Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:24:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức chiến tranh  (Đọc 4124 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #30 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:15:13 am »

Không bao giờ vì họ yêu độc lập, tự do đến khát khao. Lòng yêu nước đã thấm sâu vào khối óc, trái tim của họ và quyết không thể có một chính sách nào của địch mà có thể mua chuộc, lừa bịp, dụ dỗ hoặc đe dọa, ép buộc những người tù binh theo chúng. Tên Hinh lại chỉ vào anh Khiết nói:

- Mi cứng cổ thiệt, mi muốn chết thì ta cho chết!

Rồi hắn chỉ tay về chánh án nói:

- Y lệnh!

Những người khác như luật sư, thầy cãi, nhà báo, nhà văn, người thì hí hoáy viết, kẻ thì ngồi ngây ra mà không cãi hộ cho anh Khiết được một câu. Tên thiếu tá Đác đi lại lăng xăng, đóng vai hầu bàn đắc lực, lúc bưng bê nước, khi rót rượu sâm-banh, mời bọn quan thầy. Lúc này hắn đến gõ máy cồm cộp... rồi nhai lại:

- Tử hình! Tòa tuyên án tử hình là đúng rồi. Còn mười lăm phút nữa thì bắn bỏ! Trước khi chết, tên Giang Văn Khiết muốn dặn dò giối giăng gì với gia đình, bạn bè, ta cho phép nói trước máy. Và có đề đạt chống án gì, ta cũng cho phép nói một thể. Nói đi!

Đồng chí Khiết vẫn tư thế hiên ngang, trút căm thù giặc vào đôi mắt to trừng trừng nhìn thẳng chúng. Anh thoáng nghĩ, càng kéo dài thời gian, nghĩ càng chín, nói càng chắc.

- Thưa quý tòa! Tôi khát nước, cho tôi xin ba chén nước, uống xong tôi sẽ nói.

Tên thiếu tá Đắc gọi ban đại diện:

- Lấy ba chén nước ra cho tội phạm.

- Vâng!

Bác Thu vào bảo chú Hùng1 (Chú Hùng là liên lạc bộ đội) lấy nước chè pha đường, bưng ra cho anh Khiết ba chén, cả quảng trường anh em tù binh ngồi xếp hàng, đang nóng lòng chờ đợi anh Khiết nói. Không biết bạn mình, đồng chí mình sẽ nói gì đây? Mong bạn hãy bình tĩnh nói cho cứng cỏi vào.

Chú Hùng đã bưng đĩa nước ra, Hùng nói:

- Mời anh uống nước đi. Anh đau người lắm phải không?

Chú thấy người anh chỗ nào cũng sưng, cũng tím, máu anh còn bê bết cả tóc, loang cả chiếc quần đùi, càng nhìn anh chú càng thương, ứa nước mắt rồi quay đi, sụt sịt.

Anh Khiết uống nhấp giọng.

Chà! Nước chè lại có đường, anh thoáng nghĩ: Lại có dịp hoãn binh. Anh liền dõng dạc nói trước máy:

- Thưa quý tòa, nước chè có đường tôi không uống, tôi xin nhường lại cho các anh em ốm đau. Tôi chỉ xin ba chén nước trắng đun sôi, thế thôi, uống rồi tôi sẽ nói.

Những tên đao phủ mệnh danh phiên tòa hậm hực, nhấp nhổm. Tên chánh án Lễ chửi đổng:

- Mẹ kiếp! Sắp chết còn nhường mới nhịn.

Hắn xua tay nói với chú Hùng:

- Ê này! Thằng nhép, dô trại lấy nước khác, nước trắng đun sôi nghe hông? Sai lần này moa đập chết! Mau lên!

Chú Hùng đã bưng nước ra mời anh Khiết.

Tên thiếu tá Đắc quát:

- Uống mau lên! Giối giăng chi cho nói vài câu, mau còn về âm phủ với ông nội!

Anh Khiết uống xong, bằng tư thế hiên ngang bình tĩnh, thử máy cẩn thận rồi nói:

- Thưa quý tòa, tòa đã cho phép tôi nói, phải để tôi nói hết. Tòa đã kết tội tôi là Việt minh, là đúng. Tôi không chối cãi - anh tạm ngừng.

Lúc này bọn đao phủ mệnh danh tòa án thư ký, giở kính, bút, viết lia lịa.

Anh Khiết nói tiếp:

- Nhưng tòa bảo Việt minh là giặc, chúng tôi là giặc, thì không đúng. Chúng tôi là những người Việt Nam yêu nước. Ông cha chúng ta, từ xưa đến nay, khi có giặc ngoại xâm đến xâm lược bờ cõi đất nước ta, thì cả dân tộc Việt Nam ta, mọi người đều có nhiệm vụ đứng lên chống xâm lược, bảo vệ toàn vẹn đất nước mình. Chúng tôi đi theo Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh, là Việt minh, là yêu nước vì lợi ích của nhân dân mà chiến đấu hy sinh, được nhân dân mến yêu, thì đâu gọi là giặc được? Còn về phía quân đội viễn chinh Pháp sang Việt Nam là để xâm lược, chúng định cai trị nước Việt Nam ta một lần nữa. Các ngươi không thấy cái nhục mất nước ư? Cái nhục của người dân nô lệ hàng thế kỷ trước đây ư?

Cả bọn đao phủ, tai to mặt lớn, hết thảy đều đờ người ra. Chính bọn chúng đang bị kết án.

Lúc này mặt trời bừng nắng, đàn chim đang bay bổng trên nền trời xanh biếc, hướng về phương Bắc. Chánh án phiên tòa tỏ thái độ hậm hực, bực bội trước những lời lẽ hào hùng, đĩnh đạc của anh Khiết. Chánh án lúc đứng, khi ngồi, lúc lại xua tay định ngắt lời anh. Nhưng tiếng nói của anh vẫn dõng dạc, âm vang, vừa đanh thép, vừa kết tội lại chúng. Lời lẽ và dũng khí của người cộng sản như những dòng thác lấn tới không gì ngăn cản được.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #31 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:16:08 am »

Nghe anh Khiết nói, anh em tù binh phấn chấn hẳn lên. Những tiếng hô đồng thanh:

- Hoan hô anh Khiết!

- Hoan hô anh Khiết!

Tiếng anh Khiết lại vang khẳp quảng trường:

- Cái thứ hai, tòa buộc tội tôi là không chịu cải tà quy chính, không chịu theo chính phủ Việt Nam cộng hòa của các người? Tôi xin trả lời thẳng là tôi cùng toàn thể anh em tù binh chúng tôi không bao giờ hối cải với hối lỗi gì hết. Bởi lẽ chúng tôi không có tội.

- Cái thứ ba, tòa buộc tội tôi đánh lại nhà chức trách để trốn tù. Tôi xin trả lời. Là tù binh chúng tôi có nhiệm vụ trốn. Là người quản lý canh gác các ông có nhiệm vụ giữ. Bên giữ tốt thì bên kia không trốn dược. Ngược lại, muốn trốn được thì phải tìm mọi cách, mọi kế. Giữ và trốn là hai cái tất nhiên, buộc án gán tội cho tôi là không được. Trái vớì "Luật ước Quốc tế". Giả sử khi tôi đang chạy trốn mà lính của các người bắn chết thì thôi, cũng như hai bên đánh trận, bắn chết thì thôi, còn bắt được tù binh, thỉ cả hai bên đều không được bắn giết tù binh. Đây là công ước Quốc tế mà hội nghị Chữ thập đỏ Quốc tế đã họp ở Giơ-ne-vơ ngày 12 tháng 8 năm 1949. Điều 3 về bảo vệ tù binh, ghi rõ "Các nước có chiến tranh, không được bắn giết tù binh và phải cho họ ăn uống, đối xử tử tế, ốm đau phải có thuốc men, bị thương phải băng bó cứu chữa".

- Hoan hô anh Khiết! Tuyệt vời!

Nhiều anh em vui sướng đã thốt lên:

- Đã có chúng tôi ủng hộ!

- Bạn cứ nói nữa đi. Chính bạn đang là người lên án chúng, kết tội chúng.

- Hoan hô! - cả quảng trường reo lên.

Anh Khiết nói tiếp:

- Tòa hôm nay buộc tội tôi: Ba tội đều vô lý. Nếu kốt tội tôi bị án tử hình sẽ là một hành động phát xít, hoàn toàn trái với Luật ước Quốc tế và sẽ có ngày các người phải đền tội...

Tên chánh án Lễ đứng dậy, hốt hoảng, xua tay như người sắp chết đuối, miệng líu ríu:

- Thôi! Thôi! Không được nói nữa.

Phía ngoài, hàng ngàn tù binh lại đồng thanh hô vang khẩu hiệu:

-  Phải để anh Khiết nói!

-  Phải để anh Khiết nói!

- Đả đảo hành động phát xít của chính quyền cộng hòa Sài Gòn.

- Đả đảo!

- Yêu cầu nhà chức trách phải chấp hành Luật ước Quốc tế!

- Yêu cầu!...

Tiếng hô vang cả góc biển, át cả tiếng nói của tên chúa đảo, buộc chúng phải để anh Khiết nói.

Tiếng nói của anh Khiết lại vang lên, quảng trường lại trật tự, yên lặng:

- Hỡi các người làm công tác luật sư, trạng sư, thầy cãi! Các người đã học luật để bênh vực lẽ phải cho ai? Hãy ngăn chặn và nói lên những vi phạm phát xít vô nhân đạo, trái với Luật ước Quốc tế của chính quyền theo Pháp.

Bọn tướng tá nhấp nhổm như ngồi phải đống kiến lửa.

- Hỡi các người nhà báo, nhà văn! Hãy nói lên, viết lên những sự thật ở đây! Hãy vạch trần cái dân chủ giả hiệu của cái gọi là chánh phủ cộng hòa trước công luận đồng bào trong nước và ở nước ngoài, nhất là ở thành phố Hà Nội và Sài Gòn biết rằng: Chánh phủ Việt Nam cộng hòa đã lấy cớ tù binh trốn trại để lập tòa án tử hình, gây đổ máu trên đảo Phú Quốc. Hỡi toàn thể các đồng chí và các bạn! Các đồng chí và các bạn hãy đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, kiên quyết đấu tranh. Chúng ta nhất định thắng lợi!

Cả quảng trường vỗ tay như sấm dậy:

- Hoan hô đồng chí Khiết!

- Hoan hô!

- Đả đảo kết án phát xít của tòa án binh Sài Gòn.

- Đả đảo!

- Bỏ ngay án tử hình anh Giang Văn Khiết!

- Bỏ ngay!

- Phải trả anh Khiết về với anh em trong trại!

- Phải trả!

Tiếng hô như sóng động, sấm rền, vang cả một góc trời phương biển.

Tất cả bọn đao phủ phiên tòa như vừa bị một đòn nặng nề, choáng váng, vừa bị bất ngờ, lại vừa thấy kinh sợ.

Tên đại tá Lễ hỏi trung tướng Hinh.

Hinh lại khúm núm hỏi đại tá Pháp Lơ-roa. Lơ-roa vừa xì xồ vừa ra hiệu.

Chánh án Lễ đã khàn khàn tuyên bố:

- Tòa tạm nghỉ hai mươi phút.

Người ta thấy bọn chúng lốc nhốc kéo sang chiếc dù đỏ như để họp bàn chuyện kín và quyết án lại.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #32 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:16:55 am »

Bên ngoài, sau đợt hô khản cả tiếng, tuy có mệt và khát nước nhưng anh em lại bàn bạc: Phương án thực hiện nghị quyết của chi bộ trong tù đấu tranh không ngừng và không mệt mỏi. Có chỉ thị viết ngay kiến nghị: Đòi tòa án hủy bỏ ngay bản án tử hình anh Giang Vãn Khiết rồi lấy chữ ký của tất cả hàng nghìn tù binh trên đảo. Mọi người reo hò gọi nhau tới ký vào kiến nghị.


Cuộc đấu tranh đã có một bước ngoặt. Chúng cho anh Khiết nói trước máy, tưởng là anh sẽ nhận tội, để rồi nhận cái chết thanh thản như chúng nghĩ. Trái lại, chúng đã bị anh lên án, kết tội. Lại có dịp anh kêu gọi bọn đồng minh của chúng, phân hóa, ly gián, giác ngộ, cảnh tỉnh đối với các luật sư, thầy cãi, nhà báo, nhà văn... Những người làm việc cho chúng cũng không dám lên tiếng ủng hộ chúng. Anh Khiết bỗng trở thành cái cầu nối cuộc đấu tranh giữa cá nhân với tập thể tạo nên sức mạnh không ngờ. Sau này, anh có kể lại rằng tất cả những lý lẽ ấy anh học được từ anh Hà Huy Giáp, người bị tù cùng ca-sô đang lãnh đạo phong trào đấu tranh của anh em tù binh.


Một lát sau người ta thấy từ trong nhà dù đỏ, chúng lại lốc nhốc chui về nhà dù tráng nơi phiên tòa làm việc.

Tên thiếu tá Đắc hô loa gào hét mọi người im lặng!

Đại tá Lễ nói:

- Tòa án trở lại làm việc. Bên ngoài trật tự! Nghe rõ hông?

Rồi hắn giới thiệu trung tướng Hinh làm việc. Hinh hất hàm hỏi:

- Anh Khiết! Anh có phải là một đảng viên Đảng cộng sản không? Anh dũng cảm lắm hãy trả lời đi!

Anh Khiết bình tĩnh trả lời:

- Không! Tôi chưa phải là đảng viên Cộng sản. Đó là sự thật. Tin hay không là tùy ông.

- Thế ai đã xui anh nói những điều đó.

- Quân đội chúng tôi đã dạy chúng tôi phải chiến đấu đến cùng cho công lý và lẽ phải.

Hinh bị bất ngờ, hụt hẫng. Hắn mưu mô tìm cộng sản để đẩy lên thành vụ án chính trị.

Nhưng anh Khiết chỉ nhận là "bộ đội Cụ Hồ". Hắn giơ tay định ngắt lời, nhưng anh Khiết lại nói:

- Còn các người chấp hành Công ước Quốc tế không nghiêm chỉnh đối xử với tù binh tồi tệ, còn nhiều cuộc tra tấn, bắn giết rất phát xít, vô nhân đạo. Ông có dũng cảm nhận không?

Tên Hinh lác đầu chán nản:

- Thôi! Thôi! Anh to gan thật! Nhưng thôi...

Bên ngoài lại hô vang khẩu hiệu:

- Đả đảo hành động phát xít của tòa án binh Sài Gòn!

- Đả đảo!

Rồi kịp thời hàng tập, hàng chồng thư kiến nghị, có rất nhiều chữ ký của anh em, được Ban đại diện là ông Thu (Hà Đông) và ông Bảy (Sài Gòn) chuyển ra cho Đắc. Đắc nộp lên cho tòa. Hinh cầm lên xem: Kiến nghị đòi hủy bỏ ngay án tử hình anh Khiết. Đòi trả anh Khiết về với anh em trong trại. Hắn suy nghĩ rồi quay về phía tên đại tá Lơ-roa nói bằng tiếng Pháp... Hắn nói đại ý là: Không phải giết một người, vạn người sợ. Mà có thể giết một người, vạn người sẽ căm thù nổi loạn. Lơ-roa gật đầu rồi giơ hai ngón tay nói xì xồ... như theo phương án hai.


Hinh nói với Lễ: "Tuyên bố cho hoãn phiên tòa. Nhốt tên Khiết vào ca-xô chờ lệnh tôi. Rõ chưa?".

Tên Lễ đứng dậy đáp:

- Tuân lệnh thượng cấp!

Rồi hắn ra tuyên bố:

- Tòa án quân khu đặc biệt Sài Gòn và quân khu Zôn 127 mở phiên tòa trên đảo Phú Quốc hôm nay làm việc đến đây tạm hoãn, chờ lệnh cấp trên sẽ xét xử tiếp.

Rồi hắn quay về lệnh cho thiếu tá Đắc:

- Cho nhốt tội phạm vào ca-xô số 3! Còn tù binh cho giải tán! Người trại nào về trại ấy!

Thế rồi bọn chúng từ quan thầy Pháp đến cái gọi là phái đoàn chánh phủ Việt Nam cộng hòa, các tướng tá, luật sư, thầy cãi, nhiếp ảnh, nhà báo, nhà văn lốc nhốc cắp cặp ra xe.

Vụ án tử hình anh Giang Văn Khiết trên đảo Phú Quốc đã bị anh và tập thể tù binh trên đảo đấu tranh bẻ gãy. Chúng đã thất bại hoàn toàn và nhục nhã.

Sau hòa bình được lập lại, đến cuối tháng 8 năm 1954, anh Khiết cùng anh em tù binh trên đảo được trao trả về với quân đội nhân dân. Hiện nay, anh Khiết đã ngoài 60 tuổi, vẫn khỏe, ở làng Trôi Chợ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Tây. Sống bình lặng với gia đình, quê hương anh.

N.V.H
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #33 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:41:38 pm »

NHỚ LẠI MỘT THỜI


NGUYỄN XUÂN PHÁN


Ngày 20 tháng 12 năm 1963, kỷ niệm lần thứ ba thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, ba đứa chúng tôi ở ba quê khác nhau, nhưng cùng đơn vị, đặc biệt là cùng họ Nguyễn, Nguyễn Xuân Hùng, Nguyễn Đình Ngân và tôi là Nguyễn Xuân Phán, đều được gọi về Quân khu Hữu Ngạn nhận nhiệm vụ đặc biệt đi B. Ăn tết xong, ba chàng trai họ Nguyễn chúng tôi về Sư đoàn 338 (đơn vị huấn luyện cán bộ chiến sĩ đi B). Trước ngày lên đường ra mặt trận, cả ba đứa đều nhận được tin mừng, chuyến vào chiêu đãi sở của ba bà xã đều đạt kết quả, ai cũng hy vọng con trai vì mỗi chúng tôi đều đã có hai cháu gái mà lính tráng thường đùa là "vịt trời".


Sau gần bốn tháng vượt Trường Sơn đầy khó khăn gian khổ ác liệt, chúng tôi đã tới "R"1 (Bí danh Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam) nghỉ ngơi tại đây hai tuần lễ thì có quyết định về I2 (Bí danh Bộ Tư lệnh Quân khu 8 (gồm 5 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang)), chiến trường trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Ba anh em đều xuống tiểu đoàn chiến đấu, tôi về nhận nhiệm vụ tiểu đoàn phó kiêm tham mưu trưởng tiểu đoàn Hirôn1 (Tên bờ biển Cu Ba ở vịnh Con Lợn, nơi diễn ra trận đánh giành thắng lợi quyết định tiêu diệt bọn tay sai và xâm lược Mỹ tháng 4-1961 (Chính phủ Cu Ba đã tặng danh hiệu này cho tiểu đoàn 261 Quân khu 8 sau chiến thắng Ấp Bắc)) đơn vị đã lập nên chiến thắng Ấp Bắc vang dội đầu năm 1963. Trước lúc chia tay, chúng tôi hứa với nhau, sống và chiến đấu xứng đáng là "anh bộ đội Cụ Hồ", xứng đáng là những đứa con miền Bắc thuộc thế hệ đầu tiên vào Nam đánh Mỹ và không quên dặn nhau lúc kháng chiến thành công, thống nhất nước nhà, đứa nào còn sống nhớ về liên lạc giúp đỡ hậu phương của bạn.


Tuy khác đơn vị nhưng cùng chiến trường, nên thỉnh thoảng ba chàng trai họ Nguyễn chúng tôi cũng có dịp gặp nhau tâm sự, hỏi tin nhà, chỉ hiềm một nỗi chưa ai nhận được lá thư nào nên chỉ động viên nhau qua những kỷ niệm vui buồn khi chia tay vợ con trên đất Thọ Xuân, Thanh Hóa.


Năm 1966, lục quân Mỹ triển khai xuống chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, chiến sự trở nên ác liệt hơn gấp bội, chúng tôi ít có điều kiện gặp nhau. Mãi cuối năm 1967, tôi và anh Ngân cùng về họp quân khu, chuẩn bị cho kế hoạch "Mậu Thân". Hai đứa ôm nhau mừng tủi, và đều thảng thốt nhắc đến Hùng. Chợt anh Tư Thân, phó tư lệnh Quân khu kêu lên: "Trời ơi! Thằng Hùng hy sinh rồi, tụi bay chưa biết à? Nó hy sinh trong trận Hậu Nghĩa..." Hai chúng tôi lặng người đi, không cầm được nước mắt. Anh Ngân buột miệng: "Thế là ba anh em mình đã mất một, may mà cậu còn bị thương nhẹ..."


Tết Mậu Thân, khi đánh vào thành phố Mỹ Tho, tôi lại bị thương lần thứ hai, còn anh Nguyễn Đình Ngân sau khi rút khỏi thành phố một thời gian, bị thương nặng trong một trận càn quét của địch. Anh bị hỏng một mầt, phải điều trị gần một năm mới trở lại chiến đấu được.


Những ngày sau đó, đồng bằng sông Cửu Long vô cùng khốc liệt. Anh Ngân và tôi, tuy cùng chiến trường nhưng thường xa nhau hàng trăm cây số, cuộc chiến lại căng thẳng ngày đêm, thậm chí không có chút rỗi rãi để nhớ tới nhau nữa. Nhưng rồi cái gì tất yếu sẽ đến cũng đã đến. Niềm tin của chúng ta đã trở thành sự thật. Cả nước đã đón mừng thắng lợi hoàn toàn trong reo hò và nước mắt...


... Sau gần mười hai năm chiến đấu liên tục, lần đầu tôi mới được trở ra Hà Nội. Về trạm 66 làm các thủ tục và nhận "món tiền cửa rừng"1 (Tiền phụ cấp cho cán bộ đi B lâu năm, lần đầu tiên về phép) xong, tôi tranh thủ lên Thụy Khê thăm gia đình cậu em ở gần sở Tàu điện. Tôi đang tìm số nhà thì gặp một cô gái, liền hỏi: "Cháu ơi! Cho bác hỏi thăm số nhà 71D ở đâu?" Cô gái giơ tay chỉ và lễ phép thưa: "Bác đi ngược khoảng 40 mét nữa thì tới", rồi chạy nhanh lên tàu.


Tôi vừa bước vào cửa thì cậu em ôm chầm lấy hỏi: "Cháu Mai vừa mới ra tàu điện anh không gặp à?". Tôi đứng sững. Ngày tôi ra đi, cháu Mai mới lên 5, tóc lút cút ngang ót, mà nay đã là cô gái, ôi thời gian xa cách. Quá trưa, cháu về là sà vào lòng tôi, khóc nức nở: "Ba không nhận ra con sao? Ba ơi, mẹ đang trên Phúc Yên, vẫn khỏe, mẹ mong ba từng ngày. Nhưng bây giờ nhà chỉ còn lại mình con, hai em đều mất cả rồi, hu, hu...". Cháu càng khóc nấc lên, càng ôm chặt lấy tôi, y như sợ tôi biến mất. Tôi cũng không cầm được nước mắt, nhưng cố nén xúc động bảo con:

- Thôi, ba biết chuyện rồi! Nín đi con! Con gái đã lơn phải dũng cảm lên!

Động viên con mà lòng tôi tan nát. Cậu em tôi vừa cho tôi biết chuyện. Cháu gái thứ hai của tôi tên là Bích Hồng, lúc tôi đi B, mới lên hai, đã nói sõi, đã biết múa, hát. Khi vợ tôi mang thai cháu thứ ba, do hoàn cảnh vợ tôi làm công nhân dệt vất vả, bèn gửi cháu về quê tận trong Đức Thọ, Hà Tĩnh nhờ vợ chồng chú em tôi nuôi dưỡng. Phải gửi con về giữa túi bom trong chiến tranh, vợ tôi đành cắn răng chịu đựng, chứ chẳng còn cách nào khác. Được chú thím nuôi cháu tử tế, cháu đã lên năm, khỏe mạnh, nhưng số phận trớ trêu, cháu không hề dính bom đạn mà chỉ một trận cảm nặng mà đành bỏ chúng tôi ra đi. Cháu thứ ba, kết quả những ngày vợ chồng tiễn chân nhau ở Thanh Hóa để vào chiến trường cũng là cháu gái, được vợ tôi đặt tên là Trà Vinh để khi gọi lên là nhớ miền Nam. Vậy mà "nỗi nhớ miền Nam" đã không cho tôi được gặp mặt. Cháu mất lúc hai tuổi vào thời kỳ bom Mỹ đánh phá ác liệt vào nhà máy dệt Nam Định, mấy mẹ con đều kiệt sức vì chạy sơ tán sang Thái Bình. Thôi, tôi đành tự an ui mình bằng số phận. Trở về được sau gần mười hai năm đội bom đội đạn, mang hai vết thương trên mình vẫn coi như còn lành lặn, vậy là hồng phúc rồi. Tôi nén nỗi đau buồn và bảo cháu Mai rằng, ba con mình đang phải thực thi nhiệm vụ tối quan trọng đây, chiều nay và cả ngày mai nữa, hai ba con mình cố gắng đưa hai ki-lô-gam thư của các chú ở các đơn vị gửi về gia đình. Ai ở Hà Nội thì đưa tới từng nhà. Còn nữa thì bỏ rải rác các thùng thư không phải dán tem gì cả, ưu tiên bộ đội mà! Ngày kia chúng ta sẽ về mẹ cũng không muộn, coi như mẹ chưa biết ba ra. Con gái tôi trở nên bình tĩnh không chút ngần ngừ, lại còn đùa: Liệu ba còn nhớ đi xe đạp và đường phố Hà Nội nữa không? Tôi bảo:

- Con yên tâm! Ba biết Hà Nội từ năm 1954, những năm 1956-1958, ba lại học trường lục quân ngoài này. Quên đường phố Hà Nội và xe đạp sao được? Con biết không, hồi ấy mẹ con ở nhà máy dệt Nam Định lên thăm ba ở chiêu đãi sở Bạch Mai mới có con trên đời này và lấy tên Bạch Mai đặt cho con đấy!


Hai ngày sau, ba con tôi về thị xã Phúc Yên, vợ tôi già đi trước tuổi, làm việc và ăn ở trong một căn buồng lợp giấy dầu 9m2. Tối lại, con gái sang ngủ nhờ nhà bạn, để ba mẹ tâm sự. Một đêm chỉ có tiếng sùi sụt và nước mắt của vợ tôi. Ôi, gần mười hai năm xa cách biết bao dồn nén làm sao có thể giãi bày san sẻ với nhau cho hết được? Sáng mai, vợ tôi vẫn dậy sớm, lo cơm nước. Ngồi vào mâm cơm còn đạm bạc, nhưng có vợ có con bên cạnh, tôi cảm thấy ấm lòng. Nom nét mặt vợ tôi đã bình thường, tôi đùa:

- Em còn trẻ chán!

Nàng lườm yêu:

- Bốn hai tuổi, già khú đế rồi đây này!

Tôi bảo:

- Em biết không, mẹ anh sinh anh năm bà đã bốn bảy. Hai năm sau còn đẻ thêm chú Thâm. Em còn thừa sức đuổi kịp các cụ!

Vợ tôi trở đầu đũa đập vào vai tôi:

- Cái ông này ham hố! Bốn hai tuổi còn đẻ để thiên hạ cười cho à?

- Ai cười thì nhe mười cái răng ra! Kệ họ!

- Ư! Ự - Nàng lại lườm yêu.

Quả thật bây giờ vợ chồng tôi đều mong ước có thêm một đứa con. Con trai con gái gì cũng được. Miễn là có sự bù đắp cho tuổi già. Chúng tôi chưa có kinh nghiệm, chưa hề sợ tác hại chất độc màu da cam như về sau này. Bây giờ đang là niềm vui đoàn tụ, đang chuyện trò luyên thuyên về mơ ước hạnh phúc. Vợ tôi còn trêu tôi:

- Liệu bao nhiêu năm xa nhà đi chiến đấu có để lại đứa con nào trong Nam không? Có thì tự thú đi, mẹ con em sẵn sàng tha thứ!

Tôi hững hờ nói vui:

- Ờ để anh xem lại thử...

Cháu gái Bạch Mai reo lên: "Thế là con có cả dì, cả em, vui biết mấy, chỉ lo ngoài mình nghèo quá, ai dám ra, phải không ba?"

Sợ con gái hiểu lầm, tôi bảo:

- Ba đùa thôi.

Không khi đang vui, tôi chuyển sang chuyện khác, chuyện ba chàng trai họ Nguyễn cùng đi B với nhau. Tôi hỏi:

- Em có còn nhớ, anh Hùng, anh Ngân nữa không?

- Sao lại không? - Vợ tôi đáp hồn nhiên. Chẳng những biết anh Hùng, anh Ngân mà còn nhớ cả các chị ấy. Dạo đó, mấy chị em đều gặp nhau ở chiêu đãi sở trong Thanh Hóa, đến và về đều cùng một lúc. Bọn em suốt ngày chuyện trò, rủ nhau đi chợ, rủ nhau đi tắm nông giang... Thời đó còn trẻ mà!

Tôi bèn kể lại những kỷ niệm của chúng tôi cho vợ con nghe. Khi biết anh Hùng đã hy sinh, anh Ngân bị thương nặng, vợ tôi buồn hẳn đi:

- Chị Ngân thì em không hề được gặp lại, còn chị Hùng em có gặp hồi Mỹ ném bom, nhà máy dệt phải tản cư sang Thái Bình. Trông chị ấy thương lắm, một mình vò võ nuôi hai con, chồng thì biệt, vô âm tín, đứa thứ ba bị sẩy. Hai lần gặp em, chị vừa kể vừa khóc, thật tội nghiệp.

... Chuyện vui, chuyện buồn gì rồi cũng trôi theo thời gian.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #34 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:42:23 pm »

Tôi được giao nhiệm vụ mới: làm cán bộ giảng dạy ở Học viện quân sự cao cấp. Thời gian để lo cho công việc chung, và còn lo cho cuộc sống riêng tư, đưa vợ con về Hà Nội, tạo dựng chỗ ăn chỗ ở cho gọi là tươm tất một chút, lo cho con gái việc học hành, rồi sau đó là việc xây dựng gia thất, lo cho sức khỏe của vợ chồng già, nhất là bà xã vốn không được khỏe. Cùng với thời gian trôi nhanh hồi mới về Hà Nội, là sự mong đợi của vợ chồng tôi không thấy có tín hiệu gì, chúng tôi coi như số phận đá an bài. Thoạt đầu có xuýt xoa, càng về sau càng thấy may mắn nhất là khi nhìn thấy nỗi đau của anh Ngân.


Số là thế này, có dễ gần mười năm tim kiếm, tình cờ tôi được biết anh Nguyễn Đình Ngân đã về hưu ở quê năm 1976 với quân hàm trung tá, thương binh 2/4.

Được ngày nghỉ, tôi ngược lên Thạch Thất - Sơn Tây, tìm đến thăm. Trông dáng vóc anh vẫn thế, vẫn tầm thước, tuy hỏng một mắt và nước da hơi mai mái nhưng về quê lao động lâu lâu, nom anh còn khá nhanh nhẹn. Anh nhận ra tôi ngay, miệng cứ há hốc ra như ngạc nhiên. Hai ông bạn già ôm chầm lấy nhau, cứ "trời đất ơi!" mà nước mắt tràn mi. Thôi khỏi kể lại sự vui mừng tíu tít, câu hỏi này chồng lên câu hỏi kia, tay chân cứ luống cuống như kẻ mất hồn. Một lúc sau, tôi mới nhận ra chỉ mình anh Ngân ở nhà. Anh bảo:

- Các cháu gái lớn đã có gia đình riêng cả rồi. Bà xã nhà tôi đang đi thăm cháu ngoại. Chỉ anh em mình ờ nhà, ta kiếm chút gì nhậu. Rồi tâm sự thoải mái.

Quả thật, hôm ấy chúng tôi tha hồ chuyện trò. Đấy là buổi tâm sự giữa hai người bạn già, hai người lính, hai thằng đàn ông có nhiều nỗi niềm, ở nông thôn hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ nghe tiếng chim cu đất gù ở ngoài đồng xa và tiếng con mái mẹ cục cục dẫn đàn con đi tìm mồi sau vườn. Giữa không khí êm đềm thơ mộng ấy, mà phải nghe tiếng khóc thì quả là nẫu ruột. Vâng, đấy là tiếng khóc nức nở của anh Ngân. Anh đang kể về cái chết của hai thằng con trai. Thằng anh đã mười ba tuổi là kết quả lần vợ chồng gặp nhau ở chiêu đãi sở tại Thanh Hóa, thằng em như thứ lộc trời cho sau ngày anh về hưu. Ôi, hóa ra hạnh phúc này chỉ là bánh vẽ. Anh Ngân ngửa mặt lên kêu trời.

Cả hai đứa bỏ chúng tôi mà đi đều cùng một căn bệnh, ung thư máu. Cái bệnh hiểm nghèo của chất độc màu da cam đã vắt kiệt sức lực và vốn liếng của vợ chồng tôi mà cuối cùng đành chịu bó tay trước số phận cay nghiệt.


Nghe chuyện, tôi chẳng biết an ủi anh thế nào, chỉ lấy chuyện mất mát của mình ra tâm sự, để mong anh Ngân đồng cảm. Chả phải trên đường đi B, ba chàng trai họ Nguyễn đã dự liệu hết mọi thứ tổn thất thiệt thòi và đã tỏ rõ quyết tâm sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng gánh chịu hay sao? Lát sau, anh Ngân đã bình tĩnh trở lại, bên mâm cơm có chén rượu vừa đủ ấm mặt, chuyện tâm sự của anh Ngân bất ngờ chuyển sang một khúc ngoặt khác, khúc ngoặt của gia đình anh đang trên bờ vực tan nát. Do hoàn cảnh anh như vậy, anh lại là tộc trưởng dòng họ, nên đang đứng giữa hai áp lực. Một phía là bà con nội tộc và nhất là mấy cô em gái khuyên anh kiếm thêm một bà nữa, để tìm người "nối dõi tông đường". Phía kia là sự phản ứng quyết liệt của vợ con. Anh cũng tự thú là nhiều lúc nghiêng ngả, muốn bỏ tất cả, bỏ hết để liều một phen, tự cứu mình.

Tôi đáp:

- Chả hiểu có phải tự cứu mình hay là tự dìm mình? Gia đình anh căng thẳng đến mức bà xã phải đến ở với con gái ư?

Anh xua tay:

- Đâu phải thế? Chưa đến mức thế! Hôm nay bà ấy đi thăm cháu thật. Nhưng quả tình tôi đang quá mệt mỏi. May được anh tới, muốn xin anh một lời khuyên.

Tôi mỉm cười:

- Tôi là nhà quân sự, anh mới là chính ủy chứ! Chính ủy phải tự quyết định lấy số phận mình, phải không? Lời khuyên thì tôi chả dám, chỉ nói với anh suy nghĩ cá nhân của một thằng bạn. Tôi nghĩ là anh đã quá lớn tuổi, sáu mươi rồi còn gì, lại thương binh 2/4, sức lực còn được bao nhiêu mà đèo bòng thêm một khoản rắc rối. Với lại, anh không sợ cái chất độc màu da cam âm ỉ trong người anh hay sao?

Anh Ngân ôm đầu ngồi trầm ngâm một lát, rồi nói:

- Được anh tiếp thêm sức mạnh cho, tôi xin nghe lời. Anh mới thực sự là chính ủy...

Sau đó, câu chuyện của chúng tôi quay sang bàn việc tìm kiếm gia đình, và mộ liệt sĩ Nguyễn Xuân Hùng. Tôi kể lại với anh Ngân rằng, năm 1979 anh Tư Thân (nguyên Phó tư lệnh Quân khu 8, người trực tiếp chỉ huy trận tấn công chi khu Hậu Nghĩa) ra Học viện quân sự cao cấp nghiên cứu, học tập. Tôi đã gặp anh và may mắn ghi lại được địa chỉ nơi an táng Nguyễn Xuân Hùng.


Còn gia đình Hùng thì vẫn chưa liên lạc được. Nghe thế, anh Ngân thở dài buồn bã nói như dặn dò: "Mọi việc chỉ trông cậy vào anh thôi, còn tôi hoàn cảnh như thế này, vết thương thỉnh thoảng lại hoành hành, làm gì được cho đồng chí, đồng đội, nghĩ mà xấu hổ".


... Tạm biệt anh, tôi mang theo bao điều trăn trở. Về Hà Nội tiếp tục công tác, tôi lại kiên trì năm này sang năm khác, biên thư cho Tỉnh đội Thái Bình, Huyện đội Thái Thụy và trực tiếp nhờ một số học viên quê Thái Bình về học ở Học viện Quân sự cao cấp giúp tim kiếm gia đình anh Hùng.


Kết quả thật bất ngờ, đúng ngày Quốc khánh 2-9-1994 chị Hùng và hai con Sâm và Nhung đã tìm đến nhà tôi. Buổi gặp gỡ diễn ra thật ấm cúng thân thiết như ruột thịt. Tôi đã đành, vợ và con gái tôi củng hết sức vui, ra sức chăm sóc mẹ con chị Hùng, từ bữa cơm, chén nước đến chuyện trò thường tình. Dường như vợ con tôi cũng muốn bù đắp thêm cho mẹ con chị Hùng điều mất mát to lớn. Trong ba chàng trai họ Nguyễn đi B, chỉ một mình anh Hùng nằm lại. Chị Hùng cho biết, sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, gia đình mới nhận được giấy báo tử. Chỉ nói anh hy sinh ở mặt trận phía Nam, chả có ngày tháng năm nào và địa chỉ cụ thể nơi an táng anh ở đâu cả. Về phía địa phương thì cán bộ đã tới chia buồn, giải quyết chính sách Nhà nước đối với gia đình liệt sĩ khá chu đáo. Về phần mình, tôi đã kể lại những kỷ niệm buồn vui của ba anh em chúng tôi ở chiến trường, ghi lại cho mẹ con chị ngày và nơi hy sinh của anh Hùng, động viên chị và các cháu thông cảm với tổ chức trong việc tìm kiếm mộ liệt sĩ. Tôi chỉ biết hứa với chị và các cháu, sẽ tích cực quan hệ chặt chẽ với địa phương trong Nam để tìm được đích xác mộ anh. Để một ngày nào đó, mẹ con chị Hùng ở dưới Thụy Phong, Thái Thụy, Thái Binh có dịp vào Nam, thắp nén nhang cho người chồng, người cha đã hy sinh trong trận tiến công tiêu diệt chi khu Hậu Nghĩa, ngày 28-11-1967, được đồng đội chôn cất ở xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.


Đấy cũng là nguyện vọng suốt đời của hai thằng bạn chiến đấu, của hai thương binh đối với liệt sĩ!

N.P
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #35 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:43:44 pm »

CHIẾC NHẪN CƯỚI


TRẦN TRỌNG VỰC


Sau tạm ước 14 tháng 9 năm 1946, Bác Hồ về nước. Phía Pháp không tôn trọng chữ ký của họ, ráo riết chuẩn bị chiếm hẳn nước ta một lần nữa. Toàn dân ta sẵn sàng cho kháng chiến. Tình hình Hà Nội sôi động. Ngành y tế và quân y tìm cách đưa thuốc men ra ngoài. Chúng ta tìm mọi cách lấy bông băng, y cụ, thuốc từ bệnh viện Đồn Thủy, các viện bào chế. Các hiệu thuốc tư cũng mở kho xuất hàng miễn phí theo yêu cầu của các dược sĩ quân y. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn kiểm tra các kho thấy rất khan hiếm những đầu vị không thể thiếu trong chiến đấu. Đó là mối lo mà bác sĩ Cẩn yêu cầu anh chị em quan tâm tìm kiếm ở Hà Nội. Dược sĩ Hoàng Xuân Hà đề xuất ý kiến là có thể tìm mua ở Hồng Công, ở đấy anh có bạn cùng lớp là dược sĩ Phạm Văn rất nhiệt tình, lại đang ăn nên làm ra. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn đồng ý. Song cái khó là kinh phí.


Hôm sau, anh Cẩn chạy suốt cả buổi được 150 đồng tiền Đông Dương vừa đủ mua vé tàu thủy Hải Phòng - Hồng Công, còn tiền mua thuốc thì mang vàng là tốt nhất. Nhưng anh cẩn chạy hai, ba ngày vẫn không ra. Còn anh Hà sốt ruột vì vé sắp hết hạn.


Rồi tối đó, tại nhà riêng, anh Cẩn mời anh Hà đến có cả chị Giốc dự. Anh Cẩn nói chạy mãi chưa được, nấn ná thì hết hạn, đành huy động của nhà vậy. Chị Giốc liền đưa cho anh Hà một túi nhỏ. Anh Cẩn nói:

- Đấy là tất cả gia sản, mong anh Hà hiểu và khắc phục thêm. Nói xong, anh Cẩn thấy tay chị Giốc còn đeo chiếc nhẫn. Chị Giốc hiểu ý nói:

- Anneau de mariage (Nhẫn cưới)

Anh Cẩn động viên:

- Em vui lòng vậy!

Chị Giốc lặng lẽ tháo chiếc nhẫn bỏ vào túi buộc chặt đưa lại cho anh Hà, rồi xin phép vào nhà trong. Anh Hà xúc động cầm cái túi mà lòng nghẹn ngào, không nói được câu nào. Hồi trước ở Phnôm Pênh, vài lạng vàng với anh không là gì. Nhưng giờ đây, với anh Cẩn, chị Giốc nó là cái quý nhất trong buổi đầu nên vợ, nên chồng.


Cầm túi vàng ít ỏi lên tàu, anh Hà lo không biết mua được bao nhiêu, biết nói làm sao đây.

Dược sĩ Phạm Văn mang xe ra đón anh Hà. Hai người đồng môn, đồng khóa ôm chầm lấy nhau. Đến nhà hai bạn tâm sự, ôn lại thời sinh viên vẫn không sao quên được. Sôi nổi nhất là xung quanh việc ta cướp chính quyền. Phạm Văn hỏi nhiều về Bác Hồ, rồi hai anh thì thầm với nhau là cụ Nguyễn Ai Quốc đấy! Chỉ có Cụ về, nước ta mới độc lập. Đã khuya, Phạm Văn chợt hỏi:

- Thế cậu sang đây làm gì. Chả nhẽ đang lúc nước sôi lửa bỏng lại đi chơi?

Anh Hà chậm rãi nói mục đích chuyến đi. Rồi đưa cho Phạm Văn cái túi vàng:

- Xoay xở mãi, chỉ có thế. Tất cả mong ở cậu và bà con bên đây. Phạm Văn có phần bất ngờ, lặng im một lát khá lâu rồi đứng dậy:

- Thôi cậu đi nghỉ, yên tâm, mọi việc đâu có đấy.

Những ngày sau, gia đình Phạm Văn đưa anh Hà đi thăm Hồng Công, đến khu Việt kiều giới thiệu là người của Tổ quốc sang thăm bà con. Chỉ riêng Phạm Văn đi suốt ngày, khuya mới về nhưng sáng ra gặp nhau thấy vui vẻ lắm bảo cứ đi chơi, đâu có đấy. Riêng khoản thuốc, không thấy hắn đả động gì. Dược sĩ Hà bắt đầu sốt ruột.

Trưa hôm sau Phạm Văn về sớm bảo dược sĩ Hà.

- Mai cậu phải lên tàu về nhà, nó đánh Hải Phòng rồi !

- Nhưng thuốc?

- Yên trí, tối nay gặp bà con sẽ rõ.

Tối đó, tại một khách sạn cỡ bốn sao, phòng khách đã có vài chục Việt kiều. Vừa thấy dược sĩ Phạm Văn và dược sĩ Hà đến, đồng bào đổ xô tới, tay bắt mặt mừng. Dược sĩ Phạm Văn giới thiệu dược sĩ Hà rồi đọc tên các vị đã đóng góp cho Tổ quốc. Sau đó là danh mục bông băng, thuốc men đã mua được. Tất cả đóng thành kiện ngày mai lên tàu. Đại biểu Việt kiều nói lên lòng nhớ nhà, nhớ nước, của đóng góp còn ít mong đại biểu tiếp nhận, kính chúc Hồ Chủ tịch mạnh khỏe, mong Tổ quốc được hoàn toàn độc lập thống nhất.


Về đến nhà, Phạm Văn đưa cho dược sĩ Hà các biên lai tiếng Pháp. Nơi nhận: Laboratoire Lacroix rồi Pharmacie Dubois et Neyret... Hà Nội. Anh Hà không hiểu. Mình đi mua thuốc mà nơi nhận toàn là tây, thế này là thế nào? Đến Hà Nội lại phải ngửa tay xin mấy thằng Tây à. Anh hỏi Phạm Văn giọng gay gắt:

- Tôi phải làm gì với cái thằng Dubois này?

Phạm Văn ôm lấy bạn cười thoải mái:

- Ông ngố ơi! Tây nó chiếm cảng Hải Phòng rồi. Đề gửi cho Chính phủ ta, nó tha cho ông à. Đề tên mấy thằng Tây, nó chẳng cần biết Dubois "đuy biếc" gì, nó cho đi thôi. Nếu nó hoạch họe, thì đây. Vừa nói Phạm Văn đưa liền cho dược sĩ Hà mấy cái đồng hồ nữ loại xịn và một xấp tiền lẻ Đông Dương: Nhớ nhé, sĩ quan thì đồng hồ, lính "boa" mấy đồng là ổn thôi!

Hà ngớ ra, mặt đỏ bừng. Phạm Văn nói tiếp:

- Việt kiều ở đây yêu Tổ quốc, đóng góp chưa được nhiều, nhưng thật lòng, cậu đừng nghi ngại gì cả. Thôi đi ngủ, sáng mai lên tàu. Vé hạng nhất đây rồi. Cả bộ com-lê mới nữa. Phải thật chỉnh tề, Tây nó mới nể! À còn cái túi, xin đưa lại cậu mang về, ở nhà cần hơn. Anh Hà ngớ người ra, cảm động cầm lại túi vàng, nút thắt vẫn y nguyên chưa cởi.

Sáng hôm sau, cả nhà Phạm Văn và đại biểu Việt kiều tiễn dược sĩ Hà lên tàu, Phạm Văn và thuyền trưởng mời dược sĩ Hà kiểm tra các kiện hàng niêm phong cẩn thận với tư cách là người điều hành xuất nhập dược phẩm của các hãng thuốc trên.


Ngày 19 tháng 11 năm 1946. Pháp gây hấn ở Hải Phòng thì ngày 21 tháng 11, hàng về đến phao số 0. Lính Pháp định khám nhưng trên các kiện đều ghi tên Dubois Neyret nên chúng thôi. Dược sĩ Hà vẫn điềm nhiên như không để ý đến. Tới bến, toàn lính Pháp da trắng, da đen, chẳng thấy bộ đội mình đâu. Hơi lo. Hà cố trấn tĩnh thản nhiên hút thuốc lá thơm. Hàng dỡ lên. Hàng gửi cho người Pháp ở Hà Nội được xếp thuận tiện hơn. Đương nhiên, 84 kiện của hàng Dubois Neyret mà chủ nhân là dược sĩ Hà có bộ com-lê rất mốt cũng được ưu tiên. Dược sĩ Hà đàng hoàng bước lên bờ. Một viên quan ba Pháp chạy ra. Anh đưa luôn giấy biên lai toàn tiếng Pháp trực tiếp nói chuyện với hắn ta với giọng phát âm đặc quý tộc. Đồng thời, nhẹ nhàng "xùy" cho hắn chiếc đồng hồ, nói thầm: Un petit cadeau pour madame (món quà nhỏ tặng bà nhà). Hắn thích quá, ôm lấy dược sĩ Hà, hôn chụt một cái, méc-xì rối rít rồi ký ngay giấy xuất hàng khỏi cảng. Dược sĩ Hà còn bảo nó gọi cai cu-li thuê người bốc vác lên xe tập kết về hiệu thuốc Trương Văn Vĩnh, một chi nhánh của Dubois. 84 kiện là một khối lượng lớn phải năm xe tải chở mới hết và mấy tiếng đồng hồ mới ra khỏi cảng. Nhiều đứa dòm ngó. Thằng sĩ quan giám thị cảng đến hạch, lại dăm ba câu chuyện tiếng Tây và cái đồng hồ nữ mới toanh. Qua các ba-ri-e gặp thằng đội da đen, 10đ Đông Dương, thằng binh nhất 5đ, cứ thế khi tất cả 84 kiện về đến hiệu thuốc Chương Văn Vĩnh ở Hải Phòng thì mấy chiếc đồng hồ và cả xấp tiền Đông Dương cũng hết nhẵn.


Không sao, miễn là 84 kiện hàng về đến Hà Nội đầy đủ.

Thuốc nhập kho, đủ mặt thuốc chiến thương bông băng, thuốc sát trùng, thuốc sốt rét, kiết lỵ... Cục trưởng Vũ Văn Cẩn và dược sĩ Vũ Công Thuyết phó cục trưởng trực tiếp xem các mặt hàng. Hạch toán 84 kiện trị giá lúc đó là bốn lạng vàng và 5.000 đồng tiền Đông Dương (thời gian lúc đó 25đ bằng một tạ gạo).


Ngay tối đó, dược sĩ Hà đến nhà bác sĩ Vũ Văn Cẩn báo cáo chuyến đi có cả chị Giốc tham dự. Cuối cùng dược sĩ Hà rụt rè đưa túi vàng trả cho chị Giốc, nút thắt vẫn giữ nguyên. Anh Cẩn, chị Giốc nín lặng hồi lâu. Lát sau, anh Cẩn cởi túi lấy chiếc nhẫn cưới đeo vào tay chị Giốc và nói:

- Anh Hà ạ! Tôi chỉ xin lại chiếc nhẫn cưới. Anh thông cảm cho tôi. Vật kỷ niệm của vợ chồng. Còn bao nhiêu nhờ anh nộp lên văn phòng Chính phủ. Đó là phần đóng góp nhỏ bé của gia đình tôi!


*Dược sĩ thầy thuốc Hoàng Xuân Hà, nguyên là một nhà tư sản kinh doanh thuốc tây lớn ở Phnôm-pênh giác ngộ cách mạng, bỏ hết tài sản về Sài Gòn rồi ra Hà Nội vào bộ đội, phục vụ ngành quân y. Về sau là Vụ trưởng dược chính Bộ Y tế.

T.T.V
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #36 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:44:38 pm »

ANH SÁU NHẬT


NGUYỄN VĂN KHIẾU


Nhắc đến các trận đánh của Trung đoàn 174 (Cao Bắc Lạng) trên đường số 4 những năm kháng chiến chống Pháp là tôi lại nhớ tới đồng chí Sáu Nhật người đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ trong các trận phục kích và công kiên từ Cao Bằng về Lạng Sơn xuống Bình Liêu dọc đường số 4.


Gọi anh là Sáu Nhật vì anh là sĩ quan Nhật chạy sang hàng ngũ quân đội Việt Nam cuối năm 1945.

Anh Sáu Nhật đã gắn bó với Trung đoàn 174 khi còn là đơn vị địa phương của tỉnh Lạng Sơn. Trong trận Bông Lau đầu tiên ngày 30 tháng 10 năm 1947 của tiểu đoàn 386 (sau này là 249) anh là trung đội trưởng xung kích, người cán bộ đã dẫn đầu đơn vị bật khỏi công sự tràn xuống đường xung phong tiêu diệt địch. Cũng chính anh đã chỉ huy một tổ chiến đấu vòng ra phía sau quân địch, dùng lựu đạn diệt gọn ổ đề kháng, kết thúc thắng lợi trận chiến đấu.


Năm 1948, trong trận phục kích, Nguồn Kim Trọc Ngà, khi xung phong xuống mặt đường, anh bị tên quan ba Ri-vê-ranh nấp trong khe bắn sướt má, máu chảy đầm đìa. Cùng lúc ấy, đại đội trưởng Lê Hoàn, quan sát thấy, lao tới định rút kiếm chém tên chỉ huy. Nhưng, chính anh Sáu Nhật đã ngăn đại đội trưởng lại và xin tha cho nó. Anh nói: Người chiến thắng, không thèm giết kẻ đã ra hàng.


Sau này vết thương thành sẹo dài trên má nhắc lại chuyện cũ, anh chỉ cười và nói:

- Đây là kỷ niệm địch vận của tôi, một kỷ niệm với đường số 4.

Anh Sáu Nhật đã trưởng thành lên làm đại đội trưởng, rồi tiểu đoàn phó.

Năm 1949-1950, khi tôi lên làm tham mưu phó trung đoàn, anh là đội trưởng trinh sát và trưởng ban trinh sát trung đoàn.

Có điều kiện tiếp xúc với anh qua công tác thực tế, tôi mới thấy anh là một cán bộ dũng cảm, nhanh trí, trung thành với cách mạng Việt Nam. Tôi đã học ở anh được nhiều điều về công tác tham mưu, từ cách vẽ binh yếu địa chí, các đoạn đường bố trí phục kích đến vẽ cảnh đồ các đồn, làm thế nào nhìn vào đó người chỉ huy có thể thấy rõ tung thâm và cách bố trí xung quanh của một vị trí địch.


Anh Sáu Nhật là người đóng góp công sức thiết kế một đường dây nắm địch trên dọc đường số 4 từ Mũi Ngọc đến Đông Khê (chỉ huy sở tiền phương). Mỗi khi trung đoàn phục kích là có điện báo về tình hình địch trên từng chặng một kể từ khi chúng xuất phát cùng với các trạng thái động tĩnh của chúng trên đường.


Đây là một đường dây theo dõi địch độc đáo của trinh sát trung đoàn, kết hợp với nhân dân, bộ đội địa phương bằng mọi hình thức: thông tin vô tuyến, đường dày trần qua núi rừng, đài quan sát đặt trên điểm cao, trạm chạy bộ kiểu ma-ra-tông. Nhiều trận phục kích thành công nhờ sự đóng góp của việc nắm địch, trong đó có công lao anh Sáu Nhật.


Trong chiến dịch Biên Giới, trung đoàn 174 được lệnh bám sát bao vây diệt đồn Na Sầm. Nửa đêm 13 tháng 10, quân ta áp sát chân đồn, thấy đèn sáng, máy nổ vẫn chạy ầm ĩ cứ nghĩ là địch vẫn đóng quân nguyên vẹn. Anh Sáu Nhật nhìn những đốm lửa vụt cháy bùng lên rồi tắt thì đoán rằng chúng đốt tài liệu và đang rút chạy.


Quả đúng như khắng định của anh Sáu Nhật, địch chỉ để lại một bộ phận nghi binh còn toàn bộ lực lượng đã rút từ lúc nửa đêm.

Trong trận đánh đồn Bình Liêu đêm Noel 24 tháng 12 năm 1950, ở hướng tiểu đoàn 251 gặp khó khăn vì pháo của ta bắn không diệt được mục tiêu. Do đã nghiên cứu nắm vững địa hình, anh liền đề nghị đưa sơn pháo vào khu trại con gái (gia đình vợ lính) đục một lỗ xuyên tường đặt pháo cách mục tiêu chừng 35m nhằm thẳng lô cốt bắn tiêu diệt. Nhờ thế đã tạo điều kiện cho bộ binh chiếm hoàn toàn vị trí Bình Liêu phố.


Sau trận này, anh được thăng chức tiểu đoàn phó và được bổ nhiệm thay anh Đài làm trưởng ban trinh sát trung đoàn.

Năm 1952, anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, được thường huân chương. Sau đó theo yêu cầu của Đảng cộng sản Nhật; đồng chí Sáu Nhật trở về nước hoạt động.

Sau nhiều năm xa cách mới gặp nhau, anh Sáu Nhật mới cho chúng tôi biết tên thật của anh là "Koshiro Iwai" khi đã trở thành Tổng thư ký Hội Mậu dịch Nhật-Việt.

Koshiro Iwai! Chúng tôi không bao giờ quên những ngày chiến đấu hào hùng trên dọc đường số 4 Cao Bắc Lạng năm xưa có hình bóng anh Sáu Nhật; anh Koshiro Iwai!

N.V.K.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #37 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:45:43 pm »

NHỮNG NGÀY PHỤC VỤ TRAO TRẢ TÙ BINH Ở SẦM SƠN


NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH


Đang trong không khí rạo rực vui mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, Đội điều trị 2 nhận lệnh hành quân về xuôi. Nhiệm vụ mới đang chờ đón đơn vị ở phía trước.

Đội nhanh chóng giải quyết trả về đơn vị chiến đấu những thương binh nhẹ đang hồi phục sức khỏe. Đội tổ chức thành từng đoàn chuyển thương binh nặng về Phân viện 4 và Phân viện 6 ở Phú Thọ. Hành trình tải thương về tuyến sau còn gian truân vất vả hơn nhiều so với lúc hành quân đi chiến dịch. Không khí chiến thắng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua gian khổ, khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Bàn giao thương binh xong, chưa được nghỉ xả hơi, Đội đã nhận được lệnh cấp tốc hành quân vào Thanh Hóa nhận nhiệm vụ mới.

Lên đường mà lòng dạ nao nao, từ đây sẽ xa Việt Bắc, Tây bắc với biết bao kỷ niệm còn lắng đọng mãi trong tâm hồn chúng tôi. Những tháng năm kháng chiến vừa qua đã ghi đậm dấu ấn mỗi bước trưởng thành của đơn vị và của mỗi người chúng tôi.


Trên đường hành quân nhận được tin hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết. Cuộc kháng chiến chống Pháp đâ giành thắng lợi. Không khí những ngày đầu hòa bình rạo rực lòng người, mừng vui khôn xiết.

Vào tới Thanh Hóa, toàn Đội tập trung ngay vào học tập quán triệt nhiệm vụ mới: phục vụ trao trả tù binh theo các điều khoản của hiệp định Giơ-ne-vơ và hiệp định cụ thể ký kết ở Hội nghị Trung Giã. Chúng tôi được học tập quán triệt chính sách nhân đạo của Nhà nước, của nhân dân ta đối với tù hàng binh.


Lãnh đạo và chỉ huy Đội liên tục nhắc nhở chúng tôi phải tận tâm chăm sóc cứu chữa tù hàng binh bị bệnh. Đây là việc làm có ý nghĩa rất lớn góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị sắp tới với địch.


Học tập kỹ như vậy nhưng khi bước vào công tác thực tế, lúc đầu chúng tôi không tránh khỏi ngỡ ngàng, phải đấu tranh tư tưởng nhiều. Mới trông thấy chúng, những tên mũi lõ mắt xanh, lông lá xồm xoàm, nghĩ đến chỉ ít ngày trước chúng đã bắn giết, sát hại bao đồng bào, đồng chí mình, chúng tôi ghê tởm chúng, lòng căm thù trào dâng. Nhưng ngày càng thấm thìa sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ là phải chăm sóc chu đáo, cứu chữa cho tù hàng binh lành bệnh để chúng được trả về đoàn tụ với gia đình, đó là tấm lòng nhân đạo bao la của nhân dân Việt Nam. Thêm nữa là theo quy định "một đổi sáu", cứ trao trả một tù binh địch thì sáu đồng chí chúng ta bị địch tra tấn tù đầy được trả về với quê hương, gia đình. Nghĩ sâu xa như vậy, dần dần chúng tôi cảm thấy nguôi ngoai, lao vào nhiệm vụ chăm sóc, điều trị chu đáo cho bọn tù hàng binh bị bệnh.


Thời gian trao trả tù binh đã đến. Quang cảnh bãi biển Sầm Sơn thật khác thường. Một khu rất rộng sát bờ biển dùng nơi làm nơi trao trả. Có chỗ dành riêng cho đại diện Ủy ban quốc tế giám sát việc trao trả. Có khu dựng lán tạm dùng làm buồng bệnh tạm nghỉ cho từng chuyến tù binh trao trả.


Đội đã tổ chức cho anh chị em nhân viên chuyên môn chúng tôi bàn bạc trao đổi rất kỹ từng việc làm, từng động tác cụ thể, tập đi tập lại cho thật thuần thục để bước vào thời điểm đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù, quyết giành thắng lợi, buộc kẻ địch và Ủy ban quốc tế phải thừa nhận rõ ràng chính sách nhân đạo, khoan hồng của ta đối với tù hàng binh và buộc phía Pháp phải thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản hiệp định đã ký kết. Đội trưởng, bác sĩ Trọng Kính. Đội phó Vô Cương đi sát từng người tận tình, hòa nhã dặn dò, động viên.


Đợt một trao trả:

Khoảng xế chiều, một chiếc tàu biển cắm cờ tam tài (quốc kỳ Pháp) và cờ ba que (của chính quyền ngụy) tiến dần vào bờ. Nhận được tin trên tàu có một phụ nữ đang trở dạ đẻ, chính trị viên Hoàng Văn Nhu chỉ thị cho chị em chúng tôi chuẩn bị cấp tốc những thứ cần thiết cho trẻ sơ sinh và sản phụ. Chúng tôi ríu rít người góp những manh vải mới, người góp khăn tắm, xúm nhau lại cắt may, khâu áo lọt lòng, băng rốn, tả vuông, tã chéo, cũng chuẩn bị đầy đủ ca những thứ cần thiết cho sản phụ. Mọi người trên bờ rất sốt ruột vì chiếc tàu của địch không nhúc nhích, cố tình lần khần chưa chịu vào bờ. Phía ta phải đấu tranh yêu cầu đại diện Ủy ban quốc tế can thiệp bắt tàu địch phải khẩn trương vào bến để kịp thời cấp cứu sản phụ, nếu chậm trễ xảy ra tử vong thì họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.


Tàu địch từ từ cập bến đỗ sát cầu tàu. Hai nữ y sĩ, bốn nữ y tá mang theo túi thuốc cấp cứu và chiếc cáng lao nhanh xuống khoang tàu ưu tiên đón san phụ lên bờ trước, kịp thời đỡ để mẹ tròn con vuông. Chị em chúng tôi reo vui trước tiếng khóc oe oe chào đời của cháu bé. Bà mẹ trẻ nở nụ cười mãn nguyện, đưa mắt nhìn khắp lượt chị em chúng tôi, mấp máy môi biểu lộ tình cảm trìu mến đối với những chiến sĩ quân y được tiếp xúc đầu tiên trong hoàn cảnh thật đặc biệt.


Nhân dân, bộ đội ta đứng trên bờ, kể cả các thành viên phái đoàn Ủy ban quốc tế đều vô cùng ngạc nhiên khi phái đoàn Pháp đưa từ dưới tàu lên trao trả cho ta không có một người tù chính trị nào mà toàn là phụ nữ, trẻ em, ông bà già ăn mặc rách rưới khổ sở. Hỏi ra được biết toàn là những người bị địch càn quét bắt đi phục vụ cho chúng, nay chúng tống lên tàu để tra cho ta. Phái đoàn ta làm việc với phái đoàn Ủy ban quốc tế và phái đoàn Pháp kịch liệt lên án bản chất xảo trá của đối phương. Nhân dân, bộ đội ta biểu lộ sự căm phẫn cao độ, không ngớt hô vang "Phản đối! Phản đối!...


Cán bộ, nhân viên quân y chúng tôi nhanh chóng kiểm tra sức khỏe cho bà con. Nhân dân, bộ đội quây vào chăm sóc, tặng quà và thăm hỏi đồng bào mới được trao trả.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #38 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:46:36 pm »

Đợt hai trao trả

Tin chính thức cho biết chiều nay phía Pháp trao trả cho ta tù binh chính trị. Bãi biển Sầm Sơn chan hòa ánh nắng, rộn ràng cờ, hoa, biểu ngữ. Tiếng trống ếch của thiếu nhi khua vang hòa cùng tiếng sóng biển, thông reo như khúc nhạc quê hương chờ đón các chiến sĩ kiên cường, bất khuất trở về với đồng bào, đồng chí. Trên bãi cát dài chạy dọc bờ biển, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các cụ phụ lão, thanh niên nam nữ, các cháu thiếu nhi đứng đông nghịt quanh khu vực tiếp đón. Khẩu hiệu "Nhiệt liệt hoan nghênh các cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt tù đày trở về với nhân dân" nổi bật trên các tấm biểu ngữ dài vải đỏ chữ vàng.


Làn sóng người rạo rực, xôn xao hẳn lên khi tàu địch xuất hiện ngoài khơi đang tiến dần vào bờ. Các cửa sổ quanh khoang tàu đóng kín mít. Chỉ thấy trên boong lố nhố những tên lính Pháp và mấy tay mặc thường phục, đeo ống nhòm, máy ảnh trước ngực đi lại lăng xăng.


Tàu cập bến. Cánh cửa lớn khoang tàu mở từ từ. Giây phút chờ đợi đã đến. Dòng người trên bờ chuyển động, lội cả xuống mép nước, ai cũng như muốn kiễng chân, nghển cao đầu để được nhìn cho rõ. Đồng chí của chúng ta đây rồi! Hai người một dìu nhau bước lên cầu tầu, giơ cao tay phất những lá cờ đỏ sao vàng nhỏ xíu vừa đi vừa hô vang "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm", "Hồ Chủ tịch muôn năm" cùng lúc trên bờ, rừng cờ đỏ sao vàng, cờ xanh hòa bình với hình chim bồ câu trắng tung bay phần phật trước gió, tiếng hò reo vang trời át cả trếng trống ếch của thiếu nhi. Nét mặt mọi người rạng rỡ vui mừng đón những người con thân yêu của Tổ quốc được trở về với quê hương, đồng bào, đồng chí. Đôi mắt nhiều người rưng rưng ngấn lệ biểu lộ niềm thương cảm với các đồng chí, đồng đội của mình vừa thoát cảnh tra tấn tù đày.


Trước khi bước lên bờ, anh chị em được trao trả vứt xuống biển tất cả các thứ được kẻ địch trang bị như trút bỏ tất cả rác rưởi hôi tanh của chế độ lao tù hà khắc của địch.

Anh chị em cán bộ nhân viên quân y chúng tôi lao nhanh lên tàu khiêng cáng và dìu đồng chí của mình không đi nổi vì bị địch tra tấn dã man, thương xót không cầm được nước mắt, nghẹn ngào thăm hỏi không nói nên lời. Sau khi đưa anh chị em qua nơi làm việc của phái đoàn Ủy ban quốc tế để hoàn tất thủ tục, bộ phận chuyên môn chúng tôi nhanh chóng triển khai cấp phát quần áo, trang bị cá nhân, kiểm tra sức khỏe, chăm lo ăn uống cho anh chị em. Các đồng chí lãnh đạo, các cụ phụ lão, chị em phụ nữ quây kín các buồng bệnh thăm hỏi anh chị em vừa được trở về trong vòng tay đầm ấm của bà con cô bác.


Đợt ba trao trả:

Hôm nay ta trao trả các tù hàng binh địch.

Chị em chúng tôi sao mà hồi hộp đến kỳ lạ! Thời điểm trực tiếp đấu tranh chính trị chống lại âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch định xuyên tạc chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã đến, mà chị em nữ y tá chúng tôi lại được "đóng vai chính" cơ đấy. Chúng tôi nhắc nhở nhau phải làm thật tốt, thật chu đáo mọi việc được lãnh đạo Đội, trực tiếp là Đội phó Võ Cương đã căn dặn tỉ mĩ, chu đáo. Chúng tôi rất tự tin.


Đưa số tù hàng binh bị bệnh do Đội Điều trị 2 trực tiếp quản lý ra khu vực các buồng bệnh để chờ trao đổi. Chúng ngạc nhiên vì các lán tạm mới dựng làm buồng bệnh được trang trí giản dị, gọn gàng, đẹp mắt. Chị em chúng tôi ríu rít chuyện trò, thăm hỏi, động viên chúng. Riêng hai tên quan hai, quan ba được bố trí ở phòng riêng cũng được mấy chị em chăm sóc chu đáo thăm hỏi thân tình.


Các tù hàng binh này được ta trang bị cho quần áo mới, ba lo, mũ, dép, khăn mặt, ca, bát... mỗi người được một bao thuốc lá - nhiều người còn xin ta chiếc máng tre đựng thức ăn, chiếc gậy tre, cố xin cho được chiếc nón lá để mang về gia đình làm kỷ niệm quãng đời sang Việt Nam làm bia đỡ đạn cho bọn trùm đế quốc, bị bắt, được hưởng sự khoan hồng, nhân đạo của nhân dân Việt Nam mà nay được diễm phúc trao trả về quê hương, gia đình.


Phái đoàn Pháp xin phép ta cho được vào buồng bệnh thăm tù hàng binh trước khi nhận trao tra. Ta đồng ý. Họ đi từng phòng thăm hoi từng người và mời hút thuốc lá thơm. Số tù hàng binh từ người đầu đến người cuối chỉ cảm ơn nhưng không nhận thuốc lá thơm được mời, mà lại rút bao thuốc lá Việt Nam ra hút. Phái đoàn Pháp bị bẽ mặt quá. Còn chị em chúng tôi có mặt trong phòng lại rất vui, cảm thấy việc làm của mình đã có tác dụng cảm hóa những kẻ chiến bại.


Giờ trao trả bắt đầu. Chị em chúng tôi "xung trận" theo đúng bài bản đã định sẵn. Sau khi làm thủ tục trao trả xong, từng tên tù binh bước ra cầu tàu đều được một nữ y tá mặc áo blu, đội mũ trắng đi cùng, mang giúp ba lô, niềm nở chúc anh ta về đoàn tụ hưởng hạnh phúc gia đình. Tiễn vào tận trong khoang tàu, chúng tôi nhanh chóng quay lên bờ tiếp tục nhiệm vụ. Họ đứng lặng nhìn theo tần ngần, xúc động và vẫy tay "Cảm ơn! cảm ơn!".


Hai sĩ quan tù binh tỏ vẻ mệt mỏi ốm yếu, ta cũng không muốn để họ tự do tiếp xúc với bọn phóng viên nên cho chúng nằm cáng. Mấy phóng viên Pháp bâu lại định chớp thời cơ chụp mấy pô ảnh cảnh tù binh ốm yếu nhằm xuyên tạc chính sách khoan hồng, nhân đạo của nhân dân ta đối với tù binh. Mỗi cáng do bốn nữ y tá khênh và hai chị nữa đi hai bên. Sáu chiếc nón trên tay các chị lượn lên lượn xuống, sang phải sang trái nhằm không chỉ che nắng cho người nằm trên cáng mà còn che lấp ống kính máy ảnh nên phóng viên không chụp được pô ảnh nào.


Lên tới cửa khoang tàu, chúng tôi đặt cáng xuống. Vừa dìu người tù binh đứng dậy, chân bước còn run rẩy, đến lượt chị em chúng tôi bị bất ngờ. Anh ta nắm chặt tay chị P (nữ y tá dân y tăng cường cho Đội điều trị 2) và đặt một nụ hôn lên trán chị. Đôi mắt đỏ hoe anh ta chào từ biệt chị em chúng tôi, bày tỏ xúc động trước tấm lòng nhân đạo cao cả của các chiến sĩ quân y Việt Nam.


Anh chị em toàn đội vui mừng khôn xiết vì đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị với kẻ thù.

Chúng tôi lại lên đường nhận nhiệm vụ vinh quang về tiếp quản thủ đô. Là những người con em Hà Nội, ra đi hẹn ngày chiến thắng trở về. Chúng tôi rảo bước hành quân. Thủ đô thân yêu đang chờ đón chúng tôi. Trong lòng chúng tôi trào dâng niềm vui, xen lẫn sung sướng tự hào.

B.T.N.B
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #39 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2022, 05:48:03 pm »

CHOONG XIÊNG VÉP


ĐỖ SÂM


Choong Xiêng Vép đưa chiếc xe "U-oát" núp dưới bóng một cây sà-nu to bên cửa rừng. Mắt anh không rời đoàn khách đang cùng Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sa Thày.

Đoàn người dừng trên một khu đồi cao. Cách đây gần ba chục năm, đây là cứ điểm hành quân của Lữ 1, Sư đoàn 4 Mỹ. Ở thời điểm ấy, sau tết Mậu Thân (1968) từ mảnh đất Sa Thày này, Vép rời quê hương thân yêu vào bộ đội giải phóng, trở thành một lái xe trên đường Trường Sơn. Anh đã nhiều lần vận chuyển lương thực, đạn dược đến các trận địa chiến đấu ở Đak-Suk, Đăk-Tô, Pờ-lây-cần, Tu Mơ Rông...


Có những lần, Vép đã giúp nhiều anh lái xe pháo binh mới ở Bắc vào kéo những cỗ pháo lớn qua những đoạn rừng hiểm trở, bom đạn vùng Kon Tum, Gia Lai. Cái lần không bao giờ Vép quên được là buổi sáng ngày 9 tháng 5 năm 1972 trên khu đất Kơ Leng này. Sau khi quân ta giải phóng thị trấn Tân Cảnh, quận ly Đăk Tô, đoàn xe của Vép vào thẳng căn cứ 42 Sư đoàn 22 ngụy kéo mấy khẩu pháo chiến lợi phẩm ra vùng hậu cứ. Cất giấu xong mấy khẩu 105, Vép sung sướng nhận lệnh vận chuyển đạn bổ sung cho các trận địa pháo bắn vào Kơ Leng, Đak Tô, Tân Cảnh. Lính ngụy ở Ngọc Bờ - Biêng, Ngọc - rinh - rua đã phải rút chạy hết về Pơ-lây-cần. Bà con nói đồng bào dân tộc ở các ấp chiến lược từ Võ Định đến Tân Cảnh, từ Đak Mót đã trở về bản làng cũ xây dựng chính quyền cách mạng. Lần này chuyển nhiều đạn pháo lớn cho trận đánh vào Kờ Leng, nhất định quê hương Vép sẽ được giải phóng, ở vị trí tập kết, Vép gặp nhiều anh pháo thủ trẻ măng như anh, vừa chiến thắng Đak Tô, Tân Cảnh ra lấy đạn. Rồi đúng như mong ước của Vép, quân ta đã tiêu diệt địch làm chủ toàn Kờ Leng sáng ngày 9 tháng 5 năm 1972, đoàn xe của Vép được vào Kơ Leng chuyển chiến lợi phẩm ra ngoài, Vép đã được gặp lại nhiều bà con quê hương anh ở Sa Thày.


Đã tròn 20 năm rồi, Vép còn nhớ kỹ hình ảnh những người đồng đội khi cùng chuyển đạn, kéo pháo dưới bom đạn kẻ thù, chia xẻ với nhau từng miếng cơm vắt, từng mảnh lương khô ở Tân Cảnh, ở Kờ Leng. Nghe anh chủ tịch Sa Thày giới thiệu đoàn khách này gồm toàn những cựu chiến binh pháo binh Tây Nguyên, khu 5 về thăm lại chiến trường nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng Kon Tum1 (17 tháng 3 năm 1975 đến 17 tháng 3 năm 1995). Vép nghĩ ngay đến những anh bạn pháo thủ năm xưa ở các trung đoàn 40, 675. Và từ khi gặp, Vép có cảm tình ngay, không muốn rời các anh, mấy lần muốn nói một chuyện gì nhưng rồi lại cứ ngập ngừng...


Trên mảnh đất nhỏ ở Kờ Leng các anh chỉ về phía xa...

- Bắn vào Kờ Leng - lúc ấy đài quan sát chúng ta đặt trên cao điểm...

- Trận địa bắn ở bên sông Sa Thày, sau thung lũng xanh rậm phía kia.

... Các anh say sưa ôn lại những chuyện chiến đấu thời kháng chiến chống Mỹ. Nhiều chuyện, nhiều con người, nhiều địa danh các anh nói Vép cũng biết. Thế là Vép không ngần ngại gì nữa tiến lên nắm lấy tay anh Tô Thuận1 (Thiếu tướng, trưởng đoàn cựu chiến binh pháo binh Tây Nguyên, khu 5, nguyên chủ nhiệm pháo binh mặt trận Tây Nguyên, Quân khu 5).

- Các anh có còn nhớ em? Em là Choong Xiêng Vép, chiến sĩ lái xe nhiều lần chở đạn pháo cho các anh ở các mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh, Ngọc Bờ Biêng, Pờ lây Cần và cả ở Kờ Leng rồi tiến vào chiếm Kờ Leng năm 1972...

Vép kể tiếp chuyện nhiều nữa rồi tần ngần:

- À, mà các anh chẳng nhận ra em đâu. Lúc ấy Vép chỉ gặp các anh pháo thủ ở trận địa ra xe chuyển đạn, chỉ quen mấy anh lái xe pháo binh quê Nghệ An. Còn các anh chắc ở trên đài chỉ huy xa lắm. Lúc ấy Vép chưa đến 20 tuổi. Bây giờ trên 40 rồi.

Vép đưa tay lên mặt. Các anh xúc động nghe Vép kể chuyện. Nhìn bộ râu đen rậm của Vép, chủ tịch Tống Minh Điền vui vẻ:

- Đúng đấy. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các anh Thuận, Giá, Vinh, Dực, Định, Tuệ... ở đây hôm nay đều là chỉ huy pháo binh các mặt trận Tây Nguyên, Đác Pét... các trung đoàn 40, 675... Trong chiến đấu, các anh ở đài quan sát gần địch, xa trận địa lắm nên chưa biết Vép chứ không phải vì bộ râu của Vép đâu. Các anh cho Vép nhập đoàn vì Vép cũng là lái xe phục vụ pháo binh chiến đấu lúc ấy, nhưng Vép phải kể cho các anh nghe chuyện tìm hiểu rồi lấy cô gái Nghệ An làm vợ như thế nào nhé.

Mọi người cười phá. Tiếng cười vang vọng khu rừng Kờ Leng...

Từ khi về phụ trách chiếc nhà Rông truyền thống Tây Nguyên ở huyện Sa Thày, bác Hồ Văn Sửu đã tiếp nhiều đoàn khách từ Hà Nội, từ thành phố Hồ Chí Minh... Từ Pháp, từ Úc... đến nhưng chưa lần nào bác có những tình cảm xúc động như lần đón đoàn khách cựu chiến binh pháo binh này. Họ đến từ Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Thọ...


Mọi lần, cái anh Choong Xiêng Vép to lớn, lầm lì chỉ đưa cán bộ lãnh đạo huyện cùng các đoàn khách đến, yên lặng ngồi đợi trên xe rồi về huyện. Lần này đưa đoàn cựu chiến binh lên nhà Rông rồi, Vép rộn ràng ra các bản quanh vùng loan tin: "Các anh giải phóng quân đã giải phóng Kờ Leng, Sa Thày năm xưa nay đang ở nhà Rông...". Thế là bà con theo Vép đến nhà Rông mang theo nào cồng, nào chiêng, nào từng bình rượu cần. Vép còn mời được cả già làng đến...


Một cuộc gặp không chuẩn bị trước, tự phát, đầy xúc động. Quân dân Kinh, Thượng quây quần nhau quanh những bình rượu cần, rồi chuyện, rồi cồng, chiêng, múa hát...

Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng hát nhộn nhịp vang khắp khu đồi núi quanh nhà Rông, quanh Sa Thày....

Một nhóm thanh niên mới đến lên gặp bác Sửu mượn thêm cồng, chiêng của nhà Rông để làm nhộn nhịp thêm cái vui của cuộc vui...

Vép nổi một hồi chiêng rồi nói to với bà con:

- Chúng tôi là chiến sĩ pháo binh, chúng tôi hò kéo pháo nhé. Rồi Vép bắt nhịp anh em hát bài Hò kéo pháo. Vép vừa chiêng vừa hát, hát to, hát như một chiến sĩ pháo binh đã từng quen hát bài hò kéo pháo nhiều lần.

Vép đề nghị anh nhiếp ảnh của đoàn khách chụp cho Vép một chiếc ảnh đang cồng, chiêng, múa hát với anh em đoàn phao binh, với dân bản của Vép.

Rồi Vép hát: "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay".

Vép nói to như tâm sự với mọi người:

- Hai mươi năm nay rồi, từ khi giải phóng quê hương tôi mới lại có một ngày vui như hôm nay, được gặp lại các bạn, các anh, tôi được mọi người quý mến thực sự...

Vép vui, vui thực, vui cái vui của người dân Thượng đã được vinh dự đi chiến đấu giải phóng bản làng, quê hương mình...

Đoàn khách cựu chiến binh chuẩn bị chia tay nhân dân Sa Thày. Choong Xiêng Vép xúc động nói như hát, hát như nói, như nói những ý nghĩ sâu đậm của mình:

- Người ơi người ở đừng về. Người ở đừng về...

Ca-mê-ra của nhà nhiếp ảnh Tô Kim Trọng đã ghi những hình ảnh uống rượu cần, cồng, chiêng, múa hát... dưới nhà Rông lại tiếp tục hướng về Choong Xiêng Vép giờ phút chia tay với các chiến hữu của anh.

Ngồi trên xe từ Sa Thày về thị xã Kon Tum, có anh kể lại vài mẩu chuyện về cái anh lái xe người dân tộc Triêng trên cao nguyên Sa Thày, có anh giở cuốn sổ nhỏ có ghi mấy dòng chữ nghiêng ngả của Vép "Choong Xiêng Vép, dân tộc Triêng, lái xe kéo pháo Tây Nguyên".

Đ.S
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM