Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:56:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 20  (Đọc 2006 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #70 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:44:01 pm »

CÁNH CHIM KHÔNG MỎI


TUYẾT MAI
(Đài PT-TH Hái Phòng)


Ông Ngô Đăng Lợi sinh năm 1932 tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Dải đất Tú - Đại - Đoàn (Tú Sơn, Đại Hợp, Đoàn Xá) là một vùng quê thuần nông nghèo khó, cách một dòng sông bên kia là quê Mạc Đăng Dung. Ông thường lấy bút danh là Hải Đoan (người làng Đoan, Hải Phòng) hay Đoan Nhân (người làng Đoan). Tuy nghèo nhưng Tú - Đại - Đoàn lại có truyền thống hiếu học. Tuy không có ai đỗ cao, làm quan to nhưng cũng có hàng chục người đỗ tiến sĩ Hán học. Thời Nho học cuối cùng vẫn còn có người đỗ cử nhân, tú tài. Dòng họ Ngô Đăng là dòng họ lớn, có nền nếp gia phong, uy tín trong vùng. Hai cụ thân sinh ra ông làm ruộng nhưng rất muốn cho con học hành, đỗ đạt. Hồi nhỏ, ông được cha mời thầy chữ Hán về dạy. Năm 1941, sau khi tốt nghiệp Sơ học yếu luợc, ông được cha cho về phủ Kiến Thụy cách nhà hơn 10 cây số để học trường Trung học Kiêm Bi. Đến kỳ nghỉ hè, sợ con quên sách thánh hiền, cha ông lại mời thầy về dạy chữ Nho cho con. Và ông yêu thích môn lịch sử từ đấy. Ông bảo, học chữ Nho thì văn là chính, ngoài ra còn học Nam sử (sử nước Nam) và Bắc sử (sử Trung Quốc). Ông có trí nhớ kỳ lạ. Có lần đi thi, ông đọc thuộc lòng một đoạn dài trong bộ sử "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim nên được thưởng. Cuốn "Làn sóng đỏ" của Nhược Tông rất dầy nhưng ông vẫn nhớ như in nhiều đoạn trong cuốn sách. Thời ông học trung học, người Tây đưa chữ Hán xuống vị trí thấp trong số các môn học, một tuần chỉ học có một tiết vào thứ bảy. Nhiều học trò trèo tường trốn học bỏ đi chơi, riêng Ngô Đăng Lợi vẫn lẽo đẽo theo cụ giáo Trần Văn Thược để học Hán học. Ông còn hay la cà trước các cửa hiệu thuốc bắc để học tiếng Hán. Mỗi lần các cụ trong làng viết câu đối và luận bàn văn chương, ông chăm chú ngồi nghe và thuộc nhiều những câu đối hay, có triết lý sâu sắc.


Năm 1953, ông tình nguyện đi bộ đội nhưng không trúng tuyển vì mắt cận nặng. Ngô Đăng Lợi được vào học ở trường Đại học Nhân Dân ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông về công tác ở trường Trung học Sư phạm Trung ương, rồi về Khu giáo dục Tả Ngạn ở tỉnh Kiến An (cũ). Những năm sau đó, ông công tác ở nhiều lĩnh vực: dạy học, bồi dưỡng giáo viên, tuyển sinh đại học, thư ký cho UBND thành phố. Công tác ở nhiều nơi, với những nhiệm vụ khác nhau, nhưng Ngô Đăng Lợi luôn nghiêm túc và say mê trong công việc, ông rất chịu khó học, học ở sách vở, ở thầy, ở bạn và hay đi thâm nhập thực tế. Có lẽ vì vậy mà vốn kiến thức văn học và lịch sử của ông khá rộng và sâu sắc. Thời kỳ dạy học ở Vĩnh Bảo, ông và học sinh thường đi xuống các địa phương để sưu tầm ca dao, truvện cổ trong dân gian. Lúc đó, ông một lòng muốn thực hiện nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Với tâm huyết của một nhà giáo, nhà nghiên cứu, ông cùng với ông Trịnh Hữu Chương biên soạn cuốn tài liệu dạy Văn - Sử đầu tiên của Hải Phòng. Năm 1984, thành phố xúc tiến biên soạn bộ địa chí và thông sử Hải Phòng, triển khai giám định hồ sơ xếp hạng các di tích lịch sử, ông được điều về Hội đồng Lịch sử thành phố để chuyên tâm sống với niềm đam mê máu thịt của ông. Chẳng ai đòi, ai bắt, không có tiền vẫn viết. Cho đến bây giờ, ông vẫn thường bỏ tiền ra để được đi lại nghiên cứu, tìm tài liệu ở các thư viện lớn. Bài nào ông viết cũng công phu và khoa học. Sau 20 năm chuyên tâm với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử thành phố, ông vừa là chủ biên, vừa là đồng tác giả nhiều công trình có giá trị như: Lược khảo đường phố Hải Phòng, Địa chí Hải Phòng, Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng, Những ông Nghè đất cảng, Nhân vật lịch sử Hải Phòng (2 tập). Hiện nay, ông đang tham gia viết "Thông sử Hải Phòng", "Địa chí Đồ Sơn" và sách giáo khoa lịch sử - địa lý Hải Phòng dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Quan điểm viết sử của ông là "Khôn, dại chờ khi đậy ván thiên". Ông tự răn mình khi đánh giá một nhân vật lịch sử, cần phải có độ dài về thời gian, không hấp tấp, vội vàng. Ông viết về người đã khuất để rút ra bài học cho những người đang sống. Ai bị oan khuất, ai có công lênh, ông lăn xả vào viết với một thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, không sợ thiệt thòi, chẳng quản khó khăn, vất vả, tất cả chỉ để làm rõ trắng, đen.


Sinh ra ở Hải Phòng, Ngô Đăng Lợi luôn đau đáu một niềm tin với quê hương. Có ai đó nói, hoặc viết về Hải Phòng chưa đúng, ông tranh luận đến cùng. Tranh luận bằng lý luận khoa học, bằng thực tiễn, bằng cái tâm trong sáng của một nhà nghiên cứu lich sử. Như cánh chim không mỏi, Ngô Đăng Lợi mải miết đọc, học và viết. Với ông học bao nhiêu cũng chưa đủ, phải học mãi, học suốt đời. Dẫu bước vào tuổi “xưa nay hiếm" ông vẫn muốn học thật nhiều để được cống hiên cho đời vốn tri thức đầy chất nhân văn.


Chuyện về ông, nhiều nhà hoạt động văn hóa xã hội ở Hải Phòng và cả nước đều rành rẽ: Không biết đi xe đạp, sống giản dị, đi, đọc, học và viết là lẽ sống. Sự giầu có của ông chẳng mấy người có được, đó là một gia tài đồ sộ sách kim cổ đông tây, trong đó có những cuốn nghe nói Thư viện Quốc gia cũng không có như: "Hải Dương toàn dư địa chí" bằng chữ Hán, hoặc chỉ có mỗi loại một cuốn như "Hoàng Việt dư địa chí" của Phan Huy Chú và cuốn "Việt Văn hợp tuyển" xuất bản năm 1925. Hiện ông đang lưu giữ cuốn "Truyện Kiều" bằng chữ Hán có cách đây hơn 100 năm.


Hạnh phúc khi được ngồi bên ông đàm đạo gốc gác của một từ, một chữ nào đó với một triết lý sống nhân văn.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #71 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:45:14 pm »

VỊ ĐẠI TÁ VỀ HƯU VỚI 20 TẬP SÁCH
"ĐƯỜNG 5 ANH DŨNG QUẬT KHỎI”


THANH THỦY
(Báo Hải Phòng)


Tôi đến thăm nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh 350 Hải Phòng, đại tá Võ An Đông vào một chiều đầu xuân tại nhà riêng của ông ở số 180 đường Chùa Hàng. Nhìn qua cánh cửa xếp cũ đã tróc hết sơn, tôi thấy ông đang ngồi bên bàn làm việc, cắm cúi viết, mái tóc bạc trắng như cước, cặp kính lão dầy cộp trễ xuống sống mũi, vai khóac tấm áo sĩ quan quân đội bạc màu chinh chiến. Sau khi nghe nói ý định tới gặp ông, với tác phong làm việc theo kiểu "nhà binh", cẩn thận nhưng khẩn trương, ông yêu cầu tôi trao đổi công việc thật ngắn gọn, cụ thể, cần cung cấp những thông tin gì, trong thời gian bao lâu... Đại tá Võ An Đông bất đầu câu chuyện về cuộc đời của mình bằng giọng trầm ấm, truyền cảm với trí nhớ minh mẫn, chính xác đến từng chi tiết, sự kiện với nhiều mốc thời gian khác nhau trong lịch sử...


Sinh năm 1921, ở quê lụa Hà Đông (Hà Tây), Võ An Đông tên thật là Hồ Văn Thỏa, khi tham gia cách mạng ông lấy tến là Hồ Qúy Thoa, sau này là Võ An Đống. Từ nhỏ ông được cha mẹ gửi lên Hà Nội học ở trường Bưởi, rồi trở thành sinh viên đại học. Trong không khí cách mạng sôi sục những năm 40, lòng yêu nước, yêu dân tộc đã thôi thúc cậu sinh viên 20 tuổi tham gia cách mạng với bầu nhiệt huyết căng tràn của tuối trẻ. Sau khi cướp chính quyền, ông làm Chủ tịch UBND cách mạng huyện Thanh Oai (Hà Đông). Năm 1946, ông sang làm Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ. Tháng 3 năm 1949, ông được giao nhiệm vụ phụ trách quân sự tỉnh Hưng Yên. Tình hình cách mạng ở tỉnh Hưng Yên lúc bấy giờ gặp không ít khó khăn, nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh và huyện bị địch bắt đem thủ tiêu. Phong trào kháng chiến của Hưng Yên lâm vào tình trạng khủng hoảng. Tỉnh đội trưởng Võ An Đông trăn trở, đứng ngồi không yên, vắt óc suy nghĩ tìm kế sách tháo gỡ tình thế. Cho đến năm 1950, được đi dự tổng kết chiến dịch Biên giới Thư Đông, ông tìm ra chìa khóa để mở tung những suy tư lâu nay. Bằng việc đánh giá đúng đối tượng tác chiến, khả năng và trình độ chiến đấu của bộ đội tỉnh và huyện đề ra phương án chuẩn xác, ông đã chỉ huy các đơn vị lần lượt nhổ hết bốt Hương dũng này đến tháp canh, hương đồn khác thuộc tất cả 7 huyện phía nam Đường số 5, giải phóng hàng chục nghìn dân, mở thêm nhiều khu du kích, phát triển nhiều cơ sở kháng chiến. Nhờ những chiến thắng đó, ta đã chuyển từ thế bị địch bao vây, o ép sang thế chủ động tiến công, chia cắt, bao vây lại chúng, biến hậu phương của chúng thành tiền phương của ta. Càng đánh càng thắng, càng thắng càng trưởng thành, quân và dân Hưng Yên như có sinh lực mới có thể hoạt động vững vàng ở bất cứ chỗ nào trên địa bàn tỉnh. Từ đánh thắng bọn hương dũng, diệt quân ứng viện, tiến tới đánh thắng cả quân cơ động chiến lược của địch, phá tan nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn và vừa của chúng như trận càn "Trái chanh" (25/9/1951).


Trên đà của những chiến thắng liên tiếp, giòn giã đã thôi thúc ông lao vào trận chiến đấu mới đang diễn ra ngày càng gay cấn với quyết tâm và niềm tin mới. Bộ đội tỉnh Hưng Yên dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội trưởng Võ An Đòng liên tiếp giành được thắng lợi cho đến ngày chiến tranh kết thúc vào tháng 7-1954. Hiểu rõ công lao của ông, tháng 12-1952, Bí Liên khu ủy Khu 3 Lê Thanh Nghị gửi thư khen ngợi. Năm 1953, Bộ Quốc phòng tặng Võ An Đông Huân chương Chiến công hạng Nhất.


Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, tỉnh đội trưởng Võ An Đông chuyển vị trí công tác. Ông được cử làm Thành đội trưởng Hải Phòng, chỉ huy đoàn quân tiến về thành phố trực tiếp giao dịch với Pháp để tiếp nhận các cơ sở quân sự và các công trình ích lợi khác. Tháng 8-1972, ông được chỉ định làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 350 (Hải Phòng). Võ An Đồng chính là người trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh trả cuộc rải bom đánh phá thành phố của giặc Mỹ ròng rã suốt 12 ngày đêm. Khi non sông liền một dải, ông có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ "Trung dũng - Quyết thắng", câu lạc bộ đầu tiên của cả nước, tập hợp các sĩ quan về nghỉ hưu tại Hải Phòng, ông còn dành nhiều tâm trí vào việc xây dựng nếp sống quân sự trong nhà trường phổ thông và đại học. Đặc biệt ông là một trong những cán bộ lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố về xây dựng một số công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng. Nổi bật nhất là công trình lấn biển Đường 14 (Hải Phòng - Đồ Sơn) và Đường xuyên đảo Đình Vũ... Trước kia đảo Đình Vũ cách đất liền 2 km, là nơi hoang vắng, thực dân Pháp vẫn thường đưa các chiến sĩ cách mạng đến đây hành hình rồi quẳng xác xuống biển. Dân ở đảo Đình Vũ vốn đã nghèo đói, lại có nhiều người mất tích bởi những đợt sóng lớn. Hiểu được lợi thế của đảo Đình Vũ, Bộ Tư lệnh Hải Phòng kiến nghị với thành phố chọn đảo hoang Đình Vũ xây dựng pháo đài, kiến tạo thành vùng kinh tế mới và khu du lịch "độc nhất vô nhị" của Hải Phòng. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Võ An Đông, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 666 và 667 đã lao động không quản ngày đêm, suốt mấy năm ròng rã, đã nối đảo Đình Vũ với thị trấn Cát Bà (huyện đảo Cát Hải) và trở thành khu phòng thủ vững chắc, với tiềm năng, triển vọng phát triển kinh tế và du lịch. Đại tá Võ An Đông bồi hồi nhớ lại buổi ngăn đập Đình Vũ. Chuẩn bị cho công việc ngăn đập, ông chỉ đạo các chiến sĩ Xí nghiệp cơ khí Trung Dũng thuộc Bộ Tư lệnh Hải Phòng cắt, hàn hàng trăm rọ sắt đựng đá ném xuống sông tạo thành con đập ra đảo Đình Vũ. Rọ sắt không đủ bị nước triều cuốn trôi. Rút kinh nghiệm, Võ An Đông trực tiếp chỉ huy chiến dịch sản xuất rọ sắt, vận chuyển đá với quy mô hàng nghìn m3 chờ thủy triều xuống thấp, huy động lực lượng của 2 Tiểu đoàn 666 và 667 đồng loạt thả rọ sắt chứa đầy đá xuống lòng sông Đình Vũ. Con đập được hình thành, dòng nước bị chặn lại tức giận gầm gừ tung bọt trắng xóa cuối cùng cũng chịu khuất phục trước bàn tay, khối óc và lòng dũng cảm của các chiến sĩ. Đường xuyên đảo Đình Vũ hình thành. Đảo hoang Đình Vũ bây giờ trở thành khu kinh tế mới trù phú, giầu tiềm năng đang trên đà thay da đổi thịt. Dưới tầm nhìn chiến lược của nhà quân sự mấy chục năm lăn lộn nơi chiến trường, Tư lệnh Võ An Đông kiêm Giám đốc Cảng Hải Phòng còn là "nhạc trưởng" trong nhiều công trình kinh tế quan trọng của thành phố như công trình lấn biển Đường 14 (bây giờ là Đường 353), Kênh đào Cái Tráp, khu sản xuất lò vôi Pháp cổ, Xí nghiệp cơ khí Trung Dũng...


Nghỉ hưu từ năm 1986 với quân hàm đại tá hưởng lương thiếu tướng nhưng Tư lệnh Võ An Đông không nghỉ, ông luôn bận rộn với nhiều công việc như tham gia Hội Khoa học lịch sử thành phố, các câu lạc bộ, ban liên lạc vũ trang Hải Phòng; ban liên lạc đồng đội Hải Dương - Hưng Yên và hằng ngày ông vẫn dành vài giờ để viết hồi ký. Mấy năm trước còn khỏe, ông rong ruổi trên chiếc xe đạp lọc cọc đến nhà từng đồng sự lấy tài liệu, ghi chép; sốt sắng, hăng hái, dẻo dai đi các tỉnh, thành phố tìm bạn chiến đấu cũ, lần lại những chặng đường lịch sử anh hùng để rồi khi trở về nhà lại cặm cụi bên những trang viết. 20 tập sách "Đường 5 anh dũng quật khởi" đã ra đời nhờ sự kiên trì, bền bỉ và tấm lòng đầy nhiệt huyết với cuộc sống của vị đại tá 84 tuổi và các cộng sự là đồng đội cũ.


Vị đại tá trở nên hào hứng, sôi nổi và say sưa khi ông nhắc lại những chặng đường đã qua với biết bao sự kiện, dấu ấn lịch sử cùng với những kỷ niệm không thế nào quên về những người đồng đội đã từng sông chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc. Trong mái đầu bạc trăng như cước vẫn còn ăm ắp những dự định cho những cuốn sách sắp ra đời với niềm lạc quan cách mạng mãnh liệt. Ông tâm sự: “Tôi đã già nhưng tâm hồn không bao giờ mệt mỏi, không tiếc sức lực, tiền của để cho ra đời những cuốn sách lịch sử chỉ với mong muốn duy nhất là hun đúc lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc mang tính trừu tượng nhưng rất thiết thực và cụ thể. Bởi lòng yêu nước và tự hào dân tộc luôn có giá trị vững bền và cần thiết trong mọi thời đại”. Với trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc, vị đại tá về hưu vẫn cần mẫn thu thập tài liệu rồi miệt mài viết bởi ông biết thời gian dành cho mình không nhiều, phải tranh thủ từng giờ, từng phút để cống hiến những năm tháng còn lại của cuộc đời mình bằng những trang sách lịch sử đầy tâm huyết.


Chia tay ông khi trời đã xâm xẩm tối. Quay lại nhìn ngôi nhà bình yên, vị đại tá già vẫn ngồi bên chồng tài liệu, mái tóc bạc trắng cúi xuống, có lẽ ông lại đang viết: "Đường 5 anh dũng quật khởi". Hình ảnh đó mãi còn in dấu trong tâm trí tôi.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #72 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:46:01 pm »

LỜI CẢM ƠN ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI BÁC VÕ AN ĐỒNG,
NGUYÊN TỈNH ĐỘI TRƯỞNG HƯNG YÊN (1949-1954)


Đồng chí Phạm Văn Phúc trưởng thành và lớn lên từ Huyện đội Khoái Châu (Hưng Yên) trong kháng chiến chống Pháp, nay vui mừng được họp mặt gặp về việc lập hội “Bộ đội tình nguyện kháng chiến chống Pháp Huyện đội Khoái Châu”. Với đồng chí Võ An Đông, nguyên Tỉnh đội trưởng Hưng Yên, đồng chí Phạm Văn Phúc gửi lời chân thành tốt đẹp nhất. Đồng chí đã viết mấy dòng sau:

"Bác Võ An Đông, nguyên Tỉnh đội trưởng Hưng Yên, với đạo đức Hồ Chí Minh, lý luận, văn chương và ý chí cách mạng đến cùng, tài giỏi, thao lược, chỉ huy quyết chiến quyết thắng. Kháng chiến chống Pháp, thực tiễn sát thực với chiến trường đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, đã giải phóng tỉnh Hưng Yên nói chung, giải phóng huyện Khoái Châu nói riêng.

Ngày nay, bác Võ An Đông đã khai sáng mở ra chỉ đạo lập hội “Đồng đội bộ đội tình nguyện trong kháng chiến chống Pháp Huyện đội Khoái Châu” có ý nghĩa quan trọng vêề tình cảm cách mạng tuyệt vời. Trong kháng chiến và ngày nay, bác Võ An Đông đã truyền những tình cảm to lớn của Đảng, của cách mạng, của quân đội, của nhân dân đến với bộ đội tình nguyên kháng chiến chống Pháp huyện Khoái Châu, liên lạc tình nghĩa với nhau, gặp mặt nhau, ý chí tình cảm thiêng liêng ấy. Bút sách, văn chương nào ghi tả lên hết được tình cảm cách mạng, sống còn, quyết liệt to lớn tuyến lửa đã chiến thắng đánh Pháp thắng lợi. Bác Võ An Đông là anh cả của lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên.

Bộ đội tình nguyện chống Pháp Huyện đội Khoái Châu với tất cả tâm lòng biết ơn sâu sắc nhất với Đảng, Chính quyền và nhân dân huyện Khoái Châu. Xin chân thành cảm ơn bác Võ An Đông, nguyên Tỉnh đội trưởng Hưng Yên.


PHẠM VĂN PHÚC
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #73 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:46:35 pm »

CÁM ƠN CÁC ANH!


VŨ KHANG
Kính tặng Ban biên tập sách
"Đường 5 anh dũng quật khởi”


   Ồ! Đã mười năm rồi nhỉ
   Các anh - những người viết sử
   Về Đường 5 anh dũng một thời
   Mười năm:
   Hai mươi bông hoa
   Hương sắc tuyệt vời
   Mười triệu trang in
   Muôn lời tâm huyết
   Trăm trận đánh hay
   Nghìn gương người tốt
   Để đời sau
   Đọc mãi sách Đường 5
   Xin cám ơn
   Cám ơn các anh
   Những người lính già
   Đã viết sách Đường 5!

Tháng 1 năm 2006
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #74 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:47:18 pm »

CẢM XÚC VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐI “ĐÃI CÁT TÌM VÀNG”


NGUYỄN THỊ DINH
(Đài phát thanh-truyền hình Hải Phòng)


Tôi yêu thích môn lịch sử từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi trở thành một sinh viên lịch sử trên giảng đường đại học, tôi được tiếp cận với nhiều phương diện của lịch sử. Đó có thể là lịch sử của mỗi ngành khoa học hoặc lịch sử của các châu lục. Cũng có khi đó là những lát cắt lịch sử từ sơ khai nguyên thủy đến hiện đại ngày nay. Thế nhưng thế hệ chúng tôi lại ít được tiếp cận với những chuyện kể, với những sự kiện đã từng diễn ra ngay chính trên quê hương mình. Bởi vậy, khi tham gia nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên chuyên ngành, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài địa phương về cuộc chiến đấu du kích của quân dân khu vực ven đường 5. Đường 5, con đường đã từng là huyết mạch nối liền Hà Nội vói Hải Phòng. Con đường đã gắn liền với chiến công của những ông “vua mìn”, những thành tích phá tàu địch nổi danh khắp cả nước. Nhưng để sâu chuỗi, phản ánh đầy đủ các sự kiện ấy mà không sa đà, chi tiết, với một sinh viên trẻ như tôi điều ấy quả thật không phải điều đơn giản.


May mắn thay, khi đó tôi tình cờ được bạn bè giới thiệu về bộ sách “Đường 5 anh dũng quật khởi”. Theo địa chỉ trong sách, tôi lần lượt tìm gặp các ông, các bác trong ban biên tập và những người biên soạn bộ sách. Họ đều là những cán bộ ngày trước đã từng tham gia kháng chiến nay đã về hưu. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng các ông, các bác đều hết sức quan tâm, chỉ bảo tận tình, cung cấp các vấn đề và giúp tôi hệ thống hóa các sự kiện ấy.


Chiến tranh du kích khu vực ven Đường 5 có liên quan đến các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội và trong suốt một thời gian dài như vậy hàng trăm, hàng nghìn trận đánh đã diễn ra có lúc dường như tôi bị lạc giữa cái mênh mông, bể sở ấy. Nhưng mỗi khi nói chuyện với các bác, các ông, nghe họ kể lại say sưa mỗi trận đánh tôi lại tự nhủ phải cố gắng để tìm thấy nhiệt huyết trong công việc.


Sau khoảng thời gian dài nỗ lực, tôi đã hoàn thành xuất sắc đề tài của mình. Từ duyên cớ ấy, tôi trở thành một người bạn nhỏ của Ban biên tập bộ sách “Đường 5 anh dũng quật khởi”, may mắn được cùng tham gia một số hội thảo và tọa đàm của Hôi tổ chức. Từ đó tôi hiểu thêm đươc nhiều di tích kháng chiến, nhiều cơ sở hoạt động cách mạng, cũng như biết thêm nhiều chiến sĩ vô danh - những người đã thầm lặng hy sinh cho bình yên Tổ quốc cũng như thành phố Cảng thân yêu.


Tất cả điều đó giúp tôi có thêm tự tin, mạnh dạn để phát triển tiếp đề tài “Chiến tranh du kích khu vực ven Đường 5 (1945-1954)” thành luận văn tốt nghiệp. Suốt quá trình dài từ phác thảo đề cương đến hoàn chỉnh luận văn, tôi đã nhận được sự động viên, quan tâm rất lớn của các ông, các bác. Tôi được tiếp cận và học hỏi được nhiều từ phong cách làm việc khoa học và rất hiệu quả của Hội. Và còn cảm động, trân trọng hơn khi có những cụ trên 80 tuổi vẫn miệt mài đạp xe thu thập tài liệu. Có người còn say sưa viết lách ngay cả khi đang nằm bên giường bệnh. Bởi có lẽ họ lo sợ khi nay, khi mai không còn đủ sức để kể tiếp cho con, cho cháu những trang sử oai hùng một thủa.


Suốt thời gian dài hơn 10 năm bền bỉ, 20 tập sách Đựờng 5 đã được xuất bản. Có lẽ đó cũng là những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của những người trong Ban biên tập. Trước những người lính già, mái đầu đã bạc vì chiến tranh và năm tháng, nhưng họ vẫn miệt mài nghiên bút, tôi thấy mình thật bé nhỏ. Và càng đáng trân trọng hơn khi họ không quản nắng mưa, và sức khỏe, tuổi tác, vẫn nguyện đi tìm những chất tinh quặng qúy, lưu lại cho muôn đời sau!
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #75 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:52:17 pm »

Vô cùng thương tiếc đồng chí
VÕ AN ĐÔNG

Người khởi xướng và là linh hồn của bộ sách “Đường 5 anh dũng quật khởi”



Đại tá VÕ AN ĐÔNG
(1922 -2006)
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #76 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:53:20 pm »

LỜI BAN BIÊN TẬP BỘ SÁCH
“ĐƯỜNG 5 ANH DŨNG QUẬT KHỞI”


Ngay từ những ngày đầu Xuân 2006, mặc dù nhiều lúc đau yếu do tuổi cao, bệnh trọng, đồng chí Võ An Đông nằm trên giường bệnh nhưng hầu như lúc nào cũng suy nghĩ việc tổ chức nội dung cho tập thứ 20 của bộ sách "Đường 5 anh dũng quật khởi”. Tháng 4, đồng chí đã cùng Ban biên tập họp bàn và thông qua đề cương tập thứ 20, đồng thời dồn sức giải quyết một số vấn đề về tài chính cho khâu xuất bản và trao tặng Kỷ niệm chương cho các cộng tác viên xuất sắc ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... Tháng 5, đồng chí tập trung chỉ đạo khâu biên tập để hoàn tất nội dung tập thứ 20 bộ sách ‘‘Đường 5 anh dũng quật khởi” vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 116 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890/19-5-2006). Đồng chí Võ An Đông thân mật nói với anh em trong Ban biên tập: “Chúng ta cố gắng hoàn thành thật tốt việc biên tập tập thứ 20 này để chuyển bản thảo sang Nhà xuất bản Hải Phòng vào sáng thứ sáu 19-5...


Chỉ còn hai ngày nữa là đến hẹn cùng đồng chí Võ An Đông đem bản thảo sang làm việc với Nhà xuất bản Hải Phòng. Vậy mà 6 giờ sáng thứ năm 18-5-2006, anh em trong Ban biên tập chúng tôi nhận được tin báo qua điện thoại: Đồng chí Võ An Đông đã qua đời lúc 3 giờ 15 phút ngày 18-5-2006! Thật vô cùng đột ngột và vô cùng đau thương trước mất mát này!


Là người khởi xướng và là linh hồn của bộ sách "Đường 5 anh dũng quật khởi ”, 10 năm qua (1996-2006), những đóng góp, cống hiến của đồng chí Võ An Đông về tổ chức lực lượng viết bài, biên soạn, xuất bản, v.v.. là vô cùng to lớn. Nếu tính cả tập thứ 20 này, “Đường 5 anh dũng quật khởi ” đã âm thầm lặng lẽ ra mắt bạn đọc với một khối lượng đáng kinh ngạc: Hơn 1.300 bài viết của gần 800 tác giả với 46.100 cuốn và 12.320.450 trang in, tổng kinh phí đầu tư xuất hản 713.100.000 đ. Tất cả phản ánh những bài học kinh nghiệm chiến đấu sâu sắc, những gương điển hình tiên tiến, những nghệ thuật quân sự của quân dân Đường 5 dưới sự lãnh đạo của Đảng qua cuộc chiến tranh nhân dân chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.


Đồng chí Võ An Đông mất đi là một tổn thất lớn đối với chúng ta. Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã quyết định thành lập Ban lễ tang, tổ chức trọng thể Lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Quân khu 3, đồng thời đưa linh cữu đồng chí Võ An Đông về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong dịp này, đã có gần 150 đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị, địa phương và trung ương đến viếng, tiễn đưa đồng chí Võ An Đông về coi vĩnh hằng.

Xin vĩnh biệt đồng chí.

Ban biên tập
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #77 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:55:52 pm »

TIN BUỒN


Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí Đại tá VÕ AN ĐÔNG sinh ngày 22-3-1922 tại xã Viên Hồ, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Trú tại số nhà 180 Chùa Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Ủy viên Thường vụ Tinh ủy Hưng Yên, Tỉnh đội trưởng tỉnh Hưng Yên, đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 3, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 350 Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ - Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng, Giám đốc Cảng Hải Phòng. Đã nghỉ hưu.

Khen thưởng: Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Đồng chí đã từ trần hồi 03 giờ 15 phút, ngày 18 tháng 5 năm 2006.

- Lễ viếng từ 14 giờ 30 phút, ngày 19 tháng 5 năm 2006.

- Lễ truy điệu vào hồi 8 giờ 30 phút, ngày 20 tháng 5 năm 2006 tại Nhà tang lễ Quân khu 3 (số 01 Bến Bính, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng); an táng cùng ngày tại nghĩa trang Ninh Hải - thành phố Hải Phòng.

BAN TỔ CHỨC LỄ TANG
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #78 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:58:28 pm »

LỜI VĨNH BIỆT
ĐỒNG CHÍ ĐẠI TÁ VÕ AN ĐÔNG,
NGUYÊN ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY HẢI PHÒNG

(Do đồng chí Dương Anh Điền, UVTVTU, Phó Chủ tịch thường trực
Ủy ban nhân dân thành phố đọc tại Lễ truy điệu ngày 20/5/2006)


Thưa các đồng chí đại biểu!

Thưa gia quyến đồng chí Võ An Đông!


Hôm nay, trong niềm tiếc thương sâu sắc, Ban tổ chức tang lễ cùng gia đình và toàn thể các đồng chí, đồng đội tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Đại tá Võ An Đông - người đồng chí kiên trung, người chỉ huy quân sự xuất sắc, người bạn chiến đấu thân thiết của chúng ta; người chồng, người cha, người ông yêu qúy thân thương của gia đình - về nơi yên nghỉ cuối cùng.


Đồng chí Đại tá Võ An Đông (tên thật là Hồ Văn Thỏa) sinh ngày 22 tháng 3 năm 1922 tại xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Thường trú tại 180 Chùa Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Nguyên ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh 350 Hải Phòng; nguyên Quân khu ủy viên Quân khu 3; nguyên Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Giám đốc Cảng Hải Phòng.


Do tuổi cao sức yếu, bệnh nặng, mặc dù được Đảng, chính quyền, quân đội, các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng và gia đình tận tình chăm sóc cứu chữa, song không qua khỏi. Đồng chí đã từ trần hồi 3 giờ 15 phút, ngày 18 tháng 5 năm 2006 tại Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp.


Đồng chí Đại tá Võ An Đông sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây giầu truyền thống cách mạng. Thuở thiếu thời, đồng chí đã chứng kiến cảnh đói khổ lầm than của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Theo lý tưởng của Đảng, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng.


Tháng 3 năm 1945, đồng chí tham gia Việt Minh và hoạt động bí mật tại địa phương.

Tháng 8 năm 1945, đồng chí được cử làm Chủ tịch UBND cách mạng huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông.

Tháng 2 năm 1946 đến tháng 9 năm 1948, đồng chí giữ các chức vụ Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; tham gia Huyện ủy viên, Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.


Từ tháng 3 năm 1949 đến tháng 5 năm 1954, đồng chí được giữ các cương vị: Chính trị viên - Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hưng Yên; tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tháng 6 năm 1954, đồng chí được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 137, Quân khu Tả Ngạn.

Từ tháng 8 năm 1954 đến tháng 9 năm 1955, đồng chí giữ chức Thành đội trưởng - thành phố Hải Phòng; tham gia Ủy viên ủy ban liên hiệp đình chiến Bắc Bộ - Ban tiếp quản Hải Phòng.

Từ tháng 10 năm 1955 đến tháng 4 năm 1960, đồng chí được cử giữ các cương vị: Tham mưu phó Trung đoàn 139, Sư đoàn 328; Tham mưu trưởng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, Quân khu Đông Bắc.

Tháng 5 năm 1960 đến tháng 7 năm 1964, đồng chí được cử đi học tại Liên Xô. Từ tháng 8 năm 1964 đến tháng 5 năm 1966, đồng chí được cử là Tham mưu trưởng Sư đoàn 350, Quân khu 3.

Từ tháng 6 năm 1966, đồng chí được cử vào Nam chiến đấu, giữ chức vụ Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5; Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 4, Quân khu 5. Từ tháng 8 năm 1969 đến tháng 8 năm 1972, đồng chí là Hiệu phó Trường Sĩ quan lục quân.


Từ tháng 9 năm 1972 đến tháng 4 năm 1983, đồng chí được cử giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh 350 Hải Phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Hải Phòng; được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ thành phố và tham gia Ban Thường vụ Thành ủy; là Quân khu ủy viên Quân khu 3. Năm 1979 - 1980, đồng chí giữ chức Giám đốc Cảng Hải Phòng.


Từ tháng 5 năm 1983, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng. Đến tháng 11 năm 1986, đồng chí nghỉ hưu, tại số 180 Chùa Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Thưa toàn thế các đồng chí!

Qua nhiều tháng năm gian khổ, trưởng thành từ người chiến sĩ đến cán bộ cao cấp trong quân đội, với các cương vị được giao, đồng chí Võ An Đông luôn quán triệt sâu sắc, nắm vững và kiên định đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng. Đồng chí luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác Hồ, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.


Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí là một chiến sĩ kiên cường, là người chỉ huy quả cảm, sáng tạo, cùng với đồng đội của mình lập nên những chiến công vang dội ở mặt trận Đường 5. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, với cương vị là ủy viên Ủy ban Liên hiệp đình chiến Bắc Bộ - Ban tiếp quản Hải Phòng, đồng chí có nhiều đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh tại khu tập kết 300 ngày, cho đến khi Hải Phòng hoàn toàn giải phóng.


Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với cương vị là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 350 Hải Phòng, đồng chí đã cùng lãnh đạo thành phố chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang trên địa bàn đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.


Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo Bộ Tư lệnh 350, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố triển khai các chương trình trọng điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng. Những công trình như Đường 14, đường xuyên đảo Cát Bà, đảo kênh Cái Tráp, lấn biển tại xã Vinh Quang - huyện Tiên Lãng... còn in mãi hình ảnh người cán bộ tận tụy, giầu sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm cao, ngày đêm cùng chiến sĩ lao động quên mình, tất cả vì thành phố giấu mạnh.


Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong quân đội, đồng chí được nghỉ hưu trở về cuộc sống đời thường. Mặc dù tuổi cao, song với trí tuệ và lòng nhiệt huyêt của Bộ đội Cụ Hồ, cùng với những kinh nghiệm quý báu trong cuộc đời birih nghiệp, với cương vị là Chủ tịch Chi hội lịch sử quân sự thành phố, đồng chí đã tích cực nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm biên soạn lịch sử quân sự. Nhiều tác phẩm của đồng chí có giá trị khoa học lịch sử cao, đặc biệt là nghệ thuật quân sự chiến tranh du kích trong kháng chiến chống Pháp, được thể hiện trong các tập Đường 5 anh dũng quật khởi.


Trải qua 60 năm liên tục chiến đấu và công tác cho đến khi từ trần, trên bất cứ cương vị nào, dù đảm nhiệm bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc. Đồng chí Võ An Đông luôn đoàn kết, trung thực và gương mẫu trong mọi công việc, dũng cảm mưu trí, gan dạ trong chiến đấu; nhiệt tình, hăng say, tâm huyết trong công tác, thủy chung với bạn bè đồng chí; gần gũi thương yêu cán bộ, chiến sĩ dưới quyền; luôn giữ vững phẩm chất cao qúy của người đảng viên cộng sản, là người cán bộ cách mạng có lối sống giản dị, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, có tác phong công tác sâu sát, tỉ mỉ, bình tĩnh, chín chắn, thận trọng, được cán bộ, chiến sĩ kính trọng, tin yêu.


Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, thủy chung, hết lòng thương yêu con cháu, những người thân trong họ tộc, bà con lối xóm. Noi gương đồng chí, những người con của đồng chí đã trưởng thành, là những công dân tốt, hai trong số bốn người con của đồng chí tham gia xây dựng quân đội, một người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.


Do những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Võ An Đông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:

- Huân chương Quân công hạng Nhì,

- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất,

- Huân chương Kháng chiến chông Mỹ hạng Nhất,

- Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì;

- Huân chương Giải phóng hạng Ba,

- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba;

- Huy chương Quân kỳ Quyết thắng,

- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao qúy khác.

Đồng chí Võ An Đông kính mến!

Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi nguyện hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Đồng chí không còn nữa, song những đóng góp xuất sắc của đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và tình cảm thân thương của đồng chí sẽ còn mãi mãi trong tâm trí chúng tôi và những người thân yêu của đồng chí.


Trong giờ phút đau buồn này, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam thành phố và cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố, xin gửi đến gia đình, thân quyến đồng chí Võ An Đông lời chia buồn và sự cảm thông sâu sắc. Vĩnh biệt đồng chí Đại tá Võ An Đông, chúng ta dành một phút mặc niệm và tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng.

Phút mặc niệm bắt đầu!

Xin vĩnh biệt đồng chí!
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #79 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2022, 08:59:18 pm »

THƯƠNG TIẾC ĐẠI TÁ VÕ AN ĐÔNG


TRỊNH TRỌNG GIỮ

   Tôi làm việc với ông
   Qua từng trang sách viết
   Ông ân cần thân thiết
   Hỏi cặn kẽ từng câu
   Rồi cúi xuống lâu lâu
   Lật lật từng trang viết...
   Ông làm việc mải miết
   Ít thời gian nghỉ ngơi
   Bởi muốn góp cho đời
   Những trang tư liệu mới
   Khẳng định một lần cuối
   Từ bài viết của ông...
   Bỗng tin đến - xé lòng!
   Ông đã về cõi Phật.
   Tôi vội vàng, lật đật
   Chạy đến chịu tang ông
   Bởi hôm trước - vừa xong
   Ông còn cười, hăm hở
   Phải viết đừng bỏ dở
   Cho trọn tập hai mươi
   "Đường 5 anh dũng" ấy...
   Cuộc đời sao bạc vậy!
   Tôi khóc gọi tên ông
   Thương tiếc đến vô cùng
   Nhà lão thành cách mạng.

Hải Phòng, 18/5/2006
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM