Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:02:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bạn chiến đấu - Tập 1  (Đọc 5802 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:31:22 am »

— Mình hy vọng sẽ mò ra được chữ của cậu — Cli-mô-vít mỉm cười mở cuốn vở ghi dàn bài báo cáo của Rút-xa-cốp và đặt lên bàn.

— Về điểm đó, thì không có gì là khó khăn cả, mình viết dễ xem lắm — lại đến lượt Rút-xa-cốp mỉm cười — Hai năm mình theo đại học đường cũng không phải là công toi đâu. Mỗi một vết mực là một thước kẻ gõ vào ngón tay.

Cái mà Rút-xa-cốp gọi là «hai năm đại học đường», chính là hai năm ở trường đạo mà đến trước chiến tranh 1914, anh vẫn còn theo học ở quê nhà miền Cốt-sê-tốp-ca, tỉnh Xa-ra-tốp.

Không phải lần đầu tiên anh pha trò như vậy, thỉnh thoảng anh vẫn nhắc đi nhắc lại, nhưng nó vẫn làm Cli-mô-vít buồn cười.

— Học như thế, thì còn phải nói gì nữa!

Vừa nói, anh vừa lật từ giữa cuốn vở của Rút-xa-cốp đặc những chữ viết nắn nót, với những chấm xuống dòng và những chỗ đứt đoạn đánh dấu cẩn thận.

— Hình như buổi tập bắn sớm nay của đại đội cậu không khá lắm thì phải — Rút-xa-cốp nói — Mình gặp Op-si-ni-cốp, trung úy đơn vị cậu, ở phòng ăn. Hắn úp mặt vào tay, cứ rũ ra nói rằng hắn đã làm xấu cả đơn vị.

— Hắn có thể nghĩ đến điều đó sớm hơn! — Cli-mô-vít nói, vẻ tức giận — Mình hỏi thật cậu còn có thể nói gì với một kẻ mà người ta đã nhắc đến một trăm lần là diễn tập cũng như chiến đấu; hắn đứng đấy, tay úp vào mép quần, thao láo nhìn cậu, nhưng trong thâm tâm vẫn không khỏi nghĩ rằng cậu là một thằng hình thức chủ nghĩa và hắn, mặc dầu có đưa đạn «lên mây», thì vẫn cứ là con người tài ba và lúc nào ra trận hắn sẽ chứng tỏ điều đó cho mà xem. Mình chỉnh hắn chán rồi, không thể tha thứ cho hắn được, và mình cũng không có quyền tha thứ. Biết làm gì bây giờ?

— Vấn đề là giáo dục thôi — Rút-xa-cốp nói — Đó là một anh chàng cận thị về chính trị, chính vì thế mà hắn ta không thể bắn trúng điểm đen. Phải cho hắn hiểu được liên quan giữa hai điều đó. Nếu hắn hiểu...

— Và nếu hắn không hiểu ? — Cli-mô-vít ngắt lời.

Một đội viên cần vụ bước vào báo tin chính ủy binh đoàn muốn gặp Rút-xa-cốp.

— Goóc-đi-ép-ski của chúng ta là một người cả lo — Rút-xa-cốp nói khi người cần vụ đã ra khỏi. Anh đứng dậy, bình tĩnh cầm mũ, đề trên thành ghế — Mình vừa ở chỗ anh ta về, mình đã báo cáo đầy đủ, đã trả lời mọi câu hỏi. Thế mà vẫn chưa xong! Anh ta lại vừa nghĩ đến điều gì: «Anh không quên cái thư viện nhỏ chứ?» «Anh đã nghĩ đến mọi thứ cần thiết để in truyền đơn chưa?» Hay bất cứ một cái gì khác. Không làm cách nào để anh ta quen với ý nghĩ rằng trong binh đoàn chúng ta không nên nhắc lại hai lần cùng một sự việc.

— Cậu muốn thế nào? Người ta thấy ngay là anh ta chưa công tác chính trị trong quân đội bao giờ. Một thuyết trình viên! — Và Cli-mô-vít nhún vai, tỏ vé hơi coi thường.

Điều đó không làm Rút-xa-cốp hài lòng, anh nắn lại:

— Không Goóc-đi-ép-ski không phải là một anh chàng tồi, có thể nói là một người khá — Và một người có nghị lực.

Cli-mô-vít biết rằng danh từ đó, ở miệng Rút-xa-cốp, là một lời khen tột bậc.

— Nhưng mình thấy là không thể chịu được — Rút-xa-cốp nói thêm ngay giọng bực tức — một người thông minh như thế lại không hiểu rằng ở cương vị chính ủy binh đoàn anh ta chẳng nên hỏi mình xem có nghĩ đến việc dùng bút chì xanh đỏ để viết truyền đơn không. Anh ta gọi thế là «quan tâm đến mọi chi tiết» — Anh ta quên một chi tiết là tất cả những câu hỏi ấy rốt cuộc làm mình khó chịu.

Rút-xa-cốp đội mũ. Anh đứng im lặng, do dự không biết nên từ biệt Cli-mô-vít hay nhờ bạn một việc riêng mà vợ anh nói với anh khi anh ở nhà đến đây.

— Nếu trong thời gian mình đi vắng, mà chuyển sang nhà mới, — Rút-xa-cốp nói giọng vẫn còn ngập ngừng — mình hy vọng cậu sẽ giúp vợ mình một tay. Nếu có gì khó khăn, cậu nhắc họ là mình cần hai buồng, vì ba đứa trẻ con. Nhưng mình vẫn tin vào lời hứa của chính ủy, hy vọng anh ta sẽ không quên.

— Mọi việc rồi sẽ chu tất cả, chúng ta cùng chuyển nhà — Nhưng mình nghĩ là cũng không phải một ngày gần đây đâu. Tường còn chưa trát xong.

Rút-xa-cốp nhún vai, thay câu trả lời, anh cũng không biết anh sẽ đi vắng nhà bao nhiêu lâu.

—  Đợi mình một lát, mình sẽ tiễn cậu đến nửa đường Cli-mô-vít nói, cũng buồn vì phải chia tay với Rút-xa-cốp, ngoài ra, anh còn muốn tiếp tục câu chuyện về Op-si-ni-cốp mà người cần vụ đến làm gián đoạn.

Cli-mô-vít mất mấy phút để tìm trên giá một pin mới cho chiếc đèn túi, anh thay pin và đi ra với Rút-xa-cốp.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:02:38 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 10:33:30 am »

Lúc về, Li-u-ba chẳng thấy ai trong phòng, Mai-a ngáy nhè nhẹ sau tấm màn. Chị nghĩ:

«Hôm qua hai mẹ con đi chơi một lát buổi chiều thế mà cũng bị nhiễm lạnh. Đáng lẽ phải về sớm hơn».

Chị kéo kín màn trước giường con, bước đến gần cửa sổ và mở một cánh cho căn buồng thoáng khí.

Thành phố yên giấc. Chỉ còn thấy lốm đốm chấm sáng ở phía ban tham mưu.

«Chắc lại đi tiễn anh ấy rồi» Li-u-ba nói một mình khi nghĩ đến chồng — Chị biết anh rất gắn bó với Rút-xa-cốp, theo kiểu của anh, sâu xa và thầm lặng và chắc anh cũng buồn về chuyến đi này mà On-ga Vơ-la-đi-mi-rốp-na đã cho chị biết.

Thấy tập báo của Rút-xa-cốp để lại trên bàn, chị lơ đãng mở tạp thứ nhất, chỗ mảnh giấy đánh dấu thứ nhất. Một gạch bút chì đỏ làm nổi bật một bài ngắn nhan đề «Trên công trường lớn nhất thế giới».

Chị đọc lướt nhanh bài báo. Kế hoạch năm năm Xta-lin lần thứ ba. bài báo viết, sẽ thấy phát triển công trình đồ sộ nhất thế giới, hai nhà máy thủy điện ở Quy-bi-sép — Một phóng viên báo Sự thật gọi dây nói cho Quy-bi-sép và đề nghị đồng chí S. A-giúc, chỉ huy công trình, kể cho biết những sự kiện đang diễn ra trên công trường...

Li-u-ba xếp tập báo lại như cũ và nghĩ đến việc Mô-lô-tốp vừa mới nói, ở Đại hội Đảng, cũng về những công trình này. Thế mà người ta đã bắt đầu thi công những nhà máy thủy điện ấy. Và người ta sẽ hoàn thành trong năm năm lần thứ tư.

«Và chúng mình, ngày đó chúng mình có thể còn ở đây không?» chị nghĩ, đột ngột.

Thấy gió lùa lạnh dưới chân, Li-u-ba định đi ra đóng cửa sổ, nhưng đến nơi chị quỳ trên một chiếc ghế và cứ thế một hồi lâu nhìn đêm Mông-cổ thăm thẳm, với những chấm nhỏ sáng lốm đốm đằng xa. chị nghĩ đến điều mà chưa bao giờ chị thú thật với chồng — Để thật hoàn toàn hạnh phúc, ở đây phải có một khu công viên nhỏ để chị có thể dắt Mai-a dạo chơi, một dòng sông con cát phủ hai bờ để tắm, để đi dạo thuyền nghe tiếng mái chèo trên dòng nước ấm chảy chậm, một nhà hát, vì ngày trước mỗi khi có vở mới là chị lại đi xem, và  sau hết là những đường phố rợp bóng cây và những căn nhà vườn tược vây quanh, quen thuộc với chị từ tấm bé.

Chị đã quen thuộc với cuộc sống ở đây: chị đã chịu được tình trạng thiếu không phải ít những thú vui nho nhỏ, có hay không, nói chung, chị vẫn cảm thấy sung sướng. Tầm mắt mất hút trong đêm tối, chị nghĩ đến thời gian mà tình cờ dù sao cũng đã đưa Cli-mô-vít và chị đi xa; và chị không thể dẹp được ý muốn được một ngày kia trở về, không phải ngay tức khác, chị tự nói với mình, mà hai hay ba năm nữa, trở về một trong những thành phố bé nhỏ nhất, tầm thường nhất, trong những thành phố nhỏ nước Nga hay Bi-ê-lô-ruýt-xi, yên tĩnh và thân yêu biết bao.

Ánh đèn pha sáng rực phố: một phút sau. Chiến xa bắt đầu chiếc nọ tiếp chiếc kia chạy qua trước nhà. Trông rõ mồn một trừ chiếc cuối. Máy gầm gừ, những lùm sáng làm hằn lên những đường viền ghê rợn của những khối thép ấy, nắp xe mở như nắp những vỏ đồ hộp khổng lồ. Người chỉ huy mỗi chiến xa đứng trong tháp xe, y phục hành quân, mũ và áo da có dây vắt chéo và thỉnh thoảng lại ra lệnh cho người lái xe bằng tiếng Mông-cổ.

Li-u-ba đếm cả thảy mười lăm chiếc. Như thế là cả sư đoàn thiết giáp Mông-cổ rời khỏi thành phố nhỏ. Li-u-ba thấy tim mình se lại, chị những muốn ngay lúc đó, Cli-mô-vít, không còn đang từ biệt Rút-xa-cốp nữa mà đã trở về, có cùng một cảm giác như chị, ngồi bên cạnh và đặt lên vai chị bàn tay ngắn và khỏe của anh, như mọi lần anh muốn biểu lộ sự âu yếm thầm lặng của mình đối với vợ.

«Mình thật là khỉ! chị tự nói với mình, thẹn thùng khi nghĩ đến những ý định trở về mà mấy phút trước, chị thấy hình như rất là tự nhiên — Được cùng nhau ở đây, không có chiến tranh, và mình không phải đơn độc một mình ở trong phòng này vì anh ấy phải đi xa, mà chỉ vì anh ấy đi tiễn Rút-xa-cốp cũng là may mắn lầm rồi! Những chiến xa Mông-cổ ấy chắc chỉ ra khỏi thành phố dự một cuộc diễn tập bình thường».
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:05:17 am »

CHƯƠNG II

Không khí đặc biệt trước ngày mồng Một tháng Năm bao trùm trường đại học Phơ-run-dê — Đây là thời gian cuối niên học. Sau buổi sáng nghe thuyết trinh, người ta làm việc trong những khu riêng và những giảng đàn. Trong các buồng đọc sách và những phòng làm việc học sinh vẫn còn ngồi đầy một nửa số bàn, sách và bản đồ vây quanh bốn phía. Dù sao, tất cả đều cảm thấy sắp có sự thay đổi: người thì nghỉ phép, người thì sẽ đi nhận công tác đâu đó, trong một thành phố, một doanh trại. Sau hết, ngày mai đối với tất cả mọi người, là cuộc diễu binh và tiếp theo ba ngày hoàn toàn tự do, vì ngày mồng 3 là ngày nghi lễ.

Người ta vừa phân phối tờ «Tin tức Phơ-run-dê», báo của nhà trường, suốt trang hai và trang ba mang nhan đề: «Nêu cao và giữ vững danh dự của Trường». Tờ báo in ảnh những người thi ra, những học sinh trúng tuyển đã hoàn thành việc học tập ở Trường với những điểm tốt. Trong số những người đó có đại úy Ác-tê-mi-ép. Anh được biết tin này khi nhìn qua vai một anh bạn thiếu tá, học năm thứ nhất, đang cầm báo trên tay.

Hai người cùng đứng xếp hàng trước thư viện của trường để trả sách.

— Đưa mình tờ báo — Ác-tê-mi-ép nói.

— Cầm lấy, người ta không thể làm điều gì trái ý các cậu hôm nay — thiếu tá vừa nói vừa cười — vì đây là ngày hội của các cậu.

Người ta chen nhau tợn trước thư viện; người này hỏi mượn tạp chí nhiều tháng cùng một lúc, để đọc chút ít, trong những ngày lễ, vì họ không có thì giờ suốt cả sáu tháng vừa qua; một số khác như Ác-tê-mi-ép mang đến trả hàng đống điều lệ, sách học và từ điển. Họ chuẩn bị trước cho cái ngày, sau buổi lễ trọng thể bế mạc niên học, họ phải qua các ban, các phòng của Trưởng để được ghi trên giấy ra trường những nhận xét «Hợp cách».

Trả sách xong, Ác-tê-mi-ép, định ghé qua phòng giải khát, ở tầng trên, trước khi về nhà. Anh thèm uống một chai bia, ngày mùa xuân mà trời quá nóng bức.

Đi trong hành lang lằng gác thứ ba, anh vô tình ngừng lại trước một cánh cửa hé mở — Qua khe cửa hé mở, người ta nhìn thấy một góc gian phòng dành để kỷ niệm Phơ-run-dê. Trên phía tường bên phải, trong tủ kính, bầy những tài liệu thời chiến dịch Pê-rê-cốp. Trước vạt tường giữa hai cửa sổ, một bức tượng nửa người của Phơ-run-dê, cũng giống bức bày ở phòng trước cửa trường đại học, nhưng nhỏ hơn. Phía trên, một bức ảnh thời nội chiến phóng to: Xta-lin đội mũ đi rừng của Hồng quân. Căn phòng cuối cùng bên trái là giảng đường, nơi ba năm trước Ác-tê-mi-ép thi vào. Anh mở hé cửa — Không có ai — Trên tường, cạnh bảng đen, cũng vẫn những bản đồ trên đó anh đã trả lời những câu hỏi về lịch sử quân sự: anh nhớ lại sự hồi hộp của mình trước những câu hỏi đề ra hồi ấy và hiện nay, sau ba năm học, đối với anh hình như chuyện trẻ con.

Kỷ niệm đó làm anh một lần nữa tràn ngập lòng biết ơn đối với trường đại học, với các giáo sư và giảng viên, những giảng đàn và những phòng làm việc của nhà trường, đối với tổ chức học tập khắc khổ, đòi hỏi những cố gắng lớn đến độ một thanh niên khỏe và lành mạnh, hai mươi bảy tuổi như anh, cũng cảm thấy sức mình không thể giành được, «dù chỉ là thêm một phần trăm điểm nữa, trong cuộc đấu tranh giành những điểm tốt suốt ba năm vừa qua trong đời mình. Việc hồi tưởng lại cuộc đấu tranh cho những «phần trăm» này còn làm anh thở dài nữa. Bao nhiêu cố gắng thật sự qua mỗi lần thử thách! Chỉ có ý thức rằng những cố gắng đó sẽ quyết định việc sử dụng những khả năng thắng lợi trên chiến trường mới có thể buộc anh và những học sinh trong trường đấu tranh để đạt tới. Dường như đây là một vấn đề sống còn.

Trong phòng giải khát ở trên gác thứ bảy, không còn ai, trừ thiếu tá Xan-đa-lốp ngồi ở một bàn gần cửa sổ, đang nhấp nháp một chén trà. Khi còn là trung úy, Ác-tê-mi-ép đã công tác dưới quyền anh ta trong một tiểu đoàn — Xan-đa-lốp đã chỉ huy một trung đoàn khi anh vào trường đại học, năm vừa qua, sau Ác-tê-mi-ép.

— Thế nào, đồng chí chỉ huy tiểu đoàn(1) — Ác-tê-mi-ép nói, anh nhớ lại những ngày cũ và ngồi xuống bên cạnh Xan-đa-lốp — Anh không thấy rằng nên bỏ món trà đấy và đi uống một chai bia có hơn không? Chúng ta sắp chia tay nhau rồi.

— Phải, anh đã có quyết định về công tác chưa? Anh đi à? — Xan-đa-lốp hỏi.


(1) Trong quan hệ công việc, binh sĩ Hồng quân khi xưng hô thường không gọi quân hàm của nhau. (N.D.)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:07:27 am »

— Chưa, tôi còn đợi — Thế nào, đồng ý uống bia chứ?

— Tôi không thể uống được — Xan-đa-lốp nói giọng khàn khàn — Chắc anh cũng thấy tôi ăn mặc chỉnh tề đấy chứ. Hôm nay Đảng ủy Mạc-tư-khoa cử tôi đến báo cáo về tình hình thế giới ở nhà máy «Cao-su», người ta đặt nhiều câu hỏi quá đến nỗi tôi lạc cả giọng. Tại sao, và rồi lại tại sao... Và nhất là tại sao rốt cuộc, mọi việc ở Tây-ban-nha lại chấm dứt tai hại như thế? Biết nói thế nào? Tôi ấy à, lẽ dĩ nhiên là tôi sẽ trả lời họ nếu người ta kịp thời ra lệnh cho gửi đến đấy độ năm sư đoàn như sư đoàn chúng ta chẳng hạn — sư đoàn thứ hai mươi ba quang vinh — chắc chắn là người ta sẽ giúp nhân dân Tây-ban-nha ném cổ xuống biển cả Pha-răng-cô với tất cả những quân Ý, quân Đức của hắn — Nhưng không thể nói thế được!

— Đúng, không ai ra lệnh đó — Ác-tê-mi-ép nói.

— Chính thế — Xan-đa-lốp nói, giọng vẫn hơi khàn khàn — Nhưng, anh đừng ngại, tôi đã nói nhiều về nước Anh và nước Pháp, về chính sách không can thiệp và mọi thứ chuyện về họ — Chẳng cần phải đi xa đến tận Tây-ban-nha khi ngay trước mắt chúng ta, bọn Anh, Pháp nhượng đứt nước Tiệp-khắc cả người lẫn của cho Hít-le khi hắn vừa mới lên tiếng đòi, trước mặt toàn thế giới đang nhìn họ. Tóm lại, tôi đã nói với công nhân nhà máy «Cao-su», có những bọn phát-xít áo chỉ một màu nâu như ở Đức, và những bọn phát-xít đủ các màu sắc, có những chấm nâu như ở Anh và Pháp. Tất cả chỉ khác nhau là ở đó.

— Đúng, nhưng không thể nói thế là rất đúng đường lối ngoại giao được — Ác-tê-mi-ép phá lên cười.

— Tôi không cần gì đến cái món ngoại giao cả. Tôi không phải là Lít-vi-nốp — Xan-đa-lốp càu nhàu và rút ví trả tiền — May mắn nhé, tôi chúc cậu mau nhận được quyết định về công tác, không phải mỏi mắt đợi như cô gái đợi lấy chồng! anh vừa nói vừa đứng dậy đi khập khiễng một bên chân bị thương thời kỳ chiến đấu chống bọn bát-smát(1), hơi gù gù đôi vai gấu rộng, một dáng đi rất quen thuộc đối với Ác-tê-mi-ép.

Còn lại một mình, Ác-tê-mi-ép tiếp tục uống bia, chậm rãi — Như rất nhiều người cùng thế hệ, quân nhân cũng như người thường, Ác-tê-mi-ép, trong ba năm gần đây hết sức say mê theo dõi số phận bi thảm của nước Cộng hòa Tây-ban-nha, và bản thân vẫn hằng mong được trực tiếp cầm vũ khí tham gia trận chiến đấu đầu tiên chống chủ nghĩa phát-xít này.

Cuộc nói chuyện với Xan-đa-lốp vừa nhắc anh nhớ đến một bức thư gửi từ Tây-ban-nha, mùa đông vừa rồi, do một phi công đem đến nhà cho anh, mẹ anh cũng chẳng hỏi cả tên anh ta nữa.

Bức thư đó là của một người bọn đồng học với Ác-tê-mi-ép, J-an Pê-tra-sếch, con một người Tiệp di cư, chết cách đây mấy năm ở Mạc-tư-khoa. San khi học xong, Pê-tra-sếch vào viện Ngoại ngữ — Mùa thu 1936 Ác-tê-mi-ép có dịp gặp anh ta nhiều lần: đầu mùa đông J-an mất tích một cách bí mật.

Bức thư vẻn vẹn mấy dòng. Pê-tra-sếch báo tin anh ta ở mặt trận Ca-ta-lô-nhơ, các binh đoàn quốc tế đã giải tán được bốn tháng và anh ta đóng trung úy trong quân đội Tây-ban-nha. Anh ta nói thêm rằng hai ngày nữa đã là năm mới rồi mà anh chẳng có gì ăn cả, nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể kiếm được rượu vang, và anh sẽ uống chúc sức khỏe năm mới tất cả các bạn ở xa; cuối thư, anh đề nghị Ác-tê-mi-ép đem hoa đến mộ cha anh, ngày 20 tháng giêng, để kỷ niệm năm năm ngày ông cụ mất.

Ác-tê-mi-ép mang hoa đến, mặc dù chậm, vì thư mãi tháng hai mới đến —Nhớ đến bức thư tuy lời lẽ dè dặt nhưng hết sức bi đát, Ác-tê-mi-ép nghĩ rằng số phận con người đôi lúc thường đi theo những con đường không thể lường trước được; Pê-tra-sếch dự định mai sau sẽ trở nên giáo sư ngoại ngữ, thế mà anh đã tham chiến từ ba năm nay và có thể bây giờ xác vùi đâu đó trên đất Ca-ta-lô-nhơ, trong khi Ác-tê-mi-ép từ năm mười bảy đã tự quyết định chắc chắn về số phận của mình và mặc quân phục vẫn còn chưa biết bao giờ sẽ lần đầu tiên được hạ lệnh nổ súng vào bọn phát-xít.

Ác-tê-mi-ép đến tì tay vào cửa sổ. Đằng sau rặng cây của công viên Pi-rô-gốp-xki, những mái nhà khu phố Ut-xa-si-op-ca in lên nền trời. Năm một nghìn chín trăm hai mươi bảy, cha anh được một căn buồng trong những tòa nhà đầu tiên của khu công nhân mới xây dựng tại đó. Phía bên phải, những nóc nhà tròn của tu viện Nô-vô-đê-vit-si và đằng xa, những gò đất xanh tươi của khu Đồi chim sẻ. Phong cách này anh biết rất rõ từ nhỏ, đã chìm sâu trong ký ức suốt bảy năm công tác quân sự, bây giờ khi anh đã tốt nghiệp đại học, anh cũng chẳng dễ được thấy lại ngay.

Khi anh bắt đầu chuẩn bị luận án, cha anh còn sống, từ ba tháng nay người yên nghỉ ở nghĩa trang Nô-vô-đê-vít-si cách nhưng nóc nhà tròn độ vài ha trăm bước, trong đám cây cỏ xanh — Còn mẹ anh, chắc hẳn bà phải chịu cảnh suốt đời không bao giờ còn được thấy gia đình xum họp đông đủ. Khi anh vào đại học, em gái anh, Ma-sa ở Kom-xô-mon-scơ trên sông A-mua; bây giờ cô ấy vừa về nhà được ba ngày, thì anh đã sắp sửa nhận công tác mới.

«Như những con tàu tránh nhau» Ác-ti-mi-ép nghĩ thầm trong bụng.

— Thế nào, còn phải tìm anh đến bao giờ! — đại úy phụ sĩ quan trực nhật nói giọng bực tức, khi mở cửa phòng giải khát và trông thấy Ác-tê-mi-ép — Đồng chí phụ trách phòng cán bộ muốn gặp anh!


(1) Bọn cướp tàn phá trung Á thời nội chiến (N.D.)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:12:32 am »

Đồng chí phụ trách phòng cán bộ mà Ác-tê-mi-ép đến trình diện, ba phút sau, nói chung là một người hà tiện lời nói, và đang chuẩn bị đi ăn trưa.

— À, anh đấy à, vừa nói ông vừa đóng ngăn kéo bàn giấy và theo thói quen, kéo ra từng ngăn một — Anh được lệnh phải có mặt ở Bộ, gặp chỉ huy binh đoàn Men-ni-cốp, phòng hai trăm bảy mươi mốt, hồi mười tám giờ. Tôi chúc anh nhận được một công tác hợp nguyện vọng, ông nói thêm với thái độ niềm nở thản nhiên của một người đã từng nắm trong tay hàng trăm hồ sơ, cuối năm học.

Nửa giờ sau, Ác-tê-mi-ép, theo những hành lang trong tòa nhà có kính, trụ sở của Bộ, phố Phơ-run-dê tìm phòng hai trăm bảy mươi mốt, óc nghĩ đến tất cả những người đã đi trước anh trong những hành lang này để nhận một công tác có thể vừa ý hay không, và thường là khó khăn, đôi khi còn nguy hiểm, nhưng họ vẫn phải phục tùng không mảy may do dự, phản đối.

Những hành lang dài dằng dặc tương phản với những lời chỉ dẫn ngắn ngủi nhận được trong các phòng.

— Và thế là phải! — Ác-tê-mi-ép tự nói với mình, vừa đi theo các hành lang — Không thể đến phút cuối cùng mới hiểu rõ một người. Mỗi người, với tất cả những năm sống trong quân đội, phải được tổ chức thấu hiểu đến mức có thể gọi anh ta đến và chỉ trình bày những điểm chính trong mấy câu là anh ta có thể đến lượt mình, trả lời vắn tắt «xin tuân lệnh!».

Đối với Ác-tê-mi-ép mấy chữ đó không phải chỉ tượng trưng cho thói quen kỷ luật, mà còn là biểu hiện vắn tắt của toàn bộ ý nghĩ của anh về nhiệm vụ ở cương vị một quân nhân và một đảng viên, về hiện tại và tương lai, về cách sống anh đã chọn dứt khoát cho suốt cả đời mình.

«Phải, tôi sẵn sàng, nếu cần, trong một giờ đồng hồ nữa đi xa hàng nghìn cây số, không «từ biệt» ai. Phải tôi trong một hay hai năm không báo một tin tức gì dù rất nhỏ về việc tôi còn sống cho thân thuộc, nếu công việc yêu cầu. Phải, tôi sẵn sàng cống hiến tất cả sức lực vật chất và tinh thần, tất cả những điều tôi đã học, tất cả khả năng của trí tuệ, để đạt tới mục tiêu đặt ra cho tôi. Tôi sẵn sàng đương đầu với gian nguy nếu tình thế đòi hỏi, và tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng, nếu cần».

Chắc hẳn người ta sẽ nói những câu đó sau những cánh cửa đệm bông của những phòng này với những con số lạnh lùng, nếu thủ tục đòi hỏi phải tuyên thệ sau khi nhân lệnh.

Nhưng việc đó đã được tiến hành trong ngày tuyên thệ dưới cờ «Nhân danh công dân Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết. khi gia nhập hàng ngũ quân đội...»

Trong các phòng, người ta chỉ trả lời «Xin tuân lệnh» rồi quay trái và đi chuẩn bị giấy má.

Anh đến trước số hai trăm bảy mươi mốt — Anh mở cửa, vào một căn buồng nhỏ có hai bàn làm việc của sĩ quan tùy tòng và hai cửa, bên phải và bên trái. Vài ba chiếc ghế phô-tơi cho khách. Thiếu tá Xa-nai-ép, bạn của Ác-tê-mi-ép, cũng vừa tốt nghiệp với điểm «rất tốt», ngồi ở một ghế.

— Chỉ gọi có hai chúng mình thôi à? — Ác-tê-mi-ép hỏi hạn và cũng ngồi xuống.

— Không, ba — Xa-nai-ép trả lời — Bon-đác-súc đã vào rồi. Anh hất đầu chỉ về phía cửa — Đúng vào lúc đó, cửa mở và thiếu tá Bon-đác-súc, một người dài và khô khan, đi ra mặt vẫn giữ vẻ trang trọng như khi còn ở trong phòng.

— Đi đâu?

— Thuộc quyền điều động của ban tham mưu mặt trận Viễn Đông — Chữ «mặt trận» gây nên một cảm giác là lạ.

— Bao giờ cậu đi?

— Có lẽ cũng không lâu.

— Thế còn nghỉ phép?

Bon-đác-súc nhún vai — Có một tiếng chuông gọi, sĩ quan tùy tòng biến mất vào trong phòng.

— Ác-tê-mi-ép! — Vừa mở cửa anh ta vừa gọi. Sau một giây ngừng lại, để xem chắc chắn là Ác-tê-mi-ép có mặt ở đấy, anh nói thêm, giọng trầm và nhỏ — Mời đồng chí vào!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:14:01 am »

Ác-tê-mi-ép bước vào phòng. Ngồi sau chiếc bàn, đồng chí chỉ huy binh đoàn, người lực lưỡng, đeo kính, tóc hoa râm cắt ngắn, đang nghiên cứu hồ sơ của Ác-tê-mi-ép.

— Đại úy Ác-tê-mi-ép xin chờ lệnh — anh nói và đứng lại giữa căn phòng.

— Chào đồng chí. Mời đồng chí ngồi.

Ông tháo kính, đặt xuống bàn, để ngón tay trỏ vào miếng nhựa nổi hai mắt kính, nhìn Ác-tê-mi-ép im lặng và đeo kính lại, tiếp tục nghiền ngẫm việc nghiên cứu hồ sơ trong mấy phút.

Ông đã nghiên cứu cẩn thận trước rồi, nhưng sau nhiều năm công tác ở bộ phận phụ trách cán bộ, đồng chí chỉ huy binh đoàn có thói quen đọc lược lại một lần nữa tập hồ sơ sau khi tiếp xúc với người đương sự, để đối chiếu tất cả những điều các thủ trưởng của anh ta đã nhận xét trong nhiều năm, với cảm tưởng đầu tiên của cá nhân mình.

Nhìn dáng điệu lúc anh bước vào và cách anh trình diện, giọng nói to và rành rọt nhưng đúng mức, không quá kiểu cách, ông thấy có cảm tình ngày với con người to lớn, tóc hung hung đang ngồi trước mặt có lẽ đang xúc động lắm. Mặc dầu cái không khí căng thẳng lúc anh bước vào, gặp cái nhìn như muốn «nuốt chửng» của ông, đôi mắt anh vẫn giữ được vẻ thông minh, lanh lợi.

Thật ra thì đại úy Ác-tê-mi-ép cũng hơi đẫy người một chút, so với tuổi, điều đó không làm cho chỉ huy binh đoàn hài lòng. Dù sao, không có một điều nào trong hồ sơ để có thể kết luận rằng anh tính vốn chậm hoặc lười. Ngược lại, mục «huấn luyện thể thao» được điểm «rất tốt» và nhắc cho biết rằng Ác-tê-mi-ép đoạt giải quán quân trường đại học về môn điền kinh.

«Cha mẹ sinh ra anh ta thế», chỉ huy binh đoàn tự nói với mình vừa liếc thoáng qua một lần nữa khuôn mặt tròn và rám nắng của Ác-tê-mi-ép, cổ lực lưỡng bị bó trong chiếc cổ áo giả, và ông tiếp tục giở hồ sơ.

Trong hồ sơ có tất cả những ngày tháng, những chỉ dẫn cần chú ý: năm sinh, một nghìn chín trăm mười hai, năm vào đoàn Thanh niên cộng sản một nghìn chín trăm hai mươi bảy; năm vào Đảng, một nghìn chín trăm ba mươi ba; năm ghi tên vào trường bộ binh, một nghìn chín trăm hai mươi chín, năm ra, một nghìn chín trăm ba mươi mốt — Tiếp đến hai năm phụ trách một trung đội huấn luyện, ba năm chỉ huy một đại đội bộ binh và sau hết, trường đại học Phơ-run-dê.

Đại úy đã chỉ huy đại đội của mình trong những hoàn cảnh khó khăn, ở trung Á, trong một miền sa mạc giáp 1-răng, và chỉ huy rất khá; vì nếu không thế thì, năm hai mươi bốn tuổi anh đừng hòng mà bén mảng đến trường Phơ-run-dê. Ở đây, mới đầu anh học khá, rồi rất khá, và sau khi trình bày luận án, anh được đề nghị ở lại làm phụ giảng về môn «Công tác tham mưu», anh từ chối và đề nghị được chỉ huy một đơn vị. Được đề nghị ở lại làm phụ giảng trong trường là một điều may mắn, không mấy khi, có ai từ chối nhưng đồng chí chỉ huy binh đoàn thấy có cảm tình với việc từ chối ấy, có lẽ vì, mười năm trước đây, ông cũng đã lựa chọn như thế trong những trường hợp tương tự.

Ngồi phía bên kia bàn, chỉ dùng đuôi con mắt, không cần phải quay đầu, Ác-tê-mi-ép cũng thấy thỉnh thoảng chỉ huy binh đoàn lại nhìn mình.

Không phải, đây là lần đầu anh được gọi lên, từ sáu tuần trở lại đây. Người ta đã gọi anh lên ban tác chiến, sau đó anh lại tham dự hai lần thảo luận ở ban chính trị của trường đại học, và trước đây một tuần, sau khi trình bày luận án, đồng chí phó Giám đốc đã gọi anh lên đề nghị anh làm phụ giảng. Tóm lại theo các bạn cùng hết hạn học như anh nói đùa, từ lâu anh đã đóng vai «gái đến tuổi lấy chồng» rồi.

Nhưng dù sao anh cũng cảm động khi được lệnh gọi lần này. Vì thoạt nhìn ra, cũng có thể đoán được không khó khăn lắm, là nó có nghĩa một lệnh điều động sang Viễn Đông.

Cho đến những ngày gần đây, Ác-tê-mi-ép, khi nghĩ đến tương lai và ao ước hơn hết được cử sang Viễn Đông, anh vẫn nghĩ đến cương vị hơn là địa điểm mình sẽ công tác. Mới bắt đầu vào học, anh chỉ mơ ước được chỉ huy một trung đoàn khi ra trường. Thật ra, cũng không ai cho anh chỉ huy ngay một trung đoàn, không nên nghĩ đến điều ấy, nhưng được đề bạt làm tham mưu trưởng một trung đoàn sẽ mở ra triển vọng chỉ huy trung đoàn đó trong ít lâu sau. Ác-tê-mi-ép cũng không nghĩ đến những điều tiếp theo nữa. Làm sao có thể nghĩ đến được trước khi được chỉ huy một trung đoàn năm ba năm.

Về sau, ngay trong niên học cuối cùng, anh lại tìm một dự định khác: thoạt đầu, được cử đi công tác trong một ban tham mưu quan trọng, tốt nhất là ở một miền biên thùy, làm một hay hai năm trong bộ phận quân báo của ban tham mưu để củng cố những kiến thức thu lượm được ở nhà trường, củng cố khả năng thực hành một sự tổng hợp lớn, cái nhìn bao quát tình thế, khả năng tác chiến với những đơn vị vũ trang quan trọng và về sau mới chỉ huy một trung đoàn. Nhưng ở bàn giấy sĩ quan tùy tòng khi biết tin mình được gọi lên cùng một lúc với Xa-nai-ép, và Bon-đác-súc, cùng học tiếng Nhật như anh, anh hiểu rằng khó có thể đây chỉ là một sự tình cờ gặp nhau và anh chỉ nghĩ đến địa điểm mà anh sẽ phải đến công tác.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:16:14 am »

Thoạt bước vào phòng chỉ huy binh đoàn anh đã nhận thấy ngay một bản đồ lớn, phủ một nửa bức tường, một bản đồ về chiến trường Viễn Đông. Ngay từ tám năm về trước, khi quân Nhật chiếm Mãn châu, lực lượng vũ trang Xô-viết lúc nào cũng sẵn sàng tác chiến. Việc được điều động đóng ngay sang Viễn Đông, theo ý Ác-tê-mỉ-ép, là điều mong ước cao nhất với một người đã chọn nghề quân sự và sẵn sàng phục vụ trong những điều kiện gần sát nhất với thực tế chiến tranh hơn là nhận một công tác khác.

Gần như nắm chắc việc được điều động sang Viễn Đông nhưng vẫn còn thấp thỏm không biết những điều mong ước của mình có được thực hiện không, Ác-tê-mi-ép theo dõi đồng chí chỉ huy binh đoàn đương lật những trang hồ sơ: không biết có điều gì trong đó có thể cản trở việc điều động này không? Anh vui vẻ nhận thấy anh không thể nhớ được một điều gì có thể cản trở được. Thời kỳ công tác ở Át-sa-tếp, miền biên giới, chắc chắn là sẽ ủng hộ anh. Một lần nữa, anh tự hài lòng thầm trong đầu, về việc lựa chọn chủ đề luận án của mình «Sĩ quan Nhật thời kỳ chiến tranh 1904—1905». Đó là một chủ đề lịch sử quân sự nhưng một chủ đề hiện nay có một giá trị thời sự đặc biệt, và sự kiện đó đã được nhấn mạnh ở giảng đàn — Và còn ngôn ngữ nữa. Số người học tiếng Nhật ở Viện Hàn lâm cũng không phải nhiều lắm, và Ác-tê-mi-ép lại ở trong số những học sinh khá nhất.

— Anh hãy nói thật, chỉ huy binh đoàn để tập hồ sơ sang một bên và ngẩng lên nhìn Ác-tê-mi-ép, điểm «khá» của anh về tiếng Nhật đúng ra là nghĩa thế nào? khá không từ điền hay có từ điển?

— «Khá» có từ điển «trung bình» không từ điển, Ác-tê- mi-ép nói thành thật.

— Và nói thì thế nào? — ông hỏi với một nụ cười phải nhìn kỹ lắm mới thấy.

—  Tôi hiểu được lời giáo sư và ông ta cũng hiểu được tôi.

—  Và còn gì về sau sẽ hay — có phải thế không?

Ông cười thẳng thắn và gạt tập hồ sơ sang một bên như một vật từ nay đã trở thành vô dụng.

— Như thế là anh đã hoàn thành rất tốt việc học ở trường đại học.

— Vâng, đúng thế.

— Với cương vị một người học trò cũ của nhà trường tôi xin hoan nghênh anh — Tôi học xong năm một nghìn chín trăm hai mươi chín. Ông bỏ kính đặt trên hồ sơ Ác-tê-mi-ép và cũng như ban đầu, đưa ngón tay cái lên miếng nhựa nối hai mắt kính.

— Anh không có điều gì lo lắng về  sức khỏe chứ?

— Không ạ — Ác-tê-mi-ép vừa nói vừa mỉm cười.

Chỉ huy binh đoàn nhún vai như muốn nói rằng, về điểm này, người ta không thể hoàn toàn tin cậy hoặc vào bề ngoài hoặc ngay cả vào hồ sơ nữa.

— Anh có muốn công tác ở Viễn Đông không?

— Sẵn sàng — thưa đồng chí chỉ huy binh đoàn.

— Bộ chỉ huy muốn điều động anh đến thuộc quyền sử dụng của ban tham mưu mặt trận Viễn Đông, hoặc trong ban tác chiến, hoặc ở phòng tình báo. «Anh nghĩ thế nào» vừa nói ông vừa ngước mắt nhìn Ác-tê-mi-ép với một giọng làm cho những chữ đó trở thành một đoạn cuối câu hơn là một câu hỏi thật sự đề ra.

— Xin tuân lệnh — Ác-tê-mi-ép nói giọng khỏe, rõ ràng và vui vẻ.

— Một ngày nào đó anh sẽ lên đường — chỉ huy binh đoàn nói, tất cả thái độ của ông để lộ rõ ông không chờ đợi một câu trả lời khác.

— Xin tuân lệnh.

— Anh có hỏi gì tôi không?

— Không — Ác-tê-mi-ép đứng dậy, thấy chỉ huy binh đoàn bắt đầu đứng lên — Dù sao, nếu đồng chí cho phép, tôi muốn hỏi một điều — anh nói thêm sau một lát ngập ngừng.

Chỉ huy binh đoàn không bằng lòng, thở ra và chống bàn tay đã đưa ra định từ biệt Ác-tê-mi-ép xuống bàn. Ông bực tức nghĩ rằng viên đại úy này dù sao ông cũng thấy có cảm tình, sắp sửa đặt một câu hỏi không nên đặt ra: anh ta sẽ được điều động đến đâu trên mặt trận Viễn Đông? Ông biết, nhưng vì những lý do công tác ông không thể nói cho anh biết vào lúc này được.

Ác-tê-mi-ép thấy đồng chí binh đoàn trướng tỏ vẻ cau có nhưng anh không hiểu tại sao, anh hỏi:

— Đồng chí chỉ huy binh đoàn, xin đồng chí cho phép tôi hỏi, liệu tôi có thời giờ dự buổi lễ trọng thể bế mạc lớp học ở điện Krem-lanh không? Tôi không muốn vắng một hôm đó, đồng chí Xta-lin chắc cũng đến dự.

Đồng chí chỉ huy cười. Năm nào cũng thế, ông thấy mình buộc phải điều động đi hàng chục sĩ quan không để họ có thời giờ dự buổi lễ này và nhiều lần, khi ngày đi chưa ấn định dứt khoát, người ta đều hỏi ông câu đó.

 — Hy vọng rằng anh sẽ được điều may mắn đó — ông nói, vẫn mỉm cười, và chìa tay đưa Ác-tê-mi-ép — Nhưng, từ ngày mai, sĩ quan trực nhật nhà Trường phải có thể gặp được anh bất cứ lúc nào.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:17:55 am »

*
*   *

Ở bộ ra, Ác-tê-mi-ép, Xa-nai-ép và Bon-đác-súc, cả ba cùng đi trên đại lộ Gô-gô-lép-ski dưới những rặng cây đã xanh lá. Thiếu tá Xa-nai-ép hay nói và vui tính, cùng như Ác-tê-mi- ép và Bon-đác-súc được thuộc quyền điều động của ban tham mưu mặt trận Viễn Đông, anh bước nhanh, hơi run rẩy, thỉnh thoảng lại vượt các bạn và phải quay lại để tiếp tục câu chuyện Sung sướng khi nghĩ đến ngày hôm sau ở cương vị những học sinh tốt nghiệp ở đại học Phơ-run-dê với những điểm cao nhất, anh và các bạn anh lần đầu tiên sẽ được đứng trên khán đài trong buổi diễu hành và sẽ nhìn thấy các bạn ở Trường diễu qua trước mắt, giờ phút này, Xa-nai-ép không thích nói đến chuyện gì nghiêm chỉnh và trên nét mặt anh, phờ phạc vì hai tháng vừa qua mất ngủ, tươi nở một nụ cười vô tư sung sướng.

— Nếu chúng ta khởi hành ngày mười. mình sẽ trên ba chục tuổi dọc đường đi, ở Iếc-cút — Xa-nai-ép nói — Nếu ngày tám, thì ở Si-ta. Nếu sớm hơn mình tổ chức lễ sinh nhật tại chỗ. Có thể là chúng ta sẽ có cả thì giờ để săn bắn. Người ta bảo ở đấy, chỗ nào cũng rất sẵn thú rừng — Cậu đừng quên mang súng đấy!

Anh ham đi săn, cũng như Ác-tê-mi-ép.

— Ta sẽ đi săn ngày chủ nhật — anh nói.

— Hay sẽ tham gia những cuộc diễn tập chiến thuật — Ác-tê-mi-ép nói, giọng hoài nghi.

— Ta sẽ gạo môn tiếng Nhật—Xa-nai-ép nói bắt chước cùng một giọng, Và phá lên cười — Không, dù sao mình nghĩ rằng bọn mình cũng sẽ được đi săn ở những nơi như thế, thế nào cũng tìm được một chỉ huy đơn vị, chính ủy, hay ít nhất là trưởng ban tham mưu để cùng đi săn, nếu không phải tất cả cùng một lúc — Chúng ta sẽ tìm thấy một tâm hồn rộng rãi hiểu được hai chúng ta, cậu và mình.

—Xa-nai-ép tưởng Viễn Đông như là cái xó Ốt-xê-ti nhà hắn ta chỉ cần đứng trên một mỏm cao là có thể nhìn thấy toàn bộ. Bon-đác-súc nói đùa với Ác-tê-mi-ép. Diện tích Viễn Đông rộng hơn tất cả châu Âu. Chỉ cần cậu ở một nơi nào đó, ví dụ, ở Pốt-xiết, và hắn ở một xó như Bóc-xin, là hai người sẽ ở cách xa nhau như là hai nước Na-uy và Bồ-đào-nha rồi.

— Thế cậu sẽ đóng đô ở đâu? — Ác-tê-mi-ép hỏi.

— Một khoảng nào đó ở giữa, mình thuộc một gia đình đông con, cho nên cần tránh những địa điểm tận cùng — Bon-đác-súc nói.

Kể cũng đúng, Ác-tê-mi-ép nghĩ thầm một trận Viễn Đông này gồm những miền ở biên kia Bai-can, miền Kha-ba-rốp, bờ biển và Cam-sát-ca! Cả một lục địa — Mình có thể ở đấy năm năm, và không những không gặp một người nào như Cli-mô-vít chẳng hạn mà còn không hiểu cả hộp thư của anh ta số 213/7 đúng ra ở vào địa điểm nào.

— Cứ cho là cậu ở mãi tít Pốt-xiết, và Xa-nai-ép ở đâu đó, Bóc-xia chẳng hạn—Bon-đác-súc nhắc lại. — Là một sĩ quan bộ binh khá, cậu sẽ làm quen với rừng, cậu sẽ để mọc bộ ria mép kếch xù màu hung hung và cậu sẽ đi một mình săn con cọp cũng râu ria không kém ở Út-xu-ri. Xa-nai-ép, ngược lại trong truyền thống tốt đẹp của kỵ binh, sẽ chẳng để qua một tháng mà không bắt cóc được một nàng tiên trên một con tàu đương chạy.

— Chậm quá rồi — Xa-nai-ép nói — Cậu có những ý kiến về mình rất lạc hậu. Mấy ngày nữa, mình sẽ lấy vợ

— Trước lúc đi?

— Hẳn thế.

—  Cậu tìm hiểu cô ấy đã lâu chưa? — Ác-tê-mi-ép vừa hỏi vừa cười.

—  Một năm rồi! — Xa-nai-ép trả lời giọng nghiêm chỉnh — Nhưng mình vẫn đợi đến giờ để dứt khoát quyết định câu chuyện. Mình muốn đợi có thể nói cho cô ta biết mình sẽ đi đâu.

— Cậu sợ cô ta không theo cậu à?

— Hẳn là không phải thế — Xa-nai-ép reo lên, giọng vui và tin tưởng, đôi con mắt ánh lên vẻ lanh lợi biểu lộ anh hết sức hài lòng và tin chắc là người yêu sẽ theo anh đến tận cùng thế giới.

Họ dừng lại trước ga xe điện ngầm «Lâu đài Xô-viết».
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:19:40 am »

Xa-nai-ra kê-đai đô-a-ru a-na-ta ga-đai-i-xê-i-ka ô ốt-xa-mê-ra-rê-ru cô-tô ô gát-dê-mi-nat — Ác-tê-mi-ép nói với Xa-nai-ép, vừa mỉm cười.  Câu tiếng Nhật ấy có nghĩa là: «Tôi gửi người đồng nghiệp đáng tôn trọng của tôi những lời chúc mừng may mắn nhất trong tất cả những công việc gì anh sẽ làm».

Đô-mô a-ri-ga-tô gốt-dai-i-mát-xi-ta! —đến lượt Xa-nai-ép cũng cảm ơn anh bằng tiếng Nhật và sau khi vội nắm tay các bạn, Xa-nai-ép nhìn họ bằng con mắt phấn khởi rồi biến mất vào trong hành lang xe điện ngầm.

Bon-đác-súc và Ác-tê-mi-ép đi ngược phố Crô-pót-kin-scai-a — Bon-đác-súc phải đến trường đại học. Còn với Ác-tê-mi-ép, thì đây là đường về nhà.

— Cậu nghĩ gì thế? — Ác-tê-mi-ép hỏi Bon-đác-súc từ nãy vẫn im lặng đi, mắt dán chặt vào đôi bốt, không chú ý mảy may đến chung quanh.

— Chắc không nghĩ giống như cậu.

—  Tại sao?

— Rất đơn giản vì điều mình nghĩ đến cậu lại không có. Mình nghĩ đến vợ — và anh nói thêm giọng mơ mộng — Bao giờ cũng có mặt lợi mặt hại. Vì thế mình cứ nghĩ thầm, bây giờ dứt khoát mình đi đến địa điểm nào, ăn ở ra sao, bao giờ thì có thể chuyền gia đình đến được? Trẻ con có tiếp tục theo học được không? Nhưng nhất là vợ mình, cô ta sẽ làm gì ở đấy? Chắc là khó có thể theo đuổi được chuyên môn rồi. Thế là hoặc cô ta sẽ chỉ đóng vai một chị vợ sĩ quan, thế thôi, hoặc phải đổi nghề. Cậu thấy thật rắc rối — Trường hợp cậu thì khác hẳn, xếp va-li thế là xong, và kính chào Cam-sát-ca!

Ác-tê-mi-ép không nghĩ ra câu trả lời. Anh biết vợ Bon-đác-súc làm một nghề không thông thường lắm; chị làm họa sĩ chạm khắc ở xưởng Gô-dơ-nác. Hai mươi năm trước, vừa học xong, mới bắt tay vào làm việc, chị đã phải bỏ nghề đi theo Bôn-đác-súc thoạt đầu ở I-ăm-pôn rồi ở Prốt-scu-rốp, về sau lại từ Prốt-scu-rốp đến biên giới Thổ-nhĩ-kỳ ở A-khan-xi. Chỉ từ khi Bôn-đác-súc vào học ở đại học, chị mới có điều kiện tiếp tục nghề của mình, sau chín năm gián đoạn, điều đó làm chị tràn ngập vui sướng. Và bây giờ, chị lại bắt buộc một lần nữa phải theo chồng đến một chỗ nào đó mà chắc chắn là không ai cần đến một nghề như nghề của chị.

— Nếu bọn mình rơi vào một thành phố quan trọng một chút — Bôn-đác-súc nói — thôi thì để vợ mình làm việc sửa ảnh cũng được. Dẫu sao đó cũng là một nghề na ná với nghề vẽ, mặc dù không thú vị lắm — Nhưng nếu mình bị điều động đến một đồn nào đó, trong rừng rậm hay giữa những cồn cát...

— Hay cậu... — Ác-tê-mi-ép bắt đầu nói.

— ... đến gặp thủ trưởng — Bôn-đác-súc ngắt lời — để nói với ông ta rằng nghề nghiệp của vợ anh đòi hỏi phải được ở một thành phố lớn, anh không có thể công tác ở những vùng hẻo lánh được? Vợ mình sẽ là người đầu tiên cấm mình làm một việc như thế. Và đó là chuyện dĩ nhiên — Năm một nghìn chín trăm hai mươi bảy, khi cô ta hoàn toàn tự ý bằng lòng làm vợ trung úy Bôn-đác-súc, anh ta không hứa rằng trọn đời anh ta sẽ ở Mạc-tư-khoa, trái hẳn thế, anh ta đã thành thật báo trước rằng trên điều động đâu, anh ta sẽ đi đấy.

— Tôi không thể nghĩ rằng ta đành chịu không tìm được một giải pháp nào cả — Ác-tê-mi-ép nói, giọng không vững lắm.

— Không phải là mình sẽ thử tìm — Bôn-đác-súc nói—Người ta chưa sáng chế ra một công thức hạnh phúc hoàn toàn cho tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc sống ngay đối với những người ở ngoài, huống gì là đối với bọn mình, trong quân đội. Dù sao, mình cũng không ao ước cái cảnh không vợ con của cậu. Một người vợ tốt, nếu cậu muốn biết, là sự việc lớn trong đời.

Từ đấy, cho đến Viện Hàn lâm, Bôn-đác-súc không nói gì nữa. Là một người dè dặt, đối với anh hình như nói thế đã quá nhiều.

Ác-tê-mi-ép cũng không nói gì. Bôn-đác-súc không ao ước số phận của anh, cũng có lý. Nó chẳng có gì là đáng ao ước, vì người phụ nữ anh yêu từ hai năm nay và ngay gần đây nữa, mặc dù với chút ít do dự, anh đã coi như người vợ tương lai, sẽ không theo anh đến Prốt-scu-rốp, đến A-khan-xi, hay đến ga Boóc-xi-a, mặc dù cô ta không có một nghề gì đặc biệt như vợ Bôn-đác-súc, mà trái lại nghề thư ký rất thông thường cô tạm thời chọn giưa việc theo học trường cao đẳng vì rỗi rãi và việc lấy chồng mà do thái độ quá thực tiễn khiến cô ta khó có thể đồng ý làm vợ Ác-tê-mi-ép.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2022, 08:21:47 am »

Ban đầu, Ác-tê-mi-ép cũng không hiểu điều đó ngay, và đến cuối cùng anh cũng gần như không thấy rõ. Khi còn đi học anh phải lòng Na-đi-a Ca-ra-vai-ê-va, bố mẹ đều làm bác sĩ nha khoa: như đám thanh niên nói, chị là một trong những cô đẹp nhất trường và chị cũng tự biết mình có sắc đẹp.

Ở trường quân sự, anh quên bẵng chuyện ấy đi, và khi trở về Mạc-tư-khoa anh không nghĩ đến Na-đi-a nữa. Nhưng cách đây hai năm, trong một chuyến tàu diện một người đàn bà trẻ cao lớn, gọi đúng tên cúng cơm của anh, và anh phải mất mấy phút mới nhận ra là Na-đi-a.

Chị vừa học xong trường cao đẳng và vừa cắt đứt với một anh bạn cùng lớp mà chị đã lấy làm chồng. Nhìn ảnh thì anh chàng này cũng là một thanh niên rất đẹp trai, nhưng ngoài ra, anh ta còn có vẻ kiên quyết, vì anh sửa soạn va-li — và lên đường một mình đến một thành phố xa, thành phố mà Na-đi-a không thể, và không muốn đọc cái tên khó nhớ, vả lại cũng ít muốn đến — về sau, Ác-tê-mi-ép biết đó là thành phố Xích-típ-ca.

Ác-tê-mi-ép mãi về sau mới nhìn sự kiện này xảy ra trong cuộc đời của Na-đi-a một cách hơi chua chát. Anh đã nghe thấy quá nhiều lời đẹp đẽ về mối tình sinh viên này, mối tình đau khổ và không được thông cảm, đến nỗi anh tưởng như nhất định tiếp theo mối tình này phải là một tình yêu nồng nàn trong thông cảm và hạnh phúc. Anh còn sẵn sàng tưởng rằng chính vì thế mà số phận đã đoàn tụ hai người trong một chuyến tầu chật ních, sau tám năm xa cách.

Lẽ dĩ nhiên, anh cũng thấy nhắc lại những chuyện yêu đương thuở nhỏ giữa hai người là khôi hài, nhưng khi đôi bên bắt đầu những mối quan hệ mới, Na-đi-a muốn làm như đó là chuyện tiếp tục ngày trước, và chị cũng nối được hiện tại với dĩ vãng bằng sợi dây mỏng manh nó đột nhiên làm cho tình yêu của hai người, có một lịch sử và do đó có một sinh lực mới.

Na-đi-a thích Ác-tê-mi-ép và chị cũng muốn làm vừa lòng anh. Chị yêu con người thẳng tính, hơi riễu cợt ấy, chị yêu cái sức mạnh vật chất toát ra từ thân hình to lớn chắc nặng, và sức mạnh tinh thần chị luôn luôn nhận thấy sau giọng nói riễu cợt, khi anh nói «phải» cũng như khi nói «không».

Kể mới nghe thì cũng thấy kỳ lạ, nhưng chính sức mạnh tinh thần ấy đã đưa anh đến chỗ lầm lẫn về Na-đi-a, và lần này thì lâu gấp bội những trường hợp khác — Anh nhìn thấy những khuyết điểm của Na-đi-a, sự loay hoay không mục đích, anh nhận xét tương đối khách quan về thái độ của chị trước cuộc sống, thái độ lười biếng mà đồng thời hay khắt khe đòi hỏi, vì chị gần như không muốn làm gì nhưng lại ao ước có tất cả.

Anh hy vọng rằng sức mạnh tinh thần của bản thân anh sẽ có thể dần dần thay đổi tất cả những cái đó. Sắc đẹp kỳ lạ của Na-đi-a cũng đóng góp nhiều làm cho mối tình đó lâu bền.

Chỉ đến năm thứ hai, Ác-tê-mi-ép mới bắt đầu thất vọng. Thật ra, không phải chỉ từ bỏ mọi hy vọng, mà chính là phải cắt đứt với ngay cả Na-đi-a. Càng ngày anh càng thấy khó tưởng tượng được một ngày kia chị sẽ là vợ anh, và về phía Na-đi-a, càng ngày chị càng ít nghĩ đến anh như một người chị sẽ lấy làm chồng.

Na-đi-a, đẹp, trẻ, thông minh, tháo vát. Những khi chị muốn chị cũng biết làm một người nội trợ đảm đang và một người bạn chu đáo; chị biết xắn tay áo lên nấu một bữa cơm ngon lành, hay đưa nhanh mũi kim đính một chiếc cổ vào áo dài, và mặc dầu chị không muốn làm những việc ấy luôn, tài khéo léo của chị do đó lại càng thêm được mọi người chú ý.

Bố vừa mất, nhưng mẹ chị một mình cùng kiếm thừa đù tiêu, điều đó làm cho Na-đi-a  có hoàn cảnh tỏ ra hào phóng và rộng rãi trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là chị vốn không phải là một người bủn xỉn nhỏ nhen.

Chị có, đến cao độ, cái tính tinh quái dễ thương mà người ta thường lầm lẫn cho đó là lòng can đảm và sức mạnh tâm hồn chân chính. Chị có thể không kém gì nam giới, từ trên đỉnh tháp nhảy dù xuống hoặc bơi qua sông Mát-scơ-va ba lần liên tiếp, hoặc chân đất không giầy, không tất chạy khắp thành phố, vào một ngày trời mưa trút nước, hay đột nhiên ôm hôn vào miệng Ác-tê-mỉ-ép giữa phố đông người nhất khiến anh ngượng đỏ mặt.

Nhưng chị hoàn toàn không thể làm được cái hành động can đảm đơn giản — một trong nhiều điều bình thường đối với nghìn vạn người phụ nữ khác — là gắn bó hoàn toàn và vĩnh viễn cuộc đời mình vào đời một người đàn ông mà cuộc sống không nhất định ở đâu và không rõ ngày mai ra sao, có thể là gặp những hoàn cảnh dễ chịu và cũng có thể là gặp gian khổ.

Lúc Ác-tê-mi-ép có thể là phải xa Mạc-tư-khoa, phải sống lưu động hàng năm, điều đó làm chị sợ hãi. Tuy biết chắc Ác-tê-mi-ép không thích đả động đến chuyện ấy, chị cũng cố hỏi rõ xem nếu chị yêu cầu anh có sẵn sàng ở lại Mạc-tư-khoa sau khi học xong ở đại học không. Nhưng trong thâm tâm chị, dù sao cũng ánh lên hy vọng còn mơ hồ nhưng ngày càng thiết tha, hy vọng gặp một người khác, không phải một đại úy vừa tốt nghiệp đại học mà có trời biết là sẽ phải đi đến đâu, không phải một người tương lai bấp bênh, với những khả năng chưa biết thế nào, mà một người đã có sẵn trong tay tất cả những gì mà Ác-tê-mi-ép có thể sẽ có hay không có. Vắn tắt, để nói một cách đơn giản và như thế chính xác hơn; một người đã có địa vị.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM