Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:31:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sóng gió một vùng biển  (Đọc 1833 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:56:41 pm »


Tới biết trong xí nghiệp, phân xưởng xi măng chiếm một lực lượng đông đảo hơn cả, cũng chiếm một vị trí chủ chốt hơn cả. Nhưng không phải thời kỳ nào nhà máy cũng được rạng rỡ như hôm nay. Những bao xi măng nhãn hiệu 771 hay còn gọi xi măng Pháp Cổ này đã từng mang tủi hổ đắng cay cho cán bộ chiến sĩ ở đây những năm 1973 - 1976. Những năm đó cơ hồ xí nghiệp đứng trước sự tan rã. Xi măng làm ra chẳng những không thu được đồng lời nào mà còn bị lỗ vốn. Xí nghiệp lâm vào cảnh rối ren, bè cánh và chẳng nói đâu xa mới năm 1982 hàng trăm lá đơn kêu ca kiện tụng vì chất lượng xi măng thấp kém.

— Vì sao thế? Giám đốc Nguyễn Hùng cau mày:

 — Nhiều nguyên nhân lắm, nhưng trong đó có nguyên nhân tổ chức không ổn định, cơ chế không thích hợp. Dĩ nhiên hồi đó mình chưa nghĩ ra được chuyện liên doanh như bây giờ.

— Nhưng vì là liên doanh họ có thể bỏ anh đi làm chỗ khác chứ — Tôi hỏi Nguyễn Hùng.

— Khó xẩy ra việc đó. Bởi vì chúng tôi không chỉ nghĩ đến lợi ích cho xí nghiệp, quân đội mà còn nghĩ đến lợi ích cho riêng họ. Khi công sức lao động của con người đổ ra được đền bù xứng đáng bằng của cải vật chất, khi công việc lao động của họ mình trân trọng đối xử bình đẳng chẳng dại gì họ bỏ đi. Vả lại, sự hợp đồng này có ký kết với chính quyền xã đúng với quy định của Nhà nước.

Giám đốc Nguyễn Hùng đưa ra một vài con số về hiệu quả kinh tế của việc sản xuất xi măng trong năm qua... Tôi biết những con số đó đang mang lại vinh quang cho xí nghiệp. Nhưng điều tôi băn khoăn là liệu những lá đơn kiện tụng kêu ca kia còn không? Nguyễn Hùng khoát tay vẻ tự tin:
 
— Hoàn toàn chấm dứt từ năm 84. Còn chất lượng xi măng anh cứ hỏi phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Đỗ Thịnh.

Chiều nay tôi chưa kịp hỏi điều đó, Thịnh đã nói trước:

— Xi măng ở đây chúng tôi mới làm tới mác 300; 320 là cùng. Nói thật với anh cũng còn thô sơ lắm. Chất lượng phải nâng lên hơn nữa... Muốn thế phải đầu tư nguồn vốn, cán bộ kỹ thuật... Chứ chỉ tính triệu này triệu kia không thôi thì không ổn.

Tôi gật đầu tán thành ý kiến Thịnh. Mỗi người có một cách nghĩ riêng. Tôi yêu cái trẻ, lạc quan quyết tâm làm ra đồng tiền của giám đốc xí nghiệp. Hãy nghe anh tính:

— Sắp tới, chúng tôi sẽ làm thêm nhiều mặt hàng khác. Gạch tráng men, gạch lát hè phố, ngói xi măng. Thiếu người ư? Chúng tôi sẽ đào tạo công nhân cho chính người ở xã đây. Tính sơ thế này nhé. Năm nay bét ra cũng làm được 3000 tấn xi măng. 3 ngàn có 18 triệu đồng rồi. Ba năm vừa rồi chúng tôi làm được 2200 tấn. Vôi có trục trặc gì năm nay cũng làm được 1 vạn tấn. Vạn tấn có 10 triệu đồng. 1000 tấn đất đèn thì vừa làm vừa chơi, thêm ba triệu nữa. Tính khiêm tốn 4 máy gạch tráng men ngày cũng được 800 viên. Một năm hai vạn tư lãi. Ngoài các thứ đó, cứ đất đồi phụ gia sấy lên 1 tấn được 360 đồng. Đá ở hang kia một khối hộc 85 đồng. Đấy đất đá thì vô thiên lủng mà tiền không đấy chứ...

Tôi biết những con số đó, trong năm 1985 xí nghiệp này sẽ đạt được, có khi còn hơn thế. Và cho dù đó mới là khả năng thì cách nghĩ của giám đốc Nguyễn Hùng cũng vẫn là đáng khích lệ. Anh đến với công việc bằng tất cả sự hào hứng mê say. Cuộc chiến đấu tự đặt mình vào, buộc mình phải thắng chẳng là tấm gương cho chúng ta đó sao?

Còn kỹ sư trẻ Đỗ Thịnh — phó giám đốc phụ trách kỹ thuật — niềm băn khoăn của anh về chất lượng sản phẩm về một quy mô làm ăn tiên tiến hiện đại hơn chẳng là những suy nghĩ nghiêm túc và đáng trân trọng đó sao? Nếu anh không còn lo toan gì về chất lượng sản phẩm làm ra của xí nghiệp chắc tôi không thể viết được dòng nào về anh trong chuyến đi này.

Tôi chợt nhớ lời phó giám đốc phụ trách kinh doanh Nguyễn Hằng:

— Vừa rồi có anh nào đó viết một bài báo về xí nghiệp chúng tôi anh ạ. Anh em thấy nhiều điều chưa thật đúng. Có thể so sánh với một vài xí nghiệp chúng tôi có trội hơn chút ít nhưng thực tế chưa được như bài báo ấy nói đâu. Chúng tôi còn phải nỗ lực nhiều lắm, cố gắng nhiều lắm. Của cải ở vùng này như anh thấy đấy, lại có một mạng điện lưới ưu tiên, phải nói rằng tất cả những gì hiện có chưa tương xứng với nó chứ.

Tôi thông cảm nỗi lòng của Hằng, của Thịnh. Ở đời vẫn thích khen hơn là chê. Sự không bằng lòng với những thành tích vừa qua chứng tỏ các anh đang tìm tòi đang đi tới, chứng tỏ các anh còn dồi dào sung sức, còn đạt tới những thành tựu to lớn hơn nhiều.

Qua khỏi nhà máy xi măng, Thịnh dẫn tôi vào nhà máy đất đèn, nhà máy sấy đất phụ gia. Trên đường về anh còn dẫn tôi vào thăm phòng thí nghiệm của phân đội hóa nghiệm. Tôi biết rằng những cơ sở này còn nhỏ, còn thô sơ, và lực lượng còn quá mỏng. Có lẽ đôi ba năm nữa khi xí nghiệp phát triển lên, khi nhà cửa Hải Phòng đã hoàn toàn ngói hóa, những cơ sở này sẽ trở thành lỗi thời, già nua đứng chơ vơ vắng lặng như cái nhà máy xi măng làm thể lỏng kia. Nhưng cũng chẳng sao? Mỗi gia đình ai chẳng muốn nấu bếp ga, bếp điện, nhưng khi đất nước còn nghèo khó, than củi vẫn là rất quý. Xi măng mác 300 có thể không thích ứng với việc xây lát những công trình đồ sộ sau này, nhưng bây giờ mỗi bao xi măng của các anh vẫn là nỗi ước muốn của nhiều người, nhiều gia đình nhiều cơ quan xí nghiệp. Khách hàng khắp nơi, chờ đợi và mong mỏi các anh mỗi năm sản xuất nhiều hơn, chất lượng cao hơn. Các anh đã tự nghĩ ra việc liên doanh với dân, để thay cho số quân có khi còn lại rất ít ỏi của mình, chắc chắn các anh sẽ còn nghĩ ra nhiều sáng kiến khác để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chiều hôm đó, ban giám đốc xí nghiệp mời tôi dự bữa cơm thân mật. Chút rượu vào làm con người hào hứng thế. Anh Quang, bí thư đảng ủy xí nghiệp là người ít nói đến lạnh lùng cũng lên tiếng:

— Nói thực với anh, nếu thành ủy tuyên bố năm 86 này sẽ ngói hóa toàn bộ Hải Phòng thì xí nghiệp chúng tôi sẽ đi sớm hơn một năm. Toàn bộ gia đình cán bộ chiến sĩ xí nghiệp này sẽ ngói hóa trong năm 1985.

Rót rượu vào ly cho giám đốc Hùng, anh nói thêm:

— Muốn thế “bố già” phải giữ gìn sức khỏe chứ — quay sang tôi, anh nói thêm — xin lỗi anh “bố già” đây là chỗ dựa của cả xí nghiệp đấy.

Quang định nói gì nữa, nhưng Nguyễn Hùng đã đưa tay khoa khoa trước mặt rồi nói:

— Thú thật với anh, cách đây hơn hai năm tôi đã làm đơn xin về hưu. Thấy mình đã già, trong tình hình phát triển mới của quân đội, sợ không kham nổi công việc có khi lại là cái ngáng ngăn trở lớp trẻ, gây khó khăn cho tổ chức. Một hôm, được gọi lên ban chỉ huy. Anh Nguyễn Trường Xuân, chỉ huy trưởng nói với tôi: “Tình hình xí nghiệp 771 đang có những khó khăn, theo anh nên vực nó lên hay bỏ?” Anh Xuân chỉ nói thế, tôi đã quên béng chuyện xin về hưu định nói với anh. Xí nghiệp771 tôi đã từng ở đó ra đi. Tôi đã mắt thấy tai nghe những của cải nằm ở vùng đất này. «Bỏ sao được anh, công sức mình đã đổ ra bao nhiêu, tiềm năng kinh tế ở đó dồi dào lắm. Thiếu người à, anh cứ cho tôi về đó. Ồ không sao hết, có phải ở đó đến hết đời tôi cũng sẵn sàng. Vì lợi ích của Đảng, của quân đội cái gì còn làm được tôi sẽ làm». Anh Xuân nhất trí ngay, còn giao toàn quyền cho tôi thay anh quyết định mọi vấn đề ở dưới. Đơn giản vậy thôi, nhưng đối với tôi là cả một sự hồi xuân. Thì ra tổ chức còn tin yêu mình. «Mình đâu đã phải là người bỏ đi». Nói tới đây, giám đốc nhấp thêm rượu, cười khà khà. Tôi hỏi anh — chắc vì thế anh đã quyết định liên doanh với người địa phương để giữ cho xí hghiệp luôn luôn hoạt động.

Giám đốc Hùng còn tỉnh lắm, anh lại khoa tay:

— Không, anh đừng quan tâm đến riêng một ai trong xí nghiệp này. Những gì chúng tôi nghĩ ra, đạt được và sẽ đạt được đều là công lao của tất cả mọi người trong xí nghiệp kể cả những người không còn công tác ở đây nữa. Chỉ mong có dịp nào đó anh quay lại đây.

Phải! Một dịp nào đó tôi sẽ quay lại với xí nghiệp 771. Tôi biết lúc đó các anh đã có những mặt hàng mới, lúc đó các anh sẽ có những kinh nghiệm, những sáng kiến quý báu hơn nữa. Các anh sẽ góp phần làm cho tiếng nói của lực lượng quân sự đóng trên địa phận Hải Phòng âm vang hơn, khẳng định hơn.

Pháp Cổ, tháng 3-1985
N.B.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2022, 07:11:41 pm »


TRẦN NHƯƠNG

ĐÊM ẤY
BÊN BỜ SÔNG BẠCH ĐẰNG


I

Đêm cuối năm. Trời rét, cả một vùng biển như co rúm lại. Gió lồng lên giận dữ thốc vào đất liền. Mấy cây dừa trước đồn biên phòng 32 quằn quại tưởng những tàu lá bứt ra khỏi thân mình. Ngoài kia ào ào tiếng sóng biển như hàng ngàn tiếng gào thét.

Đồn trưởng Nguyễn Văn Phang mấy hôm nay bị chứng bệnh đau dạ dày hành hạ. Hầu như anh chỉ húp ít nước cháo loãng, nằm đắp chăn trên giường. Gần năm mươi tuổi anh vẫn gắn bó với công tác biên phòng. Hồi chống Mỹ anh ở đồn biên phòng Cha Lo anh hùng rồi các đồn Lệ Thủy, Thuận An sau này. Mãi đến năm 1980 anh mới được điều động ra Hải Phòng. Đồn 32 phụ trách tuyến bờ biển gần 34 ki-lô-mét. Vùng này là nơi rất phức tạp, phía trên sát bến cảng thuôc phường Máy Chai, phía dưới sát Cây Xanh. Trong địa bàn có ba cửa sông: Nam Triệu, sông Cẩm và Lạch Tray, địa hình này rất thuận lợi cho bọn xấu xâm nhập và vượt biển. Trong thời Pháp chiếm đóng nơi đây là hang ổ của bọn tề điệp phản động. Hồi Hải Phòng là nơi tập kết ba trăm ngày sau hiệp định Giơ-ne-vơ nơi đây bọn phản động hoạt động ráo riết lôi kéo bà con di cư và ém đội quân phá hoại nằm lại chờ thời cơ.

Phang nằm trên giường nghĩ đến những tháng năm gắn bó với mảnh đất này. Đã bao lần lặn lội tuần tra truy tìm bọn vượt biên, xâm nhập. Anh muốn nghĩ cho quên cơn đau dạ dày nhưng cơn đau vẫn xói lên ngực, lên mỏ ác.

Đã mười một giờ đêm. Gió càng bốc mạnh, mấy ống tre đòn tay đầu chái nhà gió lùa vào cất thành tiếng rú nghe càng sốt ruột.

Có tiếng lạch cạch ngoài hiên rồi tiếng gõ cửa gấp gáp. Phang ôm bụng vùng dậy ra mở cửa. Người chiến sĩ khoác tấm áo mưa bạt ùa vào nhà, giọng anh run lên:

— Báo cáo đồn trưởng... ngoài bãi sú vẹt phía sông đào có hiện tượng bọn vượt biên tập kết. Lúc đầu chúng tôi tưởng ngư dân đi biển về.

Phang nén đau hỏi lại:

— Sao đồng chí biết là bọn vượt biên?

— Chúng tôi đã bí mật cho con thuyền nan ra áp sát nghe ngóng, thấy có cả tiếng trẻ con.

— Đồng chí quay lên ngay tổ kiểm soát Đập Đá cho anh em bám sát, tránh nổ súng, tôi sẽ cử người lên chi viện để tóm gọn.

Trong đêm đen, người chiến sĩ lao đi, phút chốc bóng dáng anh nhòa trong đêm. Phang tìm thượng úy Đoàn Ngọc Hòa, phó đồn trưởng phụ trách chính trị trao đổi phương án tác chiến.

Hòa thấy đồn trưởng đang đau dạ dày, liền đề nghị:

— Tôi dẫn một tổ, Hạnh đội trưởng đội cơ động dẫn một tổ lên chi viện. Anh ở nhà, trời rét thế này anh ra không chịu nổi.

— Nếu cần thêm lực lượng anh cho người về báo ngay.

Hai tổ, mỗi tổ năm người cách nhau chừng ba mươi mét nhằm phía bãi sú vẹt sông đào hết đi lại chạy. Họ đi đối diện với hướng gió nên ai nấy phải chúi đầu về phía trước mà cảm thấy như gió đang đẩy mình lùi lại. Con đê biển trước mặt sẫm màu như một bức tường đã hiện ra. Tổ đi trước do Hạnh chỉ huy vượt qua cống Nam Đông vận động nhanh ra bãi sú ngoài phía kênh đào.Thấy các chiến sĩ biên phòng đã vượt qua cống, một bóng người từ con thuyền nép bên cạnh cống, lẽ mễ vác từng bao hàng lên đê.

Năm chiến sĩ tốp đi sau do Hòa chỉ huy vừa đến chân đê thấy mùi thơm nước hoa sực lên trong gió. Hòa bấm anh em tản ra khẽ khàng tiến lên mặt đê. Vừa lên đẽn nơi Hòa dõng dạc cất tiếng:

— Ai?

— Dạ em!

— Anh đi đâu về khuya khoắt như thế này? Hàng gì đây?

— Em lấy hàng ở cảng về, có ít vải và đồ cũ của thủy thủ họ bán. Thưa anh em bỏ ra sáu bảy chục ngàn mới mua được từng này. Anh thương em...

Hòa đếm số bao hàng xếp đống trên đê thấy được mười lăm bao tất cả. Mùi nước hoa và xà phòng thơm đắt tiền sực nức mặc dù trời gió mạnh vẫn không thổi tan được. Hòa sinh nghi, cho anh em đứng xung quanh bảo vệ đống hàng, nghiêm giọng:

— Anh nên khai thật, chúng tôi mới cho đi.

— Thưa anh đêm khuya thế này anh cho em đi, thực tình là thủy thủ nước ngoài họ bán đồ cũ đấy mà.

— Không đúng, làm sao anh liên hệ được với họ để mua.

Người chủ hàng giọng bỗng nhỏ lại:

— Anh tha cho em, em xin biếu anh hai mươi ngàn. Số hàng này em san ra thành mười lăm bao nữa, anh vẫn đủ số bao nộp lên trên...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2022, 07:12:26 pm »


Vừa lúc đó tiếng súng phía bãi sú vẹt ngoài mép nước vang lên. Hòa bất giác chăm chú nhìn qua màn đêm về phía đó. Lợi dụng lúc Hòa quay mặt ra phía biển, người “chủ hàng” biến vào đám lau sậy dưới chân đê trốn mất.

Tình hình trở nên phức tạp, làm sao vừa kịp thời chi viện anh em ngoài bãi tìm bắt bọn vượt biên vừa bảo vệ thu hồi số hàng chắc chắn phi pháp này. Hòa cử Mung chở về đồn báo cáo đồn trưởng Nguyễn Văn Phang.

Ba mươi phút sau Nguyễn Văn Phang dẫn năm chiến sĩ tới nơi. Hòa báo cáo vắn tắt rồi dẫn cả tổ tiến xuống bãi sú vẹt ngoài mép nước.

Đồn trưởng Nguyễn Văn Phang cử Huy chạy vào xã Nam Hải thuê xe bò chở số hàng về đồn. Trong khi chờ đợi, Phang cùng các chiến sĩ chia thành ba nhóm cảnh giới vừa bảo vệ được số hàng vừa phục sẵn chờ bọn làm ăn phi pháp có thể quay lại tẩu thoát số hàng. Trong màn đêm lờ mờ, Phang phát hiện gần cửa cống có chiếc thuyền gỗ ép sát miệng cống. Phang cùng một chiến sĩ xuống thuyền xem xét, trong thuyền không có vết tích, hàng hóa gì để lại. Bật diêm lên soi, anh thấy một chiếc kính lão nằm trên sàn thuyền. Phang nhặt chiếc kính lên mừng thầm vì đây là tang vật có thể lần ra đầu mối. Trong óc anh nảy ra bao nhiêu câu hỏi: tại sao lại có chiếc kính lão ở đây mà theo lời Hòa tên «chủ hàng» là người còn trẻ? Hay bọn chúng có nhiều tên mà khi thấy động đã trốn thoát? Tại sao hàng hóa lại sực mùi nước hoa?

Chiếc xe bò từ xã Nam Hải đã đến. Phang cẩn thận dặn các chiến sĩ xếp mười lăm bao hàng lên xe nhưng đều phải xếp đầu bao quay vào giữa xe đề tránh rơi vãi dọc đường. Sau khi chằng buộc cẩn thận các chiến sĩ áp tải số hàng đó về đồn. Phang lưỡng lự vừa muốn đưa số hàng về đồn vừa muốn tới nơi anh em đang tìm bắt bọn vượt biên. Nhưng anh nghĩ ở nhà ban chỉ huy không còn ai sẽ giải quyết số hàng hóa thu được và báo cáo lên trên ra sao. Ba giờ sáng mới về tới đồn, Phang cho anh em chuyển số hàng vào hội trường, cùng các chiến sĩ mở ra kiểm tra. Trong các bao hàng nhét đầy ga trải giường, khăn tắm, quần áo, toàn loại đắt tiền của nước ngoài, đếm được 889 thứ. Phang cho đóng gói lại như cũ. Tự tay anh buộc các đầu dây làm dấu rồi xếp đầu bao quay vào tường. Phang nói với các chiến sĩ:

— Các đồng chí chứng kiến hộ trong túi quần túi áo tôi không có một thứ hàng nào chúng ta vừa thu được.

Nói rồi anh lộn trái các túi quần, túi áo. Anh em chiến sĩ thấy đồn trưởng làm vậy, lần lượt làm theo. Hội trường được khóa lại, dán giấy niêm phong cẩn thận.

Phang ngồi thảo bức điện sơ bộ báo cáo sự việc với chủ nhiệm biên phòng, vừa lúc đó đồn phó Hòa và anh em dẫn bốn mươi tám tên vượt biên về đồn. Nhìn khắp lượt bốn mươi tám con người đó, anh vừa giận vừa thương. Căm giận những tên chủ mưu phản bội Tổ quốc trong lúc đất nước còn thiếu thốn khó khăn. Thương những đứa trẻ, cô gái ngây thơ kia bị bọn chúng mua chuộc hoặc cưỡng ép. Phang bàn với Hòa cắt cử anh em canh gác và chuẩn bị một số thủ tục kiểm tra, lập hồ sơ. Hòa đề nghị:

— Cũng sắp sáng rồi, anh viết điện báo cáo lên cơ quan chủ nhiệm biên phòng rồi đi nghỉ một chút, mọi việc để tôi lo. Anh còn đau nhiều không?

— Đau, nhưng hút vào việc nó quên đi. Anh cho mỗi tên ngồi cách xa nhau một mét và quay lưng lại với nhau. Canh gác thật chu đáo không cho chúng phi tang vũ khí, tiền, vàng. Cho người sang hải quân nhờ mấy đồng chí nữ đến giúp kiểm tra bọn con gái. Sáng ra ta tiến hành kiểm thể ngay.

Trời vừa sáng. Phang và Hòa tổ chức cho tiến hành kiểm tra. Số nữ cho từng tên vào phòng riêng nhờ các đồng chí nữ Hải quân kiểm tra. Hết lượt mà không phát hiện trong đám con gái vượt biên có giấu vàng hoặc kim loại quý. Phang không yên tâm, hỏi mấy đồng chí nữ hải quân:

— Các đồng chí đã khám kỹ chưa?

Các cô gái trẻ không hiểu hết câu hỏi của Phang, trả lời:

— Chúng cháu khám kỹ lắm, lần từ từng cái gấu áo, cạp quần.

— Xin lỗi các đồng chí nhé, chỗ kín nhất của phụ nữ đã khám chưa?

Các cô gái thẹn thùng trả lời:

— Chưa ạ.

— Phiền các đồng chí khám lại hộ nhé.

Bọn con gái vượt biên lần lượt được khám xét lại, quả nhiên còn một số nhẫn vàng giấu trong chỗ kín.

Sau kni khám xét và lập hồ sơ ban chỉ huy đồn biên phòng 32 cho chuyển số hàng và những tên vượt biên lên cơ quan có trách nhiệm xử lý.

Vậy là chỉ một đêm cán bộ và chiến sĩ đồn 32 biên phòng đã bắt giữ được toàn bộ số tên vượt biên và thu được một số hàng hóa trái phép. Vụ vượt biên như vậy đã rõ ràng, nhưng còn mười lăm bao hàng này của ai, từ đâu chở về đây tẩu tán thì vẫn còn là một bí mật khiến Phang và ban chỉ huy đồn 32 cần phải làm sáng tỏ. Phang báo cáo chi tiết với cơ quan chủ nhiệm biên phòng về chiếc kính lão. Đội trinh sát được giao nhiệm vụ tìm ra sự việc từ chiếc kính lão bỏ lại...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2022, 07:15:26 pm »


II

Tại cơ quan đại điện ngoại giao của ta, nhận được một văn thư của tàu nước ngoài trình bày về việc họ bị một số người dùng vũ khí uy hiếp và cướp bóc hầu hết trang phục, đồ dùnq trên tàu. Đây là một vụ rất phức tạp ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nếu không phá án. sớm sẽ gây hậu quả rất xấu với các thủy thủ nước ngoài khi đến đất nước ta. Cơ quan đại diện ngoại giao kịp thời đề nghị Sở công an Hải Phòng và cơ quan chủ nhiệm bộ đội biên phòng thành phố mở cuộc điều tra. Các chiến sĩ trinh sát được phái đi dò tìm dấu vết. Một tổ hỗn hợp gồm các đồng chí công an và bộ đội biên phòng được cử đến chiếc tàu nước ngcài bị trấn lột. Thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu cung cấp cho tổ điều tra như sau: Vào lúc giữa đêm, khi tàu còn đỗ ngoài sông Bạch Đằng để chờ vào cảng bốc hàng. Hầu hết sĩ quan và thủy thủ trên tàu đã đi ngủ, chỉ còn lại mấy người trực ban. Bỗng từ hai bên bờ sông xuất hiện mấy chiếc thuyền nan. Tưởng là thuyền ngư dân nên không ai để ý. Một lúc sau đã thấy một số người ập lên boong tàu dùng vũ khí uy hiếp. Các sĩ quan và thủy thủ chưa kịp đối phó thì một bọn người đã xông vào các buồng ngủ, buồng ăn, cướp bóc các đồ dùng tư trang.

Tổ điều tra của ta hỏi họ xem có còn giữ được tang vật gì không. Người thuyền trưởng cười pha chút mỉa mai chua xót:

— Không có gì ngoài chiếc sào tre móc trên lan can tàu.

— Xin các ông cho chúng tôi chiếc sào đó để tiến hành điều tra bằng kỹ thuật.

Người thuyền trưởng lại cười, nhún vai:

— Ô, đáng tiếc là chúng tôi đã chặt ra làm 36 đoạn phát cho 36 thành viên trên tàu để kỷ niệm...

Như vậy cuộc điều tra vẫn không mở ra một triển vọng sáng sửa nào. Chỉ mới có thể kết luận được, mười lăm bao hàng mà các chiến sĩ đồn 32 thu được chính là bị bọn trấn lột lấy đi từ con tàu này. Ai là thủ phạm? Có phải bọn ở địa bàn đồn 32 là thủ phạm hay chỉ là bọn thông đồng, tiêu thụ , tẩu tán số hàng đó?

Cơ quan đại diện ngoại giao của ta nóng lòng ngày nào cũng quay điện thoại sang quan công an và chủ nhiệm bộ đội biên phòng thành phố hỏi tình hình điều tra.

Thủ phạm là ai? Bọn chở mười lăm bao hang ở cống Nam Đông là ai? Chiếc kính lão bỏ lại trên thuyền là của ai? Bao nhiêu câu hỏi chồng chéo lên nhau khi mỗi ngày nặng nề trôi qua!




III

Vài hôm trước cái đêm đồn biên phòng 32 bắt gọn bọn vượt biên và thu mười lăm bao hàng ở cống Nam Đông thì ban chỉ huy đồn 32 nhận được lá đơn của ông Ngôi khai báo mất chiếc thuyền gỗ, trọng tải hai tấn trong lúc ông Ngôi về quê vợ ở Chí Linh xây mộ, con ông trông thuyền vô ý để kẻ gian đánh cắp. Đơn ông Ngôi có chứng thực của Ủy ban xã Nam Hải. Ông Ngôi năm nay đã gần 60 tuổi, nghề chài lưới như một việc làm thêm vì ông đã già và mắt lại kém. Đồn trưởng Nguyễn Văn Phang và đồn phó Đoàn Ngọc Hòa khẳng định chiếc thuyền của ông Ngôi chắc chắn bị đánh cắp để làm một việc phi pháp. Phang lệnh cho các trạm kiểm soát ven biển chú ý theo dõi chiếc thuyền đó.

Nhưng đến khi sự việc ở cống Nam Đông xẩy ra thì ai cũng có thể dự đoán chiếc thuyền bỏ lại cống Nam Đông là thuyền ông Ngôi, mặc dù đã bị tháo biển số và sắp đặt lại đôi chỗ trên thuyền.

Đồn trưởng Nguyễn Văn Phang báo cáo việc này lên chủ nhiệm biên phòng và một kế koạch lần ra đầu mối được vạch ra.

Hôm sau đồn biên phòng số 32 cho liên lạc xuống xã Nam Hải mời ông Ngôi lên đồn làm thủ tục nhận lại chiếc thuyền mà anh em chiến sĩ đồn đã thu được. Ông Ngôi mừng rỡ lật đật đi tắt qua cánh đồng tới trụ sở của đồn 32. Đồn trưởng Nguyễn Văn Phang hồ hởi ra tận ngoài hiên đón khách. Nhân dân vùng này ai cũng quý mến Phang, một con người hết lòng bảo vệ nhân dân, làm ăn có tình có nghĩa.

Đưa nước mời ông Ngôi, Phang vui vẻ:

— Thuyền của bác chúng tôi đã thu được ở cống Nam Đông, chắc là bọn xấu đánh cắp để chở hàng ăn cướp trên tàu nước ngoài.

Nét mặt ông Ngôi hơi khác, nhưng ông lại mừng rỡ ngay được:

— Quý hóa quá, không có anh em biên phòng thì tôi sinh sống bằng gì. Mời anh xơi thuốc, hút với tôi một điếu cho vui. — Nói rồi ông Ngôi đẩy bao thuốc lá A Lào về phía đồn trưởng Phang.

— Nhiệm vụ của chúng tôi bác Ngôi ạ. Thế bác về xây mộ trên Chí Linh xong cả rồi chứ? — Phang nói.

— Xong cả rồi anh ạ. Ấy cứ phải chiều bà xã, mà nói thực với anh, phần mộ của các cụ mà yên ổn là mình làm ăn gặp may nhiều đấy.

— Vâng, tổ tiên ai chả phải thờ kính. Bác ký vào biên bản giúp rồi ra ngoài bến Lương Sâm nhận thuyền.

Ông Ngôi đưa hai tay nắn hết túi này sang túi khác, chắc là tìm kính, ông ca cẩm:

— Thế đấy, cái tính lú lẫn lại bỏ quên kính ở đâu rồi.

Phang rút từ trong ngăn bàn ra chiếc kính lão nhặt được trên thuyền hôm nào. Phang nói như một sự vô tình:

— Hôm bác đến trình mất thuyền lại bỏ quên kính ở đây. Tôi biết là của bác nên giữ lại.

— Đúng rồi, thế mà tôi cứ tưởng bỏ quên ở quê Chí Linh kia đấy. Nào ký chỗ nào anh Phang. Khổ thế người già không có kính hóa ra mù lòa.

Phang ý nhị nói vui:

— Mắt bác còn tinh lắm, ban đêm không có kính bác vẫn còn đi được.

— Đâu có, sáu mươi tuổi rồi chứ trẻ trung gì. — Ông Ngôi cười đáp lại.

Phang bỗng nghiêm mặt, giọng chắc nịch:

— Chúng tôi đã nhặt chiếc kính này trên thuyền của ông ở cống Nam Đông đêm vừa rồi.

Ngôi hơi tái mặt nhưng vẫn tìm cách chống chế:

— Tôi về Chí Linh thật mà. Có lẽ tôi đánh rơi trên thuyền từ trước.

— Không đúng. Ông về Chí Linh thì không thể nào bỏ kính lại trên thuyền. Mà chiếc thuyền này ông lại báo là mất cắp.

— Người già lú lẫn mà ông đồn trưởng.

— Ông Ngôi, chúng tôi buộc lòng phải giữ ông lại cho tới khi tìm ra manh mối.

— Thưa ông đồn trưởng tôi có tội tình gì đâu. — Ngôi thảng thốt kêu lên.

*

*       *

Vài ngày sau tên Ngôi buộc lòng phải khai sự thật: cùng nhóm với hắn có tên Bưỡng, người mà đã tìm cách cách chạy trốn trong đêm các chiến sĩ biên phòng thu giữ mười lăm bao hàng. Ngoài nhóm này, trong đêm cướp hàng trên tàu chúng còn kết hợp với một nhóm bên huyện Thủy Nguyên do tên Phát cầm đầu.

Một kế hoạch phối hợp giữa công an và bộ đội biên phòng được vạch ra khá tỉ mỉ. Vấn đề khó khăn nhất là tìm cách bắt được tên Phát, vì tên này đi lại không có quy luật nào cả mà khi hắn ở nhà cũng không dễ gì bắt được, bởi mạng lưới tay chân hắn trong địa phương bảo vệ. Các chiến sĩ trinh sát cơ quan biên phòng thành phố tức tốc lên đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2022, 07:18:13 pm »


IV

Mấy hôm nay trên cánh đồng làng H. các chiến sĩ pháo binh dùng máy đo đạc, cắm cờ trên đồng. Bà con kháo nhau có lẽ bộ đội pháo chuẩn bị xây dựng trận địa phòng thủ bờ biển. Việc quân sự bí mật nào ai thóc mách làm gì. Các chú thiếu nhi hiếu kỳ có hỏi mấy anh chiến sĩ pháo binh, các anh chỉ cười rồi bảo:

— Đo để tính toán trước, nếu thằng Tàu tràn vào đây cho nó ăn kẹo đồng...

Các anh đo ngoài đồng rồi tiến vào trong làng. Đến giữa trưa thì đo đến một ngôi nhà ngói khá khang trang. Anh em bàn nhau nghỉ ăn trưa. Họ kéo nhau vào bóng cây đầu ngôi nhà mở cơm nắm ra ăn. Một cô gái chạc gần ba mươi tuổi mau mắn từ trong nhà bước ra. Thấy tốp bộ đội ăn cơm nắm ngoài đầu nhà, cô mời anh em vào trong nhà ăn cơm rồi nghỉ ngơi. Tốp bộ đội pháo binh thấy cô gái chủ nhà niềm nở không nỡ từ chối. Qua câu chuyện, các anh bộ đội và cô gái trở nên thân mật hơn. Các anh kể chuyện công việc đo đạc của mình trên mấy xã để phục vụ sẵn sàng chiến đấu. Lúc sau một thanh niên từ trong buồng đi ra, khuôn mặt phờ phạc, lo âu. Sau khi chào hỏi, người thanh niên lấy thuốc lá mời các anh bộ đội cùng hút. Nhìn vẻ mặt người thanh niên buồn rau, thần sắc không bình thường, các anh bộ đội gợi chuyện:

— Hình như anh không được khỏe?

Người thanh niên liếc đôi mẳt rất nhanh nhìn người vừa hỏi.

— Bình thường, chẳng có bệnh tật gì đâu anh ạ.

Anh bộ đội đeo quân hàm trung úy khuôn mặt khắc khổ trầm giọng nói:

— Trên mặt anh có một điểm bị hãm, hình như anh đang có hạn. Anh tuổi gì nhỉ?

Người thanh niên lộ vẻ ngạc nhiên nhìn anh bộ đội, hơi chột dạ:

— Anh biết xem tướng hả anh? Em tuổi thân. Tuổi Thân năm nay làm ăn thế nào hở anh?

Anh trung úy bấm đốt ngón tay lầm nhẩm tính toán:

— Tuổi Thân gặp tháng Hợi, tứ hành xung. Tháng này anh có việc không hay phải đề phòng.

Mấy anh bộ đội được thể giới thiệu thêm về ông thầy tướng nghiệp dư

— Năm ngoái ông ấy bảo tôi tháng tư tán tài thì quả nhiên đi phép nó móc túi sạch mấy nghìn bạc.

Người thanh niên ngập ngừng định nói gì, anh đưa mắt nhìn vợ rồi bảo vợ xuống bếp đun cho ấm nước. Người vợ đi rồi anh ta hạ giọng xuống nói:

— Đúng là em đang có hạn, đang có chuyện phải lo nghĩ.

Anh trung úy hồ hởi:

— Có quan trọng lắm không? Liệu chúng tôi có giúp được gì thì xin sẵn sàng.

— Thú thật với các anh nếu các anh giúp được em chẳng bao giờ dám quên.

— Giúp được là giúp không phải ơn huệ gì. Nay mai chúng tôi về đóng quân ở đây còn gặp gỡ đi lại nhiều.

— Em đang bị một bọn đầu trộm đuôi cướp ở phà Bính dọa giết. Nào em có làm gì đâu, chẳng qua là em biết chúng ăn cắp hàng hóa của Nhà nước. Em sợ cứ phải nằm bẹp ở nhà không dám ra khỏi làng. Nếu được các anh giúp, trị bọn ấy thì em đâu có quên ơn.

Anh trung úy vẻ mặt tư lự như tính toán:

— Đơn vị chúng tôi kết nghĩa với Sở công an thành phố, chắc chắn các anh ấy sẽ giúp. Nhưng anh có chắc bọn nó là bọn trộm cắp không?

— Em xin thề với các anh là đúng mà!

— Thế thì thế này, chiều nay chúng tôi cũng tạm xong việc, ta cùng nhau lên Hải Phòng.

— Em ngại bọn nó gặp em trên đó sẽ không để yên.

— Đã có chúng tôi bảo vệ, bố bảo chúng nó cũng không động đến anh được. — Một anh bộ đội quả quyết.

Thế là tốp bộ đội pháo binh và anh thanh niên chủ nhà mà họ nghỉ nhờ đạp xe lên thành phố. Đang đứng chờ phà ở bến Bính thì một tốp thanh niên đội mũ bò, đầu tóc bù xù tiến lại phía anh thanh niên. Anh ta lo sợ cầu cứư các anh bộ đội pháo binh, cả tốp bộ đội tiến lên đứng thành một hàng ngang bảo vệ cho người thanh niên. Anh trung úy dõng dạc nói:

— Ai động vào người thanh niên này đừng có trách.

Một tên trong bọn gây gổ xấn đến:

— Đây là chuyện riêng giữa chúng tôi, anh không có quyền can thiệp.

Vừa nói, tên gây gổ xông vào. Cả bọn lẩn vào hành khách chờ phà ra phía sau lưng các anh bộ đội ùa đến đánh người thanh niên. Cuộc ẩu đả diễn ra, hành khách tản nhanh sang hai bên đường. Bỗng tiếng còi vang lên, các chiến sĩ cảnh sát đã ập đến. Bọn côn đồ biến mất trong đám đông rồi lẩn vào mấy ngôi nhà cạnh đường. Nqười thanh niên và mấy anh bộ đội được mời về đồn công an cạnh đó. Người thanh niên vẻ ngập ngừng miễn cưỡng phải bước theo.

Vừa ngồi xuống dãy ghế, đồng chí thượng úy đồn trưởng nghiêm giọng nói:

— Các đồng chí ở đơn vị nào, xin cho xem giấy tờ.

Các anh bộ đội xuất trình giấy tờ của mình.

Người thượng úy nghiêm giọng nói tiếp:

— Các đồng chí có biết người thanh niên này là ai không mà các anh bảo vệ. Đây là một tên mà chúng tôi đang truy nã.

Cả tốp bộ đội lộ vẻ ngạc nhiên. Người trung úy pháo binh lên tiếng:

— Anh ta đang bị bọn trộm cắp đe giết, chúng tôi bảo vệ người lương thiện. Anh có chứng cớ gì mà dám nói anh ta đang bị truy nã.

Thượng úy công an giọng lạnh lùng:

— Đó là nhiệm vụ    của chúng tôi. Nếu thực các đồng chí ở đơn vị pháo binh như giấy tờ hộ thân, tôi quay điện thoại mời cán bộ ra nhận.

Anh thanh niên mặt tái xạm ngồi nép trên ghế, bây giờ mới ấp úng lên tiếng:

— Các anh nhầm, em có làm gì đâu ạ. Bọn chúng rủ em tham gia ăn cắp trên tàu em không làm nên chúng sợ em tố cáo...

Thượng úy công an quay điện thoại xin số máy trung đoàn pháo M. báo đơn vị cử cán bộ có trách nhiệm đến đồn công an phà Bính nhận quân nhân bị tạm giữ. Thượng úy làm xong việc đó, quay lại nói với người thanh niên:

— Chúng tôi không nhầm. Anh tên là Nguyễn Văn Phác, thủ phạm trong vụ trấn lột tàu nước ngoài.

Người thanh niên run lên bần bật, cúi gằm mặt xuống…

*

*            *

Chiếc xe con đỗ ngay trước sân cơ quan chủ nhiệm biên phòng thành phố. Mấy anh bộ đội pháo binh bước xuống xe, các anh gỡ đôi quân hàm pháo binh ra và gắn đôi quân hàm màu xanh lá cây lên ve áo. Đồng chí đại tá chủ nhiệm biên phòng từ trong nhà đi ra xiết chặt tay từng người. Thiếu tá Nguyễn Văn Phang đang họp ở đấy cũng chạy ra. Anh cười rạng rỡ:

— Kế «điệu hồ ly sơn” của các ông hay lắm. Mấy ông pháo binh giả hiệu này đã bắn trúng bọn tội phạm.

Đại tá chủ nhiệm biên phòng vui vẻ nói:

— Nhưng công đầu thuộc về ông Phang và anh em đồn 32 anh hùng. Cái đêm hôm đó các anh làm được hai việc lớn giống như một mũi tên bắn trúng hai con cáo. Này, công an vừa điện cho biết sơ bộ tên Phác đã nhận hết. Số hàng chúng giấu bên Thủy Nguyên vẫn chưa tẩu tán kịp. Có thể ngày mai ta sẽ trao lại cho tàu nước ngoài.

Đại tá chủ nhiệm quay sang thiếu tá Phang:

— Dạ dày của ông hồi này còn đau không? Địa bàn đó đang cần tới ông liệu mà giữ gìn, thủng bao tử là tôi phạt ông đó...


Hải Phòng — Hà Nội
tháng 3-1985

T. N.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2022, 07:21:08 pm »


TUẤN VINH

TÌNH NGƯỜI VĨNH BẢO


Sau những ngày mưa phùn rả rích kéo dài lê thê, sớm nay những tia nắng đầu tiên đã xuyên qua đám mây đùng đục màu sữa. Cái lạnh đã qua đi, ấm dần lên, quang quẻ, trả lại cho đồng ruộng, trời đất Tam Đa cái vẻ quen thuộc của một điểm lúa thuộc vùng lúa Vĩnh Bảo.

Tôi đi trên đường 10 hướng về phía Thái Bình, cứ phải lái sang phải luôn luôn bởi những tiếng còi vội vã, thúc giục của không ít những xe hàng, xe khách. Rồi nữa, một chiếc Cúp vọt lên. Một chiếc Sim-sơn bình cong vụt lên. Một chiếc Zava vọt lên. Chưa hết, cả những chiếc MT2 lực luỡng kềnh càng nhả khói đen kịt, ầm ầm cũng vượt lên.

Bên trái tôi, con sông đào Chanh Dương vùa được khai thác mở rộng đoạn cuối ăm ắp những nước. Một chiếc thuyền xi-măng lưới thép, nước mấp mé mạn thuyền đang trên dòng. Và lồ lộ trên khoang lẫn trong ngổn ngang những bao xi măng, những phân đạm, phân lân là những cô gái trẻ má cứ hồng lên vì những chiếc khăn len nhiều màu sắc.

Mới chỉ có một đoạn ngắn thôi từ huyện về xã Tam Đa mà đã gặp bao cảnh sắc như vậy. Thật vui làm sao. Nhưng sẽ còn thiếu nếu như không nhắc đến những ngôi nhà. Vâng, những ngôi nhà đang xây ở phía bên phải tôi. Mà không phải nhà ngói đâu. Nhà mái bằng kia. Bền vững, bề thế đã đành. Cái dáng của mỗi nhà, cũng cách điệu, cũng «bay» lắm. Thì ra ngói hóa nông thôn của Vĩnh Bảo, của Hải Phỏng là thế này đây. Với tôi là một thoáng ngỡ ngàng, niềm vui len đến. Nhưng còn những con người ở đây, để có sự đổi thay đó hẳn là họ đã vật lộn, vượt lên như thế nào, từ chính đồng ruộng của mình. Điều này tôi đã hiểu ra, dẫu chỉ là phần nào khi đến Tam Đa.

Thật may, trong buổi tiếp xúc thân mật và giản dị, các anh lãnh đạo chủ chốt của xã đều có mặt: Bí thư, chủ nhiệm, xã đội trưởng. Riêng đồng chí chủ tịch sau khi bắt tay xin lỗi vì công việc đột xuất của xã, anh vội vàng đi ngay sau lời dặn thân tình:

— Anh thông cảm nhé. Còn về tình hình xã chúng tôi, các đồng chí đây sẽ trao đổi với anh. Nội dung thế nào là tùy anh. Tôi cũng xin giới thiệu với anh luôn:

— Đây là xã đội trưởng Đoàn Đức Phao. Đây là chủ nhiệm Lê Kim Chung. Còn đây là đồng chí Đoàn Hải Nam hiện là bí thư đảng ủy xã. Trước đó đồng chí cũng đã làm xã đội phó, chủ tịch xã...

Bí thư Nam mặc quân phục bằng vải «Đờ-luyn» K82, kể ra cũng bình thường thôi. Nhưng hơi khác một tý, dẫu áo không còn mới, nhưng vẫn giữ được nếp gấp và thắt caravát màu xanh đen với cái nút thật khéo, ôm khít lấy cổ, trông anh vừa nền lại vừa có vẻ trang nghiêm. Nhưng không chỉ trong hình thức, mà ngay nét mặt anh cũng có cái vỏ điềm tĩnh, từng trải. Anh nói nhỏ nhẹ nhưng khúc chiết. Chủ nhiệm Chung rồi xã đội trưởng Phao cũng vậy. Khuôn mặt sương gió, dầu dãi, có dáng đi nhanh, bước nào ra bước ấy, đằm lắm. Với những con người như thế cứ lấy sự thẳng thắn, thân tình và nếu cần cũng có thể bỏ qua những câu hỏi, thậm chí chất vấn vòng vèo xa xôi, bóng gió. Cứ phải tốc độ. Bật tường, chọc khe, chớ có dè dặt.

Tôi hướng về phía bí thư Đoàn Hải Nam.

— Xin anh cho biết tình hình tuyển quân cũng như việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội của xã trong suốt những năm qua.

— Có lẽ, bước đầu cứ phải có số liệu đã. Như vậy được không anh?

— Tốt quá đi chứ. — Tôi sốt sắng trả lời câu hỏi của anh Nam.

— Xã tôi có 906 hộ, 3.500 nhân khẩu. Trong kháng chiến chống Pháp là một cửa ngõ của huyện. Còn đánh Mỹ: là một trong những bãi thải của máy bay Mỹ. Về liệt sĩ: xã chúng tôi có 135. Trong đó 52 chống Pháp, 83 chống Mỹ. Thương binh 40. Còn về công tác tuyển quân. Từ 1965 đến nay là 570 đồng chí. Chỉ tiêu huyện giao chúng tôi đều đảm bảo và vượt. Chẳng hạn tính mấy năm trở lại đây: năm 1982 huyện giao 40. Thực hiện 45. Năm 1983. Huyện giao 40. Thực hiện 44. Năm 1984. Huyện giao 41. Thực hiện 44. Năm 1985 Huyện giao đợt 1: 41. Thực hiện 46.

Giọng nói của bí thư Nam vẫn thở nhẹ đều đều. Còn tôi cùng với lắng nghe, đồng thời cặm cụi ghi chép. Tôi suy nghĩ rất nhiều điều và cũng chẳng muốn tìm những lời hoa mỹ để minh họa. Bởi những điều trên, bởi những con số trên, tự thân nó đã gọi dậy bao điều về sức chịu đựng, gánh vác và đồng thời vượt lên của một vùng quê êm ả, thậm chí bình lặng nữa.

Và, tôi cũng hiểu rằng để có được những điều trên, những con số trên không thể không nhắc đến tính truyền thống. Rồi nữa: hoàn cảnh, môi trường..., nhưng còn phải có con người. Những con người cụ thể kia. Vả lại, như tôi đã nghĩ ở Tam Đa đây có những cái riêng. Mà tôi muốn tìm những cái riêng bằng chính sự cởi mở thẳng thắn. Cũng vì thế tôi hỏi anh Nam và các anh khác những điều tin rằng vì sự thành tâm, vì yêu cầu của nghề nghiệp, sẽ không có sự mếch lòng hay phật ý của chủ nhà. «Khi tuyển quân, cán bộ mình, đảng viên mình có gương mẫu không. Hoặc có đảm bảo đúng chính sách, có công bằng hợp lý không. Rồi nữa, có vì nể nang hoặc chú trọng đến chỉ tiêu mà nhãng phần chất lượng... thậm chí ngay các anh: Nam, Chung, Phao đã đi bộ đội chưa... v.v...»

Nhưng tôi đã quá lo xa. «Tự kỉ ám thị». Tôi đã làm cho những điều đơn giản trở nên rối rắm một cách không cần thiết. Chẳng vậy mà khi câu hỏi cuối cùng của tôi vừa buông thì riêng anh Nam chỉ tủm tỉm cười rồi nói nhỏ nhẹ «Có tôi cũng đi anh ạ». Còn chủ nhiệm Chung và xã đội trưởng Phao thì cười hết cỡ. Quả là tiếng cười rất trẻ, sảng khoái ấy đã kéo tôi vốn đã gần gụi với mấy anh đây, giờ càng gần gụi hơn. Riêng Phao người ít tuổi nhất — Đinh Hợi mà, còn bổ sung thêm mấy lời rất lính «Báo cáo với ông anh, em đây dân B5, cơm Bắc đánh giặc Nam chính hiệu đấy. Em cũng không ngán cái bệnh sốt rét lắm đâu. Chỉ lo khi dứt cơn, ăn trả bữa, bà xã chạy gạo không kịp thôi!»
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2022, 07:21:47 pm »


Vậy là xã đội trưởng Phao đã từng có mặt ở đường 9 Khe Sanh, rồi Cồn Tiên, Dốc Miếu Quảng Trị. Dấu ấn của những ngày bão lửa, gian truân ấy vẫn còn in đậm trên khuôn mặt dầu dãi. Ờ, thế sao tôi không lưu ý đến nước da của anh, đến cả đôi môi tai tái của anh. Cứ nghĩ là do trời rét, do vị đậm đà của thuốc lào Vĩnh Bảo quê anh.

Rồi cũng qua giọng nói khiêm nhường, khiến tôi có cảm giác anh Nam đang dẫn dắt tôi với bao kỷ niệm khi gần khi xa. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên phải được trả lời bằng thực tế. Chủ tịch xã Đoàn Văn Thu vốn là thương binh thời kỳ chống Pháp vẫn gửi con đi nhập ngũ. Đồng chí Lê Văn Nhân động viên hai con trai lên đường. Trường hợp anh Thảo đáng lẽ đi bộ đội, nhưng chẳng hiểu sao lại tìm mọi cách để tuột, ra tận Thủy Nguyên dạy học. Khi ấy anh Nam đây là xã đội phó và cũng có chân trong hội đồng tuyển quân xã. Chẳng vì thiếu một anh Thảo mà Tam Đa đây bị hụt chỉ tiêu, vấn đề ở chỗ: Công bằng hợp lý. Vậy là Nam cùng với xã đội trưởng Phao cơm nắm, khăn gói ra tận Thủy Nguyên đặt vấn đề với phòng giáo dục, với nhà trường và nhất là đối với Thảo. Lần đầu chưa được, lần hai... Động viên và thuyết phục. Rồi Thảo cũng nghe ra vui vẻ lên đường.

— Bây giờ anh Thảo thế nào rồi?

— Đã hết hạn phục vụ trong quân đội, trở về tiếp tục nghề cũ. Bây giờ dạy ngay ở xã nhà.

— Còn trường hợp anh Dụng, con ông Minh đã ổn chưa?

— Mới đây nhất, giấy báo công của đơn vị gửi về gia đình phấn khởi lắm.

Những trường hợp trên chỉ là hãn hữu. Nhưng ngay cả cái hãn hữu ấy các anh cũng có cách riêng trong việc động viên thuyết phục. Không chỉ ở những biện pháp hành chính mà ở tấm lòng. Đã nói đến tấm lòng thì cũng có nghĩa là phải có sự quan tâm thường xuyên, toàn diện và rất cụ thể. Đành rằng đã có chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng người thực hiện...

Tam Đa đã lo cho những người ở nhà thế nào? Đúng hơn Tam Đa đã tạo ra nguồn của cải vật chất ra sao để chẳng những cho 3.500 nhân khẩu mà còn phải ưu tiên 135 gia đình liệt sĩ, 40 gia đình thương binh và gia đình có con em đang tại ngũ.

“Tất cả chỉ trông vào đồng ruộng” câu này được chủ nhiệm Lê Kim Chung láy đi láy lại nhiều lần đến nỗi tôi có cảm giác dường như đây chính là câu mở đầu cho mỗi trẻ thơ của Tam Đa khi cắp sách đến trường cùng với câu «Tổ quốc Việt Nam liền một dải, suốt từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau...».

Đặc điểm của Tam Đa là độc canh. Bình quân nhân khẩu hai sào mười thước. Chính những điều kiện khắc nghiệt ấy, thậm chí không có con đường nào khác ấy, bằng mọi cách và chỉ tạo ra thóc, ra gạo ở 306 ha đồng đất quê mình mà thôi. Tam Da chịu đựng hai sương một nắng, làm thủy lợi, thau chua rửa mặn, cải tạo đồng đất, qui hoạch đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất v.v... là những việc nhiều vùng quê khác đã làm. Nhưng ở Tam Đa ổn định, năng suất lúa ngày một đi lên. Lợn xuất chuồng của hợp tác xã ngày một nhiều.

Được sự hỗ trợ không nhỏ của xí nghiệp nông cụ huyện Vĩnh Bảo, nhưng cần phải chủ động. Tam Đa đã tự mình sắm thêm hai chiếc MTZ nữa. Hai chiếc màu đỏ, oai vệ đậu ở sân kho rộng rãi, bát ngát. Còn người lái, thợ sửa chữa nữa. Tất cả 10, Hợp tác xã đang cử đi học. Tôi đọc được niềm vui, và cả phần nào ánh mắt tự hào của các anh khi nói lên điều này. Cho đến hôm nay Tam Đa thực hiện trả lương hưu cho bà con xã viên nông nghiệp. Một điều thật mới mẻ và cũng để khẳng định thêm cho con người, đồng đất Tam Đa. «Tam Đa đã tiếp thu, nắm bắt được rất nhanh các nghị quyết của thành ủy Hải Phòng. Có nhiều sáng tạo trong việc khoán...». Vụ chiêm này 100 ha vùng lúa cao sản giao cho 10 đội sản xuất có thể nắm chắc 8 tấn năm ở cao sản, 5 tấn năm ở đại trà. Riêng phân bón. Chỉ tính đạm thôi: 3,7 cân một sào Bắc bộ. Một con số khiêm tốn, nhưng nhân lên cho đủ 306 ha, không nhỏ đâu. Lúc này tôi nhớ đến hình ảnh chiếc thuyền xi măng lưới thép trên sông đào Chanh Dương với ngồn ngang xi măng, phân đạm và bao màu sắc đủ loại của khăn quàng len khiến cho má các cô gái ngồi trên khoang lựng hồng lên.

Tiếng cười giòn tan, vỡ ra, lanh lảnh. Nhưng không phải của cô gái Tam Đa. Mà của các em nhỏ Trường phổ thông cơ sở. Rời khỏi hội trường xã tôi gặp ngay cảnh tượng này. Ấy là giờ ra chơi của các em. Dẫu chưa rực rỡ, không áo nọ áo kia. Nhưng không phong phanh. Tôi cũng không muốn hỏi, trong những ánh mắt tươi trẻ, gương mặt sáng sủa kia, em nào là con liệt sĩ, thương binh, em nào có bố đi bộ đội, bố đang làm cán bộ, công nhân v.v... Đừng để cho trẻ thơ thấy sự ưu tiên, cũng như phân biệt. Các em phải được ăn no, mặc ấm và được học hành.

Trong hoàn cảnh điều kiện của mình, không ít khó khăn, nhưng Tam Đa đang từng bước, theo thời gian thực hiện cho được điều ấy.

Tôi cùng Phao vào thôn Đông Quất. Sau những ngày mưa tầm tã, đường làng vốn là những viên gạch chỉ, xây nghiêng, bết những bùn. Trong thôn hầu hết là nhà gạch. Tiếng “tang-si-to”, rồi cả tiếng loa công cộng cứ đan quyện một điệu dân ca vấn vít. Tôi đã vào nhà cụ Nhân, một trong 37 gia đình liệt sĩ có mức thu nhập trung bình. Cụ đã già nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và tỉnh táo. Lúc chúng tôi đến phải ngồi tạm ở bếp. Cụ ông gọi cô con dâu lấy chiếu, rót nước, nhà còn đang lôi thôi, bừa bãi. Chẳng là cụ đang làm nhà mới mà. Cô con dâu đánh vữa, mấy ông thợ người tháo cốp-pha, người thì dùng bay sửa sang lại bồn hoa. Nhà mài bằng, năm gian, rộng rãi khang trang. Cái áo nâu bạc của cụ đang mặc kia, cũng có lý do của nó. Tôi hỏi công thợ: 23.000đ (hai mươi ba nghìn đồng). Số tiền ấy quả là lớn nếu như tính theo số thóc mà cụ được Hợp tác xã bán cho thường xuyên với giá 2,5đ một cân. Vả lại thì giá ở đây tương đối ổn định, không đến nỗi chóng mặt, thì chỉ riêng số tiền thuê thợ kia, rồi tiền xi-măng, sắt 6, sắt 8, vôi, cát, gạch... Biết bao nhiêu là nguyên vật liệu, bao nhiêu là công của.

— Cơ ngơi của gia đình tôi được thế này, là nhờ một phần có chính quyền địa phương giúp đỡ.

Rời Đông Quất tôi lại cùng Phao sang thôn Lễ Hợp. Đồng ruộng Tam Đa bằng phẳng, ngút một màu xanh. Lúa sẽ đẹp và chắc chắn sẽ ăn to nếu như có mưa rào và nhất là có nắng. Lúa cần ánh sáng. Lúc ấy đạm lại thúc nữa. Cầm bằng tám tấn anh ạ. Tôi nghe những điều ấy từ miệng của một người lính, của một xã đội trưởng mà lòng thấy vui vui. Vậy là việc tăng sản, chăm lo cho cây lúa rõ ràng ở đây không chỉ dựa vào kinh nghiệm. Mà phải có biện pháp kỹ thuật.

Tôi cũng đã vào nhà bà Nguyễn Thị Cống, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Líu, một trong hai mươi gia đình liệt sĩ đời sống gặp khó khăn. Mẹ già rồi. Những vết nhăn chồng chéo lên khuôn mặt. Khi nói chuyện với chúng tôi mẹ cứ húng hắng ho luôn. Lưng mẹ còn thẳng, mắt vẫn còn tinh. Nghe chuyện đời riêng của mẹ sao mà thương. Mẹ hiện giờ đang ở với đứa cháu ngoại. Cháu mới 15 tuổi... Nếu tính cả tuổi mụ thì 16 đấy, Con trai mà ngần ấy tuổi ở đồng đất này theo công điểm hợp tác là không lo đói đâu. Còn mẹ, Hợp tác vẫn cấp không mỗi tháng 16 cân thóc. Một năm 192 kg. Mẹ ở một ngôi nhà tranh nhỏ. Cái cảm giác vắng vẻ tôi có nhận ra, nhưng quạnh hưu thì không.

Trời đã về chiều nhưng nắng vẫn còn hửng. Ở đây, tuy không nghe thấy tiếng đài, tiếng loa, nhưng ở chiếc ao rộng ngay trước cửa nhà mẹ, tôi nghe thấy tiếng cá quẫy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2022, 07:24:55 pm »


*

*       *

Tôi nhận ra ngay sự chân chất, hồn hậu của thiếu tá Nguyễn Mạnh Nhật — chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Bảo. Khi anh bắt tay tôi, bàn tay to, thô ráp nhưng nóng ấm của một người lính từ những tháng năm chống Pháp. Bằng một giọng cởi mở, thân tình như thể đã quen biết từ lâu, anh hỏi:

— Mấy ngày ở đây anh có thấy rét không. Anh đi được nhiều nơi chưa?

— Tôi đã làm việc với chỉ huy phó chính trị Bùi Văn Hựu. Cũng đã xuống một vài cơ sở.

— Có anh em tôi đi cùng chứ anh?

— Vâng. Khi thì anh Thạc, khi thì anh Quốc. Anh có những trợ lý rất tuyệt. Am hiểu, thuộc cơ sở lắm.

— Lực lượng vũ trang huyện mà. Không thuộc, không bám cơ sở, đâu có được. Kế hoạch của tôi, cả sáng nay làm việc với anh đấy. Liệu có đủ không?

— Tôi vốn tham lam. Nhưng chiều nay, theo kế hoạch anh xuống Cổ Am để chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ xã, rồi còn phải báo cáo nghị quyết của thành ủy. Anh Hựu cho tôi biết lịch của anh mà.

— Vậy thì ta bắt đầu làm việc nhé!

Rất quân sự trong dáng dấp cử chỉ, cũng như trong cách làm việc. Nhưng tôi không nhận ra vẻ cứng nhắc, gò bó. Lại càng không nhận ra sự cách biệt khi chuyện trò với anh Nhật. Có lẽ chất bộ đội cũ của tôi vẫn còn, và những ngày ở đây, tôi cũng được quân sự hóa trở lại chăng? Trong sổ tay tôi đã có khá nhiều những số liệu cần thiết mà thượng úy Quốc đã cung cấp. Nhưng khi làm việc với anh, lạ làm sao, những số liệu tưởng như khô khốc, ngắn gọn kia lại sinh động hẳn lên. Vậy thì nên bắt đầu từ đâu để phần nào, dẫu là ít ỏi thôi nêu cho được bao công việc các anh đã suy nghĩ, đã làm. Cái đã làm. Cái đang làm. Cái sẽ làm…? Vậy là có sự liên tục, có cái dẻo dai, bền bỉ đây. Thôi, có lẽ bắt đầu từ cái mới nhất vậy. Bắt đầu từ việc thiếu tá Nhật phải bứt khỏi những công việc bộn bề của huyện mất một ngày, phóng xe lên Bộ chỉ huy quân sự để báo cáo với tư lệnh của ba quân khu. Lần này ở Hải Phòng, Bộ chỉ huy quân sự đề nghị hai đơn vị báo cáo. Về phường có Hồng Bàng. Còn cấp huyện: Vĩnh Bảo.

— Anh còn giữ bản báo cáo ấy không?   .

Anh Nhật hơi ngớ ra một tí, rồi cười, dường như hiểu ra cái đòi hỏi của tôi.

— Chỉ huy trưởng của chúng tôi chỉ cho Vĩnh Bảo hai mươi phút. Tôi có văn bản gì đâu. Nói vo thôi, vả lại, anh tính, toàn là những việc đã làm. Làm được đến đâu nói đến đó.

Và, cứ chất phác, cứ hồn nhiên như thế, những tháng năm hào hùng, những chân dung, những cuộc đời của mỗi người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Vĩnh Bảo cứ dần dà, đầy ắp trong tôi.

Thế ra Vĩnh Bảo đã từng nổi tiếng bởi có «Đường 10 quật khởi». Đã có những trận tiêu diệt địch ở quán Đỏ. Đã có những trận chống càn mà du kích và bộ đội địa phương đã quần nhau với hàng tiểu đoàn Âu Phi thiện chiến để giữ từng bờ tre, tấc đất. Và, Đan Điền, Cự Lại, Dũng Tiến, Đồng Minh đã là nỗi khiếp sợ của những tên lính viễn chinh Pháp.

Thế ra ở Vĩnh Bño đây, «Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người». Không chỉ là khẩu hiệu. Mà đã trở thành một điều tự nguyện, một khát khao cháy lòng dốc sức chi viện cho tiền tuyến. Cũng chính vì vậy mà tiểu đoàn “Đường 10 quật khởi” đã được thành lập ngày 28-4-1966. Tiểu đoàn gồm 756 đồng chí là con em của Vĩnh Bảo thuộc 29 xã và hai trường phổ thông trung học. Những người con Vĩnh Bảo đã lên đường đi B. Đường tắt, lối mòn, Trường Sơn và những đêm mưa rừng, mùa dông bão không cản nổi bước chân của họ. 756 người con của Vĩnh Bảo — Tiểu đoàn 10 quật khởi ấy đã trở thành một đơn vị quân giải phóng, trở thành bộ đội địa phương của tỉnh Ninh Thuận.

Những người ở nhà, cùng với việc làm ra hạt lúa củ khoai vẫn bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Chính đơn vị nữ dân quân tập trung huyện đã độc lập chẻ xác máy bay kẻ cướp Mỹ, cả tên «cánh cụp cánh xòe». Toàn quân khu có 5 xã được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3 thì Vĩnh Bảo được 2.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2022, 07:25:52 pm »


Dường như anh Nhật đã nắm bắt được suy nghĩ của tôi. Anh chuyển «gam», vẫn một giọng nói hồn nhiên, chất phác:

— Huyện của chúng tôi là một trong những huyện trọng điểm lúa cộng với cây con. Đặc sản thì cùng với Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo nổi tiếng khắp mọi miền đất nước.

— Và còn bay qua các đại dương nữa kia. Bà con Việt kiều mình ở xa Tổ quốc vẫn nhắc, vẫn thèm thuốc lào Vĩnh Bảo, Tiên Lãng đấy. Thế còn về mặt quân sự?

— Là huyện tuyến sau của thành phố.

— Tuyến sau, nhưng chắc các anh không chịu đi sau?

— Nhất định rồi, anh ạ. Không nói chắc anh cũng rõ, lực lượng vũ trang Vĩnh Bảo không chỉ hoàn thành với cấp trên về mặt quân sự trên địa bàn huyện mà còn phải có trách nhiệm trong việc duy trì và tạo thế đứng cho huyện trọng điểm lúa.

— Vậy nhiệm vụ nào là chính, hiện nay?

— Hiện nay hả anh? Chúng tôi thường nghĩ, cả hai đều là nhiệm vụ chính cả. Dĩ nhiên khi thực hiện cần phải sáng tạo, uyển chuyển anh ạ.

— Trong sản xuất các anh cũng làm nhiệm vụ xung kích chứ?

— Vâng. Có điều cần hiểu biết chữ xung kích. Bởi vì cơ quan quân sự huyện chúng tôi chỉ có 45 đồng chí.

— Như thế có nghĩa là các anh không chỉ xung kích trong việc tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban, xung kích trong chỉ đạo và cả trong tổ chức cũng như khi tiến hành từng chiến dịch nữa?

Tôi cấp tập những câu hỏi, những nhận xét. Thiếu tá Nhật chỉ mỉm cười, nói một câu thật giản dị:

— Thì chúng tôi là người lính mà.

Chính sự giản dị của câu nói ấy là bao hàm của sự ra đời, sự hình thành những cụm chiến đấu, lực lượng cơ động hiện nay. Chính từ những cụm chiến đấu ấy, những lực lượng cơ động ấy đã được quân sự hóa, được tổ chức thành những người lính xung kích thật sự. Vì vậy bao công trình của Vĩnh Bảo đều đã được hoàn thành. Con sông đào Chanh Dương nước xanh ngắt đầy ắp đôi bờ êm ả trôi. Không chỉ mang vẻ đẹp ấy, còn là nguồn tiêu úng cho các vùng lúa cao sản: Vĩnh Phong, Tiền Phong, Cộng Hiền. Chanh Dương không chỉ giữ nước trong vụ đông xuân cho 8 xã khu 1 mà còn khai thác cho vùng bãi nữa. Xây dựng cống I Trấn Dương, một công trình trọng điểm của huyện.

Một sĩ quan trẻ chợt xuất hiện ở cửa. Có lẽ không muốn làm ngắt quãng công việc của chỉ huy với khách nên anh cứ ngập ngừng.

— Xin lỗi anh nhé — Có việc gì đấy đồng chí?

— Báo cáo chỉ huy, có khách ạ.

— Ai đấy, đồng chí?

— Bác Lự trưởng phòng giáo dục huyện ạ.

— Anh nói bác chờ tôi một lát nhé.

— Rõ.

Và trước khi quay ra, đồng chí sĩ quan còn để lại trước mặt anh Nhật một tấm thiếp báo hỷ. Cũng muốn để anh xả hơi tí chút nên tôi nói vui:

— Bọn tôi ở Hà Nội mỗi khi nhận được thiếp này vừa mừng lại vừa lo. Mà nhiều khi cái lo nhiều hơn.

Nhưng khi mở thiếp ra, lướt nhanh những dòng chữ mầu, khuôn mặt anh Nhật chợt rạng lên. Rồi có lẽ anh cũng không để ý đến câu nói vừa rồi của tôi. Anh thốt lên:

— Chóng thật đấy. Thế mà đã 20 năm rồi.

Lần này thì đến lượt tôi muốn anh san sẻ niềm vui. Thì ra đây chỉ là một thiếp báo hỷ bình thường nếu như với tôi, hoặc với bất cứ ai không nắm được số... phận, cuộc đời những con người trong này.

Người vợ trẻ cùng với đứa con gái hai tuổi ấy đã đưa tiễn chồng lên đường đi chiến đấu đúng vào cái ngày hoa xoan nở trắng đường quê Vĩnh Bảo tháng 2 năm 1965. Ít lâu sau chị nhận được tin chồng hy sinh. Lúc ấy con của anh chị đã lên 5 tuổi. Chị vẫn ở nhà chồng cũ, không chỉ là con dâu. Mà đã là con gái của mẹ.

Bây giờ chị đã 47 tuổi. Mẹ chồng chị vừa tròn 70. Còn đứa con gái đầu lòng 22 tuổi.

Thiếp mời anh Nhật đến dự ngày vui, chính là ngày chị, mẹ chị tổ chức cho cháu.

Tóm tắt câu chuyên mà tôi được nghe và kể lại là thế. Có ai dè, trong cái bình thường của cái thiếp mời ấy, lại ánh lên bao vẻ đẹp, bao sự hy sinh thầm kín, ánh lên cái ấm áp đậm đà, chân chất của tình người.

Vĩnh Bảo — Hà Nội
tháng 3-1985

T.V.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2022, 08:49:47 am »


NGUYỄN ĐỨC MẬU

BỨC ẢNH Ở VÙNG QUÊ CHẮN BÃO


Chiếc xe con đột ngột dừng lại ở đoạn đê chắn biển ngoại ô thành phố. Trung tá Vũ Sinh bước xuống, xốc lại chiếc áo bạt bạc màu. Với dáng hình cao lớn, khỏe mạnh, ít ai có thể đoán tuổi ông đã ngoài sáu mươi. Bàn tay to bè của ông khoát một vòng cung theo hướng biển và chỉ xuống con đê mới đắp có đoạn lỗ chỗ màu cỏ:

— Anh biết không, chỗ chiếc xe con đang đỗ, chỗ những ngôi nhà đang dựng dở dang kia, hồi nào còn là bãi sú, bãi vẹt, còn chìm ngập trong sóng nước. Con người ở đây đang nhích dần ra phía biển…

Chúng tôi đang bước chầm chậm trên đoạn đê mới, đang bước trên vùng biển động năm nào. Giờ này, nước thủy triều đang rút, biển trước mặt chúng tôi trở nên phẳng lặng, yên ả như một miếng vải màu đất khổng lồ. Dưới chân đê, mấy chiếc sà lan han gỉ, những bãi sú, bãi vẹt mới trồng, và xa hơn nữa là những con thuyền gỗ loi thoi của đám dân chài. Đây đó, ven bờ biển, từng đoàn người, đàn ông, đàn bà, trẻ con đang lội ngụp, kiếm cá kiếm tôm ở những đám nước mặn. Không hiểu sao, nhìn cảnh vật, nhìn biển cả nơi đây, tôi lại nghĩ đến cái sức lực tiềm ẩn của con người.

Trung tá Vũ Sinh luôn chỉ cho tôi xem những dấu tích bờ biển trên mặt đê. Dường như chỉ có những người gắn bó với nơi này như ông mới có thể nói về nó một cách hào hứng và sôi nổi đến thế. Chợt ông chỉ tay vào một mô đất bình thường: «Chỗ này là lỗ thủng thứ bốn của con đê hồi cơn bão số hai đấy...». Đi được một đoạn, ông vòng xuống chân đê và bước lên một chiếc sà lan: «Anh thấy chưa, sóng gió ở biển đã quật gãy cong chiếc sà lan như bỡn, cũng cơn bão số hai, hàng chục chiếc sà lan đã được chuyển tới đoạn đê này để hàn vá các lỗ thủng».

Tôi gợi chuyện:

— Hồi đó, anh ở ban chỉ huy công trường thủy lợi, phải không?

Vũ Sinh nói giọng điềm đạm:

— Ban chỉ huy công trường gồm ba người. Chúng tôi thay nhau tổ chức lực lượng lao động. Nhưng xin anh đừng quan tâm nhiều tới vai trò cá nhân. Điều tôi muốn nói với anh là sức mạnh của những đơn vị bộ đội và dân quân địa phương trên mặt trận kinh tế.

Đi trên mặt đê, tôi được trung tá Vũ Sinh kể cho nghe nhiều chuyện về con người nơi đây. Thêm nữa, tôi còn được xem những đoạn ghi chép của ông trong cuốn sổ tay. Có nhiều chuyện ngỡ đã qua đi, song qua giọng nói sôi nổi, hào hứng của ông, tất cả được tái hiện, rõ rệt và sống động như vừa xảy ra trước mắt.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM