Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:05:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Trung những tháng ngày không quên  (Đọc 7181 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #160 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2022, 09:59:09 am »

Cuối tháng 1 năm 1975, trung đoàn công binh 270 của Quân khu bắt đầu khởi công mở đường nối liền khu vực Hoài Ân với Bình Khê và sẽ cấp tốc mở tiếp đường chạy dọc bờ đông sông Côn phục vụ kéo pháo xuống phía tây nam thị trấn Phú Phong đánh phá tuyến phòng thủ phía sau của địch.

Qua làm việc với Sư đoàn trưởng Huỳnh Hữu Anh, được biết phương án tác chiến đã cơ bản hoàn tất. Dự kiến bước đầu sư đoàn dùng cả bốn trung đoàn (ba trung đoàn bộ binh và một trung đoàn pháo, có cả pháo 105 và cối 120 mi-li-mét) làm nhiệm vụ cắt đường bằng đồng loạt tiến công các cụm quân địch trên một tuyến dài 30 ki-lô-mét (từ đèo Thượng Giang(1) đến Bình Khê); sau đó trung đoàn 12 (thiếu) và các tiểu đoàn công binh sư đoàn, công binh Tỉnh đội Bình Định và tiểu đoàn 1 (trung đoàn 2) liên tục đánh địch trên hai khu chốt đèo Thượng Giang và Núi Ngang không cho địch thông đường, nhốt chặt bọn địch ở khu vực Vườn Xoài, Đồng Phố, điểm cao 105 để cho trung đoàn 2, trung đoàn 141 lần lượt vận động bao vây tiến công tiêu diệt thực hiện cắt đường. Bước hai sẽ mở chốt Núi Ngang cho viện binh địch vào khu vực tác chiến tiếp tục tiêu diệt...

Tôi hoàn toàn nhất trí với phương án cắt đường của sư đoàn và tin rằng phương án này có tính khả thi và trao đổi với Sư đoàn trưởng Huỳnh Hữu Anh một số ý về kế hoạch chủ động phối hợp hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Định tiến công và nổi dậy diệt địch, giải phóng làng xã, làm tốt yêu cầu này là ta tạo ra sức mạnh của chiến dịch tổng hợp như đã thực hiện trong đợt tiến công Hè năm 1972, kéo căng, chia nhỏ địch ra để diệt địch. Chỉ trên cơ sở tiêu diệt sinh lực địch mới thực hiện tốt nhiệm vụ cắt đường dài ngày, có thể từ ba bốn tháng góp phần vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử giải phóng Tây Nguyên...

Sau bảy ngày trở lại Quân khu, Bộ tư lệnh Quân khu 5 nhận được báo cáo phương án tác chiến bổ sung của Sư đoàn 3 gửi về và xin ý kiến Tư lệnh: Từ cắt đường trước, đánh quân giải tỏa sau, nay cùng một lúc vừa cắt đường vừa đánh quân giải tỏa.

Lo lắng thấy kế hoạch tác chiến thay đổi đột ngột của sư đoàn, sáng mồng một Tết âm lịch, Tư lệnh quân khu Chu Huy Mân lên xe U-oát vào tận nơi trực tiếp kiểm tra. Vì tôi vừa ở tiền phương trở về, am hiểu quá trình sư đoàn xây dựng phương án tác chiến nên đồng chí Tư lệnh kéo đi cùng.

Đường ra tiền tuyến gập ghềnh đầy những hố bom, đạn Mỹ bắn phá, xe cứ nhảy chồm chồm như ngựa phi. Đây đó cảnh sắc tiết xuân vẫn hiện ra, thỉnh thoảng lại bắt gặp những khóm mai vàng mọc tự nhiên, mỗi khi ghé qua các trạm khách trên từng cung đường thấy không khí Tết vẫn còn đậm đà, trên những bàn thờ có bánh tét và mâm ngũ quả, có cả chè Hồng đào, thuốc lá Điện Biên bao bạc để đãi khách. Không khí thật ấm cúng, thanh bình.

Chúng tôi đến sở chỉ huy sư đoàn vào lúc bốn giờ chiều của ngày hành quân thứ hai. Nghỉ ngơi ít phút, Tư lệnh tranh thủ thời gian làm việc ngay.

Sau khi nghe Sư đoàn trưởng Huỳnh Hữu Anh báo cáo, Tư lệnh Quân khu hỏi:

- Đánh thế này liệu có chắc thắng không?

Sư đoàn trưởng trả lời:

- Dạ chắc! - Ngừng một lát anh quả quyết - Báo cáo Tư lệnh, chúng tôi đã chuẩn bị điều kiện để đánh thắng theo phương án này và sẽ cắt đường theo thời gian Quân khu quy định...

Tư lệnh quân khu hỏi ít, dành nhiều thời gian đi kiểm tra các đơn vị làm nhiệm vụ chủ yếu và cơ sở vật chất kỹ thuật của sư đoàn xong, phê chuẩn phương án mới và căn dặn:

- Phải tập trung đánh thắng trận đầu. Phải kìm địch để đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng đúng kế hoạch, giành ưu thế áp đảo bằng hỏa lực vào các mục tiêu then chốt. Trận đầu, Quân khu sẽ cấp thêm đạn, nhưng các trận sau thì vào căn cứ địch mà lấy!

Người xưa nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Có đi thực tế, thâm nhập vào thực tế, tìm hiểu thực tế mới thấy thực tế là phong phú, giúp ta nhận ra nhiều điều bổ ích. Được nghe các anh trong Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 trình bày mới thấy phương án tác chiến bổ sung là thực tế, là nhạy bén và thông minh. Năm 1972, sư đoàn cũng làm nhiệm vụ cắt đường 19, nhưng cắt đường để cô lập địch ở Tây Nguyên, tạo điều kiện cho đơn vị bạn chiến thắng. Do đó mục tiêu cắt đường là chủ yếu. Lần này sư đoàn được lệnh tiêu diệt địch để cắt đường dài ngày có thể từ ba đến bốn tháng. Vì vậy việc chọn mục tiêu mở màn đợt hoạt động sẽ khác nhiều so với năm 1972. Những khác nhau đó đòi hỏi Bộ tư lệnh sư đoàn phải suy nghĩ tính toán thận trọng để tìm phương án tối ưu.


(1) Thường gọi là đèo An Khê.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #161 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2022, 10:00:04 am »

Thoạt đầu sư đoàn chủ trương thực hiện bao vây đánh lấn tiêu diệt cụm quân địch ở Cây Rui và Núi Ngang để cắt đường, ngay sau đó đánh địch giải tỏa. Nhưng nửa đầu tháng 2, tình hình địch có biến đổi. Trung đoàn 47 ngụy lên tăng cường bảo vệ đường 19 nống ra tới Truông Ổi - Định Quang (cách bắc đường 19 từ 5 đến 10 ki-lô-mét về phía bắc). Thay đổi này của địch đặt ra vấn đề là có nên diệt quân chủ lực địch ở Truông Ổi - Định Quang cùng một lúc với việc diệt bọn bảo an ở Cây Rui và Núi Ngang không? Đánh cùng một lúc thì trận đầu sẽ nặng và căng thẳng, nhưng nếu không đánh thì sư đoàn sẽ gặp khó khăn nhiều sau khi đánh vây lấn, cắt đường, bởi phải đánh ngay lực lượng giải tỏa của chúng.

Cuối cùng sư đoàn đã chọn phương án dùng chiến thuật tập kích hiệp đồng binh chủng và bao vây tiến công liên tục (hai chiến thuật sở trường của sư đoàn) cùng một lúc vừa đánh cắt đường (đoạn Thượng Giang - Bình Khê), vừa diệt quân chủ lực dự phòng ở Truông Ổi - Định Quang tạo bàn đạp mở thông cửa khẩu chính ra đường 19, bảo đảm cho sư đoàn chiến đấu lâu dài.

5 giờ 35 phút ngày 4 tháng 3 năm 1975, phương án cắt đường 19 được Tư lệnh quân khu chấp thuận đã được thực hiện. Có thể xem đây là tiếng súng đầu tiên mở màn chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Khu 5. Chỉ năm ngày tiến công Sư đoàn 3 đã đánh thiệt hại nặng trung đoàn 47 sư đoàn 22 và liên đoàn bảo an 927, diệt 310 tên địch, bắt sống 52 tên, thu 200 súng, có hai khẩu pháo 105 mi-li-mét, làm chủ một đoạn đường dài hàng chục ki-lô-mét, chia cắt chiến lược hiểm hóc giữa Tây Nguyên với đồng bằng Khu 5, tạo điều kiện cho chiến dịch Tây Nguyên đại thắng. Mặt khác, trận chia cắt chiến lược thắng lợi trước khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn càng buộc ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu bối rối vội vã quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên theo đường số 7 sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, đường 19 đã bị Sư đoàn 3 đánh cắt nhiều đoạn, càng tạo thuận lợi cho ta chặn đánh chúng ở Cheo Reo, Củng Sơn.

Việc đường chiến lược 19 bị cắt đứt cộng với những hoạt động nghi binh của Mặt trận Tây Nguyên khiến bọn chỉ huy quân khu 2 ngụy đến ngày 9 tháng 3 vẫn đinh ninh điểm nóng trong Xuân Hè 1975 là Plây Cu - Kon Tum. Chúng không hay biết gì về cuộc chuẩn bị lớn của quân ta trong đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột sắp diễn ra.

Cùng lúc, theo kế hoạch phối hợp, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và nhân dân các huyện Bình Khê, An Nhơn đồng loạt nổi dậy tiến công, diệt các cứ điểm Núi Đất, Núi Thơm giải phóng các ấp Bình Hòa, Nhơn Mỹ, Nhơn Khánh, thị trấn An Thái, vây ép thị trấn Gò Bồi, kìm chân một phần lực lượng các trung đoàn 42, trung đoàn 41 tại phía đông Bình Khê. Hàng vạn quần chúng Hoài Nhơn, Phù Mỹ bao vây bức hàng hàng loạt chốt điểm Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Thanh, tiêu diệt trụ sở Mỹ Chánh, các chốt điểm Tân An, Vạn Ninh, Tân Ốc, Trà Bình, cô lập căn cứ trung đoàn 41 ngụy ở Trà Quang, thị trấn Phù Mỹ... làm cho hậu phương quân ngụy bị xáo trộn, mất ổn định tạo thuận lợi cho Sư đoàn 3 tiếp tục mở rộng thế chia cắt lâu dài.

Tình hình chuyển biến cực kỳ mau lẹ. Sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên toàn thắng, các đơn vị chủ lực Mặt trận Tây Nguyên được lệnh của Bộ tiếp tục phát triển chiến đấu xuống đường 19, đường 7 và đường 21 giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa; phối hợp với Sư đoàn 3 Quân khu 5 giải phóng Bình Định.

Thực hiện mệnh lệnh trên, Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết, định lập bộ phận chỉ huy tiền phương mặt trận Bình Định do Phó tư lệnh quân khu Hoàng Minh Thảo làm tư lệnh; tôi, Phó chính ủy quân khu làm chính ủy để thống nhất chỉ huy các lực lượng trên địa bàn. Tôi lại vào Sư đoàn 3 lần thứ 2, lại qua con đường mới mở - từ An Lão - Vĩnh Thạnh. Chỉ huy sở chiến đấu của Sư đoàn 3 ở sát đường 19.

Ngày 16 tháng 3 bộ phận giúp việc chỉ huy tiền phương mặt trận Bình Định được thành lập gồm 15 cán bộ chiến sĩ, được trang bị một xe U-oát, hai xe Gát 63 (1 xe chở người, một xe chở xăng dầu, lương thực, thực phẩm và làm nhiệm vụ dự bị nếu xe kia hỏng). Mỗi xe có hai lái xe thay nhau lái chạy suốt ngày đêm.

Ngày 17 tháng 3 chúng tôi lên đường, xe lăn bánh từ Bà Huỳnh, Bà Sá. Rất hiếm có chuyến lên đường ra trận nào được ngồi xe ô tô từ cơ quan Quân khu bộ ra tận mặt trận đường 19. Xe chạy suốt ba ngày ba đêm liên tục, đến 20 giờ ngày 19 tháng 3 mới xuống xe, giấu xe vào một cánh rừng già, rồi vượt sông Côn đi về hướng đông nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #162 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2022, 10:02:25 am »

Đoạn đường tuy gần mà quanh co, khúc khuỷu khó đi. Phải lội suối leo dốc mất một đêm trắng mới tới Sở chỉ huy Sư đoàn 3 đặt ở đỉnh núi Phú Lạc, độ cao 784 mét vào lúc 7 giờ ngày 20 tháng 3.

Mới 20 ngày xa nhau nay gặp lại cứ ngỡ đã lâu, bởi trong cái thời gian quá ngắn đó Sư đoàn 3 đã lập nhiều thành tích thật lớn. Hoàn thành nhiệm vụ chia cắt chiến lược, góp phần đáng kể vào chiến thắng trên Mặt trận Tây Nguyên; tiến công giải phóng chi khu, quận lỵ An Khê đêm ngày 21 rạng ngày 22 tháng 3; vũ khí trang bị thu được(1) đủ để trang bị cho một trung đoàn bộ binh tăng cường, riêng về xe pháo đủ trang bị cho một sư đoàn bộ binh nhẹ.

Thời gian không còn nhiều, tôi tranh thủ họp với các anh trong Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn để quán triệt quyết tâm của Thường vụ Khu ủy và Đảng ủy Quân khu về “Đẩy nhanh tốc độ tiến công, giải phóng toàn khu trong thời gian ngắn nhất”.

Thực hiện quyết tâm trên, nhiệm vụ trước mắt của Sư đoàn 3 là cùng với Sư đoàn 968, trung đoàn 95a (đang trên đường từ Tây Nguyên phát triển xuống) đứng trong đội hình mặt trận Bình Định thực hiện chia cắt, tiêu diệt sư đoàn 22 ngụy không cho chúng co cụm tại Quy Nhơn, cùng với lực lượng địa phương sẵn sàng giải phóng thị xã Quy Nhơn, tiếp tục phát triển về nam đèo Cù Mông...

Nhưng làm thế nào để chia cắt và tiêu diệt sư đoàn 22 ngụy đang phòng thủ trên dọc đường 19 dài trên 20 ki-lô-mét từ Phú Phong đến Phú An? Trung tâm của tuyến phòng thủ là cụm địch ở Lai Nghi, một khu căn cứ rộng nửa ki-lô-mét vuông nguyên là căn cứ của một trung đoàn quân Nam Triều Tiên thuộc sư đoàn Mãnh Hổ, bên ngoài có hào sâu, tường cao, bên trong có nhiều công sự kiên cố, nay là sở chỉ huy trung đoàn 42 ngụy.

Có nhiều phương án nêu ra trong cuộc họp, cuối cùng chúng tôi thống nhất:

- Đưa trung đoàn 2 và trung đoàn 141 vòng qua phía sau lập thế trận vu hồi tiến công cụm căn cứ Lai Nghi, chiếm cầu Thủ Thiện Hạ chặn đường rút lui của địch.

- Trung đoàn 95a áp sát thị trấn Phú Phong.

- Sư đoàn 968 tiến công địch ở dãy núi Trà Lam Sơn và phái một trung đoàn thọc sâu xuống hướng đông đánh chiếm thị trấn Đập Đá, cắt đường số 1.

Để thực hiện phương án trên, chúng tôi thống nhất cần chỉ đạo thực hiện tốt hai việc. Một là, gấp rút mở con đường ngang cắt đường 19 dài 30 ki-lô-mét: từ bắc xuống nam đường để đưa pháo nòng dài 85, 105 mi-li-mét và pháo xe kéo vào tập kết tại khu vực Đồng Vát, Đồng Vụ (cách tây nam quận lỵ Bình Khê 8 ki-lô-mét theo đường chim bay); từ tây xuống đông dọc theo tả ngạn sông Côn đưa pháo cơ giới vào yểm trợ bộ binh đánh căn cứ Lai Nghi, uy hiếp khống chế sân bay Gò Quánh khi trận đánh bắt đầu. Hai là, thành lập gấp tiểu đoàn pháo binh 155 mi-Ii-mét (hai khẩu lấy được của địch trong trận giải phóng An Khê), cấp tốc tổ chức huấn luyện kỹ thuật kịp đưa vào sử dụng.

5 giờ sáng ngày 25 tháng 3 các đơn vị ở hướng vu hồi đã vào chiếm lĩnh trận địa tiến công, chờ lệnh nổ súng. Phát hiện ta đã luồn sâu vào sau lưng, lập tức trung đoàn 42 địch ở căn cứ Lai Nghi tung lực lượng ra phản kích quyết liệt vào đội hình vây cắt của tiểu đoàn 2 trung đoàn 2. Cuộc chiến đấu trở nên ác liệt, giằng co, người này ngã xuống, người khác thay thế, có bộ phận hy sinh gần hết, cho đến sáng ngày 26 trận địa vu hồi của sư đoàn vẫn được kéo rộng lên hướng bắc và tây. Ngày 27 địch điên cuồng phản kích, các chiến sĩ tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 9 vẫn thít chặt con đường chiến lược 19 ở đoạn ngã ba cầu Thủ Thiện Hạ.

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 là những ngày hết sức sôi động bởi những tin chiến thắng dồn dập trên các chiến trường toàn miền Nam nói chung, Khu 5 nói riêng. Ngày 24 tháng 3 giải phóng Quảng Ngãi, ngày 25 giải phóng thị xã Tam Kỳ, cố đô Huế, cô lập quân đoàn 1 ngụy ở Đà Nẵng. Tại Bình Định, sau khi sư đoàn 22 phải rút toàn bộ lực lượng vào phía nam, bộ chỉ huy tỉnh Bình Định đã ra lệnh tiến công và nổi dậy tiêu diệt hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở bắc thị xã Quy Nhơn. Tam Quan, Đệ Đức, Bồng Sơn, Phù Mỹ được giải phóng. Chi khu quân sự Gò Bồi rút chạy. Tuyến phòng thủ phía bắc Quy Nhơn bị phá vỡ, thị xã Quy Nhơn rối loạn.


(1) Trong trận đánh này, Sư đoàn 3 thu được 1.500 súng các loại (có 6 khẩu pháo 155 mi-li-mét và 105 mi-li-mét), 22 xe quân sự (có 6 xe tăng và xe bọc thép).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #163 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2022, 10:03:18 am »

Thời cơ đã đủ để ta mở những trận đánh lớn vào Lai Nghi, phối hợp với quân dân Bình Định giải phóng toàn tỉnh trong tháng 3. Về phương án đã có nhưng đang có trở ngại, trung đoàn 12, mũi vây cắt Phú An vẫn còn đang trên đường từ An Khê xuống. Pháo tầm xa chưa kịp đẩy ra phía trước. Hỏa lực đi cùng mới chỉ đủ đạn cho giai đoạn đầu của trận đánh...

Trong cuộc họp kiểm tra lại tình hình các mặt ngày 27 tháng 3, có ý kiến đề xuất nên lùi giờ tiến công lại một ngày. Qua trao đổi mọi người đều thấy kéo thời gian lùi lại, dù chỉ một ngày là không có lợi nhiều mặt, trước hết các chốt chặn được thiết lập ở phía đông của ta không chịu nổi áp lực của địch. Chúng chọc thủng được cầu Thủ Thiện Hạ là ta mất đi một hướng tiến công hiểm yếu, địch sẽ rộng đường tháo chạy.

Tôi đồng tình với ý kiến phải tiếp tục tiến công và góp thêm những suy nghĩ của mình. Chậm lúc này là để mất thời cơ lớn đã đến, mà thời cơ cũng là sức mạnh giúp ta khắc phục khó khăn, nên cần tranh thủ lợi thế chung, đẩy mạnh tốc độ tiến công mới có điều kiện để thực hiện một nguyện vọng tha thiết và cháy bỏng của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn là góp sức cùng quân dân Bình Định tiêu diệt sư đoàn 22 ngụy, giải phóng thị xã Quy Nhơn, bởi Sư đoàn 3 mang danh hiệu Sao Vàng là đơn vị đã sinh ra và lớn lên từ quê hương Bình Định.

Như vậy là cuộc tiến công vẫn được ấn định vào sáng ngày 28 tháng 3. Ngay đêm hôm đó tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 6 với sự nỗ lực phi thường đã vượt 40 ki-lô-mét đường rừng về kịp chiếm lĩnh trận địa phía bắc làng Phú An. Trận địa vu hồi lại có thêm lực lượng mới để tạo ra thế mạnh mới.

5 giờ sáng ngày 28 tháng 3, các đơn vị đã chiếm lĩnh xong. Pháo 105 và 155 mi-li-mét bắt đầu nã đạn vào các mục tiêu địch từ quận lỵ đến cầu Ba Di mở đầu trận đánh cuối cùng trong giai đoạn cuối cùng trên quê hương - nơi lần đầu tiên tôi khóc tiếng chào đời tại Phú Hiệp, xã Bình Phú cách thị trấn Phú Phong khoảng 500 mét, khiến tôi thực sự xúc động nhớ về một trùng hợp ngẫu nhiên làm thành một kỷ niệm thật hiếm trong cuộc đời chiến đấu của mình. Ngày 12 tháng 12 năm 1945, đại đội Phan Đình Phùng chúng tôi được giao nhiệm vụ tiến công tàn quân Nhật đang ẩn náu trong căn hầm nhà băng Đông Dương, thị xã Quy Nhơn. Lần đầu ra trận, đại đội Phan Đình Phùng chúng tôi đã thu được thắng lợi giòn giã, bắt gọn 50 tên Nhật (có một tên quan tư), thu 50 súng đạn, phá được âm mưu của phái bộ Anh định dùng Nhật làm lá chắn dẫn đường cho quân Pháp từ biển đổ bộ vào chiếm đóng thị xã Quy Nhơn và dùng thị xã này làm căn cứ bàn đạp để Pháp mở rộng chiến tranh ra Quảng Ngãi, Quảng Nam...

Trong các ngày 28, 29, 30 tháng 3, đứng trên điểm cao 784 bắc đường 19 quan sát, tôi thấy rõ những diễn biến của trận đánh theo chiều hướng có lợi cho ta, nhưng không phải đã bớt khó khăn. Kẻ địch không còn gì để mất, chúng điên cuồng chống lại ta không phải vì lý tưởng gì hết mà vì mục đích sinh tồn.

Giờ đây phương án mở đường kéo pháo vào Đồng Vạt, Đồng Vụ thực hiện bắn gần do tôi đề xuất đã phát huy tác dụng. Tỷ lệ đạn trúng đích rất cao. Nhìn xuống chi khu - quận lỵ Bình Khê chìm trong khói đạn pháo bắn gần mà lòng tôi phơi phới lâng lâng. Nhưng cũng hồi hộp lo lắng mỗi khi thấy đạn lạc, có quả đã rơi vào khu vực giếng Đa, cây me thôn xã tôi, rất có khả năng rơi vào gia đình tôi, mất mát hy sinh là điều khó tránh trong chiến tranh. Nhưng cái mất mát, hy sinh đó đã làm nên cái cơ bản, cái lớn lao cho dân tộc, cho đất nước lại là điều mãi mãi tự hào.

Ngày 29 tháng 3, cuộc tiến công cụm cứ điểm Lai Nghi lại được tiếp tục. Nhưng tình hình vẫn không tiến triển được bao nhiêu, địch lợi dụng hệ thống công sự kiên cố, hỏa lực dầy đặc chống lại ta quyết liệt. Còn ta tuy có điều kiện nhưng còn thiếu sót trong tổ chức điều hành và có thể do cả tư tưởng, nên đã không tạo ra được ưu thế cần thiết.

Ngay ngày hôm đó tôi chấp thuận đề nghị của Sư đoàn trưởng Huỳnh Hữu Anh - đình chỉ công tác của trung đoàn trưởng trung đoàn pháo binh vì đã chần chừ, thiếu khẩn trương trong việc chuyển trận địa pháo vào gần, vào sâu, cử đồng chí Bùi Quốc Miện, trưởng ban pháo binh sư đoàn xuống thay. Và thuộc thẩm quyền mình, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 cũng ra lệnh đình chỉ công tác của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn vận tải vì không hoàn thành nhiệm vụ đưa đạn xuống phía nam.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #164 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2022, 10:04:01 am »

Nhịp độ trận đánh lại được tăng lên. Thế trận chiến đấu được điều chỉnh hợp lý, công tác vận chuyển phục vụ chiến đấu lại hối hả, khẩn trương trở lại hòa nhịp với Đà Nẵng, Quảng Ngãi vừa được giải phóng, kịp thời phối hợp với bức điện mà chỉ huy tiền phương và Sư đoàn 3 vừa nhận được của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Bình Định kêu gọi quân dân trong tỉnh nhanh chóng tiến công và nổi dậy đập tan bộ máy chính quyền và quân đội tay sai, giải phóng toàn bộ quê hương.

Ngay đêm ngày 29, thực hiện mệnh lệnh khẩn cấp của Bộ tư lệnh Quân khu không cho địch co cụm chúng tôi đã tổ chức cho trung đoàn 2 (thiếu) bí mật vượt qua tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, vượt rừng thọc xuống An Sơn, bịt kín mọi đường tháo chạy của sư đoàn 22 địch.

Vì còn bận công việc ở Mặt trận B3, mãi 21 giờ ngày 30 tháng 3 anh Hoàng Minh Thảo mới về tới sở chỉ huy Sư đoàn 3 chính thức nhận nhiệm vụ Tư lệnh bộ phận chỉ huy tiền phương Quân khu tại mặt trận Bình Định. Tôi tranh thủ báo cáo tình hình chiến đấu vừa qua và nhiệm vụ chiến đấu sắp tới đề nghị anh tham gia.

- Các anh cứ điều hành theo kế hoạch đã định, tôi chỉ tham gia công việc điều hành sắp tới nếu thấy cần thiết - Anh Thảo khiêm tốn nói.

5 giờ 15 phút ngày 31 tháng 3, trận công kích toàn diện của ta vào toàn bộ tuyến phòng thủ của địch bắt đầu. Các trận địa pháo 105, 155, 85 mi-Ii-mét nòng dài sau khi được tổ chức lại, đưa vào tầm bắn có hiệu quả, liên tiếp giội đạn xuống tất cả các cụm phòng thủ và các trận địa pháo địch.

Trên hướng cụm cứ điểm Lai Nghi, trung đoàn 2 và tiểu đoàn công binh của sư đoàn đánh mạnh từ phía bắc. Địch lợi dụng tường nhà, rào giậu phức tạp, cùng với cụm quân ở điểm cao và cầu Lai Nghi chống trả. Trận đánh giằng co, mãi 9 giờ 15 phút các chốt quanh căn cứ mới bị tiêu diệt. Cùng lúc trung đoàn 141 đã hình thành thế vây ép quanh căn cứ, địch từ trong căn cứ bắn trả mãnh liệt, phải tạm lùi ra để pháo binh sư đoàn chi viện kéo dài 45 phút. Các mũi tiếp tục xung phong, quân địch cụm lại ngoan cố chống cự...

Cùng lúc trung đoàn 95a từ hướng tây tiến công cụm quân của trung đoàn 41 từ Núi Một đến đầu cầu Phú Phong. Tàn quân địch bỏ chạy về quận lỵ Bình Khê gây một rúng động khủng khiếp - “Việt cộng Tây Nguyên tràn xuống”. Và một cuộc rút chạy hỗn loạn diễn ra từ trung tâm quận lỵ Bình Khê kéo về căn cứ Lai Nghi. Những đám tàn quân này vừa kéo đến Phú Xuân, Phúc An đã bị tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 trung đoàn 12, tiểu đoàn công binh 15 đánh chặn, tiêu diệt và bắt sống 600 tên địch.

Quận lỵ Bình Khê thất thủ nhanh chóng làm tan vỡ hy vọng cuối cùng của cụm quân địch ở Lai Nghi. 16 giờ 30 phút ngày 31 tháng 3 bọn chỉ huy ở trung tâm căn cứ buộc phải ra lệnh cho xe tăng mở đường rút chạy về Quy Nhơn.

Tôi và Tư lệnh Sư đoàn 3 trao đổi thống nhất nhận định và hướng xử trí. Hướng rút chạy chủ yếu của địch sẽ dựa vào sườn núi phía đông nam và ra lệnh cho trung đoàn 12, trung đoàn 141, tiểu đoàn 15 công binh vừa truy kích quây đánh diệt, từng cụm quân địch, vừa nhanh chóng tổ chức lực lượng vòng chặn địch ở hướng Thủ Thiện Hạ. Cuộc truy lùng diễn ra suốt đêm ngày 31 đến sáng ngày 1 tháng 4. Các trung đoàn 41, 42 ngụy cơ bản đã bị tiêu diệt.

Sư đoàn 968 (thiếu) tiến công địch ở dãy núi Trà Lam Sơn, một mũi của sư đoàn thọc xuống hướng đông đánh chiếm thị trấn Đập Đá, cắt đường số 1. Địch ở sân bay Gò Quánh hỗn loạn tháo chạy, bỏ lại nguyên vẹn 38 máy bay chiến đấu phản lực.

Hoàng hôn tan dần, cả Bộ chỉ huy tiền phương quân khu và cơ quan Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 chuyển vào thị trấn Phú Phong. Cuộc sống nơi đây đã trở lại bình thường, người đi lại đông vui, hớn hở như trút đi nỗi buồn lo bị dồn nén trong những ngày sống dưới thời Mỹ - ngụy.

Chúng tôi tranh thủ họp với Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 để nắm tình hình chiến đấu trong ngày, xốc lại đội hình và thống nhất kế hoạch tiến công giải phóng thị xã Quy Nhơn vào ngày mai, 1 tháng 4.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #165 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2022, 10:05:08 am »

Đêm đó các đồng chí bảo vệ thu xếp cho tôi nghỉ ở một nhà dân nằm sâu trong ngõ, cách mặt đường khoảng 50 mét. Đến nơi mới nhận ra đây là ngôi nhà của người bạn cùng làm công nhân với tôi ở hãng dệt Đờ-li-nhông. Anh lớn tuổi hơn tôi, đã mất cách đây hai năm, chỉ còn người con trai tuổi độ 30 thừa kế ngôi nhà. Qua trò chuyện với người con, được biết mẹ tôi còn sống, tôi vui sướng như muốn reo lên, mong trời chóng sáng để được gặp mẹ, được nhìn thấy diện mạo mẹ, được chia sẻ nỗi bất hạnh những ngày tháng mẹ bị Mỹ - ngụy giam cầm, khảo tra, bắt nhốt chung với người mắc bệnh phong, nhưng mẹ vẫn kiên trinh, không chịu khuất phục, không thừa nhận có hai con tập kết ra miền Bắc là có tội.

Đêm ấy tôi thức trắng, hồi tưởng những năm tháng được sống trong vòng tay của mẹ. Gia đình nghèo, quanh năm ăn sắn cõng cơm, lại đông con (gia đình có sáu anh em, tôi là lớn nhất). Nhờ sự lam lũ và tần tảo của mẹ và sự tốt bụng của thầy giáo Nguyễn Đông, ông thương nhà nghèo không nhận học phí, mà tôi học hết bậc tiểu học. Mẹ tôi rất buồn vì tôi phải nghỉ học. Nhưng khi nghe tôi nói ý định xuống Quy Nhơn cách nhà 50 ki-lô-mét tìm việc làm lấy tiền học tiếp thì mẹ tôi đồng ý liền, mặc dầu rất thương con phải đi xa. Xuống Quy Nhơn tôi xin vào làm nghề rửa bát đĩa cho một tiệm ăn, có tiền tôi học tiếp lên bậc thành chung (như lớp 6, lớp 7 ngày nay) thì phải bỏ học. Vì kinh tế khó khăn, tiệm ăn phải đóng cửa. Tôi lang thang làm nghề tự do, bất cứ việc gì để kiếm sống, nhưng cũng vất vưởng, vì đâu có sẵn việc mà làm. Có năm Tết đến không đủ tiền về thăm nhà, chỉ còn đủ tiền mua quai guốc bằng da bò đem về ninh nhừ ăn trừ cơm qua ba ngày Tết. Không còn con đường nào khác, tôi phải trở lại quê hương, thêm gánh nặng cho gia đình mà người gánh vác nhiều nhất vẫn là mẹ tôi. Bà không hề phàn nàn kêu ca mà chỉ mừng khi tôi nói - con đã học lên được hai lớp.

Rồi tiếng gà gáy dồn từ nhà bên vọng lại, cắt ngang dòng hồi tưởng cuộc đời tôi. Trời tảng sáng, tôi quyết định tranh thủ ít phút về thăm nhà, có cả đồng chí bảo vệ cùng đi. Đường về làng lầy lội vì trận mưa đêm. Tim tôi đập mạnh vì hồi hộp khi nhìn thấy nhà mình phía trước mặt vẫn chìm trong sương mai.

Không gian vắng lặng, có ánh lửa từ trong bếp hắt ra. Tôi như muốn reo lên - Mẹ ơi! Khánh đây, con của mẹ đã về! Nhưng kìm lại, muốn dành cho mẹ một bất ngờ, tôi nhẹ nhàng bước vào. Từ cửa bếp, tôi nhìn thấy mẹ thay đổi nhiều quá, lưng còng, dáng vẻ chậm chạp ngồi đun nước. Tôi yên lặng để được nhìn mẹ thật lâu. Tôi cố ghìm để khỏi bật lên tiếng khóc vì quá thương mẹ bao năm chịu cảnh cơ cực.

Xong việc mẹ đứng dậy đi ra. Sợ mẹ hoảng hốt, tôi chủ động:

- Mẹ! Con đây, con là Khánh về thăm mẹ đây.

Tôi chìa tay đón mẹ, mẹ khựng lại vì sợ hãi nhìn tôi từ đầu đến chân.

Tôi đứng im như cây gỗ âu yếm nhìn mẹ để mẹ khỏi sốc vì sự xuất hiện quá đột ngột của tôi. Giây phút yên lặng sao mà dài thế, nặng nề thế. Bỗng như nhận ra, hai tay mẹ ôm chầm người tôi, giọng run run, nói:

- Thằng Khánh phải không? Sao con lại về đây lúc này. Khi tối lính trên Phú Phong tràn về nằm la liệt ngoài đường.

- Địch thua rồi mẹ ơi, quê hương mình đã giải phóng.

- Mẹ cháu Thành có khỏe không, từ khi ra tập kết ngoài Bác được thêm mấy cháu?

- Dạ, con có thêm ba cháu, tất cả là ba trai, một gái.

Trời sáng dần, các em tôi thức giấc, nghe giọng nói quen quen tất cả ùa ra sân vây quanh tôi, hai mắt đỏ hoe, mừng mừng tủi tủi. Đằng đẵng 30 năm, nay mẹ con, anh em mới lại gặp nhau, cười nói râm ran, quấn quít bên nhau. Tôi lấy bánh lương khô và kẹo Hà Nội ra mời mẹ, mời các em. Vừa uống nước vừa ăn kẹo, chuyện trò ríu rít, chuyện nhà cửa, chuyện thôn xóm, chuyện quân Đại Hàn đóng trong xã gây bao sách nhiễu, chúng gian ác, giết 200 dân ở trước đình của xã Bình Thành. Và chuyện đạn pháo quân giải phóng lạc vào xã mình, có hai quả đạn rơi cách nhà 300 mét, trúng cây me và miếu thờ ở thôn Phú Vân.

Tôi hỏi thăm sức khỏe thày giáo Đông và bạn bè cũ ai còn ai mất...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #166 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2022, 10:06:10 am »

Phút hội ngộ ngắn ngủi mà ngấm sâu, một tiếng đồng hồ qua nhanh. Đã đến lúc tôi phải tạm biệt mẹ và các em lên đường.

Rưng rưng nước mắt, nắm tay mẹ trước lúc xa mẹ, tôi lại nhớ về bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa thư lớp đồng ấu:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.


Cuộc hiệp đồng chiến đấu vào giờ phút chót của trận đánh cuối cùng giữa chỉ huy tiền phương Quân khu 5 với Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định diễn ra suôn sẻ. Trong hai ngày 29 và 30 tháng 3 kế hoạch tiến công cuối cùng toàn diện vào cụm chủ yếu sư đoàn 22 ngụy diễn ra vào ngày 31 tháng 3 đã qua máy liên lạc 2 oát gửi đến Thường vụ Tỉnh ủy; ngược lại nửa đêm ngày 30 chỉ huy tiền phương Quân khu chúng tôi cũng nhận được nội dung kế hoạch phối hợp đẩy mạnh, đẩy nhanh cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân Bình Định giải phóng toàn tỉnh. Nội dung dồn nén qua tín hiệu moóc tạch tè mà chúng tôi hiểu được ý tứ và triển khai thực hiện đúng ý định của nhau.

Từ kế hoạch vào Quy Nhơn theo ba mũi có hỗ trợ của pháo binh nhưng khi nắm được ý định cuộc tiến công toàn diện của Sư đoàn 3 vào cụm phòng ngự quân ngụy trên đường 19, Tỉnh đội Bình Định do đồng chí Vũ làm tỉnh đội trưởng, Đinh Bá Lộc làm chính trị viên đã điều chỉnh lại kế hoạch, hạ lệnh cho các đơn vị thực hành vận động tiến công giữa ban ngày, vì địch trên đường 19 đang bị Sư đoàn 3 truy kích tháo chạy tán loạn; phi công ở sân bay Gò Quánh hoảng loạn bỏ chạy, máy bay phản lực ở đây bị vô hiệu hóa.

13 giờ ngày 31 tháng 3, trong khi trung đoàn 12, trung đoàn 141 áp sát căn cứ Lai Nghi, chiếm cầu Thủ Thiện Hạ cát đứt đường rút của các trung đoàn 40, 41 sư đoàn 22 ngụy thì trung đoàn 93, các tiểu đoàn 50, tiểu đoàn đặc công của tỉnh từ bốn hướng tiến công táo bạo vào thị xã Quy Nhơn. Suốt đêm ngày 31 và 0 giờ ngày 1 tháng 4, các trung đoàn 12, 141 Sư đoàn 3 quần đuổi truy kích địch tháo chạy khỏi căn cứ Lai Nghi thì cũng là lúc trung đoàn 93 và tiểu đoàn 50, tiểu đoàn 19 của tỉnh phối hợp với biệt động thị xã đánh chiếm sân bay, tòa thị chính.

Để hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang địa phương, chỉ huy tiền phương quân khu đã động viên các đơn vị đẩy nhanh tốc độ tiến công. Sư đoàn 968 đánh chiếm cầu Bà Di, các trung đoàn 12 và 141 Sư đoàn 3 áp sát Diêu Trì, tiêu diệt quân bảo an, đập tan tuyến phòng thủ phía bắc và tây bắc, tạo thuận lợi cho các lực lượng vũ trang tỉnh đánh chiếm các mục tiêu địch còn lại trong nội thị.

Địch ở hậu cứ An Sơn rút chạy từ đường số 6 ra, có thiết đoàn 14, một chi đoàn của thiết đoàn 19, số tàn quân của các trung đoàn 41, 42, 47 sư đoàn 22, các liên đoàn bảo an theo đường 19 chạy xuống. Chúng tập họp ở cầu Bà Di trên 6.000 tên và 300 xe các loại đưa xuống Quy Nhơn thoát bằng đường biển.

Quyết không cho chúng chạy thoát và để đảm bảo tiêu diệt toàn bộ quân địch mà không ảnh hưởng đến đường phố đông đúc, ta phá cầu Sông Ngang, bố trí tiểu đoàn 52 chặn đánh quân địch, buộc chúng phải đi theo đường Quang Trung, nơi có địa hình thuận lợi hình thành thế trận bày sẵn.

Địch trúng mưu lọt vào trận địa phục sẵn của ta, đã bị ta tiêu diệt và bắt sống, thu toàn bộ vũ khí trang bị.

Sư đoàn 22 ngụy - đối tượng tác chiến dai dẳng và quyết liệt suốt chín năm của Sư đoàn 3 đã bị tiêu diệt và tan rã.

Tỉnh Bình Định, nơi chôn nhau cắt rốn của Sư đoàn 3 đã hoàn toàn giải phóng.

Cờ Tổ quốc đã tung bay trên nóc tòa thị chính Quy Nhơn vào buổi ban mai ngày 1 tháng 4 lịch sử.

Nguyện vọng cháy bỏng của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 3 được cùng quân dân Bình Định giải phóng quê nhà đã được thực hiện một cách trọn vẹn.

Vui, thật vui! Nhưng từ trong sâu thẳm của mình, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 3 cũng man mác nỗi buồn không được chứng kiến giờ phút thiêng liêng khi đường phố rợp cờ hoa chiến thắng.

Bởi ngay khi tiếng súng tiến công giải phóng Quy Nhơn chưa chấm dứt, theo mệnh lệnh cấp trên, chúng tôi - Sư đoàn 3, Sư đoàn 968, trung đoàn 95a và các đơn vị binh chủng đứng trong đội ngũ chỉ huy tiền phương Quân khu 5 tại mặt trận Bình Định lại tiếp tục vượt đèo Cù Mông tiến về phía nam tham gia giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận - Cực Nam Trung Bộ.

Đoàn quân đang phơi phới tiến về phía trước qua thị xã Tuy Hòa, vượt Đèo Cả tiến vào thành Nha Trang thì được lệnh của Bộ Tổng tư lệnh chuyển giao các đơn vị thuộc quyền hợp cùng các đơn vị khác thành Quân đoàn Duyên Hải đủ mạnh tạo thành cánh quân phía đông hợp thành năm cánh quân tiến vào Sài Gòn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Vai trò lịch sử của chỉ huy tiền phương Quân khu 5 đã kết thúc một cách tốt đẹp. Tôi được lệnh trở lại quân khu với bao công việc bộn bề của một vùng mới giải phóng rộng lớn, của một hậu phương trực tiếp phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh - giải phóng Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tôi đã cùng các anh trong Bộ tư lệnh quân khu chỉ đạo việc thu gom vũ khí thu được của địch, vũ khí do ta thực hành tiết kiệm để chất đầy 200 xe vận tải do Phó tư lệnh Võ Thứ chỉ huy đưa vào chi viện cho chiến dịch Hồ Chí Minh chuẩn bị mở màn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #167 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2022, 10:08:05 am »

*
*   *

Từ ngày 22 tháng 10 năm 1945, ngày Pháp nổ súng đánh vào Nha Trang đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, quân dân Khu 5 quê tôi đã chiến đấu liên tục suốt 10.782 ngày đêm với hết tên đế quốc này đến tên đế quốc khác.

Trong suốt cuộc chiến đấu nhiều nghìn ngày đó, quân dân Khu 5 quê tôi đã lập nên những chiến tích mãi mãi là những chấm son lịch sử: đi đầu trong việc giải phóng hoàn chỉnh tỉnh Kon Tum; tiêu diệt binh đoàn cơ động tinh nhuệ 100 của Pháp trên đường 19, trở thành hội chứng, đối với các lực lượng Mỹ trong đó có sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ luôn canh cánh một nỗi lo khi được lệnh lập hậu cứ ở An Khê; đánh bại binh đoàn cơ động 42 trên đèo Chư Đrếch - đường 14; cắt đường 21 trên đoạn Ma Đrắc tạo thời cơ hình thành phương án tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột vào thượng tuần tháng 7 năm 1954. Nhưng phương án đó không được thực hiện vì Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.

Một miền quê đã vượt lên những mất mát đau thương do địch gây ra ở Duy Xuyên, Chợ Được, Ngân Sơn, Chí Thạnh chấp nhận đối đầu với chiến dịch “tố cộng” đầy nham hiểm của kẻ thù, mở đầu cuộc đồng khởi ở Trà Bồng; làm nên những trận thắng Mỹ đầu tiên ở Núi Thành, Vạn Tường, ở thung lũng Ia Đrăng lịch sử, v.v... Một miền quê từ đấu tranh thực tiễn với tất cả những thăng trầm và bi tráng đã tìm ra cách thắng Mỹ - hiệp đồng theo tiếng súng, bám thắt lưng Mỹ mà đánh... và sau cùng là chiến dịch tiến công tổng hợp, là kết quả của chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao. Nhờ đó mà đã thắng Mỹ trong hai cuộc phản công mùa khô, trong các chiến dịch bình định cấp tốc, bình định bổ sung, bình định có trọng điểm của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nhờ đó mà có thắng lợi thật lớn trong cuộc tiến công Xuân 1972 ở bắc Bình Định; nhờ đó mà có chiến thắng ở Quảng Ngãi, Tam Kỳ trong hoạt động tạo thế, tạo lực năm 1974, trong nhiệm vụ chia cắt chiến lược đường 19; nhờ đó mà quân dân Khu 5 đã góp phần xứng đáng vào trận đại phá mười vạn quân ngụy ở thành phố Đà Nẵng, và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Những nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân thường xuyên và trực tiếp làm nên mọi thắng lợi mà người dân quê tôi đã đạt được trong trận chiến trường kỳ chống ngoại xâm, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc là do có Đảng lãnh đạo. Đảng là người đề ra đường lối quân sự và nghệ thuật quân sự đúng đắn và sáng tạo để chỉ đạo cuộc chiến tranh; Đảng là người điều hành chỉ đạo chiến tranh đầy dũng cảm, quyết đoán và mưu lược đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Cấp ủy lãnh đạo, thủ trưởng (chỉ huy trưởng và chính ủy) phân công phụ trách thực hiện là cơ chế Đảng lãnh đạo và chỉ huy quân đội được hình thành từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từng bước hoàn chỉnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Phải khẳng định đây là cơ chế lãnh đạo chỉ huy của quân đội cách mạng (do Đảng Cộng sản lãnh đạo), khác hoàn toàn với quân đội tư sản (do cá nhân quyết định tất cả). Tuy nhiên nó cần được tiếp tục bổ sung hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Nhưng cơ chế cơ bản Đảng lãnh đạo quân đội được thực hiện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là phù hợp hơn cả, nó đảm bảo cho quân đội vững vàng về chính trị, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Đây là điều tâm đắc cuối cùng mà tôi muốn nói cùng bạn đọc.

Trong tập hồi ức này tôi chỉ kể lại những điều mình được tham gia, được chứng kiến với những cảm xúc, những tâm đắc và những cảm thụ của riêng mình.

Nhưng trí nhớ của con người là có hạn, mà sự kiện lịch sử thì vô cùng phong phú. Mong rằng bạn bè và đồng chí cùng thời với tôi, bằng trí nhớ và cảm xúc của mình kể tiếp, góp phần tái hiện lại bức tranh chiến đấu mang tính sử thi một cách đầy đủ như nó vốn có.

Hà Nội, tháng 12 năm 1999
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM