Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:27:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 174 anh hùng  (Đọc 4483 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2022, 08:42:10 am »


...Nóng ruột quá, muốn lên ngay nhưng còn đại đội thê đội hai. Tôi nhoài ra miệng hàm ếch, một tiếng ù tai, cổ đắng nghẹt. Có cái gì dựa vào tôi. "Ông Hợi (chính trị viên Lê Hợi) chuẩn bị lên nhé!" Không ai đáp lại. Người dựa vào tôi là liên lạc viên đã chết từ bao giờ. Tôi đẩy nhẹ ra một bên, thấy ớn lạnh cả người. Tôi quát vào tai Hợi:

- Lên chứ!

Cùng lúc vẳng lại tiếng báo cáo “hàng rào 6 xong”. Tôi chạy vụt lên đồi, loáng loáng đất đỏ xỉn quạch, nhiều xác chết không kịp nhớ mặt. Chạy vụt qua khẩu đại liên, tôi nhận ra Quyết đại đội phó dựa vào đại liên chỉ còn một chân, tay đang ôm lấy đầu gối còn lại. Trong ánh chớp pháo đạn, Quyết còn nhận ra tôi. Anh thì thào: "Báo cáo ban chỉ huy, tôi đã làm tròn nhiệm vụ".

Có ai đó níu lấy tay rồi kéo tôi trượt vào lô cốt đầu cầu:

- Hoan hô tiểu đoàn trưởng! - Thì ra là Hồng Tân đại đội trưởng 671.

- Báo cáo vừa diệt lô cốt xong... Phát triển hai mũi nhé...

- Được, tớ đi mũi trước tới hầm thông tin, cậu mũi dưới. Ta gặp nhau tại đó, nhớ nhảy cóc nhanh lên.

Chúng tôi, hai mũi thọc sâu hướng về phía nam đúng kế hoạch. Bắn, ném lựu đạn, nhẩy lên quan sát lại tụt xuống giao thông hào, cứ thế tôi đã lọt vào hầm thông tin. Giờ chỉ còn tiếng súng tiểu liên, đại liên của địch. Trợ chiến tiểu đoàn theo truyền thống đã rút sau khi đại đội 674 thuộc thê đội hai vào đột phá khẩu.

Sao im ắng lạ thường... một nỗi sợ hãi ùa vào tôi. Tôi chạy vụt ra khỏi hầm thông tin địch, mắt nhìn phía trước đen ngòm, sặc sụa hơi cối còn lại. Chẳng lẽ không còn ai xung quanh. Căng mắt nhìn kỹ, chỉ còn chính trị viên đại đội Đỗ Thân với hai, ba liên lạc, cùng trung đội trưởng Di và vài chiến sỹ nữa. Tôi hỏi:

- Hồng Tân đâu? Còn ai không?

Thương vong cả rồi!... Tôi bối rối thật sự. Không biết đã hạ được A1 chưa? Chẳng có ai chỉ huy, mất hẳn liên lạc với trên. Liên lạc viên 2 oát thì vẫn bám sát tôi.

- Cậu hỏi trung đoàn đi.

- Sóc Trăng đâu? Sóc Trăng đâu trả lời?

Vẫn im lặng hoàn toàn.

Tôi không có tài như tác giả của Cây Bạch dương để đặc tả nỗi lo sợ rùng rợn của Ozerov giữa cái im lặng của chiến trường. Chỉ nhớ lúc đó, tôi loay hoay không biết làm gì với cái A1 này khi chỉ còn mươi, mười lăm người. Không biết tiểu đoàn 9 của cậu Hoè bên phải tiến đến đâu? Nếu tiểu đoàn 9 đã vòng xuống phía nam diệt hết A1, thì nay mai mặt mũi mình sẽ ra sao? Đánh nhau mà thua bạn thì đáng xấu hổ. Phải tiếp tục đánh thôi.

Tôi thét: "Tất cả lên!", rồi tay súng lục, tay K50 lấy từ chiến sỹ đã hy sinh dưới chân, tôi mò mẫm chẳng ai yểm hộ, vừa tiến vừa ngần ngại, lại đâm sầm vào một hầm khác. Bấm đèn pin, tôi vọt lùi ra ngoài... có một đôi chân mang giầy săng đá thò ra dưới đống ba lô, điện đài. Tôi bắn đại một tràng tiểu liên rồi nhảy vào. Một tên lính lê dương da trắng cựa quậy thò đầu ra, nó nộp ngay một tiểu liên Mát hay Tuyn gì đó. Thật hoàn hồn sau giây phút bất ngờ.

Tôi tự ra lệnh giữ lô cốt này vì biết rằng có còn ai nữa đâu để thực hiện; nhìn quanh vẫn chỉ có chính trị viên Đỗ Thân và số anh em sống sót theo tôi. Dù sao cũng an tâm thấy sau lưng mình vẫn còn đồng đội.

Trong đời lính, ấm lưng là chuyện tối quan trọng. Con người dù sắt đá đến đâu, cũng cần hơi thở của người khác, huống chi lúc nguy nan, một hơi thở của đồng đội còn đáng giá nghìn lần các khẩu hiệu kêu nhất.

Tôi gần như kiệt sức. Không biết đã lấy được A1 chưa? Có nên tiến nữa hay không?... Còn phía tiểu đoàn 9 sao im bặt vậy!

Một loạt lựu đạn nổ tới tấp điếc hết tai. Có vật gì rơi xuống chân, tôi chống tay vọt lên giao thông hào theo bản năng rồi lại tụt xuống giao thông hào, biết mình đã bị mảnh lựu đạn dính vào mông, vào bẹn. Mặc. Có tiếng Tây hô “à la contre-attaque”1 lẫn tiếng lựu đạn nổ, tự nhiên tôi bật ra “Merde, cochon”2 rồi trả lời chúng bằng vài loạt tiểu liên trên miệng giao thông hào, bắn để doạ địch nhưng cũng để tự trấn an. Một mình giữ một lô cốt, trước mặt không rõ là cái gì, tối mịt mùng, chỉ có tiếng lựu đạn tiểu liên chát chúa. Rồi tiếng súng im bặt, sự căng thẳng đến tột độ; có cái gì đó như cái chết, như mối đe doạ lơ lửng sắp đến. Thà có tiếng súng và lựu đạn nổ, nguy hiểm đấy, nhưng còn hơn, nghĩa là còn có sự sống xung quanh. Bỗng đánh huỵch một cái, trước mặt tôi đại đội trưởng Hồng Tân xuất hiện, tiếng nói quen thân ấm lòng, tiếng nói thật là cứu cánh.

- Ban chỉ huy à, hai thùng lựu đạn Tây mở sẵn rồi đấy. Ban chỉ huy giữ bên này, tôi bên kia.

Nói xong Hồng Tân lại biến đi. Chính trị viên Đỗ Thân chẳng biết đến sau lưng tôi từ lúc nào:

- Tôi cũng ở bên kia nhé.
_________________________________________________________________
1. Tiến lên phản kích!
2. Đồ con lợn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2022, 08:44:41 am »


Hoá ra tôi đang giữ lô cốt phía trước, hai bên là đồng đội. Cái sống và cái chết kéo người ta lại gần nhau một cách tự nhiên nhưng đầy ý nghĩa. Còn đâu những việc đố kỵ tranh chấp địa vị uy tín thường ngày. Tay tôi sờ từng loại lựu đạn, tai lắng nghe phía trước, ngực đập thình thịch trong ức chế mà nghĩ đến câu: “vanitas vanitatum, omna vanitas”1 của Fenelon trong Điếu tang và “le moi est haϊsable”2 của Descartes. Chà! "Mẫu quốc" dạy sao mà giỏi vậy! Tiếng lựu đạn, cả đạn bazooka 90 và cối 81 nổ ù cả tai, hoa cả mắt. Giận điên người, tôi ném hết quả lựu đạn này đến quả lựu đạn khác, thầm nghĩ: Hồng Tân, nhất định phải đề nghị thưởng huân chương cho cậu.

Một loạt cối lại nổ tung toé, tiếng đanh và đặc, cổ họng đắng ngắt, mắt tôi giương lên đón một cuộc phản kích mới của bọn tây. Tôi cố hét to tiếp tục đánh, nhưng tiếng nói đã bị cối có hoá chất làm mất hẳn, nói không thành lời. Đồng hồ chỉ bốn rưỡi sáng. Đã qua hơn mười tiếng chiến đấu, người rã rời không còn ý nghĩ gì rõ rệt. Chỉ còn biết chịu trận cho tới cùng. Lúc này thì tôi biết rõ một điều: Đã thất bại không lấy được A1. A1 không phải “ngon ăn”, giỏi lắm thì cũng chỉ lấy lại được hai phần ba đồn. Rồi sẽ ăn nói sao đây? Hết quân rồi, rút hay không? Mình có quyền rút chứ, chẳng có ai chỉ huy cả, với lại đã chiếm hầm thông tin theo mục tiêu quy định rồi, mình không có lỗi. Nhưng, biết đâu đã có lệnh giữ, mà lệnh đó không đến được thì sao. Đầu óc tôi quay cuồng trong khi mắt vẫn xoáy vào phía trước xám xịt.

Tôi quyết định đi tìm tiểu đoàn 9 bên phía phải. Giao nhiệm vụ giữ các lô cốt vừa chiếm được cho Hồng Tân và Đỗ Thân, tôi men theo giao thông hào về phía đông, vấp ngã dúi dụi, lại đi, đầu óc tôi lộn xộn. Có tiếng người khá ồn ào trong một lô cốt rộng. May quá, gặp đúng anh Hoè tiểu đoặn trưởng tiểu đoàn 9. Tôi hỏi:

- Ở đâu thế này?

- Đột phá khẩu.

Tôi ngẩn người hỏi lại:

- Đột phá khẩu hả, sao lại ở đây?

Không một lời đáp, có lẽ anh em tiểu đoàn 9 cũng đang ở tâm trạng như tôi. Tôi bước ra ngoài đã mờ sáng, tự nhiên tôi trở lên tỉnh táo hẳn. Thế là nguyên nhân thất trận tôi đã tìm ra: Hai đột phá khẩu của hai tiểu đoàn cách nhau vẻn vẹn có hơn năm mươi mét. Nhìn ngược lại phía đông nam, tôi càng hiểu rõ hơn: chỉ tại cái đồi Cháy, dưới hai bên chân nó hai tiểu đoàn đã định hướng mở đợt phá khẩu sai; đáng lẽ theo hai hướng song song, tiểu đoàn tôi đã mở hàng rào quá về phía nam thì sẽ cắt được A1 làm đôi ngay từ đầu. Quay lại phía đông bắc chếch trước mặt tôi, cách lô cốt không xa một bãi trống hẹp, là một bóng hầm dựng đứng, nơi đó xuất hiện từng luồng đạn đại liên đứt quãng. Chả trách tiểu đoàn 9 không thể phát triển được.

Trời sáng hẳn. Nhìn xuống giao thông hào nối liền tiểu đoàn anh Hoè xuống suối Pom Loi, thi thể anh em nằm đó, có lẽ do dốc núi trơn nên tự sắp xếp theo hình cá hộp. Không biết trong đó có thi thể anh em tiểu đoàn tôi không? Cảnh tượng thật bi đát! Cối địch lúc này bắn dữ dội, đất, đá, bụi mịt mù. Quay về, tôi chạy dọc theo giao thông hào trở lại lô cốt cũ của tôi. Hồng Tân, Đỗ Thân và một số anh em còn đó, họ nhìn tôi. Không suy nghĩ, tôi buột miệng: "Ai còn đánh được ở lại, không nổi thì về". Trời đã sáng bạch, có ai về không tôi không biết, chỉ biết: Phải giữ đến cùng, địch có thể đẩy ta ra khỏi A1. Xung quanh đạn pháo và cối vẫn nổ chát chúa. Tôi bảo liên lạc viên 2 oát điện về đại đoàn vì không thể liên lạc với trung đoàn được: “Tiểu đoàn trưởng 251 bị thương nhẹ ở giao thông hào, vẫn ở lại.”

... Lại một ngày qua đi (1-4-1954), đạn pháo vẫn không ngớt, có lẽ địch không biết ta còn bao nhiêu nên chưa dám phản kích mạnh. Tôi, Hồng Tân và Đỗ Thân cùng số anh em sống hết ngày nhờ cá hộp “tiêu chuẩn năm” của lính lê dương vứt lại.

Ngày 2 và 3 tháng 4, trung đoàn 102 tiến vào theo giao thông hào của tiểu đoàn anh Hoè để giải quyết nốt phần còn lại. Đã xảy ra trường hợp “kinh thiên động địa’’ nói đúng ra là “không tiền khoáng hậu”. Tiểu đoàn trưởng Vũ Văn Kha không hiểu do nhầm lẫn ở ngã ba giao thông hào dẫn lên trung tâm A1 rồi quay vòng lại đột phá khẩu hay sao đã bị trung đoàn trưởng Hùng Sinh cách chức đuổi về sau với tội dao động.

Lúc này, khi thế trận đã mất thì trung đoàn Thủ đô cũng đành chịu. Hai ngày ba đêm tiến công không kết quả, ta dùng bộc phá đánh sập những công sự đã chiếm được, rồi rút khỏi A1. Đồi Cháy trở thành trận địa phòng ngự đầu tiên trực tiếp tiếp xúc với A1. Địch cũng không dám ló ra khỏi công sự còn lại. Những tay súng bắn tỉa của đồi Cháy đã đè đầu chúng xuống duới sự chi viện của pháo 75 thuộc anh Doãn Tuế và đại đội cối 120 của anh Ba Giai - một đại đội trưởng giỏi. Cuộc đào hầm ngầm vào sâu trong lòng A1 của đại đội công binh của anh Xuyên Khung bắt đầu, ta sẽ đưa vào đó 1000 kilôgam thuốc nổ. A1 hãy coi chừng!
____________________________________________
1. Hư danh, hư danh, tất cả chỉ là hư danh (D.C).
2. Cái "tôi" đáng nguyền rủa (D.C).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2022, 08:45:42 am »


... Tiểu đoàn chuẩn bị ráo riết. Đại đội 671 của Hồng Tân “sẹo” và Đỗ Thân được về phía sau “bọc giấy bóng lại” nghĩa là không phải đào giao thông hào và phòng ngự giữ đầu giao thông hào.

Theo chỉ thị Đại đoàn và anh An, tôi tập trung suy nghĩ về hướng “ụ thằng người”, trong khi vẫn phải chỉ huy phòng ngự đồi Cháy, yểm trợ cho việc đào hầm ngầm.

Anh Phạm Điệng về làm chính trị viên, thay anh Lê Hợi. Trông ông này có thể tin được. Tôi có thói quen đánh giá con người qua cách đi đứng hoạt động bình thường: tay này có vẻ chịu đánh. Chính trị viên phó là anh Quốc Tường thì rất yên tâm. Một con người nhanh nhẹn, tuy nói hơi nhiều, nhưng giải quyết chính sách tận tâm. Chỉ còn một việc quan trọng bậc nhất là phải giữ cho được đầu mối giao thông hào đến tận suối Pom Loi cách “ụ thằng người” hơn một trăm mét.

Vài hôm sau, khi đại đoàn 312 cắt được sân bay Mường Thanh, một chiến sỹ bị thương bị địch bắt thuộc đại đoàn 312 được thả ra chạy giao thông hào của tiểu đoàn tôi phía Bản Ten đã trao bức thư của tướng Castries bằng tiếng Pháp cho tôi. Nhìn địa chỉ gửi: “Au General Vo Nguyen Giap, Commandant de Place de Điên Biên Phủ" - "Gửi tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân tại chỗ Điện Biên Phủ”, tôi bật lên khá tục: Tiên sư mày! Dám gọi ông Giáp bằng chỉ huy tại chỗ. Tôi vội gọi điện về đại đoàn, vì bức thư quan trọng nên đại đoàn đã nối thẳng cho tôi về Mường Phăng. Đầu dây bên kia là anh Lê Liêm. Tôi hỏi:

- Anh có biết tiếng Pháp không?

- Cậu cứ đọc đi. - Vì lâu ngày quá tôi không còn nhớ được từng câu, cũng không rõ Bảo tàng Quân Đội ta còn giữ được không? Đại để thư viết: như ngài cũng biết, trong điều kiện chiến đấu ác liệt (combat acharné) các thương binh của chúng tôi đã không được sự chăm sóc cần thiết (soins nécessaires) và cần được chuyển đi (évacués). Tôi mong ngài cho máy bay Đakota hạ cánh xuống Điện Biên...”. Thế là rõ rồi, chúng nó bắt đầu bí. Tôi không biết có thư trả lời từ Mường Phăng không, nhưng độ năm ngày sau, lại một cậu lính bó bột ở tay của trung đoàn 57 đại đoàn 304 ở Hồng Cúm chạy ra gặp đúng tôi trao bức thư thứ hai của De Castries. Lần này nội dung cụ thể hơn, Castries nêu lên tinh thần nhân đạo chung (humanité commune) và đề nghị với ta ngày 21-4-1957 Pháp trả 12 hay 15 tù binh Việt Nam bị thương - tôi không nhớ thật chính xác - tại khu vực Bản Ten cáng bằng băng ca do một linh mục tuyên uý dẫn đầu; đổi lại, chúng xin để Dakota hạ cánh xuống Mường Thanh lúc 15 giờ, cất cánh một chuyến và xin ngừng bắn cả hai bên từ 14 giờ đến 17 giờ...

Tôi nhận lệnh theo dõi và báo cáo, bụng mừng thầm: thế là chúng nó sắp chết rồi. Hai hôm sau, xế Bản Ten, đúng giờ tiếng súng im bặt. Trên bầu trời một vài chiếc Dakota lởn vởn, có chiếc thả dù tiếp tế, cũng có dù rơi vào trận địa tiểu đoàn tôi. Mấy chục lính Pháp mang hơn chục cáng thương đặt xuống gần Bản Ten. Viên linh mục đứng đợi. Bao trùm Điện Biên Phủ chỉ còn tiếng ì ì của máy bay. Đã quá 17 giờ, lính Pháp và linh mục quay về phía trung tâm. Chúng không quên mang cáng theo. Mấy phút sau, bản Noọng Nhai bùng lửa dữ dội. Thật là nhân đạo đúng kiểu lê dương! Và trên toàn mặt trận, cả phần còn lại của A1 trên đồi Cháy, đạn pháo cối nổ ầm ầm. Cũng lúc ấy, công binh ta đang đào sâu vào lòng A1 những mét đất cuối cùng theo từng kíp ba người một; từng khối bộc phá đã được tập kết dưới giao thông hào. Ở đầu giao thông hào sát Pom Loi trên hướng nam đuôi A1, nơi một tiểu đội của đại đội 674 đang trấn giữ đã xảy ra chiến đấu gần như giáp mặt giữa tiểu đội với lính Pháp. Chúng muốn đẩy lùi con rết đang tiến dần về phía chúng với hai cái càng quặp đầy nọc độc. Ba, bốn ngày trước trận cuối cùng, anh An trung đoàn trưởng khi kiểm tra trận địa, buộc lòng cách chức đại đội trưởng Hướng về tội để lính Pháp chiếm mất đầu giao thông hào mà đội trưởng không dám dẫn tiểu đội phản kích chiếm lại. Chính trị viên đại đội được chuyển qua làm đại đội trưởng. Lúc này, cái cần là sự kiên trì và lòng dũng cảm. Quân Pháp như chuột chũi, còn ta đã quá mệt nhưng sạch sẽ và được ăn no cơm nếp với thịt trâu bò lạc của đồng bào Tây Bắc. Trung đoàn trưởng An, tôi và Hoè lại trinh sát lần cuối, cắt rào bảy lớp dọc đường 41 đến tận “ụ thằng người”. Tất cả như kì nhông lết vào bên trong. Tôi đo áng chừng lỗ châu mai, nhìn quanh quẩn, xác định các vật chuẩn ban đêm rồi cùng các anh bò lùi đầu vẫn hướng về “ụ thằng người”. Mọi việc tưởng trót lọt. Chúng tôi đã bò đến hàng rào thứ hai, còn khoảng mười mét nữa là có thể chạy một mạch về Bản Ten thì một loại đại liên vãi ra từ các lỗ châu mai khá rộng. Tôi quay một vòng chạm một vật gì to cứng. Bản năng thúc tôi chúi đầu vào vật đó. Té ra là một thùng đồ hộp được thả từ máy bay xuống. Không bỏ lõ thời cơ, tôi ra hiệu cho anh An nằm im không cựa quậy rồi rút cây dao găm đâm thủng các hộp ở góc, thò cả tay vào, lấy khuỷu tay ngoáy mạnh cho thùng các tông toác rộng, dùng khăn dù nguỵ trang bó tất cả để mang về rồi cứ lùi dần khỏi rào. Hơn chục con người nhẹ nhàng chạy về Bản Ten.

Trinh sát thành công mỹ mãn. Trưa hôm đó, trong cuộc họp quyết định cuối cùng cho trận A1 lần hai, không hiểu sao chính uỷ Huy biết được chuyện chiến lợi phẩm đã phê phán kịch liệt. Dẫu sao số đồ hộp trong khăn dù của tôi đã kịp giao cho liên lạc về tiểu đoàn chia cho Điệng, Tiên tiểu đoàn phó cùng các đại đội trưởng và trinh sát rồi!

Trong trận A1 lần thứ nhất, tôi đặt hầm ếch chỉ huy cách hàng rào khoảng một trăm mét, chạy vào đột phá khẩu mất đến năm - bảy phút giữa hoả lực địch. Lần A1 thứ hai này, cần làm sao thấy được từng quả bộc quá nổ tung, và phải kịp vào tung thâm thật nhanh hơn để quyết định phân phối các mũi đột kích. Nhiệm vụ tiểu đoàn phải chiếm bằng được đuôi phía nam A1, phải tìm ra và chặn ngay đường tiếp viện của De Castries lên A1, vì lần thứ nhất đã không ngờ đến con đường này. Sau đó đánh chiếm hầm ngầm khu C (A1 còn lại chia ra ba khu A, B, C có hầm ngầm theo báo cáo của trinh sát mà cũng có thể do tưởng tượng).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2022, 11:04:58 pm »


Đêm 4-5-1954, tôi quyết định phải trinh sát lại hướng đột phá - hướng phòng ngự chặn viện từ trung tâm địch lên A1 và hướng phát triển tung thâm, xem nên đặt vị trí chỉ hay đột phá ban đầu ở đâu.

Con suối Pom Loi ngập nước, thỉnh thoảng đã có những trận mưa ngắn ở lòng chảo. Vượt suối ướt đến tận vai, quặt tay trái tôi bò ngắm thẳng vào lỗ châu mai “ụ thằng người”. Đất khô cứng có đá dăm, tôi giương mắt định hướng lại, thì ra đây là con đường Điện Biên - Tây Trang chạy sát dưới chân đồi A1... Ngay dưới chỗ đang nằm là một miệng cống đen ngòm khá rộng, dày chừng bốn đến năm phân, từ cống đến “ụ thằng người” chỉ có khoảng 70 đến 80 mét. Tôi quyết định sẽ nằm ở đó để chỉ huy bộc phá, còn chính trị viên phó đại đội Lữ Lô - người Tày (cậu này rất dũng cảm, nhưng uống rượu thì gấp mấy Lưu Linh) sẽ trực tiếp mang bộc phá đầu tiên. Lần này bộc phá phải thật nhanh, đánh sập “ụ thằng người” chỉ trong vòng vài phút, cho C671 chọc vào hầm ngầm khu C. Đại đội 674 phải tìm ra con đường tiếp viện của Castries và chuyển vào phòng ngự ngay cùng với hai đại liên và súng cối. Không cần dự bị nữa, với lại còn quân đâu để làm dự bị. Gần sáng mùng 6-5-1954 tôi mới trở về nơi tập kết, chỉ kịp nói với anh Điệng một câu: “Xong rồi!”, thế là lăn ra ngủ trong bộ quần áo ướt bùn lầy.

Tôi đang mơ màng, bỗng nghe anh Chu Huy Mân hỏi:

- Commandant đâu?

- Báo cáo, đang ngủ, vừa đi trinh sát đột phá khẩu về. - Giọng anh Điệng.

- Có cái gì ăn sáng không, các cậu ăn sáng chưa?

Biết Điệng đang bí, tôi vùng dậy lồm cồm bò qua miệng hầm nói vào:

- Có đủ, miễn là ăn xong, chính uỷ không được phê bình.

- Đồng ý, anh cười, tay này xỏ lá thật.

Tôi đề nghị anh Mân và Điệng ngồi xổm lên, rồi quờ tay dưới cái chăn dù trải thay chiếu, lôi vài hộp thịt gà và gạo hấp sẵn của Pháp. Chỉ mười lăm phút sau, chính uỷ Mân vừa xì xụp bát cháo gà vừa hỏi:

- Ở đâu ra đấy?

- Lấy đêm hôm kia khi đi trinh sát Cụ ạ...

Tôi lẩm bẩm "Không biết ông An có giữ được hộp nào không?”

Nhìn anh Mân và Điệng không vui vì tiểu đoàn làm nhiệm vụ quan trọng, quyết định nhất, mà tình hình lại đang vô cùng gay go. Trừ đại đội 671 chủ công được “bọc giấy bóng” đầy khí thế, còn hai đại đội thiếu hụt là 674 và 673, một số lớn bần thần... Cũng dễ hiểu thôi bởi hơn một tháng nay từ trận A1 lần trước, họ đã phải tự tay dồn ba lô di vật của đồng đội vào mấy hầm, họ đã phòng ngự trong lòng đất trên đồi Cháy, đã đào giao thông hào ngày đêm và đã không ít lần chôn cất qua loa đồng đội bị mìn Tây gài lại ở Bản Ten...

Anh Điệng năng nổ dẻo mồm là thế mà xem ra sắp thúc thủ. Các chính trị viên trưởng, phó của đại đội chạy ngược xuôi vào từng hầm ếch để động viên, nhưng hai đại đội còn lại đó không ăn cơm, họ ăn cháo. Ăn cháo thì đánh giặc thế nào được, mà trận này chắc kéo dài. Tôi nghĩ thà “chết vinh còn hơn sống nhục”. Phen này mình thử làm công tác chính trị xem sao. Đã 14 giờ 30 mà 15 giờ 30 phải xuất phát rồi. Đại đội 671 dàn dọc bờ giao thông hào, lao xao dưới các lùm nứa non chen vào nhau. Trời nắng ráo. Tuyệt biết bao nếu lần xuất quân này được như lần đầu; hai dãy hầm ếch lục tục anh em C673 và 674 đầy ngần ngại. Các khẩu đội trợ chiến và súng cối 82 cũng đã dàn phía sau đại đội chủ công. Không khí vô cùng nghiêm trọng, Tôi nhìn chính uỷ Mân và Điệng. Họ nhìn tôi. Tôi lắc đầu ngán ngẩm rồi chui vào hầm riêng mặc bộ kaki Mỹ vàng ánh - loại sang nhất bấy giờ - đội bêrê lấy ở Phát Diệm từ năm 1950, rắc nước hoa Pháp của Hồng Tân cho đầy quần áo thơm lừng! Tôi bước lên mép giao thông hào, tung lá cờ tiểu đoàn Bông Lau - Lũng Phầy ra trước mọi người:

- Này anh em, nhìn lá cờ này phải nhớ chứ, phải đi đánh chứ, tiến lên chứ! Đồng ý không, lần này nhất định thắng thôi. Nào 674, 673 ra đi!

... Im lặng không biết bao lâu, lác đác được hơn một trung đội, bước lên giao thông hào... Đã hơn 15 giờ. Không chịu được nữa, tôi bắt tay chính ủy Mân:

- Ra đi là không trở về chính ủy ạ.

- Không được, ông sửa lại, ra đi là phải chiến thắng mà về.

- Khiếp thật! Đúng là chính uỷ có khác.

- À mà này, sao cậu thơm thế, tiểu tư sản đặc!

Ngoái lại đằng sau đã thấy thêm một hai tiểu đội nữa. Tôi hô:

- Nào, xuất phát...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2022, 11:07:22 pm »


... Tôi muốn viết về A1 lần hai cho chính xác hơn, với lại cũng có ai biết đó là trận cuối cùng của trận Điện Biên Phủ. Tôi nhận nhiệm vụ chiếm xong A1 phải đập tan phản kích của Castries, có điều kiện thì sẽ diệt A3 tiến lên bờ sông Nậm Rốm. Vậy còn dài, cứ gọi là A1 lần hai đã.

Trước khi xuất phát, tôi còn nhận lệnh bố trí xong phải trực tiếp quan sát hiệu quả của B26 - tức DKZ 75 của Trung Quốc. Lần đầu tiên xuất hiện ở chiến trường sẽ có H6, đó là hoả tiễn sáu nòng của Trung Quốc chi viện. Thì ra cấp trên quyết tập trung chi viện cho A1 lần này. Tôi thấy nóng người, phải liều chết đánh thắng thôi.

... Cuộc xuất phát không có thương vong, đi giữa ban ngày trong lòng giao thông hào, sâu phải đến 1m6, 1m7 để tiếp cận địch, chỉ hơi buồn vì quân số tiểu đoàn quá ít, đâu có hơn 250, mà xung lực giỏi lắm cũng chỉ hơn 100, nhiệm vụ lại quá nặng: đánh vu hồi, cắt viện. Chẳng bằng lần thứ nhất, tiểu đoàn ra đi với 607 người mà đến hơn 90% đảng viên. Được, chỉ cần đột phá thật nhanh, thọc sâu nhanh là ăn đứt.

Nào biết còn có ai trên đời này để nghĩ tới. Gia đình nội ngoại ở tuốt miền Nam, ai còn ai mất không biết; còn người yêu thì bội bạc, mỗi lần mình bị thương báo tin về là dao động. Mặc tuốt. Chỉ tâm niệm một điều: bằng mọi giá phải đánh thắng... Phải thắng thật nhanh thì mới đủ quân để tiếp tục đánh. Tôi liếc nhìn anh Tiến tiểu đoàn phó, con người già dặn ấy sẽ cùng đại đội chủ công “vồ” cho được cái “ụ thằng người”. Anh Tiến cao, gầy hút thuốc lào thuộc loại siêu, nguyên là ủy viên quân sự Khởi nghĩa Yên Bái. Chỉ có trình độ văn hoá còn yếu nên chậm phát triển.

Còn Điệng chính trị viên, ông này chắc dám vào đột phá khẩu đây, không như lần trước có mỗi một mình mình.

Tối mịt lội qua suối Pom Loi, dừng lại thúc chủ công tiến vào vị trí, dặn lại Thuỷ đại đội trưởng 674 (anh nguyên là chính trị viên thay đại đội trưởng bị cách chức), tôi, Điệng và tốp liên lạc lom khom chui xuống cống trên đường 41 rồi nằm sấp để quan sát hướng đột phá lỗ châu mai “ụ thằng người”, chỉ mong Tây đừng “khạc” trước khi ta đánh bộc phá.

B26 đã bắn trúng mục tiêu, chỉ nghe rít và nổ đanh hơn sơn pháo 75, còn H6 thì nghe vun vút trên đầu. Hai mười giờ, điện thoại tạch tạch vì chuông đã bị bó lại. Lệnh của anh An khi bộc phá tấn nổ phải quay lưng há mồm ra, xong thì xung phong. Kì cục thật, đánh đồn mà quay lưng lại với đồn thì còn quan sát cái gì, lại còn há mồm bao lâu. Vô lý! Thôi kệ đến hẵng hay. Chờ đợi, tưởng tượng những gì có thể xảy ra:

Nào bộc phá tấn nổ có to không? Anh em đang nằm bên ngoài hàng rào có sao không? Làm sao lệnh cho 671 quay lưng được, ai lại quay lưng về phía địch! Cứ cho bộc phá xong thật ngon, nhưng 671 có vào được nhanh để cho 674 vượt qua đột phá khẩu và chặn đường viện từ A3 lên không! Đó là mấu chốt của trận đánh. Hầm ngầm thực ra không quan trọng, có giỏi thì Tây cứ ngồi lì bên trong, đói rồi cũng phải ra, miễn là phải “chịt” cái thằng viện. Nghĩ lan man, nhưng A1 lần hai này thảnh thơi hơn nhiều. Ông Giáp thế mà khôn, cho làm cái giao thông hào đến tận nơi nên tiến thoái không sợ. 20 giờ 25 phút: “Dũng Chi đâu? Há mồm chưa, sắp nổ đấy!” - giọng anh An trong điện thoại.

Tôi trả lời bừa: "Há rồi". Vậy mà anh An còn hỏi: "Anh em đã há mồm chưa?" Trong chiến đấu, đôi khi cũng cần nói dối, miễn là không có hại.

Tôi đợi tiếng nổ dài như cả ngày cả tháng, ruột nóng như lửa đốt. Đồng hồ đã chỉ 20 giờ 30 phút, mà chẳng có tiếng nổ nào cả. Tôi nhoài người ra ngoài cống, nhìn xung quanh, bỗng có tiếng rung rung dưới bụng như động đất nhẹ. Tôi bảo liên lạc hỏi: “Bộc phá đã nổ chưa?” Bên tác chiến trung đoàn trả lời “không biết”. Chết thật, đánh với chác!

Tôi quyết định anh Tiến cho bộc phá đi. Một loại tiếng nổ đanh liên tục cách nhau rất ngắn rồi tiếng nổ trời giáng của quả bộc phá 20 cân. Một bóng người cao gầy vụt qua...

- Tiến đấy à?

- Báo cáo mất kính rồi.

- Có bị thương không? Cậu về đi.

Thì ra anh Tiến bị văng mất kính cận lúc bộc phá nổ mạnh.

Tôi lên khỏi cống chạy một mạch không kịp thở, nhảy đại vào “ụ thằng người”, ngắm hướng bắc theo giao thông hào chọc về phía hầm ngầm. Tôi nói nhanh với Điệng:

- Cho 674 vào mau, tìm đường viện ngầm, chặn chúng ngay. Nói rồi, tôi lao đi một mình. Có cái gì đó trước mặt, theo thói quen tôi quát: “Haut les mains”1. Lúc này theo hướng bắc ngược lên đồi chỉ có địch, một chiến sỹ dẫn tù binh đẩy tôi lùi lại chen lên trước. Tôi vụt qua một hầm lớn quạt một băng tiểu liên. Chà mát rượi, thì ra đã ở quãng giao thông hào trống, gió từ lòng chảo thổi ngược lên đồi. Chỉ còn vài tiếng tiểu liên lẻ tẻ. Trước mặt tôi chừng năm mươi mét, một lô cốt khá cao đen xịt. Hầm ngầm khu A chăng? Tôi quay lại, nấp phía sau một đống bao cát. Giao thông hào Pháp đào nông choèn, chỉ quá bụng. Về hướng Nậm Rốm, tiểu đoàn tôi đã tiến công bất ngờ từ sườn phía sau lên. Chúng không tin là ta có thể tiến công. Vu hồi quả là đúng. Tôi men theo giao thông hào tiến lên cùng với gần một trung đội, có người nhảy xuống:

- Báo cáo đã xong hầm ngầm khu A. Ban chỉ huy nhớ ghi công tôi nhé!

Đó là Hải Bằng đại đội trưởng chủ công của anh Hoè tiểu đoàn 9, là trợ lý tác huấn xuống thay đại đội trưởng 317 cũ đánh không tốt trận trước. Tôi nhìn đồng hồ đúng 4 giờ sáng. Thế là cơ bản xong.
____________________________________________
1. Giơ tay lên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2022, 11:14:34 pm »


Trời sáng hẳn, trong “ụ thằng người” đông nghịt, trung liên đang đặt vào lỗ châu mai hướng về A3.

Dưới chân đồi phía tây và nam, C674 đang phòng ngự chặn viện. Tôi nhìn xuống đường 41, thì ra quân tiếp viện Castries trước đây qua A3 vượt ngầm dưới cống chạy qua đường 41 để lên A1. Chẳng có đường ngầm nào như trinh sát của Bộ và đại đoàn cho biết.

Thế là thắng trận rồi!

Hai chiếc xe tăng hạng nhẹ bảy tấn của địch lù lù bò dọc đường, nòng súng quay ngang bắn từng phát vào A1: đại liên, trung liên 674 bắn xuống chúng, đạn cối 120 của anh Ba Giai từ phía sau điểm xạ, vài cột khói vàng nâu bùng lên, nhưng không trúng, ấy thế mà xe tăng địch đã vội rú máy chạy lùi. Hết phản kích. Phải chăng chúng đã ngán và suy sụp sau khi thấy Việt Minh đã ở trên đồi A1.

Phía A3 yên ắng, xe tăng địch đã lùi thì bộ binh chúng cũng không dám mạo hiểm tiến lên. Địch có biết đâu ở A1 này quân số tiểu đoàn tôi chỉ còn vẻn vẹn chừng năm, sáu mươi người. Tôi không cho nổ súng từ A1 xuống A3 hoặc A2 vì sợ địch phản kích lại bằng hoả lực sẽ gây thêm thương vong. Mất một người lúc này là mất đi sức mạnh cần thiết cho sự phát triển.

Tôi định quay về “ụ thằng người” để báo cáo với trung đoàn, thì rộ lên tiếng đạn nhỏ, đạn pháo cối nhỏ chát chúa chân đồi A1 về phía nam và đông bắc. Nhìn phía đông bắc, tôi hiểu quân của trung đoàn 98 phải chống đỡ với hàng trăm lính Pháp đang thúc lên C2 từ 205, chúng cũng đã lên gần đỉnh đồi. Tôi vội điều tất cả trung liên và đại liên của tiểu đoàn lên phía hầm ngầm khu A, trừ một khẩu chĩa về A3 để chi viện cho anh em trung đoàn 98.

Trong ụ, ta và tù binh lẫn lộn. Anh Điệng và trung đội trưởng Di vẫn ngồi đó. Lâm Viết Hữu, đại đội trưởng chủ công thay Hồng Tân (vì Hồng Tân đã lên chức tiểu đoàn phó) đứng cạnh khẩu trung liên nhìn về A3. Hữu là đại đội phó trong trận Mường Pồn, người dẫn tôi trực tiếp tiêu diệt bọn lính Thái, sau nửa ngày chặn địch tại đấy.

Chúng tôi, tất cả đều nhem nhuốc. Hữu lại gần tôi nói nhỏ: “Anh nhìn xuống ụ kìa, tổ bộc phá khối chính thức chết cả ba!”.

Nhìn ba anh em đều ở tư thế dựa vào ụ, hai người thì úp mặt xuống rào kẽm gai trùm lên ụ, một người quay về phía Nam - anh em đã thực hiện đúng động tác đặt bộc phá khối, có lẽ chưa kịp rút thì đã bị trúng đạn hoặc mảnh pháo. Thương tiếc vô cùng! Tên họ anh em giờ đây tôi đã quên mất, chỉ biết họ là những người được tin cậy nhất, được chọn trong số xuất thân nghèo khổ và dũng cảm. Hình như có một cậu người Thái Bình từng ngang bướng đã có lần đào ngũ về quê tận hậu địch tả ngạn sông Hồng rồi lại quay lên với tiểu đoàn. Tôi nhận lệnh anh An: tiến xuống A3. Tôi không hội ý với Điệng theo nguyên tắc, vì đã hiểu anh ấy qua mấy giờ chiến đấu rồi. Vì vậy không để Lâm Viết Hữu xuống A3 nữa, sợ Hữu bị thương hoặc hi sinh, lúc này cần tiết kiệm cán bộ. Tôi đề nghị Điệng đi cho đảm bảo, rồi yểm hộ cho anh. Điệng đồng ý, xăng xái mượn khẩu tiểu liên K50 nhảy xuống giao thông hào cùng với Thuỷ đại đội trưởng và mấy chục anh em chiến sỹ. Tôi nạp băng đạn đầy vào khẩu kolynos, đeo kính râm và mở màn trận A3 bằng một băng dài chiu chít xuống ngã ba giao thông hào. Không thấy phản ứng dữ dội từ phía địch. Khát cháy cổ, tôi tu một hơi hết nửa lọ “eau de vie” - rượu mạnh trong khẩu phần năm (ration cinq) của Pháp - đỡ khát hẳn. Tôi tiếp tục bắn từng loại dài. Bỗng tai ù đặc, kính râm rơi mất. Tôi ngã lùi vào trong ụ khói đất mù mịt. Tiếng tù binh la to hơn tiếng rên của trung đội trưởng Di bị thương đang bê bết máu ở đầu và tay. Y tá, y sĩ không còn nữa, nhìn bạn bị thương sắp chết mà chịu. Loạt đạn cối 106 của Pháp đã giết bốn, năm đồng đội của tôi. Mohamed1 bò lại gần tôi nói: “Trop soif! Ramenez - nous aux arrières!”2. Bực mình, tôi bảo: “Pisse et bois!”3. Không biết Mohamed bên kia trời Angiêri giờ đây còn nhớ không? Đó là loạt đạn cuối cùng của Pháp vào A1, sự đáp lại của quân Tây trong cơn quằn quại mà tức tối, nhục nhã phải thua trận trước quân ta. Tất cả chúng tôi phờ phạc.

A3 giải quyết xong, Điệng đã quay về. Chúng tôi uể oải ra khỏi ụ lên khu A xem hầm ngầm thì thấy rõ ràng khu C hay khu A cũng chẳng có hầm ngầm nào cả. Hải Bằng dẫn tôi vào cái gọi là “hầm ngầm”. Hoá ra là một hầm bưu điện của Pháp thời còn châu Điện Biên. Hầm dùng để chứa máy nổ, máy điện thoại và lương thực, bên trong lắp gạch chỉ, âm xuống đất chừng 1m cao khoảng 3m gì đó ở vách còn treo khẩu K50 Liên Xô. Tôi hỏi Hải Bằng:

- Thế chỗ nổ bộc phá hầm ngầm đâu?

Hải Bằng cùng tôi ra khỏi hầm bưu điện. Anh chỉ tay về phía cái hố cách đó chừng vài chục mét:

- Kia kìa. Nhìn cái hố sâu, rộng như cái ao nhỏ ở nông thôn ta, kết quả của một tấn bộc phá. Tôi hiểu thì ra kim chỉ bắc nam - châm đã lệch khi vào sâu trong lòng đất nên quả bộc phá dự định nổ dưới hầm ngầm bị chệch đi, bê gọn đến bốn, năm hầm địch. Chính tiếng nổ đã làm cho tên chỉ huy hoảng hồn nên chống cự kém hẳn, quân Tây sợ quá lên rã đám. Hơn 15 giờ chiều. Tôi và Hải Bằng nhìn xuống sông Nậm Rốm, thấp thoáng vài mảnh vải trắng, cờ trắng đuôi nheo ở phía tây và đầu sân bay. Nhìn xuống phía nam, mấy cứ điểm 205, 311 gần trung tâm chỉ huy cũng lại vải trắng đủ kiểu, một số lính Pháp lố nhố ở phía tây bờ sông. Tôi báo cáo cho Trung đoàn và Đại đoàn có lẽ địch đầu hàng. Chỉ nhận được lệnh ngắn: “Phải cảnh giác!”. Nhưng tôi hiểu, không cần phải đứng trong hào nữa. Tôi nhảy lên khỏi hào nhìn xuống trung tâm, cả một rừng cờ trắng. Từng đoàn lính Pháp lốc nhốc toả ra các phía để hàng. Đồng hồ lúc này là 16 giờ chứ không phải như một số báo chí đăng. Thế là xong trận A1, xong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tôi đứng lưng chừng đồi A1 dốc về phía trung tâm Điện Biên. Lâm Viết Hữu chạy ngược lên:

- Báo cáo ban chỉ huy, có quan tư Tây đầu hàng muốn gặp.

- Cho nó lên.

Trước mặt tôi, một tên Tây cao lớn đeo bốn vạch vàng, mặt sạm, đầu đội bê rê màu xanh lục, ngực đeo Bắc đẩu bội tinh đồng (croix d’honneur Bronze) đánh gót đưa tay chào:

“Le commandant Bigeard se rend à vos dispositions. Son effectif compte seulement 150 hommes. J'attend vos ordres”4.

Hãnh diện biết chừng nào khi lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, một tiểu đoàn trưởng Việt Nam tay chắp sau lưng ngắm nghía tên quan tư nổi tiếng của quân đội Pháp, viên chỉ huy quân cơ động của De Castries đang chào và đợi lệnh theo đúng lễ nghi lục quân Pháp. Bigeard xin phép tôi hút thuốc lá và xin cho y tá của nó bó gót chân bị sái gân. Y cùng đám tàn quân cõng tù binh ta bị thương trên cổ lầm lũi leo lên đồi A1 - Eliane 2 rồi tụt dần về phía sau. Thật thảm hại quân bại trận! Người tôi nhẹ hẫng, lảo đảo như đang đi trên thuyền. Thắng trận rồi, sung sướng tột độ, mà điều kì lạ là mình vẫn còn sống. Tôi bất giác sờ xuống đầu gối và háng, các vết thương dính lựu đạn trận A1 lần đầu đã đóng vẩy tự bao giờ không biết nữa. Bước thấp bước cao, tôi lại nhớ chính uỷ Mân sửa gáy tôi trước lúc vào trận “Ra đi phải thắng để trở về”.

Trận A1 kéo dài và kết thúc như vậy đó. Những bạn chiến đấu của tôi ai còn sống đến nay sẽ thấy tôi nói đúng sự thật một trăm phần trăm, chẳng có gì để giấu giếm hay khoe khoang khi nhớ đến biết bao anh em đã ngã xuống dưới chân A1 và tổ bộc phá khối ba người nằm úp vào hàng rào.

1994-2003

__________________________________________
1. Tù binh Pháp, sau này là ủy viên Hội Hữu nghị - hòa bình Angiêri - Việt Nam.
2. Khát quá ông ơi! Ông đưa chúng tôi về phía sau đi!
3. Đái ra mà uống!
4. Thiếu tá Bi-gia thuộc quyền Ngài. Quân số chỉ còn 150. Đợi lệnh Ngài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 09:58:12 am »


33 NGÀY ĐÊM PHÒNG NGỰ TRÊN ĐỒI A1

NGUYỄN ĐÔN TỰ1 

Sau hai đợt tấn công không thành công của trung đoàn 174 và trung đoàn 102, tiểu đoàn 255 (gọi tắt là tiểu đoàn 5) của trung đoàn 174 được lệnh thay thế trung đoàn 102 và tổ chức phòng ngự một phần ba quả đồi A1 mà quân ta đã chiếm được để giữ vững và cải thiện bàn đạp tiến công, tích cực chuẩn bị cho lần đánh thứ ba (từ 4/4 đến 6/5).

Địch có một tiểu đoàn vẫn giữ được 2/3 quả đồi, địa thế cao hơn, quân mới được thay thế; bọn chỉ huy có kinh nghiệm đánh phản kích và dùng hoả lực pháo cối đánh chặn đường tiến của quân ta, nhưng cũng khiếp đảm trước các đợt xung phong mãnh liệt của bộ đội ta.

Tiểu đoàn 5 được bổ sung quân số, vũ khí đầy đủ; 80% là tân binh (đa số với tân binh địch hậu đã quen với chiến trận), 50% cán bộ trung đội, đại đội mới được đề bạt lên nhưng đều trưởng thành trong chiến đấu. Mỗi đại đội đều có một chi bộ. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An phổ biến kinh nghiệm trận đánh đợt đầu, nhấn mạnh địch sẽ giành giật quyết liệt phần đất đã mất nên phải đào hầm hào thật tốt, tổ chức các trận địa liên hoàn giữa đồi A1, đồi Cháy, đồi F, kết hợp chặt chẽ giữa hoả lực và lực lượng cơ động. Trung đoàn sẽ cung cấp gỗ làm nắp hầm hào, hỗ trợ hoả lực của trung đoàn, đại đoàn, đảm bảo thông tin giữa các trận địa.

Theo kế hoạch của tiểu đoàn, C925 được bố trí trên đồi A1. C924 trên đồi Cháy có một trung đội cơ động sẵn sàng tăng cường cho A1. C653 bố trí một trung đội trên đồi F, còn lại làm lực lượng cơ động cho tiểu đoàn. C926 trợ chiến, bố trí ở đồi Cháy, nhiệm vụ đào công sự rất nặng nề: đường giao thông hào nối giữa các trận địa, hai đường hào từ suối cạn lên đồi A1, trên mỗi trận địa phải có hệ thống hầm chiến đấu ngang dọc, hầm hào phải có nắp chịu được pháo 155 ly và cối 120 ly. Giao thông hào phải đủ rộng để cơ động bộ đội, tiếp tế, tải thương. Phải có hầm cho các loại vũ khí, hầm ở chân đồi để bộ đội luân phiên nghỉ ngơi. Chỉ huy sở của tiểu đoàn do công binh đào. Tôi bị ngợp trước khối lượng đào hầm hào, chưa kể đến việc phải đối phó hàng ngày, hằng giờ với hoạt động của địch. Tôi nghĩ đến vấn đề quyết định để hoàn thành nhiệm vụ lúc này là khả năng tổ chức của cán bộ và công tác động viên cán bộ, chiến sĩ hết lòng vì nhiệm vụ. Thực tế sau này đã chứng minh trong chiến tranh, người cán bộ, chiến sĩ được động viên tốt có thể làm nên những điều kỳ diệu, có khi không tưởng tượng là con người có thể làm được.

Khi trung đoàn 102 bắt đầu rút, tiểu đoàn chia ngay 2 tiểu đội của C925 vào cắm hai chốt sát địch. Ngay trong đêm phải đào được hầm chiến đấu, hầm ẩn nấp và hầm trung liên. Lực lượng này được hoả lực của tiểu đoàn, trung đoàn sẵn sàng yểm trợ. Ngay ngày hôm sau địch dùng pháo cối yểm trợ cho một mũi thọc sang để hòng đẩy lực lượng của ta ra khỏi A1 nhưng ta đã kịp thời dùng pháo cối, đại liên bắn chặn rất quyết liệt, buộc địch phải co lại. Việc đào công sự do đó rất khó khăn và không bảo đảm được an toàn. Cán bộ tiểu đội và chiến sỹ đề xuất ý kiến phải làm con lăn bằng rơm thì mới tránh được đạn bắn thẳng từ đỉnh đồi.

Việc đào hầm hào trên đồi A1 rất khó khăn và phức tạp nhất. Hào giao thông của địch sâu 1m70 đã bị pháo của ta, của địch bắn sập hết, chôn vùi nhiều xác chết. Cuộc tấn công từ đêm 30-3 đến lúc này đã 5-6 ngày, thỉnh thoảng lại có trận mưa rào ngắn, nên xác chết bắt đầu thối rữa, ruồi nhặng từng đàn, mùi hôi thối nồng nặc. Căn cứ vào thực tế địa hình, có đoạn hào chúng tôi đào mới, có đoạn phải khơi lại hào cũ của địch, cũng có chỗ phải dùng lại lô cốt cũ. Nghĩa là không thể tránh được việc mà cán bộ, chiến sĩ ngại nhất là giải quyết xác chết. Chúng tôi dồn xác địch vào mấy ngách hào đất lấp còn nông và đổ đầy đất lên. Đặc biệt còn một số tử sĩ của ta còn sót lại (nhận dạng bằng đôi giày vải hoặc đôi dép cao su), chúng tôi lấy vải dù bọc lại và chuyển về sau. Không thể tưởng tượng nổi sự chịu đựng gian khổ của cán bộ, chiến sỹ. Công tác chính trị đã thành công trong việc động viên tinh thần tự giác vì nhiệm vụ của bộ đội. Lấy một ví dụ: Yêu cầu của tiểu đoàn là mài xẻng thật sắc để đào công sự được nhanh, được chiến sĩ biến thành khẩu hiệu “Mài xẻng sắc cạo râu được”.

Sự phản ứng của địch rất ác liệt: Cối 120 ly bắn thường xuyên, pháo Hồng Cúm nhằm vào đỉnh đồi Cháy, đồi F và đường tiến quân từ phía sau lên. Ngày nào cũng có thương vong. Chân tay dầm bùn ngâm xác chết mà không có nước rửa. Phải dùng vải dù để lau tay, bọc tay để cầm cơm nắm hoặc dùng đũa, dùng bát. Trung đoàn phải tiếp tế nước để mỗi ngày chiến sĩ trên đồi A1 được rửa tay chân một lần, ba ngày được tắm một lần (thực ra được một chậu nước đủ để lau người).

Đồi F thấp hơn đồi A1, trực tiếp bị hoả lực bắn thẳng của địch trên đỉnh đồi A1 nên việc đào trận địa ở đây cũng rất khó khăn, bị thương vong nhiều. Ngay khi trận địa đã được hoàn thành, việc đi lại cũng rất nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ gọi đồi F là “tử địa”.

Đồi Cháy có trận địa hoả lực của tiểu đoàn trực tiếp uy hiếp đỉnh đồi A1, là cái gai trước mắt địch, nên ngoài pháo, chúng còn dùng máy bay ném bom để huỷ diệt. Một lần ném bom không trúng, bom rơi xuống sườn đồi trúng hầm chỉ huy của C924 lúc chi uỷ đang họp, tất cả hy sinh. Đây là thiệt hại đau đớn nhất của tiểu đoàn trong thời gian phòng ngự.

Hai đường hào song song tiến gần vào các lô cốt của địch. Việc bám sát địch ngày đêm giúp ta đẩy lùi nhiều lần địch đánh lấn sang ta. Trong chiến đầu phòng ngự hai bên tiếp cận nhau thì sẵn sàng chiến đấu rất cao mới đảm bảo thắng lợi. Vũ khí sử dụng là lựu đạn và tiểu liên của lực lượng phía trước, và muốn giữ vững và cải thiện thế phòng ngự, phải kết hợp với tấn công. Việc tổ chức bắn tỉa những tên địch ló đầu ra hoặc di chuyển ngoài công sự đạt hiệu quả lớn.

Giữa tháng 4, chúng tôi nhận được kế hoạch đánh hầm ngầm trên đỉnh đồi A1: Công binh sẽ đào bí mật một đường hầm tới hầm ngầm của địch và dùng một tấn thuốc nổ để đánh sập hầm đó. Tiểu đoàn 5 có nhiệm vụ bảo đảm an toàn trong suốt quá trình đào cho đến khi bộc phá nổ, đồng thời giúp đỡ công binh làm nhiệm vụ (chuyển gần 60m3 đất ra phía sau). Ngày 20/4/1954 khởi công đào, lúc đầu định kích thước có thể đi khom được, nhưng thực tế càng sâu vào càng khó đào nên kích thước càng hẹp lại. Địch dùng súng phóng lựu AT bắn tới tấp về phía cửa hầm. Ngay đêm đầu, bộ phận của d5 làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ cho công binh đào đã có tổn thất. Đồng chí trung đội trưởng bộ binh bị địch bắn trúng đã hi sinh. Tôi bố trí một tiểu đội toàn cựu binh do một trung đội trưởng chỉ huy được trang bị đầy đủ tiểu liên và lựu đạn, sẽ chiến đấu sống chết với địch, không để địch lọt xuống phá cửa hầm. Để đánh lạc hướng chú ý của địch, chúng tôi nghi binh ở hướng hào cụt phía bắc, thường tập kích bằng hoả lực các lô cốt của địch. Đặc biệt trận tấn công đánh chiếm hai ụ súng số 7 và số 8 của địch đêm 1/5/1954, tổ ba người chiếm được 2 ụ đó thì 2 bị hy sinh, chỉ còn 1 người bị thương nhưng vẫn chiến đấu giữ cho được đến khi được tổ thứ hai lên tăng viện.
____________________________________________
1. Nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 255 Trung đoàn 174 Sư đoàn 316.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 09:58:51 am »


Trong 33 ngày đêm phòng ngự căng thẳng trên đồi A1, d5 đã phải đánh lại 4 lần phản kích lớn của địch. Chính trị viên tiểu đoàn Đỗ Long đã nắm vững nhiệm vụ và những chỉ thị của trung đoàn, là khéo léo đưa ra những khẩu hiệu thiết thực, kịp thời phát động được tinh thần tự giác dũng cảm, không sợ hy sinh gian khổ của cán bộ, chiến sĩ. Không thể quên được chính trị phó tiểu đoàn Trần Quế, thường trực ở phía sau lo cơm nước, vận chuyển được áo quần, giầy dép, tân binh bổ sung, thương binh tử sĩ (hàng trăm người, nên khá phức tạp). Đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi, nhưng thường ít được nhắc đến: tiểu đoàn phó Dương Bắc Bình mới được bổ sung nhưng phải lăn ngay vào cuộc chiến đấu, cùng với đại đội trưởng Lương Văn Tài (sau Nguyễn Khắc Huy thay) và đại đội phó Lê Quyên tham gia vào mọi hoạt động của đơn vị, khi địch tấn công sang cũng chiến đấu như các chiến sĩ. Ở trên đồi A1, sống chết chỉ gang tấc, không thể chỉ tay năm ngón, mà mọi cấp cán bộ phải hoà vào cuộc sống và chiến đấu của chiến sĩ thì mới có thể chỉ huy được. Rồi biết bao người dũng cảm khác như y tá Hiểu, chiến sĩ liên lạc Thà, tiểu đội trưởng Si dân tộc Tày đã nhiều lần cứu tôi thoát chết, được đề bạt lên trung đội phó nhưng không nhận vì làm tiểu đội trưởng vừa với khả năng hơn. Để phát huy thêm hiệu quả tiêu diệt địch, ta đã tổ chức các chiến sĩ bắn giỏi thành các tổ bắn tỉa tiêu hao địch khá nhiều, làm cho địch căng thẳng khiếp sợ. Một hôm thiếu tá Bigia lên đồi A1, được trung uý Buốc-gioa đưa đến quan sát một lỗ châu mai. Tên trung uý vừa ló mặt ra đã bị một viên đạn trúng đầu. Bigia cũng suýt chết vì viên đạn thứ hai.

Cho nên trước khi vào trận đánh thứ ba, tiểu đoàn 5 phòng ngự đã cải thiện được và củng cố thêm địa bàn tấn công: lấn chiếm thêm được 2 ụ súng của đich, chiếm thêm được một đoạn giao thông hào ngang về phía địch làm chỗ triển khai xung phong cho d9.

Đến ngày 5/5/1954 thì đào xong đường hầm dài khoảng 50 mét. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định lấy tiếng nổ của quả bộc phá 1.000kg vào 20 giờ 30 ngày 6/5/1954 làm hiệu lệnh tấn công của cả mặt trận. Bộ phận cuối cùng của tiểu đoàn tôi phụ trách bảo vệ cửa hầm rút trước giờ “G” 5 phút. Mọi người chờ đợi một tiếng nổ long trời, nhưng thực tế chỉ có một tiếng “ục” trong lòng đất, đá tung lên trời và rơi xuống ào ào. Đại uý Pu-giê người chỉ huy cứ điểm đồi A1 viết hồi ký: “Lúc 20 giờ 30 mìn nổ. Trước tiên một sự rung chuyển chạy suốt mỏm đồi và một tiếng nổi át các tiếng động khác, tiếng động kéo dài vài giây với âm lượng trầm. Đỉnh đồi bị vẹt, vị trí của đại đội 2 mất tăm. Quân Việt Nam vào mở cửa chiếm miệng phễu trên đỉnh bên trên chúng tôi. Một lúc sau tôi mới hiểu rõ tình thế”.

Đến 4 giờ 30 sáng 7/5/1954, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 9 trung đoàn 174 hoàn toàn làm chủ đồi A1. Địch thú nhận từ 30/3/1954 đến 7/5/1954 đã mất 4 tiểu đoàn trên đồi A1.

Đại đoàn 316 đánh giá tiểu đoàn 255 “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng thủ”. Tiểu đoàn đã góp phần vào chiến thắng oanh liệt trên đồi A1, quả đồi mãi mãi đi vào lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ.

*

33 ngày đêm phòng ngự của d255 trên đồi A1 đã để lại trong tôi biết bao kỉ niệm về các trận đánh vô cùng ác liệt, về các đồng đội của tôi ở tiểu đoàn, về các đơn vị bạn. Những kỉ niệm tản mạn nhưng không thể nào quên.

Công binh đào cho chúng tôi một hầm sâu 6-7m vào sườn đồi phía sau. Có khó khăn là ngay cửa hầm có xác một thằng Pháp. Nếu đào tắt để lấy được xác nó đưa đi chôn nơi khác thì cửa hầm sẽ quá to, không an toàn (cửa hầm hướng về phía Hồng Cúm, có thể bị pháo). Tôi quyết định cứ để xác nó lại, chỉ phiền là ống chân của nó vẫn thò ra ở ngay cửa hầm, ống chân đã khô lại chứ không thối. Tôi nói lấy vải dù bọc chân đó lại làm chỗ vịn lên xuống cửa hầm. Trong hầm căng vải dù trắng đỏ rất sạch sẽ, đẹp mắt. Chúng tôi vẫn ngủ ngon lành và mọi người đến sở chỉ huy d5 cũng quen vịn vào cái chân ấy để vào hầm.

Địch ở vị trí cao hơn ta, cách nhau chừng 20m, chẳng có rào ngăn cách, nghe rõ tiếng ho, tiếng nói của chúng. Việc chúng ào sang tấn công ta rất dễ dàng, ta đề phòng cũng khó. Làm sao không để bị bất ngờ, còn đủ thì giờ gọi pháo của Trung đoàn, Đại đoàn chi viện.

Tôi còn nhớ, có một trận phản kích cỡ đại đội của địch, có pháo Hồng Cúm chi viện, đặc biệt có cối 120 ly bắn rất hiệu quả. Ta có sơ hở nên địch lọt được vào trận địa của ta, phá được một đoạn giao thông hào có nắp, nhưng pháo 75 của ta bắn thẳng vào sườn địch đã chặn được lực lượng tiếp viện, gây bất ngờ cho địch, khiến cuộc phản kích bị dừng lại. Trong khi đó, tôi khẩn thiết yêu cầu cối 120 ly của Trung đoàn yểm trợ. Đại đội trưởng Giai kêu trời, vì đội hình ta và địch xen nhau, bắn chính xác mấy cũng dễ “đấm lưng” quân ta. Tôi đề nghị anh Giai bắn lùi về phía đồn định, cách trận địa ta khoảng vài chục mét. Anh Giai kêu là vẫn không đảm bảo vì đạn tản mát lớn (cự li bắn 2000m). Đồng thời tôi ra lệnh cho C925 cho lực lượng cơ động xuất kích, đánh phản xung phong, không cho địch tiến thêm dù một bước, kiên quyết giữ vững trận địa. Hôm đó thật may mắn, cối 120 ly của ta bắn cực kì chính xác, trúng giữa đội hình tấn công của địch, khiến chúng khiếp vía không dám tiến, dù đi khom hay bò. Cuối cùng, chúng phải rút chạy, lại bị trung liên, đại liên của ta diệt phần lớn. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, phạm vi hẹp, thời gian nhanh, y như một cuộc diễn tập. Ta thương vong rất ít (không đến 10 người). Nếu có người thương vong vì đạn của Trung đoàn thì rõ ràng đó là lỗi của tôi. Bài học rút ra là chiến sĩ cảnh giới lơ là một chút dễ gây tai hoạ; sự phối hợp cối, pháo với đánh phản kích kịp thời là rất hiệu quả, tuy có hơi mạo hiểm.

Chỉ huy của đại đội và tiểu đoàn rất bị hạn chế khi địch cỡ tiểu đội, tổ đột nhập sang trận địa ta. Vì vậy, việc tổ chức chiến đấu là do tiểu đội, trung đội phụ trách. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội đến tại chỗ bàn kế hoạch tác chiến với chiến sĩ và các cán bộ cấp dưới rồi giao hẳn cho tiểu đội, trung đội tự lực đánh địch đột nhập sang. Nếu địch sang cỡ trung đội sẽ có pháo cối của tiểu đoàn, trung đoàn chi viện, thậm chí có lực lượng cơ động của đại đội, tiểu đoàn phản kích vào bên sườn.

Tôi rất khoái và tin tưởng các cán bộ tiểu đội mới đề bạt, thường đã chiến đấu ở địch hậu, rất tinh nhanh linh lợi, bình tĩnh gan dạ, thà hi sinh chứ không bao giờ lùi bước. Trong hơn một tháng phòng ngự đã diễn ra rất nhiều trận đánh phản kích tại chỗ, đều dành thắng lợi, đều do các cán bộ tiểu đội, trung đội và chiến sĩ tự lực tác chiến, không đòi hỏi chi viện của trên (mà trên cũng chẳng chỉ huy nổi!).

Khi các giao thông hào tiến sát đến hàng rào dây thép gai, khi xuất hiện pháo cao xạ 37 ly thì máy bay địch thả dù phải bay cao hơn, nên dù rơi xuống không chính xác. Càng về sau dù càng rơi nhiều xuống khu vực của ta.

Địch cần lấy dù, ta cũng cần lấy dù. Ta cần đạn cối, pháo. Địch cần lương thực, thực phẩm, thuốc men. Địch chủ yếu lấy vào ban ngày, ta lấy ban đêm. Địch ưu tiên lấy dù gần trận địa ta ban ngày, ta lấy ban đêm. Để hạn chế địch lấy dù, tôi cho mấy tay thiện xạ bắn dọa, nhưng bọn Pháp vẫn bắt những người lao công đi nhặt, vì chúng biết rằng ta không bắn chết người Việt. Sau cùng tôi cho bắn vào chân thì Pháp mới không bắt lao công đi lấy dù nữa.

Có lần ta nhặt được một dù toàn sách báo trong đó có một gói vợ De Castries gửi cho chồng. Tôi mở ra xem thì thấy có một thư và hai quyển tiểu thuyết. Nhân có một phái viên của Bộ tư lệnh chiến dịch, tôi nhờ báo cáo với trên về cách xử lý. Trên trả lời là ta nên liên lạc với Pháp để trả cho De Castries. Tôi bảo thông tin gọi điện cho Pháp nói De Castries có thư của vợ, cho người cầm cờ trắng ra chân đồi (toạ độ X) sẽ nhận được. Chỉ hơn một giờ sau thì có một lính Pháp vác cờ trắng ra địa điểm quy định, ta đã chuyển cho nó gói quà này.

Một lần khác, anh em nhặt được toàn cây nước đá. Bộ đội đập đá ra tắm rửa, cho vào nước uống thoải mái. Một dù nữa rất có giá trị là toàn rau tươi của Láng: cà chua, cải xanh, kinh giới, tía tô, rau riếp, mướp... Tôi quê ở Nhân Chính gần Láng nên được mấy bữa rau tươi của Láng thật là hạnh phúc, thấy còn ngon hơn tiệc sang trọng...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 10:01:06 am »


VÀO TRẬN ĐIỆN BIÊN

NGỌC BÍCH

Đơn vị chúng tôi bám sát địch ở phía bắc Điện Biên Phủ. Quả là một cứ điểm mà trong suổt chín năm qua chưa có một vị trí nào lớn như thế. Ban ngày thì xe pháo quần đảo rầm rập, đêm thì điện sáng khắp các đồn bốt, trông xa tưởng như một thành phố. Hàng ngày, thỉnh thoảng trận địa pháo Hồng Cúm lại bắn lên các vùng rừng núi mà chúng nghi ngờ, máy bay Dacota lên xuống sân bay cả ngày lẫn đêm.

Thế rồi một buổi chiều, chúng tôi được lệnh chuẩn bị tiến công. Trời vừa tối thì xuất kích. Đi độ một cây số thì xuống đến cánh đồng. Ruộng cạn, đất khô nẻ nhưng còn ẩm, đào công sự dễ dàng. Dàn trận địa xong, tất cả đã đào xong hố nằm thì lại có lệnh rút quân, cả đơn vị lại trở về nơi trú quân trước khi xuất phát. Từ đánh nhanh thắng nhanh ta đã chuyển sang hướng lâu dài.

Thế là bắt đầu phá đá mở đường để đưa pháo vào các trận địa trên sườn núi cao. Đơn vị tôi vừa làm xong một hầm pháo đầu tiên thì tôi được lệnh trở về tiểu đội cối 60. Tôi vừa ra khỏi chỗ làm việc độ bốn chục mét thì một chùm pháo rơi trúng vào chỗ trung đội đang tập hợp. 19 đồng chí đã hy sinh tại chỗ. Một hòn đá lăn vào lưng làm tôi đau ê ẩm mấy hôm mới khỏi.

Khi tất cả pháo của ta đã chiếm lĩnh xong trận địa thì bộ binh mới đào hào từ ven rừng ra cánh đồng, hướng vào các vị trí địch. Ban đêm ta đào, ngày địch ra lấp. Chúng còn gài mìn các loại vào chỗ ta đã đào. Đại đội trưởng Trứ đã hy sinh vì một quả mìn cóc địch gài.

Một hôm khác máy bay địch phóng bom đúng vào sườn đồi nơi đơn vị đóng quân. Bốn hầm trú ẩn bị vùi lấp. Trung đội 2 bị hy sinh mất tám người.

Địch thường xuyên bắn phá vào khu vực ta đào và tấn công ra cản phá. Bây giờ đào đến đâu phải bố trí giữ đến đó.

Ta bắt đầu đánh Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo. Rồi tiểu đoàn 251 của tôi được lệnh đánh A1.

A1 là một chốt quan trọng của Điện Biên nên chúng tôi cảm thấy tự hào lắm. Song đêm đánh A1 đến tận sáng hôm sau vẫn không giải quyết được. Tiểu đội trưởng của tôi chẳng biết làm sao lại đút tay vào bàn đế khẩu cối 60 để toác cả tay, không thể chiến đấu tiếp được.

Không thể không đánh thắng A1. Bộ chỉ huy chiến dịch cho đơn vị chủ công của Đại đoàn 308 vào công kích. Chúng tôi mừng lắm vì có lực lượng của đơn vị bạn về phối hợp. Suốt cả đêm hôm ấy vật lộn mà cũng không chiếm được A1. Sau mới phát hiện A1 có hầm ngần kiên cố. Công binh ta đào một đường hầm xuyên trong lòng đất vào phía dưới hầm ngầm.

Tiểu đội tôi được lệnh đưa hai khẩu cối 60 lên Đồi Cháy để bắn vào A1 và chặn địch lấn ra. Tiểu đội phó Trần Quý dẫn anh em lên chiếm lĩnh trận địa.

Chúng tôi nhận mấy nắm cơm nguội ngơ nguội ngắt, ăn với muối vừng. Tranh thủ ăn, vừa xong thì địch đã bắn cối và đại bác khắp khu vực quanh trận địa. Ăn uống xong chúng tôi trả lời bọn chúng bằng một loạt đạn cối 60. Tôi nghĩ bụng thế nào chúng mày cũng giã tao, tao phải giã chúng mày trước.

Quả là như vậy. Một tốp máy bay bỗng ào đến trút bom xối xả xuống đồi Cháy, đất cát bụi mù. Ngồi trong hầm chúng tôi cứ lắc đi lắc lại, như ngồi xe tải đi đường ổ gà, tai ù dặc.

Đợt đánh bom thứ hai trong ngày có vẻ dữ dội hơn. Tuy nhiên trận địa vẫn an toàn, chỉ có một người khóc hu hu, anh đã ta dao động trong chốc lát.

Đêm hôm ấy, tôi được đề bạt tiểu đội phó rồi rút về bổ sung cho xung kích để chống địch lấn ra phía bản Cò Mỵ.

Thời gian này dưới hào lõng bõng bùn nước. Cứ mỗi lần đi làm nhiệm vụ về phải ngồi một lúc cho bùn se lại, nứt ra mà bẻ từng miếng một cho hết. Làm gì có nước mà rửa.

Trong một trận đánh, anh Lý Văn Con - chiến sỹ thi đua, đem cơm cho anh em. Anh không may bị mảnh đại bác, chỉ còn dính tí thịt sau gáy, bị hy sinh. Tôi được lệnh dẫn tiểu đội đi chôn một số tử sĩ đã để ven rừng mấy hôm rồi. Gặp một cán bộ cấp trên đón và nói:

- Số đồng chí hy sinh phủ bạt đó, các đồng chí tiến hành đi. Gói mỗi người vào một bạt và chôn tại chỗ cho cẩn thận.

Tôi cố nén cảm giác chờn chợn, dõng dạc nói với anh em:

- Thôi làm đi, đừng sợ. Đồng chí mình chứ ai.

Vì thi thể để lâu đã nặng mùi, nhưng với nghĩa cử với đồng đội đã khuất, mọi người lặng lẽ làm xong phận sự. Không khí nặng nề bao trùm. Chúng tôi đào hố chôn chặt, đắp thành mộ rồi ra về. Lúc bấy giờ cũng chẳng biết sợ nữa vì công việc đã xong rồi. Bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy thương đồng đội, không biết trong số thi hài ấy có ai tìm thấy mà quy tụ về nghĩa trang không.

Mấy ngày sau tôi lại được đi tăng cường cho tổ bắn bia sống. Tôi là một chiến sĩ, khi bắn tập thường cũng chỉ được 24 - 25 điểm là cùng, nhưng trên đã giao nhiệm vụ thì phải chấp hành. Suốt thời gian ở tổ này chỉ nằm trong hầm bên cạnh đường hào trục, ngày vài lần thay nhau bò ra con hào cách hàng rào ở chân đồi chừng năm chục mét. Nếu thấy thằng địch nào lên khỏi công sự là bắn. Tôi có bắn vài lần, mở hai mắt nhìn cũng thấy có tên ngã lăn xuống hào nhưng không tin chắc là chúng bị chết. Vì vậy cũng chẳng báo cáo làm gì.

Đến chiều tối ngày 6 tháng 5 năm 1954, chúng tôi được lệnh rút ra xa. Anh em theo hào rút về phía bản Cò Mỵ và dừng lại ăn tối.

Không khí có vẻ tấp nập khẩn trương. Người tập trung đông dần lên. Khoảng 8 giờ tối nghe có lệnh truyền xuống - chẳng biết lệnh từ đâu và của cấp nào:

- Tất cả quay lưng về A1, há mồm ra, bịt tai lại.

Tôi đoán là khối bộc phá tấn sắp nổ. Tôi bịt tai nhưng không quay lưng lại. Nhìn về A1 thấy một cột khói to như cây đa cổ thụ bốc lên. Rồi một tiếng nổ ục, mặt đất rung chuyển. Sau đó là các cỡ súng nổ ran.

Tối khoảng hơn 1 giờ sáng ngày 7 tháng 5, tổ bắn tỉa được lệnh trở về đơn vị cũ. Về tới ven rừng thì thấy anh nuôi vẫn chuẩn bị nấu cơm. Vừa buồn ngủ, vừa quá mệt, chúng tôi nằm trong hầm của anh nuôi rồi thiếp đi. Có mấy anh em trong đơn vị về nhưng chẳng ai nỡ gọi chúng tôi dậy làm gì.

A1 đã được giải quyết xong. Địch đã đầu hàng thế mà súng vẫn nổ. Hoá ra lính ta chiếm được súng của địch, hứng lên, bắn xả láng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2023, 10:01:36 am »


*

Đơn vị đang sắp xếp lại đội ngũ thì có lệnh áp giải tù binh về xuôi. Chừng năm trăm tên Âu Phi tập hợp tại một bãi bằng phẳng. Chúng nó đang hát và vỗ nhịp vào mũ sắt, đều và hay ra phết.

Nhận bàn giao xong, ta giải đi luôn. Tính bình quân, cứ mỗi người phải trông nom mười tên. Ba bốn giờ đầu tiên, lính ta khá vất vả vì phải chạy gằn mới theo kịp chúng đi. Sau rồi chúng mệt rã rời, uể oải. Bấy giờ lính ta vốn đã quen hành quân nên vẫn khoẻ mạnh hiên ngang. Từ ngày thứ hai trở đi, bọn chúng không còn tư cách gì nữa, một lũ tàn quân lê lết, luôn phải quát tháo thúc giục. Từ đêm thứ năm, thứ sáu trở đi, khi gần tới trạm nghỉ, sáng nào cũng phải đón mấy chục thằng lệt bệt đi sau.

Về tới Chiềng Pàn, bọn tù binh định tổ chức cướp và đánh tháo cho một số trốn chạy. Nó cho máy bay trực thăng sơn ký hiệu chữ thập đỏ bay thấp sát sườn đồi chỗ có tù binh nghỉ. Thằng tây con đầm ôm nhau trông rõ mồn một. Trời ơi, muốn bắn quá. Nó là trực thăng cứu thương, lại không có lệnh nên không ai dám bắn. Nghe đâu nó thả vũ khí và điện đài xuống nhưng ta bắt được cả. Có một thằng quyết tâm lội suối trốn chạy đã bị ta bắn chết.

Lại nói đến lũ tù binh, dẫn đi đã khó, lại phải lo cho nó ăn nữa chứ. Trung đội tù binh ngụy đi theo để nấu nướng phục vụ cho bọn Tây. Nếu đi cùng thì dềnh dàng đến trưa hôm sau Tây tù cũng không có cơm ăn. Ta phải cho bọn ngụy đi từ chiều để đến địa điểm sớm lo làm sao 10 giờ hôm sau là đã có ăn rồi. Vì vậy tôi phải dẫn hơn ba chục tên tù binh ngụy đi trước, ít người, nếu có máy bay cũng dễ tránh và tổ chức ăn uống thuận lợi hơn.

Một hôm, vì chưa có kinh nghiệm, khi đi qua một đoàn dân công người dưới xuôi lên làm đường ở Sơn La, họ ném đá và chửi bọn tù binh ngụy một trận nên thân. Rút kinh nghiệm, mỗi lần gần chỗ có dân công làm đường là tôi phải đến trước, nói rõ tầm quan trọng và yêu cầu phụ trách phải chịu trách nhiệm cùng chúng tôi làm tốt việc dẫn giải tù binh. Vì vậy, từ hôm ấy đi đường được yên ổn, chỉ đôi lúc có câu chửi mỉa mai thôi.

Để giữ được an toàn, tôi phải khai thác hết chuyện tiếu lâm, lúc nghỉ ngơi kể cho chúng nghe rồi cùng cười bò ra. Tôi cho chúng cùng hút thuốc lào với mình nên tự nhiên chúng thấy quý tôi.

Đến đâu tôi cũng phải ngủ riêng, cách chúng khoảng 5 mét. Một đêm, có cái lán tốc hết mái nhưng cao ráo, tôi thấy thích ngủ ở đó. Nửa đêm trời đổ mưa, có một thằng cũng tên là Bích, quê Thái Bình, cùng một thằng nữa nhổm dậy kéo nhau ra chỗ tôi. Tôi nhìn thấy, vội nhón tay vào cò khẩu tiểu liên rồi nâng lên bụng, sẵn sàng. Hai thằng giơ cái áo mưa bạt ra, khe khẽ bước đến che nóc lán cho tôi. Xong việc, chúng quay vào lán, tôi mới nói theo:

- Cảm ơn các cậu.

- Ô, thế anh không ngủ à?

Tôi trả lời:

- Ngủ sao được.

Từ đó bọn tù binh ngụy vui vẻ với tôi, nhưng tôi vẫn phải cảnh giác.

Về đến Thanh Hoá thì đơn vị bàn giao tù binh cho đơn vị khác. Bọn tù binh ngụy tỏ ra lưu luyến. Riêng cậu Bích lại sụt sịt khóc, vẻ lo sợ:

- Không biết chúng em đến chỗ mới có được đối xử như các anh không?

Tôi động viên chúng:

- Cứ yên tâm. Bộ đội cụ Hồ ai cũng thế cả mà.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM