Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:45:50 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức B2  (Đọc 2597 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:11:06 pm »

- Tên sách: Hồi ức B2
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Lao động
- Năm xuất bản: 1999
- Người số hóa: giangtvx, dungnuocgiunuoc



LỜI GIỚI THIỆU


Ai đọc tập sách này (Hồi ức B2), không thể không rưng rưng nước mắt. Tất cá những mảnh đời đã được gom tụ lại thành một cuộc đời: cuộc đời của những người đã từng sống chiến đấu ở "Miền Đông gian lao mà anh dũng". Tập sách chân thật, chân thât đến từng chi tiết, chân thật đến phát khóc lên được. Mỗi mẩu hồi ký của mỗi người không chỉ gợi lại mà còn làm sống dậy những kỷ niệm sâu thẳm của đời ta về một vùng đất ta đã từng gửi một phần xương máu của mình cho Độc lập, Tự do của Tổ quốc. Đó là hồi ký của các anh: Tư Kỳ, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn, Mười Tái, nguyên Trưởng phòng Địch vận, Năm Bình, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ, Hai Tá, nguyên Trưởng ban Phát thành quân Giải phóng, Mai Chiến Thái, Đình Thịnh, nguyên phóng viên báo Quân Giải phóng miền Nam, Quốc Vinh, Cô Hỷ, Quang Đạt, Nghiêm Hà, nguyên quay phim nhiếp ảnh của Xưởng phim Quân Giải phóng, Tư Sơ, phòng bảo vệ... Đủ mặt cán bộ chiến sĩ của Cục Chính trị B2, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hồi ký khi được viết bằng văn xuôi, lúc được viết bằng văn vần. Thể loại nào cùng được các anh thể hiện một cách nhuần nhuyễn, hấp dẫn. Mặc dù các anh không phải là nhà vãn, nhà thơ, nhưng văn chương của các anh mạch lạc khúc chiết, đọc đến đâu là hiểu, là thấm đến đấy. Đạt được như vậy là do cái thật của mỗi cuộc đời đã được kể ra một cách dung dị, dễ hiểu, không hoa hoè, sáo rỗng.


Tập sách không dày, chí vẻn vẹn chưa đầy 200 trang, nhưng đọc xong ta thấy hiện lên cả một chiến trường đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng. Một chiến trường được hiện ra với từng cảnh rừng, từng con suối, từng trái cây rừng, từng hố hom, hố đạn. Một chiến trường hiện ra với đầy tình người sống chết bên nhau. Đọc xong tập sách không thể không rưng rưng nhớ về một quá khứ của đời mình từ những phút giây nguy hiểm, những ngày gian khổ đói cơm, nhạt muối. Nói tóm lại, tập sách giúp ta nhớ lại tất cả những gương mặt dù đã quen hay còn lạ ở chiến trường, những gương mặt còn sống hay đã mất. Tập sách tuy ngắn nhưng tình của nó đã vô cùng. Những ai đã từng trải qua các mặt trận đều mong có một tập để nhớ mãi, liên tưởng mãi và gìữ làm kỷ niệm của đời mình; và nhưng ai chưa một lần đặt chân trên mảnh đất B2 trong những ngày đạn lửa cũng nên có một tập sách này để cảm phục và noi gương.


Hà Nội, tháng 1-1999
Đại tá ĐẶNG VĂN NHƯNG
Tổng biên tập
Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:11:38 pm »

LỜI NÓI ĐẦU


Đã mười năm nay, cứ vào một ngày đầu xuân, những anh chị em trước đây công tác ở Cục Chính trị Quân giải phóng Miền Mam Việt Nam (B2), lại họp mặt để thăm hỏi sức khoẻ nhau, chúc nhau những lời tốt đẹp đầu năm và ôn lại những ngày gian khổ ác liệt, song cũng rất tự hào ở chiến trường.


Thật là cảm động biết bao khi cuộc chiến tranh mỗi ngày càng lùi sâu vào di vãng và mỗi người đang phải đối mặt với bao lo toan vất vả của cuộc sống đời thưòng, vậy mà những kỷ niệm về tình đồng đội, tình bạn trong chiến đấu vẫn được nâng niu trân trọng. Và cứ mỗi lần gặp gỡ nhau, các anh, các chị lại thấy như mình trẻ lại.


Giờ đây, mỗi người một hoàn cảnh: người đang công tác, người đã nghỉ hưu, người còn tại ngũ hay đã chuyển ngành..., nhưng cứ nhắc tới ngày đã ở "Cục Chính trị B2" là trong lòng ai cũng rộn lên niềm xúc động.


Nhân dịp kỷ niệm 10 năm kể từ cuộc gặp đầu tiên (1989-1999), Ban Liên lạc tập họp một số bài viết về những kỷ niệm của một số đồng chí ở khu vực phía Bắc thành tập sách với tựa đồ "Hồi ức B2". Tập sách này là món quà đầy ý nghĩa đầu xuân, giúp chúng ta nhớ tới những sự kiện, vùng đất và những con người đã từng đóng góp công sức máu xương vào chiến thắng của dân tộc.


Chúng tôi, những người biên soạn cũng cần nói thêm rằng, do những nguyên nhân về hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, về thời gian đã trôi qua hàng thập kỷ và không gian xa cách, nên có những chi tiết nào đó trong tập sách có thể chưa thật chuẩn xác; vì vậy, mong các đồng đội cũng như bạn đọc thông cảm và lượng thứ.

Hà Nội, tháng 1-1999
Ban Biên Soạn
NGÔ THẾ KỶ
PHẠM QUỐC VINH
LÊ VĂN VỌNG
NGHIÊM HÀ
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:12:34 pm »

NHỚ VÀ NGHĨ VỀ NAM BỘ - "B2"


TƯ TIÊN


Thời niên thiếu tôi đi học trường lang. Học sách giáo khoa tôi chỉ biết: Nước Việt Nam có hình cong như chữ "S", kéo dài tư "ải" Nam Quan đến mũi Cà Mau, (lược chia thành 3 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ va Nam Kỳ. Tôi lại được nghe bố mẹ kể rằng: ở làng tôi có một số người nhà nghèo, ham mê cờ bạc, khi mang công mắc nợ cùng đường phải ký "Côngtờra" với sở mộ phu đi Nam Kỳ. Chuyện đi Nam Kỳ làm phu cạo mủ cao su cho Tây ghê rợn lắm!... Rừng thiêng nước độc, lao dịch cực hình, đã đi thì khó trở về. Ông nội tôi là một trong số những người như vậy. Đến nay con cháu chỉ lấy ngày ông ra đi "mồng 8 tháng giêng" để cúng giỗ. Ấn tượng đầu tiên của tôi về xứ Nam Kỳ xa xưa là như vậy...


Sau cách mạng tháng tám 1945 ta không gọi là Nam Kỳ nữa. Chữ "Kỳ" được đổi thành chữ "Bộ" để phân biệt thời nô lệ mất nước với thời đã giành lại được độc lập tự do. (Tôi tự nghĩ như vậy). Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi lúc này là ngày 23/9/1945, quân Pháp núp bóng quân Anh, Ấn trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với khí thế sục sôi, thanh niên tình nguyện Nam tiến để hợp lực cùng đồng bào chiến sĩ Nam Bộ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào tình nguyện Nam tiến có tới hàng triệu con người; Không thể chia phần cho tất cả, nên cũng có kẻ ở người đi... Tôi là người không được may mắn như nhiều bạn khác nên phải ở lại. Chẳng bao lâu nữa, ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngay trên đất Thăng Long, Đông Đô, Ha Nội - Thủ đô của cả nước. Thế là tất cả mọi người đều xung trận...


Cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, 9 năm sau giành được thắng lợi. Với Hiệp nghị Giơnevơ, tạm thời phân chia 2 miền, tập kết quân đội để chờ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Quân dân Miền Bắc được đón tiếp các cán bộ chiến sỹ Miền Nam tập kết ra Bắc. Từ lâu nghĩ về Miền Trung, Miền Nam của Tổ Quốc tôi chỉ hình dung trong cái vòng cong của hình chữ "S"; nay được tay bắt mặt mừng với những con người đại diện cho đồng bào chiến sĩ Miền Trung, Miền Nam ra tập kết, xúc động biết bao khiến tôi không cầm nổi nước mắt.


Khi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bội ước phá hoại hiệp nghị Giơnevơ, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; Miền Bắc lại có phong trào Nam tiến lần thứ hai. Lần này tôi được vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên "B3". Tuy vậy tôi vẫn chưa được đến với đồng bào chiến sĩ Nam Bộ B2". Tôi ước mơ có dịp đi đến tận cùng đất nước để tận mắt nhìn thấy mũi Cà Mau, mảnh đất thiêng liêng mà mình đã từng ấp ủ trong tim từ thời niên thiếu... Bị thất bại thảm hại sau 20 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai buộc phải ký hiệp định Pari. Lúc này tôi được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đoàn cán bộ vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ - "B2". Mong ước của tôi đã được toại nguyện. Tôi cùng anh em hăm hở lên đường. Ước gì lúc này mình biến thành mũi tên để bay nhanh đến đích. Đang phấn chấn trong lòng bỗng nhiên có chuyện đột xuất: Mẹ tôi bất ngờ lâm bệnh nặng đang hôn mê bất tỉnh. Lòng tôi lại rối như tơ vò. Theo kế hoạch, ngày mai đã lên đường. Tôi phụ trách, nắm toàn bộ kế hoạch công tác của ngành trong giai đoạn mới và kế hoạch dẫn đưa đoàn cán bộ hành quân Nam tiến. Người thay thế tức thời lúc nay không dễ gì chuẩn bị kịp. Trước tình hình đó tổ chức cũng hơi khó xử. Tôi nói: Nhiệm vụ cách mạng dù hoàn cảnh nào cũng có thứ thách hy sinh. Lúc này Tổ quốc là trên hết! Tôi có thể tự thu xếp công việc gia đình để thực hiện đúng kế hoạch đã định. Tổ chức cũng thấy yên lòng với quyết tâm của tôi. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng của đất nước, anh em chúng tôi ngồi trao đối tâm tình với nhau bên giường mẹ đang hấp hối. Tất cả đều nhất trí động viên tôi lên đường và hứa hẹn: Việc chăm lo cho mẹ ở nhà chúng em xin gánh vác chu toàn. Mong anh yên tâm lên đường thuận buồm xuôi gió. Tôi chào mẹ lần cuối cùng: Mẹ! Con vì nghĩa nặng tình sâu với dân với nước, đặc biệt với đồng bào Miền Nam nên phải xa mẹ vào lúc này. Mong mẹ hiểu và tha thứ cho con. Mẹ không nói được nữa, nhưng nước mắt của mẹ cứ trào ra. Anh em chúng tôi mọi người đều khóc hòa chung vào dòng nước mắt của mẹ. Thế là tôi đã vượt qua được một thử thách đau lòng để lên đường. Sau nay nhận được điện báo tin: Mẹ đã qua đời sau khi tôi ra đi được một tuần...


Trải qua gần 3 tháng hành quân bộ, từ Đông Trường Sơn vượt qua Tây Trường Sơn, rồi từ Tây Trường Sơn lại trở về Đông Trường Sơn. Cuối cùng cả đoàn đã vào tới đích. Đặt chân lên đất Nam Bộ "B2", tôi thấy nhiều điều mới lạ. Từ cảnh vật đến con người, sao nó cứ vời vợi, buâng khuâng... Tôi nhớ đến lời Bác Hồ: "Miền Nam đi trước về sau" - "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi"... Bác Hồ với Miền Nam cũng như cả nước với Miền Nam... Sông có thể cạn, đá có thể mòn... Song không một sức mạnh nào có thể ngăn cách được mối tình ruột thịt Bắc Nam...


Đi sâu vào đất Lộc Ninh, trước mắt bỗng xuất hiện một rừng cây... Anh em reo lên: Ôi! Rừng cao su đây rồi... Những hàng cây thẳng tắp, giữa mùa khô lá rụng cành trơ. Những dải đất bazan đỏ ngầu phủ kín cỏ cây ven đường giống như một lớp sơn màu gạch. Mắc võng nằm nghỉ dưới gốc cây cao su, tôi chợt nhớ tới lời bố mẹ nói ngày nào, mà hình dung thấy sự lam lũ vất vả thời xa xưa của những người phu cạo mủ. Nghĩ đến ông nội, tôi bùi ngùi thương cảm: Ông ơi! Người ta đã vùi lấp ông ở gốc cây nào? Để cháu tìm đến với ông cho đỡ cô quạnh! Thầm nghĩ trong óc mà nước mắt cứ tuôn trào...


Buổi ra mắt đầu tiên với các đồng chí đồng đội ở Nam Bộ "B2" anh phụ trách buổi tiếp đón hỏi tôi: Anh Tiên là thứ mấy trong gia đình? - Tôi thưa: Nếu chỉ tính con trai thì tôi là trưởng, dưới tôi còn bốn chú em nữa. Tính cả con gái thì trên tôi còn hai người chị.


Anh phụ trách nói: Theo cách tính của Nam Bộ thì anh có chị Hai, chị Ba... Còn anh là thứ Tư. Nam Bộ không có "trưởng" hay "cả" và không phân biệt trai hay gái, ngươi con đầu là thứ hai... Xin được giới thiệu anh là anh "Tư". Đây là thủ tục nhập tịch của tôi khi tới chiến trường Nam Bộ "B2" và từ đó tôi được anh em đồng chí đồng đội gọi là anh "Tư" đôi khi để tránh sự trùng lắp thứ tự với các anh em khác cũng là thứ "Tư" thì anh em dùng cả "thứ" và "tên" gọi tôi là anh Tư Tiên". Được mang cái tên anh "Tư" hay "Tư Tiên" tôi cảm thấy mình gắn bó với Nam Bộ "B2" như anh em trong nhà. Tôi tự thấy yêu mình hơn. Từ đó, mỗi khi viết văn, viết báo, tôi cũng lấy bút. danh là "Tư Tiên" để giữ lấy kỷ niệm chiến trường thấm đậm tình thương nhớ.


Những ngày công tác ở chiến trường Nam Bộ "B2", khi thâm nhập vào các xóm, ấp, ăn ở trong nhân dân, hoặc khi xuống các đơn vị chung sống cùng đồng chí đồng đội, trong giao tiếp ứng xứ nghe những tiếng xưng hô: Cụ Hai, ông Hai, bà Hai, bác Hai, dì Hai, cô Hai, cậu Hai, anh Hai, chú Hai, cô Út, cậu Út v.v... thật là đầm ấm như con một mẹ, anh em một nhà, chung sống với nhau thuận hòa, ưu ái, chia ngọt xẻ bùi, sống chết bên nhau... Tôi rất ngưỡng mộ cái cách thức biểu hiện tình cảm của đồng bào, đồng chí Nam Bộ "B2"... Sao nó hiền hoà, gợi thương, gợi nhớ đến thế... Khi nóng nó có thể đem lại luồng gió mát cho con người, khi lạnh nó lại sưởi ấm lòng người, khiến người ta có thể dễ quên đi nỗi buồn phiền, để tâm hồn mình nhanh  chóng trở lại trạng thái bình yên thanh thản... Người ta dễ xua tan đi nỗi tức giận trong lòng để đến với nhau bằng tình vị tha độ lượng, như cây cao bóng cả che mát cho đời.


Biết ơn tổ tiên ông cha ta, đã mang dòng huyết thống của cha Lạc Long Quân với mẹ Âu Cơ, sinh con cùng một bọc, chia nhau xuống biển, lên non để xây dựng nên cơ đồ đất Việt có hình cong như chữ "S"; biết ơn tư tưởng Đại đoàn kết của Bác Hồ kính yêu, để lớp lớp cháu con ngày nay có được nếp sống "đẹp" tuyệt trần: Kết hợp hài hòa giữa cá nhân với cộng đồng, trong cái "nôi" của mẹ bọc trăm con. Không thấy có sự phân chia cách biệt thái quá nào giữa những người con với gia đình, giữa họ hàng với làng nước. Đó là bản sắc độc đáo của văn hoá dân tộc Việt Nam cần được bảo tồn và phát huy, để tôn cao hơn nữa lòng tự hào dân tộc của ngươi Việt Nam trước nhân loại.

Tháng 11/1998
T.T
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:13:55 pm »

CHÚNG TÔI VÀO B2


NGÔ THẾ KỶ


Một buổi sáng đầu tháng 5-1966, tôi được anh Hoàng Minh Thi, Cục trưởng Cục Tuyên huấn mời lên gặp. Anh cho tôi biết tôi được cử đi B, vào B2, tức là vào Cục Chính trị Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam, hiện đang ở Miền đông Nam Bộ. Tôi làm Trưởng một đoàn gồm 6 phóng viên báo chí, thông tấn. Chúng tôi vào B để đáp ứng yêu cầu của chiến trường đang và sẽ còn phát triển.


Anh Thi hỏi tôi có gì khó khăn không? Tôi trả lời: Tôi đi được, không có gì khó khăn. Anh bảo tôi cứ chuẩn bị đi bộ, vượt Trường Sơn, nhưng anh sẽ xin cho tôi đi theo anh Nguyễn Chí Thanh, đã vào B2 mấy năm nay, hiện đang ở ngoài này và lại sắp vào trong ấy. Nhưng ý định này không thành.


Nhận nhiệm vụ mới, tôi rất xúc động. Thế là tôi sắp xa Phòng biên tập phát thành quân đội nhân dân, nơi tôi công tác 7 năm nay.

Tất nhiên xúc cảm sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn là tôi sắp xa vợ tôi và các con tôi. Vợ tôi công tác ở Cục Nghiên cứu - Bộ Tổng tham mưu. Mới hơn 30 tuổi nhưng sức yếu. Chúng tôi có 2 con trai, đứa lớn lên 9, đứa bé lên 5. Vì chiến tranh phá hoại, các cháu phái sơ tán khỏi Hà Nội, được trại trẻ của Tổng cục Chính trị chăm sóc.


Có lần vợ tôi hỏi: bao lâu nữa thì gia đình lại được đoàn tụ? Điều này tôi cũng đã tự hỏi và tìm cách trả lời. Tôi nói Mỹ chưa từng tham gia một cuộc chiến tranh nào quá 3 năm. Anh hy vọng, sau 3 năm chúng ta lại sống bên nhau. Sự thực là sau tròn 10 năm, tôi mới trở về.


Cuối tháng5/1966, tôi vào Sư đoàn 338 ở Thanh Hóa để luyện tập chuẩn bị vượt Trường Sơn. Anh em chúng tôi vào B2 cũng đã đủ mặt: Nguyễn Duy Khải, Đỗ Công Viện, Lê Minh, Mai Bá Thiện (phóng viên nhiếp ảnh), Nguyễn Văn Năng, Nghiêm Hà (phóng viên nhiếp ảnh) và đồng chí Trạch, quân y sĩ.


Hàng ngày chúng tôi đeo ba lô, tập hành quân. Ba lô mỗi ngày thêm trọng lượng và hành trình ngày một thêm dài.

Trung tuần tháng 7, Tổng cục Chính trị cho xe đưa chúng tôi lên đường. Tôi rất xúc động trước sự quan tâm của Tổng cục Chính trị, của Cục trưởng Tuyên huấn Hoàng Minh Thi cũng như tất cả các xe khác ở thời kỳ ấy, xe chúng tôi đêm đi ngày nghỉ. Ban đêm xe phải dùng đèn gầm, chỉ chiếu lờ mờ một đoạn đường ngắn. Đêm nào cũng vậy, khắp trời vang tiếng máy bay, tiếng bom, tiếng súng phòng không, đồng chí Quyên lái xe của chúng tôi thật là giỏi. Nhiều đoạn xe đi trên miệng hố bom. Ban ngày tuy xe là mục tiêu của máy bay địch nhưng dân khu Bốn vui lòng dành nhà mình cho chúng tôi vào nghỉ.


Thế rồi các trọng điểm, mấy nơi còn được gọi là cửa tử, chúng tối cũng lần lượt vượt qua: phà Ghép, phá Bến Thủy, đèo Ngang, phà Ròn, phà Gianh, phà Quán Hầu, phà Long nại...

Đến miền Tây Vĩnh Linh thì xe quay ra và chúng tôi bắt đầu vượt Trường Sơn bằng đôi chân của minh.

Đêm đầu tiên ở đường Trường Sơn là một đêm đầy ấn tượng. Chúng tôi được đưa đến một khu rừng rậm để ăn ngủ ở đấy. Theo ngôn ngữ của đường Trường Sơn thì đây là "bãi khách". Trời mưa rả rích và tối như mực. Chúng tôi khoác ni-lông, bấm đèn pin, dùng dao găm để chặt cây và dây rừng dọn chỗ mắc võng, che ni-lông làm chỗ ngú. Loay hoay cả tiẽng đồng hồ mới dọn xong cái ổ của mình, chúng tôi chuyển sang nấu cơm ăn bữa đêm nay và nấm cơm cho cả ngày mai. Trời mưa nặng hạt hơn. Chúng tôi mò mẫm kê bếp, kiếm củi, mở đường xuống suối tìm chỗ vo gạo lấy nước rồi thổi cơm. Bếp ướt, củi ướt. Cái gì có thể dùng để nhóm lửa được đều được mang ra sử dụng: sách vở, quai dép cao su dự trữ... Cuối cùng rồi cũng có cơm ăn, tuy sống nhăn sống nhở.


Đi được hai ngay thì đồng chí Năng ngã trẹo chân phải ở lại chạy chữa rồi đi sau. Một tuần sau, y sĩ Trạch chảy máu dạ dày phải quay ra Bắc. Rất may là cùng đi với đoàn chúng tôi, có một tổ cán bộ vào công tác trong Bộ Chỉ huy Miền, trong đó tôi có một người bạn bác sĩ Bùi Tiến Đông. Anh đã tận tình chăm sóc sức khoẻ cho đoàn chúng tôi suốt cuộc hành trình.


Những ngày vượt Trường Sơn là những ngày liên tục băng đèo, trèo núi, lội suôi, vượt sông. Có chặng suốt một ngày chỉ qua được một con đèo. Chúng tôi đi trong mùa mưa nên suốt ngày ướt, đường lầy lội. Tội nghiệp Nghiêm Hạ. Có hôm anh trượt chân ngã, một chiếc dép văng xuống vực. Anh phải leo dốc đá tai mèo   một chân đi dép, một chân trần. May buổi tối đến chặng nghỉ, anh được trạm cho một chiếcc dép.


Trước mắt chúng tôi, khó khăn còn nhiều: dọc đường nhiều muỗi, nhiều vắt. Mỗi người chúng tôi phải chuẩn bị một bọc muối để gỡ vắt cho nhanh, như những người thợ cấy có bọc vôi để gỡ đỉa. Có một số nơi còn có ruồi vàng đốt đau như kim tiêm, vết đốt trở thành mụn nhọt. Mỗi ngày mỗi người chúng tôi được ăn 7 lạng gạo. Suốt cuộc hành trình không hôm nào thiếu gạo. Nhưng thức ăn chỉ có nước mắm cô đặc, ruốc thịt nhưng thịt ít mà muối thì nhiều. Dọc đường cố kiếm thêm một ít măng hoặc rau tàu bay.


Một niềm vui không nhỏ đối với chúng tôi là, vì đoàn chúng tôi là một đoàn nhỏ nên ở nhiều chặng, chúng tôi được vào nghỉ ở trong trạm. Ngoài trời mưa tầm tã, chỗ nghỉ của chúng tôi thật là một thiên đường. Chúng tôi có chỗ ngủ khô ráo, hoặc năm võng, hoặc có giường, tuy giát giường chỉ là những cành cây nhỏ ghép lại, hay là những thân tre, vầu, nứa tãi ra. Chúng tôi có bếp đun nấu khô ráo, nhiều trạm cho chúng tôi củi, có nơi còn cho chúng tôi cả rau và thịt thú rừng săn bắn hoặc bẫy được. Chúng tôi rất cảm động trước tình đồng chí, đồng đội.


Một niềm vui nữa là khi gặp dân ở ven đường, chúng tôi thường được báo trước về những dịp này bằng tiếng hót hoặc bóng dáng của những con chim cu gáy, loại chim thường sống gần các nương rẫy. Gặp dân, chúng tôi cảm thấy mình lại được hoà vào xã hội, vào cộng đồng. Và một niềm vui thực tế hơn là chúng tôi có thể dùng một số thứ đã chuẩn bị sẵn theo kinh nghiệm của những người đi trước, như cặp tóc, đá lửa, quần áo v.v... để đổi cho dân lấy con gà, con vịt, nải chuối, quả dưa... Đây thực sự là bữa tiệc của chúng tôi trên dẫy Trường Sơn. Nhưng đây cũng là dịp hiếm hoi, vì để giữ bí mật, đường đi thường tránh xa những nơi có dân cư sinh sõng.


Thật không may, vừa đến địa phân khu VI thì tôi bị ốm. Sau nay tôi mới được biết là anh em lo tôi chết, vì có lúc tôi đã bị hôn mê và tay đã "bắt chuồn chuồn". Anh em đưa tôi vào một bệnh xá. Đoàn đẻ anh Lê Minh ở lại chăm sóc tôi, còn anh em tiếp tục cuộc hành quân. Tôi rất cảm động trước sự chu đáo của anh em. Mặt khác tôi rất lo vì nghe mong manh đây là vùng đất khó khăn nhất của đường Trường Sơn. Lương thực, thực phẩm, thuốc men từ miền Bắc vào thì đến đây đã gần hết, mà từ Nam Bộ đưa ra đến đây cũng không còn mấy. Nhưng tôi lại gặp khá nhiều bất ngờ. Đầu tiên là việc các anh bố trí cho tôi ở cùng với Ban chỉ huy bệnh xá. Từ ít lâu nay ở đây đã quan hệ được với Cam-pu-chia nên lương thực, thực phẩm, thuốc men đủ dùng. Thuốc lá thơm cũng không thiếu. Ở đây, lần đầu tiên tôi được ăn chè nấu bằng  sữa hộp và chuối tây. Nhân viên trong bệnh xá nhiều anh chị là người dân tộc. Có mấy anh săn bắn rất giỏi nên chúng tôi thường xuyên được ăn thịt thú rừng. Khoảng sau mười hôm thì tôi ra viện và cùng anh Lê Minh tiếp tục lên đường vào Miền.


Cuộc sống Trường Sơn thật là hào hùng và có biết bao điều cao cả. Nhưng ở đây cũng không tránh khỏi những chuyện đau thương.

Chúng tôi đi trên những cây số cuối cùng của đường Trường Sơn và một ấn tượng không bao giờ quên: những nấm mộ của các đồng chí vì bom đạn giặc, vì bệnh tật mà nằm lại vĩnh viễn trên dải Trường Sơn.


Trước đây tôi đã từng nghĩ, nếu đi B thì thích nhất được vào Nam Bộ. Ở đây có "miền Đông gian lao và anh dũng", có thành phố Sài Gòn, có sông Tiền, sông Hậu cùng cả vùng châu thổ mênh mông, có những người dân với những tính cách đáng quý.


Thế là tôi bây giờ đã được toại nguyện. Sau khoảng 3 tháng đi đường, trung tuần tháng 10/1966, chúng tôi đã đặt chân lên đất miền Đông Nam Bộ.

Chúng tôi đã đến trạm liên lạc của Cục Chính trị Miền. Nghe có nhiều tiếng bom tiếng pháo cách đây không xa. Hỏi ra được biết địch đang mở cuộc hành quân At-tơn-bô-rơ. Tuy vậy không khí ở đây rất bình thản.


Khi viết những dòng này, tôi hình dung lại từng khuôn mặt của sáu người bạn cùng vào B2 với tôi cách đây hơn 30 năm: Nguyễn Văn Năng, phóng viên nhiếp ảnh đã hy sinh ngoài mặt trận khi đang làm nhiệm vụ. Nghiêm Hà, phóng viên nhiếp ảnh mà giặc cướp mất của anh nửa bàn tay trong Mậu Thân 1968. Nguyễn Duy Khải thì vợ chồng phải chia tay nhau vì vợ không giữ được lòng chung thuỷ trong những năm xa cách. Mai Bá Thiện, phóng viên báo Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam qua đời năm 1996 vì căn bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh này có liên quan gì đến chất độc hoá học mà quân thù thả xuống những vùng anh đã đi qua? Đỗ Công Viện, sau giải phóng miền Nam về công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương, nay đã nghỉ hưu. Còn Lê Minh, con ngươi "trên từng cây số" chí cốt với tôi, thì ngay sau ngày đất nước thống nhất đã trở về với người bạn đời rất đỗi thân thương ở quê hương Thanh Hoá, theo lời hẹn trước lúc lên đường.

N.T.K
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:14:48 pm »

TÔI TRỞ VỀ NAM


TRƯƠNG THÀNH HỶ


Năm 1954 tập kết ra Bắc, chúng tôi được tập trung về Tổng cục Chính trị. Quân đội chưa có ngành điện ảnh, nên lần lượt các anh em điện ảnh trong Nam ra, chuyển về Xưởng phim thuộc Bộ Văn hoá. Chỉ còn là một nhóm nhỏ gồm Vũ Ba, Phạm Tranh, Việt Hiền, Đoàn Tý và tôi ở lại quân đội công tác cho Bảo tàng quân đội, báo Hình ảnh quân đội và báo Quân đội nhân dân.


Năm năm sau, 1959, quân đội mới thành lập Xưởng phim và tôi được trở về công tác ngành quay phim, nghề cũ của tôi. Ban giám đốc Xưởng phim phân công tôi quay phim tư liệu. Phim tư liệu nhằm vào những đề tài còn bí mật chưa được đưa ra công khai, đòi hỏi ngươi quay phim có phẩm chất, đồng thời biết giữ bí mật. Những anh em còn trẻ không mấy gì thích loại đề tài này.


Thế là tôi lần lượt đi Lào hết đợt này đến đợt khác. Khi thì đi phụ quay cho anh Như Ái, về sau tôi đi độc lập. Bộ đội Việt - Lao giải phóng Cánh Đồng Chum, địch núng thế, ta phát huy thắng lợi giải phóng tỉnh Văng Viêng. Tôi được phép nhận về những chiến lợi phẩm thuộc ngành chuyên môn như máy chiếu và phim 16mm.


Từ năm 1961, Sư đoàn 338 trở thành hậu cứ huấn luyện, tập kết và tổ chức đưa anh em trở về Miền Nam. Địch gọi đây là căn cứ "biệt kích 338". Xưởng phim quân đội tổ chức một đoàn làm phim về các hoạt động của sư đoàn nay, gồm anh Trần Việt - đạo diễn trưởng đoàn, Phùng Đệ và tôi quay phim, đồng chí Tân lái xe. Làm phim này quả thật không thú vị gì. Đây là hậu phương lớn lo người, lo của cho tiền tuyến lớn, chuyện quốc gia đại sự bí mật chết người. Từ quay phim, tráng phim đến thành phẩm đều có bảo vệ đi kèm từng công đoạn một. Hết đoàn này tập trung huấn luyện lên đương về Nam lại đến đoàn khác. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đến thăm đoàn, từ Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Hùng.


Do nhu cầu công tác, đồng chí Trần Việt được rút về nhận phim khác Còn lại tôi, Phùng Đệ và Tấn lái xe phải leo đẽo theo hoài. Tự nhiên, dù không muốn, trong con người tôi vẫn tích luỹ qua nhiều "bí mật quốc gia", cứ đà này thì còn lâu mới có điều kiện về Nam!


Tháng 10 năm 1962, nhân kỷ niệm 45 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Liên Xô gửi tặng Hải quân nhân dân Việt Nam một đội hải thuyền. Tư liệu đặc biệt này lại đến tay anh Bằng và tôi. Nhưng đây cũng là duyên may cho tôi khi được bố trí đi trên chiếc hải thuyền chiến lợi phẩm do dân quân du kích Miền Nam bắt sống từ tay giặc Pháp và được gặp Trung tướng Trần Văn Trà. Tôi đã nhiều lần hân hạnh gặp và thu hình ảnh Trung tướng tại Sư đoàn 338, khi đồng chí đến thăm và tiễn đưa các đoàn quân bí mật trở về Nam. Chưa kịp chào hỏi thì đồng chí đã hỏi ngày:

- "Xưởng phim quân đội đã cử đội quay nào vào Nam chưa?"

- "Thưa đồng chí, Xưởng phim đã chọn năm đồng chí người Miền Nam đưa đi đào tạo và đã lên đường cùng với bên dân sự do anh Hiền Liên (Cao Thành Nhơn) và Trần Nhu, căn cứ vào thời gian xuất phát thì nay đã đến.

- "Riêng đồng chí Hỷ, đồng chí có muốn đi không?".

Câu hỏi trúng ngay "tim đen" của tôi rồi tranh thủ dịp may hiếm có, khi tàu chạy trên Vịnh Hạ Long đã đề đạt vởi Trung tướng một số vấn đề về công tác tổ chức điện ảnh cho Giải phóng quân Miền Nam và nhờ đồng chí có ý kiến với Tổng cục Chính trị để tôi được đi mà không ràng buộc vì tư liệu quốc gia.


Sau chuyến đi hải quân về ít lâu, một hôm, Chi uỷ và Ban giám đốc Xưởng mời tôi lên. Bước vào phòng, tôi đã thấy các đồng chí ngồi đầy đủ cả. Không khí trang nghiêm khác hẳn mọi hôm. Đồng chí Bí thư phổ biến cho đồng chí Trần Anh Tra và tôi: một người về Quân khu 5, một người về Nam Bộ. Tôi đã đoán trước nội dung buổi họp nên không có gì ngạc nhiên.


Thế là công tác ở Xưởng phim quân đội chỉ được 3 năm, tôi đã âm thầm rời Xưởng không một lời chào hỏi tiễn đưa với những người đáng bậc thầy, đáng bậc đàn anh, có người ít tuổi hơn nhưng tài năng sắc sảo tôi thường lưu ý học tập. Sau khi chiến tranh kết thúc không bao giờ tôi gặp lại anh Bằng vì anh đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị năm 1972.


Những năm tháng tuy ngắn ngủi ở Xưởng phim Quân đội nhân dân Việt Nam những thắm thiết tình đồng chí và thật quý giá cho trình độ nghề nghiệp của tôi. Số nhà 17 Lý Nam Đế, Xưởng phim quân đội, nơi tôi và các anh em phát triển nghề nghiệp, và cũng chính là cái nôi cho Xưởng phim quân giải phóng B2 mà tôi phụ trách sau này.

T.T.H.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:16:20 pm »

TÔI ĐI "B"


BÙI VĂN SƠ


Ra đi lần này khác hẳn thời đánh Pháp vì nửa nước đã hoà bình. Mỗi người đã có một tổ ấm riêng. Bản thân tôi lúc ấy đã có vợ và hai con nhưng các con đều còn nhỏ, bà con thân thuộc thì đều ở xa... Nỗi day dứt nhất của tôi khi ấy là hai đứa con còn quá thơ dại, và cũng chẳng biết đến bao giờ tái ngộ?; Nhưng một bên vai là nợ nước, một bên vai là nghĩa vụ làm chồng làm cha... Nhưng được cái may, là người vợ hiền có thái độ đúng mực; Tuy có bịn rịn, nhưng tỏ rõ quyết tâm: nuôi con khôn lớn.


Khi chia tay tạm biệt, tôi chí có đôi vần ca dao mộc mạc, dặn lại vợ con:

"Xem trong thiên hạ xưa nay,
Muốn mai xum họp, ngày rầy chia phôi
Dù rằng Nam Bắc đôi nơi
Nhớ nhau, mình hãv lựa lời dạy con"


Hôm tạm biệt người thân, vợ chồng tôi có mời hai anh bạn cùng ngành, cùng binh chủng, lại cùng đi B một ngày, ra ăn bữa cơm thân mật. Sau này tôi biết tin, anh Mui vào khu 5, anh Thận vào Khu 6, tôi vào Khu 7. Nhưng rồi cả hai anh đều vĩnh viễn ở lại chiến trường.


Hôm ấy, cả đoàn Hà Nội, gồm "khung cán bộ cho sư đoàn và nhân viên kỹ thuật" của pháo, xe tăng, chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Trung Bộ, tập trung để lên xe tại Cửa Đông phố Lý Nam Đế. Hồi đó chúng tôi đều ăn vận quần xanh, áo sơ mi trắng như đi du lịch xa, gồm 4 xe ca, biển dân sự, từ từ chuyển bánh về hướng Nam. Cuộc tiễn đưa rất cảm động, nhân dân Hà Nội đều thầm hiểu: "Bộ đội đi B". Tôi có làm mấy câu thơ

Hôm nay tạm biệt Thủ đô
Hôm nay tạm biệt Tháp rùa thân yêu
Xe ca chuyển bánh đều đều
Phố phường thân mến nhìn theo bóng mình
Đã rằng hai chữ: Tử - Sinh
Ra đi, giữ trọn nghĩa tình Bắc - Nam


Đoàn xe đi đến Ninh Bình thì bị trục trặc, phải vào huyện đội Gia Khánh nghỉ tạm để điện về Bộ Tổng tham mưu xin đổi chiếc xe khác. Gần sáng thì xe tới, chúng tôi đ¡ tiếp vào huyện Yên Định - Thanh Hóa tập hành quân mang vác nặng và làm công tác tổ chức. Hàng ngày chúng tôi cho gạch vào ba lô con cóc tập vượt đèo lội suối. Chúng tôi chí tập được vài tuần lễ là lên đường, lần này thì đi bằng đôi chân vạn dặm nhưng có thêm chiếc gậy "Trường Sơn" do từng người tự tạo theo ý thích.


Mấy đêm đầu qua Quảng Bình thì còn nằm ở nhà dân, từ khi đến Làng Ho, bên này bờ sông Bến Hải thì thay đổi quần áo, giầy dép sao mũ... trở thành anh giải phóng quân Miền Nam và từ đó hoàn toàn ngủ rừng, mọi dấu vết của Miền Bắc đều phải xoá bỏ (để lại hoặc gửi về gia đình, đây là kỷ luật thật nghiêm khắc).


Mỗi người tự chọn cho mình một cái tên mới dễ nhớ để làm quen dần trong giao tiếp. Lúc ấy quân ta tức cảnh:

"Hôm qua Quân đội nhân dân,
Sáng nay thành Giải phóng quân anh hùng
Ba lô "con cóc" trên lưng
Đi làm nghĩa vụ non sông đang chờ"


Cảnh sinh hoạt cũng nên thơ: "Quần vợ, mũ con, gạo lon, cơm ống, nhà trông, giương treo, "ỉa mèo" leo dốc, hành quân cấp tốc, đi vượt thời gian.

Đường Trường Sơn thời kỳ này mới mở, nhiều đoạn đường như chưa có dấu chân người, anh chị em giao liên cắt rừng theo bản đồ, nhiều khi mệt quá, lính ta nổi cáu với người dẫn đường, nên mới có câu: "Đường giao liên dài theo đất nước, cứ đi đừng có than vãn, cũng không ai giải quyết ngăn lại được đâu!". Đi trong rừng rậm, nên ngày đi đêm ngủ, thời kỳ này địch chưa đánh phá, chỉ đôi chỗ có biệt kích, giao liên trinh sát, nếu có nghi vấn thì cắt rừng đi hướng khác.


Đoàn chúng tôi vào "Ông Cụ", bí danh của Trung ương Cục Miền Nam, vì vậy phải ròng rã suốt 4 tháng trời lên dốc trèo đèo lội suối vượt sông để vào mảnh đất "Thành Đồng" của Tổ Quốc.

Đi vào đúng mùa mưa nên lính ta rất gian truân. Tôi đến trạm, thực chất là một khu rừng mà đơn vị được giao liên phân cho để làm nơi ăn ngủ tạm một đêm. Anh em đi chặt cây làm cọc mồi mắc võng, lợp tấm tăng để ngủ, và làm 3 cái chạc gác chiếc ba lô. Trời đổ mưa, cái lo nhất là nấu cơm mà củi ướt. Nhiều khi còn phải đem xuống suối rửa cho bớt bùn thì củi mới cháy, và cái lo nữa là vắt, phát hiện được hơi người thì nhao nhao leo tới, bám vào cổ chân, tay để hút máu, muốn cho nó rời khỏi da chỉ còn nước là dùng thuốc chống vắt đã làm sẵn (gồm xà phòng và muối).


Đi đến địa phận tỉnh Quảng Nam, đoàn trưởng Lâm Quang Bẩy, bị sốt rét ác tính đã lâu nhưng cứ gắng gượng theo đoàn, đêm ấy phải nằm lại vĩnh viễn nơi này! Vì tình cảm đồng đội, vả lại là người chỉ huy, nên anh em chúng tôi dừng lại một ngày để đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, trên một đính đồi cao. Sau đó chúng tôi phaải hành quân vượt Trạm cho kịp, mọi người cũng phải bớt tiêu chuẩn gạo cho đủ cơ số đến Trạm thứ ba mới được phát tiếp.


Cực nhất là ăn đói thiếu chất, vì suốt 4 tháng ròng rã mà chỉ có 2 "cóng" ruốc muối, từ Bắc đưa vào, mỗi ngày chỉ có 2 miệng lon sữa bò gạo mà suốt ngày trèo đèo lội suối, hao tổn khá nhiều calo. Với người nhiều tuổi và cuộc sống đã qua gian khổ thì dần dần cũng tạm thích nghi và cố gắng vượt qua; nhưng với lớp trẻ thì xuống sức trông thấy, nhiều anh em mới nửa đường đã phải nằm lại Trạm, nhiều anh do sốt rét rừng liên miên, da vàng bủng, chân tay teo tóp chỉ còn da bọc xương; số không nhỏ nằm lại vĩnh viễn trên đường.


Lửa thử vàng, gian nan thử sức, lúc này chúng tôi thường nhắc nhau: "Ta phải đi bằng đầu, chứ không phải bằng đôi chân" và cái tốt cái xấu trong con người cũng là lúc nó bộc lộ, chẳng phân biệt tuổi tác, cấp chức...


Nhiều người nhường cơm cho bạn, mang vác giúp nhau, võng cáng nhau cùng tới đích... càng gian nan, tình thương yêu nhau càng thắm đượm; nhưng cá biệt cũng có người phạm lỗi. Một hôm qua bản dân tộc người Gia Rai, đoàn cho đổi một số quần áo lót dự trữ để lấy sắn (mỳ) cho anh em ăn thêm đỡ đói. Có một vị cán bộ đã giấu đi một ít cho cá nhân, khi phát hiện chính xác, tôi đã "rỉ tai", đến bây giờ gặp lại ông bạn vẫn còn ngượng. Có một lần vượt sông Mã Đà, tôi bị sốt, đoàn mua bò giết thịt, cái thiện, anh Tư Tuyên thay đoàn trưởng đã ưu tiên phát cho tôi một quá tim bò, giao cho một cậu đem về cho tôi. Sáng hôm sau anh Tuyên kể lại thì mới vỡ lẽ là cậu ta thèm quá ăn mất.


Tôi còn nhớ chuyện đồng chí Hoàng Thiên là cán bộ tiểu đội của trung đội chúng tôi, trong khi "tán gẫu" Thiên hứa: Khi nào về tới căn cứ sẽ đãi tôi một bữa thịt heo (lợn rừng) thả phanh. Sau này Thiên là dũng sĩ diệt Mỹ vào hạng có tên tuổi ở vùng Sóc Ky. Khi tôi xuống đơn vị gặp Thiên, Thiên thu xếp nơi ăn nghỉ cho tôi xong là đi vào rừng, khoảng 2 giờ sau đã đem về một đùi lợn rừng yêu cầu chị em cấp dưỡng nấu nướng rồi gọi 2 cậu nữa khiêng một con lợn gần tạ về đãi chúng tôi. Thiên chỉ nói ngắn gọn: Đã hứa là làm.


Lại nói đến hôm đặt chân tới Trạm cuối cùng chúng tôi dốc túi ăn một bữa cơm với cá khô rán và củ cải luộc. Đây là đặc sản của lính Miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ (cá khô mua từ biển hồ Campuchia sang). Tôi cũng tự mình nấu 2 "hăng gô" cơm, ăn xong lên võng nằm mà có cảm tưởng như là bụng mình có người đánh vỡ ra mất! Sáng hôm sau thì tôi được anh em trong Phòng bảo vệ an ninh Quân giải phóng ra đón về. Gặp lại anh em đồng nghiệp nhất là số anh em đi trước tôi, thật là mừng vui khôn tả và đặc biệt mình đã vượt qua chặng đường gian nan nguy hiểm.

Tháng 7 năm 1997
H.V.S.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:17:30 pm »

MỘT CHUYẾN VÀO NAM


NGUYỄN VĂN KHẢ


Tháng 3/1964 tôi và anh Nguyễn Văn Tôn cán bộ công tác tại Cục bảo vệ được lệnh vào chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ (B2).

Thủ trưởng Cục bảo vệ lúc đó là đồng chí Phạm Kiệt nói với hai chúng tôi là do yêu cầu gấp của chiến trường, các đồng chí thu xếp bàn giao công việc và làm công tác tư tưởng với gia đình trong phạm vi 15 ngày để ra đi vào Nam. Các đồng chí không phải tập đeo gạch, leo núi, mà đi bằng môt con đường khác; khi đi các đồng chí sẽ biết. Là cán bộ bảo vệ, Cục không phải dặn gì thêm. Cố gắng giữ gìn sức khoẻ và làm công tác ổn định tư tưởng cho gia đình để ra đi được thanh thản.


Cả hai chúng tôi nhận nhiệm vụ một cách nhẹ nhàng và bàn giao công việc với đơn vị rất nhanh. Về gia đình, với vợ con thì không khó khăn lắm; tôi đã nói rõ với vợ về việc đi vào Nam chiến đấu. Nhưng với mẹ tôi, tuổi đã gần 70, tai điếc khá nặng. Bố tôi mất từ lúc tôi mới 5 tuổi, mẹ tôi ở lại nuôi tôi và chỉ có một mình tôi. Rất thương mẹ và đắn đo suy nghĩ mãi không biết nên nói với mẹ như thế nào để cho mẹ đỡ nghĩ ngợi nhiều. Tôi nói rằng: "Con được cấp trên cử đi sang nước bạn học mấy năm nữa nên lại phải xa mẹ, xa vợ con". Nói như vậy vì tôi đã học ở Liên Xô mấy năm, về nước cuối năm 1962.


Tôi thật không ngờ về mẹ của mình. Bà nói rằng: Con nói không đúng rồi! Con vừa đi học ở nước bạn về, Nhà nước đang cần đánh giặc để giải phóng Miền Nam, con đi mà đánh giặc. Trước đây thời kỳ đánh Tây, con đi tám, chín năm trời, mẹ ở nhà có một mình vẫn được. Nay con có đi xa, nhưng có vợ, có con con ở với mẹ với bà là tốt quá rồi. Con cứ đi, đi cho "chân cứng đá mềm", đánh hết giặc rồi trở về, chắc rằng lúc đó mẹ chưa chết đâu!"


Tôi lặng người không biết nói gì nữa. Tôi ôm lấy mẹ mà nước mắt của tôi cứ chảy ra, tôi càng thương mẹ tôi. Cảm ơn mẹ, một người mẹ tuyệt vời!

Vào một buổi tối của tháng 4/1964, chúng tôi được báo ngày xuống tàu đi vào Nam. Đồng chí thuyền trưởng hướng dẫn và dặn dò chúng tôi những điều cần thiết cho người đi tàu biển. Đúng 12 giờ trưa ngày hôm sau chúng tôi bước xuống tàu, tạm xa Miền Bắc thân yêu đi vào chiến trường mà ở trong đó nhân dân và biết bao chiến sĩ cán bộ chúng ta chịu đựng gian khổ gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm và biết bao nhiêu đồng bào đồng chí đã hy sinh trong đấu tranh cách mạng.


Ngồi trên tàu, một thuỷ thủ đã nói với tôi rằng: với chiếc tàu này, nếu người ngoài nhìn vào bảo là tàu đánh cá cũng được, tàu buôn cũng được và nếu phán đoán là tàu chiến thì cũng không sai.

Nhìn biển rộng mênh mông, càng xa bờ càng thấy mình quá bé nhỏ trước biển khơi. Chỉ còn thấy mặt nước, chân mây, biển trải rộng với nhiều màu sắc khác nhau theo thời gian trong ngày. Và chiều tối là một khoảng không gian rộng vô cùng với một màu tím đen thẫm đẹp tuyệt vời!


Khi ở vị trí tập kết, qua tìm hiểu chúng tôi được biết từ năm 1962 đến năm 1964 chúng ta đã có mấy chục chuyến tàu chở vũ khí vào chiến trường, Từ tàu gỗ nhỏ, tàu gỗ lớn hơn đến tàu sắt nhỏ và giờ đây là tàu khoảng 100 tấn. Việc đưa vũ khí vào Nam bằng tàu biển là rất khó khăn nguy hiểm, nhưng nếu vào được 50% là một thắng lợi lớn. Mỗi chuyến đi có kèm theo đưa hai, ba cán bộ vào chiến trường và thường là những đồng chí có yêu cầu đi gấp. Bằng mọi cách cố gắng cao nhất, dù tình huống nào cũng không để lộ đường vận chuyển, không lộ phương tiện vận chuyển, không lộ bến tiếp nhận.


Phương tiện bảo đảm cho một chuyến đi của chúng tôi còn rất nghèo nàn, chỉ có một cái la bàn, một hải đồ 1/1.000.000 và một cái thước đo góc. Bao nhiêu thứ cần thiết nữa thì chúng ta không có.

Qua 2 giờ trên biển tôi thấy người bắt đầu nôn nao say sóng. Đến giờ thứ 4, thứ 5 thì say sóng thật sự, người choáng váng, nhức đầu, nôn mửa. Mệt quá, vẫn nôn, nôn hết, nôn ra mật xanh, mật vàng, không có gì để nôn nhưng cứ há mồm cho nước chảy ra và sau cùng là ra một ít máu.


Các đồng chí có kinh nghiệm trên tàu đến xem, xác định do nôn oẹ nhiều quá, họng bị căng ra và chảy máu ở các vi ti huyết quản nên không ngại gì cả. Đi thêm một, hai ngày nữa thì sẽ hết nôn oẹ.

Chuyến tàu của chúng tôi đã đi được 5 ngày 4 đêm, tuy gặp rất nhiều tàu buôn, tàu đánh cá ngoài khơi xa nhưng không gặp một trở ngại nào. Tàu cũng tốt. Các đồng chí thủy thủ nói rằng cho đến giờ phút này thì đây là một chuyến đi thông đồng bén giọt. Khi tàu bắt đầu đi vào biển Miền Nam thì cũng là lúc có điện của cấp trên cho biết trên đường tàu đi vào, sẽ gặp hai tàu của địch đi tuần tiễu, cần theo dõi sát để xử lý phù hợp. Vào đến khu vực ngang với hải phận phía Nam người tôi đã trở lại hoàn toàn tỉnh táo. Tôi suy nghĩ rằng đây là một hoạt động vận chuyển rất độc đáo cho cách mạng Việt Nam.


Suốt một khoảng thời gian dài chúng tôi đi đến hải phận quốc tế. Bất ngờ, từ ngoài khơi, tàu phóng vào khoảng giữa ở một điểm nào đó mà địch không nghi ngờ để đi đến đích đã định.

Mọi người trên tàu chuấn bị rất khẩn trương để sẵn sàng ứng phó chuẩn bị chiến đấu. Chúng tôi đươc phổ biến thêm là: Khi gặp địch, phải hết sức bình tĩnh và hoàn toàn theo lệnh của thuyền trưởng. Nếu gặp địch tới gần, xét thấy tàu của ta không đi vào được nữa thì cho xuồng xuống biển và chúng tôi xuống đó có người bơi đưa vào bờ. Các thuỷ thủ sẽ ở lại chiến đấu để bảo vệ tàu.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #7 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:18:05 pm »

Sau này tôi được biết rằng ở trong tàu chúng tôi đi có 3 tấn thuốc nổ, trường hợp nguy hiểm nhất, ta không còn cách nào để bảo vệ tàu nửa thì sẽ cho nổ 3 tấn thuốc đó và phá huỷ tàu luôn.

Thực tế trên con đường biển này cũng đã xảy ra một vài trường hợp như vậy. Mọi người trên tàu mong cho trời yên biển lặng không gặp địch để vào bến được an toàn... Bỗng đồng chí thuyền trưởng thông báo phát hiện có hai ánh sáng đèn phía trước... Đúng rồi, hai ánh sáng đèn đó đang đi thẳng về phía tàu của chúng tôi. Ngay lập tức đồng chí thuyền trưởng đến chỗ chúng tôi và nói dự kiến của mình là tàu của ta cứ tiếp tục đi thẳng đường đến một độ nào đó mà tàu tuần tiễu của địch có thể sắp phát hiện đường đi của tàu ta (tàu của ta không bật đèn) thì ta sẽ rẽ ngang để tránh chúng. Đồng chí vừa nói đến đây, một thủy thủ vào báo cáo là hai tàu của địch đã rẽ vòng sang hai bên. Thuyền trưởng lên quan sát và quyết định mở hết tốc lực đi thẳng vào hướng đã định nhưng mọi người vẫn theo dõi hai tàu của địch. Đi một quãng xa, hai tàu của địch vòng lại đi vào theo hướng tàu của ta. Đúng lúc này có một cơn gió mạnh, sóng đánh trùm lên tàu của ta, tàu địch nhẹ hơn nên dập dềnh... địch không phát hiện được mục tiêu. Thế là thoát! Mọi người thở phào nhẹ nhõm vì qua được một tình huống hiểm nghèo.


Tàu tiếp tục đi, các thuỷ thủ cho biết không lâu nữa là chúng ta đến bến, đến khu vực đã định và thuyền trưởng cho đánh tín hiệu nhưng không thấy trong bờ trả lời! Lúc đó là vào khoảng 3 giờ sáng, nếu bến bắt được tín hiệu, ra đón tàu vào, mọi việc bốc xếp hàng xong xuôi, cất giấu tàu rồi trời mới sáng.


Vào giờ này, nhìn ra biển thấp thoáng đã có những con thuyền đánh cá của dân ra khơi... Bỗng dưng tàu bị chựng lại, đáy tàu kêu lạo xạo, mắc cạn rồi! Từ hôm bắt đầu đi đến nay, quan sát thuyền trưởng, chúng tôi thấy đồng chí rất bình tĩnh trước những tình huống khó khăn, nhưng lần này thấy anh bồn chồn lo lắng. Anh cho tàu lùi lại nhưng không thoát được bãi cạn... Trên một vùng biển không xa bờ lắm một chiếc tàu nổi chềnh ếnh, nếu trời sáng thì làm sao mà giấu được kẻ địch, đến nước này thì thật là gay cấn!


Thấy tàu mắc can, một số thuyền đánh cá của dân lùi ra xa hơn mà không dám đến gần; có lê la họ không hiểu là tàu gì, tránh xa để khỏi bị liên lụy phiền phức... Nhưng có một chiếc thuyền đánh cá ở gần hơn lảng vảng đi lại. Một đồng chí thuỷ thủ gọi to: "Xin bác cho chúng cháu hỏi thăm". Chiếc thuyền vẫn từ từ đi ngang không lui ra xa mà cũng chẳng đến gần tàu. Đồng chí thuỷ thủ khác giọng Nam Bộ lại gọi to: "Xin cho chúng cháu hỏi thăm bác ơi!"... Thuyền đi tới gần tàu. Khi nhìn rõ có hai người đàn ông, một người trạc gần 60 tuổi và một người khoảng 40 tuổi, anh thuỷ thủ nói: "Tàu chúng cháu chở chiến lợi phẩm bị mắc cạn, nhờ bác cho biết đây là đâu và làm thế nào để ra khỏi nơi này".


Ông già hỏi lại là các chú ở đâu tới mà giờ này đến đây để bị mắc cạn? Không chờ trả lời, ông già nói luôn là tôi biết rồi, cho tôi gặp chú chỉ huy. Chúng tôi mừng nhưng cũng còn nghi ngại. Ai cũng theo dõi từng cử chỉ của ông gia. Đồng chí thuyền phó, người Nam Bộ đến gặp ông già và ông ta nói ngay rằng: "Tôi thấy tàu mắc cạn, thấy im lặng, tôi đoán ngay là tàu của ta từ ngoài Bắc, tàu của Bác Hồ đưa vào. Nếu tàu của bọn ngụy thì chúng làm ầm lên và bắn súng gọi nhau để cứu trợ. Bây giờ các chú nghe tôi, trương ngay lá cờ 3 sọc lên, đề phòng trời sáng mà ta chưa ra khỏi chỗ này, máy bay của nó đi qua sẽ không chú ý tới. Những gi nặng ở trên tàu các chú đưa xuống một số thuyền của chúng tôi, tôi cho gọi bà con đến. Khi đồ nặng bớt đi, tau sẽ nổi lên, tôi sẽ dẫn các chú ra lạch để vào bờ. Khi ra lạch, các đồ nặng lại đưa lên tàu trả các chú. Cần phải làm nhanh, nếu trời sáng thì dễ lộ lắm, nguy hiểm".


Ông già nói thêm: "Chúng tôi là dân ở trong ấp chiến lược nhưng lòng chúng tôi không ở ấp chiến lược đâu! Những thuyền mà tôi gọi đến cũng có một vài tên chỉ điểm của Mỹ Ngụy; không gọi họ đến thì họ sẽ đi báo cho địch. Gọi họ đến họ không đi đâu được. Sẽ nói với họ rằng đây là tàu chở chiến lợi phẩm. Sau khi xong chúng tôi sẽ giám sát họ cả buổi đánh cá ngày hôm nay. Chiều về họ có báo cho địch, kẻ thù chả làm gì được các chú nữa. Các chú cứ an tâm đi!"


Qua chỗ cạn được rồi, ông già và một số thuyền dẫn tàu đi vào lạch. Đi một quãng nghe chừng đã ổn định, các hàng nặng ở các thuyền của dân lại đưa lên tàu. Chúng tôi cảm ơn đồng bào và đi tiếp được một đoạn đường dài thì bắt được liên lạc trong bờ, gặp người ra đón và vào bến an toàn. Tàu vào đến bến thì trời đã sáng rõ. Ai cũng mừng và vui sướng.


Tôi ở chiến trường Nam Bộ tất cả là 14 năm tròn tính từ ngay vào chiến trường cho đến khi lại trở về công tác tại Cục Bảo vệ Tổng cục chính trị (tháng 3/1978). Biết bao nhiêu là kỷ niệm ở chiến trường đánh Mỹ, nhưng kỷ niệm về chuyến đi vào Nam là sâu sắc của đời tôi.


Dù đã 34 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như là mới xảy ra. Quên sao được con tàu không số với những thủy thủ gan dạ vững vàng, tinh tường khôn khéo lái con tàu tránh được bao hiểm nguy vào bến an toàn. Điều lắng đọng nhất là lần đầu gặp những người dân Nam Bộ, và chính họ, trong đó nổi bật là một ông già chí cốt với cách mạng, với tình nghĩa sâu đậm, sự tỉnh táo nhạy bén đã cứu con tàu thoát khỏi tình huống tưởng chừng không thể vượt qua.

14.11.1998
N. V. K
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:18:45 pm »

RỜI XUÂN MAI ĐI B


NGÔ ĐẠT TÀI

   Sông Bùi lùi lại, đồi quay mặt,
   Cây nghển đầu cao ngóng dõi theo.
   Thôi nhé Quê hương! Xin tạm biệt,
   Ra đi không khỏi nhớ nhung nhiều!
   Xe nuốt đường dài, cát bụi bay.
   Bâng khuâng một dải vắt lưng mây.
   Anh nhìn xa lạ mà thân thiết,
   Không cả mỉm cười, không vẫy tay* (Để đảm bảo bí mật cho chuyến đi)
   Người tưởng rằng đây những chuyến hàng
   Nghĩa tình gang thép gửi vô Nam
   Biết đâu xe chở lòng son sắt
   Mệnh nước ngời trong phận kín thầm.
   Nối tiếp đoàn xe chuyển gập gềnh,
   Rừng đồi, đồng ruộng, biển mông mênh,
   Bến phà, cửa đập, bao cồn cát,
   Khúc khuỷu, gồ ghề, đèo chênh vênh.
   Hướng điền, cuồn cuộn suối trong veo,
   Vun vút xa xa núi cõng đèo.
   Từ giã "vạch, sao", vui đón nhận:
   Ba lô con cóc, mũ tai bèo.
   Khuất đi những cột khói thanh bình
   Trước mắt loé dần lửa chiến chinh.
   Núi tiếp nhau cao, khe tiếp thẳm,
   Bướm trêu chiến sĩ lượn quanh mình.

(4-1962)
N.Đ.T
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2022, 04:20:19 pm »

LẦN ĐẦU GẶP ANH MƯỜI CÚC(*)
Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng bí thư Đảng)


MƯỜI TÀI


Tôi thật may mắn Tháng 8 năm 1962, vừa vào tới căn cứ Trung ương cục Miền Nam, tôi đã được dự Hội nghị binh vận toàn Miền. Sau đó ít lâu, lại được tham gia lễ Kỷ niệm một năm thành lập Mặt trận giải phóng dân tộc Miền Nam Việt Nam.


Anh Mười Cúc, bí thư Trung ương cục đi công tác vắng nên không tới dự Hội nghị Binh vận. Lần dự lễ Kỷ niệm, tôi hy vọng sẽ được gặp anh.

Vào hội trường, tôi vui mừng được gặp anh Nguyễn Văn Quang, người quen cũ. Anh Quang là cán bộ ở Tổng cục chính trị, đã cùng tôi theo một khoá học ở trường Trung cao chính trị quân đội, được cử đi vào Nam trước tôi mấy tháng.


Sau những lời chào nhau niềm nở, tôi yêu cầu anh chỉ cho tôi đồng chí Bí thư Trung ương cục. Anh nói "Anh Mười Cúc là người thứ hai, ngồi hàng thứ hai". Và chúng tôi thì thẩm trao đổi:

- Sao anh Mười không ngồi trên Chủ tịch đoàn?

- Anh Hai Đán, phó bí thư, phụ trách dân vận tham gia Chủ tịch đoàn là đủ.

- Những ai ngồi ở hang ghế đầu?

- Các vị nhân sĩ, các uỷ viên của Mặt trận.

Anh Mười Cúc khiêm tốn, giản dị ngồi ở hàng thứ hai. Khác với những cuộc họp mà trước đây tôi thường thấy, không có ai trong ban tổ chức lom khom chạy qua, chạy lại đến xin ý kiến chỉ đạo thêm của người có vị trí lãnh đạo cao nhất.


Và điều làm tôi ngạc nhiên hơn là khi đến giờ giải lao, anh Mười thân mật chuyện trò với những người cùng đi ra. Anh tươi cười đáp lễ những đại biểu chào anh.

Lúc anh đến gần chúng tôi, anh Quang và tôi cùng nghiêng đầu chào, Anh Mười bắt tay tôi và hỏi:

- Anh ở C... (bí danh của các ban) nào mà hôm nay tôi mới gặp mặt?

- Thưa anh, tôi ớ C72 (Ban Binh vận)

Anh vui vẻ hỏi thêm:

- Tốt quá, anh đã ra viện rồi á? Cần tiếp tục giữ gìn sức khỏe!

Tôi thầm nghĩ: Các ban của Trung ương cục có hàng trăm cán bộ, làm sao biết hết mọi người, thế mà anh phát hiện ra tôi người lần đầu mới gặp. Anh còn nắm được tình hình ốm đau của tôi nữa!

Tôi được giao nhiệm vụ đi B2 để chuyển đạt những chủ trương, đường lối, chính sách binh địch vận mới, nhưng không được mang theo tài liệu, không được ghi chép. Vì vậy, tuy đến Xuân Mai đăng ký sớm, nhưng tôi không được ở lại bồi dưỡng như mọi người. Tôi phải trở về Hà Nội, ngày nghiên cứu những nghị quyết, thông tri, chỉ thị mới nhất của Trung ương, tối tối đeo ba lô gạch tập leo núi Nùng, hoặc đi bộ trên hè phố. Vào đến B2, đáng lẽ được ở lại trạm cuối cùng ăn bồi dưỡng một tháng trước khi đi nhận công tác nhưng nghe tin có cuộc họp Binh vận toàn Miền, tôi xin được rời trạm đi ngay để khỏi bỏ lỡ một cơ hội hiếm có, về căn cứ Ban Binh vận ngủ một đêm. Sáng hôm sau, khi ra khỏi võng, tôi ngã vật xuống đất. Tuy đầu óc vẫn tỉnh, nhưng các cơ bắp chân tay không hoạt động được. Anh em khiêng tôi sang quân y viện. Bác sĩ kết luận cơ thể tôi bị suy nhược nặng sau một đợt hành quân dài ngày và thiếu dinh dưỡng.


Chắn hẳn Ban Binh vận đã báo cáo tình hình sức khỏe của tôi với Thường vụ Trung ương cục. Nhưng nắm được tình hình rồi vẫn lưu tâm theo dõi tình sức khỏe của một cán bộ không trực tiếp công tác với mình thì cũng là đức tính đáng quý của người giữ vị trí chủ chốt lãnh đạo.


Thái độ bình dị, sâu sát của anh làm tôi vừa ngạc nhiên vừa mến phục.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên với anh Mười Cúc luôn luôn in sâu trong tâm trí của tôi. Tôi coi đó là một bài học giúp tôi nâng cao trách nhiệm đối với các đồng chí cùng tôi công tác sau này.

M.T
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM