Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:26:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bạn chiến đấu - Tập 2  (Đọc 6989 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2023, 08:18:41 am »

Khu-đi-a-cốp và đại tá tóc đỏ đều quay lại cùng một lúc.

— Chào đồng chí đại tá — người cần vụ nói vừa giơ tay lên mũ chào, rồi lại quay về phía Khu-đi-a-cốp — Báo cáo đồng chí Côn-xốp và phân đội của anh ta lại vừa tìm thấy một hầm trú ẩn của sĩ quan. Cách đây hai trăm thước. Anh ta bảo tôi báo cáo với đồng chí. Đồng chí có muốn đến xem không?

— Thế nào. tôi chưa được thấy hầm bọc sắt bao giờ sao?

Khu-đi-a-cốp san bữa ăn bắt đầu cảm thấy buồn ngủ, nói một cách uể oải.

— Báo cáo đồng chí, hầm này không phải như cái kia đâu. Vẫn còn quân Nhật ở trong — người cần vụ nói — Hầm bị đạn đại bác lấp mất; cả hai chúng tôi đều đã đi sát qua đấy. Nhưng về sau, chúng đào từ phía trong một lỗ châu mai và bắn ra một tràng súng máy.

— À, ra thế đấy — Khu-đi-a-cốp nói vừa nhớ lại cách đây nửa giờ, anh nghe thấy một tràng súng máy cách không xa lắm, nhưng cũng như đối với các tràng súng máy khác, anh không để ý đến nữa.

— Đồng chí có muốn xem anh ta làm thế nào để bắt bọn chúng không? — Người cần vụ lại hỏi một lần nữa.

— À, lại cậu Côn-xốp! — Xa-en-kô nói giọng bực tức pha lẫn kính phục — Rồi hắn ta lại là người đầu tiên nhảy xuống hầm, súng lục cầm tay cho mà xem. Mà quái, làm sao đến giờ hắn vẫn chưa bị ăn đạn, thật là tôi không hiểu! Thế nào, ta đi chứ, Va-lê-ri A-lếch-dăng-đrô-vít? Phải ngăn cấm hắn ta mới được.

— Phải đấy — Khu-đi-a-cốp nói và đi cùng với người cần vụ, Xa-en-kô, Lô-pa-tin và đại tá tóc đỏ theo sau. Đại tá chẳng có lý do gì đặc biệt để đi đến đó, nhưng anh tự cho rằng ngay lúc này mà rút lui về chỉ huy sở của mình thì là bất lịch sự: nhỡ ở đó xảy ra nổ súng thì sao?

Đi chếch xuống dốc đồi Lô-pa-tin rùng mình nghĩ bụng chưa bao giờ được nhìn thấy một quang cảnh chém giết như cảnh nhìn thấy từ trên đỉnh đồi Pét-san.

Trên mặt đất, hố đạn rỗ như tổ ong; trong những đường hầm đào nhiều dãy song song với nhau còn sót lại những vết tích khủng khiếp của trận giáp lá cà; những xác chết hình thù quái đản nằm chất từng đống nhiều chỗ dày quá, kín cả đáy hầm. Chung quanh rải rác những vật quen thuộc, chỗ nào cũng giống chỗ nào: các-bin, súng trường, mặt nạ phòng hơi ngạt, ba-lô da bò, quạt, cà mèn, sổ tay để rơi vãi, những tấm ảnh, những mảnh giấy nửa bị vùi dưới đất loằng ngoằng những chữ tượng hình, cát két lính, cá mắm nhỏ xâu như xâu nấm, túi bánh, gạo vung vãi.

Hầm trú ẩn bọc sắt mọi người đang đến gần, lúc trước không ai biết, ở cuối một đường hầm đào chữ chi bị lấp đến nửa. Dưới đất người ta nhìn thấy một lỗ cửa thấp.

— Báo cáo đồng chí thiếu tá, xin cẩn thận! Đừng đi quá sang bên trái — Côn-xốp đứng ở đỉnh mô đất phía trên nóc hầm, la lên — có một lỗ châu mai, chúng vừa bắn ra đấy.

Nhiều chiến sĩ trong đơn vị trinh sát tới tấp cuốc bạt một góc hầm mở đường cho một chiếc chiến xa mang đại bác 45. Chiếc xe này đã ở dưới hầm, và cho máy chạy từ từ, đợi người ta dọn đất thêm một thước trước mặt để có thể nhích lên một chút. Và cửa hầm bọc sắt lù lù ngay trước nòng đại bác.

Ở phía bên, đứng trên ụ đất; hai chiến sĩ chĩa súng máy về phía cửa.

— Súng máy bắn không ăn thua gì — Côn-xốp nói sôi nổi — Chắc là chúng có một tấm thép hay tôn gì đó che ở đấy.

— Sao các anh không thử dỡ nóc xem? — Xa-en-kô nói.

— Thưa đồng chí chính ủy, thế thì lâu la quá — Côn-xốp trả lời — Ta sẽ cho chúng ăn đại bác, đồng chí cứ yên tâm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2023, 08:19:50 am »

— À bây giờ cậu cũng đã biết điều rồi đấy — Xa-en-kô nói — thế mà bọn mình cứ sợ cậu hai hàm răng ngậm chặt dao nhảy xuống.

— Trận đánh hôm nay đã xong rồi, thưa đồng chí, và người ta không muốn chết vào lúc tối. Tôi không hiểu tại sao lũ Nhật này lại muốn chết.

— Anh hỏi chúng xem — Xa-en-kô nói.

— Tôi đã hỏi chúng rồi.

Khu-đi-a-cốp nói, giọng khiêm khắc:

— Anh hãy đề nghị với chúng một lần nữa ra khỏi hầm và đầu hàng.

Côn-xốp nằm úp trên nóc hầm, và dùng cả tay lẫn chân bò xuống cho đến khi mặt anh đến ngang phần trên của lỗ cửa anh la lên mấy chữ bằng tiếng Nhật.

— Anh ta nói gì với chúng thế? — đại tá tóc đỏ hỏi Xa-en-kô.

— Anh ta đề nghị chúng đầu hàng. Anh ta cũng biết độ trên dưới một trăm tiếng Nhật.

Côn-xốp lại la lên một câu gì đó.

— Hay là chúng chết hết cả rồi — Xa-en-kô nói.

— Chúng còn sống — Côn-xốp nở một nụ cười ác, vừa nhỏm dậy ngồi trên nóc hầm. Chúng còn sống. Éc-ma-cốp thì chắc chắn là không còn nữa rồi. Xác anh nằm dài kia vì băng đạn của chúng.

Anh chửi rủa văng nọ văng kia một cách chua xót, không giữ gìn gì trước mặt các đồng chí cấp trên.

— Éc-ma-cốp? — Xa-en-kô hỏi — Sao, Éc-ma-cốp chết à? Giọng anh để lộ rõ một mối buồn da diết. Éc-ma-cốp những ngày cuối cùng vừa rồi nổi bật lên vì lòng dũng cảm cao độ của anh và hình như bất tử.

— Và cũng vẫn do cùng băng đạn đó ở trên địa hình trống — Côn-xốp nói — Báo cáo đồng chí chính ủy, đề nghị đồng chí không nên đến đó — Cổn-xốp la lên hoảng hốt nhìn thấy Xa-en-kô cử động — nếu không chúng sẽ cho cả đồng chí nằm đo đất nữa!

Côn-xốp nhìn người chiến sĩ dọn đường cho chiến xa một lát, đột nhiên anh lầm bầm một mình chẳng nói với ai cả

«Thế nào! Chúng đã giết chết Éc-ma-cốp rồi sao? Đau đớn nhỉ! — Và anh nhếch mép cười xót xa.

Chiến xa rú máy chồm lên, đi được một thước, ngừng lại và chĩa đại bác vào cửa hầm. Côn-xốp lại bò đến phía lỗ châu mai một lần nữa vồ quát to câu gọi lúc nãy.

Chúng vẫn lặng im.

Anh nhảy vọt từ hầm trú ẩn lên thành hào, chạy mấy bước ngừng lại bên chiến xa và vừa đập thình thình vừa kêu:

— Bắn đi!

Khi khói đã tan và cột đất, cát tung lên đã đổ xuống, người ta có thể nhìn thấy lỗ hầm đen ngòm đằng sau chiếc cửa bị phá. Các chiến sĩ chuẩn bị sẵn sàng bên khẩu súng máy.

Côn-xốp chạy nhanh dọc thành hào; cúi xuống và rút khẩu «na-gan» ra, anh hô lên bằng tiếng Nga.

— Đi ra!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2023, 08:21:48 am »

Một nửa phút im lặng rồi người ta nghe thấy có tiếng sột soạt, và một tiếng rên ngắn; một tên Nhật, hai tay giơ lên đầu chảy máu bước ra khỏi ngưỡng cửa, từ hầm trú ẩn về phía hào đi thẳng đến trước chiến xa. Hắn lảo đảo tiến lên mấy bước rồi ngừng lại, mắt nhìn chằm chằm vào nòng súng như bị hút vào đấy.

— Đồ khốn kiếp! — một chiến sĩ đứng cạnh chiến xa lầm bầm. Căm thù làm anh thay đổi hẳn nét mặt. Anh cắm xẻng xuống đất, vớ lấy khẩu súng để trên thành hào.

— Anh làm gì thế? — Đại tá tóc đỏ bất thình lình nhảy xuống hầm và nắm lấy tay anh ta — Thế nào, anh là một chiến sĩ mà anh lại đi bắn một tên tù binh sao? — Đại tá nói giọng khinh bỉ và vừa lấy thân hình mập mạp của mình che cho lên tù binh, anh vừa giằng lấy khẩu súng và khẽ đẩy người lính lúc đó có vẻ ngượng ngùng đi chỗ khác.

— Thằng khốn này đã giết Éc-ma-cốp — người chiến sĩ vừa bỏ đi, vừa lầu bầu, nhưng con mắt căm hờn vẫn hằm hằm nhìn tên Nhật.

— Nó là một thằng khốn kiếp thì có làm sao? Chúng nó đều thế tuốt — đại tá nói chẳng theo một lập luận nào cả, đồng thời anh vừa nhìn xem có ai muốn xâm phạm đến tính mạng tên Nhật anh vừa cứu thoát không.

Nhưng những giây phút phẫn nộ đầu tiên đã qua đi.

— Mang nó đi! — Côn-xốp kêu to bảo các chiến sĩ — Nó bị thương không đi được nữa kia kìa.

Tên Nhật không thể đi được thật. Hắn ngã tựa vào thành hào, vai run run, đầu chảy máu.

Hai chiến sĩ xốc hắn lên, và giơ hắn ra xa một lúc cho khỏi bị dây máu và từ từ kéo hắn lên khỏi hào.

Côn-xốp nhảy xuống hào, súng lục cầm tay và biến mất trong hầm bọc sắt. Nhiều chiến sĩ tức thời ùa theo. Sau một lát anh lại hiện ra.

— Chỉ có mỗi một tên — và như sợ người ta có thể không hiểu, anh giơ một ngón tay lên trời. — Chết rồi. Một sĩ quan — anh chỉ tên tù binh đang đi ra xa — Thằng này có lẽ là cần vụ của nó. Đồng chí thiếu tá đồng chí nhìn xem đây này — Và đến gần Khu-đi-a-cốp, Côn-xốp xòe nắm tay ra. Anh cầm ở tay một chiếc cầu vai dứt ở áo quân phục ra.

— Hai vạch, ba sao — Khu-đi-a-cốp nói vừa ngắm nghía — Một đại tá.

— Úi chà — Côn-xốp nói, giọng nửa nạc nửa mỡ ngạc nhiên vì thấy một nhân vật như thế ở trong hầm và tiếc rằng ta không bắt sống được hắn.

— Đồ khốn! Đồ khốn nạn — đại tá tóc đỏ lúc đó nhắc lại như anh muốn tự thanh minh với chung quanh về việc vừa cứu tên tù binh. Cuối cùng đưa tay cho Khu-đi-a-cốp anh nói:

— Thôi, tôi về đây. Miễn là các chiến sĩ của tôi cũng đừng để sót một hầm nào!

Anh bước ra khỏi hầm và đi dọc sườn dốc, người thẳng, vững chãi, oai vệ, hoàn toàn tương phản với Khu-đi-a-cốp lúc đó mặc một chiếc áo ca-pốt cáu bẩn, gồ trên lưng như một cái bướu và đội một chiếc mũ sắt quá rộng tùm hụp trên trán. Lô-pa-tin chưa bao giờ thấy anh rời chiếc mũ đó. Khu-đi-a-cốp đã mất chiếc cát-két ngay từ khi bắt đầu tác chiến, và lúc nào anh cũng đội mũ sắt.

— Báo cáo đồng chí trung đoàn trưởng — anh cần vụ vừa nói vừa đuổi theo Khu-đi-a-cốp đang mải mê suy nghĩ.

— Phải — Khu-đi-a-cốp trả lời vẫn chưa hết mơ màng.

— Chiếc mũ cát-két tôi đặt làm cho đồng chí, người ta vừa mang ở quân nhu đến.

Khu-đi-a-cốp nhìn chiếc cát-két và cởi quai đeo bằng vải thô vứt chiếc mũ sắt xuống chân, và cũng chẳng cầm lấy thiếc cát-két tự tay người cần vụ đưa cho, dáng điệu mệt mỏi anh xoa nắn chiếc cổ ê ẩm vì mũ sắt nặng, và cùng một cử chỉ mệt mỏi như thế, anh lùa tay vào trong tóc.

Người cần vụ vẫn cầm chiếc cát-két trong tay. Mắt đăm đăm nhìn Khu-đi-a-cốp, anh thấy trào lên trong lòng một cảm giác biết ơn trìu mến đối với con người mảnh khảnh, thấp bé, cũng chẳng còn trẻ lắm nữa và bề ngoài không có vẻ gì là một anh hùng — con người, hôm đầu tiên ngay sau khi Ba-ta-lốp mất, đã tỏ ra dũng cảm, bình tĩnh, không rườm lời và có khả năng đặc biệt về tổ chức trong đợt tấn công Pét-san. Tất cả ai cũng cảm thấy điều đó: Ba-ta-lốp không còn nữa, nhưng trung đoàn vẫn tiếp tục có người chỉ huy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2023, 08:23:49 am »

Cuối cùng Khu-đi-a-cốp cầm lấy chiếc cát-két mơn mơn bên trong và đội lên đầu hơi lệch sang một bên, khiến cho vóc người vốn không có gì đặc sắc của anh, với chiếc ca-pốt gù gù ở lưng, đột nhiên nom lại có vẻ cân đối.

— Đề nghị đồng chí cởi chiếc áo ca-pốt đưa tôi giặt, người đồng chí đầy những đất — anh cần vụ nói.

Khu-đi-a-cốp quay lại nửa người, nhìn anh cần vụ chăm chú từ đầu đến chân, và lúc này anh hiểu rằng người cần vụ trong khi vẫn giữ kỷ niệm đau xót về Ba-ta-lốp, cũng đã ghi nhận anh, Khu-đi-a-cốp, trong quả tim trẻ tuổi chung thủy của anh ta.

Một liên lạc viên vừa chạy đến hổn hển kêu to:

— Có người gọi đồng chí trung đoàn trưởng ở máy điện thoại.

Khu-đi-a-cốp đi ra khỏi hầm, và hơi gù gù, rảo bước đi theo người liên lạc viên.

— Có lẽ dù sao cũng phải đánh đồi Rê-mi-dốp — Xa-en-kô nói khẽ với Lô-pa-tin, mắt nhìn theo Khu-đi-a-cốp.

Cả hai lắng tai nghe. Qua tiếng gió rú, và tiếng cát lạo sạo đang lồng lộn lao xuống dốc, người ta nghe thấy tiếng ầm ầm chuyển đất của đại bác từ đồi Rê-mi-dốp vang lại,

— Báo cáo đồng chí chính ủy — Côn-xốp đứng từ xa nói — có các đồng chí chỉ huy đến.

Xa-en-kô quay lại và nhìn thấy một chiếc «En-ka» nhỏ màu đen, đang cố leo lên đồi dốc dựng đứng về phía họ. Cuối cùng, cách họ năm mươi bước, xe dừng lại và Cli-mô-vít và Xa-rít-sép hiện ra.

Xa-en-kô đi đến gặp hai người.

Mặc dù bị rám nắng, mặt Xa-rít-sép vẫn xám ngoét vì tất cả chỗ máu bị mất. Chiếc áo bơ-lu-dông để hở cúc và cổ băng lên đến cằm khiến ông không thể quay đi quay lại hay cúi đầu xuống được và nét mặt của ông có một vẻ kiêu kỳ mà thường ông không có.

— Này! Thế là anh được nghỉ ngơi một thời gian nhé — ông nói vừa đi đến gần Xa-en-kô và đưa tay cho anh bắt.

— Xin để tùy ban chỉ huy quyết định! — Xa-en-kô đáp lại — Ban chỉ huy có thể biết rõ hơn.

— Cũng có thể đấy — Xa-rít-sép nói — Tôi đến chỗ anh lấy các chiến sĩ xe tăng đi đây, — ông nhìn Cli-mô-vít — Đây cũng đã là một dấu hiệu rằng anh sẽ lui về ở tốp hai.

— Thế các đồng chí đi đâu? Đi tiến công đồi Rê-mi-dốp phải không? — Xa-en-kô hỏi.

— Không, binh đoàn 7 sẽ đến đấy, còn chúng tôi người ta chuyển sang cánh bên trái phía biên giới.

— Sắp đánh nhau ở đấy à.

— Có thể.

— Nhưng đại úy Cli-mô-vít nói với tôi hôm qua là đồng chí ở bệnh viện cơ mà?— Xa-en-kô nói vừa chăm chú nhìn khuôn mặt tái nhợt của Xa-rít-sép và nghĩ riêng trong bụng là lúc này ông ta nên ở bệnh viện là hơn cả.

— Đúng. Và thật ra tôi cũng sẽ nằm lại đó nếu không phải chuyển về phía biên giới. Nhưng anh đừng có nghĩ là tôi thiếu kỷ luật tính nhé. — và Xa-rít-sép cười trong ria mép — Tôi đã gọi dây nói cho chính cá nhân tổng chỉ huy xin phép được rời viện.

— Thái độ ông ta thế nào?

— Cũng khá, ông ta là một người thích nói đến nơi ngay; ông ta bảo tôi qua dây nói: «Anh đừng có tưởng là người ta không thể nào thiếu anh được». Tôi trả lời: «Không, tôi không tưởng thế»

— «Vậy thì đồng ý để anh đi».

— Có lẽ đồng chí nên ngồi nghỉ một lát — anh vẫn băn khoăn về sắc mặt của Xa-rít-sép.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2023, 08:27:20 am »

— Chẳng cần, tôi đi ngay. Tôi chỉ hỏi anh có hai câu. Thứ nhất, Cli-mô-vít công tác bên các anh thế nào? có khá không?

— Điều này đã có viết trong báo cáo rồi — Xa-en-kô nói.

— Tôi biết báo cáo nói gì rồi. Nhưng trong thâm tâm anh, anh nghĩ thế nào?

Xa-en-kô vốn không phải là một người sởi lởi về những lời khen. Anh đưa mắt nhìn Cli-mô-vít mà anh mến, im lặng một lát, suy nghĩ rồi nói:

— Cũng khá! Anh ấy được việc — Anh nhắc lại một lần nữa — Cũng khá!

— Đó là điểm thứ nhất — Xa-rít-sép nói, lặng lẽ hiểu giá trị của danh từ «cũng khá» ở miệng Xa-en-kô — Câu thứ hai tôi muốn hỏi về Ba-ta-lốp. Các anh sẽ chôn anh ta ở đâu?

— Chúng tôi cũng còn chưa rõ. Chắc là gần trạm quân y. Ngày mai tôi cũng đến dự tang lễ. Với một đoàn đại biểu của trung đoàn.

— Không được! — Xa-rít-sép nói — Phải chôn anh ta ở Ba-in Xa-gan, bên cạnh những chiến sĩ xe tăng của tôi. Đó là nơi họ cùng chiến đấu trận đầu tiên với nhau, và địa điểm đó rất tốt ở trên núi, không bị người ta xéo lên nhiều quá. Và khi nào hết đánh nhau, chúng ta sẽ xây ở đấy một bệ bằng sắt vụn của quân Nhật và ta sẽ đặt một trong những chiến xa của ta bị phá hủy lên trên. Đại bác chĩa về phía Tô-ki-ô. Được không? Cli-mô-vít, anh nghĩ thế nào?

— Tôi tiếc Ba-ta-lốp quá — Cli-mô-vít chỉ nói thế để trả lời.

— Còn tang lễ thế nào? — Xa-rít-sép lại hỏi một lần nữa — Ngày mai tôi sẽ cử đến Ba-in Xa-gan một đoàn đại biểu của các chiến sĩ xe tăng.

— Vâng, được — Xa-en-kô nói — hôm nay tôi sẽ hội ý với ban chính trị sư đoàn.

— Hội ý làm gì? — Xa-rít-sép nói, giọng không bằng lòng — Khi chúng ta chết, chúng ta chẳng hội ý với ai cả — Ông im lặng một lát, buồn vì những ý nghĩ của mình, rồi ông đặt tay lên vai Xa-en-kô:

— Ba-ta-lốp và tôi, chúng tôi đã bắt đầu cuộc đời lính chung với nhau ở đây... và bây giờ chúng ta tiếp tục không có anh ấy. Thế nào chính ủy, anh nghĩ sao, chuyện này liệu còn kéo dài lâu không?

— Ở đây hay nói chung? — Xa-en-kô hỏi.

— Nói chung.

— Từ khi tôi đọc bản hiệp ước, tôi chẳng còn biết nghĩ thế nào — Xa-en-kô nói.

— Tôi, tôi nghĩ là còn lâu — Xa-rít-sép nói, giọng vững tin, và ông nhấc tay ra khỏi vai Xa-en-kô — Tất cả ở đây mới chỉ là phần giáo giáo đầu… À, Khu-đi-a-cốp chỉ huy trung đoàn thế nào? — Ông hỏi với giọng «công tác».

— Cũng khá — Xa-en-kô nói, sau một lát suy nghĩ. Anh nói về Khu-đi-a-cốp như anh vừa nói về Cli-mô-vít.

— Tôi gửi lời chào anh ta nhé! — Rồi ông quay lại nói với Cli-mô-vít — Ta đi thôi.

Xa-en-kô đi với hai người ra tận xe, từ biệt Xa-rít-sép và lẳng lặng xiết chặt tay Cli-mô-vít, như đặt vào đấy tất cả tấm lòng biết ơn của mình.

Xe mở máy giật lùi một lúc lâu, rồi quay mũi lao xuống dốc. Xa-en-kô nhìn theo xe và nghĩ đến những lời Xa-rít-sép:

«Tất cả những cái này, mới chỉ là phần dạo đầu» — Anh nghĩ đến thời kỳ ở Pô-lô-ki trong miền Pôn-ta-va, lúc đó anh chỉ vừa mới gia nhập chi bộ đoàn Thanh niên cộng sản ở nông thôn, chỉ huy đại đội kỵ binh, Xa-rít-sép đã tiến quân về phía En-vốp với đại đội kỵ binh số 1, và chiến sĩ Hồng quân Ba-ta-lốp, đã theo Cơ-din Tê-pê đi chiến đấu chống Khan(1) Bu-kha-ra.

Bị giằng xé giữa những kỷ niệm của dĩ vãng và những lo lắng về tương lai, Xa-en-kô đứng yên, sắp xếp trong đầu dòng chữ ghi trên chiếc tháp gỗ nhỏ anh đã đặt ở kho trung đoàn từ buổi sáng và ngày mai anh sẽ mang đến trên mộ Ba-ta-lốp, «Tưởng nhở đại tá Mi-sen Ni-ki-tô-vít Ba-ta-lốp, người lính trung thành của cách mạng, chết vì nền tự do của nước Cộng hòa nhân dân Mông-cổ trong những cuộc chiến đấu ngày 26 tháng tám năm 1939 chống bọn xâm lược Nhật-bản».


(1) Quý tộc vùng dân tộc Ta-ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2023, 08:44:31 am »

CHƯƠNG XXIV

Từ sớm, đại tá Pốt-ni-cốp đã cho gọi Ác-tê-mi-ép đến và chính thức báo tin cho anh biết là bắt đầu ngay từ hôm đó 28 tháng tám, theo lệnh trưởng ban tham mưu, người ta đã gạch tên anh ở bộ phận tác chiến và chuyển anh sang bộ phận tình báo. Ác-tê-mi-ép cũng không ngạc nhiên: thật ra anh đã làm công tác đó từ ngày thứ ba của cuộc tiến công, phụ trách việc chọn lựa và phiên dịch những tài liệu bắt được.

Tài liệu nhiều đến nỗi ban tình báo làm bở cả hơi tai cũng không xong và sau cùng người ta phải điều động sang làm công tác phiên dịch không những Ác-tê-mi-ép và hai người nữa ở ban chính trị mà còn cả một bác sĩ quân y biết tiếng Nhật.

Vấn đề chuyển công tác của Ác-tê-mi-ép như thế là đã được quyết định từ trước, nhưng khi để anh đi, Pốt-ni-cốp không khỏi tỏ ra bực dọc:

— Trong hai tháng trời, tôi đã đi đến chỗ tin chắc là người ta có thể trông đợi một cái gì ở anh — ông nói rầu rầu bằng thứ giọng cáu kỉnh nó rít lên như tiếng ken két của đôi giày mới.

Đấy là một lời biểu dương nó tố cáo một sự hoài nghi: liệu Ác-tê-mi-ép có làm được gì không khi anh làm việc với một người chỉ huy ít khắt khe hơn Pốt-ni-cốp?

— Thật là không may, tôi bắt buộc phải chia tay với anh, và thật là không may — ông nhắc lại và nhấn mạnh vào mấy chữ đó một cách châm biếm — về vấn đề ngoại ngữ trong quân đội của ta còn kém lắm. Đến nỗi giữ một người biết tiếng Nhật ở trong ban tác chiến là một điều xa xỉ, người ta không thể tự cho phép mình làm. Ngay cả những người như thế ở ban tình báo cũng còn thiếu. Khi đến lúc tính sổ những trận đánh, tôi sẽ làm một báo cáo về chuyện đó. Ngay từ giờ chúng ta đã cảm thấy lúng túng trong vấn đề này và nếu chúng ta không biết lo liệu, trường hợp một cuộc đại chiến xảy ra, sẽ rất phiền cho chúng ta.

Thấy Pốt-ni-cốp đột nhiên nhiều lời như thế, Ác-tê-mi-ép hiểu rằng ông đang cáu, chắc là ông đã có một cuộc trao đổi ý kiến không lấy gì làm vui vẻ lắm với tham mưu trưởng và, mặc dù chịu lép, ông vẫn giữ quan điểm của mình. Và lúc này ông đang phát biểu điều đó với kẻ vô tình đã gây ra những khó chịu cho ông.

— Tôi chúc anh thành công. Công tác cho tốt nhé! — Pốt- ni-cốp nói để kết luận. Ông đưa tay cho Ác-tê-mi-ép — Sơ-mê-lép tính dễ dãi hơn tôi một chút, nhưng hãy tiếp tục công tác như anh vẫn có trên lưng một hạ sĩ quan già như kiểu tôi. Ác-tê-mi-ép đỏ mặt. Các sĩ quan trẻ tuổi ở ban tác chiến và anh vẫn thường quen gọi ông như thế khi nói chuyện với nhau. Nhưng Pốt-ni-cốp xiết chặt lấy tay anh thân ái, và mắt ông sáng lên một nụ cười chế nhạo của một người không còn trẻ lắm nữa, dửng dưng với tất cả những điều bọn trẻ nói về mình, miễn là họ làm tròn những đòi hỏi của công tác.

Từ biệt Pốt-ni-cốp, Ác-tê-mi-ép đi đến ban tình báo. Nhìn từ ngoài, căn lều dài của ban tình báo trông giống một bệnh viện. Bên trong có năm dãy bàn và một chiếc nhỏ hơn cho chị nhân viên đánh máy thường là làm việc suốt ngày, tai vừa nghe tay vừa đập lia lịa và kéo trục máy ầm ỹ; trong những phút rành, chị lại gục đầu xuống máy chữ thiu thiu ngủ, má tựa trên một chiếc gối nhỏ để dùng vào việc đó.

Hôm qua, mọi người, kể cả Ác-tê-mi-ép làm việc đến năm giờ sáng mới xong, nhưng Pốt-ni-cốp, thường là không hay chú trọng đến những chuyện như thế, ra lệnh đánh thức Ác-tê-mi-ép vào lúc bảy giờ. Cho nên, khi Ác-tê-mi-ép đi vào trong lều, vẫn chưa có ai kể cả chị đánh máy là người quen đến sớm nhất, lần nào chị cũng hy vọng là người khác muộn hơn một chút để chị tranh thủ một giấc bên máy chữ.

Trong lều im lặng. Chỉ thỉnh thoảng mới vọng tới từ vang xa xôi của những trận đánh trên đồi Rê-mi-dốp và người ta nghe rõ tiếng chân người lính gác đi đi lại lại bên lều.

Ác-tê-mi-ép ngồi trước bàn và lấy ra một trong số hai chiếc sà-cột sĩ quan đầy căng những giấy tờ từ ban đêm chưa sắp xếp lại. Nhưng hoặc là không khí im lặng và cô đơn ảnh hưởng đến anh, hoặc anh nhìn tất cả quang cảnh quen thuộc ấy bằng con mắt đột nhiên đổi khác, sau khi đảo mắt một lượt nhìn chung quanh, anh bỗng thấy là lạ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2023, 08:45:36 am »

Trong khi sắp xếp những hòm và những cặp đầy ắp giấy tờ tham mưu, những tráp đựng tiền của các trung đoàn và tiểu đoàn, sà-cột sĩ quan, túi hạ sĩ quan và lính, những người ở ban tình báo phân loại những tài liệu quan trọng nhất với những tài liệu thứ yếu. Tài liệu quan trọng gồm bản đồ, tài liệu tham mưu, giấy tờ cá nhân, nhật ký và những thư viết từ mặt trận gửi về Nhật nhưng chưa chuyển đi. Thứ yếu là những tạp chí, báo hàng ngày, thư bên Nhật gửi sang và ảnh. Những tài liệu quan trọng để trải ra trên bàn và sắp xếp vội vàng, những thứ ít quan trọng hơn ngày nọ tiếp ngày kia đánh đống dưới đất: trong loại thứ hai này phần lớn là ảnh. Hầu hết những đơn vị bị bao vây gần Khan-khin Gon đóng ở Mãn-châu đã từ lâu, và những người từ bao nhiêu năm nay giày xéo trên đất nước người, ngày càng mang theo nhiều ảnh của nước Nhật. Nhiều nhất là trong sà-cột của sĩ quan. Trong tám ngày chiến đấu. ảnh phủ kín cả nền lều, chỉ còn chia những lối đi nhỏ từ cửa vào chỗ các bàn.

Tự nhiên thấy bâng khuâng trước một quang cảnh mà đáng lẽ anh phải quen rồi mới đúng, Ác-tê-mi-ép đứng dậy, người cúi về phía trước, tay chống trên đầu gối, anh bắt đầu ngắm nghía những bức ảnh vung vãi dưới chân mình.

Một làn gió nhẹ lọt qua mảnh bạt cửa hé mở, và những tấm ảnh lạo sạo một tiếng động buồn và khô như những bông hoa sắt tây trong nghĩa địa.

Ở đây có những tấm ảnh đàn ông và đàn bà, ông già bà già, những tấm ảnh của những đứa trẻ nào, của cha mẹ ai không rõ chụp trên nền những cây bách cổ thụ, những phố nhộn nhịp xe kéo và đèn giấy, trên một nền những đền đài bằng gỗ với những ông Phật kếch sù bụng phệ, những bàn thờ gia đình trang trí con rùa, con hạc tượng trưng cho hạnh phúc và sống lâu.

Ở đây có những bưu ảnh in hình núi Phú-sĩ, những cành anh đào nở hoa, những tiệm trà nho nhỏ. Những bức ảnh của một đời sống xa lạ lấy ở xác những người chết và vứt dưới chân những người sống ngày mai cũng có thể sẽ bị chết, nhưng hôm nay là những kẻ chiến thắng và phải làm tròn nhiệm vụ của mình bằng cách lục lọi trong vô số những tài liệu lưu trữ này của cái chết.

Giờ phút này, Ác-tê-mi-ép xa lạ với tất cả mọi tình cảm thương xót. Hàng nghìn bức ảnh vung vãi dưới đất nói lên sự thất bại của địch nó chính là điều anh mong ước, và là mục đích hoạt động của anh.

Điều làm anh xúc động lúc này khi nhìn những bức ảnh, không phải là một cảm giác xót thương đối với kẻ xâm lược đã vượt biên giới và bây giờ chết ở đây, mà là một cái gì khác, nó bâng khuâng và mạnh mẽ hơn thuộc bản thân anh.

Từ quang cảnh này toát ra một nỗi dửng dưng hết sức tàn nhẫn đối với những số mệnh của kẻ khác, một cảm giác hết sức khủng khiếp về sự diễn biến dữ dội và khắc nghiệt của tình hình khiến người ta không thể không đột nhiên cảm thấy tim mình đau xé, không xót thương cho mình trong chốc lát, cho thân thể, con mắt, bàn tay của mình mà một sự hủy diệt tương tự cũng đơn giản, và tàn nhẫn như thế đang rình mò quanh đâu đây và người ta bỗng cảm thấy một nỗi thương xót không thể chịu nổi đối với những người thân, những người đối với họ ta là một cái gì và đối với họ ta choán một chỗ to rộng trong đời này... Nếu khác đi, thì chắc chắn anh nữa cũng vậy, tất cả sẽ chỉ còn sót lại dăm mẩu giấy, dăm bức ảnh vung vãi và di nát dưới chân...

Ác-tê-mi-ép sờ túi áo bơ-lu-dông, trong đó cùng với thẻ đảng viên và chứng minh thư của ban chỉ huy có để ảnh của em và của mẹ anh, anh nghĩ bụng trong một cuộc chiến đấu tuyệt vọng, nằm trong gọng kìm của địch, ở ngưỡng cửa cái chết nhất định là anh sẽ vùi đi hay đốt cháy những bức ảnh này cùng với những giấy tờ khác.

Trở về bàn làm việc, anh lại bắt đầu xem xét một chiếc xà-cột sĩ quan của trung úy Ô-ca-mô-tô, thuộc trung đoàn 26, sư đoàn bộ binh thứ 7. Trong cuốn sổ tay bìa bằng vải sơn màu đen, chỉ có hai trang đã viết hết. Trang thứ nhất chẳng có gì đáng chú ý. Đó là một mẩu nhật ký ghi vội vàng từ ngày hai mươi tháng tám. Trên trang thứ hai, viết ngày hôm kia, 26 tháng tám, có ghi sơ đồ bản vẽ của cao điểm với chỉ dẫn về các đường hào và các hầm trú ẩn bọc sắt. Căn cứ vào toàn bộ bản vẽ có thể phán đoán đây là một trong những giải hoành sơn của cứ điểm Pét-san. Giữa hai hầm trú ẩn ghi trên giấy, Ác-tê-mi-ép nhận thấy những vòng tròn nhỏ có đánh dấu chữ thập, với những ghi chú: — Thiếu tá Xa-tô, — đại úy Ô-ta-ni; — trung úy Khay-át-xi — và anh hiểu rằng nhiều ghi chú trên bản đồ tìm thấy trong sà-cột và cho đến nay vẫn chưa tìm được nghĩa, cũng là để đánh dấu địa điểm chôn cất các sĩ quan đã chết. Rõ ràng số phận của tên trung úy tính tỉ mỉ Ô-ca-mô-tô này là chết sau cùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2023, 08:47:18 am »

Cứ theo những giấy tờ riêng của Ô-ca-mô-tô thì tên này đã tốt nghiệp ở trường sĩ quan Xáp-po-rô và đã được thưởng huân chương sau những trận đánh ở Lư-câu-kiều, Ác-tê-mi-ép ghi lại vắn tắt tất cả những điều đó trong sổ tay của anh. Đây là lần đầu anh nghe thấy nói đến một trường sĩ quan ở Xáp-po-rô. Anh ghi việc tặng thưởng huân chương không phải cho bản thân anh, mà cho những thông tin viên của tòa báo, hàng ngày thường đến đây kiếm một tin tức gì thú vị. Sự việc đáng tiếc xảy ra ở Lư-câu-kiều, cách đây hai năm, đã khiến quân Nhật vin vào đấy để từ Mãn-châu đánh chiếm Hoa-bắc, và các nhà báo có thể chú ý đến bài học mà số phận tên trung úy này đem lại: một huân chương để bắt đầu, và một phát đạn giữa trán, gần Khan-khin Gon để chấm hết.

Ở trong sà-cột chỉ còn một bó ảnh dày cộp. Để khói mất thời giờ, Ác-tê-mi-ép xòe một lúc ra theo hình cánh quạt, như đánh bài và vất tất cả xuống đất trừ hai bức. Một trông giống bức ảnh dán trong căn cước, chắc là chụp hình bản thân tên trung úy.

Hắn đứng tì tay trên thanh kiếm sĩ quan, khuôn mặt trẻ măng vênh lên kiêu hãnh, một chân đặt trên một bục gỗ, một ông lão đánh giầy đầu hói, chắc là một người Trung-quốc, đang đánh xi một bên bốt của hắn bằng hai chiếc bàn chải. Ở phía sau, người ta nhìn thấy một góc nhà nhỏ hai tầng giống như những căn nhà gỗ của bọn lái buôn trong những thành phố xưa cũ của nước Nga. Trước nhà có treo một tấm biển, chỉ nom rõ được một phần:

«Nấu ăn theo lối Nga Da-vi-a-lốp và công ty — thành lập...»

Ảnh này chắc chụp ở Cáp Nhĩ-tân, nền ảnh và cách đứng do tên trung úy sính chủ nghĩa tượng trưng này chọn lấy: hắn hy vọng sau khi giày xéo đất đai của nước Trung-hoa bại trận, sẽ giày xéo lên nước Nga hàng thèm khát.

Bức ảnh thứ hai chụp một quảng trường đầy bùn và vũng nước. Ở một đầu người ta thấy những căn lều Trung-quốc đổ nát; ở giữa có bốn cây sào tre cao dựng đứng, trên cắm đầu người; bên những chiếc sào, có mấy xác người bị chặt đầu nằm sóng soài trong bùn, và trên những mảnh giấy dài và hẹp buộc vào thân sào người ta có thể đọc từ trên xuống những chữ tượng hình đe dọa một số phận tương tự đang chờ đợi tất cả «những tên quỷ đỏ» mà chúng sẽ bắt được.

Ác-tê-mi-ép lật xem phía sau bức ảnh. Không thấy ghi gì cả.

Việc này xảy ra ở đâu? Thành phố nào, thôn xóm trong vô số những thành phố và thôn xóm quân Nhật chiếm đóng, đã chứng kiến những phút cuối cùng của bốn chiến sĩ du kích này? Họ nghĩ gì trước khi chết? Họ nhớ ai? Những đứa con từ đây mồ côi? Những đồng chí của họ còn sống? Hay ban tham mưu của Bát lộ quân, ở đó trên tấm bản đồ lớn của nước Trung-hoa, của Chu Đức, địa điểm cuộc chiến đấu cuối cùng của họ được đánh dấu bằng một chấm nhỏ?

Chìm ngập trong những suy nghĩ đó, Ác-tê-mi-ép thử vạch một đường tưởng tượng đi từ đây, Khan-khin Gon, về phía Tây Nam qua biên giới Mông-cổ, qua những thảo nguyên miền Gun San-đắc, qua triền núi Hoàng-hoa-sơn qua Vạn lý trường thành đến Diên-an Đỏ ẩn náu trong những núi đó của miền Bắc Thiểm-tây, thành phố từ đó Mao Trạch-đông và Chu Đức chỉ huy tất cả nước Trung-hoa tự do. Theo đường chim bay, từ đây đến thành phố Diên-an thần kỳ chưa đến 1.400 cây số, gần bằng từ đây đến Iếc-cút.

Lúc này ở Diên-an người ta có biết nhửng tin tức cuối cùng xảy ra trên đất Mông-cổ này không? Người ta có biết rằng cả một đạo quân Nhật đang bị bao vây ở gần Khan-khin Gon và đang giãy chết không? Chắc người ta phải biết. Họ có vô tuyến điện. Mà không phải chỉ có vô tuyến điện. Làm sao bài báo của Mao Trạch-đông về một mặt trận thống nhất chống Nhật, báo «Sao đỏ» vừa đăng lại đến được Mạc-tư-khoa?

Một giờ sau, khi Ác-tê-mi-ép đã sắp xếp tài liệu ở sà-cột thứ hai, và lao vào đọc những giấy tờ tìm được trong đó, căn lều mới bắt đầu dần dần có người. Hai sĩ quan trong ban đã làm việc ở mấy chiếc bàn cạnh bàn Ác-tê-mi-ép và ngay sau đó một sĩ quan thứ ba bước vào lều: thiếu tá Bê-len-cốp, sĩ quan thâm niên nhất về cấp bậc và chức vụ trong số tất cả những người công tác trong lều. Anh vui vẻ nói:

— Thứ nhất, theo những tin tức nói chung, tin hồi đêm đã được xác nhận: tất cả khu vực Pét-san đã bị quét sạch, như thế là chỉ còn có mỗi một đồi Rê-mi-dốp là thành vấn đề phải giải quyết nữa thôi. Thứ hai, Ác-tê-mi-ép có lệnh triệu tập cậu lên chỗ thủ trưởng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2023, 08:49:08 am »

Ác-tê-mi-ép để giấy tờ của mình ra một bên và đi ra phía cửa, nhưng Bê-len-cốp giữ anh lại hỏi, giọng hơi có vẻ lo ngại:

— Này cậu nói cho mình xem mình có nhầm không? Có một lần nói chuyện với nhau, hình như cậu nói cậu cưỡi ngựa cừ lắm phải không?

— Không, cậu không nhầm đâu, mình cưỡi ngựa cũng không đến nỗi tồi, nhưng chuyện gì thế?

— Nhiệm vụ Sơ-mê-lép định trao cho mình, mình phải từ chối; nhờ trời, mình là một tên bộ binh thâm căn cố đế đi rồi nên mình đi ngựa cũng như chó leo hàng rào ấy. Còn cậu, việc đó chắc cậu làm được.

Một lát sau, Ác-tê-mi-ép bước vào lều đại tá Sơ-mê-lép trưởng ban tình báo. Đại tá đang thảo luận với đại úy phụ trách đơn vị biên phòng lúc đó ngồi trên giường; Ác-tê-mi-ép đã có dịp gặp anh ta và biết anh ta chỉ huy một đại đội biên phòng phụ trách bảo vệ ban tham mưu.

Sơ-mê-lép ngồi trên một chiếc ghế đẩu, trong một tư thế uể oải quen thuộc của anh, chân bắt tréo, bàn tay dài phủ một lượt lông tơ màu hung ôm lấy đầu gối và người khẽ đu đưa.

— À, người ta điều anh sang hẳn bên tôi phải không? Anh đã biết chưa?

— Thưa đã.

— Bê-len-cốp không bịa ra chuyện đó để thoát thân chứ? Anh ta nói rằng anh cưỡi ngựa thần tình lắm phải không.

— Thần hay chẳng thần, nhưng về môn cưỡi ngựa ở trường đại học chưa bao giờ tôi bị kém cả.

— Đúng thật à, tuy cũng khó tin lắm đấy — Sơ-mê-lép nói vừa ngắm nghía thân hình to lớn của Ác-tê-mi-ép. Anh nghĩ thế nào, Đa-ni-lốp? — Sơ-mê-lép quay lại nói với đại úy đơn vị biên phòng — Ngựa Mông-cổ nhỏ thế liệu có đủ sức thồ anh ta không?

— Chắc được, nó dai sức lắm — Đa-ni-lốp nói đứng đắn không thoáng bóng một nụ cười — vả lại có ngựa để thay, không ngại.

— Vắn tắt, nhiệm vụ như sau — Sơ-mê-lép vừa nói vừa bỏ chân ra và không đu đưa người nữa — Anh lấy ngay xe của tôi và đi với Đa-ni-lốp đến cánh phía trái sư đoàn kỵ binh thứ sáu Mông-cổ ở đó, tôi đã hội ý rồi, người ta sẽ cho anh một đơn vị người Cô-ca-dơ dưới quyền chỉ huy của đại úy Sa-đa trưởng ban tình báo sư đoàn. Anh này cũng biết khá tiếng Nga anh ta đã ở bên Liên-xô thực tập một năm. Anh gửi trả xe về và dùng ngựa đi trinh sát. Hướng: Tây-nam hồ Bu-ia Nua dọc biên giới. Chúng ta chờ đợi một nhóm quân Nhật vượt biên giới về phía đó tiếp tục hoạt động phá hoại. Có thể là chúng sẽ vượt biên giới trá hình thành đoàn du mục; trường hợp đó chúng sẽ đem theo một đàn ngựa, có thể cả một chiếc ác-ba(1) nữa, tóm lại, tất cả những gì thích hợp. Chúng có độ từ năm đến bảy người. Nhiệm vụ: Bắt sống. Chú ý đến chữ «sống» nhé. Cả Đa-ni-lốp nữa, nhớ kỹ lấy điểm đó.

— Được rồi — Đa-ni-lốp nói.

— Cách đây dăm ngày chúng ta đã vây bắt một nhóm như thế — Sơ-mê-lép tiếp tục nói — chúng đã có thời giờ bỏ thuốc độc xuống tám giếng nước và giết một phi công của ta, chúng ta giết mất ba, bắt được tên thứ tư, nhưng khi đường, hắn nuốt một cái gì và lăn ra chết. Chắc anh cũng đã được nghe các đồng chí trong ban thuật lại chuyện rồi.

— Báo cáo đồng chí đại tá cũng mới sơ sơ thôi.

— Thật ra chúng ta cũng thu được một số tài liệu về bọn chúng, nhưng đồng chỉ tổng chỉ huy cáu. — Sơ-mê-lép định bắt chước ông nhưng lại đổi ý kiến — Tóm lại ông ấy cáu đến mức tôi khuyên anh đừng mắc lại khuyết điểm đó. Đa-ni-lốp, theo lệnh của chính tổng chỉ huy, sẽ đến đấy với cương vị đội trưởng. Nhiệm vụ của anh là: không những giúp vào việc bắt biệt kích, mà còn tiến hành lần hỏi cung thứ nhất sau khi bắt được chúng, Lành mạnh, bị thương hay sắp chết, dù chúng có thế nào mặc dù, phải hỏi cung ngay tức khắc trước khi chúng có thời giờ lấy lại tinh thần! — Trong cuộc nói chuyện đây là lần đầu tiên Sơ-mê-lép nói với một giọng nghiêm khắc có tính chất nghề nghiệp — Đa-ni-lốp có một bản đồ và tất cả những chỉ dẫn chi tiết, anh ta sẽ truyền đạt lại cho anh khi đi đường.

— Tôi có rồi — Đa-ni-lốp nói và đứng dậy.

— À, anh có biết chúng làm gì đồng chí phi công của ta không? — Sơ-mê-lép hỏi lúc Ác-tê-mi-ép đứng dậy để theo Đa-ni-lốp — Anh ta là một phi công khu trục khá của phi đội Cô-xi-ri-ốp. Anh ta đã mặt đối mặt với cái chết tiến hàng trăm lần. Anh ta nhỡ chuyến xe và đi bộ một mình trong tối đến địa điểm tạm trú. Mãi đến sáng người ta mới tìm thấy anh ở cách sân bay độ một cây số. Người trần truồng, bị trói gô lại bằng dây điện thoại, mồm bị nhét chặt giẻ, và người trắng bệch như một tờ giấy thấm. Chúng không giết anh ta, chúng biết chỉ để cho muỗi đốt anh ta một đêm cũng đủ để anh ta bị hút hết máu.

— Anh ta tên là gì? — Ác-tê-mi-ép sửng sốt nhớ đến con đường đi từ sân bay đến chỗ những y-uốc-ta, nhớ đến Pô-li-nin, đến hai anh em Xô-cô-lốp và tất cả những phi công khác anh đã có thời giờ làm quen. Sơ-mê-lép nói một tên mà Ác-tê-mi-ép không biết…

— Đấy, chúng xử sự với người của chúng ta như thế đấy — Sơ-mê-lép nói thêm sau một lát im lặng — Nhiệm vụ của các anh: bắt sống. Sống! Anh có nghe thấy không, Đa-ni-lốp?

— Báo cáo đồng chí đại tá, rõ — Đa-ni-lốp nói dằn từng tiếng vừa đứng nghiêm nhưng Ác-tê-mi-ép thấy như có vẻ bực tức.

— Còn với anh thế nào, có rõ không?

— Rõ — Ác-tê-mi-ép vội vã trả lời, phấn khởi. Mặc dù trong những ngày ở ban tình báo anh đã phát hiện được nhiều tài liệu quan trọng, và anh lấy làm tự hào về việc đó, nhưng anh cũng rất thú được dịp thoát khỏi nghề «cạo giấy» một thời gian và đi công tác trong thảo nguyên.

— Miễn là gặp được chúng, thế nào cũng tìm cách bắt sống được.

Nét mặt châm biếm của Sơ-mê-lép nhăn lại nghi ngờ, bản thân anh là một người sôi nổi và anh ngại tính đó ở người khác. Không trả lời, anh để cho hai sĩ quan ra đi và chúi đầu ngay vào đống giấy tờ ngổn ngang trên bàn.


(1) Một loại xe Mông-cổ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2023, 08:54:28 am »

*
*   *

Vào khoảng trưa, chiếc «Em-ka» chở Ác-tê-mi-ép, Đa-ni-lốp trầm lặng và hai chiến sĩ biên phòng còn trầm lặng hơn, lượn vòng cao nguyên Ba-ỉn Xa-gan.

Căn cứ vào bản đồ mà Đa-ni-lốp ngồi ở phía trước đang nghiên cứu, muốn đến ban tham mưu sư đoàn Mông-cổ thứ sáu, sau khi đi được hai cây số phải vòng theo hướng Đông, về phía đường qua sông Khan-khin Gon về phía Bắc. Ghi trên bản đồ bằng những nét chấm, con đường thảo nguyên rất tốt trên đó xe đang chạy, còn tiếp tục đi xa hơn nữa về phía Bắc để ngừng lại chừng mười lăm cây số nữa bên hồ Bu-ia Nua. Trong những bản thông cáo đầu tiên Thông tấn xã Liên-xô có nhắc đến tên địa điểm này khi nói về cuộc xung đột vừa xảy ra. Chỗ đường chấm chấm đi men theo bờ hồ, có một ký hiệu nhỏ trên bản đồ với ghi chú: «Cơ sở đánh cá Mông-cổ».

— Căn cứ vào giấy tờ tham mưu của ta, tôi biết ở đó có ba gian nhà có thể chứa được một đại đội, còn «cơ sở đánh cá Mông-cổ» là cái gì thì tôi không rõ — Ác-tê-mi-ép nói nhìn qua vai Đa-ni-lốp.

— Trước khi xảy ra chiến sự, chúng ta có ở đó trên cơ sở bình đẳng với người Mông-cổ, những tổ chức đánh cá nhỏ, nhưng hiện giờ ở đó chỉ có biên giới thôi — Đa-ni-lốp trả lời — Đó chính là địa điểm chúng ta phải đến, nhưng trước khi đến, cần qua ban tham mưu sư đoàn đã. Anh nói với đồng chí lái xe cẩn thận, đừng quên chỗ rẽ.

Quên chỗ rẽ là một việc không thể xảy ra được. Đi được độ một cây số, một chiến xa liên lạc hạng nhỏ chắn ngang đường; hai người ở trong buồng máy cháy bỏng, ra nằm dài trên cỏ, rõ ràng là để chờ ai. Nghe tiếng động cơ đến gần, họ vội nhỏm dậy và bắt đầu giơ tay lên vẫy. Rồi một người, căn cứ vào chiếc mũ da của anh ta, chắc là người lái xe đi về phía chiến xa, và người kia, đội một chiếc cát-két của kỵ binh Mông-cổ, đến gần chiếc «Em-ka», phía Đa-ni-lốp, hỏi:

— Ở chỗ đại tá Sơ-mê-lép phải không? — anh ta nói tiếng Nga một cách chật vật — Đến tham mưu sư đoàn?

— Phải.

— Chẳng cần tham mưu sư đoàn — người Mông-cổ nói nhát gừng — Na-kho Sa-đa — Kỵ binh. Ngựa của anh «cơ sở đánh cá Mông-cổ»!

Anh ta đưa ngón tay chỏ về phía Bắc:

— Ở đó, Sa-đa đợi. Đã gọi dây nói đến đó: ban tham mưu các anh, ban tham mưu chúng tôi.

Để dễ hiểu hơn nữa, người Mông-cổ đưa tay khẽ làm một đường vòng tròn, và sau khi nhìn đồng hồ, anh nói theo kiểu quân sự.

— Mười hai giờ, không không(1). Mười một giờ không không Sa-đa đã ở đấy «cơ sở đánh cá Mông-cổ». Hắn đợi.

Anh ta quay lại, đi nhanh về phía chiến xa, trèo lên và và chiếc xe lao thẳng về phía Bắc tung lên từng đám bụi như mời chiếc «Em-ka» đi theo.

— Tôi thích làm việc với họ — Đa-ni-lốp vừa nói vừa đóng cửa xe lại và ra hiệu cho người lái xe mở máy. Cho đến lúc này, gần như lúc nào anh ta cũng im lặng.

— Đó là những con người chính xác. Người ta phái liên lạc đến đây và người ngựa đã có ở «cơ sở đánh cá Mông-cổ» rồi.

Anh lại im lặng và chỉ tiếp tục câu chuyện khi đã đi được mười cây số, sau chiếc chiến xa nhỏ tung bụi kinh khủng — Đến đó cũng vậy, rồi anh xem, chúng ta cũng sẽ không ở lâu đâu. Người ta đã cho ngựa ăn và thịt cừu đã bỏ vào nồi. Ngay sau khi chúng ta ăn trưa xong là lên đường, và đi một mạch cho đến tối.


(1) Là mười hai giờ đúng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM