Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 05 Tháng Sáu, 2023, 04:04:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo - Tác phẩm giải thưởng Hồ Chí Minh  (Đọc 2179 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1427



« Trả lời #130 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 08:01:02 am »

Xét về hình thái chiến trường, thị xã Kon Tum là một khu vực phòng ngự của địch nằm nhô ra trên đoạn đầu của tuyến phòng ngự chiến lược Tây Nguyên. Sau Hiệp định Pa-ri, đối diện với thị xã này là vùng giải phóng của ta, có bộ đội chủ lực mạnh bố trí bám sát. Địch cho rằng nếu đánh Tây Nguyên ta sẽ đánh phía bắc, nên chúng tập trung lực lượng để giữ Kon Tum và Plây Cu. Quân địch phòng ngự khu vực thị xã Kon Tum không những luôn luôn được tăng cường về mặt bố phòng mà còn được bố trí lực lượng mạnh hơn so với thị xã Buôn Ma Thuột. Vì vậy, nếu chọn thị xã Kon Tum làm trận then chốt và trận mở đầu chiến cục mùa Xuân 1975 thì có nghĩa là sẽ đánh vào một kẻ địch luôn luôn có bố phòng cẩn mật, đánh váo một khu vực phòng ngự nhô ra, không phải là một điểm cơ động để từ đấy có thể phát triển tiến công đi các hướng, nói chung rất ít có liên quan về chiến dịch và chiến lược với toàn bộ chiến trường. Mặc dầu tại khu vực này ta có một số thuận lợi cho việc chuẩn bị tiến công, nhưng nếu chọn đây là điểm của chiến dịch thì không thích hợp, còn làm trận mở đầu thì không giành được thế bất ngờ vì địch đã có đề phòng, chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho ta. Mà nếu ta có quyết tâm khắc phục khó khăn để đánh chiếm được Kon Tum thì cũng không có hướng phát triển rộng và hiểm; muốn phát triển ta lại phải tổ chức tiến công tiếp vào tuyến phòng ngự chính, tức là vào thị xã Plây Cu, mới có điều kiện. Như vậy thì khó làm rung chuyển được chiến trường Tây Nguyên và các chiến trường lân cận.


Đặt vấn đề tiến công tiếp ngay một thị xã lớn hơn để lấy đà phát triển chiến dịch là vấn đề không đơn giản. Muốn hay không muốn thì khi mất Kon Tum, địch ở Plây Cu cũng phản ứng quyết liệt. Ta chưa đánh chiếm được Plây Cu thì địch vẫn còn khả năng tăng cường cố thủ Plây Cu, kết hợp với quân tăng viện đường không phản kích lại, không phải chỉ phản kích một lần mà có khả năng phản kích nhiều lần, tình huống sẽ diễn ra rất phức tạp. Như vậy, chiến dịch dễ lâm vào tình trạng bế tắc, không phát triển được. Cho nên chọn thị xã Kon Tum làm điểm đánh trận đầu là không hay.


So sánh với thị xã Kon Tum thì thị xã Buôn Ma Thuột nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch. Buôn Ma Thuột có 120.000 dân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Tây Nguyên và cũng là nơi tập trung bọn đầu sỏ phản động ở vùng này. Về quân sự, thị xã Buôn Ma Thuột có vị trí rất cơ động, đứng ngay ở ngã ba đường chiến lược số 21 nối liền với Nha Trang và đường số 14, phía bắc đi Cheo Reo và Plây Cu, phía nam đi Gia Nghĩa và miền Đông Nam Bộ. Do nằm sâu trong vùng kiểm soát của địch nên quân chiếm đóng ở đây không bị đối mặt trực tiếp với quân ta như ở Kon Tum. Tuy chúng có đặt hậu cứ của sư đoàn 23 ở đây, nhưng so sánh tổng số lực lượng chiến đấu thì ít hơn Kon Tum, về mặt bố phòng cũng không chặt chẽ bằng.


Đánh Buôn Ma Thuột, ta sẽ có khó khăn trong công tác trinh sát nắm địch, nắm địa hình, vận chuyển vật chất hậu cần và cơ động tập kết, triển khai lực lượng. Mọi hoạt động chuẩn bị cho các công tác trên phải làm rất công phu và phải tuyệt đối giữ bí mật, kết hợp với hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý và đối phó của địch về hướng khác thì mới loại bỏ được khả năng địch tăng cường dự phòng. Tuy nhiên, dù công tác chuẩn bị có khó khăn và công phu thật song ta vẫn có khả năng khắc phục, vì điều kiện khắc phục hoàn toàn do nỗ lực chủ quan của ta quyết định.


Quyết tâm chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm trận đánh then chốt, trận đánh mở đầu là rất chính xác, làm một đòn đánh hiểm, nhằm vào chỗ sơ hở, điểm yếu của địch. Đánh chiếm được Buôn Ma Thuột, ta sẽ tạo được đà để nhanh chóng phát triển lực lượng xuống các tỉnh ven biển miền Trung, và tùy tình hình lúc đó sẽ phát triển được lực lượng xuống miền Đông Nam Bộ, hay phát triển tiến công thị xã Plây Cu. Một khi đã tạo ra được đà phát triển thì cũng tức là đã làm chuyển biến tình thế chiến lược, mở ra thế chia cắt làm đôi thế trận phòng ngự chiến lược toàn miền Nam của địch, cô lập quân địch còn lại ở quân khu 2 và trực tiếp uy hiếp quân khu 3 của chúng. Ý nghĩa quan trọng của việc đánh Buôn Ma Thuột là tạo thế phát triển tiến công ra các hướng hiểm yếu và quan trọng khác.


Với thế trận đánh chia cắt, ta đã cài sẵn được lực lượng, thì khi đánh thị xã Buôn Ma Thuột, địch khó có thể cơ động được lực lượng đến phản kích bằng đường bộ như ở Kon Tum. Địch có thể cơ động được lực lượng đến phản kích bằng đường không, song khó đưa lực lượng lớn đến ngay được. Và khi đã mất Buôn Ma Thuột thì dù địch ra phản kích bằng đường không lớn hay nhỏ, nhanh hay chậm hoặc có thể gây cho ta những khó khăn nhất định, chúng vẫn không cản được đà phát triển của quân ta ra các hướng. Nếu dự kiến được kế hoạch chu đáo, nắm chắc lực lượng dự bị và sẵn sàng cơ động, ta có khả năng tiêu diệt quân phản kích nhanh gọn.


Như vậy là mọi người đã nhanh chóng nhất trí về nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của chiến dịch.

Để thực hiện các đòn chiến dịch, Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch đề ra ý định tác chiến như sau:

Trước hết nhử địch, kéo địch về Plây Cu - Kon Tum rồi hãm địch ở đó, làm cho Buôn Ma Thuột bị sơ hở để ta tiêu diệt một cách dễ dàng và ít bị tổn thất. Tiếp đó, ta tiến công Cheo Reo (Phú Bổn) rồi đến Gia Nghĩa (Quảng Đức) giải phóng ba tỉnh ở phía nam để mở ra khu vực rộng lớn có lợi, tạo điều kiện và thời cơ phát triển tiến công đi các hướng khác. Trong quá trình này, ta vừa trói chặt vừa tiến công tập đoàn chủ yếu của địch ở Plây Cu - Kon Tum làm cho chúng bị suy yếu mòn mỏi, rồi bất ngờ tiêu diệt chúng một cách nhanh chóng.


Theo phương án tác chiến của chiến dịch, Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch đã kết luận là phải bố trí lực lượng hình thành một thế trận "trói địch lại mà đánh", nghĩa là thế trận hoàn toàn chủ động tiến công địch, buộc địch phải bị động đối phó theo cách đánh của ta và loại trừ tình huống địch tăng viện lớn theo đường bộ đến trong lúc ta đang giải quyết các mục tiêu chính của chiến dịch. Thế trận "trói địch lại mà đánh" ta lập ở Tây Nguyên hoàn toàn có cơ sở khách quan, vì nó căn cứ vào tình hình bố trí lực lượng và thế trận phòng ngự của địch ở vùng này.


Như ta đã biết, trên địa bàn Mỹ - ngụy còn kiểm soát được ở miền Nam, thế trận phòng ngự chiến lược của địch cho đến lúc ta chuẩn bị chiến dịch Tây Nguyên vẫn chưa có gì thay đổi: chúng vẫn bố trí lực lượng, giữ thế mạnh ở hai đầu. Ở địa bàn chiến lược quân khu 2, chúng vẫn bố trí lực lượng ít hơn các quân khu khác. Trong phạm vi quân khu 2, chúng lại tăng cường đại bộ phận chủ lực của quân khu cho Tây Nguyên, biến Tây Nguyên thành tuyến chiến lược thứ nhất, các tỉnh ven biển miền Trung từ Bình Định đến Bình Thuận là tuyến chiến lược thứ hai. Ý đồ phòng ngự chiến lược của địch bộc lộ khá rõ ràng:

- Một là dùng Tây Nguyên làm tuyến cơ bản để thực hành tác chiến phòng ngự từ vòng ngoài, án ngữ và ngăn chặn không cho ta phát triển tiến công xuống các tỉnh miền Trung.

- Hai là lợi dụng tính chất phân cắt của địa hình Tây Nguyên để tổ chức phòng ngự khu vực trên toàn tuyến phòng ngự chiến lược này.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1427



« Trả lời #131 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 08:01:50 am »

Với cách tổ chức trên, địch định lợi dụng dung lượng chiến trường lớn của Tây Nguyên để triển khai tại chỗ binh lực lớn và vũ khí kỹ thuật. Nếu như Tây Nguyên là tuyến thứ nhất đồng thời là tuyến cơ bản để chống cự với ta thì các tỉnh ven biển miền Trung là tuyến thứ hai đồng thời là tuyến hậu phương. Tuyến hậu phương ven biển có hai con đường chiến lược số 19 và số 21 nối liền với Tây Nguyên và được tuyến Tây Nguyên nằm án ngũ trên hai con đường đó che chở an toàn. Vì lẽ đó nên địch có thể bớt lực lượng ở tuyến hậu phương để tăng cường bố trí cho tuyến thứ nhất, thường xuyên tiếp tế vận chuyển hậu cần, khi cần thiết và có điều kiện thì tăng viện cho nó.


Thế nhưng, dù địch có khôn ngoan mấy đi nữa cũng không tránh khỏi những nhược điểm của một thế trận phòng ngự bị động và chắp vá, mạnh tuyến ngoài, yếu tuyến trong, có tung thâm sâu nhưng trống rỗng. Đành rằng địch có thể ỷ lại vào phương tiện chuyên chở nên có khả năng cơ động tăng viện, song yếu tố bên ngoài không thể thay thế cho yếu tố bên trong, thế trận của chúng là thế trận đảo ngược. Trước thế trận đó, nếu ta đánh chia cắt hai con đường chiến lược 19 và 21 thì quân khu 2 của địch sẽ trở thành hai khu riêng biệt, không liên hệ được với nhau. Và nếu ta áp sát, bao vây chặt Tây Nguyên thì khu vực này sẽ bị cô lập hoàn toàn. Trường hợp đó, địch có thể lập một cầu hàng không để vận chuyển tiếp tế và cơ động lực lượng tổng dự bị đến tăng viện, nhưng chúng khó mà thực hiện được khả năng vô cùng tốn kém này giữa lúc quân dân ta đang vừa tiến công vừa nổi dậy trên khắp các chiến trường với khí thế ngút trời. Thảng hoặc, chúng cũng có thể dốc hết sức ra để thực hiện được phần nào song lại rất dễ bị quân ta chặn đánh hoặc tiêu diệt.


Đối với hệ thống phòng ngự khu vực của địch trên chiến trường Tây Nguyên, ta cần nghiên cứu kỹ từng khu vực cụ thể để sử dụng lực lượng và vận đụng cách đánh cho thích hợp. Tuy nhiên, nếu xét toàn tuyến Tây Nguyên, được hình thành bởi các khu vực phòng ngự, thì rõ ràng kẻ địch ở đây đã bộc lộ những chỗ trống hoặc những kẽ hở của nơi tiếp giáp giữa hai khu vực. Ta có thể lợi dụng những chỗ trống và những kẽ hở đó để thực hành chia cắt quân địch ở Tây Nguyên ra làm nhiều mảng và bao vây chặt chúng ở từng khu vực để tiêu diệt.


Thế trận "trói địch lại mà đánh" ta lập ở Tây Nguyên đã hình thành trên cơ sở phân tích tình hình địch nói trên. Với tư tưởng triệt để lợi dụng những chỗ yếu và sơ hở của địch, đó là thế trận "chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công đột phá, vừa bí mật vừa nghi binh".


- Thế chia cắt: trong chiến dịch có hai thứ chia cắt - chia cắt chiến lược và chia cắt chiến dịch.

Chia cắt chiến lược là chia cắt giữa tuyến Tây Nguyên với tuyến hậu phương các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung, nhằm cô lập Tây Nguyên với các chiến trường khác ở miền Nam. Mục tiêu chia cắt là đường chiến lược số 19 và đường chiến lược số 21.


Chia cắt chiến dịch là chia cắt giữa các khu vực phòng ngự với nhau trên chiến trường Tây Nguyên, chia cắt nam và bắc Tây Nguyên, làm cho các khu vực không liên hệ và chi viện được cho nhau, nhằm cắt và giữ tập đoàn chủ yếu của địch ở Plây Cu - Kon Tum, làm cho Buôn Ma Thuột sơ hở và cô lập để ta dễ tiêu diệt.


Ta đã từng có kinh nghiệm thực tiễn về chia cắt địch. Năm 1972, ta dùng 2 trung đoàn đánh chia cắt, giữ đường số 14 suốt 68 ngày rồi tự động rút, địch không làm gì được. Trên đường số 13, ta dùng một sư đoàn đánh chia cắt, chốt giữ Tàu Ô - Chơn Thành từ tháng 3 năm 1972 đến tháng 1 nâm 1973, vừa đúng 10 tháng, đến lúc ký Hiệp định Pa-ri địch cũng không chọc thủng được.


Trong chiến dịch này, ý định chia cắt địch có tầm quan trọng đặc biệt mà ta phải đạt bằng được. Để chia cắt đường số 19, Bộ Tổng tư lệnh cho 1 sư đoàn của Quân khu 5 đảm nhiệm chia cắt đoạn từ Phú Phong đến An Khê (Bình Định), 1 trung đoàn của lực lượng chiến dịch đảm nhiệm đoạn từ Côn Tầng đến A Dun (Gia Lai). Để chia cắt đường số 21, 1 trung đoàn khác của lực lượng chiến dịch đảm nhiệm đoạn đông - tây Chư Cúc thuộc địa phận huyện Khánh Dương. Đặc biệt trên đường số 14, 1 sư đoàn mạnh của lực lượng chiến dịch vừa đảm nhiệm đánh chia cắt đoạn Cẩm Ga - Thuần Mẫn nhằm cắt đứt sự liên hệ của địch giữa Plây Cu với Buôn Ma Thuột, cô lập Buôn Ma Thuột, đồng thời lại đảm nhiệm tiêu diệt quân tăng viện từ Plây Cu xuống Buôn Ma Thuột và sẵn sàng làm lực lượng cơ động cho chiến dịch.


Để đối phó với lực lượng quân ta đánh chia cắt, không tính thời gian chỉ tính lực lượng, thì trên đường số 19 muốn giải tỏa được giao thông, ít nhất quân địch cũng phải đưa ra khoảng 2 sư đoàn; trên đường số 21 ít nhất cũng phải đưa ra 1 sư đoàn. Còn trên đường số 14, nếu chỉ có lực lượng của địch ở Tây Nguyên thôi thì chúng không có cách gì qua nổi. Ta có thể khẳng định rằng đây là đòn hiểm, xuyên cắt sống lưng địch ra làm hai phần.


Thực hiện được thế trận đánh chia cắt trên, ta có khả năng loại trừ được tình huống quân địch từ chiến trường ven biển lên tăng viện cho Tây Nguyên bằng đường bộ, hoặc cơ động lực lượng từ khu vực này sang khu vực khác trên chiến trường Tây Nguyên. Nhưng chúng vẫn có thể có khả năng tăng viện bằng đường không, tuy lực lượng tăng viện không lớn. Vì vậy, các lực lượng đánh chia cắt phải dự kiến được trước khu vực địch đổ bộ, có kế hoạch tác chiến trên hướng đánh chia cắt và sẵn sàng có lực lượng cơ động phối hợp với binh đoàn dự bị của chiến dịch để nhanh chóng tiêu diệt chúng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1427



« Trả lời #132 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 08:03:46 am »

- Thế vây hãm, vừa vây hãm vừa tiến công, đột phá: trong chiến dịch có cả vây hãm về chiến dịch, có cả vây hãm về chiến thuật.

Vây hãm về chiến dịch là vây hãm cô lập chiến trường Tây Nguyên, vây hãm về chiến thuật là vây hãm mục tiêu định tiến công tiêu diệt. Giữa vây hãm chiến dịch và vây hãm chiến thuật thì vây hãm về chiến dịch phải được thực hiện trước một bước. Trong vây hãm chiến thuật có thể có mục tiêu phải hình thành vây hãm trước rồi mới tiến công, đột phá và cũng có thể có mục tiêu phải thực hiện vây hãm trong quá trình tiến công, đột phá.


Do đó vây hãm phải kết hợp chặt chẽ với tiến công, đột phá; thực hành vây hãm phải tạo cho được bàn đạp tiến công và thời cơ tiến công, đột phá. Phải vây hãm được địch rồi mới tiến công, đột phá và ngược lại phải tiến công, đột phá mãnh liệt để tạo điều kiện phát triển vây hãm trong trường hợp mục tiêu định vây hãm tiếp phải hình thành trong quá trình tiến công, đột phá.


Thực hiện được vây hãm tức là ta đã trói địch lại mà đánh. Một kẻ địch đã bị trói như vậy thì chỉ còn con đường đầu hàng hay tháo chạy, hoặc để ta tiêu diệt đến tên cuối cùng mà thôi.

So sánh chung lực lượng ta với địch trên toàn chiến trường thì có mặt ta hơn địch không nhiều, có những mặt ta lại kém địch. Thế nhưng, thực tiễn chiến đấu đã chứng minh: khi địch sa vào thế vây hãm, chia cắt của ta thì ngay từ giai đoạn đầu của chiến dịch, ta đã tập trung được ưu thế lực lượng so với địch ở khu vực chủ yếu. Trận Buôn Ma Thuột, so sánh lực lượng đôi bên, ta thấy: về bộ binh, ta 5,5 - địch chỉ có 1; về xe tăng, xe bọc thép, ta 1,2 - địch 1; về pháo lớn, ta 2,1 - địch 1. Nếu trong quá trình phát triển chiến dịch, thế trận bao vây chia cắt vẫn vững vàng, ta tiến công quân địch ở chỗ nào diệt gọn chúng ở chỗ đó, thì ta còn có thể cơ động tập trung lực lượng lớn hơn để thực hiện tiến công hợp điểm vào mục tiêu lớn hơn nữa, và cứ như thế tăng dần sự tập trung lực lượng, lần lượt tiêu diệt đến tên địch cuối cùng một cách thuận lợi mà chúng không có cách gì cứu vãn nổi.


- Bí mật, nghi binh: nghi binh phải tiến hành song song với giữ bí mật.

Trong chiến dịch, ta dùng 1 sư đoàn (thiếu) làm nhiệm vụ nghi binh thu hút địch ở hướng Kon Tum và Plây Cu. Hoạt động nghi binh phải phối hợp chặt chẽ với hoạt động đánh chia cắt địch làm chúng hoang mang, phán đoán sai lầm, phân tán sự đối phó và khi đã biết được đích xác hướng tiến công của ta thì chúng cũng không còn cách gì chống đỡ được nữa.


Thế trận của chiến dịch là một thế trận hoàn chỉnh. Ta phải bí mật triển khai lực lượng để hình thành thế trận đó. Giữa chia cắt, vây hãm, tiến công và nghi binh phải có sự kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ trực tiếp cho nhau để tạo ra thời cơ cho chiến dịch. Đương nhiên, chiến dịch phát triển được thuận lợi hay không còn tùy thuộc vào nghệ thuật chỉ huy và hành động của các binh đoàn, bộ đội binh chủng hiệp đồng chiến đấu. Song bày được một thế trận hay là cơ sở cho người chỉ huy chủ động điều khiển chiến dịch biến hóa nhịp nhàng, trong quá trình diễn biến của chiến dịch có thể nhanh chóng khắc phục được những khó khăn do địch chống cự gây ra và luôn luôn tạo ra được tình thế mới, thời cơ mới thuận lợi hơn.


Bày được thế trận đó ở Tây Nguyên tức là ta đã thực hiện mưu kế của ta nhằm đạt được ý đồ dùng vài ba đòn chiến dịch để tiêu diệt quân đoàn 2 địch và giải phóng Tây Nguyên.

Về phương án đánh Buôn Ma Thuột - trận mở đầu then chốt của chiến dịch Tây Nguyên, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ.

Xuất phát từ nhiệm vụ chiến dịch, đặc điểm tình hình ta - địch, điều kiện chiến trường... đặc biệt là căn cứ vào sự phân tích thủ đoạn phòng ngự và biện pháp tăng cường dự phòng của địch, ta đã đề ra hai phương án tác chiến để bảo đảm đánh chắc thắng.


Phương án 1: Đánh quân địch chưa có phòng ngự dự phòng.

Như ta đã biết, lực lượng địch ở Buôn Ma Thuột cơ bản gồm có các đơn vị chủ lực: 1 trung đoàn bộ binh, 2 chi đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo binh; các căn cứ: hậu cứ sư đoàn 23 và các đơn vị trực thuộc, hậu cứ trung đoàn 45 bộ binh, hậu cứ trung đoàn 8 thiết giáp, hậu cứ trung đoàn 232 pháo binh; sân bay thị xã; các đơn vị địa phương: 2 đại đội bảo an, 9 trung đội dân vệ, 800 cảnh sát các loại, các lực lượng bảo an, dân vệ quận lỵ chi khu, ấp chiến lược và trung đoàn 23 (thiếu) cùng lính bảo vệ ở sân bay Hòa Bình. Tổng cộng khoảng 8.410 tên.


Trong quá trình ta tiến công vào Buôn Ma Thuột, địch có thể cơ động đến thêm 2 - 3 trung đoàn hoặc liên đoàn quân biệt động. Nhưng trong điều kiện ta khóa được đường bộ, địch phải cơ động bằng đường không, thì sau khi ta nổ súng từ 2 đến 3 ngày, địch mới có thể cơ động đến 1 trung đoàn và sau 3 đến 5 ngày mới có thể cơ động đến trung đoàn thứ hai.


Nếu đến ngày N (ngày quy định nổ súng của cấp trên) tình hình địch vẫn không có gì thay đổi thì các lực lượng của ta tham gia trận đánh gồm có:

- 1 sư đoàn tăng cường (Sư đoàn 316 tăng cường trung đoàn 95A và tiểu đoàn 5 của Sư đoàn 10),

- 1 trung đoàn đặc công (trung đoàn 198),

- 2 trung đoàn cao xạ (trung đoàn 232 và trung đoàn 234),

- 2 cụm pháo binh (trung đoàn 40 và trung đoàn 675),

- 2 trung đoàn công binh (trung đoàn 7 và trung đoàn 575),
   
- 1 trung đoàn xe tăng - xe bọc thép (trung đoàn 273),

- 1 trung đoàn thông tin (trung đoàn 29).

Ta dùng cách đánh như sau: đánh bên ngoài thị xã kết hợp với đánh trực tiếp vào thị xã, lấy đánh trực tiếp vào thị xã làm chủ yếu; kết hợp đột phá với đặc công luồn sâu, bộ binh và xe tăng - xe bọc thép thọc sâu, chia cắt và cô lập địch ra từng khu vực, dùng đột phá kết hợp với thọc sâu làm chủ yếu để tiêu diệt địch.


Trong thị xã có 5 khu vực mục tiêu: sân bay thị xã, trận địa pháo binh - thiết giáp, tiểu khu Đắc Lắc, sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy với các phân đội trực thuộc, khu kho Mai Hắc Đế. Sở chỉ huy sư đoàn 23 được xác định là mục tiêu chủ yếu, tiểu khu Đắc Lắc và trận địa pháo binh - thiết giáp là mục tiêu quan trọng.


Ngoài thị xã có các khu vực mục tiêu liên quan, trực tiếp bảo vệ thị xã gồm: hậu cứ trung đoàn 45 thuộc sữ đoàn 23 ờ dọc hai bên đường 21 cách thị xã 2km về phía đông; sân bay Hòa Bình và hậu cứ trung đoàn 53 thuộc sư đoàn 23 ở cách thị xã 5km vẽ phía đông, đông - nam và các điểm cao Chư Duê, Chư E Bua, 596, 491,... cùng các ấp chiến lược ở sát xung quanh thị xã.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1427



« Trả lời #133 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 08:04:55 am »

Căn cứ vào hình thái bố trí phòng ngự, tính chất các mục tiêu của địch và tình hình địa hình, ta xác định ba hướng tiến công: hướng bắc, hướng tây - nam và hướng nam, lấy hướng bắc làm hướng chủ yếu.


Về đội hình chiến đấu, ta tổ chức thành bốn mũi tiến công và một đội dự bị mạnh. Khi thông qua, Bộ chỉ huy tiền phương, Bộ Tổng tư lệnh có bổ sung thêm một mũi thọc sâu nữa là năm mũi. Các mũi tiến công đều tổ chức lực lượng đột kích bằng binh chủng hợp thành cỡ tiểu đoàn, trung đoàn, trang bị tương đối mạnh. Trong năm mũi tiến công thì bốn mũi có xe tăng - xe bọc thép (đông - bắc, tây, tây - bắc và tây - nam). Còn mũi vào hướng đông - nam do phải cơ động xa, qua nhiều địa hình phức tạp, nên không tổ chức xe tăng cùng đi được. Để thực hiện cách đánh và giữ bí mật, các mũi đột kích không bố trí sẵn ở vị trí xuất phát tiến công mà tập kết ở một đia điểm cách mục tiêu tiến công từ 15 - 20 - 25km. Trong khi đó, ta tổ chức các đơn vị đặc công, bộ binh luồn sâu, ém sẵn, đánh chiếm một số mục tiêu xung yếu tạo thời cơ, đồng thời tổ chức một số trận địa pháo ĐKB, H12, dùng hỏa lực tập kích gây thiệt hại cho địch và tổ chức các đơn vị công binh, bí mật làm đường cơ động tới gần các khu vực mục tiêu tiến công địch.


Ta tổ chức phản chia nhiệm vụ và hành động hiệp đồng cho các đơn vị như sau:

- Các đơn vị đặc công, có bộ binh theo sau, luồn áp sát mục tiêu và được ưu tiên nổ súng trước, bất ngờ đánh chiếm sân bay thị xã phát triển vào chiếm và chốt Ngã Sáu trong thị xã; đánh chiếm khu kho Mai Hắc Đế và sân bay Hòa Bình, nhằm cắt ngay nguồn cung cấp vật chất và khả năng cơ động tăng viện hoặc tháo chạy bằng đường không của địch, đồng thời tạo điều kiện cho các lực lượng đột kích vận động vào chiếm lĩnh trận địa tiến công.

- Một số đơn vị bộ binh do các hướng phái ra, bí mật chiếm lĩnh trận địa, sau khi đặc công nổ súng thì tập kích đánh chiếm Chư E Bua, Chư Duê, điểm cao 491, 596 để làm bàn đạp hình thành thế bao vây tiến công địch.

Khi các đơn vị đặc công, bộ binh đánh chiếm các mục tiêu theo nhiệm vụ được phân công thì các đơn vị pháo binh dùng hỏa lực tập kích vào sở chỉ huy sư đoàn 23, khu trung tâm thông tin, tiểu khu Đắc Lắc gây cho địch thiệt hại, rối loạn chỉ huy và phải đối phó lúng túng.


Lợi dụng thời cơ địch đang phải đối phó với các hoạt động đặc công, tập kích, pháo kích của ta, các đơn vị công binh nâng cao hiệu suất bảo đảm đường sá vào sát thị xã, các mũi đột kích binh chủng hợp thành và các binh chủng kỹ thuật, xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ, nhanh chóng cơ động, công binh làm đường đến đâu cơ động ngay đến đó, bỏ qua các mục tiêu bên ngoài, áp sát ngay vào thị xã hình thành thế bao vây chặt, chuẩn bị chiến đấu khẩn trương rồi kết hợp chặt chẽ với thọc sâu bất ngờ tiến công, đột phá trận địa địch liên tục.


Do tình hình địch và địa hình có nhiều khó khăn phức tạp, cự ly vận động của các hưỏng xa gần khác nhau, nên thời gian xuất phát tiến công của các hướng không thống nhất. Hướng đông - bắc, tây - bắc có điều kiện thuận lợi, ở cự ly gần hơn thì vận động vào chiếm lĩnh trận địa, tổ chức tiến công đánh chiếm ngay trận địa pháo binh, thiết giáp và tiểu khu Đắc Lắc, phát triển áp sát vào phía bắc và đông - bắc sở chỉ huy sư đoàn 23. Đồng thời mũi thọc sâu phía tây cũng áp sát và đánh ngay vào sở chỉ huy sư đoàn địch. Trong khi đó, các mũi trên hướng nam phải nhanh chóng vận động chiếm lĩnh bằng được trận địa tiến công của mình, hiệp đồng với các hướng đông - bắc, tây - bắc và mũi thọc sâu để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở phía tây - nam và đông - nam sở chỉ huy sư đoàn 23. Sau khi tiêu diệt xong quân địch trong thị xã sẽ quay ra diệt nốt các mục tiêu quân địch ở xung quanh thị xã để giải phóng thị xã một cách triệt để.


Về việc cơ động của hướng nam, ta dự kiến hành động một cách táo bạo: theo kế hoạch tác chiến chiến dịch, ta đánh Đức Lập ngày 9 tháng 3, thì ngay từ chiều 9 tháng 3 lực lượng đánh Buôn Ma Thuột sẽ được phép sử dụng một số đơn vị pháo bản chế áp các mục tiêu địch cản trở đường cơ động của ta, bắt chúng phải co vào trong vị trí, không dám ra sục sạo, bảo đảm cho công binh ta làm đường và chuẩn bị bến vượt sớm hơn. Có đường đi sớm rồi, các mũi đột kích hướng nam phải tính toán thời gian vận động cho chính xác để kịp vào chiếm lĩnh trận địa tiến công và cùng các hướng thực hiện giờ G thống nhất. Đánh hiệp đồng binh chủng phải tập trung sức mạnh vào cùng một thời điểm, trong một không gian nhất định, theo một kế hoạch thống nhất thì mới phát huy được sức mạnh chiến đấu của các binh chủng, mau chóng đánh ngã được kẻ địch để giành thắng lợi.


Phương án 2: Đánh quân địch đã có lực lượng tăng cường phòng ngự dự phòng.

Đây là trường hợp địch đã phát hiện được hành động chuẩn bị tiến công của ta hoặc phán đoán ta sẽ tiến công thị xã Buôn Ma Thuột nên đưa lực lượng đến tăng cường phòng ngự dự phòng. Ngoài số lực lượng địch đã có sẵn như phương án 1, chúng có thể tăng cường thêm 1 - 2 trung đoàn, 1 thiết đoàn, 1 - 2 tiểu đoàn pháo binh, đưa tổng số quân chủ lực ở Buôn Ma Thuột lên 2 - 3 trung đoàn, 2 thiết đoàn thiếu, 3 - 4 tiểu đoàn pháo binh, về bố trí lực lượng, chúng có thể dùng từng trung đoàn thiếu hoặc trung đoàn bố trí trên một hướng, lấy đơn vị là tiểu đoàn kết hợp với xe tăng - xe bọc thép để tổ chức phòng ngự. Chúng có thể chiếm lĩnh các điểm cao khống chế, các công sự chuẩn bị sẵn và các kiến trúc để hình thành tuyến phòng ngự vòng ngoài thị xã. Về hình thức phòng ngự dự phòng, chúng có thể có bộ phận ở trong chốt cố định, có thể có bộ phận lưu động và có thể có lực lượng bộ binh - xe bọc thép dự bị sẵn sàng cơ động đối phó với ta. Hướng địch chú ý phòng ngự dự phòng là hướng tây, tây - bắc và bắc.


Căn cứ vào dự kiến trên, ta sẽ sử dụng từ 2 đến 3 sư đoàn và toàn bộ bộ đội binh chủng kỹ thuật của chiến dịch. Ta phải thực hiện "đánh chắc, tiến chắc và đột phá liên tục". Trước hết, một bộ phận lực lượng bất ngờ đánh chiếm một số mục tiêu làm bàn đạp và cửa mở, đưa lực lượng vào triển khai hình thành thế trận bao vây, kéo quân địch ra phản kích để tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của chúng và tạo thời cơ đánh chiếm thị xã. Tiếp đó, lực lượng đột kích binh chủng hợp thành thực hành tiến công vào thị xã trên ba hướng: đông - bắc, tây - bắc và nam, lấy hướng nam làm chủ yếu và hướng vào ba mục tiêu quan trọng nhất là: sở chỉ huy sư đoàn 23, khu xe tăng - xe bọc thép, trận địa pháo và tiểu khu Đắc Lắc, trong đó sở chỉ huy sư đoàn 23 vẫn là mục tiêu chủ yếu. Trong quá trình tiến công, bộ phận lực lượng dự bị của chiến dịch phải sẵn sàng đánh quân địch đến tăng viện, chủ yếu là quân cơ động bằng máy bay lên thẳng hạ cánh xuống các khu vực cách thị xã 1 - 3km về phía đông, đông - bắc và đông - nam. Các hướng tiến công cũng phải sẵn sàng có lực lượng phối hợp với bộ phận dự bị của chiến dịch đánh quân tăng viện đổ quân xuống phạm vi hướng mình phụ trách.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1427



« Trả lời #134 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 08:05:39 am »

Đánh quân địch theo dự kiến của phương án 2 là một trận đánh gay go, quyết liệt và còn có thể có những khó khăn, phức tạp ta chưa lường hết vì chưa có quân địch cụ thể. Do đó công tác chuẩn bị cho trận đánh phải tiến hành thật chu đáo khẩn trương, đặc biệt là việc bám nắm địch phải được tổ chức chặt chẽ để nhanh chóng phát hiện địch. Khi chúng xuất hiện, phải tổ chức điều tra cụ thể, kịp thời bổ sung cho phương án tác chiến đầy đủ, chính xác. Nếu quân địch xuất hiện không giống như dự kiến thì phải căn cứ vào tình hình thực tế để chấn chỉnh tổ chức phân chia nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng chiến đấu cho phù hợp.


Hai phương án có hai cách sử dụng lực lượng và vận dụng cách đánh cụ thể khác nhau, mỗi phương án đêu có những khó khăn riêng. Nhưng phương án 2 đòi hỏi công tác chuẩn bị phải làm công phu hơn, số lượng đơn vị, vật chất khí tài nhiều hơn và kế hoạch hiệp đồng chiến đấu cũng phức tạp hơn phương án 1. Do đó, trong công tác chuẩn bị chiến đấu phải chuẩn bị cho cả hai phương án thật tốt, và lấy phương án 2 - phương án khó nhất - để triển khai mọi công tác chuẩn bị cho đầy đủ, mặt khác vẫn phải ra sức giữ bí mật và tích cực hoạt động nghi binh để tranh thủ thực hiện được phương án 1.


Đến ngày quy định, cài thế chiến dịch xong, địch vẫn không biết hướng ta tiến công, không có lực lượng đến tăng cường phòng ngự dự phòng, ta đánh theo phương án 1 trong điều kiện chuẩn bị theo phương án 2 thì rõ ràng có nhiều thuận lợi hơn. Chuẩn bị như trên là cách làm một công được đôi ba việc mà việc nào cũng đạt được ý định.


Việc xây dựng phương án tác chiến chiến dịch và trận đánh vào Buôn Ma Thuột được tiến hành tỉ mỉ và chặt chẽ. Ngày 25 tháng 2 năm 1975, Bộ chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tư lệnh đã soát lại cụ thể các phương án và bổ sung những ý kiến đầy đủ hơn. Bộ chỉ huy tiền phương nhấn mạnh các sư đoàn, các đơn vị binh chủng tham gia chiến dịch, đánh trận then chốt quyết định, phải chú ý ba mục tiêu là: tiểu khu Đắc Lắc, sở chỉ huy sư đoàn 23, sân bay Hòa Bình; phải nghiên cứu bước 1, hiệp đồng các hướng đánh ngay vào đầu não, do đó cần có một mũi thọc sâu bằng binh chủng hợp thành có cả xe tăng - xe bọc thép vào phía tây, mũi đông - bắc và phía nam cũng cho thọc vào sở chỉ huy sư đoàn 23. Các mũi tiến công phải tận dụng hỏa lực đi cùng để giải quyết mục tiêu, không ỷ lại hỏa lực của pháo chiến dịch. Phải bảo đảm cho lực lượng dự bị nhanh chóng cơ động từ Đức Lập sang sẵn sàng đánh địch phản kích từ hướng đông tới.


Để thực hiện phương án tốc chiến, mọi công tác tiếp tục chuẩn bị chiến đấu gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đòi hỏi các cơ quan, các ngành, các sư đoàn, các đơn vị binh chủng phải làm rất công phu và kiên trì dũng cảm.


Ngay từ khi làm kế hoạch hiệp đồng động tác và hiệp đồng tác chiến, ta đã phải bảo đảm chính xác đến từng phân đội chiến đấu, từng khẩu pháo kéo vào trận địa, từng xe đạn, từng chiếc xe tăng vượt qua rừng rậm sông sâu, xuyên qua đồn bốt tiền duyên địch, từng dây điện thoại bắc qua một con đường,... để hiệp đồng cùng bộ binh thực hành đột kích. Việc hiệp đồng không phải chỉ tiến hành trên một hướng mà trên nhiều hướng của chiến dịch, nhiều trận đánh trên toàn chiến trường. Kế hoạch hiệp đồng cũng phải làm rất công phu để bảo đảm nguyên tắc bí mật, bất ngờ, chính xác về nhiệm vụ, thời gian, mục tiêu, địa điểm và hành động của tất cả các sư đoàn, các đơn vị binh chủng, hiệp đồng giữa hướng chủ yếu với hướng thứ yếu, giữa hỏa lực và đột kích, giữa bộ binh với xe tăng, giữa phía trước và phía sau, giữa cấp trên với cấp dưới một cách chính xác và chặt chẽ.


Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chiến đấu nhưng lại phải chuẩn bị trong điều kiện hạn chế, cán bộ các sư đoàn, các binh chủng phải quy định ngày và từng giờ trong đêm để thay nhau mò vào sát trận địa địch, thống nhất với nhau về mục tiêu, về địa điểm bố trí, về cách đánh và về hướng phát triển. Các đơn vị đặc công phải tiến hành chuẩn bị công phu và thật táo bạo mới kịp thời gian quy định. Đơn vị tiến công nghi binh nhủ địch, thu hút sự chú ý, phân tán sự đối phó của chúng cũng phải nghiên cứu thời gian, lực lượng, mục tiêu, hướng nghi binh sao cho phù hợp để đạt được mục đích dành bí mật bất ngờ cho chiến dịch. Các trung đoàn pháo binh, cao xạ, xe tăng - xe bọc thép tiến hành mọi mặt chuẩn bị cũng gặp không ít khó khăn: trên chặng đường dài 200 - 300km phải ngày nghỉ, đêm đi, vượt đèo lội suối, phải bảo đảm xăng dầu, kỹ thuật và giữ bí mật trên dọc đường, trong điều kiện đường trơn, xe cộ hỏng hóc và ùn lại ngổn ngang,...


Các đơn vị bảo đảm và phục vụ chiến đấu đã tiến hành công tác chuẩn bị với tinh thần nỗ lực vượt bậc để khắc phục khó khăn.

Các trung đoàn công binh phải đêm ngày hoạt động trên nhiều tuyến đường: có đoạn phải san rừng, xẻ núi, bắc cầu, làm đường mới hoàn toàn; có chỗ tận dụng được các đường có sẵn hoặc theo vết xe chở gỗ xuyên rừng; có những nơi phải làm qua nương rẫy gần các ấp chiến lược, các đồn bốt tiền duyên. Anh em phải bí mật triển khai, cưa cây sẵn nhưng chưa cho đổ, khi cần vượt qua mới phá đổ hẳn cho nhanh. Đặc biệt những chỗ phải vượt sông trong vùng địch, không những phải tính toán khối lượng phương tiện, nhân công mà còn phải tính toán cả những khả năng vừa chiến đấu vừa vận chuyển ghép phà và giữ các loại bến phà nặng, bến phà nhẹ, bảo đảm cho từng đoàn xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe vận tải dưới bom đạn vẫn an toàn vượt qua đúng thứ tự đội hình, vào tới vị trí kịp giờ G. Chỉ tính con đường phục vụ cho trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột cũng phải làm tới 367km (có 226km khôi phục đường cũ, 141km đường mới), 3 bến phà (1 bến 50 tấn, 2 bến 35 tấn), 18 ngầm,...


Trung đoàn thông tin phải bảo đảm liên lạc với nhiều đối tượng, đồng thời còn phải bảo đảm vững chắc trong nhiều tình huống trên một địa bàn rộng. Có đơn vị ở xa hàng trăm ki-lô-mét không được phép dùng vô tuyến điện để giữ bí mật, cán bộ thông tin phải trèo đèo lội suối luồn vào lòng địch, bắt liên lạc với đơn vị đó để chuyển đạt nhiệm vụ. Có những đường dây rải kín đến nỗi sau quay trở lại cũng khó tìm. Có trường hợp quá xa, phải từ hai đầu đối tượng vượt rừng rậm sông sâu sẵn sàng bí mật chờ đợi ở hai bên bờ sông khi điều kiện cho phép mới được bơi qua sông tìm gặp nhau để nối mạch điện.


Song song với sự nỗ lực chuẩn bị của các sư đoàn và bộ đội binh chủng, công tác hậu cần cũng được xúc tiến với một nhịp độ mạnh mẽ. Các đơn vị vận chuyển chiến lược, chiến dịch hoạt động tích cực không kể ngày đêm trên các hướng của chiến dịch. Các kho trạm vật chất, bãi xe, bãi xăng dầu, đường ống, các trạm cấp cứu, các bệnh viện dã chiến,... đều có những cố gắng vươn lên chuẩn bị đi trước một bước (thực hiện bí mật đến gần) để bảo đảm cho chiến dịch không những không thiếu lương thực, đạn dược, khí tài,... mà còn có lượng dự trữ chiến đấu lâu đài.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1427



« Trả lời #135 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2023, 08:06:30 am »

Trong lúc bộ đội chủ lực tích cực khẩn trương chuẩn bị chiến dịch thì các cơ quan Dân Chính Đảng, bộ đội địa phương, dân quân và đồng bào vùng giải phóng (những địa phương ta huy động) cũng tích cực phối hợp chuẩn bị chiến đấu và đấu tranh trực diện với địch. Theo kế hoạch của ta phổ biến, có địa phương rất nhiệt tình cử người đi dân công làm đường và đi tìm người thân ở vùng địch kiểm soát phao tin nghi binh đánh lừa địch, làm cho chúng hoang mang lo sợ và đối phó lúng túng.


Trong quá trình tiến hành những hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch, quân dân ta tuy gặp nhiều khó khăn trở ngại và làm rất khẩn trương táo bạo nhưng vẫn kiên trì vượt qua và triệt để giữ bí mật.

Ngay sau khi ta giải phóng Phước Long, địch phán đoán ta có thể đánh Đức Lập, Gia Nghĩa nên chúng điều một bộ phận lực lượng của trung đoàn 53 lên tăng cường dự phòng cho Đức Lập (sau này tên chuẩn tướng Lê Trung Tường, tư lệnh sư đoàn 23 bộ binh ngụy, bị bắt khai là: khoảng trước Tết âm lịch, hắn đến thăm Thiệu được Thiệu phổ biến "Sau Tết âm lịch, Việt cộng sẽ đánh Đức Lập, Bản Đôn, Kon Tum để thông đường hành lang, nối liền tuyến vận chuyển từ Bắc vào Nam").


Đi đôi với thủ đoạn tăng cường lực lượng dự phòng, địch còn dùng mọi biện pháp trinh sát, biệt kích, gián điệp để phát hiện ý định và lực lượng của ta. Tháng 1 năm 1975, địch cho nhau biết là ta "có hai sư đoàn ăn Tết trước và đang cơ động đi đâu chưa rõ".


Cũng trong tháng 1 năm 1975, quân ta cơ động chuyển quân và vận chuyển vật chất hậu cần với mật độ rất lớn, rất khẩn trương. Đồng thời ta còn tích cực hoạt động nghi binh: bộ binh liên tiếp mở các trận đánh nhở trên đường 19 đông, 19 tây và từ bắc thị xã Kon Tum đến bắc Gia Lai; đặc công đánh kho xăng Plây Cu, pháo cối đánh La Sơn và Thanh An, cao xạ đánh cầu Diên Bình; bộ đội đẩy mạnh các hoạt động làm đường 220, làm trận địa pháo, cơ động lực lượng nghi binh. Ta còn đưa tin và phao tin trong nhân dân rằng bộ đội cách mạng sẽ tiến công Kon Tum.


Địch bị thu hút vào các hoạt động nghi binh của ta, phán đoán ta sắp mở chiến dịch Tây Nguyên, lấy Kon Tum làm mục tiêu chủ yếu. Chúng điều các liên đoàn quân biệt động 6, 21, 22, 24 đến tăng cường dự phòng ở Kon Tum để đối phó với ta. Vì thế địch không phát hiện được cụ thể các sư đoàn của ta cơ động đi đâu.


Trong tháng 2 năm 1975, ta vẫn tiếp tục hoạt động nghi binh. Theo tin địch, chúng đã phát hiện được các lực lượng của ta ở Plây Cu, ngoài một sư đoàn và một trung đoàn đến từ cuối tháng 1 năm 1975, nay lại có thêm một sư đoàn nữa tới. Chúng phán đoán ta đánh Plây Cu là chủ yếu nên vội vàng lệnh cho liên đoàn biệt động 23 và các trung đoàn 44, 45 thuộc sư đoàn 23 để tảng cường phòng ngự dự phòng.


Nhưng tiếp đó địch lại được tin của địa phương Đắc Lắc cho biết năm nay ta sẽ đánh lớn ở Tây Nguyên, đánh Buôn Ma Thuột. Chúng lại hốt hoảng điều ngay trung đoàn 53 thiếu lên lùng sục để phát hiện ta ở khu vực Quảng Nhiêu, Buôn Hồ cách thị xã Buôn Ma Thuột trên 10km về phía bắc.


Khoảng giữa tháng 2 năm 1975, tại phía nam Plây Cu, một đơn vị của ta sơ hở để một hạ sĩ bị địch bắt, khai báo với địch là: ta đang cơ động lực lượng xuống phía nam; một sư đoàn chuẩn bị đánh Đức Lập; một sư đoàn chuẩn bị đánh Cẩm Ga, có bộ phận chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Ngày 19 tháng 2 năm 1975, địch vội vã điều ngay trung đoàn 45 xuống khu vực Cẩm Ga, Thuần Mẫn, để phối hợp với trung đoàn 53 thiếu lùng sục phát hiện quân ta trên dọc phía tây đường số 14.


Ta nhận định: trước một số sự việc, địch có thể nghi ta chuẩn bị đánh Đức Lập, Gia Nghĩa, Buôn Ma Thuột và cắt đường số 14 ở đoạn Cẩm Ga. Chưa có triệu chứng địch phát hiện được ý định và lực lượng chiến dịch của ta. Những hoạt động lùng sục của địch có tính chất bị động, rời rạc. Tuy nhiên ta vẫn cần phải đề phòng tình hình phức tạp xảy ra. Nếu địch sục sạo từ một tuần đến mười ngày không phát hiện thấy gì thì chúng có thể chuyển hướng sang nơi khác.


Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch vẫn chủ trương kiên trì giữ bí mật ý định và lực lượng ở khu vực tác chiến chủ yếu, tích cực khôn khéo hoạt động nghi binh hơn nữa để nhử địch về hướng bắc, tạo điều kiện cho quân ta tiếp tục chuẩn bị tốt ở hướng nam.


Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 320 hoạt động ở khu vực đường số 14, một mặt phải hết sức tránh đụng độ với địch, một mặt phải bám sát chúng. Đến gần ngày N, cũng tức là khoảng sau một tuần đến mười ngày, nếu địch lùng sục không phát hiện được ta, có thể có triệu chứng chúng tập trung để cơ động về hướng Buôn Ma Thuột, thì Sư đoàn 320 phải lập tức đánh giữ chân chúng lại. Đồng thời Bộ tư lệnh cũng lệnh cho Sư đoàn 968 hoạt động nghi binh theo kế hoạch, tích cực hoạt động để thu hút địch về hướng Kon Tum - Plây Cu.


Những ngày ấy, trung đoàn 45 ngụy ráo riết lùng sục vào các khu vực phía tây đường số 14, có chỗ sâu gần 10km, nhưng không tìm thấy dấu vết gì của quân ta mặc dầu Sư đoàn 320 vẫn bố trí trên hướng đó. Các hoạt động tung trinh sát, biệt kích, gián điệp để điều tra hướng cơ động của 2 sư đoàn quần ta cũng không đưa lại kết quả gì.


Cuối tháng 2 năm 1975, quân ta hoạt động mạnh ở Plây Cu, Kon Tum. Từ ngày 1 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 968 đánh nghi binh đã sử dụng lực lượng với những quy mô thích hợp cho từng mục tiêu và vận dụng các cách đánh có bài bản để tiến công địch ở phía tây - nam thị xã Plây Cu. Sư đoàn đã cùng một thời gian đánh các cứ điểm địch ở ngoại vi quận lỵ Thanh An, bức rút đồn Tầm, đánh chiếm dãy cao điểm Chư Ca Ra, Chư Gôi, 605, uy hiếp mạnh Thanh Bình, Thanh An ở tây - nam Plây Cu, đồng thời kết hợp đánh nhở ở hướng tây Plây Cu, bắc Kon Tum, làm trận địa pháo và huy động nhân dân rầm rộ làm đường. Trước khí thế tiến công nghi binh của quân ta, ngày 3 tháng 3 năm 1975, địch phải vội vã rút trung đoàn 45 đang lùng sục ở Cẩm Ga, Thuần Mẫn trở về Thanh An để đối phó. Trung đoàn 44 cùng một số liên đoàn quân biệt động ngụy cũng bị tiêu hao nặng và buộc phải nằm chết gí ở khu vực Plây Cu.


Do quân ta giữ được bí mật ý đồ và hành động, lại cũng do ta nghi binh có kết quả nên địch trở nên rất lúng túng. Chúng vẫn phán đoán ta đánh Plây Cu hoặc Kon Tum là chủ yếu. Có lúc ta được tin chúng định điều cả bộ chỉ huy sư đoàn 23 về Buôn Ma Thuột để sẵn sàng đối phó với quân ta nếu ta đánh Gia Nghĩa, Đức Lập. Nhưng sau không thấy chúng thực hiện. Theo lời khai của Vũ Thế Quang, sư đoàn phó sư đoàn 23 ngụy, sau khi hắn bị bắt: lúc đó địch cho những tin ghi nhận được là không có cơ sở, chúng vẫn nhận định ta ít có khả năng sử dụng lực lượng lớn để giải phóng Buôn Ma Thuột và nếu ta có đánh Đắc Lắc thì cũng chỉ có thể đánh các chi khu vòng ngoài, còn hướng hoạt động lớn của ta vẫn là bắc Tây Nguyên.


Thế là cùng với việc hoàn thành tốt mọi công tác chuẩn bị chiến dịch, kế hoạch nghi binh nhử địch, điều động và giam giữ chúng cũng thành công. Ở tỉnh Đắc Lắc và khu vực thị xã Buôn Ma Thuột, chủ lực địch vẫn chỉ có trung đoàn 53 thuộc sư đoàn 23, 2 chi đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo binh và quân bảo an, cảnh sát như bình thường mà thôi.


Thời cơ và điều kiện tiến hành kế hoạch bố trí lực lượng hình thành thế trận của chiến dịch và thực hiện kế hoạch tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột đã mở.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM