Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:35:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức chiến tranh  (Đọc 4008 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #40 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:49:28 pm »

CÔ GÁI NĂM XƯA


NGUYỄN THỊ THANH NHÃ


Vào những năm sáu mươi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bắt đầu, một hôm, tôi lên xe điện ở Hà Nội, khách trên toa tàu khá đông, tôi phải giơ tay vịn vào thành tàu để giữ thăng bằng.

Bỗng, từ phía sau có tiếng gọi như reo lên: "Ôi! Cô gái năm xưa! Cô gái năm xưa!".

Tôi chưa biết tiếng gọi đó là của ai? Gọi ai? Thì người soát vé vỗ vào vai tôi nói: "Nữ đồng chí bộ đội, cuối toa có người gọi!". Tôi quay lại, trông thấy một đồng chí bộ đội, quân phục chỉnh tề đang rẽ đám đông, tay vươn lên nắm chặt lấy tay tôi, miệng nói liền một mạch: "Ôi! Cô gái năm xưa! Cô gái năm xưa! Ôi!... Tôi!... Tôi xin lỗi nhé! Không phải tôi quên tên cô đâu! Cô Hà Thủy, có đúng không nào? Nhưng... lính chúng tôi thích gọi như thế mà! Chúng tôi thích nghe cô hát bài "năm xưa" lắm! Chúng tôi nhớ cô. Nhớ tiếng hát của cô nên chẳng ai bảo ai, mọi người đều gọi luôn tên cô bằng tên bài hát".


Tôi vô cùng cảm động! Hai chúng tôi cùng chung màu áo, đang siết chặt tay nhau như không muốn rời ra. Tình cảm một người lính - một khán giả năm xưa với một người lính - một diễn viên năm xưa sau mười năm gặp lại.


Cũng đêm ấy, tôi không sao ngủ được "Cô gái năm xưa!... Cô gái năm xưa!...". Tiếng gọi ấy cứ văng vẳng bên tai tôi, một cái tên thật trìu mến. Một cái tên gợi nhớ trong tôi bao kỷ niệm về núi rừng Việt Bắc.


Ăn cơm mới, nói chuyện cũ. Tôi còn nhớ mãi khi cầm bút sắp ký vào lá đơn tình nguyện. Ngày đó không có lính nghĩa vụ. Tôi vừa tốt nghiệp xong, lòng tôi háo hức lắm! Nhưng cũng ngây thơ đến nực cười.


Hôm ấy, là ngày cuối cùng tôi đứng dưới mái trường thân yêu. Một sĩ quan còn trẻ đến làm thủ tục tuyển quân. Anh hỏi tôi: "nữ đồng chí tân binh, đồng chí sẽ ký vào đơn tình nguyện ba năm hay năm năm?".


Tôi sững người tự hỏi - sao lâu thế?... rồi tôi bẽn lẽn trả lời: "Em ký hai năm thôi!". Tất cả cười phá lên. Các anh ấy giải thích cho tôi:

- Chỉ có đơn tình nguyện ba năm và năm năm thôi, không có hạn hai năm đâu, tiểu thư ạ!".

Tôi cầm bút ký vào lá đơn xong, lòng không khỏi băn khoăn - những ba năm... lâu quá! Bao giờ mới hết hạn để trở về với mái trường xưa?...

Tuy vậy, tôi cũng quên khuấy ngay lá đơn chẳng biết tự bao giờ... Thoắt ngoảnh lại, tôi đã phục vụ trong quân ngũ bốn mươi hai năm có lẻ - nghĩa là gấp hơn mười bốn lần thời hạn của lá đơn tình nguyện tôi đã ký. Tôi tự hỏi, cái gì đã khiến tôi gắn bó suốt đời mình với sân khấu quân đội?


Chính là sự bắt nguồn từ những bài hát đầu tiên tôi ra mắt trung đoàn. Lòng tôi đã nao nao nghĩ về các anh - những khán giả đầu tiên, một đội ngũ vai kề vai trông thật yêu đời. Dẫu rằng, trong các anh có độ tuổi khác nhau, có những mảnh đời xuất xứ khác nhau. Anh thì trút bộ quần áo nâu sồng mặc áo lính. Có anh là sinh viên là trí thức giã từ Hà Nội ra đi. Nhưng lúc này đây, các anh đang có chung cặp mẳt trìu mến, ngóng đợi, lắng nghe một giọng hát, một tiếng đàn cho đời lính tươi thêm.


Bên ánh lửa trại bập bùng, tôi xúc động đến trào nước mắt! Những giọt nước mẳt nóng hổi bắt nguồn từ mơ ước khi còn ngồi ghế nhà trường - mai ngày tốt nghiệp ra, tôi sẽ đem tiếng hát bằng cả trái tim mình đến với các anh nơi chiến trường máu lửa!


Và ngày ấy đã đến. Chiến dịch tiếp chiến dịch. Dấu chân của chúng tôi ở nơi này, nơi kia đã in cùng dấu chân những người chiến sĩ xung kích ra trận.

Vào thu đông năm 1952, khi cuộc chiến đã bước vào giai đoạn nóng bỏng. Bỗng, một hôm vào buổi chiều đã muộn, mặt trời đã khuất chìm sau núi, chúng tôi từng tổ tam tam đang tự kiểm điểm công việc trong ngày, thình lình, xuất hiện một người lính chiến từ mặt trận về. Anh đưa mắt tìm kiếm ai đó.


Chợt, ánh dừng lại trước cái nhìn ngơ ngác của tôi và nói: "Tôi muốn gặp riêng chị!".

Tôi thật tình không quen anh nhưng tôi vẫn theo anh ra khỏi lán. Hai chúng tôi lẳng lặng đi bên nhau như hai người bạn thân. Vậy mà nhìn anh tôi không đoán được anh bao nhiêu tuổi? Anh là chiến sĩ hay là cán bộ chỉ huy? Trên gương mặt vô cảm ấy lại ẩn giấu, chứa đựng một cái gì tôi không dám đoán tiếp. Nhưng... tôi vẫn chờ đợi... hẳn không phải một tin lành?...


Đột nhiên, người lính dừng lại, anh nhắm nghiền hai mắt, đầu hơi ngả về phía sau khẽ lắc, lắc... rồi anh hít một hơi thở sâu như để lấy lại bình tĩnh. Anh nhìn thẳng vào tôi với cái nhìn sâu thẳm rọi vào đôi mắt vừa hoang mang, vừa ngóng đợi của tôi.


Cái gì sẽ đến đây? Tôi tự hỏi và không sao đoán được. Mặt anh càng tái đi, tay anh run rẩy đặt vào tay tôi một gói nhỏ hình chữ nhật, được bọc bằng mảnh áo quân phục đã bạc màu. Anh nói trong tiếng nấc - Tiếng nấc của một người đàn ông nghe đến lạnh người.


"Xin chị nhận lấy!" Tiếng nói của anh xen trong tiếng nấc. Như anh đang khóc!... anh nói: "Anh ấy đã hy sinh". Giọng anh như vỡ ra từng tiếng: "Lời cuối cùng... anh ấy dặn lại tôi... hãy đưa tận tay cho chị... chiếc gói này!".


Mắt tôi nhòa đi, không hỏi được câu nào. Rồi người lính ấy nói thêm "Đồng chí ấy hy sinh anh dũng lắm! Hai chân bị bắn nát và cả thân mình nữa... máu ra nhiều quá! Anh đã hy sinh cách đây ba tiếng". Tôi ôm chiếc gói nhỏ áp vào mặt rồi òa lên khóc, cả người tôi giụi xuống bên bụi mẫu đơn. Người lính đỡ tôi và nói: "Chị bình tĩnh! Đừng khóc!... Trước khi trút hơi thở cuối cùng anh ấy còn mỉm cười đấy!". Anh ấy còn nói với tôi: "Mình thanh thản lắm! Hoàn thành nhiệm vụ rồi... được hy sinh cho Tổ quốc giữa tuổi đời hăm bốn... Đẹp đấy chứ?...".


Nói rồi, người lính vô danh ấy đi như chạy trốn trong nỗi đau mất bạn. Tôi chạy theo gọi với: "Đồng chí ơi! Đồng chí bộ đội! Cho tôi đi theo với! Cho tôi được gặp...". Nhưng, người lính chỉ quay người lại, giơ tay ra hiệu "muộn mất rồi!... Đêm nay chuyển quân, bọn tôi vừa mai táng anh ấy xong". Nói rồi, người lính cúi đầu đi khuất.


Tôi lặng đi hồi lâu rồi mới giở gói ra xem. Đó là một cuốn nhật ký. Nhưng nó là của ai chứ? Tôi tự hỏi.

Hoàng hôn đã chạng vạng, tôi chỉ nhìn được mấy dòng chữ ngay ngắn ở trang đầu. Người lính vô danh ấy đã ghi: "Tôi viết sẵn mấy dòng này, biết đâu tôi không trở về nữa. Không có dịp được gặp lại Hà Thủy - Cô gái năm xưa". "Cô gái năm xưa" là cái tên mà chiến sĩ đặt cho tôi bằng tên một bài hát của nhạc sĩ Huy Du. Mắt tôi nhòa đi trước khoang giấy trắng dài bỏ trống, sau những dòng chữ ngắn ngủi ấy. Tôi không đọc được nữa. Vâng!... Thực vậy... Nhưng... rồi tôi cũng cố đọc tiếp những dòng chữ sau khoảng trống ở cuối trang. Nét mực còn mới. Chữ viết ngoằn ngoèo, nét thẳng, nét nghiêng, chữ đậm, chữ nhạt với những dòng đứt nối. Anh viết: "Giờ này, tôi biết mình sắp lao vào một trận ác liệt. Có thể hy sinh lảm. Mà lòng tôi vẫn thanh thản. Xin Hà Thủy hãy tha lỗi cho tôi! Tôi đã mang theo tiếng hát "Ba vì năm xưa" và hình bóng người hát cùng ra trận. Xin vĩnh biệt!".


Xin vĩnh, biệt! Tôi nhắc lại như một tiếng vọng xa xôi từ nơi hoang vẳng... Vĩnh biệt!... Thế là anh đã vĩnh viễn không còn trên thế gian này nữa ư?...

Sao lúc này đây, tôi thèm được hát cho anh nghe. Hát một lần cuối cùng gửi tới hương hồn anh và đồng đội đã cùng anh ngã xuống mảnh đất này.

Tôi muốn hát vì ngày mai sẽ chuyển quân, liệu tôi còn có thời gian, còn khi nào được trở về bên mộ anh và đồng đội để được hát lại bài "năm xưa" cho các anh nghe nữa không? Có lẽ vì thế mà tôi đã hát! Tiếng hát chìm sâu trong đáy lòng tôi... Trong trái tim yêu thương đồng đội của tôi. Còn âm thanh bật ra ngoài chỉ là tiếng nấc... những tiếng nấc thổn thức trong quạnh vắng...


Sau những tiếng hát câm lặng ấy, tôi như bừng tỉnh lại. Màn đêm đã phủ xuống tự bao giờ tôi không hay biết. Trong lòng tôi chỉ dội lên những tiếng - chiến tranh! Chiến tranh thật nghiệt ngã!

Là một diễn viên quân đội, tôi nghĩ về những khán giả của mình, rồi đây sẽ có bao người mất, người còn?

Tiếng hát của tôi dẫu còn thô mộc, nhưng tôi đã hát bằng cả trái tim mình đến với đồng đội. Nên nó đã được hòa vào bầu máu nóng của các anh. Nó có thể vĩnh viễn cùng các anh nằm lại chiến trường xa, nơi ven rừng, ven suối ngay sau đêm diễn. Và nó cũng có thể sẽ đi với các anh trong suốt cuộc đời - qua bao cuộc trường chinh ngàn dặm.


Trên ba ngàn đêm biểu diễn phục vụ đồng đội. Có bao anh đã thành liệt sĩ! Tôi làm sao nỡ phụ các anh? Làm sao quên được những gương mặt trẻ trung, tươi rói! Mà tương lai còn đang ở cả phía trước, nhưng... các anh đã ngã xuống giữa tuổi thanh xuân của cuộc đời, cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi làm sao quên được? Làm sao xa đội ngũ được?...


Tiếp bước anh trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Tôi luôn nhìn thấy anh đang mỉm cười. Nghe đâu đây giọng anh thật êm ái, thiết tha - "Tôi biết mình sắp lao vào một trận ác liệt. Có thể hy sinh mà lòng tôi vẫn thanh thản... Hãy cho tôi mang theo tiếng hát "Ba Vì năm xưa" và hình bóng người hát cùng ra trận... và cùng...". Hình như anh lại mỉm cười trước lời nói cuối cùng: "Xin vĩnh biệt"


Chỉ tiếc rằng anh không ghi lại tên tuổi, đơn vị. Chỉ một chữ ký loằng ngoằng thì có trời mới đoán ra.

Giá tôi biết được tên anh, nhất định sau chiến tranh tôi sẽ tìm về làng quê... nơi ấy hẳn anh còn người mẹ già?...

Tôi sẽ quỳ xuống bên mẹ. Tạ lỗi với mẹ - người đã sinh thành ra anh - một chàng trai bất tử!...

N.T.T.N
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2022, 06:39:18 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:50:37 pm »

NHỮNG CON NGƯỜI ĐÁNG KÍNH


NGUYỄN HỮU DƯ


Ngày 30 tháng 4 năm 1968, bốn anh em kỹ sư lớp trắc địa 65 gồm: Nguyễn Hữu Dư, Hồ Sĩ Hậu, Nguyễn Xuân Diệu, Phan Văn Hợi được thày hiệu trưởng Trường đại học Mỏ - Địa chất (trường mới tách ra từ khoa mỏ - địa chất của Trường đại học Bách khoa) gọi lên gặp gỡ. Thày vui vẻ mời chúng tôi uống nước trà Thanh Tâm, mà thời bấy giờ mậu dịch chỉ bán phân phối rất hạn chế, nên quý lắm. Chúng tôi dùng hai tay nâng chén trà mới đặt lên môi đã thấy mùi chè thơm phức và liếc nhìn nhau thầm đoán: chắc là có việc gì hệ trọng lắm đây? Như đoán được ý nghĩ đó của chúng tôi, thầy hơi mỉm cười, khác hẳn với những lần gặp gỡ trước thầy luôn nghiêm nghị, sao lúc này nét mặt thầy tươi tắn thế?


Tôi hình dung như nét mặt của bác Trường Chinh trên tấm ảnh được treo trang trọng ở nhà tôi nên khẽ nói với Hồ Sĩ Hậu:

- Cậu có thấy thầy giống bác Trường Chinh không?

Hậu tưởng tôi không biết thầy là em ruột bác Đặng Xuân Khu, tức là Chủ tịch quốc hội Trường Chinh nên khẽ nói:

- Anh em ruột giống nhau có gì lạ?

Sau vài phút yên lặng, thầy Đặng Xuân Đỉnh nói chậm rãi:

- Bộ Quốc phòng cần tuyển một số kỹ sư trẻ có chuyên môn giỏi, có lý lịch tốt. Sau khi trao đổi với thày chủ nhiệm và Bí thư chi bộ lớp TĐ 64 Ban giám hiệu quyết định cử bốn em vào bộ đội, các em đều là đoàn viên thanh niên lao động có phẩm chất đạo đức tốt, lại xuất thân từ các gia đình có truyền thống cách mạng. Thầy tin là các em sẽ phát huy được những gì mà trường Đại học bách khoa và Mỏ địa chất trong hơn bốn năm qua đã trau dồi cho các em. Nhất định các em sẽ lập được nhiều chiến công, làm rạng danh cho trường của chúng ta. Từ giờ phút này, trường giao nhiệm vụ cho em Dư vì em Dư là đối tượng phát triển Đảng, là người chỉ huy nhóm của các em. Thay mặt trường, thầy chúc các em lên đường mạnh khỏe.


Chúng tôi nhập ngũ nhẹ nhàng và đơn giản thế đấy! Không biết bộ đội cần gì mà một lúc tuyển những bốn kỹ sư trắc địa trong khi cả khóa chúng tôi chỉ vẻn vẹn lúc này còn 24 người? Mấy hôm sau, lại lấy thêm 12 kỹ sư lớp chế tạo máy, thủy lợi, điện lực cùng khóa 9 trường Đại học Bách khoa. Đơn vị bộ đội của chúng tôi gọi bí danh là Công trường 18 đóng quân ở Thọ Am cách Hà Nội gần 20 km.


Sau mấy ngày nghe đại úy Phan Ninh phụ trách chính trị nói chuyện thời sự và động viên chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, thì chỉ huy trưởng công trường cho gọi bốn anh em chúng tôi đến gặp riêng. Anh nói:

- Tôi là Mai Trọng Phước - thiếu tá phụ trách đơn vị. Tôi biết các đồng chí đều có lý lịch tốt mà người ta hay gọi đùa là "con ông cháu cha" cả, các đồng chí lại rất trẻ, có năng lực. Khi chúng tôi đến tận trường tìm hiểu được nhà trường cung cấp như vậy nên rất mừng. Vì thiết kế đường ống dẫn dầu qua núi, qua sông là nhiệm vụ mới, từ xưa đến nay quân đội ta chưa làm bao giờ. Các cụ xưa thường nói "Vạn sự khởi đầu nan" thi nhất định là khó rồi. Ngay khi giao nhiệm vụ này cho chúng tôi, đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cũng nói đây là công việc làm thử, đã là thử thì có thể bại có thể thành... Chắc các đồng chí cũng đã biết khi nghiên cứu chế tạo dây tóc bóng điện hay ác quy, nhà bác học Eđixơn đã bao nhiêu lần thất bại, nhưng do có quyết tâm cao, cuối cùng ông đã thành công, vì vậy trong việc này tôi tin là thành công. Thứ nhất, chúng ta hơn Eđixơn là có nhiều người có trình độ cao hơn Eđixơn vì Eđixơn bị đuổi học khi còn đang học phổ thông. Thứ hai, ta có mục đích cao cả là đánh thắng đế quốc Mỹ, giành độc lập cho Tổ quốc.

Nghe anh nói đến đây, chúng tôi bấm nhau:

- Ông thủ trưởng này biết khá đấy!

Ngừng một lát như để chúng tôi thấm những lời tâm huyết, anh nói tiếp:

- Chúng tôi đã mời một số chuyên gia quân sự Liên Xô giỏi về lĩnh vực này sang trực tiếp hướng dẫn cho các đồng chí. Bây giờ chỉ cần các đồng chí có quyết tâm cao và không ngại khó là làm được. Các đồng chí có quyết tâm không?

Cả bốn chúng tôi đều đồng thanh:

- Báo cáo thù trưởng, quyết tâm ạ!

Nghe chúng tôi cùng nói như hô vậy anh cười:

- Tốt! Tốt! Tôi tin là các đồng chí sẽ làm được. Nhất định chúng ta sẽ làm được.

Sau một tháng được chuyên gia Liên Xô tận tình hướng dẫn, chúng tôi đã nhanh chóng nắm bắt được các công việc thiết kế, thi công và vận hành đường ống dã chiến. Đầu tháng 6 bốn chúng tôi vào Nghệ An, Hà Tĩnh để khảo sát và thi công tuyến ống. Ở đây, chúng tôi được tách ra để chỉ đạo kỹ thuật ở bốn phân đội nhỏ. Mặc cho máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá, chúng tôi đã nhanh chóng xác định được tuyến đi chính xác, bảo đảm đủ bốn yêu cầu "ngắn, gần, tránh, kín" và hai kho hai đầu mút bí mật an toàn.


Đến cuối tháng 8 năm 1968, đoạn tuyến dẫn dầu đầu tiên trong lịch sử của quân đội ta ra đời, chỉ có 42km mà nó đã phải vượt qua các trọng điểm ngày đêm địch bắn phá làm cháy hàng trăm xe và hàng vạn lít xăng. Đó là Truông Bàng, Truông Cau, Rú Trét (có người còn gọi là rú chết) qua sông Lam, sông La... vào Nga Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh được ký hiệu là N2. Sau khi đã bơm xăng từ N1 vào đầy ắp N2 thì tiểu đoàn đường ống đầu tiên của binh chủng xăng dầu ra đời, gọi là tiểu đoàn 668 do anh Ngọc Kỳ là tiểu đoàn trưởng (sau này anh Kỳ làm Cục trưởng Cục xăng dầu đã nghỉ hưu). Cuối năm 1968, tuyến ống được kéo dài từ xã Đức Long (Đức Thọ) để tránh cao điểm ngã ba Đồng Lộc theo đường 12 qua Cha Lo, vượt đèo Mụ Giạ sang huyện Lằng Khằng của nước bạn Lào, các tiểu đoàn 768, 868, 968 lần lượt ra đời theo chiều dài của tuyến ống! Và đầu năm 1969, binh trạm đường ống đầu tiên được thành lập mang tên BT 169 do thiếu tá Mai Trọng Phước làm binh trạm trưởng. Sau khi tuyến của BT 169 vận hành an toàn, bốn anh em chúng tôi lại tạm biệt anh Mai Trọng Phước để đi khảo sát chuẩn bị cho tuyến mới bắt đầu từ Cẩm Ly, Lệ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đi vào Ra Vơ huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, phải vượt qua sông Xê Băng Hiêng đầy thác lũ mà cục trưởng Phan Tử Quang gọi là tuyến hướng Đông!


Do có nhiều kinh nghiệm về khảo sát thi công nên chưa đầy một năm sau, tuyến đường ống không chỉ vượt Xê Băng Hiêng mà còn vượt Xê Pôn, đường 9 vào tận huyện Mường Noòng, tỉnh Xa-va-na-khệt (Lào).
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:51:28 pm »

Ngày 20 tháng 10 năm 1970 đối với tôi là một ngày có hai tin vui cùng đến mà người "tàu" gọi "song hỉ". Đó là sau ba đêm thức trắng để chờ Lê Anh Bân (anh Bân quê Thanh Hóa đã hy sinh vì trúng bom Mỹ cuối năm 1971) gọi điện từ Hà Nội vào qua đường dây tiếp sức báo cho tôi biết:

- Chuẩn bị khao lớn nhé, theo tin của ông "cụ" anh thông báo: "Chị Nguyệt vợ anh đã sinh cháu trai đầu lòng ngày 20 tháng 10, ông nội đã đặt tên là Hữu Thọ, cháu nặng 3,4 kg" nghe rõ chưa?

Tôi phấn khởi quá, ứng khẩu đọc ngay.

- Trước hết cảm ơn Bân, mình có mấy câu thơ khao luôn nhé:

Thức trắng ba đêm mới biết rằng

Cô Nguyệt - vợ tớ, sinh một thằng

Ông nội đặt tên là Hữu Thọ

Giống cả bố "thừa" cả mẹ "trăng"?

Bân cười và nói:

- Tạm được. Bao giờ ra Hà Nội khao nhé!

Không ngờ đây là lần cuối cùng gặp anh!

Tin vui thứ hai là trung đoàn đường ống đầu tiên thuộc Bộ Tư lệnh 559 được thành lập mang tên Trung đoàn 592 và thật bất ngờ người trung đoàn trưởng lại rất quen, đó là: Thiếu tá Mai Trọng Phước!


Sau khi trung đoàn 592 đã vận hành ổn định, các anh Nguyễn Xuân Diệu, Phan Văn Hợi được gọi ra tuyến ngoài. Lúc này ở trung đoàn bộ chỉ còn có Nguyễn Hữu Dư, Hồ Sĩ Hậu, Đào Quang Nghiêm, Võ Thử Thành, riêng Lê Sơn được anh Mai Trọng Phước "biệt phái" xuống tiểu đoàn 668 mới của trung đoàn, đây là tiểu đoàn vừa có kho chứa lớn ở Pha Băng Nưa lại có nhiều trạm bơm vượt sông Xê Băng Hiêng nên là nơi địch thường xuyên bắn phá bằng đủ loại bom đạn, đủ các loại máy bay B52, B57 cả cối của OV10 và AC 130. Đầu năm 1970 (chiều 30 tết Kỷ Dậu) anh Phước cùng đi xe với anh Nguyễn Huệ, trung tá binh trạm trưởng, BT9 vào thăm và chúc tết cán bộ chiến sĩ làm kho xăng Pha Băng Nưa đã bị bom B52. Anh Huệ bị một mảnh bom găm vào thái dương trái đã lặng lẽ hy sinh! Thế nhưng chúng không làm cho một ai nao núng và không cướp đi được một giọt xăng nào! Do vậy, tiểu đoàn 668 đã được Nhà nước tuyên dương là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Đối với chúng tôi, anh Mai Trọng Phước thường xuyên nhắc nhở:

- Các cậu là kỹ sư, tôi giao cho mỗi người ít nhất mỗi năm phải có một sáng kiến hay chuyên đề gì đó có giá trị.

Có lần anh tâm sự:

- Các cậu hơn bọn mình là được học hành cơ bản rồi đi bộ đội, còn bọn mình vừa đánh giặc vừa học cực lắm. "Con hơn cha là nhà có phúc". Do đó, các cậu phải cố lên để sau này còn thay thế bọn mình.

Chính những lời tâm huyết này thôi thúc chúng tôi vươn lên, và mỗi khi gặp khó khăn, nó như một ngọn đèn pha rọi chiếu soi sáng cho chúng tôi tiến bước vào rừng núi âm u.

Hồ Sĩ Hậu luôn luôn kè kè quyển sách tự học tiếng Nga có lúc phải bớt gạo để mang sách, rồi lại tự học chữ Lào nên đã từng dạy trẻ em Lào tập viết chữ của họ! Chính vì do anh Phước luôn nhắc nhở nên Hồ Sĩ Hậu là người có nhiều chuyên đề nhất như: "Chọn đường cong tối ưu", "Cấp phát xăng dầu tự chảy". "Kho xăng vừa nhập, vừa xuất độc lập", "Sử dụng toán đồ để tính dung tích các bể chứa xăng" do đó ai ai cũng có thể tính một cách dễ dàng. Hay dùng toán vận trù để "tìm đường vác ống ngắn nhất".


Đào Quang Nghiêm thì có "dùng đường ống dốc thủy lực để nhanh chóng khoanh vùng nơi xảy ra sự cố" đã đưa năng suất vật hành lên khá cao và lưu lượng trung bình tăng khá lớn, hạn chế được tổn thất về người về xăng, thực hiện khẩu hiệu "chỉ có xăng chờ xe, chứ không để xe chờ xăng".


Còn tôi, chuyến đi khảo sát và thi công xong lại đi đơn vị mới nên mãi đến năm 1971, khi đến trung đoàn 532 mới được tham gia chỉ huy vận hành và lúc ấy có chuyên đề "người chỉ huy vận hành phải biết điều chỉnh áp suất của các trạm bơm" mà trước đó họ chỉ biết ghi chép khi các trạm bơm báo về, rồi sử dụng số vòng quay ít nhất để được nhiều máy điện thoại đấu chữ đinh nhất" đã được các trung đoàn toàn tuyến áp dụng. Sau khi Hồ Sĩ Hậu biên tập và đã cho đăng trên tạp chí "Xăng dầu" của Cục. Cuối năm 1972, có bài "Xử lý và chống nút hơi trong vận hành" áp dụng tốt ở trung đoàn 532, sau khi báo cáo về cục cũng được anh Hồ Sĩ Hậu áp dụng cho trung đoàn 592 thành công.


Tháng 3 năm 1975, tôi và Hồ Sĩ Hậu cùng thiết kế và thi công ống treo trên sông Xê Rê Pốc thành công góp phần không nhỏ vào việc cung cấp xăng kịp thời để bộ đội ta "thần tốc" trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử!


Trung đoàn 592 đã được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.

Thời gian lặng lẽ trôi qua! Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, anh Mai Trọng Phước, đại tá - Cục trưởng Cục xăng dầu đã nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, anh lại âm thầm đi làm thêm để lấy tiền ủng hộ cán bộ chiến sĩ thương tật, hay các cháu bị tật nguyền do bị nhiễm chất độc màu da cam của bố mẹ ở chiến trường. Gặp anh, vẫn tiếng cười trẻ trung năm xưa, anh tự hào nói:

- Các kỹ sư ở đơn vị mình năm xưa đến nay đều trưởng thành. Đào Quang Nghiêm sau hòa bình đã đi nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc nay là đại tá - PTS - Trưởng phòng kỹ thuật Cục xăng dầu, Hồ Sĩ Hậu, năm 1982 làm luận án tốt nghiệp đại học thứ 2 Kinh tế Kế hoạch, đạt điểm tối đa 10/10, nay là đại tá - Phó văn phòng Bộ Quốc phòng, Nguyễn Văn Tạo - đại tá - trưởng phòng tổ chức lao động - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Phạm Duy Lộc - đại tá - Trưởng phòng vật tư cục xăng dầu, Dương Ngọc Văn - đại tá - Cục trưởng Cục vật tư - Bộ Quốc phòng. Riêng Lê Sơn sau khi được rèn luyện ở Pha Băng Nưa, nay là đại tá - Bí thư Đảng ủy Cục vũ khí - đạn. Song củng có người thiệt thòi. Người xưa nói "thượng đế chẳng cho ai hết, cũng chẳng lấy hết của ai".

Năm tới nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn 559, mình định họp tất cả anh em đường ống lại. Cuộc họp này có ý nghĩa chúng ta chiến thắng nhưng không quên một ai, vì ai cũng có công cả.

Tôi nói:

- Vâng, rất quý, rất có ý nghĩa! Vừa qua bạn tôi đã thăm thày Đặng Xuân Đỉnh nhân kỷ niệm 30 năm ngày chúng tôi nhập ngũ từ trường Đại học mỏ - địa chất. Khi thấy chúng tôi đều lành lặn trở về với quân hàm cấp tá và nhiều huân chương trên ngực, thầy rất vui, song lại bùi ngùi kể về người con trai duy nhất đã ngã xuống ở chiến trường. Chúng tôi cảm động thưa với thầy rằng: "Đối với chúng em, thầy mãi mãi là người thầy đáng kính".

Và hôm nay, với bài viết này, tôi muốn thay mặt anh em được nói với anh - đại tá Mai Trọng Phước rằng: "Anh củng mãi mãi là Thủ trưởng thân thương của chúng tôi".

N.H.D.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #43 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 06:26:37 am »

NGƯỜI HÀ NỘI TRỞ VỀ


TRỊNH TRÁNG


Vào giữa tháng 8 năm 1954, hai tháng sau Hiệp định Pa-ri được ký kết, trung đoàn 36 thuộc sư đoàn 308 - quân tiên phong của chúng tôi đang đóng ở khu vực Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang để luyện tập đội ngũ chuẩn bị cho ngày tiếp quản thủ đô.


Ngày nay cứ xem lại các cuốn phim, tác phẩm văn học nghệ thuật nói về ngày lịch sử đó, người ta hay được chiêm ngưỡng các cảnh "trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về" của đại quân ta tiến vào qua năm cửa ô, có các bà mẹ, cô gái vẫy cờ, tung hoa đón mừng náo nhiệt. Nhưng ít ai biết đến, có một đoàn quân tiếp quản vào trước một ngày, được chứng kiến rõ nhất các cảnh đối nghịch của những đường phố thủ đô trong cái phút giao thừa giữa chưa giải phóng và giải phóng. Đó là trung đoàn 36 chúng tôi đã vào Hà Nội từ 9 tháng 10 năm 1954 để làm việc tiếp quản theo nhiệm vụ "đi trước một bước"; thay thế kẻ địch, tiếp nhận những phần đất và dân cư mà chúng phải trả lại. Trung đoàn 36 từ Hiệp Hòa tiến về Hà Nội theo hai mũi. Tiểu đoàn 84 đi theo hướng Bắc Ninh về tiếp quản sân bay Gia Lâm. Lực lượng còn lại của trung đoàn đi theo hướng Phúc Yên và Mai Lĩnh (thuộc Hà Đông) rẽ sang Văn Điển, bám theo đường 1 từ phía nam lên nhà thương Bạch Mai tiến về ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội). Từ đó sẽ theo đường Găm bét ta (tức Trần Hưng Đạo) tiến về khu Đấu Xảo (Cung văn hóa hữu nghị bây giờ).


Về đến Mai Lĩnh, đang ở chặng dừng chấn chỉnh đốn đội hình, tôi nhận được một bức thư nhà từ vùng sơ tán tận trong Thanh Hóa, theo đường bưu điện kháng chiến đi ra. Tôi ngạc nhiên chỉ còn nhớ mang máng là có lúc nào đó hồi còn ở Trung Giã, có gặp một cán bộ dân công quen biết gia đình tôi nơi sơ tán. Tôi gửi dăm mảnh vải dù và ít thứ lặt vặt. Thế mà bố mẹ tôi cũng bắt được tin, nay bố tôi cứ đề rõ đơn vị 36 tiếp quản Thủ đô, mà thư cũng tới nơi. Người cơ động liên hồi, mà thư đến được, đó mới là chuyện lạ. Chứ từ ngày rời Điện Biên Phủ đến giờ, tôi có chút thì giờ nào rảnh rỗi đâu để báo tin cho gia đình. Trong thư, bố tôi chỉ báo tin tóm tắt là gia đình biết chắc thế nào bộ đội Điện Biên cũng về tiếp quản Hà Nội "thường tiếp quản xong là phải thiết quân luật. Bố mẹ khó lòng tìm con. Gia đình đã vào trước, ở nhà 39 Tràng Tiền. Con có vào Hà Nội thì tìm cách xin phép về thăm nhà...''


Trước lúc tiến quân vào khu vực trung tâm, đoạn Giáp Bát ngay bên đường 1, bấy giờ còn đồng hoang làng vắng, chúng tôi được giao những bó giấy tờ, mở ra toàn là lệnh thiết quân luật, chữ viết to như tờ cáo thị, để cho bộ đội ta tiếp quản đến đâu thì tỏa ra dán lên đến đấy. Đêm trước ngày 9 tháng 10 năm 1954, trời mưa to. Chúng tôi đang đóng trong một nhà dân ở  vùng này thì nhận được điện báo của tiểu đoàn là ở trạm gác khu vực Tương Mai đang làm nhiệm vụ có bốt địch ngay bên kia đường không có mái hiên. Chúng xin sang đứng nhờ. Tổ canh gác xin ý kiến trung đoàn. Chúng tôi báo cáo chỉ huy trung đoàn, rồi trả lời: "Cứ cho chúng đứng nhờ, nhưng phải canh gác và tạnh mưa là bắt chúng trở về chỗ cũ ngay". Một đêm phấp phỏng đầy lo toan nhưng tràn trề niềm vui chiến thắng đã qua đi gần như thức trắng. Sáng hôm sau, ra Mai Lĩnh, nhìn thấy đường nhựa, tôi sướng quá, nằm lăn ra đường một lúc cho khoái. Tám chín năm nay chỉ toàn đi đường rừng.


Phía trước, chúng tôi còn trông thấy xe tăng, xe bọc thép của Pháp vòng đi vòng lại để "diễu võ dương oai" và đe dọa nhân dân. Đó là những lực lượng canh gác cuối cùng. Chỉ nghe đồn đại quân của chúng đã rút về khu tập kết ba trăm ngày dưới Hải Phòng. Trước lúc đi, chúng cũng làm lễ "cuốn cờ" và cũng ra "quân luật" cấm đoán nhân dân đủ thứ. Trông phố xá vắng teo thì biết.


Trung đoàn tôi từ Văn Điển đi về Bạch Mai. Đến đây, lại gặp đường nhựa, đường số 1 thênh thang. Tôi lại lăn ra đường một lần nữa để tận hưởng cái hạnh phúc của người Hà Nội trở về. Nhưng điều làm tôi xúc động nhất, là sau cái phút ắng lặng như chết chóc của giờ phút hết bóng quân viễn chinh Pháp, là đã thấy đoàn quân mũ vải, nan tre, áo Tô Châu, giầy vải vào rầm rập trên đường, súng ống đầy vai, đạn đeo trước ngực, thì tất cả òa lên một sức sống như ngòi nổ đã bị nén chặt từ lâu, theo quân luật, họ chưa được ra đường. Nhưng trên các ô cửa, các nóc nhà, lề đường rặng găng cổng ngõ ra vào, cờ đỏ đủ cỡ mọc lên đan chen nhau một cách đột ngột. Thì ra nhân dân đã được lãnh đạo tổ chức chuẩn bị từ trước rất chặt chẽ. Họ làm gì có tập dượt dưới mũi súng kìm kẹp của kẻ địch. Vậy mà hôm nay họ ào lên thật đồng loạt. Chúng tôi ngây người vì xúc động. Trong tâm can tôi còn một điều suy nghĩ lắng sâu: bao giờ cho tôi được đi qua phố Tràng Tiền. Bố mẹ ơi con đã về đây. Cách nhà ta chỉ độ vài cây số.


Đến ngày 10 tháng 10 năm 1945, quân ta ào ạt tiến vào theo năm cửa ô. Lúc này, bổn phận của chúng tôi là phải tập trung vào canh gác, tuần tra, đảm bảo an ninh trong khu vực được phân công.

Phải vài ba ngày sau, tôi mới nghĩ đến việc đi tìm gia đình.

Hôm ấy, tôi cùng anh Ngô Ngọc Dương, mỗi người đi một xe đạp, tiến hành một cuộc vòng quanh xem xét khu vực tiếp quản. Đến đầu Hàng Khay giáp phố Tràng Tiền (lúc đó là phố Gô-đa), là hết phạm vi phụ trách. Ý muốn tạt qua nhà làm tôi nói quanh nói quẹo cùng anh Dương:

- Cứ như tư tưởng chiến thuật của chúng ta, nơi tiếp giáp là phải trùng nhau giữa hai lực lượng tiếp cận để khỏi lòi ra kẽ hở. Ta đi quá lên một đoạn đến Nhà hát lớn xem sao anh!

Anh Dương chưa biết rõ ý đồ của tôi, anh liền đồng ý. Tôi mừng thầm trong bụng và thong thả đạp xe lên trước. Tôi đi từ từ và quan sát kỷ hai bên đường. Tìm con số 39. Đã đến khoảng trống Nhà hát lớn mà chẳng thấy bóng dáng người nhà tôi đâu cả. Tôi buồn bã cùng anh Dương quay trở lại. Đi đến trước rạp Ê đen (nay là rạp Công Nhân) thì trông thấy mẹ tôi đứng ngay phía bên kia đối diện cửa rạp. Tôi mừng quá suýt lao cả xe lên vỉa hè. Cho đến khi tôi phanh két xe, nhảy xuống, bà mới nhận ra. Vẻ ngỡ ngàng, rồi sau đó bà òa lên, ôm chầm lấy tôi.

- Ôi, con, thằng Tráng, con cao lớn đổi khác thế này ư? Ở nhà nghe tin con đánh trận Điện Biên cứ lo lo là!

Tôi nghẹn ngào nhìn vào khuôn mặt đã nhăn nheo của mẹ. Nhưng cặp mắt và đôi môi mẹ vẫn vẹn nguyên nét nhân từ, hiền dịu của những ngày đưa tiễn tôi ra đi khỏi thủ đô.

Anh Dương lúc đầu mở to mắt ngơ ngác - sau đó anh quay mặt đi, có lẽ vì xúc động. Tôi hỏi thăm sức khỏe mẹ và tình hình gia đình qua vài câu bối rối. Nhà tôi ngay ở trong ngõ phía sau nhà ăn Tràng Tiền bây giờ. Mẹ kéo áo chúng tôi vào. Nhưng lấy lý do đang làm nhiệm vụ, chúng tôi khất mẹ đến ngày nghỉ cuối tuần.


Nhưng hôm ấy về, anh Chu Thanh Hương - chính ủy trung đoàn, biết chuyện. Ngay sáng hôm sau, anh bảo tôi:

- Đây tớ một xe, cậu một xe. Cậu đạp trước dẫn đường. Ta về nhà cậu, thăm ông bà cụ và gia đình.

Anh nói xong phóng xe ra trước. Tôi vội vàng "chấn chỉnh quân trang" rồi tót lên pê-đan đạp theo.

Xe rẽ vào ngõ ở số 39 Tràng Tiền. Bố tôi ra đón, mời vào nhà, cụ pha nước rất lẹ tay và cẩn trọng. Cụ nói rõ tình hình một cách minh mẫn, rõ ràng mạch lạc. Còn mẹ tôi, sau phút xúc động, vẫn con mắt nhân từ, giọng nói ngọt ngào, ấm áp. Mẹ kể lại:

- Hôm đại quân ta vào, con có biết không, mẹ ra đón từ đầu đến cuối phố Tràng Tiền, hết khối quân này, đến khối quân khác, chẳng thấy tăm hơi con đâu cả. Mẹ buồn và lo quá, hay là ở lại Điện Biên... Sau mẹ đánh bạo, mẹ gặp một anh có dáng chỉ huy, mẹ hỏi đúng đơn vị con. Anh ta bảo "Bà ra Đấu Xảo mà tìm". Ra Đấu Xảo, họ lại nói là đơn vị con đóng ở ga Hàng Cỏ. Đến ga Hàng Cỏ, lại có người bảo quay về Đấu Xảo. Mẹ buồn tủi, nghĩ bụng: Có lẽ chưa được phép gặp con. Tình thế còn đang quân luật". Đến lúc quay về, nói lại cả nhà nghe bố con chỉ cười "bình chân như vại": "Bà cứ yên tâm. Nó chưa chết đâu! Nó có chân rồi nó khắc về".

Sáng hôm đó, bố tôi thết hai anh em một bữa thịt bò khô chính hiệu đặc sản Hà Nội. Tám chín năm nay, bây giờ người Hà Nội mới lại được nhấm nháp vị ngọt bùi của thịt bò khô Hà Nội. Cái xe đẩy với tiếng kéo thép xắp đanh đanh. Sao mà thân thương thế!

(Trọng Khoát ghi)
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #44 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 06:27:36 am »

ÔNG GIÀ Ở NGÕ CHỢ


MẠNH LÂN


Đường vào chợ Khâm Thiên có 12 ngõ nhỏ ngoắt ngoéo, chật chội. Tìm được ngõ 4 rồi mà hỏi mãi mới thấy nhà ông Giang. Trong ngôi nhà nhỏ mang số 24, tôi gặp một cụ già móm mém với hai hàm răng giả; nhưng nhìn vào đôi mắt nhân hậu tôi nhận ngay ra anh.


Anh cởi mở: "Từ lâu tôi không còn liên lạc được với anh em quyết tử, nay mới gặp lại anh!" Mời tôi uống nước, anh từ tốn: "Mấy hôm nay tôi mệt, với lại nhiều tuổi đã hay quên".

Đúng là anh yếu thật. Đã 78 tuổi, lại qua ba lần mổ chữa bệnh và vết thương củ tái phát. Nhưng ẩn sau giọng nói là sự khiêm tốn vẫn không thay đổi như từ thuở nào. Hàn huyên chuyện củ, hình ảnh người chỉ huy một mũi tiến công vào sân bay Gia Lâm hơn 50 năm về trước mà tưởng mới qua đấy chưa lâu...


Trận tập kích sân bay Gia Lâm đêm 17 rạng sáng 18 tháng 1 năm 1947 là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vào căn cứ không quân. Địch tổ chức bố phòng chu đáo. Ngoài lực lượng canh gác, còn một tiểu đoàn lính Lê - dương có xe tăng yểm hộ sẵn sàng ứng cứu.


Ban chỉ huy trận đánh gồm đồng chí Đặng Việt Châu, chỉ huy trưởng; hai phó chỉ huy là Trần Cư, Lê Hồng, thực hiện 3 mũi đánh vào. Hướng Bắc do lực lượng tự vệ cảm tử đi theo hướng Bồ Đề, Lâm Du tiến vào khu để máy bay ném bom Đa-kô-ta. Hướng Nam do lực lượng Vệ quốc đoàn đánh vào chính diện sân bay. Hướng đông là đội công tác phá hoại có tăng cường đội Quyết tử quân chúng tôi, đánh vào nhà Hăng-ga nơi để máy bay Xpi-phai, nhà ở của bọn phi công và sĩ quan chỉ huy.


Đội Quyết tử chúng tôi sau gần một tháng chiến đấu ở thành Cửa Bắc, nhà máy nước tròn Hàng Đậu, đường Quán Thánh, ngõ Yên Ninh, được tập hợp huấn luyện cấp tốc 3 ngày tại sân đình Tứ Tổng. Một sĩ quan công binh "Việt Nam mới" dậy tập đâm bom ba càng, sử dụng chai xăng đánh xe tăng, phá máy bay. Kết thúc lớp học, chúng tôi đi làm nhiệm vụ ngay. Lễ tiễn đưa thật xúc động. Nhân dân địa phương, đại biểu các đoàn thể quàng lên cổ chúng tôi chiếc khăn chéo đỏ do chị em phụ nữ thêu hai chữ Q.T. Chiếc khăn là lời thề, là biểu tượng quyết tử hy sinh chiến đấu.


Chúng tôi vượt sông Hồng, qua đường 5, tập kết ở Phù Đổng, chiều tối qua bến Dương Hạ bằng hai chiếc đò nan. Bí mật giấu quân ở Vo Vàng dưới những rặng táo và các vườn lá dong xanh um, cao lút đầu người.


Ở đây, máy bay địch vừa đánh phá buổi chiều. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảnh hoàng hôn chập choạng, một ngôi nhà lá đổ sập, giữa nhà trên, cái phản lật nghiêng, tung tóe mâm cơm đang ăn dở; năm xác chết cả đàn bà, trẻ em. Chúng tôi đứng lặng người. Những chiếc khăn quàng đỏ có hai chữ Q.T quàng trên cổ chúng tôi như máu ứa ra từ những vết thương.


Xuất phát từ gốc gạo làng Vàng và cũng lấy cây gạo cao nhất vùng làm điểm tập kết nếu bị lạc. Theo trinh sát, đến 0 giờ 30 phút chúng tôi mới luồn qua hàng rào thứ tư. Mũi do anh Giang chỉ huy nhanh chóng vượt qua đường băng vào thẳng nhà Hăng-ga, khu chứa nhiên liệu bay.


Khi lửa khói bốc vọt, trong tiếng súng hỗn loạn, tiếng gầm rú của xe tăng; đạn xít-tốc của ta phát một bắn vào nhà của bọn giặc lái, anh em chúng tôi lao lên đặt bom vào chiếc Xpi-phai và giật nụ xòe.


Kết thúc trận đánh, một số anh em hy sinh, bị thương đã được đưa về địa điểm quy định. Số lạc đường cũng đã về đến Vo Vàng, nơi có cây gạo cao nhất vùng, vẫn không thấy bộ phận của anh Giang. Sau hơn một ngày tìm kiếm, chúng tôi đành tổ chức lễ truy điệu những người mất tích vì chắc anh em đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu để giặc bắt.


Chiều ba mươi tết, mọi người chuẩn bị ăn tất niên với bà con địa phương thi nghe tin anh đã trở về. Có người đang giặt giũ, có người đang cắt tóc dở dang cũng vất đấy mà ra đón các anh. Mừng vui khôn xiết. Hóa ra bộ phận của anh bị kẹt ở khu Hăng-ga không trở ra đường cũ được phải bám theo rìa sân bay lên hướng Bắc tìm cách ra đê sông Hồng.


Gặp một số anh em hướng đấy cũng đang tìm lối ra. Bộ phận này hầu hết là người ở Việt Bắc về, chưa quen thung thổ; Lê Hồng bị thương khá nặng ở cổ và vai nên không nắm liên lạc chỉ huy được. Lúc này anh Giang cũng bị thương ở cánh tay, máu chảy nhiều. Cùng đồng đội dìu Lê Hồng, mệt lả từng bước theo dọc đê. Khoảng 7 giờ sáng đến được Cự Khối. Du kích và nhân dân địa phương nghe đánh sân bay đã tự động tổ chức đón anh em lạc đường. Lê Hồng bị nặng được bà con băng bó và dùng đò đưa ngay sang bệnh viện Thường Tín. Bộ phận anh Giang được ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm. Sáng 30 tết, du kích dẫn đường về hậu cứ Phù Đổng như kế hoạch quy định.


Sáng mồng một tết, mọi người dậy sớm tập hợp chào cờ và chúc tết bà con ở giữa sân đình thờ Đức Thánh Gióng. Bộ đội quyết tử được bà con đón về từng nhà ăn tết. Tối mồng một, chúng tôi tổ chức một đêm kịch liên hoan với bà con. Đêm kịch là lời cảm ơn sự chăm sóc của đồng bào và cũng là lời tạm biệt. Sớm mai chúng tôi đã phải hành quân. Cũng từ đấy tôi và anh Giang xa nhau!


... Trò chuyện với một cụ già hom hem mà trong đầu tôi cứ chập chờn hình ảnh anh thanh niên vạm vỡ, hình ảnh một cán bộ xông xáo trong ánh lửa của xăng cháy giữa phi trường đêm nào.

Có tiếng nô cười râm ran của các em học sinh tan học đi qua cửa. Những chiếc khăn quàng đỏ trên cổ các em tíu tít bay trong ngõ.

Các em ơi, trong mỗi ngõ nhỏ chúng ta sống hôm nay, đang "mai danh ẩn tích" không chỉ một người Anh hùng.

M.L
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #45 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 06:29:22 am »

BÀN TAY BÁC ẤM, ẤM CẢ LÒNG TÔI


NGUYỄN THẾ LÂM


Cuối năm 1964, khi tôi về nhận nhiệm vụ tư lệnh pháo binh đúng lúc toàn binh chủng đang thi đua sôi nổi hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ trong Hội nghị chính trị đặc biệt "Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt!".


Khắp các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đều hăng say rèn luyện nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ hiệp đồng, phục vụ cho những cách đánh truyền thống của quân đội ta.

Trong một buổi làm việc với anh Nguyễn Đôn từ chiến trường Khu 5 ra, yêu cầu đầu tiên của anh cũng là làm thế nào tăng cường được sức mạnh hỏa lực mà chỉ dùng pháo khênh vác (tất nhiên sau này có điều kiện sẽ phải cần pháo xe kéo).


Yêu cầu của anh Nguyễn Đôn càng thôi thúc chúng tôi dốc tâm dốc sức suy nghĩ nhiều hơn. Cho tới một hôm, nhân lên thăm tiểu đoàn pháo phản lực BM-14 tôi nảy ra một ước muốn: Giá mà tháo được những nòng pháo này xuống để khênh đi chiến đấu thì hay biết mấy. BM14 chính là những dàn hỏa tiễn "Ca-chiu-sa" mà quân đội Liên Xô đã sử dụng trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức xâm lược.


Một thời gian sau đó, Bộ Tổng tham mưu thông báo cho chúng tôi cử cán bộ xuống sân bay Bạch Mai đón nhận hàng viện trợ của Liên Xô đưa sang.

Loại pháo này sẽ dùng để hoạt động ở chiến trường B nên chúng tôi gọi là ĐKB cho dễ nhớ. Còn loại do ta cải tiến ống phóng pháo thì được đặt tên là A12. Sau này trong chiến đấu, mỗi lần báo cáo tình hình các đơn vị chỉ ghi đạn A, đạn B, có nghĩa là đạn A12 và đạn ĐKB.


Ta gọi là ĐKB nhưng các đồng chí Liên Xô thì gọi bằng cái tên "mưa đá - đá lửa" lên đầu bọn xâm lược Hoa Kỳ.

Như vậy là cùng một thời điểm rất ngắn và khẩn trương, chúng tôi đã được hai loại pháo phản lực mang vào cùng dòng dõi họ hàng "Ca-chiu-sa".

Chúng tôi vô cùng sung sướng được Bộ Tổng tham mưu cho biết chính Bác Hồ cũng đã thay mặt Trung ương Đảng ta đề nghị Liên Xô nghiên cứu sản xuất chi viện cho ta loại pháo đặc biệt này, cho phù hợp với điều kiện chiến trường Việt Nam. Như vậy là những kết quả cố gang của bộ đội pháo binh đã làm theo đúng ý kiến của Bác.


Đầu tháng 4 năm 1966, chúng tôi tổ chức bắn thực nghiệm ĐKB. Anh Trần Sâm, đại diện Bộ Quốc phòng đến xem bản. Bắn xong, anh dặn tôi chuẩn bị tổ chức bắn một lần nữa, sẽ mời các đồng chí trong Quân ủy Trung ương đến tham quan.


Khoảng 12 hay 13 tháng 4 năm 1966, Bộ Tổng tham mưu thông báo cho chúng tôi biết: lần này không chỉ có Quân ủy Trung ương mà cả các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng lên xem bắn.

Tôi lên trường bắn để kiểm tra, động viên anh em chuẩn bị thêm cho chu đáo. Hôm trở về cơ quan, anh Hoàng nói nhỏ với tôi: "văn phòng Quân ủy Trung ương mới cho biết, có khả năng Bác cũng cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị" lên xem bắn các loại pháo phản lực.


Đối với bộ đội pháo binh, đây không phải là lần đầu tiên được đón Bác.

Trong những ngày chiến đấu chống thực dân Pháp, đúng vào đầu mùa Xuân thứ tám (1953), trung đoàn 45, đơn vị pháo 105 đầu tiên của quân đội ta đã vinh dự được Bác đến thăm.

Trong thời kỳ xây dựng chính quy sau khi hoà bình được lập lại trên miền Bắc do thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Bác Hồ cũng đã nhiều lần đến thăm bộ đội pháo binh.

Bác đã tới thăm lớp học của cán bộ chủ trì toàn binh chủng tại cơ quan Bộ tư lệnh pháo binh, và cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 374, Trung đoàn 208 cũng đã từng được đón Bác.

Sáng sớm chủ nhật ngày 17 tháng 4 năm 1966, trời vẫn còn lạnh, mấy anh em chúng tôi trong Bộ Tư lệnh binh chủng đã phân công nhau đi kiểm tra lại lần cuối các khâu chuẩn bị bắn. Tôi được phân công ra khu tập kết xe ô tô để trực tiếp đón Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Quân ủy Trung ương.


Đoàn xe vừa dừng, Bác xuống xe. Tiếp đó là các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Hoàng Anh, Song Hào, Lê Quang Đạo..., đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn hôm ấy vì bận không lên, nhưng một tuần sau đó tôi lại được trực tiếp đón và đưa đồng chí đi xem bắn.


Gặp Bác lần này, tuy Bác có già hơn, gầy hơn nhưng tôi vẫn thấy Bác giữ nguyên vẻ linh hoạt, nhanh nhẹn. Thật là điều đặc biệt.

Để Bác và các đồng chí lãnh đạo đi xem ngay những nòng pháo phản lực do ta cải tiến sản xuất và do Liên Xô viện trợ, chúng tôi bố trí riêng hai khẩu A12 và ĐKB ở gần đường cái (đường Xuân Mai Sơn Tây).


Trời lắc rắc mưa. Bác bước nhanh tới nơi bộ đội đang tập hợp. Anh em vỗ tay ngay từ lúc Bác vừa ở trên đường cái rẽ vào. Thấy Bác vẫn giản dị với chiếc mũ công nhân dạ cũ, bộ quần áo ka-ki bạc trắng, đôi dép lốp mòn vẹt, có đồng chí rưng rưng nước mắt.


Nhìn khẩu A12 ghếch nòng trên bệ đất được chằng giữ bằng dây thừng to với cái mũ bộ đội chụp lên hộp điện để chống mưa, Bác nói vui:

- Cái này đích là hàng nội hóa!

- Dạ! - Tôi thưa với Bác.

Bác cười với vẻ hài lòng và nhìn qua đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng. Bác ngợi khen tinh thần dám nghĩ, dám làm để phục vụ kịp thời cho chiến trường của cán bộ, chiến sĩ ta.

Khi nghe giới thiệu khái quát về tác dụng của từng loại, Bác hỏi:

- Mỗi viên đạn nặng bao nhiêu?

- Báo cáo Bác, đạn A12 nặng gần 40 ki-lô-gam, còn đạn ĐKB nặng 45 ki-lô-gam ạ.

- Các chú tổ chức mang vác như thế nào?

Tôi liền báo cáo cách thức tổ chức một khẩu đội, về sự phân công, sự hiệp đồng giữa các pháo thủ khi có hành quân cũng như khi thao tác bắn. Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Trung Lực giới thiệu cách nạp đạn, phòng đạn và đã chỉ huy anh em thao tác trình diễn. Do đã tập luyện thuần thục nên động tác của các anh em rất nhịp nhàng, ăn khớp.


Bác chăm chú theo dõi các pháo thủ thao tác và tỏ vẻ hài lòng. Thời gian dừng lại ở trận địa không nhiều, sau đó Bác cùng các đồng chí lãnh đạo đi lên vị trí xem bắn đạn thật ở đồi Cốt Sủ.

Đường đi lên đồi vừa dốc vừa hơi trơn, tôi liền đi sát với ý định đỡ tay Bác, nhưng Bác cứ ung dung bước đi từng bước một.

Trước khi bắn, tôi báo cáo tóm tẳt các phương án và giới thiệu khu vực mục tiêu. Tôi nói hơi dài về kỹ thuật pháo binh, có lúc dùng từ ngữ chưa thông dụng khiến cho Bác phải hỏi lại, sau đó Người uốn nắn:

- Bất cứ lúc nào, ngôn ngữ quân sự cũng phải ngắn gọn, dễ hiểu.

Phê bình xong, Bác lại nêu luôn những ví dụ làm cho chúng tôi tiếp thu rất thoải mái. Cuối cùng, tôi xin phép cho được bán. Bác gật đầu.

Chấp hành khẩu lệnh từ đài quan sát, các trận địa lần lượt "điểm hỏa". Những trái đạn A12, ĐKB nối tiếp nhau vun vút bay trong không trung, réo ầm ầm và phụt về phía sau những dải lửa màu da cam sáng rực.


Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường trực quân ủy Trung ương rất vui khi thấy đạn nổ đúng vào mục tiêu. Bác quay lại nhìn đồng chí Võ Nguyên Giáp khen bắn tốt và căn dặn: phải chú ý tiết kiệm đạn!


Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Bác và các đồng chí lãnh đạo khen ngợi bộ đội pháo binh trong một thời gian ngắn chuẩn bị và huấn luyện đã làm chủ vũ khí mới. Đồng chí nhắc nhở phải chấp hành chỉ thị của Bác, thay thế những từ ngữ mà Bác đã phê bình và có biện pháp để tiết kiệm đạn.


Trước khi Bác ra về, tôi báo cáo thêm với Bác là những đại đội bắn trình diễn sáng nay đều thuộc những đơn vị sắp lên đường làm nhiệm vụ. Hiểu ngay đó là những đơn vị sắp vào chiến trường, Bác dặn tiếp:

- Pháo đạn nặng nề, mang vác cồng kềnh nên khi đi làm nhiệm vụ sẽ gặp nhiều khó khăn. Phải động viên anh em dù khó khăn mấy cũng phải kiên quyết vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nghe Bác nói, một lần nữa tôi bồi hồi xúc động vì Bác quan tâm thấu hiểu những vất vả gian nan của chiến sĩ pháo binh; pháo nặng nề, mang vác cồng kềnh.

Khắc sâu lời Bác dặn: "Phải tiết kiệm đạn!", "Đi làm nhiệm vụ sẽ gặp khó khăn. Dù khó khăn mấy cũng kiên quyết vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ", chúng tôi khẩn trương chuẩn bị cho các đơn vị đi vào chiến trường.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #46 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 06:30:18 am »

Tiểu đoàn 99 - pháo A12 chiến trường Quảng Nam -   Đà Nẵng.

Trung đoàn 84 - Pháo ĐKB vào miền Đông Nam Bộ.

Khi anh em lên đường, cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ trên đường đi rất ác liệt, hành quân mang vác vất vả, gian nan nhưng mọi người vẫn đinh ninh nhớ lời Bác dặn. Phát huy tinh thần quyết chiến và quyết thắng, mặc cho bom rền pháo dội, mặc suối sâu đèo cao vực thẳm, không cái gì có thể ngăn cản được cán bộ, chiến sĩ ta đi đến đích và lập công giòn giã.


Thật vậy, tiểu đoàn 99 đã cõng pháo vác đạn đi liền ba tháng ròng mới vào tới đất Quảng Nam "kiên cường đi đầu diệt Mỹ". Và trung đoàn 84 đã hành quân bền bỉ suốt hai trăm ngày đêm mới tới đất miền Đông "gian lao mà anh dũng". Trên đường đi, trung đoàn trưởng Trần Đáo, chính ủy trung đoàn Nguyễn Lại đã mãi mãi nằm xuống với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.


Không một ai có thể nhớ mình đã vượt qua bao nhiêu núi bao nhiêu rừng, đã băng qua bao nhiêu suối, bao nhiêu sông, đã trèo bao nhiêu đèo, bao nhiêu dốc. Ngày tiếp ngày lưng đeo ba lô căng phồng, những trang bị của người đi chiến đấu, vai lại khiêng súng, vác gạo... chân như chùn lại, đầu gối như long ra, tai ù, vai ê ẩm, nhưng không một ai lùi bước. Nhiều khi phải vượt qua những khu vực máy bay B.52 rải thảm, cây cối ngổn ngang, đất đá bị cày xới.


Vậy mà bước vào chuẩn bị cho những trận đánh mở man cho loại đạn phản lực mang vác lại càng khó khăn gian truân gấp nhiều lần so với những đêm ngày "hành quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".


Cậy có bom lắm đạn nhiều, phương tiện sẵn sàng, giặc Mỹ đánh phá rất dữ dội xuống khắp núi rừng, xuống mọi con đường nghi ngờ ta tiến quân, cày ủi, phát quang bao làng xóm, mở rộng vành đai trắng nhằm ngăn cản lực lượng vũ trang ta thâm nhập. Đã thế, chúng còn liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét, lùng sục khiến ta khó ém quân, giấu đạn.


Đế quốc Mỹ không biết rằng chúng càng đánh phá ác liệt bao nhiêụ thì lòng căm thù của quân và dân ta càng ngùn ngụt bấy nhiêu. Nhân dân đã góp sức chung tay cùng bộ đội đánh Mỹ, diệt Mỹ. Bà con cô bác sẵn sàng che mắt địch, gánh vác súng đạn, tạo điều kiện cho bộ đội pháo binh áp sát địch, dội đạn vào đầu chúng. Có lẽ trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ít có trận nào như trận đầu tiên tiểu đoàn 99 ra quân giáng đòn sấm sét vào sân bay Đà Nẵng đêm 27 tháng 2 năm 1967.


Trong tình thế đồn bốt Mỹ ngụy ken dày, đêm cũng như ngày chúng lùng sục ráo riết, muốn điều tra nghiên cứu tình hình mục tiêu, đo đạc chuẩn bị trận địa, cán bộ chiến sĩ đã phải bằng con đường hợp pháp với sự hướng dẫn, giúp đỡ rất kín đáo của bà con, của du kích mật ở các địa phương. Cho tới ngày vận chuyển đạn từ vùng giáp ranh vào vị trí trận địa, tuy đã bị Mỹ ngụy kìm kẹp, o ép nhưng hàng ngàn người đã xung phong đi vác đạn.


Sức mạnh làm nên chiến công của tiểu đoàn 99 đêm 27 tháng 2 năm 1967: diệt hơn 1.000 tên Mỹ, phá hủy 200 xe quân sự, thiêu cháy 94 máy bay phản lực... là sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là sức mạnh của ý chí quyết chiến, quyết thắng mà Bác Hồ đã giáo dục lực lượng vũ trang nhân dân ta và đó cũng là ý chí, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ pháo binh quyết thực hiện lời Bác dạy khi Bác đến thăm động viên đơn vị.


Nối tiếp chiến công của tiểu đoàn 99 là những chiến công của các đơn vị pháo ĐKB ở chiến trường Bẳc Quảng Trị, ở miền Đông Nam Bộ.

Những trận đánh mở đầu, chúng ta đều đánh tập trung từng trung đoàn pháo phản lực mang vác, bắn hàng ngàn trái đạn trong một trận, dội lửa vào căn cứ 241 ở phía Nam đường 9 đã làm cho Mỹ nín thinh không dám phản ứng gì, mặc dầu trước đó, bọn "lính cổ da" tuyên bố rằng đây là "mảnh trời riêng" của chúng. Hoặc như trận đánh vào sân bay Biên Hòa đêm 2 tháng 5 năm 1967 cũng vậy, cả trung đoàn 84 xuất quân, đã nổi lửa thiêu cháy ngót 100 máy bay Mỹ, buộc sân bay Biên Hòa, một căn cứ không quân chiến lược nằm sát Sài Gòn phải ngừng hoạt động mấy ngày.


Trong những ngày này, bộ đội pháo binh ở hai miền Nam Bắc đều lập được nhiều chiến công vẻ vang. Bác Hồ đã chăm chú theo dõi những hoạt động của binh chủng chúng tôi. Sung sướng nhất là chiều ngày 10 tháng 1 năm 1967 nhận được điện của Tổng cục Chính trị cho biết: Sáng nay, Bác Hồ đã gửi thư khen bộ đội pháo binh. Sáng hôm sau, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và các báo, đài truyền đi thư khen này.


Bộ đội pháo binh một lần nữa vinh dự được Bác Hồ động viên cổ vũ. Đầy là bức thư của Bác gửi riêng cho bộ đội pháo binh. Ngay từ dòng đầu tiên Bác viết: "Pháo binh ta có truyền thống oanh liệt CHÂN ĐỒNG VAI SẮT, ĐÁNH GIỎI, BẮN TRÚNG".


Tiếp đó, Bác dặn: "... Chớ vì thắng lợi mà chủ quan. Phải nêu cao chí khi "quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết phối hợp tốt với các đơn vị bạn và nhân dân, nắm vững chiến thuật, kỹ thuật, giữ gìn xe tốt, pháo tốt, tiết kiệm đạn dược...".


Đọc thư Bác, trong chúng tôi ai nấy như thấy mình được tiếp thêm sức mạnh. Nhiều đơn vị đã kịp thời tổ chức mít-tinh, nhiệt liệt đón mừng thư của Bác.

Cuối năm 1967, để thực hiện nghị quyết lịch sử của Bộ Chính trị Trung ương Đảng "chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định". Quân ủy Trung ương đã triệu tập cán bộ cấp cao về để phổ biến nhiệm vụ chiến đấu xuân Mậu Thân.


Hôm ấy, Bác Hồ đã đến, trông Bác khỏe và vui hơn.

Đây là thời điểm quân và dân ta đang giành thắng lợi liên tiếp. Miền Nam đánh thẳng nhiều trận lớn. Miền Bắc bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ.

Sự có mặt của Bác ở Hội nghị này như thôi thúc giục giã mọi người trước khi bước vào trận chiến đấu mới. Đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương lần lượt giới thiệu với Bác một số cán bộ chủ trì của các quân khu, quân chủng, binh chủng.


Vinh dự cho Binh chủng Pháo binh nói chung và cho chúng tôi nói riêng, sau lời giới thiệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Tạ Xuân Thu, Chính ủy pháo binh và tôi, Tư lệnh pháo binh, được đi lên trước bàn Đoàn chủ tịch hội nghị để Bác Hồ bắt tay.


Bác cầm bàn tay từng người. Và vẫn như hôm đón Bác lên xem bắn pháo, bàn tay Bác ấm, làm cho ấm cả lòng tôi. Vừa sung sướng, vừa cảm động, tôi rơm rớm nước mắt. Và tôi có ngờ đâu đây lại là lần gặp Bác cuối cùng.


Đã bao năm tháng qua đi, nhưng hình ảnh Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Quân ủy Trung ương đến thăm các trận địa pháo phản lực, ngồi trên đài quan sát xem bắn hoặc đến thăm các lữ đoàn, trung đoàn pháo, cũng như thư khen của Bác nay vẫn là những hiện vật, những bút tích vô cùng quý giá được trưng bày trang trọng không chỉ trong nhà truyền thống của binh chủng mà còn được treo ở trung tâm phòng Hồ Chí Minh ở hầu khắp các đơn vị pháo. Và, những lời căn dặn ân tình của Bác luôn được cán bộ, chiến sĩ toàn binh chủng ra sức phấn đấu.


Nỗi niềm mong ước của Bác trước lúc đi xa đã trở thành hiện thực. Mỹ đã cút, ngụy đã nhào, Bác Nam đã sum họp một nhà. Góp sức làm nên sự nghiệp lớn đó có phần nhỏ bé của các lực lượng pháo binh trong cả nước.

N.T.L
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #47 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 06:31:37 am »

ÔNG GIÁM ĐỐC NHÀ TRẺ


QUÁCH XUÂN HÒA


Tôi vào B2 từ đầu năm 1961, thuộc lớp cán bộ tăng cường cho chiến trường miền Nam. Sau năm 1975 tôi đón vợ vào sinh cơ lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Lần này tôi ra Hà Nội thăm lại bạn bè xưa, đến với ông bạn chiến đấu đã một thời cùng chung đơn vị. Tôi làm tham mưu trưởng. Ông là chính ủy trung đoàn.


Hai chúng tôi thuộc lớp đàn em so với những anh đi trước như đã thuộc lớp "già làng". Mỗi khi gặp nhau chuyện dứt không ra, như một thứ keo kết dính cả không gian của một thời khói lửa, đầy ắp những buồn vui.


Tôi đến thăm ông vào một buổi chiều tháng tám, ông ở mãi tầng 5 một khu nhà tập thể, phải leo cả thảy sáu mươi bậc mới lên đến phòng ông. Lòng tôi dạt dào niềm vui, đã qua cái thời ở hầm, nằm võng. Chợt nhớ tới câu hò của bộ đội ta hồi đánh Pháp, đánh Mỹ.

"Đèo cao thì mặc đèo cao
Ta lên tới đỉnh còn cao hơn đèo"

Tôi gõ cửa. Nhà ông có chuông điện nhưng lại ghi mấy chữ "Buổi trưa xin đừng bấm chuông". Tôi thầm nghĩ ông này chính quy thật, về hưu vẫn giữ nếp ngủ trưa. Nhà hướng tây, nắng tạt vào hai phần ba căn phòng trông rõ từng đám bụi bay bay. Mặt tôi bừng bừng. Mồ hôi nhễ nhại. Mừng quá, ông không để tôi kịp thở, hỏi luôn một câu:

- Ông có huyết áp không?

- Thi thoảng chóng mặt.

Ông cười khà khà: Thời buổi chóng mặt, tôi cũng vậy. Ông pha cho tôi một cốc nước chanh. Tôi làm một hơi, lấy khăn thấm mồ hôi chùi môi chùi mép nói vui "tu cả bi đông khoái hơn". Mặt ông rạng rỡ khi ngắm bộ râu của tôi. Lúc này tôi mới để ý đến ông, thì ra ông đang cởi trần, mặc quần đùi bộ đội màu xanh lá cây. Bụng ông to như cái trống. Hai vú xệ xuống như vú đàn bà. Nôn nao ông giục tôi cởi bớt áo ngoài cho mát. Nóng quá, tôi đành làm theo ông. Vừa cởi áo vừa hỏi:

- Nhà ông mấy thế hệ?

- Ông cứ tự nhiên - Văn hóa gia đinh cũng chỉ là thói quen. Hồi đánh Pháp, chiến sĩ với mình là anh em. Đến thời đánh Mỹ ta với họ đã là chú, là cha. Đến bây giờ giữa chúng mình với chiến sĩ là ông và cháu. Trước sau vẫn bình đẳng, câu nệ làm gì. Tôi hỏi:    - Bà xã đâu?

- Bà nhà tôi về quê dự lễ quy tập mộ liệt sĩ trong Nam ngoài Bắc vào nghĩa trang quê nhà. Cũng đều là con cháu trong họ cả. Tối nay mời ông ngủ lại với tôi. Nằm giường đôi, giường cá nhân hay nằm võng thì tùy. Mọi việc đều chóng vánh như khi ta đào hầm mắc võng hồi chiến tranh. Dịch vụ rất nhiều hàng cơm ở ngay dưới chân nhà. Ba nghìn một xuất không khác gì khẩu phần bộ đội. Hôm nay có ông ra chơi tôi mua vài chai bia uống cho vui. Ông thích nhắm lạc rang hay bánh phồng tôm.

- Thế nào cũng xong.

- Nào ta bắt đầu.

Tôi ngơ ngác nhìn quanh rồi hỏi:

- Bắt đầu ăn hay uống.

- Đang còn giờ hành chính. Ta làm việc đã. Lát nữa tôi chỉ ló đầu ra ới một tiếng thì họ bưng lên tận phòng này. Thế ông ra lần này có việc gì.

- Trước khi nhận sổ hưu tôi ra thăm đất Bắc, về quê thăm họ hàng. Tôi đã vào nghĩa trang Văn Điển thăm lại mấy ông bạn đã thành người thiên cổ. Cũng như ở trong kia mỗi khi có một đồng chí mình nằm xuống tôi đã thay mặt ông có vòng hoa tiễn đưa bạn mình đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông gật gù khen "Thế là ông làm đúng lời nói của các cụ ngày xưa - Nén hương ở bãi tha ma đượm lòng nhân hậu hơn ở chùa".

- Tôi chả dám nghĩ thế, chỉ là chút tình của người lính, nhân chuyến đi xa này, tôi đã đến thăm cả cấp dưới, cấp trên. Nhiều ông đã chúc tôi một câu thật chí lý. "Chúc anh sống đẹp đi nhanh".

Ông vỗ vai tôi: "Đó là ý muốn của những người già, của cả lớp con trẻ và các bà xã".

Ông khoe: Bà nhà tôi rất hăng hái công tác xã hội, tham gia cấp ủy phường, là ủy viên Hội đồng nhân dân quận, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở. Bà hoạt động không mệt mỏi, gặp đâu ăn đó. Tôi xài cơm bụi gọn nhẹ đơn giản. Hai vợ chồng chi tiêu vừa đủ lương hưu. Con dâu, con rể, trai gái đều tự lực được cả.

Hôm nay ông nói dài dài, khúc triết. Tôi nghe không chán. Bỗng nhiên có ba đứa trẻ ở trong buồng chạy ra. Chúng nhao nhao:

- Cháu chàu ông tiên ạ. Cháu chào ông tiên!

- Cháu của ông ngoan quá.

Ông bạn cho biết. Các cháu đã được nghe chuyện cổ tích, thấy ông râu dài nên các cháu chào ông như thế.

Ông bạn âu yếm nhìn các cháu. Tôi bỗng giật mình nghĩ tới ông tiên, định mặc áo xuống dưới nhà mua cho các cháu gói kẹo. Tôi thấy ông vào buồng. Lúc ra ông dúi vào tay tôi đúng thứ đang cần. Các cháu không nhìn thấy. Tôi thầm cảm ơn ông.

- Nào mời các cháu lại đây ông cho kẹo.

Ba cháu chạy đến bên tôi, mắt sáng lên nhìn chùm râu dài lạ lẫm, nuốt nước bọt chờ được ăn kẹo Hải Hà.

- Cháu xin ông ạ.

Bọn trẻ nhai kẹo đôm đốp mắt hau háu nhìn tôi như sợ ông tiên biến mất.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #48 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 06:32:37 am »

Ông bạn tôi vắt chiếc chiếu ướt thấm lên ghế. Ánh nắng rọi vào mùi khai bốc lên hăng hăng. Ông nói "bọn trẻ đái dầm như sứa". Tôi sửng sốt nhìn các cháu nhập vai rất khéo. Một cháu cầm hai chiếc que gõ vào đầu "chiếu" đầu nghiêng nghiêng tay kéo một vệt dài như các cô chơi đàn Tơ Rưng. Cháu gái tự giới thiệu "Em xin hát bài - Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ". Cháu gái hát, cháu trai chụp ảnh, giục "tươi lên, tươi lên". Cháu khác ra tặng hoa. Cả ba cháu vỗ tay. Mặt đứa nào cũng rạng rỡ như hoa. Anh và hoa là những hộp nhựa xanh đỏ. Chúng biến hóa thành những đồ chơi khác nhau, tùy theo trí tưởng tượng như máy điện thoại, máy vi tính, xây nhà cao tầng, trồng cây bóng mát. Các cháu chơi bán hàng, làm cô giáo sắm vai nhà báo đến phỏng vấn ông giám đốc nhả trẻ. Ông bạn tôi chỉ vào đứa bé "có cái đầu hơi to quá cỡ". Nhà báo tí hon này hay đến phỏng vấn tôi. Cháu bé bước đến gần ông, cầm cái vỏ hộp bia giả làm mi-cờ-rô đưa sát vào miệng "Xin ông... ông cho biết nhà trẻ này cháu nào ngoan nhất". Ông chưa kịp trả lời, chúng tranh nhau "cháu, cháu". Tôi không hình dung nổi tuổi thơ của mình. Chắc không thông minh như thế. Tóc đứa nào cũng mượt mà như lụa. Cái gái trắng nõn, đôi má hồng hồng. Hỏi ra mới biết ông cắt tóc cho cả con gái, con trai. Cắt bằng kéo như lính ta thường cắt tóc cho nhau. Vô tình ông đánh dắm "bum, bủm". Ba cháu cùng cười reo "ông đốt pháo". Tiếng cười trong trẻo như một bản nhạc vui. Ông như trẻ lại. Tôi lạc vào thế giới tuổi thơ. Thôi ghen thầm:

- Ông hạnh phúc thật, về già vui với cháu nội, cháu ngoại thế này chẳng cần bận tâm đến thời cuộc.

Tôi càng ngạc nhiên khi ông kể:

- Từ ngày về hưu tôi làm cái việc trông trẻ. Ông chỉ vào từng cháu. Đứa này là con của một sĩ quan. Đứa kia là con nhà giáo. Con bé có má lúm đồng tiền là con của cặp vợ chồng đi Đức về đang buôn bán quần áo ở chợ Hàng Da. Tôi đã dạy dỗ nhiều lớp trẻ thơ. Nhóm này ra nhóm khác lại vào. Có cô chưa đẻ đã xí một chỗ, có chị còn hai tháng nửa mới hết thời gian nghỉ đã đến xin cho cháu được nằm trong cái nôi nhà này.


Con gái con trai tôi đã ở riêng. Chúng không muốn tôi trông trẻ. Chúng nói "đời bố trận mạc đã nhiều, về già lại chuốc lấy công việc nặng nhọc".

Đang vui câu chuyện thì cháu gái có má lúm đồng tiền nhăn nhó "ông ơi cháu đau bụng. Cháu muốn ị". Ông vội vàng dẫn cháu ra ngồi bô. Rồi ông rửa tay bằng xà phòng bột. Lúc ra, ông nói: tôi thuộc tính từng cháu. Đứa nào ngoan tôi thưởng. Thằng bé con sĩ quan rất thích chơi súng. Tôi mua cho cháu kiểu súng bắn ra nước. Nó bắn tôi ướt quần áo. Cả ba đứa cười reo như lính ta bắt được tù binh. Cậu bé con nhà giáo thích chơi gõ máy vi tính. Cháu gái hay làm nũng "Ông giới thiệu cháu đi. Cháu ra trình diễn mốt thời trang". Chúng líu lô như chim hót suốt ngày. Tôi xúc cơm cho các cháu ăn. Buổi trưa ngủ đúng hai giờ. Tôi kiểm tra giấc ngủ của các cháu như cán bộ kiểm tra chiến sĩ. Chính quy ra phết. Đến bốn giờ chiều tôi mở ti vi. Ông nghe thời sự. Cháu xem phim thủy thủ mặt trăng, xem phim hoạt hình, xem xiếc... Hết giờ tôi rửa chân tay chỉnh đốn lại trang phục chuẩn bị cho các cháu ra về.


Mải nghe chuyện tôi không nghĩ đến việc uống bia. Ông cũng quên nốt.

Bỗng đứa con của ông thầy dạy ngoại ngữ trường đại học với tay lên bàn làm rơi chiếc ấm pha trà kiểu Nhật. Một kỷ vật quý giá của ông. Ông ngồi xuống nhặt những mảnh vỡ cho vào thùng rác. Tay ông run run, cầm cái nâp ấm ngầm đi ngắm lại rồi đặt lên bàn. Ông xoa đầu đứa bé. Nó òa khóc. Tôi thầm nghĩ ông là "ông tiên không có râu", có thực trong đời thường. Ông ôm cháu vào lòng. Thằng bé đã nín. Nó thưa: "Ngày mai bố cháu mua đền ông chiếc ấm mới". Ông vội bảo cháu: Ông cũng có lúc nhỡ chân, nhỡ tay..." Thằng bé thật xinh, da trắng như sứ, đôi mắt tròn xoe ngước nhìn ông, biết lỗi.


Ánh nắng dịu dần. Có tiếng gõ cửa. Hai chúng tôi vội vàng mặc quần dài, áo ngoài. Các cháu chạy tọt vào trong buồng. Ông bạn tôi ra mở cửa. Năm bà mặc áo dài xanh đỏ lần lượt bước vào. Đi sau cùng là chị mặc áo dài xanh đội trên đầu một hộp cát tông. Tôi tưởng họ nhà trai đến ăn hỏi. Bà trưởng đoàn nhìn bao quát căn phòng. Tôi bàng hoàng. Bà tự giới thiệu.

- Xin thưa với hai cụ. Chị em chúng tôi đại diện cho Hội phụ nữ Quận trước hết đến thăm sức khỏe hai cụ, sau nữa, cũng nhân thẩm định chất lượng sinh hoạt vui chơi của các cháu. Nhóm trẻ gia đình của hai cụ, Quận biết đã lâu nhưng chúng tôi quan liêu quá, hôm nay mới hiện diện được. Chị em đem theo hộp đồ chơi của UNICEF tặng các cháu. Xin hai cụ nhận cho món quà nhỏ của Liên hiệp quốc, của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân quận và Hội phụ nữ chúng tôi. Xin cụ một chữ ký để lưu niệm - Chị chỉ vào dòng chữ UNICEF EDUC.MAP CENTRE HANOI. Chị đọc tự tin ở trinh độ tiếng Anh của mình.

Tôi đỡ lời: "Ít có nơi nào cụ ông làm giám đốc nhà trẻ. Mô hình này đẹp lắm. Hội phụ nữ nên đầu tư rồi nhân rộng điển hình".

Một bà thì thầm: "Hai cụ hợp tác liên doanh đẹp quá".

Bà nói giọng mũi: "Thưa hai cụ chúng tôi cũng định làm như thế".

Chị mặc áo xanh ngồi trên ghế xa-lông nhưng vẫn gọn gàng trông rõ đường co. Má chị ửng hồng, từ nãy đến giờ chỉ lẳng nghe, bây giờ mới chịu lên tiếng "Hai cụ quý trẻ em quá. Hồi còn là thủ trưởng chắc thương lính lẳm. Hội phụ nữ chúng em thường nhận được thông tin cán bộ trẻ bây giờ vẫn hay quát mắng chiến sĩ, làm nhiều bà mẹ xót xa lắm cơ đấy".


Tôi vội đỡ lời: "Chị thông cảm... Mô hình nào cũng thế. Nó phải đầu tư dài dài, phải đồng bộ cơ. Khi nhận thức nâng lên thì mọi hành vi tiêu cực giảm xuống. Cụ giám đốc nhà trẻ ở đây rất am hiểu tâm lý sư phạm giáo dục tuổi thơ".

Khách và chủ vỗ tay râm ran. Các cháu chạy ùa ra.

- Cháu chào các bà, các bác ạ.

Chị mặc áo xanh hớn hở: "Ôi cháu nào cũng xinh, sạch sẽ quá".

Ông bạn tôi nhìn các cháu, tủm tỉm đưa cả tay lên định vuốt râu. Thấy tôi đang làm động tác ấy, ông vội bỏ tay xuống, hai tay bưng đĩa chén mời nước từng bà, từng chị. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng các bà, các chị tỏ vẻ cảm kích lắm.


Lúc họ ra về tôi mới hỏi: "Sao bà nhà ông không đi trong đội hình này". Mặt ông rạng rỡ:

- Đây là kế hoạch đạo diễn của bà nhà tôi. Tế nhị lắm. Giá báo trước giờ giấc hẳn hoi thì cánh ta ắt chuẩn bị hạt bí, trầu cau, quân phục chỉnh tề. Thế lại mất tự nhiên.

Tôi tặc lưỡi:

- Ông lại cầu toàn. Ngày xưa đánh giặc lúc nào ta chẳng sẵn sàng chiến đấu.

- Hẹn ngày hẹn giờ thì còn gì là thanh tra giáo dục nữa!

Tôi gật gù, ông nói phải, lòng càng mến phục ông. Chưa muốn ra về nhưng biết ông từ giờ này đến tối còn nhiều việc phải làm: thu xếp dọn dẹp, rửa chân tay cho các cháu, chuẩn bị bàn giao kết quả trong ngày để bố mẹ các cháu đến nhận yên tâm. Rồi còn mua cơm, đọc báo, nghe đài. Chuẩn bị đồ chơi cho các cháu ngày hôm sau. Định ngủ lại cùng ông nói chuyện dài dài nhưng xem ra ông bận con mọn, tôi đành cáo lui, mặc dù ông cố lưu giữ.
Ông dặn ba đứa trẻ: "các cháu chơi đồ hàng, đừng làm con thỏ gãy tai, búp bê hỏng mầt. Ông xuống dưới nhà tiễn ông tiên rồi ông lên ngay", cả ba cháu chào tôi:

- Cháu chào cụ ạ!

- Cháu chào ông tiên ạ!

- Bai, bai!

Tôi âu yếm thơm các cháu. Từng cháu vuốt râu tôi. Tôi xoa đầu các cháu, lòng tôi lưu luyến căn phòng nhu trẻ của ông quá chừng.

Ông khóa cửa. Tôi lại đếm từ một đến sáu mươi bậc thang đi xuống...

Ông tiễn tôi ra tận mặt đường, giọng ông bùi ngùi: "Để tôi thuê xe ôm đưa ông đi". Thôi, tôi quen đi bộ. Đi được một quãng, ngoái lại vẫn thấy ông tần ngần đứng nhìn theo. Tôi vẫy tay: "Chào ông giám đốc nhà trẻ nhé!".

Q.X.H
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #49 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2022, 06:33:53 am »

CHUYỆN LÀM THÊM


ĐÀO VĂN LẠNG


Tôi và Hồng hồi còn trẻ công tác ở Cục Hậu cần Đoàn 559, cùng sinh hoạt trong một chi đoàn, một chi bộ nên chúng tôi hiểu và thân nhau lắm. Thấy hai người đẹp đôi, bạn bè vun vào, đơn vị ủng hộ nên chúng tôi đã thành vợ thành chồng.


Nay vợ chồng tôi đều đã nghỉ hưu. Chúng tôi đều nghỉ trước tuổi quy định. Nhà tôi nghỉ vì đơn vị giải thể. Tôi nghỉ vì thấy nên nghỉ. Phòng tôi quân số dư nhiều, số anh em xấp xỉ tuổi tôi bị "dồn toa" nên "kẹt". Tôi đã "kịch trần" rồi nên nghỉ để anh em trẻ còn phát triển, "cứ ngồi đó ngáng chỗ" sao tiện.


Hôm nhận quyết định nghỉ, thủ trưởng khen tôi gương mẫu, thông cảm với tổ chức. Anh em trong phòng hình như quý trọng tôi hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi về nghỉ.

Đi làm, ngoài tiền lương ra, những dịp kỷ niệm, lễ, tết... dù ít dù nhiều đơn vị còn cho thêm nên mức sống gia đình tôi còn tùng tiệm ổn định. Bây giờ cả hai cùng nghỉ nên mức thu nhập tụt hẳn. Nhà bốn miệng ăn, hai cháu còn đang đi học. Cái Minh mới được vào sư phạm năm ngoái, út Hạ mới vào lớp 10. Đành rằng nhà cửa, đơn vị lo cho như thế là tốt lắm rồi nhưng còn chi tiêu hàng ngày tốn lắm, chỉ nhìn trần trụi vào lương hưu thì thiếu.


Một hôm, cơm nước xong tôi bảo với vợ thử tính toán các khoản chi tiêu trong một tháng xem hết bao nhiêu để còn liệu. Nói thì nói thế nhưng tôi cũng đã nhẩm tính khái quát trong đầu rồi, thiếu. Hai chúng tôi "nâng lên đặt xuống" từng khoản chính như ăn, mặc, học hành, điện, nước, chất đốt mà đã thấy "lõm", nếu tính đầy đủ các khoản như giỗ tết, thăm hỏi, cưới xin và những việc đột xuất khác thì càng thiếu. Nói là việc đột xuất nghe như đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thực tế thì lại không phải vậy. Có khi việc đột xuất ngoài dự kiến lại tốn hơn việc chính trong kế hoạch. Tôi chỉ đơn cử một việc đột xuất mới xảy ra. Mọi năm thì cứ vặn vòi ra là có nước dùng nên không ai phải bận tâm đến việc nước nôi. Mùa hè năm nay, tự nhiên mất nước. Mọi người trong nhà phải phân công nhau trực nước, thế mà cả ngày củng chỉ hứng được vài xô, vợ chồng bàn nhau mua máy bơm để hút nước. Tưởng thế là thượng sách, ai ngờ bơm mãi chỉ tốn điện chứ nước thì vẫn không có. Không chỉ riêng nhà tôi mà nhà nào cũng vậy, cuối cùng cả dẫy phải làm đơn xin "mở khẩu mới" rồi mới giải quyết được chuyện nước non. Đây chỉ một chuyện đột xuất thế thôi mà đã phải chi ngót triệu bạc, gần bằng tiền ăn cả tháng của gia đình. Kể ra thì còn nhiều việc đột xuất khác nữa cũng tương tự.


Tôi đang suy nghĩ lan man thì vợ tôi lên tiếng:

- Thiếu thì thiếu rồi, bây giờ liệu sao đây?

- "Đói thì đầu gối phải bò" chứ còn sao.

Chả nói đâu xa, ngay các bác xung quanh nhà tôi cũng nhiều người làm thêm; người làm bảo vệ, làm dịch vụ ăn uống, một số bác sĩ kỳ cựu tham gia Hội chữ thập đỏ chữa bệnh cho dân, cũng có người làm để bù đắp vào chỗ thiếu hụt khi về nghỉ. Chợt vợ tôi như sực nhớ.

- Hay ta nuôi gà như thiếu tướng Chuông ấy.

- Không, anh tính ta có thể mua một bàn bóng bàn cho thuê, lúc rảnh rỗi, bố con tôi đánh cho khỏe người.

Suy nghĩ một lát, vợ tôi trả lời.

- Thế cũng được.

Ngay chủ nhật tuần ấy, nhà tôi khai trương bàn bóng. Mới sáng ra mà các cháu đã đến rất đông, cháu nào cũng đòi được đánh trước. Buổi đầu khuyến mại, chúng tôi không thu tiền nhưng các cháu lại bảo đây là tiền mở hàng nên đành phải nhận. Được vài tuần tiếp theo thì vẫn còn đông nhưng rồi khách cứ thưa dần, thưa dần. Tôi hỏi dò mới biết, các cháu nó chê phòng nhà tôi kích quá, không phát huy được tài năng. Tuy là ít nhưng mỗi ngày củng được ba, bốn tốp đến thuê. Có hôm đang giấc ngủ trưa chúng cũng gọi ơi ới. Không mở thì không xong, mà mở thì mất cả nghỉ trưa. Mở cửa cho mấy cháu vào, tôi dặn:

- Các cháu đánh trưa là phải trật tự đấy nhé!

- Vâng! - Chúng lễ phép trả lời.

Vừa lên ngả lưng được một lát thì đã thấy chúng reo hò ầm ĩ cổ vũ cho nhau. Tôi lại xuống nhắc, chúng lại vẩng, rồi lại reo hò... Buổi trưa đã thế, những lúc khác chùng cũng ầm ĩ rất khó chịu. Tệ nhất là chúng phá quá, mấy cây ngoài sân, ngứa tay chúng vặt trụi cả cành. Các cháu ngồi chầu rìa thì cứ cầm những cái vợt còn tốt nguyên thúc vào cạnh bàn, vào tường, bong hết cả cao su, trơ cả gỗ. Tôi thấy tình hình này không ổn, nhà mình cũng còn không chịu nổi huống chi hàng xóm. Giá chỉ một vài ngày lại khác, đằng này "hết ngày dài lại đêm thâu" thì ai chịu nổi. Hàng xóm chưa ai nói gì, chắc là các bác ấy thông cảm. Nhưng để đến lúc các bác ấy phải nói thì còn ra cái gì nữa. Nghĩ thế, tôi chủ động bàn với vợ.

- Không ổn rồi em ạ!

- Cái gì không ổn cơ. - Vợ tôi ngạc nhiên hỏi.

- Bóng bàn chứ còn cái gì nữa. - Tôi hơi xẵng giọng trả lời.

- Đúng đấy, nhức đầu quá! - Vợ tôi đồng tình ngay, không để ý đến thái độ của tôi.

- Em mang lợn bổ ra xem nào!

- Vâng! - Vừa nói, vợ tôi vừa lấy con lợn nhựa mà chúng tôi dùng để bỏ tiền thu được khi cho thuê bàn bóng. Đếm được một khoản tiền tính ra chỉ đủ mua bóng, mua vợt và khấu hao một phần giá trị của bàn. Ấy là chưa tính tiền điện thắp sáng. Tôi nói như động viên vợ:

- Thôi dẹp nhé!

- Vâng! Dẹp càng sớm, càng nhẹ người.

Phải đến hai tuần sau, tôi mới tìm được người để bán rẻ bàn bóng.

"Vạn sự khởi đầu nan" như vậy coi là một thất bại.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM