Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:14:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 66 - 55 năm một chặng đường vẻ vang  (Đọc 2303 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 16 Tháng Mười, 2022, 07:59:04 am »


Tên sách: Trung đoàn 66 - 55 năm một chặng đường vẻ vang
Nhà xuất bản: Hà Nội
Năm xuất bản: 2002
Số hoá: ptlinh, chuongxedap




BAN LIÊN LẠC
BẠN CHIẾN ĐẤU TRUNG ĐOÀN 66 KHU VỰC HÀ NỘI



TRUNG ĐOÀN 66
55 NĂM
MỘT CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG

(Hồi ký thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp)








NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI - 2002

 





Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 khu vực Hà Nội xin chân thành cảm ơn:

-   Lãnh đạo Thành phố Hà Nội
-   Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam
-   Văn phòng Liên hiệp Đường sắt Việt Nam
-   Các cựu chiến binh Trung đoàn 66 khu vực Thành phố Hồ Chí Minh
-   Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 và Trung đoàn 66, Sư đoàn 10
-   Nhà xuất bản Hà Nội

đã động viên và giúp đỡ chúng tôi hoàn thành cuốn sách này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2022, 08:03:01 am »


LỜI GIỚI THIỆU

Truyền thống là hun đúc từ mồ hôi xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Nó nói lên tinh thần đoàn kết keo sơn, chiến đấu dũng cảm, quật cường bất khuất của dân tộc ta, là dòng máu truyền lại từ đời này sang đời khác; là mạch nguồn vô tận, thấm vào máu thịt của mọi người. Nói lại những điều hay đẹp đó là rất cần thiết, để mọi người rút kinh nghiệm, học tập và động viên tinh thần trong cuộc sống và chiến đấu. Các thế hệ kế tiếp cần noi theo gương sáng của các thế hệ đi trước, để kế tục cha anh bồi đắp, làm giàu thêm truyền thống quý báu của dân tộc.

Phẩm giá Việt Nam, bản sắc Việt Nam, văn hỏa Việt Nam thể hiện bằng những hành động cao đẹp của con người được lưu truyền mãi, chính là do các cuốn hồi ký, các cuốn tiểu thuyết, các sách lý luận xây dựng nên.

Tôi rất hoan nghênh các đồng chí cựu chiến binh Trung đoàn 66 đã viết cuốn hồi ký này. Các đồng chí đã kể lại một cách sinh động cuộc sống chiến đấu, công tác đẩy gian khổ ác liệt với tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết chiến quyết thắng để chiến thắng kẻ thù.

Cảm ơn các đồng chí và chúc cuốn sách này sẽ được bạn đọc hoan nghênh.


Thượng tướng, Giáo sư Nhà giáo Nhân dân
HOÀNG MINH THẢO
(Nguyên đại đoàn trưởng Đại đoàn 304)


 



LỜI NÓI ĐẦU

Trung đoàn 66 - Sư đoàn 304, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, đã lập nên bao chiến công oanh liệt. Trung đoàn đã được tặng thưởng danh hiệu cao quý "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Lớp cán bộ, chiến sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp người trẻ nhất giờ cũng đã ở tuổi "cổ lai hi". Mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng với tình cảm sâu đậm với trung đoàn và đồng đội, nhiều đồng chí đã ghi lại những gì còn nhớ được trong những năm tháng gian khổ và hào hùng này. Nhiều đồng chí hết sức nhiệt tình, viết 4-5 bài. Nhiều bài được viết từ 3 - 4 năm trước, có bài được viết từ hồi kháng chiến ngay khi sự việc vừa diễn ra. Nhiều trận chiến đấu, nhiều kỷ niệm trên nhiều lĩnh vực đã được kể lại. Đây là những hồi ức và cảm nhận của những người trong cuộc cho nên có thể nói là sinh động và chân thực.

Tuy nhiên số đồng chí viết bài chưa nhiều. Số bài viết cũng còn ít nên chưa phản ảnh được bao nhiêu các hoạt động, thành tích và chiến công của trung đoàn.

Trân trọng với những bài viết đã nhận được, đồng thời thể theo nguyện vọng của nhiều lão chiến sĩ của trung đoàn, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của trung đoàn (20/3/1947 - 20/3/2002) Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 66 khu vực Hà Nội cho xuất bản cuốn hồi ký "Trung đoàn 66, 55 năm một chặng đường vẻ vang" (thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp). Bên cạnh cuốn "Lịch sử Trung đoàn 66" của trung đoàn, hy vọng cuốn sách này đáp ứng phần nào tình cảm và mong đợi của bạn đọc. Cũng mong rằng các đồng chí chưa có bài viết, các đồng chí thuộc Trung đoàn 66 chiến đấu trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước gửi bài viết cho chúng tôi để cuốn hồi ký tập II có thể ra mắt bạn đọc.

Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí đã gửi bài, cung cấp tài liệu, cổ vũ và giúp đỡ để cuốn sách này được xuất bản. Mặc dù đã cố gắng nhưng trong quá trình biên soạn không tránh khỏi sai sót, rất mong được bạn đọc, nhất là các lão chiến sĩ Trung đoàn 66 cho những ý kiến bổ khuyết.


Ban biên soạn
VŨ CHẤN - NGUYỄN HIỂN
THANH TÙNG - PHÚC TRẠCH
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2022, 08:05:18 am »


TRUNG ĐOÀN CHÚNG TA TRUNG ĐOÀN 66 ANH HÙNG


Nói đến Trung đoàn 66, không thể không nhắc đến 2 đơn vị tiền thân của trung đoàn là Trung đoàn 35 và Trung đoàn 37, những trung đoàn với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", đã anh dũng chiến đấu trong lòng Hà Nội, với những trận đánh ác liệt ở Ô Cầu Dền, Nhà thương Vọng, Việt Nam học xá, Vĩnh Tuy, Yên Phụ, Cầu Giấy...

Sau khi rút khỏi Thủ đô, ngày 20-3-1947, Trung đoàn 37 tiến công địch giữa ban ngày tại thị xã Hà Đông, sau đó cùng với Trung đoàn 35 hợp thành Trung đoàn 66, trung đoàn chủ lực của Liên khu 3.

Trung đoàn trưởng đầu tiên là đồng chí Phùng Thế Tài, chính ủy là đồng chí Trương Công Cẩn.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, Trung đoàn 66, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được sự chăm sóc, nuôi dưỡng, thương yêu đùm bọc của nhân dân các dân tộc, đã ngày một trưởng thành và góp phần vào những chiến công vang dội của Quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến, bách thắng. Trung đoàn đã chiến đấu từ đồng bằng cho đến rừng núi, chủ yếu là ở các tỉnh Hà Tây, Hòa bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và hai lần sang chiến đấu cùng với bộ đội Pathet Lào tại đất nước bạn. Trung đoàn đã chiến đấu từ độc lập từng tiểu đoàn đến chiến đấu toàn trung đoàn rồi chiến đấu trong đội hình Đại đoàn 304 với nhiệm vụ là trung đoàn chủ công, phối hợp chiến đấu với các đơn vị bạn và lực lượng vũ trang nhân dân các địa phương. Trong kháng chiến chống Pháp, trung đoàn đã tham gia tất cả 9 chiến dịch lớn của quân đội ta, khi ở hướng chính, khi ở hướng phối hợp. Trung đoàn đã vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo tất cả các hình thức chiến thuật từ tập kích, phục kích, kỳ tập, cường tập đến vận động tiến công, đánh công kiên, từ đánh đêm đến đánh ngày dưới phi pháo địch, từ chiến đấu bằng vũ khí thuộc trang bị trung đoàn đến chiến đấu phối hợp với pháo, cối của cấp trên. Qua các chiến dịch, trung đoàn đã lập nên nhiều chiến công, có chiến công mang ý nghĩa lớn về mặt chiến thuật hoặc chiến dịch.

Trong thời kỳ trung đoàn chiến đấu độc lập, phần lớn là sử dụng lực lượng từng tiểu đoàn trong một trận, có thể kể đến một số trận tiêu biểu như: Trận đánh địch lấn chiếm, bảo vệ vùng căn cứ tại Đồi Hà, Vài, Sải (Mỹ Đức - Hà Tây); trận tiêu diệt đồn Mường Riệc (Hòa Bình), là trận chiến thắng đầu tiên bằng chiến thuật kỳ tập trên chiến trường rừng núi của Liên khu 3 và cũng là trận mở đầu truyền thống tiêu diệt gọn của trung đoàn, trận tiêu diệt đồn Đồng Bến (Kỳ Sơn - Hòa Bình), là trận đánh đấu tiên bằng chiến thuật cường tập, dùng hỏa công, tiêu diệt gọn một đại đội địch trong công sự vững chắc; trận Gò Bùi (Lương Sơn - Hòa Bình); trận Lê Xá, là trận cường tập tiêu diệt một đại đội địch ngay rìa thị xã Nam Định; trận Hoàng Dương - Tử Dương (Ứng Hòa - Hà Tây) là một trận vận động tiến công giữa ban ngày ở đồng bằng dưới phi pháo địch, tiêu diệt gọn một đại đội Âu Phi mạnh, bắt tù binh thu toàn bộ vũ khí. Trong đợt hành quân lên Việt Bắc tiếp nhận vũ khí mới, ngày 28-2-1951, một vinh dự lớn đến với Trung đoàn và Đại đoàn 304 là được Bác Hồ kính yêu, vị cha già dân tộc, người khai sinh ra QĐND Việt Nam anh hùng, đến thăm và nói chuyện tại một khu rừng cách đường số 2 (Tuyên Quang) 5 km. Câu nói mở đầu của Bác làm mọi người rơm rớm nước mắt. Bác nói: "Hôm nay, không phải chỉ là Chủ tịch nước đến thăm bộ đội mà là cha đến thăm con, bác đến thăm cháu..." Câu nói đầy ân tình của Bác đã động viên trung đoàn ta vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, anh dũng kiên cường, chiến đấu lập công, không phụ lòng tin yêu của Bác.

Trong thời kỳ chiến đấu trong đội hình đại đoàn, có thể kể đến các trận như: Tiêu diệt 2 đồn Chùa Dầu, Yên Vệ trong một đêm, hôm sau đánh một trận vận động ban ngày ở Đò Lá và phục kích đánh đắm nhiều ca nô chở quân của địch tại ngã ba Thông sông Đáy (Ninh Bình) trận phục kích tiêu diệt 34 xe tại Cầu Mè trên đường số 6, mở đầu cho chiến dịch Hòa Bình, các trận Hói Đào, Hồi Trung, Giang Nại, vừa đánh điểm vừa diệt viện, trận thọc sâu vào thị trấn Phát Diệm tấn công tiêu diệt một bộ phận tiểu đoàn Âu Phi đang đi càn quét tại Yên Bình, trận đầu tiên đánh địch không có chuẩn bị trước; trận tiêu diệt đồn Chùa Cao (Ninh Bình) bằng chiến thuật công kiên, xóa sổ một đại đội lê dương tinh nhuệ và một trung đội ngụy trong công sự boong ke mà kẻ địch đã tuyên bố là "bất khả xâm phạm"... Trong 2 lần sang chiến đấu tại Lào, có các trận: tiêu diệt đồn Noọng Hét sau đó phát triển tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh Xiêng Khoảng (Thượng Lào), trận truy kích địch từ Banaphào rút chạy sau đó tấn công ngay đồn Pà Cuội, với lực lượng ít hơn địch, tiêu diệt và bắt sống 1 tiểu đoàn mạnh cả lính Âu Phi và ngụy, một trận đánh táo bạo, gan dạ, mưu trí, lấy ít thắng nhiều; trận Hìn Sìu (Trung Lào) diệt gần hết 1 tiểu đoàn dù ngụy người Việt do sĩ quan Pháp chỉ huy; trận phục kích trên đường số 9 tiêu diệt 2 đại đội, phá hủy 48 xe, bắt sống tù binh thuộc binh đoàn cơ động ngụy Khơme do sĩ quan Pháp chỉ huy; tiêu diệt cứ điểm Mường Phin, sau đó tiến xuống Hạ Lào, tiêu diệt cứ điểm Lào Ngăm. Chiến dịch phát triển thắng lợi, giải phóng hàng vạn ki-lô-mét vuông, chỉ với ba trung đoàn (e66, e101 và e18) cùng bộ đội tình nguyện và bộ đội Pathet Lào, đã buộc địch phải điều một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược ở Việt Nam sang ứng cứu, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Kết thúc chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 trung đoàn vinh dự nhận cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của Hồ Chủ tịch.

Qua 9 năm kháng chiến, trung đoàn đã xây dựng nên truyền thống tốt đẹp: chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, trên dưới một lòng sáng tạo linh hoạt, dũng cảm chiến đấu, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, hoàn thành nhiệm vụ.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hòa bình được lập lại trên miền Bắc nước ta. Trong 10 năm củng cố lực lượng, xây dựng đơn vị, Trung đoàn 66 đã có những bước trưởng thành, sẵn sàng lên đường chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn 66 đã phát triển thành 2 trung đoàn: 66A và 66B. Ngày 20-8-1965, Trung đoàn 66A vào Nam chiến đấu lập chiến công đầu tiên lẫy lừng ở Tây Nguyên, về sau nằm trong đội hình Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Năm 1967, Trung đoàn 66B trong đội hình Sư đoàn 304 lên đường vào Mặt trận Khe Sanh, sau sáp nhập vào Quân đoàn 2. Trước một kẻ địch đông hơn về số lượng, mạnh gấp nhiều lần về vũ khí, trang bị kỹ thuật, truyền thống trung đoàn được giữ vững và phát triển lên một trình độ cao hơn, lập nên những chiến công oanh liệt hơn, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Có thể kể một số chiến công tiêu biểu của 2 Trung đoàn 66 như sau. Đó là một loạt trận tấn công vào Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ đổ bộ xuống la đrăng - Chư Pông (Plâyme) diệt gọn 1 tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn khác, trở thành một trong những lá cờ đầu tiên diệt tiểu đoàn quân Mỹ. Là các trận tập kích Động Cô Tiên tiêu diệt hơn 1 tiểu đoàn địch, trận Bản Đông cùng với một trung đoàn bạn và một đại đội xe tăng diệt một tiểu đoàn và lữ đoàn bộ dù ngụy, trận Động Toàn, một trận chiến đấu quyết liệt diễn ra hai ngày, hai đêm, cuối cùng làm chủ điểm cao mà địch mệnh danh là "con mắt thần" của chúng; trận Mai Lộc diệt 300 tên bắt sống 96 tên trong chiến dịch Quảng Trị; trận tấn công tiêu diệt chi khu quân sự Thượng Đức mà kẻ địch coi là "cánh cửa thép của Quảng Nam - Đà Nẵng" là một đòn mạnh mẽ giáng vào kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" của ngụy quyền Sài Gòn sau hiệp định Paris. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với tinh thần "thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng" trung đoàn trong đội hình sư đoàn và quân đoàn đã tham gia giải phóng các thành phố Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, sau đó được lệnh tách khỏi đội hình đánh chiếm thị xã Hàm Tân, tiêu diệt và làm tan rã 5.000 quân địch co cụm tại đây.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 66A từ Tây Nguyên đánh xuống chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy; Trung đoàn 66B là lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 cùng với Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 203 đã tấn công vào "Dinh Độc Lập" ngụy buộc chính phủ bù nhìn Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.

Qua hai cuộc kháng chiến, 2 Trung đoàn 66 được trao tặng nhiều huân chương quân công và ba lần phong danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Vinh dự đó, mỗi chúng ta đều cảm thấy tự hào đã đóng góp một phần nhỏ nhưng cũng nhận thức rằng vinh quang đó trước hết thuộc về Đảng tiền phong lãnh đạo, về nhân dân ta anh hùng, thuộc về các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

BAN LIÊN LẠC
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2022, 08:16:00 am »


TIỂU ĐOÀN 64 SƠN TÂY


Tiểu đoàn 64 (sau này đổi tên là Tiểu đoàn 171) thuộc Trung đoàn 37 của tỉnh Sơn Tây được thành lập ngày 15-1-1946 ở trong thành Sơn Tây.

Đây là một trong những đơn vị vũ trang đầu tiên của Khu 2. Cán bộ và chiến sĩ của tiểu đoàn lúc đầu là những thanh niên ở Hà Đông và Sơn Tây, sau này được bổ sung thêm nhiều chiến sĩ người Hà Nội.

Ban chỉ huy tiểu đoàn gồm có: tiểu đoàn trưởng Quốc Linh, chính trị viên Nguyễn Văn Dụ, tiểu đoàn phó Mạnh Quân.

Nhiệm vụ chính của tiểu đoàn là luyện tập quân sự, bảo vệ chính quyền tỉnh và xây dựng lực lượng dân quân.

Tháng 4 năm 1946, theo lệnh trên, tiểu đoàn hành quân về đóng tại huyện Phúc Thọ, đề phòng bọn Quốc dân Đảng từ Vĩnh Yên tràn sang. Lúc này, tiểu đoàn gồm có 2 đại đội:

- Đại đội 55 đóng quân từ Kiều Trung, Kỳ Úc về đến Cầu Phùng. Ban chỉ huy đại đội gồm có: đại đội trưởng Nguyễn Trọng Quỳnh, chính trị viên Nguyễn Đức Phương.

- Đại đội 68 đóng quân ở ven đê sông Hồng về đến Hát Môn. Ban chỉ huy đại đội gồm có: đại đội trưởng Lê Bính, chính trị viên Mạnh Lân, đại đội phó Chu Hữu Cần.

- Ngoài ra, còn có bộ phận chuyên làm công tác huấn luyện tân binh do các đồng chí Hồng Quân và Quốc Cường (nguyên là 2 cán bộ tác chiến của tiểu đoàn) phụ trách.

Sau Tạm ước 14/9/1946, tiểu đoàn được lệnh chuyển dịch về gần Hà Nội, đóng dọc theo đường Sơn Tây - Hà Nội. Nhiệm vụ của tiểu đoàn lúc này rất khẩn trương: tuyển mộ thêm tân binh, huấn luyện gấp rút về quân sự, mặt khác phối hợp với dân quân phá đường, đào công sự hình chữ Z trên chặng đường dài 20 km suốt từ cầu Phùng về thị xã Sơn Tây, đề phòng địch từ Hà Nội đánh lên.

Trung đội cảm tử của tiểu đoàn do đồng chí Mai Hiền và Mạnh Chung (người Nhật) phụ trách. Đêm 25/12 trung đoàn được lệnh diệt xe tăng địch đang chốt giữ tại khu vực Cây Si (ngã ba Kim Liên - đường số 1). Cảm tử quân Lý Đàm Nghiêm đã diệt tại chỗ 1 xe tăng.

Để thống nhất việc chỉ huy các lực lượng đang tham gia chiến đấu trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị tự vệ của các khu phố được chuyển thành các đơn vị Vệ quốc quân. Tiểu đoàn 64 được tiếp nhận 4 trung đội tự vệ của Liên khu 2 Hà Nội, hợp thành một đại đội Vệ quốc quân mang số hiệu là Đại đội 4.

Ban chỉ huy đại đội lúc này gồm có: đại đội trưởng Hồng Quân (tên thật là Đỗ Viết Hưởng), chính trị viên Mạnh Lân.

Ngoài ra, tiểu đoàn còn có một trung đội hậu cần gồm hơn hai chục nữ tự vệ và một số em thiếu niên xung phong làm nhiệm vụ tiếp tế, cứu thương, liên lạc...

Ngày 09-01-1947, Đại đội 4 và trung đội hậu cần bắt đầu hành quân về đóng tập trung trong khu vực Nhà thương Vọng.

Ngày 15-01-1947, một trận chiến đấu ác liệt giữa Tiểu đoàn 64 có sự phối hợp của đại Đội 157, Tiểu đoàn 56 Hà Đông và quân Pháp đã diễn ra ở phía tây nam Hà Nội, mà trọng điểm là Nhà thương Vọng.

5 giờ sáng ngày 15/01/1947, súng nổ dữ dội ở hướng đông bắc. Đạn pháo và hỏa lực bắn thẳng của địch (đại liên, trọng liên 12 ly 7) bắn mạnh về phía Nhà thương Vọng.

6 giờ, một đoàn cơ giới của địch từ nhà Ga, nhà Dầu Sen theo đường số 1 tiến xuống, dẫn đầu là 2 xe tăng, theo sau là xe bọc thép và cơ giới chở bộ binh. Hai khẩu đại liên của ta (Hốt kít và Mắc xim) nhả đạn xối xả vào đội hình địch làm cho nhiều xe cơ giới phải dừng lại. Đạn pháo các cỡ của địch lại dồn dập rót vào trận địa của tiểu đoàn.

Khoảng 9 giờ sáng, địch cho một cánh quân gồm bộ binh và cơ giới có xe tăng yểm hộ, từ Phà Đen Vĩnh Tuy tiến qua Ngã tư Trung Hiền vào đường Đại La. Tổ bom ba càng của trung đội cảm tử đã phá được 1 xe tăng. Cùng lúc này, máy bay địch quần đảo trên khu vực Nhà thương Vọng, thả lựu đạn và bom 25 kg xuống trận địa của ta.

Từ hướng bắc, quân địch vẫn tiến xuống, nhưng tiến rất chậm, vừa đi vừa dò mìn. Khoảng 10 giờ sáng, khẩu đại liên của ta ở phía bắc bị trúng đạn pháo, cong nòng gãy chân, khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Đa bị thương, phải rút về phía sau. Lợi dụng lúc này, xe tăng địch áp sát, húc đổ tường góc phía bắc nhưng bị trúng lựu đạn, đứt xích, nằm chắn luôn lối vào.

Quân địch còn mở tiếp nhiều đợt tấn công nhưng đều bị đánh bật ra, thương vong khá nhiều, bỏ lại nhiều xe bị bắn hỏng.

Bên ta cũng có nhiều thương vong. Tổ tiền tiêu phía bắc (ở lò gạch) bị trúng đạn pháo của địch, toàn tổ hy sinh, trong đó có chính trị viên trung đội Hoàng Tường Chi.

Vào khoảng 13 giờ, địch lại mở đợt tấn công mới từ cả hai hướng bắc và đông.

Cánh quân địch từ Ngã tư Trung Hiền tiến vào đường Đại La từ buổi sáng đã chiếm được ga Vọng vào hồi 15 giờ và khống chế đường Tàu Bay.

Một cánh quân khác của địch từ Kim Liên - Trung Tự tiến về phía Sân bay Bạch Mai và chiếm được sân bay lúc 18 giờ.

Cánh quân địch ở phía đường 1 có 3 xe tăng cùng lính bộ binh Âu Phi và bọn Việt gian thổ phỉ mặc toàn đồ đen. Một xe tăng húc đổ cổng chính, một xe tăng khác húc đổ tường góc phía nam. Lính địch vào được trong sân trước nhà tiền sảnh nhưng bị quân ta từ trong bắn ra và bị lựu đạn từ trên gác cao thả xuống. Địch cố tiến vào, ta cố đánh bật chúng ra. Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Dụ bị thương, chính trị viên đại đội Mạnh Lân, 2 trung đội trưởng Vũ Bạch Liên và Nguyễn Duy Ứng cùng một số chiến sĩ hy sinh.

Đến 16 giờ, địch đã hình thành thế bao vây cả 3 mặt, chỉ còn mặt tây nam là trống. Trước tình hình đó, tiểu đoàn trưởng Quốc Linh ra lệnh cho bộ đội rút về tuyến sau. Quân ta trong tầng hầm và trên tầng cao tòa nhà chính-được lệnh đồng loạt tiến công địch. Bị bất ngờ, lính địch hoảng loạn nấp vào hào giao thông và sau xe bọc thép. Quân ta tranh thủ rút ra ngoài theo hướng đã định. Một số người còn bị kẹt trong tầng hầm của bệnh viện, mãi đến đêm mới rút ra được. Nơi tập kết của tiểu đoàn là làng Huỳnh Cung (huyện Thanh Trì). Trong lúc này, Đại đội 55 đóng ở Việt Nam học xá vẫn bị bao vây.

Sau khi chiếm được Nhà thương Vọng, ngày hôm sau địch bắt đầu tấn công vào Việt Nam học xá từ hai phía: Đê La Thành xuống và từ Chợ Mơ sang. Nhưng lính địch chỉ vào đến cách nhà A và nhà B chừng 100 m thì phải dừng lại vì khoảng cách này là bãi trống, hỏa lực của ta bắn mạnh. Đại đội 55 được trang bị một đại liên Nhật, 2 trung liên, 1 cối 60 ly và một số tạc đạn 56 ly. 3 khẩu súng máy của ta đặt ở tầng hầm sát với bãi trống bắn liên tục làm cho lính địch không dám tiến lên. Xe tăng địch tiến vào thì bị tạc đạn 56 ly từ trên nóc nhà ném xuống. Địch tấn công trong 2 ngày đều bị ta đánh trả mãnh liệt. Không tiến vào được, địch dùng pháo bắn vào các nhà có quân ta đóng, làm sập các cầu thang. Đến 4 giờ chiều ngày thứ hai thì địch rút. Trong mấy ngày trước đó, dân quân du kích và một số bà con dân phố chưa đi tản cư ở phía Phố Huế và khu Bạch Mai đều dồn vào khu Việt Nam học xá, tổng cộng hơn 1.000 người. Đại đội 55 phải sử dụng số gạo dự trữ của đại đội để nấu cơm cho mọi người ăn trong 2 ngày và tổ chức cho họ rút khỏi khu vực Việt Nam học xá. Sau đó, Đại đội 55 cũng nhận được lệnh rút ra ngoài theo hướng Đầm Sét – Thế là sau 4 ngày trụ ở khu Việt Nam học xá, có 4 đồng chí hy sinh và 3 người bị thương, Đại đội 55 về tập kết ở làng Đại Từ.

Sau khi chiếm được Nhà thương Vọng, địch cho quân tiến sang đánh chiếm trận địa của Đại đội 157 ở Ngã Tư Sở. Đại đội 157 được lệnh rút về Huỳnh Cung, bắt đầu chính thức thuộc biên chế của Tiểu đoàn 64.

Toàn tiểu đoàn đóng quân ở Huỳnh Cung để nghỉ ngơi, chấn chỉnh đội ngũ, bổ sung quân số và đón Tết âm lịch. Chiều mồng 2 tết (23-01-1947), toàn tiểu đoàn hành quân lên phía bắc Hà Nội (vùng Bồng Lai, Bá Dương, Tây Tựu).

Sau khi chiếm được Nhà thương Vọng và Ngã Tư Sở, địch đánh chiếm thị xã Hà Đông rồi tiến về Mai Lĩnh để bảo vệ cho thị xã Hà Đông.

Không để cho địch tự do tiến quân, các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 64 đã quấy rối, tiêu hao quân địch: Đại đội 157 ở vùng tây nam ngoại thành Hà Nội, Đại đội 68 ở vùng Sấu Giá, Đại Đồng, Đại đội 55 tấn công đột kích vào làng cổ Nhuế.

Sau khi quân Pháp chiếm được thị xã Hà Đông và Mai Lĩnh, tướng Bô-la-éc (Cao ủy Đông Dương) ra lệnh tổ chức một cuộc gặp mặt dân chúng ở sân vận động Hà Đông, với ý đồ phô trương thanh thế và tuyên truyền kết quả công cuộc bình định của quân đội Pháp. Để phá ý đồ nham hiểm đó, mờ sáng 20-03-1947 quân ta tổ chức một cuộc tập kích vào thị xã Hà Đông. Tiểu đoàn 64 được giao nhiệm vụ tổ chức 2 mũi tấn công: một mũi do Đại đội 157 phụ trách đánh vào khu vực đầu cầu trên đường số 6 từ Hà Nội vào, một mũi do Đại đội 68 phụ trách từ Tây Mỗ đánh vào thị xã. Còn Đại đội 55 thì án ngữ tại Ba La Bông Đỏ, và có tác chiến tại vùng Thạch Bích (Thanh Oai).

Kết quả trận đánh vào thị xã Hà Đông: quân ta không tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, nhưng đã thắng lợi lớn về mặt chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2022, 08:16:59 am »


*

*         *

Theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, lực lượng chiến đấu của Khu 2 được chấn chỉnh lại. Trung đoàn 37 và Trung đoàn 35 được sáp nhập thành một trung đoàn chủ lực mới, mang số hiệu Trung đoàn 37 do đồng chí Phùng Thế Tài làm trung đoàn trưởng.

Ngày 16-05-1947, theo mệnh lệnh của Tổng chỉ huy, Trung đoàn 37 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 66.

Tiểu đoàn 64 là một tiểu đoàn mạnh nằm trong đội hình Trung đoàn 66. Đầu tháng 4-1947, Tiểu đoàn 64 được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến tả ngạn Sông Đà đánh quân địch nhảy dù ở Ba Vành, gần thị xã Hòa Bình. Sau khi nhảy dù xuống Ba Vành, địch đánh lấn ra vùng lân cận. Đại đội 68 đã vượt sông Đà, chặn đánh địch ở Xóm Máy, đầu làng Thịnh Lang, quân địch phải rút, Đại đội 68 lấy được một khẩu súng máy đầu bạc. Bị tấn công liên tục, địch phải rút quân theo đường thủy qua Đồng Luận, Núi Chẹ, co về khu vực chiếm đóng của chúng ở đông nam Sơn Tây. Đại đội 68 lại có một trận đánh địch bất ngờ tại vùng Dốc Lễ.

Bắt đầu đóng quân và chiến đấu ở vùng rừng núi, những người lính con em thủ đô và Hà Đông, Sơn Tây cũng bắt đầu làm quen với "nước suối, nhà sàn", với cảnh "trâu gõ mõ, chó leo thang" và biết được thế nào là bệnh sốt rét. Ăn uống kham khổ thuốc men thiếu thốn, nhiều chiến sĩ đã chết sau những cơn sốt rét ác tính. Những anh em bị sốt rét phải chia nhau từng viên ki-na-krin. Về sau, nhờ kinh nghiệm của nhân dân, đồng chí Cư y tá trưởng phụ trách quân y của tiểu đoàn đã dẫn anh em bộ đội vào rừng lấy cây canh-ki-na về giã ra lấy bột hòa với nước cho người ốm uống để chữa bệnh sốt rét.

Từ ngày 11-07-1947 theo điện của Bộ Tổng chỉ huy, Tiểu đoàn 64 được đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 171.

Cuối tháng 8-1947, địch mở cuộc tấn công lên Trung Hà và theo đường thủy lên đánh chiếm Tu Vũ. Tiểu đoàn 171 cùng các đơn vị bạn đánh địch ở Hưng Hóa, buộc địch phải rút khỏi Trung Hà. Sau đó, tiểu đoàn về đóng quân ở vùng Bất Bạt (Sơn Tây).

Tháng 10-1947, địch mở cuộc tấn công đại quy mô lên chiến khu Việt Bắc nhằm tiêu diệt tận gốc lực lượng đầu não kháng chiến của quân và dân ta. Địch mở một mũi tiến công nghi binh để kìm giữ lực lượng ta ở Sơn Tây. Lúc này, toàn tiểu đoàn đang luyện quân ở vùng Bất Bạt, được lệnh hỏa tốc hành quân về vùng Lễ Khê để ngăn chặn địch. Bị quân ta đánh mạnh ở Lễ Khê, quân địch phải quay sang phía Mía (Quảng Oai) rồi tiến lên chiếm Trung Hà để bảo vệ cho cánh quân đường thủy đánh lên sông Lô. Theo yêu cầu của chính quyền ta ở địa phương Trung Hà, tiểu đoàn đã chặn địch không cho đổ bộ lên bờ, và yểm hộ cho dân kịp thời chuyển được hết một kho vải lớn của ta.

Cuộc tấn công Thu Đông 1947 của địch lên Việt Bắc thất bại. Cuộc kháng chiến của ta chuyển sang giai đoạn cầm cự. Trung đoàn 66 được lệnh chuyển về vùng Mỹ Đức (Hà Đông) làm chủ lực của Khu 2, vừa xây dựng lực lượng vừa bảo vệ khu căn cứ, và được bổ sung thêm Tiểu đoàn 101 từ Nam Định lên.

Cũng trong thời gian này, các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 171 đã được thay đổi phiên hiệu: Đại đội 55 đổi là Đại đội 176, Đại đội 68 đổi là Đại đội 178, Đại đội 157 đổi là Đại đội 180.

Đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp được bổ sung, củng cố:

- Ban chỉ huy tiểu đoàn: tiểu đoàn trưởng Nguyễn Nhị, tiểu đoàn phó Nguyễn Huy Thọ, chính trị viên Phạm Ngọc Kình, chính trị phái viên Nguyễn Văn Nghĩa (sau này đồng chí Vũ Hoán về thay đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa về d101).

- Đại đội 176: đại đội trưởng Lê Bính, đại đội phó Hoàng Quang Thanh Huệ, chính trị viên Nguyễn Sĩ Tín.

- Đại đội 178: đại đội trưởng Lê Thanh, đại đội phó Trần Chí, chính trị viên Nùng Phi (Đặng Trần Cư).

- Đại đội 180: đại đội trưởng Nguyễn Đức Phương, đại đội phó Trịnh Duy Hậu, chính trị viên Vũ Chấn.

Tiểu đoàn 171 đóng quân tại vùng hữu ngạn sông Đáy (Phù Lưu Tế, Thanh Áng, Phùng Xá, Hà Xá) và nô nức thực hiện cuộc vận động luyện quân lập công. Lúc này, tiểu đoàn được bổ sung một đại đội phá xe tăng gọi tắt là FAX. Một thời gian sau, đại đội này được chuyển về đơn vị pháo của trung đoàn. Tiểu đoàn thành lập một trung đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Vĩnh Thụy phụ trách và đồng chí Ngô Sơn Nga làm chính trị viên. Được một thời gian lại có thay đổi: đồng chí Mạnh Chung (người Nhật) phụ trách và đồng chí Đặng Thái làm chính trị viên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2022, 08:17:45 am »


*

*         *

Đầu tháng 2 - 1948, mỗi người trong tiểu đoàn được phát một bộ quần áo mới, may bằng số vải chính quyền vùng Trung Hà tặng. Giữa lúc đang chuẩn bị ăn tết với nhân dân huyện Mỹ Đức Hà Đông thì tiểu đoàn nhận lệnh hành quân đi làm nhiệm vụ mới. Ngày 07-02-1948, toàn tiểu đoàn dự thi "Luyện quân lập công" của trung đoàn ở làng Sào (Lương Sơn - Hòa Bình). Kết quả là Tiểu đoàn 171 được xếp hạng nhất và được thưởng một con bò. Sau đó, tiểu đoàn chuyển quân lên vùng Cao Phong - Vĩnh Đồng (Hòa Bình) và chuẩn bị chiến đấu. Lúc này địch đã chiếm được thị xã Hòa Bình và không ngừng đánh nống ra để mở rộng vùng kiểm soát.

Tiểu đoàn được lệnh áp sát địch, và ngày 19-02-1948 đã chạm trán với địch trên đồi 377 ở Tú Sơn (Rành) thuộc huyện Kỳ Sơn. Địch bị đánh bất ngờ, lính Âu Phi và bọn ngụy Mường chạy tán loạn, ta diệt được nhiều tên và thu chiến lợi phẩm. Đại đội trưởng Lê Bính bị thương trong trận này. Hôm sau địch cho một đại đội lính Âu Phi bí mật lên chiếm điểm cao 483 vào ban đêm. Cũng trong đêm đó, Đại đội 178 được lệnh chiếm điểm cao 483 để khống chế khu vực Cao Phong. Quân ta theo bản đồ và la bàn rẽ rừng tiến lên đỉnh đồi 483 trong lúc sương mù đang bao phủ núi rừng. Một trung đội tiến xuống mỏm đồi bên cạnh để yểm trợ thì bất ngờ gặp địch. Cuộc tao ngộ chiến giữa ta và địch kéo dài tới sáng bạch và địch phải rút lui, bỏ lại hơn chục xác chết và nhiều vũ khí quân trang quân dụng. Bên ta cũng hy sinh 13 người, trong đó có trung đội trưởng Nguyễn Việt Tĩnh, trung đội pho Sửu, tiểu đội trưởng Đức.

Sau hai trận này, tiểu đoàn trở về vùng Mỹ Đức và tổ chức lễ mừng chiến thắng. Đại đội 178 được trung đoàn tặng cờ "Danh dự lập công".

Từ tháng 3 đến tháng 6-1948, tiểu đoàn tiếp tục cuộc vận động luyện quân lập công, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng địa phương, xây dựng làng chiến đấu. Tháng 5-1948, tiểu đoàn tham gia đánh địch ở Chùa Thông và Bằng Sở (Thường Tín).

Trong thời gian này do khó khăn về kinh tế tài chính của Nhà nước nên việc nuôi dưỡng bộ đội cũng bị ảnh hưởng. Tiểu đoàn 171 đã phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, tổ chức cho bộ đội đóng quân bên bờ sông Đáy (vùng Thang Áng, Tế Tiêu, Hà Xá) tự mò ốc mò hến để đảm bảo bữa ăn, tổ chức nuôi 800 con vịt ở Đồi Hà để lấy trứng bồi dưỡng cho những anh em ốm.

Để góp phần khắc phục khó khăn cho bộ đội, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Đông vận động một phong trào "đỡ đầu chiến sĩ". Ở huyện Mỹ Đức, mỗi gia đình nhận đỡ đầu một chiến sĩ, tình cảm giữa bố mẹ nuôi và con nuôi rất đằm thắm, cảm động (tháng 6-1948).

Vào thời điểm này, tình hình chiến trường ở Bắc Bộ có nhiều thay đổi. Địch đã chiếm được hầu hết các thị xã, thị trấn và đường giao thông, ta chỉ còn những khu căn cứ nằm trong lòng địch theo thế cài răng lược. Theo lệnh của Bộ, Khu 2, Khu 3 và Khu 11 đã được sáp nhập thành Liên khu 3. Trung đoàn 66 trở thành trung đoàn chủ lực cơ động của Liên khu và được bổ sung thêm một số đơn vị, trong đó có Đại đội Ký Con ở Khu 3 cũ sang làm nòng cốt để thành lập một tiểu đoàn mới lấy tên là Tiểu đoàn Ký Con.

Lễ thành lập Tiểu đoàn Ký Con được tổ chức ngày 29-06-1948 tại làng Kim Giang (huyện Ứng Hòa - Hà Đông) Đại đội 178 được tách khỏi Tiểu đoàn 171 để chuyển sang Tiểu đoàn Ký Con. Từ nay, Tiểu đoàn 171 chỉ còn 2 đại đội (Đại đội 176, Đại đội 180), được bổ sung thêm Đại đội 124 và được đổi phiên hiệu là Tiểu đoàn 626.

Sau khi dự lễ phát động "luyện quân lập công" đợt 2 của trung đoàn và lễ thành lập Liên khu 3 tại vùng Quang Thừa (Kim Bảng - Hà Nam), Tiểu đoàn 626 về đóng quân tại phía bắc huyện Mỹ Đức (vùng Ba Thá - Phúc Lâm - Thanh Áng).

Ngày 20-09-1948 địch cho quân nhảy dù xuống thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa - Hà Đông) với âm mưu bắt sống phái đoàn của đồng chí Trần Văn Trà vừa từ miền Nam ra. Tiểu đoàn 626 được lệnh qua sông Đáy, từ Tử Dương đánh vào Vân Đình ở phía bắc, phối hợp với Tiểu đoàn Ký Con đánh ở phía nam. Ngay sáng hôm sau, quân địch phải rút khỏi Vân Đình.

Ngày 28-11-1948, Tiểu đoàn 626 lại tham gia đánh địch ở Gò Cáo (xã Thủy Xuân Tiên - huyện Chương Mỹ). Đồng chí đại đội phó Chu Hữu Cần đã anh dũng hy sinh trong trận này.

Cuối tháng 12-1948, địch lại mở chiến dịch càn quét quy mô vào Mỹ Đức, nhằm đánh vào cơ quan kháng chiến của Liên khu, phá hoại các công binh xưởng, lấn đất chiếm dân. Tiểu đoàn 626 tuy biên chế không đầy đủ nhưng vẫn là chủ lực tiến đánh địch. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là chốt giữ ở Hà Xá, ngăn chặn địch từ Trinh Tiết tiến lên, không cho địch qua Hà Xá tiến về Tế Tiểu để theo đường 21 về hợp điểm tại Cầu Dậm. Phối hợp với các đơn vị bạn trong trung đoàn, tiểu đoàn đã kìm chân địch ở Đồi Hà, không cho chúng thực hiện đúng kế hoạch hành quân, tạo điều kiện cho nhân dân sơ tán và các cơ quan kháng chiến di chuyển an toàn. Trong chiến đấu, đại đội trưởng Nguyễn Đức Phương đã bị đạn địch bắn thẳng từ gò má ra sau gáy nhưng không chết.

Trước sức ép của quân và dân ta, địch buộc phải rút về nơi xuất phát. Tiểu đoàn 626 nhanh chóng chuyển sang truy kích, buộc địch phải rút về Vân Đình. Sau đó, tiểu đoàn lại về trú quân ở vùng Ba Thá và tổ chức nhiều trận đánh quấy rối tiêu hao địch trên đường số 6, góp phần cùng các đơn vị bạn và quân dân địa phương buộc địch phải rút khỏi đường số 6.

Cuối năm 1948, lực lượng quân sự của địch gặp rất nhiều khó khăn, trong khi lực lượng kháng chiến của ta ngày càng lớn mạnh. Để chớp thời cơ, sẵn sàng chuyển giai đoạn, quân đội ta cần xây dựng những đơn vị tập trung mạnh. Đại đoàn đầu tiên mang phiên hiệu Đại đoàn 308, còn gọi là Đại đoàn Quân Tiên Phong. Tiểu đoàn 626 là một đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu ở đồng bằng sáp nhập cùng Tiểu đoàn 101 thành một tiểu đoàn mới vẫn mang phiên hiệu 626 được tách khỏi Trung đoàn 66 và do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Nhị dẫn lên Việt Bắc để tham gia thành lập Đại đoàn 308 theo mệnh lệnh số 42-CTM-P1 ngay 19-02-1949 của Bộ Tổng chỉ huy.

Thế là Tiểu đoàn 64, sau hai lần đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 171 rồi thành Tiểu đoàn 626, từ nay sẽ xa Trung đoàn 66 và xa vùng đồng bằng Liên khu 3 để hòa vào đội hình của Đại đoàn 308 và gắn với địa bàn Việt Bắc.

Những người chấp bút:
ĐẶNG TRẦN CƯ (NÙNG PHI)
NGUYỄN NGỌC NINH – NGUYỄN HỢP
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2022, 08:20:36 am »


TIỂU ĐOÀN 56 HÀ ĐÔNG


Tiểu đoàn 56 (còn được gọi là Tiểu đoàn Hà Đông), là đơn vị quân đội cách mạng chính quy đầu tiên của tỉnh Hà Đông. Tiểu đoàn được thành lập vào ngày 23/8/1945 (ngày khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Hà Đông). Lực lượng nòng cốt của tiểu đoàn lấy từ các đội tự vệ cứu quốc đã từng có thành tích trong phong trào chống Nhật cứu nước và tổng khởi nghĩa cướp chính quyền... từ xã, huyện đến tỉnh, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn ủy viên quân sự trong ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh, dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của tỉnh ủy Hà Đông. Thời gian đầu đặt tên là Giải phóng quân Hà Đông, sau đó đổi thành Vệ quốc đoàn...

Trải qua hơn một năm rèn luyện quân sự, học tập chính trị và thường trực bảo vệ chính quyền cách mạng trong tỉnh, Tiểu đoàn 56 đã dần lớn mạnh, phát triển lên (cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến) thành 6 đại đội, mang số hiệu 1, 2, 3, 4, 5, và 134 (trong đó có đại đội lính hải ngoại, khố đỏ "từ Pháp được hồi hương, tình nguyện xin gia nhập quân đội cách mạng"). Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc này gồm có: đồng chí Nguyễn Anh Đệ tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lê Thanh chính trị viên. Ban chỉ huy các đại đội: Đại đội 1 do đồng chí Thế Môn làm đại đội trưởng, đồng chí Tế Độ làm chính trị viên, đồng chí Trần Dương Oai làm đại đội phó. Đại đội 2 do Vũ Công Định làm đại đội trưởng, Lê Chí Trực làm chính trị viên. Đại đội 3 do Lê Công Tâm làm đại đội trưởng, Lê Lập là chính trị viên, Đại đội 4 do Lâm Văn Do làm đại đội trưởng, Trần Quân Lập làm chính trị viên. Đại đội 5 do Nguyễn Mẫn làm đại đội trưởng, Thế Sinh làm chính trị viên. Đại đội 134 do Nguyễn Hảo Đăng là đại đội trưởng, Văn Dung làm chính trị viên.

Được lệnh chi viện cho Hà Nội, Tiểu đoàn 56 triển khai đội hình như sau: Đại đội 1 trú quân tại Cổ Nhuế; Đại đội 2 trú quân tại Quang Tó; Đại đội 3 trú quân tại Đại Mỗ; Đại đội 4 tại trại Vệ quốc đoàn thị xã Hà Đông; Đại đội 5 trú tại Phùng Khoang; Đại đội 134 trú tại Ngọc Trục...

Ngày 19/12/1946, tiểu đoàn xuất phát tiến vào Hà Nội.

- Đại đội 1 chiếm lĩnh khu vực Ngọc Hà, Đội Cấn (phối thuộc Tiểu đoàn 145 Liên khu 1 tại Hà Nội).

- Đại đội 3 chiếm lĩnh khu vực Khâm Thiên (phối thuộc Tiểu đoàn 523 Liên khu 3 Hà Nội).

- Đại đội 5 chiếm lĩnh Ô Cầu Dền (phối thuộc Tiểu đoàn 77 Liên khu 2 Hà Nội).

- Tối ngày 21/12/1946, tiểu đoàn trưởng Anh Đệ cùng chính trị viên Lê Thanh chỉ huy Đại đội 2 và Đại đội 4 theo hướng Hà Đông - Văn Điển tiến vào Hà Nội, tăng cường cho 2 khu vực Ô Cầu Dền và Ô Đống Mác.

(Đại đội 134 ở lại Hà Đông làm lực lượng dự bị đồng thời bảo vệ Hà Đông).

Như vậy là: Riêng mặt trận Liên khu 2 Hà Nội, Tiểu đoàn 56 có tới 3 đại đội tham chiến. Cụ thể: Đại đội 5 tác chiến ở khu vực Ô Cầu Dền (là chính); Đại đội 4 tác chiến ở khu vực Hai Bà Trưng, Nhà Rượu, Ô Cầu Dền (là chính); Đại đội 2 tác chiến tại khu vực Đống Mác, Thanh Lương (là chính).

... Sở dĩ nói “là chính" bởi vì thời bấy giờ trận đánh diễn ra với quy mô thường là không lớn, và lại tác chiến trong thành phố (rất thích hợp với đơn vị nhỏ - cỡ trung, tiểu đội), một đại đội có khi phải chia ra làm 2 hoặc làm 3 điểm đánh địch (Ví dụ như Đại đội 2 chiếm lĩnh trận địa và tác chiến ở khu vực Ô Đống Mác, nhưng đã cử một trung đội do đội trưởng Nguyễn Viết Nhâm chỉ huy, thọc tận vào phố Xăng-xôm (nay là phố Triệu Việt Vương) chiến đấu liền 3 ngày đêm (từ 21 đến 24/12/1946) diệt 10 tên địch và rút về an toàn.

Tại Liên khu 2 Hà Nội, 3 đại đội của Tiểu đoàn 56 đã đánh liên tục, bắt đầu từ ngày 24/12/1946 (khi địch nống ra) được tiểu đoàn bố trí chiến đấu ở Đồng Nhân (Đền Hai Bà, Nhà Rượu, Ô Đống Mác, Thanh Lương, Ô Cầu Dền) cho đến ngày 31/12/1946 thì 2 Đại đội 2 và 4 chuyển sang mặt trận Liên khu 3 bố trí tại Ô Chợ Dừa và Giảng Võ. Đại đội 5 tiếp tục ở lại Ô Cầu Dền chiến đấu.

Đơn vị nào cũng được đánh địch hàng chục trận. Có những trận rất tiêu biểu như:

1/ Trận phòng ngự Ô Cầu Dền ngày 28/12/1946, Đại đội 5 cùng tự vệ Bạch Mai đã đội bom và đại bác của địch kiên cường chống trả xe tăng, thiết giáp cùng bộ binh địch liên tục xung phong đánh chiếm ụ Ô Cầu Dền. Ta trụ vững tới cùng. Bắn cháy một xe tăng, bắn đổ một xe thiết giáp và dũng cảm vượt ụ Ô Cầu Dền xung phong lên đuổi địch tới tận nhà nước mắm Phan Thiết (sâu trong khu vực chiếm đóng của địch chừng 300 m) diệt hơn 80 tên phá hủy 2 ô tô vận tải một xe jeep và một trận địa súng cối...

2/ Trận Đồng Nhân, Nhà Rượu ngày 24/12/1946 Đại đội 4 cùng một số anh em tự vệ Lò Đúc và Phố Huế đã chặn đánh mũi tiến công của địch từ hai hướng: Đồn Thủy qua Viện Pax-tơ tiến vào, và từ Chợ Hôm phố Jắc-canh chọc xuống. Trận đánh diễn ra ác liệt suốt từ sáng tới chiều, quân địch bị ta chặn đánh không sao tiến lên được. Chúng thương vong rất nặng nề nhưng ta không nắm được số liệu cụ thể là bao nhiêu, chỉ biết khi rút lui chúng phải dùng tới 3 xe ô tô tải chở đầy xác chết và lính bị thương đi theo...

3/ Trận Ba Hàng, Thanh Lương ngày 28/12/1946, đại đội cùng anh chị em dân quân của hai làng Thanh Lương, Ba Hàng với đội tự vệ Lò Đúc... đã chiếm lĩnh trận địa từ trước, và quần nhau với Pháp vài ba keo rồi, đang sẵn sàng chờ chúng mò đến. Bọn chúng mở đầu cuộc tiến công theo hai hướng: một mũi tiến theo ven đê sông Hồng (đường Trần Khánh Dư bây giờ), chọc xuống; một mũi tiến theo dốc Thọ Lão qua Ô Đống Mác đánh sang. Nhưng lần này ở phía bờ sông Hồng chúng có thêm xe tăng hỗ trợ. Và cách thức tấn công của chúng vẫn y nguyên theo bài bản cũ; máy bay dội bom, đại bác nã đạn chán chê rồi mới tới xe tăng bộ binh vừa bắn vừa hùng hổ tiến đến.

Tại khu vực Ba Hàng, hỏa lực đại liên và lựu đạn kèm ét-xăng-crếp của ta chặn đứng từng đợt xung phong của quân Pháp, không cho chúng xông vào trận địa của ta.

Tại khu vực Thanh Lương, ta bố trí lại đội hình; cho quân rút khỏi tuyến chiến đấu ở cổng làng, chỉ để lại vài tổ đánh nhử cho địch vào sâu trong làng, rồi dùng hỏa lực từ hai bên sườn đánh thốc vào một cách dữ dội. Bị bất ngờ quân Pháp hốt hoảng quay đầu tháo chạy thục mạng, bỏ lại hàng chục xác chết. Quân ta phấn khởi hăng hái hò reo rượt đuổi tới tận dốc Thọ Lão diệt thêm được gần 10 tên địch nữa mới chịu dừng...

Trước tết Đinh Hợi, theo lệnh của Ban chỉ huy mặt trận, Tiểu đoàn 56 trở về tổ chức tuyến phòng ngự tại thị xã Hà Đông. Lúc này lực lượng của tiểu đoàn chỉ giữ lại đủ 3 đại đội.

- Đại đội 134 vẫn giữ nguyên vẹn như cũ (kể cả quân số lẫn ban chỉ huy và phiên hiệu đơn vị), có nhiệm vụ: phối hợp cùng lực lượng dân quân tại chỗ, lập tuyến phòng ngự Tây Mỗ, Đại Mỗ, Ngọc Trục bảo vệ cánh trái của thị xã.

- Đại đội 4 (nay đổi thành phiên hiệu 262 do Lâm Văn Do làm đại đội trưởng, Trọng Khang làm chính trị viên), phối hợp với dân quân tại chỗ, lập tuyến phòng ngự tại Đa Sĩ, Mậu Lương, Tó, tổ chức bảo vệ cánh phải của thị xã.

- Đại đội 1 (nay đổi thành phiên hiệu 225) do Trần Quang Liên làm đại đội trưởng, Nguyễn Tính làm chính trị viên, phối hợp với dân quân tại chỗ lập tuyến phòng ngự Mỗ Lao, Phùng Khoang, Triều Khúc, chặn địch từ Cầu Mới theo quốc lộ 6 tiến vào.

- Ban chỉ huy tiểu đoàn gồm có: tiểu đoàn trưởng Anh Đệ, chính trị viên tiểu đoàn Trần Quân Lập, tiểu đoàn phó Đỗ Hẹ... Tiểu đoàn bộ đóng tại Cầu Đơ.

- Từ mặt trận Hà Nội rút về, Tiểu đoàn 56 đã sẵn sàng chờ lệnh, để đi tiếp cuộc trường chinh cùng đất nước với tư thế của những người chiến sĩ nguyện một lòng trung dũng theo Bác Hồ tiến hành cuộc Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi.

TRẦN QUÂN LẬP
Bài viết lấy từ tư liệu ban liên lạc CCB d56
và tập K2 những ngày đầu Thủ đô K.C.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 08:19:50 pm »


TlỂU ĐOÀN KÝ CON - CÔ TÔ


Sau Cách mạng tháng 8/1945, song song với việc xây dựng củng cố chính quyền các địa phương, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang ở các Khu.

Ở địa bàn Khu 2 có Trung đoàn 37 của tỉnh Sơn Tây và Trung đoàn 35 của tỉnh Hà Đông. Sau trận tập kích vào thị xã Hà Đông rạng sáng 20-3-1947, hai trung đoàn này được sáp nhập thành một trung đoàn chủ lực mới mang số hiệu Trung đoàn 37 do đồng chí Phùng Thế Tài làm trung đoàn trưởng. Ngày 16-5-1947, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, Trung đoàn 37 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 66. Lúc này, Trung đoàn 66 gồm có 4 tiểu đoàn và trung đoàn bộ. Cuối năm 1947, ba tiểu đoàn được điều động đi nơi khác, chỉ còn lại trung đoàn bộ và một tiểu đoàn là Tiểu đoàn 64 với phiên hiệu mới là Tiểu đoàn 171. Đồng thời, trung đoàn được bổ sung thêm Tiểu đoàn 101 ở Nam Định, một số đại đội độc lập: Đại đội 96 ở Thái Bình và và Đại đội Ký Con ở Hải Phòng lên.

Đầu năm 1948, Khu 2, Khu 3 và Khu 11 sáp nhập thành Liên khu 3. Trung đoàn 66 lúc này đang chiến đấu trong phạm vi Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây - Hòa Bình được chọn làm đơn vị chủ lực của Liên khu 3 và được phép thành lập thêm một tiểu đoàn mới gồm các đại đội mạnh đã từng có thành tích chiến đấu. Tiểu đoàn mới này được đặt tên là Tiểu đoàn Ký Con và gồm 3 đại đội chiến đấu là: Đại đội 1 (Đại đội Ký Con cũ, từ Hải Phòng lên) + Đại đội 29 (tách từ Tiểu đoàn 101 ra) + Đại đội 178 (tách từ Tiểu đoàn 171 ra).

Lễ thành lập Tiểu đoàn Ký Con được tổ chức ngày 29-6-1948 tại làng Kim Giang (huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông). Ban Chỉ huy tiểu đoàn lúc này gồm có:

- Tiểu đoàn phó, Q. tiểu đoàn trưởng: Bùi Sinh

- Chính trị viên tiểu đoàn: Mạc Ninh.

Ngày 10-7-1948, tiểu đoàn dự lễ phát động “Luyện quân lập công" đợt 2 của trung đoàn. Sau đợt này, một số chiến sĩ giỏi được chọn về để thành lập đại đội bộ binh mới mang số hiệu Đại đội 462.

Ngày 20-9-1948, tiểu đoàn vừa đi bảo vệ Hội nghị Quân chính toàn Liên khu 3 ở Tiên Hưng về, đang đóng quân vùng Chợ Dầu, Đục Khê, thì địch cho quân nhảy dù xuống thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa - Hà Đông). Toàn tiểu đoàn được lệnh cấp tốc hành quân lên sát Vân Đình. Các cán bộ đại đội cùng ban chỉ huy tiểu đoàn và đồng chí chính ủy trung đoàn đi chuẩn bị chiến trường. Ngay đêm đó, tiểu đoàn chia làm hai mũi tiến công vào Vân Đình (1 mũi vào phủ cũ Ứng Hòa, 1 mũi vào làng Dương Xá). Quân địch phải rút chạy, bỏ lại cả một thuyền dù dưới gầm cầu Thanh Am mà chiến sĩ ta không biết, sau đó trinh sát của Tiểu đoàn Đống Đa (Trung đoàn 48) lấy được, còn trinh sát của Tiểu đoàn Ký Con thì bị phê bình.

Trước đây để phát động chiến tranh du kích, Bộ Tổng chỉ huy có chủ trương phân tán chủ lực; mỗi huyện có một đại đội độc lập, mỗi tỉnh chỉ giữ lại 1 tiểu đoàn tập trung. Từ giữa năm 1948 có sự chuyển hướng: dần dần tăng cường chủ lực, tác chiến quy mô lớn hơn nên tổ chức tập thao diễn cả tiểu đoàn tác chiến phối hợp.

Ngày 16-10-1948, Tiểu đoàn Ký Con tổ chức diễn tập toàn tiểu đoàn ở khu vực Chợ Bến - Miếu Môn (đường 21) dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, tiểu đoàn trưởng mới bổ sung về. Tối 17-10-1948, đồng chí Trần Tử Bình (thiếu tướng, Tổng thanh tra Quân Đội) đã đến thăm bộ đội diễn tập. Trưa ngày 19-10-1948, đồng chí Hoàng Sâm (thiếu tướng, Liên khu trưởng) va Ban chỉ huy Trung đoàn 66 cũng tới thăm tiểu đoàn. Cuộc diễn tập kéo dài khoảng một tuần lễ. Sau đợt diễn tập, đồng chí Nguyễn Mạnh Hà thuyên chuyển đi, đồng chí Bùi Sinh làm tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Mạc Ninh cũng đi nhận chức mới ở Trung đoàn Sông Lô, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn ở Tiểu đoàn Đống Đa về làm chính trị viên Tiểu đoàn Ký Con.

Ngày 17-11-1948, toàn tiểu đoàn hành quân lên Sơn Tây, tham gia chiến đấu ở vùng Yên Khoái, Lễ Khê. Lúc này, Sơn Tây đã bị địch chiếm đóng, quân ta ở đó chỉ có một đại đội độc lập. Tiểu đoàn Ký Con lên có đánh phục kích ở Bến Mải, tập kích ở đồn điền Le Meure, chống càn ở Vật Lại.

Ngày 7-12-1948, toàn tiểu đoàn tập hợp để phiên chế lại các đơn vị. Đại đội 29 giải tán để bổ sung cho các đại đội bạn.

Lúc này, ở Liên khu 3, ta mở một đợt đánh vào nam Hà Nội. Được lệnh, Tiểu đoàn Ký Con hành quân trở về phía nam Hà Nội, vừa làm nhiệm vụ tấn công quân sự, vừa làm nhiệm vụ bao vây kinh tế địch, phong tỏa đường 73, ngăn chặn việc tiếp tế lương thực, thực phẩm của địch và rút hàng công nghệ phẩm (thuốc men, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng) ra ngoài vùng tự do. Tiểu đoàn được bổ sung 1 đại đội mới (Đại đội 240) và hành quân qua Cầu Chiếc, qua làng Quỳnh Đô, Lạc Thị, tiến đánh Chùa Thông, Văn Điển, phá hủy nhà thông tin Văn Điển.

Cuối tháng 12-1948, địch mở rộng mặt trận, tấn công ra vùng Mỹ Đức (Hà Đông) để phá các cơ sở quốc phòng của ta. Tiểu đoàn tham gia đánh địch, trực tiếp ngăn chặn địch từ nhà thờ Đồng chíếm, Ái Nàng đánh ra. Các đơn vị thuộc tiểu đoàn đã đánh địch ở Vài Sải, cản địch từ Cầu Dậm tiến vào Chợ Bến. Sau đó, khi địch bắt đầu rút quân, ta lại truy kích, và tiếp tục đánh khi chúng rút chạy khỏi Vân Đình ngày 14-01-1949.

Sau đợt chiến đấu này, đồng chí Bùi Sinh thuyên chuyển đi, đồng chí Nguyễn Nhị về làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nhật Tiến làm tiểu đoàn phó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 08:20:50 pm »


Tháng 2-1949, Tiểu đoàn Ký Con được lệnh vượt sông Hồng sang chiến đấu ở khu vực đường số 5, đánh các vị trí địch ở Từ Hồ, Nho Lâm. Nhưng các trận đánh chỉ có tác dụng tiêu hao, quây rối. Sau đó, một số cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn được điều động lên Việt Bắc và đi các đơn vị bạn.

Vào thời điểm này, Trung đoàn 66 có sự điều chỉnh về biên chế, tổ chức. Tiểu đoàn 101 giải tán bổ sung quân cho các đơn vị bạn, Tiểu đoàn 171 (đã đổi phiên hiệu là Tiểu đoàn 626) do đồng chí Nguyễn Nhị làm tiểu đoàn trưởng, được điều lên Việt Bắc tham gia thành lập Sư đoàn 308, trung đoàn chỉ còn lại Tiểu đoàn Ký Con do đồng chí Nhật Tiến làm Q.tiểu đoàn trưởng và được bổ sung thêm 2 tiểu đoàn mới. Tiểu đoàn 150 ở Tây Tiến về, được đặt tên là Tiểu đoàn Nguyễn Huệ (số hiệu d.235). Tiểu đoàn 87 ở Nam Định lên được đặt tên là Tiểu đoàn Lê Lợi (số hiệu d.347).

Tiểu đoàn Ký Con được đổi tên là Tiểu đoàn Cô Tô (để ghi nhớ trận chiến đấu của Đại đội Ký Con năm xưa ở đảo Cô Tô), nhường tên Ký Con cho Trung đoàn 66 từ đây được gọi là Trung đoàn Ký Con. Nhưng không biết vì lý do gì mà cái tên Cô Tô bị đọc chệch sang là Gô Tô và cái tên Gô Tô được các cán bộ chiến sĩ toàn tiểu đoàn dùng suốt từ năm 1949 cho mãi đến ngày nay, kể cả trong lời nói và trong văn bản giấy tờ. Tiểu đoàn Cô Tô có số hiệu là d.459.

Tháng 4-1949, Đại đội 1 của tiểu đoàn nhận nhiệm vụ đột phá về mở rộng dân chủ của Liên khu (với 3 nội dung: dân chủ về chính trị, dân chủ về quân sự, dân chủ về kinh tế) và tiến hành bầu cử Hội đồng binh sĩ.

Sáng tháng 6-1949, Đại đội 178 giải tán để bổ sung quân số cho Đại đội 462 và Đại đội 240. Các đại đội trong Tiểu đoàn Cô Tô cũng bắt đầu có số hiệu mới.

Đại đội 1 đổi là Đại đội 15, Đại đội 462 đổi là Đại đội 30, Đại đội 240 đổi là Đại đội 45.

Cuối tháng 6-1949, tiểu đoàn hành quân đi chiến đấu và ngày 29-6-1949 đã dùng chiến thuật kỳ tập diệt đồn Mường Riệc trên đường 12 thuộc tỉnh Hòa Bình, sau đó, lại trở về vùng Mỹ Đức và Ứng Hòa (Hà Đông).

Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc này gồm có: tiểu đoàn trưởng Nguyễn Tiệp, tiểu đoàn phó Nhật Tiến, chính trị viên Nguyễn Văn Mẫn.

Cuối tháng 11-1949, Liên khu 3 mở chiến dịch Lê Lợi, còn gọi là chiến dịch 12-21-6 vì phạm vi tác chiến được giới hạn bởi đường 12, đường 21 và đuờng số 6. Tiểu đoàn Cô Tô được phân công đánh phân khu Vụ Bản là một cứ điểm lớn đóng trên 3 quả đồi liên tiếp, lực lượng địch gồm cả lính Âu - Phi và lính Thái. Phía ta được tăng cường một đại bác 75 ly, súng cối 120 và súng phóng bom (vũ khí mới, do quân giới của ta chế tạo và đem thử nghiệm). Lính ta phấn khởi vì được "làm chủ đường 12", thênh thang đi lại giữa ban ngày. Qua mấy ngày đêm, do tính năng của vũ khí có hạn, hỏa lực không phát huy được, tác chiến chỉ có tính chất kiềm chế, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch thấy khả năng của ta chưa thể tiêu diệt được các cứ điểm lớn, nên cấp trên hạ lệnh cho rút.

Ngày 01-12-1949, Tiểu đoàn Cô Tô lại hành quân đi chiến đấu. Qua Phố Trám, Phố Hồi, Lao Ráy, tấn công vị trí Gò Bùi trên đường số 6. Sau đó, chuyển về vùng Nho Quan và tấn công vị trí YA (đồn Vụ Bản) trên đường 12 vào đêm 28-01-1950.

Sang tháng 2-1950, Tiểu đoàn Cô Tô về đóng quân ở vùng Lam Cầu (Duy Tiên - Hà Nam). Ngày 04-02-1950, đồng chí Tiệp (tiểu đoàn trưởng) thuyên chuyển đi đơn vị mới, đồng chí Nhật Tiến lên làm tiểu đoàn trưởng và đồng chí Hồng Quý mới về làm tiểu đoàn phó. Chính trị viên tiểu đoàn là đồng chí Đào Huy Vũ.

Toàn tiểu đoàn chuẩn bị đón Tết âm lịch, cái Tết kháng chiến thứ tư, một cái Tết long đong lật đật: đêm 30 Tết còn đi chạy "gạo khao quân", ngày mồng 1 tuy có vui chơi nhưng không khí vẫn đượm màu tẻ nhạt.

Ngày 25-02-1950, tiểu đoàn hành quân lên phía đường số 6 và đánh Gò Bùi lần thứ 2 vào đêm 8-3-1950. Đồng chí Nguyễn Tuấn Tĩnh, đại đội trưởng Đại đội 15 hy sinh trong trận này.

Sau khi chiến dịch Lê Lợi kết thúc, tiểu đoàn hành quân trở về địa phận Hà Nam.

Các tiểu đoàn lại thay đổi số hiệu: Tiểu đoàn Nguyễn Huệ là d.456, Tiểu đoàn Lê Lợi là d.567, Tiểu đoàn Cô Tô là d.678.

Tối 10-5-1950, các đơn vị trong tiểu đoàn bắt đầu hành quân đi chiến đấu: Ngày 18-5-1950 qua Chợ Cháy. Ngày 19-5-1950, giao chiến với địch ở Cầu Guột. Ngày 21-5-1950, đánh địch ở vùng Chợ Dầu. Sau đó quân ta kéo về Cốc Thôn.

Chiều 15-8-1950, tiểu đoàn bắt đầu một chuyến đi xa, rời khu Ba vào khu Bốn, vì Trung đoàn 66 bắt đầu đứng trong đội hình của Đại đoàn 304 mới thành lập. Sau mấy ngày hành quân vất vả, tiểu đoàn tới phố Ga Đò Lèn bên sông Mã. Mới đặt chân lên khu Bốn, người lính khu Ba chưa quen với những tiếng gọi "mẹ" và việc chào hỏi nhân dân ở ngoài đường. Nhưng rồi thời gian trôi qua, mọi việc quen dần, tình quân dân ngày thêm thắm thiết.

Đầu tháng 9-1950, Đại đoàn 304 mở chiến dịch Trần Hưng Đạo. Tiểu đoàn Cô Tô tham gia chiến đấu, đánh đồn Hói Đào và Hồ Vương ở Nga Sơn (Thanh Hóa) và Hồi Trung, Quế Quyển ở Kim Bảng (Hà Nam).

Tháng 12-1950, tiểu đoàn hành quân lên Việt Bắc lĩnh vũ khí mới cùng các đơn vị trong đại đoàn, và vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm Đại đoàn 304 ở khu rừng cà phê Đà Nẵng (Tuyên Quang).

Tháng 3-1951, tiểu đoàn tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Địa bàn chiến đấu của Đại đoàn 304 là vùng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày 31-3-1951, tiểu đoàn bố trí chiến đấu ở chân núi Tam Đảo nhưng không gặp địch.

Tháng 4-1951, tiểu đoàn hành quân về đóng ở vùng Quảng Xương (Thanh Hóa) và chuẩn bị tham gia chiến dịch Quang Trung (Hà-Nam-Ninh).

Chiều ngày 24-5-1951, bộ đội hành quân ra Nho Quan (Ninh Bình), bắt đầu đi chiến dịch.

Các cán bộ tiểu đoàn và đại đội đi chuẩn bị chiến trường về phổ biến cho chiến sĩ trên sa bàn rồi đi đánh luôn: Cố vấn Trung Quốc cấp tiểu đoàn cũng cùng đi chuẩn bị chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 08:21:56 pm »


Tiểu đoàn Cô Tô được phân công đánh Chùa Dầu đêm 28-5-1951. Đường lớn dành cho đơn vị bạn và pháo binh (trợ chiến của tiểu đoàn và mấy khẩu phóng bom của Tiểu đoàn Hoàng Diệu phối hợp). Ta đánh Chùa Dầu, diệt đồn nhanh gọn. Trong trận này đồng chí Nguyễn Như Phương (đại đội trưởng Đại đội 30) hy sinh.

Ngày 31-5-1951, lính địch ở đồn Yên Thịnh rút chạy qua sông tình cờ xộc vào chỗ ta đóng quân. Quân ta lúc đầu bị bất ngờ, nhưng nhờ bình tĩnh gan dạ nên nhanh chóng nổ súng và xung phong dồn địch ra cánh đồng. Ta vừa bắn vừa gọi hàng, cuối cùng bắt được 92 tù binh, đa số là lính Bảo hoàng. Sau trận này, các cố vấn Trung Quốc khen Tiểu đoàn Cô Tô đánh giỏi.

Nhưng cũng sau trận này, khu vực trú quân của trung đoàn bị máy bay B26 của địch quần cho một trận ráo riết. Nhờ chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của đại đoàn, quân ta trước đó đã bỏ làng ra đào công sự ở ngoài ruộng nên không có thương vong.

Kết thúc chiến dịch Quang Trung, tháng 6-1951, bộ đội rời trận địa lên đường hành quân vào Nghệ An để chỉnh huấn.

Bước vào Thu - Đông 1951, địch nhảy dù chiếm đóng thị xã Hòa Bình, đường số 6 và vùng Chợ Bến, với ý đồ: lập hành lang đông - tây, cắt con đường chở muối gạo từ Khu 3 lên Việt Bắc, xúc tiến lập xứ Mường tự trị.

Toàn đại đoàn được lệnh hành quân ban ngày ra tham gia chiến dịch giải phóng Hòa Bình, với sinh lực dồi dào sau một đợt dưỡng quân, học tập chính trị và rèn luyện quân sự.

Qua Phố Cát, Trại Ngọc, Kim Tân, trung đoàn hành quân đi xuyên rừng lên Xóm Hổ, rồi trú quân bên dòng suối Bu, suối Đất phía nam đường số 6, cách xa đường mấy ki-lô-met để tránh lộ.

Lúc này, các đơn vị bộ đội lại được đổi số hiệu: Tiểu đoàn Nguyễn Huệ d.766, Tiểu đoàn Lê Lợi là d.782, Tiểu đoàn Cô Tô là d.798. Đại đội 15 là C.115, Đại đội 30 là C.117, Đại đội 45 là C.119, Đại đội trợ chiến là C.69.

Đầu tháng 12-1951, trung đoàn tổ chức phục kích trên đường số 6, diệt 34 xe vận tải tiếp tế của địch ở Đồi Mè, Cầu Dụ, phá hủy 11 xe ở Cầu Cụt Tai.

Ngày 17-12-1951, toàn Trung đoàn bắt đầu vượt đường số 6 sang phía bắc, làm nhiệm vụ chặn viện cho đơn vị bạn (Đại đoàn 312) đánh đồn 400 và đồn 600.

Ngày 9-01-1952, toàn trung đoàn lại vượt qua đường số 6 trở về phía nam, làm nhiệm vụ chặn đánh địch đang chuẩn bị rút chạy khỏi thị xã Hòa Bình theo đường số 6.

Tiểu đoàn Cô Tô nhận nhiệm vụ án ngữ ở khu vực Đồi Mè, Đồi Dụ, Đại đội 115 bố trí tại Đồi Mè.

Ngày 18-01-1952, địch nã đại bác và dội bom na-pan xuống Đồi Mè để đánh bật quân ta, mở đường cho việc rút chạy. Đại đội 115 quyết "tử thủ Đồi Mè", kiên quyết không rút khỏi nơi này. Trong trận này, mặc dù bị thương vong nhiều, ta cũng đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.

Ngày 24-01-1952, tiểu đoàn lại chiến đấu ác liệt với địch ở khu vực Đồi Dụ khi chúng rút chạy qua đây.

Sang đầu tháng 2-1952, địch rục rịch rút chạy khỏi Hòa Bình. Tiểu đoàn được lệnh cùng trung đoàn quay về hoạt động ở hậu địch.

Ngày 31-03-1952, trung đoàn tổ chức mít tinh gắn huân chương chiến công hạng 2 cho Đại đội 115, và phát động học tập gương dũng cảm chiến đấu của cán bộ và chiến sĩ Đại đội 115 trong trận Đồi Mè, Đồi Dụ.

Ngày 17-4-1952, tiểu đoàn bất đầu vào đợt chỉnh huấn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chuẩn bị cho chiến dịch Thu - Đông 1952.

Giữa tháng 10-1952, tiểu đoàn hành quân đi chiến dịch: Ngày 28-10-1952, đánh trận Bích Đào, tiểu đoàn trưởng Nhật Tiến hy sinh. Ngày 6-12-1952, đánh trận độn thổ ở Yên Ninh (đường số 10) tiêu diệt một số địch, bên ta nhiều đồng chí hy sinh.

Ngày 7-10-1953, tiểu đoàn hành quân vào Nghệ An và bắt đầu tham gia chiến dịch Thượng Lào.

Ngày 14-4-1953, bộ đội rời đất Nghệ An, vượt qua biên giới trên chiếc cầu tre mới bắc để sang đất Lào.

Tối 16-4-1953, tiểu đoàn đánh vào vị trí Noọng Hét.

Tối 22-4-1953, đại đội 115 hành quân đi Khang Khay.

Đầu tháng 5-1953, quân ta hành quân trở về Việt Nam.

Từ ngày 06-6-1953, tiểu đoàn dừng lại trú quân trên địa phận các huyện: Quảng Xương, Nông Cống, Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

Đầu tháng 8-1953, tiểu đoàn tiến hành đợt chỉnh quân chính trị.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM