Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:08:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Quảng Trị kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)  (Đọc 2714 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 10:16:34 am »

Sau đó ta dùng nhiều bè chuối thả trôi trên sông, nghi trang địch khiến chúng hoang mang tưởng nhầm là bộ đội chủ lực về đánh nên các vạn đò không bị nghi ngờ trả thù. Suốt 4 ngày sau không một tàu địch nào dám liều mạng về Đông Hà. Trước đây trung bình một ngày có từ 200 - 300 lần chiếc vận chuyển vũ khí, lương thực từ Cửa Việt về Đông Hà để chuyển tiếp đường bộ đi Khe Sanh, nay hoàn toàn bị ùn tắc.

“Trận Bạch Đằng” trên sông Hiếu được tổ chức gọn nhẹ, mưu trí, hiệu suất cao, không tốn xương máu có ý nghĩa lớn về quân sự, chính trị. Sau trận đánh, Bộ tư lệnh mặt trận đường 9 đã điện biểu dương “trận Bạch Đằng” sông Hiếu là chiến công oanh liệt mãi mãi đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược của quân và dân Đông Hà.

Cùng thời gian này đặc công đoàn 31, 126 từ Vĩnh Linh luồn theo mép biển đưa chất nổ vào Cửa Việt, kết hợp với pháo binh, cao xạ và lực lượng dân quân liên tục quần nhau với địch ở ngã tư Sòng, bắn cháy 35 tàu, đánh chìm 82 xuồng của địch. Sáu đại đội dân quân Vĩnh Linh (Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thái) vượt sông Bến. Hải vào cảng Cửa Việt phục kích săn tàu, bắn chìm 12 xuồng, bắn cháy 4 tàu vận tải và 2 xe tăng. Đại đội 3 tiểu đoàn 49 và đại đội 1 tiểu đoàn 46 Quảng Bình, đại đội súng cối 82 Hà Tĩnh, trực tiếp “chia lửa” với Quảng Trị, chiến đấu trên mặt trận đường 9 đã bắn cháy hàng chục xe vận tải của địch.

Trong 10 ngày cuối tháng hai, các tổ dân quân bắn tỉa Vĩnh Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Trung đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch. Nữ du kích Trần Thị Buổi (Vĩnh Tú) từ một chiến sĩ phục vụ đã xin được trực tiếp cầm súng trong 3 ngày phục kích với 26 viên đạn diệt 19 tên địch.

Ngày 25-3-1968 tại chốt Phò Cam (Gio Mỹ) du kích Nguyễn Sư Xinh (dân quân xã Vĩnh Trung vào phối hợp chiến đấu), bị địch bắt sống ở vọng gác tiền tiêu. Trong tình thế vô cùng hiểm nghèo anh bình tĩnh đợi cho địch xúm đến gần thật đông mới chụp lựu đạn rút chốt anh dũng hy sinh cùng 6 tên địch phải bỏ xác. Y tá Trần Mâu Sĩ luồn lách dưới các chiến hào vừa băng bó vết thương cho đồng đội vừa chụp súng của liệt sĩ bắn vào đội hình địch diệt một số tên, cuối cùng hy sinh anh dũng. Trong một ngày với 14 tay súng dân quân Vĩnh Trung phối hợp với một tổ quân chủ lực và một tiểu đội du kích Gio Linh đã bẻ gãy 9 đợt tiến công của 4 tiểu đoàn ngụy, diệt 150 tên giữ vững trận địa.

Ở hướng Nam tỉnh, mục tiêu chính của cuộc tấn công lần này là thị xã Quảng Trị và La Vang do trung đoàn 2 chủ lực, tiểu đoàn 814 bộ đội tỉnh và dân quân du kích đảm nhiệm. Bị địch bất ngờ tăng quân một lúc 5 tiểu đoàn cả Mỹ lẫn ngụy án ngự phía nam và tây nam thị xã chống cự rất quyết liệt nên các trận chiến đấu ở đây diễn ra khá phức tạp, giành đi giật lại với địch nhiều lần, cuối cùng không thực hiện được ý định.

Tuy nhiên tiểu đoàn 814 kiên quyết tiếp cận địch cũng lọt vào được thị xã đánh nhau với một tiểu đoàn dù ngụy, diệt gần hết tiểu đoàn này (340 tên). Tiểu đoàn 8 đánh vào quận lỵ Triệu Phong và cánh quân địch án ngự phía bắc thị xã diệt 250 tên. Các đơn vị khác bao vây đồn bốt, quận lỵ của địch, buộc địch phải co cụm lại để chống đỡ với quân ta.

Hướng trung đoàn 2 quân chủ lực gặp nhiều khó khăn không chiếm được mục tiêu cơ bản, quân số thương vong nhiều không được bổ sung kịp.

Mặc dầu chưa chiếm được mục tiêu cơ bản nhưng sau 25 ngày đêm từ 31-1 đến 24-2-1968 liên tục tấn công, liên tục nổi dậy trên toàn tỉnh ta đã diệt 7.500 tên địch (có 475 tên Mỹ), phá hủy 34 xe tăng, xe bọc thép, diệt ác trừ gian làm tan rã phần lớn bọn ngụy quân và lực lượng kìm kẹp từ tỉnh đến huyện xã thôn của địch, đưa phong trào du kích chiến tranh nhân dân phát triển lên đỉnh cao. Vùng giải phóng được mở rộng, chính quyền cách mạng thôn xã được thành lập ở nhiều hơi. Thắng lợi đó có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho mặt trận Huế, khiến địch không thể điều quân từ Quảng Trị vào cứu nguy cho lực lượng tại Huế bị tổn thất nặng nề, thiết thực động viên, cổ vũ quân và dân thành phố Huế liên tục tấn công, nổi dậy giành quyền làm chủ.

Trước tình hình đánh vào thị xã Quảng Trị và căn cứ La Vang không dứt điểm, đoàn 7 họp quyết định chuyển hương về đánh mục tiêu ở đồng bằng nhưng không được Bộ Tư lệnh Quân khu chấp nhận, ra lệnh tiếp tục đánh vào thị xã Quảng Trị nên loay hoay, tốn khá nhiều thời gian, bỏ lỡ thời cơ diệt địch tạo điều kiện cho địch co cụm lại từng mảng lớn, lực lượng địa phương không đủ sức để tiêu diệt. Tình hình tư tưởng của bộ đội diễn biến phức tạp: mệt mỏi, dao động ngại hy sinh gian khổ do bị tổn thất nặng chưa được củng cố kịp. Trong lúc đó địch tăng cường chi viên cho lực lượng kìm kẹp, chủ yếu bọn kỵ binh bay đẩy tình hình giữa ta và địch vào thế giằng co kéo dài đến tháng 5-1968.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 10:17:29 am »

Đầu tháng 5, chủ lực ta mở đợt tấn công bao vây 5 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vâỵ, Mỹ phải điều 2 lữ đoàn kỵ binh bay lên để tì giải tỏa Khe Sanh do đó phía nam Quảng Trị lại sơ hở. Chớp thời cơ bộ đội tỉnh, huyện và du kích bám đồng bằng mở rộng vùng giải phóng.

Được bộ đội địa phương và tỉnh hỗ trợ, quần chúng các xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Phước, Triệu Tài (huyện Triệu Phong) đổ xuống đường giương cao biểu ngữ, gậy gộc, giáo mác tràn qua sông Vân Hòa, vượt đường 64, 68 vào vùng địch kiểm soát để đấu tranh. Bọn bình định các ấp Thanh Liêm, Ngô Xá, Đại Hào đạp nhau chạy trốn. Đồng bào nổi dậy phá tan ách kìm kẹp. Hàng chục tên ác ôn bị trừng trị, 60 tên tề điệp đầu thú cách mạng. Vùng “tam giác sắt” Gia Độ - Xuân Thành - Giao Liêm hơn 10 năm trời bị địch kìm kẹp rất gay gắt, nay cũng chớp thời cơ vùng dậy phá tan ách kìm kẹp của địch. Vừa phá kìm kẹp, diệt ác ta vừa tranh thủ xây dựng cơ sở. Đội ngũ cán bộ cốt cán hình thành, 30 ủy ban khởi nghĩa lần lượt ra mắt nhân dân. Hàng trăm thanh niên lên đường tòng quân bổ sung cho bộ đội địa phương huyện, tỉnh, ở Hải Lăng mặc dù bị địch khủng bố ác liệt nhưng phong trào chiến tranh nhân dân vẫn hoạt động mạnh. Du kích Hải An dùng mìn tự tạo đánh tàu chiến Mỹ - ngụy, bắt sống Mỹ giữa ban ngày. Du kích Hải Tân, Hải Hòa liên tục đánh Mỹ trong một tuần không cho chúng vào làng. Du kích Hải Thượng luồn sâu trong lòng địch đánh phá bình định. Du kích Hải Thiện, Hải Quế cùng bộ đội địa phương liên tục đánh phá làm tê liệt đoạn đường từ Diên Sanh đi Mỹ Thủy, du kích Hải Phú dùng mìn đánh máy bay địch. Tiêu biểu cho những trận chiến đấu mưu trí, kiên cường trong đợt này là tấm gương hy sinh oanh liệt của nữ liệt sĩ Phan Thị Hồng xã đội phó xã Hải Thượng. Sau khi dẫn đường cho bộ đội diệt gọn 40 xe tăng địch tại Rú Cát; địch phát hiện hầm bí mật, chị đội nắp hầm lao lên dùng lựu đạn, tiểu liên diệt 3 tên địch, cho đến lúc trúng đạn ngã xuống còn kịp rút chốt quả lựu đạn cuối cùng diệt thêm 4 tên ngụy nứa rồi hy sinh anh dũng.

Cùng với đấu tranh quân sự, phong trào đấu tranh chính trị cũng phát triển sôi nổi. Nhân dân Hải Khê đấu tranh chống dồn dân buộc địch phải nhượng bộ. Nhân dân Hải Thượng đấu tranh chống bình định buộc chúng phải bỏ dở.

Ngày 6-5, 3 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 1 kỵ binh bay của Mỹ có xe tăng, xe bọc thép yểm trợ từ Đông Hà phản kích vào vùng giải phóng Gio - Cam bị bộ đội địa phương.ở đây dựa vào các trận địa chốt được xây dựng trong tổng tấn công đợt I đã liên tục chặn đánh, diệt 150 tên, bắn cháy 2 xe tăng. Ngày 21-5 tiểu đoàn 10 đặc công bí mật luồn sát Khe Xá phá hủy 25 xé tăng, thiết giáp.

Đến cuối tháng 6-1968, Mỹ đưa ra Trị - Thiên một sư đoàn kỵ binh bay với 400 trực thăng làm lực lượng cơ động phản kích ở 3 vùng. Quân Mỹ phụ trách địa bàn giáp ranh và miền núi, quân ngụy phụ trách vùng đồng bằng. Tất cả lực lượng này được phi pháo yểm trợ tối đa. Thực hiện kế hoạch quét và giữ của Abơram, quân ngụy được Mỹ hỗ trợ, bọn ác ôn, tề điệp được phục hồi, kích động hận thù, ra sức đánh phá ta ở vùng đồng bằng, khoanh vùng đánh phá, chà đi xát lại hòng trục xuất lực lượng ta ra khỏi đồng bằng. Thực hiện chiến thuật “tát nước bắt cá”, địch điên cuồng hò hét “diệt cộng là quốc sách”, “dung cộng là tự sát”; “khuấy nước đọng bùn”, những nơi trọng điểm chúng khoanh lại từng thôn, đánh phá liên tục hàng nửa tháng ròng. Tại thôn Trung Đơn, địch dùng một trung đội bộ binh, một chi đoàn M113 kết hợp phi pháo đánh một lực lượng nhỏ của ta. Ở thôn 7 (Triệu Phong) nhằm bao vây tiêu diệt tiểu đoàn 814 bộ đội địa phương tỉnh, chúng sử dụng tới 1 lữ đoàn tăng 120 chiếc, 5 tiểu đoàn bộ binh đánh liên tục suốt một ngày đêm. Vùng giáp ranh địch tăng cường chốt các điểm cao, khống chế sự đi lại của ta.

Ở hướng tây tỉnh, đêm 6 rạng ngày 7-2-1968, phối hợp với cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt đã nổ ra vào đêm 31-1-1968 lực lượng vũ trang Hướng Hóa cùng với trung đoàn 24 (sư đoàn 324 chủ lực) hợp đồng binh chủng tấn công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, khiến bọn biệt kích ngụy và cố vấn Mỹ ở đồn Tà Cơn gần bên cạnh không kịp trở tay ứng cứu. Trong đợt hoạt động này các căn cứ địch gồm Làng Vây, chi khu quân sự Hướng Hóa, căn cứ Huội San, lần lượt bị tiêu diệt. Tuyến phòng thủ ở tây Khe Sanh bị phá vỡ một mảng khiến cho tập đoàn cứ điểm này như một cái kiềng đã gãy hai chân, còn sót cụm cứ điểm Tà Cơn hoàn toàn bị cô lập, phơi mình dưới tầm đạn của lực lượng vũ trang giải phóng, sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn là không tránh khỏi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 10:19:51 am »

Khe Sanh là một vùng lòng chảo phía tây Quảng Trị bao gồm 3 vị trí lớn: Tà Cơn, Làng Vây, Hướng Hóa tạo thành hệ thống phòng ngự hình tam giác, khống chế cả một vùng rộng lớn dọc đường 9 đến giáp ranh biên giới Việt - Lào. Tướng Mỹ Oét-mo-len đánh giá: “Mỹ có thể dùng căn cứ này làm một lá chắn ngăn chặn Việt Cộng từ Lào sang và là căn cứ quan trọng cho cuộc hành quân “tìm diệt”, “đánh phá kho tàng”. Vì thế ở Tà Cơn địch lập sân bay tương đối lớn chuyên dùng cho loại máy bay trinh sát, nhòm ngó đánh phá tuyến đường vận tải 559. Chúng bố trí ở đây một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 1 tiểu đoàn pháo hỗn hợp, một chi đoàn xe tăng thiết giáp. Phía tây bắc Tà Cơn là một loạt điểm cao có giá trị về mặt quân sự. Địch khoác lác tuyên bố:

“Đây là mỏ neo vững chắc về phía tây của hệ thống phòng ngự Macnamara, là cái bẫy nghiền nát chủ lực miền Bắc”.


Phát huy thắng lợi đợt I quân dân ta liền bước vào đợt 2 tấn công, vây hãm cụm cứ điểm Tà Cơn với khẩu hiệu “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của đế quốc Mỹ” và dùng chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt”. Bị vây hãm liên tục, địch phản ứng điên cuồng, trên mảnh đất chỉ rộng 34km2 trung bình một ngày đêm có 300 lần chiếc máy bay các loại dội xuống 100 ngàn tấn bom đạn và trên 100 ngàn quả đại bác 175mm nhưng vòng vây của quân ta ngày càng xiết chặt. Toàn bộ quân đồn trú Mỹ phải sống chui rúc dưới hầm. Máy bay vận tải C130 đến tiếp tế và tải thương 140 lần chiếc nhưng chỉ có 40 lần chiếc là hạ cánh được. Để giảm bớt thiệt hại địch thả dù tiếp tế nhưng phần lớn dù rơi vào trận địa quân ta.

“Tiếng dữ” Khe Sanh đã làm náo động cả nước Mỹ. “Khe Sanh” là một “Điện Biên Phủ với nước Mỹ”. Trước sức ép của dư luận, tổng thống Mỹ Giônxơn đã buộc các tướng lĩnh trong Hội đồng tham mưu trưởng của chúng phải ký vào bản cam đoan “giữ bằng được Khe Sanh với bất kỳ giá nào”.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, ngày 1-4-1968 địch dùng 1 sư đoàn kỵ binh bay, 1 chiến đoàn dù ngụy, 1 tiểu đoàn biệt động quân gồm 17 tiểu đoàn (có 13 tiểu đoàn Mỹ) mở cuộc hành quân giải tỏa. Vào lúc này tại Khe Sanh có 9 tiểu đoàn chủ lực của ta hiệp đồng chặt chẽ với quân dân Hướng Hóa vẫn tiếp tục xiết chặt vòng vây Tà Cơn và chuyển hướng sang diệt viện. Sau 47 ngày đêm chặn đánh quân tiếp viện, quân và dân ta ở mặt trận Khe Sanh đã diệt 5200 tên địch, bắn rơi và bắn cháy 82 máy bay, phá hủy 21 xe tăng. Cuộc hành quân giải tỏa “ngựa bay” của địch bị thất bại. Vòng vây Tà Cơn càng bị siết chặt, quân đồn trú hoang mang cực độ, tuyệt vọng. Trước tình thế bị diệt hoàn toàn, Mỹ buộc phải rút quân khỏi Khe Sanh. Quân ta tổ chức truy kích mãnh liệt diệt và làm bị thương hơn 7000 tên địch, bắn rơi 22 máy bay, phá hủy 69 xe quân sự. Ngày 9-7-1968 quân ta chiếm cứ điểm Tà Cơn và giải phóng hoàn toàn Khe Sanh. Kết quả 170 ngày đêm tiến công, vây hãm và đánh quân rút chạy ở mặt trận Khe Sanh, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn dược, thu hàng ngàn súng các loại, hàng trăm tấn phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hóa với hơn 10 vạn dân.

Khi biết tin quân và dân ta thắng lớn ở Khe Sanh, ngày 13-7-1968, Hồ Chủ tịch gữi điện khen. Bức điện này Bác Hồ gữi cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các vị trong ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam. Bức điện có đoạn: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng với những thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa. Ở miền Bắc vừa lập chiến công bắn rơi 3000 máy bay giặc Mỹ. Thắng lợi vẻ vang của Khe Sanh càng giục giã quân và dân miền Bắc cố gắng hơn nữa. Giặc Mỹ tuy thua nhưng rất ngoan cố. Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta luôn luôn cảnh giác, liên tục đánh mạnh, đánh thắng. Nam - Bắc một lòng ra sức đánh giặc. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta.

Tôi nhờ Chủ tịch và các vị chuyển đến đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toàn miền Nam, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ và cán bộ mặt trận Khe Sanh lời khen ngợi nhiệt liệt nhất”.

Tiếng vang chiến thắng Khe Sanh truyền khắp thế giới: hãng thông tin Anh Roi Tơ ngày 2-7-1968 viết: “Khe Sanh được ghi vào lịch sử của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như là một nơi phải trả với giá đắt nhất bằng máu”(1).

“Việc quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh là một thất bại nặng nề về quân sự và chính trị. Thất bại này đánh dấu sự bất lực của chúng trong thế phòng ngự chiến lược, làm tăng thêm mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ và làm phát triển xu hướng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược”(2).


(1) Thông tin dân tộc học số 5. Tỉnh ủy BTT, tr 42
(2) Lịch Sử Đảng tập III, NXB Thông tin lý luận 1985
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2022, 10:26:26 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 10:23:03 am »

Thắng lợi của quân và dân ta ở mặt trận Khe Sanh - Hướng Hóa đã góp phần tích cực với thắng lợi của quân và dân hai miền Nam - Bắc nước ta, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt việc ném bom phá hoại miền Bắc nhận ngồi đàm phán hòa bình với Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Pari.

Trước sự phản công điên cuồng của địch ta gặp rất nhiều khó khăn: quân số thiếu hụt, lương thực, vũ khí, đạn dược đều thiếu, quần chúng bị địch khủng bố triền miên, phong trào lắng dần xuống. Đến tháng 8-1968 các đơn vị chủ lực bật ra khỏi đồng bằng. Sau khi chủ lực rút lên vùng núi củng cố, bộ đội địa phương tỉnh và du kích cũng chỉ tổ chức được một số trận đánh nhỏ, chủ yếu dùng chiến thuật đặc công và gài mìn, tiêu hao một ít sinh lực địch, và đến tháng 10-1968 tất cả phải bật lên núi.

Từ đây tình hình trở nên hết sức phức tạp. Đến cuối năm 1968 vùng giải phóng Quảng Trị bị thu hẹp đến mức tối đa, những vùng còn lại bị địch càn quét bừa đi bừa lại hàng chục Tân. Các huyện Gio - Cam, vùng biển Triệu Phong, giáp ranh Hải Lăng bị địch xúc dân vào các khu tập trung, nhiều nơi trở thành vùng trắng. Riêng mặt trận phía bắc tỉnh, bộ đội địa phương và du kích bám được địa bàn, phát động được quần chúng bắt, diệt ác ôn đưa khí thế đấu tranh lên khá mạnh ở một số thôn và khu tập trung Quán Ngang, Tân Tường, Cửa Việt.

Trong những ngày gian khổ, khó khăn chồng chất ấy Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình luôn có mặt cùng nhau khắc phục. Quảng Bình đã đưa 6 tiểu đoàn bộ binh, 6 đại đội đặc công, 3 tiểu đoàn phòng không, 3 tiểu đoàn pháo cối, một số lớn thanh niên xung phong và dân công vào đường 9 thay chân cho các đơn vị B5 ra hậu phương củng cố(1). Kết hợp với lực lượng vũ trang tỉnh ta các đơn vị vừa vào đã tập kích, phục kích trên đường giao thông, bắn pháo cối vào các căn cứ 241, Cồn Tiên, Dốc Miếu, phục kích tàu địch trên sông Cửa Việt, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường Trị-Thiên - Huế Mậu Thân 1968 góp phần cùng quân và dân ta trên chiến trường toàn miền Nam thực hiện cuộc tổng tiến công chiến lược, giáng một đòn mạnh làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, thể hiện sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam ngay tại trung tâm sào huyệt của Mỹ - ngụy buộc đế quốc Mỹ phải đưa chiến tranh xâm lược vào bước ngoặt mới. Bộ trưởng quốc phòng Macnamara, Tư lệnh bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam Oét-mo-len được thay thế bằng Clép-phớt và Abram; chiến lược quân sự “quét và giữ” được thay thế cho chiến lược “tìm diệt” trước đây. Ngày 31-3-1968 Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thận trọng và đắn đo tuyên bố ngừng ném bom một phần lãnh thổ miền Bắc, sẵn sàng chấp nhận giải pháp chiến tranh Việt Nam bằng đàm phán. Cuối cùng Giôn-xơn quyết định không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Quân và dân Trị - Thiên - Huế vinh dự được đón nhận 8 chữ vàng của Trung ương cục và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng “TẤN CÔNG, Nổi DẬY, ANH DŨNG, KIÊN CƯỜNG”, ghi thêm truyền thống vẻ vang và thành tích chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

*
*   *

Ba năm 1965 - 1968 là ba năm liên tục thử thách, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ bản của mình. Từ vài chục chiến sĩ buổi đầu đến nay đã xây dựng được các tiểu đoàn mạnh có cả bộ binh, pháo binh, đặc công (ở cấp tỉnh) và đại đội (cấp huyện) cùng đông đảo đội ngũ dân quân du kích ở cả ba vùng, được trang bị tương đối đồng bộ, được huấn luyện tốt, đủ sức làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh nhân dân và phối hợp với bộ đội chủ lực đánh những trận lớn, chiến dịch dài ngày, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Trong từng trận đánh, từng nhiệm vụ cụ thể được giao, lực lượng vũ trang tỉnh đều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ mạnh mẻ cho quần chúng nổi dậy phá kìm, giành quyền làm chủ, bảo vệ vùng giải phóng.

Đây là thời kỳ thử thách quyết liệt nhất, nghiêm trọng nhất đối với vận mệnh dân tộc ta nói chung và lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng. Nhưng được tôi luyện trong những thử thách quyết liệt mà lực lượng vũ trang trưởng thành lên nhiều mặt cả về tư tưởng, tổ chức, trình độ tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mũi chính yếu trong phong trào đồng khởi giải phóng giành dân, giành quyền làm chủ, xây dựng vùng giải phóng liên hoàn, tạo đà, tạo thế cho chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân, góp phần xứng đáng cùng toàn khu, toàn miền đánh bại một bước chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Tuy vậy giai đoạn này cũng bộc lộ một số khuyết điểm hạn chế phong trào còn để lực lượng bị tổn thất, có nơi có lúc diễn ra khá nghiêm trọng. Điển hình là cuối năm 1969 để địch phản kích líp lại toàn bộ nông thôn đồng bằng Triệu - Hải, đẩy lùi lực lượng ta tách xa quần chúng, cơ sở bị lộ, tổn thất tan vở gần hết, quần chúng luôn bị đe dọa do ta còn hửu khuynh chưa coi trọng giữa chiến đấu, xây dựng và bảo vệ lực lượng; chưa phối hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận; chưa nhạy bén, sâu sát trong công tác chính trị tư tưởng.


(1) QK4 lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. NXB QĐND 1994- tr 254
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 10:29:27 am »

II - LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VĨNH LINH DỐC LÒNG DỐC SỨC “CHIA LỬA”
VỚI MẶT TRẬN GIO - CAM GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI
BẰNG KHÔNG QUÂN VÀ HẢI QUÂN CỦA MỸ.

Trong lúc quân và dân các huyện phía nam tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do lần đầu tiên trực tiếp đối mặt với quân viễn chinh Mỹ thì ở Vĩnh Linh cũng là lần đầu phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Suốt cả năm 1964 và cả những năm trước đó Mỹ thường xuyên cho máy bay trinh sát nhòm ngó vùng trời Vĩnh Linh chuẩn bị cho hành động đánh phá. Hai giờ sáng ngày 01-2-1965 (30 tết Ất Tỵ) lợi dụng tối trời, tàu biệt kích quân ngụy Sài Gòn xâm nhập vùng biển xã Vĩnh Thái dùng pháo bắn bừa bãi vào dân cư ven bờ. Ngay từ những loạt đạn đầu, đại đội 2, tiểu đoàn 13 pháo binh giới tuyến đã nổ súng kịp thời bắn chìm tại chỗ một chiếc.

Tổng thống Giôn Xơn chính thức duyệt kế hoạch “sấm rền” (Rolling-Thunder) leo thang ném bom miền Bắc đến vĩ tuyến 19. Mỹ láo xược và ngang ngược đòi Chính phủ và nhân dân ta phải chấp nhận các điều kiện: Không được ủng hộ về tinh thần và chi viện về vật chất cho miền Nam và Lào, đình chỉ các buổi phát thanh vào Nam, rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam và Lào, các lực lượng cách mạng Việt Nam và Lào phải ngừng tiến công, ngừng chống lại Chính phủ (ngụy), phải nộp vũ khí, phải triệt phá các căn cứ du kích.

Ngày 2-7-1965, Giôn-xơn ra lệnh cho không quân Mỹ mở màn chiến dịch “mũi lao lửa” với 48 máy bay phản lực từ các tàu sân bay Cô-ran-xi, Rân-giơ, Han-cốc đậu ngoài khơi Đà Nẵng và một phi đoàn máy bay AD6 ngụy ném bom thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) và thị trấn Hồ Xá.

Tiếp đến ngày 8-2 và 11-2, Mỹ lại tiếp tục cho máy bay đánh phá doanh trại sư đoàn 341, xưởng gỗ Lê Thế Hiếu, xí nghiệp chè hương Bến Hải, trường phổ thông cấp III, giết hại nhiều dân thường, học sinh và thầy giáo. Trừng trị tội ác của giặc Mỹ, hàng trăm tay súng của dân quân tự vệ Vĩnh Linh và tiểu đoàn 6 pháo cao xạ 37 ly đã kịp thời nổ súng, 6 máy bay tan xác, tướng không quân ngụy Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy phi đoàn AD6 bị trọng thương cùng chiếc máy bay của y.

Trước chiến công đầu này, ngày 14-2-1965 Bác Hồ đã gửi thư khen: “Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An đã chiến đấu dũng cảm, liên tục chống những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Đã bắn chìm một tàu biệt kích Mỹ ngày 2-2-1965, đã bắn rơi 22 máy bay Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống một tên thiếu tá phi công Mỹ. Thắng lợi đó đã làm nức lòng nhân dân trong cả nước. Một lần nữa chúng ta đã tỏ rõ cho đế quốc Mỹ biết rằng, nếu chúng cứ liều lĩnh tiếp tục khiêu khích miền Bắc, chúng sẽ bị thất bại nhục nhã. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đơn vị và cá nhân lập được nhiều chiến công. Bác thân ái gửi lời thăm hỏi tất cả bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ, cán bộ và đồng bào các vùng bị địch đánh phá đã đoàn kết chiến đấu tốt”(1).

Từ sau trận mở màn đánh phá đầu tháng 2-1965, Mỹ tạm ngừng các cuộc oanh kích đến hết tháng 2-1965 để chuẩn bị dư luận và thực hiện học thuyết răn đe, buộc Chính phủ ta phải nhượng bộ. Nhưng chúng không thu được kết quả. Tháng 3 năm 1965 đế quốc Mỹ lại ồ ạt đánh phá các tỉnh khu 4. Riêng khu vực Vĩnh Linh từ tháng 3 đến tháng 6-1965 chúng đã huy động 615 lần tốp với 3.421 lần chiếc máy bay đánh phá nhiều mục tiêu, trong đó thị trấn Hồ Xá, nông trường Quyết Thắng, Bến Quan và một số vùng lân cận bị đánh đi đánh lại nhiều lần. Cùng thời gian trên ở phía biển 18 lần tàu chiến Mỹ bắn vào đất liền thuộc các xã ven biển Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch và 6 lần bắn phá đảo Cồn Cỏ, 8 lần bắn đuổi ngư dân. Cũng trong tháng 3 tàu biệt kích bao vây phong tỏa đảo Cồn Cỏ nhiều ngày kết hợp với máy bay đánh phá đảo liên tục.


(1) Thư Hồ Chủ tịch gửi cán bộ, chiến sĩ, các LLVT và đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Nghệ An ngày 14-2-1965. Bảo tàng Vĩnh Linh - Bản sao 146
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 10:30:36 am »

Nằm vắt ngang trên vĩ tuyến 17, cách Vịnh Mốc 28km, cao hơn mặt biển 63,4 mét, rộng gần 4km vuông, đảo Cồn Cỏ có rừng cây, đất đỏ bazan, bãi cát, núi đá... Sau hiệp định Giơnevơ (1954) một thời gian dài trên đảo vẫn chưa có người ở. Mùa thu năm 1959 biết trước địch có âm mưu chiếm đảo Cồn Cỏ, ngày 8-8-1959 ta cho một đơn vị bộ đội đổ bộ lên giữ đảo. Ngày hôm sau ngụy quân đưa tàu chiến đến đảo định gây chiến, quân ta kịp thời nổ súng cảnh cáo, chúng bỏ chạy. Đảo Cồn Cỏ có vị trí chiến lược về quân sự lợi hại, là vọng gác tiền tiêu của miền Bắc XHCN. Từ mùa xuân năm 1965 đảo nhỏ đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Khắp đặc khu Vĩnh Linh nơi nào cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt nhất, nơi ấy được đặt tên là Cồn Cỏ.

Đảo sống nhờ đất liền. Cả nước ngọt lúc đâu cũng phải chở từ đất liền ra. Bước vào cuộc kháng chiến, cường độ ngày một tăng, hầu như ngày nào cũng có thương vong, những nhu cầu mới xuất hiện: bổ sung người, vũ khí, vật liệu xây dựng công sự, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra, đưa thương binh, tử sĩ vào đất liền - Tất cả những việc đó trong ngày thường đã khó, giờ đây càng khó khăn gấp bội. Thoạt đầu Bộ Tổng tư lệnh giao cho hải quân lo việc tiếp tế cho đảo thường dùng tàu phóng lôi từ căn cứ sông Gianh, Quảng Bình chở hàng ra đảo. Nhưng tàu không cặp bến được. Cả bến trong đất liền lẫn bến ngoài đảo. Vì vậy phải dùng thuyền nan chở theo tàu làm phương tiện bốc dỡ. Nhưng thuyền nan nhỏ, chưa chở hết hàng trời đã sáng, phải tạm dừng quay vào bờ. Việc tiếp tế bằng tàu không thực hiện được. Trong khi đó vào cuối tháng 5-1965 tình hình trên đảo khá nguy ngập, gạo ăn dè xẻn cũng chỉ đủ đến một tuần lễ, đạn tính từng viên, gay go nhất là nước ngọt. Bom Mỹ đã đánh sập bể chứa nước ngọt của đảo, bộ đội phải chặt chuối rừng vắt nước uống. Địch biết điều đó, một mặt chúng tăng cường đánh phá đảo, mặt khác cho tàu chiến bao vây, bịt kín mọi lối ra vào. Xảo quyệt hơn chúng thả lên đảo 50 đồng bào đánh cá bị chúng bắt trước đây khiến cho bộ đội phải nuôi thêm một số đông người càng làm cho nguồn lương thực, thực phẩm, nước ngọt cạn nhanh hơn. Chúng hy vọng chỉ một thời gian ngắn, đội quân bé nhỏ trên đảo nếu không chịu đầu hàng thì cũng chết gục vì bom đạn và đói khát.

Bầu tháng 6-1965, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh ra lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”. Đáp lời kêu gọi của Đảng ủy, đảo nêu khẩu hiệu: “Còn đất liền, còn đảo”, đất liền đáp lại “Còn đảo còn đất liền”. Hàng ngàn lá đơn của dân quân thanh niên các xã ven biển Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang, có cả những cụ già 60 -70 tuổi xin được đi tiếp tế Cồn Cỏ.

Trên con đường máu ra đảo nhiều thuyền của dân quân Vĩnh Linh bị bắn chìm, nhiều chiến sĩ hy sinh anh dũng nhưng đêm đêm những chuyến hàng tiếp tế vẫn cập đảo, hàng ngàn tấn vũ khí, kể cả pháo 85 ly, cao xạ 14,5 ly, lương thực, thực phẩm... đã được những con thuyền gỗ chạy buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra phục vụ đắc lực cho nhu cầu chiến đấu ở đảo. Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi bát gạo đều phải tính bằng máu. Hàng trăm gia đình ở các xã ven biển có người hy sinh, hoặc bị địch bắt đem đi mất tích. Có đội sản xuất hầu như tất cả mọi người đều quấn khăn tang. Tính ra số người hy sinh cho nhiệm vụ tiếp tế lớn gấp ba lần số bộ đội hy sinh trên đảo.

Xúc động trước sự hy sinh đùm bọc của đất liền, cán bộ, chiến sĩ Cồn Cỏ kiên cường chiến đấu giữ đảo đã hạ 48 máy bay Mỹ, có ngày bắn rơi 4 chiếc, có trận trong vòng 2 giờ bắn rơi 3 chiếc, bắn cháy 17 tàu chiến và hải thuyền của địch; có trận chỉ bằng hai quả đạn 85 ly đã bắn chìm một thủy phi cơ Mỹ trong đó có một số tên giặc lái mà nó vừa cứu được. Với thành tích đánh Mỹ giỏi, giữ đảo kiên cường, Cồn Cỏ 2 lần được Chính phủ, Quốc hội tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” và 3 lần Bác Hồ gữi thư khen trong đó có 2 câu thơ:

Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ

Bước sang năm 1966, cường độ đánh phá của địch ngày càng ác liệt. Quân dân Vĩnh Linh cũng ngày càng lập những chiến công lớn hơn. Tiêu biểu nhất là trận chiến đấu bắn máy bay ngày 11-11-1966 của tiểu đoàn 6 pháo cao xạ, dân quân Vĩnh Linh phối hợp với một tiểu đoàn cao xạ 37 ly của Bộ Tư lệnh quân khu 4 tăng cường.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 10:31:44 am »

6 giờ sáng ngày 11-11 bộ đội vào báo động cấp 1. Bảy giờ pháo tầm cao của trung đoàn 218 (thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã vào địa bàn Vĩnh Linh chiến đấu gần 5 tháng) phát hỏa bắn rơi một máy bay trinh sát L19 tại Vĩnh Sơn. Lập tức địch cho nhiều tốp F4H đến bắn phá các trận địa quân ta bố trí ở các khu đồi phía tây xã Vĩnh Thủy. Bộ đội ta và dân quân xã Vĩnh Thủy nổ súng đánh trả quyết liệt. 8 giờ sáng 2 chiếc F4 rơi tại chỗ (cách chân đồi 74 khoảng 300 mét về phía tây nam). 4 tên giặc lái nhảy dù, một tên chết, ba tên khác bị dân quân Vĩnh Thủy và Vĩnh Trung bắt sống. 9 giờ 02 phút một chiếc trực thăng HU1A đến cứu giặc lái bị bắn tơi tại bờ nam sông Bến Hải, 8 phút sau lại thêm một chiếc AD6 bị rơi. Đến 11 giờ cuộc chiến đấu tạm ngừng. Buổi chiều vào lúc 14 giờ một tốp 2 chiếc F105 đến đánh phá, ngay từ những loạt đạn đầu các loại súng của bộ đội và dân quân, một chiếc rơi tại chỗ (Vĩnh Nam), hai tên giặc lái bị bắt sống. Suốt gần một ngày chiến đấu với gần 9 đợt liền tiêu thụ 2.637 viên đạn 37ly, 2.454 viên 14ly5, 3.838 viên 12ly7 đại liên và súng trường, quân và dân Vĩnh Linh bắn rơi tại chỗ 6 máy bay, tiêu diệt một giặc lái, bắt sống 5 tên khác. Đây là một trận đánh đạt hiệu suất cao nhất trong chiến tranh phá hoại ở Vĩnh Linh bắn rơi nhiều máy bay tại chỗ nhất, bắt sống nhiều giặc lái nhất, quân ta ít tổn thất nhất (hy sinh 1 bộ đội).

Ngày 15-11-1966, Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh đánh giỏi thắng lớn. Bác viết: “Đó là chiến công oanh liệt của một địa phương trong một ngày. Giặc Mỹ cũng, phải thú nhận đó là một ngày đen tối cho không lực của chúng. Các địa phương hãy ra sức thi đua đánh giỏi thắng lớn như Vĩnh Linh”.

Như con bạc khát nước, càng bị thua đau giặc Mỹ càng điên cuồng cay cú. Chỉ tính trong tháng 11-1966 máy bay địch đã 754 lần ném bom bắn phá Vĩnh Linh, trên vùng biển Vĩnh Linh thường xuyên có từ 4 - 6 tàu chiến của địch hoạt động bắn phá bừa bãi vào bờ. Có đêm (10-11-1966) chúng bắn 508 quả pháo lớn vào các xã ven biển đã gây ra nhiều tội ác đẫm máu. Song tinh thần của lực lượng vũ trang và nhân dân vẫn lên rất cao, vững vàng trước mọi hy sinh thử thách, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cuối năm 1966, địch thay đổi thủ đoạn đánh phá, không tập trung đánh ồ ạt như giai đoạn trước mà chuyển sang đánh từng tốp lẻ, phân tán đánh nhiều vùng, nhiều hướng, đánh nhanh, rút nhanh, ở mặt biển địch cũng hạn chế dùng tàu Vơđéc và không dám liều lĩnh vào gan bờ như trước. Từ chỗ bay thấp địch đã phải bay cao và bay cao là chính, đồng thời kết hợp chặt chẽ máy bay, pháo hạm tàu và pháo bờ nam đánh phá vô cùng ác liệt, đánh liên tục, đánh giai dẳng suốt 24 giờ trong ngày. Đặc biệt càng ngày chúng tăng cường ném bom tọa độ và vào lúc Mỹ sắp đưa quân chiếm đóng bắc Quảng Trị thì cường độ đánh phá của chúng càng ác liệt hơn. Đêm 16-1-1967 chưa bao giờ người dân Vĩnh Linh thấy bom tọa độ dày đặc đến mức ấy. Cứ 15 phút lại một loạt bom tọa độ. Đồng thời pháo từ hạm tàu bờ Nạm dựng một hàng rào lửa dọc bờ sông Bến Hải. Từ phía tây Quảng Trị tiếng bom B52 vọng về ầm ì suốt đêm.

Địch đánh phá ác liệt hai bờ nam bắc sông Bến Hải là nhằm đưa quân Mỹ ra đóng chốt ở nam khu phi quân sự và ít ngày sau sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đã triển khai đội hình ở vùng này thay quân cho sư đoàn 1 ngụy con cưng của quân lực Việt Nam cộng hòa bị đẩy lùi ra phía sau làm nhiệm vụ đồn dân bình định.

Đối mặt với Vĩnh Linh lúc này có 25.000 quân Mỹ. Để bảo vệ cho đội quân đông đảo này Mỹ tăng cường toàn bộ pháo binh trên toàn bộ tuyến phía nam giới tuyến 17, đặc biệt chúng điều tới đây một đại đội 4 khẩu pháo 175ly đặt ở Dốc Miếu, một đại đội ở điểm cao 241 và một đại đội ở Đông Hà. Hỏa lực pháo binh của địch ở bờ nam giới tuyến gây cho ta rất nhiều khó khăn và tổn thất về cả người, của và tâm lý. Từ các căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, pháo của chúng có thể bắn ra tận Sen Thủy (Quảng Bình). Chúng có nhiều pháo đạn, bắn vô tội vạ không theo một quy luật nào cả, bắn suốt ngày đêm tạo ra mối đe dọa luôn lởn vởn trước mắt mọi người.

Không thể để pháo địch tiếp tục làm mưa làm gió mãi được, Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh giao nhiệm vụ cho đại đội 4 dùng cối và đại đội 11 pháo 85 ly chế áp địch. Ngày 4-3-1967 cối 80 ly của đại đội 4 luồn lách đặt gần hàng rào căn cứ pháo địch, đại đội 11 kéo pháo ra đặt sát bờ sông Bến Hải đồng loạt tập kích vào căn cứ pháo 175 ly của Mỹ khiến cho bọn pháo thủ không dám ngóc đầu dậy bắn trả. Về sau chúng rút kinh nghiệm chỉ dám bắn nhiều vào ban đêm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2022, 10:29:40 am »

Ngày 20-3-1967 trung đoàn 164 (đoàn Bến Hải) được giao nhiệm vụ phối thuộc với đại đội 11, 13 pháo mặt đất, 1 đại đội cối của Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh thay mặt cho pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu tiên đặt hỏa lực trên bờ Bắc sông Bến Hải trừng trị tội ác của pháo binh Mỹ đang tác oai tác quái hàng ngày. Trong lúc các đơn vị pháo binh quân ta đã làm xong công tác chuẩn bị, đang nóng lòng đợi lệnh phát hỏa thì khoảng 14 giờ địch dùng máy bay lên thẳng tới tấp đổ thêm quân (thuộc sư đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ) xuống căn cứ Dốc Miếu để ngày hôm sau đi càn quét. Thời cơ vừa trừng trị bọn pháo binh và tiêu diệt sinh lực địch ngẫu nhiên xuất hiện cùng một lúc.

Đúng 18 giờ 16 phút pháo ta phát hỏa, 24 quả đạn (loạt đầu tiên) của quân ta chụp trúng đội hình lính thủy đánh bộ Mỹ, chưa có công sự kiên cố ẩn nấp. Toàn bộ căn cứ Dốc Miếu rông 6 mẫu, ta chủ trương chỉ tập trung bắn 3 mẫu phía nam, bắn theo kiểu cày đi cày lại đảm bảo tiêu diệt sạch sinh lực và hỏa lực địch ở đó.

Trận địa pháo địch ở Cồn Tiên vội vàng phản ứng chỉ mới bắn sang bờ Bắc vừa đúng 3 quả đạn liền bị hỏa lực cối của quân ta đặt sát hàng rào dập xuống, chúng im luôn cho tới sáng hôm sau, mặc cho đồng bọn ở Dốc Miếu chịu trận.

Sau 30 phút bắn cấp tập, ta tiêu diệt 1007 tên địch hầu hết là Mỹ, phá hủy 22 xe tăng và xe M113, 37 xe vận tải, 5 máy bay lên thẳng, thiêu hủy 1 kho xăng, 2 kho đạn.

Ngày 2-5-1967 cùng với các lực lượng trên toàn chiến trường Quảng Trị, bộ binh và pháo binh Vĩnh Linh phối hợp nhịp nhàng vây ép căn cứ Cồn Tiền, đồng thời đánh phá liên tục các căn cứ địch trên toàn bộ chiến trường bắc Quảng Trị làm cho 25.000 lính thủy đánh bộ Mỹ ở đây rơi vào thế tuyệt vọng.

Cũng thời gian trên lực lượng phòng không Vĩnh Linh lập công xuất sắc, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100 được bác Hồ gữi thư khen: “Bác rất vui lòng được tin Vĩnh Linh đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ và trừng trị đích đáng pháo binh Mỹ, sản xuất và phòng không nhân dân Vĩnh Linh cũng tốt... nhiều địa phương đang ra sức học tập thi đua với Vĩnh Linh”.

Ngày 27-7-1967 pháo binh Vĩnh Linh lại bắn phá căn cứ Dốc Miếu lần thứ hai với uy lực lớn hơn lần trước. Trong hơn nửa giờ đồng hồ trung đoàn 164 bắn tới 1.500 viên HA12 (cachiusa) và dân quân tự vệ bắn 400 viên đạn cối khiến bọn địch một lần nữa lại bất ngờ. Trận này ta diệt 300 tên Mỹ, phá hủy 2 xe M113, 2 kho đạn, 2 kho xăng, 11 khẩu pháo 105, 155, 175 ly và 13 xe 6 tô.

Bị thua đau ở chiến trường Quảng Trị đế quốc Mỹ tung con bài cuối cùng B52 ném bom rải thảm xuống một vùng rộng lớn từ Vĩnh Sơn ra Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy là địa bàn chúng nghi ta đặt pháo bắn sang bờ Nam. Trong vòng một giờ đồng hồ 37 chiếc B52 đã ném xuống xã Vĩnh Thủy 700 tấn bom. Khói bụi bốc lên lan đần sang khu đông, chỉ một lúc sau che kín cả 12 xã vùng đất đỏ.

Kết hợp với B52 địch còn dùng pháo cỡ lớn (loại 400 ly), pháo chơm (nổ trên không), pháo lùi (nổ dưới lòng đất) để phá địa đạo, pháo lân tinh (gây bỏng, cháy), pháo bi sát thương người và vật trên mặt đất. Đây là những tội ác mới cực kỳ man rợ mà đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh đối với Vĩnh Linh. Trừng trị tội ác mới này ngày 19-7-1967 quân và dân Vĩnh Linh phối hợp với trung đoàn 238 tên lửa của Bộ Tổng tham mưu lập công đầu, lần đầu tiên bắn rơi 2 B52 của Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Đây là chiếc máy bay thứ 999 và 1.000 của Mỹ bị bắn rơi trên địa bàn quân khu 4. Nhân dịp này Hồ Chủ tịch và Bộ Tổng tư lệnh kịp thời gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh.

Ngày 5-8-1968 kỷ niệm tròn 4 năm ngày miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên, quân và dân Vĩnh Linh lập công xuất sắc, diệt gọn cả tốp 2 chiếc F4H khi chúng chưa kịp gây tội ác, được Hồ Chủ tịch gửi thư khen:

Đánh cho giặc Mỹ tan tành
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng

Trong suốt hai cuộc chiến tranh phá hoại, Vĩnh Linh là địa bàn ác liệt nhất miền Bắc, hầu như suốt 24 tiếng đồng hồ trong ngày không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Trong tình hình đó trừ những người già cả và trẻ em, học sinh sơ tán ra các tỉnh phía Bắc, còn lại hầu hết vẫn bám trụ tại địa bàn chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2022, 10:34:20 am »

Nhưng để bám trụ được trên một địa bàn ác liệt như Vĩnh Linh công tác phòng tránh phải được đặt thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh đã phát động phong trào “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực” được tất cả các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Thấm nhuần khẩu hiệu “nhà che nắng che sương, hầm che xương che thịt” nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Linh chỉ bằng hai bàn tay và những công cụ thô sơ kiên trì từ tháng này qua năm khác kiến tạo nên một hệ thống hầm hào ngang dọc chằng chịt khắp nơi. Đến cuối năm 1968 Vĩnh Linh đã đào được 2090km hào giao thông thay cho mọi nẻo đường trên mặt đất, thôn nối thôn, xã nối xã, nhà nối nhà, hầm nối hầm. Cùng với việc đào hào giao thông nối liền mọi ngã đường trên toàn khu vực là hệ thống hầm hố phòng tránh cũng được đào ở khắp nơi. Có tới 65.600 hầm chữ A, 31.000 hầm vuông, 84.000 hầm cá nhân, 96.700 hầm tập thể, 25.700 hầm gia súc và 30.550 mét địa đạo. Song hệ thống hầm hào dù vững chắc đến đâu cũng chỉ chống được các loại bom sát thương cỡ nhỏ còn không chịu nổi sức công phá của bom đào, bom lùi và bom cỡ lớn. Đã có không ít trường hợp bom địch ném trúng hầm chữ A giết chết một lúc cả gia đình. Do đó việc nghiên cứu tìm ra một kiểu hầm mới có độ an toàn cao hơn càng trở nên cấp thiết.

Cuối tháng 5 năm 1966 trước cường độ đánh phá rất ác liệt của địch, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh giao cho Bộ chỉ huy quân sự nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương tiến hành đào địa đạo. Bộ chỉ huy chọn Vĩnh Giang đào thí điểm. Sau hai tháng một địa đạo dài 80 mét sâu 7 mét hoàn thành. Tuy nhiên đây mới chỉ là loại hầm tiểu đạo, trung đạo khoét sâu dưới lòng đất, chỉ có tác dụng tránh được bom, pháo nhất thời, chứ chưa thể dùng ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, dai dẳng. Do vậy, chỉ vài tháng sau loại địa đạo khởi thủy ấy đã trở nên lạc hậu so với địa đạo dài hàng trăm mét, sâu vài chục mét, trong đó kỳ vĩ nhất là địa đạo thôn Vịnh Mốc xã Vĩnh Thạch.

Thôn Vịnh Mốc là một trong hai địa điểm chính tập kết sức người sức của cho đảo Cồn Cỏ và cũng là nơi đặt trận địa pháo mặt đất chi viện cho đảo. Bởi vậy thôn này là nơi đầu tiên bị địch đánh phá. Ngày 27-11-1964 tàu chiến Mỹ bắn đại bác từ ngoài biển vào thiêu hủy một lúc 72 nóc nhà. Đến tháng 6-1965 thì cả thôn bị đốt trụi. Do vậy để bám trụ được trên mảnh đất đầy bom đạn kẻ thù, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ với đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam, Vịnh Mốc cũng như mọi miền quê khác cửa Vĩnh Linh chỉ còn cách duy nhất là dựa vào đất để sống, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Tháng 12-1966 học tập kinh nghiệm Vĩnh Giang, lực lượng dân quân, nhân dân cùng cán bộ, chiến sĩ đồn công an vũ trang Vịnh Mốc chọn quả đồi đất đỏ bazan cuối thôn, sát mép biển để xây dựng làng địa đạo.

Sau ba tháng kiên trì và khổ công, làng địa đạo Vịnh Mốc đã hoàn thành với hệ thống đường hầm gồm 4 nhánh của 4 đội sản xuất có tổng chiều dài 2008 mét. Địa đạo được cấu trúc làm 3 tầng, tầng cuối cùng sâu 18 mét so với mặt đất, có hai lối đi thông ra hai cửa chính hướng ra biển và 8 lỗ thông hơi, thông khói. Trong địa đạo có 3 giếng nước để ăn uống, tắm giặt. Đồng thời còn có hầm bệnh xá, hầm hộ sinh, kho lương thực, vũ khí, hầm ngủ cho từng hộ, bếp nấu, nhà tắm v.v... Trong những năm ấy đã có 17 cháu bé ra đời trong lòng địa đạo, tất cả đều khỏe mạnh và trưởng thành. Với cách tổ chức và thiết kế ấy làng hầm Vịnh Mốc giống như thôn Vịnh Mốc trên mặt đất thu nhỏ dưới lòng đất.

Với hệ thống hầm hào, địa đạo chằng chịt ở khắp nơi như vậy nên Vĩnh Linh trong chiến tranh phá hoại bình quân đầu người phải chịu 7 tấn bom đạn các loại nhưng lực lượng vũ trang và nhân dân vẫn bám trụ vững vàng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, và sản xuất đều giỏi, đã phối hợp cùng với đơn vị chủ lực của Bộ và Quân khu 4, bắn rơi 293 máy bay Mỹ (trong đó có 7 chiếc B52), bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến (có chiếc trọng tải hơn 100.000 tấn) xứng đáng với danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và lời khen của Hồ Chủ tịch:

“Đánh cho giặc Mỹ tan tành
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2022, 10:35:54 am »

IV - KHÔI PHỤC THẾ TRẬN, LIÊN TỤC TIẾN CÔNG ĐỊCH,
GIÀNH QUYỀN LÀM CHỦ MIỀN NÚI, NÔNG THÔN, ĐỒNG BẰNG,
GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA MỸ.

Năm 1969, sau khi lên cầm quyền, Ních Xơn đã lộ rõ bộ mặt hung bạo và hiếu chiến nhất, nó ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” kéo dài và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương.

Quảng Trị là nơi có vị trí chiến lược quan trọng. Địch chọn nơi đây thí điểm chiến lược mới “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Vì vậy, chúng điều về đây một số lượng quân lớn, lúc cao nhất lên đến 62 tiểu đoàn chủ lực (2 sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới, từ 1 đến 2 lữ đoàn kỵ binh bay, 1 sư đoàn quân ngụy), 10 tiểu đoàn pháo, 3 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép, hàng chục đại đội bảo an, hàng trăm trung đội dân vê. Ngoài ra còn có không quân, hải quân sẵn sàng chi viện tối đa bất cứ lúc nào.

Với ưu thế quân số, vũ khí địch điên cuồng mở các đợt phản kích trên cả ba vùng nhằm củng cố ngụy quân, ngụy quyền, giữ vững đô thị, hậu cứ và các trục đường giao thông chiến lược. Chúng còn đánh phá ác liệt căn cứ địa, hậu phương của ta để ngăn chặn từ xa đồng thời ráo riết thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc”. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch lúc này diễn ra vô cùng ác liệt, địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá dã man mang tính phục thù khốc liệt.

Ở vùng đồng bằng địch triển khai kế hoạch “Bình định cấp tốc”, lực lượng tham gia có lúc lên đến 30 tiểu đoàn bình định. Các tiểu đoàn ngụy tập trung cày ủi mồ mả, làng mạc, ruộng vườn, xăm bới, lục soát, xúc hốt dân vào các khu tập trung, mở các đợt thanh lọc, mua chuộc, dụ dỗ quần chúng, đẩy mạnh chiêu hồi, chiêu hàng, vơ vét người, của, lập phòng vệ dân sự, tăng cường đôn quân bắt lính. Chúng ra sức đánh phá ác liệt cơ sở cách mạng, phong trào chiến tranh du kích bị sa sút, du kích và bộ đội ta tổn thất nặng nề.

Nhiều nơi trở thành vùng trắng. Thôn Thượng Xá xã Hải Thượng (Hải Lăng) là một thôn nhỏ nhưng địch đã dùng đến một đại đội Mỹ, hai đại đội ngụy và một đại đội cảnh sát càn quét suốt 28 ngày liền. Hàng trăm người bị giết, bị bắt tra tấn dã man, trong đó có 11 người bị tra tấn đến chết.

Tại vùng giáp ranh địch đánh chiếm lập tuyến ngăn chặn, tăng cường càn quét, phục kích, tập kích, rải quân chốt các điểm cao, ra sức xây dựng củng cố tuyến phòng thủ Macnamara ở giới tuyến. Hình thành tuyến phòng thủ vững chắc từ Cửa Việt - Đông Hà - Đường 9.

Ở vùng rừng núi chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô vừa và lớn, kết hợp rải chất độc hóa học và B52, phi pháo đánh phá ác liệt các tuyến đường, hậu cứ, cơ quan, kho tàng của ta. Tháng 2-1969 chúng tập trung 7000 quân càn quét liên tục biên giới Việt - Lào, vùng A-xóc, Tam Thanh, Adơi Côcava.

Nhìn chung trên toàn tỉnh, lực lượng vũ trang ta gặp khó khăn nghiêm trọng, bị tổn thất nặng nề, cơ sở vật chất, lương thực, vũ khí đều thiếu thốn không thể duy trì chiến đấu với lực lượng lớn của địch nên chủ trương của tỉnh chỉ để lại một bộ phận tiểu đoàn 10 đặc công, đại đội 1 trung đoàn 6 cùng với du kích và cán bộ chính trị hoạt động ở vùng giáp ranh.

Trước những khó khăn gay gắt, có nơi có lúc bộ đội ta một ngày chỉ được ăn nửa lon gạo với rau rừng, nhạt muối kéo dài hàng tháng trời, cộng với đau ốm thiếu thuốc men và thương vong nhưng với bản chất cách mạng của người chiến sĩ, với trách nhiệm đối với chiến trường, động viên giúp đỡ nhau luồn cản đánh địch đêm đêm về bám dân, bám các xã giáp ranh, xây dựng lại cơ sở, mua góp lương thực nuôi nhau chiến đấu. Trong hoàn cảnh này ta buộc phải đưa phần lớn lực lượng tiểu đoàn 10, 14, 18, 34 lên Mường Nòng (giáp biên giới Việt - Lào) và ra Vĩnh Linh, Quảng Bình để củng cố và xây dựng là phù hợp, cần thiết và không có cách nào khác.

Sau cuộc tổng tấn công chiến lược Mậu Thân, tháng 11-1968 Thường vụ Khu ủy Trị - Thiên ra nghị quyết chỉ rõ cho đoàn 7 và các huyện đồng bằng những nhiệm vụ cấp bách trước mắt: “Phát huy thắng lợi, khắc phục khó khăn, nắm vững lực lượng ba thứ quân, nắm dân, lãnh đạo nhân dân đấu tranh; kết hợp đấu tranh vũ trang, chính trị và binh vận; đánh bại kế hoạch bình định và mọi thủ đoạn của địch. Việc đánh địch phải đi đôi với việc giành dân, bảo vệ dân, giành quyền làm chủ, xây dựng và bảo vệ lực lượng”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM