Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:49:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sóng gió một vùng biển  (Đọc 1783 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:13:43 pm »

Tên sách: Sóng gió một vùng biển
Nhà xuất bản: Thanh niên
Năm xuất bản: 1985
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



SÓNG GIÓ
MỘT
VÙNG BIỂN

TẬP TRUYỆN VÀ KÝ
NHIỀU TÁC GIẢ




NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN
HÀ NỘI — 1985
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:17:15 pm »


MAI VUI



SÓNG GIÓ
MỘT VÙNG BIỂN


Đồng chí chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng chỉ đoạn đê trên đường 14 nói với tôi:

— Sóng gió ở vùng biển dữ dằn vô kể, ông bạn ạ. Một vạn con người vừa là lực lượng vũ trang vừa là nhân dân Hải Phòng chúng tôi lặn lội dưới bùn lầy gần một năm trời, mà chỉ qua một cơn bão, cơn bão rất to, sóng đỉnh triều cao tới hơn ba mét, lừng lững ập vào phá hủy con đê đang đắp, tạo thành mười lỗ hổng, có lỗ dài tới tám mươi mét, sâu bảy mét. Nước mặn tràn vào ruộng mênh mông. Các con đường từ đê cũ ra đê mới cũng ngập lút trong sóng biển...

Chẳng hiểu chỉ huy trưởng muốn cho tôi nắm bắt được đặc điểm nổi bật của một vùng biển mà đồng chí hằng yêu quý vô cùng hay không, mà lần này gặp tôi, mở đầu câu chuyện đồng chí đã nhấn mạnh tác hại của sóng gió vùng biển. Một buổi tối, tôi đang nằm đọc báo trong phòng khách Bộ chỉ huy, khác hẳn với mọi cơ quan, phòng khách ở đây nằm lọt giữa các phòng ngủ của các đồng chí trong Bộ chỉ huy quân sự thành phố, nên đồng chí chỉ huy trưởng mặc bộ thường phục từ gian kề bên cạnh bước sang lúc nào tôi không biết. Đồng chí đưa cho tôi bao thuốc lá «Sông Cầu», cất giọng trầm trầm tha thiết:

— Ông đi nhiều nơi, thử hỏi ở đâu giàu có, đẹp đẽ và đầy đủ như thành phố Hải Phòng không? Này nhé, Hải Phòng có sông, có biển, có bến cảng đã đành, lại có núi, có đảo, có đồng bằng, có công nghiệp, nông nghiệp, có hải sản lại cả lâm nghiệp, thủ công nghiệp, thú rừng nữa chứ. Tài nguyên phong phú, tiền rừng, bạc biển... như vậy mà trước đây chúng tôi muốn chi tiêu việc gì, cứ trông ngóng ở quỹ quốc phòng. Mà quỹ quốc phòng ở đất nước ta tất nhiên là ít ỏi. Ở xã, ở huyện muốn tổ chức huấn luyện cho dân quân tự vệ hàng năm, muốn tổ chức hội thao, muốn họp mặt các gia đình có công, gia đình thương binh, liệt sĩ đều phải gặp cơ quan này, cơ quan khác xin con bò, con lợn, xin gạo, xin chè, tút thuốc lá... Rõ ràng trong tay mình có vàng mà để vàng rơi. Ông bạn bảo như thế có buồn không?

Nghe đồng chí chỉ huy trưởng nói vậy, tôi trả lời:

— Đó là nỗi buồn chung của một số cán bộ quân sự địa phương chúng ta, biết làm thế nào?

Đồng chí chỉ huy trưởng khua tay, sôi nổi:

— Trước đây, trong hàng ngũ cán bộ quân sự Hải Phòng cũng có ý nghĩ tự trói buộc mình như vậy. Rồi khoanh tay chờ đợi, đời sống nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thiếu thốn khó khăn trăm bề, mặc cho nó trôi qua. Nhưng quân khu ủy 3 chúng tôi có suy nghĩ đúng đắn, hành động táo bạo, hướng dẫn cụ thể, chỉ đạo chấp hành hai nhiệm vụ chiến lược bằng khẩu hiệu «Làm giàu, đánh thắng». Nhờ đó, chúng tôi đã "biết làm thế nào” để thêm của cải cho xã hội, dự trữ cho quốc phòng, phục vụ công tác huấn luyện quân sự, xây dựng lực lượng dự bị, cải thiện đời sống cán bộ và chiến sĩ...

Đồng chí thư ký chợt mở cửa vào báo cáo chỉ huy trưởng:

— Mời anh sang nói chuyện với anh Thành.

Câu chuyện của chúng tôi đành ngừng lại. Chỉ huy trưởng đứng dậy, bảo tôi:

— Xin lỗi nhé. Chắc đồng chí bí thư thành ủy lại hỏi về công việc chuẩn bị hội nghị ngày mai. Hội nghị lần này rất phù hợp với ý định ông bạn muốn viết. Đại biểu các tỉnh bạn cũng muốn «tìm hiểu» bí quyết «làm giàu» thế nào, tích lũy vốn ban đầu ra sao đấy, chúng tôi xin sẵn sàng.

*

*        *

Trước khi về tìm hiểu phong trào «Làm giàu, đánh thắng”ở cơ quan quân sự Hải Phòng, tôi đã được nghe nhiều dư luận khen chê. Khen hết lời mà chê cũng chẳng kém. Tôi được chứng kiến cuộc tranh luận giữa một số cán bộ quân sự với nhau, khi đồng chí thiếu tá vừa đi công tác ở huyện Vĩnh Bảo về, khoe cách làm ăn của Hải Phòng.

Một đại úy có khuôn mặt vuông, đôi lông mày sâu róm vừa rít thuốc lào vừa phản đối:

— Đã là ngành quân sự thì trước tiên phải nói đến đánh thắng đã. Sinh ra lực lượng vũ trang có phải để làm giàu đâu mà các bố bốc lên tận mây xanh thế?

Thiếu tá vui vẻ đáp:

— Về mặt đánh thắng, Hải Phòng có kém ai đâu. Tuyển quân đợt nào cũng đạt và vượt kế hoạch. Huấn luyện quân sự giỏi. Hội thao quân khu, hội thao và thi đấu toàn quân suốt ba bốn năm liền đạt 8 nhất, 5 nhì. Huy động các đơn vị dân quân tự vệ phục vụ phía trước đều hoàn thành vượt mức. Mấy lại nghĩ rộng ra, thì «làm giàu» cũng là một cách đánh thắng đấy.

Đại úy lừ mắt, hất hàm:

— Tôi chưa hiểu ý đồng chí thiếu tá nói vậy là thế nào?

— Ông nên nhớ thằng bành trướng nó không chỉ đánh ta bằng quân sự đâu nhé. Nó còn nhằm vào hậu phương ta nữa chứ. Nào bao vây kinh tế, phá hoại sản xuất hòng làm đời sống ta nghèo đói, khó khăn. Từ đó nó phao tin, chia rẽ, gây hoang mang dao động làm mất lòng tin. Mà sợ nhất là con người mất lòng tin. Mất vật chất mất ít. Mất danh dự mất nhiều. Mất lòng tin là mất hết. Vì vậy làm giàu, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội và gia đình, để anh em yên tâm chiến đấu công tác. Tôi hỏi ông, như vậy làm giàu không phải là đánh thắng hay sao?

Đại úy xem chừng đuối lý, song vẫn đâu đã chịu thua:

— Ông biện luận ghê quá. Tôi không tán thành cách làm giàu của Hải Phòng. Làm giàu kiểu đi buôn. Bắt anh em chưa làm tròn nghĩa vụ quân sự ra lao động, kiểu «cai đầu dài... ».

— Ông căn cứ vào đâu mà nhận định như vậy?

— Tôi nghe người ta nói thế.

Thiếu tá cười ngất:

— Trăm nghe không bằng một thấy. Xin mời đại úy xuống tìm hiểu thực tế đã nhé.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Chín, 2022, 05:30:01 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:25:26 pm »


*

*       *

Tháng hai năm nay, tôi được dự cuộc họp giao ước thi đua giữa các tỉnh trong quân khu. Mỗi tỉnh cử bốn đại biểu gồm chỉ huy trưởng hoặc phó, chủ nhiệm chính trị, cán bộ tuyên huấn và cán bộ kinh tế về họp. Tình cờ, tôi gặp lại đồng chí đại úy có khuôn mặt vuông, lông mày sâu róm đã từng tranh luận với đồng chí thiếu tá hồi trước. Trước buổi họp, đại biểu các tỉnh đề đạt nguyện vọng rằng trong cuộc họp năm nay, các tỉnh chỉ trao tay bản giao ước thi đua với nhau, còn dành toàn bộ thời gian yêu cầu Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng nói về kinh nghiệm và «cách làm ăn trong phong trào “Làm giàu đánh thắng” để các nơi học tập».

Đại tá Đào Đình Thản, chỉ huy phó phụ trách kinh tế đã bộc lộ chân thành tất cả «gan ruột» của mình trong cách làm ăn suốt hai tiếng đồng hồ. Các đại biểu chăm chú ghi chép ra chiều thỏa mãn. Tôi hỏi ý kiến nhận xét của đồng chí đại úy. Đồng chí cười vẻ ngượng nghịu «Thì nghe mới biết thế. Phải xuống cơ sở xem thực tế thế nào, anh ạ». Sau buổi họp, tôi không gặp đồng chí đại úy trong đoàn đại biểu đi xuống tham quan thực tế. Riêng tôi, tôi còn làm việc với đồng chí Thản và một số cán bộ chuyên trách của ban kinh tế thuộc Bộ chỉ huy. Những con số thống kê về vốn ban đầu, về phương tiện sản xuất, về tiền lãi của các huyện, quận, các ngành, các xí nghiệp, công trường... đầy kín trong sổ tay tôi; song chỉ nêu hai con số sau đây để bạn đọc suy nghĩ và tự đánh giá. Năm 1984, lực lượng vũ trang Hải Phòng đã thu lãi được gần 40 triệu đồng. Còn hướng phấn đấu của năm 1985 thu lãi 60 triệu đồng. Trong số lãi thu được, dự chi là:

— Dành để tái sản xuất    10 triệu
— Nộp lên quỹ Quân khu    10 triệu
— Dành các khoản tiêu về công tác quân sự địa phương    10 triệu
— Dành cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ và chiến sĩ đơn vị    10 triệu
— Dành chi viện và ủng hộ hai tỉnh biên giới kết nghĩa    10 triệu
— Dự trữ    10 triệu

Có lần, một đồng chí trong đoàn kiểm tra Bộ quốc phòng sau những ngày làm việc với Hải Phòng đã phát biểu: «Nếu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh nào làm kinh tế cũng thu được số lãi 40 triệu, huyện nào cũng lãi hai, ba triệu như Hải Phòng thì toàn quân hàng năm sẽ thêm một số tiền khá lớn, vừa chủ động tổ chức cải thiện và nâng cao đời sống các lực lượng vũ trang, vừa giảm bớt ngân sách Nhà nước, dành cho các khoản chi tiêu lớn khác».

Cuối tháng 9 năm 1984, sau khi nghe đồng chí Tư lệnh Quân khu báo cáo về phong trào «Làm giàu, đánh thắng”Đại tướng Văn Tiến Dũng đã hỏi:

— Tại sao Hải Phòng thu lãi tới 40, 50 triệu mà các tỉnh khác chỉ thu được trên dưới một triệu?

Tư lệnh Quân khu báo cáo:

— Thưa Bộ trưởng! Vì cán bộ. Cán bộ chưa dám làm và chưa biết làm.

Đồng chí chỉ huy trưởng quân sự thành phố Hải Phòng có lần tâm sự với tôi rằng: «Đứng trước hoàn cảnh khó khăn của đất nước ta hiện nay, một số cán bộ có độ tuổi trên dưới sáu mươi như chúng tôi thường có hai chiều hướng suy nghĩ và hành động. Chiều hướng thứ nhất cho rằng, mình là cán bộ trong giai đoạn giao thời. Một vài năm nữa đã nghỉ hưu. Vì vậy làm sao giữ cho «tròn trĩnh» ở những ngày cuối đời của một cán bộ đã qua ba thời kỳ đánh giặc. Ông bạn xem phim «Người đi tìm đất» chưa nhỉ? Đấy, nhân vật bí thư Đảng ủy là một phát hiện mới về loại cán bộ cam chịu nghèo khó, đói rách, né tránh mọi cái mọi việc. Đời sống cán bộ, chiến sĩ đã có chế độ, tiêu chuẩn cấp phát. Trên rót xuống thế nào dùng thế ấy. Hậu phương cán bộ, chiến sĩ, nhà cửa công ăn việc làm, đời sống ra sao? Mặc. Đã có chính quyền, hợp tác xã lo toan. Thế là họ co mình lại, không dám nghĩ, không dám làm, không dám ủng hộ những công việc đúng phù hợp với tình hình thực tế. Chiều hướng suy nghĩ và hành động thứ hai thì ngược lại, cho rằng: Kiểu hô hào «cắn răng chịu đựng và chờ đợi» thực chất là «há miệng chờ sung». Cuộc sống của con người trong một đất nước xây dựng xã hội chủ nghĩa có những điều khác với thời kỳ cách mạng tháng Tám, thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người cán bộ và chiến sĩ dù ở tiền tuyến hay hậu phương ngoài chiếc ba-lô, khẩu súng ra, họ còn phải nghĩ tới đời sống gia đình ở hậu phương, nghĩ tới căn nhà, nghĩ tới công ăn việc làm khi rời quân ngũ, nghĩ tới cái tủ, bộ bàn ghế, chiếc xe đạp... Đó là một nhu cầu, một đòi hỏi chính đáng. Mình là cán bộ mình phải nghĩ tới những lo toan đó của anh em. Ngày đêm phải suy tư, tìm tòi, dám chịu trách nhiệm, lăn xả vào công ăn việc làm. Và làm sao mỗi ngày, mỗi tháng giúp được cán bộ, chiến sĩ bớt được phần nào khó khăn trong đời sống của anh em và hậu phương để họ yên tâm chiến đấu và công tác. Há phải chăng đó là niềm sung sướng của người chỉ huy, của người đảng viên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:28:55 pm »


*

*        *

Vậy thì cách «Làm giàu, đánh thắng» của Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng như thế nào? Vốn ban đầu lấy ở đâu ra?

Năm 1975, Bộ chỉ huy quân sự nhận đắp đê lấn biển ở xã Vĩnh Quang huyện Tiên Lãng. Một trung đoàn bộ đội địa phương được điều ra nhận nhiệm vụ này. Sau hơn một năm trời dầm mình trong bùn lầy nước mặn, cán bộ và chiến sĩ bộ đội địa phương thành phố đã hoàn thành khoanh vùng, đắp con đê dài 9 km, lấn biển được 2.000 ha canh tác, thu số lãi đầu tiên hơn một triệu đồng.

Có hơn một triệu đồng trong tay. Theo thời giá lúc đó cũng lớn đấy. Song đem ra tiêu pha, chè chén thì chẳng mấy mà hết. Các đồng chí trong Bộ chỉ huy nghĩ tới việc đầu tư vào công nghiệp. Sẵn có lò vôi nhỏ ở Pháp Cổ, trước đây lò này thường có hai, ba chục người không hoàn thành nghĩa vụ quân sự ra lao động bắt buộc. Số vôi đó không đủ để đơn vị tự sửa chữa doanh trại hàng năm.

Một câu hỏi được đặt ra: «Liệu có thể khôi phục lò vôi và mở rộng sản xuất được không?».

Thiên nhiên ở vùng này dành bao ưu đãi cho con người. Lò vôi nằm bên cạnh sông Kinh Thầy. Hai bên hai dãy núi đá, toàn thứ đá hộc sản xuất ra vôi lụa, loại vôi tốt bậc nhất trên thị trường. Pháp Cổ lại có thứ đất phụ gia rất tốt, chỉ cần trộn với xỉ than là có thể thành được tường nhà ở. Đất đó còn là một trong ba, bốn nguyên liệu sản xuất ra xi măng. Vậy có thể mạnh dạn sản xuất cả xi măng được không?

Ý kiến táo bạo đó được những cán bộ có đầu óc tính toán trao đi đổi lại nhiều lần. Và một kế hoạch được đưa lên trên xin ý kiến, được cơ quan lãnh đạo thành phố, Bộ tư lệnh Quân khu và Bộ quốc phòng khuyến khích, giúp đỡ. Bộ tư lệnh Quân khu và Bộ quốc phòng giúp ba triệu đồng, thành phố đầu tư 500.000 đồng làm vốn. Xí nghiệp liên hợp sản xuất vôi, xi măng, đất đèn và hiện nay sẽ sản xuất gạch hoa, gạch lát vỉa hè... ra đời. Song làm ăn thuở ban đầu, tránh sao khỏi vấp váp. Nguyên nhân thì có nhiều song chủ yếu do cán bộ lãnh đạo xí nghiệp thiếu đoàn kết nội bộ, không tận dụng tốt cán bộ kỹ thuật; quản lý nhân công chưa hợp lý, khâu kỹ thuật, sản xuất xi măng kém nên chất lượng xấu, hàng ế và ứ đọng.

Song sóng gió chỉ nổi lên trong thời gian ngắn. Bộ chỉ huy lập tức củng cố, chấn chỉnh bộ máy lãnh đạo và có biện pháp sửa chữa khuyết điểm, kịp thời. Từ đó, hàng năm, xí nghiệp ăn lên, làm ra. Bình quân mỗi năm sản xuất được trên dưới 15.000 tấn vôi, 3.000 tấn xi măng, 200 tấn đất đèn. Chưa kể khai thác đất phụ gia bán cho Nhà máy xi măng Hải Phòng cũng đạt vạn tấn/năm. Tổng doanh thu hàng năm của xí nghiệp lên tới 25 triệu, lãi 5 triệu đồng/năm.

«Tất cả vốn lỗ lãi của chúng tôi đều từ đất mà ra». Một đồng chí chỉ huy phó quân sự thành phố phát biểu với một số đoàn cán bộ tỉnh bạn tới tham quan Hải Phòng.

Quả đúng như vậy. Sau khi đắp đê Vinh Quang và xây dựng xí nghiệp liên hợp xong, Bộ chỉ huy nghĩ ngay tới lập đoàn vận tải sà lan để chuyển nguyên vật liệu than, đá cho xí nghiệp và chuyên chở xi măng từ xí nghiệp về kho của đơn vị hoặc đơn vị bạn... Tiếp đó, thành phố trao cho lực lượng vũ trang làm quai đê lấn biển khu vực đường 14 từ Hải Phòng ra Đồ Sơn, đào đắp 750.864 mét khối đất lấn được 2.200 ha ruộng cầy cấy, thu lãi 5 triệu đồng. Đắp đường xuyên đảo Đình Vũ, nối dài đường 5 thêm 12 km. Thành lập đội vận tải ô-tô, xây dựng xưởng cơ khí sửa chữa ô-tô, sà lan... Và hiện nay lãnh đạo thành phố còn trao cho cơ quan quân sự Hải Phòng đào kênh Cái Tráp dài hơn 3 km, rút ngắn được đường tàu biển đi Quảng Ninh hơn 10 km, tiết kiệm cho Nhà nước mỗi năm 200 triệu đồng. Đồng thời Bộ chỉ huy quân sự đã và đang tham gia thi công công trình cải tạo sông Lấp; cụm cầu An Dương và sân bay dân dụng Cát Bi... Đang có kế hoạch tham gia các mặt hàng xuất khẩu.

Tôi đã đi đến thăm xí nghiệp liên hợp sản xuất vôi, xi măng Pháp Cổ, ra tận bán đảo Đình Vũ, thăm xí nghiệp cơ khí... để tìm hiểu về cách tổ chức và quản lý lao động của Bộ chỉ huy mà đồng chí Đào Đình Thản từng giới thiệu với tôi «đó là bí quyết làm giàu, một nghệ thuật quản lý».

Ở xí nghiệp liên hợp hiện có trên dưới 200 người sản xuất gồm đủ các thành phần: sĩ quan chỉ huy, chiến sĩ, công nhân quốc phòng và công nhân hợp đồng chiếm 85%, số này là lực lượng chủ yếu trong khâu sản xuất và kỹ thuật. Còn lại 15% là những thanh niên chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự tới lao dộng bắt buộc chỉ phá đá, xúc than chuyển đất mà thôi.

Tôi hỏi cung cách sử dụng công nhân hợp đồng ra sao. Đồng chí Thản cho biết: Bộ chỉ huy quan hệ ký hợp đồng với cơ quan huyện, xã để «sử dụng số lao động dư thừa sau vụ cày cấy ở hai xã mà xí nghiệp trú quân. Cách hợp đồng đó đem lại lợi ích cho cả hai bên nên được địa phương hoan nghênh. Người nông dân sau khi cày cấy xong, có khoảng thời gian rỗi rãi ra làm hợp đồng với xí nghiệp, mỗi ngày thu 150 đồng nếu lao động đơn giản, 400 đồng nếu lao động kỹ thuật. Ngoài ra nếu là xã viên thì mỗi ngày góp vào quỹ hợp tác từ 2% đến 5% làm phúc lợi công cộng. Cách hợp đồng như vậy được vận dụng thích hợp với từng công trình và xí nghiệp do Bộ chỉ huy quản lý và được coi là phương thức làm ăn tốt nhất, phổ biến nhất trong hoàn cảnh hiện nay.

Tôi nêu câu hỏi với đồng chí Đào Đình Thản:

— Vậy dư luận nói các anh làm giàu vì đi buôn và «cai đầu dài» là thiếu chính xác chứ gì?

Đồng chí Thản vui vẻ, gật gù:

— Vânq! Bộ chỉ huy chúng tôi không bao giờ chủ trương như vậy. Còn trong quá trình thực hiện nơi này, nơi khác có thể có người, có đơn vị làm sai, song có điều, khi phát hiện ra những sai sót, Bộ chỉ huy chúng tôi không nhân nhượng không bao che mà kiên quyết xử lý nghiêm khắc và sửa chữa khuyết điểm kịp thời. Đội vận tải sà lan có thời kỳ mắc khuyết điểm, chúng tôi cho đình chỉ công tác, tổ chức kiểm điểm và cách chức đội trưởng, đội phó ngay. Còn dư luận thì nhiều, bịt sao được miệng thế gian nhất là ở đâu chẳng có những người không dám làm nhưng luôn luôn ngáng trở phong trào.

Tôi gợi ý:

— Được biết những dư luận ấy có lúc phát ra từ chính những người trong lực lượng vũ trang thành phố?

— Vâng, đúng! Đó là một điều đáng buồn. Cuộc đấu tranh đầy sóng gió trong nội bộ chúng tôi. Hàng tập đơn từ tố cáo, khiếu nại, kể cả bới móc, gửi lên cấp trên. Cũng hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra lần lượt xuống các đơn vị chúng tôi làm việc. Song sự thực vẫn là sự thực. Đảng và quần chúng rất công minh nên phân biệt đúng sai rõ ràng. Phải nói thêm thế này: Đồng chí chỉ huy trưởng của chúng tôi có lòng tin vững chắc là làm đúng đường lối của đại hội Đảng, đúng sự chỉ đạo của Quân khu, của Thành ủy nên đồng chí rất tinh tường, táo bạo, khôn ngoan trong hành động, dẫn dắt chúng tôi vượt qua mọi sóng gió, mọi quanh co, khúc khuỷu đi đến kết quả bước đầu như ngày nay.



*

*        *

Đầu năm nay tôi theo một số đơn vị trong quân khu lên chi viện biên giới. Mùa xuân ở trên này hình như đến sớm. Những cành đào trong vườn cây ven đường đã rung rinh đua nở. Song đường đi qua đèo, qua núi lại đầy ổ gà, ổ voi chi chít khiến ô-tô của chúng tôi nhấp nhô lên xuống như chiếc thuyền đi vào giữa sóng gió một vùng biển. Tôi mệt nhoài, người nôn nao khó chịu suốt hai ngày đi đường. Nhưng khi gặp anh chị em bộ đội và dân quân tự vệ Hải Phòng đang làm nhiệm vụ trên biên giới phía bắc, tôi lao ngay vào công việc của mình. Tôi đã gặp cán bộ và chiến sĩ tiểu đoàn công binh Hải Phòng, đơn vị trước đây đã đứng mũi chịu sào, trước cơn bão số 2 ập vào phá vỡ con đê biển năm trước, giờ đây vừa hoàn thành công trình xây dựng trận địa với chất lượng tốt vượt hai phần ba thời gian quy định. Tôi cũng gặp và trò chuyện với anh chị em đại đội dân quân tự vệ vừa được ban chỉ huy chiến dịch biểu dương đã lập một kỷ lục mới. Đoạn đường trao cho đại đội làm hai tháng. Nhưng chỉ trong 15 ngày, anh chị em đã hoàn tất, bảo đảm kỹ thuật.

Trước lúc ra đi, tôi hình dung cuộc sống gian khổ ở vùng biên giới: xa chợ, xa phố, xa nhân dân... anh chị em sẽ buồn chán, kêu ca thậm chí bỏ trốn. Song tôi đã bị bất ngờ. Tất cả cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang Hải Phòng đều vui vẻ, phấn khởi khỏe mạnh. Tôi hỏi, người nào cũng trả lời. Khi được tin có danh sách chi viện biên giới đợt này, ai nấy đều biểu lộ niềm tự hào và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lên đây, anh em tạo ngay ra cuộc sống bình thường. Sáng dậy tập thể dục. Ăn sáng xong là ra mặt đường, lên trận địa ngay. Buổi chiều ở hiện trường về vẫn ra sân đánh bóng hoặc đánh cờ. Buổi tối ca hát, đọc báo chí...

Tôi hỏi đại đội trưởng Văn Cẩm về suy nghĩ của anh với nhiệm vụ chi viện biên giới. Văn Cẩm không trả lời câu hỏi của tôi mà lại vui vẻ giới thiệu:

— Nhà tôi ở ngoại thành, sát cầu Niệm đấy, anh ạ. Trước khi lên đây, Bộ chỉ huy đã giúp nguyên vật liệu cho tôi xây xong căn nhà ba gian và nhượng cho gia đình chiếc đầu máy khâu. Vợ tôi lại được đi học lớp máy khâu không mất tiền do Bộ chỉ huy mở cho gia đình sĩ quan trong thành phố. Phấn khởi quá, nên đi chi viện đợt này, rất yên tâm anh ạ…

Văn Cẩm say sưa kể tưởng như không dứt được câu chuyện, mặc dầu lúc đó rừng núi quanh đây đang ngả dần vào buổi hoàng hôn biên giới. Những dãy núi bạt ngàn, xanh ngắt, lô nhô kéo xa tít tắp, mờ dần trông xa tưởng như những đợt sóng đang nối tiếp nhau vô tận trên một vùng biển xa xôi. Bất giác tôi nhớ lời đồng chí chỉ huy trưởng quân sự thành phố có lần kể rằng, đồng chí có đọc hay nghe ở đâu đấy một đoạn văn «Người chiến sĩ đang chiến đấu ở biên giới bảo cái sợ nhất của họ không phải chỗ những viên đạn của quân thù nhằm vào mình, cũng không phải sự thiếu thốn, sự gian khổ, cứ cho rằng vô cùng cực khổ đi nữa thì cũng không lo sợ, không nản lòng bằng thấy thái độ dửng dưng, thờ ơ của những người hậu phương đối với người lính, với cả người thân yêu của họ ở phía sau. Ấy là chưa kể những việc làm cốt để lấy thành tích, cốt có tiếng tăm mà chẳng nghĩ đến những gia đình có nhiều khó khăn trong đời sống, đang có con em chiến đấu ngoài biên giới.

3-1985
M.V.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:36:34 pm »


DƯƠNG THU HƯƠNG


TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI LÍNH GIÀ
BÊN ÁNH LỬA


“Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”! Đó là câu đầu tiên anh nói với chúng tôi ngày gặp gỡ. Sau câu nói đó, anh nở một nụ cười hiền lành. Với dáng điệu khoan thai trầm tĩnh, khổ người cao lớn vững vàng, những nếp nhăn trên trán và cái nhìn đắn đo từng trải, anh là một trong những người lính đã ra đi từ cuộc kháng chiến chống Pháp và đã đứng vững tới bây giờ, không bị sự mệt mỏi trường kỳ của thời gian lay chuyển, không bị nỗi buồn chán và thất vọng bào mòn.

«Chỉ có chủ nghĩa xã hội khoa học mới tồn tại được chứ không thể là chủ nghĩa xã hội đạo đức thần thánh duy tâm». Đó là câu nói thứ hai tôi nhớ. Câu nói đó hàm chứa chiều sâu và bề rộng của những đớn đau thua thiệt mà chúng ta đã phải chịu đựng trong một thời gian quá dài. Có lẽ, chính tôi đã nghĩ tới điều đó nhiều lần. Và có lẽ, cũng đã nhiều người nghĩ tới điều đó. Nhưng, khi nghe đại tá X. nói, trong tôi chợt lóe lên sự thức tỉnh, giống như kẻ mơ màng mãi một tiếng chuông chợt nghe nó gióng giả bên tai.

Chắc chắn rằng những người lính chống ỊPháp như đại tá X., cũng như thế hệ chống Mỹ chúng tôi, và như thế hệ chống quân Trung Quốc bành trướng sau này đều có một ý nguyện thiết tha:

Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vững mạnh.

Tổ quốc vững mạnh — Niềm mơ ước đơn sơ ấy là bài toán nan giải cho rất nhiều thời đại nối tiếp nhau. Là nỗi lo âu day dứt nhất, kinh hoàng nhất đối với tất cả những ai có một tấm lòng nhiệt thành và trung thực, những ai còn đau đáu xót xa cho số phận của đất đai xứ sở này.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: «Từ giấc mơ đến tấm áo còn xa». Không chỉ ở phương Tây mà bất cứ nơi nào trên địa cầu, câu nói ấy cũng chính xác. Ở đâu, nhân loại cũng phải vượt qua những cánh đồng gai góc để đuổi theo niềm mơ ước của mình. Đối với một dân tộc chậm phát triển, đoạn đường đuổi bắt đó có khi là cả một vài thập kỷ, một vài thế kỷ. Không ai lường trước được. Vấn đề sống còn cho mỗi đất nước là phải tìm cho ra lối đi chắc chắn nhất, mau lẹ nhất để rút gọn cuộc hành trình.

«Quan hà bách nhị do thiên thiết
Hào kiệt công danh thử địa tàng».

Đại tá X. cảm khái ngâm nga câu thơ ấy. Rồi sau một khoảnh khắc yên lặng, anh ngẩng lên nhìn chúng tôi:

Hai câu thơ ấy của Nguyễn Trãi. Tôi thuộc từ lâu. Thi sĩ đã khắc họa vùng đất này thật rõ nét: Hải Phòng có địa thế chiến lược thiên hiểm, nơi biết bao nhiêu anh hùng đã sinh ra và ngã xuống. Tôi không phải người xứ này. Quê tôi ở Hưng Yên, vùng đồng bằng hiền lành của nhãn và của lúa. Nhưng tôi yêu mảnh đất tôi đang đứng. Nơi xa xưa nữ tướng Lê Chân đã dựng nên Hải Tần phòng thủ. Riêng chỉ tên gọi Hải Phòng, đã gợi cho mỗi người lính cả một chiều sâu thăm thẳm của lịch sử oai hùng. Ở đây, đã ba lần quân xâm lược bị nhấn chìm dưới sóng Bạch Đằng. Cũng ở đây, sản sinh ra nhà yêu nước Nguyễn Bỉnh Khiêm, mưu sĩ đã thảo ra một kế hoạch có tầm chiến lược giữ nước và mở nước: «Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân».

Anh ngừng lại giây phút rồi hạ gỉọng:

— Vâng, đấy là lịch sử. Một lịch sử toàn vẹn, không thể chối cãi. Bao giờ, quá trình hình thành và phát triển một quốc gia cũng là quá trình cộng hưởng của tài năng và phẩm chất dân tộc với tài năng và phẩm chất của những vĩ nhân những anh hùng. Tôi nghĩ rằng chúng ta không hổ thẹn với các bậc tiền bối. Chúng ta đã có Điện Biên Phủ năm 1954 và Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Chính ở đất Hải Tần phòng thủ của nữ tướng Lê Chân này, chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phong tỏa và hủy diệt dã man nhất trong lịch sử loài người. Sự chịu đựng gian khổ và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã trở thành một hiện tượng đáng kinh ngạc trước mắt nhân loại. Nếu như giờ đây, những người chiến thắng còn được trao vòng nguyệt quế, mảnh đất Việt Nam sẽ thiếu chỗ để trải những vòng hoa vinh quang... Nhưng! Ôi! khó khăn nhất là ở cái từ nguy hiểm này... Nhưng, con người không thể giẫm chân trong quá khứ. Chỉ sống bằng quá khứ có nghĩa là đã chết. Bởi vì, đời sống vận động không ngừng thăng tiến. Nhiệm vụ của chúng ta giờ đây không phải ngâm ngợi những gì mình đã có, mà phải tìm ra những gì mình chưa có trong tay. Làm gì để Tổ quốc giàu và mạnh? Đó là mục tiêu tồn tại cho tôi, cho các đồng chí, cho mỗi chúng ta, những người lính, những công dân trên mảnh đất này. Cái mục tiêu tưởng chừng đơn giản ấy đã và sẽ gây ra những cuộc đấu tranh gian nan, những sai lầm đau đớn, những ngộ nhận đáng tiếc, những mất mát thua thiệt không nên có. Và rồi, nó cũng sẽ khiến chúng ta phải giày vò không ít. Nhưng có lẽ đó mới chính là bản chất của cuộc đời, như Mác đã nói: «Sống là đấu tranh».

Đại tá X. ngừng lời. Bên kia tường, ai đó bỗng cất tiếng ngâm mấy câu thơ của Quang Dũng:

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm...

Những câu thơ gợi về trước mắt tôi cả một thời khói lửa. Ngày ấy, những thiếu nữ xinh đẹp và những chàng cảm tử măng tơ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Ngày ấy, các chiến binh dứt áo ra đi trong lời hát hào hùng: «Vệ quốc quân một lần ra đi». Lửa các đám cháy bập bùng in lên góc trời Hà Nội. Lá rơi đầy trên các dấu chân qua. Khắp các phố phường và tỉnh lỵ, tiếng mìn phá nhà tiêu thổ kháng chiến vang lên. Làn khói xám cuồn cuộn bay như màu mây trong huyền thoại. Ở các ngả đường chặn xe địch, người ta chất chồng giường, tủ, bàn ghế... Từ những chiếc tủ khảm trai tới những bộ tràng kỷ sang trọng. Cả những chiếc sập chân quỳ lẫn những chiếc bàn chạm cầu kỳ bằng gỗ quý. Những tòa nhà nguy nga đổ sập. Những mảnh sân lát xinh xắn với hàng hiên xây và dãy chậu cảnh xới tung. Người ta xóa đi trong phút chốc cả cơ nghiệp của tiên tổ ông cha mình năm bảy đời tích góp mới xây dựng được. Lòng nhỏ máu nhưng không nuối tiếc. Và những dòng người lũ lượt theo nhau lên chiến khu Việt Bắc, chiếc ba lô nhẹ tênh sau lưng. Thật là một thời khói lửa huy hoàng, đẹp đẽ. Cuộc kháng chiến chống Pháp là khoảnh khắc lịch sử siêu việt nhất mà dân tộc đã thăng hoa. Có lẽ, trên bề rộng của địa cầu và trong chiều sâu lịch đại khó có một dân tộc nào bước vào cuộc chiến tranh lộng lẫy đến như thế!...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:44:57 pm »


— Nào, xin mời các đồng chí uống nước.

Đại tá X. cao giọng. Tôi sực nhớ rằng mình đang ngồi truớc mặt chủ nhân. Anh tóm tắt sơ lược những công trình xây dựng bộ đội Hải Phòng đang quản lý: Công trình sông Lấp, công trình đào kênh Cái Tráp, công trình sân bay Cát Bi. Song song với việc điều hành sản xuất để tự làm giàu cho lực lượng vũ trang, vấn đề đặc biệt quan trọng là thực hiện chính sách hậu phương:

— Muốn củng cố đội hình quân đội một trong những biện pháp quan trọng là phải lo chính sách hậu phương thật tốt.

Đại tá X. nói thế. Và với thái độ chân thực không chút màu mè, anh tiếp tục:

— Tại sao những đại tá, trung tá cho tới những người lính của chúng ta đã đi qua mấy cuộc chiến tranh trở về lại phải chịu nép mình dưới một mái tranh dột nát? Tại sao chúng ta cứ kêu gọi tinh thần hy sinh chung chung của con người mà không nghĩ rằng họ sống bằng gì? Họ ở ra sao? Và họ đang có những ý thầm kín nào phía sau sự im lặng? Kêu gọi chung chung là cách lẩn trốn dễ dàng nhất trước trách nhiệm của mình. Cũng là cách dễ dàng nhất đẩy con người ra xa nhau, làm tan rã mối liên kết cộng đồng. Chúng ta phải xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những hạnh phúc cụ thể cộng gộp lại chứ không phải bằng một tá danh từ trừu tượng. Chính vì thế, khi đã có ít nhiều vật chất trong tay, việc đầu tiên chúng tôi chú ý tới là xây dựng cơ sở kinh tế vững chắc cho các gia đình quân nhân. Thay vì dựng lên những dinh thự nguy nga, chúng tôi bù đắp cho kinh tế gia đình quân nhân một cách thiết thực. Với người này, là gạch ngói xi măng để xây nhà, với người kia — là một chiếc máy khâu để kiếm thêm nghề phụ, với người khác nữa — lại là một món tiền có khả năng công trợ và nâng đỡ đời sống... Tất cả những ai có cống hiến với cách mạng phải được hưởng thụ một cách tương xứng. Vì thế, hểt thảy những ngôi nhà chúng tôi làm cho các sĩ quan cấp cao (những người chỉ có khả năng lo việc chung mà không có tài tự liệu cho mình) hoặc cho nhũng gia đình thương binh và liệt sĩ đều có tem phía trước:

«Chúc mừng hạnh phúc
Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng»

Không! Không, đã đến lúc không còn kêu gọi chung chung được nữa. Bằng mọi cách, phải làm cho những người lương thiện thấy rằng họ không bị thiệt thòi hơn những tên ăn cắp hoặc những kẻ vị kỷ đứng bên lề cách mạng. Không thể để những người tốt mãi mãi chịu đựng sự khổ hạnh. Một người lính khó có thể yên tâm chiến đấu khi vợ con anh ta túng thiếu mà những kẻ xung qunnh lại no đủ dư thừa...

Người nói chuyện ngừng lại. Hẳn anh muốn làm dịu bớt đi nỗi bất bình thầm kín đã suy ngẫm từ lâu. Tất cả những người ngồi nghe à lên tán thưởng. Rồi họ quay sang nói chuyện với nhau về những hiện tượng tiêu cực đã từ lâu tồn tại trong đời sống: Nào chuyện một hạ sĩ quan khi về phép mua được đúng một chiếc chảo gang. Gặp cơn mưa, anh ta chụp lên đầu thay nón. Nào chuyện một cô gái xinh đẹp trong thị trấn đã từ bỏ chàng binh nhất gắn bó từ thời học trò để lấy con trai gã bán phở. Nào chuyện đám tân binh chỉ tranh nhau xin vào quân y, hậu cần, quân nhu, mong kiếm chác được đôi chút...

Những câu chuyện lao xao của họ tan loãng bên tai tôi. Tôi nhớ tới những câu thơ của Mai-i-a-cốp-xki trong một trường ca gây xôn xao cho công chúng vì tính chân thực sâu sắc của nó. Mấy câu thơ tôi nhớ có thể lược dịch thế này:

Trong hội nghị của chúng ta vô cùng trang trọng
Có đồng chí vung tay lên nói về cương lĩnh Gô-ta
Nhưng
        chính lúc đó
                 diễn giả đang nhớ tới cảnh vợ con nheo nhóc
Bên suất ăn không có xúp
Rồi tất thảy mọi người đua nhau bàn tán về các luận cương
Bỗng một người kêu lên:
Các đồng chí hãy thử nghĩ tới gia đình mình tí chút
Như phép thần
         trong giây phút
                 Cả hội nghị im phăng phắc như tờ...

Mai-a là một nhà hiện thực vĩ đại. Cuộc sống không bao giờ xa lạ với ông. Chính vì thế ông đã phát hiện những giá trị chân thực mà người khác không thấy hoặc không muốn thấy. Con người không phải là thần linh nên không thể chỉ sống bằng các giá trị siêu hình. Con người là một loài cây có thân cành và gốc rễ. Trong những phút biến động của lịch sử, có thể huy động tối cao khả năng hy sinh của mỗi người. Ví như thời lửa đỏ năm bốn mươi sáu, toàn quốc lên đường chiến đấu. Ví như những ngày chống Mỹ gian nan, những người dân Quảng Bình — Vĩnh Linh đã dựng nên cái khẩu hiệu kỳ diệu này: «Xe chưa qua nhà không tiếc». Ví như năm bảy mươi chín, khi kẻ thù bành trướng xâm lấn biên cương Tổ quốc, những binh đoàn trùng điệp từ khắp miền đã hối hả xông lên... Có lẽ khó có một dân tộc nào giàu lòng yêu nước và tinh thần xả thân đến thế. Cuộc sống cũng như nghệ thuật bao giờ cũng cần những đường biên. Khi những thời khắc hiểm nghèo của Tổ quốc qua đi, cuộc sống lại phải diễn ra đúng như nó vốn có.

Đại tá X. nói:

— Chúng tôi quý con người. Vì những con người đã đi theo cách mạng lâu dài thế, hy sinh lớn lao thế không thể là kẻ xấu. Vì vậy, tôi chỉ phê phán những hành động tiêu cực, chứ không phê phán con người tiêu cực. Quân nhân của chúng ta, quần chúng của ta nói chung là những người có bản chất tốt đẹp.

Tôi không đối thoại với anh, nhưng tôi cảm mến anh vì anh có một tấm lòng nhân hậu và một nhỡn quan tinh tường.

Không phải bất cứ ai cũng đánh giá những người xung quanh với một tinh thần công bằng và ưu ái như thế. Kết tội kẻ khác bao giờ cũng dễ dàng hơn dìu đỡ họ. Và, sự tự ý thức về trách nhiệm của mình bao giờ cũng là đức tính tốt đẹp của các hiền nhân ngày xưa, cũng như những người cộng sản chân chính ngày nay.

Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa!

Đại tá X. nhắc lại lần thứ hai câu nói đó và nhấn mạnh:

— Nhưng En-ghen đã nói: «Lịch sử nhân loại là lịch sử của sản xuất». Bởi thế, bất cứ chủ nghĩa nào cũng chỉ xây dựng được khi có một nền sản xuất phát triển tương xứng kèm theo. Nói một cách giản dị: Phải nhất thiết tạo nên những thành quả lao động cho xã hội. Nhưng việc đó, giờ đây có quá nhiều trở lực. Trở lực khủng khiếp nhất là chế độ quản lý bao cấp đã trở thành thói quen cố hữu của nhiều người.

Hai sĩ quan bước vào trao đổi việc gì đó với đại tá X.

Chúng tôi bước ra ngoài phòng họp. Từ trên cao nhìn xuống, thành phố trải dưới làn nắng ấm. Sau hai tuần lễ mưa sùi sụt, nắng bất chợt quay lại, lộng lẫy như ánh lửa rắc trên các mái nhà. Những khu nhà cũ mới chen nhau. Những vòm cây run rảy, trút những chiếc lá già nua để cựa mình nảy lộc. Những rặng đèn cao áp trầm tĩnh nhìn ngắm dòng người lại qua. Hải Phòng chưa phải là một thành phố đẹp. Nó giống như một công trường khổng lồ với những cánh tay cẩu vươn lên, với những đoàn camion chở vật liệu tung bụi mù mịt, với những con tàu chờ đợi trên bến cảng, với vẻ hối hả gấp gáp trên gương mặt và trong dáng điệu của con người. Ngay cả những dãy phố cũ, tường vôi nhạt thếch, màu ngói rêu phong, người ta cũng cảm thấy một vẻ gì đó bất ổn phía sau nó:

«Chắc chắn mai ngày, nơi này sẽ khác. Chắc chắn họ sẽ phá đi những ngôi nhà cũ kỹ, để dựng lên những khu nhà cao tầng theo kiến trúc của thành phố cảng lương lai... ».

Đó là ý nghĩ chung của nhiều người khi đến đây. Đời sống đang trăn trở. Thành phố đang cựa mình. Rất tự nhiên, nó gợi cho ta một cảm giác khoái hoạt như kẻ lâu năm sống giữa rừng cây và thung lũng, một sớm mai bỗng vượt qua núi nhìn thấy bình nguyên ngút ngát trải tới chân mây.

                                              ... «Tôi không thể nào chịu được cái cảm giác ghê tởm khi trở về làng cũ. Vẫn những hàng cây xơ xác, những vựa chứa lúa mì cũ kỹ. Con bò sữa vục mõm vào máng gỗ uống nước. Một con bé mười lăm tuổi đứng gãi lung cho nó, bận chiếc váy màu đen bẩn thỉu với chiếc áo xanh da trời, hệt như cô em gái tôi ngày tôi bước chân đi. Ngày đó, tôi là một chàng trai mười tám. Giờ đây, tôi là ông già qua tuổi năm mươi. Hơn ba mươi năm đã qua, nhưng cuộc sống ở nơi quê hương không hề biến động. Cái con nhỏ đứng kia kìa, phải chăng là con gái em tôi? Đôi chân trần của nó sục trong cỏ khô, bên đống phân bò còn bốc hơi hôi hổi. Cái áo xanh da trời đầy những vết nhọ và ngấn mồ hôi. Rồi nó đưa bàn tay lên vén tóc, những ngón tay dơ bẩn, móng đen sì... Trời ơi, tôi không thể nào chịu đựng cái cảnh cũ mèm ghê tởm đó. Tôi không thể nào chịu được một cuộc sống tù đọng, không luân chuyển, giống như nước trong một vũng sâu thối rữa không sông suối chảy qua...»

Tôi bỗng nhớ tới đoạn văn trong một cuốn sách dịch đã đọc từ thời thiếu nữ. Ngày ấy, tôi chỉ mê say cái âm điệu nhịp nhàng như sóng biển. Giờ đây, tôi nhận ra ý nghĩa của nó. Phải từng trải tới một mức độ nào đấy người ta mới hiểu được mọi lẽ trên đời. Xưa nay, mọi chúng ta đã chẳng yêu thương đắm đuối làng quê, nơi chôn rau cắt rốn của mình đó sao? Từ mái lá, bờ tre từ bụi cây, gốc rạ. Từ cảnh trẻ mục đồng vất vẻo trên lưng trâu thổi sáo. Từ cảnh người nông vắt diệt thúc bò cày... Nhưng các thi nhân, hãy nhận ra sự lãng mạn phi lý của mình khi véo von ca ngợi những mái nhà tranh. Nào là «Túp lều bên dòng mương lấp lánh», nào là «Tiếng hò trâu vang động cả đêm trăng», nào là «Anh mong đợi được cùng em gánh lúa»... Bởi vì, những cảm xúc màu mè giả tạo nhiều khi xóa đi gương mặt thật của đời sống, tô vẽ cảnh nghèo nàn thảm hại, làm con người cam chịu với sự thiếu thốn không cần thiết, lười biếng tìm tòi sáng tạo trong lao động. Và như vậy, tôi đã nhận bắt được một tín hiệu tốt đẹp trong khẩu hiệu:

Ngói hóa nông thôn
Ngọt hóa đồng ruộng

Ai là tác giả của nó? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn đó là một thi sĩ thực sự của cuộc đời. Người nghệ sĩ chân chính không nên rắc những cánh hồng lên mái tranh cũ kỹ của quá vãng, mà phải rọi làn ánh sáng lên những lâu đài lấp lánh trong tương lai. Người nghệ sĩ chân chính phải thổi vào lòng con người ngọn lửa hừng hực của đời sống và sự sáng tạo, khát vọng luôn luôn đẩy cuộc sống tiến về phía trước. Người nghệ sĩ chân chính phải hun góp nghị lực cho con người thêm sức mạnh vượt qua những trở ngại chứ đừng ru họ trong sự thỏa mãn và lười nhác...

Ngói hóa nông thôn
Ngọt hóa đồng ruộng

là một câu thơ ngắn nhưng vang động — Chúng ta còn thiếu những câu thơ như thế trong đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:48:40 pm »


Một hạ sĩ quan trẻ măng bước ra mời chúng tôi trở lại phòng họp. Trước bàn, đại tá X. ngồi uống từng ngụm nước nhỏ. Rồi anh đứng dậy rất nhanh:

— Tôi phải quần thảo với những con số. Đó không phải là một việc mơ mộng, dễ dàng. Nhưng nếu không nắm chắc tài chính và tổ chức không thể có hiệu quả trong công việc, không có lực lượng vật chất giúp cho người lính đứng vững trong đội hình chiến đấu.

Một vị khách cất tiếng cười:

— Như thế là quân đội phải nhảy dù sang mặt trận kinh tế.

Đại tá X. cười hiền lành:

— Nói như vậy cũng được. Nhưng đúng hơn là chúng tôi phải mở cuộc chiến đấu trên các mặt trận khác. Một quân đội bao cấp chỉ thích hợp với một cường quốc có nền kinh tể phát triển và cực kỳ vững mạnh. Ở nước ta điều kiện đó hiển nhiên là không thể có. Bởi thế chúng ta phải tìm cách tự nuôi mình. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ được chấp nhận vì bệnh bao cấp từ nhiều năm nay đã ăn sâu vào thâm căn cố đế trong rất nhiều người.

«Đấy cũng là một sự lạ lùng!»

Tôi thầm nghĩ. Trong lịch sử nước ta, rất nhiều triều đại đã phải đồng nhất vai trò người lính với nông phu. Các đạo quân ngoài giờ tập luyện phải cắt nhau cấy cày, trồng trọt, xây dựng ấp trại, thành lũy. Lúc giặc tới, cầm cung tên gươm giáo, khi giặc ra khỏi bờ cõi lại cắt lúa, hái dâu. Bởi lẽ nền kinh tế tự túc tự cấp phong kiến không đủ sức bao cấp cho binh sĩ. Và hoàn cảnh sống quyết định sự ứng phó của toàn thể cộng đồng gần như vậy. Vì lẽ gì những bài học lịch sử hiển nhiên lại bị quên đi mau lẹ thế? Phải chăng lịch sử là một chuỗi mắt xích. Nhìn xuyên suốt có thể liên tục, nhưng trong thực tế là sự nối ghép các thời kỳ gián đoạn với nhau. Ở thời điểm này, con người rất dễ phủ định các giá trị của thời điểm khác. Phải có một nhỡn quan sáng suốt, thấu hiểu chiều sâu của lịch sử, mói giúp con người tránh thói bảo thủ và dễ dàng tìm ra những lối rẽ của hành trình.

Đại tá X. vẫn đang trình bày những công trình cụ thể Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng đang quản lý. Người ngồi bên tôi bỗng nói to:

— Xin lỗi anh, nhưng chúng tôi muốn anh nói cụ thể hơn vấn đề biên giới?

Đại tá X. giơ tay:

— Tôi sẽ trình bày về vấn đề biên giới. Tuy nhiên, tôi cần nói thêm về ý nghĩa vấn đề tự lực tự cường trong quân đội. Chúng tôi không muốn lặp đi lặp lại những ngôn từ trừu tượng. Xin được phép báo cáo bài toán cụ thể trong tương lai. Khoảng hai mươi năm nữa, khi các công trình quai đê lấn biển dự liệu hoàn thành, đất canh tác của Hải Phòng sẽ tăng từ 5 vạn ha lên 8 vạn ha, tương ứng với số dân ước tính một triệu sáu mươi vạn người. Nếu năng suất lúa đạt từ 8 tới 10 tấn một ha, thì tổng sản lượng sẽ là 80 vạn tấn và bình quân đầu người là năm trăm ki-lô-gam. Hải Phòng là một thành phố công nghiệp, nhưng đã và đang tiến tới tự cung cãp lương thực cho mình. Nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng ta, và với riêng tôi — một người lính, là khi hệ thống quai đê lấn biến hoàn thiện thì vòng cung phòng thủ bờ biển Hải Phòng cũng đã khép kín. Thế trận chiến tranh nhân dân được cấu trúc hoàn chỉnh Hải Phòng đầy đủ khả năng đánh bại mọi cuộc tiến công đường biển của kẻ thù.

Tới đây, đại tá X. uống môt ngụm nước nhỏ. Vẻ mặt tràn đầy niềm sung sướng và tin tưởng. Những nếp nhăn bị rọi sáng nổi rõ rệt hai bên gò má và thái dương. Lại một lần nữa, tôi bắt gặp chân dung của người lính già bình dị. Một gương mặt ta luôn luôn phảng phất nhớ đã gặp ở một thao trường, mộc góc hầm chữ A, hoặc một binh trạm nào đó trong đường dây 559...

Anh bạn phóng viên báo ngồi bên tôi gỡ kính, gõ ngón tay cộp cộp lên bàn để người nói chuyện chú ý tới mình. Đại tá X. ngẩng lên. Bắt gặp cặp mắt nhìn dò hỏi của nhà báo, anh mỉm cười:

— Tôi nhớ rồi. Tôi nhớ là đồng chí muốn biết công tác biên giới của chúng tôi.

Anh phóng viên cao giọng:

— Cảm ơn thủ trưởng. Chúng tôi đang chờ đợi đồng chí.

Đại tá X. gạt những tờ giấy ghi số liệu cụ thể về các công trình xây dựng sang một bên. Và đáp lời:

— Việc giữ vững đội hình chiến đấu đang là công việc hệ trọng hiện nay. Tôi không bao giờ quên rằng Hải Phòng là hậu phương gần gụi nhất của tiền duyên phía Bắc. Cũng như nhiều tỉnh trong toàn quốc, trước đây chúng tôi thường tổ chức những đợt quà ủng hộ các binh đoàn giữ biên giới. Nhưng giờ đây, chúng tôi hiểu rằng những hành vi tốt đẹp đó không có ý nghĩa thực tiễn bao nhiêu. Chúng ta cần nghĩ rằng nhiệm vụ của mình là phải góp phần củng cố mặt trận. Không chỉ là những chuyến hàng phục vụ sinh hoạt mà là cả một hệ thống đường sá, hầm hào, các doanh trại và đồn tiền tiêu. Tất cả những nơi đó phải tiện lợi, chắc chắn và tạo cho người lính biên thùy một cuộc sống dễ chịu, không cách biệt cuộc sống bình thường bao nhiêu. Chúng ta là những người lính đã trải qua nhiều cuộc chiến. Chúng ta hiểu rằng muốn thắng kẻ địch đều phải có thành phần cốt lõi của quân đội. Đó là những sĩ quan có nghề nghiệp, những người lính thiện chiến. Những người này không thể chỉ ở trong quân đội thời gian làm nghĩa vụ mà phải tại ngũ khá lâu. Muốn vậy, cần phải tạo ra một môi trường thích hợp. Con người không thể chịu đựng quá lâu một trạng thái sống thiếu thốn, mất thăng bằng.

Một lần nữa, ý nghĩ của đại tá X. lại khiến tôi liên tưởng tới lịch sử. Lâu rồi, tôi đã đọc trong một bài báo những nhận xét tương tự như thế:

                             - «Các triều vua thời này đều nhận rõ mối hiểm họa phương Bắc: Cần phải giữ đất. Nhưng không chỉ giữ đất nhờ binh mà còn phải nhờ dân, không chỉ bằng lực mà còn phải bằng tâm. Thế nên, các vua cha thường gả các công chúa cho đám quan châu, quan lang. Những người này được phép đem theo một đám lính hầu lẫn nữ tỳ. Dân kinh kỳ cũng được tuyển chọn theo lên phương Bắc, giúp các quan châu lang mở trại, làm vườn, xây thành, đắp lũy. Khi rảnh rỗi săn thú làm nương. Lúc có biến, xung quân ra trận. Đa số bọn họ đều được dựng vợ gả chồng, có nhà cửa vườn trại, nên gắng sức chống chọi với rợ phương Bắc bảo toàn bờ cõi nước Nam ta...»

Có lẽ lịch sử không thiếu sự trùng hợp. Nhưng đặc biệt ở đất nước ta, nơi cuộc đấu tranh tự bảo tồn diễn ra hầu như liên tục theo chiều dài của thời gian, những kinh nghiệm chống ngoại xâm sẽ còn sống trường kỳ dưới những hình vẻ và dạng thức mới.

— Tại sao chúng ta không thể lập những đội chiếu hình Vi-đê-ô — lưu động? Chỉ cần một vài chiếc máy nổ Hon-đa thôi, hai chiến sĩ văn hỏa có thể đi từ chốt này sang chốt khác, sư đoàn này qua sư đoàn kia phục vụ?...

Đại tá X. ngừng lại để uống một ngụm nước rồi tiếp:

— Con cái chúng ta, những sĩ quan trẻ, những binh lính trẻ, cần có những nguồn vui riêng biệt của thế hệ chúng. Không nên để cho họ bị bủa vây giữa núi non hiu quạnh, suốt một thời gian dài không được nhìn thấy hình bóng người con gái, không được gặp gỡ, chuyện trò với phái đẹp. Những nhu cầu đó với họ là đương nhiên. Chúng ta hãy lo cho cuộc sống của người lính với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tới khi cần, họ sẽ xả thân vì sự nghiệp cách mạng.

Người chỉ huy đã đứng tuổi và từng trải. Anh xòe bàn tay rộng, chằng chịt những đường gân tĩnh mạch trước mặt mình rồi nói:

— Tất cả những ước mơ ấy không xa xôi mông lung gì. Nó ở trong bàn tay ta. Cứ trần lực làm sẽ có tất cả. Nhưng cũng không thể nghĩ rằng những điều tốt đẹp sẽ tới một cách dễ dàng. Nếu chúng ta cứ theo thói quen mà đã nhiều người mắc: suy ngẫm, suy ngẫm và suy ngẫm mãi... Cần phải hành động. Hành động thiết thực và có hiệu quả. Đừng liều lĩnh không đếm xỉa tới mọi đắn đo cần thiết. Nhưng cũng chớ nên triết lý suông. Bản thân tư tưởng không làm nên cái gì cả nếu nó không tự nhập thân trong hành động.

Anh ngừng lại. Và trong ánh mắt anh, tôi đọc được niềm khao khát, ý chí tiến thủ mãnh liệt mà ngay ở lứa tuổi thanh niên cũng không dễ dàng có.

Trợ lý của đại tá X. bước vào, đem cho chúng tôi bài báo về mục tiêu “Làm giàu đánh thắng” của quân khu Ba. Ở bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng, khẩu hiệu “Làm giàu đánh thắng” được treo ở vị trí trang trọng buộc mọi người phải chú ý tới nhiều nhất. Tôi không sửng sốt trước câu nói mộc mạc ấy. Tôi chỉ nghĩ: Lẽ ra, nó đã phải trở thành phổ biến từ lâu. Lẽ ra, người ta không nên để quá nhiều thời gian để bàn cãi nên, hay không nên một việc làm cần thiết như thế... Nhưng, điều đáng tiếc là hành trình từ duy của con người thường lùi sau đời sống, mà nhu cầu của sự phát triển lại yêu cầu nó phải vượt lên phía trước.

Trời đã trưa. Chúng tôi rời phòng họp bước ra. Đường phố đông đúc quá. Một đoàn camion chở đầy tân binh chạy qua cuốn theo làn bụi trắng. Thời tôi còn là một cô bé tám tuổi, đã có những đoàn camion chở bộ đội từ Việt Bắc về giải phóng thủ đô:

«... Trùng trùng say trong câu hát
Lớp lớp đoàn quân tiến về.
Chúng ta đi reo vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay theo giỏ... »

Hình ảnh những người lính ngày khải hoàn đã in sâu vào tâm trí tôi một kỷ niệm hào hùng lộng lẫy mà bụi thời gian không thể che mờ. Có lẽ đối với những người như đại tá X. kỷ niệm đó sẽ còn sâu sắc hơn, rung động máu thịt hơn. Niềm vinh quang trong dĩ vãng không cho phép họ được quyền mệt mỏi đầu hàng những khó khăn thực tại. Tất cả những cố gắng của họ đã bắt nguồn từ một khát vọng thâm sâu: Xây dựng một thành trì cho Tổ quốc!

3-1985
D.T.H
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:51:57 pm »


THAO TRƯỜNG



MÊNH MÔNG CÁI TRÁP


Anh không chỉ là một đại đội trưởng giàu kinh nghiệm trong việc sông nước, mà qua chuyện trò, tôi còn thấy anh là một người mơ mộng, ham hiểu biết. Tại sao vùng đất biển xa ngút ngát, nơi điểm mút của huyện đảo Cát Hải ngó mông sang bên kia là tỉnh Quảng Ninh này lại có tên gọi là Cái Tráp? Anh hỏi chính cái điều tôi cũng đang thắc mắc. Có phải đó là một danh từ, một thổ ngữ để chỉ vùng sông nước bến bờ, từa tựa như người miền Trung gọi những trảng cát, những vịnh nước lớn là truông, là phá? «Yêu em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang». Ở đây liệu có đôi lứa nào từ thời xa xưa vì đò giang cách trở mà đành lỗi hẹn lời nguyền? Hay tên ấy muốn ám chỉ cuộc đời cơ cực của những người dân đảo? Thường là thời xưa, những người đã phải lên rừng xuống biển, mang gan ra đánh cuộc với đời, đánh cuộc với thiên nhiên để sống thường là những người bị săn đuổi. Hoặc bị chính con người săn đuổi hoặc là đói nghèo săn đuổi nên phải quyết chí ra đi «Được ăn cả, ngã về không», quyết «đội trời khuấy nước», sống ngang tàng phóng túng «gươm đàn nửa gánh non sông một chèo ». Bởi thế nhìn những người dân đảo săn chắc, ăn sóng nói gió, tôi cứ nghĩ trong huyết quản họ, trong tim óc họ ai cũng có cái chất của Rô-bin-xơn, của An Tiêm, gan góc và bản lĩnh vô cùng. Đứng giữa vùng trời nước còn đậm chất hoang sơ này, ngó về phía sau là huyện đảo loi thoi, nhìn lên phía trước là Quảng Ninh xa ngái, những bãi sú lúp xúp trong bãi phù sa nhãy nhượi, ta cứ bần thần về Cái Tráp như ẩn bên trong một câu chuyện riêng đôi lứa, ẩn bên trong những cuộc đời bão gió. Và tên gọi này có từ bao giờ? Đồng chí đại đội trưởng trẻ tuổi ham hiểu biết, đã lưu ý tôi rằng chắc là cũng chưa xa xôi lắm. Bởi trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi khi nói đến dải đất ở phía đông của đất nước, Người chỉ dừng lại ở huyện Vĩnh Bảo trong kia. Mặc dù cụ Nguyễn Trãi đã hiểu rất tường tận đến cả cách đặt tên làng ở vùng quê Vĩnh Bảo đều có chữ Am đằng sau: những là Thượng Am, Cổ Am, Đông Am, Nam Am, Tiền Am, Hạ Am... nhưng cặp mắt của Người, bàn tay của Người chưa với tới Cát Hải. Vậy thì Cái Tráp chưa phải là một tên cổ. Nhưng quan trọng hơn tên gọi rất nhiều là nơi hoang vu trên trời dưới nước, nơi chỉ có những cánh hải âu chấp chới là vật sống động này, giờ bỗng rung chuyển lên dưới những bước chân người. Một nghìn rưỡi con người từ khắp các nơi đã rầm rập hội tụ nơi đây. Những đơn vị bộ đội chủ lực, dân quân du kích của năm huyện quanh đây, và cả những tay thợ đấu quen sống như những người Digan, nay đây mai đó, mang sức lực và đôi tay khéo léo của mình đi bán rong cho khắp thiên hạ, giờ cũng đổ về đây, góp sức làm công trình mang ý nghĩa chiến lược có tầm vóc quốc gia, vừa lợi về kinh tế dân sinh, vừa giữ được an ninh quốc phòng. Nơi đây là tai là mắt của đất liền, là một thế đứng tấn trước cửa ngõ, là một pháo đài để ta đánh địch từ xa, giữ yên cả một sườn biển phía đông.

Kênh đào Cái Tráp đã hình thành như thế nào? Sự bức xúc cần có nó ra sao? Ngay sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, một vài nhà kinh tế khi bàn về những công trình lấn biển của thành phố Cảng, đã nghĩ đến phải vươn tay ra tới đây, phải rút ngắn đoạn đường biển này lại để tàu bè vào cập bến đỡ đi vòng vèo. Do cấu tạo địa lý không thuận tiện, tất cả các tàu ra vào phía này đều phải đi quanh co theo con sông ruột lợn, vòng sang tận Quảng Ninh, rồi mới trở lại đi theo đường thẳng trên hải đồ. Tính chi ly quãng đường vòng phí phạm ấy là 23 ki-lô-mét. Nếu như cắt được một bán kính kẻ chỉ từ bến đậu ra ngoài khơi thì chỉ còn hơn ba ki-lô-mét. Bỏ được gần hai mươi ki-lô-mét vô ích trên sóng nước đối với những tàu buôn hàng vạn tấn thật là một việc không nhỏ. Chỉ tỉnh riêng mật độ số tàu của ta đi lại như hiện nay, nếu có đường mới, đã tiết kiệm được hai ngàn tấn dầu trong năm. Nhưng cụ thể mở một luồng lạch mới như thế, đường đi lối lại và kích thước ra sao, thì chưa thể hình dung nổi. Bàn đấy, rồi lại để đấy, thời gian phủ bụi dần lên những dự định. Cho đến khi nổ ra cuộc đụng độ với bọn bành trướng, vùng Cái Tráp lại thức tỉnh nhiều bộ óc có trách nhiệm. Lúc này những người quan tâm càng thấy rõ không chỉ là vấn đề kinh tế, mà nếu hoàn thành được công trình này, ta sẽ có thêm tai mắt phát hiện địch từ xa, bàn tay phòng thủ sẽ được vươn xa chặn đánh địch, ngay từ khi chúng đang thập thò ngoài hải phận. Phải có sự đầu tư trí tuệ của Trung ương. Các kỹ sư ở Bộ thủy lợi được điều xuống để khảo sát, đo lường. Nhưng rồi đến khâu thi công, khâu thực hiện để biến những lý thuyết kia, những ước mơ kia trở thành hiện thực lại là một vấn đề hết sức nan giải.

Ai sẽ đảm đương công việc này? Trong khi khảo sát, các kỹ sư đã đo đạc rất chi ly, chiều dài của kênh đào 4.250 mét, độ sâu bắt buộc phải là 9 mét, mặt sông rộng 230 mét và đáy phải là 80 mét. Đó là kích thước cần thiết, để những tàu lớn đi lại được an toàn, vậy phải đào bới, khai quật bao nhiêu ngàn, vạn khối đất? Thêm nữa bùn đất và địa thế ở đây chưa thể dùng máy xúc máy ủi được (và máy móc đó cũng chưa có trong tay). Dụng cụ thủ công và hai bàn tay con người vẫn là phuơng tiện duy nhất để đào bới, khai thông.

Đứng nhìn dải đất lô nhô sát mí nước, nơi tận cùng của huyện Cát Hải, sú vẹt và cỏ dại mọc ngợp trên bùn nước lõng bõng, đó sẽ là vùng kênh đào chạy hun hút theo đường vòng cung biển, lòng người thật dễ lao lung. Đã có mấy đơn vị chủ quản đến xem xét hiện trường, sau một hồi lâu tính toán, cân đo hơn thiệt, để rồi cuối cùng lắc đầu không nhận! Thấy rằng với hai bàn tay và đôi vai của con người thật không thể kham nổi, và hạch toán chi ly thì chỉ có lỗ. Nhưng với những người lãnh đạo, có trách nhiệm với đời sống và sinh mạng của cả vùng biển này lại không thể dễ làm khó bỏ. Rút cục, công việc đào sông lấn biển nơi đây lại đến tay những người lính. Đồng chí Bí thư thành ủy giao công trình này cho Bộ chỉ huy Quân sự thành phố. Bộ chỉ huy quân sự giao cho Ban công trình kiến thiết. Ban này chỉ vẻn vẹn có hai mươi bốn người, hoàn toàn là những cán bộ khung chỉ đạo. Ban có trách nhiệm đi giao dịch ký kết, hợp đồng với tất cả các đơn vị, các đầu mối xung quanh để thi công những công trình do Ban đảm nhiệm. Ban hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần kỹ thuật chất lượng bền vững của những công trình và là linh hồn của những công trình ấy. Sau một vài thử thách góp sức với thành phố làm các công trình, Ban công trình kiến thiết đã có tiếng vang là một đơn vị dám làm, biết làm và làm giỏi. Với đội ngũ chuyên môn vững, những kỹ sư năng nổ, thành thạo công việc, làm có tính toán tỷ mỷ, chứ không phải chỉ mang công sức ra húc bừa như một kẻ hữu dũng vô mưu. Đồng chí Bí thư thành ủy, một người chỉ đạo kinh tế rất giỏi, sau khi được chứng kiến những công trình do ban đảm nhiệm, đã khen ngợi: «Ban công trình kiến thiết của Bộ chỉ huy quân sự thành phố đã trưởng thành trong khi làm kinh tế, biết làm chủ những mũi nhọn và những công trình trọng điểm, có phong cách quản lý kinh tế mới. Nhân sự ít nhưng tinh».

Sau khi đi ký hợp đồng với các đơn vị bộ đội, các huyện xung quanh, Ban công trình kiến thiết với chức năng là một đơn vị chủ quản đã phải lo cơ sở vật chất cho hơn một nghìn con người lao động thủ công từ cái mai, cái cuốc, kéo cắt đất, thuyền chở đất đến đời sống vật chất đồng tiền bát gạo hàng ngày, tỉ mỷ chu đáo như một người nội trợ. Những người đến lao động làm theo đơn vị của mình, Ban chỉ lo về phần kỹ thuật, phân bổ lực lượng sao cho hợp lý. Khi nghiệm thu có thưởng, phạt, với những đơn vị làm tốt hay xấu. Đây là một phương thức quản lý lao động, quản lý kinh tế khoa học và hợp lý nhất khi phải điều hành những công trình lớn với số nhân công hàng ngàn người.

Tiếng lành đồn xa, do cách làm công minh và sòng phẳng, trân trọng những người thợ giỏi, Ban công trình kiến thiết đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo với nhiều thành phần, nhiều đầu mối. Đây là nơi hội tụ của quân dân một ý chí. Những người thợ đấu già quen sống rong ruổi, nói rằng đến đây thấy mình thật sự có ích, công sức của mình được đền bù xứng đáng, không bị lợi dụng, bóc lột. Trên cơ sở ấy, công trình này ngoài tác dụng về kinh tế và quốc phòng, nó còn mang ý nghĩa là một công trình nhân đạo, công trình của trí tuệ tập thể. Trong những ngày «mộ quân», tất cả những người thành thạo công việc sông nước đều được phát hiện, điều động đến kênh đào.

— Bản thân tôi cũng chuyển về đây trong những ngày ấy — Đại đội trưởng quay sang nói với tôi.

Chúng tôi dừng bước ở đầu đoạn kênh đào. Cảm giác trước tiên dâng lên là sự kính trọng đối với sức lực của con người. Một đoạn kênh dài hun hút vươn mình ra phía biển. Đất vật lên đắp thành con đê cao sừng sững, nổi bật lên giữa cảnh trời nước mênh mang như một cái gạch nối giữa đất liền và biển cả. Những thỏi đất xắn khéo đến thành nghệ thuật, vuông thành sắc cạnh và láng mướt như những khúc giò lụa, nện khít vào nhau như xây thành. Dưới triền đê, một ngàn rưởi con người rải dọc theo kênh đào vẫn đang đánh vật với đất. Người đào, người xắn mai, người lấy kéo cắt, đất xếp lên những chiếc thuyền gỗ, kiểu thuyền lá tre, dài và mảnh. Hiện thời có ba trăm chiếc. (Ban công trình kiến thiết đang đóng thêm một trăm chiểc nữa). Sào chở thuyền tua tủa như gươm giáo. Thuyền được đưa vào những con lạch nhân tạo tới sát chân đê. Từ đấy, đất được lao theo những tấm ván trượt để đắp thành mặt bằng. Người nào việc nấy, từng đơn vị xếp theo đội hình, theo dây chuyền, sít sao như những mắt xích. Công việc theo một nhịp độ liên tục khẩn trương, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Những kỹ sư đi lại liên tục trên hiện trường để kịp thời phát hiện, sửa sang những chỗ chưa hợp lý trong lao động, cũng như chưa đảm bảo kỹ thuật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:52:51 pm »


Tôi được biết đến hôm nay tiến độ thi công đã đi được non nửa đoạn đường. Mới hoàn thành được hơn một phần ba con kênh, vậy mà số đất mọi người đào đắp lên đã hơn chín vạn mét khối. Tính ước lượng toàn con kênh sẽ là trên hai mươi vạn mét khối. Sau khi con kênh hoàn thành, ở đây sẽ có thêm hai ngàn héc-ta đất liền. Nhà cửa và những công trình dịch vụ sẽ được dựng lên trên dải đất mới đó. Dân số ngày một đông, biển cả thì dữ dằn, cứ muốn thu hẹp đất liền lại như một miếng da lừa của Ban Dắc, nhưng bàn tay và sức lực con người đã kéo đất liền ngày một tiến ra biển. Đất sinh sôi dưới những cánh tay người. Tôi chợt nhớ đến những kênh đào nối tiếng thế giới — Kênh Xuya-ê, kênh Pa-na-ma. Và ở ta, công trình lấn biển của Nguyễn Công Trứ ở vùng Tiền Hải — Thái Bình thuở trước vẫn được nhân dân đời đời ghi tạc công ơn.

— Đồng chí Bí thư thành ủy giao nhiệm vụ đến mồng 2 tháng 9 năm nay công trình này phải hoàn thành. Ngày quốc khánh năm nay sẽ cắt băng thông tàu trên dòng kênh này — đồng chí đại đội trưởng nói giọng sôi nổi.

— Nhưng liệu có xong không? — Tôi hỏi còn chưa hết băn khoăn.

Người con của sông nước khẳng định chắc chắn:

— Nhất định chứ anh! Vì càng làm mọi người càng có kinh nghiệm, lại thêm luôn luôn được bổ sung những tay thợ khá. Riêng đại đội tôi cũng đã có đến hai chục tay thợ đấu con nhà nòi!

Và chính anh, người đại đội trưởng trẻ tuổi này cũng là một con nhà nòi của sông nước. Cha anh ngày xưa vì nghèo, không đủ tiền sắm đồ nghề, đã phải đi làm thuê cho các chủ thuyền bằng cách lặn nhử mồi. Buộc một chùm những con cá gỗ vào hai chân, khi phát hiện thấy cá đi đàn, người nhử mồi nhẹ nhàng lặn xuống, nhử cho đàn cá cùng mình lao vào tấm lưới đã buông sẵn. Khi chắc ăn làm hiệu cho những người trên thuyền cất lưới. Mỗi mẻ như vậy, người nhử mồi sây sát cả mình mẩy vi cá đánh vây, đánh ngạnh tứ tung mặt mũi chân tay. Đến đời anh, người đại đội trưởng rắn chắc như một con trắm đen này, không còn phải bán sức lao động như cha chú nhưng anh cũng đã ra khơi vào lộng từ tuổi thiếu niên. Anh đã quen sóng nước luồng lạch như những người trai làng quen những đường quê lối xóm của mình. Tôi được nghe mọi người kể, anh đã nổi tiếng trong dịp hàn khẩu đê năm trước ở vùng biển Đồ Sơn. Dạo ấy, trong một trận mưa bão, đê bị vỡ. Khi hàn khẩu cần đóng những cây cọc dài đến mười hai mét. Nhưng đóng bằng cách nào thì không một ai biết. Qiữa lúc bối rối ấy, thì một trung đội trưởng ở dưới đơn vị đến gặp ban chỉ huy xin nhận công việc nan giải đó. Anh đã học được mẹo luật đóng cọc trong sông nước, lợi dụng sức nước của cha ông và xóm chài của mình từng sống chết bao đời với biển. Khi những cây cọc đã đứng vững trong những cơn thủy triều, mọi người mới sực nhớ rằng trong sách sử có nói ngày xưa Trần Hưng Đạo có hỏi cô bán quán ở cửa Bạch Đằng về giờ lên xuống của những con nước triều. Chính là Người hỏi để rồi dùng sức nước đóng những cây cọc lừng danh trên sóng Bạch Đằng mà đời đời con cháu vẫn còn tưởng nhớ. Không ngờ tài trí của Hưng Đạo Vương vẫn còn truyền trong tim, trong óc những người dân chài hết sức cụ thể đến tận bây giờ.

Cũng những ngày hàn khẩu ấy, anh còn được mọi người nhắc mãi trong việc đi cứu dân. Khi chỗ vỡ thứ nhất vừa hàn xong, thì tiếp liền một trận bão nữa, phá bung một đoạn đê khác ở cạnh làng. Nước tràn như thác. Người chạy không kịp, hơn cả hỏa hoạn. Anh đã một mình một chiếc thuyền con, chơi vơi trên sóng nước đi cứu người già và trẻ em.

Khi chuẩn bị ra quân cho công trình Cái Tráp, những người lãnh đạo lập tức nhớ đến anh. Và anh đã không phụ lòng tin của đồng đội. Anh không chỉ biết nhìn sóng, nhìn nước để hiểu được bụng biển, mà còn biết đặt niềm tin vào mỗi con người, biết quản lý lao động khá thành thạo. Trong đơn vị anh có một vài chiến sĩ là «cậu ấm» từng sợ đi lính, sợ gian khổ, từng là những nhân vật được liệt vào loại “anh chị” ở thành phố. Trong số «cậu ấm» ấy, Hải lé là người đầu đàn, chỉ huy cả nhóm đàn em. Với con mắt hiếng, nhìn cái gì cũng xiên xiên, hấp ha hấp háy, nhưng phụ trách chỉ xểnh một tý là Hải ta biến rất nhanh, lặn một hơi không thấy sủi tăm! Hải đã từng bỏ ngũ nhiều lần lỉnh về nhà, sợ khu phố biết, nam khan trong buồng vài hôm, rồi vác quạt máy, ti-vi của chính nhà mình đi bán ăn nhậu. Đến cả những người ruột thịt cũng chán ngán anh chàng lêu têu vô dụng đó. Về đây, Hải đã từng đầu têu trong những cuộc chè chén, nói năng văng mạng, ở nhà dân thì lười nhác. Hải cứ tránh tránh lảng lảng đại đội trưởng, vì anh kiên quyết nhưng lại không hề gay gắt đao to búa lớn, nhắc nhở vừa đủ nghe. Trong lao động vẫn chỉ dẫn rất tận tình cho Hải xắn mai, chở thuyền, cách xếp đất lên đê. Nhưng Hải gờm hơn cả là sức vóc cường tráng săn như chão của đại đội trưởng, rồi lại nghe thì thầm rằng đại đội trưởng đã từng đi đấu vật trong những cuộc thi của xã, của huyện trong kia.

Thế rồi một buổi tối, đại đội trưởng được mật báo Hải và một vài chiến sĩ nữa dùng một chiếc thuyền chở đất đang phóng ra ngoài khơi nơi chiếc tàu buôn của một nước tư bản đang đậu. Mấy tướng này định giờ trò gì? Anh lập tức mượn một chiếc thuyền câu phóng theo. Khi Hải lé và mấy chiến sĩ phát hiện ra người đuổi theo mình, và lại đích thị là đại đội trưởng, thì mấy ông con giời hốt hoảng quáng quàng nhẩy ùm xuống nước. Chợt một cậu hét lên thất thanh:

— Thủ trưởng ơi, thằng Hải không biết bơi!

Trớ trêu thế, anh chàng công tử đường nhựa người đầu trò lại không biết gì chuyện sông nước. Hải lé đập ùm ùm, làm một bụng nước đang có nguy cơ chìm như một hòn đá thì được đại đội trưởng nhảy xuống kéo lên thuyền. Tỉnh táo lại, Hải lé run như rẽ. Lần đầu tiên anh chàng bất trị biết sợ, biết xấu hổ trước một việc làm vụng trộm. Thì ra không biết nghe ai, mà các tướng kiếm được đồi mồi để mang ra đổi chác với các tàu buôn. Đến cả lần ấy đại đôi trưởng cũng không làm to chuyện, vì Hải và các chiến sĩ đã thực sự ăn năn hối lỗi. Hải lé thay đổi từ sau chuyến hút chết ấy.

- Thực ra những thanh niên ấy, họ rất có lòng tự trọng. Anh nói - Khi thấy mình không bị thành kiến, không bị coi thường, vẫn tình nghĩa trong đối xử, công bằng trong mọi thứ quyền lợi, một đồng tiền thưởng khi vượt năng suất lao động cũng được chia đều, hết sức minh bạch, thì họ thấy không nỡ phụ bạc xung quanh. Ngay sau hôm Hải và mấy chiến sĩ định ra khơi đổi chác không thành, đại đội chúng tôi tổ chức liên hoan và chia quà vượt chỉ tiêu kế hoạch, Hải và mấy chiến sĩ yếu đó cũng được hưởng như anh em. Không ai có một lời nói, một ánh mắt nhìn thiếu thiện cảm với những chiến sĩ đó. Từ sau hôm ấy, tôi thấy rõ ràng Hải suy nghĩ nhiều. Anh hỏi kinh nghiệm quản lý và điều hành công việc ư? Chưa có gì đáng nói đâu. Tôi chỉ cùng ăn, cùng làm, sống hết lòng với anh em mà thôi. Cũng như toàn bộ công trình này, nhiều người ở trong thành phố cử hỏi tại sao bộ đội dám làm và làm được? Thực ra có bí quyết gì ghê gớm đâu. Việc khảo sát thiết kế thì đã có rồi, còn lại là thi công. Ở đây người điều hành phải hiếu được thiên nhiên, phải nắm chắc được đặc điểm về đất, về nước ở đây. Với con người thì biết tập hợp, biết khơi gợi những khả năng vẫn tiềm ẩn trong tâm can họ. Với công việc thì trân trọng, với quyền lợi thì công minh. Để hiểu rõ điều này, anh hãy làm quen với những người thợ đấu.

Theo sự giới thiệu của đại đội trưởng, tôi đã làm quen với người được coi là «trưởng đoàn» thợ đấu có cái tên rất phó cả là Già Quýnh. Gọi là già chỉ hàm ý sự tôn sùng của đám giai em, chứ thực ra ông Quýnh mới ngoài năm mươi. Da nâu sẫm, bắp thịt nổi từng múi, những ngón tay chuối mắn đỏ ửng, trông thô ráp, nhưng lại khéo léo đến ngạc nhiên. Già Quýnh trội hơn hẳn những bạn cùng nghề về biệt tài đào đất mò trong nước. Không nhìn thấy đất, nhưng lưỡi mai cứ như có mắt, xắn những thỏi đất đều tăm tắp, hất từ dưới nước lên, nhẹ nhàng, chuẩn xác đến thành nghệ thuật. Quanh năm suốt tháng già Quýnh không bao giờ hết việc. Từ vượt thổ tôn nền nhà, đến đào ao, đào giếng đóng gạch, ông đều thuần thục. Chưa xong việc nhà này, nhà khác đã đến mời đón, trọng vọng hết mực.

— Một hôm, cách đây sáu tháng — già Quýnh kể bằng cái giọng trầm mà vang của người quen đối mặt với sóng nước — Có một người đến tìm tôi. Không phải một lão nông, một điền chủ mới phất, mà là một ông trung tá hẳn hoi, một người chỉ huy xởi lởi và thật thà. Ông nói về công trình ích nước lợi dân này ra sao, cần có tôi để làm huấn đạo cho anh em bộ đội thế nào, đến việc công sá một khối đất, giá cả cố định một cân gạo là bao nhiêu, tất tật rõ ràng như ban ngày. Đời sống người thợ thật bảo đảm. Thế là tôi kéo cả lũ giai em đi theo. Lần đầu tiên được làm việc cho nhà nước, mà thu nhập lại cao hơn làm cho tư nhân. Chúng tôi luôn luôn được lĩnh tiền thưởng, chẳng một ai bớt xén cò kè...

Đúng như đồng chí đại đội trưởng nói, sau tất cả quyền lợi vật chất ấy, sự tin yêu giữa những con người đã gắn bó vẫy gọi biết bao những mảnh đời đã đến và trụ vững trên mảnh đất nằm thia lia trên lợi nước biển Đông này. Tôi đã hoàn toàn yên tâm giữa tính phức điệu mà đồng nhất của những con người nơi đây. Già và trẻ, nhưng tổ chức thật chặt chẽ và nền nếp, công việc cứ chạy băng băng. Tôi ngước nhìn dáng điệu tự tin của đại đội trưởng đang đi trên mặt đê chon von. Cặp mắt màu nâu của anh trở nên mơ màng trước cảnh trời chiều. Những ánh nắng cuối cùng nhuộm mặt biển vàng thẫm như dát đồng. Bầy hải âu chao lượn, sà đậu trên sóng, rồi đập cánh kêu lên cheng chéc khi mấy tàu buôn nước ngoài trang hoàng như một biệt thự nổi, chạy xình xịch cày sóng trên biển. Công trường đã đến giờ chuẩn bị ra về. Đại đội trưởng bắt tay tôi, hẹn tối nay sẽ đưa tôi đến gặp những người anh đã hứa, rồi vội vã chạy về đơn vị. Anh chàng thật khéo đánh bài lỉnh. Ban chỉ huy công trường giới thiệu tôi đến gặp anh, anh ngượng nghịu đỏ bừng cả mặt, và trước sau cứ yêu cầu tôi đừng nêu tên anh, dù trong một cái tin ngắn. Anh hứa sẽ đưa tôi đi làm quen với những người anh bảo là những chuyện vui buồn của họ rất đáng suy nghĩ. Rồi thật bất ngờ, anh giở quyển sổ công tác đọc cho tôi nghe mấy câu thơ anh bảo là mình rất thích — Thơ của Ếp-tu-sen-cô được chép bên những con số về tiền, về gạo, về số người lao động trong ngày và về năng suất công trình.

... Mỗi người chứa một nội tâm tiềm ẩn
Phút cao hứng thiêng liêng, phút hạnh phúc tuyệt vời
Cả phút đau thương, kinh hoàng, không xóa nổi
Một thế giới kín thầm, đâu phải lộ cho ai.

Tôi bỗng bâng khuâng và nôn nao cả người. Kênh đào Cái Tráp có một ngàn rưỡi con người, tức là có một ngàn rưỡi bài thơ, một ngàn rưỡi câu chuyện. Chẳng có con người nào nhạt nhẽo vô vị đâu. Những con người bình dị và phong phú ấy đang nối thêm tay thêm chân, thêm thịt da cho đất liền. Đất sinh sôi dưới những cánh tay người. Với tiến độ này, chắc chắn Cái Tráp sẽ thông tàu trước mồng 2 tháng 9. Như vậy là chỉ có hơn một năm. Hơn một năm quân dân chung lưng đấu cật làm nên một công trình sừng sững giữa trời nước mênh mang. Nơi đây là một điểm kinh tế, một điểm làm giàu của thành phố. Nơi đây là một con mắt, một cánh tay vươn xa của chúng ta chặn đánh kẻ thù. Cái Tráp như một tiếng gọi của sự sinh sôi và phòng thủ đất trời.

T.T.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2022, 05:55:50 pm »


NGUYỄN BẢO



GÓP MỘT TIẾNG NÓI


Tôi choàng dậy trong tiếng nổ dữ dội của mìn phá đá. Tiếng đất đá lăn ầm ầm. Xe chở đá, chở vôi, chở xi măng của xí nghiệp rú rít, tiếng còi xe gắt gỏng, tiếng động cơ xe ba bánh gắn máy chở đá ình ình. Những âm thanh xô bồ đó quyện vào nhau, nối vào nhau làm cho buổi sáng chủ nhật ở đây sôi lên, giục giã. Mở cửa nhìn ra ngoài. Mưa phùn trắng xóa. Rét. Cả tối qua tôi không rõ mình có chợp mắt được lúc nào không? Cái giá lạnh tháng ba của một vùng đồi trọc núi đá, vắng lặng heo hút... Tôi trằn trọc và nghĩ đến giám đốc xí nghiệp Nguyễn Hùng. Căn phòng anh ở gọn hơn phòng tôi đang ở đây nhưng trên chiếc giường đơn của anh cũng không có gì hơn ngoài chiếc chăn bộ đội mỏng manh. Nhìn sang bên cạnh. Giường không còn người, chăn màn được xếp gọn từ lúc nào. Những người lính của xí nghiệp cùng ngủ với tôi một phòng không biếl đã dậy từ lúc nào. Chắc họ vội ra nhà máy. Được chứng kiến bữa ăn sáng của họ, mới đạm bạc làm sao. Tôi thầm hiểu cuộc chiến đấu để làm ra của cải của người lính ở xí nghiệp 771 nằm trong vùng đất được mệnh danh là «xi bê ri» còn gian khổ xiết bao, gay go và quyết liệt xiết bao!


*

*       *


Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió nổi lên. Nguyễn Hùng cho biết thời tiết thế này anh em vẫn đi làm bình thường. Tôi mượn anh đôi ủng, áo bạt và chiếc mũ cối. Cùng đi với tôi có phó giám đốc trẻ vừa mới được đề bạt: Đỗ Thịnh. Anh là kỹ sư Si-li-cát, trước học ở Đại học bách khoa. Học xong anh về công tác tại nhà máy xi măng Hải Phòng. Từ nhà máy anh vào bộ đội. Ôn lại đôi kỷ niệm về những năm tháng ở chiến trường B2 anh cũng phải lấy làm lạ tại sao bom đạn dữ dằn thế mà mình còn sống được. Sau năm 1975 anh được điều về Tổng cục kỹ thuật rồi về nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Thanh Hóa rồi về đây.

Từ chân đồi Pháp Cổ, Thịnh dẫn tôi đi về phía sau quả đồi. Toàn bộ xí nghiệp nằm dọc chân quả đồi. Phía dưới chân đồi là con sông Kinh Thầy. Dòng sông phẳng lặng này cùng với những chiếc thuyền, sà lan đậu bên bờ như chờ đợi sản phẩm từ quả đồi chuyển xuống. Ngay ở triền núi đầu tiên đã có thể nhìn thấy những lò vôi khá đồ sộ đang nhả khói hoặc công nhân đang khuân đá khuân than chất vào lò. Những chàng trai, cô gái ăn mặc xuềnh xoàng, quần xanh, áo xanh, đã cũ. Họ làm việc say sưa không chú ý tới chúng tôi — những vị khách đang muốn hỏi họ một đôi điều. Đỗ Thịnh nói với tôi:

— Không phải bộ đội đâu anh ạ. Đân Pháp Cổ đây. Bây giờ toàn bộ việc làm đá, làm vôi giao cho địa phương. Xí nghiệp liên doanh với địa phương mà.

Cái liên doanh xí nghiệp với địa phương mà Nguyễn Hùng nói với tôi là thế.

— Trước đây, chưa đi làm với xí nghiệp các anh làm nghề gì? — Tôi hỏi một thanh niên trong tay cầm một tập sổ sách đang đứng cạnh lò vôi. Anh mặc bộ quần áo bộ đội đã cũ. Hình như người phụ trách nhóm lao động này.

— Làm ruộng — anh thanh niên trả lời giọng đượm buồn — Nhưng ruộng ở vùng này anh thấy đấy có đáng bao nhiêu. Mùa cày cấy bỏ ra một tuần, một tháng là xong. Còn lại thì đi khắp đó đây làm vôi, làm đá, làm thợ mộc, thợ nề, chỗ nào thuê thì làm.

— Thật ra, về làm vôi, dân ở đây giỏi hơn cánh bộ đội nhà mình anh ạ. Nung vôi từ đời ông đời cha rồi đời con, họ nhiều kinh nghiệm. Một người làm năng suất bằng hai bằng ba một bộ đội nhà mình.

Nguyễn Hùng đã nối với tôi như thế tối qua. Dĩ nhiên liên doanh kinh tế nảy ra trong các anh không phải chỉ bắt đầu bằng năng suất lao động. Nó bắt nguồn từ một tổ chức không có mặt nào chuyên của các anh. «Quân số» của xí nghiệp này đã có lúc lên tới hơn hai nghìn người. Nhưng cũng có khi chỉ còn vài trăm. Ngay cả cái thời điểm đang «ăn nên làm ra» xí nghiệp cũng chỉ vẻn vẹn hai trăm năm mươi người. Kỹ sư Thịnh hình như còn thấy chưa thỏa đáng về sự đầu tư còn hạn chế, về cái lực lượng còn mỏng manh của xí nghiệp. Tôi hiểu được nỗi niềm của Thịnh. Cũng như tôi, trước lúc về đây tôi đã hình dung xí nghiệp khác thực tế bây giờ. Một xí nghiệp làm rất nhiều mặt hàng, mà giám đốc là vị đại tá đã kinh qua ba thời kỳ đánh giặc chắc phải đông đảo, bề thế lắm.

Thực ra đấy chỉ là ước muốn của mỗi chúng ta. Đã là đơn vị bộ đội đâu phải chỉ có lao động sản xuất. Từ đây những lớp bộ đội đi ra biên giới, những lớp hết nghĩa vụ về địa phương và còn biết bao nhiêu vụ khác trên mọi miền đất nước mà người lính sẵn sàng ra đi, sẵn sàng đảm nhận. Có nhiều cán bộ chiến sĩ đến đây vừa mới bắt đầu quen công việc đã có lệnh điều đi nơi khác. Trong điều kiện như thế xí nghiệp vẫn tồn tại, phát triển đã là một cố gắng. Ấy vậy mà các anh còn làm ra «triệu» này «triệu» kia, tự trang trải lương bổng cho cán bộ chiến sĩ trong xí nghiệp, còn đóng góp cho quân đội triệu này triệu nọ, để tăng cường quốc phòng, chi viện biên giới và củng cố xây dựng trận địa ngay nơi đứng chân của xí nghiệp. Điều đó chẳng đáng tự hào lắm sao? Và còn hàng trăm nam nữ thanh niên Pháp Cổ này nữa, nếu không có các không có các anh, không có xí nghiệp 771 này hẳn hàng năm họ vẫn phải kéo nhau đi làm thuê khắp nơi. Sáng suốt thay người nào đầu tiên đã nghĩ ra sự liên doanh này. Các anh đã xây dựng quyền làm chủ chính đáng, quyền lao động chính đáng của họ, đã làm giàu có cho một vùng đất trước đây được coi là «chó ăn đá, gà ăn sỏi». Vẫn chính anh thanh niên mặc quân phục đã bạc màu tâm sự:

— Anh thấy đấy, xã chúng tôi hiện nay 95% là nhà ngói sân gạch rồi. Anh đừng tưởng lúc nào họ cũng ăn mặc thế này đâu. Tối nay có thể anh sẽ gặp họ đi dạo ở thành phố với những chiếc xe, những bộ cánh tưởng như người nước ngoài ấy chứ. — anh thanh niên cười. Bạn bè đang chuyển than chuyển đá cũng cười theo.

— Nghe nói trước kia dân tình không muốn bộ đội đóng ở đây, còn thanh niên rất hay gây gổ với bộ đội? — Tôi hỏi

— Có đấy. — Anh thanh niên đáp nhanh — Nhất là những lúc bộ đội làm ăn thua lỗ, nhân dân nghèo đói. Thôi thì đủ chuyện, đánh nhau, cướp giật trộm cắp. Thế rồi xí nghiệp làm ăn khá, dân được mùa, những cái đó mất dần. Có tiền, có gạo cả bộ đội và địa phương có thêm công quỹ xây dựng công trình quốc phòng, phối hợp với nhau giữ gìn an ninh trât tự xã hội. Mối đoàn kết tương trợ giữa xí nghiệp và chính quyền địa phương chưa lúc nào vững mạnh như lúc này.

Nói chuyện với người thanh niên mặc áo lính một chặp tôi mới biết anh là chủ tịch xã Lại Xuân trước đây đã từng ở trong quân ngũ. Anh ăn nói mộc mạc mà chí lý. Lẽ đời vẫn vậy. Cái nghèo đói xưa nay vẫn là kẻ thù gây ra mọi chuyện hận thù. Nhưng đưa những đơn vị bộ đội chưa phải trực tiếp chiến đấu vào con đường làm kinh tế hay không lại là vấn đề vẫn bàn cãi mãi từ trước đến giờ. Phải chăng trong các đơn vị cơ sở của bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng, xí nghiệp 771 này đang góp một tiếng nói, một bằng chứng sống cho sự nghiệp đánh bại kẻ thù nguy khốn kia.

Qua khỏi khu vực lò vôi là nhà máy xi măng. Đỗ Thịnh giới thiệu:

— Đây là nhà máy đầu tiên anh ạ. Thời kỳ đầu chúng tôi làm xi măng ở thể lỏng, làm như thế công cán quá nhiều, chất lượng lại kém nên nhà máy này chúng tôi bỏ lâu rồi. Nhà máy hiện đang vận hành là nhà máy kia kìa.

Tôi và Thịnh không đi vào nhà máy cũ. Ở đó chỉ còn là chứng tích của một thời làm ăn thô sơ lạc hậu. Tiếng máy nghiền xi măng và cả những luồng bụi bốc mờ mịt đằng kia mới là sức sống của xí nghiệp. Tiếng máy nổ giòn thế, cả một trục quay đồ sộ thế, đầu trục đang nhả bột xi măng mịn màng xuống sàn, tưởng như ở đó bộ đội đông lắm. Không? Vận hành máy chỉ hai chiến sĩ còn trẻ măng. Họ đeo khẩu trang chống bụi nên không nói chuyện được với chúng tôi. Nhưng niềm vui, niềm tin trên nét mặt họ đã như một lời tâm sự.
Logged
Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM