Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:41:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 14  (Đọc 2264 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #50 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:24:43 pm »

C. CÁC BÀI VIẾT VỀ TỈNH HẢI DƯƠNG

KẺ SẶT QUÊ TÔI

PHẠM VĂN QUÝ


Lời B.B.T: Ông Phạm Vân Quý quê ở xã Tráng Liệt (Kẻ Sặt) huyện Bình Giang có sưu tầm và biên soạn một số sự kiện và mẩu chuyện lịch sử trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi xin trích đăng một số bài của ông Phạm Vãn Quý.


Phá kho thóc Nhật

Khoảng 12h trưa hôm ấy vảo trung tuần tháng 7-1945. Tuy trời đã sang thu nhưng vẫn còn rớt lại cái nắng cuối hè vào buổi trưa làm cho cái nóng vẫn còn hầm hập. Đường làng ngõ xóm đang lắng chìm trong cái oi bức. Nước sồng Sặt đầu nguồn vẫn còn cao đổ về dâng bởi những cơn mưa lớn. Song có những chiếc thuyền đinh vẫn vào bến bốc hàng lên xuống. Lúc này dân Sặt đã có ai đấy mơ màng trong giấc ngủ ban trưa, và còn nhiều người bàng hoàng sợ hãi sau cái nạn chết đói tháng 3-1945 vừa qua vì nó cướp đi hàng triệu sinh linh người Việt Nam. Nhưng đối với Kẻ Sặt của chúng ta, người dân còn có tình thương yêu lá lành đùm lá rách, nên đã phần nào cứu được nhau trong cơn đói khát khủng khiếp hiểm nghèo do phát xít Nhật gây nên. Nhưng không đủ sức cứu hàng ngàn người tụ tập về chợ Sặt. Những người đó đa số là dân Thái Bình vả Hà Nam, vì họ cũng bị áp bức bóc lột, bị đàn áp dưới roi da, gông cùm xiềng xích của phát xít, thực dân, cùng bọn phong kiến tay sai. Nên họ đã phải kéo nhau đi tha phương cầu thực, hành khất khắp mọi nơi. Nhưng dù ở đâu thì cảnh đói khổ năm 1945 chẳng khác gì, vì Tổ quốc đang bị thực dân, phát xít xâu xé, khắp nơi nhân dân đều bị áp bức bóc lột cả. Chợ Sặt và làng Sặt cứ mỗi ngày người hành khất khắp nơi đến càng tăng lên. Tuy là chợ lớn, làng lớn nhưng sức chứa chỉ có hạn, việc cứu tế cũng có mức độ của các nhà hảo tâm. Vì thế số người kéo đến càng đông thì số người chết đói lại càng tăng. Từ lác đác một vài xác chết, rồi con số xác chết ngày một tăng lên cấp số nhân. Nếu cộng lại đã có hàng ngàn người chết đói ở tại Kẻ Sặt. Tuy làng Sặt không chết đói nhưng do ảnh hưởng của môi trường nên cũng có hàng ngàn người chết vì bệnh dịch sốt địch kỳ sau tháng 3 năm 1945.


Tuy vụ lúa chiêm năm 1945 có thu hoạch được nhưng bị bọn phát xít Nhật và tay sai ra sức thu gom nhập kho gọi là đóng thuế liên đoàn. Khi kho đã đầy đủ thì chúng dùng xe, thuyền chuyển đi nơi khác đốt thóc lấy than làm gì đó. Trước cảnh tượng áp bức bóc lột tàn nhẫn của phát xít Nhật và bọn tay sai, nhân dân Kẻ Sặt cùng chung lòng nung nấu hờn căm với nhân dân cả nước. Đồng thời vào thời điểm này Kẻ Sặt đã có ánh sáng của cách mạng soi tới lòng dân Sặt, do đó đã có người dám đứng lên hô hào nhân dân đấu tranh cướp thóc gạo của giặc đã thu gom.


Như trên tôi đã kể, giữa trưa đầu mùa thu đang tĩnh mịch, không khí thì ngột ngạt bao trùm lên cả làng quê. Bỗng tiếng trống cửu liên ở điếm tuần khu Hạ nổi lên dồn dập làm tan đi giấc mơ màng yên tĩnh của mọi nhà. Tiếp đó là tiếng hò reo la hét ầm làng và tiếng hô vang: "Không cho Liên đoàn đem thóc cho Nhật đốt". Chỉ trong chốc lát đường làng nhộn nhịp cả lên, cứ hết tốp này đến tốp kia, người cầm thúng, người mang dành ào ào tíu tít theo nhau ra bến Cầu Vồng.


“Trước đây Cầu Vồng tiếp giáp giữa phố Sặt và làng Sặt, có cống to để tiêu nước cốt thủy từ trong làng, ngoài phố ra sông lớn tiếp ngay cửa cống là một nhánh sông Sặt là bến cảng xuất nhập hàng hóa cho các loại thuyền lớn đi về. Ở trên cạnh cống là một cổng làng lớn xây cuốn theo kiểu cầu vồng, do đó gọi là cống Cầu Vồng làng Sặt".


Ở ngay cống Cầu Vồng đã có ông Vệ Chi và các anh Công, Hầu, Chữ đã có mặt và hô hào thôi thúc mọi người nhảy xuống thuyền đã xếp đầy ắp thóc đang chuẩn bị nhổ sào. Thế là mọi người ào ào nhảy xuống, kẻ rạch bao, người xúc vào dành, vào thúng, người khỏe thì vác cả bao, có người lăn bao xuống sông cho người ở dưới kéo đi. Mặc cho bọn ngụy quyền bảo an dùng roi da đánh tới tấp, nhưng rồi chúng lại bị quần chúng chống trả quyết liệt và lên án nó nên bọn bảo an phải bó tay đứng nhìn các thuyền mủng nhỏ chuyển thóc dưới sông và người kéo các bao thóc dưới sông đi ven sông về làng. Cảnh nhộn nhịp chỉ trong một tiếng đồng hồ, sức mạnh của quần chúng không gì cản nổi. Cả hai thuyền đinh thóc đã sạch trơn rồi. Tên quan huyện mới điều lính lệ vác súng ra đe dọa nhân dân và đứng gác bảo vệ cho phu khuân vác số thóc còn lại ở trên bờ xuống ba chiếc thuyền đinh để chuyển đi. Nhưng vào tối hôm đó, ông Vệ Chi và anh lãnh đạo ban trưa lại hô hào nhân dân ra cướp ba thuyền thóc đó. Thế là tiếng trống cửu liên nổi lên liên hồi, bà con dân nghèo lại tập trung làm náo động cả khu Cầu Vồng lên. Nhưng lần này đám người tiến ra thì bị bọn lính lệ dùng súng ngăn lại, và tên quan huyện mới đổi về nó hung ác cũng có mặt tại đó. Nó lên tiếng dọa dẫm nhưng ông Vệ Chi và anh em lãnh đạo vẫn thôi thúc xông ra xuống thuyền. Tên quan huyện dã man nó trực tiếp cầm súng bắn thẳng vào đám người, một viên đạn gém làm bị thương gần ba chục người. Sau đó, tiếng hò la chửi rủa và đả đảo bọn chúng. Vì lúc đó chưa có lệnh đấu tranh vũ trang, do đó ông Chi và anh em lãnh đạo hô hào cho người bị thương đi cấp cứu và tạm nhượng bộ để chờ thời cơ mới.


Sau đó khoảng nửa tháng, nhân dân Sặt được sự lãnh đạo trực tiếp của Mật trận Việt Minh huyện và cộng với tinh thần đấu tranh của bà con nông dân các làng ven Sặt. Rồi vào một buổi chiều đầu mùa thu năm 1945, bầu trời Kẻ Sặt trong xanh, không khí nóng nực đã dịu dần, không gian yên tĩnh, song trong lòng người dân nghèo khổ thì ai nấy đều đang hướng về Việt Minh cách mạng. Lúc này theo nhịp sống của quê hương, mọi người đã ra đồng làm lụng, kẻ lao động nghề này nghề nọ. Đột nhiên mọi người lại nghe thấy tiếng trống cửu liên vang lên thôi thúc và có tiếng hò reo, các đoàn người đang tiến về phía cổng huyện lỵ, và lần này còn mang theo cả cờ đỏ sao vàng nữa chứ. Nhưng chưa phải là cướp chính quyền mà là phá cướp kho thóc liên đoàn chúng xây ngay cổng huyện lỵ. Mọi người, mọi nơi, mọi ngả cộng vào cùng số dân Kẻ Sặt cắp quang thúng, dành, mủng ầm ầm náo nhiệt cả một khu phố Sặt, rồi tiến vào phá cửa nhà kho. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ cái kho thóc chứa mấy ngàn tấn đã bị bà con dân nghèo lấy sạch trơn. Vì lần này chắc là có sự lãnh đạo của Mật trận Việt Minh nên bọn tớ thầy quan huyện, lính lệ run sợ như đồ chó chết, án binh bất động không dám phản ứng lại.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #51 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:25:29 pm »

Giành chính quyền huyện

Tình hình Kẻ Sặt có nhiều thời cơ tốt đẹp, nhất là sau những vụ ám sát trừng trị bọn việt gian tay sai của phát xít, thực dân và vụ quần chúng nhân dân Kẻ Sặt cướp hai thuyền thóc, vụ nhãn dân mấy xã cướp kho thóc Liên đoàn ngay cổng huyện lỵ thì tinh thần và khí thế cách mạng của địa phương sôi nổi sẵn sàng vùng lên.


Chớp thời cơ chung của toàn quốc và thế giới, Bộ chỉ huy của Mặt trận Việt Minh huyện Bình Giang được khai hội bí mật tại Phố Sặt. Được biết lúc đó là do đồng chí Thu quê Sãi cùng các đồng chí Vũ Ái, Mạc Xá, Vũ Thế thôn Bằng Trai và các đồng chí Việt Minh của huyện, còn ở Kẻ Sặt có các đồng chí Vinh, Hàm, Tráng, Chử, Công, Hầu được tham gia. Sau buổi khai hội đó vào một ngày mùa thu tháng Tám năm 1945, khoảng 13h cũng là những ngày tháng náo nức mong đợi của mọi tầng lớp nhân dân mong mỏi có ngày được độc lập tự do. Nhất là lớp dân nghèo thì giờ phút thiêng liêng đó đã tới rồi.


Tùng! Tùng! Tiếng trống liên hồi hòa vào cùng tiếng súng trường, súng kíp đùng đoàng và đoàng đoàng quyện vào không gian với tiếng reo hò âm vang náo động cả một vùng trời Kẻ Sặt quê tôi. Chỉ trong phút chốc đã có lớp lớp người người, từng đoàn ở các ngả đường mang theo cờ đỏ sao vàng. Người cầm súng, cầm gậy, cầm giáo, cầm mác, vẻ mặt của mọi người hăm hở sát khí căm thù đang trùng trùng tiến về vây kín huyện lỵ tại Kẻ Sặt. Lúc này còn có người chưa biết Việt Minh là ai thì hôm nay trong không khí náo động của toàn huyện thì mới hay là những người quần nâu áo vá, những người nông dân, công nhân nghèo đã vùng lên làm Việt Minh đó. Trước lúc đoàn người tiến vào huyện đường thì có một chàng trai khoảng trên dưới 40 tuổi mặc bộ đồ xanh tím than đứng lên gốc cây bàng cổ thụ ngay cổng huyện, một tay giơ cao cái mũ, một tay giương khẩu súng ngắn và miệng hô vang để thúc giục đoàn người tiến lên. Lúc mới nhìn đã mấy ai biết được người đó là gì, và khẩu súng thật hay khẩu súng gỗ. Khi loạt súng trong tay người đó nổ vang đùng đoàng hòa vào tiếng reo hò của đoàn người các ngả tiến vào hô vang khẩu hiệu: "Mặt trận Việt Minh muôn năm", "Nhân dân ta vùng lên giành lấy chính quyền", "Đả đảo bọn phát xít và tay sai". Rồi một đoàn tiến thẳng vào huyện đường, chỉ mấy phút sau thấy bọn lính lệ đi từ trong các nhà ra ngoài sân huyện và xếp thành hàng nghiêm chỉnh dưới sự chỉ huy của tên Đội Tốn (Đội Tốn là người gốc Sặt, trước cách mạng y là kẻ hung hãn gian ác có hạng), nhưng lúc đó nó ngoan ngoãn chấp hành lệnh của Việt Minh do đó được khoan hồng. Tên Tốn cố gắn g hết sức mới hoàn hồn và hô to được mấy câu với bọn thuộc hạ: "Anh em giao nộp súng cho Mặt trận Việt Minh và xin được khoan hồng để trở về gia đình làm ăn". Sau lời đầu hàng của Đội Tốn là nhửng anh em có sự chuẩn bị và chỉ là những người quần nâu áo vá đã dùng ngay trước mặt bọn lính lệ để tiếp nhận vũ khí và nói lời gì với bọn chúng rồi cho bọn chúng lần lượt bước ra khỏi huyện đường với vẻ mặt tên nào tên đó còn sợ hãi bàng hoàng. Còn anh em lả Việt Minh thì có một ông đứng ra chỉ huy và triển khai từng tốp ra các vị trí đã định sản. Lúc này cờ đỏ sao vàng đã pháp phới tung bay trên cửa huyện đường.


Từ giờ phút thiêng liêng đó đã chấm dứt cuộc đời hàng ngàn năm phong kiến và 80 năm nô lệ thực dân Pháp và phát xít. Còn nói về tên quan huyện mới về nhận chức được mấy tuần là Hà Trường Thịnh. Bản thân Thịnh vẫn còn rất trẻ và về giữ huyện chưa gây tội ác gì với nhân dân nên y được thầy giáo Hiến (lúc đó chỉ huy Việt Minh và sau ngày cách mạng thành công là Chủ tịch UBKCHC tỉnh Kiến An và sau là ủy viên Thường vụ Quốc hội) đứng ra bảo lành cho Thịnh vì Thịnh đã ngoan ngoãn giao tài liệu, thẻ ngà, triện đồng và ra lệnh cho lính lệ phải đầu hàng ngay Việt Minh.


Sau đó, Ủy ban cách mạng lâm thời của huyện được thành lập ra mắt quần chúng nhân dân cả huyện Bình Giang và các làng, xóm, xã, thôn, bọn ngụy quyền, cường hào hương lý đều ra đầu thú, và đầu hàng bàn giao chính quyền cho nhân dân Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Bình Giang gồm các anh Vũ Ai tức ông Hoàng Tâm làm Chủ tịch. Thầy giáo Vũ Thê làm Phó chủ tịch. Ông Vũ Duy Tiêu là Tư pháp trừ gian nội chính. Anh Cường + Lâm + Tiến Đen chỉ huy cảnh vệ và sau này là anh Vũ Điếm tức Hồng Vũ chỉ huy quân sự của huyện cho đến năm 1947.


Còn nói về người thanh niên tiếng như chuông, tay cẩm súng lục cầm mũ và mặc bộ đồ xanh công nhân lúc tiến vào huyện đó là ông Vũ Duy Tiêu, sau đó ở Ủy ban Cách mạng lâm thời. Đến năm 1950 là Chủ tịch UBKCHC Bình Giang và bị địch cuốc hầm bắt đi Phú Quốc tháng 4 năm 1951 (trận Reptile) và hòa bình được trao đổi.


Vinh dự cho quê tôi cuộc giành chính quyền huyện đã có số anh em được tham gia để hô hào nhân dân Kẻ Sặt cùng tham gia giành chính quyền huyện lúc đó gồm có các anh: Vinh, Chữ, Công, Tráng, Hoàn, Hầu và một số anh em khác. Sau đó bọn ngụy quyền đầu hàng thì chính quyền cách mạng lâm thời Kẻ Sặt được thành lập và ra mắt quần chúng nhân dân vào cuộc mít tinh khổng lồ và cũng cuốn theo thành lập các tổ chức đoàn thể nhân dân Sặt.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #52 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:26:54 pm »

Kháng chiến bùng nổ

Tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp bội ước hiệp định 8-3-1946. Chúng gây chiến tranh với ta từ cầu Rào Hải Phòng và rồi lan ra các thành phố khác. Bác Hồ và Chính phủ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cuộc kháng chiến bùng nổ toàn cõi Việt Nam và rồi sau lan sang Lào và Campuchia. Từ đó lại có hàng lớp thanh niên Kẽ Sặt lên đường nhập ngũ. Còn ở lại quê hương thì trung đội dân quân tự vệ và thanh niên cứu quốc được nhân dân trang bị cho 30 khẩu súng trường cùng gươm giáo để chuẩn bị cho chiến đấu giữ làng. Song do yêu cầu chiến lược tác chiến, do đó đến tháng 2 năm 1947 anh em tự vệ và thanh niên cứu quốc Kẻ Sặt lại được đi bổ sung cho các đơn vị chủ lực của tỉnh, huyện. Một số được chuyển vào các cơ quan như Tình báo Cục, Phản gián và một số anh em ở lại địa phương đào hào đắp ụ để cùng bộ đội chiến đấu.


Ủy ban cách mạng lâm thời được chuyển thảnh ủy ban kháng chiến hành chính lúc đó là ông Đào Văn Hiện làm Chủ tịch, ông Phạm Văn Lũng Phó chủ tịch, ông Phạm Văn Bàng làm chủ nhiệm Xã bộ Việt Minh. Các anh Công, Quy, Nhàn làm chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ. Anh Giỏi làm trưởng ban thông tin tuyên truyền, chị Đức đại biểu phụ nữ và một số đại biểu hội đồng.


Mùa xuân năm 1947 trời còn giá lạnh, tuy ở Kẻ Sặt kẻ thù chưa tràn tới nhưng không khí chiến tranh đã sôi động do âm vang của tiếng súng giặc và của ta chiến đấu trên dọc đường số 5 từ Hải Phòng về Hà Nội. Để thực hiện vườn không nhà trống tiêu thổ kháng chiến, đồng thời căn cứ vào sự nhận định của cấp trên chỉ đạo, thì Kẻ Sặt sẽ là mục tiêu chiếm đóng sớm và lâu dài của địch, do đó lãnh đạo của Kẻ Sặt quyết định hướng dân nhân dân đi tản cư vào các làng xa mặt trận. Từ đó nhân dân Kẻ Sặt lại một lần nữa sơ tán quyết liệt để hường ứng lời kêu gọi của Tổ quốc và góp phần đánh giặc. Còn lại là dân quân tự vệ kết hợp cùng bộ đội chủ lực tỉnh, huyện đào hào đắp ụ xung quanh làng hình thành chiến hào để chiến đấu. Đường 38 thì đào hố chống xe tăng và chông mìn. Các nhà lớn tiêu thổ phá sạch, thực hiện vườn không nhà trống.


Buổi đầu và những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khí thế hào hùng phục vụ chiến đấu của quân và dân Kẻ Sặt được dâng lên mạnh mẽ, thực hiện các kế hoạch tác chiến và kết hợp với bộ đội để đánh giặc được chuẩn bị chu đáo. Cái Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc đầu xuân 1947 năm đó nhân dân Kẻ Sặt được tổ chức ăn Tết long trọng khắp các làng xộm của các huyện như: Bình Giang, Ân Thi, Thanh Miện, Ninh Giang và sang cả Quýnh Phụ, Quỳnh Côi (Thái Bình).


Còn lực lượng ở lại thì ăn Tết ra sao? Sáng mùng 1 thì ổn cả. Sáng mùng 2 giặc tấn công vào xã Bắc Sơn, Đô Lương phía Thi, đạn pháo bay qua Kẻ Sặt nhưng Kè Sặt vẫn im lặng trong tầm súng giặc và triển khai chiến đấu. Lúc này UBKCHC và văn phòng các đoàn thể của xã chuyển sang đóng tại đình thôn Châu Khê. Sau trận đó thì cả mặt trận khu Sặt vẫn được im lìm tiếng súng tới gần hai tháng sau. Mà chỉ có tiếng xe tăng, xe tải gầm rú dọc đường 5 vọng vào khu Thánh đường. Còn anh em bộ đội và tự vệ du kích, Phòng mật trinh sát vản tiếp tục tuần phòng và củng cố công sự. Thế rồi sự chuẩn bị và chờ đợi nó đã đến. Sáng sớm ngày 22 tháng 2 năm Hợi 1947 lúc màn sương đêm còn đen đặc phủ kín bầu trời, vào khoảng 4h đạn pháo của kẻ thù từ phía đường số 5 xé màn đêm rót xuống quanh Kẻ Sặt. Tiếng gầm rú của đạn đại bác thu dần lại. Có quả rơi quanh làng và nhiều quả rơi tới tấp lên mái nhà, đường làng, xóm phố. Đạn pháo làm rung đất dậy trời làm inh tai nhức óc những chiến sĩ ta đang chờ giặc đến.


Khi mặt trời vừa ló rạng đông làm tan đi màn sương đêm thì cũng là lúc giặc Pháp mở đợt tấn công vào Sặt bằng các loại súng to nhỏ từ phía cầu Sặt. Tuy đã bị ta đánh nghiêng ngả nhưng chúng vẫn bám để vượt qua tiến vào đường phố Kẻ Sặt. Thuyền cao su giặc vượt sông Sãi, sông Huệ Lai tiến sang rồi mở đợt xung phong tiến vào Sặt. Mặc dù ụ trung liên của ta đặt tại Trường ga cũ nay là đo đạc. Hỏa điểm đó nhả đạn, rồi ụ đại liên tại Cầu Vồng ta nhả đạn. Nhưng vì lực lượng của ta có hạn, vũ khí thì thô sơ. Về địch, chúng huy động lực lượng gấp mười ta, chúng có xe tăng đại bác máy bay yểm trợ để chúng cố đánh chiếm lấy mặt trận Kẻ Sặt, vì vậy sau mấy giờ chiến đấu quân ta được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Khi rút ra, ta phải chiến đấu phá thế bao vây gọng kìm của địch vì địch đã vây kín Kẻ Sặt. Nhưng lực lượng bộ đội, dân quân, tự vệ của ta rút theo sườn đê và đường 20 về tuyến dưới được an toàn. Bọn địch vào cướp phá Kẻ Sặt và bắt được số dân, rồi chúng bắn chết một số, rồi chúng đem đi số người về đóng tại lò vôi Lý Toán. Sau địch xây bốt ngay đầu cầu về Thịnh Vạn. Đến đêm đó lực lượng tạ lại tiến vào giữ các chốt cũ Kẻ Sặt. Khoảng 11h ngày sau địch lại cho quân từ cầu Sặt tràn vào, quân ta nổ súng chiến đấu giết được 2 tên sát ụ súng tại Cầu Vồng thu được vũ khí. Địch rút chạy, ta lấy được hai xác giặc đưa về chợ Ngọc Cục để khuếch trương chiến thắng. Nhưng đến 14h địch lại mở đợt tấn công ta. Trận chiến lại diễn ra quyết liệt, mấy ngày sau bộ đội chủ lực rút về đóng ở các xã vùng ven Sặt. Chỉ để lại trung đội Hồng Vũ chốt lại cùng dân quân tự vệ Sặt chốt giữ chống càn. Cho đến tháng 3 ta thì có một tiểu đội quyết tử quân của tỉnh đội Hải Dương về bổ sung và chốt điểm cao trên tháp chuông đồng hồ nhà thờ Kẻ Sặt. Và cũng từ đó ta đã phải đánh nhau với địch nhiều trận quyết liệt như trận tháp chuông và các trận đánh tại khu phố Sặt, khu Cầu Vồng. Tiêu biểu là anh Sam bộ đội huyện đã dũng cảm phục ngay khu nhà trống sát Cầu Vồng. Khi địch tiến vào làng anh đã giật mìn và ném tới tấp vào đội hình địch hàng chục quả lựu đạn đã làm cho địch chết và bị thương nhiều. Cũng từ đó Kẻ Sặt càng ngày càng trở thành chiến trường quyết liệt giữa ta và địch, giành đi giành lại hơn nửa năm trời cho đến tháng 7-1947 địch quyết tâm chiếm đứt lấy Sặt làm căn cứ quân sự hành chính. Âm mưu địch đã thực hiện được lập tề, xây đồn bốt và hàng chục boong ke tháp canh kiên cố. Xây sân bay, xây nhà tù, dựng lên các tổ chức ngụy quyền đi chiêu dân về theo địch. Bọn tề phản động thì ra sức bắt thanh niên đi lính cho địch và quậy phá cơ sở của ta bằng mọi cách. Lúc đó địch đã phong tỏa cả đồng bằng Bắc Bộ do đó dân Sặt buộc phải về vùng địch tạm chiếm để sống. Lực lượng lãnh đạo công khai của ta tạm thời phải rút ra các làng ven để gây cơ sở ở nội tuyến. Các đảng viên được cử về hoạt động bí mật và xây dựng cơ sở trong nhân dân do đó mặc dù bị sống kìm kẹp nhưng ta đã phát triển được nhiều nhân tố yêu nước và tham gia hoạt động kháng chiến, cụ thể có gia đình đã nuôi giấu cán bộ cấp trên ngay ở nhà mình. Tham gia các cuộc đấu tranh chống mọi âm mưu của địch và vận động nhân dân gửi tiền, gửi áo len ra ủng hộ kháng chiến. Có các anh chị em du kích bí mật đã phục vụ cho các trận đánh bốt và giết tề trừ gian và các mặt công tác khác. (Đã ghi trong cuốn lịch sử Đảng).


Kết hợp giữa lực lượng nội tuyến và ngoại tuyến, cán bộ và nhân dân Kẻ Sặt đã lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc. Trong 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã vinh dự được đóng góp vào chiến thắng chung cùng nhân dân cả nước. Nhiều anh chị em đã được Nhà nước tặng huân huy chương Kháng chiến và Chiến thắng, nhiều gia đình đã được Tổ quốc ghi công.


Và nay Kẻ Sặt đang vững bước đi lên.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #53 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 09:24:07 pm »

VƯỢT RA NGOÀI VÒNG VÂY CỦA ĐỊCH


ĐÀO ĐỨC CHÍNH
(Nguyên Chủ tịch UBKCHC huyện Thanh Miện,
nguyên Phó chủ tịch UBKCHC tỉnh Hải Dương)


Chú thích của BBT: Trận Trái Chanh gồm 4 binh đoàn cơ động (GM) của Pháp có phi pháo yểm hộ, ngày 25-9-1951 đã bị bộ đội và du kích tỉnh Hưng Yên và huyện Phù Cừ chặn đánh quyết liệt ở các thôn Long Cầu, Phú Mãn và Phan Tống Xá (thuộc huyện Phù Cừ) tiêu diệt 1.050 tên Âu Phi, thu nhiều vũ khí, bắt tù binh, còn phía ta thì giữ vững trận địa cho tới hết ngày 25-9. Kết quả làm chậm bước hành quân của địch; về mũi từ phía Hưng Yên sang Thanh Miện tạo chỗ sơ hở phía sườn này của địch (xem tập 1 tái bán bài của Võ An Đông trang 48 - 67, tập 3 trang 165 - 172 bởi của Nguyễn Tất Đảo, những người đã trực tiếp chỉ huy trận này).


Trong cuộc chiến tranh trường kỳ gian khổ của nhân dân ta chống thực dân Pháp, năm 1951 là năm tỉnh Hải Dương gặp nhiều khó khăn nhất. Nhiều cán bộ, bộ đội và thanh niên ta bị bắn giết và bị địch bắt. Đồng chí Vũ Hồng Vũ (Tỉnh đội trưởng tỉnh Hải Dương) cùng một số cán bộ tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội, bị địch bắt từ hầm bí mật ở huyện Bình Giang trong trận Rep-tin vào tháng 5-1951.


Ở đây, tôi kể lại cuộc vượt ra ngoài vòng vây của địch trong trận Trái Chanh của cơ quan hành chính tỉnh Hải Dương trong thế vô cùng hiểm nguy.

Tháng 4-1951, khi tôi đang làm Chủ tịch UBKCHC huyện Thanh Miện, được Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh Hải Dương điều động lên tham gia làm ủy viên ủy ban tỉnh. Lúc đó, bộ máy làm việc của Ủy ban tỉnh tổ chức rất đơn giản, gọn nhẹ để dễ cơ động. Ngoài đồng chí Trần Tạo (tức Dương Quang Thùy), Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBKCHC tình phụ trách chung về công tác chính quyền, trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo chống càn quét tỉnh, đồng chí Hoàng Sĩ Thục (Phó chủ tịch) làm nhiệm vụ thường trực Ủy ban, phụ trách văn phòng và công tác nội chính. Hai ủy viên khác là đồng chí Phạm Vân Tuệ phụ trách kinh tế - tài chính, đồng chí Vũ Đức Nhuận phụ trách ngân hàng. Ba bộ phận công tác Ủy ban nói trên ở ba nơi khác nhau để tránh phi pháo của địch, dễ luồn lách khi có chiến sự. Tôi lên công tác của Ủy ban tỉnh lúc đó là để làm các phần việc mà đồng chí Hoàng Sĩ Thục đang chờ quyết định của cấp trên điều động ra ngoài vùng tự do công tác cho phù hợp với tình hình sức khỏe.


Ngày 25-9-1951, địch huy động quân cơ động với phi pháo, xe cơ giới, tàu chiến, mở trận càn lớn Trái Chanh đánh vào một số huyện của hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, kéo dài trong 5 ngày từ 25 đến 29-9-1951.

Chiều ngày 27-9-1951, từ nơi Ủy ban tỉnh đóng cơ quan ở xã Tân Quang, huyện Ninh Giang, chúng tôi nhận được tin: Từ huyện Bình Giang và bắc huyện Thanh Miện, địch đã vượt qua sông Neo và tới đó sẽ đóng quân dọc đường 39 ngang từ thôn An Nghiệp đến thôn Hoàng Bộ (Thanh Miện), về phía địch đã rải quân trên đường 17 và tàu chiến tuần tiễu trên sông Gùa (giữa 2 huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ). Về phía tây, địch đã rải quân khắp ba huyện Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ thuộc tỉnh Hưng Yên. Về phía nam, trên sông Luộc thuộc hai huyện Ninh Giang và Thanh Miện, tàu chiến và ca nô địch qua lại suốt ngày đêm. Như vậy, đã rõ ý đồ của địch là dồn lực lượng kháng chiến của ta vào nam huyện Thanh Miện và tây nam huyện Ninh Giang để cất vó, dù ở trên mặt đất hay dưới hầm bí mật.


Kiểm tra hầm bí mật thì hầm nào cũng có nước và ít nhiều bị hư hỏng, không bảo đảm ở dưới hầm trong mấy ngày địch đóng quân ở trên. Đồng chí Chủ tịch vắng mặt ở cơ quan, tôi quyết định đưa cơ quan vượt ra ngoài vòng vây địch ngay đêm đó. Một số cán bộ quân sự bị bắt ở dưới hầm bí mật trong trận càn Rep-tin tại huyện Bình Giang là một bài học xương máu. Theo hướng nào trong tình hình địch đã bủa vây tứ phía cũng không ít khó khăn, nguy hiểm. Cân nhắc mọi lẽ, tôi thấy đi ngược hướng tiến quân của địch, luồn ra sau lưng địch, đi lên phía bắc huyện Thanh Miện và nam huyện Bình Giang là thuận hơn cả. Thanh Miện và Bình Giang là hai huyện mà tôi và đồng chí Hoàng Sĩ Thục có một thời gian dài làm Chủ tịch huyện ở những nơi đây nên thông thuộc địa hình, địa vật. Vả lại, có điều kiện quan sát các làng xóm và dân tình ở những nơi bị địch tàn phá để sau đó Ủy ban tỉnh có kế hoạch trợ giúp nhân dân gặp khó khăn về đời sống và nhà ở. Để tranh thủ sự nhất trí của mọi người, tôi triệu tập một cuộc họp cơ quan và mời đồng chí Hoàng Sĩ Thục đang nghỉ ở gần đó đến dự. Sau khi nghe tôi thông báo và phân tích tình hình, nói rõ chủ trương và hướng đi, giờ khởi hành, mọi người đều nhất trí và giao cho tôi vừa là người chỉ huy, vừa là người dẫn đường. Việc chuẩn bị rất gấp sau đó: chôn cất tài liệu, vật dụng làm việc, chuẩn bị bữa cơm chiều sớm hơn mọi ngày. Chỉ mang theo một máy chữ nhỏ, con dấu Ủy ban và ít giấy tờ cần thiết bọc trong một mảnh ni-lông do một nhân viên bảo vệ phụ trách. Mỗi người chỉ được mang theo một bộ quần áo để thay đổi.


Đúng 7 giờ tối, cuộc hành trình bắt đầu và mọi người đều mặc quần đùi, đi chân đất. Đoàn tất cả có 10 người. Ngoài đồng chí Hoàng Sĩ Thục và tôi, còn có 8 người khác: đồng chí Phạm Văn Kính (mới được Ủy ban cử làm Chánh văn phòng thay đồng chí Vũ Công Long được điều động lên công tác ở Liên khu 3), 3 đồng chí cán bộ văn phòng là Phạm Tất Đạt (sau này là Giám đốc Sở Ngoại thương), Nguyễn Đức Sơn (sau này là Giám đốc Sở Lương thực), Nguyễn Thị Thảo và 4 đồng chí khác làm nhiệm vụ bảo vệ, liên lạc, công tác đội, cấp dưỡng. Trong đầu óc tôi chỉ còn một băn khoăn (không dám nói ra) là sức khỏe của đồng chí Hoàng Sĩ Thục, hai bàn chân đau cố tật vẫn đi tập tễnh của đồng chí Phạm Văn Kính (sau này là Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương). Tôi quy định về cách đi: từ xã Tân Quang (Ninh Giang) qua cánh đồng Ba Tổng, nơi xa địch đóng quân, mọi người cứ thẳng người lần theo các bờ ruộng để đến nam Thanh Miện. Sau đó mọi người phải bò hoặc đi trong tư thế ngồi xổm trong ruộng lúa hoặc trên các bờ ruộng cho đến khi vượt qua đê phía bắc sông Neo để tránh địch phát hiện thấy. Tôi đi đầu để dẫn đường và mọi người theo sát liền để khỏi bị lạc trong đêm tối. Yêu cầu là phải cố gắng để vượt qua đê phía bắc sông Neo trước 12 giờ đêm. Quãng đường này chỉ chừng 5 cây số nhưng vì đi đêm, cách đi và phải vượt một con sông và hai con đường có địch đóng quân nên thời gian phải kéo dài như vậy. Khi đến cánh đồng xã Tứ Cường, mọi người giật mình vì bỗng có tiếng lạch sạch từ ruộng lúa vụt lên, ngỡ là bị địch phục kích. Nhưng đó chỉ là mấy con chim đi ăn đêm (có thể là những con vạc), thấy động vội bay vọt lên.


Cách đường 39 ngang chừng 30 thước, tôi ra hiệu mọi người dừng lại tôi nhỏm đầu qua ngọn lúa nhìn quan sát kỹ trên mặt đường: Cứ cách chừng 50 thước lại thấy một cái lều bạt của bọn lính Pháp ngủ ở phía trong, cạnh đó ngổn ngang các loại súng máy, xe tăng, xe lội nước. Tôi nghĩ bụng: Người mệt ngủ say, xe cộ và súng ống cũng nằm im như chết. Chỉ có vài tên lính Pháp vác súng đi lại canh gác, xem chừng cũng rất mệt mỏi, vừa đi chậm bước vừa ngủ gật. Chờ chúng đi về phía Đò Neo, tôi ra hiệu cho mọi người bò nhanh vượt qua đường sang ruộng lúa bên kia để rồi lại tiếp tục cách đi như trước ra đê phía nam sông Neo. Cách đê chừng vài chục thước, tôi lại lặp lại các động tác như trước khi vượt đường 39 ngang. Con đê cao và quen thuộc nhìn rất rõ. Nhìn lâu, không thấy một bóng người qua lại. Vì có hệ thống đồn bốt ở trên đê phía bắc nên địch không cài quân ở đây, tôi đi lên mặt đê và gọi mọi người nhang chóng vưựt đê để ra bờ sông. Sông nhỏ, nước nông, rất dễ qua. Có một hai người kém bơi lội thì đã có cô Thảo và một chàng trai kèm sát bên vì hai nhân vật này đã từng vượt sông Luộc vừa rộng vừa nước chảy siết. Qua sông, chúng tôi nhằm thẳng vị trí Pháp ở Hoành Bồ để tiến đến, tuy mạo hiểm nhưng lại có sự bất ngờ đối với địch. Từ Hoành Bồ đến Đò Neo chỉ có hơn một cây số, hai đẩu có hai bốt Liên hiệp Pháp và ở giữa có 4 bốt tề binh phản động là Thanh Xá, Phương Quan, Phí Xá, An Lạc. Đêm đã khuya, trên đê thỉnh thoảng có một xe lính Pháp đi tuần tra suốt dọc đê. Chờ chiếc xe đi khuất, chúng tôi vượt qua đê lên phía bắc. Đi một quãng xa, chúng tôi bảo nhau ngồi lại trên một bờ ruộng to nghi xả hơi.


Vượt qua hai đoạn đường có địch, tuy rất nguy hiểm nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi mà lại thấy tinh thần phấn chấn vì đã vượt qua được hai cửa ải. Điều lo ngại của tôi lúc ra đi lại không xảy ra. Các đồng chi Thục, Kính không chịu thua các anh chị em khác. Trái lại, có lần dọc đường đi, đồng chí Hoàng Sĩ Thục vừa dí dỏm, vừa nghiêm nghị nói với cô Thảo "mày phải lập tức lấy đất sát lên cổ chân đến đùi, nếu không địch phát hiện ra cái đùi trắng hếu liền xả súng đến thì chúng tao chết oan cả lũ".


Ngồi nghỉ, tôi nhìn đồng hồ đeo tay có dạ quang thì thấy mới 11 giờ rưỡi đêm. Chỉ sau mười phút, tôi giục mọi người tiếp tục lên đường để đi tới đích trước khi trời sáng rõ. Đi một quãng, cách làng Đông La chừng 500 thước, tôi nhìn thấy trên một mô đất có người ngồi, tôi ra hiệu cho mọi người dừng lại vì nghi là bị địch phục kích. Đồng chí bảo vệ đi cùng lăm lăm khẩu Si-ten (súng máy hạng nhẹ) để đề phòng có sự bất chắc. Nhìn mãi, tôi vẫn chỉ thấy có một người, không hề cử động. Tôi hô: "Ai đấy, giơ tay lên". Người ngồi đó bỗng giật mình, nói lắp bắp "Tôi ở trong làng ra đơm cá". Tôi nghe, nhận ngay ra tiếng đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBKCHC xã Hồng Quang. Tôi lên tiếng hỏi: "Có phải ông Hiếu không?" Nhận ra tiếng tôi, ông Hiếu đứng dậy và đi lại gần chúng tôi. Ông Hiếu phản ánh tình hình địch mấy ngày qua và cho biết: Đêm đó, bọn GAMO (quân thứ hành chính lưu động) vẫn còn ở lại thôn Đông La để lập tề. Sau đó ông dẫn chúng tôi sang thôn Nhữ Xá để gặp đồng chí Kế, Bí thư chi bộ xã Hồng Quang. Đến đây, đồng chí Hiếu dẫn đến một gian lều gianh lụp xụp, bên trong chỉ đủ rải một chiếc chiếu rách. Trên đó có chiếc ấm sành đựng nước, mấy chiếc bát, cái điếu cày và một đèn hoa kỳ vặn nhỏ ngọn. Ở đó, đồng chí Kế và mấy thanh niên nông dân đang rì rầm nói chuyện. Đồng chí Hiếu lên tiếng và giới thiệu chúng tôi. Đêm đã khuya, địch còn ở làng bên và chúng tôi đã vất vả trên chặng đường nguy hiểm từ chập tối nên câu chuyện chỉ vội vàng vài phút rồi các đồng chí địa phương đưa chúng tôi đến một vài gian lều khác ở cạnh làng để nghỉ cho đỡ mệt. Đồng chí Kế đích thân chỉ cho chúng tôi biết mấy chiếc hầm bí mật ở dưới bụi tre và dặn nếu động sẽ đến báo để chúng tôi xuống hầm hoặc luồn qua bụi tre ra ngoài cánh đồng lúa.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #54 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 09:25:19 pm »

Sáng hôm sau, chúng tôi đều dậy thật sớm (khi trời còn tối) gặp lại các đồng chí địa phương trước khi đi lên ấp Bình Cách (thuộc huyện Bình Giang). Đến đây, một vài cán bộ trong ấp rất mừng rỡ khi thấy chúng tôi từ tỉnh về ngay sau trận càn quét lớn của địch, nhất là biết trong đoàn có đồng chí Hoàng Sĩ Thục, người đã làm Chủ tịch UBKCHC huyện Bình Giang trong những năm trước đây. Nhân dân trong ấp mới đi sơ tán về, nghe tin đều chạy ùa đến. Nhân dân trong ấp chạy ngược chạy xuôi, bảo nhau lục soát xem lương thực, thực phẩm cất giấu còn sót lại gì đem ra làm bữa liên hoan chung và đãi khách. Một lúc sau, bữa ăn được dọn ra, có đông người dự. Thức ăn là rau luộc chấm muối, ít tép khô, trứng trưng. Đũa tre mới vót. Bát ăn không đủ, phải rửa cả mảnh chai, mảnh sành để làm bát. Nhìn bữa ăn, chúng tôi không khỏi mủi lòng về đời sống khổ cực của nhân dân trong hoàn cảnh chiến tranh. Chúng tôi chưa kịp ngồi thì một bà đứng tuổi, đon đả vồn vã ra mời và đọc luôn hai câu thơ (không biết lấy ở đâu ra):

"Thằng Tây vơ vét quá nhiều
Mừng nhau chi bữa tiệc nghèo vậy thôi"

Nhân dân ta - cả những người nông dân bình thường, ít học mà rất thích văn thơ như vậy, dù trong lúc chiến tranh tàn phá rât khốc liệt. Sau “bữa tiệc đạm bạc" ấm tình người với nhân dân hàng ấp, các đồng chí cán bộ văn phòng Ủy ban tỉnh ở lại ấp Bình Cách, còn tôi với các đồng chí Hoàng Sĩ Thục cùng hai bảo vệ, liên lạc đi lên các thôn xã phía bắc huyện Bình Giang. Những nơi chúng tôi đến, quang cảnh đều điêu tàn, chỉ có một ít thanh niên ở lại làng sản xuất, cùng bộ đội đánh giặc và ẩn nấp dưới hầm bí mật. Ngay chiều tối hôm đó, chúng tôi quay về bắc huyện Thanh Miện và đến nhà anh Thùy ở thôn Đông Bích (cơ sở kháng chiến của huyện Thanh Miện) để tiếp tục sang hom sau đi thăm các làng thuộc hai xã Hồng Quang và Ngô Quyền, ở đây còn tiện cho việc theo dõi tình hình chiến sự diễn ra ở phía nam huyện Thanh Miện và tây nam huyện Ninh Giang. Chỉ một ngày, chúng tôi đã đi khắp những nơi cần đến. Ngày 30-9-1951, nhờ đồng chí Vấn, Bí thư chi bộ xã Ngô Quyền đã liên lạc trước, chúng tôi vào một làng tề sâu gần các đồn bốt, nơi đồng chí Luật, Bí thư chi bộ xã Đoàn Kết ở đó. Làng này do bị địch o ép tứ phía phải lập tề, nhưng nhân dân một lòng một dạ theo kháng chiến, cơ sở vững mạnh, ban tề là người của ta, nhưng vẫn do ta lãnh đạo. Chúng tôi làm việc với đồng chí Luật ngay tại nhà đồng chí do anh em bảo an (du kích của ta) canh gác. Đồng chí Luật cho chúng tôi biết tình hình ở đây trong những ngày địch càn quét. Đồng bào (đàn bà và trẻ em) ở vùng căn cứ du kích chạy vào đây rất đông và được đón tiếp chu đáo. Sếp Anh (sếp bốt Châu Quan), liên lạc với ta từ năm trước, chẳng những tỏ thái độ tốt khi nhân dân và cán bộ chạy đến và còn tìm cách giải thoát cho một số gia đình cán bộ bị địch bắt. Khi chúng tôi và đồng chí Luật đang trao đổi thì bỗng nghe thấy mấy tiếng súng nổ và du kích vào báo là có một tốp lính ngụy ở bốt bên cạnh sắp vào làng. Đồng chí Luật vội đưa chúng tôi đến một gian buồng của mẹ đồng chí, mở nắp hầm bí mật ở dưới gầm giường để chúng tôi xuống rồi đồng chí ngụy trang và đi ra ngoài. Một lúc sau, nắp hầm lại mở để chúng tôi lên tắm rửa vì hầm có bùn nước. Khi đó mới rõ là bọn lính ngụy vào làng "xin đểu” hoặc mua rẻ lợn, gà để ăn tươi. Sau bữa cơm trưa ở đây, tôi nhắc đồng chí Luật vận động nhân dân các làng tề không bị thiệt hại bí mật giúp nhân dân vùng căn cứ du kích dựng lại nhà ở và có lương ăn để sản xuất. Nhân lúc đó, tôi nói vui với đồng chí Bí thư ở trong tề chẳng còn sợ bom đạn là gì. Đồng chí vội trần tình các khó khăn của cán bộ kháng chiến nằm trong vùng địch bị chiếm đóng với hai câu thơ:

"Một ngày sống cảnh tự do,
Còn hơn chín tháng nằm co trong tề"

Chiều hôm đó (tức 30-9-1951) chúng tôi trở lại nhà đồng chí Thùy ở thôn Đông Bích xã Hồng Quang. Đến đây, được tin địch đã rút hết ở phía nam. Ngay tối,đó, chúng tôi tập trung anh em lại và theo đường dây liên lạc xuống phía nam Thanh Miện. Cô giao liên dẫn chúng tôi đến làng Tòng Hóa (lúc ấy thuộc xã Lê Hồng) để qua sông Cửu An sang đất Phù Cừ, rồi lại qua sông Cửu An để trở về xã Chi Lăng. Ngày 20-10-1951, đồng chí Chủ tịch tỉnh Trần Tạo cùng trở về đây, cho biết tình hình địch - ta trong trận càn quét và nghe chúng tôi phản ánh cảnh tàn phá, dân tình những nơi đã qua. Đồng chí Chủ tịch tỉnh cùng Ủy ban quyết định trích 20 tấn thóc thuế chôn cất còn an toàn để giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn nhất, đồng thời tổ chức một cuộc vận động nhân dân các nơi (kể cả nhân dân trong vùng tề) để khôi phục lại chỗ ở và có lương ăn để sản xuất. Tối hôm đó, đồng chí Chủ tịch giao cho đồng chí Tứ (người cần vụ đắc lực của đồng chí) kiếm sao được một con gà để nấu cháo chiêu đãi anh chị em trong cơ quan. Một bữa cháo gà hiếm có trong chiến tranh mà đồng chí Tứ lại là người đầu bếp giỏi cũng như kỹ thuật đào hầm bí mật của đồng chí mà nhiều người ca ngợi.


Mấy hôm tiếp sau, có đồng chí thoát chết trong trận Man-darine (Trái Quýt) ở Thái Bình chạy về cho biết: Đồng chí Phạm Văn Tuệ, ủy viên Ủy ban tỉnh bị địch bắt ở huyện Duyên Hà. Đồng thời, đồng chí Hoàng Sĩ Thục có quyết định đi nhận công tác mới. Trong lúc đó, Chính phủ có chủ trương thống nhất quản lý tài chính trong toàn quốc, tiến hành thu thuế nông nghiệp thay cho thuế điền thổ và thành lập ngành tài chính ở các tỉnh. Công tác kinh tế - tài chính trong chiến tranh lúc đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và đời sống, nhất là giải quyết đời sống của bộ đội, cán bộ, đồng chí Chủ tịch và Ủy ban tỉnh giao cho tôi phụ trách kinh tế - tài chính, trực tiếp làm Trưởng ty Tài chính từ đó cho đến khi lên công tác ở Văn phòng Thủ tướng Chính phủ (nâm 1959).


Câu chuyện "Vượt ra ngoài vòng vây của địch" chỉ là một việc bình thường trong chiến tranh chống Pháp nhưng đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc về tình người về sự gắn bó giữa cán bộ và nhân dân trong lúc phải đương đầu với kẻ thù có sức mạnh gấp nhiều lần.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #55 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 09:27:20 pm »

DU KÍCH XÃ LAM SƠN DÙNG MÌN ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU


TRƯƠNG VĂN THUÂN
(Nguyên Tiểu đội trưởng du kích xã Lam Sơn)


Đúng như thông báo huyện đội Thanh Miện, địch đã thành 2 hướng từ Gia Lộc đánh sang, từ Bình Giang đánh xuống càn vào thị trấn Thanh Miện (Thọ Trương). Tối hôm trước, xã đội cho biết: địch càn về quân số đông, chắc chắn có cả máy bay, đại bác... Về ta, lực lượng du kích có hơn một đại đội, nhưng chỉ có một khẩu súng trường với 10 viên đạn, 10 quả lựu đạn, 35 quả mìn gồm 6 mìn dưa, 29 mìn muỗi.


Xã đội quyết định chỉ để tiểu đội du kích tập trung ở lại đánh địch, còn lực lượng du kích phân tán ra giúp đỡ nhân dân cất giấu thóc lúa, hướng dẫn tản cư và chuẩn bị sẵn sàng đánh tập kích địch ban đêm nếu chúng trú quân ở lại.


Xã đội trưởng Trần Văn Chải và chính trị viên Đỗ Nhạn họp với tiểu đội du kích, đưa ra câu hỏi Địch đông, ta ít vũ khí lại kém, làm thế nào diệt được địch?

Nguyễn Văn Lư bảo: "Một khẩu súng 10 viên đạn, không đánh bằng súng được".

Hoàng Đình Kính thì nêu: "10 quả lựu đạn đánh tập kích đêm thì tốt, chứ ban ngày địch đông đánh khó khăn”. Phạm Văn Mưu và Văn Lăng tiểu đội phó thì khẳng định "đánh mìn nhất định tiêu diệt được địch. Bí thư chi bộ, chính trị viên Đỗ Nhạn lại hỏi đánh mìn bằng cách nào? Toàn tiểu đội đều nhất trí: Đánh bằng hai cách: Dùng dây cử người giật và đánh tự động ở những nơi địch có thể tập trung như đình và chùa thôn Thọ Trương, chùa thôn Kim Trang, huyện đường, khu nhà ông Lệ Nhượng và đánh hai ổ mìn giật ở Ba Toa, ở phố Trương.


Xã đội trưởng và chính trị viên kết luận: Thống nhất địa điểm và phương pháp đánh mìn như trên. Thời gian tiểu đội phải hoàn thành chuẩn bị xong trước 7h ngày mồng 8 tháng tư năm Bính Tuất (1948). Nhưng đúng vào ngày bụt sinh bụt đẻ, phải để các cụ đi chùa xong mới hoàn chỉnh hố mìn ở hai chùa. Khi đã chôn mìn xong phải cử người canh gác và khi địch rút, du kích phải về trước dân gỡ mìn để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Chỉ để hai người ở lại giật mìn, còn toàn tiểu đội rút ra ấp Lam Sơn để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị nắm địch tập kích ban đêm. Cả tiểu đội đều xung phong ở lại giật mìn, xã đội trưởng mới thống nhất cử Trương Văn Thuân và Phạm Văn Mưu ở lại giật mìn. Dự kiến giật xong sẽ rút ra ngoài làng, trường hợp không rút được thì xuống hầm bí mật.


Khoảng 7 giờ ngày mồng 8 tháng tư, máy bay bà già của Pháp đã bay trên bầu trời bắc huyện Thanh Miện chỉ điểm cho pháo binh bắn vào 2 thôn Thọ Trương và Kim Trang. Dân làng theo hướng dẫn của dân quân du kích cất giấu đồ đạc, gồng gánh, bồng bế nhau, dong trâu bò... vừa chạy, vừa khóc mếu.


Phía bắc địch đã tiến xuống chợ Thông, phía đông nam địch đã tiến đến Bất Nạo. Súng nổ dữ dội ở xã Đoàn Tùng và xã Lê Bình do lực lượng vũ trang ở đây đánh trả địch quyết liệt.

Khoảng 10 giờ địch tập trung pháo bắn dồn dập vào Thọ Trương, nhà cửa đổ ngổn ngang, có nhà đã bốc cháy. Pháo binh địch vừa dừng thì các cỡ súng của địch bắn vào trong làng, đồng thời từ bắc, tây, nam có tiếng hò a la xô ầm lên. Tôi đợi mải không thấy mìn của Mưu giật. Tôi vội chạy lại cống Đình Giữa đã thấy địch vào chùa Trương và đang tiến vào làng. Tôi chạy lại chỗ ổ mìn giấu được dây mìn xuống ao, chạy qua nhà ông Thích, sang góc vườn ông Ngôi, vừa tụt xuống ao 7 sào nhà ông giáo Hứa, lặn một hơi chui vào hầm thì cũng là lúc địch đã đến nóc hầm. Chúng đặt khẩu đại liên ngay ngả ba cổng nhà ông Áp chỉ cách chỗ tôi mấy mét. Thỉnh thoảng chúng lại bắn một băng đại liên vu vơ. Địch gọi nhau í ới, bắt lợn, bắt gà của dân. Có thàng chửi đổng "Đ... mẹ nó, đi càn kiểu này dễ toi mạng lắm".


Tôi ngồi dưới hầm vừa mệt, vừa đói, vừa ngứa vì quần áo ướt từ sáng. Đang tự trách mình chôn 2 ổ mìn giật sao dốt thế, để địch vô hiệu hóa mất. Tôi lo tiểu đội không hoàn thành nhiệm vụ trận đánh và lo không biết đồng chí Mưu có rút ra hoặc xuống hầm kịp khống? Vừa lúc đó có hai tiếng nổ ủng oàng, tôi đoán là hai quả mìn Lư và Kinh chôn ở cổng nhà Lệ Nhượng đã nổ. Sau hai tiếng nổ, chỗ mìn nổ cách hầm của tôi chỉ khoảng 30m. Sau khoảng 2 phút, thăng ngụy binh chạy từ chỗ mìn nổ về chỗ khẩu đại liên vừa thở vừa nói: "Hai thằng chúng tao suýt toi mạng, vừa qua khoảng 10m thì mìn nổ, may mà có bụi tre không thì hết đời. Tao nhìn rõ thằng Tây quan hai và thằng gác-đờ-co bảo vệ cho nó chết ngay tại chỗ. Chúng nó đang hò hét nhau ở chỗ mìn nổ". Được tin này tôi phấn khởi hẳn lên, người như hết đói, hết mệt, thế là mìn của du kích chúng tôi đã diệt được địch.


Khoảng 16 giờ địch hò nhau tập trung về chùa Thọ Trương. Sau đó trong làng vắng lặng chỉ còn tiếng tre, gỗ nổ đốp đốp của những nhà đang cháy!

Sau trận đánh, cả Đảng bộ và nhân dân cùng dân quân du kích vô củng phấn khởi vì du kích đã dùng mìn diệt 2 thằng Tây, trong đó có thằng quan hai. Có người bảo đáng đời cho thằng giặc mũi lõ, về đây mà đốt phá, cướp bóc.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #56 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 09:28:12 pm »

GIẶC TÚM MẤT ĐUÔI ÁO MÀ KHÔNG BẮT ĐƯỢC TÔI!


TRƯƠNG VĂN THUÂN
(Ghi theo lời kể của VŨ VẰN VIẾT
nguyên giao thông xã Lam Sơn)


Tối ngày 1-5-1951, tôi - Vũ Văn Viết cùng Trần Thị Núi - Hội trưởng phụ nữ xã, Vũ Thị Lý - Chi ủy viên xã đội phó được chi ủy và Ủy ban kháng chiến - hành chính xã phân công vào thôn Thọ Trương (thôn tề hai mang) để vận động nhân dân và thanh niên chống địch bắt thanh niên đi lính ngụy và đưa thanh niên ra vùng tự do tòng quân giết giặc.


Nhá nhem tối, từ thôn ấp Lam Sơn, ba chúng tôi tắt qua cánh đồng Sẩm chiếu thẳng về cửa chùa thôn Thọ Trương, đến cây đa cửa chùa không đi theo đường mà luồn qua chân tre đi thẳng vào xóm Đồng Rối rồi đi sang xóm Quang Trung.


Tôi đi trước, theo sau là đồng chí Núi và đồng chí Lý. Trời mưa dầm, tối đen như mực. Mới khoảng 19h 30’ chúng tôi đã vào giữa làng. Mới chập tối mà dân làng đã yên lặng như tờ. Tôi vuốt nước mưa trên mặt, nhìn lại phía sau đồng chí Núi và Lý vẫn đi sau tôi, mỗi người chỉ cách nhau độ 2m. Trời tối, vào trong làng thấy yên, nên chúng tôi cũng hơi chủ quan.


Từ cổng nhà ông Bống, chúng tôi tiến theo sang cổng nhà ông Trịnh đi theo đường đến cầu ao Trang, chúng tôi chuẩn bị vào nhà ông Hy trước như đã định. Vừa đến khóm tre ở gần cổng tôi thấy kịch một cái, tôi dừng lại thì thấy tiếng giày đinh của địch nện xuông đường và xông thẳng về phía tôi. Tôi quay ngoắt lại, chân chạy, mồm kêu “địch, địch". Đồng chí Núi và Lý nhanh như cắt chạy tắt qua nhà nọ, sang nhà kia để tránh địch, còn tôi địch đã túm được đuôi áo. Tôi cố chạy thục mạng, thằng địch cố kéo lại tạo thành một lực khá mạnh làm đứt đuôi áo cũ của tôi. Tôi lao mạnh về phía trước, còn thằng địch ngã lăn kềnh về phía sau. Nhân thời cơ đó, tôi chạy biến vào đêm tối, tắt qua các nhà làm địch mất mục tiêu. Rất may là chiếc áo của tôi đã cũ, nếu không tôi đã bị địch bắt.


Trên đường trở về căn cứ, cả ba chúng tôi cứ thắc mắc không biết tại sao chúng tôi cách địch chỉ vài mét mà địch không bắn? Nhưng về đến ấp Lam Sơn mới vỡ lẽ là địch tổ chức phục kích ở tất cả các xóm, nhưng nhân dân đều có tín hiệu báo cho ta biết nên các tổ khác được an toàn. Địch không bắn chúng tôi có lẽ địch sợ lộ các ổ phục kích khác của chúng.


Cán bộ và nhân dân ấp Lam Sơn biết tin, mặc dầu đêm đã khuya nhưng cũng ồ ra xem chiếc áo của tôi đã bị mất đuôi mà địch không bắt được tôi. Có người bảo anh Viết đấy chứ tôi thì nhũn người nằm quay ra đấy, chứ không chạy được. Có người lại hỏi tại sao anh Viết bị thọt chân từ bẩm sinh mà sao lại chạy nhanh thế? Chính bản thân tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng tại sao lúc ấy tôi lại có sức mạnh phi thường như vậy. Nhưng điều quan trọng tôi tự thấy là trong mọi trường hợp phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh mới có đủ sức mạnh để đối phó với địch.


Đây là kỷ niệm sâu sắc trong đời hoạt động cách mạng của tôi.

Chiếc áo bị địch cướp mất đuôi của tôi trở thành một kỷ vật quý trong thời chống thực dân Pháp, tôi giữ gìn nó suốt thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng rất tiếc khi tôi làm Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Miện, vợ tôi ở nhà không biết đã mang chiếc áo quý giá này lau nhà, thành thử nay không còn nữa.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #57 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 09:31:07 pm »

D. CÁC NƠI VIẾT VỀ BỘ SÁCH “ĐƯỜNG 5 ANH DŨNG QUẬT KHỞI”


* Trong báo cáo tại Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng nhiệm kỳ IV về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 1997 - 2002 có đoạn viết ở trang 15: "Chúng ta còn phải dành sự khăm phục cho cụ Võ An Đông và các cộng sự, cộng tác viên của cụ đã làm nên bộ sách lịch sứ hết sức phong phú, sống động và cung cấp nhiều tư liệu quý về con đường 5 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp - bộ sách "Đường 5 anh dũng quật khởi".



* Ông Lê Quốc Khánh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, đã có khuyến nghị gửi Ban biên tập sách "Đường 5 anh dũng quật khởi" như sau:

Theo đề cương trong dự kiến của quý Ban muốn có các tập sách mang tính quy nạp, đúc kết, hệ thống hóa các sự kiện và nhân vật qua hơn 10 tập trước đây. Việc làm này là rất cần thiết và rất nên làm vì yêu cầu bảo lưu lại ký ức xưa, là tài pản quý báu của các lực lượng vũ trang nhân dân, là tư liệu góp phần giáo dục lịch sử hiện nay và mai sau...

Theo tôi, có 2 vấn đề Ban lưu ý:

1. Thống nhất quan điểm: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Nên viết sao làm rõ đậm nét về vai trò của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, quốc phòng an ninh nhân dân (không dân cũng chịu).

2. Thống nhất về phương pháp viết, trình bày để sao người đọc dễ hiểu, dễ biết.

Ngày 5-11-2002


* Ông Quản Đức Khiêm, nguyên Phó giám đốc Công ty Du lịch Toserco Hải Phòng, trong thư gửi ông Võ An Đông trong Ban biên tập có đoạn viết:

"Đọc hơn 10 tập "Đường 5 anh dũng quật khởi" không ai không khâm phục các anh trong Ban biên tập, nếu không có những người tâm huyết, có trinh độ và cách làm như vậy thì không thế có những tập sách ấy. Những câu chuyện, những hồi ký mà các anh đưa vào sách thật là những trang anh hùng, đầy tự hào của quân dân Hải Phòng – Hải Dương - Hưng Yên... là những tấm gương cho lớp lớp con cháu mai sau, mà dù thời gian có trôi đi thì những câu chuyện, những hồi ký... đó sẽ mãi mãi chẳng mờ phai, mãi mãi sinh động trong lịch sử cách mạng.

Kính mong tác phẩm "Đường 5 anh dũng quật khởi" sẽ còn tiếp tục ra nhiều, nhiều hơn nữa”.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #58 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 09:33:54 pm »

* Bà Đặng Ngọc Dung, là một nữ hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng có bài thơ "Vẽ chân dung", đăng toàn văn dưới đây:

Vẽ chân dung

(Kính tặng Đại tá Võ An Đông quý mến)


   Tôi vẽ chân dung của một người
   Bình sinh ít nói nhưng hay cười
   Hiền như Phật, Bụt mà cương nghị
   Làm việc cần cù chẳng phút ngơi.
   Đó là Đại tá Võ An Đông
   Tư lệnh 350 Hải Phòng
   Nổi tiếng mưu cơ và trí dũng
   Trọn đời vì nước, tấm gương trong.
   Tuổi xanh cầm súng giữ biên cương
   Ngang dọc tung hoành chốn chiến trường
   Nay đã già nua, sức đã yếu
   Cầm ngay cây bút viết bao chương.
   Lịch sử tươi xanh cứ hiện dần
   Từng trang đẫm máu, quyện tình dân
   Đêm khuya phòng vắng, trời mưa lạnh
   Gió rét căm căm buốt tận chân.
   Đại tá An Đông vẫn đắm say
   Ghi ghi, chép chép suốt đêm ngày
   Ngời ngời trang sử như viên ngọc
   Lóng lánh một thời quý lắm thay.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #59 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2022, 09:34:41 pm »

NGUYỄN XUÂN NGẠC
Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng

Lòng dân

Tặng đồng chí Võ An Đông

   Năm mươi năm về trước
   Từ núi ngàn Việt Bắc anh về
   Thấm thìa lời thư của Bác:
   "Các chú phải khéo đánh giặc
   Nhưng cũng phải khéo tránh giặc".
   Đồng chí tháng năm sống chết cùng anh
   Mỗi lời quí tựa ngọc
   Hướng dẫn quần chúng đấu tranh
   Từ thấp lên cao
   Hợp pháp hay không hợp pháp
   Miễn là, người là tin tưởng... ủng hộ ta.
   Anh bộ đội Cụ Hồ
   Ngủ hầm - hành quân giữa đạn khói, lửa, máu
   Gắn mình với bao triền sông lúa
   Mái đầu xanh, dần... chuyển bạc
   Mãi say ngồi kể lại
   Bài học
         lòng - dân.

Một người lính già

   Thời Matxcơva
      Bataixcơ...
   Học viên học - viện, lại qua... giúp bài
   Thời - phong - tỏa, ông vẫn qua
   Động viên, nghiêng cánh..., bao la khuông trời
   Lính già - lính trẻ thỏa cười:
   "Con ma", "Thần sấm"..., rớt ngoài biển sông.
   Nhớ quê, Viên Nội..., sông Bùng
   Thoảng xuôi dòng Đáy, một vùng tơ giăng
   Đường 5, rực lửa tháng năm
   Biệt danh, một Võ An Đông lên đường
   Hậu phương - tiền phương - chiến trường
   Từng trang hồi - ức ngọc - vàng tươi nguyên.
   Người lính già, tám mươi niên
   Hành quân với một niềm tin diệu kỳ
   "Hừng đông, bừng sáng..., thầm thì
   Nơi đường xuyên đáo, tôi về..., thăm ông.

22-12-2002
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM