Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 04:31:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức chiến tranh  (Đọc 4116 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2022, 06:58:05 am »

Chúng tôi hồi hộp chờ chóng đến tối. Côn Đảo đã ở trước mắt kia rồi, nhìn rất rõ, làm mọi người càng vững tin. Khi màn đêm đổ xuống, thuyền trưởng Vinh điều khiển con tàu theo như kế hoạch. Chính trị viên Sang phụ trách việc bắt liên lạc. Các chiến sĩ sẵn sàng chiến đấu phòng bất trắc. Khoảng quá nửa đêm, bỗng một cơn dông ập đến bất thần. Gió thổi mạnh. Sóng biển ầm ầm dữ dội. Con tàu không làm chủ được hướng đi, xoay tròn. Những con sóng bạc đầu quật liên tiếp vào mạn tàu, bắn tung tóe vào cả chỗ chúng tôi ngồi. Thuyền trưởng Vinh gò mình, cố lái con tàu cắt sóng, vừa chỉ đạo các chiến sĩ việc này, việc khác. Cũng may khoảng gần sáng, gió bắt đầu giảm. Tàu dần lấy lại thế cân bằng, bỗng nghe một tiếng kịch ở dưới gầm tàu. Một tiếng hoảng hốt kêu to: "Tàu mắc cạn rồi!".


Mọi người giật mình lo lắng. Trời sáng rồi mà chưa biết tàu bị mắc cạn ở nơi nào, và chắc đã bị tạt xa hướng vào bến. Mọi người xúm lại ở sân tàu để tìm câu giải đáp: Làm thế nào cho tàu nổi lên được để tránh địch phát hiện? Có ý kiến thả bớt vũ khí xuống biển cho tàu dễ nổi. Nhiều ý kiến không đồng ý vì đã ném xuống biển thì mò lên làm sao được! Đấy là xương, là thịt của nhân dân miền Bẳc, của Đảng, của Bác Hồ gửi cho miền Nam, vứt bỏ ở dọc đường là có tội lớn. Hay là đưa đoàn cán bộ vào bờ trước? Củng không được! Điều quan trọng là phải biết tàu mình đang bị mẳc cạn ở đâu? Chớ dại mang mỡ đến miệng mèo. Thuyền trưởng Vinh, chính trị viên Sang và nhóm chúng tôi vẫn đứng ở sân tàu, chờ trời sáng thêm để tiện quan sát. Bất chợt đồng chí Sang nhìn thấy qua sương mù lờ mờ tháp canh và cờ ba que ở xa trên bờ. Anh Thế Bôn dùng ống nhòm quan sát kỹ phỏng đoán tàu cách đồn địch khoảng 3 cây số. Với kinh nghiệm của một nhà chỉ huy quân sự, sau khi xác định ba điểm chuẩn cửa sông Hậu - Mũi Cà Mau - Côn Đảo, anh Thế Bôn đã tìm ra vị trí của tàu đang ở trên làn nước nông giữa Trà Vinh - Bạc Liêu. Như vậy là tàu ta đã dạt xa bến đổ bộ và trên bờ là đồn địch hiện ra càng rõ.


Vì vậy, việc phải làm ngay là tất cả rút vào trong khoang. Tôi triệu tập họp chi bộ cấp tốc để bàn kế hoạch chiến đấu. Sau đó, thuyền trưởng Vinh cho treo cờ ba que lên, căng lưới đánh cá ngoài sân tàu. Tất cả thay quần áo của người dân Nam Bộ. Các tổ chiến đấu được thành lập xen kẽ cán bộ và chiến sĩ. Nghị quyết của chi bộ là chiến đấu đến người cuối cùng, không để người và vũ khí rơi vào tay địch. Thuyền trưởng Vinh được giao nhiệm vụ trường hợp tàu địch áp sát tàu ta, sẽ cho nổ tung toàn bộ khối thuốc nổ trên tàu, tiêu diệt càng nhiều càng tốt.


Tình hình căng thẳng kéo dài đằng đẵng suốt từ lúc sáng đến 2 giờ chiều. Bỗng có tiếng reo lên từ đài quan sát: "Triều lên, tàu nổi rồi đấy!". Mọi người trút được gánh nặng, thở phào. Chúng tôi vẫn không lơi theo dõi bọn địch ở trên bờ nhưng không thấy chúng có động tĩnh gì. Thuyền trưởng Vinh bình tĩnh đưa tàu chạy ngược lại, tập trung quan sát kỹ đường vào đúng bến rồi cho tàu chạy ra hải phận quốc tế tranh thủ chuẩn bị kỹ thêm cho cuộc đổ bộ lần thứ hai. Mặc dù đã thoát được cơn nguy hiểm hồi sáng, nhưng chúng tôi vẫn không yên tâm. Vì nếu lộ ở ngoài khơi mênh mông này, dù là ở hải phận quốc tế thì hạm đội 7 của Mỹ cũng luôn luôn sẵn sàng phối hợp với hải quân ngụy trong bờ, khi phát hiện có tàu lạ lọt vào vùng kiểm soát của chúng.


Giờ phút căng thẳng dù qua đi quá chậm chạp, nhưng buổi tối chờ đợi đã đến. Khi con tàu quay mũi về hướng tây thực hiện cuộc đổ bộ lần thứ hai, anh Thế Bôn với tôi leo lên đài chỉ huy quan sát tình hình. Như hiểu ý chúng tôi, thuyền trưởng Vinh nói quả quyết: "Tối nay trời yên rồi, không có mưa gió, em bảo đảm sẽ đưa tàu mình vào đúng bến".


Anh Bôn cũng vui vẻ khích lệ:

- Cố vào bờ, ta sẽ mừng chiến thắng nhé! Tối qua bị trục trặc, nên bọn chúng tôi đều phập phồng, ngồi lặng thinh nghe ngóng. Thỉnh thoảng lại thay nhau ra ngó trời, ngó biển. Cũng may đêm nay gió nhẹ, biển êm, trời đầy sao, tạm yên bụng. Tới 2, 3 giờ khuya, mắt cứng đờ rồi, chúng tôi vẫn hồi hộp ngồi chờ. Chính trị viên Sang mấy lần giục chúng tôi đi ngủ lấy sức, lúc nào tàu vào gần bờ sẽ gọi dậy. Nhưng ai nấy vẫn tỉnh như sáo, trừ anh Văn Lân nằm trằn trọc gần đó. Riêng chính trị viên Sang ngồi trực ngoài sân tàu, đồng chí được giao nhiệm vụ bắt liên lạc. Đồng chí Sang giơ cái đèn 3 pin dài ngoẵng và cho biết 2 bên nhấp nháy liền 5 cái là đúng ký hiệu đó! Bỗng tàu chạm vào vật gì kêu lục cục ở mũi tàu. Đồng ch Sang chạy tới quan sát vội quay lại kêu lên: "Gặp đáy rồi". Anh báo ngay cho thuyền trưởng Vinh. Vinh cho tàu chạy chậm lại rồi hỏi Sang:

- Thấy tín hiệu chưa?

- Chưa? - Vinh thận trọng bảo Sang:

- Khoan đã.

Hai người quan sát kỷ một lúc rồi vào cho chúng tôi biết gần đến bến rồi, và đây là đám đáy của bộ phận đón nhận vũ khí ở trên bờ làm để che mắt địch.

Sau đó, Sang chạy ra mũi tàu, giơ đèn pin nhấp nháy đúng 5 cái. Lần thứ nhất không có tín hiệu đáp lại. Tàu lách qua những cọc cây cắm trên biển, tiến thêm quãng nữa, đồng chí Sang lại bấm 5 cái nữa. Bỗng tất cả chúng tôi đều cùng nhìn thấy tín hiệu nhấp nháy từ phía bờ ra. Hai bên tiếp tục nhấp nháy và xích lại gần nhau. Bỗng nghe có tiếng người gọi từ một xuồng máy đang sáp lại phía chúng tôi:

- Tàu thuyền nào đó! Có phải Vinh, Sang không?

Sang đáp lại rất to bằng giọng Nam Bộ:

- Sang đây nè. Ai đó?

- Bọn tui Hai Nhỏ và Năm Bình đợi mấy chú lâu thấy mồ...

Thế là gặp nhau rồi, vui không để đâu hết!

Xuồng đã ép sát mạn tàu. Đồng chí Sang nói như hét lên:

- Anh Tư dẫn tàu vô kẻo sáng.

Đồng chí Sang kéo tay người tên là Tư lên tàu. Chúng tôi vội chạy ra làm quen. Trời còn tối quá chưa nhìn rõ mặt nhau. Anh Tư lên chỗ thuyền trưởng Vinh giúp đưa tàu tránh không vào thẳng cửa sông lớn Cổ Chiên mà hướng vào một rạch nhỏ bên trái cửa sông để địch không phát hiện được. Chiếc xuồng đi trước, tàu chạy theo. Vì làn nước gần bờ nông, dải bùn kéo ra xa nên tàu phải chạy chậm lại, một quãng lại phải dùng sào đo luồng lạch xem mực nước. Bỗng lại nghe đáy tàu kêu lạo xạo rồi tàu chựng lại không chạy nữa. Lại mắc cạn rồi!
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2022, 06:58:45 am »

Trời đã mờ sáng. Các đồng chí địa phương rất tháo vát, dùng xuồng đưa ngay 5 cán bộ lên bờ. Rồi cử người về huy động thêm xuồng đuôi tôm của dân và lực lượng trên bờ ra đưa hỏa tốc vũ khí vào bờ. Mọi việc triển khai rất mau lẹ. Tới lúc trời sáng rõ thì tất cả vũ khí và con tàu đều đã vào chỗ trú ẩn, và cất giấu an toàn.


Một chị phụ nữ đã đứng tuổi, tự giới thiệu ở nhà là con thứ tư, ở đây là tổ trưởng giao liên, nhanh nhẹn đưa chúng tôi tới một bụi cây khá xa ở biển, có trải sẵn tấm ny-lon mới, rộng. Chị thân mật hỏi: "Mấy anh mệt lắm hè?". Anh Thế Bôn nhanh nhảu đáp: "Vâng ạ! 7 ngày, 7 đêm bị sóng biển tra tấn liên tục, tàu lại lạc đường, căng thẳng quá chị Tư à", vẫn giọng nói nhẹ nhàng, chị Tư như muốn phân trần:

Đề nghị mấy anh nghỉ tạm đây. Chỗ này yên tĩnh không sợ lộ. Tối, tụi em sẽ đưa mấy anh vô nhà nghỉ".

Một em giao liên đem đến mấy quả dưa hấu kếch sù. Chị Tư tự tay bổ ra mời chúng tôi và không quên giới thiệu:

Dưa Trà Vinh bóng bằng bã tôm, ngọt không đâu bằng. Các anh ăn xem có phải như vậy không?

Đúng như chị Tư nói. Miếng dưa màu đỏ tươi, có vi ngọt lịm người. Hương vị đó còn làm tôi nhớ mãi đến bây giờ!

Sau  tiệc dưa, đến bữa cháo tôm cũng thật đặc sắc. Trong lúc bụng dạ đang háo, vị ngọt của tôm làm tỉnh hẳn người. Mỗi chúng tôi ăn liền mấy bát, vừa ăn vừa tấm tắc khen hết lời.

Một lúc sau, mắt đã nhíp lại, cả nhóm chúng tôi lăn ra ngủ, kéo một giấc dài mê mệt...

Mãi sẩm tối, chúng tôi mới được đưa vào một ngôi nhà của đơn vị bảo vệ bến. Ngôi nhà thật đơn sơ, mái vách đều là lá dừa nước, có sẵn ở vùng này. Bàn ghế cũng bằng thân cây dừa ghép lại. Có hai cây đèn dầu tỏa sáng khắp nhà. Mấy mẹ và mấy chị đã ngồi chờ sẵn ở đó. Chị Tư giới thiệu đó là mấy mẹ chiến sĩ đến thăm mấy anh vừa ở ngoài về. Cuộc gặp bất ngờ nhưng có sự thông cảm, thân mật, chan hòa ngay từ lâu. Các mẹ, các chị rất chủ động, ân cần đưa tận tay thuốc lá con cú, kẹo thèo lèo (kẹo lạc) cho từng người, rồi lần lượt hỏi tên, quê quán các anh Thế Bôn, Sơn Tiêu, Văn Lân, Phúc "béo". Có một mẹ chỉ vào tôi hỏi cụ thể: "Còn thằng này đã có vợ, con gì chưa?". Có lẽ mẹ thấy tôi còn trẻ hơn mấy anh khác chăng? Tôi còn ấp úng thì một mẹ đã chỉ vào một cô gái ngồi gần tôi và nói vui: "Con gái bả ấy đấy, chú có ưng nói ra là xong hỉ!".


Tất cả cười vui vẻ. Cô em đỏ mặt e thẹn nhìn đi chỗ khác. Giữa lúc ấy thì có một ông già từ ngoài cửa bước vào. Ông có tầm vóc nhỏ nhắn, mặt gầy, có chòm râu bạc rất đẹp. Ông chào mọi người rồi lên tiếng trước:

- Mấy chú vừa ở ngoài về hả?

Chúng tôi đứng dậy chào; rất ngạc nhiên về giọng nói đặc sệt miền Bắc của ông, chưa biết trả lời thế nào thì chị Tư vội nói ngay:

- Giới thiệu với mấy anh và các mẹ đây là bác Bảy, bác cũng là người của đơn vị này - Rồi chị quay sang ông cụ - Mời bác Bảy ngồi chơi với các anh và các mẹ.

Ông Bảy từ từ ngồi xuống, lấy thuốc rê ra cuốn, bật quẹt hút rồi chậm rãi hỏi:

- Có chú nào người Thái Bình không?

Anh Văn Lân người con của bên kia bến Tân Đệ đứng dậy ngay:

- Thưa bác có cháu ạ!

Ông già tới nắm tay anh Lân, với giọng nói đầy xúc động:

Tôi cũng từ Thái Bình lang bạt vào đây, thành người ở đây quá nửa đời người rồi! Nay cũng phấn khởi được làm nhiệm vụ ở phương này. Chỉ mong sao Đảng và Bác Hồ gửi thêm nhiều các chú vào góp sức cùng miền Nam mau đến thắng lợi để đồng bào miền Nam đỡ khổ, để tôi còn có dịp về thăm miền Bắc, thăm lại quê cha đất tổ Thái Bình là hả dạ rồi!...


Sau khi tiễn các má chiến sĩ và ông già râu bạc về, là đã khuya rồi tôi vẫn nhớ ra một việc phải làm. Tôi mở chiếc ba lô con cóc lấy ra chiếc đài bán dẫn 3 băng hiệu Panasonic do Đảng Cộng sản Nhật tặng Đảng cộng sản Việt Nam. Trước hôm rời Hà Nội, Tổng cục Chính trị tặng nhóm chúng tôi mỗi người một cái. Những hôm ở dưới tàu, tôi mở mấy lần, nhưng đài bị nhiễm từ, chẳng nghe được gì cả! Con nhà chính trị mà thiếu tin, bị đói món ăn tinh thần quan trọng này, thấy bứt rứt quá! Tôi hồi hộp mở đài. Rất may lại đúng vào lúc Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi bản tin giờ chót trong ngày. Một giọng nam phát thanhh viên cất lên đĩnh đạc báo tin chiến thắng lớn của quân và dân trong miền Đông Nam Bộ, lần đầu tiên tiêu diệt chiến đoàn ngụy trong chiến dịch Bình Giã. Lâu nay bọn địch vẫn huênh hoang chiến đoàn là đơn vị chiến thuật hoàn hảo nhất của chủ lực ngụy. Nghe tin ngày, các anh Thế Bôn, Văn Lân, Sơn Tiêu, Phúc "béo" đang nằm, đều vùng dậy xúm lại bên đài chăm chú lắng nghe.


Một ngày đầu tiên ở miền Nam dồn dập những tin tức làm nhóm 5 người chúng tôi vừa chân ướt chân ráo tới, đã thấy sốt ruột muốn nhanh chóng về R (Bộ chỉ huy miền) để nhận nhiệm vụ mới.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2022, 01:26:49 pm »

BẢN NA TRƯỚC GIỜ NỔ SÚNG


NGUYỄN CHUÔNG


Năm 1970, tôi nhớ là vào hạ tuần tháng 8, tôi và anh Quân, Chính ủy trung đoàn được gọi lên Bộ tư lệnh mặt trận Liên quân Lào - Việt họp nghe phổ biến kế hoạch triển khai chiến dịch tấn công Loong Chẹng - Bản Na. Chúng tôi lên đã thấy có mặt các cán bộ Sư đoàn 316, quân tình nguyện B66, bộ đội Pa-thét Lào, tiếp đến là cán bộ chỉ huy bộ đội đặc công lần lượt tới.   


Cũng xin nói ngay là năm 1969, sau khi ta mở chiến dịch phản công đập tan Cù Kiệt giải phóng Xiêng Khoang, cánh đồng Chum, ta rút quân về nước thì quân địch lại tràn ra chiếm đóng khắp nơi. Năm 1970 này, chúng tôi lại nhận lệnh sang giúp bạn đánh đuổi quân địch giành lại vùng đất đã giải phóng.


Lần này Sư đoàn 316, quân tình nguyện B66 cùng các đơn vị đặc công có nhiệm vụ đánh vào Loong Chẹng. Đây là thủ phủ của tướng phi Vàng Pao do Mỹ chỉ huy xây dựng, được bảo vệ rất nghiêm ngặt, công sự dựa vào các hang đá rất vững chắc và cũng rất hiểm hóc. Bộ chỉ huy mặt trận coi đây là hướng chủ yếu của chiến dịch. Bộ đội Pa-thét Lào có nhiệm vụ đánh địch trên dọc đường 13. Đây là hướng đánh phối hợp. Trung đoàn 165 chúng tôi được tăng cường tiểu đoàn ĐKB 120 ly cùng tiểu đoàn 12,7 ly, có nhiệm vụ tấn công công tập đoàn cứ điểm Bản Na. Đây là hướng chủ yếu của chiến dịch. Đi cùng trung đoàn có một đoàn dân công huyện Yên Thành - Nghệ An làm nhiệm vụ vận chuyển đạn, gạo và thương binh.


Bản Na cách Loong Chẹng về phía đông nam hơn mười kilômét là tập đoàn cứ điểm bảo vệ vòng ngoài cho Loong Chẹng.

Nhận lệnh về, chúng tôi họp cán bộ ba cơ quan và cán bộ tiểu đoàn giao nhiệm vụ đồng thời tổ chức ngay bộ phận cán bộ chủ trì từ đại đội trở lên đi nắm địch và địa hình, bố trí các cung chặng tiến quân, thiết kế các trận đánh. Tôi chỉ huy bộ phận đi trước,  anh Quân cùng cán bộ cấp phó tổ chức hành quân theo sau.


Núi rừng Lào ở khu vực này rất hiểm trở. Anh em chúng tôi lại chưa ai thuộc địa hình, dân cũng không có mà hỏi, đành dựa theo địa bàn đối chiếu với bản đồ để định hướng đi.   

Phải mất hơn một tuần trèo đèo lội suối vô cùng gian nan vất vả, chúng tôi mới tới được khu Bản Na.

Sau ba ngày điều tra nghiên cứu, chúng tôi đã nắm khá kỹ các tập đoàn cứ điểm này, hình thù nó ra sao. Bản Na nằm trong một thung lũng nhỏ có đồi có ruộng nhưng bao quanh là những dẫy núi cao tạo thành một vòng tròn gần như khép kín. Cách Bản Na 3 kilômét, dãy đồi cao phía tây bắc có một cụm bốn cứ điểm. Phía đông nam, cũng trên dãy đồi cao cách bốn  kilômét có bốn cứ điểm. Khu trung tâm Bản Na có nhiều cụm, rõ nhất là cụm pháo 105 ly và 106,7 milimét, cụm kho, sân bay trực thăng, cụm bốn cứ điểm ở mấy mỏm đồi thấp. Chúng tôi chỉ thị mục tiêu cho từng tiểu đoàn yêu cầu các cán bộ phải đến gần nắm thật chắc tình hình và dự kiến cách đánh. Để dễ cho việc chỉ huy, chúng tôi thống nhất gọi khu trung tâm Bản Na là khu một, gồm chỉ huy sở trung tâm với tiểu đoàn Thái Lan và tiểu đoàn pháo 105-106,7 hỗn hợp Thái, một tiểu đoàn BS22 có khu kho, sân bay trực thăng. Công sự ở đây khá kiên cố. Tiểu đoàn 6 và Đại đội 19 đặc công có nhiệm vụ đánh chiếm khu một. Dãy đồi cao phía tây bắc Bản Na là khu hai, có bốn cứ điểm đặt tên là điểm 3, 5, 9, 11 giao cho tiểu đoàn 4. Ở đây địch có một đại đội tăng cường của tiểu đoàn BI11 Thái Lan và tiểu đoàn BV chốt giữ. Khu ba là dãy đồi cao phía Nam do tiểu đoàn SDU phái hữu chốt giữ cũng có bốn điểm, giao cho tiểu đoàn 5...


Mọi công việc chuẩn bị chiến đấu khá kỹ, chỉ còn bốn ngày nữa là nổ súng thì đột nhiên trung đoàn nhận lệnh của Mặt trận phải điều Tiểu đoàn 5 và 6 về hướng chủ yếu, làm lực lượng dự bị cho đơn vị tấn công Loong Chẹng, trong khi đó trung đoàn vẫn phải đảm bảo nổ súng đúng ngày.


Nhận điện mà băn khoăn không sao kể xiết. Thế là toàn bộ kế hoạch chiến đấu của trung đoàn bị đảo lộn. Thời gian gấp quá. Làm thế nào điều chỉnh kế hoạch tổ chức trận đánh cho kịp ngày nổ súng. Tôi liền triệu tập các cán bộ chủ trì từ đại đội trở lên cùng ba cơ quan bàn kế hoạch bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tác chiến cho phù hợp với lực lượng trung đoàn giống như năm 1969, đánh vào Xiêng Khoảng cũng chỉ có tiểu đoàn 4 và các đại đội trực thuộc. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là chọn mục tiêu và cách đánh.


Tôi thay mặt chỉ huy trung đoàn trình bày trước hội nghị:

- Thưa các đồng chí! Chúng ta đang đứng trước một thử thách nhưng chúng ta không sợ. Cái chính là căn cứ vào tình hình địch và lực lượng ta còn lại, cần tìm ra phương án tác chiến nào để có thể bảo đảm thắng lợi? Tôi thấy là ta phải thay đổi từ cách đánh nhanh sang cách đánh dài ngày, từ tấn công cả tập đoàn cứ điểm cùng trong một thời gian sang kế hoạch đánh từng cứ điểm, từng khu vực. Cụ thể là ta sẽ đánh theo chiến thuật bao vây tấn công, tập trung dứt điểm từng khu vực tiến lên tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của giặc ở Bản Na. Mục tiêu tấn công đầu tiên là cụm cứ điểm Tây Bắc gồm bốn cứ điểm 3, 5, 9, 11. Trung đoàn quyết định giao cho tiểu đoàn 4 và Đại đội 19 đặc công đảm nhiệm. Cứ điểm 3 quân đội Thái Lan là mục tiêu đột phá đầu tiên. Hỏa lực dùng đánh điểm 3 này gồm đại đội 120ly, hai khẩu DKZ75, tám khẩu B41 và đại đội 12,7ly. Lực lượng vây lấn đột kích, ta chỉ dùng một đại đội của tiểu đoàn 4 cùng với đại đội 19 đặc công. Nhưng quan trọng là ta phải dùng một trung đội công binh và trung đội trinh sát làm lực lượng bảo đảm cùng với một trung đội bộ binh kết hợp có lực lượng hỏa lực tiến hành vây lấn, tấn phá trước. Yêu cầu đối với bộ phận vây, lấn, tấn, phá này là phải vây cho chặt, lấn đến tận hàng rào, đến sát chiến hào địch cùng với hỏa lực không cho máy bay lên thẳng hạ cánh, không cho thằng dưới lên. thằng trên máy bay xuống, cả thằng trong đồn cũng không ra được, thằng ngoài đồn không vào được? Phải làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên, thằng sống nằm lẫn với thằng chết. Trong khi đó, lực lượng công binh và trung đội bộ binh bao vây lấn phá rào tiến hành mở cho được bốn cửa vào đồn giặc; Hỏa lực bắn phá phải diệt các hỏa điểm và sinh lực địch ở hướng cửa mở. Khi bộ phận vây lấn đánh phá đạt được như thế, ta mới tung lực lượng xung kích vào gồm Đại đội 1 và Đại đội 19 đặc công được tổ chức thành bốn đội tấn công tiêu diệt cứ điểm 3. Đánh xong điểm 3, ta tập trung đánh điểm 5, điểm 9 rồi 11. Các đại đội pháo ĐKZ 120 ly tập trung bắn khu 1, trung tâm Bản Na chủ yếu là chế áp pháo và chỉ huy sở, tiểu đoàn Thái Lan BI11. Đối với khu 3, ta chỉ đùng đại đội 12,7ly, đại đội cối 82 cùng một tiểu đội trinh sát bắn kiềm chế và bao vây lỏng lẻo. Cụm cứ điểm Tây Bắc bị diệt nhất định sẽ làm rung chuyển cả khu trung tâm và khu Đông Nam này...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2022, 01:28:14 pm »

Các cán bộ dự họp đều nhất trí với phương án tác chiến trên, cho rằng đó là cách đánh chắc tay gặp tình huống khó khăn phức tạp có thể khắc phục được. Ai nấy phấn khởi về phổ biến cho đơn vị và làm tiếp các công tác chuẩn bị.


Chỉ còn một ngày nữa thì nổ súng, khí thế đơn vị bước vào trận đánh thật đáng mừng, ai nấy cũng phấn khởi, tin là sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy tôi vẫn lo. Lực lượng mình quá mỏng. Trước một tập đoàn cứ điểm như vậy, cả khi trung đoàn có về đủ tập trung toàn lực tấn công cũng vẫn phải thận trọng chọn điểm đột phá chủ yếu đặng có thể dứt điểm làm cho toàn bộ quân địch phải choáng váng, huống chi lúc này, trung đoàn lại bị điều đi mất hai tiểu đoàn. Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vang cũng cùng chung một ý nghĩ như tôi. Chúng tôi bàn nhau về kế hoạch vây, lấn, tấn, phá sao cho chẳc, bảo đảm dứt diểm trận đột phá đầu tiên diệt điểm 3 thật gọn tạo đà cho các trận tiếp theo.


Hai anh em đang bàn bạc, dường như còn nhiều điểm phải bổ sung cho công tác chuẩn bị thì có điện của Mặt trận thông báo là đoàn cán bộ của Mặt trận do phó tư lệnh Nam Hà dẫn đầu xuống làm việc, trung đoàn cho người đi đón. Thật là tin vui đến với chúng tỏi. Đang lúc còn nhiều điểm chưa thật yên tâm, lại được anh Nam Hà gỡ cho thì còn gì bằng. Cán bộ trong cơ quan trung đoàn bộ biết tin, ai cũng mừng.


Thật ra mọi người kể cả tôi, chỉ mới nghe tên biết mặt chứ chưa làm việc trực tiếp với anh Nam Hà bao giữ. Qua đôi lần gặp ở hội nghị hoặc trên đường, chào hỏi nhau, tôi biết sơ sơ bề ngoài, anh có vẻ xởi lởi dễ gần, người nhỏ thấp, dáng cân đối, động tác nhanh nhẹn. Thế thôi. Lần này được trực tiếp làm việc với anh ở ngay mặt trận ác liệt đầy gian khổ, chắc chắn rằng, với kinh nghiệm của người chỉ huy lâu năm đã từng trải qua nhiều chiến dịch, anh sẽ giúp trung đoàn, giúp bản thân tôi rất nhiều.


Tôi còn đang mải suy nghĩ như thế thì anh Nam Hà cùng ba đồng chí cán bộ tác chiến quân huấn của Mặt trận đến ngay trước mặt. Vui quá, lại có cả anh Lã Thái Hòa - Sư đoàn phó Sư đoàn 312 chúng tôi cùng đi, thời gian này, anh làm phái viên của mặt trận.


Tôi đứng lên hoan hỉ bắt tay các anh. Không khí chào hỏi tiếp đón, diễn ra thân tình cởi mở.

Anh Nam Hà hỏi tôi ngay:

- Trung đoàn đã điều hai tiểu đoàn đi rồi chứ? kế hoạch tác chiến thế nào, ổn chưa?

- Thưa anh, Tiểu đoàn 5 và 6 đã đến đúng vị trí theo lệnh trên. Kế hoạch tác chiến đã triển khai xong. Nói chung là ổn.

- Thế thì tốt quá.

Các cán bộ trung đoàn và ba cơ quan kéo đến chào phái đoàn khiến cho không khí thêm sôi nổi bộc lộ tình cảm thân thiết tin cậy. Tôi đến sát bên anh Lã Thái Hòa hỏi chuyện vui:

- Thế nào anh. Trên đường từ mặt trận xuống đây, thủ trưởng và phái đoàn bị mấy trận bom vồ?

- Ba trận. Nhưng chẳng ai làm sao cả. Hơn nữa đi càng khỏe và nhanh hơn.

Anh Nam Hà nói chen vào:

- Cậu Thái Hòa to khỏe có mã tướng đẹp nhất đoàn cho nên bom nó nể. Lúc đến cửa rừng bị một trận, còn nhìn thấy cậu ấy, đến trận thứ hai ở phía đỉnh đèo Dốc Quế, trận nữa là đèo Mây, tất cả phải vượt nhanh, chúng mình vượt lên rồi, nhìn về phía sau chỉ thấy khói bom mù mịt. Lo quá. Thái Hòa đâu rồi. Một lát mới thấy cậu ta hiện qua khói bom, dáng ì ạch bám theo, mãi một lúc sau mới theo kịp chúng minh.

Mọi người cười vui, chả nghĩ là đang giữa chiến trường và đang ở thời điểm trước ngày nổ súng.

Tôi hỏi khẽ anh Lã Thái Hòa:

- Anh vẫn nhận được thư của chị ấy chứ! Thế nào, lần về trước, gặp chị ấy có kết quả gì chưa? hay là vẫn cờ trắng?

- Mình vừa nhận được thư. Bà ấy hỏi thăm Chuông đấy. Còn cái chuyện kia, vẫn cờ trắng.

Hai chúng tôi cùng cười. Anh em chung quanh, chẳng hiểu có biết chúng tôi nói gì không, cũng cười theo.

Sau khi ăn cơm, chúng tôi họp với phái đoàn của mặt trận. Phía trung đoàn chỉ có tôi, anh Trường Quân, anh Đỗ Phú Vàng, anh Trần Lạc và các cán bộ tác chiến. Tôi báo cáo phương án tác chiến, rất hy vụng sẽ được phái đoàn của mặt trận đánh giá là sát hợp với thực tế tình hình. Nhưng tôi quan sát thấy anh Nam Hà vừa nghe vừa xem bản đồ, rồi anh ngắt lời hỏi tôi:

- Như vậy là trung đoàn không đánh tập trung vào chỉ huy sở Bản Na ư? Mà lại đánh vào khu hai?

- Thưa anh đúng, tôi bình tĩnh trả lời: Trung đoàn chỉ đủ sức đánh vào khu hai, còn khu trung tâm, ta dùng pháo bắn phá. Với khu ba phía Đông Nam, ta kiềm chế, bởi vì...

Anh Nam Hà ngắt lời:

- Cách đánh của trung đoàn như thế là không đúng tinh thần và ý định của mặt trận. Phải tập trung lực lượng đánh vào khu một, trung tâm Bản Na. Tại sao trung đoàn lại dồn lực lượng vào khu hai?

Các cán bộ trung đoàn báo cáo bổ sung tình hình địch và khả năng trung đoàn chỉ đủ sức đánh khu hai, hy vọng anh sẽ nghe ra. Nhưng không, anh vẫn kiên quyết nhắc lại và giải thích là phải tập trung lực lượng đánh vào khu một mới khiến cho quân địch choáng váng. Anh nói tiếp:

- Các anh nên tính toán cho thận trọng. Tôi nói đây là tôi đem lệnh của mặt trận xuống. Trung đoàn các anh bàn với nhau khắc phục khó khăn chấp hành lệnh. Vấn đề là phải nhìn chung thế và lực toàn chiến dịch. Phối hợp với hướng chính là Long Chẹng, ta đánh vào sào huyệt của bọn phỉ Vàng Pao thì ở hướng phụ này phải đánh thẳng vào nơi hiểm yếu của địch, có nghĩa là phải đánh vào khu trung tâm Bản Na, như thế mới có tác dụng phối hợp bởi lẽ Bản Na là tập đoàn cứ điểm bảo vệ vòng ngoài cho Loong Chẹng. Vòng ngoài rung động thì Loong Chẹng cũng rung động theo.

Cán bộ trung đoàn chúng tôi rất lo lắng vì bộ đội đã vào các vị trí tập kết, thời gian quá gấp để có thể tổ chức thực hiện mệnh lệnh này. Tất cả ngồi im nhìn nhau chờ đợi mà chẳng biết là chờ đợi cái gì. Tôi thầm nghĩ, với lực lượng trung đoàn hiện nay mà chọn đánh vào nơi hiểm yếu nhưng lại không phải là điểm yếu, kết cục bị "phơi áo" ra đấy thì liệu có thể làm rung động được cái gì. Khu hai là điểm yếu so với khu một nhưng không phải là không hiểm yếu bởi diệt được khu hai là lập tức uy hiếp khu một. Với phương án đã tính toán, tấn công khu hai là chắc thắng. Cứ thực hiện phương án của trung đoàn thôi. Đã trình bày như thế mà trên chẳng nghe thì...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #14 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2022, 01:30:35 pm »

Hội nghị phải tạm dừng. Mọi người tản ra. Từng tốp cán bộ cơ quan trên với cơ quan dưới, anh Nam Hà, anh Quân, anh Lạc chụm đầu rì rầm bàn tán. Chỉ có tôi ngồi một mình rít thuốc.

Lát sau, anh Lã Thái Hòa đến ngồi bên tôi một lúc rồi mới nói.

- Chuông ơi, như vậy là tình hình phức tạp rồi.

Nghe thế, tôi hỏi lại:

- Anh là chỉ huy cấp trên có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy, anh nghĩ xem tình hình địch, như vậy thì có chấp hành được cái lệnh đó không. Tôi đâu phải là người muốn chống lệnh. Năm ngoái trung đoàn còn phải luồn qua mấy tuyến ngăn chặn địch vào chiến đấu trong vòng vây đồn bốt giặc, trên không cho một người trinh sát dẫn đường, gạo không được tiếp tế, đạn phải dè sẻn từng viên vậy chúng tôi vẫn chấp hành đầy đủ các nhiệm vụ trên giao, thương vong lại rất ít. Trong khi đó Trung đoàn 141, đánh đồn Mã Tử không dứt điểm lại thương vong nhiều, trung đoàn trưởng bị mất chức. Trận Keo Bom, Bum Lọng, Trung đoàn 209 đánh cũng không thắng, trung đoàn trưởng phải ra đi. Đến trận này sẽ là ai đây? Chắc là tôi thôi! Nếu tôi cứ mạo hiểm chấp hành mệnh lệnh đánh vào khu trung tâm Bản Na, tức là đánh vào chỗ cứng nhất, mạnh nhất của tập đoàn cụm cứ điểm này, trong khi lực lượng của trung đoàn đã bị điều đi mất hai phần ba. Tôi nói thực với anh tôi không thể đánh cách nào khác. Đề nghị cấp trên cho chúng tôi đánh theo phương án trung đoàn đã triển khai.

Anh Hòa kiên nhẫn nghe tôi nói đến đây khẽ thở dài, thủng thẳng đáp:

- Anh đã quyết như thế, tôi chẳng còn gì để nói với anh được. Tôi chịu anh thôi.

Nói xong, anh ngồi thừ ra khiến tôi lại thấy thương nên phải nói thêm để anh hiểu:

- Tôi nói là có lý do của tôi, không phải tôi nói bừa. Anh xem, ban đầu kế hoạch tác chiến là lực lượng toàn trung đoàn tấn công thì lẽ tất nhiên có bộ phận chủ yếu tấn công cả khu vực trung tâm Bản Na. Bây giờ trên điều mất của chúng tôi hai tiểu đoàn thì kế hoạch phải thay đổi cho phù hợp. Hơn nữa sắp đến giờ nổ súng, bộ đội đã vào các vị trí, làm sao có thể điều chỉnh được nữa. Nói bàn là bàn cho vui thôi chứ sao ra lẽ được. Tôi đã sẵn sàng rồi, anh yên tâm. Dù trận này có thắng tôi cũng chẳng ra sao. Điều khiến tôi phải nghĩ nhiều đó là máu xương chiến sĩ. Mà giả thử trung đoàn gặp khó khăn chắc là tôi sẽ mất chức hoặc đi tòa án binh hoặc về nhà làm ruộng, nuôi gà, đánh cá. Nếu ông còn nhớ tình bạn đến chơi, chắc rằng tôi sẽ có các thứ cây nhà lá vườn đãi ông thôi.

Nửa tiếng sau trở lại cuộc họp, tiếp tục bàn, không khí xem chừng có dịu lắng đi một chút song tôi nghĩ chỉ là bề ngoài.

Tôi tiếp tục báo cáo hội nghị: Thưa các anh, ban nãy nghe lệnh, thấy thời gian gấp mà bí quá, tôi không biết làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ nên chưa thật bình tĩnh. Bây giờ chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thì nổ súng, bộ đội đã vào vị trí cả rồi, tôi xin lỗi và đề nghị thủ trưởng Nam Hà và các anh trên cơ quan Mặt trận cứ báo cáo lên trên, chúng tôi chịu trách nhiệm, và bảo đảm sẽ đánh thắng, sẽ chiếm lại Bản Na. Tôi đề nghị các anh đến sở chỉ huy chính của chúng tôi. Tôi, anh Nam Hà ở chung. Cơ quan trung đoàn ở một bên, cơ quan mặt trận ở một bên.

Anh Nam Hà xem bản đồ, tỏ vẻ điềm tĩnh nói:

- Thôi, thời gian gấp thì phải thế vậy.

Hôm đó, ăn cơm xong, tôi đi kiểm tra sở chỉ huy trung đoàn, đến ban tác chiến thấy các anh phái viên tham mưu của mặt trận và bộ phận thông tin vẫn chưa về vị trí của mình, tôi nói ngay:

- Các anh về bên kia suối đi, về vị trí của mặt trận. Tôi và anh Nam Hà đã thống nhất như thế.

Tôi nhắc tham mưu trưởng, trưởng ban tác chiến phải chấn chỉnh lại sở chỉ huy và giúp bên cơ quan mặt trận tổ chức vị trí chỉ huy, cho người đào công sự đồng thời cho các đồng chí ấy mượn một số cuốc xẻng. Nhắc xong, tôi sang bên chính trị, hậu cần kiểm tra tình hình mọi mặt, rất mừng, khi nghe tin dân công huyện Yên Thành - Nghệ An đã chuyển đủ đạn, gạo đến trận địa có nhiều tấm gương dũng cảm.


Một lúc sau trở về sở chỉ huy lại thấy các phái viên của mặt trận vẫn còn ở đó cười nói ồn ã, tôi chợt nghe tiếng ai đó nói "Ăn cơm rau muống không bằng tình huống ông Chuông", rồi cười khúc khích.

Khi về sở chỉ huy gặp anh Nam Hà, anh hỏi ngay:

- Đơn vị vào chiếm lĩnh đến đâu rồi?

- Báo cáo, tất cả các hướng, bộ đội đã vào vị trí an toàn.

Anh Nam Hà không nói gì. Lúc này đã hai mươi giờ, trăng đang lên tỏa sáng lấp lánh qua các vòm lá rừng. Tôi mừng thầm. Thế là bộ đội có thể chuẩn bị chiến đấu được thuận lợi hơn.

Pháo địch vẫn inh oàng cầm canh. Máy bay vẫn thả bom tọa độ khi xa khi gần. Đèn dù pháo sáng, dường như không có lúc nào thiếu vắng trên trời dập dờn bay theo chiều gió, nhạt nhòa trong ánh trăng.

Chuông điện thoại reo lên. Anh em báo cáo đã vây gọn khu 2; đài quan sát báo cáo tình hình địch không có gì thay đổi, các đơn vị đã vào vị trí, chờ lệnh nổ súng. Như vậy là quân ta đã đến rất gần mà địch vẫn chưa biết.

Chỉ còn mười phút nữa thì đến giờ nổ súng. Nghe báo cáo, tôi rất mừng mà vẫn không khỏi hồi hộp. Tình huống của trận đánh này là một thử thách vô cùng quyết liệt đối với tôi, nó buộc tôi phải thận trọng hơn bất cứ lần chỉ huy trận đánh nào trước đây. Nghĩa là tôi phải bảo đảm chỉ có thắng, không thể thua. Trách nhiệm và danh dự ngầm bảo tôi như vậy.

Mười phút qua nhanh. Anh Nam Hà nhắc tôi:

- Đến giờ rồi, ra lệnh nổ súng đi.

Trận đánh đã diễn ra không kém phần ác liệt. Tiếng pháo nổ to nhỏ, rồi tiếng trung liên, đại liên nổ rung chuyển cả núi rừng, đạn lửa đan chéo ngang trời, chớp lửa nhoàng nhoàng xé toang màn đêm sáng cả một vùng rừng.

Các đài quan sát báo cáo pháo ta bắn áp chế khu trung tâm trúng chỉ huy sở và trận địa pháo địch. Bộ đội đánh khu hai đã đến sát hàng rào, đang đào công sự. Pháo ĐKZ và cối bắn rất trúng đã đánh sập ba ụ súng, dập tắt hỏa điểm lợi hại trên hướng đánh vào điểm ba của khu hai. Địch phản ứng yếu ớt.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #15 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2022, 01:31:41 pm »

Nghe báo cáo tình hình, tôi rất mừng. Anh Nam Hà cũng tỏ thái độ hòa vui cùng chúng tôi. Anh nói:

- Bộ đội đánh thế là được đấy.

Đúng lúc đó có điện của mặt trận gọi anh Nam Hà về. Tôi bịn rịn tiễn chào anh. Đến lúc này hình như chúng tôi đã thông cảm với nhau hơn. Anh bắt tay tôi, vẻ xúc động, nói:

- Cậu chỉ huy, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

- Vâng! Anh đi đường thận trọng.

Nghe tiếng bom nổ mạnh và liên tục từ dốc Quế về phía bộ chỉ huy mặt trận, tôi cũng thấy lo lo. Anh Nam Hà động viên tôi:

- Cậu yên tâm.

Trận đánh tiếp tục diễn biến hết đêm hôm đó cho đến buổi sáng hôm sau, quân ta đã phá thêm hai hàng rào, sáu lô cốt, làm sập nhiều đoạn hào ở điểm 3, phá được ba ụ súng, một hàng rào ở điểm 5; điểm 9 phá được một hàng rào, ba ụ súng; điểm 11 chưa thấy báo cáo kết quả. Khu một trung tâm chỉ huy sở của địch bị trúng đạn pháo nặng nề, cụm kho bị cháy, trận địa pháo bị nặng nên địch bắn ra rất thưa thớt, không thấy chúng đi lại nhiều như hôm trước. Địch ở khu ba nằm im...


Tham mưu nhận định: bộ đội ta đánh tốt, cứ đà này, có thể chuẩn bị ngay cho Đại đội 1 và Đại đội 19 đặc công tối nay tập trung đánh dứt điểm điểm 3. Tôi nhất trí với nhận định trên và ra lệnh cho tham mưu chỉ đạo ngay những công việc cần làm, nhất là tổ chức kiểm tra các đội đột kích về cách xung phong đánh địch trong chiến hào, hầm ngầm. Chờ trăng lên mới tấn công là hai mươi mốt giờ thì nổ súng. Kế hoạch là pháo bắn chế áp ba phút, bộ đội chuẩn bị xung phong, bắn cấp tập ba phút nữa là chuyển làn sang điểm 5, điểm 9 thì bộ đội phải xung phong đánh điểm 3 ngay, không được trù trừ, phải cướp lấy thời gian lên chiếm chiến hào trước địch để áp sát tấn công diệt hỏa điểm hầm ngầm. Lúc này súng 12,7 ly bắn đạn lửa lên trời, bộ đội cần biết rõ để từng bộ phận yên tâm làm nhiệm vụ của mình. Mặt khác phải chỉ đạo bộ phận làm nhiệm vụ vây lấn phải vây chặt lấn sát hơn nữa không cho trực thăng hạ cánh đổ quân xuống hoặc bốc quân lên. Bám thật gần để đánh địch thì không lo máy bay của chúng bắn vào trận địa của mình.


Đang hào hứng với kế hoạch tấn công dứt điểm vị trí địch trong đêm nay thì có tin thủ trưởng Lê Linh thường vụ Đảng ủy, phó chính ủy mặt trận cùng một số phái viên và cán bộ kiểm sát xuống trung đoàn làm việc. Sau cuộc đón tiếp nửa vui nửa ngỡ ngàng, anh Linh bảo tôi:

- Anh cứ chỉ huy. Tôi làm việc với anh Quân, anh Lạc.

Tôi thầm nghĩ chắc là việc của mình đây. Chẳng có gì mà sợ, nhưng phải cố gắng làm tôi mới không bị phân tán tư tưởng để tập trung suy nghĩ vào việc chỉ huy trận đánh Bản Na này mà tôi hiểu, nó phải chứng minh được với cấp trên là tôi đúng.


Làm việc với anh Quân, anh Lạc xong, anh Linh nghe tôi báo cáo về tình hình chiến đấu của bộ đội, đến hai giờ chiều, anh về trên mặt trận và không hỏi han gì thêm. Trong sở chỉ huy trung đoàn lại xôn xao lên nhiều chuyện chung quanh số phận của tôi. Tôi hỏi anh Quân, anh Lạc và tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng đang ngồi ban bạc gì đó để biết xem anh Linh chỉ thị những gì cho trung đoàn. Anh Quân chậm rãi nói:

- Thì vẫn chỉ là vấn đề công tác chính trị tư tưởng và tổ chức.

- Nhưng anh ấy bàn cụ thể là việc gì? - Tồi hỏi anh Quân - Sao tôi nghe thấy anh đề nghị với anh Linh cứ để tôi chỉ huy xong trận này đã. Như thế nghĩa là thế nào?

- Có chuyện đó, nhưng chẳng sao anh ạ.

Chủ nhiệm chính trị Lạc tiếp lời:

- Có chuyện về thủ trưởng, cũng hơi găng đấy. Chúng tôi bàn nhiều mặt sẽ báo cáo thủ trưởng sau. Mà đâu chỉ có việc thủ trưởng.

- Thì tôi cũng hỏi các anh để hiểu thêm. Chờ làm anh cán bộ quân sự phải chịu những thử thách như thế. Tôi ở Trung đoàn 165 từ trước khi thành lập sư đoàn và ở Sư đoàn 312 từ ngày thành lập đến nay. Tôi nhận thấy các lớp đội ngũ cán bộ trưởng thành trong sư đoàn, đã đánh nhiều trận, đánh giỏi nữa là khác, hầu như ai cũng phải trải qua một hai lần đau xót đắng cay vì thua trận. Chỉ có điều qua những lần thua đó lại giúp nhau rút kinh nghiệm đúc kết thành bài học bồi dưỡng cho nhau, kết quả là trưởng thành và đoàn kết hơn. Tất cả như quy luật để có sư đoàn 312 vững mạnh như ngày nay. Ngay thủ trưởng Lê Trọng Tấn, Sư đoàn trưởng 312 đầu tiên tài giỏi là thế mà trận đầu tiên tập trung cả sư đoàn đánh Nghĩa Lộ năm 1951 cũng có thể gọi là thua đấy. Song chính anh đã nhận ra bài học quý báu cho những trận sau, trận nào cũng thắng...

Tôi nói như muốn tâm sự với mọi người về tất cả những gì đang nghĩ và đã làm, cuối cùng tôi không quên nhẳc lại một cách rành mạch rằng khi trung đoàn không đánh theo phương án của mặt trận thì không phải là chúng tôi coi thường và cũng không nên nghĩ rằng như thế là chống lệnh.

- Không - Tôi nói tiếp. Chúng ta không chống lệnh. Đây chính là chúng ta dám chịu trách nhiệm trước cấp trên khắc phục mọi tình huống bảo đảm đánh thắng trận này. Đáng tiếc là trên chưa hiểu đầy đủ cái yếu và cái mạnh của chúng ta, chứ còn việc bàn bạc chọn phương án tối ưu nào trong chiến tranh để đảm bảo đánh nhất định thắng là chuyện bình thường vẫn diễn ra. Với trận Bản Na này, bây giờ không còn là lúc bàn cãi về phương án này hay phương án kia mà các đồng chí hãy yên tâm đi, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và tôi tin rằng cán bộ chiến sĩ trung đoàn ta sẽ có đáp số trả lời đó là nhất định chiến thắng...


Trận đánh mỗi lúc thêm quyết liệt. Đến ba giờ chiều, quân địch phản ứng mạnh lên. Pháo đấu pháo. Súng bộ binh chọi súng bộ binh. Súng 12,7 ly ngăn chặn bọn máy bay thả dù hàng. Địch cho máy bay B52 rải bom xung quanh Bản Na. Đạn bay, bom nổ, đất trời Bản Na mù mịt khói lửa ngỡ như khó có thể còn sự sống ở đây.


Chúng tôi thay nhau quan sát, vừa lo cho chiến sĩ ở phía trước, vừa nghĩ về trận tấn công dứt điểm đêm nay. Sau mỗi đợt địch dội bom, chúng tôi lại gọi điện thoại lên phía trước để nắm tình hình. Nghe anh em báo cáo vẫn an toàn, lòng mừng khôn xiết. Đến 17 giờ, cơ quan tác chiến tổng hợp báo cáo tình hình, chúng tôi nghe ai cũng vui khi biết tin các đơn vị đều vẫn an toàn mà ở cao điểm 3 ta đã phá thêm 4 ụ súng và các hàng rào đã mở xong, địch không dám lên chiến hào, bọn thả dù đều thả vào trận địa ta, có dù toàn gà đã mổ sẵn, có dù bánh mỳ, có dù bắp cải, hành tây. Chỉ có hai dù lọt vào bên trong hàng rào nhưng không có tên địch nào dám ra gỡ. Tôi nói với anh em tác chiến:

- Đánh thế là tốt. Cho tôi gặp tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 với hai cán bộ đại đội trưởng đại đội 1 và đại đội 19 đặc công.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #16 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2022, 01:32:55 pm »

Nghe anh em báo cáo đã đưa các mũi trưởng lên quan sát mở cửa, giao nhiệm vụ và chỉ thị mục tiêu rồi, tôi mừng lắm liền hỏi:

- Thế đêm nay bảo đảm đánh tốt chứ?

- Bảo đảm đêm nay dứt điểm ạ!

- Còn băn khoăn gì và có đề nghị gì nữa không?

- Chúng tôi rất yên tâm, bảo đảm chắc thắng ạ.

- Bây giờ lấy lại đồng hồ cho thống nhất đi nhé. Cuối cùng tôi nhắc lại:

- Nhớ nhé: Trăng lên. Đúng 21 giờ nổ súng. Nhưng 20 giờ bộ đội phải có mặt ở vị trí tấn công xung phong.

- Báo cáo, tất cả chúng tôi nghe rõ.

- Bây giờ thời gian còn, cần kiểm tra nhiệm vụ chiến sĩ. Còn chuyện các dù tiếp tế của địch, ta lấy được, cứ cho anh em sử dụng.

Nói chuyện với các cán bộ ở phía trước xong, tôi thấy rất yên tâm, bèn bàn bạc thêm với tác chiến nhắc đài quan sát chú ý bám sát tình hình, nhắc đơn vị pháo binh về kế hoạch hợp đồng...

Không khí sở chỉ huy nhộn nhịp hẳn lên. Trời tối dần, sương buông nhè nhẹ. Bản Na mờ đần trong sương, thỉnh thoảng lóe lên ánh lửa và tia chớp từ quả đạn nào đó địch bắn ra từ trong đồn.

19 giờ, các hướng bộ đội đã xuất kích. 20 giờ tác chiến nhận báo cáo các đài quan sát gần xa, các đơn vị pháo binh, hai đại đội 1 bộ binh và đại đội 19 đặc công đã sẵn sàng chờ lệnh tấn công dứt điểm.

Tôi vô cùng hồi hộp nghĩ về công tác chuẩn bị và ý thức chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của các cán bộ trong trung đoàn, càng thấy phấn khởi và tin yêu anh em nhiều hơn. Chỉ còn ba phút nữa là đến giờ tôi sẽ ra lệnh cho anh em xông lên đánh địch, nghĩa là xông lên lao vào nơi đầy khó khăn hiểm nguy để chứng minh lòng trung thành vô hạn với Đảng với quân đội, thực hiện tình bạn chiến đấu cao cả đối với quân đội cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào. Tôi cũng không thể giấu được lòng mình rằng, chỉ ba phút nữa, trận đánh diễn ra, tất cả sẽ giải tỏa cho mọi nỗi hiềm nghi và khẳng định cái đúng cái sai mà tôi sẽ là người phải gánh chịu hoặc thế này, hoặc thế khác. Tôi tin tưởng vào sự tính toán của mình và khả năng của đơn vị song cũng hồi hộp, hồi hộp hơn bất cứ trận đánh nào trước đó trong đời người chỉ huy của tôi...


Đang suy nghĩ thì tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng đến nhắc, đã tới giờ nổ súng. Tôi nhìn đồng hồ rồi lập tức ra lệnh.

Tiếng các cán bộ tác chiến, thông tin tiếp lệnh truyền đi sôi động, chỉ sau chớp mắt đã nghe tiếng nổ của các loại pháo cối dội lên rung chuyển khắp núi rừng. Tôi theo dõi hết ba phút pháo cấp tập xuống điểm 3 liền ra lệnh cho chuyển làn sang điểm 5, điểm 9, súng 12,7 ly bắn đạn lửa soi đường và uy hiếp địch cho bộ đội xung phong diệt điểm 3.


Đã sáu phút. Tôi không nghe thấy tiếng súng nổ trong điểm 3, cả súng địch và súng ta đều im ắng, mà hai đại đội 1 và đại đội 19 đặc công cũng chưa báo cáo về. Tôi thực sự hồi hộp và lo lắng. Điều gì đang xảy ra cho bộ đội ta khi xung phong diệt điểm 3. Lát sau đài quan sát báo cáo đã nghe tiếng Aka nổ trong điểm 3. Đến lúc này tôi cũng bắt đầu nghe được tiếng nổ ùng oàng trong đồn địch và từng loạt Aka. Tôi đoán rằng anh em đã chiếm được các chiến hào.


Mười phút sau, anh em mới báo cáo về là đã chiếm được đồn giặc song mới chỉ chiếm trên mặt đất, chưa diệt được hầm ngầm. Tôi nghe như trút được gánh nặng. Nhiều đồng chí reo lên. Sở chỉ huy rộn rã tiếng nói tiếng cười. Tôi để mặc cho anh em được thỏa thích bởi vì lòng tôi cũng đang vui không kém, cũng muốn reo lên như tất cả mọi người.


Sau một tiếng chiến đấu vẫn nghe báo cáo về là địch dưới hầm ngầm không chịu đầu hàng, gọi mãi mà không một tên nào lên hết. Tôi ra lệnh cho đơn vị dùng lựu đạn, thủ pháo và B41 đánh mạnh hơn nữa.

Thật ra có còn đứa nào sống sót trong hầm ngầm nữa đâu. Mấy tầng hầm ngầm, quân địch rút vào trong đó hy vọng sẽ được che chở. Ta đánh từng tên, tưởng xong té ra còn tầng dưới nữa. Quân địch quá tin vào cái vỏ xi măng cốt thép nàm ngầm dưới đất, nào ngờ nó lại trở thành cái quan tài khổng lồ vùi sâu cả một lô một lốc cái kiếp đánh thuê cho đế quốc Mỹ.


Tôi gọi điện khen hai đại đội 1 và đại đội 19 đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và ra lệnh rút về vị trí đã định, giao lại nhiệm vụ giữ chốt cho bộ phận vây lấn. Đội vận tải sẽ lên thu dọn chiến lợi phẩm. Kế hoạch tấn công dứt điểm điểm 5 và điểm 9 được chuẩn bị ngay. Hai đại đội 2 và 3 của tiểu đoàn 4 nhận lệnh sẵn sàng, sở chỉ huy được chuyển vào sát trung tâm Bản Na.


Hôm sau, quân địch phản ứng vô cùng quyết liệt bằng máy bay và pháo binh. Chúng tôi vẫn vây chặt điểm 5 và điểm 9. Đến đêm sau khi quân ta diệt xong điểm 5 và điểm 9, tôi nghe trinh sát báo cáo, địch ở điểm 11 tháo chạy. Tôi ra lệnh cho các đơn vị áp sát khu 1 trung tâm Bản Na và khu 2.


Đúng lúc này tôi được điện báo là tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 6 sẽ trở về đội hình chiến đấu của trung đoàn. Mừng quá, tôi lệnh ngay cho tiểu đoàn 5 về vị trí tập kết cũ chuẩn bị tấn công vào trung tâm Bản Na, tiểu đoàn 6 về đánh khu 3.


Suốt ngày hôm đó địch phản ứng rất điên cuồng, chúng dùng cả máy bay chiến lược B52 rải thảm. Thật ra, dùng máy bay chiến lược vào nhiệm vụ của chiến dịch là thất sách rồi và đó là sự lúng túng trong cách đối phó. Dẫu sao chúng cũng gây khó khăn cho việc điều chỉnh đội hình của trung đoàn. Té ra tất cả đều nằm trong kế hoạch tháo lui. Khi chúng cho trực thăng kéo đến trung tâm Bản Na, tôi ngỡ là chúng đổ quân ứng cứu sở chỉ huy, nào ngờ chúng bốc quân tháo chạy. Khi các tiểu đoàn quân phái hữu ở khu 1 chạy, tôi mới biết giặc rút khỏi Bản Na, liền ra lệnh cho các đơn vị truy kích. Nhưng đã chậm, chúng tôi chỉ diệt được một số, bắt sống 30 tên, 19 giờ quân ta hoàn toàn làm chủ tập đoàn cứ điểm Bản Na, thu được nhiều kho tàng vũ khí.


Đến lúc này, tôi mới thực sự yên tâm. Tôi giục tác chiến báo cáo ngay về mặt trận là trung đoàn đã giải phóng Bản Na.

Bất ngờ lại nhận được tin hướng chủ yếu, quân ta chưa giải phóng được Loong Ghẹng đang rút ra, tôi phải lập tức bố trí lực lượng chốt giữ Bản Na đề phòng địch phản kích chiếm lại.

Vậy là tình huống đã xoay chuyển đúng như sự nhìn nhận đánh giá của tôi. Trung đoàn được anh Nam Hà, Lê Linh, Lã Thái Hòa khen nhiều. Tôi cũng được các anh Mặt trận khen và không bị phê bình kỷ luật gì cả. Nhớ cái lúc anh Lê Linh cùng cán bộ kiểm sát xuống cũng chờn chợn...


Bản Na trước giờ nổ súng có chuyện như vậy cũng chẳng có gì là lạ. Điều quan trọng là sau chiến thắng Bản Na, chúng tôi đã thông cảm và thân thương nhau hơn, mỗi người tự tìm thấy cho mình một cách ứng xử đúng đắn nhằm đạt cái đích cuối cùng là chiến thắng quân thù.

N.C
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #17 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2022, 01:36:47 pm »

MỘT CUỘC ĐẤU TRANH Ở NHÀ LAO TAM HIỆP

NGUYỄN VĂN KHẢ


Câu chuyện này xảy ra khi phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chúng tôi đang công tác ở trong trại Đa-vít giữa thành phố Sài Gòn.

Lúc 22 giờ ngày 11-2-1973, Trần Vĩnh Đắt, đại tá trưởng tiểu ban trao trả của ngụy Sài Gòn gọi điện cho đồng chí Lê Trực, Trưởng tiểu ban trao trả của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, báo một tin đặc biệt. Trần Vĩnh Đắt nói: "Trên 900 tù binh bên phía quý vị không chịu đi trao trả nên ngày mai không thể trao trả số người đó như đã thỏa thuận của các trưởng phái đoàn trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên".


Đồng chí Lê Trực hỏi lý do tại sao mà số người này không chịu đi trao trả, hiện đang ở trại giam nào? Trần Vĩnh Đắt trả lời rằng: "Chúng tôi chỉ được giám đốc trại giam Tam Hiệp ở Biên Hòa báo cáo như vậy, chúng tôi không hiểu tại sao? Chỉ biết rằng họ đòi được gặp đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời".


Theo thỏa thuận của bốn trưởng phái đoàn trong ban liên hiệp quân sự bốn bên thì 8 giờ sáng ngày mai 12-2-1973, cuộc trao trả đầu tiên được tiến hành. Ta trao trả trên 100 tên tù binh Mỹ ở sân bay Gia Lâm. 27 tên Mỹ ở sân bay Lộc Ninh và họ phải trao trả 935 người của ta bị bắt tại sân bay Lộc Ninh và ở một địa điểm tại Quảng Trị.


Ban lãnh đạo đoàn chúng tôi liền triệu tập một cuộc họp. Mọi người tham gia thảo luận sôi nổi về sự kiện này. Cuối cùng, anh Trần Văn Trà kết luận hai khả năng: Một là địch phá hoại và hai là anh em ta không tin có việc trao trả nên đòi gặp cho được phái đoàn ta.


Chúng ta cử một đoàn sĩ quan đến thẳng trại giam Tam Hiệp trực tiếp xem xét tại chỗ để căn cứ vào thực tiễn mà xử lý. Yêu cầu số một là phải làm cho cuộc trao trả được tiến hành theo đúng tiến trình mà các trưởng đoàn đã thỏa thuận. Bất kỳ trường hợp nào cũng không được hoãn việc trao trả. Đồng thời với việc cử phái đoàn đến trại giam Tam Hiệp sáng mai, Trung tướng Trần Văn Trà trưởng đoàn quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trưởng ban liên hiệp quân sự 4 bên sẽ triệu tập Hội nghị các trưởng đoàn để giải quyết vấn đề này.


Đoàn đi Tam Hiệp, tôi được cử làm trưởng đoàn. Tôi tên chính là Nguyễn Văn Khả, nhưng hồi hoạt động trong Nam gọi là Vũ Bình, trung tá Vũ Bình. Bấy giờ tôi đang giữ chức phó trưởng tiểu ban trao trả của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cùng đi với tôi có đồng chí Nguyễn Văn Bổn làm phó đoàn. Bên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là anh Hoàng Thương và anh Lục. Cùng đi với chúng tôi còn có một số phóng viên, báo chí, quay phim, chụp ảnh và một vài cán bộ khỏe mạnh, chắc chắn, bình tĩnh, vững vàng để hỗ trợ đoàn. Chúng tôi báo cho phái đoàn Mỹ và phái đoàn ngụy cử người đi theo và đến đón đoàn vào 6 giờ sáng cùng lên Biên Hòa. Chúng tôi mang theo một ít thuốc lá Thăng Long, Điện Biên và một ít gói chè miền Bắc để có dịp thuận lợi thì tặng anh em ta ở trại giam.


Chỉ còn hai giờ nữa là ô tô của đoàn Mỹ - ngụy đón chúng tôi lên Biên Hòa. Với cương vị là trưởng đoàn, tôi nằm nghĩ miên man về cuộc xử trí ngày mai. Tôi thấy vẫn chưa có một cái gì là cái bảo bối chắc chắn nhất cho mình, tức là một "cái gậy" gì đây, một nội dung gì mà tù đày mình có thể đối phó được với sự xảo quyệt của kẻ thù. Tôi suy nghĩ đến việc có nên báo cáo với ngoài Trung ương, đề nghị hoãn trao trả trên 100 tên Mỹ ở ngoài Bắc và 27 tên Mỹ ở Lộc Ninh để bắt chúng phải trả người của ta thì ta mới trả Mỹ hay không?...


Xem đồng hồ đã 4 giờ rưỡi sáng, tôi mạnh dạn lên phòng anh Trà. Anh cũng chưa ngủ và anh Lê Quang Hòa cũng đang có mặt. Tôi liền báo cáo ý kiến của mình. Các anh cho gọi thêm mấy anh có liên quan đến để bàn. Sự phân tích của các anh rất nhiều điều sâu sắc. Cuối cùng, anh Trà kết luận là chúng ta đã báo cáo ra Trung ương cách đây trên một giờ. Bây giờ điện ra báo cáo là việc trao trả ở Hà Nội như thế nào do Trung ương quyết định, nhưng riêng 27 tù binh Mỹ được trả ở Lộc Ninh vào 9 giờ sáng nay xin được hoãn lại. Ta báo cho Mỹ biết là chúng ta tạm hoãn đến khi nào có chuyến máy bay đầu tiên chở người bị bắt của ta hạ cánh xuống sân bay Lộc Ninh, lúc ấy mới bắt đầu làm thủ tục trao trả 27 quân nhân Mỹ bị bắt...


Vì lý do gì không rõ, bọn sĩ quan của Mỹ - ngụy hơn 9 giờ mới đến đón đoàn chúng tôi lên Tam Hiệp. Đinh Công Chất, thiếu tá sĩ quan an ninh quân đội ngụy và một trung tá Mỹ dẫn chúng tôi đi. Ngồi trên ô tô, mắt nhìn ra ngoài, nhưng hầu như tôi chẳng chú ý gì đến quang canh, vì trong đầu óc tôi đang suy nghĩ, xếp sắp những nội dung phương pháp xử trí khi đến nhà lao Tam Hiệp. "Chúng ta sắp đến trại giam Tam Hiệp rồi" - thiếu tá Chất nói với tôi như vậy!


Nhìn ra ngoài thấy rất nhiều quân cảnh ngụy, súng lăm lăm trong tay, cứ mười lăm đến hai mươi mét có một tên, tên nào ngó bộ cũng hung dữ. Tôi hỏi thiếu tá Chất: "Họ làm cái gì đấy?" Thiếu tá Chất trả lời là hình như họ bảo vệ cho cuộc trao trả hôm nay đấy! Tôi mỉm cười thốt lên: Họ bảo vệ ai đấy nhỉ?


Vào đến cổng trại giam, có khoảng một đại đội quân cảnh cùng với súng trong tay hình như họ đang phải đề phòng một chuyện gì nguy hiểm lắm?

Xuống xe, Đinh Công Chất dẫn tôi vào một hội trường lớn. Có mấy sĩ quan ngụy ra đón. Đinh Công Chất giới thiệu chúng tôi với một trung tá ngụy, ngực gắn chữ Phong và nói đấy là giám đốc trại giam Biên Hòa.

Tên Phong nói một câu bâng quơ là các ông đến xem số người của các ông không chịu đi trao trả. Tôi trả lời gì với câu nói đó? Qua cách nói của tên Phong, tôi đánh giá đây là loại người không có văn hóa!

Tôi hỏi một câu: Ở đây ai là người có trách nhiệm nói chuyện với phái đoàn của chúng tôi? Người đó phải nói với chúng tôi cho đúng đắn, rõ ràng và chính xác. Nhìn tên Phong, thấy sắc mặt có biến đổi. Tôi nói tiếp: Hôm nay là ngày các bên tiến hành trao trả người bị bắt chuyến đầu tiên. Nếu ở đây mà trở ngại việc trao trả người của chúng tôi thì ảnh hưởng đến toàn bộ việc trao trả ngày hôm nay. Chúng tôi đến đây để gặp tất cả những người bị bắt của chúng tôi để hiểu rõ tại sao anh em chúng tôi theo như các ông báo cáo là không chịu đi trao trả, không chịu về với Chính phủ cách mạng lâm thời.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2022, 01:37:54 pm »

Đinh Công Chất nói với Phong là sẵn sàng trả lời những câu hỏi của trung tá Vũ Bình để giải quyết sự việc nhanh chóng. Tên sĩ quan Mỹ đến thì thầm với Phong.

Tôi hỏi: Tất cả số anh em của chúng tôi bị giam giữ ở nhà lao này đã được phổ biến nghị định trao trả chưa? Và đã phổ biến cho 935 anh em được trao trả ngày hôm nay như thế nào?

Tên Phong lúng túng trả lời rằng: Tối hôm qua chúng tôi đã cho cán bộ tâm lý chiến xuống phổ biến về trao trả cho anh em rồi nhưng họ nhất định không đi! Họ đòi gặp các ông, tôi cũng không biết họ đòi gặp các ông để làm gì?

Thế là dấu hiệu đầu tiên đã hé ra. Tôi nắm tay và đánh một cú phủ đầu. Tôi nói to để cho tất cả số sĩ quan ngụy đang ngồi ở đó củng nghe được.

- Hôm qua, tức ngày 11-2-1973, các ông mới nói đến vấn đề trao trả với anh em chúng tôi ở nhà lao này. Các ông biết không: Điều 13 của nghị định thư về việc trao trả nêu rõ rằng: "Trong vòng 5 ngày sau khi ký nghị định này, các bên sẽ công bố và thông báo toàn văn nghị định thư đến tất cả những người bị bắt nói trong nghị định thư này mà bên mình đang giam giữ. Ngày 27-1-1973, nghị định thư đã được ký, nay là nghị định thư trao trả. Đây là một sự vi phạm hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Tôi, thay mặt phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng với phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nghiêm khắc lên án và cảnh cáo, Ban giám đốc trại giam Tam Hiệp - Biên Hòa đã vi phạm điều 13 của nghị định thư trao trả".

Bọn sĩ quan ngụy ở xung quanh đó im phăng phác. Chúng chăm chăm nhìn vào tôi. Tên Phong không nói lại một câu nào nữa.

Tôi nêu tiếp, chúng tôi yêu cầu được gặp tất cả 935 anh em của chúng tôi mà các ông trao trả trong đợt này. Chúng tôi cần gặp tất cả và ở ngay tại đây. Chúng tôi sẽ phổ biến cho anh em biết nghị định thư trao trả và nói rõ về đợt trao trả này. Chỉ có làm như thế thì anh em chúng tôi mới thông suốt và lúc đó họ mới nhận đi trao trả. Bọn sĩ quan ngụy nhìn nhau, chúng nhìn tên thiếu tá Mỹ và tên thiếu tá Đinh Công Chất. Hình như chúng sửng sốt trước vấn đề chúng ta đưa ra, nhất là việc ta yêu cầu gặp 935 anh em ở tại đây.


Tên trung tá Phong, giám đốc nhà lao Tam Hiệp hạ giọng với thái độ khẩn cầu nói: Xin trung tá và các vị cho phép chúng tôi được đưa những anh em đại diện của từng khu vực đến gặp các vị. Phong nói thêm là tất cả anh em lên đây sẽ không bảo đảm được an toàn. Anh Tư Bốn nói: Không bảo đảm an toàn cho ai? - Và tại sao lại không bảo đảm an toàn?


Tên Phong tỏ vẻ nhăn nhó nói là: Anh em bên quý vị dữ lắm, nếu 900 người đến đây thì không an toàn cho chúng tôi. Anh Tư Bốn lại nói: Các ông ở đây có biết bao quân cảnh với súng ống thế kia mà sợ anh em của chúng tôi à!


Tên giám đốc trại giam năn nỉ rằng: Anh em bên phía quý vị họ căm thù chúng tôi lắm, số quân cảnh ở đây vẫn không bảo đảm, họ có thể nhảy vào cướp súng mà bắn chúng tôi. Xin các vị thông cảm cho chúng tôi.

Trao đổi với anh Tư Bốn, anh Hoàng Thương và anh Lục xong, tôi hỏi: "Nhưng người mà các ông gọi là đại diện của từng khu vực là người các ông cử ra hay là do anh em chúng tôi cử ra". Tên Phong trả lời ngay: Thưa, đúng là người của anh em cử ra chứ không phải chúng tôi cử.

- Chưa thể tin các ông được - Tôi nêu ra hai vấn đề sau đây: Nếu tôi phát hiện một vấn đề nào dù là nhỏ nhất không phải là người của anh em chúng tôi cứ ra thì tôi sẽ hủy bỏ cuộc gặp, lúc đó các ông phải để chúng tôi gặp tất cả 935 người. Nếu không gặp được 935 người, tức là không có việc trao trả hôm nay. Và như vậy, cũng sẽ không có việc trao trả 27 quân nhân Mỹ ở Lộc Ninh hôm nay.

Nhìn sang phía sĩ quan Mỹ và sĩ quan ngụy trong đoàn trao trả, tôi hỏi: "Các ông có đồng ý với ý kiến của chúng tôi không?" Họ không dám trả lời và nhìn vào Phong, Giám đốc trại giam. Phong nói rằng: Nếu những người đại diện không đúng là những người do anh em cử ra, chúng tôi sẽ thực hiện theo ý kiến của các vị...


Chúng tôi chờ anh em ta tới... Nhìn từ xa xa, thấy anh em ta thân hình gày còm, đi chậm chạp, có người đi khập khiễng. Chúng tôi quan sát rất kỹ anh em ta để tìm ra một điều gì là người của ta hay của địch. Khi anh em gần tới, anh Tư Bốn, anh Hoàng Thương và các đồng chí khác ra đón, không thấy ai mỉm cười, có đồng chí đưa tay ra nhưng anh em không bắt tay. Qua ánh mắt và nét mặt đã toát lên là những con người kiên cường mãnh liệt.


Tôi rất xúc động, suy nghĩ ngay đây là người của ta, đồng thời cũng là anh em còn ấp ủ một điều gì đó đang chờ cơ hội để bộc lộ. Cũng có thể là chưa tin hẳn chúng tôi là phái đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam dân chủ cộng hòa.


Sau khi giới thiệu vài nét tóm tắt về đoàn của chúng tôi, tôi đi thẳng vào một câu hỏi đã được tính toán kỹ. Tôi nói: Tôi hỏi các đồng chí chỉ một câu thôi, nếu có, các đồng chí nói là có, nếu không, nói là không, không cần nói thêm một ý nào nữa. Mười hai anh em nhìn thẳng vào tôi, tôi hỏi: "Các đồng chí đã được phổ biến nghị định thư trao trả chưa?" Vừa dứt lời tất cả 12 đồng chí đồng thanh nói: không có! Một đồng chí giơ tay lên và xin có ý kiến. Khẳng định là người của ta rồi, tôi mời đồng chí đó nói. Đồng chí nói rằng: Khoảng vài tuần nay, chúng tôi có nghe một sĩ quan ở trại giam này nói chuyện với nhau về nghị định Pa-ri gì đó. Hoàn toàn không có ai phổ biến về trao trả, về hiệp định. Chúng tôi yêu cầu phái đoàn phổ biến cho chúng tôi biết về hiệp định Pa-ri.


Thế là rõ, đây chính là các đồng chí của ta, những đồng chí kiên cường, bất khuất.

Tôi nói ngay hai điều với 12 đồng chí:

 - Điều thứ nhất là hôm qua Ban giám đốc trại giam này báo cáo lên với các phái đoàn liên hiệp quân sự rằng anh em không chịu đi trao trả, không chịu về với cách mạng. Trung tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Lê Quang Hòa, và các sĩ quan hai phái đoàn chúng tôi không tin điều đó. Nay xuống đây, chúng tôi hỏi giám đốc trại giam thì được trả lời là tối hôm qua mới cho cán bộ tâm lý chiến xuống nói về trao trả. Như vậy ban giám đốc trại giam này đã vi phạm Hiệp định Pa-ri. Từ khi ký nghị định thư đến nay là đã qua 16 ngày mà họ không phổ biến nghị định thư trao trả đến các đồng chí. Tôi thay mặt hai phái đoàn của ta trong ban liên hiệp quân sự bốn bên lên án và cảnh cáo ban giám đốc nhà lao này về việc vi phạm đó.

- Điều thứ hai, là tôi rất xúc động và thông cảm với các đồng chí. Chính là các đồng chí không tin về cuộc trao trả này nên mới đòi được gặp phái đoàn của ta. Không tin vào việc trao trả, không phải lỗi của các đồng chí mà đây là một sự cảnh giác cần thiết. Chính la do kẻ thù của chúng ta đã từng lừa dối các đồng chí. Có trường hợp họ nói cho người này người kia chuyển trại nhưng là đem đi thủ tiêu. Các đồng chí đã rất vững vàng và tỉnh táo. Chúng tôi hoan nghênh các đồng chí. Nói đến đây tôi thấy nét mặt của anh em phấn khởi hẳn lên. Các đồng chí trong hai đoàn của chúng tôi cũng rất vui. Thuốc lá Thăng Long, Điện Biên và chè Ba Đình được anh Hoàng Thương, anh Tư Bốp đưa tặng các đồng chí. Đây là món quà của miền Bắc của cả nước tặng các đồng chí. Các phóng viên quay phim, chụp ảnh, báo chí hoạt động chụp, quay ghi hình liên tục...
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #19 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2022, 01:38:42 pm »

Đến đây tôi thấy phải bắt đầu làm một việc quan trọng đó là phổ biến nghị định thư trao trả cho mười hai đồng chí. Tôi ngoảnh lại nói với các sĩ quan Mỹ ngụy rằng: Các ông không phổ biến nghị định thư cho anh em của chúng tôi, nên tôi phải phổ biến tại đây. Nếu những người này thông suốt mang theo những nghị định thư về báo lại với anh em ở trại thì mọi người mới đi trao trả.


Tên giám đốc trại giam không muốn tôi phổ biến tại đây trước mấy. chục sĩ quan ngụy và hàng trăm lính quân cảnh. Chúng chỉ muốn anh em về nói lại như tôi đã nói là đủ. Nhưng không dừng lại ở đây được, tôi nghĩ bụng, ta phải tấn công tiếp. Tôi cầm quyển nghị định thư và dõng dạc đọc, dừng lại từng chỗ cần thiết nói rõ thêm. Bọn sĩ quan Mỹ ngụy rất sốt ruột nhưng chúng phải ngồi im để nghe. Hàng trăm lính quân cảnh lúc này ngồi cả xuống, lắng nghe gần như không nhúc nhích.


Trong nghị định thư tôi nhấn mạnh phải trao trả hết những người bị bắt, không được từ chối, không được trì hoãn với bất cứ lý do gì đặc biệt, làm nổi bật về những người bị bắt phải được đối xử nhân đạo. Họ được bảo vệ và chống lại mọi hoạt động bạo lực xúc phạm đến tính mệnh và thân thể, nhất là việc giết hại họ bằng mọi hình thức, việc làm cho họ bị tàn phế, việc tra tấn nhục hình và mọi hành động xúc phạm đến nhân cách phẩm giá con người. Họ phải được ăn, mặc, ở đầy đủ và được chăm sóc về y tế theo nhu cầu của tình hình sức khỏe.


Cả mười hai đồng chí nhìn tôi, nhìn mọi người trong hai phái đoàn ta với tình đồng chí rất thân thương. Dõi theo nội dung trình bày của tôi, các đồng chí phấn khởi khi thấy ta thắng lớn, địch thua to, và phải trao trả hết những người bị bắt. Nhưng khi tôi nói đến các bên phải đối xử nhân đạo với người bị bắt thì các đồng chí biểu hiện sự phẫn uất căm thù đối với kẻ địch.


Như dồn nén bấy lâu nay, tôi vừa dứt lời và phát nghị định thư trao trả cho anh em thì hàng chục cánh tay giơ lên và xin phát biểu ý kiến. Gần như đồng chí nào cũng phát biểu, các đồng chí vạch mặt kẻ thù, lên án kẻ thù một cách rất sâu sắc, với một thái độ rất căm phẫn, đồng thời đề nghị một số ý kiến, có thể nói là làm cho kẻ thù phải hoảng sợ, phải nhục nhã; có tên không dám ngẩng mặt lên.


Đại ý có những nội dung các đồng chí phát biểu như sau:

- Chúng tôi không đi trao trả hôm nay mà đòi gặp được phái đoàn của chúng tôi là vì chúng tôi không tin các ông. Các ông lừa dối chúng tôi nhiều lần lắm rồi nên hoàn toàn không tin được.

- Chúng tôi đồng ý đi trao trả, càng nhanh càng tốt, nhưng phải trả gọn từng trại, không được chọn nhặt lẻ tẻ; những người ốm nặng phải được trả trước.

- Từ trong trại ra đến xe ô tô, chúng tôi không cần các ông cáng hoặc dìu anh em chúng tôi. Việc đó chúng tôi tự làm. Ai còn hai chân giúp người một chân, ai còn hai tay giúp người một tay, ai còn cả hai chân hai tay thì khiêng cõng người ốm. Cả thời gian giam giữ, các ông hành hạ chúng tôi, bây giờ làm ra vẻ nhân đạo lắm!

- Những quần áo mới mà các ông phát, chúng tôi không thèm mặc, ăn mặc rách rưới, hôi hám, bẩn thỉu suốt cả quá trình chúng tôi bị giam; nay khoác áo mới cho chúng tôi để biểu thị là mình tốt... Thôi, hãy bỏ cái kiểu ấy đi.

- Chúng tôi yêu cầu những xe ô tô đưa chúng tôi ra sân bay không được cắm cờ "ba que" hoặc có sơn cờ "ba que".

Bọn sĩ quan ngụy ngồi tím mặt, một số tên nhìn trừng trừng vào anh em ta, nhưng một số tên mặt cúi gầm.

Tôi quay lại nói với bọn sĩ quan ngụy rằng: Các vị có ý kiến gì về những đề nghị của các đồng chí chúng tôi không?

Tên Phong nói xin chấp nhận những ý kiến đó. Những lá cờ cắm từ trước, nếu các ông không muốn thì chúng tôi cất đi.

Đinh Công Chất có ý kiến là: Nếu các vị không chấp nhận quần áo thì thôi, nhưng tôi đề nghị với trung tá Vũ Bình là bên phía trung tá cũng đừng phát quần áo mới cho người bị bắt của chúng tôi.

Tôi liền trả lời Đinh Công Chất rằng: Việc không nhận quần áo mới, không đi xe ô tô có cờ "ba sọc", không yêu cầu cáng hoặc dìu các người bị thương, bị ốm là do chính những người bị các ông giam giữ và đối xử với họ nên họ đề nghị như vậy. Còn số tù binh mà chúng tôi bắt giam giữ, tôi tin chắc rằng họ sẽ phấn khởi nhận những bộ quần áo của cách mạng để làm kỷ niệm. Tại sao ông Chất lại thay họ để đề đạt ý kiến đó?


Lại một đồng chí nữa đứng lêu dõng dạc nói to: Tôi xin được nói thẳng với các vị phụ trách trại giam này rằng: Các vị đừng có gài những tên phản động trà trộn trong số trao trả về vùng giải phóng của chúng tôi. Các vị cố tình gài thì chúng tôi sẽ xử trí ngay trước khi xuống đất vùng giải phóng của cách mạng.


Tên Phong đứng lên nói là chúng không dám làm điều đó.

Tôi thấy cuộc gặp gỡ đã đến lúc kết thúc được rồi. Lúc này là 14 giờ ngày 12-2-1973, nếu khẩn trương thì có thể trao trả được 1 đến 2 chuyến máy bay lên Lộc Ninh. Cả hai phái đoàn chúng tôi đứng xen lẫn với 12 anh em để chụp ảnh vả quay phim. Chúng tôi ôm nhau mà nước mắt cứ trào ra. Thương các đồng chí ta quá chừng, rất phục tinh thần chiến đấu của các đồng chí ta. Một đồng chí ghé tai tôi và nói: Chụp ảnh quay phim như thế này là bảo đảm lắm rồi, kẻ thù ức lắm nhưng không dám thủ tiêu chúng tôi đâu!


Tất cả mọi người trong hai phái đoàn của ta đều lên máy bay với trên 100 anh em trao trả chuyến đầu tiên để xuống sân bay Lộc Ninh. Ngồi trên máy bay C130, anh em hát vang những bài ca cách mạng.

N.V.K.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM