Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:49:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức chiến tranh  (Đọc 4133 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #60 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2022, 08:58:36 am »

VƯỢT SÔNG


HỮU HUÂN


Mặt trời chưa lặn, đoàn quân đã xuất phát, nhìn các đại đội từ các thôn xóm đi ra nối vào nhau thành đội hình tiểu đoàn hành quân trải dài theo ven đê sông Đáy quãng phía Nam Bồng Lạng để qua sông trên thôn Thanh Khê (Thanh Liêm - Hà Nam) tôi thấy lo lo vì địch ở phố Cà, cách gần 2 km đường chim bay có thể phát hiện.


Sau chiến dịch Biên Giới, đơn vị tôi được đi nhận vũ khí ở Lạng Sơn, trên 2 tháng hành quân và sống ở rừng núi đã làm cho thể lực của cán bộ, chiến sĩ giảm nhiều, mặc dù đã được nghỉ ngơi bồi dưỡng mấy tuần ở khu vực huyện Nho Quan (Ninh Bình), song đối với những người lính ở đồng bằng chưa biết rừng núi là gì thì ngần ấy thời gian đã đủ ngấm vi trùng sốt rét.


Nhìn đoàn quân mỗi người đều mang trên minh khối lượng súng đạn khá năng, nhiều cán bộ, chiến sĩ còn xanh gầy nhưng đều biểu lộ sự phấn chấn vì họ đều tin rằng có thêm nhiều súng đạn đem về sẽ chiến đấu có hiệu quả hơn trong việc bảo vệ nhân dân, giải phóng quê hương.


Cùng đi với chúng tôi có anh Nguyễn Khai liên khu ủy viên liên khu III, Chính ủy mặt trận đường 5 lúc ấy (mặt trận đường số 5 gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình) và một số cán bộ đi theo (Anh Nguyễn Khai sau này là Ủy viên Trung ương khóa 3, Phó Ban tổ chức Trung ương). Đi lên phía giữa đội hình, tôi gặp Chu Mạnh Phồn Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, Bí thư huyện ủy Bình Lục, người đã cùng tôi hoạt động từ trước ngày khởi nghĩa (tháng 8.1945) và đã cùng nhau sát cánh giành chính quyền huyện Duy Tiên (Hà Nam) lâu ngày mới gặp nhau chúng tôi rất hồ hởi.

- Được các ông ở địa phương cùng đi như thế này thì thuận cho đơn vị quá.

- Mình chỉ đi đến Bình Lục.

- Chúng mình không ở lại Bình Lục mà đêm nay phải vượt sông Hồng qua Thái Bình.

- Như vậy qua Bình Lục chúng ta chia tay, có gì cần giúp đỡ thì ông báo cho mình.

Không có thời gian trao đổi nhiều với đồng chí Phồn, tôi tạm biệt đi lên phía trên.

Trời nhá nhem tối. Đơn vị đầu tiên đã qua sông Đáy. Tôi Nguyễn Mạnh - tiểu đoàn trưởng và Hoàng Kim, chính trị viên Đại đội 54 trong thường vụ đảng ủy tiểu đoàn đã trao đổi và quyết định đại đội 54 do đồng chí Mạnh phụ trách cùng với bộ phận trinh sát và hỏa lực cần thiết tách khỏi đội hình tiểu đoàn, đi trước để nắm tình hình và bố trí việc vượt sông Hồng của tiểu đoàn, đại bộ phận còn lại do tôi chỉ huy đi sau.


Một lúc sau đó, đơn vị đã hình thành đội hình hành quân đi trong vùng địch tạm chiếm, nhìn đồng hồ là 20 giờ, tôi hỏi các đồng chí liên lạc người địa phương có nhiệm vụ dẫn đường:

- Đi khoảng mấy giờ thì sẽ đến bến vượt sông Hồng?

- Độ 6-7 tiếng, chúng ta sẽ cố gắng đến trước 5 giờ sáng thì mới kịp sang sông.

Đứng trên mô đất cao dưới ánh trăng thượng tuần, nhìn đoàn quân nối tiếp nhau qua các cánh đồng lúa chiêm đã nặng hạt như một con trăn khổng lồ đang trườn mạnh lên phía trước, thỉnh thoảng có tiếng nói chuyện nho nhỏ, tiếng cười rúc rích. Qua sườn dẫy núi Trà Châu tôi đi vượt lên phía trước tới đoạn vượt đường 21 nơi tiếp giáp giữa 2 huyện Thanh Liêm và Bình Lục (đường 21 từ Phủ Lý đi Nam Định) gặp tổ bám đường, nghe báo cáo tình hình có vẻ yên ắng, việc bố trí cho đơn vị qua đường thuận lợi, ban đêm địch không tuần tra đến khu vực này.


Đến địa phận Bình Lục thì đêm đã về khuya, trăng đã lặn, trời tối, tầm nhìn thu hẹp lại, pháo sáng của các đồn bốt địch quanh vùng bắn lên cùng với tiếng súng cầm canh các loại không ngớt. Trong hàng quân chỉ còn nghe tiếng lép bép ịch ịch thỉnh thoảng có tiếng uych... uych... oặp rồi tiếng hỏi nhau "ướt hết rồi phải không?". Tôi hiểu, đơn vị sau một thời gian nghỉ ngơi chưa hoàn toàn lại sức, đêm qua lại hành quân suốt đêm từ phía Nho Quan tới khu vực Bồng Lạng. Hôm nay, phải hành quân sớm, phải chuẩn bị nên không được nghỉ mấy, bây giờ nhiều anh em đã thấm mệt, vừa đi vừa ngủ. Tôi nhắc các đơn vị phải bám sát 285 vào nhau không để lạc đường, mặc dầu mỗi đơn vị dền bố trí liên lạc là người địa phương đi cùng nhưng nếu bị lạc lúc này thì sẽ vỡ kế hoạch của tiểu đoàn và sẽ là tai họa.


Đã đi được quá nửa đường chưa? Tôi hỏi các đồng chí giao liên. Được rồi, nhưng thủ trưởng nhìn kìa, tôi nhìn lên phía đông những đám mây to đang dồn lại, bầu trời đen nghịt, một trận mưa to đầu hè sắp bắt đầu.

- Mưa to có ảnh hưởng gì đến việc đến bãi vượt, sông kịp thời gian không?

- Có thể đảm bảo, ta có thể lợi dụng lúc mưa đi qua sát vào đồn Vĩnh Trụ, đường đi sẽ ngắn hơn.

- Sát bốt, cách khoảng bao nhiêu?

- Độ trên 300m, mưa tối có pháo sáng của địch cũng không trông rõ ta được.

- Cậu bảo đảm thế à?

- Mỗi lần đi qua nếu mưa chúng tôi vẫn đi như thế.

- Thế thì được.

Tôi nói anh em liên lạc của đơn vị truyền lệnh "Sắp đi qua sát đồn địch, phải tuyệt đối im lặng, kiểm tra lại hành trang, đi qua phải khẩn trương, không để phát ra tiếng động".

Sấm chớp liên tục, mưa như trút nước, bốn bề tối đen chỉ trông thấy nhau khi ánh chớp lóe lên, tôi ra lệnh "bám sát vào nhau, người sau bám người trước, người trước không thấy người sau phải chờ không để lạc". Một lúc lâu sau ước chừng đơn vị đã vượt qua bốt Vĩnh Trụ một đoạn đường, tôi nói với các đồng chí giao 286 liên: "giữ đúng hướng, tăng nhanh tốc độ hành quân để sớm đến bãi vượt nếu mưa ta tranh thu vượt có thuận lợi hơn" và một lệnh được truyền từ trên xuống dưới: "tăng nhanh tốc độ hành quân".


Mưa vẫn nặng hạt, đường hành quân vẫn qua các cánh đồng liên tiếp nhưng trên con đường đất nhỏ, qua những bờ ruộng trơn như mỡ, tốc độ hành quân không tăng mà đã chậm lại, đi quanh co một chặng khá dài lại trở lại đúng cái gò có lùm cây lúc trước đã đi qua, đồng chí giao liên tỏ vẻ lo sợ: "Báo cáo trời tối quá không nhìn ra đường đi đã bị lạc mất một quãng".


Qua ánh chớp lấp lóe tôi nhìn đồng hồ đã gần 3 giờ sáng và tôi hỏi lại:

- Quanh khu vực này các đồng chí có nắm được làng nào có tề ác, làng nào có cơ sở của ta không?

- Báo cáo, không nắm được ạ.

- Phải đi mấy tiếng nữa mới đến bến vượt? Từ đây lên đến sông Hồng mất hơn một tiếng, lên đê còn phải đi gần 3 cây số nữa mới đến đoạn vượt sông. Tôi suy nghĩ không kịp mất rồi, xử trí thế nào dây.

- Đồng chí phụ trách bến vượt sông hiện ở đâu? Tôi hỏi.

- Ở xóm nhỏ bên ngoài đê, chỗ lúc nữa ta đến đó.

- Trong 2 đồng chí một đồng chí đi nhanh đến đó báo đồng chí phụ trách bến vượt cố tìm bằng được cán bộ địa phương này cho tôi gặp.

Trời đã quang dần, những tia sáng ở phía đông đã hiện dần ra, tôi lệnh cho các đại đội phải "tăng nhanh tốc độ".
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #61 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2022, 08:59:48 am »

Từ kinh nghiệm hoạt động sâu trong vùng địch tạm chiếm mỗi người đều hiểu rằng nếu trời sáng mà còn loanh quanh ngoài đồng thì sẽ làm mồi cho địch tiêu diệt và thế là cả đơn vị theo hướng đê sông Hồng chạy tắt qua các ruộng lúa.


Ở phía dưới hàng quân truyền lên lệnh của anh Khai "Bộ đội không được dẫm lúa của dân" nhưng lệnh đó hầu như không được thực hiện. Tờ mờ sáng lên đến đê, tôi gặp đồng chí phụ trách bến vượt sông, đồng chí cán bộ phụ trách khu vực của huyện Lý Nhân và vài đồng chí địa phương khác, các đồng chí cho biết các làng trong khu vực đều là làng tề, nhưng là tề 2 mang, nghĩa là chính quyền của địch nhưng ta cũng có nắm được, các thôn đều có tổ du kích bí mật.

- Đơn vị chúng tôi đã hành quân đến đây nhưng không kịp vượt sông được nữa, tôi đề nghị các đồng chí giúp đỡ cho bộ đội trú lại để tối vượt sông - Tôi nói.

- Đó là trách nhiệm của chúng tôi.

- Tôi đề nghị các đồng chí cử cho mỗi đại đội một đồng chí nắm được tình hình trong làng mà đơn vị sẽ vào trú quân để giúp đỡ cụ thể.

Sau đó, tôi gặp các Ban chỉ huy đại đội và giao nhiệm vụ: Đại đội 58 và đại đội 60 vào làng ở sát chân đê, nếu thấy mật độ đặc quá thì có thể cho một bộ phận sang làng phía bên trong khoảng cách 800-900m nhưng phải ngụy trang thành dân và đi lẻ tẻ từng tốp một. Đại đội 50 và tiểu đoàn bộ vào làng cách đê 300m. Nhiệm vụ chung là giữ bí mật, không để địch phát hiện và đến tối vượt sông. Khi vào làng phải nắm ngay 288 các tổ du kích bí mật phong tỏa các lối thoát ra không cho các phần tử xấu, những người dễ dao động đi khỏi làng, bắt giữ bọn tề và giám sát chặt chẽ những phần tử nghi vấn, vận động nhân dân sáng ra đi như những người nom lúa, bắt cua, cá đến những ruộng lúa ven đê, ven làng dựng vuốt lại để địch khỏi nghi. Đối với địch nếu đi lẻ tẻ vài ba tiểu đội, không sục vào làng thì cứ để nó đi tự nhiên, nếu nó sục vào làng thì tìm cách bắt hoặc diệt gọn, nếu bị lộ địch đưa lực lượng lớn về càn quét thi phải chiến đấu vì vậy phải nghiên cứu địa hình, xác định kế hoạch tác chiến đối với các tinh huống có thể xảy ra và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, đại đội 58 tổ chức cảnh giới phía Bắc xuống, đại đội 50 cảnh giới phía Nam lên và kịp thời thông báo cho nhau tình hình địch, cố gắng đảm bảo ăn uống cho bộ đội.


Các đơn vị lần lượt vào làng, bộ phận anh Nguyễn Khai đã đến, anh hỏi tôi:

- Cậu có nghe được lệnh của tôi không được dẫm lúa của dân không?

- Báo cáo anh có, trước đó tôi cũng đã lệnh không được dẫm lúa, nhưng chỉ được bộ phận đi đầu có tôi cùng đi thực hiện, các đơn vị đi sau cứ chạy bừa và dẫm vào lúa của dân không sao cấm được, tâm lý anh em sợ sáng không vào làng được thì gay go.

- Bây giờ làm thế nào?

- Đơn vị đi bị mưa, đường trơn, lại bị lạc nên đến quá muộn, bây giờ phải trú lại đến tối mới vượt sông được, và tôi báo cáo tình hình mọi mặt được các đồng chí địa phương cho biết, kế hoạch trú quân và kế hoạch đối phó với địch.

- Liệu anh em có thực hiện được đầy đủ như thế không?

- Những tình hình như thế này cán bộ của đơn vị đã hoạt động trong vùng địch tạm chiếm cũng đã gặp phải và có kinh nghiệm xử trí nên có thể anh em làm được.

- Thế thì được.

Tôi mời anh nghỉ ngơi một chút rồi anh em dẫn đến chỗ ở, bàn với các đồng chí địa phương tim chỗ ở an toàn cho anh, các đồng chí đó đề xuất nên ở ngay xóm nhỏ có dăm sáu nhà ngoài đê vì nơi đây địch không nghi và sục sạo gì, lại có hầm bí mật bảo đảm, tôi thấy như vậy là tốt hơn và mời anh đi, anh nhìn tôi và hỏi:

- Thế cậu thế nào?

- Báo cáo anh, tôi sẽ không xuống hầm vì còn đơn vị chắc sẽ còn rất nhiều tình huống phải xử trí.

Anh nhìn tôi với con mắt đồng tình, thông cảm. Tôi dặn các đồng chí địa phương dẫn anh và các đồng chí cùng đi đến nơi ở và cần kiểm tra lại thật cẩn thận.

Mặt trời đã trải ánh nắng vàng xuống các thôn xóm, những thửa ruộng ven làng, ven đê thấy lác đác có những người dân đi dựng lại các khóm lúa, tôi theo các đồng chí giao liên tới ngôi miếu nhỏ ngồi dưới tán che khuất của khóm cây nhãn nhìn thuyền bè của nhân dân đi lại trên sông Hồng như hoạt động của một ngày bình thường và tìm hiểu quy luật hoạt động của địch trên sông. Ban ngày, địch không hoạt động thành quy luật trên sông như ban đêm, các loại tàu thuyền vận chuyển thì qua lại thường xuyên có khi nó di sát vào ven sông cách miếu đang ngồi vài chục thước trông rõ các loại hàng hóa chuyên chở và lính bảo vệ trên tàu.


7 giờ 30 phút, nghe đồng chí du kích cảnh giới phía đê báo cáo "có một toán địch đi từ phía nam lên". Tôi hỏi:

- Có nhiều không?

- Độ trên 10 tên.

- Đây là bọn lính ở đồn Như Trác đi tuần tra bình thường hàng ngày lên để gặp bọn tuần tra từ Vũ Điện xuống, đồng chí phụ trách giao liên nói.

- Thông thường khi nó đi tuần tra thì các đồng chí đối phó thế nào?

- Chúng tôi cho anh em "công khai" là tuần phu tiếp đón nó, nếu nó hoạnh họe gì thì tìm cách đút lót cho nó đi.

- Vậy thì hôm nay các đồng chí cũng làm như hình thường. Nếu nó phát hiện thấy có bộ đội trong làng thì tìm cách báo cho đơn vị để làm gọn. Hơn nửa giờ sau, tôi được báo đã giải quyết xong, bọn lính địch chỉ đi trên đê, không tỏ vẻ phát hiện gì và đã đi. Tôi suy nghĩ có lẽ đây mới là tình huống nhỏ đầu tiên, cần phải khẩn trương chuẩn bị đối phó với các tình huống tiếp theo. Nắm lại tình hình, tôi biết các đơn vị đã liên lạc chặt chẽ với các tổ chức du kích bí mật khống chế được bọn tề, đã xác định xong kế hoạch tác chiến theo các tình huống, bộ đội đang làm công sự chiến đấu và nhân dân giúp đỡ chăm sóc bộ đội rất tốt. Tôi nhắc các đơn vị cần bố trí cảnh giác từ xa theo phạm vi được, phân công, cố gắng phát hiện sớm các hành động của địch để chủ động đối phó. Cần chú ý bàn kế hoạch sơ tán các cụ già, trẻ em khi xảy ra chiến đấu.


Mặt trời đã ở phía đỉnh đầu. Lúc này, theo báo cáo của các đại đội, bộ đội đã được nhân dân cho ăn bữa cơm thịnh soạn và phân công một bộ phận cảnh giới, còn phần lớn đã ngủ. Tuy rất mệt nhưng tôi không sao chợp mắt, ngồi nhìn các đoàn tàu vận tải của địch qua lại trên sông tôi suy nghĩ về các tình huống có thể xảy ra trong ngày cũng như trong lúc bộ đội vượt sông và các kế hoạch đối phó.


Khoảng hơn 16 giờ, tôi hỏi đồng chí phụ trách giao liên.

- Vào giờ này các hoạt động của địch thông thường thế nào?

- Các hoạt động lớn của địch vào thời điểm này thông thường rất ít xảy ra, nhưng vẫn có những hoạt động lẻ dò la do thám của địch.

Khi trời đã về chiều, thấy tình hình phức tạp chắc khó có thể xảy ra, tôi qua chỗ anh Khai và mấy đồng chí cùng đi để xin ý kiến. Anh Khai thong thả nói:

- Cần kiểm tra kỹ lại kế hoạch vượt sông, đề phòng lúc ta vượt sông địch mới hành động, cố bắt liên lạc với bộ phận của Mạnh đã vượt sông đêm qua để tổ chức cho đơn vị vượt ở hai bên sông cho chặt chẽ, bảo đảm cho đơn vị vượt nhanh gọn, bàn kỹ với địa phương có kế hoạch đối phó khi ta đi rồi địch sẽ khủng bố.

Cho đến gần 21 giờ mới có liên lạc từ bên kia sông sang. Anh Mạnh cho biết nhiều khả năng địch nghi ngờ có đơn vị lớn vượt sông nên nó đi tuần trên sông rất ráo riết, cứ một giờ lại có một đoàn tàu và ca nô đi lên hoặc đi xuống, ta phải lợi dụng khoảng cách trong một giờ đó để vượt sông, phương tiện vượt đảm bảo đủ mỗi chuyến trên một trung đội, phía bên Thái Bình ta bố trí sẵn trận địa hỏa lực cách bến vượt trên một cây số để nếu lộ, ta sẽ đánh phía trên để thu hút địch, phía dưới cứ tiếp tục vượt sông.


Tôi sang sông chuyến cuối cùng, đi vào trong đê phía tả ngạn sông, tôi gặp anh Nguyễn Tiệp - trung đoàn phó, người phụ trách đưa 2 tiểu đoàn 648 và 922 trung đoàn 42 đi lấy vũ khi ở Lạng Sơn và là người tổ chức chỉ huy cuộc vượt sông này, anh Tiệp rất vui bắt tay tôi, anh nói:

- Đơn vị các cậu về được trọn vẹn thế này là thắng lợi lớn rồi, bây giờ còn tổ chức cho 922 về nữa, nhưng tình hình sẽ khó khăn gấp bội vì nhiều khả năng địch đã phát hiện thấy có đơn vị lớn vượt, sông sẽ tập trung ngăn chặn ráo riết. Sau đó, địch giăng tàu trên trên sông dày đặc và càn quét lớn các khu vực vực trên địa bàn các huyện thuộc Hà Nam. Do đó tiểu đoàn 922 không qua sông được và ở lại nhập vào đội hình trung đoàn 46, chiến đấu tại hữu ngạn sông Hồng.

Cho đến khi nhớ lại và suy nghĩ để viết những dòng này, tôi càng thấy thấm thìa câu nói của Bác Hồ kính yêu: "Ở đồng bằng, các chú không có rừng nhưng có dân". Đúng là nhân dân đã đùm bọc, che chở, giúp đỡ hết lòng, nhờ có dân mà đơn vị đã vượt sông được an toàn.

Tháng 9 năm 1998
H.H
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #62 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2022, 09:01:45 am »

HÀNH QUÂN XE ĐẠP ĐUỔI Ô TÔ


TÔ BINH


Những ngày đầu xuân 1968, cả miền Bắc sục sôi đón chào tin thắng lợi từ chiến trường miền Nam. Từng giờ, trên mạng truyền thanh công cộng vang lên những tin đại thắng của Cuộc tổng tấn công và nổi dậy hòa cùng những lời thơ mừng xuân của Bác Hồ: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua...".

Hồi ấy, tôi là trợ lý phòng huấn luyện Bộ tư lệnh Pháo binh ở Hà Nội.

Một buổi sáng đầu tuần, tôi chưa hết mệt mỏi vì chiều thứ bẩy đạp xe bẩy mươi cây số tranh thủ về thăm vợ con ở huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ và mới xuống cơ quan tối chủ nhật. Tám giờ sáng, tôi được gọi lên gặp trưởng phòng để nhận chỉ thị, ông mời tôi vấn một điếu thuốc lá sợi vụn Thăng Long đựng trong túi ni-lông, bật lửa cho tôi châm thuốc rồi nói:

- Để đề phòng địch bị thua đau ở miền Nam, liều lĩnh tấn công ra nam Quân khu 4, Bộ tư lệnh tăng cường một tiểu đoàn pháo cho trung đoàn pháo binh Bến Hải ở giới tuyến và tiểu đoàn đã xuất phát hành quân tối hôm qua. Ở ngoài này, tiểu đoàn trang bị pháo lựu 122 ly, nay lại nhận pháo lựu 105 ly, cán bộ, chiến sĩ chưa được huấn luyện thay đổi pháo. Đồng chí có nhiệm vụ đuổi theo đơn vị, cùng hành quân vào đó với 295 anh em và trong thời gian chuẩn bị chiến trường, phải huấn luyện cho đơn vị sử dụng tốt loại pháo mới trang bị. Trước khi đi, sang phòng tác chiến tìm hiểu thêm tình hình.


Thời chiến, mệnh lệnh chỉ ngắn gọn vậy, còn làm thế nào để thực hiện, đó là trách nhiệm của sĩ quan nhận lệnh.

Vì phải đạp xe đuổi theo đoàn xe cơ giới nên tôi khẩn trương chuẩn bị mọi việc trong một tiếng đồng hồ: Lấy giấy tờ, tài liệu huấn luyện, bản đồ hành quân, nhận tăng võng, vũ khí và lương thực, thực phẩm khô để tự nấu ăn dọc đường, lại còn phải săn sóc cho "con tuấn mã" là chiếc xe đạp thống nhất nữ, không quên đem theo đồ nghề sửa xe và chiếc bơm Tiệp. Không kịp viết thư về nhà vì viết dài thì không đủ thời gian, mà viết ngắn không nói được rõ lại thêm lo lắng.


Lúc ấy, đang thời bao cấp đâu có sẵn quán ăn như bây giờ. Tôi xuống nhà bếp nhận một khẩu phần bánh mì về nhai vội, chiêu với bát nước đường để thay cho bửa ăn trưa còn quá sớm. Và khoảng 10 giờ, tôi đạp xe nhằm phía tây thẳng tiến.


Đồng chí trực ban tác chiến Bộ tư lệnh (nay đã quá cố) cho biết đơn vị từ Vĩnh Yên qua Sơn Tây lên Hòa Bình rồi ra Nho Quan - Rịa để bắt vào đường 15 và có khả năng lúc này đơn vị đang tập kết ở khu vực Hòa Bình để tối nay hành quân tiếp, vì vậy, tôi hối hả đạp lên Hòa Bình hy vọng gặp được đơn vị trước giờ xuất phát, hành quân chặng thứ hai. Nhưng tôi đã không tìm thấy tiểu đoàn, đành nghỉ đêm lại thị xã Hòa Bình để hôm sau buộc một cành cây vào đuôi xe làm phanh lúc đổ dốc Cun rồi ra Nho Quan về Rịa. Lúc ấy, mạng thông tin còn kém phát triển, tôi không có cách nào liên lạc về cơ quan Bộ tư lệnh nên cứ ngày đi đêm nghỉ bám theo dấu vết đơn vị. Trên đường gặp nhiều tốp thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông và không khí hối hả mở đường, bạt dốc, san lấp hố bom. Khi tôi hỏi thăm đều được họ trả lời là có đoàn xe pháo mới qua đây đêm trước. Những tin tức đó nuôi thêm hy vọng làm tôi quên mệt lúc phải đẩy xe lên dốc, lúc dắt xe trên đoạn đường đất đỏ bùn dẻo quánh bám chặt lấy bánh xe, thỉnh thoảng phải dừng lại gạt bùn đất ở bánh xe, đế giầy. Những con đường đó còn dằn vết bánh ô tô vẫn hút tôi lầm lũi bươn tới. Sau này, tôi mới biết những ngày chiến trường sục sôi đó đã có nhiều đoàn xe pháo đi vào, có pháo mặt đất và pháo cao xạ. Còn các bạn thanh niên xung phong thì chỉ thấy xe có đuôi phủ bạt hoặc kèm lá ngụy trang lại trong đêm tối, đâu có phân biệt là pháo trời hay pháo đất.


Mấy đêm đầu còn tìm được chỗ nghỉ trong nhà dân. Nhưng đến đoạn Nam Thanh - Bắc Nghệ, có hôm trời gần tối không tìm được làng bản, tôi đành phải vào rừng cây cách đường dăm chục mét hạ trại. Trước hết kiếm mấy cành củi thật khô dùng dao găm chẻ nhỏ, đóng hai cành cây có chạc xuống đất, treo ăng-gô lên nấu cơm trước khi trời tối, lấy nước sôi pha chút ruốc và mì chính làm canh ăn cho qua bữa tối, rồi treo võng thật cao. Thời chiến tranh, nhưng an ninh rất tốt không phải đề phòng con người mà đề phòng rắn rết, hoang thú. Nằm vắt vẻo trên võng vừa nhả khói thuốc lá, vừa ngắm những vì sao thấp thoáng qua tán lá rồi ngủ thiếp đi vì mệt nhọc sau một ngày cùng "con tuấn mã" trèo đèo lội suối.


Một hôm, trời đã về chiều, tìm trên bản đồ thấy gần tới một bản nhỏ ghi tên Bản Chuối, tôi đi cố với hy vọng tìm được mấy mái nhà sàn để tá túc qua đêm. Nhưng khi đến nơi chi thấy mấy nền nhà cũ, vài ba bụi chuối hoang sơ mọc chen cây xấu hổ, tuyệt nhiên không một bóng người.


Tôi lại lên xe vừa đi vừa ngó trước ngó sau để tìm một chỗ vừa ý lập "hành cung". May sao trông thấy bên đường có một vết lối mòn đi vào rừng. Tôi rẽ vào, lòng khấp khởi mừng thầm. Quả nhiên đi vào khoảng hai trăm mét, gặp một mái nhà tranh làm theo kiểu "nhà âm" nền nhà đào sâu xuống thành cấm thùng để tránh bom tọa độ. Ngó vào trong nhà thấy một thanh niên khoảng hai mươi tuổi mặc bộ quần áo mầu xanh công nhân làm cho khuôn mặt xanh mầu sốt rét rừng của anh như càng tái xanh hơn.


Tôi hỏi xin nghỉ nhờ qua đêm nhưng lạ thay anh một mực chối từ.

- Nhà tôi chật lắm không có chỗ nghỉ cho anh đâu!

- Tôi mắc võng vào hai cột này cũng tốt lắm rồi.

- Không được, lát nữa chỗ tôi còn mấy anh về.

Tôi bần thần dắt xe ra cách vài chục mét định "hạ trại". Vừa tháo ba lô ở sau xe ra, đang loay hoay tìm chỗ mắc võng và sửa soạn bữa chiều thì lại thấy anh ra gọi vào cho nghỉ nhờ. Anh bảo tôi, góp gạo để anh nấu cơm. Tôi để ý đợi đến tối vẫn không thấy ai về thêm.


Anh đặt một mảnh gỗ xẻ xuống nền nhà làm mâm và gọi tôi lại ăn cơm. Với tôi, từ hôm rời Hà Nội thì bửa cơm chiều đó là một bữa thịnh soạn. Hôm đó, anh bắn được một con quạ và chúng tôi ăn cơm với thịt quạ nấu muối, canh rau cải đã hơi già nấu với muối mặn và mì chính của tôi. Anh lại đem ra chai rượu chanh còn vài chén chắc anh để lại từ tết, cũng át đi được mùi hôi của thịt quạ.


Cơm xong, lúc ngồi dưới ánh đèn dầu ma dút, bên bát nước chè Ba Đình nấu trong ăng-gô và khói thuốc lá Tam Đảo là chút quà Hà Nội của tôi, chúng tôi mới có dịp chuyện trò cởi mở. Anh cho biết anh là người ốm ở lại trông hậu cứ cho một tổ địa chất. Anh đang bị sốt rét nên được ưu tiên ở nhà "an dưỡng" và làm việc nhẹ. Việc của anh là trồng rau, nhận lương thực, thực phẩm chủ yếu là gạo, muối, cá khô của đơn vị cấp để anh em đang đi khảo sát trong bán kính vài chục ki-lô-mét thỉnh thoảng về lấy. Khi tôi hỏi anh tại sao lúc chiều anh khăng khăng không cho tôi vào nghỉ nhờ, anh nói:

- Vì tôi trông anh kỳ lắm, tôi chưa thấy ai lại một mình đạp chiếc xe đạp nữ trên đường bò lăn để đuổi theo đoàn xe cơ giới. Tôi ngại là kẻ gian mà tôi chỉ có một mình, tôi sợ anh hại tôi, và anh với tay lấy khẩu súng trường dựng bên thành sàn, thận trọng keo khóa nòng tháo ra năm viên đạn, có viên đã lên nòng và nói: "anh xem, lúc anh quay ra, tôi đã kịp lắp đạn để phòng thân"!


Lúc ấy, tôi mới để ý đến mình. Chiếc ba lô màu xanh mới nhận, bộ quần áo ka ki Tô Châu năm ngày chưa thay đã ngả màu đỏ vì bụi đường. Đưa bàn tay lên mặt thì râu tua tủa. Và tôi mỉm cười nhớ lại ánh mắt nghi ngại của anh lúc mới gặp.


Đêm hôm đó, tôi ngủ thật ngon. Mờ sáng hôm sau thức giấc, tôi đã thấy anh dậy từ lúc nào, nấu cho tôi một ăng-gô cơm để tôi ăn lót dạ, một phần còn lại đem theo cho bữa ăn trưa. Anh không ăn và nói là không quen ăn sáng. Tôi lấy trong túi thuốc hành quân hai mươi viên ký ninh và một trăm viên vi-ta-min tổng hợp làm quà cho anh. Rồi chúng tôi chia tay, anh khép cửa ra rẫy còn tôi lại lên xe đi tiếp.


Cuối cùng, sau sáu ngày hành quân, tôi cũng đã tìm được tiểu đoàn đang tập kết ở Nam Đàn để cơ quan Bộ tư lệnh Pháo binh bàn giao cho Quân khu 4. Đơn vị cũng mới đến trước tôi hai ngày một đêm.


Lúc đó, hỏi ra tôi mới biết, đơn vị đã lợi dụng thời gian địch tuyên bố ném bom hạn chế từ nam vĩ tuyến hai mươi để hành quân những chặng đầu theo đường số 1. Còn tôi, vì được thông tin sai lệch mà lại do cơ quan tác chiến cung cấp, cứ cắm cúi đuổi theo đơn vị trên đường 15. Nhưng gặp được đơn vị là tôi vui mừng lắm, quên đi bao mệt nhọc trên đường và nỗi bực mình vì "được" chỉ dẫn sai.


Bàn giao xong, các đồng chí trợ lý phòng tác chiến quân lực đi theo tiểu đoàn từ Vĩnh Yên lại quay xe con ra Hà Nội, còn tôi mang xe đạp gửi vào nhà một trưởng xóm ở Nghĩa Đàn, lên xe cùng đơn vị hành quân vào giới tuyến.


Tôi sống cùng đơn vị hơn một tháng ở Vĩnh Linh và dưới tán rừng cao su, trong tiếng bom đạn địch tập trung đánh phá ác liệt nam Khu bốn, tôi đã lo lắng tập huấn cho cán bộ khẩu đội, tiểu đội trở lên về sử dụng pháo, tính toán phần tử và bắn pháo.


Hoàn thành nhiệm vụ, chia tay đơn vị, tôi lại một mình đi bộ ra Nam Đàn lấy xe đạp và cũng một mình một xe về Hà Nội. Lần hành quân trở ra không gấp gáp, tôi có dịp thưởng ngoạn phong cảnh bên đường, có thời gian vào thăm nhà Bác Hồ ở Kim Liên. Và chuyến ra cũng thêm bao kỷ niệm khó quên.


Từ ngày rời Hà Nội đến lúc trở về tròn hai tháng rưỡi. Hai tháng rưỡi bặt tin cũng làm vợ tôi ở quê bồn chồn lo lắng.

Nửa năm sau, nhân có đoàn cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh Pháo binh vào công tác, đồng chí Lương - phó tiểu đoàn trưởng gửi thư hết sức cám ơn Bộ Tư lệnh đã cử tôi vào giúp cho đơn vị huấn luyện chuyển loại pháo làm cho đơn vị thêm vững vàng trong chiến đấu.


Năm 1972, lại có dịp cùng đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, tiểu đoàn đã sử dụng pháo lựu 105 ly hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sau này được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".


Ba mươi năm đã trôi qua, tôi vẫn chưa quên con đường bò lăn đất đỏ, cái đêm treo võng một, mình dưới tán cây rừng và bữa cơm thịt quạ mùa xuân năm 1968.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM