Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:08:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức chiến tranh  (Đọc 4004 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #20 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:03:51 am »

TRANG BỊ THỜI CHIẾN


DƯƠNG TÙNG


ĐÔI GIẦY VẠN DẶM

Đánh xong chiến dịch Lý Thường Kiệt, Đại đoàn 312 chuyển quân về Phú Thọ "Rèn cán, luyện quân". Chuẩn bị kỹ càng, năm 1952, chúng tôi lại tiến vào Tây Bắc.

Lần này, ngoài bộ quân phục mới, chúng tôi còn được trang bị thêm đôi giầy vải, điều mà trước đó chưa hề có!

Thế là từ nay, anh nào cũng đủ giầy đi, không còn "chân đất, súng thô", tha hồ hành quân trèo đèo leo núi, nhảy vào đồn địch đỡ ngại mấy hàng rào dây thép gai sắc như chông nhọn. Có anh cẩn thận, lấy vải khâu cao thêm cổ giầy, lùa ống quần vào trong từa tựa như đi bốt, trông đến là cứng cỏi, dầu dãi gió sương lại ấm ơi là ấm...


Muốn giải phóng vùng Tây Bắc hiểm trở, rộng lớn mênh mông, trước tiên, Đại đoàn 312 cùng một số đơn vị bạn phải xóa sổ căn cứ Nghĩa Lộ (Yên Bái).

Phân khu Nghĩa Lộ bị tiêu diệt mở ra những bước tiến quân mới cho quân ta cắm sâu vào toàn bộ chiến trường Tây Bắc. Nhưng còn sót lại cứ điểm Gia Hội - căn cứ đề kháng kiên cố của địch với gần 400 tên lính "có hạng" trực tiếp bảo vệ phân khu, ngăn chặn quân ta tiến lên Sơn La. Trung đoàn 165 được lệnh tiêu diệt, đã bao vây chặt, chỉ còn nổ súng, ai ngờ chúng ranh ma quỷ quái nghi binh đánh lừa, đã rút chạy trước mấy liếng.


Tiểu đoàn 115 chúng tôi được lệnh trở thành một cánh quân cấp tốc vượt lên trước, truy kích chặn địch lại mà đánh trên đường từ Gia Hội đi Tú Lệ, It Ong.

Thế là có chuyện sướng, khổ về đôi giầy vải!

Từ khi nhận đôi giầy mới, đây là đợt hành quân chiến đấu gay go, gian khổ quyết liệt nhất, đặc biệt là đợt truy đuổi bốn, năm ngày đêm này, không kịp nấu cơm để ăn, nấu nước để uống, luồn rừng ngủ bụi, gội mưa mà đi, trèo núi mà đuổi, băng ngàn lội suối...


Mới đầu vững dạ, rất vững dạ về đôi giầy. Giầy ngoại hẳn hoi, vải rất dày, màu xanh rêu, đế cao su tráng. Phen này cứ yên trí mà đuổi!

Mấy trăm tên lính địch rút chạy thục mạng từ Gia Hội, về hội quân với 500 lính da trắng vừa chân ướt chân ráo nhảy dù xuống chiếm các cao điểm và sân bay Tú Lệ, dàn thành tuyến chặn đứng quân ta. Chúng tôi đánh địch, địch chạy. Chúng tôi lại đuổi, đuổi từ Tú Lệ qua đèo Cao Phạ mù mây, đồn Ngọc Chiến bốc lửa, dốc Pu Săm Xếp dựng đứng... tới Ít Ong.


Vào chiếm luôn tiểu khu Ít Ong, địch chạy tán loạn vào rừng, một số lẩn qua sông Đà, tẩu thoát về thị xã Sơn La. Tiểu đoàn tạm dừng quân ít hôm, củng cố đội hình, chuẩn bị gấp cho màn hai chiến dịch Tây Bắc.


Quái, chân sưng húp, bẹn nổi hạch lúc nào không biết!

Đến bây giờ thì tôi mệt lả, quỵ thật sự!

Qua mấy ngày đêm truy kích, chiến đấu nay mới có điều kiện tháo đôi giầy. Ôi, có phải quay mặt đi không thế? Một con vât nằm co quắp, lòng giầy toàn bã đậu, đôi chân trắng bệch như sáp, gan bàn chân lở loét, lồi lõm hoắm sâu da thịt đỏ hỏn... Té ra dầm mưa, lội suối, đôi giầy đá trở thành đôi trĩnh. Nước, cát, sỏi bên trong không thoát được ra ngoài nằm đó kêu oàm oạp, cứ nhè vào nạn nhân của nó mà đánh đòn thù, cắn, xé!

Cậu y tá mặt méo xệch, chân sưng vù bê chậu nước đến bắt tôi phải ngâm chân, cọ, rửa.

- Ôi, đau quá, xót quá, không chịu được đâu. Cậu bỏ đi cho tôi nhờ, tớ lạy...

- Thế mà anh cứ dặn người khác, nào là phải chân đồng da sắt, mới có thế mà đã... (nguyên văn, thường ngày chúng tôi hay nói với nhau: Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên!) Không biết ai đau hơn ai, cậu ta nước mắt đầm đìa.


Mấy ngày tạm nghỉ, giặt giầy, ngâm chân, sẵn thuốc quý của địch, chân khỏi rất mau. Toàn đơn vị lại lên đường lần theo dấu vết chân địch, vượt sông Đà, có ngày đêm thọc sâu vào lòng địch trên dưới 50 cây số, đánh cao điểm Cô Kết; địch trong đồn Mường Khương, Mường Bú bỏ chạy... Thừa thắng, tiểu đoàn 115 vào giải phóng, tiếp quản thị xã Sơn La, chọc thủng cửa ngõ bảo vệ khu Trung tâm chỉ huy quân khu Tây Bắc của địch.


Chưa kịp nghỉ ngơi, hè 1953, Đại đoàn 312 bước vào chiến dịch Thượng Lào cùng một số Đại đoàn bạn tiến công tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, đánh tan toàn bộ lực lượng quân sự địch trên đường rút chạy về Cánh Đồng Chum.


Tiểu đoàn 115 từ vị trí tập kết ở Mộc Châu được lệnh cấp tốc hành quân mấy trăm cây số thọc sâu vào Sầm Tớ chặn địch không cho chạy về Xiêng Khoảng.

Thi chạy với địch, với thời gian, máu ộc ra mồm, ra mũi; tôi không còn nhớ bộ quân phục của mình đã mấy lần thấm máu. Hành quân thần tốc suốt 6, 7 ngày đêm ròng rã, đi chạy mỗi ngày trên dưới 40 cầy số, qua các núi non hiểm trở, thác gầm thét, vực sâu rợn người, nhịn đói nhịn khát dưới bầu trời Thượng Lào khắc nghiệt, ngột ngạt đến phát điên, mưa không kịp vuốt mặt, trời khô rang, đất bốc lửa...

Mải mê trên đường quên hết!

Nhưng vẫn nhớ nhất một điều, đôi giầy, đôi chân!

Sởn gai ốc về kinh nghiệm năm trước, tôi dặn đi dặn lại anh em, đặc biệt với số chiến sĩ mới bổ sung:

- Phải bảo vệ đôi chân, nó mà giở quẻ là các cậu chết. Bọc vải vào chân làm tất, hễ mưa đi tất thay giầy, giầy tống lên thắt lưng. Đụng suối, khẩn trương tụt giầy, tất mà lội chịu khó lau qua, cuốn tất xỏ giầy. Yên trí, cứ thế mà...


Tưởng thứ kinh nghiệm trên sẽ linh thiêng, nào ngờ sau đôi ngày, mấy chiến sĩ ngồi ôm chân dọc đường than thở:

- Ôi ông bà ông vải ơi, bỏ giầy ai mà đi được, chân rát bỏng, phồng rộp, cứ như bị đưa lên chảo mà nướng!

Tôi bảo: Qua suối thì lấy đầy bi đông nước, thỉnh thoảng đổ vào chân lấy "thủy trị hỏa", may ra... ừ, thì cứ đi giầy như trước xem sao, qua suối lội cả giầy, tất có khi chân lại mát lâu...

Tôi ngập ngừng:

- Chỉ có điều... đúng, chỉ có điều các cậu cần nhớ, là nên luôn dốc mấy thứ chết tiệt cát sỏi, nước bên trong cho nó thoát ra ngoài, giam nó, nó liều thì như đã từng liều với tớ!

"Cấp tập, mãnh truy, mãnh đả", đơn vị đã kịp tới giải phóng châu lỵ Sầm Tớ giữa tiếng đạn nổ, lửa khói mịt mù của đồn địch bốc cháy, sự hoảng loạn của 400 binh lính, ngụy quyền.

Thấm thoắt thoi đưa! Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm cực kỳ gian khổ và vô cùng anh dũng của cả một dân tộc.

Rồi cuộc trường chinh lần thứ 2 lại bắt đầu.

Năm 1966, sư đoàn 304 chúng tôi lại lên đường. Đi B lần này, được trang bị kín từ đầu tới chân, ngoài đôi giầy vải, có cả đôi dép cao su đúc bốn quai. "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước..." đâu phải chuyện đùa!


Thấm thía với bao nỗi ngọt bùi, đắng cay của thời đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ lần này, tôi thửa riêng cho mình một đôi dép lốp cao su cực kỳ kiên cố, đế dày những ba phân, mấy bộ quai to tướng "dự trữ chiến lược".


Từ vùng địa đầu miền Bắc tới chiến trường miền Đông Nam Bộ chiến đấu, chúng tôi hành quân mất sáu tháng rưỡi, qua mấy trăm chặng đường, mấy ngàn cây số, thác ghềnh núi non không sao đếm xuể, chả thế ngày ấy trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ giữa mây ngàn gió núi, tôi đã ghi vội, rất vội vào cuốn nhật ký hành quân:

   ..."Vòng lá ngụy trang, trăm lần dắt vội
   Đôi dép vượt đèo dăm lượt thay quai
   Buổi đi - nắng, lá đổ dài
   Ngày về - đáy dép vẫn cài... sương đêm!".


Sau này, khi đã trở lại miền Bắc, tần ngần thế nào, có lần tôi nhìn kỹ đôi chân, đôi dép, ngắm đi ngắm lại như chưa từng nhìn, ngắm bao giờ.

Rồi giật nảy người!

Đế dép dày là thế, mòn quá hai phần ba, vẹt ở phía đầu phía cuối còn đôi... ba ly, trông đến là ngộ nghĩnh. Mấy đôi quai mít-sơ-lanh dự trữ, dăm ngàn cây số đường trường "ngốn sạch". Cây gậy Trường Sơn của bác già Thanh Hóa tặng lúc đi, đường ngàn dặm "găm" đúng một đốt...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #21 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:04:48 am »

KHOÁC ÁO TƠI LÁ CỌ ĐI CHIẾN ĐẤU

Cuối 1952, Đại đoàn 312 tiến quân vào Tây Bác. Khoác áo tơi lá cọ đi chiến dịch, chà, sao lắm tiện lợi! Sản phẩm của vùng rừng cọ đồi chè mộng mơ mặc vào, anh nọ trông anh kia cười rũ rượi. Tất cả cứ như những con nhím cụp lông, mượt mà, vàng óng. Ve vuốt đến đâu, tay mát rười rượi đến đấy. Lớp lớp lá cọ ken dày xếp nhiều tầng che kín từ cổ xuống quá đầu gối, bước đầu, vui đấy, sột... soạt. Ngữ này mà đi trinh sát thực địa sát đồn bốt địch, chỉ mong gặp được mấy tên lính địch điếc đặc. Được cái, gặp mưa nguồn, gió núi Tây Bắc, từ nay người không còn ướt như chuột lột. Trời hanh khô, trải xuống đất nằm không phải vơ lá làm ổ. Trú quân giữa rừng sâu núi thẳm, rét thấu xương, đẵn cây chặt nứa dựng khung, lấy lá chuối làm mái, lót áo tơi làm đệm, êm êm ấm ấm.


Lần thứ hai đánh phân khu Nghĩa Lộ, giấu quân ở Yên Bái, bí mật vượt sông Hồng, chúng tôi phải qua cửa ải: đèo Nậm Bằng.

Gọi là đèo nhưng cao lưng chừng trên dưới 2.000 mét. Dưới chân không thấy đỉnh, đỉnh ngập trắng trong mây. Trời mưa đường độc đạo mới mở, dốc dựng đứng phải leo bằng... bò. Dễ chừng có nhích lên, mỗi giờ được vài ba trăm mét là giỏi. Người bị nảy lên, lật xuống, may mà còn nắm được chiếc rễ cây. Tôi hét:

- Con khỉ, cẩn thận mà thế à, mũi tôi bị chân cậu đạp thẳng xuống chảy máu đây này. Còn cái gấu áo tơi sắc nhọn kia kìa, lại phóng thẳng vào mắt may mà kịp nhắm!

- Ối, em cũng bị mấy đứa ngã dây chuyền đạp xuống. Dốc trơn hơn bôi mỡ, người cứ tự động rơi.

Những tiếng hỷ mũi liên tục ở phía dưới, một bộ mặt mếu máo ngước lên:

- Chả phải chính cái gót chân của anh đã quai trúng vào chiếc cằm này, ác nhất là mấy cái tua lá cọ ở áo anh lại lùa được vào mũi của em. Cậu liên lạc đi vơi tôi vừa nói vừa khụt... khịt.

Bỗng những chuỗi cười, tiếng bẳn gắt, trách móc nhau đột ngột lặng đi, nhường cho những tiếng thét hốt hoảng:

- Cẩn thận, cẩn thận, có tiếng máy bay địch!

- Hình như lại "con mụ đầm già", đúng rồi, nó đấy!

Tôi ngó ngược nhìn xuôi! Trời ơi, nguy hiểm quá!

Cả đơn vị như một con trăn dài khổng lồ đang trườn mình trên dốc núi cheo leo. Con trăn trải dài, hằn lên một màu vàng óng, sáng lên, lấp lánh dưới những lớp bụi mưa dần tắt, nổi bật, lồ lộ giữa màu xanh xám ngút ngàn của đất đá, cỏ cây.

Đứng thẳng lên, tôi hét to:

- Cởi ngay áo tơi, ngụy trang, nấp kín. Lăn vội sang hom đá bên cạnh, đè lên chiếc áo tơi tạm gấp, tôi dúi mình vào đám lau cạnh sắc như dao.

... Chiếc máy bay do thám bay qua không thèm ngó lại.

Khoác cái áo tơi này có khi "oan gia", lại vướng víu nữa, nhưng quẳng thì gay go, không được. Tôi bảo cậu liên lạc:

- Cậu to mồm hơn tớ truyền cho anh em trong đại đội gấp ngay áo tơi, cất!

Tôi lấy hết sức cuốn áo tơi lại cho thật ngắn, mà hai đầu vẫn phình ra tựa hai cái giỏ ấm, còn dài những trên nửa mét. Cất đâu? Làm nhanh một con tính rồi hạ quyết tâm: Các thứ lỉnh kỉnh trên người cần kiên quyết vứt đi vài thứ không thể tiếc! Nào chiếc ba lô nông choèn choèn, bé tí teo, những ống nứa đựng muối, mắm tôm khô, măng khô, thịt trâu khô, quần áo, chăn màn, bi đông, bương, túi tài liệu, khẩu súng ngẳn và hai con lợn gạo nặng dăm, bảy ký căng tròn, nần nẫn... hành trang trên đường ra trận chỉ có vậy, nhưng xem ra hình như toàn những thứ "vô giá". Cân nhắc mãi mà không giải quyết được bằng tính trừ, đành thêm con tính cộng: Một nách cặp áo tơi to đùng, một tay chống gậy, ngất ngưởng trèo leo, đi, ngã...


Trận ấy, Đại đoàn 312 cùng các đại đoàn bạn tiêu diệt xong phân khu Nghĩa Lộ - tạo ra một bàn đạp cực kỳ lợi hại trên toàn bộ chiến trường Tây Bắc.

Thế mà đã gần nửa thế kỷ!

Mấy ông bạn cùng thời đến chơi, bao nhiêu chuyện trên đời nhưng rồi cũng đi vào "ôn cố tri tân".

- Này, cái hồi 9 năm đánh Pháp ấy, những gì làm ông nhớ nhất?

- Có nhiều, nhưng một trong những kỷ niệm sâu đậm là ta khoác cái áo tơi lá cọ đi đánh giặc, tôi tư lự rồi phá lên cười... thú vị đấy!

- Ừ, làm sao quên được, cứ nhớ đến nó là buồn cười! Nhưng phải chăng, hồi đó bản thân chiếc áo tơi cũng là một dấu ấn thật quan trọng, còn sau này, thay thế ra sao?

- Sau này ấy à! Đến 1966, mình ở Sư đoàn 304 đi B cùng đơn vị. Mỗi anh được trang bị một tấm tăng ni lông 2m3 x 1m50 để che một võng bạt dày cộp, (đến nay còn giữ được) và một tấm ni lông che người... So với thời kỳ 9 năm thì như thế là quá đủ nhưng nặng ơi là nặng, nặng quá sức tưởng tượng, tôi cười và nói thêm, ba thứ ấy củng với các thứ khác được tống vào chiếc ba lô con cóc nên trên người lúc nào cũng trên 30kg, đeo cứ oằn cả người mà không dám bỏ thứ nào. Đã mang chúng suốt 6 tháng rưỡi hành quân bộ mới tới được chiến trường miền Đông Nam Bộ, Tây Ninh như phải đa mang chiếc áo tơi lá cọ hồi 9 năm... cho nên tôi đang có dự định đây?

- Dự định gì thế! Những cặp mắt đổ dồn về phía tôi.

- A, viết câu chuyện cũng khó tin về anh bộ đội chủ lực với chiếc áo tơi lá cọ cách đây gần 50 năm như câu chuyện cổ tích. Ngày xửa, ngày xưa ấy mà, trước khi có sự "bùng nổ ni lông" thì ông cha ta đi đánh giặc, lấy cái gì để che mưa, che nắng...

D.T
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #22 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:06:10 am »

TRĂN TRỞ VỀ MỘT TỶ LỆ


NGUYỄN ĐỨC GIÁ


Trung đoàn 66 chúng tôi là một trong những đơn vị đánh Mỹ đầu tiên ở Mặt trận Tây Nguyên. Nhưng cho đến cuối năm 1966 sang đầu năm 1967, tôi vẫn cứ băn khoăn trăn trở về cái tỷ lệ diệt Mỹ chưa thật yên tâm. Tức là nếu ta diệt được một tên Mỹ thì ta cũng hy sinh một. Một đổi một. Sự hy sinh như thế đối với ta là cao, không thể chấp nhận được.


Nhưng làm thế nào đây. Sau các trận đánh, chúng tôi cũng đã tổ chức rút kinh nghiệm. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức chỉ huy của ta kém, mặt khác còn vì phi pháo của địch nhiều. Có ý kiến nhận xét rằng việc huấn luyện bộ đội đánh trên địa bàn rừng núi của ta còn kém. Ngẫm nghĩ mãi có lẽ cũng chỉ đến thế thôi. Song phải phân tích như thế nào thì mới thỏa đáng, ví như về tổ chức chỉ huy, có nhiều khâu, nhiều cấp. Vậy còn yếu ở khâu nào, cấp nào, phải chỉ ra cho rõ thì mới có biện pháp khắc phục?


Là trung đoàn trưởng, tôi nghĩ rất nhiều về cái tỷ lệ không thể chấp nhận được này. Quân chủ lực của ta được bổ sung chủ yếu từ nguồn thanh niên miền Bắc, đâu có dễ dàng chuyển ngay vào sau mỗi trận đánh có thương vong. Hành quân theo đường giao liên vào tới Tây Nguyên phải mấy tháng trời, sa sẩy dọc đường vì bom đạn, vì suối lũ, vì yếu đau không phải là ít. Nhất định phải tìm cách hạ tỷ lệ thương vong của mình xuống còn một trên ba rồi trên bốn, trên năm tức là mình hy sinh một thì phải diệt được năm tên Mỹ. Thêm nữa, phải tìm cách hạn chế hiệu lực của máy bay pháo binh địch, bắt cho được tù binh Mỹ. Tôi nghĩ là phải rà xét lại việc thực hành chiến đấu chủ yếu ở cấp trung đội và đại đội xem khâu nào còn có vấn đề cần phải tìm biện pháp sửa chữa.


Ngày 10 tháng 7 năm 1967, sau khi nhận nhiệm vụ về, tôi bàn với chính ủy Lã Ngọc Châu:

- Ông ở nhà gác gôn, tôi xuống tiểu đoàn 7 xem tình hình thế nào, nếu nắm được địch, tôi ở dưới đó tổ chức chiến đấu luôn.

- Nên để đồng chí trung đoàn phó đi - Anh Châu bảo tôi - Anh phải ở nhà nhỡ có nhiệm vụ gì chúng ta cần trao đổi được với nhau.

- Không! Tôi phải đi. Tôi muốn tận mắt xem các cán bộ đại đội, trung đội làm ăn thế nào.

Khoảng 7 giờ ngày 11 tháng 7, tôi xuống tới tiểu đoàn vừa lúc tiểu đoàn trưởng Võ Quang Tịnh và chính trị viên Võ Hùng Cường đã tổ chức xong các bộ phận trinh sát đi nắm địch. Tôi trao đổi với các anh ấy về hướng đi, vừa đi vừa nắm địch, còn bộ phận phía sau phải ở tư thế sẵn sàng cơ động được ngay. Tôi lưu ý các anh ấy về việc bắt tù binh. Cấp trên rất muốn ta bắt được tù binh. Những trận trước, đánh xong, ta đề phòng phi pháo nên phải rút nhanh đến vũ khí cũng chỉ thu được phần nào chưa nói gì tới việc bắt tù binh.


Bọn lính Mỹ lại rất ranh ma, có thằng nằm giả chết, khi ta rút quân rồi chúng mới bò dậy chạy tháo thân. Cho nên trận này, ta phải nhắc nhở anh em là nếu gặp cái xác Mỹ nào có ý nghi ngờ còn sống, thì phải banh mi mắt nó lên gí súng vào, nếu thấy còn chớp chớp là dựng dậy, trói lại. Tôi nói:

- Đồng chí Chu Huy Mân đã gửi cho mỗi trung đoàn một cuộn dây thừng. Như thế cũng có thể nói đó là mệnh lệnh. Mặt khác, trận này phải thay đổi tỷ lệ. Nhất định không để diễn ra cái tỷ lệ một đổi một. Một chiến sĩ của ta phải đổi lấy năm mạng giặc Mỹ. Ngoài đường 9 đã có chiến công 1 thắng 20 của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ rồi kia mà.


Bốn giờ chiều, trinh sát đã phát hiện quãng đường địch vừa đi qua. Tôi và anh Tịnh nhìn nhau như ngầm nói: Thời cơ lập công đã tới. Tôi nhắc anh em trinh sát giữ bí mật tiếp tục bám sát địch xem chúng có thể dừng lại ở đâu. Đến sáu giờ tối, trinh sát phát hiện địch cụm lại, đang làm công sự. Tôi bàn với anh Tịnh:

- Anh cử trinh sát tiểu đoàn cùng với trinh sát trung đoàn chia thành ba tổ, mỗi tổ đi một hướng, khi chạm địch thì cho một đồng chí về báo cáo, số còn lại bố trí tiếp tục nắm địch.

Khoảng 21 giờ, các tổ trinh sát về báo cáo đã nắm được địch và sơ bộ tình hình các mũi bao vây. Tôi bàn với tiểu đoàn trưởng Tịnh về cách đánh, sau đó chúng tôi gồm tiểu đoàn trưởng Tịnh và các đại đội trưởng đến tận nơi xác định lại tình hình, quy định các vị trí chiếm lĩnh của từng đơn vị.


Đã quá nửa đêm, tức là đã sang ngày 12 tháng 7, các đại đội chuẩn bị xong, tôi trực tiếp thông qua báo ráo quyết tâm của tiểu đoàn trưởng Tịnh ngay tại thực địa, không quên một lần nữa nhắc nhở phải nâng cao tỷ lệ diệt Mỹ, một chiến sĩ ta phải đổi năm mạng Mỹ và phải bắt được tù binh. Tôi còn nói thêm:

- Các đồng chí nhớ nhé! Khi báo cáo diệt được một đại đội Mỹ tức là phải đếm được tại trận từ ba mươi xác lính Mỹ trở lên, phải thu được ít nhất ba mươi khẩu súng và phải đem về được ba cái máy vô tuyến điện thoại PRC25. Các đồng chí yên tâm. Trận này trung đoàn sẽ bảo đảm kiềm chế pháo binh và máy bay địch cho quân ta làm chủ trận địa từ ba mươi phút tới một giờ thu dọn chiến trường.


Lúc 4 giờ 30, các đơn vị chiếm lĩnh xong trận địa vẫn giữ được bí mật, tôi báo cáo về sở chỉ huy trung đoàn, đặc biệt lưu ý bộ phận kiềm chế pháo địch sẵn sàng phối hợp.

Lệnh tấn công phát ra. Lúc đó là 5 giờ sáng ngày 12 tháng 7 năm 1967. Tôi với với tiểu đoàn trưởng Võ Quang Tịnh:

- Tôi xuống đại đội 2 đây!

- Có cần không anh? - Võ Quang Tịnh hỏi lại tôi.

- Cần chứ! Tôi muốn trực tiếp được biết anh em tổ chức đánh chiếm đầu cầu thế nào?

Nói rồi, tôi cùng với tổ trinh sát đi luôn.

Sau mười lăm phút bị hỏa lực ta cấp tập dội xuống, quân địch bị bất ngờ không kịp đối phó. Chúng định hành quân ngăn chặn ta nên thường chủ quan, đến khi bị đánh trả là lúng túng.

Tôi tới đại đội 2 đúng lúc anh em vừa chiếm được cửa mở. Tôi xuống hẳn chỗ trung đội 2 đang phát triển đội hình tiến qua cửa mở. Đèn dù pháo sáng làm sáng rực cả một vùng rừng. Tôi thấy anh em vào chậm và lại cứ chạy theo hàng dọc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cái tỷ lệ một đổi một đây. Nghĩ thế, tôi liền quát:

- Nhanh lên! Vén đội hình phía sau nhanh lên. Không được chạy hàng dọc.

Chẳng biết có phải vì tôi quát to nên thằng địch nghe thấy mà nó bắn ngay một quả Krăng 40 vào gần chỗ tôi làm tôi bị một mảnh vào mông. Tiểu đoàn phó Lục đang ở phía sau vội kêu lên:

- Anh bị thương rồi. Để tôi băng lại đã.

Tôi đành phải nằm xuống cho Lục băng nhưng vẫn ngoảnh lại theo dõi đội hình chiến đấu phát triển vào tung thâm. Thấy chưa đạt với ý mình, tôi quát tiếp:

- Vén nhanh đội hình phía sau lên!

Vừa quan sát, tôi vừa tự hỏi: Phải chăng đây chính là chỗ còn yếu kém của cán bộ trung đội và cả đại đội, nên cái tỷ lệ không thay đổi được gì qua bao nhiêu là trận đánh? Nhanh ở cửa mở là một yếu tố bớt thương vong. Trận này có hy vọng sẽ khác. Tiếng hô xung phong ran lên ở phía trước cho phép tôi có thể nghĩ như vậy.


Quả nhiên diễn biến của trận đánh chỉ trong vòng bốn mươi phút, bộ đội ta đã đánh giáp lá cà với địch, dùng lưỡi lê và báng súng tiêu diệt địch, đồng thời lại bắt sống được mười tên địch, thu được 53 khẩu súng các loại. Đây là trận đánh dùng hình thức chiến thuật vận động tập kích quân địch mới dừng lại, thu được thắng lợi quan trọng là đã làm thay đổi tỷ lệ tiêu diệt địch. Bên ta bị thương 27 đồng chí, hy sinh 9, nhưng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 170 tên địch và bắt sống 10 tên.


Song thắng lợi quan trọng khác là sau trận đánh này của tiểu đoàn 7, chúng tôi đã rút ra được những kết luận rất có ý nghĩa trong chiến thuật vận động tập kích quân Mỹ mới dừng lại. Ví như về công tác tổ chức chỉ huy chiến đấu thì phải thực hiện cho được yêu cầu ba nhanh, một chậm. Tức là nắm địch phải nhanh; nắm được địch rồi phải hình thành thế bao vây nhanh; khi xung phong vào cửa mở phải thật nhanh chóng phát triển vào trung tâm chỉ huy của địch. Còn một chậm có nghĩa là công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu phải tỉ mỉ, thường xuyên tỉ mỉ, kiên trì tỉ mỉ không giâ phút nào lơ là xao nhãng.


Tuy nhiên, tôi không thể quên từ sau trận này, cái tỷ lệ diệt Mỹ như có đà được nâng lên rõ rệt trên khắp chiến trường. Chiến công 1 thẳng 20 không còn là chuyện lạ nữa.

N.Đ.G
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #23 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:07:09 am »

LỄ CHÀO CỜ LỊCH SỬ


PHẠM TỰU


Hàng năm, cứ đến tháng mười, những người bạn chiến đấu của Đại đoàn Quân Tiên Phong chúng tôi lại họp mặt tại Hà Nội để kỷ niệm ngày thành lập đại đoàn và ngày giải phóng Thủ đô. Sau đó chúng tôi thường rủ nhau đi thăm lại những mảnh đất có nhiều kỷ niệm sâu sắc.


Đứng trên bậc thềm quanh chân cột cờ Hà Nội để ngắm nhìn quang cảnh thủ đô, tôi bồi hồi nhớ lại cách đây gần 45 năm. Vào đêm mồng 9 tháng 10 năm 1954, đại đội thông tin chúng tôi cùng với đại đội công binh của trung đoàn Thủ Đô được tăng cường thêm một trung đội công binh của cấp trên vào trước có nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt cho buổi lễ chào cờ đầu tiên của đại đoàn vào chiều mồng mười. Hai đại đội chúng tôi làm nhiệm vụ chuẩn bị sân bãi, tỏa mạng thông tin. Trung đội công binh được tăng cường phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn đưa chiếc ống thép nặng 1.200 cân, dài 12 mét lên đỉnh tháp cột cờ trước sáng. Thật khó hình dung họ đã làm thế nào mà đưa được ống thép ấy luồn qua gần một trăm bậc cầu thang xoáy ốc chật hẹp bên trong thân cột cờ lên tới được đỉnh tháp. Mờ sáng ngày mồng mười, lá cờ Tổ quốc rộng hàng chục mét vuông đã được kéo lên. Sáng ra, nhân dân Hà Nội nhìn thấy cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời thủ đô, ai nấy đều reo lên sung sướng.


Trước mặt tôi, phía Tây Bắc cột cờ là sân "măng danh", nay là sân vận động cột cờ, nơi mà đại đoàn sau khi diễu hành qua các khu phố đã tập trung về đây để làm lễ chào cờ.

Từ 8 giờ, đại đoàn chia làm hai mũi tiến quân, ở phía tây thành phố là trung đoàn Thủ Đô có đoàn văn công Tổng cục Chính trị đi cùng do trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị - anh hùng quân đội chỉ huy tiến từ trại Quần Ngựa qua Kim Mã, cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai... Phía nam gồm trung đoàn Bắc Bắc và trung đoàn Tu Vũ xuất phát từ Việt Nam học xá lần lượt tiến qua Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài...


Sau các đơn vị bộ binh trên là đoàn xe hơi hơn một trăm chiếc. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, nguyên đại đoàn trưởng được Trung ương Đảng, chính phủ và Bác Hồ giao nhiệm vụ chỉ huy tiếp quản Thủ đô đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch ủy ban quân chính Thành phố Hà Nội. Ông đi trên chiếc Com-măng-ca mui trần đầu tiên. Ông vốn là người con thân yêu của thành phố, nguyên chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội năm 1946, nơi mà những đơn vị tiền thân của đại đoàn đã sinh ra, lớn lên đã lập công xuất sắc trong những trận chiến đấu đầu tiên tại thủ đô yêu dấu. Tiếp sau là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, phó chủ tịch ủy ban quân chính thành phố. Rồi đến xe của cán bộ tư lệnh đại đoàn có chính ủy Song Hào và phó tư lệnh Vũ Yên, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 101, tiền thân của trung đoàn Thủ Đô. Tiếp sau nữa đến các đơn vị bộ binh, cơ giới và các đơn vị pháo binh, cao xạ... cả đoàn xe rầm rập tiến lên phía Bờ Hồ nối vào khúc sau trung đoàn Thủ Đô hợp lại thành một đoàn đi xuyên qua Hàng Đào, lên chợ Đồng Xuân, vòng sang Cửa Bắc rồi tiến vào thành Hoàng Diệu.


14 giờ 30 phút, bộ đội đã tập trung xong ở trong sân Cột cờ, tổ quân kỳ giương cao lá cờ quyết chiến quyết thắng lấp lánh huân chương và hàng trăm lá cờ nền đỏ thắm ánh lên những hàng chữ vàng thêu tên đất, tên sông, tên làng, tên bản quen thuộc nơi ghi nhận những chiến công vang dội của các đơn vị. Trên tầng cao nhất của bậc thềm chân cột cờ cổ kính, các anh hùng chiến sĩ thi đua của đại đoàn và các đại biểu "chiến sĩ quyết tử thủ đô" năm xưa đứng thành một hàng danh dự tượng trưng cho ý chí kiên quyết bảo vệ Thủ Đô. Xung quanh sân vận động rợp màu cờ đỏ sao vàng và hoa. Nhân dân các khu phố đã kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và những phố lân cận. Hình như người nào cũng muốn có mặt trong buổi lễ chào cờ lịch sử này.


Đúng 15 giờ, còi nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Cả lễ trường đang ồn ào bỗng im phăng phẳc. Những chiếc kèn đồng khuơ lên sáng loáng dưới ánh náng. Đoàn quân nhạc cử bài Tiến quân ca theo sự điều khiển nhịp nhàng của đồng chí Đinh Ngọc Liên, người nhạc trưởng già rất quen thuộc với công chúng thủ đô khi xưa. Ai nấy đều kính cẩn nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng đang phấp phới bay trên đỉnh cột cờ cao ngất.


Chính chỗ tôi đứng hôm nay, cách đây 45 năm là nơi thiếu tướng Vương Thừa Vũ đứng trước mi-cờ-rô đọc lời kêu gọi của Bác Hồ gửi nhân dân thủ đô. Vâng! Đã gần nửa thế kỷ rồi mà những lời tâm huyết đó của Bác như vừa mới được nghe: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời khỏi Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.


Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể".

Cả lễ trường im lặng như muốn nuốt lấy từng lời tâm huyết ấy của Bác sao mà thiết tha, thân thiết đến thế. Nhiều người không sao nén nổi xúc động, nước mắt rưng rưng.

Sau buổi lễ, trên đường Nguyễn Tri Phương, tôi đi lên phía Cửa Bắc. Khi qua trước cổng vào "Nhà rồng" lại được nghe mấy đồng chí quân báo vào trước kể lại các anh đã được chứng kiến lễ cuốn cờ của quân đội vién chinh Pháp trên mảnh đất này. Chả là không thể trì hoãn được nữa, đã đến những phút cuối cùng quân Pháp phải bàn giao thành Hoàng Diệu để rút về nơi tập kết bên kia sông Hồng nên chúng rất vội vã. Bắt đầu vào buổi lễ rồi mà mưa vẫn rơi, một vài phân đội lính Âu Phi còn lại cùng một số sĩ quan trong bộ tham mưu trông mệt mỏi và ngán ngẩm trong những bộ quần áo màu cứt ngựa ướt sũng đứng tập hợp trước cột cờ sơn màu trắng. Sau đội kèn "bu-dích" cử bài "Mác-xây-e" (Quốc thiều Pháp), một tên (chắc là cấp tướng) cao to, bụng phệ, dây tua lòng thòng trước ngực, đội mưa bước tới sát cột cờ, đưa hai tay đỡ lấy lá cờ ba sắc ướt nhẽo, gập lại rồi buồn rầu chuyền qua tay một sĩ quan cấp dưới cùng với đội kèn rầu rĩ nổi lên kết thúc buổi lễ hạ cờ.


Thế là ta thì kéo cờ lên, địch thì hạ cờ cuốn gói. Hai thái cực diễn ra trong những ngày tháng 10 náo nức giữa Thủ đô yêu quý của chúng ta.

P.T
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #24 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:08:22 am »

ĐẠI ĐOÀN MANG TÊN ĐỒNG BẰNG


THẾ CHÂU


Đông xuân 1951-1952, tôi là chính trị viên đại đội 28 thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 48 - trung đoàn chủ lực của đại đoàn 320.

Đầu tháng 11-1951, giặc Pháp tập trung quân cơ động đánh chiếm thị xã Hòa Bình và đường số 6. Mở đầu hoạt động Đông xuân năm ấy, đơn vị tôi và tiểu đoàn bạn đánh trận Đồi Xim, tiêu diệt một tiểu đoàn Âu Phi mới đến chiếm đóng, bảo vệ phân khu Chợ Bến, phía nam đường số 6. Đó là một trận tập kích bằng hỏa lực rất bí mật, bất ngờ, một trận "sét đánh không kịp bưng tai" có hiệu quả lớn. Đánh xong, chúng tôi lại nhậnn lệnh bôn tập thẳng một mạch về địa phận Ninh Bình. Hồi ấy, cỡ cán bộ đại đội chúng tôi lúc đầu là không thể hiểu vì sao lại như vậy. Té ra ý đồ quân sự củn trên là khi địch tập trung quân cơ động lên Hòa Bình thì chúng sẽ bị sơ hở ở đồng bằng. Do vậy chủ lực luồn được vào vùng sau lưng địch ở đồng bằng, đó là thời cơ lập công. Thế là, cùng trong một mùa đông xuân, xuất hiện hai thời cơ giết giặc lập công, mở rộng vùng giải phóng.


Sau một thời gian chuẩn bị, cả trung đoàn tôi đã tiến hành tập kích thị xã Phát Diệm (9-12-1951).

Phải vượt qua mấy chục cây số cánh đồng chiêm trong giá rét, chúng tôi mới tới được vị trí triển khai đội hình chiến đấu. Đại đội tôi chia làm hai mũi, một mũi phá nhà tù thị xã, giải phóng hơn một trăm tù nhân là cán bộ và nhân dân. Một mũi đánh đồn tây ở giữa phố, tiêu hao phần lớn địch. Ta nổ súng lúc nửa đêm, sáng ra, dân vẫn cứ tưởng quân Pháp tập trận. Nhưng ngay sau đó, nhân dân vô cùng ngạc nhiên thấy quân ta đã chiếm thị xã. Nhiều đồng bào đem thức ăn ra tận nơi cho bộ đội, nào đường, sữa, xôi, nào miến gà, nhưng anh em không nhận, giơ nắm cơm nắm và cá kho cho bà con thấy là đã có cơm rồi. Chúng tôi tranh thủ thời gian trò chuyện thăm hỏi nhân dân, vạch trần tội ác của địch. Tình cảm quân dân thật vô cùng cảm động.


Ngay hôm sau, chúng tôi chuyển quân đi đánh vị trí Yên Mô và phục kích trên đường 10 từ Xuân Thành đi Yên Hòa, tiêu diệt hai đại đội địch đang tiến ra giải vây cho Phát Diệm. Tôi rất xúc động khi thấy nhân dân vùng công giáo toàn tòng này hết sức giúp đỡ bộ đội, chỉ từng ngõ xóm báo tin địch lọt vào trận địa. Trận đó đại đội tôi chỉ có vài người bị thương và đã được đồng bào nhanh chóng cáng về phía sau.


Như vậy là sau hơn một tháng địch đánh chiếm Hòa Bình, trung đoàn tôi quay về đồng bằng đã giải phóng phần lớn huyện Yên Mô, Gia Khánh. Sau này tôi mới biết là đại đoàn đã thực hiện mở rộng vùng giải phóng Ninh Bình làm chỗ đứng chân để tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ, phá bình định, phát triển chiến tranh du kích cũng là để phối hợp với mặt trận phá cuộc tấn công lên Hòa Bình của địch.


Địa bàn hoạt động chính của đại đoàn mùa đông xuân này là Thái Bình. Muốn sang Thái Bình phải qua Nam Định và vượt sông Hồng. Trước hết muốn vào đất Nam Định phải vượt sông Đáy. Trước khi vượt sông Đáy còn phải qua sông Vạc gần bốt Đức Hậu. Đêm đó mưa bay lất phất, gió bắc thổi từng cơn, sóng ở cánh đồng vỗ vào bờ ì ọp. Trăng mờ mờ, ở gần cũng khó nhìn thấy nhau. Chúng tôi qua sông Vạc bằng cây cầu tre do công binh bắc tạm. Ánh đèn chiếu sáng của bốt địch rọi ra xa, lúc bật lúc tắt. Bên kia sông đã là vùng địch, vùng vành đai trắng. Anh em nhắc nhau bám sát đội hình, dừng lại thì ngồi ngay xuống, chú ý giữ yên lặng.


Chúng tôi bắt đầu qua cầu, đi nhanh trên những tấm đan đặt trên thuyền, mỗi thuyền một người ngồi tát nước. Bộ đội nối đuôi nhau đi hàng một, cầu rung rinh kêu cót két. Tất cả vẫn giữ im lặng, chỉ còn tiếng chân đi và tiếng tát nước đổ nhẹ xuống sông.


Đây là chiếc "cầu ma" vượt qua sông Vạc, ban ngày tháo ra giấu kín, thuyền dìm trong cánh đồng nước, các vết tích được nhân dân xóa sạch, khúc sông nhỏ lại phẳng lặng như thường. Mỗi đêm cây cầu bắc tạm ấy đã đảm bảo cho bao nhiêu đơn vị qua sông. Những đêm sau, đêm sau nữa, các đơn vị xung kích, trợ chiến, pháo binh, vận tải, dân công ùn ùn kéo qua cây cầu này vào vùng địch hậu.


Đây là vùng vành đai trắng, những xóm làng hiu hắt im lìm, không một ngọn đèn, không một tiếng chó sủa, dưới ánh trăng mờ mờ, tôi trông thấy một vài thân cây cụt lủn, những cánh đồng bỏ hoang, những bờ tường nham nhở, những cột nhà cháy trụi chổng lên trời trông thật buồn thảm.


Chúng tôi đi chậm, sát vào nhau, không ai nói với ai trước cảnh hoang tàn của vùng này, một vài tiếng thở dài, xúc động và uất ức.

Bỗng nghe thấy tiếng trống cầm canh ở đầu làng, ngươi du kích dẫn đường cho chúng tôi biết đây là làng tề, nhưng là "tề ta" họ gác cho mình đi.

Đằng sau đại đội tôi là đoàn dân công thủy thủ, họ ở các làng ven sông khênh thuyền theo bộ đội để phục vụ vượt sông Đáy đêm mai. Cứ hai người vác một thuyền tam bản, đoàn dân công thuyền thành hàng một trên đường hành quân. Dưới ánh trăng, tôi ngoảnh lại như thấy những con ba ba khổng lồ bò theo đơn vị. Trong đoàn dân công, có cả những cụ già lấy bao tải làm áo khoác bó chặt vào thắt lưng. Lại có một số chị quần xắn cao, khăn vuông đen bịt kín đầu bước đi thoăn thoắt theo đoàn quân.


Trời gần sáng, chúng tôi đã đi qua làng Tiên Yên, nơi còn xác mấy chiếc xe bọc thép bên đường, những bụi tre và những nóc nhà cháy trụi. Tháng trước, nơi đây tiểu đoàn 3 đã tiêu diệt một đại đội Âu Phi từ Phúc Nhạc xuống giải vây, bắn cháy 3 chiếc xe bọc thép.


Đơn vị được lệnh tản vào các xóm ven đê trú quân. Bên kia sông Đáy đã là đất Nam Định.

Chuẩn bị vượt sông Đáy, đơn vị dàn quân trên mặt đê cạnh một tòa miếu cổ, nhường đường cho dân công thủy thủ tiến lên trước. Gió bấc rít từng cơn. Thuyền đã đưa xuống mặt nước. Chúng tôi cho từng trung đội chia thành từng tổ 3 đến 5 người qua sông. Dưới ánh trăng mờ nhạt trên dòng sông Đáy, hàng chục chiếc thuyền qua lại như một bến đò đông khách sang ngang, chỉ khác là không có tiếng ồn ào ngoài tiếng gió bấc và tiếng bơi chèo khuấy nước. Bộ phận cảnh giới bốt địch đặt máy điện thoại rải dây đến tận chỗ tiểu đoàn cạnh miếu cổ để báo cáo. Có ánh đèn pin quay tròn của hộ phận sang trước báo an toàn. Chúng tôi ôm súng ngồi trên thuyền theo sự điều khiển của anh chị em dân công thủy thủ. Một chiếc pháo sáng ở bốt Hải Lạng bên kia sông vọt lên xanh lè, sáng quắc, một vài quả đạn rít qua nổ ùng oàng bên trong cánh đồng.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #25 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:09:00 am »

Sang sông, chúng tôi đi theo du kích dẫn đường men theo bờ ruộng tắt qua các cánh đồng, tránh vào trong các làng xóm. Nhìn về hướng đông có một quầng sáng hắt lên nền trời, anh em thì thầm đó là thành phố Nam Định.


Sang đất Nam Định, mỗi tiểu đoàn đi một hướng. Tiểu đoàn tôi phải tấn công đồn Nam Trực, nhưng cuộc hành quân quá chậm, nên phải đi nhanh, đi tắt ruộng cầy đang mùa xếp ải nên gần sáng mới đến gần đồn địch, các bộ phận bố trí xong thì đã 5 giờ sáng, địch đã dậy tập thể dục. Không còn yếu tố bất ngờ, trận đánh phải chuyển từ công đồn sang tập kích bằng hỏa lực rồi lui quân. Lúc đó đã hơn 7 giờ sáng. Tôi cùng hai người nữa bị thương, tôi bị một viên đạn súng trường xuyên vào đùi trái nhưng may chỉ ở phần mềm. Về trạm quân y tiểu đoàn, tôi được y sĩ lấy đầu đạn, máu ra nhiều nhưng không chạm xương. Tôi theo y tá dẫn vào nơi cất giấu thương binh ở khu du kích Bắc Sơn gần Liễu Đề và phân tán vào một gia đình cơ sở cùng với vài đồng chí khác. Giữa vòng vâv của địch, lại là cơ sở lạ, nhưng sự chăm sóc của nhân dân với thương binh thật quá chu đáo làm cho tôi vô cùng cảm động. Có tin báo địch ở bốt đi vào làng, chủ nhà dắt tôi xuống hầm bí mật. Độ vài tiếng ngồi dưới hầm, lại có tin địch không vào, chuẩn bị tối nay ra đón đơn vị hành quân qua.


Tôi không biết đơn vị nào sẽ hành quân qua đây, nhưng đùi đã bớt đau, tôi sang làng bên gặp bộ đội nhà, bỏ cả cáng, cảm ơn anh chị em cáng thương và về đơn vị. Chiếc xà cột tôi đeo thấy căng căng, tôi nắn sờ trong đêm tối mới biết là gói đường phèn và bao thuốc lá của nhân dân đút vào cho lúc nào không biết.


Mấy hôm sau chúng tôi lại đánh đồn Ngọc Tỉnh rồi mới hành quân tới Ngọc Giả, khu du kích của Nghĩa Hưng để chuẩn bị vượt qua đường 21 từ cổ Lễ đi Bùi Chu, ra bờ sông Hồng. Nếu không sang sông được lại phải quay về Ngọc Giả trước khi trời sáng.


Bấy giờ đã là tháng chạp âm lịch (2-1952), nhân dân đang chuẩn bị ăn tết.

Chúng tôi đã hành quân mấy đêm liền ra sát bờ sông lại có lệnh quay về vì quãng sông định vượt đều bị tàu chiến địch án ngữ, chúng vòng đi vòng lại rú máy suốt đêm. Đồng bào chẳng hiểu chúng tôi đi đâu, chỉ thấy đêm đi sáng lại về. Nhiều nhà ở mặt đường đem nước để ở đầu ngõ mời chúng tôi dừng lại uống, thân thiết như người nhà.


Cứ sáng ra, lúc chúng tôi quay về, thì là lúc nhân dân ra đồng làm lụng, vừa phân tán để tránh pháo địch. Chúng tôi bố trí một trung đội đào công sự bên bờ tre, đem rạ ra phủ và ngủ tại chỗ để sẵn sàng đánh địch nếu chúng đi càn. Các gia đình đều để lại cho chúng tôi ấm nước chè đun sẵn và gói thuốc lào với chiếc đèn dầu vặn nhỏ và bó đóm tre ngâm vì biết anh em bộ đội thích thuốc lào.


Cứ sau buổi sáng lên báo cáo tiểu đoàn, tôi lại tạt qua các trung đội xem anh em ăn ở ra sao. Những ngày trú quân ban ngày, chúng tôi như là chủ nhà, bảo nhau quét tước sân ngõ, gánh nước đầy chum, cho lợn gà ăn, coi những việc ấy như là tiêu chuẩn dân vận của từng người, ở nhà với chúng tôi là một vài cụ già, thỉnh thoảng có một thanh niên, một phụ nữ đến giúp đỡ anh nuôi nấu cơm. Thông cảm với nỗi thiếu thốn của nhân dân vùng địch hậu, chúng tôi không nhận bất cứ thứ gì nhân dân ủng hộ. Nhưng rồi nhân dân lại nghĩ ra cách khác. Thấy bộ đội kho cá ở bếp, họ bí mật đổ mắm tép vào nồi cá kho. Bữa ấy chúng tôi buộc phải chấp nhận và được thưởng thức món mắm tép đỏ rất ngon của đồng bào miền nam Nam Định. Trong đơn vị có chiến sĩ quê ở ngay trên đường hành quân qua nhưng sợ lộ bí mật nên không dám tạt về nhà. Xa quê bốn năm năm trời, anh còn ngờ ngợ cổng nhà. Lần thứ hai hành quân qua, anh vượt lên trước, gặp cô em gái đứng cạnh thùng nước uống mời bộ đội trong đêm tối, anh nói to với cô em "Bảo hộ cụ khán Đẩu, anh Tòng đi bộ đội còn sống chị nhé". Nói rồi anh lẩn trong đám đông. Cô em bị bất ngờ, trấn tĩnh lại định chạy theo nhưng không kịp vì quân đi đầy đường, ai cũng như ai. Tiếng chân bước thình thịch lẫn với tiếng lá ngụy trang rung rào rào.


Một đêm, khi từ bờ sông quay về đoạn đường 21 dưới chùa Cổ Lễ, trời đã sáng rõ. Tiểu đoàn ra lệnh tạt vào các xóm ven đường bố trí đánh địch từ Nam Định đi Bùi Chu. Đại đội tôi bố trí ở quãng giữa, chỉ cách đường nhựa một vạt đất ngắn, ruộng khố, chuẩn bị cho việc đánh tạt sườn, xế trưa, một đoàn xe 11 chiếc từ Cổ Lễ đi xuống, đi đầu là một chiếc xe bọc thép, hai xe chở lính, còn toàn là xe vận tải, xen giữa có một xe ca chở khách Hà Nội - Bùi Chu. Khi đoàn xe lọt vào trận địa, súng cối 81 của tiểu đoàn rót đều đều vào bốt Cổ Lễ, đơn vị trợ chiến với DKZ57 ly và đại liên bắn cháy luôn chiếc xe bọc thép và xe lính địch. Chúng tôi từ trong xóm quét tiểu liên dồn những tên sống sót nhảy xuống con mương bên kia đường. Chúng bị sa lầy ở cánh đồng và bị du kích bắt sống. Sau khi thu dọn chiến trường bắt tù binh, đại đội tôi nhận nhiệm vụ đưa toán hành khách hơn 30 người vào xóm nghỉ ngơi và cho người hướng dẫn họ đi về phía Bùi Chu. Vì là ngày tết, họ đều mặc quần là, áo lượt nên đi rất chậm. Lâu lẳm tôi mới lại nhìn thấy người đội khăn xếp, phụ nữ đánh môi son đi giầy cao gót. Vui nhất là có một chú nhỏ mười sáu tuổi phụ xe khách nằng nặc xin ở lại cho đi theo bộ đội vì chú bị chủ đối xử tàn tệ. Chúng tôi gửi lên bảo vệ trung đoàn để cùng quân lực xem xét bổ sung quân số cho tiểu đoàn.


Ngay sau đó, lệnh của trên cho đốt xe. Chúng tôi huy động dân quân du kích đem rơm rạ chất vào từng xe mà đốt, có anh mở thùng lấy xăng tưới vào lốp xe, lửa cháy đùng đùng, khói lên nghi ngút. Buổi chiều, một chiếc máy bay C47 lượn vài vòng quan sát rồi bay về phía Hà Nội.


Đến đêm thứ tư, chúng tôi ra đến bờ sông thì tiểu đoàn cho quay lại ngay. Đêm đó tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy trợ chiến dùng DKZ57 và đại liên bắn tàu chiến địch thả neo rú máy ở giữa sông. Tàu địch neo lại là mục tiêu cố định tạo điều kiện cho ta bắn chìm ngay hai chiếc. Gần sáng, trinh sát tiểu đoàn còn bắt được tên quan hai sống sót bơi vào bờ. Nó khai là thủy đội ở Nam Định bị đánh đắm hai chiếc, còn một chiếc chạy thoát.


Ngay tối hôm sau, nhân đà chiến thắng, trên ra lệnh tranh thủ vượt sông. Sông Hồng đêm nay mênh mông đầy sương mờ. Lần này không phải chờ lâu, vừa bắt được ký hiệu an toàn ở bờ bên kia thì chúng tôi đã thấy một đoàn thuyền đinh ba bốn chiếc đang sang sông. Được biết đoàn thuyền đã chuẩn bị từ nửa tháng trước, dìm ở cửa một con lạch có lệnh là vớt lên, vượt sông đón bộ đội. Chỉ huy đoàn thuyền là một đồng chí tỉnh ủy viên tỉnh ủy Thái Bình. Tiểu đoàn pháo 75 của đại đoàn sang trước bố trí bảo vệ đầu cầu, trợ chiến của tiểu đoàn cũng sang trước để yểm hộ cho bộ binh. Đại đội chúng tôi đi vào quãng giữa. Là thuyền gỗ loại vừa nên mỗi chuyến chở được hai trung đội, mỗi thuyền bốn tay chèo, gió lặng nên qua sông khá nhanh. Nửa đêm, đơn vị tôi sang hết, tản xuống chân đê bổ sung lá ngụy trang chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #26 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:09:38 am »

Điểm đổ bộ của chúng tôi là bờ đê làng Đức Long gần khu vực Văn Môn, Lịch Bài. Từ đó chúng tôi đi tắt cánh đồng vào trú quân ở Lịch Bài. Ở đây có một cái chợ khá to, công việc phòng gian giữ bí mật càng được đặc biệt chú ý. Nhân dân đến xem chúng tôi rất đông, đông nhất vẫn là trẻ em quây quần xung quanh bộ đội nhưng chưa bắt chuyện vì bộ đội còn phải chuẩn bị chiến đấu. Thế là cả tiểu đoàn, cả trung đoàn chúng tôi đã ở trên đất Thái Bình.


Nắm chắc thời cơ, trên lệnh cho hành quân ban ngày. Bốn giờ chiều, toàn tiểu đoàn theo đường tắt ra đường 39 thuộc huyện Kiến Xương, triển khai từ Thanh Nê đến Phường Ngải đón địch từ thị xã Thái Bình xuống. Cũng trong lúc này, tiểu đoàn 1 (Đống Đa) cùng pháo binh đã bao vây quận ly Đông Hướng ở Tiền Hải.


Với việc hành quân ban ngày từ Vũ Tiên sang Kiến Xương một cách công khai làm cho nhân dân rất phấn khởi vì chưa bao giờ họ thấy quân ta đông như thế, vũ khí nhiều như thế. Quân địch đóng ở các đồn bốt nhỏ, các nhà thờ đều hết sức hoảng sợ, thanh thế quân chủ lực ta ngày càng cao.


Quận lỵ Đông Hướng là một vị trí lớn bị tiêu diệt làm rung chuyển cả mặt trận miền nam Thái Bình khiến những bốt nhỏ và địch ở nhà thờ bị bộ đội địa phương và du kích bao vây đều ra hàng hoặc bỏ chạy. Bồng Tiên ở Vũ Tiên, Vũ Lăng, Giáo Nghĩa ở Kiến Xương lần lượt nộp súng cho địa phương. Nhiều cha cố đã tìm người liên lạc với ta. Nhờ sự hỗ trợ của chủ lực, công tác kêu gọi binh lính địch có hiệu quả cao, một hình thức địch vận mới ra đời "Võ trang địch vận" kết hợp bao vây quân sự với kêu gọi địch vận đã đạt thắng lợi lớn...


Tuy mất nhiều đồn bốt nhưng địch ở thị xã Thái Bình không xuống tiếp viện, thời cơ đánh viện binh địch không còn, tiểu đoàn được lệnh vượt sông Trà Lý sang huyện Thái Ninh. Đây là lần vượt sông thứ tư của chúng tôi. Sông nhỏ, quân ta đang trong tư thế chiến thắng nên qua sông nhanh chóng dễ dàng. Khi đơn vị hành quân vào khu vực Thần Đầu, Thần Huống thì địch ở bốt Bắc Thần Đầu bỏ chạy. Đây là nơi có phong trào du kích mạnh nhất Thái Bình nên việc chuẩn bị chiến trường rất thuận lợi, du kích dẫn cán bộ các cấp lán lượt kiểm tra đồn Chợ Cổng đến hai ba lần. Mũi tiến công nào cũng có du kích "thổ công" dẫn đường. Tiểu đoàn đánh đồn Chợ Cổng, đại đội tôi đảm nhiệm hướng chủ yếu, chỉ sau mấy loạt đạn cối 82 ly bắn cháy nhà chỉ huy và mấy loạt đạn pháo 75 ly bắn thẳng, công sự gỗ đất của địch bị phá tung, bộ binh ta xông vào, bên trong địch đã sẵn sàng đầu hàng. Chưa có trận công đồn nào nhanh như vậy, chỉ với bốn mươi phút tấn công, vị trí đại đội địch đã bị tiêu diệt. Trận này ta lại chiếm được một khẩu trọng pháo 105 ly có đủ xe kéo và đạn dược. Như vậy, với chiến công này, tiểu đoàn Thanh Lũng chúng tôi đã thu được hai khẩu trọng pháo, một ở Sơn Tây và một ở Thái Bình. Với ý nghĩa đó, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối đã sáng tác tặng chúng tôi bài hát "Tiểu đoàn Thanh Lũng cưới nàng dâu đen". Lúc anh em kéo quân về nhà mới 9 giờ tối, nhân dân các xóm còn thức chờ bộ đội, ai cũng khen đánh giỏi quá, chỉ có một vài người bị thương nhẹ. Có cụ già níu lấy áo tôi mà nói: "Từ nay nhân dân cả vùng ngủ yên suốt đêm, không sợ pháo địch bắn ra, có nhà chỉ một quả đại bác giết hại cả gia đình bên mâm cơm".


Có một kỷ niệm không thể nào quên. Ngay khi chúng tôi đang thu dọn chiến trường, giải tù binh ra thì đồng chí tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hòa đưa thiếu tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh đại đoàn vào đồn xem cách bố phòng của địch và động viên anh em. Để đảm bảo an toàn cho Tư lệnh, các cán bộ và chiến sĩ tự động vây quanh đồng chí để Tư lệnh nói chuyện ngay trong đồn địch vừa chiếm được.


Thừa thẳng, tiểu đoàn bao vây tấn công ngay đồn Chợ Mới ở gần đó, trên cho dùng luôn khẩu 105 ly vừa lấy được cho hai trâu kéo cùng với pháo 75 ly bắn thẳng vào đồn Chợ Mới. Mất đồn Chợ Cổng, mất pháo yểm hộ, nó bị cô lập và chỉ sau mấy loạt pháo bắn thẳng và bộc phá phá rào, cả một đại đội ngụy do tên quan hai tây chỉ huy xin đầu hàng. Máy bay C47 đến thả đồ hộp tiếp tế trong những ngày ta bao vây đều rơi ra công sự bao vây của ta, đủ mọi thứ cả đùi bò thui, các sọt bầu bí và thuốc men, bông băng, cùng một số ít đạn cối.


Một tuần sau, chúng tôi cùng tiểu đoàn Kiên Trung (Trung đoàn 52) tiêu diệt đồn Trà Linh nằm trên đập sông Trà Lý mở cống lấy nước tưới cho đồng ruộng huyện Thụy Anh. Trận đánh kết thúc, tên đồn trưởng tây bỏ trốn. Sáng ra ta bắt được hắn đang ngâm mình bên cửa cống. Hôm giải tên đồn trưởng lên trung đoàn, có một bà mẹ cầm con dao phay từ một lùm cây xông ra, đòi chém tên tây đồn. May mà các chiến sĩ ta đã kịp ôm lấy mẹ thu con dao mà mẹ đã mài sẵn từ mấy hôm trước. Chúng tôi giải thích cho mẹ rõ chính sách khoan hồng của Cụ Hồ đối với tù hàng binh thể hiện dân tộc Việt Nam nhân đạo và cao thượng nhường nào. Sau đó chúng tôi phải nhờ các chị phụ nữ an ủi và dìu mẹ về nhà.


Trận tiếp theo, quân ta tiêu diệt bốt Đào Thành rồi mở được cống Đào Thành cho nhân dân ba huyện Tiên Hưng, Duyên Hà và Hưng Nhân có nước kịp làm vụ chiêm.

Trong những ngày này, các huyện ở miền Nam tỉnh Thái Bình đều tổ chức mừng chiến thắng, tổ chức liên hoan quân dân. Bài hát "Về đồng bằng" và "Bộ đội về làng" cứ vang lên khắp xóm thôn. Nhân dân làm cơm thết bộ đội. Tuy rất thiếu thốn nhưng gia đình nào cũng mời được một chiến sĩ đến nhà theo phương châm "có gì đãi nấy", có gà đãi gà, có vịt đãi vịt, cá, tôm, cua, ốc đều được cả, xem như tấm lòng chân thành của nhân dân đối với bộ đội về giải phóng quê hương mình, gần trưa, có một ông vẫn còn đến đòi vì nhà ông chưa có anh bộ đội nào đến. Tôi đành xin lỗi nhà chủ đang ở để đi thay vậy. Đây là một gia đình ngư dân vẫn đi xuống bờ biển đánh cá, họ đãi tôi món cá nhệch om, đây là món cá quý vì nhân dân truyền miệng câu "chim gà, cá nhệch". Giống cá ngon nhất là nhệch nhưng rất khó bắt, dễ bị thủng lưới, chỉ có câu là chắc chắn.


Lễ mừng chiến thắng tuy đơn sơ nhưng rất cảm động, gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp với cả quân và dân, để lại trong lòng tôi những kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên.

Tính từ khi ở Ninh Bình ra đi cuối mùa đông 1951 cho đến cuối mùa xuân 1952, chúng tôi đã vượt qua nhiều con sông, đã đứng vững trên đất Thái Bình, mở rộng vùng giải phóng ở đồng bằng, chống càn thắng lợi, giúp cho bộ đội địa phương và dân quân du kích mạnh lên vượt bậc, xã nào cũng có trung đội du kích, huyện nào cũng có đại đội bộ đội địa phương được trang bị mạnh, chính quyền cơ sở các cấp được củng cố, coi đó là bước nhảy vọt của vùng địch hậu tả ngạn sông Hồng.


Đông xuân năm ấy là một bước thử thách lớn của đơn vị, chúng tôi đã thực hiện được quyết tâm kiên trì về đồng bằng và tiến sâu vào địch hậu, cùng quân dân Thái Bình chiến đấu đến ngày toàn thắng. Cũng từ sau Đông Xuân này, đại đoàn tôi mang tên Đại đoàn Đồng Bằng.

Đ.T.C
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #27 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:11:20 am »

TÌNH DÂN


VŨ BÁO DIỄN


- Nào anh cố gắng dậy ăn bát cháo...

Mẹ Vinh vừa nói, vừa ngồi xuống cạnh giường, tay mẹ nhẹ nhàng nâng tôi dậy, xúc cháo cho tôi ăn. Mùi cháo cá lẫn mùi rau hành, nước mắm thơm phức. Còn hai cô con gái ngồi bên, tay phẩy quạt, nhìn tôi âu yếm như người nhà.

Mẹ nói:

- Hôm nay khỏe rồi, như ngày đầu ai cũng tưởng anh... Hai em cứ sụt sùi sợ anh... Chúng nó cứ quanh quẩn bên... Mẹ định nói, nhìn con gái lại thôi.

Lời mẹ làm tôi nhớ lại đầu đuôi câu chuyện tôi bị thương.

Đêm 21 tháng 2 năm 1952, đơn vị vừa đánh xong đồn Trà Lý, huyện Tiền Hải thì được lệnh cấp tốc hành quân sang huyện Đông Quan chống càn... Bọn Pháp - ngụy dùng ba tiểu đoàn càn vào xã Đông Tân, Đông Vệ: trên không, có bốn máy bay phóng pháo, yểm trợ cho bộ binh, ngoài ra pháo ở đồn Đống Năm, Đông Quan và thị xã Thái Bình bắn về, có máy bay bà già chỉ điểm.


Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 22 tháng 2, đơn vị vận động qua cánh đồng lúa xanh, chúng tôi bám sát địch để phi pháo của địch mất tác dụng, quân ta lợi dụng nằm dưới con sông Đào đánh địch, bọn bảo hoàng và Lê dương ở trên đường cái chẳng thằng nào dám xuống ruộng vì nó bị chết nhiều.


Khoảng 15 giờ chiều, tôi nhìn thấy mấy tên đứng trên lò gạch ở vệ đường quốc lộ 39B, thằng cầm ba toong gọi pháo bắn vào quân ta. Tôi cho Phạm Văn Pho dùng súng máy bắn. Pho đưa súng từ cao hạ xuống chưa kịp bắn thì đã bị thương. Tôi đỡ khẩu súng của Pho và bảo Pho lăn đi mấy vòng để tránh sự chú ý của địch và tôi đưa súng từ dưới lên ngắm bắn, bóp cò gần hết băng đạn. Mấy tên địch bổ nhào. Chúng tôi chưa chuyển kịp thì một tiếng "xoẹt" nổ trên đầu, mảnh đạn cắm phập vào đầu làm tôi ngất đi.


Khi tỉnh lại tôi thấy trung đội trưởng Xuân Hải đang dùng tiểu liên quét bọn bộ binh. Chúng bò đến gần. Anh Hải thét to "Lựu đạn đâu...". Tôi rút chốt hai quả đưa cho anh Hải ném. "Ầm". Bọn chúng kêu la loạn xạ, tôi đưa cho anh trái nữa để ném. "Ầm". Bọn chúng hốt hoảng chạy như vịt tan đàn.


Tôi được đưa về trạm cứu thương. Trời đã tối đen. Trạm cứu thương ở đình làng, xung quanh xếp đầy bó rạ để tránh đạn, mấy ngọn đèn dầu thắp sáng, y bác sĩ nhìn tôi e ngại do mảnh đạn đại bác khó gắp, khó lôi ra mà đục thì...


Tôi khẽ cười và nói:

- Các anh để tôi nằm lên hai cây luồng, buộc chặt hai chân vào đó, lấy một đoạn khác đè ngang ngực để buộc chặt hai tay rồi đục sọ lấy mảnh đạn ra. Tôi chỉ xin giữ lại mảnh đạn làm kỷ niệm... Sau khi các anh làm theo như thế, tôi cảm thấy người mình như đức chúa bị đóng đanh.

"... Chát... Chát..." tiếng đục âm âm đau đớn trong cảnh nửa tỉnh nửa mê.

Việc đục sọ lấy mảnh đạn rồi cũng xong, đầu tôi được băng bó lại và y sĩ đưa mảnh đạn đã rửa sạch cho tôi. Các mẹ, các chị xung quanh nước mắt còn chưa ráo thì một mẹ tay run run bón cho tôi thìa cơm. Cơm vừa vào miệng, hạt cơm như các mũi chông đâm vào lưỡi, đau buốt phải vội lè cơm ra.


Các mẹ khóc nức nở như có người chết, thì thào "chê cơm thì...". Các mẹ nâng tôi lên cáng, dặn mọi người đi cẩn thận.

Tôi được đưa về nhà mẹ Vinh ở Đức Cơ, Thanh Giám huyện Tiền Hải. Mẹ có hai cô con gái tuổi mười lăm, mười bảy. Mẹ xin cho tôi một chai sửa tươi của một chị đang nuôi con thơ. Hàng ngày mẹ xin sữa về hòa lẫn nước bón cho tôi từng thìa...


Ông Vinh độ năm mươi tuổi mà trông như cụ già. Ngày ngày ông ra sông, ra ruộng để bắt cá, con nào to nhất dành nấu cháo nuôi tôi, còn đem bán lấy tiền đong gạo. Mỗi khi ông vác dậm ra đi đều dặn vợ con:

- Ở nhà coi có gì đưa anh xuống hầm.

Trước khi đón thương binh, gia đình đào sẵn căn hầm dưới gầm giường để tránh đạn pháo của địch.

Thôn Đức Cơ, Thanh Giám là vùng du kích ta mới giải phóng chưa được một tháng, kẻ địch có thể dùng phi pháo đánh phá hoặc chúng càn là thường. Bà con ở đây đã có truyền thống yêu nước từ năm 1930, đã nổi dậy kéo về huyện lỵ Tiền Hải đòi giảm sưu giảm thuế đến nay gọi là "Tiếng trống Tiền Hải năm ba mươi".


Một buổi sáng, vừa nghe tiếng máy bay chưa kịp xuống hầm thì tia chớp nhoằng, một tiếng nổ ầm. Bà mẹ ngả người đè lên tôi, sau vội vàng đưa tôi xuống hầm, tiếng kẻng báo động vang lên. Ngoài trời rét, mẹ và hai cô con gái mồ hôi ướt cả áo, miệng vẫn cười tươi. Có lần giặc nống ra, bộ đội, du kích chặn đánh quyết liệt từ xa.


Hôm anh Miên, anh Xuân, anh Hải đại diện đơn vị đến thăm tôi và anh em thương binh khác, anh Hải đưa cho tôi năm hộp sữa và một áo săng đay dài tay. Anh nói:

- Quà chiến lợi phẩm đánh đồn Trà Lý đêm 21 tháng 2 của tiểu đoàn đấy. Còn gói tiền là của đơn vị gửi cậu. Trận chống càn vừa rồi ta bắn chết một tên quan ba nên buộc địch phải bỏ chạy, đơn vị đang đề nghị xét khen thưởng trong đó có đồng chí đấy...

Anh Miên, anh Xuân cúi xuống hôn lên đầu tôi rồi các anh cảm ơn gia đình và bịn rịn ra đi...

Thấm thoắt đã hơn một tháng. Ông bà Vinh coi tôi như con, đi chợ hay đi đâu về đều có quà cho tôi phần hơn.

Đêm rét, ông đến ngồi bên cạnh kéo chăn đắp lại cho tôi rồi ngồi hút thuốc và nói khẽ:

- Cần gì anh cứ bảo tôi giúp, đừng ngại...

Sáng nay ông dậy sớm. Dưới ánh trăng, ông cặm cụi buộc lại cái rổ để đựng cá, cái dậm cho chặt. Xong ông rít thuốc lào rồi giắt cái điếu cày vào hông, tay cầm nón mê nói nhỏ với bà:

- Tôi ra sông Long Hầu kiếm con cá về nấu bát canh chua, bà và con ở nhà để ý đến anh, có gì đưa xuống hầm...

Bà nói:

- Vâng, ông yên tâm, mà sao đi sớm thế...?

Tôi không ngủ, ngồi nhìn ông mà rạo rực bồn chồn, tự nhiên nước mắt tuôn, lòng nghĩ: ông như cha đẻ ra mình.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #28 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:12:06 am »

Hôm anh Miên thăm tôi đã tỏ lời cảm ơn. Ông nói:

- Các anh cứ lo giết giặc cho nhiều, giải phóng cho bà con càng nhanh càng đỡ cực. Còn việc chăm lo cho thương binh là trách nhiệm của mọi người dân tự nguyện anh ạ...

Nhiều đêm thức trắng ngồi nghe hơi thở rồi ông nằm cạnh theo dõi sức khỏe của tôi hơn là ông lo cho ông...

Bà đi rón rén đến gần giường tôi, thấy tôi ngồi dậy bà hỏi khẽ:

- Chắc anh đỡ rồi phải không? Tôi nấu cháo sáng anh ăn nhé. Trưa ông ấy về nấu cho anh bát canh cá chua, ăn cơm cho chóng khỏe. Hay là gọi cái gái nó dậy.

Tôi gọi mẹ lại và bảo:

- Mẹ cứ để các cô ấy ngủ, mới đi gác về, các cô vất vả vì con nhiều rồi và hôm nay con khỏe rồi...

Bà ừ, rồi đi xuống bếp.

Bà làm tôi nhớ lại đêm 25 tháng 2 năm 1952, vết thương trên đầu bị nhiễm trùng, tôi bị sốt cao. Ông cầm đèn đi tìm y tá ở trong huyện xa đến ba, bốn ki-lô-mét.

Người tôi rét run bần bật, chiếu chăn đắp hết lên mà cứ vẫn rét, hai hàm răng đánh cầm cập vào nhau. Gái nhỏ lấy chiếu rách đốt dưới gầm giường, còn gái lớn nằm đè lên chăn chiếu ôm lấy tôi để cho tôi đỡ rét.


Mãi đến khi ông Vinh đưa bác Hựu y tá thời Pháp làm ở huyện về thì gái lớn xuống chuẩn bị nước non để thay băng, rửa vết thương cho tôi. Rồi tôi được tiêm thuốc, uống nước. Bấy giờ, bác Hựu mới nhận ra tôi là người làng. Bác nhìn tôi, vui vẻ nói đùa:

- Cậu cố gắng chịu đau để mình rửa, chóng khỏi rồi làm rể ông bà ở đây cho gần...

Gái nhỏ reo lên:

- Hay quá, chị gái hơn em...

Gái lớn thẹn đỏ mặt ấp úng nói...

- Để cho mày, con ranh, chỉ...

Gái nhỏ trêu chị:

- Thích nhé, ôm chồng ở ngoài chiếu lại còn...

- Ừ... đã sao?...

Từ đấy gái nhỏ nhiều lần trêu chị:

- Chị gái, anh gọi chị vào mà...

- Mày giúp anh không được à con ranh, tao cho...

Tiếng súng nổ làm cắt dòng nhớ lại của tôi, rồi một tiếng nổ ầm rung cả đất. Mọi người chưa rõ chuyện gì xảy ra.

Sáng ra biết tin. Một trinh sát bị địch đuổi theo, anh nhảy xuống sông Long Hầu. Một ông đánh cá đưa cho anh cái nón, cái giỏ. Địch đến gần, anh ném lựu đạn nổ, anh chạy thoát, còn ông bị chúng bắt đưa đi...


Gia đình và mọi người đều đoán là ông Vinh bị bắt.

Trưa hôm đó, thương binh chúng tôi được lệnh đêm nay vượt sông Hồng về vùng tự do gấp, giặc Pháp sẽ mở trận càn lớn ở huyện Tiền Hải.

Tin vội vã. Tôi bâng khuâng, nói gì với mẹ với hai cô em gái? Chiều hôm đó tôi và mọi người ăn không ngon, nghẹn ngào cảnh chia tay đột ngột. Nhất là lúc này ông Vinh vẫn chưa về.

Tối đến, tôi nằm trên cáng, mẹ và gái lớn đi bên cạnh. Chẳng ai nói được nên lời, nước mắt cứ trào ra nghẹn cổ. Đường ra bến đò xa hai, ba cây số, không ai nói một câu nào. Trước khi tôi xuống đò, mẹ ôm chặt tôi vào lòng, tay vỗ nhẹ lên lưng như để thay lời tạm biệt...!!!

Dưới ánh trăng mờ, con đò đã rời xa bến. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng vọng:

- Anh đi cố gắng... khỏe...

Hình ảnh gia đình mẹ Vinh còn mãi mãi in sâu trong tâm trí tôi, và chính tình cảm đó đã động viên tôi đến năm 1953, tôi lại xin tái ngũ vào trung đoàn 270, chiến đấu ở Đức Cơ, Thanh Giám để mong gặp lại ông bà Vinh và hai cô gái.


Nhưng hoàn toàn thất vọng. Dò dẫm hỏi thăm mãi vẫn không có ai biết gia đình ông bà Vinh đi đâu, ở đâu. Có thể chính trận càn khốc liệt cuối năm 1952 mà người ta gọi là trận càn "Mécquya", giặc Pháp vênh váo muốn trưng bày nền "văn minh" và sức mạnh của mình bằng cách đốt phá, tàn sát vô cùng dã man, đã không chừa một ai trong vòng vây súng đạn của chúng. Những ai may mắn thoát khỏi cảnh tàn sát, chắc cũng đã phiêu bạt tới những miền đất khác.


Từ bấy đến nay, đã 47 năm trôi qua. Tôi vẫn lưu tâm dò tìm mà không thấy tin tức, dấu hiệu gia đình ông bà Vinh ở đâu. Viết lại những dòng này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn với gia đình ông bà Vinh trong kháng chiến chống Pháp. Thêm nữa, tôi vẫn muốn coi đây là bức thông điệp tìm ân nhân, ai biết được xin cho tôi bức thư hồi âm, tôi cám ơn lắm. Thư gửi đúng tên tôi, tác giả bài này nhờ Thành hội cựu chiến binh Hà Nội chuyển, ắt là tôi nhận được.

V.B.D
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #29 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2022, 07:14:08 am »

BẺ GÃY MỘT PHIÊN TÒA
(Viết theo lời kể của Giang Văn Khiết)


NGUYỄN VĂN HOA


Tờ mờ sáng ngày 22 tháng 2 năm 1954. Binh lính Pháp và ngụy quân, ngụy quyền trên đảo Phú Quốc đã lục đục, hò hét nhốn nháo, om sòm. Phía trong trại, chúng bắt anh em tù binh từ trại ba tập trung sang trại một và hai. Tên trung úy Diệp giọng lè nhè trong loa: "Hôm nay anh em tù binh tập trung trước khu "nhà dù" để nghe "Tòa án binh" xử án đại hình tên Giang Văn Khiết. Anh em xếp hàng trật tự, không đi lại lộn xộn nghe hông!". Đang lúc xếp hàng, nhìn ra "Ca-xô"1 (Ca-xồ: chuồng cọp) thấy bọn lính đang dắt anh Khiết ra trói ở cột bắn.


Khoảng 8 giờ 30, một chiếc máy bay "phành phạch" đổ xuống bãi cát phía đông bắc của trại giam. Một bầy lính lốc nhốc chui ra và lên xe chạy về khu nhà dù. Một lát sau, tên thiếu tá Đắc, nói trước máy giới thiệu phiên tòa:

"Kính thưa ông đại diện chánh phủ Pháp, ngài đại tá Lơ-roa. Kính thưa ông đại diện chánh phủ Việt Nam cộng hòa, ngài Bửu Lộc. Kính thưa ngài trung tướng Nguyễn Văn Hinh, bộ trưởng bộ quốc phòng quân lực cộng hòa. Tôi xin giới thiệu thành phần phiên tòa hôm nay có ông đại tá Nguyễn Ngọc Lễ, Tư lệnh quân khu Zôn 1271 (Quân khu bảo vệ tù binh Côn Đảo và Phú Quốc của quân đội Liên hiệp Pháp, gọi theo bí mật quân sự) làm chánh án phiên tòa, tòa án binh Quân khu đặc biệt. Ông thiếu tá Trần Công Đắc là ủy viên công tố. Ông trung úy Hà Quang Diệp là thư ký phiên tòa".


Tên Lễ chánh án gõ máy cọc cọc, giọng trọ trẹ:

- Cho dẫn tên Khiết "dô"! Đứng trước vành móng ngựa nghe hông!

Tên Đắc "dạ" !

Rồi hắn sai bọn đồ tể, ra cầu cởi trói anh Khiết ở cột bắn, dòng thêm một sợi dây thừng như sợ anh nhảy xuống biển. Chúng bắt anh đi trước, thân hình anh trần trùng trục, không phải anh không có áo, mà chúng tra tấn anh đã rách nát hết cả áo quần.

Chánh án Lễ hỏi:

- Anh Khiết, anh là Giang Văn Khiết phải "hông"?

- Đúng, tôi là Giang Văn Khiết.

- Anh có biết tòa án binh chúng tôi xử án anh phạm tội như thế nào hông?

- Không?

- Anh đã phạm ba tội lớn - Lễ lườm mắt như dò xét rồi nói tiếp:

- Tội thứ nhất anh đã theo Việt minh Cộng sản. Việt Minh là giặc, phá hoại trật tự an ninh quốc gia, chống đối chính sách "an dân an cư" của chánh phủ Việt Nam cộng hòa - Tên Lễ hạ giọng hỏi tiếp:

- Anh Khiết, gia đình anh ở Trôi Chợ phải hông?

Anh suy nghĩ đề phòng mưu ma chước quỷ của bọn đồ tể rồi đáp:

- Phải.

Lễ vẫn hạ giọng như dụ dỗ:

- Anh đã bỏ gia đình, bỏ quê hương, mà gia đình quê hương anh lại ở trong vùng an toàn, dưới sự kiểm soát của chánh quyền Việt Nam cộng hòa. Sao dại thế? Nghe đứa nào thế? Bỏ nhà theo giặc Việt minh, cầm súng bắn lại binh sĩ của chánh phủ, bắn lại đồng bào, đó là tội làm giặc. Tội thứ nhất nghe "hông"?

Lúc này Lễ gân cổ, được thế cao giọng tiếp:

- Tội thứ hai: anh đã bị quân đội Liên hiệp Pháp bắt làm tù binh. Chánh phủ Việt Nam cộng hòa chúng tôi tạm giam giữ các anh lại là để có ngày gần đây, các anh tự hối cải, ăn năn thì chính phủ chúng tôi sẽ mở những đợt khoan hồng, ân xá, phóng thích tha cho các anh về sống với gia đình bố mẹ, vợ con, có phải sung sướng "hông"? Ai chả muốn thế. Ai dại dột muốn tù đày mãi như vậy. Tội thứ hai của anh là làm giặc, đã bị bắt rồi, bụng dạ vẫn còn theo giặc, không chịu sửa mình, không ăn năn hối lỗi, không chịu cải tà quy chánh.

- Tội thứ ba của anh: Là một người tù binh đang bị giam giữ lại ngang nhiên dùng đòn khiêng đánh lại "nhà chức trách", rồi chạy trốn vô rừng. Muốn liều chết phải hông? Hay muốn tìm về với Việt minh?...

Tên Lễ đứng dậy thay đổi thái độ nói:

- Tòa án binh chúng tôi hôm nay mở phiên tòa đặc biệt xét xử tội của tên Giang Văn Khiết trước hàng vạn tù binh trên đảo này để tất cả những tù binh từ nay trở đi không còn một ai chạy với trốn chi nữa. Trốn chỉ có chết, không chết trước thì chết sau. Pháp luật của chánh phủ Việt Nam cộng hòa là nghiêm minh như vậy. Phiên tòa xử tên Khiết hôm nay đã phạm ba tội trên và tòa kết án là... - hắn dừng lại, nhìn mấy tên cấp cao của hắn, thấy các quan trên gật đầu, rồi hắn tiếp:

- Tòa án binh kết án tử hình. Tử hình! Giang Văn Khiết mang án tử hình!

Tên đại diện chánh phủ Bửu Lộc béo ị, gật gù, đắc chí nói:

- Phải "Sát nhất nhân, vạn nhân cụ", giết một người răn vạn người sợ. Tử hình là đúng. Rồi y đắc chí cười hô hố...

Tướng Hinh đứng dậy đáp lễ, rồi thổi phù phù vào máy, nói:

- Thay mặt đoàn chánh phủ Việt Nam cộng hòa và bộ tổng tư lệnh quân lực Việt Nam cộng hòa, tôi gửi tới toàn thể anh em lời thăm hỏi và mong anh em hối cải cho tốt, để chờ dịp sẽ được chánh phủ khoan hồng hoặc tha bổng về sum họp với gia đình làm ăn lương thiện. Anh em nghe rõ không?

Mọi người lúc bấy giờ không ai bảo ai đồng thanh nói:

- Không rõ!

Mặc dù anh em tù binh có nghe thấy và đều bịt mũi, tỏ thái độ phản đối chúng.

Chả biết chúng có hiểu không? Chắc cả đoàn chánh phủ quốc phòng rồi thầy cãi, luật sư, đến các nhà báo, cả bè lũ tay sai của chúng cũng cùng một giuộc đều tưởng lầm rằng: Những người tù này, trong tay quản lý của chúng, cho ăn được ăn, cho sống được sống, chúng sẽ chinh phục được tư tưởng của anh em.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM