Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:20:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguồn sức mạnh và những ký ức không quên  (Đọc 2893 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:23:37 am »

Hơn 23 giờ làm việc xong, chúng tôi cùng xác định nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trước mắt là tập trung mọi cố gắng đánh bại bước leo thang mới của không quân Mỹ, bảo vệ vững chắc thành phố cảng Hải Phòng, đặc biệt là nơi tiếp nhận hàng từ ngoài vào và vận chuyển được thông suốt, không để bị địch đánh hỏng, trong đó con đường số 5 rất quan trọng. Chính tuyến giao thông này góp phần bảo vệ vững chắc cho Hải Phòng, nối liền với Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi nói: Hải Phòng là miệng, đường số 5 là cuống họng, Hà Nội là dạ dày. Chỉ riêng về ý nghĩa hậu cần thôi, nếu bảo vệ vững chắc hệ thống này, đã góp phần bảo đảm cho cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta thắng lợi. Đề nghị Đảng bộ nỗ lực cùng bộ đội Phòng không Hải Phòng, chung sức chung lòng, thi đua lập công, tiêu diệt được nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ vững chắc mục tiêu. Ta không chỉ động viên về chính trị tinh thần là quan trọng, mà phải bàn cách đánh, dám đánh và biết cách đánh sao phù hợp địa hình ven biển. Phải có cách bố trí đón lõng từ xa và chú ý thủ đoạn địch bay thấp, vào gần tới mục tiêu mới bốc lên cao bổ nhào đánh vào mục tiêu!


Đêm khuya hôm đó, chúng tôi mới bay về Hà Nội. Khi những quầng sáng từ phía Hà Nội hiện lên trước khung cửa máy bay, chúng tôi mới thấy lòng mình dịu đi đôi chút. Hà Nội vẫn bình yên với ánh điện sáng.


Nhớ đêm ngày 7/2/1965, khi không quân Mỹ vừa đánh Đồng Hới, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc. Tôi cũng bay từ Hà Nội vào Đồng Hới trên chiếc máy bay An2 cùng với bốn khẩu pháo 14,5mm chi viện khẩn cấp cho Trung đoàn ra-đa 290. Cũng ngay đêm đó, sau khi làm việc xong với các đồng chí phụ trách trung đoàn và các đồng chí cán bộ địa phương ở Đồng Hới, tôi bay về Hà Nội. Hai đêm cất cánh từ bầu trời Hà Nội ở hai thời điểm khác nhau. Lần thứ nhất, cuộc chiến đấu còn xa Hà Nội. Hà Nội còn cử những đơn vị tăng cường thêm lực lượng chiến đấu tiêu diệt địch ở các địa phương khác. Còn lần này, chiến tranh đã ập vào cửa ngõ Thủ đô Hà Nội rồi!


Sau sự kiện 29 tháng 6 đó, Quân chủng Phòng không Không quân bước vào giai đoạn chiến đấu mới, làm theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ. Sức mạnh từ đó được nhân lên gấp bội. Trong đợt thi đua lập công đáp lời kêu gọi của Bác, chỉ trong vòng một tháng kể từ ngày 17/7 đến 17/8/1966, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 134 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc Mỹ lái máy bay. Đó là tháng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất, tính từ ngày xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra đối với miền Bắc. Riêng Hà Nội đã lập nhiều chiến công xuất sắc: Ngày 19/7/1966, Trung đoàn Tên lửa 236 bắn rơi tại chỗ chiếc F8U ngay cửa ngõ phía nam Hà Nội. Khi Tiểu đoàn 61 phóng đạn, bọn cường kích địch phát hiện tên lửa của ta, chúng tập trung lao vào đánh phá trận địa. Đại đội 2, Trung đoàn pháo phòng không 220 đã kịp thời nổ súng. Một chiếc A4 trúng đạn nổ tung xác, rơi xuống cạnh Nhà máy đường Vạn Điểm. Liên tiếp hai ngày sau đó, ngày 21 và 23 tháng 7, Tiểu đoàn 63 đã bắn rơi hai chiếc F105 của Mỹ.


Như vậy, chỉ một tuần lễ sau khi có lời kêu gọi của Bác, hưởng ứng đợt thi đua do Quân chủng phát động, kế hoạch tuyên truyền, động viên của Cục Chính trị, bộ đội Phòng không Hà Nội đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ và bắn bị thương một số chiếc. Tiểu đoàn 61 là đơn vị lập công đầu sau khi có lời kêu gọi của Bác, đã được Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng bức trướng "Làm theo lời Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".


Tối 24/7/1966, tại buổi lễ kỷ niệm một năm ngày bộ đội tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu, tôi thay mặt Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân chủng nhiệt liệt chào mừng và biểu dương thành tích chiến đấu của Trung đoàn 236 và trao tặng đồng chí Vũ Ngọc Thụy - chính trị viên Tiểu đoàn 61 phần thưởng cao quý đó.


Tôi phát biểu với bộ đội: Suốt một năm qua, các đồng chí đã hành quân cơ động chiến đấu trên nhiều địa phương; đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 900 trên quê hương Bác Hồ. Các đồng chí đã đánh nhiều trận xuất sắc. Có trận chỉ bằng một quả đạn tên lửa, bắn rơi hai máy bay Mỹ, như trận ngày 7/3/1966 ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Các đồng chí được đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nhiệt liệt khen ngợi. Chặng đường chiến đấu vẻ vang vừa qua của các đồng chí rất quý, cần phát huy. Giờ đây các đồng chí sắp bước vào chặng đường chiến đấu mới, sẽ quyết liệt hơn. Trước tình hình mới, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định điều đơn vị các đồng chí từ Khu 4 về Hà Nội, giao cho các đồng chí nhiệm vụ mới đặc biệt quan trọng, cùng các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội, bảo vệ Trung ương Đảng và nơi Bác Hồ làm việc. Các đồng chí sẽ là những chiến sĩ cận vệ anh hùng của Thủ đô anh hùng!


Tôi thấy trên những khuôn mặt trẻ của các chiến sĩ ánh lên niềm xúc động sâu sắc. Những cặp mắt long lanh của họ như nói với tôi rằng, nếu kẻ địch dám liều lĩnh "leo thang" đến đánh phá Hà Nội, nơi Trung ương Đảng và Bác Hồ làm việc, nhất định chúng sẽ bị trừng trị đích đáng.


Ngày đầu xuân năm 1967. Trong phòng họp quen thuộc sân bay Bạch Mai, Bộ Tư lệnh Quân chủng họp bàn công tác lãnh đạo nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng năm 1967. Chúng tôi ngồi họp mà trong lòng vẫn như còn vang vọng những câu thơ chúc Tết của Bác Hồ đọc đêm giao thừa:

   "Xuân về xin có một bài ca,
   Gửi chúc đồng bào cả nước ta
   Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
   Tin mừng thắng trận nở như hoa!"


Đây là bài thơ chúc Tết, nhưng chúng tôi coi là nhiệm vụ, là mệnh lệnh Bác giao cho Quân chủng.

Bị thất bại trong cuộc phản công chiến lược mùa khô mang tên Gian-xơn Xi-ti, nhất định năm nay không quân Mỹ sẽ có những bước leo thang mới liều lĩnh hơn. Chúng sẽ đánh thẳng vào Hà Nội, Hải Phòng.


Nhiệm vụ chiến đấu của Quân chủng PK-KQ trong năm 1967 sẽ hết sức quyết liệt, liên tục, gay go và ác liệt. Mục tiêu chúng đánh phá sẽ tăng lên, sẽ đánh cả ngày và đêm.

Thủ đoạn của chúng sẽ bất ngờ, bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn để hòng đối phó với lực lượng phòng không của ta. Nhưng nhất định chúng sẽ thất bại!

Hình như đã trở thành máu thịt, cứ mỗi lần chuẩn bị cho một trận đánh lớn, chúng tôi lại nghĩ tới lời dạy của Bác Hồ. Bác là niềm tin, là sự cổ vũ lớn lao đối với bộ đội Phòng không - Không quân chúng tôi.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:26:40 am »

BỐN LẦN ĐÓN BÁC HỒ VÀ NHỮNG KỶ VẬT
QUÝ GIÁ NHẤT ĐỜI TÔI


Trịnh Tấn


Vinh quang nhất của thế hệ chúng tôi là được sống, chiến đấu trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những kỷ niệm sâu sắc nhất và những kỷ vật quý nhất của tôi là bốn lần được đón Bác Hồ và những bức ảnh được chụp khi quây quần bên Người.

Lần thứ nhất: Tháng 9 năm 1959, Bác đến thăm và nói chuyện với Đại hội thi đua Cục Không quân tại hội trường nhà 8 mái của Đoàn bay 919.

Lần thứ hai: Tháng 12 năm 1960, Bác đến thăm Trường không quân tại sân bay Cát Bi, Hải Phòng.

Lần thứ ba: Sáng 30 Tết Mậu Thân năm 1968, Bác đến thăm và chúc Tết bộ đội Không quân tại nhà ga sân bay Gia Lâm.

Lần thứ tư: Sáng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, Bác đến chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tôi ghi lại kỷ niệm sâu sắc của tôi về lần đầu được đón Bác.

Cuộc thăm của Bác thật bất ngờ. Trên đường Bác đi thăm đồng bào ở vùng mỏ Quảng Ninh về, máy bay hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Đồng chí Đại tá Đặng Tính, Cục trưởng Cục Không quân đón Bác tại sân bay, báo cáo: "Thưa Bác! Cục Không quân đang mở Đại hội thi đua ạ! ..."


Bác quyết định vào thăm cán bộ, chiến sỹ không quân và thăm Đại hội.

Khi đoàn xe vừa vào cổng, Bác chưa vào hội trường, mà Bác bảo đồng chí Phan Khắc Hy, Chủ nhiệm Chính trị dẫn Bác vào thăm nơi ăn, ở của người lái máy bay. Bác đi xem từng căn buồng, đến tận từng chiếc giường và cả khu vực vệ sinh nữa. Bác khen anh em ăn ở gọn gàng, ngăn nắp. Nhưng trên đường xuống khu vực nhà ăn, Bác ghé tai hỏi đồng chí Phan Khẳc Hy: "Tại sao hố xí của các chú lại có ngọn thế?" Đồng chí Hy thưa với Bác: "Sáng nay anh em dậy sớm ra sân bay thì bị mất nước ạ!". Bác bảo: "Sử dụng nhà Tây để lại, phải có cách phòng lúc mất nước, mất điện chứ!".


Khi vào nhà ăn, Bác mở lồng bàn, có mấy khẩu phần ăn gồm bánh mì, sữa hộp, cốc, đĩa, Bác liền hỏi đồng chí Phức, anh nuôi: "Tại sao bữa trưa lại cho anh em ăn bánh mì?". Đồng chí Phức thưa với Bác: "Thưa Bác! Đó là khẩu phần ăn sáng, một số anh em dậy sớm phải ra sân bay tiếp thu máy bay chưa kịp ăn. Còn bữa trưa, chúng cháu đang chuẩn bị nấu cơm ạ!".


Khi đến khu vực chế biến thực phẩm ở bếp, chiếc cân bàn định lượng để trên bàn có ruồi đậu, Bác đưa tay xua xua rồi vỗ vai đồng chí Phức, hỏi vui: "Những con ruồi này nặng mấy lạng?" Bác nhác: "Cần phải có vải màn hoặc lồng bàn đậy kín thực phẩm sống, chín và dụng cụ lại, khuyến khích anh em làm vỉ đánh ruồi".


Đứng giữa nhà ăn, Bác vẫy tay gọi mọi người đi theo, quây lại quanh Bác. Bác ân cần nói:

"Năm 1924, Bác sang Liên Xô dự Hội nghị quốc tế. Liên Xô khi đó còn bị các nước đế quốc bao vây và nội chiến, nền kinh tế rất khó khăn, lương thực thiếu, chủ yếu là ăn bánh mỳ đen. Khẩu phần ăn của nhân dân rất ít ỏi, chỉ có hai đối tượng được ưu tiên, đó là trẻ em và người lái máy bay. Với trẻ em, phải ưu tiên, vì đó là tương lai của đất nước. Với người lái máy bay, phải bảo đảm sức khoẻ để đảm bảo an toàn trên trời và bay được lâu dài. Nhà bếp trực tiếp nuôi dưỡng anh em vừa phải luôn luôn cải tiến để anh em ăn hết khẩu phần, vừa phải chú ý vệ sinh. Ở mặt đất, có đau bụng đi ngoài thì dừng xe lại, còn bay trên trời thì không thể dừng máy bay được!...".


Bác bước vào hội trường từ cửa sau phía nhà ăn lên. Mọi người đã ngồi vào vị trí chỉnh tề, im lặng, hướng mặt về phía cửa để được nhìn rõ Bác đi vào. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay đón chào Bác. Đồng chí Đặng Tính đi theo, mời Bác lên phía đoàn chủ tịch, nhưng Bác lại đi thẳng đến bục nói chuyện. Bác đưa tay ra hiệu mọi người ngồi xuống, im lặng đón chờ lời nói của Bác.


Bỗng Bác ngẩng mặt lên trần nhà và giơ tay đếm 1, 2, 3... 11, 12, 13... Hình như mọi người đều nhận ra. Bác đang đếm những ngọn đèn thắp sáng trong hội trường.

Bác hỏi: "Tại sao ban ngày lại thắp nhiều đèn như thế?". Đồng chí Phan Khắc Hy dứng dậy, dáng vẻ lúng túng: "Thưa Bác! Anh em tuyên huấn muốn có đủ ánh sáng để chụp ảnh Bác với Đại hội ạ!".

Bác liền nói: "Chụp ảnh thì Bác cháu ta ra trước cửa hội trường quây quần với nhau mà chụp. Ban ngày bật sáng nhiều bóng đèn là lãng phí điện. Điện, nước là mồ hôi, nước mắt của anh chị em công nhân, là tiền của của nhân dân. Nước ta hiện nay đang thiếu nhiều điện, mọi người phải biết tiết kiệm điện, nước!"...


Liền đó, Bác chỉ đồng chí Đặng Tính và nói rất nhẹ nhàng: "Bác vừa đi công tác về, ghé vào thăm. Bác chưa được nghe báo cáo tình hình Đại hội, chú Tính tóm tắt cho Bác biết kết quả thi đua, xong Bác sẽ có ý kiến với Đại hội".


Đồng chí Đặng Tính đứng lên báo cáo tóm tắt những thành tích đã đạt được và những khuyết điểm còn để xảy ra về bảo đảm an toàn bay. Nghiêm trọng là không phát hiện kịp thời sự cố rò rỉ bồn xăng, để chảy thất thoát mất mấy ngàn lít xăng.


Cả hội trường im lặng, nghe rõ cả tiếng xuýt xoa phát ra từ Bác. Bác nhẹ nhàng nói: "Phải quý xăng như máu. Lãng phí xăng là lãng phí máu. Một giọt xăng đưa từ Liên Xô tới, ta phải tốn rất nhiều mồ hôi và cả máu của nhân dân Liên Xô. Bộ đội la, nhất là không quân, phải thi đua tiết kiệm xăng dầu, phải biết yêu máy bay như con, quý xăng như máu!"...


Tiếp đó, Bác quay xuống nói chuyện với Đại hội: "Bác biểu dương bộ đội Không quân tuy mới ra đời, đã làm được nhiều việc:

Tiếp quản, khôi phục được hệ thống sân bay; tích cực phát triển lực lượng; tuyển chọn gửi đi đào tạo cán bộ, người lái, nhân viên kỹ thuật ở nước ngoài; mở trường, lớp đào tạo ở trong nước;

Nhanh chóng từng bước làm chủ nhiệm vụ bay; đảm nhiệm được các chuyến bay đặc biệt (chuyên cơ).

Bác chúc bộ đội Không quân phát triển, trưởng thành nhanh, kịp đáp ứng với tình hình nhiệm vụ mới".

Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, Bác lại chỉ tay về phía dưới hội trường đếm 1, 2, 3 ... 14, 15 ... Đếm xong dừng lại, Bác nói: "Số cô, chú đeo bông hoa đỏ trước ngực là điển hình tiên tiến phải không? Nhưng còn ít lắm, nhất là chị em gái. Sang năm 1960, nếu số đeo bông hoa đỏ tăng gấp đôi, số chiến sỹ thi đua là nữ tăng nhiều hơn nữa thì Bác sẽ đến tham dự Đại hội mừng công".


Vừa dứt lời, chúng tôi chưa kịp dứng dậy vỗ tay thì Bác đã đưa tay ra hiệu và bảo mọi người ra cửa hội trường để Bác, cháu quây quần chụp ảnh. (Bức ảnh này tôi đã tặng Bảo tàng Không quân trong dịp triển lãm toàn quân tại sân bay Bạch Mai).


Năm đó, thực hiện lời dạy của Bác, phong trào "Thi đua Ba nhất" trong Cục Không quân, kể cả các đoàn bay đang học tập ở nước ngoài thường xuyên được duy trì sôi nổi, đâu đâu cũng có khẩu hiệu: "Thi dua giành nhiều thành tích để dâng lên Bác và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III".


Đầu năm 1961, Cục Không quân lại mở Đại hội mừng công và chào mừng thắng lợi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Bác nhận được báo cáo, nhưng vì bận công việc đặc biệt, Bác cử đồng chí Lê Duẩn vừa được Đại hội bầu làm Bí thư thứ nhất xuống dự Đại hội và chuyển lẵng hoa của Bác gửi tặng.


Bác chúc bộ đội không quân lập nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước.

Với bản thân tôi, trong 10 năm làm công tác tư tưởng, văn hoá ở binh chủng không quân, tôi luôn luôn thấm nhuần và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mà thiết thực nhất, mầu nhiệm nhất là xoay quanh những điều Bác đã khuyên răn, dạy bảo trong nhiều lần Bác tới thăm đơn vị.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:28:22 am »

TÔI CHỤP ẢNH BÁC Hồ THĂM BỘ ĐỘI KHÔNG QUÂN


Trần Duy Hợi


Cách đây hơn 20 năm, gia đình tôi đến Bảo tàng Không quân, bỗng nhiên sững sờ bởi tấm ảnh tôi chụp Bác Hồ - Chủ tịch nước, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Quốc hội đến thăm đoàn Không quân Sao Đỏ được phóng to trên 20m2 treo trang trọng tại tiền sảnh Bảo tàng.


Bao nhiêu hình ảnh hiện lèn trong trí nhớ của tôi.

Sáng 9/11/1964, đồng chí Đặng Tính - Chính uỷ Quân chủng Phòng không Không quân đến toà soạn tập san Phòng không, bảo tôi: "Có công tác đột xuất, đồng chí mang máy ảnh ra xe đi với tôi ngay"!.

Lên xe, không biết việc gì gấp thế, đến cầu Long Biên, Chính uỷ xiết chặt tay tôi, nói: "Bác Hồ đến thăm bộ đội không quân mới về nước, đồng chí cố gắng chụp ảnh, viết bài cho tốt"

- Sao anh không báo trước để tôi chuẩn bị?

- Bí mật quân sự mà.

Vinh dự quá lớn đối với tôi. Trong một tâm trạng vừa hạnh phúc, vừa lo lắng với bao ý nghĩ. Nghĩ đến những giây phút được gặp Bác, được đứng gần nhìn rõ Bác để ngắm "Ông Tiên" mà tôi đã từng được đón, mời Bác lên máy bay Li-2 ở sân bay Mai Pha - Lạng Sơn khi Bác trở về Hà Nội sau chuyến thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn năm 1960.


Lo lắng với trách nhiệm mà Chính uỷ Quân chủng giao cho, bởi tôi không phải là phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp, mặc dầu trước đó khi học ở Học viện Không quân Trung Quốc tôi cũng có máy ảnh, cũng chụp, cũng rửa ảnh, nhưng xuất phát từ thú chơi ảnh hơn là trách nhiệm nghề nghiệp. Hơn nữa, chiếc máy ảnh tôi mang theo là chiếc E-xa cũ kỹ dễ bị hỏng hóc, nên sau khi lắp cuốn phim mới, tôi đã phải kiểm tra đi kiểm tra lại.


10 giờ 30 phút đến sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài), tôi theo Chính uỷ vào phòng giao ban của đoàn bay. Ban chỉ huy đoàn bay đã có mặt đầy đủ.

Đồng chí Chính uỷ Quân chủng phổ biến: Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh lên thăm đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của quân đội ta. Nét mặt mọi người rạng rỡ sung sướng, một không khí náo nức lạ thường. Đồng chí Đào Đình Luyện báo cáo công tác chuẩn bị đón tiếp đoàn. Đồng chí Đặng Tính tỏ ý hài lòng và nói: Đây là vinh dự to lớn của Đoàn Sao Đỏ thay mặt bộ đội Không quân được đón Bác đến thăm.


12 giờ 30 phút, đồng chí Hồ Vinh - Chủ nhiệm Chính trị đoàn bay đưa tôi ra sân đỗ máy bay trực chiến. Cạnh đó bộ đội đang chấn chỉnh hàng ngũ theo hình chữ Ư. Tôi lang thang ngắm trời mùa đông trong xanh, tâm trí nghĩ miên man, phải cố chụp được hình Bác trên nền trời xanh, bồng bềnh mây trắng...


13 giờ, một đoàn xe từ cuối đường hạ cất cánh chạy tới, dừng lại trước hàng quân, trước ngôi nhà bằng tre nứa lá, mà anh em thường gọi là "Xưởng sửa chữa máy bay".

Bác Hồ bước ra khỏi xe. Cả đoàn người lay động, song vẫn không rời hàng ngũ. Tiếng hô "Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm" vang dậy cả một góc trời.

Bác giản dị làm sao, với đôi dép cao-su, bộ quần áo ka-ki bạc màu, bên trong là chiếc sơ-mi màu gụ với chiếc thắt lưng bộ đội.

Chính uỷ Đặng Tính mời Bác và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vào căn nhà lá đơn sơ đã kê sẵn bàn ghế trải khăn trắng.

Lần đầu tiên Bác Hồ đến thăm đoàn Không quân tiêm kích. Vui sướng xen lẫn lo lắng với trách nhiệm Chính uỷ Quân chủng giao cho, tôi đứng ngắm Bác, tìm góc độ cho thích hợp vì trong nhà thiếu ánh sáng, máy ảnh lại không có đèn, tôi chỉ dám bấm máy 2 lượt.


Người nói giọng miền Trung ấm áp: Bác thay mặt Trung ương Dảng, Chính phủ thăm hỏi và khen ngợi đơn vị trong công tác huấn luyện và xây dựng. Bác nói: "Các chủ phải rút kinh nghiệm trận mồng 5 tháng 8, phải sẵn sàng chiến đấu, địch đến phải đánh, đã đánh phải thắng".


Rồi Bác nói chuyện chiến thắng Biên Hoà của quân Giải phóng miền Nam 31/10 vừa qua, đã mưu trí linh hoạt, dũng cảm phá huỷ 29 máy bay Mỹ, tiêu diệt 40 tên xâm lược Mỹ và 72 tên khác bị thương. Bác còn nói, một tờ báo Pháp đăng: "Việt Nam là một nước nhỏ nhưng qua trận Biên Hoà thì thấy tuy nước nhỏ mà anh hùng, có thể thắng một nước lớn,... Miền Nam Việt Nam nhất định sẽ thắng đế quốc Mỹ...".


Nói đến nhiệm vụ của không quân, Bác nhấn mạnh: "Các chú hãy học tập Quân giải phóng miền Nam, bám thắt lưng địch mà đánh". Rồi Bác nói vui: "Các chú phải làm thế nào chứ không anh em trong kia đánh hết máy bay địch thì không còn máy bay nữa mà đánh". Cả đơn vị cười vang và hô "Quyết tâm! Quyết tâm!"...


Lời dạy của Bác đã trở thành phương châm tư tưởng chỉ đạo tác chiến của không quân nước Việt Nam sau này.

Bác nói tiếp: "Đồng chí Lê Duẩn nói chuyện với các chú. Đồng chí Đào Đình Luyện - đoàn trưởng đoàn bay thay mặt cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị hứa với Bác, với Đảng quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác, quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ".


Sau đó, Bác khoát tay về phía hàng quân, nhắc đồng chí Đào Đình Luyện: "Chú cầm càng" chỉ huy anh em hát bài "Kết đoàn" đi. Vâng theo lời Bác, đồng chí Đào Đình Luyện xúc động bắt nhịp bài ca kết doàn: "Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh...".


Bài ca hào hùng của non sông vang lên một góc trời. Bài hát suốt những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm đã theo chân các chiến sĩ trên khắp nẻo đường chiến đấu.

Đồng chí Đặng Tính: "Thưa Bác - bộ đội mới về nước ước mong được nhìn Bác thật gần". Bác cười vui, gật đầu.

Bác hồng hào khoẻ mạnh, nhanh nhẹn bước ra sát gần con cháu. Bước theo sau là đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Đặng Tính. Từng lớp người cười vui, chuyển động song vẫn giữ nghiêm hàng ngũ, hàng trước ngồi xuống nền xi-măng, hàng sau đứng lom khom, hàng sau nữa dứng thẳng. Bác đi đến đâu, tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng hô: "Bác Hồ muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!" vang một góc trời. Tôi chỉnh máy ảnh, lấy tốc độ nhanh, thu hẹp ống kính, đi giật lùi, khoảng cách quá gần, vì Bác đi nhanh quá, lại ngược ánh sáng, ngắm từ trên xuống rất dễ bị đổ khuôn hình. Bác vẫn đi nhanh, tay cầm mũ vẫy chào đáp lại những tiếng hô vang của đơn vị. Bác như "Ông Tiên" trong truyện thần thoại trên nền trời trong xanh và khối bộ đội đã lọt vào ống kính, cách độ 3m tôi vội bấm 2 kiểu.


Sau đó, Bác đến thăm biên đội trực chiến. Bác bắt tay thân mật các đồng chí lái máy bay và thợ máy.

Bác ân cần thăm hỏi: "Các chú mặc quần áo bay có nóng không? Mỗi bữa ăn mấy bát cơm? ..."

Vào thăm nhà ngủ của anh em bay, thợ máy, Bác đều khen ngợi nhà cửa sạch sẽ, đồ đạc ngăn nắp. Bất chợt Bác hỏi: "Ngày thường các chú có giữ được sạch sẽ, ngăn nắp không?...". Mọi người đều cựời vui trong không khí đầm ấm như nghe người cha nhắc nhở các con.


Khi vào nhà bếp, Bác ân cần dặn dò các chiến sĩ nuôi quân phải dảm bảo vệ sinh trong nấu nướng. Bước đến bên bàn chế biến thức ăn, thấy 2 con ruồi bên cạnh chiếc cân. Bác hỏi: "Mai con ruồi nặng bao nhiêu?". Bác tỏ ý không hài lòng, rồi Bác nhắc: "Các chú phải tổ chức đánh ruồi đi". Mọi người tỏ ra áy náy vì để Bác chưa hài lòng.


Tôi vẫn theo Bác chụp được một số kiểu ảnh Bác nói chuyện với các chiến sỹ lái máy bay, chiến sĩ nuôi quân, song trên đường về tôi vẫn lo lắng với trách nhiệm mà Chính uỷ Quân chủng giao cho.

Tối hẳn, tôi mượn chìa khoá vào phòng tráng phim. Tôi pha chế thuốc, tính thời gian, hồi hộp và tự vấn: Phim có mốc không? Cự ly ánh sáng có tốt không? Khi lấy cuốn phim vừa tráng xong ra, nỗi lo âu tan biến, lòng tràn đầy vui sướng! Mọi kiểu ảnh đều tốt. Đặc biệt tấm ảnh Bác Hồ người cao lồng lộng giơ cao mũ vẫy chào hàng quân nổi bật trên nền trời mùa đông có áng mây trắng bay lơ lửng. Theo chân Bác là đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Đặng Tính, có cả đông đảo cán bộ, chiến sĩ đơn vị vỗ tay cười vui, quây quần bên Bác ấm cúng như cha với con.


Một kiểu ảnh đẹp cả về bố cục, lẫn nội dung thể hiện tình cảm của Bác đối với các chiến sĩ không quân thật gần gũi, thân thương.

Tấm ảnh này đã được giải Nhất trong cuộc triển lãm ảnh toàn quân năm 1970 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập nước. Tấm ảnh đã đi vào lịch sử quân đội ta và Quân chủng Phòng không - Không quân.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:30:29 am »

LẦN ĐẦU TIÊN TÔI ĐƯỢC CHỤP ẢNH BÁC HÒ


Xuân Mai


Sáng sớm ngày 19-7-1965. Tiếng kẻng báo thức vừa dứt, tôi và anh Vũ Minh Ái đã được anh Phương Nam, Phó Phòng Tuyên huấn gọi đến giao nhiệm vụ. Anh Phương Nam nói:

- Quân chủng đang tổ chức trận phục kích lớn bắn máy bay Mỹ ở Hà Tây, để đưa bộ đội Tên lửa ra quân chiến đấu. Bác Hồ nghe báo cáo, đã yêu cầu bố trí cho Bác được gặp, động viên các chiến sĩ trước giờ ra trận. Vì thế đêm qua Tiểu đoàn 241 súng máy tự hành và Đại đội 1, Trung đoàn 234, đã được điều về bố trí trận địa trong sân bay Bạch Mai. Các đồng chí về chuẩn bị gấp, đến đó trước 6 giờ sáng để dự đón Bác Hồ...


Tôi là phóng viên phải lo chụp ảnh, ghi chép nội dung để viết bài kịp thời đăng báo. Anh Vũ Minh Ái là trợ lý tuyên truyền - thi đua, có nhiệm vụ ghi âm bài nói của Bác Hồ, về tổ chức in thành văn bản, phát hành toàn Quân chủng học tập và làm theo lời Bác.


Tôi chỉ kịp đánh răng, rửa mặt qua loa, rồi khẩn trương vào lấy máy và phim ảnh. Phải nói cơ quan báo Phòng không - Không quân lúc đó còn nghèo, chỉ có hai chiếc máy ảnh và không có đèn chụp đêm. Chiếc máy Exa là máy chủ lực, chụp được nhanh và nhiều phim cỡ 24 x 36 dự trữ, thì anh Trần Duy Hợi đã mang đi cùng Sở chỉ huy tiền phương rồi. Còn lại chiếc máy Flexaret cũ chụp phim cỡ 6 x 6, mỗi cuốn chỉ được 12 kiểu, không tiện chụp ảnh thời sự vì khó chụp nhanh, lại phải thay phim luôn. Lúc này trong máy đang có một cuốn phim chụp dở, chỉ còn 5 kiểu. Vì là máy ít dùng nên phim dự trữ cũng ít, chỉ có hai cuốn. Tôi đành khoác chiếc máy Flexaret lên cổ, mang cả hai cuốn phim dự trữ và cuốn sổ ghi chép, cùng anh Vũ Minh Ái lên đường.


Từ cơ quan sang cuối sân bay Bạch Mai chỉ chưa đầy 300 mét. Tôi và anh Ái đi qua những chiếc xe bọc thép có gắn súng máy 14,5mm, đỗ thẳng hàng sát mép đường băng. Chúng tôi tiến vào giữa trận địa Đại đội 1 pháo 57mm, khi trời còn chưa sáng hẳn. Bộ đội đang khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu. Tiếng máy phát điện nổ giòn.


Những khẩu pháo quay tròn theo mệnh lệnh người chỉ huy, rung rinh lá nguỵ trang xanh.

Anh Ái cúi xuống rỉ tai tôi, nói nhỏ:

- Lát nữa Bác đến, cậu vừa chụp ảnh, vừa chú ý theo dõi Bác tiếp xúc với bộ đội mà viết bài tường thuật. Tôi chỉ ghi âm khi Bác đứng nói chuyện với tập thể, không ghi lặt vặt, sợ hết băng! ...

Tôi gật đầu, ái ngại nhìn anh Ái đang khoác trên vai chiếc máy Paros cũ kỹ, to và nặng như chiếc máy chữ của văn phòng. Chiếc máy này cơ quan thường dùng để thu hoặc nghe băng nói chuyện thời sự trong các hội nghị. Nay vẫn phải sử dụng nó để thu thanh một sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử của quân đội, của đất nước ...


Đúng 6 giờ, trời hửng sáng. Một đoàn xe tiến vào sân bay, nhưng dừng lại tận phía ngoài Tiểu đoàn 241. Tôi lỡ mất cơ hội không kịp bấm máy khi Bác Hồ bắt tay, hỏi chuyện đồng chí Nguyễn Đăng Tùng và đồng chí Nguyễn Anh Đào, Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên Tiểu đoàn 241. Tôi thấy cùng đi với Bác còn có đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, đồng chí Song Hào, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị; các đồng chí Phùng Thế Tài, Đặng Tính, Tư lệnh và Chính uỷ Quân chủng.


Lúc này ánh sáng vẫn rất yếu, máy ảnh lại không có đèn. Tôi phải để tốc độ 60, mở hết ống kính vì sợ ảnh chụp thiếu sáng. Tôi chạy lên phía trước Bác Hồ chừng 10 mét, vừa đi, giật lùi vừa ngắm máy. Khi thấy rõ Bác và các đồng chí cùng đi, bên cạnh là một khẩu đội súng máy trên xe bọc thép, tôi bấm liền hai kiểu ảnh.


Đến giữa trận địa Đại đội 1, Bác bước lên một ụ đất cao, đứng bên đồng chí Đại đội trưởng Nguyễn Văn Ngàn hỏi chuyện. Bác quan sát khắp trận địa và nhận xét quần áo của bộ đội đều bạc trắng cả. Bác nhắc đơn vị phải tổ chức nhuộm lại như màu xanh lá cây cho anh em, như thế mới giữ được bí mật.


Ụ đất hẹp, chỉ đứng được vài ba người. Tôi không thể leo lên đứng bên Bác để chụp ảnh. Tôi đành đứng ở dưới, tuy ngược sáng nhưng vẫn hất máy lên bấm một kiểu.

Bác bước vào Khẩu đội 6, đứng bên khẩu pháo. Các đồng chí cùng đi và các chiến sĩ đều đứng quây quần quanh Bác. Tôi đứng lên bờ ụ pháo ngắm máy, thấy Bác mặc áo cánh nâu, miệng Bác cười tươi, râu tóc Bác bạc phơ như một ông tiên. Các cán bộ, chiến sĩ đứng quanh Bác đều tươi cười nhìn Bác. Rõ nhất có Pháo thủ số 5 Dương Duy Ngữ. Tôi cẩn thận ngắm nét, rồi nín thở bấm một kiểu ảnh. Lúc này tôi thấy xuất hiện anh Triệu Hùng, phóng viên nhiếp ảnh Báo Quân đội nhân dân cũng đang ngắm máy, chụp ảnh.


Khẩu đội trưởng Lương Phúc Thoại báo cáo với Bác về khẩu đội của mình. Bác hỏi:

- Ở đây chú nào bắn rơi máy bay Mỹ?

Một pháo thủ đáp:

- Thưa Bác, chúng cháu đều bắn và là thành tích tập thể ạ!

Bác gật đầu, nói:

- Đúng, không phải một mình chú và đơn vị chú bắn, mà còn nhiều đơn vị bạn và nhân dân cùng bắn nữa.

Trong máy của tôi lúc này chỉ còn một kiểu ảnh. Tôi cổ chờ một động tác nào thật điển hình của Bác để bấm nốt rồi thay phim mới. Nhưng chỗ đứng của tôi không thuận tiện lắm. Trong khi Bác đang hỏi chuyện đồng chí khẩu đội trưởng Lương Phúc Thoại, tôi tranh thủ chuyển sang góc đứng mới để có thể nhìn rồ Bác, các đồng chí cán bộ cùng đi và các chiến sĩ.


Anh Triệu Hùng đã chụp được kiểu ảnh khi Bác đang chăm chú xem chiếc mũ sắt của khẩu đội trưởng Lương Phúc Thoại. Tôi vừa ổn định chỗ đứng, thì chợt Bác đội thử chiếc mũ sắt lên đầu. Thật đúng tầm ngắm, tôi bấm nhanh được kiểu ảnh này. Không ngờ đó lại là kiểu ảnh hiếm có: Bác Hồ đội mũ sắt đứng trên trận địa bắn máy bay Mỹ. Đứng bên Bác là các đồng chí Văn Tiến Dũng, Song Hào, Đặng Tính. Phía sau Bác là khẩu pháo của Khẩu đội 6 và một chiến sĩ đứng trên mâm pháo.


Tôi chạy vội xuống tháo lắp phim. Khi lắp xong cuốn phim mới, tôi quay cần lên phim, sao máy cứ chạy tuồn tuột, không chịu dừng. Tôi sợ toát cả mồ hôi, nghĩ rằng máy đã hỏng. Sau nhớ kỹ lại thì ra oái oăm thay, cái máy Flexaret có một trục lăn để đẩy phim nhựa. Khi lắp phải luồn đầu giấy đen lót ngoài phim nhựa xuống dưới trục lăn, quay đến điểm dừng quy định thì đậy nắp máy lại. Sau đó quay tiếp, cứ mỗi kiểu ảnh, máy sẽ tự động dừng, cũng là tự động "lên cò" để bấm máy. Vừa rồi vì tôi quá hồi hộp, đã không luồn đầu phim xuống dưới trục lăn mà lại để bên trên nên trục lăn không quay, máy không chịu dừng. Khốn nỗi loại máy cũ kỹ này không thể quay ngược phim lại, đã bị quay đi cả cuốn, không sao lắp lại được từ đầu. Trường hợp này phải có túi bằng nhiều lớp vải đen, hoặc vào buồng tối mới xử lý được.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:31:14 am »

Thế là trong túi tôi chỉ còn lại một cuốn phim, tức là chỉ chụp được 12 kiểu ảnh. Tôi cố định thần, lắp thật cẩn thận cuốn phim cuối cùng vào máy. Trong khi tôi mải xử lý lắp phim vào máy ảnh, là lúc Bác Hồ và các đồng chí cùng đi vào thăm nơi nghỉ của bộ đội trong những chiếc lều bạt dựng ngay bên trận địa. Bác xuống nhà bếp, xem từng chỗ nấu cơm, nấu canh và nhắc nhở các đồng chí anh nuôi phải chú ý giữ vệ sinh chung để đảm bảo sức khoẻ cho bộ đội ăn no, đánh thắng và phải biết tiết kiệm... Tất cả những sự kiện vô vùng quý giá đó giữa Bác Hồ với bộ đội, tôi đều bỏ lỡ, thật đáng tiếc.


Khi Bác Hồ từ những chiếc lều bạt bước ra trận địa, trời đã hửng nắng. Bộ đội cả hai đơn vị đều tập hợp tề chỉnh trên một bãi cỏ bên đường băng sân bay. Tôi đã lấy lại được bình tĩnh, bấm liền 4 kiểu ảnh Bác giơ mũ vẫy chào các chiến sĩ đang vỗ tay chào đón Bác. Bác bảo cán bộ chỉ huy cho bộ đội ngồi xuống bãi cỏ, để nghe Bác nói chuyện. Tôi thấy anh Vũ Minh Ái cũng đã xuất hiện với chiếc máy ghi âm đeo trên vai, đứng ngay sau lưng Bác.


Thời tiết rất đẹp. Tôi tha hồ chọn các góc độ, bấm nhiều kiểu ảnh Bác Hồ đứng dưới ánh nắng hè, nói chuyện thân mật với các chiến sĩ. Trong khoảng thời gian chừng 30 phút, Bác nói đại ý:

- Giặc Mỹ đang "leo thang" chiến tranh ra miền Bắc, còn ở miền Nam chúng đang tăng thêm quân, thêm súng. Nhưng chúng ta quyết không sợ. Nó đưa ra từng nào, ta diệt thêm chừng ấy. Muốn vậy các chú phải nêu cao tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Phải ra sức khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, học tập và rèn luyện tốt. Phải noi gương quân và dân miền Nam anh hùng đánh mạnh, đánh trúng hơn nữa.

- Bộ đội Phòng không - Không quân có nhiều binh chủng hợp thành, lúc đánh địch phải có phân công, có hiệp đồng chặt chẽ. Muốn vậy phải có tinh thần lập công tập thể, không được có biểu hiện tranh công, đổ lỗi.

- Các chú phải hết sức chú ý vấn đề dân chủ và kỷ luật. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật. Phải đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa bộ đội với nhau, giữa nhân dân với bộ đội.

Bác xoè 5 ngón tay ra rồi nắm lại và nói: "Một ngón tay thì yếu, nhưng 5 ngón tay nắm lại thành quả đấm thì rất mạnh".

Bác nói tiếp, như muốn khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay B gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Đã đánh là nhất định thắng!".


Bác còn dạy: "Ta thường nói: "một viên đạn, một quân thù". Ở đây với cỡ pháo này, Bác cho các chú 20 viên một quân thù. Các chú cố gắng học tập và rèn luyện sẽ làm được"

Bác vừa dứt lời, cả hàng quân rộn lên tiếng hô vang:

- Kiên quyết thực hiện lời dạy của Bác!

- Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

Bác tươi cười vẫy chào các chiến sĩ. Trên đường ra về, Bác còn ghé thăm và động viên các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trong Sở chỉ huy Quân chủng.

Tôi phấn khởi chạy một mạch về cơ quan, chui vào buồng tối tráng phim ngay. Lần đầu tiên được chụp ảnh Bác Hồ tuy gặp khó khăn và rất hồi hộp, nhưng trong số ảnh tôi chụp hôm đó, có 10 kiểu đạt tốt. Tấm ảnh Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo quân đội, quân chủng, như đang duyệt đội hình đơn vị súng máy tự hành trên xe bọc thép, xưa nay chưa từng có. Tôi thích nhất tấm ảnh Bác như một ông tiên hiền đứng giữa Khẩu đội 6, đang nói chuyện vui vẻ với các chiến sĩ. Những tấm ảnh Bác giơ tay vẫy chào, Bác nói chuyện với bộ đội có ánh nắng rất đẹp, hình Bác như một người cha đứng giữa đàn con thân yêu. Đặc biệt tấm ảnh Bác Hồ đội mũ sắt đứng bên khẩu đội pháo giữa những ngày kháng chiến ác liệt, như đang cổ vũ toàn quân và toàn dân ta nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, để giải phóng đất nước.


Lần đầu tiên được chụp ảnh Bác Hồ, đã đem lại cho tôi niềm vinh dự lớn. Đối với tôi, đây là một kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:32:45 am »

BÁC HỒ THĂM BỘ ĐỘI TÊN LỬA
NGAY SAU KHI VỪA LẬP CHIẾN CÔNG ĐẦU


Phạm Anh Hoàng


Ngày 24/7/1965, Trung đoàn tên lửa 236 lần đầu ra quân đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Mỹ thứ 400 trên miền Bắc. Tiếp đó sau tròn một tháng, Trung đoàn 236 cơ động chiến đấu trên nhiều tỉnh của miền Bắc, lại bắn rơi thêm trên mười máy bay Mỹ nữa, trong đó nhiều chiếc rơi tại chỗ...


Tin vui thắng trận dồn dập thông báo về hằng ngày. Nhưng tin vui lớn hơn, làm nức lòng mọi người là Bác Hồ sẽ đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ vừa lập công xuất sắc ngay trên một trận địa tên lửa...


Ngày ấy tôi vừa tái ngũ vào công tác trong quân đội được mấy tháng, là trợ lý Phòng Tuyên huấn Quân chủng. Sau bữa ăn trưa ngày 26/8/1965, anh Trần Thái Vĩnh, Trưởng phòng Tuyên huấn gọi tôi và anh Vũ Minh Ái đến phân công chúng tôi tham gia Đoàn cán bộ của Cục Chính trị đi đón Bác Hồ. Nơi đón Bác là trận địa Tiểu đoàn 61 - đơn vị tên lửa vừa diệt gọn cả tốp 3 chiếc A.4E, có một chiếc rơi tại chỗ đêm 11/8/1965 trên vùng trời khu vực Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình. Tiểu đoàn 61 mới cơ động về gần cầu Phùng thuộc huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Anh Vũ Minh Ái là trợ lý tuyên truyền - thi đua mang theo chiếc máy ghi âm cũ vừa to vừa nặng. Tôi là trợ lý Câu lạc bộ có chiếc máy ảnh Pratica nova mới được Tổng Cục chính trị cấp cho Quân chủng.


Chúng tôi đến Tiểu đoàn 61, trời đã ngả về chiều. Trận địa đang tưng bừng trong không khí chuẩn bị đón "khách đặc biệt". Ngoài đoàn cán bộ cơ quan chúng tôi ra, các đồng chí cán bộ Trung đoàn 236 và cả một số đồng chí chuyên gia tên lửa Liên Xô (cũ) cũng đã có mặt. Tôi gặp đồng chí Phạm Đăng Ty, Chính uỷ Trung đoàn 236, vốn là Chính trị viên Tiểu đoàn 394 của tôi trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Chúng tôi đều tay bắt mặt mừng, cùng chờ đợi.


Khoảng 4 giờ chiều, một đoàn xe con tiến vào trận địa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống. Bác vẫn mặc bộ quần áo nâu giản dị, chân Bác đi đôi dép lốp. Cùng đi với Bác có đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng quân đội và đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Tôi và anh Vũ Minh Ái đều bước theo chân Bác. Tôi chụp ảnh, anh Vũ Minh Ái kịp thời ghi âm những tiếng nói của Bác Hồ với bộ đội.


Bác Hồ dừng chân ở Khẩu đội 2, xem các chiến sĩ thao tác lắp đạn lên bệ phóng. Tiếp đó Bác Hồ vào thăm nhà bếp và nơi nghỉ của bộ đội. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 61 Hồ Sĩ Hưu báo cáo với Bác về đời sống của các chiến sĩ trên trận địa. Bác khen đơn vị khéo làm các lán nghỉ dưới những lùm cây vừa sạch, vừa kín đáo. Bác khen trận địa nguỵ trang tốt, nhưng Bác cũng nhắc cần sơn loang lổ các xe khí tài, các quả đạn kết hợp với cài lá nguỵ trang thì tốt hơn.


Bộ đội đã tập họp đông đủ giữa trận địa. Bác Hồ dừng lại trước hàng quân, chủ động hô: "Chào!" và thân mật nói: "Thế là các chú chưa biết chào!". Rồi Bác hô khẩu lệnh: "Ngồi xuống!". Bác cháu lại cùng cười vui vẻ, chan hoà tình gắn bó giữa lãnh tụ với quần chúng. Bác nói: "Hôm nay, Bác đến thăm các chú, thấy chú nào cũng khoẻ mạnh, vui vẻ Bác rất mừng.


Bác nghe báo cáo các chú đã hạ được 12 máy bay địch, như thế là tốt. Nếu ta phấn đấu làm sao bắn ít đạn hơn lại rơi được nhiều máy bay hơn thì càng ưu điểm. Trong công tác, trong chiến đấu các chú đã nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết các quân binh chủng bạn, đoàn kết với đồng bào như vậy là tốt. Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến thắng lợi chính là nhờ có đoàn kết"...


Trời đã sẩm tối, Tiểu đoàn 61 đã chủ động mắc sẵn những ngọn đèn điện chạy máy nổ. Dưới ánh điện, da Bác Hồ càng thêm hồng hào, mắt Bác càng thêm ngời sáng. Bác cười cởi mở, âu yếm nhìn các chiến sĩ, rồi hỏi: "Ở đây, chú nào là đảng viên, chú nào là đoàn viên thanh niên?" Toàn tiểu đoàn như cả một rừng cánh tay giơ lên cùng những tiếng thưa với Bác Hô: "Cháu ạ! Cháu ạ!". Bác gật đầu, ra hiệu cho các chiến sĩ hạ tay xuống và nói to: "Hoan nghênh các đảng viên, hoan nghênh các đoàn viên thanh niên!". Rồi Bác ân cần căn dặn: "Chú nào chưa phải là đảng viên, đoàn viên hãy cố gắng tu dưỡng, phấn đấu trở thành đảng viên, đoàn viên...". Lời Bác thiết tha như thúc giục mọi người cùng thi đua tiến tới. Bác nói tiếp: "Hiện nay, chúng ta đang kháng chiến lần thứ hai. Chúng ta đang đánh giặc Mỹ, tên trùm sỏ đế quốc hung hãn, xảo quyệt nhất, nhưng chúng ta sẽ nhất định chiến thắng. Chúng ta được sự giúp đỡ tận tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Chúng ta lại được sự ủng hộ đồng tình của nhân dân các nước trên thế giới. Mỹ đánh ta nhưng nhân dân Mỹ lại ủng hộ ta. Về phía chúng ta, chúng ta đều quyết tâm, chúng ta có Đảng sáng suốt lãnh đạo và lực lượng to lớn của nhân dân ta. Hồi Cách mạng tháng Tám, chúng ta chỉ có 5.000 đảng viên thôi, nhưng Đảng nói: "Cách mạng nhất định thắng lợi!", có đúng thắng lợi không các chú?"


Bộ đội đều đồng thanh đáp: "Đúng ạ! Đúng ạ!". Bác Hồ lại nói: "Trong kháng chiến trước đây, lực lượng thực dân Pháp rất mạnh nhưng lúc đó Đảng bảo: "Kháng chiến nhất định thắng lợi" có đúng ta thắng lợi không?"


Bộ đội lại đồng thanh đáp: "Đúng ạ! Đúng ạ!". Bác Hồ lại nói tiếp: "Lần này, Đảng cũng bảo: "Ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" thì nhất định chúng ta cũng đánh thắng. Chúng ta phải tin tưởng sâu sắc ở Đảng, đồng thời mọi người chúng la cũng không được sợ khó, ngại khổ, sốt ruột, không được chủ quan, tự mãn..."


Sau khi nhắc nhở các chiến sĩ phải ra sức rèn luyện học tập, nâng cao trình độ chiến đấu để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác Hồ căn dặn: "Các chú cần đề cao ý thức lập công tập thể, thắng lợi không được tranh công, khó khăn không được đổ lỗi. Thắng lợi là thẳng lợi của tập thể bộ đội Phòng không, của các lực lượng vũ trang, của nhàn dân. Khi có khuyết điểm, tốt nhất là mình nên nhận trước để sửa chữa. Mặt khác, Bác dặn các chú phải hết sức quý trọng sức người, sức của của nhân dân. Nếu bất đắc dĩ phải chặt cây, chặt tre của đồng bào thì phải cùng chi bộ địa phương bàn bạc cùng làm, trả tiền sòng phẳng. Một điều quan trọng nữa là phải giữ bí mật quân sự, các chú phải dặn dò nhân dân giữ bí mật cho mình. Các chú có biết câu "ba không" mà ta hay đùng trong kháng chiến không?"


Nghe bộ đội đồng thanh trả lời: "Có ạ!" Bác Hồ căn dặn tiếp: "Bác nhắc lại là phải có quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ. Trong chiến tranh nhất định có khó khăn, gian khổ nhưng so với khó khăn, gian khổ mà đồng bào miền Nam đã trải qua thì chưa thấm vào đâu. Lúc chiến đấu các chú phải dũng cảm, thắng không kiêu, khó không nản. Chúng ta phải có quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, như vậy mới xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của nhân dân và các nước anh em đối với chúng ta. Tóm lại, phải đoàn kết, quyết tâm. Phải đoàn kết mới có thắng lợi, có quyết tâm mới có thể khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Cuối cùng, Bác chúc các chú mạnh khoẻ, hăng hái, cố gắng học tập và thu được nhiều thắng lợi...".


Bác Hồ vừa dứt lời, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đều đứng dậy hô to:

- Quyết tâm thực hiện đúng lời dạy của Bác!

- Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

Sau khi đồng chí Vũ Ngọc Thuỵ, Chính trị viên Tiểu đoàn 61 thay mặt cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đoàn và bộ đội Tên lừa Việt Nam hứa quyết tâm với Bác Hồ, Bác vui vẻ vỗ tay và vẫy chào mọi người. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 61 đều lưu luyến nhìn theo Bác, lòng tràn ngập niềm phấn khởi, tin tưởng và biết ơn sâu sắc sự quan tâm săn sóc của Đảng, của Bác Hồ với bộ đội Tên lửa Việt Nam.


Trở về cơ quan, anh Vũ Minh Ái nghe lại băng ghi âm, chép nguyên văn những lời dạy của Bác Hồ, viết bài tường thuật kịp đăng báo PKKQ lúc đó mới ra đời được hơn 1 tháng. Tôi cũng đóng góp được một số tấm ảnh quý về Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo quân đội thăm trận địa tên lửa, đi bên những bệ phóng vừa lập công xuất sắc. Có tấm ảnh Bác Hồ đang chỉ tay lên quả tên lửa đang đồng bộ, nhắc đơn vị phải sơn lại theo màu nguỵ trang cho đỡ lộ trận địa. Có những tấm ảnh đồng chí Tư lệnh Quân chủng đang báo cáo với Bác Hồ, xung quanh là các chiến sĩ, có cả các chuyên gia quân sự Liên Xô. Có những tấm ảnh Bác Hồ đang đứng nói chuyện với bộ đội giữa trận địa tên lửa...


Tôi không ngờ đó lại là những tấm ảnh đẹp Quân chủng PKKQ có được về Bác Hồ đối với bộ đội tên lửa Việt Nam.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:37:28 am »

ĐƯỢC ĐÓN BÁC HỒ GIỮA NGÀY ĐẦU XUÂN
"ĂN TẾT TRÊN MÂM PHÁO ĐÁNH MỸ"


Nguyễn Thường Tín


Tết Nguyên đán Bính Ngọ (1966), bộ đội Phòng không - Không quân bắt đầu thực hiện nếp sống: "Ăn Tết trên mâm pháo đánh Mỹ". Trung đội 2 súng máy phòng không 14,5mm, Tiểu đoàn 62, Trung đoàn tên lửa 236 chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đón Tết tại trận địa, đặt trên đê Mai Lĩnh bên sông Đáy, ngay ven thị xã Hà Đông.


Sáng mồng 1 Tết, trời rét đậm. Mưa xuân giăng kín bầu trời. Nhưng các chiến sĩ trong kíp trực chiến, vẫn ngồi nghiêm chỉnh trên mâm pháo. Những người còn lại trong trung đội, đều ngồi quây quần trong chiếc lều bạt, dựng ngay ven đê. Chúng tôi chăm chú lắng nghe thơ mừng năm mới của Bác Hồ, qua chiếc máy thu thanh bán dẫn:

   "... Mừng miền Nam rực rỡ chiến công
   Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng...
   Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
   Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng..."


Bỗng có tiếng báo cáo dồn dập từ mặt đê, vọng xuống:

- Có khách đến thăm trận địa !

- A ! Bác Hồ! Bác Hồ đến thăm các đồng chí ơi!

Chúng tôi vội lao nhanh lên mặt đê. Thượng sĩ Nguyễn Vọng, chỉ huy trung đội chạy dẫn đầu, bỗng sững lại. Anh còn đang lúng túng với chiếc áo bông xanh to xù khoác trên người, không đúng tác phong quân nhân, thì Bác Hồ đã đứng ngay trước mặt. Bác tươi cười, hỏi:

- Chú phụ trách đơn vị phải không?

- Thưa Bác, vâng ạ!

- Chú tập hợp anh em, để Bác chúc Tết!

Chỉ trong giây lát, trừ các đồng chí trực chiến vẫn ngồi trên mâm pháo, cả trung đội chúng tôi đều sung sướng đứng vây quanh Bác. Cùng đi với Bác còn có nhiều đồng chí cán bộ, sau này chúng tôi mới biết trong đó có các đồng chí: Tố Hữu; Thiếu tướng Trần Sâm, Phó Bí thư Thành uỷ, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Thủ đô; đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác...


Trời rét. Mưa vẫn lất phất bay. Những hạt mưa xuân rơi ướt đầm vai áo Bác. Nhưng Bác vẫn vui vẻ đứng giữa trận địa, hỏi chuyện chúng tôi:

- Các chú khoẻ cả chứ?

- Thưa Bác, chúng cháu khoẻ lắm ạ!

- Các chú ăn Tết có những gì?

- Thưa Bác, có bánh chưng và các thứ khác ạ!

- Các thứ khác là những gì?

- Thưa Bác, có giò, thịt mỡ, thịt gà và cả thịt đông ạ!

- Thế có nước mắm ớt không?

Chúng tôi đều xúc động, cất tiếng cười vui vẻ, đồng thanh trả lời:

- Thưa Bác, có ạ!

- Các chú trực ban chiến đấu thế nào? Có đủ áo ấm, có vải bạt che mưa không?

Thượng sĩ Nguyễn Vọng thay mặt anh em trong trung đội, báo cáo với Bác:

- Thưa Bác, vâng lời Bác dạy "phải nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", chúng cháu sẵn sàng chiến đấu không kể ngày đêm ạ! Chúng cháu đã được cấp phát đầy đủ, có cả áo ấm, có cả áo mưa!...

Bác gật đầu, khen ngợi:

- Bác rất mừng thấy chú nào cũng khoẻ cả!

Thượng sĩ Nguyễn Vọng cũng thưa với Bác:

- Thưa Bác, chúng cháu rất sung sướng thấy Bác hồng hào, khoẻ mạnh!...

Bác gật đầu cười, rồi Bác hỏi tuổi quân cao nhất và thấp nhất của chúng tôi. Bác hỏi trình độ văn hoá của một số chiến sĩ và tỏ ra vui lòng khi nghe báo cáo trình độ văn hoá chúng tôi đều lớp 6, lớp 7, có nhiều đồng chí học lớp 10. Bác căn dặn chúng tôi phải tranh thủ học thêm văn hoá, rồi Bác lại hỏi:

- Anh em có đoàn kết không?

- Thưa Bác, vâng lời Bác dạy, chúng cháu luôn luôn đoàn kết chặt chẽ ạ!

Bác gật đầu hài lòng, rồi Bác chỉ đồng chí Tố Hữu, cùng đi với Bác:

- Các chú có biết ai đây không?

Một chiến sĩ trẻ, dụt dè trả lời:

- Thưa Bác ... không ạ!

- Đây là đồng chí Tố Hữu, thanh niên lớp trước đấy!

Đồng chí Tố Hữu cũng cười, nói tiếp:

- Cũng thanh niên cả thôi!

Tất cả mọi người cùng cười vui vẻ. Bác quay sang nói với đồng chí Tố Hữu:

- Chú chúc Tết các chú ấy đi!

Đồng chí Tố Hữu mời Bác chúc Tết. Bác nói:

- Hôm nay, Bác và đồng chí Tố Hữu đến chúc Tết các chú. Chúc các chú năm mới sức khoẻ mới, cố gắng mới, giành thắng lợi mới! Bác không đi được hết, Bác mang tờ thiếp chúc Tết của Bác và một ít kẹo quà Tết cho các chú!

Bác trao tờ thiếp chúc Tết và gói kẹo cho đồng chí Vọng. Thượng sĩ Nguyễn Vọng đón nhận quà Tết từ tay Bác, run lên vì sung sướng. Anh thưa lại với Bác, mà giọng nói cứ ngập ngừng:

- Chúng cháu ... vô cùng ... biết ơn Đảng và sự chăm sóc của Bác. Cháu xin thay mặt đơn vị... Kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu để lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ...

Bác nói:

- Giặc Mỹ rất thâm độc và hung bạo. Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta tuy gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Vì toàn quân, toàn dân ta kiên quyết chiến đấu, không sợ hy sinh gian khổ ...

Bác lại hỏi:

- Các chú có tin chắc ta nhất định thắng không?

Chúng tôi đều đồng thanh đáp:

- Thưa Bác, ta nhất định thắng ạ!

Bác gật đầu, nói:

- Các chú tin chắc như vậy là ta nhất định thắng đấy!

Bác vẫy chúng tôi đứng gần lại, hỏi:

- Các chú có thích nghe đồng chí Tố Hữu ngâm thơ không?

- Thưa Bác, có ạ!

Bác quay sang nói với đồng chí Tố Hữu:

- Chú ngâm thơ cho các chú ấy nghe đi!

Đồng chí Tố Hữu đứng sau lưng Bác, bước lên trịnh trọng nói:

- Tôi đọc thơ mừng năm mới của Bác cho các đồng chí nghe nhé!

Bác khua tay ra hiệu không tán thành, nói:

- Chú đọc thơ khác, đọc thơ của chú ấy! Thơ của Bác đã gửi các chú ở đây rồi!

Đồng chí Tố Hữu hắng giọng, đọc một đoạn trong bài thơ "Chào Xuân 1966" do đồng chí mới làm:

   ... "Giặc Mỹ cứ đem mày đến đây!
   Súng ta đã nắm chắc trong tay
   Lúa ta vẫn tốt, cây ra lộc
   Xuân vẫn về cho ong bướm say..."


Đồng chí Tố Hữu đọc đến đây, Bác bỗng cười vui và theo vần "ay", Bác đọc tiếp:

"Chúc các cháu bắn rơi nhiều máy bay!"...

Bác Hồ, đồng chí Tố Hữu và chúng tôi lại cùng cười vui vẻ. Bác giơ tay vẫy chào chúng tôi, rồi Bác từ từ bước xuống chân đê. Chúng tôi đều lưu luyến nhìn theo Bác, cùng hô vang: "Chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu!"; "Hồ Chủ tịch muôn năm!"...


Ghi sâu lời Bác dạy, từ mùa Xuân năm ấy, chúng tôi đã cùng các đơn vị trong trung đoàn hành quân chiến đấu cơ động trên nhiều chiến trường, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chổng Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.


Nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trên chiến trường và giờ đây, những người còn lại trong trung đội được đón Bác Hồ năm xưa, đều đã trở về với cuộc sống đời thường, trở thành Cựu chiến binh Việt Nam. Nhưng dù ở đâu, hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn mãi mãi không quên buổi vui Tết đón Bác Hồ và những lời dạy bảo ân cần của Bác trong ngày Xuân đầu tiên "Ăn Tết trên mâm pháo đánh Mỹ!"...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:40:02 am »

TÔI VÀ CÁC CHIẾN SĨ KHÔNG QUÂN CÓ
THÀNH TÍCH XUẤT SẮC ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ


Nguyễn Xuân Mậu


Chiều 10 tháng 4 năm 1966, tôi được phân công thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng, dẫn đoàn chiến sĩ lái máy bay đã lập chiến công xuất sắc, lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ. Đây là sự kiện đặc biệt mà tôi rất phấn khởi và vinh dự được Bộ tư lệnh Quân chủng giao cho. Tôi gọi điện sang Toà soạn báo Phòng không - Không quân, yêu cầu cử ngay một phóng viên mang theo máy ảnh, đi cùng tôi để ghi lại hình ảnh lịch sử này.


Chỉ 10 phút sau, anh Xuân Mai, phóng viên báo đã có mặt. Tôi bắt tay anh Xuân Mai, nói vui:

- Hay lắm! Xuân Mai đã có kinh nghiệm nhiều lần chụp ảnh Bác Hồ. Cậu lên xe đi ngay với tôi lên Phủ Chủ tịch, cố gắng chụp ảnh thật đẹp nhé!

Anh Xuân Mai cũng rất vui, vừa vỗ tay vào chiếc bình ắc-quy chụp ảnh đeo bên hông, vừa nói:

- Báo cáo anh may quá, báo ta vừa được trang bị đèn chụp ảnh đêm, tuy đã cũ nhưng còn sử dụng tốt!

Xe chúng tôi chạy đến cổng Phủ Chủ tịch, trời đã sẩm tối. Anh em ở văn phòng cơ quan Phủ Chủ tịch đã đón sẵn, hướng dẫn xe chạy vào sát tận bậc thềm. Lúc này, xe chở các chiến sĩ lái máy bay cũng vừa đến. Tôi kiểm tra quân số, thấy có các anh: Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Nhật Chiêu, Ngô Đức Mai, Nguyễn Hồng Nhị đều lái máy bay MIC ở Trung đoàn 921 và anh Phan Như Cẩn, lái máy bay AN 2 ở Trung đoàn 919 vừa bắn cháy tàu biệt kích Mỹ xâm phạm vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá. Theo kế hoạch, đoàn còn thiếu anh Phạm Ngọc Lan, lái máy bay MIC ở Trung đoàn 921.


Anh Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác Hồ niềm nở dẫn chúng tôi lên phòng khách. Trên bàn đã thấy bày sẵn ấm chén pha trà, những đĩa kẹo và hoa quả. Chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, đã thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười bước vào. Tôi đứng lên định báo cáo, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Vì lúc này Bác Hồ đã xuất hiện trước khung cửa. Bác vẫn mặc bộ quần áo nâu giản dị, chân Bác đi đôi dép lốp. Râu, tóc Bác bạc phơ, nhưng da Bác vẫn hồng hào, đôi mắt Bác vẫn rất sáng. Chúng tôi sung sướng cùng đứng lên chào Bác. Anh Vũ Kỳ báo cáo với Bác:

- Thưa Bác, Quân chủng Phòng không - Không quân dẫn các chiến sĩ thi đua lên báo cáo thành tích với Bác!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng bên Bác, vội tiếp lời:

- Thưa Bác! Đây là các chiến sĩ lái máy bay đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắn cháy tàu biệt kích Mỹ, lên gặp Bác!

Bác Hồ vui vẻ bảo chúng tôi ngồi xuống. Bác âu yếm nhìn khắp lượt chúng tôi, rồi Bác lấy trong túi áo ra một mảnh giấy, vừa đeo kính, Bác vừa nói:

- Hôm nay các đại biểu bộ đội không quân đến gặp Bác, Bác gọi đến chú nào thì chú ấy tự giới thiệu quê quán, vợ con, gia đình cho Bác nghe. Nào chú Trần Hanh, Bác biết rồi, ngồi xuống. Chú Phạm Ngọc Lan đâu?

Tôi vội đứng lên, báo cáo:

- Thưa Bác, đồng chí Lan hôm nay mệt, không đển gặp để báo cáo Bác được. Nghe tôi báo cáo đồng chí Phạm Ngọc Lan mệt, Bác sửng sốt hỏi:

- Sao? chú Lan ốm à? Ốm thế nào, có nặng không?

Tôi báo cáo Bác, đồng chí Lan chỉ mệt xoàng thôi, vài ba ngày là khỏi, Bác mới yên lòng gọi tiếp:

- Chú Lâm Văn Lích đâu?

- Thưa Bác, cháu đây ạ! Cháu quê ở Bạc Liêu ạ!

- Thế chú đã có cháu chưa?

- Dạ thưa Bác, cháu được một cháu rồi ạ!

- Thím ấy cũng tập kết từ miền Nam ra ngoài này chứ?

- Thưa Bác, vâng ạ!

Bác bảo đồng chí Lâm Văn Lích ngồi xuống, Bác gọi tiếp:

- Chú Ngô Đức Mai đâu?

Ngô Đức Mai sung sướng đứng lên: "Thưa Bác cháu đây..." Đồng chí Ngô Đức Mai nói chưa hết câu, Bác đã ngắt lời, hỏi:

- Chú người miền Trung à?

Trước sự ân cần của Bác, Ngô Đức Mai như mạnh dạn hẳn lên:

- Thưa Bác, cháu quê ở huyện Thanh Chương, cách nhà Bác chỉ độ 10 cây số thôi ạ! Mỗi lần được nghỉ về qua nhà, cháu đều sang thăm nhà Bác. Có đêm cháu ngủ ở nhà Bác, mong mãi mà Bác không về! Bác cười thân mật:

- Ai mời mà chú đến?

- Thưa Bác, cháu nhớ Bác quá nên cháu đến ạ!

Bác bảo Ngô Đức Mai ngồi xuống, rồi Bác hỏi tiếp từng người. Sau cùng, Bác nói: "Bác nghèo, Bác chẳng có gì cho các chú. Bác tặng mỗi chú một chiếc huy hiệu của Bác và mời các chú ăn kẹo. Chủ nào ăn được bao nhiêu, cứ lấy mà ăn, cứ tự nhiên!".

Chúng tôi ngồi quây quần quanh Bác, chuyện trò vui vẻ như đàn con quanh người cha. Đại tướng Võ Nguyên Giáp như người anh cả, chia kẹo cho từng người. Ngô Đức Mai ngồi bên Bác, lại thủ thỉ:

- Thưa Bác, Bác có khoẻ luôn không ạ? Mỗi bữa Bác xơi được mấy bát cơm ạ?

Một tay Bác ôm lấy Ngô Đức Mai, một tay Bác ôm lấy Lâm Văn Lích, Bác nói:

- Bác ăn đủ thì thôi. Bác vẫn khoẻ... Các chú cứ đánh Mỹ cho giỏi, bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ là Bác khoẻ, Bác vui!

Bác quay sang nói với tôi:

- Dạo này Phòng không và Không quân ta đánh khá! Phải cho anh em rút kinh nghiệm kịp thời, chớ chủ quan tự mãn. Bắn mạnh, bắn trúng, nhưng phải tiết kiệm đạn...

Dừng lại một lát, Bác nói tiếp:

- Các chú đã dũng cảm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắn cháy tàu biệt kích Mỹ, như vậy là tốt. Nhưng muốn tiếp tục diệt được nhiều máy bay địch hơn nữa, các chú phải ra sức học tập chiến thuật, kỹ thuật cho giỏi. Các chú phải học tập quân và dân miền Nam anh hùng đánh giỏi, đánh trúng hơn nữa...


Đại tướng Vố Nguyên Giáp đữ lời Bác, nói với chúng tôi:

- Hôm nay được gặp Bác Hồ, được nghe những lời Bác căn dặn, các đồng chí trở về phải nói lại với anh em trong đơn vị cùng học tập và làm theo lời Bác, lập nhiều chiến công xuất sắc hơn nữa.

Tôi thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng, hứa với Bác sẽ tổ chức phổ biến những lời Bác dạy cho cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng. Quân chủng Phòng không - Không quân quyết tâm thi đua thực hiện lời Bác dạy, ra sức "luyện hay, đánh giỏi, đánh tiết kiệm đạn", lập nhiều thành tích dâng lên Bác để Bác khoẻ, Bác vui...


Lúc này, anh Vũ Kỳ từ phòng bên chạy sang, báo cáo với Bác, anh chị em Đoàn văn công Quân khu Ba đã chuẩn bị xong, mời Bác và mọi người cùng sang xem biểu diễn.

Trước lúc sang phòng bên xem biểu diễn, Bác cho chúng tôi được chụp ảnh kỷ niệm với Bác ngay trong phòng khách. Bác ngồi giữa, bên phải Bác là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phan Như Cẩn; bên trái Bác là các đồng chí Ngô Đức Mai, Nguyễn Hồng Nhị. Tôi dứng sau lưng Bác cùng các anh Vũ Kỳ, Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Nhật Chiêu.


Bác cho cả các đồng chí chụp ảnh, lái xe và anh chị em phục vụ cùng sang xem văn công biểu diễn với Bác. Chúng tôi đều ngồi ở những hàng ghế sau lưng Bác. Chương trình biểu diễn của Đoàn văn công Quân khu Ba là vở hát chèo "Đường về trận địa". Cả vở chèo, ngoài dàn nhạc chỉ có hai diễn viên, một là nam bộ đội, một là nữ chiến sĩ dân quân, không có sân khấu, không có phông màn. Bác và chúng tôi xem biểu diễn đều ngồi quây quần như xem "chèo sân đình" ở một làng quê Việt Nam. Vở chèo là câu chuyện cảm động về tình đoàn kết quân dân, luôn luôn nêu cao cảnh giác cùng góp sức chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, phối hợp với miền Nam ruột thịt đánh Mỹ và thắng Mỹ.


Buổi biểu diễn kết thúc. Bác Hồ đứng lên thân ái bắt tay, khen ngợi từng đồng chí diễn viên. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ mang kẹo ra thưởng cho anh chị em Đoàn văn công. Bác còn nhắc phải chia cả kẹo cho các cháu ở nhà ...


Chúng tôi đều đứng nghiêm, lễ phép kính chào Bác. Khi Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước ra khỏi phòng, chúng tôi ai cũng lưu luyến nhìn theo Bác và Đại tướng. Tôi đã có một số lần được gặp Bác, được đón Bác đến thăm bộ đội trên trận địa đánh máy bay Mỹ. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được dẫn các chiến sĩ lái máy bay có thành tích xuất sắc lên Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ, là kỷ niệm sâu sắc nhất, tôi không bao giờ quên.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 07:43:54 am »

MỘT LẦN ĐÓN BÁC HỒ
VUI TẾT VỚI CÁC CHIẾN SĨ TRÊN SÂN BAY


Xuân Mai


Đúng ra, giao thừa Tết Đinh Mùi - 1967, tôi chỉ có nhiệm vụ theo một đơn vị không quân vận tải để viết bài về chuyến bay đêm đặc biệt: Thả dù chuyển quà Tất của trên tới một đơn vị bộ đội ta đang làm nhiệm vụ tại mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.


Nhưng sau khi hoàn thành chuyến bay, xuống sân bay Gia Lâm, tôi phóng xe mô tô về đến cơ quan, thấy phòng làm việc của anh Quế Dương, Tổng biên tập báo đèn vẫn sáng rực. Tôi đẩy cửa bước vào, không thấy có ai. Trên mặt bàn làm việc của Tổng biên tập, có dòng chữ viết phấn rất to và đậm, đập ngay vào mắt tôi: "Bộ phận báo cử ngay một phóng viên mang theo máy ảnh, đúng 4 giờ sáng mồng một Tết đi công tác gấp với thủ trưởng Cục". Tôi nhận ra nét chữ của anh Phương Nam, Phó Phòng Tuyên huấn và hiểu ngay đó là mệnh lệnh.


Lúc này đã hơn 2 giờ sáng. Các cửa phòng ngủ của phóng viên đều khoá trái. Anh em đều đi dự "đón Tết trên mâm pháo đánh Mỹ" với bộ đội, chưa ai về. Vậy là mệnh lệnh trên, trong toà soạn báo chưa ai biết. Lẽ ra lúc này tôi đã hết nhiệm vụ trực, có thể về nhà ăn Tết với vợ con. Nhưng tôi nghĩ khi Tổng biên tập đi vắng, trách nhiệm này đang thuộc về mình, nên chạy vội sang sân cơ quan Cục Chính trị xem sao. Tôi thấy chiếc xe com-măng-ca đã đỗ giữa sân, đồng chí lái xe đang cặm cụi kiểm tra xe. Tôi bước đến chưa kịp lên tiếng, đồng chí lái xe đã quay lại, hỏi:

- Anh cũng đi à? Đi sân bay Nội Bài. Chắc việc quan trọng nên thủ trưởng nhắc phải chuẩn bị xe thật kỹ. Anh cứ vào giường em nằm nghỉ tạm, lúc nào đi em gọi.

Tôi gật đầu cám ơn, nhưng quay về toà soạn để kiểm tra lại máy ảnh và phim. Tôi lấy phấn nắn nót viết thêm dòng chữ nhỏ phía dưới dòng chữ trên mặt bàn: "Xuân Mai đã đi với thủ trưởng Cục". Tôi viết như vậy để sáng mai anh Quế Dương đi công tác về, sẽ yên tâm.


Chưa đến 4 giờ sáng, tôi ra nơi xe đỗ, đã thấy đồng chí Phan Khắc Hy, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng đang ngồi đợi trên xe. Cùng đi còn có đồng chí Đào Quang Bình, Phó phòng Bảo vệ. Trước lúc cho xe chạy, đồng chí Phan Khắc Hy xiết chặt tay tôi nói vui, nhưng cũng là ra lệnh:

- Hôm nay cậu phải chụp ảnh cho đẹp, viết bài cho hay đấy!

Đồng chí Đào Quang Bình ngồi bên, ghé tai tôi nói nhỏ:

- Đi đón Bác Hồ đến vui Tết với bộ đội trên sân bay! ...

Nghe vậy tôi bỗng run lên vì vui sướng. Tôi nói câu "rõ" thật to và mọi sự mệt mỏi, buồn ngủ trong tôi bỗng tan biến hết.

Khi chúng tôi đến sân bay Nội Bài đã hơn 5 giờ sáng. Trên đường băng, từng đoàn cán bộ, chiến sĩ không quân, tên lửa, pháo cao xạ, ra-đa ... ai nấy đều mặc quần áo mới, đang náo nức hành quân ra nơi tập trung. Các chiến sĩ lái máy bay, thợ máy trong các tổ bay trực chiến đã sẵn sàng bên những cánh bay. Lẵng hoa Bác Hồ vừa gửi tặng bộ đội không quân đêm giao thừa, giờ đây được đặt ở vị trí trang trọng.


Khoảng sáu giờ rưỡi, một đoàn xe con từ từ tiến đến và dừng lại. Tôi thoáng nghe có tiếng reo khe khẽ:

- Bác Hồ! Bác Hồ đã đến!

Bác Hồ từ trên chiếc xe thứ hai bước xuống. Bác vẫn mặc bộ quần áo ka-ki quen thuộc, chân Bác vẫn đi đôi dép lốp cao su. Bác còn có tấm áo khoác thêm bên ngoài, cổ Bác quàng khăn len và trên đầu Bác đội chiếc mũ công nhân. Cùng đi với Bác có đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Tố Hữu. Đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng dẫn Bác và các đồng chí cùng đi tiến về phía hàng quân, đã xếp hàng thành hình chữ U. Bác tươi cười vẫy chào các chiến sĩ. Trời lất phất mưa bay, làm cho ngày Tết càng rét đậm. Vì máy không có đèn chụp đêm, tôi phải mở rộng thêm ống kính, cố tranh thủ bấm máy ảnh. Sau đó về rửa phim, tôi thích nhất tấm hình Bác đang giơ tay căn dặn và đứng bên Bác là các chiến sĩ đầu đội mũ sắt, mình mặc áo trấn thủ, đang vỗ tay, những nét mặt đều rưng rưng cảm động. Có tấm hình Bác đưa hẳn tay vào ngực áo của một chiến sĩ, xem mặc có đủ ấm không!


Sau khi đi hết lượt, Bác dừng lại trước hàng quân, nói:

- Hôm nay là ngày mồng một Tết (Bác cười). Tết đây là Tết dân tộc, Tết ta đấy vì hôm trước đã có Tết đầu năm 1967 rồi. Bác và đồng chí Văn Tiến Dũng, đồng chí Tố Hữu thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi những thành tích bắn rơi máy bay Mỹ trong năm qua của đơn vị, mừng năm mới các cô, các chú, chúc các cô, các chú đoàn kết, học tập tiến bộ, đánh giỏi, thu nhiều thắng lợi mới...

Sân bay rộn tiếng vỗ tay và tiếng hô vang:

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

- Kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu!

- Quyết tâm thực hiện thắng lợi lời chúc mừng năm mới của Bác!

Bác quay sang đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Tố Hữu, tươi cười nói tiếp:

- Đồng chí Văn Tiến Dũng có mấy lời nói với các cô, các chú. Rồi đồng chí Tố Hữu có bài thơ ngâm cho các cô, các chú nghe, có tán thành không ?

- Tán thành ạ! Chúng cháu tán thành ạ!

Đồng chí Văn Tiến Dũng nói lên niềm vinh dự to lớn của quân đội, của bộ đội Phòng không - Không quân được sự chăm sóc của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hô. Sự có mặt của Bác Hồ kính mến trên sân bay chiến đấu này là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho bộ đội Phòng không - Không quân.


Khi đồng chí Văn Tiến Dũng nói đến câu: "Năm mới được Bác Hồ đến thăm, các đồng chí hứa gì với Bác? Hứa gì với Trung ương Đảng và Quân uỷ Trung ương?"... Bác Hồ cười, nói vui:

- Các chú hứa biếu cho Bác mấy chiếc tàu bay Mỹ là tốt đấy - Rồi Bác nói tiếp:

- Tháng trước các cô, các chú đã bắn rơi được 45 chiếc máy bay Mỹ. Vậy tháng này năm mới thì mấy chiếc?

- Mấy chiếc? Nói đi! Nhiều hơn nay ít hơn?

Tất cả đều đồng thanh đáp:

- Nhiều hơn ạ!

- Nhiều hơn là mấy chiếc? - Rồi Bác xoè 5 ngón tay giơ lên tỏ ý muốn nói phải bắn rơi ít nhất 50 máy bay Mỹ. Bác ân cần căn dặn thêm:

- Các cô, các chú phải cố gắng học, học nữa, học mãi vì càng học càng tiến bộ, càng tiến bộ thì càng đánh thắng.

Bác quay sang giục đồng chí Tố Hữu ngâm thơ. Đồng chí Tố Hữu vui vẻ, nói:

- Tôi xin đọc bài thơ chúc Tết của Bác gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước chúng ta.

Bác cười, nói:

- Không phải bài ấy! Chú ngâm thơ của chú chứ!

Đồng chí Tố Hữu vẫn xin được ngâm trước bài thơ chúc mừng năm mới của Bác:

   "Xuân về xin có một bài ca,
   Gửi chúc đồng bào cả nước ta:
   Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
   Tin mừng thắng trận nở như hoa.


Đồng chí Tố Hữu ngâm xong bài thơ của Bác, Bác nói rất vui: "Người ngâm hay hơn người viết đấy!"...

Đồng chí Tố Hữu ngâm tiếp một đoạn bài thơ "Chào xuân 67" của đồng chí mới làm. Sân bay chiến đấu vang lên tiếng thơ khoẻ khoắn của chính nhà thơ ngâm. Đồng chí Tố Hữu ngâm thơ xong, tiểng vỗ tay lại ran lên như pháo nổ. Bác khoát tay, nói:

- Bác thay mặt các cô, các chú cám ơn nhà thơ - Rồi Bác chỉ tay vào những hộp kẹo bọc giấy hồng đặt trên bàn, Bác nói tiếp:

- Đây là quà Tết của Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương gửi cho các cô, các chú. Mứt, kẹo, thuốc lá, chè... nó không vần như thơ, nhưng ngọt ngào lắm!

Bác, cháu lại cùng cười vui vẻ.

Đồng chí Trần Hanh, Anh hùng LLVTND thay mặt cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng nói lên lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm săn sóc của Đảng, của Bác Hồ và nhân ngày đầu xuân mới kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu ...


Đồng chí Trần Hanh phát biểu xong, Bác gọi lại gần để bắt tay và căn dặn bộ đội Phòng không - Không quân sang năm mới phải càng cố gắng hơn nữa, lập thêm nhiều chiến công mới ...

Trước lúc ra về, Bác vui vẻ giơ tay vẫy chào các chiến sĩ. Bộ đội đều đồng thanh hô vang: "Năm mới! Kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu!" Bác cười hiền hậu, đáp lại: "Chúc các chú khoẻ, đoàn kết, học tập tiến bộ, thắng lợi!"...


Bác đi thẳng ra chỗ các tổ bay đang thường trực chiến đấu, bắt tay thăm hỏi các chiến sĩ lái máy bay, các chiến sĩ thợ máy. Bác ra trận địa phòng không trên xe bọc thép chúc Tết và ân cần thăm hỏi sức khoẻ các chiến sĩ, thăm nơi ở của bộ đội trên trận địa, hỏi về bữa ăn ngày Tết trên mâm pháo đánh Mỹ và kiểm tra xem tiêu chuẩn mỗi chiến sĩ có mấy chiếc bánh chưng ăn Tết...


Hơn một giờ đồng hồ được đón Bác Hồ vui Tết với các chiến sĩ trên sân bay, tôi chụp gần hết hai cuốn phim. Tôi nhớ lúc Bác tươi cười nói câu: "Mứt, kẹo ... nó không vần như thơ nhưng ngọt ngào lắm ..." tôi đã bấm liền hai kiểu ảnh. Một kiểu có Bác, đồng chí Phùng Thế Tài, đồng chí Phan Khắc Hy và nhiều đồng chí đứng xung quanh, cùng cười rất vui vẻ. Một kiểu tôi chạy vào thật gần, xoay dọc máy để chụp chân dung Bác, khiến mấy đồng chí bảo vệ phải lừ mắt nhìn tôi. Vì lúc đó máy ảnh không có tê-lê mà nghề báo là thế. Hơn nữa tình huống xảy ra rất nhanh, chỉ chừng vài ba giây, nên sau đó không ai chê trách gì tôi cả. Đồng chí Phan Khắc Hy còn khen tôi và nhận xét: "Mình được chụp ảnh với Bác Hồ nhiều lần, nhưng chưa lần nào có tấm ảnh mọi người đều tươi vui và tình cảm như lần này"...


Tết Đinh Mùi 1967 đối với tôi thật vất vả, nhưng là cái Tết tràn đầy hạnh phúc. Tôi đã có vinh dự lớn được cùng các chiến sĩ vui Tết đón Bác Hồ, trên một sân bay lừng lẫy chiến công.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2022, 08:02:58 pm »

CÓ MỘT SỰ KIỆN BÁC HỒ
VỚI QUÂN CHỦNG PK-KQ NAY MỚI RÕ


Xuân Mai


Đã từ lâu, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ về một sự kiện Bác Hồ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tôi có được chứng kiến mà đến nay, các sách, báo xuất bản còn chưa nhắc đến. Ngay cả sách lịch sử do Quân chủng Phòng không - Không quân xuất bản, hoặc hồi ký chiến tranh của các tướng lĩnh trong quân chủng cũng vậy. Có lẽ vì ngày ấy do yêu cầu giữ bí mật một kế hoạch tác chiến, đã có quy định không được thông tin cho các báo và sau đó, vẫn được coi như một bí mật quân sự...


Là người được chụp ảnh và trực tiếp nghe Bác Hồ nói với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân hôm đó, tôi thấy mình có trách nhiệm phải kể lại đúng sự thật, đầy đủ hơn, để mong góp phần bổ sung thêm cho lịch sử.


Câu chuyện xảy ra từ 2 giờ chiều ngày 24 tháng 3 năm 1966. Tôi được đồng chí Tổng biên tập báo Phòng không - Không quân gọi riêng ra giao nhiệm vụ: "Cậu mang máy ảnh, sang ngay nhà khách Bộ Tư lệnh Quân chủng chụp ảnh Bác Hồ đang xem xác máy bay không người lái Mỹ bị bộ đội tên lửa ta bắn rơi, được trưng bầy gần đó...".


Với tính nhạy cảm của người làm báo trong chiến tranh, tôi vừa chuẩn bị máy và sổ ghi chép, vừa suy nghĩ: "Chẳng lẽ Bác Hồ chỉ đến xem mấy mảnh xác máy bay Mỹ như xem triển lãm, hẳn phải có việc gì hệ trọng hơn chứ?".


Tôi chạy đến nhà khách Bộ Tư lệnh Quân chủng, thấy Bác Hồ đang bước vào căn nhà cấp bốn gần đó, vốn là nơi làm việc của Phòng Khoa học quân sự. Cùng đi với Bác có đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu phó quân đội. Các đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh, Đặng Tính - Chính uỷ và Phó Tư lệnh quân chủng Đỗ Đức Kiên, hướng dẫn Bác vào nhà. Tôi còn thấy có mặt nhiều cán bộ cao cấp các đơn vị quanh khu vực Hà Nội, như Bộ Tư lệnh tên lửa, Bộ Tư lệnh ra-đa, Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội và cán bộ các cơ quan quân chủng.


Trong căn phòng chật hẹp chừng 60 m2, một đầu được bầy hầu như nguyên vẹn xác chiếc máy bay không người lái tầng thấp 147-J của Mỹ, đã bị bộ đội pháo cao xạ ta bắn rơi.

Một đầu gian phòng được kê hai dẫy bàn nối nhau hình thước thợ, áp sát vào tường. Trên mặt hai dẫy bàn được bầy những mảnh xác máy bay trinh sát không người lái tầng cao kiểu BQM - 34A của Mỹ, bị bộ đội tên lửa ta bắn rơi.


Tôi nhanh tay xách một chiếc ghế nhỏ, cố lách vào chọn chỗ đứng để có thể nhìn được Bác Hồ, thấy cả người giới thiệu hiện vật và các đồng chí lãnh đạo Quân chủng. Tôi đứng lên ghế, thấy đồng chí Trần Hậu Tưởng, Trưởng Phòng Khoa học Quân sự đang báo cáo với Bác về tính năng và thủ đoạn hoạt động của máy bay trinh sát không người lái 147-J. Tôi còn đang lúng túng vì máy ảnh không có đèn, trong gian phòng hẹp lại đông người, không đủ sáng, bỗng thấy có ánh đèn pha loé lên. Thì ra hôm đó còn có một tổ quay phim, có lẽ của xưởng phim quân đội. Tôi mừng quá, lợi dụng ánh đèn bấm liền bốn kiểu ảnh. Sau về rửa phim đều được cả, nhưng có một kiểu đạt nhất: Một bên là Bác Hồ đang chăm chú lắng nghe, phía sau Bác là đồng chí Hoàng Văn Thái. Một bên là đồng chí Trần Hậu Tưởng đang báo cáo với Bác. Kế đó là các đồng chí Đặng Tính, Đỗ Đức Kiên. Bên kia xác máy bay, xa hơn có đồng chí Hoàng Văn Ngữ, Chính uỷ Binh chủng ra-đa; đồng chí Trần Văn Giang, Chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội và hai đồng chí Phạm Đăng Ty, Đỗ Long, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng.


Bác Hồ không dành nhiều thời gian xem xác chiếc máy bay không người lái tầng thấp 147-J của Mỹ. Bác vòng ngay ra phía có kê hai dãy bàn, xem xét kỹ những mảnh xác máy bay trinh sát không người lái tầng cao. Tôi cố bám theo Bác nhưng trong gian phòng chật, không đủ sáng mà đồng chí soi đèn quay phim vẫn chưa đến kịp. Sau tôi chọn được một chỗ đứng gần cửa sổ, bên cạnh nơi có bày mảnh chiếc máy ảnh của máy bay trinh sát không người lái tầng cao, đoán chắc thế nào Bác cũng đừng lại xem.


Quả nhiên đến đây Bác dừng lại khá lâu. Có tiếng báo cáo của đồng chí Trần Hậu Tưởng từ phía sau lưng Bác:

- Thưa Bác, đây là một bộ phận của chiếc máy ảnh quang học trên máy bay trinh sát không người lái tầng cao BQM - 34A của Mỹ. Nó được lắp cuốn phim dài 250 mét, rộng 60 xăng ti mét. Ở độ cao 18 ki lô mét nếu thời tiết tốt, nó có thể chụp rõ mục tiêu dưới đất rộng từ 20 đến 25 ki lô mét, chụp liên tục dài đến hết cuốn phim. Chiếc máy bay này bị bộ đội tên lửa ta bắn rơi khi đang bay ở độ cao 16 kilômét, cao hơn cả máy bay B-52 khi chúng đang gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam! ...


Nghe đến đây, Bác Hồ vội lấy trong túi áo ra cặp kính trắng. Bác đeo lên mắt rồi cúi xuống đọc rất kỹ những dòng chữ ghi trên mảnh chiếc máy ảnh quang học. Giữa lúc này đèn quay phim bật sáng. Tôi mừng quá, bấm nhanh một kiểu ảnh. Tôi đã mấy lần được chụp ảnh Bác Hồ, nhưng lần này tôi được đứng gần Bác nhất để bấm máy, chỉ chừng hơn một mét.


Bác quay ra, nói với đồng chí Trần Hậu Tưởng:

- Chú giới thiệu dễ hiểu, chú hiểu địch như thế là tốt. Nhưng chú cần nghiên cứu thường xuyên để nắm chắc địch hơn nữa, mà phải giới thiệu cho bộ đội, cho đồng bào biết để đánh địch và phòng tránh tốt hơn.

Bác Hồ bước ra sân, dừng lại bên một phần đầu của xác chiếc máy bay không người lái tầng cao BQM-34A. Vì nó to và cao tới hơn hai mét, không tiện để trong nhà. Phòng Khoa học quân sự quân chủng đã dựng đứng nó ngay trước cửa. Đồng chí Phùng Thế Tài đứng bên Bác, vội báo cáo:

- Thưa Bác, đây là cái chóp trên đầu của chiếc máy bay trinh sát không người lái tầng cao của Mỹ. Nó không bằng kim loại, mà được cấu tạo bằng vật liệu tổng hợp có thể chống được cháy, những mảnh đạn nhỏ cũng không xuyên thủng được.


Bác Hồ gật đầu hài lòng, rồi Bác đưa tay ra dứt thử mấy sợi a-mi-ăng thòi ra do mảnh đạn tên lửa của ta băm nát. Tôi nhanh tay bấm được kiểu ảnh này. Phía sau Bác là các đồng chí Hoàng Văn Thái, Phùng Thế Tài, Đặng Tính, Đỗ Đức Kiên đều cười vui vẻ.


Không có cuộc nói chuyện nào cùa Bác Hồ với cán bộ các đơn vị trong quân chủng được triệu tập về đón Bác. Đồng chí Phùng Thế Tài bảo các đồng chí cán bộ trở về đơn vị, rồi mời Bác Hồ và đồng chí Hoàng Văn Thái sang phòng khách của Bộ Tư lệnh quân chủng. Tôi còn đang lúng túng không biết đi hay ở, thì đồng chí Đặng Tính quay lại vẫy tay, bảo tôi:

- Cậu vào chụp ảnh Bác Hồ làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng.

Tôi phấn khởi nhảy vội lên bậc thềm, theo đồng chí Đặng Tính bước vào nhà. Phòng khách thời chiến của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân còn chật hẹp, bàn ghế cũng sơ sài. Căn phòng có nhiều cửa sổ, nhưng không phải đứng chỗ nào cũng chụp ảnh được, vì lúc này không có hai đồng chí quay phim nữa. Tôi rón rén tìm chồ đứng để ngắm máy. Chỉ có một chỗ có thể khắc phục được ánh sáng. Tôi thấy Bác Hồ ngồi trên chiếc ghế bằng gỗ kiểu sa-lông thời đó. Ngồi đối diện với Bác là đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng. Ngồi sát bên trái Bác là đồng chí Đỗ Đức Kiên, tư lệnh phó Quân chủng. Kế bên là hai đồng chí Phạm Đăng Ty và Đỗ Long, Phó Chủ nhiệm Chính trị quân chủng. Các đồng chí Hoàng Văn Thái, Phùng Thế Tài đều ngồi ở góc phòng, không đủ sáng, cũng không thu hình được vào ống kính.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM