Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:59:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành Đồng  (Đọc 6033 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #40 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 11:23:16 am »

*
*      *

    Sau khi đẩy được Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn - Chợ Lớn, Diệm nghĩ ngay đến diệt trừ lực lượng Hòa Hảo.

    Lực lượng vũ trang Hòa Hảo chia làm bốn phái riêng rẽ không có sự chỉ huy thống nhất với nhau:

    1. Phái Trần Văn Soái (tự Năm Lửa) chiếm cứ các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc, chỉ huy sở đặt tại Cái Vồn (Cần Thơ)

    2. Phái Lâm Thành Nguyên (tự Hai Ngoán) kiểm soát tỉnh Châu Đốc và một phần tỉnh Long Xuyên, chỉ huy sở đặt tại Cái Dầu (Châu Đốc).

    3. Phái Lê Quang Vinh (tức Ba Cụt) chiếm vùng Rạch Giá và một phần Long Xuyên, chỉ huy sở đặt tại Thốt Nốt (Long Xuyên).

    4. Phái Nguyễn Giác Ngộ kiểm soát một khu vực của tỉnh Long Xuyên, chỉ huy sở tại Chợ Mới (Long Xuyên).

    Trong bốn phái ấy, Năm Lửa có lực lượng mạnh hơn cả và tự coi mình là tổng tư lệnh quân đội Hòa Hảo nhưng Nguyễn Giác Ngộ thì cho mình là phái chính thống nhất, còn Ba Cụt thì tự xưng là tổng tư lệnh của quân đội dân xã. Nguyễn Giác Ngộ đã đầu hàng Chính phủ Diệm từ sớm.

    Diệm mở đầu đánh vào lực lượng Năm Lửa có đông quân lại đóng ở vị trí quan trọng kiểm soát Tây Đô (Cần Thơ) và con đường chiến lược số 4 - đường xương sống xuyên đồng bằng sông Cửu Long.

    Ngày 05/6/1955, Diệm bắt đầu đánh quân Hòa Hảo với cái gọi là chiến dịch Đinh Tiên Hoàng. Ngay từ sáng, một cánh quân Diệm đã bất ngờ đánh úp Cái Vồn nhằm bắt sống Năm Lửa. Quân Hòa Hảo có kháng cự lại lúc đầu nhưng không mạnh, lần lượt đầu hàng và rút chạy. Năm Lửa cùng một số quân rút vào các căn cứ kháng chiến cũ của ta, Ba Cụt thì cho quân tản mát vào các vùng nông thôn có địa hình phức tạp. Còn Hai Ngoán thì đầu hàng ngay sau khi bị đánh. Ngày 14/6, quân Diệm đã kiểm soát đoạn đường 4 và đường Long Xuyên - Châu Đốc. Lực lượng của Diệm có xe thiết giáp, tàu thuyền và pháo yểm trợ, bắn bừa bãi vào các vùng Hòa Hảo giết hại rất nhiều người dân có đạo một cách vô tội vạ, tàn phá thị trấn, làng mạc nhất là vùng Cái Vồn. Các đại đội vũ trang rút chạy thì nhân dân Hòa Hảo cũng kéo chạy lánh nạn vào các vùng kháng chiến cũ mà Mỹ - Diệm chưa đủ sức kiểm soát. Nhân dân các vùng này cùng các vùng căn cứ cũ của tỉnh và Đồng Tháp Mười là nhân dân đã giác ngộ cách mạng từ trước, theo sự chỉ đạo của các đồng chí ta đã hết sức giúp đỡ đồng bào Hòa Hảo chạy vào, kể cả các đại đội vũ trang của Năm Lửa và Ba Cụt.

    Các cán bộ Đảng ta như Nguyễn Việt Châu (thường gọi là Sáu Tâm) - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long lúc ấy đã đến tận nơi thăm hỏi những người chạy nạn, lãnh đạo bà con đùm bọc nuôi nấng, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn, tiếp tế lương thực và lo nơi đóng quân cho quân Hòa Hảo. Có những đồng bào che chòi ra vườn để ở, nhường nhà mình lại cho bà con và binh sĩ Hòa Hảo đóng. Cán bộ ta đã vạch trần âm mưu thâm độc của Mỹ - Diệm, chỉ rõ Chính phủ cách mạng là thế nào và chỉ vẽ cả cho các đại đội vũ trang về cách củng cố, huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu. Nhiều đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Hòa Hảo tỏ ra ngạc nhiên về lòng nhân ái, độ lượng, về sự hiểu biết rộng rãi nhiều mặt của cán bộ và nhân dân cách mạng. Họ vô cùng cảm kích và biết ơn. Nhiều người giải tỏa được sự hiểu lầm và thành kiến trước kia với cách mạng và đó là cái cầu nối tình tương thân tương ái giữa đồng bào các vùng cả về sau này. Có những cán bộ của Đảng được các đơn vị và đồng bào Hòa Hảo tín nhiệm, thường xuyên hỏi ý kiến giải quyết những vấn đề khó khăn. Có một số cán bộ do Đảng ta phái đến công tác được các đơn vị Hòa Hảo mời làm chính trị viên luôn cho đơn vị, nhờ đó giáo dục được chỉ huy và chiến sĩ giảm bớt tính cách lưu manh, hung dữ đối với quần chúng. Đó là các đồng chí Sáu Ức 1, Tám Bành 2, Sáu Chung 3, và nhiều đồng chí khác. Đồng chí Sáu Ức đã kể:

    “Thực hiện chủ trương của Đảng là cải biến các đơn vị giáo phái từ ô hợp, lưu manh thành yêu nước, thương dân giúp đỡ các đơn vị đó không để bị quân Diệm tiêu diệt, lôi kéo. Chấp hành lệnh trên, tôi đã làm chính trị viên cho họ, hành quân cùng các đơn vị khắp các vùng, cả nông thôn, cả thị tứ, nhiều vùng mà trong kháng chiến cán bộ ta không làm sao tới được. Tôi sống với họ như một chức sắc Hòa Hảo, cũng có những ngày cùng ăn chay như họ. Tôi dạy họ những công việc làm giúp cho dân, không đánh lộn, chửi bới nhau, không hà hiếp dân. Tôi thuyết phục cả những địa chủ trong vùng Hòa Hảo bớt tô, tức, bóc lột nông dân. Đồng bào Hòa Hảo ngày càng tin tưởng thương yêu các đơn vị này cho rằng có học cách mạng mới được như vậy. Đồng bào vùng kháng chiến cũng bớt lo lắng về sự cướp bóc, phá hoại của họ...”.

    Các đơn vị Hòa Hảo nhờ tản vào các căn cứ kháng chiến cũ, được nhân dân đùm bọc và cán bộ ta giúp đỡ nên chống lại dằng dai với lực lượng Diệm mạnh hơn nhiều. Mãi đến tháng 12/1955, tuy có gặt hái được một vài kết quả nhưng chiến dịch Hoàng Diệu kể như thất bại và phải chấm dứt, sau khi kéo dài đến sáu tháng trời. Đại bộ phận vùng nông thôn hầu như do nhân dân tự quản và lực lượng các giáo phái tự do qua lại.

    Mỹ - Diệm vừa bực tức, vừa lo sợ liền mở tiếp chiến dịch mệnh danh là Nguyễn Huệ bắt đầu từ 01/01/1956, quyết diệt cho được quân của Năm Lửa, Ba Cụt và một số “Việt cộng nằm vùng”. Lần này chúng huy động một lực lượng khá lớn, điều động cả từ Trung Bộ vào, có cả hải quân và không quân tham chiến. Đó là một lực lượng bao gồm tới bốn sư đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn địa phương cảnh sát và công an lưu động, sáu chi đoàn thiết giáp, năm tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn nhảy dù làm trù bị, bốn hải đoàn xung phong, các phi đội máy bay oanh tạc và trinh sát. Dương Văn Minh vừa thăng chức thiếu tướng do chiến thắng Lê Văn Viễn ở Rừng Sác được điều làm tư lệnh chiến dịch.

    Quân Diệm vào Đồng Tháp Mười trên một tháng trời, đi đến đâu cũng đều bị đánh trả, nhưng đặc biệt là vấp phải mìn gài khắp nơi cùng những hầm chông, rào chặn, thương vong ngày một tăng. Đó là những hành động chống cự của các đại đội phân tán được nhân dân vùng căn cứ giúp đỡ chỉ dẫn và cùng chiến đấu. Trận lớn nhất xảy ra ở Tân Thành, Cả Cái. Ở đó một số đồng chí ta đã giúp cho đơn vị Năm Lửa điều khiển súng máy, súng cối và cả chỉ huy, chiến thuật, nên tiêu diệt nhiều quân Diệm và là chủ khu vực này. Còn Năm Lửa thì miệng hùm gan sứa, đã rắp tâm không chống lại mà chờ ngày “ra mặt” tức đầu hàng. Mặc dù lúc ấy Đảng bộ vùng Đồng Tháp đã cho đồng chí Sáu Chung đi sát Năm Lửa để giúp đỡ y. Bề ngoài y nói cứng nhưng ngay từ đầu, y đã cho Phan Hà - Chánh văn phòng của y đi tìm gặp đại diện của Diệm, dắt dẫn đến gặp Lê Thị Gấm (vợ Năm Lửa), để thương thuyết đặt giá cả. Cuối cùng Diệm cho Nguyễn Ngọc Thơ xuống gặp Năm Lửa thỏa thuận các điều kiện và ngày 17/02/1956 Năm Lửa đem lực lượng của mình về đầu. Nhưng không phải tất cả đều theo Năm Lửa ra hàng. Nguyên một đại đội do Hồng làm đại đội trưởng được ta giác ngộ và giúp đỡ đã ở lại Đồng Tháp Mười chiến đấu với danh nghĩa là bộ đội Hòa Hảo chống Mỹ - Diệm và rất nhiều chiến sĩ yêu nước trong các đại đội của Hồng. Về sau đại đội của Hồng nhập vào bộ đội giải phóng giáo phái do Ba Thu và Bảy Môn chỉ huy thống nhất.

    Ở vùng Vĩnh Long, Sa Đéc trở về Hậu Giang có các tiểu đoàn vẫn tiếp tục hoạt động dưới sự lãnh đạo của Phan Văn Thục thường gọi là Năm Thục, với danh nghĩa thay Năm Lửa làm tư lệnh các lực lượng Hòa Hảo chống Mỹ - Diệm. Đồng chí Sáu Ức được tín nhiệm làm chính trị viên trong bộ tư lệnh. Đó là Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo do Tám Bành làm Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn Thanh Long do Tiểu đoàn trưởng Hoành chỉ huy và Tiểu đoàn Ngô Văn Sở do Tư Sơn chỉ huy. Ngoài các tiểu đoàn này ra còn một số đại đội rải rác nhiều nơi.

    Song song với cuộc hành quân đánh Năm Lửa ở Đồng Tháp Mười, quân Diệm cũng đánh Ba Cụt ở các vùng Giồng Riềng (Rạch Giá) và Cà Mau, Châu Phú (Châu Đốc), Sa Đéc và Hà Tiên. Các đơn vị của Ba Cụt có đánh trả nhưng không mạnh mà thường tránh né để bảo toàn thực lực. Chỉ có một trận phục kích của đơn vị Hòa Hảo gọi là trung đoàn Lê Quang ở rìa rừng U Minh Thượng là trận đánh lớn và thắng lợi. Trong trận này quân của Ba Cụt đã tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn của Trung đoàn 33 của Diệm, giết và làm bị thương hàng trăm sĩ quan và lính, thu nhiều vũ khí có cả đại liên, súng cối và một số máy thông tin. Nhưng quân của Diệm đông lại có cả pháo, tàu thuyền và máy bay yểm trợ, lại đánh dài ngày đã gây nhiều khó khăn cho quân Ba Cụt. Đã vậy tin Năm Lửa đầu hàng càng gây hoang mang dao động trong hàng ngũ Ba Cụt. Trong chiến dịch này Mỹ - Diệm lại chủ trương vừa đánh vừa gọi hàng. Vì vậy cả hai phía đều tìm bắt liên lạc để mặc cả việc “trở về hợp tác”. Sau nhiều phen thăm dò, ngày 29/02/1956 Ba Cụt và Nguyễn Ngọc Thơ - đặc sứ thương thuyết của Diệm đã gặp nhau lần đầu ở Côn Tảo trên sông Cửu Long, gần Tân Châu. Sau đó, còn một vài lần gặp gỡ nữa nhưng không ngã giá được vì Ba Cụt đặt điều kiện quá cao. Trong quá trình thương thuyết, phía Ba Cụt lợi dụng sắp xếp lại đội hình, bố trí lại lực lượng bao trùm cả vùng mà Năm Lửa đã rút đi đầu hàng. Còn phía quân Diệm thì điều động nhiều lực lượng để hình thành vòng vây ngày càng chặt hòng bắt sống Ba Cụt và bộ hạ. Thật là hạt cưa gặp mướp đắng. Sáng ngày 13/4/1956, Ba Cụt và toán tùy tùng bị bắt sống không một phát súng nổ tại Chắc Cà Đao, cách thị xã Long Xuyên bảy kilômét. Khi bị bắt Ba Cụt tự xưng ngay là Trung tướng Lê Quang Vinh về Long Xuyên để thương thuyết, nhưng bộ tư lệnh chiến dịch của Diệm thì tuyên bố Ba Cụt là một tù binh. Ngày 13/7/1956, Ba Cụt bị Diệm cho đem chém đầu tại Cần Thơ.

    Lực lượng của Ba Cụt một số đầu hàng, một số tự tan rã. Một số khác không nhỏ nhờ nhân dân giúp đỡ nên tiếp tục chiến đấu chống Mỹ - Diệm theo sự chỉ đạo của bộ tư lệnh giáo phái do Năm Thục làm tư lệnh.




-----------------------------------------------------------------
1. Nguyễn Ký Ức - nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long.

2. Trương Văn Tám đã nghỉ hưu.

3. Nguyễn Văn Phàn tục gọi là “thầy đờn” vì biết đờn giỏi, nguyên là Tỉnh ủy viên Kiến Phong.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #41 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 11:25:51 am »

*
*      *

    Trong lúc dùng lực lượng vũ trang mạnh để diệt Bình Xuyên và Hòa Hảo thì Mỹ - Diệm chơi nước cờ hoãn với Cao Đài. Biết rằng Cao Đài chủ trương không dùng quân sự chống Diệm mà dùng chính trị giáo phái để giành quyền chính và có mộng tưởng biến giáo phái thành quốc đạo, lộ ra lúc còn “Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia” nên Mỹ - Diệm dùng mưu tách ra từng nhóm để đối phó. Mỹ - Diệm lại lôi kéo được lực lượng Trịnh Minh Thế rồi và lần lượt mua chuộc được Nguyễn Thành Phương và Văn Thành Cao cũng là những người vai vế của Cao Đài nên càng yên tâm. Quả nhiên lúc Diệm đánh Bình Xuyên và Hòa Hảo thì Cao Đài án binh bất động. Đối với Cao Đài, Diệm vừa dùng mưu kế dụ dỗ hạn chế ảnh hưởng vừa dùng áp lực quân sự. Diệm đã thay thế hệ thống hành chính riêng của Cao Đài ở chu vi tòa thánh Tây Ninh bằng hệ thống chính quyền của Diệm và lực lượng quân sự lên đóng quanh tòa thánh. Rồi Diệm cho vận động Giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc về hợp tác nhưng thất bại, tức thì Diệm sai Nguyễn Thành Phương đem quân lên chiếm đóng tòa thánh, tước súng cơ thánh vệ, bắt một số chức sắc Cao Đài và mưu toan bắt cả hộ pháp Phạm Công Tắc để đưa Trần Quang Vinh lên thay thế... Trần Quang Vinh đã từng là tay chân đắc lực của Nhật, của Pháp và nay lại bán mình cho Mỹ - Diệm, không có uy tín trong đạo bằng Phạm Công Tắc. Các đồng chí ta đã khéo léo lái tín đồ Cao Đài chống lại Phương và mưu mô của Diệm. Họ đã bãi thực ba ngày, đưa ra khẩu hiệu “Phản đối xâm lược tòa thánh” và “chống đưa Trần Quang Vinh thay hộ pháp Phạm Công Tắc”. Sợ sức mạnh đoàn kết của đông đảo nhân dân, Diệm phải xuống nước một bước. Cuối tháng 12/1955, Phương phải họp dàn xếp với chức sắc Cao Đài. Phương phải thả những người bị bắt và để cho cơ thánh vệ lo việc an ninh cho tòa thánh nhưng không cho trang bị vũ khí. Mỹ - Diệm lại rút Phương về cho Văn Thành Cao lên thay. Để lừa gạt tín đồ, Cao chỉ trích Phương là làm bậy. Nhưng theo lệnh Mỹ - Diệm, Cao buộc chức sắc Cao Đài phải ký cái gọi là “Hiệp ước Bính Thân” (1956), theo đó Cao Đài thuần túy là một đạo giáo, không có lực lượng vũ trang và không được làm chính trị.

    Biết rằng Mỹ - Diệm quyết tâm thanh toán Cao Đài nếu không biến được Cao Đài thành lực lượng phục vụ cho quyền lợi của Diệm, Phạm Công Tắc bí mật cho Hồ Khánh Vân ra lập chiến khu ở rừng Tây Ninh, bí mật kêu gọi binh lính Cao Đài trong quân đội Diệm đào ngũ trở về. Bản thân Phạm Công Tắc cùng một số chức sắc đứng đầu đạo như Hồ Tấn Khoa, Lê Văn Tất... sợ Mỹ - Diệm sát hại, liền chạy sang tị nạn chính trị ở Campuchia, gây xúc động mạnh và bất bình lan rộng trong tín đồ Cao Đài. Đứng trước một thất bại chính trị lớn như vậy, Mỹ - Diệm tìm cách gỡ gạc. Đã nhiều lần Diệm cho người ra sức dụ dỗ Phạm Công Tắc trở về nhưng đều thất bại. Bực tức Diệm ra lệnh bắt giam bà vợ ông Tắc và ra mặt khủng bố chức sắc và tín đồ, càn quét mạnh vùng rừng Tây Ninh, tổ chức mật thám ngay trong hàng ngũ chức sắc Cao Đài, ngay trong tòa thánh. Diệm rút Văn Thành Cao về, thay bằng người thân tín của y để sau này gạt nốt cả Cao lẫn Phương khi không còn cần nữa. Bằng hành động đàn áp đó, Diệm đã uy hiếp khuất phục được chức sắc Cao Đài không dám chống lại Diệm, nhưng không khuất phục được đông đảo tín đồ cả miền Đông lẫn miền Tây Nam Bộ. Tín đồ rất căm phẫn Diệm.

   Nhiều binh sĩ Cao Đài trong quân đội Diệm chạy ra rừng sung vào các đơn vị của Thiếu tá Nguyễn Thanh Mừng. Tham gia vào bộ đội giải phóng giáo phái của Đồng Tháp Mười có cả Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và do các ông Ba Thu và Bảy Môn chỉ huy như nói trên.

*
*      *

    Như vậy là vào giữa năm 1956, phe Ngô Đình Diệm và gia đình được Mỹ che chở và chỉ đạo hất cẳng Pháp, truất phế Bảo Đại, gạt bỏ phe nhóm đối lập, thanh trừng các đảng phái và diệt trừ xong về cơ bản các lực lượng vũ trang giáo phái cát cứ nhiều nơi, nắm trọn vẹn quyền hành và thi hành một chính sách cai trị ngày càng độc tài, gia đình trị dựa vào vũ khí và đồng đôla của Mỹ. Và cũng càng ngày Diệm càng trở thành tay sai đắc lực được chủ Mỹ tín nhiệm, thi hành mọi chủ trương của chủ. Nhưng không phải suốt trong quá trình đó Mỹ đã luôn luôn tín nhiệm. Tháng 12/1954, Đại sứ Mỹ - tướng Collin đã viết thư về Oasinhtơn đòi thay thế Diệm. Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Dulles đã không chấp thuận vì không chọn được ai thay thế, đành than thở: “Mỹ phải “nhảy tùm xuống nước” với ông Diệm thôi”. Trong lúc đó người Pháp nói với Oasinhtơn là theo họ nghĩ thủ tướng Diệm đã “hết hy vọng” và “điên rồ”. Tới ngày 27/4/1955, Dulles đã miễn cưỡng “đánh điện cho sứ quán ở Sài Gòn để tìm người khác”. Diệm đã biết rõ điều này do sứ quán Diệm ở Mỹ cấp báo nên ngày 28/4 Diệm mời Lansdale đến than phiền rằng ông ta nhận được ý kiến của sứ quán ông ở Oasinhtơn nói rằng “Mỹ tỏ ra sắp sửa thôi không ủng hộ ông” và nhờ Lansdale hứa tìm mọi cách làm yên lòng và thực sự ra sức ủng hộ Diệm. Đến khi Diệm thắng được Bình Xuyên thì “người ta nói Sài Gòn là nên quên đi mệnh lệnh của Bộ trưởng Dulles về việc gạt bỏ Diệm”. Sau đó sứ quán “đem đốt bức điện ngày 27 tháng 4”.

    Thật là ở địa vị của người chủ, muốn nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng xong và phận tôi đòi chỉ biết vâng dạ và cúc cung tận tụy.

    Đến lúc Diệm dẹp xong các giáo phái và ra sức “tố cộng”, “diệt cộng” thì Mỹ ngợi khen đáo để. Tài liệu nghiên cứu của Lầu Năm Góc đã ghi: “Ông ta đã làm được những chuyện kỳ diệu” và trước sự ngạc nhiên của hầu hết các nhà quan sát, ông đã dẹp được bọn đầu trộm đuôi cướp Bình Xuyên ở Sài Gòn, giáo phái vũ trang Cao Đài, Hòa Hảo ở nông thôn. Ông ta đã thành lập một chính phủ ổn định và một đội quân trung thành tại mọi nơi trước đó chỉ có hỗn loạn. Rồi mùa xuân năm 1960 tướng Willams viết thư cho Thượng nghị sĩ Mike Mansfiels là “tổng thống Diệm đã làm việc tốt đến mức Mỹ có thể bắt đầu “rút dần” các cố vấn Mỹ năm 1961”. Mỹ đã khen và hết sức ủng hộ thì trong nước bọn bà con dòng họ của Diệm, bọn cơ hội, bọn tham chức mê quyền, cố ngoi lên bằng cách xum xoe nịnh bợ Diệm hết mình. Đến nỗi từ đấy (có lẽ cho đến lúc sắp chết) Diệm cũng tự coi mình như thần thánh, mình là tất cả. Đoàn Thêm - Đổng lý văn phòng của Diệm kể rằng năm 1963, lúc Phật giáo và nhân dân chống lại sự đàn áp tàn bạo của Diệm, “để trấn an dư luận Diệm kêu gọi các giới có câu: “Còn hiến pháp” “nghĩa là có tôi”, bốn chữ sau này do chính tay ông ghi thêm vào cuối câu dự thảo”.

     “Hiến pháp là tôi”... có khác gì lời vua Louis XIV: “Quốc gia là Trẫm”...

     Và khi trừ xong các lực lượng vũ trang giáo phái, Diệm đã huênh hoang khoác lác. “Ngay trước khi người Mỹ tới giúp, ông đã cho quân đội những dịp chiến thắng để tự tin và tự cường, trên các mặt trận mà ông ra lệnh mở: Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Huệ, Thoại Ngọc Hầu, Trương Tấn Bửu...

     Đoàn Thêm than thở: “Khi mới gần ông Diệm, coi phong thái của ông, tôi thấy ông bình dị và hồn nhiên. Nhưng chẳng bao lâu, thủ tướng thành tổng thống, tôi đã phải ghi nhận được sự biến cải âm thầm mà chắc ông không hề ý thức. Trái tim ông dần dần bị thổi phồng, do những luồng gió dâng hương ngào ngạt, để chứa và nuôi mà ông chẳng biết, những ảo tưởng kiêu kỳ về sứ mạng và quyền uy...”.

     “Khốn thay, từ chỗ vừa phải, tới chỗ thấy mình siêu việt, chẳng xa bao nhiêu. Trước hết rất dễ gán cho tài đức của mình, những sự thành công hay thắng lợi do thời thế cho phép, hay do nỗ lực của nhiều người cùng góp. Một khi có uy quyền thì hay được tán dương dù không muốn ngửi cũng thấy hương thơm, rồi ngây ngất lúc nào chẳng biết. Nghe mãi những tiếng tài năng xuất chúng, dũng lược, anh minh, cứu tinh... quá quen thì kết luận rằng mình phải suy tôn, đứng trên cả quốc dân, to lớn bằng quốc gia, vậy mình là hiện thân của nước: Ai trái mình là ngu muội, ai chống mình là phản quốc, không có mình thì chỉ có họa diệt vong. Diệm và gia đình được chủ Mỹ tin yêu, càng lộng hành, gây khổ chất chồng cho nhân dân, càng ra sức thực hiện mưu đồ của Mỹ: Một mặt xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ, xóa bỏ tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, mặt khác thẳng tay đàn áp nhân dân, đẩy nhân dân vào các khu dinh điền, nhốt dân vào các khu trù mật, mở các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”.

    Theo các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ thì tháng 7/1955 hai miền ở Việt Nam phải bắt đầu hiệp thương để bàn việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956. Trung thành với chữ ký của mình, tôn trọng Hiệp định Giơnevơ - một Hiệp định quốc tế được nhiều nước trên thế giới đảm bảo và hoan nghênh, kiên quyết đấu tranh cho hòa bình và dân chủ, ngày 06/6/1955, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố: “Sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với những nhà đương cục có thẩm quyền ở miền Nam bắt đầu từ ngày 20/7/1955 để bàn về vấn đề tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc vào tháng 7/1956”.

    Tiếp theo, ngày 19/7/1955, một công hàm của Chính phủ Việt Nam ở Hà Nội đã gửi cho chính quyền ở Sài Gòn nói cụ thể: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng tôi đề nghị các ông cử đại biểu để cùng đại biểu chúng tôi mở hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20/7/1955 như đã quy định trong Hiệp định Giơnevơ tại một địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam do hai bên cùng thỏa thuận, để cùng nhau bàn về vấn đề thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc”.

    Diệm vẫn một mực làm ngơ, cố giả câm giả điếc vì đã có lệnh của Mỹ không hiệp thương cũng không tổng tuyển cử. Nhưng dư luận của nhân dân trong nước và ngoài nước không cho phép coi thường ý chí của quần chúng đông đảo, không cho phép chà đạp lên pháp lý quốc tế của Hiệp định Giơnevơ. Sợ bị cô lập và bị vạch trần âm mưu chia cắt lâu dài đất nước, lúng túng mãi Diệm buộc phải tuyên bố trên đài phát thanh (không phải chính thức trả lời cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) nội dung nói xấu miền Bắc xuyên tạc Hiệp định Giơnevơ, rằng chính quyền Diệm mới thực sự mong muốn thống nhất nhưng không hề đả động gì đến hiệp thương tổng tuyển cử.

    Đầu tháng 7/1955, Mặt trận Liên Việt Nam Bộ đã phát lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân và ngoại kiều đấu tranh đòi mở hội nghị hiệp thương. Truyền đơn kêu gọi đề ngày 01/7/1955 đã vạch trần âm mưu Mỹ - Diệm phá hoại tổng tuyển cử tự do, trường kỳ chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa của Mỹ. Truyền đơn đòi: “Thành lập ở miền Nam Việt Nam một chính phủ dân chủ tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, tán thành hòa bình thống nhất:

    - Đảm bảo tính mệnh và tài sản, an ninh, trật tự cho nhân dân.
    - Cải thiện dân sinh, thi hành tự do dân chủ.
    - Phải nhận lời đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặt quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc.
    - Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở cuộc hội nghị hiệp thương chính trị ngày 20/7/1955 bàn về việc tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà đúng thời hạn”.

    Truyền đơn kêu gọi toàn thể các tầng lớp nhân dân Nam Bộ từ thành thị đến nông thôn và các bạn ngoại kiều hãy đoàn kết đấu tranh cho hòa bình và dân chủ, tỏ rõ ý chí của mình bằng cách đúng 1 giờ chiều ngày 09/7/1955 cho đến 12 giờ ngày 10/7/1955 hãy triệt để:

    - Ngừng sinh hoạt ngoài đường phố;
    - Không một ai ra đường;
    - Không một ai làm ăn, mua bán, đi lại;
    - Chợ không nhóm, tiệm không mở cửa, xe cộ không chạy...

    Hoảng hốt, chính quyền Diệm đã dùng nhiều lực lượng quân sự, cảnh sát để đối phó, đã hô hào mọi người đi làm bình thường, không “phụ họa với cộng sản”, hăm dọa trừng phạt nặng nề ai nghe theo Liên Việt.

    Thế nhưng ngày 10/7/1955 quả đã là một ngày đáng ghi nhớ. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn cũng như nhiều thành phố khác đã nhiệt liệt hưởng ứng cuộc đấu tranh: Các khu lao động như ngừng sinh hoạt, các đường phố, kể cả đường lớn như đường Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo) xe cộ và người đi lại giảm đi phân nửa. Anh em xích lô và lái xe tắcxi thì từ chiều ngày 09/7 đã trả xe cho chủ. Chợ An Đông, chợ Tân Định và các chợ nhỏ khác không họp từ sáng đến tối. Chợ Bến Thành tuy có họp nhưng thưa thớt và đến sáu giờ chiều đã tan, tối không buôn bán như thường lệ. Đặc biệt thành phố Mỹ Tho cách Sài Gòn trên 70km về phía tây nam, mọi hoạt động đều ngừng suốt cả ngày.

    Trước và sau ngày 20/7/1955, từ đầu tháng 7 kéo dài đến tháng 8, tháng 9, các cuộc bãi công, bãi thị, biểu tình, míttinh đòi hiệp thương tổng tuyển cử rầm rộ khắp các đô thị và nông thôn, bất chấp đàn áp khủng bố của Mỹ - Diệm. Phong trào còn kéo dài đến năm 1956, ngày càng quyết liệt, thể hiện sự hưởng ứng của nhân dân đối với cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp ở Hà Nội đầu tháng 9/1955. Nội dung bản cương lĩnh ấy có những điểm cụ thể hợp tình hợp lý, chinh phục được lòng người cả miền Nam cũng như miền Bắc. Đó là:

    - Thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc đúng thời hạn; các nhà đương cục miền Nam, miền Bắc cử hành hiệp thương để thỏa thuận về luật bầu cử, thiết thực chuẩn bị tổng tuyển cử tự do trong cả nước.

    - Đại biểu các đảng phái, quân đội, đoàn thể nhân dân và các giới, các nhân sĩ ở hai miền tiếp xúc, hội họp với nhau để thúc đẩy và ủng hộ hội nghị hiệp thương của các nhà đương cục có trách nhiệm ở hai miền Nam - Bắc đi đến hội nghị.

    - Qua tổng tuyển cử mà bầu ra quốc hội, quốc hội cử ra Chính phủ Liên hiệp Trung ương. Do tình hình thực tế của hai miền Bắc và Nam, sẽ thành lập Hội đồng dân cử và cơ quan hành chính có quyền hạn rộng rãi ở mỗi địa phương.

    - Để chiếu cố tình hình khác nhau giữa hai miền, mỗi địa phương được quyền ra những luật lệ địa phương thích hợp với đặc điểm của địa phương và không trái với luật pháp chung của nhà nước.

    - Để thỏa mãn yêu cầu bức thiết của nhân dân, phải lập lại quan hệ bình thường về kinh tế, văn hóa, xã hội, và tôn trọng quyền tự do đi lại giữa hai miền.

    - Trong khi nước nhà chưa thống nhất, nhà đương cục có trách nhiệm ở hai miền phải để cho tất cả các đảng phái và đoàn thể nhân dân tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, có địa vị hợp pháp, không được phân biệt đối xử...

    Ngày 20/7/1955 đã trôi qua không có hiệp thương giữa hai miền. Mỹ - Diệm vẫn chống lại Hiệp định Giơnevơ và tiếp tục dùng vũ lực thanh toán các đảng phái, giáo phái và đàn áp nhân dân. Trên miền Bắc, những đứa con của miền Nam tập kết xao xuyến băn khoăn, họ theo dõi tình hình không bỏ sót một sự kiện nhỏ nào diễn ra ở quê hương. Họ căm tức Mỹ - Diệm đã ló mồi phản bội Hiệp định Giơnevơ, nhưng vẫn tin tưởng ở đường lối đấu tranh chính nghĩa và hòa bình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ ra sức học tập, công tác và vẫn chưa hết hy vọng ở thống nhất đất nước. Mặc dù lúc ấy chưa được luyện tập học hỏi nhiều, hầu như mọi người đều sẵn sàng trở về miền Nam ngay nếu Đảng yêu cầu để làm bất cứ gì, đấu tranh chính trị hay vũ trang, công khai hay bí mật.

    Nằm trong tâm tư chung như vậy của những con người tập kết, tôi hân hạnh được chỉ định làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang tham gia duyệt binh ngày lễ Độc lập - ngày 02/9/1955 ở Hà Nội. Trên quảng trường Ba Đình lịch sử, đứng trước từng khối đơn vị bộ binh và binh chủng được tập luyện thuần thục, nghiêm trang, thẳng tắp, lê trên đầu súng sáng chói uy nghi, trước mặt lễ đài trên đó Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ và khách quốc tế, trước hàng chục vạn nhân dân Thủ đô đại diện cho nhân dân cả nước, lòng tôi, lòng đứa con của miền Nam tự hào và rung động, tôi đã dõng dạc báo cáo với đồng chí Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, cố tình nhấn mạnh: “... Bộ đội đã sẵn sàng, mời đồng chí đi duyệt!”. Thực tình lúc ấy tôi cũng đã nghĩ đến các cán bộ và chiến sĩ tập kết ra miền Bắc và tôi cũng đã nghĩ đến kẻ thù phản bội lợi ích của nhân dân ta và ý nghĩa của nhân dân thế giới để nhấn mạnh “bộ đội đã sẵn sàng”. Đúng là như vậy. Tất cả chúng tôi, những đứa con của miền Nam tập kết, đang ở trong các đơn vị vũ trang thường trực hay trên các nông trường, xí nghiệp như mỏ crôm Cổ Định, nông trường Lam Sơn..., những bệnh binh trong bệnh viện hay thương binh ở an dưỡng đường, mọi tấm lòng nôn nao xao xuyến về chuyện có hay không có tổng tuyển cử và mọi người đều sẵn sàng chờ lệnh của Đảng, của Bác Hồ. Chúng tôi đã dồn sức lực ra thi đua nhau, khỏe vì miền Nam, học tập rèn luyện hay cày sâu cuốc bẫm, đóng một con tàu hay sửa một chiếc máy, tất cả vì miền Nam của Tổ quốc thân yêu. Đã xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân bắn giỏi trong toàn quân, lao động xuất sắc trong chống lụt, chống bão, kiện tướng đào đất gánh đá ở công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải... “Tất cả vì thống nhất nước nhà”, đó là khẩu hiệu của Đảng đề ra đúng lúc, phù hợp cả với nhân dân toàn quốc, thúc đẩy mọi hoạt động với năng suất cao nhất của nhân dân miền Bắc cũng như anh em miền Nam tập kết. Tất cả trí óc và tình cảm Việt Nam nhịp nhàng gắn kết vào khẩu hiệu, biến khẩu hiệu thành hiện thực.

    Khi địch ngày càng ngoan cố khước từ hiệp thương và tổng tuyển cử thì trong số anh em tập kết ngày càng bùng lên nhiều tâm tư, suy nghĩ: “ngày Bắc, đêm Nam” -ban ngày lao động, học tập, sản xuất, rèn luyện hết mình, đêm lại, sau khi mọi việc theo chương trình đã xong, thì nổi lên những đống lửa nông trường, những ngọn đèn trong trại, quây quần nhấp một ngụm trà hay chia nhau chung rượu nói chuyện quê hương. Những làng quê với những bụi trúc xinh tươi, rặng trâm bầu đầu xóm, rừng tràm, bãi lá tất cả đều được lôi ra kể. Rồi những người thân, người yêu không biết sống thế nào, có gì đã thay đổi. Có những cuộc thâu đêm suốt sáng không tàn, có những giấc mơ chập chờn khuấy động. Làm sao nói hết được tâm tình của những người xa quê hương, vì quê hương mà đi xa để đặng gần mãi mãi. Tình quê hương tình người là như vậy đó...

    Thời gian này sự cố tình xé bỏ Hiệp định Giơnevơ của Mỹ - Diệm với những người tập kết ra miền Bắc có tác dụng nung đúc căm thù và thúc đẩy khổ luyện, tập rèn, học hỏi để mau chóng trưởng thành. Mọi người như học thêm được chí kiên trì, bình tĩnh, tin tưởng và chờ lệnh của Đảng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #42 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 04:08:19 pm »

*
*      *

    Trước làn sóng đấu tranh vì hòa bình thống nhất của nhân dân cả nước, trước chính nghĩa sáng ngời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ - Diệm không thể cứ im hơi lặng tiếng. Ngày 07/10/1955, nhà đương cục miền Nam đã phải gửi công hàm ra miền Bắc thông qua Anh, một trong hai chủ tịch Hội nghị Giơnevơ. Công hàm đã trắng trợn chống lại nguyện vọng toàn dân, từ chối hội nghị hiệp thương với cái cớ vô lý rằng chính quyền miền Nam không ký vào Hiệp định Giơnevơ nên không bị hội nghị này ràng buộc. Diệm đã dại dột dùng một lý do hoàn toàn không vững để che giấu âm mưu đen tối của Mỹ - Diệm là ra sức chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Cả thế giới đều nghiêm khắc lên án thái độ ngoan cố này của Mỹ - Diệm. Ông Mơnông đại diện ở Liên hợp quốc của Ấn Độ, một nước tham gia Ủy ban quốc tế ở Việt Nam thời ấy, đã tuyên bố như sau:

    “Các nhà đương cục miền Nam bị ràng buộc bởi Hiệp định Giơnevơ và phải thi hành Hiệp định Giơnevơ một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ. Miền Nam Việt Nam đã hưởng những điều lợi của Hiệp định Giơnevơ, thì bây giờ không thể nào thoái thác nhiệm vụ đối với Hiệp định ấy.

    Tất cả các nước đã ủng hộ Hiệp định Giơnevơ thì mặt pháp lý cũng như về mặt luân lý đều có nhiệm vụ bảo đảm sự thực hiện Hiệp định Giơnevơ”.

    Báo Người Diến Điện ngày 21/9/1955 viết:

    “Cuộc tổng tuyển cử ở Việt Nam không phải là một việc thuần túy nội bộ Việt Nam. Việc ấy đã được một hiệp ước quốc tế đề ra và sẽ được Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành, mặc dù Diệm cố sức trốn tránh trách nhiệm bằng cách cho chân tay tấn công Ủy ban quốc tế hoặc rêu rao rằng Pháp ký Hiệp định chứ Diệm không ký. Hiện nay có ai mà không thấy rằng chính Diệm là người ngụy biện và thiếu thiện chí ở Việt Nam”.

    Vả chăng chính là lời văn của Hiệp định Giơnevơ cũng đã nói: “Những người ký Hiệp định này và những người kế tiếp nhiệm vụ của họ sẽ có nhiệm vụ đảm bảo sự tôn trọng việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định này”. Nhà đương cục miền Nam đã thi hành các điều khoản về đình chỉ chiến sự, tập kết, chuyển quân đã tiếp tục nhiệm vụ của Pháp về hành chính... không thể nói không ký, không bị ràng buộc mà lại chịu điều khoản này thi hành còn điều khoản khác là không thi hành. Cả Pháp mặc dù đã rút lui khỏi Đông Dương cũng không thể phủi hết trách nhiệm.

    Pháp lý quốc tế đã rõ ràng. Lòng dân cũng rõ ràng. Nhưng Mỹ - Diệm đã sợ điều khoản tổng tuyển cử tự do, đã chắc mười phần là thua nếu tổng tuyển cử tự do trong cả nước - ngay từ trước khi ký kết Hiệp định Giơnevơ thì ngày nay chúng càng xác định chắc chắn là thua, vì vậy chúng từ chối hiệp thương, phá tổng tuyển cử để chiếm miền Nam riêng rẽ bằng vũ lực là con đường tất nhiên của chúng.

    Kẻ thù chủ yếu thực chất của đế quốc xâm lược Mỹ và chế độ tay sai Ngô Đình Diệm là nhân dân yêu nước và cách mạng miền Nam Việt Nam, những người kháng chiến cũ và đặc biệt là những người cộng sản triệt để cách mạng và không bao giờ chịu khuất phục. Mỹ - Diệm lo hất cẳng Pháp, dẹp đảng phái đối lập và giáo phái vũ trang, xây dựng một chính quyền mạnh và một đội quân mạnh là cốt để đối phó với kẻ thù chủ yếu này. Cuộc chiến tranh mà Mỹ vội vã tổ chức ra, chồng mí lên cuộc chiến tranh đã tàn của thực dân Pháp cũng cốt là chống lại và đè bẹp đối tượng chủ yếu này để thôn tính miền Nam Việt Nam. Hành động và thủ đoạn đối với Pháp và thân Pháp, đối với các phe đối lập và giáo phái vũ trang chẳng qua là những dọn dẹp nội bộ và tập trung sức lực cho một cuộc “sống mái”, với nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam vậy.

    Chính vì vậy mà sau khi thanh toán xong Quốc dân Đảng và Đại Việt ở Trung Bộ vào tháng 5/1955 thì tháng 7/1955 Diệm phát động các chiến dịch “tố cộng” và “diệt cộng”. Mở đầu “giai đoạn 1” tố cộng, diệt cộng này thực tế được tiến hành ráo riết ở Trung Bộ vì ở đây đã dẹp xong các đảng phái đối lập, còn tiếp sau từ giữa năm 1956 trở đi, sau khi diệt xong các lực lượng vũ trang giáo phái, Diệm mới thi hành “giai đoạn 2” khốc liệt ở Nam Bộ. Để chỉ đạo chặt chẽ và có hiệu lực, Diệm lập ra “hội đồng chỉ đạo tố cộng” gồm tất cả các bộ trưởng của chính phủ Diệm và bản thân Diệm làm chủ tịch danh dự cho hội đồng. Hội đồng lại chỉ ra “ủy ban tố cộng trung ương”, mỗi tỉnh có ủy ban chỉ đạo “tố cộng” cấp tỉnh và mỗi xã có ủy viên chuyên trách “tố cộng”. Với tổ chức như vậy, rõ ràng chính quyền Diệm cố thực hiện các chức năng chủ yếu của mình mà Dulles đã chỉ thị như nói ở trên và xem đây là “quốc sách” của Diệm trong giai đoạn này. Còn phương châm của quốc sách thì báo Cách mạng quốc gia - cơ quan chính thức của chính quyền Diệm đã đề ra: “Tiêu diệt Việt cộng không thương tiếc, không kể là người nữa, tiêu diệt như trong tình trạng chiến tranh” và “thà giết nhầm hơn bỏ sót”. Gọi là Việt cộng, thực tế chúng gộp vào đó tất cả những người mà chúng nghi là có tham gia kháng chiến và những người đối lập, những người có tư thù cá nhân. Thực hiện những phương châm ấy Diệm đã dùng tất cả quân đội, cảnh sát, công an, mật vụ, chỉ điểm,... tha hồ lùng sục, bắt bớ, đánh đập, bắn giết, dùng mọi hình phạt dã man nhất, những cuộc tàn sát đẫm máu nhất, vừa để không bỏ sót, vừa khủng bố tinh thần những người còn lại gọi là “quốc gia” theo Diệm.

    Hãy điểm vài vụ điển hình trong giai đoạn đầu “diệt cộng” ở Trung Bộ để hiểu rõ hơn quân thù. Từ ngày 09 đến ngày 14/7/1955 đã xảy ra vụ Hướng Điền thuộc tỉnh Quảng Trị mà Tiểu đoàn 126 của Diệm do tên Bình làm tiểu đoàn trưởng đã triệt hạ, làm cỏ toàn bộ hai thôn Tân Lập và Tân Hiệp, giết người bằng cách chặt làm ba khúc 34 đàn ông, hãm hiếp xong chặt tay chân, mổ bụng 27 đàn bà và chọc tiết 31 trẻ em. Khe Ba Rẩy, khe A Chô và bờ sông A Na, nơi vùi lấp 92 mạng người nay còn ghi đậm vết tích tội ác man rợ khó mà tưởng tượng của Mỹ - Diệm. Chỉ có hai người trong cả hai thôn đã thoát chết là chị Vân và anh Lạc; nhờ thế mới phát giác được mọi chi tiết của vụ giết người này. Rồi vụ Chợ Được thuộc tỉnh Quảng Nam mà Mỹ - Diệm đã chôn sống 21 người gọi là “Việt cộng” trong cùng một cái huyệt. Nhiều người trong gia đình các nạn nhân này cũng bị giết sau khi đã phát hiện ra huyệt và moi thây đem về chôn cất. Cả hai vụ nói trên đều có tố cáo với Ủy ban quốc tế nhưng bọn Diệm tìm mọi cách ngăn, phá cuộc điều tra.

    Thời kỳ ấy báo chí nước ngoài đã nói nhiều về những vụ tàn sát khủng bố tràn lan khắp miền Nam Việt Nam. Báo nước Pháp Người quan sát ngày 26/6/1956 đánh giá: “Chế độ Ngô Đình Diệm là chế độ tàn bạo nhất châu Á”.

    Trong lúc bọn Diệm khủng bố tàn sát gây một không khí khủng khiếp ở Trung Bộ thì trong hai năm đầu ấy ở Nam Bộ chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” được tiến hành thận trọng hơn, có trọng điểm, chưa lan rộng. Sở dĩ như vậy vì, một là Mỹ - Diệm còn phải tập trung sức diệt cho được lực lượng vũ trang giáo phái, chiếm lại cho được các vùng mà những lực lượng này cát cứ, chưa đủ sức đánh rộng vào dân; hai là nhiều vùng rộng lớn ở nông thôn cũng như các thị trấn nhỏ, vùng kháng chiến cũ, thế lực Diệm chưa có gì mấy và lực lượng nhân dân đoàn kết đấu tranh rất mạnh. Các phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân rộng khắp từ thành thị đến nông thôn như các phong trào hoan nghênh Hiệp định Giơnevơ, bảo vệ hòa bình lúc đầu đến phong trào chống đàn áp, đòi tự do dân chủ, phong trào chống bầu cử quốc hội riêng rẽ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước và cả phong trào chống lại quốc sách “tố cộng” của Mỹ - Diệm đã nói lên sức mạnh của nhân dân có tổ chức, có lãnh đạo, làm cho kẻ địch phải gờm. Tự lượng sức, Mỹ -Diệm phải tiến hành kế hoạch của chúng từng bước.

    Còn đứng về phía ta, phía cách mạng thì sao? Ngay từ tháng 7/1954, Hội nghị lần thứ sáu mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bác Hồ chủ trì đã nhận định: “Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương”. Vì vậy, nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng hết sức cảnh giác trước mọi hành động của Mỹ và tay sai Diệm, ra sức đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ hòa bình và thực hiện thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào và đặt nhiệm vụ ngay sau khi có Hiệp định Giơnevơ.

    “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và các cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”...

    “Chúng ta quyết làm đúng những điều đã ký kết với Chính phủ Pháp, đồng thời chúng ta đòi Chính phủ Pháp làm đúng những điều họ đã ký kết với ta.

    Chúng ta phải ra sức củng cố hòa bình, tỉnh táo đề phòng âm mưu của những kẻ phá hoại hòa bình.

    Chúng ta phải ra sức đấu tranh thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc đặng thống nhất nước nhà”.

    Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám vào tháng 8/1955 nhấn mạnh: “Thời kỳ mới của cuộc đấu tranh chính trị đặt trước nhân dân ta một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là đấu tranh kiên quyết và bền bỉ để thực hiện thống nhất nước nhà, đồng thời để củng cố hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh trở lại Đông Dương”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #43 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 04:13:21 pm »

    Căn cứ vào nghị quyết của Trung ương, Xứ ủy Nam Bộ ngay từ đầu đã ra một nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ mới: “Nhiệm vụ cụ thể đối với miền Nam là giữ gìn, củng cố hòa bình tranh thủ thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh tiến tới thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc”. Phương châm, phương thức đấu tranh là: “Chuyển hình thức đấu tranh quân sự sang hình thức đấu tranh chính trị”, “củng cố phát triển cơ sở nông thôn, mở rộng và đẩy mạnh công tác đô thị, phối hợp chặt chẽ công tác đô thị với nông thôn...”, “phải biết phối hợp công tác trong quần chúng với quần chúng trong các cơ quan chính quyền của địa phương”, “... phải dựa trên nguyên tắc bí mật, công khai, bán công khai, kết hợp công tác bí mật với công tác công khai và bán công khai”... “Phải hết sức lợi dụng mọi khả năng tổ chức hợp pháp, nửa hợp pháp để kết hợp công tác hoạt động bí mật của Đảng và công tác công khai và bán công khai của quần chúng để tuyên truyền cổ động, giáo dục tổ chức quần chúng, để lãnh đạo quần chúng đấu tranh”. Nghị quyết của Xứ ủy đã đưa ra cho toàn Đảng bộ học tập và qua đó chấn chỉnh tư tưởng của cán bộ hoài nghi về hiệu quả của đấu tranh chính trị. Nghị quyết đã giải thích: “Ta đã có khả năng đấu tranh vũ trang tại sao ta không có khả năng đấu tranh chính trị? Hoặc giả chúng ta cho đấu tranh chính trị khó khăn hơn đấu tranh vũ trang nên không thể làm được hay sao? Thật ra sở dĩ tám, chín năm nay ta đã phát động được đấu tranh vũ trang là do chúng ta đã đấu tranh chính trị thắng lợi. Chúng ta đã thấy rằng lúc đầu chiến tranh, về mặt quân sự, về mặt đấu tranh vũ trang ta yếu hơn địch nhưng về mặt chính trị ta đã có ưu thế tuyệt đối hơn địch. Sự thực chín năm kháng chiến của Nam Bộ chứng minh rằng địch có thể chiếm được đất đai của ta nhưng không thể chiếm được lòng dân ta. Sự thật ta đã thành công nhất định trong công tác chính trị mới duy trì và củng cố phát triển lòng yêu nước, chí căm thù trong nhân dân ta, mới phát động được chiến tranh du kích anh dũng và gian khổ trong chín năm năm nay, như vậy hoài nghi cuộc đấu tranh chính trị hiện nay của ta là không có căn cứ”.

    Toàn Đảng bộ miền Nam và nhân dân đã được chuẩn bị tinh thần tư tưởng khá kỹ để kiên quyết đấu tranh bằng chính trị bảo vệ hòa bình, thực hiện độc lập, dân chủ và thống nhất nước nhà. Toàn Đảng bộ đã được đả thông tư tưởng là trung thành với chữ ký của mình và đòi đối phương phải thực hiện đúng Hiệp định đã ký kết, giữ vững chính nghĩa cách mạng của mình, không được manh động, không được dùng vũ trang để củng cố hòa bình, ngăn chặn chiến tranh. Ta phải giương cao ngọn cờ hòa bình, mặc dù luôn luôn cảnh giác địch gây lại chiến tranh.

    Chính vì vậy mà khi lực lượng vũ trang của ta chuẩn bị tập kết ra miền Bắc, Đảng bộ miền Nam lập tức củng cố lại hệ thống Đảng, xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng mạnh mẽ, xây dựng lực lượng cách mạng ngay trong hàng ngũ chính quyền và quân đội địch để giữ vững và liên tục cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân.

    Từ một Đảng bộ có gần chục vạn đảng viên, công khai với nhân dân, nắm chính quyền, nắm lực lượng vũ trang địch chuyển lại thành một Đảng bí mật lãnh đạo quần chúng thật vô cùng phức tạp, khó khăn. Tổ chức và hoạt động của một Đảng công khai lãnh đạo chiến tranh khác nhiều với một Đảng bí mật lồng trong quần chúng, khéo léo giác ngộ, vận động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai hợp pháp cho quyền lợi dân sinh dân chủ. Đảng bí mật yêu cầu rất gọn nhẹ, trọng chất hơn lượng, không chức không quyền trước nhân dân, không hậu phương, không tiền tuyến, trước kẻ địch phátxít, bạo tàn. Thế mà ta đang có một số lượng đảng viên khá lớn đủ ngành, nghề, với nhiều cách hoạt động khác nhau ở các vùng khác nhau. Làm thế nào để rút vào bí mật trọn vẹn? Có đồng chí đã ví khác nào đưa một con voi ra giữa đồng, bảo phủ kín lại đừng lòi lưng và hở vòi. Và công việc ấy phải hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Ở miền Tây Nam Bộ ta có khu tập kết quân 200 ngày, tuy ngắn nhưng còn dễ dàng hơn nhiều so với miền Trung chỉ có 100 ngày và miền Đông 80 ngày. Phải chạy đua với thời gian nhưng lại phải bảo toàn cho được thực lực. Một loạt các chủ trương được đề ra như tinh giản các bộ máy, các tổ chức còn giữ lại, cho điều lắng 1 cán bộ, đảng viên. Một số nơi lại còn “sáng tạo” ra một số hình thức gọi là “đầu thai kiếp khác” có nghĩa là anh ta đi tới đâu cũng được, muốn làm gì cũng được kể cả làm cho địch, để biến anh thành một người khác hẳn rồi sau Đảng sẽ bắt liên lạc khi có điều kiện. Hoặc có nơi cho hợp pháp hóa hàng loạt, đảng viên, cán bộ ra xin giấy chính quyền địch, lấy hộ khẩu, ở và làm ăn công khai. Về sau địch theo dõi và bắt tù gần hết những số này gây thiệt hại mất mát không ít cho lực lượng cách mạng. Không những thế, có những đồng chí có súng sáu tùy thân, nhưng vì chấp hành chuyển qua đấu tranh chính trị một cách máy móc, chấp hành lệnh không được dùng vũ khí một cách cứng đờ, để cho địch bắt hoặc sát hại mà không dám bắn để tự vệ. Đảng ta đã trải qua một thời kỳ tổn thất khá nặng nề.

    Các đoàn thể quần chúng đã được tổ chức và hoạt động nhiều năm trong chiến tranh, có hệ thống từ khu đến xã ấp, nay cũng phải tự giải tán. Đảng lãnh đạo quần chúng không còn qua đoàn thể nữa mà qua tổ chức nòng cốt hẹp, từ nòng cốt ra quần chúng. Nhiều đồng chí cho rằng việc này gây khó khăn to lớn cho sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Mười Thơ 2 nói: “Trước Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta vẫn còn hoàn toàn bí mật nhưng vẫn có các đoàn thể cứu quốc, vẫn còn có các công hội, vẫn có các mặt trận phản đế, dân chủ và Việt Minh thì sao? Ta không tổ chức thì địch tự do chiếm lĩnh trận địa, gom quần chúng vào “thanh niên cộng hòa”, “phụ nữ liên đới” và rất nhiều tổ chức khác. Đến năm 1959 trước Đồng khởi năm 1960, chúng tôi phải gấp rút xây dựng lại các đoàn thể quần chúng thì mới có được phong trào quần chúng mạnh và rộng. Ngày nay Đảng ta đề ra “Nhân dân lao động làm chủ”, muốn làm chủ như vậy cũng phải qua các đoàn thể quần chúng cách mạng mới làm chủ được”. Ý kiến này được đa số đồng chí có kinh nghiệm hoạt động cách mạng đồng tình.

    Ta kiên quyết đấu tranh cho hòa bình, cho dân chủ. Nhưng không phải ta hoàn toàn tin vào Mỹ - Diệm cũng có thiện chí hòa bình và thực thi dân chủ. Vì vậy Đảng bộ Nam Bộ trong khi kiên quyết lấy chính trị làm phương pháp đấu tranh vẫn đề phòng có lúc nào đó kẻ địch và tình huống buộc ta phải cầm vũ khí. Hiện nay, ta đang tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, kẻ địch của ta là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm đại biểu của tư sản mại bản và quan liêu quân phiệt. Chúng có trong tay lực lượng vũ trang với mọi thứ vũ khí. Tuân thủ Hiệp định Giơnevơ mà ta đã ký với lòng mong mỏi hòa bình, dân chủ thống nhất đất nước, ta chọn đấu tranh bằng chính trị. Nhưng nếu kẻ địch không tuân thủ Hiệp định, dùng vũ khí tàn sát nhân dân, nếu đế quốc gây chiến tranh chống lại ta hòng chiếm nửa nước ta thì không lẽ ta bó tay. Tới lúc đó nếu chỉ riêng đấu tranh chính trị không có hiệu lực thì những người bị áp bức có quyền dùng mọi thứ cần thiết để bảo vệ cuộc sống của mình, bảo vệ tiến bộ xã hội và toàn vẹn Tổ quốc. Lênin đã nói: “Một giai cấp bị áp bức, nếu không có cố gắng học tập sử dụng vũ khí, không cố gắng để có được vũ khí, thì chỉ đáng bị người ta đối xử như đối với nô lệ”.

    Với ý nghĩa phòng xa một cách có căn cứ, với tinh thần cách mạng không lùi bước, Xứ ủy Nam Bộ đã chọn một số không nhiều cán bộ quân sự đã có kinh nghiệm về xây dựng lực lượng quân sự và tác chiến vũ trang để bổ sung vào đội ngũ cán bộ chính trị ở lại. Họ được chuyển qua làm công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chính trị và hòa bình, tổ chức thanh niên yêu nước cũng như công tác vận động nhân viên và binh lính địch đi với chính nghĩa sẵn sàng đấu tranh cho tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Là những chỉ huy quân sự trong thời kỳ chiến tranh, họ trở thành những người dân bình thường làm ăn sinh sống hòa bình trong dân, các làng mạc hay phố phường. Nhiều người trong số này, chẳng qua là trở lại với cách sống và hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám mà thôi. Lúc ấy (trước Cách mạng Tháng Tám) họ đã biết gì về quân sự đâu, dưới quyền cai trị khắt khe của thực dân Pháp, họ làm gì có súng và tập bắn. Nhưng tình thế chiến tranh xâm lược của đế quốc buộc họ phải tìm lấy vũ khí, phải cầm súng, học bắn, chiến đấu trong chín năm qua để khỏi bị mất nước, khỏi bị làm nô lệ.

          “.. Yêu nước mỗi người cầm vũ khí,
           Súng gươm nên chẳng biết tay mình.
           Cờ đào lộng gió bừng tâm trí
      Áo vải, lòng dân, cậy đoản binh...”


    Ngày nay đình chiến rồi, hòa bình rồi họ lại trở lại cuộc đời người dân và làm chính trị là lẽ tự nhiên. Nhưng người dân đang làm chính trị này cũng là dự trữ của Đảng để khi bắt buộc phải dùng đến cái vốn kinh nghiệm đấu tranh vũ trang mà họ đã tích lũy được để khỏi đi đường vòng, ít nhất trong giai đoạn đầu.

    Số cán bộ quân sự được chọn để lại này không cần nhiều mà cần chất. Họ phải có điều kiện sinh sống làm ăn trong dân mà không lộ liễu. Không phải ai muốn tự ý ở lại cũng được và ai đã được chọn ở lại, muốn đi tập kết là đi. Đó là phẩm chất và là kỷ luật. Và đó là nhiệm vụ Đảng giao, đi tập kết hay ở lại hoạt động chính trị đều là nhiệm vụ của ngày nay của ngày mai, cán bộ nào cho nhiệm vụ ấy. Biết phân bổ và lựa chọn cán bộ vẫn là một khâu chiến lược quyết định thành bại. Nhiều việc lớn hư hỏng thất bại, có khi do khâu này trong lúc đường lối vẫn đúng đắn. Đó là kết luận từ thực tế. Lịch sử của ta cũng không hiếm những ví dụ về việc dùng “cán bộ”. Ngay thời phong kiến, Tô Hiến Thành - một đại thần đời Lý, làm thái úy chính cho vua còn nhỏ tuổi (Lý Cao Tông), là cột trụ giữ yên cho nhà Lý. Khi ông bệnh nặng Chiêu linh hoàng thái hậu đến thăm và hỏi rằng: “Nếu chẳng may, thì ai là người đáng thay ông?”. Tô Hiến Thành trả lời: “Trần Trung Tá có thể thay được” (Trần Trung Tá đang giữ chức vụ giám thị đại phu và đang bận việc công chưa lúc nào rỗi đến thăm hỏi ông được). Thái hậu nói: “Vũ Tấn Đường ngày nào cũng hầu thuốc thang cho ông, ông lại không nói đến là làm sao?”. Tô Hiến Thành trả lời: “Vì thái hậu hỏi người đáng thay tôi làm phụ chính nên tôi nói là Trần Trung Tá, nếu như hỏi người hầu nuôi thì không phải Vũ Tấn Đường, còn ai nữa?” (Vũ Tấn Đường làm tham tri chính trị trong triều, luôn túc trực bên giường bệnh Tô Hiến Thành).

    Thật là vì nước, không vì ơn riêng hay bà con dòng họ, không vì phe cánh cho tham vọng cá nhân. Trong thời đại phong kiến đã có con người như vậy. Xưa và nay dễ được mấy người.

    Chính các đồng chí Lâm Quốc Đăng và Lê Thanh mà tôi nói ở phần trên là nằm trong số này, không đi tập kết, ở lại làm dân nhưng rồi buộc lòng phải cầm súng trở lại. Họ chỉ cầm súng khi có yêu cầu mà Đảng chỉ thị, còn khi chưa có chỉ thị thì nhất thiết không được tự động dùng vũ lực. Đó là kỷ luật cách mạng. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến 3 là một cán bộ chỉ huy quân sự cao cấp nhất lúc ấy không đi tập kết, ở lại chuyển nhiệm vụ trong số này, đã kể lại rằng: Năm 1955-1956 (hồi ấy đồng chí sống ở miệt ruộng Bạc Liêu - Cà Mau và phụ trách tổ chức lực lượng thanh niên yêu nước và công tác binh địch vận), lực lượng của ta rất mạnh, làm chủ rộng rãi các vùng nông thôn, địch chưa tổ chức được chính quyền của chúng. Cơ sở đảng rộng khắp mọi nơi, hệ thống chỉ đạo vững vàng ngay từ năm 1955. Còn năm 1956 thì lực lượng quần chúng yêu nước được củng cố và phát triển nhất là thanh niên. Trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân tự tổ chức tự vệ bao gồm các thanh niên hăng hái, hầu như xã nào cũng có, xã nhiều nhất như Biển Bạch có đến hàng trăm. Số tự vệ ấy trang bị gậy gộc hay bất cứ công cụ gì có trong nhà, ngoài ruộng, là lực lượng để chống trộm cướp bảo vệ tài sản của nhân dân, bảo vệ tính mạng cho cán bộ, và đặc biệt là bảo vệ các cuộc míttinh, biểu tình, đấu tranh chính trị của quần chúng.




------------------------------------------------------------------
1. Điều đảng viên từ nơi lộ đi một nơi khác mà ở đó không ai biết, lắng lại, chưa hoạt động trong một thời gian. Biện pháp để giữ bí mật an toàn cho Đảng.

2. Đồng chí Nguyễn Thành Thơ - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tam Cần năm 1956, nguyên Bí thư miền Tây trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa IV.

3. Hiện nay là Trung tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 9. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã từng là Chỉ huy trưởng Liên trung đoàn hoạt động ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc thuộc Quân khu 8. Đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản trước Cách mạng Tháng Tám, đã bị thực dân Pháp bắt tù đày đi Côn Đảo. Đồng chí còn có bí danh là Tám Dên Dên, Tám Kiến Quốc, là cán bộ quân sự hoạt động ở chiến trường Nam Bộ từ năm 1945 liên tục cho đến năm 1975, khi đó là Chỉ huy phó các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #44 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 04:14:17 pm »

    Một ví dụ điển hình về hiệu lực của các lực lượng tự vệ này là cuộc đấu tranh thắng lợi hai ngày hai đêm bảo vệ và giải thoát cán bộ ta bị một tiểu đội biệt kích của Diệm bắt, khoảng tháng 4/1955 tại kênh xáng Mương Điều, tỉnh Cà Mau. Do bọn chỉ điểm hướng dẫn, đang nửa đêm tiểu đội biệt kích ác ôn bí mật luồn vào ấp, ập vào nhà bắt hai cán bộ ta đang ngủ. Thanh niên tự vệ tại chỗ đánh mõ báo động. Hàng nghìn bà con tại xã An Khương đổ ra bao vây toàn bộ tiểu đội địch lại không cho di chuyển, tiếng mõ nhà này chuyển sang nhà khác, xóm này chuyển sang xóm khác lan xa hàng 30km. Thanh niên tự vệ từ các xã Cái Tàu, Khánh Lâm, Khánh Bình, Tân Lập, Tân Thành tay cầm gậy, đuốc sáng choang, chạy đến tập trung ngày càng đông, vây chặt vòng trong vòng ngoài quanh bọn biệt kích, đòi trả tự do cho những người vô tội bị bắt. Người bị bắt chưa được thả thì bọn biệt kích chưa được tự do. Tiếng náo động vang xa, một khoảng trời rực sáng, khí thế vút tầng cao.

    Bọn địch ở Cà Mau hay tin liền cho một tàu từ thị xã chạy đến để hỗ trợ cho bọn biệt kích. Nhân dân đã huy động lực lượng đông đảo đến đắp ngay một đập chắn trên kênh không cho tàu vào đến địa điểm. Cuối cùng, chịu thua, bọn biệt kích đành thả cán bộ ra, nhận là bắt lầm người lương thiện, xin lỗi nhân dân để được rút an toàn tính mạng.

    Thời kỳ ấy đâu đâu cũng có phong trào hợp pháp “dân canh chống cướp” này. Và bằng cách chống cướp đã giải thoát cho rất nhiều cán bộ ta bị địch bắt. Nhiều bọn lính địch bị gán là cướp, bị no đòn trước khi trở về được với đồng bọn. Thật là một sáng tạo lớn lao của cách mạng về tổ chức vũ trang tự vệ trong hoàn cảnh không được dùng vũ trang.

    Công tác dân vận trong chính quyền và binh lính địch cũng phát triển mạnh. Không khí chiến thắng của cách mạng từ Điện Biên Phủ đã có ảnh hưởng lớn trong các cấp ngụy quyền và sĩ quan địch. Ta đã có khả năng nắm hàng chục tiểu đoàn gồm cả thiết giáp, pháo binh, nhiều nhất là các tiểu đoàn bộ binh. Ta có cơ sở có hiệu lực trong ba của bốn hạm đội hải quân. Các cơ sở hành chính mà địch đã tổ chức, ta nắm khoảng 80%. Nhiều cán bộ chính quyền và sĩ quan các cấp của ngụy quyền đều có liên hệ với ta qua gia đình thân thuộc, qua bạn bè. Chưa có thời kỳ nào mà công tác binh địch vận của ta có kết quả lớn hơn như vậy, bao trùm lên cả các căn cứ, đồn bót, bộ máy, đối tượng và các loại lực lượng của địch. Nhờ thế ta đã vô hiệu hóa được nhiều cuộc càn quét, hạn chế được những khủng bố giết chóc, bảo vệ được nhân dân, cán bộ của ta.

    Đồng chí Tám Xuyến, năm 1967 về miền Đông còn có cái tên rừng dễ nhớ mà anh em đặt cho là Tám Dên Dên, có lẽ do tấm lòng thanh cao của đồng chí, đã cười một cách rộng mở thích thú khi kể rằng có một lần, đồng chí lãnh đạo cao cấp của ta - đồng chí Lê Duẩn, vô tình bị địch bắt giải về trụ sở chính quyền xã. Nhiều đồng chí ta không biết rõ tình hình, hết sức lo lắng. Nhưng “anh em ngụy quyền” ở xã đã tổ chức rất cẩn thận đưa đồng chí vào căn cứ an toàn. Tất nhiên là tình hình toàn Nam Bộ không phải đều như vậy, có nơi yếu hơn. Đó là chưa kể các đơn vị giáo phái vũ trang vào tá túc trong các vùng của ta và sẵn sàng nghe theo ta.

    Đồng chí kể tiếp: Trong các năm 1955-1956, lực lượng mọi mặt của ta rất mạnh, lực lượng chính trị của địch quá kém, nhưng ngay lực lượng vũ trang của chúng, bọn mà ta chưa nắm được thì sức chiến đấu hầu như không đáng kể. Đồn bót thì công sự phòng ngự không ra gì, cái cũ đổ nát, cái mới xây dựng còn sơ sài. Đến nỗi nhân dân cứ than phiền rằng ngụy yếu kém như vậy sao Đảng không cho diệt đi cho xong, dễ quá mà. Tụi bay ra lệnh là bà con tụi tao xông vô xô cũng lấy đồn được ngay. Trước tình hình đó, tôi đã đề nghị làm một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền như hồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chắc sẽ thành công. Tôi đã phân tích tương quan lực lượng và viện lý rằng Mỹ - Diệm ra sức phá Hiệp định Giơnevơ, cho đến lúc ấy không chịu hiệp thương tổng tuyển cử, thì nhân dân có quyền lật đổ chúng để thống nhất nước nhà. Cấp trên đã trả lời tôi rằng chưa phải lúc. Ta phải trung thành với chữ ký của mình, tôn trọng pháp lý quốc tế. Ta kiên quyết bảo vệ hòa bình, kiên trì đấu tranh bằng chính trị, dân chủ, chính nghĩa nhất định về ta, nhất định sẽ thắng. Không được tự động bất cứ trường hợp nào, phải nắm vững đường lối của Đảng. Cho mãi những năm về sau nữa, đồng chí Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) lúc ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, thỉnh thoảng lại dè chừng tôi: Hãy bình tĩnh đừng ăn non đấy nhé!

    Tài liệu nghiên cứu của Lầu Năm Góc xác nhận: Từ năm 1954 đến năm 1956 Nam Việt Nam tương đối ổn vì cán bộ cộng sản được bố trí ở lại miền Nam chỉ chủ tâm đến “đấu tranh chính trị”. Tình báo Mỹ nhận định: “Số cán bộ ở lại có nhiệm vụ chính là chuẩn bị cho tổng tuyển cử dự định vào năm 1956 để thống nhất đất nước”. Số cán bộ khung này được lệnh chỉ tiến hành đấu tranh chính trị “nghĩa là nói chung chỉ hoạt động tuyên truyền và thâm nhập bộ máy chính phủ Sài Gòn”.

    Ta kiên trì giữ vững hòa bình, ngăn chặn chiến tranh, tuân thủ pháp lý quốc tế không đồng nghĩa với mất cảnh giác hay tin rằng mọi việc sẽ đi theo một chiều như đã sắp đặt. Trong lúc kiên quyết đấu tranh chính trị ta cũng đã đề phòng đấu tranh vũ trang trở lại nếu địch buộc ta phải hành động như vậy. Vì vậy Xứ ủy Nam Bộ đã dự liệu tình huống xấu là Mỹ - Diệm sẽ hủy bỏ Hiệp định Giơnevơ, tiến hành chiến tranh để thôn tính miền Nam, xâm lược miền Bắc, đặt đất nước ta vào vùng nô lệ một lần nữa. Cùng với cán bộ để lại, phải có một số vốn vũ khí tối thiểu để xây dựng lực lượng từ nhỏ đến lớn, nếu cần. Lịch sử lại lặp lại chăng? Đến một ngày nào đó ta lại trở lại sống và hoạt động như những ngày tháng 9/1945? Nhưng chắc chắn là lịch sử không lặp lại nguyên xi vì tình thế đã khác và kẻ địch cũng đã khác. Cái vốn ban đầu cần là cán bộ và vũ khí. Trong lúc lực lượng vũ trang ta tập kết ra miền Bắc thì hầu như tỉnh ủy nào cũng giữ lại cho mình một số vũ khí nhất định mà chỉ một hai đồng chí được biết. Số vũ khí ấy được cất giấu cẩn thận như kiểu niêm phong chắc chắn, khi có lệnh mới được động đến mở niêm ra. Khi chưa có lệnh thì dù phải hy sinh đến tính mệnh vẫn không được tự ý sử dụng. Số vũ khí này, những năm về sau một số ít bị địch lấy được do một vài tên phản bội chỉ dẫn, một số vì bảo quản không kỹ nên lâu ngày bị hư không dùng được, nhưng một số khác đã có tác dụng tốt sau này khi địch buộc ta phải sử dụng. Số cán bộ không nhiều, vũ khí không nhiều nhưng nó nói lên một suy nghĩ chiến lược, một tầm nhìn xa thấy rộng, một cảnh giác cách mạng cần thiết, một dự liệu cho nhiều tình huống phức tạp mà bất cứ với tình huống nào cũng chủ động không lúng túng. Ta tuân thủ Hiệp định Giơnevơ đấu tranh thực hiện Hiệp định đến cùng đồng thời đề phòng trước sự phá hoại, phản bội. Đó là chính nghĩa, là cách mạng. Ta có lực lượng chính trị, lực lượng binh địch vận mạnh, ta có vũ khí và cán bộ quân sự sẵn sàng nhưng lúc nào sử dụng lực lượng nào, điều kiện chín muồi cho phương pháp đấu tranh nào, đó là quyết định có trách nhiệm cao đối với nhân dân ta và nhân dân thế giới. Quyết định sớm khi chưa đủ điều kiện dễ đi đến thiếu chính nghĩa trong nước và ngoài nước, hành động non yếu, vội vã dễ đi đến thất bại, thiệt hại. Quyết định muộn có khi lỡ thời cơ, gây tổn thất nặng nề cho Đảng, cho nhân dân và kéo dài thời gian không có lợi cho cách mạng, thậm chí có khi dẫn đến thất bại chua cay. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi sáng suốt, nắm bắt sát và nhạy bén với tình hình chung và tình hình diễn biến cụ thể.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #45 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 04:18:55 pm »

CHƯƠNG III
Cây muốn lặng - gió chẳng dừng



     Như đã nói trên, Mỹ - Diệm cố phá hủy Hiệp định Giơnevơ chia cắt lâu dài đất nước ta. Chia rẽ độc địa các gia đình Việt Nam kẻ Nam người Bắc. Chúng đã cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử dân chủ trong cả nước, tiêu diệt các đảng phái đối lập, các giáo phái vũ trang, thiết lập chế độ độc tài gia đình trị, khủng bố phátxít nhân dân, tố cộng diệt cộng một cách tàn khốc.

    Ở Nam Bộ từ cuối năm 1956 trở đi, các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” ngày càng tiến hành rộng rãi, cuộc tàn sát ngày càng đẫm máu. Diệm đã triển khai một chiến dịch tuyên truyền độc ác trên đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, báo chí, trong các trường học, trong nhân dân, bịa đặt, vu cáo nặn ra hình tượng cộng sản như một con quỷ dữ hút máu người. Trong lúc đó chúng dùng quân đội, cảnh sát, mật vụ, ác ôn, chia nhỏ từng tiểu đội ruồng sục khắp thôn ấp làng mạc hoặc mở các chiến dịch càn lớn bắt giết bất cứ người nào chúng nghi hay vu là cộng sản. Chúng dùng tất cả những thủ đoạn dã man tàn ác nhất để tra tấn và giết người, từ những thủ đoạn của thời trung cổ đến những thủ đoạn hiện đại nhất của các cố vấn Mỹ. Chúng bắt và giết không cần bằng cớ, không kể già trẻ, phụ nữ, trẻ em. Bọn bên trên thì hò hét đôn đốc theo phương châm: “thà bắt nhầm hơn bỏ sót”, bọn bên dưới thừa hành thì được dịp làm mưa làm gió để vơ vét của cải và trả thù cá nhân. Báo Cách mạng quốc gia của Diệm hô hào: “Không được xem cộng sản là người nữa, phải ra sức giết, giết không run tay!”. Chúng đã gây một không khí khủng khiếp khắp thôn quê, thành thị. Chúng tung mật vụ, tổ chức mật vụ trong từng phố phường, thôn ấp, trong từng cơ quan, xí nghiệp, trường học, trong từng gia đình, ly gián mọi người, cố tạo ra cảnh nghi kỵ, không tin nhau và ghét bỏ nhau ngay trong một gia đình.

    “CIA hết lòng ủng hộ chương trình hăm dọa và đàn áp ở nông thôn của Sài Gòn. Các nhà hoạt động CIA ở Việt Nam rõ ràng dùng Diệm để hủy bỏ Hiệp định Giơnevơ và khi mục tiêu chủ yếu đã đạt được, CIA giúp Diệm củng cố thế độc tài của hắn ở Nam Việt Nam”. Đó là lời xác nhận sau này của một người Mỹ: Giôdép Amtơ trong cuốn Vietnam Verdict (Lời phán quyết về Việt Nam).

    Mỹ - Diệm đã tuyên bố công khai: “Không được xem cộng sản là người nữa, phải ra sức giết, giết không run tay”. Đó phải chăng chúng đã thú nhận chúng không có một chút tình người nào mà là một bầy ác thú chỉ có giết và giết. Xin kể một vài câu chuyện nhỏ để dẫn chứng và nhớ lại thời kỳ khủng khiếp đó:

    Chúng bắt buộc các gia đình có người đi tập kết phải cắt đứt mọi quan hệ vợ chồng, cha con. Chúng quy định thời gian cho những chị em nào có chồng đi tập kết phải làm giấy ly dị và bắt buộc chị em phải lấy cảnh sát, ác ôn: Không tuân thì giết. Chị Chín ở Bến Tre có chồng đi tập kết ra miền Bắc là anh Biên. Chính quyền xã ép buộc chị ly dị và lấy lẽ một cảnh sát trong ấp. Chị cự tuyệt. Một đêm, tên cảnh sát ấy ập tới nhà chị, bắt chị hãm hiếp rồi đâm chết, mổ lấy mật đem về lãnh thưởng vì đã giết được một tên “Việt cộng”.

    Bà Kế ở huyện Giồng Trôm có chồng là Mười Văn và các con tham gia kháng chiến, không đi tập kết. Chúng bắt bà tra tấn cực kỳ dã man, bắt chỉ chồng con cho chúng. Bà nhất định không khai. Biết không thể sống được với bọn mặt người dạ thú này, bà hét vào mặt chúng: “Chồng con ở trong tim tao nè, quân bây muốn kiếm thì moi ở tim tao mà lấy”. Chúng moi tim bà thật.

    Kể sao hết những hành vi man rợ như vậy đã diễn ra khắp miền Nam đau thương trong bao năm ròng đen tối. Chỉ riêng một tỉnh Bến Tre đã không thể kể xiết rồi. Anh Xưởng ở Mỏ Cày, người kháng chiến trở về làm ăn đã bị bọn ác ôn bắt đem ra giữa đồng cắt môi, cắt lưỡi, mổ bụng, moi gan, tim đem về bót nhắm rượu. Anh Võ Tấn Nhất đúng là một người cộng sản (Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre lúc ấy) mà nhân dân vô cùng yêu mến. Chúng bắt tra tấn cực hình đủ kiểu, anh vẫn cắn răng không hề hé một lời. Chúng hành hạ ở khắp các nhà giam. Cuối cùng chúng đưa anh về tỉnh nhà, đánh gãy thêm ba xương sườn, đóng lút đinh trên cả mười đầu ngón tay, căng trên ống cống phơi nắng cả tuần lễ, anh vẫn giữ vững khí tiết người cách mạng kiên cường. Không làm gì được, chúng bỏ anh vào hầm tối không cho ăn uống cho đến chết. Anh Tám ở xã Lộc Thuận bị địch cột chân sau xe GMC, cho xe chạy kéo theo anh trên đường đá lởm chởm, máu và thịt anh rơi rớt trên cả đoạn đường dài.

    Bọn cướp nước và bán nước đối xử với nhân dân ta như vậy đó. Thế mà ngày nay chúng còn dám mở miệng nói đến đạo lý, đến nhân quyền. Và người Mỹ có khó khăn gì mà không tìm ra nguyên nhân thất bại nhục nhã ở Đông Dương? Chúng ta thấm thía biết bao câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

    Để chuẩn bị cho việc bắt giam hàng loạt đại quy mô, Diệm đã cho ra “Dụ số 6” từ ngày 11/01/1956, lập các trại tập trung các nơi, vì hệ thống nhà tù của thực dân Pháp để lại không thấm vào đâu với số người bị bắt giam trong thời kỳ “tố cộng” này. Trại tập trung và nhà tù cũ, mới không đủ chứa, Diệm phải giam cả trong các nhà thờ, nhà chùa, thánh thất, trường học. Có nhà tù lớn chứa tới 6.000 người như Phú Lợi, 4.000 người như Chí Hòa, 3.000 người như Biên Hòa và hàng trăm nhà tù khác chứa từ 1.000 đến 2.000 người.

    Theo phương châm “thà giết lầm chứ không bỏ sót”, “coi Việt cộng không phải là người”, Mỹ - Diệm đã tàn sát bừa bãi, bắt giam bừa bãi, gây thiệt hại lớn cho Đảng ta, cho nhân dân ta, nhưng chúng không thể nào bắt và giết hết những người cộng sản, những người cách mạng trừ phi chúng giết hết nhân dân.

    Chính nhân dân ta đã bằng mọi cách nuôi nấng bảo vệ cho từng cán bộ, từng đảng viên. Không phải cá biệt ở vùng nào mà khắp nơi từ làng mạc ở nông thôn đến khu phố ở các đô thị, nhân dân giấu cán bộ trong hầm bí mật, chăm chút từng bữa cơm, manh áo, săn sóc thuốc men khi đau yếu, đấu tranh giành giật với địch khi cán bộ bị bắt. Họ làm những việc ấy với ý thức đầy đủ là bảo vệ cán bộ, bảo vệ Đảng. Họ hiểu sâu sắc rằng còn Đảng là còn tất cả, quyền lợi, tự do, sinh mạng của người dân và sống còn của đất nước. Biết bao tấm gương vô cùng cảm động của những bà mẹ, người chị, của những em bé bị tra tấn chết đi sống lại vẫn không chịu chỉ hầm bí mật có cán bộ ẩn ngay trong nhà, trong vườn của mình. Đã có người bị bắn chết gần miệng hầm mà bên dưới cán bộ, đảng viên đang nấp.

    Má Kế ở Hưng Phong (Bến Tre) nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật. Địch phát hiện được, bắt má tra tấn dã man, má vẫn không khai. Một câu nói bất hủ của má mà nhân dân Bến Tre còn truyền tụng đến hôm nay khi má trả lời với quân thù: “Việt cộng ở trong tim tao!”. Cuối cùng địch mổ bụng, moi gan, má chịu chết bảo vệ được cán bộ. Tinh thần hy sinh cao cả của nhiều người dân thường, không một lời nhắn nhủ, không để lại họ tên, tự nhận cái chết để bảo vệ đảng viên sống, để cho Đảng tồn tại, hầu đưa lại toàn thắng cho cách mạng, hạnh phúc cho toàn dân.

    Một trong những tấm gương sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ Đảng, bảo vệ đảng viên là anh nông dân Võ Văn Thiều ở xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Tam Cần (tỉnh mới do Diệm lập gồm các huyện Tam Bình, Tiểu Cần, Trà Ôn, Cầu Kè, Bình Minh, sau này chúng đã giải thể). Ngày ấy nhân dân trong xã đều một lòng đi với cách mạng. Hầu hết người của ngụy quyền đều được nhân dân giác ngộ, chịu nhận nhiệm vụ của cách mạng qua mối liên lạc với anh Võ Văn Thiều. Dựa vào cơ sở vững mạnh của toàn xã, các đồng chí trong tỉnh đã bố trí cho đồng chí Mười Thơ (Nguyễn Thành Thơ) - Bí thư Tỉnh ủy Tam Cần (do địch tổ chức tỉnh mới, ta cũng thành lập tỉnh ủy của tỉnh ấy để dễ lãnh đạo) ở và làm việc ngay tại xã này để đảm bảo an toàn. Trong một thời gian dài ta vẫn giữ được bí mật nhờ nhân dân và cơ sở ta trong ngụy quyền bao bọc. Nhưng rồi địch nghi ngờ, cho gián điệp điều tra theo dõi. Chúng đã phát hiện được đầu mối liên lạc với Đảng trong xã là anh Võ Văn Thiều nên chuẩn bị bắt anh. Cũng nhờ nhân dân mà ta biết được tin nên tổ chức cho anh Thiều tạm lánh qua một vùng khác. Chúng gian ác đã bắt vợ anh Thiều và định ngày xử bắn nếu đến ngày ấy anh Thiều không ra đầu thú. Các đồng chí ta đã bàn với anh Thiều chịu ra gặp địch để cứu gia đình và bàn cách khai báo để bảo vệ cơ sở cách mạng. Anh khẳng khái: “Tôi sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ Đảng, giữ vững cách mạng, dù chúng bắt giam hay bắn chết tôi”.

    Anh Thiều đã ra cho địch bắt và khai cho chúng tất cả những tên ác ôn có nợ máu với nhân dân trong vùng, với đủ bằng cớ những tên ấy là “cơ sở bí mật” mà chúng muốn tìm. Bọn ấy bị bắt trong lúc tất cả các đồng chí, nhân dân trong xã cũng như những người của ngụy quyền giác ngộ làm cho cách mạng trong xã vẫn an toàn. Địch đã giết chết anh nhưng anh vẫn không chết trong lòng cán bộ và đồng bào vùng ấy.

    Mỹ - Diệm hiểu thấm thía qua thực tế: Nhân dân và những người cộng sản, cách mạng là thống nhất, mỗi Việt cộng là một người dân trong biển dân mênh mông. Chúng đề ra khẩu hiệu “Tát nước bắt cá”, có nghĩa là phải đánh vào dân, tách dân ra khỏi những người cộng sản thì mới diệt được.

    Ta nói tình quân dân như tình cá với nước là nói đến sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân, dân và những người cách mạng không thể nào tách rời được. Ta xem nước không chỉ có tác dụng nuôi cá sống để cá vẫy vùng, mà nước còn là sức mạnh thần kỳ có thể nổi sóng nhận chìm tất cả bọn giặc và tay sai, cả loài phi nhân bạc nghĩa. Nước có thể chở thuyền và cũng có thể lật thuyền. Ở đâu có nước ở đó có cá, không thể nào bắt hết cá khỏi nước được. Hiểu một cách thô thiển, Mỹ - Diệm ra sức tát nước để bắt cá. Chúng tính nhốt hết nhân dân vào các trại tập trung gọi là khu dinh điền, khu trù mật. Mỹ - Diệm đã quy hoạch một hệ thống các khu dinh điền lấn vào các khu căn cứ cũ trong kháng chiến chống Pháp của ta. Chúng gọi các khu dinh điền ấy là “pháo đài tiễu cộng”. Những cứ điểm bao vây Việt cộng không cho chúng một mảnh đất hoang vu nào để hoạt động. Chúng chia nhỏ các tỉnh, huyện lập thêm nhiều tỉnh mới, nhằm mục đích trấn áp, đi đến phá tan các khu căn cứ của ta. Ví dụ như các tỉnh Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy để đánh phá các vùng căn cứ của Bà Rịa, Biên Hòa. Tỉnh Bình Long, Bình Dương, tỉnh Phước Thành trùm lên Chiến khu Đ và Khu A của ta. Tỉnh Long An, Kiến Tường, Kiến Phong để phá khu Đồng Tháp Mười, tỉnh Tam Cần để cắt làm hai vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Long Xuyên, Chương Thiện để khống chế rừng U Minh... Từ năm 1957 đến năm 1959, Diệm đã lừa dân “di cư” bị mua chuộc ở miền Bắc và “di cư” cưỡng bức từ Trung Bộ lên Tây Nguyên, vào các tỉnh Nam Bộ, lập nhiều khu dinh điền (trên 80 điểm ở Nam Bộ), phá sạch trên 12.000ha rừng và các vùng căn cứ. Hơn nữa Trần Lệ Xuân còn dùng bọn tư sản, có lực lượng vũ trang bảo vệ, phá rừng khai thác gỗ, củi bừa bãi và làm đường xe hơi xé nhỏ các khu Bắc Biên Hòa, Phước Long, Bắc Tây Ninh... Diệm cho mở các chiến dịch gồm hàng sư đoàn càn quét ác liệt dài ngày như chiến dịch Trương Tấn Bửu vào rừng miền Đông, chiến dịch Thoại Ngọc Hầu ở miền Trung và miền Tây... Ở vùng đồng bằng đông dân Diệm lập khu trù mật tập trung dân vào đấy, kiểm soát chặt chẽ. Trong mỗi khu trù mật đều có một tiểu khu dành riêng cho những người tình nghi là cộng sản, những người kháng chiến cũ, những gia đình có người đi tập kết ra miền Bắc. Tiểu khu này được rào dây thép gai kiên cố hơn, có tháp canh nghiêm ngặt hơn. Diệm tuyên bố: “Xong khu trù mật này đến khu trù mật khác, cứ làm, làm mãi, làm cho nông dân trở nên những pháo đài kiên cố của tự do”. Thật ra Diệm cố nhốt chặt tự do vào những pháo đài kiên cố. Để tuyên truyền lừa mị, che giấu dã tâm, Diệm tuyên bố ở Vị Thanh rằng:
    “Ý nghĩa khu trù mật là xây dựng một xã hội mới để thực hiện công bằng, bác ái, đồng tiến xã hội trong hoàn cảnh một nước kém mở mang”.

    Nhưng thực sự đã đưa lại bao nhiêu thống khổ cho nhân dân, đời sống nông thôn bị xáo trộn toàn bộ. Tất cả dân phải vào khu trù mật, nhà ở cũ bị phá, dỡ hay đốt sạch, vườn tược cây cối bị đốn. Còn nơi xây dựng khu trù mật thì san bằng hàng ngàn, vạn công lúa, rẫy, kể cả lúa đang trổ bông, lấp hàng trăm đìa, ao. Ai không chịu bỏ vườn, nhà, mồ mả ông cha đi tập trung thì bị bắt bớ tàn sát, khủng bố thẳng tay. Hàng loạt khu trù mật kiểu mẫu, dồn nhốt vào mỗi khu hàng vạn nông dân như các khu Khánh Vân (Thủ Dầu Một), Hậu Mỹ (Mỹ Tho), Thành Thới (Bến Tre), Cái Sơn ở Tam Bình, Vĩnh Long, An Biên (Rạch Giá), Vị Thanh, Hỏa Lựu ở Cần Thơ... Nông dân căm phẫn và đã chống lại bằng mọi hình thức: Biểu tình, đưa đơn phản đối, dùng dao rựa chém bọn lính dỡ nhà, bị bắt lùa đi lại trốn về cất chòi ở trên nền nhà cũ, nổi lên tập thể phá rã khu trù mật... Báo chí công khai thời ấy cả trong và ngoài nước đều phản ảnh sự bất bình cao độ của nhân dân trước chủ trương độc ác thất nhân tâm ấy của Diệm.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #46 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 04:22:04 pm »

    Báo Anh Người xứ Êcốtxơ ngày 22/6/1960 viết: “Khu trù mật là những khu hình vuông, có đèn điện, có nhà thương, trường học, nhà lá. Những thứ đó được xây dựng bằng sức lao động “tự nguyện” của những người nông dân do quân đội đi bắt một cách độc đoán. Khi một khu trù mật hoàn thành, thì những nhà cũ của những người đến khu trù mật đều bị phá. Nhưng như thế thì hàng ngàn nông dân phải đi hơn 10 dặm đường để làm việc trên ruộng đất của họ, để mang trâu bò và dụng cụ đi và về. Cho nên, phần đông họ không đồng ý với chương trình lập khu trù mật. Việc các khu trù mật có thể chống lại hoạt động của cộng sản một cách có hiệu quả là điều đáng ngờ”. Còn đổng lý văn phòng của Diệm thì kể lại:

    “... Tới giữa 1959 đã có 25 khu trù mật thành lập, 25 thị trấn hoàn thành trong thời gian kỷ lục chưa đầy hai năm, được coi như một kết quả không ngờ.

    Nhưng ông tổng thống cũng không ngờ những phản ứng trong dân gian. Lời ta thán và đơn khiếu nại tới ông mỗi ngày một nhiều: bị đe dọa nên phải dời nhà, bị thiếu thốn về mọi mặt thay vì được trợ cấp, công quỹ bị biển thủ, kinh phí bị phóng đại, tài sản bị xâm phạm... nhà nông không thể tiếp tục công việc hằng ngày, khu vườn ruộng cũ ở xa khu mới...

    Cực chẳng đã ông đành phải bảo tạm đình... chắc ông Diệm phải nhận rằng mưu sự tại ông, nhưng thành sự tại những người chấp hành”.

    Đó là nhốt người. Ngoài ra, Diệm còn cướp đất của nông dân. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chính quyền cách mạng đã thực hiện một loạt các chính sách tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian, tạm giao ruộng đất vắng chủ, tạm cấp đất hoang và chia lại công điền, xóa bỏ nợ nần và giảm tô, giảm tức. Nhờ đó nông dân lao động Nam Bộ đã giành được khoảng trên 56 vạn hécta ruộng đất và nhiều quyền lợi khác. Đời sống ở nông thôn đã cải thiện khá nhiều. Mặc dầu chiến tranh, lắm nơi ác liệt, nông dân vẫn bám lấy ruộng vườn, vừa sản xuất nuôi mình, nuôi quân, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ làng mạc. Ngay ở những vùng trước thời kỳ kháng chiến còn hoang vu, nghèo khổ như vùng Đồng Tháp Mười, cuộc sống cũng được nâng lên rõ rệt. Tôi không thể nào quên cảm giác đau xót trước cảnh nghèo đói của đồng bào khi lần đầu tiên 1945-1946 vào Đồng Tháp Mười để xây dựng căn cứ kháng chiến. Đi đến đâu cũng gặp người dân ở trần, chỉ có mảnh bao bố rách che thân, nhà là những chòi dựng che tạm mưa nắng, dột nát và ngập ngụa trong mùa nước lên cao. Có nhà, hai vợ chồng chỉ có chung một mảnh bố, thay nhau ra ngoài làm lụng, người ở nhà phải trần truồng như tất cả trẻ con. Ở những vùng ruộng bao la, cò bay thẳng cánh mà họ không có mảnh đất cắm dùi, chỉ đem sức lao động, mồ hôi, nước mắt đổ ra kiếm cái ăn từng bữa vô cùng thiếu thốn. Sống giữa những vùng cá tôm đầy dưới kênh rạch đìa bàu, họ mò bắt một con cá con tôm đỡ lòng cho con nhỏ cũng bị bắt bớ, đánh đập, có khi ngồi tù, vì tất cả đất đai sông núi đều là của địa chủ. Chế độ thực dân và phong kiến bóc lột tận xương tủy nhân dân ta như vậy đó. Chín năm kháng chiến chống Pháp cũng là chín năm cách mạng bước đầu đem lại ruộng đất cho dân cày, đời sống ấm no cho người lao động, tự do và nhân phẩm cho mọi người. Tuy chưa phải sung túc và tự do trọn vẹn vì còn có giặc nhưng người dân đã hiểu Đảng và gắn bó với cách mạng, quyết tâm giữ vững quyền lợi của mình. Ngày nay Diệm lại rắp tâm cướp lại ruộng đất của nông dân đã được hưởng, phục hồi giai cấp địa chủ để làm cơ sở xã hội cho chế độ tay sai. Năm 1956, Diệm cho ra “Dụ số 57” đề ngày 22/10 về “cải cách điền địa”. Theo dụ này mỗi địa chủ được quyền sở hữu 100ha ruộng lúa, không tính ruộng đất trồng cây công nghiệp hoặc làm bãi chăn nuôi... Giai đoạn đầu của cái gọi là cải cách điền địa này Diệm cho triển khai lập khế ước tá điền, tức là buộc nông dân đang làm chủ ruộng đất của mình mà chính quyền cách mạng hồi chín năm đã chia cho, trả lại cho địa chủ và thực dân, và muốn khai thác mảnh ruộng đất ấy phải ký giao kèo mướn của địa chủ và trả tô theo quy định. Muốn làm được việc ấy Diệm cho tổ chức những cuộc hành quân xuyên sâu vào các làng mạc và ruộng lúa, có công chức của chính quyền và bọn địa chủ đi theo, chĩa súng ra làm cuộc kiểm kê lại toàn bộ ruộng đất cho địa chủ và xác lập quyền sở hữu của địa chủ, bắt nông dân phải làm tá điền như thời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Rõ ràng đây là một cuộc phản công lại nông dân của phong kiến và thực dân chỉ khác là thực dân mới Mỹ nay thay cho thực dân cũ Pháp. Mục đích chủ yếu của cuộc phản công quy mô lớn và rất cơ bản này, được che giấu dưới một từ mĩ miều là “cải cách điền địa”, là nhằm thiết lập ách thống trị vững chắc của chúng trên vùng nông thôn rộng lớn, các vùng kháng chiến cũ, trấn áp phong trào cách mạng của nhân dân, nắm nông dân trong bàn tay sắt bóc lột của chúng, khôi phục lại giai cấp địa chủ kết hợp với tư sản mại bản và quan liêu quân phiệt là cơ sở xã hội vững chắc của chế độ tay sai cho Mỹ.

    Ngay từ đầu, đi đôi với khoản “viện trợ” dành riêng cho chương trình này, Mỹ đã phái qua miền Nam một đoàn cố vấn, đứng đầu là Vônphơ Latdinxky, một chuyên gia nổi tiếng của Mỹ về cải cách điền địa. Đúng ra là Latdinxky qua giúp Diệm chống lại phong trào cách mạng của nông dân bằng cái khâu trọng yếu là phá cho được thành quả cải cách ruộng đất của Đảng ta tiến hành ở miền Nam đã gây ảnh hưởng sâu sắc trong nông dân, khiến cho nông dân đi với cách mạng. Làm được khâu then chốt này, kết hợp với chính sách khu dinh điền, khu trù mật, Mỹ -Diệm sẽ thực hiện được cái mộng nắm được nhân dân ta dưới bàn tay sinh sát của họ, tiêu diệt được Việt cộng, phá tan được cách mạng. Chính Latdinxky đã nhận định và thú nhận âm mưu này như sau: “Không lấy gì làm lạ rằng những người cộng sản đã tìm được trong các làng mạc miếng đất tốt cho các mục tiêu chính trị của họ. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi họ bắt đầu cùng một số việc khác, tấn công vào trật tự của làng mạc thì họ được hưởng ứng ngay lập tức. Họ kiểm soát được nông thôn và được nông dân ủng hộ không phải chỉ vì họ kêu gọi đánh đuổi Pháp - một nguyện vọng ăn sâu trong nông dân - mà còn chỉ vì họ đề cập đến vấn đề ruộng đất... Sự thức tỉnh của nông dân là một bộ phận không thể tách rời của chất men cách mạng sau chiến tranh, đang tràn ngập châu Á... Việc những người cộng sản nhấn mạnh vấn đề ruộng đất và sự hưởng ứng của nông dân ít nhất đã góp phần làm cho Chính phủ Diệm phải thừa nhận là có vấn đề ruộng đất và sự cần thiết phải làm cái gì về vấn đề này” 1.

    Còn tài liệu mật của Lầu Năm Góc ghi: “Chương trình cải cách điền địa của Diệm đã không chia lại ruộng đất cho người nghèo mà rút cục chỉ lấy lại những thứ mà Việt Minh đã chia cho họ rồi trả về cho địa chủ”.

    Sự thú nhận của Latdinxky và của Lầu Năm Góc cũng chỉ mới đúng một phần. Chính nông dân ta là những người trong cuộc bị cướp đất, bị khủng bố, hiểu rõ thấu tim đen của Mỹ - Diệm. Vì vậy một phong trào đấu tranh quyết liệt của nhân dân nông thôn nhằm bảo vệ quyền lợi ruộng đất mà cách mạng đem lại, kết hợp với đấu tranh bảo vệ tự do chống dồn dân, chống khủng bố, chống tố cộng diệt cộng ngày càng lan rộng. Mặc dù bị bắt bớ, tàn sát, nông dân đã đồng thanh chống lại, không chịu làm khế ước tá điền, nhất định không chịu trả ruộng đất mà họ đã làm chủ. Đã bao năm nay, nông dân đi với cách mạng, được sự lãnh đạo của Đảng mới giành được ruộng đất từ tay địa chủ, để có đời sống ấm no, tự do lao động trên đất của mình, bây giờ nhất thiết không thể trở lại với kiếp sống tá điền trâu ngựa cho địa chủ, cho thực dân. Lúc đầu nhiều đồng chí của ta không đánh giá được hết tính chất cấp thiết của vấn đề quyền lợi ruộng đất đối với nông dân, không đánh giá được sức mạnh một mất một còn của giai cấp nông dân chống lại địa chủ, phong kiến, cũng không đánh giá hết sự liên quan mật thiết giữa đấu tranh vì quyền lợi ruộng đất, dân sinh với đấu tranh giải phóng dân tộc nên có phần nào phân vân. Các đồng chí ấy nghĩ rằng hiện nay nhân dân ta không còn chính quyền, quân đội, nên khó lòng mà giữ được ruộng đất cách mạng đã chia, có ý muốn lợi dụng các điểm về điều kiện bảo đảm quyền “lĩnh canh”, quyền “lưu canh” và quyền “tiêu mãi” của tá điền trong chính sách “cải cách điền địa” để nông dân không bị xáo canh. Làm như vậy có khác nào vô tình thừa nhận cuộc cải cách điền địa giả mạo, phản cách mạng, chống nông dân của chính quyền Diệm. Nhưng trước làn sóng căm phẫn và tự động đấu tranh của nông dân, nhiều nơi anh em đã hiểu và khẩu hiệu “giữ vững quyền lợi ruộng đất đã giành được” của Đảng đã đề ra được dân hoan nghênh và hưởng ứng. Có thể nói rằng bất chấp súng đạn dã man của quân Diệm, nông dân kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức từ hợp pháp đến bất hợp pháp. Họ đã tự động diệt trừ những tên ác ôn địa chủ hoặc tay sai của địa chủ, trong xã hay của Diệm phái xuống. Họ đã dùng lý lẽ phải chăng đấu với ngụy quyền, đã vận động binh lính ủng hộ quyền lợi của bà con và sẵn sàng chống lại bằng bạo lực. Một ví dụ của đấu tranh thắng lợi là cuộc đấu tranh của nhân dân Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh, gần Sài Gòn. Đó là một vùng lớn đất thuộc, cùng với đất bưng, nằm tại xã An Hòa huyện Trảng Bàng. Trước Cách mạng Tháng Tám đất này do tên địa chủ quan lại, đốc phủ Đâu chiếm hữu và phát canh thu tô. Sau cách mạng, chính quyền kháng chiến của ta đã đem chia cho nông dân khai phá làm ăn. Ngoài số ruộng thuộc, bà con đã đổ mồ hôi sôi nước mắt, vất vả nhiều năm mới biến vùng bưng thành ruộng lúa màu mỡ. Dựa vào chính sách “cải cách điền địa” của Diệm, con cháu đốc phủ Đâu cùng với ngụy quyền cố cướp lại ruộng đất này chia nhau thu lợi. Tên quận trưởng cầm đầu, sử dụng cả bộ máy cai trị của huyện cùng một số con cháu tên Đâu, nhân viên trắc địa, bọn tề địa phương và một trung đội dân vệ kéo về xã gom dân lại nghe quận trưởng nói chuyện trước khi tiến hành kiểm tra kê và thu ruộng lại.

    Hắn đã trịnh trọng nói về quyền sở hữu ruộng đất và kết luận:

    - Đất này là của ngài đốc phủ Đâu, giấy tờ sở bộ còn sở hữu đàng hoàng. Đông chí... tây chí... phải trả lại cho chủ cũ.

    Đồng bào nhao nhao phản đối và cử một đại biểu cãi lý lại:

    - Trước đây cách mạng đã đuổi Pháp giành độc lập cho dân tộc và chia ruộng đất của bọn tay sai Pháp cho dân nghèo. Chúng tôi đã biến những đồng bưng thành ruộng thuộc để có chén cơm ngày nay. Chính quyền quốc gia nói là bảo vệ dân, lo cho đời sống của dân, làm cải cách điền địa, tại sao lại lấy ruộng của dân trả lại cho con cháu tên tay sai của Pháp?

    Cứng họng, không trả lời được, tên quận trưởng cứ ra lệnh cho thủ hạ đo đạc, cắm cọc, giăng dây. Nhưng quần chúng kẻ cầm cuốc người cầm xuổng, rựa kéo theo sau nhân viên trắc địa, cọc, dây, cắm giăng ở đâu liền bị nhổ, chặt đến đó.

    Tên quận trưởng giận dữ ra lệnh:

    - Bắt đám dân đã bị cộng sản xúi giục này giải về quận ngay.

    Bọn tề dạ ran, nạt dân vệ bắt. Nhưng dân vệ đã bị kẹt trong đám dân chúng đông đảo đang bao vây kêu gọi thuyết phục họ: Không bắt, bắn vào bà con nghèo tay không, họ cũng như cha mẹ các cháu, các anh, là nông dân cày thuê cuốc mướn. Hãy thương người nghèo bị áp bức, bị cướp đất. Thấy dân vệ bất động, tên quận trưởng huy động thêm cảnh sát, bảo an đến đàn áp, khủng bố, bắt một số người mà chúng gọi làm cầm đầu. Cuộc đấu tranh của nhân dân kéo dài, buộc chúng phải thả những người bị bắt và rốt cuộc dân vẫn giữ được đất cày cấy. Một điển hình của sự chống trả quyết liệt nữa là vụ nông dân nổi dậy bửa đầu tên chúa đất gian ác Trương Hoàng Lâu ở Long Xuyên. Hắn là một tên đại địa chủ quỷ quyệt. Trong kháng chiến chống Pháp, trước phong trào cách mạng mạnh mẽ của nhân dân, y giả bộ giác ngộ, đem ruộng đất vùng Cái Sắn hiến cho chính quyền cách mạng, số này đã được chia cho nông dân không có đất hay ít đất. Y còn tự nguyện đứng ra đỡ đầu cho Tiểu đoàn chủ lực 308 của ta lúc ấy. Nhưng Tiểu đoàn 308 cũng như toàn bộ lực lượng vũ trang của ta đi tập kết, chính quyền cách mạng không còn, bây giờ y lại nghiễm nhiên là cha vợ của “đương kim phó tổng thống” Nguyễn Ngọc Thơ có đủ quyền thế để trở mặt, hiện rõ nguyên hình là một tên xảo quyệt và gian ác. Trương Hoàng Lâu đã gọi quân đội cộng hòa cùng những đại diện của chính quyền Diệm về trị lại nông dân, đòi đất cho y, hậu thuẫn cho y bóc lột địa tô nặng nề và thẳng tay đàn áp những ai không vừa ý. Quá uất ức và căm giận tên gian ác, nông dân đã tập hợp kéo đến nhà hỏi tội phản bội của y, buộc y không được đòi lại đất, thu tô. Không những không thực hiện y còn lên mặt dựa thế con rể “chức trọng quyền cao” chửi rủa nông dân thậm tệ và dọa trị tội nhiều người y đã biết mặt. Không thể lùi bước được nữa, nông dân đã dùng búa bổ vào đầu y, giết chết y ngay tại nhà. Sau vụ này mặc dù Diệm đã trả thù khủng bố nhân dân, nhưng nhiều tên ác ôn, nhiều địa chủ cũng chùn bước. Cũng không phải chỉ Trương Hoàng Lâu bị trị tội mà còn nhiều tên khác ở khắp các nơi bị trị, cuộc đấu tranh thật quyết liệt và dằng dai.




--------------------------------------------------------------------
1. V. Latdinxky: “Cải cách điền địa ở nước Việt Nam Cộng hòa”, in trong Những vấn đề của nền tự do miền Nam từ khi độc lập, do Trường Đại học Michigan xuất bản năm 1961. Những đoạn này trích theo sách Cách mạng ruộng đất ở Việt Nam do Nxb. Khoa học xã hội xuất bản năm 1968.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #47 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 04:26:15 pm »

    Cũng có nơi, gặp điều kiện thuận lợi và có sự lãnh đạo kịp thời, nông dân đã giành được thắng lợi mà tránh được đổ máu. Như trường hợp đối với tên địa chủ đầy thế lực Lý Thị Hường ở đất Long An. Hường là con gái tên đại địa chủ Lý Văn Mạnh. Đất đai tên Mạnh kể đến mấy ngàn mẫu nằm ở vùng kênh số 7, số 8, Gò Xoài thuộc Tân Bửu (xưa thuộc Trung Huyện, nay là đất Bình Chánh). Thời Pháp thuộc nông dân tất cả vùng này đều là tá điền của tên Lý Văn Mạnh, một tên dân Tây, dựa vào thế lực thực dân, tha hồ bóc lột, áp bức, chiếm đất, vơ vét mồ hôi, sức lực của nông dân. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, vùng này trở thành căn cứ địa du kích. Chính quyền cách mạng đã tịch thu ruộng đất của tên Mạnh chia hết cho dân cày. Đồng bào được chia đất, phấn khởi khai thác trồng lúa, trồng mía và đặc biệt trồng thơm. Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng bào càng ra sức canh tác trên mảnh đất được chia, mía, thơm xanh tốt. Lý Thị Hường dựa vào em rể là tướng ngụy Trần Văn Đôn đầy quyền lực một thời, sai khiến các ngụy quyền quận huyện, lệnh cho các đơn vị quân đội cộng hòa, các đồn bảo an giành lại ruộng đất, buộc nông dân đóng tô, truy nộp hoa lợi những năm về trước. Không tuân theo thì đuổi đi khỏi xứ, bắt tù, có khi bắn bỏ. Nhân dân bị áp bức vô cùng căm phẫn, đấu tranh thì bị đàn áp. Còn đối với cách mạng? Nó không coi ra gì, cộng sản sẽ bị tố, bị diệt hết trong nay mai thôi. Đã nhiều lần, cán bộ địa phương nhân danh cách mạng cảnh cáo nó không được cướp đất, thu tô nhưng nó không đếm xỉa đến.

    Nhưng rồi một hôm... Đồng chí Ngô Văn Hoạch (Sáu Hoạch - Chủ nhiệm Công ty mía đường tỉnh Long An hiện nay) lúc ấy là chiến sĩ của Trung đội vũ trang B15 hoạt động ở Bến Thủ (Bến Lức - Thủ Thừa) kể lại:

    Hôm ấy tiểu đội tôi vừa đi công tác về, trời vừa sáng rõ, chưa kịp ăn, chưa kịp ngủ. Chợt có tin Lý Thị Hường đi canô vô kênh Bo Bo. Lệnh trung đội cho tiểu đội tôi phục kích bắt sống cho được tên địa chủ ngoan cố này ở kênh số 7. Anh Tư Chiểu 1 tiểu đội trưởng chỉ huy. Anh Tư Thân 2- Chính trị viên trung đội ở phía sau đợi. Khi canô tới trận địa, chúng tôi chĩa súng ra bắt ghé vào. Chúng đi cả hai vợ chồng và thủ hạ. Thấy súng nhắm thẳng vào canô, chúng hoảng hốt, tắt máy và ghé vào bờ. Chúng tôi bắt hết dẫn vào lán, canh gác cẩn thận. Tên nào cũng run như cầy sấy, nhất là vợ chồng Lý Thị Hường. Vẻ hách dịch coi trời bằng vung tiêu tán đâu hết.

    Anh Tư Thân nói chuyện với nó. Hỏi gì nó cũng trả lời rất lễ độ, thưa, dạ, rối rít. Nhưng thấy ta có vẻ đàng hoàng, văn minh, chúng nó dần hoàn hồn và bắt đầu phân bua. Lý Thị Hường nói:

    - Tôi khác với Trần Lệ Xuân. Trần Lệ Xuân làm chính trị, tôi không hề dính gì tới chính trị. Tôi chỉ làm kinh tế. Làm kinh tế là để dân có cơm ăn, có áo mặc. Chế độ nào tôi cũng chỉ làm kinh tế thôi. Chế độ nào cũng cần...

    Nó nói hăng say, như một diễn giả, khoa chân múa tay hình như quên mất mình đang bị bắt.

    Thấy gai mắt, tôi đứng bên, chĩa súng vào nó quát to:

    - Chị kia, đừng tưởng ở đây là một hội trường của Ngô Đình Diệm. Chị phải nói một cách lễ độ, nghe không?

    Nó lấm lét, cụt hứng.

    Anh Tư Thân nói thong thả và gằn giọng:

    - Ừ, làm kinh tế! Làm kinh tế của chị đồng nghĩa với cướp ruộng đất của dân, bóc lột bà con nông dân, trốn thuế đối với cách mạng. Chị không làm chính trị! Ừ, gia đình chị chỉ tiếp tay với Ngô Đình Diệm đàn áp, ức hiếp nông dân, chống lại cách mạng thôi. Chị khác Trần Lệ Xuân! Trần Lệ Xuân huênh hoang kiểu con buôn trên chính trường của chế độ, còn chị, chị im lìm xây dựng cơ sở vật chất cho chế độ.

    Thôi, chỉ vì chị cố biện bạch không làm chính trị nên tôi cũng không nói chính trị với chị nữa. Thôi nói kinh tế vậy. Chị phải đóng thuế ngay bây giờ cho cách mạng. Không thì chị không ra khỏi nơi này. Đó là cách mạng khoan hồng rồi. Nội cái tội cướp ruộng, ức hiếp nông dân cũng xử treo cổ chị rồi. Nhưng tha tội chết cho chị để chị cải hối. Từ nay về sau không được lấy đất, thu tô của nông dân nữa. Nếu không thì chị không bao giờ giữ được cái đầu trên cổ. Cách mạng không nói sai đâu.

    Lý Thị Hường nói không mang theo đủ tiền để đóng thuế.

    Anh Tư Thân bảo chồng nó về lấy tiền đem nộp ngay trong ngày, còn nó ở lại đây đợi. Anh cảnh báo:

    - Nếu như bất cứ đồn bót nào hay, bắn súng vô đây hay kéo tới giải vây, chúng tôi sẽ không đảm bảo mạng sống cho chị quá một phút. Biết chưa?!

    Chúng nó dạ và lập tức về lấy tiền đem đóng đủ. Tôi nhớ hình như nửa triệu bạc. Lúc ấy nửa triệu bạc cũng khá.

    Nộp tiền thuế xong, ta cho chúng về. Và từ đó nông dân vẫn canh tác đất của mình, không nộp tô, tức gì cả. Chúng nó biệt tăm không thấy tên nào léo hánh đến mảnh đất này nữa. Cả lò đường chúng làm lâu nay cũng bỏ luôn. Nông dân giữ được ruộng đất làm ăn và tham gia cách mạng.

    Nhưng ngụy quyền Diệm và chủ Mỹ đã rắp tâm biến miền Nam Việt Nam thành một nước riêng biệt, một thuộc địa kiểu mới thì có từ một thủ đoạn nào. Không thể lừa mị được dân, chúng quyết đạp lên oán thù, bước trên xương máu mà tiến. Cuộc khủng bố phátxít tràn lan nhằm đè bẹp ý chí kháng chiến của dân đến cùng. Nhưng nhân dân ta đã mang dòng máu bất khuất của ông cha từ ngàn xưa, đã đi theo Đảng và được Đảng giáo dục hàng chục năm rồi, có bao giờ chịu để cho thực dân, dầu thực dân Pháp hay Mỹ đô hộ và bọn Việt gian đè đầu cưỡi cổ. Số nào đấu tranh tại chỗ được thì bám trụ lại xóm làng, số nào lộ liễu bị hăm dọa thì tránh né lập những “làng rừng” trong rừng U Minh, những “địa bàn căn cứ phòng ngự” ở Đồng Tháp Mười và tự động lập những đội vũ trang trong các căn cứ cũ của ta ở miền Đông, miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Đây là một thời kỳ đen tối, Mỹ - Diệm xua quân đi bắn giết những người tay không. Bọn Việt gian ác ôn mọc lên như nấm. Đầu rơi, máu chảy, trời đất nhuốm màu tang tóc. Nhân dân khắp nơi, cả một số đông cán bộ, đảng viên đòi được diệt trừ bọn gian ác. Lúc này chủ trương của ta vẫn kiên trì đấu tranh chính trị, hòa bình, tránh dùng vũ khí. Nhưng khốn thay tình hình quá bức bách, cây muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng. Nhiều nơi đã tự động trừ gian, diệt ác. Không phải chỉ có cán bộ ta tự động diệt ác ôn mà cả nhân dân nữa. Họ vừa tự động làm vừa đề nghị lên trên cho phép, cho chủ trương. Có những ông bà già nói: “Tụi tao đặt vấn đề trừ gian là vì thương cán bộ đảng viên thôi, chớ dân sống hợp pháp có sự gì đâu. Tụi tao nói vậy mà nếu cán bộ không nghe thì cán bộ sẽ bị chết hết thôi, không lẽ trời đất này để cho bọn vô lại làm chủ sao?”...

     Nhiều địa phương míttinh năm, bảy chục người, một vài trăm người, gửi kiến nghị lên cấp trên, lên Hồ Chủ tịch yêu cầu cho trừ gian. Điển hình là cuộc míttinh ở Càng Long thuộc Trà Vinh có tới năm, sáu trăm cán bộ và quần chúng tham gia. Một đồng chí là cán bộ nông hội cũ lên diễn đàn nói: “Trừ gian là cần, không thể có cách nào khác. Không thể dung túng cho bọn ác ôn tự do đi vô hang cùng ngõ hẻm, bắt giết anh em cán bộ dễ dàng. Anh em cán bộ có còn con đường nào trốn tránh nữa đâu? Không lẽ cứ bó tay bó chân cán bộ đảng viên để tụi ác ôn giết hết? Không thể hữu khuynh dữ như vậy được”. Quần chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt biểu lộ đồng tình triệt để. Nhiều người nói tại sao trên không báo cáo rõ tình hình này về Trung ương? Chắc Hồ Chủ tịch không hay biết việc này. Phải kiến nghị làm sao cho tới tai Hồ Chủ tịch, nếu không thì đảng viên chết hết, cách mạng không còn. Nhân dân xã Hòa Hội thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã cùng nhau ký vào một bức thư dài gửi lên Hồ Chủ tịch, báo cáo tình hình nhân dân bị khủng bố, cán bộ bị giết chóc và cuối cùng đề nghị cho bộ đội miền Nam tập kết trở về bảo vệ đồng bào, xóm làng.

     Đồng chí Mười Thơ kể: Ở Trà Vinh lúc ấy đồng chí Sáu Đại là Bí thư cũng chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị không cho trừ gian diệt tề. Nhưng sau anh em khóc quá, dân chúng gây áp lực mạnh quá, anh buộc phải cho, nhưng dặn đừng dùng súng, chỉ được dùng dao phay, mã tấu, cùng lắm thì thả rắn hổ cắn...”. Anh Mười Thơ cho hay tiếp: “Đến năm 1958 anh Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh), lúc ấy là Bí thư Xứ ủy đồng ý cho trừ gian một cách có chọn lọc. Đó là sau khi chúng tôi cả các tỉnh, các khu đều báo cáo rõ tình hình hoành hành của địch và sự than phiền và kiến nghị của cán bộ, nhân dân, báo cáo rõ nguy cơ đe dọa Đảng ta, đe dọa cách mạng. Tuy vậy Xứ ủy cũng chỉ thị không được làm tràn lan, chỉ diệt những tên thật gian ác để cảnh báo bọn khác...”. Anh kể tiếp về chuyện Lâm Quang Phòng - một tên ác ôn ngoại hạng, bàn tay nó đẫm máu không biết bao nhiêu anh em ta, không biết bao nhiêu dân vô tội. Hồi đó, Mỹ - Diệm thành lập ra khu An Phước (tức gồm cả An Biên và Phước Long thuộc tỉnh Rạch Giá vùng căn cứ của ta). Chúng lập nên khu đặc biệt này để diệt cộng triệt để ở đây, phá tan khu căn cứ cách mạng cũ của ta. Lâm Quang Phòng đã tỏ ra vô cùng đắc lực cho Mỹ - Diệm trong việc tàn sát không gớm tay, chất chứa oán thù đầy dải đất này. Nó là con địa chủ, sinh ra ở An Biên thuộc tỉnh Rạch Giá. Năm 1945 trước phong trào cách mạng rầm rộ nó cũng đi theo kháng chiến. Tới năm 1947, lúc cha nó làm quận trưởng An Biên của Pháp, nó chạy về thành đầu thú. Nhưng sau đó một thời gian nó trở ra kháng chiến, phải chăng giặc Pháp và cha nó đã cài làm gián điệp? Khi quân đội ta tập kết ra Bắc thì Lâm Quang Phòng về đầu Diệm và được phong hàm thiếu tá. Phòng đã ở vùng kháng chiến lâu năm, biết nhiều vùng ở miền Tây, biết mặt nhiều cán bộ ta và những người kháng chiến cũ, biết những gia đình nông dân tham gia ủng hộ cách mạng. Nó rõ ràng vừa là một tên Việt gian phản quốc, vừa là một tên địa chủ phục thù, không từ một thủ đoạn man rợ nào và giết người hàng loạt một lúc. Các đơn vị vũ trang của Diệm hồi ấy xây dựng vội vã ở miền Tây bằng cách lùa thanh niên vào, trong đó không ít người đã từng tham gia kháng chiến. Biết như vậy, nó đưa các đơn vị này đi hành quân liên miên, buộc phải bắn giết bừa bãi để chính bản thân những người này tự gây thù hận với dân. Mỗi lần hành quân về, nó cho tập hợp đơn vị lại, bắt hô đả đảo Bác Hồ. Ai hô đả đảo đứng qua một bên, ai không hô đứng qua bên khác rồi cho bắn chết ngay tại chỗ. Có lần nguyên một đơn vị không một người nào chịu hô đả đảo, nó cho dùng liên thanh bắn chết cả. Với tội ác tày trời như vậy, Mỹ - Diệm tin cậy cho làm quận trưởng rồi tỉnh trưởng, nắm quyền sinh sát cả một vùng.

    Không thể để một con rắn độc như vậy tha hồ làm mưa làm gió. Phải cứu lấy sinh mệnh hàng vạn nhân dân trong vùng. Các đồng chí ta chủ trương phải trị tội tên Phòng. Nhưng làm sao đối với một tên có chức quyền cao của Diệm, lại có trong tay lực lượng vũ trang và cả bầy chó săn mật vụ đông đảo. Một nữ đồng chí ta tên là Trần Quang Mẫn, thường gọi là chị Mười Mẫn, tình nguyện lãnh nhiệm vụ của Đảng giao đi giết con rắn độc. Nhưng giết bằng cách nào? Các đồng chí nghi ngờ khả năng của chị. Chị đã trình bày kế hoạch của chị, chị sẽ tạo điều kiện đến gần nó và sẽ chém đầu nó bằng dao phay như chém một con chó ghẻ. Chị cam đoan thành công và hứa quyết tâm sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Rốt cuộc các đồng chí tin chị, đồng ý với chị và tạo điều kiện cho chị tiến hành công tác. Chị ra công tập luyện lại các môn võ mà chị đã biết, rèn luyện cho thành thục. Rồi điều kiện đã xuất hiện: Nhờ nhân dân, trong đó có bà con của tên Phòng giúp đỡ, chị đã hạ sát đối tượng trong một đám giỗ ở nhà người cô ruột tên Phòng. Chị đã dùng dao phay, bằng một động tác điêu luyện, chém đầu tên Phòng y như kế hoạch đã định. Dao chưa thật bén, chưa đủ sức nặng, cổ tên “chó ghẻ” chưa đứt lìa, nó chưa chết hẳn. Mỹ đem nó về Mỹ chữa chạy nhưng tên Phòng đã trở thành một kẻ dật dờ, tàn phế, vô dụng sống dở chết dở. Còn chị bị bắt, bị tra tấn, bị chúng kết án 7 năm tù với lời khai trước sau như một: “Vì nó giết chồng, phải trả thù cho chồng”. Báo chí đã rộ lên một thời, bọn cai ngục khắp nơi chị đến lấm lét nhìn vị “nữ thần”, chúng nó đã gọi chị như vậy 3.





------------------------------------------------------------------
1. Nguyễn Văn Chiểu nay là Bí thư Tỉnh ủy Long An.

2. Nguyễn Văn Mến (Tư Thân) - Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Chị Mười Mẫn sau khi mãn hạn tù từ chính quyền Mỹ - Diệm về tiếp tục công tác. Hiện nay chị nghỉ hưu tại tỉnh Kiên Giang.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #48 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 04:29:45 pm »

    Tuy việc trừ gian diệt ác của ta ngày một có kết quả, nhưng Mỹ - Diệm cũng ngày càng khủng bố phátxít. Ở một vài nơi thanh niên kháng chiến cũ tự động lập đội vũ trang, dựa vào những nơi có địa hình tốt huấn luyện và chiến đấu. Họ xin lương thực của dân, họ đánh lấy của địch hay làm rẫy trong rừng để sinh sống. Họ đánh trả lại bọn địch đi càn quét, họ treo cổ bọn điệp viên, bọn cảnh sát ác ôn, họ cảnh cáo bọn ngụy quyền hà hiếp quần chúng, tình trạng gần giống những “yên hùng” cát cứ từng nơi, quân của Diệm không dám héo lánh tới những vùng cát cứ ấy. Đơn vị do Hùng chỉ huy, đóng ở U Minh Thượng có đến 200 người, trang bị súng đầy đủ, được dân chúng trong vùng ủng hộ. Ở rừng miền Đông có đơn vị của Phán ở Long Nguyên (Bến Cát), đơn vị của Liễu và Sênh ở Vĩnh Tân, Bình Chánh (Thủ Dầu Một)... Mỗi đơn vị có cả đại đội vũ trang. Đặc biệt Chiến khu Đ cũ có đơn vị anh Chín Quỳ. Nhân dân thường gọi là Chín Già, một nông dân chống Pháp, bất hợp tác với chính quyền thực dân từ thời Cách mạng Tháng Tám. Thời ấy anh tập hợp được chục người, tự vũ trang lưu động khắp rừng bắc tỉnh Biên Hòa cũ, dọc ngang một dãy biên thùy, sống hiên ngang ngoài vòng pháp luật, Pháp đành phải chịu. Thỉnh thoảng anh kéo đơn vị ra khỏi rừng hỏi tội một tên địa chủ quan lại giàu có, lấy của cải chúng đã bóc lột tích lũy đem chia cho dân nghèo, cứu trợ những người đói. Khi cách mạng thành công, anh đem hết đơn vị ra mệnh danh là “Đoàn lục lâm quân” tình nguyện đặt mình dưới sự chỉ huy của anh Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng Chi đội 10 lúc ấy, đã tham gia chiến đấu đắc lực và xây dựng vùng căn cứ Chiến khu Đ. Năm 1954 tất cả bộ đội tập kết ra miền Bắc, anh xin ở lại, trở về làm người nông dân cày ruộng, sinh sống vùng Lạc An, Đất Cuốc (thuộc Chiến khu Đ - Tân Uyên). Rồi Mỹ - Diệm lại tiếp tục chiến tranh một phía, bắn giết những người cách mạng, những người dân vô tội. Biết Đảng dạy hãy kiên trì đấu tranh chính trị hòa bình, anh cố ép mình chịu đựng một thời gian. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua mà kẻ địch vẫn phản lại Hiệp định đã ký, gây bao tang tóc cho đồng bào. Không thể sống yên trong lúc quanh mình toàn chết chóc, bất công, anh nghĩ “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” rồi đi tập hợp thanh niên, kiếm vũ khí tự vũ trang, huấn luyện và chiến đấu, làm việc nghĩa bảo vệ nhân dân trong vùng. Tất cả các đơn vị vũ trang tự lập này về sau theo lời kêu gọi của cán bộ đều theo về với cách mạng, chịu sự chỉ huy của các cán bộ cách mạng và lập được công trạng. Cũng có một vài người “cứng đầu” nhưng rốt cuộc chính nghĩa khi nào cũng thắng, đã thu phục được họ.

    Cuộc khủng bố của Mỹ - Diệm đã lan tràn khắp nông thôn. Không một ngày nào, không một ấp nào không có người bị bắt, bị giết. Chưa được phép dùng bạo lực vũ trang chống lại thì chỉ có một cách chạy dồn cụm lại từng nơi có điều kiện để tự bảo tồn. Ở miền Trung Nam Bộ từ những năm 1956-1957 những cán bộ bất hợp pháp, những người kháng chiến cũ và các gia đình những người đi tập kết đã lánh vào Đồng Tháp Mười và tự tổ chức phòng ngự. Họ lập nhiều khu vực gọi là “địa bàn căn cứ phòng ngự” gồm có vòng ngoài là hệ thống báo động bằng dây đăng, gài lon và kíp nổ, vòng trong là hầm hố chông rồi lựu đạn gài. Nhờ đó mà bảo vệ được nhiều cán bộ và nhân dân, địch không dám vào. Đây cũng là căn cứ làm việc của Khu ủy Khu 8, có lúc gọi là Khu 2 (miền Trung Nam Bộ). Những khu phòng ngự này thực sự là tiền thân của xã, ấp chiến đấu về sau, khi được phép chiến đấu vũ trang. Ở sâu trong rừng U Minh Hạ, miền Tây Nam Bộ thì dồn lại nhiều “túi bất hợp pháp” gọi là “làng rừng”. Có làng lên tới vài trăm người. Trong làng có đội vũ trang có súng, nhưng phần lớn là mã tấu được trang bị rộng rãi cho thanh niên và được tập luyện sử dụng thành thạo. Nhân dân phá rừng làm rẫy đùm bọc nhau mà sống nhưng cũng phải nhờ bà con bên ngoài tiếp tế, nhất là tiếp tế cho các đội vũ trang. Tất cả dân trong làng được tổ chức lao động chung, đói no cùng hưởng, đau ốm, chết chóc có nhau. Trong hoàn cảnh như vậy, hầu hết không có gì là riêng tư, cả ngàn người như một, một tâm tư, một tình cảm: Làm thế nào để sống và chống địch? Bao giờ thì kẻ ác đền tội, cách mạng thành công? Cán bộ và đội vũ trang trong các làng thường được nhân dân vùng quanh rừng đem gạo, muối, thuốc men... vào nuôi. Việc tiếp tế này không phải dễ dàng. Địch phong tỏa gắt gao nên thường phải đi vào ban đêm và hết sức bí mật. Nhiều người đã bị bắt và chém đầu, đập đầu bằng gậy và chết ngay ở bìa rừng. Mặc, không ai sợ, người này chết người khác thay. Cái gì đã tạo nên khí phách anh hùng, lòng dũng cảm vô song không một tính toán riêng tư như vậy? Đó là lòng dân đối với cán bộ cách mạng, đối với Đảng tin yêu. Đồng chí Tám Bành (đã nói ở đoạn trên) cho biết chỉ riêng xã Vĩnh Viễn ở Cà Mau (sau này được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), trong bảy tháng liền đã góp 900 thùng gạo (mỗi thùng 20 lít) để đem vào rừng nuôi một trung đội vũ trang. Nhân dân mong được vũ trang chống địch và vì vậy rất quý từng chiến sĩ, từng cây súng, rất xót khi thấy kẻ địch hoành hành quá quắt, xem mạng người như cỏ rác trong lúc cán bộ ta nhiều lúc vác súng chạy khi bị đuổi, chạy không kịp thì bị bắt sống, trong tay còn cầm súng. Những người lớn tuổi ngày nay được sống qua thời kỳ đấu tranh oanh liệt gian khổ mà kỷ luật nghiêm minh ấy, không bao giờ có thể quên, và thanh thiếu niên ngày nay, sống trong khi cách mạng đã thành công, không thể nào tưởng tượng nổi, sự thật - thường phong phú và phức tạp hơn trí tưởng tượng của con người nhiều - cảnh bọn ác ôn giết cha không cho con khóc, giết chồng cấm vợ chôn, cảnh địch khống chế nhân dân đến nỗi con trốn tránh đói khát vào nhà lấy gạo, cha mẹ phải đánh mõ báo cho ngụy quân biết, cảnh bọn địch lùa dân đi lùng đuổi Việt cộng thì cả làng này đến làng khác đi theo hết, trừ người bệnh nặng hay quá già đi không nổi. Ai không tuân theo bị bắn chết ngay tại chỗ. Đồng chí Mười Thơ, một thời gian dài làm Bí thư Khu ủy miền Tây, đã kể lại cuộc càn rừng của “Thanh niên Cộng hòa” của Diệm ở Đầm Dơi thuộc Cà Mau, vào năm 1958, nghe thật lạ lùng không khác gì nghe kể truyện Tàu. Thời ấy Diệm bắt tất cả thanh niên nam nữ đều phải vào tổ chức “Thanh niên Cộng hòa” (thời ấy đã giải tán và không tổ chức các đoàn thể quần chúng, mãi cho đến phong trào “Đồng khởi”). Nó tổ chức vào không kể xấu tốt, cả con cái cán bộ ta, con cái anh em đi tập kết. Rồi nó cho học tố cộng. Nó tổ chức cho vui chơi thả giàn, đi đâu thì rần rần bằng ghe máy. Nó biến tất cả thành một bầy cừu, bảo gì làm nấy, nhưng không phải cừu mà phải là chó sói, sẵn sàng ăn thịt cả người thân trong gia đình, giết người không gớm tay. Điển hình là thằng Tiếu và con Tuyết, hai đứa chỉ huy cuộc càn ở Đầm Dơi. Cả hai đều là con các đồng chí của ta đã đi tập kết ra miền Bắc, thế mà là ác ôn nhất bọn, nổi tiếng cả miền Tây, ngụy bắt Tiếu mở ngay một “chiến dịch” càn, ráp để diệt cộng, thực hiện “khu an ninh” toàn Đầm Dơi. Tất cả thanh niên cộng hòa trong khu vực, trai, gái, dàn từng hàng ngang, sát nhau, càn hết khu vực này đến khu vực khác. Chúng bắt những người đàn bà lớn tuổi đi nấu cơm cho chúng ăn, ông già thì đẩy thuyền tiếp tế theo sau. Nó di chuyển, càn từng khu vực, vũ trang toàn bằng gậy gộc, không cần súng, giết người bằng đập đầu đến chết. Con Tuyết, khi bắt được đàn ông, không cần cả gậy, không đập đầu mà dùng chân đá vào bộ hạ cho chết đi sống lại, kỳ đến chết hẳn.

    Nó càn như vậy đến bảy ngày. Ngày thứ bảy chúng càn đến rừng Chim Đẻ. Rừng này trước đây chim về ở và làm tổ nhiều nên gọi là “rừng chim đẻ”. Nhân dân và cán bộ ta sống bất hợp pháp ở đây khá đông. Không còn cách nào rút đi đâu nữa, anh em cho người xuất hiện bảo cho chúng biết là trong rừng này có lực lượng vũ trang cách mạng đóng, không được vô. Tiếu hô to: “nó nói láo không có súng đâu, tràn vô!”. Anh em ta liền giơ cao súng lên cho nó thấy. Tiếu lại hô: “Nó có súng chứ không có đạn đâu”. Anh em ta liền nạp đạn và bắn lên ngọn tràm, một cành tràm rớt xuống. Tiếu nói to: “Nó có đạn chứ không dám bắn vào ta đâu. Đảng chúng nó cấm bắn mà”. Rồi Tiếu xông lên đầu đi tới và hô: “Hãy tràn vô!”. Một rừng gậy tua tủa giơ lên, một rừng người xông tới, đi đầu là Tiếu và Tuyết. Đồng chí chỉ huy ra lệnh: “Chém!”. Anh em ta đã dàn hàng ngang nằm úp sẵn từ trước, liền đứng dậy đồng loạt, mã tấu vung lên loang loáng. Nhát mã tấu đầu tiên mà cũng là nhát độc nhất thực hiện, đầu tên Tiếu lìa cổ lăn long lóc, máu vọt lên cao, rồi cả thân hình nó ngã quỵ xuống vũng bùn bên cạnh. Tức thì cả lũ “Thanh niên Cộng hòa” sững lại. Nhiều tiếng la thất thanh: “Chết! Chết! Chết!”. Tất cả nhào trở lại, đạp lên nhau mà chạy, chạy bán sống bán chết. Rất nhiều tên nhất là nữ “Thanh niên Cộng hòa” run lẩy bẩy không đứng được mà chạy lớp bò, lớp trườn loạn xạ. Nhưng nào có ai đuổi đâu. Có lẽ trước mắt chúng luôn hiện ra hình ảnh mã tấu loáng lên, đầu tên chỉ huy ác ôn văng ra, máu phụt lên cao và các tiếng la thất thanh “Chết! Chết! Chết!” không dứt bên tai làm cho cả đội hình tan nát, hỗn loạn, hồn vía lên mây. Sau trận này, cái tổ chức “Thanh niên Cộng hòa” của Diệm dần dần bị tàn lụi.

    Không tự nguyện để cho địch bắt, giết, cán bộ, nhân dân đã tự động lẻ tẻ diệt ác ôn cho đến khi được phép và khi được phép thì việc trị bọn gian càng mở rộng và thường xuyên. Ta thử xem Mỹ nói về việc này như thế nào:

    Tài liệu của Lầu Năm Góc nói: Tuy có một số vụ giết người hoặc bắt cóc ở vùng nông thôn miền Nam từ năm 1954 đến năm 1956, những vụ này không thể trực tiếp gán cho đám cộng sản “nằm vùng”.

    Một tài liệu nhận định của tình báo Mỹ tháng 7/1956 ghi nhận: “Trong năm qua cộng sản ở Việt Nam nói chung vẫn nằm im. Họ đã bỏ qua một số dịp để quấy rối chế độ Diệm...”.

    Các sĩ quan tình báo Mỹ ở Sài Gòn ước lượng có 30 vụ khủng bố vũ trang xảy ra trong quý cuối cùng của năm 1957, trong đó ít nhất 75 nhân viên chính quyền địa phương bị ám sát hoặc bị bắt cóc. Ngày 22/10/1958, có 13 người Mỹ đã bị thương trong vụ đánh bom ở Sài Gòn.
    Trong một bản báo cáo đặc biệt về tình hình an ninh nội bộ ở Việt Nam tháng 01/1960, sứ quán Mỹ ghi nhận rằng trong lúc cả năm 1958 có 193 vụ ám sát thì chỉ riêng trong bốn tháng cuối năm 1959 đã có 119 vụ ám sát.

    Sứ quán Mỹ nói điều đáng lo ngại hơn là lần đầu tiên Việt cộng đã tấn công vào các đơn vị lớn của quân đội Nam Việt Nam. Một trận phục kích của Việt cộng đánh hai đại đội thuộc Sư đoàn 23 của Sài Gòn ngày 26/9/1959, giết 12 lính chính phủ và thu hầu như toàn bộ vũ khí, đã làm sáng tỏ “toàn bộ tính chất nghiêm trọng của tình hình hiện nay”.

    Cuộc nổi loạn tăng lên gây ra những con số thương vong đầu tiên của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 08/7/1959 một vụ nổ bom khủng bố trong khu căn cứ Biên Hòa giết chết hai quân nhân Mỹ.

    Nhưng sứ quán Mỹ đã nhớ lầm hoặc không nắm được tình hình không phải trận đánh ngày 26/9/1959 diệt hai đại đội thuộc Sư đoàn 23 ngụy là trận đánh lớn đầu tiên. Sau khi Diệm cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử toàn quốc, tháng 10/1956 đã xảy ra liền hai trận đánh, một ở Dầu Tiếng thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Sông Bé) và một ở Bến Củi thuộc tỉnh Tây Ninh. Trong mỗi trận này có đến một đại đội của Diệm bị diệt, quân cách mạng với danh nghĩa lực lượng giáo phái đã bắt được tù binh, thu toàn bộ các vũ khí và các kho lương thực dùng xe chở về căn cứ. Tháng 8/1957 thị trấn Minh Thạnh (Thủ Dầu Một) lại bị đánh chiếm nhiều giờ, quân đội ngụy và cảnh sát ở đây bị diệt toàn bộ, tất cả vũ khí và lương thực quân cách mạng thu được chở đầy trên 10 xe vận tải lớn GMC. Cũng đầu năm 1957 một trận đánh quan trọng nữa vào thị xã Biên Hòa, kết hợp với nổi dậy từ bên trong, phá khám tù giải thoát hàng trăm tù chính trị để bổ sung cho hàng ngũ cán bộ đang rất cần lúc ấy (nhiều người trong số này, về sau là những cán bộ cao cấp của Đảng). Tuy nhiên cũng có một số nhỏ, cửa tù đã mở rộng trong trận phá khám tài tình lại không dám và không chịu ra ngoài hoạt động dễ bị hy sinh, còn ở lại trong tù mất tự do, nhưng bảo tồn được mạng sống. Ý nghĩa cuộc đời, dũng khí con người, khác nhau như trời với bể mà thể hiện ở đây chỉ bằng một khoảng không gian rất bé nhỏ: Ngoài cửa nhà tù và trong cửa nhà tù. Đêm 10/8/1958, chi khu quân sự Trí Tâm và toàn bộ quận lỵ (ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một) bị tiêu diệt. Một lực lượng quân cách mạng bao gồm cả lực lượng Bình Xuyên và Cao Đài chống Diệm đánh thẳng vào chi khu bằng ba hướng, trọng điểm là đồn quân cộng hòa (chủ lực của Diệm) ở đó có Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 13 và bộ phận tiền phương của Sư đoàn 3. Các nơi bị tấn công đồng loạt còn gồm cả đoàn bảo an thuộc tỉnh đoàn Bình Dương, trụ sở quận trưởng, trụ sở công an và đồn điền hiến binh... Bị đánh bất ngờ bằng đặc công luồn vào bên trong kết hợp với bộ binh từ ngoài đánh vào, bọn địch bị rối loạn ngay từ đầu, lớp bị diệt, lớp bị bắt sống lớp bỏ chạy tán loạn. Chỉ trong hai tiếng đồng hồ quân cách mạng làm chủ hoàn toàn cả khu vực Dầu Tiếng và Bến Củi bên kia sông Sài Gòn. Nhiều chiến lợi phẩm bao gồm súng đạn, máy thông tin, tiền nong, lương thực... được chở bằng xe vận tải chiếm được về khu căn cứ. Ba ngày liền địch trong khu vực bị tê liệt, bất động. Nhưng ngày 12, tên Đại tá Lê Khương - Tổng Giám đốc bảo an cũng đã sơ bộ gửi được phúc trình lên “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” ở Sài Gòn về trận đánh với những nhận xét: “Với quân số quá đông và hỏa lực dồi dào chúng đã đàn áp tất cả các vị trí của ta... Bảo an đã bị tấn công bằng hỏa lực mạnh nhưng vẫn chiến đấu cho đến khi hết đạn... Quân đội cộng hòa: một phần đông binh sĩ quân địch thiếu kinh nghiệm chiến đấu và kém tinh thần...” và “sở dĩ địch đã thành công vì sau ba ngày liên tiếp, binh sĩ ta nằm ngoài trời lo bố trí cho đồn điền phát lương, vì thế nên thấm mệt” 1 ... Hẳn là “Phủ tổng thống” không báo cáo với “Tòa đại sứ” về tin này. Còn trận đánh ngày 26/9/1959 mà Đại sứ Mỹ nắm được có thể chỉ là trận đánh ở Gò Quản Cung trong Đồng Tháp Mười. Đây là trận do Tiểu đoàn 502 nổi tiếng của tỉnh Kiến Phong đánh tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn chủ lực của quân đội Diệm và một đại đội khác tiếp viện sau đó. Tiểu đoàn 502 lúc đó do đồng chí Tám Dần tức Lê Văn Khuyên làm Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Sáu Chung tức Nguyễn Văn Phàn làm Chính trị viên. Đồng chí Út Thu tức Võ Chơn, một đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy trận đánh. Lúc đó là mùa nước nổi, Đồng Tháp Mười mênh mông như một biển nước. Đơn vị của ta điều trú và di chuyển trên thuyền và xuồng ba lá, xuồng cui, mỗi xuồng chỉ được năm sáu người có súng, nhỏ gọn và nhẹ. Quân địch dùng thuyền máy có bố trí liên thanh, trên thuyền lớn có súng cối, lợi dụng nước ngập càn sâu vào Đồng Tháp Mười. Tuy các tỉnh của ta và các khu lúc ấy đều có tổ chức vũ trang vì bắt buộc phải có để tự vệ và bảo tồn lực lượng nhưng chưa có chủ trương chiến đấu quân sự. Vì vậy khi hay tin địch càn vào thì toàn quân vội rút vào sâu, chọn nơi có địa hình kín đáo, cho xuồng núp trong các đám chàng rậm rạp (một loại cây giống như cây mía, mọc hoang rất tốt cho Đồng Tháp Mười, chịu được ngập nước phèn). Thuyền và xuồng chở đơn vị vũ trang của ta được bố trí cẩn thận theo một đội hình phục kích hết sức bí mật. Nếu địch không vào tới thì không nổ súng nhưng nếu địch vào sâu thì thể nào cũng đến đó và tất nhiên sẽ sa vào một thế trận chờ sẵn hoàn toàn bất lợi cho chúng. Địch rất chủ quan, ỷ vào ưu thế thuyền máy và lực lượng đông, hỏa lực mạnh, cứ tiến vào và đã lọt cả đội hình vào trận địa bố trí sẵn của ta. Để chắc ăn, anh em ta chờ cho thuyền của địch chỉ còn cách mình vài thước mới nổ súng đồng loạt. Toàn bộ quân địch bị tê liệt, số chết, số chìm, không kịp nổ một phát súng nào vì hoàn toàn bị bất ngờ, bị tấn công hết sức đột ngột và quá gần. Không đầy 10 phút, trận đánh đã kết thúc, ta thu toàn bộ chiến lợi phẩm. Một đại đội địch vào tiếp viện cũng bị diệt gọn. Cũng vào năm 1959 này, vào tháng 5, ở miền Tây Nam Bộ, Tiểu đoàn Ngô Văn Sở của ta đã phục kích đánh chìm tàu địch ở Ba Sao, Bến Dưa (sông Cả Ngay) Cà Mau, diệt gọn một đại đội địch, ta thu hàng trăm súng trong đó có đến 12 trung liên...



-----------------------------------------------------------------
1. Tài liệu thu được của địch, lưu trữ ở Phòng Lịch sử quân sự Quân khu 7.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #49 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 04:31:36 pm »

    Trên đây chỉ lược kể một số trận đánh của lực lượng vũ trang, những trận đánh tương đối lớn có tiếng vang đối với địch và ảnh hưởng nhiều trong nhân dân ta. Những trận đánh này, bức bách phải đánh trong thời kỳ nhất định, trong từng vùng nhất định, nhằm bảo vệ lực lượng, bảo vệ cơ sở, giữ vững ảnh hưởng của cách mạng, gây lòng phấn khởi tin tưởng trong nhân dân và làm nhụt bớt tính hung hăng dã thú của bọn ác ôn nhất. Tuy Đảng ta cho tới đầu năm 1959 vẫn kiên trì chủ trương không dùng đấu tranh vũ trang, giữ vững hòa bình, kiên trì đấu tranh chính trị, đòi tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình, nhưng đứng trước tình thế Mỹ - Diệm vẫn lao vào chém giết một cách điên cuồng để đạt được mục đích “tiêu diệt cộng sản đến tận gốc”, “hốt hết dân vào các khu dinh điền, khu trù mật, cướp lại ruộng đất của dân cày”, kiểm tra từng người dân chặt chẽ trong “ngũ gia liên bảo”... cán bộ và nhân dân miền Nam buộc phải tự vệ bằng diệt ác ôn, tự động vũ trang và đánh địch khi quá cần thiết. Từ sau tháng 7/1956, khi Mỹ - Diệm đã thực tế xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ như mảnh giấy lộn vào sọt rác, nhiều trận đánh lẻ tẻ, đánh nhỏ xảy ra liên tục khắp các tỉnh, các vùng ở cả nông thôn cũng như ở đô thị. Không một nhận định khách quan nào lại không thấy rằng những hoạt động tự động diệt ác ôn và đánh trả vũ trang như vậy là chính đáng, chỉ có tính chất tự vệ trước một chế độ phátxít đến cao độ. Nhất là sau vụ Phú Lợi, vụ đầu độc 6.000 đồng bào trong trại tập trung này giết chết một lúc hơn 1.000 người mà Mỹ - Diệm đã bắt nhốt trong trại tù của chúng, nghĩa là những người không còn cách nào chống lại chúng nữa. Giết người ở các làng xã, Mỹ - Diệm còn bịa đủ trăm thứ tội gán cho họ, còn giết trong trại giam của chúng, khi chúng đã tước mọi thứ tự do tối thiểu rồi và lại giết một lúc hàng loạt thì rõ ràng đó là hành động của lũ mặt người dạ thú. Trong trại giam đông đảo này bao gồm đủ các thành phần xã hội, đủ các lứa tuổi từ người già đến em nhỏ, có cả đàn ông, đàn bà bị bắt từ khắp các tỉnh thành miền Nam, không có bằng cớ phạm pháp nào, về giam lưu niên với một chế độ nhà tù vô nhân đạo. Ngày 01/12/1958 tay chân Mỹ - Diệm đã bỏ thuốc độc vào thức ăn khiến toàn bộ 6.000 chính trị phạm trong trại bị nhiễm độc, trên 1.000 người chết ngay. Thế là bọn cai ngục và lính của Diệm phong tỏa không cho đưa đi cứu chữa. Những người bị nhiễm độc kêu thét dữ dội, đòi được chữa chạy. Những thanh niên bị độc nhẹ còn sức, phải leo lên mái nhà kêu cứu với đồng bào xung quanh, khiến cho vụ đầu độc lộ ra nhân dân và truyền đi khắp cả vùng. Không phải chỉ đồng bào ta ở miền Nam, miền Bắc đều căm phẫn tột độ mà thế giới cũng bàng hoàng vì tội ác man rợ này.

    Chưa hết, tháng 5/1959, Diệm lại cho ban hành Luật 10/59, lập tòa án quân sự đặc biệt và đem máy chém lưu động các tỉnh. Căn cứ vào luật này tòa án quân sự đặc biệt sẽ xử hình hay khổ sai chung thân (chỉ có hai mức) những người can vào tội “phá rối trị an” mặc dù đã thành tựu hay tương hành vi toại nghĩa là không cần thiết phải là “đã làm” cái tội ấy, mà chỉ cần “có ý nghĩ” đến việc làm tội ấy. Thật là một sự việc có một không hai trong thời đại này. Gọi là luật là tòa án, thực sự chỉ có máy chém làm việc lê đi khắp nơi chém đầu ai có ý nghĩ chống lại Mỹ - Diệm. Ngày 14/5/1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi một điện phản đối Luật 10/59 cho Ủy ban quốc tế, có đoạn:

    “Luật 10/59 vi phạm một nguyên tắc pháp lý thông thường của các nước văn minh. Các nước văn minh đều không công nhận một chế độ pháp lý lấy “động cơ pháp luật” làm “yếu tố phạm pháp” để trừng trị. Luật 10/59 biểu hiện một chế độ hình phạt còn tàn bạo hơn chế độ Hítle, tước bỏ bất kỳ một bảo đảm tối thiểu nào cho người bị đem ra xử, nó giày xéo một cách trắng trợn lên những nguyên tắc tố tụng sơ đẳng nhất, nó xâm phạm đến quyền tự do căn bản của con người”.

    Mặc sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân ta, mặc sự lên án luật phátxít ấy của cả thế giới tiến bộ, Mỹ - Diệm vẫn lao vào cơn say máu khủng khiếp. Chúng tưởng, với cái luật của kẻ cường bạo vô đạo lý, với cái máy chém nghênh ngáo khắp nơi, chúng uy hiếp được mọi người, làm cho nhân dân kinh sợ và phục tùng. Ngược lại, lòng căm phẫn của nhân dân càng lên cao, làn sóng đấu tranh còn dâng trào quyết liệt. Không phải chỉ có ở nông thôn mà cả ở đô thị các tầng lớp đều chống Diệm, đòi quyền sống và tự do dân chủ. Rộng rãi nhất là phong trào công nhân. Nếu mỗi năm Mỹ - Diệm cai trị càng khắc nghiệt, phátxít thì công nhân càng đấu tranh mạnh mẽ và lôi cuốn các tầng lớp xã hội tham gia. Lấy tiêu biểu là những cuộc kỷ niệm ngày 01/5 với những khẩu hiệu đòi các quyền dân sinh dân chủ, với ý thức chính trị rõ ràng. Ngày 01/5/1957 ở Sài Gòn có 200.000 người biểu tình và ở các tỉnh có 280.000, ngày 01/5/1958 có 500.000 người và trong lời hiệu triệu của Tổng Liên đoàn Lao động có nêu:

    “Tiếp tục truyền thống đấu tranh của các bậc tiền bối, với ý chí và hành động thống nhất, chúng ta tự tin ở sức mạnh đoàn kết, với kinh nghiệm bản thân, anh chị em phải kiên quyết phấn đấu vượt muôn ngàn trở lực”.

    “Chúng ta sẽ tiếp tục đòi hỏi làm thế nào cho có công ăn việc làm, lương đủ sống, ở được yên, có quyền tự do nghiệp đoàn, tự do hội họp, đình chỉ nạn bắt bớ trái phép, bớt thuế, giảm phạt, tổ chức cứu trợ thất nghiệp, nâng đỡ và mở mang công thương nước nhà để công nhân có việc làm...”.

    Ngoài ra còn có hàng loạt các yêu sách do các đại hội đại biểu quyết nghị. Yêu sách chung của Tổng Liên đoàn đòi quyền lợi kinh tế, tự do dân chủ, còn có điều khoản đòi “thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình”. Yêu sách riêng của từng loại công nhân như của ngành dệt, ngành mộc, của công nhân đồn điền cao su, hỏa xa, công nhân xích lô, nghiệp đoàn giáo dục tư thục, liên đoàn văn nghệ... Yêu sách của giới văn nghệ năm 1958 và 1959 đòi:

    - Ban hành một quy chế cán bộ bảo đảm đời sống cho giới nghệ sĩ và công nhân sân khấu.
    - Bảo vệ quyền tác giả.
    - Yêu cầu kiểm duyệt nhanh chóng các vở hát, các bản nhạc.
    - Dành quyền ưu tiên xuất bản báo chí cho giới ký giả và văn học...

    Sinh viên đấu tranh đòi dùng tiếng Việt làm chuyên ngữ ở cấp đại học. Học sinh đòi tăng ngân sách giáo dục, giảm học phí, đòi cấp học bổng, đừng vu khống giáo sư và học sinh là thân cộng sản...

    Rõ ràng một chế độ chỉ dựa vào đàn áp khủng bố, chuyên dùng những thủ đoạn dã man nhất như dùng thuốc độc giết tù chính trị trong trại giam, chém đầu ai dám có ý nghĩ chống đối lại để cai trị, để mà tồn tại thì chế độ đó hoàn toàn thất nhân tâm và không còn cai trị được ai cả, và dĩ nhiên là không thể tồn tại.

    Ngay chính người dân Mỹ cũng đã thừa nhận sự thực, chống lại với “quan điểm chính thức của Chính phủ Mỹ là cuộc chiến tranh xẩy ra đối với Nam Việt Nam là do hành động xâm lược của Hà Nội”.

    Tập tài liệu của Lầu Năm Góc nói về những năm từ năm 1956 đến 1959 lúc cuộc nổi loạn bắt đầu là “hầu hết những người đứng lên cầm vũ khí đều là người Nam Việt Nam và những lý do khiến họ chiến đấu không hề được xếp đặt ở Bắc Việt Nam”.

    “... Các nhận định của tình báo Mỹ trong những năm năm mươi đã chỉ rõ chiến tranh nói chung bắt đầu như là một cuộc nổi loạn ở miền Nam chống lại chế độ thối nát và ngày càng có tính đàn áp của Ngô Đình Diệm”.

    Từ năm 1945 đến năm 1959, tình hình miền Nam Việt Nam dưới chế độ cai trị phátxít của Mỹ - Diệm là như vậy đó. Chưa lúc nào im tiếng súng, chưa lúc nào có hòa bình cho nhân dân mà vẫn là trạng thái chiến tranh tiếp diễn nhưng đây là “chiến tranh một phía”. Chính Diệm đã tuyên bố với phóng viên báo Le Figaro của Pháp vào tháng 3/1959 rằng “miền Nam Việt Nam đang ở trong tình trạng chiến tranh”.

   Mỹ - Diệm làm chiến tranh chống lại nhân dân ta đấu tranh thực hiện hòa bình và dân chủ. Mỹ - Diệm phá bỏ Hiệp định Giơnevơ trong lúc nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì thi hành và đòi thi hành đúng đắn Hiệp định, Mỹ -Diệm ra sức đàn áp khủng bố, ngày một tàn bạo, ngột ngạt cho đến cao độ vào năm 1959 mà nhân dân ta không thể nào sống nổi nữa, buộc phải tự vệ chống lại, sức chịu đựng đã tột cùng rồi. Muốn sống phải đấu tranh bằng bất cứ biện pháp nào, không có cách nào khác. Nước đã dâng cao đầy ắp bến bờ, “tức nước phải vỡ bờ” thôi. Đó là lôgic của sự việc. Đó là chân lý của cuộc sống. Đế quốc và tay sai thường có thói quen ngấm sâu vào xương tủy - là bĩu môi coi thường sức mạnh của nhân dân. Nhưng khi nhân dân đã hiểu, đã đoàn kết và được lãnh đạo đúng thì nhân dân có sức mạnh vô biên sẽ quật cho chúng những đòn chí tử. Thường chúng không nhớ lâu những đòn đau ấy. Chúng hay quên vì tham vọng của chúng quá lớn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM