Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:48:59 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 20  (Đọc 2091 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #30 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:11:56 pm »

PHÁ VÂY

ĐÀM ĐẮC ĐỘ C trưởng C176
và Đại tá DOÃN THẾ LÂN


Tháng 4/1950 Bác Hồ gửi thư riêng, dặn cán bộ và nhân dân Hưng Yên: “Các chú phải khéo đánh giặc nhưng cũng phải khéo tránh giặc...”1 (Tập 1 Đường 5 anh dũng quật khởi - trang 11, dòng 22).


A- Trận chiến không cân sức

C176 - D352 chúng tôi hành quân về làng Xuân Nguyên, xã Quang Trung (Bắc Ân Thi - Hưng Yên) đêm 4/10/1952. Đây là một làng có bốt tề, ta mới giải phóng được vài tháng, lũy tre gai um tùm dầy đặc có chỗ tới 2m, cổng làng xây chắc, công sự cũ ở hai bên cổng, lô cốt, hào giao thông dân còn chưa phá hết.


Nhân dân đón bộ đội về làng, mừng mừng tủi tủi như người thân lâu ngày gặp lại, phân chia về ở các gia đình. Nhà nào cũng nhường chỗ ngủ tốt nhất cho bộ đội và mời ăn xôi chè, lúc ấy chúng tôi mới biết là đêm rằm tháng 8. Đây là vùng lõm khu du kích mới, sâu trong địch hậu, nên đơn vị lập tức đào công sự quanh làng, cùng dân quân du kích tận dụng cả công sự cũ của địch còn lại, rào làng, cổng... để sẵn sàng chiến đấu.


Sáng 5/10/1952, có khoảng 200 quân địch cả Pháp và ngụy tử Kẻ Sặt và Lực Điền hợp quân ở đê Cống Tranh - Cống Tráng theo đường 200 hướng về quận lỵ An Thi (có lẽ để đổi quân cho bốt Đởm và Đa Lộc đã bị cô lập lâu ngày trong khu du kích). C176 đã cử hai tiểu đội của B15 do đồng chí Khoan - B phó chỉ huy, tổ chức “đánh chim sẻ” chia làm 4 tổ ẩn nấp ở các ruộng lúa ven hai bên đường 200, bám đánh địch liên tục suốt ngày, gây cho địch một số thương vong. Cả ngày chúng chỉ tiến được vài ba km, phải lui quân. Ta chỉ bị thương nhẹ hai đồng chí, trong đó có đồng chí Khoan.


Đêm đó nghe trên đường 5, đường 39 và sông Lực Điền đi Kẻ Sặt, tiếng xe cơ giới, tàu trên sông nổ rền rĩ liên tục. Ban chỉ huy phán đoán địch chuyển quân ZEM chủ lực về và sẽ có trận quyết chiến ác liệt, lệnh cho toàn đơn vị tăng cường công sự vững chắc, sốc lại đội hình, gọn gàng vũ khí, quân tư trang, bông băng, nấu cơm sớm và có cơm nắm dự phòng, cùng cán bộ địa phương tổ chức cho nhân dân chôn giấu tài sản và sơ tán triệt để. Chỉ còn lại dân quân, du kích xen kẽ chiến đấu với bộ đội và một số cáng thương. Lúc ấy C176 là đại đội mạnh, có tới 7 trung liên, mỗi A có 4 tiểu liên, A hỏa lực có một cối 82, hai cối 60, một đại liên.


Sáng 6/10/1952, địch rải xe tăng dọc đường 39, đường 200, đê Lực Điền và một số từ Trương Xá đến Ân Thi, vây Xuân Nguyên cả 4 phía. Lúc 6h30, 3 trận địa pháo từ Sặt, Như Quỳnh bắn cấp tập phá hoại Xuân Nguyên. Địch tiến quán 3 mũi: từ Kẻ Sặt vào, Lực Điền xuống, Ân Thi - Trương Xá lên, bám sát đường từ chợ Triền lên Xuân Nguyên hội quân. Khi hỏa pháo dứt, chúng theo đường vào cổng làng, hò hét xông lên. Quân ta im lặng chờ chúng tới gần 15-20m mới nổ súng đồng loạt, mãnh liệt. Địch bất ngờ vì hỏa lực ta quá mạnh nên thương vong nhiều, vội quay đầu tháo chạy kéo theo số bị thương, bỏ lại xác Tây đen, Tây trắng ngổn ngang gần công sự ta. Trận địa im tiếng súng, ít phút sau 9 máy bay B26 và ĐACOTA chia làm 3 tốp dàn hàng ngang sát cánh nhau bay rất thấp thả bom tọa độ mấy chục quả một lần, mặt đất chao đảo, rung lên, khắp làng đổ nát. Rồi pháo lại bắn cấp tập, các chiến sĩ và dân quân du kích lao đi cứu sập, rồi ẩn nấp an toàn trong những công sự vững chắc. Khi pháo ngừng lại kịp thời nhô lên công sự quan sát, sẵn sàng đánh cận chiến tiếp 3 đợt xung phong của địch. Lúc 11 giờ trưa, có một tên quan hai da trắng chết, địch cho trực thăng xuống một gò cao giữa đồng đưa xác lên. Địch ở các mũi cập rập đưa cáng những rên bị thương đến xúm xít quanh gò. Lập tức cối 82 và 50 cùng đại liên của ta bắn cấp tập vào gò. Trực thăng vội vàng cất cánh, mặc bọn quân nằm, ngồi làm mồi cho đạn cối, xác chết chồng chất lên nhau. Bọn sống sót bỏ nhau chạy tán loạn. Quân ta reo hò đầy khí thế.


Đầu buổi chiều, địch lại cho 3 tốp 9 máy bay thả bom tọa độ dọc làng cùng bom napan. Khắp làng lửa cháy ngút trời, khói đen cuồn cuộn. Pháo bắn dứt là giặc dàn hàng ngang, lội tắt ruộng lúa xông lên hung hãn. Chúng lợi dụng hổ bom đã phá tre và công sự ở ria làng phía Đông một đoạn dài, chúng tràn vào chọc qua tuyến phòng ngự. Đại đội huy động hỏa lực đại liên, súng cối bắn mãnh liệt vào, cửa mở, chiến sĩ ta áp sát quãng lựu đạn, xả tiểu liên xuống các hố bom. Chiến sĩ Bàn, quê Ân Thi, đã ôm trung liên trèo lên chạc cây sung lớn đã cụt ngọn vì bom pháo - xả đạn tới tấp xuống hố bom làm địch không ngóc đầu lên được. Quân ta reo hò xuất kích truy đuổi. Địch bị đánh bật ra cánh đồng, chúng đi giày cao cổ lội ruộng thụt bùn sâu, di chuyển chậm bị quân ta truy sát bắn sau lưng, số chết và bị thương nằm khắp ruộng. Quân ta quay về củng cố lại công sự, chuẩn bị đón đánh các đợt tấn công tiếp của địch. Đợt thứ 8 trong ngày, trời gần tối, địch đột nhiên bắn pháo cấp tập vào giữa làng cùng đạn cối và đại liên. Lần này, từng tốp địch buộc túm lúa lên đầu lội dưới ruộng để nhặt xác chết và các tên bị thương đưa ra đường 200 chở về Kẻ Sặt và Lực Điền. Chiến trường im súng. Ta hy sinh và bị thương 30 cán bộ, chiến sĩ.


Quá nửa đêm 06/10, vũ khí ta đã cạn, địch lại rải xe tăng trên cả 4 mặt: đường 39, đường 200, đê Lực Điền và đường Trương Xá đi Ân Thi, bao vây chặt Xuân Nguyên để hôm sau tấn công tiếp. Ta giải quyết xong thương binh, tử sĩ. Ban chỉ huy đại đội quyết định phá vây. Đồng chí Duyên, trung đội trưởng, trực tiếp cấp trung liên nổ súng cũng là lệnh phá vây.


Khoảng 1 giờ ngày 07/10/1952, quân ta chia làm 4 mũi men theo bờ lúa bí mật áp sát đội hình địch, bất ngờ nổ trung liên dữ dội, tới tấp quăng lựu đạn, thủ pháo vào ổ chỉ huy và nơi đông quân địch nhất. Hàng chục pháo sáng phụt lên sáng lòa, cả 4 mũi quân ta đồng loạt xông lên đánh giáp lá cà. Quân địch đang nửa thức nửa ngủ hoảng hốt bắn loạn xạ, số chết, số bị thương nằm ngổn ngang trên bờ, dưới ruộng, rồi vỡ trận tháo chạy tán loạn về hai phía: Nam chạy về bốt Đởm, Bắc chạy về đê Cống Tráng, Lực Điền.


Các mũi quân ta vượt cánh đồng phía Đông sát nhà thờ Phú Cốc về Đỗ Thượng (Đọ), Đỗ Hạ (Đá) xã Quang Vinh, được nhân dân hồ hởi đón tiếp, mời ăn uống nghỉ ngơi và giúp đỡ phân tán từng tốp nhỏ rút về khu du kích Nam An Thi an toàn. Chuyện lạ là chiến sĩ Trần Đăng tiếp đạn đại liên nhảy lên trận địa đã im tiếng súng thấy một tên lính ngụy sau cùng, đeo súng đang chạy theo bọn Âu Phi về phía bốt quận, Đăng chạy theo đập hòm đạn sắt nặng vào vai, hắn khuỵ xuống, liên tước súng bắt hắn đeo hòm đạn lội tắt bờ lúa về Đỗ Hạ tập kết với đại đội. Thế là ta phá vòng vây, còn bắt được tù binh, thu vũ khí. Sau này chiến sĩ Trần Đăng được đi báo cáo trước các đại đội về trận đánh và là chiến sĩ thi đua của tỉnh.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #31 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:12:43 pm »

B- Dắt trâu qua lỗ kim

Hầu hết thương binh đi về hướng Tây làng Xuân Nguyên ra giữa cánh đồng thôn Tượng Cước và xã Nghĩa Dân huyện Kim Động (gần các thôn Đỗ Xá, Hồng Vân). Có đồng chí Tiến, chính trị viên, bị đạn xuyên cạnh cổ, đồng chí Dũng, chính trị viên phó, gãy chân, anh em dùng cáng tự tạo, cõng nhau, dìu nhau, một số tự đi, phân tán tốp nhỏ tại các bờ lúa tốt lút đầu người. Nhân dân các thôn Hồng Vân, Đỗ Xá tề hai mang, cảm phục, thương yêu bộ đội ta, đã nô nức, đua nhau đem cơm nắm, nước uống, thuốc kháng sinh, bông băng cho vào gầu, dậm, cua... giá đi làm đem ra đồng tiếp tế cho 40 thương binh. Khoảng 10h đêm 7/10/1952, bà con có đủ 30 cáng, võng cùng 60 du kích, dân công ra cánh đồng để vận chuyển thương binh vượt đường 39. Các cụ trong làng cùng nữ du kích Hoàng Ngân dụ bọn lính xe tăng ở đường 39 vào làng đánh bài, uống rượu say mềm rồi cho cáng thương đi qua lúc 1h đêm an toàn.


Khi qua sông Đào Viên, tải thương phải đội cao đòn cáng lên đầu cho khỏi ướt thương binh, vượt tắt sang thôn Ngọc Nha, xã Phùng Hưng về đến kênh Khê Thượng là tảng sáng. Trạm đón tiếp thương binh do Trưởng ban quân y tỉnh Phạm Sĩ Cảo phụ trách, cùng các y tá thành thạo tay nghề như các chị Đào Thanh Mậu, Nguyễn Thị Nghi, Nguyễn Thị Ngọc, Dương Thị Vinh, đã sẵn sàng khẩn trương tiêm kháng sinh, phòng uốn ván, thay băng... rồi phân loại chọn lọc đưa thương binh nhẹ về cơ sở điều trị. Số cần mổ ngay thì sau hồi sức, đưa xuống thuyền cụ Khởi chở sang đình Phù Xa Thượng, có y sĩ Cát - Phó ban Quân y tỉnh điều khiển hai bàn mổ, cùng hai kíp y tá Nội, Lập, Yên, Tụng, An... Mọi người phấn khởi tự hào, đau cũng cố chịu đựng chẳng rên la và số nhẹ chỉ hơn tuần lễ đã đòi về đơn vị.


Gần 40 thương binh, 30 cáng võng, hơn 60 dân công, nửa đêm đi qua mũi một đoàn xe tăng địch, phục kích trên đường nhựa 39 một cách an toàn, thật đúng là “dắt trâu chui qua lỗ kim”, chỉ có Đảng, có chiến tranh nhân dân mới làm nên mọi chuyện tưởng như thần kỳ đó.


Tổng kết trận đánh, ta hy sinh 20, bị thương 50. Địch chở về Kẻ Sặt, Lực Điền hơn trăm xác chết và nhiều tên bị thương. Đơn vị đã luồn vây thành công (Lịch sử kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ 1945 - 1975 của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên - trang 264 in tháng 12/2002).


Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Trúc (trước là xã Quang Trung) huyện Ân Thi in ngày 8/7/1999 trang 91-96 ghi “số địch chết và bị thương là 416 tên, có một quan hai, trong số 5 tiểu đoàn địch có phi pháo phối hợp đánh vào Xuân Nguyên, đây là một trận phòng ngự lớn nhãt từ trước đến nay ở Bắc Ân Thi: 1 chọi 5 - chọi 10, thể hiện ý chí kiên cường, dũng cảm của quân dân Hưng Yên, một chiến công đáng tự hào - kiêu hãnh trong vùng địch hậu”.


Đồng chí Phạm Thân, chính trị viên Trung đội 15 (đg từ trần năm 2000) có bài ca ngợi chiến thắng Xuân Nguyên lưu truyền trong đơn vị, tôi chỉ nhớ được 8 câu:

   “Vừa rồi trong trận Xuân Nguyên
   Chúng ta chiến đấu liên miên suối ngày.
   Vang trời: đại bác, tàu bay
   Napan, bom tạ, bom giây, bom chùm
   Chờ cho quân giặc sát gần
   Bất ngờ nổ súng đội hình giặc tan
   Tám lần giặc Pháp xông lên
   Tám lần bỏ xác giặc liền lùi xa...”.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #32 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:13:37 pm »

BÀI CA KHÔNG QUÊN


Đại tá DOÃN THẾ LÂN
(Thầy thuốc ưu tú)


Bà là Lưu Thị Huệ, 74 tuổi, quê Ngô Xá, xã Quảng Lãng, Ân Thi, chiến sĩ giao liên Đại đội 17/D352 Hưng Yên, bị thương vỡ xương gò má và thái dương bên phải trong trận phá vây Xuân Nguyên đêm 6/10/1952. Quân y đơn vị cõng ra khỏi trận địa rồi được nhân dân Quang Trung - Nghĩa Dân cáng về quân y xá Tỉnh đội. Tháng sau khỏi, về giao liên Tỉnh đội Hưng Yên. Phục viên về Cảnh Lâm (quê chồng) xã Tân Việt - Yên Mỹ. Bà còn là xã đội phó nữ du kích Hoàng Ngân 5 năm liền, được nhân dân tín nhiệm.

Gặp em, em đã lên bà
Còn anh thì cũng đã là cụ ông
Hỏi em: còn nhớ hay không
Đã hơn năm chục mùa đông qua rồi!
Nửa đêm, pháo sáng rực trời
Xuân Nguyên dậy đất - vang lời xung phong!
Lưỡi lê, lựu đạn, tiểu liên
Hướng đông áp sát trận tiền phá vây
Thương binh vòng lại hướng Tây
Về quân y xá vào ngày hôm sau
Tình dân, nghĩa Đảng, ơn sâu
Cáng võng, cơm nắm, qua đâu xe tăng.
Quân dân thắng trận Xuân Nguyên1 (Nay là xã Xuân Trúc, Ân Thi)
Hơn trăm xác giặc, chở lên Lực Điền2 (Tên một đồn lớn của giậc Pháp trên đường 39)
Ngụy - Tây khiếp đảm kinh hồn
Bắc Ân Thi rộn tiếng đồn chiến công.

1/2006
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #33 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:14:14 pm »

ANH ĐỘ ĐỘI


HÀ MINH CƯỜNG
Kính tặng các đồng chí cựu chiến binh
đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ


   Người chiến sĩ nguyện hết mình vì nước
   Luôn sẵn sàng khi Tổ quốc điểm danh
   Cuộc đời anh vang mãi khúc quân hành
   Dưới cờ Đảng, trên đầu thù, vững bước...
   Thề quyết chiến, trận mở màn lịch sử
   Đòn phủ đầu giội lửa, pháo gầm lên
   Đồi: Độc Lập, rồi Hồng Cúm, Him Lam
   Người đại thắng, giẫm lên hầm Đờ Cát.
   Như Phù Đổng trưởng thành trong chiến đấu
   Chiến tích này là huyền thoại của Việt Nam
   Điện Biên Phủ chấn động khắp thế gian
   Và anh đã tôn danh người nước Viêt
   Từ hủy diệt đã lập công oanh liệt
   Nào Napan, nào chất độc da cam
   Trong hòa bình, triệt tận gốc hung tàn
   Xuân đoàn tụ miền Nam vui giải phóng.
    Ấn tượng quá ngời ánh sao trên mũ
   Hành trang ư, khẩu súng chiếc ba lô?
   Máu anh pha, đầy kiêu hãnh sắc cờ
   Giặc khiếp đảm trước tấm lòng kiên định
   Giữa thời bình, nghiêm tác phong người lính
   Vượt hiểm nguy thường trực giữ biển trời
   Phóng tầm mắt anh bao quát muôn nơi
   Giăng sấm sét, nếu quân thù xâm phạm!
    Rất năng động luôn là người nhạy cảm
   Vì nhân dân anh xóa đói giám nghèo
   Mang hanh phúc đến bản làng treo leo
   Sáng tên anh ấm ngôi nhà tình nghĩa
   Đàn em nhỏ theo anh vào trang sách
   Trong mỗi người anh là một vần thơ
   Vinh quang thay anh bộ đội Cụ Hồ
   Anh trẻ mãi với màu xanh xứ sở.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #34 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:15:21 pm »

KIM ĐỘNG MỞ ĐƯỜNG THẮNG LỢI


NGUYỄN ĐÌNH MẬU
(Nguyên Chính trị viên
Đại đội Quang Trung C28-C20)


Cuối năm 1949, địch tấn công chiếm đóng miền Nam Hưng Yên. Như vậy, chỉ trừ có thôn Tam Nông xã Hưng Đạo huyện Tiên Lữ là chúng chưa lập được tề, còn chúng đã lập tề toàn bộ các làng xã trong cả tỉnh.


Đồn bốt, hương đồn, tháp canh mọc lên như nấm. Trên các trục đường giao thông, các tụ điểm dân cư thì các đồn binh Pháp chiếm đóng. Còn mỗi xã có 4 hoặc 5 hương đồn tháp canh do lực lượng bảo an canh giữ.


Nhiệm vụ của quân và dân Hưng Yên chuyển sang thời kỳ mới: “Chiến đấu trong lòng địch”.

Vào một ngày đầu năm 1950, âm lịch, vào ngày giáp Tết nguyên đán Canh Dần, tôi và anh Đoàn Ngọc Cảo đi công tác cơ sở về. Anh Cảo là Huyện ủy viên, Chỉ huy trưởng mặt trận Kim Động. Tôi về cơ sở thôn Theo (Tạ Xá hạ) xã Chính Nghĩa do chị Thanh ngụy trang hầm bí mật cho tôi (chị Thanh là vợ anh Trần Tạ - Huyện trưởng Công an Kim Động lúc đó). Còn anh Cảo về thôn Đồng Lý. Trước khi chia tay anh Cảo nói: “Tối mai ở nhà Mậu chuẩn bị tài liệu để tối ngày kia chúng mình lên mấy xã khu Bắc (Việt Hòa - Quảng Lãng) để giải quyết mấy tến tề ngoan cố”.


Thời gian này, tất cả cán bộ, bộ đội về địch hậu mọi hoạt động đều phải làm về đêm, đến khoảng 3-4 giờ sáng lại đâu về đấy. Mỗi người nắm cơm, chai nước, đèn pin, súng, dao găm xuống hầm bí mật đến 7-8 giờ mới được lên.


Tối hôm sau, tôi đang in tài liệu thì anh Cảo đến. Anh nói ngay: “Mậu tranh thủ in xong tài liệu rồi giao lại cho mình cả tài liệu và con dấu. Còn Mậu phải về xã Thống Nhất để làm nhiệm vụ mới. Thời gian rất khẩn trương, Mậu phải đi ngay đêm hôm nay, trên đường về qua xã Hùng An gặp anh Tứ (anh Tứ là cán sự Huyện ủy), Huyện ủy giao cho anh Tứ và Mậu về Thống Nhất để thuyết phục xã ủy Đạo ở Đức Chiêm. Việc diệt phá tề Đức Chiêm, Đức Ninh, Hạnh Lâm ta thừa sức làm được. Nhưng nếu thuyết phục được Đạo theo ta thì có lợi hơn và khi Đạo đã theo ta thì tề Đức Ninh, Hạnh Lâm sẽ phải đến đầu hàng theo ta ngay”. Anh Cảo nói tiếp: “Tỉnh ủy yêu cầu Huyện ủy Kim Động phải khẩn trương mở thông suốt đường giao liên từ vùng địch hậu nối liền với vùng tự do, đảm bảo việc giao thông liên lạc giữa tỉnh với Trung ương và không những chỉ riêng tỉnh ta mà cho cả các tỉnh khu vực Tả Ngạn sông Hồng đang bị địch chiếm đóng”.


Tỉnh thành lập 2 phòng giao thông. Một phòng chịu trách nhiệm đường giao liên Hưng Yên đi Hà Đông, Hòa Bình rồi đi Tây Bắc - Việt Bắc gọi là phòng giao thông Đông Hưng. Một phòng đảm nhiệm đường giao liên Hưng Yên đi Hà Nam rồi vào Thanh Hóa gọi là Phòng giao thông Nam Hưng.


Việc đặt điểm nút giao thông cho cả hai đường giao liên ở xã Thống Nhất là thuận lợi nhất, vì có khu dân cư rộng lớn giáp sông Hồng. Nhân dân tuy nghèo nhưng rất hăng hái nhiệt tình tham gia cách mạng. Về địa lý thì từ xã Thống Nhất sang qua sông Hồng là đúng điểm giáp ranh của hai tỉnh Hà Đông và Hà Nam nên việc đưa cán bộ, bộ đội ở địch hậu ra vùng tự do hoặc đón cán bộ, bộ đội ở vùng tự do về vùng địch hậu đều thuận lợi. Nên Huyện ủy quyết định lấy xã Thống Nhất là khu căn cứ cho cả hai đường giao liên Đông Hưng và Nam Hưng làm điểm xuất phát nối liền vùng địch hậu Tả Ngạn sông Hồng với Trung ương, với các vùng tự do. Vì thế nên Huyện ủy phân công cho đồng chí Tứ và đồng chí Mậu về gấp xã Thống Nhất để giải quyết ba làng tề Đức Chiêm, Đức Ninh, Hạnh Lâm. Tôi vừa in tài liệu vừa nói chuyện với anh Cảo thì anh Lễ - Bí thư Huyện ủy đến bàn công việc với anh Cảo. Sau khi hai anh trao đổi công việc với nhau, anh Cảo nói với anh Lễ: “Tôi đã giao nhiệm vụ cho Mậu về xã Thống nhất. Giao nhiệm vụ này cho Mậu tôi thấy yên tâm vì những năm trước đây tôi phụ trách xã Thống Nhất, tôi ở nhà Mậu, tôi biết, nhà có 5 anh em trai, trừ chú út còn nhỏ, còn 4 anh em đều là đảng viên, anh cả của Mậu là đồng chí Tích - Bí thư xã Thống Nhất vừa bị địch bắt giam ở Hỏa lò Hà Nội. Bà cụ, chị Tích và gia đình rất vững vàng mọi người đều hăng hái nhiệt tình tham gia cách mạng nên tôi tin là sẽ được gia đình tạo mọi điều kiện cho Mậu hoàn thành nhiệm vụ”.


Khoảng 12h đêm, tôi chia tay với anh Cảo lên đường. Tôi về thôn Ninh Phúc gặp đồng chí Bang, Bí thư xã Hùng An đề nghị cho người đưa đến chỗ anh Tứ. Tôi và anh Tứ bàn việc bố trí ngày và địa điểm gặp xã ủy Đức Chiêm. Lúc nay đã là 30 Tết Canh Dần, thời gian rất khẩn trương nên phải bố trí cuộc gặp vào tối mồng 4 tết. Để đảm bảo an toàn cho đồng chí Tứ, chỉ còn cách phải bố trí địa điểm tại nhà tôi. Tôi nói với bà cụ và chị Tích mời Đạo sang ăn cơm để nói việc bố trí đưa chị Tích lên Hỏa lò Hà Nội thăm anh Tích trong dịp tết này. Còn anh Hợi (anh thứ 2 tôi) là đảng viên bố trí việc bảo vệ. Như vậy cả nhà tôi phải vào cuộc.


Đúng như kế hoạch, tối mồng 4 tết, Đạo đã nhận lời sang nhà tôi chơi ăn bữa cơm sau tết. Tuy sang một mình nhưng Đạo vẫn mang theo một khẩu súng trường. Đạo ngồi chơi nói chuyện với bà cụ tôi trong nhà. Tôi và anh Tứ ngồi ngoài vườn theo dõi mọi diễn biến. Thấy tình hình tiếp cận được, tôi và anh Tứ đi vào. Thấy có anh Tứ là người lạ, Đạo hơi sửng sốt quay khẩu súng về phía chúng tôi. Tôi nói ngay: “Chú bình tĩnh, không phải phòng thủ gì cả!”. Tôi ngồi ngay cạnh Đạo và gạt khẩu súng vào sát tường. Anh Tứ ngồi đối diện với Đạo. Tôi nói luôn: “Giới thiệu với chú, anh Tứ là ủy viên UBKCHC huyện. Mình và anh Tứ về đây gặp chú để bàn một số việc trên tinh thần tình nghĩa anh em”.


Anh Tứ nói: “Đúng như đồng chí Mậu nói. Tôi thay mặt UBKCHC huyện gặp ông để bàn một số việc". Qua cách nói cởi mở của anh Tứ, Đạo đã trở lại bình tĩnh, vui vẻ. Anh Tứ nói tiếp: "Trong thời gian qua, ông đã được nhân dân tín nhiệm, lãnh đạo địa phương tin tường cử ông làm Chủ tịch Ủy ban vận động đời sống mới. Nay ông tiếp tục gánh thêm trách nhiệm xã ủy tề để che mắt địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ sở kháng chiến, ông yên tâm. Đằng sau ông có nhân dân, có chúng tôi, địch không làm gì được chúng ta đâu”.


Anh Tứ trao đổi tiếp với Đạo như một sự cam kết giữa đôi bên. Tôi, anh Tứ, anh Hợi và Đạo ăn cơm rất vui vẻ, thoải mái. Ăn xong, Đạo xin phép về ngay. Chúng tôi hội ý thống nhất một số việc, rồi cử người đưa anh Tứ sang Hùng An.


Sáng hôm sau, Đạo tìm gặp bà mẹ tôi và nói: "Tối qua con về suy nghĩ cả đêm, con thấy Việt Minh không thể thắng Pháp được. Con mà làm tề hai mang nó sẽ giết sạch, đốt sạch. Bác bảo anh Mậu về làm việc với con là tốt nhất".


Bà mẹ tôi nói: "Sao tối hôm qua tôi thấy các anh bàn bạc với nhau vui vẻ thế. Vậy mà bây giờ lại thay đổi. Tôi là mẹ thật, nhưng bảo nó bỏ cơ quan đơn vị về làm việc với chú thì tôi chắc không bao giờ nó nghe. Theo tôi, chú nên suy nghĩ kỹ, có gì khó khăn thì bàn lại với Mậu và anh Tứ” (Đạo là cháu họ gọi mẹ tôi bằng bác).


Đạo nói: “Con nghĩ kỹ rồi...”.

Tôi báo cáo tình hình với anh Cảo. Anh Cảo bảo tôi gặp lại Đạo lần nữa, giải thích cho hắn hiểu, nhưng Đạo vẫn không nghe. Tôi về gặp anh Cảo để xin chủ trương. Anh Cảo nói: “Hắn ngoan cố như vậy ta phải cho bộ đội về phá tề thôi”. Đồng thời anh Cảo giao luôn nhiệm vụ cho tôi chuẩn bị kế hoạch đón hai tiểu đội của C28 về. Diệt tề Đức Chiêm xong, tề Đức Ninh, Hạnh Lâm không đầu hàng thì ta cho đánh luôn. Tôi lo nhất việc đón hai tiểu đội của C28 ở bên Hà Đông về. Nếu không chu đáo thì hỏng hết việc. Tôi tính toán mãi đành phải nói anh Hợi đi đón bộ đội vì anh Hợi vừa là đảng viên lại vừa là anh ruột tôi nên không thể làm nhỡ mình được.


Theo đúng kế hoạch, vào một tối tháng 6-1950, anh nhận mật khẩu, ám hiệu ra sông Hồng đón được hai tiểu đội về địa điểm tập kết.

Tôi lấy sơ đồ hướng dẫn kế hoạch tác chiến cho bộ đội. Rất thuận lợi là hai đồng chí tiểu đội trưởng Nguyền Ngọc Tuyên và Đặng Phi Hùng đều là người ở xã Thống Nhất nên rất thuộc đường đi lối lại, địa hình chiến đấu.   Trận đánh phá tề thực hiện đúng kế hoạch, ta bắt sống được tên xã ủy và 1 tên phòng nhì chỉ điểm. Phá tề tối hôm trước, ngay tối hôm sau đồng chí Nguyễn Quyền, Trưởng phòng Đông Hưng và đồng chí Nguyễn Họa, Trưởng Nam Hưng đã đưa đại bản doanh của tổ chức đường giao liên Đông Hưng và Nam Hưng về đóng tại xóm Sòi. Bộ phận lãnh đạo chỉ huy của hai phòng ở khu nhà cụ Sử Được, ông Nhung, ông Y, ông Huế, ông Sen, ông Mẫn, ông Tuân, ông Yến, ông Hợp v.v... Còn cơ sở dự phòng cho cán bộ, bộ đội đi hoặc về thì tập trung ở 2 xã Thống Nhất và Phú Thịnh, điểm nút cua hai đường giao liên. Cửa ngõ ra vùng tự do, hoặc từ vùng tự do về vùng địch hậu là xã Thống Nhất được Đảng bộ và nhân dân Kim Động đảm bảo thông suốt, an toàn.


Sau khi phá tề Đức Chiêm xong, Ủy ban kháng chiến hành chính xã đã giao cho ông Nguyễn Lùng làm xã ủy. Còn tề Đức Ninh và Hạnh Lâm ngay tối hôm sau đã mang sổ sách con dấu đến nộp xin đầu hàng. Nhưng, Ủy ban kháng chiến hành chính xã đả thông, giao nhiệm vụ cho ông Học và ông Nhạn tiếp tục làm xã ủy Đức Ninh và Hạnh Lâm, mọi hoạt động phải tuân theo sự chỉ đạo của UBKCHC, bảo vệ nhân dân, bảo vệ các cơ sở kháng chiến. Việc 3 làng tề đã giải quyết xong, như vậy cả 5 ban tề thuộc xã Thống Nhất ta đã nắm được cả, đã khai thông được điểm nút giao thông cho các đường giao liên và còn mở rộng cơ sở cả khu ngoại đê sông Hồng của huyện Kim Động. Cán bộ, bộ đội, các cơ quan tỉnh, huyện về xã Thống Nhất rất đông. Tập trung nhiều nhất ở xóm Nhà Thờ như: đồng chí Lê Đức Thịnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội ở nhà đồng chí Hợi. Đồng chí Nguyễn Trường Xuân, Bí thư Huyện ủy ở nhà đồng chí Tích, đồng chí Mậu v.v… Trường huấn luyện Hồng Hà của Tỉnh đội về Đình Soi. Xưởng quân khí của Tỉnh đội về ở nhà đồng chí Duyên, đồng chí Xuyên và nhiều cơ quan khác.


Năm 1950-1951, đồn bốt, tháp canh, hương đồn địch còn dầy đặc trên khắp các địa bàn tỉnh Hưng Yên. Vậy mà giao thông liên lạc vẫn thông suốt giữa vùng bị tạm chiếm với trung ương. Những bước đi vô cùng khó khăn gian khổ, cực kỳ nguy nan, đã nhiều lần nhân dân Kim Động phải đổ máu để bảo vệ con đường này. Nhưng Kim Động vẫn không ngừng mở đường tiến lên phía trước, đã góp phần làm nên sự nghiệp “kháng chiến thành công", “Kim Động - đơn vị anh hùng    lực lượng vũ trang nhân dân”, tô thêm trang sử vàng chói lọi.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #35 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:16:00 pm »

HOÀN LONG QUẬT KHỎI


HÀ VĂN CẢO
(Hoàn Long, Yên Mỹ, Hưng Yên)


   Thời chống Pháp, Hoàn Long quật khởi
   Chiến công đầu vang dội khắp nơi
   Tấm gương rạng rỡ, sáng ngời
   Toàn dân đánh giặc, người người thi đua.
   Thực dân Pháp phải thua nhiều trận
   Người kiên trung căm giận diệt thù
   Ban ngày, đánh giữa chợ Từ
   Vỏ chai hòn gạch giặc nhừ đòn đau.
   Chôn mìn đánh xe, tàu của giặc
   Làm bao lần bế tắc chuyển quân
   Trên đường Hà Nội - Văn Lâm
   Trúng mìn xe đổ nhiều lần đắng cay.
   Cột điện thoại, đường dây ta cắt
   Chiến lợi phẩm cung cấp cho ta
   Hoàng Ngân du kích xông pha
   Thu nhiều dây điện đây là chiến cônq.
   Dù ngày, đêm đều không quản ngại
   Cải, hóa trang trai gái ra quân
   Ngang nhiên trên đoạn đường 5
   Bắn chặn xe giặc nhiều thằng thương vong.
   Du kích phối hợp cùng bộ đội
   Trận phục này vang dội chiến công
   Ngụy trang nằm giữa cánh đồng
   Pháp - ngụy bại trận chúng không đường về.
   Nhân dân khắp vùng quê phấn khởi
   Mừng quân ta thắng lợi vẻ vang
   Bộ đội du kích sẵn sàng
   Phối hợp chiến đấu hiên ngang diệt thù.
   Nhiều trận càn giặc thua du kích
   Quân Hoàn Long đánh địch kiên cường
   Kết hợp giải phóng địa phương
   San bằng đồn, bốt, diệt phường sói lang.
    Thời đánh Mỹ kiên cường bất khuất
   Sẵn sàng vì tất cả tiền phương
   Hoàn Long trai gái lên đường
   Góp công, góp của diệt phường xâm lâng.
   Khi đất nước hòa bình thống nhất
   Dân Hoàn Long sức bật vươn lên
   Phát triển kinh tế vững bền
   Phong trào mọi mặt thường xuyên vững vàng.
   Điểm thành tích quá trình đạt được
   Xét chiến công Nhà nước ghi công
   Vinh dự cho xã Hoàn Long
   Được tặng danh hiệu Anh hùng vũ trang.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #36 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:17:12 pm »

ĐẠI ĐỘI BÃI SẬY VÀ NHỮNG CHIẾN CÔNG


Đại tá NGUYỄN HỮU BÍNH (LÊ KIM)
(Nguyên Trung đội trưởng
Đại đội Bãi Sậy)


Ngày 03/02/1949, tại làng Mát, phía nam huyện Ân Thi, bộ đội địa phương huyện Yên Mỹ ra đời, nòng cốt là trung đội du kích huyện.

Cán bộ chỉ huy được bổ nhiệm như sau:

- Đại đội trưởng: Đồng chí Lê Gia Du quê ở Thoại Nam. Tháng 5/1949, đồng chí Du bị địch bắt. Đồng chí Phạm Bạt Tụy lên thay làm đại đội trưởng.

- Đại đội phó: Đồng chí Nguyễn Tán, quê Giai Phạm

- Chính trị viên: Đồng chí Phạm Bạt Tụy quê Bắc Khu (nguyên Bí thư xã Minh Châu).

- Các trung đội:

* Trung đội 1: Đồng chí Cường làm trung đội trưởng tháng 6/1949 đồng chí Cường được điều lên tỉnh, đồng chí Lê Kim làm trung đội trưởng lên thay.

Đồng chí Toán quê Từ Tây làm chính trị viên.

* Trung đội 2: Đồng chí Thảo quê Liêu Xá, trung đội trưởng.

Đồng chí Lợi quê Bình Phú làm chính trị viên.

Đồng chí Hèo làm trung đội phó.

* Trung đội 3: Đồng chí Giao quê Hoàng Hữu Nam làm trung đội trưởng.

Đồng chí Thận quê Khóa Nhu, đồng chí Nguyền Thụy Sũ quê Đạo Khê làm trung đội phó.

Đại đội Bãi Sậy có 3 chiến công khi về địa bàn Yên Mỹ như sau:


* Chiến công đầu tiên: Trận tiêu diệt đồn Nho Lâm (19/8/1949)

Nho Lâm là một tiền đồn của giặc Pháp bảo vệ tuyến đường 5 chiến lược nằm trên trục đường 39 cách Phố Nối (đường 5) 4km.

Nho Lâm, một cái ung nhọt của giặc nằm giữa lòng huyện Yên Mỹ, quân số 30 tên. Khi chúng rút từ chùa Son - Đạo Khê về chiếm đóng tháng 10/1947 thì toàn là lính Pháp cả. Năm 1949, chúng thay toàn lính ngụy, chỉ có tên chỉ huy là người Pháp. Hằng ngày chúng lùng sục các làng mạc trong vùng bắt bớ cán bộ, đảng viên ta. Đây còn là nơi chứa chấp, là hang ổ của những tên phản bội chỉ điểm cho giặc đàn áp nhân dân ta, điển hình là tên Báu, nguyên xã đội phó xã Hoàng Hữu Nam đã tác oai tác quái gây bao nợ máu cho nhân dân trong vùng. Nó không dám về ngủ ở nhà mà ngủ ở trong bốt giặc vì sợ nhân dân hỏi tội.


Thời gian này, anh Thi Ảnh người làng Thư Thị, xã Hoàng Hữu Nam, được điều động lên công tác ở cơ quan Huyện đội. Anh cho biết ở làng Thư Thị có người lính ngụy con em một gia đình tốt, có khả năng thuyết phục, làm người giúp việc cho ta. Anh Tụy, chính trị viên kiêm đại đội trưởng, liên tiếp tiếp cận đôi tượng này và tiến hành binh vận.


Sau một số lần tiếp xúc, giáo dục, người lính ngụy muốn lập công chuộc tội với nhiệm vụ được giao là đến giờ gác thì mở cổng cho bộ đội ta vào.

2 giờ sáng ngày 19/8/1949, theo đúng mật hiệu, người lính ngụy đã mở cổng sau bốt phía bờ sông. Anh Tụy dẫn đầu theo sát, tổ xung kích do Trung đội trưởng Lê Kim cùng một số chiến sĩ ập vào buồng tên sếp bốt người Pháp. Anh Tụy bắn mấy phát súng ngắn. Tên Pháp chưa chết hẳn, nó chồm dậy nhưng đã bị một băng tiểu liên Sít-ten của đồng chí Lê Kim quật ngã. Đồng chí Định, chiến sĩ liên lạc (nay là Trung tá nghỉ hưu) bồi thêm mấy nhát dao găm vào mạng sườn cho nó chết hẳn. Binh lính địch hoảng loạn, chui cả xuống gầm sạp, gầm giường hòng thoát chết nhưng không thoát bởi khẩu tiểu liên Thom-xơn của chiến sĩ Thông. Những tên cố chạy ra góc nhà, xó tủ thì bị mã tấu chém gẫy cổ.


Trong khi đó, để đề phòng bất trắc, đại đội đã bố trí trung đội 3 do đồng chí Thảo, Trung đội trưởng, chỉ huy nằm chốt ở thôn Liêu Thượng đề phòng địch ở S/S Bần Yên Nhân kéo xuống chi viện thì giật nổ mấy quả mìn muỗi ngoài đường 39 để chặn địch.


Cuộc chiến đấu chỉ diễn ra có 15 phút, ta thu toàn bộ vũ khí và không ai bị thương vong. Khi ta rút đến cánh đồng làng Thượng Bùi (xã Cộng Hòa) thì thấy phía bốt địch có phát pháo sáng bắn lên trời.

Sáng sớm hôm sau, 2 xe Ca-mi-ông chở đầy lính lê dương từ S/S Bần Yên Nhân xuống ứng cứu, chúng chỉ có thấy xác đồng bọn nằm kín gầm sạp, gầm giường và la liệt 1 góc nhà, ngoài sân. Đến gần trưa, chúng cho 2 xe khác xuống thu dọn và chở về Bần Yên Nhân.


Bốt giặc Nho Lâm đã bị tiêu diệt hoàn toàn, thỏa lòng mong đợi của nhân dân Yên Mỹ sau bao năm bị o ép kìm kẹp thỏa nỗi bức xúc của bộ đội Yên Mỹ là không sao diệt được đồn Nho Lâm bằng hỏa lực (công đồn) vì ta còn thiếu vũ khí hạng nặng trong điều kiện địch đã có công sự vững chắc.


Chiến thắng Nho Lâm mở ra một cách đánh mới cho bộ đội ta là sử dụng binh vận rất phù hợp với trình độ bộ đội cấp huyện.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #37 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:18:04 pm »

* Chiến công thứ 2: Tiêu diệt đồn Nhân Lý. Nhân Lý là một làng thuộc xã Thanh Long, cách bốt Đỗ Xá (bốt quân hành chính Yên Mỹ) 500m đường chim bay và bốt Lực Điền 3km. Bọn cường hào ác bá cũ âm mưu ngóc đầu dậy chống phá kháng chiến, chúng khống chế cưỡng bức phản động hóa một số thanh niên trong làng rồi xin vũ khí của Pháp về lập bốt quân số có 25 tên, hầu hết là người làng. Tuy không ác ôn hung hãn như bọn vệ sĩ Cảnh Lâm nhưng chúng cũng gây cho phong trào kháng chiến của địa phương vô vàn khó khăn. Ngày đêm, bọn chúng đi rình mò lùng sục bắt bớ cán bộ, đảng viên ta. Cấp trên quyết định phải nhổ tận gốc đồn bốt này.

Đồn Nhân Lý là một căn nhà gác 2 tầng nằm giữa khu dân cư trong làng, chưa hình thành đồn bốt có công sự riêng biệt. Cách đánh của chúng tôi là sử dụng lực lượng tinh nhuệ (trung đội chủ công của đại đội) bí mật đột nhập vào bắt sống tên chỉ huy, ra lệnh cho binh lính của nó phải đầu hàng.


Lợi dụng ngày tết Táo quân 23 tháng Chạp (khoảng cuối tháng 1/1950), lính ngụy uống rượu say như chết, anh Đảo, xã đội trưởng Thanh Long và 3 du kích đón chúng tôi tại rặng tre bìa làng. Trời rét như cắt, chúng tôi phải rất khó khăn để vượt mấy cái ao sâu đến thắt lưng, rộng hàng sào, xung quanh có bụi tre rậm rạp - nơi cư trú hàng trăm con cò vạc kêu quang quác. Ánh đèn pha ở bốt quận Đỗ Xá thỉnh thoáng lập loè. Đại đội trưởng và tôi bò được lên tầng gác nơi ngủ của tên sếp bót mà binh lính của chúng vẫn ngủ say như chết. Trong khi đại đội trưởng Tụy và tôi bắt tên sếp bốt kêu gọi binh lính của nó phải nằm im không được kháng cự thì ở tầng dưới, bộ đội ta đã trói ghì tất cả bọn chúng theo kiểu rồng rắn, đứa nọ ôm đứa kia.


Thời gian này, địch chiếm đóng hết toàn tỉnh (từ 23/12/1949). Đại đội Bãi Sậy không còn hậu cứ ở Ân Thi nữa nên cũng không còn địa điểm để giam giữ tù binh. Anh Tụy giao nhiệm vụ cho tôi chỉ dẫn giải và xử lý tên ác ôn đồn trưởng có nhiều nợ máu với nhân dân ta, còn tất cả binh lính của chúng thì tập trung ở sân đồn nghe anh Tụy nói chuyện giải thích chính sách, lệnh khoan hồng, nhắc nhở họ đừng cầm súng theo giặc gây tội ác với nhân dân, rồi tha cho họ về với gia đình.


Sau đó, du kích xã Thanh Long chất rơm, đổ xăng đốt cháy toàn bộ khu bốt Nhân Lý. Chúng tôi đã vượt qua cánh đồng Thái Nội, qua đường 39, qua sông Yên Lịch, đến giữa cánh đồng Tam Thiên Mẫu cách 3 km mà vẫn thấy lửa bốc cháy.


Hơn mười năm sau (kết thúc chiến tranh chống Pháp), có người lính ngụy được tha chết ngày đó nhân dịp tết đã tìm đến nhà đại đội trưởng Phạm Bạt Tụy cảm ơn cứu mạng đã tha không giết ngày đó.


* Chiến công thứ 3: Độn thổ phục kích tiêu diệt bọn lính Nho Lâm tuần tiễu trên đường 39.

Năm 1950, địch đã chiếm đóng hết các huyện phía nam của tỉnh, Đại đội Bãi Sậy không còn hậu cứ để tập kết lực lượng mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ ở nội địa về. Nhiệm vụ bây giờ phải là bám đất bám dân, nhưng tình hình địch lúc này không thể đưa cả đại đội hàng trăm con người vào nội địa được. Phải tinh giảm quân số. Một trung đội (đồng chí Giao, Sĩ, Hòa, Hòe) bổ sung cho bộ đội chủ lực của Khu; một trung đội (đồng chí Tân, đại đội phó trực tiếp phụ trách) hành lên lên Trùng Khánh - Cao Bằng tiếp nhận và vận chuyển vũ khí; một trung đội tăng cường (quân số 50 người) do đồng chí Lê Kim, Trung đội trưởng phụ trách, làm nhiệm vụ bám đất, bám dân, sống phân tán trong nhân dân, tuyên truyền chủ chính sách của Đảng, tích cực ủng hộ kháng chiến, trước mắt tìm gia đình đón nhận bộ đội, làm hầm bí mật, nuôi ăn và bảo vệ bộ đội như những người thân thiêt của mình.


Cho đến tháng 8/1950, đại đội trưởng phổ biến chỉ thị của trên là bộ đội đường 5 phải đẩy mạnh hoạt động để phối hợp với chiến trường chính và nêu chủ trương sẽ diệt bọn địch buổi sáng hằng ngày đi tuần từ bốt Nho Lâm lên Phố Nối và diệt chúng khi chúng quay trở về.


Đêm 10/8/1950, đại đội trưởng và tôi đi khảo sát địa hình cụ thể đoạn đường 39 tiếp giáp hai làng Lưu Thượng và Lưu Trung và hạ quyết tâm tổ chức trận đánh tại km 2 - đường 39 cách Phố Nối 2 km. Khó khăn là địa hình trống trải không dân cư, không có vật gì che chắn ẩn nấp, tất cả chỉ la mặt đường nhựa. Muốn đánh được địch chỗ này thì phải làm hầm bí mật giấu quân ở ngay mép đường, khi địch lọt vào khu phục kích của ta, có hiệu lệnh của người chỉ huy bộ đội thì đội nắp hầm lên đánh giáp lá cà. Đại đội trưởng trao cho tôi tổ chức và chỉ huy trận đánh này.


Trận đánh huy động 14 chiến sĩ tương ứng với lực lượng tuần tra của giặc. Phải đào 7 hầm trên lề cỏ mặt đường mỗi hầm ẩn hai người. Hố chỉ huy thì lợi dụng nơi ẩn nấp lộ thiên dưới cây ké ở góc ruộng bậc thang cách mép đường 20m. Vũ khí của ta chủ yếu là mã tấu, duy nhất có một khẩu tiểu liên Sít-ten do chỉ huy trận đánh giữ.


9 giờ tối ngày 12/8/1950, anh em phân tán từ các cơ sở về tập kết tại đầu làng Ngọc Tỉnh. Làng này đã có một tổ 3 người làm nhiệm vụ xin tre về đan 7 cái phên (0,8 x 1,2m) và mượn các dụng cụ đào và vận chuyển đất.


3 giờ sáng ngày 13/8/1950, các hầm bí mật giấu quân đã ổn định, anh em chúng tôi ngồi chờ địch đi tuần về. 8 giờ sáng, bọn giặc đã hoàn toàn lọt vào trận địa phục kích của ta trên đoạn đường dài 20m (7 hầm). Một băng tiểu liên Sít-ten xả vào đội hình giặc cùng là hiệu lệnh để các chiến sĩ ta bật dậy đội nắp hầm xồng lên. Bọn địch bất ngờ, chúng vội vất súng bỏ chạy, một số lớn bị diệt ngay tại chỗ, một số chạy xuống cánh đồng lúa phía đông đường 39. Anh em ta truy đuổi quyết không cho chúng thoát...


Trận đánh diễn ra chỉ trong 10 phút, ta tiêu diệt hoàn toàn bọn địch và không bị thương vong người nào. Qua trận này, đã mở ra một cách đánh mới là trong điều kiện địa hình quá trống trải không nơi ẩn nấp thì phải làm hầm bí mật giấu quân, hay gọi một cách hình ảnh là độn thổ phục kích. Chỉ cần ta có chí quyết tâm diệt địch cao thì sẽ hoàn toàn thắng lợi.


Cuối tháng 10/1950 (sau chiến thắng Biên giới), tình hình biên chế tổ chức thay đổi. Đại đội Bãi Sậy với tư cách là đơn vị trực thuộc Huyện đội không còn nữa. Huyện đội mang phiên hiệu C110 vừa quản lý trực tiếp bộ đội vừa quản lý dân quân.


Thế là Đại đội Bãi Sậy đã tồn tại được ngót hai năm trên mảnh đất Yên Mỹ đau thương và bất khuất. Huyện có 80 làng (thôn) thì 33 làng bị địch đóng bốt ở 43 vị trí và cụm vị trí với đầy đủ các sắc lính. Đại đội Bãi Sậy vẫn bám đất, bám dân, làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền lòng tin "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" và chiến đấu dũng cảm. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bãi Sậy vô cùng biết ơn nhân dân Yên Mỹ đã nuôi nấng, đùm bọc, che chở như những người con thân thương của mình để đại đội nắm chắc tay súng, chiến đấu bảo vệ quê hương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #38 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:19:36 pm »

B - HẢI DƯƠNG

TRUNG ĐOÀN 568 HẢI HƯNG THAM GIA CHIẾN DỊCH TẾT MẬU THÂN NĂM 1968


NGUYỄN THÀNH NGỌ
(Nguyên Chủ nhiệm chính trị
Trung đoàn Hải Hưng)


Trung đoàn 568 được thành lập từ những năm 1966-1967 vốn nằm trong đội hình Sư đoàn 330 - Quân khu 3 - cùng với hai trung đoàn 46 và 556. Trung đoàn 568 được giao nhiệm vụ chuyên huấn luyện quân tăng cường bổ sung cho các đơn vị và chi viện chiến trường. Đang thực hiện nhiệm vụ đó trên đất Lương Sơn - Hòa Bình, Trung đoàn được rút ra giao cho Hải Hưng gấp rút xây dựng, kiện toàn về mọi mặt để kịp chi viện cả đơn vị lớn. Lễ công bố thành lập Trung đoàn do Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính và Tỉnh đội tổ chức từ khu rừng bạch đàn thuộc xã Cổ Thành, huyện Chí Linh, chính thức mang phiên hiệu Trung đoàn Hải Hưng.


Ban đầu, cán bộ chỉ huy Trung đoàn gồm: Trung đoàn trưởng - Thiếu tá Nguyễn Hồng Chương; Trung đoàn phó - Thiếu tá Nguyễn Hồng; Chính ủy - Thiếu tá Lê Cần; Phó Chính ủy - Thiếu tá Hồ Đức, nguyên Phó chính trị viên Tỉnh đội được cử đi B. Khi hành quân thì đồng chí Lê Cần ở lại, đồng chí Hồ Đức thay làm Chính ủy; Tham mưu trưởng trung đoàn - Thiếu tá Đinh Hữu Trúc; Chủ nhiệm chính trị - Thiếu tá Nguyễn Thành Ngọ; Phó chủ nhiệm chính trị - Đại úy Nguyễn Trung Nên; Chủ nhiệm hậu cần - Đại úy Nguyễn Xuân Phong.    Trung đoàn liên tục hành quân dã ngoại để huấn luyện với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi để chiến trường bớt đổ máu”. Gian khổ vất vả nhất là hành quân mang vác nặng - tất cả trên vai người lính - thấp nhất là 35-37 cân/người, cao là 40- 42 cân/người. Công tác hậu cần nuôi quân chăm sóc sức khỏe được đặc biệt quan tâm để bảo đảm quân số huấn luyên cao.


Trước khi tạm biệt quê hương lên đường chiến đấu, thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Quang Vinh và đồng chí Tỉnh đội trưởng Lê Thừa Giao gặp mặt dặn dò, động viên các cán bộ chủ chốt của trung đoàn. Các đồng chí còn gửi theo cho bộ đội 10 kg thuốc lào Vĩnh Bảo...


Quá trình hành quân, cấp ủy, chỉ huy trung đoàn đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, trọng tâm là đối tượng cán bộ, đảng viên; động viên mọi người vững vàng kiên định, dũng cảm, ngoan cường và sáng tạo hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.


Một sự kiện xảy ra ngoài ý muốn: Khi trung đoàn dừng chân ở đất Thanh Hóa, Chi bộ Đại đội 6 - Tiểu đoàn 2 có 34 đảng viên, 3/4 trung đội trưởng là đảng viên chính thức đang tỏ ra bất phục đại đội trưởng và chính trị viên đến mức không chấp hành mọi chỉ lệnh của đại đội, thậm chí đại đội trưởng không thể tập hợp kiểm tra bộ đội được với 3 trung đội này. Chi ủy - chi bộ và chỉ huy đại đội rất lúng túng, cầu cứu tiểu đoàn, tiểu đoàn cũng không gỡ được mà nhiệm vụ thì khẩn trương không chờ đợi.


Thường vụ và chỉ huy Trung đoàn nhận định: Tình hình chính trị, tư tưởng, mất đoàn kết, kèn cựa cá nhân ở chi bộ Đại đội 6 nếu không kịp thời giải quyết, tất yếu ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Trung đoàn. Thường vụ Trung đoàn ủy chủ trương: Điều tra nắm chắc nguyên nhân, các biểu hiện và tác hại cụ thể vừa qua, áp dụng phương pháp kiểm tra tư cách đảng viên, đồng thời xác định từng chi bộ và Đảng bộ phải xứng đáng là hạt nhân đoàn kết mới lãnh đạo toàn Trung đoàn làm tròn nhiệm vụ sắp tới. Trung đoàn mở đợt sinh hoạt chính trị gọn trong 3 ngày, lấy Đại đội 6 chỉ đạo điểm. Qua bước tìm hiểu sơ bộ, trung đoàn ủy quyết định họp chi bộ Đại đội 6 xác đinh sự lãnh đạo của chi bộ Đảng có vị trí quyết định thắng - bại trong mọi nhiệm vụ chiến đấu ở đại đội. Nhiệm vụ tới của Trung đoàn là cuộc thử thách nghiêm khắc, thắng - thua phụ thuộc vào việc hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị thành viên. Đảng, đất nước yêu cầu Trung đoàn phải nhất trí quyết tâm cao, chung sức chung lòng thì ra trận mới mong chiến thắng. Từng người nghĩ rồi trình bày trước tổ, lấy ý kiến phê bình góp ý của 7 bộ chiến sĩ ở từng tiểu đội với từng đảng viên.


Trưởng ban kiểm tra của Trung đoàn bố trí lần lượt gặp từng đối tượng trọng điểm. Vấn đề cứ thế dần dần sáng tỏ.

Tình cờ tôi mở cuốn "Tác phẩm mới” trên đầu giường giở đúng trang sách có bài viết về câu chuyện Bộ trưởng Cù Huy Cận gặp Cụ Hồ xin không dám nhận chức Bộ trưởng Nông nghiệp. Đại ý: Cù Huy Cận thưa với Bác là “Cháu chưa làm Bộ trưởng bao giờ, xin Bác thứ cho, chỉ làm công việc chuyên môn thôi ạ! Bác cười hiền từ vui vẻ, ân cần nói: "Chú Cận này, Bác cũng chưa làm Chủ tịch nước bao giờ, nay quốc dân ủy thác, Bác phải làm, có điều là: Chương trình rõ rệt một nhóm trung tâm, vừa làm vừa học, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ”. Cù Huy Cận xin vâng không dám từ chối nữa


Tôi bật dậy tự nhủ mình: “Lời giải đây rồi, Bác đã mách bảo, gợi cho một bí quyết khi gặp phải khó khăn. Đúng! Mục tiêu (chương trình) là nhiệm vụ chiến đấu thì đã rõ, một nhóm trung tâm - vấn đề cốt lõi, thật chí lý. Trong các trận chiến đấu đã trải, trong đột phá tiền duyên phải có cốt cán, trung kiên mở khẩu? Trong tập thể một đại đội phải có nhóm trung tâm đó là chi bộ Đảng - lực lượng cốt cán, nếu nhóm trung tâm ấy trục trặc, rời rạc, thì quần chúng dù rất tốt sẽ không thành sức mạnh khiến quân thù phải khuất phục.


Tôi đã hoàn chỉnh được ý kiến kết luận cho buổi kết thúc sinh hoạt chính trị chiều hôm đó. Một buổi sinh hoạt rất tình cảm, chan hòa không khí vui vẻ, đầm ấm mà trong cuộc đời làm công tác chính trị - quân sự khó quên. Cuộc sinh hoạt ngoài đông đủ chi bộ điểm, còn có bí thư các tiểu đoàn, Đảng ũy cơ quan Trung đoàn và bí thư các đại đội toàn Đảng bộ cùng được mời tham dự rút kinh nghiệm để về tự triển khai cho đơn vị mình.


Sau báo cáo ngắn gọn đã được Thường vụ Trung đoàn cho ý kiến đánh giá là cuộc sinh hoạt tự phê bình và phê bình về tư cách đảng viên Đại đội 6 đạt được kết quả theo yêu cầu. Mừng nhất là các đồng chí có thiếu sót, khuyết điểm đều thành khẩn tự giác nhận lỗi, quyết tâm sửa để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các trung đội trưởng đều đứng dậy bắt tay từng chỉ huy đại đội, hứa trước cấp trên, với các cán bộ đơn vị bạn tới dự sinh hoạt - từ nay sẽ đoàn kết nhất trí, trên dưới một lòng, thành một nhóm trung tâm vừa làm vừa học, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ theo lời Bác Hồ dạy.


Thường vụ Trung đoàn ủy chủ trương không kỷ luật đồng chí nào cả, rất mừng là ý chí chiến đấu không đồng chí nào bị suy giảm.

Phát huy kết quả, Thường vụ và chỉ huy Trung đoàn chỉ thị triển khai sinh hoạt tự phê bình và phê bình về tư cách đảng viên trong toàn Đảng bộ nhằm chấn chỉnh đội ngũ, vai trò tiên phong lãnh đạo của mọi đảng viên, cán bộ trước khi tiếp tục cuộc hành quân ra trận.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #39 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2022, 07:20:14 pm »

Một chủ trương cần thiết kịp thời đã đem lại hiệu quả thiết thực góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng lãnh đạo, chất lượng chính trị và sức chiến đấu của bộ đội chi viện chiến trường, mà thành tích chiến đấu sau này đã chứng minh không phụ lòng tin cậy của cấp ủy, chính quyền, chỉ huy Tỉnh đội và không phụ truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân dân Hải Hưng.


Đúng sáng ngày 30 tháng 12 âm lịch Tết Mậu Thân (tức ngày 28-1-1968), Trung đoàn vượt sông Bến Hải vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị - Thiên thay chân Trung đoàn 27 của Quân khu 4 vào sâu hơn. Đoàn cán bộ đi trước chuẩn bị may mắn được gặp Đại tá Phó tư lệnh B5 - Cao Văn Khánh tiếp. Đồng chí dặn dò, giúp củng cố thêm niềm tin đối với những cán bộ chân ướt chân ráo mới bước vào chiến trường mà từ địa hình, địch tình còn rất bỡ ngỡ.


Qua Đài tiếng nói Việt Nam, dần dần đơn vị mới biết chủ trương của trên mở chiến dịch tập kích chiến lược Tết Mậu Thân - 1968 vào tất cả các thành phố lớn, những vị trí quan trọng của Mỹ-ngụy trên toàn chiến trường miền Nam. Bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua / Thắng trận tin vui khắp nước nhà / Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ / Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, được loan truyền liên tục suốt ngày qua đài bán dẫn của các đại đội trên đường hành quân như tiếng gọi non sông, động viên bộ đội vượt khó nhanh chân tới đích. Đêm ngày 1 rạng ngày 2 Tết (tức đêm 29 rạng ngày 30-1-1968) mở đầu cuộc tổng tấn công và nổi dậy khắp miền Nam, Tây Nguyên hùng vĩ được vinh dự nổ phát súng đầu tiên vào các thị xã Buôn Mê Thuột, Plây-cu, Kon-tum. Tiếp đó, những đòn sấm sét liên tục giáng xuống đầu Mỹ-ngụy khắp miền Nam, đánh thẳng vào trung tâm đầu não địch ở Sài Gòn và các thành phố lớn... Trung đoàn đã thông báo nhanh mọi tin tức chiến thắng ban đầu đến từng đơn vị, động viên cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng, có lệnh là đánh, đánh phải thắng để phối hợp với đồng bào, đồng đội của mình trên các mặt trận. Trung đoàn cũng báo cáo với Tỉnh ủy, Ủy ban, Tỉnh đội và nhân dân một số chiến công chính như sau: Từ tháng 6 năm 1972 đến khi ký hiệp định Pa-ri về Việt Nam, địch tập trung lực lượng với mức độ bom đạn ác liệt chưa từng có. Trung đoàn đã dũng cảm, kiên cường đánh trả diệt 3.918 tên, bắt 57 tù binh, thu 177 khẩu súng các loại, bắn cháy 78 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 20 máy bay. Đặc biệt trong trận đánh 4 ngày, từ 28 đến 31 tháng 1 năm 1973, địch vi phạm hiệp định Pa-ri đã ký, lấn chiếm Cửa Việt-Quảng Trị. Được Sư đoàn 320 tăng viện một số đơn vị binh chủng kỹ thuật, Trung đoàn phản kích quyết liệt, tiêu diệt Lữ đoàn đặc nhiệm tinh nhuệ của địch, diệt 1.384 tên, bắt 178 tù binh, bắn cháy 117 xe tăng, thiết giáp, bắt sống 14 chiếc, bắn rơi 2 máy bay, thu 140 súng các loại, 21 vô tuyến điện và thu nhiều dụng cụ, phương tiện chiến tranh, đập tan âm mưu hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, ta giải phóng hoàn toàn Cửa Việt. Trung đoàn đã được tặng thưởng 2 Huân chương Quán công hạng Ba, tập thể các tiểu đoàn, đại đội được tặng thưởng 35 Huân chương Chiến công các loại, 96 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng, 182 cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu “Chiến sĩ quyết thắng”, “Chiến sĩ thi đua” và “Dũng sĩ” các loại, nhiều anh em được cấp bằng khen, giấy khen...


Trong chiến tranh, Trung đoàn đã làm tốt nhiệm vụ, lập nhiều thành tích. Trong nhiệm vụ củng cố hòa bình, Trung đoàn tiếp tục rèn luyện bảo vệ vững chắc toàn vẹn vùng giải phóng đồng bằng tỉnh Quảng Trị.


Trên 35 năm tính từ năm thành lập tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Hải Hưng một thời đồng cam cộng khổ, nguy nan cùng vượt, hy sinh chẳng quản, đã lập nhiều chiến công, xứng dáng niềm tự hào và tin cậy của nhân dân. Cho tới nay, Trung đoàn 568 Hải Hưng đã có biết bao biến đổi. Cán bộ, chiến sĩ đã thay nhau mấy thế hệ, ai còn, ai mất, ai trở lại hậu phương hay chuyển ngành, đang làm gì trên các lĩnh vực khắp mọi miền đất nước? Nhưng vững tin, dù làm gì ở đâu thì cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 568 Hải Hưng vẫn giữ gìn và phát huy được phẩm chất cao đẹp của người lính Bác Hồ, nối tiếp truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, không phụ lòng tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân Hải Hưng có đường 5 anh dũng nổi tiếng và Bãi Sậy bất khuất, kiên cường.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM