Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:41:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 66 - 55 năm một chặng đường vẻ vang  (Đọc 2300 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2022, 03:04:38 pm »


TIÊU DIỆT VỊ TRÍ CHÙA DẦU
(28-5-1951)


Chùa Dầu là một vị trí nằm cạnh đường số 10, bên bờ sông Đáy, cùng với các vị trí Chùa Hựu, Yên Vệ, Bích Đào, trấn giữ con đường giao thông huyết mạch từ Ninh Bình đi Phát Diệm.

Quân số của địch ở vị trí Chùa Dầu là một đại đội, vũ khí ngoài súng trường còn có 2 đại liên, 8 trung liên. Bao bọc quanh chùa là tường xây bằng gạch, cứ cách 10 m có một lỗ châu mai dọc, cách 20 m là một ụ súng trung liên hoặc đại liên.

Lực lượng quân ta Tiểu đoàn Cô Tô gồm có 3 đại đội: Đại đội 15 và Đại đội 30 là 2 mũi đột phá chính diện; Đại đội 45 phục kích chặn quân tiếp viện của địch từ Chùa Hựu lên (nếu có). Trung đoàn trưởng Hoàng Kiện có mặt tại Chỉ huy sở tiểu đoàn cùng với tiểu đoàn trưởng Nguyễn Nhật Tiến.

Đúng 23 giờ 30 phút, tiểu đoàn phát lệnh chiến đấu. Bộc phá nổ tung 2 lớp hàng rào ngoại vi, bộ đội dùng thang gấp vượt qua tường vào đột phá tung thâm. Địch lợi dụng từng khe tường, từng tượng Phật, chống cự rất ngoan cố. Bốn mươi phút sau, tiếng súng im bặt. Quân ta tiêu diệt hoàn toàn vị trí Chùa Dầu, thu toàn bộ vũ khí. Bên ta có một số đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí Nguyễn Như Phương (đại đội trưởng Đại đội 30). Chiến sĩ liên lạc Nguyễn Long Minh vì tuổi còn nhỏ được ở lại với bộ phận hậu cần nhưng đã tha thiết xin đi chiến đấu và được đi cùng đại đội trưởng Phương để truyền đạt mệnh lệnh cho các trung đội, và đã chứng kiến lúc hy sinh của đại đội trưởng.

8 giờ sáng ngày 29-5, tiểu đoàn trưởng Nhật Tiến giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Ngọc Ninh (cán bộ tác chiến của tiểu đoàn) vào vị trí Chùa Dâu vẽ lại sơ đồ công sự bố phòng của địch để làm tư liệu dùng sau này. So sánh với sơ đồ do trinh sát của ta báo cáo trước trận đánh thì có 2 chi tiết đến lúc này mới biết:

Một là: Trong chùa còn có một gác chuông 2 tầng. Lúc đó có xác một tên địch 2 tay bị trói treo lủng lẳng trên tầng 2 gác chuông.

Hai là: Sau chùa, phía cánh đồng, có một dãy nhà xí mái thấp ngang mặt tường. Có lẽ qua lối này mà một số tên địch đã chạy thoát ra cánh đồng rồi vào ẩn nấp ở nhà dân nên sáng 29-5 ta đã bắt được một số tù binh.

NGUYỄN NGỌC NINH
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2022, 03:06:19 pm »


HAI LẦN CƯỜNG TẬP CỨ ĐIỂM CHÙA CAO


Đồn Chùa Cao là một cứ điểm kiên cố, lợi hại nhất của quân địch nằm trên đường số 10, giữa Phúc Nhạc và Ninh Bình, nhằm chắn giữ con đường của ta vào sau lưng địch.

Đầu chiến dịch Quang Trung (1951), để phối hợp với chiến trường Tây Bắc, Đại đoàn 304 được giao nhiệm vụ cùng với Đại đoàn 320 mở các cuộc tiến công địch tại phía nam đồng bằng Bắc Bộ và vùng sau lưng địch.

Tiểu đoàn Lê Lợi được lệnh chuẩn bị tiến công đồn Chùa Cao. Tuy thời gian gấp rút, tiểu đoàn đã chuẩn bị về mọi mặt và rạng sáng ngày 29-5-1951, tổ chức công đồn.

Trận đánh diễn ra ác liệt. Trên hướng phụ, Đại đội 132 do đại đội trưởng Lại Văn Kháo chỉ huy đã dùng bộc phá mở được cửa hàng rào, xung phong lên đánh vào lô cốt địch. Trong khi đó, trên hướng chính, Đại đội 134 bị hỏa lực địch bắn ra như mưa chặn lại, chưa mở được cửa. Khẩu đại liên bị tắc, không chế áp được hỏa lực địch, đại đội trưởng Mai Hiền báo cáo lên Sở chỉ huy tiểu đoàn, ở đó có tiểu đoàn trưởng Minh Vân và tôi, chính trị viên tiểu đoàn và trung đoàn phó Trần Quang Thường trực tiếp chỉ huy trận đánh. Dinh trưởng, cố vấn Trung Quốc của tiểu đoàn cùng ở Sở chỉ huy, thấy vậy chạy xuống đại đội để xem tại sao khẩu đại liên bị tắc. Trung đoàn phó lo cho sự an toàn của cố vấn vội bảo cậu phiên dịch: “Ngăn ông ấy lại, ông ấy mà làm sao thì chết cả nút", nhưng cậu phiên dịch đã bị đồng chí cố vấn đạp cho ngã dúi và ông ta vẫn chạy xuống đại đội giúp sửa lại khẩu đại liên. Súng đã hoạt động nhưng quân địch trong đồn vẫn chống cự quyết liệt. Các mũi bộc phá mở hàng rào vẫn không tiến lên được. Trước tình thế trận đánh kéo dài quân ta bị thương vong, giảm sút sức chiến đấu, trung đoàn phó lệnh cho tiểu đoàn lui quân. Trận tấn công bị thất bại để lại trong lòng cán bộ và chiến sĩ một nỗi uất hận không nguôi.

Sau trận đánh đó của tiểu đoàn, Đại đoàn 308 được lệnh giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 88 trực tiếp là 1 tiểu đoàn tăng cường tổ chức tiếp một trận tấn công đồn Chùa Cao nhưng cũng không thành công.

Sau 2 lần bị đánh, địch xây lại cứ điểm thành hình tam giác, lô cốt, hầm ngầm kiên cố, ba hướng đều có thể bắn chéo cánh sẻ tạo thành mạng lưới đạn dày đặc. Một đại đội lê-dương gồm toàn lính Âu Phi, trang bị mạnh chiếm giữ đồn. Bọn chỉ huy huênh hoang tuyên bố "Chùa Cao là bất khả xâm phạm" và thách thức bộ đội ta đánh.

Bước vào chiến dịch năm 1952. Mở đầu cho đợt hoạt động mới, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 304 chủ trương tiến công 2 cứ điểm quan trọng trên đường 10, Chùa Cao và Vân Lai để phối hợp với chiến trường chính. Sau khi tham gia chiến đấu, cùng với một số đơn vị bạn, tiêu diệt tiểu đoàn da đen số 6 tại Phát Diệm, Tiểu đoàn Lê Lợi, tiểu đoàn chủ công của trung đoàn là đơn vị có kinh nghiệm trong chiến đấu công kiên, lại đã đánh đồn Chùa Cao năm trước nhưng chưa thành công, được giao nhiệm vụ tổ chức trận đánh Chùa Cao lần này, có pháo của trung đoàn và đại đoàn chi viện hỏa lực.

Suốt mấy đêm liền, trung đoàn trưởng Hoàng Kiện, tiểu đoàn trưởng Minh Vân và các đại đội trưởng đi chuẩn bị chiến trường, bò sát hàng rào, nghiên cứu cách bố phòng của địch và lên phương án tác chiến. Phương án được tiểu đoàn ủy thông qua, hạ quyết tâm chiến đấu. Về quân sự, đi đôi với công tác chuẩn bị chiến đấu, những cuộc thảo luận quân sự dân chủ trên bàn cát từ tiểu đoàn đến các đại đội diễn ra sôi nổi. Cán bộ và chiến sĩ thống nhất với phương án tác chiến của tiểu đoàn, bổ sung thêm một số chi tiết. Anh em đề nghị bện rơm thành những con lăn lớn, những chiếc mộc để che đạn bắn thẳng và đạn nổ trên không khi tiếp cận tấn công vào đồn địch. Sáng kiến đó được tiểu đoàn chấp nhận và cho thực hiện ngay. Về công tác Đảng và công tác chính trị, tôi cùng các chính trị viên đại đội, qua các cuộc họp chi bộ và hội đồng quân nhân, nêu rõ quyết tâm của tiểu đoàn quán triệt kế hoạch tác chiến. Phân tích những mặt mạnh của ta, chỗ yếu của địch, củng cố lòng tin, nâng cao khí thế của bộ đội, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đều hạ quyết tâm: Trận này quyết thắng, diệt gọn để "rửa hận" cho trận đánh năm trước, "trả thù" cho đồng bào Yên Cư bao năm bị địch kìm kẹp, giết chóc. Những khẩu hiệu đó được viết vào những tờ giấy nhỏ dán trên mũ, gắn trên tay bộ đội.

Đêm mùng 5-12-1952, tiểu đoàn xuất kích, vượt sông Vạc và khi trăng vừa mọc thì chiếm lĩnh xong trận địa. Đúng 23 giờ, trung đoàn hạ lệnh công kích. Các cỡ hỏa lực dồn dập trút xuống căn cứ địch. Pháo địch ở Phúc Nhạc bắn về chi viện nhưng bị pháo của đại đoàn nã trúng đã câm họng. Các cỡ súng của địch trong đồn bắn ra xối xả. Pháo cối, đại liên ta chế áp, các chiến sĩ xung kích lao lên đặt bộc phá phá hàng rào. Cửa đã mở, 2 mũi tiến công 2 bên sườn xung phong lên đặt thuốc nổ đánh chiếm lô cốt. Đại đội 134, đại đội chủ công, do đại đội trưởng Mai Hiền chỉ huy đánh lô cốt A, phát triển vào tung thâm, diệt các ổ hỏa lực và những tên địch từ các ngách hào bắn ra. Cùng lúc, Đại đội 132 dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Lại Văn Kháo đánh chiếm lô cốt B và Đại đội 136 đánh thốc vào lô cốt C. Các mũi tiến công lần lượt tiêu diệt các ổ đề kháng, thọc sâu đánh chiếm hầm ngầm cũng là Sở chỉ huy của địch. Tên quan hai đồn trưởng bị bắt sống, giơ tay hàng và kêu gọi binh lính chúng ra hàng. Từ các lô cốt, hầm hào, bọn lính lê-dương còn sống sót lốc nhốc chui ra xin hàng. Bắt được đài vô tuyến của địch, tiểu đoàn trưởng Minh Vân nhanh trí bắt tên cầm máy gọi pháo các nơi bắn "truy kích Việt Minh" nên toàn rơi vào chỗ không người, để bộ đội ta thu dọn chiến trường một cách an toàn.

Sau 40 phút chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, Tiểu đoàn Lê Lợi đã diệt gọn căn cứ Chùa Cao, bắt sống 64 tên sĩ quan và lính Âu Phi cùng tên quan hai đồn trưởng, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn lê-dương số 5, một đơn vị sừng sỏ của địch bị xóa sổ.

Chiến thắng Chùa Cao ghi thêm một nét son vào truyền thống của tiểu đoàn và trung đoàn. Tiểu đoàn Lê Lợi được mang thêm danh hiệu "Tiểu đoàn Chùa Cao". Sau trận đánh, tôi đã viết một cuốn sách nhỏ với đầu đề "Diệt gọn Chùa Cao", được đại đoàn cho in, phổ biến cho các đơn vị trong đại đoàn. Nhiều đơn vị ở các chiến trường gửi thư về chúc mừng. Tiếc rằng cho đến nay cuốn sách đó, qua nhiều năm chiến đấu, đã bị thất lạc. Nhưng kỷ niệm về trận đánh không bao giờ phai mờ trong trí nhớ chúng tôi và nhân dân vùng Yên Cư. Nhiều bà con còn nhắc lại chiến công đó với tấm lòng trìu mến khi đoàn cán bộ Ban liên lạc Bạn chiến đấu của trung đoàn ta đi thăm lại chiến trường xưa vào tháng 7-2001.

VŨ CHẤN
Nguyên chính trị viên Tiểu đoàn Lê Lợi
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2022, 02:22:19 pm »


MỘT GÓC TRẬN ĐỊA CHỐNG CÀN
CỦA TIỂU ĐOÀN NGUYỄN HUỆ


Vài ngày sau trận diệt đồn Giang Nại (Chiến dịch Hà Nam Ninh-Thu Đông 1952-1953), Tiểu đoàn Nguyễn Huệ do tiểu đoàn trưởng Đào Huy Vũ và chính trị viên Mai Quang Ca chỉ huy tiến vào khu du kích Tiên Yên - Tiên Tiến - Phùng Thiện.

3 giờ sáng 21-12-1952, Đại đội 107 đến làng Phùng Thiện. Đại đội trưởng phân công vị trí cho các trung đội, không quên dặn dò làm công sự cho vững chắc. Tiểu đội cấp dưỡng do Nguyễn Xiển, tiểu đội trưởng, và Nguyễn Quý Đôn, tiểu đội phó phụ trách, cũng khẩn trương "nổi lửa lên em" để bảo đảm toàn đại đội mỗi người hai nắm cơm cho cả ngày. Lúc này Ban chỉ huy đại đội có đủ 4 người: Đại đội trưởng Nguyễn Thế Bôn, chính trị viên Nguyễn Đức Dũng (mới về thay chính trị viên Đỗ Quang Diệm bị thương vào chân phải đi bệnh viện), đại đội phó Lê Trung Cơ và tôi là chính trị viên phó.

Vừa chợp mắt mọi người đã choàng dậy. Tiếng tàu chiến và ca nô địch trên sông Đáy ngày càng rõ dần từ phía Bến Xanh vọng lại. Thỉnh thoảng có tiếng đại bác 37 ly hoặc vài loạt trung liên từ tàu địch bắn lên bờ. Anh Thế Bôn ra lệnh chuẩn bị chiến đấu. Tin tức từ tiểu đoàn thông báo xuống, từ các tổ cảnh giới báo về là một đoàn tàu chiến ca nô địch đang ngược dòng sông Đáy với tốc độ chậm, bộ binh địch từ Bến Xanh nống ra, từ đường số 10 tiến đến. Từ xa tiếng súng đã nổ ran. Đại bác từ Phúc Nhạc, từ Cầu Cổ rót về từng loạt. Dấu hiệu một trận càn sắp xảy ra. Nhân dân vội vã tản cư. Một số xuống hầm tránh pháo. Các tiểu đội dân quân, du kích xã được phân về phối hợp với các trung đội. Máy bay bà già vè vè trên trận địa. Anh Thế Bôn, anh Đức Dũng phân công đại đội phó Lê Trung Cơ xuống với Trung đội 4 ở phía bắc làng Phùng Thiện, tôi xuống Trung đội 5 ở tây nam Phùng Thiện, còn hai anh vừa nắm Trung đội 6 ở phía đê sông Đáy vừa nắm đại đội bộ bảo đảm liên lạc với tiểu đoàn.


CUỘC CHIẾN BẮT ĐẦU

Cho đến 9 giờ sáng, địch vẫn rập rờn trên sông. Đoàn tàu chiến và ca nô đã tới thị xã Ninh Bình và đang từ từ quay lui. Các mũi tiến quân khác chậm chạp có tính chất thăm dò. Liên lạc của đại đội xuống Trung đội 5 báo tin địch ở Bến Xanh tiến theo đê về Phùng Thiện. Toàn trung đội căng mắt chờ địch.

10 giờ... rồi 11 giờ qua đi. Thời gian càng trôi càng lợi cho ta. Đây là trận chống càn đầu tiên của Trung đoàn 66 và đơn vị đầu tiên thử sức là Tiểu đoàn Nguyễn Huệ. Lúc đó, tôi vẫn nhớ rõ một tư tưởng chiến thuật được học ở lớp bồi dưỡng cán bộ của Đại đoàn 304 mở tại Quán Giắt, tháng 1-1951, trong thời gian bộ đội lên Việt Bắc lĩnh vũ khí. Đại ý như sau: "Khi đánh càn phải tổ chức động viên bộ đội dũng cảm chiến đấu, kiên quyết giữ vững trận địa suốt ban ngày. Công sự phải vững chắc và luôn luôn củng cố. Ban đêm phải tìm mọi cách rút ra khỏi vòng vây của địch về nơi an toàn. Có khi phải đánh mở đường máu mà đi". Tư tưởng chiến thuật đó đã được phổ biến giáo dục cho đại đội nên bộ đội ta rất bình tĩnh, tự tin, không hề có một biểu hiện dao động.

Cánh quân địch ở Bến Xanh đến thôn Tiên Tiến, Đại đội 103 đã nổ súng. Trận địa Trung đội 5 im lặng vì còn cách 103 một cánh đồng.

Tiếng súng bỗng rộ lên ở phía bắc. Trung đội 4 do trung đội trưởng Vũ Văn Tư chỉ huy có sự giúp đỡ của đại đội phó Lê Trung Cơ đã chống trả quyết liệt. Địch đổ bộ từ tàu chiến lên bờ 2 đại đội Âu Phi của GM7. Chúng chiếm Phương Bằng và từ Phương Bằng theo đê sông Đáy xuống bắc Phùng Thiện thì vấp Trung đội 4. Trung liên của ta bắn rất tốt, ngay phút đầu tiên đã tiêu diệt một ổ trung liên địch đang loay hoay tìm chỗ đặt súng. Các cỡ đạn nổ inh tai: tiểu liên, trung liên, súng trường, đạn 12 ly 7, cối 60 ly, cối 81 ly, đại bác 37 ly nã tới tấp vào trận địa B4, vào nhà dân trong xóm. Máy bay bà già ném lựu đạn khói gọi đại bác câu về hàng loạt. Địch hô "A-la-xô!" và xông lên. Những tên chạy đầu trúng đạn của ta loạng choạng đổ xuống. Những tên đi sau vội nằm rạp xuống. Có một đợt địch xung phong chiếm một góc làng. Một tiểu đội của ta phải lùi vào các nhà dân. Trung đội 4 đã cùng lực lượng du kích phối thuộc khéo léo phản công chiếm lại được trận địa, đẩy địch lùi ra xa.

Đến lượt B5 tiếp địch. Các tiểu đội của Hưng, của Ngào, của Chuyện bố trí trận địa sau bờ tre, kéo dài hơn 100 mét ở phía tây nam Phùng Thiện. Chúng tôi cử liên lạc về báo cáo địch tình với Ban chỉ huy đại đội. Anh Thế Bôn và anh Đức Dũng vừa ở trận địa B6 về cho biết tàu chiến địch vẫn rập rờn trên sông, nhưng không đổ quân lên bờ nên B6 vẫn ẩn mình sau công sự và chưa phải nổ súng. Anh Đức Dũng còn dặn B5 phải thật bình tĩnh, vững vàng chờ địch đến gần mới đồng loạt nổ súng.

Địch đặt một trung liên ở cầu đá, cách trận địa ta không xa. Khẩu trung liên của tiểu đội Ngào đã “căn" sẵn cây cầu từ sớm. Trung đội trưởng thấy một toán địch túm tụm gần cầu đá liền hạ lệnh phát hỏa. Trung liên ta nổ giòn giã. Địch hò hét xông lên. Chúng bắn như vãi đạn, nhưng rặng tre và công sự của ta đã vô hiệu hóa hỏa lực của chúng. Một số tên hung hăng chạy đầu đều đồng loạt gục ngã bởi các tay súng trường, tiểu liên của hai tiểu đội Ngào và Hưng. Sau 3 đợt địch xung phong và 3 lần tháo lui, trời đã về chiều. Trong công sự vững chắc, sau rặng tre làng lâu năm, một chướng ngại vật thiên nhiên lợi hại, quân ta tăng thêm lòng tự tin, bình tĩnh chống trả. Khẩu hiệu chiến đấu truyền lan ra toàn trận địa B5: "Tiết kiệm đạn nhằm địch bắn trúng, bình tĩnh chiến đấu...".



BỐN QUẢ NAPAN TRÙM LÊN HAI TIỂU ĐỘI

Máy bay bà già rà sát ngọn tre. Một quả lựu đạn từ máy bay ném xuống, phụt lên làn khói trắng. Hai chiếc Hen Cat đến ngay. Chiếc đi đầu lao xuống. Bụp... Bụp... Hai quả napan nổ, ét-xăng crếp bắn lửa tung tóe, tỏa khói đen mù mịt. Lửa cháy trùm trận địa, cháy trên ngọn tre, trên cành cây, trên mặt đất, dưới ao bèo. Khói và sức nóng phả ra xa đến công sự của trung đội trưởng Mãi, tôi và tiểu đội của anh Chuyện. Mọi người ho sặc sụa. Trong giây lát súng địch như ngừng lại. Bên ta, hai tiểu đội Ngào và Hưng cũng im ắng. Chiếc Hen Cat thứ hai lại lao xuống: Bụp... Bụp... lại lửa lại khói, lại sức nóng rát mặt. Lần này ngôi nhà tranh sau lưng tiểu đội Hưng cũng bắt cháy.

Trung đội trưởng Nguyễn Văn Mãi và tôi vọt khỏi công sự lao đến gần hai tiểu đội. Không thấy một ai cả. Chỉ có lửa cháy, tre pheo nổ đôm đốp, khói bụi mù. Còn đang bối rối nhìn ngang nhìn dọc thì thấy trung đội phó Sang tung chăn lửa lên, nhảy khỏi hố. Sang nói với Mãi:

- Mãi ơi, quân ta "phèo" cả rồi !

Mãi hốt hoảng:

- Chết cả à?

- Có lẽ, để xem lại xem.

Bỗng thấy nhảy lên khỏi công sự một người mặt mũi đen bẩn, áo quần lấm láp, tay xách hòm đạn trung liên. Đó là Tuệ, chiến sĩ tổ trung liên. Tôi hỏi Tuệ có việc gì không? Tuệ trả lời: Không. Tôi hỏi tiếp: Ngào đâu?

- Anh Ngào còn ở trong đó.

Mải, Sang và tôi không ai bảo ai cùng hét gọi tên từng chiến sĩ: Ngào ơi! Miêng ơi! Tiệm ơi! Vạng ơi! Chậm ơi... ra đi. Còn ai nữa ra đi...

Ngào xách khẩu tiểu liên chạy ra, mặt mũi đen nhẻm. Miêng vác khẩu trung liên vọt theo, rồi Vạng, rồi Chậm, rồi Tiệm xách súng chạy ra. Cả hai đồng chí du kích xã phối họp cùng tiểu đội cũng nhảy lên khỏi hố. Lần lượt các chiến sĩ tiểu đội Hưng cũng xuất hiện, một số vẫn bám bụi tre chĩa súng ra ngoài. Tất cả trông thật buồn cười, áo quần vướng đất bụi, tro, mặt mủi nhọ nhem. Có anh nhe răng cười, cũng có anh có dấu hiệu mệt mỏi bơ phờ. May quá, cả 2 tiểu đội không một ai bị thương. Không mất một khẩu súng. Chỉ bị cháy một số chăn trấn thủ và vài bao gạo. Kinh nghiệm dùng chăn trùm lên hố cá nhân chống bom napan - được trên phổ biến từ trước - tỏ ra rất hiệu quả. Chúng tôi mừng quá, ôm lấy nhau, mắt đỏ hoe. Trung đội trưởng Mãi phân công một số đi cứu nhà dân bị cháy và một số vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Trời tối hẳn. Trận địa im tiếng súng.

Tôi trở về đại đội bộ báo cáo nhanh tình hình B5 và nghe tình hình B4. Đại đội trưởng Thế Bôn cho biết: hôm nay GM7 đánh vào C.103, C.107 và tiểu đoàn bộ, nhưng tất cả đều giữ vững trận địa, thương vong của ta rất ít. Ước lượng địch khoảng 5 trung đội bị diệt và một số khác bị thương. Hiện Ban chỉ huy tiểu đoàn đang cùng xã đội lo tập trung thuyền cho quân ta vượt sông.

Nửa đêm hôm ấy Đại đội 107 xuống thuyền lặng lẽ vượt sông Đáy, cập bến Liễu Đề thuộc đất Nghĩa Hưng, Nam Định.

Đại đội chỉ có một chiến sĩ của B4 hy sinh và 2 chiến sĩ bị thương nhẹ. Tinh thần của anh em rất vững. Trận chống càn đánh dấu bước trưởng thành trong chiến đấu của đại đội và toàn tiểu đoàn.

NGUYỄN HÙNG CƯỜNG
Nguyên chính trị viên phó Đại đội 107
Tiểu đoàn Nguyễn Huệ

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2022, 02:25:07 pm »


VƯỢT ĐƯỜNG SỐ 6
(CHIẾN DỊCH HÒA BÌNH - THU ĐÔNG 1951)


Từ lâu được tin đơn vị sắp vượt qua đường số 6 sang làm nhiệm vụ ở phía bắc, mãi đến ngày 17-12-1951 chúng tôi mới thực sự bước vào cuộc hành quân gian nan ấy.

17 giờ. Cơm chiều xong, chúng tôi xuất quân, hy vọng là sẽ vượt qua đường số 5 một cách dể dàng như một đơn vị bạn vừa đi đêm hôm qua.

Suối. Chỉ toàn lội suối hoặc đi men vách đá theo dòng suối. Lòng suối, đá cuội khá êm chân. Vách đá, nhiều chỗ lởm chởm như bàn chông. Trời tối. Trong bóng đêm, chúng tôi lần mò nối đuôi nhau, cố bám sát cho khỏi lạc. Lệnh "thắp đuốc" truyền xuống, một vài bó đuốc rực sáng, đoàn quân vừa đi, vừa tìm thêm nứa, tạo ra những bó đuốc mới. Nhờ có ánh sáng đuốc, cuộc hành quân đỡ vất vả. Chẳng mấy chốc chúng tôi tới chân dốc Động.

Trăng đã lên. Chúng tôi bỏ đuốc lại, bắt đầu trèo dốc dưới ánh trăng. Đoàn quân biến thành một con rắn khổng lồ chậm chạp bò từ chân dốc lên tới đỉnh. Rừng cây yên lặng. Đôi chỗ lá cây loang loáng phản chiếu ánh trăng. Bên kia con suối mà chúng tôi vừa lội bì bõm là mấy quả đồi trọc nối liền nhau. Dưới ánh trăng, cỏ ở sườn đồi trông như một tấm thảm nhung rộng.

Đoàn quân từ từ chuyển động, lên đỉnh dốc rồi xuống dốc. Bỗng có lệnh truyền từ đầu hàng quân xuống: "Đằng sau quay, đi thật nhanh!". Mọi người ngơ ngác, vội vàng thi hành. Thì ra: bộ phận dẫn đường đã phát hiện thấy địch phục kích. Muốn giữ bí mật, cuộc hành quân phải hoãn lại. Chúng tôi lặng lẽ trở về địa điểm xuất phát lúc ban chiều.


*

Sau 3 ngày nghỉ ngơi, chiều 20-12, chúng tôi lại được lệnh hành quân. 16 giờ, cơm chiều xong, ẩn mình dưới lá ngụy trang, đoàn quân vui vẻ tiến bước, băng qua rừng, qua suối, có vẻ như đã quen đường.

Lại trèo lên dốc Động. Trăng chưa lên, đoàn quân im lặng tiến trong bóng đêm. Lên dốc rồi xuống dốc. Đường đi giữa rừng cây um tùm, không ai trông thấy ai. Trong khoảng không đen kịt, những chấm sáng nhấp nhô theo nhau. Đấy là nhưng con đom đóm, những cành cây mục có lân tinh đã được cài lên mũ để nhận nhau trong đêm tối cho khỏi lạc. Đoàn người âm thầm dò dẫm cất bước. Nhìn kỹ chỉ thấy lờ mờ có những bóng đen nhấp nhô, mỗi bóng có một chấm sáng trên đầu, giống như một đoàn âm binh đang tiến vào khoảng tối âm u.

Xuống khỏi dốc, chúng tôi đi tới một khoảng suối rộng. Đoàn quân dừng lại chờ những người đi chậm còn đang dò dẫm phía sau. Một tiếng đồng hồ trôi qua, mọi người đã theo kịp. Bỗng từ đầu hàng quân truyền xuống: "Lệnh ông Cáo, tất cả quay lại, đi thật nhanh!". Thế là lại chạm địch. Mọi người buồn bã quay về.


*

9 giờ sáng ngày 25-12-1951, chúng tôi được lệnh vượt đường số 6 theo một lối khác, khó đi hơn nhưng bí mật hơn. Mọi người nai nịt gọn gàng. Đặc biệt là bộ phận cấp dưỡng: quang gánh bỏ hết, nồi và chảo đeo lên lưng như ba lô, rổ rá và thức ăn sống chia cho anh em mỗi người mang hộ một ít.

Lại suối, chỉ toàn lội suối. Vì đi ban ngày nên những chỗ khó đều được vượt qua nhanh chóng.

Khi trời gần tối, chúng tôi xuống khỏi dốc, đến một quãng rừng rậm tối om. Lệnh trên truyền xuống "Bám vào nhau mà đi!". Một tay chống gậy, một tay bám vào người đi trước, chúng tôi lần bước trong bóng đêm dày đặc. Hôm nay không cài đom đóm và lân tinh vào mũ nên khó đi hơn. Đang thất thểu lần mò giữa rừng sâu, khi lên cao, khi xuống thấp, bỗng nghe tiếng gọi nhau í ới. Thì ra: mấy người đi trước tôi bị tuột tay không bám được toán đi đầu, đang lo lắng gọi nhau và cố đuổi theo tiếng người thưa xa xa phía trước. Tôi vội bám chặt vào bao gạo ở thắt lưng người đi trước và rảo bước để theo cho kịp. Khốn khổ mấy người đi sau tôi chậm chân chưa theo kịp, thành ra tôi cứ bị kéo trở lại. Có lúc chui cả vào bụi gai, toạc chân, toạc mặt. Có lúc đang đi bình thường phải ngồi thụp xuống để bước xuống một khe suối thấp nước chảy ào ào, nếu không vững chân thì bị ướt đũng quần. Có lúc tay tôi bị tuột khỏi bao gạo của người đi trước, tôi lại vội vàng dùng gậy khua khua trước mặt và mồm se sẽ gọi... Cứ như thế, một lát sau, chúng tôi bám sát được đơn vị đi đầu. Đi thêm một lúc nửa, trèo lên một chỗ cao, nhìn thấy con đường mòn hiện ra dưới chân, chúng tôi đã mừng thì được biết: còn 3 cây số nữa mới ra đến đường số 6. Lúc này đã là 3 giờ sáng, đơn vị đi cuối cùng chưa đến kịp, chúng tôi được lệnh dừng lại tìm chỗ trú quân để đêm mai vượt.


*

17 giờ ngày 26-12-1951, chúng tôi xếp hàng ven suối chuẩn bị hành quân. Rút kinh nghiệm đêm qua, chúng tôi buộc dây vào thắt lưng của nhau để khỏi đứt liên lạc trong đêm tối. Chuyến đi đêm nay đỡ vất vả hơn.

Lệnh truyền xuống: "Trên đường đã bố trí xong, tất cả chuẩn bị vượt!". Chúng tôi thấy phấn khởi: phen này chắc ăn rồi, nước cũng lội, bùn cũng lội, cố đi cho nhanh.

Qua rừng đến ruộng, qua ruộng lại vào rừng. Đường số 6 bỗng hiện ra mờ mờ thành một vệt dài vắt ngang trước mặt. Chúng tôi thở phào khoan khoái. Trên đường, mấy chiến sĩ hiên ngang đứng gác, lưỡi lê cắm đầu súng. Mọi người nhanh chóng băng qua đường, không một tiếng động mạnh. Có tiếng thì thào: chỉ băng qua có 5 thước đường nhựa mà phải vất vả bấy lâu!

Qua đường, chúng tôi tụt xuống một cánh đồng cỏ mênh mông. Lội qua một con suối, leo lên một gò đất cao, chật vật mãi mới lên được, nhìn ra thì người trước đã đi xa, thế là lại cắm cổ đuổi theo. Đường không ra đường, người sau cứ bám theo người trước, nhiều lúc phải lội bì bõm. Đoàn quân dần dần đi vào một khu vực mà trước mặt và hai bên đều là rừng cây um tùm. Ngoảnh lại sau lưng thì một ngọn núi cao vút như muốn chặn nốt lối ra. Bì bõm một lúc đến sát chân đồi thì được lệnh trèo lên đồi và nghỉ lại. Trong đêm tối, người mệt nhoài, chúng tôi để nguyên đôi chân đầy bùn, ngả lưng trên sườn đồi dốc và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ngon lành.

NGUYỄN HỢP
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2022, 02:26:56 pm »


HAI LẦN ĐƯỢC GẦN BÁC


Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 88 ngày sinh của Bác, chúng tôi, những cán bộ học tại Học viện Quân sự cao cấp, được tổ chức đi thăm nơi ở và làm việc của Bác.

Ngồi dưới nhà sàn, được nghe đồng chí Vũ Kỳ kể lại nhiều mẩu chuyện về Bác, nhất là những lời căn dặn, khuyên bảo, những tình cảm yêu thương của Bác đối với cán bộ và chiến sĩ ta, tôi rất xúc động. Nỗi xúc động ấy càng tăng lên khi tôi đi lên cầu thang ngoài nhà sàn nhìn vào buồng làm việc và nơi nghỉ của Bác, thăm buồng Bác thường họp với Bộ Chính trị, ngắm cây vú sữa chính tay Bác trồng nay đã xum xuê đầy quả, đàn cá Bác hằng chăm sóc đang bơi lượn trong ao.

Cảnh vật ở đây sao yên tĩnh, giản dị mà rất thiêng liêng. Bác đã đi xa nhưng vẫn rất gần gũi với đàn con, từ khắp mọi miền đất nước về đây thăm Bác.

Hai kỷ niệm không thể nào quên lại trở lại trong tôi: đó là hai lần may mắn tôi được gần Bác trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ và vô cùng vẻ vang của dân tộc.

Năm ấy là năm 1949 - cách đây ba chục năm trời - tôi đang làm trưởng Tiểu ban Tuyên huấn của Trung đoàn 66 thì được cử đi học lớp huấn luyện về Cách mạng Việt Nam ở Trường Nguyễn Ái Quốc tại Căn cứ địa Việt Bắc.

Hôm đó, Bác đến thật đột ngột. Mới sáng tinh mơ, chúng tôi đang ngồi trên lán thì thấy vài ba người dưới chân đồi đi lên. Có người kêu to "Bác đến! Bác đến!". Chúng tôi chạy ùa ra vây quanh đón Bác. Bác cười, gật đầu chào chúng tôi rồi Bác đi thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, một vài chiếc lán.

Chúng tôi tập trung lên hội trường. Bác bước vào giữa tiếng vỗ tay chào đón Bác. Bác vẫy tay bảo mọi người ngồi xuống. Bác nói với chúng tôi về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, về công cuộc kháng chiến. Sau đó Bác đặt một câu hỏi: "Chú nào trả lời Bác xem trong công tác cách mạng công tác nào là quan trọng nhất?". Tôi giơ tay và đứng lên. Bác hỏi: "Cháu làm gì trong lớp?". Tôi trả lời: "Thưa Bác, cháu làm trực nhật ạ".

Bác cười, bảo: "Trực nhật chứ không phải trực khẩu". Cả lớp cười ầm lên, vui vẻ. Bác nói: "Cháu trả lời đi". Tôi thưa: "Thưa Bác, trong công tác cách mạng, quan trọng nhất là công tác giáo dục, tổ chức quần chúng ạ". Bác hỏi: "Thế trong công tác giáo dục quần chúng, cái gì quan trọng nhất?". Tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời: "Thưa Bác, quan trọng nhất là giáo dục tinh thần kháng chiến lâu dài gian khổ nhưng nhất định thắng lợi ạ". Tôi đang nghĩ rằng trả lời như vậy chắc đúng ý Bác thì Bác lại hỏi: "Thế trong giáo dục tinh thần kháng chiến thì điều gì là quan trọng nhất?". Tôi lúng túng quá, không biết trả lời ra sao đành thưa: "Thưa Bác, cháu xin chịu ạ". Bác cười rồi nói với mọi người: "Trong công tác cách mạng, quan trọng nhất là công tác bí mật".

Hai năm sau, năm 1951, tôi lại có một dịp nữa được gần Bác. Hồi đó, đại đoàn chúng tôi, Đại đoàn 304, được điều từ trong Khu 4 ra sau khi tiếp nhận vũ khí mới tạm dừng chân ở Tuyên Quang, chuẩn bị bước vào chiến dịch Trung du. Một hôm, tôi khi đó là phó ban Chính trị e.66 cùng một số anh em được Bộ Tư lệnh Đại đoàn giao cho một nhiệm vụ đặc biệt: tìm và chuẩn bị địa điểm để Bác gặp và nói chuyện với bộ đội.

Tôi rất mừng mà cũng rất lo. Điều Bác dạy lần trước thật sinh động: làm sao bảo đảm được tuyệt đối bí mật. Chúng tôi đã tìm được một địa điểm rất đẹp. Đó là một khoảng trống khá rộng đủ để tập hợp cả đại đoàn giữa một khu rừng rậm rạp lại xa đường cái, cách đường số 2 khoảng 5 km. Bữa cơm tối để Bác dùng đã được dọn ra. Anh Hải mà chúng tôi thường gọi đùa là Hải xồm đã có công đi tìm kiếm làm một bữa khá thịnh soạn (tất nhiên là đối với thời kỳ đó). Bác hỏi anh Hải: "Có phải trước đây cháu là chủ hiệu cao lâu không?". Chúng tôi cùng cười vì quả như vậy thật. Bác ngồi vào bàn và bảo chúng tôi cùng ngồi ăn. Bác ăn rất ít, gắp thức ăn cho chúng tôi và tươi cười nhìn chúng tôi ăn.

Dạo đó trời lạnh, đêm sương muối xuống dày và buốt. Chúng tôi dựng ở bìa rừng một gian nhà gianh nhỏ. Đúng là nhà gianh vì từ tường đến mái đếu lợp bằng cỏ gianh. Chúng tôi chặt cây, đẽo cành làm một chiếc giường con và một cái bàn. Làm xong tôi cứ băn khoăn mãi, tường gianh làm sao chống được lạnh, dát giường ghép bằng lá cây gồ ghề làm sao Bác ngủ yên. Chúng tôi bàn nhau dành bớt chăn lấy cái che tường và làm nệm.

Ngoài căn nhà gianh, chúng tôi dựng ngoài bãi một cái bục cao cũng bằng cây rừng để Bác đứng nói chuyện với bộ đội. Tối hôm đó, trong khi đồng chí Trần Văn Quang, chính ủy đại đoàn, và một số anh em chúng tôi đi ra bờ sông đón Bác thì bộ đội cũng được lệnh tập trung về trú quân tại các dải rừng xung quanh bãi trống.

Trong anh trăng mờ, một chiếc thuyền gỗ nhỏ đang xuôi dòng và dừng lại bên bờ. Bác ở dưới thuyền bước lên, một chiếc khăn mặt nâu che gọn bộ râu. Đồng chí Quang mời Bác lên ngựa và dẫn đường đưa Bác về nơi nghỉ. Vào nhà, Bác lại bên vách, chiếc giường con, Bác không bằng lòng, bảo chúng tôi: "Các chú dỡ chăn ra, đem cho bộ đội đắp". Chúng tôi chấp hành mà không dám nói gì thêm. Đêm, trời mưa to. Bên nhà gianh chợt có tiếng gọi: "Chú Quang đâu?". Đồng chí Quang dạ một tiếng và từ bên lán chạy vội sang, Bác bảo: "Chú đi xem bộ đội có bị ướt không?"

4 giờ chiều hôm sau, ngày 28-2-1951, đại đoàn được lệnh tập hợp tại khu bãi trống, bộ đội ngụy trang kín đáo. Sau khi mưa ngớt, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh mời Bác ra nói chuyện với bộ đội. Bác vừa ở trong rừng ra, cả đại đoàn đều không ngờ được điều sung sướng vô vàn đó, đã nhảy lên, vỗ tay reo mừng: "Bác! Bác! Bác ạ!". Bác vẫy tay cho bộ đội ngồi xuống và bước lên "diễn đàn".

Trong không gian lặng như tờ, giọng Bác vang lên ấm áp: "Hôm nay, không phải chỉ là Chủ tịch nước đến thăm bộ đội mà là cha đến thăm con, bác đến thăm cháu...".

Câu nói đượm tình thương yêu của Bác làm cho bộ đội lặng đi, nước mắt ứa ra vì cảm động. Anh em lại một lần nữa nhảy lên, vỗ tay, reo mừng.

Bác đã nói chuyện với chúng tôi về tình hình kháng chiến và nhiệm vụ của quân đội. Để kết thúc, Bác hỏi: "Các cháu có hứa với Bác quyết lập chiến công trong chiến dịch này không?". Cả đại đoàn vang lên câu trả lời: "Có ạ!"

Với mệnh lệnh của Bác trong tim, đại đoàn chúng tôi hành quân bước vào chiến dịch.

VŨ CHẤN
Nguyên phó trưởng Ban chính trị Trung đoàn
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:33:11 pm »


KÝ CON ƠI!

Thao trường dâng ngùn ngụt
Trăm ánh đuốc bập bùng
Ánh sao cờ phất gió réo từng không
Các anh về mang tên mùa gió mới
Sinh trong thời đại
Tô đẫm nét vàng son
Phải không Anh, người chiến sĩ Ký Con
Đất mẹ hiền muôn thuở tiếng danh thơm!
Tôi nhớ mãi:
Lửa Cô Tô xác giặc thù quằn quại
Vượt trùng dương mê mải bắt con tàu
Vòng vây thành Nam càng xiết càng sâu
Hồn sông Mã về đây hợp lại
Muôn mắt trừng trừng hồn nhiên đợi
Tiếng reo hò hòa ánh lửa đêm nay
Sức vô biên súc tích đã bao ngày

Đem về nhịp sống
Chinh chiến men say
Bước anh đi, thế hệ trẻ ngày mai!
Tôi chưa quên:
Văn Điển tường dày thắm máu son
Đồi Tranh thây giặc đè cỏ non
Hang Na tiếng vọng vang rừng núi.
Quang Sán - Đục Khê sử vẫn còn!
Tôi đang chép:
Lửa Đồng Bến máu thù ngời ánh thép
Gươm cao vung đêm kiêu hùng Mường Riệc
Lê Xá tan tành rung động thành Nam
Ký Con ơi! Muôn đời tiếng Anh vang!


CHU MAI NIỆM
(Đăng báo Quân Ký Con số đầu năm 1950)

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:35:31 pm »


CHIẾN DỊCH HÒA BÌNH (1951-1952)

Khí thiêng hun đúc lộ Đà Giang!
Quét sạch quân thù, lũ sói lang
Giặc Pháp ngông cuồng, gieo tội ác!
Để xem lũ quỉ, mấy buồng gan?

Đồi Mè ta chặn lại
Máng nước ta khuýp đuôi
Quân thù đâm hoảng loạn
Khỏi lửa cháy ngút trời

Tỉnh lại, địch đối phó
Gò É, ta tung hỏa
Chớp thời cơ thuận lợi
Lê - Nguyễn liền xông ra.

Múa lê, tung thủ pháo
Giặc Pháp bị tan thây
Âm thanh tựa sâm chớp
Trận đánh thật là hay!

Ba tư xe tan xác
Hòa Bình, địch ngơ ngác
Điện tín xin rút quân
Đờ-lát buộc lên gân.

Phải giữ nguyên tại chỗ
Tình thế không thể dừng
Để cho quân thoát chết
Chúng đánh bài luồn rừng.

Hoan hô 66, thật anh hùng!
Xe giặc, 34 chiếc nổ tung
Đường 6 Đồi Mè, tan xác giặc
Hoàng Dương, Lê Lợi lập kỳ công!

Lính chủ lực xứng danh chủ lực
Chư Pông tao ngộ, lại anh hùng.
Bám lưng dù Mỹ, kêu bò rống
Trọn niềm tin, con cháu Lạc Hồng.

Viếng tượng đài Đồi Mè
(Mông Hóa), 27-7-1999
TRẦN QUANG THƯỜNG
Nguyên trung đoàn phó
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:41:56 pm »


TẶNG THỤC
Người liên lạc mũi chủ công bị thương trong trận Đồng Bến (25-11-1949)


                                          Thân anh rách nát
                                          Quấn trong tấm chăn
                                          Ấm tình đồng đội
                                          Anh có nghe không
                                          Tiếng kèn xung phong
                                          Lẫn lời anh gọi
                                          Xung phong xung phong
                                          Đồng Bến diệt xong
                                          Anh nằm cửa mở
                                          Tim anh nức nở
                                          Nụ cười như hoa
                                          Liên lạc nhà ta
                                          Chẳng thua ai cả
                                          Anh lập công đầu
                                          Mến thương anh Thục
                                          Noi gương anh Thục.

TRẦN VIẾT HIỂN
Thư ký Tiểu đoàn Lê Lợi
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:44:13 pm »


TÌM BẠN
Kính dâng hương hồn đồng chí Toa

Tháng năm chinh chiến xa rồi.
Nghĩa tình sâu nặng, trọn đời chưa quên
Thương nhớ anh, phải đi tìm
Đường vào Suối Đất đường lên đỉnh ngàn.
Đến đây lòng những lan man.
Anh nằm đây giữa bạt ngàn rừng xanh
Nhớ khi tìm chỗ gửi anh
Một vùng bom đạn mênh mông đỏ trời
Gốc cây mộ chí ghi rồi
Mà nay bát ngát núi đồi non tơ
Ngậm ngùi giữa cảnh bơ vơ
Rừng xanh như cũng ngẩn ngơ lòng người.
Tôi tìm đồng đội hỡi ơi.
Có nghe tiếng vọng ngân dài thinh không

Đường số 6 xác xe tăng
Sắt còn hoen gỉ nữa mong chi người
Nắng mưa, vật đổi sao dời
Lãng quên chịu nỗi đau đời còn ghi
Chẳng vô tình cũng vô tri
Tiếc thương nhau có được gì nữa đâu
Anh vì tổ quốc cao sâu
Nay về với đất thành màu non xanh
Đồng đội mãi mãi nhớ anh
Ở vùng Hang Nước rừng xanh Hòa Bình.

NGUYỄN ĐỨC GIÁ
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2022, 02:48:58 pm »


BÊN DÒNG SUỐI

Hôm ấy cùng đi với bạn đường.
Tôi bỗng thấy lòng gợn vấn vương:
Có nàng thiếu nữ bên dòng suối,
Tóc búi, đầu bồng, dáng yêu thương.

Nhìn đoàn Vệ quốc đang trèo leo,
Chắc nàng thầm nghĩ tới người yêu:
Đang ở nơi xa, cùng cảnh ấy,
Hẳn nàng thương nhớ biết bao nhiêu.

Giơ tay, nàng vớt nước trong veo,
Nhưng mắt vẫn không quên nhìn theo:
Bóng người Vệ quốc dần xa khuất,
Để lại bên nàng tiếng suối reo.

Nhìn cảnh nên thơ, bạn tôi cười:
"Rừng xanh, má phấn", viết đi thôi.
Đôi dòng nhật ký đầy thơ mộng,
Gọi là kỷ niệm tháng ngày trôi.


NGUYỄN HỢP
25-11-1949, tại làng Hồi
(Lương Sơn, Hòa Bình)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM