Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:04:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo - Tác phẩm giải thưởng Hồ Chí Minh  (Đọc 9346 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #80 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:05:21 pm »

IV
THẤT BẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ TRONG CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM VÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN THẤT BẠI ĐÓ


Sau tám năm (từ đầu năm 1965 đến đầu năm 1973) sử dụng quân đội Mỹ trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời sử dụng không quân và hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ đã phải rút ra khỏi sự dính líu trực tiếp vào Việt Nam. Đó là một thất bại nặng nề của chúng.


Kể từ năm 1954 đến 1972, suốt mười tám năm trời, đế quốc Mỹ đã áp dụng bốn chiến lược chiến tranh trong bốn đời tổng thống để xâm lược Việt Nam, nhưng vẫn không thực hiện được toàn bộ chính sách xâm lược của chúng ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương.


Đế quốc Mỹ đã tỏ ra hết sức ngoan cố, đã sử dụng một lực lượng rất lớn quân đội và vũ khí, đã giở mọi thứ chiến lược, xoay mọi thủ đoạn, ném ra một số tiền khổng lồ, áp dụng mọi thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến để xâm lược Việt Nam.


Khi mới lên nhậm chức trong năm 1953, Ai-xen-hao đã tuyên bố: "Nếu để mất Việt Nam, mất Đông Dương thì khó có thể phòng thủ được bán đảo Ma-lai-xi-a", "phải ngăn chặn lại việc này ngay từ bây giờ" (Diễn văn đọc trước hội nghị hàng năm các thống đốc bang toàn nước Mỹ).


Năm 1961, sau khi nhậm chức, Ken-nơ-đi đã tuyên bố: "Mỹ không loại trừ việc đưa các lực lượng quân sự tới đồng bằng sông Cửu Long", "để đáp ứng yêu cầu của tình hình, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Cộng hòa Việt Nam (ngụy) để bảo vệ chế độ. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tăng thêm sự chi viện nhiều mặt vào cố gắng phòng thủ Nam Việt Nam" (Tuyên bố của Ken-nơ-đi và thư của Ken-nơ-đi gửi Ngô Đình Diệm).


Khi mới lên làm tổng thống, Giôn-xơn cũng từng tuyên bố: "Nước Mỹ chúng ta sẽ thực hiện những điều cam kết mà chúng ta đã đưa ra ở Việt Nam. Tôi sẽ làm những việc gì cần phải làm để bảo vệ những lợi ích của chúng ta ở Việt Nam, vừa giữ đúng lời hứa của chúng ta" (Hồi ký của Giôn-xơn).


Khi lên làm tổng thống, Ních-Xơn cũng tuyên bố: "Chúng ta đã chịu đựng một đêm dài của tinh thần Mỹ, chúng ta đang bị mắc kẹt trong chiến tranh" nhưng "chúng ta giũ vững các mục tiêu cam kết" và sẽ "dốc sinh lực, sự khôn ngoan để phục vụ cho sự nghiệp đó". "Chúng ta hãy làm cho không còn chút nghi ngờ nào rằng: chúng ta sẽ dùng sức mạnh tới mức độ cần thiết trong thời gian cần thiết" (Diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 1 của Ních-Xơn).


Qua bốn đời tổng thống, kế tiếp nhau lên cầm quyền, âm mưu và quyết tâm xâm lược miền Nam Việt Nam của đế quốc Mỹ đều đã được biểu lộ một cách rõ ràng.

Để thực hiện âm mưu và quyết tâm xâm lược đó, đế quốc Mỹ đã vận dụng nhiều hình thức xâm lược, nhiều chiến lược xâm lược. Các hình thức và chiến lược xâm lược đó đều được vận dụng và phát triển từ mức thấp đến mức cao nhất.


Thời kỳ Ai-xen-hao làm tổng thống từ năm 1954 đến năm 1960, đế quốc Mỹ đã dùng hình thức xâm lược bằng kinh tế và chính trị ở miền Nam Việt Nam. Đó là hình thức xâm lược thực dân mới kiểu thông thường, phổ biến trên thế giới. Thực hiện kiểu xâm lược này, đế quốc Mỹ chỉ cần một số đô la, một số vũ khí cùng các hãng buôn, các đội văn hóa, với một tòa đại sứ đặc biệt gồm những nhân viên quân sự và nhân viên tình báo chuyên nghề lật đổ và chống lật đổ. Áp dụng không thành công, đế quốc Mỹ đã phải nâng lên một mức độ cao hơn. Đô la và vũ khí của Mỹ phải nhiều hơn. Ngoài tòa đại sứ, cơ quan viện trợ kinh tế, hãng buôn và đội văn hóa, đế quốc Mỹ còn tung vào miền Nam Việt Nam hàng mớ chuyên gia cố vấn quân sự, tình báo, và chuyên gia cố vấn chính trị, kinh tế để làm quan thầy trực tiếp cho chính quyền bản xứ. Mối quan hệ giữa đế quốc Mỹ và ngụy quyền rõ ràng là mối quan hệ giữa chủ và tớ.


Với hình thức xâm lược thực dân mới kiểu thông thường cao như thế, tốn kém như thế, mà vẫn không thành công, đế quốc Mỹ phải dùng hình thức xâm lược cao hơn là "chiến tranh đặc biệt", một trong ba loại chiến tranh của chiến lược quân sự toàn cầu "phản ứng linh hoạt" của đế quốc Mỹ. Và, tướng Tay-lo, "bố đẻ" ra chiến lược này đã được tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi phái sang miền Nam Việt Nam để làm người vú cho đứa con mới ra đời đó.


"Chiến tranh đặc biệt" được thực hiện ở miền Nam Việt Nam là một cuộc chiến tranh đặc biệt lớn nhất, tốn kém nhất. Đế quốc Mỹ đã chi phí hàng tỷ đô la, sử dụng hàng trăm máy bay, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép cùng hàng vạn nhân viên quân sự cho cuộc chiến tranh đó. Các sĩ quan Mỹ đã trực tiếp chỉ huy đội quân ngụy Sài Gòn, từ bộ quốc phòng, bộ tổng tham mưu cho đến đơn vị cấp tiểu đoàn. Các phi công Mỹ và các đội quân tình báo Mỹ đã trực tiếp tham gia chiến đấu. Ngoài ra, lúc cuộc "chiến tranh đặc biệt" phát triển tới đỉnh cao vào giữa năm 1965 thì có hai đơn vị quân đội Mỹ cũng tham gia là sư đoàn lính thủv đánh bộ số 3 và lữ đoàn dù số 173.


"Chiến tranh đặc biệt" không thành công, chính quyền bù nhìn, tay sai có nguy cơ bị sụp đổ. Đế quốc Mỹ lại bị động, buộc lòng phải tiến hành "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam, loại chiến tranh thứ hai trong chiến lược quân sự toàn cầu "phản ứng linh hoạt" của đế quốc Mỹ. Đây là một cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất, phối hợp cùng với một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân cũng lớn nhất đối với miền Bắc Việt Nam.


Cuộc chiến tranh cục bộ này đã vượt ra ngoài lý luận về chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Theo lý luận này, đế quốc Mỹ có thể tiến hành đồng thời hai cuộc chiến tranh rưỡi trong cùng một lúc mà vẫn còn một lực lượng dự bị hùng hậu để sẵn sàng ứng phó với cuộc chiến tranh thế giới hạt nhân toàn diện. Thế nhưng đế quốc Mỹ đã phải đưa cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam lên một đỉnh cao nhất, với số quân là 543.482 tên vào tháng 4 năm 1969. Ngoài ra, Mỹ còn có hàng chục vạn quân thuộc hạm đội 7 ở Thái Bình Dương và các lực lượng không quân ở Thái Lan, Phi-líp-pin, Ô-ki-na-oa để chi viện cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Với số quân lớn như thế, lực lượng dự bị chiến lược của đế quốc Mỹ đã bị khánh kiệt. Nước Mỹ không còn quân để có thể mở một cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ khác. Vì vậy mà lý luận về "hai cuộc chiến tranh rưỡi" đã bị phá sản và đế quốc Mỹ đã phải sửa lại bằng lý luận "một cuộc chiến tranh rưỡi". Thực tế, chỉ một cuộc ở Việt Nam cũng đã quá đủ rồi, cái "rưõi" kia cũng khó thực hiện được.


Số quân Mỹ tác chiến trên hướng Việt Nam đã vượt cả số quân Mỹ trên hướng chiến lược chủ yếu của Mỹ ở châu Âu. Để duy trì lực lượng chiến đấu ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã phải thường xuyên huy động một số quân (150 vạn người) để bổ sung và thay phiên (gần bằng một nửa tổng số quân đội thường trực Mỹ trong lúc đó). Và, để bảo đảm cho số quân trên chiến đấu trong mấy năm chiến tranh, nước Mỹ phải huy động đến 4 triệu rưỡi lượt thanh niên Mỹ sang Việt Nam.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #81 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:06:37 pm »

Làm một cuộc chiến tranh cục bộ phát triển cao như thế, cuối cùng đế quốc Mỹ cũng vẫn bị thất bại. Con đường chiến tranh đã cụt. Chúng phải tìm một lối rẽ: "Chiến tranh cục bộ" được thay thế bằng "Việt Nam hóa chiến tranh", lối rẽ đi xuống của chiến lược quân sự xâm lược Việt Nam.


Cuối cùng đế quốc Mỹ đã bắt buộc phải kết thúc sự dính líu trực tiếp vào cuộc chiến tranh xâm lược và quay lại con đường mòn luẩn quẩn mà chúng đã đi.

Một đế quốc giàu tiền của nhất, có nền khoa học kỹ thuật phát triển nhất, có lực lượng vũ trang mạnh nhất trong phe đế quốc, đã đổ ra hàng trăm tỉ đô la chi phí cho cuộc chiến tranh kéo dài suốt tám năm ròng rã, mà vẫn thua Việt Nam - một nước đất không rộng, người không đông và kinh tế còn chưa phát triển. Thất bại đó quả thật hết sức nặng nề và cay đắng đối với đế quốc Mỹ.


Vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy? Nguyên nhân nào đã đưa đế quốc Mỹ xuõng vực thẳm của thất bại?

Trước hết phải thấy: đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược trong những điều kiện lịch sử bất lợi đối với chúng, trong thời đại mà giai cấp công nhân trở thành nhân vật trung tâm, thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, thời đại mà chủ nghĩa tư bản thế giới đang ngày càng suy sụp và chủ nghĩa đế quốc thực dân đang ở trong cơn hấp hối. Đó là thời đại mà ba dòng thác cách mạng đang tiến công dồn dập vào chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc thực dân, làm cho thành trì của chúng đang sụp đổ từng mảng. Đó là thời đại mà chủ nghĩa tư bản Mỹ và chủ nghĩa tư bản thế giới đã lao sâu vào cuộc tổng khủng hoảng, nền kinh tế của nó đang ở trong một trạng thái hết sức không ổn định. Nhìn chung, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong những điều kiện lịch sử bất lợi đối với chúng.


Sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới xuất hiện là chỗ dựa, là ngọn cờ động viên các lực lượng cách mạng đang mạnh bước tiến lên. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ra đời đã làm thay đổi một bước quan trọng so sánh lực lượng trên thế giới, đã đẩy cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản bước sang thời kỳ thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng cách mạng tiến công mạnh mẽ vào chủ nghĩa tư bản, đế quốc.


Mâu thuẫn đã bùng nổ và đang bùng nổ mạnh mẽ là mâu thuẫn giữa phong trào giải phóng dân tộc, độc lập quốc gia với chủ nghĩa đế quốc thực dân. Mâu thuẫn này có điều kiện bùng nổ vì nó đang rất gay gắt và vì ở khâu mâu thuẫn này, lực lượng cách mạng có sức mạnh, còn lực lượng phản động thì yếu hơn so với các nơi khác.


Sau chiến tranh thế giới thứ hai, sự suy yếu của chủ nghĩa tư bản thế giới và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới đã vạch ra con đường cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ. Những ngọn cờ thực dân của các nước đế quốc lớn Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, v.v... trước đây còn nghênh ngáo trên khắp thế giới nay đã rách nát tả tơi. Đế quốc Anh thường khoe khoang với giọng kẻ cướp là một "đế quốc không có mặt trời lặn" - đã bị chìm sâu trong bóng tối. Bọn thực dân Bồ Đào Nha ngu xuẩn, ngoan cố đến giữa năm 1974 củng đã bị bánh xe lịch sử nghiến nát. Phong trào giải phóng dân tộc đang là ngọn đòn xung kích tiến công mạnh mẽ vào chủ nghĩa đế quốc thực dân. Đây là một trào lưu đang có sức sống mãnh liệt và có sự hấp dẫn rộng rãi. Bản thân nó đã có sức mạnh, lại được tăng thêm sức mạnh vì có chỗ dựa vững chắc là hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, có sự đoàn kết rộng rãi trong nội bộ phong trào và có sự hỗ trợ, phối hợp đấu tranh của phong trào công nhân và dân chủ, tiến bộ trong các nước tư bản đế quốc. Ngày nay các cuộc chiến tranh xâm lược thực dân đều bị các lực lượng cách mạng và các lực lượng tiến bộ chống lại. Thế giới tiến bộ và chính nghĩa đã có đủ sức mạnh về tinh thần và vật chất để có những khả năng thực tế đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa đó.


Đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân ở Việt Nam là đi ngược lại trào lưu của thời đại. Nó không những bị nhân dân Việt Nam kịch liệt chống lại, mà còn bị các nước xã hội chủ nghĩa kiên quyết chống lại, và cả loài người tiến bộ cũng như nhân dân tiến bộ Mỹ đều tích cực chống lại. Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam không phải chỉ đụng chạm đến một nước Việt Nam riêng lẻ, mà còn uy hiếp, đe dọa hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và các nước tiến bộ, các phong trào tiến bộ trên thế giới. Đế quốc Mỹ xâm lược được Việt Nam thì sẽ xâm lược và áp bức bóc lột được các nước khác. Đế quốc Mỹ đi xâm lược áp bức các nước khác, các dân tộc khác thì ở ngay trong nước Mỹ bản thân nhân dân Mỹ cũng bị giai cấp tư sản thống trị Mỹ áp bức bóc lột.


Những người tiến bộ trên thế giới và ở trong nước Mỹ hiểu rõ được điều đó, nên họ đều chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, đều chống lại moi cuộc chiến tranh xâm lược.

Một số nước chư hầu, đồng minh xa của đế quốc Mỹ, ít nhiều có tư thế độc lập, ít nhiều thức thời, đã từ chối không tham gia "chạy cờ" cho đế quốc Mỹ. Mặt khác họ cũng muốn để mặc cho đế quốc Mỹ bị ngụp lặn, chìm sâu trong vũng bùn chiến tranh để họ có thể nhanh chân tiến bước đi lên trên con đường thênh thang, không đối thủ.


Do đó mà đế quốc Mỹ bị cả loài người tiến bộ nguyền rủa, phỉ nhổ, lên án. Dư luận chính nghĩa của thế giới liên tục tiến công và bao vây đế quốc Mỹ. Trong lịch sử các cuộc chiến tranh xâm lược, không có cuộc chiến tranh xâm lược nào lại bị lên án, nguyền rùa như cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới mà đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam và các nước Đông Dương.


Nhân dân tiến bộ trên thế giới một mặt kiên quyết phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, mặt khác tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam về tinh thần cũng như về vật chất. Tình hình này làm cho sức mạnh vật chất của đế quốc Mỹ bị giảm sút, đồng thời sự yêu kém về chính trị và tinh thần lại càng thêm yếu kém, làm cho thế và lực tổng hợp của chiến tranh xâm lược trở thành bất lợi và suy yếu. Ngược lại, nó cũng làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam càng thêm sức mạnh, tăng thêm khả năng đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.


Đối với nhân dân Việt Nam, nhân tố quốc tế là hết sức quan trọng, không thể thiếu được để đối chọi với một đế quốc giàu mạnh nhất trong phe đế quốc. Nhưng nhân tố bên trong của bản thân nhân dân Việt Nam vẫn là quyết định. Nhân dân Việt Nam kiên cường, bất khuất, dũng cảm, tài giỏi, biết tổ chức, huy động và phát huy cao độ mọi sức mạnh tinh thần và vật chất của chính mình, đồng thời có đường lối quốc tế đúng đắn và biết sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của quốc tế thì mới đánh bại được cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh thực dân xâm lược.


Đó là những điều kiện lịch sử thế giới không có lợi cho bọn đế quốc gây chiến, một trong những nguyên nhân thất bại của đế quốc Mỹ.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #82 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:07:49 pm »

Còn ở ngay trong nước Mỹ, thì những khó khăn ngày càng tăng, ngày càng trầm trọng về mọi mặt cũng là một nguyên nhân khác đẩy đế quốc Mỹ đến chỗ thất bại.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là một cuộc chiến tranh không có liên quan trực tiếp đến nền an ninh của nước Mỹ, một cuộc chiến tranh chẳng có gì khêu gợi, cổ vũ được tình cảm yêu nước và ý thức về nghĩa vụ đối với Tổ quốc của người dân Mỹ. Mặt khác, đó cũng là một cuộc chiến tranh hao người tốn của một cách kinh khủng, vượt xa mọi cuộc chiến tranh xâm lược trong lịch sử nước Mỹ. Đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi của đông đảo nhân dân Mỹ. Chẳng những thế, nó còn làm thiệt hại đến quyền lợi nhiều mặt của những tập đoàn tư bản không "làm ăn" được gì nhiều trong cuộc chiến tranh.


Bản chất cuộc chiến tranh đó là phi nghĩa nên những kẻ cầm quyền nước Mỹ - đại biểu cho những tập đoàn tư bản tài phiệt, hiếu chiến - đã phải cố công tô vẽ, đã dùng mọi lời lẽ mỹ miều nhất để nói về "ý nghĩa cao cả'' cũng như biết bao hứa hẹn về thắng lợi của nó. Thế nhưng, dù Nhà trắng và Lầu năm góc đã giở mọi thủ đoạn xảo trá và luận điệu bịp bợm, chúng vẫn không tài nào thuyết phục nổi các tầng lớp nhân dân Mỹ. Vì, đông đảo người Mỹ đã ngày càng hiểu rằng số tiền thuế mà họ phải đóng cho chính phủ hiếu chiến Mỹ cũng như sinh mệnh của biết bao người Mỹ bình thường bị ném vào cái lò lửa chiến tranh Việt Nam, không phải là để mang lại quyền lợi và vinh dự cho họ mà là để nuôi béo và phục vụ cho tham vọng của các tổ hợp quân sự - công nghiệp, cho bọn lái súng Mỹ, cho bọn tay sai bù nhìn bản xứ cũng như bọn tư bản công nghiệp Nhật Bản. Ngay trước mắt họ, tiền tài cũng như vật tư chiến tranh - mồ hôi nước mắt của người dân lao động Mỹ - đưa sang Việt Nam đã bị những tên Mỹ đi xâm lược và bọn tay sai bù nhìn ăn cắp tới 30 - 40%, nhờ đó chúng đã trở thành những triệu phú, tỷ phú giàu có hơn nhiều người Mỹ ở chính quốc. Đông đảo người Mỹ ngày càng nhận thấy họ đã bị phung phí quá nhiều xương máu, tinh thần, trí tuệ và của cải vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa chẳng có lợi gì mà chỉ có hại cho nước Mỹ, cho bản thân mỗi người dân Mỹ. "... Người Mỹ không chịu để bị đưa đi chết trong một cuộc chiến tranh mà họ không hiểu và không tin tưởng. Họ không còn dễ mắc lừa mà ủng hộ cuộc chiến tranh đó nữa. Các nhóm ở khắp mọi nơi trong nước - các nhóm sinh viên, các nhóm giải phóng phụ nữ, các nhóm trong ngành giáo dục, các nhóm tôn giáo, các nhóm người da đen, một bộ phận lớn của nước Mỹ - mọi người theo cách của mình đều đang nói lên rằng họ đã mệt mỏi vì cuộc chiến tranh rồi. Tất cả đều đang nói rằng cuộc chiến tranh phải được chấm dứt ngay lập tức"1 (Lời phát biểu của nữ nghệ sĩ Mỹ Si-som tại Hạ viện Mỹ, Biên bản Quốc hội Mỹ ngày 14-10-1969 (theo bản dịch của VNTTX)).


Tất cả những hoạt động chống đối chiến tranh mạnh mẽ ở khắp nước Mỹ đã đẩy bọn gây chiến vào tình thế ngày càng khó khăn, khốn quẫn. Sự phản kháng của nhân dân Mỹ đã không cho phép bọn cầm quyền phản động hiếu chiến mặc sức vét người, vét của ở nước Mỹ để ném vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vì vậy, bọn chúng đã phải dùng bạo lực, đàn áp, dùng quyền hành độc đoán để thực hiện mọi ý đồ vét người, vét của tiếp tục phục vụ chiến tranh.


Mặc nhiên là càng dùng bạo lực và quyền hành thì chúng lại càng vấp phải sức phản kháng quyết liệt hơn của đông đảo nhân dân Mỹ, kể cả nhiều người trong chính giới Mỹ.

Mặt khác, cũng phải thấy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam kéo dài hàng chục năm quả là một "cái thùng không đáy" đối với đế quốc Mỹ. Càng lao sâu vào cuộc chiến tranh ấy thì nước Mỹ càng suy yếu về kinh tế, càng chia rẽ về chính trị, dẫn tới sự mất dần quyền khống chế của nước Mỹ đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới và các nước phụ thuộc của Mỹ, gây ra nguy cơ uy quyền bá chủ của đế quốc Mỹ bị sụp đổ. Rõ ràng cuộc chiến tranh cứ tiếp diễn mà vẫn chẳng thấy đôi chút ánh sáng le lói nào của "con đường hầm không có lối thoát" thì dù nước Mỹ có đông dân, có nền kinh tế giàu có bậc nhất thế giới cũng khó lòng mà chịu đựng mãi được.


Bản chất hoàn toàn phi nghĩa cùng với những nhân tố khác đã làm cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trở thành "một cuộc chiến tranh khó khăn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Những khó khăn ngày càng chồng chất ở bên trong nước Mỹ là một trong những nguyên nhân đưa đế quốc Mỹ đến chỗ thất bại.


Những khó khăn ấy có liên quan đến một nguyên nhân thất bại nữa là tình trạng tinh thần thấp kém, của quân đội viễn chinh Mỹ, công cụ chủ yếu và trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.


Theo quan điểm chúng ta, hoạt động của con người luôn luôn có sự kết hợp thống nhất giữa vật chất và tinh thần. Vật chất là điều kiện, là cơ sở khách quan cho tinh thần hoạt động. Ngược lại, trên cơ sở vật chất nhất định, có sự tác động tích cực trở lại của tinh thần thì sẽ sinh ra một sức mạnh tổng hợp rất lớn, làm cho hoạt động của con người trở nên kỳ diệu, phi thường. Đó là một trong những lý do cơ bản giải thích vì sao khẩu súng trường lại có thể bắn rơi được máy bay phản lực siêu âm hiện đại, trong trường hợp người chiến sĩ bộ binh dám nhằm thắng máy bay thù đang lao xuống trước mặt mà bắn. Vì vậy, Lênin đã nói: "Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tâm trạng của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường... Việc quần chúng nhận thức được mục đích và nguyên nhân của chiến tranh có một tầm quan trọng to lớn: đó là sự bảo đảm cho thắng lợi"1 (V.I. Lenin, Toàn tập, tập 31, Nxb Sự thật, H. 1969, tr. 166).


Các tướng lĩnh Mỹ không phải là không nhắc tới tầm quan trọng của nhân tố tinh thần, song xét về thực chất thì quan điểm cơ bản của họ vẫn là quan điểm vũ khí luận. Đối với họ, vũ khí vẫn là quyết định trong chiến tranh còn người lính chẳng qua chỉ là một thứ công cụ, một cái máy bắn, không có ý thức tự giác. Họ cho thắng lợi của chiến tranh phụ thuộc vào ưu thế về số lượng vật chất, về trang bị máy móc, kỹ thuật nên coi nhẹ việc xây dựng, bồi dưỡng tinh thần chiến đấu cho người lính. Như vậy, người lính Mỹ khó mà có tinh thần dũng cảm. Vì họ chiến đấu không có mục đích, bản thân họ và gia đình họ cũng lại bị áp bức, bóc lột, chèn ép, đánh mắng. Không có lý do thuyết phục nào kích thích được tinh thần tự giác chiến đấu dũng cảm, hy sinh của họ.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #83 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:09:11 pm »

Tinh thần quân đội Mỹ vốn đã thấp kém lại càng thấp kém trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước hết, vì chúng đã vấp phải một đối thủ vô cùng lợi hại, một đối thủ có sức chiến đấu vượt hẳn ra ngoài mọi dự kiến của chúng. Đó là quân dân Việt Nam tài giỏi, anh hùng. Chúng đã liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trên chiến trường Việt Nam. Mặt khác, cũng còn vì những ảnh hưởng về mọi mặt từ hậu phương của chúng tác động tới. Quân viễn chinh Mỹ làm sao có thể giữ vững được tinh thần chiến đấu khi mà phong trào chống chiến tranh xâm lược của các tầng lớp nhân dân Mỹ cứ mỗi ngày một quyết liệt, mỗi ngày một lan rộng hơn? Không ít binh lính Mỹ đã dần dần hiểu ra rằng họ chỉ là một thứ công cụ đánh thuê cho bọn tư bản cá mập hiếu chiến. Xương máu của họ đổ ra ở Việt Nam không phải là để bảo vệ nước Mỹ mà chỉ có tác dụng làm cho cái túi tiền của những tên lái súng vốn đã nặng lại càng nặng thêm. Điều nhục nhã hơn nữa là họ còn bị nhân dân Mỹ khinh rẻ. Chính tướng Mỹ Tay-lơ cũng đã phải thú nhận: "Dân chúng Mỹ ngày nay không còn trọng vọng quân đội nữa và một bộ phận lớn trong công chúng Mỹ đang rơi vào thiên kiến chống quân sự... hình như trong công chúng Mỹ đang diễn ra một chiến dịch có tổ chức nhằm lăng nhục những quân nhân và những người đang mặc quân phục"1 (Báo Quân đội nhân dân, ngày 22-8-1973). Tâm trạng chán ngán, mệt mỏi trước một cuộc chiến tranh phi đạo lý "không có lối thoát" đã đưa người Mỹ bế tắc đến chỗ làm quen với làn khói ma túy. Và rồi nạn nghiện ngập ma túy lan tràn lại làm cho tinh thần binh lính Mỹ càng thêm suy sụp. Tuy nhiên, điều cần chú ý hơn là hiện tượng chống chiến tranh của binh lính Mỹ đã phát triển nhanh chưa từng thấy trong lịch sử quân đội Mỹ. Hàng chục tổ chức binh lính, hàng trăm tờ báo của binh lính chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã ra đời. Ngay ở Việt Nam cũng có những binh lính Mỹ tham gia và đi đầu trong các cuộc biểu tình đòi chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh, đòi về nước. Ngoài những hành động chống lệnh, đào ngũ... có nơi lính Mỹ còn dùng cả bạo lực để chống lại các sĩ quan bắt họ đi chiến đấu.


Tình trạng tinh thần chiến đấu thấp kém của quân đội Mỹ đã được chứng minh qua những cuộc đụng độ giữa chúng và các chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Bình luận về chiến dịch Plây Me ở Tây Nguyên tháng 10 năm 1965, các nhà báo phương Tây đã coi "tinh thần của quân đội Mỹ thấp như ngọn cỏ, còn đối thủ của nó thì tinh thần cao đến tận mây xanh". Người ta đã từng thấy xe tăng Mỹ tháo chạy trước người chiến sĩ bộ binh Quân giải phóng miền Nam với khẩu B.40 trong tay. Người ta cũng từng thấy những tấm ảnh giặc lái Mỹ bi quan, bàng hoàng, run sợ sau khi bị tiến công bởi lưới lửa của súng bộ binh đối phương. Và một khẩu súng cối 60 ly của Quân giải phóng cũng có thể làm câm họng một trận địa pháo 4 khẩu 105 ly của quân Mỹ.


Tinh thần binh lính có liên quan trực tiếp đến chiến thuật và chiến đấu. Trong những hoàn cảnh phức tạp khó khăn, trong những tình huống khẩn trương, chuyển biến đột ngột... thì tinh thần lại càng có ý nghĩa quyết định. Tinh thần đã thấp kém thì không thể tích cực, chủ động linh hoạt, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, do đó không thể phát huy được tính năng, tác dụng và hiệu quà của vật chất kỹ thuật và cũng không thể vận dụng được chiến thuật. Đó chính là một trong những lý do làm cho chiến thuật của quân đội Mỹ yếu kém. Như ta đã biết, chiến thuật kém, chiến đấu không thắng lợi thì chiến dịch cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ và rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược và toàn cuộc chiến.


Quân đội Mỹ có chỗ mạnh về vật chất kỹ thuật nhưng lại có chỗ yếu cơ bản là tinh thần chiến đấu. Có phát hiện và phân tích được chỗ yếu cơ bản đó cùng với những chỗ yếu khác nữa thì mới dám đánh và đánh thắng chúng.


Đi đôi với tình trạng thấp kém về một tinh thần chiến đấu, quân đội Mỹ còn một chỗ yếu cơ bản nữa về mặt vận dụng quy luật tiến hành chiến tranh. Quy luật tiến hành chiến tranh xâm lược mà quân Mỹ vận dụng đó tỏ ra không thích hợp và không phát huy được tác dụng trước đối tượng chiến tranh là quân dân Việt Nam, trong điều kiện chiến trường Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đế quốc Mỹ đến chỗ thất bại.


Các lực lượng viễn chinh Mỹ có số quân đông, được trang bị rất hiện đại, có hỏa lực rất mạnh và có sức cơ động rất cao. Với sự giàu có, với trình độ công nghiệp và khoa học kỹ thuật hiện đại của nước Mỹ, cơ quan tham mưu và hậu cần của quân đội Mỹ có thể tiến hành việc tổ chức thiết bị chiến trường và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai đội quân khổng lồ của chúng một cách nhanh chóng, trên một phạm vi rộng lớn ở nhiều địa hình khác nhau. Với khả năng và trình độ như thế, quân đội Mỹ đã có một cơ sở rất tốt để vận dụng quy luật tiến hành chiến tranh của quân đội chính quy hiện đại ở một trình độ cao, tác chiến theo kiểu trận địa kết hợp với cơ động cao và linh hoạt.


Chiến lược, chiến thuật của quân đội Mỹ biểu hiện trình độ kinh tế và khoa học, kỹ thuật của nước Mỹ. Nhìn chung, tư tưởng quân sự của quân đội Mỹ có điểm phát triển hơn so với các quân đội tư sản khác không có nền công nghiệp phát triển bằng. Nó đã vận dụng được thành quả của nền công nghiệp hiện đại và nền kỹ thuật tiên tiến của nước Mỹ vào chiến tranh.


Phương pháp tiến hành chiến tranh tức là phương pháp sử dụng các công cụ chiến tranh do con người có tổ chức tiến hành. Đặc điểm của chiến tranh hiện đại là có hỏa lực mạnh với tầm xa lớn; có khả năng cơ động cao và có sức đột kích mạnh kết hợp giữa mặt đất, mặt nước và trên không. Với trang bị kỹ thuật hiện đại vào bậc nhất trong các quân đội của thế giới tư bản chiến lược, chiến thuật của quân đội Mỹ nói chung có phần phong phú, linh hoạt hơn các quân đội tư sản khác, đặc biệt là khả năng cơ động nhanh chóng và khả năng tập kích vào sau lưng đối phương, về tổ chức lực lượng vũ trang, quân đội Mỹ cũng không phải chỉ có một quân đội chính quy mà còn có các lực lượng nửa chính quy và các đội quân đặc biệt.


Để cứu vãn tình thế nguy ngập của quân ngụy Sài Gòn, quân đội Mỹ đã thực hành phản công chiến lược một cách ồ ạt với quy mô lớn trên toàn bộ chiến trường, ở những hướng chiến lược quan trọng. Đế quốc Mỹ đã sử dụng cả đội quân viễn chinh Mỹ và chư hầu cùng với đội quân ngụy, tổ chức chúng thành hai lực lượng gồm: lực lượng chủ lực cơ động và lực lượng địa phương tại chỗ. Chúng đã thực hiện chiến thuật trận địa kết hợp với cơ động để thực hành tác chiến. Nói chung, quân đội Mỹ đã vận dụng quy luật chiến tranh chính quy hiện đại của nghệ thuật quân sự tư sản vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chiến lược - chiến thuật của quân đội Mỹ là chiến lược - chiến thuật trong chiến tranh thông thường của một quân đội tư sản chính quy hiện đại nhát kết hợp với chiến lược - chiến thuật chống chiến tranh cách mạng của giai cấp tư sản trên thế giới để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chiến lược - chiến thuật ấy đã có những điểm cải tiến nhất định để đối phó với một cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #84 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:10:17 pm »

Thế nhưng đối với cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam phát triển tới trình độ cao trong thời đại ngày nay thì chiến lược - chiến thuật Mỹ rõ ràng đã bất lực, không phát huy được tác dụng. Chiến lược - chiến thuật của chiến tranh cách mạng Việt Nam có đủ điều kiện tồn tại vững chắc, phát triển mạnh mẽ và đánh bại chiến lược - chiến thuật của chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành. Nhìn chung phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng Việt Nam có những điểm phát triển độc đáo, có sức mạnh rất lớn. Vì vậy, dù có những điểm mới hơn so với phương thức tiến hành chiến tranh của các quân đội tư sản khác, dù đã được cải tiến thì phương thức tiến hành chiến tranh của quân đội Mỹ cũng vẫn không sao thích ứng được với chiến trường Việt Nam, chiến lược - chiến thuật của chúng vẫn không thể đối chọi được vài chiến lược - chiến thuật của chiến tranh cách mạng.


Đánh nhanh, thắng nhanh là quy luật của chiến tranh xâm lược. Vì các đế quốc tiến hành chiến tranh xâm lược, dù rất giàu có hoặc giàu có nhất cũng không thể chịu đựng nổi một cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, bị tiêu hao liên tục và nặng nề mà không nhìn thấy triển vọng thắng lợi. Chiến tranh xâm lược phải chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh lâu dài thì có nghĩa là không còn khả năng thắng lợi nữa. Lịch sử đã từng nhiều lần chứng minh rằng đó là một quy luật khách quan và quy luật ấy chẳng kiêng nể gì những kẻ không biết tôn trọng nó, kể cả đế quốc giàu có nhất là đế quốc Mỹ.


Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, với chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, đế quốc Mỹ hy vọng có thể tiêu diệt được các lực lượng vũ trang, phá hủy nền kinh tế và đánh bại quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Nhưng chúng đã không thực hiện được điều đó, ngược lại quân đội Mỹ đã bắt buộc phải đánh kéo dài, đã bị tiêu diệt từng bộ phận và bị tiêu hao rất nặng nề, dẫn đến suy yếu nghiêm trọng về kinh tế và chính trị. Cuối cùng chúng đã bị thất bại một cách cay đắng.


Về mặt quân sự, thất bại trong chiến tranh là thất bại cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.

Về chiến lược và chiến dịch, quân đội Mỹ có số quân đông và vật chất nhiều. Chúng có khả năng triển khai chiến lược, chiến dịch nhanh và hành động chiến lược, chiến dịch đồng thời ở nhiều hướng chiến lược, chiến dịch trên một chiến trường rộng lớn. Chúng có khả năng cơ động cao và tập trung lực lượng lớn, để tổ chức lại ưu thế và lực lượng, có thể đồng thời tiến công ở trước mặt và cả ở hậu phương sâu xa của đối phương. Sức mạnh hỏa lực của quân Mỹ rất lớn trong đó phải kể đến không quân, một lực lượng làm được nhiều nhiệm vụ nặng nề và phát huy được nhiều tác dụng phức tạp khác nhau về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Song phương thức tác chiến của quân đội Mỹ đã tỏ ra không phù hợp và không có hiệu lực trước một cuộc chiến tranh nhân dân phát triển tới trình độ cao ở Việt Nam. Sức mạnh của quân đội Mỹ cũng bị nhiều hạn chế, không phát huy được hết tác dụng trên chiến trường Việt Nam.


Mặc dầu có số quân đông và cơ sở vật chất dồi dào song các tướng tá Mỹ vẫn luôn luôn thấy thiếu, luôn luôn đòi chính phủ Mỹ tăng viện. Đó là vì quân Mỹ đã bị phân tán ở khắp nơi, trên khắp chiến trường: cả ở trước mặt lẫn sau lưng, cả ở rừng núi, nông thôn lẫn đô thị, đâu đâu chúng cũng đều vướng phải thế trận "thiên la địa võng" của quân dân ta. Chúng luôn luôn bị bao vây và bị tiến công liên tục hàng ngày hàng giờ ở khắp nơi, kể cả ở những khách sạn sang trọng ngay giữa Sài Gòn. Lúng túng trong thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam, quân Mỹ - ngụy và chư hầu tuy nhiều mà hóa ra ít, muốn tập trung nhưng lại bị xé lẻ phân tán, muốn tiến công nhưng lại lâm vào phòng ngự, muốn đánh nhanh giải quyết nhanh nhưng lại phải đánh kéo dài và bị sa lầy trong một cuộc chiến tranh không lối thoát.


Quân Mỹ có sức mạnh vật chất. Nhưng đối chọi với cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam thì sức mạnh ấy không tạo ra được thế mạnh về chiến lược, chiến dịch, ở Việt Nam, quân Mỹ không thể thực hiện được kiểu chiến tranh chiến tuyến kết hợp trận địa với cơ động vì không thể phân tuyến được với cuộc kháng chiến toàn dân, không tìm ra được mục tiêu rõ rệt trong toàn thể nhân dân Việt Nam, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Chúng không biết tiến hành quyết chiến như thế nào cho phù hợp để tiêu diệt chủ lực của đối phương.


Đó là nói về sự yếu kém về chiến lược và chiến dịch của quân đội Mỹ. Còn về chiến thuật thì nó lại càng tỏ ra yếu kém hơn cả.

Là một trong các thành phần cơ bản của nghệ thuật quân sự, chiến thuật cũng có vị trí quan trọng không kém so với chiến dịch và chiến lược. Vì xét cho cùng thì chiến tranh rốt cuộc phải giải quyết bằng chiến thuật và chiến đấu.


Tư tưởng quân sự thống trị trong quân đội Mỹ là: lấy hỏa lực để quyết định chiến đấu; vũ khí và kỹ thuật là chủ yếu, con người và tinh thần là phụ thuộc. Đó chính là chỗ yếu kém của quân đội Mỹ trong chiến thuật, chiến đấu. Vì hỏa lực chỉ là một thành phần chiến đấu, riêng mình hỏa lực không thể tạo thành sức đột kích quyết định, không thể tiêu diệt triệt để được địch thủ. Hỏa lực chỉ có thể sát thương, thậm chí sát thương tối đa đối phương, chứ không thể tiêu diệt triệt để cũng như không thể chiếm lĩnh được trận địa của đối phương. Hỏa lực phải cùng với xung lực trải qua vận động mới tạo thành sức đột kích quyết định, và chỉ có xung lực mới tiêu diệt triệt để được địch thủ và chiếm lĩnh hoàn toàn được trận địa của địch thủ. Cuối cùng không phải là quả đạn mà chính là người chiến binh phải phóng lưỡi lê vào tim quân thù, giẫm chân lén xác quân thù ở ngay trong trận địa, chiến hào, sở chỉ huy của chúng mới kết thúc hoàn toàn được chiến đấu.


Tìm ra và phát hiện được chỗ yếu kém về chiến thuật của quân đội Mỹ là một điều rất quan trọng. Nếu chỉ nhìn một cách tổng quát, chung chung, bề ngoài thì thấy quân Mỹ rất mạnh. Song có đi sâu vào cái thành phần cơ sở này của chiến đấu và chiến tranh mới thấy hết chỗ yếu của quân đội Mỹ, mới có lòng tin và dũng khí chiến đấu, mới có quyết tâm và mưu kế đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Có thế mới hiểu được tại sao quân Mỹ không tiêu diệt được một đại đội nào của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; trái lại trong khi đó thì ngay trong những cuộc đụng độ đầu tiên, Quân giải phóng lại tiêu diệt được từng đại đội, từng tiểu đoàn của quân Mỹ.


Sự yếu kém về chiến thuật, chiến đấu làm cho sức mạnh tổng hợp của chiến tranh bị hạn chế và cũng trở thành yếu kém. Ở Việt Nam, quân Mỹ chẳng những yếu kém về chiến thuật, chiến đấu mà ngay cả về chiến lược, chiến dịch chúng cũng không phát huy được thế mạnh. Đó là một trong những nguyên nhân thất bại của chúng.


Điểm qua các nguyên nhân trên, chúng ta lại càng thấy nổi bật lên nguyên nhân có tính chất quyết định nhất, đẩy đế quốc Mỹ đến chỗ thất bại. Đó chính là đối phương của chúng, là nhân dân Việt Nam anh hùng. Đế quốc Mỹ thất bại vì chúng đã vấp phải một đối thủ lợi hại là nhân dân Việt Nam.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #85 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:11:31 pm »

Khi bàn về thất bại của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, không ít chính khách Mỹ đều cho rằng "chính phù Mỹ đã phạm phải một sai lầm thê thảm, một sai lầm lớn". Theo họ, đó là sai lầm về chọn đối tượng chiến tranh.


Đúng thế! Trong thời đại ngày nay, đế quốc Mỹ khó có thể tự do tung hoành được như các nước đế quốc xưa kia. Tuy nhiên, đối với một đối thủ nào đó thì đế quốc Mỹ cũng có thể lừa bịp, mua chuộc, chèn ép, lấn áp và thực hiện được âm mưu xâm lược với các mức độ khác nhau. Vì vậy ở Mỹ đã từng "thịnh hành cái ảo tưởng về sức mạnh toàn năng của Mỹ, thịnh hành một quan niệm kỳ quái cho rằng một nước có thể hành động như một tên sen đầm đối với toàn cầu" (Oan-tơ Líp-man, báo Mỹ "Tuần tin tức", ngày 14-12-1970).


Thế nhưng, cũng với ảo tưởng ấy, đế quốc Mỹ đã không buộc được nhân dân Việt Nam phải khuất phục. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, mọi âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ đều bị vạch trần và đánh bại.


Việt Nam có chính nghĩa, được các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ và được nhân dân tiến bộ trên thế giới đồng tình. Nhưng nếu nhân dân Việt Nam không quyết tâm và tài giỏi, không quyết đánh và biết đánh, không biết duy trì và phát huy chính nghĩa, không biết đoàn kết, tiếp thụ và phát huy sự giúp đỡ của bè bạn trên thế giới thì Việt Nam cũng không thể nào đứng vững được.


Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam là xâm lược một nước xã hội chủ nghĩa, là tiến công vào một phong trào giải phóng dân tộc. Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam là đánh vào một dân tộc anh hùng đã có truyền thống hàng mấy ngàn năm chống ngoại xâm, lại có một Đảng Mác - Lênin kiên cường, sáng suốt cùng với vị lãnh tụ thiên tài là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đụng vào một dân tộc như thế, trong điều kiện quốc tế như thế, sự thất bại của đế quốc Mỹ là điều không sao tránh khỏi.


Nhân tố thời đại, nhân tố truyền thống dân tộc cùng với nhân tố Đảng lãnh đạo đã nâng cao đến tột độ sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đương nhiên, trong các nhân tố đó thì nhân tố Đảng lãnh đạo vẫn là nhân tố quyết định nhất. Có nhân tố thời đại, có truyền thống vẻ vang, nhưng không có sự lãnh đạo tài tình đúng đắn của Đảng Mác - Lênin thì không thể khai thác, kết hợp, thống nhất và phát huy được đầy đủ các nhân tố tích cực kể trên.


Điểm đầu tiên nói lên sự lãnh đạo tài tình đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam là sự đánh giá đúng kẻ thù. Đế quốc Mỹ là kẻ giàu mạnh nhất trong phe đế quốc, lại có nhiều âm mưu, thủ đoạn vô cùng xảo quyệt, gian trá và tàn bạo. Đánh giá đúng đế quốc Mỹ quả không phải là việc dễ dàng. Nhưng Đảng Lao động Việt Nam đã đứng vững trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã có cách xem xét khách quan, khoa học nên đã đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu cũng như chỗ thật, chỗ giả của đế quốc Mỹ, nhờ đó mới có đầy đủ quyết tâm và biện pháp đánh thắng nó.


Đi đôi với sự phân tích và đánh giá đúng kẻ thù, Đảng Lao động Việt Nam lại rất tin tưởng ở nhân dân mình, dân tộc mình - một dân tộc vốn có truyền thống chống ngoại xâm hết sức vẻ vang, có kinh nghiệm đấu tranh vũ trang, có tài thao lược, lại có trình độ giác ngộ chính trị cao, trên cơ sở sức sản xuất và quan hệ sản xuất mới đang phát triển, trong điều kiện quốc tế thuận lợi của thời đại mới.


Trên cơ sở đánh giá ta, địch một cách khoa học, đúng đắn, Đảng Lao động Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên quyết đánh Mỹ với sức mạnh vĩ đại của toàn dân kháng chiến, của lòng căm thù cao độ quân xâm lược và quyết tâm kháng chiến đến cùng.


Sức mạnh đó đã biểu hiện ra hàng ngày ở mọi hoạt động bình thường trong chiến đấu và sản xuất, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương cả nước.


Sức mạnh đó đã biểu hiện ra ở tinh thần chiến đấu rất cao, ý thức tổ chức và kỷ luật rất nghiêm, đoàn kết nội bộ và đoàn kết quân dân như keo sơn, nghệ thuật chiến đấu tài giỏi, sẵn sàng hy sinh chiến đấu để đánh thắng kẻ thù của các lực lượng vũ trang. Cụ thể hơn nữa, sức mạnh đó đã biểu hiện ra ở hàng nghìn hàng vạn tấm gương chiến đấu dũng cảm tuyệt vời, thông minh rất mực cũng như biết bao chiến công lừng lẫy của các chiến sĩ chủ lực, địa phương, dân quân du kích, trên cả hai miền Nam Bắc.


Đương nhiên, sức mạnh đó không phải chỉ được chứng minh bằng các chiến công ngoài tiền tuyến của các lực lượng vũ trang mà còn biểu hiện rất rõ nét ở biết bao hành động anh hùng của toàn dân. Không có những công nhân cần cù dũng cảm trong xưởng máy, ngày đêm sản xuất bên cạnh các chiến hào và trận địa đánh địch, không có những xã viên cần cù dũng cảm sản xuất trên những cánh đồng 5 tấn - 7 tấn, không có những người lao động trí óc miệt mài nghiên cứu trong các phòng nghiên cứu, các cơ sở khoa học... thì rõ ràng không thể nào có chiến thắng oanh liệt được.


Trải qua hàng chục năm chiến đấu đầy ác liệt và gian khổ, toàn dân Việt Nam - từ cụ già cho đến em nhỏ, từ anh thanh niên cho đến chị phụ nữ - tất cả đều đứng vững trong mọi hoàn cảnh để lao động sản xuất và chiến đấu một cách dẻo dai, kiên cường và thông minh nhất. Đó là sức mạnh của tinh thần và tài trí của dân tộc ta.


Sức mạnh đó còn biểu hiện ra ở phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, nắm vững những quy luật chung của chiến tranh, Đảng ta đã từng bước phát hiện và nắm vững những quy luật tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam. Từ đó, Đảng ta đã xây dựng nên phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, đề ra được các chủ trương đúng đắn đối với toàn bộ quá trình, cũng như đối với từng giai đoạn của chiến tranh chống ngoại xâm ở nước ta. Nhờ đó chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp rất to lớn của cả đất nước để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược có quân đội đông hơn, có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn hơn mình gấp nhiều lần.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #86 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:12:51 pm »

Dĩ nhiên, ngoài sức mạnh của bản thân mình là chính, chúng ta lại phải có sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ toàn thế giới thì mới có thể đánh thắng được một kẻ thù nguy hiểm như đế quốc Mỹ.


Như trên đã nói, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ với một đội quân xâm lược khổng lồ trang bị dồi dào và hiện đại bậc nhất mặc dầu phi nghĩa vẫn có thể giành được thắng lợi trước một đối tượng bị xâm lược nào đó, với một mức độ nào đó, ngay cả trong trường hợp chúng không dùng tới lực lượng to lớn như ở miền Nam. Song, ở Việt Nam chúng đã phải dùng tới cả một lực lượng chiến tranh vượt ra ngoài mọi dự tính ban đầu (chỉ trừ có vũ khí hạt nhân) mà thất bại vẫn hoàn thất bại. Vì, "... Đối diện với quân đội Pháp trước đây và quân đội Mỹ hiện nay là cả một dân tộc kiên quyết như một quả núi đá, có một tâm hồn cao thượng, một sự dũng cảm không sợ bất kể một khó khăn nào... Họ luôn luôn ở trong chiếc nôi đó, nó phản ánh những đức tính thần thoại của họ: cứng rắn, khôn ngoan, kiên nhẫn, sáng tạo. Một lần nữa, ở Việt Nam người ta lại thấy xuất hiện một trong những hiện tượng tâm lý của quần chúng nhân dân mà trong suốt lịch sử của mình, đã từng làm đảo lộn những lý thuyết, những quy tắc và những tính toán đã dự định trước..." (Ý kiến bác sĩ E. Xcốp-phi-ê Lam-bi-ốt viết trong báo Pháp Thế giới tháng 11-1967).


Rõ ràng, ngoài những nguyên nhân đã nêu, nguyên nhân chủ yếu đẩy đế quốc Mỹ xuống vực thẳm của thất bại là do chúng đã vấp phải một đối thủ vô cùng lợi hại: nhân dân Việt Nam tài giỏi, anh hùng.


Chiến tranh cũng như các sự vật khác vận động là có quy luật. Nhận thức chiến tranh và chỉ đạo chiến tranh là vấn đề nắm quy luật.

Mỗi quy luật đều hình thành và vận động trong những điều kiện không gian và thời gian nhất định. Dựa vào các quy luật của chiến tranh xâm lược, bọn đế quốc có thể giành được thắng lợi trong thời đại mà chủ nghĩa đế quốc còn làm mưa làm gió trên thế giới, hoặc ngay trong thời đại hiện nay chúng cũng có thể giành được thắng lợi trước một đối tượng nào đó. Thế nhưng, cũng dựa vào những quy luật đó, đế quốc Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đó là vì đế quốc Mỹ đã bỏ qua những điều kiện vận động và phát huy tác dụng của quy luật. Chúng không tính đến nhân tố thời đại cũng như không hiểu gì về đất nước mà chúng mang quân đến xâm lược. Cho nên thất bại của chúng là tất yếu.


Chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ có thể thắng lợi được ở một chỗ nào đó, nhưng lại thất bại ở Triều Tiên, Việt Nam và sẽ thất bại ở nhiều nơi khác. Đó là quy luật. Thắng lợi có quy luật của thắng lợi, thất bại có quy luật của thất bại.


Cuộc chiến tranh ở Việt Nam giữa đế quốc Mỹ xâm lược với nhân dân Việt Nam có nhiều điểm phức tạp. Phải nghiên cứu sâu xa, kỹ lưỡng và tìm hiểu mọi nhân tố, phân tích trên nhiều mặt và nhiều khía cạnh, mới nhận thức đầy đủ, chính xác được những quy luật của cuộc chiến tranh này.


Lực lượng vật chất trong chiến tranh là một trong những nhân tố cơ bản, một nhân tố cần phải xem xét đến trước tiên. Quy luật về lực là một trong những quy luật cơ bản và cũng cần phải xem xét đến trước tiên trong chiến tranh.


Đế quốc Mỹ chủ yếu đã dựa vào quy luật về lực để tiến hành chiến tranh. Dĩ nhiên, theo quan điểm của chúng, lực đây có nghĩa là lực lượng vật chất đơn thuần.

Trong chiến tranh, dựa vào quy luật về lực là một điều đúng nhưng chưa đầy đủ. Vì trong chiến tranh còn có quy luật về tinh thần, về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, v.v... Phải nghiên cứu toàn bộ và phải đặt mối quan hệ chính xác giữa các quy luật đó. Ngoài ra lại phải nghiên cứu về mối quan hệ của những quy luật này với những quy luật bên phía đối phương nữa.


Nghiên cứu quy luật về lực thì cần thấy cái hình và cái thế của lực. Lực to, lực nhỏ, hình tròn, hình vuông, hình dài, hình ngắn, hình cao, hình thấp, v.v... Mỗi cái lực đó, mỗi cái hình của lực đó lại phải có cái thế của nó thì cái lực đó mới phát huy được hết tác dụng. Cho nên lực ít hóa nhiều, lực lớn thành nhỏ là như vậy.


Hồ Chủ tịch đã nói một cách chí lý về lực, thế và thời như sau:

"Lạc nước hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời một tốt cũng thành công".

Sách "Binh thư yếu lược" cũng đã nói một cách rất hay về lực, về hình cũng như về thế như sau: "Đại quân của địch bỗng đến, mà quân ta có ít khó bề đối phó, thì không nên đương đầu đón cản, quân ít không địch nổi. Nên đến nơi yếu hại, đợi nó qua nửa chừng, khi đại binh đã đi rồi, đón ở giữa đường, hoặc triệt lương cỏ, giặc muốn hợp vây thì quân ta chống lui chiếm lấy nơi cao, thuận thế đi lại, đánh thì hẳn được""1 (Binh thư yếu lược, quyển III, phần "Liệu thế giặc", Nxb Khoa học xã hội, H. 1970, tr. 164).


Đế quốc Mỹ tuy có lực nhiều, có khả năng cơ động cao, vận động nhanh nhưng lại rải ra một cái hình quá dài, quá rộng. Do đó nên lực nhiều mà hóa ít, hình dày mà thành mỏng. Cái lực trên cái hình đó lại không có cái thế lợi để vận động nên không phát sinh được sức mạnh.


Điều bất lợi rất lớn cho đế quốc Mỹ là lực lượng đông đảo của chúng bị mắc vào thế trận thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân. Cái lực của chúng lâm vào một cái hình xấu, lại đứng trên một cái thế không tốt, nên không thể hành động được hoàn toàn tự do với hết sức của nó. Do đó sức mạnh của chúng không thể phát huy được hết mà còn bị hạn chế và dần dần suy yếu.


Sách "Binh thư yếu lược" đã nói về cách dùng thế mà thắng lực như sau:

"Địch mạnh mà có thế, thì giằng co cả đầu và đuôi, khiến nó chạy vạy, mỏi mệt; địch giỏi mà tiến trước, thì ta phải gieo vào đoạn giữa, khiến cho đầu đuôi không thể ứng nhau, thế lớn mà rộng, quân nhiều mà tản, lúc ở chỗ này, lúc ở chỗ kia, làm cho nó hợp thì khó mà tụ được, chia thì khó mà giữ được. Ta bèn gom quân lại, nhắm thẳng một hướng mà có thể thắng vậy"1 (Binh thư yếu lược, Sđđ, tr. 147).


Lực của quân đội Mỹ đã thế, tinh thần của chúng lại kém, nên sức mạnh của chúng lại càng giảm, làm cho nghệ thuật chỉ huy lại càng thiếu tinh vi, chính xác.

Rô-bớt Thôm-xơn (Robert Thompson) viên cố vấn người Anh về chống nổi dậy của quân đội Mỹ ở Việt Nam có thấy tình hình này: "Vì quá nôn nóng và vung phí sức lực một cách không cần thiết...", "Do có nhiều căn cứ hậu cần lớn, căn cứ quân sự lớn, nên quân đội Mỹ phải rải ra quá nhiều quân để bảo vệ", "và phải bảo vệ các vùng dân cư để đối phó với cuộc chiến tranh nhân dân cách mạng"2 (Sách "Không có lối ra ở Việt Nam", xuất bản 1969 ở Luân Đôn).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #87 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:14:18 pm »

Quy luật chung của chiến tranh xâm lược là đánh nhanh thắng nhanh, là nhằm mục tiêu vừa tiêu diệt lực lượng vũ trang của đối phương, vừa bình định nhân dân, vừa chiếm giữ đất đai, trận địa của đối phương.


Quy luật tác chiến của chiến tranh xâm lược là vừa có tiến công, phản công và phòng ngự, vừa có đánh tập trung, đánh lớn với đánh phân tán, đánh nhỏ; vừa dùng quân sự để diệt đối phương, thống trị nhân dân, vừa dùng chính trị để mua chuộc, lừa phỉnh nhân dân, v.v...


Những quy luật nói trên bản thân nó vốn đã có mâu thuẫn. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, những mâu thuẫn đó lại càng bộc lộ ra một cách gay gắt và không sao giải quyết được. Đó là những mâu thuẫn giữa tìm diệt và bình định, giữa cơ động và chiếm đóng, giữa phân tấn và tập trung, giữa tiến công và phòng ngự, giữa tiêu diệt và tiêu hao, giữa quân sự và chính trị, giữa nhanh chóng và lâu dài, giữa mục đích và biện pháp...


Do những mâu thuẫn ngày càng gay gắt và không thể giải quyết nổi nên các quy luật của chiến tranh xâm lược đã bị hạn chế và không phát huy được tác dụng ở Việt Nam. Ở đây, đối lập với chúng là các quy luật tiến hành chiến tranh nhân dân, vừa có tiến công lại vừa có nổi dậy, vừa có chiến tranh lại vừa có khởi nghĩa. Trong thực tiễn, các quy luật của chiến tranh nhân dân, thông qua sự vận dụng nhuần nhuyễn của quân dân Việt Nam, đã làm cho các quy luật của chiến tranh xâm lược trở thành không thích hợp, do đó không phát huy được tác dụng.


Quy luật tiến công của một quân đội chính quy hiện đại trong chiến tranh xâm lược là tập trung lực lượng tiến công một cách ào ạt trên một tuyến rộng, có nhiều hướng, vừa tiêu diệt lực lượng vũ trang vừa chiếm lĩnh trận địa của đối phương, vừa chiếm đất đai và thống trị nhân dân lại vừa đánh phá hậu phương của đối phương để phá hủy tiềm lực chiến tranh của đối phương. Mặc dầu đã được quân đội Mỹ vận dụng một cách tương đối thành thạo, quy luật này vẫn bị hạn chế rất nhiều và không đem lại được kết quả mà đế quốc Mỹ mong muốn.


Qua thử thách trong thực tiễn, quy luật tiến hành chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ cũng có sự phát triển. Quân đội Mỹ không phải chỉ áp dụng chiến lược tiến công mà phải chuyển sang chiến lược vừa có tiến công vừa có phòng ngự. Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, đánh tiêu diệt phải chuyên sang chiến lược đánh lâu dài, đánh tiêu hao. Chiến lược đánh lớn, đánh tập trung phải chuyển sang chiến lược vừa có đánh lớn, đánh tập trung vừa có đánh nhỏ, đánh phân tán. Chiến lược tìm diệt phải chuyển sang chiến lược vừa tìm diệt vừa bình định, v.v... Như vậy, chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ là một chiến lược bất định, một chiến lược rối bòng bong. Quân đội Mỹ phải chuyển từ tiến công sang phòng ngự, từ tìm diệt sang bình định, từ tiêu diệt sang tiêu hao, từ "Mỹ hóa" sang "phi Mỹ hóa" và Việt Nam hóa. Đó là một bước thụt lùi rõ ràng về chiến lược.


Rô-bớt Thôm-xơn có giúp đế quốc Mỹ một số ý kiến để làm chậm bước thụt lùi đó. Nhưng những ý kiến của Rô-bớt Thôm-xơn lại làm tăng thêm tính tiêu cực của chiến lược. Thôm-xơn không thấy rằng Mã Lai khác với Việt Nam. Ở Mã Lai, quân đội cách mạng chưa có một đội quân chính quy hùng mạnh, lại không có một hậu phương rộng lớn và vững chắc. Ở Việt Nam, quân đội Mỹ mà phân tán ra từng trung đội, tác chiến cơ động để bảo vệ các vùng dân cư thì chỉ làm mồi ngon cho quân dân Việt Nam. Ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã tập trung từng tiểu đoàn, lữ đoàn mà còn bị tiêu diệt, thì đơn vị trung đội hỏi làm được cái gì? Thôm-xơn định gỡ mối rối này thì lại tạo ra những mối khác còn rối rắm hơn.


Quy luật cơ bản của chiến tranh là đánh tiêu diệt chiến lược. Trong đánh tiêu diệt chiến lược có nghệ thuật quyết chiến chiến lược. Có tiêu diệt chiến lược, có tiêu diệt được các tập đoàn lớn quân đội mới giải quyết triệt để được chiến tranh. Muốn đánh tiêu diệt chiến lược thì cần tổ chức các binh đoàn chiến lược để tiến hành các đòn tiến công chiến lược quyết định. Các binh đoàn chiến lược muốn thực hành tiến công chiến lược để tiêu diệt chiến lược, quyết chiến chiến lược thì phải có một hậu phương rộng lớn, vững chắc và có tổ chức. Đây là quy luật chung và cơ bản của chiến tranh.


Trước cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, hiện tượng dùng chiến tranh du kích để giải quyết chiến tranh xâm lược xuất hiện rất hiếm trong lịch sử. Sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, trong điều kiện lịch sử mới của ba dòng thác cách mạng, cùng với sự suy tàn của hệ thống đế quốc thế giới, hiện tượng này có lác đác xuất hiện. Đó là trường hợp của An-giê-ri, Ghi-nê Bít-xao, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la. Trong những trường hợp này, chiến tranh thường phải kéo dài và thắng lợi thường không được triệt để. Còn trong các cuộc nội chiến thì hầu như chưa thấy chiến tranh du kích giải quyết được chiến tranh. Chiến tranh du kích có kết hợp với tổng khởi nghĩa vũ trang thì lại giải quyết được chiến tranh một cách tương đối nhanh, thí dụ như Cu-ba.


Chiến tranh là cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt nhất bằng hình thức vũ trang. Khi tiến hành chiến tranh thì phải dùng mọi hình thức, mọi phương pháp chiến tranh để giành thắng lợi. Muốn kết hợp những hình thức, phương pháp chiến tranh, vận dụng liều lượng của từng hình thức, phương pháp và xác định vị trí, vai trò của từng hình thức, phương pháp chiến tranh thì phải căn cứ vào các điều kiện cụ thể và hoàn cảnh lịch sử của mỗi cuộc chiến tranh mà quyết định. Dù sao khi đã tiến hành chiến tranh thì việc nắm vững quy luật chung, quy luật cơ bản của chiến tranh vẫn là rất quan trọng.


Trong đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản trong chiến tranh là quyết liệt nhất và triệt để nhất. Tính chất quyết liệt và triệt để trong chiến tranh giữa giai cấp vô sản kiên định với giai cấp tư sản phản động nhất lại càng cao.


Đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược bằng hình thức chiến tranh cục bộ lớn nhất, với phương pháp chiến tranh thông thường cao nhất ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam cũng đã tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân rất kiên quyết, với những hình thức và phương pháp rất cao để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược đó.


Ở Việt Nam, cuộc chiến tranh giữa đế quốc Mỹ với nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh diễn ra rất quyết liệt, rất triệt để. Các hình thức và phương pháp chiến tranh cách mạng được phát triển toàn diện và ở trình độ rất cao. Những quy luật cơ bản của chiến tranh cách mạng Việt Nam là chiến tranh toàn dân và toàn diện, đấu tranh vũ trang toàn dân kết hợp với đấu tranh chính trị toàn dân trên cả ba vùng chiến lược. Những quy luật đó đã biểu hiện ở sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, sự kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, sự phát triển từ đấu tranh chính trị tiến lên khởi nghĩa từng phần, rồi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh du kích, và rồi từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy. Sự phát triển cao nhất là sự kết hợp toàn diện của các thành phần đó, tạo thành một sức mạnh tổng hợp to lớn. Những quy luật này được vận dụng vào trong những điều kiện cụ thể của chiến tranh là tiêu diệt lực lượng quân sự của địch kết hợp với việc giữ và giành quyền làm chủ của nhân dân và tiến lên giải phóng hoàn toàn; kết hợp đánh tiêu hao rộng rãi với đánh tiêu diệt; đánh tiêu diệt nhỏ tiến lên đánh tiêu diệt vừa và lớn. Về đánh tiêu hao thì có thể đánh địch ở khắp mọi nơi và mọi lúc, cả ở chỗ địch yếu và ở chỗ địch mạnh, về đánh tiêu diệt và đánh tiêu diệt chiến dịch, chiến lược để giải phóng đất đai, giải phóng nhân dân thì đánh tiêu diệt ở chỗ địch yếu trước, tiến lên đánh tiêu diệt quân địch ở chỗ mạnh sau.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #88 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2023, 03:15:12 pm »

Từ những quy luật chiến tranh trên đây đã sinh ra quy luật về tác chiến chiến dịch là sự kết hợp giữa đòn tác chiến của các binh đoàn chủ lực với các bộ đội du kích cùng với đấu tranh chính trị và nổi dậy của nhân dân. Đó là sức mạnh tổng hợp về tác chiến của cả lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, của cả quân đội và nhân dân. Đó là một trong những hình thức chiến dịch của chiến tranh nhân dân cách mạng - chiến dịch tiến công tổng hợp.


Trong chiến tranh, quy luật của tiến công chiến lược rất phong phú. Có thể thực hành đòn tiến công chiến lược đánh vào chỗ quân địch mạnh trước, rồi tiếp tục thực hành các đòn tiếp sau một cách kế tiếp liên tục để giành thắng lợi nhanh chóng.


Trong lịch sử chiến tranh ở nước ta, Nguyễn Huệ đã thực hành chiến lược tiến công này. Khi chuyển sang phản công, Trần Hưng Đạo cũng đã thực hành các đòn tiến công tương tự như thế.

Trái lại, trong chiến tranh cũng có quy luật tiến công chiến lược là đánh quân địch yếu trước, đánh quân địch mạnh sau và giành thắng lợi lâu hơn. Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã vận dụng quy luật này. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp của nhân dân Việt Nam ở giữa thế kỷ XX, cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân các nước châu Phi chống đế quốc Pháp và đế quốc Bồ Đào Nha ở giữa thế kỷ XX cũng vận dụng quy luật này. Thậm chí đế quốc Mỹ trong chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi chuyển sang phản công quân đội phát xít Nhật ở Thái Bình Dương, cũng vận dụng quy luật tương tự như quy luật này. Sự khác nhau đó là do điều kiện của các cuộc chiến tranh khác nhau quyết định.


Quy luật có tính thực tiễn và khách quan. Quy luật tồn tại và vận động được là do có điều kiện cho nó tồn tại và vận động.

Quy luật của chiến tranh cách mạng Việt Nam rất phong phú, có phát triển và có sáng tạo. Quy luật cơ bản có tính vững chắc là tiến công, tiến công chiến lược, là đánh tiêu diệt, đánh tiêu diệt lớn. Quy luật cơ bản này vận động mạnh hơn các quy luật khác và đã làm cho chiến tranh có những bước chuyển biến lớn. Tác dụng của quy luật này đã thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng của nó.


Quy luật chiến tranh xâm lược của quân đội chính quy hiện đại phát triển cao của đế quốc Mỹ đã đối lập một cách rất quyết liệt với quy luật của cuộc chiến tranh nhân dân cách mạng cũng phát triển cao của nhân dân Việt Nam. Vì không phù hợp với những điều kiện lịch sử mới, quy luật chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ phải vận động một cách phụ thuộc vào sự vận động của quy luật chiến tranh nhân dân cách mạng Việt Nam. Quy luật đánh nhanh thắng nhanh, tác chiến quy mô lớn, lực lượng tập trung với hỏa lực mạnh, cơ động cao, tiến công ào ạt trên các tuyến, hướng và khu vực, nhất định phải chuyển sang quy luật đánh kéo dài, đánh phân tán trên diện rộng. Quy luật đánh lớn, tập trung phải bổ sung thêm phần đánh nhỏ. Quy luật tiến công ào ạt phải bổ sung thêm phần phòng ngự dàn mỏng. Quy luật tìm diệt phải chuyển sang nặng về bình định và ngăn chặn.


Tóm lại, quy luật của chiến tranh xâm lược dùng quân đội chính quy hiện đại lớn mạnh đánh tập trung tiêu diệt để thắng nhanh đã không phát huy dược tác dụng và phải chuyển sang đánh kéo dài, đánh tiêu hao, chiến tranh bình định mà rốt cuộc vẫn không thành công được.


Quy luật chung của chiến tranh xâm lược và quy luật được bổ sung của chiến tranh xâm lược đều không phát huy được tác dụng là do nó vấp phải quy luật chiến tranh nhân dân cách mạng rất phong phú.


Quy luật chiến tranh nhân dân cách mạng có một sức mạnh tổng hợp rất lớn. Có chiến tranh du kích rộng rãi và mạnh mệ, có đấu tranh chính trị và nổi dậy rộng khắp, sôi sục của nhân dân ở cả ba vùng chiến lược, mới tiêu hao rộng rãi được quân địch, mới làm cho quân địch phải phân tán, dàn mỏng, phải phòng ngự, lâm vào thế bị động, khốn quẫn. Có như thế, đòn tác chiến tập trung của quân ta mới có điều kiện để đánh tiêu diệt lớn, giành được thắng lợi lớn và làm chuyển biến cục diện chiến tranh.


Quy luật đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, quy luật tác chiến tập trung với tác chiến du kích, quy luật tiến công kết hợp với nổi dậy, đã tạo ra một sức mạnh tổng hợp rất lớn. Có như vậy mới làm đảo lộn được quy luật chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và làm cho nó không phát huy được tác dụng.


Các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh chống xâm lược chính nghĩa và tiến bộ thường có tính chất nhân dân. Chiến tranh nhân dân là cuộc chiến tranh toàn dân và toàn diện, chiến đấu bằng mọi hình thức, bằng mọi thứ vũ khí của mỗi người dân yêu Tổ quốc, yêu tự do, độc lập trên khắp đất nước.


Hình thái chiến tranh này tạo nên một thế trận thiên la địa võng của toàn dân, của mọi hình thức đấu tranh, trùng trùng điệp điệp vây hãm quân xâm lược và tiến công liên tục, mạnh mẽ quân thù ờ mọi phía, mọi nơi. Thế trận này tạo thành thế trận cài răng lược, xen kẽ chặt vào quân thù, không phân rõ chiến tuyến. Mỗi người dân là một mũi tiến công, mỗi bà già, mỗi em bé là một lực lượng chiến đấu, mỗi làng bản là một trận địa, pháo đài.


Thế trận từng người và thế trận từng làng tạo thành thế trận của triệu người, thế trận của cả nước đánh địch. Thế trận này là sức mạnh và là cơ sở vững chắc cho thế trận của các binh đoàn, các đạo quân diệt địch trên những địa bàn chiến lược rộng lớn.


Chiến tranh toàn dân, toàn diện, xen kẽ, cài răng lược là quy luật và cũng là truyền thống, là bí quyết thắng lợi của dân tộc ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước từ trước đến nay.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #89 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2023, 02:02:20 pm »

CHIẾN DỊCH PHÒNG NGỰ CÁNH ĐỒNG CHUM - XIÊNG KHOẢNG NĂM 1972
BÀI HỌC XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ HIỆN NAY


Trung tướng TRỊNH VĂN QUYẾT
Ủy viên Trung ương Đúng
Ủy viên Quân ủy Trung ương
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam


Cách đây tròn 50 năm, Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào đã phối hợp thực hiện thắng lợi chiến dịch phòng ngự trên địa bàn Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, đập tan kế hoạch lấn chiếm mùa mưa của quân phái hữu Lào và quân đánh thuê Thái Lan, bảo vệ vùng mới giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc Lào, tạo thế trận vững chắc cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở chiến trường Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên. Đây là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào phối hợp thực hiện và đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự Việt Nam; tổ chức xây dựng, bố trí lực lượng và triển khai các phương án tác chiến hiệp đồng để đánh địch; sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương; hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch phòng ngự.


1. Khái quát thắng lợi của Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972

Sau thất bại nặng nề trong các Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; Chiến dịch Đông Bắc Campuchia và Chiến dịch Đường 6 ở Campuchịa, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vẫn âm mưu đẩy mạnh chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Đông Dương hóa chiến tranh theo “Học thuyết Níchxơn” hòng biến Đông Dương thành chiến trường do quân ngụy Sài gòn, ngụy Lon Non và ngụy Lào đảm nhiệm. Đây là lực lượng tác chiến chủ yếu để chống lại phong trào cách mạng của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, nhằm duy trì chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ đối với Đông Dương. Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ - ngụy tăng cường các hoạt động bình định nông thôn, sử dụng nhiều biện pháp đàn áp tàn bạo, đẩy mạnh các hoạt động bắt lính đôn quân, tăng cường lực lượng bảo an, dân vệ, trang bị vũ trang cho lực lượng ngụy quân, ngụy quyền nhằm kìm kẹp nhân dân, đánh phá cơ sở cách mạng hòng đẩy Quân giải phóng ra xa các vùng chiến lược quan trọng, làm cho lực lượng của ta mất chỗ đứng chân, không thể tạo bàn đạp để tiến công chúng trên chiến trường miền Nam.


Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, khu vực tác chiến trọng yếu để bảo vệ tuyến vận tải từ miền Bắc Việt Nam vào chiến trường ba nước Đông Dương. Đây là một vùng rừng núi nằm trên địa bàn của Lào, thời tiết ở khu vực này có hai mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô). Yếu tố địa hình phức tạp tác động lớn đến hoạt động tác chiến của ta và địch, nhất là việc di chuyển quân, bảo đảm chỉ huy, tác chiến hiệp đồng, hậu cần, kỹ thuật... Lực lượng của địch đến trước ngày 20 tháng 5 năm 1972 ờ Quân khu 2 (Lào) gồm 76 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo binh (trong đó có lực lượng của Quân khu 2 (Lào), lực lượng lính đánh thuê Thái Lan, lực lượng từ các nơi khác điều đến với quân số khoảng 18.400 tên được bố trí trên 4 khu vực bao quanh Cánh Đồng Chum, dưới sự hỗ trợ của hỏa lực không quân Mỹ1 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, Hà Nội, 1987, tr. 16), về phía liên quân Việt Nam - Lào, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quyết tâm của trên, chủ động chuẩn bị thế trận phòng ngự ngay sau Chiến dịch tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum - Mường Sủi, nhằm ngăn chặn ý đồ của địch chiếm lại địa bàn này trong mùa mưa. Lực lượng của ta và bạn được bố trí phòng ngự tại 5 khu vực: Khu trung tâm (Cánh Đồng Chum); khu trung gian (Hin Tặng), khu thứ yếu (Noọng Pẹt) và 2 khu tác chiến phối hợp (Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng). Lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam tham gia phòng ngự gồm: 5 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn pháo và súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh; lực lượng Quân giải phóng nhân dân Lào gồm: 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội bộ đội địa phương1 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, Sđd, tr. 17-19). Các lực lượng tham gia chiến dịch được tổ chức thành các chốt và các cụm chốt, bao gồm 2 thành phân: Lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động.


Do chủ động phòng ngự nên ngay từ những ngày đầu, liên quân Việt - Lào đã quán triệt kỹ chủ trương của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, chủ động tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ nắm vững mục tiêu chiến dịch, âm mưu, ý đồ lấn chiếm của địch, nhiệm vụ cụ thể của từng lực lượng. Vì vậy bộ đội ta đã nhận thức tốt nhiệm vụ, thấy rõ những thuận lợi khó khăn, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao trước khi bước vào chiến dịch, về mặt tổ chức, chúng ta đã chủ động kiện toàn lực lượng, bố trí cán bộ. Liên quân có đầy đủ thời gian để xây dựng thế trận, xây dựng trận địa phòng ngự, xây dựng cách đánh, chủ động huấn luyện, củng cố hệ thống công sự phòng ngự, chuẩn bị vật chất, vũ khí, phương tiện và phối hợp với bạn Lào để huy động sức người, sức của cho chiến dịch phòng ngự.


Kết quả trong toàn chiến dịch, ta và bạn đánh 244 trận (ta thực hiện 170 trận; bạn thực hiện 74 trận), loại khỏi vòng chiến đấu 5.607 tên địch (bắt 179 tên), đánh thiệt hại nặng 3 binh đoàn cơ động và 3 tiểu đoàn lính đánh thuê Thái Lan, đánh thiệt hại 5 binh đoàn cơ động khác; ta và bạn đã bắn rơi 38 máy bay và bắn cháy 2 chiếc khác, thu 859 khẩu súng các loại (trong đó có 4 khẩu pháo 105mm và 4 khẩu cối 106,7mm), đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân lấn chiếm quy mô lớn của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng1 (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, Sđd, tr. 62-63). Sau gần 6 tháng chiến đấu kiên cường, giữ vững trận địa phòng ngự, địch đã hoàn toàn thất bại trước chiến dịch phòng ngự của liên quân Việt Nam - Lào, buộc phải rút khỏi các bàn đạp ở Cánh Đồng Chum. Liên quân đã chủ động kết thúc chiến dịch vào ngày 15 tháng 11 năm 1972.


hắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng khẳng định bộ đội ta và bạn Lào đã trưởng thành về nhiều mặt, cả lý luận và thực tiễn tổ chức chiến dịch phòng ngự; kỹ thuật và chiến thuật trong tác chiến phòng ngự. Điểm nổi bật của chiến dịch phòng ngự khu vực là lấy điểm tựa và cụm điểm tựa làm nòng cốt, có lực lượng cơ động mạnh để thực hiện phản kích và phán đột kích. Nghệ thuật sử dụng lực lượng và vận dụng cách đánh sáng tạo trong phòng ngự của ta đã có bước phát triển mới; kết hợp khéo léo giữa phòng ngự trận địa với cơ động phản kích, đột kích liên tục, chủ động tiến công địch để phòng ngự vững chắc; nắm chắc thời cơ và từng thời điểm quan trọng tổ chức những trận đánh then chốt có ý nghĩa quyết định để giành thắng lợi.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM