Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:05:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo - Tác phẩm giải thưởng Hồ Chí Minh  (Đọc 9360 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #120 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 08:19:27 am »

KẾT LUẬN


"Thời kỳ sau Việt Nam" là thời kỳ suy yếu toàn diện trầm trọng của đế quốc Mỹ. Gieo gió tại Việt Nam, đế quốc Mỹ đã gặt bão không chỉ ở ngay trên chiến trường Việt Nam, Đông Dương mà cả trên toàn thế giới và ngay trên đất nước Mỹ.


Theo tháng năm, đòn Việt Nam cứ mỗi ngày một ngấm sâu vào "xương tủy" của "cơ thể nước Mỹ". Chính sách tiếp tục xâm lược, can thiệp và mở rộng chiến tranh tại Việt Nam của Ních-xơn đã hất Ních-Xơn ra khỏi cái ghế tổng thống Mỹ. Pho, người kế vị của Ních-Xơn vẫn lao theo vết xe đã đổ, nên ngày nay lại đang rơi vào một đường hầm không lối thoát trên khắp mọi lĩnh vực, tại tất cả mọi khu vực trên thế giới. "Thời kỳ sau Ních-Xơn" hay "Thời kỳ Pho" lại càng là một thời kỳ đen kịt hơn nữa trong lịch sử nước Mỹ.    Mặc dầu chính quyền Pho đã cố bám lấy chính sách can thiệp của chúng tại Cam-pu-chia đến phút cuối cùng, tập đoàn Lon Non cũng đã sụp đổ và bọn cố vấn Mỹ cùng những tên tay sai ngoan cố nhất của chúng cũng đã phải ngậm hờn, nuốt hận, cúi đầu, gạt nước mắt ra đi, trong một tình trạng hỗn loạn vô cùng nhục nhã. Quân dân Cam-pu-chia đã giành được thắng lợi lịch sử vĩ đại giải phóng hoàn toàn thủ đô Nông Pênh, giải phóng cả nước.


Tại miền Nam Việt Nam, ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn cũng đã sụp đổ hoàn toàn. Đến phút cuối cùng, chính quyền Pho vẫn tiến hành đủ mọi thủ đoạn thâm độc, tàn ác của chúng từ việc đưa thêm vũ khí đạn dược, tiền bạc để hà hơi tiếp sức cho ngụy quyền, ngụy quân đang giãy chết, cướp đi hàng vạn dân thường Việt Nam dưới nhãn hiệu "di tản nhân đạo" v.v... Nhưng, chung cuộc, hàng nghìn tên cố vấn quân sự Mỹ núp dưới áo dân sự đã phải cùng tên đại sứ Mỹ Ma tin, hối hả, luống cuống, hấp tấp trèo lên trực thăng rút chạy khỏi Sài Gòn một cách thảm hại, nhục nhã, dắt theo sau một lũ tay sai ác ôn xác xơ, kinh hồn khiếp đảm ngơ ngác, bơ vơ. Đúng 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân ta đã cắm lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam lên phủ tổng thống ngụy quyền. Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toàn thắng.


Từ nay nước Việt Nam ta, non sông một dải, hoàn toàn độc lập, hoàn toàn tự do, 45 triệu người Việt Nam đã trở thành người chủ vĩnh viễn trên đất nước anh hùng và giàu đẹp của mình. Cái nhục mất nước hơn một trăm năm nay đã được rửa sạch. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam đã chôn vùi chủ nghĩa thực dân cũ Pháp trên đất nước Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam cũng đã chôn vùi chủ nghĩa thực dân mới Mỹ trên đất miền Nam anh hùng.


Thắng lợi vĩ đại của nhân đân Việt Nam đang đẩy đế quốc Mỹ xuống thêm một bước suy sụp mới và buộc chúng phải xét duyệt lại các âm mưu, chính sách, kế hoạch can thiệp xâm lược của chúng trên toàn cầu, vì ngày nay dù đế quốc Mỹ có ngoan cố duy trì các mục tiêu, ý đồ cũ thì chúng cũng không còn đủ phương tiện để thực hiện các mục tiêu, ý đồ đó.


Về vấn đề này, tạp chí Mỹ "Tuần tin tức" số ra ngày 7 tháng 4 năm 1975 đã viết: "Dưới chính quyền Ken-nơ-đi, Mỹ tự cam kết sẽ "trả bất cứ giá nào, gánh bất cứ gánh nặng nào" để giúp đỡ các đồng minh của Mỹ. Dưới chính quyền Ních-xơn, theo chủ nghĩa Ních-Xơn, Mỹ sẽ cung cấp tiền nếu các đồng minh của Mỹ cung cấp nhân lực. Ngày nay, quan điểm này cũng đã trở thành một nghi vấn đối với quốc hội Mỹ và công chúng Mỹ, đã quả mệt mỏi chán ngán vì phải chịu đựng nhiều hy sinh trên những đất nước xa lạ. Kết quả là, theo như chính Kít-xinh-giơ vừa rồi đã thú nhận, nhiều nước sẽ xét duyệt, thay đổi chính sách đối ngoại của họ đối với nước Mỹ".


Rõ ràng, bị đánh bại trong cuộc chiến tranh xâm lược của chúng tại Việt Nam, đế quốc Mỹ đã thua đơn, thiệt kép. Bị đập tan tại Việt Nam, chủ nghĩa thực dân mới Mỹ sẽ càng tụt dốc nhanh trên con đường phá sản ở các khu vực khác trên thế giới. Đây là một công hiến quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam vào làn sóng tiến công của ba dòng thác cách mạng thế giới chống chủ nghĩa đế quốc.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #121 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 08:20:32 am »

CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN ĐẠI THẮNG1
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H. 1977

Lời nhà xuất bản


Mùa Xuân năm 1975, quân dân ta đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với quy mô chưa từng có, giải phóng miền Nam thân yêu, giành lại nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc ta. Trong trận quyết chiến chiến lược thần tốc và thắng lợi vẻ vang ấy, quân và dân ta đã liên tiếp đánh ba đòn tiêu diệt chiến lược lớn ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn. Chiến dịch Tây Nguyên là đòn đánh tiêu diệt lớn mở đầu, được quân dân ta hoàn thành xuất sắc: tiêu diệt lực lượng chủ yếu của một quân đoàn địch, nhanh chóng phá vỡ tuyến phòng ngự của địch, tạo điều kiện cho các đòn tiếp sau đánh tiêu diệt lớn hơn, làm thất bại hoàn toàn chiến lược phòng ngự của địch ở miền Nam, giành thắng lợi vẻ vang cho dân tộc. Chiến thắng Tây Nguyên là thắng lợi có tầm quan trọng về chiến lược, mở ra điều kiện thuận lợi cho cục diện chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.


Nhận lời đề nghị của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Trung tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên - đã viết cuốn Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, nhằm giúp bạn đọc trong và ngoài quân đội tìm hiểu thêm về chiến thắng có ý nghĩa chiến lược quan trọng này. Qua các trang sách, tác giả muốn giới thiệu với chúng ta:

- Vị trí chiến lược quan trọng của địa bàn Tây Nguyên.

- Những sự kiện diễn biến chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên, kể từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc.

- Ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, nằm trong thắng lợi vĩ đại chung của toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Thông qua các sự kiện lịch sử cụ thể, tác giả muốn nêu bật lên sự chỉ đạo chiến lược - chiến dịch hết sức tài tình, sáng suốt, kiên quyết và nhạy bén của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quán ủy Trung ương. Đồng thời, tác giả cũng nêu lên một số suy nghĩ của mình về những kinh nghiệm của chiến dịch Tây Nguyên, nhằm góp phần vào việc tổng kết những nguyên tắc và quy luật chung của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam.


Theo tác giả, đây mới chỉ là những ý kiến bước đầu của một người, nên khó có thể phản ánh được đầy đủ các sự kiện và các vấn đề vô cùng phong phú của một chiến dịch lớn như chiến dịch Tây Nguyên. Vì vậy, đồng chí mong được sự đóng góp bổ sung của nhiều bạn đọc gần xa, hơn nữa lại hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều tác phẩm, với nhiều thể loại khác nhau, viết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vĩ đại mùa Xuân 1975.


Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng với bạn đọc.

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #122 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 08:23:09 am »

Đầu năm 1975, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta có một nhận định vô cùng sáng suốt là: "Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc giữa lúc phong trào ba nước Đông Dương đang trên đà tiến công mạnh, giành thắng lợi ngày càng to lớn"1 (Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1976, tr. 34, 35).


Trên cơ sở nhận định trên, Bộ Chính trị đã nêu quyết tâm: "Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam"2 (Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1976, tr. 34, 35).


Quyết tâm chiến lược đó được thể hiện trong kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976. Nhưng, ngoài kế hoạch cơ bản hai năm đó, Bộ Chính trị còn dự kiến một phương án khác và một phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là: "Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975"3 (Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1976, tr. 34, 35).


Căn cứ vào quyết tâm và phương hướng trên, Bộ Chính trị đã phân tích kỹ tình hình ta, địch, địa hình... và nhất trí chọn Tây Nguyên làm chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975, đồng thời chỉ rõ là phải đánh mở ra ở Buôn Ma Thuật và Tuy Hòa. Sau đó, trong cuộc họp để quán triệt và thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Thường trực Quán ủy Trung ương lại kết luận xác định rõ khu vực và mục tiêu tiến công ở Tây Nguyên, nhiệm vụ chiến dịch, hướng phát triển, sử dụng lực lượng, cách đánh..., đồng thời nhấn mạnh phương châm mạnh bạo, bí mật, bất ngờ, thực hiện nghi binh khiến địch không phán đoán được hướng tiến công chủ yếu cũng như hành động của quân ta.


Chấp hành nghị quyết mở chiến dịch của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Thường trực Quân ủy, quân dân Tây Nguyên đã ra sức chuẩn bị mọi mặt và đã đánh thắng oanh liệt. Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng đã mở ra điều kiện thuận lợi cho các chiến dịch lớn hơn tiếp sau, giành thắng lợi to lớn và toàn vẹn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #123 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 08:25:35 am »

Chương một
TÂY NGUYÊN
ĐỊA BÀN CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ QUAN TRỌNG


Tây Nguyên là danh từ rộng để chỉ các vùng miền núi và cao nguyên lớn ở Trung Bộ, chạy dài từ vĩ tuyến 15 xuống đến vĩ tuyến 11: bắc giáp tỉnh Quảng Nam, nam giáp tỉnh Phước Long, Long Khánh miền Đông Nam Bộ, đông giáp các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ, tây giáp nước Lào và Cam-pu-chia với một biên giới chung dài khoảng 700km.


Tây Nguyên rộng 67.000km2 (phần Tây Nguyên thuộc Khu 5 có khoảng 35.962km2) gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Bổn, Lâm Đồng, Tuyên Đức và Quảng Đức (hiện nay là Gia Lai - Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng).


Số dân ở Tây Nguyên có khoảng gần 1 triệu người gồm hơn 30 dân tộc anh em, đông nhất là các dân tộc Xê Đăng, Dẻ, Cơ Giông (Kon Tum), Gia Rai, Ba Na (Gia Lai), Ê Đê, Mơ Nông (Đắc Lắc), Cờ Ho (Lâm Đồng). Các dân tộc ở Tây Nguyên có tiếng nói theo các hệ ngôn ngữ Môn Khơ-me, Ma-lai-a, In-đô-nê-diên.


Tây Nguyên được hình thành bởi nhiều dạng địa hình không đều nhau; có hai loại phổ biến là núi và cao nguyên, ngoài ra cũng có thung lũng đất bằng giữa các núi hay là những hố sụt. Từ đồng bằng Trung Trung Bộ nhìn lên Tây Nguyên ta thấy một dãy núi non xanh liên tục, đó là Trường Sơn.


Núi ở Tây Nguyên thực ra không phải là một dải liên tục mà tạo thành những khối phân cắt. Phần bắc thuộc tỉnh Kon Tum có nhiều núi cao, rừng rậm, các dãy có đỉnh cao là Ngọc Lĩnh 2.598m, Ngọc Ni-ay 2.259m, Ngọc Krinh 2.025m và thấp dần về phía nam cho tới phần bắc của tỉnh Gia Lai chỉ còn một số dãy cao trung bình trên dưới 1.500m, như các dãy Chư Pan 1.571m, Chư Ta Kom 1.485m. Khoảng giữa thuộc phần nam của tỉnh Gia Lai, Phú Bổn và phần bắc tỉnh Đắc Lắc không có ngọn núi nào cao đáng kể; nhưng xuống phía nam Tây Nguyên, từ phần nam của tỉnh Đắc Lắc trở đi lại có các dãy Chư Yang Sin 2.442m, Chư Năng Ộp 1.821m, Chư Yên Du 2.075m, Ri Đúp 2.287m, Lang Blan 2.167m, Be Nom Đan Se Na 1.931m, thấp dần chạy tới cao nguyên Lâm Viên và cao nguyên Lâm Đồng.


Các cao nguyên lớn là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Vong Bi Ong và Di Linh chiếm phần lớn diện tích của Tây Nguyên, có mặt đất bằng và xiên dốc xuống dần về phía tây, độ cao trung bình 500 - 600m, đột xuất nổi lên một số núi đồi trên cao nguyên có giá trị khống chế các khu vực xung quanh như điểm cao 890m, Chư He Peng 1.045m ở Kon Tum; điểm cao 1.028m ở tây La Sơn phía nam Plây Cu; Chư Điếc 803m ở Buôn Hồ, dãy Chư Pao, Chư Minh ở Bản Đôn. Trên các cao nguyên thường có rừng thưa, phần lớn là rừng khoọc, xen lẫn rừng le, có các bãi trống, có bãi rộng tới 1km2. Càng về phía nam, mặt đất càng tương đối bằng, song lại có nhiều hồ nước rộng và sâu như ở khu vực Phước An, Lạc Thiện (đặc biệt hồ Lạc Thiện sâu, rộng và đẹp nhất ở miền Nam).


Đất đai Tây Nguyên rất màu mỡ, nhìn chung có hai loại đất được phong hóa chính là phong hóa ba-dan và phong hóa gra-nít, những nơi có núi lửa phun ra như vùng Đức Lập thì màu đất đỏ và nham vi-ô-lét chiếm khoảng 46% tổng số diện tích trong vùng, rất thích hợp với việc phát triển trồng cây công nghiệp như cao su, bông, mía, lạc, hồ tiêu,...


Tây Nguyên có nhiều sông và suối lớn phát nguyên từ các dãy núi cao, nhưng đáng kể là ba sông chính: Sê San, Sê Rê Pôc và sông Ba.

Sông Sê San bắt nguồn từ các dòng suối trong các dãy núi phía bắc thuộc tỉnh Kon Tum, chảy từ phía tây thị xã Kon Tum sang tới nước bạn Cam-pu-chia, đổ vào sông Mê Công đoạn thuộc địa phận thị xã Stung Treng.


Sông Sê Rê Pôc bắt nguồn từ các dòng suối của cao nguyên Plây Cu và các hồ lầy nam cao nguyên Đắc Lắc, chảy về phía bắc qua Bản Đôn sang thị xã Lom Phát tỉnh Ra-ta-na-ki-ri thuộc Cam-pu-chia, gặp sông Sê San và cùng chảy ra sông Mê Công.


Sông Ba bắt nguồn từ phía đông tỉnh Plây Cu chảy qua thị xã Phú Bổn, đổ ra biển Đông, qua địa phận Tuy Hòa (Phú Yên).

Tây Nguyên sớm có mạng lưới giao thông: quốc lộ số 14 chạy suốt từ Huế qua Kon Tum, Plây Cu, Buôn Ma Thuột nối liền với đường số 13, ở ngã ba Chơn Thành ra quốc lộ số 1 vào đến Sài Gòn. Quốc lộ số 19 chạy từ Quy Nhơn đến biên giới Cam-pu-chia. Quốc lộ số 7 từ Plây Cu đi Tuy Hòa. Quốc lộ số 21 từ Buôn Ma Thuột về Ninh Hòa. Đường số 20 từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Đường số 11 từ Đa Lạt đi Phan Rang. Các tỉnh ở Tây Nguyên cũng có mạng đường hàng tỉnh nối liền giữa các huyện về thị xã: đường 7B từ An Khê đi Cheo Reo đến Thuần Mẫn; đường 6B nối liền Phú Mỹ - Plây Me - Phú Nhơn; đường 509 từ Plây Cu đi Plây Gi-răng; đường số 5 từ Kon Tum đi Mộ Đức; đường số 18 từ thị trấn Tân Cảnh đi A-tô-pơ. Ngoài ra, trong những năm chống Mỹ, Tây Nguyên đã hình thành thêm một số tuyến đường gọi là đường hành lang: trục đường 1B nối liền từ bắc chạy dọc theo phía tây của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Quảng Đức vào phía nam tới Lộc Ninh (Nam Bộ); đường 220 nối liền với đường số 14 từ khu vực Võ Định, bắc Kon Tum, chạy sang đông - bắc Gia Lai và nhiều nhánh đường xuyên rừng khác nằm trên phản phía tây các tỉnh Tây Nguyên.


Trong điều kiện địa hình của Tây Nguyên, mạng đường sá trên có tác dụng rất tốt đối với các hoạt động quân sự, đặc biệt là về mùa khô. Lúc Mỹ - ngụy chiếm giữ Tây Nguyên, chúng còn tổ chức một số đường vận chuyên hàng không từ các nơi khác ở miền Nam tới các sân bay Kon Tura, A-rê-a và Cù Hanh (Plây Cu), Hòa Bình (Buôn Ma Thuột).


Núi rừng, cao nguyên với đất đai, sông suối và đường sá ở Tây Nguyên còn bị chi phối bởi thời tiết, khí hậu. Hàng năm, ở Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trung bình từ 360 đến 500mm; tháng 7, 8, 9 là những tháng mưa to và mưa liên tục; có nơi lượng mưa lên tới 1.200 đến 1.500mm như ở bắc Kon Tum. Mưa nhiều, đất xốp lên, cây rừng đâm chồi nảy lộc nhưng sông suối nước lũ ngập tràn chảy xiết, núi lở và xói mòn, nói chung rất trở ngại đến mọi mặt sinh hoạt, canh tác và đi lại. Mùa khô từ tháng 11 đến giữa tháng 5, gió thổi từ đông sang đông - bắc, nhiệt độ trung bình 30°C, đất se cứng lại nhưng trời trong xanh, thời tiết đưa lại nhiều thuận lợi cho việc lưu thông, đồng thời cũng có nhiều điều kiện tốt cho các hoạt động quân sự.


Từ vùng xung quanh, muốn đến Tây Nguyên phải vượt qua những đỉnh núi cao có những rừng cây rậm, thường xuyên mây mù che phủ, càng đi càng gặp nhiều suối sâu, vách đứng và đường đèo phức tạp. Song càng đi cũng càng gặp nhiều rừng có gỗ quý, nhiều loại cây có quả ăn được, nhiều loại thú vật nguyên thủy như chồn bay, sóc bay, thằn lằn bay,...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #124 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 08:26:15 am »

Dân Tây Nguyên sống thưa thớt, nhưng các buôn làng thường ở tập trung, với những tập quán cổ truyền mang nhiều màu sắc tươi đẹp của nhiều dân tộc.

Thiên nhiên ở đây không chỉ đưa đến cho Tây Nguyên những tiềm năng kinh tế rất dồi dào, mà còn tạo nên những đặc điểm hình thành một khu vực quân sự có tầm chiến lược rất quan trọng đối với Tổ quốc Việt Nam.


Tây Nguyên có thế rất cao so với các khu vực tiếp giáp với nó. Từ trên thế cao này, Tây Nguyên có thể khống chế hầu như toàn bộ các khu vực xung quanh: đây là một thế đứng vô cùng lợi hại. Thêm vào đó, Tây Nguyên còn có thế rộng lớn cả về phạm vi, cả về chiều sâu và sự kín đáo, lại có thế dài liên tục, từng khu vực địa hình có giá trị được núi rừng bao quanh, nhưng lại nối liên tiếp với nhau, khu vực nọ có thể hỗ trợ cho khu vực kia, tạo nên một thế hiểm trở, vững chắc.


Song song với các mặt lợi hại trên, Tây Nguyên còn là một địa bàn nằm ở ngã ba đường, có liên quan trực tiếp tới các địa bàn quan trọng khác như:

- Về phía bắc, Tây Nguyên nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng đường số 14, nối với đường số 1B từ bắc Kon Tum chạy qua tây Trị - Thiên và ra Quảng Bình,... Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhất là vào giai đoạn cuối, đường số 1B được ta sử dụng để vận chuyển lương thực, súng đạn,... và cơ động lực lượng chiến lược qua Tây Nguyên, chi viện cho các chiến trường miền Nam với một mặt độ rất lớn.

- Về phía nam, Tây Nguyên nối liền với miền Đông Nam Bộ bằng đường số 14; con đường này chạy đọc suốt từ bắc đến nam Tây Nguyên vào đến Hớn Quản (Nam Bộ), có nhiều thuận lợi cho việc vận chuyển vật chất và cơ động lực lượng giữa hai chiến trường. Ngoài ra, còn con đường số 20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn và đường số 11 Đà Lạt đi Phan Rang cũng rất thuận lợi cho việc vận chuyển và cơ động.

- Về phía đông, Tây Nguyên nối liền với các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ bằng đường số 19, 7 và 21. Địch đã từng dùng đường số 19 và 21 để vận chuyển chiến lược, nuôi sống đại bộ phận lực lượng quân đoàn 2 ngụy gồm: sở chỉ huy quân đoàn, các lực lượng chiếm đóng và nhân viên hành chính ngụy quyền khoảng 70.000 tên; ngoài ra còn khoảng  600.000 dân của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Phú Bổn, Đắc Lắc và Quảng Đức.

- Về phía tây, Tây Nguyên có đường số 18 từ thị trấn Tân Cảnh qua Bến Hét nối liền với A-tô-pơ, cao nguyên Bô-lô-ven và Pác Xế ở Nam Lào. Đường số 19 kéo dài từ thị xã Plây Cu chạy qua Đức Cơ sang thị xã Stung Treng gặp đường số 13 của nước bạn Cam-pu-chia.

Với những đặc điểm về địa lý và các mối liên quan chiến trường, Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quân sự hết sức quan trọng, có dung lượng chiến trường lớn. Ở đây các binh đoàn binh chủng hợp thành, các bộ đội cơ giới hóa đều có thể hoạt động và hoạt động được tốt trên nhiều khu vực.


Về mặt phòng ngự, địch có thể lợi dụng địa hình để tổ chức phòng ngự khu vực các cụm điểm tựa, phòng ngự các khu căn cứ thị trấn, thị xã và phòng ngự án ngữ, khống chế trên các trục giao thông. Các khu vực phòng ngự trên có thể liên kết với nhau hình thành tuyến phòng ngự chiến lược trên toàn địa bàn chiến lược quân sự Tây Nguyên.


Nếu địch bố trí lực lượng hình thành được thế trận phòng ngự vững chắc thì không những có thể giữ vững địa bàn Tây Nguyên mà còn che chở được cho các chiến trường phía đông và phía nam Tây Nguyên. Như vậy, nếu địch giữ được Tây Nguyên thì đồng thời chúng cũng có thể ngăn chặn hoặc hạn chế được lực lượng tiến công lớn của ta phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ và phát triển vào miền Đông Nam Bộ.


Về mặt tiến công, ta có thể thực hành đánh chia cắt, bao vây cô lập được địch ở từng khu vực và toàn Tây Nguyên; đồng thời có thể sử dụng các lực lượng binh chúng hợp thành lớn và bộ đội cơ giới hóa tiến công địch; có thể đánh những đòn tiêu diệt lớn mang tính chất quyết định để giải phóng từng khu vực lớn bao gồm các thị trấn, thị xã. Và, tùy tình hình sử dụng quy mô lực lượng tập trung và cơ động khác nhau, nếu ta nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng địch đến tăng viện phản kích hoặc làm mất khả năng tăng viện phản kích của chúng thì ta có thể tiến tới tiêu diệt được toàn bộ quân địch và giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Trong quá trình tiến công, nếu mở được khu vực là ta có thể phát triển được lực lượng tiến công sang các địa bàn xung quanh. Còn nếu ta tiêu diệt được toàn bộ quân địch, giải phóng hoàn toàn địa bàn Tây Nguyên thì lại có rất nhiều thuận lợi để đưa lực lượng lớn phát triển tiến công xuống đánh chiếm các tỉnh ven biển miền Trung và phát triển tiến công vào miền Đông Nam Bộ, trực tiếp uy hiếp quân khu 3 của địch. Làm chủ được Tây Nguyên, ta sẽ có một chỗ đứng chiến lược lớn, vững và rất cơ động. Từ chỗ đứng đó, ta sẽ có thể cắt đứt quân địch ở miền Nam Việt Nam ra làm đôi và có một lực lượng lớn đánh xuống phía Sài Gòn.


Do địa bàn Tây Nguyên có tầm quan trọng về mặt chiến lược quân sự như vậy nên trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, quân và dân Tây Nguyên đã từng trải qua muôn vàn gian khổ, quyết liệt, hy sinh, nhưng cũng đã từng bao phen làm nên những sự tích anh hùng.


Bọn thực dân Pháp xâm lược đến chiếm Tây Nguyên vào khoảng năm 1890, với tham vọng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy và vơ vét sao cho được thật nhiều tài nguyên. Đi đôi với việc áp bức nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên và xô nhau vào khai thác nguyên liệu trên những vùng đất đai màu mỡ, chúng còn nhận ra ngay giá trị về mặt quân sự của miền cao nguyên rừng núi này. Do đó, đến nơi là chúng lập ngay các đồn binh để cai trị, đồn đầu tiên do tên Buốic-gioa (Bourgeois) cầm đầu, tiếp đó chúng đặt vấn đề "ra sức phòng thủ Tây Nguyên để bảo vệ Đông Dương". Năm 1928, chúng thành lập các tiểu đoàn bộ binh miền núi. Đến cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, vào khoảng tháng 5 năm 1946, chúng tổ chức các lực lượng vũ trang cao nguyên (Forces armées des hauts plateaux), có bộ phận tập trung công khai hoạt động, có bộ phận còn ngấm ngầm trong nhân dân để bám giữ Tây Nguyên, làm chỗ dựa cho ý đồ xâm lược đen tối lâu dài của chúng.    Đế quốc Mỹ thay thế đế quốc Pháp càng chú trọng đến địa bàn Tây Nguyên hơn. Nhận thức được ngay là Tây Nguyên rất có giá trị về mặt chiến lược quân sự, chúng cho rằng: "Muốn chiến thắng ở miền Nam Việt Nam thì phải kiểm soát bằng được vùng cao nguyên Trung phần có tính chất chiến lược này". Chúng dùng chính sách thực dân kiểu mới, thông qua bọn tư sản mại bản và phong kiến phản động để nắm Tây Nguyên.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #125 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2023, 08:27:02 am »

Về quân sự, đế quốc Mỹ và tay sai muốn biến Tây Nguyên thành một căn cứ chiến lược lớn hòng đè bẹp phong trào cách mạng của ba dân tộc Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Mỹ - ngụy lập các lực lượng đặc biệt, biệt kích, đưa hàng chục tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn thiết lập các hệ thống chiếm đóng kiên cố, nhiều tuyến, nhiều vòng từ biên giới Lào, Cam-pu-chia đến các trung tâm thị xã, thị trấn để kìm kẹp quần chúng và ngăn chặn phong trào cách mạng của các dân tộc.


Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, Mỹ đã từng sử dụng các binh đoàn cơ động như sư đoàn kỵ binh bay số 1, sư đoàn 25 tia chớp nhiệt đới, sư đoàn 4 bộ binh cùng các lữ đoàn dù 173 và 101, liên tiếp mở hàng ngàn cuộc hành quân càn quét kết hợp với hàng ngàn trận ném bom, kể cả ném bom rải thảm B.52, thả chất độc hóa học hòng biến Tây Nguyên thành những vùng trắng hoang vu. Khi quân đội viễn chinh Mỹ thua nhục nhã buộc phải ký kết Hiệp định Pa-ri và rút về nước, bọn tay sai Nguyễn Văn Thiệu vẫn tiếp tục thi hành âm mưu thâm độc của chủ Mỹ, liên tiếp ném hàng chục trung đoàn thuộc các sư đoàn 22, 23, lính dù, các trung đoàn thiết giáp thuộc lữ đoàn 2, các liên đoàn quân biệt động số 21, 22, 23, 24, 25, số 4 và số 6, mở hàng ngàn cuộc hành quân lấn chiếm, bình định vào các vùng tranh chấp và vùng giải phóng của ta. Chỉ riêng ở Đắc Lắc, trong hai năm 1973-1974, sư đoàn bộ binh 23 ngụy đã mở hơn 1.000 cuộc hành quân lấn chiếm, đốt cháy trên 40 làng và san bằng hàng chục buôn làng khác. Chúng đã bắt hơn 50.000 đồng bào ta phải rời bỏ buôn rẫy vào sống lầm than trong các trại tập trung và các khu đồn.


Nhưng với truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai, một lòng một dạ sắt son với cách mạng, quân và dân các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết anh dũng chiến đấu giữ vững thành quả cách mạng, bảo vệ quyền sống thiêng liêng của mình, liên tục phát triển phong trào đấu tranh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày càng to lớn.


Năm 1955-1956, nhân dân Tây Nguyên đã sôi nổi đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Trong những năm 1959-1960, kiên quyết chống chính sách phân biệt đối xử, đồng hóa dân tộc của Mỹ - Diệm, nhân dân nhiều vùng ở Tây Nguyên đã nổi dậy phá "khu trù mật", "khu dinh điền" trở về với buôn rẫy, núi rừng.


Từ năm 1960, dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, quân dân các dân tộc Tây Nguyên bền bỉ phát huy tinh thần anh dũng chiến đấu chống giặc giữ làng vốn có trong nhân dân, khéo kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đã cùng quân dân toàn miền Nam liên tiếp đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt rồi đến cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, lập nên những chiến công oanh liệt.


Năm 1963-1964: chiến thắng Plây Mơ-rông, Plây Cơ-rông.

Năm 1965: chiến thắng Đắc Tô, Đắc Sút, Tu-mơ-rông, Lệ Thanh, Đức Cơ; tháng 10, chiến thắng oanh liệt ở Plây Me, Chư Pông, tiêu diệt 3.000 tên địch (có 1.700 tên Mỹ), đập tan cuộc hành quân ồ ạt đầu tiên của sư đoàn kỵ binh bay số 1 của đế quốc Mỹ.

Năm 1968: tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp ở cả ba thị xã Kon Tum, Plây Cu, Buôn Ma Thuột, diệt nhiều sinh lực Mỹ - ngụy, phả rã từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của ngụy quyền tay sai.

Năm 1969-1971: liên tiếp chiến thắng giòn giã ở quận lỵ Phú Nhơn, sân bay Hòa Bình, sân bay A Rê A, khu hậu cần Cơ Ti Pơ Rông, cầu Gia Tô Ve, đèo Măng Giang, cứ điểm Plây Cần, Đắc Xiêng, Đắc Mót, Pu Pơ Răng, Đức Lập, Ngọc Bơ Biêng, Ngọc Dơ Lang, Ngọc Rinh Rua.

Năm 1972: giải phóng quận lỵ Đắc Tô - Tân Cảnh, phá tan hệ thống phòng ngự kiên cố của địch ở phía bắc Kon Tum.

Năm 1973-1974: liên tục đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của địch ở vùng Trung Nghĩa, Võ Định, Lệ Minh, Làng Dịt....

Trước mọi âm mưu nham hiểm, mọi hành động tàn bạo điên cuồng của Mỹ - ngụy, quân dân Tây Nguyên vẫn hiên ngang đứng vững và giáng cho địch những đòn trừng trị đích đáng.

Hiệp định Pa-ri vừa ký chưa ráo mực, Mỹ - ngụy đã xảo quyệt lật lọng thực hiện ngay âm mưu cũ bằng một chiến lược mới rất nham hiểm: dùng ngụy quân, ngụy quyền tiếp tục tiến hành chiến tranh, lấy "bình định" và "lấn chiếm" làm thủ đoạn chủ yếu hòng thủ tiêu từng bước thành quả cách mạng mà nhân dân ta mới giành được, đồng thời ra sức tăng cường củng cố, trang bị hiện đại hóa quân ngụy và hình thành thế phòng ngự chiến lược kiên cố vững chắc toàn diện ở miền Nam để duy trì chủ nghĩa thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta.


Về phía ta thì việc ký kết Hiệp định Pa-ri là thắng lợi to lớn trên các mặt chính trị, quân sự và ngoại giao, nhưng sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam còn chưa hoàn thành, con đường tất yếu là phải tiếp tục chiến đấu đưa cách mạng tiến lên. Quân dân ta ở miền Nam đã triệt để thực hiện các nội dung của Hiệp định Pa-ri, tạo điều kiện cho thế trận chiến tranh nhân dân của ta ngày càng mạnh hơn, do đó các lực lượng vũ trang ta ở khắp mọi nơi cũng hình thành tại chỗ rõ nét. Trước kia, thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã tạo ra hình thái chiến lược xen kẽ giữa ta và địch, không phân tuyến rõ rệt như những cuộc chiến tranh khác. Nay đặc điểm đó lại càng thể hiện rõ là một thế trận cài răng lược rất sinh động mà địch gọi là hình thái "da báo". Cùng với thế trận cài răng lược, ta lại vốn có một nghệ thuật quân sự luôn luôn chủ động sáng tạo ra các cách đánh hay. Chính xuất phát từ đó mà trên địa bàn của thế trận cài răng lược, ta có thể chủ động tiến công địch bất cứ lúc nào, vào trước mặt, bên sườn và phía sau chúng.


Từ năm 1973 đến đầu năm 1975, địch càng ra sức tăng cường các cuộc hành quân phá hoại Hiệp định Pa-ri thì ta càng nghiêm trị chúng kịp thời, đích đáng.

Bị phụ thuộc vào thế trận chiến tranh nhân dân của ta và bị cách đánh của ta chi phối, Mỹ - ngụy thực hiện âm mưu chiến lược phòng ngự toàn diện trên các địa bàn chúng còn kiểm soát. Hơn một triệu quân ngụy, gồm các sắc lính, rải ra phòng ngự khắp miền Nam, hình thành một thế trận chiến lược dài và mỏng, chạy dọc theo đường số 1 từ Quảng Trị đến Nam Bộ khoảng trên 1.000km; trên đường số 14 qua các thị xã Kon Tum, Plây Cu, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa; đường số 20 qua Đà Lạt, Lâm Đồng; khu vực Biên Hòa - Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #126 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 07:53:08 am »

So với các tuyến phòng ngự chiến lược khác, thì có tuyến phòng ngự chiến lược do quân khu 2 ngụy đảm nhiệm là có thế đứng tương đối vững chắc và có chiều sâu vừa phải. Tuyến này gồm vùng Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung, từ Bình Định vào tới Hàm Tân. Cách tổ chức chiến trường của địch ở đây đã tạo ra thế trận phòng ngự chiến lược có hai dải, hai tuyến. Tây Nguyên là tuyến phòng ngự thứ nhất, các tỉnh ven biển là tuyến phòng ngự thứ hai và cũng là tuyến cuối cùng.


Tuy chỉ là một tuyến nằm trong phạm vi quân khu 2 ngụy, song do thế đứng của nó, Tây Nguyên lại là chiến trường có vị trí quan trọng đặc biệt. Mỹ - ngụy tiến hành phòng ngự chiến lược ở Tây Nguyên, ngoài mục đích chiếm đóng lâu dài, còn dùng Tây Nguyên làm khu vực án ngữ để ngăn chặn ta ở phía tây và tây - bắc, làm cánh cửa phía tây để bảo đảm an toàn cho các tỉnh ven biển miền Trung, đồng thời còn làm bức bình phong phía tây - bắc để che chở cho miền Đông Nam Bộ. Tuyến Tây Nguyên bị phá vỡ thì các tỉnh ven biển sẽ bị trực tiếp uy hiếp và có thể bị mất theo ngay, nếu không có lực lượng dự bị chiến lược hùng hậu đến chiếm giữ hoặc phản kích. Mất Tây Nguyên thì không những thế trận phòng ngự của địch ở quân khu 1 bị rung động mà quân địch ở miền Đông Nam Bộ cũng bị đe dọa. Chính vì thế nên trong khi tích cực thực hiện chiến lược chung là "quét và giữ", đi đôi với biện pháp lấy bình định và lấn chiếm làm chủ yếu, địch còn ra sức tăng cường củng cố phòng ngự ở Tây Nguyên: tổ chức phòng ngự khu vực gồm các cụm điểm tựa, các khu căn cứ, thị trấn, thị xã và các tuyến đường giao thông... liên kết với nhau. Toàn quân khu 2 ngụy có 2 sư đoàn bộ binh chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân, 5 thiết đoàn xe tăng - xe bọc thép, thì riêng ở Tây Nguyên chúng đã bố trí tới 1 sư đoàn bộ binh chủ lực, cả 7 liên đoàn biệt động quân và 4 thiết đoàn xe tăng - xe bọc thép. Sở chỉ huy quân đoàn 2 cũng đặt ở Tây Nguyên (Plây Cu).


Như vậy, Tây Nguyên rõ ràng là một địa bàn chiến lược hiểm yếu trong thế trận phòng ngự chiến lược chung của Mỹ - ngụy ở miền Nam. Thế nhưng, nếu xét về lực lượng phòng giữ thì Tây Nguyên lại là một chiến trường yếu so với các tuyến phòng ngự chiến lược khác, mặc dầu chúng đã rải phần lớn quân chủ lực của quân khu 2 ra bố trí ở đây.


Đầu năm 1975, tổng số quân đội ngụy có 1.351.000 tên, trong đó có 495.000 quân chủ lực, 475.000 quân địa phương, 381.000 quân "phòng vệ dân sự" có vũ trang, gồm 13 sư đoàn chủ lực, 18 liên đoàn biệt động quân và hàng vạn cảnh sát vũ trang. Chúng bố trí lực lượng như sau:

- Quân khu 1 có 5 sư đoàn chủ lực (3 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn tổng dự bị là sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ), 4 liên đoàn biệt động quân; 21 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội pháo gồm 418 khẩu; 5 thiết đoàn và 13 chi đội xe tăng - xe bọc thép gồm 449 xe; 1 sư đoàn không quân gồm 96 máy bay chiến đấu.

- Quân khu 2 có 2 sư đoàn chủ lực và 7 liên đoàn biệt động quân; 14 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội pháo gồm 382 khẩu; 5 thiết đoàn và 13 chi đội xe tăng - xe bọc thép gồm 477 xe; 2 sư đoàn không quân gồm 138 máy bay chiến đấu.

- Quân khu 3 có 3 sư đoàn chủ lực và 7 liên đoàn biệt động quân; 14 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội pháo gồm 376 khẩu; 7 thiết đoàn và 15 chi đội xe tăng - xe bọc thép gồm 655 xe; 2 sư đoàn không quân gồm hơn 250 máy bay chiến đấu. Toàn bộ chủ lực địch đều triển khai để bảo vệ thành phố Sài Gòn.

- Quân khu 4 có 3 sư đoàn chủ lực, 18 liên đoàn bảo an; 15 tiểu đoàn và 55 đại đội pháo gồm 380 khẩu; 5 thiết đoàn và 17 chi đội xe tăng - xe bọc thép gồm 493 xe; 1 sư đoàn không quân gồm 72 máy bay chiến đấu; 580 tàu, xuồng các loại. Quân chủ lực dịch rải ra giữ các khu vực Cần Thơ, Chương Thiện, đường số 4 và tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia.


Xem cách bố trí lực lượng của Mỹ - ngụy, ta thấy rõ ý đồ chiến lược của chúng là bố trí lực lượng mạnh ở hai đầu, tức là mạnh ở quân khu 1 và quân khu 3, còn ở các chiến trường khác thì bố trí ít hơn. Ít lực lượng hơn cả là quân khu 2, trong đó có Tây Nguyên.

Vì sao Mỹ - ngụy lại bố trí như vậy? Vì sao Tây Nguyên là địa bàn chiến lược hiểm yếu mà chúng lại bố trí ít lực lượng, trong khi chúng có tới hơn một triệu quân?


Hiện tượng này có nguyên nhân sâu xa của nó. Mỹ - ngụy tuy có số quân đông song vẫn luôn luôn thiếu khi sử dụng, vì chúng phải rải ra đối phó với thế trận chiến tranh nhân dân của ta trên khắp các chiến trường. Thế trận phòng ngự chiến lược của chúng luôn luôn bị đối phương bố trí xen kẽ, không có hậu phương rõ rệt. Ngay khi quân Mỹ và chư hầu còn tham chiến, nghĩa là khi có lực lượng hùng hậu nhất, bọn chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam năm nào cũng vẫn phải lớn tiếng kêu gào Nhà trắng tăng viện. Sau Hiệp định Pa-ri, quân Mỹ và chư hầu buộc phải cuốn gói ra đi, còn lại một mình quân ngụy gánh vác cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới, tất nhiên càng không lấy đâu đủ lực lượng để bố trí chỗ nào cùng mạnh như nhau, dù đã được Mỹ tăng cường và trang bị đến mức tối đa so với trước. Cho nên, lúc này dù muốn hay không, chúng cũng phải co về giữ những vùng tập trung đông người, nhiều của ở thành phố, thị xã và đồng bằng, nghĩa là những vùng sinh tử đối với chúng. Tuy nhiên, chúng vẫn không hề từ bỏ âm mưu chiến lược lâu dài ở miền Nam Việt Nam, vẫn khẩn trương củng cố ngụy quân, ngụy quyền, cấp tốc thi hành "quốc sách" bình định vùng chúng kiểm soát và lấn chiếm ra vùng đối phương, hòng tạo ra một thế có lợi cho chúng sau này. Đồng thời, trong lúc không ngừng tăng cường mọi thủ đoạn, mọi biện pháp để thực hiện âm mưu trên thì chúng còn phải lo đối phó với đối phương có thể từ bên ngoài bất ngờ tiến công chúng vào bất cứ lúc nào.


Âm mưu trên đã chi phối ý đồ bố trí lực lượng mạnh ở hai đầu của Mỹ - ngụy:

Một đầu mạnh là quân khu 1 (5 sư đoàn, trong đó có 2 sư đoàn tổng dự bị) nhằm đối phó với quân ta từ phía bắc tiến công vào. Theo chúng, phải bố trí nhiều lực lượng ở đây vì đối tượng tác chiến trên hướng này mạnh, có hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa trực tiếp chi viện.


Một đầu mạnh nữa là khu vực Sài Gòn - Biên Hòa (quân khu 3) nhằm bảo vệ trung tâm chính trị, thành phố đông dân nhiều của, bộ máy đầu sỏ và cũng là sào huyệt cuối cùng của chúng.

Tập trung lực lượng mạnh ở hai đầu trong điều kiện lực lượng có hạn, tất chúng phải dành ít lực lượng hơn cho Tây Nguyên và các chiến trường khác. Thế nhưng Mỹ - ngụy vẫn có những lý do hết sức chủ quan (căn cứ vào cách đánh giá so sánh lực lượng hai bên của chúng) để tin tưởng rằng chúng vẫn có khả năng giữ vững những địa bàn chiến lược này trước các đòn tiến công của đối phương.


Một mặt, chúng cho rằng: trong năm 1975, ta chỉ có thể đánh chiếm loại thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa... chứ chưa có đủ khả năng đánh chiếm các mục tiêu lớn, các thị xã và thành phố; mà dù cớ đánh chiếm được thì ta cũng không giữ nổi.


Mặt khác, chúng lại cho rằng: với số quân còn đông, hỏa lực của pháo binh, không quân còn mạnh, trang bị kỹ thuật hiện đại, phương tiện vận chuyển nhiều, khi cần thiết chúng vẫn có thể cơ động lực lượng từ chiến trương này sang chiến trường khác một cách nhanh chóng. Thêm nữa, với những địa hình lợi thế chúng đang chiếm giữ cộng với khả năng vật chất dồi dào để thiết bị phòng ngự kiên cố, vững chắc, chúng vẫn có thể trụ lại được và hiệp đồng với quân cơ động từ các nơi khác đến ứng cứu và đẩy lùi cuộc tiến công của đối phương.


Bộ Tổng tư lệnh quân ta đã phát hiện được ngay những sai lầm và nhược điểm nói trên của Mỹ - ngụy. Không những ta chỉ phát hiện ra những sai lầm về ý đồ chiến lược, về bố trí lực lượng chiến lược mà còn phát hiện được cả những sai lầm cụ thể trong thế trận phòng ngự chiến lược của chúng, đồng thời cũng có đủ cơ sở để tin rằng các sai lầm trên của chúng sẽ liên tiếp dẫn tới những sai lầm mới, cả về chủ trương lẫn hành động, theo phương hướng chiến lược của chúng.


Chẳng hạn, theo tin tình báo của ta, trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, trong "dinh Độc Lập", Thiệu họp với bọn tư lệnh các quân đoàn, quân khu ngụy để phán đoán hoạt động của ta trong năm 1975. Bọn chúng nhận định: "Trong năm 1975, ta có thể đánh với quy mô lớn hơn năm 1974 nhưng không như năm 1968 và không bằng năm 1972. Ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Ta chỉ có thể đánh loại thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa. Yêu cầu chủ yếu của ta năm 1975 là giành hai triệu dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng vùng giải phóng miền núi. Mục đích của ta là giành thắng lợi để thúc ép chúng thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Chúng cho rằng đầu năm 1975, phương hướng tiến công của ta là đánh quân khu 3, chủ yếu là Tây Ninh, nhằm lấy Tây Ninh làm thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Về thời gian tiến công, địch phán đoán ta sẽ đánh trước hoặc sau tết cho đến tháng 6 năm 1975, tới lúc đó là mùa mưa thì dừng lại nghỉ". Do nhận định về ta như vậy, "Thiệu ra lệnh cho bọn tướng ngụy ráo riết đánh ta trước để phá vỡ kế hoạch chuẩn bị của ta... Do nhận định như vậy, chúng không có thay đổi gì về thế bố trí chiến lược mạnh hai đầu (quân khu 1 và quân khu 3) và cũng chưa có sự tăng cường lực lượng gì lớn ở quân khu 2, trong đó có Tây Nguyên"1 (Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1976, tr. 47, 48).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #127 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 07:54:00 am »

Ý đồ chiến lược chung cho toàn miền Nam của Mỹ - ngụy là như vậy. Riêng đối với Tây Nguyên, tuy chúng kém khôn ngoan, song vẫn tỏ ra hết sức tích cực nuôi tham vọng giữ bằng được địa bàn chiến lược này.


Lực lượng địch ở quân khu 2 không nhiều nhưng chúng đã rải ra trên Tây Nguyên một sư đoàn chủ lực cùng sở chỉ huy quân đoàn 2, 7 liên đoàn quân biệt động, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn, 230 khẩu pháo, 1 sư đoàn không quân.


Với số quân đó, địch ra sức củng cố thế trận phòng ngự, đưa quân chủ lực và quân biệt động chiếm các điểm cao khống chế xung quanh các thị xã, thị trấn, trên các trục giao thông, xây đắp công sự trận địa, đặt vật cản đi đôi với các hoạt động hành quân lùng sục, càn quét và lấn chiếm, kết hợp với các hoạt động gián điệp, biệt kích, thám báo, trinh sát trên không. Khi phát hiện ta hoặc phán đoán nghi ngờ ta có thể tiến công, chúng lập tức đưa lực lượng đến phòng ngự đự phòng, kết hợp với các thủ đoạn tập kích hỏa lực của máy bay và của pháo binh.


Khoảng trung tuần tháng 1 năm 1975, địch phán đoán ta mở chiến dịch ở bắc Tây Nguyên, đánh vào Kon Tum là chủ yếu, chúng liền sử dụng các liên đoàn biệt động quân số 22, 6, 23, 24, 21 lên phòng giữ Kon Tum. Sau khi triển khai dự phòng, nghe ngóng điều tra thấy ta không hoạt động gì lớn, đến tháng 2 năm 1975 phán đoán ta đánh Plây Cu là chủ yếu, chúng lại sử dụng liên đoàn biệt động quân, trung đoàn 44 và trung đoàn 45 thuộc sư đoàn 23 lên tăng cường giữ Plây Cu. Khi được tin đồn ta sẽ đánh lớn ở Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột, chúng vội vàng đưa trung đoàn 53 thiếu ra lùng sục khu vực Buôn Hồ, tiếp đó ra phía nam Đức Lập và đưa trung đoàn 45 xuống Cẩm Ga.


Qua hoạt động của chúng, ta thấy chúng tích cực lợi dụng những lợi thế của địa hình ở Tây Nguyên, khu vực phòng ngự được xây dựng thiết bị vững chắc, khu vực phòng ngự dự phòng được tổ chức sẵn hoặc có kế hoạch sẵn cho việc thực hiện các biện pháp phòng ngự dự phòng trên từng khu vực cụ thể để giữ Tây Nguyên.


Các hoạt động đó nằm trong âm mưu lâu dài, đồng thời cũng nhằm để thực hiện tham vọng của chúng: "Muốn chiến thắng ở miền Nam Việt Nam thì phải kiểm soát được vùng cao nguyên có tính chất chiến lược này".


Về phía chúng ta, trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng ta coi Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quân sự quan trọng. Do đó những năm về trước, khi so sánh lực lượng còn nghiêng về phía địch, quân và dân Tây Nguyên đã phải chiến đấu trong những điều kiện vô cùng gian khổ, quyết liệt để củng cố và giữ vững cơ sở cách mạng trong quần chúng, giữ vững và xây dựng căn cứ địa đứng vững ở một chiến trường có lợi. Ngọn lửa đấu tranh trên Tây Nguyên không ngừng sôi động. Tính chất ác liệt do bom đạn và mọi phương tiện kỹ thuật hiện đại của Mỹ - ngụy gây ra đã đưa cuộc chiến tranh ở khu vực núi rừng cao nguyên này tới đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử. Nhưng quân và dân Tây Nguyên vẫn kiên trì chiến lược tiến công của mình, thực hiện khẩu hiệu "một tấc không đi, một ly không rời", không ngừng vận dụng nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, lập thế, tạo thời, sáng tạo ra nhiều hình thức tác chiến, nhiều chiến thuật phù hợp và buộc kẻ địch cũng phải tuân theo các cách đánh ấy. Nhờ đó, cuộc chiến đấu của quân dân Tây Nguyên đã có những chuyển biến mau lẹ. Đến đầu mùa Xuân năm 1975, ta đã tiêu diệt được nhiều quận lỵ, chi khu. Khu vực giải phóng được mở rộng vào sát các thị trấn, thị xã và đường giao thông chiến lược ở hầu hết các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Gia Nghĩa. Lực lượng cách mạng ở Tây Nguyên trưởng thành nhanh chóng, các lực lượng vũ trang nhân dân đã hình thành các binh đoàn binh chủng hợp thành tập trung lớn cùng các bộ đội cơ giới, vận tải, phòng không, được triển khai ở hầu hết các địa bàn quan trọng, đối diện và xen kẽ với địch. Song song với các khu giải phóng mở rộng và các lực lượng vũ trang của Tây Nguyên trưởng thành, mạng đường sá chiến lược vận chuyển quân sự cũng được xây dựng trên toàn Tây Nguyên. Đặc biệt tuyến đường nối liền Bắc - Nam chạy qua Tây Nguyên thông suốt, mở ra triển vọng bảo đảm cho đánh lớn, đánh tiêu diệt chiến lược trên các địa bàn chiến lược nói chung ở toàn miền Nam và địa bàn chiến lược nói riêng ở Tây Nguyên.


Bước vào chiến cục Xuân - Hè năm 1975, quân ta triển khai tiến công trên nhiều hướng chiến lược. Do vị trí chiến lược quân sự quan trọng của Tây Nguyên nên chiến trường này đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn làm hướng tiến công chủ yếu trong giai đoạn đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam Việt Nam. Tây Nguyên là chiến trường có dung lượng lớn, có điều kiện để tiến hành tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Quân địch ở đây lại yếu. Ta có thể thắng lớn và thắng nhanh. Giải phóng Tây Nguyên nhanh sẽ có điều kiện thuận lợi để tiến xuống đồng bằng ven biển miền Trung, chia cắt quân địch ở miền Nam Việt Nam ra làm đôi, tạo thời cơ chiến lược lớn để giành thắng lợi chiến lược lớn hơn.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #128 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 07:59:11 am »

Chương hai
CHUẨN BỊ CHIẾN DỊCH


Mùa Xuân 1975, chiến trường Tây Nguyên có thể tiếp nhận được một lực lượng lớn các binh đoàn, bộ đội binh chủng hợp thành là do nó đã chuẩn bị được điều kiện tốt từ trước. Chiến trường Tây Nguyên có dung lượng lớn không phải chỉ vì điều kiện địa lý của nó. Nếu không có sự phát triển mạnh của chiến tranh nhân dân, không chuẩn bị sẵn về các mặt vật chất và thiết bị chiến trường thì dù có điều kiện địa lý thuận lợi, khu cao nguyên rộng lớn này cũng không có được dung lượng lớn như thế.


Về mặt chuẩn bị vật chất và thiết bị chiến trường, mặt trận Tây Nguyên đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm. Trải qua tác chiến và chuẩn bị, công tác xây dựng chiến trường mới được hoàn chỉnh từng bước.

Lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã cùng với nhân dân Tây Nguyên bám chặt, bám chắc mảnh đất chiến lược miền Tây này của Tổ quốc để chiến đấu giữ vững nó và xây dựng nó. Mồ hôi và xương máu đã vun xới, làm tăng thêm màu mỡ và tô thắm mảnh đất Tây Nguyên.


Lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã trải qua nhiều năm chiến đấu gian khổ với cách đánh độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, có nhiều cách đánh sáng tạo và phong phú. Quân dân Tây Nguyên ngày càng giành được thắng lợi, từng bước phát triển và củng cố địa bàn. Căn cứ ngày càng được mở rộng, có tính chất liên hoàn và vững chắc. Thế trận ngày càng vững mạnh và sâu hiểm.


Để chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược lớn vào những năm 1974, 1975 và những năm sau đó, ngay sau khi ký kết Hiệp định Pa-ri (1973), bộ đội Tây Nguyên đã cùng với binh đoàn vận tải chiến lược Quang Trung bắt tay vào việc tổ chức, thiết bị chiến trường bảo đảm cho hoạt động tác chiến của các binh đoàn lớn binh chủng hợp thành. Vấn đề đầu tiên mà tác chiến hiệp đồng binh chủng đặt ra là vấn đề đường sá cơ động của các bộ đội cơ giới, là việc chuyển quân bằng xe cơ giới và việc tiếp tế, vận chuyển vật chất, nhiên liệu bằng xe cơ giới và bằng đường ống.


Đến đầu năm 1975, đường trục chiến lược và đường ống đã xuyên qua khu căn cứ Tây Nguyên. Các khu kho, các trạm cấp phát, các trạm xe, các trạm xăng dầu, các đường dây thông tin và các trạm thông tin hữu tuyến, vô tuyến cũng đang mọc lên ở hai bên đường trục.


Việc tổ chức thiết bị chiến trường ở hậu phương, trong khu căn cứ của ta, tuy có cái dễ ở một mức độ nào đấy song vẫn có những cái khó của nó. Việc tổ chức thiết bị chiến trường ở bên sườn và sau lưng địch lại có nhiều cái khó hơn.


Ta thường dùng cách đánh hiểm để đánh địch. Ta đánh địch bằng cả lực và cả thế. Trên cái lực nhất định và trên một địa hình nào đó, quân ta lại hay đánh thắng địch bằng thế. Thắng bằng thế là một cách thắng hay.


Để tạo ra một thế trận hay, có lợi và hiểm, quân ta thường dùng cách đánh địch ở cả trước mặt, bên sườn và sau lưng chúng. Thế đánh ở bên sườn và sau lưng địch là thế đánh hiểm rất lợi hại. Muốn thế đánh đó mạnh, có tác dụng lớn thì phải đưa từng trung đoàn, sư đoàn vào chiến đấu, và chiến đấu có hiệp đồng binh chủng, có pháo binh cơ giới, pháo cao xạ cơ giới và có thể có cả xe tăng và xe bọc thép.


Thế đánh vào sườn và sau lưng địch ở chiến trường Tây Nguyên lại có ý nghĩa chia cắt về chiến lược Tây Nguyên với vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Ý nghĩa đó thật lớn và quan trọng.

Hiểu được ý nghĩa đó, nhìn được trước, được xa các bước đi của chiến lược, năm 1974 Bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên đã điều trung đoàn 95 sang chiến đấu trên đường số 19 ở đoạn từ phía đông thị xã Plây Cu đến phía tây thị trấn An Khê. Muốn trung đoàn có sức chiến đấu mạnh, cần tăng cường biên chế cho trung đoàn, có cả pháo binh cơ giới. Việc đưa một trung đoàn tăng cường sang chiến đấu ở đường số 19 đã đẻ ra nhiều vấn đề về công tác hậu cần; đưa thêm pháo binh cơ giới sang nữa thì lại đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp hơn.


Vấn đề đầu tiên là phải làm một con đường cho xe cơ giới từ hậu phương của ta ở Kon Tum đến phía bắc đường số 19. Đường này đi qua phía đông thị xã Kon Tum, cách thị xã khoảng 20km, nên quân địch quyết tâm đánh phá, ngăn chặn. Trung đoàn 7 công binh anh hùng được giao làm con đường mang tên 220 này, và Sư đoàn 10 được giao nhiệm vụ bảo vệ đường.


Các trung đoàn thuộc Sư đoàn 10, trung đoàn 95 và trung đoàn 7 công binh phải đánh mấy đòn trừng trị nặng, bắt sống một số tên thiếu tá ngụy chỉ huy các liên đoàn biệt động quân, mới chặn đứng được quân ngụy ở trong thị xã Kon Tum, không cho chúng bén mảng đến con đường này.


Con đường 220 là nguồn sống hùng hậu, là chất tăng lực cho sức chiến đấu của trung đoàn 95, các đội pháo binh cơ giới, các đội pháo hỏa tiễn, các đội đặc công và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Gia Lai ở phía bắc đường 19. Dòng xe ô tô chảy đều trên đường 220 đã giải quyết những vấn đề cơ bản về tiếp tế hậu cần. Nhưng để giữ chủ động và đề phòng bất trắc, trung đoàn 95 còn đưa sang trước một số lực lượng trồng sắn, khoai... tự tạo ra cho mình một nguồn hậu cần tại chỗ. Nếu nguồn gạo trên đường 220 bị trắc trở thì rẫy sắn, nương khoai sẽ là nguồn thay thế. Đây là một chủ trương hay, nhìn xa thấy trước. Cách nhìn này đã được xây dựng và rèn luyện từ mấy năm trước đây cho mọi chiến sĩ Tây Nguyên, ở Tây Nguyên, đánh giặc và sản xuất luôn luôn có sự gắn bó chặt chẽ. Các chiến sĩ Tây Nguyên đã tạo ra những nương, rẫy lúa, ngô, khoai, sắn... xanh rờn, rồi đứng vững ở đó mà đánh giặc. Nương rẫy mọc lên ở trong khu căn cứ, rồi nương rẫy đi cùng bước chân anh bộ đội, tiến ra ven các đường 14, 19, 21 và cả ven các thị trấn, thị xã.


Ven đường 14, bên cạnh đồn bốt địch 10km, đã mọc lên nương rẫy của bộ đội công binh đánh đường giao thông thuộc tỉnh đội Kon Tum. Những củ sắn, bắp ngô tại chỗ đã cùng với những trái mìn, quả đạn B.40 góp phần lập nên những chiến công diệt xe cơ giới của địch trên đường 14.


Ở phía tây thị xã Plây Cu, cách sở chỉ huy quân đoàn 2 ngụy khoảng 25 - 30km, nương rẫy của tiểu đoàn 631 đã vươn lên xanh tốt trước mắt quân thù. Các chiến sĩ tiểu đoàn 631 đã dựa vào đó, đồng thời bén rễ chắc trong nhân dân để mở những đòn tập kích táo bạo vào các mục tiêu quân sự trong thị xã Plây Cu.


Kinh nghiệm về sự gắn bó giữa tác chiến và sản xuất đã gợi cho các chiến sĩ Tây Nguyên một ý niệm quân sự về sản xuất. Người chiến sĩ Tây Nguyên coi sản xuất như một thành phần của tác chiến, như một thế tác chiến, ở đâu có sản xuất thì có điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn để tác chiến, nhất là những đơn vị bộ đội chiến đấu ở sâu trong trận địa của địch. Thế trận sản xuất phát triển nhịp nhàng với thế trận tác chiến. Muốn phát triển thế trận quân sự cho sâu hiểm, cần có sự phát triển của thế trận sản xuất, có khi thế trận sản xuất phải đi trước một bước. Thế trận sản xuất cũng phải có tư tưởng tiến công như thế trận tác chiến.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #129 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 08:00:09 am »

Xây dựng chiến trường là một công trình. Tạo ra dung lượng, tạo ra thế trận là do công tác tổ chức và xây dựng của con người quyết định. Trải qua tác chiến và xây dựng trong điều kiện chiến tranh nhân dân phát triển mạnh mẽ, quân dân Tây Nguyên đã tạo điều kiện thắng lợi cho đòn tiến công đầu tiên của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.


Do ý nghĩa quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở đầu của cuộc tiến công chiến lược, do hoàn cảnh chiến trường rộng và có nhiều binh đoàn, các đơn vị bộ đội pháo binh, cao xạ, tên lửa, xe tăng, công binh, thông tin, vận tải cơ giới... của Bộ Tổng tư lệnh tham chiến nên Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định cử một đồng chí đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, và tổ chửc Sở chỉ huy tiền phương của Bộ để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Có sự chỉ đạo trực tiếp của trên, với những ý kiến chỉ đạo kịp thời, sâu sắc và mạnh bạo, các đồng chí trong Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên càng thêm vững tâm trong công tác chỉ huy bộ đội giành thắng lợi lớn cho chiến dịch.


Bộ tư lệnh chiến dịch và cơ quan Bộ tư lệnh chiến dịch cũng hình thành nhanh chóng, trên cơ sở lấy Bộ tư lệnh và cơ quan Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên làm nòng cốt. Bộ tư lệnh chiến dịch gồm nhiều cán bộ có kinh nghiệm trong các mặt công tác quân sự khác nhau, nên có sức mạnh và khả năng giải quyết tốt các vấn đề tác chiến cũng như các vấn đề hậu cần, vận tải, v.v...


Bên canh Bộ tư lệnh chiến dịch có đồng chí ủy viên thường vụ khu ủy đại diện khu ủy Khu 5, cùng một bộ phận cơ quan giúp việc. Đi sát với các hướng chiến dịch lại có các ban chỉ đạo tác chiến của các tỉnh ủy Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Từ lúc chuẩn bị, mở đầu đến lúc kết thúc chiến dịch, các đồng chí đã thường xuyên cung cấp tình hình, đóng góp ý kiến và cùng Bộ tư lệnh chiến dịch kịp thời giải quyết được những vấn đề cấp bách nảy sinh trong quá trình phát triển của chiến dịch.


Để tăng cường cho cơ quan Bộ tư lệnh chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh cũng điều đến nhiều cán bộ cao cấp, trung cấp của các binh chủng pháo binh, cao xạ, thông tin, công binh, xe tăng và cán bộ ở cơ quan Bộ, các học viện và nhà trường.


Sau khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh có ý định rõ ràng về hướng tác chiến chiến lược và mục tiêu cụ thể của chiến dịch, Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã tập trung mọi cố gắng, nhanh chóng hoàn thành tốt mọi công tác chuẩn bị tác chiến.


Tuy phải trực tiếp chỉ đạo mọi mặt công tác hết sức phức tạp - từ điều quân, cơ động lực lượng, làm đường đến vận chuyển vật chất, bố trí kho tàng... - Bộ tư lệnh chiến dịch vẫn nắm chắc công tác trung tâm số một là xây dựng quyết tâm chiến dịch, phương án tác chiến chiến dịch và các trận đánh then chốt, quyết định của chiến dịch.


Trên cơ sở quyết tâm chính thức của Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dỊch, trong ba ngày 17, 18, 19 tháng 2 năm 1975, một hội nghị mở rộng đã họp bàn để xác định phương án tác chiến chiến dịch chính thức.


Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích và đi đến những kết luận chính xác về so sánh lực lượng hai bên, về sử dụng lực lượng bố trí thế trận và vận dụng cách đánh hiệp đồng binh chủng như thế nào cho thích hợp.


Về địch: Chỉ tính quân chủ lực và bảo an, số lượng địch trên chiến trường Tây Nguyên đến lúc bấy giờ vẫn có: quân đoàn bộ quân đoàn 2; sư đoàn 23 gồm ba trung đoàn (44, 45, 53); 7 liên đoàn quân biệt động (21, 22, 23, 24, 25, 4, 6) - mỗi liên đoàn tương đương với một trung đoàn; 36 tiểu đoàn bảo an; 4 thiết đoàn xe tăng - xe bọc thép, có 12 chi đoàn khoảng 380 - 400 xe; 8 tiểu đoàn, 7 đại đội, 25 trung đội pháo binh khoảng 230 khẩu pháo; 1 sư đoàn không quân (không đoàn 702), có 4 phi đoàn khoảng 150 chiếc máy bay (có 24 máy bay chiến đấu). Khi tác chiến, địch có thể tăng viện từ 1 sư đoàn thiếu đến 1 sư đoàn của quân khu 2, và có thể có 1 lữ đến 1 sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị.


Với số đơn vị trên, địch rải ra phòng ngự các khu vực trên toàn địa bàn Tây Nguyên, lấy khu vực thị xã Plây Cu và Kon Tum làm hướng phòng ngự chủ yếu do lực lượng chủ yếu của quân đoàn 2 phòng ngự.


Về ta: Quân ta đã tập trung một lực lượng quân chủ lực đông hơn chủ lực địch. Tuy còn những nhược điểm nhất định về trình độ tổ chức, chỉ huy và tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhưng bộ đội ta có nhiều đơn vị thiện chiến, có kinh nghiệm hoạt động ở Tây Nguyên, đồng thời lại được sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tư lệnh cũng như được sự chi viện rất đắc lực của các binh đoàn vận tải chiến lược. Các đơn vị bộ đội, cả chủ lực và địa phương đều rất tin tưởng vào thắng lợi và có quyết tâm chiến đấu rất cao.


Cuộc đối chọi sẽ diễn ra ở đây giữa ta và địch chủ yếu là cuộc đối chọi giữa các binh đoàn chủ lực tác chiến hiệp đồng binh chủng của hai. bên. Vì vậy, để tiêu diệt bằng được tập đoàn chủ yếu của quân đoàn 2 ngụy, cuộc chiến đấu của ta nhất định sẽ gay go quyết liệt; ít nhất ta cũng phải thực hiện vài ba trận đánh lớn then chốt.


Căn cứ vào nhiệm vụ chiến dịch trên giao, quân ta phải tiêu diệt địch, giải phóng Tây Nguyên rồi tiến xuống đồng bằng ven biển - hướng chính trong giai đoạn đầu của cuộc Tổng tiến công. Để giải phóng Tây Nguyên, một vấn đề đật ra là: phải đánh vào thị xã và thành phố. Mặc dầu địch chủ quan đánh giá sai lầm, cho rằng ta chưa đủ khả năng đánh thị xã và thành phố, song ta vẫn phải có sự cân nhắc, tính toán kế hoạch cho chật chẽ, chu đáo để bảo đảm đánh chăc thắng. Tuy ta đã giải phóng thị xã Phước Long và đã rút ra được những kinh nghiệm cần thiết, song đó mới chỉ là thị xã loại nhỏ. Ở Tây Nguyên, ta sẽ phải đánh vào những thị xã lớn hơn.


Như trên đã nói, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm điểm đánh trận mở đầu và cũng là một trận then chốt quyết định của chiến dịch Tây Nguyên.

Trước đó, do những điều kiện cụ thể của chiến trường nên trong cán bộ đã có sự cân nhắc lợi hại giữa Buôn Ma Thuột và Kon Tum, xem nên chọn thị xã nào làm điểm tiến công. Có ý kiến cho rằng nên chọn điểm tiến công vào thị xã Kon Tum vì ta đã từng đánh thị xã này năm 1972, tuy chưa thành công nhưng qua đó ta cũng hiểu địch, nắm được địa hình và có kinh nghiệm nhất định; hơn nữa, hiện nay quân ta lại đang áp sát thị xã, trực tiếp đối diện với địch, đường sá cơ động từ hậu phương tối thuận tiện, nói chung ở đây ta có điều kiện chuẩn bị dễ dàng và giữ được bí mật. Còn thị xã Buôn Ma Thuột thì nằm sâu trong vùng địch kiểm soát, ta chưa hiểu biết được mấy về địch và địa hình, đường cơ động lại xa, bảo đảm hậu cần gặp nhiều khó khăn, kéo quân và chuyển quân từ Kon Tum xuống Buôn Ma Thuột sẽ gặp trở ngại, do đó dễ bị lộ bí mật...


Tuy nhiên, căn cứ vào những hoạt động của ta và địch trên chiến trường, với những ý kiến phân tích khách quan khoa học, hội nghị cán bộ đã hoàn toàn nhất trí với quyết định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm điểm tiến công.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM