Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:39:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguồn sức mạnh và những ký ức không quên  (Đọc 2889 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #70 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2022, 10:15:07 pm »

XEM TRANH CỦA CỐ HOẠ SĨ ĐẶNG CHUNG


Họa sĩ Vũ Huyên


Lời giới thiệu: Triển lãm tranh của Đặng Chung được tổ chức tháng 11 năm 1991 tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, bằng công sức và tiền đóng góp của đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp.

Một con người, dù bình thường nhất, khi đã đi vào cõi hư vô, vẫn còn lưu lại những dấu vết xác thực và vẫn tiếp tục sống trong kỷ niệm của những người còn sống.

Hoạ sĩ Đặng Chung đã ra đi từ nhiều năm. Song những gì anh để lại cho chúng tôi - những người thân và bạn bè, đồng đội của anh - và cho tất cả chúng ta - những người xem tranh - thì còn lớn hơn thể nữa.

Bởi vì, đâu chỉ là những kỷ niệm chưa xa, gợi về từ một mảnh trời xanh ngắt nhìn qua miệng hầm công sự chiến đấu, chói chát tiếng gầm rít của máy bay phản lực; từ một vệt máu thấm tràn qua cuốn băng cá nhân băng vội sau đợt bom B-52; từ những ngày gian khổ mà hăm hở, ba lô cóc, lương khô, cặp vẽ, theo bộ đội pháo cao xạ đi chiến dịch ...


Chúng ta đang cùng nhau gặp lại Đặng Chung ở đây, trong căn phòng triển lãm này. Một Đặng Chung đằm thắm, sôi nổi và có phần hơi bốc, trong những bức tranh chắc nịch mà vẫn dọc ngang đầy phóng túng, với những tình tiết vừa quây quần chen chặt vào nhau, lại vừa như muốn nở tung ra bốn phía, vừa chứa chất tích tụ mà vừa như sắp nổ bùng trong tích tắc. Một sức nén dồn thôi thúc tự bên trong, căng đến độ làm cho vệt bánh xe trên đường mòn Trường Sơn phải ánh ngời lên sắc đỏ thắm màu máu, một đám mây giông phải sẫm tối tại, những tàu lá chuối phải xanh nõn hơn... Và bất cứ góc tranh nào cũng xôn xao chuyển dịch, oằn cong lại trước một cơn gió, bươn bả chằng chịt trên sông nước, tất bật trên con đường làng nhỏ, mất hút trong chớp mắt theo vệt khói máy bay tăng tốc vào xa thẳm...


Cuộc chiến đấu của đất nước đã đưa Đặng Chung đến với bộ quân phục trước khi đến với tấm vải vẽ. Và khi đã gắn bó với tấm vải vẽ rồi, anh vẫn mang trên mình bộ quân phục cho gần đến trọn đời. Trên con đường chưa dài ấy, Đặng Chung đã làm được thật nhiều việc. Tiếng nói tạo hình của anh đang ngày một rõ nét và âm vang. Phong cách nghệ thuật của anh chín dần, có phẩm chất riêng và đầy tiềm năng cho những bước đi xa hơn. Song, dường như đã có linh cảm trước, anh cặm cụi và khẩn trương sáng tác, lặng lẽ thu góp tác phẩm chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên, và ai biết được rằng, lại cũng là cuối cùng của mình.

Vậy mà cũng không kịp!

Tổ chức nên phòng tranh này, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, gia đình và bạn bè đã cố gắng thực hiện nguyện vọng còn lại đó của anh.

Mong sao, vẻ đẹp của tranh anh để lại sẽ mang đến cho người xem niềm thanh thản và lòng tin yêu hơn vào cuộc sống.

Mong sao, tấm lòng của những ai đã góp phần làm cho Triển lãm này được thành công và của tất cả những ai yêu mến tranh Đặng Chung - hoạ sĩ của Quân chủng Phòng không - Không quân trong chiến tranh, sẽ kết thành một nhành hoa, một làn khói hương thơm quấn quyện làm ấm lòng anh.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #71 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2022, 07:22:12 pm »

TÔI LÀM PHÁI VIÊN ĐI CHIẾN DỊCH


Nguyễn Đức Hiền


Đầu tháng 8 năm 1971, tôi đang là Quyền Chính trị viên Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261, thì được điều lên làm trợ lý Phòng Cán bộ của Quân chủng.

Tôi được giao nhiệm vụ về bộ phận nhân sự của Phòng. Bộ phận này đang có nhiệm vụ nghiên cứu, bổ sung cán bộ cho 6 trung đoàn pháo cao xạ và 1 trung đoàn tên lửa phòng không, cùng các cơ quan thuộc Sư đoàn 367. Sư đoàn sẽ tham gia chiến dịch Trị Thiên 1972, trong đội hình quân, binh chủng hợp thành theo quyết định của Bộ. Quân chủng đã bố trí đồng chí Đinh Đình Sành làm Sư đoàn trưởng, đồng chí Hoàng Khoát làm Chính uỷ sư đoàn.


Thời gian rất gấp, vừa sắp xếp, vừa điều động cán bộ về đơn vị theo kế hoạch. Yêu cầu sau khi đã được bổ sung, kiện toàn lực lượng, Sư đoàn 367 phải có quyết tâm cao, có năng lực chỉ huy, lãnh đạo giỏi, để càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của chiến dịch khi thời cơ đến.


Nguồn bổ sung cán bộ chủ yếu chọn từ cán bộ, chiến sĩ đã qua thử thách chiến đấu trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào 1971; hoặc cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng đã từng chiến đấu bảo vệ miền Bắc. Nguồn bổ sung cho Sư đoàn 367 cũng lấy từ các lớp tốt nghiệp Trường Sĩ quan Phòng không và cán bộ, nhân viên các cơ quan quân chủng.


Trong khi lo giải quyết "đầu vào", bố trí đủ cán bộ cho Sư đoàn 367, Phòng Cán bộ còn phải lo giải quyết "đầu ra", tức là những cán bộ dôi ra. Đồng thời, còn phải lo nghiên cứu sắp xếp, bố trí cho các sư đoàn bay; cán bộ khoa học kỹ thuật; bố trí khung cán bộ đi tiếp nhận và sử dụng khí tài mới...


Tôi về Phòng Cán bộ được 1 tháng thì Hà Nội và miền Bắc xảy ra trận lụt lớn - Chỉ 1 ngày 1 đêm mưa, mà dãy nhà Phòng Cán bộ cùng khu vực hội trường lớn của quân chủng đã ngập nước đến ngực. Chúng tôi phải ôm tài liệu sơ tán lên Phòng giao ban của Cục. Hôm sau, nước sông Hồng dâng cao, bà con ở bãi Phúc Xá, Chương Dương phải lên đê căng lều bạt tránh lũ. Cống Thôn bên kia sông Hồng bị vỡ, nước tràn ngập phần lớn huyện Gia Lâm và nhiều nơi ở các tỉnh Hà Bắc, Hải Hưng... Lúa đang có đòng và hoa màu đều bị nước lũ đè nát. Đất trồng bị xói mòn. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng vụ mùa năm 1971, coi như mất trắng!


Đang mải miết công việc, bỗng nhiên tôi lại được giao nhiệm vụ mới: Đi B, làm phái viên theo dõi công tác cán bộ cạnh Sư đoàn 367 trong chiến dịch sắp tới. Nhận nhiệm vụ được giao, tôi bàn giao công việc, xin nghỉ 7 ngày phép để thu xếp gia đình, chuẩn bị mọi mặt cho bản thân, sẵn sàng lên đường.


Tháng 10 năm 1971, tôi có mặt ở Hoa Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, nơi đóng quân của Sư đoàn 367. Ban Cán bộ sư đoàn có 3 người: Đồng chí Trần Trọng Khởi - Trưởng ban; hai đồng chí Lê và Cẩm, trợ lý. Đồng chí Khởi cho biết Trung đoàn 241 là đơn vị xuất phát đầu tiên vào chiến trường. Tôi đề nghị cho tôi đi cùng để có cơ hội nắm tình hình cán bộ ngay từ đầu. Đồng chí Khởi đồng ý. Trung đoàn 241 có trang bị gọn, nhẹ súng 14,5mm 1 nòng, cơ động nhanh, bí mật bất ngờ ở chiến trường, trước đây đã bắn rơi nhiều máy bay cường kích và trực thăng Mỹ-ngụy. Trung đoàn do đồng chí Nguyễn Đăng Tùng làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Lê Xuân Sinh làm Chính uỷ, đồng chí Nguyễn Ngọc Tất làm Phó chính uỷ, đồng chí Dảo là Chủ nhiệm Chính trị. Các đồng chí cán bộ trung đoàn đều nhiệt tình giúp đỡ tôi. Tôi cùng hành quân với một tiểu đoàn do đồng chí Tộ là Tiểu đoàn trưởng. Không chỉ Trung đoàn 241 mà các đơn vị vào chiến trường lần này, đều không được sử dụng máy vô tuyến điện, hoặc điện thoại đường dây để liên lạc trong hành quân. Khi có mệnh lệnh trên đưa xuống, hoặc ở dưới cần báo cáo lên trên, các chiến sĩ thông tin đều chạy bộ làm nhiệm vụ đỏ.


Trước đây, tôi đã nhiều năm làm chính trị viên đại đội, chính trị viên tiểu đoàn tên lửa phòng không, hành quân cùng xe pháo, khí tài, chưa bao giờ đi bộ. Nay vào chiến trường phải đi bộ dài ngày. Để làm quen, tranh thủ hai tuần lễ ở Hoa Thuỷ, trước khi vượt Trường Sơn vào Nam, tôi và đồng chí Nguyễn Cường Kháng sáng nào cũng mang ba lô, vác 1 khẩu AK đi bộ 6km.


Trên đường Trường Sơn, đơn vị phải qua nhiều dèo dốc như cua chữ A, đèo Phu-la-nhích, ngầm Tà-lê... Qua khỏi ngầm, đơn vị lại tiếp tục lên dốc, xuống dốc. Có đoạn đường chỉ dài khoảng 500m, do trời mưa to từ hôm trước làm đất nhão nhoét, lầy lội. Chân đi dép cao su không đi được vì bùn sâu đến gối. Chúng tôi phải cởi dép lội bộ trong bùn.


Trên đỉnh Trường Sơn có nhiều loại cây. Có những cây bằng lăng to, hai vòng tay ôm mới hết. Nhiều cây bị chết. Đó là hậu quả của những đợt máy bay Mỹ rải chất độc đi-ô-xin để phát quang, những năm trước.

Số đông cán bộ đơn vị đã qua một, hai chiến dịch. Còn chiến sĩ đa số mới lần đầu đi B. Một lời động viên, một cử chỉ giúp đỡ chiến sĩ mới trong hành quân rất quan trọng. Tôi thường hay trao đổi với tiểu đoàn trưởng, với cán bộ đại đội việc này.


Đơn vị tiếp tục đi, lên dốc, xuống dốc, lại đi dọc một đoạn khe hai bên là lèn đá dài khoảng 300m. Anh em nói khe này mùa mưa đầy nước, chảy xiết như con suối, không đi được. Mùa khô nước khe cạn mới đi được giữa lòng khe. Bộ đội ta rất thích thú đi giữa lòng khe, có những đàn bướm trắng, vàng. Bướm rất nhiều, xua đi không hết. Có lúc đang vui, tôi đọc cho anh em nghe bài thơ "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" của Phạm Tiến Duật, trong đó có những câu: "Còn em thương bên Tây anh mùa đông, nước khe cạn bướm bay lèn đá. Biết lòng anh say miền đất lạ, là chắc em lo đường chắn bom thù"... Chắc chắn nhà thơ chiến sĩ đã qua chốn này mới cảm nhận khí thiêng lắng đọng của đất trời; thấy tinh thần lạc quan của người chiến sĩ hành quân vào Nam đánh Mỹ, mới sáng tác được bài thơ nổi tiếng ấy.


Trong số chiến sĩ hành quân, nhiều người đã học hết lớp 10 phổ thông. Có chiến sĩ nói: "Em ghi tên đi bộ đội ngay tại trường cùng với rất nhiều bạn khác, khi chúng em biết đã tốt nghiệp lớp 10". Nhìn anh em tuổi đời rất trẻ mà đã có ý thức chính trị tốt, tôi nghĩ: Sẽ có nhiều anh em qua chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có thể chọn bổ nhiệm chức vụ hoặc đưa đi đào tạo trở thành cán bộ quân đội. Nguồn cán bộ ở đây chứ ở đâu nữa!...


Một cung đường là một ngày đi bộ. Chiều tối gặp tiền trạm, đơn vị dừng lại. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh tất cả đào hố cá nhân, bên trên căng bạt để nghỉ, không ai được mắc võng. Khi anh em đang nghỉ qua một ngày hành quân bộ, thì cán bộ tiểu đoàn, đại đội, trung đội hội ý ngắn gọn. Trọng tâm có những ý: Ý chí quyết tâm của bộ đội càng đi sâu vào chiến trường có vấn đề gì không? Quân số có bảo đảm không? Những vấn đề cần chú ý lãnh đạo trên cung đường hành quân ngày mai. Yêu cầu phổ biến cho anh em trước khi lên đường. Nhắc nhở ngụy trang triệt để, không được lơ là...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #72 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2022, 07:23:22 pm »

Càng gần đến chiến trường, các loại máy bay chỉ điểm OV-10, máy bay phản lực, trinh sát, ném bom của Mỹ hoạt động càng nhiều. Do vậy, đơn vị càng phải đề cao cảnh giác, giữ gìn bí mật lực lượng.

Cuộc hành quân cứ tiếp diễn đến ngày thứ bảy thì bắt đầu lên điểm cao 1001. Khi leo lên, đá tai mèo dựng đứng, sắc nhọn rất khó đi. Người đi trước, một tay bám vào mỏm đá, tay kia kéo người đi sau lên. Những chiến sĩ mang bộ phận súng tháo rời vất vả nhất. Phải bảo đảm an toàn cho bản thân và cho vũ khí. Bản thân tôi ngoài cái ba lô đeo trên vai, túi xắc-cốt tài liệu đeo bên hông, còn giúp vác một nòng súng 14,5mm nặng 16 kg cho anh em suốt cuộc hành quân. Điểm cao 1001 bên phía Bắc thì rêu phong, ẩm ướt và đầy vắt rừng. Khi lên đỉnh cao, tụt xuống phía Nam thì khô ráo, mát mẻ, dỗ chịu. Gió Đông Nam thổi mát rượi. Buổi chiều trời quang mây, nắng đẹp, dừng chân tại đây, qua ống kính TZK nhìn về phía Đông thấy một màu xanh rất đẹp. Nếu không có những con sóng vỗ bờ trắng xoá thì không biết đó là biển. Anh em nói đó là cửa biển Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.


Mấy hôm sau, đơn vị đến căn cứ Tà Cơn, thuộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Căn cứ này địch bỏ chạy năm 1971 trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Xác pháo, xác máy bay trực thăng, hầm hào của địch còn nằm trơ ra đó. Phía trái dọc đường băng sân bay Tà Cơn dẫn đến chân núi Động Tri là một rừng cà phê bỏ hoang, không người chăm bón, không thu hoạch. Nhân cà phê màu trắng đục rơi xuống gốc cây mà không ai nhặt. Anh em nói đó là nhân cà phê chồn (chồn ăn quả chín đỏ rồi nhả hạt ra). Đêm nghỉ lại rừng cà phê nghe tiếng máy bay phản lực địch gầm rú, tiếng đại bác từ đường số 9 vọng đến, ai cũng náo nức chờ ngày nổ súng mở màn chiến dịch.


Sau đó, tôi dời tiểu đoàn đồng chí Tộ, trở về hành quân với Ban chính trị Trung đoàn 241. Sân bay Tà Cơn và Động Tri tưởng gần nhau lắm, thế mà phải đi một ngày mới tới nơi. Ban chính trị, quân số gọn nhẹ vài chục người, trú quân cách Động Trị khoảng 1 km, trong một rừng cây dẻ dân trồng. Cây dẻ chỉ cao quá đầu người, nhung cành lá sum sê. Anh em nói trú quân ở đồi thấp, cây lúp xúp là che mắt bọn OV-10. Ta không nên trú quân nơi cây cao, rừng già, dễ bị lộ. Cán bộ của Ban chính trị phân công theo sát các tiểu đoàn hành quân, nay trở về lập trung tại đây và làm sơ kết công tác chính trị. Ban Chính trị đánh giá cuộc hành quân đạt đuợc yêu cầu Đảng uỷ trung đoàn đề ra. Nhiều gương tốt của don vị, của cán bộ, chiến sĩ được nêu lên. Những điểm yếu, tồn tại cũng được nêu lên và đề ra hướng khắc phục. Sau khi Ban Tham mưu, Ban Chính trị sơ kết xong báo cáo lên trung đoàn. Tiếp đó một bản nhận xét của lãnh đạo và chỉ huy trung đoàn gửi xuống. Nhìn chung cuộc hành quân đạt thắng lợi, ý chí quyết tâm của bộ đội được giữ vững. Tuy nhiên còn nhiều điểm yếu bộc lộ phải được khắc phục. Toàn trung đoàn phát động đợt thi đua vượt mọi khó khăn, gian khổ, chấp hành nghiêm kỷ luật hiệp đồng tác chiến với bộ binh và các lực lượng khác trong đội hình binh chủng hợp thành. Thi đua đánh thắng trận đầu, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ ngụy, lập thành tích mừng sinh nhật Bác 19-5.


Đây là điểm dừng chân cuối cùng của Trung đoàn 241 trước khi vào trận. Các đơn vị của trung đoàn đều được lệnh triển khai sẵn sàng chiến đấu. Có một đại đội triển khai trên đỉnh Động Tri. Tôi đề nghị đồng chí Dảo cho tôi và vài cán bộ lên thăm anh em, đồng chí Dảo đồng ý. Khi lên đỉnh Động Tri, qua ống kính TZK của tiểu đội trinh sát, tôi nhìn về phía Đông thấy rõ dòng sông Hiếu và dòng Thạch Hãn gặp nhau ở ngã ba Đại Độ rồi vòng quanh các làng, chảy ra Cửa Việt. Theo bản đồ tác chiến của tham mưu, thì hai bên dòng sông có nhiều đồn dịch đóng giữ. Do đó, việc tiêu diệt các đồn địch nói trên và đánh chiếm Đông Hà, Cửa Việt, Ái Tử, thị xã Quảng Trị thời gian tới sẽ gay go, ác liệt, vì địa thế đồng bằng trống trải, lại bị chia cắt bởi sông, ngòi.


Để nhận biết phiên hiệu các đơn vị tham gia chiến dịch, cấp trên quy định:

- Tham mưu, ký hiệu WT

- Hậu cần, ký hiệu WH

- Chính trị, ký hiệu WC

Sau nhận thấy WC theo tiếng Anh là từ xấu, nên đề nghị trên cho thêm chữ T. Như vậy chính trị ký hiệu WCT.

Mọi người đều phải khâu bằng chỉ trắng hoặc màu lên nắp áo ngực trên bên trái ký hiệu đã quy định đó.

Ở khu vực Động Tri khoảng bảy ngày, là thời gian ngắn nhưng rất quý. Đơn vị chấn chỉnh tổ chức, làm công tác tư tường, chuẩn bị tiếp cận đội hình tác chiến của mặt trận và chờ lệnh nổ súng.

 Đêm 29 tháng 3 năm 1972, một đại đội của Trung đoàn 241 có nhiệm vụ tiến sát bìa rừng, dừng lại chờ lệnh để vào vị trí tác chiến. Trên đường tiến, một tiếng nổ phát ra giữa đội hình đại đội. Một quả lựu đạn chày đeo bên hông một chiến sĩ phát nổ, đồng chí chiến sĩ hy sinh. Kiểm tra kỹ, cán bộ đại đội kết luận: Trong khi đang hành tiến, lựu đạn bị bật nắp mà chiến sĩ đó không biết. Dây kéo chốt bung ra, vướng vào cành cây rừng làm cho lựu đạn nổ. Đây là bài học về công tác kiểm tra đối với lãnh đạo và chỉ huy tiểu đoàn, đại đội trước khi hành quân. Qua sự cố đáng tiếc đó, nhận thấy lựu đạn chày không thích hợp ở chiến trường rừng núi. Dùng lựu đạn mỏ vịt, có chốt hình tròn tiện hơn, đeo hông không bị vướng cây, có thể ném tiêu diệt đối phương qua lùm ngọn cây được.


Một giờ sáng ngày 30 tháng 3 năm 1972, giờ N đã điểm, toàn mặt trận nổ súng. Tiếng pháo 130mm và các cỡ pháo của ta đồng loạt bắn vào các cứ điểm địch từ Bản Đông đến Quán Ngang, Đầu Mầu. Xe tăng, bộ binh, pháo cao xạ của ta tiến vào sát các cứ điểm địch. Quân ngụy đồn trú trong các căn cứ bất ngờ, bị động, số đông bị ta bắt sống, số còn lại rút chạy. Các đơn vị pháo cao xạ luôn luôn giữ đội hình tác chiến, sẵn sàng đánh máy bay địch đến yểm trợ. Sáng ngày 30-3-1972, toàn bộ các cứ điểm địch khống chế đường số 9 bị đập tan. Cánh cửa đường số 9, được mở toang. Các lực lượng trong đội hình binh chủng hợp thành của ta lật cánh, chiếm lĩnh các vị trí ở phía Nam đường số 9, chuẩn bị tiến về vùng giáp ranh đồng bằng của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ... Ta chiếm lĩnh Đồi Chè, Hải Lệ, áp sát căn cứ La Vang, Long Hưng. Tất cả nhằm mục tiêu tiến công căn cứ Đông Hà, căn cứ Ái Tử, thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành cổ.


Cũng buổi sáng 30 tháng 3, Mỹ-ngụy điên cuồng cho máy bay phản lực, máy bay cánh quạt, trực thăng ném bom, bắn vào đội hình quân ta. Các Trung đoàn 241, 230, 250, 284 đã lập công bắn rơi nhiều máy bay địch. Đường số 9 có nhiều cống ngầm. Mặc trên trời máy bay địch gầm rú, bếp nuôi quân kiểu Hoàng cầm của Trung đoàn bộ 241 vẫn nấu được cơm ngay dưới cống ngầm đường số 9. Bữa cơm chiều có dưa cải. Anh em hậu cần nói dưa cải của Bộ Nội thương gửi vào đấy. Quan sát thấy cây cải bẹ to, cứ một cây làm dưa đóng vào một túi PE thơm phức, vàng rộm, xào với ruốc hành quân ăn rất ngon. Cả tháng bộ đội toàn ăn các loại rau rừng: rau tàu bay, rau má, vòi voi, rau đá, lá khoai lang rừng và nhiều nhất là măng. Các loại măng: lồ ô, vầu, tre, trúc, giang... ở vùng đường số 9, Động Tri nhiều vô kể. Ăn nhiều măng rất xót ruột. Nay được ăn dưa cải bẹ đồng bằng Bắc Bộ thật là ngon, lại do bàn tay các mẹ, các chị, các em muối dưa, đóng gói gửi vào cho anh em ở mặt trận. Tình nghĩa hậu phương - tiền tuyến thật đậm đà, thắm thiết.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #73 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2022, 07:24:24 pm »

Đến lúc này, Bộ Tổng tham mưu của quân đội ngụy Sài Gòn vẫn chủ quan cho rằng: Năm 1972, Việt Cộng không thể mở những trận đánh lớn ở miền Nam vì năm 1971 miền Bắc bị lụt to, mất mùa, đói kém.

Khi các sư đoàn bộ binh, các tiểu đoàn bộ đội địa phương Quân giải phóng Quảng Trị, các đơn vị phòng không, xe tăng, pháo mặt đất tiến vào giải phóng Đông Hà, địch rút khỏi Đông Hà, dồn vào căn cứ Ái Tử và chống cự quyết liệt. Quân ta xiết chặt hai gọng kìm: Một mũi theo đường số 1 tiến vào, một mũi phía Tây Ái Tử, vùng Cam Lộ tiến xuống. Căn cứ Ái Tử là căn cứ lớn của địch, chiều dài 4km, chiều ngang 1km, có sân bay dã chiến, bị thất thủ. Ta bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, bắn rơi nhiều máy bay địch.


Ngày 1 tháng 5 năm 1972, ta giải phóng thị xã Quảng Trị. Các đồn địch ở Cửa Việt, An Cư, Mai Xá bên dòng Thạch Hãn bị ta đánh bật. Địch rút co cụm ở Thành Hội sát bờ biển, cách Cửa Việt 15km. Căn cứ tình báo của Mỹ ở nhà thờ Nhu Lý thuộc huyện Triệu Phong, sáng 28 tháng 4 năm 1972, cũng hốt hoảng rút ra biển bằng 15 máy bay trực thăng.


Căn cứ Phượng Hoàng ở phía Tây Nam thị xã Quảng Trị, cách thị xã Quảng Trị 10km. Nơi đây, ta và địch giành đi, giật lại cả tuần lễ. Phía Tây căn cứ này có nhiều đơn vị phòng không triển khai chiến đấu yểm trợ đắc lực cho bộ binh và xe tăng ta đánh bật địch trên đồi Phượng Hoàng.


Một tiểu đoàn tên lửa vác vai đã có mặt ở mặt trận Quảng Trị, đúng vào thời điểm ta đang chống trả quyết liệt địch phản công, hòng chiếm lại thị xã Quảng Trị và Thành Cổ. Loại vũ khí này được đặt tên A72, là loại tên lửa vác vai đất đối không, chỉ 1 người bắn. Sau khi được biên chế về Trung đoàn 241, anh em triển khai chiến đấu ngay tại đồi Phượng Hoàng. Khẩu đội 3 người do một chiến sĩ là tổ trường A72, đã bắn rơi tại chỗ 1 A37 của quân ngụy. Tên giặc lái nhảy dù bị bộ binh ta bắt sống. Đồng chí Lê Xuân Sinh và tôi đã gặp trực tiếp khẩu đội A72 này, động viên anh em phát huy đánh thắng trận đầu, tiếp tục bắn rơi nhiều máy bay địch hơn nữa. Đồng chí Sinh và tôi được xem tận mắt căn cước của tên giặc lái là Nguyễn Du, 30 tuổi, trung uý ngụy mà anh em bộ binh thu được giao lại.


Phát huy thắng lợi, những ngày sau, đơn vị A72 bắn rơi thêm một số máy bay Mỳ - ngụy. Trong đó, ban đêm A72 bắn rơi 1 máy bay AC130. Anh em lái xe nói: Thằng AC này bắn phá dọc tuyến vận tải của ta, dai như đỉa đói.


Cuối tháng 5 năm 1972, tôi được lệnh dời khỏi Trung đoàn 241. Đồng chí Xuân Sinh, đồng chí Dào chia tay tôi. Đồng chí Sinh nói: Đồng chí Hiền không chỉ là một biệt phái về công tác cán bộ của quân chủng, mà còn là một cán bộ đốc chiến tích cực.


Trở về Ban Cán bộ Sư đoàn 367, tôi trao đổi tình hình cán bộ các trung đoàn mà tôi đã trực tiếp làm việc với đồng chí Khởi. Qua thực tế chiến đấu các đơn vị phòng không trong đội hình binh chủng hợp thành trên mặt trận Quảng Trị, tôi thấy tổ chức lữ đoàn phòng không gọn nhẹ hơn, hiệu quả tác chiến sẽ cao hơn tổ chức sư đoàn. Đồng chí Khởi nói: "Tôi sẽ nghiên cứu ý kiến của anh và báo cáo lên trên". Tôi nhất trí với đồng chí Khởi danh sách chọn từ dưới lên những hạ sĩ quan xứng đáng đề nghị Sư đoàn 367 cho ra Bắc đào tạo trở thành cán bộ đợt đầu. Tất cả anh em đều có thành tích chiến đấu và công tác tốt.


Tôi cũng trao đổi với đồng chí Khởi, Trung đoàn 284 chiến đấu có thành tích nhưng bị tổn thất. Tôi và đồng chí Kỳ Nam đã trực tiếp làm việc với đồng chí Thành Lợi - Chính uỷ và đồng chí Chủ nhiệm chính trị trung đoàn (đồng chí này sau lên làm phó Phòng chính sách của Cục Kỹ thuật). Hai chúng tôi cùng đồng chí Sự, trợ lý cán bộ trung đoàn xuống hai đại đội đang triển khai chiến đấu ở phía Tây đồi Phượng Hoàng. Tôi nhớ lời đồng chí Phạm Liêm dặn: Khi đến đơn vị nào đó, nhất là các đơn vị gặp khó khăn, cần động viên nhiều hơn, không nên chê bai, phê phán.


Sáng 28 tháng 6 năm 1972, Mỹ đưa máy bay B-52 ném bom trở lại tỉnh Quảng Trị và tăng cường các loại máy bay cường kích, trinh sát, pháo hạm cỡ lớn 175mm từ biển bắn vào đế yểm trợ quân ngụy chiếm lại Thành cổ.


Cũng ngày 28 tháng 6 năm 1972, thôn Nhan Biều phía Bắc cầu Quảng Trị bị bom B-52 rải thảm, hàng trăm bà con chết, bị thương. Nơi đây cần dựng bia tưởng niệm - một chứng tích chiến tranh để tố cáo tội ác của Mỹ.


Một buổi sáng đầu tháng 7 năm 1972, sau khi nắm tình hình ở một đại đội pháo cao xạ, tôi và đồng chí Hồ Huấn, Tham mưu trưởng Trung đoàn 241 sang làm việc với một đại đội pháo cao xạ khác. Trên đường đi, nhìn thấy 1 con bò đang vật vã bên ruộng lúa, đồng chí Huấn phán đoán "con bò này bị dính bom bi máy bay Mỹ thả xuống đêm qua".


Đến gần, thấy bom bi chưa nổ nằm dày đặc trên đường đi. Đồng chí chiến sĩ nói: Để tránh bom bi, em dẫn các thủ trưởng đi vòng theo bờ ruộng lúa qua bên kia đường. Tôi nói: "Có thể có bom bi nằm rải rác trên bờ ruộng ta không nhìn thấy vì chúng nằm lấp dưới cỏ, dẫm lên sẽ nguy hiểm". Chúng tôi quyết định cứ đi theo đường mòn. Từng người một nhẹ nhàng bước qua giữa những quả bom bi mà không đụng đến nó. Cả 3 chúng tôi đã đi qua trót lọt.


Bộ đội ta đã đúc kết được nhiều bài học xương máu trên chiến trường đánh Mỹ. Tình huống vượt qua bãi bom bi vừa kể, cũng là một bài học.

Các trung đoàn pháo cao xạ triển khai chiến đấu từ Tây Nam đồi Phượng Hoàng, động Ông Do đến Bắc sông Thạch Hãn để yểm trợ các đơn vị bộ binh, xe tăng chốt giữ Thành Cổ và đầu cầu Quảng Trị suốt 81 ngày đêm. Các đơn vị pháo cao xạ chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, làm trận địa giả, trận địa dự bị, đón lõng, cơ động chiến đấu, đã bắn rơi nhiều máy bay; khống chế có hiệu quả hoạt động của máy bay cường kích ném bom và máy bay trinh sát địch.


Vào chiến trường ác liệt, mỗi chiến sĩ đều phải tự viết họ, tên, quê quán vào mảnh giấy bỏ vào lọ Penicylin đã dùng hết thuốc, đậy kín nắp để vào túi áo ngực của mình. Sau 4 năm (tức 1976), Đội tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ của Trung đoàn 250 do đồng chí Nguyễn Đức Miền, Phó Chính uỷ trung đoàn chỉ huy trở lại trận địa cũ, nhờ có những mảnh giấy mà nhận biết họ tên, quê quán liệt sĩ dễ dàng. Một số ngôi mộ khác, sau khi chôn cất, anh em lấy miếng tôn cắt sẵn từ trước, đục lỗ họ, tên liệt sĩ, cắm trên mộ. Nhờ vậy khi tìm kiếm đồng đội, nhận biết ngay đồng chí của mình đang nằm ở đó.


Đợt tìm kiếm đã cất bốc được 64 liệt sĩ của trung đoàn chính xác, có đủ họ tên, quê quán. Đối với số hy sinh tại trận địa thì như vậy. Còn nhiều đồng chí bị thương nặng đưa đi cấp cứu ở bệnh viện dã chiến Quân khu Trị Thiện đã hy sinh, sau này tìm kiếm rất khó khăn, bị thất lạc nhiều. Có một chiến sĩ Trung đoàn 250 hy sinh, không kịp chôn cất vì anh em lo đưa đồng chí bị thương nặng đi cấp cứu. Anh em lấy miếng tôn đục lỗ họ tên, quê quán liệt sĩ đặt cạnh thi hài, mong dân nhìn thấy chôn cất anh em. Năm 1976, đến trận địa cũ tìm kiếm, có miếng tôn đề tên cắm trên mộ, xác định đúng một chiến sĩ hy sinh được dân chôn cất và hương khói suốt 4 năm trời.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #74 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2022, 07:25:27 pm »

Chiến trường ngày đêm vang rền tiếng súng, tiếng bom đạn cũng có giây phút yên tĩnh. Đó là đêm khuya dưới căn hầm chữ A mở đài nghe nghệ sĩ Kim Liên hát bài theo điệu châu văn: "Đến giờ anh sắp hành quân, tặng anh một khúc hát văn quê nhà... Tiếng hát sâu lắng hoà quyện với tiếng đàn nguyệt, phách, trống nghe như quê hương đang thúc giục chiến sĩ Phòng không chúng tôi hãy sẵn sàng cơ động theo lệnh, hãy ngẩng cao đầu nhằm thẳng quân thù mà bắn.


Ở một chương trình văn nghệ khác, nghệ sĩ Châu Loan cất cao giọng hò mái nhì: "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông. Thuyền ai thấp thoáng bên sông, đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non". Và bài: "Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá, đò về Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình. Lờ đờ bóng ngả trăng chênh, giọng hò xa vọng, nhắn tình nước non"... Những câu hò ấy, tôi đã thuộc lòng từ khi còn 9, 10 tuổi. Tôi mong có một ngày đất nước độc lập, thanh bình đứng giữa cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương nhìn về bến Phu Văn Lâu, nhìn sang chợ Đông Ba mà hồi tưởng lại các câu hò thuở ấy. "Chạnh lòng nước non", "nhắn tình nước non" chứa đựng trong hai bài hò trên đây là lời của non nước nhắn nhủ các thế hệ người Việt Nam hãy vùng lên xoá bỏ xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Chiến dịch giải phóng Quảng Trị và các chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam sau này dù có gay go, ác liệt đến đâu, chúng la nhất định thắng vì hồn thiêng sông núi và nhân dân đang tiếp sức mạnh cho chúng ta, lời của nước non đang thúc giục chúng ta.


Quyết tâm của ta là đưa một trung đoàn tên lửa vào đường số 9, triển khai chiến đấu tiêu diệt B-52 của Mỹ. Do đường sá quá xấu, vũ khí đều bị hỏng qua nhiều đêm hành quân. Đơn vị khẩn trương sửa chữa, bổ sung được 1 tiểu đoàn hoàn chỉnh. Kíp trắc thủ do đồng chí Lanh làm sĩ quan điều khiển ngày đêm luyện tập các tình huống, giả định đánh B-52 trên màn hiện sóng. Tiểu đoàn đã vào vị trí triển khai sẵn sàng chiến đấu, nhưng khí tài lại hỏng do trận mưa lớn trong đêm. Kế hoạch tác chiến không thực hiện được. Hôm sau, chỉ huy sư đoàn họp nghe đồng chí Thân - Trung đoàn trưởng và đồng chí Thiết - Chính uỷ báo cáo. Mở đầu, đồng chí Đinh Đình Sành, Sư đoàn trưởng nói: Hôm nay, hai anh mặc quần đùi lên báo cáo với sư đoàn à? Câu nói hài hước của sư đoàn trưởng đã xua đi một phần cái mệt nhọc của hai vị chỉ huy trung đoàn tên lửa.


Sau cuộc họp, tôi gặp đồng chí Nguyễn Văn Thụ, Sư đoàn phó. Thấy đồng chí ốm yếu quá, tôi hỏi: Sức khoẻ anh thế nào? Đồng chí Thụ nói: Có yếu nhưng trụ được. Tôi đã điện ra Phòng Cán bộ, đề nghị cho đồng chí Thụ ra Bắc chữa bệnh. Phòng Cán bộ trả lời đồng ý. Tôi thông báo ý kiến của Phòng Cán bộ với đồng chí Khởi. Hôm sau, đồng chí Khởi có ngay kế hoạch chuyển đồng chí Thụ ra Bắc.


Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt. Ở các đơn vị chiến đấu, nhiều đồng chí thương vong. Thực hiện chỉ thị của đồng chí Nguyễn Xuân Mậu, khi làm việc với sư đoàn tại Hoa Thuỷ: "Phải dự kiến 3 lớp cán bộ, 3 lớp cấp uỷ để thay thể vì cuộc chiến đấu ngày càng quyết liệt và có thể kéo dài". Ban cán bộ sư đoàn đã tổ chức những lớp tập huấn cho số anh em có dự kiến thay thế. Mồi tuần một lớp. Mỗi lớp từ 15 đến 20 người là hạ sĩ quan, số anh em này trở về đơn vị sẽ thay thế các đồng chí cán bộ hy sinh, bị thương.


Ngày 30 tháng 8 năm 1972, tôi dời khỏi Ban Cán bộ Sư đoàn 367 trở về tiền phương quân chủng theo điện của Phòng Cán bộ.

Ngày 2 tháng 9 năm 1972, tôi có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương quân chủng. Sau khi báo cáo tóm tắt tình hình cán bộ của Sư đoàn 367 với đồng chí Hoàng Ngọc Diêu, chỉ huy tiền phương và đồng chí Chu Mạo, Cục phó Cục Chính trị quân chủng, tôi xin phép vào Đội điều trị 43 của Quân khu Trị - Thiên điều trị 8 ngày do bị ù tai vì sức ép bom, khi đang công tác ở Trung đoàn 241.


Vào thời điểm này, theo chỉ thị của trên, Sư đoàn 367 rà soát lại biên chế, kiện toàn tổ chức, lập danh sách đề nghị bổ nhiệm chức vụ và đề bạt cán bộ. Lãnh đạo và chỉ huy sư đoàn đã đề nghị bổ nhiệm 700 đồng chí, đề bạt 800 đồng chí.


Toàn bộ danh sách về việc trên, được báo cáo lên mặt trận chiến dịch và báo cáo ra quân chủng.

Ngày 15 tháng 12 năm 1972, một số trợ lý: Đồng chí Thái Đình Đương ở Phòng Tuyên huấn; đồng chí Thuận ở Phòng tổ chức, một đồng chí trợ lý chính sách và tôi, trợ lý Phòng cán bộ do đồng chí Chu Mạo dẫn đầu được lệnh trở ra quân chủng. Đồng chí Tiêu, trợ lý chính sách và đồng chí Nguyễn Quang Ý, phóng viên quay phim của quân chủng đã hy sinh do bom Mỹ đêm 15 tháng 8 năm 1972 tại nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh. Hai đồng chí nằm lại chiến trường đã không cùng chúng tôi trở về quân chủng được nữa.


Ngày 2 tháng 1 năm 1973, toàn Đoàn có mặt ở quân chủng, đúng lúc nhân dân Thủ đô Hà Nội, bộ đội Phòng không - Không quân, các lực lượng vũ trang Hà Nội đã lập công lớn, đánh tháng B-52 Mỹ trong trận "Điện Biên Phù trên không".


Hơn một năm đi chiến dịch, nay trở về, anh em trong Phòng cán bộ đều rất mừng. Đồng chí Đồng, trợ lý của Phòng nói: Tất cả báo cáo của anh Hiền từ chiến trường gửi ra, tôi đều nhận được. Báo cáo kịp thời, đúng lúc đã giúp công tác nghiên cứu, bổ sung, bố trí cán bộ cho Sư đoàn 367 được thuận lợi.


Nhớ lại tại chiến trường vào tháng 5 năm 1972, đồng chí Nguyễn Khắc Chuẩn, Phó Phòng Cán bộ vào làm việc với Trung đoàn 241. Đồng chí Chuẩn gặp tôi, góp ý kiến cách nắm tình hình cán bộ được chính xác trong điều kiện chiến đấu gay go, ác liệt. Tôi thấy ý kiến đó rất quý, giúp cho tôi có thêm kinh nghiệm tiếp tục công tác. Đồng chí Phan Trọng Đồng, tháng 10 tháng 1972 vào công tác gặp tôi ở Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng. Lúc này, công tác cán bộ của Sư đoàn 367 bề bộn, khẩn trương, các đơn vị đang bám trụ ngày đêm chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Làm việc với đồng chí Đồng cả ngày, đêm, xong, tôi gửi báo cáo về Phòng và hẹn gặp nhau ở Quân chủng sau khi kết thúc chiến dịch.


Khi về đến quân chủng, đồng chí Chu Mạo và anh em chúng tôi trong Đoàn được đồng chí Hoàng Phương, Chính uỷ quân chủng, tiếp và chiêu đãi bữa cơm thân mật tại Sở chỉ huy quân chủng đặt ở chùa Trầm. Đồng chí Nguyễn Xuân Mậu, Phó Chính uỷ bận trực ban không dự được, nhưng đã gặp, thân mật bắt tay, khen ngợi chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ những phái viên của Cục Chính trị, theo sát đơn vị đi chiến đấu trên chiến trường ...


Tôi tiếp tục công tác ở Phòng Cán bộ đến tháng 10 năm 1973 thì được quân chủng giao nhiệm vụ vào lại chiến trường Quảng Trị làm Phó Chính uỷ Trung đoàn 263 tên lửa đang triển khai sẵn sàng chiến đấu tại huyện Cam Lộ, bảo vệ vùng giải phóng và bảo vệ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đang đóng trụ sở tại đó.


Tôi được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba vì "đã lập được chiển công trong chiến đấu" tại Mặt trận Quảng Trị năm 1972.

Năm 1974 tôi chuyển về làm Phó Chính uỷ Trung đoàn 250 thuộc Sư đoàn 673. Tháng 1 năm 1975, Sư đoàn cử tôi làm trưởng đoàn ra Bắc lấy 400 tân binh cho Sư đoàn thuộc 4 huyện: Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Tháng 2 năm 1975 hoàn thành nhiệm vụ lấy quân, đưa đủ 400 tân binh về cho sư đoàn với chất lượng tốt. Sư đoàn 673 phân cho Trung đoàn 250 số 200 tân binh mới tuyển. Trung đoàn lập tức biên chế về cho các tiểu đoàn. Sau khi Huế và Đà Nẵng giải phóng, trung đoàn được lệnh triển khai chiến đấu tại bán đảo Sơn Trà để bảo vệ cảng Tiên Sa và Thương cảng Đà Nẵng. Năm 1976, tôi được chuyển sang làm Phó Chính uỷ Trung đoàn 224 pháo cao xạ 57 ly, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố Đà Nẵng.


Năm 1978, tôi được chuyển ra Bắc làm trợ lý Phòng Công tác chính trị của Cục Chính trị quân chủng và là Bí thư chi bộ của Phòng. Tháng 1 năm 1979 khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, toàn quân chủng vào sẵn sàng chiến đấu, tôi được điều về làm Bí thư Đảng uỷ Nhà máy tên lửa A31 thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng. Năm 1981, được thăng hàm trung tá và năm 1982 chuyển ngành ra làm chuyên viên cao cấp của 1 Ban Đảng ở Trung ương. Được đi học 2 năm rưỡi lớp lý luận chính trị Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tốt nghiệp đạt loại ưu, trở về làm Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của một ban Đảng khác ở Trung ương.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #75 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2022, 07:28:57 pm »

HÀNH QUÂN VÀO MẶT TRẬN KHE SANH - LAO BẢO

Phùng Đắc Tư


Khoảng giữa năm 1968, tôi đang công tác tại Ban Chính trị, Trung đoàn tên lửa 267 ở Hải Phòng thì nhận được lệnh điều về Cục chính trị quân chủng làm phóng viên Báo Phòng không - Không quân.

Lúc này ở Hà Nội đang tạm im tiếng súng. Đế quốc Mỹ sau khi phải rút khỏi mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, lại bị giáng đòn chiến lược bất ngờ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân của ta, đã buộc phải ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nhưng chúng bắt đầu thực hiện "ném bom hạn chế", đánh mạnh tuyến giao thông vận chuyển từ Nam Quân khu 4 trở vào.


Cán bộ các cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng đều cử phái viên ra tuyến trước để nắm tình hình và giúp đỡ các đơn vị trong chiến đấu. Báo Phòng không - Không quân có các anh Xuân Mai, Xuân Át, Lê Minh Huệ ... có những chuyến đi với các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa, ra đa chiến đấu ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, lúc đó thường gọi là A2.


Với tôi, sau mấy tháng công tác ở Hà Nội cũng đã quen dần với nghề viết báo. Một hôm, Tổng biên tập gọi tôi đến giao nhiệm vụ. Anh nói: "Báo ta có nhiều đồng chí đã đi chiến trường, nhưng chưa có ai đi thật xa. Hôm nay nhân có chuyến xe của Trung đoàn 241 từ Khe Sanh ra báo cáo, cậu hãy theo xe vào đó nắm tình hình, chụp ảnh, viết bài về đơn vị đang chiến đấu bảo vệ tuyến giao thông Khe Sanh - Lao Bảo - Tà Khống cho báo có màu sắc chiến trường xa... Tôi đã liên hệ với anh Phồn, bác sĩ phụ trách xe rồi!"...


Đương nhiên tôi chỉ có vui vẻ chấp hành và khẩn trương chuẩn bị lên đường.

Là người lính chiến đã từng sống ở Tây Bắc, tôi cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm hành quân với pháo cao xạ đường rừng núi. Nhưng lần này theo xe hậu cần của Trung đoàn 241 vượt đường Trường Sơn vào Khe Sanh thì khác hẳn.


Trước khi đi, anh Mịch, Chủ nhiệm Hậu cần và bác sỹ Nguyễn Đình Phồn cùa Trung đoàn 241 ra quân chủng họp trở vào, đã nhắc tôi: "Gian khổ lắm đấy! sợ cậu không đi tới đích được đâu!".

Tôi cũng chỉ cười, đáp:

- Vâng! Tôi sẽ cố gắng, mong các anh giúp đỡ thêm!

Từ phà Xuân Sơn, miền Tây Quảng Bình trở đi, tôi không ngồi trong ca-bin với đồng chí Tuấn lái xe và bác sỹ Phồn nữa, mà nhảy lên thùng xe, bỏ mui để dễ quan sát máy bay. Đêm trên chặng đường vượt cổng trời (cây số 70, 71, 72 - đường 20) tiến sâu vào trong, chốc chốc tôi lại bắt gặp một chiếc xe tả tơi, bốc mùi khét với tiếng kêu, tiếng rên của các chiến sỹ bị thương chuyển về hậu phương.


Anh Mịch và lái xe Long đi chiếc xe đầu, nhắc chúng tôi sắp đến ngã ba Lùm Bùm, mọi người phải đeo mặt nạ phòng hoá vào. Qua những loạt bom phát quang, bom lửa đốt rừng cháy ngùn ngụt là bom bi. Sáng sớm đi trên chặng đường nham nhở, hôi bẩn, thân cây cháy trụi hiện ra, tôi vội lấy máy ảnh chụp mấy kiểu làm tư liệu. Thỉnh thoảng lại nghe thấy 3 hoặc 5 phát súng xé không gian báo hiệu cấp cứu, hoặc có người thương vong cần hỗ trợ.


Một đêm trước khi vượt qua đèo Phu-la-nhích, đoàn xe chúng tôi bị máy bay C.130 phát hiện. Mới đầu chúng thả mấy quả bom cháy, chặn ngay trước mặt xe. Tôi thấy anh Phồn ngoái đầu ra khỏi ca-bin hét to: "Anh Tư! lấy vải bạt che mấy thùng thuốc... và giữ chặt!". Anh Tuân nhấn ga cho xe lao nhanh qua lửa. Mắt tôi hoa lên, chỉ thấy một màu đỏ rực. Hai tai tôi ù đặc vì những tiếng nổ chát chúa. Lát sau trấn tĩnh lại, tôi thấy hai bên sườn xe, những quả đạn 20 ly của máy bay C130 bắn xuống nổ, cày nát đất ven đường. Sau nhiều lần phải vượt qua những chặng đường như thế, chúng tôi mới thở phào, bảo nhau: "Còn sống!".


Đêm vượt ngầm Tà Khống, bỗng thấy tiếng máy bay im ắng, bầu trời tĩnh mịch quá! Nhưng anh Mịch vẫn ra lệnh: "Triệu chứng máy bay B-52 sắp rải thảm, mọi người xuống để giấu xe và tìm hầm ẩn nấp ngay!". Tôi vừa chui vào căn hầm chữ A cùng với Tuấn xong, thì căn hầm rung lên bần bật, chao đảo như ngồi trên võng. Theo quán tính, tôi ấp hai bàn tay vào mang tai, mắt nhắm tịt, mồm há ra... Khi tiếng ào ào đã ngớt, tôi mới mở mắt thấy trời tối ghê gớm, bụi cát dày đặc trong không trung. Tuấn bảo tôi: "Ta thoát B-52 rồi anh ạ!".


Khi đến cách bờ sông vài chục mét là trận địa Đại đội 3, pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn 241. Anh em thấy xe của Trung đoàn từ ngoài Bắc vào chạy qua đều reo hò: "Có thuốc lào không? có thư không thủ trưởng?" Anh Mịch, anh Phồn xuống xe phân phát vội, rồi lệnh cho xe tiếp tục qua ngầm. Nước dòng sông Sê-pôn mát rượi. Tôi bảo Tuấn và anh Phồn cho xe dừng, lấy cớ xuống lấy nước vào bi đông.


Nhưng thực ra để rửa và tắm vội vì toàn thân ai nấy đều vàng khè đầy đất. Tuấn bảo: "Kệ, cứ tắm cho nhẹ người, sống chết có số! Đợt B-52 khác còn 10 hoặc 15 phút nữa kia!..." Đó là kinh nghiệm của những người từng trải qua chiến đấu nơi đây.


Về đến trung đoàn bộ, đón tôi là Trung đoàn trưởng Nguyễn Đăng Tùng. Anh vừa đi kiểm tra trận địa Đại đội 1 ở Lao Bảo về. Anh bảo bác sỹ Phồn: "Xê 1 thiệt hại 2 khẩu đội! Cậu nghỉ ít thời gian rồi xuống đó giải quyết ngay số anh em bị thương!". Quay lại tôi, anh Tùng cảm động nói: "Cậu là người đầu tiên của Phòng tuyên huấn, Cục Chính trị Phòng không - Không quân từ Hà Nội vào đây. Xin cám ơn các anh đã quan tâm cử người vào giúp chúng tôi theo dõi nắm tình hình...".


Để bảo vệ một chặng đường số 9 từ Khe Sanh - Lao Bảo - Tà Khống năm 1968-1969, Trung đoàn 241 đã phải hỵ sinh khá nhiều cán bộ, chiến sỹ. Nhưng bù lại, đêm đêm từ ngầm Tà Khống, pháo vẫn bắn lên đỏ trời để bảo vệ các đoàn xe tiếp viện cho chiến trường miền Nam từ vũ khí, đạn dược, thuốc men đến lương thực, quân trang quân dụng...


Tôi ở lại mặt trận đường số 9 chưa đầy 1 tháng, dự nhiều trận chiến đấu với máy bay Mỹ với các chiến sỹ Trung đoàn 241. Tôi chụp được khá nhiều ảnh, ghi chép được nhiều câu chuyện chiến đấu dũng cảm của bộ đội. Trong đó có câu chuyện của Đại đội 3, Trung đoàn 241 về mẹo bắn máy bay trinh sát OV-10 và cách đánh lạc hướng nó, không cho nó chỉ điểm được kho hàng và các mục tiêu quan trọng của ta.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #76 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2022, 07:30:31 pm »

NHỚ MÃI MỘT LẦN TỰ NGUYỆN LÀM PHÁO THỦ


Nguyễn Việt Hiển


Đó là vào cuối năm 1971, tại Ngã ba đường Trường Sơn.

Tôi được Toà soạn Báo Phòng không - Không quân cử đi chiến trường B nắm tình hình để viết về cuộc chiến đấu bảo vệ giao thông của Binh chủng Pháo cao xạ.

Ngày ấy sau thất bại của cuộc hành quân Lam Sơn 719 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Mỹ càng tăng cường đánh phá tuyến giao thông chiến lược hòng ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào miền Nam. Tôi được đi B ngắn cũng là một vinh dự mà nhiều người mơ ước và có phần ghen tỵ! Tôi được cấp một khẩu súng ngắn, 1 máy ảnh Pratika tốt nhất và hơn chục cuốn phim. Trang bị cá nhân còn có: 1 tăng, 1 võng, 1 bộ quần áo để thay khi cần, 1 cặp giấy bút, trong đó có cả bút chì để phòng trong chiến trường không có mực viết, 1 dao găm và lương khô ăn đường. Với trang bị tương đối như vậy, tôi được xe đưa vào ngầm Tà-lê - nơi đóng quân của trung đoàn bộ Trung đoàn pháo cao xạ 224. Ngầm Tà-lê nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, nước không sâu nhưng là đường độc đạo rất hiểm trở. Xung quanh ngầm là núi non bao quanh, trước đây đều là rừng già nhưng bom đạn Mỹ đã "bào" nhằn màu xanh cây lá, nay chỉ còn trơ những ngọn đồi trọc như một bãi sa mạc lớn. Trên các ngọn đồi chỉ còn sót lại một vài cây cổ thụ đã cháy đen, cành cây khẳng khiu in lên nền đất đỏ. Trong khung cảnh mênh mông "sa mạc" một màu vàng úa và đỏ quạch đó, vẫn có những cô gái mặc áo lính ngày đêm bám trụ sửa đường và làm "cột tiêu" cho xe qua. Tôi đã có dịp gặp gỡ, chụp ảnh các nữ anh hùng vô danh ấy một lần, tuy có ghi cả địa chỉ nhưng sau này không có dịp nào gửi được ảnh cho họ. Từ trên các đỉnh núi có con đường đất đỏ vắt qua ấy, có thể nhìn thấy lưng máy bay dịch thỉnh thoảng bay ở phía dưới lưng chừng đồi nhòm ngó, thấy cả cái đầu của thằng giặc lái ngọ ngoạy trong khoang lái! Trung đoàn bộ 224 đóng trong một hang đá rộng, cách ngầm khoảng ngót cây số. Tôi làm việc ở trung đoàn bộ khoảng một tuần lễ, rồi từ đó đi bộ vào Khẩu đội 4 - Khẩu đội Tô Vĩnh Diện, thuộc Đại đội 4, Trung đoàn Tô Vĩnh Diện đang cắm chốt trong cụm hoả lực bảo vệ ngã ba từ đường 20 - đường Trường Sơn rẽ vào đường đi Chà-là, Ka-tốc, thuộc địa phận Nam Lào. Thực ra đó là tôi nghe đồng chí khẩu đội trưởng nói, còn khi đến khẩu đội đã vào ban đêm, nên cũng chưa được tận mắt quan sát quang cảnh ngã ba đó thế nào!


Đêm càng lúc càng tối, lại không được thắp đèn nên chúng tôi chỉ nhận ra nhau bằng dáng dấp. Đồng chí khẩu đội trưởng giới thiệu tôi với anh em trong khẩu đội, rồi nhắc nhở:

- Hôm nay có một đoàn xe của ta khoảng trăm chiếc qua ngã ba. Thời gian có thể từ 9 đến 10 giờ, chúng ta phải bảo vệ an toàn cho đoàn xe!...

Đồng chí khẩu đội trưởng, nói với tôi:

- Anh nhà báo! Khi anh em chiến đấu với địch, thì anh phải vào căn hầm chữ A ở chồ kia, cứ ở trong ấy đến khi ngừng bắn mới được ra! Vừa nói, đồng chí ấy vừa chỉ tay về phía cửa hầm.

Tôi ngỏ ý muốn ở lại xem chiến đấu như thế nào, thì đồng chí ấy kiên quyết:

- Không được! cấp trên đã chỉ thị cho chúng tôi phải bảo đảm an toàn cho anh!

Lúc ấy vào khoảng 8 rưỡi hay 9 giờ tối. Xung quanh màn đêm đen như mực! Tôi hiểu người khẩu đội trưởng chỉ làm theo lệnh trên, nên cũng không nằn nì thêm. Bất chợt, một đốm pháo sáng nở bung trên khoảng trời trước mặt, rồi tiếng máy bay xéo qua đầu. Đồng chí khẩu đội trưởng ra lệnh tất cả về vị trí sẵn sàng chờ lệnh. Nói "tất cả về vị trí", thực ra trên pháo chỉ cần 3 người: số 1, số 2 và số 5. Nhưng lúc ấy lại thiếu pháo thủ, vì đồng chí số 1 đang đau bụng phải nằm lại trong hầm! Đồng chí khẩu đội trưởng phân trần:

- Đánh nhau kiểu này như hai thằng mù đánh nhau vậy! Thiếu pháo thủ số 1, cứ quay tầm đặt sẵn mà bắn!

Khi đồng chí khẩu đội trưởng chuẩn bị di chuyển từ ghế số 2 - vị trí đạp cò sang ghế số 1 để đặt tầm nòng pháo, tôi đề nghị:

- Nếu chỉ quay tầm thì đồng chí để tôi giúp, ngày trước tôi là khẩu đội trưởng pháo 57 ly và cũng đã đi chiến đấu bảo vệ yếu địa mấy năm!

Đồng chí khẩu đội trưởng hơi do dự, nhưng cuối cùng cũng đồng ý:

- Vậy cũng được, nhưng anh nhớ khi bắn xong một loạt phải xuống pháo và vào ngay trong hầm! Anh đã nhìn thấy cửa hầm chưa?

Tôi nhảy ngay lên ghế pháo một cách thành thạo, quen như lên mâm pháo 57 ly ngày trước, rồi vừa ngồi trên ghế pháo, vừa tán chuyện với hai đông đội:

- Đánh nhau kiểu này có khi nào bắn rơi máy bay không?

Đồng chí khẩu đội trưởng cười:

- Thằng Mỹ cũng không nhìn thấy gì, chi đánh theo "toạ độ", khi nào thấy đạn của ta bắn lên ở đâu thì quăng bừa bom xuống đó. Chúng ta cũng không nhìn thấy gì, vậy nên chỉ tung đạn lên trời để cản và doạ chúng thôi, như ngày còn nhỏ chúng ta dùng súng cao su bắn sua con quạ để bảo vệ đàn gà con ấy! Thế nhưng thấy có đạn bay lên trời, bọn "mẽo" cũng sợ, chỉ vội vàng trút bom lung tung cho nhẹ rồi chuồn.

Tôi tò mò:

- Như thế bọn mình vẫn gọi là bắn dựng màn đạn hay bắn rải, đúng không? Thế còn pháo sáng của chúng thì sao?

Đồng chí pháo thủ số 5 từ nãy im lặng, nói chen vào:

- Nó bay nhanh thế, lại trong hoảng sợ, đến ban ngày nhìn còn chẳng rõ nữa là... Ờ mà pháo sáng có dù và cái ống đẹp lắm, anh ở đây lâu lâu, thế nào chúng em cũng tìm được cho anh một ống pháo sáng, có cả dù để có thể làm khăn quàng cổ hoặc làm khăn tặng "người yêu"! Cái pháo sáng kia - vừa nói đồng chí số 5 vừa chỉ lên trước mặt - sẽ rơi cách mình có khi chỉ độ non nửa cây số thôi...


Đồng chí số 5 nói chưa hết câu, thì phía trước mặt khẩu đội, một chùm đạn lửa đã lao vút lên trời. Tiếp sau đó là "màn đạn" của các đơn vị bảo vệ trọng điểm cũng liên tiếp dựng lên. Rồi những tiếng nổ gần, xa, to, nhỏ nối nhau vang lên đinh tai, nhức óc. Vào cuộc chiến đấu rồi! Đồng chí khẩu đội trưởng hét lên dõng dạc:

- Nạp đạn! Nòng pháo lên cao hơn một chút! Chuẩn bị, bắn!

Chiếc ghế tôi ngồi rung lên, cả khẩu pháo 37ly cũng rung lên. Nòng pháo khạc một luồng đạn đỏ rực lên bầu trời chớp nhoang nhoang, góp vào màn đạn của cụm hoả lực. Tôi có cảm giác như đang được chơi trò bắn pháo hoa! Bỗng "rẹt" một tiếng, kéo theo tiếng rít chói tai. Cùng với tiếng rít chát chúa tưởng như ngay trên đầu của động cơ phản lực, là những tiếng nổ liên tiếp rung lên ở phía trên sườn đồi bên phải chỗ tôi ngồi. Đất, đá và mảnh đạn văng rào rào, văng cả vào mâm pháo, nòng pháo. Khẩu pháo ngưng nhả đạn, khiến tôi chợt nghĩ có khi hai đồng chí pháo thủ đã bị thương vong? Còn tôi vẫn đang ngồi chễm trệ trên ghế pháo! Dứt loạt bom, đồng chí khẩu đội trưởng huỳnh huỵch chạy từ hầm trú ẩn ra, hớt hải hỏi:

- Nhà báo! Anh nhà báo đâu rồi?

Tôi đáp:

- Tôi vẫn ngồi đây!

- Anh có làm sao không?

- Tôi không làm sao cả!? Tôi thản nhiên nói.

Đồng chí khẩu đội trưởng sờ vào người tôi từ đầu tới chân, khi biết chắc tôi bình an vô sự, mới nói bằng giọng gần như xin lỗi:

- Chúng em vào hầm nhưng không kịp gọi anh! Đánh địch ở đây không giống như đánh bảo vệ yếu địa, nghĩa là bắn xong điểm xạ, khi nghe thấy tiếng máy bay địch bổ nhào là phải vào ngay hầm trú ẩn để bảo toàn lực lượng! Cứ ngồi lì trên mâm pháo như anh vừa rồi, nguy hiểm lắm!...

Được giải thích, tôi mới ngớ người ra, nghĩ lại thấy mình thật ngớ ngẩn! Tôi cười, biện minh cho sự ngớ ngẩn của mình: "Ừ, lính mới chưa biết, xin nhận khuyết điểm, lần sau xin sửa chữa!". Nói như vậy nhưng tôi thật sự hú vía. Nếu trái bom "mù" kia chỉ đi chệch mươi mét vào trúng hầm pháo thì một mảnh áo của tôi cũng chưa chắc đã còn được nguyên vẹn, và có khi còn bị Toà soạn thi hành kỷ luật về tội tự do! Lúc ấy Khẩu đội 4 Tô Vĩnh Diện chắc cũng không tránh khỏi bị liên lụy...


Hôm sau, anh em trong khẩu đội giữ đúng lời hứa, đi tìm kỷ niệm cho tôi một ống pháo sáng và một chiếc dù pháo sáng trắng tinh. Sau đó còn tổ chức một bữa "liên hoan đặc biệt", có thịt hộp và một nồi canh rau "bồng bông" để tiễn tôi trở lại trung đoàn bộ.    Ngày nay, nhớ lại tình huống của trận đánh tôi vừa thấy tự hào trong đời ít nhất cũng đã được một lần nếm kiểu đánh đêm bảo vệ giao thông với Trung đoàn Tô Vĩnh Diện Anh hùng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #77 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2022, 07:32:11 pm »

MỘT CHUYẾN ĐI NHIỀU KỶ NIỆM VUI, BUỒN...


Nguyễn Xuân Át


Ngày 23 tháng 3 năm 1971, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã quyết định lấy Quảng Trị là đòn tấn công chủ yéu trong chiến dịch Trị - Thiên vào đầu năm 1972.


Cuối tháng 11 năm 1971, một số đơn vị của quân chủng lần lượt hành quân đi chiến dịch. Phòng Tuyên huấn cũng có những bộ phận được lệnh đi công tác dài ngày vào chiến trường. Bộ phận đi trước vào tiền phương của Cục Chính trị có các anh Đỗ Viết Thông - phó phòng, Thái Đình Đương, Lê Phúc (thường gọi là Phúc tây) - trợ lý giáo dục, Phạm Thành Thiểu - trợ lý tuyên truyền. Tốp này hành quân bằng chiếc xe điện ảnh của phòng vào tới Quảng Bình. Tiếp theo là tổ viết gương có Thao Trường, Đỗ Chu, Dương Duy Ngữ; tổ phóng viên Báo PK-KQ có Việt Hiển, Phùng Đắc Tư, Lê Minh Huệ, Vũ Đình Long; nhạc sỹ Hoàng Tạo và hoạ sỹ Đặng Chung. Bộ phận đi sau vào thẳng Sư đoàn bộ 367 có Nguyễn Quang Ý quay phim, Dương Đình Giác nhân viên bảo tàng đi thu thập hiện vật và tôi là Xuân Át "phó nháy". Cùng vào chiến trường lần này còn có một mũi xung kích của Đoàn Văn công Quân chủng nữa. Như vậy quân số của Phòng Tuyên huấn đi chiến địch gồm một lực lượng khá đông đảo và gần đủ các thành phần tham gia.


Mọi trang bị cho cá nhân được cấp phát theo tiêu chuẩn đi B. Riêng tôi là nhóm trưởng nên được trang bị 1 súng ngắn K54 và 1 chiếc đài ORIONTON mà anh em thường gọi là cái "hòm thợ cạo" để nghe tin tức. Những anh em khác mỗi người 1 tiểu liên AK. Về nghiệp vụ, tôi mang theo 2 chiếc máy ảnh, 1 chiếc EXAKTA của Đức và 1 chiếc ROLEIFLEX của Pháp, về phim thì mang theo 2 hộp NP.55, mỗi hộp dài hơn 30m và thuốc tráng phim có thể pha được hơn 10 lít cùng những dụng cụ cần thiết để có thể làm buồng tối cơ động.


Chưa lần nào đi công tác tôi lại thấy hồi hộp và náo nức như lần này. Không khí đi chiến trường cứ như đi trẩy hội ấy. Hôm gặp "cụ" Mậu - Phó chính uỷ quân chủng, "cụ" động viên: "Lần này cậu phải đi, chụp cho nhiều ảnh tốt vào đấy. Đây là dịp làm ăn lớn đấy, thời cơ của cậu đấy, cố gắng nhé".


Hôm lên đường, Cục đã ưu ái cho nhóm chúng tôi 1 chiếc com-măng-ca đít vuông do anh Lưu lái để chở chúng tôi đi. Vào tới Sư đoàn bộ 367 ở Quảng Bình, thì cho xe về.

Tại đây, chúng tôi chia nhau đi các mũi. Tôi và Giác xuống Tiểu đoàn 105 của Trung đoàn 280; Ý xuống một đơn vị của Trung đoàn 241. Từ Sư đoàn bộ 367, chúng tôi đi đường 16 qua trọng điểm Chà Lỳ, nơi được mệnh danh là "túi bom đạn" của địch, men theo phía Tây Quảng Bình qua Lào theo bờ sông Ba Lòng để xuống Quảng Trị, bí mật ém sát vào chân cao điểm Động Toàn. Khi xuống Tiểu đoàn 105, đến sân bay Tà Cơn tôi đã chớp thời cơ chụp một kiểu ảnh chiếc trực thăng UH-1 bị bắn rơi. Tới các trận địa pháo cao xạ 37 ly, 57 ly của Trung đoàn 280 bố trí trên các đồi gianh để bảo vệ các mũi tấn công của Sư đoàn bộ binh 304 ở căn cứ Mai Lộc và trận địa pháo mặt dất ở Động Toàn, tôi đã chụp được một số hình ảnh sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị đó.


Đối với người cầm máy ghi được những hình ảnh ở chiến trường là rất quý, thậm chí vô giá, nhất là những bức ảnh về chiến đấu binh chủng hợp thành. Đây là lý tưởng nghề nghiệp đối với tôi, nhưng chưa có thời cơ để thể hiện được nhiều.


Tôi đã chụp được tấm ảnh quân ta đánh Đồng Lâm. Tôi đi từ La Vang ra ngã 3 làng Nút, lên trận địa trực chiến của Tiểu đoàn 105 khoảng 9-10 giờ sáng, trời nắng chang chang, một chiếc OV-10 bay tới lượn một vòng rồi cút thẳng. Một lúc sau, máy bay địch liên tục đến ném bom, may mà tôi an toàn, chỉ bị ướt chiếc máy ảnh. Khi hành quân vào Đồng Lâm cùng một đại đội của Trung đoàn 241 vượt sông Mỹ Chánh, gần sáng đừng lại đào hầm. Sáng ra địch đến rải bom bi, tôi cùng với anh Đặng Quang Nhẽ - Chính trị viên đại đội và một cậu y tá nằm chung một hầm, tôi nằm giữa thì không việc gì, 2 người nằm bên thì bị thương.


Kể từ khi địch nống ra tái chiếm Quảng Trị thì suốt ngày đêm không lúc nào ngót tiếng súng. Đứng trên cao điểm 105 nhìn về hướng Quảng Trị thấy rõ hàng đàn trực thăng nối đuôi nhau tới đổ quân cùng tiếng súng nổ liên hồi, càng hình dung được cuộc chiến đang diễn ra hết sức ác liệt. Tôi ước giá như lúc này mình có mặt ở đó để bấm vài pô thì hay biết mấy.


Trong thời gian công tác ở chiến trường, tôi thường đi hết đơn vị này đến đơn vị khác. Có lần hôm trước vừa tới chụp ảnh khẩu đội đồng chí Dung của Trung đoàn 280 ở đầu cầu Quảng Trị thì hôm sau đã nghe tin khẩu đội này đã hy sinh vì bị máy bay ném bom không còn nữa.


Đầu tháng 8 năm 1972, bộ phận chúng tôi gồm có Xuân Át, Nguyễn Quang Ý, Dương Đình Giác, Đặng Chung và anh Tiêu, trợ lý chính sách của Phòng Tổ chức được lệnh ra Bắc, về quân chủng.

Nhóm chúng tôi đi từ tiền phương của mặt trận B.5 ra. Đen gần 12 giờ trưa hôm đó thì dừng chân nghỉ lại ở đội 8, nông trường Quyết Thắng, Quảng Bình. Nơi đây không có dân, chỉ có một chiếc lán ở giữa rừng cây cối rậm rạp, trước đó là nơi sửa chữa xe tăng của mặt trận. Sau khi cơm trưa xong, anh em mắc võng nghỉ lại trong lán. Dây võng được buộc vào các cột của lán quây vào nhau. Thoạt tiên tôi nằm ở rìa ngoài, không hiểu sao tự nhièn tôi lại đổi chỗ, không nằm ở ngoài nữa mà quay đây võng mắc vào giữa. Anh Ý thấy vậy lại tháo võng của mình để mắc thế vào chỗ của tôi ở rìa lán. Ý còn cười và nói đùa có vẻ khoái trá: "Thằng Át dại! Tao nằm đây, có động chỉ việc lăn một cái là xuống hào" (chẳng là ở chỗ đó có một đoạn hào ngay dưới chỗ mắc võng). Thế là tự nhiên hình thành một đội hình tôi nằm giữa, 4 người nằm xung quanh.


Khoảng 2 giờ chiều, chúng tôi vừa chợp mắt được một tí thì giật mình tỉnh giấc nghe thấy từng loạt tiếng nổ xa, rồi gần, rồi xa dần. Chiếc lán đổ sập và trc lá bay tơi tả. Mảnh bom bay chiu chít như đạn bắn thẳng. Sau khi ngớt tiếng bom, tôi kêu to: "Anh em ơi! có ai việc gì không?". Người đầu tiên lên tiếng là Dương Đình Giác: "Em bị rồi!". Giác giơ tay lên, máu chảy ròng ròng ướt cả áo. Tiếp đến là Đặng Chung, máu me đầy mặt, đang lấy tay vuốt. Anh Tiêu thì vỡ toang cả mảng bụng dưới, bất tỉnh nhân sự, đang thở hắt ra. Ý thì vẫn như người ngủ say, không cựa quậy, quần vẫn xắn móng lợn, người còn nóng hổi, có vết thủng ở thái dương. Tôi tự sờ khắp người mình để kiểm tra xem có việc gì không? May quá, toàn cơ thể vẫn nguyên vẹn, duy chỉ có khẩu K54 bị mảnh bom làm quằn cả nòng. Như vậy là tổ có 5 người thì 2 hy sinh, 2 bị thương, chỉ còn mỗi một mình tôi là không việc gì.


Thu xếp đồ đạc của anh em lại một chỗ, tôi lấy máy ảnh ra chụp hiện trường và thi hài 2 anh Tiêu, Ý. Khi xe cấp cứu và người của đơn vị tới tổ chức chôn cất tử sỹ và đưa Đặng Chung, Dương Đình Giác đến trạm chuyển thương số 10 của mặt trận thì tôi cũng đi theo rồi sau đó quay về chỗ cũ để vẽ sơ đồ mộ chí. Rất tiếc là những phim chụp ở đây nay đã bị thất lạc.


Đêm hôm ấy, tôi vẫn ở lại một mình giữa rừng vì còn phải trông đồ đạc cho anh em. Cả đêm thao thức không ngủ được, chỉ mong trời chóng sáng. Người mệt mỏi, bàng hoàng mà không thấy đói.

Sáng hôm sau, đồng chí Xuân, trợ lý Phòng Bảo vệ ở tiền phương cùng một đồng chí nữa xuống để nắm tình hình và mang đồ đạc của anh em về. Tôi cũng theo các anh về Sở chỉ huy tiền phương. Nghỉ lại đây một tuần thì nhóm chúng tôi gồm 3 người là Thao Trường, Dương Duy Ngữ và tôi theo đường giao liên ra Bắc và về nghỉ ở trạm cuối cùng ở Ngọc Hồi, Thường Tín, Hà Tây. Lúc này khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1972 gì đó (tôi không nhớ rõ).


Về đến đơn vị mới biết, ai cũng ngỡ bọn tôi hy sinh cả rồi. Khi gặp chị Tuyết, vợ anh Diễm là trợ lý bảo tàng quân đội ở giữa đường phố Thủ đô, chị ngạc nhiên: "Ơ! Anh Át, tưởng hy sinh rồi cơ mà!". Chẳng là anh Diễm ở mặt trận ra hôm trước thì hôm sau tôi ra. Anh Diễm về nhà có nói với vợ: "Có lẽ Xuân Át hy sinh rồi!". Quả thật cái số của tôi cũng may mắn, đã 2 lần bom đạn Mỹ thấy tôi phải tránh.


Chuyến công tác này tôi chụp được một số ảnh được các anh ở Cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Quân chủng biểu dương. Chính uỷ Hoàng Phương chỉ thị trực tiếp cho tôi làm ảnh để báo cáo kết quả chuyến đi. Anh Văn Giang, Chính uỷ sư đoàn Phòng không Hà Nội thì nói: "Tớ đã xem ảnh rồi, thấy phục các cậu quá, ảnh đẹp lắm!". Và cũng từ kết quả của chuyến đi này, tôi đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, một phần thưởng vô cùng quý giá trong đời cầm máy ảnh của tôi.


Khoảng cuối năm 1991 (sau 19 năm) theo nguyện vọng của gia đình anh Ý, mà đại diện là anh Khanh, chị Dung, các em ruột của anh có gặp tôi và anh Lê Phương, nguyên là Phó Phòng tuyên huấn Quân chủng Phòng không lúc đó đã nghỉ hưu, nói nguyện vọng của bố mẹ anh trước khi chết làm sao đưa được hài cốt của anh về nghĩa trang Hà Nội. Chúng tôi đã hướng dẫn cho gia đình làm đơn rồi đưa vào trình bày trực tiếp với Cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Phòng không, được các anh đón tiếp niềm nở, hết sức ủng hộ. Quân chủng mà trực tiếp là anh Nguyễn Văn Phiệt đã cho một xe con do anh Nguyễn Quý Lưu lái và cử một trợ lý chính sách đi cùng, về phía gia đình có đại diện của họ tộc, em trai và con trai lớn anh Ý. Tôi cùng đi trong chuyến này.


Đoàn chúng tôi đi từ Hà Nội vào thẳng nông trường Quyết Thắng. Tới đây được biết hài cốt đã được đưa về nơi quy tập. Tới nơi quy tập thì lại được biết đã đưa về nghĩa trang Hồ Xá, Vĩnh Linh.

Sau khi làm việc với các cơ quan hữu trách ở địa phương, các thủ tục hành chính được hoàn tất nhanh chóng, thuận lợi. Hài cốt anh Ý đã được đưa về Nghĩa trang liệt sỹ của Hà Nội ở Tây Tựu. Qua đưa hài cốt liệt sỹ Ý lần này cũng được biết thêm là hài cốt liệt sỹ Tiêu cũng đã được quy tập về Yên Thành, Nghệ An quê hương anh. Hằng năm, tôi và Dương Đình Giác có điều kiện đều đến nghĩa trang thắp hương để tưởng nhớ đến người bạn, người đồng chí đã hy sinh trong chiến tranh.


Năm 2005, tôi có dịp thăm lại chiến trường Quảng Trị. Tôi có làm 1 tập ảnh ghi lại những hình ảnh ngổn ngang của chiến trường ngày đó, hoạt động của các đơn vị và chiến thắng của quân dân Quảng Trị... để tặng cho Bảo tàng Quảng Trị.


Tới nay đã hơn ba chục năm, chiến tranh đã lùi xa. Nhưng những hình ảnh sinh động của chuyến đi đầy kỷ niệm mà tôi đã vinh dự và may mắn được có mặt ở nơi nóng bỏng nhất khiến tôi luôn cảm thấy tự hào và nhớ mãi.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #78 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2022, 07:35:15 pm »

KỶ NIỆM TRƯỜNG SƠN


Diệu Ân


Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn văn công Phòng không - Không quân, tôi có may mắn được gặp nhạc sĩ Đàm Giai là nhạc trưởng, kể lại kỉ niệm chuyến đi phục vụ ở Trường Sơn của Đoàn.

Tôi rất cảm động ghi lại được những câu chuyện vô cùng sâu sắc đầy chất anh hùng ca của những người nghệ sĩ chiến sĩ nơi tuyến lửa ấy.

Năm 1972, bọn Mỹ tập trung đánh phá, dùng bom B-52 rải thảm tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn.

Nhiệm vụ của Đoàn văn công Phòng không - Không quân phải chia làm nhiều mũi xung kích bám sát trận địa, phục vụ bộ đội.

Nhạc trưởng Đàm Giai được phân công phụ trách một đội văn nghệ xung kích vào tuyến lửa.

Đội đi gồm có 15 người. Đồng chí Việt Cán, đội trưởng đội hát Phó bí thư chi bộ làm đội phó.

Nhóm nhạc có: Đàm Giai, Xuân Long, Phạm Hùng, Anh Công. Nhóm ca có: Việt Cán, Bùi Bình Thiết, Minh Vượng, Ngọc Lan. Múa có: Ảnh Tuyết, Bích Ngọc, Hoàng Yến. Một số đồng chí hậu cần.

Đội xung kích của Đàm Giai được phân công đi vào tuyến đường 20 Quyết Thắng.

Đến cuối tỉnh Quảng Bình, đội bắt đầu hành quân bộ, phải vượt qua những trọng điểm ác liệt nổi tiếng ở Trường Sơn như: dốc "Đứng Tim", đèo Phu-La-nhích, ngầm Tà-lê, dốc "Ba thang"...

Các văn nghệ sĩ quyết tâm, vượt qua mọi hy sinh gian khổ vì đồng bào miền Nam ruột thịt, đi đến bất cứ đơn vị nào có yêu cầu phục vụ. Đội vừa hành quân vừa biểu diễn. Các đơn vị pháo cao xạ được bố trí dọc đường Trường Sơn, nên đội cũng phải hành quân theo tuyến đường đó.


Khi đội gần đến một đơn vị pháo ở đèo Phu-la-nhích, bỗng nghe thấy tiếng bộ đội reo: "Văn công đến!". Tiếng reo đập vào vách đá vang vọng như báo động cho cả núi rừng Trường Sơn: "Văn công đến... đến!... đến... Lại có tiếng bộ đội hỏi:

- Có nữ văn công không?

- Có !

- Mấy người?

- Bốn người!

Cả đội lên đến đơn vị, mọi người đều tay bắt mặt mừng.

Hôm đó, đơn vị đón văn công vui như Tết. Các chiến sĩ tranh thủ "tân trang", giở quần áo mới nhất ra mặc, cắt tóc cho nhau gọn gàng. Chưa cần nghe văn công hát, chỉ cần nhìn thấy văn công đến, đã động viên chiến sĩ nhiều lắm rồi.


Chương trình biểu diễn tổ chức giữa ban ngày ngay trước cửa hang. Sân khấu là một bãi đất đá lổn nhổn, được bộ đội rải lá lên. Tiếng đàn, tiếng hát cất lên "át tiếng bom". Nghệ sĩ và chiến sĩ đều cùng nhau hát.

- "Tiếng dàn Ta-lư".

- "Đưa em đi hái măng rừng".

- "Tên lửa về bên Sông Đà".

- "Pháo thủ Hàm Rồng"...

Tiếng hát, tiếng đàn vang động núi rừng, vang động Trường Sơn. Có tiếng hát giúp người pháo thủ vững vàng bên pháo bảo vệ tuyến đường, sẵn sàng quật ngã mọi "Thần Sấm", "Con ma".

Những nghệ sĩ mang hết tài nghệ và tình yêu chiến sĩ để dâng hiến cho đồng đội một ý chí sắt đá quyết tâm bảo vệ cung đường, quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong những giờ phút "thăng hoa" ấy, đâu có ai sợ hy sinh, ngại gian khổ. Vâng! Phải cám ơn các nghệ sĩ đã đem những nơi gian khổ, ác liệt nhất động viên kịp thời nhất, để cổ vũ tinh thần người chiến sĩ giữa nơi phải cọ xát giữa sự sống và cái chết.


Hôm sau, đội văn công đang hành quân sang phía bên kia đèo Phu-la-nhich, thì máy bay B-52 đến rải thảm. Minh Vượng nghe tiếng máy bay đã vội ôm lấy thân cây, mếu máo: "Mẹ ơi!". Có tiếng hô của đội trưởng Đàm Giai: "Các đồng chí chạy nhanh tìm nơi ẩn nấp! Xuân Long dìu Minh Vượng..."


Cả đội vội tản ra bìa rừng tìm nơi trú ẩn. Rất may đợt bom B-52 đó không ai việc gì.

Khi đội đến biểu diễn cho một đơn vị pháo ở ngầm Tà-Lê, cũng có nhiều kỷ niệm. Ở Tà-Lê hầu hết biểu diễn trong hang đá. Đa số cũng biểu diễn ban ngày. Ở đây khi đội đang chuẩn bị hành quân qua suối, lại bị "dính B-52". Vừa nghe tiếng máy bay, Đàm Giai đã hô to:

- Chạy về hang!

Cả đội chạy ngược vào hang, một số nữ diễn viên bị ngã, Đàm Giai phải dìu các chị vào hang. Cũng may cả đội không ai bị thương, nhưng cả cánh rừng bị tàn phá tan hoang.

Vốn là một chiến sĩ công binh từ thời chống Pháp (1952) nên Đàm Giai rất có kinh nghiệm dẫn quân đi trong những con đường hiểm trở nơi rừng sâu.

Cũng có một lần vượt suối, Đàm Giai tổ chức đóng bè chuối để phụ nữ và những người không biết bơi bám vào bè, cử hai người bơi sang trước kéo bè sang.

Sau gần hai tháng biểu diễn, đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được điều động trở ra Hà Nội.

Khi ra, đội không đi theo đường lớn mà đi đường chiến lược của bộ binh. Đàm Giai và một số diễn viên nam chuẩn bị mỗi người một cây sào dài 5 mét, để chọc mìn vướng. Một hôm, đội đang hành quân, khoảng chiều tối bỗng gặp một chiếc ô tô tải đỗ bên đường. Xe không chở hàng, Dàm Giai gặng hỏi người lái xe:

- Ông đi đâu?

- Em ra Bắc!

- Cho chúng tớ về cùng với?

- Nhưng!...

- Không sao, chết lúc nào chả thế, nếu như chúng tớ chết, cậu cũng chết không có ai phải chịu trách nhiệm cả!

 - Vậy, các anh dám đi ban ngày không?

- Đi luôn!

Đêm đó, cả đội biểu diễn phục vụ cho đồng chí lái xe, ai cũng mừng vì không phải đi bộ.

Khi xe đi ban ngày, không hiểu sao chẳng ai sợ B-52 nữa, có lẽ vì nghĩ rằng sắp về đến Hà Nội sẽ gặp lại người thân, lòng tràn đầy hy vọng.

Về đến binh trạm, cả đội lại xuống đi bộ. Chao ơi! Phong lan Trường Sơn đẹp biết bao, mỗi nghệ sĩ mang theo một dò phong lan về Hà Nội làm kỷ niệm chuyến đi Trường Sơn đầy những thử thách, nhưng vô cùng vinh quang.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #79 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2022, 07:02:05 pm »

CHUYẾN ĐI B CUỐI CÙNG VÀ
NHỮNG NGÀY GIẢI PHÓNG ĐẦU TIÊN


(Ghi theo lời kể cùa các hoạ sĩ Phòng không - Không quân: Nguyễn Đức Thọ, Phan Tuấn Tài, Phạm Ngọc Doanh, Nguyễn Xuân Thành và Vũ Huyên)
Thạch Kao
Hoạ sĩ: Nguyễn Đức Thọ


Sau chiến thắng của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không", Hiệp định Pa-ri được ký kết, chấm dứt hơn 8 năm ném bom đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển sang chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu như trước khi có chiến tranh phá hoại. Hà Nội trở lại thanh bình. Có lẽ vì thế, công việc của anh em tổ vẽ chúng tôi thấy thư thả hơn. Tuy nhiên, hàng ngày tin chiến thắng ở miền Nam vẫn chiếm đầy trang nhất trên các báo. Còn ban đêm, tiếng loa phóng thanh theo gió đưa về những tin chiến sự nóng hổi. Ngay bên ngoài tường doanh trại của Cục Chính trị là một đoạn đường xe lửa cụt có bệ dốc lên xuống, là nơi tập kết lên tầu của các loại vũ khí hạng nặng đưa vào mặt trận. Gần như đêm nào cũng ầm ầm không ngớt cho tới tận khuya. Tiếng động cơ xe và tiếng búa chan chát đóng dây chằng cố định cho các loại xe tăng, pháo phủ bạt kín mít lên đường. Là người lính, chúng tôi luôn luôn cảm thấy rất rõ hơi thở của chiến tranh, như vẫn rất gần đâu đó.


Một ngày cuối tháng 3 năm 1975. Chúng tôi đang ngồi cắt chữ khẩu hiệu trang trí hội trường, thì Chính uỷ quân chủng Hoàng Phương đi ngang qua ghé vào. Thấy đám lính văn nghệ có vẻ nhàn rỗi, ông tỏ ra ngạc nhiên, hỏi: "Các cậu đang làm gì thế này?". Chúng tôi chưa kịp đáp, ông đã nói tiếp luôn: "Thế các cậu không nghe tin khắp nơi người la đang ầm ầm sôi sục lên về Tổng tiến công hay sao?". Không cần đợi chúng tôi trả lời và có lẽ ông cũng đã quá hiểu lính của mình, ông nói với chúng tôi mà như tự nói với bản thân: "Thôi được rồi, để tớ trao đổi với Phòng Tuyên huấn!". Vậy là chỉ mấy hôm sau, ngày 27 tháng 3, anh Lê Miên - Trưởng phòng, gọi chúng tôi lên thông báo quyết định của Cục Chính trị: Tổ chức Đoàn văn nghệ sĩ của quân chủng vào chiến trường. Anh giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi, anh Đặng Chung và anh Phan Tuấn Tài lên đường cùng với các anh ở Báo Phòng không - Không quân, Tổ sáng tác của Đoàn văn công quân chủng. Chúng tôi được cấp phát trang bị đi B gồm có tăng, võng dù, ca-men, gạo, thịt hộp, lương khô... Tôi và anh Đặng Chung vì đã là chuẩn uý, nên được trang bị súng ngắn K54. Riêng anh Tài mới là trung sĩ, chỉ được phát một con dao găm Liên Xô to bản. Thật ra đây đâu phải lần đầu tiên chúng tôi đi chiến trường. Nhưng riêng lần này, cầm trong tay những trang bị còn mới mà biết bao lớp cán bộ, chiến sĩ đã lừng nhận trước lúc lên đường, lòng tôi không chỉ thấy xôn xao, vừa hồi hộp lại vừa náo nức... Tôi có linh cảm một điều gì thật thiêng liêng, nghĩ rằng đây sẽ là một chuyến đi B có một không hai, mình thật may mắn và vinh dự được tham gia vào trận Tổng tiến công cuối cùng này.


Sáng Chủ nhật 30 tháng 3, sau khi tập trung nghe thủ trưởng Cục Chính trị động viên và giao nhiệm vụ, đúng 8 giờ, chúng tôi leo lên chiếc xe tải Gát 63 không mui hăm hở lên đường. Xe chúng tôi đi lẫn với các đoàn xe chở đầy bộ đội và vũ khí, cũng đang ầm ầm tiến vào phía Nam. Xe chạy liên tục cả ngày, đến tối mới dừng nghỉ, tự nấu ăn và nắm cơm để hôm sau ăn. 12 giờ trưa ngày 3 tháng 4, chúng tôi đến Huế, rồi đi tiếp và gặp Sở chỉ huy tiền phương của quân chủng ở sân bay Đà Nẵng. Trên vùng trời Đà Nẵng, thỉnh thoảng tôi lại nhìn thấy những chiếc máy bay A-37 (loại máy bay ném bom hạng nhẹ của Mỹ trang bị cho quân ngụy Sài Gòn) bay lượn vòng vèo. Tôi có phần cảm thấy khó hiểu vì không biết tại sao lại không thấy hoả lực phòng không nổ súng, cũng không thấy "bọn" A-37 này có bất cứ hành động tấn công hay khiêu khích nào. (Sau này tôi mới biết đó là các chuyến bay tập của không quân ta trên các máy bay chiếm được của địch để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng giải phóng Sài Gòn). Theo nhịp tiến công thần tốc của quân ta, chúng tôi phải di chuyển liên tục theo Sở chỉ huy tiền phương vào sân bay Nha Trang, rồi sân bay Thành Sơn ở Phan Rang.


Tại Phan Rang, một ngày sau khi Phi đội Quyết Thắng xuất kích đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất thắng lợi trở về, tôi lên gặp anh Trần Hanh, chỉ huy Không quân xin phép vẽ Nguyễn Thành Trung, trung úy lái máy bay quân đội Sài Gòn nhưng là người của ta cài vào, đã dẫn đường cho Phi đội Quyết Thắng. Lúc này tôi hoàn toàn chưa biết gì về lai lịch và những hoạt động của Nguyễn Thành Trung, mà chỉ hiểu đơn giản là mình đang đứng trước một sĩ quan không quân ngụy phản chiến, nên vẫn giữ một khoảng cách, chỉ nói chuyện hỏi thăm khách sáo. Về phần Nguyễn Thành Trung có lẽ cũng vậy. Anh nói năng nhỏ nhẹ, cỏ phần ít lời. Anh mặc trang phục người lái của ta, có đeo băng "Không quân nhân dân Việt Nam" chữ vàng trên nền đỏ ở cánh tay, còn chiếc mũ phi công thì vẫn phải dùng loại mũ của Mỹ trang bị cho người lái máy bay A-37. Nhưng đã được các phi công của ta lấy bút dạ màu, tự tay vẽ thêm vào lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận dân tộc giải phỏng. Chắc đây là lần đầu tiên tiếp xúc với một hoạ sĩ QĐNDVN, nên khi tôi vẽ xong, anh Trung không ngớt trầm trồ: "Các anh bộ đội miền Bắc tài giỏi thiệt". (Bức ký hoạ này hiện được lưu giữ ở Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ).


11 giờ ngày 30 tháng 4, chúng tôi đang ăn cơm với một loại rau rất lạ (sau này mới biết là bắp cải Đà Lạt), thì thấy đích thân Tư lệnh quân chủng Lê Văn Tri chạy ào vào và nhẩy cẫng như trẻ con báo tin ta đã giải phóng Sài Gòn. Các anh Tài, Chung cùng với mấy anh bên Báo, Văn công... tách ra đi theo đường bộ để vào Sài Gòn. Còn tôi ở lại đi với Bộ tư lệnh tiền phương của quân chủng. Ngày hôm sau, tôi đi theo anh Trần Hanh trên một chiếc máy bay lên thẳng MI-6 chở đầy cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng và các phóng viên TTXVN vào sân bay Tân Sơn Nhất. Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy sân bay rất rộng. Máy bay chúng tôi bay đến đâu, mặt đất lại chạy theo đến đấy, hò reo ầm ĩ. Máy bay vừa chạm đất, anh em đã chạy ùa lại công kênh các phi công lên vai, vừa nắc nỏm khen máy bay ta sao to thế, vừa hỏi thăm tíu tít: "Máy bay của ta hả anh?", mà chẳng cần nghe trả lời. Chẳng biết ai đã giúi vào tay tôi một lon bia (đây cũng là lần đầu tiên tôi biết mặt một lon bia!). Nhìn những khuôn mặt hớn hở của các đồng chí bộ binh lấm lem và nhễ nhại mồ hôi, tôi thực sự xúc động và hiểu được niềm vui khôn tả của anh em. Bao nhiêu năm nay ở chiến trường, họ đã bị máy bay địch uy hiếp, đánh phá, nay được sờ tận tay máy bay của mình, người lái của mình. Một chiến sĩ bộ binh rất trẻ, tâm sự với tôi như người thân thiết: "Chiều hôm kia, ngày 28, em trai em hy sinh ở cổng sân bay này. Nhưng đấy là chuyện riêng, không sao, bây giờ thắng lợi rồi, anh em chúng ta được sống đến giờ phút này là hạnh phúc lắm rồi, sung sướng lắm rồi... Phải không anh?".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM