Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:43:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 174 anh hùng  (Đọc 4282 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2022, 07:36:56 am »

Tên sách: Trung đoàn 174 anh hùng
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: ptlinh, chuongxedap


KỶ NIỆM LẦN THỨ 50 NGÀY THÀNH LẬP
TRUNG ĐOÀN 174 CAO – BẮC – LẠNG
(19-8-1949 – 19-8-2004)

 

TRUNG ĐOÀN 174 ANH HÙNG
(HỒI ỨC CỦA CÁC BẠN CHIẾN ĐẤU)
LƯU HÀNH NỘI BỘ





NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
HÀ NỘI - 2003

 

 


LỜI NÓI ĐẦU

Theo sáng kiến của nhiều bạn chiến đấu, Ban liên lạc mở đợt vận động anh chị em viết những kĩ niệm sâu sắc về trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng Anh hùng yêu quí của chúng ta.

Được sự hưởng ứng nhiệt liệt của anh chị em với sự cố gắng của Ban biên tập, cuốn sách "Trung đoàn 174 Anh hùng" (Hồi ức cúa các bạn chiến đấu) được ra mắt các đoàn thể các đồng chí.

Trung đoàn 174 của chúng ta đã có một bề dày lịch sử 55 năm. Chúng ta là những thế hệ cán bộ và chiến sĩ có mặt từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp, từ ngày đầu thành lập Trung đoàn. Qua 55 năm chiến đấu và trưởng thành, chiến công nối tiếp chiến công, chiến công sau lớn hơn chiến công trước. Chúng ta nhớ lại và thật tự hào về những chiến công ấy với những kỉ niệm sâu sắc trong thời kì đầu - thời kì gian khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, chân đất mũ nan, súng đạn thô sơ, với khẩu hiệu "Dựa vào dân mà sống, lấy súng giặc đánh giặc". Trên cơ sở đó, cùng với toàn quân, chúng ta đi từ không đến có, từ du kích lên chính qui, từ đánh tiêu hao đến đánh tiêu diệt địch, từ đánh du kích đến đánh vận động tiến lên đánh công kiên. Trung đoàn ta đã tiến vào các chiến dịch quí mô có ý nghĩa quyết định, mở đầu bằng chiến dịch Biên giới tiến tới chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu. Chúng ta vô cùng tự hào về cuộc sống và chiến đấu trong thời kì đầu của Trung đoàn.

Chúng ta cần viết, viết về Trung đoàn, viết về đồng đội và bản thân, về những sự kiện và nhân chứng một thời chúng ta đã sống và chiến đấu ở Trung đoàn, để bổ sung cho lịch sử chính thức của Trung đoàn, viết để chúng ta nhớ lại và tự hào về truyền thống hào hùng, viết để lưu lại cho thế hệ mai sau.

Chúng ta một thời cầm súng giỏi hơn cầm bút nên nhiều đồng chí ngại viết. Nhưng thật đáng mừng, nhiều anh chị em đã viết, viết tốt, viết rất chân thật, rất tình cảm và sâu sắc, vì truyền thống của Trung đoàn, về nghĩa tình đồng đội chứ đâu phải vì "cái tôi" hay "công anh, công tôi".

Trên dưới một nửa thế kỉ đã trôi qua mà trí nhớ của chúng ta không còn tốt như trước. Vì vậy, nếu trong hồi ức có chỗ nào đó chưa thật chính xác thì chúng ta cùng sẵn lòng châm chước, thông cảm cho nhau.

Ban biên tập đã làm việc tập thể, khẩn trương, nghiêm túc trong nhiều tháng cho cuốn sách này. Việc biên tập đã gặp một khó khăn khá lớn: đó là do khuôn khổ cuốn sách có hạn, rất tiếc là đã phải lược đi một số chi tiết, một số đoạn in dấu những kỉ niệm nhiều khi rất hay, rất cảm động trong bài.

Và mặc dù Ban biên tập đã rất cố gắng nhưng vì trình độ có hạn nên chắc chắn không thể tránh khỏi thiếu sót. Rất mong các đồng chí đọc và chỉ bảo cho những chỗ khiếm khuyết để chúng ta có thể làm tốt hơn những tập tiếp theo.

Rất mong anh chị em ta tiếp tục viết, sao cho mọi bạn chiến đấu đều có bài, dù ngắn hay dài, để gắn kết hơn nữa chúng ta với Trung đoàn thân yêu của chúng ta.

Chúng ta chào đón cuốn hồi ức này như một món quà chúng ta tặng cho nhau và cho những thế hệ mai sau.

Xin rất cảm ơn các anh chị em đã đóng góp công sức, tài chính, đã giúp đỡ in ấn, xuất bản cuốn sách này.

THƯỜNG TRỰC BAN LIÊN LẠC
BẠN CHIẾN ĐẤU TRUNG ĐOÀN 174 VÀ BAN BIÊN TẬP
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2022, 07:43:08 am »


RA ĐỜI, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH
CỦA MỘT TRUNG ĐOÀN CHỦ LỰC ANH HÙNG

ĐẠI TƯỚNG CHU HUY MÂN1

Kỉ niệm 55 năm ngày thành lập trung đoàn 174 là kỷ niệm trên nửa thế kỉ hoạt động chiến đấu và trưởng thành của một trung đoàn chủ lực của Quân đội ta lúc đầu trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, sau đó là trung đoàn chủ lực nòng cốt của đại đoàn 316.

Nhân dịp này, tôi muốn nói một vài ý về bối cảnh lịch sử, về nguồn gốc và sự ra đời của trung đoàn.

Sau chiến thắng lịch sử Việt Bắc (1947), chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của quân viễn chinh Pháp thất bại, vấn đề đặt ra cho Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh ta là phải nhanh chóng hình thành khối chủ lực cơ động chiến lược, đồng thời phát huy cao độ phong trào toàn dân đánh giặc, dùng quả đấm chiến lược mạnh tiêu diệt từng bộ phận quân cơ động và chiếm đóng của địch, giải phóng đất đai, tạo nên những bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, tiến lên chủ động kết thúc chiến tranh thắng lợi.

Thực hiện chủ trương này, BTTL bắt đầu xây dựng một số trung đoàn mạnh làm nòng cốt để nhanh chóng tổ chức các đại đoàn, hợp thành khối chủ lực cơ động chiến lược của Trung ương.

Trung đoàn 174 là tập hợp của 3 tiểu đoàn mạnh nhất của 3 trung đoàn: trung đoàn 74 (Cao Bằng), trung đoàn 72 (Bắc Cạn), trung đoàn 28 (Lạng Sơn). Hầu hết cán bộ chiến sĩ trong mấy năm đầu mới thành lập là con em các dân tộc Cao - Bắc - Lạng, trình độ văn hoá còn thấp, nhưng giàu tinh thần yêu nước và cách mạng, dũng cảm chiến đấu. Khi được tập trung thành trung đoàn chủ lực thì ai nấy đều phấn khởi.

Vừa nhận được quyết định của BTTL ngày 19/8/1949 chưa kịp làm lễ thành lập, Trung đoàn đã lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt: đánh truy kích địch rút khỏi Bắc Cạn; đánh những trận phục kích lớn trên đường số 4; đánh tan 2 vạn quân Tưởng thuộc quân đoàn Bạch Sùng Hy đang tìm cách vượt qua Biên giới xuống Cao Bằng liên lạc với quân Pháp ở thị xã. Cuộc chiến đấu của E174 và bộ đội địa phương diễn ra liên tục, từ Hà Quảng sang Trà Lĩnh, địch chạy xuống Quảng Uyên - Phục Hoà hòng liên lạc với quân Pháp ở Đông Khê, nhưng Trung đoàn đã vận động nhanh hơn và kịp chặn đánh tiêu diệt địch. Một bộ phận nhỏ quân Tưởng chạy qua Biên giới thì gặp Quân giải phóng Trung Quốc nam hạ bao vây bắt sống.

Sau chiến thắng lớn này, Trung đoàn mới được tập trung tại xã Đức Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng để làm lễ thành lập. Trong buổi lễ trọng thể này có đông đủ đại diện các cơ quan lãnh đạo các cấp thuộc Cao Bằng và nhân dân địa phương. Ngay sau buổi lễ, Trung đoàn bắt tay chuẩn bị tham gia chiến dịch Biên giới. Trong chiến dịch này, Trung đoàn là đơn vị chủ công có đơn vị bạn phối hợp tiêu diệt địch trong cứ điểm Đông Khê, cắt đứt đường số 4 mở màn chiến dịch thắng lợi và tiếp tục phát triển góp phần giải phóng 2 tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn.

Ngày 1/5/1951, theo quyết định của trên, đại đoàn 316 được thành lập gồm 3 trung đoàn 174, 98 và 176, và từ đó tham gia hầu hết các chiến dịch cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trung đoàn đã chiến đấu liên tục 38 ngày đêm, lập công xuất sắc tiêu diệt cụm cứ điểm A1, trận địa then chốt của địch, góp phần tích cực vào chiến thắng Điện Biên.

Tôi nghĩ trong cuộc chiến tranh nhân dân, trên cơ sơ phát huy phong trào toàn dân đánh giặc thì lãnh đạo chiến tranh phải xây dựng và nắm chắc khối chủ lực cơ động, quả đấm chiến lược mạnh nhằm những phương hướng có lợi, tấn công tiêu diệt quân chiếm đóng và cơ động của địch thì mới tạo nên những thắng lợi quyết định có ý nghĩa chiến lược.

Từ chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta tự hào là E174 cùng các đơn vị khác của F316 đã lập công xuất sắc, trưởng thành trong chiến đấu, đã có những bước nhảy vọt qua các chiến trường trong nước và làm nhiệm vụ quốc tế. Năm 1975, trong đội hình của F316, trung đoàn 174 lại được vào chiến dịch Tây Nguyên, đã chiến thắng oanh liệt trong trận mở đầu giải phóng Buôn Ma Thuột, rồi sau đó đã góp phần xứng đáng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Các thế hệ của Trung đoàn cần học tập và rèn luyện ngay trong hoà bình, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ đất nước, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng, viết tiếp những trang sử sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp kí niệm 55 năm ngày thành lập trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng anh hùng và 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi chúc:

- Các đồng chí lãnh đạo và nhân dân 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, quê hương của Trung đoàn, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết một lòng xây dựng Tỉnh nhà giàu đẹp.

- Toàn thể các bộ chiến sĩ Trung đoàn mãi mãi vững vàng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong thời kỳ mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

- Các đồng chí cán bộ, chiến sĩ cũ của Trung đoàn đã về sống với đời thường và gia đình các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang, tuỳ theo sức mình góp phần xây dựng đất nước.
_______________________________________________
1. Nguyên Chính ủy đầu tiên Trung đoàn 174.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2022, 07:50:47 am »


174 TRUNG ĐOÀN CỦA TÔI

ĐẶNG VĂN VIỆT

Trong một buổi họp tổ Cựu chiến binh của Trung đoàn 174, đồng chí Ca Sơn, biên tập cuốn Hồi ức ra nhân ngày kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trung đoàn, dõng dạc tuyên bố: “Cuốn sách ra trong dịp lễ kỷ niệm này, không thể thiếu bài báo của anh Việt, người trung đoàn trưởng đầu tiên của trung đoàn – Đề nghị anh Việt nhớ cho - thời hạn nộp báo trước 19/8/2003”... Vậy tôi xin viết một vài lời về một vài đặc điểm của Trung đoàn ta:

Nếu Tướng De Gaulle viết về: “Sư đoàn 1, sư đoàn của tôi! (ma première division)” với tất cả niềm tự hào là người sư trưởng đầu tiên của Sư đoàn 1, là sư đoàn đại diện cho quân đội Pháp đã cùng quân đồng minh đổ bộ xuống Normanclie, rồi tham gia đuổi phát xít Đức, giải phóng nước Pháp, sau đó dự lễ hạ cờ đầu hàng của quân đội Đức trong buổi lễ diễu binh qua Khải hoàn môn, thì tôi cũng bắt chước viết: “Trung đoàn 174, trung đoàn của tôi”. Cái tên mà tôi yêu, tôi quý, mà tôi đã gắn bó một phần cuộc đời của mình.

Tôi vinh dự và may mắn là người trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn có mặt ngay từ những ngày đầu (19/8/1949) cho đến 1953, tôi được chuyển sang một đơn vị khác.

Vậy phần trách nhiệm của tôi, gắn bó với Trung đoàn 174 là thời gian tôi có mặt, lăn lộn cùng cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn trên các nẻo đường của Tổ quốc.

Tôi xin lược qua một số nét đặc trưng của Trung đoàn ta trên bước trưởng thành của lịch sử:

1) Là một trung đoàn thành lập nên bởi sự tập hợp tinh hoa của 3 trung đoàn:

e28 (Lạng Sơn) - e72 (Bắc Kạn) - e74 (Cao Bằng):

Ba con số 28 + 72 + 74 = 174

Quân số tương đương 6 tiểu đoàn, 5.500 quân.

2) Là một trong hai đơn vị chủ lực mạnh (e174 - e209) đầu tiên trực thuộc Bộ Tổng Tư Lệnh.

Thành phần phần lớn gồm con em các dân tộc miền núi - cộng với một số ít anh em miền xuôi, cùng chung sống, đoàn kết, chiến đấu dưới ngọn cờ cách mạng, tạo nên một bông hoa đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

3) Là đơn vị có mặt ở khắp các chiến trường Trung, Nam, Bắc, Lào, Miên, có một thời trên đất Trung Hoa.

4) Là đơn vị có mặt hầu hết trong các chiến dịch lớn, nhỏ.

- 7 chiến dịch trong chống Pháp

- 7 chiến dịch trong chống Mỹ (trong đó có 5 chiến dịch tại Lào, làm nhiệm vụ quốc tế).

5) Là đơn vị, vinh dự làm chủ công trong 5 trận then chốt quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ.

    1. Trận Đông Khê 2: Tiêu diệt một phân khu trong chiến dịch Biên giới 1950, góp phần quyết định trong việc giải phóng khu Việt Bắc, giải phóng vùng Biên giới Việt - Trung.

    2. Trận Mộc Châu: tiêu diệt một phân khu trong chiến dịch Tây Bắc 1952, góp phần quyết định trong việc giải phóng vùng Tây Bắc rộng lớn.

    3. Trận tiêu diệt đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ buộc De Castries phải treo cờ trắng, góp phần giải phóng 1/2 nước.

    4. Trận đánh vào Buôn Ma Thuột (1975) tiêu diệt sư 23 ngụy Sài Gòn, góp phần vào chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng cả nước.

    5. Trận bảo vệ cánh đồng Chum (1969-1970), tiêu diệt quân Mèo - Vàng Pao, góp phần bảo vệ và làm chủ cánh đồng Chum, bảo vệ chính quyền cách mạng Lào.

6) Là đơn vị vinh dự đã đánh thắng 10 trận điển hình, tiêu biểu, xứng đáng là những bài học cho việc xây dựng quân đội.

    1- Trận Bông Lau - Lũng Phầy 4 (3/9/1949) là một trận phục kích lớn tiêu diệt 96 trên 133 xe, là một điển hình về lối đánh vận động phục kích.

    2- Trận Đông Khê 1 (25/5/1950) là trận công kiên lớn nhất, cho đến bây giờ, tiêu diệt một phân khu, một cứ điểm của một tiểu đoàn Âu Phi, đánh dấu của một bước trưởng thành quân đội ta trong gian đoạn chiến đấu trong 2 vòng vây.

    3- Trận Đông Khê 2 (18/9/1950) - Mở màn cho chiến dịch Biên giới, tạo điều kiện cho thực hiện đánh điểm, diệt viện, tiêu diệt hai binh đoàn Lepage - Charton.

    4- Trận Larivet: tiêu diệt boong ke lớn nhất, chặt đứt mắt xích của phòng tuyến Đông Tây của De Lattre De Tassigny.

    5- Trận đánh vào hậu địch 3 tháng 5: Trung đoàn vào vùng địch chiến đấu không phải trong vòng vây mà trong lòng bàn tay của địch, uy hiếp đường số 5 đi Hà Nội - Hải Phòng, cùng các đơn vị diệt gần 1.000 tháp canh, 15.000 quân.

    6- Trận Mộc Châu: Một vị trí kiên cố nhất vùng Tây Bắc, mở đường vào Tây Bắc sang Lào.

    7- Trận A1: Một vị trí quan trọng, sau 38 ngày đêm bao vây và tiến công, cuối cùng tiêu diệt gọn - góp phần kết thúc thắng lợi chiến địch Điện Biên Phủ.

    8- Trận giải phóng Buôn Ma Thuột: hợp đồng binh chủng lớn, tiêu diệt một sư ngụy (23).

    9- Trận Sảm Thông - Long Chẹng (69-70): Bảo vệ cánh đồng Chum - bảo vệ chính quyền CM Lào, trận chiến đấu phòng ngự kéo dài.

    10- Trận Plây Me: tiêu diệt lữ đoàn 175 Mỹ.

Đúng là 10 trận điển hình, tiêu biểu. Theo cách nói của Sea Games 22, dành được 10 huy chương vàng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2022, 07:52:21 am »


7) Là đơn vị có bước trưởng thành rất đáng tự hào:

-   Trung đoàn được phong tặng Anh hùng.

-   Có 10 cá nhân được phong tặng anh hùng.

-   La Văn Cầu là lá cờ đầu của toàn quân.

-   Đội ngũ cán bộ trưởng thành rất lớn.

-   Hơn 20 cán bộ được phong tướng, hàng trăm cấp tá.

-   E174 là một nguồn cán bộ cung cấp cho nhiều đơn vị quân đội và chính quyền.

-   Được thưởng:

    + 8 Huân chương Quân công.

    + 1118 Huân chương Chiến công

8 ) Là đơn vị có những truyền thống vững chắc:

-   Về chiến đấu: Đã đánh là thắng (không phải 100%).

-   Huấn luyện giỏi.

-   Kỷ luật chiến trường tốt.

-   Binh - địch vận tốt.

-   Dân vận tốt: Đi dân nhớ, ở dân thương.

-   Đoàn kết trên dưới, trong ngoài một lòng.

Nhân ngày kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trung đoàn, tôi xin ghi lại một vài nét khái quát về lịch sử của Trung đoàn, đồng thời nhắc lại truyền thống của Trung đoàn.

Truyền thống ấy được xây dựng lên dựa trên sự hy sinh xương máu của hàng ngàn vạn cán bộ và chiến sĩ trải qua hàng chục năm từ thế hệ này sang thế hệ khác - Truyền thống là một chiếc thang vô hình (sờ không thấy), vô giá (có tiền không mua được), vô hạn (không phải nay muốn mà mai có) - nhưng một khi nó đã hình thành thì nó trở thành vô địch. Truyền thống của Trung đoàn ta thật là quý giá, vĩ đại, ai mà không thấy tự hào và hạnh phúc được là một cán bộ - chiến sỹ của một trung đoàn oai hùng vẻ vang, lừng lẫy như trung đoàn 174. Chúng ta hãy vun đắp cho truyền thống ấy, phát huy, phát triển mãi mãi như vun đắp cho một cây cổ thụ ngày một xanh tươi, to đẹp.

Tôi tuy ở quân đội không lâu lắm (15 năm), ngày ở Trung đoàn cũng một thời gian nhất định, nhưng những kỷ niệm sâu sắc hồi ở Trung đoàn còn lắng trong tâm tưởng, mãi mãi vẫn là những kỷ niệm đẹp của cả cuộc đời.

Hình ảnh của những chiến thắng huy hoàng trên đường số 4, Bông Lau, Lũng Phầy, Đông Khê 1 - 2, giải phóng Bình Liêu, giải phóng Lạng Sơn, tiêu diệt quân đoàn Bạch Sùng Hy, chiến thắng Mộc Châu, làm rực nóng tâm hồn của những người lính của E174, mặc cho cái rét căm căm như dao cắt của núi rừng Tây Bắc - Những ngày vào địch hậu đồng bằng Bắc bộ, quần nhau với địch suốt gần 4 tháng tưởng chừng không có ngày về, thế mà trung đoàn vẫn hoàn thành nhiệm vụ và rút ra vùng tự do, còn nguyên vẹn lại còn tăng quân số, trang bị tốt hơn. Thật là một chuyện thần thoại.

Tôi cũng không quên được những cán bộ, chiến sỹ đã cùng tôi trên khắp các chiến trường:

Nguyễn Hữu An, Lê Hoàn, Khai Tâm, Nguyễn Kha, Hoàng Phúc, Đinh Giang, Hoàng Quốc, Koshiro Iwai (Sáu Nhật)... Đ/c Thành (cần vụ) luôn bên cạnh tôi, chăm lo cho tôi từ miếng ăn, giấc ngủ.

Tôi cũng không thể quên công ơn to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính quyền, và nhân dân ở những nơi mà Trung đoàn đã đi qua, đã hết lòng đùm bọc giúp đỡ Trung đoàn hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Nay tôi đã trên 80 (85), mặc dù đã xa Trung đoàn, nhưng tôi vẫn để tâm theo dõi những bước trưởng thành của Trung đoàn. Đến nay đã là đời thứ 25 trung đoàn trưởng. Vinh dự tôi là số 1, mong sao những đồng chí trung đoàn trưởng kế tiếp vẫn tiếp tục dẫn dắt Trung đoàn tiến mãi để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong chiến đấu, cũng như trong xây dựng hoà bình.

Có người hỏi vì sao ở tuổi 85 mà trung đoàn trưởng vẫn giữ phong độ, sức khoẻ cường tráng như một trung niên, vẫn ra sân quần 3 buổi mỗi tuần, vẫn viết sách, vẫn vi vu trên chiếc Nữ Hoàng đi thăm bạn bè, người thân, thăm các chiến sỹ cũ của Trung đoàn. Để trả lời, xin ghi lại vài dòng:

Đầu óc luôn thảnh thơi / Quần vợt rồi đi bơi / Luôn vui cùng thơ phú / Còn giờ thì vi vu / Cuộc đời là hết ý / Nếu không thì hết hơi.

Mọi việc đều đi đến kết thúc, tôi sẽ kết thúc cuộc đời một cách thảnh thơi và vui đẹp.

Xin gửi đến toàn thể cán bộ chiến sỹ cũ và mới của Trung đoàn những tình cảm trìu mến nhất của tôi.

Ngày 16 tháng 8 năm 2003
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 05:50:51 pm »


NHỚ VỀ CỘI NGUỒN VÀ NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP TRUNG ĐOÀN 174

TRỊNH TRÂN

Đầu năm 1949 cục diện chiến trường chuyển biến có lợi cho ta, địch lâm vào thế bị động. Trung đoàn 74 Cao Bằng do anh Chu Huy Mân làm trung đoàn trưởng tham gia chiến dịch Cao Bắc Lạng II của Bộ nhằm quyết tâm đánh mạnh để buộc địch rút khỏi Bắc Kạn, mở rộng vùng giải phóng Việt Bắc. Trung đoàn đã chia cắt đường số 4 với những chiến công: Trận Khuổi Đăm (08/3/1939), Nà Danh (25/3/1949), đèo Lũng Phầy và uy hiếp thị xã Cao Bằng. Chiến dịch kết thúc ngày 25/4/1949. Trung đoàn nhận lệnh của Bộ Tổng Chỉ Huy, ngày 25/4/1949 đã phải vượt qua Biên giới tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, làm nhiệm vụ quốc tế, giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng mở rộng vùng giải phóng Thủy Khẩu - Long Châu - Ninh Minh - Bằng Tường và phá sự cấu kết Pháp – Tưởng uy hiếp giới Biên giới nước ta.

28/6/1949, trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ rút quân về nước. Đầu tháng 7, ban Chỉ huy Trung đoàn mở ngay Hội nghị tổng kết chiến đấu, tập huấn tài liệu “Mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật”, mở đầu mùa “Rèn cán, luyện quân” năm 1949. Cuộc tập huấn chưa xong, có điện của Bộ gọi anh Mân về nhận thỉ thị của Trung ương. Tôi đang chỉ huy đội biệt động tại thị xã Cao Bằng, được quyết định của Trung đoàn bàn giao nhiệm vụ về dự Hội nghị và về văn phòng nhận nhiệm vụ làm thư ký riêng của anh Mân. Cấp tốc lên đường, tôi được theo anh Mân trên lưng ngựa, luồn rừng về Tổng hành dinh của Bộ tại vùng chợ Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, mới được biết chủ trương của Bộ xây dựng binh đoàn chủ lực Cao Bắc Lạng. Chính vì thế tôi được vinh dự có mặt ngay từ đầu và chứng kiến các sự kiện trong những ngày lập trung đoàn 174 yêu quý của chúng ta.

Tình hình đang chuyển biến nhanh, nhiệm vụ khẩn trương, nhận chủ trương của Bộ, anh Mân trở về ngay Cao Bằng, họp trung đoàn uỷ bất thường, mở Hội nghị quân chính nhanh gọn. Cán bộ nhất trí, phấn khởi trước quyết định của Bộ, vui mừng trên bước đường quân ta đánh thắng và lớn lên, tin tưởng mau giành thắng lợi cuối cùng, nhưng không khỏi bâng khuâng lưu luyến danh hiệu Trung đoàn 74 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 3 năm đầu kháng chiến trên chiến trường Cao Bằng (1947 - 1949). Tình cảm đồng đội nay phải chia tay, mỗi người về đơn vị mới, nhiệm vụ mới. Nhưng quân lệnh như sơn, phải gấp rút làm công tác tổ chức xong trong tháng 7/1949 theo kế hoạch:

- Anh Mân, một số cán bộ chủ chốt và tiểu đoàn 73 về Binh đoàn Cao Bắc Lạng.

- Anh Dương Đại Lâm, trung đoàn phó cùng bộ phận cơ quan các đại đội độc lập hợp nhất với Tỉnh đội Cao Bằng xây dựng bộ đội địa phương.

- Một số bộ phận cán bộ do anh Bùi Đình Thuận chủ nhiệm Chính trị và anh Lê Vỹ, Phó tham mưu trưởng phụ trách, nhận nhiệm vụ tăng cường cho quân tình nguyện trên mặt trận Lào.

Công việc đang tiến hành, nhận được điện của Bộ Chỉ huy Liên khu I, vội vã chia tay anh Mân và một số cán bộ chủ chốt về Kéo Coong, huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn (Chỉ huy sở của trung đoàn 28) để họp cán bộ quán triệt về tổ chức xây dựng Binh đoàn do anh Thanh Phong Phó chỉ huy liên khu xuống chỉ đạo. Theo Quyết định của Bộ, trung đoàn 174 được thành lập ngày 19/8/1949.

- Binh đoàn Cao Bắc Lạng là danh hiệu vinh dự, nhưng lấy biệt hiệu là Trung đoàn 174 - Không đơn thuần 28 + 72 + 74 thành 174 mà có ý nghĩa Trung đoàn 174 được hội tụ tinh hoa và tốt đẹp của 3 Trung đoàn 28, 72, 74 và của nhân dân 3 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn.

- Cơ cấu trung đoàn bao gồm 4 tiểu đoàn và 6 đại đội chuyên môn kỹ thuật quân số gần 4.000. Đây là sức mạnh của một binh đoàn chủ lực. Đó là:

   1) Tiểu đoàn 73 của e74 Cao Bằng, đổi phiên hiệu là tiểu đoàn 251.

   2) Tiểu đoàn 55 của e72 Bắc Kạn, đổi phiên hiệu là tiểu đoàn 255.

   3) Tiểu đoàn 386 của e28 Lạng Sơn, đổi phiên hiệu là tiểu đoàn 249.

   4) Tiểu đoàn pháo binh của Bộ đưa về, lấy phiên hiệu là tiểu đoàn 253.

Về cán bộ Chỉ huy, khi anh Thanh Phong công bố quyết định bổ nhiệm của Bộ tổng Chỉ huy, toàn thể Hội nghị cán bộ nhiệt liệt hoan nghênh với niềm tin tưởng vào những cán bộ ưu tú, có kinh nghiệm mà Bộ đã lựa chọn, như: anh Chu Huy Mân, nguyên trung đoàn trưởng 74 làm Chính ủy, anh Đặng Văn Việt, nguyên trung đoàn trưởng 28 làm trung đoàn trưởng, anh Đoàn Trần Phong được Bộ cử về làm trung đoàn phó. Cán bộ chủ chốt các cơ quan: anh Nguyễn Văn Thước, tham mưu trưởng, anh Hoàng Tiêu Sơn, chủ nhiệm Chính trị, anh Đinh Cảnh Vân, chủ nhiệm Cung cấp.

Thật là một Hội nghị lịch sử cán bộ chủ chốt của Trung đoàn mới thành lập, hội tụ những cán bộ, đảng viên tinh hoa của 3 trung đoàn, đủ thành phần dân tộc Cao Bắc Lạng cùng những cán bộ từ trung du, đồng bằng được Bộ tăng cường, những khuôn mặt kiên nghị đã qua thử thách trong chiến đấu, nhưng cũng phảng phất di chứng của sự gian khổ thiếu thốn của bệnh sốt rét rừng. Tuy mỗi người ở mỗi đơn vị, mỗi chiến trường mới gặp nhau, nhưng mọi người tay bắt mặt mừng với tình cảm anh em một nhà, đều biểu lộ quyết tâm xây dựng trung đoàn vững mạnh, quyết chiến quyết thắng. Nhất là các tiểu đoàn trưởng Bắc Quân (d249), Nguyễn Hữu An (d251), Lê Thanh Tâm (d255), Nguyễn Kha (d pháo cối) đã từng gặp nhau, phối hợp với nhau tại chiến trận, đã ôm chầm lấy nhau hàn huyên, bàn luận sôi nổi về nhiệm vụ, về chiến công sắp tới.

Hội nghị họp chưa xong, Bộ thông báo địch có thể rút quân Bắc Kạn và một số nơi khác và lệnh cho Trung đoàn cho ngay cán bộ cấp tốc về đơn vị tranh thủ thời cơ tiêu diệt, truy kích địch, bảo vệ dân, tiếp quản nơi địch rút. Ban Chỉ huy Trung đoàn nhanh chóng kết thúc Hội nghị, xác định phương châm chiến đấu và xây dựng, xây dựng trong chiến đấu, giao nhiệm vụ cho cán bộ ngày đêm về kịp đơn vị để chỉ huy chiến đấu.

Đúng như Bộ thông báo, ngày 9 tháng 8 địch bắt đầu rút Bắc Kạn, ngày 22 tháng 8 rút Phủ Thông. Tiểu đoàn 255 đã đánh truy kích địch tại Ngân Sơn, Bằng Khẩu, địch rút hết đường số 3 vào ngày 18 tháng 8 năm 1949. Tại Cao Bằng, ngày 20 tháng 8 địch rút Quảng Uyên, Phục Hoà, tiểu đoàn 251 đã kịp thời phục kích địch tại Mã Phục và trên đường Phục Hoà rút về Đông Khê, các C độc lập đánh tiêu hao. Địch rút khỏi Nguyên Bình, Tĩnh Túc (ngày 24/8), rút khỏi Nước Hai Cao Bình ngày 30/8. Như vậy, địch đã thu hẹp khu chiếm đóng, tập trung quân phòng thủ giữ đường số 4, các vị trí trọng yếu ở thị xã Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, thị xã Lạng Sơn.

Theo lệnh của Bộ, nhân địch đang hoang mang, rút quân về đứng chưa vững, phải tranh thủ thời cơ tiêu diệt sinh lực địch, triệt tiếp tế vận chuyển của địch. Một lần nữa, Trung đoàn hoãn việc tập trung quân lên Cao Bằng để xây dựng chỉ đạo các đơn vị, chấn chỉnh tổ chức tại trận, động viên cán bộ chiến sĩ ra sức chiến đầu, lập các chiến công mở đầu để chào mừng ngày thành lập Trung đoàn. Những khó khăn trước mắt là hậu cần, chủ yếu là lương thực. Trước đây tác chiến phân tán, nay tập trung toàn Trung đoàn về đường số 4, vấn đề lương thực là nan giải, nhất là năm nay hạn hán nặng, mất mùa cả lúa ngô, lại bị địch cướp phá, dân các bản làng đang thiếu đói, bộ đội hiện nay phải ăn ngô, sắn trừ bữa. BCH Trung đoàn phân công nhau: anh Việt chỉ huy, chuẩn bị chiến trường, anh Mân cùng Trưởng ban cung cấp lên đường tìm lãnh đạo địa phương giúp giải quyết vấn đề lương thực và dân công đảm bảo chiến đấu. Đúng là “khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Anh Hồng Kỳ - Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Cao Bằng nói: Các anh cứ lo đánh, dân sẽ lo lương thực. Anh Huyền Trang - Chủ tịch Lạng Sơn quyết đoán: Các anh yên tâm, dân đói nhưng bộ đội phải no để đánh giặc. Được tiếp sức của dân, Trung đoàn liên tiếp lập chiến công ròn rã:

- Ngày 8/9/1949, đánh trận phục kích trên đèo Bông Lau - Lũng Phầy lần thứ 4, quân ta phá huỷ 96 xe quân sự, tiêu diệt 210 tên, bắt sống 23 tên lính Âu Phi, có tên quan tư chỉ huy.

- Ngày 12/9/1949, đánh trận phục kích tại Bản Nầm lần thứ 2, kết quả diệt hơn 100 tên lính Âu Phi, phá huỷ 26 xe quân sự, thu hàng trăm vũ khí mới của địch vận chuyển.

- Ngày 17/9/1949, đánh trận phục kích ở Bố Củng - Lũng Vài, lần thứ 3. Mặc dù ta bị lộ, địch cảnh giác đối phó nhưng quân ta đánh tan đoàn vận tải của địch, diệt hơn 100 tên.

Kết quả đợt tác chiến của Trung đoàn với 3 trận liên tiếp cùng một vài trận của bộ đội địa phương đã chặt đứt đường số 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, địch phải chuyển sang tiếp tế bằng đường hàng không. Tiếp theo, Trung đoàn được Bộ giao nhiệm vụ làm tổng dự bị cho Mặt trận H7 của Bộ trong kế hoạch tấn công Thất Khê. Do bị lộ, địch tăng quân, Bộ kết thúc mặt trận H7 vào cuối tháng 10/1943. Trung đoàn được Bộ đồng ý cho hành quân lên đóng quân tại huyện Hà Quảng, Hoà An tỉnh Cao Bằng để “rèn cán, luyện quân”, xây dựng Trung đoàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 05:51:24 pm »


Chưa được bao lâu, đầu tháng 12/1949, lần thứ 3 Trung đoàn phải hoãn tổ chức lễ thành lập Trung đoàn để triển khai chiến đấu theo lệnh của Bộ trước tình hình quân Tưởng bị giải phóng quân Trung Quốc tấn công xuống Hoa Nam, có ý tràn vào Biên giới nước ta, cấu kết với giặc Pháp. Ngày 18/12/1949, quân đoàn do Bạch Sùng Hi chỉ huy xâm nhập vào Cao Bằng từ ba hướng. Trung đoàn đã chiến đấu liên tục 40 ngày đêm, đánh chặn và truy kích - đánh bật quân Tưởng ra ngoài Biên giới, tiêu diệt hơn 8.000 tên, phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc bao vây và gọi hàng hơn 4.000 tên, ngăn chặn quân Pháp - Tưởng không liên lạc chi viện được cho nhau, kết thúc chiến đấu vào ngày 28/01/1950.

Trung đoàn ca khúc khải hoàn, tranh thủ thời gian ngày 02/02/1950 đã long trọng tổ chức lễ thành lập Trung đoàn tại xã Đức Long, huyện Hoà An, Cao Bằng, nằm trong khu căn cứ Lam Sơn, căn cứ bí mật của Liên tỉnh uỷ Cao Bắc Lạng, nơi làm việc của Bác Hồ thời tiền khởi nghĩa. Dù trong hoàn cảnh địch còn đóng ở thị xã Cao Bằng, đường chim bay chỉ 20km, nhưng lễ thành lập Trung đoàn đã được tổ chức chu đáo, quy mô, long trọng, có hàng ngàn nhân dân quanh vùng, đại diện Đảng, Chính quyền, Mặt trận của 3 tỉnh và các huyện của tỉnh Cao Bằng tham dự, chào mừng ngày ra đời của Binh đoàn chủ lực của quê hương Cao Bắc Lạng. Ngày lễ Trung đoàn ra đời còn là ngày mừng công thắng lợi của quân dân 3 tỉnh mở rộng vùng giải phóng, mừng những chiến công đầu của Trung đoàn, ngày hội đoàn kết quân dân, biểu dương sức mạnh đoàn kết, ý chí, quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Sau Tết Nguyên Đán năm Canh Dần, Trung đoàn chuyển quân vào các huyện Quảng Uyên, Trùng Khánh trong bối cảnh cách mạng Trung Quốc đã thành công (01/10/1949), quan hệ quốc tế được mở ra trên Biên giới Cao Bằng.

Trung đoàn được vinh dự bảo vệ Bác Hồ, thay mặt Đảng và Nhà nước ta bí mật qua Biên giới thăm Trung Quốc và Liên Xô. Qua đó, Trung đoàn 174 là đơn vị sớm được nhận viện trợ quốc tế về vũ khí, trang bị vật chất và tiếp thu kinh nghiệm chiến đấu, chiến thuật đánh vận động, đánh công kiên của Quân giải phóng Trung Quốc. Chưa được 1 năm, vượt qua khó khăn, thử thách, những ngày đầu, vừa chiến đấu vừa xây dựng, Trung đoàn có bước trưởng thành, vững vàng bước vào thời kỳ chiến đấu mới.

Từ trận đầu đánh công kiên thắng lợi, tiêu diệt chi khu Đông Khê lần thứ nhất (tháng 05/1950), rồi tham gia chiến dịch Biên giới dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ và chỉ huy của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn đã vinh dự được Bộ giao nhiệm vụ chủ công phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt chi khu Đông Khê lần thứ hai (17/9/1950). Trong trận đánh quyết định mở đầu chiến dịch, trung đoàn đã lập công xuất sắc, góp phần tích cực cho chiến dịch toàn thắng, giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn.

Đến nay Trung đoàn đã có một lịch sử vẻ vang 55 năm (19/8/1949 - 19/8/2004), có mặt trong các trận quyết định, các chiến dịch quan trọng của đoàn quân, từ chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ, từ chiến dịch Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến công nối tiếp chiến công trên khắp các chiến trường từ Việt Bắc xuống Đông Bắc, sang Tây Bắc, từ vùng núi xuống trung du, đồng bằng, đánh vào thị trấn, đô thị, từ Bắc vào Nam, và làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia. Trung đoàn 174 đã đi suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp- chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ngày nay, Trung đoàn 174 vẫn đứng trong đội hình Sư đoàn 316, Quân khu 2, trấn thủ cả vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Qua 55 năm chiến đấu và trưởng thành với nhiều thế hệ cán bộ và chiến sỹ kế tiếp nhau chiến đấu, biết bao liệt sỹ, thương binh đã hy sinh sương máu để xây dựng nên truyền thống vẻ vang, được Đảng và Nhà nước tuyên dương toàn Trung đoàn, một tiểu đoàn, một đại đội và 10 cán bộ, chiến sỹ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.

Cội nguồn sức mạnh truyền thống của Trung đoàn là sự lãnh đạo, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sự chỉ huy tài năng của Bộ Tổng chỉ huy, là sự dựa vào sức mạnh của toàn dân, toàn quân. Nhưng Trung đoàn 174 còn có cội nguồn đặc trưng mà hiếm đơn vị nào có được: Đó là Trung đoàn đã được sinh ra tại căn cứ cách mạng Cao Bắc Lạng được Bác Hồ kính yêu sau 30 năm bôn ba khắp thế giới đã về nước trực tiếp xây dựng, đồng thời là nơi ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trung đoàn 174 sinh ra và lớn lên với sự chăm sóc, nuôi dưỡng và kế thừa truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc Cao Bắc Lạng, kế thừa truyền thống chiến đấu “ra quân đánh thắng” của các chi đội giải phóng quân, hội tụ tinh hoa của 3 trung đoàn đã trải qua 3 năm đầu kháng chiến trên chiến trường Cao Bắc Lạng. Sức mạnh truyền thống trên đã được phát huy bởi tình đoàn kết gắn bó ruột thịt giữa cán bộ, chiến sỹ các dân tộc và được nhân lên và phát triển qua mỗi chiến trường, qua mỗi thời kỳ, được tiếp sức, bổ sung liên tục bởi các cán bộ, chiến sỹ ưu tú của toàn quân, của cả nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 05:53:57 pm »


CHIẾN ĐẤU TRONG ĐỘI NGŨ TRUNG ĐOÀN 28 (LẠNG SƠN)
(trích Hồi kí)

PHẠM NGỌC XƯƠNG

... Đoàn kết và chiến đấu là chìa khoá của mọi thắng lợi. Tôi vẫn còn nhớ tới cán bộ chiến sĩ đại đội trợ chiến 318 - các ông CTV Tráng Sỹ, Lê Ngọc Cừ, cán bộ quản trị đại đội Hồ Quang Dần, các cán bộ trung đội, ông Thường, Hoàng Long, và chiến sĩ liên lạc - ông Sửu (quê Thất Khê) và các chiến sỹ 12 ly 7 và cối 81 ly v.v... trong đại đội trợ chiến 318.

Các đơn vị bạn 385 + 316 + 317, các ông Đinh Giang, Lê Hoàn, Hùng Quốc, Bế Chu Lang, Đinh Như Thành, Đoàn Độ, Phạm Như Lai và ông Sáu Nhật (chạy sang với Việt Minh tại Lạng Sơn năm 1945...) v.v...

Một chiến tích xuất sắc ghi nhớ trong chiến dịch Thu Đông 1947, trận phục kích Bông Lau - Lũng Phầy (30/10/1947) một trận đánh vang dội, tiêu biểu, trận thắng lớn đạt hiệu suất cao nhất khi bước vào chiến dịch Thu Đông Việt Bắc 1947 kể từ ngày mở đầu kháng chiến toàn quốc tới ngày đó, do ông Đoàn Thế Hùng tham mưu trưởng trung đoàn 28 trực tiếp chỉ huy. Cũng là lần đầu gặp anh Sáu Nhật trinh sát chọn trận địa và phác họa đánh phục kích ngay trên trận địa. Tiểu đoàn 249 mang danh hiệu "Tiểu đoàn Bông Lau" sau chiến thắng.

Năm 1948, Bộ Tổng Chỉ huy ra lệnh khu 1 và khu 12 hợp thành liên khu Việt Bắc. Bộ Tư Lệnh gồm: Chu Văn Tấn, Lê Quảng Ba và Lê Hiến Mai (chính ủy).

Tăng cường công tác lãnh đạo, đồng chí Hà Kế Tấn được Bộ Tư Lệnh Liên khu Việt Bắc điều về làm trung đoàn trưởng trung đoàn 28 Lạng Sơn.

Mặt trận Lạng Sơn liên tục đánh địch. Trung đoàn 28 phối hợp với các lực lượng tăng cường của Bộ Tư lệnh Liên khu Việt Bắc và của cả Bộ Tổng chỉ huy tổ chức những trận phục kích, tập kích các đồn địch trên đường số 4 từ Thất Khê xuống Na Sầm - Đồng Đăng, chặn đánh địch đi càn...

Trong những năm 1948, trung đoàn 28 Lạng Sơn giao nhiệm vụ cho các cán bộ Võ bị Lục Quân (gồm các anh Huy Thi, Lưu Bằng, Vũ Ngọc Am, Ngọc Xương) và anh Sáu Nhật mở lớp huấn luyện cơ bản cho cán bộ cấp tiểu đội và trung đội trong khóa học 2 tháng (3 - 4/1948) để về huấn luyện lại chiến sỹ trong các môn cá nhân chiến đấu, xạ kích, ném lựu đạn và cá nhân chiến đấu trong đội hình chiến đấu tiểu đội và trung đội tại Ba Xã.

Đại đội trợ chiến 318 do đại đội phó Phạm Ngọc Xương chỉ huy là đơn vị hỏa lực trực tiếp của trung đoàn Lạng Sơn được tham dự nhiều trận đánh cùng các đơn vị bạn trong tiểu đoàn 249 (ông Bắc Quân tiểu đoàn trưởng, ông Đắc Hanh chính trị viên) trên đường số 4 và với các đại đội độc lập ở các hướng quan trọng của huyện Điềm He (Đồng Đăng), huyện Thất Khê và Thoát Lãng (Na Sầm), hành quân tác chiến trên khắp chiến trường Lạng Sơn (đường số 4 và số 1).

Năm 1949, quân Pháp lấy Bắc Bộ làm chiến trường chính, Cao Bằng - Lạng Sơn nằm trong tuyến phòng thủ Biên giới của quân Pháp; xây dựng quân ngụy làm nhiệm vụ chiếm đóng, lực lượng Âu Phi cơ động càn quét và mở rộng bằng nhiều cuộc tiến công lớn trong kế hoạch Revers.

Về phía ta, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 (14-18/1/1949) từ sự phát triển chiến tranh du kích 1948, nhận định so sánh lực lượng Ta và Địch đang thay đổi có lợi cho ta. Thuận lợi mới là Giải Phóng quân Trung Quốc đã tấn công Hoa Nam sẽ tiến sát Biên giới Việt Nam. Hồ Chủ Tịch nêu rõ: "Kháng chiến trên hết, quân sự trên hết, tất cả phục vụ kháng chiến thắng lợi".

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ và của Liên khu Việt Bắc mở ra 2 chiến dịch ở Cao Bắc Lạng và Đông Bắc vùng Duyên Hải. Từ tháng 3-5/1949 Cao Bằng - Lạng Sơn ở hướng chính có nhiệm vụ làm tê liệt đường giao thông số 4, triệt tiếp tế của địch trên toàn bộ phía Bắc và Đông Bắc, tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã ngụy binh, buộc chúng phải rút khỏi Bắc Cạn.

Đại đội trợ chiến của tôi chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 28 (Lạng Sơn) cùng du kích địa phương đánh phá các đồn Bông Lau. Tiểu khu Thất Khê và Na Sầm bị kiềm chế mạnh và đột nhập đánh phá.

Đợt 2 chiến dịch mở ra bằng trận phục kích lớn ngày 24/5/1949 trên quãng đường địa hình hiểm trở giữa đồn Bông Lau và đồn Lũng Phầy. Lực lượng phục kích của ta có 3 tiểu đoàn: tiểu đoàn 23 (của Bộ), tiểu đoàn 251 (Cao Bằng) do đồng chí Nguyễn Hữu An chỉ huy, tiểu đoàn 249 (Lạng Sơn) do đồng chí Bắc Quân chỉ huy, đại đội trợ chiến 318 được tiểu đoàn 249 giao nhiệm vụ khóa đuôi và bố trí phòng không. Còn đơn vị chặn đầu là tiểu đoàn 23. Đoàn xe 114 chiếc cả cơ giới và thiết giáp cùng 500 Âu Phi rơi vào bẫy của ta. Trận đánh quyết liệt hơn cả trận 30/10/1947. Chỉ huy chung trận đánh do trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt bài binh bố trận chặt chẽ. Các đơn vị đều lập công. Tiểu đoàn 251 (Cao Bằng) lập công xuất sắc được tặng danh hiệu "tiểu đoàn Lũng Phầy". Chiến dịch kết thúc thắng lợi.

Ngày 3/8/1949, Bắc Cạn là tỉnh đầu tiên ở Việt Bắc được giải phóng hoàn toàn, đã tạo nên một hình thái mới trên chiến trường Việt Bắc.

Nhận định của Hội nghị Trung ương lần 6: Ta càng đánh càng mạnh, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi có lợi cho ta. Từ chủ động chiến dịch đến chủ động chiến lược bộ phận. Đặc biệt, nhấn mạnh việc xây dựng bộ đội chủ lực phải coi là trung tâm công tác.

Theo chỉ thị của Bộ quyết định chọn trong các trung đoàn 74 (Cao Bằng), 72 (Bắc Cạn), 28 (Lạng Sơn) lấy 3 tiểu đoàn mạnh thành lập trung đoàn 174 (Cao Bắc Lạng).

Như vậy, ngày 19/8/1949, trung đoàn 174 được quyết định thành lập và là đơn vị chủ lực đầu tiên của Bộ Tổng chỉ huy. Trung đoàn 209 và đại đoàn 308 cũng là những đơn vị chủ lực của Bộ có nhiệm vụ vẻ vang đi tiên phong trên con đường vận động chiến.

Ngày 19/8/1949 Bộ quyết định thành lập Trung đoàn 174.

Nói riêng, tiểu đoàn 386 của trung đoàn 28 Lạng Sơn đổi danh hiệu thành 249 khi thành lập trung đoàn 174 là tiểu đoàn tham gia đánh quân Pháp từ ngày địch gây hấn ở Lạng Sơn (11/1946), đánh trận nối tiếng ở đèo Bông Lau (30/10/1947). Sau đó liên tục hoàn thành nhiệm vụ diệt địch trên đường số 4 (đánh phục kích táo bạo) và nhiều trận đánh đồn bốt kể cả chi khu Đông Khê, Thất Khê, và Na Sầm. Cán bộ chỉ huy là các ông Lý Thế Kim, ông Bắc Quân, phó là ông Duy Thiện, Nguyễn Văn Khiếu, chính trị viên Nguyễn Đắc Hanh v.v... qua từng thời kỳ.

Đội ngũ cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 174 hầu hết là con em các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... Số anh em dân tộc Kinh cũng có, nhưng tỷ lệ nhỏ hơn, trong đó là mấy anh em Võ bị Lục quân chúng tôi và những anh em làm chuyên môn văn thư và chỉ huy các đơn vị thông tin, công binh, trinh sát v.v... Anh em người Kinh hòa mình nhanh chóng với anh em các dân tộc gan góc dũng cảm. Tất cả đều gắn bó đoàn kết với nhau.

Ngày 19/8/1949, cũng là ngày tôi được chính thức công nhận chức đại đội trưởng đại đội trợ chiến trong số các đại độc trực thuộc... Tôi kiên trì liên tiếp chiến đấu và có tình cảm sâu sắc với trung đoàn Lạng Sơn, cố gắng làm tròn nhiệm vụ đã giao; lại càng thấm thía bài học "Cầm quân" mà tướng Nguyễn Sơn đã giáo dục đào tạo chúng tôi ở trường Lục quân Quảng Ngãi năm 1946.

Viết xong 16/8/2003
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2022, 04:31:04 pm »


BÁC HỒ ĐÃ THEO DÕI CHỈ ĐẠO TRẬN ĐÁNH MỞ MÀN CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI
(16/9 - 14/10/1950)

(Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công)

NGUYỄN VĂN KHIẾU1

Tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới trên hướng Cao Bằng - Lạng Sơn lấy mật danh là Lê Hồng Phong 2.

Ngày 7/7/1950, Bộ Tổng chỉ huy quyết định mở chiến dịch "Cao Bắc Lạng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, kiêm chính ủy.

Mặc dù bận nhiều công việc hệ trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần phải có mặt trong chiến dịch lớn đầu tiên.

Tuần đầu tháng 8/1950, từ căn cứ địa, Bác đến Lam Sơn (Cao Bằng) làm việc với Tỉnh ủy, rồi sang Quảng Uyên tới làng Tả Phầy Tử (nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch) làm việc với Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Tại đây, vấn đề đánh Cao Bằng trước, hay đánh Đông Khê trước đã được đưa ra thảo luận ở Hội nghị Đảng ủy Mặt trận ngày 16/8/1950. Đảng ủy nhất trí hoàn toàn với ý kiến của đồng chí bí thư là:

Đánh vào Cao Bằng trước chưa bảo đảm chắc thắng. Nên đánh vào Đông Khê trước, chiếm lấy cứ điểm, kéo viện binh ở Lạng Sơn lên, buộc chúng phải chui vào thế trận bày sẵn của ta để tiêu diệt.

Mục đích của chiến dịch phải lấy việc tiêu diệt sinh lực địch làm chính. Nếu tiêu diệt được nhiều sinh lực địch thì dù không đánh vào cứ điểm chính ta vẫn giải phóng được tỉnh Cao Bằng.

Phương án đánh Đông Khê trước được đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận báo cáo trực tiếp với Bác.

Nghe xong, Người chưa phát biểu ngay mà còn hỏi lại một số cán bộ trong Bộ Chỉ huy và Cơ quan Mặt trận. Sau đó, Bác phát biểu phân tích đại ý:

"Bác đồng ý với phương án đánh Đông Khê trước. Phương án này có nhiều cái hay. Ta đánh vào Đông Khê trước là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng đây lại là điểm xung yếu trong hệ thống phòng thủ Biên giới của giặc. Cứ điểm Đông Khê bị diệt, địch khác nào như con thú què cẳng, nhất định phải lồng lộn lên phản ứng, tìm mọi cách chiếm lại để giữ Cao Bằng hoặc đón quân Cao Bằng rút về. Ta sẽ giấu quân ở những nơi do ta lựa chọn, bủa lưới thép săn thú vào tròng.

Quân viện của địch ta sẽ diệt được, lúc ấy ta muốn chiếm Cao Bằng không khó lắm. Nếu chúng lại tự rút bỏ Cao Bằng, càng tốt cho ta đánh địch trong vận động".

Cán bộ được dự hôm ấy chăm chú nghe Bác như nuốt lấy từng lời, từng ý của Người.

6 giờ sáng ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng đánh Đông Khê mở màn chiến dịch. Trung đoàn 174 vinh dự được nhận nhiệm vụ chủ công đánh từ phía bắc xuống. Trung đoàn 209 là mũi diện đánh từ hướng nam lên. Trung đoàn 36 là lực lượng dự bị và đánh quân nhảy dù xuống cứu viện Đông Khê.

Theo yêu cầu của Bác muốn được theo dõi trực tiếp trận đánh mở màn, Bác được bố trí lên đài quan sát của chiến dịch ở đông bắc thị trấn Đông Khê. Đứng trên ngọn núi, Bác trực tiếp quan sát bằng ống nhòm có bội số lớn - Bác chăm chú nhìn xuống cứ điểm giặc - vừa đối chiếu với bản đồ tham mưu vừa nhìn vào sơ đồ trận đánh, vừa nghe một cán bộ của Bộ Chỉ huy báo cáo tình hình.

Máy bay địch gầm rít bỏ bom, bắn phá các khu vực ngoại vi cứ điểm Đông Khê, có lúc xà thấp hơn cả ngọn núi Bác đang đứng quan sát.

Việc Bác Hồ ra mặt trận, lại trực tiếp theo dõi trận mở màn chiến dịch Biên giới càng làm cho mọi người thấy ý nghĩa quan trọng của chiến dịch.

Bác đi chiến dịch vẫn ung dung, thư thái, vẫn chan chứa chất thơ trong tâm hồn và cũng không có lời động viên nào mạnh mẽ bằng cảnh tượng Bác Hồ

"Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi ấp, vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy".
_________________________________________
1. Nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 174 trong chiến dịch Biên giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2022, 04:33:01 pm »


*

Ta nổ súng tiến công lúc 6 giờ. Mũi chủ công, trung đoàn 174, đến 9 giờ sáng chiếm được yên ngựa Cạm Phày, 10 giờ chiếm được Phia Khóa. Nhưng khi tiến công vào Đồn to lại phải vượt qua bãi trống, nên bị hỏa lực địch chặn lại gặp nhiều khó khăn. Ba lần tổ chức tấn công không thành công vì qua đột phá khẩu gặp phải địa hình bằng phẳng (Sau trận Đông Khê I 25/5 chúng sửa chữa, san ủi phẳng lì) tập trung các loại hỏa lực vào đó, nên tiểu đoàn 251 chủ công bị thương vong nặng, không tiến lên được.

Ở mũi diện, trung đoàn 209 có bộ phận đi lạc nên không kịp hiệp đồng chiến đấu. Khi trung đoàn nổ súng tiến công phát triển thuận lợi, nhưng sau đó cũng bị chặn lại. Sau một ngày đêm chiến đấu quyết liệt, ta vẫn chưa chiếm được Đồn to. Địch bị thiệt hại nặng, nhưng ta cũng có nhiều thương vong.

Qua quan sát và được báo cáo của đồng chí Hoàng Văn Thái, người chỉ huy trận đánh, Bác đồng ý với Bộ Chỉ huy cho đơn vị tạm lui ra ngoài Đồn to, chấn chỉnh lại đội hình, củng cố thêm quyết tâm. Người chỉ thị: Dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục, đánh cho kỳ thắng trận đầu.

Cả ngày 17/9, theo chỉ thị của Mặt trận, quân ta chấn chỉnh lại bộ đội, đơn vị 174 chuyển hướng đột phá sang hướng đông bắc, bố trí lại hiệp đồng giữa pháo cối để chế áp có hiệu quả pháo binh địch.

Cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu thư của Bác gửi ngày 9/9/1950, gửi đồng bào Cao Bắc Lạng. Nội dung thư:

"Hỡi đồng bào Cao Bắc Lạng yêu quý, quân ta mở chiến dịch Cao Bắc Lạng. Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao Bắc Lạng và cho cả toàn quốc. Hỡi các chiến sĩ yêu quý, chiến dịch Cao Bắc Lạng rất quan trọng, chúng ta quyết đánh thắng trận này".

Được thư Bác động viên, tinh thần cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều quyết tâm, dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh thắng trận đầu.

17 giờ ngày 17/9, ta đồng loạt nổ súng mở đợt tấn công mới vào Đồn to (trung tâm Đông Khê). Ta nhanh chóng chiếm được nhiều vị trí trong thị trấn (Phủ Thiên, nhà thương, khu phố), nhưng khi tấn công vào Đồn to thì vấp phải sự kháng cự liệt quyết của địch. Ta phải chiến đấu chiếm từng đoạn giao thông hào có nắp, từng ngách hầm hào, từng lô cốt mới được củng cố thêm, chiến đấu diệt từng hỏa điểm bí mật của địch.

Cuộc chiến đấu giằng co kéo dài. Xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm: 3 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2 liệt sĩ) tiêu biểu cho lá cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước.

Đến 4 giờ sáng ngày 18/9, đơn vị 174 thọc sâu được vào Sở chỉ huy Đồn to phối hợp với các mũi tiến công của trung đoàn 209 đánh chiếm toàn bộ Đồn to và thị trấn Đông Khê. Tên đồn trưởng Aliúc cùng một số sĩ quan Pháp định vượt rào chạy ra phía đông nam nhưng bị ta bắt.

10 giờ sáng, trận Đông Khê kết thúc thắng lợi. Ta tiêu diệt và bắt sống 500 tên địch, bắn rơi một máy bay chiến đấu, thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng.

Trung đoàn 174 và trung đoàn 209 đã hoàn thành nhiệm vụ đánh thắng trận đầu, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển thuận lợi.


*

Sau chiến thắng Đông Khê, Bác Hồ đi thăm thương binh. Tới bệnh viện đã chiến, vốn dễ xúc động, Bác đã phải cố nén lòng để an ủi động viên các chiến sĩ bị thương an tâm điều trị chóng trở lại tham gia chiến đấu. Tuy vậy, có lúc Người không sao cầm được nước mắt khi thăm thương binh nặng. Phần chiến lợi phẩm thu được gửi lên tặng Bác, Bác chỉ để lại một ít, còn chia cho các đồng chí cảnh vệ và biếu nhân dân địa phương gần nơi Bác ở, còn phần lớn Bác bảo mang cho anh em thương binh ở bệnh viện dã chiến.

Theo lời kể của anh Cao Pha (trưởng ban Quân báo chiến dịch Biên giới 1950), một hôm Bác đến chỉ huy sở gọi anh và bảo đưa Bác đi gặp tù binh. Anh lúng túng, không biết làm thế nào để giữ bí mật, sợ tù binh nhận ra Bác, thì Bác đã chỉ thị cho bác sĩ đem thuốc đỏ và bông, băng râu Bác lại y như một chiến sĩ bị thương. Thật là tuyệt diệu. Anh cho người chạy ra báo cho đồng chí Nghiêm Xuân Hiếu, cán bộ quân báo đang hỏi cung ở trại, chuẩn bị gấp cho cán bộ cấp trên đến gặp tù binh.

Anh Cao Pha đưa Bác đến trạm. Ba sĩ quan tù binh (một đại uý đồn trưởng Đông Khê và hai trung úy) đứng dậy khi thấy Bác vào. Bác nói ngay:

- Tôi tự giới thiệu là Việt kiều ở Pháp đã tham gia cuộc chiến tranh 1914-1918 cùng nhân dân Pháp chống Đức. Nghe theo lời kêu gọi của Chính phủ Hồ Chí Minh, tôi về cùng đồng bào tôi kháng chiến. Các anh đến đây để làm gì? Tên đồn trưởng trả lời1:

- Chúng tôi đến đây theo lệnh cấp trên.

- Các anh đều là những kẻ "thực dân". Nhân dân Việt Nam chống đế quốc Pháp xâm lược để bảo vệ Tổ quốc mình cũng như nhân dân Pháp chống phát xít Đức trước đây. Bây giờ các anh đã bị bắt làm tù binh. Các anh phải tuân theo những quy định của trại. Sau này, nếu các anh có thái độ tốt thì tôi sẽ nghiên cứu cho các anh hồi hương. Các anh có ý kiến gì thì gửi lên tôi theo địa chỉ này "Nguyễn Thắng - Cố vấn chính trị mặt trận".

Lần đầu tiên, anh Cao Pha được nghe Bác nói tiếng Pháp, hay quá, rất chuẩn. Ba tên tù binh mở mắt to ngạc nhiên.

Trên đường về, Bác cho biết hôm trước Bác gặp một toán tù binh được giải về trại. Thấy có một tù binh bị thương áo bị rách, Bác đã cho cái áo...

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua. Hình ảnh Bác Hồ ra mặt trận (đi chiến dịch) dự trận đánh mở màn vẫn đọng lại trong lòng cán bộ chiến sĩ thời chống Pháp được tham gia chiến dịch lớn đầu tiên, chiến dịch Biên giới (16/9 - 14/10/1950).

Nó là hình ảnh tiêu biểu của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Cả lãnh tụ và nhân dân gắn bó chan hòa làm một với người chiến sĩ ngoài mặt trận.

Hình ảnh độc đáo này chỉ có thể tìm thấy trong chiến tranh cách mạng Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trận mở màn có Bác Hồ theo dõi chỉ đạo có hai tình tiết đặc sắc và lý thú:

1. Ngày 16/9, ta nổ súng đánh Đông Khê thì cũng là ngày Các-păng-chi-ê, tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương ký lệnh rút khỏi Cao Bằng. Trận Đông Khê thắng lợi tạo điều kiện cho đại đoàn 308, trung đoàn 209 bao vây tiêu diệt hai binh đoàn Lepage và Charton ở Khâu Luông - Cốc Xá, buộc địch phải rút chạy từ Thất Khê về Lạng Sơn và bỏ cả Lạng Sơn (khi chưa có lệnh), Lộc Bình - Đình Lập chạy về tận thị xã Bắc Giang.

Một giải biên cương miền bắc nước ta sạch bóng quân thù (trừ Lai Châu và Tiên Yên - Móng Cái).

Hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hoàn toàn được giải phóng. Cửa ngõ ra quốc tế được mở toang, nối liền Việt Nam kháng chiến với hậu phương bao la là các nước anh em xã hội chủ nghĩa (cũ).

2. Trận Đông Khê 2 còn tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Trong một trận đánh mà có tới ba anh hùng lực lượng vũ trang được tuyên dương:

Lý Văn Mưu (liệt sĩ 174) bị thương lảo đảo ngã gục xuống vẫn gượng dậy cố trườn lên đưa quả bộc phá tới lỗ châu mai. Lô cốt giặc sụp đổ. Mưu cũng hy sinh.

Trần Cừ (liệt sĩ 209), đại đội trưởng, bị thương đã nén đau, nhảy lên ném thủ pháo cuối cùng vào lỗ châu mai và dùng cả thân mình bịt hỏa điểm địch làm cho nó câm họng (Đây là anh hùng bịt lỗ châu mai Việt Nam).

La Văn Cầu (174 hiện còn sống) bị bắn gãy tay phải, quay lại yêu cầu đồng đội chặt đứt cho đỡ vướng, rồi ôm bộc phá lao lên phá tan lô cốt mở đường cho đơn vị xung phong an toàn.

Trận đánh này là một trận đánh tiêu biểu về nhiều mặt, có giá trị nghiên cứu về chiến thuật và chiến dịch cao, một trận đánh hiếm có (được lãnh tụ Đảng, Chủ tịch nước quan sát chỉ đạo), có nhiều gương sáng hy sinh biểu hiện khí phách anh hùng, lại mang tính sử thi đậm nét. Mong các nhà khoa học lịch sử nghiên cứu sâu thêm để có những tài liệu học tập tham khảo cho các thế hệ sau.
_________________________________________
1. Aliúc đồn trưởng Đông Khê bị bắt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2022, 04:41:23 pm »


CẢM XÚC VÀ KỶ NIỆM CỦA TÔI VỚI TRUNG ĐOÀN 174 CAO BẮC LẠNG

NGUYỄN VĂN KHIẾU

Tôi về trung đoàn 28 (Lạng Sơn) từ 3/1949 làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn chủ lực tỉnh (phiên hiệu 386, sau đổi thành 249). Từ 19/8/1949, tiểu đoàn được điều về thành lập Trung đoàn 174 (Cao Bắc Lạng), trung đoàn chủ lực mạnh đầu tiên trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy.

Nghiễm nhiên, tôi được là một thành viên đầu tiên của trung đoàn Cao Bắc Lạng.

Thời gian chiến đấu trong đội hình trung đoàn tương đối ngắn (3 năm là cán bộ phó: 19/8/1949 đến 10/1951; 2 năm là tham mưu phó trung đoàn: 1/1951 đến 3/1952).

Tôi là cán bộ cơ quan (trợ lý các chiến liên khu I) được ra đơn vị chiến đấu để học hỏi trưởng thành. Ngay năm đầu khi trung đoàn mới thành lập ra quân đã có nhiều trận thắng liên tiếp. Thật là may mắn và hạnh phúc cho bản thân có dịp được rèn luyện trong chiến đấu.

1. Tôi rất tự hào được chiến đấu dưới lá cờ của Trung doàn Cao Bắc Lạng

Một trung đoàn mới thành lập được 15 ngày:

Ra quân trận đầu thắng lợi ròn rã bằng một trận phục kích tiêu diệt 96 xe/trong 130 chiếc xe địch - diệt và bắt 217 lính Âu Phi, bắt 23 trong đó có tên quan tư Đuymêgliô, thu trên 100 súng, 5000 lít xăng dầu.

Đó là trận Bông Lau - Lũng Phầy lần 4 được Bộ công nhận là 1 trong 3 trận phục kích lớn tiêu diệt xuất sắc của toàn quân trong kháng chiến chống Pháp1 .

- Liên tiếp trong 1 tháng từ 3/9 - 2/10/1949 bằng 3 trận phục kích (Bông Lau - Lũng Phầy 3/9 + Bản Nầm 15/9/1949 - Bố Củng - Lũng Vài 2/10/1949) đã chặt đứt hẳn con đường số 4 từ Na Sầm lên Cao Bằng - Địch không dám đi đường bộ mà phải tiếp tế bằng đường không.

- Từ 18/12/1950, trung đoàn chặn đánh chừng hơn 1 vạn tên tàn quân Tưởng thuộc các sư 19 và 119 tràn vào Sóc Giang (Hà Quảng) diệt 5000 tên. Sau đó, trung đoàn liên lạc được với giải phóng quân Trung Quốc - Hai bên bủa vây buộc 4000 tên địch khác phải hạ vũ khí đầu hàng.

Chiến thắng tàn quân Tưởng đã góp phần khai thông Biên giới, vun trồng tình đoàn kết giữa quân đội 2 nước Việt Trung, giáng một đòn mạnh vào tinh thần quân Pháp vốn đã hoang mang - nay lại càng thêm rệu rã.

- Mười tháng sau khi thành lập, trung đoàn 174 tiêu diệt Đông Khê ngày 25/5/1950. Trận đánh kéo dài từ 6 giờ sáng 25/5 đến 3 giờ 26/5. Ta diệt và bắt sống 400 tên địch, phá 3 khẩu 75 ly, thu 2 khẩu 105 ly. Ta hy sinh 50, bị thương 80.

Ngày 30/5 trung đoàn nhận được điện khen của Bộ: "Trận Đông Khê là một trận tiêu diệt lớn nhất từ đầu 1950 đến giờ. Nó chứng tỏ một lần nữa tinh thần anh dũng của cán bộ đường số 4".

Trong lịch sử QĐNDVN, trận Đông Khê I được đánh giá:

"Đây là một trận đánh công sự vững chắc lớn cấp trung đoàn có hiệp đồng bộ pháo, đồng thời là trận tiêu diệt xuất sắc của bộ đội ta lúc này".

Trận đánh Đông Khê lần I có khuyết điểm là làm mất yếu tố bất ngờ về chiến dịch (vì Đông Khê nằm trong dự kiến của Bộ khi mở chiến dịch Biên giới 9/1950).

Nhưng mặt khác, trận đánh Đông Khê I cũng giúp Bộ khẳng định được 2 vấn đề trước khi mở chiến dịch Biên giới. Đó là:

a. Một trung đoàn bộ binh được pháo binh chi viện, có cách đánh thích hợp, được chuẩn bị chu đáo, hoàn toàn có khả năng tiêu diệt được vị trí kiên cố do một tiểu đoàn địch đóng giữ.

b. Bộ đánh giá được đúng và chính xác vị trí Đông Khê.

Đông Khê là điểm xung yếu trong hệ thống Biên giới của giặc. Cứ điểm Đông Khê bị diệt, địch khác nào như con thú bị què cẳng, nhất định phải lồng lộn lên phản ứng, tìm mọi cách chiếm lại để giữ Cao Bằng hoặc đón quân Cao Bằng rút về. Ta sẽ dàn quân ở những nơi do ta lựa chọn, bủa lưới thép săn thú vào tròng.

Chiến dịch Biên giới mở màn bằng trận Đông Khê II ngày 16/9/1950 diễn ra đúng như vậy.

Tôi năm nay đã 78 tuổi, quỹ thời gian ở lại để được dự kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Trung đoàn chẳng còn. Vì vậy, nhân dịp được dự kỉ niệm 55 ngày truyền thống, tôi xin cảm ơn trung đoàn CBL đã cho tôi có dịp được trả nghĩa Bác Hồ, được có mòn quà tình nghĩa tặng thầy hiệu trưởng Hoàng Đạo Thúy, thầy hiệu trưởng đầu tiên trong đời binh nghiệp của tôi, và cho tôi có cơ hội được về chiến đấu ở vùng Kinh Bắc quê tôi.

55 năm đã qua đi. Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của trung đoàn Cao Bắc Lạng, nhắc lại chuyện năm đầu ra quân thắng lợi tôi vẫn còn thấy tự hào. Thật hiếm có trung đoàn nào có thành tích tương tự.
__________________________________________
1. 3 trận phục kích tiêu diệt xuất sắc:
- Trận La Ngà 7/3/1948 trung đoàn 310 (Nam Bộ).
- Trận Bông Lau - Lũng Phày 3/9/1949 trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng.
- Trận GM100 26/6/1954 An Khê trung đoàn 16 (Khu 5).

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM