TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ HỒ CHÍ MINH
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là một bộ phận của tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh, xuất phát từ: Vì quyền lợi con người, cốt giải phóng con người, phát triển tiềm năng con người làm chủ vạn vật, vì hạnh phúc con người; kết tinh từ thực tiễn đấu tranh của con người để thoát khỏi mọi ràng buộc, áp bức của thiên nhiên và của con người; hàm chứa tinh túy của triết học phương Đông, văn hóa phương Tây, truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam và khoa học hiện đại của thế giới.
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh hình thành từ rất sớm, luôn luôn phát triển trong quá trình áp dụng vào thực tế, trong cả cuộc đời hoạt động của Người; đã chỉ đạo dân tộc Việt Nam đấu tranh thoát ách nô lệ gần một thế kỷ bằng chiến lược khởi nghĩa vũ trang; nước nhỏ, người ít đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc to và mạnh là Pháp và Mỹ, giữ vững nền độc lập, tự do và phẩm giá con người.
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã đóng góp cho các dân tộc bị áp bức ở thế kỷ XX kinh nghiệm đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và bước đầu đánh bại chủ nghĩa thực dân mới, đứng lên tự giải phóng.
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng xây dựng nền khoa học quân sự Việt Nam hiện đại, ưu việt cả về lý luận và thực tiễn, trở thành căn bản cho học thuyết và bí quyết giữ nước từ nay và mãi mãi về sau cho dân tộc Việt Nam cũng như cho các dân tộc muốn giữ vững bờ cõi đất nước và tự do con người chống mọi thế lực ngoại xâm.
PHẦN I
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ NGUỒN GỐC TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ HỒ CHÍ MINH
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh hình thành từ những năm 1920, được phát triển về lý thuyết hàng chục năm liên tiếp và được áp dụng và phát triển trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 40 năm qua.
1. Ảnh hưởng của giáo dục gia đình và phong trào yêu nước ở trong nước từ lúc thiếu thời - Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, thân sinh Nguyễn Tất Thành là nhà Nho tiến bộ. Cụ phủ nhận cái thuyết trung quân của nhà Nho và cho trung quân không phải là ái quốc. Ái quốc là yêu nước, mà nước là dân. Vậy ái quốc có nghĩa là ái dân...
- Khâm phục hoạt động của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và các phong trào Đông Du, vận động Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục nhưng hoàn toàn không tán thành cách làm của một người nào. Cho rằng cách làm của cụ Phan Bội Châu “e rằng đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau”, cụ Phan Chu Trinh có vẻ “xin giặc rủ lòng thương”, cụ Hoàng Hoa Thám “thực tế hơn vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp... nhưng còn nặng cốt cách phong kiến”.
- Nguyễn Tất Thành quyết chí tự mình tìm con đường cứu nước, cứu dân. Sang phương Tây (Pháp, Anh, Mỹ...), xem nước Pháp và các nước khác làm ăn ra sao rồi trở về giúp đồng bào (1911).
2. Sự hình thành và phát triển tư tưởng cách mạng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh - Từ năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tích cực tham gia các tổ chức chính trị, xã hội nổi tiếng của nước Pháp và các nước khác, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, viết báo và ra Báo
Người cùng khổ (1922) với lời ra mắt: ...Tiếng nói chính nghĩa của giai cấp vô sản và nhân dân bị áp bức các nước thuộc địa... Sứ mệnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người!
- Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô. Qua nghiên cứu chủ nghĩa Mác -Lênin, cuộc Cách mạng Tháng Mười, kinh nghiệm hoạt động của phong trào cộng sản và dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đi đến khẳng định: Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, vào lực lượng của bản thân mình.
Từ năm 1925 đến năm 1927, Nguyễn Ái Quốc hoạt động phía Nam Trung Quốc, viết tác phẩm
Đường cách mệnh để huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Bài viết “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân” nêu lên một luận điểm mới rất quan trọng: Cuộc cách mạng vô sản không thể thắng lợi ở những nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu như giai cấp vô sản cách mạng không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực... Một phong trào cách mạng nghiêm chỉnh nào trong nông dân đều nhất thiết phải sử dụng hình thức hoạt động vũ trang.
- Từ năm 1940 đến năm 1945, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều tài liệu về lý luận và chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam chuẩn bị cho công cuộc giải phóng đất nước. Tài liệu
Con đường giải phóng của Người đánh dấu một bước phát triển hoàn chỉnh lý luận về khởi nghĩa vũ trang. Người viết: Ở các nước Âu - Mỹ, khởi nghĩa bắt đầu từ tổng bãi công, thị uy rồi tiếp đến khởi nghĩa. Ở nước ta, khởi nghĩa có thể bùng lên ở một nơi rồi lan dần ra khắp nước. Lý luận trên được áp dụng thành công trong Cách mạng Tháng Tám. Người cũng đã viết một loạt tài liệu về quân sự như:
Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Tàu, Kinh nghiệm du kích Pháp, Kinh nghiệm du kích Nga. Sách
Cách đánh du kích chia thành 13 chương bao gồm nhiều vấn đề quan trọng từ tổ chức lực lượng đến tác chiến, không những có giá trị cho các đội du kích mà cả lực lượng chính quy.
- Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh càng được phát triển phong phú, đặc biệt là lý thuyết về chiến tranh nhân dân: Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm dùng cuốc, thuổng, gậy gộc (1946); Dùng chiến tranh trường kỳ chống lại chiến tranh chớp nhoáng của thực dân Pháp (1947); Giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Tiêu diệt sinh lực địch bồi dưỡng lực lượng ta (1959).
- Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Muốn dựng ngôi nhà tốt, thì phải
xây nền cho thật vững... Miền Bắc là
cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà. Ở miền Nam... tấn công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự (1961); Đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đều đóng vai trò rất cơ sở và rất quyết định, nhưng đấu tranh quân sự đóng vai trò quyết định trực tiếp (1963); Chúng ta phải đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy quyền (1965); Phải chú ý đến giữ sức dân. Sức người sức của cạn kiệt thì quân nhiều cũng không đánh được (1966). Đối với đế quốc Mỹ, phải có cách chủ động đi tới chỗ nó rút ra... một tay đánh, một tay mở cho nó ra (1967); Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào (Thư chúc mừng năm mới, năm 1969).
- Từ năm 1969, khi Người qua đời, cho đến năm 1975, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục chỉ đạo cuộc chiến đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đi đến thắng lợi hoàn toàn.
3. Nguồn gốc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh - Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh xuất phát từ lòng thương yêu con người, quyết giải phóng con người khỏi mọi áp chế, làm cho con người hoàn toàn tự do, phát huy khả năng vô tận của mình. Con người cần giải phóng trước mắt là dân tộc Việt Nam vì “Chưa có bao giờ ở một thời đại nào, ở một nước nào, người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách độc ác trơ tráo đến thế”.
- Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tinh hoa triết học và văn hóa lâu đời của phương Đông, từ tư tưởng đại đồng của Khổng giáo “dân vi quý, xã tắc thứ chi” đến lòng bác ái vị tha của Phật giáo; đúc kết những tinh túy của binh pháp Tôn Tử, của Khổng Minh của Trung Quốc xưa, cho đến tài dùng binh của Lý Thường Kiệt, binh pháp của Trần Hưng Đạo, kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao đánh vào lòng người của Nguyễn Trãi, tấn công chủ động thần tốc của Nguyễn Huệ... Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cũng bắt nguồn từ nền văn hóa phương Tây, những cái hay cái đúng của lý luận Claudơvít của Phổ, của Napôlêông của Pháp, Đenxơn của Anh...
- Nguồn gốc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin với những nguyên lý giải phóng giai cấp, dân tộc, con người; tiếp thu lý luận và kinh nghiệm khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh cách mạng, vận dụng sáng tạo vào cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước nông nghiệp lạc hậu.
Tư tưởng cách mạng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh được thể hiện thành lý luận, đem lý luận áp dụng vào thực tế. Và qua vận dụng thực tiễn mà kiểm nghiệm, bổ sung cho lý luận ngày một hoàn chỉnh.
PHẦN II
NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ HỒ CHÍ MINH
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh bao gồm nhiều vấn đề rộng lớn.
Dưới đây nêu lên 7 vấn đề cơ bản nhất:
1. Chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh cách mạng Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh thực hiện chiến tranh cách mạng chính nghĩa nhằm bảo vệ quyền sống tự do độc lập, giải phóng con người, chống mọi áp bức bóc lột. Để “giữ sinh mệnh của dân” và “làm chủ an nguy của đất nước”, “không đến nguy cơ, ta chớ chiến tranh”. Chỉ tiến hành chiến tranh khi tất cả các nỗ lực đấu tranh chính trị, ngoại giao hòa bình không còn hiệu quả, đều bị thất bại.
Khi buộc phải tiến hành chiến tranh chính nghĩa thì “dù hy sinh tất cả” cũng quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng. “Trong hai phe giao chiến, phe nào có đầy đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng. Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa”.
2. Khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh du kích a. Khởi nghĩa vũ trang: Khởi nghĩa vũ trang là nhân dân nổi dậy dùng vũ khí đánh đuổi quân cướp nước, đoạt lại chính quyền. Ở những nước nông nghiệp lạc hậu, khởi nghĩa có thể bùng lên ở một vài địa phương rồi lan dần ra khắp nước. Việt Nam 90% dân chúng là nông dân. Họ có thể nổi dậy và tiến hành đấu tranh, nhưng một mình họ thì không thể chiếm được bộ máy nhà nước và giữ được bộ máy đó.
Trong thời đại hiện nay giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, bằng cách liên minh với giai cấp nông dân.
Khởi nghĩa vũ trang chỉ có thể thành công khi lực lượng thống trị lung lay, bối rối, không đủ sức giữ địa vị của chúng như trước, khi lực lượng đông đảo của quần chúng được giác ngộ, được tổ chức, quyết hy sinh nổi dậy đấu tranh đến cùng, phải có một chính đảng cách mạng có đường lối đúng đắn, được dân chúng tin cậy lãnh đạo.
Trong khởi nghĩa phải tấn công kiên quyết, do dự một chút là thất bại. Sau khởi nghĩa thắng lợi phải lập ngay chính phủ cách mạng của nhân dân. Nhiệm vụ của chính phủ cách mạng là: Thủ tiêu chính quyền cũ, diệt trừ các hạng phản động, ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân, lập quân đội cách mạng.
b. Chiến tranh du kích: Du kích là một cách chiến tranh của dân chúng dùng khí giới ít và kém chống với đế quốc có khí giới tốt và nhiều (
Con đường giải phóng). Chiến tranh du kích đi liền với khởi nghĩa vũ trang, bảo đảm cho khởi nghĩa thành công và bảo vệ thành quả cách mạng của khởi nghĩa.
Đấu tranh du kích không phải là những hoạt động của cá nhân hay những nhóm nhỏ dựa vào âm mưu, mà là hoạt động của các tổ chức vũ trang cách mạng, có kỷ luật chặt chẽ, dựa vào đường lối chính trị đúng đắn của đoàn thể cách mạng tiền phong và dựa vào cao trào cách mạng của quần chúng.
Nguyên tắc tác chiến của du kích là: Bao giờ cũng giữ thế công, giữ quyền chủ động và có kế hoạch thích hợp, chu đáo, hết sức nhanh chóng.
Thủ đoạn tác chiến của du kích là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; không sống chết giữ đất; hóa chỉnh vi linh, hóa linh vi chỉnh...
Hình thức tác chiến du kích là: Tập kích, phục kích, truy kích, đánh úp, đánh lén, đánh lúc quân thù không ngờ...
3. Chiến tranh nhân dân Chiến tranh nhân dân là một cuộc chiến tranh tiến hành bởi đông đảo quần chúng được giác ngộ chính trị, giác ngộ cách mạng cao, đứng lên dùng vũ khí và đủ mọi phương tiện, bằng mọi phương pháp chống kẻ thù vì mục đích chung, dưới sự lãnh đạo thống nhất của đảng cách mạng chân chính, kiên cường, có đường lối đúng đắn, được dân tin. Dân mà biết đồng tâm hiệp lực, biết đoàn kết tổ chức thì chủ nghĩa đế quốc tuy có mấy vạn máy bay, đạn pháo cũng không làm gì nổi. Có dân thì có tất cả. “Mỗi quốc dân phải là một chiến sĩ. Mỗi làng phải là một chiến hào”.
Muốn toàn dân đánh giặc thì phải “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.
Câu nói bất hủ của Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” có giá trị vĩnh viễn cả về lý luận và thực tiễn.
Chiến tranh nhân dân là phải chiến đấu toàn diện, “bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”.
Toàn dân chiến đấu, chiến đấu toàn diện, tạo một thế trận của chiến tranh nhân dân vô địch với lực lượng tổng hợp bao vây và tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào.
4. Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Toàn dân chiến đấu, toàn diện đấu tranh trên mọi mặt trận, trong đó mặt trận quân sự là nòng cốt trong chiến tranh, vì vậy lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt của lực lượng toàn dân chiến đấu toàn diện.
Lực lượng vũ trang nhân dân, về tổ chức cơ bản bao gồm 3 lực lượng: Dân quân du kích, đơn vị tập trung của địa phương và chủ lực cơ động chiến trường. Ngoài 3 tổ chức cơ bản trên, tuỳ theo chiến trường, điều kiện, mục tiêu và nhiệm vụ mà có những tổ chức chiến đấu thích hợp khác như đặc công, biệt động...
a. Dân quân du kích: Là “một lực lượng rất rộng rãi, khắp cả nước... Nó là như một tấm lưới rộng mênh mông, bao trùm cả nước”. “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng tan rã”. Đội viên du kích được tuyển chọn từ các hội viên các đoàn thể quần chúng cách mạng. Du kích không thoát ly sản xuất.
Du kích chiến đấu nhỏ lẻ. Một đội, một tổ, có khi một người cũng tổ chức được một trận đánh.
Vũ khí của du kích vô cùng đa dạng: Từ một chiếc gậy, con dao đến khẩu súng, trái mìn, đạn pháo lép của địch được tái chế lại... Từ năm 1941, Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ 2 nguồn tìm vũ khí: Một từ trong tay giặc, hai là ở trong dân. Nhân dân sẽ tìm mọi cách tự tạo ra vũ khí cho con em mình chiến đấu.
Du kích rất coi trọng công tác chính trị. Không có công tác chính trị đúng, các đội du kích dễ mất tính chất cách mạng, dễ đi vào sai lầm có hại cho cách mạng (sách
Công tác chính trị trong quân đội cách mạng của Hồ Chí Minh).
b. Bộ đội địa phương: Là đơn vị chiến đấu tập trung của một địa phương như huyện, tỉnh, được tổ chức chặt chẽ hơn và trang bị mạnh hơn du kích, được huấn luyện kỹ hơn về chiến thuật, kỹ thuật.
Bộ đội địa phương có nhiệm vụ giúp và phối hợp với du kích đánh những trận tiêu diệt nhỏ tại địa phương mình, vừa hợp đồng với bộ đội địa phương bạn hay chủ lực tác chiến lớn hơn; giúp phát triển, xây dựng và huấn luyện du kích và nhận sự giúp đỡ mọi mặt của chủ lực. Du kích là tai mắt rộng rãi cho bộ đội địa phương, bộ đội địa phương phải tạo điều kiện cho chủ lực tác chiến trong địa phương mình.
c. Chủ lực: Là những đơn vị vũ trang tập trung và cơ động của từng chiến trường hay trong toàn quốc, thường được tổ chức từ trung đoàn trở lên sư đoàn, quân đoàn. Đó là những đơn vị chính quy, binh chủng hợp thành và hiện đại tùy điều kiện và mức độ cho phép.
Quân đội đó số lượng là quan trọng nhưng chủ yếu là chất lượng, cốt tinh không cốt nhiều. “Phải luôn luôn phát triển các kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung của giải phóng quân”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm
kiểu mẫu. Phải giữ đúng
đạo đức của quân nhân”.
Trong chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân (chính quy) là nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân rộng mạnh, lực lượng vũ trang là nòng cốt của toàn dân đánh địch toàn diện.
5. Hậu phương chiến tranh, hậu phương quân đội, căn cứ địa cách mạng, căn cứ du kích + Không một quân đội nào không có hậu phương vững chắc mà có thể chiến thắng được. Không có một hậu phương vững chắc thì không thể sinh ra quân đội nhân dân.
Hậu phương của lực lượng vũ trang nhân dân là một hậu phương đồng nhất, toàn diện, toàn dân với ý chí cao, cùng quân đội chiến đấu, ủng hộ hết mình về tinh thần và vật chất. Quân và dân một ý chí bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh. Và chỉ có chiến tranh chính nghĩa mới đạt yêu cầu ấy.
Xây dựng hậu phương vững chắc là vấn đề hết sức trọng yếu của chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: Kháng chiến và kiến quốc đi đôi, kêu gọi chống giặc đói, giặc dốt và chống giặc ngoại xâm. Năm 1947, thăm tỉnh Thanh Hóa, Người đã vạch phương hướng xây dựng hậu phương:
“Làm cho người nghèo thì đủ ăn.
Người đủ ăn thì khá giàu.
Người khá giàu thì giàu thêm.
Người nào cũng biết chữ.
Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước.
CÁCH LÀM: Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân..".
Xây dựng một hậu phương vững chắc, toàn diện về chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế... như vậy mới động viên được tinh thần, cung cấp sức người, sức của cho quân đội chiến đấu lâu dài, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, bảo đảm thắng lợi hoàn toàn.
+ Trong cái hậu phương rộng lớn còn phải xây dựng căn cứ địa, căn cứ du kích. Đó là: Một vùng khá rộng và hiểm trở, ở đó dân chúng được tổ chức vững vàng, quân lính đế quốc khó vào được. Du kích dùng nơi đó làm chỗ đứng chân, tiến có thể đánh và phát triển lực lượng, lui có thể đứng và giữ gìn lực lượng (các căn cứ như: Việt Bắc trong chống Pháp; Tây Nguyên, Đồng Nai, Bắc Tây Ninh, Đồng Tháp, U Minh trong chống Mỹ).
+ Ngoài các căn cứ lớn còn có các căn cứ nhỏ của du kích và bộ đội địa phương, “căn cứ chính trị” ngay trong lòng địch ở nông thôn và đô thị.
Các loại căn cứ như trên cấu thành một thế trận chiến tranh nhân dân bao trùm toàn bộ chiến trường, bao vây quân thù, xen kẽ với giặc, bảo đảm phối hợp ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn và đô thị, liên tục tấn công địch ở mọi nơi, mọi lúc.
6. Nghệ thuật quân sự, chiến lược, chiến thuật của chiến tranh nhân dân Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh không những nêu lên những vấn đề về lý luận và chỉ đạo về đường lối, chủ trương mà còn là nghệ thuật quân sự, chiến dịch và chiến thuật của chiến tranh nhân dân. Nước ta là một nước nhỏ, nghèo, dân số không đông, quân đội không nhiều đã thắng 2 đế quốc to, ngoài đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng suốt còn là sự chỉ đạo thực hành chiến tranh, chiến đấu quân sự trở thành một nghệ thuật, đồng thời là một khoa học.
Nghệ thuật quân sự theo tư tưởng Hồ Chí Minh có các nguyên tắc cơ bản như sau:
a. Biết mình biết người: Là nguyên tắc đầu tiên để tiến hành chiến tranh cũng như thực hiện từng trận chiến đấu. Hồ Chủ tịch đã viết: “Trước khi khai chiến, phải biết mình, biết người, biết tình hình thiên thời, địa lợi để định kế hoạch hành động, mới có thể thắng được”. Cần phải khiêm tốn, thấy cái gì yếu kém của mình để khắc phục, thấy cái gì ưu điểm để khuếch trương lên, đánh giá đúng khả năng của mình để hành động phù hợp nhất cho từng trường hợp. Còn biết người, Hồ Chí Minh viết: “Không biết rõ tình hình bên địch mà dám khai chiến thời có khác gì đánh bạc với chiến tranh”; phải biết được khả năng tác chiến mọi mặt của địch, điểm mạnh của quân địch để hạn chế chúng, điểm yếu của địch để khoét sâu và đánh vào đó, trong điểm mạnh có chỗ nhược nào để lợi dụng.
b. Nhân hòa, địa lợi, thiên thời là 3 nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh: Hồ Chí Minh viết: “Trong hai phe giao chiến, phe nào có đầy đủ điều kiện nhân hòa là phe ấy thắng”. Chiến tranh nhân dân chính nghĩa, toàn dân toàn diện là có đầy đủ điều kiện nhân hòa mà nhân hòa là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong chiến tranh.
Thiên thời như Hồ Chí Minh đã phân tích: Khí hậu của ta không thuận cho giặc, ta còn lợi dụng ngày, đêm, sớm, tối, mưa, nắng, nóng rét để đánh địch. Thiên thời còn là thời gian và thời gian là lực lượng.
c. Về chiến lược đánh lâu dài, về chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, giải quyết nhanh: Về chiến lược, ta bắt đầu từ yếu dần trở thành mạnh, từ ít dần trở thành nhiều nên phải có thời gian tích lũy quân nhu, kinh nghiệm, giành từ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi lớn đi đến thắng lợi hoàn toàn. Hồ Chí Minh đã giải thích: “Với binh nhiều, tướng đủ, khí giới tối tân, chúng định đánh mau thắng mau. Với quân đội mới tổ chức, với vũ khí thô sơ, ta quyết kế trường kỳ kháng chiến... Địch có tàu bay, tàu bò, tàu thủy nhưng nó có chừng nên nó muốn đánh chớp nhoáng... Ta lợi hơn nó là nó không thể kéo dài được, mà ta thì có thể kéo dài”.
Về chiến thuật, từng trận đánh phải thắng nhanh. Trong bài thơ
Học đánh cờ, Hồ Chí Minh có câu: “Tấn công, thoái thủ nên thần tốc”. Trong bài
Binh pháp Tôn Tử - Phương pháp tác chiến, Người nêu: “Phải vừa nhanh vừa có mưu mới quyết định được thắng lợi”.
Để bảo đảm được thần tốc và chiến thắng phải tôn trọng một số nguyên tắc:
- Bí mật, bất ngờ: “Ta biết rõ giặc, giặc không rõ ta. Đi nhẹ không tăm, về nặng không tiếng. Tiến nhanh như gió, thoái kín như đêm. Phục giặc không biết, đánh giặc không ngờ”.
- Nghi binh, lừa địch: Trong chiến tranh, đôi bên đều tìm mọi cách che kín mình và tìm rõ địch. Ai khéo ngụy trang thì người đó lừa được đối phương mà giành phần thắng. Trong bài
Đặt kế hoạch tác chiến (Báo
Cứu quốc, ngày 07/6/1946) Hồ Chí Minh viết: “Tiến đánh chỗ địch không phòng bị hay thấy địch không để ý, mình tiến đánh một cách bất ngờ” (Chiến dịch Nguyễn Huệ bằng nhiều cách ta đã làm địch hiểu lầm hướng Xa Mát - Thiện Ngôn là hướng chính, ta tấn công hướng chính giải phóng Lộc Ninh. Tháng 3/1975, ta nghi binh ở Kon Tum, Pleiku, địch tập trung đối phó, ta tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, đẩy địch hoàn toàn bị động).
d. Chiến dịch tấn công và chủ động chiến trường: Khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân đòi hỏi áp dụng chiến lược tấn công. Tấn công để giữ thế chủ động chiến trường, chủ động cả về chiến lược và chiến thuật.
“Giữ quyền chủ động là khôn khéo sử khiến quân thù, muốn đánh nó ở chỗ nào thì đưa nó đến đó mà đánh, muốn đưa nó vào bẫy của mình có thể đưa được”. “Du kích mà để cho quân thù đến đánh, mình phải phòng ngự, là không tốt rồi, là phải ở vào thế khó rồi...”. Tuy vậy có lúc phải ngự phòng. “Nhưng lối phòng ngự này là lối phòng ngự thế công không phải rút vào một chỗ để cho quân thù tha hồ đánh phá .
e. Cơ động, linh hoạt, biết phân tán, biết tập trung, không giữ đất: Bất cứ chủ lực, địa phương hay du kích đều phải tích cực tìm địch mà đánh, chủ động tấn công quân địch. Hết sức linh hoạt trong tổ chức chiến đấu trên từng chiến trường nông thôn, rừng núi hay đô thị tùy điều kiện và hoàn cảnh mà khi phân tán, khi tập trung.
Lực lượng nhỏ hay lớn đều phải luôn luôn cơ động, không bao giờ ở lâu một chỗ, không bao giờ đánh địch một nơi, trừ đơn vị chuyên trách mục tiêu, có như vậy mới chủ động tấn công địch. Hồ Chí Minh đã dạy: “Tài giỏi của du kích chính là xếp đặt kế hoạch ấy, thật là thiên biến vạn hóa, kẻ thù không biết đâu mà ngờ, mà phòng”.
Không chiếm giữ đất đai. Trong lúc quân địch phải rải ra chiếm đóng khắp nơi và phải phòng ngự giữ mình thì lực lượng ta hoàn toàn tự do cơ động khắp rừng núi nông thôn, thành thị để chủ động tấn công địch. Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta không cố chiếm hoặc cố giữ trận địa, trừ khi nào cần và có lợi. Để tiến hành vận động chiến một cách lợi, có khi chúng ta rút lui ở một nơi nào, để làm phân tán binh lực của địch quân”, “sự chiếm đoạt một khoảng đất hay một thành thị, chưa thể quyết định được hơn thua”.
g. Kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy: Trong chiến tranh nhân dân, ta đánh địch bằng lực lượng tổng hợp. Ba mũi giáp công là phương pháp tiến công nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ (vũ trang, chính trị và binh vận).
Chiến tranh chính quy do quân chủ lực tiến hành luôn luôn kết hợp với chiến tranh du kích:
Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch; để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân; để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch, tuyên truyền và giáo dục quần chúng những vùng đó, thu hẹp nguồn ngụy binh của địch, mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích...”.
Chiến tranh chính quy, “dùng vận động chiến linh hoạt, để tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, làm cho địch yếu đi, phối hợp với công kiên chiến từng bộ phận, để tranh lấy những cứ điểm và thị trấn nhỏ ở đó địch sơ hở, yếu ớt...”. Chủ lực là đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, “tiêu hao lực lượng địch là để bồi dưỡng lực lượng ta”, “làm thương tổn 10 ngón tay không đau đớn bằng cắt đứt hẳn đi 1 ngón tay... đánh bại 10 sư đoàn không bằng trừ diệt 1 sư đoàn”.
Sự vận dụng tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về sự kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy được vận dụng trong suốt hai cuộc kháng chiến, nổi bật với Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
7. Lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn Nhân nghĩa, độ lượng là tính cách đạo đức Hồ Chí Minh. Quý trọng con người chân chính, khoan dung, độ lượng với người sai quấy, với kẻ địch sa cơ.
Chiến tranh của ta là chính nghĩa, đúng đạo lý, hợp lòng người. Cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và quân đội đôi bên chiến tuyến, với nhân dân toàn thế giới để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi. Sự ủng hộ đó là sức mạnh góp phần đánh vào kẻ địch phi nghĩa. Cần vận động binh sĩ địch, thức tỉnh họ đứng về phía chân lý, không gây tội ác, không chiến đấu vì mục đích sai lầm. Binh địch vận là một mặt trận không kém phần quan trọng. Một khi ánh sáng chính nghĩa soi rọi được vào binh sĩ quân đội đối địch phi nghĩa thì quân đội ấy sẽ bị phân hóa, giảm sức chiến đấu, có lợi cho ta. Đó là đánh vào lòng người, có khi ta không đánh mà thắng.
Thêm bạn bớt thù là phương châm hành động trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là một tri thức tổng hợp, một học thuyết vô giá của dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh dựa vào con người, nhằm phát huy năng lực vô biên của con người khi được giác ngộ và được giải phóng. Không phải sức mạnh của vũ khí, dù loại vũ khí gì, uy lực đến đâu, không phải sức mạnh tàn bạo của một tổ chức quân đội nào, mà là sức mạnh của con người, của cả một tập thể con người quyết định thắng bại trên chiến trường. Con người làm nên lịch sử.
PHẦN III
GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ HỒ CHÍ MINH NGÀY NAY VÀ NGÀY MAI
1. Chiến tranh là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm của loài người khi xã hội ấy còn có bóc lột, bất công, bất bình đẳng, khi trên thế giới còn có nước này muốn lấn chiếm đất đai, bờ cõi của nước khác, dân tộc này muốn nô dịch dân tộc khác.
Nhận thức như vậy, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh dự liệu những phương pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, đối thoại để giải quyết một cách hòa bình mọi mâu thuẫn có thể có giữa các dân tộc, cố tránh chiến tranh đi đến tiêu diệt chiến tranh. Điểm cơ bản của tư tưởng đó là lòng nhân ái, thương yêu quý trọng con người, tôn trọng quyền con người được sống tự do và hạnh phúc trên giang sơn của mình. Đồng thời, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cũng đề cao cảnh giác trong một thế giới còn đầy rẫy mầm mống chiến tranh, dự liệu trước đường lối, phương pháp chiến tranh bảo đảm chắc thắng cho chiến tranh chính nghĩa, tự vệ khi buộc phải chiến tranh.
Ngày nay thế giới không còn chia làm hai cực đối đầu lẫn nhau, vũ khí và chiến tranh không còn là phương tiện định đoạt vận mệnh con người mà chính con người với năng lực vô biên mới định đoạt số phận của mình (chiến tranh Việt - Mỹ 1954 - 1975, chiến tranh vùng Vịnh...). Nhân tố kinh tế, quyền lợi kinh tế của mỗi nước, mỗi khu vực đã vươn lên giữ vai trò quan trọng trong diễn biến tình hình thế giới. Nó ảnh hưởng đến quyết định chính trị, quân sự, quan hệ quốc tế. Nhu cầu về một sự ổn định về chính trị để phát triển về kinh tế, nâng cao đời sống con người là tối cần thiết.
Nhưng thế giới còn đó hai tư tưởng, hai chế độ khác nhau: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
- Tư bản chủ nghĩa đã bộc lộ sự già cỗi, lỗi thời. Tuy nó đã lợi dụng sự phát triển thần kỳ của khoa học và kỹ thuật để nâng cao sản xuất của cải vật chất, vũ khí công nghệ tiên tiến nhưng chưa hề thỏa mãn được nhu cầu của con người cả vật chất và tinh thần. Ngược lại, nó đã đem lại không ít tai họa cho nhân loại: nghèo đói, thất nghiệp, tội ác, kỳ thị chủng tộc, đồi trụy tinh thần. Nó không hề thay đổi bản chất tham lam. Nó chỉ muốn bảo tồn quyền lợi và hưởng thụ của một thiểu số, áp bức bóc lột đại đa số bằng mọi cách, không loại trừ tiến hành chiến tranh xâm lược, nô dịch các nước, các dân tộc.
- Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố: Việt Nam muốn làm bạn của tất cả các nước, tiến hành đường lối đối ngoại hữu nghị và hòa bình với các dân tộc, tìm mọi cách tránh chiến tranh, giữ vững hòa bình, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn bản sắc dân tộc. Đồng thời đề cao cảnh giác, thực hiện dựng nước đi đôi với giữ nước. Đó là đường lối đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Ngày nay trong một thế giới mà mầm mống chiến tranh vẫn còn, âm mưu thôn tính và bành trướng chưa hết, luôn luôn đề cao cảnh giác, “kiến quốc phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc”, bảo vệ con đường xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng. “Không đến nguy cơ, thì chớ chiến tranh”, nhưng khi phải chiến tranh thì nhất định phải thắng. Muốn vậy phải chuẩn bị sẵn:
- Một chiến lược quốc phòng phù hợp.
- Một hậu phương vững chắc.
- Một lực lượng tổng hợp của chiến tranh nhân dân.
- Những bảo đảm để thực hiện chiến dịch, chiến thuật, nghệ thuật quân sự theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Chiến lược quốc phòng phải phù hợp với tình hình trong nước và thế giới đến đầu thế kỷ XXI và phù hợp với từng thời kỳ sau đó. Xác định đúng đối tượng, kẻ thù chính và phụ trong từng thời kỳ, luôn thêm bạn, bớt thù, xác định đúng nhiệm vụ từng chiến trường mà tổ chức và bố trí lực lượng phù hợp. Phân tích chính xác các mâu thuẫn có thể gây ra xung đột, chiến trường phải tác chiến, để có sẵn kế hoạch và biện pháp chính trị, quân sự, tổng hợp, luôn giữ thế chủ động trong bất kể tình huống nào.
Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”.
3. Trước kia có hai siêu cường, nay có nhiều siêu cường tranh nhau về kinh tế để làm bá chủ thiên hạ. Mâu thuẫn trước mắt là kinh tế, chính trị cũng có thể dẫn đến mâu thuẫn đối chọi về vũ trang, cục bộ nơi này, nơi khác. Thế giới còn có thể phức tạp hơn nhiều. Nhưng phức tạp đến đâu, tranh giành kinh tế, chính trị, chiếm đoạt bằng vũ trang hay “diễn biến hòa bình”, theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, con người vẫn giữ vai trò quyết định.
Một khi con người được giác ngộ, đoàn kết chặt chẽ, quyết tự đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình thì không một kẻ thù nào, không một thủ đoạn kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa nào có thể thắng nổi. Đó là truyền thống của dân tộc ta, là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Vận động, giáo dục, giác ngộ nhân dân, tổ chức họ lại, đoàn kết trong một mặt trận vì quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc là nhiệm vụ của các đoàn thể chính trị - xã hội. Vai trò của các đoàn thể ấy là rất quan trọng trong bất cứ thời kỳ nào. “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong”. Một đảng cách mạng thực sự vững mạnh, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, không có lợi ích nào khác, thì nhất định tập hợp và lãnh đạo được toàn dân đấu tranh giành thắng lợi.
Một chính quyền do dân, vì dân, dựa vào dân nhất định điều hành có hiệu quả đất nước trong mọi tình huống.
Đó là một cơ chế của một chế độ đi lên xã hội chủ nghĩa, lấy dân làm gốc, có sự lãnh đạo và điều hành chặt chẽ của một đảng, một chính quyền vì dân nhất định có thể đối đầu với bất kỳ khó khăn nào, có thể giành toàn thắng trong “diễn biến hòa bình” hay chiến tranh.
Đó là điều cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh bảo đảm giành toàn thắng bất cứ kẻ thù nào, vũ khí nào, ở thời đại nào.
CÂU HỎI:
Phần I: 1. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh hình thành từ bao giờ? Phát triển như thế nào trước Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến?
2. Nguồn gốc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh?
Phần II: 1. Vì sao tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh lại đặt vấn đề chỉ tiến hành chiến tranh cách mạng khi tất cả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao hòa bình không còn hiệu quả, “không đến nguy cơ, thì chớ chiến tranh”?
2. Khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân khác nhau như thế nào? Nội dung tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về hai vấn đề trên?
3. Phân tích sự khác nhau, đồng thời mối liên hệ hữu cơ của hậu phương chiến tranh, hậu phương quân đội, căn cứ địa và căn cứ du kích? Nêu ví dụ?
Phần III: 1. Vì sao ngày nay các siêu cường có đủ vũ khí giết người hàng loạt, chuẩn bị cả chiến tranh trên các vì sao, Đảng ta vẫn chủ trương thực hiện tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh: Con người vẫn là yếu tố quyết định thắng lợi trong “diễn biến hòa bình” hay chiến tranh?
2. Làm thế nào để chiến lược quốc phòng của ta phù hợp với tình hình trong nước và trên thế giới đến đầu thế kỷ XXI và phù hợp với từng thời kỳ sau đó?
---------------------------------------------------------------
Bài giảng lớp Cao học lịch sử.