Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:55:56 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguồn sức mạnh và những ký ức không quên  (Đọc 2990 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #50 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2022, 08:03:30 pm »

Tối hôm cuối cùng, Phó Chính uỷ Nguyễn Xuân Mậu lững thững xuống Phòng Tuyên huấn, rồi thẳng đến phòng làm việc của tôi. Câu đầu tiên ông hỏi là: "Tài liệu đã xong chưa? Được phần nào cứ đưa mình xem trước, cố viết đêm nay cho xong!"...


Suốt đêm đó, tôi xoay trần ra viết cho kịp thời gian. Bao thuốc lá Tam Đảo đã hút đến điếu thứ mười mấy. Ấm chè Thanh Hương xin được của anh em đã pha đến xái mấy rồi, không còn mùi vị của chè loại một lúc bấy giờ nữa. Đôi mắt tôi đã thấy cay cay, mỏi mệt, người đã thấy bải hoải...


Lúc này đã quá nửa đêm. Khả năng khó có thể hoàn thành đúng thời gian!

Bỗng cánh cửa hé mở. Phó Chính uỷ Nguyễn Xuân Mậu lặng lẽ bước vào. Ông bảo tôi: "Thế nào? Đã gần xong chưa? Khuya rồi, gần 3 giờ sáng rồi, cậu đi nghỉ đi kẻo mệt. Thời gian có thể kéo đến hết sáng mai cũng được. Chiều mai khoảng 3 giờ thì đưa mình. Phần trên cậu viết như vậy là được rồi. Có gì mình sẽ bổ sung thêm. Lên mình uống nước, ăn cam rồi về đi ngủ!"


Tôi thở phào nhẹ nhõm, lên phòng thủ trưởng uống nước xong, về viết nốt phần dở dang rồi đi ngủ. Vừa đặt lưng xuống giường đã đánh một giấc đến sáng. Khi nghe anh em tập thể dục, mới bừng tỉnh.

Lần đầu tiên tôi được viết một tài liệu tầm cỡ như vậy. Tôi đã bung hết sức mình ra để làm và cũng đã đáp ứng được yêu cầu của trên. Cho tới khi bản đề cương được Phó Chính uỷ lên lớp cho cán bộ trong đợt sinh hoạt chính trị, tôi mới thực sự tin ở việc mình làm.


Tôi đã làm được đúng ý định của thủ trưởng. Chuẩn bị bài cho Phó Chính uỷ Nguyễn Xuân Mậu thì phải chú trọng chốt chặt những vấn đề về nguyên tắc, những vấn đề thuộc về quan điểm tư tưởng và lập trường của Đảng. Phải trích dẫn những lời dạy của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng ra để nói cho có sức thuyết phục, về lý luận thì vừa phải, nhưng thực tế phải thật phong phú, sinh động. Bài viết không nặng về văn vè, màu mè, mà phải có tính chiến đấu cao, tính giáo dục sâu sắc và tính động viên thuyết phục. Đó chính là "gu" của Phó Chính uỷ Nguyễn Xuân Mậu.


Với Chính uỷ Hoàng Phương, tôi cũng có một kỷ niệm khó quên. 9 giờ sáng hôm ấy, tôi được ông cho gọi đến phòng khách tại nhà riêng ở khu A để làm việc. Bước chân vào phòng, tôi giơ tay chào và được ông rót nước mời ngồi để chờ nghe chỉ thị.


Ông rút ở ngăn kéo bàn ra bài diễn văn sẽ đọc tại Lê kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, do Phòng Tuyên huấn chuẩn bị. Ông hỏi tôi: "Cậu nào viết bài này?" Tôi trả lời ngay: "Báo cáo, anh Hoàng "kính"7 (Anh Nguyễn Khắc Hoàng bị cận thị thường xuyên phải đeo kính, nên có biệt danh là Hoàng "kính"), trợ lý tuyên truyền viết ạ!" Ông lấy mùi xoa lau cặp kính cận rồi đeo lên mắt, nhìn vào tôi vừa tủm tỉm cười, vừa thủng thẳng nói: "Cậu về bảo Khắc Hoàng hành văn kiểu gì mà dài dằng dặc thế, đọc mãi vẫn không thấy chẩm, phẩy và xuống dòng. Bắt người ta phải đọc một lèo đến đứt hơi ra à. Bài viết lại toàn cóp-pi trên báo, bắt tớ phải nhai lại báo à!". Tôi ngây người ra, chẳng còn biết trả lời thế nào. Tôi nhận lại tài liệu và hứa sẽ cho viết lại.


Nhân việc này, ông nói cho tôi nghe chuyện cán bộ ta viết điện cơ yếu gửi đơn vị, mà điển hình là ông Thung ở Phòng chính sách. Chính uỷ Hoàng Phương nói: "Viết điện để Chính uỷ quân chủng ký gửi các đơn vị mà lời lẽ cứ như của cấp dưới báo cáo cấp trên. Điện viết vừa dài, vừa không rõ, tìm mãi chẳng thấy đâu là "suý-giê", "véc-bờ", "com-plê-măng" (chủ từ, động từ, bổ ngữ) khiến cấp dưới nhận điện cứ phải hỏi đi hỏi lại, vừa mất thời gian, vừa làm khổ anh cơ yếu, vừa khó thực hiện.


Từ đó ông đã chỉ thị cho Cục Chính trị mở lớp học ngữ pháp cho tất cả cán bộ trong cơ quan Cục. Mỗi tuần dành ra một buổi để học do "đốc" Dậu, trợ lý văn hoá phụ trách. Học xong có kiểm tra, đánh giá kết quả và báo cáo Chính uỷ.


Đó là những dấu ấn trong thời gian công tác ở Phòng tuyên huấn của tôi, mà tới tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in tới từng chi tiết. Trong quá trình công tác, dù ở cương vị trợ lý hay cán bộ phòng, cũng có những lúc khó khăn, vấp váp, song tôi đã cố gắng vượt qua và hoàn thành được nhiệm vụ.


Khi nghỉ hưu, về với cuộc sống đời thường, tuy tuổi đã cao, nhưng tôi vẫn còn tham gia công tác tuyên huấn ở địa phương, vẫn sẵn sàng có mặt trong các buổi liên hoan văn nghệ và hội diễn ở phường, quận.

Với thâm niên công tác tuyên huấn ngót hai chục năm, tôi đã được Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tư tưởng văn hoá". Đó là vinh dự và niềm tự hào trong đời làm công tác tuyên huấn của tôi.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:02:05 pm »

VƯỢT LŨ TRỞ VỀ ĐƠN VỊ


Lương Thế Tuân


Mùa Thu năm 1971, tôi và các anh Dương Đình Giác, Nguyễn Đình Tụng được cử đi công tác tại Sư đoàn 363 ở Hải Phòng. Tôi có nhiệm vụ nắm tình hình học bổ túc văn hoá và theo dõi một kỳ thi tốt nghiệp cấp II BTVH. Còn Giác và Tụng thì giúp anh Phóng - cán bộ tuyên huấn sư đoàn, trưng bày phòng truyền thống và thống kê các hiện vật.


Sau 4 ngày, công việc của tôi đã xong. Kỳ thi có 16/17 người đỗ chính thức, còn một đồng chí là người dân tộc thiểu số đỗ vớt. Xong việc, tôi la cà sang cùng với Giác và Tụng, giúp việc cho anh Phóng, vì dù sao tôi cũng "có một chút năng khiếu về thẩm mỹ" - Giác nói thế. Vừa làm, chúng tôi vừa nói chuyện vui, có bao nhiêu chuyện tiếu lâm đem ra kể hết. Nhiều chuyện còn được người kể sửa tên nhân vật thành Tuân hoặc Giác... Sang ngày thứ sáu, trời vẫn mưa không ngớt. Đồng chí Tham mưu trưởng sư đoàn thông báo đêm qua vỡ đê Cẩm Giàng, gây lụt lội khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên... Đường số 5 cũng ngập ...


Giác nói với tôi và Tụng: "Bỏ mẹ rồi, phen này chắc chắn các cụ bắt ta về ngay, vì bao nhiêu chìa khoá kho hiện vật của Bảo tàng quân chủng ở Tương Mai, thằng Tụng giữ cả, phải về mà chạy chứ. Đất vùng Tương Mai trũng lắm, cứ mưa to là ngập!". Quả nhiên "Giác nói như thần bảo". Đúng tám giờ sáng, Chủ nhiệm chính trị chạy lên nhà truyền thống, hớt hải nói: "Mấy ông tướng bỏ việc đây, chuẩn bị về ngay Hà Nội! quân chủng điện xuống đấy!".


Chúng tôi bàn nhau, nhất định phải về rồi, "điện cơ yếu" cơ mà! Nhưng về bằng cách nào, đường số 5 ngập sâu lắm, dài lắm. Tụng bảo: "Đề nghị sư đoàn diện lên quân chủng, cho một chiếc trực thăng đang cứu nạn ở Hải Dương, tạt xuống đón chúng mình!". Giác trợn tròn mắt: "Cánh ta là cái quái gì mà các cụ ấy cho trực thăng xuống đón? To lắm có anh Tuân cũng chỉ là chuẩn uý chuyên nghiệp. Đạp xe về thôi!" Vừa nói, chúng tôi vừa tống quần áo, sách vở vào ba lô. Xong xuôi, Giác bảo tôi: "Anh lên đề nghị với chủ nhiệm chính trị cho mỗi thằng một cái áo mưa, rồi về".


Chúng tôi hì hục đạp xe, thỉnh thoảng mới nói chuyện vì thấm mệt. Mà cũng chỉ là những đề xuất sáng kiến làm cách nào về được Hà Nội sớm nhất. Thượng sách là thuê chiếc thuyền nan, người ta chở ba thằng tới chỗ nào đường số 5 hết ngập. Nhất trí phương án như vậy, chúng tôi hăng hái đạp xe. Đến gần cầu Lai Vu, nước đã ngập đến moay-ơ. Khi nước ngập hết bánh xe, không sao đạp được nữa. Không có chiếc thuyền nào chở người trên đường số 5! Chúng tôi đành vác xe lên đường tàu, dắt xe đi tiếp. Những chiếc tà vẹt cứ làm cho xe nhảy lên lật bật, rất khó dắt.


Đen cầu Phú Lương, đã ba giờ chiều. Nhìn về thị xã Hải Dương, chỉ thấy vài nhà cao tầng còn nhô lên khỏi mặt nước. Nhà cấp bốn đều chìm hết. Tôi nhìn lên nền trời u ám, chiếc máy bay AN2 đang thả bánh mì cứu đói cho dân ở những nơi bị nước cô lập. Đói, tôi vào liên hệ với một đại đội pháo cao xạ của Trung đoàn 213 ở phía Bắc cầu, xin báo cơm ăn. Nhưng họ cũng mải kê kích pháo, chống ngập suốt ngày, chưa nấu nướng gì được. Lại vác xe đạp lên đường tàu dắt thử, thấy dễ đi, vì nước đã ngập đến ghi đông xe, rất nhẹ. Thế là đi! Khi trời chạng vạng tối, chúng tôi tới ga Cẩm Giàng. Nhà ga chỉ còn nhô lên cái mái. Sau mấy ngày mưa lũ, trời đã yên nhưng vẫn u ám, chỉ có chân trời phía Tây quang mây. Mặt trời khuất dần, ánh sáng yếu ớt tráng trên mặt nước một màu đỏ như máu loang. Tối thì không thể đi được nữa, mặc dù không thể lạc đường vì đã có đường ray. Nhưng nguy hiểm lắm, lúc trời sáng còn nhìn thấy con rắn con rết bơi gần mà tránh, nhiều lắm. Trên cành cây phi lao rất nhiều rắn leo lên tránh nước, cả chuột nữa. Mà lạ thật, chẳng con nào sợ con nào. Hơn nữa nhiều chỗ đường ray bị trôi hết nền, chỉ còn lại hai thanh ray gắn trên những chiếc tà vẹt bập bềnh dưới nước. Có chỗ tà-vẹt cũng bị bung, chỉ còn hai thanh ray. Chúng tôi phải cùng nhau vác xe qua những khoảng trống tà vẹt ấy.


Nhìn phía trước, bên trái có mấy gò đất chưa ngập. Chúng tôi thấy một số túp lều bằng cót, bao tải, vải bạt của dân chạy lụt. Một số lều có khói bốc lên, chứng tỏ họ đang nấu cơm. Cái đói bỗng nổi lên cồn cào và bỗng dưng thấy mệt vô chừng, rời rã chân tay, rét run bần bật... Tôi quyết định nghỉ lại trên nóc một chiếc mộ xây rộng chừng cái chiếu đôi. Giác và Tụng cũng đồng ý. Có lẽ người đói nhất là Tụng vì thường ngày anh ta ăn rất khoẻ, chỉ thua ông Dũng (người có thế ăn cả sáu suất cơm). Tụng bảo: "Các anh trải ni-lông ra, tôi đi "dân vận" xem có gì ăn không đã!". Nói đoạn, Tụng lội sang mấy gò đất có lều dân đang bốc khói. Trở về, Tụng lắc đầu: "Không có gì hết, chỉ có cơm độn khoai, nhưng đắt lắm, những mười đồng một bát chan bằng nước kho gà, không có thịt". Nghe Tụng nói tôi bỗng tưởng tượng thấy mùi thịt gà kho lá chanh mà chảy cả nước rãi. Nhưng khốn nỗi cả 3 người vét túi gom lại, chỉ được mười hai đồng (lúc ấy phụ cấp binh nhì là năm đồng một tháng). Tụng cầm tiền, vẫy tay bảo chúng tôi: "Bỏ tất cả đấy, đi ăn đã!". Tôi băn khoăn, nhưng lấy tiền đâu? Tụng cởi cái khăn dù quấn cổ lấy ra chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ hiệu Nisewat. Tuyệt! Giác reo len, kéo bật tôi dậy lội sang cái gò lớn nhất.


Cả tiền, cả đồng hồ chỉ đủ mỗi thằng hai lưng bát và mấy củ khoai luộc, nhưng được cái ấm bụng, vẫn thòm thèm. Riêng tôi, món nước tương kho thịt gà lá chanh, có lẽ ngon nhất trên đời!

Đang loay hoay tìm cách nằm cho khỏi đau lưng, thì một chiếc thuyền chở ba người đeo súng AK, đèn pin lấp loé đi tới. Họ đòi xem giấy tờ. Chúng tôi nói là có đủ nhưng gói trong bọc quần áo, trời tối biết đâu mà mò. Tôi giải thích, chúng tôi là người của Quân chủng Phòng không - Không quân, đơn vị mà cả ngày nay đem trực thăng, "An hai" đi thả bánh mỳ, thuốc men cho các anh đấy (lúc chiều, trong khi lội, chúng tôi đã chứng kiến cảnh người bơi ra kéo bao bánh mỳ. Có người vừa lội vừa xé bao, lấy trước thuốc và đường... làm cho cả bao bánh bị ướt... Thế mà vừa lên tới bờ, đã phân phát hết veo). Họ không tin và nói rằng đêm qua có những kẻ như các anh, nói là ngủ nhờ, rồi đêm khoắng hết tiền bạc của người hớ hênh, biến mất. Tôi đành cởi bọc quần áo, lấy cái chứng minh thư "Chuấn uý Lương Thế Tuân", họ mới cho ở lại trên nóc ngôi mộ này.


Sáng hôm sau, Tụng dậy sớm nhất, đốc chúng tôi hành quân. Hai giờ chiều hôm sau, chúng tôi về tới ga Lạc Đạo. May quá có chuyến tàu về Hà Nội. Chúng tôi quang xe lên tàu, chẳng phải mua vé. Biết chúng tôi là lính Phòng không - Không quân, họ bảo chúng tôi về nhanh lên, nhớ nói với quân chủng là dân Lạc Đạo, Hải Dương cần thả thêm bánh mỳ!...


Bây giờ nghĩ lại mới thay người lính lúc đó sao mà hồn nhiên, trong sáng đến thế!
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:03:49 pm »

LỚP HỌC NGỮ PHÁP CỦA CÁN BỘ CỤC CHÍNH TRỊ


Nguyễn Văn Dậu


Tháng 3 năm 1956, Cục Văn hoá thuộc Tổng cục Chính trị, được thành lập. Từ đó việc học văn hoá trong quân đội được đặt thành chế độ, có tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ.

Quân chủng Phòng không - Không quân là quân chủng kỹ thuật, việc học văn hoá càng được các cấp lãnh dạo hết sức quan tâm. Nhiều lần Bác Hồ xuống thăm các đơn vị của quân chủng, Bác đều căn dặn "... Phải học văn hoá tốt để hoàn thành nhiệm vụ tốt ..." Chính vì vậy, học văn hoá ở quân chủng đã trở thành phong trào rất có nền nếp. Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, các đơn vị chiến đấu cũng không bỏ chế độ học văn hoá.


Trong phong trào học văn hoá chung ấy, các lớp học ở các cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng tốt hơn cả. Các tối thứ 2, thứ 5 hàng tuần, cán bộ hăng hái đến lớp. Sáng thứ 7 là buổi học bù cho những đồng chí phải nghỉ học trong tuần. Nhiều đồng chí qua việc cần cù học tập, trình độ được nâng lên rõ rệt. Một số đồng chí tốt nghiệp cấp 3, được cử đi học tiếp ở các trường đại học trong và ngoài quân đội. Nhiều thời gian, cơ quan phải sơ tán, nhưng ngay ở nhà dân, các lớp học văn hoá vẫn được duy trì. Đã có lần đồng chí Chính uỷ Hoàng Phương khen về việc học văn hoá của cán bộ ở các cơ quan Bộ Tư lệnh.


Nhưng có một lần trong một buổi giao ban Cục Chính trị, thủ trưởng Cục đã nhắc đến ý kiến nhận xét gay gắt của Chính uỷ Hoàng Phương về các văn bản, giấy tờ nộp thông qua còn nhiều sai sót về ngữ pháp, cần cấp tốc tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ khắc phục mặt yếu kém này. Đồng thời thủ trưởng Cục cũng nhận xét: "Cán bộ ở Cục ta trừ một số ở tuyên huấn, tổ chức là viết được, còn đều viết kém quá. Số viết khá đếm được trên đầu ngón tay...". Trong một buổi giao ban, Cục đã lấy một số văn bản của cán bộ ở các phòng đưa lên Cục duyệt, đưa ra bình để dẫn chứng và nói: "Viết thế này vừa dài dòng lại không rõ nghĩa, đó là chưa nói đến các lỗi chính tả". Phòng Tuyên huấn có cách gì trong một thời gian ngắn, giúp cho cán bộ có những kiến thức thật cần thiết để khi viết đỡ sai sót không?


Thế là Phòng Tuyên huấn có thêm một nhiệm vụ đột xuất. Cả phòng bàn bạc học những gì, học như thế nào, nhiều ý kiến đóng góp rất sôi nổi. Ngày ấy, tổ văn hoá còn sinh hoạt với tổ giáo dục, gọi là "Tổ giáo dục - văn hoá". Vì thế tổ giáo dục phải họp đế triển khai, tổ văn hoá chuẩn bị về nội dung học, lập kế hoạch để thông qua thủ trưởng Phòng và Cục.


Lớp học ngữ pháp được hình thành. Đó là lớp học bổ sung những kiến thức cơ bản nhưng cần thiết để phục vụ cho cán bộ nói và viết đúng ngữ pháp. Nội dung học là biết một số loại từ như danh từ, động từ, tính từ... về câu thì học: thành phần của câu, các loại câu. Về tài liệu: Dùng tài liệu Ngữ pháp tiếng Việt của Bộ Giáo dục; một số văn bản của cán bộ viết có sai sót về ngữ pháp để làm ví dụ.


Lớp học ngữ pháp của Cục Chính trị là lớp học kiểu mới, được thực hiện theo chỉ thị của Chính uỷ Hoàng Phương và thủ trưởng Cục, đáp ứng được yêu cầu mọi người nên tất cả cán bộ trong Cục đều đi học. Giáo viên giảng dạy là những đồng chí có trình độ, có kinh nghiệm như đồng chí Thể, đồng chí Hải nên không khí lớp học rất vui. Có những lúc đầy tiếng cười của học viên tham gia xây dựng tiết học. Học viên tranh luận sôi nôi, không chỉ trong giờ học mà còn cả ngoài giờ học.


Sau hơn 30 tiết học, lớp học kết thúc, có kiểm tra kết quả học tập. Mọi học viên đều thấy phấn khởi, tự tin hơn vào số vốn kiến thức được bồi dưỡng ở lớp học, coi đó là một trọng những điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thủ trưởng Cục biểu dương việc tổ chức lớp học Ngữ pháp cho cán bộ và chỉ thị tiếp tục, tổ chức các lớp học Ngữ pháp ở tất cả các cơ quan chính trị trong quân chủng.


Đã gần 40 năm, những học viên lớp học Ngữ pháp hồi đó ở Cục Chính trị nay đã là, các cụ cả. Nhưng có lúc nào đó nhớ về Cục Chính trị chắc hẳn không thể quên những giờ học vui vẻ của lớp Ngữ pháp.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:04:52 pm »

MỘT THỜI "PHÓ NHÁY"


Lê Minh Huệ


Cuối năm 1966, tôi nhận quyết định điều động từ đơn vị Tiểu đoàn I (tiền thân của Trung đoàn 241 xe bọc thép súng máy tự hành) về công tác tại Toà soạn báo Phòng không - Không quân.

Đơn vị đóng ở cuối sân bay Bạch Mai, nên tôi khoác ba lô cuốc bộ chừng 30 phút đã tới Cục Chính trị quân chủng. Thời ấy sân bay Bạch Mai vắng vẻ, tường bao quanh có những lỗ thủng khá to, dân vào cắt cỏ thoải mái. Tôi vừa đi vừa nghĩ: "Đúng là bộ đội sống giữa lòng dân, được nhân dân đùm bọc, không cần kín cổng cao tường mà vẫn an toàn". Đang đi, tôi sửng sốt thấy đồng chí đại tá Tư lệnh quân chủng Phùng Thế Tài đứng ngay trước mặt. Ông ngước mắt lên cây sấu cao to, ôn tồn nói vọng lên:

- Các cậu bắt tổ chim đấy à? Xuống đi, mà xuống chậm chậm thôi, cẩn thận kẻo ngã.

Ở trên cây có tới ba chiến sĩ đang tìm cách tụt xuống. Ngó sang bên cạnh, tôi thấy có một đồng chí đeo quân hàm thiếu uý, dáng vẻ sợ sệt. Khi cả ba chiến sĩ chạm chân tiếp đất, họ đều đứng nghiêm nhìn Tư lệnh. Với giọng điềm tĩnh, ông hỏi: "Mỗi cậu bắt được mấy chim non? Móc túi ra tôi xem nào?". Lần lượt từng người móc túi quần ra, ôi chao, toàn quả sấu! Đoạn, Tư lệnh hỏi người sĩ quan: "Anh là sĩ quan, là cán bộ chỉ huy, thấy lính leo cây hái sấu trong giờ làm việc mà ngước mắt lên "Tao quả, tao quả!" là đồng lõa, đúng không?". Ngừng một lát, ông ôn tồn nói: "Bây giờ từng người nộp số quả sấu này cho đồng chí thiếu uý và ghi tên để báo cáo đơn vị. Riêng đồng chí thiêu uý phải nộp phạt tất cả số quả sấu thu được, mỗi quả sấu một hào (một hào lúc bấy giờ ước bằng một ngàn đồng bây giờ). Hết giờ làm việc chiều nay lên gặp tôi!" Tất cả bốn người đứng nghiêm nhìn Tư lệnh và cùng đáp:

- Rõ!

Tôi lẳng lặng quan sát mọi người rẽ vào cơ quan rồi mới dám đi tiếp. Tôi nghĩ: "Nhiều người cứ đồn Tư lệnh tính nóng như lửa. Nhưng qua cách xử sự vừa rồi, tôi thấy ông đang khéo làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đấy chứ! Ông rất nhẹ nhàng, tâm lý, nghiêm mà không khô cứng, khiến người có lỗi không quá sợ hãi, thấy sai để sửa chữa! Bài học đầu tiên khi tôi về công tác ở Cục Chính trị là như thế!


VÀO NGHỀ "PHÓ NHÁY"

Thời ở đơn vị, tôi hay viết bài gửi đăng báo, thủ trưởng và anh em đọc, rồi hỏi tôi: "Bài này của cậu viết phải không? Lĩnh nhuận bút chưa, phải khao đấy nhé!". Tôi chỉ cười trừ.

Về đây, đồng chí phụ trách tờ báo Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ: Ngoài việc đi viết tin, bài, cậu còn phải học chụp ảnh ngay. Toà soạn người ít nên ai cũng phải kiêm nhiệm. Ngoài ra, với chiếc mô-tô ba bánh, cậu còn phải đến nhà in lấy báo về, cùng anh em đóng gói và chở báo ra quân bưu phát hành. Trước lạ sau quen, đồng chí có ý kiến gì không? Tôi chỉ vâng và hứa cố gắng cao nhất.


Máy chụp ảnh thời ấy không như máy kỹ thuật số bây giờ. "Thầy" Xuân Mai dạy tôi về cấu tạo của máy, cách lắp phim, tháo phim, các núm nút điều chỉnh tốc độ cửa chập, độ to nhỏ cho ánh sáng lọt vào, nút bấm máy, cách chụp ban ngày, ban đêm... Khó nhất là "độ nhạy" của phim âm bản, chỉ cảm thấy ang áng chứ không biểu hiện cụ thể để rồi quyết định đặt các chỉ số cần thiết trước khi bấm máy. Học được một ngày thì "thầy" cho lắp phim chụp tập. Đến tối, cắt phim tráng xem kết quả. "Pô" được, "pô" hỏng, "pô" non, "pô" già, "pô" cúp mất đầu, "pô" bị cúp cụt chân. Rồi lại chụp, lại tráng và rút kinh nghiệm. Sau đó là thực hành công việc in, phóng ảnh. "Thầy" khen trò "sáng dạ", tiếp thu và thực hành tiến bộ rõ rệt. Một tuần sau, "thầy" giao cho hai máy, lắp phim và đi chụp một đoàn đại biểu nước ngoài tới thăm đơn vị pháo cao xạ, với chỉ tiêu là phải chụp được ảnh đăng vào số báo tới. Tôi đã không phụ lòng cấp trên khi đã "đánh thắng từ trận đầu" với máy ảnh. Từ đấy, tôi còn được dự các lớp huấn luyện của Hội Nhà báo Việt Nam, của Thông tấn xã Việt Nam. Khi gặp tôi vác máy đi chụp ảnh đăng báo, ai cũng kêu là anh "Phó nháy". Tôi thấy vui vui với cái tên biểu trưng vừa dí dỏm vừa tinh nghịch, có vẻ bỡn cợt mà lại rất thân thương nữa.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:05:55 pm »

TẬP LÀM DÂN VẬN

Chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ cứ leo thang dần ra phía Hà Nội. Cơ quan Bộ Tư lệnh quân chủng đi sơ tán vào Chương Mỹ (Hà Tây). Cục Chính trị ở khu chùa Trăm Gian.

Cánh "Phó nháy" chúng tôi được phân công ở nhà ông Ái. Nhà trên lưng chừng núi, lên xuống phải trèo hàng trăm bậc kê đá. Ông cụ chủ nhà (bố đẻ ông Ái) có dáng thanh nhã với búi tóc sau gáy. Còn người con trai cao gầy, có cái chân "voi", một cẳng to, một cẳng bẻ trông ngồ ngộ không bước đi. Ngay từ buổi đầu, chúng tôi chăm quét sân nhà, chăm gánh nước từ giếng làng dưới chân núi lên đổ đầy các chum, vại. Chủ nhà thấy thế cứ can ngăn rằng: "Thôi, các chú để cháu nó gánh nước, quét sân nhà. Các chú bận công việc quá rồi mà!"...


Tôi ngắm ngôi nhà ngói ẩn dưới lùm cây trám, cây sấu, cây dâu da của chủ nhà rồi bàn với anh Xuân Át:

- Ta thử đặt vấn đề với cụ chủ, xin làm phòng phóng ảnh bằng ánh sáng mặt trời ở buồng cạnh bàn thờ thuộc gian đầu hồi xem có được không? Át gật đầu, tán thành.

Ở đây không có điện lưới nên phóng ảnh, in ảnh rất khó khăn. Dùng ánh sáng mặt trời thay điện là việc bất đắc dĩ của chúng tôi thời đi sơ tán đầy gian khổ.

Khi chúng tôi trình bày, ông cụ không hiểu gì về phim ảnh. Áng chừng, cụ hiểu đại loại là việc quan trọng nên cụ nói:

- Các chú vì dân vì nước về ở với gia đình, tôi vui lắm. Các chú cần gì cứ làm, tôi không tiếc đâu!

Chúng tôi lấy vải đen quây thành buồng tối rồi bắc thang lên dỡ ngói đặt loa hứng ánh sáng. Máy phóng ảnh được đưa lên sát mái nhà. Khi phóng ảnh, một anh phải ra quan sát mây trời. Sau đó một anh leo lên cao lắp phim, chỉnh máy. Một anh ở dưới hứng hình ảnh và thông báo độ nét đã chuẩn chưa. Khi đạt yêu cầu kỹ thuật, người ở dưới hô to: Được! Được!


Ở nhà ngoài, ông cụ lẳng lặng theo dõi nghe chúng tôi hò hét. Khi chúng tôi bê cái chậu thau nước có thả những tấm ảnh đen trắng vừa phóng, in ra, ông cụ tò mò ngó xem và tỏ ra hết sức sửng sốt. Chúng tôi quyết định lấy máy chụp ông cụ mấy "pô", cắt phim tráng ngay và hôm sau làm ảnh tặng luôn. Con cháu của cụ xúm xít xem ảnh và tấm tắc: "Các chú tài thật, tài thật!". Cái xó nhà tôi bấy lâu chỉ có cóc ngồi nghiến răng thế mà nay được chú Át, chú Huệ phù phép nó trở nên thần kỳ quá xá!.


Một hôm, Xuân Át ngồi cắt phim giữa nhà, hai tay múa may trong cái túi vải đen, ông cụ thật thà hỏi:

- Tôi hỏi khí không phải, cái nghề phim ảnh này cũng cần đến quần đàn bà ư?

Chúng tôi phì cười, giải thích để cụ hiểu phim ảnh tối kỵ với ánh sáng nên phải làm cái túi vải đen nhiều lớp để thao tác cắt phim. "Chúng cháu tháo lắp phim đấy!"...

Cũng không ngờ, mấy năm sau đó, tấm hình chân dung của cụ do chúng tôi chụp tại chỗ, làm tại chỗ lại thành tấm hình tiễn cụ đi xa. Và cũng thật cảm động, chúng tôi ở sơ tán tại đây có tới gần chục năm trời, được dân làng đùm bọc, coi như người thân. Ngày Mỹ ký Hiệp định Pari năm 1973 về Việt Nam, chúng tôi chuyển về Hà Nội, được các cụ, các ông, các bà cùng lớp trẻ chia tay lưu luyến. Tôi rưng rưng nước mắt như một cuộc chia ly với người thân vậy.


TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Nhoáng một cái đã kết thúc 20 năm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng. Tôi tự hào được sát cánh cùng đội ngũ "Phó nháy" đông đảo, với những cái tên hết sức thân thương, như: Xuân Mai, Bình Nhưỡng, Trần Duy Hợi, Sơn Lâm, Xuân Át, Phạm Ngõ, Quang Ý, Duy Thảo, Đắc Tư, Hữu Hạp, Việt Hiển, Vũ Đình Long, Sông Châu, Thuỷ Nông, Hồng Chỉnh, Thành Thiểu, Duy Khán... Họ đã xông xáo, có mặt trên các trận địa pháo cao xạ, trên sân bay phản lực, bên bệ phóng tên lửa, bên dàn ra-đa hiện đại, có mặt trong các nhà máy quốc phòng, có mặt trong mọi chiến trường, mọi chiến dịch, với chiếc máy ảnh nhỏ bé, ghi lại các nhân vật, các sự kiện, các trận chiến đấu cực kỳ quyết liệt với giặc đến từ trên bầu trời.


Có người đã ngã xuống nơi chiến trường như "Phó nháy" Quang Ý. Có người nay đã đi xa rồi... nhưng tôi vẫn cảm thấy họ đang cầm máy ảnh hồ hởi trước mắt mình. Nhiều người trở thành nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà quản lý báo chí, xuất bản tâm huyết, yêu nghề và có tín nhiệm cỡ quốc gia.


Cái khó nhất thời chiến lúc bấy giờ là phương tiện đi lại. Cả Toà soạn chỉ có một chiếc mô-tô ba bánh. May thay, từ đồng chí Đại tá Đặng Tính, Chính uỷ quân chủng đến các đồng chí Xuân Mậu, Thái Vĩnh, Phan Khắc Hy, Phạm Đăng Ty, Cao Xuân Việt, Hồ Luật, Chu Mạo, Phạm Thái, Lê Miên, Nguyễn Thước... khi có chuyến đi công tác nào đều gọi: "Bên Báo có cậu nào đi với mình được không?". Ở cơ quan chính trị, các thủ trưởng yêu cầu, giao nhiệm vụ "mềm" như thế. Tất nhiên, các "Phó nháy" rất hào hứng khi được cử đi theo tác nghiệp.


Ngày khánh thành Nhà bảo tàng, Tư lệnh Quân chủng gọi Xuân Át và Minh Huệ ra chụp ảnh kỷ niệm, ông nói: "Trong Bảo tàng của quân chủng, phần nhiều ảnh do "Phó nháy nhà" chụp, mà các cậu là nòng cốt. Nếu không có sự bền bỉ chụp nhiều năm, nhiều sự kiện, năng nhặt chặt bị ấy, hỏi bây giờ lấy đâu ra tư liệu mà trưng bày ở bảo tàng đây?..."


Tôi coi đó là một lời khen, một lời ghi nhận công lao với tất cả các "Phó nháy" thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân chủng ta.

Với chúng tôi, mỗi lần đi chụp về, sau khi tráng phim đều làm công tác lưu trữ. Mỗi ô hình phim âm bản cắt ra được đựng vào một cái bao giấy bóng mờ, có ghi ký hiệu và số thứ tự. Ví dụ, ký hiệu KQ là phim về không quân, CX là cao xạ, TL là tên lửa, RĐ là ra-đa, LĐ là lãnh đạo... Mỗi phim như thế lại có một cái ảnh mẫu dán vào quyển ảnh lưu. Khi cần tìm, chỉ cần lật từng trang ảnh mẫu, chọn ký hiệu và "số phim" tương ứng là rút ra được ngay. Làm ảnh xong lại trả phim vào các ô trong "tủ thuốc bắc" chứa phim!.


Chúng tôi coi đây là tài sản của quân chủng nên không ai giữ phim đã chụp cho riêng mình. Đến ngày tôi nghỉ hưu (năm 1992), kho lưu trữ phim ảnh có tới con số vạn trong các bao giấy bóng mờ giữ phim âm bản rất quý.


Ở nước ta, từ xa xưa đã có nhiều loại ông "Phó" như "Phó cối", "Phó mộc", "Phó thường dân" nằm cạnh những "Phó lý", "Phó bảng"... Chỉ trong kháng chiến, tôi mới được nhập vào đội ngũ các "Phó nháy" yêu quý và tự hào. "Phó nháy" được coi ngang hàng với các chiến sĩ ra trận giết giặc lập công. Đó là kỷ niệm đẹp của chúng tôi một thời công tác ở Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân. Ngày ấy nếu có ai hỏi, tôi thường đứng nghiêm theo tác phong nhà binh, giơ bàn tay ngang lông mày, nói to mạnh mẽ: "Phó nháy! Có tôi!".
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #55 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:06:57 pm »

CHÚNG TÔI CHUẨN BỊ NGUỒN CÁN BỘ
THEO YÊU CẦU CHIẾN ĐẤU


Đặng Văn Nhiên


Tôi sống trong quân đội 36 năm, có 24 năm ở Quân chủng Phòng không - Không quân, trong đó có 11 năm trực tiếp làm công tác cán bộ.

Thời gian làm công tác cán bộ, điều tâm đắc và say sưa nhất đối với tôi là chuẩn bị nguồn cán bộ.

Lúc đầu toàn quân chủng chỉ có 5, 6 trung đoàn. Khi giặc Mỹ "leo thang" đánh phá miền Bắc, lực lượng Phòng không - Không quân phát triển rất nhanh. Các trung đoàn không quân chiến đấu được cấp tốc ra đời. Các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa phát triển nhanh như vũ bão. Quân chủng Phòng không - Không quân phải nhanh chóng đáp ứng lực lượng bảo vệ yếu địa, không phải chỉ ở Hà Nội, Hải Phòng mà cả miền Bắc.


Các đơn vị pháo phòng không phát triển lại càng nhanh, không phải chỉ đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ của quân chủng, mà còn phải chuẩn bị lực lượng phòng không cho các lữ đoàn, sư đoàn, quân đoàn bộ binh và cho cả dân quân, tự vệ toàn quốc.


Trường đào tạo sỹ quan của Bộ, của quân chủng thời gian 3 năm một khoá, không thể đảm bảo tốc độ phát triển trong chiến đấu. Rút xuống 2 năm, rồi 1 năm rưỡi, 1 năm vẫn không đáp ứng kịp. Phải rút xuống 9 tháng, 6 tháng rồi 3 tháng, học cấp tốc cho kịp đà phát triển lực lượng. Trường của quân chủng đào tạo không xuể. Sư đoàn cũng phải thành lập trường huấn luyện. Thời gian 3 tháng vẫn không kịp phải rút xuống 2 tháng, 1 tháng 1 lớp... gọi là "Lớp tập huấn cấp tốc!"...


Phòng Cán bộ chúng tôi liên tục rút kinh nghiệm, lại được sự hướng dẫn của cấp trên, sự chỉ dạo của Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân chủng, chúng tôi đã tìm ra cách chuẩn bị nguồn cán bộ đáp ứng mọi nhu cầu cán bộ lúc đó.


Có hai loại nguồn cán bộ:

1. Nguồn cán bộ cơ bản lựa chọn từ các khẩu đội trưởng, khẩu đội phó và chiến sỹ.

2. Nguồn kế tiếp là nguồn lựa chọn trong hàng ngũ cán bộ và trong nguồn cơ bản đã được bồi dưỡng. Để chuẩn bị nguồn cơ bản, chúng tôi kết hợp với cơ quan tham mưu, cơ quan quân lực, khi tuyển quân cử người về tận địa phương nắm lý lịch từng chiến sỹ mới, có xác nhận của chính quyền cơ sở. Tuy vậy, có một số trường hợp chúng tôi phải cử cán bộ đi thẩm tra lại. Khi huấn luyện tân binh, khi đã bổ sung chiến sỹ mới về các đơn vị, chúng tôi nhằm vào những điển hình trong các phong trào thi đua để phân loại chiến sỹ, chọn nguồn cán bộ. Chúng tôi còn kết hợp với cơ quan tổ chức, chọn nguồn đảng viên, nguồn đoàn viên Thanh niên để dưa vào nguồn cán bộ cơ bản.

Về nguồn kế tiếp, chúng tôi cũng có phương án cụ thể:

a/ Ví dụ: Nếu trung đoàn trưởng, trung đoàn phó này v.v... trên điều đi hoặc thương vong thì ai thay?

b/ Nếu một trung đoàn phát triển thành 2 trung đoàn hay 3 trung đoàn?...

Chúng tôi lập sơ đồ ghi rõ các chức vụ từ trung đội phó trở lên đến trung đoàn trưởng và ghi rõ họ tên, cấp bậc vào từng vị trí. Như vậy khi trên chỉ thị phải phát triển ngay 1 trung đoàn, 2 trung đoàn hay 3 trung đoàn, chúng tôi có cán bộ đáp ứng ngay.


Từ những phương án trên, chúng tôi lên kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng kịp thời nên khi giao nhiệm vụ cho anh em, các cán bộ có thể làm việc được ngay.

Trước đây, muốn sắp xếp cán bộ cho 1 trung đoàn, chúng tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu, chuẩn bị hàng mấy tháng, làm ngày làm đêm, nhanh nhất cũng phải 1 tháng.

Nay do có phương án cụ thể, chủ động chuẩn bị trước nên luôn luôn có nguồn cán bộ, đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu phát triển lực lượng trong chiến đấu. Khi Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị tổ chức Hội nghị rút kinh nhiệm công tác cán bộ toàn quân, Phòng Cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân được chọn báo cáo kinh nghiệm về cách tiến hành xây dựng nguồn cán bộ, đã được Hội nghị đánh giá cao.


Đối với tôi, đây là một kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên trong thời gian làm trợ lý ở Phòng Cán bộ quân chủng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #56 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:08:21 pm »

TRẬN ĐỊA LÒNG DÂN


Nguyễn Xuân Mậu


Đã mấy chục năm, nhưng tôi vẫn nhớ mãi, vẫn in sâu trong tâm khảm của chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh đầy gian khổ, ác liệt nhưng cũng hết sức hào hùng này, quân và dân trên khắp mọi miền đất nước đã thể hiện biết bao tấm gương thật trong sáng, dù nhân dân còn đang thiếu thốn trăm bề, nhưng tấm lòng thì bao giờ cũng rộng mở. Với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến", đồng bào không hề tiếc một thứ gì, kể cả xương máu để phục vụ bộ đội đánh thắng không quân Mỹ. Cả một ngôi làng ở vùng Đồng Lộc, bà con đã tự nguyện dời đi nơi khác để công binh làm đường cho xe kéo pháo của bộ đội phòng không lăn bánh trên những cột nhà và cánh cửa, kể cả những hộp hậu sự của các cụ già - để bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa chiến đấu. Làm sao chúng tôi quên được những bát nước chè xanh của các mẹ, những đường chỉ vá may đầy tình nghĩa của các o, các chị; những bó lá ngụy trang, những tấm giẻ rách của các cháu. Tất cả, tất cả đã làm nên chiến thắng của ngày ấy, đế lại đến hôm nay...


Ngày bộ đội tên lửa của ta ra quân đánh thắng trận đầu, chúng tôi đã có những kỷ niệm rất đẹp về tình quân dân như cá với nước. Để có chiến thắng trận đầu làm nên mốc son lịch sử ngày 24 tháng 7 năm 1965, ngoài tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của chiến sĩ Trung đoàn tên lửa 236, nhân dân vùng đất địa linh nhân kiệt Sơn Tây cũng đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến công chung ấy. Dân giúp bộ đội hàng ngàn ngày công dào công sự, lấy lá ngụy trang trận địa, giúp bảo vệ bí mật đường kéo tên lửa và nơi trú quân. Các Huyện uỷ Thạch Thất, Bất Bạt còn lập Uỷ ban chi viện cho bộ đội; các đội tự vệ thành lập tổ bắn máy bay Mỹ; dân quân sẵn sàng bắt giặc lái nhảy dù.


Trong những ngày bộ đội tên lửa và pháo phòng không trực tiếp chiến đấu ở những vùng trọng điểm cũng vậy, đâu chỉ có sự căng thẳng và ác liệt? Chúng tôi còn gặp ở đây một niềm tin, niềm cổ vũ lớn lao, một tình thương yêu đằm thắm đầy xúc động làm ấm lòng người chiến sĩ. Đó là những ngọn đèn đứng gác của những nữ thanh niên xung phong. Các o, các chị chỉ cho chúng tôi đường đi và tránh những đoạn đường có bom từ trường mà địch vừa thả xuống. Có những o đã hướng dẫn chúng tôi cả quy luật đánh phá dọc đường của máy bay Mỹ và cách phòng tránh khi xe qua. Giữa vùng bom đạn, cái sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Vậy mà giọng nói và cử chỉ của các o thật bình tĩnh, nhẹ nhàng. Những ai hoang mang dao động hay nhụt chí trước kẻ thù, những ai từng có những phút lung lay lòng tin chỉ cần nhìn vào những ngọn đòn không bao giờ tắt trong đêm mà vừng bước đi lên trên con đường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù...


Thế đấy, biết bao xương máu đổ xuống, biết bao đồng chí đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, biết bao mái đầu đã chớm bạc đố có nền độc lập và hoà bình hôm nay. Đó là còn chưa nói đến những hy sinh thầm lặng của các bà mẹ khóc thầm lặng lẽ và những đóng góp không hề tính toán của những người dân yêu nước, của các nữ thanh niên xung phong làm nên những con đường cho tên lửa và pháo phòng không đi vào tuyến lửa đường Trường Sơn. Từ một bó rau tươi, một quả trứng gà, là những thứ rất hiếm hoi nơi chiến trường khói lửa của bà con trên dất Vĩnh Linh, Quảng Bình, chắt chiu dành dụm để bồi dưỡng cho trắc thủ đủ sức khỏe để điều khiển quả đạn tên lửa, tiêu diệt máy bay địch.


Trận địa lòng dân là thế đó. Có nhân dân là có tất cả. Có nhân dân mới có chiến thắng. Bây giờ đất nước hoà bình và phát triển kinh tế, mỗi người chúng ta phải suy ngẫm và có trách nhiệm hết lòng giúp đỡ nhân dân, tựa như một sự tri ân cần thiết và ý nghĩa truyền thống uống, nước nhớ nguồn; cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân đã thực hiện tốt nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân trong mọi hoàn cảnh. Đó cũng là một cách "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh" thiết thực nhất.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #57 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:09:38 pm »

NGHE ANH MẬU KỂ CHUYỆN VỀ
MỘT VIỆT KIỀU YÊU NƯỚC HIẾN KẾ ĐÁNH B-52


Nguyễn Thường Tín


Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu đã sang tuổi 90, nhưng chúng tôi vẫn quen gọi Trung tướng là anh như ngày nào Trung tướng còn là Phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân. Tuy tuổi cao nhưng anh còn khoẻ mạnh, minh mẫn, ngày ngày vẫn cuốc đất, trồng cây hoặc đạp xe đi thăm bạn bè, đồng đội cũ. Trong một lần gặp mặt gần đây, để cùng nhau ôn lại trận "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội, anh kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có thật xảy ra năm 1972, mà còn ít người biết đến. Đó là câu chuyện một Việt Kiều yêu nước, đã gửi về một bản hiến kế cách đánh máy bay B-52.


Anh Mậu kể:

"Vào một ngày cuối tháng 9 năm 1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhận được một công văn thượng khẩn của đồng chí Đinh Đức Thiện, lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Kèm theo công văn là một tập tài liệu đánh máy dày 16 trang của một kiều bào ta ở nước Anh gửi về qua đường Bộ Ngoại giao, có tựa đề: "Mìn trên không chống oanh tạc cơ B-52". Tác giả mô tả bằng hình vẽ bút màu một quả mìn đựng trong một cái nôi nhỏ, treo dưới một quả khinh khí cầu và giải thích: "Ưu điểm chính của lưới mìn khinh khí cầu nằm ở sự bất ngờ của nó và ở tính chất toán học của lưới. Sẽ không có chiếc B-52 nào thoát khỏi do chúng bay nhanh, khó xoay trở quanh co. Thêm nữa, khinh khí cầu lại hoàn toàn vô hình với ra-đa của Mỹ"... Đồng chí Đinh Đức Thiện còn dặn thêm trong công văn: "Nếu có điểm nào chưa rõ, các anh gửi thư lên chỗ tôi, tôi sẽ chuyển qua Bộ Ngoại giao nhờ hỏi lại. Nếu thấy cần thiết mời vị ấy về trao đổi, các anh cứ cho biết để nhờ Bộ ngoại giao, có thể mời về được"...


Anh Mậu cho biết thời chống Mỹ, tập tài liệu ấy vẫn được lưu trữ trong hồ sơ bảo mật của Quân chủng Phòng không - không quân. Anh Mậu kể tiếp: "Tiếc rằng lúc đó tình hình đất nước diễn biến rất khẩn trương, nhiệm vụ của Quân chủng Phòng không - Không quân đang phải chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đối phó với những âm mưu mới của đế quốc Mỹ. Chúng tôi chỉ trả lời đồng chí Đinh Đức Thiện là đề nghị đồng chí chuyển sang một cơ quan nào của Bộ Quốc phòng có điều kiện hơn để nghiên cứu thêm, chúng tôi xin ghi nhận và rất cảm kích, biết ơn tấm lòng của những người con đất Việt ở xa quê hương, vẫn quan tâm đến vận mệnh đất nước. Với khả năng chúng tôi lúc đó, thấy "lưới mìn khinh khí cầu" khó thực hiện. Vì từ năm 1967, Quân chủng Phòng không - Không quân đã phối hợp với lực lượng phòng không nhân dân, tổ chức thả khinh khí cầu xung quanh vùng trời Hà Nội để chặn máy bay địch bay thấp. Dây thả bóng khinh khí cầu chỉ dài vài ba ki-lô-mét mà còn khó khăn. Nếu chặn máy bay B-52 ở độ cao trên 10 ki-lô-mét thì việc đó rõ ràng quá khả năng của chúng ta. Cuối cùng, anh Mậu kết luận: "Nhưng tấm lòng hướng về quê hương của đông đảo Việt kiều yêu nước lúc đó có ý nghĩa rất lớn, đã cổ vũ mạnh mẽ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta...".
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #58 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:13:28 pm »

RAU DỀN ... CƠM


Hanh Quốc Trần


Rau dền cơm mọc hoang. Trời cho. Góc vườn, bờ ruộng, ven đường, bãi cỏ... nơi nào đất âm ẩm một chút là có. Rải rác, lẫn lộn với các loại rau, cỏ dại khác. Ngon. Nhưng kiếm đủ bữa ăn không dễ. Phải chịu khó lục tìm. Vặt từng ngọn. Nhổ từng cây. Góp góp, nhặt nhặt mãi mới được vài ba nắm, đủ một bữa canh, chứ khó đủ để thay một bữa cơm được, nhất là bữa cơm cho hàng chục người. Thế mà...


"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi" ấy, bữa sáng một bát cơm chan chút "nước mắm đại dương" hoặc một nửa chiếc bánh mỳ vừa đen xỉn, vừa chua, vừa rắn. Chỉ đến hơn 9 giờ sáng là bụng đã réo ầm ầm, người đã hơi chếnh choáng. Mải việc thì thôi, chứ cứ hơi "thư dãn" một chút là lòng dạ cứ bâng khuâng, nôn nao, cồn cào như nhớ nhung da diết cái gì đó.


Cho đến một buổi sáng, (không nhớ được đó là buổi sáng của ngày, tháng, năm nào. Chỉ mang máng hình như là một buổi sáng cuối xuân, đầu hè, khi mấy luống rau của Phòng Tuyên huấn sau hội trường của Cục bắt đầu vào kỳ làm cỏ). Khoảng 9 giờ, ông "đốc" Dậu (trợ lý Văn hoá quân chủng) nhẹ bước vào phòng làm việc của tôi, gật gật mái đầu sương gió, nháy nháy một bên mắt hóm hỉnh, nói nhỏ: "Anh xuống chỗ tôi một tý! Hay lắm!"...


Vừa lúc làm xong một việc, đang muốn "giải tý lao", tôi đứng dậy theo ông "đốc" đi liền. Nháy gọi thêm vài người nữa, chúng tôi xuống tới căn phòng chưa đầy một chục mét vuông của Tổ giáo viên văn hoá. Đã thấy lố nhố năm sáu người ở đó. Tiếng cười rúc rích, tiếng bát đũa lanh canh.


Một mùi thơm đậm đà pha chút ngai ngái của rau dại toả khắp căn phòng.

Ông "đốc" Dậu vừa tủm tỉm cười, vừa trịnh trọng tuyên bô: "Sáng nay, làm cỏ vườn rau, mấy anh em tổ giáo viên văn hoá chúng tôi có phụ thu được một ít dền cơm. Gọi là có bát canh "cây nhà lá vườn" để "dưỡng quân". Ta cùng nhau nghỉ giải lao 15 phút. Xin mời!"


Trên bàn làm việc của ông "đốc", tài liệu, giấy tờ đã được thu gọn vào một góc, dành chỗ đặt một chiếc xoong nhơ nhỡ, hơi nóng đang bốc lên nghi ngút như mời gọi. "Tuyệt! Giải lao thế này thì quá tuyệt. Nào! anh em ta cùng nhau xông pha ... lên đàng!!"


Và từ đó, chẳng cần đến hội nghị, hội thảo, ra nghị quyết, quy ước gì hết, cứ trong vườn, trong đất cơ quan còn rau dền cơm thì nhóm tuyên huấn ở "cái nhà Tây bỏ lại" thời ấy vẫn còn những buổi "giải lao 15 phút" như vậy. Người "chủ sị" kiếm rau và nấu canh bao giờ cũng là ông "đốc" Dậu. Rau dền cơm thành thức ăn lót dạ. Mỗi người chỉ một bát canh nhỏ. Chẳng thấm tháp chi nhưng cũng dịu cái bụng và lại rất ấm lòng. Vị ngọt, thơm của rau dền cơm cộng với tý muối, tý mì chính đã thấm sâu vào tình bạn, tình đồng chí, đồng đội của những "tay" tuyên huấn chúng tôi trong những tháng năm gian khó.


Gần 40 năm sau, tôi vẫn như thoảng thấy mùi vị lôi cuốn lòng người của bát canh rau dền cơm ngày ấy, nhất là nhớ ánh mắt, nụ cười tủm tỉm tràn đầy vui sướng của ông "đốc" Dậu khi nhìn anh em quây quần thân ái, xì xụp, hít hà đánh baỵ xoong canh mà ông đã bỏ công "góp nhặt mỗi ngày" để có "15 phút giải lao" giản dị, ấm cúng và đậm tình đồng đội như thế.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #59 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2022, 08:14:49 pm »

NHỌC NHẰN PHỤC VỤ CHẲNG NỀ HÀ


Nguyễn Thế Đại


Tôi nhập ngũ tháng 10 năm 1953, cùng với lớp thanh niên ở quê tuổi 17-18. Ngay từ đầu, tôi được bổ sung vào Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, tham gia chiến đấu trọn chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1958, tôi được chuyển sang Bộ Tư lệnh Phòng không, ở Trung đoàn 230 pháo cao xạ, rồi Trung đoàn 290 ra-đa. Từ Trung đoàn 290, tôi được trên cho đi học đào tạo lớp chính trị viên đại đội tại Trường Sỹ quan Pháo binh. Năm 1964, học xong ra trường tôi được giao làm trợ lý Ban Cán bộ Trường Sỹ quan pháo cao xạ, phụ trách công tác thống kê hồ sơ.


Đầu năm 1965, Phòng Cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân điều tôi lên làm trợ lý bảo dưỡng và hậu phương cán bộ. Buổi ban đầu khối lượng công việc lớn, mới mẻ, mò mẫm nhưng được sự chỉ bảo của thủ trưởng và anh em trong phòng, qua 6 năm tôi đã làm tròn chức trách, từng bước trưởng thành, có năm được khen thưởng.


Đầu năm 1971 đến giữa năm 1972, tôi được xuống cơ sở, lúc đầu làm chính trị viên phó rồi Chính trị viên Tiểu đoàn 103 Trung đoàn 280. Sau đó lại chuyển sang Tiểu đoàn 25, Trung đoàn 237 pháo cao xạ, rồi Tiểu đoàn 56, Trung đoàn tên lửa. Thời gian trên, tôi đã tham gia chiến đấu từ nam phà Gianh, phà Long Đại, tỉnh Quảng Bình sau ra Nghệ An, Thanh Hoá, ít lâu sau lại được điều về làm Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 277 tên lửa.


Trên đưa tôi xuống đơn vị nhằm để rèn luyện thử thách, hiểu biết thực tế và bổ sung kiến thức quân sự, phục vụ cho nghiệp vụ công tác tốt hơn. Thời gian này là giai đoạn chiến đấu quyết liệt, tôi đã tham gia nhiều trận đánh đầy kỷ niệm vui, buồn như: Trận đánh ở Choóc; ngã ba đường số 10; Nông trường Lệ Ninh, Lệ Thuỷ - Quảng Bình. Hoặc như trận đánh của Tiểu đoàn 56 ở trận địa chốt cầu Miệu tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cả trận địa bị tên lửa sơ-rai của Mỹ đánh hỏng khí tài, đồng chí Trưởng xe ΠA hy sinh tại chỗ.


Thời gian xuống đơn vị tuy không nhiều, nhưng tôi đã hiểu thêm bộ đội, hiểu được đơn vị, được rèn luyện trưởng thành một bước, hoàn thành nhiệm vụ và đặt niềm tin của Phòng Cán bộ giao cho. Giữa năm 1972, Phòng Cán bộ lại điều tôi về tiếp tục làm trợ lý bảo dưỡng, hậu phương, chính sách 5 năm nữa. Qua 11 năm chuyên ngành chăm sóc sức khoẻ, hậu phương và chính sách cán bộ để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ.


Nhớ lại buổi ban đầu phải đi tìm địa điểm đặt Đoàn an dưỡng của quân chủng, lúc thì ở Xuân Sơn, Kiến An, Hải Phòng; lúc thì ở Bình Hồ, Ân Thi, Hưng Yên rồi Đầm Vạc, Vĩnh Yên. Hoặc đi tìm địa điểm thích hợp cho người lái máy bay nghỉ sau những giờ bay đánh địch căng thẳng, địa điểm không được xa lại phải an toàn, thời gian nghỉ của phi công chỉ là 1-2 ngày, thậm chí một buổi, một vài giờ để nhanh chóng phục hồi sức khoẻ, trở về sân bay sẵn sàng xuất kích. Tôi với anh Tô Minh, Đoàn trưởng Đoàn an dưỡng lại khăn gói lên đường đi từ Thanh Miện, Hải Dương, nơi có Đoàn an dưỡng của Quân khu III; Đồ Sơn, Hải Phòng, Sầm Sơn, Thanh Hoá, đến cả Hồ Tây, nơi có Đoàn an dưỡng của Tổng cục Kỹ thuật, Tổng Công đoàn Việt Nam; lên cả Sa Pa, Lào Cai, bỏ công sức ra nhiều nhưng chỉ tổ chức được 5-7 trường hợp mà thôi.


Đầu năm 1967, Đoàn an dưỡng của quân chủng ở Đầm Vạc được đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống nghỉ và làm việc từ 3 đến 4 ngày. Đoàn có Đại tướng và phu nhân vừa là thư ký riêng; một bác sỹ, một vệ sỹ, một lái xe, một anh nuôi và tổ thông tin bộ đàm 3 người. Thế là một phen hối hả, chạy vạy, bí mật phối hợp với các phòng chức năng lo liệu vì gấp gáp về thời gian và thiếu thốn nhiều thứ từ phòng nghỉ riêng, nhà ăn, nhà bếp, công trình vệ sinh riêng... Nhưng chỉ 2 ngày sau là hoàn tất công tác chuẩn bị, đã phục vụ Đại tướng cùng đoàn nghỉ và làm việc chu đáo. Hôm ra về, Đại tướng hài lòng khen chúng tôi và nói: "Có dịp sẽ trở lại!". Chúng tôi ai nấy đều rất vui.


Cũng vào năm 1967, theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh quân chủng, Phòng cử tôi tháp tàng một cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 sang Trung Quốc chữa bệnh. Đi tàu hoả từ ga Hàng cỏ lên ga Đồng Đăng, phải lo ăn uống phục dịch dọc đường, 2 lần phải cõng đồng chí ấy qua cầu vì bị máy bay địch đánh hỏng. Lên ga Đồng Đăng từ tối hôm trước đến trưa hôm sau mới có tàu đi Bằng Tường. Tôi lại phải ở ga Đồng Đăng từ tối hôm đó đến trưa hôm sau mới có tàu xuôi Hà Nội, phải một đêm vừa đói, khát, rét và muỗi nhưng vẫn rất vui, vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ quân chủng trước khi lên đường sang Đoàn 559, thủ trưởng Phòng bảo tôi đưa 3 củ sâm Triều Tiên sang biếu thủ trưởng dùng khi đi đường. Chính uỷ không chịu nhận, nói là tháng trước mình đã được các cậu cho rồi, để dành cho đồng chí khác yếu hơn. Tôi phải năn nỉ mãi, thủ trưởng mới nhận và cảm ơn. Thay mặt anh em trong Phòng, tôi kính chúc thủ trưởng lên đường bình an và được Chính uỷ bắt tay. Ngờ đâu đó là cái bắt tay cuối cùng vì một thời gian sau Chính uỷ đã hy sinh trên chiến trường. Lúc bình thường trước đây anh em vẫn đi lại sang gia đình chị Tính - phu nhân của Chính ủy. Nay lại năng đi lại hơn, thăm hỏi động viên chị, có lúc chuyển quà của Bộ Tư lệnh, của Cục Cán bộ, của Phòng cho gia đình chị Tính với tình cảm gần gũi và ấm cúng.


Việc quản lý khu gia đình cán bộ tại các thành phố có lực lượng phòng không bảo vệ yếu địa, có đến trên chục khu tập thể. Phòng cán bộ phải quản lý cả. Về sau mới phân cấp giao cho các sư đoàn, nhà trường, các Cục. Riêng Hà Nội có đến 8 khu gia đình phải nắm chắc từng khu. Tình hình nhà cửa, sinh hoạt khu gia đình, trật tự an ninh cũng khá phức tạp. Nhà xuống cấp, dột nát, điện nước chập chờn, họ vào phòng cán bộ, yêu cầu đủ chuyện. Phòng Cán bộ lại phải đi bàn bạc với Phòng Doanh trại, Phòng Tài vụ để tìm cách giải quyết. Bởi cơ chế lúc đó đâu đã rõ ràng. Vì thế mới có chuyện thế này: Một đồng chí cán bộ thông tin được quân chủng chia căn hộ 25m2 ở nhà số 8 Nam Đồng. Khi toà xử cho ly hôn, vợ cứ đòi chia nhà, nhưng đây không phải là tài sản do hai vợ chồng làm ra, vợ phải chuyển đi nơi khác. Nhưng chị này không chịu chấp hành, lại còn thách thức. Chúng tôi ra khuyên giải nhiều lần vẫn không được, cuối cùng phải nhờ công an khu vực xử lý. Tối hôm trước ra thông báo lần cuối, sáng hôm sau tiếp tục khuyên giải vẫn không được, buộc chúng tôi phải đưa đồ đạc của chị này ra sân, cầm tay buộc phải ra khỏi nhà. Chúng tôi khoá cửa, giao chìa khoá cho đồng chí cán bộ, còn chị vợ nhờ các đồng chí công an giúp đỡ. Sau sự việc đó và đến mãi về sau, tôi cứ phân vân liệu đây có phải là chức trách của Phòng Cán bộ? Cũng may sau đó một thời gian, các khu gia đình bàn giao cho địa phương quản lý và có cơ chế nhượng bán cho cá nhân cán bộ, mới kết thúc những vấn đề phức tạp như trên.


Cũng là chuyện về chức trách trợ lý hậu phương, cũng thuộc nhà số 8 Nam Đồng. Những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, miền Bắc bị đánh phá phải sơ tán người già, trẻ em ra khỏi Hà Nội. Phòng lại giao cho tôi tổ chức đưa các cháu nhỏ ở nhà số 8 Nam Đồng sơ tán mãi tận Trung Hà - Hà Tây ở trường Nguyễn Văn Trỗi do Tổng cục Chính trị tổ chức. Cứ chiều thứ 7 xe lên đón các cháu về, sáng thứ hai tổ chức đi sớm đề phòng máy bay Mỹ vào đánh Hà Nội. Khá vất vả, nhưng chúng tôi luôn luôn bảo đảm an toàn, mỗi chuyển đi đều nhận và giao đầy đủ 48 cháu cho từng gia đình.


Đến khi có đồng chí Vương Tiến và đồng chí Lai thay thế, tôi được giao sang bộ phận nhân sự theo dõi khối cơ quan quân chủng và cán bộ Binh chủng Ra-đa. Có hai chuyện còn nhớ như sau: Mỗi đợt báo cáo bổ nhiệm đề bạt cán bộ với Chính uỷ Nguyễn Xuân Mậu, đồng chí nào trong phòng cũng rất ngại, bởi đồng chí nào dính vào thành phần bóc lột, dính vào quan hệ nam nữ bất chính hoặc dao động trong chiến đấu, ngại khó ngại khổ, Chính uỷ nhớ rất kỹ và có phần gay gắt, thiếu thiện cảm. Mình mà nắm không chắc tình tiết, rất dỗ bị "quạt!"...


Khi đồng chí Hoàng Phương về thay Chính uỷ Đặng Tính, trong quyết định bổ nhiệm, cả phòng không ai biết là Quyền Chính uỷ, nên các văn bản do đồng chí Hoàng Phương ký, anh em đều ghi là Chính uỷ. Tôi đã có lần bị Chính uỷ nói gay gắt : "Tớ đã nhắc các cậu bao nhiêu lần, các cậu cứ quên. Tớ nói phải có chữ Q trước chữ Chính uỷ, các cậu cứ cắt là thế nào". Té ra một thủ tục tuy nhỏ, nhưng xem ra không nhỏ tý nào.


Tháng 4 năm 1981, đang làm Trưởng ban Cán bộ Binh chủng Ra-đa, tôi hy vọng sau đợt này được nghỉ hưu thì có quyết định bổ nhiệm làm Phó Phòng Cán bộ Quân chủng Phòng không (lúc này đã tách làm 2 quân chủng), được giao phụ trách nội bộ, làm Bí thư chi bộ và theo dõi khối chính sách. 5 năm trên cương vị này mọi mặt đều thuận lợi, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng Phòng và công tác chuyên môn mà cấp trên đã giao phó. Hơn nữa những anh em được chọn lựa về phòng là những người rất tốt cả về phẩm chất chính trị, lối sống, nắm được chuyên môn, biết cách làm việc, nội bộ đoàn kết đồng thuận về mọi mặt, sống chan hoà, trong các phong trào đều sôi nổi hăng hái. Phòng cán bộ luôn luôn là lá cờ đầu của Cục. Đến tận bày giờ tôi vẫn nhớ rõ từng thủ trưởng phòng, đến từng đồng chí trợ lý qua nhiều thời kỳ công tác mà tôi từng cộng tác. Tuy sau đó tôi lại được cấp trên tín nhiệm giao làm Trưởng Phòng Chính sách quân chủng. Tính chất và nội dung công việc, giữa hai phòng cũng có nhiều điểm giống nhau. Công tác chính sách là một mặt thực hiện cụ thể và rộng hơn của công tác cán bộ. Tôi được thay các đồng chí Trần Xuân Vinh, Nguyễn Hoà vốn từ Phòng Cán bộ chuyển qua nên dễ quen việc và chất lượng phục vụ tốt hơn, được Bộ Tư lệnh khen và đội ngũ cán bộ các cấp quý mến.


Trải qua rèn luyện gần 40 năm trong quân đội, nay về với đời thường, tôi vẫn giữ được truyền thống "anh bộ đội Cụ Hồ", giữ được nếp sinh hoạt, suy nghĩ và làm việc như những năm công tác ở Phòng Cán bộ và cơ quan Cục Chính trị. Qua những tâm tư suy nghĩ tình cảm chân thành, muốn được hồi tưởng lại, để nhớ, để yêu thương của một quá khứ không bao giờ quên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM