Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:45:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường 5 anh dũng quật khởi - Tập 14  (Đọc 2260 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2022, 07:52:23 am »

SUY NGHĨ VỀ ĐẢNG BỘ - QUÂN DÂN KHOÁI CHÂU TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP 1947 - 1954


NGUYỄN TRƯỜNG XUÂN
(Nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Khoái Châu)


Tôi gắn bó trực tiếp với Đảng bộ Khoái Châu từ tháng 3-1953 đến tháng 4-1954 với chức năng Bí thư Huyện ủy.

Nhân dịp này, với tấm lòng kính phục mến yêu, tôi gửi đến đồng chí, đồng báo, chiến sĩ một số suy nghĩ về Đảng bộ, quân dân Khoái Châu trong cuộc kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược từ 1947 - 1954, trong đó có góp phần nhỏ bé của tôi.


Cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945: Khoái Châu ta đã giành chính quyền rất sớm, từ 15-8 đã đánh chiếm huyện lỵ bắt địch đầu hàng và thu 30 khẩu súng trường và tài liệu của chúng. Như vây Khoái Châu: là huyện thứ hai đánh thắng địch, giành chính quyền, sau Phù Cừ 14-8. Giành được chính quyền, Đảng bộ, nhân, dân Khoái Châu đã một mặt xây dựng chính quyền cách mạng, đồng thời phát động phong trào chống đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm và đã khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang ở khắp thôn xóm, đồng thời với việc động viên thanh niên vào bộ đội vệ quốc quân. Trong đó có những người đã có mặt chiến đấu, công tác trong chiến trường, phía Nam thời gian đó.


Đây là thời kỳ sơ khai, những thành tích và chiến công chưa nhiều, nhưng "vạn sự khởi đầu nan" nên những thành công ban đầu này rất có ý nghĩa tạo đà cho những bước đi sau này của huyện.

Khoái Châu đã hy sinh người, của đánh giặc bảo vệ phía bắc huyện từ 1947 đến 1950. Sau khi đánh chiếm các huyện phía bắc Hưng Yên gồm Văn Giang, Vốn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào..., giặc Pháp đã lấn chiếm xuống các xã bắc huyện gồm các xã Mễ Sở - Bình Minh - Dạ Trạch - Cấp Tiến - Tân Dân - Dân Tiến và đã chiếm đóng lập quận hành chính tại Thiết Trụ 25-4-1947 - tháng 9-1947 lập đồn Đông Tảo xã Cấp Tiến. Cùng với các đồn binh Từ Hồ, Lực Điền thuộc nam Yên Mỹ và những đồn hương dũng và bọn phản động nơi này, họp thành hành lang bảo vệ vùng chiếm đóng bắc Hưng Yên, nam Hà Nội của chúng, là lực lượng bình định chiếm đóng của địch ở miền bắc Hưng Yên đồng thời là chỗ dựa để thường xuyên mở các trận càn quét quấy phá các huyện hậu phương phía nam tỉnh. Đặc biệt khi chiếm đóng, địch rất hung ác, điển hình là quận trưởng Giáp Ngọc Phúc, tên việt gian khát máu đã biến Bãi Nhãn thôn Thiết Trụ thành nơi bắn giết, chôn sống hàng trăm chiến sĩ cách mạng và thường dân. Những vụ tàn sát đẫm máu ở thôn Thiết Trụ - Đông Tảo đã để lại mối thù muôn đời muôn kiếp với kẻ thù. Trước tình hình mất còn, quân dân nơi đây đã bất khuất, chịu đựng gian khổ hy sinh, đánh giặc cứu quê hương. Những trận diệt ác ôn, xóa bỏ ngụy quyền diễn ra liên tiếp. Những trận du kích đánh chống càn thường xuyên, đặc biệt đã có những trận đánh diệt đồn hương dũng, giết bắt phản động đã làm kẻ thù khiếp sợ như trận đánh mìn giết 18 tên lính trên đường Thiết Trụ - Từ Hồ, trận chống càn tại phố Phủ thắng lợi, làm cho đại đội Com-măng-đô của địch thiệt hại phải rút lui, trận diệt đồn tổng dũng Đông Tảo, trận Thiết Trụ diệt đồn này 2 lần theo thời gian khác nhau, thu nhiều súng, đạn dược.


Cùng với việc đánh địch bằng vũ trang, nơi đây còn sử dụng nhiều hình thức đấu tranh chính trị, kinh tế, địch vận. Như vậy, quân dân Khoái Châu đã hoàn thành nhiệm vụ làm lá chắn ngăn chặn kẻ thù, góp phần quan trọng bảo vệ vùng tự do nam Hưng Yên từ 1947 đến đầu 1950.


Đảng bộ, quân dân Khoái Châu đã kiên cường chống phá âm mưu chiếm đóng, bình định của địch từ đầu 1950 đến khi kết thúc chiến tranh chống Pháp.

Ngày 22-12-1949, địch mở trận càn Diabolo chiếm đóng miền nam tỉnh. Khoái Châu là một trọng điểm. 4 đồn binh mới mọc ra tại Lạc Thủy, Nghi Xuyên, Vua Bơi, Đào Viên, đồng thời mau chóng mở rộng hệ thống tháp canh, hương đồn như: Trung Châu, An Vĩ, Sài Quất. Tính đến hết 1951 chúng đã hình thành lực lượng chiếm đóng bình định toàn huyện với 86 đồn binh lớn nhỏ gồm các đồn Liên hiệp Pháp, bảo an binh dọc đường 39, dọc sông Hồng từ một đại đội đến tiểu đoàn. Còn lại là vệ sĩ tổng dũng, hương dũng chiếm đóng khắp 84 thôn.


Với bộ máy kìm kẹp như vậy, quân dân, Đảng bộ Khoái Châu đã phải chịu đựng sự hy sinh vô cùng to lớn - người của, cơ sở kháng chiến bị khủng bố, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị bắt, bị giết.

Song cũng thời gian này, sức mạnh toàn dân được khơi dậy, những tấm gương anh dũng, những chiến công và trí tuệ đánh giặc của Khoái Châu được nhân lên gấp bội.

Đã đánh địch nhiều trận trong cuộc càn quét xuống nam huyện và chủ động tiến công diệt địch như trận diệt đồn nghĩa dũng thôn Đức Nhuận Thượng ngày 1-1-1950, trận diệt vị trí địch thôn Đông Tảo 4-1-1950 và các trận diệt địch bằng binh vận tại Hậu Đền... Đồng thời cùng với việc diệt phản động, trừ gian, chống Pháp âm mưu lập ngụy quyền, tháp canh hương đồn suốt từ 1950 đâ là cuộc chiến đấu đẫm máu giữa đôi bên địch, ta. Kết quả ta đã ngăn chặn một phần âm mưu của giặc, rèn luyện tinh thần chiến đấu của quân dân, Đảng bộ, tạo cho cuộc chiến đấu tiếp sau!


Đến khi có Nghị quyết Tỉnh ủy Hưng Yên tháng 12-1950 về đấu tranh chống địch phủ hợp với từng vùng, rồi đến cuộc chống phá hệ thống bình định của địch, mở đầu từ Thọ Lão, Phù Cừ tháng 3-1951 của bộ đội tỉnh, Khoái Châu đã tranh thủ làm tan rã hệ thống hương tổng dũng của địch. Với tinh thần tự lực của cơ sở địa phương, không ỷ lại và biết kết hợp với bộ đội cấp trên đánh địch, đó là thời gian từ 1951 đến cuối 1952.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2022, 07:53:26 am »

Sau khi đã cơ bản diệt, phá hệ thống bình định, quân dân Khoái Châu tiến lên giai đoạn chiến đấu mới - chống càn quét của địch, bảo vệ căn cứ kháng chiến. Điển hình là trận càn Lạc Đà 1952 trên một tháng đã cùng bộ đội tỉnh đánh trên 100 trận, giết nhiều địch; trận càn "Con cá" khu vực xã Tân Dân 3-4-1952. Qua chống càn, quân dân Khoái Châu đã trưởng thành, tiến lên bước mới trong việc diệt địch, giải phóng quê hương.


Ngày 3-1-1952 diệt đồn Thiết Trụ lần thứ nhất bằng địch vận, sau đó giúp bộ đội diệt đồn Lạc Thủy bằng địch vận kết hợp với cường tập phá vỡ hệ thống chiếm đóng đê sông Hồng của địch.

Một kỳ tích mới quân dân Khoái Châu đã hiệp đồng cùng bộ đội tỉnh trong 9 tháng tử 6-1953 đến 3-1954 đã diệt 5 đồn địch từ cấp đại đội đến tiểu đoàn. Trong đó có đại đội địch lính Âu Phi tại Nghi Xuyên. Tiểu đoàn binh chủng hợp thành gồm đại đội xe tăng, đại đội pháo binh và hai đại đội bộ binh tại đồn Vân Trì. Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 6 năm 1953 diệt đồn Đào Viên; trận diệt đồn Phương Trù 10-7-1953; trận Vân Trì đêm 15 rạng 16-8-1953; trận Thiết Trụ lần thứ hai 9-11-1953; ngày 26-3-1954 diệt đồn Nghi Xuyên. Đến đây, Khoái Châu đã diệt hết các đồn địch, chỉ còn lại đồn Phương Trù địch đã đóng trở lại. Đặc biệt những trận đánh thắng này là chiến thuật mật tập. Cả ta và địch rất ít bị thương vong, mà ta thu toàn bộ vũ khí, bắt gọn tù binh, trận đánh diễn ra nhanh gọn, một lối đánh thần kỳ của bộ đội ta.


Điều đáng tự hào là đại đội địa phượng của huyện đã tham gia chiến đấu cùng bộ đội tỉnh với trình độ tác chiến có đẳng cấp cao và độc lập tác chiến trong từng trận, diệt nhiều sinh lực địch, thu vũ khí, bắt tù binh.


Cùng với việc diệt địch trong đồn phòng ngự, ta còn liên tục đánh nhiều trận phục kích trên đê sông Hồng, đường 39, bao vây đánh địch tại đồn Vua Bơi và hương dũng thôn Cao Quán.

Rồi đến chiến dịch Điện Biên Phủ mở ra, quân dân Khoái Châu đã làm hết mình vì tiền tuyến bằng cung cấp nhiều tân binh và đảng viên cho cấp trên mở rộng lực lượng, tham gia chiến đấu của du kích nhiều xã tại đường 5 trong đó có một đại đội được tách ra từ đại đội của huyện thành đại đội 10 cung cấp cho tỉnh chuyên làm nhiệm vụ chiến đấu tại phía bắc tỉnh.


Đến khi ký hiệp định đình chiến - tại khu tập kết 80 ngày, Đảng bộ, nhân dân Khoái Châu đã tranh thủ gọi con em còn trong đội ngũ địch trở về, và hăng hái làm địch vận, góp phần làm tan rã những đội quân ngụy về trú quân tại địa phương, có ngày hàng trăm tên, có cả những xe cơ giới vận tải, xe chỉ huy cũng ra đầu hàng.


Khoái Châu còn có tấm lòng nhân ái cao trong việc xây dựng, bảo vệ, phục vụ thương bệnh binh tại, xã Đại Tập trong những năm địch hậu.

Sở dĩ huyện nhà làm được chiến công lịch sử như vậy là bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc, cứu nước oanh liệt từ xa xưa, như việc xây dựng căn cứ cho Triệu Quang Phục, đánh thắng quân nhà Lương tại Dạ Trạch, giúp quân nhà Trần "Cầm hồ Hàm Tử quan" trong chiến dịch diệt quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, là việc xây dựng căn cứ và giúp nghĩa quân Tán Thuật đánh Pháp trên 10 năm tại vùng bắc huyện, gọi là Bãi Sậy...


Nó còn bắt nguồn từ hoàn cảnh thời cuộc nên không đứng dậy bảo vệ quê hương, thì kẻ thù xâm lược Pháp lại biến nơi này thành nô lệ mất nước, bị mất hết quyền sống, mà Khoái Châu có vị trí chiến lược với chúng, là nơi bóc lột của chúng.


Những yếu tố cơ bản nhất là sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo thành, mà cụ thể là Khoái Châu đã sớm nhất tỉnh có những người cộng sản lãnh đạo cách mạng tại thôn Sài Thị, rồi từ cơ sở nơi đây nuôi dưỡng nhân lên qua các thời kỳ, nên đã sản sinh ra thế hệ kế tiếp ứng với thời cuộc, đáp ứng sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thành sứ mệnh cứu dân, cứu nước của mình.


Song công bằng mà xét, bên cạnh thành công kỳ vĩ ấy, huyện nhà cũng phạm những sai sót làm hạn chế thắng lợi và làm tổn thất người, của không đáng có.

Đó là thời gian từ 47 - 50 chưa thật tranh thủ ở mức cao nhất diệt địch, chưa sử dụng triệt để hình thức đấu tranh chính trị, bảo vệ nhân tài, vật lực vùng tạm chiếm, vùng giáp ranh nên sự tổn thất là quá nặng nề.


Còn chủ quan không chuẩn bị chu đáo, bảo vệ vùng tự do phía nam huyện nên khi trận càn Diabolo diễn ra bị tổn thất, để địch mau chóng hình thành hệ thống bình định, làm hạn chế chiến công diệt địch, bảo vệ lực lượng kháng chiến.


Là sự tả khuynh trong gần suốt 1950 trong việc đấu tranh vũ trang, phá tề trừ gian, bỏ qua dùng hình thức đấu tranh chính trị thích hợp để hạn chế âm mưu địch, bảo vệ lực lượng kháng chiến, chờ thời cơ tiến lên nên thời gian này sự tổn thất người, của là không nhỏ, trong đó nhiều đảng viên chủ chốt bị bắt, bị giết như Bí thư Huyện ủy Thông, ủy viên thường vụ Bích...


Một sự kiện không bình thường là bọn phản động thôn Cao Quán mọc ra gây khó khăn cho ta tại đường 39 thuộc Đồng Tiến, trong lúc đó quân dân Khoái Châu đã diệt gần hết các đồn binh tại dọc đường 39, đó cũng là sai lầm của lãnh đạo huyện.


Kết luận lại: Lịch sử kháng chiến chống Pháp của Khoái Châu nằm trong lịch sử chung, cũng là sự vận động có tính biện chứng quan hệ địch ta, nhưng cũng có đặc thù riêng: sự hy sinh bất khuất đến cao độ, tinh thần thượng võ rất cao trong chiến đấu diệt địch, hầu hết các đảng viên từ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã đã là tấm gương kiên cường dũng cảm đi đầu trong chiến trận. Có tinh thần trách nhiệm cao trong huy động nhân tài vật lực cho tiền tuyến và trình độ trí tuệ của các lực lượng vũ trang mà tiêu biểu là đại đội địa phương huyện trong tài năng đánh địch. Đó là niềm tự hào có ý nghĩa lịch sử của Khoái Châu.


Còn những sai sót, nhưng đây cũng là trách nhiệm chính trị của Đảng bộ mà những người lãnh đạo có liên quan cần thấy rõ, trong đó có cá nhân tôi.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #42 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 07:54:13 pm »

NỐI TIẾP TRUYỀN THỐNG ĐÁNH GIẶC CỦA TỔ TIÊN,
QUÂN DÂN HUYỆN KHOÁI CHÂU (HƯNG YÊN)
ĐÃ ĐÁNH THẮNG TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP


VÕ AN ĐÔNG
(Nguyên Tỉnh đội trưởng Hưng Yên)


Từ ngày 22-12-1949, quân Pháp đã chiếm đóng toàn tỉnh Hưng Yên, huyện Khoái Châu cũng bị chiếm đóng trên sông Hồng có các vị trí Thiết Trụ, Phương Trù, Lạc Thủy, Nghi Xuyên, dọc đường 39 có vị trí Đào Viên, Vân Trì,  ở giữa huyện Pháp cắm vị trí Vua Bơi (Yên Mỹ). Năm 1950 - 1951, mọc lên một loạt hương đồn, tháp canh ở các làng.


Bọn Pháp và tay sai đã khống chế lực lượng kháng chiến, bắt bớ, tàn sát nhân dân và cán bộ. Một số cán bộ bám đất, bám dân nêu cao gương dũng cảm hy sinh như đồng chí Hà Tài Cáp, cán bộ Huyện đội; đồng chí Thông, Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy Khoái Châu đã bị giặc bắt và giết hại không tiếc tay. Phong trào tạm thời bị lắng xuống, cơ quan và bộ đội huyện bị bật khỏi địa bàn.


Nhưng từ cuối tháng 10 năm 1951, được chiến thắng Biên Giới và Nghị quyết Tỉnh ủy tháng 12-1950 cổ vũ và soi sáng, sau khi bộ đội tỉnh (C27) đã tiêu diệt bốt Thanh Sầm (Kim Động) đã khuếch trương chiến thắng tới các xã phía nam huyện Khoái Châu. Nhân dân, du kích huyện Khoái Châu nhân đà đó đã tự động đứng lên quật khỏi phá tan bốt hương dũng, phá tề ở Thọ Nham, Phó Nham, Sài Quất, Tiểu Quan, Đại Quan, Ngọc Nha, các xã ngoại bối cho đến xã Dạ Trạch (Ông Đình, Yên Vĩnh). Chỉ còn lại có bốt Dương Trạch (xã Tân Dân) phản động thì đêm 16-11-1951 đã bị bộ đội tỉnh tiêu diệt, phá sập lô cốt, buộc bọn hương dũng phải đầu hàng. Khuếch trương chiến thắng, ta đẩy mạnh công tác địch vận đã làm nội ứng diệt bốt Thiết Trụ (1-1952) và bốt Lạc Thủy (2-1952), cả 2 bốt này đều nằm trên đê sông Hồng. Do đó, cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể, dân quân du kích ngày càng củng cố vững chắc, nên mặc dầu địch mở chiến dịch "Lạc Đà" (tháng 5-1952), chúng tàn phá rất nặng nề, quân dân Khoái Châu đã kiên cường đánh trả, vẫn giữ vững khu du kích, không cho phép địch lập lại ngụy quyền ở xã, thôn. Ngược lại, vào mùa khô năm đó, nhất là khi quân chủ lực ta mở chỉến dịch ở Tây Bắc, dân quân du kích huyện đã tiến sát các vị trí địch như Thiết Trụ, Vân Trì, v.v..., vây hãm chúng, buộc chúng phải tiếp tế bằng máy bay hoặc tàu chiến trên sông, nhưng bộ đội huyện và du kích chỉ có khả năng buộc địch phải co lại, cố thủ bên trong vị trí, còn ta vì chưa có những vũ khí công đồn và vì chưa tìm ra cách đánh thích hợp nên cũng chưa có khả năng nhổ hẳn vị trí địch. Trạng thái nhập nhằng đó ta thì chỉ bao vây địch, còn địch thì cố thủ trong vị trí, không chịu đầu hàng ta, kéo dài từ cuối năm 1952 tới tháng 5-1953, khi mà bộ đội tỉnh tìm ra cách đánh rất có hiệu quả để tiêu diệt các vị trí địch có công sự vững chắc, như đêm 10-5-1953 tiêu diệt vị trí địch ở Bần Yên Phú quy mô cỡ tiểu đoàn, và đêm 20-6-1953 tiêu diệt vị trí Đào Viên là cấp quận hành chính ngụy ờ ngay trên đường 39 thuộc huyện Khoái Châu. Chiến thắng trên đã tạo được dư âm sâu sắc tới nhân dân và lãnh đạo huyện Khoái Châu. Theo sự gợi ý của Bí thư Huyện ủy, đồng chí Tống Đăng Bổn lúc đó là Huyện đội trưởng Khoái Châu tới gặp Tỉnh đội Hưng Yên nói lên nguyện vọng không chỉ đơn thuần bao vây vị trí địch, mà muốn tiêu diệt vị trí địch, mở rộng địa bàn kháng chiến, xin được bộ đội huyện học tập và phối hợp thực tế chiến đấu theo cách đánh mới này, lúc đó gọi là chiến thuật mật tập, "nở hoa trong lòng địch" hay gọi nôm na là chiến thuật "sờ địch”.


Tỉnh đội thấy bộ đội huyện Khoái Châu một lòng muốn thực hiện cách đánh "mật tập" này nên đã bố trí một trung đội huyện phối hợp với C27 của tỉnh đánh tiêu diệt bốt Phương Trù nằm trên đê sông Hồng. Cách phối hợp là trung đội huyện do đồng chí Nguyễn Đình Chức, Huyện đội phó chỉ huy. Trận này do đồng chí Đào Cơ tiểu đoàn phó tỉnh chỉ huy (Đào Cơ cũng có lúc làm Huyện đội phó huyện Khoái Châu); việc sử dụng máy điện thoại nói thầm để thống nhất chỉ huy các mũi là cái mới trong chiến thuật (máy điện thoại phải bỏ tất cả chuông ra ngoài, thông tin với nhau bằng cách nói thầm với nhau).


Đêm 10-7-1953 (1 tháng sau ta tiêu diệt vị trí Đào Viên) trong 15 phút ta đã diệt bốt Phương Trù, bắt nhiều tù binh, vũ khí thu được có một khẩu DKZ 57mm, sau này bắn trọng thương một ca nộ trên sông Hồng ngày 10-11-1953.


Sau hôm bốt Phương Trù bị diệt, bốt Vua Bơi đóng ở giữa huyện hoảng hốt bỏ chạy, địch đã chiếm đóng trở lại bốt Phương Trù, nhưng khu du kích được mở rộng ra các xã ở giữa huyện. Sau trận này, bộ đội huyện đã rút kinh nghiệm, bằng thực tế chiến đấu học tập phối hợp cách đánh “mật tập" của tỉnh.


Đêm ngày 15-8-1953, bộ đội huyện lúc đó gọi là C10 lại cùng với C25 và C27 của tỉnh tiêu diệt bốt Vân Trì nằm trên đường 39 là vị trí lớn, quy mô có một tiểu đoàn hỗn hợp gồm bộ binh, pháo binh, xe tăng, thiết giáp. Tỉnh đội đã tổ chức 3 mũi tiến đánh, trong đó có C10 (bộ đội Khoái Châu) đàm nhiệm mũi thứ 3 tự tổ chức trinh sát từ phía đông, vượt qua cầu Vân Trì đánh vào. Huyện đã giới thiệu em Đào Thị Liêm, 15 tuổi, làm phu bên trong vị trí địch, giúp cho bộ đội nắm rõ tình hình bố trí pháo, xe tăng, chỗ ở bọn lính địch.


Khi diễn biến chiến đấu, mũi của C10 (Khoái Châu) đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đã vượt qua cầu diệt xe thiết giáp, bắt được nhiều tù binh, làm chủ trận địa. Ngày 16-8-1953, địch dùng xe tăng, có máy bay yểm trợ tới các xã như Phùng Hưng, Đại Quan, Liên Khê, Ngọc Nha thì bị du kích xã tiêu diệt một số. Bọn chúng phải mò mẫm mãi mới tới Vân Trì, thu dọn xác chết rồi rút bỏ hoàn toàn vị trí này, do đó khu du kích huyện lại được mở rộng. Trận này đã được Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh tuyên dương công trạng, tặng thưởng huân chương Quân công hạng ba cho các đơn vị tham gia.


Tiếp theo đêm 10-11-1953, vị trí Thiết Trụ lại bị tiêu diệt bằng "mật tập" lần thứ hai (lần I bị tiêu diệt bằng nội ứng tháng 1-1952 và sau trận "Lạc Đà", địch đã đóng lại vị trí này hồi 5-1953). Khi bao vây vị trí, C10 (Khoái Châu) đã "sờ" vào sát vị trí địch, nên lập công đầu thuộc về C10. Tỉnh đội đã sử dụng kết quả trinh sát của C10, hạ quyết tâm sử dụng C27 của tỉnh và C10 tiêu diệt vị trí này bằng "mật tập", trong đó C10 đảm nhiệm mũi diệt địch trên đê, còn C27 tiêu diệt địch ở bên trong đê.


Diễn biến chỉ có một tình huống xảy ra là mãi tới 4 giờ sáng mới nổ súng (theo kế hoạch 1 giờ sáng). Anh em C10 chiếm lĩnh trận địa từ trước 1 giờ, chờ đợi mãi, sinh ra sốt ruột lo lắng, nhưng sau nhờ có Tỉnh đội buộc một vài cán bộ còn do dự phải hạ lệnh xung phong, nên tuy có chậm nhưng vẫn thắng lợi trọn vẹn trong 15 phút. Từ đó, Thiết Trụ được giải phóng, địch không dám đóng trở lại.


Từ cuối năm 1951, quân dân huyện Khoái Châu về cơ bản nổi lên phá tan hệ thống tháp canh, hương đồn, mở rộng khu du kích.


Năm 1952, quân dân huyện đã thừa thắng làm địch vận nội ứng diệt vị trí Thiết Trụ và Lạc Thủy, đánh nhiều trận phục kích, chống càn quét, nhất là trong chống càn "Lạc Đà", tổ chức nuôi dưỡng thương bệnh binh của tỉnh ở các xã ngoại bối đê, đặc biệt đã bao vây vị trí địch, chia cắt bọn chúng ra từng mảnh.


Đặc biệt từ 6 tháng cuối năm 1953, bộ đội huyện Khoái Châu (lấy phiên hiệu là C32, sau là C10) đã nhạy bén nắm bắt chiến thuật "mật tập", đã cùng với bộ đội tỉnh tiêu diệt gọn 3 vị trí địch là Phương Trù (7-1953), Vân Trì (8-1953), Thiết Trụ lần 2 (11-1953), nếu tính thêm bộ đội tỉnh diệt vị trí Đào Viên (6-1953) và Nghi Xuyên (26-3-1954) như vậy trên địa bàn Khoái Châu đã có tổng cộng 5 vị trí địch bị tiêu diệt bằng phương pháp độc đáo "mật tập", thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tù binh và làm chủ trận địa, mở rộng địa bàn kháng chiến. Đến khi đình chiến (7-1954), toàn huyện chỉ còn có vị trí Phương Trù địch chiếm đóng trở lại trên đê sông Hồng và vị trí hương dũng Cao Quán trên đường 39.


Điểm đặc sắc là C32 (tức C10) của Khoái Châu là đơn vị duy nhất trong số các huyện của tỉnh có cách đánh mật tập được thành thục có hiệu quả cao, trong 6 tháng đã diệt 3 vị trí, giành thắng lợi ròn rã.

LLVT huyện Khoái Châu xứng đáng với truyền thống đanh giặc của cha ông xưa, góp phần giành và giữ độc lập cho nước nhà.


Ghi chú: Tham khảo 2 bài của Đào Ngọc Quế: Trận tiêu diệt Thiết Trụ (lần thứ 2) ngày 8-11-1953 quyển ''Đường 5 anh dũng quật khởi" tập 1 tái bản lần 2 và bài Tiêu diệt bốt Vân Trì “Đường 5 anh dang quật khởi" tập 2 tái bản lần 1.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #43 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 07:55:24 pm »

HAI LẦN ĐÁNH TÀU CHIẾN ĐỊCH TRÊN SÔNG HỒNG


Đại tá ĐÀO NGỌC QUẾ


Trung đội 20 phục kích đánh tàu địch trên bến sông thôn Lan Đình

Năm 1953, trên đê sông Hồng thuộc địa phận huyện Khoái Châu - Hưng Yên chỉ còn lại các bốt Thiết Trụ (đóng lần hai), Phương Trù (đóng lần hai) và Nghi Xuyên bảo vệ tuyến sông Hồng của địch. Hàng ngày, thường có một đoàn tàu chiến của địch hoạt động từ Hưng Yên lên Hà Nội, rồi lại từ Hà Nội về Hưng Yên làm nhiệm vụ bảo vệ dọc hai bờ sông Hồng.


Ban chỉ huy Tỉnh đội Hưng Yên giao cho đại đội 10 nghiên cứu phương án đánh tầu chiến của địch trên sông Hồng.

Đầu năm 1953, trung đội trưởng trung đội 20 Nguyễn Quang Từ trực tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức chỉ huy trận đánh này từ ban chỉ huy đại đội 10. Anh đã chọn khúc sông thuộc địa phận thôn Lan Đình xã Nguyễn Huệ (Khoái Châu) làm nơi bố trí trận địa. Theo kế hoạch được duyệt, quân giới của Tỉnh đội làm một quả bộc phá 100kg có gắn kíp điện, dòng dây dẫn điện vào bờ sông dùng pin điện gây nổ. Có phao, khi thả xuống sông, quả bộc phá này chỉ nổi lưng chừng cách mặt nước khoảng 2m. Một tổ chiến sĩ bơi lặn giỏi được tuyển chọn trong trung đội, làm nhiệm vụ trinh sát dòng chảy, độ sâu của từng đoạn sông và nghiên cứu chỗ đặt bộc phá, dòng dây vào bờ chổ ngồi điểm hòa. Một bộ phận hỏa lực được phân công bắn chặn địch nếu chúng đổ bộ hoặc tử bốt Nghi Xuyên gần đó đi càn quét...


Ngay từ đêm, mọi công việc chuẩn bị cho trận đánh đã được triển khai. Trung đội trưởng Từ trực tiếp chỉ huy tổ điểm hỏa đánh địch. 4 giờ sáng, mọi công việc đã được hoàn tất. Các chiến sĩ bình tĩnh chờ tàu địch đến.

Vào khoảng gần 9 giờ, một đoàn tàu chiến của địch từ phía Hà Nội rẽ sóng lướt tới. Trung đội trưởng Từ ra lệnh cho các chiến sĩ nhằm vào chiếc tàu đi giữa chuẩn bị điểm hỏa. Khi con tàu lọt vào vị trí thả bộc phá, cũng là lúc bùng lên một tiếng nổ long trời. Trên các tàu chiến khác, quân địch hoảng loạn bắn các loại súng các cỡ, đạn bay rào rào sang hai bờ sông. Hỏa lực của ta cũng nhằm thẳng vào các tàu chiến địch nổ giòn giã. Chúng không dám đổ quân lên bờ, rồi chạy về hướng thị xã Hưng Yên.


Chiếc tàu chiến địch bị trúng bộc phá của ta chỉ bị hư hại nặng, nhưng một số lính ngồi ở trên boong bị chết tại chỗ. Những tên bị bộc phá hất xuống sông chết, mấy ngày sau xác nổi trôi lềnh bềnh phía hạ nguồn. Trận này, tuy ta không đánh chìm được tàu chiến của địch nhưng làm cho chúng rất hoảng sợ.


Chiến công đánh tàu địch của Trung đội 14 tại đền Chánh - Đa Hòa

Vận tải đường thủy trên tuyến sông Hồng có vị trí rất quan trọng của địch từ Nam Định đi Hưng Yên và Hà Nội. Vì vậy, sau trận đánh trên, các tàu chiến của địch vản phải hoạt động tiếp tục trên tuyến này. Song, đề phòng quân ta phục kích, chúng nghiên cứu thay đổi phương thức hoạt động trước đây bằng cách vài ngày mới tổ chức một đoàn tàu quân sự qua lại.


Trung đội 14, đại đội 10 lại được cấp trên giao nhiệm vụ nghiên cứu đánh tàu chiến địch lần thứ hai. Trung đội trưởng Đào Ngọc Quế và chính trị viên Nguyễn Quốc Thanh quán triệt quyết tâm đánh đến từng chiến sĩ trung đội. Trung đội 14 bố trí phục kích tại khu vực đền Chánh - Đa Hòa1 (Đền Chánh - Đa Hòa nay là xã Bình Minh, huyện Khoái Châu), xã Mễ Sở, huyện Khoái Châu. Một khẩu đội DKZ 57 ly của đơn vị trợ chiến Tỉnh đội phối hợp tác chiến do đồng chí Cường chỉ huy.


Vào một ngày tháng 10-1953, trung đội 14 triển khai chiến đấu với trang bị vũ khí gồm 2 khẩu đội trung liên, súng trường, tiểu liên đầy đủ. Đặc biệt, đề phòng quân địch từ các tàu chiến đổ bộ lên bờ, các chiến sĩ ta được trang bị khá nhiều lựu đạn, thủ pháo. Mờ sáng, trên hệ thống công sự đào dọc bờ sông Hồng, trung đội 14 đã trong tư thế sẵn sàng tiêu diệt địch.


Khoảng 9 giờ, một đoàn tàu chiến địch từ phía Hà Nội xuôi sông Hồng lọt vào trận địa bố trí của ta. Mệnh lệnh chiến đấu được phát ra. Các chiến sĩ khẩu đội DKZ đã bắn liền ba phát. Cùng lúc, từ các công sự, các cỡ súng của ta đồng loạt bắn thẳng vào các tàu chiến địch. Một tàu địch bị trúng đạn súng DKZ 57 ly vào đuôi tàu, một số lính địch ở trên các boong tàu bị diệt. Bọn chỉ huy các tàu chiến địch không dám cho quân đổ bộ mà hè nhau dắt tàu bị thương tăng tốc tháo chạy về hướng thị xã Hưng Yên...


Trận này, mặc dù không đánh chìm được tàu chiến địch vì súng DKZ 57 ly chỉ đủ sức làm hỏng tàu địch chứ không thể đánh chìm được, nhưng một lần nữa đã gây cho chúng nỗi sợ hãi kinh hoàng trước sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang ta. Với các chiến sĩ trung đội 14, đây cũng là một chiến công nhỏ góp vào sự nghiệp lớn kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #44 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:03:08 pm »

NHỮNG TRẬN ĐÁNH HÓA TRANG XUNG QUANH BỐT VUA BƠI
(KHOÁI CHÂU)


Đại tá ĐÀO NGỌC QUẾ


1. Diệt Tây giữa chợ Phủ Khoái Châu

Năm 1952, các đồn hương dũng, tổng dũng của địch trên địa bàn huyện Khoái Châu (Hưng Yên) bị ta tiêu diệt. Các bốt lớn của chúng vẫn còn. Trong đó có bốt Vua Bơi nằm giữa phố Phủ Khoái Châu. Vì thế, các làng chung quanh bốt và phố Phủ vẫn còn trong cảnh làng tề do địch kiểm soát.


Giữa phố Phủ Khoái Châu có một cái chợ họp hàng ngày, gọi là chợ Phủ. Nhân dân quanh vùng thường ngày đi chợ mua bán rất đông. Bọn Tây và lính ngụy trong bốt cũng thường rủ nhau ra chợ ăn nhậu, mua bán, ve gái. Nhân dân rất căm ghét chúng, mong chờ bộ đội về diệt giặc.


Ban chỉ huy Huyện đội Khoái Châu đã giao nhiệm vụ cho trung đội 14 nghiên cứu hóa trang đánh địch trong chợ tạo điều kiện cho ta xây dựng cơ sở, bao vây, cô lập địch.

Nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Khắc Phụng (tức Vũ Định), trung đội trưởng trung đội 14, đại đội 32, đã họp với lãnh đạo các xã Kim Ngưu, An Vĩ (nằm chung quanh phố phủ - Khoái Châu) bàn phương án phối hợp đánh địch. Hàng ngày, một số nam, nữ du kích cùng các chiến sĩ bộ đội cải trang như những người dân thường vào chợ Phủ mua bán, nắm tình hình địch hoạt động và báo cáo kịp thời về chỉ huy trung đội để quyết định phương án tác chiến phù hợp. Hầu hết bọn Tây và lính ngụy ra chợ Phủ; đều không mang vũ khí, vì chúng cho là địa bàn an toàn gần bốt.


Trung đội trưởng Phụng quyết định phương án hóa trang đánh địch ngay trong chợ Phủ. Vào một ngày tháng 2-1952, 5 nam nữ du kích cùng 5 bộ đội ăn mặc như mọi người dân, vào chợ mua sắm hàng hóa. (5 chiến sĩ B14 gồm có các đồng chí: Nguyễn Khắc Phụng, B trưởng; Trần Huy Nghĩa, Nguyễn Văn Bảng, Nguyễn Văn Đến, Nguyễn Văn Bát). Đồng chí Phụng mang súng ngắn. Đồng chí Bảng mang theo một tiểu liên "tuyn" giấu trong quang gánh của một nữ du kích cải trang. Còn lại, vũ khí của họ là đòn gánh. Mật hiệu được thống nhất: nếu có Tây thì gọi là "cá chép", có lính ngụy thì gọi là "cá mè". Tình hình đánh địch thuận lợi sẽ do chỉ huy trung đội đi từ phía làng An Vĩ vào chợ, quyết định...


Chỉ lát sau, một du kích ra thông báo mật hiệu: Có 1 "cá chép" đang trêu ghẹo phụ nữ ở giữa chợ! Trung đội trưởng Phụng ra lệnh cho toàn tổ đi nhanh vào chợ. Tên quan một Tây và cả mấy tên lính ngụy đang vây quanh chỗ mấy cô hàng xén. Rất bình tĩnh, đồng chí Phụng áp sát thằng Tây rút súng lục bắn liền ba phát. Lập tức, các chiến sĩ Bát, Đến cùng rút đòn gánh phang túi bụi vào thằng Tây. Anh chị em du kích thì lớn tiếng: "Việt Minh đánh bốt, bà con ơi!". Quang cảnh chợ tán loạn. Lúc này đồng chí Bảng đã lấy khẩu tiểu liên "tuyn" trong quang gánh nhưng không dám bắn, sợ vào bà con trong chợ. Anh quay lại dùng báng súng đánh tiếp, thằng Tây ngã lăn đang kêu rống. Mấy thằng lính ngụy hoảng sợ, vứt hết cả hàng hóa chạy tháo thân. Một tên đội ngụy nhảy qua mấy gánh rau, lao xuống thửa ruộng gần đấy. Đồng chí Nghĩa vội đuổi theo, dùng đòn gánh đánh trúng đầu tên địch. Nó ngã quy. Anh băng đến, nhưng nó vùng ngay dậy đánh trả. Mặc dù tên đội ngụy to khỏe hơn, nhưng với lòng căm thù giặc, anh Nghĩa đã vật ngã và ghì nó nằm úp xuống đất. Anh đánh tiếp đến khi tên này không chống cự được anh mới chịu rút ra cánh đồng. Gặp một ông lão chăn vịt đưa cho anh chiếc nón và cái gậy, anh ngụy trang làm người chăn vịt rồi băng qua cánh đồng tìm về đơn vị. Trong lúc trung đội trưởng Phụng cho người đi tìm Nghĩa thì anh xuất hiện. Mọi người mừng rỡ ôm lấy anh sung sướng. Nhìn thấy trên đầu anh rớm máu, một chiến sĩ kêu lên: "Ôi! Anh Nghĩa bị thương rồi!". Thì ra trong lúc quần nhau với tên đội ngụy, anh đã bị nó đánh vào đầu bị thương.


Kết quả trận hóa trang đánh địch này, ta diệt 1 quan một Tây và 1 tên đội ngụy. Bên ta chỉ có đồng chí Nghĩa bị thương nhẹ. Cũng từ đó, bọn địch ở bốt Vua Bơi mỗi khi ra chợ Phủ Khoái Châu đều phải bố trí lực lượng bảo vệ, không chủ quan như trước.


Đồng chí Dũng (Xược), Huyện đội trưởng Khoái Châu, đã làm bài thơ tặng các chiến sĩ tham gia trận đánh, như sau:

   Một ngày chợ Phú
   Cổng bốt Vua Bơi
   Tây - ngụy ra chơi
   Ngang nhiên ve gái
   Một đoàn bộ đội
   Du kích hóa trang
   Đàng hoàng vào chợ
   Thằng Tây mặt đó
   Ve gái giữa đường
   Vũ Định chặn đường
   Bắn luôn ba phát    
   A trưởng là Bát
   Đòn gánh phang liền
   Anh Bảng tiến lên
   Nện luôn báng súng
   Anh Đến đòn ống
   Cùng đánh vào đầu
   Tên giặc vỡ đầu
   Ngã lăn giãy chết
   Một thằng đội sếp
   Vội chạy tháo thân
   Anh Nghĩa quyết tâm
   Một mình bắt giặc
   Giết chết kẻ thù
   Du kích hô to
   Việt Minh phá bốt
   Cả chợ hỗn độn
   Kêu thét vang trời
   Quân ta rút lui
   An toàn tuyệt đối
   Nhân dân phấn khởi
   Đón mừng bộ đội
   Chiến thắng trở về
   Giữ vững lời thề
   Quyết tâm giết giặc.



Ghi chú:

* Vũ Định là bí danh của đồng chi Nguyễn Khắc Phụng, B trưởng B14. Quê anh ở Cốc Phong, Khoái Châu. Sau này, anh đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Mỹ ở miền Nam.

* Anh Bảng quê ở Đa Hòa, Khoái Châu (đã từ trần).

* Anh Bất quê ở Yên Cảnh Hạ, Khoái Châu. Anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi bao vây bốt Thiết Trụ năm 1952.

* Anh Nghĩa hiện nghỉ hưu ở Mễ Sở - Văn Giang.

* Anh Đến quê ở ấp Cự Hiên, xã Kim Ngưu, Khoái Châu; hiện nay ở Thọ Sơn, Lục Nam, Bắc Giang.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #45 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:04:05 pm »

2. Tên đội ngụy đền tội trong làng An Vĩ

Sau trận phối hợp hóa trang đánh địch thắng lợi trên, bọn giặc ở bốt Vua Bơi đã tăng cường củng cố hệ thống phòng nhì, chỉ điểm. Một thời gian sau, thấy không có chuyện gì xảy ra, chúng lại chủ quan. Một số lính ngụy trong bốt mon men ra các làng tề chung quanh ăn nhậu, ve gái...


Đồng chí Nguyễn Minh Chức, bí thư chi bộ xã An Vĩ, đề nghị lực lượng bộ đội huyện Khoái Châu phối hợp với du kích địa phương tiêu diệt bọn này. Trung đội 14 lại được trên giao nhiệm vụ về An Vĩ cùng lãnh đạo địa phương nghiên cứu phương án đánh địch.


Hàng ngày, bọn lính ở bốt Vua Bơi thường kéo nhau vào làng An Vĩ, tụ tập ở một vài quán giải khát ăn uống, tán mấy cô gái bán hàng. Chúng đi thành từng nhóm dăm, ba tên; cũng có khi cả chục tên vào quán xả láng. (Chúng thường đi người không, chỉ khi nào hành quân vây quét mới mang theo vũ khí). Trinh sát báo cáo về chỉ huy trung đội. Các đồng chí Đào Ngọc Quế B trưởng và Dương Hữu Lộ chính trị viên B chỉ huy trung đội 14, quyết định sử dụng một lực lượng nhỏ cải trang như bọn lính ngụy, vào làng An Vĩ đánh địch. Sau khi thống nhất mật khẩu, ám hiệu, các chiến sĩ đểu thể hiện quyết tâm chiến đấu cao.


Vào một ngày tháng 10-1952, chỉ huy trung đội quyết định, triển khai đánh địch. Du kích xà An Vũ do đồng chí Chúc phụ trách được phân công nắm tình hình địch hoạt động trong làng, nhất là nơi có các quán hàng mà bọn lính ngụy thường tụ tập. Đi cùng tổ bộ đội chiến đấu là một du kích làm nhiệm vụ dẫn đường.


Một du kích cải trang làm người câu cá, làm nhiệm vụ quan sát địch tình. Đồng chí Quế, đồng chí Chúc chỉ huy trận đánh củng lực lượng chiến đấu nằm ém trong một nhà dân ngoài cánh đồng. Từ đây, các anh có thể quan sát được người du kích câu cá làm ám hiệu để có thể ra lệnh xuất kích nhanh chóng.


Khoảng 9 giờ, người du kích câu cá làm ám hiệu có một số lính ngụy vào làng. Lập tức chỉ huy ra lệnh, đồng chí Quyết, tiểu đội trưởng (quê ở Tân Dân) trong trang phục lính ngụy đeo lon cai, cùng 5 chiến sĩ cải trang là lính ngụy, theo sát một du kích dẫn đường vào làng An Vĩ. Vừa đến quán nước giữa làng, các anh thấy có hai tên lính ngụy đang ngồi uống nước. Chúng phát hiện ra ta, liền vội vàng bỏ chạy. Tiểu đội trưởng Quyết cùng đồng đội đuổi theo, nổ luôn một tràng tiểu liên làm một tên ngã gục, còn tên kia sợ hãi giơ tay rối rít xin hàng. Các chiến sĩ ta giải tên này về căn cứ. Nó khai tên là Đôn, quê ở thị xã Hưng Yên, hôm nay tên đội rủ đi chơi thì bị bắt.


Thấy quân ta nổ súng ở làng An Vĩ, bọn địch ở bốt Vua Bơi vội vàng huy động lực lượng chia làm hai mũi lên bao vây. Nhưng lúc này quân ta đã rút lui an toàn, thu 1 quả lựu đạn và dao găm. Bọn địch phải gọi trực thăng đưa tên đội bị thương nặng về Hà Nội cấp cứu, nhưng trên đường đi tên này đã chết.


Thế là sau hai trận đánh hóa trang của quân ta, lính ngụy ở bốt Vua Bơi không còn dám đi lại nghênh ngang như trước. Phong trào du kích các xã An Vĩ, Kim Ngưu qua đó cũng hoạt động mạnh, khống chế tiến tới bao vây cô lập địch trong bốt Vua Bơi. Trước tình thế nguy khốn khi quân ta tiêu diệt bốt Phương Trù ngày 10-7-1953 thì địch ở bốt Vua Bơi cũng phải cho quân rút chạy về bốt Lực Điền. Và chỉ một ngậy sau, nhân dân các xã chung quanh bốt Vua Bơi đã nổi dậy san phẳng bốt này. Như vậy, toàn bộ khu trung tâm huyện Khoái Châu không còn đồn bốt địch và trở thành một khu du kích mạnh.


Ghi chú:

- C10, C32 là tên cùng một đơn vị của bộ đội địa phương Khoái Châu thời chống Pháp.

- Đồng chí Quyết đã hy sinh trong trận diệt bốt Phương Trù 10-7-1953.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:10:35 pm »

CHUYẾN “ĐỐI NGOẠI” ĐẶC BIỆT CỦA CHÚ LIÊN LẠC
HUYỆN ĐỘI KHOÁI CHÂU


Đại tá ĐÀO NGỌC QUẾ



Năm 1952, phần lớn các đồn bốt giặc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã bị bộ đội ta tiêu diệt. Trên đê sông Hồng và đường 39 chỉ còn lại một số đồn bốt. Song chúng thường xuyên bị bộ đội và dân quân du kích tấn công, bao vây chặt.


Vào một ngày tháng 8 năm 1952, một tốp máy bay Hen-cát của địch đi bắn phá một số khu vực phía nam tỉnh Hưng Yên. Thì một chiếc khu trục bị trúng đạn bốc cháy, lao về đến xã Tân Châu (huyện Khoái Châu) thì rơi xuống cánh đồng ngô khu ngoại bối. Tên giặc lái vội nhảy dù thoát chết. Tiếng hò reo bắt giặc lái của dân quân du kích và nhân dân địa phương:

- Máy bay địch rơi rồi! Mau bắt giặc lái nhảy dù...!

- Bắt sống, đừng để nó trốn thoát!...

Nơi tên giặc lái nhảy dù xuống chỉ cách bốt Phương Trù chừng 1km đường chim bay. Tên đồn trưởng bốt Phương Trù vừa nhận được điện của cấp trên, đã vội vàng trực tiếp chỉ huy một trung đội lính ngụy đến ứng cứu. Khi chúng đến nơi, hiện trường chi còn lại những đám cháy mảnh xác máy bay nằm rải rác. Lúc này, tại trụ sở chỉ huy của Huyện đội Khoái Châu, tên giặc lái bị thương dã được dân quân du kích đưa về cứu chữa. Một cán bộ địch vận giỏi tiếng Pháp là đồng chí Nguyễn Văn Trung (quê thôn Đa Hòa, xã Mễ Sở)* (Nay là xã Bình Minh, huyện Khoái Châu) phối hợp với Huyện đội Khoái Châu lấy lời khai của tên giặc lái. Y khai tên là Jean Fabert, quốc tịch Pháp, cấp bậc đại úy lái máy bay thuộc lực lượng không quân Pháp. Y tỏ thái độ hối hận về những tội ác mà y và đồng bọn đã gây ra đối với nhân dân ta, đồng thời rất cảm động và vô cùng biết ơn các chiến sĩ ta băng bổ vết thương và đối xử khoan hồng, nhân đạo. Jean Fabert cho biết, viên đại úy sếp bốt Phương Trù người Pháp là bạn thân của y, yêu cầu ta cho phép y viết thư cho viên sếp bốt để báo tin cho đồng đội và gia đình ở Pháp, rằng mình còn sống và được đối xử tử tế. Được sự chỉ đạo của cấp trên, Huyện đội Khoái Châu, cùng cơ quan địch vận cho phép Jean Fabert viết thư cho viên sếp bốt Phương Trù, coi đây là dịp tuyên truyền binh vận để địch hiểụ rõ lòng nhân đạo của chúng ta đối với tù hàng binh. Hôm sau, Jean Fabert đã thảo xong bức thư. Đồng chí Nguyễn Văn Trung dịch bức thư sang tiếng Việt. Lời lẽ khiêm tốn, Jean Fabert thông tin cho người thân và bạn bè về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, về lòng nhân đạo cao cả của bộ đội và du kích Việt Nam đối với y. Jean Fabert mong muốn mọi người thân hãy yên tâm chờ đợi ngày y trở về đoạn tụ sau khi chiến tranh kết thúc.


Các đồng chí Huyện đội Khoái Châu phân vân chưa biết chọn ai đưa vào bốt Phương Trù cho viên sếp bốt. Chuyện tưởng như đơn giản song lại rất phức tạp, bởi người đưa thư được coi như một... "nhà ngoại giao" đại diện cho Việt Minh huyện Khoái Châu được cử đến để "giải quyết công việc" với viên sếp bốt. Cân nhắc mãi, Ban chỉ huy Huyện đội Khoái Châu mới quyết định giao nhiệm vụ này cho Phạm Văn Phúc, một liên lạc viên tuổi đời vừa tròn 15. Tuy còn rất trẻ nhưng Phúc đã tỏ ra là một liên lạc có bản lĩnh, thông minh, mưu trí vả dũng cảm, nhiều lần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong hoàn cảnh khó khăn. Các đồng chí Huyện đội gặp Phạm Văn Phúc động viên:

- Tên sếp bốt Phương Trù rất cáo già. Nhưng lãnh đạo tin vào lòng trung thành và tính kiên nhẫn, tháo vát của em!...

Chú liên lạc Phạm Văn Phúc chân thành nói:

- Em xin hứa làm tròn nhiệm vụ, dù có phải hy sinh!...

Huyện đội Khoái Châu chuẩn bị cho Phúc nhiều tình huống đối thoại phức tạp với viên sếp bốt Phương Trù. Trong khi ấy, ta cũng nhận được một bức thư của viên sếp bồt Phương Trù gửi cho "Chỉ huy bộ đội Việt Minh huyện Khoái Châu" với nội dung đại ý: Vì lòng nhân đạo cao cả, xin cho hắn biết tình hình về tên tù binh phi công Jean Fabert để hắn thông báo cho cấp trên và gia đình, y ở Pháp biết. Chỉ huy Huyện đội Khoái Châu đã viết thư trả lời viên sếp bốt Phương Trù đồng ý yêu cầu đề nghị của họ, đồng thời cùng yêu cầu họ phải bảo đảm an toàn cho người đưa thư và không được cho lính càn quét các vùng chung quanh. Hôm Phạm Văn Phúc lên đường, chú mặc một bộ quan áo màu gụ còn mới, đầu đội chiếc mũ be-rê, cổ quấn chiếc khăn bông trắng; bên vai đeo chiếc túi công văn trong có bức thư của Jean Fabert kèm giấy ủy nhiệm và thư trả lời của Ban chỉ huy Huyện đội Khoái Châu cùng một vài số báo Cứu Quốc xuất bản gần nhất và tập truyền đơn có ảnh Bác Hồ. Nhằm hướng bốt Phương Trù, chú từ phía làng Đông Kết băng qua con đê làng Mạn Xuyên, bình tĩnh rảo bước. Khi đến gần cổng bốt, bỗng một tràng súng liên thanh của địch bắn ra uy hiếp. Phạm Văn Phúc bèn dừng lại, chụm hai tay lên miệng làm loa, nói to:

- Tôi là liên lạc của Việt Minh đem thư vào cho ông sếp bốt đây!...

Nói xong, chú giơ tay lên cao vẫy và đi nhanh về phía cổng bốt. Một bầy lính ngụy, súng nhăm nhăm trong tay hướng về chú liên lạc. Một tên hô: "Đứng lại!" rồi chạy tới kiểm tra giấy tờ, vũ khí. Thấy chú liên lạc của Việt Minh chỉ đi người không, chúng dẫn Phúc vào vọng gác ngồi chờ rồi điện ngay cho viên sếp bốt. Mấy tên lính bu quanh chú liên lạc hòi thăm đủ thứ chuyện ờ vùng kháng chiến. Lợi dụng tình hình ấy; Phạm Văn Phúc rút mấy tờ báo Cứu Quốc và truyền đơn đưa cho chúng xem rồi tranh thủ kể chuyện sự lớn mạnh của Việt Minh và đời sống của dân vùng kháng chiến. Tên nào tên nấy cứ dỏng tai ra mà nghe.


Chừng nửa giờ sau, viên sếp bốt đi ra, cùng đi có chừng mươi tên lính bảo vệ. Thấy người đại diện của Việt Minh là một chú liên lạc lanh lẹn, viên quan ba sếp bốt giơ tay lên vành mũ kê-pi chào theo kiểu nhà binh một cách lịch sự. Không một chút lúng túng, Phạm Văn Phúc cũng chào lại bằng một câu tiếng Việt:

- Xin chào ông sếp bốt!...

Viên sếp bốt bắt tay Phúc rồi mời chú cùng đi về khu nhà khách. Cùng tiếp chú còn có một viên thông ngôn người Việt. Viên sếp bốt ra hiệu cho tên lính hầu nhận giấy ủy nhiệm kèm thư của Ban chỉ huy Huyện đội Khoái Châu và thư của viên phi công Jean Fabert từ tay chú liên lạc. Một tên lính hầu khác rót rượu và bày bánh kẹo mời khách. Chú nói với người thỏng ngôn rằng mình không biết uống rượu, chỉ ăn chút bánh kẹo đáp lễ. Viên quan ba sếp bốt xem xong thư, rồi trao đổi với người thông ngôn bằng tiếng Pháp.    Người thông ngôn nói lại với chú liên lạc:

- Ông sếp bốt rất cảm ơn các ngài Việt Minh đã hết lòng nhân đạo cứu sống viên phi công là bạn của ông ta. Ông sếp có nhã ý mời khách ăn bữa cơm trưa và chờ nhận thư phức đáp.

Phạm Văn Phúc ngỏ lời cảm ơn, chỉ xin ngồi chờ nhận thư phúc đáp của viên sếp bốt.

Chiều hôm ấy, viên quan ba sếp bốt Phương Trù chuyển cho Phạm Văn Phúc bức thư gửi cho viên phi công Jean Fabert. Ông ta biểu thị lòng cảm phục người đại diện Việt Minh nhỏ tuổi, thông minh, đĩnh đạc. Viên sếp bốt cùng người thông ngôn tiễn chú liên lạc ra tận cổng gác trên đê. Ông ta thân mật bắt tay chú, miệng nở nụ cười rồi nói một câu tiếng Việt chưa sõi: "Cảm ơn ngài liên lạc Việt Minh nhỏ tuổi!". Phạm Văn Phúc cũng mỉm cười, giơ tay chào từ biệt rồi đàng hoàng rảo bước trên con đường đê về đơn vị.


Tại cơ quan Huyện đội Khoái Châu, Phạm Văn Phúc đã báo cáo kết quả chuyến đi "đối ngoại" của mình với các đồng chí lãnh đạo Huyện đội, đồng thời chuyển bức thư của viên quan ba sếp bốt Phương Trù gửi viên phi công Jean Fabert cùng thư gửi “ông chỉ huy trưởng Việt Minh huyện Khoái Châu". Đồng chí Nguyễn Văn Trung lại làm nhiệm vụ dịch nội dung hai bức thư đó sang tiếng Việt. Ai nấy đều ghi nhận kết quả chuyến đi của chú liên lạc và cùng nói vui rằng: Đây là thắng lợi có ý nghĩa của cuộc "đối ngoại” đầu tiên của Huyện đội Khoái Châu!


Về sau, Phạm Văn Phúc còn có một vài lần chuyển thư của Huyện đội Khoái Châu cho viên sếp bốt Phương Trù. Cũng từ đó, người ta thấy lính ở bốt này không đi càn quét các làng chung quanh nữa...

Những hình ảnh một thời chiến đấu của thế hệ cha anh ngày ấy, giờ đây vẫn được người đương thời tôn vinh, nhắc nhở. Hơn 50 năm qua, chú liên lạc Phạm Văn Phúc của Huyện đội Khoái Châu năm nào, nay đã trở thành một ông già ở tuổi xưa nay hiếm, ông quê ở xã Phú Nham, nay đã nghỉ hưu, cùng gia đình về ở thôn Đông Tảo nam, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu - Hưng Yên. Và mỗi khi có dịp, câu chuyện làm công tác ”đối ngoại" năm nào của ông vẫn được kể lại một cách say sưa, hấp dẫn.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:16:32 pm »

TRẬN ĐÁNH ĐỊCH TẠI THÔN UYỂN - KHOÁI CHÂU


ĐÀO DOÃN ÚC
(Chiến sĩ B60, C32
nay ở thôn Xuân Đình xã Hàm Tử,
Huyện đội Khoái Châu)


Địch đóng bốt Nghi Xuyên sát sông Hồng thuộc xã Trí Tân huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Chúng thường mở các trận càn để xua giãn lực lượng ta; chúng thường bắt cán bộ, bộ đội, nhân dân ta đem đi bắn ở bờ sông tại bốt Nghi Xuyên.


Tháng 10-1952, ban chỉ huy Huyện đội Khoái Châu ra lệnh cho B60, C32 và du kích các xã khu nam huyện Khoái Châu bao vây vị trí Nghi Xuyên. Bộ đội và du kích đào công sự xung quanh bốt, xiết chặt vòng vây, bắn tỉa lính địch. Chúng bị thiếu thốn về lương thực, phải tiếp tế bằng máy bay và ca-nô, tàu chiến. Địch được sự yểm trợ của máy bay, chúng liều mạng càn vào rặng nhãn xã Trí Tân. Bộ đội B60 bố trí tại thôn Uyển đánh trả quyết liệt, chúng buộc phải tháo chạy về bốt. Ban chỉ huy trung đội đã giao cho tôi nhiệm vụ theo dõi tình hình địch. Tôi đã cải trang ra bờ rào sát bốt, nghe thấy binh lính địch sẽ tung biệt kích vào xã Thuần Hưng. Tồi đã kịp thời về báo cáo với Ban chỉ huy rằng địch sẽ địch theo con đường Uyển, nên bộ đội B60, C32 đã dàn trận địa vào đêm 9-11-1952. 10 giờ sáng ngày 10-11-1952 địch từ bốt Nghi Xuyên tiến quân vào làng, lọt trận địa ta. Ban chỉ huy trung đội ra lệnh nổ súng, địch bị đánh bất ngờ, hoảng sợ chạy tán loạn. Bộ đội bị thương một số, ban đêm, bộ đội được lệnh rút. Sáng ngày 11-11-1952, chúng huy động máy bay, đại bác bắn phá dữ dội, chúng lại liều mạng càn vào thôn Uyển để thu xác đồng bọn nhưng bộ đội ta đã rút sang làng bên. Theo tin dân và binh lính trong bốt nói, chúng đã bị chết và thương 40 tên.


Hôm khác chúng lại mò ra khỏi bốt, cướp của bà Tám 3 con bò chăn ở bờ đê. Tôi và đồng chí Nguyễn Hữu Chỉnh, du kích xã Nhuế Dương đã chiến đấu buộc chúng phải chạy về bốt nên gia đình bà Tám đã lấy lại 3 con bò. Ta lại tiếp tục bao vây vị trí làm cho bọn địch rất nguy khốn về lương thực, không dám đi càn vào các xã, thôn gần đó.


Năm 1953, ngày 26-3, tiểu đoàn 54 của bộ đội tỉnh đã đánh tiêu diệt bốt Nghi Xuyên, giải phóng cho các xã khu nam huyện Khoái Châu an tâm sản xuất cho tới ngày đình chiến.


Nhưng từ, sau khi ta chiến thắng tại Điện Biên Phủ, trong lúc giãy chết, ngày 6-6-1954 tàu chiến địch trên sông Hồng bắn vào khu vực dân công đang đắp đê Nghi Xuyên. Ngày 16-6-1954, máy bay địch lại ném 24 quả bom làm đứt 3 đoạn đê Nghi Xuyên, rạn nứt 230m đê, làm chết 17 người bị thương 30 dân cộng đang đắp sửa đê.


Mặc dù vậy, nhân dân vẫn kiên cường tổ chức đắp đê được an toàn, không để xảy ra lũ lụt cho tới ngày nay năm 2003.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:17:48 pm »

TRẬN ĐÁNH CÀN TẠI AN CẢNH HẠ XÃ BÌNH KIỀU


ĐÀO DOÃN ÚC


Bốt Thiết Trụ thuộc xã Bình Minh án ngữ miền bắc huyện Khoái Châu và huyện Văn Giang, trước có quận hành chính, có tên quận trưởng là Giáp Văn Phúc, cùng tên Đinh Văn Lực khét tiếng gian ác, thường đem quân đi vây càn, phá cơ sở, bắt và giết cán bộ và một số dân, gây nhiều tội ác man rợ. Cuối năm 1951, bộ đội đã đánh bốt Thiết Trụ, phá tan các bốt hương đồn, tháp canh từ huyện Văn Giang tới Khoái Châu, mở thành một khu du kích liên hoàn rộng lớn.


Sau đó, trong trận càn Lạc Đà, tháng 5-1952 chúng tái chiếm lại bốt Thiết Trụ để bảo vệ vành đai Hà Nội và sân bay Gia Lâm. Bộ đội và du kích lập tức bao vây vị trí này làm cho binh lính địch vô cùng hoang mang, lo sợ.

Ngày 7-10-1952, bọn chúng từ khu quân sự Hải Dương (Zone Hai Duong) có phi pháo yểm trợ đến giải vây cho bốt Thiết Trụ. Địch đã từ bốt Lực Điền huyện Yên Mỹ chia làm nhiều mũi tiến quân đến thôn An Cảnh Hạ xã Vĩnh Long (nay là xã Bình Kiều) thì bị bộ đội C27 của Tỉnh đội Hưng Yên và B60 Huyện đội Khoái Châu chặn đánh nổ súng ngay loạt đạn đầu, đánh trúng vào chỉ huy địch làm cho bọn lính lúc này như rắn không đầu, hoang mang hoảng sợ, tên nào tên nấy bỏ chạy, có những tên vì sợ quá chui vào đống rạ, rơm giơ tay xin hàng. Kết quả ta đã bắt sống được 32 tên, không kể những tên bị chết , và bị thương bỏ xác tại trận. Âm mưu của địch định cất vó ta và giải vây cho bốt Thiết Trụ bị thất bại.


Bộ đội và du kích vẫn tiếp tục bao vây chặt chẽ bốt Thiết Trụ. Chiến sĩ C32 huyện Khoái Châu trong khi bao vây đã mò vào sát hàng rào, ụ súng của địch, tạo điều kiện tốt cho C27 thuộc Tỉnh đội Hưng Yên phối hợp với đơn vị C32 thuộc Huyện đội Khoái Châu đã dùng chiến thuật mật tập tiêu diệt bốt này vào đêm 8-11-1953.


Ghi chú: Xin xem bài "Trận tiêu diệt bốt Thiết Trụ (lần thứ 2) ngày 8-11-1953" của Đào Ngọc Quế tại tập 1 sách "Đường 5 anh dũng quật khởi" tái bản trang 97 - trang 100.
Logged
dungnuocgiunuoc
Thành viên
*
Bài viết: 614



« Trả lời #49 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2022, 08:18:56 pm »

CUỘC CHIẾN ĐẤU KHÔNG CÂN SỨC


VĂN TÂN
(Cán bộ quê xã Đại Tập, đơn vị Anh hùng)


Ngày 31-5-1948, địch tung binh đoàn Sô-va-nhắc (Sovagnac) gồm 3000 quân, có phi pháo yểm hộ, thọc sâu vào vùng tự do phía nam tỉnh Hưng Yên thuộc các huyện Khoái Cháu, bắc Kim Động và trung Ân Thi. Cuộc hành quân lớn và sâu sắc của địch với nhiều tham vọng:

- Tiêu diệt trung đoàn chủ lực của Liên khu 3 đang đóng trên địa bàn Hưng Yên.

- Tiêu diệt các đơn vị của tỉnh và các huyện ở vùng tranh chấp, diệt cơ quan đầu não tỉnh Hưng Yên.

- Phá sự chuẩn bị kháng chiến ở vùng tranh chấp, giải tỏa sức ép đối với vùng tạm chiếm.

Đường 39 bị ta phá hoại, địch tiến quân rất chậm chạp, nhưng suốt đoạn đường từ Lực Điền qua Bô Thời tới Trương Xá, ta cũng không tổ chức được trận đánh nào, mãi tới khi cánh quân địch tới Cầu Đìa mới bị ta đánh. Địch thọc sâu xuống phố Cầu Ngọc (Ân Thi) dừng quân tại đây. Chúng thực hiện chiến thuật "mai rùa", ban ngày hành quân đi càn quét rộng ra các vùng xung quanh, tối đến chúng lại rút về đóng chốt ở Cầu Ngọc. Sau 3 ngày chúng thọc xuống chợ Thi, thuộc xã Hồng Quang. Trung đoản 64 đã tổ chức trận đánh lớn, quần lộn với địch từ cầu Thi, chợ Thi và phố Thi, diệt gần 300 tên, buộc địch phải chấm dứt cuộc hành quân và rút theo đường 39. Trên đường rút lui, chứng có 2 máy bay khu trục bắn dọc theo hai bên đường và bay lượn trên đường rút. Chúng cho mìn giật đổ 3 cột điện cao thế ở đoạn đường từ Trương Xá lên "Giếng Vàng” thuộc xã Hồng Tiến (Khoái Châu) và cho máy bay hạ cánh xuống đường 39 lấy xác và thương binh của chúng.


Cuộc hành quân lớn này không đạt được mục tiêu lả tiêu diệt trung đoàn chủ lực của ta. Tuy chúng có càn quét vào khu vực có cơ quan đầu não của tỉnh, nhưng nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, các cơ quan và nhàn dân đã phân tán kịp thời và được bảo vệ an toàn. (Lúc này, đồng chí Nguyễn Khai, Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến tỉnh, đồng chí Phạm Quốc Dân làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh).


Sau khi địch rút quân, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9 năm ấy, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh Hưng Yên tổ chức mít tinh tại Đền Xá xã Trần Phú (Ân Thi) vào buổi tối, tập trung tất cả cán bộ, nhân viên các cơ quan, ban ngành xung quanh tỉnh vả các gia đình có cơ quan, bộ đội đóng quân gần đó tới dự. Sau kết thúc mít tinh, các gia đình được mời ở lại liên hoan mặn với cán bộ, nhân viên có mặt tối hôm đó.


Tôi còn nhớ cái đèn thắp bằng dầu lửa của Nhật Bản, kết cấu bấc đèn lộn ngược như đèn điện, đèn của một người dân ở làng Tè, Cốc (Kim Động) đem đến phục vụ mít tinh, tác dụng ánh sáng ngang với đèn "măng sông".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM