Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:36:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bạn chiến đấu - Tập 1  (Đọc 5801 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:09:55 am »

Tên sách: Bạn chiến đấu
Tác giả: Công-stăng-tanh Xi-mô-nốp
Nhà xuất bản: Văn học
Năm xuất bản: 1962
Người số hóa: macbupda

Bản dịch của Lê Phương. Dịch theo bản Pháp văn của Giuy-li và Gioóc-giơ Xô-ri-a — Nhà xuất bản «Let Éditeurs Français Réunis» 1954

CHƯƠNG I

Những ráng hoàng hôn tháng tư từng giải lớn sáng thấp thỏm trên thảo nguyên Mông-cổ. Giải tím đen, giải xanh lơ, xanh thẫm. Dưới cùng gần chân trời, sát với mặt đất, một giải vàng chuyển sang mầu đỏ gắt. Hoàng hôn báo hiệu sắp có gió, nhưng chiều lặng, lặng đến nỗi từng ngọn cỏ cũng nổi bật lên im lìm trong thảo nguyên. Thảo nguyên bắt đầu ngay sau căn nhà cuối làng, trải rộng và mất hút vào chân trời. Và chân trời ở cách xa bao nhiêu cũng không thể đoán được, vì không có lấy một gò đất nhô lên; thảo nguyên trải ra thăm thẳm và trơ trụi.

Căn nhà cuối cùng ở ven làng là trạm bưu điện. Đại úy Cli-mô-vít, như mọi ngày giữa tháng đến đó gửi thư chuyển tiền cho mẹ vợ ở Bô-bru-it-xcơ. Gửi xong, anh nhận hai bức thư vừa tới, một đúng là thư của mẹ vợ, một từ Mạc-tư-khoa. Anh bóc thư xem và gửi ngay hai tấm bưu ảnh chúc mừng nhân dịp Mồng một tháng Năm để trả lời.

Rồi anh rời khỏi căn nhà nhỏ ngạt thở — Ra đến ngoài, anh dừng lại dăm phút ngắm hoàng hôn trên thảo nguyên. Bức tường đất nện, sau trạm bưu điện, thực tế đã vạch ranh giới giữa thôn xóm và thảo nguyên.

Sau đó, không còn gì nữa, không còn lề đường, không còn hàng rào, vườn rau; thảo nguyên bắt đầu, đất nâu và nhẵn lỳ, phủ một lớp cỏ cao chưa chấm mắt cá chân.
 
Cli-mô-vít nhìn ra ngoài thảo nguyên, ánh sáng hoàng hôn nhợt đỏ, và tự mình cũng ngạc nhiên vì mắt không thể rời bỏ được một quang cảnh dù là khá quen thuộc với một người từng sống gần hai năm ở Mông-cổ.

Không khí yên lặng, ánh sáng đỏ của hoàng hôn làm anh nghĩ đến chiến tranh đương đến gần.

Cli-mô-vít nói to:

— Một ngày nào đó, nó cũng sẽ bắt đầu hệt như thế này.

«Nó» là chiến tranh. Nếu anh tự hỏi mình sao lại nghĩ đến chiến tranh đúng vào ngày này trong thảo nguyên, đứng trước hoàng hôn, anh sẽ khó có thể viện ra được một lý do xác đáng.

Thành phố Mông-cổ nhỏ, nơi binh đoàn xe tăng đóng quân hơn một năm nay với ban tham mưu và một đơn vị thiết giáp của một sư đoàn kỵ binh Mông-cổ, không mảy may giống với ý nghĩ của Cli-mô-vít về một thành phố, như Si-ta, nơi anh từng đóng quân, hay như Bô-bru-ít-xcơ và Prốt-xcu-rốp nơi trước kia anh công tác — Thành phố nhỏ này mất hút trong thảo nguyên mênh mông vắng lặng miền Đông Mông-cổ. Có ba con đường đi từ đó: con đường lớn, rất tốt, về phía tây, dẫn tới U-lan Ba-to; một đường khác về Đông Bắc, mỗi lúc một tiến gần biên giới Liên-xô và đi xa năm cây số nữa thì vượt khỏi biên giới, gần ga Boóc-xi-a. Đường thứ ba gần như bị lấp chìm trong thảo nguyên, đường này ít người qua lại và dẫn đến biên giới Mãn-châu.

Một con sông lạnh, nước xiết, sông Kê-ru-len, chảy gần thành phổ; quá về phía Đông, sang bên kia biên giới Mãn-châu, nó chảy vào hồ Đa-la-i-nô.

Không một căn nhà nào trong thành phố nhỏ này quá một tầng, và trên thảo nguyên, nhà cửa nhô lên thấp đến nỗi chỉ cần đi xa năm sáu cây số là không nhìn thấy gì ngoài những cột vô tuyến điện trên đường chân trời lượn sóng.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:28:45 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:11:44 am »

Ngoài ban tham mưu binh đoàn xe tăng, câu lạc bộ và doanh trại, trong làng chỉ có độ hai chục căn nhà nhỏ, chỗ ở của sĩ quan và gia đình, vài trụ sở của ban tham mưu sư đoàn Mông-cổ, hai cửa hàng hợp tác Mông-cổ và một căn nhà thấp bằng đất nện để chiếu phim — Nhà phần nhiều bằng đất trộn lẫn với với phân trâu bò và lông ngựa, không trát vôi, mà chỉ phủ một lớp sa thạch mầu vàng nhạt. Trong năm vừa qua, người Mông-cổ cũng xây nhiều nhà gạch hai tầng; câu lạc bộ cũng xây bằng gạch. Ba gian nhà khác, cũng bằng gạch, dành cho gia đình các sĩ quan, đang được xây.

Chung quanh trên thảo nguyên có rất nhiều lều vải, loại tròn lớn của người Mông-cổ, những y-uốc-ta, sưởi bằng lò gang.

Nói cho đúng ra thì chính những chiếc lều vải này tạo nên thành phố và cho nó vẻ đặc biệt của những thành phố nhỏ Mông-cổ, chưa có nhà ba, bốn tầng, phố xá hẳn hoi, vỉa hè và lòng đường như ở U-lan Ba-to.

Binh đoàn từ Si-ta chuyền đến những ngày đầu tháng chín 1937, một tuần trước ngày quân Nhật chọn nhằm xâm chiếm Mông-cổ bất thỉnh lình, chớp nhoáng đánh lấy U-lan Ba-to, tổ chức đảo chính và dựng lên một chính phủ bù nhìn như chúng đã dựng Phổ Nghi ở Mãn-châu.

Chính phủ Mông-cổ, phong thanh biết những mưu đồ của quân Nhật, liền đề nghị với Chính phủ Liên-xô cho Hồng quân sang đóng trên lãnh thổ của mình theo hiệp ước tương trợ.

Binh đoàn của Cli-mô-vít là một trong những đơn vị hồi đó sang Mông-cổ để ngăn chặn cuộc tấn công của quân Nhật — Bọn chúng chỉ dự định tiến đánh có quân đội Mông-cổ, không tính đến việc phải va chạm trực tiếp ngay với quân đội Xô-viết. Trước tình hình bất ngờ, chúng tự thấy không đủ lực lượng: năm sau, năm 1938, chúng muốn thử xem lực lượng giữa hai bên như thế nào và chúng chọn một điểm khác về phía Vla-đi-vốt-xtốc, gần hồ Hát-xan.

Đoán được năm thứ ba này, hè 1939, sẽ xảy ra những gì thật không phải dễ dàng. Dù sao, binh đoàn ở đây đã được một năm rưỡi, sẵn sàng lên đường tác chiến bất cứ lúc nào, bất cứ về hướng nào.

Năm trước các sĩ quan không được đi phép và có những lý do dễ đoán trước rằng năm nay các hạn nghỉf phép cũng sẽ hủy hết. Nhưng, mấy tháng vừa rồi tình hình tương đối yên tĩnh ở biến giới; chỉ có những hiện tượng nhỏ nhặt như thường lệ: cướp súc vật, bắn nhau giữa những đội kỵ binh tuần tra. Nhưng vẻ yên tĩnh này không nói lên gì cả.

Cố gắng xua đuổi những ý nghĩ nảy ra trước cảnh thảo nguyên, dưới hoàng hôn, Cli-mô-vít vừa bước đi, vừa dự tính đến khả năng một mùa hè yên tĩnh, đến những ngày nghỉ phép vào mùa thu để đi Mạc-tư-khoa, như đã hứa với vợ.

Còn hai cây số nữa mới đến nhà, anh bước gấp, những bước ngắn và đều. Đêm bắt đầu xuống nhanh theo như anh dự đoán và thường là ít khi lầm — thì chiếc đèn túi của anh đã gần hết pin — Đi qua hai dãy nhà nữa, anh thấy tiếc là đã mất thì giờ ngắm cảnh hoàng hôn; anh không có thói quen như thế.

Đêm. Những chiếc lều Mông-cổ chìm trong bóng tối. Chỉ còn những bóng nhà rất lờ mờ — Cli-mô-vít bấm đèn túi. Một luồng ánh sáng nhỏ trắng bệch nhảy múa trước mặt anh như con chó dắt chủ dõi theo một dấu chân.

Như Cli-mô-vít đã dự đoán, chưa về đến nhà đã cạn pin. Vòng sáng trên mặt đất nhòa quá rồi, không soi nổi đường, Anh nhìn đồng hồ và tắt đèn — Tám giờ. Anh cau mày nghĩ đến những điều trách móc mà vợ anh, Li-u-ba không khỏi dằn vặt anh vì đã đi thẳng đến bưu điện không rẽ qua nhà; thư chuyển tiền cho mẹ vợ đến ngày hôm sau gửi cũng được. Cũng như lần trước, anh không muốn giải thích cho vợ kiết anh muốn gửi ngay tiền sau khi lĩnh lương, để khỏi đưa món tiền này vào khoản chi thu gia đình và hơn nữa để khỏi phải nói việc này với Li-u-ba.

— Chào đồng chí đại úy! — Có tiếng chào ở phía sau, trong lúc vòng sáng một chiếc đèn túi loáng dưới chân anh.

Cli-mô-vít quay lại. Người vừa chào anh là Đa-vát-giáp, chỉ huy sư đoàn thiết giáp Mông-cổ.
 
— Muộn thế này mà còn ra đường à ? — Cli-mô-vít hỏi.

Đa-vát-giáp nhún vai:

— Phải. Tôi vừa ở ban tham mưu về thì thấy có người đến lều tìm. Còn anh?

— Tôi ở bưu điện về.

— Anh có nhận được thư không hay là vẫn cứ đợi hoài? Đa-vát-giáp hỏi, hơi lộ một chút tự hào, cũng như mọi lần khi anh có điều kiện tỏ ra là mình thạo tiếng Nga — Lịch sự, anh bấm đèn soi đường cho Cli-mô-vít nhiều hơn là cho mình.

— Phải, thư cũng lâu mới đến — Cli-mô-vít trả lời — Tôi vừa nhận được một bức thư từ Mạc-tư-khoa viết cách đây mười hai ngày và một từ Bô-bru-ít-xcơ, không hiểu sao, gửi cách đây từ hai mươi hai ngày.

— Xa thật... — Đa-vát-giáp nói — Anh có nhớ nhà chút nào không?

— Không có thì giờ mà nghĩ đến nữa — Cli-mô-vít trả lời — Xa-rít-sép không để tôi rỗi lúc nào. Và chắc là bản thân anh cũng có thể hiểu được điều đó sau những ngày vừa qua — Cli-mô-vít nói thêm có ý nhắc tới ba ngày diễn tập phối hợp, trong đó sư đoàn thiết giáp của Đa-vát-giáp cũng tham gia dưới sự chỉ huy của Xa-rít-sép phụ trách binh đoàn.

— Đồng chí Xa-rít-sép là một người khó tính — Đa-vát-giáp nói với một giọng khâm phục, trái với nghĩa đen trong câu nói của anh — Khó tỉnh lắm. Ông ta không để cho ai yên cả.

— Đúng thế — Cli-mô-vít thở dài nghĩ đến việc ngay buổi sáng nay Xa-rít-sép đã nhận xét đại đội anh là «trung bình» mặc dù đơn vị anh bắn tập rất khá, chỉ vì trung úy Op-si-ni-cốp chỉ huy trung đội ba, đã bắn kém. Chữ «trung bình» này lại cũng nhắc anh đến chuyện đơn vị thiết giáp Mông-cổ được Xa-rít-sép nhận xét là «khá» kỳ diễn tập vừa rồi. Điều đó khiến anh nghĩ rằng Đa-vát-giáp hình như muốn được nghe nhắc lại một lần nữa.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:12:33 am »

Mặc dù tính hơi bốc — và Cli-mô-vít coi đó là một khuyết điểm — Đa-vát-gìáp là một anh chàng trung hậu, nói cho anh ta thích cũng được.

— Đơn vị anh được điểm «khá» phải không?

— Vâng — Đa-vát-giáp nói và Cli-mô-vít đoán được nụ cười của anh ta trong đêm tối.

— Anh nên biết rằng thái độ của Xa-rít-sép rất khách quan — Cli-mô-vít nói tiếp — Ông ta, không có lối ngoại giao và cũng không để ý gì mấy rằng đây là diễn tập phối hợp đâu.  Khi ông ta nhận xét «khá» là khá thật, Xa-rít-sép không bao giờ cho điểm chiếu cố.

— Cũng chẳng bao giờ tôi nghĩ là đồng chí Xa-rít-sép lại sỉ nhục chúng tôi bằng một điểm chiếu cố — Đa-vát-giáp nói, vẻ tự hào — Tôi tin rằng nếu chúng tôi chỉ đáng được điểm «trung bình», đồng chí đó sẽ không cho chúng tôi một điểm khác.

— Đúng thế — Cli-mô-vít vừa trả lời vừa nghĩ đến việc tập bắn của đại đội mình buổi sớm.

— À, thế nào? anh thật không thấy buồn chán chứ? — Đa-vát-giáp quay lại câu chuyện lúc đầu. Ý anh còn thích nói nhiều hơn về cuộc diễn tập, nhưng không làm thế để tỏ ra nhũn nhặn.

— Nước anh ít cây quá — Cli-mô-vít bỗng nhiên nói — Các anh phải bắt đầu trồng đi. Không một khoảnh rừng, không một vườn quả. Đôi lúc cũng mệt!

Thật thế, từ khi đến đây, bất giác Cli-mô-vít đâm ra nhớ phong cảnh đất nước, nhất là rừng mà hàng trăm cây số quanh đây không có lấy một chút dấu vết:

— Anh cũng đừng nên để ý đến điều tôi vừa nói — Cli-mô-vít nói tiếp, anh ngại nhận xét của mình làm Đa-vát-giáp phật ý —Tôi quê ở Bi-ê-lô-ruýt-xi, tôi là người miền rừng, chính vì thế mà tôi cảm thấy thiếu rừng. Vả lại ai chẳng có một phong cảnh thích thú riêng.

Không những không phật lòng, Đa-vát-giáp còn phì cười. Danh từ «người miền rừng» làm anh buồn cười.

— Còn tôi, tôi là người của thảo nguyên, lúc nào tôi cũng thích thấy bầu trời trên đầu.

Đến lượt Cli-mô-vít bật cười.

— Chính vì thế mà các anh không thích đậy nắp xe tăng.

— Lúc nào tác chiến chúng tôi sẽ đậy lại, còn bây giờ trong thời gian diễn tập, người ta có thể hít thở không khí mát mẻ một chút.

Cli-mô-vít bỗng trở nên nghiêm trang.

— Và như thế là không đúng. Tôi thì gần như là không bao giờ tôi để mở nắp xe tăng. Tất cả những người của tôi trong lúc luyện tập đều đậy nắp xe tăng để làm quen với tình trạng nhìn không rõ, thiếu không khí, với mùi ét-xăng và mùi thuốc đạn — Lúc tác chiến, không như lúc diễn tập, không phải ta chỉ bắn ba bốn phát mà phải sử dụng hết số đạn.

Hai người đã đi đến căn nhà nhỏ nơi Cli-mô-vít và anh bạn hàng xóm Rút-xa-cốp chính trị viên một đại đội công binh, mỗi người ở một buồng.

— Thôi chào anh — Đa-vát-giáp vừa nói vừa nắm chặt tay Cli-mô-vít tỏ cho Cli-mô-vít hiểu rằng anh ta sẽ làm theo ý kiến Cli-mô-vít.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:14:04 am »

Ngồi trên ghế nhỏ, gần chiếc bàn có phủ vải nhựa, bé Mai-a, con gái Cli-mô-vít, đang ăn hay đúng hơn đang kiếm cách để không ăn món canh mẹ cầm thìa đút cho. Cô bé biến canh thành bong bóng, nó mê bong bóng và không thích canh.

Cli-mô-vít đặt tên con là Mai-a vì nó đẻ vào tháng năm năm ngoái, và cũng vì từ nhỏ anh đã thích tên đó, một tên có từ cách mạng tháng Mười — Vừa nhìn thấy bố, Mai-a thôi không thổi bong bóng nữa và bập bẹ một tiếng mà bố thì bảo là «ba... ba» mẹ thì bảo là «mạ... mạ» và bà An-na Xê-mi-ô-nốp-pa giá ở đây chứ không phải ở Bô-bru-ít-xcơ, thì nhất định sẽ bảo là «bà... bà».

Cli-mô-vít bỏ mũ để lộ đầu húi tóc ngắn và cười nụ cười rộng và hiền. Đối với những người không biết anh, nụ cười đó có thể là một sự đột ngột không thể có trên khuôn mặt rám nắng như đúc bằng đồng, da căng và đanh, má chắc nịch miệng ngậm lại, dáng kiên quyết và đôi mắt xám, nghiêm nghị, mở to, nhìn thẳng về phía trước.

Anh cởi khuy cổ áo va-rơ và ngồi phịch xuống một chiếc ghế dựa — Vợ anh hiểu ngay là anh mệt lắm, và ngoài ra còn bận nghĩ và bực mình về một chuyện gì mà anh muốn nói với chị.

Khi người ta đã sống hơn một năm trời bên một con người hà tiện lời nói như thế và hiểu rằng anh ta không có điều gì giấu diếm mà chỉ có những ỷ nghĩ nghiền ngẫm quá lâu trước khi nói ra, và điều đó là do cá tính — rốt cuộc ta sẽ hiểu giá trị của những phút im lặng đó đến mức có thể nhận ra được trên nét mặt của anh ta khá nhiều điều thầm kín mà người khác không thấy.

Cli-mô-vít là một người chân thật, không bao giờ anh kiểm soát những biểu hiện trên nét mặt mình, không cố nhịn cười khi muốn cười, và không cười khi không thích. Mặt anh phản ánh những điều anh nghĩ trong lòng; khi anh không muốn nói người ngoài nhận thấy ngay. Ngược lại lúc này, ta thấy rõ anh đang muốn, rất muốn, nói với vợ về một công việc hệ trọng.

Li-u-ba bế xốc nách con lên, lau mồm cho nó và bảo.

— Đi ngủ thôi, cô mình! Chào bố đi!

Ẵm con trên tay, chị ngồi bên chồng một lát; Mai-a vụng về áp đôi môi của mình vào má lạnh và đang còn giá sương thảo nguyên của bố.

Cli-mô-vít cười, bàn tay anh rám nắng, móng cắt ngắn nhẹ nhàng vuốt mái tóc hung hung của con gái. Anh cởi khuy thứ hai áo va-rơ, liếc nhìn cổ áo nhầu nát sau một ngày diễn tập và trong khi vợ cho con ngủ, anh bắt đầu đọc những tờ báo để sẵn trên bàn.

Báo từ Mạc-tư-khoa (Cli-mô-vít nhận được báo Sự thật và báo Sao đỏ) thường là đến chậm ba tuần, có khi một tháng. Những số mới nhất mà Cli-mô-vít bắt đầu đọc lướt qua, là từ cuối tháng ba. Hít-le vừa chiếm đóng Tiệp-khắc và đầu đề những tin tức kéo dài hàng cột báo cho biết chiến tranh như đang gấp rút tiến lại đến gần phía tây hơn là phía đông. Việc chiếm đóng Tiệp-khắc đưa chiến tranh đến sát địa phận phía tây Liên-xô, sát kề những cột kẻ vằn đường biên giới, những trạm gác, những chiếc mũ xanh lục của bộ đội biên phòng, và những thành phố những thị trấn mà Cli-mô-vít đã từng đóng quân, như Ca-mê-nét Pô-đôn-xcơ, Vô-lốt-sít-xcơ và Prốt-xcu-rốp.

Đối với một quân nhân như anh, chiến tranh là cuộc kiểm tra mà người ta chuẩn bị ròng rã cả một đời, nhưng không biết ngày nào nó đến. Anh đánh giá sáng suốt, tuy rằng khiêm tốn, những khả năng của mình, và biết rằng chính trong chiến tranh những khả năng ấy sẽ được tỏ rõ đầy đủ, nhưng đồng thời ý nghĩ chiến tranh sắp đến khiến anh không vui. Thật là không thoải mái khi cảm thấy ngày càng ít có khả năng, dù chỉ là để làm chậm thời gian chiến tranh bùng nổ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:15:31 am »

Cho con ngủ xong, Li-u-ba trở lại ngồi gần anh, chị ngạc nhiên trước nét mặt khó đăm đăm của chồng.

— Gì thế, Công-stăng-tanh ? — chị hỏi — Sao hôm nay anh có vẻ không vui thế.

Cli-mô-vít nói thẳng luôn.

— Vì hôm nay lúc tập bắn bia di động Op-si-ni-cốp bị điểm «kém» và vì hắn mà cả trung đội cũng bị «kém», cả đại đội chật vật lắm mới được điểm «trung bình». Op-si-ni-cốp như thế đấy! Thằng tồi! Hắn quýnh lên vì vợ sắp đẻ.

— Mà chị ta sắp đẻ thật, chỉ bây giờ hay lát nữa thôi.

— Thật đáng tiếc! — Cli-mô-vít nói đột ngột.

Chị đợi anh nói thêm điều gì nữa, nhưng anh im lặng.

— Giờ như thế là nghĩa thế nào nhỉ? — Cli-mô-vít đột nhiên quay lại phía vợ lúc đó đang mỉm cười thật — Em không hiểu gì cả mà em lại cười.

— Em không hiểu cái gì nào, anh Công-stăng-tanh? — Chị vẫn vừa mỉm cười vừa hỏi.

Cli-mô-vít cáu kỉnh nói:

— Em không hiểu là làm người không phải chỉ biết có đè con. Còn phải biết bảo vệ chúng nó! Những thứ như Op-si-ni-cốp...

Anh vung tay tức giận, thay cho lời muốn nói thêm.

— Nhưng rốt cuộc chị ấy cũng không thể thay đổi ý kiến được, vì hiện giờ chị đã ở bệnh viện — Li-u-ba nói giọng trang nghiêm nhưng chị vẫn cười.

— Chính thế — Cli-mô-vít nói — Và em, em không hiểu. Anh đứng dậy đi đi lại lại trong phòng.

— Nhưng cái gì cơ chứ, Công-xtăng-tanh? — chị bình tĩnh hỏi lại một lần nữa.

Chị đã hiểu lắm, nhưng chị muốn bắt anh phải thổ lộ hết.

— Em không thầy sự liên quan giữa việc thằng cha Op-si-ni-cốp đốn mạt, lúc tập bắn buổi sáng đã làm nhục cả trung đội của hắn với tất cả những cái này hay sao?

Anh nhấc chồng báo trên bàn lên rồi lại để rơi xuống.

— Chiều nay, anh mệt đấy — Li-u-ba nói.

— Thì có gì thay đổi? Không phải vì anh mệt nên anh mới nói thế.

— Thì em có bảo khác đâu — Li-u-ba nói giọng bình tĩnh —   Em rất hiểu tại sao anh nói thế. Nhưng em cam đoan là chiều nay anh mệt. Có đúng không?

— Cũng hơi mệt — anh nói vẻ ngượng nghịu như vừa thú nhận một hành động không tốt.

— Sự thật là anh không ngủ được đủ sáu giờ, anh cần phải nghỉ sau bữa cơm trưa.

— Em cũng biết là anh không thể về được, anh không có thì giờ. Em biết rõ chứ?

— Có, em biết.

— Thể mà em còn bảo anh trưa về nghỉ?

— Em chỉ muốn ngày nào anh cũng ngủ thỏa thuê — Và chị cười, nụ cười khiến anh chịu phép.

— Anh đã ăn bữa trưa ở ban tham mưu, anh không nói em cũng biết — Li-u-ba nói sau một giây im lặng — Em còn biết rằng anh không muốn ăn tối nữa.

— Em biết hết — Cli-mô-vít vừa nói vừa liếc nhìn vợ, anh nghĩ bụng thật không có điều gì thoát con mắt chị.

— Nhưng em không biết anh có thể uống một chén nước trà không — Li-u-ba nói.

— Sẵn sàng—Cli-mô-vít nói.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:17:13 am »

Li-u-ba ra ngoài hành lang nơi bố trí để thổi nấu chung ở một xó có một chiếc bếp lò, và ngoài ra trên bàn, phía trước cửa, còn có một chiếc bếp nhỏ đốt bằng dầu lửa để đun nước trà hay hâm lại món ăn mà không cần phải nhóm lò, khi Cli-mô-vít chỉ tạt về có nửa tiếng.

Ngồi một mình, Cli-mô-vít rút trong túi va-rơ ra hai bức thư anh vừa lấy ở Bưu điện — Anh không viết thư cho nhiều người và cũng ít ai viết thư cho anh, ngoài hai hay ba anh bạn cùng đơn vị, Rô-da Xa-mô-nốp-na, phụ trách nhà nuôi trẻ nơi trước kia anh ở, và một người bạn đồng học, Ác-tê-mi-ép, học hết năm thứ ba thì thôi và cũng vào học Trường quân sự, như Cli-mô-vít, anh này đóng đại úy và đang theo những lớp của trưởng đại học Phơ-run-dê. Bức thư từ Mạc-tư-khoa là của anh ta gửi.

«Cũng không thật chắc chắn lắm, nhưng có thể là chúng ta sẽ gặp nhau», Cli-mô-vít nghĩ thể khi đọc lại thư trong đó Ác-tê-mi-ép cho biết anh ta có ý muốn sang công tác ở Viễn Đông, sau khi tốt nghiệp ở đại học. Hắn vượt mình rồi, hắn đã học xong đại học Phơ-run-dê. Ai có thể nghĩ đến việc đó hồi còn ở trường?

Ở trường, Cli-mô-vít coi Ác-tê-mi-ép là một anh chàng khá, nhưng dù sao hắn ta cũng quá ham cái món «xe lết» — Đối với Cli-mô-vít, danh từ «xe lết» này tượng trưng cho tất cả những gì nông nổi, và thất thường trong cá tính Ác- tê-mi-ép: những buổi bỏ học để đi xe đạp hay đá bóng, những điểm số cao thấp, môn này được điểm «hai mươi», môn khác lại điểm «hai» và nhất là những dự định luôn luôn thay đổi, như chính Ác-tê-mi-ép đã nói, đi «từ nhà thám hiểm cực địa đến anh lính cứu hỏa».

Thời đó Cli-mô-vít trái hẳn Ác-tê-mi-ép: anh tự buộc mình không bỏ một giờ học nào, anh học đều tất cả các môn để môn nào cùng được điểm «khá» và từ nôm học lớp bảy anh đã biết rằng anh sẽ trở nên một quân nhân, không thể khác được.

Ác-tê-mi-ép và anh mới trở thành bạn thân từ ba năm nay — Cli-mô-vít. tình cờ đến nhà Ác-tê-mi-ép. Ác-tê-mi-ép tiếp anh như anh em ruột thịt và bắt anh phải ở nhà mình suốt tuần anh ở Mạc-tư-khoa. Lúc ấy, Cli-mô-vít vừa lấy vợ nhưng anh đi đến nơi nhận công tác có một mình. Trái với điều anh tưởng trước kia, mới chỉ vắng mặt có hai ngày mà anh đã thấy nhớ vợ và thời kỳ này, tâm hồn thẳng thắn nghiêm khắc của Cli-mô-vít thoạt nhìn còn có vẻ hơi khắc khổ rộng mở đón tình bạn.

Từ những năm còn đi học Cli-mô-vít cũng biết Ác-tê-mi-ép có thể là một người bạn tốt, nhưng đối với anh thật là một điều phát hiện mới khi thấy ở bạn không phải anh chàng «xe lết» cũ mà một người thật ra lúc nào cũng vui nhộn nhưng đồng thời còn là một sĩ quan khe khắt, cẩn thận và thấu hiểu nghề nghiệp.

Cli-mô-vít vốn quen không chịu lụy ai một chút gì, nay chịu ở nhà Ác-tê-mi-ép suốt một tuần vì ngay từ đầu và cho mãi mãi về sau, anh đã nhận tình bạn của Ác-tê-mi-ép, nhận sự chăm sóc đôi lúc vụng về, nhưng không hề gây khó chịu, nhận sự quan tâm chân thành của Ác-tê-mi-ép đối với cuộc đời, và sự nghiệp nó là lẽ sống của anh.

Về phần mình, Cli-mô-vít cũng rất chú ý đến cuộc đời Ác-tê-mi-ép như một người bạn chân thành, anh hỏi han rất lâu về việc học của Ác-tê-mi-ép ở trường đại học Quân sự, anh đọc kỹ và tán thưởng một bài ngắn mà hồi đó Ác-tê-mi-ép rất tự hào, nhan đề là; «về kinh nghiệm hành quân của một đại đội bộ binh trên một địa hình hoang dại» viết cho báo «Tin tức quân sự».

Sau khi nhận công tác ở đơn vị đóng trong một thành phố nhỏ gần Si-ta, một mặt anh viết thư cho Li-u-ba đến ở với mình, một mặt viết thư cho Ác-tê-mi-ép để giúp đỡ Li-u-ba trong việc đổi tàu ở Mạc-tư-khoa. Đối với Cli-mô-vít một người không muốn chịu ơn ai, đó là biểu hiện lòng tin cậy hoàn toàn.

Khi Li-u-ba qua Mạc-tư-khoa, Ác-tê-mi-ép không có mặt ở thành phố: anh bận đi dự diễn tập ba ngày ở nông thôn. Nhưng bố mẹ anh tiếp đón chị, còn mời chị ở chơi một ngày, giúp chị mua sắm ít đồ dùng ở thủ đô và đưa chị ra ga.

Việc này càng làm cho Cli-mô-vít cảm kích sâu sắc hơn, và từ đó trong những bức thư ngắn gửi Ác-tê-mi-ép, lần nào anh cũng gửi lời thăm hỏi bố mẹ bạn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:19:22 am »

Sau sáu tháng im lặng, bây giờ Ác-tê-mi-ép báo cho Cli-mô-vít biết tin bố mình đã từ trần. Tự hãm mình trong đau khổ, Ác-tê-mi-ép nói đến chuyện đó rất ngắn, ngắn quá đối với Cli-mô-vít vốn lớn lên trong cảnh mồ côi cả bố lẫn mẹ.

— Anh nhận được một bức thư của Ác-tê-mi-ép — Cli-mô-vít nói khi Li-u-ba trở vào.

— Em hiểu vì sao anh về chậm. Anh ra nhà Bưu điện phải không?

Cli-mô-vít sẵn sàng chờ đợi vợ rầy như lần trước, nhưng Li-u-ba thấy anh hết sức bực mình, nên lần này không nói gì.

— Anh ấy nói gì thế? — Li-u-ba hỏi.

— Anh ấy sắp sửa học xong đại học và muốn sang công tác ở Viễn-Đông. Có thể là chúng ta sẽ gặp anh ấy.

Li-u-ba đi ra phía đằng sau, Cli-mô-vít đến gần giá sách, ngăn dưới cùng có hai tấm ảnh không lồng khung mà chỉ để dựa vào những cuốn sách. Một tấm có chụp hình Cli-mô-vít, hồi còn đi học với mẩy người bạn năm thứ ba; họ đứng ngoài sân thượng, xếp hàng, bé trước lớn sau, Ác-tê-mi-ép đứng thứ hai bên phải, nom có vẻ khỏe mạnh, lực lưỡng hơn những bạn cùng tuổi, tóc bù xù và mặt hình như lấm tấm tản nhang. Cli-mô-vít ở phía cuối cùng bên trái, tóc húi ngắn, nhỏ bé, cau có, tay đút túi vẻ thờ ơ.

— Trông anh thật buồn cười! — Li-u-ba nhìn vào ảnh, vừa nói — Còn em, em chẳng có một tấm ảnh nào chụp vào năm học cuối cùng, năm thứ tư cả.

— Sao thế? — Cli-mô-vít quay về phía vợ hỏi.

— Người ta chụp ảnh chúng em và đem bày ở trường mỗi tấm bán ba rúp, mẹ không muốn cho em tiền — Khi em có tiền, thì hết ảnh — Thật vô lý, Li-u-ba nói vừa nhìn ảnh Cli-mô-vít, có ý tiếc. Chị vừa đột nhiên có ý muốn đưa cho chồng xem một tấm ảnh trong đó cũng có hình chị chụp hồi còn ở trường.

Chị nhìn tấm ảnh một lần nữa. Anh chàng khẳng khiu và cau có kia lại có thể là Cli-mô-vít của chị được chăng, cái anh chàng Cli-mô-vít mà chị đã gặp cách đây ba năm, hồi đó cũng giống hệt như bây giờ: một người vai rộng, rất quả quyết, rất chăm chú, lúc nào râu cũng cạo nhẵn và nhất là không thể tưởng tượng được rời bộ quân phục.

Cli-mô-vít sắp sửa nói cho vợ biết tin bố Ác-tê-mi-ép mất, nhưng đến phút cuối cùng anh đổi ý kiến. Mẹ Li-u-ba đã khá già, bà còn sống nhưng ở cách con gái xa quá.

— Có cả thư của An-na Xê-mi-ô-nốp-na nữa. Đây, em cầm lấy.

Li-u-ba ngồi cạnh bàn, đối diện với Cli-mô-vít, đọc lướt qua bức thư, đặc những nét chữ quá quen thuộc, những nét chữ mảnh và nắn nót đến nỗi người ta có thể mường tượng là người viết mím chặt môi viết từng chữ từ đầu đến cuối.

Bà An-na Xê-mi-ô-nốp-na, mẹ Li-u-ba, hay mím môi lắm — Và cứ mím môi như thế, miệng chỉ vừa hé mở, bà ta kể lể với rất nhiều chi tiết phong phú những lời bà than phiền về bà con, bạn bè hàng xóm láng giềng, vì sự độc bụng của các hạng người đối với bà, về đời sống đắt đỏ, thiếu thốn, và bà không quên nhắc lại điều là chẳng ai thích bà cả.

Bà là một người thiếu lòng nhân hậu, nhỏ nhen, một phụ nữ, như bà vẫn tự nói về mình, không bao giờ quên «cái gì được việc cho mình».

Li-u-ba yêu bố làm điện báo viên ở ga Bô-bru-ít-xcơ, ông cụ mất sớm, nhưng từ bé chị đã không mến mẹ. Mẹ chị chưa bao giờ làm một công tác gì hồi chồng bà còn sống, và cũng không làm gì sau khi ông cụ mất, mặc dầu bà chưa đến bốn mươi tuổi. Bà lĩnh một khoản tiền trợ cấp góa bụa ít ỏi, thêm vào đấy bà có số tiền hàng tháng người em rể ở Ki-ép «có một địa vị rất khá» như bà vẫn nói, gửi cho. Lâu lâu bà lại viết những bức thư dài thống thiết gửi họ hàng, thuộc gia đình bà cũng như gia đình chồng và thỉnh thoảng cũng nhận được tiền, hoặc đột nhiên bà quyết định đến ở nhà một người nào trong số đó ít hôm.

Mẹ Li-u-ba bao giờ cũng vẫn có cái chất càu nhàu, bất mãn, khó chịu, tiểu tư sản không chừa được. Xuất thân, như bà nói, «từ một gia đình khá giả» An-na là con một người lái buôn thuộc hàng hội thứ hai, xưa có một cứa hàng may quần áo phụ nữ ở Mô-ghi-lép — Vì yêu nên bà lấy bố Li-u-ba nhưng về sau, bà luôn luôn cằn nhằn với chồng cũng như với chính mình về cảnh túng quẫn của hai người. Bà nhắc đi nhắc lại luôn mồm rằng bà có thể tạo cho mình cuộc đời rất khác — Bà vẫn còn nhắc thế sau khi chồng chết, nhiều năm sau cách mạng, khi không còn «những gia đình khá giả», những lái buôn thuộc hàng hội thứ hai không còn «cái nhà của ông cha» ở Mô-ghi-lép, mà bà nhắc nhở đến quá nhiều.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:23:04 am »

Li-u-ba rất ngạc nhiên khi đi qua Mô-ghi-lép thấy «ngôi nhà» truyền thuyết nọ chỉ là một căn nhà gỗ bé có năm cửa sổ nhỏ, bây giờ là trụ sở may mặc của hợp tác xã thương binh, Năm mười lăm tuổi, vừa chân ướt chân ráo ở trường ra, Li-u-ba tìm được một chân đánh máy chữ và nuôi mẹ; càng ngày chị càng không hợp ý mẹ, càng ít yêu mẹ, và cũng có lẽ vì thế mà Li-u-ba không tranh luận với mẹ bao giờ, chị đưa cho mẹ tất cả số tiền mình kiếm được, không bớt một xu.

Như mọi lần, bức thư vẫn đầy những lời thân ái đường mật. — Bà cảm ơn Cli-mô-vít «yêu mến của bà» đã gửi tiền đúng hẹn và hỏi — xem anh có định gửi gì cho bà nhân ngày sinh nhật của bà không — một chiếc khăn quàng len thì tốt nhất «Người ta bảo ở chỗ anh khăn quàng đẹp lắm».

— Chiếc khăn quàng? — Cli-mô-vít hỏi, nhìn nét mặt của vợ — Em nghĩ thế nào?

— Em nghĩ rằng mẹ và em là hai người xa lạ đối với nhau — Em nghĩ thế từ lâu rồi, gần mười năm nay.

— Mười năm? — Cli-mô-vít nói, vừa ước lượng rằng hai người lấy nhau mới được ba năm. Li-u-ba đoán hiểu điều anh không nói ra.

— Anh tưởng rằng em chỉ mới nghĩ thế từ khi chúng ta lấy nhau hay sao?

Chị nói câu đó âu yếm, không oán trách. Anh ngước mắt nhìn khuôn mặt đẹp, đăm chiêu và tin cậy của vợ và tự bảo mình, dẫu sao thì cũng không phải Li-u-ba chỉ mới ra đời từ khi anh may mắn được gặp chị. Sau khi đời trường, chị đã sống bảy năm một cuộc đời độc lập, đánh máy chữ từ sớm đến chiều, nuôi mẹ; chị có một quan điểm về sự vật riêng độc lập đối với mẹ.

Ngày nay, không những Li-u-ba nghĩ như anh, mà cả anh cũng nghĩ như chị. Ngay tối nay, anh cũng đã vội vàng kể cho chị nghe những điều bực dọc của mình ở trường bắn, không phải chỉ để cho chị biết mà để hai người cùng đồng ý kiến, vì anh tin rằng vợ sẽ đồng tình.

— Li-u-ba?

— Dạ...

— Em đồng ý lấy anh ngay sau khi anh hỏi em? — Cli-mô-vít đột nhiên nói.

— Đúng thế.

— Em không do dự một phút nào?

— Không một phút.

Quả thật, chị không do dự.

— Phản ứng của mẹ lúc đó ra sao? Hồi đó em nói với anh là muốn hỏi ý kiến mẹ.

— Em không định hỏi ý kiến mẹ.

— Thế sao em lại nói vậy?

—  Em đã quyết định lấy anh rồi, em chỉ nói lại với mẹ để bà cụ đỡ phật lòng. Tất cả đều phải diễn ra như là em đã hỏi ý kiến.

— Mẹ trả lời em thế nào?

— Chẳng trả lời gì cả.

— Không trả lời gì cả à?

— Đúng ra, thì hầu như không trả lời

— Như thế là thế nào?

— Mẹ nói với em là kể thế cũng được đấy — có một cái gì trong giọng nói của chị làm Cli-mô-vít khó chịu.

— Cũng được hiểu theo nghĩa nào ? — anh hỏi lại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:25:03 am »

Li-u-ba ngước mắt nhìn chồng dò hỏi. Chị không muốn trả lời. Chị cảm thấy dù thế nào thì anh sẽ nhắc lại câu hỏi đó và chị nói, quả quyết:

— Theo nghĩa anh là trung úy và có lương hậu — Đúng theo nghĩa ấy.

— Chẳng có lẽ?

— Em cam đoan là đúng.

— Sao hồi ấy em không nói rõ với anh?

— Em không muốn.

— Thật khó chịu — Cli-mô-vít nói, giọng phiền muộn — Đến bây giờ, cũng vẫn thế.

— Đúng thế. Anh cũng thấy rõ là mẹ không ở với chúng ta — Cli-mô-vít nhìn vợ hỏi.

— Mẹ không sống với chúng ta, không phải vì bản thân mẹ không muốn, mà vì em yêu cầu mẹ nói là không muốn. Vì chính em không muốn — Li-u-ba nói thêm, dứt khoát muốn nói cho đến đầu đến đũa một câu chuyện chẳng thích thú gì nhưng từ lâu chị biết là không thể tránh được — Em không yêu mẹ. Lẽ dĩ nhiên là em cũng có yêu — chị nói vớt lại cho nó đúng nguyên tắc — Em yêu mẹ, nhưng em không mến và không hiểu được mẹ. Khi em quyết định lấy anh, em tự bảo ngay rằng hai người sẽ không ở với mẹ — Hoặc là em sống với mẹ, hoặc là em sống với anh. Chắc từ trước đến nay chưa bao giờ anh nghĩ đến điều đó? Ngay thời gian cách đây ít lâu khi sinh bé Mai-a, anh đã mời mẹ đến, có đúng không?

— Phải, đúng thế.

— Nhưng em, em viết thư yêu cầu mẹ đừng đến, và mẹ bực với em, còn với anh thì bà viết những bức thư ngọt như mía lùi. Tội nghiệp anh quá! — Li-u-ba nói thêm và đi vòng quanh bàn, chị áp má vào mặt chồng, để làm dịu bớt tác động của những lời vừa nói.

Có người gõ cửa.

— Cứ vào — Li-u-ba nói.

Cli-mô-vít ngoảnh đầu về phía cửa, thấy Rút-xa-cốp, chính trị viên đại đội công binh, người hàng xóm và là bạn thân nhất của anh trong binh đoàn.

— Vào làm một chén trà ? — Cli-mô-vít mời bạn.

— Cảm ơn, mình uống rồi.

Rút-xa-cốp ngồi xuống ghế và đặt ở trước mặt, trên bàn, nhiều tập báo xếp sắp thành hồ sơ và một chồng sách. Anh đến, cũng như mọi tối. Nếu không bận họp, anh đến chơi cờ với Cli-mô-vít hay mời Cli-mô-vít sang buồng mình và trong khi bạn suy nghĩ lâu mỗi một nước cờ, anh đứng lên ra chơi với ba đứa con anh, đứa bé nhất mới năm tuổi. Anh chung sống với On-ga Vơ-da-di-mi-rốp-na từ lâu rồi, từ thuở còn thanh niên, hồi nội chiến nhưng mãi về sau mới có con. Năm ba mươi tám tuổi, Rút-xa-cốp đã quá nhiều tuổi so với cấp bậc của anh. Sau 1920, khi đã giải ngũ, anh «làm việc dân chính» như anh vẫn nói; anh làm chủ tịch nông trường, rồi làm phó ban chính trị trong một trạm máy kéo — Anh mới trở lại quân đội cách đây hai năm.

Cli-mô-vít thích con người ít nói, kiên quyết và trầm tính có nhiều điểm giống anh, mặc dầu anh không thấy rõ. Lần này anh ta đến có điều gì quan trọng dính líu đến công tác — Cli-mô-vít hiểu khi trông nét mặt Rút-xa-cốp, ngay cả trước lúc anh ta nói. Hai người im lặng một lát. Li-u-ba đứng dậy, nói chị sang thăm vợ Rút-xa-cốp.

— Thế còn trà ? — Cli-mô-vít hỏi.

— Em trở lại ngay, và sẽ pha sau. Li-u-ba vừa nói vừa đi ra.

— Cậu có một người vợ thông minh — Rút-xa-cốp nói.

Cli-mô-vít không trả lời, anh chẳng có gì để phản đối nhận xét ấy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:27:45 am »

— Đại đội công binh sẽ xuất phát tối nay.

— Lúc mấy giờ?

— Ba giờ nữa.

— Đi đâu?

— Đi Tam-xác Bu-lắc. Đến đấy rồi sẽ biết. Chắc là đi về phía biên giới. Lệnh trên bảo phải mang tất, kể cả những cầu nổi.

— Như thế thật kỳ khôi, không ai ngờ. Cli-mô-vít nói — Sáng ngày, còn chưa ai biết gì. có thể cả binh đoàn nhận được lệnh hành quân.

— Mình không biết — Rút-xa-cốp nói — Cả sư đoàn thiết giáp Mông-cổ cũng chuyển quân, cùng hướng ấy. Mình vừa đi qua ban tham mưu của họ xong, trước khi về nhà, mình gặp đồng chí chỉ huy sư đoàn.

— Mình cũng vừa gặp anh ta cách đây một tiếng, đi về phía ban tham mưu — Cli-mô-vít nói vừa nhớ lại việc gặp Đa-vát-giáp — Anh ta cũng chưa biết gì cả. Vả lại trong công tác bọn mình thì bao giờ chẳng thế, trở đi một việc, trở về lại một việc khác.

Hai người im lặng giây lát.

— Chính vì thế mà mình đến đây — mãi sau Rút-xa-cốp mới nói, như là tất cả câu chuyện giữa hai người từ nãy mới chỉ đề cập đến những vấn đề phụ và đến giờ anh mới định đi vào điểm chính — Anh đặt tay lên những tập báo và sách anh mang đến còn để thò ra những mảnh giấy ghi dấu trang, chi chít những nét chữ nhỏ li ti của anh.

— Mình phải viết một bản báo cáo ngày mồng Một tháng Năm, Cli-mô-vít cũng biết việc đó. Kỳ họp chấp hành đảng bộ vừa rồi, (cả hai cùng có chân trong đó) Rút-xa-cốp được phân công trình bày một bản báo cáo về «việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và củng cố khả năng quốc phòng» trong buổi mít-tinh mồng Một tháng Năm.

— Cậu có thể phụ trách việc này được đấy — Rút-xa-cốp nói — Mình đã bàn với Bô-ga-ti-ri-ốp (bí thư đảng bộ) anh ta cũng đồng ý. Mình đã chuẩn bị tài liệu, đã gài những mảnh giấy đánh dấu trang và gạch bên cạnh những đoạn cần thiết. Mình để cho cậu dàn bài của mình, xem có giúp ích được gì không.

Anh kéo ở túi ra một cuốn vở gập đôi và đặt lên trên chồng sách báo.

— Vợ mình sẽ đánh máy cho cậu những đoạn trích mà mình đã ghi. Cũng không lâu đâu.

— Thôi cậu đừng lo về những điểm chi tiết ấy nữa — Cli-mô-vít nói — Không cần phải thuyết phục, mình đồng ý rồi.

— Mình dùng nhiều nhất là những văn kiện của Đại hội thứ XVIII, Rút-xa-cốp nói, đặt tay một lần nữa lên chồng báo, nhưng cũng có những trích dẫn lấy ở những tài liệu cũ hơn, nói về kế hoạch năm năm lần thứ nhất và thứ hai. Để so sánh. Để người nghe có thể thấy rõ chặng đường đã đi qua.

«Lại phải thức nhiều đêm» Cli-mô-vít nghĩ bụng. «Không báo cáo gì cả, còn hơn là làm một bản báo cáo tồi về những sự kiện đương diễn ra hiện nay ở Tổ quốc Liên-xô chúng ta. Lẽ dĩ nhiên, cán bộ và nhân viên của binh đoàn đều có trình độ, họ là những cán bộ được tuyển lựa kỹ. Cuộc sống vẫn trôi chảy bình thường như trước, khi ta còn đóng quân trong nước, gần Si-ta. Cũng những báo chí, cũng những buổi  truyền thanh của đài Si-ta và của Mạc-tư-khoa, do dài Si-ta truyền lại. Sinh hoạt hội họp vẫn tiếp tục, cũng như hoạt động câu lạc bộ, người ta còn xây dựng một trụ sớ cho câu lạc bộ y hệt như hồi ở trong nước. Nhưng ở đây, bên kia biên giới Mông-cổ, tất cả đều mang một ý nghĩa khác hẳn, trong khi ở quê hương, người ta đưa vào sản xuất những lò cao mới xây dựng, hay bắt đầu bước thứ hai của những công trình xây dựng xưởng máy kéo Sô-li-a-bin-scơ, hay sắp sửa khai mạc một cuộc triển lãm nông nghiệp».
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM