Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:38:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình)  (Đọc 2530 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2023, 03:39:37 pm »

       Ngày 17.9.1970, tại bàn đàm phán Paris chúng tôi mở đợt tấn công 8 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam đòi Mỹ rút hết quân trước ngày 30.6.1971 và gạt bỏ Thiệu-Kỳ-Khiêm, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam. Tám điểm gây tiếng vang lớn ở các đô thị miền Nam và được dư luận thế giới hoan nghênh, cho là linh hoạt, mềm dẻo.

     Sau khi tôi được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán, tôi có thêm nhiệm vụ là đại diện ngoại giao về mặt nhà nước cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời, vận động chính phủ các nước công nhận ngoại giao chúng ta. Đến năm 1970 thì đã có 24 nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Việc tham gia Phong trào Không Liên kết được đặt ra thành một mục tiêu lớn để đề cao vị trí quốc tế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam. Phong trào này lúc đó đã gồm hơn 100 nước Á-Phi-Mỹ Latin của thế giới thứ ba chủ trương đấu tranh cho độc lập và không liên kết, nghĩa là không theo phe xã hội chủ nghĩa cũng không theo phe tư bản chủ nghĩa phương Tây. Cương lĩnh của Mặt trận, với đường lối ngoại giao hòa bình và trung lập, rất phù hợp với tôn chỉ mục đích của Phong trào Không Liên kết. Tuy nhiên, việc gia nhập được tổ chức này không đơn giản, dù chúng ta có nhiều bạn bè ở đấy. Tháng 9.1970, tôi được chỉ thị cùng các đồng chí Ngọc Dung, Bình Thanh, Lý Văn Sáu, Lê Mai đi Lusaka, thủ đô Zambia để vận động việc quan trọng này. Chúng tôi đến Tanzania để từ đó sang Zambia, nhưng khi đến thủ đô Dar-es-salam thì không tìm được đường bay sang Zambia, mà thời gian cuộc họp nguyên thủ các nước của phong trào đã gần kề. Thật hết sức lúng túng. Rất may gặp được chị Maria, thư ký riêng của Tổng thống Tanzania Julius Nyerere 1, một nhà chính trị lớn của châu Phi, vốn rất có cảm tình với cuộc đấu tranh của Việt Nam. Chị Maria gợi ý tôi xin đi nhờ chuyên cơ của Tổng thống. Tôi đến gặp Tổng thống và đặt vấn đề, ông rất vui vẻ nhận lời. Thế là năm chúng tôi lên chuyên cơ. Điều vui hơn nữa là cùng đi còn có Tổng thống Obote 2 của Uganda. Tôi ngồi ghế giữa hai Tổng thống, cùng trò chuyện, và khi xuống sân bay được đón tiếp long trọng như các nguyên thủ khác.

       Các Ngoại trưởng họp trước, sau mới đến cuộc họp các nguyên thủ. Tại cuộc họp Ngoại trưởng, các đồng chí Cuba và Algérie đặt vấn đề kết nạp Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Một cuộc vận động ráo riết diễn ra. Một số nước châu Phi có quan hệ chặt chẽ với Mỹ và chính quyền Sài Gòn chống lại, một số nước lưng chừng. Sau cùng hội nghị quyết định Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam bước đầu là quan sát viên của phong trào. Đây là một thắng lợi quan trọng, từ đây vị trí ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam đã khác trước. Tại hội nghị các nguyên thủ, tôi được mời phát biểu ý kiến. Cả hội nghị chăm chú lắng nghe. Ngày hôm sau tôi đến chào Thủ tướng Indira Gandhi, Tổng thống Nyerere, để cảm ơn sự ủng hộ của Ấn Độ và Tanzania... Nhiều nguyên thủ đều muốn gặp bà Ngoại trưởng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Đáng chú ý có Tổng thống Bokassa 3 của Cộng hòa Trung Phi. Ông từng là lính lê dương trong quân đội Pháp sang đánh nhau ở Việt Nam, nghe nói ông có một cô con gái rất xinh. Người đứng đầu Ethiopie, Hoàng đế H. Selassie 4 ăn mặc sang trọng theo cách của một vị quốc vương, đi giữa một đoàn tùy tùng rất đông và khúm núm. Đối với các vị ấy, sự xuất hiện của một nữ Ngoại trưởng đại diện cho một cuộc chiến đấu đang được cả thế giới chăm chú theo dõi khiến họ chú ý và ít nhiều có cảm tình. Tại các cuộc hội nghị quốc tế những năm sau, tôi luôn được sự ủng hộ của các đoàn Á-Phi, phối hợp chặt chẽ với họ, nhất là trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam, chống đế quốc, chống chiến tranh xâm lược. Nhiều Bộ trưởng Ngoại giao tôi quen biết về sau đã trở thành những nguyên thủ quốc gia như ở Algérie, Madagascar, Mali... Đến giờ họ vẫn giữ cảm tình tốt với Việt Nam, và riêng với cá nhân tôi.

      Tháng 10.1970, tôi đi thăm Bulgary - đất nước hoa hồng. Bulgary là đất nước nông nghiệp trù phú, hoa và quả có thể nói chất lượng bậc nhất châu Âu. Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bulgary Todor Zhivkov đã tiếp tôi rất nhiệt tình và trong lúc tôi và Ngoại trưởng Bulgary Nayden Belchev đang hội đàm thì được tin Tổng thống Pháp Charles de Gaulle mất, tôi phải trở về Paris đại diện cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miên Nam dự đám tang của ông, một đám tang hết sức trọng thể có sự tham gia của nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia từ khắp các châu lục. Sau đó tôi lại trở lại Bulgary để kết thúc chuyến thăm.




-------------------------------------------------------------------
1. Julius Kambarage Nyerere (1922-1999): chính trị gia, Tổng thống đầu tiên của Tamania từ 1961-1985.

2. Apolo Milton Obote (1925-2005): nhà chính trị lãnh đạo nhân dân Uganda giành độc lập từ thực dân Anh năm 1962, Thủ tướng Uganda các năm 1962-1966, Tổng thống Uganda các năm 1966-1971,1980-1985.

3. Jean-Bédel Bokassa (1921-1996): nhà quân sự, người đứng đầu nhà nước Trung Phi từ 1966-1979.

4. Haile Selassie I (1892-1975): Hoàng đế Vương quốc Ethiopie từ 1930-1974.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2023, 03:43:27 pm »

       Đầu năm 1971, tôi đi thăm Cuba. Đồng chí Fidel Castro 1 gọi năm ấy là “năm đoàn kết với Việt Nam”. Mở đầu là một cuộc mít tinh khổng lổ tại quảng trường José Marti, tôi có cảm giác toàn dân La Habana đều có mặt ở đầy. Chính tại đây đồng chí Fidel đã có câu nói rực lửa nổi tiếng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” Không khí vô cùng xúc động, mọi người hô lớn: “Việt Nam - Cuba!”, “Mỹ cút khỏi Việt Nam!”. Sứ quán ta cho biết sau đó có hàng ngàn lá thư của công dân Cuba tình nguyện sang chiến đấu bên cạnh các đồng chí Việt Nam. Tinh thần đoàn kết với Việt Nam thật sự thấm sâu vào từng gia đình, từng người dân Cuba, từ người già đến trẻ em. Các con của đồng chí Raúl Castro 2 và Vilma Espín 3 lúc đó đều còn nhỏ, khoảng mười một, mười hai tuổi. Cháu trai lớn cùng mẹ đến thăm tôi, cháu rất lạ khi thấy mái tóc dài của tôi. Cháu hỏi: “Cháu có thể sang Việt Nam chiến đấu không?” Tôi cảm động hỏi lại: “Cháu không sợ chết sao?”, “Nếu chết cháu sẽ là liệt sĩ!”, cháu tự hào trả lời...

     Năm 1972, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Không Liên kết họp tại Georgetown (Guyana). Đồng chí Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam dẫn đầu đoàn tiếp tục cuộc vận động vào Phong trào Không Liên kết. Tại đây ta đã vận động đa số các nước tán thành trình lên hội nghị các nguyên thủ họp vào năm sau, để Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam trở thành thành viên chính thức của phong trào. Và tháng 6.1973, tại hội nghị cấp cao nguyên thủ họp ở Algérie, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được công nhận là thành viên chính thức.

      Sẽ là thiếu sót lớn nếu tôi không nhắc đến những chuyến đi thăm Liên Xô và Trung Quốc trong khoảng thời gian này.

      Không thể nhớ tôi đã đi thăm chính thức Liên Xô, Trung Quốc bao nhiêu lần, và tôi cũng đã đi thăm hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Chính phủ và nhân dân ở đây đều bày tỏ tình cảm hết sức thân thiết với Việt Nam. Sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh của chúng ta là hết sức to lớn. Tôi đã từng tham dự những cuộc mít tinh đông hàng vạn người do Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc tổ chức tại Đại lễ đường Bắc Kinh, những cuộc mít tinh hết sức trọng thể của lãnh đạo Liên Xô tại Cung Hội nghị Kremlin... Mỗi lần trên đường từ Pháp về nước, đến Moskva, Bắc Kinh, chúng tôi cảm thấy an toàn và ấm áp như về đến nhà. Những năm tháng ấy quả là tình cảm thật sự chân thành.

      Năm 1971, tình hình chiến trường rất căng thẳng. Trên bàn hội nghị cuộc đấu lý cũng hết sức gay gắt. Đến những tháng cuối 1971, đẩu 1972 thế địch ta giằng co; trên bàn hội nghị cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục nhưng là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc” như lời các nhà báo. Có thể nói đây là thời gian chán ngán nhất của chúng tôi. Những lúc như thế càng thấy nhớ gia đình. Tôi đọc đi đọc lại mấy dòng chữ nguệch ngoạc của Mai, con gái tôi, đã mười một tuổi (khi tôi ra đi, cháu mới lên tám) “Chừng nào mẹ về với chúng con?” Chồng tôi vẫn ở trường Công binh nhưng sức khỏe anh đã bắt đầu giảm sút. Tôi thêm một mối lo mà chẳng biết làm sao, tôi không được ở gẩn để chăm sóc anh...

      Tâm trạng riêng của tôi là vậy, và tôi biết mỗi người trong đoàn đều có những ngổn ngang riêng, nhưng có điều rất đặc biệt là tất cả chúng tôi không bao giờ nghĩ Việt Nam có thể thất bại. Chúng ta nhất định chiến thắng, vấn đề chỉ là lúc nào? .




-----------------------------------------------------------------
1. Fidel Alejandro Castro Ruz sinh năm 1926, nhà cách mạng lỗi lạc, chính trị gia Cuba, nguyên Bí thư Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng, Tổng thống Cuba, Tổng Thư ký Phong trào Không Liên kết.

2. Raúl Modesto Castro Ruz sinh năm 1931, nhà cách mạng, chính trị gia Cuba, Tổng thống đương nhiệm của Cuba.

3. Vilma Lucila Espín Guiỉlois (1930-2007): nhà cách mạng, nhà nữ quyền, kỹ sư hóa học Cuba.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2023, 03:48:01 pm »

       Tháng 2.1971, Mỹ mở chiến dịch đường 9 Nam Lào nhằm cắt đứt liên lạc giữa Bắc-Nam, hòng bao vây cô lập Quân giải phóng của chúng ta, nhưng chúng đã thất bại nặng nề. Khi chúng tôi từ Paris thông báo cho Stockholm, Rome, Montréal, New York về việc Mỹ mở rộng xâm lược đối với Lào, thì từ các nơi này tin tức lập tức lan truyền đến các nước khác. Các cuộc biểu tình, mít tinh liền nổ ra khắp nơi, lên án Mỹ, đòi Mỹ chấm dứt leo thang chiến tranh.

      Những ngày đó, cả hai đoàn Nam Bắc chúng tôi rất bận rộn. Chúng tôi thực hiện cái mà chúng tôi gọi “đối ngoại phối hợp với chiến trường”. Hơn một tháng sau, quân Mỹ-Ngụy phải rút khỏi Nam Lào, tổn thất rất lớn về quân sự và cả về chính trị. Thế ta ngày càng mạnh lên rõ rệt. Với ý thức hết sức khiêm tốn, tôi nghĩ có thể nói những chiến sĩ ở Paris bấy giờ cũng đã góp phần dù nhỏ và gián tiếp của mình vào chiến thắng Nam Lào năm ấy.

     Ngày 1.7.1971, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam đưa ra kế hoạch nổi tiếng bảy điểm: Mỹ rút hết quân đi đôi với việc thả tù binh; chính quyền miền Nam phải từ chức và nhường chỗ cho một chính quyền mới sẵn sàng bàn bạc với Chính phủ Cách mạng Lâm thời để lập ra Chính phủ hòa hợp dân tộc. Như vậy là ta chủ động tách vấn đề rút quân Mỹ với vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam. Lại thêm một bước đi khôn khéo của chúng ta. Trong ngoại giao vẫn thế, rất nhiều khi mềm dẻo lại chính là tấn công. Sáng kiến này gây chấn động mạnh, được dư luận thế giới hoan nghênh, nhiều chính phủ các nước lên tiếng ủng hộ. Washington tìm cách bày mưu khác. Kissinger rồi Nixon đi thăm Bắc Kinh, thâm ý làm cho mọi người nghĩ rằng vấn đề Việt Nam sẽ do các nước lớn giải quyết với nhau, và cũng còn nhằm chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Báo chí nước ngoài nói nhiều về cuộc họp bí mật ở Thượng Hải và tuyên bố của Trung Quốc “Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi”. Tôi nghĩ rằng rồi lịch sử sẽ còn ghi nhớ cuộc họp bí mật “không bình thường” này.

     Không gì có thể làm cho nhân dân hai miền chúng ta nhụt chí, cuộc đấu tranh trên các mặt trận quận sự, chính trị, ngoại giao càng được đẩy mạnh.

      Giữa năm 1971, tôi về Hà Nội đúng những ngày lũ lụt lớn. Quân đội và nhân dân đang cố gắng vừa chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, vừa giữ vững đê sông Hồng hình như phải phá cả đê bao Gia Lâm để nước không tràn vào Hà Nội.

      Tháng 3.1972, quân dân ta bắt đầu cuộc tiến công lớn ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị - Thừa Thiên là hướng quan trọng. Chiến dịch ở Quảng Trị kéo dài đến tháng 9.1972 là một trong những chiến dịch ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam.

      Tôi trở lại Paris đầu năm 1972 và lại tiếp tục đến Kléber mỗi sáng thứ Năm. Trên chiến trường lúc này rất căng thẳng, nhưng trên bàn hội nghị thì vẫn là cuộc đối đáp “giữa những người điếc”. Cảm giác chán ngán vẫn đeo đẳng, cứ phải tố cáo âm mưu, tội ác của Mỹ-Thiệu, đòi Mỹ rút quân không điều kiện, không biết chừng nào mới ra khỏi bế tắc. Phải tìm cách gỡ ra cho kỳ được. Ngày 11.1.1972, tôi được chỉ thị đưa ra Tuyên bố hai điểm: Rút quân Mỹ, thành lập ở miền Nam một Chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần: Chính phủ Cách mạng Lâm thời, chính quyền miền Nam và thành phần thứ ba.

      Lúc này trên chiến trường quân ta ở thế phản công, ở Mỹ là năm bầu cử Tổng thống, Nixon đang chịu áp lực mạnh của nhân dân đòi đưa binh lính Mỹ về nước. Tôi cho rằng lập trường bảy điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời cùng hai điểm nói thêm, nhấn mạnh đến yêu cầu Mỹ phải rút quân, để các bên Việt Nam ở miền Nam giải quyết vấn đề nội bộ của mình, là một chủ trương chiến lược sáng suốt và đúng lúc, chúng tôi ra sức tuyên truyền, giải thích... Dư luận thế giới, đặc biệt ở Mỹ hoan nghênh, chính quyền Sài Gòn càng lúng túng, mâu thuẫn nội bộ của họ càng tăng, họ càng bị nhân dân căm ghét.

       Để đánh lừa dư luận Mỹ trước bầu cử rằng chính quyền Nixon đang sắp đạt được một giải pháp chính trị cho chiến tranh ở Việt Nam, tại Paris phía Mỹ đồng ý cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi vào đàm phán “bí mật”. Cuộc đấu trí lịch sử giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger bắt đầu. Có thể nói đến lúc này cả trên hai mặt trận quân sự và ngoại giao đều vào hồi quyết liệt. Đồng thời không quân Mỹ còn dự định ném bom phá đê sông Hồng giữa mùa nước lớn. Lúc đó, tại bàn hội nghị, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tiếng tố cáo âm mưu độc ác của Mỹ. Chúng ta đã mời nhiều đoàn khách quốc tế đến tận nơi để quan sát. Chính vào lúc này, chị Jane Fonda 1 đến thăm đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Paris, ăn cơm với tôi, rồi đi thăm Việt Nam. Và cũng vào dịp này, ông Ramsey Clark - nguyên Bộ trưởng Tư pháp dưới thời kỳ Tổng thống Johnson, ông đã từ chức vì không tán thành chính sách chiến tranh của Mỹ - cũng đi Hà Nội. Cả hai, chị Jane và ông Ramsey, sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ, đều nói điều “mắt thấy tai nghe” rằng đó là những đê điều bảo vệ đồng bằng sông Hồng, không phải là hệ thống  quân sự như chính phủ Mỹ lừa dối dư luận. Ông Raymond Aubrac, người bạn lớn của chúng ta ở Pháp cũng rất tích cực vận động Vatican, Liên hợp quốc lên tiếng ngăn chặn kế hoạch tội ác nói trên. Ở trong nước, chiến tranh lên đến đỉnh cao ở cả hai miền. Đường mòn Hồ Chí Minh bị bắn phá 24/24 giờ mỗi ngày. Các cảng ở miền Bắc bị thả thủy lôi bao vây.

      Ở Paris, chúng tôi từng giờ hướng về Quảng Trị, đặc biệt về cuộc chiến đấu ở Thành cổ nổi tiếng. Không có tin tức cụ thể, kịp thời, nhưng những gì được thông báo làm nhói tim chúng tôi. Chúng tôi biết các chiến sĩ của chúng ta đều rất trẻ. Họ hiểu cuộc giành giật “đất” ở đây có nghĩa là giành lại Tự do và Độc lập cho Tổ quốc, và họ sẵn sàng hy sinh. 81 ngày đêm khốc liệt, quân ta không giữ được Thành cổ, nhưng tinh thần kiên cường chiến đấu của các chiến sĩ là thể hiện quyết tâm không gì lay chuyển được của cả dân tộc, và ở Paris chúng tôi hiểu chính tinh thần đó đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của chúng tôi trên bàn hội nghị.

      Trong những ngày này, nhiều đoàn Mỹ đến thăm hai đoàn chúng tôi: các bà mẹ, những người vợ của các phi công, các đoàn tôn giáo, phụ nữ, thanh niên. Đặc biệt đoàn anh Martin Fenryder dẫn đầu 24 thanh niên Mỹ đến tặng tôi bài thơ cảm động anh vừa sáng tác:

            Tôi bị xô đẩy và thu hút
            Bởi sức mạnh tinh thần của Việt Nam.
            Mắt tôi lóa đi vì một ngọn lửa,
            Hiện thân của sức sống Việt Nam!
            Tim tôi nhảy múa vì xúc động
       Ôi! Tình yêu Việt Nam! Hòa bình!
            Tất cả sắp là hiện thực.
            Trong những giờ phút Paris ngắn ngủi
       Và bao nhiêu mơ ước.
            Và tất cả tù hai phương trời xa lắc
       Sẽ hòa thành một niềm chung vui!


      Đến cuối tháng 9.1972, chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây là thời cơ thuận lợi để ép Mỹ đi vào đàm phán thực chất. Đồng chí Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mang từ trong nước sang “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Chúng tôi được thông báo nội dung Dự thảo Hiệp định đã được Bộ Chính trị trong nước cân nhắc rất kỹ.

      Từ ngày đầu cuộc đàm phán đến tháng 9.1972, lập trường của Việt Nam luôn nhấn mạnh hai nội dung cơ bản, được coi là giải pháp “cả gói”: Mỹ phải rút quân hoàn toàn vô điều kiện ra khỏi miền Nam Việt Nam và phải xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên; hai vấn để này phải gắn chặt với nhau. Dự thảo Hiệp định lần này, ta chủ động nhấn mạnh việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh, song nới lỏng yêu cầu vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam.

      Khi biết được nội dung cụ thể của Dự thảo Hiệp định, một số đồng chí trong đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời chúng tôi cũng có những băn khoăn. Liệu để lại vấn đề chính trị ở miền Nam thì sau này cuộc giải phóng miền Nam có trọn vẹn không? Có thể chấm dứt chiến tranh không? Kinh nghiệm ở Lào cho thấy sau Hiệp định Genève 1962 vì chấp nhận chính phủ liên hiệp nhiều thành phần mà đã dẫn đến nội chiến. Và còn hàng chục vạn anh chị em tù chính trị của ta, có đảm bảo họ được thả và an toàn không? Chúng tôi phải trao đổi với nhau nhiều ngày, hình dung tình hình miền Nam sau khi rút quân... sẽ như thế nào? Nhưng rối mọi người cũng hiểu việc quân Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam là vấn đề mấu chốt.

      Trong hơn hai tháng giữa đồng chí cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và ông Henry Kissinger cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nixon, có những cuộc tranh cãi “nảy lửa”, xung quanh bản Dự thảo Hiệp định Paris. Lúc đó, dư luận quốc tế, nhất là ở Paris, nói nhiều về ông cố vấn, đặc biệt là Kissinger, như là một nhà ngoại giao khôn ngoan, có kinh nghiệm về đàm phán chính trị... Có người hỏi tôi gặp ông Kissinger không? Sự thật là tôi gặp ông nhiều lần nhưng mà “gián tiếp”, trong các cuộc đối thoại giữa hai ông cố vấn, khi nói đến lập trường của chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Chỉ một lần tôi và ông ấy trực tiếp nói chuyện với nhau là khi Hiệp định Paris được ký kết xong, nâng cốc sâm-panh, chúc mừng hòa bình!

      Đến đầu tháng 10.1972, hai bên đã thỏa thuận về cơ bản một dự thảo và dự định đến ngày 30.10 sẽ ký Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh. Những ngày này hai đoàn đàm phán chúng tôi hoạt động rất nhộn nhịp. Đoàn miền Nam tăng cường các cuộc tiếp xúc để làm dư luận rõ thêm lập trường của ta, tố cáo địch ngoan cố muốn kéo dài chiến tranh. Nhiều đại biểu các nước muốn biết kết quả của các tiếp xúc “bí mật”. Chúng tôi vừa phấn khởi, vừa lo lắng... Quả nhiên đến đầu tháng 11.1972, khi Nixon thắng cử, thì ông ta liền lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định. Và để buộc Việt Nam chấp nhận, ông ta đã tiến hành cuộc không kích tội ác liên tục 12 ngày đêm, từ ngày 18.12 đến ngày 31.12, bằng B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng.

      Khi nghe Mỹ dùng B52 oanh tạc thủ đô và các thành phố lớn của ta, chúng tôi thực sự lo. B52 là máy bay giội bom chiến lược hiện đại nhất của Mỹ, bay cao trên 10 km, có hệ thống máy bay chiến đấu hỗ trợ và gây nhiễu khiến ra-đa của ta khó phát hiện, tên lửa khó bắn trúng... Các bạn ở Pháp và các nước cũng đều lo lắng cho chúng ta, liệu lần này ta có chống cự được không? Đầy là đòn đánh phản trắc và ác liệt nhất của Mỹ. Ngày 21.12, chúng tôi tuyên bố ngừng đàm phán để phản đối. Đó là những ngày vô cùng căng thẳng.

      Chúng tôi hồi hộp theo dõi tình hình trong nước. Đến khi nghe tin chiếc máy bay B52 đẩu tiên bị bắn rơi ở Hải Phòng, rồi ở Hà Nội, liên tiếp bắn rơi một, hai, ba máy bay B52... chúng tôi vui mừng khôn xiết, tin rằng cuộc oanh kích cực kỳ dã man này của kẻ thù nhất định bị quân đội và nhân dân anh hùng của chúng ta đánh bại. Ngoài việc lo cho cái chung, tất cả anh chị em trong đoàn, nhất là các chị, đều hồi hộp theo dõi nghe ngóng các trận mưa bom B52 có rơi vào khu vực người thân mình đang sống không? Riêng tôi, khi nghe tin Mỹ giội bom trúng thị xã Hưng Yên, một thị xã nhỏ cách Hà Nội khoảng 30 km, tôi bàng hoàng lo lắng, không biết các con tôi có thoát khỏi nguy hiểm không? May quá, vài ngày sau, các đồng chí trong nước báo tin các con tôi đều an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhõm!

      Khi tôi rời Hà Nội đi Pháp tham gia cuộc đàm phán, con gái tôi lên 8 tuổi, con trai 11. Tôi rất nhớ chúng. Lâu lâu có người trong nước sang, tôi nhận được thư của anh Khang và hai con. Thư nào của Mai cũng hỏi “chừng nào mẹ về?” Điều mong muốn nhất của trẻ con Việt Nam lúc bấy giờ là được sống với cha, với mẹ...

      Tôi được gọi về nước cấp tốc. Đến Trung Quốc, tôi gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và một số lãnh đạo khác của Trung Quốc. Chủ tịch Mao nói: “Sao các đồng chí Việt Nam phản ứng mạnh như vậy? Rồi Mỹ sẽ ra đi thôi.” Tôi không hiểu ý của Chủ tịch nên cũng không trả lời. Giữa đêm 30.12, tôi về đến Hà Nội, được tin Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt ném bom.

      Mỹ đã cay đắng thấy rằng cả B52 cũng không thể làm nhụt ý chí của nhân dân ta; trái lại, ngoài thất bại quân sự, tổn thất nặng nề vể B52, thất bại chính trị của Mỹ còn lớn hơn. Cả thế giới lên án Mỹ. Chính phủ Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng ra tuyên bố “đáng tiếc” trước hành động này của Mỹ.

      Sau này, tôi được biết từ những năm 1960, Hổ Chủ tịch đã nói: “Kinh nghiệm ở Triều Tiên, Mỹ cuối cùng sẽ dùng B52 để đe dọa chúng ta.” Và theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ đó quân đội ta đã nghiên cứu cách hạ máy bay B52. Quả là Bác đã nhìn xa và quân đội ta thật anh hùng, thông minh.

      Ngày 21.1.1973, tôi trở lại Paris, thời tiết Paris bớt lạnh, nắng đẹp. Ngày 23.1.1973 đồng chí Lê Đức Thọ và Henri Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định. Và Hiệp định Paris được ký kết. Đòi hỏi dai dẳng từ đầu của Mỹ “Hai bên cùng rút quân (quân Mỹ và quân miền Bắc)”, cái gọi là “có đi có lại” đã thất bại. Phải ký Hiệp định hòa bình với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam rõ ràng Mỹ không còn con đường nào khác. Chúng ta đã đạt được thắng lợi to lớn, quan trọng, Mỹ phải rút hết đi, còn quân Việt Nam vẫn ở trên đất Việt Nam.

      Trong lòng tôi, một cảm xúc mãnh liệt, bên cạnh một cảm giác bình thản, vì đinh ninh cái gì phải đến, tất sẽ đến.

      Ngày 27.1.1973, ngày ký kết Hiệp định Paris, có một ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc. Đối với mỗi chúng tôi trong đoàn cũng là ngày không thể quên trong cả cuộc đời.

     Tất cả các báo trên thế giới đều đưa lên trang nhất sự kiện trọng đại này. Những người yêu hòa bình và công lý rên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng.

     Đêm 26 tháng Giêng, trong cả hai đoàn hẩu như không ai ngủ, mọi người đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc sẽ làm trong ngày hôm sau.

     Sáng 27.1.1973, phòng hội nghị Kléber rực sáng ánh đèn. Trước nhà hội nghị, hàng ngàn người - kiều bào ta, bạn bè Pháp và các nước - vẫy chào chúng tôi giữa một rừng cờ. Tôi bước vào phòng họp, rất hổi hộp... Đúng 10 giờ, bốn Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Mỹ (William P. Rogers), Cộng hòa miền Nam (Trần Văn Lắm) ngồi vào bàn. Mỗi người ký vào 32 văn bản của Hiệp định.

     Đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử, tôi vô cùng xúc động... Tôi như thay mặt nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ đấu tranh trên tiền tuyến và trong lao tù cắm ngọn cờ chiến thắng chói lọi. Vinh dự đó đối với tôi thật quá to lớn. Tôi không có đủ lời để nói lên được lòng biết ơn vô tận đối với đồng bào và chiến sĩ ta từ Nam chí Bắc đã chấp nhận mọi hy sinh dũng cảm chiến đấu để có được thắng lợi to lớn hôm nay, biết ơn Bác Hồ và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Mặt trận và Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã tin cậy giao cho tôi nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vẻ vang này. Tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc bà con Việt kiều tại Pháp và các nước xung quanh, cảm ơn bạn bè quốc tế đã hết lòng vì cuộc chiến đấu của chúng ta, cảm ơn sự đoàn kết cộng tác của tất cả anh chị em trong hai đoàn đàm phán và các cơ quan, đoàn thể của ta ở Paris. Và tôi nghĩ đến gia đình, đến chồng con...




--------------------------------------------------------------------
1. Jane Fonda sinh năm 1937, diễn viên, nhà văn, nhà hoạt động chính trị người Mỹ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2023, 03:53:31 pm »

*
*      *


      Nhưng thực tế không hoàn toàn suôn sẻ. Mỹ vẫn chưa chịu thua, ngay khi buộc phải đặt bút ký họ đã toan tính và hy vọng vào kết quả của những âm mưu tiếp theo. Chúng ta biết rõ điều đó. Nhưng với chúng ta, Hiệp định Paris được ký kết là một thắng lợi lớn, một bước tiến có tính chất quyết định để đi đến thắng lợi cuối cùng, giành lại toàn vẹn non sông. Uy tín của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở trong nước cũng như vị thế ngoại giao trên trường quốc tế càng được củng cố và nâng cao.

      Một tháng sau, ngày 2.3.1973, một hội nghị quốc tế được tổ chức để xác nhận về mặt pháp lý của Hiệp định Paris về Việt Nam, tại trung tâm hội nghị quốc tế Kléber.

      Để tiến tới hội nghị quốc tế, phía ta và Mỹ cũng phải tranh cãi về địa điểm hội nghị: ở Paris, New York hay Genève...? Rồi thành phần hội nghị? Thể thức cuộc họp? Có hôm phải họp đến gần sáng. Sau cùng đi đến thỏa thuận:

      Hội nghị gồm 12 đoàn đại biểu Chính phủ do Bộ trường Ngoại giao các nước dẫn đầu và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Kurt Waldheim 1 là khách mời. Trong 12 đoàn, phía ta mời thêm đoàn đại biểu Ba Lan, Hungary; phía Mỹ mời Canada, Indonesia; hai bên Việt Nam và Mỹ cùng mời Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh.

      Mấy ngày trước hội nghị quốc tế, tôi được tin ông Kurt Waldheim đích thân sang Paris để gặp hai đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam. Ông mong muốn có vai trò cá nhân quan trọng tại hội nghị quốc tế về Việt Nam và cả sau này. Các đồng chí ở đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho biết vấn đề này do đoàn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam quyết định, nên ông sang gặp tôi tại trụ sở đoàn ở Verrières-le-Buisson. Trong cuộc nói chuyện ông cho biết Liên hiệp quốc công nhận thực tế ở Việt Nam có ba chính phủ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam, và gợi ý sau này Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam có thể xin quy chế quan sát viên như chính quyền Sài Gòn... ông còn ngỏ ý muốn biết Liên hiệp quốc có thể làm gì để giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước...

      Mọi người đều biết thái độ của Liên hiệp quốc đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như thế nào và ý đồ của Tổng Thư ký chắc chắn cũng không đơn giản.

      Trong bối cảnh đó, ta không thể nhận Liên hiệp quốc là thành viên của hội nghị quốc tế vể Việt Nam và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc chủ trì hội nghị. Nhưng để tranh thủ Liên hiệp quốc, hai đoàn chúng ta thống nhất mời ông Waldheim làm khách mời quan trọng của hội nghị.

      Tại hội nghị quốc tế lẩn này, sau khi phát biểu cảm ơn Chính phủ Pháp - nước chủ nhà, đã tạo điều kiện cho hội nghị bốn bên về Việt Nam tiến hành hơn bốn năm và nay lại hội nghị quốc tế về Việt Nam... Tôi đã lên án Mỹ-Ngụy không nghiêm chỉnh thi hành lệnh ngừng bắn, ra sức lấn chiếm vùng giải phóng (lúc đó ta đã có nhiều tin tức về hoạt động của kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của quân Sài Gòn), nhiều đoàn đại biểu phát biểu tán thành... Có một cuộc tranh luận ngắn liên quan đến đề nghị của đoàn Sài Gòn muốn bài phát biểu của họ được xem là tài liệu chính thức của hội nghị, bị mọi người bác bỏ... Cuối cùng các đoàn đi đến nhất trí với bản Định ước Quốc tế về Việt Nam.

      Ngay trong lúc chuẩn bị lễ ký kết Hiệp định Paris, đoàn miền Nam đã cử đồng chí Đặng Văn Thu và đồng chí Lê Mai 2 về Sài Gòn, tham gia đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên và hai bên ở Tân Sơn Nhất theo đúng lộ trình thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định.

      Một tuần sau lễ ký Hiệp định, chúng tôi cùng bà con Việt kiều ở Paris đón Tết Quý Sửu. Đây là cái Tết thứ năm và cũng là Tết cuối cùng của đoàn đàm phán trên đất Pháp. Không thể tả hết niềm hạnh phúc và hân hoan của mọi người.

      Ngay sau hội nghị quốc tế về Việt Nam, theo điều 12 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, hai bên miền Nam “sẽ họp lại để bàn và ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam”. Tôi và Trần Văn Lắm, Ngoại trưởng của Chính quyền Sài Gòn đã họp để chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương giữa hai bên nhưng mãi đến 19.3.1974 tại lâu đài La Celle-Saint-Cloud, phía Tây Nam Paris, mới có cuộc họp đầu tiên của hai bên: bên Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam do Giáo sư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu, còn phía Sài Gòn là Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên làm trưởng đoàn. Cuộc họp hai bên kéo dài đến tháng 4.1974 thì giải tán. Trong lúc đó, trên chiến trường, chiến tranh tiếp tục ác liệt giữa Quân giải phóng và quân Cộng hòa Sài Gòn. Bom đạn vẫn nổ, máu vẫn đổ. Một số nơi, lúc đầu vùng giải phóng của ta bị địch lấn chiếm, nhưng sau đó ta đã kịp thời phản công. Ở Khu 9, do quán triệt tư tưởng tấn công từ đầu, không những ta đã giữ vững trận địa mà địch còn bị đánh trả mạnh mẽ. Khi tôi từ Hội nghị Paris về nước, đi thăm một số địa phương và đơn vị, các đồng chí nói đùa “Các đồng chí ký Hiệp định Paris, chúng tôi phấn khởi “tơi bời!”.

     Trong mấy năm ở Paris, ngoài những công việc khác, chúng tôi - trực tiếp nhất là chị Nguyễn Thị Chơn, anh Phan Nhẫn - còn có nhiệm vụ vận động bà con Việt kiều ở các nước và những người từ miền Nam sang. Anh chị em thuộc các tổ chức Việt kiều yêu nước ở Đức, Canada, Bỉ, Ý... thường xuyên đến gặp hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam để được thông báo tình hình, nhận nhiệm vụ vận động bạn bè các nước sở tại... Chúng tôi rất xem trọng công việc này.

     Sau này, đôi lúc rảnh rỗi, giở lại các cuốn sổ ghi vắn tắt các hoạt động của đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Paris, chữ viết tắt, chi chít, có chỗ chính tôi cũng không còn đọc ra được, tôi ngạc nhiên không thể tưởng tượng khối lượng công việc của chúng tôi những năm tháng ấy nhiều như vậy! Nào là các cuộc họp đoàn với đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy để nghe thông báo về tình hình chiến sự và chính trị trong nước, về nhận định tình hình quốc tế, nghe truyền đạt chỉ thị mới của lãnh đạo trong nước cho hai đoàn; nào hội ý giữa hai đoàn trao đổi về phương án đấu tranh và nội dung các bài phát biểu tại bàn đàm phán, dự kiến phản ứng của đối phương, đối sách của ta; nghe phản ảnh về động thái của đối phương, dư luận của báo chí, nhất là của Mỹ và phương Tây; bàn việc cử các đoàn đi tham gia các hoạt động đoàn kết với Việt Nam, đi dự các hội nghị quốc tế, thăm các nước; phân công tiếp xúc các đoàn đại biểu quốc tế, với kiều bào; bàn kế hoạch trả lời phỏng vấn của các báo, các hãng vô tuyến truyền hình; cung cấp tin tức cho các tổ chức bạn bè... Nhìn lại, đúng là cái tập thể nhỏ bé của chúng tôi đã nỗ lực hết mình, làm tốt mọi nhiệm vụ. Và tôi càng hiểu vai trò và ý nghĩa quan trọng của hoạt động ngoại giao. Một đường lối ngoại giao đúng đắn, khôn ngoan có thể hỗ trợ và phát huy kết quả chiến trường một cách có lợi nhất cho chúng ta.

      Tôi rời Paris về nước đầu tháng 4.1973. Cuộc tiễn đưa tại sân bay Bourget - cũng đúng là nơi hơn bốn năm về trước tôi đã bước chân đến để tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam, - thật xúc động. Bà con Việt kiều, bạn bè Pháp, các nhà báo Pháp và đại diện các nước quen thân đến rất đông. Các chị phụ nữ Pháp ở UFF nghẹn ngào ôm tôi: “Chúng tao sẽ rất nhớ Bình. Từ đây chúng tao không còn được thấy hình ảnh Bình mỗi ngày thứ Năm trước các nhà báo Pháp ở Trung tâm hội nghị Kléber vẫy gọi “Bà Bình hãy cười lên!”.” Chắc chắn các bạn cũng biết rằng tôi cũng sẽ rất nhớ nước Pháp, nhớ các bạn, nhớ rất nhiều, nhớ những đồng chí lái xe, bảo vệ người Pháp Pierre, Toto, Alain... mà Đảng Cộng sản Pháp cử đến phục vụ đoàn trong suốt thời gian đàm phán, nhớ bà con kiều bào đã không tiếc sức, tiếc thời gian chăm lo cho đoàn, bác Ty, bác Khải, Hoàng Anh, bác sĩ Phan...

      Trên đường về nước, tôi ghé qua Moskva, được ba đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô là Podgorny 3, Suslov 4, Brezhnev 5 đón tiếp niềm nở; và tôi được trao tặng Huân chương Hòa bình, một danh hiệu cao quý nhất của Liên Xô. Về đến Trung Quốc, tôi cũng được đón tiếp rất trọng thị. Thủ tướng Chu Ân Lai và một số đồng chí lãnh đạo Trung Quốc mở tiệc mừng.

      Tất nhiên niềm vui to lớn hơn cả là về nước với đồng bào, đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... chúc mừng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Và tôi đã lại được trở về với cái tổ ấm nhỏ thần thương nhất của tôi, gặp lại chồng con trong nỗi mừng vui khôn tả.




-----------------------------------------------------------------
1. Kurt Josef Waldheim (1918-2007): nhà ngoại giao, chính trị gia người Áo, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc giai đoạn 1972-1981.

2. Lê Mai (1940-1996): từng tham gia Hội nghị Paris, ông là một nhân tố tích cực trongquá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.

3. Nikolai Viktorovich Podgorny (1903-1983): chính khách, từng giữ chức chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô (1965-1977).

4. Mikhail Andreyevich Suslov (1902-1982): chính khách, từng giữ chức Bí thư thứ 2 Đảng Cộng sản Liên Xô.

5. Leonid Ilyich Brezhnev (1906-1982): chính khách, từng giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2023, 04:26:24 pm »

Toàn thắng


      Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, nhưng chiến tranh vẫn kéo dài. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục vai trò trên thế mới. Tôi về Hà Nội làm tiếp nhiệm vụ.

      Trong hoàn cảnh chiến tranh và trên thực tế miền Nam là chiến trường chính, miền Bắc là hậu phương lớn, để điều hành và triền khai kịp thời các mặt công tác ngoại giao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nhất là từ khi có Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miên Nam Việt Nam, tại Hà Nội đã thành lập CP72, đảm nhận triển khai các mặt hoạt động đối ngoại của Mặt trận - Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Cơ quan gổm 10 đơn vị và khoảng hơn hai trăm cán bộ, nhân viên. Tôi được cử làm Bí thư Ban cán sự CP72 về mặt Đảng. Có ba đồng chí Thứ trưởng Ngoại giao, là những người cộng sự thân thiết, hết sức đắc lực của tôi: Hoàng Bích Sơn, Võ Đông Giang, Lê Quang Chánh. Tại Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng có một bộ phận lo công tác đối ngoại, trụ sở chính thức ở Lộc Ninh. Nhưng phần lớn các hoạt động ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời được thực hiện ở vùng giải phóng Quảng Trị, tại Cam Lộc, cách cầu Hiền Lương 10 km. Ở đây, trụ sở Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ cách đồn bốt địch trên 10 km đường chim bay. Nếu không có tiếng súng nổ từ bên kia lâu lâu dội lại thì không ai nghĩ là ta ở sát địch đến thế. Các anh bên quân sự cho biết không có gì đáng ngại, nếu ta ở dưới tầm pháo của địch thì địch cũng ở dưới tầm pháo của quân ta.

      Bộ Ngoại giao của chúng tôi được xây trên một diện tích khoảng hai hecta, gồm ba gian nhà chính, làm bằng gỗ ép chắc chắn, sơn thếp lịch sự. Gian nhà giữa có phòng lớn để tiếp khách, nhận quốc thư. Dãy nhà bên trái là “khách sạn” dành cho khách nghỉ.

      Tại đây, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp đại biểu các nước trình quốc thư; đón tiếp nhiều đoàn khách quan trọng, trong đó có đoàn của đồng chí Fidel Castro, đoàn của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Georges Marchais...

      Công việc ngoại giao của tôi và anh em CP72 cũng rất bận rộn. Tùy theo tình hình, chúng tôi, với danh nghĩa Mặt trận hay Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra các tuyên bố vạch trần âm mưu của Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris, gây tội ác đối với nhân dân. Chúng tôi cũng tiếp tục cử các đoàn đại biểu đi dự các hội nghị quốc tế, vận động các nước ủng hộ nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định... Vào những ngày lễ, đặc biệt ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - 20.12 hay ngày thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời - 6.6, chúng tôi tổ chức các cuộc chiêu đãi lớn, có cả văn công biểu diễn. Ai đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị cũng có ấn tượng rất tốt về đất nước và con người Việt Nam, mặc dù còn rất nghèo nhưng cán bộ cũng như nhân dân địa phương đều luôn hồ hởi, mến khách.

      Việc quan trọng nữa của tôi là tiếp tục vận động các nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thời gian trước Hiệp định Paris, Mặt trận dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã có quan hệ ngoại giao với nhiều chính phủ, đến cuối năm 1973 có tất cả 32 nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam.

      Chúng tôi không những tích cực vận động các nước công nhận ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà còn quan tâm đến việc lên tiếng ủng hộ và công nhận về mặt Nhà nước các chính phủ của các nước được thành lập qua các cuộc đấu tranh của nhân dân giành độc lập.

      Tháng 1.1972, chính phủ nước Cộng hòa Bangladesh ra đời, đứng đầu là nhà yêu nước lớn của Bangladesh, Thủ tướng Mujbur Rahman. Tháng 1.1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Bangladesh. Đồng thời chính phủ Bangladesh cũng công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Tháng 6.1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam đặt sứ quán ở Dhaka. Nhân dân Bangladesh đánh giá cao thái độ của ta.

     Tại Tân Sơn Nhất, ở nơi gọi là “Trại David”, đoàn Liên hiệp quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Thượng tướng Trần Văn Trà, về sau là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, làm trưởng đoàn, đã phải đấu tranh rất căng thẳng, với đối phương suốt hơn hai năm trời, đến tận ngày giải phóng Sài Gòn.

     Không những anh em trong đoàn Liên hiệp Quân sự bốn bên ở Trại David phải đấu tranh căng thẳng và thường xuyên chống lại các vi phạm về quân sự Hiệp định Paris của quân Sài Gòn, mà các đồng chí trong đó có bạn tôi, Ngọc Dung (được phong thiếu tá để đi làm nhiệm vụ) phải đấu tranh hết sức gay go để đòi trao trả tù binh và 20 vạn chính trị phạm.

     Tháng 7.1973, chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dự Hội nghị cấp cao lần IV các nước Không Liên kết tại thủ đô Algers. Tôi cùng một số Bộ, Thứ trưởng tham gia đoàn. Hội nghị đã long trọng công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức các nước Không Liên kết. Nhiều vị lãnh đạo các nước như Chủ tịch Fidel Castro, Tổng thống Algérie Boumédienne, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk 1 cùng nhiều nguyên thủ khác đã đến chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Đại diện của nhiều nước khác cũng nhiệt liệt chia sẻ niềm vui chiến thắng của Việt Nam, đòi Hiệp định Paris phải được nghiêm chỉnh thực hiện, và khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến đấu của chúng ta.

     Sau Hội nghị Algers, tôi cùng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đi thăm một số nước châu Phi để cảm ơn các bạn đã ủng hộ cuộc chiến đấu của chúng ta. Sau khi thăm chính thức Liên Xô và Trung Quốc, chúng tôi đi thăm Algérie rồi Sénégal, Ai Cập, Tanzania, ở đâu Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng được đón tiếp hết sức long trọng và thân tình. Lúc đó, việc đi lại của đoàn được thuận lợi hơn nhờ Trung Quốc đã cho mượn một chiếc chuyên cơ. Trong chuyến đi Tanzania, có một sơ suất nhỏ của bạn nhưng cũng là chuyện vui. Đến sân bay, đoàn nhạc binh của bạn cử quốc ca chào mừng đoàn, nhưng lại cử bài Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước bị chính quyền Sài Gòn lấy làm “quốc ca” mà bạn không biết. Bạn phân trần mãi, ở xa quá không biết quốc ca nào là của ai. Ngày hôm sau tại Zanzibar, một hòn đảo nhỏ của Tanzania, bạn lại diễu binh và cử bài Giải phóng miền Nam để “sửa sai”.

      Đầu năm 1974, bất ngờ xảy ra một sự kiện lớn. Ngày 19.1, Trung Quốc đưa chiến hạm và máy bay ngang nhiên đánh chiếm đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam - lúc đó còn do chính quyền Sài Gòn quản lý. Trận đánh ác liệt, với lực lượng chênh lệch, lại được Mỹ im lặng đồng lõa, cuối cùng Trung Quốc chiếm được đảo 2.

      Ngày 26.1.1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra tuyên bố 3 điểm: khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với Hoàng Sa; mọi tranh chấp về biển đảo, lãnh thổ sẽ giải quyết bằng thương lượng; sẵn sàng cùng với các bên liên quan bàn bạc.

      Hóa ra đây là điểm mở đầu một giai đoạn phức tạp tranh chấp chủ quyển ở biển Đông giữa Trung Quốc và ta.




-------------------------------------------------------------------
1. Norodom Sihanouk sinh năm 1922, Quốc vương Campuchia từ 1941-1955, 1993-2004.

2.  Trận chiến ở Hoàng Sa, ngày 19 đến 20 tháng giêng 1974: Tài liệu Bộ Ngoại giao Mỹ trong cuốn sách Foreign Relations of the United States (FRUS, Vietnam) cho thấy Tổng thống Mỹ Nixon và Trung Quốc đã cấu kết và đánh đổi về vấn đề Việt Nam khi ra Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2 năm 1972.
      Sau khi Trung Quốc tấn công Hoàng Sa tháng 3 năm 1972, Mỹ gửi Chính phủ Trung Quốc một bức điện: "Vì lợi ích quan hệ Mỹ-Trung phía Mỹ đã ra lệnh giữ khoảng cách Hoàng Sa tối thiểu 12 hải lý. Việc này không liên quan tới lập trường của Mỹ về vấn đề lãnh hải hay những đòi hỏi về lãnh thổ ở các hòn đảo của Hoàng Sa."
      Sau đó, ngày 19.1.1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (đang do chính quyền Sài Gòn quản lý) để rồi thực hiện trong năm 2009 cái gọi là Đường 9 đoạn ("Lưỡi bò"). Mỹ đã không bảo vệ đồng minh là quân đội Sài Gòn. Cũng theo cuốn sách FRUS, ngày 25.1.1974 trong "Biên bản của Washington special Actions Group" Đô đốc Thomas Moorer (Chủ tịch Liên quân Mỹ) trả lởi Henry Kissinger (lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao): "Chúng ta (Mỹ) tránh xa vấn đề này... Toàn khu vực có vấn để... Chúng tôi đã ra lệnh tránh xa khu vực này."
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2023, 04:36:01 pm »

       Tháng 6.1974, tôi được mời dự Hội nghị Á-Phi họp ở Cairo. Trên đường đi, tôi đã thăm thủ đô Kabul (Afghanistan) để vận động công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày nay, cả thế giới đều biết Afghanistan vì những bi kịch xảy ra ở nước này từ hơn 10 năm nay. Lúc đó có ít đoàn Việt Nam đến đây. Afghanistan là nước Trung Á, nằm giữa Nga, Pakistan và Iran, núi non trùng điệp, ngay thủ đô Kabul cũng được xây dựng trên đồi núi. Afghanistan vừa chuyển sang chế độ cộng hòa. Tổng thống là Mohamed Daoud 1. Tôi và hai đồng chí cán bộ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Bộ Ngoại giao Afghanistan đón tiếp rất niềm nở. Rất mừng là họ cũng có theo dõi tình hình và biết Việt Nam đã ký kết Hiệp định Paris năm trước. Tôi trình bày yêu cầu của đoàn mong muốn Afghanistan công nhận ngoại giao. Cuộc trao đổi của chúng tôi không mấy khó khăn, nhưng phía bạn cho biết phải trình ra Quốc hội, chắc chắn là Quốc hội sẽ thông qua, nhưng đó là một thủ tục không thể bỏ qua. Tôi nằn nì, cho biết chúng ta cần có sự ủng hộ tích cực và kịp thời. Bạn tỏ ra thông cảm nhưng không đáp ứng được ngay mong muốn của đoàn. Tôi ra về với lời hứa của bạn là sẽ cố gắng giải quyết thật sớm. Cuối tháng 6.1974, Chính phủ Afghanistan tuyên bố công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam.

      Khoảng tháng 9.1974, tôi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung tham gia đoàn đại biểu của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu đi thăm Vương quốc Campuchia. Bộ phận của CP72 của chúng tôi cũng cử người đi cùng đoàn gồm các đồng chí Quyền Sinh, Trương Tùng - nhà báo, Lương Xuân Tâm - phóng viên quay phim, bác sĩ Nhung - phụ trách chăm sóc sức khỏe.

     Chuyến vào Nam lúc này đã thuận lợi nhiều, nhưng cũng phải mất mười hai ngày đi ôtô com măng ca, đêm đi ngày nghỉ. Đây là chuyến đi lịch sử đối với tôi, dọc đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng. Vừa bắt đầu con đường lịch sử này đã thấy một hàng chữ to xếp trên vách núi gây xúc động: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!”. Quả là để xây dựng con đường này phải xẻ biết bao núi, lấp biết bao hố sâu... Chỉ có lòng yêu nước cao độ của con người mới có thể thực hiện được những công trình vĩ đại như vậy! Mười hai ngày đêm trên đường Trường Sơn huyền thoại, không biết chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu núi đồi, sông suối... Đặc biệt ấn tượng đối với tôi là các cuộc gặp gỡ hàng trăm cô gái thanh niên xung phong trên đường. Đó là những trung đoàn sửa đường, lấp đường, dọn đường cho các đoàn xe tải, xe quân sự đi qua, sau những trận bom dữ dội. Nhìn các cô gái độ tuổi hai mươi lem luốc, vừa đào đào bới bới, vừa cười cười nói nói, không nghĩ gì đến nguy nan, lòng tôi se lại. Sau này tôi được biết phẩn lớn các cô đến khi phục vụ chiến trường trở về thì đã luống tuổi, nhiều người không lấy được chồng, không nghề nghiệp, thật đáng quý những người con gái can trường mà vô danh đó của Tổ quốc, và cảnh ngộ của chị em cũng thật đáng thương. Đã có biết bao hy sinh âm thầm như vậy trong suốt cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ và khốc liệt của chúng ta, và quả thật chúng ta chưa bù đắp hết công lao của họ, để họ phải mãi mãi thiệt thòi...

     Trên đường mòn Hồ Chí Minh, có những đoạn đi cả nửa ngày không thấy một bóng người, chúng tôi đi hai xe, lâu lâu gặp chỗ khó đi, nghỉ lại, tôi cứ hỏi các đồng chí xem có lạc đường không. Nhưng rồi xe vẫn đến đích, đúng thời gian. Đến mỗi trạm binh, chúng tôi được các đồng chí ở trạm đón tiếp rất chu đáo. Thế nào cũng có một thùng nước để tắm, một bữa cơm với thịt thú rừng và rau xanh tự túc của anh em; tối lại được uống một cốc ngũ gia bì có đường, cho nên đi đường có mệt cách mấy cũng ngủ một giấc thật ngon. Một tối, chúng tôi phải đi qua một con sông, địch đã bắn hỏng chiếc cầu dã chiến, hai bên bờ xe ùn lại rất đông. Các chiến sĩ công binh tập trung lại, người lặn lội dưới sông, người vác vật liệu. Tấp nập nhưng không một tiếng ồn ào. Nhìn các chiến sỹ, hầu hết còn trẻ măng, tôi thương vô cùng. Nếu không có chiến tranh, hẳn những chàng trai trẻ ấy đã có thể là sinh viên, hay công nhân, nông dân đang học tập, lao động ở một nơi nào đó trên quê hương. Đến gần Lộc Ninh, Bù Đốp, mặt trận tiền phương, tôi gặp một đơn vị hậu cần. Thật thích thú là ở đâu cũng có hoa phong lan nở rất đẹp, giữa chiến tranh ác liệt mà anh em bộ đội ta vẫn thích chăm chút cho hoa. Một số đồng chí tôi gặp lần đó, qua chiến dịch mùa xuân năm sau, không còn nữa...

     Vương quốc Campuchia là nước láng giềng anh em, hai dân tộc đã sát cánh chiến đấu chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ. Hai nước dành cho nhau sự ủng hộ giúp đỡ quý báu. Campuchia ở sát biên giới Việt Nam nhưng đường đi đến cơ quan của Chính phủ Campuchia sao mà lòng vòng, đi suốt ngày đêm qua những cánh rừng cao su, không một bóng người. Sau cùng chúng tôi đến một trạm có nhiều binh sĩ Campuchia canh gác và được đưa đến một nhà khách làm bằng gỗ, tương đối khang trang.

     Trước khi đi thăm Campuchia, chúng tôi được biết các bạn Campuchia có thắc mắc việc ta ký Hiệp định Paris về Việt Nam, họ cho rằng như vậy không thuận lợi cho cuộc đấu tranh của Campuchia (?). Qua chuyến đi này, chúng tôi muốn làm sáng tỏ các vấn đề trong quan hệ giữa hai nước. Trong đàm phán với Mỹ, mặc dù Mỹ muốn gắn kết vấn đề Campuchia với vấn đề Việt Nam, nhưng phía Việt Nam kiên quyết không chấp nhận, và luôn giữ vững lập trường vấn đề Campuchia phải do nhân dân Campuchia quyết định. Đoàn muốn nói rõ việc Việt Nam ký Hiệp định Paris chính là tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Campuchia, và trên thực tế Việt Nam đã góp phần thiết thực vào sự giải phóng của Campuchia (17.4.1975) trước cả ngày miền Nam được giải phóng 30.4.1975. Nhưng khi đặt chân đến Campuchia, chúng tôi nhận ra một không khí lạnh nhạt bao trùm, tình hình quả là không đơn giản. Sau này, tôi càng hiểu ra là lãnh đạo Campuchia lúc đó đã bắt đầu có lập trường chống Việt Nam. Những sự kiện bi đát về sau càng chứng minh điều này, và nguyên nhân của tình hình ngày càng rõ. Đã có những dấu hiệu đáng lo ở sườn phía Tây Nam của đất nước.

      Sau một thời gian ngắn ở Trung ương Cục, đầu năm 1975 tôi được lệnh phải trở ra miền Bắc gấp để đi một chuyến công du nước ngoài. Lần này ra thì nhanh hơn, tuy có bị máy bay của chính quyền Sài Gòn bắn hai lần. Nhưng cảnh tượng Trường Sơn lại đặc biệt nhộn nhịp. Đổ vào chiến trường tấp nập ngày đêm rất nhiều xe thiết giáp, xe vận tải chở đạn..., và cuồn cuộn những đoàn quân nối tiếp nhau, những chiến sĩ rất trẻ từ các tỉnh phía Bắc đi ra chiến trường mà như đi trẩy hội. Chiến dịch mùa Xuân 1975, trận cuối cùng của cuộc chiến 21 năm đang được ráo riết chuẩn bị.

      Trên chiến trường, tương quan địch-ta thay đổi nhanh chóng, có lợi cho ta. Ở vùng tạm chiếm, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đẩy mạnh việc tập hợp lực lượng chính trị, đặc biệt trong giới trí thức tư sản, tôn giáo, kể cả giới thân chính quyền Sài Gòn, nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc và phân hóa đối phương. Mặt khác, sau khi ký Hiệp định Paris, vói điều khoản “Mỹ và các nước đồng minh phải rút hết quân, thành lập Hội đồng hòa giải và hòa hợp dân tộc ba thành phần” nhiều chính khách ở Sài Gòn, kể cả một số cựu bộ trưởng của chính quyền Sài Gòn, thuộc “lực lượng thứ ba” đã tích cực tham gia.

      Tình hình quân sự và chính trị trong nước đều thuận lợi.

      Trước thất bại liên tiếp của quân đội Sài Gòn trên các mặt trận, một sổ phẩn tử diều hâu ở Mỹ đã nói đến việc phải đưa quân trở lại để cứu chính quyền đồng minh. Cần tố cáo ý đồ nguy hiểm đó. Cần làm rõ chính quyền Sài Gòn không chịu thi hành Hiệp định Paris chính là vì Mỹ vẫn giúp đỡ họ kéo dài chiến tranh. Vận động dư luận thế giới lúc này là rất quan trọng. Tôi ra đến Hà Nội tháng 2.1975 liền được giao nhiệm vụ cùng ba đồng chí khác đi một số nước châu Âu và châu Phi để làm nhiệm vụ này.

      Lúc đó tôi cũng chưa biết được thật rõ âm mưu của chính quyền Nixon, chỉ biết rằng theo chỉ thị của lãnh đạo phải thông báo cho bạn bè quan tâm, cảnh giác để khi cần thiết có thể ủng hộ chúng ta kịp thời. Qua nhiều tài liệu tiết lộ sau này, đặc biệt qua cuốn sách của Larry Berman Không hòa bình, chẳng danh dự 2, mới thấy rõ chính quyền Nixon không phải không có ý đồ dùng B52 ném bom miền Bắc trở lại để cứu quân Sài Gòn đang rệu rã. Nhưng chúng đã không làm được việc đó: vụ bê bối Watergate khiến Nhà Trắng rối bời, và quan trọng hơn nữa là thái độ của đa số nhân dân Mỹ thể hiện qua ý kiến của các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ kiên quyết không tiếp tục cuộc chiến hao người tốn của và thất bại, bị cả thế giới lên án.

      Tôi sang Pháp, gặp một số báo chí, từ đó liên lạc với các bạn ở Mỹ, Canada, Thụy Điển..., rồi sang Algérie. Gặp các bạn ở đây, họ hết sức vui mừng vì chiến dịch mùa Xuân đã bắt đầu và Quân giải phóng tiến như chẻ tre. Các bạn Algérie nói: Chúng tôi theo dõi trên bản đồ, thấy mỗi ngày Quân giải phóng giải phóng một tỉnh, nhưng sau rồi các chiến sĩ của các bạn đi quá nhanh, chúng tôi không còn theo dõi kịp nữa!

      Khi quân ta tấn công Buôn Ma Thuột, bắt đầu chiến dịch mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu giải phóng miền Nam Việt Nam trong hai năm 1975-1976, và sau chiến thắng Phước Long, đặc biệt sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị quyết định nắm thời cơ chính thức mở đầu chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975.

      Trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam liên tiếp thu được thắng lợi lớn. Trước những chiến thắng dồn dập của quân dân ta, dường như nhiều chính phủ đã thấy cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ sớm thắng lợi nên họ đã nhanh chóng công bố công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam. Đến ngày thống nhất đất nước, chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam được 65 nước công nhận ngoại giao.

      Sau Algérie, biết có một hội nghị lớn của các nước châu Phi (OUA 3 ) sắp họp tại Tanzania, chúng tôi bay đến đó, đề nghị với các bạn cho tôi phát biểu tại hội nghị vì có tình hình quan trọng muốn được thông báo. Theo quy chế của OUA không ai được phát biểu tại hội nghị này ngoài các nước châu Phi, và cũng chỉ được nói về tình hình châu Phi. Tôi năn nỉ các bạn nước chủ nhà Tanzania. Cuối cùng bạn đổng ý khi bàn hết các vấn để của hội nghị, sẽ cho tôi 15 phút.

      Tôi và đồng chí Lê Mai ngồi từ 6 giờ chiều đến mãi 5 giờ sáng hôm sau mới được phát biểu. Không ăn không uống cả một đêm, đến khi lên diễn đàn, cổ tôi như nghẹt lại, nói gần như không ra tiếng. Nhưng chúng tôi đã đạt được yêu cầu: thông báo được tình hình đang diễn ra ở Việt Nam và kêu gọi cộng đổng quốc tế ngăn chặn nguy cơ Mỹ đưa quân trở lại.

      Đến ngày 15.4, chúng tôi nhận được điện trong nước gọi về ngay. Không đủ tiền mua vé về nước và ở Tanzania chưa có Sứ quán Việt Nam. Chúng tôi đành đến Sứ quán Trung Quốc yêu cầu giúp đỡ, và đã được đáp ứng nhiệt tình.

      Về đến Hà Nội, ta đã giải phóng Đà Nẵng, đại quân đang tiến vể Sài Gòn. Tôi được chỉ thị vào Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và nhiều vị khác của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã có mặt ở đây. Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra nhiều tuyên bố quan trọng và đón tiếp một số đoàn quốc tế và các nhà báo.

      Thành phố Đà Nẵng vừa mới được giải phóng, nhân dân từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngãi dồn về đông nghịt, nhưng chỉ vài ngày sau, trật tự đã được thiết lập và bộ máy chính quyền mới đã hoạt động đàng hoàng.

      Tối 29.4.1975, tôi đang tiếp vợ chồng nhà sử học Mỹ Gabriel và Joyce Kolko thì đài Giải phóng ra lời kêu gọi chính quyền và quân đội Sài Gòn đầu hàng. Tôi nghe mà xao xuyến. Vợ chồng nhà sử học Mỹ cảm động, ứa nước mắt. Chúng tôi cầm tay nhau, siết chặt.

      Thế là ngày hôm sau - 30.4, việc phải đến đã đến! Sài Gòn được giải phóng! Niềm vui vỡ òa! Các đài, thông tấn báo chí thế giới đều đưa tin: Sài Gòn thất thủ! “Việt cộng” đã chiến thắng! “ Nhân dân cả nước đổ ra đường, ôm nhau mà khóc, những giọt nước mắt vui sướng! Đây là kết quả tất yếu của sự hy sinh của cả dân tộc, là thành quả huy hoàng và công lao chung của cả dân tộc, từ các lực lượng vũ trang, các lực lượng chính trị hoạt động công khai hoặc bí mật, từ những em bé dẫn đường đến bà con mọi tầng lớp, những người anh hùng có tên tuổi và triệu triệu người vô danh. Không ai có thể nói phần này do anh, phần này do tôi. Và trong lúc này, tôi lại nghĩ đến vai trò của hậu phương lớn, miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Gọi là hậu phương mà cũng là tiền phương. Nhớ có lần đến thăm các bạn Palestine trong các trại tị nạn, gặp lãnh tụ Yasser Arafat, mọi người đều hỏi nhờ đâu mà Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Chúng tôi đều trả lời: “Có ba điều: Chúng tôi có Hồ Chí Minh, lãnh tụ xuất chúng của Việt Nam đã suốt đời phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước; Chúng tôi có sự đoàn kết dân tộc rất mạnh mẽ; Và chúng tôi có miền Bắc, một nửa đất nước xã hội chủ nghĩa làm hậu phương lớn vững chắc.” Các bạn Palestine liên hệ với tình hình của mình, thấy đúng những điểm đó là chỗ yếu của các bạn.

      Chiến thắng hoàn toàn và nhanh chóng của Việt Nam đã làm cho cả thế giới vui mừng và kinh ngạc. Theo tôi hiểu, ngay Liên Xô và Trung Quốc, hai bạn chí cốt của Việt Nam, có lẽ cũng bất ngờ. Trung Quốc từng khuyên ta nên “trường kỳ mai phục” vì địch rất mạnh. Liên Xô thì lo ta không đủ sức chiến thắng, có thể chiến tranh lan rộng, làm tình hình thế giới thêm phức tạp. Nhưng rõ ràng là cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của nhân dân Việt Nam và thắng lợi cuối cùng của chúng ta đã góp phần làm cho vị thế của phe xã hội chủ nghĩa lúc đó lên cao trên trường quốc tế. Chúng ta cũng tự hào đã cổ vũ lòng tự tin và quyết tâm của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Chúng ta cũng không bao giờ quên trong thắng lợi vĩ đại của Việt Nam có sự đóng góp to lớn, quý báu, không thể thiếu được của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Và chúng ta đã biết mở đầu chiến tranh, tiến hành chiến tranh cực kỳ anh dũng và thông minh, thì cũng biết cách kết thúc chiến tranh thật tuyệt.




-----------------------------------------------------------------
1. Mohamed Daoud Khan (1909-1978): Thủ tướng Afghanistan từ 1953-1965, Tổng thống Afghanistan từ 1973-1978.

2. Larry Berman, Nopeace, No honor, Nixon: Kissinger and Betrayal in Vietnam, P. Simon and Schuster, 2001.

3. Organisation de l’Unité Africaine hay Organisation of African Unity.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2023, 11:33:38 am »

Những kỷ niệm và cảm nghĩ còn lắng sâu


      Mười bốn năm hoạt động đối ngoại cho Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Chính phủ Cách mạng Lâm thời (1962-1976), trong cuộc đời tôi, đó là khoảng thời gian đáng ghi nhớ nhất, đầy ắp những sự kiện to lớn của đất nước mà tôi được chứng kiến và rất may mắn được tham gia. Tôi sẽ còn mãi mãi lưu giữ những ấn tượng sâu sắc và nhiều bài học vô giá trên từng chặng đường dấn thân.

     Tôi nhận thấy những chủ trương chính trị, những bước đi của Việt Nam trong đàm phán cũng như trong chỉ đạo đấu tranh chung hết sức sắc sảo và tài tình.

     Trước hết, tôi muốn nhắc lại chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam. Đây là chủ trương mang tính chiến lược và cả sách lược hết sức khôn ngoan của ta. Nhờ đó ở trong nước chúng ta đã xây dựng được mặt trận dân tộc thống nhất, bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, không chỉ lực lượng yêu nước trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước lớn của miền Nam làm Chủ tịch, mà cả lực lượng Liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình đứng đầu là luật sư Trịnh Đình Thảo, một trí thức nổi tiếng ở miền Nam, và cả lực lượng “thứ ba”, cùng đồng bào yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam đang sống ở nước ngoài.

     Cũng nhờ chủ trương này và cùng với uy tín của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhất là niềm tin và lòng tôn kính đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh mà chúng ta tranh thủ được hết sức rộng rãi sự đoàn kết, ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và công lý trên toàn thế giới. Có thể nói ở khắp nơi trên thế giới, từ các thành phố lớn đến các vùng xa xôi, hẻo lánh ở Bắc Cực... đều vang lên tiếng nói “đoàn kết với Việt Nam”. Mọi người đều khẳng định phong trào đoàn kết quốc tế với Việt Nam chống chiến tranh xâm lược Mỹ là phong trào rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử, là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và của nhân dân thế giới yêu hòa bình.

     Phải nhắc đến bối cảnh ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miên Nam thì mới hiểu hết ý nghĩa và giá trị của sự kiện này. Từ năm 1956 đến 1959 là thời kỳ hết sức đen tối ở miền Nam. Sau khi đàn áp thẳng tay phong trào đấu tranh hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Genève, Mỹ-Diệm tiến hành các chiến dịch tố cộng, diệt cộng khốc liệt, nhằm tiêu diệt những người kháng chiến cũ và bất cứ ai chống lại chúng, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam.

     Nhà tù được dựng lên khắp nơi, đầy ắp người, già trẻ, nam nữ. Ở nông thôn hàng vạn người dân bị dồn vào các trại tập trung khổng lồ gọi là các “ấp chiến lược”. Nhiều nhà báo nước ngoài đã nhận xét: “Cả miền Nam là một nhà tù lớn”.

     Nhân dân miền Nam trong một thời gian dài theo sự chỉ đạo của Đảng, đã kiên trì đấu tranh chính trị bằng những hình thức hòa bình, hòa hợp, nhưng kẻ thù đã đẩy họ đến chân tường. Kẻ thù vũ trang đến tận răng để khủng bố giết chóc, còn nhân dân thì chỉ có hai bàn tay trắng. Không thể bó tay chịu chết trước kẻ thù đang thực sự tiến hành chiến tranh một phía, nhân dân đòi được cẩm vũ khí. Nghe được tiếng nói thống thiết đó của nhân dân, Đảng đã kịp thời chuyển hướng phương thức đấu tranh. Năm 1959, Nghị quyết 15 lịch sử ra đời, chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, đổng thời đẩy mạnh hoạt động vũ trang, mở đường cho nhân dân miền Nam đi đến giành thắng lợi. Lịch sử dân tộc, đặc biệt lịch sử của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, chắc chắn đánh dấu một mốc son lớn cho việc ra đời của Nghị quyết 15. Như nước vỡ bờ, nhân dân ở nhiều địa phương, hưởng ứng chủ trương mới của Đảng, nổi dậy đổng khởi. Chính trong khí thế sôi sục này, chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để tập hợp các táng lớp nhân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ giành độc lập và thống nhất đất nước ra đời. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miên Nam không những là tổ chức chính trị đoàn kết các tầng lớp nhân dân tiến hành đấu tranh về chính trị, vũ trang mà còn đóng vai trò một chính quyền trên thực tế. Từ năm 1960 đến 1969, Ủy ban Mặt trận ở các cấp được thành lập và chỉ đạo nhân dân cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.

      Một thắng lợi về chính trị khác đáng kể là sự ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc, Dân chủ và hòa bình, do luật sư Trịnh Đình Thảo, một trí thức lớn ở miền Nam, làm chủ tịch. Liên minh ra đời ngày 20.4.1968, mấy tháng sau Tết Mậu Thân, gồm nhiêu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo... Mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước được mở rộng thêm.

      Có một điểu đáng chú ý trong cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, hầu hết các trí thức lớn của Việt Nam đều có mặt bên cạnh đông đảo công nhân và nông dân. Và cũng đặc biệt là trong phong trào đoàn kết quốc tế với Việt Nam, nhiều trí thức lớn của các nước củng tích cực tham gia. Mọi người đều nhớ về tòa án Bertrand Russell do Huân tước người Anh, nhà triết học-toán học nổi tiếng Bertrand Russell thành lập. Tham gia tòa án còn có các triết gia Jean-Paul Sartre, Laurent Schwartz và nhiều nhà trí thức các nước.

      Những người trí thức hơn hết hiểu giá trị của con người, hiểu được ý nghĩa tự do và công lý.

       Tám năm sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra vang dội. Đây là một thắng lợi rất cơ bản, là bước ngoặt trong cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đại hội Đảng lần IV đã nhận định “có mùa Xuân 68 mới có mùa Xuân 75”.

       Đến bây giờ, một số tác giả là quan chức Mỹ, nhất là trong giới quân sự, vẫn cho là “Việt cộng” đã thất bại nặng nề trong Tết Mậu Thân, nếu lúc bấy giờ phía Mỹ “dấn tới” dùng sức mạnh quân sự thì có thể đã “giành chiến thắng”. Đấy là những nhận định thiển cận, thấy cái hiện tượng mà không thấy cốt lõi của vấn để, thấy cái trước mắt, tạm thời mà không thấy cái toàn cục. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, dù phía ta có những tổn thất không nhỏ, nhưng cuộc tiến công và nổi dậy anh hùng ấy đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ. Việc Quân giải phóng từ trước chỉ tấn công quân địch lẻ tẻ ở vùng nông thôn rừng núi, nay có thể đồng loạt đánh thẳng vào đô thị, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của địch, có nghĩa là không một nơi nào địch có thể an toàn. Thế trận đó đã buộc Mỹ đi đến quyết định vô cùng quan trọng: xuống thang chiến tranh. Chính quyền Johnson đã buộc phải chấp nhận đi vào đàm phán, dù vẫn ngoan cố ôm ấp mưu đồ tìm ra một “giải pháp trên thế mạnh” 1.

       Với cuộc đàm phán bốn bên ở Paris, ta đã chủ trương “đánh-đàm”, mở ra thêm một mặt trận đấu tranh mới - đấu tranh ngoại giao - để tăng thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu trên chiến trường; đây thực sự là một chủ trương đúng đắn và khôn ngoan. Trong năm năm diễn ra cuộc đàm phán bốn bên, trên chiến trường chúng ta từng bước tăng cường sức mạnh quân sự với sự chi viện ngày càng lớn của miền Bắc. vể chính trị ngoại giao, chúng ta đã tranh thủ dư luận quốc tế rộng rãi, làm cho hậu phương địch ngày càng rối ren, chia rẽ. Bàn đàm phán có thể xem là một chiến trường mới và cũng đầy hiệu lực, ở đó các cuộc tấn công ngoại giao liên tiếp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam, từ tuyên bố giải pháp 10 điểm, rồi tám điểm, bảy điểm, hai điểm đã từng bước dồn chúng vào thế ngày càng bế tắc.

       Đặc biệt, cuộc tấn công ngoại giao với lập trường bảy điểm đưa ra tháng 7.1971 có thể xem là cuộc “tiến công Tết Mậu Thân” về ngoại giao: chúng ta tập trung vào đòi hỏi Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam và chủ động gác lại giải pháp chính trị ở miền Nam. Đó là trận đấu cuối cùng buộc Mỹ phải chấp nhận theo hướng dự thảo của Hiệp định Paris do Việt Nam để xuất.

      Sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973, lãnh đạo ta dự kiến hai khả năng: hoặc chính quyền Sài Gòn được Mỹ ủng hộ và viện trợ tiếp tục chiến tranh, hoặc cuộc đấu tranh giữa các lực lượng chính trị ở miền Nam, lực lượng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, và lực lượng thứ ba với lực lượng của Chính quyền Sài Gòn sẽ diễn ra rất phức tạp, nhưng chắc chắn cuối cùng chúng ta sẽ giành thắng lợi.

      Không lâu sau Hiệp định Paris, ta thấy khả năng thứ nhất là nhiều, tương quan lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Đến năm 1975, Đảng quyết định phải nhanh chóng đánh bại quân ngụy giải phóng miền Nam, là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Quân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công, Tổng công kích mùa Xuân 1975 và giành thắng lợi hoàn toàn.



-------------------------------------------------------------------
1. Ngày 20.1.1960, Tổng thống Kennedy quyết định lấy Việt Nam lảm thí điểm cho cuộc “chiến tranh đặc biệt”.

Ngày 11.5.1961, Mỹ đưa sang Việt Nam 400 lính đặc biệt và 100 cố vấn chủ trương lập ấp chiến lược dồn 10 triệu dân Việt Nam vào đó. Đến tháng 12, số cố vấn nhân viên quân sự lên 3.200 người. “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, tháng 8, chính quyền Johnson dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ" để lấy cớ mở rộng chiến tranh.

Ngày 8.3.1965, 2.500 quân lính thủy đánh bộ Mỹ vào Đà Nẵng Chu Lai bắt đẩu cuộc chiến tranh cục bộ.

Ngày 30.7.1965, Mỹ điều quân ồ ạt vào miên Nam tăng cường “chiến tranh cục bộ".

Đến cuối năm 1967, quân Mỹ và đồng minh lên 600.000 (không kể quân đội Sài Gòn).

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2023, 11:38:46 am »

       Những bài học rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta có nhiều và rất quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước hôm nay và mai sau. Nhưng tôi đặc biệt thấm thía về những chủ trương có tính chiến lược lớn:

      Chúng ta đã biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Bằng chủ trương này chúng ta đã tranh thủ được thế mạnh về chính trị và điều kiện về tài lực to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng giành được sự đổng tình và công lý trên thế giới, sức mạnh của chúng ta được nhân lên gấp bội. Ở đây tôi thấy cần ghi nhận đúng mức sự đóng góp quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam vói chính sách mềm dẻo và những hoạt động năng nổ và khôn khéo, đã gây được tình cảm và thu phục được những người thuộc chính kiến khác nhau, tạo nên một phong trào ủng hộ quốc tế rộng rãi và hết sức mạnh mẽ. Bài học lớn nữa là trong lúc tiến hành chiến tranh cũng như trong đàm phán, chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ. Chúng ta tranh thủ đúng mức những lời khuyên của bạn bè, nhưng bao giờ cũng giữ vững nguyên tắc độc lập quyết định trên lập trường vì lợi ích của đất nước ta.

     Ngay giữa lúc chiến tranh ở giai đoạn ác liệt, cần rất nhiều vũ khí cho chiến trường miền Nam, đường vận tải trên dãy Trường Sơn lại dài và rất khó khăn... Có nước đã đề nghị cử người, đưa xe và vũ khí vào miền Nam, các đồng chí lãnh đạo Việt Nam cảm ơn và đã từ chối. Ta xin nhận vũ khí nhưng vận chuyển đến đâu và sử dụng như thế nào là việc của chúng ta.

     Chúng ta kiên quyết không để chiến tranh mở rộng thành sự đối đầu quốc tế, vì sẽ rất phức tạp và khó chủ động, nhưng cũng không thể để đất nước bị chia cắt mãi. Hội nghị Genève năm 1954 từng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu. Chúng ta quyết đánh và biết cách đánh, biết mở đầu chiến tranh và biết cách kết thúc chiến tranh.

     Sau 40 năm, nhiều nhà hoạt động chính trị trên thế giới vẫn còn không hết ngạc nhiên về thắng lợi của nhân dân Việt Nam, một nước nhỏ đã đánh thắng một đế quốc lớn nhất. Muốn hiểu được những nguyên nhân của sự kiện vĩ đại này, phải bắt đầu từ lịch sử mấy ngàn năm ông cha ta lập nước, giữ nước, và nhất thiết phải nghiên cứu những tài liệu, bút tích, tổng kết (có thể chưa đầy đủ) của các đồng chí là nhân chứng lịch sử. Đối với tôi và nhiều đồng chí, có thể thấy rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha, là linh hồn của cuộc chiến đấu oai hùng chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Những tư tưởng lớn của Người về đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế đã được quán triệt trong các chủ trương chính sách của Đảng. Bên cạnh Hổ Chủ tịch, có cả một bộ tham mưu tác chiến kiệt xuất, một bộ thống soái tối cao đứng đẩu là đồng chí Lê Duẩn 1 đã chèo lái đất nước trong giai đoạn quyết liệt nhất, giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh.

     Tôi nhớ lại năm 1956-1957, khi địch tiến hành khủng bố trắng ở miền Nam, nhiều người rất lo, không hiểu rồi cuộc đấu tranh của chúng ta ở miền Nam ra sao? Lúc đó đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Không phải địch mạnh mà chính chúng đang suy yếu nên phải dùng những thủ đoạn cực kỳ dã man để trấn áp quần chúng.” Thực tế đã chứng minh nhận định sáng suốt và sắc sảo đó. Đàn áp dã man trắng trợn của địch càng khiến nhân dân miền Nam sục sôi căm thù. Trên cơ sở nhận định đó, và đề cương cách mạng miền Nam, Đảng đã xây dựng Nghị quyết 15 lịch sử năm 1959.

      Những bức thư của đồng chí Lê Duẩn gửi cho đồng chí Phạm Hùng vào năm 1974 về kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị cho phép chúng ta càng hiểu thêm khí phách, trí tuệ, bản lĩnh của đồng chí trong việc chỉ đạo kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm.

      Trước những giờ phút hết sức quyết định, đồng chí đã có ý kiến chỉ đạo rất dứt khoát: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất. Ngoài thời cơ này, không còn thời cơ nào. Để chậm 10, 15 năm nữa, tình hình sẽ phức tạp, vô cùng phức tạp. Ta phải làm nhanh, gọn, triệt để nhưng phải khôn khéo.”

      Tôi nghĩ còn phải tiếp tục ghi nhận sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn. Nhưng bao trùm lên tất cả là vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù hiện phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang ở giai đoạn thoái trào, song chắc chắn trong lịch sử hiện đại Việt Nam không thể không khẳng định yếu tố quyết định nhất làm nên thắng lợi của dân tộc ta trong công cuộc giải phóng đất nước là sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự ủng hộ tích cực của phe xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản các nước. Đương nhiên có vai trò to lớn của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, song nhất thiết không thể không nói đến hàng triệu đảng viên và quần chúng trung kiên đi theo Đảng, bảo vệ Đảng, đã chiến đấu hết sức kiên cường, bất khuất, và hàng vạn, hàng triệu người, thế hệ kế tiếp thế hệ đã ngã xuống vì sự nghiệp thiêng liêng của dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng.

     Trong kháng chiến chống Mỹ, do phân công tôi đã chuyên về công tác đối ngoại, ngoài việc tham gia hội đàm lịch sử Paris, thì công việc chính là vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh của ta. Có thể nói sự tiếp xúc rộng rãi đó đã cho tôi nhiều hiểu biết rất quý báu. Chúng ta đã nói nhiều về sự ủng hộ to lớn của nhân dân các nước trên toàn cầu. Tôi nghĩ cũng sẽ không công bằng nếu không nói đến một bộ phận quan trọng khác trong lĩnh vực này là vai trò của các chính phủ. Nhiều nước phương Tây, do có quan hệ về quyền lợi và nhiều mặt khác nên đã không ủng hộ ta, thậm chí còn theo đuôi Mỹ chống Việt Nam. Song cũng có nước, đặc biệt hơn cả là Thụy Điển, lại hoàn toàn ngược lại, thật sự là một người bạn thân thiết và hết lòng vì Việt Nam, từ nhân dân đến chính phủ. Ngay từ đầu, Chính phủ Thụy Điển đã công khai phê phán chính sách chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, và chung thủy đến cùng. Chúng ta đã nói đến nhân dân Thụy Điển, các nhân vật chính trị, văn hóa lớn của Thụy Điển tha thiết với Việt Nam như thế nào. Ở Thụy Điển người ta bảo có cả một thế hệ gọi là “thế hệ Việt Nam”, Việt Nam đã đi vào cuộc sống của họ. Một lớp thanh niên đông đảo ở Thụy Điển cũng như ở nhiều nước khác đã “giác ngộ” chính trị từ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Việt Nam đã đem lại cho họ một lẽ sống, sinh động và mới mẻ. Tôi nghĩ đó là sức mạnh của lẽ phải, của chân lý tự nó có sức thu phục mạnh mẽ lòng người. Thụy Điển cũng như các nước Bắc Âu được coi là “anh em chú bác” với Mỹ, nhưng họ không thể tán thành hành động tội ác của Mỹ. Ở đây có nhiều lính Mỹ đào ngũ được che chở. Nhiều cuộc họp của Tòa án Bertrand Russell và nhiều cuộc họp quốc tế ủng hộ Việt Nam cũng đã được tổ chức tại đây... Đương nhiên đó là tình cảm và hành động tự giác của nhân dân một nước thật sự văn minh, có truyền thống nhân ái sâu sắc. Nhưng cũng phải nói đến vai trò, tác động của Chính phủ, của những người đứng đầu nhà nước, đặc biệt như Thủ tướng Olof Palme, trong thái độ đẹp đẽ này của công chúng Thụy Điển. Tôi muốn nói rõ điều này vì có thể nhiều người trong chúng ta chưa biết hết được những điểu quý báu đó.

      Tôi đã có dịp đi thăm tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, từ Liên Xô, Trung Quốc, cho đến các nước Đông Âu và Cuba. Dù sau này phe xã hội chủ nghĩa không còn, Liên Xô đã tan rã, nhiều nước khác đã biến đổi hay đã trở nên phức tạp hơn, nhưng không thể không nói rằng sự ủng hộ cả vể tinh thần của Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta là vô cùng to lớn, đặc biệt Liên Xô và Trung Quốc thật sự là chỗ dựa vững chắc cho tiển tuyến Việt Nam. Đương nhiên trong sự giúp đỡ đó đôi lúc đã có những động cơ lợi ích quốc gia của từng nước chen vào, nhưng rõ ràng hiệu quả vẫn là hết sức quan trọng. Chúng ta cũng đã biết có giai đoạn giữa Liên Xô và Trung Quốc có những mâu thuẫn rất nghiêm trọng, nhưng với một sự chân tình, đồng thời cẩn trọng có thể nói là tài tình, Bác Hồ và Đảng ta đã tìm cách giữ một thái độ vừa minh bạch vừa uyển chuyển, tranh thủ được sự ủng hộ của hai nước anh em quan trọng này, và cả các nước xã hội chủ nghĩa khác. Nhiều nhà hoạt động chính trị các nước cho đây là thể hiện “sự khôn ngoan chính trị” truyền thống của người Việt Nam.

     Khi còn đại diện cho Chính phủ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam đi hoạt động đối ngoại, tôi đã từng đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên dự hội nghị quốc tế. Đây là một quốc gia hết sức đặc biệt, nhân dân tôn sùng lãnh tụ, lời lãnh tụ là mệnh lệnh cho toàn dân. Cùng một cảnh ngộ, đất nước bị chia cắt, chiến tranh phân ly nên nước bạn đã nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam và là một trong những nước đầu tiên công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

     Trong các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, tôi và một số đồng chí trong đoàn nhiều lần đến thăm Hungary để làm việc hoặc nghỉ ngơi ở hồ Balaton - nơi du lịch nổi tiếng của Hungary. Từ đồng chí lãnh đạo cao đến nhân dân đều hết sức nhiệt tình ủng hộ Việt Nam, đặc biệt đồng chí Ngoại trưởng Janos Peter, ông thường nói với tôi “các bạn Việt Nam cần gì, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ”.

     Ngoài ra, tôi và nhiều đồng chí Việt Nam còn thường đến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức. Lúc đó nước Đức còn chia làm hai. Các đồng chí Cộng hòa Dân chủ Đức, từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến các đoàn thể đều giành cho Việt Nam những tình cảm rất tốt đẹp, đã ủng hộ chúng ta tích cực về mặt tinh thẩn, vật chất. Nhiều cán bộ của Việt Nam, kể cả những anh em từ chiến trường B ra miền Bắc, được đưa sang Cộng hòa Dân chủ Đức để chữa bệnh. Các bác sĩ hết sức tận tình... Trong lúc đó, bên Cộng hòa Liên bang Đức, chính quyền không ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Mặc dù vậy, phong trào đoàn kết với Việt Nam ở Cộng hòa Liên bang Đức cũng sôi nổi, đặc biệt tổ chức hành động giúp đỡ Việt Nam (HAV) do bà Weber - một kỹ sư dệt thành lập... Qua bà, nhiều nhân sĩ trí thức, những nhà hoạt động xã hội lớn (ở Cộng hòa Liên bang Đức) đã hiểu về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam... giúp chúng ta nhiều thiết bị y tế và thuốc men... Sự giúp đỡ này kéo dài cả sau ngày giải phóng Việt Nam... Tình cảm của bà Weber với Việt Nam hết sức sâu nặng. Trong di chúc của bà, bà bày tỏ nguyện vọng được yên nghỉ vĩnh hằng ở Việt Nam, nơi trái tim của bà gắn bó trọn đời, một cử chỉ làm chúng ta vô cùng xúc động và chúng ta đã thực hiện di nguyện đó của bà.

       Hội nghị Paris cho tôi cơ hội sống ở Pháp một thời gian khá dài và tôi đã có dịp quan sát xã hội Pháp. Tôi đã tiếp xúc với nhiều trí thức, công nhân là những người cộng sản, những người tiến bộ. Họ sống lương thiện, thẳng thắn, sẵn sàng ủng hộ những người có khó khăn, bị áp bức, mặc dù cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tôi càng hiểu thêm về lịch sử và văn hóa nước Pháp, một nền văn hóa vĩ đại, đầy tính nhân văn, đã sản sinh ra những nhà tư tưởng và những nhà văn lớn như Jean-Jacques Rousseau, Victor Hugo..., đã đưa đến cuộc Cách mạng dân chủ tư sản năm 1789 và Công xã Paris với những tư tưởng về Tự do, Bình đẳng, Bác ái nổi tiếng. Người Pháp thực sự có truyền thống Dân chủ. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, đình công của công nhân, sinh viên... Tôi cũng hiểu phẩn nào “xã hội tiêu dùng” tư bản. Nếu bạn có công ăn việc làm, bạn có thể vay ngân hàng để thuê nhà, sắm sửa bằng trả góp hằng tháng, tất nhiên với lãi suất bình thường, nhưng nếu thất nghiệp, không có tiền trả ngân hàng thì bị tịch thu và có khi phải ra đường.

     Trong thời gian đàm phán ở Pháp, hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã được Đảng Cộng sản Pháp và bà con Việt kiều giúp đỡ hết sức tận tình, chúng tôi mãi mãi ghi nhớ hình ảnh các đồng chí bảo vệ, lái xe Pháp được Đảng cử đến giúp đoàn mấy năm trời hết sức tận tụy, và nhiều bà con Việt kiều bỏ việc làm đến sửa chữa nhà cửa, phục vụ đoàn bất cứ lúc nào đoàn cần. Ở đây chúng ta đặc biệt có những bạn bè, những đồng chí rất thân thiết. Họ đã đi cùng ta suốt cuộc trường chinh của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ và cả đến ngày nay trong giai đoạn đấu tranh để xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dân ta mãi mãi còn nhắc đến anh Henri Martin, chị Raymonde Dien, những người vì chống thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược lại Việt Nam đã phải chịu tù đày và bao nhiêu thiệt thòi. Và một người bạn rất đỗi thân thương của chúng ta là chị Madeleine Riffaud 2, anh hùng trong kháng chiến chống phát xít Đức, cũng là người đã hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Chúng ta biết vì lợi ích của cuộc chiến đấu này mà chị đã hy sinh cả hạnh phúc riêng tư. Ngày nay, dù đã già, yếu, mắt mờ, chị vẫn theo dõi tình hình ở Việt Nam. Gặp lại bạn bè Việt Nam, trong đó có “Bình”, là những lúc chị vui nhất, chị có thể nói chuyện mấy giờ liền quên cả ốm đau. Trên đất Pháp, chúng ta còn có một số đông trí thức Việt kiều đã đóng góp tích cực cho hoạt động của hai đoàn Việt Nam tại Paris như ông Huỳnh Trung Đồng, Lâm Bá Châu, Phạm Ngọc Tới, bác sĩ Therèse Phan v.v... Anh Nguyễn Vĩnh Mỹ, sau giải phóng đã về làm Chánh án Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân cũng đã về nước tham gia Quốc hội. Và còn nhiều anh chị em khác nữa. Cũng có người vì hoàn cảnh gia đình phải ở lại Pháp như anh Trần Hữu Nghiệp, người đã tham gia trực tiếp công việc của đoàn trong nhiều năm và đã có nhiều hy sinh riêng tư vì việc chung.

      Tôi cũng đi thăm nhiều nước châu Á ngoài Trung Quốc xã hội chủ nghĩa. Ấn Độ đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Ở Ấn Độ, uy tín của Hồ Chí Minh, của Việt Nam rất lớn, nhất là ở Calcutta, Bengal, là những nơi mà Đảng Cộng sản có ảnh hưởng nhiều. Nhân dân Ấn Độ có tình cảm đặc biệt với cuộc chiến đấu của Việt Nam... Nhưng ở đây, tôi chứng kiến một tình hình xã hội lạ thường, sự phân biệt giàu nghèo lớn lắm. Một tỉnh trưởng thường có dinh thự rất sang trọng, xung quanh là cả một công viên hay một khu rừng có hươu nai chạy nhảy. Nhưng không xa đó là những người nghèo, thuộc tầng lớp “không được chạm vào” (intouchables) [không được chạm vào những vật dụng đắt đỏ mang tính tôn giáo]. Tôi suy nghĩ vì sao có tình hình như vậy? Ấn Độ có một nền văn hóa lâu đời vĩ đại. Ngày nay họ có một đội ngũ chuyên gia đông nhất thế giới, nhưng phong trào cộng sản ở đây lại có hai Đảng Cộng sản. Tôi nghĩ nếu nhân dân Ấn Độ có sự thống nhất dân tộc mạnh mẽ hơn nữa, phát huy hết tiềm năng về con người cũng như tài nguyên thiên nhiên, chắc họ sẽ thành một cường quốc lớn. Vậy những yếu tố gì đã tác động tới vấn đề văn hóa dân tộc: di sản còn dai dẳng của chế độ đẳng cấp lâu đời, đạo giáo, các trào lưu chính trị? Chính sách cai trị của đế quốc Anh trong gần 100 năm đã để lại những hậu quả nặng nề gì?...

      Trong thời kỳ chiến tranh, người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam không được cấp thị thực vào nước Nhật. Lúc đó chính phủ Nhật đứng về phía Mỹ, trên đất Nhật có nhiều căn cứ hải quân và không quân của Mỹ, mà lớn nhất là Okinavva - nơi các máy bay Mỹ hằng ngày xuất phát đi ném bom Việt Nam. Nhưng ở đây, chúng tôi cũng được biết có phong trào nhân dân ủng hộ cuộc chiến tranh của chúng ta mạnh mẽ. Các lực lượng tiến bộ Nhật, gồm các tổ chức thanh niên, phụ nữ, công nhân, Ủy ban Hòa bình, Hội Hữu nghị Việt - Nhật, Tổ chức Beheiren, tiêu biểu là Đảng Cộng sản Nhật, đã có nhiều hoạt động phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ. Có cuộc biểu tình hàng nghìn người ngồi ở cảng để ngăn chặn không cho Mỹ đưa vật tư chiến tranh sang Việt Nam. Có phong trào “Một Yen cho bà mẹ trẻ em Việt Nam” v.v... Nhân dân Nhật đã từng là nạn nhân của hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nên các bạn dễ thông cảm với nhân dân Việt Nam.




-----------------------------------------------------------------
1. Xem sách Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của Cách mạng Việt Nam (Hồi ký), NXB Chính trị Quốc gia, Hả Nội, 2002, tr.39.

2. Madeleine Riffaud, sinh năm 1924, nhà thơ, nhà báo Pháp.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2023, 01:54:45 pm »

       Đối với nhiều nước châu Phi, Mỹ Latin, Việt Nam được coi là tấm gương, và sự ủng hộ, giúp đỡ của chính phủ các nước này đối với chúng ta cũng rất to lớn và hiệu quả về nhiều mặt. Đến 30.4.1975 giải phóng miền Nam - Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 65 nước công nhận chính thức về ngoại giao, trong đó, sau các nước xã hội chủ nghĩa, các nước châu Phi là nhiều nhất.

      Tôi đã đi thăm nhiều nước châu Phi, có lẽ đến gẩn một nửa số nước của lục địa rộng lớn này. Chúng ta biết châu Phi từng là cái nôi của loài người, nhưng trình độ châu lục này lại còn quá trẻ so với các châu lục khác, nên mặt nào ở đây cũng chậm phát triển hơn. Song khát vọng của con người thì ở đâu cũng giống nhau, nên những người hiểu biết dù ít hay nhiều về chính trị đều có cảm tình với cuộc đấu tranh của Việt Nam, những người cũng bị áp bức bóc lột như họ. Tôi nhớ ở tất cả các hội nghị quốc tế, từ các hội nghị của các tổ chức đoàn kết quốc tế đến hội nghị các chính phủ tôi từng dự trong thời gian kháng chiến của chúng ta, lập trường của Việt Nam luôn được sự hưởng ứng của chính phủ nhiều nước châu Phi, đặc biệt của Algérie, Guinée, Mali, Madagascar, Tanzania...

     Tổng thống Algérie Houari Boumédienne lúc sinh thời và Ngoại trưởng Abdelaziz Bouteflika - nay là Tổng thống - ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Việt Nam, coi đó là cuộc đấu tranh của chính nhân dân mình. Tổng thống quan tâm cả đến việc đi lại của tôi trong hoạt động đối ngoại, có lần ông nói: “Nếu đi hoạt động nơi nào có đường bay của Algérie, xin mời bà đi miễn phí.” Mãi đến nay, dù tình hình hai nước có sự phát triển cụ thể khác nhau, nhưng ở Algérie mỗi khi nói đến Việt Nam mọi người đều đặt tay lên tim và hô lên: “Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp!”..

     Cảm tình và sự khâm phục đối với Việt Nam của các bạn châu Phi vẫn còn sâu đậm cho đến ngày nay. Sau khi giành được độc lập, nhiều nước châu Phi đã có xu hướng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng sau khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, ít nhiều họ mất phương hướng, đang gặp nhiều khó khăn về đường lối, lại thêm chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc... Họ nhìn về phía Việt Nam, mong đợi kinh nghiệm ở chúng ta.

     Đối với châu Mỹ, thời gian đó tôi chỉ đi được Cuba vài lần. Những ấn tượng về đồng chí Fidel Castro, về nhân dân Cuba đối với tôi vô cùng sâu sắc. Chị Melba Hernandez 1, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam, đặc biệt dành cho Việt Nam những tình cảm sâu nặng, thật sự là một người chị Cuba thân thương của tất cả chúng ta. Hàng nghìn thanh niên Cuba tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu. Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt của ta, có được những bạn Cuba hết tình, hết nghĩa là sự động viên rất lớn đổi với nhân dân Việt Nam.

     Nói đến Cuba, không thể không nhớ đến nhà cách mạng Che Guevara. Tôi đã có dịp đọc một số bức thư của Che gửi cho Fidel, cho những người bạn ở Bolivia. Thật hiếm nhà cách mạng nào có những suy nghĩ, tình cảm cách mạng nồng nhiệt đến như vậy! Niềm hạnh phúc lớn nhất của họ là được phục vụ cho sự nghiệp chính nghĩa. Điều đó cũng giải thích vì sao các chiến sĩ cách mạng ở châu Mỹ Latin, ở Venezuela xa xôi đã xúc động trước hành động anh hùng của Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam.

     Đầu tháng 8.1964, Tư lệnh Luis Correa (nhóm du kích UTC) thông báo cho mọi người biết là ở Việt Nam có một thợ điện tên là Nguyễn Văn Trỗi đã mưu sát Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara. Cuộc ám sát không thành và anh Trỗi bị bắt. Chính quyền Sài Gòn sẽ mang anh Trỗi ra xử bắn. Ông Luis Correa giao cho tổ chức hành động của UTC có 12 người phải tổ chức bắt cóc một tên Mỹ nào đó để đổi lấy anh Trỗi.

      Tổ hành động chia 12 người ra làm bốn nhóm. Một nhóm đi bắt, một nhóm áp giải chuyển đi, nhóm giam giữ và nhóm trao đổi. Nhóm năm người trực tiếp bắt và áp giải con tin Smolen gồm: Ông Noel Quintero (chỉ huy nhóm), Carlos Rey, David Salazar, Raul Rodriguez và Argenis Martinez 2.

      Việc giải cứu đã không thành, nhưng tình cảm của những người bạn chiến đấu tận Nam Mỹ xa xôi thật đáng quý trọng.

      Ngày 4.11.1970, ở Chile, chính quyền marxist giành thắng lợi qua bầu cử. Tổng thống Salvador Allende lên cầm quyển. Mặc dù sự nghiệp của ông ngắn ngủi (ông bị Pinochet ám hại) nhưng chính phủ của ông đã thể hiện một lập trường cách mạng rõ ràng, đặc biệt đã tỏ rõ sự đồng tình và ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi lên cầm quyển ông đã tuyên bố thiết lập ngoại giao với cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cung cấp chi phí hoạt động cho cả hai cơ quan (25.3.1971).

      Từ đầu thế kỷ XX, một phong trào cánh tả đã trỗi dậy ở các nước Mỹ Latin. Là “sân sau” của đế quốc Mỹ, hơn ai hết họ hiểu thế nào là chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Họ đang vươn lên tìm con đường phát triển vì lợi ích của nhân dân, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

      Trong suốt thời gian chiến tranh, tất nhiên tôi không thể đi thăm Mỹ nhưng tôi đã gặp rất nhiều người Mỹ trong các cuộc gặp gỡ do những tổ chức phản chiến Mỹ tổ chức. Nhiều đoàn từ Mỹ sang, có cả các hạ nghị sĩ, thân nhân của tù binh Mỹ, những phụ nữ, thanh niên chống chiến tranh... Nhiều người đã để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp. Đặc biệt với phụ nữ Mỹ, hơn ai hết có nguyện vọng và mong muốn chiến tranh chấm dứt, có hòa bình để chồng con họ khỏi đi lính, chết chóc. Và sau khi biết chổng con mình gây ra tội ác đối với nhân dân Việt Nam, họ cũng đau buồn và xấu hổ. Năm 1971, sau một cuộc gặp mặt giữa phụ nữ Mỹ (của tổ chức Women Strike for Peace) với đại diện ba nước Đông Dương tại Canada, các đại diện phụ nữ Mỹ tuyên bố: “Họ (phụ nữ Việt Nam) không phải là kẻ thù, mà là người chị em (sister) của chúng ta.”

      Nhiều cuộc biểu tình, người tham gia chủ yếu là phụ nữ như cuộc biểu tình ở Miami (Florida) năm 1972. Điểu thật cảm động là có chị đã mặc áo “phông” có in ảnh của bà Bình với dòng chữ “Live like her” Trong lúc tại miền Nam Việt Nam, quần đội Mỹ thấy “Việt cộng” là tiêu diệt, ở đây phụ nữ Mỹ đang ủng hộ một nữ Việt cộng cấp cao. Thật là dũng cảm!

      Nhiều người Mỹ thuộc các tầng lớp đã tích cực, hăng hái phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ và ủng hộ Việt Nam, họ cho rằng cũng chính là vì lợi ích của nhân dân Mỹ.

      Tôi mong nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ tên tuổi của 10 người Mỹ 3, trong đó có năm thanh niên đã  dùng lửa tự thiêu để nói lên sự phẫn uất của đông đảo nhân dân Mỹ đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam - đó là những “liệt sĩ”, những “chiến sĩ hòa bình” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá 4.




------------------------------------------------------------------
1. Melba Hernandez sinh năm 1921, nhà cách mạng, anh hùng dân tộc Cuba, nhà ngoại giao, chính trị, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam và Campuchia.

2. Tất cả các ông đã mất, chỉ còn Carlos Rey thăm Việt Nam trong dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris về Việt Nam 2013.

3.  1) Ngày 2.11.1965, Norman Morrison, 32 tuổi, tín đồ giáo phái Quaker, mang theo con gái Emily 2 tuổi và một can xăng đến khu Lầu Năm Góc trước cửa tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bờ sông Potomac, Washington rỗi đổ đầy xăng lên mình châm lửa đốt. Ba tháng trước khi tự thiêu, anh đã gửi một bức thư đến báo Mặt trời Baltimore với những dòng sau: “Thanh niên Mỹ chúng ta không có lý gì phải đáp ứng lời kêu gọi mà người ta bảo là yêu nước...”.
     2) Đúng một tuần sau cái chết của Morrison, ngày 9.11.1965, một người Mỹ khác, RogerAllen LaPorte, 21 tuổi, thuộc tổ chức Công nhân Cơ Đốc giáo, ngồi khoanh chân như một nhà sư theo đạo Phật trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York rồi đổ xăng lên mình tự thiêu. Linh mục Daniel Berrigan, một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh Việt Nam, nói: “LaPorte chết cho những người khác được sống.”
     3) Trước Morrison và LaPorte, ngày 16.3.1965 đã có vụ tự thiêu của cụ bà Alice Herz, 82 tuổi, người Mỹ gốc Đức, cũng để phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng ít người biết đến vì sự việc xảy ra tại một ngõ vắng ở Detroit.
     4) Ngày 10.4.1966, anh sinh viên Arthur Zinner đã đến trước Nhà Trắng ở Washington tẩm xăng để tự thiêu, nhưng bị cảnh sát và mật vụ ập tới đưa đi. Một người bạn ở chung nhà với Arthur Zinner là William Racolin cho biết Arthur Zinner đã từng nói “đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa” và “nhân dân miền Nam Việt Nam phải được tự giải quyết các vấn đề cùa mình mà không có sự can thiệp của Mỹ”.
     5) Ngày 18.8.1967, John Kopping, 33 tuổi, dùng xăng tự thiêu tại thị trấn Panorama ở ngoại ô thành phố Los Angeles. Cảnh sát đã tìm thấy dưới một hòn đá gần nơi anh tự thiêu một tờ giấy, trong đó anh phản đối chính sách của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam.
     6)  Ngày 12.10.1967, tại thành phố cảng San Diego trên bờ Thái Bình Dương, một trong những căn cứ xuất phát của quân đội Mỹ sang Việt Nam, chị Hiroko Hayaski, người Mỹ gốc Nhật Bản, đã tưới xăng lên mình và châm lửa. Chị bị bỏng nặng, đến bệnh viện được một giờ thì mất. Theo chị ruột của Hiroko là bà Kay, Hiroko vẫn phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và việc chị tự thiêu là thể hiện sự phản đối đó.
     7)  Ba ngày sau, ngày 15.10.1967, lại một phụ nữ Mỹ khác tưới xăng lên mình rồi châm lửa: bà Florence Beaumont; bà cũng đã qua đời sau khi được đưa vào bệnh viện. Chồng bà, ông George, cho biết bà đã quyết định tự thiêu để phản đối “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” cùa Mỹ ở Việt Nam.
     8 )  Cuối tháng 11.1967, xác một thanh niên chết cháy được phát hiện ở thành phó Tijuana gần biên giới Mỹ-Mexico. Các giấy tờ để lại cho thấy đó là James L. Thornton, 24 tuổi, ở Caỉifornia. Là lính lái máy bay, anh đã được lệnh sang Việt Nam ngày 6.12.1967, và đã quyết định tự thiêu còn hơn sang để giết người và bị giết ở Việt Nam.
     9)  Mấy ngày sau, đầu tháng 12.1967, một thanh niên khác là Kenneth Zilya, 20 tuổi, đã tự thiêu trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York cũng để phản đối cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
     10) George Winne Jr., tự thiêu ngày 10.5.1970, 23 tuổi, sinh viên Đại học California. Tháng 6.1970 sẽ học Thạc sĩ Lịch sử. Con trai một Đại úy Hải quân Mỹ. Trước khi chết, George Winne Jr. đã viết thư cho Tổng thống Nixon yêu cấu chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo chí Anh năm 1965.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2023, 01:59:11 pm »

       Nói đến các bạn trong phong trào phản chiến Mỹ, người tôi muốn nhắc trước hết là ông Dave Dellinger - Chủ tịch phong trào hòa bình Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ông là một trong những người Mỹ đẩu tiên đến Việt Nam, và cũng là người kiên trì đến cùng với lý tưởng hòa bình và công lý của mình.

      Anh Tom Hayden 1, một lãnh tụ của phong trào, đã yêu chị Jane Fonda, vì chung chí hướng đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đứa con của anh chị được đặt tên là Troy để tưởng nhớ đến anh Nguyễn Văn Trỗi. Chị Cora Weiss là một phụ nữ nổi tiếng hoạt động xã hội không mệt mỏi. Nhiều chị trong phong trào đấu tranh cho hòa bình, như chị Carol Brightman, vì yêu mến Việt Nam đã đặt tên con là “Bình”. Theo anh em, hiện nay có thể có khoảng mười cô gái Mỹ có tên “Bình”. Không thể không nhắc đến ông bà bác sĩ Benjamin Spock đầy tình nhân ái. Tôi cũng có một người con nuôi là Rennie Davis, một thanh niên Mỹ đã dấn thân hết mình vào phong trào ủng hộ Việt Nam. Davis là một thanh niên nhạy cảm, hoạt động rất hăng hái trong phong trào phản chiến ở Mỹ. Cuối năm 1969, Davis đến gặp tôi tại Paris, xin nhận làm con nuôi, nhưng mẹ con chưa kịp tìm hiểu nhau nhiều. Đến năm sau, Davis gặp lại tôi có hỏi tại sao đấu tranh mạnh như vậy mà chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Tôi giải thích, động viên Davis, nhưng có lẽ tôi đã không thuyết phục được cậu. Sau đó tôi không gặp lại Davis và nghe một số bạn Mỹ cho biết hình như Davis đã sang Ấn Độ đi tu... Sự thật không phải như vậy 2.

     Có những người tôi đặc biệt yêu mến, và đến bây giờ họ vẫn chung thủy với sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam như chị Merle Ratner (chị “Mơ”, vợ GS. Ngô Thanh Nhàn). Hầu như chẳng có gì trong tay, nhưng hễ Việt Nam yêu cẩu là lập tức có chị. Những người bạn quốc tế ấy là những người sống có lý tưởng, hạnh phúc của họ là được làm theo lý tưởng.

      Câu chuyện về những người bạn ở năm châu kể ra còn rất dài. Điều tôi suy nghĩ và muốn ghi ra ở đây không chỉ là kinh nghiệm riêng của tôi mà có thể là kinh nghiệm chung của chúng ta. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù, Đảng nêu ra một quan điểm hết sức đúng đắn: phải đoàn kết toàn dân tộc và sau đó đoàn kết quốc tế. Thực tế đã chỉ rõ sự đúng đắn hoàn toàn của quan điểm này. Nếu chúng ta không tranh thủ được sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa, mặc dù giữa các nước anh em có những mâu thuẫn, xích mích, hẳn chúng ta đã không có được sự viện trợ về quân sự, tài chính... cũng như sự ủng hộ vể chính trị, giúp chúng ta có điểu kiện giành được thắng lợi. Và nếu không có phong trào đoàn kết quốc tế mạnh mẽ và rộng rãi với Việt Nam như ta đã tranh thủ được, nhất là ở ngay nước Mỹ, hẳn chúng ta đã không tạo được tác động mạnh, làm lay chuyển ý chí xâm lược của Washington. Những hồi ký của nhiều nhà chính trị ngay trong chính quyền Mỹ thời bấy giờ cũng đã thừa nhận điểu này. Chính quyền Mỹ không thể không đếm xỉa đến dư luận rộng rãi của nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do họ gây ra ở Việt Nam. Phong trào chống chiến tranh, đoàn kết với Việt Nam ở Mỹ được tổ chức bởi nhiều lực lượng, cộng sản, cánh tả, tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công lý... trong suốt một thời gian dài. Đây là một sức mạnh chính trị-vật chất, thực sự đã làm lay chuyển những đẩu óc hiếu chiến, bảo thủ, ngoan cố nhất ở nước Mỹ.

      Nhân dân Việt Nam từ trước đến nay đánh giá cao và mãi mãi biết ơn phong trào hòa bình và chống chiến tranh ở Mỹ, coi đó là sự đóng góp quan trọng vào việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Gần đây có một đoàn làm phim Mỹ đến Việt Nam, hỏi tôi: “Có phải Việt Nam đã lợi dụng sự chia rẽ ở nước Mỹ không?” Tôi đã trả lời: “Không. Chúng tôi không hề nghĩ như vậy. Điều mà chúng tôi đã làm, là tranh thủ tinh thần yêu hòa bình và công lý của nhân dân Mỹ, để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa có hại cho Việt Nam, mà chẳng có lợi cho nhân dân Mỹ.” Rất may nhiều người Mỹ đã hiểu điều đó, nhất là phụ nữ đã đứng về lẽ phải và hòa bình. Đó chính là cơ sở để có thể hòa giải được nhân dân hai nước sau này.

      Cũng không thể không nhắc đến báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng đã góp một vai trò vô cùng quan trọng. Có lúc người ta gọi báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng là quyền lực thứ hai, nghĩa là sau quyền lực của chính quyền. Họ thực sự là một quyền lực khi dám nói lên sự thật, dám nói lên nguyện vọng và đòi hỏi của nhân dân, bất chấp mọi đe dọa, trừng phạt. Họ đã tác động đến thái độ và chính sách của chính phủ.

      Trước hết phải nói đến những nhà báo tiến bộ, dám đi vào vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, phản ánh cuộc chiến tranh thần thánh của quân dân ta, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ khó tưởng tượng. Chúng ta mãi mãi nhớ đến chị Madeleine Riffaud, người đã thốt lên từ đáy lòng mình: “Việt Nam là một phần cuộc đời tôi.” Và cùng với chị, nhiều phóng viên khác của báo L’Humanité (của Đảng Cộng sản Pháp)...

      Anh Wilfred Burchett lúc nào cũng hồ hởi, tươi cười. Burchet đã viết những phóng sự gây tác động lớn trong dư luận quốc tế, do vậy mà là người Úc nhưng anh không thể về sống ở Úc. Và nữ văn sĩ Bulgary Dimitrova, chị Vanessa người Ba Lan. Chúng ta cũng biết ơn hàng trăm nhà báo đã “bám” cuộc đàm phán ở Paris từ đầu đến cuối để đưa tin tức về cuộc thương thuyết kéo dài tưởng như vô tận này. Phải công nhận lúc đó các báo Mỹ như New York Times, Washington Post, Đài truyền hình CBS, cả các hãng thông tấn UPI và AP đều đã có những phóng viên chiến trường rất “cừ”, cập nhật được tình hình, cung cấp những tin tức kịp thời giúp nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới theo dõi tiến triển của cuộc chiến, biết rõ những cuộc giội bom dữ dội, những cuộc thảm sát dân thường, những tổn thất của quân Mỹ... Phải thừa nhận, nếu không có nhà báo Seymour Hersh, phóng viên báo New York Times, nhà báo Don Luce và nhiều nhà báo quốc tế khác đã dũng cảm vạch ra sự thật thì dư luận thế giới, nhất là dư luận Mỹ, không thể biết cụ thể về vụ thảm sát Mỹ Lai, trại giam “chuồng cọp” khủng khiếp ở Côn Đảo... và biết bao tội ác tày trời của quân xâm lược Mỹ. Sau này có dịp xem những phim tài liệu hết sức giá trị của những nhà quay phim Canada, Bỉ... tôi càng hiểu thêm về tình hình của “bên này”, “bên kia” trong cuộc chiến kéo dài và vô cùng ác liệt ở Việt Nam.

      Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi và tất cả anh chị em hoạt động trên mặt trận đối ngoại đều nhận thức một cách rõ ràng là “chiến trường quyết định kết quả của bàn đàm phán”. Chính cuộc chiến đấu đầy hi sinh và từng bước thắng lợi của quân dân cả nước trong mấy chục năm ròng rã đã chinh phục “trái tim và khối óc” của nhân dân tiến bộ trên thế giới và làm cho kẻ thù bị khuất phục. Và vô cùng quan trọng nữa là chiến trường miền Nam có hậu phương vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nơi mỗi con người suốt bao năm đã thật sự sống và làm việc từng ngày với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

      Cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do đầy hy sinh gian khổ trong hơn 20 năm và tinh thần chiến đấu bất khuất vô cùng anh dũng của cả dân tộc Việt Nam là một biểu tượng vô cùng cao đẹp được cả thế giới ca ngợi, Nhưng cũng phải nói “tinh thần đoàn kết quốc tế” mạnh mẽ chưa từng có của hàng triệu triệu con người trên thế giới cũng vô cùng đẹp đẽ, đáng khâm phục...

      Tôi cảm thấy hết sức tự hào về đất nước, về nhân dân ta và về bạn bè của chúng ta.




-----------------------------------------------------------------
1.Tom Hayden sinh năm 1939, nhà hoạt động chính trị và xã hội, chính trị gia, tham gia tích cực vào các hoạt động phản chiến và đấu tranh vì nhân quyền những năm 1960.

2. Năm 2013, nhân kỳ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, trong danh sách khách mời tham dự Lễ kỷ niệm từ Mỹ đến có Rennie Davis và vợ. Tôi hết sức vui mừng gặp lại Davis. Anh không phải đi tu ở Ấn Độ như tin đồn mà vẫn ở Mỹ, tiếp tục hoạt động. Vào dịp này, tôi mới hiểu hết thành tích phản chiến của anh, cảm thấy càng quí mến anh. Rennie Davis là một trong nhóm bảy người Chicago được New York Times đề cập đến trong phiên tòa chính trị quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Anh đã tổ chức nhiều cuộc biếu tình lớn chống chiến tranh, đặc biệt tại Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ năm 1968. Và nay, Rennie là chủ tịch của Quỹ vì Nhân loại và Quỹ Năng lượng mới.

    Tình cảm của người bạn Mỹ thân thiết này của tôi đối với Việt Nam vẫn còn rất sâu đậm. Anh đang có ý tưởng giúp đỡ Việt Nam bằng nhiều hình thức, đặc biệt anh muốn giúp làm vật liệu xây dựng có chất lượng nhưng giá rẻ... vì anh biết Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM