Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:49:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 66 - 55 năm một chặng đường vẻ vang  (Đọc 2297 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:49:27 pm »


THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA

(Nhân kỷ niệm 50 năm
Ngày Thương binh - Liệt sĩ)

Trở lại Mông Hóa Kỳ Sơn
Non xanh nước biếc mây vờn ngang vai
Gò Bùi Suốt Đất nơi đây
Âm vang còn vọng bề dày chiến công
Suối Mè nước chảy xanh trong
Nước reo vui khắp cánh đồng định cư
Rõ ràng mà vẫn như mơ
Nơi xưa đồn giặc, bây giờ vườn hoa
Xóm làng ngói đỏ trăm nhà
Trâu đàn khua mõ chiều tà bình yên
Mía xanh xanh tận ngút ngàn
Công trường như dạo khúc đàn tương lai

Đường số Sáu đã một thời
Chiến công vang dội đất trời tự do
Vui này, nhớ chuyện ngày xưa
Gian nan vững dạ đói no ấm lòng
Cọng rau hạt muối mặn nồng
Tình dân lũy thép thành đồng khó quên
Vui mừng gặp lại Mông Sơn
Đang đà đổi mới vươn lên mạnh giầu.

25-7-1997
NGUYỄN ĐỬC GIÁ
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:51:04 pm »


CHIẾN THẮNG CỦA TÌNH ĐỒNG ĐỘI


Trên chiến trường Trung Lào (1953-1954), sau những thất bại liên tiếp ở các trận Ba-na-phào, Pà Cuội, Khăm Hẹ, Tha Khet và trên đường số 9, quân Pháp cho tiểu đoàn dù ngụy số 6 (6è BPVN) đổ quân xuống Hìn Sìu hòng cùng với căn cứ Sê Nô cứu nguy cho các căn cứ còn lại của chúng.

Tiểu đoàn Lê Lợi (782) chủ công của trung đoàn đã nhanh chóng đến bao vây Hìn Sìu và tấn công tiêu diệt phần lớn quân địch, bắt một số tù binh và hàng binh dẫn ngay về phía sau.

Trận đánh coi như kết thúc thắng lợi. Tiểu đoàn được lệnh lui quân dưới tiếng gầm rít của máy bay chiến đấu và trực thăng địch tiếp tục tìm kiếm tàn quân của chúng.

Làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, đưa được hết thương binh liệt sĩ của ta về phía sau, tôi cùng với liên lạc viên Đoàn Bá Ân ở lại sau cùng để rà soát lần cuối. Không ngờ, còn 5 tên lính dù ngụy đang tìm cách tiếp cận với trực thăng của chúng đi về phía chúng tôi. Phát hiện thấy chúng tôi chỉ có 2 người, chúng vừa chạy vừa bắn vừa hô nhau bắt sống. Trong người tôi chẳng có thứ vũ khí nào, chỉ có Ân là có trong tay một khẩu các bin. Ân vừa lấy thân che cho tôi vừa bắn trả từng viên một. Nấp hết mô đất này sang mô đất khác Ân bắn bị thương 2 tên buộc địch phải bỏ chạy thoát thân.

Thế là sau trận thắng to, chúng tôi lại thắng tiếp một trận nhỏ, nhờ lòng dũng cảm và tình đồng đội mà tôi được giải nguy trong trận đó. Kỷ niệm này tôi không bao giờ quên. Ngày nay Đoàn Bá Ân bạn đang ở đâu, có còn nhớ không?

HỒ NHẬT LƯƠNG
Nguyên chính trị viên phó
Tiểu đoàn Lê Lợi
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:52:34 pm »


NHỚ MÃI ĐI-Ê-GÔ!


Đi-ê-gô vốn là một nông dân nghèo ở Tây Ban Nha bị bắt đi lính và trở thành tù binh của Pháp trong chiến tranh thế giới thứ 2 rồi bị sung vào đội quân lê dương của Pháp và được đưa sang Việt Nam tham chiến vào khoảng đầu năm 1947. Chỉ sau một thời gian ngắn, Đi-ê-gô đã cảm thấy cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam là không thế chấp nhận được. Anh chỉ thấy quân Pháp đi bắn giết nông dân, đốt phá làng xóm, mùa màng. Là nông dân, Đi-ê-gô khá nhạy cảm với điều này nên không đồng tình, càng không muốn mình phải đi làm những điều tàn ác đó. Mặt khác, Đi-ê-gô cũng thấy rằng những người kháng chiến Việt Nam có nhiều nét giống những người kháng chiến Tây Ban Nha trong cuộc chiến đấu giữa Mặt trận bình dân với chính quyền phát xít Phơ-ran-cô. Vì vậy, Đi-ê-gô sớm nảy ra ý định tìm cách rời khỏi hàng ngũ quân đội Pháp về với những người kháng chiến Việt Nam.

Khi đơn vị lê dương của Đi-ê-gô được điều về đồn Đông Tảo (còn gọi là Đông Cảo) thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên để chuẩn bị càn quét, Đi-ê-gô lợi dụng lúc làm nhiệm vụ cảnh giới ban đêm ngoài hàng rào để trốn đi tìm bộ đội ta. Đúng lúc đó, trinh sát của Đại đội Ký Con (sau này là Đại đội 1 Tiểu đoàn Cô Tô) cũng đang bí mật tìm cách đột nhập vào đồn để chuẩn bị đưa đơn vị vào đánh. Gặp nhau bên ngoài hàng rào, Đi-ê-gô xin hàng và chỉ dẫn ngay cho anh em bộ đội tránh những vọng gác mới tăng cường của quân đội Pháp. Trận tập kích vào đồn Đông Tảo diễn ra thuận lợi, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đi-ê-gô rất vui và xin ở lại Đại đội Ký Con để tham gia chiến đấu. Được cấp trên đồng ý, Đi-ê-gô chính thức trở thành chiến sĩ của Đại đội Ký Con với cái tên Nguyễn Văn Tảo để kỷ niệm nơi Đi-ê-gơ đã ra hàng bộ đội Việt Nam: Đông Tảo.

Thời gian đầu, Tảo được bố trí vào tiểu đoàn súng máy, làm chiến sĩ chuyên mang đạn cho khẩu trung liên Bờ-ren đầu bạc cũ kỹ. Là một nông dân, Tảo hòa nhập rất nhanh và khá dễ dàng với anh em trong đơn vị và bà con nông dân những nơi trú quân. Là người Âu, song Tảo không khó khăn lắm trong việc hòa nhập vào thói quen sinh hoạt của người Việt Nam. Rau muống, mắm tôm, cà pháo... Tảo đều ăn rất ngon lành. Được mấy đồng tiền phụ cấp, Tảo cất rất cẩn thận và tiêu pha hết sức tiết kiệm. Anh em có trêu chọc thì Tảo chỉ cười và nói: "Tảo để dành tiền cưới vợ đấy!".

Cuối năm 1948, Tảo được đề bạt tiểu đội phó, rất phấn khởi, càng tích cực gương mẫu hơn. Mặc dầu vốn tiếng Việt còn ít ỏi nhưng Tảo sống rất chan hòa với anh em và bà con nơi đóng quân. Cuộc liên hoan quân dân nào cũng có tiết mục của Tảo. Khi đóng kịch, Tảo chuyên được phân vai Tây và luôn bị quân ta đánh cho thua liểng xiểng. Tiết mục đặc sắc nhất của Tảo là sử dụng chiếc đàn ghi ta và hát những bài hát Tây Ban Nha, nhảy những vũ điệu Tây Ban Nha.

Cho đến trận Tế Tiểu đầu năm 1949. Lúc đó cả Trung đoàn 66 đang truy kích quân Pháp rút chạy khỏi vùng Mỹ Đức. Hôm đó, tiểu đội của Tảo được giao nhiệm vụ bảo vệ khẩu "Vanh" cụt đi truy kích địch. (Đó là khẩu tiểu pháo 20 mm trên chiếc máy bay Hen Cát của Pháp bị ta bắn rơi, nòng súng bị gãy, quân giới ta đã cưa bớt chỗ gãy và làm thêm giá súng để sử dụng). Đến bến đò Tế Tiêu, khẩu "Vanh" cụt triển khai sát bờ sông, bắn thẳng vào những chiếc thuyền chở quân Pháp đang vội vã vượt qua sông Đáy sang bên Ứng Hòa. Nấp sau những rặng tre bên bờ sông, Tảo nhìn rất rõ cảnh rút chạy hoảng loạn của quân địch. Khi khẩu "Vanh" cụt xả một loạt đạn bắn chìm một chiếc và bắn cháy một chiếc thuyền khác chở đầy quân Pháp, Tảo phấn khởi quá đứng bật dậy vỗ tay hô lớn "Hoan hô! Vi va!...". Vừa lúc đó một chùm đạn đại bác của địch dập xuống đội hình đơn vị. Một mảnh đạn văng vào ngang bụng khiến Tảo gục ngay xuống. Anh em nhào đến đỡ Tảo dậy. Cố nén đau, Tảo gắng sức thều thào "đánh tốt lắm... Tiếc quá...". Vết thương quá lớn, anh em dồn hết bông băng để băng cho Tảo và đưa gấp về phía sau cấp cứu. Sức khỏe của Tảo đuối dần. Đển quân y tiểu đoàn, Tảo được cầm máu, sơ cứu một lần nữa rồi được đưa ngay xuống thuyền về trạm cấp cứu của bệnh viện cấp trên.

Sau này, đồng chí y tá đưa Tảo đến bệnh viện Đồng Quan kể lại: Nằm trên thuyền, Tảo không kêu rên, không giãy giụa, chỉ nằm yên chảy nước mất và hỏi: "Y tá ơi! Tảo có chết không? Tảo có được về với anh em không?". Đồng chí y tá cố cầm nước mắt động viên Tảo, "Tảo không chết đâu, có một tý nữa, đến quân y mấy ngày là Tảo khỏi thôi, rồi Tảo sẽ được về với đại đội". Nhưng điều đó đã không xảy ra. Do vết thương quá nặng, chưa đến được bệnh viện thì Đi-ê-gô Nguyễn Văn Tảo đã trút hơi thở cuối cùng.

Nửa thế kỷ đã trôi qua mà chúng tôi vẫn không quên được Đi-ê-gô. Cho đến nay, chúng tôi không còn nhớ đầy đủ tên họ Tây Ban Nha của Tảo, không biết Tảo sinh ra và lớn lên ở vùng quê nào trên xứ sở Tây Ban Nha xa xôi, nhưng hình ảnh một Đi-ê-gô nồng nhiệt, trung thực, dũng cảm, một nông dân Tây Ban Nha cần cù, chất phác, một chiến sĩ quốc tế giản dị với những phẩm chất thật đáng quý trọng... vẫn in sâu trong ký ức và trái tim chúng tôi.

Đi-ê-gô Nguyễn Văn Tảo, chúng tôi mãi mải không quên anh.

TRẦN QUỐC HANH
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:53:56 pm »


CHUYỆN VỀ MỘT MŨI TRINH SÁT


Để thực hiện kế hoạch đánh đồn Noọng Hét (Lào) trong chiến dịch Xuân 1953, Ban chỉ huy Trung đoàn 66 cử 3 mũi trinh sát đi nắm tình hình địch. Một mũi gồm 13 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Bùi Trâm bí thư chi bộ, chính trị viên Đại đội 40 trinh sát phụ trách.

Khoảng 5-6 ngày trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, đội đã vượt sông sang đất Lào. Đi tiếp 3 ngày đêm nữa, xem bản đồ thấy gần bản Nậm Mèn. Trời sắp sáng và mọi người đã thấm mệt nên chỉ huy cho anh em phân tán tạm nghỉ. Đang thiu thiu ngủ bỗng có tiếng bọn phỉ gọi nhau bảo có Việt Nam. Bọn chúng kéo đến mỗi lúc một nhiều. Biết bị lộ và phán đoán đây là bọn phỉ cơ động án ngữ cho Noọng Hét từ xa, anh em ta tìm vị trí chuẩn bị chiến đấu. Khoảng 6 giờ địch nã các cỡ súng, đặc biệt là cối 60 ly và AT vào đội hình ta. Ý đồ của chúng là bắt sống hoặc tiêu diệt toàn bộ anh em mình. Khoảng 7 giờ địch xung phong bị chết nhiều nên phải lùi ra. Chúng lại dùng hỏa lực bắn dồn dập, tiếp đó xung phong lại bị ta đánh trả quyết liệt, cứ như thế cho đến 12 giờ trưa, địch tổ chức đến 6 lần xung phong nhưng không vào được trận địa của ta. Từ đó địch chỉ bắn cầm chừng và không thấy tổ chức xung phong như buổi sáng. Có thể do chúng bị thiệt hại nhiều, hao hụt quân số nên không còn đủ sức để tấn công, về phía ta đã có 8 người hy sinh, còn lại 5 đều bị thương, trong đó anh Bùi Trâm bị thương 2 lần, lần thứ hai bị thương vào bụng lòi ruột là nặng nhất.

Trước tình hình đó, anh Bùi Trâm quyết định anh Vũ Duy Hàn cùng 3 anh còn lại bằng giá nào cũng phải vượt vòng vây về báo cáo trung đoàn. Còn anh không thể đi được ở lại làm một mũi thu hút địch. Anh nói: "Các đồng chí vững tâm vượt vây, còn bao nhiêu súng lựu đạn tập trung quanh tôi, nếu còn sống tôi sẽ chiến đấu".

Đúng 9 giờ đêm, 5 người cùng nổ súng và ném lựu đạn vào phòng tuyến địch, phát hiện chỗ thưa tiếng súng, 4 người vọt qua. Ra khỏi vòng vây 500 mét, anh Hàn và anh Sàng dừng lại chờ đồng đội. Khoảng một tiếng đồng hồ không thấy ai, đoán là anh Căn và đồng chí vệ binh hy sinh rồi, hai anh động viên nhau đi tiếp. Đến trưa, hai anh còn nghe tiếng súng, chắc của anh Trâm đánh trả địch. Cả hai người lúc này hết sức mệt mỏi, cổ họng khô đắng vì không có nước uống. Đi tiếp 2 ngày 2 đêm nữa, đói thì nhấm gạo rang, khát thì ăn nõn chuối rừng và mút sương đọng trên lá cây. Về gần đến biên giới, anh Sàng kiệt sức, vết thương đã có dòi. Thấy không thể dìu anh Sàng đi tiếp được nữa, anh Hàn đặt anh nằm dưới một lùm cây, đun một ít cháo gạo rang dặn cố gắng ăn để anh còn tranh thủ về đơn vị báo cáo.

Đi được khoảng 2 tiếng, lúc ấy trời đã nhá nhem tối, thấy có người mình, anh Hàn gọi nhưng mấy anh em này tưởng là phỉ lùi lại phía sau. Mãi đến lúc anh Quang Cư nhận ra anh Hàn mới tổ chức mang anh về. 5 giờ sáng hôm sau, theo chỉ dẫn của anh Hàn, anh Quang Cư cùng 6 anh em nữa đi tìm anh Sàng, đưa được anh về trạm cấp cứu của trung đoàn. Do vết thương quá nặng, dù anh em quân y hết sức cứu chữa, nhưng anh Sàng vẫn không qua khỏi.

Qua trận này: Anh Bùi Trâm và anh Hoàng Khắc Thân được truy tặng huân chương Chiến sĩ hạng nhất; anh Vũ Duy Hàn được tặng thưởng huân chương Chiến sĩ hạng nhất.

Gương chiến đấu dũng cảm và hết lòng thương yêu đồng đội của anh Hàn đã được Đại đoàn 304 cho xây dựng thành một vở kịch để giáo dục động viên bộ đội.

PHẠM HUY TẤN
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:55:46 pm »


CÓ MỘT NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI TÁNG Ở AN LĂNG - HUẾ


Cách thành phố Huế không xa về phia tây nam có một khu lăng mộ các vua nhà Nguyễn tên là AN LĂNG được xây dựng giản dị và nhỏ bé so với các lăng mộ khác.

Đầu năm 1991, tôi đã tìm đến An Lăng vì nơi đó có ngôi mộ của một người lính Trung đoàn 66. Anh tên là Nguyễn Bảo Luân. Theo sơ yếu lý lịch mà tôi còn nhớ, Bảo Luân là con ông Vĩnh Lưu và là cháu nội ông Thành Thái một vị vua yêu nước. Anh gọi vua Duy Tân (hoàng tử Vĩnh San cũng là một vị vua yêu nước) là bác ruột. Ngày toàn quốc kháng chiến, Bảo Luân đi thiếu sinh quân Khu 4, sau đó về Trung đoàn 18 rồi sau đi học trường sĩ quan Lê Lợi (đào tạo chính trị viên trung đội của Liên khu 3). Đầu năm 1950, Trung đoàn 66 được bổ sung một số tốt nghiệp sĩ quan Lê Lợi. Đó là anh Đỗ Quang Diệm, Vũ Văn Thông, Trần Văn Chi, Phạm Quế Dương, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Bảo Luân v.v... các anh Thông, Thân, Bích và Luân ở lại làm cán bộ Ban chính trị trung đoàn. Bảo Luân là tổ trưởng Văn nghệ thuộc tiểu ban tuyên huấn do anh Vũ Chân và anh Nguyễn Hiền phụ trách.

Trong chiến dịch Quang Trung năm 1951, Bảo Luân được cử đi làm phái viên xuống các đơn vị sau khi hai tiểu đoàn Cô Tô và Nguyễn Huệ đã diệt gọn các đồn Chùa Dầu và đồn Yên Vệ. Sáng sớm hôm đó Bảo Luân đi ra mặt trận. Đến buổi chiều có tin về Ban chính trị anh Bảo Luân đã hy sinh khi đang đi trên đường số 10 bị trúng đạn 20 ly của máy bay Pháp. Tôi sửng sốt và thấy buồn vô hạn vì tôi đã mất một đồng đội, mất một người bạn tôi rất quý mến, một cán bộ trẻ nhiều triển vọng, nhiệt tình công tác, rất lạc quan yêu đời.

Do hoàn cảnh đất nước, hết chống Pháp lại tạm chia hai miền nên gia đình anh sống ở Huế - còn mẹ già là cụ Phan Thị Cầm con dâu vua Thành Thái - không nhận được giấy báo tử. Mấy chục năm gia đình sống trong khắc khoải, chờ mong, bán tin bán nghi vì có kẻ xấu tung tin "tay này con vua cháu chúa, chắc gì cộng sản tin dùng, chả thấy tăm hơi gì cả, thư từ cũng không, chắc bị cộng sản thủ tiêu rồi!!!". Sau năm 1975 gia đình có gặp các anh ở Trung đoàn 18 cũ, các anh cũng không biết Bảo Luân về sau này ở đơn vị nào. Lần mò mãi đến 1987 thì biết đơn vị cuối cùng của Bảo Luân là Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Các anh Vũ Chấn, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Văn Thân đã làm giấy chứng nhận để gia đình xin hưởng chế độ chính sách. Cùng năm, gia đình nhận được giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công và Ủy ban nhân dân xã Hương Sơ thành phố Huế đã tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Bảo Luân.

Nguyễn Phúc Khôi, anh ruột của Bảo Luân, là bác sĩ quân y của bộ đội Liên khu V (đã về hưu; đưa tôi đến An Lăng. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi thấy 3 ngôi mộ của 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân lại giản dị, khiêm tốn đến thế. Đằng sau 3 ngôi mộ xếp hàng dọc này là một dãy mộ xếp hàng ngang của các hoàng tử, hoàng tôn, công chúa, quận chúa. Mộ anh Bảo Luân nằm giữa và chỉ riêng bia ngôi mộ này có hình ngôi sao vàng năm cánh. Anh Phúc Khôi đã ra tận Ninh Bình đưa hài cốt Bảo Luân về khu lăng của Đệ tứ chánh hệ (Hoàng tộc).

Kể từ ngày xa anh đến nay, thấm thoát đã 40 năm (1951-1991) tôi mới thắp được nén hương cho anh, nén hương của tình bạn chiến đấu. Tôi thầm mong có ai đó, người của Trung đoàn 66 đi du lịch qua Huế, hãy đến An Lăng thắp cho anh nén hương để nói rằng "Anh vẫn còn sống mãi trong lòng những người lính 66 chúng ta".

NGUYỄN HÙNG CƯỜNG
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 08:55:30 pm »


TẢN MẠN MỘT THỜI
LÍNH HÀ NỘI, TÂY TIẾN VÀ 66


Năm 1944, tôi đậu bằng thành chung (tương đương cấp hai bây giờ), ước mơ ngày nào đó là một "gô-đốt-tơ-rơ” (một từ lớp trẻ chúng tôi ngày đó hay dùng) tức làm nghề gõ đầu trẻ, một thầy giáo. Nhưng sõ phận có phải lúc nào cũng chiều lòng người. Lúc bấy giờ uy tín và ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh tác động rất sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhiều thanh niên náo nức tìm đường đến với cách mạng.

Đầu năm 1945, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc, và mùa Thu lịch sử năm đó, vinh dự được tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Ngay sau đó, tôi được đoàn thể Việt Minh cử đi học lớp Quân chính một tháng ở Việt Nam học xá (Đại học Bách Khoa bây giờ), được giao chức vụ trung đội trưởng, công tác ở Ban Tham mưu Đặc khu Hà Nội. Anh sĩ quan 18 tuổi lúc đó được đồng đội gọi là "Hiền sữa”, chỉ mong có một tí ria mép cho có vẻ người lớn, nhưng không sao có được. Tháng 8 năm 1946, tôi được cử đi học lớp bổ túc quân sự Tông ở Sơn Tây do Quân ủy Trung ương mở, sau đó về làm trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 15, Tiểu đoàn 212, Liên khu II Hà Nội, đóng quân ở trại Hàn Lân, có một vọng gác ở Ngã tư Trung Hiền. Tình hình Hà Nội lúc này cực kỳ căng thẳng. Bọn Pháp liên tiếp có những hành động khiêu khích trắng trợn. Mỗi lần qua Ngã tư Trung Hiền để xuống Trường bắn Tương Mai, ngồi trên xe bọc thép, chúng chĩa súng vào anh em mình đứng gác và làm đủ những cử chỉ bẩn thỉu.

Đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi được lệnh đưa trung đội chốt giữ Ô Cầu Dền, đưa hai tiểu đội lên tham gia đánh địch ở khu vực Hàm Long. Suốt đêm đó, chúng tôi mò mẫm quanh rạp chiếu bóng Majestic (rạp Tháng Tám ngày nay). Ngày hôm sau, được sự phối hợp của anh em tự vệ, đơn vị tôi đã phải chiến đấu rất quyết liệt với bọn Pháp, cả da trắng, da đen, quần nhau với bọn chúng từ căn nhà này sang căn nhà khác. Trận thử lửa đầu tiên, tuy đơn vị có 3 chiến sĩ hy sinh, 5 bị thương nhưng đã cho tôi một nhận xét: "Bọn lính Pháp rất đông, vũ khí hiện đại và nhiều hơn hẳn ta nhưng trong chiến đấu thì chúng lại nhút nhát la hét om sòm, gọi nhau í ới". Còn chiến sĩ ta, trang bị vũ khí thô sơ, kinh nghiệm chiến đấu chưa có nhưng thật anh dũng, chẳng ngại hy sinh, đặc biệt các anh em tự vệ, chỉ có một mã tấu hoặc lưỡi lê và mấy quả lựu đạn nhưng rất lạc quan, xông xáo.

Tháng 1-1947, trong một trận đánh ở Vĩnh Tuy, tôi bị một mảnh đạn đại bác địch găm vào sau gáy, cách cột sống khoảng 1 cen-ti-mét. Tôi bị xỉu đi, khi tỉnh dậy là lúc các thầy thuốc đã hội chẩn và quyết định dùng một cái kẹp ngoáy để tìm gắp mảnh đạn. Không có thuốc tê, cũng chẳng có phương tiện gây mê. Tôi đau điếng người vẫn phải cắn răng chịu đựng, không hề một tiếng kêu rên. Vì mảnh đạn vào khá sâu nên cuộc tìm kiếm không thành công, chỉ rắc ít thuốc đề phòng nhiễm trùng (hiện nay mảnh đạn vẫn nằm trong lồng ngực, được mỡ bọc kín như một thớ thịt, mỗi lần chụp X-quang lại nhìn thấy, chỉ khi thời tiết thay đổi mới hơi tê tê).

Sau khi hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ tham gia 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô, Tiểu đoàn 212 được lệnh chuyển quân lên Hòa Bình, ổn định tổ chức và sáp nhập vào Trung đoàn 52 Tây Tiến. Lúc này tiểu đoàn được đổi tên thành Tiểu đoàn 150 có 3 đại đội 121, 131, 151 và một đại đội trợ chiến do anh Tuấn Sơn làm tiểu đoàn trưởng. Lần đầu ra vùng núi rừng bao la hùng vĩ, các "lính cậu" Hà Nội hết sức thích thú, thấy nước suối chảy trong vắt là ghé mồm uống ngay, khi biết phía trên có cả đàn trâu đang đầm mới giật mình; thấy lợn của dân chạy rông bìa rừng lại khoe nhìn thấy lợn rừng...

Các chiến sĩ ta rất tự hào với tên gọi mới "lính Tây Tiến", nhiều cậu còn giữ được chiếc mũ nồi đen và chiếc lắc bạc đeo cổ tay mang theo từ Hà Nội. Một lần mấy cậu trung đội tôi đi trinh sát đồn Sốp Bao thuộc đất Lào, mò mẫm trong đêm tối bỗng kháo nhau "Sao ở đây lắm vựa thóc thế!". Chẳng may đó là một cái lô cốt, địch đổ trấu ra ngoài. Nghe động, chúng chĩa súng ra lỗ châu mai bắn ra làm mấy lính nhà ta chạy hút chết. Chỉ hơn hai tháng lên miền Tây, nhiều anh em đã bị sốt rét ác tính không sao chạy chữa được. Do khí hậu khắc nghiệt, đời sống quá gian khổ, thiếu thốn, nhiều anh mạnh khỏe thế mà giờ da vàng, rụng hết tóc. Bản thân tôi, có lần anh em đã khiêng ra bờ tre vì sốt rét quá nặng, để nếu có chết không ảnh hưởng đến công tác dân vận. Ai đã qua Tây Tiến không sao quên được thơ Quang Dũng:

... Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sâm Nứa chẳng về xuôi.

Tháng 7 năm 1947, tôi được điều về làm quản trị trưởng tiểu đoàn bộ. Tháng 9 năm đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương do các anh Tuấn Sơn và Trịnh Xuân giới thiệu, được đề bạt đại đội phó và điều lên trung đoàn để nhận nhiệm vụ mới. Một hôm anh Lê Hùng Thanh, chính trị viên trung đoàn bảo tôi: "Trung đoàn ủy đã quyết định chuyển cậu sang làm chính trị viên, tạm thời giúp các anh ở Ban chính trị, thời gian nữa sẽ đi nhận công tác". Tôi báo cáo anh là tôi quen làm quân sự chứ có biết làm công tác chính trị thế nào đâu. Anh cười nói: "Làm rồi quen đi, cán bộ chính trị giờ đang thiếu, vả lại cậu đẹp trai thế làm chính trị viên là được rồi". Tôi thật sự lo ngại, còn đang là đảng viên dự bị, chưa bao giờ chủ trì một cuộc họp, khi còn ở trung đội, mọi việc đều do anh Thiện chính trị viên lo cả. Cuối năm 1947, tôi cầm quyết định về Đại đội 151. Anh Tú Hào giới thiệu tôi với anh Phúc Thảo đại đội trưởng và anh Nghị đại đội phó, tiếp đó triệu tập chi bộ công bố quyết định của trên cử tôi thay anh làm chính trị viên và bí thư chi bộ. Công việc bàn giao chỉ có thế và anh sang nhận nhiệm vụ bên Đại đội 121. Rất may là anh Hoàng Khải Tiến bấy giờ đã thay anh Tuấn Sơn làm tiểu đoàn trưởng lại hướng dẫn tôi nhiều điều rất cụ thể. Anh dặn phải nắm chi bộ, sâu sát cán bộ trung đội, còn họp chi bộ cứ để anh em phát biểu ý kiến, mình lắng nghe rồi kết luận. Anh động viên tôi, bảo có gì khó khăn cứ lên gặp anh và anh Quốc Tuyển chính trị viên tiểu đoàn.

Ngày 6-1-1948, tôi được công nhận đảng viên chính thức và đại đội được lệnh đi hoạt động độc lập ở huyện Nho Quan. Đây là thời kỳ đại đội có nhiều bước trưởng thành. Chúng tôi đã cho các trung đội thay nhau đi tiếp cận các đồn địch, có điều kiện thì quấy rối hoặc phục kích chặn đánh những tốp địch đi càn quét.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 08:56:14 pm »

 
Tháng 8-1948, quân Pháp nống ra Ninh Bình, một cánh quân của chúng thọc vào thị trấn Nho Quan. Đại đội phải kiên cường lắm và nhờ nhân dân hết lòng giúp đỡ mới chống đỡ nổi các đòn của địch. Sau mấy ngày quần nhau với chúng ở làng Bông, làng Liêu, đồi Lạo, chúng tôi vừa rút sang Châu Sơn thì địch ập tới. Trung đội trưởng trợ chiến Thanh Tùng (Tùng cóc) đã rất gan dạ và mưu trí dùng cối 60 và trung liên kìm chân địch để cả đại đội rút quân an toàn.

Một ấn tượng nữa thời Tây Tiến tôi không bao giờ quên, đó là trận Hang Na. Sau những ngày chiến đấu ác liệt ở Nho Quan, Đại đội 151 được lệnh chuyển về Gia Viễn, đóng quân ở xóm Bích Sơn. Vừa đặt ba lô xuống, trinh sát đã báo tin, một tiểu đoàn Âu Phi đang tiến đến, có thể chúng sẽ đánh vào nơi trú quân của đại đội.

Khoảng quá trưa, địch đã dồn đại đội về chân núi Y Na, phía Hang Na. Nắm được lực lượng ta mỏng, địch nã hỏa lực cấp tập rồi truy theo, mưu đồ "cất vó" cả đại đội. Tình hình cực kỳ căng thẳng. Bám được chân núi, bọn lính da đen bị chỉ huy thúc liều mạng leo lên. Nhiều chiến sĩ ta bật dậy, dùng lưỡi lê xọc thẳng vào quân giặc. Trận chiến đấu giáp lá cà diễn ra ác liệt nhất ở trung đội anh Khương Văn Dạ. Anh tuốt kiếm đánh bổ vào địch và anh đã anh dũng hy sinh. Hình ảnh đó làm tôi rất xúc động. Tôi nhỏm dậy hô lớn "các đảng viên anh dũng tiến lên". Hàng loạt tiếng hô "xung phong" hòa lẫn tiếng lựu đạn vang vọng vào các vách đá. Ta đã chiến thắng. Địch bị đánh bật xuống chân núi, tháo chạy.

Đầu năm 1949, tôi được cử đi dự Hội nghị Bí thư chi bộ toàn quân lần thứ nhất ở Việt Bắc. Trong báo cáo về kinh nghiệm công tác lãnh đạo trong chiến đấu, tôi có kể về trận đánh ở Y Na, nêu lên những tấm gương hy sinh cao cả của anh Dạ và các đồng chí khác. Thật bất ngờ và cảm động, cả hội trường im phăng phắc. Tôi vừa nói vừa cố giữ để khỏi khóc, nhưng cổ cứ nghẹn lại và nước mắt cứ trào ra. Anh Lý Ban, phó cục trưởng Cục Chính trị, lúc bấy giờ trực tiếp chỉ đạo hội nghị, đề nghị mọi người đứng dậy để một phút mặc niệm các chiến sĩ đã ngã xuống trong trận Y Na.

Trên đường đi dự hội nghị nói trên, tôi được gặp các anh ở Liên khu 3 cũng đi dự là anh Sĩ Tín, Mai Quang Ca, Lương Tuấn Khang, Lê Phương... Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với các anh. Tuy mỗi người một cá tính, nhưng do tuổi trẻ, lại đã ít nhiều kinh qua công tác quần chúng và chiến đấu nên chúng tôi dễ hòa hợp.

Qua trò chuyện, tôi biết anh Tín và anh Ca ở Trung đoàn 66, anh Tín là trưởng Tiểu ban Cán bộ. Anh Tín hơn tôi hai tuổi, tính trầm và chín chắn, là thanh niên Hoàng Diệu cũng tham gia Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội. Tôi đi cùng anh Tín từ phố Nỉ lên Việt Bắc, sau hội nghị lại cùng nhau trở về Liên khu 3. Bấy giờ chúng tôi chưa biết Tiểu đoàn 150 sẽ về Trung đoàn 66 nên hẹn nhau có điều kiện thì giữ quan hệ. Khi về đến Liên khu 3, anh Tín được thông tin là Tiểu đoàn 150 đã là thành viên của Trung đoàn 66 với phiên hiệu mới, Tiểu đoàn 766, Nguyễn Huệ. Anh rất vui, động viên tôi nên lên công tác trên trung đoàn và anh sẽ đề nghị.

Tháng 5-1949, tôi được bổ nhiệm làm phó trưởng Tiểu ban Tuyên huấn, Ban chính trị Trung đoàn 66. Thế là tôi có dịp được biết làm việc với những người đồng đội mới: Lê Hưng, Vũ Chấn, Hữu Hùng, Đăng Đào, Hùng Cường, Xuân Đài, Lại Nguyên Từ... Chỉ thời gian ngắn, anh Vũ Chấn lên phó trưởng Ban chính trị, tôi thay anh làm trưởng Tiểu ban Tuyên huấn. Bấy giờ tuyên huấn có hai công việc khá bận rộn là tờ tin "Quân Ký Con" và đội văn công. Để nuôi sống được tờ tin tháng ra hai kỳ, mấy anh em ở Tiểu ban Tuyên huấn như anh Chu Mai Niệm, Hữu Vinh luôn phải xuống các đơn vị để "săn" bài vở. Lúc đầu tờ tin in bằng thạch rất vất vả, chữ nhiều chỗ không rõ, số lượng bản ít. Sau này khi đóng quân ở Phủ Quảng (Thanh Hóa), gặp anh Doanh có một xưởng in ti-pô nhỏ. Anh Chấn bàn với tôi xem có thể đề nghị trung đoàn mua lại xưởng in đó. Chúng tôi đã mấy lần gặp anh Doanh để thăm dò. Nhưng sự việc lại vô cùng thuận lợi. Anh Doanh tình nguyện xin nhập ngũ, trở thành lính 66 và tặng trung đoàn toàn bộ xưởng in. Năm 1954, anh xuất ngũ về sinh sống với gia đình tại Hải Phòng, mất năm 1966. Điều đáng quí ở anh là không bao giờ kể công về món quà anh tặng trung đoàn. Các đồng chí tích cực ủng hộ và làm thủ tục để anh Doanh cùng mấy công nhân xưởng in vào trung đoàn là anh Hoàng Tài Long và Nguyễn Tất Lập bên Ban Tham mưu. Một cán bộ do Ban Chính trị cử xuống xưởng in nay tôi vẫn thường gặp là anh Đặng Đình Vượng. Từ đó tờ tin "Quân Ký Con" có bộ mặt sáng sủa hẳn lên. Mỗi lần các đơn vị của trung đoàn lập chiến công, tờ tin có nội dung khá rôm rả, đủ thể loại: bình luận, phóng sự, thơ, ca dao... in 2, 3 màu như trận Hoàng Dương - Tử Dương, Chùa Cao, Lê Xá, Hồi Trung, diệt 34 xe ở Đồi Mè... Xưởng in còn phục vụ các hoạt động khác như in truyền đơn địch vận, in biểu mẫu cho Ban Hậu cần, Ban Tham mưu... Vào thời điểm đó, một trung đoàn có một xưởng in ti-pô, một đội văn công với những nhạc sĩ như Mạnh Thường, Nguyễn Văn Thưởng với một tổ kịch nói chuyên nghiệp tiêu biểu là Hồng Kỳ quả là hiếm có.

Do yêu cầu công tác, nhất là việc nắm tình hình tư tưởng bộ đội, tôi có điều kiện thâm nhập cả 4 tiểu đoàn và nhiều lần theo các đơn vị đi chiến dịch. Các cán bộ và chiến sĩ của trung đoàn hầu hết đã kinh qua trận mạc, nên rất tự tin và đã góp phần xây dựng cho trung đoàn một truyền thống chiến đấu anh dũng và sáng tạo khiến kẻ địch nhiều lúc nghe danh cũng phải kiêng nể. Tuy nhiên phần lớn cán bộ xuất thân thành phần tiểu tư sản thành thị nên có lúc có nơi không tránh khỏi tính "tếu" nếu không muốn nói là kiêu binh. Tôi nhớ năm 1950, khi cùng với các Trung đoàn 9 và Trung đoàn 57 thành lập Đại đoàn 304, trung đoàn lần đầu vào Thanh Hóa, đóng quân ở vùng Quí Hương. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các đơn vị của trung đoàn đến đâu cũng được chính quyền địa phương và nhân dân đón tiếp rất chu đáo và nồng nhiệt. Hội Phụ nữ Quí Hương tổ chức cả một ngày để bà con đến thăm và úy lạo các đơn vị. Tình đoàn kết quân dân rất đậm đà. Buổi tối, cuộc mít tinh chào mừng trung đoàn, có ca múa và bán căng tin đủ các loại nhu yếu phẩm từ bánh kẹo, hoa quả đến xà phòng, khăn mặt. Cán bộ chiến sĩ vào mua hàng rất đông. Bỗng mấy ngọn đèn ở quầy căng tin phụt tắt, một số anh nhảy qua bàn bầy hàng vào trong. Các chị em được phân công bán hàng sợ quá chạy vội ra ngoài. Mấy cậu vừa cười vừa quát tướng lên: "Không sao đâu, lính 66 lấy bao nhiêu trả tiền hết". Tôi đang ở chỗ mít tinh được tin báo, sợ hết hồn.

Tôi ở Trung đoàn 66 chỉ ít thời gian. Năm 1952 lên công tác ở Ban Tuyên huấn Đại đoàn 304, làm bạn với bản tin "Lập công” và đoàn văn công của đại đoàn lại có dịp thỉnh thoảng về trung đoàn.

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Trung đoàn 66, tôi xin ghi lại những tình cảm bạn bè, đồng chí của các anh ở Ban chính trị, cũng như ở các tiểu đoàn như Thanh Tùng, Xuân Sâm, Nguyễn Thế Trinh, Nguyễn Văn Tuyển, Hoàng Giáp, Nguyễn Phúc Trạch, Trần Bá Đặng... và mãi mãi tự hào là lính của trung đoàn.

NGUYỄN HIỀN
Nguyên trưởng Tiểu ban Tuyên huấn trung đoàn
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 09:01:31 pm »


CHÚNG TÔI - NHỮNG CHIẾN SĨ ĐỊCH VẬN


Tôi đang là thư ký tác chiến Đại đội 121, Tiểu đoàn 150 (Nguyễn Huệ) thì đại đội trưởng Thái Phận giao cho tôi quyết định đi học. Địa điểm lớp học - Hà Xá, Mỹ Đức, Hà Đông. Thấy tôi ngần ngại không muốn đi, anh ôm tôi vào vòng tay cứng như thép nói:

- Thanh niên dân chủ (tên anh em trong đơn vị đặt) lên đường đi kẻo muộn, có điều kiện trở về với đại đội.

Đại đội 121 đối với tôi như một gia đình lớn. Đã bao phen tôi lặn lội chiến đấu cùng đơn vị: Mường Bi, Dốc Cun, Hang Na... Đại đội trưởng Như Trang, Văn Dương, Việt Hổ, Phan Quang Cung, Thái Phận coi tôi như người em nhỏ.

Từ biệt đơn vị với nỗi buồn sâu sắc. Lóc cóc một thân một mình cùng chiếc ba lô lép kẹp lần mò từ Vô Hốt - Nho Quan, qua Xích Thổ, Chi Nê, Đầm Đa, Chợ Bến tới Hà Xá nơi Ban chính trị Trung đoàn 66 đóng quân. Tới lúc này tôi mới biết mình đi học lớp địch vận.

Lớp học trong căn nhà khá rộng, mái ngói rêu phong, hàng cột lim đen bóng. Bàn học là mấy cánh cửa lim nặng trịch kê trên mấy hòn gạch. Căn nhà bên sườn đồi thoai thoải. Từ bậc cửa nhìn xuống phong cảnh như bức tranh thủy mặc. Dòng sông Đáy, một dải lụa uốn lượn dưới chân đồi. Lớp học mở chưa đầy tháng thì bế mạc. Tôi cùng các anh Chu Mai Niệm, Doãn Mẫn, Tiêu Văn Huyên, Nguyễn Khắc Khảm, Nguyễn Văn Định, Cao Đức Thuận... và mấy anh nữa được giữ lại làm chiến sĩ địch vận. Mấy tháng sau, đơn vị được bổ sung thêm Nguyễn Công Lạp làm liên lạc, Lê Trung Hán làm văn thư đánh máy.

Ba trưởng lão phụ trách tiểu ban địch vận là Q. chính trị viên đại đội Hà Đình Lệ, trung đội trưởng Nguyễn Văn Đông và chính trị viên trung đội Nguyễn Phú Cư. Mấy tháng sau anh Cư chuyển sang bộ phận quân báo trung đoàn.

Đây là một tiểu ban nằm trong Ban chính trị trung đoàn được củng cố sau sự kiện trưởng tiểu ban địch vận trung đoàn Đỗ Lệnh Khang bị hàng binh Ma-hô-mét bắn chết ở Suối Đất đường số 6.

Về tiểu ban nhận công tác, lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với một bán tiểu đội hàng binh Âu Phi với đủ mọi sắc tộc: Anton Vaise, (tên Việt là An) dân tộc Đức; Jean Chapuis (tên Việt là Giang) người Pháp; Grant Watch (tên Việt là Cao) dân tộc An-giê-ri và mấy người anh em Hungari...

Trong số anh em giữ lại tiểu ban có ba người biết tiếng Pháp, Chu Mai Niệm, Nguyễn Văn Định và tôi. Chu Mai Niệm được phân công phụ trách Giang, Nguyễn Văn Định - hàng binh người Hung, tôi - Anton Vaise, Grant Watch - khi đi với tôi, khi đi với Chu Mai Niệm hoặc Nguyễn Văn Định.

Lần đầu tiếp xúc với các anh em hàng binh Âu Phi chúng tôi cũng cảnh giác. Nhưng càng sống lâu, chúng tôi càng thấy họ chân thành, hòa đồng như chính đồng đội của mình. Anh em chúng tôi ăn cùng mâm ngủ cùng giường, chén được cả mắm tôm, thịt chó... Không như chuyện kể, loạt hàng binh Âu Phi ngày trước cũng ở tiểu ban địch vận này, một số theo đạo Hồi, sáu tháng chỉ ăn lúc mặt trời chưa mọc, lúc mặt trời lặn, sáng quì gối đọc kinh Coran gây nên sự phiền toái trong sinh hoạt.

Ngày đó đói triền miên, hai bát cơm, mỗi bát và ba cái đã hết làm sao đủ no với thân hình Âu Phi cao to cân nặng bảy tám mươi kí. Mùa nước cạn, chúng tôi hò nhau xuống sông mò hến, bắt cua về nấu cháo. Các bạn Âu Phi thường bắt được nhiều hơn chúng tôi. Bà con thương các anh "Việt Nam mới" chiều nào cũng đem cho, khi rổ khoai khi nồi sắn. Anh em không quên phần cho chúng tôi. An bị hắc lào ngứa ngáy khó chịu, tôi lấy mủ xương rồng bôi cho anh, vết bôi sưng rất to. An phát sốt run bần bật. Tôi lo quá, nhưng rồi vết hắc lào cũng khỏi. Anh ôm lấy tôi - prend peur medicament Việt Nam (phát sợ thuốc Việt Nam).

Dọc đường thấy An đeo ba lô, vai đeo loa địch vận bà con chỉ trỏ:

- Tây Tây...

An cười đôn hậu gõ chiếc loa địch vận giọng lơ lớ:

- Khong khong... toi Viet Nam moi, Viet Nam moi. Đuc Đuc!

Các bà các cô cười rũ rượi, đấm nhau thùm thụp:

- Con bé này nó yêu anh đấy, anh Việt Nam mới ơi!

Anh nhún vai xòe hai bàn tay:

- Sợ lắm, khong duoc, Độc lập về Đuc, về Đuc!

Tôi có người chú ở Nho Quan, khi đi, khi về chúng tôi thường trú chân tại đó. Ông bà chăm sóc anh em hàng binh như con. Các em tôi ngồi quây lấy các anh nhặt cỏ may dưới gấu quần, dạy các anh các bài hát tiếng Việt. Trên chặng đường Chùa Hang - Nho Quan, trong những đêm trăng sáng hành quân, Giăng và An thường gõ nhịp trên loa địch vận, vừa song ca hai bè các bài Lời Du Tử, Đoàn quân đi... Mênh mông là ơi! Người về xa tắp không lời! Khoan khoan hò ơi! Lệ sầu rung xuống hồn tôi... Tiếng hát của các anh vang xa trong đêm làm ấm những tâm hồn xa nhà, làm dẻo bước quân hành.

Sau này khi hồi cư về quê, chú thím tôi còn hỏi: Thằng An, thằng Cao... Mấy đứa bây giờ ở đâu? Sinh sống thế nào? Làm sao mà tôi biết được. Tôi trả lời cho ông bà vui lòng:

- Các anh ấy, người đã hồi hương, người còn ở nông trường Ba Vì.

Chú thím tôi còn dặn:

- Rủ chúng nó về chơi. Nhớ chúng nó lắm!

Cũng thời gian này tôi nhớ đến một sự kiện:

Tôi và các anh em hàng binh ở bên cạnh nhà ban chỉ huy trung đoàn. Một buổi trưa thấy quân đi rầm rập ngoài đường. Một đoàn khá đông tù binh Âu Phi lũ lượt kéo đi trong hàng lưỡi lê của bộ đội ta. Lần đầu tiên tôi được thấy đoàn tù binh Âu Phi đông đến thế, được thấy mấy khẩu súng Mat báng gập, những chiếc máy bộ đàm mà bộ đội áp giải đeo trên lưng, cần ăng-ten cong vút, trên nở ngôi sao năm cánh lấp lánh dưới ánh nắng.

Trung đoàn trưởng Hoàng Kiện cũng bước ra cổng hỏi:

- Tù binh ở đâu mà đông thế?

- Lê Lợi vừa tiêu diệt một đại đội Âu Phi ở Hoàng Dương - Tử Dương.

Ngày đó thông tin liên lạc còn thô sơ. Liên lạc chân chưa chạy kịp với chiến thắng. Vì vậy, trận vận động chiến tiêu diệt gọn một đại đội Âu Phi đầu tiên của toàn quốc xảy ra quá nhanh. Ban chỉ huy trung đoàn cũng bị bất ngờ.

Cũng thời gian đó, Chu Mai Niệm hoàn thành xong bài thơ: "Hai tâm hồn đau khổ". Bài thơ hoàn thành xong trong căn nhà nhỏ ven sông Đáy. Tôi là người được nghe đầu tiên. Bên chiếc đèn Hoa Kỳ và chiếc bàn nhỏ mốc meo, anh gật gù đọc cho tôi nghe. Bóng anh in trên bức tường bằng đất nham nhở. Nghe anh đọc tôi nhập tâm ngay. Và tôi nhớ bài thơ đó tới tận bây giờ. Bài thơ "Hai tâm hồn đau khổ" được Jean Chapuis dịch ra tiếng Pháp - "Les deux cœurs souffrances" được báo Liên khu 3 đăng tải ngay, in thành những truyền đơn phân tán trong những cứ điểm địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 09:03:23 pm »


Để chào mừng ngày thành lập trung đoàn chủ lực của Liên khu, Bộ Tư lệnh Liên khu mở chiến dịch YA do chính ủy Tư lệnh Liên khu Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ huy. Mục tiêu chính của chiến dịch là cứ điểm mạnh - Vụ Bản (Hòa Bình). Hướng đường số 6 và bắc Vụ Bản, Trung đoàn 52 làm nhiệm vụ quấy rối, tiêu hao sinh lực địch. Hướng Ngọc Lạc, Bá Thước một trung đoàn của Liên khu 4 cũng ra quân tạo thời cơ cho Trung đoàn 66 hoàn thành nhiệm vụ. Phải chăng đây là "bào thai" của việc phát triển lực lượng hình thành Đại đoàn 304 sau này?

Dọc đường 12, cả ngày lẫn đêm quân đi như trẩy hội. Pháo 75 mm dã chiến nòng dài với 6 con ngựa kéo, bánh xe bọc sắt kêu rầm rầm. Đại đội trưởng Tân Việt (người Nhật) đi đôi gệt nặng trịch, tay cầm za-lông nét mặt rạng rỡ. Các tiểu đoàn chia thành ba mũi tiến quân.

Tôi cùng Anton Vaise đi trong đội hình Đại đội 1 Ký Con do đại đội trưởng Lê Ngọc Phô và chính trị viên Mai Quang Ca chỉ huy. Phát pháo 75 mm (trực tiếp ngắm qua nòng bằng hai sợi chỉ chữ thập) nổ vừa dứt thì An cất tiếng kêu gọi binh lính trong hàng ngũ địch bằng chiếc loa địch vận hình chữ S. Một loạt đại liên tia trúng miệng loa. Tiếng nói của An vẫn vang vang trong tiếng súng công đồn.

Nhìn miệng loa chằng chịt vết đạn, trưởng tiểu ban Hà Đình Lệ ngần ngừ rồi chợt ra lệnh:

- Hôm nay An ở lại căn cứ!

Tôi vác loa lên đường. Tiếng loa vang chen lẫn tiếng súng nổ ầm ầm một lúc rồi im. Không gian im ắng lạ thường. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Một bàn tay khua khua trên đầu:

- Cậu nào còn ở đây! Ngáy to thế, Tây nó đến kia kìa!

Tôi choàng tỉnh. Trời đã sáng lơ mơ, tôi vọt theo bóng người phía trước. Một loạt tiểu liên veo véo bên tai. Đuổi kịp người đánh thức tôi dậy hóa ra đại đội trưởng Mai Hiền. Hôm sau tôi gặp anh:

- Vậy là một đều, anh Mai Hiền nhé!

Câu chuyện một đều là như thế này.

Cách đây không lâu, trung đoàn triển khai chiến đấu trên cánh đồng Mỹ Đức, Hà Xá, Đặng Giang... Một khoảng địa hình khá rộng. Phi pháo địch mạnh, quân ta rút về phía Chợ Bến. Tiểu đội trưởng Trường Vân được lệnh giữ đoạn hậu cho một bộ phận cuối cùng rời địa bàn. Đi sau đơn vị cuối một khoảng cách là một người cao to đen trùi trũi. Hắn ta mặc bộ ka-ki ăng-lê vàng óng chạy sầm sầm trước mũi súng trung liên. Ta hay địch? Tiểu đội trưởng Trường Vân ra lệnh trung liên lên đạn. Tiếng đạn tống lên nòng vang lên thì đúng lúc tiểu đội trưởng Trường Vân hô lớn:

- Quân ta! Khóa bảo hiểm!

Tôi cũng la lên:

- Anh Mai Hiền!

Tôi biết anh Mai Hiền khi xuống công tác ở đại đội anh Thi (người Nhật), Tiểu đoàn Lê Lợi, anh Mai Hiền khi đó là đại đội phó. Tôi thấy anh đang dùng bàn chải đánh răng chấm xà phòng mài vết mực oa-téc-man trên bộ ka-ki ăng-lê bóng nhoáng. Bộ ka-ki suýt nữa đã đưa anh về chầu tổ.

Về tới đơn vị gặp mấy thằng bạn thân: Họa, Phước, Trọng mù, tôi quát:

- Mấy thằng đểu! Rút không gọi, suýt nữa Tây nó tóm được ông! Chúng mày sướng lắm hả!

Quản trị Bình cười:

- Chúng nó tìm nhưng không thấy tưởng cậu rút rồi.

Đêm thứ 3. Đêm cuối cùng, cũng là đêm quyết liệt nhất. Súng nổ ran nhiều đợt, nhưng không thấy tiếng hô xung phong. Tôi vừa phát một bài kêu gọi binh lính Âu Phi, lính ngụy đầu hàng thì tiếng ô-buy nổ ở đầu nòng. Một bóng người vọt qua cạnh công sự. Tôi cầm chân kéo xuống. Anh cưỡi lên cổ tôi thì quả đạn 105 nổ ngay cách công sự tôi khoảng 5-6 mét. Hút chết, nhìn lại hóa ra Chu Mai Niệm. Cú nhảy của anh làm cổ tôi đau cả năm, tới bây giờ mỗi khi trở trời vẫn còn ê ẩm.

Sau trận đánh, trở về đơn vị tôi không còn thấy các anh em hàng binh Âu Phi. Nghe nói anh em tập trung về Liên khu thành lập đội Com-man-đô. Từ đó tôi không còn biết tin tức của các anh em nữa.

Sau YA, trung đoàn dồn ra đường 6, Ban chính trị đóng quân ở các bản Mớ Đồi, Mớ Đá, Kim Bôi rồi chuyển dần ra con suối cạn sát đường số 6. Đây là con đường huyết mạch nối giữa Khu 3 và Việt Bắc. Trung đoàn sử dụng các tiểu đoàn nhổ các bốt Gò Bùi, Đồng Bến...

Các văn nghệ sĩ Huyền Kiêu, Lê Đại Thanh, Sao Mai, Trần Huyền Trân... đi sát các đơn vị động viên bộ đội. Tôi còn nhớ mấy câu địch vận được in trong truyền đơn tán phát của trung đoàn:

Lửng lơ đầu núi trăng non ngậm cười
Đừng theo giặc Pháp, ai ơi!
Thân binh mang tiếng muôn đời nhuốc nhơ.


Và một bài của thi sĩ Huyền Kiêu tặng Ban Chính trị dán trên tờ báo tường:

Trưởng ban chính trị Lê Hưng
Tổ trưởng tuyên huấn tên xưng Nguyễn Hiền
Sao tổ địch vận không tên?
Lính gì lính ấy nói lên nghe cùng!
Lính gì, lính Lệ (Hà Đình Lệ)


Cũng trong thời gian này, anh Vũ Chấn gợi ý:

- Sắp tới ngày Nôen và Tết dương lịch, ta có ít truyền đơn phát tán thì tinh thần bọn lính Âu Phi chắc chắn sẽ sa sút. Cậu viết được không?

Rừng xanh, núi đỏ lấy đâu ra bút, vớ được mấy chiếc bút xanh, đỏ ở đồn tiền tiêu Vụ Bản tôi ngoáy mấy chữ: Joyeux Noel pour tous (Nôen vui vẻ với tất cả), và Rapatriement pour la fête du nouvel an à votre famille (Hồi hương vì cái Tết năm mới cho gia đình anh) vào mảnh giấy báo đưa anh xem. Anh gật đầu cười:

- Được đấy, làm đi!

Tôi thu nhặt công văn giấy tờ ở sọt rác, xé sổ tay viết được khoảng hai chục tờ truyền đơn. Vớ khẩu súng ca-bin của phòng, đêm hôm đó tôi lần ra đường số 6. Đêm trăng mờ, núp dưới chiếc cầu nhỏ sát đồn Đồng Bến, tôi đang chuẩn bị nhảy lên đường thì bọn ba-tui đi tuần tới. Mấy tên vừa hút thuốc vừa giậm chân hát ông ổng. Một tên cởi khuy quần đái tồ tồ. Bãi nước đái trút gọn vào lưng tôi, ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Không vì giữ bí mật cho trận đánh, với khẩu súng trên tay chắc chắn tôi đã phạt gọn cả cụm của tên lính địch.

Lần theo suối cạn trở về đơn vị, quần áo ướt sũng nước đái, mệt quá tôi lăn ra suối ngủ. Tỉnh dậy mặt trời lên khoảng con sào. Chung quanh không còn ai. Bộ đội đã hành quân ra sát đường số 6. Tôi vùng dậy chạy theo. Đi được một đoạn tôi lại được thấy những chiến sĩ "đánh vật" với nòng pháo 75 mm. Những bước chân của các pháo thủ chập choạng dưới suối cạn. Đại đội trưởng pháo binh Tân Việt đi bên. Lần này anh không đi gệt mà quần sắn móng lợn, tay cầm za-lông miệng thúc bộ đội nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 09:04:52 pm »


Theo sự phân công, tôi tìm tới Đại đội 1 Ký Con. Cả tiểu đoàn Cô Tô ra sát đường số 6. Tiểu đoàn Cô Tô hôm đó đánh Gò Bùi không thành công. Đại đội trưởng Tuấn Tĩnh hy sinh ngay trong lần xung phong đầu tiên. Thi hài anh nằm vắt trên hàng dây thép gai. Công phu lắm anh em mới đem được xác anh về.

Trời sáng rõ, đánh không thắng, cả đêm vất vả mỏi mệt, phờ phạc; về tới cửa rừng thì tôi gặp trưởng tiểu ban Hà Đình Lệ. Anh nhăn mặt hỏi:

- Cậu làm gì mà người bốc mùi ghê vậy?

- Nước đái Tây đấy!

Tôi kể cho anh nghe, anh cười khanh khách:

- Về thay quần áo đi, đồ quỉ!

Những trận công đồn của trung đoàn đợt này thành công không mĩ mãn, riêng Tiểu đoàn Lê Lợi tiêu diệt gọn Đồng Bến nhưng cũng thương vong một số. Sau này khi khai thác tù binh, tên pa-ti-dăng khai, những tên Âu Phi sau khi xem xong truyền đơn chúng rất buồn. Có đứa ngồi nhìn về phía dẫy núi xa. Có đứa bỏ cả cơm. Có đứa ôm mặc khóc. Tên chỉ huy ra lệnh thu gom những tờ truyền đơn đó lại đốt. Nhưng đốt làm sao được những dòng chữ in đậm trong lòng chúng.

Ban chính trị lại hành quân về Thanh Hóa. Trong các chiến dịch, các thành viên trong Ban chính trị thường phân tán xuống các đơn vị. Cuộc hành quân lần này có lẽ đông đủ nhất. Dẫn đầu là quản trị trưởng Nguyễn Đăng Đào một cán bộ trẻ, trắng trẻo, xinh trai, có giọng nói dễ nghe làm xiêu lòng nhiều cô gái. Văn phòng theo sau lỉnh kỉnh những cặp công văn, máy chữ nặng chịch dưới sự chỉ huy của trung đội phó Cường với cặp kính dày cộp trên mũi. Đội Tuyên văn với Đoàn Thiều nhỏ bé chạy lăng xăng níu tay Kiều út. Anh Trọng, đội trưởng đồng thời là nhạc trưởng đi ngật ngưỡng như khi cầm que chỉ huy dàn nhạc. Mỗi khi anh giơ que lên trước giàn nhạc, tôi có cảm giác như đang xem người chỉ huy dàn nhạc thời Bêt-tô-ven. Có cái khác, gấu quần anh bó lại bằng hai chiếc khuy như măng-sét áo sơ-mi. Có lẽ anh gấp rưỡi tuổi chúng tôi. Anh lử thử lừ thừ như ông tiên chỉ giữa đình làng, kể cả khi anh lên sân khấu giơ chiếc roi nhạc trưởng hoặc giới thiệu tiết mục. Anh đi cuối đội hình trang trọng như người cha nghiêm khắc chăn dắt một đoàn con trai chưa vợ. Mỗi khi nghỉ chân trong đêm trăng, tiếng hát Đoàn Thiều cất lên trong vắt... "Bên kia là phía sầu u... Có người lính Việt gục đầu trên đất thù. Bên đây là thú tự do có nhiều cô nàng... Trở về làng xưa gặp nhau dưới bóng cờ".

Anh Anh Tuấn bộ phận tổ chức kiểm tra thì cười hớn hở. Anh mới được qua nhà thăm vợ. Anh kể: "Nhân đi học chính trị, nghe tin vợ có mang, về thăm, xoa bụng chị, anh tưởng chỉ bằng quả bòng, nhưng lại to bằng quả mít". Chúng tôi khi ấy mới mười chín, đôi mươi nghe không hiểu. Anh quát:

- Lấy vợ, chúng mày sẽ biết!

Anh cười đôi mắt như hai sợi chỉ, chiếc mũi khoằm như dài thêm ra.

Nguyễn Mạnh Thường thì chậm chạp với đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt cắp cái cặp đứt quai. Không ngờ sau này anh ta trở thành nhạc sĩ tên tuổi.

Đội hình bộ phận địch vận kéo hơi dài. Dẫn đầu đội hình là trưởng tiểu ban Hà Đình Lệ với chiếc quần soóc vàng. Bên phải anh đeo chiếc túi đựng quyển từ điển dày cộp cùng tài liệu địch vận và chiếc đèn bão. Bên trái anh là chiếc túi dết khố đỏ lép kẹp. Theo sau là một đoàn lính đủ mọi sắc áo quần, vác trên vai những chiếc loa hình chữ S. Bà con ngơ ngác không hiểu đây là binh chủng gì? Mang vũ khí gì mà lạ thế?

Hỏa đầu quân Nguyễn Văn Lở gánh trên vai nồi niêu xoong chảo có dễ gần một tạ. Anh chạy từ đầu hàng quân tới cuối hàng quân, miệng tươi rói, thỉnh thoảng anh ta lại ca mấy điệu chèo, rồi lại nói: Không đi đến đâu! Chiếc đòn gánh trên vai anh ta oằn xuống theo nhịp chạy, có cảm giác như anh đang múa, chiếc xà-cột dày cộp sau mông anh ta nảy tanh tách theo nhịp bước, cơm áo gạo tiền của Ban chính trị nằm cả trong đó.

Nhìn những nồi niêu xoong chảo trên vai anh Lở tôi chợt nhận ra rằng những chiến công dù to, dù nhỏ đều từ những thứ vô danh này tạo nên. Tôi chưa hề thấy anh cấp dưỡng nào kêu ca vất vả. Dù ở hậu phương hay nơi tiền tuyến, họ chỉ một lòng lo cho bộ đội những bát cơm dẻo, canh ngọt. Nhiều anh em vượt qua lửa đạn đem cơm với tấm lòng của mình tới từng hố cá nhân, từng chiến hào cho bộ đội. Họ chẳng biết khen thưởng là gì, công trạng là gì. Họ đúng là những người mẹ, người chị của bộ đội, từ các vị tướng tới những người chiến sĩ.

Một lần, trung đoàn về đóng quân ở khu vực Đông Sơn, Thọ Xuân. Trung đoàn bộ ở khu vực Quán Giắt, Cầu Thiều. Ban chính trị ở ấp Phú Mỹ. Tiếng súng, tiếng bộc phá tập công đồn do cố vấn Trung Quốc huấn luyện nổ ran ở đồi Sim, Quán Giắt. Bước chuẩn bị cho chiến dịch mới.

Đơn vị ăn Tết xong, trung đoàn bộ được biên chế gọn nhẹ phù họp với tình hình tác chiến mới. Cơ quan địch vận hầu như giải thể. Một bộ phận về đại đoàn bộ. Tôi, anh Doãn Mẫn, anh Tiêu Văn Huyên vượt Thập vạn Đại Sơn sang Trung Quốc thụ giáo. Quân đội đào tạo cán bộ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Cuộc chia tay ở ngả ba Cầu Thiều thật bịn rịn. Trưởng tiểu ban Hà Đình Lệ vẫn chiếc quần soóc vàng, chiếc đèn bão nằm một bên và chiếc túi khoác nằm một bên. Chu Mai Niệm có bàn chân to, hai ngón chân cái tõe ra. Mỗi khi bước, chân anh lại xoay một cái, đám bụi nhỏ dưới chân bốc lên như vó ngựa phi.

Đội Tuyên văn về đại đoàn thành lập Đoàn Văn công Đại đoàn 304. Anh Ngô vác trên vai chiếc đàn an-tô, anh Thưởng xách chiếc vi-ô-lông đen bóng, nhạc trưởng Trọng dáng đi liêu xiêu như khi anh cầm đũa chỉ huy dàn nhạc. Đoàn Thiều lon ton chạy theo, tay giữ chiếc túi dết bên hông. Kiều út nắm tay tôi bẻ kêu canh cách nhỏ nhẻ "Mình đi nhé!". Anh vẫn giữ dáng vẻ vai thiếu phụ Hà Nội trong vở: "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng. Để rồi hơn hai chục năm sau tôi gặp lại anh trong hội nghị quân chủng Phòng không - Không quân. Anh đã đổi tên là Kiều Kiên, chính trị viên của một đơn vị tên lửa.

Theo đại quân đi giải phóng Sài Gòn, tôi lại gặp anh. Kiều Kiên là Chủ tịch Ủy ban Quân quản thị trấn Tam Kỳ. Nắm tay tôi anh bẻ canh cách.

- Ở đây chơi với mình vài ngày!

- Ở lại sao được, tôi đang trên đường làm nhiệm vụ.


*

*         *

Cuộc đời chiến đấu của người chiến sĩ trong những tháng năm sôi bỏng đó như đám mây trôi không thể lường trước mình đi đâu, về đâu. Chiến sĩ địch vận trong Ban chính trị Trung đoàn 66 ngày đó mỗi người một con đường, một số phận.

Đồng chí trưởng tiểu ban của chúng tôi sau hòa bình chuyển về Bộ Thương binh - Xã hội. Những năm thập kỷ 60, tôi thường đến chơi với anh ở khu tập thể Thương binh Hàng Vôi, Hà Nội. Anh là một trong những người chỉ huy mà tôi cảm phục. Một cán bộ mẫu mực, liêm khiết, hiểu biết rộng, tôn trọng cấp trên, yêu quí cấp dưới, nghiêm khắc khi làm việc. Anh ít tiếp xúc với anh em hàng binh Âu Phi. Mỗi khi anh em hàng binh có sai sót về đoàn kết, về dân vận, về cách sống... Anh gọi lên, anh em hàng binh Âu Phi đứng trước mặt anh run như dế. Anh chỉnh đốn không khoan nhượng. Tiếng Pháp anh nói như gió.

Thấy anh em vất vả thiếu ăn, đôi khi anh tổ chức bữa cháo chân giò, bữa "bốc mả" ở hàng phở. Anh chống đũa nhìn anh em ăn như người anh chăm sóc bầy em nhỏ.

Được tin gia đình anh có biến cố, tôi và anh Chu Mai Niệm định tới Tả Thanh Oai thăm anh. Chưa kịp đi thì nghe tin anh mất trong một tai nạn giao thông, anh Chu Mai Niệm và tôi nhắc tới anh với tấm lòng tiếc thương, thành kính.

Anh Nguyễn Văn Đông ở cuối giai đoạn lao phổi. Tôi lấy dân công cáng anh từ Bát Cô (Nho Quan) vượt đò Kiểu tới bệnh viện Lê Xá (Thanh Hóa). Trước khi chia tay, anh dúi vào tay tôi 5 đồng "Để cậu lấy tiền ăn về đơn vị". Ít lâu sau chúng tôi nghe tin anh mất sau một trận thổ huyết.

Chúng tôi những người chiến sĩ địch vận ngày đó hầu như còn nguyên vẹn. Anh em đã đi suốt chặng đường gian khổ, quyết liệt, vinh quang của dân tộc. Nói là hầu như vì có người đã ngả xuống vì sự tồn vong của đất nước. Những anh em còn lại có người vẫn công tác trong Quân đội, có người trở thành kỹ sư, nhà thơ, nhà báo, giám đốc công ty.

Số anh em hàng binh Âu Phi mò hến, bắt cua cùng chúng tôi ngày ấy hầu như không có tin. Song, đôi khi có những thông tin đáng lưu ý như - Anh An (Anton Vaise) thập kỷ 60 nghe nói là giám đốc một sân bay địa phương ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Anh Cao (Grand Watch) là Tổng giám đốc một nhà máy cán thép ở An-giê-ri. Những ngày lễ tết ở Việt Nam, anh đưa vợ con đến Đại sứ quán tham gia kỷ niệm. Đã có lần anh lang thang ở Hà Nội tìm đồng đội mà không gặp. Nghe nói các anh đều được tặng thưởng huân, huy chương Kháng chiến.

Biết đâu những dòng chữ này có cánh bay tới những người bạn chiến đấu năm xưa, bay tới trời Âu, đất Phi để rồi các chiến sĩ địch vận Ban chính trị Trung đoàn 66 tìm đến với nhau, trở về với những kỷ niệm, với những tháng năm đầy ý nghĩa ngày trước.

TRẦN KỲ
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM