê-đi-ép-na! Cháu muốn uống rượu chúc mừng sức khỏe Ni-cô-la». Anh ấy uống hết một cốc to, bảo vợ cũng uống và ép cả mẹ uống nữa, anh ta cứ ép mẹ mãi. Rồi anh ta đi lấy tất cả những tấm ảnh ở trên báo của con và đưa cho vợ xem. Chị ta thích bức ảnh anh ta chụp chung với con, cả hai cùng mặc áo ca-na-diêng và đứng bên cạnh máy bay của mình. Chị ta thích quá, và hỏi xin mẹ.

— Mẹ có cho không?

— Anh ta cứ lấy. Và nói «Nếu Ni-cô-la ở nhà, anh ấy cũng sẽ cho cháu. Bà cứ bảo với anh ấy là cháu lấy tấm ảnh này đấy».

— Đúng — Pô-li-nin gật đầu — Con còn một bức nữa như thế.

— Nhưng nó nhỏ hơn — bà cụ nói, bà vẫn ân hận là đã không kiên quyết và đã cho Cô-xi-ri-ốp tấm ảnh — Một người đàn bà đẹp — bà nhắc lại, rồi bà thở dài, bực mình vì con bà vẫn chưa lấy vợ, và đi vào bếp lấy bánh.

Còn lại một mình, Pô-li-nin đến gần chiếc bàn làm việc đã lâu năm, khi nào dọn nhà hai mẹ con cũng mang theo.

Những ngăn dưới đề dăm cuốn sách về hàng không cùng với những vở cũ và những cuốn tóm tắt; những bức ảnh để ngổn ngang, đầy ngăn kéo trên phần lớn là do anh chụp — anh vẫn chụp ảnh lấy trong những giờ rỗi rãi.

Một bức ảnh y như bức ảnh Cô-xi-ri-ốp đã lấy đi, nhưng khổ nhỏ hơn, nằm bên trên. Bức ảnh anh chụp cùng với Cô-xi-ri-ốp và Bô-rít O-vét-sơ-kin giờ đã mất rồi, cả ba đứng trước những chiếc khu trục của mình, những «sa-ta», những «mũi tẹt» như người Tây-ban-nha quen gọi. Bên cạnh họ là ba người thợ máy Tây-ban-nha, trong số đó có người thợ máy của anh tên là Giô-dê, anh này đã hy sinh sau đó một tuần khi sân bay bị ném bom, vì anh ta muốn cứu chiếc máy bay của mình bị bốc cháy.

Phía sau những chiếc máy bay người ta nhìn thấy ngôi nhà nhỏ màu trắng của ban tham mưu, rồi những khoảng xa khô cằn của mùa hạ và sau nữa người ta đoán thấy Ma-đơ-rít. Người ta không thể nhìn thấy thành phố này trên ảnh, nhưng người ta biết là nó ở sau những khoảng xa đó. Hôm ấy trên vòm trời Ma-đơ-rít, mỗi người đã hạ được một chiếc «Gioong- ke» và họ chụp ảnh cả bộ ba cùng với những thợ máy của họ chính là để ăn mừng thắng lợi.

Vừa ngắm bức ảnh và vừa tiếp tục trong đầu câu chuyện nói ở nhà Ác-tê-mi-ép về quân Đức, Pô-li-nin nhớ lại tất cả cùng một lúc: chiếc «Mét-xe-sơ-mít» cuối cùng trên sông E-brơ, chiếc «Mét-xe-sơ-mít» đầu tiên hạ trên Ma-đơ-rít, việc Xan-tan-đơ thất thủ tại đó anh phải tự tay đốt chiếc khu trục «mũi tẹt» người ta nhìn thấy trong ảnh, vì quân phát xít đã đến gần sân bay mà chỉ còn xăng vừa đủ để tưới đốt các máy bay.

Kỷ niệm về Xan-tan-đơ gợi lên trong anh những kỷ niệm khác tàn nhẫn và cay đắng mãi mãi gắn liền với Tây-ban-nha với tình trạng thiếu thốn liên miên về chất đốt, về đạn, lựu đạn, máy bay, tất cả những thứ mà bọn phát xít có thừa mứa.

Chiếc khu trục cuối cùng của anh bị đạn bắn đến độ không còn chỗ nào nguyên vẹn, thế mà anh vẫn phải dẫn phi đội chống với hàng mười, mười lăm, hai mươi chiếc «Fi-át» và «Mét-xe-sơ-mít».

Anh còn nhớ lại lúc từ biệt ga Bác-xơ-lon, tiệm rượu vắng ngắt, những chiếc bàn nhỏ đá hoa vỡ nát và người lính tình nguyện bé nhỏ trong binh đoàn quốc tế lầm lì và chua chát, nhờ anh đưa giúp một bức thư về Mạc-tư-khoa vào đúng địa chỉ mà anh vừa đến lúc nãy.

Tất cả những cái đó trong ký ức của anh vừa xa xôi vừa gần gũi biết bao! Nếu một lần nữa phải chiến đấu, trong số tất cả những kẻ thù anh sẽ chọn đúng bọn phát xít lái những chiếc máy bay no nê xăng và đạn dược và quen thói năm bay ba chiếc xúm lại đánh một.

Anh nghĩ đến chúng, lòng đầy căm thù, bất giác anh nắm tay lại lúc nào không biết.

— Con đánh nhau với ai thế? — mẹ anh hỏi lúc bưng một chiếc mâm con pi-rô-ghi vào và nhìn thấy thái độ bừng bừng sát khí của anh.

Anh bỏ nắm đấm ra không nói gì và ngồi vào bàn ăn vừa liếc nhìn lên đồng hồ: từ đây đến lúc đi còn chưa đầy bốn tiếng nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #117 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2023, 06:26:02 am »

CHƯƠNG XXX

Đêm 18 tháng chín, Pê-tơ-ra-sếch phải rời căng lên gặp viên dự thẩm, một tên đại úy cao lêu đêu và gày của «sở liêm phóng trung ương».

Việc hỏi cung tiến hành trong một ngôi nhà hai tầng quét vôi trắng, rất quen thuộc đối với mọi người trong căng Ác-giơ-lét và ở không cách xa cửa chính là bao. Đó là nhà bưu điện cũ bây giờ dùng làm bàn giấy của căng.

Viên đại úy không phải người vùng này, mà ở Pa-ri, cũng như hai viên sĩ quan khác hỏi cung ở hai gian bên. Các cuộc hỏi cung đã kéo dài từ ba ngày nay và thường chấm hết giống nhau: những người tình nghi bị nhét lên xe phủ kín và chuyển đến cách đó tám mươi cây số trong một căng dành riêng cho «những ngoại kiều thù địch».

Pê-tơ-ra-sếch biết người ta chuyển đến đó không phải chỉ riêng những người ở Ác-giơ-lét, mà còn từ tất cả các căng tập trung, nơi từ sáu tháng nay, những chiến sĩ của đạo quân cộng hòa và những người Tây-ban-nha lánh nạn, sống sau những hàng rào dây thép gai.

Mục đích của việc lập trại này là tập trung vào một chỗ tất cả những người tình nghi là có hoạt động cộng sản. Pê-tơ-ra-sếch biết điều đó. Vì anh có chân trong ban lãnh đạo bí mật của trại; do việc các đồng chí Pháp cho cho truyền đến tất cả mọi tin tức, nên Pê-tơ-ra-sếch biết trước rằng sớm hay muộn mình cũng bị hỏi cung và khi giữa đêm anh có mặt ở trụ sở cảnh sát, thái độ anh còn bình tĩnh hơn thái độ của viên đại úy phụ trách hỏi cung anh nhiều.

Cả hai người mắt đều đỏ: viên đại úy vì ba ngày hỏi cung và Pê-tơ-ra-sếch vì ba đêm mất ngủ. Đêm là thời gian thuận tiện nhất đề truyền đạt cho các đồng chí biết những tin tức nhận được của các đồng chí người Pháp, Pê-tơ-ra-sếch vừa làm công tác đó xong và chợp mắt chưa được nửa tiếng khi bọn sen đầm đến kéo anh dậy.

Anh ở một trong số những chiếc lều mua bằng tiền ủng hộ của anh em lao động Pháp. Những chiếc lều này được gửi đến trại từ tháng sáu, nhưng giữa đường, nó như độn thổ đi đâu mất. Cho mãi đến tháng tám khi những người cộng sản dọa đem vấn đề này ra chất vấn ở hạ nghị viện, người ta mới tìm thấy những chiếc lều này ở vùng ria trại và cho chuyển đến bên kia hàng dây thép gai. Pê-tơ-ra-sếch nhớ đến chuyện đó khi anh ngồi trước mặt viên dự thẩm và anh khẽ nở một nụ cười giễu cợt.

— Anh thích thú cái gì? — Viên đại úy vừa ghi ba câu trả lời đầu tiên: tên: Giăng Pê-tơ-ra-sếch, tuổi: hai mươi bảy, dân tộc: Tiệp.

— Trái lại, điều tôi đang nghĩ làm tôi khổ tâm.

— Cái gì làm anh khổ tâm?

— Ở trại chúng tôi vừa nhận được những chiếc lều đẹp quá khiến tôi rất tiếc phải rời bỏ chiếc lều tôi đang ở.

Anh nói câu đó giọng rất khó nghe, nhưng bằng một thứ tiếng Pháp khá đúng mẹo luật mà anh học trong sáu tháng ở trại: khi bị giam người ta học một ngoại ngữ mau lẹ.

— Và tại sao anh lại nghĩ rằng anh sẽ rời bỏ nó? — Viên đạt úy hỏi, vội vàng.

— Nếu không, xin phép ông, cho tôi trở về đấy — Pê-tơ-ra-sếch nói, không giấu giếm vẻ giễu cợt và làm như sắp đứng dậy.

— Anh nhận được những tin tức từ đâu?

— Tôi linh cảm thấy như vậy — Pê-tơ-ra-sếch trả lời, giọng khiêu khích và vẫn giễu cợt.

Viên đại úy dự thẩm im lặng. Hắn ta cũng khá thông minh để hiểu rằng ở trại người ta biết nhiều chuyện. Trong ba ngày hỏi cung, hắn đã có thể nhận thấy chỉ ở vài người sợ hãi, mà lại chính là những người không cần phải đem đi khỏi Ác-giơ-lét.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #118 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2023, 06:27:49 am »

Còn như hy vọng việc hỏi cung bất thình lình sẽ làm cho những người như viên sĩ quan trong binh đoàn quốc tế này kinh ngạc và hoảng sợ — hy vọng lúc đầu của viên dự thẩm — giờ đây tự hắn cũng thấy là một trò hoàn toàn ngu xuẩn.

Đâu là vẻ kinh ngạc khi con người cáu kỉnh bé nhỏ ngồi trước mặt hắn kia, môi mím và tay nắm chặt, khuôn mặt hốc hác và đã rụng hết lông, đang nhìn xoáy vào thịt hắn như chính anh ta đã biết tên tuổi và sinh quán của hắn từ lâu rồi.

Chiếc ghế đẩu Pê-tơ-ra-sếch ngồi cao quá đến độ Pê-tơ-ra-sếch át cả viên dự thẩm lúc ấy ngồi đàng hoàng trong chiếc ghế phô-tơi của hắn; từ chỗ ngồi cao anh có thể nhìn rõ khuôn mặt gày gò nhưng không xấu, đôi ria mép tự phụ và mái tóc hung rẽ giữa thẳng tắp của viên đại úy.

Pê-tơ-ra-sếch không biết tuổi và sinh quán của hắn, nhưng thật ra hôm qua anh đã được các đồng chí Pháp cho biết tên hắn cũng như hai tên kia và biết chúng chó má đến mức nào.

Hắn tên là Ô-guýt-stơ Đoóc-vi-li-ê. Theo những tài liệu Pê-tơ-ra-sếch nhận được, viên đại úy không phải là một thằng ngớ ngẩn, nhưng hắn là một tên mắc bệnh thần kinh hay có những cơn giận bất thình lình; nhiều lần hắn đã dọa đánh những người bị giam, nhưng chưa bao giờ dám làm, chắc là vì sợ sẽ sinh ra to chuyện. Rõ ràng là hắn ở nhóm phát xít của tên đại tá Đờ la Hóc-rơ; thời Mặt trận bình dân hắn đã phải trốn khỏi Pa-ri và công tác một năm ở châu Phi, nhưng giờ đây tất cả những cái đó lẽ dĩ nhiên chỉ có thể có lợi cho bước đường công danh của hắn.

«Tóm lại, một thằng khá đê tiện», Pê-tơ-ra-sếch nghĩ bụng Anh nhớ lại mảnh giấy nhận được qua hàng rào, hôm qua, trên có viết những ghi chú vắn tắt về tên đại úy, và anh nhìn hắn với một con mắt căm thù lạnh lùng.

— Dân tộc gì? — Tên này hỏi; hắn đã đọ mắt  với Pê-tơ-ra-sếch một lúc nhưng giờ đây mắt hắn cúi xuống nhìn tờ biên bản.

— Tiệp.

Đại úy liếc nhanh trên một hồ sơ để trong một chiếc ngăn kéo bản giấy hé mở: Pa-ri đã gửi cho hắn tài liệu vắn tắt về tất cả những «ngoại kiều thù địch» càn phải chuyển đi. Trong cột dân tộc, hắn đọc thấy chữ: Tây-ban-nha.

— Anh nói dối! Sao ngày mới đến căng anh nhận là người Tây-ban-nha, mà hôm nay anh lại tuyên bố là người Tiệp.

— Vì hồi mùa xuân tôi còn tự hỏi không biết ngài Đa-la-đi-ê có nộp tôi cho Hít-le cùng với tất cả nước Tiệp-khắc không. Bây giờ, từ hai tuần nay, các ông làm ra vẻ đánh nhau với Hít-le, nếu các ông làm thế thì sẽ phiền cho các ông.

Viên đại úy đấm tay xuống bàn. Hắn muốn đánh Pê-tơ-ra-sếch, nhưng rủi thay; người chiến sĩ tình nguyện của binh đoàn quốc tế tay chân lại chẳng bị xiềng xích gì cả; để đánh anh một cách an toàn, cần phải gọi những tên sen đầm ở phòng bên. Nhưng mới bắt đầu hỏi cung mà đã làm thế thì khá sớm quá, vả lại người ta cũng không thể tin vào tất cả các tên sen đầm được, cũng vẫn là bọn chúng phụ trách canh gác căng; thế mà, cứ buổi tối là ở trong căng người ta biết hết những chuyện đã xảy ra buổi sớm ở bên ngoài.

Lưỡng lự, viên đại úy giữ nắm đấm xiết chặt trên bàn một lúc, rồi hắn duỗi tay ra, gõ gõ trên đám hồ sơ, bàn tay buông xuống, xoa xoa trên đầu gối, hai bên khoé miệng nhếch lên.

Hắn vội chấm dứt những câu hỏi sơ bộ và bắt đầu hỏi rất nhanh, không ngừng lại ở một câu nào đặc biệt và lần nào cũng làm ra vẻ hài lòng về câu trả lời.

Những câu hỏi phần nhiều là về Tây-ban-nha.

— Anh ở đâu đến Tây-ban-nha?

— Ở Tiệp.

— Năm nào.

— 36

— Qua đâu?

— Qua nước Pháp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #119 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2023, 06:29:04 am »

— Vô lý! Hồi đó biên giới đóng rồi.

— Chắc là không phải đóng đối với tất cả mọi người.

— Những ai đưa anh qua biên giới?

— Lâu ngày quá tôi không còn nhớ được chi tiết nữa.

— Có thể là anh sẽ nhớ?

— Không, lâu quá rồi.

— Anh là cộng sản phải không?

— Chống phát xít.

Pê-tơ-ra-sếch chờ đợi viên đại úy sẽ ngừng lại ở câu hỏi này, nhưng hắn ta làm ra vẻ hài lòng về câu trả lời và bắt đầu lại hỏi anh về căng Ác-giơ-lét: Pê-tơ-ra-sếch có ý nghĩ gì về căng này, anh có vấn đề gì không bằng lòng không, có phải anh đã gửi đơn khiếu nại cho ban phụ trách căng và để phát biểu những lời khiếu nại đó, anh đã tập trung mọi người trong căng lại, anh có phải là ủy viên trong ban chấp hành chi bộ cộng sản bí mật của căng không?

— Không — Pê-tơ-ra-sếch trả lời, và anh trả lời đúng sự thật, vì theo như nguyên tắc «lồng người», một đồng chí khác làm nhiệm vụ của anh ngay sau khi bọn sen đầm giải anh đi.

— Nhưng anh là cộng sản?

— Như lời đã nói với ông, tôi chống phát-xít.

— Tại sao anh lại không có can đảm nói toạc ngay ra mình là cộng sản?

Pê-tơ-ra-sếch trả lời là anh không muốn thi đua can đản, với ngài dự thẩm. Anh chỉ không muốn làm trí nhớ ngài dự thẩm phải thồ thêm những chi tiết không cần thiết về lý lịch của anh. Anh chủ tâm chỉ trả lời những câu hỏi về những điểm chính của vấn đề, như việc cách đây sáu tháng anh đã vượt biên giới nước Pháp cộng hòa và anh bị giữ trong trại tập trung vì anh là một người lính trong đạo quân của nước cộng hòa Tây-ban-nha. Việc anh là cộng sản hay không chẳng quan hệ gì đến chuyện đó cả. Người ta giam anh trong một trại tập trung và hiển nhiên là cuối cùng người ta sắp thả anh ra. Nếu không phải như vậy, thì anh không hiểu lý do và mục đích cuộc hỏi cung này để làm gì.

Anh nói điều đó không che giấu vẻ giễu cợt của mình. Viên đại úy im lặng một lúc lâu. Vì công việc, hắn cổ hết sức nén những tình cảm của hắn xuống.

— Anh nghe đây — cuối cùng hắn nói, giọng gần như bình tĩnh — anh nhận rằng anh không phải cộng sản, nhưng tôi không tin, vì anh không dẫn chứng được. Do đó, mặc dù anh chối, tôi cũng cứ bắt buộc phải coi anh như một đảng viên cộng sản. Hợp lý chứ?

— Tôi chẳng chối và cũng chẳng nhận gì cả — Pê-tơ-ra-sếch nói — tôi chỉ cho rằng trong trường hợp hiện giờ, câu hỏi của ông ra ngoài đề và do đó, tôi không muốn trả lời.

— Thế nào, anh cho rằng câu hỏi của tôi ra ngoài đề? — tên đại úy hỏi lại — Ra ngoài đề? — hắn lặp lại to tiếng hơn — Trong khi việc anh được thả ra hay bị giữ lại là do câu trả lời của anh về vấn đề đó, quyết định.

— Tại sao việc tôi được thả ra hay bị giữ lại lệ thuộc vào câu trả lời của tôi về vấn đề đó? — Pê-tơ-ra-sếch hỏi, làm ra vẻ chú ý và cúi người về phía trước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM