Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:16:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sóng gió một vùng biển  (Đọc 1788 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2022, 08:59:00 pm »


*

*         *


Chiếc xe ba bánh nổ máy đứng ở góc sân phía đằng kia chuẩn bị đưa chúng tôi ra chốt 99 Cầu Đất, Phó tiểu đoàn trưởng Trần Văn Liên xoa xoa tay nói: Mùa hè anh về đây thì mát vô cùng, cứ như ở trên bãi biển giữa trưa mùa hè mà chúng tôi phải đắp chăn đây, thương cho các anh trong Bộ chỉ huy mở quạt máy vù vù mà áo lót lúc nào cũng ướt sẫm mồ hôi.

Mấy hôm nay ở Hải Phòng rét quá, cái rét nàng Bân sao mà tê buốt đến thế, toàn thân cứ run lên cầm cập, người như ướp trong tủ lạnh. Ở giữa thành phố lạnh năm thì ra chỗ tiểu đoàn C, lạnh bảy, bởi vì nhà ở trống trải chưa có ngăn che, chưa có cây trồng, tiểu đoàn đang mải lo cho cái yên ổn của thành phố. Trần Văn Liên ngại chúng tôi kêu rét nên kể cái niềm vui của mùa hè. Tôi chắc rằng nếu trở lại đây vào mùa hè anh ta sẽ kể mùa đông ở đây ấm áp lắm. Con người yêu mến nhiệm vụ, yêu mến đơn vị bao giờ cũng lúng túng khi người khác đến với khó khăn của mình.

Chiếc xe ba bánh len qua những ngõ ngách rồi đưa chúng tôi ra giữa thành phố. Đường Hải Phòng rất hẹp, lại đi hai chiều. Người và xe cộ làm cho mình rối mắt, tưởng như sắp xô vào nhau, nhưng chỉ trong nhấp nháy thôi, họ đã ngoặt phải, ngoặt trái và đâu vào đó, không xảy ra va quệt, tai nạn nào cả. Mấy hôm trước tôi hỏi người bạn cùng đi, làm sao ở thành phố khác đường một chiều, rộng thênh thênh, vắng vẻ, mà sao tai nạn giao thông thường hay xẩy ra? Anh bạn tôi trả lời có thể là đùa, nhưng tôi cho rằng cũng có ý chấp nhận được ở chỗ một số người hay quan tâm đến việc của người khác một cách không cần thiết. Ví như ra đường, việc trước hết là đi cho đúng phần đường, giữ đúng luật lệ giao thông và nhanh chóng tới nơi mình định đến. Nhưng có số họ không làm như thế, chân để bàn đạp đầu quay bên phải, bên trái, đặt ra những thắc mắc vớ vẩn khi thấy người xung quanh: «Tại sao anh chàng đẹp trai kia lại lấy cái cô mặt rỗ ấy nhỉ». «Tại sao cô nàng cao kều lại lấy cái anh chàng lùn tịt. Họ là vợ chồng, hay dân ba vạ. Đuổi kịp, nghe thử». Vậy là phóng bừa, va vào ô-tô, xe máy... Tai nạn giao thông xẩy ra từ những nếp nghĩ. Ở Hải Phòng đường còn hẹp người đông nên ai cũng lo tránh va quệt, thành ra không va quệt, hơn nữa là thành phố làm kinh tế, không mong theo lối hành chính bao cấp, nên thời gian của họ thực sự là vàng ngọc, giờ nào làm ra của ấy. Hải Phòng còn là thành phố có nền nếp trật tự trị an, nên xảy ra chuyện gì, họ tin là có cơ quan pháp luật Nhà nước chịu trách nhiệm, mình dừng lại chỉ mất thời gian, không góp thêm được ý kiến hay, và biết thêm được việc ấy cũng chẳng chuyển đổi gì về tinh thần và vật chất của gia đình. Cái thời rỗi rãi kiếm chuyện làm quà đã qua rồi.

Chốt 99 Cầu Đất do phân đội 2, đại đội 3 phụ trách, đóng quân trong hội trường tiểu khu 19, trung đội trưởng là thượng sĩ Nguyễn Ngọc Trân.

Khi nghe tôi hỏi về công việc của trung đội, Trân cho biết:

— Phân đội chia thành hai khu làm việc. Khu thứ nhất ở ga tàu hỏa, thường xuyên có một tổ ba người tuần tra, đặc biệt chú ý vào khoảng chín giờ và mười giờ ba mươi đêm, đó là lúc tầu đi và tầu về. Tổ này làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, chỉ đường và nhắc nhở mọi quân nhân giữ đúng tác phong... Khu làm việc thứ hai là phối hợp với công an, cứ ba công an một bộ đội, tuần tra suốt đêm trên địa bàn mình phụ trách.

Thấy một tổ vừa đi làm nhiệm vụ về, sà vào chiếc bếp để ở góc nhà, xòe hai bàn tay hơ lửa, tôi cũng tìm tới bắt chuyện. Một chiến sĩ nói rất khẽ, và trong câu nói tưởng như anh ta đang có lỗi:

— So với bộ đội ở biên giới thì chúng em ở đây còn sướng hơn nhiều. Nhưng quả là rét quá anh ạ.

— Nhưng trong nhiệm vụ các đồng chí thấy có những khó khăn gì?

Vẫn chiến sĩ lúc nãy trả lời:

— Nghiệp vụ này cần có kinh nghiệm sống để rút ra từ thực tế những tiếng lóng tiếng gió. Kết hợp hài hòa giữa nếp sống bình thường với tư thế quân nhân. Thấy cắt tóc cao, quần áo gọn gàng, số lưu manh côn đồ bỏ đi chỗ khác, làm sao mà la cà thâm nhập, bám sát mục tiêu... Vậy, mình phải tìm ra cách trinh sát riêng. Nhưng mất khá nhiều thời gian và khi tìm ra được cách trinh sát riêng cũng là lúc hết hạn nghĩa vụ quân sự. Đào tạo được những chiến sĩ có kinh nghiệm đã khó, giữ được những chiến sĩ có kinh nghiệm ở lại quân đội càng khó hơn... Em thấy cấp trên cần có chuyên đề nghiên cứu chuyện này.

Tôi đang định gợi thêm những suy nghĩ của chiến sĩ trinh sát thì phó tiểu đoàn trưởng Trần Văn Liên đi tới nói:

— Anh đã nghe vụ bắt tên tướng cướp Trần Cao Vân chưa?

Tôi hỏi lại:

— Bắt được rồi à?

Liên:

— Bắt được rồi, một đồng chí thuộc tiểu đoàn tôi bắt đấy. May quá, cậu ta đang ở chơi tại đây, tôi gọi cậu ta vào gặp anh nhé?

Đó là thượng sĩ Trịnh Văn Tảo, đảng viên, nhập ngũ tháng 1 năm 1981, quê ở thôn Xái Nghi, xã Mỹ Đức, huyện Kiến An

Tảo kể:

— Hôm đó, em đang ở tại chốt 99 này, thì anh Nguyễn Văn Chính trưởng phòng công an Cầu Đất đến bảo em bẩy giờ sang bên đồn để kết hợp với công an có tý việc ở Đồ Sơn. Khi em sang các anh ấy mới cho biết tên tướng cướp Trần Cao Vân sau    một thời gian trốn tù đã lảng vảng ở Hải Phòng và theo cơ sở cho biết sáng nay nó và đồng bọn sẽ ở bên kia Bến Bính để dự đám cưới.

Em chưa gặp tên Vân, nhưng biết mặt nó qua ảnh truy nã về chuyện nó vào cướp ở một nhà thuộc phường Cầu Đất. Mới chập tối nó đã vào trói người vợ lại, ném vào nhà, vừa lúc người chồng về cũng bị trói, nó lấy máy nghe nhạc, nhẫn vàng và chuỗi ngọc. Sau đó có bà chị biết chuyện kêu cứu. Bữa đó em cũng có mặt tại nhà người bị cướp. Chủ nhà cho biết, tên cướp là Trần Cao Vân. Nhưng tên Vân cũng trốn khỏi Hải Phòng. Nó còn gây tội ác ở Sài Gòn, Huế, Quảng Ninh. Bị bắt ở Quảng Ninh.

Anh Chính nói, đây là một tên cướp rất nguy hiểm, nhiều lần bị bắt, và nhiều lần trốn thoát. Cần phải phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội và công an. Anh Chính động viên tư tưởng mọi người và bàn kế hoạch: Ba đồng chí công an đóng giả bộ đội cùng với em thành một tổ hành động chính diện, ba đồng chí công an khác mặc thường phục, có đầy đủ trang bị vũ khí. Riêng em mang khẩu B63 cho vào chiếc ba lô cóc lộn trái như kiểu đi chợ mua hàng. Chín giờ sáng tất cả lên ô tô ca của công an và bắt đầu sang phà bến Bính. Khi xe lên hẳn trên phà, mọi người nhìn thấy Trần Cao Vân đứng đầu mũi phà đang nói chuyện cùng ba tên khác. Hắn mặc quần bò, áo gió đi giày a-di-đát, đội mũ phớt, chân hơi khuỳnh. Do không hợp đồng trước nên công nhân phà cầm loa yêu cầu mọi người trên xe xuống hết. Anh Chính thấy tên Vân liếc nhìn chiếc xe, đôi mắt lộ vẻ nghi ngờ, nếu xuống xe, rất có thể hắn sẽ nhận ra các anh và tìm đường tẩu thoát. Chi bằng cứ ngồi yên tại chỗ. Phà cập bến Trần Cao Vân và đồng bọn bước lên rồi rẽ phải theo bờ đê đi vào khu nhà đang có đám cưới. Xe ca vừa lên khỏi phà thì chết máy, lái xe chui xuống gầm sửa chữa, bốn người mặc quần áo bộ đội chia thành hai tốp theo bờ đê thong dong dạo mát chờ đợi. Anh Chính hội ý là không thể bắt Trần Cao Vân giữa đám cưới, gây ồn ào và nó dễ đường chạy thoát. Em và Năm được anh Chính bố trí bám sát Vân và hành động kịp thời khi có điều kiện bắt nó. Chúng em đi quá bờ đê một quãng là quay lại cũng vừa lúc không hiểu vì nghi ngờ hay sao mà tên Vân và tên Sơn bỏ đám cưới ra ngoài đi ngược chiều với chúng em. Nhanh như chớp, Năm nhảy vào xiết cổ Vân, cùng lúc em không kịp rút súng, để súng trong ba-lô, đập vào mắt, vào đầu làm tên Vân ngã xuống bất tỉnh. Tên Sơn nhảy ra định chặt vào cổ Năm nhưng Dương kịp thời đá vào mạng sườn Sơn, và em bồi thêm cho nó một cú đập nữa. Số người xung quanh ập tới, chưa đầy ba phút đã trói gọn hai tên cho lên xe chạy về lối phà Kiềm. Trong kia, đám cưới không hề ai hay biết. Về đến đồn công an Thủy Nguyên, Vân tỉnh lại và nói: «Cái gì đã không sợ thì mãi mãi không bao giờ sợ cả. Tiếc rằng hôm nay chưa kịp đọ súng cùng các anh. Nhưng chưa phải là tuyệt vọng. Vẫn còn có dịp».

Ngoài kia đêm đã xuống, thành phố lên đèn, nhưng trong nhà hội trường của tiểu khu 19 không có điện. Anh em đã xin dây và bóng điện nhưng chưa được cấp trên chuẩn y. Bên bếp lửa đốt bằng than quả bàng các chiến sĩ đang hơ tay chống lạnh. Gió hú trên những hàng cây, thúc đẩy mọi gia đình đóng kín cửa đắp thêm chăn. Trong không gian vẳng tới một hồi còi tàu. Hồi còi như hiệu lệnh, các chiến sĩ bảo nhau «tàu về» rồi họ đứng dậy chỉnh đốn trang phục, thắt gọn dây giày, đeo xắc-cốt đi ra bến tàu, còn tổ khác đi về phía đồn công an, cùng phối thuộc tuần tra canh gác đảm bảo trật tự an ninh cho thành phố. Đêm đêm giữa thành phố, nơi những tụ điểm của bọn gian phi, nơi dự đoán sẽ xẩy ra những việc làm ăn bất chính, đã có những «chốt bộ đội», những tổ trinh sát sẵn sàng tóm gọn bọn chúng.

22-3-1985
C.T.L
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2022, 10:32:54 pm »


TÔ ĐỨC CHIÊU

ĐƯỜNG RA BIỂN


Khi mặt cát phơi dài làm lộ chân bãi sú vẹt khổng lồ và xương xẩu đón nắng mặt trời thì đôi trai gái ấy đã đứng chờ trước phòng làm việc của trụ sở ủy ban nhân dân xã. Anh con trai kẹp bên nách cái cặp mỏng tang. Cô con gái xách làn lớn trong có một cái phích và những thứ gì đó chật lèn.

Xã đội trưởng Lương Văn Duy và bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch xã Trần Văn Kiệm đi đến. Đôi trai gái cất tiếng chào:

— Bác ạ... Anh ạ!...

Xã đội trưởng xởi lởi:

— Sao sớm thế này?

— Vâng! — Anh con trai xác nhận — Bác và anh tha thứ cho. Chúng cháu vội. Thời gian gấp quá. Mà cháu thì...

— Anh là lính pháo, là sĩ quan chỉ huy kia mà. Nghe nói anh có cái ống nhòm nhìn xa mấy cây số? Pháo đối kính hả? Của ấy chúng tôi cũng có. Trên cấp đủ. Anh đã mau mắn từ đâu về lấy được con gái làng tôi kè cũng cho là giỏi. Nhưng chúng tôi lại đã hạ lệnh cho con gái xã này phải bắt cóc anh. Thật đó! Rồi xem ai thắng ai.

Cả tốp vui mừng. Cô gái đỏ chín má như vầng mặt trời. Chủ tịch mở khóa. Họ bước vào và ngồi trước bàn. Cô gái lấy trong làn ra bộ ấm chén, cái phích, một đĩa nhỏ đựng bao thuốc lá, một đĩa lớn đựng đầy kẹo nuga. Cô pha chè, đưa từng chén tới trước mặt mọi người và lẽ phép mời. Chủ tịch Kiệm chỉ nhẹ nhàng hỏi chuyện còn xã đội trưởng cứ nói vang vang đến cả thôn nghe thấy:

— Anh đưa giấy giới thiệu và đơn xin đăng ký kết hôn ra đây. Chúng tôi sẽ ký ngay. Nghĩa là từ phút này anh chị thành vợ chồng. Nhưng tôi không buông tha anh đâu đồng chí sĩ quan chỉ huy ạ. Đại úy à? Trẻ quá! Con Mai phải xích chân chàng đại úy này lại. — Rồi nhìn thẳng vào anh con trai lúc này mặc thường phục — Nhưng anh đã tìm hiểu kỹ về xã này chưa? Con Mai đã nói cho anh nghe chưa?

— Thưa bác, đây là xã anh hùng mà mọi người, mọi nơi biết tiếng.

— Anh chỉ có thể nói được mấy câu tròn vo như thế hay sao? Thế những lần đi chơi với nhau các anh chị chỉ tỉ tê những lời yêu đương thôi à? Mai! — Ông quay sang cô gái — Bố cháu làm gì?

— Thưa bác, bố cháu đi bộ đội năm 1961 và hiện là trung tá chỉ huy một trung đoàn bộ binh ở Lạng Sơn.

— Còn ông nội cháu?

— Thưa bác, ông nội cháu trước là du kích xã đã đánh trận đầu tiên góp phần diệt nhiều lính Pháp theo đường biển đổ bộ lên thôn Thái Bình ngày 16 tháng Chạp năm 1947. Bên ta có ba chiến sĩ hy sinh là Lương Văn Reo, Trần Văn Đắc, Vũ Văn Vị và một người bị bắt mang đi mất tích là Vũ Văn Kha.

— Thế cụ nội nhà cháu?

Chủ tịch xã bật cười. Anh chàng rể giữ ý chỉ mủm mỉm. Cô gái e thẹn và một lần nữa đỏ mặt. Nhưng họ vui. Chính cô gái cũng vui. Cô hơi cúi xuống và cất giọng nhỏ nhẹ:

— Cụ nội thì cháu xin chịu ạ.

Họ uống trà, ăn kẹo, hút thuốc, hỏi thăm và chúc tụng nhau. Chủ tịch xã ký vào đơn đăng ký kết hôn và đóng dấu trao cho đôi thanh niên đang hạnh phúc kia. Xã đội trưởng liền chuyển sang giọng nhẹ nhàng:

— Anh đừng trách người già hay hoài cổ. Xã này ngày xưa là đất sa bồi. Các cụ từ Hùng Thắng kéo tới sinh cơ lập nghiệp. Nhưng rồi họ bị chèn ép. Truyền rằng cụ Nguyễn Văn Giáp đi bộ vào tận kinh đô Huế xin được chiếu chỉ nhà vua. Thôn Thái Bình hình thành. Bà con đánh cá đổi cơm và khổ cực quanh năm suốt tháng. «Không đâu như đất Thái Bình » — Không có con đường cho anh chị đi như hôm nay đâu.

Xã đội trưởng im lặng một lát. Dường như ông đang cân nhắc xem mình có nên nói tiếp nữa hay không. Ông sợ khách sốt ruột hoặc tệ hại hơn còn cho rằng ông ba hoa. Nhưng khát vọng muốn nói đang đốt cháy ông. Ông không kìm được nữa:

— Tên tổng đốc Hoàng Trọng Phu cùng với đồng bọn là Hoàng Gia Luận thấy đất đai béo bở đã vội vàng mộ phu lập ấp, đắp đê quai... Dân đói kém của mười tám dòng họ từ năm tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, kéo nhau tới trở thành tá điền. Cả vùng Yên Cố, xóm Vam, xóm Kim... đều nộp tô. Năm 1945 chết đói ba trăm sáu mươi người. Một chi của họ Vũ chết mười sáu người. Có gia đình chết hết phải đốt luôn mái tranh thiêu xác. Bao gia đình phiêu bạt và mất tăm mất tích.

Nói xong câu ấy xã đội trưởng thôi hẳn. Nhắc nhiều chuyện buồn thương ngày xưa ở chỗ này dường như không đúng lúc. Ông im lặng nhìn đôi trẻ. Trên khuôn mặt già nua từ từ nở ra nụ cười rạng rỡ. Đôi trai gái đang lúc vui say sẵn sàng bỏ qua tất cả nên có ý đợi. Nhưng xã đội trưởng không nói nữa. Khi biết chắc câu chuyện đã được chấm dứt anh con trai lên tiếng:

— Ngày... chúng tôi tổ chức, được phép hai gia đình chúng tôi mời Đảng ủy và Chính quyền...

— Này! — Xã đội trưởng cướp lời — Anh nói thế là đủ. Nhưng với con Mai thì không xong. Nó là lính của tôi. Nó là pháo thủ. Tôi là xã đội trưởng. Tôi đã có cả một kế hoạch tổ chức lễ cưới cho anh chị ngay trên trận địa pháo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2022, 10:33:48 pm »


Đám cưới hôm ấy thật vui. Chỉ tiếc là trời mưa. Mưa mấy ngày liền. Cái mưa đầu năm cứ lay phay và dai nhách đến khó chịu. Đường lầy lội. Một ít hàng gạch rải ra bị trâu bò giẫm lên đạp xuống lộn nhào với bùn đất. Con đường lớn duy nhất chạy thẳng từ Vàm Láng ra biển là có đá răm. Đám cưới chỉ có thể đi một đoạn trên con đường ấy. Rồi rẽ lên đê. Trời đã tạnh. Chân trời hồng lên và mặt biển ngời sáng. Nhưng đường vẫn lầy. Bùn đất lép nhép. Hai người có tuổi đi trước. Đó là xã đội trưởng Lương Văn Duy thay mặt cho họ nhà gái và một đồng chí thiếu tá thay mặt họ nhà trai. Họ sóng đôi bên nhau. Cả hai đều nện ủng bậm bụp trên mặt đê quai nhầy nhẫy. Rồi đến đôi trai gái nọ. Cô dâu ôm bó hoa mặc áo va-li-de màu lòng trứng. Anh con trai mặc quân phục dáng nghiêm chỉnh. Cả hai cùng đi ủng. Tất tận mọi người trong đám cưới đều đi ủng. Lụp bụp! Lập bập! Bum bum!... Ủng nện trên đất bùn nhão nhoét. Ngoài bìa sóng vỗ ì oạp rồi xèo xèo chạy dài theo chân cồn cát. Rùng sú vẹt xương xẩu và khô khốc rẽ vào chân trời những đường nhằng nhịt.

Hai chiến sĩ ra đón đứng ngay bên giường pháo. Đoàn rước rể tới nơi họ đốt hai bánh pháo rõ dài. Khẩu 57 ly nâng cao nòng dường như cũng vênh vang với những người chủ của mình. Khói lượn quanh và quấn tụ trên miệng súng. Xã đội trưởng Lương Văn Duy dẫn thiếu tá bước xuống. Đường mòn trơn truội. Bùn đất nhộp nhoạp dưới đế cao su. Những dãy bàn ghế trên bày lọ hoa hiện ra. Tấm dù lớn căng cao như vòm trời thu nhỏ. Căn hầm bê tông rất rộng liền đó cũng có dãy bàn chạy dài. Khách ngồi chật. Người ta nâng cốc. Người ta chúc tụng. Người ta nhấm nháp những hạt lạc béo vàng và ăn kẹo. Không ai để ý đến một chiếc xe U-oát đang phóng tới như bay. Xe rú máy chồm lên đê bon thẳng ra trận địa pháo.

— Báo động!

Lệnh ban ra bằng lời và bằng súng hiệu. Xã đội trưởng kịp nhận ra đồng chí tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố đang đứng trên giường pháo. Ông biết là có tình hình khẩn cấp. Ông hiểu được người ra lệnh đã không dự kiến trước có sự kiện này. Ông chỉ thị các khẩu đội về vị trí. Theo mục tiêu do đồng chí tham mưu trưởng chỉ thị ông ra lệnh chế áp hoặc tiêu diệt.

Mặt biển phập phồng. Sóng quẫy mình chồm lên bãi cát. Hàng cây khô làm rạn nứt chân trời. Sau những loạt giật cò không đạn tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố đến xin lỗi đôi trai gái và đề nghị đám cưới tiếp tục. Cuộc vui không bị lãng quên. Nó chỉ bị gián đoạn chừng ba mươi phút. Nó trở nên ồn ào vì những lời bàn tán. Tham mưu trưởng nâng cốc chúc mừng đôi trai gái và mọi người quanh những bàn tiệc.

— Bác làm xã đội trưởng bao lâu rồi? — Tham Mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố nói với người chủ trì cuộc vui.

— Thưa thủ trưởng, mười lăm năm.

— Thế kia à? Có nghĩa là từ năm 1968. Trước đó bác làm gì?

— Du kích! — Làm đội trưởng sản xuất và có ba năm 1959 - 1962 là bộ đội nghĩa vụ.

— Dạ.

— Bác có biết những ai ở xã này đã tham gia đột kích sân bay Cát Bi phối hợp với Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp không?

— Biết. Và biết rất rõ! — Xã đội trưởng nêu tên hai người.

— Họ còn sống chứ?

— Thưa thủ trưởng, còn.

— Ai chèo đò qua sông Văn Úc những năm chống Pháp gian khổ?

— Người xã này.

— Bác biết chứ?

— Biết. Biết rất tường tận.

— Ai đó?

Xã đội trưởng chớp mắt. Ông bần thần nhìn ra một điểm vô hình tít tắp. Đôi môi ông mấp máy muốn mời tham mưu trưởng về nhà mình song lại lo đám cưới có thể vì vậy mà bị ngừng đột ngột. Ông nói với giọng trang nghiêm và phẳng phất buồn: Tôi biết. Thưa thủ trưởng, tôi có quyền tự hào mà không sợ quá đáng là ở xã này không việc gì tôi không biết. Chín năm chống Pháp giặc càn đi, quét lại. Chúng đốt phá. Nhưng chúng không thể nào đứng chân trên mảnh đất nghèo xác xơ như các chỏm mũi của huyện Tiên Lãng này. Năm 1951, một đại đội ngụy từ Kiến An kéo về định xây bốt và dồn dân lập tề đã bị du kích xã phối hợp với bộ đội Quang Trung đánh tan, diệt ba mươi sáu tên, bắt sống sáu tên, bọn còn lại tháo chạy. Những năm gian khổ ấy dân quân du kích Vinh Quang đã đánh ba mươi sáu trận diệt nhiều địch và thu bốn mươi hai súng. Mở đầu thời kỳ chống Mỹ, ngày 5 tháng 8 năm 1964 ba chiến sĩ dân quân là Vũ Văn Thiết, Vũ Xuân Đạt và Vũ Văn Lục cùng một em thiếu nhi đã mưu trí và dũng cảm bắt sống sáu tên biệt kích của Mỹ — Diệm ngồi trên thuyền cao su đang chuẩn bị đổ bộ vào bờ.

Ông Duy im lặng. Ông nhớ tới hình ảnh người chèo đò qua sông Văn Úc những năm kháng chiến chống Pháp. Có đêm người lái đò đã gan dạ quên cả thân mình đưa bộ đội ta qua sông. Một lần ông chỉ huy tỉnh đội Kiến An xúc động xé sổ tay viết mấy chữ và trao cho người lái đò: đồng chí cầm lấy. Mai này kháng chiến thắng lợi nhân dân sẽ không quên thành tích xuất sắc hôm nay.

Người lái đò ấy là cha của xã đội trưởng. Trước phút qua đời ông trao mảnh giấy ấy cho con là Lương Văn Duy và dặn giữ gìn cẩn thận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2022, 10:35:27 pm »


Bộ chỉ huy quân sự thành phố báo động để kiểm tra tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân dân xã Vinh Quang nhưng cũng là để chuẩn bị cho đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tới thăm. Người ta rộn rịch chuẩn bị. Các chiến sĩ pháo binh dân quân, dù là nam hay nữ vốn có sẵn đồng phục được phép mặc là cẩn thận và chỉ đem ra mặc khi có chỉ lệnh. Từng khẩu đội gấp rút ôn luyện thao tác, tập dùng pháo, thu pháo, tập bắn, tập đội ngũ, tập trả lời những câu hỏi về binh khí, về xạ kích, về tất cả những gì liên quan tới khẩu thủy pháo đang vươn nòng rõ dài kia.

Chưa yên tâm, xã đội trưởng Lương Văn Duy liền nghĩ tới ngay chàng rể của xã và mò đến nhà anh ta. Đại úy pháo binh dừng tay cuốc và mời xã đội trưởng vào nhà. ông Duy giãy lên:

— Đang vội. Chính tôi đang vội! — ông nháy mắt một cái nhiều ý nghĩa rồi bóng gió — Hôm trước anh nói thời gian gấp gáp chắc là để làm mảnh vườn này giúp vợ — Rồi ông dắt dẫn vấn đề vòng quanh như như thế này — Vợ ông không phải người ở đây. Tôi làm rể thiên hạ. Cái lệ ngày xưa khốn khổ. Họ bắt phải nộp ba nghìn gạch để lát đường làng. Lại còn chăng dây lúc đón dâu. Tôi khốn khổ mới đưa nổi bà xã về đây.

— Vâng... Đại úy pháo binh ngập ngừng. Anh chưa hiểu ý ông già choai choai này.

— Với anh chúng tôi không bắt nộp gạch. Cũng đã không chăng dây. Chúng tôi coi anh là con của làng, của xã và anh phải có nghĩa vụ với làng, với xã. Chúng tôi có một yêu cầu... Này, không được từ chối đâu đấy nhá. Anh phải giúp chúng tôi huấn luyện đơn vị pháo binh dân quân, nhất là về bắn biển. Anh đã tham gia bắn cháy tàu tuần dương ngoài khơi bờ biển Vĩnh Linh phải không?

— Nhưng mà... Theo cháu biết thì pháo dân quân của ta cũng góp phần bắn cháy tàu chiến Mỹ ở gần hòn Ráu.

— Ấy! Chuyên ấy qua rồi. Những tay súng ngày ấy lấy vợ, lấy chồng và chuyển công tác khác cả. Vũ Xuân Đào, Nguyễn Thị Ngọ, Vũ Thị Giá... Chẳng còn ai ở trận địa pháo. Chúng tôi cần anh. Chúng tôi muốn anh huấn luyện cho dân quân theo bài bản chính quy. Vui lòng đi thôi!

— Vui lòng thì nhất định là cháu cũng vui lòng...

Chàng rể của xã trả lời như vậy. Song mọi việc chưa kịp tiến hành thì đồng chí trên Bộ đã xuống. Tám giờ các cán bộ chủ trì của xã đã tề tựu. Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân chỉnh tề trong bộ quân phục đã phai màu và không có quân hàm quân hiệu. Anh đứng đầu tốp người trên bờ đê. Anh quay nhìn xã đội trưởng như muốn dặn trước: «Có nói năng cũng từ từ và phải cân nhắc bác nhớ. Thế nào đồng chí cấp trên cũng hỏi đến bác vì bác là quyển sử biên niên ở xã này». Nhưng sợ người có tuổi phật lòng nên anh im lặng. Xã đội trưởng dường như hiểu ý gật gật cái đầu và khe khẽ bàn bạc: có lẽ ta phải chuẩn bị trước những câu trả lời...

Trời trong xanh. Một chấm đen xuất hiện từ tít xa rồi một máy bay nhỏ xíu như chuồn chuồn hiện ra. Máy bay to dần. Tiếng động cơ vọng tới. Khi chiếc máy bay lượn trên bầu trời trận địa thì cây cối giạt cả xuống. Hàng tre rũ rượi reo cười. Cỏ cây vui múa. Quả trên cành nhảy nhót đung đưa.

Máy bay đỗ ngay trên mặt đê. Đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng đeo quân hàm cấp tướng bước ra. Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã chạy tới báo cáo. Rồi anh cùng với xã đội trưởng hướng dẫn Phó Tổng tham mưu trưởng xem dân quân ta thao tác. Ngoài khơi xa một chiếc thuyền nhỏ xíu đang trôi nhanh do một ca nô kéo qua sợi dây nối rất dài. Mục tiêu đó! Phó Tổng tham mưu trưởng chỉ thị: tàu biệt kích... Diệt!... tiếng hô khẩu lệnh the thé — đó! Mai chỉ huy trung đội đó — Tiếng hộp khóa nòng đóng đánh sập. Giật cò! Lửa chớp ở miệng nòng. Mọi cặp mắt hướng ra biển. Một cột khói dựng lên. Đạn gần. Lệnh tăng tầm. Máy điều khiển nòng pháo quay xè xè. Viên thứ hai, viên thứ ba... Mục tiêu bị xóa giữa lớp sóng bạc đầu đang chồm lên...

Gần một giờ sau chủ và khách ngồi trong chiếc com-măng-ca chạy vòng trên bờ đê. Từng đoạn một xe lại dừng. Phó Tổng tham mưu trưởng ngắm nhìn địa thế và đặc biệt chú ý tới từng chi tiết đổi thay của xóm làng.

Xã Vinh Quang như cái mũi vuốt dài của huyện Tiên Lãng nằm giữa cửa sông Văn Úc và cửa sông Thái Bình. Người dân nơi đây xây dựng cuộc sống bằng cả hai chân: kinh tế và quân sự.

Đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng khoan thai bước trên con đê Ngự Hàm bao quanh xã. Mái ngói lấp ló sau những vòm cây. Ngày xưa ớt không có mà ăn nay xóm thôn xanh mượt bóng tre, phi lao, bạch đàn, dừa...

— Con đường kia đẹp quá nhỉ! — Phó Tổng tham mưu trưởng chỉ tay và nói — Ngày xưa đâu đã có.

Bí thư xã báo cáo:

— Thưa đồng chí, mọi việc được bắt đầu từ năm 1965 khi có chủ trương xây dựng làng chiến đấu.

— Đường sá, nhà cửa, vườn cây... tất cả đều được đặt nền móng từ ngày ấy?

— Vâng ạ! Đó là một buổi sớm giữa mùa hè năm 1965 toàn xã đổ ra đào kênh và đắp con đường 212 kia. Một hòn đất vật lên phải đạt ba tác dụng: mương dẫn nước, đường đi lại và vườn cây. Rồi những đường nhánh, đường nối xóm đến xóm, đường vào từng gia đình được hình thành mới hoặc sửa sang. Chúng tôi chưa có điều kiện lát gạch. Trời mưa dầm có ngập ngụa và chưa nơi đâu ủng cao su có giá trị như ở nơi đây. Nhưng đường đã thành hệ thống mà ngày xưa các cụ chúng tôi ước mơ.

Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch xã báo cáo tiếp:

— Thưa đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng! Ngày xưa đã có những năm tháng dài đồng chí hoạt động ở đây. Nay đồng chí trở về tin chắc vui lòng vì những đổi thay. Nhân dân chúng tôi đủ ăn. Mỗi năm làm nghĩa vụ với nhà nước trên ba trăm tấn lương thực. Ba năm liền số dư gửi tiền tiết kiệm đều trên một triệu đồng. Có gia đình gửi hàng chục ngàn. Gia đình ông Phụ gửi trên ba mươi ngàn. Một trăm phần trăm gia đình mua công trái. Ngôi trường phổ thông hai tầng kia chúng tôi vừa xây xong. Giá thành trên ba triệu. Trên cho một nửa kinh phí. Nửa còn lại nhân dân trong xã lo liệu lấy.

Bí thư im lặng. Phó Tổng Tham mưu trưởng nói thong thả:

— Đồng chí vừa nhắc tới ước mơ phải không? Chính tôi cũng ước mơ. Hàng chục năm xa tôi luôn luôn nghĩ về Vinh Quang với những khát vọng. Giờ đây trở lại không còn nhận ra mũi đất ngày xưa nữa. Ở chiến trường lớn đánh Mỹ tôi nghe đài và xem báo biết một ngày giữa tháng tám năm 1967 dân quân xã Vinh Quang bắn rơi một F4H và hai mươi mốt ngày sau đó bắn rơi chiếc thứ hai.

— Thưa Thủ trưởng, cô gái Nguyễn Thị Vát chỉ huy trận đó ạ! — xã đội trưởng nói xen vào — Con bé giỏi đáo để. Nó hiện đang công tác trên huyện.

— Còn ngày nào bắn chìm hay bắn cháy tàu chiến nhỉ?

Bí thư đảng ủy nhăn mặt suy nghĩ. Anh còn trẻ. Nhưng ngày ấy anh ở chiến trường miền Nam. Sau này trở về công tác địa phương anh biết có sự kiện như thế nhưng mỗi lần có khách tới làm việc lại phải mở sổ ra xem nó ở vào ngày tháng năm nào. May thay đã có «bộ nhớ» hay còn gọi là «quyển sử biên niên» cùng đi với anh. Ông già chuẩn bị nghỉ hưu và sẽ giao chức trách này cho một chiến sĩ từ miền đông Nam Bộ những ngày đánh Mỹ vừa mới trở về. Song ông tuyên bố vẫn sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi được phân công.

Ông nhanh nhảu như học sinh lên đọc bài học thuộc lòng:

— Năm 1967, dân quân Vinh Quang dùng pháo 57 ly cùng bộ đội đánh thắng nhiều trận bọn giặc biển. Trên trang bị thêm pháo 85 ly. Giữa năm 1972, phân đội pháo dân quân mặt biển do Vũ Xuân Đào chỉ huy đã cùng bộ đội bắn cháy hai tàu chiến Mỹ ngoài khơi cửa sông Văn Úc

Phó Tổng Tham mưu trưởng do một linh cảm nào đó thích nghe chuyện người cán bộ địa phương đứng tuổi Lương Văn Duy có dáng người nhỏ nhắn, bước đi nhanh và có phần hơi lập bập như giọng nói của ông. Bên ông là đồng chí cấp tướng tóc hoa râm, cao lớn, thả những bước khoan thai trên mặt đê uốn lượn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2022, 10:37:07 pm »


Họ trở về ô tô. Xe bon trên đê lướt ngang khu vực nông trường. Bờ đê cao cao. Dương năm đó thủ trưởng ạ! — xã đội trưởng tiếp tục giới thiệu — Con đê này cũng bắt đầu đắp từ năm 1965 khi có chủ trương xây dựng làng chiến đấu. Lúa hai vụ từ ngày ấy. Cây cối xã này mọc lên từ ngày ấy. Nhà ngói có từ ngày ấy. Chúng tôi chỉ thiếu đường gạch nhưng rồi sẽ có đường gạch.

— Đồng chí Duy này — Phó Tổng tham mưu trưởng từ tốn — truyền thuyết nói rằng, khi bà Âu Cơ đẻ cái bọc trăm trứng nở trăm con thì năm mươi con theo cha lên núi, năm mươi con theo mẹ xuống biển. Nhưng ông cha ta vừa tới biển thì lập tức xây lưng ra biển. Một phần nghèo vì thế. Biển chứa chấp nguồn của cải vô tận. Biển cần và mãi mãi cần được khai thác.

— Vâng, mới hôm qua đảng ủy xã chúng tôi đã quyết định lập hợp tác xã đánh cá. Ngày xưa ông cha chúng tôi đánh cá đổi cơm. Ngày nay chúng tôi đi biển để ăn cơm với cá. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch khai thác vùng bãi ngoài đê bên cửa sông Văn Úc. Sẽ cấy vào mùa nước ngọt. Và sẽ quai đê mới để biến thành đất đai canh tác hai vụ sau này.

Đê Hàm Ngư thật đẹp. Nó lượn quanh. Dưới chân nó chụy dài chín cây số trồng ba mươi nghìn mống tre. Tre bạt ngàn. Tre tạo lũy chiến đấu và cho vật liệu xây dựng. Ngoài kia là bãi sú vẹt trồng từ năm 1965, hàng vạn cây, cành khô tua tủa giương lên trời như rừng chông và thân của nó vững chãi như hàng cọc của ông cha ta trên sông Bạch Đằng.

Sú vẹt cùng với tre làm phên giậu che chở cho làng. Nhung sú vẹt mà nơi đây gọi là cây lậu còn cho củi đun, cho vỏ làm thuốc nhuộm, cho mật hoa nuôi ong và cho mỗi năm hàng chục tấn rễ làm mũ đội đầu.

Họ dừng lại ngắm nhìn. Mặt trời mùa thu chói chang. Biển kiêu hãnh tung sóng và từ tít khơi xa đã sáng lên ngời ngợi. Phía Đồ Sơn hòn Ráu nhô ra chắn ngang tầm mắt. Gió ào ào. Hàng tre kẽo kẹt.

Đột nhiên Phó Tổng Tham mưu trưởng hỏi:

— Pháo biển khống chế xạ giới bao nhiêu độ?

— Thưa thủ trưởng, từ cửa sông Văn Úc tới cửa sông Thái Bình.

— Tôi nói với các đồng chí điều này như một lời tâm sự. Ông cha ta xây lưng ra biển thì chúng ta phải vươn tới biển. Bên Đồ Sơn mở công trường «Mười bốn» đẩy biển ra xa hàng mấy cây số và có thêm hàng vạn héc ta gieo trồng. Nhưng đâu phải chỉ là thêm ruộng đất mà tầm súng của chúng ta sẽ xa hơn. Có nghĩa là kẻ thù sẽ phải lùi ra xa hơn.

Họ lên xe để về trụ sở ủy ban nhân dân. Một cuộc họp cán bộ và đại biểu nhân dân đã được triệu tập. Phó Tổng tham mưu trưởng gặp gỡ bà con. Ông hết sức ân cần với hai chiến sĩ trong số ba mươi tư chiến sĩ đánh sân bay Cát Bi năm xưa. Nhưng có phút ông bỗng nhìn ra cửa sông Văn Úc lặng im suy nghĩ. Ông nhớ người lái đò. Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố nói là đã tìm được ông già đó nhưng giờ đây hỏi chủ tịch xã anh ta lại báo cáo không.

Sau buổi nói chuyện ông gặp riêng xã đội trưởng Lương Văn Duy:

— Bác biết ai chèo đò trên sông Văn Úc những năm chống Pháp không?

— Một ông già...

Đột nhiên xã đội trưởng ngập ngừng, ông thọc tay vào túi áo. Tờ giấy chứng nhận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đêm đó của người cha ngọ nguậy trong tay ông. Ông muốn rút ra. Rồi cứ để im. Ông muốn nói thật to: tôi biết rõ chứ! Đó là một ông già, ông già ấy là cha tôi. Có chứng cứ đây. Nhưng môi ông chỉ khẽ rung lên. Tim ông đập mạnh, ông quay nhanh để giấu đôi giọt nước mắt cực lớn hiện ra. Lời ai đó đang nhắn nhủ ông: đừng nói. Đừng có nói! Làm cách mạng chỉ cốt để được thưởng công hay sao? Chính cha của người cũng đã giữ im tờ giấy đó trong rương kia mà!

Ông đã không nói thật. Tờ giấy trong túi cứng lại giữa lòng bàn tay ông. Ông khẽ lắc đầu: Thưa thủ trưởng, tôi chỉ biết đó là một ông già.

Phó tổng tham mưu trưởng thoáng buồn:

— Hay ông ta đã khuất?

— Vâng. Đúng thế ạ. Những ông già thời ấy chẳng còn sót lại bao nhiêu. Ông già chèo đó đó chắc chắn đã quy tiên rồi

Phút chia tay lưu luyến. Phó Tổng Tham mưu trưởng nắm lấy bàn tay Lương Văn Duy thì đột ngột thấy bàn tay răn nheo ấy nóng ran lên. Ông buông ra để lên ô tô tới chỗ máy bay đậu. Từ khung cửa trực thăng ông vẫy mãi. Vẫy mãi. Ông ngắm say sưa con đường xuyên xã thẳng căng từ Vàm Láng tới, một bên là nông giang có dừa xanh soi bóng, một bên là bạch đàn và phi lao. Con đường thẳng tắp đến nỗi ta cứ tưởng tượng đó là mũi tên vút bay ra biển.

Máy bay cao dần. Khi chấm đen nhỏ xíu ấy mất hút vào vòm trời bao la những người đưa tiễn mới giải tán. Đảng ủy nhóm họp. Những vấn đề cấp bách được đưa ra bàn: phân phối hạt ớt giống của Công ty xuất khẩu cho các gia đình. Lập kế hoạch chi tiết khai thác hàng trăm héc-ta đất bồi ven cửa sông Văn Úc. Đánh giá trữ lượng tre có thể khai thác. Cử người sang làm bí thư chi bộ kiêm chủ nhiệm hợp tác xã nghề cá. Cử đồng chí đảng ủy viên Nguyễn Viết Điền làm xã đội trưởng thay đồng chí Lương Văn Duy nghỉ hưu.

Sau cuộc họp hai cán bộ chỉ huy trao đổi với nhau:

— Cậu phụ trách quân sự được đấy. Lính chiến trường miền đông Nam Bộ kia mà.

— Tôi là lính vận tải. Tôi chỉ giỏi thồ hàng.

— Thì nay chỉ huy. Có ai sinh ra là biết chỉ huy ngay đâu. Cậu hiểu về pháo bắn biển chứ?

— Tôi mù tịt. Bác phải giúp tôi rồi.

— Tớ bàn thế này. Chồng con Mai vẫn còn nghỉ phép. Hắn nghỉ dồn hai phép với ngày nghỉ cưới nên còn ở nhà ít lâu. Hắn là chỉ huy pháo binh đã từng chiến đấu ở Quảng Trị và bờ biển Vĩnh Linh. Tại sao ta không nhờ hắn luyện tập gấp cho trung đội dân quân?

— Anh ta đang lao vào cuốc vườn chuẩn bị trồng ớt xuất khẩu giúp vợ và bố mẹ vợ.

— Sẽ cho người làm thay. Vả lại tớ đã nói với con Mai và cả hẳn rồi.

— Thì đến!

Hai người đứng lên. Bí thư kiêm chủ tịch gọi với:

— Này, các bố chuẩn bị khi có quyết định của trên là bàn giao công việc đấy nhớ.

— Sẵn sàng! — Lương Văn Duy nói to — Chúng tôi đi địa hình gấp đã — Rồi quay sang Nguyễn Viết Điền, cựu xã đội trưởng nói rất say sưa và tự nhiên như câu chuyện không hề bị ngắt quãng — Hồi nãy tớ thấy ông phó Tổng Tham mưu trưởng hỏi con bé pháo thủ số một: Bắn giao hội là như thế nào hả cháu?

— Trả lời tốt chứ?

— Nếu vậy còn việc gì phải bàn. Đằng này nó đực mặt ra rõ lâu rồi láu táu như trẻ con cười trừ khi biết mình có lỗi. Bắn giao hội là bắn để trúng tàu địch ạ.

Nguyễn Viết Điền thú nhận:

— Tôi cũng chẳng biết bắn giáo hội là như thế nào cả

— Cho nên phải học. Chồng con Mai giúp chúng ta.

— Nhưng bắn giao hội là như thế nào chứ? Bác nói qua xem nào.

— Nghĩa là có hai cái đài quan sát nhìn kẹp vào nhau.

— Thế kia à?

— Vậy đó. Nhưng còn ngắm và tính toán thế nào thì tớ chịu.

Họ đi nhanh trên con đường xuyên xã — Con đường phóng thẳng ra biển như mũi tên!

T.Đ.C.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2022, 02:41:20 pm »


LÊ LỰU

CẢ ĐỒNG BẰNG GỬI TỚI CÁC ANH


Có thể đêm nay là đêm cuối cùng của một mùa đông lạnh giá!

Có thể đêm nay đã là đêm đầu tiên của một năm mới đầy những hẹn hò và khát khao!

Có thể đêm nay mới bắt đầu nếm trải cái tái tê đầu tiên của cơn gió bắc lạnh lùng tràn đến làng quê!

Cuộc hành trình của thời gian không để lại dấu vết của sự phân chia ngày và đêm, nếu không có lúc hầng lên cái ánh sáng đục mờ gần một tiếng đồng hồ vào giữa buổi trưa thì anh chiến sĩ ở đài quan sát trên điểm cao 2073 không thể biết đã có một ngày đi qua, một nấc thời gian của trái đất đã tự quay hết một vòng quanh nó. Năm người lên đây đã trọn hai vòng trái đất quay quanh mặt trời, đã hai mùa đông dài đi qua, và cả hai mùa xuân cũng đều qua đi trong mịt mù của sương giá và tuyết phủ. Những chiếc bánh chưng và mứt, những gói thuốc lá và kẹo của đơn vị gửi lên từ mười ngày trước như là những tín hiệu báo cho các anh cái khoảng thời gian vô cùng thiêng liêng, vô cùng hệ trọng và nghiêm trang đang đến với Tổ quốc hậu phương bao la ở sau mình. Cái giờ phút đất nước vào xuân, một năm mới bắt đầu. Giờ phút ấy các anh có nghe những lời đầu tiên của một năm mới từ xóm làng, đường phố dành cho người đi xa, người chịu đựng gian nan và hy sinh lớn lao ngoài mặt trận:

«Anh đẹp lắm, ơi anh bộ đội!»

Không phải bằng một tình cảm bình thường, một năm tháng bình thường của một con người bình thường mà một nhà thơ nào đấy đã thốt lên như là sự ngỡ ngàng, như sự xáo động mãnh liệt để khẳng định với riêng mình, khẳng định với cả dân tộc về phẩm chất tốt đẹp của các anh, người chiến sĩ giản dị và cao quý.

*

*       *


«Anh đẹp lắm, ơi anh bộ đội!
— Quê từ chín núi mười sông».

Và cuối mùa đông, có những năm gần đây tôi đã có dịp đi hết chiều dài cái vòng cung hiên ngang và khắc nghiệt trên dải đất biên cương của Tổ quốc từ Phong Thổ — Lai Châu đến Bát Xát — Mường Khương, từ Mèo Vạc — Đồng Văn đến Tràng Định — Lộc Bình, từ Tiên Yên đến Móng Cái... Ở đâu cũng có những dãy núi mờ mịt, sừng sững như những bức tường khổng lồ mà nền trời màu chì là mái nhà lợp trên những bức tường núi sừng sững mờ xanh ấy. Anh bộ đội trên đài quan sát, trên những điểm tựa thăm thẳm cao xanh đêm nay đã lo toan và ao ước điều gì! Một lá thư viết cho người yêu chưa hết lời nồng cháy thì ngòi mực đã đông lại vì cả tuần lễ nước vẫn đóng băng! Những bữa cơm còn thiếu muối và đêm không sao ngủ được vì nửa người thò ra ngoài hầm tuyết đã phủ trắng lạnh trên chiếc chăn bông mỏng! Và, những viên đạn bắn tỉa của kẻ thù! Nguy hiểm ập đến bất cứ lúc nào! Nỗi gian truân vất vả tưởng không sao chịu nổi cũng vẫn mịt mù vây lấy các anh.

Nhưng đừng ai hoảng hốt nghi ngờ sợ chiến sĩ ta không trụ vững nổi ở nơi cực kỳ gian khổ, ở một phía nào đó còn gian khổ hơn cả thời đánh Pháp và thời đánh Mỹ xưa kia. Cũng đừng nên hỏi vì sao người chiến sĩ ấy lại sống được qua mùa này tới mùa khác, qua năm này tới năm khác! Bởi vì nếu ngỡ ngàng, điều đó có nghĩa bạn chưa hiểu được người lính, chưa hiểu nổi bản chất của họ, nói đúng ra nó là bản chất mang tính truyền thống của dân tộc này, một dân tộc có bản tính độc đáo, ấy là sức chịu đựng dai dẳng, sức chống chọi dai dẳng với cả quân thù tứ phía, với cả đất trời khi sóng to gió cả vây bủa nơi nơi.

Ở một điểm cao gần 2.000 mét thuộc tỉnh Hà Tuyên, rất vô tình tôi gặp lại anh bạn đồng hương quê ở Hưng Yên cũ, nay là tỉnh Hải Hưng. Anh có cái dáng nặng nề, chậm và ít nói, càng không thể nói ra điều gì nếu không phải là ý nghĩ nung nấu của lòng mình. Anh bảo rằng cái đáng sợ nhất của người lính không ở chỗ những viên đạn của kẻ thù nhằm vào mình, cũng không phải sự thiếu thốn — cứ cho là vô cùng cực khổ đi nữa thì cũng không lo sợ, không nản lòng bằng nhìn thấy một cử chỉ nào đó, nghe thấy một lời nói nào đó bộc lộ một thái độ dửng dưng, một thái độ thờ ơ của người ở hậu phương. Thờ ơ với cả người lính, thờ ơ với cả người thân yêu của họ ở phía sau. Ấy là chưa kể những việc làm nhẫn tâm, những việc làm cốt là để lấy thành tích, cốt có tiếng tăm, sự quan tâm như là sự đối phó, làm cho đủ lệ bộ, làm cho đủ những quy định còn trong lòng vẫn lạnh nguội hững hờ.

Tôi hiểu rõ lắm. Tôi hiểu những lời anh đã nói ra. Tôi hiểu cả những lời chưa nói của anh bạn đồng hương trên xanh cao vời vợi! Có thế ở đâu đó, có những ngày tháng tẻ lạnh trùm lấp lên đôi mắt và trái tim nhỏ hẹp ích kỷ của ai đó, nhưng tấm lòng và những lo toan của một đồng bằng rộng lớn, một trong những hậu phương rộng lớn của những cuộc chiến tranh thì vẫn thủy chung, nguyên vẹn. Đồng bằng ấy được liên kết thành một đơn vị quân sự là quân khu 3. Những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cả thủ đô Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Bắc, Quảng Ninh đều thuộc quân khu này. Cùng với Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Hưng và Hà Tây cho đến nay đồng bằng khu 3 vẫn kiêu hãnh về một thời kỳ hy sinh hết lòng, chi viện hết sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Vì tiền tuyến thắng to mà hậu phương đồng bằng khu 3 dốc sức, dốc lòng với khẩu hiệu giản dị mà kiên quyết, nôm na và triệt để «Thóc không thiếu một cân — Quân không thiếu một người». 224.500 người con đẻ của đồng bằng khu 3 ra đi đánh giặc trong suổt 3 cuộc kháng chiến vừa qua, ít ra cũng có 500 vạn người mẹ, người vợ của đồng bằng khu 3 thắt lưng buộc bụng đảm đang thay chồng thay con cấy cày vun xới, làm ra hạt lúa củ khoai giữa bom đạn của giặc trút xuống ruộng đồng, trút xuống phố phường, làng xóm. Người đàn bà khu 3 không chỉ thay chồng con làm ra lúa gạo, thay cả chồng con đánh giặc giữ nhà, giành giật từng giây phút làm ra hạt gạo nuôi con và gửi ra tiền tuyến. Em bé Trần Đăng Khoa 7 tuổi ngày ấy đã cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng của từng hạt gạo của người ở hậu phương.

«Hạt gạo làng ta, có nắng tháng 7, có mưa tháng 3». Và, «Những trưa tháng 6, nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy».

Có một nhà văn nước ngoài bảo rằng nhìn vào thái độ người phụ nữ sẽ biết cuộc chiến tranh ấy là chính nghĩa hay phi nghĩa. Điều đó cũng tương tự như nhận định của một vị tướng nào đó nói rằng: Nhìn vào hậu phương của người lính sẽ biết quân đội của họ chiến thắng hay thất bại.

Anh chiến sĩ trinh sát đoàn B.45 cầm con dao găm khom người đi trước cắm phập xuống đất và bàn chân đặt vào đúng chỗ vừa rút dao lên. Mỗi nhát dao thăm dò, chân bước lên một bước, cả đoạn đường luồn trong gai góc um tùm hoang vu gần 2 cây số anh phải dò mìn của bọn thám báo và bọn lấn chiếm để dẫn tôi tiếp cận gần nhất nhìn cho rõ mặt những tên lính Tầu. Công việc nguy hiểm ấy anh làm một cách thành thạo và mạch lạc, không chút do dự, nhưng lại ngập ngừng run run khi dò hỏi tôi về trận mưa cuối tháng 10 vừa qua ở phía đường 1 thuộc huyện Thường Tín quê anh nhiều ruộng khoai tây bị úng không?

Nếu chì có một dòng tin từ quê nhà gửi cho người chiến sĩ nói rằng: cái ruộng khoai tây ấy đã được tháo nước ngay trong đêm mưa, cây chuối tiêu ở đầu hè đã có đòn gánh chống ngang cây đỡ cho buồng chuối dài chấm đất còn nguyên vẹn, chỗ mái nhà tốc đã lợp lại và con lợn con thôi không chê cám nữa... Chỉ cần có như thế thì ngày mai, ngày kia vào trận anh sẽ đánh giặc với sức mạnh của cả bố và mẹ, của cả vợ và con đã vượt qua giông bão để có cái tốt tươi của ruộng đồng và vườn tược. Nhưng nếu ruộng khoai tây đã bị úng thối, một bữa cơm của vợ và con vẫn chưa thật no thì cũng không phải vì thế người lính ở chiến hào gục ngã. Đức tính dũng cảm, sự hy sinh và sức dẻo dai chịu đựng của anh chiến sĩ ở chiến hào, còn như là sự chia sẻ, một đòi hỏi cần thiết để xứng đáng với sức chịu đựng khó khăn, hoạn nạn của quê nhà.

Điều quan trọng ở đây là sự công bằng về nghĩa vụ, công bằng về quyền lợi, công bằng cả trong tình nghĩa con người, một tấm lòng nhân hậu, có trước, có sau dành cho người ở phía trước.

«Anh đẹp lắm, ơi anh bộ đội
Quê từ chín núi, mười sông ».

Cả đồng bằng vẫn lắng nghe những đòi hỏi của các anh từ nơi ấy. Cả đồng bằng biết mình phải lao động và sẵn sàng như thế nào để xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc cùng một trận chiến đấu như các anh.

Những công trình lớn cấp thiết cho công nghiệp và nông nghiệp mọc lên từ sau ngày Tổ quốc thống nhất đến nay đều có bàn tay của người lính. Người lính khu 3 không chỉ là những người thợ đứng máy, thợ đào đắp, mang vác, họ đã từng đảm nhiệm hoàn toàn những công trình lớn, từng là tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, tổng chỉ huy, là những nhóm kỹ sư, kỹ thuật chủ chốt ở các công trình. Từ thủy điện sông Đà, nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhà máy nhiệt điện Phả Lại đến các công trình thủy lợi lớn Quảng Châu (Thanh Hóa), An Thổ (Hải Hưng) đều có bàn tay và trí tuệ của người lính khu 3. Góp phần quản lý, củng cố mở rộng và cải tiến cách làm ăn mới ở nhà máy xi măng và cảng Hải Phòng, công ty than Hòn Gai đến việc lấn biển làm đường xuyên đảo của thành phố cảng đều có sức lực và tâm huyết của người chiến sĩ ở đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2022, 02:42:55 pm »


Quân khu 3 đã xây dựng, sửa chữa và sản xuất ra nguyên vật liệu để làm hàng chục vạn ngôi nhà cho cán bộ chiến sĩ, gia đình thương binh liệt sĩ, nâng mức sống cho hậu phương người lính trên 85% có đời sống khá. Chăm lo cho hậu phương quân đội là nghĩa vụ hàng đầu của quân khu 3. Tôi đã chứng kiến cuộc nói chuyện giữa thượng tướng tư lệnh quân khu với đồng chí phó Cục trưởng Cục nhà trường Bộ tổng tham mưu. Tư lệnh nói rằng: hãy tìm mọi cách cho con em các gia đình thương binh liệt sĩ được đi học, được có việc làm thì bao nhiêu cũng không sợ ai tị nạnh, không sợ ai kiện cáo, không sợ ai gièm pha. Làm bao nhiêu cũng không đủ, làm suốt đời mình vẫn cảm thấy còn thiếu, vẫn thấy mình còn nợ. Nhưng muốn có sức để mà lo toan, để bảo đảm hậu phương vững chắc làm yên lòng người ở xa phải táo bạo và chủ động. Không được ỷ lại và ngóng chờ. Tư lệnh đã nghĩ thế. Cả bộ tư lệnh của ông đều nghĩ thế. Các cấp chỉ huy và chiến sĩ trong toàn quân khu đều nghĩ thế. Trong một bữa cơm cuối năm ở bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng dường như từ khi ngồi vào bàn đến khi đứng dậy, đại tá Trường Xuân chỉ huy trưởng chỉ say sưa nói về những người lính đánh giặc và lao động. Muốn đánh giặc giỏi phải rèn luyện, phải mưu trí sáng tạo và nắm vững thời cơ. Muốn có năng suất lao động cao cũng phải biết lo toan, sáng tạo và nắm vững thời cơ.

Tuy chưa nói ra cái nguyên nhân trực tiếp vì sao chỉ riêng cơ quan của bộ chỉ huy thành phố chưa đầy trăm người mà một năm làm ra lãi cả 30 triệu đồng! Con số ấy chưa được giải thích nhưng nó đã là con số thật, làm ra từ những bàn tay và khối óc thật mạnh dạn và biết lo toan. «Một người lo bằng kho người làm». Có ai là không biết lời ông cha mình dạy nhưng mà vẫn biển đấy, vẫn đồng ruộng phì nhiêu, nhà máy lớn, nhà máy nhỏ, cảng hẹp, cảng rộng như thế sao năm bẩy năm trước Hải Phòng vẫn nghèo và riêng cơ quan quân sự này không làm ra lấy một trăm, một nghìn? Cơ bản là người đứng đầu cơ quan ấy có biết lo toan, nghĩ ngợi hay không? Biết lo rồi có dám chịu trách nhiệm, nói một cách không quá đáng rằng, người chỉ huy ấy có dám xả thân vì sự no ấm, yên ổn của đồng đội mình không. Dám chịu trách nhiệm rồi có dám thay đổi một cơ chế, một cung cách chỉ huy, một lề thói làm ăn hay không? Nói tóm lại, phải có một cái đầu biết nghĩ và dám làm có thể được coi như là một cái đầu tài hoa nghệ thuật của chỉ huy trưởng mới tạo dựng nên cuộc sống hăm hở của ngày hôm nay. Anh Ứng, anh Hồ, anh Chung, anh Am trong phòng chính trị của bộ chỉ huy Hải Phòng nói với tôi về chỉ huy trưởng của mình như thế. Có thể Hải Phòng có những đặc điểm riêng biệt, có những thuận lợi nào đó nhưng Hà Tây và Thái Bình, Hà Nam Ninh và Hải Hưng vẫn lắng nghe, vẫn xem xét để vận dụng và cũng có những bước chuyển vượt qua khó khăn ban đầu. Vượt qua một quan niệm, một cung cách ban đầu mới là khó, mới là quyết định sự thành bại của cả một giai đoạn hết sức hệ trọng như những tháng năm này. Cả đồng bằng khu 3 đã tìm ra đặc điểm riêng biệt của mình, cái thế mạnh của riêng mình để đổi khác, để thênh thang bước vào năm 1985 với dáng ung dung đĩnh đạc mà người lính ở vị trí nào cũng làm tròn nhiệm vụ xung kích.

Nhưng những người làm ra hạt lúa củ khoai vốn biết ăn nhịn để dành suốt một cuộc đời làm lụng, nuôi chồng, nuôi con đánh giặc có bao giờ yên ổn với sự khang trang đầy đủ của riêng mình. Suốt 40 năm qua, niềm vui của người đàn bà khu 3 cũng như tất cả những người đàn bà ở khắp nơi trên Tổ quốc đều ngóng chờ niềm vui và phấp phỏng nỗi lo âu nhìn ra mặt trận. Hạnh phúc lớn lao vô cùng của người hậu phương là tin thắng trận từ tiền tuyến gửi về. Có ai khắc khoải đêm đêm bên ngọn đèn dầu để cầu mong chờ đợi, để phập phồng niềm vui trong những năm tháng đánh giặc bằng 8.000 người mẹ của đồng bằng khu 3 đã có từ bốn đến bảy người con đi chiến đấu! Tám trăm bà mẹ khác hết tiễn chồng, tiễn con, rồi cháu ra mặt trận, có nhà đến nay cả ba ông cháu vẫn tại ngũ. Có ai hơn những người mẹ, người vợ ấy để hiểu những nỗi lòng, những khát vọng của người chiến sĩ nơi xa!

Gần hết một cuộc đời hoạt động cách mạng ở đồng bằng khu 3 có lẽ vị tư lệnh quân khu đã lắng nghe cả những nỗi niềm sâu xa của những người mẹ, người vợ, khiến suốt mấy chục năm qua ông đã tâm đắc và bền bỉ cùng với bộ tư lệnh và các địa phương làm nên những nỗi ngạc nhiên về xây dựng hậu phương vững mạnh và chi viện cho tiền tuyến. Vào cuối của năm 84 này, ông lại chủ động quyết định về nhiệm vụ chi viện biên giới. Chi viện biên giới không đợi ai phân bổ, chưa ai giao phó, nhưng cũng như việc quan tâm đến hậu phương trong ông vẫn nung nấu một ý nghĩ thiết tha, một tình cảm sâu nặng. Làm cho người chiến sĩ ở biên giới bớt khó khăn gian khổ, vững tâm chiến đấu thì bao nhiêu cũng không đủ, bao nhiêu cũng thấy mình còn thiếu, thấy mình đang còn nợ.

Trung tá Lương Hiền chủ nhiệm công binh quân khu, người được tư lệnh giao cho chỉ huy toàn bộ các công trình chi viện dọc tuyến biên giới. Anh có tám người làm chỉ huy cấp phó cho anh ở tám điểm cụ thể khác nhau, còn anh phải có mặt ở khắp nơi, trực tiếp khảo sát và chỉ đạo thi công. Đã năm tháng nay cuộc sống của anh ở trên xe. Khi thì chiếc xe con, khi xe tải, xe ben, xe cần cẩu, xe chở nước, chở dầu... Ăn và ngủ, tính toán và bàn bạc hầu như ở cả trên xe.

Vào một buổi chiều cuối tháng 8 anh đang ở Đồ Sơn chỉ huy một công trình xây dựng. Tư lệnh đi họp trung ương về cho gọi anh. Vốn là người có rất nhiều nắng lực ở nhiều lĩnh vực và quan trọng hơn ở anh bao giờ cũng có cái đầu «bốc lửa», trái tim «bốc lửa», hình như con người ấy sinh ra để mà lao động, để mà tìm tòi hành động cho kỳ được, bất kể nhiệm vụ nào trong mọi hoàn cảnh. Người cán bộ cấp dưới ấy luôn luôn là mũi nhọn, luôn luôn là niềm tin trước những công việc đầy thử thách khiến vị tư lệnh giàu kinh nghiệm, giàu cả tình yêu thương, biết bỏ quá những dư luận vặt vãnh về tác phong, về cá tính để tìm một niềm tin có thật và hết sức chắc chắn ở người cán bộ cấp dưới của mình. Tuy vậy trước nhiệm vụ này ông mới chỉ nêu ra như một sự thăm dò thì Lương Hiền đã sốt sắng: «Báo cáo tư lệnh, như vậy là rất hay. Sẽ có điều kiện rèn luyện bộ đội và các lực lượng dân quân tự vệ làm quen với chiến trường, gắn bó giữa hậu phương với tiền tuyến và cũng để kiểm tra lại sự chuẩn bị, sẵn sàng của các địa phương, các đơn vị chi viện cho phía trước». Tất nhiên là thế. Tư lệnh không nghi ngờ gì nhiệt tình và trách nhiệm của anh. Điều ông băn khoăn là tất cả những công trình của quân khu chi viện cho biên giới, phải giành giật từng giờ, từng phút với kẻ thù làm sao hoàn thành được trong một thời gian ngắn nhất để đông xuân này bộ đội «ấm lưng» mà đánh giặc. Nhưng quyết tâm và tình cảm của tư lệnh quân khu dành cho biên giới đã bắt gặp lòng mong mỏi và ý nguyện của cán bộ cấp dưới, của chiến sĩ các lực lượng và của cả nhân dân vùng đồng bằng rộng lớn này. Chỉ một tuần sau khi nhận lệnh, các cán bộ chỉ huy lên đường đi khảo sát thì đá và xi măng, ván khuôn và sắt thép của tất cả các đơn vị, các địa phương đã đổ thành những khối, những thanh bê tông. Và, mười ngày sau, nhận điện từ các tiền trạm gửi về, những đơn vị đầu tiên của Hải Hưng, Hải Phòng, của xưởng 10, của đoàn B.50, N.13, M.78, B.30, N.73, B.08, M.78, S.70, S.53. Những đơn vị này lên đường thì những khối bê tông đúc sẵn cũng theo xe trên các ngả đường bộ và đẩy những chuyến sà lan theo các rạch sông ra biển lên trên Tiên Yên, Ba Chẽ. Trong khi ấy Hà Tây và Thái Bình, Hà Nam Ninh và các đơn vị chủ lực khác sẵn sàng phương tiện, cả đồng bằng khu 3 gửi người và của, gửi tình yêu thương và quyết tâm lên biên giới làm đường, làm hầm hào kiên cố bền vững cho bộ đội yên tâm đánh giặc.

Đã là hết sức hết lòng, nhưng với những đòi hỏi cần thiết ở phía trước nào đã là bao! Người đồng bằng biết ở miền rừng núi xa xôi ấy các anh còn thiếu thốn nhiều lắm, còn gian nan vất vả lắm lắm! Dù chưa được đầy đủ thì cả đồng bằng vẫn ở bên các anh, ngay giữa giá lạnh mịt mùng của đêm nay, những người chiến sĩ các lực lượng bộ đội và dân quân tự vệ của đồng bằng khu 3 vẫn đào hào, xây đắp công sự và dựng lán, làm đường nơi các anh chốt giữ. Và ở những xóm làng, những đường phố đang rạo rực đón mùa xuân mới này vẫn dành những lời tốt đẹp nhất, vẫn dành những của cải và sức lực, vẫn dành một niềm tin trọn vẹn gửi tới các anh một hậu phương lớn như bao hậu phương lớn của đất nước này trong suốt bao năm dằng dặc đánh giặc, trong suốt bao năm vượt qua mọi hiểm nguy thách đố của kẻ thù, của thiên tai. Chẳng có khó khăn chồng chất nào làm nhụt được ý chí, làm nguôi được lòng tin của mỗi người dân, nơi hậu phương đang ngày đêm hướng đến những nơi đầu sóng ngọn gió, hướng đến nơi điểm cao, nơi biên cương.

Phải rồi, cùng với khu ba, cả khu bốn, khu năm, cả miền Trung dằng dặc, cả miền Đông, miền Tây Nam Bộ bát ngát tình người, chắc chắn giờ này đều hướng về phía trước, hướng về các anh.

«Anh đẹp lắm ơi anh bộ đội
Quê từ chín núi mười sông... »

Hẳn là đêm nay, anh vẫn sừng sững như tạc vào không gian vời vợi cái dáng hiên ngang mà cũng hết mực bình dị như núi sông, đồng ruộng, như xóm làng và đường phố thân yêu đang bước vào một năm mới đầy những hẹn hò, đầy những hy vọng và, đầy ắp cả niềm tin.

L.L


Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM