Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:19:36 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo - Tác phẩm giải thưởng Hồ Chí Minh  (Đọc 10195 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2022, 07:04:03 pm »

Chương bảy
ĐÓNG QUÂN


53. Đóng quân nên đóng ở nơi dễ cơ động.

Đóng quân ở nơi thuận lợi cho việc cơ động. Đóng ở nơi dễ cơ động thì sức một thành hai, vì làm được nhiều nhiệm vụ, trên nhiều hướng.

Xuân 1975, Sư đoàn 320 đóng quân trên đường 14 từ Plây Cu đi Buôn Ma Thuột nên đánh chiếm đường 14 cũng được; tăng cường cho Sư đoàn 316 đánh Buôn Ma Thuột cũng được; chi viện, tăng cường cho trung đoàn độc lập số 25 chiến đấu trên đường 21 cũng được. Ngày 12 tháng 3 nàm 1975, khi Sư đoàn 10 ở Đức Lập chưa cơ động về hướng đông bắc Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 320 phái 1 trung đoàn, từ đường 14 sang đường 21 để chi viện cho trung đoàn 25, đề phòng địch vượt qua trung đoàn 25 tiến về Buôn Ma Thuột.

Sư đoàn 316 đánh Buôn Ma Thuột nhanh chóng giành thắng lợi, không phải sử dụng đến lực lượng của Sư đoàn 320.

Đến khi đoàn quân ở Plây Cu rút chạy theo đường số 7 về Phú Yên, Sư đoàn 320 đã từ đường 14 kịp thời tiến sang đường số 7 truy kích tiêu diệt địch.


54. Nơi nào địch khó chia cắt thì nên đóng quân.

Địch định chiếm các yết hầu để chia cắt ta. Ta có quân đánh địch thì địch không thể tự do chiếm các yết hầu được; hoặc có chiếm thì cũng không thể chiếm hết được.

Cuộc hành quân "Lam Sơn 719" ở Đường 9 - Nam Lào, ta đã phá tan âm mưu chia cắt của địch, giành thắng lợi lớn, đường vận tải chiến lược vẫn thông suốt.


55. Đóng quân để bảo vệ mục tiêu thì nên đóng ở trong mục tiêu và ngoài mục tiêu; đóng ở cả vòng trong và vòng ngoài. Có thế mới có sức chiến đấu dẻo dai và hạn chế được đột kích bao vây của địch, đặc biệt bằng máy bay lên thẳng.


56. Đóng quân trong chiến tranh hiện đại cần chú ý chống tập kích của không quân, tên lửa và máy bay lên thẳng.


57. Đóng quân phải dựa vào thế ứng cứu chi viện lẫn nhau, không để cho địch bao vây chia cắt.


58. Đóng quân ở nơi nào để khi tiến công có thể đánh địch được ở nhiều hướng nhiều phía, cả đằng trước mặt địch và đằng sau lưng địch; khi phòng ngự có thể chống được quân địch bao vây, vu hồi và máy bay lên thẳng tập kích vào hậu phương ta.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #31 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:37:02 am »

Chương tám
LUYỆN TƯỚNG VÀ LUYỆN QUÂN


59. Quân, tướng phải được luyện cả tinh thần, ý chí, và kỹ năng, tài thao lược.

Quyết định thắng lợi ở chiến trường là tinh thần, kỹ năng của người chiến binh trên chiến hào.

Mọi mưu lược quyết tâm, kế hoạch được thực hiện trong cuộc đấu tranh giữa 2 bên trên trận địa, chiến hào. Tướng và quân trực tiếp chiến đấu có tinh thần chiến đấu và kỹ năng chiến đấu cao hay thấp quyết định đến thắng bại, thắng to hay thắng nhỏ.


60. Đạo lý người tướng là chiến đấu cho dân, vì dân, cùng sướng khổ, sống chết với quân và dân, có đức độ tài năng mới thu hút được lòng người, chỉ huy được ba quân. Nói hay trên diễn đàn và phải làm tốt trong đời thường.


61. Tướng là phải luyện cả đức và tài. Có tài thì mới chỉ huy được. Nhưng không có đức thì khó đoàn kết, tập họp được toàn quân, toàn dân để phát huy sức mạnh và khó giành được thắng lợi.


62. Biết đấu tranh thì mới có sáng tạo, và mới biết giành thắng lợi.

Sự vật luôn vận động và đấu tranh. Sự vật đứng yên sẽ không tồn tại. Sự vật muốn phát triển phải thông qua vận động. Đã vận động là có mâu thuẫn, có đấu tranh giữa các mâu thuẫn để phát triển. Nếu không dám tiến hành chiến tranh chống xâm lược có nghĩa là thủ tiêu đấu tranh, đành chịu làm nô lệ; dám đấu tranh, dám tiến hành chiến tranh chống xâm lược thì mới tìm ra cách tiến hành chiến tranh. Đấu tranh luôn nảy sinh sáng tạo. Qua thực tiễn đấu tranh mà tìm ra cách đấu tranh, để sáng tạo. Sáng tạo chỉ có được qua thực tiễn hoạt động, thực tiễn đấu tranh. Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh cho sự vật là có vận động, có biến hóa, có đấu tranh để biến hóa.

Trần Hưng Đạo:
   "Thế chiến thắng qua chính và kỳ;
   Chính, kỳ biến hóa không thể cùng vậy"


Và:
   "Đua chọi thì biết được có thừa hay không đủ".

Nguyễn Trãi:
   "Vả lại vận trời tuần hoàn đi rồi lại lại.
   Từ xưa đến nay bao giờ cũng thế".


Và:
   "Từ xưa đến nay, trăm đời đổi thay"

Hồ Chí Minh:

"Bất kỳ giới tự nhiên hay trong xã hội, mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ cứ tiến mãi. Sự hiểu biết cũng phải tiến tới mãi, phát triển mãi.

Cho nên người lãnh đạo cách mạng phải khéo sửa đổi khi có sự sai lầm trong tư tưởng lý luận, kế hoạch và nghị quyết của mình. Đồng thời khi giai đoạn này phát triển sang giai đoạn khác, thì sự hiểu biết của người lãnh đạo và chiến sĩ cách mạng cũng phải tiến theo. Nghĩa là phải đề ra nhiệm vụ mới và phương pháp mới hợp với tình huống mới của cách mạng"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995 tr. 254, 265).


63. Phải luyện cách biết thắng trong chiến tranh bằng vũ trang và biết thắng trong chiến tranh bằng tư tưởng.

Đế quốc không dùng chiến tranh bằng vũ trang để chiến thắng nổi một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh về quân sự. Nhưng chúng đã dùng chiến tranh bằng tư tưởng để chiến thắng. Nếu nước xã hội chủ nghĩa nào đó có nền công nghiệp tiên tiến, đã làm ra được các loại vũ khí ngang với nước tư bản phát triển nhất; cũng làm ra được đủ các đồ dùng sinh hoạt cho cuộc sống con người như các nước tư bản, tuy kém về chất lượng nhưng lại có sức mạnh quân sự đủ để bảo vệ hòa bình thì có thể không cần tập trung quá lớn tiền của vào chạy đua vũ trang một cách quá mức, mà nên đầu tư thích đáng cho công nghiệp dân sinh mua sắm phát triển công nghệ mới, để sản xuất các đồ đùng sinh hoạt nâng cao đời sống của nhân dân. Ngoài ra phải giáo dục tốt hơn về đạo đức xã hội chủ nghĩa, về cái hay cái đẹp của chủ nghĩa xã hội, ưu việt hơn lối sống của xã hội tư bản; giáo dục tinh thần tự tôn dân tộc. Một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh là rất đáng tự hào. Tuy có kém xã hội tư bản một tí về vật chất, nhưng rất đẹp về tinh thần, rất đáng kính về một dân tộc vĩ đại có lịch sử hào hùng; có xã hội văn minh, công bằng.

Ngày nay kẻ thù đang dùng cái bóng của chiến tranh bằng vũ trang để hù dọa, uy hiếp, khống chế các nước và cũng đang dùng chiến tranh bằng tư tưởng, dùng diễn biến hòa bình để xoá nốt các nước xã hội chủ nghĩa còn lại.


64. Trong thời bình phải tập trung luyện quân thông qua hình thức diễn tập, tập trận sát với thực tiễn chiến tranh tương lai.


65. Tự học tập, tự rèn luyện là con đường dẫn đến tài năng.


66. Tướng vì danh vọng, địa vị tiền tài thì dễ cám dỗ. Tướng vì đại nghĩa, đại nhân, đại thiện thì bền lòng, vững chí, tấm lòng trong sáng, đầu óc minh mẫn, khó khuất phục được.

Lẽ thường của con người là thích ăn ngon, mặc đẹp, ở tốt; thỏa mãn được dục vọng cá nhân; lối sống của xã hội tư bản dễ quyến rũ người ta. Do đó mà tham ô, hủ hóa, lừa đảo, kèn cựa, danh vọng, tiền tài, địa vị đã xuất hiện và tồn tại.

Việc kiên quyết chống tham ô, ăn cắp, ăn chơi xa hoa phải thông qua giáo dục đạo đức xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và nền văn hóa, đạo đức của dân tộc.

Tha hóa, biến chất, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến tranh bằng tư tưởng của kẻ thù. Xây đựng con người xã hội chủ nghĩa - con người xã hội chủ nghĩa kiên cường, thì mới chống được sự xâm nhập tự nhiên từ từ hoặc đột biến của chủ nghĩa tư bản.

Các cụ ta đã dạy những vấn đề luyện người:

Trần Hưng Đạo: "Người tướng giỏi đứng đắn mà hay biến hóa; cứng cáp mà hay thương người; nhân từ mà hay quyết đoán; dũng cảm mà hay tường tận; lấy sách lược mà chế ngự quan quân. Chưa thấy ai như thế mà không dựng được cơ nghiệp để dẹp yên họa loạn bao giờ.

Tranh lấy nghĩa mà không tranh lấy lợi, đó là để bày tỏ điều nghĩa. Lại hay tha người quy phục, đó là để bày tỏ điều dũng. Biết sau biết trước, đó là để bày tỏ điều trí.

Giết một người mà vạn người mừng thì cứ giết. Đáng giết thì dẫu người quý trọng cũng giết. Đó là hình thì xét ngược cả lên trên.

Thưởng thì thưởng cho cả những kẻ chăn trâu, người giữ ngựa. Đó là thưởng thì trôi xuống cả dưới vậy.

Thận trọng từ cái nhỏ; mứu trí ở việc lớn. Không tường tận vì ghét nghe lỗi mình; không sáng suốt vì nghe lời dèm pha. Không chắc chắn vì hay nhẹ dạ; không tiết độ vì hao phí của dân; mắc vạ vì ham lợi lộc; quê mùa vì bỏ người hiền".

(Binh thư yếu lược, trang 43 và 45)
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #32 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:38:33 am »

Nguyễn Trãi nói: "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc. Nên công to ta phải lấy nhân nghĩa làm đầu". "Đạo làm tướng phải lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của". "Đẹp cung thất, cao đài tạ, tất gây thói tục xa hoa, ức lòng người, theo ý mình, tất đến trăm năm oán giận"1 (Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H. 1976, tr. 196, 197, 119).

"Yêu người gần vì tình riêng. Họ hàng thì người thấp cũng tôn quý, tiểu nhân mà người nịnh cũng tin dùng. Nhân mừng mà thưởng khen; nhân giận mà phạt giết. Người trung thực phải khoá miệng; kẻ lương thiện thì ngậm oán. Thế mà còn cứ kiêu ngạo, tự tôn; không sợ mệnh trời gieo họa"2 (Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H. 1976, tr. 196, 197, 119).

"Phàm người có chức vụ coi quân, trị dân, đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua thì hết trung, đối dân thì hết hòa, đổi bỏ thói tham ô, sửa trừ tệ lười biếng. Bè đảng riêng tây phải dứt; thái độ cố phạm phải chừa. Coi công việc của quốc gia là công việc của mình; lấy điều lo của dân sinh làm điều lo của thiết kỷ..."3 (Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H. 1976, tr. 196, 197, 119).

Hồ Chí Minh:

"Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư"
"Cán bộ vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".


Trong bài "Sửa đổi lối làm việc", về đạo đức cách mạng, Hồ Chủ tịch nói:

"Nói tóm tắt, tính tốt ấy có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

a) Nhân là thật thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân.

Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.

Những người không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được.

b) Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải làm thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

c) Trí vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, để phòng nguời gian.

d) Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ, khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

đ) Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa.

Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.

Cũng như sông thì có nguồn mới có nước.

Không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 251, 253. Nói chuyện ở buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp, Bác Hồ nói 5 điều: "Trí, tín, nhân, dũng, liêm" (tập 5, tr. 223) và bài nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ 5, tháng 8-1947, Bác lại nói 6 chữ: "Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung", (tập 5, tr. 479)).

Có tiếp thu thấm nhuần, tu dưỡng được những lời dạy của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh thì mới chống được cuộc chiến tranh tư tưởng mà kẻ thù đang tiến công hiện nay.


67. Tướng lãnh đạo chiến tranh phải giỏi cả chính trị quân sự, kinh tế Tướng quốc phải là người văn võ song toàn.


68. Tướng của dân là phải trọng đức độ, tài năng hơn là tiền tài, danh vọng; trọng trí tuệ hơn là giàu sang.


69. Tướng thương yêu quân thi có sức mạnh của kỷ luật tự giác. Có lúc phải tạm hoãn những nhu cầu thông thường của mình để bảo đảm cho nhu cầu thiết yếu của người dưới. Tướng khinh rẻ quân thì có lúc bị cô lập và nguy nan.


70. Tướng có nhân từ, đức độ thì mới thu hút được hiền tài và sống mãi trong lòng dân, lòng quân.


71. Tướng không được đem mưu mẹo gian dối, xảo trá đối với địch để đối với ta. Lừa lọc đối với địch, không được lừa lọc đối với ta.


72. Chơi với các loại bạn mà vẫn là mình mới là có bản lĩnh. Luyện vỏ mềm, nhân cứng, theo thuyết "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Hồ Chí Minh.


73. Chỉ huy ba quân phải lấy thân mình làm gương sáng cho quân sĩ soi chung.


74. Tướng của dân là chiến đấu cho dân. Tổ quốc là nhân dân. Mọi suy nghĩ hành động là vì hạnh phúc của nhân dân vì sự tiến bộ của nhân dân. Cái đẹp nhất của con người là tình cảm hòa vào dân. Cái cao nhất của xã hội là dân làm chủ.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #33 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:41:55 am »

Chương chín
CẦM QUÂN


75. Yếu, ít hơn địch về vũ khí, vật chât, kỹ thuật mà dám đánh địch và dám giành thắng lợi là có nhân sinh quan và phương pháp luận rất cao.

Nhân sinh quan và phương pháp luận trong chiến tranh. Lý Thường Kiệt: "Nam Quốc sơn hà nam đế cư".

Trần Hưng Đạo: "Xin bệ hạ hãy chém đầu thần trước rồi sẽ hàng". Và trong "Hịch tướng sĩ", Trần Hưng Đạo kêu gọi:

"... Chẳng những thân ta kiếp này bị nhục, mà đến trăm năm sau tiếng dơ không rửa"1 (Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 201).

Nguyễn Trãi:
   "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
   Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".
   "Sống nhục thà chết vinh".


Và: "Rút cuộc lấy đại nghĩa để thắng hung tàn,
   Đem chí nhân mà thay cường bạo".


Hồ Chí Minh:
   "Không có gì quý hơn độc lập tự do"

Đó là nhân sinh quan về chiến tranh. Chiến đấu để cho dân tộc được độc lập, tự do, không chịu làm nô lệ cho nước ngoài đến xâm lược, cai trị.

Về phương pháp luận là nhận thức được chiến tranh và biết chỉ đạo chiến tranh theo đường hướng phát triển của nó; nhận thức được quy luật chiến tranh một cách tự phát, một cách thô sơ hay tự giác, khoa học. Từ nhận thức được chiến tranh mà biết cách chỉ đạo chiến tranh.

Trần Hưng Đạo: "Biết xem thế đất, biết lập thế quân, khéo dùng kỹ thuật, đánh đầu là không có lợi".

"Bậc thánh võ trị đời, đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có luỹ, chiến ở chỗ không có trận, nhẹ nhàng như mưa bay trên không, lập nên cuộc đời vô sự"1 (Đạo làm tướng - Binh thư yếu lược).

Và: "Tóm lại giặc cậy trường trận, ta cậy đoản binh, lấy đoản chế trường là việc thường của binh pháp. Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa cháy, gió thổi thì dễ chế ngự.

Nếu chúng đi chậm như cách tằm ăn, không cần của dân, không cần được chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời mà làm, có thu được quân lính một lòng như cha con một nhà thì mới dùng được. Vả lại khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước"2 (Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 215).

Nguyễn Trãi:
   "Yếu đánh mạnh hay đánh bất ngờ.
   Ít địch nhiều thường dùng mai phục".
(Bình Ngô đại cáo)

Và "Tướng giỏi đời xưa, bở chỗ vững đánh chỗ hở, tránh chỗ chắc, đánh chỗ hư; như thế thì sức dùng có một nửa, mà thành công gấp đôi"3 (Nguyễn Trãi, Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H. 1976, tr. 59).

Hồ Chí Minh:

   "1. Tránh nơi địch kiên cố.
   2. Không đánh những trận gay gắt khó khăn.
   3. Không rõ địch tình, không đánh.
   4. Liên hiệp dân chúng để phong tỏa và đánh úp quân địch.
   5. Cách đánh úp của đội du kích.
   6. Tránh chỗ rắn, nắn chỗ mềm.
   7. Chí phương đông, đánh phương tây.
   8. Cách đánh mai phục.
   9. Cách đánh lén ngang đường"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia. H. 1995, tr. 250, 257).

   "1. Địch tiến ta thoái.
   2. Địch thoái ta tiến.
   3. Địch nghỉ, ta quấy.
   4. Đoạn tuyệt giao thông"2 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia. H. 1995, tr. 250, 257).

   "1. Đánh lén.
   2. Đánh mai phục.
   3. Đánh úp ban đêm"3 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia. H. 1995, tr. 250, 257).

Phương pháp luận về chiến tranh của ta xuất phát từ quân nhỏ đánh quân lớn, ít đánh nhiều, rồi từ đó phát triển lên trở thành yếu hơn, nhỏ hơn một ít đánh quân đông hơn, mạnh hơn về vật chất, kỹ thuật để giành thắng lợi.


76. Chiến tranh là đấu trí, đấu lực. Thể hiện của đấu trí, đấu lực là đấu mưu kế, thế trận, tình huống, thời cơ và tinh thần. Ai mưu cao, thế trận đẹp, tình huống hay, tinh thần quyết chiến có thể thắng.


77. Người cầm quân phải có quan điểm biện chứng mới nhận thức được chiến tranh và chỉ đạo được chiến tranh.

Muốn tiến hành chiến tranh phải nhận thức được chiến tranh và chỉ đạo được chiến tranh. Muốn thế phải có quan điểm biện chứng.

Có quan điểm biện chứng mới nhận rõ được bản chất và quy luật của chiến tranh; nguyên nhân phát sinh, phát triển của chiến tranh, sự vận động, phát triển của chiến tranh và các điều kiện khác nhau trong sự vận động muôn hình muôn vẻ của nó; nhiều hình thức phức tạp của nó; các điều kiện chủ quan, khách quan trong sự vận động đa dạng của nó. Sự vật vận động là có quy luật, nhưng có các điều kiện, hoàn cảnh cho quy luật đó phát sinh và vận động. Không thể nhận thức quy luật một cách cứng đờ, máy móc. Do đó mà sự vật diễn ra không có hình có khối nhất định.

Chiến tranh là sự đấu tranh vô cùng quyết liệt, nên nó chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Sự vật luôn vận động và vận động trong đấu tranh. Có mâu thuẫn có đấu tranh. Đấu tranh trong chiến tranh nhằm giải quyết mâu thuẫn. Chiến tranh ít địch nhiều, nhỏ đánh lớn mâu thuẫn rất nhiều, rất gay gắt và có giải quyết được mâu thuẫn đó mới giành được thắng lợi. Trong lịch sử dân tộc ta đã giải quyết vấn đề này như thế nào? Đó là một điều rất lý thú, rất lạ, rất độc đáo - Việt Nam, rất kỳ tài; một truyền thống Việt Nam; một nghệ thuật Việt Nam.

Trần Hưng Đạo: "Dĩ đoản chế trường" là biết cách giải quyết mâu thuẫn của nhỏ đánh lớn, ít địch nhiều. Cách giải quyết mâu thuẫn của Trần Hưng Đạo là phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần và dùng nghệ thuật tác chiến quân yếu đánh quân mạnh. Sức mạnh chính trị, tinh thần là: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức". "Có thu được quân lính một lòng như cha con một nhà thì mới dùng được". Và: "Vả lại khoan thư sức dân để làm kế bền gốc sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước"1 (Lịch sử Việt Nam, tậpl, Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tr. 215).

Giải quyết mâu thuẫn thứ nhất bằng cách xây dựng sức mạnh chính trị tinh thần, động viên, cổ vũ tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc, động viên, cổ vũ tinh thần dám đánh.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #34 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:44:47 am »

Chỉ dùng chính trị, tinh thần để giải quyết mâu thuẫn trong chiến tranh cũng chưa đủ. Phải dùng cả phương pháp tiến hành chiến tranh nữa mới được. Dám rồi thì phải đánh và biết thắng.

Trần Hưng Đạo đã tìm ra cách đánh phù hợp với quân nhỏ đánh quân lớn, quân ít đánh quân nhiều. Ông nói: "Dĩ đoản chế trường", "Đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận", và "Nếu địch mạnh ta yếu mà không có viện ở ngoài thì nên ràng buộc, giữ lại để chờ nó chết"1 (Binh thư yếu lược, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H. 1970, tr. 170).

Tư duy đó nặng về đánh vận động chiến.

Nguyễn Trãi:
   "Như nước Đại Việt ta từ trước,
   Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
   Cõi bờ sông núi đã riêng,
   Phong tục Bắc Nam cũng khác.
   Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, mà hào kiệt không bao giờ thiếu".


   "Nêu hiệu gậy làm cờ, tụ tập khắp bốn phương dân chúng, thết quân, rượu hòa nước, dưới trên đểu một bụng cha con.
   Lấy ít địch nhiều, thường dùng mai phục.
   Lấy yếu chống mạnh hay đánh bất ngờ.
   Rút cuộc lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
   Đem chí nhân mà thay cường bạo".

(Bình Ngô đại cáo)

   "Giặc cùng đường kiệt sức, bó tay chờ chết đến nơi. Ta mưu phạt tâm công, không đánh mà người phải khuất".

Và: "Ta đã phục binh giữ hiểm, đập gãy tiên phong. Sau lại sai tướng chen ngang, tuyệt đường lương thực".
(Bình Ngô đại cáo)

Nguyễn Trãi thấy hai mặt đối lập của sự vật, thấy mâu thuẫn và biết tìm cách giải quyết mâu thuẫn.

Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập tự do".
        "Chiến tranh nhân dân chính nghĩa toàn dân, toàn diện".
   "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi".
   "Chiến tranh du kích kết hợp với chiến tranh chính quy".


Và: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Quan điểm biện chứng của Hồ Chí Minh là khoa học. Người nhận thức được quy luật vận động của sự vật, quy luật phát triển của sự vật. Sự vật vận động phát triển trong đấu tranh mâu thuẫn. Trong kháng chiến chống Pháp, Người nói: "Có người nói ta kháng chiến chống Pháp như châu chấu đá voi".


Chỉ nhìn về vật chất, chỉ nhìn về hiện trạng, chỉ lấy con mắt hẹp hòi mà xem, thì như thế thật - Vì để chống máy bay và đại bác của địch, lúc đó ta phải dùng gậy tầm vông. Nhưng Đảng ta theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại, mà lại nhìn vào tương lai, chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc. Cho nên chúng ta quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng:

   "Nay tuy châu chấu đấu voi,
   Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra".


Sự thật đã chứng tỏ rằng "voi" thực dân đã bắt đầu lòi ruột, mà bộ đội ta đã trưởng thành như con hổ oai hùng. Dù lúc đầu sức địch mạnh như vậy, sức ta yếu như vậy, mà ta vẫn gan góc kháng chiến, vẫn tranh được nhiều thắng lợi, và tin chắc ta sẽ tranh được thắng lợi cuối cùng. Đó là vì ta có chính nghĩa, vì quân ta dũng cảm, dân ta đoàn kết và quật cường; vì ta được nhân dân Pháp và phe dân chủ thế giới ủng hộ. Mà cũng chính vì Chiến lược ta đúng"1 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 163, 164).


Đây là sự phân tích về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rất cách mạng và khoa học. Cái khó khăn lớn nhất của cuộc kháng chiến lúc bấy giờ là lực lượng ta quá nhỏ bé so với thực dân Pháp, cái chính là thua kém về vật chất kỹ thuật vậy là phải có thời gian và tìm cách để chuyển hoá lực lượng, giải quyết mâu thuẫn ấy. Nhưng ta hơn địch ở ý chí tinh thần của dân tộc đang tiến hành kháng chiến trường kỳ, chính nghĩa, chống xâm lược, phát động được cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Sự phân tích đó thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự vật luôn vận động biến hóa, phát triển; và vận động phát triển trong đấu tranh. Trong đấu tranh thì có rất nhiều mâu thuẫn; và mâu thuẫn luôn luôn được giải quyết để sự vật phát triển tiến lên. Có đấu tranh thì có phát triển. Sự vật tiến bộ sẽ phủ định cái lạc hậu, lỗi thời để phát triển lên, để trở thành sự vật mới, càng mổ xẻ sự vật thì càng tiếp cận được cái tinh túy của sự vật, càng tiếp cận đỉnh cao của chân lý.


Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi cũng có một số quan điểm sơ khai gần giống như thế.

Trần Hưng Đạo thấy được quân địch cũng có thay đổi biến hóa - Ông nói: "Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa cháy gió thổi thì dễ chế ngự. Nếu chúng đi chậm như cách tằm ăn, không cần của dân, không cần được chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời mà làm...".


Việc quân là việc luôn biến hóa, muôn hình, vạn trạng; tuy là có quy luật nhưng không cái nào giống cái nào. Quy luật cũng là có điều kiện ra đời của nó, có điều kiện vận động của nó.

Trần Hưng Đạo: "Phải nghĩ là có thể yên, có thể nguy, có thể tạm, có thể lâu. Tĩnh thì mưu, động thì có lợi. Cách chống đánh có mấy trăm mối, khi nhiều, khi ít, khi hợp khi phân, khi tiến khi gặp..."1 (Binh thư yếu lược, Nxb Khoa học xã hội, H. 1970, tr. 174, 51).

"Người tướng giỏi đứng đắn mà hay biến hóa"2 (Binh thư yếu lược, Nxb Khoa học xã hội, H. 1970, tr. 174, 51).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #35 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:47:15 am »

Trần Hưng Đạo cũng thấy 2 mặt đối lập của sự vật: "Dĩ đoản chế trường". Ông thấy 2 mặt đối lập của sự vật là có mâu thuẫn và ông biết cách giải quyết mâu thuẫn. Địch mạnh, ta yếu: muốn thắng địch thì phải vua quan đoàn kết và đoàn kết toàn dân để tạo ra sức mạnh chính trị, tinh thần và vận dụng cách đánh của quân yếu đánh quân mạnh.

Ông nói: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức". "Khoan thư sức dân...".
   "Quân đội có như cha con một lòng thì mới dùng được".
   "Phải dùng cách đánh vận động chiến; phải dùng mưu mẹo, thế trận".
   "Đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy".


Và:
   "Phải dùng chính binh và kỳ binh"
   "Phải tránh chỗ thực đánh chỗ hư".


Nguyễn Trãi thấy sự biến hóa của sự vật, và qua đấu tranh mà làm cho sự vật biến hóa theo ý định của ta.

Ông nói:
   "Vả lại vận trời tuần hoàn đi rồi lại lại
   Từ xưa đến nay bao giờ cũng thế".
   "Từ xưa đến nay trăm đời đổi thay".

   Muốn cho sự vật biến hóa phải có đấu tranh.

Ông nói:
   "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
   Nhưng hào kiệt đời đời không thiếu".
   "Khi Linh Sơn lương cạn mấy tuần,
   Lúc Khôi Huyện quân không một lữ.
   Ấy trời muốn thử ta để trao nhiệm vụ,
   Nên ta càng quyết chí để vượt gian nan".


Và:
   "Sống nhục thà chết vinh
   Biết quân ta dùng được"


Ông còn biết mối quan hệ giữa chủ quan và khách quan và thấy tính năng động chủ quan, thấy tính quyết định là ở chủ quan.

Ông nói:
   "Đã do trời mà biết thời
   Lại có chí để công thành".

(Phú núi Chí Linh)

Vấn đề này cũng giống như các cụ ta nói: "Nhân định thắng thiên".

Nguyễn Trãi còn hiểu sự thích ứng với các điều kiện khác nhau một cách linh hoạt, sáng tạo.

Ông nói:
   "Lấy xưa nghiệm nay.
   Xét cùng mọi lẽ hưng vong
   Trải biến nhiều thì suy nghĩ sâu
   Tính việc xa thi thành công kỳ".


Và:
   "Biết địch, biết ta, có thể cứng, có thể mềm".
(Phú núi Chí Linh)

Do có quan điểm biện chứng như thế nên Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh mới lãnh đạo chiến tranh một cách tự giác rất kiên định, tài tình và rất linh hoạt, sáng tạo, không cầu may, dao động, giáo điều, máy móc, cứng đờ.


78. Người cầm quân có lúc không sợ ít về lực lượng mà sợ yếu về tinh thần và tài trí.


79. Tướng phải có quyết sách đúng.

Phải có quyết đoán, dám táo bạo thay đổi quyết tâm khi chủ trương cũ không còn phù hợp.

Trong kháng chiến chống Pháp, ở chiến dịch Biên Giới năm 1950, tư lệnh chiến dịch đã quả cảm, quyết đoán thay đổi quyết tâm đánh Cao Bằng sang đánh Đông Khê và đã được Hồ Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch phê chuẩn và đã giành được thắng lợi vang dội.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, tư lệnh chiến dịch cũng đã quyết đoán, thay đối phương châm đánh nhanh tiến nhanh bằng phương châm đánh chắc tiến chắc và đã được Thường vụ Trung ương Đảng phê chuẩn, nên cũng giành được thắng lợi kết thúc chiến tranh.    80. Tướng thông binh pháp cổ, kim, đông, tây là tướng có thể cầm quân lớn.


81. Quần chúng là người luôn sáng tạo, nhờ họ mà quyết tâm của người chỉ huy mới thành hiện thực. Người chỉ huy phải biết khái quát những sáng tạo của quần chúng.

Trong đấu tranh thực tiễn, quần chúng sáng tạo ra những phương pháp, hình thức đấu tranh mới, có khi mới là manh nha, mầm mống. Lãnh đạo phải biết nắm bắt kịp thời, tổng kết kinh nghiệm kịp thời, rồi nâng lên thành phương pháp, hình thức đấu tranh mới và xây dựng lý luận mới. Có thế chiến tranh mới có sáng tạo và phát triển nhanh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Củ Chi, từ hầm bí mật của quần chúng mà lãnh đạo nâng lên thành địa đạo chiến đấu thần kỳ, nổi tiếng. Địa đạo Vĩnh Mốc ở Vĩnh Linh cũng gần giống như thế.

Vành đai chống Mỹ ở Đà Nẵng cũng do quần chúng sáng tạo ra, rồi lãnh đạo nâng nó lên thành một biện pháp tác chiến hoàn chỉnh.

Ở chiến trường Tây Nguyên, trong kháng chiến chống Mỹ quần chúng sáng tạo ra những mầm mống của chiến thuật chốt kết hợp vận động. Lãnh đạo nắm bắt kịp thời, tổng kết, nâng lên thành chiến thuật "Chốt kết hợp vận động". Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam lại nâng lên một bước hoàn chỉnh hơn là chiến thuật "Vận động tiến công kết hợp chốt". Chiến thuật này rất có hiệu quả trong đánh Mỹ. Năm 1967, Sư đoàn 1 Tây Nguyên đã đánh bại lữ dù 173 của Mỹ ở cao điểm 875 (Sư đoàn 1 gồm 3 trung đoàn: 320, 66 và 174). Về chiến thuật "Bao vây công kích" cũng thế. Quần chúng sáng tạo ra mầm mống. Lãnh đạo nắm lấy đó, xây dựng qua mấy bước rồi hoàn chỉnh thành chiến thuật "Bao vây công kích". Bộ Tổng tham mưu lại nâng lên thành chiến thuật "Vận động bao vây tiến công liên tục". Chiến thuật này đã nâng khả năng đánh tiêu diệt lên một trình độ cao.

Về cách dùng pháo binh đánh gần, quần chúng cũng phát triển thành cách khiêng, kéo pháo 105, 85 vào gần đồn địch để bắn ngắm trực tiếp. Cách đánh này cũng đã thành công tốt đẹp. Với chiến thuật này hầu như các đơn vị cỡ tiểu đoàn, cụm tiểu đoàn của địch ở Tây Nguyên đóng trong công sự vững chắc đều bị tiêu diệt trong một thời gian ngắn khoảng từ 4 - 8 tiếng đồng hồ.

Hai chiến thuật "Vận động tiến công kết hợp chốt" và "Vận động bao vây tiến công liên tục" do trung đoàn 66 (đoàn Plây Me hai lần anh hùng) sáng tạo ra và vận dụng rất thành công. Chiến thuật khiêng, kéo pháo vào đánh gần do trung đoàn pháo binh 40 phát triển ra và cũng do trung đoàn 66 vận dụng đánh công sự vững chắc rất thành công.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #36 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:50:25 am »

Chương mười
TÁC CHIẾN


82. Tác chiến của chiến tranh nhân dân là tổng hợp các chiến dịch và các hoạt động tác chiến; có sức kết hợp hoạt động chính trị trực diện - đấu tranh chính trị trực diện.

Đặc trưng sự khác nhau giữa hoạt động tác chiến và chiến dịch là ở chỗ thống nhất tình huống.

Hoạt động tác chiến cũng có thể có chỗ giống như chiến dịch trong sự thống nhất về mục đích, kế hoạch, thời gian, địa điểm, nhưng khó có sự thống nhất về tình huống như chiến dịch. Vấn đề quan trọng của chiến dịch là sự thống nhất về tình huống.

Trong chiến dịch, các tình huống có mối quan hệ chặt chẽ, quan hệ nội tại, hữu cơ với nhau. Các tình huống tạo tiền đề, điều kiện cho nhau, cùng phát triển, để dẫn dắt đến tình huống quyết định tạo ra trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch. Trong hoạt động tác chiến, các tình huống thường diễn ra một cách rời rạc, tiến hành một cách độc lập, ít có mối quan hệ hệ thống. Các tình huống hoạt động khó tạo ra tiền đề điều kiện, dẫn dắt một cách hữu cơ đến các trận then chốt, theo sự chỉ đạo của chiến dịch, theo ý định của chiến dịch. Hoạt động tác chiến cũng có lúc có ý nghĩa chiến dịch, hoặc chiến lược, nhưng không thể thành chiến dịch được.

Trong kháng chiến chống Pháp các hoạt động tác chiến ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Nha Trang, v.v... đều có ý nghĩa chiến dịch, các hoạt động tác chiến ở Hà Nội lại có cả ý nghĩa chiến lược, nhưng không nên coi cuộc chiến đấu ở Hà Nội là chiến dịch...

Chiến dịch của chiến tranh nhân dân Việt Nam là tác chiến của 3 thứ quân, theo đường lối quân sự Việt Nam nên có kết hợp với tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân du kích. Chiến dịch nào cũng có sự kết hợp đó.

Trong kháng chiến chống Mỹ nhân dân miền Nam phát triển những kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp, lại sáng tạo ra một hình thức đấu tranh mới trong chiến tranh là đấu tranh chính trị trực diện với địch. Đội quân tóc dài đã cản ngăn được pháo binh, xe tăng của địch khi chúng bắn phá các làng ấp.

Do đó chiến dịch Việt Nam lại có lúc kết hợp được với cả đấu tranh chính trị trực diện. Lực lượng 3 thứ quân chiến đấu với địch về quân sự. Lực lượng chính trị lại phá tề, trừ gian, phá chính quyền ấp, xã của địch, phá ấp, giành dân, giải phóng các ấp xã khỏi sự thống trị kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ.


83. Tác chiến truyền thống của quân nhỏ đánh quân lớn, yếu đánh mạnh thường vận dụng cách đánh vận động chiến trước, đánh thành sau và tích cực đánh vào đằng sau lưng địch.


84. Tác chiến chiến lược thể hiện ra ở chiến cục.

Chiến cục tổ chức ra nhiều chiến dịch và các hoạt động tác chiến và có thể có hoạt động chính trị. Cũng có khi tổ chức một chiến dịch. Nếu nhiều mục tiêu chiến lược thì nên tổ chức nhiều chiến dịch. Nếu chỉ có một mục tiêu chiến lược thì tổ chức một chiến dịch.

Nếu có nhiều mục tiêu chiến lược thì trong chiến cục nên tổ chức ra nhiều chiến dịch. Nhiều hướng, nhiều chiến trường địch đều bị đánh thì khó tập trung đối phó với một hướng một chiến trường, như thế ta mới thắng lợi to, thắng lợi nhanh.

Năm 1285, Trần Hưng Đạo cũng đánh ở cả 2 hướng. Hướng bắc sông Hồng đánh Thoát Hoan ở Thăng Long. Hướng nam sông Hồng đánh Toa Đô ở Tây Kết. Như thế cuộc Tổng phản công chỉ giải quyết trong hai tháng (tháng 5-1285 đến tháng 6-1285) và cả cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai chỉ khoảng 6 tháng là giành được thắng lợi (1-1285 - 6-1285).

Trong cuộc tổng phản công năm 1427, Lê Lợi, Nguyễn Trãi cũng tổ chức ra 3 chiến dịch trên 3 hướng chiến lược.

Hướng thứ nhất vây hãm Vương Thông ở Đông Quan. Hướng thứ 2 đánh tiêu diệt Liễu Thăng ở Chi Lăng và hướng thứ 3 ngăn chặn Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa. Như thế địch không thể liên hoàn được với nhau, hỗ trợ được nhau, nên bị thất bại nhanh chóng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1972, trong cuộc tiến công chiến lược, ta cũng đánh trên 3 chiến trường. Địch tập trung đối phó ở hướng này thì hở ở hướng khác. Do đó ta cũng giành được thắng lợi trên cả 3 hướng, tuy thắng lợi còn bị hạn chế.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, năm 1941, trong cuộc tổng tiến công xâm lược Liên Xô, phát xít Hít-le cũng mở 3 hướng tiến công. Do đó mà có tiến được tới bao vây Lê-nin-gờ-rát và tiến gần tới Mát-xcơ-va.

Năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô tổng tiến công sang các nước Đông Âu và sang nước Đức, cũng mở ra rất nhiều hướng, Do đó mà Hồng quân đã giải phóng rất nhanh các nước Đông Âu và phần lớn nước Đức.

Nhưng nếu chỉ có một mục tiêu chiến lược thì cũng chỉ cần mở một chiến dịch. Năm 938, Ngô Quyền chỉ mở một chiến dịch ở sông Bạch Đằng và đã đánh bại Hoằng Thao.

Năm 1077, Lý Thường Kiệt cũng chỉ mở một chiến dịch ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) và cũng đánh bại Quách Quỳ.

Sự vật, quy luật hình thành và vận động luôn có điều kiện, hoàn cảnh phát sinh, phát triển nên phải rất linh hoạt không máy móc, cứng nhắc; như thế mới là biện chứng.


85. Hướng tiến công chiến lược nên chọn hướng địch yếu, nhưng hiểm yếu; và đạt được 3 yêu cầu:

   1) Dễ phá vỡ chiến lược.
   2) Dễ phát triển chiến lược.
   3) Địch phản kích, ứng cứu khó.

Mùa Xuân 1975, ta chọn Tây Nguyên mở đầu cho chiến cục mùa Xuân, cho cuộc Tổng tiến công là phù hợp với nguyên tắc và yêu cầu trên. Thực tế đã trả lời. Địch ở đây yêu hơn Huế, Đà Nẵng nên dễ phá vỡ.

Sau khi địch bị phá vỡ, ta dễ phát triển xuống các tỉnh ven biển đồng bằng Khu 5 và dễ phát triển về hướng Sài Gòn hơn là Huế - Đà Nẵng. Đội dự bị của địch khó đến ứng cứu vì còn bị ràng buộc ở Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn. Và nêu có đến cứu, ta cũng dễ đối phó.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #37 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:51:11 am »

86. Chọn mục tiêu tiến công là giải quyết mâu thuẫn trong các tình huống chiến lược.

Tình huống chiến lược thì có nhiều và có rất nhiều mâu thuẫn trong đấu tranh giữa 2 bên. Tình huống nào là quan trọng, là quyết định cho sự vận động và phát triển của chiến tranh. Giải quyết được tình huống đó thì chiến dịch, chiến cục, chiến tranh phát triển được; nếu không thì không phát triển được.

Năm 1427, ba mục tiêu chiến lược xuất hiện trước Lê Lợi và Nguyễn Trãi: Vương Thông ở Đông Quan, Liễu Thăng ở Chi Lăng và Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa. Mục tiêu nào, tình huống chiến lược nào là quan trọng? Mâu thuẫn chiến lược nào là quyết định?

Vương Thông ở Đông Quan là mâu thuẫn quyết định khi Liễu Thăng, Mộc Thạnh chưa vào tới biên giới. Nếu giải quyết được Vương Thông thì giải quyết được chiến tranh. Nếu giải quyết được Vương Thông rồi, Liễu Thăng, Mộc Thạnh vẫn tiến vào thì mâu thuẫn chủ yếu lại chuyển hóa sang Liễu Thăng.

Trong chiến tranh hiện đại phải đặc biệt chú ý đánh quân phản kích đổ bộ đường không bằng máy bay lên thẳng. Ví như năm 1972, trong kháng chiến chống Mỹ, ta đã không đánh bại được quân dù hạ cánh bằng máy bay lên thẳng đi cứu An Lộc, nên đã không giải quyết được An Lộc. Năm 1975, ở Buôn Ma Thuột, ta đánh bại được hoàn toàn sư đoàn 23 Sài Gòn đi cứu Buôn Ma Thuột và còn tạo đà cho phát triển.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, mùa xuân 1943 ở chiến dịch Xít-ta-lin-grát, Hồng quân đã đánh bại đội quân phản kích của thống chế Manh-xi-tanh, nên đội quân bị bao vây của thống chế Vôn Pao-lút phải đầu hàng.

Mùa đông 1427, đoàn quân cứu viện của Liễu Thăng bị tiêu diệt ở Chi Lăng, nên Vương Thông ở Đông Quan phải đầu hàng.

Trong phòng ngự, cuối năm 1972 và đầu 1973 ta đánh bại được lực lượng mới của địch tiến công chiếm Cửa Việt ở Quảng Trị, nên đã giành được thắng lợi, giữ vững được trận địa. Nhưng trong chiến cục 1972 ta không kiềm chế và đánh bại được phản kích của sư dù Sài Gòn.

Trong tiến công phải cố gắng hạn chế đội dự bị của địch đến cứu viện, nhất là đội dự bị cơ động bằng máy bay lên thẳng. Muốn thế phải đánh trên nhiều hướng; hướng nào có đội dự bị của địch có thể cơ động thì cần phải kìm chế nó.

Mùa Xuân 1975, ta cho Sư đoàn 304 ở hướng Đại Lộc đánh vào lữ dù của địch ở phía tây Đà Nẵng, kiềm giữ nó ở đó, không cho cơ động lên Tây Nguyên. Còn lực lượng dự bị của địch ở Sài Gòn thì có Quân đoàn 4 đóng ở gần đó, nên địch chỉ có thể cơ động nhỏ giọt một liên đoàn biệt động quân lên Tây Nguyên.

Đối phó với một chiến dịch tương đối lớn gồm 4 đến 5 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, mà chỉ tăng thêm một liên đoàn thì ít có ý nghĩa.

Tiến công địch, không phải chỉ nhìn quân địch trực tiếp ở tuyến tác chiến, không phải chỉ nhìn thê đội một của địch, phải xem cả thê đội hai của địch, phải xem cả các đội dự bị của địch; nhất là đội tổng dự bị cơ động của địch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, sư đoàn kỵ binh bay số 1, lữ đoàn dù 173, 101 của Mỹ là lực lượng dự bị cơ động toàn chiến trường, là những đơn vị chữa cháy của toàn chiến trường. Các đơn vị đó đã cứu được một số nơi trên chiến trường khi bị tiến công.


87. Tiêu diệt được mục tiêu, nhưng không tiêu diệt được quân phản kích, ứng cứu thì thắng lợi không được đầy đủ, hoàn toàn; mà có khi còn bị thất bại. Phải hạn chế hành động phản kích của địch, hạn chế được đội dự bị của địch. Phải đối phó với phản kích, ứng cứu và đội dự bị của địch bằng cả đường bộ, đường không và đặc biệt bằng đường không.


88. Tiêu diệt được mục tiêu và tiêu diệt được quân phản kích, ứng cứu đồng thời vây hãm, cô lập các tập đoàn khác của địch thỉ có thể gây ra phản ứng dây chuyền tạo ra đột biến chiến dịch, dẫn đến đột biến chiến lược, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh một cách mau lẹ đột ngột, tạo ra bước ngoặt về chiến tranh, tạo ra rối loạn về chiến lược cho địch và có thể dẫn địch đến bên bờ của sụp đổ.

Các tình huống chiến dịch có liên quan với nhau, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Một trận thắng lớn, quan trọng có thể làm rung chuyển cả chiến dịch. Sau khi bị thất bại nặng nề; các nơi khác đánh nhỏ, hoặc không đánh địch cũng bỏ chạy. Đó là phản ứng dây chuyền và tạo ra đột biến chiến dịch.

Mùa đông 1950, trong kháng chiến chống Pháp, trong chiến dịch Biên giới, ta tiêu diệt cứ điểm Đông Khê, cắt đường tiếp tế cho Cao Bằng thì Sác-tông ở Cao Bằng rút chạy khỏi Cao Bằng, khi ta tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ lên cứu viện thì quân địch ở thị xã Lạng Sơn rút chạy, kéo theo cả sự rút chạy của địch khỏi Đình Lập, An Châu.

Đòn Đông Khê gây ra phản ứng dây chuyền tới Cao Bằng. Sau khi ta tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông lại tiếp tục gây ra phản ứng dây chuyền dẫn đến địch ở Lạng Sơn rút chạy. Lạng Sơn rút chạy đã tạo ra bước phát triển, bước thắng lợi đột biến về chiến dịch; Lạng Sơn không đánh mà chạy. Đó là đột biến của chiến dịch đồng thời cũng tạo ra bước phát triển đột biến về chiến lược tạo chất mới về chiến lược, buộc địch từ tiến công chiến lược phải chuyển sang phòng ngự chiến lược.


Mùa Xuân 1975, sau khi Buôn Ma Thuột bị thất thủ và sư đoàn 23 địch bị tiêu diệt cũng gây ra phản ứng dây chuyên và tạo ra đột biến chiến dịch. Ta đã dùng bốn biện pháp chiến dịch để tạo ra phản ứng dây chuyển và đột biến về chiến dịch:

   1- Đánh cắt đường, cô lập các cụm quân của địch.
   2- Nghi binh đánh Plây Cu.
   3- Đột phá Buôn Ma Thuật.
   4- Đánh bại phản kích. Và thêm 2 biện pháp thứ 5 và thứ 6, lại tạo ra đột biến về chiến lược.


Đó là tiêu diệt đoàn quân rút chạy của địch từ Plây Cu về Phú Yên; và ba mũi tiến quân xuống chiếm đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa, chia cắt chiến trường miền Nam ra làm đôi và trực tiếp uy hiếp Sài Gòn. Trạng thái mới về chiến lược xuất hiện. Chất mới về chiến lược xuất hiện biến thắng lợi chiến dịch thành thắng lợi chiến lược. Chất mới về chiến lược không phải xuất hiện một cách từ từ, tiệm tiến mà xuất hiện một cách đột biến. Sự vật mới ra đời một cách mau lẹ. Sau khi ta tiêu diệt đoàn quân rút chạy khỏi Plây Cu và tiến xuống chiếm các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ thì lại diễn ra đột biến về chiến lược, làm xoay chuyển hẳn cục diện chiến lược. Khi Huế - Đà Nẵng thất thủ thì lại diễn ra đột biến về chiến tranh. Cục diện chiến tranh thay đổi đột ngột, tạo ra bước ngoặt chiến tranh dẫn quân địch đến bên bờ của sự sụp đổ.


Trong vận động của chiến tranh cũng như các sự vật, có phát triển tiệm tiến và phát triển đột biến. Phải có nghệ thuật lãnh đạo giỏi để tìm ra cách tạo cho sự vật (chiến dịch, chiến tranh) phát triển đột biến. Như thế sự vật mới phát triển nhanh và có hiệu quả lớn.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #38 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:52:35 am »

89. Để tiến hành nhiều chiến dịch trong chiến cục, nên tổ chức nhiều tập đoàn chiến lược - đạo quân, và các tập đoán chiến dịch, các đơn vị địa phương.

Chiến cục nên tổ chức nhiều chiến dịch và các hoạt động tác chiến. Chiến dịch thì có chiến dịch lớn, chiến dịch nhỏ.

Do đó mà nên tổ chức nhiều tập đoàn chiến lược - đạo quân và các tập đoàn chiến dịch.

Mùa Xuân 1975 ta tổ chức hai tập đoàn chiến lược ở tuyến một là Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và một tập đoàn chiến lược làm đội tổng dự bị. Tập đoàn chiến lược phía bắc đứng ở Huế - Đà Nẵng gồm Quân đoàn 2 và các sư đoàn cùng lực lượng vũ trang của Quân khu Trị - Thiên và bắc Quân khu 5. Tập đoàn chiến lược phía nam đứng chân ở phía bắc, tây bắc Sài Gòn, gồm Quân đoàn 4 và các đơn vị của lực lượng vũ trang Quân khu 7.

Đội tổng dự bị là Quân đoàn 1 đứng ở phía sau. Ngoài ra còn tổ chức một tập đoàn chiến dịch mạnh ở Tây Nguyên gồm một cụm sư đoàn gồm có 4 sư đoàn. Như thế ta mới mở được nhiều chiến dịch trên các hướng chiến trường. Địch ở chiến trường nào cũng phải đối phó tại chỗ, không cơ động ứng cứu nhau được. Như thế ta đã thành công trong phân tán địch, không cho địch cơ động, tập trung.

Về vấn đề tổ chức đội tổng dự bị. Trong chiến cục này ta hơn hẳn địch. Ta có cả 1 quân đoàn làm đội tổng dự bị, chưa tham chiến ở đợt một, sẵn sàng làm các nhiệm vụ chiến lược mới phát sinh. Còn địch chỉ tổ chức đến cấp sư đoàn, mà lại phải tham chiến ngay ở đợt đầu, làm ngay nhiệm vụ của thê đội một chiến lược - chiến dịch và sử dụng phân tán. Năm 1972 thì địch sử dụng đội tổng dự bị chiến lược khá hơn ta.

Năm 1945, Hồng quân Liên Xô cũng tổ chức ra 6 tập đoàn chiến lược - 6 đạo quân là 6 phương diện quân tác chiến ở tuyến một, đánh sang các nước Đông Âu và nước Đức phát xít. Đặc biệt, đánh vào Béc-lin đã tổ chức ra một tập đoàn chiến lược khổng lồ hiếm có trong lịch sử chiến tranh gồm 2 phương diện quân chủ lực của Nguyên soái Giu-côp và Nguyên soái Kô-ni-ép có số quân là 2,5 triệu người; 34,5 ngàn khẩu pháo, cối; gần 6,5 ngàn xe tăng và pháo tự hành; gần 4,8 ngàn máy bay chiến đấu1 (Lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự, tập 2, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xuất bản, H. 1996, tr. 97).


90. Phương pháp tiến công chiến lược là đồng thời trên toàn tuyến hoặc gối đầu, hoặc kế tiếp. Phải bảo đảm an toàn cho hướng tiến công chủ yếu. Nên tổ chức nhiều chiến dịch, có từ 2 chiến dịch chiến lược trở lên và các chiến dịch khác.

Trong chiến cục, có nhiều mục tiêu chiến lược và tổ chức nhiều chiến dịch thì nên đồng thời tiến công là phương pháp tốt nhất, có hiệu quả nhất. Như thế thì ở đâu địch cùng một lúc cũng phải đối phó ở khắp nơi, không cơ động ứng cứu nhau được.

Kháng chiến chống Mỹ, năm 1972 ta tiến công địch đồng thời trên cả 3 chiến trường trọng điểm: Quảng Trị, Lộc Ninh, Đắc Tô - Tân Cảnh và các hoạt động tác chiến khác, các chiến dịch nhỏ khác trên toàn bộ chiến trường. Địch ở đâu cũng phải đối phó. Chúng có cái mạnh hơn ta là cơ động đội tổng dự bị là sư đoàn dù bằng máy bay lên thẳng đi ứng cứu được cho các chiến trường, nên thắng lợi của ta có bị hạn chế. Tuy vậy cả 3 chiến trường lần đầu tiên ta đều tiêu diệt được các đơn vị cỡ trung đoàn và sư đoàn thiếu và giải phóng được đất đai cỡ quận huyện.

Năm 1975, ta cũng bố trí lực lượng tiến công trên 3 chiến trường trọng yếu Huế - Đà Nẵng, Tây Nguyên, Sài Gòn. Lần này là cuộc tổng tiến công, lực lượng lớn, nhiều binh chủng, nên khó tiến công đồng thời trên cả 3 hướng, mà dùng phương pháp gối đầu và lần lượt kế tiếp. Có cái hay là ta bố trí các cụm lực lượng trên cả 3 hướng. Do đó không đồng thời được, nhưng có thể gối đầu hoặc kế tiếp được. Chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc thì chiến dịch Huế - Đà Nẵng đã phát động và kế tiếp là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năm 1285, Trần Hưng Đạo cũng vận dụng phương pháp đồng thời. Đạo quân bắc sông Hồng đánh Thoát Hoan ở Thăng Long thì đạo quân nam sông Hồng cũng đánh Toa Đô. Do đó mà 2 đạo quân Thoát Hoan và Toa Đô cùng bị tiêu diệt chỉ cách nhau có mấy ngày.

Năm 1427, Lê Lợi cũng đồng thời vây hãm Vương Thông và đánh Liễu Thăng và Mộc Thạnh.

Năm 1945, khi Hồng quân Liên Xô đánh sang các nước Đông Âu và nước Đức phát xít cũng đồng thời tiến công trên toàn tuyến từ bờ biển Ban-tích đến bờ biển Đen.

Cuộc tổng tiến công lớn lao như thế, nên Hồng quân đã giải phóng Béc-lin trước quân Đồng minh và giải phóng được các nước Đông Âu và cả nước Áo ở Trung Âu. Hồng quân đã làm cho ước vọng của Sớc-sin không thực hiện được: "Tôi muốn rằng chúng ta sẽ đến trước người Nga ở một số khu vực trung tâm châu Âu"1 (Sách dẫn trên, tr. 220).

Phương pháp tiến công đồng thời là tốt nhất. Nhưng phải có lực lượng mạnh và có ưu thế hơn địch.

Thứ hai là phương pháp gối đầu. Phải xem kết quả của cuộc tiến công thứ nhất, cuộc tiến công trước như thế nào mà hành động.

Phương pháp thứ 3 là tiến công lần lượt kế tiếp. Phương pháp này thắng lợi phải kéo dài hơn.

Không dùng được phương pháp tiến công đồng thời nhưng phải phối hợp với hướng tiến công trước mà đồng thời phải kìm giữ địch ở các hướng để hỗ trợ cho hướng tiến công trước.

Lê Lợi đã vây hãm Vương Thông và ngăn chặn Mộc Thạnh đồng thời với đòn tiến công tiêu diệt đạo quân Liễu Thăng.

Nếu không tiến công được đồng thời trên các hướng thì phải bảo đảm an toàn cho chiến dịch tiến công đầu tiên giành thắng lợi.

Mùa Xuân 1975, Quân đoàn 2 và các lực lượng vũ trang cả Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5 kìm giữ địch ở chiến trường Huế - Đà Nẵng và Quân đoàn 4 cùng lực lượng vũ trang Quân khu 7 kìm giữ địch ở Sài Gòn bảo đảm cho chiến trường Tây Nguyên mở đột phá khẩu chiến lược ở Buôn Ma Thuột.

Trong chiến dịch hoặc chiến cục, cần bảo đảm an toàn cho hướng chủ yếu của chiến dịch hoặc bảo đảm an toàn cho chiến dịch chủ yếu của chiến cục. Như thế thì chiến dịch và chiến lược mới phát triển thuận lợi được.

Trong trận đánh Buôn Ma Thuột năm 1975, để bảo đảm cho Sư đoàn 316 được thuận lợi an toàn trong tiến công, ta đã dùng Sư đoàn 320 đứng chân ở phía bắc Buôn Ma Thuột bảo đảm cho cánh bắc của sư đoàn, và dùng Sư đoàn 10 đánh Đức Lập để bảo đảm cho hướng tây nam của sư đoàn.

Năm 1945, khi tiến công vào Béc-lin, hướng tiến công chủ yếu của phương diện quân Bê-lô-rút-si-a số 1 của Nguyên soái Giu-cốp được phương diện quân Bê-lô-rút-si-a số 2 của Nguyên soái Rốt-cô-xốp-ski bảo đảm cánh phải và được phương diện quân U-cơ-rai-na số 1 của Nguyên soái Kô-ni-ép bảo đảm cánh trái. Do đó mà các cánh quân đều phát triển thuận lợi và tốc độ tiến công cao, nhịp độ phát triển nhịp nhàng.

Về phía quân Đồng minh đánh vào Tây Âu, vì thiếu sự bảo đảm an toàn, nên có đơn vị tiến công đã bị đẩy lùi, hoặc bị đánh tan.

Tháng 9 năm 1944, trong 1 chiến dịch được tiến hành trên đất Hà Lan, quân Đồng minh đã không bảo đảm cạnh sườn cho mũi tiến công, nên đã bị quân Đức đẩy lùi; còn về bộ đội đổ bộ đường không, quân Đồng minh đã sử dụng tập đoàn quân đổ bộ đường không số 1 gồm 3 sư đoàn đổ bộ đường không và một lữ đoàn dù. Đây là một cuộc tác chiến đổ bộ đường không lớn nhất, có một không hai trong thế chiến thứ 2.

Quân đổ bộ đường không đã nhảy rất sâu vào hậu phương của quân Đức từ 30km, 60km đến 90km. Bộ phận nhảy rất sâu vào hậu phương đối phương 90km không được bảo đảm an toàn tốt, nên đã bị quân Đức đánh tan1 (Sách dẫn trên, tr. 220, 221).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #39 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 07:54:01 am »

91. Cần xác định nhiệm vụ, tính chất các chiến dịch, thứ tự phát động các chiến dịch và phối hợp các chiến dịch phối hợp chiến cục trên toàn chiến trường.


92. Cần có tạo thế chiến cục trước khi mở chiến dịch đầu tiên. Tạo thế chiến cục bằng thể trận chiến lược và các hoạt động tác chiến.


93. Chia cắt chiến lược và chiến dịch không những gây cho địch khó khăn về tác chiến mà còn gây ra hoang mang về tinh thần, tâm lý cho cả quân và dân của địch, suy yếu về tinh thần tâm lý cũng có giá trị ngang như hoặc hơn sự suy yếu về quân sự.

Trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, ta đánh chiếm đường 19, chia cắt chiến lược giữa Quy Nhơn ở đồng bằng ven biển với Plây Cu ở vùng núi, làm cho địch không những bị ảnh hưởng về tiếp tế hậu cần cho quân đội mà tiếp tế hậu cần khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến tác chiến, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tinh thần của binh lính. Đối với nhân dân và vợ con binh lính hàng hóa mua bán hiếm hoi, giá cả tăng, đi lại thăm hỏi người nhà giữa các tỉnh không được, quân lính hoang mang. Nhân dân, vợ con binh lính hoang mang hơn. Điều đó tác động vào binh lính, làm cho quân lính lại thêm hoang mang. Đòn đánh vào tinh thần, tâm lý như thế có giá trị không kém gì một đòn đánh về quân sự.


94. Bị bao vây chia cắt và tinh thần hoang mang thì có thể giảm đi khoảng một nửa sức chiến đấu. Tránh chỗ mạnh, tránh đánh vỗ mặt mà đánh vào chỗ sơ hở, hiểm yếu vào sườn hoặc sau lưng địch.


95. Phản công có thể có phòng ngự trước và không có phòng ngự trước. Phản công không có phòng ngự trước, nhưng có thê có tác chiến của lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ.

Phản công có phòng ngự trước như Cánh Đồng Chum năm 1972, Mát-xcơ-va, Cuốc-cơ, trong chiến tranh thế giới thứ 2 và Lý Thường Kiệt ở sông Như Nguyệt.

Phản công không có phòng ngự trước như cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và Ngô Quyền ở sông Bạch Đằng năm 938. Không có phòng ngự trước, nhưng có lực lượng tại chỗ hỗ trợ thì phản công sẽ thuận lợi hơn, nhất là khi địch tiến công bằng đổ bộ đường không và đổ bộ đường không bằng máy bay lên thẳng (phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971).


96. Phòng ngự tích cực, ngoài hành động phản kích ra, cần có tiến công địch ở ngoài trận địa phòng ngự, đánh vào đằng sau đội hình tiến công của địch.

Phòng ngự tích cực, ngoài hành động phản kích ra, tiến công địch ở ngoài trận địa phòng ngự, đánh vào đằng sau đội hình tiến công của địch thì hiệu quả phòng ngự càng lớn. Đánh vào đằng sau đội hình tiến công của địch gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Phòng ngự Cánh Đồng Chum năm 1972 đã có mầm mống tiến công địch ở ngoài trận địa phòng ngự. Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) phòng ngự trên cao điểm 601 ở Võ Định, phía bắc thị xã Kon Tum năm 1973 đánh địch ở trong trận địa phòng ngự và trước trận địa phòng ngự. Đòn đánh địch ở trước trận địa phòng ngự có tính tích cực lớn và có hiệu quả lớn.


97. Chiến đấu nhất thiết phải có tiến công và phòng ngự. Phòng ngự chiến dịch và phòng ngự chiến lược có hay không thì tùy theo so sánh lực lượng hai bên và nghệ thuật quân sự, trong từng giai đoạn chiến tranh. Phải rất linh hoạt sinh động căn cứ vào thực tiễn, không máy móc cứng đờ.

Có phòng ngự chiến dịch và phòng ngự chiến lược. Năm 1077, Lý Thường Kiệt có phòng ngự chiến lược ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) để bảo vệ kinh đô Thăng Long.

Năm 1941, Liên Xô có phòng ngự chiến lược để bảo vệ đất nước. Chiều rộng của trận tuyến phòng ngự chiến lược trên những hướng chủ yếu và trọng yếu có tới hàng ngàn ki-lô-mét1 (Pavel Jiline - Viện sĩ thông tấn, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô - "Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô-viết trong thời đại ngày nay", tr. 70. "Biên tập khoa học xã hội ngày nay", Viện Hàn lảm khoa học Liên Xô Mốt-xcơ-va 1985, bản tiếng Pháp).

Trần Hưng Đạo và Hồ Chí Minh đều không có phòng ngự chiến lược để bảo vệ thủ đô Thăng Long - Hà Nội. Như thế mới là biện chứng. Tình hình các cuộc chiến tranh có khác nhau. Không cuộc nào giống cuộc nào và tình hình các giai đoạn chiến tranh cũng khác nhau.


98. Nếu yếu hơn địch thì càng phải lợi dụng địa hình dử địch vào nơi hiểm trở để tiêu diệt.


99. Cơ động tạo ra lực lượng.

Cơ động bằng máy bay lên thắng vừa tạo ra lực lượng, vừa tạo ra thời gian và không gian. Năm 1972, sư dù ngụy Sài Gòn ở Kon Tum cơ động về cứu An Lộc. Chúng đã tăng thêm lực lượng cho An Lộc; và trong một thời gian rất ngắn chúng đã tới An Lộc và chúng đã rút hẹp được không gian từ Kon Tum đến An Lộc, và sau đó, cũng trong chiến cục Xuân Hè 1972, chúng lại cơ động ra Quảng Trị và cũng lại cứu được Quảng Trị. Nhưng do ta tổ chức 3 chiến dịch trên 3 hướng chiến trường nên địch phải phân tán đối phó, do đó ta vẫn giành được thắng lợi, tuy có bị hạn chế.

Mùa Xuân năm 1975, sư đoàn 23 (Quân khu 2 Sài Gòn) từ Plây Cu cơ động xuống cứu Buôn Ma Thuột thì lại bị đánh tan. Năm 1427, Lê Lợi cũng có nghệ thuật tết nên đã đánh bại Liễu Thăng.

Mùa xuân năm 1943, Hồng quân Liên Xô cũng giỏi nên đã đánh tan cơ động phản kích của Vôn Manh-xi-tanh ở Xít-ta-lin-grát.

Nắm được quy luật thủ đoạn của địch và có kế hoạch đối phó tốt thì vẫn phá được sự cơ động và cơ động bằng máy bay lên thẳng của địch.


100. Sức mạnh lớn của chiến tranh hiện đại là không quân và tên lửa. Phải có sức mạnh đánh không quân và tên lửa, đánh máy bay lên thẳng bằng 3 thứ quân.


101. Đánh giao thông đường bộ là một trong các cách đánh dễ nhất. Tuyến là nơi lực dàn mỏng. Điểm là nơi lực tập trung hội tụ.


102. Điều kỳ tài của vận động thế trận là nghệ thuật chính kỳ. Chính kỳ biến hóa vô cùng. Chính đánh, kỳ thắng; kỳ đánh chính thắng; chính kỳ cùng thắng.

Thế trận và các đòn đánh là có sự quan hệ với nhau, và hỗ trợ, tác động lẫn nhau, về mặt nghệ thuật, ít khi đánh một mũi một hướng. Như thế địch sẽ tập trung đối phó và ta không lừa, không điều được địch. Cho nên phải có mũi chính mũi phụ, mũi nghi binh; mũi tiến công chính diện, mũi bao vây, vu hồi; mũi đánh công khai, mũi đánh bí mật, bất ngờ.

Mũi đánh chính diện đánh công khai; mũi đánh bí mật, bất ngờ, đánh bên sườn; người xưa gọi là chính và kỳ. Có khi mũi chính đánh, mũi kỳ thắng. Có khi mũi kỳ đánh, mũi chính thắng. Điều đó tùy theo sự vận dụng, căn cứ vào tình hình địch ta.

Trần Hưng Đạo cho là chính kỳ biến hóa.

Hồ Chí Minh nói "dương đông, kích tây" cũng có ý nghĩa như thế.

Trong trận đánh Thoát Hoan ở Thăng Long năm 1285, Trần Hưng Đạo cũng vận dụng nghệ thuật này.

Trần Hưng Đạo cho vây đánh thủy trại Chương Dương để kéo đại quân của Thoát Hoan ra cứu, rồi dùng đội chủ lực đánh Thoát Hoan. Khi Thoát Hoan thống lĩnh đại quân ra cứu Chương Dương bị đánh tan tác thì đội đặc nhiệm của Trần Hưng Đạo phục sẵn ở phía tây thành Thăng Long liền đánh chiếm tổng hành dinh bỏ ngỏ của Thoát Hoan. Tổng chỉ huy quân Nguyên - Mông phải tháo chạy qua sông Hồng về nước.

Đó là kỳ đánh, chính thắng, rồi chính thắng và kỳ đánh và cuối cùng thì chính kỳ cùng thắng.

Đó là chính kỳ biến hóa vô cùng.

Trong trận đánh Thăng Long năm 1789, mũi chính binh của Quang Trung đánh ở Hạ Hồi, Ngọc Hồi thì mũi kỳ binh của đô đôc Đặng Tiến Đông đánh vu hồi qua Đống Đa tiến vào đánh chiếm tổng hành dinh của Tôn Sĩ Nghị ở tây Long Cung. Đó là chính đánh, kỳ thắng.

Xuân năm 1975, ở chiến dịch Tây Nguyên, mũi kỳ binh của ta đánh Plây Cu, và cắt đường 19, rồi mũi chính binh của ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột. Đó lại là kỳ đánh, chính thắng.

Chính, kỳ biến hóa vô cùng, vận động kỳ diệu.


103. Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời.

Đánh nhau, đầu tiên phải có mưu kế. Định dùng lực lượng nào, biện pháp, thủ đoạn gì để nghi binh lừa địch. Dùng lực lượng nào để chia cắt địch. Dùng lực lượng nào để bao vây, cô lập địch. Dùng lực lượng, biện pháp, thủ đoạn gì để kìm chế, hạn chế những cái mạnh của địch. Mưu kế đó sinh ra thế trận. Thế trận vận động, chuyển hóa sinh ra tình huống. Đối chọi tình huống sinh ra thời cơ.

Đánh nhau phải dùng mưu, không đơn thuần dùng lực; không chỉ lực chọi lực. Phải đấu trí và đấu lực.

Phải dùng mưu để đánh địch, và rồi phải dùng thế trận hiểm hóc vận động đối chọi với địch, tạo ra tình huống tốt và thời cơ để thắng địch.

Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo dùng mưu dụ địch vào bãi cọc Bạch Đằng, rồi dùng thế trận xung quanh bãi cọc và thời điểm địch đi vào bãi cọc để đánh thắng địch.

Chiến dịch Biên Giới năm 1950, ta bày mưu đánh Đông Khê để gọi địch lên cứu viện và bày thế trận trên đường số 4. Khi địch đi vào thế trận đã bố trí của ta, đúng vào thời điểm thế trận ta vận động đưa địch vào chỗ hiểm của thế trận mà tiêu diệt địch, thắng địch.


104. Chiến dịch nào gây ra được phản ứng dây chuyền và tạo ra đột biến là một chiến dịch hay.


105. Chiến cục có từ hai chiến dịch chiến lược trở lên là một chiến cục lớn.


106. Chiến cục có từ hai chiến dịch chiến lược trở lên cùng các hoạt động tác chiến du kích rộng khắp trong toàn bộ đội hình của đối phương là một chiến cục mạnh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM