Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:33:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những đứa con thân yêu  (Đọc 1872 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:09:37 pm »

NHỮNG NĂM THÁNG BA CÙNG (1951-1954)

Trong các năm 1948, 1949, 1950, các Ban quân, dân, chính, Đảng các miền và nhiều vùng trực thuộc miền đều được thành lập. Lực lượng dân quân du kích đã được xây dựng khá nhiều. Bộ đội Campuchia, Việt Nam phát triển mạnh hơn. Các đại đội chủ lực tập trung Miền đã được thanh lập và chủ động tiến công địch nhiều nơi, diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Hai đại đội 160 và 180 ở miền Tây Nam Campuchia đã đánh thắng hàng chục trận lớn, thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm. Đại đội 180 còn tiến lên Kỏng Pông Chnăng phối hợp với các đơn vị ở Tây Bắc Campuchia đánh địch phát triển du kích chiến tranh. Các miền Tây Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Miền Đông đều có các đại đội chủ lực Miền. Nhiều cán bộ quân tình nguyện Việt Nam cùng với các bạn Campuchia lãnh đạo vùng như: Anh Sam Khăn (Nguyễn Ngọc Khanh, tức Ba Khanh là Chủ tịch tỉnh Sông Bé hiện nay), hồi đó phụ trách vùng Nam lộ Chhuk (Kampot), anh Lê Linh Giang vùng cánh B tỉnh Tà Keo, anh Oong (Méas Savông) Kg.Chnăng, anh Nguyễn Công Lý, Kg Speu, anh Trần Háo Hiếu vùng Tây Kampot (sau 1954 anh Trần Háo Hiếu là đại tá, Cục phó Cục phòng cháy chữa cháy Việt Nam), anh Hoàng Tươi, thị xã Kampot, hiện là Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh Trần Văn Xã trong Ban cán sự Vùng Đông Kampot, sau đó anh ở trong Đảng ủy Nam lộ Chhuk, anh Huỳnh Công Đồng công tác ở KoKông - Tây Kampot, từ những năm 1946-1947 ở Thái Lan và các năm 1948-1954 ở Tây Kampot, (nay là một cán bộ hưu trí) hoạt động đắc lực giúp việc anh Dung Văn Phúc trong nhiệm vụ giải quyết vũ khí đạn dược cho chiến trường Nam Bộ và Campuchia. Có lần anh Huỳnh Công Đồng, Trần Mạnh Thắng đã cùng đồng chí Sẩy Bouthoong Chỉ huy phó Srok KôKông (Huyện KôKông) tiến đánh đồn Kôkapi ở trên núi, bắn chết tên đồn trưởng ác ôn khét tiếng vùng này. Anh Đào Mạnh Duệ sau thời gian chỉ huy bộ đội 651, từ năm 1952 đến tháng 10-1954 phụ trách Ban Tuyên huấn quân dân chánh Đảng miền Tây Nam Campuchia, là Bí thư Chi bộ liên cơ miền Tây Nam Campuchia trực thuộc Ban Cán sự Miền Tây Nam Campuchia, anh Phan Tùng Lâm, phó bí thư v.v... Có những anh em chiến đấu và công tác ở Campuchia từ năm 1947, 1948, 1949 liên tục đến tháng 10-1954 thì lên đường về nước sau Hiệp định Gènève, rồi lại lên Campuchia chiến đấu công tác liên tục qua các thời gian chống Mỹ, đánh Pôn Pốt - Đó là các anh Trần Chim (tức Trần Chính) các năm qua là đại tá, Phó Giám đốc Sở công an thành phố Hồ Chi Minh, anh Nguyễn Văn Hên, lên hoạt động chiến đấu ở Kông Pông Chnăng, là trung đội phó một trung đội, nay là Đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam, anh Vũ Đình Ty, thời kỳ chống Pháp là đội trưởng đội võ trang tuyên truyền vùng Tà Keo (nay là Đại tá quân đội nhân dân Việt Nam), anh Trần Mạnh Thắng, trước hoạt động ở KoKông (nay là Đại tá quân đội NDVN), anh Nguyễn Tâm (quê ở Rạch Cái Sắng - xã Thới Bình, huyện Cà Mau) là chiến sĩ liên lạc mặt trận của Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II, lên hoạt động, chiến đấu ở Tây Nam Campuchia và công tác ở Trung ương Cục Miền Nam. Anh Ba Khanh lại lên Kratié nhiều năm. Anh Nguyễn Thanh Nhàn chiến sĩ bắn súng máy Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II, nay là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Campuchia ngày càng phát triển mạnh. Từ năm 1952 trở đi, các vùng giải phóng Campuchia mở rộng. Quân đội phát triển, nhiệm vụ nặng nề hơn, nhưng tài chính thì có nhiều khó khăn, nên đã yêu cầu tất cả các đơn vị cơ quan quân dân chính Đảng các cấp, cũng như quân đội đều phải tự cấp, tự túc về kinh tế, tài chính. Khắp các đơn vị nêu khẩu hiệu “ba cùng”: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân Campuchia. Bộ đội đánh giặc dựa vào dân mà sống, dựa vào dân để đánh giặc. Các đơn vị vừa sản xuất tự túc, vừa đánh giặc. Năm 1952, 1953, 1954, cơ quan quân dân chánh Đảng Miền Tây Nam đóng tại Phum Sréchène, Khum Srè Khnông, Srok Chhuk. Từ đây ra tới đồn Ôkrahông 10km, từ đồn Ôkrahông ra lộ Chhuk 2km. Các Ban của Miền Tây Nam đều do các đồng chí Campuchia làm trưởng ban, còn phó ban và cán bộ, nhân viên chuyên môn thì có cả Việt Nam lẫn Campuchia làm việc chung, nhưng về Đảng thì sinh hoạt riêng. Như đồng chí Achayout là chủ tịch miền kiêm trưởng Ban Tuyên huấn quân dân chính Đảng Miền. Trực tiếp điều hành Ban Tuyên huấn trong 3 năm ấy là đồng chí Đào Mạnh Duệ. Ban Tuyên huấn có 15 anh chị em, sau giảm biên chế còn 10 người. Nhà ở tự làm lấy và vài tháng di chuyển địa điểm một lần. Trong số này có vài anh em đã có vợ, con, còn đa số thì chưa. Công việc rất khẩn trương, có những lúc làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp phát hành những tin tức tài liệu về tình hình chiến sự trong Miền, các tài liệu về đoàn kết sản xuất, giết giặc, về tổ chức, thành lập du kích, canh phòng và chống âm mưu tuyên truyền của địch, gây chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia v.v... Làm việc thì căng thẳng như vậy, ăn uống thì vô cùng kham khổ. Ở Campuchia có món phổ biến là mắm “prồhoóc”. Loại mắm này làm bằng cá, để cho xình, xong trộn muối, bỏ vô khạp, không đậy nắp, phơi nắng nhiều ngày, sau đó đậy nắp, trét bùn để vài tháng thì đã thành mắm. Chúng tôi phải gởi đồng bào ra chợ mua mỗi lần ba bốn hũ về đem bán đi hai hũ, để lấy lại tiền vốn, còn một, hai hũ để dùng (mỗi hũ độ 3-4kg). Mỗi tuần chỉ được hai lần ăn canh có nêm mắm Prồhoóc. Vì nếu ăn nhiều thì thâm vào tiền mua muối trong tháng. Thịt heo, gà, vịt hầu như rất ít được ăn, vì nhân dân vùng ven rừng núi này rất ít nuôi heo, mà chỉ nuôi bò kéo xe, cày ruộng, nuôi gà đê đi cúng chùa.

Vào mùa mưa có nhiều măng tre, măng le, vô rừng chặt về nấu canh với mắm prồhoóc ngọt và ngon. Lâu lâu gặp nhân dân bắn được con nai hoặc bán thịt voi khô, chúng tôi mua một ít để cải thiện. Đầu mùa mưa, còn có món ăn rất quí đó là “con hinh” Tiếng Campuchia gọi là “Hinh”. Nhân dân Campuchia gọi là “gà đồng”. Trời mưa, chúng kêu inh ỏi. Mỗi người cầm một cây đèn chai cháy sáng, đến các gò mối có tiếng Hinh kêu thì bắt từng cặp một rất dễ dàng. Con Hinh gần giống như loài ễnh ương, nhưng mập mạp, thịt nó mềm và mỡ nhiều. Đem về kẹp từng kẹp 4-5 con nướng vàng, hoặc nấu canh chua ăn rất ngon, như thịt gà, có điều mềm hơn thịt gà. Hồi đó chúng tôi rất thích món Hinh này. Mấy năm ấy mỗi đầu người trong 1 tháng chỉ nhận được 1 cắc (1 hào) tiền Đông Dương, chủ yếu để mua muối, về lương thực, cấp mỗi đầu người 8 tháng lúa, 4 tháng kia còn lại thì đơn vị tự túc. Do đó đơn vị, cơ quan nào cũng xin đất của nhân dân để làm ruộng. Anh em còn phá rừng, trồng bắp, khoai mì, khoai lang, đậu v.v.... Từ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đều làm như anh em và còn gương mẫu đi đầu, nên mọi khó khăn đều vượt qua mà không hề nghe một tiếng kêu ca gì cả. Còn trái cây như chuối, thì hầu như hàng năm mới được ăn vài trái. Về quần áo: là quần xà loỏn (quần cụt), áo cổ vuông ngắn tay bằng vải tám mộc, nhuộm lá bàng (giã ra vắt lấy nước) và nhúng xình, hoặc nhuộm bằng các thỏi chì trong pin đèn. Quần áo nhuộm xong có màu xám tro. Nón chầm bằng lá thốt nốt. Chân đi đất suốt 4 mùa. Đi trong núi, rừng và đồng ruộng đều không hề có giầy dép. Chất ngọt thì vài tháng nấu chè bằng đường thốt nốt 1 lần.

Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng với các cán bộ, chiến sĩ Campuchia trong thời kỳ 9 năm đánh Pháp là như vậy. Nhưng ai cũng xác định được nhiệm vụ giúp cách mạng Campuchia, giúp bạn đánh Pháp cũng là nhiệm vụ giải phóng đất nước Việt Nam. Hàng năm, anh em vẫn được bố trí về phép để giải quyết tình cảm gia đình

Cán bộ Việt Nam trong Ban tuyên huấn Miền Tây Nam Campuchia có các anh Lương Văn Thượng (chi ủy viên chi bộ liên cơ quan Miền), (hiện là đại tá cục phó cục chính trị quân khu 9), anh anh Nguyễn Duy Trinh Trung tá Công an (đã nghỉ hưu), anh Trịnh Xuân Tòng, anh Phát cán bộ biên tập và một số cán bộ Campuchia như các anh: Bunthon, Semsát, Acha... Các năm sau này có một số cán bộ đưa vợ con lên chiến trường Tây Nam, Tây Bắc, Đông Nam Campuchia, cùng công tác ở cơ quan - đơn vị, cũng sống những năm tháng gian khổ như vừa kể.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:10:58 pm »

LÊN ĐƯỜNG VỀ NƯỚC (13-10-1954)

Sau hiệp định Génève 20-7-1954 quân tình nguyện được lệnh về nước.

Đối với những chiến sĩ Hải ngoại Cửu Long II chúng tôi thì đây là lần thứ hai “lên đường về nước” trước tình cảm lưu luyến của cán bộ chiến sĩ và nhân dân Campuchia.

Thực tế qua những năm tháng sang viện trợ cách mạng Campuchia nói chung tuyệt đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cũng như các chiến sĩ Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II hoạt động ở Miền Tây Nam và một số lên Tây Bắc Campuchia đều đã tỏ ra vững vàng trong chiến đấu, trong công tác có quyết tâm cao. Nhờ tình thương yêu quý mến của nhân dân Campuchia mà chúng tôi trưởng thành trong gian khổ và đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, lòng tin yêu quý mến của nhân dân Việt Nam, nhân dân Campuchia anh em và của Việt kiều Thái - Lào. Tiểu đoàn chúng tôi thuộc miền Tây Nam Campuchia, có nhiệm vụ đi công khai bằng phương tiện chuyên chở của đối phương. Nói là tiểu đoàn, nhưng quân số có đến 5 đại đội. Theo quyết định của Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia do anh Thanh Sơn tư lệnh kiêm Chánh ủy ký, bổ nhiệm Ban chỉ huy Tiểu đoàn này gồm: Anh Sương chỉ huy trưởng Tiểu đoàn, anh Dung Văn Phúc ủy viên Ban cán sự miền Tây Nam Campuchia, chánh trị viên, anh Đào Mạnh Duệ chỉ huy phó, anh Cao Xuân Tùng, chính trị phó tiểu đoàn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn này được trang bị một bộ đồ kaki vàng, vai áo có con đỉa, giày bata, nón cối có bọc vải kaki vàng, trước nón có huy hiệu tròn nền đỏ, thêu sao vàng, viền vàng. Vũ khí đạn dược đầy đủ. Toàn bộ đạn dược đều đóng thùng đem theo xe, tàu (đó là lệnh của Bộ chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia). 7 giờ sáng 13-10-1954, xe chuyển bánh tại đồn ÔkraHông, Srok (Huyện) Chhuk, tỉnh Kampot. Đoàn xe xen kẽ có xe thiết giáp hộ tống, chạy theo quốc lộ Chhuk về đến Phnôm Pênh thì trời đã tối. Xe chạy bọc phía ngoài thành phố, chạy luôn qua cầu Mônivông (Việt kiều quen gọi là cầu Sài Gòn) đi xuống Neak Lương (Hối Lương), qua phà, trú quân tại đây đúng vào tối 13-10-1954. Sáng 14-10-1954, chúng tôi xuống tàu Vedette (tàu đổ bộ đường sông loại nhỏ) do Pháp phụ trách, đưa chúng tôi về tới Vàm Chắc Băng (Vĩnh Thuận) vào lúc 3 giờ chiều ngày 16-10-1954. Chúng tôi được chánh quyền và đồng bảo đón tiếp rất nồng nhiệt. Các đội văn nghệ thiếu nhi với trống ếch rộn rã, ca múa rất vui. Mỗi người được tặng một khăn choàng tắm và một đòn bánh tét. Có nhiều cha mẹ, anh em, vợ con của cán bộ chiến sĩ đến đây tìm gặp người thân. Chúng tôi gặp lại bà con và cán bộ địa phương với biết bao tình cảm xúc động của những đứa con xa Tổ quốc 6-7 năm nay trở về, 8 giờ sáng ngày 17-10-1954, chúng tôi xuống ghe máy đi về đóng quân theo sông Trẹm từ ngã ba Thới Bình tới Biển Bạch, thuộc vùng giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, thành lập Trung đoàn 664 Quân tình nguyện Việt Nam để tập kết ra miền Bắc.

Ngày 16-11-1954, chúng tôi xuống ghe máy hành quân ra Vàm Chắc Băng và ngày 22-11-1954 xuống tàu Vedette (người Pháp lái) chạy ra Cần Thơ, sang tàu lớn ra ở Cấp và sang tàu Kilinski (Ba Lan), phụ nữ và thương binh đi tàu Stavrôpôn (Liên Xô) tập kết ra Bắc. Cha mẹ, vợ con, những người thân yêu tiễn đưa nước mắt ràn rụa, vẫy chào tạm biệt giơ hai ngón tay, hẹn 2 năm trở về...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:12:27 pm »

NGÀY HỌP MẶT ĐẦU TIÊN (09-11-1992)

Kỷ niệm 45 năm ngày xuất phát lên đường về nước của Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II (7-11-1947 - 7-11-1992), ngày 9-11-92, hầu hết số anh em trong tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II hiện còn sống tại các tỉnh, thành ở Nam Bộ đã tập trung về họp mặt truyền thống đơn vị tại khách sạn Hoàng Đế (117 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3 - TP Hồ Chí Minh).

Ban tổ chức họp mặt gồm các đồng chí: Đào Mạnh Duệ (nguyên Chính trị viên Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II, thời gian đơn vị chiến đấu ở khu 9 - Nam Bộ), Nguyễn Văn Hên (đại tá tại ngũ) và Trần Văn Xả. Cuộc họp mặt được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của chị Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc khách sạn Hoàng Đế, anh Hoàng Phúc, một cán bộ của Chi đội Hải ngoại Trần Phú, gia đình cơ sở cách mạng ở Vientiane (Lào) từ những năm 1940, sau này gia đình anh ở Noỏng On, tỉnh Oudon - Thái Lan.

Chủ trì cuộc họp mặt là đồng chí Dương Quang Đông (Dung Văn Phúc), người Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II - 1947, Phó Ban sưu tầm vũ khí - Nam Bộ kháng chiến.

Khách mời có anh Trần Văn Giàu là Trưởng Ban Sưu tầm vũ khí Nam Bộ kháng chiến các năm 1946-1947. Các anh Hồ Sỹ Tuội, đại diện bộ đội Hải ngoại Naixơn Xichăn hay còn gọi là Bộ đội Độc lập số 1, bộ đội Ngô Thất Sơn anh Hoàng Xuân Bình, nguyên chỉ huy trưởng quân sự bộ đội Hải ngoại Quang Trung, các anh Dương Cự Tẩm Chính trị viên, anh Lê Quốc Sản, chi đội phó Chi đội Hải ngoại Trần Phú và các anh Liêm, Tự, Tân, cán bộ của chi đội chị Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc khách sạn Hoàng Đế, anh Hoàng Phúc gia đình cơ sở cách mạng ở Vientiane và ở Noỏng On tỉnh Ouđon - Thái Lan. Khi chúng tôi còn ở chiến khu Mai Ruột thì các anh Sơn Ngọc Minh, anh Phụng, anh Sanh mang đầu máu me tới cho biết anh Hoàng Phúc đã hy sinh trong trận đánh không cân sức với một Đại đội địch tại Srang (Kông Pông Speu) - Campuchia. Nhưng khi tập kết ra miền Bắc, tôi không ngờ gặp anh Hoàng Phúc tại Thanh Hóa. Hóa ra anh vẫn còn sống, từ Côn Đảo trở về. Hôm nay anh Phúc cùng đến dự họp mặt với Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II. Trong số khách mời còn có anh Đào Thiện Tường, Ban liên lạc Việt kiều Thái Lan tại thành phố Hồ Chí Minh, cô Phạm Thị Hồng Nhung, hiện là trưởng phòng y tế Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh (con gái bác Mười Trinh, nguyên chủ tịch Hội Việt kiều cứu quốc Battambang các năm 1945-1946-1947-1948), anh Bông Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy khối Bộ Công Nghiệp nhẹ ở thành phố Hồ Chí Minh là con bác Bông Văn Dĩa, nguyên tiểu đoàn phó tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II, trong kháng chiến chống Mỹ, bác Dĩa là “anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam” đã từ trần ngày 31-5-1982 tại ấp Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Minh Hải.

Nhiều anh em Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II lần đầu tiên về họp mặt, gặp nhau tay bắt mặt mừng, vô cùng mừng rỡ sau bao năm xa cách. Có những anh em không còn nhận ra nhau vì thời gian và tuổi tác làm thay đổi quá nhiều. Không khí vui tươi, tình cảm thương nhớ và cảm động lạ thường, vì đây là những con người thực tế sát cánh chiến đấu với kẻ thù và đã chiến thắng vẻ vang. Biết bao anh em đã hy sinh trong chiến đấu và mất mát trong quá trình cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp độc lập - tự do của Tổ quốc Việt Nam và cho cả nhiệm vụ cách mạng quốc tế, chiến đấu trên các chiến trường, nước bạn Lào và Campuchia anh em. Đến nay số anh em tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II còn sống khoảng trên 30 người (có một số lập gia đình ở các địa phương chúng tôi chưa biết địa chỉ để liên lạc). Cuộc họp mặt lần đầu tiên đông đủ này phần nhiều gồm những anh em đã nghỉ hưu và một vài anh em vẫn còn đang tại ngũ.

Trên bức tường cửa phòng hợp rộng rãi, khang trang có một băng vải đỏ, chữ vàng với dòng chữ đẹp: “Kỷ niệm 45 năm ngày xuất phát lên đường về nước của Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II- 7-11-1947 - 7-11-1992”.

Ban Tổ chức đề nghị anh Trần Văn Giàu phát biểu ý kiến, nhưng anh lại nói: Kính lão đắc thọ, anh Năm Đông nhiều tuổi hơn, đề nghị anh phát biểu trước. Nhưng anh Năm Đông lại đề nghị anh Sáu Giàu nói trước, rồi anh sẽ nói sau. Anh Sáu Giàu lại nói: Thôi, anh Năm Đông bảo tôi nói trước thì tôi xin nói:...

Tiếp theo, anh Dương Quang Đông (Dung Văn Phúc) phát biểu. Ý kiến chung của hai anh đều nói lên những tình cảm sâu sắc về tinh thần cách mạng, những tấm lòng yêu nước cao quý của 10 vạn Việt kiều Thái Lan, vì sự nghiệp Độc lập - tự do của Tổ quốc Việt Nam, bà con đã hy sinh, đóng góp rất nhiều về sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng đất nước.

Phần phát biểu ý kiến của các anh trong các Ban chỉ huy bộ đội Hải ngoại bạn và của một số anh em Cửu Long II đều rất xúc động. Nhiều anh phát biểu nghẹn ngào những tình cảm sâu sắc khi nhớ lại quá khứ... Đó là các anh Hồ Sĩ Tuội, Hoàng Xuân Bình, Lê Quốc Sản, Đào Mạnh Duệ. Anh Hoàng Xuân Bình lấy tập hồi ký đọc bài thơ do anh Hoàng Ngọc Cừ, chính trị viên bộ đội Quang Trung làm trên đường hành quân từ Thái Lan về chi viện Khu 9 - Nam Bộ. Anh Đào Mạnh Duệ đã đọc các bài thơ ghi cảm nghĩ khi tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II về đến Hà Tiên ngày 1-12-1947, một bài trong “Vui ngày họp mặt” viết ngày 7-11-1992. Gần 40 người trong buổi họp mặt xúc động nhớ đến những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên được và càng vô cùng đau thương nhớ đến bao nhiêu anh em, đồng chí, đồng đội đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu với quân thù, đóng góp phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:14:13 pm »

Sau đây bài thơ của anh Hoàng Ngọc Cừ, chính trị viên phó bộ đội Hải ngoại Quang Trung, đã đọc trong lễ truy diệu tổ chức tại xã Vĩnh Gia (Châu Đốc) ngày 5-1-1947, do anh Hoàng Xuân Bình đọc trong ngày họp mặt tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II mà chúng tôi vừa kể.

      HẬN CHROS - POK!

Kính tặng hương hồn các bạn: Duệ, Thường, Hoành, Luân, Thuận tử trận ở núi Chros-Pok (Tà Keo) - Cao Miên ngày 2-1-1947.
Sông, núi không ngăn tình thương
Mưa, gió không lay can trường...
Núi Chros-Pok ngàn xa, còn in bóng
Trong tâm hồn chiến sĩ đội “Quang Trung”
Vượt rừng xa, len núi thẳm mịt mùng
Về cố quốc cùng đồng bào chiến đấu
Đoàn dũng sĩ quyết thề đem xương máu
Tự trời xa, về góp với núi sông
Cùng đắp đài Độc Lập với toàn dân
Tìm hạnh phúc trong lòng yêu Tổ quốc
Không thối chí trước thác, ghềnh, khổ, nhọc
Quyết đi về chung sức diệt thực dân
Hai tháng trời ròng rã chịu gian truân
Kia đất Việt! Chỉ còn trăm dặm nữa
Hai ngày trọn giữa rừng không ánh lửa
Đội “Quang Trung” chịu đói đã hết lương!
Làm sao đây? nghìn câu hỏi dập dồn!
Thôi hãy tạm đóng binh tìm phương kế
Núi Chros-Pok nơi hoang vu lặng lẽ
Đoàn Việt quân hải ngoại tạm trú chân
Ngày hôm sau địch đột tiến công!
Tiếng súng đạn qua đầu như mưa bấc!
Trận kịch chiến lặng êm trong khoảnh khắc
Trên chiến trường năm bạn đã bỏ thây!
Quyết đi về đất Tổ chốn xa xăm
Đây Việt Nam, yêu quí của muôn lòng!
Quang Trung đây xin góp phần kháng chiến.
Chros-pok! Chros-Pok!
Đã vùi thân năm chiến sĩ Quang Trung
Từ đây trong trang sử Vệ quốc quân
Thêm tên tuổi năm người trên Chros-Pok

      Bưng biền ngày Hè Đinh Hợi

Và đây là bài thơ của anh Đào Mạnh Duệ viết về ngày họp mặt 9-11-1992.

      VUI NGÀY HỌP MẶT

Kể từ ấy 45 năm trời xa cách(1)
Nay gặp nhau càng nhớ đến ngày xưa
Những tháng năm chiến đấu chẳng phai mờ
Đã ghi khắc trong đời người chiến sĩ
Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II ta nhớ mãi
Là con em Việt kiều trên đất nước Thái Lan
Quyết vượt qua bao gian khổ hy sinh
Đã thắng địch trên đường về quê hương giết giặc
Chiến trường Bạc Liêu những chiến công oanh liệt
Diệt quân thù quyết bảo vệ nhân dân
Trận Tân lợi, Chợ Hội và Vĩnh Hưng
Đã tiêu diệt hàng trăm quân xâm lược
Hôm nay chúng ta vui ngày họp mặt
Càng nhớ về truyền thống những năm xưa
Vì nhân dân xứng đứng dưới ngọn cờ
Dưới cờ Đảng Cộng sản Việt Nam vĩ đại

      (Viết tại TP Hồ Chí Minh ngày 7-11-1992)


(1) Ngày 7-11-1947 xuất phát lên đường về nước từ chiến khu Mai Ruột (Thái Lan)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:22:09 pm »







Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:26:24 pm »







Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:28:22 pm »







Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM