Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:50:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 174 anh hùng  (Đọc 4281 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2022, 04:42:02 pm »


2. Tôi được trả nghĩa Bác Hồ

Trước Cách mạng tháng 8/1945, thời Pháp thuộc tôi làm thư ký Sở Canh Nông Bắc Bộ - Tháng 10/1944, tôi hoạt động trong Đảng dân chủ Việt Nam (tại sở Canh Nông Bắc Bộ - 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội) và tham gia hoạt động tiền khởi nghĩa, tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội. Trong hàng ngũ của Viên chức cứu quốc, tôi được dự lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình.

Tôi được nhìn thấy Bác Hồ và được nghe trọn vẹn bản Tuyên ngôn Độc lập mà Bác tuyên bố với đồng bào và thế giới.

Từ một người dân mất nước, tôi đã trở thành công dân của một nước độc lập tự do vì có Đảng, có Bác Hồ.

Năm 1946 đang làm thư ký thường trực ở Tổng hội viên chức cứu quốc, tôi xin tòng quân gia nhập Vệ quốc đoàn, để được trực tiếp tham gia đánh giặc cứu nước. Tôi được đi học ở trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn khóa I tại Sơn Tây - Ngày 26/5/1946 là ngày khai giảng khóa học. Bác Hồ với cương vị Chủ tịch nước đã lên dự lễ khai mạc và trao cho trường lá cờ thêu sáu chữ vàng "Trung với Nước - Hiếu với Dân".

Đây là lần thứ hai tôi nhìn thấy Bác đúng vào lúc tôi mới bước chân vào con đường binh nghiệp. Cùng với 300 học viên, tôi đã được nghe Bác giảng cho bài học đầu tiên:

Bác nói: - Trung với Nước, Hiếu với Dân là bổn phận thiêng liêng, là trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia của nước ta.

Trung với Nước, Hiếu với Dân là đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Lợi ích cơ bản nhất, cấp thiết nhất của nhân dân lúc này là: "Độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc". "Phải hết lòng hết sức đấu tranh thật sự đặt lợi ích đó.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Phải yêu nước, yêu đồng bào, yêu bộ đội mình.

Phải có đạo đức trí nhân dũng, cần kiệm liêm chính. Phải nhìn rộng, suy kỹ. Biết nuôi khí dân, biết định khí quân.

Học phải đi đôi với hành, học để mà hành, hành để mà học. Học có hành mới có tiến bộ.

Với cá nhân tôi, một thanh niên công chức "Xếp bút nghiên lên đường gia nhập Vệ quốc đoàn", được Bác bồi dưỡng cho bài học đầu tiên là một dấu ấn khó phai mờ, một hạnh phúc lớn khi bước vào cuộc đời binh nghiệp.

Vào cuối tháng 2/1950, trung đoàn 174 đã có vinh dự tổ chức một hành lang an toàn cho một phái đoàn Trung ương đi công tác qua Cao Bằng sang nước bạn Trung Hoa. Phái đoàn lấy tên là phái đoàn Trần Đăng Ninh. Trung đoàn 174 phải bảo vệ tuyệt đối an toàn từ thị xã Cao Bằng qua đèo Mã Phục - Quảng Uyên đến cầu Tà Lùng (Phục Hòa).

Khu vực tiểu đoàn 249 phụ trách thuộc địa phận Quảng Uyên đến giáp Phục Hòa, có nhiều đường tắt qua khe dãy núi đá mà bọn vượt biên buôn lậu hay qua lại. Dưới chân núi đá có làng, có hàng quán rải rác bán dọc đường. Người đi đường dừng chân thành các tụ điểm nghỉ ngơi đông người khó kiểm soát.

Theo yêu cầu của bảo vệ, ngoài việc bố trí theo dõi, canh gác các đường tắt, cầu cống, còn phải có các tổ đóng giả người dân đi buôn bán, cán bộ đi công tác làm tổ cơ động trên mặt đường để kịp ứng phó với mọi tình huống khẩn trương.

Nhận nhiệm vụ, tôi cứ phân vân suy nghĩ mãi. Phải là phái đoàn quan trọng của Trung ương. Có lẽ là đồng chí Tổng bí thư hoặc Thủ tướng hoặc là Bác Hồ đi ra nước ngoài chăng?

Đồng chí Trần Đăng Ninh thì đầu tháng 2 (10/2) tôi vừa bàn giao cho đồng chí ấy phái đoàn La Quý Ba (Trung Quốc) ở Quán Vuông Chợ Chu (Thái Nguyên).

Và cũng thật là tình cờ, có phần may mắn và có lẽ là một diễm phúc nữa: về chỗ đặt chỉ huy sở ở chân đèo, đang đứng quan sát người đi lại trên đường chỉ cách 50-60m thì tôi phát hiện:

Một tốp 3 người mặc quần áo chàm - đầu đội mũ nan vành rộng, vai đeo ba lô bộ đội như đoàn cán bộ đi công tác. Cụ già có tầm thước cao, chiếc khăn mặt che mất bộ râu. Cụ già thấp hơn đi bên phải, khăn mặt khoác vai, tôi nhận ngay ra Cụ Cấp mà tôi có lần đã gặp ở hang Lam Sơn (bên cơ quan tỉnh ủy Cao Bằng). Người đi bên trái là một trung niên, tôi nhận ngay ra là đồng chí Hoạt phó Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng.

Thế cụ già đi giữa là ai? Mũ nan rộng vành che lấp cả vầng trán cao, khăn mặt che cả bộ râu và một nửa mặt nên tôi không thể nhận ra Bác được.

Trong trí nhớ của tôi gợi lên một dáng người quen thuộc mà tôi đã gặp đâu đó. Thôi đúng rồi: dáng đi này chỉ có thể là Bác Hồ, Người đã đến khai giảng lớp học Võ bị Trần Quốc Tuấn, sau đó còn đến hai lần nữa dặn dò khi mãn khóa.

Tôi vui sướng quá, vội gọi điện thoại cho anh An ở tiểu đoàn 251, thử xác minh xem tôi phát hiện có đúng không.

Anh An sau đó cũng khẳng định với tôi là Bác Hồ có ở trong đoàn. Đến cuối 3/1950, khi về nước, Bác qua biên giới Tĩnh Tây - Trùng Khánh, ngủ đêm tại trung đoàn bộ 174.

Được bảo vệ Bác qua Cao Bằng ra nước ngoài lần đầu sau Cách mạng tháng Tám là một vinh dự đối với tôi. Có chiến đấu ở 174, có hoạt động ở biên giới Cao Bằng mới có cơ hội này.

Tôi coi đây không chỉ là nhiệm vụ cấp trên giao mà là một dịp tôi được trả nghĩa với Bác Hồ vì Bác dạy dỗ tôi khi theo con đường binh nghiệp. Tôi coi lời Bác dặn là kim chỉ nam cho hành động trong suốt cuộc đời binh nghiệp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2022, 04:42:56 pm »


3. Tôi có món quà tình nghĩa tặng thầy hiệu trưởng đầu tiên trong đời binh nghiệp.

Năm 1944, khi là viên chức sở Canh Nông Bắc Bộ, tôi đã được đọc quyển "Trai nước Nam làm gì" của nhà giáo Hoàng Đạo Thúy. Thầy Thúy tham gia hoạt động Cách mạng trước 1945.

Cách mạng tháng Tám thành công, năm 1946 thầy Thúy về làm Giám đốc trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa I mà tôi là học viên.

Học viên chúng tôi được nghe Thầy giảng về binh pháp Tôn Tử, cha ông ta đánh giặc, được thầy giáo dục về lòng yêu nước, chí căm thù giặc và động viên chúng tôi lên đường khi bế mạc.

Cuộc kháng chiến bùng nổ. Ra đơn vị chiến đấu, tôi ít có tin tức về Thầy.

Trong chiến dịch Biên giới, tôi được gặp lại thầy Thúy lúc đó là Cục trưởng thông tin liên lạc xuống tham gia làm trưởng ban thông tin chiến dịch.

Chiến dịch Biên giới thắng lợi (18/10/1950).

Cuối tháng 11/1950, tôi đang cùng một bộ phận tham mưu trung đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ thị xã Lạng Sơn (chống địch nhảy dù và bắn phi cơ địch) tại hang Phai Vệ (thị xã) thì nhận được điện thoại của chính ủy Chu Huy Mân: Cậu vào kho trung đoàn lấy 2 thùng thuốc lá ÊrinhMo gửi xe quân bưu về biếu anh Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng thông tin liên lạc.

Thuốc là ÊrinhMo là thứ thuốc lá thái thành khoanh lát mỏng đựng trong hộp sắt tròn nhỏ - Khi hút bằng tẩu, thuốc có mùi thơm ngon. Gặp cơn nghiện, bọn lính Tabor nhai sống cho đỡ thèm.

Anh Thúy nghiện thuốc lá, hút bằng tẩu. Anh Mân thời đó cũng nghiện thuốc lá. Anh Mân thông cảm với anh Thuý, có thuốc ngon nhớ đến bạn hiền. Vì thế gửi biếu anh Thúy 2 thùng (100 hộp nhỏ).

Vào kho lấy thuốc, tôi chợt nảy ra ý nghĩ: nhân dịp này, lấy danh nghĩa ban tham mưu trung đoàn, tôi gửi thêm 2 thùng nữa. Tôi đưa về Ban thông tin trung đoàn 4 thùng, nhờ anh Hạc trưởng Ban thông tin khi có xe quân bưu Bộ xuống đưa và nhận công văn thì gửi về Cục biếu anh Thúy.

Tôi vui sướng vì đã biểu thị được tình cảm của mình với Thầy hiệu trưởng đầu tiên khi tôi mới bước vào con đường binh nghiệp. Sự việc này tôi chưa hề nói với ai vì cho đó là một tình cảm nhỏ. Anh Thúy cũng chưa hề biết đã có người học trò, với tình nghĩa thày trò, gửi mấy hộp thuốc lá tình nghĩa tặng Thầy.

Thầy Thúy đã ra đi ngày 28 Tết năm Giáp Tuất (1994), còn tặng lại con cháu bài thơ "Ngủ quên" và chúc Tổ quốc bền lâu với đất trời.

4. Tôi có cơ hội được chiến đấu trên mảnh đất quê hương vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh).

Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng quê Kinh Bắc, tại làng Thị Cầu, tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Thời niên thiếu, tôi hay leo núi, tha thẩn đi bắt dế mèn, hái sim mua ở các núi Chu, núi Đèo, núi Dinh.

Tục truyền núi Dinh làng tôi xưa kia là nơi đặt bản doanh của quân tướng nhà Lý chống lại quân Tống.

Tại đây năm 1077, vào đêm chuẩn bị phản công quân Quách Quỳ ở bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu) đã vang lên bài thơ Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư của Lý Thường Kiệt. Xa quê đã 7 năm (1945-1951), mãi đến 12/1951 cùng Trung đoàn 174 tôi mới được trở về quê, vào sâu trong lòng địch, phá bình định, phát triển du kích chiến tranh, mở rộng căn cứ du kích vùng sau lưng địch tại Bắc phần và Nam phần Bắc Ninh.

Tôi được tham gia chiến đấu cùng người dân và dân quân du kích quê tôi gần 2 tháng ở Bắc và Nam phần (15/12 - 26/2/1951). Người dân quê tôi ở vùng địch hậu bị địch o ép khống chế thành lập các làng tề, ban đêm phải kéo đèn treo cao ở 4 góc làng, phải đánh mõ thổi tù và để báo động, nhưng trong lòng vẫn theo Đảng, theo Bác Hồ.

Đêm 17/12 trung đoàn 174 khi vượt qua đường 18 (Bắc Ninh đi Phả Lại) để vào trú quân ở bắc sông Đuống (xã Chi Lăng và Hưng Đạo), bộ phận đi sau của trung đoàn gặp xe tuần tiễu địch. Một bộ phận lạc đường, đi nhầm vào các làng tề. Chiến sĩ ta chưa quen hoạt động ở đồng bằng, không dám tiến sang phải hay sang trái, cứ tản ra giữa cánh đồng trống trải trong đêm tối, dùng ám hiệu tín hiệu tìm nhau. Được các tổ du kích địa phương đi tìm kiếm, những bộ phận đi lạc đường cũng về được vị trí trú quân trước khi trời hửng sáng.

Đêm 22/12, trung đoàn 174 sử dụng tiểu đoàn 255 đánh Phố Mới không thành công. Ta bị 3 trận địa pháo địch: ở Bắc Ninh, Phả Lại và núi Pháo đài Đáp Cầu bắn vào đội hình bị thương vong, không dứt điểm được.

Để chuẩn bị đánh Phố Mới lần thứ 2 (30/12/1951), ta phải tổ chức một trận địa cối 82 ly (6K) nhờ du kích dẫn đường vào sát làng Dủi (chợ Nội Doi) ngay nam Đáp Cầu bắn kiềm chế riêng trận địa pháo địch đặt ngay trên núi Pháo đài Đáp Cầu. Là tham mưu phó trung đoàn, lại là người địa phương, tôi cùng đại đội trưởng cối 82 ly theo du kích dẫn đường, ăn mặc quần áo nâu giả đi thăm đồng ven chân núi nhà thờ Rousselet - ven cánh đồng làng Thị Cầu quê tôi vào làng Dủi. Chúng tôi đi tìm trận địa xong, có phiên chợ nên vào chợ mua bán mấy mớ rau cỏ cầm tay coi như chợ về. Gặp người làng đi chợ - tôi được biết tin tức về gia đình - Mẹ tôi đã chết từ 5/1950 – Bố tôi theo em gái về quê vùng tề để sinh sống.

Thế là vào trận Phố Mới lần 2, trung đoàn lại không thành công. Tôi có hai nỗi buồn: đơn vị về chiến đấu tại quê hương mình, trận đầu không thắng lợi, và được tin người mẹ sinh ra mình đã mất.

Đêm 23/1/1952, trung đoàn cho 2 tiểu đoàn 249 và 255 bí mật vượt sông Thái Bình sang hoạt động ở Nam Sách, phối hợp với tiểu đoàn địa phương Bạch Đằng (Quảng Yên) trong một đêm 174 diệt 2 vị trí An Dật và Vạn Tải - diệt bốt quận lỵ (bốt Si), hỗ trợ cho bộ đội địa phương huyện diệt 23 bốt, tháp canh, giải phóng 2/3 huyện Nam Sách. Người dân nam phần Bắc Ninh quê tôi (khu vực Văn Thai - Kênh Vàng) đã chở các đơn vị của trung đoàn 174 vượt sông Thái Bình gió cả sóng lớn. Sau đó lại trở về nam phần Bắc Ninh trước khi trời sáng rõ.

Trong khi 2 tiểu đoàn 249 và 255 sang Nam Sách thì tiểu đoàn 251 nhận nhiệm vụ đánh đồn Trạm Trai (huyện lỵ Thuận Thành). Đây là vị trí do bọn bảo chính đoàn đóng giữ, lực lượng có 2 trung đội, cách 200m có một bốt nhỏ do bảo an đóng giữ. Tiểu đoàn 251 do thời gian điều tra ngắn chỉ nắm được ngoại vi, trong tung thâm địch bố trí như thế nào, ta không nắm được. Theo lệnh Đại đoàn, cần phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính ở Hòa Bình vào dịp Tết Nhâm Thìn (1952), phải tiêu diệt đồn Trạm Trai trước 1 Tết. Hôm duyệt kế hoạch, tiểu đoàn trưởng Đinh Hồng Vũ (d251) ngại ngần chưa biểu lộ quyết tâm. Chính ủy đại đoàn 316 Chu Huy Mân chỉ huy bộ phận nhẹ đại đoàn xuống dự chỉ thị cho trung đoàn phải giúp đỡ tiểu đoàn 251 có đủ yếu tố chắc thắng, đừng để như trận Phố Mới.

Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt quay sang tôi chỉ thị: Ban tham mưu trung đoàn phải cung cấp bản sơ đồ vẽ tung thâm đồn Trạm Trai. Tham mưu phó Nguyễn Văn Khiếu cùng trung đội trưởng trinh sát Lý Long Quân do chị Nguyễn Thị Vân, nữ chỉ huy du kích Bùi Xá, ăn mặc cải trang thành người dân mang lễ vật đã vào nhà tên Chánh tổng Bảo An (một nhân mối của du kích Bùi Xá) đi điều tra tung thâm đồn Trạm Trai.

Sau khi thuyết phục được tên Chánh tổng, hai người (Khiêu và Quân) đã leo được lên "Lô cốt" Bảo An nhìn vào tung thâm đồn Trạm Trai, vẽ sơ đồ và nghiên cứu cách đánh.

Trung đội trưởng Lý Long Quân chỉ biết vẽ sơ đồ. Tham mưu phó phải vẽ một tả cảnh đồ bổ sung. Nhìn vào cảnh đồ vẽ, ta hình dung thấy rõ đồn hình chữ nhật: một lô cốt chính cao xây giữa là nơi đặt cơ quan chỉ huy và một vọng gác để bố trí trung liên quét vòng tròn và ra đường cửa đồn.

4 lô cốt ở 4 góc, cổng ra vào đi thẳng vào lô cốt mẹ.

Phương án của tiểu đoàn đột phá vào lô cốt tây bắc. Tại sao không chấp nhận ý kiến của pháo binh đặt 2 khẩu pháo bắn vào lô cốt mẹ, xung kích đột phá vào theo đường cái theo cổng chính. Chiếm được lô cốt to, chiếm chỉ huy sở, sau đó từ giữa đồn tỏa ra chiếm các lô cốt ở 4 góc. Vừa nhanh vừa đỡ thương vong. Thời đó chúng tôi gọi cách đánh này là chiến thuật "nở hoa trong lòng địch".

Đó là phương án do tham mưu của trung đoàn đề đạt, được trung đoàn trưởng chấp nhận.

Đêm 26/1/1952 (tức 28 tháng Chạp Nhâm Thìn), sau 28 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt đồn Trạm Trai. Ta chỉ bị thương có 2 đồng chí, diệt và bắt sống 55 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Ta thu được hai nồi bánh chưng đang luộc dở (60 chiếc), hai con lợn đã mổ (mỗi con 60-70kg), kẹo bánh, đem về để liên hoan mừng chiến thắng vui Tết Nhâm Thìn.

Được ở trong đội hình của trung đoàn Cao Bắc Lạng, tôi đã có cơ hội về trả nghĩa với quê nhà. Bốn tháng sống, chiến đấu trong vùng địch hậu Bắc Ninh và Hải Dương (12/1951 - 3/1952) tôi càng thấy rõ bản chất và sức mạnh của chiến tranh nhân dân - càng thấm thía câu nói của đồng chí Léo Phiguère, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp qua Biên giới (Cao Bằng (4/1950) vào thăm trung đoàn 174, đã nói: Chiến tranh du kích Việt Nam nằm trong bầu sữa mẹ, được nhân dân nuôi nấng đùm bọc, không kẻ thù nào khuất phục được (Trong trận đánh Trạm Trai nhanh gọn, ít thương vong, công lớn là của nữ chỉ huy du kích làng Bùi Xá Nguyễn Thị Vân).

Trong trận chống càn Nghi An Cửu Cáp dân quân du kích đã chỉ cho bộ đội nên đánh vào sau lưng địch từ làng Thượng Vũ để phá cuộc càn (29/1/1952, tức mùng 2 Tết Nhâm Thìn).

198 thương binh của trung đoàn khi rút ra khỏi Bắc Ninh phải vượt qua đường 5 và đường sắt, đường số 18, qua sông Đuống, sông Cầu, an toàn ra vùng giải phóng, đều được dân quân du kích bảo vệ, khiêng cáng vượt an toàn từ hậu địch Bắc Ninh ra vùng tự do Bắc Giang.

55 năm đã trôi qua.

Làng Thị Cầu quê tôi - xã Song Hồ (Thuận Thành) nơi xảy ra các trận đánh ngày 28 tháng chạp Nhâm Thìn (Trạm Trai) và trận chống càn ở Đông Côi (Nghi An - Cửu Cáp) đã trở thành hai xã anh hùng thời đổi mới.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trung đoàn, tôi vẫn cảm thấy vinh dự, tự hào được chiến đấu dưới lá cờ của Trung đoàn Cao Bắc Lạng và cảm ơn trung đoàn cho tôi cơ hội trong kháng chiến chống Pháp được trả nghĩa với những người thân yêu nhất, với quê hương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2022, 04:48:11 pm »


THEO TRUNG ĐOÀN 174 TIẾN QUÂN VÀO ĐỊCH HẬU (1951-1952)

HOÀNG LÊ VÂN1

Nhận lệnh trên, Đại đoàn 316 rời Lạng Sơn tiến vào địch hậu. Đường hành quân vô vàn khó khăn và nguy hiểm, phải vượt qua những cánh đồng đai trắng trống trải, qua các hệ thống tháp canh, đồn bốt dày đặc của giặc Pháp. Trên những đường 13, 18 chúng có hoả lực rất mạnh, chi viện cho nhau rất chặt, nếu phát hiện bộ đội ta. Vượt qua sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, phương tiện đều trông vào dân. Trên đê các đồn, trạm địch có đèn pha, đêm đêm lia quét, bắn pháo sáng, kiểm soát trên bờ, mặt sông rất ngặt; phải vượt qua những cánh đồng chiêm trũng nước mênh mông, nước lầy lội, suốt đêm đông mưa phùn gió bấc.

e174 xuống Hiệp Hoà (Bắc Giang), qua vành đai Phù Lỗ, tiêu diệt đồn La RiVê, bảo đảm cho e98 vào địch hậu an toàn. Ngày 15/12/1951, e174 tiến gấp vào Bắc Ninh đánh địch. Đồng bào Lạng Giang - Yên Dũng (Bắc Giang), Quế Võ (Bắc Ninh) sống bao năm dưới sự càn quét, chiếm đóng của địch, đã dùng những chiếc thuyền nan, bè chuối đơn sơ, những bát nước chè xanh cho đến cả nắm rạ nấu cơm để chở đón quân mình qua sông bằng cả tấm lòng tình nghĩa sâu nặng.

d1 e174 hành quân xuyên đường đồng chiêm giữa đêm tối mịt mùng, có chiến sĩ ngã xuống vì rét. Bỗng cây gỗ làm cầu đang đi tụt xuống một đầu, đội hình ùn tắc. Đồng chí huyện ủy viên Gia Lương đi cùng chạy thốc lên, lao ngay xuống nước buốt, ghé vai nâng cầu. Bộ đội ngần ngại... thì đồng chí giục như ra lệnh: Các anh em đi nhanh, mặc tôi, nếu không pháo đồn nó bắn tới là nguy.

Trung đoàn bộ e174 đang vượt đường 18 thì gặp xe tuần tiễu của địch, đội hình bị đứt. Tôi trong bộ phận trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, tham mưu phó trung đoàn Nguyễn Văn Khiếu bấm đèn pin loé ra bằng hạt ngô tìm lối chân, nhưng ruộng khô, trơ gốc mạ, không dấu vết...

Thỉnh thoảng vài quả pháo sáng làng tề bay vọt lên phía xa xa rồi tắt ngấm, trời càng tối đen thêm. Tôi rút khẩu súng quay khỏi bao, Việt Hùng cũng làm theo, năm sáu người chụm lại gỡ bí. Cuối cùng trung đoàn trưởng Việt quyết định: Đồng chí Việt Hùng và một số chiến sỹ đi thẳng hướng này đến một làng tề2 "bắt cóc" một người để dẫn đường. Việt Hùng hăng hái nhận lệnh cùng một chiến sỹ đi luôn. Khoảng hơn 30’, thời gian trôi chậm chạp khiến mọi người như có lửa đốt. Thế rồi Việt Hùng và liên lạc đã đưa được một người đàn ông ngoài 50 tuổi tới. Chúng tôi yêu cầu dẫn đường tới H. Gần H chúng tôi trả người đó, không quên cảm ơn và xin lỗi việc làm bắt buộc này.

Đội hình hàng một của cả một trung đoàn dài dặc đều tới đích an toàn, mỗi trung đoàn khoảng trên 2 ngàn quân3 được nhân dân dấu kín sau các luỹ tre làng, sát nách địch mà chúng không hay, không biết. Thật là “Rừng dân che bộ đội, rừng dân vây quân thù".

Đêm 10/12/1951, tiếng súng mở màn chiến dịch nổ, e174 và e98 cùng các lực lượng vũ trang địa phương và đồng bào địch hậu tiến công địch, như thế chẻ tre, hàng loạt đồn bốt địch ở nam phần Bắc Ninh bị san phẳng. Đồn Thía (quận lỵ Lang Tài), đồn Phương Xá, Lạc Thổ (Hồ) v.v... tan tành. Địch tại Đạm Trai và nhiều nơi khác ra hàng. San bằng đồn Đồng Kỵ, diệt ác, phá tề. Cả vùng Tiên – Quế - Võ (Bắc Ninh) được giải phóng - Nam Sách, Bình Giang, Thanh Miện (Hải Hưng), Khoái Châu, Ân Thi, Tiên Lữ (Hưng Yên) được giải phóng.

d9 chuẩn bị đánh đồn Vân Độ (Bình Giang), vùng này hàng trăm người bị chọc tiết, mổ bụng, moi gan, mọi phụ nữ bị hãm hiếp dã man, tất cả ông già, bà già, trẻ em bị tra tấn khốc liệt, hàng trăm người bị chặt đầu, bêu cọc, hàng trăm nóc nhà bị đốt phá, hàng nghìn gia đình trong cảnh màn trời chiếu đất. Tại bốt Ruối, chúng treo lủng lẳng hàng xâu dài tai người để uy hiếp đồng bào ta. Xung quanh bốt là cánh đồng phơi xương trắng. Chính sách của địch là: Cướp sạch, đốt sạch, giết sạch. Nhân dân vô cùng căm thù giặc, ngày đêm mong Đảng, Bác Hồ cho bộ đội vào giải phóng. Cán bộ, chiến sỹ nghe dân vạch tội ác của giặc mà cổ như nghẹn lại, lòng căm thù giặc càng sâu, quyết tâm giết giặc càng cao.

Đêm 26/2/1952, d249 đã san bằng đồn Vân Độ. Đồng bào vô cùng phấn khởi, nô nức theo bộ đội thu chiến lợi phẩm, phá đồn.

Những trận càn lớn do các Binh đoàn của địch số 1, 2, 3, 4, 7 thực hiện. Hai trung đoàn 174, 98 tổ chức chặn đánh mấy ngày, diễn ra nhiều lần tại cánh đồng Nghi An, Cửu Cáp (Bắc Ninh), diễn ra ở Bì Đổ, Ô Xuyên (Bình Giang - Hải Dương) vô cùng ác liệt. Cậy quân đông, có hoả lực dày, mạnh. Chúng đổ quân địch trên các trục đường, rải quân khắp cánh đồng, hình thành nhiều mũi, hợp vây quân ta vào giữa, phát huy mọi cỡ hoả lực, cho xe tăng bò sát ven làng bắn như đổ đạn, máy bay “Đầm già” vè vè lượn gần sát ngọn tre chỉ mục tiêu cho pháo. Những chiếc phi cơ Hen Cát đen trũi gầm rít, quần đảo lồng lộn nối nhau thả bom phá, bom napan lửa cháy, khói đen đặc quánh bụi đồi, tro than mờ mịt, cả không gian sôi réo ầm ầm, chớp bom loé chói liên tục, bầu trời như sập xuống muốn tước ra nứt toác, tiếng đạn cối, pháo, trung liên, súng trường thi nhau nổ. Mặt đất rung rinh chao đảo đất trời muốn vỡ vụn ra, co giật liên hồi. Quân ta nhễ nhại đẫm mồ hôi, mặt mũi nhọ nhem, áo quần sạm đen khói súng vẫn bình tĩnh trong đội hình chiến đấu đánh trả quyết liệt. Nhiều nơi ta đánh giáp la cà, đẫm máu giặc, giành giật từng đoạn luỹ tre, khúc hào. Bảy tám lần phi pháo, tăng địch liên tiếp đều không vào được làng. Ngược lại chúng phải trả giá rất đắt, trận đấu đẫm máu, lính Âu Phi chết như rạ khắp đồng. Trời tối, chúng vội vã rút lui đưa theo nhiều xác chết và lính bị thương.

Tôi quên sao được đồng chí Kinh, người Cao Lan, là cán bộ tiểu đội, một mình tử chiến quyết giữ cổng làng Nghi An, đánh bật nhiều đợt xung phong của giặc trọn một ngày. Không được tiếp tế, đồng chí giữ vững cổng làng, lại còn cướp được trung liên của địch.

Đầu tháng 2-1952, một tối thưa sao trời, gió đông nam hiu hiu thổi, mùi khét dầu xe tăng và khói đạn bom, mùi gây lợm thịt người cháy. Cái chết chóc cảm như còn rình rập đâu đây. Những đống tàn tro còn nghi ngút khói. Tôi ở trong phái đoàn của e174 đến thăm đồng bào Bì Đổ, Ô Xuyên vừa trải qua một trận càn khốc liệt trong ngày. Trước cảnh xóm làng trần trụi tan nát, tăng địch nghiền đi, trà lại, nhẵn như sân. Đồng bào đã tập trung ở giữa làng, ai nấy vẫn vững vàng, hằn căm uất còn hiện trên nét mặt. Mọi người nêu thắc mắc với phái đoàn:

“Tại sao Trung đoàn không tới cứu để hàng trăm lính Pháp vây một phân đội nhỏ của ta ở đây suốt một ngày? Anh em chiến đấu rất hăng mà phải hy sinh gần hết, Chúng tôi đã khâm liệm, chôn cất ở đám ruộng cạnh làng, còn 3 anh em rút sang làng bên...”.

Lính ngụy ở đây ai cũng thù ghét. Anh trung đội trưởng lệnh: Không bắn ngụy, để Tây tới thật gần, ăn chắc hãy nổ súng...”.

“Bộ đội nhịn đói cả ngày đánh giặc, chúng tôi nấu cơm ở hầm mang ra tiếp tế nhất định không ăn, có phải khinh vùng tề chúng tôi chăng?...”

Tất cả các câu hỏi dồn dập, hờn dỗi, bực tức, nghẹn ngào nhưng rất đỗi thân thương. Đồng chí Nguyễn Hữu An tiểu đoàn trưởng 249 thay mặt đoàn ân cần thăm hỏi, chia sẻ những mất mát đau thương và trả lời:

“Vì các đơn vị khác đều phải đánh địch ở các nơi khác. Địch dùng một lực lượng rất lớn đổ quân bao vây định đè bẹp ta. Ngay từ phút đầu ta phải 1 chọi với 3, 4 tên nên không còn lực lượng chi viện.”

“Vì giặc Pháp là kẻ thù chính cần phải tiêu diệt, còn ngụy quân là dân bị bắt buộc cầm súng làm bia đỡ đạn cho chúng. Ta thực hiện ngụy vận tất họ sẽ vác súng quay về với ta, gặp ta họ chỉ bắn vu vơ, do đó có lợi cho ta...”

“Vì nhân dân ở đây bị đàn áp bóc lột 7 năm ròng, nay bộ đội lại lấy nữa của dân, dân đói, anh em không đành...”. Có nhiều tiếng nức nở khóc! Tim tôi đập mạnh, người nóng ran.

Sau khi cám ơn, tạm chia tay với đồng bào, chúng tôi được cán bộ đảng viên ở đây đưa đến nơi an táng các chiến sỹ hy sinh trong ngày. Dưới bờ tre thui trụi là một đám ruộng lõm vào rìa làng có 17 ngôi mộ đều được đắp đất cao, nện bù cẩn thận, trên mặt mỗi mộ đặt ba nấm cỏ ngay ngắn mới tinh, 17 mộ xếp thẳng hàng vuông vức hiên ngang như phân đội lúc sinh thời xếp hàng tuyên thệ dưới lá quân kỳ. Mỗi mộ trên cắm ba nén hương đen cháy gần hết, khói còn bảng lảng quanh bờ luỹ như muốn nói gì với người sống về trận chiến đấu trong ngày.

Chúng tôi bỏ mũ cúi đầu mặc niệm, vĩnh biệt 17 đồng đội thân yêu. Tuy chẳng có nghi lễ gì mà sao trang nghiêm mà xúc động đến thế. Từng đôi vào một, một số đồng chí trong đoàn và mấy đồng chí địa phương rung lên, chúng tôi đã khóc, khóc vì thương đồng đội tuổi đời còn rất trẻ đã sớm anh dũng hy sinh; khóc vì cảm động trước lòng yêu thương của đồng bào địa phương dù khốc liệt đến vậy, chỉ một thoáng đã chôn cất con em mình "mồ yên, mả đẹp". Nhân dân vùng Ô Xuyên - Bì Đổ lấy ngày chống càn thắng lợi (28-2-1952) là ngày Giỗ Trận để tưởng nhớ anh em tiểu đoàn 249 đã ngã xuống trên mảnh đất Ba Bì. Nhân dân đã xây một nghĩa trang liệt sĩ trong đó có 33 đồng chí của ta (có đồng chí Quang - người Nhật - là đại đội phó trợ chiến) cùng du kích và nhân dân địa phương đã hy sinh trong trận chống càn. Chỉ tiếc rằng cả 33 ngôi mộ đều không có tên!...
__________________________________________
1. Nguyên Chính trị hiệp lí viên Ban TM-CT e174.
2. Làng tề: giặc Pháp đặt chính quyền tay sai.
3. e98 và e174 vào địch hậu còn e176 ở Bắc Giang bảo vệ phía sau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2022, 10:54:11 pm »


KỶ NIỆM ĐẦU TIÊN

PHAN THANH TÙNG1

Khoảng đầu tháng 2 năm 1952, sau Tết âm lịch Nhâm Thìn, tôi đang công tác ở Trung đoàn 246 thì được triệu tập về gặp Bộ tư lệnh đại đoàn 316 ở Phỏng (Hữu Lũng - Lạng Sơn). Về đến Phỏng, được báo tin sáng hôm sau tập trung ở hang Phỏng, đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba sẽ đến thăm và nói chuyện. Chúng tôi có hơn 10 anh em ở các đơn vị được triệu tập về đã có mặt đông đủ từ sớm tại địa điểm quy định. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng phấp phỏng chờ đợi và dự đoán là sẽ được nhận nhiệm vụ mới. Chừng 8, 9 giờ sáng (ngày nào tôi không nhớ cụ thể) thì anh Ba đến, mọi người đứng dậy vỗ tay đón chào Anh. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ và chuyện đi đường của chúng tôi, anh bắt tay vào việc nói chuyện diễn biến tình hình trên chiến trường, chủ yếu là nói về chiến dịch Hoà Bình, về cuộc chiến tranh du kích ở vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nói về âm mưu của địch và chủ trương sắp tới của ta. Cuối cùng anh nói: "Bộ chỉ huy mặt trận quyết định triệu tập các anh về bổ sung tăng cường cho các đơn vị thuộc đại đoàn đang hoạt động trong vùng địch hậu". Anh còn nói: "Đưa cả một đội quân chủ lực lớn vào địch hậu là rất khó khăn, nhưng được nhân dân và chính quyền địa phương giúp đỡ, ta có thể khắc phục được khó khăn đó, hoàn thành nhiệm vụ". Rồi anh ngừng lời nhìn chúng tôi và hỏi: "Các anh có ý kiến gì không?" Chúng tôi đồng thanh đáp: "Không ạ" Anh Ba chúc chúng tôi sức khoẻ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cuộc gặp của anh Ba với chúng tôi diễn ra nhanh gọn. Ra về ai nấy đều phấn khởi, nhưng trong lòng không khỏi có chút suy tư. Nghĩ lại lúc anh Ba hỏi, cả đoàn đang khí thế nên trả lời "không ạ"... Thực ra, chúng tôi là lính chủ lực, thường đánh trận xong lại rút về hậu cứ ở vùng tự do chỉnh huấn, nghỉ ngơi... Nay anh Ba lại nói vào hoạt động trong địch hậu dài ngày, nơi địch còn đang kiểm soát, nhân dân còn bị kìm kẹp, thật chưa hình dung hết: bộ đội ta đã sống và chiến đấu ở đây ra sao?

Hai hôm sau, chúng tôi về tiểu đoàn huấn luyện của đại đoàn nhận tân binh đưa vào bổ sung cho các đơn vị đang chiến đấu của đại đoàn tại vùng địch hậu Bắc Ninh. Tôi được ở đoàn về bổ sung cho trung đoàn 174. Khi chúng tôi bàn giao xong tân binh cho quân lực trung đoàn thì cũng là lúc trung đoàn 174 chuẩn bị vượt đường 5 sang Bình Giang (Hải Dương). Tôi được phân công về tiểu đoàn 255. Khi về đến tiểu đoàn bộ cũng là lúc đơn vị sắp hành quân. Anh Lê Hoàn tiểu đoàn trưởng và anh Lê Vũ chính trị viên tiểu đoàn, trao đổi với nhau, thống nhất là tạm để tôi đi cùng tổ trinh sát của trung đoàn và anh Biên là quân khí trung đoàn, về nơi trú quân mới sẽ bổ sung tôi về đại đội 925 do anh Long Hưng là đại đội trưởng và anh Quốc Hồng là chính trị viên.

Sau bữa cơm chiều, chạng vạng tối thì đơn vị hành quân từ Thuận Thành (Bắc Ninh), vượt đường 5 sang Bình Giang (Hải Dương), đoạn giữa thị trấn Cẩm Giàng và bốt Ghẽ. Tiểu đoàn bộ đi sau đại đội 925, và sau tiểu đoàn bộ là một toán dân công gánh gạo và đạn. Đêm ấy tối trời nhưng có sao, trời không mưa. Đoàn quân đi một hàng dọc dài như con rắn khổng lồ ngoằn ngoèo theo đường ruộng hướng về đường 5. Xa xa thỉnh thoảng có 1, 2 viên pháo sáng bắn lên trời và vài ba phát đạn súng trường bắn vu vơ như để trấn an tinh thần bọn lính gác ở mấy đồn gần đó.

Đang đi thì có tiếng hô khẽ truyền từ phía trên: "Nằm xuống". Chúng tôi vừa kịp nằm thì nghe tiếng sèn sẹt của bánh xe sắt lăn trên đường tàu hoả. Thì ra chúng tôi đã đến sát đường tàu hỏa Hà Nội - Hải Phòng. Hú vía, chiếc xe goòng của địch đi tuần trên đường sắt vừa chạy qua không phát hiện ra chúng tôi. Chúng tôi hành quân tiếp, sang bên kia đường tàu. Bên kia đường tàu là cánh đồng bằng phẳng có con đường nhưng nhỏ. Thế là đoàn người ai đi nhanh thì vượt lên, không còn theo thứ tự như trước... Và rồi, tuy tối trời nhưng chúng tôi cũng nhận ra con đường 5 trước mặt. Nó không cao hơn ruộng bao nhiêu, chạy dài từ đông sang tây, nằm đen sì trên mặt ruộng đã gặt hái chỉ còn trơ gốc rạ, phẳng, rộng mênh mông, lúc đó đã phủ một lớp sương trắng mờ, mỏng. Khi chúng tôi cách đường khoảng mươi mét thì có mấy loạt đạn trung, đại liên bắn từ phía bốt Ghẽ về huớng chúng tôi. Tiếng nổ đanh, đạn đi xé không khí nhưng ở trên cao. Không ai bảo ai chúng tôi chạy vượt nhanh qua đường 5 sang cánh đồng bên kia. Trời về khuya, sương càng dày đặc hơn. Qua đường rồi, toán chúng tôi bị cắt khỏi đội hình tiểu đoàn, bởi toán dân công chạy lung tung chen ngang. Cũng đúng lúc này, chúng tôi nghe thấy tiếng trống, tiếng mõ của những làng gần đó nổi lên. Sau này chúng tôi được biết: đó là quy định của địch. Khi có Việt Minh tới thì các làng tề phải nổi tiếng mõ báo động. Lúc đầu chỉ một làng phía trái hướng Cẩm Giàng có tiếng mõ, sau thì cả trước mặt và bên phải cũng có tiếng mõ đánh lên... Toán chúng tôi may mắn còn trụ lại với nhau được 6 người: anh Biên quân khí trung đoàn, 4 anh em trinh sát và tôi. Đi về hướng nào cũng gặp làng tề, còn phía sau là đường 5. Đã nửa đêm về sáng lúc này chúng tôi đã thấm mệt. Chụm lại, chúng tôi bàn cách xử trí. Cậu Húy tiểu đội trưởng trinh sát đề nghị: bây giờ hãy tìm một chỗ trú tạm, khi trời sáng rõ, ta sẽ tìm đường hướng đi an toàn hơn. Bây giờ trời tối mù sương, lại bị xung quanh tề nổi tiếng mõ, khó tìm đường hướng thoát ngay được. Anh Biên và tôi thấy hợp lý, đồng ý ngay và chỉ gò đất có lùm cây to ở cách bên phải chỗ chúng tôi đứng chừng mươi mét lấy làm nơi nghỉ tạm. Tới gò đất, chúng tôi cử một cậu trinh sát thức canh gác, còn thì tìm các bụi cây chui vào ngủ. Chợp mắt được một lúc, tôi bỗng nghe có tiềng ì... ì... như xe ô tô chạy, mở mắt nhìn quanh thì thấy cậu Húy nằm gần tôi lúc này cũng đã thức giấc. Tôi bò lại và nói: "Này Húy, có lẽ đây gần đường ô tô". Húy vươn vai ngáp và nói: "Để tôi quan sát xem"... Trời rạng sáng dần, tuy còn mù sương nhưng tôi và Húy đã nhìn rõ hình dáng mấy chiếc ô tô mờ đen đang chạy trên đường. Húy như chợt nhớ ra: "Thôi chết, đúng là đường 5 rồi! Đêm qua, bọn mình đi thế nào lại vòng lại đường 5!" Húy ước chúng tôi đang ở cách đường 5 chừng 400 - 500 mét. Tôi gọi anh Biên dậy, đang định trao đổi với anh thì cùng lúc đó, chúng tôi nghe thấy tiếng một đứa trẻ kêu: "Tụi bay ơi! đây có người chết". Thì ra ở lùm cây cuối gò cậu trinh sát được phân công gác cũng mệt quá ngủ quên, đầu rúc vào bụi nhưng chân thò ra ngoài. Lũ trẻ chăn trâu trông thấy kêu rồi bỏ chạy về phía làng. Thấy có khả năng bị lộ và có thể bị vây bắt, chúng tôi nhất trí nhanh chóng chôn vũ khí, tài liệu và thống nhất nếu bị tra hỏi, chỉ khai là dân công đi theo Việt Minh, đêm qua bị phục kích ở đường 5, mệt quá trú ở đây để sáng tìm đường về quê (ngày ấy chúng tôi và địch hậu thường mặc quần áo nâu cải trang như dân).

Sau khi làm xong việc chôn vũ khí, tài liệu thì trời đã sáng tỏ. Chúng tôi ngồi chụm vào một chỗ... Và điều không chờ đợi đã đến. Làng tề phía trước hướng Cẩm Giàng nổi lên một hồi trống mõ. Sau đó một toán người cầm gậy gộc, dao, theo mấy em bé chăn trâu lúc nãy đi về phía chúng tôi... Người trong làng kéo ra mỗi lúc một đông thêm... Đứng đối diện với chúng tôi là những người cầm gậy gộc và dao. Một người tuổi trung niên trong số họ, mặc bộ đồ kaki của lính dõng, tav cầm dao quát: "Việt Minh! Các anh là Việt Minh, chúng tôi phải bắt giải lên đồn, theo lệnh quan...". Nghe họ nói như vậy, tôi và anh Biên đều kêu lên: "Chúng tôi là dân công, không phải Việt Minh...". Anh Biên nói tiếp: "Đêm qua Việt Minh bắt chúng tôi gánh gạo và đạn cho họ, qua đường 5 bị Tây phục kích, chúng tôi bỏ chạy, định tìm về quê thì bị lạc đường..." Có tiếng người nói: "Cứ bắt gửi lên bốt Cẩm Giàng, các quan Tây đánh đòn săng tan thì biết có phải là Việt Minh hay không?"... Vừa lúc đó chúng tôi thấy 3, 4 bà đứng tuổi và một số chị em phụ nữ từ sau đám đàn ông chen lên phía trước, dãn ra như làm một hàng rào ngăn giữa chúng tôi và những người cầm gậy gộc, dao kia. Một bà nói: “Việt Minh gì họ, mẽ kia thì chỉ là dân làm ruộng, thôi tha cho người ta đi..." Một bà khác cũng nói: "Đưa lên Cẩm Giàng thì xác cũng không còn. Thôi, người ta cũng có gia đình vợ con, để người ta đi đi..." Người đứng phía sau chen lên mỗi lúc một đông hơn. Nhân lúc lộn xộn đó, tôi nói: "Xin cám ơn bà con, chúng ta đi đi..." Nói xong tôi đã thấy Húy và mấy cậu trinh sát quay về cánh đồng hướng đối diện với đường 5 mà chạy, tôi và anh Biên cũng chạy theo. Chạy một quãng nhìn lại, thấy có vài ba người đuổi theo, nhưng được một đoạn thì họ cũng quay lại.

Chạy một lúc thì chúng tôi đến một bờ sông nhỏ (sau này chúng tôi mới biết đây gần bến đò Náo, bên kia là đất Bình Giang). Tới đây đang loay hoay tìm cách vượt sông thì thấy có một chiếc thuyền nhỏ trên đó có một ông già và một em bé chừng 13, 14 tuổi. Mừng quá, chúng tôi nói: "Xin cụ cho chúng cháu sang sông". Ông cụ nhìn chúng tôi rồi trả lời: "Thuyền tôi không chở được…" và định quay đi. Anh Biên nói: "Chúng cháu là bộ đội, bọn tề dõng... đuổi chúng cháu". Bỗng ông cụ hỏi: "Chở, nhưng có tiền không?". Tôi nói "Chúng cháu không có tiền Đông Dương, chỉ có tiền Cụ Hồ thôi..." (Tôi nói thật vì vừa ở vùng tự do vào chưa được phát tiền Đông Đương để tiêu trong vùng địch hậu). Cậu Húy nói: "Thôi, chúng mình đành lội sông vậy" rồi cùng mấy cậu trinh sát đi ra phía sông. Ông cụ lái đò đăm chiêu nhìn chúng tôi một thoáng rồi nói: "Thôi được, ba người một lần, xuống thuyền đi!". Chúng tôi lần lượt sang sông. Chuyến thứ hai vừa cặp bờ, thì cũng vừa lúc đó có 3 anh bộ đội và một chị phụ nữ đi tới. Một đồng chí bộ đội nhìn thấy chúng tôi reo lên: "Đây rồi... các anh ấy đây rồi..." Thì ra đấy là 2 anh liên lạc của tiểu đoàn bộ và một anh trinh sát đi trước, được anh Lê Hoàn cử đi tìm chúng tôi. Chị phụ nữ đi cùng là du kích xã, được xã đội cử đi theo. Chúng tôi cám ơn cụ già và em bé rồi bước lên triền đê. Chị phụ nữ còn đứng lại nói chuyện gì thêm với cụ già không biết, nhưng thấy cả hai người cười vui vẻ. Về đến đầu làng, nơi tiểu đoàn bộ đóng, đã thấy anh Hoàn, anh Vũ đứng đó. Anh Vũ nói: "Tưởng mất các cậu, chúng tôi lo quá... " Anh Hoàn vui vẻ đùa: "Chắc các cậu muốn ở lại du ngoạn đường 5 à..." Chúng tôi đều cười, trong không khí đầm ấm của những người anh em đồng đội ruột thịt.

Đêm hôm ấy, toán chúng tôi lại được chị du kích dẫn về cái gò đất mà chúng tôi đã trú ngụ đêm qua để đào lấy súng và tài liệu đã cất giấu. Dọc đường, chị du kích nói chuyện cho chúng tôi biết: Tuy đây là vùng tề sau lưng địch, nhưng dân rất tốt, vẫn hướng về kháng chiến, hết lòng ủng hộ, bảo vệ cán bộ, bộ đội. Ông cụ chở đò sáng nay cũng là du kích, lúc đầu thử thách các anh thôi.

Trên đây chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng nó ghi lại sâu đậm trong tôi kỷ niệm không bao giờ quên: đó là lúc anh Lê Quảng Ba giao nhiệm vụ cho chúng tôi ở hang Phỏng; là thái độ chăm lo thân tình của anh Lê Hoàn và anh Lê Vũ, những người thủ trưởng đầu tiên của tôi ở trung đoàn 174; là lòng yêu nước và những cử chỉ cao đẹp của những người dân ở vùng địch hậu ven đường 5 (Cẩm Giàng, Bình Giang - Hải Dương).
___________________________________________
1. Nguyên cán bộ tác huấn Trung đoàn 174.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2022, 10:55:54 pm »


TÔI ĐÃ BẾ ANH BẾ VĂN ĐÀN TRÊN TAY

NGUYỄN TRỌNG QUỲNH - LÊ THỊ ĐlỀN

Gương liệt sĩ Bế Văn Đàn, người anh hùng lấy thân mình làm giá súng đã đi vào trang sách các em thơ, những bài hát về Bế Văn Đàn và những tên phố, tên trường vẫn là bài học truyền thống sâu sắc đối với thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Quỳnh (trích một đoạn trong chuyện anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng) nhớ lại những giây phút ác liệt ấy như sau: "Tôi nhìn thấy thân hình Đàn nằm lộ hẳn trên công sự giữa tầm đạn. Tôi vô cùng lo lắng cho tính mạng của Đàn. Lúc này hàng ngũ địch đang lộn xộn, chúng bắn trả càng dữ dội hỏa điểm của Pù và Đàn bị lộ.

Từng loạt đạn đại liên bắn xả, nhưng khẩu trung liên trên lưng Đàn vẫn giòn giã nhả đạn. Anh ngước mắt nhìn lên nói với Pù, là xạ thủ trung liên đang kề súng trên vai Đàn: "Pù bắn mạnh vào!". Bỗng một viên đạn của địch bắn trúng loa chắn lửa làm khẩu trung liên văng về một bên. Đàn lại lôi súng kề lên lưng. Ngay lúc ấy, một viên đạn khác đã xuyên qua vai Đàn. Anh kêu lên rồi từ từ gục xuống, khẩu trung liên ngã về một bên, máu trên vai Đàn chảy ướt đẫm một bên áo. "Đàn, Đàn ơi, có việc gì không?". Pù kéo Đàn xuống thì thừa cơ bọn địch lại gào lên "A la xô". Nghe tiếng nói của bọn khát máu, Đàn lại nhoai lên mắm môi nheo mắt, lấy hết sức cố nhỏm người lên nói: "Kê lên Pù! Kê lên, quyết chiến đấu tiêu diệt chúng. Đảng kêu gọi chúng ta". Trên lưng Đàn, tiếng trung liên lại nổ rền. Mặt Đàn tái dần, lưng máu đầm đìa. Anh Quỳnh nói tiếp: Lúc ấy là 12 giờ 30 phút, tôi nhẩy lên cùng Pù vực Đàn xuống ven suối, mắt Đàn từ từ mở rồi nói nhỏ dần: "Giá tôi không mắc khuyết điểm ấy, thì tôi cũng được vào Đảng rồi đấy Bí thư nhỉ?". Nghe Đàn nói, tôi run cả người. Tôi ôm chặt Đàn vào lòng rồi muốn gào thét lên để Đàn nghe rõ:

"Đồng chí Đàn yêu quý! Tôi thay mặt Đảng tuyên bố kết nạp đồng chí Bế Văn Đàn vào Đảng Lao động Việt Nam từ giờ phút này. Đồng chí Đàn hãy nhận lấy danh hiệu vinh quang của Đảng". Đàn dùng hết hơi sức ôm chặt lấy tôi và nói: "Tôi! Tôi được kết nạp Đảng!". Đàn ngả lưng và thiếp đi, ngực và một bên áo của tôi ướt đẫm máu người anh hùng Mường Pồn.

Sau trận đánh đó, đồng chí Chu Huy Mân lúc ấy là Chính ủy đại đoàn 316 đã gọi đồng chí Quỳnh lên làm việc và hỏi rõ chi tiết việc kết nạp Đàn tại trận địa. Mức khen thưởng cho Đàn do đơn vị đề nghị là Huân chương chiến công hạng nhất. Sau nâng lên Huân chương quân công hạng ba.

Đồng chí Nguyễn Trọng Quỳnh bồi hồi xúc động kể lại: "Đáng lẽ kết nạp Đàn trước ngày đi chiến dịch. Tất cả các thủ tục, nguyên tắc đã làm xong, nhưng chi bộ nhất trí để lại sẽ kết nạp trong chiến đấu, vì ngày ấy Đàn quá nhớ mẹ nên đã bỏ về thăm mẹ vài ngày trước khi đi chiến đấu. Lễ kết nạp tại trận địa không có cờ Đảng, không có bàn thờ Tổ quốc nhưng thật thiêng liêng. Tất cả đồng đội của Đàn được chứng kiến lễ kết nạp đó như một hiệu kèn xung trận cổ vũ mọi người bước vào cuộc chiến đấu mới".

Sau trận này, đồng chí Quỳnh được đề bạt lên chính trị viên phó tiểu đoàn 251 của trung đoàn 174. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ và sau kháng chiến chống Pháp, đồng chí Quỳnh được cử đi học ở học viện Ki-ép Liên Xô. Sau khi đi học về, đồng chí Quỳnh ở đơn vị tên lửa làm nhiệm vụ ở miền Bắc, đến 1973 lại được cử vào miền Đông Nam Bộ. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1978, anh ra Bắc làm hiệu phó Trường sĩ quan lục quân I cho tới khi nghỉ hưu.

Trên đây là trích đoạn của "Chuyện nói về anh hùng Bế Văn Đàn" do đồng chí Nguyễn Trọng Quỳnh viết và kể lại năm 1959.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2022, 10:58:42 pm »


NHỚ LẠI MỘT VÀI KỶ NIỆM TRONG TRẬN MƯỜNG PỒN

LÊ THỊ ĐIỀN

Cách đây 49 năm, tôi là y tá quân y của đội điều trị thuộc Đại đoàn 316. Trên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ, trong cái đêm đơn vị tôi đang hành quân bình thường thì có lệnh của trên: đơn vị quân y của chúng tôi phải tăng tốc độ để kịp phục vụ thương binh của một đơn vị đang truy kích địch.

Vì vậy trong đêm hành quân ấy, chúng tôi đã có lúc hầu như vừa đi vừa chạy. Lệnh trên giao phải bằng mọi cách đến kịp để phục vụ thương binh. Đồng thời trong đêm hành quân ấy cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp máy bay địch thả pháo sáng nên cũng sợ. Lúc đầu thấy sáng còn ẩn nấp, nhưng sau trên nhận định bọn địch nó chỉ làm cản trở quân ta đang truy kích chúng thôi. Vì vậy lệnh của trên: chỉ khi nào có oanh tạc mới được ẩn nấp, nên đơn vị vẫn tiếp tục hành quân. Đến mờ sáng, Quân y chúng tôi đến kịp để tiếp nhận thương binh của trận Mường Pồn. Chúng tôi ở dọc hai bên khe suối, lúc đó chưa kịp làm lán. Vì vậy, chúng tôi vừa phục vụ thương binh vừa phải thay nhau lên rừng chặt cây làm lán và cắt lá chuối rừng tươi che lán cho thương binh. Những ngày ấy chúng tôi phục vụ thương binh không kể ngày đêm, chỉ thay nhau tranh thủ ngủ một vài tiếng. Khi ngủ, chúng tôi cũng không có lán mà chỉ lấy vài cây que và lá rừng trải xuống đất bên bờ suối. Trời có lúc mưa to, song vì quá mệt cũng ngủ thiếp đi, khi thức dậy quần áo ướt đẫm, nhưng xong lại tiếp tục phục vụ thương binh.

Trong trận Mường Pồn ấy, anh Vũ Thế Châu đại đội trưởng đại đội 674 cũng bị thương về Quân y chúng tôi điều trị cùng nhiều thương binh khác của đại đội 674 có người anh hùng Bế Văn Đàn.

Sau chiến thắng Mường Pồn, quân y chúng tôi có thương binh nên cũng được ưu tiên một số chiến lợi phẩm như: thịt lừa, thịt ngựa và một số hoa quả tươi như cam, quýt, và gạo nếp cho thương binh. Đặc biệt, mấy chị em nữ quân y cũng được ưu tiên mấy quả chanh tươi để gội đầu.

Sau trận Mường Pồn, chúng tôi lại tiếp tục đi phục vụ thương binh đến hết chiến dịch Điện Biên hoàn toàn giải phóng. Còn tôi lại được phân công vào một tổ phẫu thuật ra trận địa Điện Biên để phối hợp với Quân y đại đoàn 308 và đại đoàn 312 cùng một số đội điều trị khác để làm nhiệm vụ điều trị cho 2500 thương binh Tây để chuẩn bị trao trả tù hàng binh. Trong thời gian 15 ngày ấy ở trận địa Điện Biên, chính phủ ta quy định cho bên đối phương không được oanh tạc trong phạm vi 15km đường bán kính. Suốt chiến dịch quân y chúng tôi ở tiền phương toàn phục vụ thương binh ở dưới hầm.

Sau chiến thắng, chúng tôi không phải ở dưới hầm nữa mà lấy dù căng làm lán cho cả thương binh địch với thương binh của chúng ta. Lúc đó, chúng là quân bại trận và ta là quân chiến thắng, vì vậy, khi Quân y bọn tôi đến khám bệnh cho thuốc trong lán của chúng, thằng sĩ quan nào cao nhất là hô quân chào. Chúng gọi chúng tôi là đốc-tờ Việt Minh với thái độ kính trọng.

Sau 15 ngày, tôi lại tiếp tục hành quân về đồng bằng, hành quân bộ từ Điện Biên về Thanh Hóa không hề có một phương tiện nào khác. Sau kháng chiến chống Pháp, tôi được đi học ở Cục Quân y. Tới những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc tôi vẫn ở quân y, tới năm 1989 tôi nghỉ hưu.

Hiện tại tôi là Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2022, 11:01:07 pm »


EM BÉ ẤY BÂY GIỜ Ở ĐÂU?

TRẦN VĂN NHÀN1 

Tại một địa điểm tập kết, Trung đoàn được báo tin: địch bỏ Lai Châu rút về Điện Biên Phủ để bảo toàn lực lượng. Trung đoàn được lệnh khẩn trương lên đường chặn địch và chọn Mường Pồn làm mục tiêu để tiếp cận. Chúng tôi không hành quân theo đường mà đi tắt qua đồi và suối cạn để tiến quân. Qua 5-6 giờ hành quân thì được trinh sát phía trước báo về: đã phát hiện một con đường mòn có dấu vết người ngựa vừa đi qua. Trung đoàn phán đoán địch đang rút theo đường mòn từ Lai Châu về Điện Biên; và lệnh cho tiểu đoàn 1 đi trước triển khai đội hình đánh địch trong vận động.

Sau khi nổ súng, ta tiêu diệt và bắt sống một số tù binh và chiếm lĩnh một số cao điểm gần bản Mường Pồn. Qua khai thác tù binh, ta biết số địch chạm trán với ta là ở trong đội quân rút lui từ Lai Châu về và đang đóng trong bản. Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn 1 tiếp tục dùng hỏa lực chi viện cho bộ binh xung phong chiếm lĩnh hoàn toàn bản Mường Pồn.

Tôi đi theo anh Nguyễn Hữu An - Trung đoàn trưởng nhanh chóng xuống bản thì thấy toàn cảnh binh lính địch kẻ chết người bị thương nằm la liệt trong các hầm nửa nổi nửa chìm. Trong một hầm có tên lính đang quằn quại hấp hối, lắp bắp cầu xin gặp Chỉ huy của ta. Cạnh tên lính có một em bé khoảng 6-7 tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt. Chúng tôi vội bước tới hầm thì thấy tên lính ra hiệu xin chỉ huy của ta cứu lấy đứa bé rồi lịm dần.

Cảm thấy đứa bé vô tội nên chỉ huy đã chấp nhận cho bế đứa bé lên khỏi hầm và giao đứa bé cho đồng bào trong bản chăm sóc nuôi dạy.

Thấm thoát đã 50 năm trôi qua, chúng tôi chưa có dịp trở lại Mường Pồn. Nếu còn sống thì đứa bé đó cũng 50 tuổi rồi, nhưng hiện sống ra sao?

Vậy qua hồi ký này, đề nghị đồng bào ở bản Mường Pồn tìm hiểu và cho biết cháu bé năm xưa hiện sống ở đâu và sống thế nào. Xin liên hệ với ông Trần Văn Nhàn, 69 Hàng Đường, Hà Nội, điện thoại: 04.8283236. Xin cảm ơn.
______________________________________________
1. Nguyên trưởng ban tác chiến e174.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2022, 11:05:11 pm »


GIAN KHỔ TRÈO ĐÈO, LỘI SUỐI TÌM DẤU VẾT ĐỊCH THÁO CHẠY (30-11-1953)
(trích hồi ký)

TRẦN QUỐC TƯỜNG

... Tiểu đoàn được lệnh tiến ra Nậm Nầm và Sôp Nhôm truy kích địch vừa chạy ở Mường Pồn ra và bốn đại đội địch chạy ở Lai Châu về Nậm Nầm. Đồng chí Dũng Chi trực tiếp phụ trách đại đội 671 về hướng đi Mường Nhé. Tôi được phân công trực tiếp đi cùng đại đội 673 đi về hướng Nậm Nầm. Hai trung đội của C673 đi trước cùng đại đội Hùng Tân. Tôi và 1 B của đại đội đi sau. Hướng địch chạy không biết, chỉ lần theo dấu vết của địch bỏ lại dọc đường. Hôm đầu đi mãi gần hết buổi sáng quanh đi quẩn lại lại ra đường cái Lai Châu - Mường Pồn. Có liên lạc của đại đội 673 của Hùng Tân về báo cáo và dẫn đường. Tôi và trung đội của 673 lại ra đi giữa đêm sương lạnh buốt. Lội suối, trèo đèo, lắm chỗ phải rẽ cỏ gianh, trượt dốc cao, cứ lê đít xuống mà trượt. Gần sáng đến Nậm Ty, một bản nhỏ nằm ở dưới thung lũng. Hỏi người dân mới biết đại đội Hùng Tân mới đi từ buổi chiều hôm ấy. Đêm nay bộ đội phải ngủ ngoài trời, mưa rét. Sáng hôm sau lại lên đường. Trời mưa, đường trơn, vừa đi vừa phải cuốc bậc để lên hoặc xuống. Đến một bản đã cháy bỏ hoang tàn thì gặp một con suối lớn. Thấy có một tấm biển đề "Có cá đã ném, đơn vị nào đi qua cứ việc vớt để ăn". Bộ đội thì đói, cho dừng lại để thổi cơm ăn. Cơm ăn với cá lạt không có muối. Gặp 1 A trinh sát của Trung đoàn 98, phối hợp bắt được một con dê trôi ở giữa suối. Ăn cơm xong, tiếp tục động viên bộ đội lên đường và lấy liên lạc đưa đường. Trời đã tối, phải đốt đuốc để đi. Phải lội dọc theo suối, có nhiều chỗ phải lội đến bắp đùi. Chừng 24 giờ gặp một cái bản, cho bộ đội dừng lại ngủ. Hỏi dân được biết đơn vị đi trước đã đi cách một buổi sáng và hôm qua đánh nhau với địch ở đây. Ở trong bản có một số vợ con lính còn nằm lại. Nắm chắc hướng chạy của địch rồi và sáng hôm sau đi sớm lên đường tới Bản Mèo.

Ra tới đường đi về Nậm Nầm tìm dấu vết của các đơn vị đi trước, phân vân không biết đi đường nào. Tìm ra vết chân ngựa đi nên phán đoán chắc địch chạy theo đường đó.

Đi mãi càng đi càng gặp nhiều dấu vết địch, mũ, ba lô địch vứt lung tung. Đạn và băng trung liên vương vãi, đoán là địch đã bỏ chạy và đơn vị đi trước đã gặp địch. Động viên bộ đội đi tiếp. Đi qua hai con suối thấy đằng trước đốt lửa. Trông thấy bóng bộ đội thấp thoáng. Tôi gọi to và có tiếng trả lời. Đúng là đại đội 673 đang ở đó. Tôi vượt lên đi theo đồng chí chiến sĩ của đại đội 673 tiến vào bản thì Hùng Tân đang tập hợp bộ đội và tù binh để lên đường. Đó là bản Huổi Mết. Thấy tôi vào, đồng chí Hùng Tân hô bộ đội nghiêm và tiến ra báo cáo. Trung đội của đại đội 673 đi cùng tôi cũng tiến vào. Bộ đội thấy đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn đến vui vẻ hò reo và hát. Tình đoàn kết thân ái giữa những người chiến sĩ nó mặn nồng làm sao!

Ban chỉ huy đại đội đưa tôi lên một cái nhà cạnh đó báo cáo tình hình địch và kế hoạch tác chiến của bộ đội. Giở bản đồ ra để nghiên cứu thấy đây là địa phận của Pathét Lào rồi. Một tiểu đoàn địch vừa đi qua đây, cách một ngày. Bộ đội đã mệt, có một đồng chí bị thương nhẹ, lương thực thì hết. Chiến lợi phẩm nhiều không có ai mang, tù binh nhiều. Căn cứ tình hình đó, ra lệnh tiếp tục truy kích định theo hướng Phông Sa Lỳ. Song đường đi chưa rõ. Cho bộ đội dừng lại chấn chỉnh tổ chức, chuẩn bị tư tưởng, chuẩn bị cung cấp và để bộ đội nghỉ lại một đêm. Sáng tinh mơ bộ đội rời bản Huổi Mết ra đi. Lại bắt đầu leo dốc và đi theo dọc suối Nậm Nầm. Càng đi càng thấy nhiều vết chân ngựa, cứt ngựa mới nên tin chắc là địch vừa mới đi qua. Gần 14 giờ thấy đường đi khấp khểnh, có lốt chân người, đoán là đã gần đến bản. Ra lệnh cho bộ đội đi thận trọng, cử 1A đi đầu. Qua suối gặp ngay bản, ra lệnh bao vây và bố trí. Trong bản có nhiều lừa ngựa. Trong bụng mừng thầm. Bộ đội chia các ngả tiến vào lùng sục. Nhân dân trong bản hoang mang, đem cam và trứng gà ra biếu. Phải giải thích cho dân và tiến hành sục sạo tìm địch. Bắt được một lính lẩn lại. Mặt khác hỏi tình hình địch biết địch đã đi cách một ngày và để lại lừa ngựa đi về phía Phông Sa Lỳ. Hỏi dân nói là đường đi ngựa được. Ra lệnh lấy ngựa thồ súng đạn, chiến lược phẩm và cho bộ đội tiếp tục truy kích địch. Tôi lấy một con ngựa chiến lợi phẩm để đi cho đỡ mệt. Cũng là may khi còn công tác ở bên ngoài tôi cũng đã cưỡi ngựa quen nên khi lấy con ngựa này tôi cưỡi và điều khiển được ngay. Đường càng ngày càng khó đi ngựa. Đến một cái dốc phải cuốc đường cho ngựa đi. Dừng lại xem bản đồ. Chi ủy họp quyết định truy kích nữa hay là quay về? Thấy địch đã đi xa và về gần đến Mường Chanh nên tôi đồng ý cho bộ đội quay lại Poun Sai nghỉ để liên lạc chờ lệnh của trung đoàn. Chủ trương lúc đó là nút lại bản đó để chờ địch vì có thể địch còn đi qua. Bộ đội tiến hành dân vận và càn quét tù binh. Đang ngồi thì tiểu đoàn phó Lê Sơn đến báo có lệnh cho đại đội 317 của tiểu đoàn 9 truy kích. Sau đó thì đồng chí An trung đoàn trưởng 174 đến. Tôi báo cáo lại tình hình và đồng chí An đồng ý cho đại đội 673 quay lại Huổi Mết. Đại đội 673 đã đánh tan một đại đội, bắt 40 tù binh, thu 4 trung liên, 30 tiểu liên và 30 súng trường, thu nhiều lừa ngựa.

Sáng hôm sau, tờ mờ sáng, đoàn quân chiến thắng mang theo tù binh, lừa ngựa đi về Huổi Mết. Ngang đường cho ném cá để lấy thức ăn cho bộ đội và cho bộ đội dừng lại càn quét tù binh và liên lạc với bộ phận của đồng chí Dũng Chi D trưởng 251 ở Nậm Nầm.

Sau khi thảo luận xong kế hoạch đi tiếp, bắt thêm được 5 tù binh và thu thêm 5 súng nữa. Cho bộ đội ngủ lại một đêm để lấy sức và sáng hôm sau lên đường về Nậm Nầm.

Đoàn quân đi ban ngày giữa những đồi cỏ gianh trọc, có cả vợ con lính, tù binh đi theo lốc nhốc trông rất lôi thôi. Đi ngang đường gặp liên lạc mang thư của đồng chí Dũng Chi đến. Biết đồng chí Dũng Chi đã đi từ buổi sáng. Lập tức tôi cùng đồng chí Hùng Tân phi ngựa vượt lên xem có gặp được đồng chí Dũng Chi không? Đến bản cho dừng lại thổi cơm, bàn giao tù binh và chiến lợi phẩm cho đơn vị hậu cần trung đoàn. Gần chiều lên đường đuổi theo bộ phận của đồng chí Dũng Chi. Trời tối đến phải ngủ lại một bản to (ở đây vẫn thuộc đất của Lào).

Sớm hôm sau lại ra đi. Hôm nay bộ đội đi toàn cỏ gianh. Phong cảnh ở đây rất đẹp. Nhiều đồi trùng trùng điệp điệp trông xa như những lớp sóng cồn nhịp nhàng theo vết chân bộ đội đang mải miết đuổi theo đơn vị bạn. Thấy những dấu vết của đơn vị vừa ngủ đêm qua còn nguyên, biết rằng đơn vị đi trước không còn xa nữa.

Tôi và Hùng Tân phi ngựa gấp đến bản Sì Na Phin thì gặp được đơn vị cuối cùng của đồng chí Dũng Chi.

Bản Sì Na Phin là một bản địch vừa đi qua còn bỏ lại một số đồ đạc. Cho bộ đội nghỉ lại giữa lúc có tầu bay địch lượn thám thính và có cả máy bay khu trục đến. Máy bay địch đã xuất hiện, bay qua khu vực đơn vị đang nghỉ.

Lấy liên lạc đi về Mường Nhé. Đến đây gặp hai đường. Nhưng cứ theo đường có vết chân bộ đội vừa đi. Hôm nay đi cả đêm. Càng đi, càng đi sâu vào chỗ không có người, càng thấy hiếm nước. Lo lắng quá, có lẽ không có nước để thổi cơm. Ngồi trên mình ngựa, chợt trông thấy ánh lửa lập lòe, truyền lại động viên bộ đội sắp có nước. Đi tới nơi thì gặp đơn vị bạn thổi cơm. Trời rét cho bộ đội nghỉ lại để lấy sức, thổi cơm ăn để sáng ngày ra đi cho kịp. Trùm gianh lên, che ni lông để ngủ.

Sáng dậy ướt hết như bị mưa. Lại lên đường, đi đến trưa thì gặp đơn vị do đồng chí Bích (e98) chỉ huy cũng lên Mường Chè. Vượt qua đơn vị đó đến Mường Nhé. Vượt qua đơn vị đó gặp đồng chí Dũng Chi. Mừng quá, tôi và Dũng Chi thảo luận với nhau về công việc và dừng lại đó để ngủ. Thế là tiểu đoàn đã tập trung được hai đại đội 671 và 673. Đáng nhẽ là đi Mường Nhé ngay nhưng đang chuẩn bị cho đại đội 671 và đại đội 673 đi thì được lệnh của bộ quay lại về Tà Kan gấp vì Mường Nhé đả được giải phóng ngày 09-12-1953.

Ngày 10-12-1953, tiểu đoàn được lệnh quay về Bản Tấu, Nà Nham bám sát địch ở phía đông Điện Biên Phủ...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2022, 11:07:09 pm »


50 NĂM NHỚ LẠI CUỘC TRUY KÍCH XỐP NHÔM

PHẠM XƯỞNG

Không còn bao lâu nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Một chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Đã nửa thế kỷ trôi qua mà như mới đây thôi, đoàn chúng tôi vừa hành quân qua Cò Nòi, Hát Lót, cụm cứ điểm Nà Sản địch đã rút chạy năm xưa hướng về ngã ba Tuần Giáo thì được lệnh bôn tập tiêu diệt quân địch từ Lai Châu chạy về Điện Biên Phủ... Với chức vụ trung đội trưởng b1/c673/d251, tôi chỉ biết động viên mình và động viên anh em: “Đoàn chúng ta đã đi là đến, đã đánh là thắng”, còn đi đường nào, đánh ở đâu tôi nào có biết. Thế là ngày đêm bám sát nhau cắt rừng, băng suối. Mãi tới chiều tối ngày 12/12/1953 mới nhìn mờ mờ thấy mục tiêu sẽ tấn công. Và đêm đó trung đội tôi, chủ công trong đội hình đại đội, đã nổ súng tấn công bọn địch co cụm tại một bản người dân tộc. Trận chiến diễn ra mau lẹ nhưng diệt địch chưa được bao nhiêu. Tảng sáng 13/12 phát hiện một đường rộng chừng 1m, xiên lên núi lau lách bị dạt còn mới. Tôi vừa báo cáo đại đội trưởng H. Tân vừa cho anh em lần theo dấu vết tìm địch, ngay sau đó cũng được lệnh của C nhanh chóng truy kích diệt địch tháo chạy.

25 anh em không còn cơm ăn, nước uống, ba lô nhẹ tõm trên vai, có người 1 súng, có người 2 súng (1 súng K50 đã hết đạn vẫn còn đeo bên người vì đây là loại súng mới trang bị của Liên Xô viện trợ), 1 súng lấy được của địch như Tuyn, Tôm-Sơn. Tôi còn khẩu Pít-tô-lê Mát gọn nhẹ đeo thêm hòm đạn trung liên cho Sằn cứ thế bám theo dấu vết địch. Gần trưa thấy đường tách làm hai ngã cùng hướng, tôi nắm 2 a đi theo cánh trái vì đường này to hơn, tôi đoán chủ yếu địch chạy theo đường này, còn Thoảng nắm 1 a đi theo đường cánh phải. Đi mãi đến tối mịt, tôi nhìn thấy ánh lửa lập loè, phán đoán có thể là địch, hoặc bản làng. Bám sát mục tiêu còn cách khoảng vài trăm mét, nghe văng vẳng tiếng người nói, chúng tôi bàn nhau áp sát. Gặp một tảng đá bên bờ suối cạn, tôi cho đặt khẩu trung liên sẵn sàng nhả đạn, kéo đội hình lên phân công nhiệm vụ. Vì rừng rậm trước mắt chỉ có một con suối cạn, thỉnh thoảng còn từng vũng nước nhỏ, nên chúng tôi định vừa nổ súng, vừa xung phong và hình thành thế bao vây diệt địch thực hiện “Mãnh đả, mãnh xung, mãnh truy” mà chúng tôi học được ở Lục Quân khoá 6 bên Trung Quốc.

Trung liên đã sẵn sàng, tiểu đội 1 và 2 bí mật bò lên thì bỗng nghe tiếng anh Thoảng nói “Khoái khoái mừ ơi nọi lai lố” (nhanh nhanh mày ơi, đói lắm rồi). Hoá ra đây là tiểu đội 3 đến trước chúng tôi khi hai đường gặp nhau. Tôi toát mồ hôi và thầm nghĩ, nếu vội vàng cho nổ súng thì một số anh em sẽ ngã gục tại đây, tội lỗi và nỗi ân hận sẽ đeo đẳng suốt đời tôi.

Mới xa nhau một buổi gặp lại tay bắt mặt mừng, A3 còn ít gạo sấy cho vào ống bơ, bi đông nấu cháo mỗi người húp lưng cháo loãng. Chúng tôi tạm dừng lại vì trời tối đen như mực, thay nhau canh gác và nghỉ ngơi dành sức cho cuộc truy kích tiếp theo. Tôi cứ băn khoăn đặt nhiều câu hỏi: Địch đã đi đến đâu? Liệu có đuổi kịp chúng hay không? Đang trao đổi với mấy đồng chí tiểu đội trưởng cùng các chiến sỹ gần đó thì đại đội trưởng H. Tân và mấy chiến sỹ đi cùng đã tới, đằng sau là b2 + b3 + đại đội bộ và chính trị viên phó tiểu đoàn Quốc Tường lần lượt tới.

Chúng tôi lại tiếp tục đuổi theo địch tới một khúc suối rộng và sâu, cá dồn về nhiều, chúng tôi được phép dùng bộc phá đánh cá. Một tiếng nổ “ục”, cá nhao lên khá nhiều. Anh em vớt lên nướng ăn thay bữa. Cá không muối không cơm, ăn vào no bụng, nhưng người mệt nhoài. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục truy kích. Khoảng 15h00 tổ đi đầu báo cáo có bản phía trước. Tôi nép vào gốc cây và quan sát thấy trong bản có người, có lừa ngựa, đoán chắc gặp địch đây rồi. Tôi báo cáo đại đội trưởng H. Tân. Anh lệnh cho tôi thọc thẳng vào bản gặp địch đâu đánh đó. Tôi đề nghị anh: bên phải bản là dãy đồi dân trồng trọt, bên trái bản là con suối, nếu ta cho một bộ phận vòng bên phải chiếm dãy đồi không chế, uy hiếp địch, đại bộ phận vào chiếm bản sẽ có lợi hơn. Anh H. Tân đồng ý. A1/b1 nhận nhiệm vụ này đã nhanh chóng thực hiện ý định chiếm dãy đồi khống chế, b1 + b2... chia nhau thành từng mũi tiến vào bản. Không thấy địch, chỉ thấy dân khá đông trong các nhà sàn và mấy chục con ngựa rải rác trong bản. Chúng tôi được lệnh chốt các đường, khống chế các ngõ ngách “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, rồi chia thành từng khu vực để các a, b vào từng nhà làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát giác địch. Chẳng mấy chốc bọn địch kéo ra hàng, chúng đã trút bỏ hết quân phục, giấu súng đạn trà trộn trong dân. Suốt đêm hôm đó, được nhân dân giúp đỡ, chúng tôi có xôi ăn, nước uống để làm nhiệm vụ truy lùng bọn địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng và lừa ngựa. Sáng hôm sau, chúng tôi liên hoan nhẹ nhàng nhưng đầm ấm với dân bản (đây chính là bản Xốp Nhôm) và tổ chức cơ động về Điện Biên Phủ. Sau a1/b1 là chính trị viên phó Quốc Tường, đại đội trưởng H.Tân, 2 người, 2 ngựa cùng đoàn quân chiến thắng nhằm hướng Điện Biên thẳng tiến...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2022, 08:01:06 pm »


NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

TRẦN NHÂM1 

1. Chiến dịch thu đông Trần Hưng Đạo 1950 - 1951 trung đoàn Cao Bắc Lạng 174 anh hùng được lệnh về đánh địch giải phóng vùng Đông Bắc tổ quốc (tỉnh Quảng Ninh). Trận mở màn chiến dịch là đánh địch ở đồn Bình Liêu. Trung đoàn hành quân từ Lạng Sơn về Tiên Yên - Móng Cái - Đình Lập qua đèo Ngàn Chi đến Bình Liêu. Đèo Ngàn Chi toàn đồi núi trọc không có cây to, chỉ có cỏ và một số cây con thấp bé. Hành quân qua toàn đi đêm để giữ bí mật và tránh máy bay địch oanh tạc. Đèo không cao lắm nhưng rất dài và nhiều cua khúc khửu, đúng một ngàn chữ chi nên gọi là đèo Ngàn Chi. Khi hành quân vào thì trời quang mây, trăng sao rất đẹp, phong cảnh núi non rất thơ mộng. Qua một đêm hành quân từ 17 giờ bắt đầu lên đèo, đến 8 giờ sáng hôm sau xuống hết đèo đi khoảng 10 - 15 km thì đến Bình Liêu. Đơn vị triển khai chiếm lĩnh trận địa, đến đêm thì nổ súng tấn công đồn địch. Quân ta nhanh chóng chiếm khu hành chính và doanh trại của địch, bắt sống nhiều tù binh Pháp và hầu hết quân lính Pháp đầu hàng, còn bọn lính người Việt gốc Hoa thường gọi là người Ngái rất ngoan cố. Chúng vẫn chiếm giữ mấy cái lô cốt cố thủ chống cự lại quân ta, bất chấp ta đã gọi loa yêu cầu chúng đầu hàng. Đến sáng hôm sau, chúng vẫn ngoan cố dùng súng đại liên, súng máy chống cự lại. Ta phải đục tường nhà cho súng Ba zô ka bắn sập lô cốt, tiêu diệt toàn bộ số lính cố thủ trong các lô cốt, giải phóng Bình Liêu.

Sau khi ổn định tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giao lại cho lực lượng vũ trang và chính quyền địa phương quản lý, ta tiếp tục đi đánh địch... Khi ở Bình Liêu ra lại qua đèo Ngàn Chi. Đêm hôm đó đang vượt đèo thì gặp một cơn dông mưa rất to, gió rất mạnh. Trời tối đen, đường đi thì nhỏ, khúc khuỷu, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, không nhìn rõ đường. Ai có đèn pin lên trước dẫn đường, những người đi sau bám vào nhau lần từng bước, mọi người đều ướt rét run. Đơn vị quân y bị hai người chết rét là hai vợ chồng anh Tính ở bộ phận hậu cần. Đơn vị tải thương dùng mọi phương tiện che mưa cho thương bệnh binh không ướt. Chống rét cho thương bệnh binh, bảo đảm cho thương bệnh binh an toàn, lại phải cáng thêm 2 người chết rét vượt mưa bão. Sáng hôm sau xuống hết đèo, nghỉ lại ở mấy bản người dân tộc, tổ chức lễ an táng chôn cất cho 2 nạn nhân bị chết rét.

Khi trời bắt đầu mưa to gió lớn, tôi thấy cháu Diệu con trai anh Bùi Thế Sinh, chưa đến 10 tuổi, mặc quần áo phong phanh do chị An mẹ cháu Diệu bế. Hai mẹ con che chung một tấm ni lông, gió bay phần phật, cháu bị ướt và rét, rất nguy hiểm. Tôi nhờ đồng đội mang cho hộp dụng cụ phẫu thuật, ba lô tôi đeo sang trước ngực, tôi cõng cháu Diệu trên lưng, trùm cho cháu chiếc áo ca bốt dạ chiếm lợi phẩm của Tây ở Lạng Sơn. Ngoài tôi chùm một tấm ni lông buộc chặt cả áo ca bốt và ni lông vào người, đi suốt đêm dưới trời mưa tầm tã, cố giữ cho cháu không bị ướt và bị rét. Cả đêm hôm sau đó, cháu Diệu ngủ ngon lành trên lưng tôi. Tôi rất mệt mỏi, phải cố chịu đựng cõng cháu, không thể đưa cháu sang người khác thay được vì mọi người đều ướt và mệt. Cháu Diệu nay là tiến sĩ, đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm một khoa thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự, cháu đã nghỉ hưu.

2. Chiến dịch Trần Đình (Điện Biên Phủ) thu đông năm 1953 - 1954. Tiểu đoàn quân y Đại đoàn 316 hành quân đi chiến dịch trong đội hình của đại đoàn bộ. Hành quân đến ngã ba Tuần Giáo khoảng 05 - 06 km thì rẽ trái vào khoảng 2 km cách đường cái Tuần Giáo Điện Biên, trú quân tại một khu rừng già xung quanh là núi bao bọc, cạnh một con suối to. Theo kế hoạch, nghỉ lại đây 2 ngày để bổ sung lương thực thực phẩm. Chúng tôi vừa đào công sự làm lán nghỉ xong, đang tắm giặt ở suối thì được lệnh về hành quân ngay. Bộ phận cấp dưỡng nấu cơm canh vừa sôi chưa chín cũng đổ đi thu xếp xoong nồi hành quân. Chúng tôi quần áo vừa giặt còn ướt cũng vắt lên ba lô hành quân đi liên tục ngày đêm đến gần bản Nà Nhạn rẽ tay phải lội qua con suối to, đi qua một bản người Thái, leo lên đồi cứ men theo sườn đồi hết quả núi này, đến quả núi khác, cứ xuống lại lên, thẳng hướng Mường Pồn mà tiến. Chúng tôi đến địa điểm quân y trung đoàn 174 tiếp nhận thương binh, tử sỹ nằm ở hai bên bờ suối. Chúng tôi quên hết mệt mỏi, triển khai ngay công tác chăm sóc khám bệnh, phân loại thương binh. Bộ phận phòng mổ triển khai ngay: san lấp mặt bằng, căng bạt dù chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật cho hai bàn mổ. Bác sỹ Phạm Văn Phúc mổ một bàn, bác sỹ Trọng Quỳnh mổ một bàn. Tôi gây mê hồi sức, mổ suốt đêm hôm đó, giải quyết thương binh cần mổ, điều trị cho thương binh qua cơn nguy kịch. Đến ngày hôm sau, tiếp tục hành quân về hướng thị xã Lai Châu mang cả thương bệnh binh. Bộ phận tải thương cùng với ban chính trị tổ chức tang lễ truy điệu mai táng cho các tử sỹ chu đáo, trong đó có liệt sỹ Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng đã anh dũng hy sinh. Trên đường hành quân từ Mường Pồn về thị xã Lai Châu không có lương thực thực phẩm, lương khô mang theo cũng hết. Đại đoàn ra lệnh cho các đơn vị của đại đoàn bộ còn hạt gạo nào dồn hết về quân y để nấu cháo cho thương bệnh binh. Còn toàn thể cán bộ chiến sỹ nhịn đói hành quân. Trên đường đi đói quá, chặt cây chuối rừng non bóc bẹ lấy nõn ăn. Gặp những buồng chuối rừng chín vàng trông rất ngon, khi chặt xuống lấy quả ăn không nổi vì toàn hột và sơ ăn rất chát. Chỉ ăn nõn và củ chuối sống qua 1 ngày hành quân vừa mệt vừa đói. Đến tối, cấp trên cho nghỉ và ngủ tại chỗ, trên đường hành quân cắt cử người thay nhau canh gác. Sáng hôm sau tiếp tục hành quân, đến khoảng 15 giờ tới bản Mường Lay, một bản dân tộc Thái trắng rất to, đông dân cư. Vì còn sớm, nên bộ đội nghỉ ngoài rừng, tối mới được đưa vào bản, đề phòng máy bay địch đến oanh tạc, chỉ cho bộ phận hậu cần vào trước.

Trong bản chỉ có mấy ông già ở lại, còn hầu hết đàn ông đàn bà, thanh niên phụ nữ con trai con gái, trẻ em chạy vào rừng hết, vì sợ bộ đội Việt Minh bắt.

Trong bản có rất nhiều trâu, bò, lợn, gà, ngan, vịt, thóc gạo, nhưng không có dân ở nhà nên lệnh cấp trên cấm tuyệt đối không ai được đụng chạm đến cái kim sợi chỉ và tài sản của dân. Bụng đói cồn cào, nhìn những quả trứng gà, trứng vịt trong ổ, thèm nhỏ dãi mà không được lấy ăn.

Bộ đội trong lúc nghỉ ngoài rừng tranh thủ đào được rất nhiều củ mài. Đơn vị thu được một số ngựa què của quân Pháp bỏ lại. Hậu cần sư đoàn phát cho mỗi đơn vị một con. Tiểu đoàn quân y cũng được một con. Bộ phận hậu cần vào trước lĩnh ngựa làm thịt. Tối bộ đội vào bản nghỉ, được thông báo cử người đi lấy thịt ngựa về nấu với củ mài. Mấy ngày nhịn đói, nay được ăn bữa cháo củ mài ninh với thịt ngựa ăn rất ngon. Đến da con ngựa anh em cũng lấy về, tối đốt lửa nướng khô cạo sạch lông, rồi lại nướng cho nó phồng lên để ăn như ăn bánh đa nướng, nhai rất dòn.

Lâu ngày được ăn một bữa cháo củ mài với thịt ngựa, ăn no nê lại được tắm rửa sạch sẽ, ngủ trên nhà sàn ngon lành nên sáng hôm sau dậy thấy người khoan khoái khoẻ mạnh.

Sáng hôm sau, đơn vị tiếp tục hành quân về thị xã Lai Châu đã được trung đoàn 174 giải phóng hoàn toàn. Đến khoảng 16 giờ, đến cách thị xã Lai Châu 2,5km rẽ tay phải lội qua con suối, đi qua cánh đồng đến bản dân tộc Thái trắng ở ven núi nghỉ lại đây. Khoảng 17 giờ được lệnh cử người ở lại chăm sóc thương bệnh binh, còn tất cả vào thị xã Lai Châu lấy gạo thực phẩm. Đến thị xã, lên một quả đồi cao đến nhà kho thì không có gạo, toàn là thóc nếp. Đó là kho thóc của tên Đèo Văn Long đã bỏ chạy theo Tây về Hà Nội. Mọi người mang bao vào xúc thóc về bản, mượn cối của dân giã gạo sàng sẩy, nấu cơm nếp ăn với thịt lợn, canh rau cải. Nghỉ lại ở đây một tuần để ổn định tình hình, thành lập chính quyền cách mạng của tỉnh, các đơn vị kết hợp với chính quyền tổ chức mít tinh mừng chiến thắng, ra mắt chính quyền cách mạng. Tối đó dân đến rất đông, sau mít tinh, quân dân múa lăm vông, múa sạp biểu diễn văn nghệ.

Những cô gái Thái trắng mặc trang phục rất đẹp, váy lụa đen gấu váy thêu hoa văn, áo sơ mi trắng vải hồng, cúc áo và thắt lưng toàn con bướm bằng bạc trắng, trên đầu quấn khăn bông trắng hoặc mầu hồng có hoa, xịt nước hoa của Pháp, tắm bằng xà phòng thơm Cô Ba Tý, đi dép xăng đan. Nhiều cô nói được tiếng Pháp, sống rất tình cảm thật thà. Các cô gái rất thích bộ đội ta và rất quí mến các anh.

Sau một tuần, đơn vị tiếp tục hành quân về Điện Biên Phủ, không qua lại lối Mường Pồn mà hành quân theo đường số 6 từ thị xã Lai Châu qua đèo Cla-vô về Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Hành quân đến bản Nà Nhạn rẽ tay trái vào Mường Phăng chuẩn bị đánh Điện Biên Phủ. Tới Mường Phăng, thương bệnh binh được đưa đi bệnh viện dã chiến thuộc Cục quân y tiếp tục điều trị. Đơn vị hành quân ra phía đông Điện Biên Phủ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu...

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2003
___________________________________________
1. Nguyên bác sĩ quân y Đại đoàn 316.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM