Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:39:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung đoàn 66 - 55 năm một chặng đường vẻ vang  (Đọc 2304 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:04:05 pm »


HAI TÂM HỒN ĐAU KHỔ

                                                               Chị với tôi, chúng ta hai chinh phụ
                                                               Đêm nay xa cách vạn trùng dương
                                                               Tôi thao thức trong căn lều hắt gió
                                                               Chị âm thầm sau tấm cửa lùa sương
                                                               Lòng lắng xuống đôi lòng cùng tưởng tới
                                                               Hai con người lận đận chốn tha phương
                                                               Tôi thở dài đau xót
                                                               Chị nuốt lệ đau thương
                                                               Đêm nay thức suốt đêm trường
                                                               Tủi cho cái kiếp yêu đương bẽ bàng
                                                               Cản bước xâm lăng, bảo tồn dân tộc
                                                               Chồng tôi hôm ấy lên đường
                                                               Rứt nhẹ tơ lòng lúc biệt ly
                                                               Quên cả heo may, trời ấm lạnh
                                                               Coi thường tất thảy mọi gian nguy
                                                               Lặng lẽ, không lý tưởng
                                                               Chồng chị bên kia rời đất nước
                                                               Bên cầu tịch mịch bến sông thương
                                                               Mảnh trăng ứa máu đôi dòng lệ
                                                               Oan trái làm chi những bước đường
                                                               Đêm nay trong đêm sương
                                                               Đêm nay trên sa trường
                                                               Chồng chị dưới uy quyền quân bạo ngược
                                                               Chồng tôi nặng nghĩa với quê hương
                                                               Hai người đó cùng nhau không thù oán
                                                               Đang say mê, đang chém giết điên cuồng
                                                               Ai dựng thành sầu hận?
                                                               Ai gây cảnh hợp tan?
                                                               Giam mãi cuộc đời trong tủi nhục!
                                                               Cho lòng chinh phụ nặng hờn oan.

CHU MAI NIỆM
Trần Kỳ (ghi theo trí nhớ)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:05:44 pm »


TÌNH NGHĨA VIỆT - LÀO


Sau ngày làm lễ truy điệu Đại nguyên soái Stalin, người lãnh đạo vĩ đại của nhân dân Liên bang Xô Viết từ trần (5-3-1953) từ Nghệ An, trung đoàn được lệnh đi Thượng Lào để giải phóng Xiêng Khoảng, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, củng cố lực lượng cách mạng Lào, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào.

Trời đất Việt vẫn còn mưa xuân, thỉnh thoảng lại có trận mưa rào...

Lần đầu tiên trung đoàn tham gia chiến đấu trên đất bạn, bỡ ngỡ, khó khăn, tình hình địch không rõ, ngay cả đến địa hình, phong tục tập quán, ngôn ngữ không biết... chỉ học được câu "xăm bai", chào hỏi thân mật thông thường.

Đi khỏi đất Nghệ An cũng là đi khỏi đất Việt thân yêu. Bước chân sang đất bạn, cuộc hành quân leo đèo lội suối thật là gian truân, vất vả. Ôi! Cái núi Phắc Lắc trên đất bạn Lào sao mà cao thế, có lẽ đến hàng nghìn mét thì phải. Trèo đến lưng chừng núi, thôi thì mồm, mũi thi nhau thở. Có những đồng chí đi được một đoạn lại "tự động” nghỉ dọc đường, cả đại đội hành quân kéo dài đến 1 - 2 km vẫn chưa hết quân...

Qua bao nhiêu núi, bao nhiêu đèo, đoàn quân đã trông thấy đường số 7 đất bạn Lào. Nó uốn lượn theo núi, theo sông suối, mờ mờ ảo ảo sau những làn mây trắng bạc, thật là một cảnh sơn thủy hữu tình, chỉ có quân tình nguyện Việt Nam mới cảm thấy yêu quý đất bạn Lào như yêu quý đất nước mình.

Ôi! Con đường rải đá đất bạn nơi này nào có được phẳng như những con đường đá Việt Nam! Có lẽ lâu lắm không có khách bộ hành, xe cộ đi lại, chỉ có vết của xích sắt xe tăng, xe bọc thép hằn lên lởm chởm.

Trận đầu tiên, Tiểu đoàn Cô Tô có nhiệm vụ tấn công đồn Noọng Hét, một đồn án ngữ biên giới Việt Lào trên đường số 7, nhưng lúc này chỉ còn là một vị trí không người mặc dù trong đồn, đèn vẫn thắp sáng. Quân địch đã lặng lẽ rút chạy từ lúc nào... Trung đoàn hạ lệnh cho các đơn vị cấp tốc hành quân tiến nhanh về hướng Bản Ban, Khang Khay.

Máy bay địch! Máy bay địch! Nó rà sát trên đường số 7. Được lệnh tạt vào núi đá cạnh đường, toàn đơn vị đã chạy được vào tới chân núi, chỉ còn sót lại một tiểu đội bị máy bay địch chặn lại. Tiểu đội trưởng Phạm Văn Chiêu bị thương, anh cố bò lết vào chân một tảng đá, sau đó được đưa về phía sau. Lúc anh em chiến đấu trở về đất Việt, được tin anh đã hi sinh. Cuộc chạy việt dã trên 20 km đã tới thị trấn Bản Ban với những nhà sàn thẳng hàng nằm ngay ngắn cạnh đường số 7. Không gặp địch, nhưng lại gặp quân ta, một bộ phận của Đại đoàn 308, sau khi giải phóng Sầm Nưa cũng truy kích địch về hướng Cánh đồng Chum, bị lạc đơn vị, anh em xin sáp nhập cùng chiến đấu.

Đơn vị được lệnh tạm dừng củng cố và chờ lệnh.

Vào tới bản, chỉ thấy nhà không, vườn trống, nhưng lợn gà vẫn đầy sân, đầy chuồng. Chắc bà con Lào chưa hiểu quân tình nguyện Việt Nam sang giải phóng cho họ nên họ sơ tán vào rừng cả. Được lệnh ở lại bản làm công tác dân vận, đơn vị cử một số anh em đi tìm dân, đi, đi mãi 5 - 10 km nào có gặp dân, còn anh em ở lại trong bản, bớt khẩu phần của mình, nấu nướng cho lợn, gà ăn. Sau gần một tuần, lẻ tẻ có dân về bản, phần nhiều là người già. Họ trông thấy: trâu, bò, lợn no nê, chuồng trại sạch sẽ, gà, vịt ăn no căng diều. Lên trên nhà sàn thấy gọn gàng, ngăn nắp, bát đũa sạch trắng bong, các tip xôi vẫn còn nhưng phải cái nó đã lên men, bị mốc!

Vì không biết tiếng Lào, anh em chỉ ra hiệu mời họ về bản sinh hoạt bình thường vì khu này đã được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của bọn Pháp và tay sai.

Rất may đến ngày thứ 9, dân bản kéo về đủ cả các thành phần: nam, phụ, lão, ấu, và có cả người biết tiếng Việt. Anh em bám lấy tíu ta tíu tít trò chuyện.

Ngày hôm sau, đại diện các gia đình Lào, người mang trứng, mang gà, vịt và cả những túi xôi nóng hổi. Anh em chỉ nhận những túi xôi còn trứng, gà, vịt trả lại dân. Biết dân Lào thiếu muối, anh em mang một sọt muối trắng biếu dân. Già bản lấy ra một bát, đánh trống, chiêng tập hợp dân lại, giải thích cho dân hiểu bộ đội Việt Nam sang đây là để giúp dân tộc Lào đánh giặc, giải phóng quê hương. Sau cuộc nói chuyện, mỗi người một ít muối cho vào mồm, còn sọt muối sẽ chia cho từng gia đình sau.

Quanh quẩn ở trong bản cũng được gần 15 ngày. Cái ngày bộ đội về nước đã tới, cuộc chia tay thật là bịn rịn. Cả bản khóc sướt mướt, có những ông bà già cứ níu lấy anh em tình nguyện không muốn xa.

NGUYỄN ĐƯỚC
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:08:54 pm »


TRẬN HÌN SÌU VÀ TRẬN TIÊU DIỆT 48 XE
TRONG CHIẾN DỊCH TRUNG LÀO
(1953-1954)



I

Đồn Hìn Sìu ở giữa làng Hìn Sìu, do tiểu đoàn dù ngụy số 3 đóng giữ. Tiểu đoàn này gồm 4 đại đội, do sĩ quan Pháp chỉ huy. Lính địch phần lớn là bọn công giáo phản động, Quốc dân Đảng phản động, với ý thức phục thù giai cấp, tử vì đạo, sống không cần ngày mai... Chúng được trang bị mạnh, huấn luyện kỹ về nhảy dù và đánh ở rừng núi, được kích động rất lớn về hưởng thụ vật chất. Do vậy, bọn này là một lũ kiêu binh, cực kỳ hiếu chiến và tàn bạo.

Tại Hìn Sìu, địch tổ chức phòng ngự hình tròn, có công sự dã chiến quanh đồn chính, lính căng bạt trú quân ngoài trời. Các đại đội địch thay phiên nhau đi tuần tra xung quanh nơi đóng quân để phòng ta tập kích.

4 giờ sáng ngày 9-1-1954, 2 Tiểu đoàn Lê Lợi và Cô Tô đồng loạt nổ súng đánh vào làng Hìn Sìu và đồn Hìn Sìu. Ngay từ đợt đầu, địch đã bị thiệt hại rất nặng, chỉ còn khoảng một trung đội co về trong đồn cũ ở giữa làng để cố thủ, cầm cự chờ trời sáng.

Khi trời sáng rõ, phi pháo địch ra sức hoạt động, hỗ trợ cho bọn địch còn lại trong đồn cầm cự. Sau đó, bọn này bí mật phá vòng vây trốn thoát. Máy bay địch liền ào ạt ném bom nổ, bom cháy vào làng và đồn, giết chết bọn lính địch bị thương còn nằm lại trong đồn.

Trong trận này, ta tiêu diệt hơn 300 tên địch, bắt sống 88 tên trong đó có 3 tên Pháp là: Tên quan ba Mô-lê (tiểu đoàn trưởng), tên quan hai Đuy-căm-clốt (tiểu đoàn phó) và một tên quan hai là bác sĩ. Bên ta cũng có một số thương vong, đồng chí Lại Văn Kháo, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Lê Lợi, hy sinh.

Đây là một trận vận động tập kích quân địch có hiệu suất chiến đấu cao, một trận chiến thắng oanh liệt, tiêu diệt một đơn vị quân địch rất hung hãn và thiện chiến được phi pháo yểm trợ đắc lực. Ta đã phá được ý đồ của địch là ngăn chặn quân ta phát triển xuống đường số 9.



II

Đêm 24-1-1954, cả 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 66 đồng loạt tấn công tiêu diệt 3 đồn địch án ngữ trên đường số 9: đồn Phalan, cứ điểm Hu-xa-lay, cứ điểm Xê-ta-mốc.

Đường số 9 là con đường huyết mạch của địch đã bị ta cắt đứt một đoạn dài gần 50 km ở quãng giữa. Căn cứ Thà Khống bị cô lập, căn cứ Sê Nô bị uy hiếp. Địch không thể không phái một lực lượng lớn đến chiếm lại các đồn đã mất.

Lúc này Tiểu đoàn Nguyễn Huệ đang chuẩn bị đánh đồn Mường Phin. Tiểu đoàn Lê Lợi và Tiểu đoàn Cô Tô được điều đến bố trí 2 bên đường số 9, quãng giữa đồn Phalan và Đồng Hến, để tổ chức trận địa phục kích đón đánh địch từ Đồng Hến xuống.

Tiểu đoàn Lê Lợi làm nhiệm vụ chặn đầu, Tiểu đoàn Cô Tô làm nhiệm vụ khóa đuôi, và cả hai cũng đánh vào đội hình chính của địch.

Anh em bộ đội ra sức làm công sự để tránh phi pháo, hết sức chú trọng ngụy trang để giữ bí mật trận địa.

Đúng như dự đoán của ta, ngày 26-1-1954, địch cho một binh đoàn cơ động (GM ngụy Cămpuchia số 51) theo đường số 9 từ Đồng Hến tiến xuống. Dưới đất là đoàn xe cơ giới chở nặng lặc lè, trên trời có máy bay trinh sát, liên lạc với nhau qua điện đài. Địch tổ chức sục sạo vào cánh rừng hai bên đường nhưng chủ quan nên chỉ làm sơ sài. Đài quan sát của ta đặt bí mật trên núi cao báo tin về Chỉ huy sở đều đặn. Anh em có lúc phải nín thở căng mắt ra mà theo dõi mọi động tĩnh của địch.

Không gặp cản trở gì, đoàn xe cơ giới của địch ầm ầm tiến lên và đại bộ phận đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Không may một chiến sĩ của ta đã để súng cướp cò. Quân địch dừng ngay lại. Không chần chừ, trung đoàn trưởng lập tức hạ lệnh cho hỏa lực ta bắn cấp tập vào đội hình địch và lệnh cho Tiểu đoàn Cô Tô nhanh chóng khóa đuôi và chặn không cho chúng chạy thoát về phía tây. Trong khi pháo ta vẫn chế áp địch, hơn 10 mũi xuất kích của bộ binh ta lao vào đội hình địch. Pháo ta vừa chuyển làn, các mũi xung phong của ta cũng chuyển thành hàng ngang, như các đợt sóng biển liên tiếp đổ ập vào quân địch. Không gian chát chúa tiếng pháo, tiếng súng, tiếng xe cộ nổ rầm rầm, tiếng la hét xung phong. Máy bay địch gầm rú điên loạn trên bầu trời mà không dám làm gì vì bị rừng khộp che khuất, lại cũng vì ta và địch đã xen lẫn vào nhau. Hơn 10 phút sau trận đánh kết thúc, tiếng súng và tiếng pháo im dần rồi tắt hẳn. Còn chăng chỉ là tiếng nổ từ các xe bị bốc cháy, tiếng kêu la của lính địch bị thương. Xác địch nằm la liệt trên đường cái, trên xe, trên cây, với đủ mọi tư thế.

Ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Trừ một số ít địch luồn rừng chạy thoát, ta diệt hơn 2 đại đội, bắt sống 80 tên ngụy Cămpuchia và sỹ quan Pháp, bắn cháy 48 xe cơ giới, thu nhiều vũ khí, đạn dược, lương thực.

NGUYỄN ĐỨC ĐOÀI
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:11:07 pm »


TIỂU ĐOÀN NGUYỄN HUỆ Ở CHIẾN TRƯỜNG HẠ LÀO


Đầu tháng 2-1954 để khuyếch trương chiến thắng đường số 9 và gây cho địch thêm bị động, phân tán, Trung đoàn 66 đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Nguyễn Huệ nhanh chóng thọc sâu xuống Hạ Lào.

Tiểu đoàn Nguyễn Huệ lúc đó do anh Nguyễn Thế Bôn là tiểu đoàn trưởng, anh Nguyễn Thế Trinh là chính trị viên tiểu đoàn, anh Hồ Thu là tiểu đoàn phó, anh Cao Văn là chính trị viên phó tiểu đoàn. Anh Mai Hiền sau khi được đề bạt lên trung đoàn phó cùng với một số cán bộ cơ quan Trung đoàn và Đại đoàn 304 cùng đi với tiểu đoàn. Tiểu đoàn Nguyễn Huệ (bí danh là "Xã Quảng") được tăng cường đủ mạnh để hoạt động độc lập, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh mặt trận và Bộ Tổng tư lệnh. Lực lượng gồm: 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội trợ chiến, tăng cường 1 đại đội công binh, 1 trung đội ĐKB, 1 đại đội dân công, 1 tiểu đội điện đài, cơ yếu. Quân số của tiểu đoàn trên 1.000 người. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã bàn bạc với bạn Lào cử 3 đồng chí lãnh đạo Lào cùng đi với tiểu đoàn. Đồng chí Phu-ma đại diện về Đảng, đồng chí Khăm-phệt đại diện về chính quyền, đồng chí Châm-niên đại diện về lực lượng vũ trang. Chính sự phối hợp đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu đoàn hoạt động độc lập để thực hiện cả 3 nhiệm vụ: chiến đấu, chính trị và quốc tế của cấp trên giao. Sau mấy ngày hành quân, tiểu đoàn đã đến được căn cứ cách mạng Lào Ngăm của bạn Lào. Đây là một vùng đồng bằng, có ruộng, có rừng, có một số ít ngọn đồi nhấp nhô, không có núi cao. Khi tiếp xúc với bà con địa phương, tình hữu nghị Việt - Lào lâu ngày gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi, tay hát mặt mừng, như anh em một nhà được đoàn tụ sau bao lâu cách trở...

Sau một thời gian ngắn nghiên cứu tìm hiểu tình hình, lãnh đạo và chỉ huy tiểu đoàn cùng với bạn xây dựng chủ trương, kế hoạch hoạt động. Trước hết phải tổ chức đánh địch, diệt đồn, giải phóng nhân dân khỏi ách kìm kẹp của địch, có vậy mới hạ được uy thế của địch gây thanh thế cho cách mạng Lào và gây niềm tin tưởng tạo đà phát triển công cuộc cách mạng ở Hạ Lào.

Đêm ngày 7-3-1954 ta và bạn quyết tâm tiêu diệt đồn địch Khi Li do một đại đội ngụy Lào ác ôn chiếm giữ khống chế đường số 13 từ Khôn-xê-đôn đi Pắc-xế. Trước đây bạn chưa đủ sức diệt đồn này nên địch càng ngạo mạn đàn áp kìm kẹp nhân dân. Chúng còn khiêu khích: "Đánh vào Khi Li là tự húc đầu vào rọ đấy". Để trận chiến mở màn ở Hạ Lào chắc thắng và làm cho địch khiếp sợ, ta phải co cách đánh hiểm và phù hợp. Đêm vừa xuống, đồng chí Vũ Thiện Cơ - cán bộ tham mưu của tiểu đoàn - dẫn đầu một mũi xung kích, phối hợp với một tổ du kích của bạn, bí mật vượt sông vào bố trí sẵn ở sau lưng địch, nơi mà chúng cho rằng ta khó vào được. Theo hiệu lệnh nổ súng thống nhất của Sở chỉ huy, ở hướng chính và phụ, đều nhất loạt phá hàng rào mở cửa xung phong vào đồn, tung thủ pháo, ném lựu đạn. Hướng chính phát triển nhanh vào sở chỉ huy địch, khẩn trương, táo bạo, dũng mãnh tiêu diệt trong vòng 15 phút. Địch hốt hoảng không kịp trở tay đối phó. Tên đồn trưởng bị bắt ngay từ đầu đã vừa giơ tay hàng vừa run rẩy than vãn: "Kinh hoàng quá, vừa dứt tiếng nổ của bộc phá, các ông đã xông vào tận sở chỉ huy rồi, thật kinh hoàng!". Sau 50 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn đồn địch là một điều hiếm có ở chiến trường Hạ Lào thời kỳ đó. Tiếng đồn lan xa làm cho trận chiến thắng được nhân lên nhiều lần. Địch thì hoang mang, dao động, nhân dân thì phấn khởi tin tưởng vào cách mạng, vào bộ đội, hăng hái tham gia dẫn đường cho bộ đội lùng sục bọn địch đang lẩn trốn xung quanh đồn, hăng hái theo bộ đội hướng dẫn rào làng, đào hào xây dựng làng chiến đấu, mọi người đều nô nức như ngày hội... Một luồng gió mới đang thổi và lan tỏa khắp làng bản một vùng Hạ Lào.

Cũng từ đó, mạng lưới chiến tranh nhân dân từng bước được hình thành, đã tổ chức được các đội du kích và dân quân suốt dọc đường 13 từ Khôn- xe-đôn đi Xa-ra-van. Vùng bị địch tạm chiếm ở Chăm-bát-xắc và dọc sông Mê-kông bị uy hiếp và lung lay. Cùng với việc diệt đồn, phục kích diệt địch, tiểu đoàn còn phối hợp cùng bạn tiến hành hoạt động trên đường số 13 suốt từ Hạ Lào tới biên giới Cămpuchia. Trong một thời gian đã phá hỏng trên 70 cây cầu và các đoạn đường hiểm làm tê liệt và đứt tuyến giao thông quan trọng của địch gây cho chúng nhiều khó khăn. Với thành tích trên, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ được Bộ Tổng tư lệnh kịp thời tặng huân chương Quân công hạng 3. Hoạt động mạnh của Trung đoàn 66 ở Trung Lào và Hạ Lào đã hiệp đồng chặt chẽ với chiến trường chính Điện Biên Phủ nổ súng ngày 13-3-1954. Cuối tháng 3-1954, tiểu đoàn được lệnh rời khỏi khu du kích Lào Ngăm, tiến xuống hoạt động ở vùng Cao nguyên Bô-lô-ven...

Gần một tuần hành quân băng qua những khu rừng "Khôộp” nắng nóng oi bức, khô cằn, lác đác mới có những vũng nước trâu đầm đã gần cạn, tiểu đoàn đã đến vùng Cao nguyên Bô-lô-ven bao la, bát ngát, thoáng đãng, mát mẻ... với màu xanh ngút ngàn của đồng cỏ, rừng cây mênh mông, sông suối trong xanh, núi non kỳ vĩ... sơn thủy thật là hữu tình thơ mộng. Nhưng tình hữu nghị của nhân dân cao nguyên đối với bộ đội Việt Nam còn thắm thiết hơn gấp nhiều lần.

Đoàn quân vào đến cửa ngõ cao nguyên, nườm nượp các mẹ, các chị, các cô gái Hạ Lào ăn mặc đẹp đứng dọc hai bên đường niềm nở đón tiếp bộ đội, hầu như tay người nào cũng cầm chiếc giỏ tre đựng đầy chỉ trắng và thuốc lá "rê". Chỉ trắng để buộc cổ tay tất cả các anh bộ đội, đó là sợi tình, sợi nghĩa đối với người thân. Lãnh đạo và chỉ huy tiểu đoàn cùng địa phương đã thống nhất kế hoạch mở một đợt hoạt động trên đường số 13.

Ngày 1-4-1954, tiểu đoàn tiêu diệt gọn đồn địch ở cao điểm không tên (cây số 66 đường 13) và bắt sống 2 tiểu đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 2-4-1954, phối hợp với Tiểu đoàn 436 Trung đoàn 101 đánh địch ở Vơn-xai và tiến vào hoạt động ở Đông Bắc Cămpuchia. Thời gian này thế và lực của ta được phát triển, chiến trường Hạ Lào và Đông Bắc Cămpuchia của địch đã bị ta uy hiếp thực sự. Bộ chỉ huy quân Pháp dù đã dốc toàn lực cho mặt trận "Điện Biên Phủ" nhưng để đối phó với những thất bại vừa qua, chúng buộc phải điều GM7 một đơn vị lê-dương thiện chiến, một trong những con chủ bài của chúng từ Viêng-chăn xuống Hạ Lào để giải nguy. Đối với Tiểu đoàn Nguyễn Huệ, đây là thời cơ tốt đánh vào lực lượng tinh nhuệ của địch. Quyết tâm của ta là tổ chức một trận phục kích trên đường 13, chọn địa hình tốt nhất, bất ngờ nhất, chuẩn bị chu đáo đánh một trận chắc thắng vào GM7 của địch.

Ngày 4-4-1954, một đoàn xe và pháo của GM7 hùng hổ kéo xuống Hạ Lào. Theo đúng kế hoạch đã định, đợi cho địch lọt vào trận địa phục kích, toàn tiểu đoàn bất ngờ nổ súng và xung phong vào đội hình địch làm chúng hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp đối phó. Chỉ trong vòng 30 phút, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, ta tiêu diệt gọn 1 đại đội Âu Phi, 1 đại đội pháo 105 ly, phá hỏng 4 khẩu pháo và 26 xe cơ giới, bắt sống 43 tên tù binh Âu Phi (trong số đó có một tên quan ba, hai tên quan hai và bảy tên quan một Pháp) thu nhiều vũ khí nhẹ và chiến lợi phẩm. Tiểu đoàn nhanh chóng rút khỏi trận địa và triển khai kế hoạch đề phòng địch đến giải vây cho số tù binh bị ta bắt. Thật là vất vả khi áp tải số tù binh Âu Phi. Ta bắt chúng tháo giầy và trói thành từng tốp 5 tên. Trong số tù binh có 5 tên bị thương, ta bắt chúng khiêng nhau đi theo. Vì không quen đi chân đất nên tốc độ lui về hậu phương ta rất chậm. Sau một tiếng đồng hồ, Bộ chỉ huy mặt trận lệnh cho đơn vị nhanh chóng đưa số tù binh Âu Phi rời xa khu vực chiến đấu, vì địch dùng máy bay thả quân để giải vây cho bọn chúng. Để thực hiện rút nhanh, ta cho phép tù nhân được đi giầy. Số tù binh bị thương ta dùng voi nhà chở, nhưng lạ thay, khi ta đưa thương binh địch lên lưng, voi đều từ chối hất xuống đường, còn thương binh của ta thì voi gượng nhẹ và di chuyển rất mau lẹ. Trận đánh giành được thắng lợi lớn. Lực lượng của GM7 rất hoang mang, sau này khi nghe đến gặp lính "Xã Quảng" Ký Con là chúng khiếp sợ. Sau những chiến thắng liên tiếp, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ trực tiếp nhận lệnh của Bộ Tổng tư lệnh: "Đi đôi với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, cần hết sức coi trọng và thực hiện tốt hơn nhiêm vụ chính trị và nhiệm vụ quốc tế, phải ra sức cùng bạn xây dựng khu căn cứ Lào Ngăm thành chỗ đứng chân vững chắc, để tiếp tục phát triển xuống phía nam vùng biên giới của 3 nước Việt Nam, Lào và Cămpuchia".

Thực hiện chỉ thị trên, đầu tháng 5-1954 toàn tiểu đoàn rời khỏi Nam Hạ Lào, vượt cao nguyên Bô-lô-ven trở lại Lào Ngăm. Ta cùng với bạn ra sức xây dựng khu căn cứ về mọi mặt và tiếp tục tiêu diệt địch xung quanh Lào Ngăm.

Trước hết là gấp rút tổ chức xây dựng cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, tổ chức tập huấn để các chi bộ Đảng lãnh đạo mọi mặt hoạt động của khu căn cứ. Đồng thời chú trọng bồi dưỡng đào tạo cán bộ chính quyền, mặt trận, lực lượng vũ trang và các đoàn thể quần chúng.

Nhiều cán bộ trưởng thành từ đây đã trở thành những nhà lãnh đạo của bạn Lào sau này. Đẩy rất mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang, từ chỗ chỉ có một trung đội du kích, sau một thời gian ngắn đã phát triển thành một tiểu đoàn hoàn chỉnh được huãn luyện và trang bị tương đối mạnh, phối hợp với Tiểu đoàn Nguyễn Huệ hoạt động tác chiến. Tiểu đoàn của bạn không những trở thành nòng cốt để đẩy mạnh chiến tranh du kích mà còn là lực lượng vũ trang, là quả đấm chủ lực đáng tin cậy, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân. Từ đó nhân dân nô nức tham gia làm đường, đào mương, đào hồ chống hạn, đắp đê chống lụt. Bộ đội vừa làm vừa hướng dẫn, phổ biến cho nhân dân cách làm ăn tập thể, cách sản xuất thâm canh để tăng năng suất. Tình quân dân trong lao động, xây dựng bản làng, trở thành keo sơn gắn bó rất thắm thiết. Nửa năm hoạt động, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ từ Thanh Hóa vượt gần 500 cây số xuống Hạ Lào, phần lớn thời gian phải tập trung vào nhiệm vụ đánh địch giải phóng nhân dân. Thời gian còn lại, vâng theo lời dạy của Bác Hồ "giúp bạn là tự giúp mình", tiểu đoàn mới chỉ làm được một số việc cùng bạn Lào xây dựng khu căn cứ Lào Ngăm và Cao nguyên Bô-lô-ven, theo ý đồ chiến lược lâu dài của Đảng ta và Đảng bạn. Đây là những viên gạch xây đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Như Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: "Đòn thọc sâu... xuống Hạ Lào là sự khai phá cho đường mòn Hồ Chí Minh sau này". Lúc Tiểu đoàn Nguyễn Huệ và Tiểu đoàn 436 đi xuống tới cực Nam Hạ Lào và Đông Bắc Cămpuchia cũng là lúc hành lang Bắc - Nam Đông Dương đã được thông suốt, bắt liên lạc được với đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Trần Văn Trà ở Nam Bộ. Đầu tháng 6-1954, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ được lệnh rời khu du kích Lào Ngăm bàn giao mọi mặt cho bạn Lào, hành quân trở về Quảng Bình để chuẩn bị rút quân về nước.

NGUYỄN THẾ TRINH
Nguyên chính trị viên
Tiểu đoàn Nguyễn Huệ

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:14:16 pm »

 
NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ PHAI MỜ


Hồi đó tôi ở Đại đội 111 pháo binh 120 ly, Tiểu đoàn 83 Đại đoàn 351 được phối thuộc Trung đoàn 66 chiến đấu ở Trung Lào.

Thời tiết lúc bấy giờ ở đây rất đẹp, những cánh rừng khô ráo, lá rụng từng lớp tạo thành những tấm thảm rất thuận tiện cho lính ta đóng quân, cứ việc trải chăn lên là ngủ, không còn phải làm lán chặt lá làm giường như ở rừng Việt Bắc. Được ngủ một đêm ở cánh rừng già này, trên tấm thảm lá xào xạc tỏa hương thơm là một ấn tượng khó quên.

Sau những ngày gian nan vượt Trường Sơn là những ngày hành quân cấp tốc vì chiến thắng quá nhanh. Mở đầu chiến dịch, đại đội đã phải khiêng pháo, có bộ phận nặng gần 100 ký chạy "ma-ra-tông" hàng chục ki-lô-mét để đuổi theo các tiểu đoàn của trung đoàn truy kích địch rút chạy khỏi Mụ Giạ và Ba-na-phào, tiếp đó phát triển xuống đường 9.

Trận đầu tiên đại đội được tham gia là trận Tà Khống. Đây là một đồn lớn bố trí trên một ngọn đồi khống chế rộng xung quanh, có hơn một tiểu đoàn địch với công sự vững chắc. Tôi nhớ hôm phổ biến kế hoạch trận đánh, đại đội 120 ly và pháo của trung đoàn được giao nhiệm vụ bắn áp đảo 15 phút sau đó bộ binh tiến công. Còn lại là phổ biến cách chiếm đồn, thu dọn chiến trường, chiến lợi phẩm. Có một thực tế là hơn tháng qua, trung đoàn đánh đến đâu là địch tan rã, bỏ chạy hoặc bị tiêu diệt. Chính vì vậy đến trận Tà Khống này chúng ta cũng dự đoán là sẽ như vậy nên rất chủ quan.

Đêm 15 rạng 16 tháng 2 năm 1954, đại đội pháo của chúng tôi được lệnh khai hỏa. Pháo 120 ly nổ giòn vang trong 15 phút cấp tập, ánh lửa lòe sáng, tiếng nổ rất đanh và sau đó bộ binh tràn lên mở đột phá khẩu.

Thật không ngờ, bọn địch lại không bỏ đồn chạy như ta tưởng, mà chúng bắn lại với nhiều làn hỏa lực rất mạnh làm bộ binh ta không thể tiến lên được và bị thương vong nhiều. Trung đoàn trưởng hạ lệnh pháo binh bắn cấp tập lần thứ 2, nhưng thật tiếc vì cơ số đạn đã hết, mà dân công lại chưa tải đạn lên kịp (đại đội có 2 trung đội vác đạn và 1 đại đội dân công vận chuyển đạn phía sau. Đạn 120 ly nặng 13 ký rưỡi, mỗi người chỉ vác được 1 viên). Đúng lúc ấy, pháo binh địch bắt đầu phản pháo, chúng bắn dồn dập vào trận địa hỏa lực của ta. Và bất ngờ một quả pháo 75 ly rơi đúng khẩu đội 1 nơi tôi đang cùng với các pháo thủ chiến đấu.

Thế là cả khẩu đội của tôi lặng người đi và chắc rằng sẽ hy sinh tất thảy. Nhưng thật may mắn, những giây phút hiểm nghèo đã qua, quả đạn đó bị liệt không nổ.

Ngay sau đó máy bay địch lại đến oanh tạc, ném cả bom cháy (na-pan) cùng với pháo binh của chúng làm cho bộ đội ta bị thêm thương vong. Chúng ta đã phải tiếp tục vây đồn để lấy thương binh, tử sĩ dưới hỏa lực không ngớt của phi pháo địch.

Về sau tôi được biết, trong quá trình thảo luận hạ quyết tâm trận đánh, có nhiều ý kiến cho là địch có lực lượng mạnh, ta nắm chưa chắc, nên để chuẩn bị thêm. Nếu những ý kiến này được chấp nhận, với khí thế chiến thắng đang dâng cao, chắc chắn tình hình đã khác hẳn.

Khi trở lại Việt Nam, về gần đến chợ Chuông thì Hiệp định đình chiến Giơ-ne-vơ 1954 có hiệu lực. Cái lệnh ấy sao mà thiêng liêng và vui sướng đến thế. Tôi nhớ nhất là được hành quân ban ngày, không phải ngụy trang và đêm đến không phải đào hầm trú ẩn nữa.
Một niềm vui nữa đến với đại đội pháo binh 120 ly, là chỉ ít lâu sau thời điểm đó, chúng tôi được chuyển hẳn về Trung đoàn 66.

ĐẶNG KIM NGUYÊN
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:15:42 pm »


TRẬN XÓM HỒNG


Trong chiến dịch Trung - Lào (1953-1954), sau khi quân địch rút chạy khỏi Mụ Giạ, Ba-na-phào và bị tiêu diệt ở đồn Pà Cuội, Trung đoàn 66 được lệnh tiến xuống phía nam và hoạt động ở khu vực đường số 9.

Đêm 4-01-1954, Tiểu đoàn Lê Lợi nhận nhiệm vụ bao vây đồn Hìn Sìu và Tiểu đoàn Cô Tô thì sẵn sàng đánh quân cơ động của địch đến ứng cứu giải vây cho Hìn Sìu.

Mờ sáng ngày 5-01-1954, tin từ trung đoàn báo về: quân cơ động của địch đã xuất hiện ở khu rừng Pô Xây. Tiểu đoàn lệnh cho Đại đội 117 xuất quân. Trung đội 7 do tôi là trung đội trưởng đi đầu. Tôi ra lệnh cho anh em: - Đạn lên nòng, sẵn sàng chiến đấu! Đi trước tôi là một người dân địa phương dẫn đường và một đồng chí quân báo của tiểu đoàn. Đơn vị đi qua một bản có tên gọi là Xóm Hồng, không thấy bóng dáng một người dân nào. Vừa ra khỏi bản 30 m thì gặp địch ở ngay bìa rừng. Địch chủ động nổ súng trước. Đồng chí quân báo trúng đạn, gục ngay dưới chân tôi, còn người dân dẫn đường chạy mất. Tôi hô anh em bắn, đồng thời tôi cũng lia cả một băng đạn tiểu liên về phía địch, 2 tên địch ngã gục ngay, bọn còn lại nằm rạp xuống, dùng tiểu liên bắn ào ào về phía ta. Tôi điều một trung liên lên áp đảo địch và cho trung đội dàn hàng ngang không cho địch chọc ngang sườn đại đội. Bọn địch quay đầu tháo chạy, vừa chạy vừa bắn xối xả về phía quân ta. Quyết tiêu diệt toán lính này, tôi lệnh cho trung đội truy kích. Đến một khoảng ruộng trống, thấy địch bắn rát quá, tiểu đội của đồng chí Bàn đi đầu phải nằm lại. Tôi điều cả 2 trung liên lên cùng với tiểu đội này bắn yểm trợ, còn tôi dẫn tiểu đội của đồng chí Giá vượt qua khu ruộng trống thì gặp một con suối cạn sâu khoảng 5 m, bờ dốc thẳng đứng, có cây cối rậm rạp. Tôi cho anh em dừng lại bố trí bên bờ suối để sẵn sàng chiến đấu tiếp. Một chiến sĩ phát hiện là tôi đã bị thương và lúc này tôi cũng mới biết là mình bị thương ở đùi bên trái, máu chảy dọc theo từ đùi xuống chân, nhưng vết thương không nặng lắm. Sau khi được anh em băng bó tôi tìm cách leo lên những mô đất cao để quan sát địch, nhưng mỗi khi vừa nhô lên, chưa kịp nhìn thấy địch thì chúng đã bắn như vãi đạn về phía ta.

Phán đoán là địch đã bố trí ở bên kia bờ suối và có hỏa lực mạnh, tôi cử người về phía sau báo cáo với ban chỉ huy đại đội. Đồng chí Khánh, đại đội phó, gửi lời biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của Trung đội 7 và lệnh cho tôi "giữ vững trận địa".

20 phút sau, trận địa đang im ắng bỗng vang lên tiếng hô bằng tiếng Pháp ở bên phía quân địch. Tiếng hô cứ to dần, có vẻ như địch đang tiến về phía chúng tôi. Khi phán đoán là địch đã đến cách chúng tôi khoảng 25 - 30 m, tôi cho anh em tung một loạt lựu đạn về phía địch. Tiếng hô im bặt nhưng sau đó địch lại bắn xối xả về phía ta trong khoảng 5-10 phút. Tình hình tiếp diễn như vậy 4 lần nữa, bốn lần địch hô quân tiến lên, bị ta phản kích, địch lại bắn trả lại dồn dập.

Bên ta, đạn và lựu đạn đã gần hết. Tôi cử người về báo cáo tình hình với ban chỉ huy đại đội và được lệnh: Cho Trung đội 7 rút về tuyến sau, bàn giao trận địa cho đơn vị bạn.

Lúc này đã là 2 giờ chiều. Theo lệnh của tiểu đoàn, Đại đội 115 và Đại đội 119 đã lên tiếp nhận trận địa, dùng hỏa lực cối 81 yểm trợ, vượt qua suối cạn tiến đánh địch. Quân địch bị tiêu diệt một số, số còn lại tháo chạy. Trời đã về chiều, quân ta dừng lại không truy kích.

Trận Xóm Hồng kết thúc. Tuy không bắt được tù binh nhưng ta đã tiêu diệt được nhiều địch, tạo điều kiện cho thắng lợi của ta trong trận tấn công vị trí Hìn Sìu ngày 9-01-1954 và thực hiện được nhiệm vụ kìm chân địch ở đây để quân ta giành thắng lợi ở chiến trường chính Điện Biên Phủ.

NGUYỄN NGỌC NINH
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:17:31 pm »


CAO NGUYÊN BÔ-LÔ-VEN NHỮNG ĐlỀU CÒN ĐỌNG LẠI
SAU GẦN NỬA THẾ KỶ


Sau khi diệt gọn đồn Xê-ta-mốc và đồn Mường Phin, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ vẫn trú quân tại khu vực đường số 9. Sau Tết Nguyên đán - khoảng 6-2-1954, tiểu đoàn nhận lệnh vượt đường số 9, vượt sông Xê-băng-hiêng phát triển xuống Hạ Lào.

Tách khỏi đội hình trung đoàn, nhận nhiệm vụ hoạt động độc lập ở một hướng là một vinh dự và cũng là một thử thách đối với tiểu đoàn. Tâm lý chung là không muốn xa trung đoàn. Các cấp ủy Đảng đã tăng cường công tác tư tưởng, xây dựng ý chí "đâu có giặc là ta cứ đi". Chúng tôi đến khu du kích Lào Ngăm rộng lớn sau vài đêm hành quân.

Ở đây có ba hoạt động chiến đấu mà tôi còn nhớ. Đó là cắt đường chiến lược số 13 nối liền Bắc Lào, Trung Lào, Hạ Lào và Cămpuchia. Đêm đêm các đơn vị thay nhau đi phá cầu, đào đường, làm gián đoạn sự vận chuyển của địch hơn nửa tháng. Bộ Tổng tư lệnh đã tặng thưởng một huân chương Quân công hạng 3 cho tiểu đoàn về thành tích này. Hoạt động thứ hai là đánh một đoàn xe chở bản đồ quân sự của địch. Hoạt động thứ ba là tiêu diệt gọn đồn Khi Li nằm trên đường số 13.

Cuối tháng 3-1954 nhận lệnh tiếp tục phát triển xuống Nam Hạ Lào. Tư tưởng quân ta lại phát sinh và công tác tư tưởng lại được tiểu đoàn ủy cùng Ban chỉ huy tiểu đoàn coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ hàng ngày. Có chiến sĩ bảo cứ đà này thì ta xuống tới Nam Bộ, dù bàn ra tán vào thế nào thì cũng phải tạm biệt Lào Ngăm giàu đẹp, nhân dân thuần hậu, chất phác để vượt cao nguyên Bô-lô-ven.

Mất hai ngày hành quân qua những khu rừng "Khôộp" nóng, nắng, oi, khô cằn, những khu rừng đất rộng nhưng thiếu sức sống, chỉ thấy đất bạc màu khô cứng, rừng lại thưa, xe ô tô có thể xuyên ngang, xuyên chéo một cách dễ dàng. Cành cây khẳng khiu như không có nhựa, lá khô rụng đầy và xào xạc dưới gót chân. Không thấy màu xanh dù chỉ là một mầm non nhú trên cành, chỉ một màu nâu xám. Không có suối nước, chỉ có suối cạn và rất hiếm mới gặp được vũng nước trâu đầm. Có đêm hành quân tạm nghỉ bên vũng nước, anh nuôi lấy nước nấu cơm, sáng hôm sau mới biết là vũng nước trâu đầm.

Đi miết rồi cũng thoát khỏi khu rừng "Khôộp" tiếp giáp với rừng xanh. Một con đường cái vừa đủ hai xe bò tránh nhau dẫn chúng tôi tới "cửa ngõ" cao nguyên. Các bà mẹ, các chị, các cô gái Lào không hiểu tại sao lại biết là có bộ đội Việt Nam tới, đã ra đón bộ đội dọc hai bên đường. Hầu như người nào cũng cầm một giỏ trên tay, hoặc đầy thuốc lá hoặc đầy chỉ trắng. Không anh bộ đội nào thoát khỏi "cuộc" buộc chỉ cổ tay và mời thuốc. Vòng chỉ sau trùm lên vòng chỉ trước, trông xa cứ như buộc băng trắng nơi cổ tay. Điếu thuốc lá ở đây khác điếu thuốc lá cuốn bằng lá chuối khô của vùng Lào Ngăm, ở vùng Bô-lô-ven này thuốc lá được cuốn bằng lá chuối tươi luộc chín có màu xanh "lụa nõn chuối" gợi cảm giác tươi mát. Mỗi điếu lại buộc một sợi chỉ trắng hoặc đỏ để làm duyên.

Thế là chúng tôi đã bước trên đường xuyên cao nguyên xa xôi, đã xa Trung Lào trên dưới hai trăm ki-lô-mét. Trước cảnh cao nguyên bao la, lộng gió với rừng cây xanh mát, bộ đội rất hào hứng khác hẳn những ngày qua rừng "Khôộp”. Có đêm hành quân tới một bản vùng du kích Bô-lô-ven, thấy có ánh đuốc và một toán người đứng chờ sẵn. Một ông già được một người Kinh giới thiệu là Phò bản (Trưởng bản) ra đón tiếp bộ đội Việt Nam. Ông Trưởng bản tiến đến bắt tay Ban chỉ huy tiểu đoàn, bắt tay một số cán bộ với thái độ mừng vui ra mặt. Điểm đập vào mắt tôi là ông Trưởng bản người đen trũi, không mặc quần dài mà chỉ đóng khố nhưng lại mặc một chiếc áo veston, đúng là một chiếc veston như ta mặc hiện nay. Hình như đây là vùng người dân tộc Khạ, một dân tộc thiểu số của Lào. Nhìn sang người nói tiếng Kinh tôi xúc động quá. Trong lúc bộ đội tạm nghỉ, tôi bắt chuyện với anh. Anh tự giới thiệu mình là người Việt thuộc quân tình nguyện từ Khu 5 cử sang Hạ Lào. Anh phải "ba cùng" với dân, lại phải mặc theo dân (đóng khố), cà răng, căng tai, để tóc dài, để da đen sạm như người bản địa. Sự hy sinh của anh to lớn quá. Sự gian khổ của tôi đối với anh không là gì cả. Và tôi đã nói với Đại đội 107 của tôi cảm nghĩ của mình. Hình ảnh của anh còn theo tôi mãi trong suốt cuộc hành quân chiến đấu ở Hạ Lào.

Có một con suối lớn xuyên qua vùng cao nguyên nắng gió, xuyên qua những đồi, núi và bạt ngàn là rừng đại ngàn, hoang sơ rất hiếm dấu tích con người. Con suối đó là Na-kà-lả. Có chỗ chảy êm ả trong xanh, có chỗ chảy qua những tảng đá to réo ầm ầm, bọt tung trắng xóa. Chúng tôi ước ao được nghỉ dưới tán lá rừng, mắc võng nằm bên suối và đầm mình trong dòng suối trong xanh để xóa đi nỗi nóng bức mệt nhọc dọc đường. Và tiểu đoàn đã hạ lệnh trú quân tại đây, thật đúng với mong ước của chúng tôi.

Từ cánh rừng co con suối Na-kà-lả trong xanh này, tiểu đoàn đã nhiều lần tiến ra đường 13 tổ chức các trận đánh lớn như diệt 1 đồn ở cây số 66, diệt toàn bộ đại đội Âu Phi với 4 khẩu pháo 105 ly và 26 xe quân sự GM7. Trận diệt gọn đại đội pháo binh phái đi trước của GM7 là trận phối hợp rất đẹp để một đơn vị của Đại đoàn 325 tiêu diệt vị trí Vơn-xai ở Đông Bắc Miên. Do đó tiểu đoàn lại nhận được điện khen thưởng một huân chương Quân công hạng 3 nữa. Riêng Đại đội 107 của tôi cũng có một trận đánh lẻ trên đường 13, đánh hụt 3 chiếc AM tuần tiễu của địch do lộ bí mật.

Một lần tôi đứng ngay cột cây số trên đường 13. Tôi thấy đề chữ "Khong” 50 km. Khong là một thị trấn của Lào ở gần biên giới Cămpuchia. Vậy là tôi ở cách Cămpuchia có hơn 50 km.

Đầu tháng 5-1954 tiểu đoàn lại nhận lệnh vượt cao nguyên trở về khu du kích Lào Ngăm.

Hơn một tháng ở Nam Hạ Lào, đại đội dân công Nghệ An đã dũng cảm, đồng cam cộng khổ với tiểu đoàn. Sự hiện diện của đại đội dân công này có tác dụng động viên lớn đối với cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn. Viết lại chút kỷ niệm này, tôi xin bày tỏ sự cảm phục và lòng biết ơn đối với các anh, những người lính trong đoàn quân vận tải của chiến trường.

Viết những dòng này sau gần nửa thế kỷ, tôi tự coi là những nén tâm hương để tưởng nhớ đến các liệt sĩ của tiểu đoàn đang nằm rải rác trên đất Hạ Lào xa xôi. Mãi mãi chúng tôi không quên các anh...

NGUYỄN HÙNG CƯỜNG
Nguyên chính trị viên Đại đội 107
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:19:29 pm »


ĐẠI ĐỘI QUÂN Y TRUNG ĐOÀN
ĐI CHIẾN DỊCH TRUNG LÀO


Vừa ở chiến trường Thượng Lào về, chưa kịp bước vào chỉnh huấn, và còn 2 ngày nữa cưới vợ thì đồng chí chủ nhiệm quân y trung đoàn Phan Ngọc Ngoạn nhận được quyết định của trên chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Chỉ được biết đặc trưng chiến dịch lần này là trung đoàn phải cơ động rất khẩn trương và độc lập tác chiến, còn ở hướng nào thì không được biết. Đồng chí Ngoạn đã triệu tập hội nghị quán triệt tinh thần đó cho anh em quân y sĩ dưới quyền ở các tiểu đoàn, yêu cầu các đơn vị khẩn trương dự trù cơ số thuốc men, dụng cụ.

Đồng chí chủ nhiệm quân y cũng mang vác như mọi anh em quân y khác, cơ số thuốc men, bông băng, bao ruột tượng gạo, chỉ kém một cái xẻng nhưng lại thêm dụng cụ mổ xẻ, và một khẩu các-bin do trung đoàn trang bị. Tất cả đều gọn nhẹ trên đôi vai và ba lô trên lưng. Được sự động viên của cán bộ quân chính các cấp, chúng tôi rất phấn khởi, hồ hởi bước vào chiến dịch. Những ngày trú quân tại các xóm làng xanh tươi ven sông Lam sao mà đầm ấm tình đoàn kết quân dân. Các chiến sĩ quân y của trung đoàn phần đông là dân "tạch tạch sè" Hà Nội, học sinh, sinh viên... trắng trẻo, đẹp trai lại bẻm mép, làm sao không làm xao xuyến các cô thôn nữ dệt lụa nõn nà, khỏe mạnh. Chúng tôi còn nhớ nội dung một bài hát mà anh em hay nghêu ngao: “Hà Nội ơi, ta xa Hà Nội lúc 18 tuổi, khi vừa biết yêu"...

Từ cuối tháng 12-1953, khi các tiểu đoàn của trung đoàn mở nhiều mũi tiến công trên đường số 9 ở Trung Lào, vượt qua Mụ Giạ, Banaphào, diệt đồn Pà Cuội, Mường Phin, Phalan, có tiểu đoàn tiến sâu xuống tận Hạ Lào giáp Đông Bắc Cămpuchia thì đội quân y tiền phương của chúng tôi phải hết sức vất vả để bám theo. Để kịp thời cứu chữa thương binh, chúng tôi đã phải hành quân cấp tốc, bất kể ngày đêm, nhiều khi vấp ngã vào cả xác địch ở dọc đường và kết hợp chặt chẽ với quân y các tiểu đoàn.

Một vấn đề rất cần thiết đối với quân y lúc bấy giờ là nước, nước để rửa vết thương, nước để rửa dụng cụ phẫu thuật. Vì vậy muốn trú quân ở đâu là chúng tôi phải tìm nơi có nguồn nước. Nhưng cũng rất vất vả, vì đóng quân gần suối dễ bị máy bay địch nã súng vu vơ xuống, vì chúng rất ma mãnh cho là những nơi đó bộ đội ta thường dừng chân - Hoặc có khi tìm được vùng có nước thì đã đục ngầu vì anh em ta hành quân trước đã sử dụng, hoặc một vài trường hợp lính địch đã gục xuống chết.

Có trận đánh, từ rất sớm đội đã phải tiếp nhận nhiều thương binh hầu hết là thương binh bị bỏng nặng do bom cháy (na-pan). Thương binh rất đau đớn, rên la. Chữa bỏng tức thời phải được băng bó nhưng cơ số băng đã dùng hết. Đồng chí chủ nhiệm đã phải lệnh lấy tất cả màn của đội tải thương để băng bó vết bỏng cho thương binh và liệm cho tử sĩ. Còn bao nhiêu màn của nhân viên quân y đều dành cho thương binh vừa được phẫu thuật xong để chống ruồi vàng và muỗi a-nô-phen. Do thời gian chiến dịch kéo dài, xa hậu phương nên trung đoàn còn giao cho đại đội quân y tổ chức 1 trạm an dưỡng cho thương bệnh binh nhằm kịp thời phục hồi sức khỏe để bổ sung cho các đơn vị chiến đấu.

Một buổi sáng trong cánh rừng xăng lẻ, đồng chí Ngoạn và đồng chí Tạ Giả sau nhiều ca mổ ra khỏi lều dựng tạm làm phòng phẫu thuật hít khí trời, xả hơi chốc lát. Gió thổi hiu hiu, lá rơi xào xạc, quang cảnh thật dễ chịu. Bỗng đồng chí Tạ Giả thấy thấp thoáng ở bìa rừng một số người. Anh hô to: "Bọn nào mà ra sớm thế". Trả lời anh là một loạt đạn nổ ran, may không có ai bị thương vong. Đồng chí Phan Ngọc Ngoạn và đồng chí Tạ Giả lui vội vào lán lấy súng tìm mô đất nấp nổ đạn về phía địch. Một số anh em khinh thương với phản xạ chiến đấu nhổm dậy lấy vũ khí của mình đánh địch. Bọn địch không ngờ gặp một đơn vị toàn bồ và quang gánh (bộ đội hậu cần của ta) lại đủ vũ khí có cả tiểu liên và trung liên, nên vội vã tháo chạy. Có tên hốt hoảng chạy ngay vào nơi quân y đóng quân và bị bắt sống. Khai thác tên tù binh, được biết chúng là một số tàn binh địch lang thang đi tìm đơn vị. Qua trận chiến này, anh em quân y rất khâm phục tinh thần dũng cảm của các thương binh không có gì che chắn thân mình, đã đánh địch rất hiên ngang. Ở đây cũng nhắc lại hình ảnh anh Phan Tuệ, là một phái viên của trung đoàn về công tác ở đội điều trị, đã năng nổ đốc chiến. Khiêm tốn mà nói lúc đó chúng tôi tự hào, dù chiến đấu không nhiều, nhưng đã chủ động và nêu cao trách nhiệm bảo vệ thương binh và đơn vị của mình. Sau trận này, một số anh em được khen thưởng và đồng chí Ngoạn được tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba.

Quân y chúng tôi chỉ đóng góp phần nhỏ bé vào chiến công to lớn của trung đoàn trong chiến dịch Trung Lào. Cái thắng lợi của chúng tôi là đã phục vụ thương bệnh binh vô điều kiện. Hôm nay nhớ lại vẫn vô cùng cảm động trước tinh thần chiến đấu cực kỳ anh dũng và sáng tạo của cán bộ và chiến sĩ của trung đoàn.

PHAN NGỌC NGOẠN
NGUYỄN VĂN TUYỂN

Nguyên chủ nhiệm và chính trị viên
đại đội quân y trung đoàn
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:20:54 pm »


NGÀY ẤY STUNG-TRENG BỪNG SÁNG


Tháng 5 năm 1954, để thực hiện ý đồ chiến lược của trên, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ tổ chức một đội công tác đặc biệt, tiếp tục phát triển xuống vùng 3 Biên giới, lực lượng khá mạnh do chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Thế Trinh trực tiếp chỉ huy, có các bạn Lào và một bộ phận tình nguyện quân Việt Nam đã từng hoạt động lâu năm ở Hạ Lào và Đông Bắc Căm-pu-chia cùng tham gia. Đội tiến quân xuống phía nam vùng Stung-treng Đông Bắc Căm-pu-chia. Hành quân đến đâu, dừng ở đâu, Đội đều tiến hành công tác điều tra, tổ chức tuyên truyền, làm mọi công tác có thể để giúp dân. Trường hợp gặp địch, thì tổ chức chiến đấu diệt địch bảo vệ dân, nhưng lấy công tác chính trị làm trọng.

Khi đến vùng Stung-treng, Đội công tác đã tận mắt nhìn thấy một cảnh tượng rất đau lòng và thương tâm. Nhà cửa ở đây san sát, vườn cây xum xuê, sông suối trong lành, chứng tỏ trước đây là một vùng dân cư đông đúc trù phú. Nhưng do bị địch tàn phá kìm kẹp nay rất vắng vẻ, tiêu điều. Cả vùng chỉ còn lại 74 người, đặc biệt là không có trẻ em, người nào cũng ốm yếu, xanh xao, tiều tụy, vì thiếu ăn, thiếu mặc, vì ốm đau, nghiện hút, vì bao nỗi ám ảnh của Thần linh thâm hiểm.

Đây lại là vùng xa xôi hẻo lánh, không ai để tâm quản lý, chăm sóc lo toan cho dân... Nếu không có sự xử lý thích đáng, thì nguy cơ tiệt diệt là rõ ràng.

Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, khi được báo cáo tình hình đã điện gấp cho đơn vị và chỉ thị cho đội công tác: "Bất kể do nguyên nhân gì? bất kể nhân dân Stung-treng do ai quản lý, đội công tác phải tìm mọi cách và làm hết sức mình, để cứu vãn tình trạng thương tâm cấp bách đó. Thường xuyên báo cáo tình hình về Bộ".

Đội công tác đã tập trung toàn bộ lực lượng có hạn của mình, ngày đêm đồng cam cộng khổ với nhân dân, điều tra nghiên cứu kỹ mọi nguyên nhân tìm cách gỡ dần từng đầu mối.

Trước hết chữa trị cho dân qua khỏi bệnh tật hiểm nghèo, hồi phục sức khỏe. Tuyên truyền giải thích để nhân dân từ bỏ dần những mê tín, hủ tục lạc hậu, gây niềm tin trụ lại làm ăn sinh sống tại nơi quê cha đất tổ đã tốn bao công phu và bao đời mới xây dựng được như ngày nay.

Một thời gian sau, đời sống của nhân dân Stung-treng bước đầu đã được cải thiện. Trong bản đã có tiếng cười, tiếng hát, đã có những đêm lửa trại, múa hát thâu đêm thật ấm áp tình người. Ngày ấy Stung-treng đã bừng sáng về mọi mặt.

NGUYỄN THẾ TRINH
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2022, 10:23:16 pm »


LỜI KẾT

55 năm nhìn lại chặng đường chiến đấu và trưởng thành của trung đoàn, những người lính đầu bạc đã kể chuyện thời "nguyên phong" qua các bài viết của mình.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, mặc dù tuổi cao và chỉ riêng khu vực Hà Nội, những cựu chiến binh Trung đoàn 66 vượt qua sự lão hóa đã ghi lại những sự kiện sâu sắc thấm đẫm tinh thần yêu nước, tình đồng đội, tình quân dân, tinh thần quốc tế trong sáng, những sự kiện khó phai mờ trong tâm khảm của bản thân mỗi người.

Với số lượng hạn chế nên các bài viết chỉ là những nét chấm phá của bức tranh toàn cảnh. Tuy nhiên cũng giúp cho chúng ta nhớ lại một quá khứ hào hùng, một thời oanh liệt của dân tộc ta đã đánh bại "hai đế quốc to" ghi một chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm ở thế kỷ 20 của nhân loại và sự đóng góp đáng tự hào của trung đoàn vào sự nghiệp vinh quang đó.

Các đơn vị hợp thành trung đoàn gồm các đại đội, tiểu đoàn đã lập chiến công đánh Pháp từ buổi đầu chúng quay lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa như Đại đội Ký Con, Tiểu đoàn Tây Tiến 150 hoặc các đơn vị lừng danh đánh Pháp ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô, Hải Phòng, Nam Định và các thị xã, thị trấn khác. Càng tự hào về những chiến công của trung đoàn, chúng ta càng ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ của trung đoàn đã vĩnh viễn nằm lại trên các nẻo đường của Tổ quốc và đất nước bạn. Chúng ta cũng xin gửi tới các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, các gia đình liệt sĩ, các gia đình cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn qua các thời kỳ lời chào kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc.

Tôi hy vọng rằng cuốn sách này là bước đầu gợi mở để các chiến sĩ Trung đoàn 66 anh hùng chúng ta nhất là tiểu đoàn trợ chiến Hoàng Diệu cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ viết tiếp để truyền thống của trung đoàn được đầy đặn bổ sung cơ sở thực tiễn cho quyển sử bằng người thật việc thật - những người trong cuộc, những nhân chứng.

Tôi mong muốn chúng ta ghi lại không phải chỉ để tự hào về quá khứ mà để ôn cố tri tân, tạo cho lớp kế tiếp phát huy được truyền thống của trung đoàn bằng những gương sáng rèn luyện và chiến đấu vì hòa bình, độc lập tự do và giàu mạnh của đất nước.

Chúng ta không được quên rằng: "Còn đế quốc là còn chiến tranh" nên phải cảnh giác. Hiện nay Đảng ta vẫn khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy cần coi trọng công tác giáo dục truyền thống quân sự bằng những kỷ niệm chiến đấu sâu sắc của những chiến sĩ lớp trước. Những hồi ký ấy thể hiện sự quán triệt, thấm nhuần tư tưởng quân sự của cha ông "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh" và những tư tưởng tác chiến cụ thể "không sợ địch, không khinh địch", "dám đánh và bám thắt lưng địch mà đánh" v.v..., quán triệt, thấm nhuần quan điểm chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân, quan điểm quân đội nhân dân để vận dụng vào điều kiện hiện nay.

Thượng tướng PHÙNG THẾ TÀI
Nguyên trung đoàn trưởng đầu tiên


Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM