Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:40:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình)  (Đọc 2623 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 03:23:16 pm »

Phó Chủ tịch nước


   Từ khi anh Khang mất, các bạn tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh muốn tôi trở về “nơi tôi đã ra đi”. Ở thành phố, tôi có nhiều bạn thân từ thời hoạt động chống Pháp và cả một số bạn miền Nam tập kết ra Bắc, sau giải phóng cũng kéo về thành phố.

   Ở đây tôi có hai người em ruột, Nguyễn Đông Hà và Nguyễn Đông Hồ. Hà là em kế tôi, đã ở lại miền Nam hoạt động suốt thời kỳ chống Mỹ, bị đày ra Côn Đảo, bị nhốt chuồng cọp bảy năm. Hà xa gia đình suốt 21 năm Nam Bắc chia cắt, nên tha thiết được sum họp cả gia đình, đặc biệt em muốn được ở gần “chị Hai”. Hai chị em chúng tôi đầy ắp bao kỷ niệm thời thơ ấu. Hà kém tôi ba tuổi, 16 tuổi đã tham gia phong trào thành đoàn Sài Gòn và hoạt động trong tổ chức này đến khi bị bắt, cuối năm 1968.

     Hồ, là Phó tiến sĩ cơ khí, học ở Nga về, sau giải phóng cũng đã về công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh.

     Từ năm 1990, tôi đã cho con trai là cháu Thắng về thành phố công tác để chuẩn bị điều kiện cho tôi sẽ về sau. Như vậy, kể từ khi tập kết ra miền Bắc, tôi đã ở Hà Nội 36 năm, dài hơn cả quãng thời gian tôi lớn lên và hoạt động ở miền Nam. Qua công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, Ban Thống nhất và sau này ở Bộ Giáo dục, Ban Đối ngoại Trung ương, Quốc hội, tôi cũng hiểu nhiều về miền Bắc và có nhiều bạn bè thân thiết... Nhưng thú thật những kỷ niệm của thời niên thiếu, những năm tháng có cha mẹ, anh em đầy đủ ở miền Nam để lại cho tôi những ký ức sâu đậm, khó quên.

     Tôi đang ở trong tâm trạng như vậy thì đầu năm 1992, đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng đến thăm tôi. Đồng chí cho biết các đồng chí trong Bộ Chính trị dự định cử tôi làm Phó Chủ tịch nước trong kỳ Quốc hội tới. Thật bất ngờ đối với tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là từ chối vì lúc đó tôi cũng đã 65 tuổi, quá tuổi nghỉ hưu theo quy định chung, hơn nữa tôi đã có kế hoạch về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cảm ơn đồng chí Đỗ Mười và trả lời: “Rất tiếc là khi tôi còn trẻ, có thể cống hiến nhiều, các đồng chí đã đánh giá chưa đúng về tôi... Nay đã đến lúc tôi phải nghỉ!” Thực sự tôi không cố tình nhưng tự nhiên đã bộc lộ một tâm tư bấy lâu nay của mình. Nhưng rồi tôi tự nghĩ: mình có làm gì là vì đất nước, không phải vì mục đích nào khác. Cuối cùng tôi đổng ý nhận nhiệm vụ mới, tiếp tục công tác. Các con tôi thì không có ý kiến, chỉ “tùy mẹ”. Từ trước, hai con tôi đã không hề dựa vào “thế” của bố mẹ nên nay tôi có làm Bộ trưởng hay Phó Chủ tịch nước cũng vậy thôi. Riêng Hà không vui, em nói nửa đùa nửa thật: “Em mong chị không trúng cử Đại biểu Quốc hội kỳ này để khỏi làm Phó Chủ tịch nước mà về thành phố với chúng em.” Ao ước của em tôi đã không thành; mấy năm sau, Hà mất trong khi tôi vẫn còn phải ở Hà Nội.
    Vậy là, tôi lại tiếp tục công tác thêm mười năm nữa, trong hai nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước.

    Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch nước, tôi đã 65 tuổi. Trong hai nhiệm kỳ tôi nghĩ mình đã làm tốt trọng trách được giao. Từ đó tôi suy nghĩ về chính sách cán bộ nữ ở nước ta. Nhận xét đẩu tiên là không nhất thiết phụ nữ trên 55, 60 tuổi không làm được việc tốt.

    Tôi may mắn được giao cho nhiều công việc quan trọng và có vị trí xã hội cao. Nhưng còn bao nhiêu chị em khác trước và sau tôi, có trình độ, không kém năng lực hơn nam giới nhưng không may mắn nên không phát huy được tài năng, có vị trí xã hội xứng đáng.

    Tôi cho rằng vì lợi ích của sự phát triển đất nước, nhất là một đất nước như Việt Nam còn phải phấn đấu rất nhiều để có đời sống thực sự văn minh và hạnh phúc, cần tạo điều kiện cho phụ nữ vừa làm tốt việc gia đình, vừa có thể đóng góp xứng đáng cho xã hội, cho việc quản lý đất nước. Xây dựng gia đình tốt, nuôi dạy con nên người là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Người phụ nữ không thể xao lãng được, nhưng đó cũng là trách nhiệm của xã hội. Vì vậy cần có chính sách xã hội hỗ trợ thiết thực cho chị em trong nhiệm vụ này. Đổng thời Nhà nước củng cẩn thấy sự tham gia nhiều hơn trong việc quản lý nhà nước là hết sức cần thiết để chủ trương, chính sách có cái nhìn sâu hơn, toàn diện trong các mặt hoạt động xã hội.

    Đến nay, dường như trong chính sách cán bộ, chưa nhìn nhận đúng khả năng của người phụ nữ nên chưa tạo điểu kiện cẩn thiết cho chị em vươn lên.

    Trong thế kỷ 21 mà nhiều nhà hoạt động thế giới cho là “Thế kỷ của phụ nữ”. Tôi mong rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có bước tiến dài hơn và có vị trí xứng đáng với sự đóng góp của chị em hơn.

    Với tư cách Phó Chủ tịch nước, tôi được Chủ tịch Lê Đức Anh phân công giúp đồng chí một số việc trong hoạt động đối ngoại, chăm lo một số công tác xã hội: giáo dục, y tế, sau này phụ trách thêm công tác thi đua khen thưởng Nhà nước, giám sát hoạt động tư pháp. Nói chung, những công việc kể trên không xa lạ với tôi. Về đối ngoại, tôi thay mặt Chủ tịch nhận trình quốc thư. Tôi không nhớ trong những năm đó tôi đã tiếp bao nhiêu đại sứ đến Việt Nam trình quốc thư. Từ đầu năm 1996, vị thế của ta trên trường quốc tế được cải thiện rõ rệt. Ta rút hoàn toàn quân khỏi Campuchia, Mỹ chấm dứt cấm vận, quan hệ với các nước lớn đã bình thường hóa. Nhiều nước trước kia có quan hệ ngoại giao nhưng chưa đặt sứ quán tại Hà Nội, nay dồn dập yêu cầu đặt sứ quán. Một số nước mới đặt quan hệ ngoại giao với ta. Với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, phấn đấu vì hòa bình, tự do, tiến bộ xã hội, ta đã thực sự có môi trường tốt hơn để có thể thực hiện nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và phát triển đất nước.

    Sau lễ trình quốc thư, thường có các cuộc tiếp xúc, nói chuyện với các đại sứ. Nhờ đã hoạt động ngoại giao trong một thời gian tương đối dài nên ít nhiều tôi cũng được biết tình hình nhiều nước, quan hệ giữa họ và ta, những câu chuyện trao đổi với các đại sứ do vậy diễn ra thoải mái và bổ ích cho cả hai bên.

    Bên cạnh những hoạt động ngoại giao Nhà nước, tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia, các quan chức các chính phủ, tôi còn tiếp nhiều đoàn nhân dân các nước, đại diện trí thức, thanh niên, phụ nữ... những bạn bè đã từng ủng hộ nhân dân ta trong lúc chúng ta kháng chiến. Đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lúc đó cứ nhắc: “Chị bây giờ là đại diện của Nhà nước, không nên tiếp các đoàn không phải đại diện của Nhà nước hay của Chính phủ.” Tôi không đồng tình. Tại sao phải vậy? Ngoại giao của ta là ngoại giao cách mạng, truyền thống dân tộc ta là thủy chung với bạn bè. Tôi đem vấn đề này trao đổi với Chủ tịch Lê Đức Anh, đồng chí hoàn toàn nhất trí với tôi.

    Từ năm 1991, cứ hai năm một lần, hội nghị cấp cao của Cộng đồng có sử dụng tiếng Pháp được tổ chức. Tôi được cử đi dự các hội nghị này, tại đảo Maurice (năm 1993) với chủ đề “Thống nhất trong da dạng”, tại Bénin, châu Phi (năm 1995) với chủ đề “Đối thoại, Hợp tác và Phát triển”, tại Brunswick, Canada (năm 1999) với chủ đề “Thanh niên”. Vì biết tiếng Pháp nên công việc của tôi không khó khăn lắm. Hơn nữa thành viên của Cộng đồng phần lớn là các nước thuộc địa Pháp trước đây nên có mối quan hệ tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ngay hai nước lớn trong Cộng đồng là Pháp và Canada cũng tỏ ra rất “nể” Việt Nam.

    Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp tập hợp hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự tập hợp lực lượng trong xu thế liên kết các khối có những mối quan tâm chung, tuy ở mức độ khác nhau, nhưng thuận lợi là đều sử dụng ít nhiêu tiếng Pháp và hiểu biết về văn hóa Pháp. Đối với Việt Nam, ta quan tâm đến quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục với Pháp, Canada. Mặt khác, ta muốn tăng cường quan hệ đoàn kết và hợp tác với các nước châu Phi trong Cộng đổng vì mục tiêu chung là bảo vệ độc lập dân tộc và phát triển đất nước.

    Tại Cộng hòa Bénin, lần đầu tiên tôi gặp Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp, qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đã hình thành mối quan hệ hữu nghị đặc biệt. Bác Hồ, rồi một sổ đồng chí lãnh đạo Việt Nam và bản thân tôi đều có nhiều bạn bè thân thiết ở Pháp. Tổng thống Chirac tiếp tôi rất niềm nở. Trong dịp này tôi nêu vấn đề tại sao nước Pháp đặt Việt Nam ở loại nước thứ tư trong quan hệ ưu tiên thương mại của mình? Ông gọi ngay người trợ lý và nói: “Không lý nào, cần xếp ngay Việt Nam vào loại nước thứ ba.” Thế là xong. Từ đó tôi có nhiều dịp tiếp xúc với ông, và ông luôn luôn rất ân cần. Tôi và một số anh em bên ngoại giao đều nhận xét ông Chirac thuộc Đảng UMP 1, một đảng trung hữu, nhưng về chính sách ngoại giao ông có nhiều chủ trương mạnh mẽ, tiến bộ (ông đã kiên quyết không tham gia với Mỹ trong chiến tranh xâm lược Iraq...). Đối với Việt Nam, ông có thái độ rất thiện cảm. Có người còn nói có khi ông Chirac đối với Việt Nam còn tốt hơn một Tổng thống khác là người của một Đảng được coi là “tả”.

     Năm 1994, tôi đi thăm một số nước Tây Phi, chủ yếu là các nước nói tiếng Pháp mà trước đây khi còn kháng chiến tôi đã đến thăm nhiều lần. Theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, tôi đi thăm Algérie, Mali, Ghinée, Guinée Bissau và Sénégal để tiếp tục và tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống. So với 20 năm về trước, các nước này có phát triển hơn, nhưng không mạnh như các nước ở châu Á. Nhìn chung các bạn còn gặp khó khăn không nhỏ và có thể nói trước quá trình toàn cầu hóa, nhiều khó khăn mới xuất hiện, đặc biệt là khan hiếm về lương thực. Đối với Việt Nam, bạn bè ở đây hết sức hâm mộ, không chỉ vì chúng ta đã chiến thắng các đế quốc lớn mà còn vì những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước. Bản thân tôi đã có quen biết với các vị Tổng thống, Thủ tướng ở các nước này, trước đây họ là Bộ trưởng Ngoại giao, nên chuyến đi thăm của chúng tôi (trong đoàn có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Trọng Nhân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và đồng chí Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Bắc...) diễn ra rất thuận lợi; ở mọi nơi đoàn chúng tôi đều được đón tiếp với nghi lễ cao. Các Tổng thống Algérie, Ghinée, Mali đều cho chuyên cơ riêng của Tổng thống đưa chúng tôi đi từ nước này đến nước kia.

     Sau chuyến đi, trên đường từ Sénégal về Paris, có một sự tình cờ khá thú vị. Tôi ngồi cạnh ông Jacques Diouf, Chủ tịch Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO), người Sénégal. Chúng tôi trao đổi với nhau về tình hình lương thực thế giới. Ồng Diouf rất quan tâm hỏi tôi: Làm sao Việt Nam trước đây không lâu phải nhập lương thực mà nay lại xuất khẩu gạo với một khối lượng lớn? Chúng tôi trao đổi ý kiến về tình hình khó khăn của các nước châu Phi trong sản xuất nông nghiệp. Sau cùng tôi nói với Chủ tịch FAO: với lập trường luôn luôn coi trọng đoàn kết với các nước châu Phi, Việt Nam rất mong muốn giúp đỡ bạn bè, nhưng còn rất nghèo nên không thể gửi chuyên gia nông nghiệp sang các nước được. Chúng tôi bàn bạc và đi đến một sáng kiến quan trọng: Hợp tác tay ba, Việt Nam gửi chuyên gia, FAO tài trợ một phần lớn cho chuyên gia, nước chủ nhà chịu một phần phí tổn tại chỗ cho sinh hoạt của chuyên gia. Chúng tôi quyết định kế hoạch hợp tác này sẽ bắt đầu từ Sénégal.

     Tôi về nước, vài tháng sau có một đoàn nông nghiệp của Sénégal sang ta để bàn kế hoạch hợp tác với Bộ Nông nghiệp. Mọi vấn đề được thống nhất nhanh chóng, duy có một việc còn vướng mắc là lương các chuyên gia Việt Nam. Một số Bộ như Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội cho đây là lương chuyên gia quốc tế nên phải cao. Thế nhưng trong thực tế chuyên gia nông nghiệp của ta ở đây chỉ có một số là kỹ sư còn phần lớn là trung cấp kỹ thuật. Hơn nữa đây là hợp tác mang tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Thủ tướng Sénégal gọi điện thoại cho tôi nhờ can thiệp. Tôi điện trình với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đồng chí tán thành ngay quan điểm của tôi và chỉ thị cho Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn giải quyết nhanh chóng vấn đề lương chuyên gia nông nghiệp Việt Nam ở Sénégal. Tôi rất vui thấy sáng kiến của mình đã biến thành chủ trương của Chính phủ. Đây là một chủ trương không chỉ có lợi cho bạn mà cả cho ta. Và đứng về đường lối chính trị chung, ta đang thực hiện quan hệ hợp tác “Nam-Nam” theo đường hướng của Phong trào Không Liên kết. Sau hai năm triển khai kế hoạch hợp tác, Chính phủ Sénégal rất phấn khởi, cho biết sản lượng lúa đã tăng gấp ba, bốn lần. Được tin này, nhiều nước khác cũng đặt vấn để hợp tác nông nghiệp với Việt Nam theo mô hình của Sénégal.

    Sự kiện đối ngoại lớn mà tôi nhớ nhất trong thời gian này là Hội nghị cấp cao lần thứ bảy của Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp họp năm 1997 tại Hà Nội. Các nước lần lượt đăng cai hội nghị cấp cao. Đến lượt Việt Nam, ta rất ngại vì đây là lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao (đến dự toàn các nguyên thủ quốc gia) ta có khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng không thể từ chối vì uy tín của Việt Nam. Thế là từ 1995 phải bắt tay vào việc chuẩn bị. Quan trọng nhất là hội trường lớn cho hội nghị. Với sự giúp đỡ của Pháp, Canada... đến đầu năm 1997 ta đã xây xong nhà hội nghị ở số 11 Lê Hồng Phong. Lúc đó, đây là nơi họp khang trang và tiện nghi nhất ở Hà Nội. Việc chuẩn bị các mặt khác từ nội dung đến kế hoạch ăn ở, đi lại cho hơn 50 nước cũng được tiến hành khẩn trương. Ban Tổ chức do đồng chí Nguyễn Khánh, Phó Thủ tướng chủ trì nên mọi việc đều được thực hiện đúng kế hoạch, đến ngày họp, có thể nói đã đâu vào đấy.

     Lúc đó, đồng chí Lê Đức Anh không còn làm Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương kế nhiệm.

     Hội nghị khai mạc ở Cung Văn hóa Hữu nghị và làm việc ở 11 Lê Hồng Phong.

     Buổi khai mạc diễn ra long trọng. Sau khi Ban tổ chức tuyên bố lý do, một trình diễn nhỏ để chào mừng đại biểu đã gây ấn tượng rất tốt. Hai mươi em nhỏ độ 10-12 tuổi, 10 nam, 10 nữ trong quần áo dân tộc ngộ nghĩnh vòng tay chào các vị khách quý rồi hát một bài tiếng Pháp “Chúng em ước mơ một ngày...” rất dễ thương, các vị nguyên thủ quốc gia tỏ rõ niềm vui và xúc động.

     Sau đó, đồng chí Trần Đức Lương phát biểu khai mạc bằng tiếng Pháp, Tổng thống Chirac thay mặt các vị khách đáp từ.

    Cuộc họp cấp cao lần này khá đông đủ với 55 nước thành viên, phần lớn do Tổng thống hay Thủ tướng dẫn đầu. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia lẩn đầu tiên đến Việt Nam. Có người nói với chúng tôi: “Nghe nói nhiều về Việt Nam nên muốn đến Việt Nam để biết về con người và đất nước nổi tiếng anh hùng!”

    Tôi được phân công chủ trì hội nghị với tư cách chủ nhà. Đồng chí Trịnh Đức Dụ, đại diện của Việt Nam ở Ủy ban Thường trực Tổ chức cộng đồng nói tiếng Pháp từ Paris về nước để giúp tôi.

    Về nội dung có một số vấn đề khó như việc lựa chọn Tổng Thư ký mới thay ông Boutros Boutros-Ghali, người Ai Cập, đã làm hai nhiệm kỳ. Việc này được dàn xếp ngoài hành lang... Cái khó nhất của người điều hành hội nghị là giờ giấc. Ở các hội nghị cấp cao trước tôi đã dự, chủ nhà thường nể nang, nhất là đối với các “nước lớn”, nên có khi phải chờ nhau hàng tiếng đồng hồ. Lần này từ đầu tôi đã khéo léo nhắc nhở các vị khách quý cố gắng bảo đảm chương trình làm việc. Thái độ của tôi là mềm mỏng và hữu nghị với mọi người nhưng cũng đã tạo thêm sự kính nể của các vị khách đối với chủ nhà.

    Việc đi lại, ăn ở ngoài hội nghị cũng diễn ra trật tự và lịch sự. Cuộc chiêu đãi ở Phủ Chủ tịch cũng như đêm văn nghệ ở Nhà hát lớn được tổ chức chu đáo và gây ấn tượng tốt với tất cả các đoàn về lòng mến khách và văn hóa dân tộc Việt Nam.

    Thắng lợi của Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội đã làm cho nhiều nước, trong đó có một số nước lần đầu tiên đến Việt Nam, hiểu thêm về Việt Nam, một nước không những có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường mà còn đang phát triển nhanh, có đường lối hữu nghị, hợp tác cởi mở và một nến văn hóa độc đáo. Báo chí nước ngoài đến Hội nghị cáp cao rất đông, đã đưa nhiều tin tốt về Việt Nam. Có thể nói, Hội nghị cấp cao lần thứ 7 đã góp phần nhất định đưa vị thế Việt Nam lên cao trên trường quốc tế. Tại hội nghị này, Tổng thống Sénégal, ông Abdou Diouf, đã cảm ơn lãnh đạo ta đã giúp đỡ bạn có hiệu quả trong phát triển nông nghiệp. Tổng thống Mali bày tỏ mong muốn được Việt Nam giúp đỡ. Tổng thống Chirac sau hội nghị này càng có quan hệ gắn bó với ta. Nhiều lần đi công tác sang Paris, tôi đến chào ông. Lúc nào ông cũng rất niềm nở.





------------------------------------------------------------------
1. Union pour un Mouvement Populaire.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 03:26:19 pm »

    Trong Bộ Chính trị, chủ tịch Lê Đức Anh được phân công phụ trách khối tư pháp. Khi đó có nhiều dư luận của nhân dân phàn nàn về các hoạt động tư pháp của ta, năm 1995, Chủ tịch yêu cầu tôi thay mặt đồng chí đi kiểm tra tình hình các cơ quan tư pháp ở một số địa phương.

    Thực tế sau ngày hòa bình được lập lại một số năm, lãnh đạo chúng ta mới quan tâm đến ngành tư pháp. Bộ Tư pháp được thành lập lại năm 1980. Cho nên so với ngành công an, đội ngũ cán bộ tòa án, kiểm sát viên, luật sư... còn rất mỏng và trình độ có hạn, có những kém khuyết là điều dễ hiểu.

    Muốn phát triển đất nước vững mạnh, xảy dựng một Nhà nước pháp quyền thì đây là một khâu cực kỳ quan trọng.

    Tham gia nhiều khóa Quốc hội, nay lại là Phó Chủ tịch nước, tôi càng hiểu tầm quan trọng của pháp luật. Một nhà nước Dân chủ không thể không quản lý thông qua một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Và điều quan trọng nữa là ý thức người dân đối với pháp luật. Nhân dân phải hiểu về pháp luật để hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là quá trình giáo dục và vận động lâu dài.

    Để thực hiện đợt kiểm tra tư pháp lớn nói trên, tôi đã thành lập các đoàn gồm đồng chí trợ lý pháp luật của Chủ tịch, đồng chí Phạm Hưng, nguyên Chánh án Tòa án Tối cao, các Thứ trưởng của Bộ Công an, Tư pháp, Viện Kiểm sát... đi làm việc ở chín tỉnh, thành từ Bắc đến Nam. Nhờ đoàn có đủ thành phần của khối tư pháp nên chúng tôi có thể cùng nhau nghe các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương báo cáo, sau đó trao đổi và đánh giá những vấn để tồn tại trong từng lĩnh vực của từng nơi. Chúng tôi thấy rõ cơ sở vật chất của ngành tư pháp nói chung nghèo nàn. Toà án các cấp còn sơ sài, không thể hiện sự uy nghiêm của cơ quan pháp luật, đại diện cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa. Các trại giam của tỉnh, của huyện còn quá sơ sài, thiếu thốn. Điều còn đáng quan tâm hơn là trình độ cán bộ ngành tư pháp ở nhiều nơi còn thấp, không đồng đều. Đặc biệt việc bắt khẩn cấp không cần thiết của cơ quan công an còn khá nhiều, việc cải sửa các vụ án của các tòa án các cấp cũng còn nhiều thiếu sót; sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, công an, Viện Kiểm sát và Tòa án chưa chặt chẽ..., nhất là ở một sổ tỉnh phía Nam.

     Sau đợt kiểm tra ở chín địa phương về, tôi đã có một báo cáo cho Chủ tịch về thực trạng hoạt động tư pháp của ta và kiến nghị cần sớm tiến hành cải cách tư pháp. Tôi nghĩ trong chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp sau này có phần đóng góp của chúng tôi.

     Trong quá trình đi kiểm tra, chúng tôi cũng đã có kiến nghị giải quyết một số vấn để cụ thể tại chỗ. Đến trại giam của Bộ Công an ở Hà Nội, chúng tôi gặp trường hợp một thanh niên ngoại thành bị kết án tử hình nhưng giam giữ hơn sáu năm không xử được vì bị can và gia đình kêu oan, kháng cáo, tòa án xử đi xử lại nhiều lần đều không xong. Chúng tôi kiến nghị nếu không đủ chứng cứ để kết tội nặng thì trước mắt phải hạ hình phạt để cho bị can có thể sống trong điểu kiện của những tù nhân bình thường, đỡ khắc nghiệt hơn. Sau đó, tôi được biết Tòa án thành phố đã xem xét lại và giải quyết theo hướng đề nghị của chúng tôi. Đến Thành phố Hồ Chí Minh, xuống một trại giam của huyện Củ Chi, tôi gặp nhiều phụ nữ bị bắt vì “cờ bạc”. Họ là người buôn bán vặt, mua gánh bán bưng, có người còn con nhỏ. Chúng tôi bàn với các đồng chí địa phương đối với những trường hợp như thế này nên phạt cảnh cáo rồi tha cho họ về. Đến các trại giam, tôi thường tìm gặp người lớn tuổi nhất, người nhỏ tuổi nhất, phụ nữ và người có trình độ văn hóa cao... để tìm hiểu các nguyên nhân phạm tội. Tôi nhớ khi đến trại Z.30 (Xuân Mộc), hỏi ở đây có người nào học vị cao, anh em cho biết có một ông tiến sĩ. Tôi đề nghị được gặp ngay anh Nguyễn T. Anh T. đã sang làm nghiên cứu sinh về vật lý tại Liên Xô, phải về nước vì tình hình chính trị ở Liên Xô lúc đó “không thuận lợi”. Về nước, trong lúc chưa bố trí được công việc thích hợp, tổ chức đề nghị anh phụ trách “xí nghiệp đời sống” để lo đời sống cho cán bộ đang hết sức khó khăn. Anh T. chưa bao giờ làm kinh tế, và với những cơ chế vòng vèo hồi bấy giờ, xí nghiệp bị thua lỗ là rất dễ hiểu và anh đã bị kết tội. Nghe chuyện, tôi rất áy náy. Tôi hỏi anh T. có thắc mắc gì không, anh bình thản trả lời: “Mình làm sai, thì phải chịu.” Anh đã bị giam gần năm năm. Sau đợt kiểm tra, có một đợt đặc xá. Tôi tha thiết đề nghị với Hội đồng đặc xá xem xét trường hợp của anh T. Và anh đã được đặc xá sớm. Quả thật bố trí cán bộ theo kiểu như vậy và lại chẳng có ai giúp đỡ người ta làm việc, thật là nguy hiểm!

    Đợt kiểm tra ở Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi được nghe báo cáo về một số vụ phức tạp. Đây là một cảng có cơ sở dầu khí lớn của ta, một vùng đất trù phú nên nhiều người trong nước và nước ngoài đổ đến tìm cơ hội làm ăn. Thời gian chúng tôi ở địa phương quá ngắn, không đủ để đi sâu tìm hiểu cặn kẽ. Tôi không yên tâm, nên khi về Hà Nội, tôi và đồng chí Phạm Hưng đã yêu cầu Viện Kiểm sát Tối cao rút một số hồ sơ lên để xem xét và từ đó có sự chỉ đạo sát sao. Trong các vụ, có việc của T.V.B., một Việt kiều gốc Sóc Trăng, từ Hà Lan về đầu tư ở Bà Rịa-Vũng Tàu trong lĩnh vực thủy sản và du lịch sinh thái. Do lãnh đạo địa phương không thống nhất và các cơ quan tư pháp của tỉnh xử lý một cách áp đặt, gia đình đương sự đã gửi đơn khiếu nại lên nhiều cơ quan Trung ương. Tôi lắng nghe dư luận và tìm hiểu, thấy cách làm của Bà Rịa-Vũng Tàu không đúng, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với Việt kiều, là đối tượng ta đang kêu gọi họ về xây dựng đất nước. Luật pháp của ta đang trong quá trình hoàn thiện, ngay cả đối với người trong nước đôi khi cũng gặp khó khăn khi thực hiện, đối với Việt kiều càng khó khăn hơn, nên nếu họ không có gì sai phạm lớn, nguy hiểm thì nên cảnh báo, hướng dẫn họ là tốt nhất. Kiến nghị của tôi không được cơ quan công an, Viện Kiểm sát và Tòa án Tối cao chấp nhận. Một số báo chí không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan tư pháp nhưng cũng không được lắng nghe. Dư luận Việt kiều ở nước ngoài cũng tỏ bất bình đối với vụ việc này. Tôi cùng đồng chí Phạm Hưng, lúc đó là trợ lý pháp luật cho Chủ tịch Trần Đức Lương, cố gắng trình bày với các đồng chí lãnh đạo Đảng nhưng không kết quả. Cuối cùng tôi quyết định phải sử dụng quyền Đại biểu Quốc hội của mình. Trong một phiên họp Quốc hội tháng 5.1998, tôi đã đứng lên chất vấn đồng chí Chánh án Tòa án Tối cao và yêu cầu Thường vụ Quốc hội cho giám sát việc này. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội, đã ghi nhận yêu cầu của tôi. Nhưng sau đó Ủy ban Pháp luật được giao nhiệm vụ giám sát đã không làm việc nghiêm túc, không giúp làm rõ được vấn để nên để sự việc kéo dài, và về sau đã gây ra nhiều rắc rối. Tôi nghĩ tôi đã làm đúng với lương tâm và trách nhiệm. Nhiều người đồng tình với thái độ của tôi; nhưng cũng có người suy nghĩ cứng nhắc, thậm chí còn hỏi: “Tại sao chị bênh vực T.V.B? Chị có gặp anh này chưa?” Và tôi đã thẳng thắn trả lời: “Tôi chưa biết mặt anh này bao giờ, nhưng pháp luật phải được áp dụng đúng người đúng tội!” Về sau tôi được biết Chính phủ đã xem xét lại vụ án này, lúc đó mới có người nói: “Nếu trước đây nghe chị Bình thì không đến nỗi rắc rối thế này!”

    Tôi đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước lần thứ nhất và được đề cử tiếp tục nhiệm kỳ hai.

    Thời gian này gia đình tôi lại có chuyện buồn. Em Hà tôi từ Côn Đảo về đã lo tôn tạo, dời đền thờ Cụ Phan Châu Trinh đến gần mộ Cụ chôn cách đây đã trên 60 năm. Địa điểm mới rộng rãi, khang trang hơn, xứng đáng là nơi tưởng niệm một nhà yêu nước lớn. Làm xong việc này Hà đổ bệnh, tôi cố gắng nhờ bạn bè, đồng chí trong ngành y tế hết sức giúp đỡ nhưng không cứu được em tôi qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Tôi buồn và đau đớn chưa có điểu kiện sống với em được nhiều, chưa đưa được em tôi đi thăm các căn cứ, cơ sở kháng chiến mà em luôn gắn bó và thiết tha mong ước được gặp lại...

    Cũng may, thời gian này tôi lại có được một niềm an ủi: tôi đã giải quyết được một việc mà nếu chồng tôi còn sống anh sẽ rất vui. Tôi đã cho được cháu Thắng, con trai chúng tôi đi học cao học ở nước ngoài trong hai năm. Hai năm này đã đem đến cho Thắng nhiều kiến thức bổ ích để vận dụng trong công tác về sau. Mấy năm trước, sau khi tôi ở Hội nghị Paris về, Thắng được tuyển đi học ở Liên Xô hay Đức, nhưng tôi và anh Khang bàn nhau không cho cháu đi, nghĩ rằng Thắng cần học trong nước để “rèn luyện tốt hơn”, chúng tôi đưa cháu lên trường Đại học Quân sự Vĩnh Yên. Tốt nghiệp xong, cháu muốn đi học thêm, nhưng rất khó. Cháu bảo: “Những đứa bạn của con đi học nước ngoài, bây giờ chúng nó muốn xin đi học tiếp, rất dễ. Còn con vì học trong nước...” Tôi nghe như một lời trách cứ, dù Thắng không bao giờ than phiền. Sau những năm lận đận công tác, hết chỗ này đến chỗ khác, với bằng kỹ sư cơ khí, bây giờ cháu được đi học thêm ở nước ngoài để nâng cao trình độ và hướng vào ngành kinh tế tài chính là ngành mà xã hội đang rất cần, tôi rất mừng, cảm thấy đã sửa chữa được phần nào một quyết định có phần cứng nhắc của vợ chồng tôi ngày trước.

     Bước vào nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước lần thứ hai, tôi có kinh nghiệm hơn. Theo sự phân công của Chủ tịch Trần Đức Lương, người kế nhiệm đồng chí Lê Đức Anh, tôi cũng tập trung vào những công tác giáo dục, xã hội, thi đua khen thưởng.

     Năm 2001, tôi đã gặp một việc khó quên: Một hôm, tôi sắp đi họp Hội nghị Trung ương (với tư cách là khách mời) thì có hai người lạ đến gặp. Một người già, tóc bạc, mà mãi một lúc sau tôi mới nhận ra là một bác sĩ tôi đã quen cách đây 40 năm, và một người nông dân. Nghe qua câu chuyện, tôi hiểu việc rất gấp nên ông bạn lâu năm mới tìm đến tôi. Tại tỉnh Bến Tre, một thanh niên tên Nguyễn Văn M„ con ông Nguyễn Văn Út - ông nông dân đến gặp tôi - bị tố cáo đã cưỡng hiếp và giết người. Tòa án đã kết án tử hình, bốn ngày nữa sẽ đưa ra hành quyết. Gia đình và nhiều người quen cho đây là vụ xử oan nên đã chạy kêu cứu khắp nơi. Chưa rõ sự việc nhưng tôi biết ông bạn tôi là người đứng đắn, đã từng làm Ủy viên pháp y của nhà nước. Tôi cũng nghĩ người đã bị xử nếu chết thì dẫu sau này có được minh oan cũng chẳng còn cứu được nữa. Đến Hội nghị Trung ương tôi tìm ngay đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, trình bày sự việc và đưa luôn đơn kêu oan của ông Nguyễn Văn Út, yêu cầu đồng chí cho hoãn ngay việc hành quyết để tiếp tục điều tra, xem xét thêm. Trước đề nghị khẩn thiết của tôi, đồng chí Nông Đức Mạnh đồng ý và cho mời ngay đồng chí Chánh án Tòa án Tối cao cũng có mặt tại hội nghị, chỉ thị điện khẩn cho Tòa án Bến Tre. Sự can thiệp được kịp thời nên việc hành quyết đã không diễn ra. Sau đó, tôi đề nghị tòa án và các cơ quan pháp luật ở trung ương và địa phương xem xét lại vụ án. Theo quan điểm của tôi, nếu chưa có đầy đủ chứng cứ hay chứng cứ bị thất lạc(?) thì trước mắt phải hạ hình phạt. Tội nhân dẫu già hay còn trẻ, cũng phải mở cho họ con đường ra... Tôi vui vì đã làm theo lương tâm của mình, giúp được một gia đình nông dân thoát khỏi một tai họa lớn. Sau đó, tôi tiếp tục nhắc các đồng chí ở tỉnh theo dõi và giải quyết vụ việc này cho đúng pháp luật.

    Với tư cách Phó Chủ tịch nước, tôi đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan có trách nhiệm về những vụ việc và cán bộ tiêu cực, sai trái. Nhưng tôi cũng luôn tích cực bảo vệ các đồng chí tốt bị hàm oan. Không phải tất cả những nỗ lực kiểm tra hay can thiệp của tôi đều có kết quả nhưng tôi nghĩ tôi đã cố gắng hết sức làm tốt nhất trách nhiệm của mình.

    Trong mười năm làm Phó Chủ tịch nước, tôi luôn có ý thức quan tâm đến các vấn đề văn hóa-xã hội. Cùng đồng chí Vũ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước (nay là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) chúng tôi đã trình lên đồng chí Lê Đức Anh và Bộ Chính trị một để án khôi phục phong trào thi đua khen thưởng đã bị sao lãng một thời gian dài. Nhiều người bảo nay đã đi vào kinh tế thị trường thì chỉ có cạnh tranh, và cạnh tranh là thi đua rồi. Chúng tôi nghĩ khác: không thể nói là không cần thi đua, vì thi đua không chỉ là cạnh tranh vì lợi ích mà còn có ý nghĩa của ý thức yêu nước, khuyến khích sự vượt lên khó khăn của từng người dù vị trí thấp hay cao, điều đó rất cẩn thiết trong quản lý xã hội của chúng ta hiện nay. Ý kiến của chúng tôi được chấp nhận. Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về thi đua khen thưởng, sau một thời gian ngắn phong trào thi đua yêu nước được khơi dậy sôi nổi và đều khắp. Với tư cách là Phó Trưởng ban thứ nhất (đồng chí Thủ tướng Phan Văn Khải là Trưởng ban) năm 2000 chúng tôi đã tổ chức Đại hội Thi đua Toàn quốc lần thứ nhất rất sôi nổi và thành công. Trong số anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, tôi vui mừng thấy có nhiều chị em rất xứng đáng, như nữ thuyền trưởng Nguyễn Xuân Hồng (có lẽ là nữ thuyền trưởng duy nhất ở Việt Nam). Trong cơn bão kinh hoàng năm 1998, cô Hồng đã bất chấp hiểm nguy vượt sóng to gió lớn cứu được mấy chục ngư dân. Như chị Trần Thị Đường, Giám đốc Công ty Dệt Phong Phú, một trong những công ty dệt làm ăn phát đạt nhất. Như Giám đốc Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ Trần Ngọc Sương đã kế tục nhiệm vụ của người cha cũng là anh hùng lao động, xây dựng Nông trường Quốc doanh rất lớn, cải thiện đời sống cho hàng ngàn gia đình nông dân. Phải nói chị em thực sự giỏi giang, không kém nam giới chút nào. Gần đây có tin một số lãnh đạo Nông trường Sông Hậu của cô Sương, kể cả chính cô, bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý tài chính. Tôi nghe nhiều dư luận khác nhau, tôi không thật rõ sự việc cụ thể, nhưng tôi cho rằng trong hoạt động kinh tế, lại vào thời kỳ rất khó khăn và trong cơ chế cũ tại thời điểm bấy giờ, ta giao việc cho người ta mà không giúp đỡ và kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện thiếu sót, đến khi cho là đã trầm trọng thì chỉ biết truy tố, xét xử một cách lạnh lùng, xử lý một sự việc và một con người như thế, vậy trách nhiệm chúng ta ở đâu, và liệu là đúng lý phải tình chưa? Tôi thật sự không đồng tình, và tin rằng cuối cùng sự thật sẽ thắng.

    Năm 1994, Đảng và Nhà nước chủ trương tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là ý kiến đề xuất của Chủ tịch Lê Đức Anh, được dư luận rất hoan nghênh, tuy có người cho là hơi chậm. Sau gần 20 năm có bao nhiêu bà mẹ xứng đáng với danh hiệu cao quý đã không còn nữa. Nhưng dù sao chủ trương đầy ý nghĩa đạo lý này đã đem đến cho hàng ngàn gia đình niềm tự hào và an ủi. Hai địa phương có nhiều mẹ anh hùng là Quảng Nam quê tôi và đất thép Củ Chi. Công việc quan trọng này do Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương thực hiện. Với trách nhiệm thay mặt Chủ tịch nước, tôi đã tiếp nhiều Bà mẹ anh hùng. Phần đông các mẹ rất nghèo và cô đơn. Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn, Quảng Nam có mười một người thân là chồng, con và cháu đã hy sinh. Đây cũng chính là quê anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Trần Thị Lý. Có lẽ trên thế giới, qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, ít có gia đình nào đã phải chịu mất mát to lớn như vậy. Nghe cuộc đời của các mẹ, tôi càng thấm thía “Trong chiến tranh, người phụ nữ là người chịu nhiều hy sinh nhất!”.

    Tôi dành nhiều thời gian cho công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Luật Chăm sóc Giáo dục và Bảo vệ Trẻ em được ban hành năm 1991 quy định việc thành lập Quỹ Bảo trợ Trẻ em nhằm vận động nhân dân đóng góp cùng với Nhà nước chăm lo sự nghiệp quan trọng này. Tôi được mời làm Chủ tịch Quỹ. Một số đồng chí nguyên là Bộ trưởng, Thứ trưởng (các đồng chí Lê Xuân Trinh, Trần Thị Thanh Thanh, Lê Huy Côn...) là thành viên của Hội đồng Quỹ. Mười lăm năm qua, Quỹ hoạt động ngày càng mạnh, đã đem lại lợi ích cho hàng vạn trẻ em bất hạnh, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, với những chương trình “Ngàn nụ cười”, “Ánh mắt trẻ thơ”, “Phẫu thuật chân tay”, và gần đây là chương trình “Trái tim tuổi thơ”. Thật không có gì vui và hạnh phúc hơn khi làm được những công việc dù nhỏ để “cứu được những cuộc đời”. Tôi nhớ mãi trong một chương trình phẫu thuật cho các cháu mù bẩm sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, một em nhỏ khoảng mười hai tuổi đến ôm tôi, nói: “Bà ơi bà, con xin cho em con cũng bị mù như con được mổ mắt.” Tất cả anh chị em trong đoàn đều ứa nước mắt. Đến Bệnh viện Mắt ở Đà Nẵng, chúng tôi gặp một bà mẹ đang ôm đứa con hai tuổi, vừa được mổ một bên mắt bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Cháu còn phải mổ một bên mắt nữa, bà mẹ khóc và kể: “Cháu đã bắt đầu nhìn thấy mẹ và đồ vật xung quanh.” Lòng tôi tràn ngập niềm vui.

    Tôi cũng rất thương các cháu bị khuyết tật hở hàm ếch; có em gái mười ba, mười bốn tuổi mà cứ suốt ngày trốn trong nhà không dám ra ngoài vì ngượng và tủi thân. Tôi rất vui khi các cháu được mổ theo chương trình phẫu thuật nụ cười; quả thật nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt rạng rỡ của các cháu. Nhưng cũng có em mổ xong, lại còn bị nói ngọng, gặp nhiều khó khăn khi đi học. Chúng tôi đi tìm các nhà chuyên môn và lập ngay dự án “phát ngôn trị liệu”. Dù không đạt được kết quả hoàn toàn 100% nhưng cũng đã giúp cho các cháu có được một cuộc sống tương đối bình thường...

    Chương trình phẫu thuật tim được triển khai muộn hơn vì là phẫu thuật kỹ thuật cao, tốn nhiều tiền. Do nhiều nguyên nhân, sổ các cháu bị bệnh tim bẩm sinh ở nước ta là khá cao. Nếu không được chữa chạy kịp thời các cháu rất khó sống, chúng tôi cũng đã có những nỗ lực lớn trong công việc khó khăn này.

    Đau buồn và đáng thương nhất là các cháu chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Có đến một nửa các cháu ấy phải chịu dị tật rất nặng, gần như vô phương cứu chữa như bại não, liệt tay chân... Thật thương tầm khi thấy những người mẹ phải bế trên tay mình đứa con tàn tật như vậy suốt hơn 30 năm. Và những người cha, người mẹ ấy lại thường là những gia đình nghèo khổ nhất. Chắc trên khắp thế giới không có nơi nào con người phải chịu nhiều đau khổ cho bằng!

    Từ năm 1998, chúng ta đã thành lập Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Chất độc da cam, trực thuộc Hội chữ thập đỏ. Tôi được giới thiệu làm Chủ tịch danh dự. Giám đốc Quỹ là bác sĩ Lê Cao Đài, có thể nói là một người anh hùng, đã chiến đấu và công tác rất anh dũng trên chiến trường miền Nam, và sau chiến tranh đã vô cùng tận tụy vì những nạn nhân chất độc da cam. Và rồi cuối cùng chính anh cũng đã ra đi vì di hại của chất độc này.

    Tháng 2.2002, tôi đi dự Hội nghị của Đại hội đổng Liên hiệp quốc để báo cáo mười năm thực hiện Công ước về Quyển trẻ em. Đây là lần thứ hai tôi đến nước Mỹ. Năm 1991, tôi đã đến đây lần đầu với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp Tổ chức Hoà bình-Đoàn kết-Hữu nghị Việt Nam, tham dự một hội nghị của các NGO Mỹ hoạt động ở Việt Nam. Đây là hoạt động của các tổ chức nhân dân nên chúng tôi hoạt động khá thoải mái. Chúng tôi ở nhà của một số gia đình Mỹ đã từng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh, và đi đâu cũng có sự hộ tống của các cựu chiến binh Mỹ. Chúng tôi đi thăm một số khu dân cư của một số cựu chiến binh Mỹ trong vùng nông thôn hẻo lánh ở Caliíomia. Những cựu chiến binh này đã được phục viên từ lâu nhưng việc làm không ổn định nên thu nhập thấp. Nhà cửa của họ đơn sơ, con cái nhếch nhác. Thấy chúng tôi đến thăm, các gia đình tụ họp lại, chào đón chúng tôi rất vui vẻ.

    Lần thứ hai này, tôi đến nước Mỹ với tư cách Phó Chủ tịch nước. Giữa Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ bình thường về ngoại giao. Báo cáo của đoàn Việt Nam về việc thực hiện Công ước về Quyền trẻ em được nhiều đoàn trong Đại hội đổng Liên hiệp quốc hoan nghênh. Họ rất chú ý đến hình thức tổ chức của ta, là Uỷ ban Chăm sóc Bảo vệ Trẻ em, một cơ quan liên ngành, phối hợp hoạt động của các ngành theo những mục tiêu quốc gia của Nhà nước. Các đoàn đều đánh giá đây là một kinh nghiệm hay và hiệu quả. Rất tiếc sau này chính chúng ta lại không giữ hình thức tổ chức này nữa mà ghép vấn đề trẻ em vào các Bộ khác nhau, làm cho công tác này không còn được tập trung, và do đó hiệu quả cũng có thể không bằng trước.

     Đoàn chúng tôi cũng đã đi thăm Washington và gặp đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ. Chúng tôi cũng đã gặp lại những người bạn Mỹ trong phong trào chống chiến tranh trước đây. Chị Merle Ratner vẫn là người tích cực đứng ra tổ chức cuộc họp mặt có gần 300 người từ nhiều địa phương đến, có người phải đi đến sáu trăm kilomet. Khi chúng tôi bước vào hội trường, hai vệ sĩ đi theo đoàn đứng hai bên cửa, một chục người do chị Merle chỉ huy chào chúng tôi bằng một bài đồng ca. Nghe giai điệu lặp đi lặp lại, chúng tôi mới hiểu nội dung bài hát:

         “Live like her Madame Binh
   Dare to struggle, dare to win
   Dien Bien Phu will come again
   Live like her Madame Binh
   Spirit of Vietnam
   Stronger than the US bomb
   Spirit of Vietnam
   Stronger than the US bomb.”


         Tạm dịch:

         “Sống như bà Bình
         Dám đấu tranh, dám chiến thắng
         Điện Biên Phủ sẽ lại đến.
           Sống như bà Bình
    Tinh thần Việt Nam
    Mạnh hơn bom đạn Mỹ
    Tinh thần Việt Nam
    Mạnh hơn bom đạn Mỹ.”


    Còn lời nào ca ngợi Việt Nam đẹp đẽ hơn! Những người bạn Mỹ thân thiết của chúng tôi ngày nào nay tóc đã bạc phơ, nhưng nhiệt huyết và tình cảm với Việt Nam thì vẫn nguyên vẹn.

    Lúc đó, ta đang vận động Mỹ bỏ “cấm vận” và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Khi tôi nêu yêu cầu trên, cả phòng họp nhốn nháo lên. Mọi người đều hô to “Now! Now!” (Ngay bây giờ!). Nhiều phụ nữ đã lên bắt tay và ôm hôn tôi.

    Tháng 7.2002, tôi kết thúc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước thứ hai nhẹ nhàng và thoải mái, cảm thấy mình đã cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ được phân công. Trước đó, tháng 4.2001, tôi vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Tôi rất biết ơn các đồng chí đã đánh giá tốt về tôi và đã nghĩ đến động viên tôi, dành cho tôi phần thưởng đặc biệt cao quý này.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #42 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 04:12:04 pm »

Về hưu nhưng bận rộn


    Sau 50 năm hoạt động liên tục, tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc mình được nghỉ ngơi, lo việc gia đình, đi chơi với bạn bè. Nhưng...

    Tình hình đất nước còn nhiều ngổn ngang, đời sống cán bộ, nhân dân có khá hơn trước, song nói chung còn nghèo và thiếu thốn. Thế giới, dù nói là Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, thực tế chạy đua vũ trang vẫn tiếp tục, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược vẫn bùng ra ở đây đó, có thể nói không ngày nào yên... Tôi đặc biệt phẫn uất về cuộc chiến tranh trên lãnh thổ Iraq, đã làm tan nát đất nước này. Những mâu thuẫn cơ bản giữa các quốc gia, các tầng lớp nhân dân vẫn còn đó. Các nước lớn vẫn tìm mọi cách áp chế, thống trị các nước nghèo, kìm chế các nước đang phát triển. Người lao động vẫn nghèo khổ, và theo đánh giá của các nhà hoạt động chính trị quốc tế khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra, người giàu, giàu thêm, người nghèo, nghèo hơn.

     Tình hình thế giới cũng như trong nước đã tác động đến tư tưởng tình cảm của nhân dân ta. Bên cạnh một số đông dù có những lo lắng này khác vẫn tin rằng những gì nhân dân ta đã làm là hết sức đúng đắn, cần phải tiếp tục con đường đã lựa chọn với những điểu chỉnh và giải pháp phù hợp, cũng có không ít người hoang mang, giảm lòng tin, bi quan tiêu cực, thậm chí chống đối.

     Đời sống vật chất của chúng ta đã khá hơn nhưng xã hội xem chừng lại phức tạp hơn bao giờ hết. Người ta thường nhắc đến những ngày khó khăn ác liệt mà giản dị, trong sáng thời chiến tranh. Nhiều người cũng nói đến một sự xuống cấp văn hóa thật sự đáng lo ngại. Nhiều chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn. Xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo tiến, chức vụ ngày càng tăng... Tôi nghĩ khi một xã hội đang chuyển đổi, nghĩa là chưa ổn định, thì tình trạng tâm lý chung của xã hội bối rối, phân vân như thế này có thể cũng là theo quy luật, khó tránh được, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, bước ra khỏi chiến tranh khá lâu mà so với các nước xung quanh, ta đã tụt hậu nhiều mặt. Có phải Đảng và Nhà nước quá nặng về mặt kinh tế mà xem nhẹ vấn đề văn hóa, vấn đề chất lượng con người - nển tảng của xã hội? Và đến bao giờ chúng ta có được một xã hội thật sự dân chủ, công bằng, văn minh? An ninh, quốc phòng còn bị đe dọa. Những day dứt đó khiến tôi cảm thấy không thể ngồi yên, không thể không tiếp tục tham gia vào cuộc sống. Và rồi những năm tháng của tôi kể từ ngày về hưu hóa ra lại là những năm tháng bận rộn có lúc dường như còn hơn cả ngày trước. Có thể cũng là cái “số” của tôi từ ngày còn trẻ: luôn muốn được xông pha vào công việc của đất nước của cuộc sống, không thể, không quen đứng ngoài cuộc.

     Năm 2003 mở đầu bằng một loạt hoạt động khá thú vị. Đây là năm kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam (27.1.1973). Ngày 25.1.2003, cùng đồng chí Bùi Văn Thanh, nhà sử học ở Viện Khoa học Xã hội, và tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Bộ Ngoại giao, tôi đi dự một cuộc hội thảo với chủ đề “Chiến tranh Việt Nam và châu Âu” ở Paris, do Viện Ngoại giao Chiến lược Pháp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Pháp. Khoảng một trăm người tham dự, những diễn giả chính là những nhà nghiên cứu chính trị, sử học đến từ nhiều nước châu Âu và cả Mỹ. Về phía Việt Nam, ngoài chúng tôi, Ban tổ chức có mời Bùi Diễm, nguyên Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ trong những năm 1967-1968.

     Các diễn giả đều cung cấp nhiều thông tin, tư liệu cụ thể và phân tích thái độ của các nước châu Âu đối với chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nói chung là khách quan, dựa vào những sự kiện, văn bản, tuyên bố của các chính phủ. Đương nhiên mỗi người đều nhìn vấn để qua lăng kính của quan điểm cá nhân nên có những khía cạnh khác nhau. Hầu hết đều nhìn nhận là phong trào đấu tranh chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam rất rộng lớn, không chỉ có các Đảng Cộng sản và cánh tả như ở Pháp, Ý... mà còn có các Đảng Xã hội Dân chủ ở Bắc Âu, đứng đầu là Thụy Điển, các lực lượng hòa bình trong các tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo, và nổi bật là thái độ mạnh mẽ của giới trí thức châu Âu, tiêu biểu là những nhà trí thức tham gia Tòa án Bertrand Russell 1. Các chính phủ các nước châu Âu đã không để Mỹ lôi kéo vào chiến tranh chống Việt Nam dù Mỹ rất mong muốn một số nước trong khối NATO tham gia, dẫu chỉ là tượng trưng. Có người đã khẳng định chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã làm cho châu Âu, Cựu lục địa, càng xa cách với Mỹ, Tân lục địa. Nhiều diễn giả Pháp đã nói đến thái độ của Tổng thống De Gaulle và sự đóng góp của Chính phủ Pháp đối với tiến trình đàm phán của Hội nghị Paris về Việt Nam.

      Tôi và Bùi Diễm là hai diễn giả chính về phía Việt Nam. Không có sự tranh cãi giữa chúng tôi, nhưng tất nhiên quan điểm của hai bên hoàn toàn khác nhau. Bùi Diễm không tán thành cách gọi “chiến tranh của Mỹ”, vì theo ông đây là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa quốc gia và cộng sản, Cộng hòa Việt Nam, là “phía quốc gia được Mỹ ủng hộ”, cũng như “phía cộng sản được phe Xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ”. Và để chiến thắng, “phía cộng sản đã dùng bạo lực một cách quyết liệt, gây ra bao nhiêu chết chóc và tàn phá”.

    Tôi gắng tự kiềm chế đọc bài phát biểu chuẩn bị sẵn, trình bày có hệ thống quá trình diễn ra cuộc đấu tranh chống sự xâm lược của Mỹ, lập trường trước sau như một của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Mặt trận dân tộc Giải phóng - Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam, là vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954. Tôi nhấn mạnh: “Sức mạnh chiến đấu của chúng tôi là tinh thần yêu nước và sự đoàn kết của toàn dân. Những người cộng sản đã đi đầu trong cuộc chiến đấu chấp nhận hy sinh gian khổ nhất vì Tổ quốc và nhân dân, đó là sự thật không thể phủ nhận.” Có một người tham gia Hội thảo hỏi: “Có tài liệu nói có 300.000 quân Trung Quốc sang chiến đấu bên cạnh quân Việt Nam?” Tôi trả lời luôn: “Nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, về chính trị và vật chất, nhưng trên chiến trường miền Nam chỉ có Quân giải phóng Việt Nam.”

    Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày, và rồi chắc chắn sẽ còn nhiều hội thảo quốc tế, nhiều sách báo các nước tiếp tục tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, một trong những sự kiện lớn nhất của thế kỷ XX.

    Hơn một tháng sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tổ chức Hội thảo nhân kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm về đấu tranh ngoại giao. Các chủ trương đúng đắn và kịp thời của chúng ta về ngoại giao, phối hợp ngoại giao với chiến trường, tranh thủ đoàn kết quốc tế, đặc biệt đối với Liên Xô và Trung Quốc... là những bài học nhiều ý nghĩa. Cũng có ý kiến đặt vấn đề năm 1954, Việt Nam có thể tiếp tục cuộc chiến đến cùng để giải phóng hoàn toàn và thực hiện thống nhất đất nước mà không dừng lại ở Hiệp định Genève, chấp nhận chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17? Liệu ta đã có bỏ lỡ cơ hội có thể rút ngắn chiến tranh không? Theo tôi Hiệp định Genève ngoài việc phản ánh tình hình so sánh thế và lực của hai bên vào năm 1954, còn cho thấy những quan hệ quốc tế phức tạp lúc bấy giờ... Hiệp định Paris đạt được thành quả trọn vẹn hơn chắc chắn là từ những kinh nghiệm quý báu từ Hiệp định Genève. Đấy là sự tài tình của Đảng và nhân dân ta.




-------------------------------------------------------------------
1. Các trí thức tham gia Tòa án Russell hay Tòa án Quốc tế về Tội ác chiến tranh năm 1967 (27 người) gồm một số gương mặt tiêu biểu: Bertrand Russell (triết gia, nhà toán học Anh), Jean-Paul Sartre (triết gia Pháp), Vladimir Dedijer (nhà sử học, luật học Nam Tư), Wolfgang Abendroth (giáo sư khoa học chính trị Đức), Simone de Beauvoir (nhà văn, triết gia Pháp), Lázaro Cárdenas (nguyên Tổng thống Mexico), Amado V. Hernandez (nhà thơ Philippines), Sara Lidman (nhà văn Thụy Điển), Kinju Morikawa (nhà hoạt động xã hội Nhật Bản), Peter Weiss (nhà văn, nghệ sĩ Thụy Điển-Đức) v.v...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #43 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 04:18:34 pm »

*
*      *


    Từ 2003 đến 2013, kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris và có thể tiếp tục nhiều năm nữa, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam vẫn được nhiều nhà hoạt động chính trị, nhà sử học quốc tế nghiên cứu và đánh giá. Và những cầu hỏi lặp đi lặp lại là: Tại sao Mỹ xâm lược Việt Nam? Nhờ đâu nhân dân Việt Nam đã chiến thắng? Có thể chấm dứt chiến tranh sớm hay không? Ý đồ các bên khi ký Hiệp định Pari, v.v.. Trong nhiều cuộc hội thảo, tiếp xúc, tôi có dịp đối thoại, giải thích.

     Cách đây mấy năm trong một lẩn phát biểu, ông Henry Kissinger thừa nhận Hoa Kỳ thất bại là vì mục tiêu không rõ ràng và không có sự ủng hộ trong nước...

     Một số chuyên gia về Mỹ và chiến tranh ở Việt Nam cho rằng Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh từ 1961-1964 nhằm ngăn chặn Cộng sản theo nguyên tắc của chiến tranh lạnh giữa hai phe. Nhưng đến 1967, khi thấy rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải do Nga và Trung Quốc chỉ đạo, thì Mỹ chỉ có mục đích là giúp cho miền Nam Việt Nam đứng vững, không rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt. Từ đó Mỹ nghĩ phải rút quân và “Việt Nam hóa chiến tranh” v.v...

     Cách giải thích này quá đơn giản với một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, đã tàn phá một đất nước, làm hàng triệu người chết. Đối với chúng tôi, mục tiêu của Mỹ là rõ ràng. Dù là mục tiêu muốn biến miền Nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Mỹ hay là muốn ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản xuống Đông Nam Á, Mỹ không có quyền tiến hành chiến tranh xâm lược... Đó là sự vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm đến chủ quyển của một nước, chà đạp lên quyền chọn lựa của một dân tộc. Do đó, họ đã bị phản đối ngay tại trong nước và cả thế giới - và đó chính là nguyên nhân của sự thất bại của họ. Thực ra, cả Pháp cũng như Mỹ đều không hiểu lịch sử và dân tộc Việt Nam. Đó là nguyên nhân cơ bản làm cho các cuộc chiến tranh xâm lược của họ đều thất bại.

    Về quan hệ giữa miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam, họ nên nhớ rằng, năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, cả dân tộc từ Bắc chí Nam đã đứng lên giành độc lập và chọn cho mình con đường “dân chủ cộng hòa” Cho nên khi Mỹ phá hoại Hiệp định Genève 1954 và lập ra chính quyền “Saigon”, nhân dân miền Nam phải tiếp tục cuộc kháng chiến, với sự giúp đỡ của miền Bắc để hoàn thành sự nghiệp giành độc lập và thống nhất Tổ quốc còn dở dang. Thì làm sao có chuyện miền Bắc xâm lược miền Nam?

    Tháng 4.2003, tôi cùng một số đồng chí đứng ra thành lập Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới.

    Hòa bình đối với mọi dân tộc, đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam từng chịu đựng mấy chục năm chiến tranh liên tục, là nguyện vọng tối cao. Có hòa bình chúng ta mới phát triển được đất nước, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Việt Nam đã từng là thành viên tích cực của Phong trào Hòa bình Thế giới, là thành viên của CPM (Hội đồng Hòa bình Thế giới) và phong trào này đã góp phần rất tích cực trong thắng lợi của chúng ta chống chiến tranh xâm lược của Mỹ. Ngày nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh bảo vệ hòa bình, vì lợi ích của ta và của nhân dân thế giới.

    Phát triển đất nước trong thế giới toàn cầu hóa mà những nước giàu, nước mạnh đang chi phối là một nhiệm vụ khó khăn, đầy thách thức. Chúng ta nhất thiết phải học hỏi kinh nghiệm các nước, biết đoàn kết, hợp tác rộng rãi và bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và khôn khéo, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi sự chèn ép của các thế lực đối địch khác nhau. Việt Nam cần tham gia các thể chế kinh tế - tài chính - thương mại quốc tế lớn nhất, sẽ tạo được nhiều thuận lợi mới, song cũng phải vượt qua được những thử thách mới.

    Dù gặp nhiều khó khăn về người, về tài chính, trong năm năm qua Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam của chúng tôi đã có nhiều cố gắng, góp phần tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Tôi rất quý mến và biết ơn các đồng chí trong Ban Thường vụ Quỹ đã nỗ lực làm việc hết sức tâm huyết và đầy trách nhiệm.

    Cuối năm 2003, một đoàn thuộc Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế thăm Việt Nam. Đây là một trong những tổ chức quốc tế đã ủng hộ tích cực cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong suốt một thời gian dài. Chính họ đã giúp hình thành Tòa án Quốc tế Bertrand Russell nổi tiếng lên án tội ác của Mỹ ở Việt Nam, kể cả tội ác tiến hành chiến tranh hóa học (năm 1967). Lần này, dẫn đầu đoàn là ông Sharma, người Ấn Độ, một người bạn lâu năm của Việt Nam. Cũng như nhiều tổ chức dân chủ quốc tế khác, Hội không có điều kiện hoạt động mạnh như trước, song ở đây cũng còn nhiều luật gia tiến bộ và có uy tín của các nước, kể cả Mỹ. Họ quan tâm đến hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Theo họ, nhân dân chúng ta có quyền kiện Mỹ đã gây ra bao nhiêu tổn thất cho Việt Nam, đến nay hậu quả còn rất nặng nề, đặc biệt là ảnh hưởng của chất độc da cam. Các chiến binh Mỹ đi rải chất độc từ trên cao, từ xa mà còn bị nhiễm độc và đã được chính quyền Mỹ bồi thường thì không có lý gì Mỹ có thể phủ nhận trách nhiệm đối với người Việt Nam. Cần thành lập ngay Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam, đại diện quyền lợi của hàng triệu nạn nhân để đứng ra kiện.

     Ngày 10.1.2004, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam (Vava) ra mắt, do đồng chí trung tướng Đặng Vũ Hiệp làm Chủ tịch. Đồng chí Đặng Vũ Hiệp là một cựu chiến binh, đã từng hoạt động mười năm ở Tây Nguyên, một vùng bị rải chất độc hóa học nặng. Tôi được mời làm Chủ tịch danh dự của Hội.

     Ngày 30.1.2004, Hội thay mặt các nạn nhân chất độc da cam đưa đơn kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất chất làm trụi lá trong đó có thành phần chất da cam và dioxin, là chất cực độc, đã tàn phá mùa màng, rừng nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt đã gây nhiễm độc cho hàng triệu người, chiến sĩ và dân thường. Đã có hàng vạn người chết, và bao nhiêu người mang bệnh tật nan y. Còn đau đớn và lâu dài hơn nữa là những nạn nhân này, nam và nữ, lại sinh ra những đứa con, rồi có thể đến cả cháu họ cũng bị dị tật đáng thương. Đây là những tội ác vô cùng ác độc, là hậu quả nặng nề nhất mà chiến tranh của Mỹ để lại, là món nợ lớn của chính quyền Mỹ đối với nhân dân Việt Nam 1. Vụ kiện này đã bị Tòa án sơ thẩm New York xử một cách không khách quan; sau đó đã được đưa lên Tòa án phúc thẩm. Chúng ta hiểu đây là một cuộc đấu tranh không đơn giản và chắc chắn kéo dài, đòi hỏi quyết tâm và kiên trì. Dư luận thế giới ngày càng hiểu những hậu quả hết sức nặng nề của 30 năm chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Một phong trào quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được khơi dậy. Nhiều người nhận thức đây cũng là cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới cho hòa bình, công lý, nhằm ngăn chặn chiến tranh, sử dụng vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí sát nhân hóa học, sinh học... Dù tòa án của Mỹ không chịu kết án các hành động độc ác đó thì như Hội Luật gia Quốc tế đã lên tiếng: “Tòa án lương tâm của nhân loại đã kết án.”

    Tôi vẫn còn tham gia làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Kovalevskaya, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh... Trong bao nhiêu công việc bận rộn mà không thể từ nan đó, tôi đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, theo tôi là chìa khóa quan trọng nhất của phát triển. Với danh nghĩa của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, tôi đã chủ trì đề tài nghiên cứu về cải cách giáo dục, và cùng anh em tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về giáo dục với mong muốn đóng góp vào sự nghiệp lớn này.

     Các em và các con tôi cứ nhắc tôi phải nghỉ. Nhưng tôi thấy không thể một ngày không làm việc khi mình còn có thể đóng góp.

     Niềm hi vọng và hạnh phúc của tôi là ở hai đứa cháu - Long (cháu nội), và Đông (cháu ngoại). Hai cháu học hành chăm chỉ, tính tình ngoan ngoãn. Long có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp Ngân hàng Tài chính ở Anh sẽ về làm cho các cơ quan nhà nước, xây dựng chính sách tài chính quốc gia. Nguyện vọng ấy không dễ dàng thực hiện nhưng tôi hết sức ủng hộ và khuyến khích. Cháu Đông chọn nghề kiến trúc, mong muốn học thành tài sẽ xây lại nhà cho ông bà. Đều là những ước mơ đẹp.

     Tôi còn có niềm vui và hạnh phúc là dù đã nghỉ hưu vẫn có rất nhiều bạn bè cũ thường đến thăm, mỗi ngày lại có thêm những bạn mới, những anh chị em đến tâm sự với tôi, nhờ tôi góp ý kiến về việc chung cũng như việc riêng...

     Vào dịp sinh nhật 80 tuổi của tôi, đồng chí Vũ Khiêu, người bạn và người anh, năm nay đã trên 90 tuổi, có tặng tôi đôi câu đối thật đẹp:

              Nam quốc riêng gì trai dũng lược
       Tây Hồ còn đó gái anh thư.


     Năm 2006 đối với tôi và gia đình là năm đặc biệt: Kỷ niệm 80 năm ngày mất của Cụ Phan Châu Trinh, ông ngoại tôi, có hai cuộc hội thảo lớn, ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đền thờ ở khu lưu niệm của Cụ được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia (năm 1994), một đám giỗ lớn được tổ chức, có mặt đông đủ con cháu, bạn bè, đại diện của Sở và Phòng Văn hóa Thông tin của thành phố và quận Tân Bình.

    Trong hội thảo, qua các tham luận của nhiều nhà sử học ở các viện, các trường đại học, việc đánh giá quan điểm chính trị của Cụ Phan thêm một bước sáng tỏ và thống nhất. Tôi cũng hiểu một số người còn có băn khoăn suy nghĩ, e rằng đề cao Cụ Phan thì ảnh hưởng đến vai trò to lớn, vĩ đại của Hồ chủ tịch. Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Trong những điểu kiện phức tạp của lịch sử nước ta hơn một trăm năm qua, đánh giá những sự kiện từng xảy ra và những nhân vật từng là tác nhân của các sự kiện ấy đương nhiên là việc không đơn giản. Song rõ ràng thời gian đã từng bước cho phép chúng ta khôi phục dần những sự thật lịch sử. Độ lùi lịch sử cũng dần dần cho phép chúng ta bình tĩnh nhận rõ và chính xác các sự kiện, cũng như vai trò của từng nhân vật căn cứ trên chủ trương của họ và ảnh hưởng của họ đối với nhân dân tại những thời điểm nhất định, và cả lâu dài, thậm chí có thể rất lâu dài về sau.

    Tôi bắt đẩu viết những dòng hồi ký này từ năm 2007, khi tôi vừa đúng 80 tuổi, viết xong vào cuối năm 2008. Đặt bút xuống mà trong đầu còn bao suy nghĩ, băn khoăn, chen lẫn lo lắng và hy vọng.

    Thế hệ của tôi, có thể nói là lớp cuối cùng của thế hệ những người tham gia hai cuộc kháng chiến, và sau đó trong 30 năm liên tục được sống và đóng góp cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt đầu xây dựng lại đất nước, may mắn hơn bao nhiêu anh chị em, đồng chí đã ngã xuống giữa đường... Tôi đã hiểu thế nào là đau thương trong chiến tranh, và gian khổ trong xây dựng hòa bình.

    Cuộc sống của tôi, gắn với cuộc sống của dân tộc, đã giúp tôi hiểu giành chính quyền, đòi độc lập dân tộc là cực kỳ khó, nhất là khi ta phải đối đầu với đế quốc thực dân đầu sỏ; nhưng giữ chính quyền, xây dựng đất nước, nhất là xây dựng đất nước theo nguyện vọng của nhân dân, xây dựng con người, để đem lại cuộc sống tự do hạnh phúc cho nhân dân, một cuộc sống thật sự trong lành, còn khó hơn biết bao lần.

    Tổng thống Nelson Mandela, nhà chính trị lỗi lạc của Nam Phi đã từng nói một cách rất xác đáng: “Khi ta giải phóng được đất nước, ta mới giành được quyền để có tự do chứ ta chưa thực sự có được tự do.” Vì vậy, phải xây dựng nên con người tự do, tự chủ, đủ năng lực và phẩm chất để bảo vệ và xây dựng đất nước độc lập và tự do. Tôi mong ước một ngày không xa, chúng ta sẽ có được những thế hệ người Việt Nam đẩy tự tin, nhân ái, và có trí tuệ dồi dào... sống trong một xã hội dân chủ và văn minh, một đất nước vững mạnh, tự chủ mà tự tay mình xây dựng lên. Chính vì lí do đó, cho đến nay, tôi vẫn kiên trì đê nghị Đảng và Nhà nước phải sớm tiến hành một cuộc cải cách căn bản và toàn diện để chấn hưng nền giáo dục nước nhà góp phần nâng cao nền văn hóa dân tộc. Đó là yếu tố quyết định nhất lúc này.

    Nếu còn vấn đề gì mà tôi quan tâm, lo lắng... đó là vấn để nội lực của đất nước.

    Chúng ta đã trải qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hết sức ác liệt và lâu dài. Hậu quả là nền kinh tế của đất nước bị kiệt quệ, nhiều tổn thương về mặt văn hóa xã hội. Chúng ta thiếu một đội ngũ trí thức chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục, thiếu kinh nghiệm về quản lý. Có thể nói từ đống tro tàn, chúng ta đi lên với ước vọng xây dựng một đất nước phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Đó là mục tiêu chúng ta phấn đấu, hết sức tốt đẹp nhưng đầy khó khăn, thử thách, nhất trong một thế giới đang cạnh tranh với nhau quyết liệt trên mọi mặt, đặc biệt về kinh tế và khoa học công nghệ.

    Chúng ta hiểu rằng độc lập về chính trị phải được đảm bảo bằng độc lập về kinh tế, an ninh quốc phòng, nhưng trước hết là về kinh tế.

    Vì vậy để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia và phát triển đất nước, chúng ta không có con đường nào khác là phải ra sức xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ vững bền, không thua kém ai, hợp tác nhưng không bị lệ thuộc bất cứ nước ngoài nào. Tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc của nhân dân ta phải được thể hiện mạnh mẽ trên tinh thần tự lực tự cường trong lao động xây dựng đất nước, dựng tạo nội lực quốc gia ngày càng lớn mạnh.

     Nội lực còn phải được thể hiện trong xây dựng một xã hội Dân chủ, một nhà nước pháp quyền - đó là sức mạnh của lòng dân, của đoàn kết dân tộc - là nền tảng của tất cả các sức mạnh.

     Chúng ta không thể tự bằng lòng với những thành tích đã đạt được... nhiều nước xung quanh đã phát triển vượt ta khá xa.

     Chưa bao giờ đất nước có thế và lực như hiện nay, nhiều người nói là chúng ta đang có “cơ hội vàng”. Nhưng cuộc sống là vậy, cơ hội càng lớn thì khó khăn, thách thức cũng càng lớn. Có thể vượt qua được những thử thách này để đạt được mục tiêu mong đợi của bao nhiêu thế hệ từng hy sinh tất cả để giao lại cho chúng ta hôm nay không? Câu trả lời thuộc về các đồng chí, anh chị em đang đảm nhiệm trọng trách hiện nay, thuộc về nhân dân, đặc biệt thuộc lớp thanh niên đang trở thành lực lượng chính trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi tin ở vận mệnh của Tổ quốc. Một đất nước, một dân tộc, với nhân dân đã chiến đấu hy sinh anh hùng như nhân dân ta suốt lịch sử lâu dài và suốt hơn trăm năm qua xứng đáng để có một tương lai huy hoàng, và chắc chắn có đủ ý chí cùng sức mạnh để làm nên tương lai đó. Những người đang chịu trách nhiệm về đất nước hiện nay nhất thiết phải đảm nhận lấy trách nhiệm đó. Thế hệ trẻ nhất thiết phải sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ làm nên tương lai đó. Hãy nhớ những bài học lịch sử quý giá của ông cha, đặt lợi ích chung lên trên, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, kiên trì đi theo mục tiêu đã được chọn, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc của đất nước sẽ là hạnh phúc của con em chúng ta.

    Tôi thích ví đất nước ta như con thuyền. Qua bao thác ghềnh, con thuyền Tổ quốc đã ra biển cả, phía trước là chân trời mới...!

                                 
Viết xong cuối năm 2009.
Bổ sung năm 2013, 2014.




------------------------------------------------------------------
1. Từ năm 1961 đến 1971, Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61 % chất da cam dioxin, làm cho 4,8 triệu người Việt nam bị phơi nhiễm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #44 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 04:22:38 pm »

Niên biểu
Nguyễn Thị Bình


26.5.1927: sinh ra tại xã Tân Hiệp, Sa Đéc, Đồng Tháp, tên khai sinh là Nguyễn Thị Châu Sa, con ông Nguyễn Đồng Hợi, bà Phan Thị Châu Lan.

1927-1940: sống những năm tháng tuổi thơ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

1940: theo gia đình sang Campuchia, học trung học tại trường Lycée Sisowath.

1943: gặp người chồng tương lai; mẹ qua đời.

1944: tham gia các hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước tại Phnom Penh, Campuchia.

5.1945: cùng gia đình trở về Sài Gòn, Việt Nam, tham gia hoạt động của Việt Minh, sống trong không khí của thời kỳ Tiền khởi nghĩa.

25.8.1945: Chính quyền Cách mạng, Ủy ban Hành chính Lâm thời Sài Gòn ra mắt đồng bào tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà.

23.9.1945: quân Pháp công khai gây hấn với Việt Minh.

6.1.1946: ở Hồng Ngự, làm thư ký cho Ủy ban Kháng chiến địa phương, tham dự cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

5.1946: trở lại Sài Gòn, và từ thời gian này tham gia các hoạt động đấu tranh bí mật tại nội thành (Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc...) với bí danh Yến Sa.

1948: gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

1949: sinh hoạt chi bộ cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

4.1951 - đầu năm 1954: bị địch bắt, giam tại khám Chí Hòa.

11.1954: tập kết ra Bắc, công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương.

1.12.1954: kết hôn với ông Đinh Khang, cán bộ quân đội, ngành Công binh sau 9 năm chờ đợi.

1956: sinh con trai Đinh Nam Thắng.

1957-1959: học lý luận chính trị cao cấp tại trường Nguyễn Ái Quốc.

1960: sinh con gái Đinh Thùy Mai.

20.12.1960: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.

1961: về Ban Thống nhất, phụ trách các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mặt trận; đổi tên thành Nguyễn Thị Bình.

1962-1968; hoạt động ngoại giao vận động các tổ chức nhân dân và chính phủ thế giới ủng hộ Việt Nam.

6.1962: dự Đại hội Sinh viên Dân chủ Thế giới ở Budapest (Hungary).

7.1962: dự Đại hội Thanh niên Dân chủ Thế giới ở Leningrad (Liên Xô - thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga ngày nay).

Cuối 1962: thăm Indonesia, gặp Aidit - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Indonesia (cùng GS. Nguyễn Văn Hiếu - Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam).

3.1963: dự Đại hội Đoàn kết Á-Phi lẩn thứ ba tại Tanzania với tư cách trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

1964: Thăm Indonesia lần thứ hai.

Cuối 1964: Dự Đại hội Phụ nữ Quốc tế, trưởng đoàn Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam.

1967: gặp mặt một số đại diện phong trào phản chiến Mỹ tại Bratislava.

4.11.1968: đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tới Paris, họp trù bị cho cuộc đàm phán kéo dài 5 năm hòa bình và độc lập của Việt Nam.

25.1.1969: Hội nghị bốn bên trong đàm phán Paris chính thức bắt đầu.

4.1969: thăm Vương quốc Anh, đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phát biểu trước nhân dân Anh yêu chuộng hòa bình tại Quảng trường Trafalgar.

5.1969: cha qua đời.

8.5.1969: tuyên bố lập trường 10 điểm của Mặt trận tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber (Paris).

6.6.1969: Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập; Nguyễn Thị Bình được giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam tại đàm phán Paris.

Đầu 1970: thăm Thụy Điển theo lời mời của Thủ tướng Olof Palme.

7.1970: thăm chính thức Ấn Độ và Sri Lanka.

17.9.1970: đưa ra tuyên bố 8 điểm trên bàn đàm phán Paris, yêu cầu Mỹ rút hết quân trước ngày 30.6.1971, thành lập Chính phủ Liên hiệp tại miền Nam Việt Nam...

9.1970: tới Lusaka (Zambia) vận động các nước thuộc Phong trào Không Liên kết kết nạp Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam làm thành viên của phong trào.

Đầu 1971: thăm Cuba trong “năm quốc tế vì Việt Nam”.

1.7.1971: Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam đưa ra kế hoạch 7 điểm yêu cầu Mỹ rút hết quân và thành lập Chính phủ hòa hợp dân tộc.

11.1.1972: Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp hai điểm: Mỹ rút quân và thành lập Chính phủ hòa hợp dân tộc gồm: Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, Chính quyền miền Nam và thành phần thứ ba.

3.1972-9.1972: quân dân trong nước bắt đầu cuộc tiến công lớn ở Đông Nam Bộ.

9.1972: Lê Đức Thọ mang tới Paris “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”.

18-31.12.1972: Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng.

23.1.1973: Lê Đức Thọ và Henri Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định Paris.

10h sáng 27.1.1973: bốn Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (William P. Rogers), Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Trần Văn Lắm) ký vào 32 văn bản của Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

27.2.1973: Hội nghị quốc tế xác nhận về mặt pháp lý Hiệp định Paris về Việt Nam, thông qua bản Định ước Quốc tế về Việt Nam (2.3.1973).
4.1973: rời Paris về Việt Nam.

4.1973-4.1975: tiếp tục hoạt động ngoại giao vận động nhân dân và chính phủ các nước ủng hộ, cùng lên tiếng đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Paris.

7.1973: Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Không Liên kết.

1974: nhận Huân chương Ben Barka.

6.1974: thăm Afghanistan, vận động chính phủ các nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.

9.1974: tham gia đoàn của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát thăm Vương quốc Campuchia.

30.4.1975: Giải phóng miền Nam Việt Nam; Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam được 65 nước công nhận chính thức về ngoại giao.

13.5.1975 mít tinh lớn gặp mặt nhân dân Sài Gòn. 
                                 
17.6.1975: Hội nghị Hiệp thương giữa Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
     
7.1975: Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Không Liên kết tại Lima (Peru), vận động các nước đồng ý kết nạp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm thành viên chính thức.   
                     
10.1975: thăm các nước Ả Rập với nhiệm vụ “vay dầu”; gặp Saddam Hussein, vay được 1,5 triệu tấn dầu với lãi suất ưu đãi.   
                                 
6.1976: Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khóa VI - hết khóa X (2001).   
                       
3.7.1976 - 2.1987: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thống nhất quản lý giáo dục hai miền Nam - Bắc. 
   
1977,1978: hàng ngàn giáo viên miền Bắc xung phong đi phục vụ sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh phía Nam.   
                   
11.1.1979: Ban hành Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, toàn diện, học đi đôi với hành.   
                       
1978-1979: diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia, chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam.

2.1979: Trung Quốc gây chiến trên biên giới phía Bắc Việt Nam.

4.1980: Hội nghị Giáo dục Toàn quốc tại Yên Dũng (Hà Bắc) về chăm lo đời sống giáo viên.

1981: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

1982 - nay: Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á-Phi (AAPSO).

1983: Nhà nước quyết định điều chỉnh thang lương cho ngành giáo dục và điều chỉnh chế độ theo thâm niên công tác; quyết định lấy ngày 20.11 hằng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam; quyết định ban hành các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Hè 1983: “Tuyên bố Sầm Sơn” của ngành giáo dục về quyết tâm cải cách giáo dục, kết hợp giáo dục và hướng nghiệp.

1984: thành lập Công ty Dịch vụ Giáo dục của Bộ Giáo dục làm đầu mối cho hoạt động sản xuất của các trường.

1986: Đổi mới.

Giữa năm 1987: Phó ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hòa bình, Đoàn kết, Hữu nghị; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Qua con đường ngoại    giao nhân dân vận động Chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam.   

25.12.1989: Ông Đinh Khang (chồng) qua đời.
       
1991: Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.   

8.10.1992 - 12.8.2002: Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (phụ trách đối ngoại, giáo dục, y tế, thi đua - khen thưởng).                               
1994: thăm các nước Tây Phi, gặp Jacques Diouf, Chủ tịch Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) mở ra quan hệ hợp tác về hỗ trợ phát triển nông nghiệp giữa Sénégal-Việt Nam-FAO. 
                 
1995: tham dự Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ tại Bénin, gặp Jacques Chirac.

1997: Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội.

1998: Chủ tịch danh dự Quỹ Nạn nhân Chất độc Da cam.

12.4.2001: nhận Huân chương Hồ Chí Minh,

8.2002: về hưu.

4.2003: Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển.

10.1.2004: Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam.

30.1.2004: Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam thay mặt các nạn nhân đưa đơn kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất chất độc có thành phần là chất độc da cam và dioxin.

2006: Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #45 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2023, 04:50:28 pm »

PHỤ LỤC ẢNH








« Sửa lần cuối: 11 Tháng Ba, 2023, 06:50:22 am gửi bởi hoi_ls » Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #46 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2023, 06:56:02 am »













Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #47 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2023, 06:15:37 am »










Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #48 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2023, 06:20:29 am »













Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #49 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2023, 06:35:54 am »

























Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM