Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:32:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thượng tướng Trần Văn Trà và những chặng đường lịch sử B2 Thành Đồng  (Đọc 6014 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2022, 03:51:33 pm »

II- TIẾN TỚI THÀNH LẬP “QUÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT”


    Tháng 01/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15. Hội nghị đánh giá tình hình cách mạng miền Nam và ra nghị quyết xác định: “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân..., lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Nghị quyết chưa phổ biến kịp đến các cấp. Nhưng mới nghe “sẽ cho khởi nghĩa giành chính quyền”, nhiều nơi ở miền Nam, Đảng bộ và nhân dân đã tự động nổi dậy với khí thế sục sôi.

    Đồng bào các dân tộc miền Trung và Tây Nguyên đứng dậy

    Dân tộc Ba Na ở Vĩnh Thạnh (Bình Thạnh): Đây là đất căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn áo vải cờ đào năm xưa. Sau 2 năm đánh phá ác liệt, Mỹ - Diệm vẫn không kiểm soát được người dân Ba Na. Hai lần tên quận trưởng mời các già làng về dụ dỗ thuyết phục nhưng không được. Tháng 4/1958, địch đã phải giở đến cách dùng quân đội đàn áp uy hiếp, cấm dân phát rẫy làm nương, buộc dân đứng trước 2 con đường: Dời làng về quận sống tập trung hay chạy vào rừng. Đồng bào các dân tộc, nhất là ở 3 làng Tà Bốc, Tà Lét, Hà Ri, từ già làng đến trẻ con đều dứt khoát chạy vào rừng, dầu có chịu khổ, chịu cực đến đâu, cũng không hợp tác với Mỹ - Diệm. Tháng 02/1959, nhân dân 3 làng trên cùng 8 làng khác thuộc 2 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Hiệp nhất loạt nổi dậy dời làng vào núi rừng sâu thẳm. Địch đánh úp vào làng Hà Ri, và Tà Lét. Du kích và nhân dân quyết đánh trả bằng mọi thứ vũ khí, dao mác, mang cung, giết tại chỗ 1 trung úy và 3 lính ngụy, làm nhiều tên bị thương. Trận địch càn lần thứ 2 vào Tà Lét đã sa ngay vào trận địa chông và mang cung của du kích. Tên trung đội trưởng bị mang cung phóng chết tại chỗ. Đến giữa năm 1959, phần lớn các xã trong huyện Vĩnh Hảo với gần 5.000 dân người dân tộc đã chuyển lên thế làm chủ trên vùng rừng núi của mình.

    Đồng bào Raglai ở Bác Ái (Ninh Thuận):

    Đại bộ phận dân cư ở Bác Ái miền Tây Bắc Ninh Thuận là người dân tộc Raglai. Ở đây có phong tục khi con trai lớn theo cha trèo núi, người cha liền trao cho con một “con thóc” (dao tay), một cái ná và dạy cách dùng dao để tự vệ, cách bắn ná để diệt thú rừng giữ làng, giữ rẫy.

    Vốn trước đây là Quản đạo đất Ninh Thuận, Ngô Đình Diệm hiểu rất rõ tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Bác Ái, nên Diệm đã sử dụng những thủ đoạn đánh phá dã man nhất, không chỉ bắn giết mà còn mổ bụng moi gan, phá sạch cả hoa màu, đốt sạch nhà cửa, cây ăn trái, hòng đẩy nhân dân vào cảnh chết đói nếu không chịu vào khu tập trung. Nhưng nhiều gia đình đã bỏ chạy vào rừng quyết không theo giặc, không rời bỏ buôn rẫy. Chị Pô Pô Thị Du bị địch bắt dẫn đi lùng cán bộ đã nhảy từ núi cao xuống vực sâu, quyết không phản lại Đảng, phản lại dân. Bằng nhiều thủ đoạn phátxít, chúng gom được 5.000 dân Bác Ái dồn vào khu tập trung Brâu. Nhưng ngày 07/02/1959, phần lớn số đồng bào này đã nhất trí nổi dậy phá tan ách kìm kẹp của địch bung trở về căn cứ. Tháng 3/1959, một lực lượng cốt cán hơn 30 người do các đồng chí Pi Năng Tác, Xa Na Lê Nam chỉ huy, từ Bác Ái Đông lên tăng cường cho Bác Ái Tây. Tháng 4/1959, hơn 4.000 dân Bác Ái Tây nổi dậy phá khu tập trung Tâm Ngân trở về làng cũ. Từ đó dân Bác Ái bắt đầu dùng hầm chông, cạm bẫy, cung ná và cả thuốc độc đánh trả quân địch, xây dựng vùng căn cứ kháng chiến suốt trong gần 20 năm chống Mỹ.

    Khởi nghĩa Trà Bồng và Tây Quảng Ngãi:

    Nửa đầu năm 1959, đồng chí Võ Chí Công cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Liên khu 5 về đến chiến trường phổ biến tinh thần Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng bào các dân tộc miền núi hăng hái tham gia các đoàn thể giải phóng từ nay đã được tổ chức công khai. Đông đảo thanh niên ở đồng bằng đã thoát ly lên căn cứ tình nguyện chiến đấu.

    Tháng 3/1959, Quảng Ngãi thành lập đại đội vũ trang tập trung 359 gồm 33 cán bộ và chiến sĩ người dân tộc Cor và 10 cán bộ, chiến sĩ người Kinh.

    Từ tháng 7/1959, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên... đều thành lập vũ trang tự vệ, đơn vị vũ trang tập trung.

    Từ năm 1954 đến năm 1958, trước thủ đoạn khủng bố dã man của địch, đồng bào các dân tộc đã chống trả kiên cường giành quyền làm chủ. Chị Y Bơ Rum ở Thanh Sơn đã dùng rìu chém bể đầu tên ác ôn ngay lúc tên này vừa dùng súng bắn chết cha mình. Em thiếu nhi ở Nước Bổn ngày đêm bám địch đi càn dùng ná rình bắn chết 5 lính ngụy để trả thù cho cha mình bị chúng giết hại. Chị Mi Long ở Sơn Thủy bị địch chôn sống đã moi được đất chui lên về làng xách dao đuổi chém tên ác ôn đã chôn chị... Năm 1959, trước tình hình nhân dân nhiều buôn làng đòi nổi dậy, tỉnh đã quyết định thành lập thêm 2 đại đội tập trung mới để chuẩn bị đón thời cơ. Ngày 19/8/1959, tại thôn Trà Ngôn, xã Sơn Lập, huyện Sơn Trà, “Đại đội 89” gồm 36 cán bộ và chiến sĩ đã ra đời.

    Về phía địch, liên tục từ tháng 5 đến tháng 9/1959, địch huy động từng sư đoàn hoặc hai, ba trung đoàn chủ lực cùng quân địa phương càn quét miền Tây Quảng Ngãi, Tây Khánh Hòa, Bác Ái, Bắc Ninh Thuận đánh phá các căn cứ của ta vừa mới hình thành.

    Sáng 28/8/1959, khi 1 tiểu đội lính ngụy kéo đến càn quét khủng bố xã Trà Quân, dân làng đã dùng mác chém chết tại chỗ hai tên, đuổi theo giết những tên còn lại. Nhân dân còn “tét” (hú báo hiệu) cho các buôn làng khác biết. Các xã tiếp giáp Trà Quân nổi trống mõ, thanh la chi viện khắp núi rừng. Mọi người, mọi nhà, tất cả các buôn sóc trong toàn huyện Trà Bồng đã vác dao, mác, tên, ná xông ra rượt đuổi, đâm chém bắt trói những toán lính lùng sục trong làng. Cuộc nổi dậy lan nhanh ra toàn huyện.

    Đêm 22/8/1959, ban lãnh đạo miền Tây họp. Trước tình thế phong trào quần chúng sục sôi, hội nghị quyết định mở rộng cuộc khởi nghĩa đến các xã vùng thấp trong huyện Trà Bồng và phát động khởi nghĩa các huyện miền núi còn lại.

    Đại đội 339 cùng du kích hỗ trợ đồng bào Trà Bồng nổi dậy. Trước khí thế cách mạng dâng trào, đồn Tà Kúp, đồn Tà Lạt hoảng hốt bỏ chạy. Đồn Tầm Rung, đồn Nước Vót tẩu thoát trước khi quân khởi nghĩa kéo đến. Tại quận lỵ Trà Bồng, nhân dân phá tung nhà bầu cử, đốt trụi cơ quan cùng cờ ba que, ảnh tổng thống ngụy quyền. Binh lính, ác ôn, tay sai trốn biệt. Bọn địch ở 2 đồn Eo Chim và Eo Gió ngoan cố chống cự. Được sự hỗ trợ của Đại đội 339, quần chúng quây chặt đồn, nổi chiêng, mõ, tù và kết hợp bộ đội nổ bộc phá, kêu gọi binh lính đầu hàng. Hoảng sợ trước rừng người, rừng giáo mác ngày một tăng, súng của bộ đội ta chĩa vào đồn, lợi dụng đêm tối lính ở đồn Eo Gió tháo chạy. Ta chặn đánh giết và làm bị thương 30 tên. Giải quyết xong Eo Gió, quân khởi nghĩa cùng nhân dân bao vây Eo Chim nhiều vòng, chặn nhiều ngõ, triệt phá nguồn nước uống, dùng súng, ná bắn tỉa từng tên. Địch từ quận lỵ lên giải vây, ta chặn đánh diệt 9 tên thu 6 súng, đánh lui quân viện. Đến trưa hôm sau địch trong đồn tháo chạy nhưng không thoát. Ta đón đánh diệt cả trăm tên, thu nhiều súng đạn. Cả huyện Trà Bồng, trừ quận lỵ, còn cả hệ thống đồn bót địch đều bị quét sạch, hoặc tan rã. Tên quận trưởng và quận phó hoảng sợ bỏ chạy về tỉnh lỵ. Tính chung trong đợt khởi nghĩa Trà Bồng có 161 tên địch bị giết, 63 tên bị bắt sống.

    Ngày 02/9/1959, tại Xà Riêng, giáp giới hai huyện Ba Tơ và Minh Long, Tỉnh ủy Quảng Ngãi thành lập đơn vị tập trung thứ 2 - Đại đội 229. Ngày 03/9/1959, nhân dân xã Trà Phong mở đại hội Cò Rô bầu Ủy ban nhân dân tự quản. Các xã khác lần lượt làm theo. Khởi nghĩa thắng lợi trên toàn huyện.

    Hưởng ứng Trà Bồng, nhân dân các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long cũng lần lượt nổi dậy.

    Ở Sơn Hà, ngày 02/9/1959, địch cho 1 đại đội bảo an từ quận lỵ kéo lên các xã vùng cao bức dân đi bầu cử. Đến Sơn Long bị sa vào hầm chông phải kéo nhau về. Đơn vị 89 cùng thanh niên vừa rút ra rừng chặn đánh địch, nhân dân các dân tộc Hré, Cà Dong nhất tề nổi dậy diệt tề, đập phá trụ sở ngụy quyền, 9 xã vùng cao Sơn Hà lập ngay Ủy ban tự quản ở vùng thung lũng sông Re, các xã Sơn Kỳ, Sơn Thủy đồng bào cũng chiếm trụ sở ngụy quyền, rào làng chiến đấu, chuẩn bị đánh địch càn quét.

    Ở Minh Long, nhân dân các xã Long Quang, Long An, Long Môn thuộc vùng cao đồng loạt nổi lên diệt ác ôn, bắt dân vệ nộp súng, xóa ngụy quyền, tổ chức bố phòng chiến đấu.

    Ở Ba Tơ, các xã Ba Lê, Ba Lục, Ba Nam trước đây Mỹ - ngụy cũng không lập được chính quyền, nay đồng bào các dân tộc lập ủy ban tự quản, tổ chức canh gác, sẵn sàng chiến đấu. Các xã giáp giới vùng Trung châu như Ba Liên, Ba Lương, Ba Châu, Ba Trung đồng bào đốt trụ sở ngụy, diệt ác, lập các đội du kích. Các xã phía bắc như Ba Già, Ba Diên, Ba Tàng đã diệt và làm tan rã dân vệ, thu được 16 súng.

    Tại các vùng thấp, các nhóm vũ trang, các đội vũ trang tuyên truyền mở rộng hoạt động diệt ác, trừ gian, đánh chiếm các trụ sở ngụy quyền, phá kìm kẹp. Ở các xã Sơn Hà, Sơn Thành, Sơn Ninh, Trường Giang, các ủy ban tự quản được bí mật thành lập trước đây, nay công khai hoạt động.

    Như vậy trong 1 tuần lễ, nhân dân 3 huyện Sơn Hà, Ba Tơ, và Minh Long đã giành quyền làm chủ vùng cao Sơn Hà và 20 xã của 2 huyện Ba Tơ và Minh Long.

    Địch tập trung hơn 1 vạn quân mở cuộc hành quân lớn hòng dập tắt phong trào nổi dậy của đồng bào miền Tây Quảng Ngãi, chốt lại các đồn bót đã mất, nhưng bị tiêu hao nặng. Những cái chết khủng khiếp bất ngờ vì tên nỏ, hầm chông, đá lăn của đồng bào và chiến sĩ ta càng làm chúng kinh hoàng hơn sau 1 tháng càn quét. Tháng 10/1959, quân địch phải rút bỏ đồn Long Ngại (Minh Long) và các đồn Eo Heo, Eo Chim, chấm dứt cuộc hành quân.

    Georges Chofard đã viết trong cuốn Hai cuộc chiến tranh Việt Nam từ Valluy đến Westmoreland: “Sau khi bề ngoài chịu khuất phục, dân tộc Cor chính lại là những người đầu tiên đứng lên làm loạn. Họ đã tàn sát cả một đồn binh quốc gia trong quận Trà Bồng và cướp đoạt 54 súng. Sôi sục trước tấm gương của dân tộc Cor, một cuộc chiến tranh thật sự đã diễn ra giữa dân tộc Thượng và lính của Diệm...”.

    Tháng 4/1960, Liên khu ủy Khu 5 họp hội nghị quyết định đẩy mạnh phát động quần chúng xây dựng lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh, khu, khẩn trương xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ địa vững chắc. Ban Quân sự trực thuộc Liên khu ủy được thành lập gồm các đồng chí Huỳnh Hữu Anh (Quang), Lê Đình Lệ (Trực), Đoàn Y Thanh (Sự) do đồng chí Võ Chí Công là Trưởng ban. Cuối tháng 6/1960, toàn khu tổ chức được 12 đội đặc công và 2 đại đội bộ binh. Liên tỉnh 3 có 2 đại đội tập trung. Quảng Nam có 1 đại đội đặc công. Quảng Ngãi 3 đại đội. Các tỉnh khác 1 đại đội hoặc tương đương. Lâm Đồng, Tuyên Đức mỗi nơi 1 đội công tác vũ trang. Các đơn vị lực lượng vũ trang vừa thành lập đã đẩy mạnh tấn công địch ở khắp nơi, kết hợp nhịp nhàng với phong trào Đồng khởi của toàn miền Nam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #21 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2022, 03:54:48 pm »

***


    Đồng khởi ở đồng bằng Nam Bộ và chiến thắng Tua Hai

    Tháng 02/1959, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Trung ương ủy viên, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã nhận được điện của Ban Bí thư Trung ương về nội dung cơ bản của Hội nghị Trung ương 15.

    Tháng 9/1959, đoàn đại biểu Xứ ủy Nam Bộ do đồng chí Hai Văn (Phan Văn Đáng) dẫn đầu tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 15 về đến Nam Bộ.

    Sau Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 11/1959, tin “Trung ương cho khởi nghĩa giành chính quyền” được cán bộ chuyển nhanh về địa phương. Một luồng gió mới thổi về mọi thôn xóm, buôn làng khắp Nam Bộ. Cán bộ nói với nhau: “Đã quá rồi các đồng chí ơi”. Dân hỏi cán bộ: “Có thiệt cho đánh không?” - “Thiệt!”. Dân nhảy cẫng lên vì sung sướng. Có người nói: “Chẻ cả vạt giường ra mà đánh bọn Mỹ - Diệm”. Thấy cán bộ mang súng công khai, không còn giấu trong mo cau như trước, đồng bào hồ hởi loan tin cho nhau: “An rồi, an đến nơi rồi bà con ơi”.

    Tại căn cứ Bắc Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Xứ ủy triệu tập đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến từ căn cứ Đông Bắc miền Đông về giao nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang miền Đông phải đánh thắng một trận thật thối động để hỗ trợ cho đồng bào toàn miền Nam đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền ở nông thôn và rừng núi. Đồng chí Tám Xuyến đề đạt với Bí thư Xứ ủy 2 phương án:

    1) Tiến công từ 1 đến 2 quận lỵ, từ 4 đến 5 cứ điểm. Các lực lượng vũ trang đủ sức đảm nhiệm.

    2) Đánh căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) một căn cứ lớn, quân địch đông, nếu thắng ta sẽ lấy được nhiều súng đạn để trang bị cho mình. Ta đang có điều kiện và nắm chắc tình hình, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

    Đồng chí Bí thư Xứ ủy chấp thuận phương án thứ 2, động viên các lực lượng vũ trang chuẩn bị chu đáo, đánh chắc thắng làm đòn xeo cho cao trào nổi dậy của quần chúng.

    Tua Hai, thời kháng chiến chống Pháp chỉ là một tháp canh, thời Mỹ - ngụy trở thành căn cứ của Sư đoàn số 13 gồm 2 trung đoàn, trong đó 1 trung đoàn toàn lính mới. Căn cứ hình vuông mỗi cạnh 500m có thành bao bọc 2m, 24 tháp canh cao bao quanh.

    Tua Hai là nơi cơ sở nội tuyến của ta trong quân ngụy được phát triển mạnh. Hơn 100 đảng viên, cán bộ, bộ đội, du kích cũ được gài vào Trung đoàn 32, tổ chức thành 1 chi bộ mật do 1 huyện ủy viên ở ngoài trực tiếp chỉ đạo. Đầu năm 1959, chi bộ đã nhiều lần xin được binh biến khởi nghĩa, nhưng chưa đến thời cơ, Đảng chỉ đạo bình tĩnh phát triển tổ chức chờ lệnh. Tháng 6/1959, chi bộ họp bí mật ở Bờ Giếng bị bọn thám báo đánh hơi. Địch tiến hành bắt hàng loạt 120 đảng viên và cơ sở. 9 người bị đưa ra tòa và đày đi Côn Đảo. Địch phân tán lính trong trung đoàn đi nhiều đơn vị khác.

    Tỉnh ủy phái 1 tỉnh ủy viên và bí mật tổ chức củng cố lại cơ sở, 3 tháng sau đã móc nối và xây dựng được chi bộ, phát triển đảng viên mới, xâu chuỗi nhiều quần chúng tích cực chuẩn bị cho trận đánh lớn. Nội tuyến được giao nhiệm vụ nắm tình hình địch, đưa trinh sát và đặc công vào ém trước trong căn cứ.

    Lực lượng tham gia trận đánh có C59, C60, C70, C80A, C80B đặc công của R và B30 của Tây Ninh.

    Công binh xưởng tại Trảng Chiên đã sản xuất hàng trăm trái pêta loại lớn 4,5kg, loại nhỏ 1,2kg phục vụ trận đánh.

    Ngày nổ súng được quy định vào dịp Tết Nguyên đán tạo thế bất ngờ và cũng mở màn cho đồng loạt khởi nghĩa của toàn Nam Bộ.

    Đêm 27 Tết tức là 25/01/1960 trận đánh được triển khai vào 20 giờ 30. Chỉ huy trưởng là đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến. Đồng chí Lê Thanh trực tiếp đi vào cánh chủ công ở hướng đông. Các đồng chí Sáu Thịnh, Bảy Tâm, Vinh đi 3 cánh khác. Chính ủy của trận đánh là đồng chí Mai Chí Thọ.

    Sắp đến giờ nổ súng bỗng xảy ra một tình huống ngoài dự kiến: Một đoàn mấy chục xe vận tải quân sự chở đầy lính từ thị xã Tây Ninh đến ngừng ngay ở căn cứ Tua Hai. Sau đó đoàn xe tiếp tục đi về phía bắc. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến phán đoán kế hoạch chưa bị lộ và vẫn giữ vững quyết tâm tấn công căn cứ.

    Đại đội đặc công 60 do Đại đội trưởng Vinh chỉ huy chia thành nhiều tổ được trang bị 70 trái pêta lớn, đồng loạt tấn công vào sở chỉ huy, nhà sĩ quan, trận địa pháo, khu thiết giáp, nhà lính. Tiếp theo xung kích tiến vào, vừa nổ súng vừa gọi hàng. Tên Trung đoàn phó và đơn vị bảo vệ Ban Chỉ huy Trung đoàn 32 bị diệt ngay từ đầu. Tên Trung đoàn trưởng vắng trại nên thoát chết. Bị đánh bất ngờ, địch chạy hoảng loạn. Nhiều tên tung áo trắng xin hàng. Một số khá lớn liều mạng vượt bờ thành chạy thoát thân. Sau khi thấy lực lượng ta ít, một số tên ngoan cố chống trả. Chiến sĩ ta xông vào các kho súng, lấy đại liên của địch để bắn địch.

    Trận đánh kết thúc vào lúc nửa đêm. 700 tên địch bị giết và bị thương, trong đó có tên đại tá là chỉ huy phó căn cứ. Ta bắt sống 500 tên, giáo dục, thả tại chỗ, chiếm 3 kho đầy súng và 4 kho đầy đạn. Ta hy sinh 25 đồng chí. Dân công, chiến sĩ, cán bộ bộ binh, trợ chiến đều vác súng đạn chiến lợi phẩm, dùng cả xe quân sự của địch vận chuyển vũ khí về căn cứ. Dọc đường đụng tao ngộ chiến, địch lấy lại mất một số. Ngày 27/01/1960, về đến Trà Vông, vũ khí còn được 1.600 khẩu, chưa tính số súng du kích và bộ đội ngoài khu lượm.

    Ngay trong đêm 25/01 khi Tua Hai bị quân ta đánh chiếm, quân địch ở các đồn Hảo Đước, xóm Vịnh nghe tin hoảng sợ bỏ đồn tháo chạy. Sáng hôm sau một loạt đồn bót đóng dọc đường 22 từ Tây Ninh lên biên giới, các tỉnh lộ 13, 14, các lộ ủi Cần Đăng, Đồng Ban thuộc Tây Ninh và Đôn Thuận, Trảng Bàng cũng rút sạch. Huyện Châu Thành vừa kết hợp nội ứng vừa huy động quần chúng cướp bót Hòa Hiệp; huyện Trảng Bàng chiếm bót Cầu Ván. Ở mạn Bắc Tây Ninh có 7 xã ta vũ trang khởi nghĩa giải phóng 6 xã, ở phía đông Tây Ninh ta giải phóng Phan, Suối Đá, Cầu Khởi, Lộc Ninh, suối Ông Hùng. Phía tây giải phóng Long Chữ, Long Giang, Long Phước, Phước Chỉ, Phước Lưu, Bình Thạnh... Phía nam giải phóng Thạnh Phước, Phước Thạnh, Cầu Sắt, suối Bà Tươi, Lộc Hưng, phần lớn Gia Lộc, An Tịnh.

    Ở Dương Minh Châu, trong đơn vị vũ trang tham gia Tua Hai có 10 đồng chí khi trở về huyện hoạt động ngay, bắt 3 trưởng ấp mở tòa xét xử công khai tại Bàu Chòi, tử hình tên ác ôn nhất, thả 2 tên còn lại. Lực lượng vũ trang huyện phối hợp nội tuyến đánh chiếm đồn Phan, Bình Linh, Chà Là, Quy Thiện...

    Ở Thanh Điền, ngày mùng 7 Tết, lực lượng vũ trang chiếm bót Hãng Đường và nhà Vuông. Địch ở bót “Ôcônen” bị đồng bào hù dọa bỏ bót tháo chạy.

    Chiến thắng Tua Hai làm kẻ thù choáng váng. Bọn chỉ huy hoảng hốt cho rằng “quân chính quy Bắc Việt đã tràn vào”.

    Chiến thắng Tua Hai mở màn thắng lợi cho cuộc nổi dậy đồng loạt ở miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Đến tháng 7/1960, Tây Ninh đã giải phóng hoàn toàn 21 xã, giải phóng cơ bản 19 xã, lập thêm 3 xã mới, chiếm 2/3 tổng số xã toàn tỉnh.

    Ở Long An, đến 27 Tết cũng đồng loạt nổi dậy bằng trận mở đầu của Trung đội 231 thuộc D5D6 có 3 nội tuyến phối hợp, bức hàng đồn Đức Lập thu toàn bộ vũ khí, đạn dược. Du kích xã Mỹ Hạnh tập kích lấy bót. Bộ đội đánh trận Gò Xoài, kéo quân công khai biểu dương lực lượng hỗ trợ quần chúng truy lùng trừng trị bọn tề điệp ác ôn. Trận Bà Vụ đánh tên quận trưởng Quả Sơn và quân dù tiếp viện ở Cầu Xáng diệt 20 tên, kỳ tập diệt đồn Rạch Chanh. Trận Tân Bửu bộ đội dùng xe đò xông vào lấy đồn. Ở nam lộ 4, bộ đội dùng mưu lấy bót thu 12 súng trường và 1 tiểu liên. Ba ngày sau chiếm đồn Hưng Long bắt 30 tên, thu 24 súng đúng vào mùng 1 Tết. Tên quận trưởng Cần Đước phải báo cáo về trên: “Trong dịp Tết, 90 trong 117 trưởng ấp không còn làm việc”. Tháng 6/1960, bộ đội Long An lại diệt gọn 1 đại đội địch, chiếm dinh quận và thị trấn Đức Hòa trong 1 ngày.

    Ở Biên Hòa, bộ đội thực hiện “diệt 1, làm rã 10”, trừng trị 1 tên ác ôn, 10 tên tề khác thôi việc, không dám làm cho giặc. Ở Dĩ An, 40 thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang được trang bị 1 tiểu liên, 2 súng ngắn, còn lại là dao rựa; đơn vị vừa mới thành lập đã ra quân tấn công đồn dân vệ Bình Trị Đông. Sau 5 phút chiến đấu đã chiếm đồn thu được 1 tiểu liên, 5 súng trường. Tại rừng Cò Mi địch truy kích, anh em đánh trả quyết liệt, hy sinh 1 thanh niên mới nhập ngũ. Anh em làm lễ truy điệu và phát biểu “đánh giặc là chấp nhận có hy sinh - thà hy sinh chớ nhất định không chịu làm nô lệ”.

    Ở Thủ Dầu Một, các lực lượng vũ trang đã tấn công quân địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy trên các đường 13, 14, 8, dọc hai bờ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Huyện Bến Cát, địch có 6 ban tề xã ta giải tán cả 6. Châu Thành có 17 ban tề xã thì phá rã 11. Đến tháng 02/1960 toàn tỉnh đã giải phóng 25 trong 60 xã của tỉnh và 19 làng của sở cao su ở Dầu Tiếng, Bến Cát, Ninh Hòa, Ninh Thạnh.

    Ở Bà Rịa, đêm 02/3/1960 bộ đội 40 do đồng chí Sáu Thịnh chỉ huy đột phá vào Bình Ba diệt một lúc 3 đồn địch, làm phát pháo lệnh cho nhân dân trong tỉnh nổi dậy. Súng lấy được ở Bình Ba phát về cho các huyện và cơ sở cao su, mỗi nơi một khẩu.

    Ở Đồng Tháp Mười, với lực lượng vũ trang đã hình thành từ sớm, phong trào nổi dậy của đồng bào phát triển khá mạnh, nhất là ở các vùng căn cứ cũ trong kháng chiến chống Pháp.

    Trong lúc Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 502 đang họp trên một nhà sàn ở kênh Lung Đông, nhân mùa nước nổi, địch dùng xuồng đánh úp vào giữa trưa. Cả Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm các đồng chí Thái Hoàng Ân (Nguyễn Tường Can) - Tiểu đoàn trưởng, Đặng Tâm Quảng - Chính trị viên và Tư Sâm - Tiểu đoàn phó đều bị địch bắt. Địch dẫn các đồng chí sang Vàm Cỏ Tây. Giữa đường đồng chí Tư Sâm, mặc dầu đang bị trói, bất ngờ nhảy xuống nước trốn thoát. Tiểu đoàn mất Ban Chỉ huy, phải rút về bưng sông, bị địch bỏ bom, lại rút lên trên biên giới củng cố. Đồng chí Tám Dần được khu điều về làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Sáu Chung làm Chính trị viên.

    Ngày 25/4/1959, cũng vào mùa nước lớn, Tiểu đoàn 502 được tập trung học tinh thần của Hội nghị Trung ương 15, tập luyện chiến đấu trên giồng Thị Đam, xã Tân Hội Cơ, huyện Hồng Ngự. Ai cũng nóng lòng nhanh chóng bước vào cuộc chiến hỗ trợ quần chúng khởi nghĩa đổi đời.

    Địch nắm được tình hình tiểu đoàn đang huấn luyện, lại lợi dụng mùa nước nổi, địch lập lại sự kiện kênh Lung Đông. Lần này địch sử dụng Tiểu đoàn 3 trung đoàn đặc nhiệm gồm toàn người hùng, chỉ có một ít là lính mới.

    Trinh sát tiểu đoàn báo cáo địch vào 9 xuồng, sau đó 70 xuồng và ngày càng áp sát vào giồng, cuối cùng đến 83 xuồng đầy lính.

    Ta có 42 chiến sĩ với 13 xuồng, trang bị chỉ có 2 trung liên và một số súng trường cũ, đạn cũ nhồi lại. Mặc dù địch đông, ta ít người, vũ khí kém hơn địch, Tiểu đoàn trưởng Tám Dần vẫn ra lệnh “chống xuồng, tiến công ngay trên mặt nước không để địch đổ bộ”, vì tin ở chiến sĩ ta thạo nghề sông nước, từ lâu căm thù địch, được ra quân như mở cờ trong bụng. Cuộc chiến đấu bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng.

    Xuồng địch đông, nhưng bơi bằng dầm đi chậm, hai tay bơi xuồng không sử dụng được súng, khi sử dụng súng thì không bơi được. Lính địch phần lớn là dân rừng núi, không quen sông nước, chiến đấu trên xuồng rất lúng túng. Chiến sĩ ta chống xuồng băng băng lướt tới cho đồng đội nổ súng vào đội hình địch. Hai trung liên ta nổ giòn. Những loạt đạn đầu bắn chìm ngay một số xuồng địch. Sau đó ta xông thẳng vào đội hình chúng làm giặc hoảng hốt, xuồng va vào nhau mà chìm. Ta bắn chìm hết những chiếc lớn còn lại.

    Phía trước giồng Thị Đam là bưng sâu nên địch bị bắn chết thì ít - mà bị chết đuối thì nhiều. Ta vớt lên bắt sống 105 tên trong đó có tên đại úy tiểu đoàn trưởng, 4 trung úy, 6 thiếu úy. Ta thu 11 trung liên Mỹ, 2 khẩu súng cối cá nhân, 15 tiểu liên, 45 súng trường tự động, còn lại là cạcbin, tổng cộng 165 súng, 11 máy thông tin và toàn bộ 83 chiếc xuồng. Cả tiểu đoàn thiện chiến của địch bị ta tiêu diệt gọn trong vòng 40 phút.

    Diệt tiểu đoàn địch xong, đơn vị ta chuyển sang gò Quản Cung. Tù binh cũng được đưa về đây, không kịp trói vì không có dây. Ta chỉ có 1 chiến sĩ một mình với dao găm giữ 105 tù binh ngồi xếp hàng trên gò, người ướt như chuột lột.

    Ta vừa đặt chân đến gò Quản Cung, 11 giờ trưa, một tiểu đoàn khác của địch không biết số phận của đồng đội chúng bị diệt, lại mò đến gò nổi nơi ta chiếm lĩnh. Với súng đạn mới lấy được của địch ta đặt 11 khẩu trung liên của Mỹ trên gò cao, chờ địch vào 500 - 300m, khi xuồng đi đầu của địch cách gò 150m, mới đồng loạt nổ súng. Địch chết và bị thương một số lớn, nhưng nhờ ở đây nước nông, chúng thoái lui về gò Bổ Túc vừa chống trả vừa tháo chạy. Trong cả hai trận đánh ta hy sinh 1 đồng chí và 4 đồng chí bị thương. Ngoài số súng thu tại trận, sau này nước rút còn thu thêm cả trăm khẩu nữa.

    Chiến thắng giồng Thị Đam - gò Quản Cung giành thắng lợi vượt quá mong muốn của ta và làm cho địch rất kinh hoàng. Chiến thắng này đã cổ vũ rất lớn cho phong trào đồng loạt khởi nghĩa ở đồng bằng sông Cửu Long. Số tù binh được thả đã gây ảnh hưởng lớn: “Việt cộng bắn giỏi quá, chống xuồng nhanh như tên bắn, Việt cộng rất nhân đạo...”.

    Bảy ngày sau trận Thị Đam, 1 đại đội của Tiểu đoàn 502 lại đánh một tiểu đoàn của Sư đoàn 23 ngụy đi càn quét, giết và làm bị thương 60 tên, bắt sống 3 tù binh thu nhiều súng, có 2 trung liên.

    Đêm 20/11/1959, 3 đại đội của Tiểu đoàn 502 chia làm 3 mũi đột nhập Phong Mỹ (Cao Lãnh), chiếm đồn Cầu Sắt (Vàm Xáng) diệt 2 đồn dân vệ, bắt xuồng máy của cảnh sát, phát động quần chúng toàn xã lùng bắt tề điệp ác ôn. Toàn xã Phong Mỹ vùng dậy, lập tòa xét xử tại chỗ 2 tên ác ôn khét tiếng.

    Đầu tháng 12/1959, Liên tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ họp hội nghị triển khai Nghị quyết 15. Để giúp cho các tỉnh trong khu có thêm vũ trang, tỉnh Kiến Phong tăng cường cho Định Tường 1 trung đội, An Giang 1 trung đội và cho Bến Tre 20 súng, trong đó có 2 trung liên.

    Đêm 14/12/1959, đơn vị vũ trang của huyện Mỹ An cùng quân dân nổi dậy chiếm đồn Vĩnh Huê kết hợp nội ứng bắt tề, giải phóng hoàn toàn xã Thanh Mỹ. Thực tiễn nổi dậy ở Thanh Mỹ đã thành kinh nghiệm khởi nghĩa cho đồng bằng sông Cửu Long.

    Ngày 26/01/1960, 1 đại đội và 1 tiểu đội đặc công của Tiểu đoàn 502 đánh sập ngọn tháp 10 tầng dùng làm đài quan sát của địch ở Đồng Tháp. Sau đó phát huy thắng lợi, giải phóng hoàn toàn xã Bình Thạnh, đánh địch ở Long Hưng, Lấp Vò, giồng Ông Tố, Thường Thới, Bảy Thua...

    Đến cuối tháng 3/1960, Kiến Phong đã diệt hàng trăm tên địch, diệt và bức rút hàng chục đồn bót, trụ sở tề, bắt giáo dục hàng ngàn sĩ quan, binh sĩ và nhân viên tề ngụy, thu hàng ngàn súng, giải phóng hoàn toàn 4 xã.

    Ở Bến Tre, đêm 30/12/1959, sau khi đi tiếp thu Nghị quyết 15 ở Khu ủy Khu 8 (Liên tỉnh ủy miền Trung) về, chị Nguyễn Thị Định - Phó Bí thư Tỉnh ủy chưa liên lạc được toàn bộ Tỉnh ủy do bị trắc trở vì địch chia cắt, thời gian lại gấp, nên vẫn tổ chức hội nghị trù bị tại ấp Tân Huề, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày. Tỉnh ủy viên có các đồng chí Hai Thủy, Bảy Hiền và Ba Đào, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, đại biểu cho các huyện có Ba Cầu, Sáu Huấn, Hai Chiến, Bảy Tranh... Hội nghị chủ trương phát động 1 tuần lễ đồng khởi, cù lao Minh làm trước, sang cù lao Bảo rồi lan ra toàn tỉnh, lấy huyện Mỏ Cày làm trọng điểm. Tỉnh chưa có lực lượng vũ trang nên mượn danh Tiểu đoàn 502 uy hiếp địch hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy. Trước giờ hành động 2 ngày, đồng chí Nguyễn Văn Tranh - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày bị địch bắt, trong người còn mang con dấu Tiểu đoàn 502. Giặc tra tấn dã man, đồng chí một mực không khai ý đồ đồng khởi, mặt khác làm cho quân thù hoảng sợ cho rằng Tiểu đoàn 502 đã về đến Bến Tre.

    Hội nghị trù bị Tỉnh ủy đã đề ra khẩu hiệu hành động: “Đánh, phải đánh tới tấp. Phát triển, phải phát triển lực lượng hết khả năng. Khi sóng gió nổi lên mạnh dạn căng buồm lướt tới...”.

    Ta lập kế điều tổng đoàn dân vệ khét tiếng tàn ác do đội Tý chỉ huy về xã Định Thủy chi viện cho tiểu đội dân vệ xã nhằm tiêu diệt lớn, tạo tiếng vang mở đầu Đồng khởi.

    Sáng ngày 17/01/1960, một tổ hành động do đồng chí Bảy Thống chỉ huy giả vờ đi tảo mộ, vào quán bất ngờ ôm vật và giết được tên đội Tý, bắt sống tên lính bảo vệ. Địch toan chống trả nhưng được tin đội Tý chỉ huy đã bị ta giết, một số tên bỏ trốn, số còn lại đầu hàng. Ta thu được 8 súng và nhiều lựu đạn, đạn các loại. Trong lúc đó tổ hành động thứ hai do đồng chí Tư On chỉ huy phối hợp nội tuyến là cảnh sát Huề, lấy đồn dân vệ Vàm Nước Trong, thu 15 súng, 10 lựu đạn và 1.000 viên đạn. Lúc tiếng súng diệt địch nổ, nhân dân Định Thủy ào ạt xuống đường, vũ trang giáo mác, trương cờ, đi lùng sục bọn tề và phá tan mọi tổ chức kìm kẹp của địch. Chiều 17/01, nhân dân khởi nghĩa hoàn toàn làm chủ xã Định Thủy. Ban Lãnh đạo khởi nghĩa của tỉnh tổ chức ngay cuộc míttinh có hàng ngàn người ở xã Định Thủy và cả xã Hòa Lộc sang dự. Cờ xanh sao đỏ (cờ khởi nghĩa của tỉnh) tung bay giữa rừng người và lửa sáng rực trời. Quân lệnh của Tiểu đoàn 502, của Tiểu đoàn trưởng Lê Thiết Hùng (mượn danh của tướng Lê Thiết Hùng ở miền Bắc để hù dọa địch là quân đội ngoài Bắc đã tràn về) truyền vang: “Anh em binh sĩ, sĩ quan dù có tội đến đâu mà biết hối cải đều được khoan hồng, nếu mang súng về với nhân dân sẽ được khen thưởng thích đáng. Tề, xã, ấp, liên gia trưởng, công an, chỉ điểm đi trả chức vụ thú tội với nhân dân sẽ được khoan hồng. Ai trái lệnh sẽ bị nhân dân trừng trị. Địa chủ nào dựa vào chính quyền Mỹ - Diệm giựt đất tăng tô nay trả lại cho nông dân thì được tha tội”. Ngay đêm 17/01 tổ chức được 4 tiểu đội vũ trang, trang bị súng đầy đủ. Súng mẹ đẻ súng con, lực lượng vũ trang Bến Tre nhanh chóng được xây dựng và phát triển, không còn mang danh Tiểu đoàn 502 nữa mà đã tự mình chiến đấu đánh bại địch với sự phối hợp của hàng vạn đồng bào. Trong 7 ngày đồng khởi cao điểm 1, Bến Tre diệt trên 200 tên địch, thu thêm trên 100 súng, bức hàng, bức rút 27 đồn bót, giải phóng 17 xã. Ngày 19/01/1960, Tỉnh ủy thành lập trung đội vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh là C260 và tiểu đội bảo vệ. Tháng 02/1960, Tỉnh ủy thành lập trung đội tập trung thứ hai C264.

    Minh Hải là tỉnh tận cùng Tổ quốc. Tháng 10/1954 tại rừng U Minh, Xứ ủy được thành lập do đồng chí Lê Duẩn được Trung ương chỉ định làm Bí thư. Lúc đó Minh Hải là tỉnh Bạc Liêu. Tháng 8/1955, được sự đồng ý của đồng chí Lê Duẩn, Tỉnh ủy đã bắt đầu xây dựng giải phóng quân bí mật để tự vệ. Hai lớp huấn luyện quân sự được mở do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến phụ trách, mỗi lớp từ 12 đến 13 cán bộ để làm khung đơn vị. Học viên là cán bộ quân sự được bố trí ở lại và được lựa chọn. Giải phóng quân được ngụy trang là “đội bảo vệ hòa bình” tổ chức theo tổ 3 người, 3 tổ thành 1 tiểu đội. Trong một thời gian ngắn 4 đại đội được xây dựng tại 4 huyện Giá Rai, Ngọc Hiển, An Biên và Trần Văn Thời (sông Ông Đốc). Đến giữa năm 1956 cả tỉnh đã có 14 đại đội giải phóng quân ở khắp các huyện. Thực hiện chủ trương binh vận của Xứ ủy, từ đầu năm 1955 Tỉnh ủy cũng đã đưa vào hàng ngũ địch 140 trong số 260 cán bộ quân sự để ở lại. Do đó nắm được phần lớn lực lượng cảnh vệ của địch, có cơ sở trong 4 tàu địch. Tổ chức được 10 chi bộ mật trong quân ngụy.

    Cuối năm 1955 khi Ngô Đình Diệm tấn công lực lượng vũ trang giáo phái, Trung đoàn Nguyễn Huệ thuộc lực lượng của Ba Cụt kéo vào Rạch Giá, Bạc Liêu. Ta đưa cán bộ vào làm cố vấn, đã đánh quân Diệm 2 trận, riêng trận Cây Bàng (xã Nguyễn Phích) diệt 150 tên, bắt sống 40 tên, thu 120 súng. Tháng 8/1956, Ba Cụt bị Diệm chặt đầu, lực lượng tan rã, một số binh sĩ Hòa Hảo trao súng lại cho chiến sĩ ta hoặc để lại trong dân. Có 1 trung đội Hòa Hảo do ta chỉ huy ở lại chống Diệm. Ngoài ra ta tổ chức lực lượng lấy danh nghĩa Hòa Hảo ly khai chống Diệm.

    Từ đầu năm 1957 thanh niên nhiều xã đã lập thành từng nhóm, từng tổ tự vệ vũ trang. Không chịu được cảnh khủng bố, tàn sát của địch, hàng vạn dân bất hợp tác với Diệm kéo vào rừng U Minh Thượng, Hạ, tổ chức “làng rừng” để tránh giặc, đánh trả giặc. Có đến 15 làng rừng với trên 20.000 dân tương trợ nhau đánh cá, săn thú, chăn nuôi, trồng trọt, dựng trường học, hoạt động văn hóa, sống theo đời sống mới tự quản, xưng là “xã hội chủ nghĩa”. Các đội du kích được tổ chức để canh gác chống giặc. Phòng tuyến chặn địch bố trí thành nhiều lớp. Địch chưa vào được làng rừng, dùng bom ném nhưng không trúng. Làng rừng trở thành căn cứ cho cán bộ, lực lượng vũ trang, làm bàn đạp hoạt động ra vùng dân cư đông đúc. Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ năm 1958 bộ đội Đinh Tiên Hoàng và Ngô Văn Sở ra mắt nhân dân, hành quân trên kênh rạch khống chế đồn bót địch, diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng.

    Tháng 7/1959, ở 2 xã Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây huyện Trần Văn Thời (sông Ông Đốc) có Đại đội 2 Đinh Tiên Hoàng hỗ trợ nhân dân tranh thủ dân vệ, bắt cường hào ác bá, giải tán bọn “bảo vệ hương thôn” làm chủ xóm làng. Lúc này lực lượng vũ trang của tỉnh đã có 2 tiểu đoàn tập trung trên 800 quân và có nhiều cơ sở trong lòng địch.

    Tháng 10/1959, quán triệt Nghị quyết 15, Tỉnh ủy ra lời kêu gọi toàn dân khởi nghĩa: “...Đồng bào chiến sĩ hãy đứng lên. Có súng ta cầm súng, có dao ta cầm dao, có gì ta cầm nấy, quyết giết hết tụi gian ác...”.

    Đồn Cà Kao (Năm Căn) cán bộ ta vận động cả trung đội địch diệt chỉ huy, đốt đồn, mang toàn bộ súng đạn về với nhân dân.

    Đồn Chà Là (Cái Nước) kết hợp trong, ngoài do 1 huyện ủy viên chỉ huy, đốt đồn, cả trung đội trở về với nhân dân. Các làng rừng xuất quân tiến về làng cũ bao vây truy quét địch.

    Tháng 11/1959, Đại đội 1 và Đại đội 2 Đinh Tiên Hoàng kỳ tập kết hợp nội ứng diệt đồn quận lỵ sông Đốc, thu nhiều vũ khí.

    Tháng 12/1959, Tiểu đoàn Ngô Văn Sở đánh chi khu Đầm Dơi. Du kích bao vây tiến công chi khu Bình Hưng (tức khu Hải Yến, là bọn nổi tiếng ăn thịt người) diệt nhiều địch, bắt sống 4 tên, thu 43 súng.

    Ở Ngọc Hiển quần chúng khởi nghĩa uy hiếp bao vây đồn Tâm Đức 7 ngày liền buộc địch đầu hàng, bắt 15 tên, thu 15 súng.

    Được chỉ thị của Tỉnh ủy, Đại đội Ngô Văn Sở vượt 20km đường biển tấn công diệt gọn 1 trung đội địch ở Hòn Khoai hỗ trợ quần chúng khởi nghĩa thắng lợi trên đảo.

    Tháng 02/1960, Khu đã thành lập Tiểu đoàn tập trung đầu tiên mang phiên hiệu 306. Sau đó các đại đội Ngô Văn Sở, Đinh Tiên Hoàng đã đánh địch thắng lợi ở Bến Dựa, sông Ông Đốc, Khánh Bình Đông, Cái Tàu...

    Phối hợp với phong trào đấu tranh chính trị đang dâng lên mạnh mẽ ở khắp nơi, nội thành Sài Gòn cũng đã tổ chức các tổ vũ trang đầu tiên vào năm 1960 do đồng chí Lê Tấn Phong và Lê Tấn Quốc chỉ huy. Các quận huyện cũng đã tổ chức đơn vị vũ trang cấp tiểu đội, trung đội mang danh hiệu tiểu đoàn như D504 ở Thủ Đức, D301 Bình Tân, C305 ở Củ Chi. Toàn thành phố tổ chức 1 đơn vị tập trung mang danh hiệu C13. Ngày 25/12/1960 tổ biệt động đã ra quân đánh Mỹ trận đầu tiên ở ngã ba Chú Ía (Gò Vấp).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #22 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2022, 03:56:08 pm »

III- ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN, ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

    Trong khi miền Nam bước vào cao trào “Đồng khởi”, nhằm xây dựng con đường tiếp tế người, vũ khí và nối thông liên lạc giữa Trung ương với Khu 5 và Nam Bộ, Trung ương đã chỉ thị tổ chức con đường mòn bí mật xuyên Trường Sơn và băng qua đường 9 ở Quảng Trị. Con đường ra đời vào tháng 5/1959, nên đặt tên đường là 559, sau này lớn mạnh nhanh chóng, báo chí thế giới gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh” nổi tiếng. Lúc đó đường chỉ tới được Khu 5. Còn về tới Nam Bộ thì cần một thời gian nữa. Do yêu cầu đưa cán bộ quân sự tập kết về sớm đóng góp xây dựng quân giải phóng nên Trung ương đã tổ chức 1 đoàn cán bộ xoi đường về Nam, đồng thời điện cho Xứ ủy cử các đoàn vũ trang tiến lên bắt liên lạc với đoàn của Trung ương. Đoàn từ miền Bắc xoi đường vào Nam Bộ được mang ký hiệu B60 gồm 32 cán bộ chiến sĩ đủ các thành phần: Nam Bộ, Khu 5, Kinh, Thượng, đông anh em Ê Đê, H’Mông, Chơ Ro do đồng chí Đại úy Phạm Lạc làm Trưởng đoàn, Lê Ngọc Sanh - Đại úy, làm Đoàn phó, Nguyễn Văn Phước làm Bí thư Chi bộ. Ngày 01/6/1959 đoàn xuất phát từ Hà Nội, băng rừng, lội suối, chịu đói, chịu khát, có lúc phải dừng lại làm rẫy để có cái ăn đi tiếp. Phải đến đầu tháng 10/1960 mới gặp được đoàn của miền Đông Nam Bộ ra đón tại khu vực rừng Quảng Đức. Sau đó đoàn trở lùi đón B500, ký hiệu đặt cho đoàn 25 cán bộ quân sự tập kết trở về đầu tiên do Trung tá Tăng Thiên Kim (Tư Chương) chỉ huy - về căn cứ của Miền.

    Được điện của Trung ương, Xứ ủy và Khu ủy miền Đông Nam Bộ đã cử 2 đoàn vũ trang tuyên truyền và xoi đường ra Nam Tây Nguyên đón các đoàn từ Trung ương vào:

    - Hai trung đội vũ trang của Xứ và tỉnh Phước Long do đồng chí Lâm Quốc Đăng và Phạm Văn Thuận chỉ huy. Một trung đội từ Mã Đà lên Bù Đăng, Phước Long vượt đường 14 lên Phú Riềng, qua Bù Nho Nhỏ và Bù Nho Lớn, ngược sông Bé lên Bù Đốp, Đa Kia. Một trung đội lên sóc Bom Bo qua Bù Gia Mập, Bù Gia Phúc lên Bù Đăng. Các đơn vị trên xoi đường đến đâu xây dựng cơ sở đến đó, vận động nhân dân làm rẫy tích trữ lương thực vào các kho dọc hành lang.

    - Đội vũ trang của miền Đông có 17 đồng chí do Nguyễn Trọng Tấn chỉ huy, xuất phát từ suối Nhung theo sông Đồng Nai lên Bù Ta Ươ ra Lâm Đồng. Đơn vị phải cắt rừng để giữ bí mật, phải đào củ mài, củ chụp ăn thay cơm. Nhưng thời gian kéo dài anh em bám dân phát động, giáo dục, xây dựng cơ sở và được đồng bào các dân tộc giúp nuôi ăn xoi đường đi đến đích, đồng thời tạo được cơ sở dọc hành lang.

    Sau bao năm tháng vất vả tìm bắt liên lạc với nhau, đêm 04/10/1960, tính ra hơn 1 năm, 2 đoàn miền Bắc gồm có đoàn xoi đường và đoàn cán bộ quân sự mới gặp được đoàn miền Nam tại bờ sông Đồng Nai Thượng thuộc tỉnh Quảng Đức.

    Từ đây đường dây liên lạc Bắc - Nam đã nối liền, mạch máu trong cơ thể thống nhất đã lưu thông, con đường mòn mang tên Bác đã hoàn thành... Và cũng từ đây, từng đoàn cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954 lại lần lượt nối tiếp nhau về Nam, tăng cường cho lực lượng vũ trang đang xây dựng tại chỗ.

    Chân trời cách mạng miền Nam đã rực sáng với những vùng rừng núi và nông thôn giải phóng rộng lớn liên hoàn. Ngày 20/12/1960, tại vùng căn cứ bắc Tây Nguyên rộng lớn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã trọng thể làm lễ ra mắt. Đại diện cho lực lượng vũ trang giải phóng dự ngày lễ trọng đại này có đồng chí Lê Thanh, cán bộ chỉ huy ở lại miền Nam, cùng số tập kết trở về đầu tiên, đại diện một số binh chủng ban đầu cũng có mặt.

    Và 3 tháng sau tại Đồng Rùm, ngày 15/02/1961, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có cuộc họp bàn về nâng đấu tranh vũ trang lên một bước ngang hàng với đấu tranh chính trị. Cuối cùng, Hội nghị quyết định lấy ngày 15/02 là ngày thành lập giải phóng quân thống nhất trên toàn miền Nam.

    Ngày “15 tháng 2” đánh dấu một chặng đường dài ngót sáu năm - “sáu năm đen tối của cách mạng miền Nam Việt Nam”. Nhưng chính trong thời kỳ đen tối ấy - thời kỳ mà quân thù đã dùng mọi phương thức phátxít đè đầu nhân dân trong máu và lửa, nhân dân miền Nam đã quật khởi, nổi dậy, chống lại để sống còn. Trong phong trào quật khởi cách mạng ấy đã lần lượt sản sinh ra những chiến sĩ vũ trang, những nhóm, những tổ, tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, giải phóng quân... Sau ngày “15 tháng 2” đã hình thành “Ban Quân sự R”, đã có Trung đoàn 1 chủ lực (khung cán bộ chỉ huy các cấp là cán bộ tập kết trở về) do anh Tư Chương làm Trung đoàn trưởng (sau này chính là Q1 - hay Q761 - cũng là trung đoàn thứ nhất, trung đoàn được mang tên “Bình Giã” của Sư đoàn 9 - Sư đoàn hai lần anh hùng - nằm trong đội hình của Quân đoàn 4, quân đoàn xuất hiện vào thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam Việt Nam). Từ vĩ tuyến 17 trở vào (Khu 5, Khu 6, Khu 7, Khu 8, Khu 9 và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) đã có vùng giải phóng, có đơn vị bộ đội vũ trang giải phóng từ 1 tiểu đoàn, 1 đại đội - ít lắm cũng là 1 trung đội - với vũ khí và biên chế đầy đủ, trình độ quân sự, trình độ chỉ huy tác chiến tương đối khá, diệt được địch, làm thối động được một địa phương, một tỉnh hay một khu vực, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của đồng bào mình. Khi con đường mòn Hồ Chí Minh - con đường nối thông từ Bắc vào Nam dọc dãy Trường Sơn đã hình thành, tuy bắt đầu chỉ là “đường mòn” thật sự, nhưng nó đã có ý nghĩa rất quyết định cho cách mạng miền Nam, đặc biệt là cho lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, mà tên gọi trong dân gian lúc bấy giờ là “Bộ đội giải phóng”.

    Ngày 15/02/1961 đánh dấu sự ra đời, hình thành quân giải phóng miền Nam Việt Nam thống nhất, đồng thời cũng đánh dấu sự thất bại thảm hại của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, sự thất bại của “cuộc chiến tranh không tuyên bố”’ của Mỹ - ngụy đối với nhân dân miền Nam (từ 1954 - 1960) buộc đế quốc Mỹ phải chuyển hướng chiến lược, tiến hành một loại chiến tranh khác, “Chiến tranh đặc biệt”, mà số phận cũng thảm hại không kém.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #23 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2022, 04:02:12 pm »

PHẦN THỨ HAI
Từ Ấp Bắc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh



I- ĐỐI MẶT VỚI “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT”


    Trận chống càn Định Thủy

    Sau ngày Đồng khởi của nhân dân tỉnh Bến Tre (17/01/1960), địch đã lập tức huy động hơn mười ngàn quân trên bộ, quân dưới sông (hồi đó chưa xuất hiện máy bay trực thăng và các máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ) bủa vây suốt 12 ngày đêm ở một lõm hẹp gồm 3 xã Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy - 3 xã điểm của cuộc Đồng khởi ngày 17/01/1960. Đây là một vùng đông dân, nhà cửa san sát, ruộng vườn liền mí, sông rạch chằng chịt, đồng trống trải, sát bên thị trấn Mỏ Cày và cũng không xa tỉnh lỵ Bến Tre là mấy, thuận lợi rất nhiều cho việc triển khai quân của chúng. Khu vực này nằm lọt thỏm giữa trục đường bộ Bến Tre - Mỏ Cày -Thạnh Phú và đường sông Hàm Luông (một nhánh của Cửu Long giang) - con sông cái rất to, rộng ngăn cách giữa cù lao Minh và cù lao Bảo của Bến Tre.

    Hơn mười ngàn quân trong một lõm hẹp, dọc ngang không quá 5-7 km, có thể nói quân của chúng giăng tay nhau để vây bắt sống số quân ít ỏi của ta cũng không khó khăn gì. Số quân ta lúc đó chỉ vẻn vẹn trên dưới 50 người, biên chế làm 3 tiểu đội, gồm những thanh niên vừa mới hôm qua đây còn là dân thường, hoặc một số rất ít là dân vệ thôn xã, cũng là tay cày tay cuốc, vừa được quy tụ lại sau đêm nổi dậy “17 tháng 01”. Tuy có được một số ít súng vừa lấy được của dân vệ liên xã, có chỉ bảo cho nhau cách lên đạn nhắm bắn và mỗi người có tập qua đôi lần để được làm “anh bộ đội”, nhưng lực lượng ta vẫn chỉ là đơn vị tân binh - với đầy đủ ý nghĩa của nó - phải đối đầu với quân nhà nghề của Diệm.

    Lần đầu tiên sau 6 năm trời gọi là “hòa bình” trong Hiệp định Giơnevơ, bỗng dưng súng đạn nổ đì đùng, xóm làng nhớn nhác, cảnh chiến tranh ập đến đột ngột - gần như không có được sự chuẩn bị từ trong lòng người dân cũng như cán bộ lãnh đạo. Thế rồi mặt này lính vô, mặt kia lính tới, chỗ nọ tàu đổ bộ, trên đường lộ lính tràn đồng, rồi máy bay đầm già quần thảo, dân từ ấp này chạy qua ấp kia, làng xóm xáo trộn, chạy giặc đụng đầu nhau, hỗn loạn. Mọi trật tự vừa được xếp đặt vài ngày trước đây khi cách mạng nổi dậy bỗng dưng rối tinh trong cảnh chiến tranh thật sự. Tin tức tới tấp, toàn là tin dữ. Bốn bề, mặt nào cũng có giặc. Chúng đánh vào đâu? Xóm nào? Ấp nào?... Người chỉ huy cuộc chiến đấu chống trận đánh phủ đầu dữ dội, từ trước chưa từng có của đối phương trong những ngày đầu nổi dậy của Bến Tre thật là tài giỏi. Đó là anh Hai Thủy - tuy những năm tháng sau này, anh đã gặp những điều không hay trong cuộc đời riêng - song, những công lao và tài trí có tính chất quyết định của anh trong những ngày đầu Bến Tre nổi dậy không thể không được nhắc đến. Lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Bến Tre tưởng như bị tiêu diệt hoàn toàn, trái lại đã tiêu diệt nhiều quân địch và thoát vây một cách tài tình, đối phương không thể nào ngờ nổi. Thương vong của trung đội vũ trang này chỉ có 2 người (1 hy sinh và 1 bị thương), một tỷ lệ rất thấp trong chiến đấu và nói lên tầm cao của chiến thắng. Anh Hai Thủy lúc ấy coi như là “tổng chỉ huy” cuộc chống càn và phá vây. Cái hay của anh là trước tình hình đó anh kiên quyết không cho lực lượng phân tán. Anh nhận định rằng số anh em bộ đội hầu hết đều là lính mới và mới làm lính cho nên nếu không có chỉ huy sát sườn thì anh em không thể nào chịu nổi cái ác liệt của trận bao vây dữ dội này. Cái hay thứ hai của anh là biết biến cuộc tản cư ngược của đồng bào thành cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt với kẻ địch buộc chúng phải nhượng bộ, rút quân. Trong trận chống càn này người chỉ huy biết vận dụng cả ba mũi giáp công cho nên vừa bảo toàn được lực lượng vũ trang non trẻ của Bến Tre, vừa diệt được khá nhiều quân địch lại vừa đẩy thế quần chúng đi lên tạo ảnh hưởng to lớn cho thế đấu tranh chính trị trong toàn tỉnh.

    Và sau đó thì lực lượng vũ trang ở tỉnh Bến Tre được phát triển gần như nhanh nhất và mạnh mẽ nhất của thời kỳ lúc bấy giờ. Điều đó nói lên rằng kẻ địch đông, mạnh, ưu thế về mọi mặt... vẫn không sao tiêu diệt nổi một nhúm bộ đội vừa mới phôi thai nhưng tinh thần cách mạng kiên cường giữa một vùng gần như trong lòng bàn tay của kẻ thù. Cái đó đang cắt nghĩa sự tồn tại của những người cầm súng giữa lòng đồng bào. Nhân dân, đồng bào chính là cái nền chính trị, giàu tinh thần cách mạng, lòng yêu nước. Kẻ thù không thể phá được cái nền móng ấy. Cái nền đó là ý chí, là lực lượng trong cuộc đương đầu với quân thù quyết liệt này.

    Vậy là, kẻ địch muốn bằng lực lượng quân sự quyết bao vây tiêu diệt một nhúm vũ trang của cách mạng nhưng không thành, ngược lại không những địch bị thương vong lớn, mà điều quan trọng hơn là đã khuấy động lên cuộc nổi dậy của quần chúng quy mô rất lớn ở Bến Tre. Sự kiện đó đã cho thấy sự thay đổi cục diện đôi bên trên toàn miền Nam. Phong trào Đồng khởi trong toàn miền Nam đã giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở nông thôn, lập nên một chính quyền dân chủ tự quản của nhân dân chống lại chính quyền độc tài gia đình trị của Diệm được Mỹ xây dựng và nuôi sống.

    Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam có đặc trưng: Mỹ không tham gia chiến đấu, chỉ làm cố vấn, dùng đôla và vũ khí Mỹ cho người Việt Nam giết lẫn nhau. “Đây là vấn đề nội bộ của Nam Việt Nam”. Chính phủ Mỹ thông báo cho toàn thế giới và cả trong dân chúng Mỹ. Và đế quốc Mỹ tin chắc rằng sẽ thắng trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, với kế hoạch Staley Taylor bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.

    Thực hiện chủ trương đó, viện trợ của Mỹ cho Diệm càng ngày càng gia tăng. Chỉ trong vòng 1 năm, số đơn vị máy bay trực thăng chiến đấu và xe bọc thép M113 của Mỹ đổ vào miền Nam rất lớn. Đồng thời với viện trợ quân sự, Mỹ - Diệm tiếp tục gom dân lập ấp để đẩy “Việt cộng” vào thế không còn đủ sức khuấy động nổi dậy nữa. Đây là thời kỳ xuất hiện quốc sách “ấp chiến lược” - một quốc sách mà Ngô Đình Diệm nói đi nói lại là “không - được - nghĩ - đến - thất - bại” (!)

    Về phía ta, lực lượng vũ trang giải phóng vừa mới ra đời đã gặp ngay khó khăn rất lớn. Có nơi như vùng đồng bằng - nhất là các tỉnh có địa hình trống trải như Đồng Tháp Mười... bộ đội không thể hoạt động như thời mới nổi dậy được. Một số vùng đã bị thiệt hại không ít trong chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của chúng. Điển hình là trận đánh vào Trại Lòn (Kiến Tường) ta đã thiệt mất gần đại đội giữa đồng trống - vì chưa quen với loại trực thăng vũ trang này. Kẻ địch đang thắng thế. Chúng mong cho “Việt cộng” dám đứng lại với chúng. Và chúng rêu rao về chiến thuật mà theo thuật ngữ quân sự của chúng là “bủa lưới phóng lao”...

    Ấp Bắc (02/01/1963)

    Trận Ấp Bắc (Tiền Giang) là câu trả lời của quân giải phóng cho cái chiến thuật mà chúng rêu rao là bách thắng đó. Ấp Bắc là một trận điển hình về tác chiến trong giai đoạn “Chiến tranh đặc biệt”, và cũng rất điển hình về trình độ sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của lực lượng vũ trang giải phóng thời kỳ này.

    Con người đã có ý chí và sáng tạo biện pháp hiệu quả chống lại kẻ địch lúc bấy giờ là anh Nguyễn Văn Bảy - mà anh em trong Tiểu đoàn 261 (sau này thành Tiểu đoàn Gi Rông) - thường gọi “Bảy Đen”, Đại đội trưởng Đại đội 1. Anh đã nêu lên một khẩu hiệu đối lại sự “bủa lưới” của địch rằng: “Cắm cọc chống lưới, trụ lại bẻ lao”. Anh đã rèn luyện cho đại đội của anh ý chí quyết tâm đó. Cho nên khi ta và địch gặp nhau tại trận Ấp Bắc, Đại đội 1 của Bảy Đen thuộc Tiểu đoàn 261 Quân khu 8 đã chiến đấu và chiến thắng địch trong một trận đánh cực kỳ ác liệt từ sáng cho đến tối ngày 02/01/1963.

    Trận Ấp Bắc là một trận lừng danh, chấn động cả thế giới phương Tây vào đầu năm 1963. Nhiều sách báo đã miêu tả trận này với nhiều góc độ khác nhau. Những năm gần đây, Neil Shoechan trong cuốn sách được giải thưởng quốc gia sách ở Mỹ Sự lừa dối hào nhoáng đã viết về trận Ấp Bắc thành 1 chương riêng mang tiêu đề “Trận Ấp Bắc”. Ngót 60 trang sách ông chỉ nói về trận này. Trên thực tế trong trận Ấp Bắc, bao nhiêu quân Mỹ - Diệm (sư ngụy cộng với các cố vấn Mỹ) chỉ đụng với 2 đại đội quân giải phóng của ta, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261, Quân khu 8 và Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 địa phương quân tỉnh Mỹ Tho, cộng với 1 trung đội địa phương huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.

    Trong nhật ký còn để lại của đồng chí Nguyễn Văn Bảy, tự Bảy Đen, đã ghi chép thật sự về một đại đội tham chiến trận Ấp Bắc, quân số chỉ vỏn vẹn 100 người và trang bị súng các loại đối đầu với một lực lượng bộ binh, quân dù, không quân trực thăng và cơ giới của Mỹ - Diệm, chẳng những bị tiêu hao rất ít - so với quy mô trận đánh - mà còn gây cho đối phương một thất bại nặng nề. Thất bại có tính chất thối động đến toàn cuộc.

    Sau chiến thắng này, cả miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua Ấp Bắc - Giết giặc lập công”. Phong trào ấy trở thành cao trào của quân giải phóng hạ trực thăng bầy, diệt các chi đoàn xe thiết giáp.

    Dám trụ lại để thắng giặc trên chiến trường đồng bằng là một bước tiến đáng kể của quân đội giải phóng lúc bấy giờ.

    Trong khi đồng bằng Nam Bộ bẻ gãy được chiến thuật lợi hại “trực thăng vận, thiết xa vận” của Mỹ - ngụy, thì ở miền Đông Nam Bộ, lực lượng vũ trang đã nhanh chóng trưởng thành. Quy mô phát triển lực lượng chủ lực đã dần dần lên đến 3 trung đoàn. Yêu cầu rèn luyện, các thứ quân, các binh chủng và chỉ huy thống nhất các chiến trường đặt ra cấp bách.

    Vậy nên, đồng thời với việc tổ chức và phát triển lực lượng du kích, địa phương và chủ lực, hình thành các quân khu, Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam đã được kiện toàn với các ban, phòng để đủ sức chỉ huy lãnh đạo lực lượng vũ trang toàn miền. Trong việc luyện tập cho quân chủ lực Miền tác chiến có hiệu quả, các cơ quan quân sự, chính trị, hậu cần Miền đã đóng một vai trò rất lớn. Các cán bộ của bộ phận Miền luôn sát cánh theo 3 trung đoàn Q-761, Q-762 và Q-763 (Q-763 được thành lập từ sau trận Ấp Bắc).

    Bình Giã

    Để phát huy vai trò quân chủ lực hỗ trợ đắc lực cho phong trào chính trị vũ trang cách mạng trên toàn Miền, Bộ Chỉ huy Miền nâng trình độ tác chiến của bộ đội lên thành chiến dịch. Chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa) đã nổ ra thắng lợi (từ 05/12/1964 đến 03/01/1965).

   Lần đầu tiên ta tập trung trên một địa bàn nhất định tới 2 trung đoàn với một số binh chủng yểm trợ, kết hợp với bộ đội địa phương, du kích rộng rãi, được nhân dân giúp đỡ và phối hợp đấu tranh. Lần đầu tiên chủ lực quân giải phóng đã đánh nhiều trận liên tiếp, tiêu diệt được nhiều tiểu đoàn sừng sỏ của quân ngụy như thủy quân lục chiến, quân dù, biệt động quân và các chi đoàn thiết giáp có phi cơ và trực thăng vũ trang yểm trợ. Chiến dịch Bình Giã đã làm Mỹ - ngụy rúng động, thấy rằng quân đội ngụy được Mỹ xây dựng, trang bị, huấn luyện và chỉ huy không còn đứng vững được. Chế độ ngụy có nguy cơ sụp đổ.

   Tiếp theo chiến thắng Bình Giã, có chiến thắng Ba Gia ở Quảng Ngãi: Trong thời gian ngắn, quân giải phóng đã đánh ngoài trời tiêu diệt gọn nhiều tiểu đoàn địch. Rồi đến Phước Long - Đồng Xoài, chủ lực ta vừa đánh địch ngoài trời, vừa đánh địch trong công sự kiên cố. Trận đánh chiếm cứ điểm chi khu Đồng Xoài, 09/6/1965 (Biên Hòa) đã nâng trình độ tác chiến của quân giải phóng lên một bước cả về kỹ thuật chiến đấu của bộ đội lẫn về chỉ huy hợp đồng binh chủng, liên lạc trinh sát nhanh chóng chính xác, diệt điểm diệt viện, nghi binh kết hợp ngăn chặn địch từ xa, dự kiến phản ứng của địch và đoán đúng nơi địch đổ quân tạo thành thế diệt địch ngay từ phút đầu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #24 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2022, 04:06:10 pm »

II- “CHIẾN TRANH CỤC BỘ”:
“KHÔNG CÓ ÁNH SÁNG Ở CUỐI ĐƯỜNG HẦM”


   Nghệ thuật chiến dịch của quân giải phóng trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đã phát triển. Sau Đồng Xoài, quân Mỹ đã nhảy hẳn vào miền Nam. Vì Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài đánh cho ngụy quân không còn đứng vững, đã đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Một lần nữa Mỹ phải chuyển hướng chiến lược, trực tiếp đưa quân vào tham chiến ở miền Nam. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đã bắt đầu với cường độ ác liệt chưa từng có.

   Ngày 02/9/1965, tại căn cứ Trảng Chiên - Bắc Tây Ninh, là ngày khai sinh ra Sư đoàn 9 và sau đó Sư đoàn 5. Buổi ấy có mặt Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Phó Chủ tịch, có mặt Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền... Mọi người đều vui mừng tin tưởng thấy được quân giải phóng miền Nam ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đã tổ chức lên đến sư đoàn, và nhanh chóng có 2 sư đoàn mạnh. Giữa tình hình Mỹ đang gia tăng cường độ chiến tranh ở miền Nam, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5 rồi sau đến Sư đoàn 7, là niềm vinh dự và tự hào của quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên chiến trường miền Đông Nam Bộ - chiến trường chủ yếu.

   Quân Mỹ lúc bấy giờ thủ vai trò chủ yếu càn quét đánh phá miền Nam. Quân ngụy đóng vai trò “giữ nhà”(!)

    Bàu Bàng

    Nổi bật nhất trong giai đoạn này là chiến trận Bàu Bàng ngày 12/11/1965 (Thủ Dầu Một). Sư đoàn “Anh cả đỏ” của Mỹ gặp phải “Anh cả đỏ” của quân ta - nói theo cách nói của dân gian hồi đó muốn so sánh Sư đoàn 9 của ta với sư đoàn “Anh cả đỏ” số 1 của Mỹ - và trên thực tế, cho đến lúc ấy - lúc diễn ra “trận Bàu Bàng” - ta mới bắt đầu đánh Mỹ ở cấp sư đoàn. Hai sư đoàn số 1 gặp nhau, nhưng ta vừa mới thành lập, còn “Anh cả đỏ” Sư đoàn 1 bộ binh của Mỹ, đã nổi danh từ Đệ nhị thế chiến, và trận Bàu Bàng là trận thua đau lắm của quân Mỹ. Theo tài liệu để lại, con số 2.040 quân Mỹ đã bị thương vong trong một trận đánh vận động tập kích của quân giải phóng miền Đông Nam Bộ, chứng tỏ khả năng đánh được Mỹ và đánh tiêu diệt được quân Mỹ.

    Trước đó, khi quân Mỹ vừa đến chiến trường miền Nam, chúng đã bị liền một đòn thật là bất ngờ. Một đại đội Mỹ đóng trong công sự ở Núi Thành (Quảng Nam) đã bị diệt gọn (27/5/1965). Rồi đến trận Vạn Tường 18/8/1965 cũng ở Quảng Nam, quân Mỹ cùng với xe bọc thép lội nước đổ bộ lên bờ, được pháo hạm chi viện, vẫn bị đánh thiệt hại nặng: Hàng mấy trăm tên cùng hàng chục xe tăng thiết giáp bị tiêu diệt. Trận Vạn Tường là trận đánh Mỹ nổi tiếng đầu tiên của quân ta trong “Chiến tranh cục bộ”.

    Nơi nào cũng có những trận đánh Mỹ điển hình. Nơi nào cũng có dũng sĩ diệt Mỹ. Mỹ nhảy vào miền Nam, toàn miền Nam dấy lên phong trào thi đua diệt Mỹ. Chủ lực đánh Mỹ, địa phương đánh Mỹ, du kích cũng đánh Mỹ và cho đến dân thường cũng giết được Mỹ và cũng đạt đến tiêu chuẩn cấp “dũng sĩ diệt Mỹ” - như ở Củ Chi, ở Lai Khê (Bến Cát), ở Tây Nguyên rừng núi. Thậm chí ở miền đồng bằng sông Cửu Long, với những người nông dân tay lấm chân bùn, chỉ biết vườn tược, ruộng nương quanh năm suốt tháng, vậy mà khi quân Mỹ kéo tới lập căn cứ, tức thì “Vành đai Bình Đức” đã hình thành ngay trên vùng đông dân nhiều của để bao vây quân Mỹ, và những dũng sĩ diệt Mỹ nơi đây lại nổi lên. Danh sách những dũng sĩ trong cuốn sổ vàng diệt Mỹ của huyện Châu Thành tỉnh Mỹ Tho được nối dài thêm mỗi ngày.

    Có thêm quân Mỹ, cộng với quân ngụy, cũng không bình định được miền Nam. Chỉ có mức độ chiến tranh là gia tăng. Và chiến tranh càng khốc liệt, càng bất phân thắng bại thì Mỹ càng cay cú càng leo thang. Nó giống như một con bạc đang khát nước. Đưa quân vào nghĩ là thắng. Không thắng được, lại đưa quân tiếp, và đưa quân tiếp... cho đến hàng mấy chục vạn quân Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

    Các đơn vị sừng sỏ của Mỹ cho đến hôm nay “bách chiến bách thắng” như Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” đã chiến thắng cả trong 2 cuộc chiến tranh thế giới, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” đã từng tham gia chiến tranh Triều Tiên... vẫn phải nếm mùi thất bại ở Việt Nam. Mỹ bèn tổ chức ra sư đoàn tân kỳ hơn, hiện đại hơn như Sư đoàn kỵ binh không vận 101. Toàn bộ sư đoàn trên 1 vạn quân cả pháo binh, hỏa lực và bảo đảm đều cưỡi máy bay “đi mây về gió”, từ trên trời đánh xuống bất cứ ở chiến trường nào, địa hình nào, thời tiết nào, ngày hay đêm. Sư đoàn tân kỳ ấy ngay ngày đầu bay đến Việt Nam đã bị một cú thất bại ê chề. Đó là cú đánh vào chiến trường Tây Nguyên của ta tại mặt trận Plei Me (từ ngày 10 đến ngày 18/11/1965). Tại đây quân giải phóng đã đánh kỵ binh bay nhiều trận tơi bời, thiệt hại nặng nề. Đường hầm vẫn không lối thoát.

    Tìm và diệt: “ai tìm, ai diệt ai?”

    Junction City

    Tướng Westmoreland - Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam đã dự kiến kế hoạch 3 giai đoạn của “Chiến tranh cục bộ”:

    Giai đoạn 1, cứu quân ngụy khỏi thua to vào năm 1965.

    Giai đoạn 2, tiêu diệt lực lượng quân sự đối phương và bình định nông thôn miền Nam trong 6 tháng đầu năm 1966.

    Giai đoạn 3, là sau đó từ 1 đến 1 năm rưỡi diệt hết lực lượng quân sự đối phương còn sót lại trong các khu căn cứ. Sau nữa ngụy quyền cùng với lực lượng ngụy quân đã trưởng thành đủ sức hoàn toàn làm chủ miền Nam Việt Nam và quân Mỹ, quân chư hầu rút về nước.

    Như vậy, Mỹ đã tính trước thắng lợi hoàn toàn vào cuối năm 1967 với chiến dịch “Tìm và diệt” lớn nhất ở Bắc Tây Ninh nhằm diệt gọn chủ lực Việt cộng còn lại cùng với các cơ quan đầu não như Bộ Chỉ huy quân giải phóng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam...

    Thế nhưng trận “quyết chiến chiến lược Junction City” của chiến lược “Tìm và diệt” trong “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ đã thất bại thảm hại (từ ngày 22/02 đến ngày 15/3/1967). Trên 45.000 quân Mỹ thuộc các đơn vị thiện chiến nhất như Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ”, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”... cùng một số đơn vị ngụy, được các loại máy bay chiến đấu, các trực thăng vũ trang và chở quân, các máy bay đưa quân nhảy dù, cả máy bay chiến lược B-52 rải thảm, chi viện không hạn chế vào một khu vực chiến trường nhỏ hẹp vẫn bị tổn thất nặng và rút chạy. Bom đạn, chất độc hóa học từ phi cơ và hỏa lực pháo binh từ mặt đất kinh khủng kể cả “Vua chiến trường”, pháo 175 ly, hầu như không có hiệu quả theo như tướng Mỹ tưởng. Quân giải phóng đã bố trí sẵn trong vùng căn cứ Bắc Tây Ninh của mình một thế trận chiến tranh nhân dân tuyệt diệu bao gồm du kích và quân địa phương từ dân tại chỗ và cán bộ nhân viên cơ quan trú đóng, được trang bị mạnh bằng súng chống tăng và mìn các loại đã phối hợp chiến đấu có kết quả cao với Sư đoàn 9 chủ lực. Quân Mỹ không tìm thấy Việt cộng nào để diệt, trái lại đi đến đâu, ở đâu, ngày hay đêm đều bị đánh, bị tìm và bị diệt. Hàng ngàn lính Mỹ chết và bị thương, hàng trăm xe tăng và thiết giáp tan xác, trên 100 máy bay các loại bị bắn rơi, trên 100 pháo từ 105 ly trở lên bị hủy. Trận Junction City thất bại, ảo tưởng kết thúc chiến tranh vào cuối năm 1967 tan như mây khói.

    Mậu Thân 1968

    Ý nghĩa cơ bản của chiến lược tìm và diệt của Westmoreland là muốn đưa chiến tranh đến tận xứ sở của kẻ địch và diệt địch ở đó. Ý đồ chiến lược đó không thành, quân giải phóng lại phá chiến lược tìm và diệt của Mỹ bằng cách đưa chiến tranh đến tận hang ổ của Mỹ - ngụy, ở các thị xã, thị trấn và ngay cả Sài Gòn là đầu não chỉ huy chiến tranh của chúng. Đó là cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968. Hàng trăm tỉnh, thành, quận lỵ, chi khu... trên hầu khắp miền Nam cho đến Tòa Bạch Ốc và Lầu 5 góc (“ngũ giác đài”) phương Đông ở Sài Gòn thảy đều bị tấn công một lượt. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968 ấy, đã gây một bất ngờ lớn lao cho Mỹ - ngụy ngay từ phút đầu, từ những ngày đầu cho đến nhiều tháng sau trên khắp miền Nam. Bất ngờ về chiến lược, về chiến dịch và cả về chiến thuật. Bất ngờ về thời gian bắt đầu, về thời gian ác liệt kéo dài. Bất ngờ về nghệ thuật quân sự chưa hề có trong binh thư đông tây, kim cổ.

    Một trận đánh mà cho đến 20 năm sau - kỷ niệm 20 năm Tết Mậu Thân 1968-1988..., cán bộ ta hãy còn bàn cãi và rút ra nhiều điều trong nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Quân giải phóng miền Nam, cùng với toàn dân miền Nam Việt Nam đã làm nên một trận long trời lở đất, Mỹ kinh hoàng, thế giới sửng sốt.

    Trận đánh của Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn là một trận đánh vang dội trong lịch sử có một không hai của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước Việt Nam. Nó đã là cái mốc tạo ra được bước ngoặt chiến lược lớn nhất của cuộc chiến tranh: Đánh cho Mỹ cút, để rồi nhất định ngụy sẽ bị nhào.

    Tết Mậu Thân năm 1968, quân dân miền Nam đã đẩy quân thù vào tình thế không lối thoát, buộc phải “xuống thang chiến tranh”, chấp nhận ngồi lại thương lượng hòa bình với sự có mặt của đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, một thực thể mà lâu nay chúng cố tình không nhìn nhận.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #25 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2022, 04:09:04 pm »

III- “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH”: MỘT THỬ THÁCH MỚI


    Tuy nhiên đường đi đến thắng lợi còn lắm chông gai, không phải chỉ đầy hoa chiến thắng. Qua năm 1969, quân giải phóng miền Nam bước vào cuộc thử thách mới đầy cam go quyết liệt trước những âm mưu thủ đoạn chiến tranh mới của Mỹ - ngụy trong lúc sức mạnh chiến đấu chưa kịp phục hồi.

    Tổng thống Mỹ Nixon vừa nhậm chức, tháng 4/1969 đã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với tham vọng vừa rút được quân Mỹ về nước, vừa tăng cường quân ngụy để thắng cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Kế hoạch bình định nông thôn, chiến tranh tâm lý được đẩy lên mức độ ác liệt và tinh vi. Chúng “tát nước bắt cá” đánh thẳng vào dân, đặc biệt là nông thôn, hòng tách cán bộ, bộ đội, du kích ra khỏi nhân dân, ra khỏi xóm làng, quê hương. Một nhà báo Mỹ Joseph Amster đã nêu con số: từ tháng 3/1968 đến cuối năm 1969, riêng chiến dịch “Phượng Hoàng” Mỹ - ngụy đã giết chết ít nhất 20.000 nông dân và rất có thể từ 50.000 đến 100.000 người. Từng đàn máy bay các loại: cá rô, cá nóc, cá lẹp (máy bay lên thẳng trinh sát và bắn phá), máy bay B-52, C-47... ngày đêm trút bom rải thảm, bắn tên lửa vào bất cứ nơi nào còn một lùm cây, ngọn cỏ, chất độc hóa học làm trụi hàng chục ngàn hécta rừng, hàng ngàn xóm làng hòng đánh bật quân giải phóng ra khỏi nơi trú ẩn. Từ Trị Thiên, Khu 5 đến Tây Nguyên, miền Đông và miền đồng bằng sông Cửu Long, màu xanh đã biến mất trên nhiều vùng. Cây cối chết khô trơ trụi chĩa lên nền trời, càng nhìn càng thêm đau xót cho đất nước bị quân thù tàn phá. Đêm đêm chốc chốc lửa lại bùng cháy trên đỉnh ngọn cây như những đốm lửa hận thù của chiến sĩ, đồng bào vụt bốc cao. Củ Chi “đất thép” mỗi nắm đất đều có thép của mảnh bom đạn. Rừng Năm Căn, U Minh 50% bị tàn phá, cháy rụi. Kết hợp với bom đạn, địch bố trí dày đặc ở nông thôn hàng mấy trăm đoàn, đội đủ các sắc lính: bảo an, dân vệ, cảnh sát, bình định, phượng hoàng, chưa tính bọn tề điệp và lực lượng phòng vệ dân sự.

    Muôn vàn khó khăn gian khổ, ác liệt ập đến tưởng chừng như chiến sĩ, đồng bào ta không thể nào chịu đựng nổi. Mỹ - ngụy đã hí hửng nhận định: “Từ năm 1969 trở đi Việt cộng đã bị động cả về chiến lược và chiến thuật, phải trở lại đánh du kích, Việt cộng không còn nơi an toàn”. Thực tiễn trên chiến trường ta cũng đã bị mất nhiều đất, nhiều dân.

     “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Kẻ thù giàu súng đạn thì quân và dân ta giàu lòng yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, quyết vượt lên khó khăn gian khổ ác liệt để chiến thắng quân thù. Lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu đầu năm 1969 là nguồn động viên to lớn tiếp thêm tinh thần sức lực cho miền Nam Thành đồng: “Năm qua thắng lợi vẻ vang - Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to - Vì độc lập vì tự do - Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào... - Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Nhiều bà mẹ miền Nam cũng như miền Bắc tiếp tục dâng lên Tổ quốc những đứa con ruột thịt thứ ba, thứ tư, và cả thứ bảy, thứ tám. Má Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, 6 con đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và trong chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, nay tiếp tục tiễn 2 con còn lại lên đường góp phần đánh bại “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. Má Nguyễn Thị Ngư ở Bình Thuận có 8 con tham gia chiến đấu và đều đã hy sinh. Hàng vạn thanh niên, học sinh, nông dân, công nhân, ở miền Bắc lại vượt Trường Sơn băng qua lửa đạn của quân thù vào Nam chiến đấu. Đội ngũ quân giải phóng lại được tăng cường. Nhiều đơn vị chủ lực, địa phương và cả các đội du kích đã có đến một nửa là thanh niên hậu phương lớn. Anh em rời ghế nhà trường, rời hợp tác xã vào chiến trường còn bỡ ngỡ. Nhưng cuộc chiến đấu gay go, sống chết đã rèn đúc anh em trưởng thành. Địch phá địa hình trên mặt đất, chiến sĩ đào hầm để ngủ, đào giao thông hào để đi lại ngụy trang bằng cây khô để che mắt địch. Địch phá hoại lúa màu, ruộng rẫy, lương thực, chiến sĩ, đồng bào ta đào củ mài, củ chụp, hái lá bép, lá rừng, ăn cả mít non, chuối xanh, môn thụt... để sống và chiến đấu. Những khẩu hiệu hành động xuất hiện khắp mọi nơi: “Quyết tử giữ Gò Dầu”, “Quyết tử giữ Long Đất”, “Dân bám đất, chiến sĩ bám đồng bào cùng nhau chiến đấu diệt địch”. Địch hành quân chà xát, phục kích đón đường hòng tìm dấu vết gây thương vong cho ta, ta lại “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để bịt tai, bịt mắt địch. Địch tập trung chà xát nông thôn để thực hiện kế hoạch bình định thì chiến sĩ ta “lấy đêm làm ngày” vượt nhiều lớp đồn bót giặc về bám dân phát động dân xây dựng cơ sở. Tiểu đoàn 14 ở Tây Ninh, ngoài súng đạn mang cả nắp hầm bí mật về bám dân dựa vào dân đào hầm bí mật để hoạt động. Hàng mấy tháng trời “ăn cơm vắt, uống nước ve, ngủ hầm bí mật” anh em đã đánh cho địch nhiều đòn đau, khôi phục nhiều vùng làm chủ cho nhân dân. Khu 5 trong 6 tháng đầu năm 1969 đã diệt, trừng trị gần 2.000 tên ác ôn bình định, nổi lên tấm gương em Phan Thị Đào - chiến sĩ du kích thiếu niên dùng lựu đạn diệt tên Huân ác ôn khét tiếng, bị địch bắt tra tấn cật vấn: “Mày muốn sống hay muốn chết, muốn sống thì khai”. Em thản nhiên nói: “Muốn sống để giết hết bọn bây cho dân đỡ khổ”. Địch đã hành hạ buộc em vào xe kéo đi cho đến chết. Trong lễ truy điệu em Đào, người cha lại dẫn em gái Đào 11 tuổi đến “xin các đồng chí kết nạp con em vào đội diệt ác thay cho chị nó”. Trung đoàn 320 chiến đấu thương vong đến gần 80% quân số, hy sinh toàn bộ Ban Chỉ huy Trung đoàn, vẫn kiên cường thực hiện nhiệm vụ bám trụ vùng ven Sài Gòn để rồi bình phục và thắng giặc những năm sau. Ở thị xã Cà Mau, Hồ Thị Kỷ chỉ huy đội biệt động giấu mìn trong giỏ xách làm nổ tung 3 xe đầy giặc và hy sinh anh dũng. Cả miền Nam bùng lên phong trào diệt Mỹ đánh ngụy.

    Ngày 03/9/1969, Đài Phát thanh Hà Nội loan tin đau buồn Bác Hồ vô vàn kính yêu của toàn thể dân tộc Việt Nam đã từ trần. Mỹ - ngụy tưởng rằng có thể lợi dụng dịp này đánh quỵ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Nhưng chúng đã lầm to, cả miền Nam đã “biến đau thương thành sức mạnh”. Chiến sĩ ta đã nuốt những giọt nước mắt dồn sức mạnh lên đôi tay cầm súng bắn thẳng vào kẻ thù quyết giành giật với chúng từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu. Ở Khu 5, địch đánh phá ác liệt và gắt gao nhưng nhân dân vẫn một lòng bền chí kiên gan cưu mang nuôi dưỡng, tiếp tế cho quân giải phóng chiến đấu. Cả mẹ già, các chị và cả các em gái 12, 13 tuổi mang từng ang gạo len lỏi qua các trạm kiểm soát của địch đem tận tay cho quân giải phóng. Đồng bào các dân tộc miền núi tiếp tục ăn củ rừng, dành từng lon gạo, trái bắp, gốc sắn nuôi bộ đội. Có chị địu con trước ngực, sau lưng gùi súng đạn tiếp tế cho chiến trường. Những đêm Trường Sơn, chiến sĩ vận tải thi đua chuyển “những chuyến hàng đền ơn Bác” với năng suất gấp đôi bình thường, với “bước chân ngàn dặm, vai trăm cân hàng”. Ở Trà Vinh, chiến sĩ và đồng bào xây dựng đền thờ Bác chỉ cách nhà tên tỉnh trưởng ngụy quyền 5.000m. Địch tức tối điên cuồng ném bom, pháo, càn quét liên miên bằng mọi thủ đoạn ác liệt, nhưng với lòng quyết tâm của quân giải phóng và đồng bào thị xã Trà Vinh, đền thờ Bác vẫn sừng sững uy nghi giữa một vùng bị địch chiếm cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Mùa xuân miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai. Địch tìm mọi cách ủi phá tan những vườn, những rừng mai vàng hòng dập tắt niềm hy vọng của chiến sĩ đồng bào. Nhưng mai vẫn đâm chồi nảy lộc trong cuộc chiến đấu và được chiến sĩ đồng bào cõng vượt Trường Sơn ra trồng và nở hoa tại lăng Bác Hồ gửi gắm niềm tin tất thắng của miền Nam.

   Nghĩa vụ quốc tế

   Được hơn một năm giành ưu thế trên chiến trường gây thiệt hại và vô vàn khó khăn cho đối phương, Mỹ - ngụy cho đây là thời cơ giành thắng lợi trọn vẹn. Chúng âm mưu bao vây triệt để bằng cách mở rộng chiến tranh Việt Nam thành chiến tranh Đông Dương. Chúng đã đánh lên Campuchia nhằm diệt “Đất thánh Việt cộng” và cắt đứt đường tiếp tế qua cảng Kompongxom, cũng như đánh lên Đường 9 - Nam Lào để cắt Trường Sơn, cắt đứt miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc.

    Abrams - Tổng chỉ huy MACV phụ họa với Tổng thống Mỹ: “Nếu phá được thánh đường của Việt cộng ở Campuchia thì chiến tranh sẽ kết thúc trong một năm”. Hết kết thúc năm 1967 của Westmoreland lại đến kết thúc 1 năm (hẳn là năm 1971) của Abrams.

    Mở đầu, Mỹ lật đổ Sihanouk và dựng lên Lonnol để làm tay sai đắc lực hơn. Ngày 30/4/1970, 15 vạn quân Mỹ và ngụy Sài Gòn gồm 2 trung đoàn Mỹ, 6 sư đoàn ngụy đã vượt biên giới đánh tràn vào đất Campuchia. Chúng tưởng sẽ dùng số quân đông đảo cùng khối lượng sắt thép khổng lồ đè bẹp quân dân cách mạng 2 nước anh em Việt Nam - Campuchia. Nhưng chúng đã đụng phải sức mạnh chiến đấu phối hợp thần kỳ của khối đoàn kết Việt - Campuchia đã có từ lâu đời. Bốn vạn quân Mỹ và ngụy Sài Gòn cùng ngụy Lonnol đã bị loại ra ngoài vòng chiến đấu. Cuộc hành quân chưa đầy 2 tháng đã phải chịu nhiều tổn thất đến nguy cơ sa lầy trên một chiến trường mới buộc Nixon ngày 30/6/1970 phải ra lệnh triệt phái toàn bộ quân Mỹ ra khỏi Campuchia.

    Trong lúc đó, hầu hết 7 tỉnh miền Đông Campuchia đã được giải phóng cộng với nhiều vùng phía tây bắc và tây nam đã trở thành vùng đất làm chủ của cách mạng Campuchia.

    Như vậy Mỹ - ngụy Việt Nam và ngụy Campuchia đều bị đánh đau. Cuộc hành quân chẳng những thất bại mà chúng còn mất đi 7 tỉnh và một số vùng khác, cộng lại hơn 1/3 đất nước Campuchia được giải phóng. Được như vậy là vì các sư đoàn quân giải phóng 5, 7, 9 và một số quân binh chủng đang đóng quân vùng biên giới nhân cơ hội này đánh tiêu diệt các đơn vị Mỹ - ngụy hành quân đánh Campuchia. Hành động kịp thời này vừa giúp bạn tiêu diệt quân của Lonnol, vừa quét sạch một hệ thống đồn bót của chúng. Đường tiếp tế quá cảnh qua cảng Kompongxom bị đứt thì đường Hồ Chí Minh được nối liền từ Hạ Lào qua Campuchia và nối với vùng Lộc Ninh và Bắc Tây Ninh.


*
*      *

    Trong cuộc chiến tranh nhân dân, ta đã xây dựng được một lực lượng chủ lực thiện chiến lên đến cấp sư đoàn, được rèn luyện trong chiến đấu qua nhiều năm, đó là một yếu tố vô cùng quan trọng. Lực lượng chủ lực đó là nòng cốt vững chắc để kết hợp với quân địa phương và du kích, với đấu tranh chính trị của nhân dân trở thành lực lượng có trình độ tổng hợp hoàn chỉnh của chiến lược chiến tranh nhân dân. Không phải mọi người đều hiểu rõ điều này và thấy hết giá trị của việc giữ vững các sư đoàn chủ lực tập trung trong hoàn cảnh khó khăn thiếu lương thực, đạn dược, và ngay cả chỗ đứng chân của chủ lực trong năm 1969 - năm gay go nhất của quá trình cuộc chiến...

    Rõ ràng, chỉ hơn 1 năm sau, chủ lực ta lại phát huy hiệu quả chiến đấu, cả năm 1970 mở rộng chiến trường Campuchia, cả năm 1971 phá phòng tuyến giặc, diệt từng chiến đoàn địch, thu cả pháo xe kéo và xe tăng, thiết giáp của địch để xây dựng thêm binh chủng mới cho quân giải phóng. Nếu năm 1969 ta phân tán chủ lực về khắp chiến trường miền Nam, thì làm thế nào năm 1970 ta có được các sư đoàn thiện chiến, và như vậy cuộc chiến tranh có lẽ sẽ đi theo một hướng khác mà phần thắng chưa rõ sẽ về ai.

    Xây dựng lực lượng quân giải phóng mạnh cả ba thứ quân là một vấn đề chiến lược lớn. Bố trí và sử dụng các lực lượng ấy đúng chỗ, đúng lúc, tạo thành thế trận của chiến tranh nhân dân, không nao núng dao động, là vấn đề quyết định của thành bại.

    Đây là bài học vô cùng quý giá của nghệ thuật quân sự, của chỉ đạo chiến lược và điều khiển chiến tranh.

    Đường 9 - Nam Lào

    Đầu năm 1971, địch lại tập trung phần lớn chủ lực ngụy Sài Gòn cùng với hỏa lực không quân, pháo binh được tập trung tối đa của Mỹ mở cuộc hành quân lớn vượt biên giới Lào và Campuchia để cắt đứt từ gốc đường chiến lược Hồ Chí Minh và lập vành đai ngăn chặn quá khỏi biên giới Nam Việt Nam.

    Ngày 30/02/1971, địch sử dụng toàn bộ sư đoàn tổng trù bị tinh nhuệ nhất của quân ngụy là dù và thủy quân lục chiến cùng Sư đoàn 1 bộ binh, 3 lữ đoàn bộ binh, 4 trung đoàn thiết giáp, 13 tiểu đoàn pháo binh ngụy Sài Gòn bắt đầu mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” hòng ồ ạt đánh chiếm Sê Pôn, cắt đứt con đường vận chuyển cơ giới, phá hủy toàn bộ kho tàng ở Sê Pôn và dọc đường chiến lược số 9 Nam Lào. Để yểm trợ và phối hợp với quân ngụy Sài Gòn, quân Mỹ đã sẵn sàng ở phía biên giới 20 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh, sử dụng 1.000 máy bay các loại và 50 máy bay chiến lược B-52.

    Từ tháng 11 là mùa khô ở Lào, phán đoán trước địch có thể đưa quân ngụy Sài Gòn hành quân lớn lên Đường 9 - Nam Lào, ta đã thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận từ tháng 12/1970 mang bí số 702 để chuẩn bị và chỉ huy cuộc phản công ở đường 9. Với quyết tâm “Nhất quyết phải thắng địch trong chiến dịch này dù phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào cũng phải quyết tâm thắng lớn, vì đây là một trận có ý nghĩa chiến lược”. Quân dân Việt Nam và Lào, hai nước anh em đã thắng to: Sau 52 ngày đêm chiến đấu kiên cường buộc địch phải bỏ xác trên chiến trường và mang bọn bị thương về nước tổng cộng 2 vạn tên, 1.142 tên bị bắt sống, 556 máy bay các loại bị bắn rơi, bắn cháy. Có trận ở Sê Pôn chiến sĩ ta đã bắn hạ hàng chục máy bay các loại. Hàng trăm xe rút chạy về miền Nam đã bị đốt cháy phơi xác trên một đoạn đường hàng chục kilômét dọc đường 9.

    Ngày 04/02/1971, phối hợp với cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, Quân đoàn 3 ngụy mở cuộc hành quân “Toàn thắng 01/71” vào vùng Đông Bắc Campuchia với lực lượng 3 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn xe tăng thiết giáp, 1 liên đoàn biệt động, 12 tiểu đoàn pháo binh. Âm mưu của địch là thiết lập thêm 1 tuyến phòng thủ ngoài biên giới bảo vệ cho chúng ở miền Nam. Từ tháng 10/1970, ta đã chuẩn bị đánh bại cuộc hành quân lớn của địch ở vùng này. Cuộc chiến đấu đã diễn ra trên một không gian rộng 100km, sâu 60km. Chiến sĩ ta đã tấn công mãnh liệt chống chặn kiên cường. Đoàn 301 được tổ chức để chỉ huy 3 sư đoàn chủ lực tinh nhuệ của B2 trên đất bạn, tạo bước phát triển cho sự hình thành quân đoàn chủ lực đầu tiên ở Nam Bộ sau này, một điều mà trước đây, nhất là trong chống Pháp chưa làm được. Đó là sự trưởng thành vượt bậc của quân giải phóng miền Nam. Với khí thế thi đua sôi nổi, với quyết tâm tiêu diệt từng đơn vị lớn của quân ngụy Sài Gòn càng nhiều càng tốt hỗ trợ cho bạn mở rộng vùng giải phóng, chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy mới ở miền Nam, cán bộ và chiến sĩ ta đã liên tục tấn công địch. Cũng có những trận ta về mồi hụt để địch chạy thoát, chưa tiêu diệt gọn tuy thu được nhiều súng đạn, đặc biệt là đạn pháo lớn. Trận sau cùng với chiến thuật vây ép chặt buộc quân địch không chịu nổi phải rút chạy về miền Nam trên đường 13 từ Snoul về biên giới. Quân ta đã chờ sẵn xông lên tiêu diệt Chiến đoàn 8 quân ngụy Sài Gòn, thu hàng chục khẩu pháo, xe tăng và xe bọc thép. Cuộc hành quân “Toàn thắng 01/71” của ngụy quân Sài Gòn đã bị quân ta đánh cho “toàn bại”.

    Trong lúc tấn công và tiêu diệt, đuổi quân ngụy Sài Gòn, quân dân ta đã phối hợp với quân và dân bạn đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Chen la 2” lớn nhất của quân ngụy Lonnol ở hướng đường 6. Cuộc chiến đấu kéo dài hơn 100 ngày dưới làn bom ác liệt của không quân Mỹ, có máy bay B-52 chi viện cho quân ngụy Lonnol, ta và bạn đã tiêu diệt hơn 3 vạn tên, bắt sống 2.000 tên, thu gần 5.000 súng các loại, 55 xe có cả xe tăng và thiết giáp. Ở Phnôm Pênh, Đoàn đặc công biệt động 307 của quân giải phóng lên chi viện cho bạn liên tiếp 2 lần tập kích và 9 lần pháo kích sân bay Pôchetông - sân bay quân sự lớn nhất của ngụy Lonnol. Riêng trong 1 trận tập kích đêm các chiến sĩ đặc công, biệt động đã đánh 1 trận vang dội: Phá hủy 105 máy bay các loại, 100 xe vận tải và xe phục vụ hoạt động máy bay, 1 trạm rađa và nhiều súng đạn, giết và làm bị thương 1.200 tên có 300 tên giặc lái, trong đó có 60 tên giặc lái Sài Gòn và nhân viên kỹ thuật, hủy diệt 95% quân chủng không quân ngụy Lonnol. 9 chiến sĩ ta đã hy sinh anh dũng làm sâu đậm thêm tình nghĩa chiến đấu keo sơn giữa hai dân tộc anh em. Báo chí đã nêu lúc ấy: “1 trận đánh tài tình diệt 1 quân chủng”.

   Các chiến sĩ quân giải phóng đã không nề hy sinh giúp bạn giải phóng hơn nửa đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang của mình, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”.

   Trong lúc quân chủ lực ngụy tập trung hầu hết lên chiến trường Campuchia để chịu tổn thất nặng nề trước những đòn tấn công mãnh liệt của chủ lực ta cùng với bạn, ở miền Nam, bộ đội địa phương du kích cùng một số trung đoàn chủ lực đã tranh thủ thời cơ phối hợp cùng nhân dân đẩy mạnh đánh phá chương trình bình định của địch, từng bước khôi phục lại các vùng đã mất, tạo thế, tạo lực mới.

    Từ Trị Thiên - Huế đến đồng bằng Nam Bộ: 1972 - năm quyết định

    Bước vào năm 1972, quân và dân miền Nam đã vượt qua những ngày gian khổ có nhau. Sức chiến đấu đã tăng lên rõ rệt. Tình thế mới đang xuất hiện. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ngày càng có tiếng vang trên thế gới. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam (vừa mới thành lập) được củng cố vững mạnh. Tiếng nói chính thức của đại diện Chính phủ trên bàn hội nghị về Việt Nam ở Paris ngày càng thêm trọng lượng. Nhằm buộc kẻ thù phải đi đến ký kết Hiệp định hòa bình ở Việt Nam, toàn miền Nam sôi nổi tham gia cuộc tiến công và nổi dậy mới. Trên 2 hướng của miền Nam là Trị Thiên - Huế và miền Đông Nam Bộ, quân và dân ta tiến lên mở những chiến dịch lớn cấp quân đoàn với lực lượng 3, 4 sư đoàn bộ binh, nhiều trung đoàn pháo binh và nhiều đơn vị xe tăng. Lần đầu tiên tại chiến trường miền Nam, quân giải phóng đã được chi viện bằng pháo xe kéo và xe tăng thiết giáp trong biên chế của mình. Đây là một bước trưởng thành vượt bậc về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang và về chiến đấu hợp đồng binh chủng.

    Ngày 30/3/1972, chiến dịch tấn công ở Trị Thiên bắt đầu. Chỉ trong 5 ngày quân giải phóng đã tiêu diệt 1 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 2 trung đoàn thiết giáp, tích cực hỗ trợ nhân dân huyện Gio Linh và Cam Lộ nổi dậy giải phóng hoàn toàn 2 huyện. Đến ngày 27/4 tấn công và nổi dậy đợt 2 trong 7 ngày đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn tập đoàn phòng ngự ở Đông Hà (Ái Tử, La Vang, Quảng Trị), giải phóng tiếp 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Địch tập trung lực lượng lớn gồm toàn bộ 2 sư đoàn quân tổng trù bị dù và thủy quân lục chiến, quân chủ lực cơ động của Quân đoàn 1 ngụy được không quân và hải quân Mỹ chi viện trực tiếp với nỗ lực cao nhất liên tiếp phản công hết sức ác liệt để chiếm lại thị xã Quảng Trị. Với nhiệm vụ giữ cho được Quảng Trị một thời gian dài để phối hợp tấn công và nổi dậy khắp miền Nam, hỗ trợ cho tiếng nói đấu tranh trên bàn hội nghị, chiến sĩ, đồng bào Quảng Trị đã chiến đấu ngoan cường hơn 200 ngày đêm. Đây là một cuộc đọ sức hết sức quyết liệt. Cái tên “Thành cổ Quảng Trị” cùng với những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của chiến sĩ giải phóng vang dội khắp mọi miền của đất nước và trên toàn thế giới. Có ngày trên mảnh đất nhỏ hẹp này, chiến sĩ ta phải chịu đựng 24 tấn bom đạn trên 1km2. Thành cổ hầu như thành bình địa nhưng chiến sĩ quân giải phóng vẫn bám trụ kiên cường dài ngày.

    Phối hợp với Quảng Trị và cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, ngày 01/4/1972, chỉ sau Quảng Trị 1 ngày, chiến dịch Nguyễn Huệ của chủ lực miền Đông đã mở màn hướng phụ và cũng là hướng nghi binh thu hút địch trên đường 22 Tây Ninh. Với xe tăng cũ lấy được của địch, 1 chiếc chạy được lại không sử dụng được pháo trên xe, 1 chiếc súng sử dụng được vào đến hàng rào nằm lại tại chỗ, nhưng tiếng súng đại bác và tiếng rầm rú của xe tăng đã tác động mạnh đến tinh thần quân địch hỗ trợ tích cực cho bộ binh mãnh liệt xung phong tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 2 chiến đoàn địch, đập tan hệ thống phòng thủ của địch dọc đường 22 biên giới Tây Ninh - Campuchia. Trong lúc Bộ Tổng Tham mưu ngụy bị mắc kế nghi binh đang điều cả đơn vị tổng trù bị để đối phó hướng Tây Ninh, ngày 05/4/1972, quân chủ lực của ta cùng với những chiếc xe tăng vượt Trường Sơn và bí mật tiến theo đường quân sự làm gấp mới mở bất ngờ tấn công vào chi khu quân sự là huyện lỵ Lộc Ninh, 1 cụm phòng ngự trên 5.000 tên địch phần lớn là quân chủ lực và đơn vị thiết giáp. Trong 2 ngày chiến đấu mãnh liệt, chiến sĩ quân giải phóng ở miền Đông đã lập công xuất sắc tiêu diệt hoàn toàn 1 chiến đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng và thiết giáp, bắt sống và làm tan rã hoàn toàn lực lượng chủ lực và bảo an, dân vệ và hệ thống kìm kẹp của địch trong toàn huyện Lộc Ninh, tiêu diệt gần hết 1 chiến đoàn khác đang rút chạy.

    Trận chiến đấu giải phóng thị trấn Lộc Ninh có biết bao hình ảnh sinh động lúc chiến đấu, trong đó có sự đóng góp của các chiến sĩ điện ảnh mà nổi bật là tấm gương hy sinh của đồng chí Cam ở Xưởng phim Quân giải phóng. Anh băng trước qua mở cửa hô to: “Các đồng chí xung phong lên diệt địch, tôi sẽ ghi hình ảnh của các đồng chí đưa vào lịch sử!”. Quay được nửa cuộn phim đồng chí gục ngã trên đường tiến quân đi đến chiến thắng của quân giải phóng. Những thước phim chiến thắng Lộc Ninh mãi mãi tồn tại với nỗi nhớ thương của đồng đội anh, nhất là những chiến sĩ đã được anh động viên trong những giờ phút chiến đấu căng thẳng nhất ở chiến trường. Chiến thắng Lộc Ninh không những đã diệt nhiều chiến đoàn bộ binh và xe tăng thiết giáp địch, thu 16 khẩu pháo và 36 xe tăng và bọc thép mà còn có ý nghĩa chính trị quan trọng sau này. Lộc Ninh trở thành như thủ đô của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

    Nói đến chiến dịch Nguyễn Huệ, không thể không nhắc đến những chiến sĩ chốt chặn kiên cường ở phía nam thị xã An Lộc vừa thu hút vừa ngăn chặn địch cho đồng đội tấn công dứt điểm thị xã. Ngày đêm không ngớt tiếng bom B-52. Mùa khô cũng như mùa mưa dầm mình trong bùn lầy trong những công sự đào khoét gấp rút, ngụy trang tài tình ở hai bên đường 13. Một ngày đánh lui hàng chục đợt tấn công của mọi loại quân địch. Chiến sĩ bộ binh, pháo binh và cả anh nuôi cũng chiến đấu. Trong cuộc sống chiến đấu ác liệt căng thẳng vẫn xuất hiện những bài thơ của chiến sĩ:

          “Một bông trang đỏ
          Cắm lưng vách hầm
          Bom rung đạn nổ
          Hoa vẫn tươi màu
          Màu đỏ trái tim
          Xong phiên bắn tỉa
          Ta lại vào hầm ngồi ca
          Anh nuôi mỗi lần ra giao hẹn
          Cứ giết mỗi thằng thưởng một bông hoa”


    Do nhiều nguyên nhân, khách quan và chủ quan, ta không thực hiện trọn vẹn ý đồ ban đầu là chiếm thị xã, nhưng mặt trận An Lộc đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của quân ngụy, thu hút về đây nhiều lực lượng cơ động của cả hai quân đoàn ngụy ở Nam Bộ, tạo điều kiện cho quân và dân đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông đẩy mạnh tấn công và nổi dậy. Sư đoàn 21 cùng một số liên đoàn biệt động từ miền Tây Nam Bộ đã bị ghìm chân và bị đánh thiệt hại tại đây gần 2 tháng trời. Nguyễn Văn Thiệu cũng đã bị quân giải phóng giáng cho một đòn cảnh cáo làm cho hắn suýt mất mạng. Thiệu liều lĩnh lên thị sát động viên tinh thần quân lính, nhưng máy bay vừa tiếp đất đã bị chiến sĩ pháo binh ta giáng trận phủ đầu. Tướng 2 sao Toiny Robert - Lữ đoàn trưởng không quân số 1 cùng một số sĩ quan Mỹ bỏ mạng. Thiệu thoát chết, chuồn thẳng về Sài Gòn.

    Cuộc tấn công và nổi dậy toàn miền 1972 có nhiều nét mới. Phối hợp với những chiến dịch tấn công của chủ lực, sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành tương đương cấp quân đoàn, đánh chiếm, gây cho địch thiệt hại nặng ở một số thị trấn. Từ Trị Thiên đến đồng bằng Nam Bộ xuất hiện hàng loạt chiến dịch tấn công tổng hợp với lực lượng từng trung đoàn và cả sư đoàn, kết hợp bộ đội địa phương, du kích và nổi dậy của quần chúng đánh chiếm hàng loạt chi khu, quận lỵ, đánh bồi, đánh nhồi, mở mảng, mở đề, giải phóng từng vùng nông thôn rộng lớn. Các lực lượng vũ trang giải phóng tiêu diệt nhiều chi khu quân sự, nhiều tiểu đoàn địch làm đòn xeo tích cực cho phong trào nổi dậy. Ở Khu 5, tháng 4/1972 đánh chiếm quận lỵ Hoài Ân, thị xã Bồng Sơn, tiêu diệt căn cứ Đệ Đức, giải phóng toàn bộ nửa phía bắc Bình Định và nửa bắc huyện Hoài Mỹ rộng 1.500km2. Tấn công vây ép liên tục 20 đêm buộc địch rút chạy, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy giải phóng huyện Hiệp Đức và nhiều xã dọc đường 16 của 2 huyện Thăng Bình, Quế Sơn. Tháng 5/1972 mở rộng vùng giải phóng dọc đường 1 liên hoàn 13 xã dọc biển từ núi Sơn Trà vào giáp sông Trà Khúc. Tháng 6/1972 tiêu diệt căn cứ Cắm Dơi, các quận lỵ Quế Sơn, làm chủ quận lỵ Duy Xuyên. Địch phản kích quyết liệt chiếm lại một số quận lỵ nhưng ta vẫn còn làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn sát thị xã, thị trấn.

    Ở đồng bằng sông Cửu Long, từ Long An, Mỹ Tho cho đến Hậu Giang, Bạc Liêu khí thế tiến công và nổi dậy bùng lên mạnh mẽ khắp nơi. Các lực lượng vũ trang giải phóng đã đánh chiếm hàng trăm đồn bót, thực hiện đánh bồi, đánh nhồi, tiêu diệt và làm thiệt hại nặng nhiều chi khu quân sự, giải phóng nhiều quận lỵ và hàng chục xã liên hoàn với nhau. Riêng Bạc Liêu - một tỉnh tận cùng của miền Nam Tổ quốc, xa sự chi viện của Trung ương, của Miền, các chiến sĩ giải phóng cũng đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng các chi khu quân sự, quận lỵ Ngang Dừa, Phước Long, Thới Bình, hỗ trợ hàng vạn nhân dân phá bỏ ấp chiến lược bung về vùng giải phóng. Gần 1 triệu đồng bào ở đồng bằng sông Cửu Long đã thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - ngụy. Phong trào chiến tranh du kích, chính quyền và đoàn thể cách mạng đã được khôi phục và mở rộng trên nhiều vùng giải phóng liên hoàn hàng chục xã, có nơi 2, 3 huyện nối liền nhau.

    Những chiến thắng vang dội của đồng bào chiến sĩ miền Nam đã phối hợp nhịp nhàng với những chiến công oanh liệt của quân dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại của Mỹ mà đỉnh cao là 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” bắn rơi hàng loạt máy bay chiến lược B-52 ở Hà Nội - Thủ đô của Tổ quốc.

    Một năm liên tục tấn công với tinh thần bền chí, chịu đựng khó khăn, gian khổ, hết trận này đến trận khác, cuộc chiến ngày thêm ác liệt, đồng đội hết người này ngã xuống người khác lại xông lên, chiến sĩ quân giải phóng đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình: đánh, đánh tiếp, đánh cho đến khi quân địch không còn con đường nào khác phải chịu cầm bút ký vào bản Hiệp định Paris về Việt Nam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #26 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2022, 04:12:14 pm »

IV- MỸ CÚT, NGỤY NHÀO


   Lịch sử lật qua trang mới: Vừa chiến đấu đánh bại mọi âm mưu và hành động chiến tranh của địch, vừa đấu tranh quyết liệt trên bàn hội nghị đòi địch thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định đã ký kết.

   Một vinh dự lớn đối với quân giải phóng: Tại Lộc Ninh, trong sự tiễn đưa nồng nhiệt của đồng bào vùng giải phóng, phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do trực thăng của Mỹ đón vào tận “thủ đô” của ngụy quyền ở Sài Gòn dự Hội nghị bốn bên, bàn về việc thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam. Gọn gàng trong những bộ quân phục quân giải phóng, đầu đội chiếc mũ tai bèo đính quân hiệu ngôi sao vàng trên nền nửa xanh nửa đỏ, vai khoác súng AK, chân mang đôi dép cao su, cán bộ chiến sĩ quân giải phóng trong phái đoàn đều thấy tự hào hiên ngang đặt chân lên sân bay Tân Sơn Nhất, nơi mà dịp Tết Mậu Thân 1968 ta đã từng đọ súng quyết liệt với Mỹ - ngụy. Các nhà báo nước ngoài cũng như trong nước thi nhau quay phim, chụp hình những giờ phút lịch sử để đưa tin, ảnh trên báo đài, truyền hình khắp thế giới với lời bình luận: “Quân giải phóng Nam Việt Nam đi vào thủ đô Sài Gòn vẫn bằng đôi dép cao su giản dị đã nổi tiếng từ Mậu Thân 1968”. Sống giữa Sài Gòn quanh mình dày đặc các binh chủng quân đội đối phương, những người đại diện quân giải phóng biết chắc rằng cuộc đấu tranh trên mặt trận mới sẽ rất nhiều cam go phức tạp, nhưng vẫn vững tin chung quanh mình có đồng bào, có đồng đội ở chiến trường đang tích cực hỗ trợ đắc lực cho tiếng nói chính nghĩa giải phóng trên bàn hội nghị.

   Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết là niềm vui lớn cho chiến sĩ đồng bào miền Nam vốn yêu chuộng hòa bình, chiến đấu kiên cường cũng cốt vì hòa bình, vì hạnh phúc toàn dân. Nhưng bọn đầu sỏ ngụy quân, ngụy quyền cố tình ra sức phá hoại Hiệp định. Nguyễn Văn Thiệu tay sai Mỹ đã bộc lộ âm mưu phá hoại Hiệp định, luôn mồm hò hét “không có hòa bình với cộng sản; không liên hiệp - không thương lượng - không có lực lượng đối lập - không để lọt vào tay Việt cộng bất cứ lãnh thổ nào”. Để thực hiện chủ trương “4 không” trên, Thiệu chỉ thị cho thuộc hạ “phản ứng mau lẹ trong các cuộc lùng diệt hạ tầng cơ sở Cộng sản... Phải làm cho chiến tranh tàn lụi dần để chỉ có một chính quyền, một quân đội duy nhất của quốc gia”. Trước âm mưu thủ đoạn chiến tranh mới của quân thù, nhiều nơi ta bị động lúng túng trong việc đánh trả địch. Chủ trương binh vận hữu khuynh: “lòng đỏ vỏ xanh”, “năm cấm chỉ” (cấm đánh địch hành quân, đóng đồn bót, cấm xây làng chiến đấu...) xuất hiện trên chiến trường đã trói tay trói chân bộ đội, du kích. Ta không đánh trả, địch càng lấn tới. Trước tình hình bị động mất đất, mất dân, cán bộ, bộ đội, du kích nhiều nơi đã giấu cấp trên tổ chức đánh lén địch càn quét, đóng đồn bót trái phép để giữ địa bàn, khôi phục nơi đứng chân, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ đồng bào. Phải chăng nhờ kinh nghiệm tổn thất nặng nề của những năm sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ, lần này chỉ lượng sượng, lúng túng vài tháng đã được uốn nắn kịp thời. Tháng 6/1973, toàn miền Nam đã được phép “phản công địch đã vi phạm Hiệp định”. Ngày 15/10/1973, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam đã công khai ra lệnh cho toàn quân trên Đài Phát thanh giải phóng: “kiên quyết đánh trả họ (ngụy quân ngụy quyền) vi phạm Hiệp định ở bất cứ đâu, bằng hình thức và lực lượng thích đáng, buộc đối phương phải nghiêm chỉnh và triệt để thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam, chấm dứt mọi hành động phá hoại Hiệp định của họ”. Tại bàn hội nghị ở Tân Sơn Nhất, đại diện phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên tiếng cảnh cáo quân ngụy Sài Gòn phải chịu mọi hậu quả đối với hành động phá hoại Hiệp định lấn chiếm trái phép của họ. Mỹ - ngụy đòi phân chia ranh giới rạch ròi giữa ta và địch mà phần chúng kiểm soát là những vùng đông dân, nhiều cửa đường giao thông, thị xã, thị trấn. Còn giao lại cho ta rừng núi bưng biền ít dân và kinh tế còn lạc hậu nghèo nàn. Địch không thể khôn hơn ta. Ngừng bắn nguyên tại chỗ, chiến trường cài răng lược, da beo đã là nguyên tắc và cũng là thực tế không suy suyển. Đánh trả địch vi phạm Hiệp định trở thành quyết tâm và hành động kiên quyết của tất cả các chiến trường, ngay nơi chúng hành quân lấn chiếm và cả nơi chúng xuất phát hành quân đi gây tội ác. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếng súng phản công và tấn công trừng trị địch vi phạm Hiệp định nổ ra đều khắp, nổi bật là ở miền Tây Nam Bộ.

    Ngay sát thủ đô của ngụy quyền Sài Gòn, chiến sĩ Đoàn 10 không thể ngồi nhìn đế quốc Mỹ ùn ùn chở bom đạn vào cho quân ngụy giết hại đồng bào. “Rừng Sác là nhà - Lòng Tàu là trận địa - quân cảng Nhà Bè là quyết chiến điểm!”, đó là lời thề của mỗi một cán bộ, chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Quyết giáng một đòn trừng trị quân địch ngay hang ổ đầu não của chúng, 8 chiến sĩ thuộc Đội 5 do Hà Quang Vóc chỉ huy suốt mấy tháng ròng rã đội nắng, chịu rét đói khát ẩn mình trong căn cứ địch đêm cũng như ngày sống bằng cơm nắm, gạo rang, len lỏi vào trinh sát từng kho bom, từng bồn nhiên liệu của địch. Được lệnh trên, một ngày của tháng 12/1973 Đội 5 đã bất ngờ tấn công toàn khu kho Shell gây nên trận bão lửa dữ dội sáng rực cả góc trời phía đông nam Sài Gòn làm cho bọn ngụy từ tướng đến quân kinh hoàng, hoảng hốt. Các hãng thông tấn phương Tây đều đưa tin: Cả một khu kho Shell với 140 triệu lít xăng dầu, 1 tàu chở dầu 12 vạn tấn, 1 cơ sở lọc dầu hoàn toàn bị thiêu cháy. Một đòn cảnh cáo đích đáng của quân ta đối với hành động phá hoại Hiệp định của địch.

    Ở Khu 5 trong khoảng tháng 7/1974 các lực lượng vũ trang tiêu diệt nhiều cứ điểm quan trọng của địch, nổi lên trận đánh chiếm và giữ Thượng Đức. Địch điều cả 1 sư đoàn dù thuộc quân tổng trù bị, nhằm chiếm lại Thượng Đức. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Mưa giông ập đến kéo dài làm cho chiến hào, công sự, hầm trú ẩn của quân giải phóng sũng nước. Chiến sĩ ta đầu đội mưa, chân dầm trong bùn nước lầy lội, kiên cường đánh trả liên tiếp những đợt phản kích điên cuồng của địch. Lữ đoàn dù thứ nhất xông vào bị đánh quỵ, địch cho lữ đoàn dù thứ hai tiếp tục phản kích cũng phải chịu chung số phận của bọn đi trước. Một trăm ngày đêm chiến đấu ở Thượng Đức đánh thiệt hại nặng 1 sư đoàn dù, không những đã làm nổi bật tinh thần chiến đấu và chiến thắng mà còn báo hiệu khả năng tiêu diệt lớn của quân giải phóng. Ở miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuất hiện những chiến dịch phản công giành thắng lợi lớn từ Bù Bông - Tuy Đức, đường 7 trung tuyến bảo vệ Sài Gòn buộc quân địch phải quay về bị động đối phó.

    Từ mùa mưa năm 1974, toàn bộ chiến trường miền Nam đã chuyển động đổi thay với thế thắng lợi của quân giải phóng và sự suy yếu rõ rệt của quân ngụy. Với cái nhìn chiến lược, Bộ Chỉ huy quân giải phóng đã dự kiến một mùa khô 1974-1975 đầy hứa hẹn thành công to lớn. Kế hoạch mùa khô chia hai thời kỳ đã được vạch, và việc chuẩn bị cho thắng lợi cuối cùng đã được triển khai. Quân đoàn 4, chủ lực của chiến trường miền Đông Nam Bộ - Sài Gòn đã được thành lập và huấn luyện theo phương án tác chiến và mở đầu là Đồng Xoài - Phước Long. Trong lúc đó, Lữ đoàn biệt động 310 cũng ra đời và từng đơn vị dội bom đạn, lách càn quét để xuyên găm vào Sài Gòn. Từng đơn vị bám sát mục tiêu đã được phân công trong nội thành. Đặc công đã được chấn chỉnh, học tập chiến thuật thích hợp đánh ở vùng ven ngoại thành và tiếp sức cho các hướng biệt động bên trong nội thành Sài Gòn: Sư đoàn II được hình thành. Các đoàn thể quần chúng, các đội vũ trang tuyên truyền khẩn trương sắp xếp lại lực lượng, được tăng cường cán bộ và hội viên rút từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lên, để vận động cho một cuộc nổi dậy của quần chúng bên trong Sài Gòn phối hợp với quân giải phóng đánh từ ngoài vào.

    Những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, cùng với tia nắng ấm mùa khô tháng 12/1974 như báo hiệu cả quân dân chiến trường B2 đang sôi động vùng lên tấn công địch và đỉnh cao thắng lợi đầu mùa khô 1974-1975 là chiến dịch đường 14 - Phước Long. Ngày 13/12/1974 mở màn chiến dịch. Chỉ 5 ngày sau, chiến sĩ miền Đông đã tiêu diệt được 1 chi khu, 1 yếu khu quân sự, gồm hơn 60 căn cứ đồn bót, diệt và bắt, làm tan rã gần 2.000 địch, thu gần 900 súng, giải phóng khu vực đường chiến lược số 14 dài hơn 100km. Một tấm gương đáng nói: Đoàn Đức Thái. Anh Đoàn Đức Thái tiến đến hàng rào thứ 6 gặp địa hình dốc đứng, 4 lần đặt bộc phá bị tuột, anh đã quyết định tự mình dùng tay đỡ bộc phá, tay kia rút nụ xòe làm nổ tung hàng rào cuối cùng của địch cho đồng đội xung phong đánh chiếm chi khu kiên cố của địch mở đầu chiến dịch thắng lợi. Tiếp đó chi khu quân sự Đồng Xoài rộng hơn 40km2 với 500 lô cốt và ụ chiến đấu 8, 9 lớp rào, án ngữ một ngã tư đường quan trọng, cắt đứt căn cứ phía tây và căn cứ khu A của ta. Sau 7 giờ chiến đấu chiến sĩ ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên giặc gồm cả chi khu trưởng. Thừa thắng xông lên, bộ binh, xe tăng, pháo hạng nặng đã phối hợp nhịp nhàng tấn công liên tục chi khu Phước Bình, điểm cao Bà Rá và đến ngày 06/01/1975 - mở đầu năm 1975 toàn thắng với trận thắng vang dội: Đánh chiếm 1 thị xã và giải phóng hoàn toàn một tỉnh - tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng chỉ cách Sài Gòn 120km. Chính quyền ngụy bày trò để tang tỉnh Phước Long 3 ngày không biết để nói lên cái gì. Nhưng chắc là để cho chủ Mỹ mủi lòng mà cứu vớt cho một chế độ tay sai sắp nguy vong. Nhưng đế quốc Mỹ chỉ diễu võ giương oai ngoài biển mà rốt cuộc không dám đưa quân trở lại đất liền miền Nam Việt Nam.

    Chiến thắng Phước Long trở thành một “đòn trinh sát chiến lược” nắn gân cốt cả đế quốc Mỹ lẫn quân ngụy Sài Gòn. Quân ngụy thua đã rõ ràng. Khả năng quân Mỹ quay trở lại miền Nam rất ít. Nhà báo Mỹ Frank Sneep đã bình luận: “mất Phước Bình (Phước Long) là một đòn đau đối với chính quyền Thiệu. Đối với Thiệu và cũng như đối với Bắc Việt Nam, trận Phước Bình là trận thăm dò chính sách của Mỹ”. Phước Long - một thực tiễn sinh động, đóng góp vào quyết tâm chiến lược 2 năm của quân và dân ta: “Năm 1975 tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn miền Nam. Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bài thơ mà Bác Hồ viết trong nhà tù của Quốc dân Đảng Trung Hoa trong những năm 1940 lại vô cùng ứng hiệu trong những tình huống chiến lược năm 1975:

        “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ,
        Kiên quyết, không ngừng thế tấn công
        Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
        Gặp thời, một tốt cũng thành công”
.

   Thời cơ đã đến rồi, ngụy thì suy sụp khôn cùng, Mỹ thì tính chuyện bỏ cuộc. Các lực lượng vũ trang của cả hai miền đều đã hội quân ở tiền tuyến lớn miền Nam. Năm 1975, tổng tiến công và nổi dậy không chỉ trên thế chủ động vững vàng, lực lượng áp đảo mà còn bằng cả mưu lược tài tình. Cả nước dốc sức chi viện cho miền Nam trong trận quyết chiến chiến lược này.

   00 giờ ngày 10/3/1975, trong khi kẻ địch đang lo tập trung đối phó ở Pleiku, Kon Tum, quân dân ta đã bất ngờ tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Trước lưỡi lê, họng súng của bộ binh và tiếng gầm rú của xe tăng ta, 8.000 quân địch đã hoàn toàn bị tiêu diệt và tan rã, các tên đại tá tiểu khu trưởng và sư đoàn phó chạy trốn nhưng không thoát. 9 giờ sáng ngày 13/3/1975, lá cờ chiến thắng của quân giải phóng đã tung bay trên đỉnh nhà tỉnh trưởng ngụy quyền.

   Trước đây Thiệu ngoan cố phá hoại Hiệp định, luôn mồm “hò hét” không để một xã, một ấp nào rơi vào tay cộng sản. Nhưng nay: Tháng 01/1975 mất toàn tỉnh Phước Long, tháng 3/1975 mất thêm tỉnh Đắk Lắk đã làm hắn điên đầu. Hắn kêu gào công khai phải “tử thủ”, nhưng bí mật ra Cam Ranh họp bàn với Tư lệnh Quân khu 2 ngụy rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên chuyển quân chủ lực về giữ đồng bằng ven biển, bỏ lực lượng địa phương và hệ thống chính quyền ở lại, không được thông báo cho các tỉnh trưởng biết. Nhưng cỗ xe đã cũ trên đà lao nhanh xuống vực thẳm không sao cản nổi. Hàng vạn quân địch tháo chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên, bộ đội ta truy kích, bằng mọi phương tiện cơ giới và chạy bộ. Đêm đến lấy nứa khô và cả dép cao su làm đuốc soi đường rượt địch. Bộ đội ta lại chặn đầu. Củng Sơn, điểm cuối cùng định đoạt số phận bọn rút chạy: Toàn bộ địch quân bị tiêu diệt và bị bắt sống.

   Tây Nguyên có lợi thế về quân sự ở phía nam đất nước đã được quân dân ta giải phóng hoàn toàn. Thế chiến lược của Mỹ - ngụy đã bị phá vỡ trên một địa bàn xung yếu.

   Như con bài đôminô, thất bại Tây Nguyên nặng nề, đột ngột cuốn theo những thất bại liên tiếp của Mỹ - ngụy ở ven biển miền Trung Trung Bộ, gây kinh hoàng cho cả chế độ ngụy quyền.

   Quảng Trị năm 1972, chiến sĩ ta đã kiên cường chiến đấu giữ vững thành cổ 81 ngày đêm giữa mưa bom bão đạn của địch thì Xuân 1975 chỉ trong đêm 19/3 tiến công thần tốc đã chiếm thành cổ và thị xã, cùng nhân dân nổi dậy giải phóng toàn tỉnh.

   Nguyễn Văn Thiệu vừa ra lệnh tử thủ Huế 25/3 lại vội vàng đổi lệnh cho rút chạy. Nhưng quân địch đã bị bao vây tứ phía không còn đường chạy thoát, hoàn toàn bị tiêu diệt và tan rã. Lá cờ Tổ quốc từng ngự trị nóc Phú Văn lâu hơn 1 tháng trời trong Mậu Thân 1968 nay lại xuất hiện và tung bay mãi mãi trên bầu trời Huế và Thừa Thiên giải phóng.

    Trường Sơn chuyển mình, Biển Đông dậy sóng, quân dân ta vùng lên mạnh mẽ với chiến công nối tiếp chiến công. 24/3 chiếm Tam Kỳ giải phóng Quảng Ngãi 29/3. Trong cơn hoảng loạn của quân ngụy, thanh niên, học sinh, sinh viên và mọi tầng lớp đồng bào dùng mọi phương tiện lớn nhỏ, Honda, xích lô máy... chở bộ đội cấp tốc hành quân bao vây và tiêu diệt toàn bộ quân địch trên tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 01/4, giải phóng Quy Nhơn và Tuy Hòa, ngày 02/4 chiếm Ninh Hòa và Nha Trang. Ngày 03/4 giải phóng Cam Ranh.

    Cao trào tấn công và nổi dậy ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ vùng lên mạnh mẽ. Mỗi chiến sĩ, đồng bào miền Đông, miền Trung Nam Bộ đều hướng về Sài Gòn để chiến đấu, để tăng nhanh lực lượng, để dốc sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ước mong cao nhất từ khi bắt đầu nổi dậy, bắt đầu cầm súng chiến đấu nay đã được thực hiện. “Mai vàng rực sáng chiến công - Gió ngàn vang rộn, súng xuân diệt thù”. Được lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, các lực lượng vũ trang miền Đông phối hợp quần chúng bao vây tiêu diệt từng đơn vị địch, giải phóng chi khu quận lỵ, tạo bàn đạp tấn công quyết định cho các binh đoàn chủ lực theo kế hoạch đột phá 5 mũi vào Sài Gòn, thanh toán hang ổ cuối cùng của Mỹ - ngụy, đầu não chỉ huy gây bao tội ác chiến tranh.

    Hướng bắc Sài Gòn, 13/3/1975 đánh chiếm chi khu quân sự, giải phóng quận lỵ Dầu Tiếng, suối Ông Hùng, thông đường 16. Ngày 23/3 bức địch rút chạy khỏi thị xã Bình Long, sau đó Chơn Thành, ngã ba hai đường chiến lược số 14 và số 13 cách Sài Gòn 60km. Hướng đông diệt Định Quán cắt đường 20, chiếm Di Linh, sau đó thị xã Đà Lạt, làm chủ con đường chiến lược số 20 vài đoạn dài trên đường 1 Xuân Lộc. Để bao vây triệt để Sài Gòn, ngày 09/4 quân dân ta đã làm chủ đoạn đường 4 Cai Lậy, Mỹ Tho, Long An cắt Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long về phía tây. Tại Xuân Lộc ở phía đông, ta tấn công đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18 ngụy và buộc địch đêm 20/4 rút chạy khỏi Xuân Lộc, phá vỡ một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch. Sài Gòn đã bị bao vây từ phía đông. Chiến sĩ ta không còn thì giờ nghỉ ngơi và không còn ai nghĩ đến nghỉ ngơi. Điện chỉ đạo từ cơ quan lãnh đạo cao nhất đã thông suốt đến từng chiến sĩ ngay từ ngày đầu của tháng 4 lịch sử. “Bất ngờ hiện nay không còn là phương hướng nữa mà chủ yếu là khâu thời gian”. “Thời gian là lực lượng”. Từ giờ phút này mặt trận quyết chiến chiến lược Sài Gòn đã bắt đầu: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975 không thể để chậm”.

    Toàn miền Nam và cả nước thi đua với thời gian để “dứt điểm” trước mùa mưa lũ. Đồng bào lại dốc sức, dốc lực tin rằng kỳ này “làm thiệt”. Các Quân đoàn 3 ở Tây Nguyên, Quân đoàn 2 ở Khu 5 mới được thành lập đã lên đường lao về Nam. Quân đoàn dự bị chiến lược từ hậu phương lớn đã cấp tốc hành quân bằng cơ giới vào cho kịp giờ nổ súng trận cuối cùng. Miền Đông thành lập thêm Đoàn 232 tương đương quân đoàn ở hướng tây Sài Gòn. Mỗi quân khu thành lập một sư đoàn, mỗi tỉnh từ 1, 2 tiểu đoàn tăng lên 6, 7 tiểu đoàn, thành lập trung đoàn, mỗi huyện từ 1, 2 đại đội tăng lên nhiều tiểu đoàn, lực lượng vũ trang lớn lên như “Phù Đổng”. Chiến sĩ hậu cần âm thầm lao động quên mình băng qua rừng sâu, vượt trên đồng nước chuyển đạn dược, lương thực, thuốc men, chuẩn bị cho chiến dịch. Hàng trên xe hơi, hàng dưới xuồng, hàng trên gióng gánh và cả trên đôi vai chiến sĩ hậu cần, thanh niên xung phong và đồng bào tình nguyện đi dân công. Tất cả được đẩy xuống sát chiến trường, có khi băng qua hàng rào đồn bót, bom đạn dịch, và xuyên thẳng đêm “ém” kho thuốc nổ, súng đạn vào giữa lòng Sài Gòn cho chủ lực, địa phương du kích, cho đặc công, biệt động và cho cả nhân dân cầm súng nổi dậy.

    Một ngày bằng 20 năm. Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến rồi. Mở đầu kháng chiến chỉ mới có các chiến sĩ lực lượng vũ trang giải phóng trưởng thành từ phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam. Trận kết thúc hội quân đến 20 vạn từ mọi miền của đất nước. Mở đầu chỉ có súng ngựa trời, súng trường gỉ sét. Nay tại mặt trận Sài Gòn đã có cả 2.000 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, 500 xe tăng, thiết giáp và xe vận tải quân sự. Bầu trời Sài Gòn đã được bảo vệ bằng tên lửa cộng với pháo phòng không các cỡ.

    Quá trình cuộc chiến đấu thần thánh đã được ghi dấu với những mốc lịch sử lớn lao:

    Đồng khởi năm 1960, Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975. Trước: 5 phân khu, 5 mũi tấn công vào Sài Gòn kết hợp với tấn công và nổi dậy tại chỗ của biệt động và nhân dân vào 5 mục tiêu chiến lược chủ yếu và hàng trăm mục tiêu khác. Nay: 5 hướng, 5 mũi với 5 quân đoàn chủ lực và tương đương, vùng ven và nội đô Sài Gòn còn tập trung 6 trung đoàn đặc công, 1 lữ đoàn biệt động, 2 trung đoàn, 6 tiểu đoàn, 60 tổ biệt động, hàng trăm tự vệ mật, hàng vạn quần chúng cách mạng cũng cùng tấn công vào các mục tiêu quen thuộc mà trước đây chưa hoàn thành.

    Thần tốc của chiến tranh nhân dân Việt Nam rất linh hoạt: Từ xa bôn tập đến và ngay tại chỗ đã bám trụ hàng chục năm bất thần bung lên tấn công địch.

    Hướng bắc, hướng đông, bộ binh phối hợp xe tăng vừa tấn công tiêu diệt vừa hành tiến. Hướng tây và nam, chiến sĩ bộ binh và cả xe tăng, pháo băng qua đầm lầy, đồng trống, vượt sông Vàm Cỏ để chọc thẳng vào Sài Gòn. Tiến quân thần tốc vào trung tâm thành phố là các binh đoàn chủ lực. Bảo đảm tiến quân thắng lợi trên các trục đường từ mọi hướng vào Sài Gòn, thần tốc chiến đấu là các chiến sĩ đặc công biệt động và lực lượng vũ trang tại chỗ. Khi chủ lực chưa đến, ít hơn địch gấp nhiều lần, vẫn tấn công trước 2, 3 ngày đêm đánh chiếm hàng chục cầu lớn quan trọng bao quanh và ngay trung tâm Sài Gòn. Liên tục đánh địch phản kích để giữ cầu cho đại quân đi qua. Ngày mai sẽ toàn thắng, hôm nay còn xông lên chiến đấu không nề hy sinh xương máu, phải chăng đó là điều cao quý nhất của người chiến sĩ, cán bộ đặc công, biệt động đã hy sinh cho chiến thắng và còn biết bao đồng đội, đồng chí nữa đã ngã xuống trên mọi nẻo đường tiến quân vào thành phố thân yêu và ngay tại trung tâm thành phố trong giờ phút cuối cùng. Biết bao cô gái, em bé, bà mẹ, bác nông dân, anh công nhân, cháu học sinh, sinh viên... và cả những binh lính, viên chức ngụy quyền đã dẫn đường chỉ lối cho bộ đội tiến chiếm các mục tiêu. Phối hợp với các chiến sĩ đầu mũi xe tăng, đội mũ cứng chính quy còn có những chiến sĩ đầu trần, mặc quân phục giải phóng, đi dép lê và cả những chiến sĩ chiến đấu âm thầm trong hàng ngũ địch. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc bay cao giữa nóc Dinh Tổng thống ngụy quyền và ngay bên cạnh đó đã có lá cờ nửa xanh nửa đỏ, ngôi sao vàng phấp phới - có cả “thượng sĩ ngụy” giao chìa khóa Dinh Tổng Tham mưu trưởng ngụy, giao cả tài liệu nguyên vẹn cho “thiếu úy ngụy” nhưng cả 2 đều là đảng viên cộng sản, đều là hội viên Mặt trận Dân tộc giải phóng!

    Thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ đóng khung trên địa bàn Sài Gòn mà còn là sự phối hợp đảm bảo của toàn bộ miền Đông và đồng bằng Nam Bộ cùng lúc - “Cửu Long đã dậy sóng”. Đồng bằng cùng Sài Gòn tổng tiến công và nổi dậy đập tan mưu kế cuối cùng của Mỹ - ngụy định “lui về đồng bằng sông Cửu Long cố thủ, lấy Cần Thơ làm thủ phủ Việt Nam Cộng hòa”.

    Trà Vinh 8 giờ ngày 30/4 cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt quanh rào Dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền, 50 cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh trong những giờ phút cuối cùng. Trước áp lực của tiếng súng tấn công của chiến sĩ, lục cả Sơn Xốt tình nguyện vào nhà tỉnh trưởng thuyết phục. Đòn quân sự, chính trị, binh vận phối hợp đã buộc tên tỉnh trưởng đầu hàng vô điều kiện vào 10 giờ 30 phút trong ngày.

    Bạc Liêu, ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) liên tục từ 25/4 cho đến 7 giờ ngày 30/4 buộc tên tỉnh trưởng phải chấp nhận “bàn giao chính quyền”, hạ lệnh cho binh sĩ thuộc quyền buông súng đầu hàng. Quân giải phóng làm chủ một tỉnh lỵ an toàn, không tốn một viên đạn, một giọt máu của bên nào.

    Cuộc tấn công và nổi dậy ở đồng bằng kéo dài ở mọi ngóc ngách sông rạch cho đến ngày 06/5/1975 mới hoàn toàn kết thúc khi lá cờ 3 sọc cuối cùng của ngụy quyền trên đất miền Nam bị hạ ở “Tây An cổ tự” (Chợ Mới, Long Xuyên).

    21 năm chiến đấu dưới lá cờ Tổ quốc, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, người em của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đã làm tròn sứ mạng lịch sử của mình. Hai anh em, một cha già sinh ra và dạy dỗ dưới mái nhà xiêu vẹo ngày nào. Vì nặng nợ với non sông cẩm tú, vì tồn vong của giống nòi “Tiên Rồng”, phải lặn lội ngược xuôi, em Nam anh Bắc, và giờ đây, mùa Xuân năm 1975 vĩ đại đã tạo được “Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn” - anh em lại về chung một mái nhà, sẽ dựng lại khang trang, tuy hai mà một để xây tổ ấm, bảo vệ nó cho muôn đời sau: VIỆT NAM ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT HẠNH PHÚC DÀI LÂU.

                                                                                 
Tháng 10/1990
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #27 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2023, 09:55:32 pm »

HÒA BÌNH HAY CHIẾN TRANH



      Những cuốn sách được làm ra để liên kết người ta với nhau vượt ra ngoài cái chết và để hảo vệ cho chúng ta chống lại kẻ thù ác nghiệt nhất đời: đó là sự lãng quên.
                                                 XTÉFAN XVAIG
              (Nhà văn Áo, viết trong truyện Menden - người bán sách cũ)


    Năm 1978, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương cán bộ đã công tác và chiến đấu ở các chiến trường ghi hồi ký của mình về cuộc chiến tranh chống Mỹ oanh liệt của dân tộc ta và đề nghị tôi viết về B2 trong mùa xuân thắng lợi lớn năm 1975: B2 đã chấp hành nhiệm vụ của Trung ương giao thế nào? Đã đóng góp gì vào mùa xuân vẻ vang ấy?

     Vâng, cũng như các chiến trường trên toàn quốc, để làm tròn nhiệm vụ vinh quang của mình, B2 đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Vùng đất B2, con người B2, đã tự hào xứng đáng là một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng. Nhớ lại và ghi những sự việc xảy ra ở đây là một vinh dự và cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi người của B2, tôi đã nhận lời.

     Nhưng tôi nghĩ sự đóng góp của B2, một chiến trường chủ yếu, không chỉ là riêng lẻ những trận đánh, những cân gạo, những con đường, những con người ngã xuống, mà còn là những cái gì lớn hơn nhiều, có giá trị về chiến lược, nghệ thuật tổ chức, bằng thực tế thúc đẩy quá trình thắng lợi cuộc chiến tranh, có tính chất góp phần vào chủ trương đường lối của Trung ương nữa. Cũng không phải chỉ toàn là những chiến thắng anh hùng, mà còn cả những thất bại chua cay tạm thời, từng nơi, từng lúc vì tất cả đó là sự thật, và là những kinh nghiệm quý báu. Nó cũng là những nốt nhạc không thể thiếu để dựng thành bản giao hưởng anh hùng của thời đại. Vậy thì chỉ ghi lại một số sự việc của những ngày thắng lợi cuối cùng, dù là thắng lợi rất vĩ đại, cũng sẽ là một thiếu sót lớn. Muốn tạo một mùa xuân bừng sáng, không thể không trải qua mùa đông u ám, muốn có được mùa khô thắng lợi, không thể không trên cơ sở của mùa mưa năm trước. Chỉ nói về ngọn mà không nói gốc, thì thật là khó nói và nói sẽ không đúng.

     Vì vậy, tôi quyết định ghi lại những gì tôi biết và nhớ về B2 trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài. Đây là một việc không đơn giản, phải mất nhiều thời gian suy nghĩ, tìm tòi tư liệu, gặp lại cán bộ cũ, về lại chiến trường xưa, tìm lại sự thật diễn biến hết sức trung thực... Phải nhờ nhiều anh em giúp đỡ, cộng tác, phải cộng trí nhớ của nhiều đồng chí trên nhiều cương vị, nhiều khu vực chiến trường. Nhưng tôi quyết tâm làm vì xem đó là trách nhiệm cuối cùng của mình về cuộc chiến tranh giải phóng và cũng không thể trút cho ai, đối với B2, vùng đất mà tôi rất yêu quý vì hầu như suốt cuộc đời mình, sống và phục vụ ở đó từ những ngày hoạt động chính trị bí mật trước Cách mạng Tháng Tám cho tới thắng lợi hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc và có lẽ tôi cũng sẽ chọn nằm xuống mãi mãi ở đây.


    Tôi chia tập sách của mình thành năm đoạn:

    • Đoạn 1: Từ Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 đến phong trào Đồng khởi năm 1960 (Tập 1 lấy tên là “Hòa bình hay chiến tranh”).

    • Đoạn 2: Từ năm 1961 đến năm 1965, thời kỳ chống “Chiến tranh đặc biệt” có kết quả (Tập 2 lấy tên là“Khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng”).

    • Đoạn 3: Từ năm 1965 đến năm 1968, đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ (Tập 3 lấy tên “Chiến tranh cục bộ”).

    • Đoạn 4: Từ năm 1969 đến năm 1973, chống “Việt Nam hóa chiến tranh” và đuổi quân Mỹ khỏi Việt Nam (Tập 4 lấy tên là “Mỹ cút, ngụy nhào”).

    • Đoạn 5: Từ Hiệp nghị Paris 1973 đến ngày toàn thắng 30/4/1975 (Tập 5 lấy tên là “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”).

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2023, 09:58:22 pm »

*
*      *


    Nhưng B2 là gì? Cho đến nay có thể nhiều người cũng chưa rõ lắm. Để tiện cho bạn dễ hiểu hơn về những sự việc ghi lại, thiết tưởng tôi cần nói một vài nét về chiến trường B2.

    “B2” là ký hiệu để gọi một vùng đất và những con người ở phần tận cùng phía nam của Tổ quốc trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Cả miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến vĩ 17 chạy về phía Nam, lúc ấy chia ra làm bốn chiến trường.

    B1 hay thường gọi là Khu 5 gồm các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Nam - Đà Nẵng vào đến Phú Khánh ngày nay. B3 là vùng Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. B4 là Quảng Trị và Thừa Thiên cũ. Và B2 là phần còn lại của miền Nam từ tỉnh Quảng Đức cũ, một phần ở tỉnh Đắk Lắk ngày nay, Lâm Đồng, Thuận Hải chạy vào tới mũi Cà Mau, Côn Sơn, Hà Tiên, Phú Quốc. Nó bao gồm vùng rừng núi bao la, cái đuôi của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Từ những ngọn núi cao 1.500-2.000m ở bắc Đà Lạt, Lâm Đồng, hạ thấp dần xuống phía nam Đông Nam Bộ. Tiếp theo đó là vùng đồng bằng rộng rãi phì nhiêu, đông dân, vùng lưu vực sông Cửu Long, với những căn cứ kháng chiến nổi tiếng của ta từ xưa như rừng U Minh, Đồng Tháp Mười... Đây là một vùng địa hình bằng phẳng, trống trải, ẩm thấp, ruộng lúa xen kẽ vườn tược xóm làng, bị chia cắt bằng hệ thống sông lớn như: Đồng Nai, Soài Rạp, Vàm Cỏ, Cửu Long và rất nhiều sông con, kênh, rạch. Có khu vực hầu như quanh năm ngập nước, hoặc sáu tháng nước, sáu tháng khô. Có nơi bốn mùa đều thiếu nước ngọt. Một bờ biển dài hàng nghìn kilômét và một thềm lục địa rộng giàu tài nguyên thiên nhiên với các cảng sông lớn như Vũng Tàu, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá... có lợi thế chọ bọn giặc xâm lược từ đại dương vào. Hệ thống đường sá ở Nam Bộ được Mỹ củng cố xây dựng phát triển cao nhất trong toàn miền Nam để đảm bảo và thích hợp với những cuộc hành quân cơ giới của chúng. Thủ đô Sài Gòn của ngụy quyền tay sai, là thành phố lớn nhất, có lúc lên đến bốn triệu dân, là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của cả miền Nam Việt Nam, nằm ngay giữa B2, liên kết với nhiều thành phố lớn khác như Đà Lạt, Phan Thiết, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá thành một hệ thống căn cứ của Mỹ - ngụy nhằm kìm kẹp đánh phá khắp nơi. Đó cũng là trung tâm áp dụng chính sách thực dân kiểu mới, nơi lan truyền cách sống Mỹ sa đọa, nơi tiêu dùng hàng hóa Mỹ và phục vụ cho các đội quân viễn chinh đông đảo và lực lượng tay sai. Mỹ - ngụy tổ chức miền Nam thành bốn vùng chiến thuật. Kể từ Bến Hải trở vào, tính là Vùng 1 cho đến Vùng 4 ở đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Sài Gòn nằm giữa Vùng 3 chiến thuật, tổ chức thành biệt khu thủ đô, nơi đầu não chỉ huy, là trung tâm bộ máy chiến tranh xâm lược của Mỹ - ngụy.

    Chiến trường B2 của ta chiếm khoảng 1/2 đất đai và khoảng 2/3 dân số của toàn miền Nam, tương ứng với một phần Vùng 2 và cả Vùng 3, Vùng 4 của địch cộng lại.

    Để tiện cho việc chỉ đạo, chỉ huy trong cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, ta chia B2 thành: Khu 6 (phần cuối đất Trung Bộ), Khu 7 (miền Đông Nam Bộ), Khu 8 (miền Trung Nam Bộ), Khu 9 (miền Tây Nam Bộ) và thành phố Sài Gòn - Gia Định 1.

    Cũng cần nói thêm là khoảng 3/4 biên giới giữa nước ta và Campuchia là nằm trên phạm vi B2. Nơi đó có các đường bộ, đường sông nối liền hai nước như các quốc lộ 1, 22, 13, sông Cửu Long, Sở Thượng, kênh Vĩnh Tế và các đường, các sông nhỏ khác. Nhân dân hai nước từ xưa quan hệ tốt với nhau trong công việc làm ăn, buôn bán, quen biết, bà con... thường qua lại thuận lợi trên các đường sá, sông rạch dọc biên giới. Và cũng từ xưa đến nay số phận hai dân tộc trên hai bờ vai biên giới khi nào cũng gắn bó nhau, cùng chung lưng chiến đấu cho hạnh phúc của nhau, có vui cùng hưởng, có buồn cùng chia.

    Con người B2 ngay thẳng, trung thực, tính tình phóng khoáng, có lòng yêu nước nồng nàn luôn luôn hướng về Bác Hồ muôn vàn kính yêu, hướng về Thủ đô Hà Nội - Thăng Long với niềm tin bất diệt.

    Con người B2 có niềm tự hào với những chí khí quật cường cứu nước, cách mạng từ xưa như các phong trào chống Pháp của Nguyễn Trung Trực, Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều, Thủ khoa Huân, Trương Định, có tâm hồn yêu nước cương trực và tấm lòng thủy chung của Nguyễn Đình Chiểu... với “đám lá tối trời”, Cần Giuộc, Gò Công, với “Mười tám thôn vườn trầu” Hóc Môn, Bà Điểm... B2 còn ôm ấp chiến công hiển hách của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong “Tiếng sóng Rạch Gầm”, còn lưu luyến tha thiết dấu vết người đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, vị lãnh tụ Hồ Chí Minh anh minh - ở thị xã Phan Thiết, ở bến Nhà Rồng... Rồi bao nhiêu máu của những người đi trước đã đổ trong các phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, Cách mạng Tháng Tám năm 1945... Tất cả những truyền thống ấy luôn luôn nhắc nhở, thôi thúc người dân B2 sẵn sàng đứng lên một khi đã thức tỉnh, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc.




-----------------------------------------------------------------
1. Những tỉnh trong các khu vực:
    -   Khu 6: Quảng Đức (Gia Nghĩa), Tuyên Đức (Đà Lạt), Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Tuy.
    -   Khu 7: Phước Long, Long Khánh, Phước Tuy (Bà Rịa), Bình Long, Bình Dương (Thủ Dầu Một), Biên Hòa, Tây Ninh, Hậu Nghĩa.
    -   Khu 8: Long An (Tân An), Kiến Tường (Mộc Hóa), Kiến Phong (Sa Đéc), Định Tường (Mỹ Tho), Gò Công, Kiến Hòa (Bến Tre).
    -   Khu 9: Châu Đốc, An Giang (Long Xuyên), Vĩnh Long, Vĩnh Bình (Trà Vinh), Phong Dinh (Cần Thơ), Ba Xuyên (Sóc Trăng), Kiên Giang (Hà Tiên, Rạch Giá), Chương Thiện, An Xuyên (Cà Mau).
    -   Đặc khu Sài Gòn - Gia Định.


Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2023, 10:00:25 pm »

*
*      *

    Viết những dòng suy nhớ này tôi chỉ mong làm tròn nghĩa vụ của một chiến sĩ được may mắn sống và hoạt động ở một thời đại quang vinh của Tổ quốc, của dân tộc, trước hết là nghĩa vụ đối với B2, đúng ra là với những con người của B2, mà tôi hằng yêu mến; đặc biệt là đối với những bạn bè, người thân, đồng chí, đồng đội, những con người đã quen biết, có quê hương khắp đất nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đã ngã xuống trên đất B2, đã đem máu của mình đã nhuộm thắm từng tấc đất B2 để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho Bắc - Nam sum họp một nhà, cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là những con người có công to đối với thắng lợi vĩ đại vừa qua của dân tộc. Đúng, chỉ có họ, những người không chút tính toán, hiến dâng trọn vẹn cuộc sống của mình là những người xứng đáng nhất cho con cháu nghìn đời sau mãi mãi ghi nhớ công ơn. Nghĩa vụ rất đỗi thiêng liêng ấy, mà cũng là mệnh lệnh của lịch sử, của nhân dân là ghi nhớ lại một cách trung thực, suy nghĩ một cách đúng đắn về những diễn biến; những sự kiện; những chịu đựng và hy sinh cao cả của mảnh đất và con người B2 mà tôi đã chứng kiến; được biết và còn nhớ.

    Tất nhiên, do sự hiểu biết cũng như trình độ ghi chép có hạn, do phạm vi mỗi bài viết, mỗi tập sách chỉ có thể tập trung nói về một số vấn đề nào thôi, nên tiếc thay, tôi không thể nói hết ở đây những sự tích thần kỳ của những con người Việt Nam trên đất B2 đã thực hiện cương quyết, dũng cảm và sáng tạo sự lãnh đạo và chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài và oanh liệt, đã đóng góp sức lực, tài trí của mình vào cuộc chiến thắng lịch sử. Tôi chỉ mong ghi lại chút ít sự tích ấy trong phạm vi hiểu biết của mình, để đóng góp phần suy nhớ của mình với những người còn sống của ngày nay và của cả mai sau. Đó cũng là trả nợ phần nhỏ nào cho những người đã bỏ mình vì dân tộc, vì giai cấp trên đất B2.

    Chính vì trách nhiệm nặng nề như vậy mà tôi tự đề ra cho mình một quy định: Viết đúng sự thật hoàn toàn, những sự thật có người đã biết, cũng có người chưa hề biết, có người thích cũng như có người không thích. Vì lịch sử khi nào cũng công minh sẽ loại trừ không thương tiếc những gì sai sự thật, không hôm nay thì cũng ngày mai. Tôi mong rằng bạn đọc khắp nơi, nhất là anh em đã từng hoạt động ở chiến trường B2, góp ý kiến và bổ sung những thiếu sót, những gì chưa đạt. Tôi sẽ rất hãnh diện và hàm ân.

    Tôi cũng xin tỏ ở đây lòng cảm động và biết ơn đông đảo các đồng chí, bạn bè đã khuyến khích đã giúp đỡ, góp ý kiến, công tác trên mọi phương diện vô cùng quý báu.

    Xin cảm ơn các đồng chí ở các ban tổng kết chiến tranh, các bộ phận tư liệu của Bộ Quốc phòng, của Quân khu 7, Quân khu 9, của Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí ở các ban chỉ huy tỉnh đội thuộc B2 cũ, đặc biệt hai đồng chí Đại tá Nguyễn Viết Tá và Trung tá Võ Trần Nhã đã để nhiều công sức sưu tầm tài liệu, liên hệ các địa phương, góp phần xứng đáng vào nội dung tập sách này 1.




------------------------------------------------------------------
1. Lời nói đầu này đã in ở Tập 5 - Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm vì Tập 5 được xuất bản trước. Nay có chỉnh sửa cho phù hợp, in lại ở Tập 1 - Hòa bình hay chiến tranh. Không in ở Tập 2, Tập 3, Tập 4 và Tập 5 (tái bản).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM