Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:25:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 174 anh hùng  (Đọc 4307 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:05:48 pm »


TRƯỚC KHI BƯỚC VÀO NHỮNG TRẬN ĐÁNH LỚN TRÊN ĐỒI A1

LÊ QUYÊN

Trải qua những ngày "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, đầu nung lửa sắt, máu trộn bùn non"... của thời trai trẻ oanh liệt, nhìn lại quá khứ ấy, tôi cũng như bao đồng đội không khỏi tự hào và bùi ngùi nhớ tới nhiều đồng đội đã để lại xương máu mình cho "Điện Biên lẫy lừng thế giới".

Sau khi đọc cuốn Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở một số đoạn mà bản thân tôi, người thật việc thật, từng tham gia trực tiếp chiến đấu lúc đó ở cương vị cán bộ b, c bộ binh, tôi không khỏi áy náy và muốn làm rõ thêm một vài sự việc nêu trong sách, một cuốn sách mang tính lịch sử vĩ đại của dân tộc. Cho nên mặc dù lịch sử đã đi qua nửa thế kỷ rồi, vả lại một số sự việc viết lại này cũng chỉ là những chi tiết nhỏ của chiến dịch, nhưng nay tôi cũng xin viết lại sự thật một số sự việc đó.

1. Trận phòng ngự đồi Tà Lèng (trang 172, 173 sách đã dẫn)

Sau khi Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định chuyển phương án tác chiến sang "đánh chắc tiến chắc", toàn đơn vị chúng tôi được rút về phía đông Mường Thanh, đóng quân ở sau bản Tà Lèng khoảng 1km chờ lệnh mới.

Hôm đó là ngày 29 hay 30 tháng Chạp năm Quý Tỵ, hoặc 1/2/1954. Từ tờ mờ sáng, tôi, b trưởng b1 BB/C925, d255, e174 được gọi lên đại đội nhận lệnh của c trưởng Đặng Văn Đùng và d trưởng Nguyễn Đôn Tự: đưa ngay nửa trung đội ra tổ chức phòng ngự ở bản Tà Lèng, sẵn sàng đánh địch từ Mường Thanh nống ra thăm dò lực lượng ta. Nửa trung đội còn lại do b phó Hoàng Văn Luận phụ trách đóng quân trong đội hình đơn vị.

Sau khoảng 30' chuẩn bị, tôi cùng a1 của tiểu đội trưởng Hát và a phó Mưu cùng một tổ trung liên, tổng cộng 15 đồng chí nhanh chóng ra bản Tà Lèng. Sau khi nghiên cứu khái quát địa hình và xác định hướng tấn công của địch, tôi cho dàn quân và gấp rút đào công sự phòng ngự.

Bản Tà Lèng nằm trên đường mòn từ Mường Phăng đi xuống Mường Thanh, dân đã sơ tán hết vào rừng, còn lại chỏng trơ độ 8 mái nhà sàn tranh tre ọp ẹp và một số cây ăn quả lưa thưa trong vườn. Bản nằm trên một mỏm đồi, cao hơn cánh ruộng bậc thang phía trước chừng 8-10m. Hai bên và phía sau là đồi cao rậm rạp. Chính diện phòng ngự rộng khoảng 50-60m.

Khoảng 8 giờ sáng, một chiến sĩ cảnh giới của b tôi bố trí ở phía trước cách độ 300m hớt hải chạy về báo cáo phát hiện địch đang dò dẫm tiến vào phía ta.

Tuy công sự phòng ngự còn sơ sài (mới sâu khoảng 30cm), tôi cũng lệnh nhanh chóng nguỵ trang và sẵn sàng chiến đấu, đồng thời cho chiến sĩ Hướng chạy về báo cáo đại đội.

Độ 15 phút sau, khi trời mới quang mây, chiếc máy bay bà già đã vè vè lượn trên đầu. Dưới đất địch dò dẫm tiến gần vào trước trận địa. Khoảng gần 9h khi một số tên Tây trắng, Tây đen tiến vào cách chúng tôi khoảng 20m, tôi cho đồng loạt nổ súng. Tên chỉ huy đang cầm ba-toong chỉ chỏ và tên đeo điện đài bị bắn gục. Chúng vãi đạn như mưa và hò hét xung phong (a la xô). Không vào được trận địa, chúng rút ra khoảng 100m, sau đó pháo các loại tới tấp dội xuống bản Tà Lèng.

Do công sự không đủ độ sâu, anh em lại mệt mỏi sau một đêm mới trở về chưa được nghỉ ngơi, quân số lại mỏng, sau hai đợt xung phong không vào được trận địa. Địch chủ yếu dùng pháo và cối dội vào, phía ta hy sinh một, bị thương hai đồng chí. Khẩu trung liên, hỏa lực chủ yếu bị hỏng, chúng tôi chỉ còn tiểu liên, súng trường, lựu đạn và lưỡi lê.

Gần 12h trưa, sau nhiều loạt pháo, chúng lại tổ chức xung phong lần nữa. Anh em tôi còn lại, súng đã dương lê, cố nhằm vào tên chỉ huy mà bắn và ném lựu đạn ra, sẵn sàng giáp lá cà với chúng. Không vào được, chúng lại rút ra. Một buổi trưa im lặng, căng thẳng, nặng nề.

Sau 3 đợt đánh địch xung phong, nửa trung đội chỉ còn lại tôi và 5, 6 chiến sỹ. Trận địa đã bị lộ và tan tành sau nhiều đợt pháo. Thấy không thể cố thủ tiếp, tôi cho anh em rút lên đồi cao bên phải bản Tà Lèng độ 100m. Trên đó cây cối rậm rạp, lại có mấy công sự đào sẵn khá sâu (sau này mới biết là do trinh sát ta đào trên đường đi trinh sát xuống Mường Thanh). Tôi phân công chiến sỹ Phán bố trí ở công sự bên cạnh, còn công sự rộng hơn thì tôi và hai chiến sỹ còn lại (Lê Văn Bạc và Trần Văn Kiệm) bố trí, mắt luôn quan sát phía trước.

Khoảng 2h chiều, máy bay bà già trở lại vòng lượn trên trận địa, pháo lại tới tấp dội vào bản Tà Lèng, và sau đó khoảng vài chục tên xung phong vào bản, nháo nhác tìm kiếm. Chúng tôi giữ tuyệt đối im lặng vì lực lượng còn quá mỏng. Đơn vị phía sau thì vẫn không thấy ra chi viện. Tìm không thấy quân ta, chúng cho là quân ta đã rút, nên chúng cũng rút ra xa.

Độ 15 phút sau, chúng tôi nghe có tiếng động sột soạt ở sườn cao phía sau cách khoảng vài chục mét, nhưng cây cối rậm rạp và có lẽ từ chỗ quang mò vào nên chúng không phát hiện được. Chúng tôi ở thế thấp nên cố gắng ra hiệu cho nhau tuyệt đối im lặng. May sao chúng chỉ đi vòng qua rồi đi thẳng xuống bản Tà Lèng, lại nháo nhác tìm, bắn vu vơ mấy băng rồi đi tiếp ra hướng Mường Thanh.

Bất ngờ một tiếng nổ oành ngay trên miệng hố, cả Bạc, Kiệm và tôi đều bị thương. Chiến sỹ Bạc bị nặng nhất: 1 mảnh vào đầu, bị choáng, nôn và khuỵu xuống hố; chiến sỹ Kiệm bị gẫy cổ tay; tôi đứng giữa bị một mảnh vào mi mắt. Chúng tôi xé áo băng bó cho nhau.

Chiều xuống rồi, địch không dám tiến về phía ta nữa và có lẽ đang rút dần về Mường Thanh.

Khoảng hơn 3h chiều, trời Điện Biên bớt dần ánh nắng, tôi cho một chiến sỹ còn khỏe về phía sau báo cáo tình hình, thì cũng là lúc đơn vị tiến ra truy kích địch. Có tiểu đội đồng chí Niết đi đầu và tiếp theo là xuất hiện sự việc dũng sỹ Hoàng Văn Nô đâm lê tiêu diệt địch trên đường rút.

Tối đến, tôi và mấy chiến sỹ bị thương được đưa về đội Điều trị 3 ở Mường Phăng. Hôm sau là ngày mồng 1 Tết năm Giáp Ngọ.

Khoảng gần trưa, trong lán của viện, chúng tôi được E trưởng Nguyễn Hữu An cùng mấy cán bộ của Ban Chính trị đến thăm và thông báo đề nghị tặng thưởng Huân chương cho tôi và đơn vị về thành tích phòng ngự giữ vững trận địa Tà Lèng.

Đến quá trưa, chiến sỹ Bạc mới được chuyển đến viện trong tình trạng hôn mê hoàn toàn, tôi đã sang thăm và nói rõ hoàn cảnh bị thương với các y bác sỹ bên lán đó. Hôm sau tim Bạc ngừng đập, tôi đã có mặt lúc khâm liệm và cùng đưa Bạc đến nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang cạnh ĐT3. Trên mộ có bia mộ gỗ. Nhiều năm sau, nhân dân Điện Biên Phủ đã chuyển hài cốt về nghĩa trang liệt sỹ A1, nhưng tiếc thay hầu hết đều không có tên tuổi cụ thể.

Năm 1958, tôi từ Quân khu Tây Bắc được cử về học ở Hà Nội, nhớ lại địa chỉ, tôi đã tìm về gia đình Bạc ở Hưng Yên.

Trong tình cảm quân dân cả nước, bà mẹ Bạc và gia đình đã yêu cầu nhận tôi làm con nuôi. Từ đó đến nay, kể cả sau đại thắng mùa Xuân từ chiến trường B2 trở về, tôi vẫn giữ tình cảm như có đồng chí Bạc trong gia đình, tuy vẫn mang theo một nỗi niềm ân hận là không đưa được hài cốt liệt sỹ Bạc về nghĩa trang quê nhà. Còn các chiến sỹ Phán, Kiệm, Hướng... thì đến nay vẫn chưa liên lạc được.

Nửa thế kỷ qua rồi, nay đã là cựu chiến binh ở tuổi "cổ lai hi", tôi vẫn không quên được anh em đã cùng tôi sống chết ngày đó ở trận địa cảnh giới phòng ngự bản Tà Lèng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:06:19 pm »


2. Trận dương công đồi A1

Ngày 13/3/1954 sư đoàn 312 tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Đồi A1, một điểm phòng ngự có thể coi là hiểm yếu nhất đối với chỉ huy sở Mường Thanh, nơi chính thức ta sẽ mở đầu cuộc tấn công đợt 2 (30/3/1954). Riêng phân đội tôi được cọ xát với A1 từ 14/3/1954, tất nhiên chưa phải để tiêu diệt mà là nghi binh để đơn vị bạn tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập. 5h chiều 14/3, phân đội chúng tôi gồm trung đội BB1 phối thuộc có 1b đại diện, 1a cối 60 ly của c925, nhận lệnh dương công đồi A1 để sư đoàn 308 công kích đồi Độc Lập. Phân đội chúng tôi được trang bị thêm 4 quả bộc phá ống, 2 đại liên, 2 cối 60 ly và 4 quả phóng lôi. Nhiệm vụ là: phát hỏa trước như tấn công vào đồi A1 để nghi binh và thu hút hỏa lực tạo thuận lợi cho sư đoàn 308 tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập.

Khoảng 7h tối 14/3, chúng tôi được lệnh xuất phát, lợi dụng pháo sáng địch, bí mật men theo chân đồi Cháy tiếp cận vào phía nam đồi A1. Xác định vị trí xuất phát tấn công và bố trí xong hỏa lực, chúng tôi bí mật đào công sự.

Khoảng 12h đêm lệnh phát hỏa bắt đầu. Bốn chiến sỹ bộc phá thay nhau lên mở hàng rào, đồng thời trung đại liên nổ súng. Bốn quả phóng lôi cũng được khối 60 ly lần lượt phóng vào hàng tiền duyên. Cứ khoảng 3-4 phút, bộc phá viên lại thay nhau lên mở hàng rào. Mỗi lần ngớt tiếng pháo địch, trung đại liên chúng tôi lại nhả đạn.

Trong đồi A1, pháo sáng địch phụt lên liên tục, và sau đó độ 5 phút, pháo Mường Thanh, Hồng Cúm tới tấp dội về trận địa. Độ 15 phút sau, pháo địch thưa dần, tuy nhiên cối trong đồn A1 vẫn bắn ra trận địa.

Bỗng quan sát viên của tôi báo cáo: xuất hiện một tiểu đội địch trên sườn đồi Cháy phía sau lưng trận địa chúng tôi. Tôi báo cáo bằng điện thoại về anh Đôn Tự và được lệnh tiếp tục giữ bí mật, đồng thời cho 1 a bộ binh quay súng bố trí hướng về phía đồi Cháy. Nếu địch phát hiện thì tự chiến đấu bảo vệ, nếu không bị phát hiện thì im lặng chờ lệnh thu quân.

Quả thật, độ mươi phút sau, bọn địch đi tuần tra quay trở về đồn. Lúc này pháo các cỡ đã râm ran chuyển sang phía đồi Độc Lập. Như vậy địch đã phát hiện và đối phó với hướng tấn công chủ yếu của ta.

Sau 15 phút nữa, chúng tôi được lệnh thu quân, trận địa trở lại im lặng. Tôi cho cáng một liệt sỹ và 4 thương binh về trước, toàn quân đội đi sau theo thứ tự hỏa lực rồi đến bộ binh, lại men theo chân đồi Cháy trở về căn cứ. Trời cũng gần sáng.

Đến gần trưa 15/3/1954, tôi được gọi lên gặp Ban chỉ huy d255 và được thông báo là Trung đoàn biểu dương cả phân đội tối qua đã hoàn thành xuất sắp nhiệm vụ dương công và được đề nghị tặng thưởng Huân chương chiến công. Quân số thương vong thấp hơn 3 lần dự kiến. Đại đoàn 308 đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm đồi Độc Lập.

Trở về "hàm ếch", tôi tiếp tục đọc Thượng Cam Lĩnh và chuẩn bị để tối đến lại cùng anh em tiếp tục đi đào chiến hào vào đồi A1.

Hà Nội, tháng 5 năm 2003
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:12:07 pm »


TIỂU ĐOÀN 249/E174 VỚI 38 NGÀY ĐÊM TRÊN ĐỒI A1
(trích hồi kí)

VŨ ĐÌNH HÒE1

... Sau Tết Giáp Ngọ, khoảng 6/2/1954, các cán bộ tiểu đoàn và đại đội được triệu tập lên Trung đoàn để quán triệt kế hoạch tác chiến mới, theo phương châm “đánh chắc thắng chắc". Theo kế hoạch này thì mục tiêu của trung đoàn 174 là A1. Trung đoàn quyết định dùng d9 đột phá từ hướng Đông, có nhiệm vụ đánh chiếm khu Trung tâm và khoảng 2/3 vị trí đồi A1. D1 mở đồng thời mũi đột phá theo hướng Đông Nam - Tây Bắc chia cắt và diệt 1/3 vị trí A1 từ hướng Tây, chặn quân phản kích của địch từ A3 lên, bảo đảm cho d9 hoàn thành nhiệm vụ, sau đó tuỳ tình hình d1 sẽ phát triển xuống A3.

A1 là một cứ điểm của địch trên quả đồi cách trung tâm Mường Thanh khoảng 400m về hướng Đông Nam. Trong những năm 40 thế kỉ trước, đây là nơi đặt hành dinh và tư thất của viên tri châu Đèo Văn Ún.

Theo lệnh của Đại đoàn, từ đầu tháng 2/1953 các đơn vị vừa xây dựng trận địa vừa tiến hành trinh sát địch để khi trận địa xong là bắt đầu tấn công.

Nội dung xây dựng trận địa gồm việc đào một trục giao thông hào từ ven rừng nơi trú quân đến trận địa xuất phát tấn công dưới chân đồi A1 với chiều dài gần 4km - yêu cầu hào phải sâu gần 1,5m, rộng gần 0,6m, cứ cách 5-6m lại đặt một hàm ếch và khoảng cách 20-30m lại có một đường nhánh sang hai bên để tránh nhau. Công việc tiến hành hàng tháng trời, càng gần địch, càng khó khăn, nguy hiểm, tốc độ chậm dần, đến thời hạn quy định mà có chỗ chưa đạt yêu cầu.

Ngày 13-3, được biết hôm đó các đơn vị bạn sẽ đánh vài điểm phía Bắc nên bộ đội nghĩ đào hào gần địch để bảo đảm an toàn. Riêng tôi cùng một số cán bộ đại đội đã đến chân đồi A1 để tranh thủ xem động tĩnh của địch, đồng thời cũng kiểm tra lại đoạn giao thông hào ở khu vực xuất phát tiến công, bị địch lấp lúc ban chiều. Khi đến đoạn hào cuối cùng thì một đồng chí dẫm phải quả mìn phát sáng địch cài lại khi lấp hào. Nghe tiếng nổ “bốp”, mọi người vừa kịp nằm xuống trước khi pháo toả sáng thì địch đã bắn liền 2 quả cối 60 ly vào chỗ chúng tôi. Các anh em khác đều an toàn, chỉ mình tôi bị một mảnh đạn vào cánh tay trái, vết thương không to, nhưng bị mẻ một miếng xương nên khá đau. Hôm sau, tuy đau nhưng tôi cũng cố lên Trung đoàn họp để nghe tình hình các đơn vị bạn chiến đấu hôm trước. Thấy tôi bị thương, anh An một mặt động viên, một mặt phê binh nhẹ tôi vì để bị thương không cần thiết trong lúc tình hình đang khẩn trương. Mấy hôm sau đó, vết thương sưng tấy phát sốt nên không lên họp trên Đại đoàn để nghe phổ biến tình hình nhiệm vụ mới. Anh Lê Sơn đã thay tôi kiểm tra, đôn đốc mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Mọi công tác chuẩn bị đã tạm ổn, bộ đội được động viên sẵn sàng chiến đấu. Vào một ngày hạ tuần tháng 3, Đại đoàn tổ chức một cuộc họp cán bộ để tổng kết công tác chuẩn bị và phát động đợt thi đua lập công.

Sau buổi lễ phát động thi đua, chiều 28/3 Đại đoàn phổ biến cho cán bộ tiểu đoàn biết ngày “N” là 30/3. Như vậy các đơn vị có hơn một ngày để kiểm tra lại các công việc đã chuẩn bị.

Từ hôm dự lễ phát động thi đua trên Đại đoàn về, Bằng Khê có vẻ phấn khởi, khoe đã “xin” được văn công xuống tiểu đoàn biểu diễn trước khi bộ đội xuất quân. Nhưng suốt ngày 29/3 không thấy ai nói gì đến văn công. Trời mưa gió tầm tã, hầm hố ướt át, bẩn thỉu, tôi hỏi: Trời đất thế này văn công có xuống không? Nếu xuống thì ở đâu? Kế hoạch biểu diễn thế nào? Lê Sơn ngồi cạnh đó cười khà khà nói: "Thế nào mà em T.C chả đến, người ta đã hẹn nhau rồi! Ta sẽ nhường họ ở khu chỉ huy này, chỉ để Bằng Khê ở lại tiếp thôi, còn mọi người xuống đại đội nằm cũng được". Bằng Khê cũng cười vui vẻ nói: "Đừng lo chuyện đón tiếp, họ chỉ đến một lúc vào chiều mai thôi. Đây không phải là buổi biểu diễn cho bộ đội xem mà chỉ đến múa hát chào mừng trước khi bộ đội xuất quân thôi". Tuy không rõ chương trình cụ thể của đoàn văn công ngày hôm sau ra sao, song mọi người cũng vui vẻ chờ đợi mà không bàn tán gì thêm.

Đêm 29 và sáng 30/3 trời tiếp tục mưa to nhưng buổi trưa thì tạnh ráo. 16g30 ngày 30/3 toàn tiểu đoàn chỉnh tề hàng ngũ tại một khu đất trống ven rừng làm nơi xuất quân. Đứng chính giữa hàng quân là đồng chí Bế Văn Cư đại đội trưởng 317 và 3 đồng chí xung kích. Đứng chếch phía trước, bên phải hàng quân là đồng chí Bích trung đoàn phó (theo lệnh Đại đoàn tăng cường cho chỉ huy tiểu đoàn trong trận này), Ban chỉ huy tiểu đoàn, một số đồng chí trong tiểu đoàn bộ và tổ văn công của đại đoàn 316. Tôi thay mặt Ban chỉ huy tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho đại đội 317 cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên đỉnh đồi A1 trong đêm nay. Đồng chí Cư thay mặt đại đội nhận cờ và hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Tôi vừa quay người lại đứng ngang hàng với đồng chí Cư và ra lệnh “Chuẩn bị xuất phát” thì có tiếng nói to: “Khoan đã!”, đồng thời tiếng nhạc, tiếng hát của tổ văn công vang lên. Tôi không nhớ tên bài hát nhưng đây là bài hát quen thuộc của bộ đội, nhạc và lời của nó rất hay, thôi thúc tinh thần chiến đấu, lập công của người chiến sỹ với các lời ca:

    - Cờ này là Bác Hồ tặng khen
    Khi đã hạ quyết tâm
    Chiến trường lập công
    Bác mong chờ chúng ta diệt thù
    Dặn dò các cháu đi là chiến thắng
    ……………………………………………
___________________________________________
1. Nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 249 Trung đoàn 174.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:12:59 pm »


Khoảng 18 giờ, tiểu đoàn đã vào vị trí xuất phát theo đội hình hàng dọc thứ tự 317, 316, 315. Sở chỉ huy của tiểu đoàn là chiếc hầm khoét vào sườn núi, cạnh giao thông hào, ngang với vị trí C316. Lúc đó có anh Bích, tôi, anh Bằng Khê và điện thoại, còn cán bộ tác huấn và tổ liên lạc ở hầm bên cạnh. Anh Lê Sơn đi với C317.

Trời đã tối lắm rồi mà chưa thấy động tĩnh gì. Trước khi xuất phát, tôi đã hỏi anh An về giờ nổ súng, anh đáp “không biết”. Tôi cũng thấy anh Bích (trung đoàn phó đi với tiểu đoàn chủ công) hỏi anh An xem có lệnh của Đại đoàn chưa và câu trả lời vẫn là “chưa”.

Chợt tiếng pháo, cối các cỡ nổ vang khắp cả vùng Mường Thanh. Tôi ngồi ngoài cửa hầm thấy rõ những quả pháo 105 ly của ta nổ tung trên đỉnh đồi A1. Trời ơi! lúc này mà tiến hành bộc phá đánh hàng rào là lý tưởng nhất. Tôi hỏi anh Bích: “Đánh nhé?” Anh Bích nói: “Chưa có lệnh”. Tôi sốt ruột quá, 5 phút, rồi 10 phút trôi qua, pháo hoả của ta giảm dần mật độ và thay vào đó là tiếng bộc phá, thủ pháo, trung liên, tiểu liên từ các đồi C, D, E vang lên, chứng tỏ các đơn vị bạn đã tiến hành đột phá bằng bộ binh rồi. Lê Sơn và các đại đội trưởng cũng không kiên nhẫn được, họ chẳng cần giữ bí mật nữa, chạy lại thét lên với tôi “Đánh chưa? Hết thời cơ rồi!”. Tôi cũng chỉ trả lời được là: “Về vị trí, sắp sửa rồi”. Đã 30 phút trôi qua từ khi toàn mặt trận nổ súng, chúng tôi vẫn chờ lệnh. Bỗng anh Bích reo lên: “Có lệnh đánh rồi!”. Thế là tôi vội ra khỏi hầm hét lên “Đánh đi!”. Chưa đầy 1 phút sau, đồng chí Cư báo về “Đã bắt đầu bộc phá”. Tôi theo dõi ánh chớp và tiếng nổ đều đều, biết rằng việc phá hàng rào đang diễn ra thuận lợi. Có thể một phút đầu địch nghĩ rằng ta chỉ nghi binh chứ không đánh A1 nên chỉ dùng hoả lực tại chỗ bắn trả. Mấy ụ súng tiền tiêu của chúng bị hai khẩu đại liên của đại đội trợ chiến do đồng chí Bật đại đội trưởng chỉ huy chế áp mạnh nên đạn bay vọt sang cả chỗ chúng tôi. Chỉ có 2 khẩu cối 81 ly trên đồi A1 và 4 khẩu cối 120 tại A2 của chúng tuy bị 2 khẩu sơn pháo của trung đoàn kiềm chế vẫn bắn được vài loạt đạn về phía đột phá của chúng tôi. Lực lượng tải thương đã phải chuyển một số thương binh về phía sau. Cuối cùng đội bộc phá của C317 cũng phá hết 4 hàng rào dây thép, mỗi hàng cách nhau 6-7m, trong đó có 3 hàng rào kép dày 3-4m và một hàng rào đơn cách lô cốt đầu cầu chừng 1m, kết thúc nhiệm vụ mở cửa bằng việc tiêu diệt lô cốt địch ở đầu cầu. Đội bộc phá đã hoàn thành nhiệm vụ, các đơn vị bộ binh lần lượt theo nhau xông lên. Tôi chỉ kịp nói với anh Bích và Bằng Khê: “Tôi vào đồn đây” và chạy theo C316, theo sát tôi là đồng chí Thái và hai liên lạc viên. Lúc này tại các trận đánh khác có lẽ quân ta đã giải quyết sắp xong hoặc ta, địch đang chiến đấu xen kẽ nhau, nên các loại pháo, cối của chúng gần như đổ dồn vào khu vực đột phá khẩu A1. Từng loạt, từng loạt đạn 155 ly, 105 ly, cối 120 ly thay nhau liên tiếp nổ trên đường tiến của chúng tôi. Số thương vong đã khá nhiều, đồng chí cán bộ tác huấn và một trong hai liên lạc viên theo tôi đã bị ngã. Anh em tải thương khi làm nhiệm vụ cũng bị hao hụt nhiều, nhưng tất cả mọi người, phía trước tôi là C316, sau tôi là C315, những ai còn sức đều cố gắng vượt qua cơn mưa đạn này để cố gắng xông vào đồn tiêu diệt quân thù, không ai lùi bước. Không biết địch đã bắn bao nhiêu tấn đạn và kéo dài bao lâu vào khu vực này. Chỉ biết tính chất ác liệt của nó được biểu hiện ra khi 5g30 sáng 31/3 tôi và anh Dũng Chi bị bật ra theo đường này thì không thấy cái cửa mở qua mấy hàng rào nữa mà xung quanh ngang, dọc, mỗi chiều chừng 50- 60m trên hướng đột phá tối hôm trước không có sợi dây thép gai nào, thậm chí không một chiếc cọc nào nhô khỏi mặt đất 10cm. Tất cả đều bị cắt đứt, còn trên mặt đất dày đặc vết đạn, vết nọ đè lên vết kia, nham nhở cả một mảnh đồi. Tiểu đoàn đã vào được trong đồn nhưng quân số bị hao hụt hơn 1/3.

Vào trong đồn, tôi thúc C316 phát triển nhanh đề tiếp sức cho C317 vì tôi nghĩ Lê Sơn và Cư cũng đang cần chi viện, còn C315 theo kế hoạch phát triển theo hướng Tây Bắc.

Hệ thống phòng thủ trong tung thâm A1 chia làm 3 tuyến, mỗi tuyến bố trí một số ụ chiến đấu trong các căn hầm nhỏ có mái dày chống được pháo của ta, các ụ chiến đấu và các tuyến nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào khá sâu. (Tôi đứng gần ngập đầu). Với các cứ điểm độc lập thì cách bố trí này đánh không khó, chúng tôi chỉ cần bố trí một số súng máy kiềm chế các hoả điểm, rồi bộ binh xông lên dùng lựu đạn, thủ pháo tiêu diệt từng điểm một. Nhưng A1 nằm trong hệ thống tập đoàn cứ điểm nên ngoài 2 khẩu cối 81 ly của bản thân ra còn có các trận địa cối 81 ly, 120 ly của A2, A3 và lựu pháo 105 ly của tập đoàn liên tục bắn tới khiến bộ đội ta không thể phát triển trên mặt đất, phải đi một hàng dọc theo các ngách giao thông nên tốc độ quá chậm và cũng rất khó chỉ huy. Địch bố trí sẵn tại các ngách giao thông hào chống cự khá quyết liệt. Đang lúc có những tiếng lao xao: D1 đánh vào sườn D9 rồi! D1 nhầm hướng rồi! Anh Nhuận báo về: “một bộ phận D1 lọt vào đội hình D9”. Thì ra vì trời tối và bị pháo bắn rát quá, bộc phá D1 đã không mở cửa đúng hướng Tây Bắc như kế hoạch lại theo hướng chính Bắc. Tôi nghĩ nhanh trong đầu: gay rồi, không có lực lượng chia cắt địch, kiểu đánh vỗ mặt, dồn địch thế này thì khó có thể diệt gọn! Và cũng từ lúc đó sức kháng cự của địch trong cứ điểm hình như giảm nhiều, còn tốc độ của ta có vẻ nhanh hơn. Khoảng 20 phút sau, quân ta đã vượt đỉnh đồi sang phía tây, nhưng bỗng thấy anh em chững lại và có tiếng hô: Gặp hàng rào rồi! Thì ra đó là chiếc hàng rào đơn dọc theo hướng Bắc- Nam, ngăn khu đông và tây A1. Thấy tình hình khó khăn ngoài dự kiến, tôi lệnh cho đồng chí liên lạc duy nhất còn lại về báo cáo với anh Bích xin đưa đội dự bị vào. Khi đó vào khoảng 24 giờ đêm 30/3.

Nhưng cũng từ lúc ấy, ngoài các khẩu cối quanh đó, các loại pháo 155 ly, cối 105 ly, cối 81 ly, của tập đoàn tới tấp bắn vào đội hình ta. Chúng bắn như mưa rào, nhiều quả đạn rơi cả xuống giao thông hào. Số thương vong tăng nhiều. Có thương binh bị kẹt lại trong hào vì không sao đưa ra được, chúng tôi đành phải lùi dần về đỉnh đồi, đưa thương binh ra và đợi đơn vị bạn đến tiếp sức. Trận pháo kéo dài hàng mấy giờ đồng hồ liên tục khiến nhiều đoạn hào bị sạt lở đến nỗi một số liệt sỹ của ta chưa kịp đem ra cùng cả tử thi địch trong hào cũng bị vùi lấp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:14:01 pm »


Khoảng 2 giờ sáng, ngoài đạn pháo cầu vồng, tôi phát hiện hình như có tiếng đạn pháo bắn thẳng cỡ 40 ly hay 75 ly từ chân đồi A3 bắn lên và nghĩ bụng: “Mũi chia cắt, chặn viện không thực hiện được thì chắc chắn địch sắp phản kích. Tiếng pháo bắn thẳng đó có thể là của xe tăng địch chuẩn bị”. Tôi rất muốn liên lạc với Lê Sơn, với các đại đội trong tiểu đoàn và Dũng Chi D1, rất muốn báo cáo tình hình với Trung đoàn xin pháo cấp trên chi viện. Nhưng không có phương tiện thông tin nào nên đành bó tay. Lúc này tôi chỉ còn nắm được một tổ chiến đấu của C316 trong đó có anh Nhuận. Chúng tôi biết không thể trụ lâu nổi trước sự bắn phá ác liệt của hoả lực địch, đành phải lui dần. Khoảng 3h sáng vì chân đau do dẫm phải cọc rào và các mảnh pháo (tôi bị đứt dép từ ngoài cửa đột phá), tôi bị tụt lại sau theo một nhánh hào về phía đột phá của d9, còn anh em C316 lại bật sang hướng của d1. Đang mò mẫm đi thì nghe tiếng người trong một hầm chiến đấu của địch, tôi vội vàng ra phía trước chạy vụt vào thì thấy anh Hùng Tân tiểu đoàn phó 255 và anh Hồng Giang chính trị viên đại đội trợ chiến d9 cùng mấy chiến sĩ đang ở đó. Thì ra đồng chí liên lạc do tôi phái về báo cáo với anh Bích đã đến nơi và Trung đoàn đã lệnh cho C924/d255 vào tăng viện từ 1g30 phút sáng 31/3. Nhưng các đồng chí đó vào theo hướng phát triển của C315 nên không gặp tôi. Hướng Tây Bắc là nơi địch bắn phá ác liệt hơn cả nên cả C315 của d9 lẫn C924 của d5 đều bị thương vong nặng nề, mất sức chiến đấu, số còn lại cũng phải lui về bố trí quanh đấy. Tôi hỏi anh Hùng Tân có điện thoại liên lạc với Trung đoàn không thì được biết không có gì! Vì dây điện thoại bị đứt vụn nhiều đoạn, chiến sỹ thông tin đi nối dây bị thương hết. Đang lúc bối rối khó xử, chợt thấy một người chạy ào vào, trời còn tối không rõ mặt người, chúng tôi chưa kịp hỏi thì người đó đã hỏi: “Thằng Hoè đâu?” Té ra là Dũng Chi! Tôi đáp: “Tớ đây!” Anh hỏi tiếp: “Bên này thế nào? Tao hết quân rồi!”.

Sau khi trao đổi, chúng tôi thấy tình hình rất khó khăn, với lực lượng còn lại tại chỗ không thể giữ nổi, cần trình bày cụ thể với Trung đoàn để xin ý kiến trên xem sao. Máy thông tin không có, để chiến sỹ liên lạc về báo cáo không thể nói hết mọi sự việc! Vì vậy chúng tôi nhất trí để anh Hùng Tân sẽ chỉ huy lực lượng bám giữ trận địa, tôi xuống chỗ máy điện thoại báo cáo về Trung đoàn. Dũng Chi ra để tập hợp lại đơn vị chờ lệnh trên. Khi tôi và anh Dũng Chi ra khỏi hầm thì trời đã sáng rõ rồi. Xuống đến hào giao thông gặp anh Lê Sơn và anh Toạ chính trị viên C317 - Nghe anh Sơn, nói tôi biết C317 bị thương vong nặng, số còn lại bị bật ra hướng d1. Tôi mừng vì thấy Lê Sơn an toàn nhưng cũng rất buồn vì tiểu đoàn đã bị tổn thất nặng quá!

Tôi lần đến chỗ điện thoại, được biết anh Bằng Khê và anh Bích sau đó cũng băng qua đột phá khẩu vào đồn nhưng không có phương tiện thông tin, không nắm được đơn vị nào. Cán bộ tác huấn, liên lạc viên theo sau bị thương hết. Bản thân hai anh cũng bị pháo bắn cho không trụ nổi phải bật ra. Tôi gọi điện báo cáo với anh An mọi diễn biến trong đêm. Với giọng lo lắng, anh An nhắc tôi động viên anh em cố giữ lấy đầu cầu để xin trên tiếp viện. Tôi trình bày rõ ràng hiện chỉ còn một bộ phận nhỏ của d5 khó đánh lại quân phản kích của địch.

Từ 6 giờ sáng địch lại bắn như mưa vào nơi anh em C924/d5 đang bám giữ, khoảng 7 giờ sáng 31/5, xe tăng và bộ binh địch chiếm lại đỉnh đồi. Khoảng 8 giờ sáng 31/5, bộ phận cuối cùng của d5 và một số anh em thuộc C315, C316/d9 cũng bị bật ra, anh Hùng Tân bị thương.

Xế trưa, anh An gặp tôi ở chân đồi A1, một phần có thể vì lo lắng do không hoàn thành nhiệm vụ, một phần có thể bực mình vì chúng tôi đánh kém quá nên chỉ nói ngắn: Tập hợp số anh em còn lại để tối nay phối hợp cùng đơn vị bạn của đại đoàn 308 tiếp tục chiến đấu. Tôi báo cáo các cán bộ đại đội, trung đội bị thương vong cả rồi; số chiến sỹ chỉ còn chưa đầy 30 người có thể chiến đấu được. Anh thở dài nhìn hai bàn chân tôi rồi nói: “Cậu đau chân rồi, phải nghỉ thôi. Để tôi bảo Lê Sơn làm việc này". Nói rồi anh hối hả đi gặp Lê Sơn, bảo tổ chức lại lực lượng để cùng số còn lại của d1 tối nay đánh tiếp”.

Tôi được Quân Y dìu về hậu cứ băng bó lại hai bàn chân, vì suốt đêm dẫm vào bùn đất có dính máu của đồng đội nên đã sưng tấy, phải chống gậy mới đi lại được. Chiều tối hôm đó nằm ở hậu cứ, tôi vừa đau vừa buồn, không hiểu anh em mình chiến đấu ra sao? Đang suy nghĩ mông lung thì có một đồng chí thương binh nhẹ về qua kể chuyện rằng: lúc buổi chiều khi đi quan sát vị trí địch có một cán bộ của đơn vị bạn đã nói rằng: “Cái đồn này chỉ cần hỉ mũi một cái là xong, thế mà không đánh được!”.

Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã không hoàn thành nhiệm vụ, lại bị đơn vị bạn coi thường. Tôi cảm thấy buồn quá, nhưng cũng giật mình nghĩ: lúc đầu anh em ta cũng chủ quan, cho rằng việc tiêu diệt A1 là không có gì khó khăn. E rằng đơn vị bạn cũng đi theo vết ấy thì sẽ bị vấp nặng đấy! Và đúng như vậy, đơn vị bạn cũng bị tiêu hao một bộ phận và không diệt được địch.

Các trận chiến đấu kéo dài đến 4/4 thì dừng, địch tiếp tục chiếm đóng và củng cố công sự tại đây.

Mấy ngày sau nữa, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An, chính ủy trung đoàn Trần Huy và các tiểu đoàn trưởng lên Mường Phăng dự hội nghị sơ kết đợt hoạt động.

Không khí cuộc họp thật nặng nề, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phê phản các khuyết điểm của các đơn vị bằng thái độ rất nghiêm khắc; đã phê bình đồng chí Nguyễn Hữu An và đồng chí Trần Huy; môt trung đoàn phó bị cách chức, một cán bộ tiểu đoàn thuộc trung đoàn 102 bị kỷ luât nặng vì dao động trong chiến đấu. Như vậy có 4 người bị tuyên bố kỷ luật đều do không hoàn thành nhiêm vụ tại A1. Tôi đã nín thở, lạnh người chờ nghe tuyên bố kỷ luật đối với mình, nhưng may quá, không có chuyện gì xảy ra nữa! Tuy vô sự nhưng tôi cảm thấy hơi bất mãn cho cái án kỷ luật này. Dọc đường về, tôi hỏi Dũng Chi: “Cậu nghĩ thế nào về vấn đề thi hành kỷ luật này?”. Dũng Chi nói: “Úi trời! Còn nghĩ nữa! Sợ bỏ mẹ ấy chứ! May cho mày đấy! Hôm nọ tao nghe lỏm mấy ông bàn thi hành kỷ luật cả lũ, trong đó có mày, người bảo phải cảnh cáo, người nói phải cách chức, nhưng không hiểu sao hôm nay cụ Giáp lại tha cho mày!” Tôi hỏi: “Tại sao người ta khép tội tớ, còn cậu thì bỏ qua?” Dũng Chi cười khà khà nói đùa: Tại cậu là tiểu đoàn trưởng chủ công nên tội lớn hơn cả! Tôi cũng bật cười vì tính vô tư và câu nói đùa đó, nhưng cảm thấy ấm ức trong lòng và tự hỏi: “Ai chịu trách nhiệm về việc e174 tham gia chiến đấu chậm tới hơn 30 phút, lỡ mất thời cơ đột phá của đơn vị, sai lệch cả kế hoạch hiệp đồng toàn mặt trận, khiến bộ đội bị thương vong nặng? Tại sao pháo cối địch thoải mái bắn không ngớt vào đầu quân ta mà ta không bị kiềm chế? Tại sao hàng tiểu đoàn địch có xe tăng dẫn đầu xông lên phản kích vào đơn vị chỉ có súng trường, lựu đạn và đã qua suốt đêm chiến đấu mà không thấy ai giúp đỡ, chặn lại? Tại sao cuộc chiến đấu khó khăn, ác liệt thế mà việc thông tin liên lạc lại không thông suốt? Không biết trước khi chiến đấu đã có ai nghĩ đến các vấn đề này không? Cách giải quyết ra sao? Trách nhiệm của những thiếu sót “nguy hiểm chết người” này thuộc về ai? Không hiểu vì sao mọi tội lỗi người ta đổ cả lên đầu cán bộ trung đoàn và tiểu đoàn?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:15:08 pm »


Sau chiến dịch, tôi được điều về thay anh Y, có nhiều dịp cùng làm việc, cùng nghỉ ngơi với anh An, thỉnh thoảng có nhắc đến vấn đề này. Lúc đó anh chỉ thở dài, lắc đầu nói: “Khó lắm! Hình như người ta có định kiến rằng sự việc không thành là do cấp dưới gây nên, còn cấp trên chỉ có liên quan nhẹ thôi. Đối với cậu và Dũng Chi, một số ý kiến đòi phải có kỷ luật, nhưng mình và anh Bích đều nói rằng các cậu không có khuyết điểm gì trong trận này, có lẽ Đại đoàn đã đồng ý như vậy”.

Tôi cảm ơn người chỉ huy đã hết lòng bảo vệ cấp dưới mặc dù bản thân mình cũng bị trên phê phán. Tuy “thoát tội” nhưng chúng tôi cũng thấy tư tưởng chủ quan khinh địch của mình là đáng phê bình.

Đại đoàn lại giao cho trung đoàn 174 nhiệm vụ tiếp tục đánh A1. Đối với d9 vấn đề quân số lúc này là rất khó khăn, 4 đại đội trưởng chỉ còn một đại đội trưởng trợ chiến, đại đội phó không còn ai; cấp trung đội, tiểu đội mất hơn 80%, chiến sỹ chỉ còn khoảng hơn 20 người.

Anh Học Hải và trợ lý chính trị của tiểu đoàn phải đến các trạm quân y tìm và động viên anh em bị thương nhẹ và các bệnh binh mau trở về đơn vị. Một số anh em bị ốm, bị lạc đơn vị trong quá trình hành quân từ Thanh Hoá ra cũng dần dần về tập trung, đến cuối tháng 4 tiểu đoàn đã tổ chức được đủ 4 đại đội nhưng quân số không được đủ như biên chế.

... Khi trao đổi về cách đánh, nhiều người có ấn tượng khá nặng về sự nguy hiểm của chiếc hầm ngầm. Thậm chí có người còn cho rằng nếu không diệt được hầm ngầm thì không thể chiếm được A1. Tôi suy nghĩ khác, vì được trực tiếp chiến đấu suốt đêm 30/3 nên tôi thấy rõ địch đã phát huy có hiệu quả các thế mạnh của chúng là pháo, cối và quân phản kích (có xe tăng yểm trợ trực tiếp). Ngược lại, ta không có cách đánh phù hợp để làm giảm hoặc vô hiệu hoá các thế mạnh của chúng khiến bị thương vong nặng ngay từ đầu, tiếp sau đó càng ngày càng bị động dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ. Theo sự suy nghĩ của tôi thì việc bắn pháo và phản kích có liên quan đến nhau: địch phản kích vì thấy có hy vọng cứu bọn bị đánh. Muốn phản kích thì phải dùng pháo bắn để tiêu hao ta, dọn đường cho quân tiến lên. Nhưng nếu thấy vì lý do nào đó không bắn pháo được hoặc bắn không hiệu quả (ví dụ: ta và quân nó xen kẽ cao độ, không có khoảng cách an toàn, quân phản kích có thể bị ngăn chặn lại trước khi đến đích v.v...) thì khả năng phản kích cũng như bắn pháo có thể giảm đi. Vì vậy nghiên cứu cách đánh phải đề xuất được các biện pháp làm giảm các thế mạnh của chúng.

Hôm được Tư lệnh đại đoàn gọi lên bàn việc, tôi cũng báo cáo về suy nghĩ đó. Khi đồng chí đó hỏi cách đánh, tôi đề nghị Trung đoàn vẫn đột phá theo hai hướng. Hướng chính vẫn như cũ, nhưng phải thực hiện việc thọc sâu chia cắt, nhanh chóng áp sát, tạo thế xen kẽ ngăn chặn không cho địch co cụm hoặc rút về phía A3 hay chui xuống hầm ngầm. Hướng chia cắt nên thực hiện đột phá cách cửa mở cũ của d1 khoảng 50- 60m về phía Tây, phát triển nhanh lên hướng Tây Bắc, cắt 1/3 cứ điểm A1 về phía Tây, vừa có thể chặn đường rút của A1 có thể chặn quân phản kích từ A3 lên. Nếu ta, địch ở trung tâm A1 trong thế cài răng lược trong từng khu vực nhỏ thì pháo địch khó phát huy hiệu quả. Không có hoả lực chi viện mạnh thì quân phản kích của chúng dễ bị chặn lại. Còn đối với hầm ngầm, tôi báo cáo thực là chưa nghĩ ra cách đánh, nhưng theo tôi, nếu có cách nào đó phá được cũng tốt. Nếu không thì cũng không phải là trở ngại lớn vì đó không phải là công sự chiến đấu.

Nghe xong, Tư Lệnh gật đầu nói: “Đã có một số ý kiến tương tự như thế này. Đại đoàn sẽ cùng Trung đoàn trao đổi rồi quyết định sau”

Vài hôm sau đó, Trung đoàn triệu tập cán bộ tiểu đoàn lên phổ biến kế hoạch tác chiến đã được trên xét duyệt, đại ý như sau:

- Sẽ đào một hầm sâu vào lòng núi để đặt thuốc nổ phá hầm ngầm của A1, lực lượng do Đại đoàn bố trí, Trung đoàn cử lực lượng bảo vệ và giúp đỡ khi cần.

- D9 đột phá từ hướng Đông, sau đó tiến hành hai mũi thọc sâu, một mũi phát triển thang sang hướng Tây, một mũi chếch theo hướng Đông - Đông Nam vừa diệt địch vừa bảo vệ sườn bên phải cho d1 phát triển.

- D1 đột phá theo hướng Đông Nam - Tây Bắc chia cắt 1/3 của điểm A1 về phía Tây và chặn quân tiếp viện của địch từ A3 lên A1, tạo điều kiện cho d9 tiêu diệt gọn quân địch ở A1.

- D5 trước mắt làm nhiệm vụ bảo vệ bộ phận đào hầm, chốt giữ Đồi Cháy bảo vệ các đoàn cán bộ đi trinh sát thực địa. Khi chiến đấu làm dự bị cho d9, sẵn sàng phát triển xuống A3 sau khi ta diệt A1.

Nghe xong, tôi đề nghị nên để d5 làm dự bị cho d1 bị uy hiếp từ ba phía (trước mặt và hai bên sườn) nên có sẵn lực lượng phía sau đề phòng lúc khó khăn. Nếu địch phản kích mạnh, d5 có thể nhanh chóng cùng d1 đánh chặn, một khi quân phản kích địch không tiến lên được thì d9 có thể một mình tiêu diệt phần còn lại của A1. Trường hợp d9 gặp khó khăn thì d5 vẫn có thể từ hướng đột phá của d1 đánh ngược sang phía Đông tạo thành 2 mũi giáp công (d5 + d9) bao vây tiêu diệt địch. Và sau khi diệt xong A1, nếu d5 ở phía sau d1 có điều kiện nhanh chóng phát triển sang A2- A3

Công tác chuẩn bị của d9 có phần nhẹ hơn d1, nhưng so với lần trước thì Dũng Chi cũng có nhiều thuận lợi vì ta đã làm chủ Đồi Cháy nên công việc trinh sát được tiến hành cả đêm lẫn ngày sát ngay hàng rào địch. Vất vả hơn cả có lẽ là Đôn Tự. D5 vừa phải giúp đỡ về nhân lực, vừa phải bảo vệ tổ công binh đào hầm ngay dưới tầm ném lựu đạn và cối của địch, suốt hơn 20 ngày đêm ròng rã. Và cũng khoảng thời gian đó các anh phải chịu đựng không biết bao nhiêu bom, đạn địch trút xuống khu vực bố trí tại Đồi Cháy, nơi phải bố trí và bảo đảm cho các đoàn cán bộ đi trinh sát.

Mọi công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương. Anh em tuy vất vả nhưng không ai kêu ca phàn nàn, tất cả tin tưởng vào thắng lợi sắp tới vì thấy sự chuẩn bị lần này rất chu đáo.

Tư lệnh và Chính ủy Đại đoàn cũng thân đến Đồi Cháy và chân đồn A1 để quan sát tình hình và động viên chúng tôi. Một lần đến thăm chúng tôi, Tư lệnh hỏi: “D9 thế nào?”. Câu hỏi hơi trừu tượng nhưng tôi cũng báo cáo: “Thưa anh, thực lực không bằng lần trước nhưng thế mạnh lại gấp nhiều lần ạ!”. Ông cười gật đầu rồi nói: “Cố gắng nhé!”. Chính uỷ Đại đoàn trước ngày “N” cũng gọi điện động viên chúng tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:16:44 pm »


Cuối cùng mọi công việc đã xong và ngày “N” đã đến. Ngày 5/5 anh An thông báo: đồng chí Nguyễn Đức Y trung đoàn phó, tham mưu trưởng Trung đoàn sẽ tăng cường cho chỉ huy d9 (lại tăng cường) đồng thời nhắc nhở tiểu đoàn một số điều cần chuẩn bị để đơn vị khỏi bị ảnh hưởng của khối thuốc nổ phá hầm ngầm.

Theo dự kiến của các chuyên gia, với trọng lượng 1.000kg, khối thuốc này sẽ có tiếng nổ rất lớn, sức chấn động cực mạnh, có thể làm vỡ mang tai, tức ngực, thậm chí đứt mạch máu não của những người lộ trên mặt đất trong khoảng cách 300m. Ánh lửa chớp của nói có thể làm mù mắt các sinh vật gần đấy khoảng 200-300m. D9, đơn vị gần khu vực nổ nhất, cần phải thực hiện các yêu cầu sau:

- Tất cả phải ở dưới giao thông hào cách xa tâm nổ 300m trở lên

- Nằm quỳ gối, chống tay, nhắm mắt, há mồm chổng mông về hướng nổ

Nghe phổ biến xong, chúng tôi rất lo, nếu khối thuốc không nổ, tổ bộc phá sẽ khó khăn vì khoảng cách 300m quá xa, anh em dễ bị thương vong khi lên phá hàng rào. Anh Lê Sơn đề nghị cho bố trí cách 100m thôi vì ta nằm dưới hào, tâm nổ lại tận trên lưng chừng đồi cao hơn ta tới 10m chắc không ảnh hưởng mấy, nhưng Trung đoàn không đồng ý vì không bảo đảm. Vì vậy chúng tôi phải cấp tốc tăng thêm bộc phá viên dự bị.

19 giờ 00 tối 6/5, toàn tiểu đoàn đã triển khai đội hình hàng dọc dưới giao thông hào, trừ tổ canh gác còn tất cả quay lưng về A1; 19g30 rồi 20 giờ 00. Tôi suốt ruột hỏi anh Y “Sắp đến giờ “G” chưa?”. Anh đáp: “Sắp rồi đấy”. 20g 15 phút vẫn chưa nghe thấy bộc phá nổ. 20 giờ 30 phút, bỗng có tiếng chân người lao xao chạy từ phía A1 lại, phía trước có người hỏi: “Cái gì thế?”. Tôi cũng hỏi tiếp: “Ai đấy?” thì có tiếng trả lời khẽ: “Công binh đây! Điểm hoả rồi! Sắp nổ rồi!”. Anh Y gọi điện về Trung đoàn, còn tôi vội hạ lệnh: “Chống tay nhắm mắt, há mồm!”. Hô xong, tôi cũng vội phục xuống hào, chống tay, há mồm, chổng mông về phía A1. Lúc này thần kinh tôi căng thẳng, chờ đợi tiếng nổ kinh thiên động địa mà thầm lo không biết mình có chịu đựng nổi không. Nếu xảy ra chuyện gì thật tiếc cho bao nhiêu ngày chuẩn bị mà không được chiến đấu. Một phút rồi hai phút trôi qua, sao thời gian chậm thế? Sao mấy “thằng cha” để dây cháy chậm dài thế? Miệng khô, họng rát mà không dám ngậm lại để nhấp nước bọt, đầu ngứa, cổ ngứa cũng không dám bỏ tay ra để gãi, (chống bằng khuỷu tay còn bàn tay bị bịt tai) chỉ sợ mình vừa ngậm mồm vào hay rời bàn tay khỏi tai mà nó nổ thì bỏ mẹ. Cứ thế khoảng 4-5 phút mới nghe thấy “Ục” một tiếng nặng nề kèm theo một làn chấn động nhẹ làm rung rinh mặt đất. Khoảng 1 giây đồng hồ và một ít đất đá vụn bắn xuống chân đồi (chưa đến chỗ đơn vị bố trí).

Có tiếng Lê Sơn quát: “Nổ rồi!”. Tôi không ngờ sự việc lại kết thúc quá nhẹ nhàng so với dự kiến, đồng thời cũng lo lắng vì chưa hiểu kết quả của cái “tác phẩm” này ra sao. Tôi hét to: “Báo cáo anh Y, cho bộ đội lên nhé!” và ra lệnh “Tiến lên”

Khi bàn kế hoạch, chúng tôi nhất trí nếu khối thuốc nổ phá hầm ngầm thành công thì không cần tổ bộc phá lên phá hàng rào nữa, song với tình hình này không rõ, tiếng nổ như vừa rồi có phá được hầm ngầm không và nhất là hàng rào có còn không? (Sau đợt chiến đấu trước địch đã tu sửa lại công sự tiền duyên nhưng mới kịp làm một hàng rào rộng khoảng 3-4m thôi). Nhưng anh Lê Sơn phát hiện thấy một số đất đá văng xuống chân đồi thì phán đoán khu vực ta định mở cửa đã bị phá, khả năng không còn hàng rào nữa nên đã hạ lệnh xung kích theo sau ngay tổ bộc phá. Khi đại đội 317 bắt đầu xuất kích thì các loại pháo của Mặt trận, Đại đoàn, Trung đoàn đã bắn dồn dập vào cửa điểm địch để yểm trợ cho chúng tôi tiến lên.

Khối thuốc nổ đã tạo thành hình phễu trên mặt đất có đường kính khoảng 10m, sâu chừng 3m, tâm nổ cách lô cốt đầu tiên khoảng 15m, hàng rào giây thép gai bị biến mất. Theo kế hoạch từ trước, đại đội 317 từ phía Bắc hố bộc phá đánh chiếm lô cốt đầu cầu rồi chọc thẳng vào trung tâm cứ điểm. Sức chống cự của địch ở hướng này không mạnh lắm. Ngay khi vượt tuyến phòng thù ngoài cùng, anh em đã thấy một số xác địch, cả trên mặt đất lẫn dưới giao thông hào. Có thể số này ở gần tâm nổ của khối thuốc phá hầm ngầm nên bị chấn động mạnh, choáng váng, hoảng loạn, chưa kịp hoàn hồn thì bị pháo ta bắn chết. Khoảng 30 phút chiến đấu, đại đội 317 đã chiếm được trung tâm chỉ huy A1 và phát triển tiếp về phía Tây. Địch ở đây dạt sang 2 bên và tiếp tục bị các đại đội 316 và 315 diệt và bắt sống. Đại đội 316 tiến vào căn cứ địch từ phía Nam hố bộc phá phát triển theo hướng Tây Nam, hướng này địch chống cự khá quyết liệt, đại đội trưởng Trương Duyên bị thương ngay từ đầu, nhưng anh em vẫn tiếp tục chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Theo dự kiến, đại đội 315 là dự bị của tiểu đoàn và di chuyển sau 317. Nhưng khi chúng tôi vào cứ điểm địch (các anh Y, Bằng Khê và tôi cùng đi sau C317). Tôi phát hiện một ngách hào từ phía Đông chạy vòng lên phía Tây Bắc. Tôi nhớ ra ngách hào này đã có từ trước, đây là đường rút của địch từ phía Đông xuống phía Tây, và trên mặt đất song song với thành hào là con đường chúng đã cho xe tăng dẫn đầu toán quân phản kích trong trận đánh trước mà tôi đã chứng kiến. Tôi nghĩ phải nhanh chóng điều đại đội 315 đánh sang hướng Tây Bắc để chặn địch rút và chuẩn bị đánh quân phản kích khi cần thiết. Không kịp báo cáo trung đoàn phó Y và Bằng Khê, tôi quay lại gặp đại đội 315 lúc đó đang lục tục kéo nhau lên (315 đi sau 316 nên cách 317 một quãng khá xa). Tôi lệnh cho 315 phát triển ngay sang hướng Tây Bắc chứ không theo sau 317 nữa. Xong rồi tôi quay về sở chỉ huy tiểu đoàn lúc này đang ở trong hầm chỉ huy Trung tâm A1. Hình như mọi người không hài lòng khi thấy tôi vào muộn, anh Y chỉ nhìn tôi mà không nói gì, còn Bằng Khê thì hỏi: “Vừa rồi cậu đi đâu thế?”. Tôi đáp ngắn gọn: “Quay lại lệnh cho 315 đánh lên hướng Tây Bắc, không đi theo 317 nữa. Và 3 người chúng tôi không ai nói gì với nhau nữa. Trận này pháo cối địch bắn không nhiều, hơn nữa đường dây điện thoại rải dưới lòng giao thông hào nên việc liên lạc từ tiểu đoàn xuống các đại đội 317, 316 thông suốt. Riêng đại đội 315 vì là dự bị của tiểu đoàn nên chưa có máy điện thoại - Anh Y liên tục làm việc với Trung đoàn và Lê Sơn, còn tôi ngồi nghe họ nói chuyện. Không khí trong hầm có vẻ hơi nặng nề. Chợt lúc ấy có tiếng súng nổ ở hướng 315. Tôi nghĩ: “Đã có dịp “thoát ly” rồi”. Và nói to với Bằng Khê nhưng cũng để mọi ngươi nghe thấy. “Tôi xuống 315 đây” rồi chui ra khỏi hầm. Chỉ kịp nghe Bằng Khê quát: “Liên lạc theo anh Hoè”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:17:28 pm »


Lần này mật độ pháo địch bắn vào A1 giảm rất nhiều so với những lần đánh trước. Có thể có nhiều lý do như: không đủ đạn pháo (thả dù ra ngoài), trận địa pháo bị ngập lụt, bị pháo ta kiềm chế v.v... Nhưng theo tôi, lý do quan trọng nhất là ta và quân địch ở vào hai thế xen kẽ cài răng lược, Trung tâm chỉ huy cứ điểm lại bị đánh chiếm ngay từ đầu nên chúng không biết bắn pháo vào đâu.

Lợi dụng tình hình đó và cũng đã biết rõ hướng đi từ lần trước, tôi không đi dưới hào mà chạy tắt trên mặt đất đến một quãng hào có người, nhảy xuống đúng vào đội hình đại đội 315. Tôi vượt lên phía trước gặp đại đội trưởng Hải Bằng và được biết 315 đã diệt được 3 ổ chiến đấu của địch, bắt được một số tù binh, đang tiếp tục phát triển theo hướng Tây Bắc. Địch kháng cự khá mạnh, nhưng ta chỉ có vài trường hợp bị thương. Tiếp đó, tôi đi cùng 315 theo giao thông hào cạnh con đường đất mà những lần trước xe tăng và quân phản kích địch đã từ A3 tiến lên.

Vào quãng gần 3h sáng, bỗng có nhiều loại súng tiểu liên, súng trường nổ cách chỗ chúng tôi khoảng 20-30m về phía Tây. Tiếng đạn bay vèo vèo qua đầu. Tôi chợt nghĩ: địch phản kích à? Nhưng với kinh nghiệm bản thân, thấy không có pháo bắn, tôi hiểu rằng D1 cũng đã đến nơi rồi! Đúng rồi! Chỉ có 10 phút sau có tiếng ồn ào: “Gặp D1 rồi; gặp Sóc Trăng rồi". Tôi lệnh đại đội cho liên lạc với D1, đồng thời tiếp tục sục sạo các ngách hầm, hào xung quanh đó. Không lâu sau đó, có tiếng Hải Bằng vọng về sau: “Báo cáo anh Hoè, có một toán địch ẩn nấp trong hầm, đề nghị cho thủ pháo để đánh”. Lúc đó làm gì còn thủ pháo với bộc phá. Tôi nói: “Cứ gọi hàng đã, nếu không ra sẽ đánh”. Đường hào chật chội đông người, tôi đang len lên thì đồng chí báo vụ đến báo: sở chỉ huy đang gọi tôi nói chuyện. Thì ra sau khi tôi đi khỏi sở chỉ huy, tiểu đội thông tin liên lạc của tiểu đoàn đã bố trí một máy điện thoại sang 315 để nắm bắt tình hình. Thấy tôi đi khá lâu mà không có tin tức gì nên anh Y gọi để nắm tình hình. Tôi báo cáo: đã liên lạc được với d1. C315 đang sục sạo chung quanh, có khả năng diệt hoặc bắt thêm một số địch nữa. Báo cáo xong, tôi vội đi lên phía trước đội hình đại đội. Thấy tôi, Hải Bằng với giọng phấn khởi: “Báo cáo anh Hoè, bắt được thằng chỉ huy A1 rồi” và dẫn tên tù binh đến trước mặt tôi, nói tiếp: “Thằng này là quan ba tạm quyền chỉ huy tiểu đoàn”. Tôi mừng quá, hỏi lại: “Cậu đã hỏi bọn lính xem nó có phải là chỉ huy không?”. Hải Bằng đáp: “Hỏi rồi”. Với vốn liếng tiếng Pháp ít ỏi của mình, tôi hỏi tên tù binh: “Anh là ai?”. Đáp: "Đại uý Giăng Pu-giê, chỉ huy căn cứ Eliane 2”. Nhìn tên tù binh thấy đầu trần, vai không đeo quân hàm, tôi hỏi “Lon đâu?”. Nó không đáp, thò tay vào túi quần móc ra đôi quân hàm đại uý đưa ra trước mặt tôi. Thế là đủ rồi! Tôi nói với anh Hải Bằng: “Các cậu chờ một chút, mình báo cáo về Sở chỉ huy”. Nói rồi quay về chỗ máy điện thoại định báo cáo với anh Y và Bằng Khê nhưng máy điện thoại của Sở chỉ huy đang bận. Tôi sốt ruột hỏi một câu “cầu may”. “Thế máy này có liên lạc được với Trung đoàn không?". Đồng chí báo vụ đáp: “Được ạ”. Tôi mừng quá nói: “Thế cậu cho mình liên lạc với Ban chỉ huy Trung đoàn với”. Chưa đầy 1 phút sau, tôi đã gặp Chính ủy Trần Huy ở đầu bên kia. Tôi đã báo cáo là chúng tôi đã liên lạc được với D1 và bắt được tên chỉ huy cứ điểm A1. Đồng chí Huy hỏi lại: Có đúng thằng chỉ huy không? Tên là gì? Nó bây giờ ở đâu? Anh bây giờ ở đâu? Tôi báo cáo: “Tôi đang đi với C315 ở Tây Bắc A1 chỗ tiếp giáp với d1. Thằng chỉ huy A1 là đại uý Pu-giê, nó đang đứng trước mặt tôi. Chính ủy Trần Huy nói: “Thay mặt Ban chỉ huy Trung đoàn, tôi biểu dương thành tích này của tiểu đoàn 9. Bây giờ anh cho đơn vị bố trí tại chỗ và liên lạc chặt chẽ với d1. Còn anh phải trực tiếp đưa tên chỉ huy A1 về chỗ anh Y ngay. Trung đoàn sẽ cử người tới làm việc”.

Chán thật! Tôi đang định tranh thủ “tạt” qua d1 xem Dũng Chi làm ăn ra sao, nhân tiện “khoe” việc bắt Pu-giê cho cậu ấy thèm, nhưng thế này thì mất thời cơ rồi. Chính uỷ lại bắt mình đích thân dẫn tù binh về. Nếu trước mặt mọi người mà nó phản cung lại không phải là chỉ huy A1 thì không có chỗ nào mà chui. Lại còn đi đường, chẳng may nó bị đạn lạc bắn chết thì mình cũng không sống nổi vì không hoàn thành nhiệm vụ. Và biết đâu mọi người lại nghĩ là mình báo cáo láo để lấy thành tích. Giá biết thế cứ chờ để báo về Sở chỉ huy tiểu đoàn thì hay hơn, dại thật! Nhưng chung quy có lẽ cũng tại cái máy điện thoại. Lần trước không có cái nào đã khổ, lần này nhiều máy quá cũng khổ.

Anh Hải Bằng cho 2 chiến sỹ đi cùng tôi dẫn tên Pu-giê về tiểu đoàn. Đi được chừng 30m, chợt thấy tiếng Dũng Chi hét: “Thằng Hoè đâu?”. So với tiếng gọi của cậu ta tại lô cốt đầu cầu sáng 31/3 thì lần này (sáng 7/5) có vẻ to hơn và phấn khởi hơn. Có tiếng Hải Bằng nói gì đó tôi không nghe rõ. Tôi muốn quay lại nhưng không được vì đã hơi xa và vướng tên tù binh.

Vào đến Sở chỉ huy, thấy không khí ở đây nhộn nhịp vui vẻ lắm, có lẽ vì các đại đội dễ hoàn thành nhiệm vụ và nhất là tiểu đoàn 9 lại bắt được tên chỉ huy cứ điểm A1. Chưa kịp nói chuyện với ai thì báo vụ viên gọi tôi đến máy gặp Tư lệnh Đại đoàn. Vội báo cáo mấy câu với anh Y và bảo liên lạc dẫn tên tù binh sang ngách hầm bên, rồi tôi đến bên máy điện thoại nghe Tư lệnh gọi. Thì ra Đại đoàn và có lẽ cả Mặt trận lúc này cũng đã có tin về việc ta tiêu diệt A1, bắt sống Pu-giê.

Tư lệnh hỏi tình hình diễn biến trận đánh và việc bắt tên quan ba Pu-giê. Nghe xong, ông khen đánh như vậy là tốt và chuyển lời Bộ Tư lệnh biểu dương toàn tiểu đoàn, căn dặn chuẩn bị để có thể tiếp tục làm nhiệm vụ mới. Liền sau đó, anh An gọi điện biểu dương đơn vị và lệnh d9 tập trung hoả lực bắn vào đội hình quân địch đang phản kích lên C2 để chi viện cho 98. Tôi lập tức lệnh cho C315 chuẩn bị địa điểm bố trí hoả lực (nơi C315 đang bố trí đối diện với sườn núi C2, hai bên cách nhau chưa đến 100m) và lệnh cho C trợ chiến chuyển mấy khẩu đại liên, súng cối 81 ly của tiểu đoàn đến ngay C315 nhận nhiệm vụ. Sau đó hội ý nhanh với Bằng Khê và Lê Sơn về chỉ thị của cấp trên. Chúng tôi thống nhất cho anh em tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức. Lúc đó đã là 4 giờ 30 sáng 7/5. Xong xuôi rồi tôi lại chạy đến C315, xem việc bố trí hoả lực ra sao. Đến nơi thấy Hải Bằng đang lom khom hướng mấy khẩu súng máy sang phía C2. Thấy tôi, Hải Bằng reo lên: “A! anh Hoè, lúc anh mới đi khỏi, anh Dũng Chi đến hỏi: Thằng Hoè đâu? Tôi nói anh vừa đi rồi!"

Theo dõi anh em bắn chi viện cho 98 đến 8h sáng 7/5, tôi quay về sở chỉ huy được biết d1 đã xuống A3. Nhắc các đơn vị bị bố trí canh gác xong, tôi mới nằm nghỉ một lúc - Khoảng 12 giờ trưa, lúc đang ăn cơm, chúng tôi thấy có 1 toán khá đông lính địch (cả Âu, Phi và nguỵ) từ A2, A3 cầm cờ trắng (vải trắng buộc vào que) đi qua A1 về phía sau - 13 giờ phát hiện một số cứ điểm bên Mường Thanh lác đác có cờ trắng. 15h, theo lệnh Trung đoàn, tôi đem theo một trung đội của 315 lội qua sang bờ phía Tây sông Nộm Rốm nắm tình hình. Sang đến nơi, thấy các cứ điểm đều đã có quân ta kiểm soát nên tôi cho anh em bố trí cạnh bờ sông rồi báo cáo về. Khoảng 17 giờ, Bằng Khê gọi điện báo cho anh em về để chuẩn bị xuống Hồng Cúm.

Lúc này hình như các đơn vị bạn cũng đang thu quân và từng toán tù binh cũng đang được dẫn lên phía Bắc Mường Thanh ra đường Tuần Giáo, về đến chân đồi A1 thấy vắng lặng không một tiếng người, tôi nghĩ có lẽ đơn vị đi Hồng Cúm rồi, lại phải đuổi theo thôi, mệt thật. Lên đến đỉnh đồi, thấy một đồng chí liên lạc đang chờ và báo cho tôi biết đơn vị được lệnh về hậu cứ rồi, không đi Hồng Cúm nữa. Trời đã tối, tôi cho anh em đơn vị về trước ăn cơm, còn 2 đồng chí liên lạc ở lại với tôi (1 người đi cùng tôi, 1 người đón tôi).

Sau khi dặn các đồng chí liên lạc chờ ở cạnh lô cốt đầu cầu, tôi quay lại thăm nơi chúng tôi bắt được tên quan ba Pu-giê, cũng là nơi gặp nhau của hai tiểu đoàn: Bông Lau - Lũng Phầy, địa điểm đã chứng kiến sự kết thúc thắng lợi của toàn thể cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng trong cuộc chiến đấu dũng cảm đầy hi sinh, gian khổ suốt 38 ngày đêm tại A1 - cứ điểm then chốt, chìa khoá để mở cửa vào trung tâm chỉ huy quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Xong rồi, tôi trở lại để một lần nữa ngắm nhìn cái hầm ngầm A1, một công trình kiến trúc đã từng được toàn Mặt trận biết đến và có bao nhiêu người đã tìm cách phá nó nhưng không thành. Cuối cùng, trên đường xuống núi, chúng tôi đi vòng quanh cái hố “thuốc nổ” để quan sát một “tác phẩm” do các đức tính: dũng cảm, kiên trì, thông minh, sáng tạo của những cán bộ, chiến sỹ công binh tạo ra. Chỉ tiếc rằng kết quả của nó chưa được như ý.

Xuống đến khe suối cạn, đường rẽ về hậu cứ, chúng tôi bồi hồi quay đầu lại tạm biệt đồi A1 nơi có biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho muôn đời con cháu mai sau.

Đã gần 50 năm nay, tôi không có ý định viết những chuyên liên quan đến bản thân về trận đánh A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để kỉ niệm 55 năm ngày thành lập trung đoàn 174 và 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban liên lạc bạn chiến đấu 174 yêu cầu tôi với trách nhiệm chỉ huy tiểu đoàn 249 kể lại một số hoạt động của đơn vị và cá nhân trong trận đánh 38 ngày đêm trên đồi A1. Tôi cố gắng thực hiện yêu cầu đó để lưu lại một chút kỉ niệm của những người đi trước (thời chống Pháp) nhưng do thời gian trôi qua đã nửa thế kỉ, do tuổi cao và trí nhớ có hạn, tư liệu có trong tay không nhiều, thêm vào đó thời gian lại ít, nên có thể có nhiều thiếu sót. Rất mong các đồng chí, đồng đội thông cảm và chỉ bảo cho.

8-2003
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2022, 08:38:18 am »


TRÍCH HỒI KÝ ĐIỆN BIÊN PHỦ

NGUYỄN DŨNG CHI1

Chỉ còn không đầy chín tháng nữa là chẵn 50 năm địch đầu hàng ở Điện Biên Phủ mà tôi thì đã sang tuổi 78. Phải viết một cái gì đó về Điện Biên. Viết thật sự và chi tiết về một quá khứ đẹp và hào hùng của thời thanh niên chống Pháp. Bỏ qua hay quên quá khứ là điều tồi tệ, bạc nghĩa bạc tình, là có tội với những người đã đổ máu cho Tổ quốc. Quên quá khứ, với tất cả mọi lứa tuổi, là vô đạo đức không thể chấp nhận được. Kẻ thù ngày trước của chúng ta mong chúng ta quên đi quá khứ, họ yêu cầu ta chấp nhận quên quá khứ hoặc là bỏ quá khứ lại phía sau, chỉ sợ rằng những hội chứng Việt Nam khó mà quên được trong ký ức họ.

Tôi muốn tả lại trận đồi A1 Điện Biên Phủ, trận đánh dài ngày nhất, ác liệt nhất của chiến dịch Điện Biên. Nhà văn Hữu Mai đã khai thác kỹ lưỡng trí nhớ của tôi hồi năm 1962-1963 để viết tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng. Tiểu đoàn trưởng trong cao điểm cuối cùng là tôi, cộng với những chi tiết hư cấu cần thiết của Hữu Mai để nêu lên một phần cái bản chất giai cấp tiểu tư sản.

Song, trận A1 Điện Biên Phủ không đơn giản như vậy. Trận A1 kéo dài từ tối 30/3/1954 và kết thúc 14h30’ ngày 7-5-1954.

Sau khi tiêu diệt Mường Pồn ngày 12-12-1953, chôn cất Bế Văn Đàn tại bản Lìn xong, tiểu đoàn 251 trung đoàn 174 truy kích tàn quân Thái đến Sốp Nhôm, Huổi Mét, quay về Điện Biên. Đại đoàn 312 đến vùng Điện Biên vào cuối tháng 12 năm 1953, chịu trách nhiệm phía bắc đông-bắc, tiểu đoàn 251 quặt xuống phía đông-nam, chuẩn bị tiêu diệt đồi A1 để cho trung đoàn 102 thọc sâu vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Toàn bộ trận Điện Biên dự kiến hai đến ba ngày là xong. Sau khi truy kích đám tàn quân Thái, tôi bị sốt rét ác liệt hành hạ hơn nửa tháng nên hôm tiếp nhận trận địa tôi lảo đảo đi theo tiểu đoàn. Vừa đến bìa rừng, ngước nhìn đồi A1 mục tiêu của tiểu đoàn, trông mờ mờ thấy ngọn đồi cũng không cao hơn Nà Xi2 bao nhiêu, tôi thấy an tâm, nghĩ rằng tiểu đoàn sẽ chiếm gọn thôi bởi tiểu đoàn Bông Lau - Lũng Phầy này có thua ai. 17giờ 15’ ngày 25/1/1954 có lệnh hoãn tiến công, tiểu đoàn phải rút trước khi trời hửng sáng. Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba chặn tôi giữa con đường kéo pháo qua Pu Hồng Mèo, giải thích:

- Phải chuẩn bị chu đáo, đánh chắc, tiến chắc theo lệnh anh Văn. Vừa nói xong, ông lại hét tướng:

- Có nhanh lên không, trời sáng bạch rồi!

Thật may được hoãn đánh, tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mới phòng ngự mà chỉ trinh sát ở cấp đại đoàn và trung đoàn thì thật là chủ quan phiêu lưu. Quay lại cánh rừng già tập kết cách đây hai ngày, chính uỷ đại đoàn Chu Huy Mân trao cho tiểu đoàn, cho đại đội trưởng Hồng Tân và tôi 3 chiếc huân chương khen thưởng trận Mường Pồn và thông báo truy tặng Bế Văn Đàn Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Cuộc trinh sát chính thức được thực hiện sau đó một tuần. Anh Nguyễn Hữu An trung đoàn trưởng cùng hai tiểu đoàn trưởng khác là Nguyễn Đôn Tự, Vũ Đình Hoè và tôi đến một bờ ruộng bậc thang cách cứ điểm chừng vài trăm mét chỉ mới thấy A1 đen xịt, dài dài, hơi cao cao, bị chắn về phía nam bởi một đồi thấp hơn cháy trụi gọi là đồi Cháy. Trung đoàn trưởng chỉ cho Hoè tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 hướng đột phá, hướng hai mũi bộc phá của hai đại đội. Anh quyết định giao cho tiểu đoàn tôi tiêu diệt cứ điểm A3 nằm ở đuôi phía nam A1 dọc theo đường 41 nối A1 Điện Biên với Hồng Cúm - Tây Trang; A3 mà bị tiêu diệt thì riêng anh Hoè cũng đủ “xơi tái” A1 rồi. Chúng tôi đang giương mắt ra định hướng và kiếm vật chuẩn thì bỗng nghe tiếng chân chạy qua các bụi cây, tiếp theo một loạt tiểu liên đanh, mấy tiếng nói nhỏ: “rút, rút” sau một câu tiếng Tây: “Oh la là Việt Minh”; Thế là chẳng ai bảo ai, chúng tôi vội bò lui, bò lui cho đến khi chạm vào một bờ ruộng, mọi người lăn qua để tránh đạn, nằm thở rồi tiếp tục quan sát trong tiếng tim đập thình thịch. Lộ rồi! Tôi nằm nhìn A3 chỉ thấy một vệt đen mờ mờ... Với tiểu đoàn tôi thì chỉ cần cho hai mũi chọc thẳng vào sườn là xong.
___________________________________________
1. Nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251 Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
2. Nà Xi thuộc tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Tiểu đoàn 251 đã bị thất bại ở đây năm 1952 (D.C).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2022, 08:39:31 am »


Cuộc họp đảng uỷ trung đoàn mở rộng đến các tiểu đoàn trưởng và cơ quan trung đoàn diễn ra sôi động. Chính uỷ Mân cũng tham dự. Nội dung xoay quanh đánh A1 bằng một tiểu đoàn - một mũi hay là hai tiểu đoàn - hai mũi? Bất phân thắng bại. Tôi thì bàng quang, vì tiểu đoàn tôi có đánh A1 đâu. Trong đầu tôi đang suy nghĩ về cách tiêu diệt A3. Kể cũng thích, một mình tiêu diệt một cứ điểm chẳng có ai chỉ huy “đè đầu” mình... Tha hồ tự do muốn đánh sao là quyền mình, chỉ cần đúng thời gian nổ súng là được. Cuộc họp xem ra bế tắc, Đảng uỷ chịu không biểu quyết được. Bỗng chính uỷ đại đoàn vỗ vai tôi.

- Cậu có thích đánh A1 không?

- Có.

- Thế đánh nhé! Thì ra ông bắt đầu khoái tôi sau trận Mường Pồn, đánh nhanh đến mức không biết tiểu đoàn 1 đã diệt xong Mường Pồn, ung dung có mặt trên đường Lai Châu

- Điện Biên ngay đêm 20-12-1953 theo đúng lệnh anh Văn đã cắt đứt đường rút của quân Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên. Hội nghị quyết định: theo ý kiến của anh Mân, tiêu diệt A1 bằng hai tiểu đoàn 9 và 1, tiểu đoàn 5 của anh Đôn Tự chỉ làm dự bị. Tôi nghĩ dự bị cho nó vui để thể hiện là có hai thê đội, chứ A1 mùi mẽ gì!

Đã chuẩn bị xong, quyết định vị trí quả bộc phá đầu tiên hướng đúng vào lô cốt Đông Nam, nơi đánh chiếm đầu cầu, chỗ đặt hai đại liên, bốn trung liên, bốn cối 60 ly bắn đạn 120 Trung Quốc có chuôi cũng được quyết định. Vị trí chỉ huy là một hàm ếch cách lô cốt đầu cầu áng chừng 100m, dựa vào chân đồi Cháy - quả đồi có thể giúp khống chế A1 từ phía đông nam. Việc trinh sát cũng đã chỉ ra hướng phát triển của trận đánh. Mục tiêu cuối cùng phân cho tiểu đoàn tôi là hầm thông tin chỉ huy.

Tôi và các đại đội trưởng rỉ tai nhau bên ngoài hàng rào cuối cùng của A1: Ngon rồi! Về thôi.

Tất cả chúng tôi, những cán bộ chỉ huy tiểu đoàn, đại đội, đều yên tâm quay về. Việc bây giờ chỉ còn là động viên tinh thần quyết chiến của bộ đội - nhiệm vụ của các ông chính trị viên. Thế là ăn đứt.

Chúng tôi đã làm xong giao thông hào suốt từ vị trí tập kết cách cụm cứ điểm phía đông Điện Biên chừng ba đến năm ki lô mét đến tận chân các cứ điểm. Ở A1, giao thông hào chạy đến chân đồi Cháy, có nơi đến đến suối Pom Loi.

Tiểu đoàn tôi hào hứng xuất phát giữa ban ngày trong giao thông hào sâu trên ngực. Lúc đó là 16 giờ ngày 30-3-1954. Trời trong vắt không một gợn mây, ra khỏi bìa rừng rẽ phía bản Ten rồi ngược lên phía đông bắc. Đâu đó đường đạn pháo 105 ly của các tiểu đoàn bạn Hồ Đệ, Trung Kiên và Phúc Râu đang vi vu chi viện. Tuyệt thật, lần đầu tiên chiến đấu hợp đồng binh chủng có pháo cầu vồng; mặc cho máy bay Hen-cát (Hellcat), Spít-phai (Spitfire) và cả B26 gầm rú, tiểu đoàn tôi đàng hoàng tự tin theo giao thông hào tiến về hướng A1, có cả liên lạc điện đàm 2 oát. Cậu liên lạc viên bảo tôi:

- Báo cáo, không thấy lệnh gì từ trung đoàn.

- Liên lạc thẳng với đại đoàn.

- Dạ không nghe tín hiệu.

Trời còn sáng rực, đồng hồ chỉ 17 giờ. Bên phải tôi phía xa chừng năm trăm mét, quân trung đoàn 98 của anh Vũ Lăng vừa đi vừa chạy về phía chân đồi A1. Thôi chậm mất rồi! Đánh chác mà không hợp đồng đúng thì chết mất. Quả nhiên chỉ vài phút sau, hàng loạt pháo 105 không biết từ đâu dội xuống giao thông hào, không ai thương vong, nhưng vẫn mất liên lạc với trên. Tôi len lên đầu tiểu đoàn, đã có chiến sỹ ngồi thụp xuống, tôi không nhìn rõ ai, vội đạp bừa lên trước. Gặp Hồng Tân “Sẹo” đại đội trưởng 671, tôi thấy nhẹ cả người. Hồng Tân vẫn đứng dựa vào giao thông hào cười toét mồm:

- Này, ban chỉ huy, đánh chứ?

- Dứt khoát đánh!

Trận mạc gay go, gặp một đồng đội vững như bàn thạch, “vô tư” như Hồng Tân quả là may mắn: đại đội trưởng chưa hết chiến dịch đã có bảy huân chương trên ngực, thuộc quyền mình lại có tiểu đội trưởng bộc phá Nông Văn Voòng cũng có bảy huân chương thì làm sao mà không đánh được. Nhưng, chỉ huy các cán bộ đó mà trên mặt anh thoáng hiện nét băn khoăn thì gay go với họ ngay. Tôi hỏi điện đài 2 oát có điện báo gì không? vẫn không nghe thấy gì...

Tôi nhìn A1 qua khói mù đen kịt, trời tối dần rồi tối hẳn. Cả tiểu đoàn vẫn tiến nhanh. Tôi quát: "Cứ vào bộc phá, nhanh lên! trợ chiến lên mau!" Rồi phang vào mông đại đội trưởng trợ chiến một gậy (cái gậy ngắn tôi mang theo). Trước mắt chỉ còn một đống đen ngòm, thỉnh thoảng loé lên ánh sáng vàng quạnh của đạn 105 và tiếng cối 106 của địch nổ. Tiếng đạn nhỏ không còn nghe được nữa. Con suối cạn Pom Loi đã bị ngập nước do đạn cối, pháo đào xới lòng cạn. Tôi chỉ kịp thét: “Cẩn thận giữ nụ xoè! Đội bộc phá cối lên đầu!". Tiếng đại liên, trung liên của ta yểm hộ đột phá khẩu nổ ran. Đúng là tiểu đoàn Bông Lau - Lũng Phầy, không cần lệnh cụ thể họ đã tự động khai hoả như kế hoạch và tiếng bộc phá đầu tiên cũng đã nổ. Tôi nhìn đồng hồ Relide tự động: 19 giờ 30 phút! Vậy là trận A1 bắt đầu lúc 19giờ 30 ngày 30-3-1954. Liên lạc ấn tôi vào hầm với chính trị viên tiểu đoàn vì còn phải bảo vệ điện đài. Tôi bảo Hồng Tân: “Còn một hàng rào thì báo cáo”. Trong hầm ếch ngồi xổm sát vào nhau còn có hai liên lạc viên. Lúc này giá như Bế Văn Đàn còn sống, một cậu liên lạc đẹp trai xông xáo luôn mang cà mèn cơm nguội cho tôi! Ngoài miệng hầm ếch bấy giờ không thể gọi là tối được nữa: một màu vàng đục, đen, xám, màu đồng, màu đất sét, màu ba dan thật khó có hoạ sỹ nào lên được gam màu...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM