Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:51:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành Đồng  (Đọc 6028 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2023, 10:12:30 pm »



BỐI CẢNH LỊCH SỬ
“VÌ CÓ LỬA NÊN CÓ KHÓI”


    Điện Biên Phủ - ngày 07/5/1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lẫy lừng, đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đã quyết định số phận của thực dân Pháp ở Đông Dương.

    Điện Biên Phủ thực sự là đài vinh quang của dân tộc Việt Nam anh hùng, ghi dấu một thời kỳ lịch sử hiện đại vẻ vang của Tổ quốc Việt Nam hùng vĩ.

    Từ đó đến nay và mãi mãi sau này, những âm thanh đẹp, hào hùng: “Việt Nam -Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh” sẽ mãi mãi ngân vang không dứt khắp bốn phương trời, mỗi khi loài người còn nhắc đến những trang sử đấu tranh bất khuất của các dân tộc vì độc lập tự do, vì phẩm giá con người.

    “Tinh thần Điện Biên Phủ ngày nay là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên thế giới” - Nhà thơ yêu nước Haiiti Rone Depextoro đã phát biểu như vậy năm 1960.

    “Điện Biên Phủ được coi như là thắng lợi to lớn của các dân tộc nhỏ yếu đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành lại tự do và độc lập. Điện Biên Phủ đã trở nên niềm tự hào của các dân tộc bị áp bức, là một cống hiến lớn lao của nhân dân ta vào cao trào giải phóng dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn cõi hoàn cầu.

    Điện Biên Phủ còn là thắng lợi to lớn của các lực lượng hòa bình trên thế giới. Không có thắng lợi Điện Biên Phủ thì chắc chắn Hội nghị Giơnevơ không thu được kết quả, hòa bình không được lập lại ở Đông Dương”
  1.

    Điện Biên Phủ đúng là đã đóng góp quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ năm 1954.

    Khi yêu cầu Mỹ viện trợ và giúp đỡ, Thủ tướng Pháp Bidault đã nhận định: Hay dở gì thì vận mệnh của Đông Nam Á bây giờ nằm ở Điện Biên Phủ... Thắng hoặc thua ở Giơnevơ là tùy thuộc ở kết quả tại Điện Biên Phủ”  2.

    Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thì Hiệp nghị Giơnevơ cũng ngã ngũ.

    Ngày 21/7/1954, Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của một nước Việt Nam và hai nước Campuchia và Lào. Hiệp định đã quy định việc chấm dứt chiến sự, quy định giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự giữa hai miền Nam - Bắc ở vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) và việc chuyển quân tập kết của hai bên. Hiệp định cũng cấm đem vào Việt Nam mọi quân đội và vũ khí đạn dược, cấm thành lập các căn cứ quân sự của một nước ngoài nào, cả ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Hiệp định cũng giành cho nhân dân Việt Nam quyền tự do bày tỏ ý muốn rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7/1956 và có những điều khoản bảo vệ tính mệnh và tài sản của mọi người, để cho mọi người được tự do lựa chọn vùng mình muốn sinh sống, cấm những hành động trả thù cá nhân hoặc tập thể, bất cứ hình thức nào, đối với những người và với gia đình họ, đã từng hợp tác trong chiến tranh với bên này hay bên kia.

    Bản “Tuyên bố cuối cùng” đề ngày 21/7/1954, một văn kiện quan trọng, thành phần chính thức của Hiệp định Giơnevơ, có những điều khoản rõ ràng như sau:

    “... 2. Hội nghị hài lòng về việc chấm dứt chiến sự ở Cao Miên, Lào và Việt Nam. Hội nghị tỏ lòng tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản ghi trong bản tuyên bố này và trong những Hiệp định đình chỉ chiến sự sẽ làm cho ba nước Cao Miên, Lào và Việt Nam từ nay có thể đảm nhận với độc lập và chủ quyền hoàn toàn vai trò của mình trong tập thể hòa bình của các nước.

    “... 4. Hội nghị chứng nhận những điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và việc cấm đem vào Việt Nam quân đội và nhân viên quân sự ngoại quốc, cũng như tất cả các thứ vũ khí, đạn dược...

    5. Hội nghị chứng nhận những điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định rằng không được thành lập một căn cứ quân sự nào của một nước ngoài trong những vùng tập kết của đôi bên. Đôi bên có nhiệm vụ không để những vùng được trao cho mình tham gia bất cứ một khối liên minh quân sự nào và dùng vào việc gây lại chiến sự hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược...

    6. Hội nghị chứng nhận rằng mục đích căn bản của Hiệp định về Việt Nam là giải quyết các vấn đề quân sự để đình chỉ chiến sự, và giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ. Hội nghị tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản định trong bản tuyên bố này và trong những Hiệp định đình chỉ chiến sự tạo ra cơ sở cần thiết để giải quyết vấn đề chính trị ở Việt Nam trong một thời gian ngắn.

    7. Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết, và để thực hiện tất cả những điều kiện cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý muốn, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7/1956, dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và kiểm soát quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20/7/1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó.

    8. Phải triệt để thi hành những điều khoản trong Hiệp định đình chỉ chiến sự nhằm mục đích bảo vệ tính mệnh và tài sản của mọi người và nhất là phải để cho tất cả mọi người ở Việt Nam tự do lựa chọn vùng mình muốn sinh sống.

    9. Những nhà đương cục có thẩm quyền ở vùng Bắc và vùng Nam cũng như ở Lào và Cao Miên không được dung thứ những hành động báo thù cá nhân hoặc tập thể đối với những người đã hợp tác, bất cứ dưới hình thức nào, với một trong hai bên trong thời gian chiến tranh, hoặc đối với gia đình những người đó...”.

    Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Chính phủ Mỹ đã long trọng đưa ra bản tuyên bố trong đó có một số điểm chủ yếu như sau:

    “Chính phủ Mỹ kiên quyết đem hết cố gắng của mình để củng cố hòa bình phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Liên hợp quốc, ghi nhận các Hiệp định đã ký kết tại Giơnevơ ngày 20 và 21/7/1954.

    1. Mỹ sẽ không dùng đe dọa và vũ khí để phá hoại nó, phù hợp với khoản 2 (4) của Hiến chương Liên hợp quốc, liên quan đến nghĩa vụ của các hội viên là không đe dọa hoặc dùng vũ lực trong các quan hệ quốc tế của họ.

    2. Mỹ sẽ coi bất cứ việc diễn ra lại hành động xâm lược nào vi phạm các Hiệp định đã nói ở phần trên với sự lo ngại sâu sắc coi như là đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình và an ninh quốc tế.

    Chúng tôi tán thành hy vọng là các Hiệp định sẽ cho phép Campuchia, Lào và Việt Nam giữ vai trò của họ, trong độc lập và chủ quyền hoàn toàn, ở trong cộng đồng hòa bình của các dân tộc và sẽ tạo điều kiện cho các dân tộc ở khu vực đó quyết định tương lai của họ”.

    Ngoài ra, chín nước tham gia Hội nghị Giơnevơ đã ra một tuyên ngôn bảo vệ hòa bình ở Đông Dương.




---------------------------------------------------------------------
1. Trích sách Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1979. Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1954 là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và là người chỉ huy trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ.

2. Điện của Douglas Dillon - Đại sứ Mỹ tại Pháp gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Foster Dulles, ngày 05/4/1954.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2023, 06:32:42 am »

*
*     *


    Thế là sau ngót chín năm chiến tranh, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia sắp sửa hưởng một nền hòa bình chân chính, được quốc tế thừa nhận. Quân hai bên chuẩn bị tập kết về miền được quy định, nhân dân Việt Nam chuẩn bị một cuộc sống hòa bình nơi nào mình muốn ở và được tự do lựa chọn những người đại diện tin cậy của mình, chế độ chính trị nào đem lại hạnh phúc cho mình, vào ngày 20/7/1956, sau hai năm ký kết Hiệp định Giơnevơ. Quý báu biết bao một nền hòa bình đạt được bằng xương máu, bằng cả nước mắt đau thương và những trận cười chiến thắng của cả một dân tộc đã ý thức rõ rệt được quyền làm chủ bờ cõi non sông của ông cha để lại, đã nối dõi được truyền thống nghìn đời đấu tranh cho độc lập tự do và thống nhất.

    Thế nhưng sự thật việc đời thường rất phức tạp, chưa bao giờ lại chỉ diễn biến đơn giản theo một chiều suôn sẻ. Cùng với nhân dân Việt Nam, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới nhiệt liệt hoan nghênh Điện Biên Phủ, hòa bình, hữu nghị, dân chủ, trong lúc đó đế quốc Mỹ mà bản chất của chúng không hề thay đổi là gây chiến và xâm lược, là thôn tính đất đai và tài nguyên người khác, là áp đặt lối sống và chế độ chính trị mà chúng muốn lên đầu lên cổ các dân tộc, gấp rút chuẩn bị một dòng nước ngược tàn phá, độc ác, chống lại hạnh phúc tự do của người dân Việt, chống lại hòa bình ở Đông Dương và trên thế giới.

    “... Bốn ngày sau khi ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hội đồng an ninh quốc gia của chính quyền Eisenhower (Mỹ) đã khẳng định rằng Hiệp định đó là “một thảm họa” và đã chấp thuận các hành động nhằm ngăn cản sự bành trướng thêm nữa của cộng sản ở Việt Nam.

    ... Các quyết định đó của Hội đồng an ninh quốc gia có nghĩa là Mỹ đã giữ một vai trò trực tiếp trong việc cuối cùng phá hoại giải pháp Giơnevơ”  1.

    Việc trước tiên mà chính quyền Mỹ gấp rút tiến hành cả trước và sau Hiệp định Giơnevơ, không đếm xỉa gì đến Hiệp định Giơnevơ và bản tuyên bố long trọng của chính mình, quyết gây chiến tranh, phá hòa bình chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam là cố dựng nên một chính quyền tay sai mạnh ở miền Nam Việt Nam  2, phá hoại và làm suy yếu rối loạn miền Bắc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra sức ngăn chặn cuộc tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7/1956.

    Muốn làm như vậy Mỹ phải hất cẳng Pháp chiếm lấy miền Nam Việt Nam.

    “... Hội đồng an ninh quốc gia (Mỹ) trong cuộc họp ngày 03/8/1954, sau Hiệp định Giơnevơ, đã ra lệnh là phải có một chương trình khẩn cấp viện trợ kinh tế và quân sự, thay thế cố vấn Pháp bằng cố vấn Mỹ - cho Chính phủ Ngô Đình Diệm mới thành lập ở miền Nam Việt Nam.

    ... Các mục tiêu do Hội đồng đề ra là duy trì Nam Việt Nam thân thiện không cộng sản và ngăn chặn cộng sản thắng lợi thông qua cuộc tổng tuyển cử ở Việt Nam”  3.

    Vì biết rằng nếu tiến hành tổng tuyển cử thì chắc chắn các bè lũ Việt gian theo Mỹ sẽ thất bại, nhân dân Việt Nam sẽ bỏ những lá phiếu cho những người yêu nước chân chính, cho hòa bình độc lập và thống nhất Tổ quốc và như vậy đế quốc Mỹ sẽ bị tống cổ ngay từ ngày ấy nên Mỹ tìm mọi mưu mô không diễn ra tổng tuyển cử.

    “Ngay từ ngày 07/7/1954, trong thời gian Hội nghị Giơnevơ, Bộ trưởng Dulles đã gợi ý là Mỹ cần phải tìm cách trì hoãn cuộc tổng tuyển cử và đòi có những điều kiện đảm bảo mà chắc là cộng sản sẽ bác bỏ”.

    Trong bức điện mật gửi Thứ trưởng Ngoại giao Walter Bedel Smith thay thế khi ông rút khỏi Hội nghị Giơnevơ, Bộ trưởng Dulles viết:
    “Vì chắc chắn tổng tuyển cử thì cuối cùng có nghĩa là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền ông Hồ Chí Minh nên điều quan trọng hơn hết là trì hoãn tuyển cử càng lâu càng tốt sau khi ký Hiệp định đình chiến và chỉ tuyển cử trong những điều kiện không có sự đe dọa để tạo cho các phần tử dân chủ có cơ hội tốt nhất”.

    Như thế có nghĩa là chỉ tuyển cử sau khi có thời gian để tiến hành mọi mưu kế gian xảo đen tối hầu đưa lại thắng lợi cho bọn tay sai Mỹ, không được như vậy thì không tổng tuyển cử. Thật là dân chủ tự do theo kiểu Mỹ!

    Cũng không đợi đến Hội nghị Giơnevơ mới hành động, trong tháng 6/1954 chính quyền Eisenhower đã phái một phái đoàn Mỹ sang Việt Nam để bắt đầu tiến hành những hành động bí mật chống Việt Minh, trong khi hội nghị đang họp.

    Phái đoàn này do Đại tá Lansdale cầm đầu, Lansdale là nhân vật CIA nổi tiếng là chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chiến tranh chống du kích ở Philíppin là nơi ông đã giúp Tổng thống Romon Masaysay đàn áp những người khởi loạn Hukbalahap do cộng sản lãnh đạo.

    Nhà Trắng đã hấp tấp tiến hành phá hoại Việt Nam bằng hoạt động bán quân sự - mở màn cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam - của phái đoàn quân sự Sài Gòn (viết tắt SMM) được vội vã thành lập và điều Lansdale từ Philíppin sang cầm đầu phái đoàn này vào cuối tháng 5/1954. Lansdale kể: “Một điện văn từ Oasinhtơn đã chấm dứt công việc của tôi ở đây (Philíppin). Tôi phải sang Sài Gòn ngay bằng phương tiện chuyên chở nào sớm nhất”  4.

    Nhiệm vụ của phái đoàn Lansdale là “phải tiến hành các hoạt động bán quân sự chống kẻ địch và tiến hành chiến tranh chính trị tâm lý”.

    “Sau đó, sau Giơnevơ, phái đoàn được thay đổi để chuẩn bị các phương tiện tiến hành các hoạt động bán quân sự ở các khu vực cộng sản chứ không phải tiến hành chiến tranh không chính quy”.

    Khi thời hạn - 09/10 - ấn định cho phép rút khỏi Hà Nội tới gần, phái đoàn đã tìm cách phá hoại một số cơ sở then chốt ở Hà Nội.

    Bản báo cáo (của phái đoàn Lansdale) kể lại là: “Người ta được biết nhà in lớn nhất ở miền Bắc có ý định ở lại Hà Nội và làm việc cho Việt Minh. Phái đoàn SMM đã đề ra kế hoạch phá hủy các phương tiện ấn loát hiện đại nhưng các nhân viên an ninh của Việt Minh đã vào nhà máy và đã làm thất bại kế hoạch này”  4.

    “Chính là đội công tác của phái đoàn ở Hà Nội đã bỏ ra nhiều đêm cho thuốc vào các động cơ của hãng xe hơi ở Hà Nội để cho các xe hơi của họ dần dần bị hư hỏng sau khi Việt Minh tiếp quản thành phố”.

    “Đồng thời đội công tác của phái đoàn đã thực hiện cái mà bản báo cáo gọi bằng “những cuộc tấn công tâm lý chiến trong bóng tối”. Nghĩa là cuộc chiến tranh bằng những tài liệu giả là của đối phương. Đội đã in những cái gọi là những tờ truyền đơn ký tên Việt Minh chỉ thị cho người Bắc Bộ phải xử sự như thế nào khi Việt Minh tiếp quản Hà Nội vào đầu tháng 10 trong đó có những vấn đề tài sản, cải cách tiền tệ và cho công nhân nghỉ việc ba ngày lúc tiếp quản”.

    “Kế hoạch này nhằm đe dọa dân chúng đã thành công”.

    “Bản báo cáo cho biết một ngày sau khi phân phát những tờ truyền đơn đó, số đăng ký di cư (muốn thoát khỏi Bắc Việt Nam) đã tăng lên gấp ba...”.

    “Ở miền Nam, phái đoàn đã thuê những nhà chiêm tinh học Việt Nam - mà nghề nghiệp của họ được nhiều người châu Á rất tin tưởng - để tập hợp những niên dịch đoán định những điều không lành đối với Việt Minh và những điều tốt lành với chính phủ mới của thủ tướng Diệm”.

    “Bản báo cáo cho biết thêm để tiến hành những hoạt động ở Bắc Việt Nam sau khi đoàn đã rút khỏi Hà Nội, Thiếu tá Lucion Conein - một sĩ quan của phái đoàn SMM đã tuyển dụng một nhóm nhân viên Việt Nam mang tên mật mã là Bình”.

    “Nhóm này đã được Mỹ huấn luyện và giúp đỡ coi như những người Việt Nam yêu nước, để cuối cùng giao cho một chính phủ khi chính phủ đã sẵn sàng tiến hành những hoạt động như vậy. 13 người trong nhóm Bình này đã được bí mật đưa ra ngoài qua cảng Hải Phòng và trong giai đoạn đầu đã được các tàu hải quân Mỹ đưa tới khu vực huấn luyện của họ”.

    “Trước khí rút khỏi Hải Phòng vào tháng 5/1955 cơ quan vận tải hàng không dân dụng (CAT) - một hãng hàng không đặt trụ sở ở Đài Loan và do tướng Claire Chennault điều khiển, đã bí mật chuyển vũ khí từ Sài Gòn đến Hải Phòng cho nhóm Bình”...

    “Bản báo cáo cho biết tiếp là một đội khác gồm 21 người, mang bí danh là nhóm HAO được tuyển mộ từ Sài Gòn đã được bí mật đưa ra một chiếc tàu của hải quân Mỹ và được ngụy trang thành những người culi rồi đưa đến một địa điểm bí mật để huấn luyện”.

    “Vũ khí để cung cấp cho nhóm HAO được không quân Mỹ bí mật chuyển tới Sài Gòn”.

    “Chúng tôi đã chuyển bí mật vào Việt Nam khoảng tám tấn rưỡi đồ tiếp tế cho nhóm quân sự HAO. Số hàng này gồm 14 máy vô tuyến, 300 súng cạcbin, 90.000 viên đạn cácpin, 50 súng lục, 10.000 viên đạn súng lục và 300 pound chất nổ. Hai tấn rưỡi cung cấp cho nhóm HAO ở Bắc Kỳ, số còn lại được SMM cất giấu dọc sông Hồng với sự giúp đỡ của hải quân”...

     “Theo bản báo cáo trong năm tài chính 1955 chi phí của phái đoàn quân sự Sài Gòn (SMM) đã lên tới 228.000 đôla. Đó là chưa kể tiền lương của các sĩ quan Mỹ hoặc phí tổn về vũ khí lấy ở các kho của Mỹ”...

     “Thiếu tá Conein báo cáo tình hình cho nhóm hoạt động bán quân sự Bình biết và cho từng người thâm nhập miền Bắc”.

     “Ngày 16/5 Việt Minh tiếp quản Hải Phòng. Các đội Bình và HAO của chúng tôi ở miền Bắc đã có mặt, trang bị đầy đủ... Làm việc này công khai thật là khó khăn nhưng giữ bí mật không cho Việt Minh, Ủy ban quốc tế gồm những người Canađa, người Ba Lan và người Ấn Độ đầy nghi kỵ và thậm chí cả người Việt Nam bạn bè được biết. Việc chuyển người và trang bị phải tiến hành trên quãng đường dài hàng nghìn dặm...”.

     Đi đôi với những công tác phá hoại, hoạt động bán quân sự, chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc Việt Nam, chống lại “Việt cộng” có nghĩa là chống lại khối nhân dân yêu nước đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam Việt Nam, tên phù thủy Lansdale của đế quốc Mỹ còn ra sức xây dựng ngụy quyền Ngô Đình Diệm mạnh đủ sức làm tay sai đắc lực cho Mỹ. Hắn đã lặn lội nhiều lần lên tận núi Bà Đen (Tây Ninh) dùng tiền của, danh lợi lôi kéo, mua chuộc Trịnh Minh Thế về giúp Ngô Đình Diệm. Hắn đã dùng mưu kế và mọi khả năng làm thất bại sự chống đối quyết liệt lại bọn Ngô Đình Diệm của Nguyễn Văn Hinh, tổng tham mưu trưởng ngụy quân lúc ấy, của lực lượng Bình Xuyên, của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và những tay chân khác của Pháp như tên Le Roy, tư lệnh lực lượng gọi là tự vệ lưu động Thiên Chúa giáo (chủ yếu ở An Hóa, Bến Tre) và cả người Pháp nữa. Hắn đã thảo qua kế hoạch bình định nông thôn và các kế hoạch khủng bố “tố cộng”, “diệt cộng”... cho Diệm. Hắn không từ một thủ đoạn nào, một phương tiện nào như tiền của, uy lực, tàn sát dã man, “kỹ thuật rỉ tai”, “chiến dịch rỉ tai”  5, truyền đơn và tài liệu giả... để đạt mục đích. Tên sĩ quan cao cấp CIA Landsdale quả là người thực hành có kinh nghiệm mọi mưu mô đặt ra và chỉ huy từ Nhà Trắng có sự yểm trợ của Cơ quan tình báo Mỹ (CIA), Phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG), Sở Thông tin Mỹ USIS, sứ quán Mỹ và tất cả các tổ chức khác ở trong cũng như ở ngoài Việt Nam của Mỹ.

    Như vậy là Hội nghị Giơnevơ đang còn thảo luận để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương thì Mỹ đã dùng phái đoàn của Landsdale (SMM) mở đầu thời kỳ chiến tranh xâm lược của Mỹ để thay thế (từ tháng 5, 6/1954). Hòa bình chưa kịp đến thì chiến tranh đã chồng nối chiến tranh. Nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia cũng như nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới thực tình mong đợi và ra sức bảo vệ hòa bình thì đế quốc Mỹ hoảng hốt lồng lộn chống lại hòa bình.

    Người phân tích bản tài liệu cho biết Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ phản đối việc Pháp thương lượng để chấm dứt chiến tranh mạnh đến mức “tổng thống buộc phải báo cho Paris biết rằng việc Pháp thỏa thuận cho cộng sản thôn tính Đông Dương sẽ gây tác hại đến địa vị là một trong ba nước lớn”  ...

    Sở dĩ như vậy là chính vì chính sách của Nhà Trắng định ra từ Oasinhtơn không phải căn cứ vào tình hình kinh tế ở Đông Dương, vào ý chí đấu tranh của nhân dân, vào nguyện vọng của các dân tộc ở vùng này, mà xuất phát từ chiến lược toàn cầu của đế quốc đầu sỏ Mỹ nhằm làm bá chủ hoàn cầu.

    “Một vấn đề then chốt xảy ra từ mùa đông 1949-1950 khi Mỹ làm cái bản tài liệu gọi là một quyết định rõ ràng làm ảnh hưởng chính sách của Mỹ ở Việt Nam trong 20 năm tới: Sau khi lục địa Trung Hoa rơi vào tay những người cộng sản Trung Quốc, chính quyền Truman đã chuyển sang ủng hộ vua Bảo Đại và cung cấp viện trợ quân sự cho người Pháp chống lại Việt Minh”.

    “Bản tài liệu viết: Với hành động này “đường lối chính sách của Mỹ được ấn định là ngăn chặn sự bành trướng hơn nữa của cộng sản ở châu Á”. Và sau đó Mỹ trực tiếp dính líu vào tấn bi kịch đang phát triển ở Việt Nam”...

    “Lôgic cơ bản của việc Mỹ tham gia - mà sau này được gọi bằng thuyết Đôminô - đầu tiên được Hội đồng an ninh quốc gia nêu rõ ràng vào tháng 02/1950 khi hội đồng quyết định mở rộng viện trợ quân sự cho người Pháp ở Đông Dương”.

    “Bản tài liệu cho biết thêm là trong giai đoạn thứ hai xảy ra vào tháng 5 và tháng 6 năm 1954, lúc Hội nghị Giơnevơ đang họp thì Tổng thống Eisenhower đã chỉ thị cho các phụ tá thảo ra một bản nghị quyết yêu cầu quốc hội trao cho ông quyền đưa quân Mỹ đến Đông Dương”  .

    Và từ tháng 3 năm 1954, Ngoại trưởng Mỹ Dulles đã tuyên bố: “Từ nay Đông Dương nằm trong khu vực bất khả xâm phạm của chiến lược Mỹ”.

    Mỹ đã lồng lộn chống lại cuộc thương lượng hòa bình ở Giơnevơ, làm mọi áp lực buộc Pháp phải tiếp tục chiến tranh Đông Dương nếu không Mỹ sẽ tự mình tiến hành tiếp cuộc chiến bất kể Pháp. Bị vong lục của Ủy ban đặc biệt Mỹ ngày 05/4/1954 đề nghị:

    1. Chính sách của Mỹ là không chấp nhận điều gì khác ngoài thắng lợi quân sự ở Đông Dương.

    2. Lập trường của Mỹ tranh thủ sự ủng hộ của Pháp đối với chính sách này. Mỹ cương quyết phản đối mọi giải pháp thương lượng về Đông Dương tại Giơnevơ.

    3. Lập trường của Mỹ trong trường hợp không làm được điều 2 ở trên thì đề ra những biện pháp cấp bách với chính phủ quốc gia liên kết tiếp tục cuộc chiến tranh ở Đông Dương, có sự tham gia tích cực của Mỹ mà không có sự ủng hộ của Pháp nếu cần thiết.

    Chính vì vậy, Mỹ luôn âm mưu lôi kéo nhiều nước khác cùng với Mỹ xâm lược Đông Dương. Khi Hiệp định Giơnevơ ký chưa ráo mực, ngày 08/9/1954 Mỹ đã cùng Anh, Pháp và một số nước chư hầu thành lập khối xâm lược Đông Nam Á (SEATO) và ngang nhiên đặt miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia vào khu vực bảo hộ của khối đó.

    Tất cả những sự việc được kể hết sức tóm tắt ra trên đây là nguồn gốc cơ bản của diễn biến tình hình ở Việt Nam và Đông Dương trong những năm 1950, 1960 và 1970. Trong những năm ấy, toàn bộ Đông Nam Á đã sôi động dữ dội, Thái Bình Dương không còn thái bình nữa mà đã dậy sóng chiến tranh. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp được Mỹ tìm mọi cách nuôi dưỡng từ rất sớm:

    Ngày 08/5/1950, Oasinhtơn báo tin sẽ cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp ở Đông Dương bắt đầu bằng một khoản 10 triệu đôla... cuối cùng chương trình viện trợ quân sự của Mỹ lên tới 1,1 tỷ đôla năm 1954, gánh chịu đến 78% chiến phí của Pháp.

    Mặc dầu như vậy Pháp thua vẫn hoàn thua và phải ngậm bồ hòn mà tìm cách rút lui bỏ cuộc. Nhưng Mỹ lúc ấy cho rằng Mỹ không thể nào ngậm phải bồ hòn như Pháp (thực sự sau này còn hơn bồ hòn nhiều) và vì “thiên chức” lãnh đạo thế giới nên hùng hổ nhảy vào. Mỹ nhảy bổ vào trong lúc Pháp tiếc rẻ còn muốn ở lại bằng phương pháp khác không phải chiến tranh nên Mỹ phải hất cẳng Pháp, nhanh chóng độc chiếm miếng mồi béo bở để thực hiện chiến lược toàn cầu của mình. Chiến tranh chồng nối chiến tranh là như vậy đó.

    Nhưng Mỹ phá Hiệp nghị Giơnevơ, phá tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, hùng hổ nhảy vào Việt Nam, muốn “biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” như đã mớm cho tên tay sai Ngô Đình Diệm tuyên bố công khai, không phải không tính toán cân nhắc. Mỹ coi thường Việt Nam là một nước nhỏ không đáng kể, chỉ gờm sự can thiệp của hai nước lớn là Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng Liên Xô thì ở xa mà Trung Quốc ở gần, vì vậy quan trọng trước mắt là phải bắt mạch Trung Quốc, việc này không khó khăn lắm. Trong suốt quá trình Hội nghị Giơnevơ Mỹ đã chủ tâm quan sát và đặc biệt là qua Pháp, người đối thoại trực tiếp với Trung Quốc mà hiểu rõ Trung Quốc nghĩ gì và muốn gì.




------------------------------------------------------------------
1. Trích sách Các văn kiện của Lầu Năm Góc về lịch sử bí mật cuộc chiến tranh ở Việt Nam do Thời báo Niu Oóc in thành sách và phát hành trong tháng 7/1971. Thông tấn xã Việt Nam dịch, phát hành năm 1971. Chương 1 đề “Những năm dưới thời Truman và Eisenhower 1945-1960”.

2. Hai tuần trước khi ký Hiệp định Giơnevơ, ngày 07/7/1954, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về thành lập chính phủ bù nhìn (công cụ tay sai của Mỹ). Ngô Đình Diệm là một tên đầu sỏ phong kiến, đã từng làm tay sai cho đế quốc Pháp và đế quốc Nhật, được Mỹ nuôi dạy từ tháng 11/1951 ở trường thần học tiểu bang Niudali, dưới sự bảo trợ của Giáo sư Spenman.

3. Các văn kiện của Lâu Năm Góc về lịch sử bí mật cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Sđd, Chương I.

4. Hồi ký của E.G. Lansdale do Nhà xuất bản Harper of Now (Mỹ) phát hành năm 1972, nhan đề In the Midst of Wars, Chương I.

5. Những từ chính Landsdale dùng trong hồi ký của y, đã nói ở phần trên, khi huấn luyện và chỉ đạo công tác của Phòng 5 Bộ Tổng Tham mưu ngụy năm 1954.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2023, 06:33:49 am »

*
*      *


   Các dân tộc thuộc ba nước Đông Dương mà lịch sử đấu tranh hàng trăm năm đã từng gắn bó với nhau trong tình láng giềng hữu nghị, hiện đang đứng trước nguy cơ làm những con tốt đen trên bàn cờ quốc tế. Đế quốc Pháp thất bại nặng nề nhưng vẫn tiếc rẻ con mồi thuộc địa không muốn thả ra, còn muốn dùng thủ đoạn khác để ở lại. Đế quốc Mỹ với tinh thần chống cộng điên cuồng, muốn dập tắt phong trào cách mạng giành độc lập của các dân tộc, muốn dùng Đông Dương làm lá chắn chiến lược chặn đứng ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội. Không buộc được Pháp trụ vững ở Đông Dương, Mỹ muốn tự mình nhảy vào, biến Đông Dương làm đầu cầu chiến lược trên đất liền châu Á, để nô dịch các dân tộc. Đi đôi với dùng biện pháp quân sự, Mỹ ra sức dùng biện pháp ngoại giao gây sức ép và ve vãn hòng làm cho Liên Xô và Trung Quốc không tích cực ủng hộ Việt Nam, đồng thời lôi kéo nhiều nước khác cùng Mỹ góp tiền và máu thực hiện tội ác xâm lược. Ba nước Đông Dương có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt ở vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương, đang trở thành sân khấu diễn biến các mưu đồ đen tối dồn dập của các cường quốc và chư hầu của họ. Nhưng nhân dân Việt Nam, một nước nhỏ, nghèo mà không hèn yếu, đã có truyền thống đấu tranh bất khuất hàng nghìn năm, được lãnh tụ kính yêu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo vững vàng, đoàn kết chiến đấu cùng các dân tộc anh em Lào, Campuchia “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”, được bạn bè khắp năm châu giúp đỡ cổ vũ đã quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của mình đến cùng.

   Trong bối cảnh lịch sử vô cùng phức tạp, cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam cũng vô cùng phức tạp và lâu dài.

   Ai có ngờ đâu bầu trời hầu như hửng sáng của mùa thu năm 1954 ở ba nước Đông Dương lúc ấy lại sắp sửa vẩn đục hơn lên vì khói lửa của chiến tranh tàn khốc, tàn khốc gấp nhiều lần chín năm đã qua.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2023, 06:42:16 am »

CHƯƠNG I
Đi và ở


    Đồng Tháp Mười trong những ngày tháng 9, tháng 10 cuối mùa mưa, nước ngập mênh mông tràn đầy sông rạch. Những trận mưa như trút nước vào buổi chiều hạ thấp vòm trời u ám. Ngược lại những buổi sáng trời cao xanh, nắng rọi dòng kênh thẳng tắp, cây cối tươi mát của làng mạc tiếp nối nhau vẽ nên một cảnh đồng quê êm đềm bát ngát. Cảnh vậy buồn hay vui? Nào ai đã xác minh được dứt khoát. Có lẽ lẫn lộn vừa buồn lại vừa vui, có phiền lo, cũng có phấn khởi của lòng người rộn ràng phức tạp đầy mâu thuẫn vào những tháng ngày lịch sử ấy của năm 1954 mà kẻ đi xây dựng tương lai và người ở đấu tranh cho hòa bình thống nhất.

    Từ giữa tháng 8/1954, chiến trường đã im tiếng súng khi lệnh ngừng bắn theo Hiệp định Giơnevơ quy định đã có hiệu lực. Thật là tuyệt diệu, kỷ luật tự giác của những người cách mạng. Khắp rừng sâu, bưng lầy hẻo lánh, khắp làng mạc phố phường, từng chiến sĩ du kích, từng đơn vị vũ trang lớn, nhỏ đang thừa thắng xông lên diệt địch, khí thế bừng bừng sông núi, tiếng kèn xung trận vang lừng; có đêm hạ hàng tá đồn bót giặc, có ngày diệt và rã đến hai ba tiểu đoàn địch; vùng giải phóng mở rộng thênh thang, cờ đỏ sao vàng Việt Minh tung bay tứ phía; nhân dân vui mừng nô nức đi dân công tiếp tế, các má, các chị đi úy lạo bộ đội và săn sóc thương binh; quân địch thì khiếp vía kinh hồn, bị diệt ít mà chạy và rã nhiều. Nhưng đúng ngày giờ quy định ngừng bắn thì chiến trận mọi nơi ngừng hẳn. Bầu trời bỗng nhiên êm ả lạ lùng. Người trong cuộc như vừa tỉnh một giấc mơ, như ngỡ ngàng trước cảnh thanh bình vụt đến khiến ta chưa kịp nghĩ rồi đây cuộc sống sẽ thế nào, trong lúc tâm tư người chiến sĩ còn đang hướng tới những chiến thắng đang chờ họ. Không, sao lại ngừng tấn công nhỉ? Ta đang thắng lợi kia mà? Sức ta còn đủ để nỗ lực thừa thắng xông lên giải phóng hoàn toàn Tổ quốc thân yêu. Thời cơ này hết sức thuận lợi sao ta không nắm lấy mà ngừng lại nửa chừng? Và vì sao lại vĩ tuyến 17 mà không 13 hay ít hơn 16? Mừng vui thật sự vì hòa bình đang đến. Đất nước rồi đây độc lập, dân ta tự do xây dựng hạnh phúc lâu dài. Nhưng ấm ức trong lòng ta bị thiệt thòi, kết quả đạt được của Hiệp nghị Giơnevơ chưa tương xứng với thắng lợi của ta! Nhưng niềm tin tưởng to lớn vào Đảng, Bác Hồ đã giúp chúng ta tự giải đáp. Chẳng qua ta chưa hiểu hết ngọn nguồn, phải đâu chỉ có chiến trường ta mà còn tình hình cả nước và tình hình quốc tế vô cùng phức tạp nữa chứ.

   Thế là những ngày tháng 8 còn lại, rộn rịp hành quân từ mọi ngả tập trung về các khu được Hiệp định quy định để rồi tập kết ra miền Bắc: Chiến trường Nam Bộ có khu 80 ngày Hàm Tân - Xuyên Mộc, khu 100 ngày Đồng Tháp Mười và khu 200 ngày Cà Mau.

   Tôi đã cùng một số lực lượng vũ trang ra đi tập kết từ khu Đồng Tháp Mười tại bến Cao Lãnh. Nam Bộ vào thời kỳ cuối cuộc chiến tranh chống Pháp ta chia làm hai phân liên khu: miền Đông và miền Tây. Các lực lượng từ các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa và một phần của Thủ Dầu Một hành quân về Hàm Tân - Xuyên Mộc và xuống tàu từ đây ra Bắc. Số lực lượng còn lại từ Thủ Dầu Một, Tây Ninh đến Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Long Châu Sa thì về Đồng Tháp Mười để xuống tàu ở bến Cao Lãnh. Các tỉnh thuộc Phân liên khu miền Tây đi tập kết tại bến Cà Mau.

   Các đồng chí trong Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ được Trung ương và Trung ương Cục chỉ định mỗi người phụ trách một công việc: anh Phạm Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Chính ủy Phân liên khu miền Đông, người nhiều tuổi nhất trong chúng tôi và đã từng lãnh hai án tử hình một lúc của thực dân Pháp trước đây vì đã dám làm cách mạng chống Tây (nhưng chưa kịp thi hành), cùng anh Nguyễn Văn Vịnh - Phó Tư lệnh, đảm nhận Trưởng và Phó Tiểu ban Liên hợp lãnh thổ phía Nam đóng ở Phụng Hiệp (Cần Thơ), sau dời về Sài Gòn - Gia Định. Anh Hoàng Dư Khương (Hoàng Xang) - Phó Bí thư Đảng ủy thì lãnh đạo các bộ phận ở lại và phong trào quần chúng đấu tranh thi hành Hiệp nghị. Còn tôi - Tư lệnh, thì phụ trách tổ chức và chỉ huy các lực lượng vũ trang tập kết ra miền Bắc. Chúng tôi chia tay nhau hết sức cảm động tại khu rừng căn cứ Dương Minh Châu phía bắc Tây Ninh. Không phải cảnh mưa dầm lê thê cuối mùa trong những ngày ấy làm nẫu lòng người mà chính lòng người, tình đồng chí thân yêu, vui buồn lẫn lộn trong cảnh chia tay bắt buộc, đã khiến cảnh trời có phần u ám. Nào ai đã học hết chữ ngờ. Trong lúc tạm xa nhau vì công việc sau bao ngày chung sống và chiến đấu gian khổ gay go trong chiến tranh, chúng tôi đâu có hình dung được mỗi người rồi đây gặp riêng một cảnh ngộ rất khác nhau. Có bao giờ lại nghĩ đến tương lai của riêng mình trong những ngày tháng ấy. Tương lai của mỗi người gắn chặt với tương lai của đất nước và dân tộc với nhiệm vụ của Đảng giao phải hoàn thành một cách xuất sắc nhất, không mảy may suy tính.

    Hôm nay chia tay để ngày mai gặp lại trong cảnh huy hoàng của Tổ quốc thân yêu, chỉ có lòng tin sắt đá ấy mới gạt mọi ưu tư.

    Anh Phạm Hùng và tôi may mắn hơn, lại được cùng công tác chung trong Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền những năm đánh Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn. Anh Hoàng Dư Khương ở lại miền Nam trong Xứ ủy Nam Bộ. Nhưng một thời gian không lâu anh đã bị địch ngang ngược bắt đày đi Côn Đảo suốt 19 năm trời và vì cương cường bất khuất nên giặc đã nhốt anh nhiều năm trong “chuồng cọp”  1. Năm 1974, thấy anh đã tàn tạ, không còn ra ngoài nữa, địch mới thả anh ra giữa Sài Gòn với âm mưu để rồi bí mật thủ tiêu cho êm thấm. Nhưng nhanh tay hơn, chúng tôi đã tổ chức đón anh về căn cứ và thật là mừng mừng tủi tủi khi gặp lại nhau, cùng sống bên nhau một số thời trước xa xôi rồi, ngỡ ngàng trước thời cuộc, lạ lùng trước mọi sự việc. 19 năm hay gần 7.000 ngày bị giam cầm ở Côn Đảo rồi còn gì, cách biệt mịt mù với cuộc sống và đấu tranh diễn ra quyết liệt và nhanh chóng lạ thường. Tình đồng chí của chúng tôi càng thắm thiết và có lẽ đây là những ngày tôi rất sung sướng được vỗ về an ủi, chăm lo từng miếng ăn, viên thuốc cho những người bạn cùng chí hướng từ những ngày khổ cực xa xưa và có lẽ anh cũng được sung sướng nhiều trong sự săn sóc trìu mến của đồng chí giữa bầu trời tự do, nhìn rõ cảnh thắng lợi đi lên chắc chắn của cách mạng.

    Sau những ngày được Đảng săn sóc tận tình ở Hà Nội, anh trở về miền Nam khi hoàn toàn giải phóng, lấy bệnh viện làm nhà, bác sĩ và y tá làm gia đình thân thuộc trong những ngày cuối đời, thay thế cho vợ con đều đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến...

    Cũng cần nói thêm, vợ anh chúng tôi thường gọi là chị sáu Kim Nguyên, là một đảng viên cộng sản đấu tranh kiên cường trong cả hai cuộc chiến tranh. Chị đã dũng cảm chịu đựng mọi cực hình tra tấn dã man khi bị địch bắt, không hé răng để giữ vẹn toàn bí mật và tổ chức của Đảng. Chị đã từ giã cõi đời do vết thương tra tấn tàn bạo của Mỹ - Diệm trong lúc anh đang quằn quại trong chuồng cọp Côn Đảo. Vinh quang thay cuộc đời của một chiến sĩ, vẻ vang thay sự hy sinh dâng hiến của cả một gia đình cách mạng cho sự nghiệp Tổ quốc, cho hạnh phúc của toàn dân.

    Còn anh Nguyễn Văn Vịnh, sau khi hết nhiệm kỳ ở Tiểu ban Liên hiệp quân sự một thời gian, anh được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quân hàm Trung tướng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III và làm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Chính phủ ở Hà Nội, theo dõi và bảo đảm cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam...




-----------------------------------------------------------------
1. Chuồng cọp: Là một loại buồng giam chật hẹp dưới hầm tối âm u ở Côn Đảo. Mỹ đã cố vấn cho ngụy tiếp tục “truyền thống” của thực dân Pháp mở rộng và củng cố khu giam cầm địa ngục này. Chuồng cọp để giam những người mà địch cho là nguy hiểm nhất, cứng đầu nhất nhằm làm cho người bị giam ngày một tàn tạ cả sức khỏe và trí tuệ tâm hồn, nếu có ra khỏi tù cũng thành một người không còn có tác dụng gì cho xã hội nữa.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2023, 06:46:20 am »

*
*      *

    Sau khi ngừng bắn có hiệu lực, các cuộc chuyển quân rộn rịp tiến hành thường xuyên qua nhiều làng mạc suốt trong những ngày tháng 8. Có những đơn vị từ căn cứ Long Nguyên, Bến Cát, từ Hố Bò, An Nhơn Tây, Dương Minh Châu ở miền Đông Nam Bộ rầm rầm rộ rộ kéo ngang gần thị xã Tây Ninh, thị trấn Gò Dầu, Đức Hòa để về Đồng Tháp. Có đơn vị từ rừng Gia Thuận, từ Bình Ninh, An Thạnh Thủy, Gò Công từ rừng Thạnh Phú vượt sông, vượt lộ hiên ngang diễu qua cạnh thị xã Mỹ Tho, thị trấn Cai Lậy để về Cao Lãnh. Rồi từ Mộc Hóa, Đức Huệ, từ Hồng Ngự, Lai Vung tiến về Mỹ Trà, Mỹ Ngãi. Thật là đội ngũ chỉnh tề rầm rập bước chân chiến thắng. Ở các vùng yếu, vùng sâu, ở thị xã, thị trấn lớn, đồng bào lâu nay dễ gì công khai gặp được anh Vệ quốc, có chăng chỉ là tưởng tượng ra những người khổng lồ, oai phong lẫm liệt, đánh ngã một lúc hàng loạt tên lính Pháp to con, sau khi nghe được trận chiến thắng của ta. Hay khó hình dung nổi khi địch tuyên truyền rằng lính Việt Minh “bảy người đeo cọng đu đủ không gãy”. Giờ đây các ông già, các bà, các chị đặc biệt là các cô nữ sinh thành thị, các em thiếu niên, từ trong vườn nhà hay kéo nhau ra một góc đường phố nhìn bộ đội Cụ Hồ hành quân ngang qua: “Ồ! Đủ cả súng nhỏ súng to, có đạn gì mà hai người khiêng cũng còn có vẻ nặng. Mà anh em khỏe quá, đẹp quá, người nào cũng tươi vui, hành quân mà như trẩy hội”. Nhưng bà con không thể biết hết được cái đẹp cao quý từ bên trong của mỗi một con người. Anh chiến sĩ Vệ quốc đoàn, người lính của Bác Hồ, mới hôm qua còn hăng say rượt giặc đầy khí phách “bầu trời xông thẳng, chín tầng chửa thấy là cao” (Cao Bá Quát) mà hôm nay được lệnh tập trung đã lưng quảy nóp  1, súng ngang vai về nơi quy định.

    Mới hôm qua vừa ngừng tiếng súng anh đã mơ về xóm ấp quê hương: Mẹ già bao năm xa cách hẳn đang mong đợi bên rào bông bụt, hay anh chị, bà con láng giềng đang ngóng ở rặng trâm bầu đầu làng. Người Việt Nam nào lại không gắn bó tình cảm của mình với bà con làng mạc, một mảnh cụ thể của Tổ quốc bao la, vì tình cảm ấy mà quyết tâm ra đi chiến đấu đến thắng lợi rồi thì được lệnh chuyển quân tập kết về miền Bắc xa xôi, cách trở cả nghìn cây số. Đành rằng miền Bắc, miền Nam vẫn là Tổ quốc của ta, vì Tổ quốc thống nhất ấy mà ta sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh. Nhưng bụi trúc, bờ tre, con kênh, cụm chuối, mẹ già, vợ trẻ, cô bác bên nhà, em trai, cháu gái vẫn là hình ảnh sao mà thân thương, sao mà bịn rịn. Đi hay ở? Lòng anh chiến sĩ thật bâng khuâng xao xuyến. Có đêm nào trong những đêm đang chiến đấu mà nằm trăn trở suốt năm canh vì chuyện ở hay đi như những đêm này. Đi hay ở? Đi để học tập huấn luyện, xây dựng một quân đội hùng mạnh cho đất nước sau này - ta đã được hoàn toàn giải phóng đâu. Đi để xây dựng miền Bắc yêu thương, nửa nước đầu tiên được độc lập, công lao xương máu của mọi người, nhất là những người đã ngã xuống. Đi còn được biết Thủ đô, còn được gặp Bác Hồ - Người cha thân yêu của cả dân tộc, mà từ lâu mơ ước trông chờ. Nhưng ở cũng phải đâu là ngừng, nghỉ. Quân thù đâu phải là người có tín, nghĩa. Chúng có trăm phương nghìn kế để không chịu thi hành hiệp nghị thì sao? Ai mà tin được bọn đã từng đi cướp nước và bán nước. Phải ở thôi, ở cùng bà con đấu tranh hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng buộc chúng thi hành hiệp nghị cho nước non về một mối, Nam - Bắc một nhà. Lý lẽ này thật hấp dẫn, xử sự như vậy ắt là hợp lý hợp tình...

    Không biết bao nhiêu những khó khăn giằng xé tim gan, nát lòng, nát ruột trong đi và ở. Mẹ già ở lại côi cút, con trẻ ra đi. Chồng thì tập kết mà vợ thì mới cưới vài ngày, vài tuần, vài tháng thì ở lại, hoặc ngược lại người cha thì ở lại mà mẹ và con bồng bế xuống tàu. Biết bao gia đình chia năm xẻ bảy. Vợ chồng nhà văn Lưu Quý Kỳ đi tập kết nhưng mẹ già bắt phải để hai con nhỏ lại để bà nuôi. Trong bài viết “Trên tàu tập kết”, nhà văn đã kể lại lời bà khăng khăng: “Tao già rồi tao không muốn sống đơn chiếc. Con Hai bỏ nhà đi theo kháng chiến tám, chín năm trời. Bây giờ ta đánh Tây thắng lợi rồi, chúng bây ra Bắc có đôi, có anh em bạn bè, có Cụ Hồ, có Chánh phủ mình... chúng bay phải để hai đứa nhỏ ở lại với tao cho khuây khỏa tuổi già. Hai năm nữa chúng bay về..”  2.




-------------------------------------------------------------------
1. Nóp: Là một đồ dùng của dân nghèo và chiến sĩ Vệ quốc vùng đồng bằng sông Cửu Long trước đây, đan thủ công bằng cọng bàng giã dẹt phơi khô. Cây bàng mọc nhiều ở vùng sâu vùng trũng Đồng Tháp Mười. Nóp dùng làm chiếu trải nằm, dùng làm mùng ngủ chống muỗi, làm mền chống lạnh. Bộ đội hành quân thời chống Pháp gói quần áo vào trong nóp mang trên vai thay cho ba lô. Trong chiến trận nóp là bệ tì của súng để bắn. Khi đóng quân nóp là bàn kê để chép bài học hay viết thư về nhà, cho người yêu mong đợi. Như vậy chỉ một chiếc nóp thôi, anh chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã thay thế được nhiều: mùng, mền, ba lô, bàn, bệ... Vừa giản tiện vừa nhẹ nhàng lại rẻ tiền mà ai cũng có thể sắm. Chiếc nóp trở thành vật bất ly thân, là gia tài trên lưng của người chiến sĩ Vệ quốc nghèo mà dũng cảm chịu đựng mọi khó khăn.

                                    “Chiều hôm em đứng giã bàng,
                              Thương anh quảy nóp trong hàng quân đi”.

    Chưa hết, chiếc nóp còn thủy chung theo người chiến sĩ đến cùng vào tận lòng đất: Khi chiến sĩ ngã xuống, đồng đội sẽ dùng nó làm quan tài, khâm liệm thi hài chôn cất ở nơi nào đó của đất nước thân yêu.

2. Bài “Trên tàu tập kết” của Lưu Quý Kỳ in trong sách Nước về biển cả, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1975.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2023, 06:50:30 am »

    Những chuyện như vậy là phổ biến. Không phải chỉ phổ biến với những người miền Nam tập kết mà có lẽ cả với những người miền Bắc bị dụ dỗ và lừa gạt vào Nam. Vì vậy mà “hai năm” đã trở thành nỗi mong chờ của hàng triệu trái tim Việt Nam thời ấy. Kẻ nào đi ngược lại ước vọng lớn lao và thiêng liêng ấy, kẻ đó nhất định sẽ bị thất bại là tất yếu rồi.

    Nhưng rồi tất cả đều phải ngã ngũ dứt khoát. Cứ nghe theo Bác Hồ, tuân lệnh của Đảng là đúng. Cấp trên đã phổ biến cặn kẽ kế hoạch ai đi, ai ở. Đi hay ở không còn chỉ có cái nghĩa thông thường là ở lại và ra đi. Nó là nhiệm vụ thiêng liêng được giao cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Ta đã ký Hiệp định Giơnevơ, ta làm đúng theo quy định: Bộ đội chiến sĩ phải đi tập kết, người kháng chiến khác ở lại sống như dân thường dù người ấy là đảng viên hay đoàn viên nông hội. Ta sẽ gặp lại sum vầy sau hai năm, sau tổng tuyển cử. Gần chín năm trời xa nhà đi chiến đấu còn được thì hai năm đâu có sá gì. Thế là người đi kẻ ở đều đã xác định thái độ và đều tin tưởng mãnh liệt vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng, vào sự sum họp của gia đình gắn liền với thống nhất Tổ quốc sau hai năm. Hai năm không còn chỉ là cái mốc thời gian đơn giản, mà đã trở thành niềm tin và lẽ sống: Cách mạng nhất định sẽ thành công, non sông sẽ liền một dải, gia đình nhất định phải đoàn tụ, đất nước phải độc lập tự do...

    Thế là khắp các làng xã thuộc huyện Cao Lãnh, nhà cửa dọc các sông rạch từ Mỹ An, Ba Sao ra Hòa An, Cao Lãnh, từ Phong Mỹ về An Bình, Mỹ Tho, đâu đâu cũng có “bộ đội của mình” đóng. Và nữa, có phải chỉ có bộ đội hành quân tập kết đâu. Đồng bào từ khắp chốn, từ những làng mạc xa xôi, từ các thị xã, thị trấn, cả ở Sài Gòn xuống và Cần Thơ lên cùng kéo về Đồng Tháp Mười, về Cao Lãnh hoặc về Cà Mau để tìm đứa con, người em, người cháu đã ra đi từ ngày nảo ngày nào, và giờ đây lại sắp đi xa. Còn các má chiến sĩ nữa, các má cũng đổ về Đồng Tháp Mười để tiễn các con đi bộ đội ra Thủ đô, đi gặp Cụ Hồ. Các má khi nào cũng vững niềm tin, giữ trọn nghĩa tình chung thủy và muốn gửi gắm ở những đứa con chiến sĩ ra đi nỗi niềm non nước. Các má còn gửi cho con đưa ra dâng cho Bác Hồ, Trung ương Đảng “nắm đất miền Nam”. Đất này là mồ hôi nước mắt của bao đời ông cha khai phá, là máu xương của nhiều lớp chiến sĩ quyết tâm bảo vệ đến cùng. Đất này là của những trái tim và khối óc Việt Nam, con Hồng cháu Lạc sinh ra cùng một bọc, và ngày nay có chung một Cụ Hồ. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

    Lời Bác nói là tiếng vọng của non sông ngàn đời không tắt.

    Thôi thì tấp nập đường bộ, đường sông, bến xe nào cũng đông đặc, xe hàng nào cũng chật ních người. Các kênh, các rạch dập dìu thuyền nhỏ, thuyền to. Mang theo người cũng đủ thứ của ngon vật lạ, sản phẩm địa phương, món quà quê hương gây thương gây nhớ. Từ những trái bom 1 trân trọng gói từng trái bằng giấy mỏng, bình trà “Lý Thông Tích”, thuốc lá “Côtáp”, “Mêliaa” đỏ, trắng, vàng của người Sài Gòn, tới vài trăm con gà, con vịt, rổ bánh xèo, nồi canh chua cá lóc, ơ tép rang với niêu cơm nếp của bà má nghèo ở Hậu Thạch trên kênh Dương Văn Dương. Và những trái bầu dài, bí rợ hai da tận miền biển Vàm Láng, Cây Khô, tĩn nước mắm ngon, con cá đỏ của chị em Chợ Cũ - Mỹ Tho, trái dưa hấu đầu mùa xanh vỏ đỏ lòng của bà con Long Toàn, Long Vĩnh - Trà Vinh. Nhiều nhất vẫn là gạo dẻo nếp thơm, gạo nàng hương Chợ Đào, gạo nanh chồn Gò Công, những quả dừa xiêm ngọt nước cùng các thứ bánh kẹo, rồi thuốc giồng Thủ Đức, xim mẫn Cao Lãnh và xen vào đấy còn có những tá khăn thêu “tặng anh Vệ quốc đoàn Chiến khu 8” của các em nữ sinh Trường Côle Mỹ Tho nữa chứ. Tất cả là tình cảm tràn đầy, là tấm lòng chất chứa, có thủy, có chung, tình quân dân thắm thiết của kẻ ở gửi gắm người đi, và người đi nhắn nhủ người ở lại. Hai ngón tay giơ lên với cặp mắt long lanh hứa hẹn, thế thôi, không cần một lời nào, khi gặp nhau trên đường đi, khi chia tay sau một đêm liên hoan hay một cuộc míttinh quần chúng. Không ai bảo ai, mà “hai năm” đã thành khẩu hiệu hành động, đã là lời thề sắt đá.

    Cảm động nhất, gắn bó nhất là đám cưới tập thể diễn ra ngay tại Cao Lãnh trong ngày tháng 10 năm ấy. Những cô gái quê Gò Công, nơi “đám lá tối trời” của Trương Định, đã được các má dẫn lên tận nơi tập trung quân của Tiểu đoàn 309 để làm lễ cưới cùng các chiến sĩ của tiểu đoàn, trước khi các con đi tập kết  2. “Các con liệu mà trọn niềm chung thủy, sau hai năm về đây, các má sẽ giao lại tụi nó vẹn toàn”, các má đã bảo đảm như vậy.

    Thị trấn Cao Lãnh những ngày ấy thật tấp nập rộn ràng. Tình gia đình, tình quân dân, tình bè bạn dạt dào, sâu đậm. Cán bộ chiến sĩ trước khi về Bắc muốn lưu lại cái gì đối với địa phương thân yêu: Sửa lại các ngôi nhà cho đồng bào, dựng một mái trường cho các em nhỏ, bắc cầu, sửa đường... nghĩa là cái gì có ích cho dân là làm. Vì cũng không thể quên những đồng đội đã ngã xuống giờ đây hẳn cũng mỉm cười nơi chín suối. Họ cố xây nên một đài liệt sĩ “Tổ quốc ghi công” để nhớ ơn người đã hy sinh vì nghĩa cả. Nghĩ đến Bác Hồ vĩ đại, họ đã ra công xây lại ngôi mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, người đã sinh ra một anh hùng dân tộc cho đất nước đứng lên.



------------------------------------------------------------------
1. Trái táo.

2. Tiểu đoàn 309 đã hoạt động một thời gian ở Gò Công cho đến khi ngừng bắn chuyển quân tập kết. Trai anh hùng, gái thuyền quyên đã cùng nhau hứa hẹn, nhưng đột nhiên ngừng bắn chuyển quân. Sáng kiến của các má chiến sĩ là làm lễ cưới cho chúng nó để chúng nó không bao giờ quên mảnh đất truyền thống này, sau hai năm hãy trở về sum họp.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 11:07:05 am »

    Tôi đi chuyến tàu chót ở bến Cao Lãnh thuộc khu 100 ngày Đồng Tháp Mười, đúng ngày cuối cùng của tháng 10, như quy định của Hiệp định. Mọi người xuống chiếc tàu đổ bộ của Pháp, tàu LCM há mồm, để ra Vũng Tàu, tại đây chuyến sang tàu Kilinxki của nước bạn Ba Lan đợi sẵn. Chiếc LCM rời bến Cao Lãnh về chiều. Trên bờ, trên bến đông nghẹt những người, những câu giã từ gào lên từ bốn phía, nhưng nhiều quá và lẫn trong tiếng máy xình xịch nặng nề của con tàu, không thể nghe được rõ câu nào. Muôn ngàn cánh tay giơ lên chìa ra hai ngón, hai ngón từ trên bờ, hai ngón từ dưới tàu, tất cả cùng cảm thông sâu sắc, và những chiếc khăn rằn vẫy theo cho đến khi không còn thấy được nữa, một số chiếc khăn rằn đỏ kéo vào chấm lên mắt nhăn nheo và một số chiếc khăn rằn xanh úp vào mặt che đôi mắt hoe đỏ. Tàu lạnh lùng xuôi theo dòng nước. Bên hai bờ sông Tiền, cây cối xanh tươi nổi bật lên những ngọn dừa nghiêng nghiêng duyên dáng, những tàu dừa lướt thướt vươn cao, vẫy theo mãi cho đến khi trời tối sẫm không còn nhìn ra hình dáng muôn loài. Và trên tàu tự nhiên cũng im lặng, một sự im lặng lạ lùng như mọi thứ chuyển lắng hết vào bên trong, trong đáy lòng sâu thẳm của mỗi con người.

    Bờ biển Vũng Tàu đã nối liền với bờ biển Sầm Sơn qua Biển Đông dậy sóng. Con đường đã đưa ta ra miền Bắc hôm nay, mai sau có đưa ta trở lại miền Nam? Trong những ngày bập bềnh với sóng gió Thái Bình Dương trên con tàu vững chãi của bạn từ Đại Tây Dương đến, hẳn có nhiều đồng chí cũng đặt ra câu hỏi ấy như tôi. Bạn bè cách xa nhau hai đại dương còn cảm thông đến với nhau, gần như trong gang tấc thì Biển Đông và sông Bến Hải ruột thịt đâu có trở ngại gì cho chí khí người trai đất Việt. Tôi thật yên tâm khi nghĩ như vậy. Sông có sâu, biển có rộng, núi có cao nhưng không gì có thể ngăn cản lòng người muốn vượt núi băng sông vì nghĩa lớn của dân tộc.

    Thật là mới bước chân ra đi đã nghĩ đến ngày trở về. Giờ phút ra đi là giờ phút ấp ủ những cuộc sống tương lai trước mắt mà cũng là giờ phút hồi tưởng lại những tháng ngày chiến đấu gay go vừa qua. Rồi đây trên đường đời ta sẽ gặp bao nhiêu bạn bè thân yêu vừa quen biết, bao nhiêu cảnh sắc tươi đẹp chưa từng thấy, nhưng đồng thời cũng mang nặng bao nỗi nhớ thương bạn bè, cô bác đã từng gian khổ có nhau, những người thân thương đang sống hay đã mất, bao nhiêu cánh rừng bãi lá đã chở che ta trong những cuộc càn, những trận giội bom bắn phá, bao nhiêu trận địa oai hùng ta cùng anh em xung phong diệt địch... Biết làm sao được, tâm hồn con người là phản ảnh, thu nhặt những gì của xã hội, của thiên nhiên. Xã hội vốn phức tạp làm cho tâm hồn phức tạp, nhưng chính tâm hồn phức tạp làm cho xã hội phức tạp thêm lên và thiên nhiên đậm đà nhiều vẻ.

    Ba ngày đêm lênh đênh trên mặt biển mênh mông. Chung quanh con tàu chỉ trời, mây, sông, nước. Có lẽ trong số người tập kết trên tàu không có nhiều người được đi biển lâu ngày. Thì ra đất và nước ta đâu phải hẹp lắm. Đó là ta mới chỉ đi dọc theo bờ đông thôi đấy. Biết bao nhiêu tài nguyên phong phú chìm sâu dưới màu xanh thăm thẳm này. Ước gì hòa bình vĩnh viễn, thống nhất mau lên. Mà trời, mà biển có chỗ nào đâu phân chia giới tuyến, cả lòng chúng ta đây nữa làm gì có tuyến mà chia.

    Bến Sầm Sơn rợp cờ đỏ sao vàng và những tấm băng căng ngang hoan hô chiến thắng của ta và nồng nhiệt đón chào đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết. Các đoàn đại biểu, các đoàn thể, các mẹ, các chị miền Bắc, áo nâu khăn thâm, thân tình và niềm nở đón tiếp chúng tôi. Sao mà cảm động, tấm lòng những bà mẹ ở hai đầu đất nước, nào có khác gì nhau đâu. Vẫn tình thương đậm đà đối với các con chiến sĩ. Từng dãy nhà dựng tạm nhưng sạch sẽ rộng rãi, trang hoàng đẹp đẽ nằm dọc ngang trên bãi. Trưởng ban tổ chức đón tiếp lực lượng tập kết là anh Nguyễn Văn Tạo - Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ ta. Anh Tạo là một đồng chí cán bộ cách mạng lão thành mà nhân dân hầu như ai cũng biết tiếng, quê Nam Bộ và cũng đã xa Nam Bộ nhiều năm rồi. Anh ôm chầm lấy tôi một cách thân thiết vừa với tình cảm của một đồng chí lâu ngày mới gặp lại vừa cảm động như ôm vào lòng quê hương trăm nhớ nhìn thương. Anh nói với tôi:

    “Bác Hồ giao cho tôi công việc này và dặn đi dặn lại: Chú là người miền Nam, chú hiểu tâm tư tình cảm cũng như sự cần thiết trong sinh hoạt đời sống của các cô các chú trong đó ra, cả các cụ lớn tuổi cũng như các cháu thiếu nhi. Vậy chú phải thay mặt Đảng, Chính phủ tiếp đón thế nào để tỏ được sự yêu thương lo lắng thắm tình của Đảng và Bác đối với đồng bào miền Nam ruột thịt. Chú biết rồi, ở miền Nam không có cái rét cắt ruột như ở miền Bắc đâu, phải có đủ quần áo ấm và chăn bông cho tất cả, có khăn quàng cổ cho cụ già và đủ xà phòng và khăn lau cho các cô có con mọn”.

    Tôi cố dằn những giọt nước mắt cứ muốn lăn trào ra vì xúc động. Thế mà tôi cứ tưởng lòng mình đã khô cằn rồi vì đã bao phen trước sự hy sinh chết chóc đau thương của đồng bào, đồng chí, tôi chỉ thấy nhức nhối trong tim và uất hận trong lòng. Cũng với tấm lòng yêu thương vô hạn và chu đáo đến từng chi tiết như vậy của Bác, năm 1948, khi phái đoàn Nam Bộ do tôi dẫn đầu lần đầu tiên ra Việt Bắc, Bác đã phái chị Hai Sóc đến chăm lo cho chúng tôi từng miếng ăn, nơi ở. Chị Hai Sóc người quê Bà Điểm, Hóc Môn vì công tác đã ở Việt Bắc từ trước, đến với chúng tôi bằng tấm lòng của một người chị hai Nam Bộ, chăm sóc chí tình những đứa em vất vả xa nhà. Bác lo cho cả nước, Bác lo cho từng người. Bác rèn từng cán bộ, Bác nâng từng kẻ có sai lầm, Bác biết rõ đặc điểm từng địa phương, Bác nhìn thấu chiều sâu từng tấm lòng. Việc lớn Bác chu toàn, việc nhỏ Bác không sót. Thật là thấm tình giai cấp, thắm nghĩa đồng bào. Với đức độ như vậy của một nhà lãnh đạo, của một đồng chí tiêu biểu cho một Đảng chân chính, một dân tộc anh hùng, làm sao không hiệu triệu được mọi người sẵn sàng xông lên phía trước, hy sinh cả thân mình vì độc lập tự do, vì hạnh phúc muôn đời mai sau. Thật là trái hẳn với những lãnh tụ phong kiến ngày xưa chuyên dùng bạo tàn và thủ đoạn để xây nên cơ đồ và sự nghiệp cho riêng mình. Ngày nay trong thế giới tư bản cũng không thiếu kẻ theo chủ nghĩa thực dụng, trơ như đá, lạnh như tiền, mượn danh nghĩa quốc gia dân tộc, sẵn sàng hy sinh nhiều con tép để được con tôm cho riêng mình. Họ chỉ quen lối “giải khuây trăm họ làm công một người” (Nguyễn Du). Bác Hồ chúng ta hoàn toàn khác, đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống của dân tộc qua 4.000 năm lịch sử với tinh thần tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân ngày nay.

    Những người đi tập kết, dù sao vẫn yên một nỗi: Quan sơn muôn dặm vẫn một nhà, Nhà nước của ta, nhân dân của ta, quân đội của ta. Còn những người ở lại mới thật ngổn ngang trăm mối. Vẫn núi sông này, vẫn đồng bào ta đó, đặc biệt là trong các vùng mà lâu nay cách mạng làm chủ - những vùng này không phải hẹp - ngày nay đâu còn chính quyền ta nữa, đâu còn quân đội ta nữa. Đành rằng lúc đầu, hồi năm 1945 ta cũng chỉ tay không mà gây dựng nên lực lượng vũ trang và chính quyền cách mạng. Nhưng đã trải qua một thời gian dài gần chín năm rồi, dân ta có chính quyền trong tay, có quân đội mạnh, một quân đội chiến thắng, có nhiều vùng thực sự làm chủ dưới chế độ dân chủ nhân dân vững vàng. Thế mà nay bỗng chốc từ có, có mạnh mà trở lại tay không, không phải từ từ như lúc xây dựng từ nhỏ đến lớn qua từng chặng đường thử thách, rèn luyện. Hơn nữa lại đứng trước một quyền lực tay sai của đế quốc, kẻ thù của cách mạng, của nhân dân. Chúng có một lực lượng vũ trang không nhỏ, được quan thầy trang bị mạnh, độc quyền làm mưa làm gió trên dải đất miền Nam thân yêu này...

    - Không thể như thế được! Làm sao mà chịu được?

    - Nếu nó phản bội Hiệp định thì sao?

    - Nếu nó dùng súng bắn giết ta, bắt bớ phi pháp ta thì ta tay không làm sao chống lại được? Ta chịu chết à? Ta quỳ gối lạy lục nó hay sao?

    - Vô lý! Bộ đội đi tập kết hết, dân ở với ai?

    Quả thật là tình hình gay go, làm sao giải thích cho thông suốt tất cả, cho người đi cũng yên tâm mà kẻ ở lại cũng không còn thắc mắc, giữ vững tinh thần, lực lượng với khí thế chiến thắng để đấu tranh thành công? Nhưng rồi cán bộ cũng kiên trì giải thích dựa vào chủ trương của Đảng, của Bác. Bác đã nói:

    ... “Trước kia ta chủ trương tiêu diệt ngụy quân, ngụy quyền để thống nhất, bây giờ ta dùng chính sách khoan đãi, dùng cách toàn quốc tuyển cử để đi đến thực hiện thống nhất toàn quốc.

    Muốn hòa bình thì phải chấm dứt chiến tranh, muốn chấm dứt chiến tranh thì phải ngừng bắn. Muốn ngừng bắn thì phải điều chỉnh khu vực, nghĩa là quân đội địch phải tạm tập trung vào một vùng để rút dần, quân đội ta cũng tập trung vào một vùng. Ta phải có vùng rộng lớn, đủ những phương tiện để xây dựng, để củng cố và phát triển lực lượng của ta, để ảnh hưởng đến các vùng khác, do đó để đi đến thống nhất. Điều chỉnh khu vực không phải là chia cắt, đó là việc tạm thời để đi tới thống nhất. Khi điều chỉnh và trao đổi khu vực, vùng xưa nay tự do mà nay địch đến tạm đóng thì đồng bào vùng ấy thắc mắc, có người sẽ bi quan thất vọng, dễ bị địch lợi dụng. Ta phải nói cho đồng bào biết rõ: vì lợi ích toàn quốc, lợi ích lâu dài mà tạm thời phải chịu đựng, đó là một điều vẻ vang, toàn quốc đều biết ơn. Ta phải làm cho mọi người không bi quan tiêu cực, mà tiếp tục hăng hái đấu tranh đòi Pháp rút quân để đi đến độc lập.

    Dùng điều chỉnh khu vực đóng quân để đi đến hòa bình, dùng cách toàn quốc tuyển cử để đi đến thống nhất, đó là chủ trương của ta. Ta kháng chiến để độc lập, thống nhất, dân chủ hòa bình. Ngay thực hiện hòa bình cũng là để tranh thống nhất, độc lập, dân chủ. Tình hình mới, phải có chủ trương mới để tranh lấy thắng lợi mới”  1.

    Cụ Hồ, Đảng đã nói như vậy là đúng rồi. Tình hình mới phải có chủ trương mới. Phải hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ. Thế là mọi người đều tin tưởng, đều chấp hành tuy rằng trong lòng còn phần nào lo âu không biết rồi đây địch sẽ hành động ra sao.

    Nhưng điều làm cho ai nấy ở lại yên tâm là đâu phải chỉ có dân mà cả cán bộ các đoàn thể quần chúng, có cả đảng viên cũng ở lại làm ăn như dân, với dân. Một cụ bà lo lắng ngồi nhà không yên, chống gậy đến thăm một gia đình trong xóm có thằng Ba đi tập kết. Nhưng vào nhà bà lại gặp Ba ra đón:

    - Ủa, mầy không đi sao Ba?

    - Cháu đi làm gì? Ở lại làm ăn với bà con chứ!

    - Mầy làm cán bộ nông hội, là đảng viên mà.

    - Phải, cháu là đảng viên, cháu là nông dân. Hiệp định quy định bộ đội mới đi tập kết còn mọi người không còn kháng chiến nữa thì làm ăn sinh sống vùng nào mà mình muốn. Vả lại ở đâu có dân thì ở đó phải có đảng viên, có Đảng.

    - Vậy thì được rồi, tao tưởng tụi bây đi hết chứ. Còn Đảng thì dân không lo sợ gì cả. Có dân tụi bây cũng chớ sợ gì cả.

    Thế là tin đảng viên vẫn còn ở lại với dân bí mật truyền từ người này qua người nọ, nào thằng Ba, thằng Năm, nghe nói cả chú Tám, chú Mười cũng ở lại nữa, lan đi khắp thôn xóm, làm yên lòng mọi người và dấy lên một niềm tự tin phấn khởi đấu tranh thi hành Hiệp định. Thế thì bộ đội vũ trang cứ đi tập kết, xây dựng huấn luyện cho mạnh lên và sẵn sàng đấy, còn dân đã có đảng viên lãnh đạo rồi, không lo. Sức mạnh của nhân dân rất lớn, nhân dân đã được rèn luyện trong đấu tranh lâu nay, lẽ nào để cho địch tự do hoành hành. Chúng liệu hồn mà phản bội, nhân dân phải đoàn kết đấu tranh buộc nó thi hành đúng Hiệp định thôi. Ngày trước ta đấu tranh vũ trang trong chiến tranh thì ngày nay ta đấu tranh chính trị trong hòa bình. Thế nào rồi cũng độc lập và thống nhất cả nước. Chỉ hai năm thôi, hai năm ta lại gặp nhau trong ngày hội tổng tuyển cử toàn dân.

    Thật ra lúc đầu trong dân nhiều người cũng thắc mắc lo âu, ngại địch phản bội Hiệp định khi bộ đội đã đi tập kết hết, ngại chúng khủng bố tàn sát, nhất là những người tích cực tham gia chống Pháp và gia đình của bộ đội đã đi tập kết. Một không khí tư lự nặng nề lan khắp mọi nơi. Mỗi người đều như cảm thấy mất đi một cái gì quý giá có quan hệ cả đến đời sống của mình. Rồi sống làm sao với bọn ngụy quyền trong xã, trong phường. Ta đã sống ngẩng cao đầu từ nhiều năm nay rồi, bây giờ khó mà khom lưng quỳ gối. Rồi còn bọn xấu, bọn lừa thầy phản bạn nữa, bọn đầu trâu mặt ngựa thời nào mà không có, tuy số này ít thôi nhưng tác hại sẽ không nhỏ. Nó làm hại uy danh của kháng chiến, phẩm chất cao quý của người cách mạng, ô nhục cho dân.

    Nhưng nhờ lòng tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, tin theo lý lẽ giải thích của cán bộ, biết chắc đảng viên khi nào cũng sống chết với dân nên dần dà mọi người đều đi vào nền nếp làm ăn sinh sống bình thường và phấn chấn đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Niềm tin đã biến thành sức mạnh và sự hân hoan vì thắng lợi vừa qua lại hun đúc cho không khí đấu tranh chính trị tiếp tục.




-----------------------------------------------------------------
1. Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 15/7/1954 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #37 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 11:11:33 am »

CHƯƠNG II
Hai năm đấu tranh thực hiện hòa bình và dân chủ
(20/7/1954 - 20/7/1956)



    Hiệp định Giơnevơ được ký kết không có nghĩa là chấm dứt mọi đấu tranh cho độc lập và thống nhất của nước Việt Nam, cho đời sống ấm no, công bằng xã hội cho người dân Việt Nam. Nó có nghĩa vì được cả thế giới thừa nhận là chấm dứt cuộc chiến tranh đang ngày càng đẫm máu giữa các bên. Nó còn có nghĩa là chấm dứt sự đô hộ của ngoại bang, chấm dứt chế độ thực dân và sự can thiệp từ ngoài để cho người Việt Nam tự lo liệu lấy công việc của mình. Đó là sự đấu tranh trong điều kiện hòa bình bằng chính trị và dân chủ: tổng tuyển cử trong toàn quốc dưới sự kiểm soát của quốc tế để nhân dân tự do chọn lấy một chính thể thống nhất cho một quốc gia thống nhất hoàn chỉnh từ Bắc chí Nam, nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của mình trên lãnh thổ toàn vẹn mà ông cha đã để lại.

   Sau những giờ phút bâng khuâng lo lắng về đi và ở, sau khi đã xác định rõ thái độ và lập trường của mình, nhân dân miền Nam Việt Nam đã mở đầu giai đoạn đấu tranh mới bằng những cuộc biểu tình chính trị rầm rộ nổ ra khắp các tỉnh, ở nông thôn cũng như ở thành thị, có tính chất biểu dương lực lượng và tỏ bày nguyện vọng với những khẩu hiệu mừng hòa bình, hoan nghênh Hiệp định Giơnevơ và đòi thi hành đúng Hiệp định. Những cuộc hội họp năm bảy chục, một vài trăm người diễn ra thường xuyên và khắp nơi trong những hội hè, các đám giỗ, đám tiệc, cúng đình, cúng chùa. Và những câu chuyện bàn tán đâu cũng như đâu, đều xoay quanh đế quốc thực dân Pháp phô trương binh hùng tướng mạnh rút cục vẫn phải chịu thua Việt Nam, rằng hòa bình được lập lại sau bao năm xương máu chất chồng là quý giá vô ngần cần phải bảo vệ. Rồi câu chuyện cũng không ra ngoài việc thời sự nóng hổi là nội dung các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ về hiệp thương tổng tuyển cử, không ai có quyền làm khác, không có quyền trả thù trả oán. Hai năm nữa thôi, nước nhà sẽ độc lập, nhân dân sẽ tự do, khắp cả miền Nam đều dấy lên lòng tự hào dân tộc chính đáng về thắng lợi vẻ vang, gạt bỏ ách thống trị của đế quốc, tự hào chính đáng về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khí thế phong trào quần chúng hoan nghênh hòa bình và sẵn sàng đấu tranh bảo vệ hòa bình, độc lập thống nhất, dân chủ biểu lộ ngay sau khi Hiệp định được ký kết đã làm nức lòng tin tưởng của mọi người dân Việt Nam chân chính và làm run sợ quân thù và những bọn tay sai.

    Trong khi bận rộn với việc tổ chức chuyển quân tập kết, chúng tôi vui mừng khôn xiết khi nhận được tin tức dồn dập, ngay lúc còn trên đất miền Nam, về các cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào. Thật là một sự động viên to lớn cho tất cả kẻ đi cũng như người ở. Ngay từ ngày 01/8, chỉ 10 ngày sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, một cuộc míttinh khổng lồ của 50.000 người diễn ra ngay tại đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn, hoan nghênh Hiệp định, đòi hủy bỏ việc động viên quân đội, đòi thi hành tự do dân chủ. Đó là tiếng sấm đầu tiên, là tia chớp lóe lên từ một trung tâm chính trị lớn nhất ở miền Nam, làm rực sáng bầu trời và tâm hồn người Việt. Liền sau đó, Ủy ban hòa bình khu Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập bao gồm đông đảo nhân sĩ, trí thức và nhiều tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (người sau này trở thành Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) với Tổng Thư ký là Giáo sư Phạm Huy Thông, kêu gọi đấu tranh thống nhất Việt Nam bằng tổng tuyển cử tự do. Ngày 02/8, 5.000 công nhân đồn điền cao su An Lộc (thuộc tỉnh Sông Bé ngày nay) đã bãi công ba ngày liền, kết hợp chào mừng Hiệp định Giơnevơ với đấu tranh đòi tăng lương 20 phần trăm và bãi bỏ thuế đảm phụ quốc phòng. Hưởng ứng với Sài Gòn, với An Lộc, hầu như khắp các thành phố, thị xã, làng mạc nông thôn đều có biểu tình, míttinh không ngớt. Tiêu biểu vào lúc ấy có cuộc biểu tình của 1.000 quần chúng của ba ấp: Bình Huề, Bình Thạnh, Bình Thắng thuộc xã Bình Đại, vào ngày 19/8/1954 chào đón Ủy ban liên hiệp, Ủy ban quốc tế. Tiếp ngay sau là cuộc biểu tình rộng lớn của 15.000 nhân dân trong toàn huyện Bình Đại (nay thuộc tỉnh Bến Tre) trương băng cờ, khẩu hiệu, kéo đi chật đường mừng hòa bình, hoan nghênh Hiệp định Giơnevơ và đòi thi hành đúng đắn mọi điều khoản của Hiệp định.

    Run sợ trước làn sóng đấu tranh vì tự do dân chủ và hòa bình của nhân dân khắp miền Nam Việt Nam, Mỹ - Diệm tìm mọi cách để dập tắt phong trào, dằn mặt quần chúng bằng vũ khí, bằng khủng bố man rợ. Ở Nam Bộ, vụ khủng bố điển hình đầu tiên là ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sáng ngày 13/9/1954, tại cánh đồng xã Khánh Thạnh Tân, bà con nông dân đang vỡ hóa để làm ruộng thì lính ở bót Tài Đại cùng dân vệ bao vây bắt từng người đi làm xâu xây bót cho chúng. Anh Dứa - một nông dân bị bắt bực tức liền lý sự với chúng.

    - Hòa bình rồi, nhân dân phải làm ruộng sinh sống. Các ông không có quyền bắt xâu. Lính có lương tâm phải tự làm bót mà ở. Chúng tôi bị kiệt quệ vì chiến tranh phải để chúng tôi sống chứ.

    Tức thì bọn lính xông vô đánh đập tàn nhẫn làm anh Dứa bị thương nặng. Những người bị bắt ở đó liền la ó phản đối, kêu cứu với dân làng. Hầu như cả xã đổ ra mỗi lúc một đông. Họ khiêng Dứa lên bót đấu tranh đòi bồi thường. Các xã Thuận Phú Tân, Thân Thạnh Tây hay tin cũng kéo ra hỗ trợ kịp thời, trống chầu trong đình làng được khiêng ra đi theo, thúc lên liên hồi... Trống giục khẩn trương, trống rền phẫn nộ. Dân các xã Tân Bình, An Thạnh, Thành Thới, Đa Phước Hội cũng túa ra đường, nhập cuộc. Đoàn biểu tình trở thành đông đảo. Họ kéo đi từ chợ Thơm (xã An Thạnh) xuống đến thị trấn Mỏ Cày, đường đông người kéo dài 4-5km. Ban đầu một trống, sau lên hai, rồi ba, rồi bốn trống chầu rền vang, thúc giục đấu tranh, uy hiếp tinh thần quân địch. Đồng bào các xã bỏ hết việc đồng áng, mỗi nhà để lại một người trông, kéo ra đường băng đồng, lội sông, đi đường bộ, đi xuồng ghe, đông đặc người là người tràn đi như nước vỡ bờ. Một bà lão mù ở xã An Thạnh cũng bắt cháu bé dẫn đi cùng bà con tham gia cho trọn tình làng xóm. Anh Tư Cường 1 có mặt tại chỗ ngày ấy, sôi nổi thuật lại. “Thật là khí thế bừng bừng, lúc này muốn can cũng hết can nổi”. Tên tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre Võ Công Mưu được cấp báo liền hộc tốc xuống Mỏ Cày dẫn theo một đại đội bảo an, có cả xe nồi đồng (thiết giáp) hộ tống, xông ra đàn áp! Đồng bào hô vang khẩu hiệu. “Đả đảo đàn áp! Đả đảo bắt xâu! Tôn trọng tự do dân chủ! Hoan nghênh Hiệp định Giơnevơ! Hòa bình muôn năm!”. Nhiều loạt súng bắn vào dòng người tay không, xe nồi đồng đâm thẳng vào đám đông đang xông tới. Nhân dân chống trả mãnh liệt, dùng đủ mọi thứ có trong tay, gạch đá, gậy gộc... Cuộc xô xát đẫm máu kéo dài đến chiều tối.

    Mười một người dân bị chết, 30 người bị thương và khoảng 200 người bị bắt.

    Để phi tang tội ác, bọn ngụy lập tức cho xe chở xác những người chết đổ xuống sông Cổ Chiên.

    Đồng chí Nam Chung (tức Mười Khước) lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy đã kịp thời tới nơi thăm hỏi đồng bào và trực tiếp chỉ đạo đấu tranh. Đồng chí Tám Long 2  được phái vào thị trấn liên lạc với cơ sở bí mật của ta nắm tình hình của địch thật chắc để báo cáo cho lãnh đạo. Nhiều lá đơn của nhân dân đã tố cáo tới Ủy ban quốc tế là chính quyền Bến Tre đã vi phạm Hiệp định, vi phạm điều 14C  3. Một sự hợp đồng giữa nhân dân, lãnh đạo và cơ sở bí mật trong lòng địch hết sức chặt chẽ. Cuối cùng đại diện Ủy ban quốc tế đủ thành phần đại biểu của Ấn Độ, Ba Lan và Canađa đã đến trực tiếp điều tra tại chỗ. Trên suốt lộ trình của Ủy ban, nhân dân đến gặp đưa đơn tố cáo trên từng chặng đường. Khi Ủy ban đến gần hiện trường, một hòa thượng mặc áo cà sa, lần tràng hạt, ra chặn đầu xe của đại biểu Ấn Độ. Đại biểu này lập tức dừng xe, xuống vái chào đáp lễ. Hòa thượng liền đưa đơn tố cáo vụ thảm sát dã man. Ngay lúc ấy ghế bàn từ trong các nhà ven đường được mau chóng khiêng ra đặt ngay dưới gốc cây, mời các đại biểu của Ủy ban quốc tế ngồi. Từ mọi nẻo đổ ra, đồng bào quây quanh càng lúc càng đông ngoài dự kiến của ngụy quyền. Hàng trăm đơn tố cáo được đưa ra, nhiều người kể lể tội ác của ngụy quyền, các gia đình nạn nhân khóc lóc đòi minh xét và bồi thường thích đáng.

    Đại biểu Ủy ban quốc tế ghi nhận tất cả sự thật của nhân dân tố giác và kết luận sự cố ý đàn áp của chính quyền Mỏ Cày. Nhân dân đã thắng.

    Tiếp theo đó là vụ Vĩnh Xuân. Vĩnh Xuân là một xã thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long). Ngày 25/10/1954 anh Đỗ Văn Bính - một người kháng chiến cũ, đang hớt tóc tại chợ, bị tên đại úy ngụy Tạ Văn Kiệt cùng một số lính bắn chết vô cớ. Chúng đang tính đem xác anh vứt xuống sông để phi tang thì đồng bào trong xã đã kịp thời kéo ra đông đảo giữ xác anh Bính lại. Bà con các xã quanh đó đánh trống, đánh mõ tập hợp và kéo đi biểu tình tuần hành, hô vang các khẩu hiệu chống bắn giết, trả thù, đòi thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ. Ban đêm bà con thắp đuốc sáng rực vây quanh, canh gác, xác chết được ướp bằng nhiều tảng nước đá để giữ được lâu. Nhân dân đã đòi tên Kiệt phải ký vào biên bản nhận giết anh Bính không có lý do. Tên Kiệt đã không chịu ký còn rút súng hăm dọa đồng bào và bắn bị thương ông Trần Văn Nghi 50 tuổi. Đồng bào không sợ, càng xông vào cương quyết đấu tranh. Cuối cùng trước khí thế hừng hực căm giận của nhân dân, tên Kiệt đã ký nhận đã bắn chết anh Bính.

    Được biên bản rồi, một đồng bào gửi đơn tố cáo lên Ban Liên hiệp đình chiến, mặt khác tổ chức đám ma trọng thể chôn cất anh Bính. Ngày 28/10 trong lúc đồng bào đang tập trung đông đảo làm đám tang thì tên Kiệt cùng Quận trưởng Lễ kéo một đại đội đến làng Vĩnh Xuân buộc nhân dân phải giải tán. Đồng bào không chịu, đấu tranh bằng lý lẽ, dựa vào phong tục tập quán từ xưa. Bị đuối lý, bọn ngụy chẳng cần gì lẽ phải và phong tục của ông cha, của dân tộc, chúng hạ lệnh bắn vào đồng bào tay không, giết chết hàng chục người và làm bị thương nhiều người khác. Sau đó, chúng còn bắt giam hàng trăm người nữa. Nhưng sự khủng bố phátxít không làm nhụt chí đồng bào mà còn hun đúc căm thù, thúc đẩy đấu tranh mạnh mẽ. Kẻ địch khiếp sợ lùi bước. Cuối cùng đại biểu hỗn hợp của Ban Liên hiệp đình chiến đã phải nhận lẽ phải về nhân dân và hứa trừng trị bọn giết người, phải bồi thường cho gia đình và nạn nhân.

    Đó là những vụ đụng độ thử sức ban đầu giữa một bên là nhân dân, một nhân dân đã từng có chính quyền, có quân đội trong tay, một nhân dân đã từng chiến thắng, đã trưởng thành qua đấu tranh gian khổ và một bên là chính quyền mới được đế quốc dựng lên chỉ biết dựa vào vũ lực và bạo tàn để cai trị.

    Cả đế quốc Mỹ và Pháp cũng như ngụy quyền đã biết rõ tình trạng này. Chúng đã hiểu được sức mạnh của cách mạng, sự đoàn kết và giác ngộ của nhân dân. Chúng đã hiểu chỗ yếu cơ bản của chúng, là không có dân, không có cơ sở xã hội mà là sự áp đặt bằng mưu mô và sức mạnh từ ngoài vào. Cũng vì thế chúng ra sức chuẩn bị mọi phù phép, âm mưu kéo dài và hủy bỏ tổng tuyển cử, hủy bỏ Hiệp định, mặc nhiên chiếm cứ từ vĩ tuyến 17 trở vào bằng mọi thủ đoạn đê hèn và tàn bạo nhất.

    Trong hai năm đó (21/7/1954 đến 21/7/1956) chúng đã làm những gì?




---------------------------------------------------------------------
1. Đồng chí Tư Cường hiện nay là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre.

2. Đồng chí Tám Long nay là Giám đốc Công ty Du lịch Bến Tre.

3. Điều 14C của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là: Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào với cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #38 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 11:16:37 am »

    Từ Hà Nội lúc ấy, chúng tôi theo dõi một cách mẫn cán không hề bỏ sót một sự kiện nào diễn biến ở miền Nam, không bỏ sót bất cứ một hành động nào của Mỹ - Diệm. Đồng bào và cán bộ miền Nam, sống trong cảnh nước sôi lửa bỏng do kẻ thù tạo nên, từng giờ từng ngày phải đối phó với những thủ đoạn tàn ác và quỷ quyệt của chúng. Thật là cơ cực gian nan, biết bao hy sinh dũng cảm. Nhưng đồng thời cũng thật là vinh quang hạnh phúc được trực tiếp đem tài trí ra đương đầu với địch. Còn ở miền Bắc, Bác Hồ và toàn Đảng vừa lo xây dựng căn cứ địa vững mạnh cho cả nước, vừa lo lắng hướng về Nam có bao giờ ăn ngon ngủ yên, khi chưa tròn nhiệm vụ. Kẻ địch hẳn cũng không thể chủ quan cho rằng mọi âm mưu hành động của chúng đều tránh được những con mắt tinh tường cảnh giác của nhân dân ta. Chỉ kiểm lại những sự kiện chủ yếu diễn biến ở miền Nam lúc ấy, ta cũng thấy rõ được tình hình phức tạp dường nào và con đường cách mạng ở miền Nam do đâu mà quanh co khúc khuỷu.

    Việc trước tiên của quân xâm lược là phải đặt con bù nhìn (Ngô Đình Diệm) ngồi trên ngai cho vững vàng, con bù nhìn mà Mỹ mới hộc tốc đưa từ nước Hoa Kỳ về sau khi đã dày công hun đúc, tạo nên từ ngót ba năm nay. Phải biến hóa kịp thời bù nhìn thành người thật sự, không phải là người bình thường mà thành một người trong tay có đủ tiền đủ vàng, vũ khí và quyền uy. Được như vậy Mỹ mới có chỗ dựa, có công cụ để tiến hành âm mưu thôn tính, có chỗ núp để che bộ mặt xâm lược.

    Theo một văn kiện năm 1956 của Hội đồng an ninh quốc gia (Mỹ), đây là một số mục tiêu của chính sách Mỹ đối với Việt Nam:

    - “Giúp đỡ nước Việt Nam tự do, phát triển một chính phủ mạnh, ổn định và hợp hiến để tạo điều kiện cho nước Việt Nam tự do xác lập một tư thế đối địch ngày càng hấp dẫn đối với những điều kiện ở vùng cộng sản hiện tại.

    - Công tác theo hướng làm suy yếu cộng sản ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam để đem lại sự thống nhất hòa bình của một nước Việt Nam tự do và độc lập dưới một bộ máy lãnh đạo chống cộng”.

    Ngày 20/8/1954, Tổng thống Mỹ đã thông qua một văn kiện của Hội đồng an ninh quốc gia quyết định về mặt kinh tế, Mỹ sẽ bắt đầu cung cấp viện trợ trực tiếp cho Diệm không phải thông qua người Pháp như từ trước. Đây là một đòn bẩy chỉ huy quan trọng để Mỹ nắm chắc Diệm và gạt uy tín của Pháp.

    Tiếp theo tiền là lực lượng vũ trang. Nhưng lực lượng vũ trang Pháp vẫn nắm chắc qua tay những người của Pháp như Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Vỹ,... và chia năm xẻ bảy quyền chỉ huy cát cứ từng khu vực như lực lượng Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo (cũng do Pháp nắm). Mỹ phải bày mưu tính kế gạt bỏ tất cả tay chân của Pháp và tập trung quyền chỉ huy vào tay Diệm.

    Ngày 09/10/1954, Diệm với cương vị Thủ tướng (cũng giựt từ tay Bửu Lộc do Bảo Đại và tất nhiên là do Pháp đặt lên) ký một nghị định buộc Nguyễn Văn Hinh - Tổng Tham mưu trưởng đi công cán bên Pháp sáu tháng. Hinh không thi hành lấy cớ là chức vụ của mình do “Quốc trưởng Bảo Đại” chỉ định nên thủ tướng không có quyền điều động. Kỳ thật là Hinh đang chuẩn bị một cuộc đảo chính lật đổ Diệm để lên nắm quyền. Tuy Hinh nắm quân đội trong tay và được Pháp đứng sau để chỉ đạo nhưng ngay từ sớm Mỹ đã quyết chiếm miền Nam Việt Nam và đặt Diệm lên thì khi nào để sự việc bất lợi này xảy ra. Tên sĩ quan CIA Lansdale liền dùng mưu kế phân tán và khống chế bọn tay chân thân tín của Hinh và đặt biện pháp bảo vệ Diệm. Y lo cả việc tổ chức ra tiểu đoàn bảo vệ an ninh Dinh Độc Lập của Diệm bằng cách xin Magsaysay - Tổng thống Philíppin, cho tùy viên chính của tổng thống là Đại tá Napoléon Valériano sang Sài Gòn giúp xây dựng tiểu đoàn phòng vệ và công cuộc an ninh cho Dinh Độc Lập.

    Nhưng triệt để hơn, Mỹ - Pháp đã thương thảo và Mỹ buộc Pháp phải rút người, rút quân giao toàn quyền mọi mặt cho Mỹ - Diệm. Ngày 07/11/1954, tướng Collins - Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn mới từ Mỹ sang thay cho Đại sứ Heath, bay lên Đà Lạt hội đàm với tướng Ely - tân Tư lệnh lực lượng liên hiệp Pháp và đã thỏa thuận với nhau một giải pháp. Ngày 20/11/1954, từ bên Pháp, “quốc trưởng” Bảo Đại triệu Hinh sang, ngày 29/11 ngưng chức tổng tham mưu trưởng của Hinh và giao chức vụ này cho Nguyễn Văn Vỹ vốn là chỉ huy trưởng quân ngự lâm của Bảo Đại. Nhưng Diệm nhanh tay chỉ định Lê Văn Tỵ, người của Diệm, vào chức vụ này và đẩy Vỹ chạy theo Bảo Đại và Hinh. Vào cuối năm 1954 trách nhiệm xây dựng, huấn luyện và chỉ huy quân đội ngụy cũng giao hết cho Mỹ. Ngày 10/02/1955, Bộ Tư lệnh lục quân Pháp tại Sài Gòn giải tán, toàn bộ thẩm quyền quân sự ở miền Nam Việt Nam qua tay Mỹ. Ngày 20/11/1955, Mỹ đưa đến Sài Gòn Phái bộ viện trợ quân sự Hoa Kỳ gọi tắt là MAAG 1 thành lập từ năm 1950, từng mang tên Phái bộ liên lạc và huấn luyện gọi tắt là TRIM 2 cũng do tướng Mỹ John Odaniel điều khiển. Về sau (1956), TRIM đổi lại thành MAAG như cũ.

     Mỹ ráo riết cải tổ và xây dựng quân đội Diệm do Pháp để lại thành một lực lượng quân sự mạnh bao gồm: Tổng trù bị và phòng thủ diện địa. Đầu năm 1955 đã thành lập ba sư đoàn đầu tiên là các sư đoàn 11, 21 và 31. Đến cuối năm 1955 đã có 10 sư đoàn, một liên đoàn nhảy dù, bốn trung đoàn kỵ binh thiết giáp, 11 tiểu đoàn pháo, 13 trung đoàn địa phương, sáu trung đoàn bộ binh giáo phái, rồi quân chủng hải quân và không quân. Quân số lên đến ngót 20 vạn. Cũng vào giữa năm 1955 Mỹ đưa một số sĩ quan Diệm đầu tiên qua Mỹ học ở trường quân sự Fort Benning và một số khác qua học tại Philíppin. Cuối cùng đến ngày 26/10/1955 qua cuộc trưng cầu dân ý gian lận điều khiển theo ý của Mỹ - Diệm, Bảo Đại bị phế truất và Diệm trở thành tổng thống, thâu tóm mọi quyền hành vào một tay, độc tài gia đình trị, với quan thầy nuôi, dạy và chỉ huy là Mỹ. Pháp và thân Pháp hoàn toàn bị loại.

     Chỉ sau một năm từ khi ký Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đã nắm trọn miền Nam Việt Nam, gấp rút xây dựng cho Diệm một quân đội mạnh với những sư đoàn bộ binh và các quân binh chủng như vậy cùng với các căn cứ quân sự, quân cảng, đường sá, hậu cần... hẳn không phải để thi hành đúng đắn Hiệp định hòa bình, thực thi dân chủ. Mới mấy tháng cuối năm 1954 đội quân ấy chỉ là những tiểu đoàn lẻ phụ thuộc quân đội viễn chinh Pháp, một đội quân chiến bại, tổ chức xộc xệch, tinh thần bạc nhược, đào rã ngũ hàng loạt. Theo tài liệu của Phòng 1 Bộ Tổng Tham mưu ngụy lúc đó, chỉ tính số quân mà Pháp giao cho Diệm từ miền Bắc chuyển vào Nam thì trong một tháng từ 21/7 đến 20/8/1954 số đào ngũ lên tới 21.421 người (112 sĩ quan, 1.031 hạ sĩ quan và 20.278 binh sĩ). Số đào ngũ vẫn gia tăng vào những tháng chót khi các đơn vị rời miền Bắc. Số lính ở miền Nam còn rã ngũ nhiều hơn, họ bỏ về nhà làm ăn theo tiếng gọi của gia đình và bà con xóm làng. Thế mà với một ý đồ đen tối, Mỹ đã tung tiền của, vũ khí và cố vấn ra dựng lại một thây ma đã muốn tan rữa. Thực ra là xây dựng một đội quân mới chống nhân dân, chống cộng với lực lượng nòng cốt là thanh niên Công giáo di cư từ miền Bắc mà Mỹ - Diệm đã lừa gạt, đầu độc và mua chuộc.

    Báo Thế giới Pháp ngày 29/11/1954 viết:

    “Nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam quyết tuyển mộ binh lính trong số những người miền Bắc di cư. Họ xem số người miền Bắc như là một khối dự trữ cho quân đội của họ, cho những tổ chức chính trị của họ, trong khối dự trữ đó họ mộ được những tay chân cuồng tín”.

    Đi đôi với phát triển lực lượng vũ trang, Diệm ra sức tổ chức cơ cấu chính quyền từ trung ương đến cơ sở. Ngày 11/11/1954, Ngoại trưởng Mỹ Dulles đã tuyên bố:

    “Miền Nam Việt Nam cần có một chính phủ mạnh, một chính phủ có thể tiễu trừ các phần tử rối loạn, bằng một tổ chức cảnh sát mạnh với một sen đầm hiệu lực”. Thật là một câu nói chứa đựng đầy đủ nội dung một chỉ thị về mục đích thành lập chính quyền Diệm, phương châm và phương pháp tổ chức và tiến hành làm tay sai cho Mỹ.

    Đã là một chính quyền phục vụ chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, không phải phục vụ quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân thì còn ai tin và theo. Khốn nỗi cái chính quyền phục vụ đế quốc xâm lược của Diệm lại thừa kế chế độ Bảo Đại mà Đoàn Thêm - công chức thời Bảo Đại và trở thành Đổng lý văn phòng của Diệm đã phê: “Chế độ Bảo Đại không sinh sản từ một lý thuyết nào hết, chỉ dựa vào truyền thống lịch sử (?) lỗi thời và một chính nghĩa quốc gia mà chưa ai minh định. Chính thể thiếu tính cách căn bản đến nỗi nguyên thủ không biết tự xưng là gì cho phải, đành mang danh hiệu hàm hồ là quốc trưởng” 3.




---------------------------------------------------------------------
1. Military Assistance Advisory Group.

2. Training Relations Instruction Mission.

3. Đoàn Thêm: Những ngày chưa quên, xuất bản ở Sài Gòn năm 1969.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #39 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2023, 11:19:08 am »

    Và rồi Diệm - Nhu cố nặn ra một triết lý: “Chủ nghĩa nhân vị duy linh và cộng đồng”. Đó là mớ hổ lốn. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết:

    “Kỳ thực chủ nghĩa nhân vị chẳng qua là chữ dịch của danh từ “Personnalisme” trong tiếng Pháp, một học thuyết đã phát triển từ những năm 30 của thế kỷ này, được truyền bá trước hết bởi những người tín đồ Thiên Chúa giáo và được nhiều cánh tư bản dùng làm tư tưởng đối thủ với chủ nghĩa Mác. Anh em nhà Diệm và một cánh cha cố bê học thuyết của những người Pháp E.Muniê, Maritanh về Nam Việt Nam, thêm vào đó những cái gì lạc hậu nhất của tư tưởng Thiên Chúa giáo, những gì phản động nhất của chủ nghĩa phátxít, tô lên một màu sắc dân tộc và Đông Phương để dễ tiêu thụ ở miền Nam...” 1.

     Có triết lý rồi thì lập ra một đảng của triều Ngô: Đảng “Cần lao nhân vị”. Tất cả tay chân thân tín của gia đình họ Ngô nắm vai trò chủ chốt lãnh đạo trong đảng. Những người muốn tỏ rõ lòng trung thành với nhà Ngô, những người muốn có quyền cao chức trọng, được ưu đãi và giàu sang đều ùa vào đảng. Đảng “Cần lao nhân vị” giám sát, khống chế toàn bộ guồng máy chính quyền, quân đội, cảnh sát, mật vụ... Để làm hậu thuẫn rộng rãi cho đảng, tiếp tay với đảng trong công việc mật thám, đàn áp, lừa bịp thì lập ra “Phong trào cách mạng quốc gia”. Rồi lần lượt hàng loạt các tổ chức khác cũng sinh sôi nảy nở cho đủ vây đủ cánh: Nào “Đoàn thể công chức Thiên Chúa giáo”, “Tổng liên đoàn lao động”, rồi “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”...

     Vậy mà cơ cấu quốc gia vẫn còn thiếu. Phải có hiến pháp và phải có quốc hội lập hiến cho đủ lệ bộ, để trang trí cho chế độ, để làm cho ra vẻ dân chủ. Nhưng tất cả là nhằm củng cố chế độ độc tài gia đình trị của Diệm, cho tổng thống có đủ quyền hành cá nhân rộng lớn, có đủ “tín nhiệm” như một người có biệt tài không ai thay thế được để phục vụ đắc lực cho chủ Mỹ.

     Kể ra Mỹ - Diệm cũng nhanh chóng làm được nhiều việc để tiếp tục chiến tranh và đàn áp: một quân đội mạnh và một chính quyền độc tài, phátxít. Nhưng như thế chưa phải là một chế độ mạnh vì nhân dân vẫn căm ghét coi đó là chế độ buôn dân bán nước và vẫn còn nhiều phe phái độc lập, nhiều thứ lực lượng vũ trang giáo phái không chịu phục tùng. Trước đây Diệm còn tay trắng, mới chân ướt chân ráo từ Hoa Kỳ về thì còn dựa vào lực lượng chống cộng của các đảng phái khác, cần giáo phái, để ngồi cho vững đã. Nay chủ Mỹ đã lập cho được ba sư đoàn vũ trang đầy đủ và hiện đại rồi, tuy chưa đủ sức đàn áp nhân dân triệt để nhưng đủ triệt hạ các phe phái đối lập tóm thu quyền hành về một tay.

     Ở miền Trung, Diệm gạt bọn Đại Việt ra khỏi các chức vụ trong chính quyền, dùng vũ lực diệt các chiến khu Ba Lòng ở Quảng Trị (Đại Việt chiếm căn cứ kháng chiến cũ của ta do tên Bốn chỉ huy và một chiến khu khác ở Phú Yên do tên Trương Bộ Hoàn chỉ huy, Đại Việt tan rã vào tháng 3/1955). Diệm cũng tiêu diệt bằng cách ấy bọn Quốc dân Đảng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và đến tháng 5/1955 thì toàn bộ bọn này đầu hàng và trốn chạy. Đại Việt và Quốc dân đảng không có dân mà quân cũng không có bao nhiêu nên dễ giải quyết. Cái khó đối với Diệm là lực lượng các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên ở Nam Bộ. Nếu không khéo các lực lượng này hiệp lực với nhau chống lại, đằng sau lại còn có Pháp lèo lái thì thật là nguy to. Vì vậy, Mỹ phải đứng ra vạch kế hoạch và chỉ huy chặt chẽ, phải dùng mọi mánh lới kết hợp với sức mạnh của vũ khí và đồng đôla, chia để trị, tỉa hết nhóm này đến nhóm khác, trong lúc dùng áp lực đe dọa và ngoại giao để buộc Pháp không được can thiệp vào.

    Lại vẫn là tay phù thủy CIA Lansdale thi hành các thủ đoạn. Trước tiên được lệnh từ Oasinhtơn và nhận đôla của tòa đại sứ, y lôi kéo Trịnh Minh Thế đem lực lượng gọi là quân đội quốc gia liên minh về đầu Diệm. Tài liệu mật của Lầu Năm Góc đã tiết lộ: “Theo yêu cầu của Đại sứ Heath, Mỹ bí mật cung cấp tiền cho Diệm để Diệm chuyển cho Thế, thông qua SMM (tức phái đoàn quân sự do Lansdale làm trưởng)”. Tên Thế là người mà Lansdale có liên hệ từ trước, nắm chắc là có thể lung lạc sử dụng được từng lúc, có ích trước mắt cho Diệm và mở đầu cho những hành động tương tự đối với các lực lượng khác. Lansdale cũng biết rõ Thế là một con người tráo trở, quen lừa thầy phản bạn, sớm đầu tối đánh, nhưng y cũng tin ở bản lĩnh riêng cộng với đôla và vũ khí, quyền lực, y có thể sử dụng Thế khi cần. Y còn lạ gì tiểu sử của Thế. Trước nhất Thế là một tín đồ Cao Đài theo Nhật, được Nhật huấn luyện và ôm mộng phò Cường Để về nước. Thế đã tham gia vào một đơn vị Cao Đài thành lập bí mật tại Sài Gòn và dự vào cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3/1945. Khi cuộc Cách mạng Tháng Tám của ta thành công và sau đó Pháp trở lại gây hấn, Thế tình nguyện đứng vào hàng ngũ kháng chiến chống Pháp, hẳn là do sợ Pháp trả thù. Sau một thời gian không lâu, Pháp khéo léo móc nối mua chuộc, Thế lại phản lại cuộc kháng chiến của nhân dân và trở về đầu Pháp, được cho làm tham mưu trưởng quân đội Cao Đài. Nhưng rồi do tham vọng cá nhân và mưu mô của bè lũ, y làm như tách khỏi Pháp và thành lập cái gọi là “quân đội quốc gia liên minh”, chống cộng ở chân núi Bà Đen. Khi thấy thế lực Pháp sa sút, Thế lại sẵn sàng theo Mỹ và liên hệ với Lansdale từ đó.

    Cuộc mặc cả hay thực sự mưu mô sắp đặt của Mỹ - Diệm - Thế đã ngã ngũ. Tháng 02/1955, Thế đã đem toàn bộ lực lượng của y sáp nhập vào quân đội của Diệm trong một buổi lễ linh đình ở Sài Gòn và được Diệm phong cho cấp thủ tướng. Chưa hết, sau này Thế còn theo “mặt trận thống nhất toàn lực lượng quốc gia”, liên minh các giáo phái kể cả Bình Xuyên, để lật đổ Diệm vào tháng 4/1955. Nhưng cuộc lật đổ bị người Mỹ phá và Lansdale lại một lần nữa kéo y trở về với Diệm để rồi Diệm ra lệnh cho y đem quân đánh diệt Bình Xuyên theo kiểu “lấy độc trị độc”. Khi dẹp xong Bình Xuyên ở Sài Gòn thì Diệm cũng không ngần ngại cho y về chầu diêm vương để trừ hậu họa.

    Trước tiên Mỹ - Diệm lo diệt lực lượng Bình Xuyên vì Bình Xuyên có thế lực mạnh ngay ở trung tâm Sài Gòn và ở Rừng Sác - một căn cứ có địa hình phức tạp ngay bên cạnh thành phố. Lúc này quân đội Pháp lại còn một bộ phận không ít ở Sài Gòn và dọc đường 15 ra Vũng Tàu, có thể yểm trợ cho Bình Xuyên để trả thù cho bõ ghét ông bạn Mỹ xấu chơi đã giựt mất địa vị chủ nhân ông ở miền Nam của Pháp.

    Bình Xuyên trước đây được Pháp tin cậy do tên chỉ huy đầu trộm đuôi cướp Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) phản lại phong trào kháng chiến của nhân dân, về đầu hàng Pháp và đã phục vụ Pháp rất đắc lực. Pháp giao Bình Xuyên trọn quyền kiểm soát vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và khu Rừng Sác, tự do thu thuế và làm tiền. Bảy Viễn được phép khai thác gỗ, bán củi, lập các đoàn tàu vận tải, các công ty xe đò đi lục tỉnh. Bảy Viễn còn mở sòng bạc Đại thế giới ở Chợ Lớn, sòng bạc Kim Chung ở Sài Gòn, nhà chứa Bình Khang ở Vườn Lài để tha hồ hốt tiền ăn chơi xa xỉ và nuôi dưỡng lực lượng riêng. Đó là cái gai trước mắt của Mỹ - Diệm, không thể không nhổ đi để thu về nguồn lợi lớn và quyền hành tập trung.

    Quân của Bình Xuyên không nhiều lắm, có khoảng trên 2.000 quân tổ chức thành năm tiểu đoàn đóng từ Sài Gòn đến Rừng Sác. Ngoài ra thanh thế Bình Xuyên còn mạnh là vì tên Lại Văn Sang, tay mặt với Bảy Viễn, được Bảo Đại cử giữ chức Tổng Giám đốc cảnh sát và công an miền Nam Việt Nam. Sang đã tổ chức ra các tiểu đoàn công an xung phong có khoảng 1.500 người đóng trong 21 đồn thuộc đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và một bộ phận ở Đà Lạt.

    Để có cớ mở đầu cuộc sát phạt, ngày 26/4/1955 Diệm ra sắc lệnh cách chức Tổng Giám đốc cảnh sát và công an của Lại Văn Sang, giao chức vụ này cho người của Diệm là Đại tá Nguyễn Ngọc Lễ. Tất nhiên Sang chống lại và ngày 28/4, đôi bên nổ súng đánh nhau tại trung tâm Sài Gòn, bắt đầu ở Trường Trung học Pétrus Ký (nay là Trường Trung học Lê Hồng Phong) là nơi có một đại đội công an xung phong của Bình Xuyên chiếm đóng. Diệm đã dùng liên đoàn dù do Mỹ tổ chức và huấn luyện, được pháo binh và chiến xa yểm trợ nên quân Bình Xuyên thua kém phải rút về hướng cầu Chữ Y và Rừng Sác. Ngày 29/4 quân Diệm đã làm chủ cả Sài Gòn và Chợ Lớn. Cũng chính ngày này Diệm đã nhận được lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại từ Canes (Pháp) gửi về triệu Thủ tướng Diệm và Tổng Tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ qua Pháp lập tức, để dự họp đặc biệt và đồng thời chỉ định Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng Tư lệnh quân đội. Cũng tất nhiên là Diệm không thi hành và ngày 30/4 xua quân đánh Bình Xuyên ở cầu Chữ Y. Đây là một dịp tốt để Lansdale và Diệm thi thố mưu sâu “Tọa sơn quan hổ đấu” (Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau) không biết học được từ lúc nào: Trịnh Minh Thế được lệnh đem quân bản bộ Cao Đài đánh Bình Xuyên. Nhưng Bình Xuyên chỉ chống cự qua loa vì chủ trương rút hết quân về Rừng Sác. Như vậy là Trịnh Minh Thế không khó khăn lắm để tỏ rõ lòng khuyến mã đối với chủ. Nhưng trớ trêu thay, trong lúc Thế đang tự đắc đứng quan sát mặt trận sắp tàn tại dốc cầu Tân Thuận chiều ngày 03/3 thì một viên đạn từ phía sau bắn tới đã kết liễu cuộc đời chuyên thay thầy đổi chủ. Ngày 05/5 chiến trận quanh Sài Gòn - Chợ Lớn chấm dứt. Nhưng mãi đến 21/9/1955, Diệm mới mở màn cái gọi là chiến dịch Hoàng Diệu nhằm bao vây và tiêu diệt quân Bình Xuyên ở Rừng Sác và kết thúc thắng lợi cho Diệm ngày 24/10/1955.

    Cuộc đánh nhau giữa quân Diệm và Bình Xuyên đã gây biết bao tai họa cho nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng ven, nhất là dân nghèo ở các xóm lao động đông đảo. Căn cứ vào tin của các hãng thông tấn phương Tây, ngày 29/4/1955, Thông tấn xã Việt Nam đã thuật lại như sau:

    “Sài Gòn biến thành một thành phố của sự phá hoại và chết chóc. Nhiều xác người chết cháy nằm ngổn ngang giữa những gian nhà bị phá hủy đang bốc cháy. Nhiều người đàn bà vừa chạy tránh đạn vừa thét lên những tiếng kinh khủng, nhiều trẻ em bị thương cố lê đi giữa những đám người run sợ. Lửa cháy, người chết, người bị thương ngổn ngang, không được ai cứu chữa, giữa lúc đó, bom của hai bên vẫn nổ vang, đạn réo qua đầu người chạy nạn”.

    Chính phủ Diệm đã phải chính thức công bố sự thiệt hại của dân chúng như sau:

    - 7.826 nhà bị cháy hay bị phá, nhiều nhất là vùng Nancy - Chợ Quán.

    - 88 thường dân chết.

    - 592 thường dân bị thương.

    Như vậy là cánh Diệm đã diệt được cánh Bảy Viễn nhưng không diệt được Bình Xuyên. Đó là vì Bình Xuyên không phải chỉ bao gồm bọn tay chân của Pháp, quân cướp nhiễu nhân dân mà trong đó còn có nhiều người yêu nước thật sự. Họ là những người đã giác ngộ hoặc nấp và dựa vào Bình Xuyên để chống Pháp, chống Mỹ - Diệm, có thiện cảm với cách mạng, muốn đấu tranh vì độc lập, tự do. Biết rõ như vậy, Đảng ta không thể để Mỹ - Diệm muốn giết ai tùy tiện. Đảng bộ miền Đông Nam Bộ liền phái các đồng chí Ba Thu (tức Thuận), Lâm Quốc Đăng (tức Nguyễn Văn Thược) và Tám Thanh (tức Thiếu tướng Lê Thanh hiện nay) là những cán bộ chính trị quân sự cấp trung đoàn và huyện đội trong chiến tranh chống Pháp  , cùng với một số đồng chí khác đến tận Rừng Sác đón và chỉ đạo các đơn vị yêu nước do Trung tá Võ Văn Môn (tức Bảy Môn) chỉ huy vượt vòng hành quân về các căn cứ Chiến khu Đ và Dương Minh Châu nổi tiếng. Nhờ sự nuôi dưỡng của nhân dân, sự giáo dục của Đảng mà bộ đội Bình Xuyên cùng nhân dân hoàn thành sự nghiệp cứu nước của mình.




-----------------------------------------------------------------
1. Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững Thành đồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964, t.1, tr.260.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM