Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:54:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 174 anh hùng  (Đọc 4315 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2023, 07:56:51 pm »


KỂ CHO NHAU: MỘT "TAO NGỘ" CÓ MỘT KHÔNG HAI

CHU QUANG


Vào dịp hè năm 1987 đã diễn ra cuộc "chạm trán" của bốn chiến binh trưởng thành từ Trung đoàn 174, binh đoàn con em của nhân dân các tỉnh Biên giới Đông Bắc Việt Nam, có một thời làm quân đội viễn chinh Pháp trên đường số 4 khiếp đảm. Họ là bốn đảng viên ưu tú, là bốn anh bộ đội cụ Hồ "chính gốc", cả bốn đã là chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa, từng sống chết 55 ngày đêm với quân thù trên đồi A1, C1, C2, phía Đông Mường Thanh góp phần làm nên Điện Biên Phủ vang dội địa cầu, tiếp nối là những chiến dịch thời kỳ chống Mỹ ngụy cho đến ngày thống nhất đất nước.

Ba vị là tướng quân, còn một là "tiểu tướng" của một ngành cũng xuất ngoại để thực hiện phương châm: "đi một đàng, học một sàng khôn".

Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và thú vị vì nó được diễn ra ở ngay tại thủ đô Matxcơva, nơi không hề xa lạ với họ, bởi ba trong số họ đã từng có dịp học tập tại đây và người còn lại cũng từng qua lại công tác.

Sự kiện diễn ra.

Sau khi hoàn thành chuyến công tác tại thủ đô Lahabana và một số địa phương khác của đất nước Phidel - Cuba anh hùng, tôi trở về nước, phải quá cảnh ở Matxcơva. Cơn mệt của 18h bay, từ châu Mỹ Latinh sang châu Âu đầu óc còn rối bời bao vấn đề đặt ra sau chuyến đi. Nhưng rồi niềm phấn khởi nhớ lại những kỷ niệm cũ ở nơi đây đã làm tôi giảm bớt sự mệt mỏi.

Tại nhà khách Sứ quán, trong lúc chờ làm thủ tục, tôi gặp ngay trung tướng Nguyễn Hữu An vừa từ Hà Nội bay sang, để đi an dưỡng tại biển hồ Baratông nổi danh của Hunggari. Tiếp nối, xuất hiện thiếu tướng Lê Sơn, sau khi điều trị an dưỡng cũng tại Hunggari trên đường về nước.

Tướng An gợi ý cùng nhau đến thăm thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự, khi đó là tuỳ viên quân sự của Sứ quán ta, lại đang rất khó khăn, bận bịu, phải chăm sóc con gái bị bệnh nan y. Quỹ thời gian cho phép họ xả láng trong tâm sự, động viên thăm hỏi hoàn cảnh gia đình con cháu của nhau, cho phép được ngồi ăn cùng bàn, cùng tranh thủ đi dạo bước trên đường phố Matxcơva nắng đẹp. Chuyện trò của họ không hề đề cập đến chiến tranh mà lại là văn học Xô Viết, về những điều tai nghe mắt thấy trước đây họ biết.

Thiếu tướng Đôn Tự đã "chiêu đãi" phở do ông tự làm, bát phở đầy thịt, nước dùng ngọt lịm với đầy đủ gia vị. Trong không khí "vui mừng khôn xiết", vẫn bao quanh kèm theo những mẩu chuyện đầy tình nghĩa, tôi không cảm nhận được nghệ thuật làm phở của ông Tự đến đâu.

Chị Thanh Thủy, vợ liệt sĩ Hồ Hải Nam (E98) vốn là văn công đại đoàn 316, lúc đó là tuỳ viên thương mại, tìm đến thăm hỏi và đã giúp đỡ anh em rất nhiều trong việc mua sắm quà cáp trong những ngày chúng tôi ở Mat.

Những dịp đi bộ trên đường Goócky, ăn kem Matxcơva nổi tiếng châu Âu, chiêm ngưỡng lại khu vực điện Cremli, tượng Puskin, hưởng lại cái thú đi tàu điện ngầm... đều là tác phẩm của cô em văn công xưa kia.

Hợp rồi phải tan.

Tôi xin được nhìn nhận là cuộc tao ngộ có một không hai. Vì rằng khó có thể ở một trung đoàn khác của quân đội ta lại có sự kiện diễn ra như vậy.

Nói một cách khác, các vị được hưởng một cái lộc do chính sách của Đảng và Nhà nước đền đáp để có cuộc "tao ngộ" kể trên.

Một "tao ngộ" mang nhiều ý nghĩa nhân văn - con người mà tôi ghi nhớ sâu đậm nhất.

Khi tôi viết những dòng này thì thượng tướng, phó giáo sư Nguyễn Hữu An đã vĩnh viễn ra đi, khi chưa ở độ "thất thập cổ lai hy" trong lúc đang sung sức công hiến những tác phẩm quân sự rút từ kinh nghiệm chiến trường đã tuân theo tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông an nghỉ cạnh nhiều vị lão thành, nhân sỹ tri thức cách mạng tại nghĩa trang Mai Dịch. Thượng tướng phó giáo sư là vị tướng được Hội khoa học lịch sử Việt Nam đúc tượng.



Hà Nội tháng 8 năm 2003
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2023, 07:58:09 pm »


CHÚC MỪNG ĐẠI THỌ 90 TUỔI
ĐẠI TƯỚNG CHU HUY MÂN


Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 174 trong phiên họp đầu năm 2002 (Nhâm Ngọ) nhớ ngay một sự kiện với tình cảm sâu sắc: năm nay anh Mân, người anh cả của Trung đoàn chúng ta, đã vào tuổi Đại thọ 90.

Anh em nhất trí bàn với Ban liên lạc sư đoàn 316 tổ chức mừng Đại thọ Đại tướng. Nhưng không biết nên mừng vào năm âm lịch (17/3/2002) hay dương lịch (17/3/2003). Hơn nữa, biết anh Mân sống rất bình dị, tính rất khiêm tốn, không thích ai ca ngợi mình, viết về mình. Bàn đi tính lại và cho rằng anh Mân vào tuổi Đại thọ là hạnh phúc cho gia đình, cho đất nước, nên tổ chức mừng ngay từ năm Nhâm Ngọ, cả năm 2003 và hằng năm để tổ chức mừng anh trường thọ.

Sáng 13 tháng 7 năm 2002 (Nhâm Ngọ), trong nắng ấm tiết xuân, Ban liên lạc sư đoàn 316 cùng đại diện Ban liên lạc trung đoàn 174, 98, 148 đã đến nhà 36B Lý Nam Đế. Trong không khí gia đình, trong phòng khách ấm cúng, khác mọi ngày là có nhiều lẵng hoa, trên bàn có hoa quả, kẹo bánh, cả anh cả chị đã vui vẻ niềm nở đón tiếp anh em rất cảm động. Anh Mân đã bắt tay, nhận mặt, nhắc tên từng người, Anh Hoàng Tiêu Sơn - trưởng Ban liên lạc Sư đoàn đã thay mặt anh em nói lên tình cảm đối với Đại tướng Chu Huy Mân là người lãnh đạo, chỉ huy, là người thầy, nhưng cũng là người anh cả thân thương, người bạn chiến đấu kiên cường, đã dìu dắt trung đoàn 174 và sư đoàn 316 trong xây dựng và chiến đấu, lập nên những chiến công oanh liệt. Anh Mân đã thay mặt Đảng dạy bảo, bồi dưỡng nhiều anh em trong tuổi thanh xuân từ chiến sỹ trở thành những cán bộ chỉ huy, những tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hôm nay, anh đã vào tuổi 90, nhưng vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, nhanh nhẹn. Đó là niềm hạnh phúc của gia đình, của anh em chúng ta và của đất nước, anh em chúc mừng Anh trường thọ, tuổi cao chí khí càng cao, thể lực tráng kiện, trí tuệ minh mẫn. Tuy anh đã nghỉ hưu, nhưng mong anh tiếp tục đóng góp với Đảng, Nhà nước trong đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng quân đội trong thời kỳ mới. Anh em kính chúc anh chị trường thọ, mạnh khỏe, chúc toàn thể gia đình an khang, hạnh phúc.

Anh em đã trao tặng anh chị lẵng hoa Trường thọ, bức trướng đỏ thêu đậm chữ vàng: "Mừng thọ Đại tướng Chu Huy Mân 90 tuổi" và khung ảnh lớn nhà bia lưu niệm di tích lịch sử, nơi thành lập Đại đoàn 316 ngày 1/5/1951.

Anh chị rất vui mừng và cảm động, cùng anh em nâng li rượu đầu xuân. Anh Mân chúc tất cả theo gương anh sống khỏe, sống vui. Mọi người ngồi xuống cùng hàn huyên chuyện trò thật đầm ấm. Vẫn phong cách điềm đạm, chậm rãi, Anh nhắc lại nhiều sự kiện, nhiều kỉ niệm về Trung đoàn 174, về Sư đoàn 316, về chiến trường Cao Bắc Lạng, về chiến trường Tây Bắc.

Một giờ đồng hồ qua nhanh, có tiếng ồn ào ngoài hành lang: Anh Đặng Vũ Hiệp, anh Nguyễn Nam Khánh và đoàn ban liên lạc các chuyên gia quân sự ở Lào tiến vào.

Anh em ta tình cảm còn lưu luyến, nhưng vội vàng đứng lên chào tạm biệt Anh Chị để các đoàn bạn vào chúc mừng Đại tướng.

Ra về anh em trao đổi với nhau và đều cảm nhận: anh Mân đã 90 tuổi, suốt cuộc đời chinh chiến đi qua nhiều đơn vị, nhiều chiến trường, trên nhiều cương vị. Nhưng phải chăng anh Mân vẫn hoài niệm đầy ấn tượng với tình cảm sâu sắc về chiến trường Cao Bắc Lạng, về Trung đoàn 174, về Đại đoàn 316 trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, về những đơn vị chủ lực trong bước khởi đầu xây dựng Quân đội. Và anh, với tuổi tráng niên, đã cùng chia ngọt sẻ bùi, chia sẻ gừng cay muối mặn trong những tháng năm gian khổ với những cán bộ chiến sỹ nhiều thế hệ đầu tiên đang tuổi thanh xuân.

Ngày nay, anh Mân đang là cây đại thụ, bạn chiến đấu chúng ta cũng đã vào tuổi cổ lai hy, nhưng tình nghĩa đồng chí, đồng đội thật là sắt son, sâu nặng, kiên trung.

Nhân dịp họp mặt truyền thống kỷ niệm 53 ngày thành lập Trung đoàn 174 (19/8/2002) và ngày 17/3/2003, chúng ta lại trân trọng mừng Đại thọ anh Mân, người anh cả của Trung đoàn, kính chúc Anh trường thọ, tiếp tục tỏa bóng mát cho đời, cho chúng ta.

THƯỜNG TRỰC BAN LIÊN LẠC
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2023, 08:06:58 pm »


TRÊN ĐỒI A1 - ĐIỆN BIÊN PHỦ

NGUYỄN BÌNH

                                                                    Sáng tháng năm
                                                                    Ba mươi tám ngày đêm
                                                                    Đối mặt giữ từng tấc đất
                                                                    Đào hào đánh lấn
                                                                    Đứng lên đuổi địch xuống đồi
                                                                    Cao điểm cuối cùng khu Đông sụp đổ1.

                                                                    Chúng tôi tới đây từ đường số Bốn
                                                                    Bước chân mòn lối chiến trường
                                                                    Người Việt Bắc, khu Tư, đồng bằng sông nước
                                                                    Sống chung đất tổ vua Hùng

                                                                    Biên giới mở thông, tiến sang đông bắc
                                                                    Với núi cao, rừng rậm, sông dài
                                                                    Đất mỏ nhiều than, biển vàng lắm cá
                                                                    Còn trong tay quân xâm lược tham tàn.

                                                                    Vào địch hậu đồng bằng sông Hồng trù phú
                                                                    Giặc vừa càn qua cháy đỏ nếp nhà hoang
                                                                    Cùng nhân dân giữ làng chống càn diệt giặc
                                                                    Góp sức người sức của kháng chiến thành công.

                                                                    Vượt sông Đà lên Tây Bắc xa xôi
                                                                    Trận Mộc Châu mở đường thắng lợi
                                                                    Giải phóng rồi mường bản mừng vui.

                                                                    Chiến dịch vừa xong, bước vào trận mới
                                                                    Người đến công trường
                                                                    Người đi đánh Mỹ
                                                                    Chúng tôi trở lại Điện Biên2
                                                                    Luyện tập, đắp đường, làm hồ chứa nước
                                                                    Xây dựng sân bay còn vướng phải mìn.

                                                                    Cuộc sống đang lên thổi luồng gió mát
                                                                    Chiến trường vẫy gọi Trung đoàn lại đi3
                                                                    Miền bắc, miền trung, miền nam thương nhớ
                                                                    Còn xa hơn nữa, nước bạn anh em...

                                                                    Tây Nguyên giải phóng, miền nam giải phóng!
                                                                    Chúng tôi trở về bảo vệ Điện Biên4
                                                                    Ba thế hệ đồng lòng chung sức
                                                                    Lớn lên cùng đất nước vững bền.

                                                                    Nửa thế kỷ trôi qua
                                                                    Sáng nay trên đồi A1
                                                                    Có nén hương thơm
                                                                    Mấy cành hoa nhỏ
                                                                    Nghĩa tình đồng đội tháng năm xưa.

Tháng 8 năm 2003
____________________________________________
1. Ngày 30/4/1954. trung đoàn 174 (đại đoàn 316) đánh đồi A1 - Điện Biên Phủ không thành công, sau 38 ngày đêm giữ phần trận địa đã lấy được, đến đêm 6 rạng sáng ngày 7/5/1954 đánh đồi A1 thắng lợi.
2. Tháng 4/1958, trung đoàn 174 trở lại huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu.
3. Trung đoàn 174 (Cao - Bắc - Lạng) thành lập ngày 19/8/1949 tại xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có hai trung đoàn 174.
4. Tháng 2/1979, trung đoàn 174 (sư đoàn 316) hoạt động ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2023, 08:11:26 pm »


TIỂU ĐOÀN 215 (D1)

THẾ LONG1 


                                                                  Anh em D1 E174
                                                                  Ngày đầu thành lập ở từ trên non,
                                                                  Núi Đông Bắc cao chon von
                                                                  Một màu xanh biếc bạn còn nhớ không?
                                                                  Tập hợp dưới lá cờ hồng
                                                                  Sư 316 chiến công lẫy lừng
                                                                  Diệt đồn Đông Khê trên đường số 4,
                                                                  Mở màn chiến dịch giải phóng vùng Biên
                                                                  Chiến dịch, chiến dịch tiếp liền
                                                                  "Diệt viện" cùng với "công kiên" tưng bừng
                                                                  Chiến dịch Điện Biên lẫy lừng,
                                                                  D251 đã từng xông pha.
                                                                  Mở màn chiến dịch cũng là
                                                                  D251 xông ra Mường Pồn,
                                                                  Nổ súng quân giặc kinh hồn,
                                                                  Anh em D1 đồng lòng xung phong.
                                                                  D1 thêm một chiến công!
_____________________________________________
1. Nguyên chính trị viên 673 tiểu đoàn 251.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2023, 08:15:15 pm »


ĐÁNH MƯỜNG PỒN (13-12-1953)

THẾ LONG


                                                         Sau kỳ chỉnh huấn ở tỉnh Thanh,
                                                         Toàn đoàn được lệnh hành quân nhanh,
                                                         Cắt rừng, vượt núi lên Tây Bắc
                                                         Ào ào khí thế khúc quân hành

                                                         Chiều nay gặp địch ở Mường Pồn,
                                                         D251 ra một đòn
                                                         Địch quân hoảng loạn chạy tan tác,
                                                         Quân mình xông tới, giặc kinh hồn.

                                                         Quân địch rút chạy theo lối mòn,
                                                         "Xê ba" bám sát vượt núi non
                                                         Anh nuôi bị lạc, quân ta đói,
                                                         Ăn cá luộc vã, muối không còn!

                                                         Địch chạy tháo thân đến cùng đường,
                                                         Ngựa chúng bỏ lại dạt tứ phương,
                                                         Quân ta tung hoành thu ngựa chiến,
                                                         Con để thồ hàng, con chở thương.

                                                         Con mã đẹp nhất sẵn dây cương,
                                                         Nhảy phốc lên yên, đỡ cung đường,
                                                         Về tới trung đoàn đem giao nộp,
                                                         Tất cả chiến lợi phẩm chiến trường.

                                                         Đoàn trưởng lúc đó là anh An,
                                                         Khen thưởng A1 trước trung đoàn,
                                                         Mở màn chiến dịch thu thắng lợi!
                                                         Ta còn nhắc mãi trong liên hoan.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2023, 08:17:41 pm »


Kính tặng trung đoàn 174

ĐOÀN QUÂN CAO BẮC LẠNG
(1950)
Nhạc và lời: Nguyễn Đình Phúc


(Hành khúc)
Cao Bắc Lạng! Đây đoàn quân biên thùy, trầm hùng tiến. Thổ, Nùng, Kinh, Mán sát vai. Trong gian lao, reo hát cười. Vui hy sinh, giết hết thù, chúng sức đấu tranh. Đi lên! Đi lên! Ta giữ đất ta, nương rừng, đồi núi xanh lam hình dáng mến yêu. Đi lên! Đi lên! Binh đoàn ta đi, xây chiến thắng vang biên thùy, reo hát mừng. Vang danh! Vang danh! Gương sáng chiến công, công đồn, phục kích, tiên phong nhịp bước viễn chinh. Vang danh! Vang danh! Binh đoàn ta đi, xây chiến thắng vang biên thùy, reo hát mừng. Vang danh! Vang danh! Gương sáng chiến công, công đồn, phục kích, tiên phong nhịp bước viễn chinh. Vang danh! Vang danh! Binh đoàn ta đi, xây chiến thắng. Tiến lên, giết hết thù
 
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2023, 01:39:04 pm »


NHỚ ANH, MỘT CON NGƯỜI BÌNH DỊ!
Kính tặng các bạn chiến đấu
của anh Nguyễn Hữu An ở Trung đoàn 174

BÙI THỤC CHI1


Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta từ cách đầy nửa thế kỷ. Tiếng vang ấy vẫn còn dư âm trong trái tim những ai yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trong chiến công đó, những người tham dự cho biết có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 174 (thuộc Đại đoàn 316) với cặp chỉ huy mưu trí, linh hoạt của đơn vị là trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An và Chính ủy Trần Huy.

Thực tế đã khẳng định rằng "Trận quyết chiến trên đồi A1" năm xưa của e174 để giành thắng lợi, chiếm lĩnh hoàn toàn quả đồi án ngữ phía Đông - Điện Biên này, là tiếng súng báo hiệu sự thắng lợi cuối cùng của toàn chiến dịch.

Năm 2004 sắp đến! Nhà nước ta, nhân dân ta lại có dịp ôn lại kỷ niệm rất đáng ghi nhớ "Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên" chấn động địa cầu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của e174 vẫn còn đó. Các anh đã ở tuổi thất thập cổ lai hy trở lên, nhưng vẫn may mắn còn sống trên cõi đời, để nhìn sự phát triển của xã hội ngày càng đi lên. Con cháu mình thoát khỏi cảnh chiến tranh, được vui chơi học hành mặc dù đất nước ta còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các anh không quên và không bao giờ quên những người đồng chí đã cùng các anh kề vai sát cánh trong chiến đấu chống quân thù, nay đã khuất núi.

Một buổi trưa hè tháng sáu của năm 2003 nắng chói chang, một cựu chiến binh trung đoàn 174 - anh Ca Sơn - đến thăm gia đình tôi, thắp nén hương tưởng niệm người Trung đoàn trưởng năm xưa. Người cựu chiến binh Ca Sơn bồi hồi xúc động nhắc lại kỷ niệm chiến đấu với người mà anh gọi là "Thủ trưởng kính mến" và muốn tôi viết bài về "Cuộc sống đời thường" của anh Nguyễn Hữu An, để đưa vào cuốn sách cùng với bài viết của những người đồng chí khác của e174 vào dịp kỷ niệm trọng thể này.

Tôi vừa lo vì không biết mình có đủ khả năng thể hiện được điều đó không, lại vừa cảm động về tấm thịnh tình của anh Ca Sơn, nhất là được nghe nói đại diện cho Ban liên lạc của e174, một tập thể mà tôi đã được dự sinh hoạt từ sau khi anh An mất. Họ vẫn gắn bó với nhau, hòa cùng nhịp điệu trong bản trường ca bất diệt về chiến tích của e174.

Trước bàn thờ anh, tôi thổ lộ tâm sự trên đây và mong anh cùng tôi chấp bút. Tuy anh đi xa đã tám năm, nhưng tôi vẫn cảm nhận được tâm linh anh luôn ở bên tôi. Phải nói rằng thường xuyên tôi nhớ đến anh, như thể anh vẫn còn sống. Chiếc đồng hồ đã cũ kỹ nhưng tiếng nhạc hiệu của nó báo 6 giờ sáng anh thức dậy chuẩn bị đi làm và 5 giờ chiều anh trở về nhà, vào những năm tháng cuối cùng trước lúc anh rời xa thế giới này tôi vẫn còn lưu giữ để đánh thức và đón anh như lệ thường, cùng với nhiều kỷ vật khác.

Tôi và anh quen biết nhau do tác động của một số bạn chiến đấu của anh là các anh Vũ Lăng, Vũ Lập... động viên anh Bùi Nam Hà (anh trai tôi) xe duyên cho tôi với anh. Lúc đầu tôi do dự vì tôi đang học lớp chín (nay là lớp 12) và là con út, lớn lên trong vòng tay yêu thương, chiều chuộng của cha mẹ và các anh chị tôi, nên ở tuổi 22 mà tôi không có cảm giác đã lớn lắm. Tôi rất ham học với lòng mong muốn học xong đại học để có một địa vị trong xã hội, lúc đó mới xây dựng gia đình. Nhưng, anh đã đến với tôi bằng sự chân thành, kiên trì và với tác phong giản dị, khiêm nhường. Anh tôn trọng sự học hành của tôi. Mỗi khi có dịp về Hà Nội, anh lại đến thăm tôi. Hồi đó tôi ở nhờ gia đình một người bạn thân của chị gái tôi tại ngõ Hàng Bột vì sau chín năm kháng chiến chống Pháp gia đình tôi phải về Hưng Yên quê tôi, còn nhà ở Hà Nội đã tiêu thổ kháng chiến từ năm 1946.

Tôi vốn có cảm tình với bộ đội, có lẽ vì hai anh trai lớn của tôi đều là lính của Cụ Hồ. Tôi sinh trưởng trong một gia đình viên chức nhỏ ở Hà Nội, cha mẹ tôi theo đạo Phật, là gia đình cách mạng, có "Bảng Vàng danh dự". Còn gia đình anh, cha hoạt động cách mạng từ năm 1927; năm 1929 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Trường Yên, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư), tỉnh Ninh Bình. Mẹ và anh trai anh cũng tham gia cách mạng từ thời Pháp còn cai trị. Do vậy gia đình được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Anh bị mất mẹ từ thuở ấu thơ, sống với mẹ kế và bầy em nhỏ. Năm 16 tuổi, anh thoát ly gia đình, tự lập thân từ hai bàn tay trắng, rồi đi theo cách mạng và trưởng thành lên. Trong một bức thư gửi cho tôi, anh viết: "...Cuộc đời anh đầy chông gai và nước mắt. Cho đến khi bước chân vào hàng ngũ cách mạng, anh mới cảm thấy có nhựa sống...".

Tôi xúc động, cảm phục anh và yêu anh. Ngày cưới (28/9/1956) anh ở tuổi ba mươi - Tham mưu phó Quân khu Tây Bắc - quân hàm trung tá (phong năm 1958); và tôi hai mươi ba tuổi - sinh viên khoa Hóa trường Đại học Sư phạm. Anh Hoàng Minh Thảo (nay là Thượng tướng Hoàng Minh Thảo) làm chủ hôn. Hưởng tuần trăng mật bốn ngày tại "Chiêu đãi sở" của quân đội, anh đã phải về đơn vị.

Ngày ấy chúng tôi còn nghèo vì anh hưởng chế độ phụ cấp hai mươi đồng một tháng (giá trị bằng năm mươi kilôgam gạo), còn tôi hưởng học bổng hai mươi hai đồng. Mãi đến tháng 8/1958 thì được lĩnh lương mới. Hiểu được bối cảnh của gia đình tôi, lại là bạn chiến đấu với anh trai thứ hai của tôi nên anh rất chu đáo trong cuộc sống thường ngày. Anh nhường tất cả những thuận lợi cho tôi, nhất là khi Thu Hương, đứa con gái đầu lòng của chúng tôi ra đời (1958). Anh sung sướng vì bắt đầu được làm cha, đến mức độ chị gái tôi phải thốt lên: "Chú An mê con chú ấy quá!". Song thời gian anh ở bên mẹ con tôi không được bao nhiêu, chỉ vài ngày mỗi khi được đi Hà Nội họp, lại phải về đơn vị ngay.
____________________________________________
1. Nhà giáo, vợ đồng chí Thượng tướng Nguyễn Hữu An.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2023, 01:40:10 pm »


Năm tháng qua đi, chúng tôi sinh thêm hai con trai: Tuấn Anh (1960), Tuấn Hùng (1962). Một mình nuôi ba con nhỏ trong khi chồng cứ biền biệt nơi địa đầu của Tổ quốc, tủi thân lắm chứ! Đặc biệt là vào thời kỳ sơ tán chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ cũng là lúc anh được cử đi công tác B (chiến trường miền Nam) vào tháng 4/1964. Trước lúc lên đường (tại Quân khu 4 - anh làm Sư đoàn trưởng sư đoàn 325), anh biên thư tạm biệt tôi: "... Chia tay em đã nhiều, tạm biệt em cũng lắm nhưng lần này anh thấy bịn rịn hơn lúc nào hết. Mới ngày nào em còn mặc chiếc áo trắng, cổ lá sen đợi anh ở một chiếc ghế đá tại vườn Bách Thảo, mà nay chúng ta đã có ba đứa con. Đứa nào cũng kháu cả. Em hãy cố gắng nuôi con, chờ ngày chiến thắng anh sẽ trở về...".

Nhận được thư anh, đọc thư mà nước mắt tuôn trào. Thương anh, lo cho anh sắp bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ, đầy thử thách rồi lại lo cho mình! Cả nước có chiến tranh, trông lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì cũng đỡ hơn nhiều người (dù sao tôi cũng có lương của một cô giáo dạy cấp ba, lại còn thêm lương của chồng để lại) song cũng thật vất vả. Cứ cái cảnh cô đơn với chiếc xe đạp, đằng trước thì tương cà mắm muối, đằng sau thì gạo và con, đôi khi phải gửi bớt hai đứa trên xe khách cho một người không quen biết rồi phóng xe đạp đuổi theo đến bến đỗ, lòng xiết bao nỗi lo âu, nhìn bóng trời chiều dần sẫm lại, khi trông thấy các con, nước mắt rưng rưng cùng ôm nhau khóc. Rồi mấy mẹ con phải băng qua vài cánh đồng mới về đến nơi cư trú. Lúc đó, Thu Hương lên tám, Tuấn Anh sáu tuổi và Tuấn Hùng bốn tuổi. Khó khăn quá thì gửi bớt hai đứa về Hưng Yên quê tôi, để mẹ và chị gái tôi chăm sóc giúp, rồi hàng tháng lại đạp xe hàng bảy chục cây số về thăm, vì ô tô khó lấy vé lại sợ máy bay địch bắn phá. Đi đâu tôi cũng mang theo con gái để kèm cặp vì muốn cháu sẽ là con chim đầu đàn để giúp đỡ các em.

Bốn năm chiến đấu ở Tây Nguyên với bao nhiêu gian nan vất vả, thiếu thốn cả thức ăn và giấc ngủ, vật lộn với bệnh tật (trĩ và sốt rét) anh vẫn tranh thủ thời gian biên thư cho tôi và các con, nội dung rất tình cảm, pha chút lãng mạn cách mạng. Có lần vào dịp Tết, anh viết thư từ Tây Nguyên về: "... Tiếng pháo giao thừa đã điểm và tiếng nói ấm cúng của Bác Hồ vừa chúc Tết xong (chắc là anh nghe qua Đài tiếng nói Việt Nam). Anh đang thức để viết thư cho em vào cái giờ thiêng liêng của dân tộc. Cái giờ mà năm cũ qua, năm mới đến chỉ cách nhau vài ba phút. Anh đang ở trong một căn nhà toàn bằng nứa giữa một khu rừng trùng điệp. Trên bàn không có bàn thờ, mâm quả và khói hương, mà chỉ có sách vở đồ dùng và cây nến. Cảnh vật ở đây cũng biến đổi theo ngày, tháng, năm như ở Bắc nên đêm nay mưa xuân đã lất phất. Bầu trời chẳng có trăng sao, và cái rét ngọt một cách dễ chịu (tôi hiểu anh thích trời rét hơn mùa hè) cũng đến lúc nào không hay nữa. Chỉ có núi rừng là yên lặng, cái yên lặng mà êm ả lạ thường. Xung quanh anh mấy chú công vụ đã yên giấc và có lẽ đang mơ về nơi cố hương xa xăm nào đó. Chỉ còn một mình anh của em vẫn thức, vẫn hướng về em và các con thân yêu với tất cả niềm thương nhớ dào dạt! ...".

Anh sống bằng nội tâm nhiều hơn. Tôi biết anh là người giàu tình cảm, song đôi khi trong cách thể hiện lại hơi vụng về, thiếu tâm lý. Có một lần khi mới yêu nhau, anh tặng tôi một ít tiền nói rằng: "Anh không biết mua gì cho hợp ý thích của em, em mua giúp anh nhé!". Tôi không nhận, anh cuộn lại, cài vào tai, tôi vội lấy tay hẩy và nó rơi xuống đất. Anh cười nói đùa: "Vứt tiền của nhà nước đi, là tù đấy". Một lần khác, anh tặng tôi chiếc khăn quàng mỏng, màu sắc lòe loẹt. Tuy không thích nhưng tôi vẫn nhận v.v... Anh thổ lộ tâm tình với tôi "Anh rất muốn chiều em, làm em vừa ý nhưng không hiểu sao anh lại không biết làm! Anh vụng về lắm phải không em?" Tôi cũng không giải thích nổi vì như đã nói ở trên, tôi luôn được cả nhà yêu mến chiều chuộng, tuy tôi rất ngoan nhưng hay hờn mát (theo nhận xét của mọi người), cả nhà gọi tôi là "cô bé" cho đến khi tôi lấy chồng. Trước khi yêu tôi, anh tôi dặn dò anh nên chiều tôi như khi tôi còn ở nhà. Anh tự nguyện nhận lời về làm đúng như vậy cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay! Trong tôi nảy sinh những tình cảm dường như mâu thuẫn: giận anh, thương anh, bực bội với anh nhưng lại rất cảm phục anh. Chúng tôi sống với nhau bằng thư từ vì luôn ở cách xa nhau. Đọc thư anh, tôi rất xúc động. Mỗi khi đọc đến đoạn anh viết: "... Anh của em nhất định sẽ trở về trong ngày vui chiến thắng của toàn dân tộc..." hoặc "... Em cứ yên tâm, đừng lo gì cho anh. Anh nhất định sẽ trở về với em và các con nhưng phải là ngày toàn thắng...". Một nỗi buồn thoáng hiện trong tôi, vì không đáp ứng hy vọng anh được về họp như một số đồng chí khác. Nhưng rồi lại như có thêm nghị lực, vì anh truyền thêm cho tôi niềm tin vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhiều anh em bạn bè chiến đấu cho tôi biết anh Nguyễn Hữu An thường được cử đến những nơi khó khăn, chiến trường ác liệt, và anh luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đôi khi tôi băn khoăn về chế độ chính sách, anh thường gạt đi một cách nhẹ nhàng "Đặt vấn đề ra làm gì, anh còn sống để được trở về với em và các con là may mắn rồi còn gì". Tôi tạm yên tâm với cách lý giải đó nhưng sự đời đâu lúc nào cũng giản đơn như vậy! - Hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ núp dưới căn phòng mái bằng, trên gác xép với diện tích mười hai mét vuông ở phố Lê Đại Hành mà vẫn bị "đuổi", vì ở nhờ một đơn vị khác. Trước đó tôi ở ký túc xá của sinh viên. Khi có con phải ở nhờ nơi khác. Lúc này anh đã ở cấp thượng tá, tham mưu phó Quân khu Tây Bắc. Còn tôi, cô giáo dạy cấp ba trường Trung cấp kỹ thuật hai. Cho đến khi anh đi công tác B (Tây Nguyên năm 1964) mới được cấp trên cho đến ở tầng thứ tư, ngôi nhà tập thể bốn tầng thuộc khu Nam Đồng với diện tích hai tám mét vuông, chung công trình phụ. Ở đó mười bẩy năm, từ cấp thượng tá đến khi anh được phong trung tướng. Mỗi khi ở chiến trường về, người ta thấy đêm đã khuya, anh một mình với hai thùng nước xách từ máy công cộng dưới tầng một lên tầng tư nhà mình, vì lúc đó vắng người dễ lấy nước hơn. Thương các con còn bé, vợ lại yếu, mặc dù vậy, anh vẫn giúp người khác. Anh có thể dừng tay xách nước để mang hộ chiếc xe đạp của chị hàng xóm lên trước (chị ấy đi làm ca đêm về và cũng yếu như vợ mình) hoặc giải quyết khó khăn của một gia đình như gia đình anh Điềm - Tư lệnh Đặc công. Anh Điềm đã mất, con trai lớn đang ở trên biên giới. Con trai bé mười hai tuổi, còn thằng giữa vừa học xong cấp ba lại gọi nhập ngũ trong lúc chị Ngọ (vợ anh Điềm) đang đau tim nặng. Mười hai giờ đêm, chị Ngọ gõ cửa cầu cứu, anh vội vàng dậy đi gặp anh Lư Giang, Tư lệnh Quân khu Thủ đô để giải quyết mặc dù sáng sớm hôm sau anh đã phải đi công tác.

Vắng anh, đôi khi những hình ảnh trên đây lại hiện lên trong trí nhớ của tôi, nhiều lần anh ra đứng trước hiên vào giờ tôi sắp ở trường về. Trông thấy tôi từ xa, anh chạy như bay từ trên gác xuống, đỡ xe đạp mang lên cho tôi và vui vẻ hỏi "Em có mệt không, đã đói chưa? Anh nấu xong cơm rồi đây". Đi bên anh tôi thấy ấm lòng và thầm mong anh ở nhà dài ngày một chút. Nhiều khi không dám hỏi anh về họp bao lâu, vì tôi rất sợ nghe câu trả lời mà tôi như đã biết trước. Gặp được anh tôi rất mừng xong lại lo ngay đến ngày anh ra đi.

Để một phần lấp đi nỗi trống trải trong lòng, tôi lao vào công tác, cố gắng phấn đấu để trở thành đảng viên như anh hằng mong muốn và cũng để được tự hào với mình. Rồi niềm vinh dự ấy đã đến, tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào giữa lúc bom đạn còn ngút trời của thời kỳ giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc gây tội ác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2023, 01:41:38 pm »


Mùa thu năm 1968, anh ở chiến trường Tây Nguyên trở về Hà Nội họp. Khi xe qua huyện Thường Tín nơi tôi sơ tán theo trường, anh đã ghé thăm ông bà chủ nhà, một gia đình nông dân công giáo, có nghề thủ công khắc gỗ. Bà chủ nhà ngạc nhiên nói "Cô giáo và các em đã về Hà Nội rồi ông ạ". Anh lễ phép đáp "Thưa ông bà, tôi đã biết tin đó nhưng tôi vào đây để thăm sức khỏe và cám ơn ông bà đã cho nhà tôi và các cháu ở nhờ. Ông bà đối xử rất tình nghĩa, chúng tôi rất biết ơn". Ông bà chủ nhà cảm kích lắm, định giữ anh ở lại dùng cơm gia đình, song anh xin lỗi từ chối vì đã bốn năm chưa được gặp vợ con. Và ông bà chủ nhà tiễn anh ra tận cổng làng.

Học trò và các bạn đồng nghiệp của tôi rất quý mến anh. Anh đã từng kể chuyện chiến đấu cho giáo viên nghe và họ rất thích được nghe chuyện người thật, việc thật. Anh say sưa thuyết trình hàng giờ về các trận đánh "Đường 9 Nam Lào" tại trường cấp 3 Trưng Vương (nay là trường PTTH Đống Đa), về chiến thắng Điện Biên tại trường PTTH Hoàn Kiếm (nay là trường PTTH Trần Phú) vào dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ...

Một lần vào buổi tối khuya, thấy ô tô anh đến thăm tôi tại nơi sơ tán, học sinh đã khiêng bàn ghế chặn ngang đường, rồi chúng núp xung quanh. Khi anh và chú lái xe bước xuống để dọn lấy lối đi, lúc đó chúng ùa ra trêu chọc "chú Chi, chú Chi" (vì tôi tên là Chi) rồi chúng dọn đường cho xe anh đi. Anh xoa đầu và phát nhẹ vào vai chúng cười hiền hòa. Anh đứng lại chuyện vui một lát rồi mới đi vào nhà tôi ở nhờ, mặc dù đã khuya và sáng hôm sau anh lại phải lên đường sớm.

Với anh, việc thay đổi đơn vị công tác, thay đổi chức vụ là bình thường. Anh cũng đã quen rồi. Chả thế mà có tới năm lần xách va li chuẩn bị lên tàu đi du học nước ngoài, lại có lệnh hoãn để đi chiến đấu, vì chiến trường cần hơn. Cuối cùng cũng được nhận "bằng đỏ" tốt nghiệp sau khóa học tại Học viện Vôrôxilôp (Liên Xô) vào năm 1974. Và may quá, khi về đến ga Hàng Cỏ thì được lệnh tham gia chiến dịch Trị Thiên và chiến dịch Đà Nẵng với cương vị Tư lệnh Quân đoàn 2. Rồi dọc theo trục đường 1 đánh trong hành tiến, Quân đoàn 2 tiến thẳng vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng! Lịch sử đã sang trang, kết thúc ba mươi năm đấu tranh toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.

Tháng 9/1978, anh được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Sau khi tốt nghiệp, anh về Quân khu Hữu Ngạn, rồi lại về làm Phó Tổng thanh tra Quân đội, phụ trách thanh tra sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 4/1987, sau khi anh Vũ Lập qua đời, anh An được nhận nhiệm vụ Quyền Tư lệnh Quân khu 2 (trước đó anh là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng), năm sau lại có quyết định về Học viện Lục quân Đà Lạt giữ chức Viện trưởng. Thời gian này tôi đã nghỉ dạy học nên cùng đi với anh để làm cấp dưỡng cho anh. Lúc này các con chúng tôi đã trưởng thành và đều có gia đình riêng. Anh ngần ngại vì sợ mang vợ theo sẽ khó khăn cho tổ chức về chỗ ở. Tôi động viên anh: "Xưa kia, khi quốc gia hữu sự, tuổi thanh xuân đi qua một cách âm thầm, chúng ta đành hy sinh. Nhưng bây giờ là thời bình, anh đi đâu, em đi cùng chăm sóc, chắc chắn sẽ không làm điều gì phiền cho tổ chức. Em tin rằng có vợ hay không có vợ thì Học viện vẫn bố trí cho Viện trưởng một chỗ ở riêng". Sau ba năm ở đó, tôi được mọi người khen là chu đáo nghĩa tình. Trong buổi chia tay, khi tôi đọc lời tạm biệt xong, tôi được Học viện tặng hoa và mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi kết thúc bằng mấy vần thơ như sau:

                              Ba năm một tháng ở đây,
                              Kỷ niệm nhân lên với tháng ngày
                              Tình người, tình bạn, tình cây cỏ.
                              Cảnh thiên nhiên khéo quyện vào đây
                              Học viện Lục quân thành tổ ấm
                              Ra đi lưu luyến khó quên thay!
                              Kính chào Học viện, niềm thương mến.
                              Hẹn ngày hội ngộ trong tương lai!


Thời gian ở Học viện, những ngày nghỉ và ngày lễ tết, anh rủ tôi cùng đi thăm gia đình cán bộ, giáo viên. Hàng ngày, ngoài việc cơm nước (có cháu công vụ phụ thêm), tôi giúp anh đọc những thư từ thắc mắc, khiếu kiện và tóm tắt cho anh nghe vì anh rất bận. Anh mở cửa tiếp mọi người. Lúc anh đi vắng, tôi tiếp giúp và báo cáo lại để anh biết.

Những tưởng đây là nơi dừng chân cuối cùng, sau chặng đường anh đi qua hai mươi sáu đơn vị, bất thần anh lại nhận quyết định về làm Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao vào tháng 8 năm 1991. Rồi anh lại là người thay mặt Học viện để nhận Nghị Định 188/CP về việc thành lập Học viện Quốc phòng trên cơ sở Học viện Quân sự cấp cao do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ngày 20/12/1994. Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cũng đã trao Nghị định này trong buổi mít tinh kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng vũ trang nhân dân tổ chức tại Học viện ngày 21/12/1994. Do đó anh trở thành vị Giám đốc của một Học viện tầm cỡ quốc gia này: "Học viện Quốc phòng".

Đoạn đường đời chúng tôi đi với nhau được 39 năm, kể từ ngày cưới (1956-1995). Mới nghe thì tưởng là nhiều nhưng thực tế lại quá ngắn ngủi so với hạnh phúc bình thường mà đời người có thể được hưởng. Vì hoàn cảnh như vậy nên tôi hiểu rằng những lúc được về với vợ con, anh đã cố gắng hết sức đem lại hạnh phúc cho gia đình và cho chính anh. Nhưng thật là trớ trêu, đôi khi lại xảy ra bất bình mặc dù cả hai chúng tôi chẳng ai muốn như thế. Bởi lẽ nhiều khi phải xa nhau quá, tất cả nỗi nhớ nhung, mong đợi, ước mơ dồn nén lại để rồi chỉ ở với nhau khoảng thời gian như "gió thoảng". Lỗi tại ai đây? Bực với ai cơ chứ? Song tổ chức không có tại đấy nên tự trút nỗi bực dọc vô căn cứ lên đầu nhau. Điều này có lẽ đa phần do tôi gây nên. Mỗi khi chuyện xảy ra, anh rất buồn nhưng khi về đến đơn vị anh lại biên thư động viên tôi "... Anh biết vắng anh, em thật vất vả, vừa nuôi con vừa phải công tác trọn vẹn. Anh rất thương em nhưng biết làm sao được, vì anh cũng như em phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho. Thôi, có ghét thì ghét thằng giặc Mỹ chứ đừng ghét anh mà tội nghiệp. Chúng mình càng xa nhau, càng phải biết quý những khoảnh khắc ít ỏi được ở cạnh nhau phải không em? Từ nay đừng lãng phí thời gian quý giá ấy nữa nhé! Cô giáo của anh có đồng ý không? Nếu đồng ý thì cười lên nào! ..." Lời lẽ như vậy thì ai mà không động lòng trắc ẩn. Thật kỳ lạ, sau mỗi lần "cãi nhau", tôi lại càng cảm thấy gắn bó với anh hơn. Thương yêu anh hơn bao giờ hết!

Nghĩ lại cũng nghiệm được rằng "Trời quả là có mắt!" Phần thưởng cao quý nhất, thiêng liêng nhất đối với anh mà anh tâm niệm cho đến hơi thở cuối cùng là tình cảm mến mộ của đồng chí, đồng đội đã dành cho anh. Anh đã mang theo tình cảm đó bay bổng lên không trung, vào đúng ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Ất Hợi trước nỗi niềm thương nhớ vô hạn của gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng chí khắp nơi nơi!

Hà Nội ngày 27-7-2003
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2023, 01:43:47 pm »


KOSHIRO IWAI- ĐỒNG CHÍ SÁU NHẬT
CỦA TRUNG ĐOÀN 174 (1924-1998)

ĐỖ VĂN ĐẮC


Sau cách mạng tháng 8/1945 thành công, có một trung úy Quân đội Nhật Bản xin tự nguyện đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược. Tên anh là Koshiro Iwai, anh em trong đơn vị thường gọi là anh Sáu Nhật.

Cuộc sống chiến đấu và công tác của anh Sáu Nhật lúc đầu đã gắn bó với Trung đoàn 28 địa phương tỉnh Lạng Sơn, sau đổi thành Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng.

Trận phục kích Bông Lau đầu tiên của D386 (30/10/1047) sau này là D249, anh Sáu Nhật là trung đội trưởng xung kích đã dẫn đầu đơn vị xung phong xuống mặt đường số 4 tiêu diệt địch, anh đã chỉ huy một tổ chiến đấu vòng về phía sau lưng địch, dùng lựu đạn diệt gọn ổ đề kháng, kết thúc trận đánh thắng lợi.

Năm 1948, trong trận phục kích Nguồn Kim, Chọc Ngà, anh bị tên quan ba Rivônanh nấp trong khe núi bắn một viên đạn súng ngắn sượt một bên má. Cũng lúc ấy, đại đội trưởng Lê Hoàn quan sát thấy lao tới, rút kiếm định chém tên quan Ba nhưng anh Sáu Nhật đã ngăn lại và xin tha cho nó. Anh nói: Người chiến thắng không thèm giết kẻ đã ra hàng.

Sau này nhắc lại chuyện cũ với vết sẹo dài trên má, anh Sáu Nhật chỉ cười và nói: Đây là kỷ niệm chiến đấu của tôi với Đường số 4.

Thành tích chiến đấu của anh Sáu Nhật phải kể đến khi anh làm cán bộ đại đội trinh sát Trung đoàn 174. Năm 1948, các trận đánh phục kích thắng lợi lớn như: Lũng Phầy, Bản Lầm, Bố Củng, Lũng Vài... trên đường số 4 đều có công lao của anh Sáu Nhật vì đã thiết kế một đường dây nắm địch rất hiệu quả từ Tiên Yên qua Lạng Sơn, Thất Khê, Đông Khê, từ việc bố trí các đài quan sát trên các điểm cao kết hợp với thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, các trạm truyền tin chạy bộ, quân báo nhân dân v.v... nên các động thái hoạt động và vận chuyển của địch đều được anh Sáu Nhật kịp thời báo cáo về Sở Chỉ huy, giúp cho quân ta đánh thắng địch.

- Năm 1950, anh Sáu Nhật đã trực tiếp tổ chức trinh sát tiềm nhập điều tra cứ điểm Đông Khê, những tin tức thu lượm được trình bày bằng sơ đồ, cảnh đồ về Ban Tham mưu Trung đoàn giúp cho việc đặt kế hoạch tấn công tiêu diệt cứ điểm trên, mở đầu cho chiến dịch giải phóng Biên giới lịch sử thành công sau này. Và vinh dự đến với anh Sáu Nhật là được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Trong trận đánh đồn Bình Liêu (Quảng Ninh) đêm 24/12/1950, khi quân ta gặp khó khăn chưa đánh chiếm được lô cốt mẹ, quân địch lại đối phó rất ác liệt, anh Sáu Nhật đã đề nghị đưa sơn pháo 75mm vào khu trại con gái (gia đình vợ lính) đục 1 lỗ ở tường đặt nòng pháo chĩa thẳng vào lô cốt mẹ, bắn diệt chiếc lô cốt cuối cùng này và đánh chiếm toàn bộ vị trí Bình Liêu. Sau trận đánh thắng này, anh Sáu Nhật được bổ nhiệm làm Trưởng tiểu ban trinh sát Trung đoàn 174 với cấp bậc tiểu đoàn phó.

- Năm 1952, tôi và anh Sáu Nhật cùng đội trinh sát bí mật vượt đường số 13 và 18 vào vùng du kích địch hậu Bắc Giang - Bắc Ninh. Có lần đi điều tra địch phải vượt sông, chúng tôi phải bỏ quần áo, vũ khí vào túi ni lông túm lại rồi bơi qua trong đêm mưa gió rét. Chiến dịch Địch Hậu kết thúc, nhiều đồn, bốt địch bị san bằng, nhiều khu du kích trong lòng địch được mở rộng có một phần đóng góp công lao của đại đội trinh sát Trung đoàn, trong đó có anh Sáu Nhật.

- Nhớ lại có một buổi chiều, đoàn cán bộ Ban Tham mưu Trung đoàn có hơn 10 người hành quân đến tạm nghỉ ở một làng trong vung Địch hậu thì đột nhiên có một đội du kích địa phương đến bao vây chĩa nòng súng trung liên và đòi tước vũ khí. Vì anh em du kích tưởng lầm chúng tôi là biệt kích giả danh cán bộ Quân đội. Tình hình rất căng thẳng, hai bên chuẩn bị nổ súng nhưng nhờ có anh Sáu Nhật bình tĩnh, khôn khéo dàn xếp, chứng minh chúng tôi là bộ đội quân chủ lực thực sự vừa tiêu diệt đồn Vân Độ nên anh em du kích mới tin, hai bên lại tay bắt mặt mừng, thật hú vía!

Năm 1953, anh Sáu Nhật cùng anh em trinh sát tiềm nhập tận hàng rào cứ điểm Mộc Châu trên đường số 6. Do công tác điều tra địch chu đáo nên quân ta đã đánh thắng, xóa sổ vị trí này, mở đường cho đoàn quân chủ lực tiến vào giải phóng Tây Bắc và chiến thắng vẻ vang, tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau này.

Đầu năm 1954, trong khi đang làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường Điện Biên Phủ, anh Sáu Nhật được lệnh về nước theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Cuộc chia tay thật lưu luyến, đậm đà tình đồng chí, đồng đội.

Thời gian đi qua rất nhanh. Sau gần 46 năm, qua Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, tôi nhận được thư anh Sáu Nhật, đọc những lời anh viết thật xúc động, xin giới thiệu một đoạn thư của anh:

"Sau khi nhận được thư Anh, bắt tôi phải nhớ đến những ngày cùng chiến đấu, gian khổ và thực tình giúp đỡ lẫn nhau.

Tôi vẫn còn nhớ những ngày tham gia các chiến dịch. Các chiến trường như: Đường số 4, Hoàng Hoa Thám, Trung du, Bắc Ninh, Tây Bắc, Điện Biên Phủ bước đầu v.v...

Xong, tôi muốn gặp ngay Anh và các anh em bạn cũ mà cùng ăn ở, cùng chiến đấu và cùng chia nhau gian khổ, để kể chuyện với nhau cho vui vẻ và tăng cường tình bạn, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân hai nước chúng ta".

- Tháng 8/1990, tôi và đại tá Lưu Quang Hùng có một cuộc hội ngộ thật bất ngờ, thú vị với anh Sáu Nhật tại Khách sạn Dân Chủ phố Tràng Tiền - Hà Nội.

Thật sung sướng và cảm động sau bao năm xa cách mới được gặp lại nhau.

Vẫn cái dáng cao cao, đôi mắt một mí, vết sẹo dài trên má... Xiết chặt tay nhau với giọng nói ấm áp bằng tiếng Việt Nam, anh hỏi chúng tôi rất nhiều chuyện về bạn bè chiến đấu cũ, ai mất, ai còn, những người đầu tiên mà anh nhắc tới là Đại tướng Chu Huy Mân, ông Đặng Văn Việt nguyên là Chính ủy và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Sư đoàn 316...

- Nhắc lại những chuyện từ thời còn trai trẻ, anh Sáu Nhật chỉ cười vì đã để lại ở Việt Nam những ngày tháng không bao giờ quên. Chúng tôi được biết, anh Sáu Nhật khi về nước đã gia nhập Đảng Cộng sản Nhật Bản, làm Ủy viên Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, là người sáng lập Hội Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản - Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch của Hội này.

Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, việc buôn bán của Việt Nam với nước ngoài còn hạn chế, nhất là các mặt hàng phục vụ cho chiến tranh, anh Sáu Nhật đã qua con đường xúc tiến mậu dịch môi giới để Việt Nam mua được các linh kiện bóng đèn điện tử lắp ráp một số đài phát thanh ở miền Nam Việt Nam rất công dụng, góp một phần nhỏ bé cho công cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1975.

Tháng 12/1990, Hội Xúc tiến Mậu dịch Nhật - Việt có sáng kiến tổ chức cuộc triển lãm hàng hóa và máy móc của Nhật Bản tại Trung tâm Giảng Võ với trên 50 công ty, hãng sản xuất kinh doanh Nhật cùng tham gia với mục đích giao lưu kinh tế phục vụ thiết thực cho ba chương trình kinh tế lớn của Việt Nam, phục vụ cho các công ty, xí nghiệp vừa và nhỏ của ta.

Do công lao đóng góp của anh Sáu Nhật cho công cuộc kháng chiến và giải phóng dân tộc của Việt Nam thành công, Nhà nước và Quân đội ta đã tặng thưởng Anh 2 Huân chương cao quý: Chiến công Hạng Nhất và Chiến thắng Hạng Hai.

Tôi viết bài này khi anh Sáu Nhật không còn nữa. Anh đã ra đi ngày 20/11/1998 tại Tokyo - Nhật Bản - đất nước của hoa Anh Đào.

Anh Sáu Nhật đã đi xa nhưng những kỷ niệm chiến đấu và công tác của anh vẫn còn đọng lại trong tâm trí của bạn bè, đồng chí, đồng đội cũ Trung đoàn 174 không bao giờ phai nhạt.

Mong cho hương hồn Anh thanh thản ở cõi vĩnh hằng.

Ngày 10 tháng 8 năm 2003
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM