Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:38:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những đứa con thân yêu  (Đọc 1874 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2022, 03:56:15 pm »

BAO VÂY ĐỘT NHẬP ĐỒN TẮC VÂN - TỈNH BẠC LIÊU
(Giữa tháng 3-1948)

Đồn Tắc Vân thuộc huyện Giá Rai, trên lộ đi thị trấn Cà Mau, có khoảng một trung đội ngụy đóng. Đây là một đồn địch có tiếng tàn ác, thường đi ruồng bố vùng giải phóng Giá Rai, đốt nhà cướp của, hãm hiếp phụ nữ, bắt trâu bò, heo gà vịt. Nhân dân rất căm phẫn mà không làm sao nhổ được cái đồn này. Phối hợp với địa phương, trinh sát ta vào chợ Tắc Vân nghiên cứu nắm tình hình địch. Đúng 1 giờ đêm, ta tiến sát bao vây đồn. Đến 2 giờ đêm, ta nổ súng vào đồn địch. Chúng bắn ra xối xả và rút vô trong các lô cốt. Du kích dùng loa cảnh cáo địch và vô chợ Tắc Vân diệt tề trừ gian. Sau đó lấy toàn bộ ghe xuồng, trâu bò đem về trả lại cho dân. Địch ở trong đồn chỉ bắn cầm chừng mà không dám tiến ra, 4 giờ 30 sáng bộ đội ta rút quân. Đây là lần đầu tiên đồn Tắc Vân bị ta tiến công hơn 2 tiếng đồng hồ. Trận này ta chỉ có nhiệm vụ công hãm đồn để du kích diệt tề, trừ gian, võ trang tuyên truyền, uy hiếp địch và bọn ‘tay sai phản động.

ĐÁNH ĐỒN ÊVRAK - TỈNH BẠC LIÊU
(Cuối tháng 4-1948)

Đồn địch này lâu nay khét tiếng là hung hãn. Chúng có khoảng 2 trung đội. Đồn trưởng là tên Pháp Êvrak, còn toàn bộ là lính ngụy Khơ-mer đóng giữ để kiểm soát vùng ruộng muối thuộc ven biển này. Địa hình trống trải mênh mông. Địch thường xuyên đi sâu vào vùng giải phóng khủng bố, bắn giết, đốt nhà cướp của, bắt trâu bò. Chúng còn bắt thanh niên, phụ nữ về đồn hành hạ dã man. Cách đó nửa tháng, chúng đã ruồng bố một trận như vậy. Nhân dân vô cùng căm phẫn. Được xã đội và du kích địa phương cung cấp tình hình trong và ngoài đồn khoảng 4 giờ sáng ngày 25-5-1948, một cánh trên 1 trung đội do anh Trần Quang Lợi chỉ huy và một cánh một trung đội, bao vây phía đông bắc đồn. Khoảng 5 giờ 30 sáng, tổ trinh sát tiến vô cách đồn 100m, nổ súng. Địch chạy ra một tiểu đội, bắn ta. Theo kế hoạch, trinh sát rút dần theo dưới chân lộ. Nhưng chúng chỉ ra khỏi đồn khoảng 100m thì chạy trở lại. Ta cho một tiểu đội nổ súng vào bọn chạy vô đồn, chết 4 tên, bị thương 3 tên. Không thấy quân trong đồn ào ạt chạy ra như mọi lần trước. Vậy là địch không ra nữa mà chỉ ở trong đồn bắn ra. Ta không tiêu diệt được nhiều địch theo cách đánh: “điệu hổ ly sơn” nên phải nổ súng cầm chừng. Bộ đội và du kích địa phương tiến vào khu vực đồn lấy toàn bộ 50 chiếc ghe, xuồng và bắt ra 30 con trâu mà chúng cướp của dân. Chờ cho anh em đem ra hết và đi xa đón 2-3 cây số, cánh phục kích dưới ruộng nước và cánh phục kích chính diện mới rút. Trận này không thực hiện được kế hoạch tiêu diệt nhiều địch, thu vũ khí. Ta chỉ bắn chết và làm bị thương 7 tên, lấy lại tài sản chúng cướp của dân. Toàn bộ tài sản thu được ta giao lại cho ủy ban xã để trả lại cho nhân dân. Đồng bào vô cùng phấn khởi.

Sau đó anh em hành quân, bọc thị trấn Cà Mau, qua sông Gành Hào, huyện Trần Văn Thời về đóng quân tại Rạch Bà Đặng, xã Thới Bình, huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2022, 04:01:08 pm »

DIỆT QUÂN CAO ĐÀI PHẢN ĐỘNG
TẠI TÂN LỘC - TÂN LỢI CÀ MAU - TỈNH BẠC LIÊU
(Cuối tháng 5-1948)


Tân Lộc - Tân Lợi khi ấy là một xã thuộc huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu. Sau khi công đồn Êvrak, chúng tôi về đóng quân tại Rạch Bà Đặng, xã Thới Bình, Ban chỉ huy trung đoàn 125 (Bạc Liêu) mời chúng tôi về họp tại Rạch Bà Hội (cách chợ Thới Bình 2 cây số) để nghe trung đoàn phổ biến tình hình và tổ chức liên quân đánh quân Cao Đài phản động. Toàn bộ Ban chỉ huy Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II cùng đến họp. Tình báo trung đoàn cho biết mấy hôm nay quân Cao Đài tập trung khoảng 1000 tên tại Cà Mau và sáng sớm mai sẽ tiến vô khủng bố vùng Tân Lộc - Tân Lợi. Cuộc họp của Ban chỉ huy trung đoàn 125 do anh Nguyễn Văn Lầu, trung đoàn phó, chủ trì, dự kiến đánh địch tại ngã ba Tân Lộc - Tân Lợi. Bộ đội Cửu Long II đánh địch hướng chính diện tại lộ xe. Cánh trái cách trung tâm chỉ huy khoảng 300m là đại đội 1093. Cánh phải là đại đội 1095 bố trí cách trung tâm chỉ huy 400m đánh quân đi theo con rạch từ Cà Mau vô Tân Lộc - Tân Lợi. Hội nghị thảo luận và cuối cùng thống nhất cách bố trí đánh địch của Ban chỉ huy trung đoàn và cử Ban chỉ huy Cửu Long II làm chỉ huy chung của cả 3 đơn vị.

8 giờ sáng địch tiến vô theo lộ xe và ruộng trống. Bọn chúng mặc đồ đen. Tên chỉ huy cầm 2 lá cờ đuôi nheo đỏ phất cho quân tiến tới, theo tiếng tù và thổi thúc quân. Trận địa vẫn im lặng. Địch cứ tiến, ta cứ chờ. Khi chúng còn cách mũi súng của ta khoảng 50m thì một phát súng lệnh của ta nổ. Súng các trung đội đồng loạt nổ. Khẩu đại liên 7/7 do anh Nguyễn Anh Vinh, tiểu đội trưởng, trực tiếp bắn (anh Nguyễn Anh Vinh nay là phó giám đốc Nhà máy Điện Chợ Quán thành phố Hồ Chí Minh). Các khẩu FM khạc đạn vào đội hình địch, làm chết và bị thương rất nhiều tên. Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến gần trưa. Trong khi đó địch cho một cánh quân tiến vô hướng đại đội 1093 (cánh trái Cửu Long II). Phía ấy súng nổ từng đứt, khoảng một tiếng đồng hồ rồi im lặng. Sau đó khoảng 30 phút, anh em quay lại phía sau thấy có bộ đội mặc đồ đen đang tiến tới. Lúc đầu anh em đều cho là đại đội 1095 chi viện, nhưng đến khi còn cách nhau khoảng 100m thì chúng nổ súng. Chắc chắn là quân địch rồi! Ta ra lệnh cho một trung đội phía trước vượt qua lộ, trở lại bố trí đánh địch bọc hậu. Trong khi ấy quân địch phía trước tiếp tục bắn dọc lộ xe. Ta qua lộ, bị hy sinh gần 10 anh em, trong đó có anh Trần Quang Lợi, chỉ huy phó bộ đội Cửu Long II. Anh Trần Quang Lợi là một cán bộ Bộ đội Việt kiều giải phóng quân tỉnh Vientiane, đã từng chiến đấu nhiều trận và đã bị thương, nhưng vẫn tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ được giao. Trận chiến đấu với quân phía trước vẫn tiếp tục. Ta tập trung đánh bọc hậu. Một chiến sĩ bắn súng máy hy sinh, anh Vũ Đình Ty liền cầm khẩu FM Browning bắn liên tiếp vào hàng ngũ địch. Đến khoảng 3 giờ chiều, ta rút ra khỏi trận địa. Địch thổi tù và gom quân, lấy xác rút về Cà Mau. Sau đó ta quyết định tiếp tục bao vây tiêu diệt địch. Nhưng trinh sát cho biết chúng đã rút tất cả về Cà Mau rồi. Ta trở lại trận địa mang tất cả 11 anh em hy sinh ra và cùng đồng bào tổ chức mai táng tại Tân Lộc - Tân Lợi. Sở dĩ bộ đội Cửu Long II bị bọc hậu là do đại đội 1093 rút lui không tìm mọi cách để báo cáo cho chỉ huy trưởng mặt trận biết. Nếu được biết kịp thời thì có thể liên lạc với đại đội 1095 tới đánh quân Cao Đài bọc hậu. Các đơn vị của Cửu Long II phía chính diện có thể bắn địch cho một bộ phận xung phong lấy vũ khí địch và vừa đánh quân phía trước, vừa rút tất cả sang con rạch cánh phải cùng với đại đội 1095 đánh địch trận thứ hai vào buổi chiều. Sáng hôm sau đồng bào ra ruộng còn thấy xác lính Cao Đài cùng vũ khí nằm rải rác trong các bụi dừa nước và ôrô. Trận Tân Lộc - Tân Lợi là một trận đánh lớn. Quân Cao Đài phản động chết và bị thương gần 190 tên. Trận đánh này có anh Nguyễn Cao Hữu, tiểu đội trưởng (các năm qua là Trưởng phòng kế hoạch Sở Thủy Sản - tỉnh Minh Hải), anh Vũ Đình Ty chiến sĩ (nay là Đại Tá quân đội Nhân dân Việt Nam). Trong số 11 anh em hy sinh, có anh Trần Quang Lợi, chỉ huy phó, và anh Tao, trung đội phó, anh Nguyễn Văn Khang, tiểu đội trưởng, một số bị thương, trong đó có anh Sâm, tiểu đội trưởng, anh Nguyễn Văn Niết, anh Nguyễn Viết Mưu bị địch bắt. Anh Nguyễn Văn Hên, tiểu đội phó, thay thế anh Nguyễn Văn Khang, tiểu đội trưởng (hy sinh), tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Anh Hên cũng là một trong số cán bộ của Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II chiến đấu liên tục ở Nam Bộ và Campuchia, nay là Đại tá Quân đội tại ngũ. Qua trận đánh diệt quân Cao Đài phản động này, đồng bào ta hết lời ca ngợi bộ đội Cửu Long II vì đã chiến đấu rất dũng cảm. Đây là lần đầu tiên quân Cao Đài phản động bị tiêu diệt nhiều đến như vậy, đồng bào cũng rất tức giận đại đội 1093 rút lui mà không tìm mọi cách nào báo cho Cửu Long II biết. Vì nếu được báo kịp thời với Cửu Long II và đại đội 1095 thì vẫn có thể giành thắng lợi lớn, ít tổn thất hy sinh. Đó là một bài học lớn về kỷ luật chiến trường, về việc liên quân chiến đấu. Bộ đội Cửu Long II về đóng tại Rạch Bà Đặng - Thới Bình. Anh Nguyễn Ngọc Sanh, tiểu đội trưởng đã cạo trọc đầu để phản đối Ban chỉ huy Đại đội 1093. Ban chỉ huy Bộ đội Cửu Long II cũng rất giận Ban chỉ huy đại đội 1093, nhưng vẫn bình tĩnh động viên đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần chiến đấu dũng cảm trong các trận đánh sắp tới. Sáng hôm sau Ban chỉ huy Bộ đội Cửu Long II đến ngay Ban chỉ huy trung đoàn 125 ở Rạch Bà Hội và một lát sau thì cả 2 Ban chỉ huy đại đội 1093 và 1095 đều đã được trung đoàn mời tới họp. Cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm đều nghiêm khắc phê phán Ban chỉ huy 1093. Tại cuộc họp này Ban chỉ huy trung đoàn 125 khen ngợi tinh thần chiến đấu rất anh dũng của Bộ đội Cửu Long II đã tiêu diệt một số lớn quân Cao Đài phản động và tuyên bố kỷ luật, cách chức 3 người từ đại đội trưởng đại đội phó đến chính trị viên đại đội 1093 xuống làm cán bộ trung đội.

Đây là lần đầu tiên quân Cao Đài phản động bị tiêu diệt một số khá lớn. Nên khi về đến Cà Mau, tinh thần quân lính của chúng rất hoang mang, khiếp sợ, phải bổ sung quân và củng cố một thời gian. Đấu năm 1990, anh Dương Quang Đông cùng anh Phan Minh Tánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã đến thăm lại trận đánh tại Tân Lộc - Tân Lợi hồi tháng 5-1948. Nhân dân ở đây vẫn còn truyền lại về trận đánh ấy. Bà con nói: bộ đội Hải ngoại Cửu Long II thật là anh hùng trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp. Mộ tập thể của 11 anh em được xã Tân Lộc - Tân Lợi chăm sóc chu đáo, và ngày 21-4-90 đã được bốc về nghĩa trang liệt sĩ huyện Thới Bình tại Huyện Sử xã Trí Phải (Minh Hải).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2022, 04:04:26 pm »

TRẬN NGÃ BA THẦY CẨM - TỈNH SÓC TRĂNG (NGÃ NĂM)
(Giữa tháng 7 - 1948)


Đồn Ngã Năm thuộc tỉnh Sóc Trăng do vài tên Pháp chỉ huy. Tại đây có hơn một trung đội địch, thường xuyên đi ruồng bố, càn quét bắn giết, cướp của và bắt chị em phụ nữ về đồn. Sau một thời gian trinh sát, ta cùng với du kích địa phương biết ngày hôm ấy địch đi bố ráp sâu vào vùng giải phóng. Chúng hành quân cả trên bộ và dưới nước theo kênh xáng Ngã Năm. Ta đưa 1 trung đội tăng cường bố trí phía bên này kênh Xáng, ngang Ngã Ba Thầy Cẩm, một tiểu đội đi bằng đường thủy phía bên này kênh Xáng và một trung đội có tổ trinh sát qua kênh Xáng bố trí cặp theo lộ (bờ kênh). Anh Cường Để, trung đội trưởng, và anh Phạm Yên, chính trị viên, chỉ huy tại Ngã Ba Thầy Cẩm. Đúng như dự kiến, khoảng 7 giờ sáng 1 trung đội do một tên Pháp chỉ huy số quân đi trên bộ đồng thời dưới kênh cũng có một lực lượng địch khác. Từ khi ra khỏi đồn Ngã Năm, chúng bắt đầu nổ súng để uy hiếp tinh thần nhân dân và du kích. Số đi xuồng ghe thì im lặng. Khi cánh quân trên: bộ còn cách chỗ ta phục kích khoảng 50m, ta liền nổ súng. Nhiều tên chết và bị thương tại chỗ. Tên Pháp hò hét cho quân tiến lên. Lại tiếp tục bị đánh. Bọn địch đi dưới kênh cũng bị ta đánh liên tiếp. Một số tên bị trúng đạn. Chúng vội vã quay xuồng ghe về đồn. Quân ta tiến sát lộ, dùng trung liên và các loại súng bắn mạnh vào hàng ngũ địch. Địch phải bỏ xác chết, chạy về đồn. Ta bắn theo và cho một tiểu đội phục kích lại. Anh em thu vũ khí và tìm địch lẩn trốn. Ta bắt được một tên chỉ huy là người Pháp gốc Nga đang trốn trong nhà tắm. Trận này anh Cường Để hy sinh. Anh Phạm Yên Ban chỉ huy trung đội thay thế chỉ huy chiến đấu.

Trận phục kích chống càn tại Ngã Ba Thầy Cẩm, ta giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng một phần là do nhân dân ủng hộ, ta bảo đảm được bí mật, bất ngờ. Kết quả trận này địch chết, bị thương và bị bắt 24 tên, thu 14 súng các loại, trong đó có FM, súng cối 60 ly và 1 súng ngắn. Sau trận đánh này bọn giặc không dám tự do đi bố ráp nhiều như trước nữa. Từ đó tạo điều kiện cho du kích địa phương hoạt động bảo vệ vùng giải phóng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2022, 04:06:44 pm »

DIỆT QUÂN CAO ĐÀI PHẢN ĐỘNG
TẠI NGÃ BA CHỢ HỘI - TỈNH BẠC LIÊU
(Đầu tháng 8 - 1948)


Chợ Hội là Ngã Ba kênh Xáng cách Tân Lộc - Tân Lợi khoảng 7 km. đi Ngã tư Chủ Chí 2km và đi về chợ Huyện Sử 4km, thuộc xã Thới Bình, huyện Cà Mau. Huyện Sử - Thới Bình là khu giải phóng từ nhiều năm. Chỉ huy chung tại đây là Ban chỉ huy Bộ đội Cửu Long II. Sau khi đánh địch tại Ngã Ba Thầy Cẩm, chúng tôi đang đóng quân gần Chắc Băng thì được tin trung đoàn 125 cho biết ngày giờ quân Cao Đài Cà Mau, sau 3 tháng củng cố lực lượng, lại tiếp tục đi càn tại vùng giải phóng Tân Lộc - Tân Lợi. Chúng sẽ đi sâu vô Ngã Ba Chợ Hội, và chủ yếu lả tiến thẳng vô khu vực Huyện Sử, cách Ngã Ba Chợ Hội 4km. Địch có khoảng 1 tiểu đoàn. Hôm ấy khoảng 8 giờ sáng, địch tiến đến Ngã Ba Chợ Hội. Theo kế hoạch, chúng chiếm Ngã Ba Chợ Hội và khủng bố nhân dân dọc theo kênh xáng, rồi tiến vô vùng Huyện Sử. Thời gian chúng hành quân ít nhất cũng 2 ngày. Bộ đội Cửu Long II phối hợp với trung đội biệt động tỉnh Bạc Liêu, vừa mới hành quân về Huyện Sử chiều tối ngày hôm trước. Đêm ấy chúng tôi họp bàn cho các đơn vị đánh tại 2 địa điểm: Ngã Ba Chợ Hội và Ngã Ba Chợ Huyện Sử. Một trung đội tăng cường của bộ đội Cửu Long II và trung đội biệt động bố trí tại khu vực Chợ Hội. Trung đội của Cửu Long II do anh Thư là trung đội trưởng, bố trí phía sau lưng Chợ Hội và chéo cánh gà cách Chợ Hội không bao xa. Còn trung đội biệt động bố trí cách Chợ Hội cũng khoảng 200m phía đi Ngã tư Chủ Chí. Lực lượng ở Ngã Ba Chợ Hội do anh Từ Thiện Tài, chỉ huy phó Cửu Long II chỉ huy. Còn 3 trung đội của Cửu Long II thì bố trí tại Ngã Ba Chợ Huyện Sử, phía bên trái lộ, 1 trung đội, phía bên phải lộ 1 trung đội và 1 trung đội nữa thì phục tại chợ Huyện Sử. Kế hoạch định để cho khoảng 1 trung đội địch đi qua Chợ Hội rồi mới nổ súng, nếu gặp bất trắc thì rút về Huyện Sử, đánh địch tại đây. Địch đi từ Cà Mau qua Tân Lộc - Tân Lợi, đến bên kia bờ kênh đều không gặp quân ta. Chúng liền cho 1 tiểu đội sang trước. Không thấy động tĩnh gi, chúng cho quân sang hơn trung đội. Địch vừa bước lên bờ liền bị ta nổ súng. Bị đánh bất ngờ, hàng chục tên địch chết. Anh em ta tiếp tục nổ súng. Quân địch bên kia kênh Xáng bắn sang. Lập tức đơn vị biệt động phía bên kia chợ bắt đầu bắn lại quân địch. Vừa diệt địch, vừa kềm chế địch, hai tiểu đội của Cửu Long II từ phía cánh phải chợ Hội bắt đầu nổ súng vào chợ. Trận chiến đấu kéo dài gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Từ bên kia kênh Xáng địch không dám tiến qua. Bọn địch đã qua được Chợ Hội bị chết và bị thương khá nhiều. Do đó, địch phải bắn mạnh sang yểm hộ cho số quân còn ở Chợ Hội bơi rút sang bên kia kênh Xáng. Quân ta tiếp tục nổ súng sang bên kia kênh cho anh em tiến vô chợ chiếm lĩnh trận địa và tiếp tục bắn vào số quân địch đang bơi qua kênh Xáng, làm chết thêm một số nữa. Đến 11giờ30 trưa, tiếng súng im lặng. Quân Cao Đài phản động đã phải bỏ kế hoạch tiến vô vùng giải phóng Huyện Sử, bỏ lại toàn bộ xác chết tại chợ Hội, rút luôn về thị xã Cà Mau. Trận này quân Cao Đài phản động chết và bị thương 32 tên, ta thu 21 súng, trong đó có 1 FM, 3 carbine.

TRẬN TÂN DUYỆT (HUYỆN NGỌC HIỂN TỈNH BẠC LIÊU)
(Cuối tháng 8-1948)

Sau trận ta đánh quân Cao Đài phản động ở ngã Ba Chợ Hội (Cà Mau), đến cuối tháng 8-1948, quân báo Trung đoàn 125 (Bạc Liêu) cho biết sẽ có khoảng 2 trung đội Cao Đài phản động vô khủng bố vùng giải phóng xã Tân Duyệt (Huyện Ngọc Hiển, Bạc Liêu), nay là huyện Đầm Dơi, cách thị xã Cà Mau 15km.

Địch sẽ đi theo lộ xe vô xã Tân Duyệt. Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II liền cho một tổ trinh sát cùng với tổ quân báo trung đoàn 125 theo dõi địch từng ngày. Ta cải trang bí mật đến xã Tân Duyệt nghiên cứu địa hình, địa vật.

Một ngày cuối tháng 8-1948, địch tiến vô. Hai trung đội của anh Diệp và anh Trịnh Xuân Việt sẵn sàng đánh địch. Trinh sát và trung đội đi đầu của địch tiến đến đầu xã Tân Duyệt, cách trung đội chính diện 50m thì bị trung đội cánh trái của ta nổ súng. Tiếp theo là trung đội chính diện đồng loạt nổ súng. Cuộc chiến đấu kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Địch bị đánh cả hai mặt, chết và bị thương nhiều tên, buộc chúng phải vừa bắn vừa rút chạy về thị xã Cà Mau, bỏ lại toàn bộ xác chết. Ta tiếp tục nổ súng và cho hai tiểu đội truy kích địch đến 500m và phục kích lại để thu vũ khí, đạn dược. Địch chết 21 tên, bị thương 8 tên, ta thu 15 súng các loại, trong đó có 1 FM Bren (đầu đen), 3 cacbin, 11 súng trường và toàn bộ đạn dược. Bên ta không một ai hy sinh.

Bị thất bại nặng, từ đó quân Cao Đài phản động không dám vô khủng bố sâu trong vùng giải phóng Tản Duyệt - Ngọc Hiển nữa. Số vũ khí lấy được của địch, ta cho đơn vị du kích xã một nửa. Đánh thắng quân Cao Đài phản động trận Tân Duyệt, bộ đội và nhân dân ta vô cùng vui mừng phấn khởi, chính quyền địa phương, Hội bà mẹ chiến sĩ, Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ liên tiếp đến tặng quà bánh và hết sức khen ngợi bộ đội ta.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2022, 04:14:25 pm »

CHIẾN THẮNG QUÂN PHÁP LÊ DƯƠNG
TẠI NGÃ TƯ VĨNH HƯNG (HUYỆN HỒNG VÂN) - TỈNH RẠCH GIÁ
(23-9-1948)


Sau một thời gian đánh thắng trận Tân Duyệt, đơn vị về đóng quân ở kênh Xáng Huyện Sử, Rạch Bà Đặng, xã Thới Bình và hành quân ra đóng tử kênh 1 đến gần chợ Chắc Băng (Vĩnh Thuận). Ban chỉ huy Bộ đội Cửu Long II được Ban chỉ huy trung đoàn 125 mời về họp, do trung đoàn trưởng chủ trì. Các đơn vị về họp có: Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II, 3 đại đội chủ lực của Bạc Liêu và trung đội quốc vệ đội của anh Oong và trung đội biệt động tỉnh Bạc Liêu. Như vậy có gần hai tiểu đoàn. Ngoài ra còn huy động du kích tập trung các huyện Hồng Vân, Vĩnh Lợi, Giá Rai v.v... Theo kế hoạch tác chiến khi ấy của trung đoàn 125, lần này ta đánh chiếm thị xã Bạc Liêu vào đêm 22-9-1948. Ta bao vây khống chế doanh trại lính Pháp, Sở cảnh sát, Dinh tỉnh trưởng Bạc Liêu, đánh chiếm kho vũ khí đạn dược, làm chủ tình hình thị xã trong một đêm. Ở Cần Thơ, Sóc Trăng ta hợp đồng với liên trung đoàn 122-124, bố trí một tiểu đoàn phục kích đánh địch nếu chúng chi viện cho Bạc Liêu. Hội nghị đã thống nhất ngày giờ. Giờ nổ súng tiến công là 11 giờ đêm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lấy vũ khí ở kho và diệt tề trừ gian, và phải bắt cho được tên tỉnh trưởng. Ban chỉ huy trung đoàn 125 trực tiếp chỉ huy các cánh quân. Anh Ngô Hồng Giỏi, trung đoàn trưởng, và anh Nguyễn Văn Lầu, trung đoàn phó trung đoàn 125, chỉ huy chung. Mọi sự di chuyển quân địch và các diễn biến khác sẽ được Ban chỉ huy mặt trận liên lạc, thông báo kịp thời. Tám giờ tối 22-9-1948, liên lạc của Ban chỉ huy mặt trận đem một mật lệnh hỏa tốc đến xã Vĩnh Hưng báo cho chúng tôi biết là sáng sớm ngày 23-9-1948, quân Pháp và ngụy sẽ vô khủng bố xã Vĩnh Hưng. Chúng có khoảng 1 tiểu đoàn, trong đó có 2 đại đội lê dương Pháp và một đại đội lính ngụy. Ngay từ chiều 22-9-1948, địch đã tập trung quân, có một tàu chiến chạy theo kênh Xáng cặp lộ Bạc Liêu - Cà Mau đến ngã ba Vàm kênh Xáng (cách ngã tư xã Vĩnh Hưng 4 km). Trên tàu chiến có đại bác 105 ly và cối 81 ly, các khẩu đại liên 13ly2. Bọn lính bộ sẽ tiến vô theo lộ 2 bờ kênh Xáng Vĩnh Hưng. Như vậy nhiệm vụ ta đánh vào thị xã Bạc Liêu bất thành. Chúng tôi cấp tốc lệnh cho một số đơn vị nhỏ đã tiến vô thị xã Bạc Liêu rút về Ngã tư Vĩnh Hưng. Quân địch ở thị xã Bạc Liêu do Pháp chỉ huy, sáng 23-9-1948 sẽ tiến vô vùng Vĩnh Hưng. Ngay tối 22-9-1948, bộ đội Cửu Long II phối hợp với trung đội quốc vệ đội tỉnh Bạc Liêu do anh Oong làm trung đội trưởng bố trí đánh địch tại ngã tư Vĩnh Hưng (huyện Hồng Vân). Khoảng 7giờ30 sáng 23-9-1948 (ngày kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến) đã nghe tiếng súng địch nổ từ xa. Địch hành quân dọc theo hai bờ kênh Xáng. Chúng vừa vô cách ngã tư Vĩnh Hưng 50m, khẩu đại liên của Cửu Long II do anh Vinh phụ trách và một khẩu đại liên của quốc vệ đội nổ giòn giã vào đội hình địch. Chúng càng tiến lên càng bị bắn chết và bị thương nhiều tên. Địch chạy xuống chân lộ. Các trung đội ta đã phục kích mặt ấy, bắn quyết liệt. Vì chỉ cách nhau khoảng 50m đến 80m địa hình trống trải, cánh trái địch bị trung đội anh Việt và Trung đội anh Oong chận đánh (anh Duệ đi với cánh này). Cánh trái kênh Xáng có lợi thế cho ta nhiều vì là vườn cây ăn trái và xen kẽ là các giồng khoai lang. Anh Tử Thiện Tài đi với hai trung đội cánh phải. Trận chiến đấu kéo dài từ 9 giờ sáng cho đến gần 11 giờ trưa. Địch chết và bị thương rất nhiều, trong đó có nhiều tên Pháp. Chúng phải rút lui. Bên ta vừa bắn vừa xung phong. Đại bác và súng cối địch từ ngoài tàu chiến bắn dồn dập vào trận địa ta. Mỗi cánh ta cho 1 trung đội truy kích theo khoảng 500m và ngừng lại bố trí đánh địch nếu chúng tiếp tục trở lại. Trong lúc anh Trịnh Xuân Việt và anh Đào Mạnh Duệ phía cánh trái đang cùng anh em tiến lên thì bỗng một tiếng đạn nổ rất lớn ngay trước mặt. Hai người đang đứng tại hai giồng khoai cách nhau chỉ 1m. Anh Việt ngồi ôm bụng. Anh Duệ vội lấy khăn choàng tắm buộc ngay vết thương cho đồng đội. Một chiến sĩ chạy về ngã tư Vĩnh Hưng lấy xuồng chở anh Việt về trạm y tế của ta gần đó. Nhưng do vết thương quá nặng, anh Việt đã hy sinh dọc đường, chưa kịp đưa đến bệnh viện, ở cánh phải, cũng trong khi xung phong qua cánh ruộng trống trải, anh Từ Thiện Tài, chỉ huy phó bộ đội Cửu Long II cũng bị một viên đạn ở bụng, phải đưa về trạm y tế và sau đó nằm quân y viện Khu 9 ba bốn tháng mới lành. Ra viện anh được Ban quân sự Nam Bộ bố trí làm công tác khác.

Kết quả trận này ta đánh địch chết và bị thương gần 180 tên, bắt sống tên tù binh Pháp giao cho hai chiến sĩ áp tải về Ban chỉ huy trung đoàn 125. Vũ khí ta thu được 1 số FM , 2 súng colt 121y, 5 tiểu liên và 19 súng trường. Đây là một trận thắng lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí. Ta bẻ gãy hoàn toàn kế hoạch hành quân của địch vào khủng bố vùng giải phóng Vĩnh Hưng. Đây cùng là lần đầu tiên địch bị thất bại nặng nề. Trận đánh thắng lợi có ý nghĩa vì đây là vùng mà bọn giặc thường hành quân vào giết hại, cướp bóc đồng bào, bà con rất căm giận, nhưng chưa có cách nào diệt được chúng. Nay bộ đội giáp mặt đánh chúng, đồng bào hả lòng, hả dạ. Trước khi chôn cất 3 chiến sĩ, thay mặt toàn đơn vị, chỉ huy trưởng đã bắn chỉ thiên 3 phát súng ngắn, vĩnh biệt những người đồng chí thân yêu. Anh Trịnh Xuân Việt hy sinh trên đường đưa về Quân y viện đã được mai táng tại đầu roi ngã ba chợ Thới Bình.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 03:57:57 pm »

TRẬN ĐIỀN TÂY MẬP (24-9-1948)

Sau trận Vĩnh Hưng, toàn đơn vị hành quân đóng ở xóm Rạch Điền Tây Mập, cách trận địa ngã tư Vĩnh Hưng khoảng 2km. Sáng 24-9-1948, địch cho một máy bay đầm già đến trinh sát. Sau đó 30 phút, có hai máy bay chiến đấu đến ném 4 quả bom và bắn phá xuống khu vực Vĩnh Hưng. Chiếc đầm già trở lại bay thấp hơn để trinh sát. Thấy máy bay địch bay thấp, ta ra lệnh cho khẩu đại liên 7/7 của anh Nguyễn Anh Vinh nổ súng vào chiếc đầm già. Sau đó, các súng trường nổ liên tiếp. Chiếc máy bay cất cánh vọt lên xịt khói đen và đảo một vòng rồi bay luôn. Mấy hôm sau chúng tôi được Ban quân báo Sóc Trăng cho biết ngày hôm ấy chiếc đầm già bị trúng đạn, 1 quan hai và một tên quan một người Pháp bị chết.

Suốt thời gian chiến đấu ở khu 9, Bộ đội Cửu Long II đi đến đâu cũng được nhân dân thương mến. Ngược lại anh em chúng tôi cũng rất thương yêu và quý trọng nhân dân. Vì chúng tôi đều là con em của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Đi tới đâu, chúng tôi cũng bàn với địa phương tổ chức canh gác, bảo vệ xóm làng, bảo vệ đồng bào, đánh địch, lấy súng địch phát triển lực lượng của ta. Mỗi khi bộ đội Hải ngoại Cửu Long II tuyển quân thì số thanh niên địa phương đến xin nhập ngũ rất đông. Những ai được nhập ngũ đều phấn khởi, lấy làm vinh dự. Đúng là: “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Cả một thời gian dài đơn vị sống với nhân dân Bạc Liêu và một phần của tỉnh Rạch Giá, Sóc Trăng, được các ba, các má, anh chị em coi như ruột thịt. Thông thường đóng quân trong nhà dân, mỗi nhà chúng tôi chỉ ở một tổ từ 3-4 anh em. Nhiều gia đình đề nghị chúng tôi ăn cơm chung với họ, nếu không cũng dành cho chúng tôi một tô canh, một đĩa cá v.v... Có nơi chúng tôi tới ban đêm bà con rất ngại, không biết có phải ta hay địch. Sau khi biết rõ là bộ đội thì nhường hẳn bộ ván ngựa và giường cho anh em nghỉ. Có nhà nhường cả mùng (dệt bằng sợi khóm) cho anh em dùng. Thật cảm động, sáng hôm sau anh em đã được ăn đủ thứ như: Bánh cam, khoai mì luộc quết nhuyễn với hành lá và trộn nước cốt dừa, dừa, khóm, mía thì tha hồ ăn. Các em thiếu nhi luôn luôn quây quần với bộ đội để học bài hát, học múa lăm vông. Có nhiều anh em có ba, má nuôi được gia đình thương mến. Hồi ấy văn phòng bộ đội Cửu Long II Hải ngoại đóng tại nhà ba má Bảy Xuyến ở giữa Rạch Ông (cách chợ Thới Bình 1 km). Mọi người trong nhà đều coi anh em bộ đội là những người ruột thịt, có ván ngựa cũng giành cho chúng tôi nghỉ, đến bữa ăn, múc lại phần cho chúng tôi những món ăn ngon của gia đình. Má Bảy là Hội viên Mẹ chiến sĩ, chồng má bị địch bắt ở tù, bị tra tấn đánh đập dã man đã qua đời, được chánh quyền cấp bằng liệt sĩ trong thời kỳ chống Mỹ - ngụy. Trong nhà có em trai Trịnh Thanh Nhàn, 15 tuổi, rất thương anh em. Cứ mỗi lần đơn vị di chuyển đi nơi khác thì Nhàn rất buồn, khóc sướt mướt. Còn các ba má nuôi thì tặng anh em bộ đội khăn choàng tắm v.v... Những tình cảm quân dân sâu sắc ấy suốt đời tôi không bao giờ quên. (Trịnh Thanh Nhàn trong thời gian kháng chiến chống Mỹ đổi tên là Trịnh Văn Ngàn, nay vẫn làm ăn sinh sống tại chợ Thới Bình).

Chiến đấu trên chiến trường Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng là chiến đấu trên kênh rạch, sông, nước, đồng ruộng trống trải, sình lầy, nên khi đánh địch đều phải đi trên đồng trống. Địch thường dùng pháo bắn theo. Cũng may là khi ấy giặc Pháp ít máy bay hợp đồng bộ binh, mà chúng chỉ dùng máy bay để trinh sát và chiến đấu, đánh phá những nơi cho là căn cứ kháng chiến, là cơ quan đầu não và nghi là có quân chủ lực của ta. Trong khi lực lượng của các đơn vị chủ lực địa phương chưa thật mạnh thì Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II là một đơn vị chủ lực mạnh, đã cùng các đơn vị chủ lực tỉnh Bạc Liêu, cùng các đơn vị địa phương tiến đánh địch khắp nơi. Và trong các trận liên quân hợp đồng chiến đấu thì Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II đều đảm nhận nhiệm vụ ở các mật trận chính. Trong thời gian hoạt động ở Bạc Liêu, bộ đội Hải ngoại Cửu Long II đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh bao vây tấn công các đồn địch, chống càn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí đạn dược, góp phần bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ các căn cứ kháng chiến của ta ở Khu 9.

Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II đã góp phần xứng đáng vào trang sử của Bạc Liêu nói riêng và Nam Bộ nói chung, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng ở Lào và ở Campuchia. Đó là một trang sử vẻ vang về tinh thần cách mạng, về sự hy sinh xương máu để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào ta và Việt kiều ở Thái - Lào. Những đơn vị Việt kiều ở Thái - Lào về Nam Bộ là những chấm son của truyền thống ấy. Tiểu đoàn Hải Ngoại Cửu Long II trên đường hành quân về chi viện cho Nam Bộ đi qua Tây Nam Campuchia, đến Hà Tiên đã chiến đấu 15 trận lớn, nhỏ. Số địch chết và bị thương là 131 tên kể cả trận đánh chiếm đồn Sằm lốt ở Battambang (biên giới Campuchia - Thái Lan) địch chết 67 tên, bị thương 64 tên), ta thu 17 súng các loại. Bên ta 5 anh em hy sinh, 1 bị thương nhẹ, 2 bị bắt. Thời gian chiến đấu tại Bạc Liêu - Rạch Giá, Sóc Trăng (khu 9) Nam Bộ, tiểu đoàn đã đánh hàng chục trận lớn nhỏ, tổng số địch chết, bị thương, bị bắt sống là 455 tên, phần nhiều là quân Cao Đài phản động, Pháp lê dương và lính ngụy, trong đó, địch chết 272. tên, bị thương 181 tên, bắt sống 2 tên Pháp, ta thu được 76 súng các loại, trong đó có: 4 FM, 1 súng cối 60 ly, 17 Mitule, 3 súng ngắn, 3 carabine, và 48 súng trường. Phía ta hy sinh 16 người, bị thương 7, bị bắt 1, đó là anh Nguyễn. Viết Mưu, 18 tuổi (Việt kiều Thái Lan), sau trốn ra được tiếp tục lên chiến đấu ở Takeo - Nam Kông-pông Speu.

Tính chung cả thời gian hành quân chiến đấu đi qua Campuchia và thời gian ở Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng, tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II đã đánh tất cả 23 trận lớn nhỏ, tổng số quân địch chết và bị thương, bị bắt là 586 tên trong đó địch chết 339 tên, bị thương 245 tên, bắt sống 2 tên (Pháp). Vũ khí ta thu được 93 súng các loại, gồm có 4 FM, 1 súng cối 60 ly, 17 Mitule, 3 súng ngắn loại Colt 12 ly và 9 ly, 3 carbine và 65 súng trường. Bên ta 21 anh em hy sinh, 8 bị thương, 3 bị bắt, thời gian sau trốn ra được 2 anh.

Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II dũng cảm chiến đấu, nhưng cũng say sưa yêu đời. Những bài ca, tiếng hát trong các buổi hội họp, sinh hoạt văn nghệ khi chiến đấu ở Bạc Liêu là: Chiến sĩ Việt Nam, Cương quyết ra đi, Diệt phát xít, Cảm tử quân, Vĩnh thông cầu sắt, Đoàn vệ quốc quân, Tiếng súng Nam Bộ, Ánh trăng rằm reo vui khắp nơi, Tầm Vu, Tiểu đoàn 307 và các bài múa lăm vông...

Anh Quốc Hương đã nhiều lần đến thăm đơn vị tại Huyện Sử và anh đã nhiệt tình hát cho chúng tôi nghe một số bài mà tôi vừa kể. Anh còn tặng chúng tôi tấm ảnh chụp anh mặc bộ đồ bà ba đen, đội chiếc nón vải rộng vành, đến nay vẫn còn đẹp.

Cho tới nay đã trên 44 năm trôi qua, nhưng mỗi một cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II, những người còn sống vẫn nhớ mãi tấm lòng thương yêu quý mến của nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh Rạch Giá, Sóc Trăng trong những năm tháng kháng chiến đầy hy sinh gian khổ và vô cùng anh dũng ấy.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười, 2022, 04:05:44 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 03:59:06 pm »

LÊN VIỆN TRỢ CÁCH MẠNG CAMPUCHIA
(Tháng 2-1949)

Sau chiến thắng trận Vĩnh Hưng, chúng tôi hành quân về đóng ở kênh Xáng Huyện Sử - Thới Bình. Tại đây, anh em bộ đội nghỉ ngoi và nghiên cứu để đánh trong mùa khô. Nhưng giữa tháng 10-1948 chúng tôi nhận được tin của Ban Quân sự Nam Bộ: Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II cùng với Bộ đội 251, phát triển thành Trung đoàn 131, trực thuộc Ban Quân sự Nam Bộ, lên viện trợ cách mạng Campuchia. Lúc đó lực lượng Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II chiếm hơn 2/3 quân số Trung đoàn, về biên chế tổ chức cơ bản vẫn giữ vững lực lượng nòng cốt là 2 đơn vị, trên điều thêm cán bộ, chiến sĩ và vũ khí, tổ chức biên chế thành 5 Bộ đội trực thuộc Ban chỉ huy trung đoàn: Trung đoàn trưởng: anh Nguyễn Tất: Chánh ủy, anh Quang Trung, nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng của Tổng hội Việt kiều Thái Lan cũ, trung đoàn phó anh Nguyễn Văn Lầu (Capitaine Lầu), nguyên trung đoàn phó trung đoàn 125 Bạc Liêu, được điều động sang trung đoàn 131. Anh Đào Mạnh Duệ, nguyên chánh trị viên Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II làm trưởng Ban chính trị trung đoàn 131, Bí thư chi bộ cơ quan Trung đoàn 131.

Trung đoàn lưu động đóng quân ở nhiều nơi, dọc theo sông Trẹm, Rạch Ông, Rạch Bà Đặng, Thới Bình, Huyện Sử. Chiến sĩ tiến hành học tập chính trị về nghĩa vụ lên Campuchia giúp bạn đánh Pháp. Đơn vị hành quân ra Chắc Băng (Vĩnh Thuận), Ngang Gừa, Gò Quao, Sốc Ven, Thúy Liễu (thuộc tỉnh Rạch Giá). Ngày 26-2-1949 chúng tôi vượt lộ Cái Sắng (Châu Đốc) lên Long Châu Hà và lên Bần Tea Méas thuộc vùng giải phóng tỉnh Kampot - Campuchia).

Cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp của quân tình nguyện Việt Nam ở miền Tây Nam và một số lên Tây Bắc Campuchia có khá nhiều anh em Hải ngoại Cửu Long II như: Anh Dung Văn Phúc (Dương Quang Đông), Huỳnh Công Đông, Lê Văn Một, Trần Văn Xả, Đào Mạnh Duệ. Nguyễn Thọ Huyền, Phạm Yên, Lê Hoàng, Đặng Ngữ, Đỗ Trọng Long, Lưu Ngọc San, Nguyễn Văn Hên, Trần Cao Hiên, Lê Tương Phụng, Nguyễn Ngọc Sanh, Huỳnh Thiện Sanh (Hoàng Sơn), Huỳnh Thành Lễ, Vũ Đình Ty. Trần Mạnh Thắng, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Tâm (Nguyễn Minh Trí) v.v...

BẦN TEA MÉAS (Ngày 09/3/1949)

Ngày 9 tháng 3-1949, buổi lễ ra mắt quân đội Issarak và quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia chiến đấu giành độc lập tự do cho đất nước Campuchia được tổ chức rất trọng thể tại Bần Téa Méas (thuộc tỉnh Kampot) gần các đồn, lô cốt địch ở lộ Ton-Hon. Anh Sơn Ngọc Minh, chủ tịch lâm thời Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Tây Nam Campuchia, một số đại biểu, đại diện chính quyền cách mạng Phum, Khum, Srok và nhiều vị sư sãi, nhân dân địa phương đến dự. Anh Sơn Ngọc Minh đọc diễn văn tuyên bố lực lượng võ trang cách mạng Issark ra mắt nhân dân. Phía quân tình nguyện Việt Nam có anh Nguyễn Thanh Sơn, Tư lệnh kiêm Chánh ủy Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, đã đọc bài phát biểu ngắn. Khí thế nhân dân đến dự rất phấn khởi. Quân địch trong các đồn gần đó không dám làm gì.

Buổi lễ ra mắt gần kết thúc, theo kế hoạch đã định, các đơn vị sẽ hành quân đến địa điểm trú quân thì có hai máy bay chiến đấu của địch đến bỏ bom tại địa điểm làm lễ. Một đơn vị của ta, trong đó có khẩu đại liên 7/7 của Hải ngoại Cửu Long II do anh Nguyễn Anh Vinh tiểu đội trưởng phụ trách đã nổ súng mãnh liệt. Một máy bay bị thương, chúng vội vàng bay đi ngay. Có mấy vị sư sãi Campuchia bị thương. Ngay đêm hôm ấy, các đơn vị hành quân đến các vùng đã được phân công như: Vùng Tà Keo Nam Kông Pông Speu, Nam lộ Chhuk, khu vực thị xã Kampot, huyện Chhuk, huyện Srang, huyện Phnôm Srout, Kông Pông Chnăng (Biển Hồ) v.v.. Các đơn vị trở nên độc lập, cùng với địa phương xây dựng cơ sở chính trị, phát triển dân quân du kích Phum, Khum (ấp, xã), đánh địch chống càn, củng cố và mở rộng khu giải phóng.

Ngay những ngày đóng quân ở Huyện Sử, Thới Bình, ở bờ sông Trẹm, Rạch Giá, Rạch Cái Sắng (Cà Mau) chúng tôi vẫn luôn luôn quan tâm xây dựng phong trào văn nghệ trong đơn vị. Hồi ấy anh em rất thích bài “Hạnh phúc muôn đời” do anh Mạnh Hùng phỏng theo bài “Đoọc phá tê con” nhạc Thái Lan, viết ra lời Việt cho dễ nhớ, để hát múa lăm vông trong các đêm văn nghệ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 03:59:26 pm »

Bài “Hạnh phúc muôn đời” lăm vông đã trở thành một bài hát múa quen thuộc với chúng tôi và thanh niên địa phương hồi ấy. Thời gian tập kết ra Bắc, có một buổi tối khi đi ngang qua một nhà hàng chuyên cho thuê tổ chức đám cưới, thấy trong đám cưới mọi thanh niên nam nữ đang sôi nổi ca múa lăm vông với bài “Hạnh phúc muôn đời”, tôi hết sức ngạc nhiên, không ngờ ngay đầu đường Bà Triệu, gần Hồ Hoàn Kiếm lại có ca múa lăm vông bài “Hạnh phúc muôn đời”. Sau chiến thắng 30-4-1975, anh Đặng Ngữ và Nguyễn Tâm (anh Nguyễn Tâm chiến đấu ở Campuchia, trước là một em bé 13 tuổi liên lạc của Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II), hai người từ thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê ở Rạch Cái Sắng - Xã Thới Bình, vẫn thấy thanh niên ở đây múa hát bài lăm vông “Hạnh phúc muôn đời” bằng tiếng Việt. Nội dung lời Việt nói lên tình cảm của những người chiến sĩ Việt Nam xa quê hương lên cùng các bạn Campuchia chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược. Khi sang Campuchia, bộ đội Việt Nam và Campuchia thường ca múa lăm vông. Sau đây là lời bài hát ấy:

Hạnh phúc muôn đời
Hạnh phúc muôn đời
Trên đường tranh đấu ta cùng say sưa, chung lòng xả thân, ta nguyện cùng bạn.
Hạnh phúc muôn đời ta cùng thương nhau đi, vui nhảy ca lên, hát múa mau lên ở nơi chiến trường.
Chẳng thương yêu nhau chờ chi. Chiến sĩ đồng xa quê hương.
Một thân liều cho hồn nước, quyết diệt xâm lăng, tiêu quân thù chung.
Vui đi trong ngày huy hoàng, vui đi trong ngày huy hoàng.
Vui lên đi hát vang chung vui cùng nhau
Vui lên đi hát vang chung vui cùng nhau


      (Thới Bình tháng 12-1948).

Cũng như ở miền Tây Nam Campuchia có các đơn vị khu 9 sang, các nơi như: Miền Đông, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Bắc Campuchia cũng có nhiều đơn vị của khu 7, khu 8 (Nam Bộ), quân khu 5 (Trung Bộ) và nhiều đơn vị vũ trang mạnh của Bộ đội Việt kiều Thái Lan, Lào từ những năm 1945-1946, 1947 đã và đang cùng quân và dân Lào và Campuchia liên tục chiến đấu. Các đơn vị Bộ đội Việt kiều Hải ngoại ở Lào và Thái Lan không chì là một thành viên trong lực lượng quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, Campuchia mà còn tổ chức 4 đơn vị đi từ Thái Lan về chi viện Nam Bộ kháng chiến trong các năm 1946, 1947 gồm có: Bộ đội Độc lập số 1, Bộ đội Quang Trung, Chi đội Trần Phú và Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II

Các đơn vị quân đội đã trở thành liên quân Campuchia - Việt Nam. Số anh em Campuchia có đến 2/3 quân số và có nhiều cán bộ người Khơ-me trong Ban chỉ huy đơn vị. Cán bộ chiến sĩ Việt Nam sang Campuchia trong 6 - 7 tháng đã nói được chút ít tiếng Campuchia, đến 2 - 3 năm thì đã nói khá.

Bộ đội Campuchia và Việt Nam vừa đánh địch chống càn, tấn công đồn bót đồng thời cùng nhân dân các Phum, Khum, Srok (ấp, xã, huyện) thành lập Mặt trận Issarak, tổ chức dân quân du kích và các đơn vị vũ trang tập trung của Khum, Srok (xã, huyện) với khẩu hiệu “đoàn kết, sản xuất, giết giặc” (samaki, boòng ko boòng kớt, Sằm Láp Kh.măng). Vì vậy các đơn vị vũ trang và các vùng giải phóng đều có nhiều căn cứ, có khu sản xuất tự túc của mình. Quân và dân Campuchia càng đánh càng thắng. Nhân dân Campuchia rất phấn khởi góp công, góp của ủng hộ mọi mặt, tự chế nhiều vũ khí. Lực lượng du kích và bộ đội ngày càng phát triển nhanh trên khắp các vùng, các miền. Vùng giải phóng ngày càng mở rộng cho đến sát các tỉnh lỵ, thành phố. Địch chỉ còn kiểm soát được mấy con lộ huyết mạch. Năm 1949 - 1950 Ban lãnh đạo Quân Dân chính Đảng các Miền Tây Nam, Tây Bắc, Đông Bắc, Đông Campuchia được thành lập để lãnh đạo toàn quốc kháng chiến.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:00:00 pm »

BỘ ĐỘI 651 ĐỐI ĐẦU VỚI TIỂU ĐOÀN THOMAS
(26-2-1950 - 28-3-1950)

Cuối năm 1949, Bộ chỉ huy liên quân Campuchia - Việt Nam bổ nhiệm anh Đào Mạnh Duệ chỉ huy trưởng, kiêm chính trị viên và Bí thư chi bộ và anh Huệ chỉ huy phó Bộ đội 651. Đơn vị có hơn 2 trung đội vũ khí khá, đến 2/3 là anh em người Campuchia, vừa làm nhiệm vụ chống càn, vừa tổ chức phát triển dân quân du kích Phum, Khum, bảo vệ chiến khu Tây Nam Campuchia, vừa giải quyết hậu cần cho chiến khu. Việc giải quyết hậu cần do anh Huệ phụ trách.

Các năm 1949, 1950, đến giữa năm 1951, anh Sơn Ngọc Minh là Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng khu Tây Nam, anh Nguyễn Tất tham mưu trưởng liên quân Campuchia - Việt Nam ở khu Tây Nam. Cán bộ chỉ huy chiến đấu của Bộ đội 651 bảo vệ chiến khu Tây Nam Campuchia có đến 2/3 là cán bộ bộ đội Hải ngoại Cửu Long II, còn 1/3 là cán bộ người Campuchia. Số cán bộ Cửu Long II có: anh Huỳnh Thành Lễ, trung đội trưởng, anh Tam, trung đội phó ... và nhiều cán bộ tiểu đội trưởng như anh Bảy, anh Uy, anh Cắm, thư ký văn phòng v.v... Chiến khu Tây Nam khi ấy ở vùng Trapeng Phleng, dưới chân núi Tà Lơng, cách trạm liên lạc Loboeuk khoảng 20 km đường rừng núi. Biết chiến khu Tây Nam ở vùng này, nên trong tháng 2 và tháng 3-1950, địch cho tiểu đoàn “chim xanh” do tên quan năm Pháp Thomas chỉ huy. Đây là tiểu đoàn tinh nhuệ chuyên hành quân trên rừng núi, tiến đánh quân ta ở Tây Nam Campuchia. Đối với chúng, quân tình nguyện Việt Nam là đối thủ đáng sợ, nhất là các đại đội chủ lực các miền.

Tiểu đoàn Thomas thiện chiến có 4 đại đội, lực lượng nhiều gấp bốn, năm lần Bộ đội 651. Vì vậy cách đánh của bộ đội 651 chủ yếu là đánh du kích, chim sẻ, kết hợp với những trận tập trung toàn lực tiêu diệt đơn vị đi đầu của chúng ở những nơi có địa hình thuận lợi và kiềm chế tới mức tối đa thời gian tiến quân của địch vô chiến khu. Tình báo của chiến khu luôn cung cấp tình hình quân địch, thời gian chúng tiến công chiến khu. Ban tham mưu khu cũng tăng cường thêm lực lượng và vũ khí, đạn dược, địa lôi tự động v.v... Do đó, khi chiến đấu lực lượng bộ đội 651 có 2 trung đội mạnh.

NHỮNG TRẬN CHỐNG CÀN ĐẦU THÁNG 2-1950
1- Trận Đasko
(Ngày thứ nhất, 6-2-1950)

Bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 6-2-1950, địch mở cuộc tiến công đầu tiên vô Đaskô. Chúng đi theo đường xe bò, cách chiến khu khoảng 6 km. Chúng tôi đã bố trí sẵn ba mặt tại khoảng đất trống, rộng và đặt một trái mìn lớn tự động tại đường xe bò. Chỗ này cách nơi địch đóng quân một km, chúng chủ quan cho rằng ta không thể bố trí gần nơi chúng tập trung. Khi những toán đầu vô đến giữa khoảng trống chí còn cách ta chừng 50m thì bị đánh bất ngờ. Một số chết tại trận, một số chạy tán loạn. Chúng bắn lại dữ dội. Bọn địch phía sau tiếp tục tiến lên thì đạp trúng địa lôi, chúng chết và bị thương một số nửa, trong đó có một tên Pháp chỉ huy, đồng thời hai cánh bên phải, trái của ta ở mé rừng nổ súng tiếp vào quân địch. Từ đó địch không dám tiến. Chúng chỉ bắn yểm hộ cho đồng bọn bò lên kéo xác chết. 10 giờ địch lại tiến vô lần thứ hai. Chúng đi qua trận địa cũ thì đụng các tổ chim sẻ của ta nổ súng liên tiếp từ phía trước và từ trong rừng. Chúng chết và bị thương thêm một số tên nữa. Đến 3 giờ chiều, chúng thận trọng tiến vô trận địa, bị ta tiêu diệt thêm một số tên nữa, buộc chúng phải rút ra hết. Như vậy trong ngày thứ nhất, địch tiến vô 3 lần được khoảng 2km, bị chặn đánh 3 trận, 12 tên chết, trong đó có 1 quan một Pháp, một số bị thương, chúng bỏ lại một xác chết. Bên ta một chiến sĩ bị thương nhẹ.

Sau khi đánh hai trận, anh Nguyễn Tất, tham mưu trưởng khu Tây Nam Campuchia, gởi thư, có đoạn: “Rất hoan nghênh tinh thần dũng cảm đánh địch của các đồng chí. Các đồng chí đã chiến đấu giỏi. Chúc các đồng chí tiếp tục đánh địch tốt, dành nhiều thắng lợi nữa...”. Những năm qua, anh Nguyễn Tất là Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban kinh tế tính ủy Bến Tre, nay đã nghỉ hưu.

2 - Trận Trapeang Phleang:
(Ngày chống càn thứ hai).

Sáng ngày hôm sau 7-2-1950, ngay từ 6giờ30 sáng, địch tiến vô. Lần này, chúng cho 1 cánh quân tiến thẳng đường xe bò và cho một đơn vị đi trong rừng cánh trái để đánh xuyên hông quân ta. Qua kinh nghiệm của 3 trận đánh địch ngày hôm qua, lần này, chúng tôi tập trung toàn bộ lực lượng, bố trí mặt chính diện và cả 2 cánh phải, trái sâu trong rừng. Trận địa này cách trận địa cũ khoảng 500m. Đúng như dự đoán, địch tiếp tục im lặng tiến vô. Chúng đi khỏi trận địa cũ tới chỗ chúng tôi đã bố trí. Lúc ấy khoảng 9 giờ sáng. Lần này, để cho địch đến thật gần ta mới nổ súng. Trận chiến đấu kéo dài cho đến 10 giờ. Địch chết thêm 10 tên và một số bị thương. Tiến vô không nổi, địch nổ súng bừa bãi để khiêng xác chết và bị thương rút lui ra. Do thông thạo địa hình và lợi dụng các gò mối, những gốc cây lớn trong rừng để bố trí chiến đấu, có lúc chia ra từng tổ vận động mau lẹ, chỗ nào có địch là có ta đánh trả, nên ngày chiến đấu thứ hai ta giành được thắng lợi lớn. Ta không một ai bị thương vong.

3 - Ngày chống càn thứ ba (8-2-1950)

7 giờ sáng, địch tiến dần vô. Chúng tôi bố trí nhiều tổ bám sát địch đánh chim sẻ, vừa đánh vừa rút theo kiểu cuốn chiếu. 7giờ30 sáng, súng nổ liên tiếp. Địch chết và bị thương một số tên. Chúng tiếp tục tiến vô được 2km thì dừng lại. Khoảng 9giờ30 lại thấy địch tiến vô. Chúng đi được 1km nữa thì đụng bộ đội ta. Tại đây ta bố trí 2 tiểu đội, quyết tâm chặn chân chúng. Khi chúng lọt vào trận địa, ta nổ súng trước. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 20 phút. Địch chết và bị thương 8 tên. Ta có 1 chiến sĩ bị thương. Như vậy trong 3 ngày chống càn, ta đánh địch 6 trận, địch chết trên 30 tên (trong đó có 1 quan một Pháp) và một số bị thương.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 04:07:36 pm »

NHỮNG TRẬN CHỐNG CÀN CUỐI THÁNG 3-1950

Sau gần 2 tháng địch do thám chiến khu và luôn tung tin đánh vào chiến khu, để một thời gian nào đó chúng bất ngờ tiến vào tiêu diệt chiến khu Tây Nam Campuchia. Thình lình, lúc 4 giờ chiều 26-3-1950, địch dùng xe quân sự chở quân theo lộ Chhuk đó quân tiến vô Stung Keo (cách chiến khu 6km) và trú quân tại đó một đêm. Được tin, ta cho một tiểu đội tiến ra theo dõi chúng.

Ngày chiến đấu thứ nhất: Sáng 27-3-1950: khoảng 8giờ15, súng nổ. Địch tiến vô. Trinh sát nổ súng. Địch bắn lại. Ngay những phát súng trường đấu tiên, 1 tên giặc đã chết tại trận. Sau khoảng 15 phút, địch lại tiến vô, đi qua chỗ tên lính địch chết 500m thì bị các “tổ chim sẻ” của ta vừa nổ súng vừa rút. Địch tiến vô theo đường xe bò được vài trăm mét thì bị đánh. Anh em ta lại rút, đi qua nhiều khoảng trống. Địch cho rằng lần này ta chỉ đánh kiểu du kích cũ nến cứ tiến dần vô đến một vị trí trống trải khá rộng lớn. Đến đây địch cho quân tiến theo 2 mé rừng và 1 cánh tiến chính giữa đường xe bò. Để cho địch đi đến giữa khoảng trống, bất ngờ ta nổ súng. Tại đây ta tập trung đến 2/3 lực lượng. Những loạt trung liên, Thompson, carabine và súng trường nổ mãnh liệt vào các cánh quân địch. Cuộc giao tranh đến 30 phút, 8 tên chết và một số bị thương. Gần 10 giờ thì tiếng súng im lặng. Ta để lại 1 tổ bám sát địch và bố trí 2 tiểu đội do đồng chí Tam, Trung đội phó chỉ huy, còn toàn bộ rút về phía sau chuẩn bị cuộc chiến đấu mới.

Đến 2 giờ chiều, địch lại tiến. Quân ta chận đánh: Địch chết tại trận 3 tên, một số tên bị thương. Địch bắn lại khá mạnh để lấy xác chết và bị thương. Ta tiếp tục nổ súng. Chúng rút hẳn ra chỗ đóng quân đầu tiên tại Stung Keo, cách chiến khu 6km. Vậy là ngày chiến đấu thứ nhất đã chấm dứt. Qua 2 trận đánh sáng và chiều ngày 27-3-1950, địch chết tại chỗ 11 tên và một số bị thương

Ngày chiến đấu thứ hai: 28-3-1950:

Ngay từ 7 giờ sáng ngày 28-3-1950, địch cho 4 máy bay chiến đấu bắn đại liên xuống khu rừng chúng tôi đóng quân và bỏ 8 trái bom loại 50kg, trong đó có 1 trái bom lửa, làm cháy một mảng rừng cách văn phòng bộ đội 651 chừng 200m.

Lúc 8giờ30 địch tiến vô, nhưng chúng vừa đi qua miếng rừng bị bom cháy, thì bị ta đánh. Trận chiến đấu kéo dài khoảng 40 phút, địch, chết tại chỗ hàng chục tên và một số khác bị thương. Chúng cho một đơn vị quân Cao Đài phản động có gián điệp dẫn đường rừng, bọc phía ngoài chiến khu vô đốt 2 cái nhà nhỏ và một kho gạo của bộ đội. Một tổ của bộ đội 651 đã nổ súng vào bọn nay. Chúng nhanh chóng rút ngay. Lần này ta nhận định, địch sẽ tiến công chiến khu với lực lượng nhiều hơn các trận trước để vô tới chiến khu, nên chúng tôi đã bố trí 3 tiểu đội và chôn một quả địa lôi tự động cỡ lớn giữa sân văn phòng Bộ đội 651 để tiêu diệt địch.

Đúng 10 giờ sáng, quân địch vô tới. Chúng bắn rất dữ dội. Tên chỉ huy Pháp hô “Alasô” (xung phong). Nhiều tên địch đến giữa sân thì bi địa lôi nổ tung, chúng chạy tán loạn, chết tại chỗ 12 tên, trong đó có 1 tên quan hai Pháp. Nhiều tên bị thương. Chúng liên tiếp nổ súng để lấy xác chết và bị thương.

Đánh xong ta rút về phía sau. Còn 1 tổ vẫn im lặng bám sát địch. Hai tiểu đội khác cũng sẵn sàng chiến đấu khi địch tiến vô. Trận đánh diễn ra khoảng 45 phút. Trước khi rút, chúng đốt Văn phòng bộ đội 651. Trong trận chống càn cuối tháng 3 này, địch tập trung lực lượng nhiều hơn các lần trước, nhưng chúng phải đi mất hai ngày mới tiến vô được. Kết quả, chúng chết 23 tên và bị thương một số. Ta không ai bị thương vong mà còn bảo vệ được chiến khu sơ tán an toàn. Lần chống càn này địch có máy bay đánh phá trước và tăng cường thêm quân Cao Đài phản động. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, bộ đội còn có bộ phận đi các nơi nhận lương thực, thực phẩm, tổ chức vận chuyển về chiến khu. Nhiệm vu này do anh Huệ, chỉ huy phó phụ trách. Bữa cơm hàng ngày của chúng tôi là cá khô, mắm bò hóc, cho nên chúng tôi còn trồng các loại rau cải, chăn nuôi heo, gà. Anh em còn chặt vỏ cây đánh bắt cá ở suối, thỉnh thoảng bắn được thú rừng để cải thiện.

Qua hai tháng chiến đấu với Tiểu đoàn Thomas, đơn vị chúng tôi đã tiêu diệt một lực lượng địch đáng kể, đánh 10 trận, địch chết trên 40 tên (trong đó có 1 quan hai và 1 quan một Pháp) và nhiều tên khác bị thương. Bên ta một chiến sĩ bị thương. Bộ đội 651, tuy chỉ bằng 1/4 lực lượng địch, nhưng cán bộ và chiến sĩ Việt Nam và Campuchia đã đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, dũng cảm mưu trí linh hoạt, chiến đấu giỏi, bảo vệ chiến khu an toàn và bảo đảm giải quyết được lương thực, thực phẩm cho chiến khu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM